Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

HỒI KÝ 26 NĂM LƯU ĐÀY CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH - KỲ 3


1      2      3      4
CHƯƠNG 8
RỜI “THUNG LŨNG TỬ THẦN” VỀ TRẠI GIAM Z30A  XUÂN LỘC ĐỒNG NAI
Sau khi tôi bị kết án chung thân lần hai, tại trại Xuân Phước vào năm 1987 họ chuyển tôi về đội lao động đào ao, khuân đất, đá. Được khoảng hơn 2 năm họ chuyển tới về trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Trại giam nầy trước đây giam giữ những người tập trung cải tạo hầu hết các sĩ quan, Tá, Tướng, ở tù từ 10 năm trở lên. Sau những đợt thả tù để xoa dịu dư luận, một số được trở về được định cư sang nước khác, có người sống lây lất cảnh nghèo hèn tại quê nhà, chỉ có những người chết thì còn nằm lại tại nghĩa trang “Cây Sung”. Nghĩa trang nơi đây hương tàn khói lạnh, không người đi tảo mộ, họ là những chiến sĩ vô danh không chết vì cuộc chiến mà chết trong “ Hòa bình”. Nghĩa trang sau nấy hằng năm vào mùa lễ Thanh Minh được tù chính trị phát quang, cuốc cỏ.....
Mỗi năm vào dịp này, Thầy Nguyễn Viết Huân dòng Đồng Công, Ông Phạm Trần Anh và tôi mua hương đăng, trà quả gửi cho anh em cúng bái. Một kỷ niệm tại nghĩa trang nầy giữa tôi và Thượng Tọa Thích Tụê Sĩ vào dịp đưa linh cữu của anh Nguyễn Văn Mắc đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi còn nhớ Anh Mắc là thành viên trong tổ chức Hoàng Cơ Minh tức đảng Việt Tân, anh bị bệnh cấp tính chết đột ngột sau 1 trận bóng đá thuộc đội nhà bếp của trại.

Khi những tù tập trung cải tạo về hết, nên phân trại K1 bỏ trống, vì nhu cầu cần người nên trại Xuân Phước đã chuyển 250 người tù chính trị trong số đó có tôi, từ tỉnh Phú Khánh về Đồng Nai, danh sách được chọn lọc rất kỹ càng, đa số đưa đi kỳ nầy là những thành phần khó cải tạo, bị ban giám ngục liệt vào “sổ đen”. Họ cho là ” loại cứng đầu “. Tôi còn nhớ như sao chép trong bộ não của mình, vào buổi sáng thứ sáu cách đây 16 năm, tất cả tù nhân trại Xuân Phước đang tập trung ra sân để chuẩn bị đi lao động như thường nhật thì bỗng ông trưởng phân trại tên Bôi từ ngoài cổng trại đi vào một cách vội vã, tiếp theo là những tên cán bộ an ninh giáo dục của trung tâm cùng vài tên cán bộ phụ trách hồ sơ. Họ mang vào mấy chồng hồ sơ đủ màu sắc … tất cả tù nhân ngạc nhiên không biết chuyện gì sẽ xảy ra….
Lúc ấy tên cán bộ giáo dục ra đứng trước mặt các tù nhân tuyên bố:
-  “Tất cả các anh phạm nhân phân trại A hãy giữ trật tự im lặng và lắng nghe chúng tôi đọc tên trong hồ sơ, người nào nghe có tên mình thì hãy ngồi sang qua một bên”.
Tôi ngồi lắng nghe đọc danh sách hơn một tiếng đồng hồ, có nhiều tên rất quen thuộc.Tôi đoán chắc là họ chọn lựa các thành phần thường hay chống đối trại, tôi hy vọng sẽ có tên mình, tôi cũng mong được chuyển đi trại khác, chứ ở đây tôi chán lắm rồi! Mặc dầu tôi chưa biết chuyện lành dữ gì đây! Tôi ngồi chờ đến sốt ruột mà không thấy gọi tên, tôi luôn nghĩ rằng nếu họ chọn lọc những thành phần thường bị vi phạm kỷ luật, loại cải tạo xấu như ông Phạm Trần Anh thì ắt hẳn tôi phải là người đứng trong danh sách của 10 đầu ngón tay này. Tôi lúc nào cũng hòa mình đồng cam cộng khổ với anh em có cùng chung tư tưởng và rất thích ở bên cạnh họ. Lòng tôi cảm thấy hơi lo và hồi hộp vì chỉ còn mấy chiếc hồ sơ nữa là chấm dứt danh sách mà tới giờ này vẫn chưa nghe gọi đến tên mình, tôi nghe họ đọc tới hồ sơ thứ 248, rồi thứ 249 và hồ sơ cuối cùng thứ 250 tôi trông thấy một xấp hồ sơ dầy cộm gấp đôi so với hồ sơ của mấy người khác. Và khi tôi nghe họ đọc tới tên mình tôi vẫn còn ngờ ngợ không biết đã chính xác chưa? Trong lúc ấy một người bạn tù tên Răng ngồi phía sau lưng tôi, anh ta dùng tay đánh mạnh vào vai tôi vừa mừng vừa nói “ đúng là tên Thầy Ba rồi!”.
Sau đó tất cả 250 người chúng tôi được điều động lên hội trường. Số anh em còn lại bên ngoài sân không có tên tiếp tục đi lao động bình thường trong ngày. Tiếp theo họ ra lệnh tất cả 250 người chúng tôi mang hết đồ đạc cá nhân chuyển sang một khu khác, chúng tôi hoàn toàn bị cách ly không được tiếp xúc với các anh em còn ở lại. Công an bắt đầu ập vào phòng kiểm tra toàn bộ tư trang của chúng tôi, Họ tịch thu nhiều món đồ cho gọn nhẹ để lên đường. Đêm đó 250 người dường như chẳng mấy ai ngủ được, mọi người có cảm giác nôn nao trong lòng, còn những người ở lại thì túm 5 tụm 3 lại ngồi bàn tán xôn xao ở các phòng lân cận họ cũng thao thức suốt canh trường ít ai chợp mắt.
Đến gần bốn giờ sáng ngày 20 / 3/ 1989, chúng tôi được đánh thức thật sớm và bảo chuẩn bị mang hành lý ra xe. Trước khi lên xe, trại cấp phát cho mỗi người 2 vắt cơm nếp khá to với ít muối đậu để ăn hai ngày đi đường, ngoài ra họ còn tặng thêm cho 2 người, chung một chiếc còng số 8. Tất cả đi trên 5 chiếc xe tải, được đóng kín mui, đậy kín bửng, thiếu ánh sáng và không khí, có người gần như ngạt thở mỗi khi xe dừng lại bên đường… Điều đáng nhớ, mỗi khi xe dừng lại, quý bà con cô bác đi đường nhìn thấy trên xe đang chở tù nhân, thì mọi người mua quà, thuốc hút, bánh kẹo ném lên xe mặc cho công an bảo vệ xua đuổi nhưng họ cứ quăng lên…chẳng sợ gì cả. Khi xe chạy tới tỉnh Bình Thuận thì tạm dừng nghỉ 5 phút. Ở đây có một điều đã làm chúng tôi xúc động qua câu chuyện thật như sau:
1. Một chuyện nhỏ làm xúc động chúng tôi trên đường di chuyển về Nam ..
Một em bé gái trạc tuổi 12 đang cắp sách đi học, khi chợt nhìn thấy xe chở tù dừng lại, em vội chạy đi mua 1000 đồng khoai lang, được 2 xâu khoai, khoai xỏ lụi bằng chân nhang. Em tiến nhanh đến bên xe và nói:
“Con có Ba ở tù tại trại Gia Trung, con có đến thăm được một lần nhưng bây giờ Ba con không còn về nữa vì đã bị bệnh chết trong tù rồi. Hôm nay nhìn thấy quý Bác, quý Chú đi ngang đây,con nhớ Ba con quá! Bữa nay con đang đi học mẹ cho được một ngàn đồng để ăn quà sáng, con mua khoai biếu quý Bác, quý Chú ăn lấy thảo và cho đỡ nhớ Ba con”
Nói xong em bé gái khóc thút thít và lấy tay áo chùi nước mắt. Mọi người trên xe trông thấy cảnh này trong lòng bồi hồi xúc động, rơm rớm nước mắt tỏ vẻ xót xa và nghỉ đến thân mình còn đang bị cầm tù, thế rồi con cái của mình sẽ ra sao!
Thế rồi, năm chiếc xe chạy liên tục ngày đêm không ngừng nghỉ, cho đến chiều tối ngày 21/3/1989, chúng tôi đến phân trại A thuộc trại Z30A huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Khi còn ở trên xe, chúng tôi biết mình đang xuôi về Nam nhưng chưa biết mình sẽ chuyển đến trại nào ? Chỉ biết rằng nếu được về các trại gần phía Nam, thì chắc chắn sẽ dễ thở hơn đôi chút, vì tiện liên lạc thư từ với gia đình hay người thân có đến thăm nuôi cũng gần hơn … Khi đến phân trại K1 thì trời đã xế bóng, trông quang cảnh vắng vẻ tiêu điều, trên bầu trời vài con chim lẻ loi đang bay lang thang về khu đồi Phượng Vĩ gần dãy núi Chứa Chan. Nhìn vào trại chỉ thoáng thấy một vài người lưa thưa, đi lui tới trước hàng hiên của những căn phòng ọp ẹp, xiêu vẹo, lợp bằng mái tole trông rất cũ kỹ, mục nát, ngèo nàn. Chúng tôi một lần nữa bị kiểm tra hành lý, bị lục soát quá gắt gao làm đồ đạc văng tung toé, họ khám từ thân thể cho đến hành trang một cách rất kỹ lưỡng. Qua mấy ngày đường thật vất vả, mất ăn mất ngủ, mọi người mệt đừ mà lại còn gặp cái cảnh kiểm tra hành lý luộm thuộm, rề rà của mấy ông quan coi tù đã gây cho chúng tôi một cảm giác thật khó chịu vô cùng. Sau đó mấy tên An Ninh trại đọc tên sắp xếp phân chia 250 người ra từng đội.
2. PHÂN TRẠI 1 CỦA TRẠI GIAM Z30A XUÂN LỘC ĐỒNG NAI
Đến trại này được vài hôm ông phân trại trưởng tên Lại Thanh Hùng, cấp bậc đại uý chức vụ Trưởng K, nghe nói nay là Trung tá phó Ban giám thị thường trực của nhiều phân trại ..!. Ông ta mời tất cả chức sắc các tôn giáo và những nhà trí thức đến hội trường cơ quan của ông phân trại trưởng, tôi thấy có các qúi vị sau :
Quý Linh mục dòng Đồng Công
Quý Linh mục dòng Chúa Cứu Thế, dòng Tên v.v…
Các chức sắc đạo Cao Đài
Các chức sắc đạo Hoà Hảo
Các Tăng sĩ Phật Giáo trong đó có tôi
Luật sư, Giáo sư .v.v…
Trưởng phân trại Hùng kêu gọi mọi người nên hài hòa, cùng nhau đóng góp ý kiến để xây dựng trại, ông khuyên mọi người nên chấp hành bản án và tôn trọng nội qui, ý chính của ông kết luận là mong “Mọi người nên xích lại gần nhau”. Trong khi đó ông nhìn xuống và chỉ tay vào tôi ông nói ” Anh có phải là Huỳnh Văn Ba tức Thích Thiện Minh không?” Tôi trả lời “phải”. Ông ta nói tiếp : “Sao ông Ba Minh cải tạo lý lịch xấu quá vậy! Hồ sơ của ông đứng đầu cải tạo kém nhất trong số 250 người mới đến đây”. Từ đó tôi mới hiểu rõ tại sao tên tôi được đọc cuối cùng tại trại Xuân Phước trước khi chuyển về đây.
Mấy ngày sao ông Hùng xuống phòng giam chúng tôi gặp quý Cha và quý Thầy .. ngỏ lời xin tiền đóng góp tu sửa nhà giam.Tôi trả lời thẳng thừng với ông Hùng là: ” Ai dại gì mua dây để tự trói mình” ông Hùng thất vọng và nhìn tôi với cặp mắt không ưa… Lúc này tôi được phân công lao động làm ở nhà bếp, vì án cao họ không cho lao động ngoài trại, tôi phụ trách khâu vo gạo, gạo của trại rất nhiều thóc và sạn. Tiêu chuẩn gạo đã ít mà mỗi lần vo gạo thật mất thời gian và công sức, hao phí nước vô cùng, mà nước lại khan hiếm, khi vo xong, gạo chẳng còn bao nhiêu vì phải loại bỏ thóc và sạn, nên người tù ăn chẳng đủ no.
Một hôm tôi đang ngồi vo gạo, chợt trông thấy ông Hùng đi ngang qua tôi nói:
- “Chào ông Ban, hôm trước ông ban mời chúng tôi đến hội trường cơ quan, ông ban có nói “Hãy xích lại gần nhau”, ông muốn xích lại gần nhau mà ông cho chúng tôi ăn cơm nhiều thóc và sạn như thế này thì làm sao xích lại gần nhau được?Thưa ông”.
Ông Hùng ghé mắt nhìn xuống 2 chiếc thúng tôi đang vo gạo và lẹ làng trả lời
- “Thôi được! để tôi bảo người xuống chở gạo đi xay lại”, chỉ mới mấy ngày đầu đến đây thì ông Hùng đã có ấn tượng về tôi không hay lắm rồi!
3. BỌN CAI ĐẦU DÀI VÀ NHỮNG HUNG THẦN TẠI TRẠI GIAM Z30A XUÂN LỘC
Tôi mới đến phân trại Ađược vài hôm, thì họ chuyển tôi vào khu B tức K2. Buổi đầu phân trại B này không khí cư xử hơi dễ chịu đôi chút vì tình hình thế giới và quan hệ VN với quốc tế có chuyển biến một phần. Đặc biệt phân trại B này có nhiều thành phần tôn giáo và trí thức nên Ban giám thị trại giam họ cũng muốn xoa dịu để tránh đối đầu vừa có lợi cho sự quản lý của trại vừa rêu rao chính sách đổi mới rộng mở. Chúng tôi gồm một số anh em trí thức và các đoàn thể tôn giáo Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài và Hoà Hảo đều là những chức sắc, chức phẩm có tên tuổi điển hình như:
PHẬT GIÁO
Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (Đồng Văn Kha) chánh thư ký viện Tăng Thống GHPGVNTN thơì Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Thượng Toạ Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), bốn bằng Tiến sĩ du học từ bên Mỹ
Thượng Toạ Thích Tụê sĩ (Phạm Văn Thương) một nhà thiền học, một học giả tài năng, một bậc tăng tài của Phật giáo.
Thượng Toạ Thích Tâm Lạc
Thượng Tọa Thích Nguyên Giác
Thượng Tọa Thích Minh Thông
Thượng Tọa Thích Tâm Căn.v.v…
THIÊN CHÚA GIÁO
Linh mục Trần Đình Thủ, Đức cha bề trên dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc.
Linh Mục Lê Thanh Quế Tiến sĩ thần học, tiến sĩ Tôn giáo học dòng Tên.
Linh mục Đoan dòng Tên tiến sĩ thần học tốt nghiệp từ Roma về nước
Linh mục Nguyễn Tấn Chức
Linh mục Tuyên
Linh mục Huyền Linh, một nhạc sĩ nổi tiếng với bài “Năm xưa trên cây Sồi. “
CAO ĐÀI
Cụ Nguyễn Văn Trác, 83 tuổi.
HÒA HẢO
Cụ Ba Đấu
Cụ Bảy Khánh
Ông Tư Nhành
Tu sĩ Đoàn văn Huynh.
Cách đối xử vớí tù nhân càng lúc càng căng thẳng, khá nghiêm khắc hơn, Bộ Nội vụ đưa tên hung thần Nguyễn Trung Binh, từ nơi khác về làm Giám thị trưởng. Nhiều tên cai đầu dài làm trung gian môi giới, để gọi là chạy mánh giữa hai bên, một bên là người tù và một bên là Ban giám thị trại, nhằm kiếm lợi nhuận một cách bất minh. Một số người tù thì muốn tìm chỗ lao động nhẹ, hoặc muốn được sớm cứu xét giảm án, cho nên “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” chuyện chạy chọt lo lót gần như công khai. Riêng tù Chính trị và Tôn giáo dưới quyền phụ trách của Hung Thần Nguyễn Quang Huy, tên nầy dùng nhiều biện pháp áp đặt, khủng bố, mua chuộc, kìm hãm bằng chính sách bóp chẹt bao tử, như cúp thăm nuôi, hạn chế gửi quà, tiền v.v… các tên an ninh, giáo dục cũng ăn theo nào là hăm dọa, chụp mũ, nâng quan điểm, vòi vĩnh nhũng nhiễu đủ mọi cách.
Từ trại Xuân Phước chuyển về trại Xuân Lộc này từ năm1989 đến năm 2005 tổng cộng 16 năm. Tôi bị biệt giam 5 lần, hơn 8 năm kỷ luật bị cùm quyện tay chân ròng rã suốt ngày đêm.
4. SỰ DỐI TRÁ TRẮNG TRỢN CỦA BAN GIÁM THỊ TRẠI XUÂN LỘC.
Một vài sự kiện đáng nhớ như sau:
Vào năm 1994, nhà cầm quyền Hà Nội chấp thuận cho Thẩm phán Louis Joinet, Chủ tịch Tổ hành động Chống Bắt bớ trái phép của Liên Hiệp Quốc ( UN Working Group on Arbitrary Detention) đến VN điều tra các nhà tù, trại cải tạo và hệ thống pháp luật đối với tù nhân chính trị VN. Khi nhận được tin này, mặc dù phái đoàn Nhân Quyền LHQ chưa đến trại Z30A, tức trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nhưng ông Lại Thanh Hùng Trưởng phân trại đã bố trí và chọn lựa một danh sách gồm 27 người, trong đó có thành viên các Tôn giáo. Đặc biệt là những người họ cho là có tư tưởng cực đoan, hoặc những người dám mạnh dạn lên tiếng nói một cách thẳng thắn, trung thực và công tâm nếu gặp khách Quốc tế chẳng hạn như: Thầy Nguyễn Châu Đạt (Thầy Đạt nhỏ) và (Thầy Đạt to),Thầy Nguyễn Viết Huân, thuộc dòng Đồng Công, Huỳnh văn Ba (Thích Thiện Minh) và những anh em tù Chính trị khác như: anh Nguyễn văn Chiến, Nguyễn hữu Cầu, Nguyễn Linh Tuấn.v.v…Họ đem tất cả đi giấu nơi phân trại khác.
Vào một buổi sáng tại phân trại A, loa phóng thanh của trại công bố “Người nào có tên sau đây chuẩn bị đi khám bệnh”. Sau khi đọc tên xong, mọi người chưa hết ngạc nhiên về việc cho đi khám bệnh bất ngờ, vì từ trước đến nay chưa có trường hợp cá biệt này. Ngay lúc đó 2 chiếc xe Fort loại xe khách còn mới toanh, chạy thẳng vào trong trại đậu trước sân, để chờ rước chúng tôi đi. Họ quyết định rất vội vã, còn anh tài xế được thông báo trước cho nên đã chở 27 người chúng tôi quay xe ngược vào K2 thuộc phân trại B. Tất cả chúng tôi ở chung một phòng, dường như phòng này cũng vừa mới chuyển người đi nơi khác để chuẩn bị một phòng trống cho chúng tôi, vì vậy trong phòng rác rưới và mọi thứ vật dụng linh tinh vứt bỏ lung tung.
Chúng tôi ở một đêm, một ngày mà chẳng thấy ai gọi đi khám bệnh gì cả cho nên mọi người lên tiếng đòi hỏi phải cho mang tư trang và đồ dùng cá nhân vào…
Tôi hỏi thẳng tên Lê Lưu là cán bộ phụ trách giáo dục:
- “ Tại sao loa phát thanh công bố gọi tên chúng tôi đi khám bệnh lại đem chúng tôi vào đây hai ngày rồi mà chẳng thấy có ai đi khám bệmh gì cả!”
Tên cán bộ này trả lời :
- “ Được rồi để tôi trình lại Ban giám thị”
Sau đó tên Lưu liền lên cơ quan triệu tập phiên họp bất thường, khi họp xong tên cán bộ này bắt đầu trình diễn một màn kịch y như thật. Đây là cái ngón nghề đểu cáng của mấy tên cán bộ CS coi tù thường hay trổ ra để đánh lừa mọi người. Sau đó họ gọi chúng tôi lên trạm y tế cho khám bệnh ( họ buộc lòng mời cơ quan Y tế huỵên Xuân Lộc đến trại) khám lớt phớt cho qua chuyện và sáng hôm sau, bảo chúng tôi lên hội trường chụp ảnh, nghe đọc hồ sơ lý lịch cá nhân. Ông cán bộ phụ trách hồ sơ tên Nguyễn Trung Cơ cho biết là chụp hình để lưu hồ sơ nhưng vừa nói vừa cười, còn chúng tôi thì dư biết là chụp hình không có phim, chỉ mang hình thức như thật để “ đánh lận con đen”. Mọi cử chỉ không thể qua mắt chúng tôi được. Qua 4 hôm ở tại K2, khi phái đoàn Nhân Quyền về nước thì chúng tôi được trả về K1 .
Một năm sau, Bà Nguyễn Thị Bình Phó Chủ tịch Nước CHXHCNVN đến tham quan trại giam Xuân Lộc. Tất cả chúng tôi toàn thể tù nhân chính trị tôn giáo tại trại K1 được bố trí đi lao động suốt ngày từ sáng tới chiều gọi là đi “Thông tầm” để tránh mặt, tránh tiếp xúc… tránh đề xuất ý kiến .v.v…Bà “Bình” là người của họ mà họ còn đem chúng tôi đi giấu, huống chi là người nước ngoài, nhất là các cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách điều tra về Nhân Quyền thì làm sao họ có thể cho chúng tôi gặp được.
Cũng vào năm này tức 1995, phái đoàn Trung ương của Cục, Bộ kết hợp cùng Viện Khoa học Xã hội, viện Sử học Nhà nước CHXHCNVN đến trại thuyết trình đề tài “Truyền thống dân tộc VN” mỗi người tù được cho lên bục có micro, phát biểu tự do và làm Bản thu hoạch .v.v…Tôi có phát biểu 2 lần trong buổi học tập trước sự chứng kiến của mấy tên cán bộ giáo dục thuộc Cục V26, tức Cục Quản lý trại giam, tôi bị cúp micro nửa chừng khi phát biểu. Sau đó họ phân tán chúng tôi ra từng nhóm nhỏ, bốn ngày sau khi hoàn tất học tập, một buổi trưa đang đi lao động về nhập trại, mồ hôi còn nhễ nhãi ướt đẫm cả áo quần, tay chân còn bụi đất khi về tới cổng trại ,một cán bộ trực trại tên Quang gọi tôi đứng lại và thông báo “Anh Ba về phòng thu xếp tất cả đồ đạc cá nhân gấp rút ra xe”. Một chiếc xe loại của Liên Xô từ từ tiến vào sân, Thầy Thích Trí Lực thế danh Phạm văn Tưởng soạn tiếp tư trang cá nhân dùm tôi, Thầy Nguyễn Viết Huân dòng Đồng Công gừi cho vài ký đường và bột. Công an đứng chờ hối thúc ra lệnh tôi phải đi nhanh, nên tôi chỉ vẫy tay tạm biệt anh em trong phòng rồi vội vã lên xe. Chuyến đi nầy bị giam riêng 6 năm sau mới gặp lại. Hôm ấy họ đưa tôi vào phân trại B, đến đây ông cán bộ an ninh tên Thắng có biệt danh là “Thắng Địa” lập Biên bản quy kết là: ” Lợi dụng buổi học tập và chính sách nhân đạo của Đảng để công khai tuyên truyền sách động chống chế độ”. Tôi bị đưa vào kỷ luật còng tay chân nhiều tháng dài. Nơi đây cũng là nơi Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị câu lưu. Tại trại giam Xuân Lộc, tôi có làm nhiều bài thơ kỷ niệm, đây là một bài ngắn về núi Chứa Chan, địa danh ngọn núi tại huyện Xuân Lộc.
NÚI CHỨA CHAN
Mi đã chán chưa núi chứa chan
Chán chưa cảnh ấy khổ vô vàn
Chán chưa xin đáp là chưa chán
Chưa chán bởi vì nghiệp nặng mang
Chưa chán bởi vì còn lao lý
Chứa chan cánh ấy lắm gian nan
Chứa chan Chính trị tù nhân khổ
Chan chứa ngày mai khúc khải hoàn ..!
5. TIẾP XÚC VỚI BS NGUYỄN ĐAN QUẾ, KỶ NIỆM ĐÁNG NhỚ TRONG CUỘC ĐỜI TÙ.
Tôi được nghe danh Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vào thập niên 80, lúc đó tôi cũng vừa từ trại cải tạo Cây Gừa, Minh Hải chuyển đến Trại Xuân Phước tỉnh Phú Khánh. Bác sĩ Nguyễn Kim Long và một số nhân sĩ trí thức kể lại về Bác Quế. Tôi rất trân trọng và ao ước có ngày được tiếp xúc, nhưng sau đó Bác sĩ Quế được trả tự do. Cho đến khi tôi chuyển về nhà tù Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai một thời gian thì Bác sĩ Quế bị bắt trở lại lần hai và cũng chuyển về nhà tù này. Thế nhưng khi Bác ở K1 thì tôi ở K2 và khi Bác chuyển vào K2 thì tôi lại chuyển ra K1. Mặc dù chưa có dịp nhận rõ nhau nhưng Bác sĩ Quế trước khi từ K1 chuyển vào K2 đã được Giáo sư Trần Trọng Kim ( Ki-tô giáo), Thầy Nguyễn Văn Hiệp dòng Đồng Công và ông Phạm Trần Anh .v.v… giới thiệu về tôi và Giáo sư Nguyễn Văn Bảo với Bác Quế rồi. Cho nên khi Bác Quế vào K2 mấy hôm, thì các anh em ở ngoài K1 đã nhắn tin vào nhờ tôi tìm cách liên lạc với Bác, vì thế tôi phải đóng vai người trực sinh, dọn dẹp, đẩy xe rác tận đến bãi rác gần khu kỷ luật để ném vào những thứ anh em gửi cho Bác. Lúc ấy Bác Quế nói:
- “Chú ơi ! cho tôi gởi lời thăm Thầy Ba với Giáo sư Bảo nhé!”
Tôi chỉ trả lời: “Dạ!” rồi đẩy xe đi thật nhanh chứ không thể đứng lâu được. Xem như tôi đã biết mặt Bác Quế còn Bác chỉ nghe tên chứ chưa biết mặt tôi !
Thật may mắn, lần kỷ luật này tôi được đưa vào khu biệt giam nơi Bác đang bị câu lưu. Sau hơn bốn tháng bị cùm quyện ngày đêm, tôi đã tuyệt thực đấu tranh nhiều ngày, mỗi ngày 2 lần bị mấy tên cán bộ giáo dục đến lập biên bản cho tôi là chống đối, họ gọi bác sĩ đến khám liên tục nhiều ngày có lẽ thấy tôi quá kiệt sức nên họ xả cùm chân ban ngày đến 5 giờ chiều thì cùm lại cho tới sáng.
Ngày đầu tiên được xả chân, tôi đi ra cửa phòng nhìn vào khe cửa tôi trông thấy Bác Quế đang đi tới, đi lui. Để gọi cho bác dễ nhận là người quen tôi bèn kêu: ” Doctor Quế! ông John Kennedey, đường lối NBTB đã đi đúng hướng rồi!” Bác sĩ Quế liền quay lại nhìn vào phòng tôi và hỏi : ” Ai đó?” Tôi trả lời: ” Tôi là thầy Ba đây!” Bác Quế nói: “ Ồ! Thầy Ba đấy à!” Sau đó, chúng tôi bắt đầu huyên thuyên đủ mọi thứ chuyện về tình hình chính trị v.v… Sở dĩ tôi gọi từ John Kennedey vì tôi biết Bác nhân được giải thưởng Nhân Quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ, giải thưởng này lấy tên của vị cố Tổng Thống Kennedey và bốn chữ NBTB nghĩa là Nhân Bản Tiến bộ. Đây là từ gọi tắt trong đường lối Xã hội Nhân bản Tiến bộ của Cao trào xã hội Nhân bản Tiến bộ do Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và bào huynh là Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thành lập.
Bản thân tôi tuyệt thực gần cả tháng, cho nên chân tay run rẩy đi không vững và nói cũng không rõ lời. Bác Quế biết vậy nên Bác tìm cách nhét ít đường vào lỗ gió thông hơi ngay cánh cửa sắt và ít viên thuốc bổ, nhờ đó mà sức khoẻ tôi sớm hồi phục. Một sự kiện mà có lẽ tôi và Bác phải ghi nhớ suốt đời không quên nhau, câu chuỵên xin tường thuật lại như sau:
Một hôm Bác Quế được gia đình gởi ít quà thăm có một món chay tịnh được chế biến giống y như ” thịt heo mặn”, vì bà Bác sĩ Quế tức Bà Tâm Vấn ăn chay trường, nên thường gửi cho Bác Quế thức ăn chay. Tôi ở mấy mươi năm tù, ngoài xã hội chế biến thức ăn chay có nhiều món rất lạ mắt. Hôm nay Bác nhét vào khe cửa cho tôi. Tôi tưởng là thức ăn mặn, nên tôi chờ Bác đi ngang qua để gửi trả lại chứ bên trong không có nơi thủ tiêu. Khi tôi nhét qua khe cửa thì gói thức ăn rớt ngay trước bậc thềm tam cấp của phòng. Bác Quế định đến nhặt lấy nhưng trên chòi canh tên công an ngó đăm đăm xuống nên không thể lấy được. Thời gian chỉ còn 5 phút nữa là sẽ mở cửa cổng khu, mấy tên tù đi cùng với vài anh trật tự và công an vào chia cơm, tình thế lúc này rất nguy hiểm, nếu họ phát hiện thị chuyện bé xé ra to. Những chuyện không ra gì mà nó bêu xấu tuyên đọc trước trại, lập biên bản, kỷ luật v.v…
Tôi thấy bác sĩ Quế đi qua đi lại liếc nhìn lên tên lính gác trên chòi canh. Bác chờ nó sơ hở một tí là nhặt lấy gói thức ăn ngay. Mồ hôi trên trán tôi và Bác bất đầu rịn thấm ra ngoài. Tôi không còn cách nào khác chỉ thầm cầu nguyện” Đức Quán Thế Âm Bồ Tát gia hộ thôi!”. Bỗng nhiên, bất thình lình một cơn gió mạnh từ đâu thổi đến làm chiếc nón cối tên lính gác trên chòi canh rơi xuống đất. Tên lính nhìn xuống và lên tiếng nhờ một người lính khác nhặt đem lên dùm. Nhưng, tên lính kia từ chối và cuối cùng anh lính trên chòi văng tục vài câu rồi leo xuống bậc thang để nhặt chiếc nón. Thật nhanh chân, Bác Quế lẹ làng đến lấy gói thức ăn nhét vào chiếc quần soóc trắng của Bác. Vừa lúc ấy tên cán bộ mở cổng khu kỷ luật, 4-5 người đi cùng 2 tên công an vào chia cơm chiều. Tôi thấy một dịp may nhưng rất mầu nhiệm và hiển linh cho tấm lòng cầu nguyện chân thành của mình với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cho nên “chỉ khi nào gặp cảnh nguy khốn nhất, hay bị bó tay trước cơn sóng gió hiểm nghèo, mà ta được thoát khỏi tai họa thì lúc ấy mới thấy rõ sự nhiệm mầu của chư Phật và ta nên lấy nghịch cảnh để làm tăng thượng duyên tiến lên trên con đường hành đạo, trụ vững Bồ Đề tâm phát triển thiện căn góp phần làm quang huy cho đạo pháp”.
Bác Quế hằng ngày thường đi gần phòng tôi nói chuyện Công an trên chòi canh nhìn thấy báo lại cơ quan, nên họ chuyển tôi sang phòng khác. Cho dù tôi bị chuyển đi nhưng Bác mỗi ngày 2 lần sáng – chiều. Bác đi qua, đi lại trước phòng tôi và nói về đề tài “Triết lý xã hội nhân bản tiến bộ” trong suốt một tháng. Đến chiều ngày 29 Tết là kết thúc đề tài. Như linh tính tôi nói với Bác, nếu ngày mai Bác đến cửa phòng gọi tôi 3 tiếng mà không thấy tôi trả lời thì chắc tôi đã chuyển sang khu giam riêng khác rồi.Thật đúng như vậy, buổi chiều tối hôm ấy tên cán bộ Bình, cán bộ an ninh đi đóng cửa các phòng giam, vừa kiểm tra danh sách số kỷ luật trong dịp Tết khi đến phòng tôi tên Bình đã ra lệnh chuyển tôi sang khu giam riêng ở chung với nhạc sĩ Đại uý Nguyễn Hữu Cầu. Các phòng kề cận gồm : Ông Lê Mạnh Thát tức Thích Trí Siêu, Linh Mục Phạm Minh Trí dòng Đồng Công, dần dần Thượng Toạ Thích Nhật Ban, ông Phạm Văn Xua tức Nhật Thường cũng bị kỹ luật từ ngoài chuyển vào ở chung. Khoảng 3 – 4 tháng sau Bác sĩ Quế cũng được chuyển sang nơi chúng tôi và ở chung phòng với Thầy Lê Mạnh Thát. Kể từ lúc này Bác sĩ Quế mới chính thức biết mặt tôi. Tiếp xúc với nhau hơn một tháng, Bác được trả tự do. Sự trả tự do thật bất ngờ mặc dầu không hứa hẹn nhiều lời, nhưng tình cảm và tinh thần bất khuất với lập trường kiên định của Bác Quế luôn mãi hằn sâu trong trái tim tôi.
CHƯƠNG 9
TIẾP XÚC VỚI PHÁI ĐOÀN  NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC ĐẶC TRÁCH VỀ TÔN GIÁO
Vào ngày 2/9/1998 ông Lê Mạnh Thát được trả tự do. Tôi còn ở liên tục nơi giam riêng cho đến ngày chủ nhật 24/10/1998. Tôi được Bộ công an Cục V26 và Ban Giám Thị trại gọi lên làm việc. Họ chở tôi cùng Thượng Toạ Thích Không Tánh đến cơ quan trung tâm nơi Ban chỉ huy của trại giam Z30A, Xuân Lộc cho chúng tôi tiếp xúc với phái đoàn Nhân quyền phụ trách về tôn giáo LHQ do ông Abdel Fattah Amor, báo cáo viên đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc về bất bao dung tôn giáo đã được sự đồng ý của Hà Nội cho đến VN để điều tra thực trạng đàn áp các tôn giáo tại VN. Đây là buổi tiếp xúc lần đầu tiên giữa tôi và khách Quốc Tế sau 19 năm giam cầm tại nhà tù Cộng Sản. Trước khi lên xe đến cơ quan, ông Trưởng phân trại k2, kiêm phó Ban Giám Thị trại giam Xuân Lộc tên Nguyễn Hữu Phước có mời từng người, trước là Thượng Tọa Thích Không Tánh, kế tiếp là tôi vào phòng làm việc. Khi bước vào phòng tôi thấy trên bàn có để sẵn mấy tách cà phê sữa, một gói thuốc “555″ và một đĩa nho Mỹ, loại thật to và đẹp. Ông ta nói:
- “Hôm nay Thầy Ba sẽ đi gặp một vài người khách nước ngoài, Thầy có muốn đi Pháp không ?”
Tôi trả lời:
-“Tôi không có quen với ai là khách nước ngoài cả và tôi cũng không có ý định hay muốn đi Pháp .v.v…”
Ông Phước nói tiếp:
- “Nếu hôm nay thầy Ba có gặp khách nước ngoài thì nên hỏi thăm sức khoẻ thôi! Mong Thầy đừng nói gì làm ảnh hưởng đến trại. Chúng tôi ở đây chỉ làm nhiệm vụ quản lý người giống như ông thủ kho vậy. Nếu có lệnh ở trên bảo chúng tôi nhập kho là chúng tôi phải nhập, còn bảo xuất kho là phải xuất. Thầy biết rồi ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày mà, vả lại ăn cây nào thì mình phải rào cây nấy vì còn đời sống gia đình, còn vợ con nữa biết làm sao? Chứ nếu ăn cây táo mà rào cây sung thì sẽ bị đốn ngay thôi cho nên đôi khi phải giữ nguyên tắc và quy định trại giam thành ra lắm lúc cũng không tránh khỏi mất tình người và thiếu sót trong cư xử, quản lý v.v… mong thầy thông cảm bỏ qua cho. Nếu thầy nói e có gì sẽ làm kẹt tôi, tội nghiệp tôi nhé!”
Thực ra, từ nhiều năm qua chưa bao giờ Cán bộ trại giam, hay Ban Giám Thị gọi nhà sư bằng “Thầy”. Hôm nay họ gọi Thầy tức là họ có ý vuốt ve và cũng ngày hôm nay các phân trại đều có làm heo, nấu 2 món thức ăn cho tù, chứ thường lệ thì trại giam chỉ cho ăn đúng theo tiêu chuẩn cấp phát thực phẩm hàng ngày, hoặc vào những ngày lễ, Tết mà thôi, nhưng nay cho tù ăn bất thường. Đó là để che mắt thiên hạ chứ chẳng tốt lành gì! Hôm nay cho ăn, hôm khác sẽ bớt tiêu chuẩn lại, hoặc sẽ cưỡng bức lao động tăng thêm giờ hay tăng thêm mức khoán để bù lại khoảng chi tiêu nầy. Vào những ngày trước khi tôi gặp ông Phước để đi gặp phái đoàn Quốc Tế, tôi cũng đã có làm việc với vài ông cán bộ của cục V26 là ông Phạm Văn Thanh và Phạm Văn Đức. Các ông có hỏi tôi :
- “Ở trong nhà tù anh có liên hệ với ai ở nước ngoài không, mà có một vài tổ chức nước ngoài muốn đòi gặp anh?”
Tôi trả lời rằng
- “Tôi không có liên hệ với ai ở nước ngoài và cũng không muốn gặp ai ở nước ngoài cả”
Vài ngày sau 2 ông Thanh và Đức đến làm việc và các ông lại nói:
- “Chúng tôi sẽ cho anh gặp người nước ngoài tiếp xúc một cách tự do, thoải mái, không có sự hiện diện của chúng tôi, nhưng anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những lời nói của mình”.
Tôi khẳng định lại một lần nữa là “Tôi không muốn gặp” .Ông Thanh lại bảo:
-  “Nhà nước có ý định trả tự do cho anh và anh phải làm cam kết trước khi được trả về địa phương, đồng thời anh phải hứa nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và không tái phạm nữa! ”.
Sau đó, họ đưa giấy bút cho tôi để làm Bản cam kết.
Tôi có trình bày và minh định rõ lập trường của mình gồm hai điểm chính như sau:
Nếu được trả về địa phương, tôi sẽ chống, tiếp tục chống và vận động mọi người chống: chống giặc đói, giặc dốt và giặc nội xâm.
Tôi sẽ chống, tiếp tục chống và vận động mọi người chống nếu nhà nước VN quay lại thời kỳ chưa đổi mới.
Ba hôm sau hai ông quay lại gọi tôi làm việc tiếp, các ông nói:
- “Sau khi về Hà Nội chúng tôi tham khảo Bản cam kết của anh, xét thấy điều 2 thì sẽ không bao giờ xảy ra, có nghĩa là đường lối Đảng CSVN sẽ tiếp tục đổi mới và đổi mới toàn diện, chứ không bao giờ có vấn đề quay lại thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp cũ, thời duy ý chí nữa! .v.v…Còn điều 1 chúng tôi cần phải xét lại vì Hồ Chủ Tịch có nói Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhưng anh lại nói: Giặc nội xâm tức anh muốn ám chỉ giặc Cộng Sản là chúng tôi đấy!”
Tôi trả lời rằng:
-”Giặc nội xâm là loại sâu dân, mọt nước, là loại tham ô, tham nhũng đục khoét làm mục ruỗng xã hội… là những kẻ thừa cơ hội để “đục nước béo cò” kẻ có tác phong quan liêu, hách dịch, cửa quyền họ luôn khoác lác hoặc những người có tư tưởng biệt phái, bản vị, cục bộ, bạc đãi nhân tài v.v …”
Khi nghe xong hai ông Thanh và Đức nói rằng :
- “Đó là cách lý luận và giải thích của anh thôi, Chứ chúng tôi biết anh có thâm ý chơi chữ mà !”
Sau khi làm việc hơn một tuần lễ đến ngày 24/10/1998 kể trên, tôi cùng Thượng Toạ Thích Không Tánh đi gặp Phái Đoàn Nhân quyền Quốc Tế. Ngày nầy rất dễ nhớ là vì trùng hợp với ngày kỷ niệm Thành lập Liên Hiệp Quốc. Trên đường đi Thượng Tọa Không Tánh có lược sơ về một số tình hình Phật sự và nhiệm vụ của “Tăng Đoàn Bảo Vệ Chánh Pháp” đã được hình thành nhằm bảo vệ và phục hoạt GHPGVNTN. Khi đến nơi bước vào phòng khách của cơ quan tôi trông thấy bốn người khách nước ngoài trong đó có hai người đàn ông quốc tịch Pháp và hai người Việt Nam, một nam một nữ làm phiên dịch viên Quốc Tế. Tất cả đều đứng nghiêm trang chấp tay ngang ngực cúi đầu chào. Chúng tôi cũng “sơ lễ” chấp tay niệm Hồng danh Đức Phật và chào lại. Một cử chỉ của quý khách Quốc Tế thật vô cùng lịch sự và thân thiện với phong cách nghiêm trang đầy đạo vị. Lúc đầu tôi những tưởng các vị khách là người Mỹ và lúc ấy là giờ quá ngọ (quá 12 giờ trưa) nên tôi biểu tỏ một câu tiếng Anh, mặc dầu Anh ngữ của tôi còn hạn chế ” good afternoon the Humanrights delegation of United Nation for religion, We are honoured to meet you.”. Ý tôi muốn nói: “Xin chào phái đoàn nhân quyền của LHQ phụ trách về tôn giáo. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự được gặp quý ngài”. Ngay lúc ấy Trưởng trại Thượng Tá Nguyễn Đình Tiêm đứng lên tuyên bố như sau:
- “ Được sự chỉ đạo của cục V26 Bộ công an đã đồng ý chấp thuận cho phái đoàn đại diện tôn giáo của LHQ được gặp gỡ hai trại viên của chúng tôi là : Phan Ngọc Ấn tức Thích Không Tánh và Huỳnh Văn Ba tức Thích Thiện Minh . Hôm nay, dưới sự chứng kiến của các đồng chí của cục V26, Bộ công an tôi xin mời hai bên tiếp xúc với nhau” .
Khi ông Tiêm công bố xong thì phiên dịch viên của Bộ công an dịch ra tiếng Pháp. Tiếp theo ông Addelfattah Amor trưởng đoàn phụ trách về tôn giáo của LHQ đướng lên tuyên bố:
- “Tôi tên là Amor, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bất bao dung tôn giáo, đã được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam, Bộ ngoại giao,bộ quốc phòng, bộ công an chấp thuận cho đoàn chúng tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với hai vị Thượng toạ Thích Không Tánh và Thích Thiện Minh. Chúng tôi được tiếp xúc một cách tự do, thoải mái và không có sự tham dự của chính quyền địa phương. Xin yêu cầu chính quyền sở tại rời khỏi phòng họp để chúng tôi có thể bắt đầu buổi tiếp xúc hôm nay, xin kính mời ”.
Khi ông Amor nói xong thì cô nữ phiên dịch của phái đoàn dịch ra tiếng Việt. Tiếp theo ông phó Ban Giám Thị Nguyễn Hữu Phước đến khui chai nước khoáng rót vào ly mời phái đoàn và chúng tôi. Sau đó họ rời khỏi phòng khách và đặt một bộ ghế xa-lông bên cạnh cửa ra vào để lắng nghe tiếng nói từ bên trong. Trước khi cho gặp họ sắp xếp các chiếc nghế ngồi của phái đoàn và chúng tôi có một khoảng cách khá xa trên 6 mét để khi chúng tôi tiếp chuyện họ dễ dàng thâu nhận tiếng nói bên trong. Biết được ý đồ trên ông Trưởng đoàn đã ra lệnh cả phái đoàn dời nghế ngồi đối diện gần sát hai người chúng tôi.
Lúc bắt đầu vào câu chuyện tiếp xúc Thượng Toạ Không Tánh có vài vấn đề nghi ngại và hỏi:
- “Không biết quý vị có phải là phái đoàn thật của LHQ hay không ? Hay là người Liên Xô do người Việt Nam bố trí bày trận giả để thăm dò tư tưởng chúng tôi ? ”
Ông Trưởng đoàn trả lời: “Không phải phái đoàn của Liên Xô mà là phái đoàn thật của LHQ”. Sau đó ông đưa danh thiếp để chứng minh.
Thượng Tọa Không Tánh nói tiếp:
- “Bởi vì cách đây 4 năm, tức năm 1994 ông Thẩm phán Louis Joinet Chủ tịch Tổ hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ có đến Việt Nam, ngỏ lời xin gặp hai Ông là Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Cố vấn Viện Hoá Đạo và Hòa Thượng Thích Quãng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN tại khách sạn “PALACE”, Quận 1. Vì lý do sức khoẻ hai Ngài đã uỷ nhiệm tôi thay mặt đến gặp phái đoàn, tôi có trao trực tiếp Ông Louis Joinet “Tập Nhận Định” của Hòa Thượng Thích Quãng Độ Viện Trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN. Sau cuộc tiếp xúc chỉ một ngày, trên đường đi cứu trợ đồng bào bị bão lụt tại đồng bằng sông Cửu Long, công an Thành phố đã bắt tôi giam giữ tại trại 3C. Ông Nguyễn Chí Dũng Phó Giám Đốc Sở Công an Thành Phố đến làm việc với tôi, ông ta cầm trên tay một quyển sách và nói với tôi rằng: Anh đừng có ảo tưởng mơ mộng là người Mỹ tốt, những gì anh đưa cho phái đoàn, họ đã giao nộp cho Sở Công an đây ! Tôi nói cho anh biết, chừng nào Nguyễn Chí Dũng nầy còn sống thì GHPGVNTN đừng có hòng mong phục hồi !”.
Lúc đó ông Trưởng đoàn Amor trình bày, mong Thượng Toạ Không Tánh thông cảm và hoan hỷ qua lời nhắn xin lỗi của ông thẩm phán Louis Joinet. Tôi ngồi lắng nghe và dành nhiều thời giờ cho Thượng tọa Không Tánh trao đổi cùng phái đoàn. Hai bên tiếp chuyện hơn một tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh vấn đề nghi vấn của Thượng Tọa Không Tánh, tôi biết Thượng Toạ Không Tánh quan tâm vấn đề này là đúng. Nhưng tôi e rằng thì giờ có hạn không cho phép chúng tôi tiếp chuyện lâu hơn. Nên tôi bắt đầu xin có ý kiến, phái đoàn có hỏi tôi về nguyên nhân bị bắt cầm tù, án phạt, cuộc sống trong nhà tù, sự cư xử của công an đối với tù nhân, hỏi tôi có bị còng quyện hay bị đánh đập không ? có bị cưỡng bức lao động khổ sai không? Có được tự do hành lễ theo tín ngưỡng riêng của mình không? Tôi nhận thấy câu hỏi nào của phái đoàn cũng đi vào trọng tâm cả và hậu quả về sự ngược đãi tù nhân của các trại giam còn nặng nề hơn sự trả lời của tôi gấp bội phần. Trước khi trả lời những câu hỏi của phái đoàn, tôi nghi ngại bọn công an trại có thể cài đặt sẵn máy ghi âm ở dưới bàn làm việc, hoặc sau buổi làm việc bản thân tôi khó tránh khỏi sự trù giập cá nhân hoặc có thể bị đe dọa đến tính mạng của mình. Nhưng cho dù công an có cài đặt máy, hay tôi có bị sự bức hại tôi cũng vẫn mạnh dạn trung thực trình bày những điều gì tai nghe mắt thấy. Tôi nói tiếng nói chung để đem đến lợi ích cho mọi người, chứ không phải cho riêng tôi, bởi đây là dịp tốt, gần 20 năm tù tôi mới có cuộc tiếp xúc nầy nên không thể bỏ lỡ cơ hội. Ngoài ra, tôi có trình bày về hoàn cảnh ngôi chùa của cũ của mình, về sự đàn áp, khủng bố từ bên ngoài xã hội cho đến sự khủng bố trong nhà tù, kể cả bệnh AIDS (SIDA) đang báo động lây lan trên toàn cầu mà tại trại giam người tù hớt tóc, cạo râu chung một lưỡi dao cạo .v.v…Cuối cùng tôi có đề nghị 4 điểm yêu cầu phái đoàn và các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng nói can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, những nguyện vọng khẩn thiết của chúng tôi như sau:
1/ Yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản VN thả tất cả những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tôn giáo còn đang bị giam giữ trong nhà tù Cộng Sản một cách vô điều kiện.
2/ Đòi hỏi trả lại tài sản các tôn giáo và phục hồi quyền tự do tôn giáo một cách hoàn toàn,trong đó có phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN.
3/ Xoá bỏ điều 4 trong hiến pháp nước CHXHCNVN thực hiện một chế độ Đa Đảng Đa Nguyên, bình đẳng nhau trong các Đảng phái, không phải Đảng Cộng Sản là Đảng duy nhất cầm quyền .
4/ Tổng tuyển cử tự do với sự giám sát của LHQ, đôi bên đồng bộ chủ trương tình thương nhân đạo và hóa giải hận thù. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những người tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo cũng như những ai là nạn nhân của thảm họa Cộng Sản thì mới có thẩm quyền nói lên tiếng nói hóa giải, khoan dung một cách hợp lý và chánh đáng.
Trong thời gian tiếp xúc của hai phía, những tên công an của Cục, Bộ ra vào liên tục, họ giả vờ lịch sự vào châm nước mời khách, chứ thực ra là để làm gián đoạn cuộc tiếp xúc của chúng tôi. Bằng chứng là họ nhiều lần đề nghị phái đoàn nên kết thúc sớm, vì tình hình an ninh không được bảo đảm, vả lại họ còn phải hộ tống khách ra về cũng như lấy cớ đưa chúng tôi về nhà tù còn cách đây khá xa. Những tên công an của Bộ ra vào đến lần thức bảy làm gián đoạn và cản trở cuộc tiếp xúc của chúng tôi nhiều lần. Thấy thâm ý trên của họ, tôi liền lên tiếng phát biểu:
“Xin mời quý ông hãy tự nhiên ngồi tham dự buổi tiếp xúc của chúng tôi. Vì tôi chỉ trình bày trung thực chứ không thêm không bớt, trừ trường hợp bị lãng quên, vì thời gian quá lâu. Có thể chúng tôi không nhớ hết từng chi tiết mà thôi chúng tôi mời quý vị cứ tự nhiên ngồi tham dự chứ không có gì mà phải đi vào đi ra liên tục 6-7 lần, xem kỳ quá ! Thực ra quý vị đi vào rót nước mời khách, là thể hiện sự lịch thiệp của chủ nhà thì rất tốt. Nhưng đi vào đi ra kiểu này và lịch thiệp kiểu này xem không đẹp mắt tí nào cả”.
Khi nghe tôi nói như vậy, cuối cùng bọn công an của Bộ đi ra ngoài luôn cho tới khi kết thúc buổi tiếp xúc đặc biệt này. Lúc đó đã gần bốn giờ chiều, một lần nữa chúng tôi và phái đoàn chấp tay vái chào nhau rồi trân trọng chia tay. Trên đường về trại giam lòng chúng tôi dường như trút được bớt nỗi ưu phiền, tâm hồn cảm thấy khoan khoái vui vui. Điều vui nhất là khi về đến trại, mọi người các phòng chính trị chạy ùa ra sát hàng rào hỏi thăm chúng tôi: “ hôm nay làm việc với ai ! về việc gì ? mà lâu quá vậy?” vì họ biết Thượng Tọa Thích Không Tánh đã đi ra cổng trại từ sớm đến giờ không thấy về cả cơm trưa cũng không thấy thọ trai nữa. Tôi vội vàng trả lời vắn tắt “Làm việc với phái đoàn LHQ, hay lắm! Tốt lắm !” và đi thật nhanh vì không được đứng lại lâu bởi bên cạnh tôi có ông công an đi theo sát bên mình, hối thúc tôi phải về khu giam riêng nhanh, anh ta có nhiệm vụ áp giải tôi về tới tận phòng.
Kể từ chuyến đi này cuộc sống trong tù của tôi dễ thở hơn đôi chút vì có Thượng Tọa Thích Không Tánh quan tâm hỗ trợ, ít nhiều về tài, vật cũng như có một phần sự ủng hộ của Thượng Tọa Thích Huệ Đăng (Nguyễn Ngọc Đạt). Cho đến ba tháng sau Thượng Toạ Thích Không Tánh mãn án trở về chùa Liên Trì, tại quận 2 Thủ Thiêm Sài Gòn thì Thượng Tọa vẫn tiếp tục gửi bưu phiếu hoặc bưu phẩm giúp tôi hàng tháng. Sở dĩ, tôi nhận được quà hoặc tiền là nhờ Thượng Tọa Không Tánh mượn tên họ đứa đệ tử của Thầy cũng cùng họ “Huỳnh” với tôi, gửi vào bằng đường dây bưu điện thì tôi mới nhận được, vì theo quy định trong nhà tù, người tù chỉ được nhận quà của thân nhân mà thôi, kể cả người tù ở chung ra về gởi tiền, quà vào giúp tù nhân cũng không được nhận, mà còn bị gọi lên điều tra mối quan hệ … thật phiền phức vô cùng.
1. LAO ĐỘNG KHỔ SAI SAU 6 NĂM CẤM CỐ TRONG BIỆT GIAM.
Khoảng một năm sau kể từ khi tiếp xúc với phái đoàn LHQ. Viên giám thị trưởng mới là Thượng Tá Nguyễn Trung Binh từ trại Z30D, Hàm Tân tỉnh Bình Thuận chuyển về thay thế giám thị cũ là Thượng tá Nguyễn Đình Tiêm về hưu nghỉ. Ông Binh có đến khu biệt giam để kiểm tra, khi gặp ông tôi có trình bày thẳng thắn rằng:
- “Tôi đã ở tù liên tục hơn 20 năm, từ khi còn thời kỳ tập trung, quan liêu bao cấp cũ cho đến bây giờ, nay Đảng Cộng Sản đã công khai nhìn nhận thời kỳ ấy là sai lầm.Tôi đấu tranh trong thời kỳ sai lầm này, lẽ tất nhiên là tôi đấu tranh đúng,tại sao lại giam giữ tôi đến hôm nay?Ai chịu trách nhiệm này? Nhà Nước VN từng công bố rằng Pháp, Nhật, Mỹ là Thực dân, Phát xít, Đế quốc là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng khi hòa bình lập lại nhất là từ khi đổi mới thì nhà nước VN đã mở rộng vòng tay hân hoan chào đón trải thảm đỏ để tiếp rước trọng thị, bắn pháo đại bác để long trọng chào mừng, mời duyệt hàng quân danh dự để làm tăng uy phong khách quý. Trong khi đó những người tù chính trị, lương tâm và tôn giáo là những người VN, là người đồng chủng, đấu tranh cho công lý, lại bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, bị câu lưu suốt nhiều năm dài. Để các tổ chức nước ngoài lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Như thế có phải là điều nhục nhã không ?”
Ông Giám thị Binh nghe tôi nói, chỉ gật gù không trả lời, sau đó ông từ giã đi thăm các phòng bên cạnh.
Khoảng vài tháng sau tôi được đưa ra khỏi khu giam riêng, họ chuyển tôi về ở chung với tập thể tù chính trị và tôn giáo. Các anh em vui mừng gặp lại sau 6 năm biệt giam chia cách, một số người đã mãn án ra về, một vài người đã qua đời vị bạo bệnh, bấy giờ có thêm vài khuôn mặt mới để quen thân.Tôi chuyển sang đội 17 hàng ngày đi lao động trồng rau xanh cho trại, nói rau xanh chứ thực ra chủ yếu chỉ là rau muống, còn các loại khác như bầu, cải xanh, bí đao tạm tương đối chứ không nhiều. Bản thân tôi được phân công đi gánh nước tưới rau, trung bình buổi sáng 120 đôi, buổi chiều 80 đôi (một đôi 40 lít), buổi sáng đi lao động được phát 1 chén cơm không có thức ăn, nhưng lao động thì phải cật lực cho nhanh, mới kịp giờ về buổi trưa, để buổi chiều công việc còn ít lại. Buổi chiều thời gian ngắn hơn buổi sáng, có những hôm tôi bị té quỵ bên đường vì mệt lã, vì đói.Vào mùa mưa, nếu không tưới nước thì tôi làm cỏ, cuốc đất v.v… mùa này quần áo luôn ướt đẫm, dễ bị trúng nước hay bị cảm lạnh thường xuyên. Quần áo của trại phát không đủ để mặc, vì mỗi năm chỉ có 2 bộ đồ, loại vải xấu mau rách. Một đội tù nhân khi đi lao động, có 2 đến 3 anh công an vũ trang đi kèm, một anh sĩ quan Công an phụ trách làm Cán bộ Quản giáo đội, mang súng ngắn bên hông, còn hai anh vũ trang kia cầm súng dài, ngồi canh gác hai đầu hiện trường lao động những anh này còn được gọi là Cán bộ Quản chế. Trong giờ lao động mọi sự đi đứng ra vào đều phải xin phép Cán bộ Quản chế. Căn cứ theo Quy định của Chính phủ và Pháp lệnh thi hành án phạt tù thì tiêu chuẩn mỗi người tù hàng tháng gồm :
- 15 kg gạo,
- 15 kg rau xanh, (đa số rau già lẫn lộn cỏ),
- ½ lít nước mắm (phần lớn là nước muối pha với một ít nước mắm cho có màu)
- 300g thịt hoặc 700 g cá
- 3 lạng đường cát vàng,
- 200g xà bông kem,
- Tiền thuốc uống trị bệnh tương đương 1kg gạo.
- Mỗi năm 2 bộ đồ dài
- 2 quần lót + áo lót + 2 khăn lau mặt ( dần dần quần áo lót chạy đi đâu mất, không phát nữa)
- 4 năm một chiếc mền (theo quy định nhưng thực tế thì không đủ.
- 2 năm một chiếc mùng 1 nóc
- 1 năm một chiếc chiếu.
Quy định đưa ra là như thế, nhưng thực chất trải qua nhiều năm tôi đã từng chứng kiến cái nạn “ ăn xới ăn bớt” “ ăn cướp cơm chim”. Tôi điển hình bản thân mình 26 năm tù tôi lãnh được 3 chiếc mền rưởi. Cho nên cấp phát không bao giờ đủ, trên đây là tiêu chuẩn bình thường của những người không bị kỷ luật, nếu bị kỷ luật thì bị cắt giảm đủ mọi thứ vì họ áp dụng chính sách “Triệt bao tử”để uy hiếp tù nhân, đơn giản là những ngày thăm nuôi công an gây khó khăn đủ mọi thứ, người tù phải mặc quần áo trại có đóng dấu “Cải tạo” sau lưng, khi tiếp xúc với gia đình thì cán bộ an ninh ngồi ghi chép từng lời đối thoại để theo dõi, họ có quyền ngăn chặn buổi nói chuyện khi thăm gặp .v.v…Khi gia đình, thân nhân đến thăm, nếu có xe ngoài thì bắt buộc dừng tại cổng trung tâm, phải thuê xe của trại để đến các phân trại với giá cắt cổ. Ban Giám Thị mở dịch vụ xe để móc túi tiền của thân nhân người tù, khi mang quà vào còn bị kiểm tra gắt gao, công an bóc xé tứ tung, rạch nát cả thức ăn nhất là vào dịp Tết. Nhiều gia đình tù nhân nghèo một đôi năm mới đến thăm, nhất là dịp xuân về gia đình thường gởi cho bánh chưng, bánh tét nhằm cho tù nhân để dành ăn lâu. Nhưng trại cắt xẻ ra từng mảnh kiểm tra, thế thì làm sao bảo quản lâu cho được, chỉ có biết than trời mà thôi! Nhiều người ngồi nhìn cả giỏ bánh bị cắt rời từng khúc mà tức tưởi, uất nghẹn không nói nên lời. Còn trong tù việc hối lộ, đút lót, tham ô, tham nhũng cũng như đánh đập tù nhân luôn diễn ra hàng bữa. Từ trước đến nay chưa có cơ quan Trung ương nào đến thanh tra nạn tham ô, tham nhũng một cách công tâm trong các trại tù, nơi gọi là “ Luật pháp thu hẹp” trong tổng thể luật pháp quốc gia. Nếu tù nhân khiếu nại hay tố giác lên Trung ương thì đơn không bao giờ đến tay mà chỉ đi vào sọt rác, sau đó còn bị trù dập đàn áp không yên. Nhưng nếu nhìn tận sẽ thấu tận còn nhiều điều thật khủng khiếp!
Bởi xã hội đang theo đà băng hoại
Nên “thanh tra” được đổi lại “thanh trà”
Khi phái đoàn, Cục, Bộ viếng ngang qua
Tay chỉ điểm.miệng ba hoa cười gượng
Ăn một miếng ngậm nghe đành xu hướng
Đành gật đầu dung dưỡng để bao che
Khi ra về, còn được ít tiền xe
Làm lộ phí đường xa cho quý khách
Ngoài ra Khẩu hiệu ở ngoài xã hội còn được áp dụng trong nhà tù như:
Kính mời, kính biếu, kính thưa
Trong ba kính ấy anh ưa kính nào?
Kính thưa là chuyện tầm phào
Kính mời, kính biếu, kính nào cũng hay!
Kính mời vào tiệc nhậu ngay
Kính biếu thì có quà tay cầm về…
Đặc biệt, trong thời đại kinh tế thị trường, nhiều người lợi dụng sự sơ hở của luật pháp, để buôn lậu, làm hàng giả, tham ô tham nhũng, thụt két công quỹ, đa số là các cán bộ có chức có quyền. Dân bình thường làm sao tham nhũng đến hằng tỷ bạc, loại tư bản đỏ là loại giàu to nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu có vào tù họ cũng ăn trên ngồi trước. Ban Giám Thị các trại giam chạy mánh ngoại giao để lãnh những người tù tư bản có tiền hằng sản đó để đem về trại giam của mình, nhằm đầu tư phát triển cho trại. Nói cho trại nhưng cốt lõi là làm giàu cho Ban Giám Thị trại giam và một số cán bộ an ninh giáo dục vì những ông này gần gũi thường xuyên với người tù, nên biết rõ người nào có tiền nhiều thì bắt về làm gà để đẻ trứng vàng. Phần lớn chỉ những người tù kinh tế mới có nhiều tiền để lo lót, nên được giảm án rất nhanh hoặc được đặc xá về sớm. Nhà tù Cộng Sản vào thập niên 70-80, hầu hết giam giữ những người tập trung cải tạo, các hàng Tướng,Tá, Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính chế độ cũ. Thế nhưng từ thập niên 90 trở đi được thay vào các Tướng, Tá, Sĩ quan, tổng giám đốc, giám đốc .v.v… của chế độ ưu Việt XHCN, vì chế độ ưu việt cho nên tham ô, tham nhũng, đục khoét xã hội cũng ưu việt nên khi vào tù họ thường nhắc tới câu châm ngôn nằm lòng của viên chức chế độ:
Hy sinh đời bố, củng cố đời con
Vàng son đời cháu, châu báu đời chắt ..!
Khi bị vào tù thì những người tham ô, tham nhũng có tiền bạc dư ăn dư để, họ không dại gì mà phải chịu cưỡng bức lao động khổ sai, cho nên họ tung ra một số tiền để làm lộ phí, lót sân tìm cho mình một chỗ đứng, đời sống yên ổn. Gia đình đến thăm nuôi dễ dàng, khỏi đi lao động vất vả, có người còn được bạn bè đi xe du lịch đến thăm nuôi thường xuyên, hoặc chở đi ra nhà hàng ăn uống. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để xây cất một ngôi nhà tường, có đầy đủ tiện nghi nào là truyền hình màu, đầu đĩa video, tủ lạnh, quạt gió, máy giặt quần áo, cơm điện, cát sét v.v… chẳng khác gì đang ở một biệt thự sang trọng bên ngoài xã hội. Khi được ra tù thì họ hiến lại cho trại cho nên được giảm án ưu tiên. Có những ông rảnh rỗi ngồi chơi bài, chơi cờ tướng ăn tiền, xem ti vi cá độ bóng đá ăn thua lên đến bạc triệu. Họ không có đổ giọt mồ hôi nào nhưng được hưởng mọi sinh hoạt ưu tiên, lúc nào cũng được bình xét là loại cải tạo khá, tốt. Ở Việt Nam bây giờ “Đa kim ngân phá luật lệ !”. Ngoài ra, nếu họ có lý lịch tốt đã từng có công kháng chiến, có huy chương, huân chương hay gia đình là liệt sĩ hoặc có mẹ là Bà mẹ VN anh hùng, thì họ thuộc diên ưu tiên 1 được cứu xét giảm án và đặc xá, chưa nói nếu họ lập công chuộc tội như tố giác người khác, hoặc làm cò mồi .v.v…Cho nên ở tù Cộng Sản mà không có 4 điểm sau đây thì khó mà được giảm án, hãy xem như phải ở hết án thôi!
Phải có nhiều tiền để hối lộ cho Ban Giám Thị và những tên hung thần làm an ninh giáo dục, trực trại.
Mỗi lần viết Bản kiểm điểm Sơ-Tổng kết phải nhận tội.
Chấp nhận làm ăn ten, tay sai cho CS để tố giác người khác.
Phải có lý lịch tốt, có công kháng chiến, huân chương, huy chương gia đình liệt sĩ hay có công với cách mạng, có mẹ Việt Nam anh hùng.
Tù nhân được xếp loai hằng tuần, hằng tháng, hằng quý, sơ kết (6 tháng), tổng kết (1 năm), gồm 5 loại: Tốt, khá, trung bình, kém và xấu. Những người tù chính trị hay tôn giáo muốn được giảm án lần đầu tiên, đặc biệt là những người có án cao ít nhất phải đạt được 5 lần KHÁ, tức 2 năm rưỡi, qua 5 lần Sơ-Tổng kết, mới được xét giảm án và chỉ giảm có 2 tháng tù mà thôi. Trước hết là họ bắt buộc người tù phải ký nhận mình có tội với Đảng Cộng Sản, với nhà nước CHXHCNVN, để họ dùng những tư liệu nầy trình với các tổ chức Quốc Tế Nhân quyền, là nhà nước VN bắt đúng người đúng tội chứ không bắt oan ai cả. Bản thân tôi, chưa hề mong cầu giảm án, vì tôi không bao giờ ghi xác nhận rằng mình có tội trong các Bản kiểm điểm hằng Sơ hay Tổng kết và tôi cũng không thể lập công chuộc tội bằng cách tố giác những người đồng cảnh ngộ với mình. Một khi tôi biết được người tù mang tội danh “Chính trị”có những tư tưởng yếu đuối, bấp bênh, thiếu lập trường, hay có những hành động thấp hèn thì tôi đã cảm thấy xấu hổ cho danh dự chung rồi! Theo ông cán bộ Trung Tá Lê Lưu phụ trách giáo dục phân trại K3 ông công bố trước đội 18 (đội chính trị )như sau:
- “Tất cả phạm nhân các anh nếu muốn được xếp loại từ khá trở lên, không những phải chấp hành nội quy và quy định cải tạo thật tốt mà còn phải lập công chuộc tội nữa mới đạt tiêu chuẩn của trại đề ra.”
Nếu suy rộng ra thì bất cứ trại giam nào của CS đều cũng rập khuôn như thế! Bình thường nếu có ai đó hỏi tôi về nhà tù CS, thì chính bản thân tôi cũng không biết sẽ lần lượt trình bày bắt đầu từ đâu và sẽ kết thúc lúc nào. Bởi vì mỗi thời kỳ có khác nhau tức có hai giai đoạn:
- Thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp
- Thời kỳ tư duy mới, bắt đầu đổi mới mà trong thời kỳ đổi mới còn có một số tồn đọng của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp cũ chưa dứt khoát.
Bởi “Bình mới nhưng rượu cũ” loại rượu dở thì cũng thế thôi, chẳng có ngon gì cả. Trong nước hiện giờ có rất nhiều nhà tù, mỗi trại tù được chia nhiều phân trại nhỏ, được phân các loại: A, B, C, D loại nguy hiểm, loại đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng và ít nghiêm trọng .v.v…
Nội quy và pháp lệnh thi hành án phạt tù được ban hành từ Cục V26, là Cục Quản lý trại giam, từ Bộ công an, Chính phủ và Quốc hội được áp dụng nghiêm khắc trong toàn quốc. Tuy nhiên sự đối xử tương đối hay ngược đãi người tù, một phần do người tù, mà phần lớn là do sự ứng xử tuỳ thuộc ông Giám thị trưởng. Khó tính hay dễ dãi là do các ông Cán bộ Quản chế Quản giáo trực tiếp trông coi, điều quan trọng là các tên Cán bộ phụ trách an ninh điều tra hay phụ trách giáo dục. Người tù có khổ hay không cũng do các tên này và do ông Trưởng phân trại. Thường thường ông Trưởng phân trại kiêm Phó Giám thị trực tiếp chỉ huy từng phân trại nhỏ. Bản thân tôi ròng rã 26 năm tù nhưng bị kỹ luật và bị biệt giam hơn 10 năm, còn 16 năm là bị cưỡng bức đi lao động khổ sai, như đập đá, đào ao, khuân vác, khuân đất, làm ruộng, trồng thuốc lá, trồng rau xanh, phá rừng, trồng bắp v.v..
Như tôi đã trình bày trên, mặc dầu trong thời kỳ đổi mới nhưng sự tồn đọng của thời kỳ cũ vẫn còn, bởi vì Ban Giám Thị và cai tù đều là người cũ cho nên sự thành kiến, sự hận thù, đàn áp, sách nhiễu tù nhân đã thấm vào máu của mấy ông cai ngục thì làm sao thay đổi cho được!. Ở trại này, những ngày đầu tiên khi tôi mới chuyển đến, chúng tôi được phép xem một số sách báo các loại do nhà nước xuất bản như báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, báo Pháp luật .v.v… Nhưng, chỉ được khoảng thời gian ngắn thì bị tịch thu hoặc bị bắt buộc gởi lưu ký nơi nhà văn hóa trại. Chính tôi đã bị mất mát rất nhiều những quyển sách gởi lưu ký tại trại Xuân Lộc, cho đến ngày tôi được trả tự do, họ vẫn không trả và nói rằng họ sẽ gửi qua đường dây bưu điện về tới gia đình. Đó là lời hứa của ông Trung Tá phụ trách giáo dục tên  Hòa, nhưng từ ngày về đến nay hơn 10 tháng rồi mà trại giam Xuân Lộc vẫn điềm nhiên thất hứa. Có điều cần nói là đến nay trại giam Xuân Lộc vẫn chỉ có một tờ báo tuyên truyền của Đảng Cộng Sản là tờ Nhân Dân mà thôi, không những thế tờ báo này của Trung ương xuất bản mà còn bị địa phương trại giam kiểm duyệt, điều nầy thật là thái quá và lố bịch, cho nên tù nhân luôn bị thất thoát không được xem liên tục, không nắm bắt được đầy đủ thông tin. Nếu nhà tù của thực dân, của Phát xít, của Đế quốc, cách đây gần 100 năm mà vô nhân đạo như cái gọi là chế độ ưu việt XHCNVN thì làm gì ông Lê Nin có hàng pho sách Tư Bản Luận hoặc Triết Học Mác để nghiên cứu và cụ Hồ làm gì có tuyển tập thơ “ Nhật ký trong tù” cũng như chủ nghĩa Cộng Sản làm gì có thể manh nha hiện diện tại VN để đưa VN lâm vào cảnh đối đầu của cuộc chiến tranh lạnh. Đây là cái cớ để Pháp trở lại xâm lược VN lần thứ hai, đây là lý do để Mỹ dùng Miền Nam VN làm tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á, nhằm ngăn ngừa làn sóng đỏ của Cộng Sản phương Bắc tràn sang, để bảo vệ an toàn nền an ninh của các quốc gia nằm trong khối đồng minh của Mỹ. Sự đối đầu của hai miền Nam Bắc đã gây ra một cuộc nội chiến kéo dài suốt 30 năm, mà dân tộc VN phải cam chịu sống trong cảnh huynh đệ cốt nhục tương tàn, lầm than cơ khổ, tất cả đều do hai Tổng cai thầu Sài Gòn và Hà Nội chấp nhận cúi đầu làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế và Tư bản Quốc Tế. Chính Mỹ, Nga và Trung quốc đã thử nghiệm cuộc chiến tranh giẫm đạp lên quê hương VN, hay nói đúng hơn nhân dân VN là nạn nhân của sự đối đầu giữa hai thế lực Quốc Tế.
Thật đáng buồn là chiến tranh VN đã qua rồi, hòa bình đã lập lại mà nhân dân VN vẫn còn bị cam chịu xích xiềng bởi luồng tư tưởng và ý thức hệ ngoại lai. Giờ này nằm trong Lăng chắc hai  cụ Lê Nin và Cụ Hồ không thể mĩm cười nơi chín suối khi nghĩ đến cái gọi là “Chế độ ta, Đảng ta, Nhà nước ta” cái gì cũng nói ” Ta” để lôi kéo người khác đồng hóa với mình thật là vô duyên hết chỗ nói, giống như cái kiểu lên trên bục nói chuyện, tự mình vỗ tay trước buộc lòng người khác cũng phải vỗ theo trông hết sức buồn cười ! Hiện tại hầu hết cán bộ Đảng viên từ Trung ương đến địa phương đều không trong sạch, tham ô bất chính, đục khoét làm mục ruỗng xã hội mà lại đối xử với tù nhân chính trị, lương tâm và tôn giáo thật là hà khắc, tiểu tâm và ti tiện. Thà đem những tù nhân này đi giết bỏ, còn tốt hơn để sống mà chết dần, chết mòn trong những chuỗi ngày đày căm phẫn. Những tháng ngày tôi đến trại Xuân Lộc, tôi chứng kiến biết bao sự bất công, điều rất nghịch lý hiện nay là Việt Nam công bố càng ngày càng đổi mới, thì trong nhà tù sự ngược đãi với tù nhân càng khắt khe hơn.Việt Nam càng ký những Công Ước Quốc Tế về quyền con người thì sự vi phạm về quyền con người càng nghiêm trọng hơn. Cũng như bộ luật lao động ngoài xã hội càng giảm số ngày làm việc thì trong nhà tù gần như lao động phải tăng thêm ngày chủ nhật. Đặc biệt, là lấy công sức tù làm nguồn lợi thu nhập cho Ban Giám Thị, bằng cách sản xuất hạt điều để xuất khẩu. Chính vì thế, càng ngày nhà cầm quyền VN càng hạ thấp giá trị và nhân phẩm của tù nhân một cách rẻ mạt, như những dân nô lệ của thời kỳ trung cổ. Họ dùng chính sách ngu dân và bần cùng hoá nhân dân trong các nhà tù, họ muốn biến người tù trở thành kẻ nhu nhược, yếu hèn, ngu si và thấp kém, hoặc trở thành một cổ máy do chính họ chủ động vận hành chỉ huy điều khiển.
Ngoài xã hội rộng lớn những nhà tu hành còn bị đàn áp trắng trợn, huống chi cảnh nhà tù trong khuôn khổ hạn hẹp kèm theo nội qui và những quy định khắt khe nên các bậc tu hành phải gặp nhiều họan nạn. Cho dù nhà cầm quyền Việt Nam cố tình bưng bít và che đậy sự thật, nhưng lịch sử còn, nhân chứng sống còn đây, hãy nhìn xem hằng vạn kẻ tù đày và tội ác không bao giờ  mờ phai trong sử sách.
2. NHỮNG YÊU SÁCH CỦA TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, tôn giáo TẠI TRẠI XUÂN LỘC.
Từ khi chuyển về trại Xuân Lộc tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thành phần và các tổ chức chính trị trong đảng Cộng Sản và ngoài Đảng, trong nước và ngoài nước. Anh em chúng tôi bao gồm nhiều màu sắc tổ chức chính trị, tôn giáo đến với nhau một cách thân thiện hài hoà và chia sẻ những ưu tư, những niềm tin tín ngưỡng. Chúng tôi thắt chặt sự đoàn kết và cùng nhau tổ chức nhiều cuộc đấu tranh kêu gọi tù nhân ký tên vào bản kiến nghị gởi đi các tổ chức Quốc Tế như Liên Hiệp Quốc,Uỷ ban Nhân quyền, Hội Ân Xá Quốc Tế và đưa ra những yêu sách đòi hỏi Ban Giám Thị trại giam, nhà cầm quyền Cộng SảnVN với những mục tiêu sau :
Đòi trả tự do cho tù nhân chính tri, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo.
Đòi cải thiện chế độ lao tù vì hiện tại tiêu chuẩn dành cho người tù quá eo hẹp lại bị nạn (ăn cướp cơm chim).
Ban hành qui chế và đối sách đặc biệt đối với tù nhân chính trị cho phù hợp với luật pháp Quốc Tế.
Tu chính pháp lệnh thi hành án trong tù, cho mở thư viện, có đầy đủ sách báo kể cả ngoại ngữ để tù nhân có thể cập nhật và nâng cao kiến thức của mình.
Mở trường huấn nghệ, đào tạo dạy nghề cho các thường phạm khác, để khi được trả tự do họ sẽ có nghề nghiệp ổn định, hạn chế sự tái phạm ở mức thấp nhất.
Trên đây là nội dung trong bước khởi đầu đấu tranh của tù nhân đòi yêu sách tại trại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, sau đây là thành viên đủ màu sắc tôn giáo đồng cùng kết hợp đấu tranh gồm:
Đại diện Phật giáo (GHPGVNTN): ThíchThiện Minh
Đại diện Thiên Chúa giáo (dòng Đồng Công) : Nguyễn Viết Huân (Nguyễn Thiện Phụng)
Đại diện Cao Đài giáo : Giáo sư Nguyễn Văn Bảo
Đại diện phật giáo Hòa Hảo: Cụ Nguyễn văn Đấu.
Hội Bảo Tù nhân Chính trị Việt Nam:  Huỳnh Hưng Quốc tức Ông Phạm Trần Anh.
Tất cả chúng tôi đại diện đủ các tôn giáo trong tù đồng ký tên trong một Thỉnh Nguyện Thư, thông qua tờ báo Thông Luận tại Paris để gởi đến ông Cô-phi-A-Nan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Uỷ Ban Nhân quyền LHQ, cùng các tổ chức Quốc Tế khác nhằm mục đích lên án tội ác của chế độ CSVN và yêu cầu các tổ chức Quốc Tế can thiệp trực tiếp với nhà cầm quyền Hà Nội qua những nguyện vọng khẩn thiết của chúng tôi sau đây:
Căn cứ:
Ngày 26/6 và ngày 24/10 năm 1945 là ngày thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc
Nước cộng hoà XHCNVN là thành viên chính thức LHQ ngày 20/9/1977.
Nghị quyết 217A, ngày 10/12/1948 là ngày Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
Điều 11 Hội Nghị Nhân Quyền Châu Á từ ngày 29/3 2/4/1993 tại Bang kok .
Ngày 25/6/1993, Công Ước Vien về Nhân Quyền Quốc Tế tại Áo.
Điều 9 và 18 Quyền dân sự và chính trị
Nước CHXHCNVN đã long trọng cam kết và đã ký kết về Nhân Quyền cùng các Quốc gia và các tổ chức Quốc Tế khác.
Xét rằng:
Nhà cầm quyền VN đã công khai giẫm đạp lên hiệp định Paris 27-01-1973 đã xem thường Uỷ Ban Quốc Tế giám sát hiệp định và đã vi phạm Công Ước Quốc Tế.
Nhà cầm quyền CSVN đã xây dựng chính quyền bằng lưỡi lê, họng súng và cai trị nhân dân bằng chính sách độc tài, phi dân chủ và vô nhân đạo. Họ đã chuyên quyền độc đoán, độc quyền về chính trị, độc quyền về báo chí, độc quyền về thông tin, không có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tư tưởng, tôn giáo v.v… Đặc biệt luôn duy trì chế độ toàn trị độc Đảng, đây là nguyên nhân chính làm cản trở tiến trình hoá giải giữa các lực lượng bất đồng chính kiến, đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo trong và ngoài nước bằng biện pháp thương lượng hoà bình và hoà hợp dân tộc trên nguyên tắc đồng đẳng và bình đẳng. Đây cũng là hiện tượng làm ngăn cản con đường phát triển của đất nước và không đi hoà nhịp đúng đắn vào tiến trình dân chủ hoá trên toàn cầu.
Bản chất của CS bảo thủ VN là cực đoan, hiếu chiến, dối trá và bá đạo lập trường, quan điểm, nhận thức lý luận một cách ngưng trệ, sơ cứng, khuôn sáo và bảo thủ vì theo học thuyết giáo điều. Họ luôn dùng những từ hoa mỹ để tuyên truyền giáo dục nhồi sọ mỵ dân, hòng bưng bít che đậy sự thật vừa ru ngủ cho cán bộ Đảng viên cấp dưới, vừa ru ngủ quần chúng. Họ chủ trương chính sách bần cùng hóa nhân dân và chính sách ngu dân để dễ cai trị. Họ luôn thần thánh hoá cá nhân, sùng bái cá nhân và tôn thờ vị lãnh tụ, họ xem vị lãnh tụ ngang hàng hoặc hơn đức Phật, hơn Chúa Giêsu bởi một lớp người sau hậu trường Bộ chính trị phủ lên một lớp son hào nhoáng áp đặt lên những cái đầu mê muội, cuồng tín và mù quáng.
Học thuyết Mác Lê Nin là một học thuyết bần hàn, không tưởng, lạc hậu và lỗi thời, không phù hợp với truyền thống dân tộc VN và thế giới hiện đại.
Từ nữa đầu thập niên 50 với chính sách cải cách ruộng đất hàng chục ngàn người đã bị đem đi đấu tố, bị tàn sát , bị chôn sống … Họ giết kể cả những người tham gia chống Pháp và những người tham gia Đảng Cộng Sản là người của chính họ không chút nương tay… Trên hai triệu người từ Miền Bắc phải ly cư biệt tổ, rời nơi chôn nhau cắt rốn chạy lánh nạn vào Nam.
Thập niên 50-60 phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã bị bắt tù đày bởi vì phong trào này đã phản ánh trung thực bản chất gian manh xảo quyệt của chế độ CS
Sau ngày 30/4/1975 hàng vạn binh sĩ Miền Nam đã bị bắt đi cải t ạo, nhiều người đã bị chết dần, chết mòn trong các trại tập trung và nhiều người đã bị đem đi hành quyết .
Sau ngày 30/4/1975 với chính sách cải tạo công thương nghiệp”Cải tạo tư sản”nhà cầm quyền Cộng Sản VN đã sung công quản lý cướp đoạt tài sản của nhân dân trên danh nghĩa là thu vào công quỹ, nhưng thực chất bỏ vào túi riêng, túi tham không đáy của những tên tham nhũng cho nên đã tạo ra một tầng lớp mới đó là Tư Bản Đỏ. Nhiều người đã trắng tay, có người tiếc của đã tự tử, hoặc bị tâm thần điên loạn hay bỏ nước ra đi sống viễn phương nơi đất khách quê người. Những nỗi khó khăn chồng chất thêm cảnh mẹ góa con côi hay những thương binh tật nguyền, những kẻ mồ côi phải lang thang nơi đầu đường xó chợ vì hoạ loạn ly của CS, chưa nói, nhiều trẻ thơ còn bị phân biệt đối xử về lý lịch gia đình khi cắp sách đến trường .
Sau ngày 30/4/1975 trên hai triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi. Họ đã đánh số mạng của mình với sóng to gió lớn của đại dương, nhiều người đã bị chết chìm trên biển cả, bị cướp bóc, bị thảm sát, hãm hiếp (hãm hiếp cả phụ nữ lớn tuổi cho đến các em bé gái còn ngây thơ bé bỗng chưa đến tuổi vị thành niên) còn hơn là sống trong chế độ độc tài toàn trị.
Sau ngày 30/4/1975 các phong trào yêu nước tự phát đứng lên đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền đa nguyên, đa đảng đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt bớ giam cầm. Họ đã bị truy tố, xét xử với những bản án khổ sai lưu đày biệt xứ và bản án tử hình, (tử hình không loại trừ phụ nữ đang có thai.)
Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác chúng tôi đã trình bày trong thỉnh nguyện thư nói trên. Sau đó chúng tôi nhân danh tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo trân trọng công bố lý tưởng hòa bình và khát vọng tự do dân chủ thật sự của toàn dân VN, kinh qua chế độ CS mà nhân dân Miền Bắc đã âm thầm chịu đựng hơn 75 năm, và nhân dân Miền Nam hơn 30 năm dưới ách cai trị tàn bạo,độc tài của CS bảo thủ. Nay đã đến lúc mọi người dân, không phân biệt trình độ, tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo nhất tề đứng lên đấu tranh đòi hỏi CS bảo thủ phải trao trả quyền hành cho các nhà CS tiến bộ để họ tiếp tục cải cách toàn diện xã hội nhằm xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân và xu thế của thế giới mới, vừa phát triển bền vững một nước VN công bằng dân chủ và thịnh vượng ở tương lai.
3. MỘT VÀI KINH NGHIỆM VÀ NHỮNG CHUYỆN THƯƠNG TÂM ĐÁNG NHỚ TRONG TÙ.
a. Một vài kinh nghiệm khi trao đổi với các cụ lão thành Cộng Sản.
Bên cạnh những cuộc tiếp xúc trao đổi với những người bạn đồng tù, chính trị – tôn giáo tôi còn có dịp tiếp xúc với các cụ lão thành, các cán bộ Đảng viên đã từng có công kháng chiến trong hàng ngủ Cộng Sản. Nhiều vị có cấp bậc cao, có nhiều kinh nghiệm đã từng trải qua trong cuộc chiến tranh tắm máu, nay đã về hưu nghỉ hoặc bị thất sủng, vô ơn hoặc bị “vắt chanh bỏ vỏ”. Trong số đó có những người đã thấy mình bị sai lầm nên đã phản tỉnh, vì trước đây họ đã từng một thời đi theo kháng chiến hoặc một số người cấp tiến có cái nhìn thông thoáng hơn, cởi mở hơn đã công khai đứng lên đòi dân chủ Đa nguyên.
Tôi có dịp sống gần gũi, tiếp chuyện và hỏi thẳng với quý cụ “Đảng là gì ?”
Quý cụ trả lời:
 “Đảng là cục đất được nặn lên, muốn nặn hình tượng kiểu gì thì nặn, nặn xong người ta đặt tên và bái lạy, rồi ra lệnh cho người khác cúi đầu tuân theo, chỉ biết tuân chứ không dám cãi, ai cãi lại là chết!”
Quý cụ còn nói :
“Đảng CSVN có nhiều mưu sâu kế hiểm, chỉ có nằm trong chăn mới thấy chăn có rận, và ngày nay thì đã bị thoái hóa từ trên cao xuống thấp rồi tức ngôi nhà đã bị dột từ trên nóc cho nên người ta thường nói “đục từ đầu sòng đục xuống” Từ chỗ lũng đoạn, khó khăn thì những kẻ cơ hội lo vơ vét làm giàu bởi “Đục nước ắt sẽ béo cò”. Ngoài ra, trong nhiều năm qua Đảng chỉ đạo bốn thành phần ở Miền Nam cần phải theo dõi đến cuối đời là :
Nhất giáo là tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo.
Nhì di là dân di cư từ Bắc vào Nam 1954.
Tam quy tức Việt Cộng ra chiêu hồi đầu thú VN Cộng Hoà.
Tứ kết là những người từ miền Nam đi tập kết ra Bắc bị CS tuyên truyền láo khoét, khi có dịp về Nam nhận thức ra, không đúng như lời tuyên truyền từ bấy lâu nay. CS e ngại những người này sẽ mất niềm tin về Đảng Cộng Sản, nên luôn chú ý, theo dõi xem họ có tư tưởng bất mãn hay manh động gì không, để ra tay ngăn chặn, đối phó .v.v. . .
Còn những người dân công giáo di cư từ Miền Bắc vào Nam năm 1954 là một thành phần trong cái được gọi là:  Ngũ Công.
Công an (làm công an cho Pháp)
Công chức (những người làm việc cho Pháp)
Công nợ (Thiếu nợ bỏ trốn vào Nam)
Công tử (Con đại địa chủ, giàu có)
Công giáo (những người đạo Thiên Chúa).

b. Câu Chuyện thương tâm đáng nhớ trong tù:
Ngoài ra, trong nhà tù nhân dịp Lễ Phật Đản năm 1999 tại trại giam Xuân Lộc, trong lúc các anh em Phật Tử trong phòng giam đang ngồi quây quần để tưởng nhớ về “Đức Bổn Sư Thích Ca Từ Phụ” tôi được nghe kể lại một mẫu chuyện rất thương tâm. Người kể là ông Lê Văn Tính năm nay 68 tuổi là một Cán bộ Giảng huấn Phổ thông Giáo lý của GHPG Hòa Hảo thuần tuý là cựu Dân biểu Hạ nghị viện của chế độ VNCH. Ông tường thuật đầu đuôi về một câu chuyện có thật tại trại giam Đồng Mua ở Miền Bắc sau đây:
Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng Thiếu Tá Đặng Bình Minh. Sau ngày 30/4/1975, Thiếu Tá Đặng Bình Minh bị lưu đày từ Nam ra Bắc, gia đình vị thiếu tá lâm cơn quẩn bách khó khăn, đường đi xa xôi, tiền xe tốn kém nên người vợ của vị thiếu tá này nhiều năm không có tiền đến thăm nuôi chồng, sức khoẻ anh thiếu tá tiều tuỵ và gầy đi phân nửa. Sự giúp đỡ của đồng tù có hạn vì ai cũng khổ như nhau. Nhiều năm dài vị thiếu tá sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Bất ngờ một hôm người vợ của thiếu tá từ trong Nam lặn lội ra Bắc thăm chồng, qua nhiều ngày đường vất vả, mỏi mệt. Khi gặp được vợ, Thiếu Tá Đặng Bình Minh khôn xiết vui mừng trò chuyện thăm hỏi gia đình, hai bên hàn huyên tâm sự. Từ buổi sáng cho đến chiều, tối đêm ấy người vợ tạm nghỉ tại nhà thăm gặp để chuẩn bị sáng mai về Nam. Còn anh Thiếu Tá Minh vào trại, mở một tiệc trà liên hoan thết đãi các bạn đồng tù mừng ngày thăm nuôi được gặp mặt vợ. Sáng hôm sau trên đường sắp sửa ra về cô vợ nhận được tin sét đánh là Thiếu Tá Đặng Bình Minh vừa qua đời đột ngột đêm rồi, không biết do bị xúc động quá mức mà chết chăng? Thế rồi cô vợ bèn quay lại trại giam, chờ nhà tù đưa quan tài người chồng bạc mệnh đến nghĩa trang chôn cất xong, cô đã cầm dao tự cắt mái tóc dài đen huyền óng ả, son trẻ của mình quấn lên bia mộ và viết bốn câu thơ để lại trên mộ chồng như sau :
Nắng hè thiêu đốt đồng Mua
Đặng Bình Minh chết giữa mùa thương đau
Thương anh em cắt mái đầu
Quấn lên bia đá thay màu khăn tang.
Sau đó cô quỳ lạy và nói rằng:”Anh Minh ơi! Xin phép anh cho em lạy anh lần cuối nhe!” và cô không quên cảm ơn cũng như cầu chúc mọi người ở lại bình an, sớm được trở về sum họp mái gia đình. Cô cúi đầu chào mọi người rồi quay đi, trên đường ra bến xe để xuôi về phương Nam. Những người bạn tù của chồng cô, nhìn theo bóng cô vừa đi vừa khóc nức nở nghẹn ngào, dường như mọi người không ai ngăn được sự xúc động cho dù là nam giới.
4. Hồi ức một nỗi oan không thể giải bày tại nhà tù Xuân Lộc và nỗi buồn đau về hoàn cảnh gia đình người em tên Nhiều .
Một buổi sáng tại nhà tù Xuân Lộc, trong lúc ra sân sắp hàng chờ gọi đi lao động, bất ngờ bên dãy hàng phạm nhân tội thường phạm, có một bé trai khoảng 19 – 20 tuổi, nước da ngâm ngâm đen, tay chân bị ghẻ lở, thân hình xanh xao tiều tuỵ, nhưng nét mặt xinh xinh trông rất dễ thương. Cháu trai này đi ngang qua dãy hàng tôi đang ngồi, cháu hỏi :
- “Xin lỗi có phải Thầy là Thầy Thích Thiện Minh ở chùa Vĩnh Bình tại Cái Dầy, Châu Hưng, Bạc Liêu không?”
Tôi trả lời ” Phải”.  Bé trai nói tiếp:
- ” Ba năm về trước mẹ con đến thăm nuôi một lần tại đây, mẹ có cho biết là ở Bạc Liêu có một ông Thầy đang bị tù ở trại này tên là Thích Thiện Minh và mấy lần rồi con có nghe cán bộ hồ sơ đọc tên Thầy, nên con hỏi thăm ”
Tôi hỏi :
- “Vậy ba năm rồi mẹ cháu có đến thăm nuôi, còn nay thì cuộc sống ra sao ? ”
Đứa bé nói :
- ” Mẹ không có đến nữa, khổ lắm, đói lắm Thầy ơi! con hiện tại không có thùng chứa nước riêng, nên mỗi ngày đi lao động về đến phòng thì không còn nước nấu ăn, nước tắm kể  cả nước rửa mặt buổi sáng .v.v…”.
Nghe nói thế tôi trả lời:
-  ” Thôi được rồi ! ngày mai Thầy sẽ giúp mua cho con một cái “can” 20 lít để đựng nước”
Và từ đó trở đi tôi thỉnh thoảng mua ít thức ăn giúp cho cháu, giúp một cách kín đáo, bằng cách nhờ các anh trật tự canh gác trước cửa phòng giam mua thức ăn chuyển dùm. Tôi phải biết cư xử thật tế nhị và khéo léo, cẩn thận, mới được sự giúp đỡ này, tuy là việc nhỏ nhưng khá khó khăn và nguy hiểm vì anh trật tự nếu bị phát hiện có thể bị rớt chức, bị cùm quyện hoặc bị đày đi lao động khổ sai trong công việc khác.
Một hôm, cũng tại dãy hàng này cháu bé hỏi tôi:
-  ” Ông Thầy có hột giống như Bầu, Mướp, đậu bắp , ớt .v.v.. không? Cho con xin một ít để trồng tự túc “.
Tôi trả lời rằng:
-  ” Thầy ở đội rau xanh, nhưng Thầy không có giữ hạt giống để Thầy sẽ kiếm xin cho…”
Thế rồi, sáng hôm sau trong đội rau xanh của tôi có hai anh đem hột giống đủ loại cho cháu và bị trật tự phát hiện báo cáo lên cán bộ an ninh trại hồi nào tôi không biết !
Đến khi đi lao động buổi trưa về ông cán bộ an ninh phân trại tên Hòa = một tên đại ác ôn, đã gọi tôi vào văn phòng làm việc và đem đủ loại hạt giống ra cũng như đem cả tấm giấy kiểm điểm của cháu bé nội dung với đại ý: “ Đứa cháu xác nhận có xin hột giống của ông Thầy Thích Thiện Minh và Thầy đã gửi cho”. Lúc ấy tôi đoán hiểu ngay rằng chắc trong đội có ai đó nghe cháu bé xin tôi hột giống, anh em biết tôi không có, nên họ đã giúp cho cháu. Tôi liền lanh trí xác nhận là có cho, chứ không còn cách nào khác nữa, nếu tôi nói không, thì ắt có hai người bị kỷ luật, bị lập biên bản, cùm chân 7 ngày, cúp thăm nuôi không cho gặp người nhà …Thế là tôi bị lập biên bản kỷ luật, không cho thăm nuôi, nhận quà, bưu phẩm , bưu phiếu hay thư từ trong thời gian ba tháng v.v… Sau khi ký biên bản xong, trở về phòng thì tôi biết có 2 người cho là Anh Phan Hữu Trí và Lê Đông Phương, người cùng đội đã xác nhận.
Thời gian 3 tháng thắm thoát chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn kỷ luật tức vào ngày 28 Tết. Bất ngờ đứa em tôi tên Huỳnh Hữu Nhiều đến thăm, vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên 2 năm qua em không có đến, chỉ thỉnh thoảng gởi bưu phẩm hoặc bưu phiếu. Hôm nay đến, em tôi nộp đơn để xin thăm gặp mặt. Ban Giám Thị trại không giải quyết và báo cho em tôi biết rằng, tôi còn trong thời hạn bị kỷ luật, nên không giải quyết, thông thường thì mọi người khác đều có thể được du di nhân dịp những ngày Tết cổ truyền Dân Tộc. Nhưng trường hợp của tôi họ có thành kiến sẵn từ lâu, họ chỉ chờ đợi một sự sơ xuất nhỏ của tôi thôi để nâng quan điểm, khép vi phạm nội quy rồi lập biên bản nhốt kỷ luật, cấm thăm nuôi cho thỏa mãn thành kiến cá nhân. Khi bị cúp thăm nuôi thì sẽ không có tiền giúp ít nhiều cho các anh em có hoàn cảnh khó khăn, những người tù bị khốn khó thì họ dễ sai khiến mua chuộc. Em tôi đã nài nỉ hết lời xin gặp mặt tôi không được. Cuối cùng đành ra về lòng buồn bã vô hạn, không biết anh mình năm nay hưởng cái Tết trong tù ra sao? Đầu óc em tôi đang quẩn lên, nên khi về nhà mấy ngày sau, em tôi chạy xe ôm đã gây tai nạn chết người, sự việc xảy ra như sau :
Em trai tôi đang chở khách trên một đường cái tương đối rộng, chạy xe đúng lề phải, bất thình lình có một ông lão tuổi trên 60 mươi, vóc người gầy ốm chạy chiếc xe đạp từ trong hẻm xắn ra đụng vào xe em tôi , ông lão ngã ngang té xuống đất, đầu cấn vào đá sỏi nên bị chấn thương sọ não Lúc ấy em tôi bế ông lão lên và kêu xe chở ông vào bệnh viện Bạc Liêu cấp cứu, có đứa con trai út của ông lão nhà ở gần đấy đi cùng. Khi vào bệnh viện Bạc Liêu, thì các bác sĩ cho biết, tại bệnh viện Tỉnh không có đủ phương tiện chụp “Cát lốt”, em tôi phải bao xe chở ông lão đến bệnh viện lớn tại tỉnh Cần Thơ, đường dài hơn 100 cây số . Trên đường đi chờ lúc ông lão tỉnh lại em tôi nói: “ Bác ơi ! bác cố gắng để sống bác nhé! Gia đình con nghèo lắm … nếu Bác có bề gì gia đình các con của con sẽ đói khổ và không có ai đi thăm nuôi người anh là ông Thầy tu đã ở tù trên 20 năm rồi chưa được về”…Ông lão trả lời “ Bác không sao đâu cháu !” Rồi ông trăn trối với đứa con trai út bên cạnh “Con ơi lỗi tại Ba, do Ba chạy xe từ trong hẻm ra xắn đụng vào xe người ta, nếu rủi ro Ba có mệnh hệ gì, các con đừng làm khó cháu này nhé!” Thỉnh thoảng xe chạy vài mươi cây số ông cũng nhắc lại một lần tương tự câu ấy. Khi đến Cần Thơ chụp Cát Lốt xong, trên đường quay về Bạc Liêu, ông đã qua đời nằm trên tay đứa em tôi.Thế là em tôi phải bị công an thị xã bắt giữ mấy hôm, nhờ gia đình nạn nhân làm đơn xin bãi nại.
Khi ra khỏi nhà giam trở về, em tôi bán xe, bán mọi đồ đạc trong nhà, cái gì bán được thì bán, ngoài ra nhờ đứa em tên Nghĩa làm hiệu trưởng trường tiểu học Hịêp Thành tại biển Bạc Liêu, tạm mượn của quý thầy, quý cô giáo viên đồng nghiệp, mỗi người 1-2 chỉ vàng để lo hòm rương và ma chay tống táng cho ông lão. Khi ấy các em của tôi đủ cả vợ lẫn chồng gồm em gái thứ tư, em trai thứ bảy làm hiệu trưởng và em Nhiều (thứ sáu) mang những mâm lễ đến phúng điếu người quá cố. Trước khi đốt hương các em tôi đồng thanh xin phép gia đình cho tất cả các em được để tang ông cụ và xem như người trưởng thượng ruột thịt đã qua đời, vì chúng con cha mẹ đã mãn phần từ lâu rồi.
Lúc ấy bà chủ nhà cùng ba người con trai rất xúc động trước tình cảm này. Trước mặt có đông đủ mọi người trong tang quyến và quý khách đến chia buồn bà lão chủ nhà là vợ của người vừa mất, một người đàn bà rất khiêm cung, đức hạnh đứng lên công bố:
- “ Kể từ đây mẹ nhận các con làm con và yêu cầu tất cả mọi người từ giờ phút này trở đi không ai được nhắc tới lý do về cái chết ấy nữa!”
 Gia đình em tôi lúc này lâm cơn khốn đốn, ngặt nghèo, cháu gái lớn đang học lớp 11 phải bỏ học nửa chừng, đi làm xuất khẩu để có tiền mua gạo cho gia đình. Hoàn cảnh trong tù của tôi càng gặp khó khăn đó là lẽ tất nhiên vì ảnh hưởng rất nhiều về hoàn cảnh của đứa em trai hoạn nạn nầy.
5. ANTEN (Ăng ten) một từ được gọi chung cho những tên tù đã bị Cộng Sản trại giam xỏ mũi hay bị mua chuộc làm tay sai.
Tôi ở tù 26 năm liên tục, trải qua nhiều nhà giam lớn nhỏ, không nhà tù nào mà không có cài cắm mua chuộc người tù, kể cả tù chính trị và tù nhân lương thức để làm tay sai phục vụ công tác theo dõi, bám sát mọi hành động và tư tưởng của tù nhân. Những người này được tù nhân gọi là anten (ăng ten), từ này được ám chỉ cho những kẻ đã đầu hàng, phản bội, bất trung với những hành động xấu xa giẫm đạp lên xương xác của những người đồng tù, đồng đội, đồng cảnh để tìm sự thoải mái riêng mình. Bọn họ đạt được những quyền lợi nhỏ mà quên đi chính họ đã làm cho bao kẻ khác phải đau khổ, phải xấu hổ vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự chung và nhất là những ai cố giữ gìn tấm lòng son dạ sắt đôi lúc phải chịu sự cay đắng ngậm ngùi. Trước nhất là bọn Công an trại sẽ xem thường tập thể tù nhân Chính trị, kế là làm hại đến nhiều người.
Những tên anten được cài cắm, một số nhà tù gọi là “thả Bong Bóng” có thể do Bộ, Cục hoặc do Ban Giám Thị hay những tên an ninh giáo dục cài đặt. Những tên anten này có người thực hiện kín đáo, có người thực hiện công khai, có người báo cáo thường xuyên, có người báo cáo định kỳ nhằm “lấy công chuộc tội “(Dĩ công chuộc tội). Họ được phép nói những câu chống chế độ công khai, có người còn được nhận tiền thưởng hàng tháng, hoặc quà cáp .v.v…Trong thời gian sống chung trong đội, hay chung phòng, tôi biết chắc chắn họ làm Anten cho trại và thường hay tố giác anh em. Ngặt một nỗi là gia đình họ ít đến thăm nuôi, cuộc sống có khó khăn nên tôi giúp họ bình đẳng như bao nhiêu người khó khăn khác. Điều oái oăm nhất là họ vẫn tố cáo tôi là giúp đỡ người tù không xin phép, không thông qua cán bộ trại để tôi bị lập biên bản, bị cúp thăm nuôi, bị cùm quyện v.v…
Biết được họ tôi hỏi thẳng “Tại sao tôi giúp đỡ anh mà anh nỡ lòng nào lại tố giác tôi ? ” Họ trả lời “Nếu họ không tố giác thì cũng có người khác tố giác, mà một khi người khác tố giác thị họ sẽ bị tai nạn bị qui kết tội bao che”cho nên những năm tháng trải qua trong tù. Có nhiều chuyện rất đau lòng, làm ô danh, gây ảnh hưởng tiếng xấu cho cả một tập thể, làm hạ thấp lý tưởng cao đẹp mà mình đang đeo đuổi. Không những thế Cục, Bộ còn cài vào một vài đối tượng tội hình sự, họ chọn lựa những tên tù thường phạm rất là nhạy bén, khôn ranh, ma mãnh được đổi tội danh trở thành tội chính trị để thâm nhập sâu, trà trộn vào tập thể tù chính trị nhằm thích nghi tội trạng để lấy lòng tin, mục đích làm công tác đặc tình một cách tinh vi khéo léo.Vấn đề cài cắm nầy luôn luôn tồn tại ở bất cứ nhà tù nào, trong toàn quốc Việt Nam. Cho nên ta phải cảnh giác vì vàng thau lẫn lộn.
Vàng mười vàng chín vàng tây.
Nếu mà lầm lẫn e rày đồng thau
Và:
Ta chớ sợ công an trước mặt
Nhưng phải ngừa bóng sát theo hình
Sợ chi giặc đại hùng binh
Phải ngừa chiến hữu phản mình sau lưng
Người cách mạng phải từng khổ trước
Và vui sau khi đựơc thành công
Khổ là phải khổ tiên phong
Vui là người hưởng tròn xong tới mình ..!
6. CHÍNH SÁCH “DĨ TÙ TRỊ TÙ” tại trại giam Z30A Xuân LộcĐồng Nai.
Bởi sự quản lý quá khắc nghiệt của những hung thần ác sát trong các nhà tù Cộng Sản cho nên tù nhân chính trị – tôn giáo kể cả tù thường phạm phải kêu ca rên siết dưới ách cai trị hà khắc của những Ban Giám Ngục ác gian. Thông thường trong các nhà giam Cộng Sản hiện nay, họ “dùng đậu để đun đậu, dùng tù để trị tù” “ Dĩ tù trị tù”. Ban Giám Thị các nhà giam bầu ra các Ban thi đua, Ban trật tự, Hội đồng tự quản, đội trưởng, đội phó v.v…Họ tuyển chọn những tên đại bàng có máu mặt, những tay anh chị đã từng chọc trời khuấy nước, hùng cứ một phương để tiếp tay điều khiển đàn se sẻ . Vì thế người tù chỉ có thể chọn 1 trong hai điều:
. Một là phải tuyệt đối chấp hành nôi quy, quy định của trại tuân theo sự cưỡng bức lao động khổ sai, chấp nhận bị bóc lột sức lao động và bị hút máu đến tận xương tủy
. Hai là phải bị hình phạt, bị những anh đội trưởng tức hàng ngũ tự quản đánh đập tàn nhẫn, chẳng chút tình người, bị khép là chống đối lao động, vi phạm nội quy, bị lập biên bản kỷ luật, bị cúp thăm gặp gia đình, không được xét giảm án hằng năm v.v…
Căn cứ theo Nội Quy thì cấm tù đánh tù, nhưng hàng ngũ Tự quản đánh tù thì công an giả bộ lờ đi dể mấy tên Tù coi Tù được dịp“Thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Nếu thấy đánh nhiều quá hoặc có ai khiếu nại thì lúc ấy công an mới lên tiếng như người công bình xét xử cuối cùng cũng dàn xếp cho qua…Tuy nhiên cũng có một vài anh Tự quản biết nương tay xử sự khéo léo, bởi vì ý thức rằng “Cá ăn kiến cũng có ngày kiến ăn cá” nhưng là con số ít. Những người nầy hầu hết là được các anh em tù thương mến, nể nang kính trọng. Anh Tự quản nào biết thông cảm với anh em, luôn có tinh thần quan tâm đến quyền lợi cho anh em trong đội, đôi khi cũng bị trên khiển trách nặng lời, đây là những người có tâm tốt, nhưng họ không làm Tự quản được lâu.
7. NHỮNG CHUYỆN LẠ NHƯNG CÓ THẬT TRONG TÙ CỘNG SẢN
Trải qua nhiều năm tôi có dịp chứng kiến những chuyện lạ nhưng có thật trong tù, bình thường nói ra chẳng mấy ai tin, duy chỉ có người trong cuộc thì xác tín đó là đúng. Cho nên chỉ có “Thương tâm cảm mục” chính mắt trông thấy mới có sự thương cảm xót xa, chẳng hạn như có nhiều buổi lao động vất vả mệt nhọc, hàng đoàn tù đang giơ cao lưỡi cuốc, bỗng nghe tiếng “Kẻng tan tầm” báo hết giờ lao động. Lúc ấy anh em tù để nguyên cây cuốc trên vai không muốn hạ xuống thêm một nhát cuốc nữa, để đỡ tốn chút mồ hôi. Trong các nhà tù cũng thường có vài đôi bò để kéo xe quanh năm, họ phân công những người tù án nhẹ hay sắp mãn hạn tù để trông coi việc chuyên chở sản phẫm nông nghiệp do tù làm ra mỗi khi thu hoạch. Lâu ngày các con bò cũng có quán tính quen thuộc với tiếng kẻng, nên mỗi khi nghe tiếng kẻng báo tan tầm là đôi bò tự động quay về, không muốn lê chân cho dù một bước. Thậm chí có những lần quá gấp gáp do lệnh cán bộ điều động, anh coi bò cho kéo xe thêm chỉ 1 chuyến thôi. Đôi bò đã tự đụng đầu vào gốc cây tự tử, hoặc đâm đầu xuống suối liều chết nhất quyết không đi . Bò còn như thế huống chi con người, làm sao người ta có thể chịu đựng nổi sự đày đọa nầy suốt mấy chục năm trời? Làm sao mà kể cho hết nhưng nỗi đọa đày?
Ngoài ra trong nhà tù thường xảy ra những nghịch cảnh éo le, có những người hàng tháng được vợ đến thăm nuôi đều đặn cho quà cáp tương đối ổn định, trải qua mười mấy năm tù đến ngày người chồng chỉ còn mấy hôm là mãn án tù thì người vợ dẫn người chồng sau đã ăn ở với nhau có hai ba đứa con đến giới thiệu cho người chồng bị ở tù biết và nói rằng: “Nhờ người chồng sau giúp đỡ mới có tiền đến thăm nuôi trong nhiều năm qua và nuôi con ăn học tới ngày khôn lớn”. Anh chồng tù thật ngỡ ngàng khi vỡ lẽ, buộc lòng phải tỏ vẻ lịch sự, nói lời cảm ơn người khách lạ và ngày trở về nghiễm nhiên đành phải chia tay, duyên nợ từ đây chấm dứt và cũng chưa biết ra tù sẽ về đâu khi danh chưa thành, công chưa toại. Tuy nhiên ngoài xã hội nếu người đàn ông đã ở với vợ người tù mà sẵn sàng giúp tiền cho đi thăm nuôi mấy chuc năm tù cũng là điều quý giá, tôi ở 26 năm tù chỉ thấy được một trường hợp….đó là một người ở An Giang, bị tù tại K2 Xuân Lộc.
Ở trong tù thỉnh thoảng có một vài anh em mới vào tù đôi ba năm, cô vợ đã có chồng khác hoặc có người được vợ đến thăm nuôi nhưng mang kèm theo đơn ly dị đã viết sẵn. Lúc ấy người chồng thật bất ngờ bị một cú sốc và không còn cách nào khác hơn là phải ngậm ngùi gượng ký. Tôi có một người anh em kết nghĩa trong tù rất thân tình, anh là một người trí thức, tinh thần rất tốt, tính tình rộng rãi, lúc anh vào tù khoảng 7-8 năm, người vợ cùng cậu con trai đi vượt biên và được định cư tại Mỹ. Trong nhiều năm người vợ gửi tiền về thăm chồng rất hậu hỉ, anh vừa tiêu xài vừa giúp đỡ nhiều anh em bạn trong tù có hoàn cảnh khó khăn, trong số đó có cả tôi. Đến lúc chỉ còn hai hôm nữa là hết án, người vợ cho đứa con từ Mỹ về thăm anh và gửi kèm theo một bức tâm thư thông báo cho anh biết là cô ta quyết định chia tay. Anh không nói gi, buồn phiền gi về việc này nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp anh với điếu thuốc trên tay, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phương trời xa vắng. Tôi hiểu và thương anh nhiều hơn, tuy là người tu hành nhưng cũng hiểu rằng, người chiến sĩ cách mạng, bên cạnh lý tưởng chiến đấu còn mang tâm hồn của một người nghệ sĩ, lãng mạn. Lý do rất đơn giản là nếu không yêu nước thương dân, không có chút lãng mạn thì làm sao dám đánh đổi cuộc đời mình với những rủi ro bất trắc. Tôi chưa kịp hỏi và an ủi anh thì như hiểu được ý tôi nên anh nói ngay :
- “Thầy Ba đừng bận tâm nhiều. Đây là chuyện đời thường, chuyện nhỏ mà”.
Tôi nói ngay:
- “Bộ ông không buồn à?”
Anh trả lời:
- “ Buồn thì có buồn chứ, mình là con người mà chứ có phải cỏ cây gỗ đá gì đâu ..! nhưng cũng may, nói theo Tản Đà thì mình đã có “một mối tình lớn” mối tình với đất nước dân tộc thì sá gì một mối tình con. Phải thế không thầy Ba?”
 Tuy anh nói vậy nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ rằng anh trở về trong cô đơn, sự nghiệp trắng tay, những nỗi ưu phiền còn chồng chất đeo đẳng bên anh. Nhưng nhờ có nghị lực và hữu chí cánh thành nên anh đã vượt số phận để vươn lên vui sống. Cho dù thời vận chưa hanh thông, anh còn nhẫn nại đợi thời, anh cũng gia tâm đóng góp một công trình lớn tìm về “ cội nguồn dân tộc”, một đóng góp to lớn cho dân tộc Việt. Công trình nghiên cứu vô giá của anh rất đáng khâm phục, anh thật xứng đáng với câu “Khâm ảnh vô tàm” đi một mình không thẹn với bóng, ngủ một mình không thẹn với chăn, vì đã giữ vẹn một tinh thần cao đẹp thanh khiết.
Qua những hoàn cảnh và những sự kiện ngang trái trớ trêu nói trên, bản thân tôi xin cúí đầu kính phục tấm lòng kiên trinh tiết liệt, những phụ nữ một dạ, giữ vẹn tấm lòng son sắt thủy chung, ở vậy chờ chồng suốt mấy chục năm tù không bao giờ thay đổi. Những lời trong tập Hồi Ký này cũng xin bày tỏ sự trân trọng đến những người phụ nữ đức hạnh Việt Nam.

CHƯƠNG 10
SƠ TÂM CÁCH MẠNG
CỦA NGƯỜI TÙ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

Kể từ sau ngày 30/4/1975 có nhiều tổ chức chính trị, nhiều danh xưng của các mặt trận, các phong trào yêu nước tự phát đã nêu cao tinh thần dân tộc tự quyết nổi lên khắp cả ba miền, nhiều nhất là miền Nam và Trung và nay là người miền Bắc. Bởi vì những người Đảng viên CS cấp cao có mấy mươi năm tuổi Đảng mà còn sống không nổi với sự bất công huống chi là những người quá mới mẻ với Cộng Sản, ắt đã có nhiều kẻ bị lầm lạc đó là điều không tránh khỏi. Những người đối lập chế độ có thể bị bắt, bị truy tố, bị xét xử, bị lưu đày, trong nhà tù gồm những người bốn phương được qui tụ giam giữ chung một chỗ, chắc chắn có nhiều sự chênh lệch khác nhau về trình độ, tuổi tác, tánh tình, tôn giáo, sắc tộc .v.v…
Tất cả là một khối, một thực thể chính trị hài hòa bao gồm bốn dạng người sau đây:
A. ĐẤU TRANH VÌ TINH THẦN QUỐC GIA DÂN TỘC
Những người này sẵn sàng cống hiến thân mình cho tổ quốc, chỉ mong sao cho đồng bào được thật sự tự do, ấm no và hạnh phúc mà không cần đánh đổi bất cứ quyền lợi gì cho cuộc sống bản thân. Dạng này được chia làm hai.
-Dạng trường kỳ đấu tranh vì tinh thần Quốc Gia Dân Tộc:
Dạng này tinh thần không hề lay chuyển cho dù có bị cầm tù năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, họ vẫn giữ lập trường kiên định cho mục tiêu và lý tưởng của mình đã và đang theo đuổi mà không hề nhụt chí.
-Dạng giai đoạn đấu tranh vì tinh thần Quốc Gia Dân Tộc:
Dạng này lập trường cũng không thay đổi nhưng nếu bị cầm tù thời gian quá lâu dài, họ gần như bị chùn bước, bị dừng lại không tích cực đấu tranh mạnh mẽ nhưng không bao giờ phản bội lại anh em, không đi ngược lại ý tưởng cho nên :
Không phản bội nhưng chí cao bị dừng lại vì thời gian có đày ải có lọc lừa.
B. ĐẤU TRANH VÌ HẬN THÙ
Những người này có thể đã có ít nhiều sự mất mát đau thương như bản thân bị tật nguyền, vì chiến cuộc, hoặc đã hy sinh một phần thân thể, hay có cha, me, anh, em bị giết, bị Cộng Sản thủ tiêu hoặc có nhiều ân oán, dạng này cũng được chia làm hai.
-Dạng trường kỳ đấu tranh vì hận thù:
Dạng này luôn mang trong mình một tư tưởng hận thù và mãi ấp ủ trong lòng phải trả thù bằng máu, “Dĩ huyết tẩy huyết” chứ không có phương án xây dựng xã hội, cho dù họ có ở tù bao lâu năm đi nữa, tư tưởng hận thù vẫn không hề thay đổi .
-Dạng giai đoạn đấu tranh vì hận thù:
Dạng này nếu ở tù quá lâu dài, thì sự hận thù có thể sẽ nguôi ngoai nếu một khi được đối phương cư xử bằng những tình cảm đẹp. Bất cứ sự hận thù nào cũng phát xuất từ tình cảm bị tổn thương cả, vì tình cảm bị xúc phạm nên mới nảy sinh sự hận thù và mỗi khi được sự quan tâm, được an ủi và cảm thông, được cư xử tốt thì tự nhiên lòng hận thù giảm dần thay vào đó có thể là một sự cộng tác với đối phương để giẫm đạp lên xác của anh em mà đi, dạng người nầy cũng dễ bị CS mua chuộc.
C. ĐẤU TRANH VÌ QUYỀN LỢI
Dạng này phần lớn họ không có lý tưởng về Quốc Gia Dân Tộc cũng không có tư tưởng sát phạt vì lòng hận thù mà chỉ cầu lợi và quyền, có thể họ đã bị tước đoạt hay bị mất mát quyền và lợi hoặc bị sung công chiếm đoạt tài sản nhà cửa .v.v.. Từ đó họ tham gia vào tổ chức nhằm để chờ đợi vận hội tốt, họ sẽ khôi phục lại gấp năm, mười lần so với những gì đã mất, có người còn nghĩ đến nhà lầu xe hơi , quan to chức cả nữa, dạng này có nhiều ảo tưởng và cũng được chia làm hai loại:
-Dạng trường kỳ đấu tranh vì quyền lợi :
Nghĩa là dù cho có bị tù đày, thời gian kéo dài bao lâu đi nữa, thì tư tưởng ôm ấp lợi và quyền của họ cũng chẳng đổi thay, có người còn sinh ra bệnh hoang tưởng. Đây là một dạng của bệnh tâm thần, mỗi khi niềm mơ ước của họ không thành hiện thực. Họ có thể không làm chủ được hành vi của chính mình, có những biến đổi không bình thường trong sinh hoạt, trong ý thức nếu họ bị tù đày nhiều năm dài trong cơ khổ .
-Dạng giai đoạn đấu tranh vì quyền lợi:
Đã mang tư tưởng đấu tranh vì quyền và lợi thì mỗi khi quyền và lợi lớn chưa đến trong tầm tay thì họ có thể vui vẻ, bằng lòng với quyền và lợi trước mắt chẳng hạn như cho họ thăm nuôi dễ dàng, thường xuyên được gặp mặt thân nhân gia đình một cách thoải mái, tăng thêm thời gian thăm gặp, được xét giảm án, được lao động rộng rãi hay bị thả miếng mồi đặc xá cho về sớm thì họ dễ bị Cộng Sản mua chuộc và sẵn sàng bán đứng anh em để được hưởng những quyền lợi nhỏ về mình.
D. ĐẤU TRANH VÌ XU HƯỚNG PHONG TRÀO
Bởi thấy các tầng lớp mọi người đang hăng hái tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị để tranh đấu cho quyền lợi dân tộc, nếu không nhập cuộc hoặc bó gối trùm chăn sẽ tự cảm thấy mình nhu nhược, hổ thẹn. Nên họ cố gắng tham gia vì thể diện, dạng này cũng được chia làm hai.
-Dạng trường kỳ đấu tranh vì xu hướng phong trào:
Dạng này nếu thời gian tù đày kéo dài, có người cũng dễ bất mãn, chán nản, và suy sụp ý chí nhưng nếu người biết ý thức biết tự vươn lên, biết tự trui rèn bản thân, biết tìm hiểu học hỏi mọi người chung quanh và chủ động đứng vững trên đôi chân của mình, thì cũng trở thành những người hữu dụng gọi là có vốn liếng về chính trị, có chút hành trang nho nhỏ cho bản thân trên con đường tranh đấu cho tự, dân chủ và nhân quyền VN.
-Dạng giai đoạn đấu tranh vì xu hướng phong trào:
Dạng này chỉ có thể giữ được lập trường và khí tiết trong giai đoạn ngắn, chứ nếu bị cầm tù lâu dài thì hỏng bét hư việc, dễ bị kích động, sống theo cảm tính chứ không phải bằng lý trí, dễ bị lôi cuốn mua chuộc để làm nhiều việc hư sai. Dạng này rất lười biếng học hỏi, hay bỏ hoang phí thời gian vô bổ, thiếu ý chí, không lập trường, tư tưởng bấp bênh có những hành vi không mấy tốt đẹp làm ảnh hưởng đến danh dự chung bởi ý thức chung
 Ghi chú của người đánh máy : Chương X trong bản PDF đến đây thì dứt ngang. Theo Lê Thy thì có lẽ phải còn dài hơn?

1      2      3      4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét