Xe Dodge
của hai thầy trò tôi không thể nào chạy trên đường được nữa nên Hải quẹo xuống
bên đường để chạy tiếp. Bánh xe lún xuống cát tung lên tung tóe mà xe không tiến
lên được là mấy, Hải phải sang số cho xe chạy cả 4 bánh để có sức kéo mạnh hơn
nhưng sau cùng, chiếc xe bắt đầu tung khói lên mù mịt do nóng quá độ. Khói lên
từ cái bình nước xe len qua nắp máy và cuồn lên đen nghịt, Hải lầu bầu :
-Hồi sáng
bị bắn tứ tung chắc có viên trúng bình nước quá ...
Tôi thì dốt đặc về máy xe nên hỏi (nhưng hỏi xong chợt thấy câu hỏi thật ngây
thơ!):
-Mầy liệu có thể sửa sao đó cho xe chạy đỡ được không ?
-Trời đất, ông thầy hỏi tui thiệt không biết đường mà trả lời. Họa là tui có
phép thần thông chi mới có hy vọng...
Rốt cuộc Hải và tôi rồi cũng phải bỏ xe và bắt đầu đi bộ trở về hướng Quảng Trị.
Hải vừa đi vừa lầu bầu chi đó mà tiếng Huế nói lí nhí tôi không nghe được nhưng
tôi cũng mệt nên không buồn hỏi xem Hải nói gì. Lát sau thì Hải hỏi trống không
:
-Giả sử đi về hướng Bắc cũng kẹt như đi về huớng Nam thì làm sao đây ?
Vì thấy Hải nói trống không nên tôi cũng không trả lời, chỉ lầm lủi bước. Tuy
nhiên trong trí tôi cũng suy nghĩ thật nhiều về câu hỏi đó: Ờ nhỉ, mình sẽ phải
làm sao đây nếu đi về hướng Bắc cũng bị kẹt luôn ? Hỏi mà không có câu trả lời
thì... đành buông mặc xem câu chuyện ra sao? Cũng nhờ cái bình tong nước tôi lượm
được nên hai người cũng không bị khát, còn cái đói hình như đi vắng tuy rằng từ
chiều tối hôm qua tới giờ, tôi vẫn chưa có cái gì trong bụng.
Đường càng đi về hướng Bắc càng thưa người và dần dần trên đường chỉ còn hai thầy
trò lầm lủi bước. Cũng may là không thấy bóng dáng Bắc quân đâu cả mà cũng
không có một tiếng súng nổ gần. Tôi sực nhớ là hai người không có một vũ khí gì
hết ngoài mấy dụng cụ tiểu phẫu lúc nào tôi cũng mang trên ngực áo. Mình không
khác gì người dân thường chạy loạn cả, chỉ khác là không có gia đình cũng như mặc
bộ đồ lính trên mình mà thôi... Không hiểu đơn vị ở đâu mà tìm nữa đây? Thôi kệ,
tới đâu hay đó vậy ...
Khi trời vừa xế bóng về phía tây thì thành phố Quảng Trị đã thấy dạng xa xa.
tôi gọi Hải phải cẩn thận vì không biết Bắc quân đã chiếm đóng Quảng Trị chưa,
thế là hai người bèn đi xuống lề đường để từ trong thành phố nhìn ra sẽ khó thấy
hơn và bước chân cũng dè dặt hơn nhiều. Tất cả vẫn im lặng một cách ghê rợn ...
Rồi khi thành phố chỉ còn cách hai người trong gang tấc thì tôi chợt nhìn thấy
trên cầu Thạch Hản, bên cạnh hai chiếc chiến xa M48 bị tôi công hồi đêm giờ
đang nằm đó là một bóng người đang cầm súng đứng gác, nhìn rõ thì thấy anh
chàng mặc đồ rằn ri, tôi mừng quá biết là Cộng quân chưa lấy được Quảng Trị, đồng
thời Hải nẫu cũng nhìn thấy như tôi. Hai người cố bước nhanh và khi tới gần thì
thấy anh lính mặc đồ Biệt động mà lại còn thuộc đại đội trinh sát của Liên đoàn
nữa chớ. Thật tình mà nói, tôi mừng còn hơn bắt được vàng khi thấy lại đơn vị của
mình...
Trở lại đơn vị thật là ấm áp đối với tôi sau những giờ xiêu lạc như đứa trẻ mồ
côi giữa chợ đời tìm lại được mái ấm gia đình! Cả ngày nay, tôi đã chạy lung
tung, đầu óc rối bùng, rồi mọi người lạc nhau tất cả, Bệnh viện Quảng Trị ở đâu
mà tiền cứ Liên đoàn ở đâu? Bao nhiêu con người ngày hôm qua còn đầy ở thành phố
Quảng Trị (thường dân cũng như lính, người lành mạnh cũng như thương bệnh binh,
bao nhiêu người tục cũng như kẻ tu hành như mấy bà phước trong bệnh viện) sao
đâu hết trơn rồi? Chỉ còn hai thầy trò tôi, lếch phếch trở lại đơn vị hiện đang
đóng quân trong một miếng vườn hoang gần thị xã, mà chỉ là miếng vườn hoang
thôi, còn ngôi nhà thường khi nằm trên miếng đất giờ cũng đã không còn nữa ...
Bọn Long mập, thượng sĩ Xê, mấy đệ tử Quân Y trong bụng không biết có ưa gì tôi
không nhưng ngoài mặt, rõ ràng khi gặp lại Hải nẫu với tôi thì ai cũng cười vui
và lo nấu ăn tối cho chúng tôi, còn mọi người đều đã ăn xong cả rồi... Bửa ăn
chỉ là khẩu phần hành quân của lính, khui ra từ trong hộp nhưng sao ăn thấy
ngon quá, tôi sực nhớ ra là từ đêm qua đến giờ tôi đã có cái gì trong bụng đâu
?
Buổi tối yên tỉnh không giống như tối hôm qua súng nổ rền trời, tôi nằm trên
cái băng ca quen thuộc mà lòng tự dưng thấy nhẹ nhỏm và đi vào giấc ngủ một
cách dễ dàng... Bốn phía yên tỉnh, chỉ có tiếng côn trùng kêu đêm một cách hồn
nhiên như không có chuyện gì xảy ra... Nhưng theo như thượng sĩ Xê nói (ông ta
thực tình có quá nhiều kinh nghiệm hành quân vì ngay lúc nầy, ông ta cũng đã
trên 40 tuổi) mỗi khi yên tỉnh như thế có nghĩa là khác thường và cái khác thường
nầy bảo đảm là chuẩn bị cho đánh lớn ngày hôm sau ..
30-4-1972
Quả nhiên khi trời mới vừa hừng sáng là bốn bề súng nổ vang rền. Lệnh Liên đoàn
trưởng đưa ra là đơn vị bắt đầu đi về hướng nam, không biết đơn vị nào đi đầu,
đơn vị nào đi cuối, chỉ biết là Quân Y của tôi thì tàng tàng đi theo Bộ Chỉ huy
Liên đoàn. Thương binh không còn là vấn đề cho tôi nữa vì bao nhiêu thương binh
đã di tản về bệnh viện Quảng Trị từ trước và đều... đi theo trọn cả thị xã sau
trận tối qua.
Hôm nay lại đi bộ, khác với đi bộ ngày hôm qua là tôi không có cái cảm giác lạc
lõng bơ vơ như ngày hôm qua. Đoàn quân lầm lũi đi, tôi mang trên lưng cái túi
nhỏ (thay vì ba lô hành quân thì tôi không có) trong đó chỉ đựng có nước uống
(rút kinh nghiệm hôm qua thật cần nước uống, đựng trong một cái chai Dextrose
xài rồi) và một số y cụ, thuốc men. Còn đồ đạc cá nhân của tôi, từ cái quần đùi
cho tới cái áo lót hay bộ đồ trận để thay đổi, tất cả đều đã mất hết. Thôi thì
về tới Huế tính sau vậy. Hiện tôi chỉ lo là có đụng độ trên đường rồi có thương
binh hay lính tử thương thì không biết làm sao mà khiêng vác theo đây. Tôi chỉ
cố chia cho Quân Y mỗi người một chút để mang theo cho hết quân y cụ, thuốc men
là tốt lắm rồi.
Đoàn người đi hàng một, không biết bắt đầu ở đâu và cuối cùng bao xa, chỉ biết
rất dài và lặng thinh đi theo nhau, lúc lên đồi, lúc qua suối, có khi băng
ngang những thửa ruộng lúa lên cao ngang đùi. Buổi trưa nghĩ một chút trên một
ngọn đồi thông (không nhớ rõ có phải là thông hay không hay là cây dương?) để
ăn trưa, cũng may Liên đoàn cũng còn lương khô hành quân mang theo chia cho mọi
người trong Bộ Chỉ huy Liên đoàn nên cũng đỡ. Gió hiu hiu thổi làm xoa dịu cái
mỏi mệt của đoạn đường vừa rồi. Kể ra chạy thì tôi không chạy được nhưng đi bộ
thì không sao, ai tới đâu tôi tới đó. Nhớ lúc còn trong trường Y khoa, theo bạn
đăng học khóa Nhảy Dù, khi thử thách "8 món ăn chơi" trong đó có món
chạy 8km trong 1 giờ, tôi đã tưởng tôi bị loại vì ai cũng về trước 1 giờ, có mỗi
mình tôi về khoảng 1 giờ 20 phút nhưng có lẽ phần nhờ tôi là SV Quân Y (việc nhảy
dù chỉ để vui chơi văn nghệ!) phần 7 món thử thách kia tôi đã hơn trung bình
nhiều nên tôi vẫn được nhập khóa...
Bây giờ thì sau khi chia nhau gói gạo sấy, uống miếng nước lã có pha thuốc lọc
nước hôi rình, tôi nằm dựa gốc cây thông, nghe gió vi vu và bổng thấy mình hạnh
phúc. Ôi sao cái hạnh phúc thật nhỏ nhoi và tầm thường, cái hạnh phúc là còn sống,
còn ngồi giữa các anh em trong đơn vị dù cho đó là cái đơn vị đang trên đường
rút lui, còn có miếng ăn dù không ngon lành gì chỉ để dằn cái bao tử cồn cào,
còn có được điếu thuốc lá Quân tiếp vụ đắng tê cả lưỡi để gắn trên môi phì phà
sau khi ăn, thế là nhất rồi... so với ngày hôm qua (tưởng chừng như hồi thế kỷ
truớc) với đạn nổ, người chết tràn lan và hổn loạn trên đường số 1... Hôm nay
thì thật bình yên ...
Sau khi nghĩ một lát thì cả đoàn quân bắt đầu đi tiếp. Suốt cả buổi chiều không
có chuyện gì xảy ra. Nghe truyền miệng từ Liên đoàn ra là cứ đi như thế thì chiều
hôm sau, cả Liên đoàn sẽ rút quân về tới Huế hay ít ra tới được tuyến bạn, tôi
thấy phấn khởi lạ ...
Nhưng khi mặt trời vừa nằm ngang ngọn cây và ánh nắng không còn gay gắt nữa thì
Liên đoàn đang đi ngang một ngôi làng nhỏ (dỉ nhiên tôi thì chẳng biết đấy là
đâu hay cái làng nầy tên gì?) chỉ biết làng gồm dăm mái tranh sơ sài dột nát và
miếng đất có cày xới chung quanh nhà. Đúng lúc tôi đang bước giữa những luống
khoai mì bên cạnh một căn nhà thì súng bắt đầu nổ, tôi cũng không biết từ đâu bắn
ra, ai bắn và bắn ai, tôi chỉ thấy những anh chàng Biệt động quân đi trước và
sau lưng tôi nằm rạp cả xuống thì tôi nằm xuống theo mà thôi. Thật tình mà nói,
tôi cũng không biết mấy anh chàng xung quanh tôi nằm xuống nhanh như vậy là để
tránh đạn hay là vì đã trúng đạn? Nhưng do không có một tiếng rên siết nào cả
nên tôi tạm kết luận là mọi người không sao trong khi đơn vị Bộ Chỉ huy Liên
đoàn đang đi ngay vào ổ phục kích của địch. Súng bắt đầu nổ dử dội nhưng không
có tiếng súng lớn, chỉ có tiếng nổ dòn dã của AK của địch và tiếng nổ cũng dòn
nhưng ấm hơn của M-16 do đơn vị tôi bắn trả.
Tôi tuy căng mắt ra mà quan sát nhưng thiệt chẳng thấy địch đâu cả, chỉ biết đạn
bay veo véo qua đầu, chung quanh tôi, các người lính BĐQ cũng bắn trả mãnh liệt.
Thỉnh thoảng chen vào nhịp nổ dòn tan là những tiếng ì oành của lựu đạn cầm tay
(tôi cũng không biết do bên nào ném ra!) Tôi chỉ biết trong thân phận một bác
sĩ ngoài mặt trận, tôi không có vũ khí gì để bắn ai ngoài cây súng Colt .45 đơn
vị phát cho mà theo tôi, tôi đã thấy quá nặng nề bên hông, vì vậy, tôi đã bỏ
cây súng Colt trong bị mang trên lưng, trên mình tôi, dắt bên ngoài chiếc áo
giáp chỉ toàn là dao kéo kềm mổ và... 1 quả lựu đạn trái chanh. Tôi thật cũng
không biết mình dắt trái lựu đạn nhỏ xíu đó làm gì chỉ biết là vì tôi thấy nó
xinh xinh nên mang theo chơi thôi! Tôi cũng nghe mấy anh lính nói là khác với
loại lựu đạn MK-2, rút chốt ra rồi còn đổi ý gắn chốt trở vào, cái thằng trái
chanh nầy tuy nhỏ con và dễ thương (giống như trái chanh mà thôi) nhưng hể rút
chốt là phải ném đi, không có cái vụ đổi ý rồi đó ! Lại thêm nó tuy nhỏ con mà
sức nổ cũng như công phá rất khốc liệt hơn hẳn trái lựu đạn "bự con"
kia nữa ... Tôi thì chưa thử nhưng tôi cũng mong không có dịp để thử, chỉ mang
trên cái móc áo giáp cho vui thôi! Và tôi không ngờ nó dính trên áo giáp cả tuần
lễ nay mà cơ hồ tôi đã quên hẳn sự có mặt của nó. Hôm nay nằm sát đất, úp mặt,
co người để tránh lằn đạn vô tình, tôi mới cảm thấy có nó, cái trái chanh cộm
trước ngực tôi.
Đạn vẫn bay trên đầu, không biết cái gì văng tung toé lên người, không biết là
miểng đạn hay đất cát nữa. Cái khổ của người không biết tác chiến là ai bắn ai
thì bắn, còn tôi thực tình không biết đường đâu mà rờ, chỉ lo sao đạn nó vô
tình, đừng ghé thăm tôi là đủ. Tại vậy mà tôi đã cúi mặt xuống đất, sợ thì thực
tình tôi hoàn toàn không cảm thấy sợ hãi, tôi chỉ biết thực tế có ngóc mặt lên
thì cũng không làm được gì mà có khi còn ăn đạn vô ích. Thế là tôi như tự đóng
kín con người tôi với thế giới bên ngoài, súng nổ, đạn bay, tôi không nghe,
không thấy vì tôi không muốn nghe, muốn thấy, tôi thả hồn mình đi xa, thật xa về
tận Saigon, nơi có cái gia đình nhỏ của tôi với tiếng cười, tiếng nói bi bô của
hai đứa con trai tôi, với bàn tay dịu dàng của vợ tôi, và với tình yêu chất ngất
và đầy nước mắt của người yêu của tôi...
Tôi tưởng như tất cả với tôi giờ nầy chỉ còn là mộng ảo vì có muốn đóng kín cái
cảm giác thật người của tôi lại cũng không được vì chen lẫn trong tiếng súng ầm
ỉ vẫn có tiếng kêu đau đớn của những người bị trúng đạn, vẫn có tiếng rên siết
của những người hấp hối muốn một lần chót được thấy mặt lại người thân.
Hởi anh là người lính Bắc quân hay Nam quân, anh có biết gì đâu ngoài việc bổn
phận của một con sâu cái kiến, sống ở một Miền nào là phải đi lính cho Miền đó
nếu không muốn họa vào thân, anh phải cầm súng để bắn vào những người không
quen biết, không thù hằn, những người nói cùng thứ tiếng với anh, cái tiếng mẹ
đẻ Việt Nam. Giờ nầy, các anh đang cố bắn giết nhau, tận tình, hăng say và vô
tư như chối bỏ sự thật là anh chỉ là một con cờ không hơn không kém, một con cờ
vô tri giác... Anh chỉ thức tỉnh lại khi nào một viên đạn, một miểng pháo ghim
vào người anh, chưa đủ để làm anh chết mà chỉ đủ cho anh bất thần ngừng lại cái
trò chơi súng đạn mà người khác đã bắt anh tham gia với những từ ngữ thật đẹp,
thật kêu, nào là Giải Phóng Miền Nam, nào là chiến đấu bảo vệ tiền đồn của Thế
giới Tự do, còn nhiều lắm, những từ ngữ văn hoa bóng bẩy mà anh giờ có thấy gì
đâu, khi nằm đây, trong cái làng hoang vắng nầy cũng như tôi, anh không hề biết
tên của nó, một mình, chung quanh thật đông người đang say mê bắn giết nhau mà
anh cảm thấy mình thật trơ trọi, thật cô đơn, với cái đau oằn oại gây ra do
viên đạn của Kẻ Thù không biết mặt biết tên đã ghim vào trong người. Máu anh vẫn
chảy, nhưng không còn là chảy về tim mà là chảy ra nền đất Mẹ, nắm đất Việt Nam
mà chỉ trong chốc lát, sự sống trong anh cũng sẽ chảy dần theo ra ngoài cái cơ
thể gầy gò của anh để sau cùng thì cái đau đớn thể xác sẽ mờ đi với cái tối tăm
dần dần che phủ trí óc anh và rồi anh cũng sẽ trở về cùng đất Mẹ ... Gia đình
anh giờ nầy chắc đang trong buổi cơm chiều, bên ngọn đèn dầu thôn quê leo lét
hay ánh đèn đô thị sáng trưng, nhưng có khác gì nhau đâu, gia đình nào cũng sẽ
nghĩ tới anh, tới người chồng, người cha, người yêu đang xông pha ngoài trận mạc,
họ đều làm giống nhau tất cả là cầu xin cho anh hai chữ bình an, họ cầu xin bằng
một ngôn ngữ giống nhau, cầu nguyện một Đức Phật, một Chúa Jesus như nhau vì họ
cũng là cùng giòng giống Việt Nam ...
Mãi suy nghĩ miên man mà trận chiến quanh mình không còn nằm trong trí tôi, tôi
thả hồn theo dòng suy tư cho tới khi chiến trường đột nhiên trở nên im lặng tuyện
đối một cách lạ lùng làm tôi chợt bừng tỉnh trở về thực tại. Trời đã tối mịt,
xung quanh không còn một tiếng động, cái im vắng kỳ lạ và tự nhiên tôi thấy rợn
người, tôi có cảm giác sợ hãi hơn là còn tiếng súng bắn nhau, bây giờ thì ngửa
bàn tay không thấy mà quờ quạng chung quanh cũng không đụng một ai, mấy đệ tử
đi ngay phía trước và phía sau tôi biến mất đâu cả rồi?
Tôi gọi nhỏ nhỏ: Ê, có đứa nào đó không ? Không có ai trả lời cả. Chỉ có tiếng
côn trùng trong đêm vắng như đáp lời Tôi mà kêu to lên thôi. Không hiểu tình
hình chiến sự tới đâu rồi sao kỳ lạ vậy ?
Tưởng chừng như tôi đã nằm yên lâu lắm nhưng thực tế nhiều lắm chừng 5, 10 phút
thì chợt có ánh đèn pin lập lòe chiếu ngang chiếu dọc rồi ẩn hiện những bóng
người đi tới đi lui, họ còn hô to "Hàng sống chống chết!" om sòm. Rồi
họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Bắc "rặc," cái thứ tiếng Bắc không
giống như những người Bắc di cư vào Nam năm 54 mà nặng hơn nhiều và ‘khó ngửi’
hơn nhiều. Đó là những anh lính Bắc quân đã làm chủ chiến trường ở ngôi làng vô
danh vào một đêm mờ sương Quảng Trị.
Họ bắt đầu nói với nhau về cách đi tìm xem có thằng địch nào chưa chết thì giúp
cho nó chết, còn thằng nào còn sống khoẻ thì bắt sống làm tù binh, lục soát tìm
tài liệu v.v... Rồi họ chia thành hàng ngũ để tiến hành lục soát. Tôi không hiểu
những người lính BĐQ của đơn vị tôi giờ ở đâu mà mọi bề đều im lặng, do bản
năng sinh tồn cộng thêm bao nhiêu năm sinh hoạt ngoài trời trong Phong trào Hướng
đạo nên tôi nhè nhẹ lăn đi từ từ để cố lánh xa dần cái phía của những người
lính Bắc quân cho tới khi tôi đụng phải những cái rể xù xì gai góc của một bụi
tre thì hết đường, tôi bèn nằm lại giả chết, tôi sửa soạn một tư thế nào cho
thích hợp với một xác tử trận để nằm, rồi trong khi bọn Cộng quân đang xì xồ
đàng xa, cách tôi chừng vài mươi thước thì tôi tiếp tục suy nghĩ xem làm thế
nào cho giống mình đã chết, nếu không qua mặt được họ thì mình làm gì, nếu lỡ bị
bắt sống thì làm sao, ôi, trăm ngàn câu hỏi trong đầu nhưng làm gì có câu trả lời,
tôi chỉ còn biết cầu vong hồn Cha tôi giúp tôi cho qua cơn hoạn nạn nầy mà thôi
...
Bổng nhiên trên trời có tiếng phi cơ! Tiếng động cơ vang lên rất rõ và rất
trong trẻo trong cái yên lặng của đêm. Ngay cả tiếng Bắc nặng nề của bọn Cộng
quân cũng ngừng lại, thay vào tiếng "Hàng sống chống chết!" thì là
Các đồng chí coi chừng, có thể cái bọn Ngụy trước khi rút chạy còn gọi phi cơ tới
đánh bom chúng ta đấy! Có người nói chúng nó mà đánh bom tại đây thì chết bố cả
cái bọn bị thương hay còn sống sót nằm lại đây sao? Có đứa trả lời chúng nó mà
kể gì anh em đồng đội...
Có một giọng nói cất lên có vẻ là người cầm đầu cả bọn: "Các đồng chí nói
nhiều quá, nhiệm vụ là lục soát chiến trường thì cứ lo mà hoàn tất, còn phi cơ
có đánh bom xuống đây hay không thì chỉ chốc nữa biết ngay thôi mà!" Thế
là bọn họ bắt đầu lục soát trở lại, tuy họ vẫn còn xa chỗ tôi nằm nhưng cái khoảng
cách cũng không cách nào tránh khỏi bị thu ngắn dần, lòng hồi hộp hết chỗ nói
nhưng biết làm gì được?
Tiếng nổ trái bom đầu tiên là tiếng nổ lớn nhất mà tôi nghe được từ bé đến giờ.
Cái tiếng như lụa xé, như kính vỡ, tiếng chói chang và tức thở như lấp đầy
không gian và làm đứng lại thời gian. Quả là phi cơ đã thả bom xuống ngôi làng
nơi hai bên "đụng" nhau ngay hồi vài tiếng đồng hồ trước. Chắc là hai
anh cố vấn Mỹ còn đi chung với bộ chỉ huy Liên đoàn gọi không yểm chớ chẳng
không. Mà không phải chỉ thả có một trái bom, tôi thì có rành gì về không quân
thả bom đâu nhưng tôi biết qua sách vở hay phim ảnh rằng phi cơ đi thả bom thường
thường bay ít nhất là hai chiếc và không phải mỗi chiếc phi cơ chỉ có một trái
bom, mà thực vậy, tiếng ồ ồ của phi cơ hồi nãy nghe văng vẳng nay đến gần nghe
rền cả bầu trời và bom rớt xuống cũng không cho tôi đếm được là bao nhiêu trái.
Ánh sáng đi theo mỗi tiếng nổ sáng đỏ bầu trời đêm tuy ngắn trong vài giây
nhưng chớp nháy liên tiếp theo loạt bom mơ hồ như trời chớp khi chuyển mưa
nhưng ở đây, ánh sáng chớp lóe màu vàng đỏ chứ không sáng trắng và trong cái
ánh sáng đỏ đó có hàm chứa một cái gì ghê rợn. Lý thuyết thì điểm thả bom là điểm
thấp nhất của phi cơ rồi sau đó nó sẽ bay vút lên. Nếu không thả bom, người ở
dưới đất vẫn bị chói tai vì tiếng động cơ quá lớn khi phi cơ xà xuống thật thấp,
ở đây, thật không thể biết được có bao nhiêu chiếc phi cơ vì tiếng bom nổ quá lớn
và ào ạt, át hẳn mọi sự sống dưới đất!
Đất hay đá hay miểng bom không biết nữa, cứ rơi ào ào, vi vút chung quanh tôi,
rơi cả trên người tôi kèm theo tiếng nổ không dứt, tôi cố thu người vào gốc bụi
tre, không hiểu đám rể tre nầy có che chở cho tôi được gì không nhưng dù sao đó
là việc duy nhất tôi có thể làm được ở thời điểm nầy mà thôi. Nhờ vào ánh sáng
của bom nổ mà tôi vẫn nhìn thấy được chung quanh mình còn có nhiều bộ đồ rằn ri
cũng đang thu hình "đà điểu" giống như tôi trong đám rể tre. Tuy ở cảnh
gần cái chết trong đường tơ kẻ tóc nhưng chợt thấy mình còn có nhiều người đồng
cảnh, nhất là những người đó cùng chung một đơn vị với tôi, tôi thấy lòng như ấm
lại phần nào...
Sau loạt bom thứ nhất thì không gian trở lại hoàn toàn yên lặng, không một tiếng
động từ bất cứ phe lâm chiến nào. Tôi không biết những anh Cộng quân giờ ở đâu,
có rút đi chưa hay đang chúi đầu giống như tôi đâu đây để chờ yên hẳn sẽ trở lại
lục soát tiếp, hay nằm yên chờ cho những người lính Nam quân ngây thơ, đứng
lên, tạo ra bất kỳ tiếng động gì để họ có thể tiếp tục bắn giết. Cái chuyện bom
nổ vừa rồi, tôi nghĩ, nếu tôi không hề hấn gì thì bên phía VC cũng không thể
nào lăn đùng ra chết hết được. Chắc là chúng chờ bên nầy lên tiếng trước chớ chẳng
không. Nghĩ thế tôi tiếp tục nằm yên và có thể những người lính trong đơn vị
tôi cũng nghĩ vậy nên tôi không nghe tiếng động nào hết ngay cả gần sát bên
tôi, nếu không có ánh sáng do bom nổ, thật không tài nào tôi tưởng tượng là có
bao nhiêu người đang nằm sát trong cái đám tre nầy cùng với mình. Còn bọn Cộng
quân thì đang nghĩ gì, tại sao họ cũng nằm yên không nhúc nhích ?
Câu hỏi chưa trả lời được thì loạt phi cơ trở lại bỏ bom lần thứ hai đã bắt đầu.
Lần nầy thì không bất ngờ bằng và nhờ có "kinh nghiệm" hơn nên tôi
không thấy sợ như lần trước, cũng ánh sáng chớp giật từng hồi kèm theo tiếng nổ
xé trời, cũng đất đá hay miểng bom (?) rơi ào ào tứ tung. Cũng may, ngay chỗ
tôi nằm không hề trúng một trái bom nào cả vì nếu có thì cái bụi tre với cái
đám rể tre mong manh nầy thì làm sao chịu nổi ? Tôi nghĩ lan man, nếu một trái
bom rơi trúng ngay bụi tre nầy thì mình ra sao nhỉ? Không biết cái xác mình còn
có cái gì để lượm chôn được hay không (nếu người nhà mình tìm được tới cái bụi
tre nầy) hay tất cả mọi người đang núp ở đây sẽ đồng loạt biến mất khỏi mặt đất,
không biết mình sẽ có cảm thấy đau đớn gì hay không nhỉ? Chắc là không kịp nghe
đau đâu, à mà chết như thế cũng không khổ bằng bị thương lê lết mất máu mà
không được chữa trị rồi chết dần chết mòn... Mãi suy nghĩ lung tung rồi tôi thiếp
đi lúc nào không biết và bọn Cộng quân cũng không biết có lục soát tiếp không
hay sau khi bị bom đánh hai lần, họ đã rút đi rồi?
01-5-1972
Mặt trời chưa mọc nhưng ánh sáng đã chan hoà trên mặt đất, trên bãi chiến chiều
qua. Tôi bừng tỉnh dậy cũng đúng vào vị trí đêm qua nhưng hiện tại thì mọi sự đều
trông thấy rõ ràng, tôi thấy mình nằm sát vào những rể tre chằng chịt của một bụi
tre to tướng, xung quanh tôi là những người lính BĐQ trong BCH LĐ, có người đã
mở mắt nhưng cơ hồ chưa biết mình đang nằm mộng hay sao mà gương mặt như ngơ
ngác (chứ không phải còn ngáy ngủ) có người thì đã ngồi dậy và mặt mủi đăm
chiêu, và có cả những người vẫn còn nằm yên, không biết đang còn ngủ hay đã chết
từ đêm qua rồi ?
Có điều, mọi người đều cùng mặc một thứ quân phục như tôi vì rõ ràng chứ không
phải nằm mơ, Liên đoàn đã bị phục kích trong cái làng nhỏ nầy chiều qua, tôi dụi
mắt đôi ba lần như muốn chối bỏ thực tại thật đen tối như bây giờ. Nhìn ra xa
xa cách bụi tre vài mươi thước thì thấy cái liếp khoai mì chiều qua giờ đã bị
bom đạn đốn ngã rạp xuống, thấp thoáng có những bóng người nằm trong những tư
thế ngược ngạo vì cái chết đã đến quá bất ngờ cũng như sức chạm của đạn bom rất
mạnh nên thân xác con người chỉ là những mảnh giẻ bị xé tung toé ra mà thôi.
Khi bom đạn rơi xuống từ trời cao thì có phân biệt địch hay bạn? Quân phục những
xác chết thì màu sắc rằn ri của đơn vị tôi chen lẫn có quân phục màu xanh olive
của Cộng quân, không biết bị đạn Nam quân bắn chết hay chết vì bom của Hoa Kỳ?
Trong đó có ai là người đã lớn tiếng hô hào "Hàng sống chống chết"
đêm qua hay không? Mọi người thức tỉnh hay chưa thức tỉnh đều trong vị thế yên
lặng và quan sát vì có lẽ cũng như tôi, không ai biết mình phải làm gì trong
tình trạng nầy ?
Rồi bổng có một đám lính Biệt động quân kéo đến mà người dẫn đầu là Đại úy Xê,
trưởng ban Truyền tin của Liên đoàn. Xê là sĩ quan tốt nghiệp khóa 19 Võ Bị
Dalat, theo lẽ ở tác chiến cầm quân thì cũng ở cấp thiếu tá nắm ít nhất là tiểu
đoàn phó trở lên nhưng không hiểu vì sao anh đã chuyển ngành sang truyền tin
nên giờ nầy cũng còn mang lon Đại úy và chỉ là trưởng ban Truyền tin mà thôi
trong khi Liên đoàn có 3 Tiểu đoàn thì trừ Thiếu tá Danh (Tiểu đoàn 33) là khoá
đàn anh (VBQG khóa 18) còn lại hai Tiểu đoàn trưởng kia (30 và 38) là các Thiếu
tá Thủy và Khang đều là bạn đồng khóa của anh. Nay Đại úy Xê đứng ra tập họp
đám tàn quân lại để dẫn đường trở về, không cần nói là cấp bậc anh cao nhất đám
mà chỉ việc anh xuất thân khoá 19 Dalat cũng đủ cho vừa thấy tin tưởng vừa vững
dạ hơn lên rất nhiều.
Anh Xê cho tập họp tất cả đám tàn quân lại để kiểm điểm và tổ chức lại hàng ngũ
(không ngờ có những hơn 70 người -kể cả tôi - sống sót qua đêm vừa rồi mà hồi
đêm tôi cứ ngỡ chỉ còn mình mình!) Rồi lệnh anh Xê đưa ra là tất cả chỉnh đốn đội
hình theo anh để lên đường tiếp tục tìm về tuyến bạn. Lúc đó khoảng chừng 6 giờ
sáng.
Trên đường đi, tôi có hỏi anh Xê là mình đang ở đâu và tuyến bạn ở đâu ? Còn
bao xa nữa mới bắt liên lạc được với phe ta thì được anh trả lời là máy móc vô
tuyến giờ mất sạch, có cách gì liên lạc được với ai? Anh hiện chỉ tìm hướng nam
mà đi, dùng mọi thủ thuật di hành của quân đội để đi , mọi người ai cũng chỉ
còn súng cá nhân mà thôi (M16) riêng tôi thì lượm được một cây carbine M -2
cũng cầm cho có với mọi người - không lẽ đi tay không ? đồ đạc cá nhân mọi thứ
của tôi giờ không biết đâu mất cả rồi mà nhìn chung quanh mọi người cũng giống
như tôi, không ai còn cái gì khác ngoài bộ đồ lính trên mình cùng ít đạn dược
và một khẩu súng cá nhân - Tôi phân vân trong bụng không biết rồi ăn cái gì và
uống cái gì để sống mà đi tiếp? Vì dưới con mắt quan sát của tôi, tôi không thấy
ai mang cái gì có thể ăn được cả cũng như tôi thấy chỉ vài người rải rác có
bình tong nước mà thôi... Nhưng mặc kệ, ai sao thì mình vậy, quý hồ là còn sống
trở về tuyến bạn được là tốt rồi...
Khoảng gần 9 giờ sáng thì đám tàn quân dưới sự hướng dẫn của Đại úy Xê đang đi
về hướng đông bổng đến một chiếc cầu nằm theo hướng đông-tây đã gãy sập khúc giữa
tự lúc nào. Dòng sông chảy theo hướng bắc-nam không lớn lắm, bề ngang chỉ chừng
3, 4 mươi mét nhưng nước chảy khá mạnh. Anh Xê ra lệnh cho mọi người làm phao
cá nhân từ những chiếc poncho, ai biết bơi thì bơi và nhường poncho lại cho người
không biết bơi. Tuy nhiên số poncho vẫn không đủ cho số người không biết bơi.
Cũng may, hồi còn bé, tôi vẫn thường hay trốn học đi tắm sông. Nhà tôi hồi trước
ở Bà chiểu, không có sông nào ngoài sông Saigon thì cấm bơi, sông cầu Bông tức
rạch Nhiêu Lộc thì quá dơ nên anh em tôi vẫn thường cùng đám bạn nhỏ trong xóm
đi bơi ở cầu Bình Lợi, sông vừa rộng vừa nước chảy mạnh nên nói chung, nguyên
cái lũ trẻ năm xưa đứa nào cũng bơi rất giỏi với cái giá là lần nào về nhà, hai
anh em tôi cũng bị Mẹ đánh đòn nên con sông nhỏ ở Quảng Trị nầy không làm tôi
lo lắng chút nào. Tôi mang cả nón sắt, không bận tâm cởi cả đôi giày trận mà nhảy
đùng xuống nước nguyên con.
Sau bao nhiêu căng thẳng tối qua, mặc dù chưa đi thoát tới đâu cả nhưng vẫy
vùng dưới nước làm cho tôi thấy rất sảng khoái! Trong khoảnh khắc, tôi đã sang
đến bờ phía đông, tôi còn nhìn quanh quất trên bờ và dưới nước với ý nghĩ tìm
xem Đại úy Xê ở đâu. Bổng có tiếng kêu lớn: Anh Ấn ơi, cứu em với! Nhìn xuống
nước thì tôi thấy Thiếu úy Bình (thuộc Ban 3 BCH/Liên đoàn) đang chới với tuy sắp
đến bờ. Có lẽ Bình không biết bơi nên dùng poncho làm phao nhưng sắp đến bờ thì
tuột tay hay sao đó nên đang lùng bùng dưới nước, không kịp nghĩ gì cả, tôi
phóng trở xuống nước, bơi tới Bình để dìu anh vào bờ. Cũng may, Bình cũng biết
nguyên tắc cấp cứu thủy nạn nên không làm trở ngại gì cho tôi trong việc cứu
anh ta. Khi Bình với tôi chỉ còn vài sải tay nữa là tới bờ thì bổng tiếng súng
nổ dòn dã và tiếng đạn bay veo véo rền cả buổi sáng yên tỉnh. Ngoái nhìn lại bờ
phía tây, tôi thấy có 2 chiếc chiến xa của Cộng quân đang đậu lại với bao nhiêu
lính ngồi đứng lổn ngổn trên đó, họ dùng súng cá nhân cũng như đại liên trên xe
để bắn đám lính BĐQ hoặc đang chạy tháo thân bên bờ hoặc còn đang vật vả chiến
đấu với dòng nước chảy...
Nói thì lâu nhưng thật ra chỉ trong tích tắc, tôi đẩy Bình vào bờ với ý nghĩ
Bình sẽ chắc chắn không còn bị chết đuối nữa (còn có sẽ ăn đạn Cộng quân hay
không thì chỉ có Trời biết) còn tôi thì quyết định phải tự cứu lấy thân, tôi lặn
ngay thật sâu xuống nước và bơi thật mạnh xuôi theo dòng nước, khi hết hơi, tôi
nổi lên và hít thật sâu và thật nhanh trước khi lặn trở lại. 3 lần nín hơi để lặn
sâu và bơi theo dòng nước chảy và 3 lần nổi lên để thở , tôi ước lượng mình
cũng đã đi xa khỏi vùng chiếc cầu gãy hơn 100 mét là ít, tôi nổi lên và thả ngửa
theo dòng để nhìn lại thì thấy 2 chiếc chiến xa giờ đã nhỏ xíu, tôi không còn
thấy hình dáng người nào rõ ràng nhưng tôi thấy được họ vẫn còn bắn theo những
người lính đã tan hàng, đang chạy nhốn nháo như đàn kiến vỡ tổ hoặc đã lên được
bên kia bờ hoặc đang còn đang bì bõm dưới nước.
Tôi không thấy cần lặn nữa mà bơi nhè nhẹ theo dòng nước để đi xa thêm nữa cho
tới khi tôi chỉ còn nghe tiếng nổ xa xa nhưng không còn thấy ai nữa hết nhờ con
sông đã quẹo sang hướng khác, tôi bắt đầu cặp vào bờ hướng đông rồi lên bờ. Người
ướt sũng nhưng không thấy lạnh, lạ là tôi cũng không thấy sợ hãi gì cả mà lòng
còn thấy vui mừng là mình vừa thoát chết một cách linh hoạt, bây giờ phải định
hướng mà đi tiếp để tìm trở về tuyến bạn. Tôi nghĩ sở dĩ Đại úy Xê đi về hướng
đông thay vì hướng nam là con đường gần hơn trở về tuyến bạn có lẽ vì anh ta biết
được khu nầy có lẽ có nhiều quân Bắc vì hiện vẫn còn không xa quốc lộ 1 là mấy.
Do đó tôi quyết định cứ tiếp tục đi về hướng đông cho tới khi nào cảm thấy đã
xa quốc lộ 1 thì lúc đó tôi sẽ đổi về theo hướng nam thôi. Thế là tôi bắt đầu
tiến bước nhìn về phía mặt trời trước mặt.
Lúc đầu thì tôi cứ lầm lũi bước không thấy mỏi mệt chi cả. Bốn phía không một
bóng người. Cũng may địa thế ở đây chỉ là những độ dốc không cao và đất có trộn
lẫn nhiều cát, tôi nghĩ có lẽ tôi còn cách bờ biển không xa lắm. Chừng gần trưa
thì mặt trời lên cao, áo quần ướt đẫm nước sông của tôi đã khô tự bao giờ và
tôi bắt đầu thấy khát. Cái đói cũng như những chuyện vệ sinh thường ngày (tiểu
tiện hay đại tiện) sao không thấy là vấn đề gì, chỉ có cái khát bắt đầu trở lại
làm tôi nhớ buổi sáng trên đường số 1, khi đoàn người và xe cộ bị pháo đánh tan
tác và tôi chạy vào cánh đồng cát bên đường, lúc đó thật cái khát nước giống
như bây giờ... Bốn phía là cát, lấy nước ở đâu ngoài cái ráng mà chịu đựng? Khi
mặt trời ở trên đỉnh đầu thì chung quanh chỉ toàn là cát và cát, cái cát trắng
to hạt và nóng bỏng... Rải rác có những lùm bụi nho nhỏ đong đưa theo gió. Tới
gần tôi thấy những chùm hoa tím và có cả những trái nho nhỏ cũng màu tím mà mấy
hôm trước tôi đã có dịp biết đó là bụi hoa sim, tuy chưa bao giờ ăn thử nhưng
nhớ hồi còn ở Saigon có hai câu thơ tôi vẫn nghe hàng triệu lần:
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương...
Tôi cũng ngắt một hai trái bỏ vào miệng. Vị không ngọt lắm nhưng cũng dễ chịu
nhất là làm dịu cơn khát của tôi phần nào. Thế là tôi hái tất cả trái ở cái bụi
sim đó ăn liền.
Không bao giờ tôi nghĩ có lúc mình cũng phải ăn trái sim đỡ đói khát như bây giờ
và trớ trêu là tôi đang tìm về tuyến bạn trong khi đơn vị tôi hiện đã tan tác
phương nào chớ không phải tìm người yêu nào cả!
Cái khát tạm giải quyết xong thì cái đói chừng như thức dậy. Tôi nằm nghĩ trên
cát dưới cái bóng mát nhỏ xíu của bụi sim để tránh bớt cái nóng nung người của
buổi trưa Quảng Trị, bốn phía chỉ cát và cát, không một bóng người, trên mình
chỉ còn lại có một bộ đồ trận và vài cái dụng cụ tiểu phẫu, thử hỏi lấy cái gì
mà ăn đây? Thôi thì nhịn đói cũng được, để nghĩ một chút rồi sẽ tính tới. Tưởng
về gặp được đơn vị thì vững bụng rồi ai ngờ mình cũng trở lại cái cảnh cùng cực
cô quạnh một mình giữa cái chốn không biết là đâu.
Một lúc sau, tôi bắt đầu đi tiếp về hướng đông (nhờ nhìn theo mặt trời). Khi mặt
trời lên gần tới đỉnh đầu thì ước chừng mình đi cũng đã được 5, 3 cây số gì đó
nên tôi định hướng mặt trời để quay về hướng nam. Có lẽ nhờ Trời thương nên chừng
lát sau, tôi nhìn thấy có một chiếc xe thiết giáp nằm trên bãi cát, chiếc xe rõ
ràng là của phe ta (kiểu gì thì cũng không biết, chỉ biết không phải là M-48 vì
M-48 của Thiết đoàn 20 Kỵ Binh đóng quân chung với tôi mấy hôm trước nên tôi
nhìn nó là biết liền) Tôi liền đi tới gần xem thử.
Tới nơi, thấy chiếc xe hoàn toàn vắng lặng như không có người, tôi liền leo lên
pháo tháp nhìn vào thì chỉ có mùi khói xông ra, chắc là xe bị bắn trúng làm hư
hại nên bị bỏ lại. Không có tăm dạng của người sống cũng như không có cả xác chết
của ai cả, chiếc xe đứng lẻ loi một mình giữa đồng cát mông quạnh giống như tôi
vậy. Tôi leo vào bên trong lục tìm xem có cái gì ăn được không. May quá, tôi thấy
được mấy hộp đồ ăn của quân đội Mỹ nằm lăn lóc ở một góc liền túm cả bỏ vào
trong một cái bị bằng vải lều cũng ở trong xe.
Sau đó, tôi liền rời khỏi xe và đi thật nhanh cho xa vì tôi sợ chiếc xe nằm
chơi vơi giữa đồng cát thật dễ là mục tiêu cho mọi người chú ý và dĩ nhiên nếu
đơn vị VC nào mà thấy nó thế nào chúng cũng sẽ tới lục soát. Ở giữa đồng cát
mênh mông nầy thật không có chỗ núp nên nếu tôi ở gần đâu đó một vài cây số vẫn
có thể bị nhìn thấy, vì vậy tôi liền tìm đến một bụi sim trên đường và khuất
bóng chiếc thiết giáp chắc cũng đã xa để nằm trốn. Qua những sách vở tôi đã đọc,
tôi biết được trong trường hợp của tôi, ban ngày nằm trốn đâu đó và di chuyển
ban đêm là cách tốt nhất nhất là ở vào cái địa hình bốn bề trống trải như cái đồng
cát nầy. Và tôi cũng không quên nhắm sẵn hướng để có thể đi đúng hướng nam đêm
nay khi không còn có mặt trời để làm chuẩn nữa... Trăng hay sao gì thì chắc sẽ
không có vì đêm qua, tôi nhớ rõ ràng trời đã tối đen như mực khi tôi nằm trong
bụi tre khi máy bay oanh tạc...
Nằm trong bụi sim, tìm cách khui một lon thịt heo (mà mấy anh lính thường gọi
là Heo nút lưỡi) lại còn tráng miệng một lon Fruit Cocktail nữa chớ, thật sang
(có điều cái thịt heo nút lưỡi nầy ăn không thiệt là mặn mà cái mặn nầy sẽ hành
hạ tôi cho khát chết bỏ chớ chẳng không!). Tôi nghĩ mình đã sẳn sàng cho cuộc dạ
hành, bây giờ tới đâu hay đó, tôi nằm nhắm mắt để tìm giấc ngủ để còn có thể đi
sáng đêm nay...
PHẦN 4
Khi tôi choàng tỉnh dậy thì trời đã tối, không có trăng nhưng
ánh sáng từ những vì sao trên nền trời trong vắt cho tôi thấy mờ mờ cảnh vật.
Thế là tôi bắt đầu nhắm hướng nam thẳng tiến. Đêm đó tôi đã đi được khá xa
(không biết là bao nhiêu xa) nhưng thời gian đi hướng đạo những ngày còn trẻ
con đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng cũng như những thủ thuật ẩn núp
mà tôi đã phải dùng đến nhiều lần.
Có lần tôi nằm bên cạnh một con đường đất và cả một đoàn quân Cộng đi ngang vừa
hát vừa đi rầm rộ, một lần khác đang đi trong một đám lau sậy cao hơn đầu người,
suýt chút nữa tôi đã đi ngay vào một chỗ đóng quân của VC. Họ nói cười như chốn
không người, có người thử cho máy xe chạy để xem xét máy móc (xe gì thì tôi
không thấy và cũng không biết, tôi chỉ biết mình phải nhẹ nhàng đi vòng một
vòng thật lớn để tránh qua nơi đó). Cái khó nhất là khi gặp một đám tre dầy đặc,
tôi đã phải đánh vòng vì không có cách gì đi xuyên ngang bụi tre được nhưng khi
đi vòng sang rồi thì mất hướng, không còn biết hướng nào là hướng nam nữa vì trời
kéo mây nên nhìn lên không còn bóng dáng một vì sao nào để làm chuẩn nữa cả.
Tôi phải ngồi lại nghỉ chờ mây kéo đi cho trời trong trở lại. Gặp mấy con sông
tuy không to nhưng nước chảy cũng khá mạnh, tôi phải bơi qua nhưng mỗi lần bơi
qua xong là phải định hướng lại -và còn bị lạnh nữa- Tuy nhiên khi trời vừa hừng
sáng thì tôi thấy mình đang ở trong một đám cây khá rậm. Thế là tôi ngừng lại với
ý định sẽ ngủ lại đây ngày hôm nay...
2-5-1972
Tưởng là ngủ dễ lắm sau một đêm đi với nhiều biến cố (bò, trườn, bơi vượt
sông... và theo nguyên tắc sinh lý cơ thể bình thường, ban đêm là ai cũng phải
ngủ, hễ không ngủ hoàn toàn thì sẽ bị buồn ngủ ghê gớm lắm, nhất là không ngủ
mà còn nhiều hoạt động căng thẳng cả tinh thần lẫn thể xác) ai ngờ khi nằm xuống
dưới một bụi cây, đầu óc tôi tự nhiên lại đi suy nghĩ vẩn vơ. Không hiểu tình
hình chiến sự mấy hôm nay ra sao, mình còn phải đi bao nhiêu xa mới tìm được về
tuyến bạn? Đi suốt đêm qua tôi dự trù một giờ đi trung bình được 5km, nhưng những
lúc bò, trườn hay ẩn núp hoặc đi vòng quanh thì tôi nghĩ mình đi chừng 3km là
quá lắm. Suốt đêm tôi đã đi khoảng 5 tiếng thì con đường có lẽ chừng 15km là
cao nhất. Nhưng tuyến bạn ở đâu? Nếu phải đi về tới Huế thì khoảng đường Huế -
Quảng Trị là 50km, tôi sẽ còn đi khoảng 2 hay 3 đêm nữa. Mình sẽ chỉ lo trốn
cho kín ban ngày, còn đi 2 hay 3 đêm thật tình tôi không thấy lo chi.
Nhớ đọc chuyện Doctor Jivago, anh chàng đi những mấy tháng trong vùng tuyết giá
để về được cái thành phố nhỏ xíu có nàng Lara ở đó... Tôi thấy mình còn có cơ hội
hơn Jivago nhiều. Nhưng nghĩ tới Lara, tôi chợt nghĩ tới gia đình nhỏ của mình,
với bà xã và hai đứa con. Bà xã tôi hôm tôi về phép vừa rồi bụng đã lớn tướng,
bà ấy lại hay sinh sớm trước ngày, giờ nầy không biết ra sao rồi, nếu cũng sinh
sớm như hai kỳ trước thì bữa nay cũng dám vào bệnh viện để sinh rồi chớ chẳng
không, mà kỳ nầy không biết sinh con trai hay con gái đây? Cha chả, mình có 2
thằng rồi, giá kỳ nầy bả sinh được đứa con gái thì hay biết mấy, cả hai nhà nội
ngoại gì lâu quá không có cháu gái, ai cũng trông mong con gái, nếu bà xã sinh
được con gái thì mình nghỉ luôn là vừa... mà mình phải cố gắng mà về mới được nếu
không con của mình sẽ lại mồ côi cha như mình hồi nhỏ... Nếu mình có mệnh hệ
nào thì hai thằng con trai chúng còn nhỏ quá, không hưởng được gì của cha chúng
đó là không kể đứa bé sắp sinh lại phải mất cha truớc khi mở mắt chào đời.
Tôi chợt thấy lòng mình lo lắng bội phần và cái trách nhiệm với gia đình, với mấy
đứa con chợt làm cho lòng tôi chùn xuống, tôi có sai lầm không khi chọn đơn vị
Biệt động quân để con tôi mất cha? Tôi coi trách nhiệm với quốc gia trước gia
đình có đúng không? Tại sao cả một miền Nam, người ta cố tình trốn lính hay nếu
đi lính lại cố chạy chọt cho ở đơn vị phía sau, còn tôi lại tình nguyện đi ra
tuyến đầu khói lửa? Đúng hay sai? Nghĩ lan man một hồi rồi cái thiếu ngủ cộng
thêm cái đói làm tôi thiếp đi.
Bỗng có tiếng người nói nghe gần gần làm tôi choàng tỉnh dậy, tôi nhìn quanh chợt
thấy có mấy người mặc đồ xanh thường và đồ rằn ri Biệt động đang đi tới, tôi
quên suy tính gì mà chỉ do lòng bồng bột mừng rỡ sau một ngày không thấy quân bạn
nên lên tiếng kêu, mấy người đó nhìn thấy tôi cũng mừng rỡ không kém, có người
nhìn ra tôi và họ lên tiếng kêu "Bác sĩ!" rồi họ kéo nhau tới xúm xít
chung quanh tôi. Thì ra đó là mấy người lính cũng như có 2 người là Lao Công
Đào binh trong đơn vị tôi, họ cũng chạy lạc đơn vị nhốn nháo tới đây. Lao Công
Đào binh là những người phạm tội đào ngũ ở một đơn vị nào đó bị bắt lại, đưa ra
Tòa Án Quân sự và bị xử một thời hạn tù nhưng không phải ở tù mà là bị đưa ra một
đơn vị tác chiến để làm nhiệm vụ lao công chiến trường trong suốt thời hạn bị xử.
Trong suốt thời gian đó, họ phải làm các công tác tạp dịch như tải thương,
khiêng vác đạn dược, đào hầm đào hố, nói chung là họ làm mọi nhiệm vụ cực nhọc
và nguy hiểm không kém người lính tác chiến chút nào.
Cái khác biệt là họ không có được hưởng bất cứ tiêu chuẩn nào của người lính
chiến (như lãnh lương, mua Quân tiếp vụ hay quần áo "đầy đủ") mà còn
lại không được trang bị súng đạn gì cả. Họ sống kham khổ, thiếu thốn mọi thứ, từ
ăn mặc, đồ chống lạnh (như ở Quảng Trị trời về đêm cũng rất lạnh) cho tới thư từ
ở nhà hay tiền bạc để mua sắm thêm vật dụng cần thiết (vì gia đình ở nhà của
người lính Nam quân đã quá khổ tới độ người chồng phải đào ngũ, nay người chồng
là LCĐB không có tiền lương gởi về thì làm gì người vợ ở nhà có tiền để gởi ra
tiếp tế cho chồng?) Chỉ có về phương tiện y tế thuốc men, người khác thì không
biết sao, riêng tôi vẫn thương cảm họ nên tôi đã đối xử với những người LCĐB
không khác gì người lính thường trong đơn vị khi bị thương hay bị bệnh. Người
LCĐB nào phục vụ đơn vị còn sống sót qua thời hạn bị trừng phạt (6 tháng hay 1
năm) sẽ được phục hồi binh quyền là trở lại làm binh nhì (là cấp thấp nhất
trong quân đội) trong chính đơn vị anh ta làm lao công trong thời gian qua. Tuy
họ là LCĐB nhưng bản chất họ cũng là người lính VNCH nên họ cũng chia xẻ với
các người lính trong đơn vị mọi chuyện hiểm nguy như trong đơn vị tôi trong thời
gian gần đây thì không thiếu những trường hợp người LCĐB cũng đã chụp lấy cây
súng của đồng đội vừa ngã xuống để cố chiến đấu chống đỡ cho phòng tuyến của
đơn vị mình. Giờ đây, nhóm họ gồm 6 người chỉ toàn cấp binh sĩ như rắn không đầu
nên khi gặp tôi là một sĩ quan, họ mừng rỡ còn hơn cả tôi mừng khi thấy họ!
Điều đáng tiếc là tuy tôi là sĩ quan nhưng tôi chỉ là bác sĩ Quân Y nghĩa là về
phương diện hành quân hay tác chiến tôi không hơn gì họ cả (nếu không nói là
không bằng họ) nhất là trong trường hợp nầy thì tôi cũng chỉ có biết nhắm hướng
Nam mà đi thôi. Tất cả mọi kỹ thuật di hành trong đêm đều là do kinh nghiệm đi
Hướng đạo ngày còn trẻ con mà có! Dù sao thì cái cấp bậc cũng làm cho tôi đứng
lên nhận lãnh trách nhiệm. Tôi giải thích tình hình của đơn vị rồi hướng dẫn họ
kỹ thuật đi đêm, kỷ luật khi đi đường cũng như mục đích tối hậu là đi về Huế của
tôi.
Trong bụng họ nghĩ sao thì không biết nhưng bên ngoài thì cả bọn 6 người có vẻ
tin tưởng vào tôi rất nhiều và họ hứa là sẽ tuân lệnh tôi một cách tuyệt đối.
Thế là lệnh đầu tiên tôi đưa ra là tất cả ngủ yên tại chỗ, tránh mọi trường hợp
gây ra tiếng động (hay cả tiếng nói cũng phải nói nhỏ nhỏ) chờ đêm tối sẽ đi tiếp.
Rồi mọi người chia ra những bụi cây gần đó để cố dỗ giấc ngủ.
Ngày hôm đó không có biến cố gì xảy ra, đám tàn quân của tôi chia nhau mấy hộp
thịt còn lại của tôi và có vẻ lạc quan vì tin tưởng tôi sẽ là người đưa họ về
tuyến bạn vì trong lòng ai cũng chỉ nghĩ tới chuyện cố vượt thoát về tuyến bạn
là điều quan trọng hơn cả. Khi mặt trời lặn là anh em chuẩn bị lên đường. Ban
ngày, tôi đã nhắm sẵn hướng Nam nên lúc bắt đầu đi là mọi người đi theo hướng
đã định sẵn.
Chuyện phiêu lưu đi đêm và trốn địch thì diễn ra như trong phim xi nê, lại diễn
ra như tuồng đêm trước, có những lúc cả bọn nằm yên bên cạnh một con đường đất
trong khi một toán Cộng quân hàng trăm người xếp thành hàng tư, vừa đi vừa hát
hò ồn ào ngay trên đường. Có lúc anh em bò trong đám lúa (hay lau sậy?) cao quá
đầu ngang qua một trạm dừng chân của Cộng quân, nghe họ nói chuyện giọng Bắc um
sùm, có khi đi ngang một xóm nhà nghe chó sủa gà gáy, lại có lúc lội qua một
con sông nhỏ (không ai biết là sông gì?) Khổ nhất vẫn là khi phải đi vòng quanh
một hàng tre dầy đặc mà vùng nầy sao nhiều tre quá vậy không biết, trời không
trăng không sao, qua được bụi tre rồi thật tình không biết hướng nam là hướng
nào nữa! May sao đám mây chợt vén ra lộ nguyên chùm sao Hiệp sĩ! Tôi định hướng
nam rồi anh em đi tiếp. Bọn 6 người binh sĩ nầy tỏ ra rất phục tôi, có anh
chàng đi cạnh tôi hỏi nhỏ nhỏ : "Ông là bác sĩ sao ông đi nghề quá
vậy?" Đúng là trong xứ mù thằng chột làm vua!
Quá nửa đêm một chút thì anh em mừng thêm hơn nữa vì cả bọn gặp được bóng hai
người cũng đang lầm lũi bước, lúc đầu chưa biết ai nên anh em nằm im sát đất,
chừng hai người đó tới thật gần mới nhìn ra đó là hai ông Trung tá Liên đoàn
trưởng và Liên đoàn phó! Thế là cả bọn nhập chung và tôi thấy vững lòng hơn nhiều
vào cơ hội của mình. Trung tá Liên đoàn trưởng cho biết là anh em đã đi được đến
đây cũng là giỏi rồi, bây giờ cũng tiếp tục như vậy nhưng là đi theo hai ông một
khoảng xa xa vì đi chung chùm nhum với nhau một đám rất dễ bị lộ. Thế là cả bọn
đi tiếp theo vết chân của hai ông sĩ quan nhà nghề kia.
Cho tới khoảng 4 giờ sáng thì đến một cái đầm nước mênh mông, trăng lại vừa mọc
lên trên đỉnh đầu, trời trong và không mây nên mặt nước đầm im và phẳng như một
tấm gương, Trung tá Liên đoàn trưởng cho biết nếu mình vượt nước kiểu bình thường
rất dễ bị trông thấy nếu có ai tình cờ đứng trong bờ nhìn ra, tốt nhất là làm
sao chỉ để cái đầu ló lên mặt nước mà thôi, càng cố tạo ra sóng nước ít chừng
nào tốt chừng đó và mọi người phải tách xa nhau ra. Thế là anh em bắt đầu đi
nhè nhẹ xuống nước, tuy cái đầm thấy mênh mông nhưng lội xuống mới thấy là rất
cạn, Tôi phải bò lúp xúp dưới nước theo bóng hai cái đầu của hai ông Trung tá
phía trước. Khi qua tới bờ bên kia thì trời đã sáng mờ mờ, mọi người lên một
cái bãi vắng có nhiều lùm cây, ông Liên đoàn trưởng cho biết có thể ban ngày
cái bãi nầy sẽ có nhiều người qua lại vì đó là vị trí đóng quân rất tốt nên Cộng
quân có thể sẽ đến đây, do đó ông ra lệnh mọi người đi cả vào thửa ruộng đàng
trước mặt để ẩn náu lúc ban ngày. Ông còn dặn là nếu có lạc nhau, hãy nhìn cái
nóc chùa xa xa là mục tiêu, ông ta cho biết nơi đó theo bản đồ hành quân là có
quân bạn ở đó, từ cái bãi nầy tới đó không còn xa nữa, chỉ độ 5 cây số là cùng
và đêm nay, anh em có thể đến đó được trước nửa đêm. Ông ta còn dặn dò là khi gặp
quân bạn coi chừng bị bắn lầm khi anh em len lén bò đến tuyến phòng thủ của
quân mình. Rồi mọi người tạm chia tay chia nhau chui vào đám ruộng lúa để trốn
lúc ban ngày...
3-5-1972
Sau hơn 3 ngày lặn lội đủ điều cũng như bao nhiêu lần thoát chết trong đường tơ
kẽ tóc, hôm nay tôi tự dưng thấy yên dạ hẳn lên, có lẽ nhờ tôi gặp được 2 ông
Liên đoàn trưởng và Liên đoàn phó. Hai ông nầy đều mang cấp bậc trung tá, dĩ
nhiên kinh nghiệm chiến trường cũng như lặn lội kiểu nầy chắc chắn là hơn tôi
nhiều cũng như không lẽ đi với hai ông đơn vị trưởng mà không thành công sao?
Vì thế sau khi chọn được một thửa ruộng tương đối nước thấp thấp một chút, tôi
liền nằm ngay xuống đánh luôn một giấc. Nghe qua thì có vẻ vô lý vì ai mà nằm
ngủ trong vũng nước được? Nhưng phần vì mực nước thấp chỉ ngang cổ chân (có lẽ
vì người ta đã quên tát nước vào thửa ruộng nầy hay là đất trong thửa ruộng nầy
vì lý do nào đó đã hút nước nhiều hơn các thửa ruộng khác nên mực nước mới thấp
như vậy) phần thì tôi mấy đêm liền đâu có ngủ nghê gì đàng hoàng đâu nên cơn buồn
ngủ đến thật nhanh. Tôi nằm ngửa và tưởng tượng như đang thả ngửa trong hồ tắm
và bắt đầu nhắm mắt. Giấc ngủ khỏi dỗ cũng đến.
Mặt trời đã lên cao khi tôi bừng mắt dậy, mới có hơn 8 giờ sáng. Tôi có biết
làm gì hơn là cố ngủ tiếp cho hết ngày, bụng đói, mắc đi vệ sinh, tôi cũng cố
nhịn, lại còn tự nhủ: "Nín đi cầu thêm một bữa nữa thôi, có chết thằng tây
nào!" Nhưng giấc ngủ có cố dỗ thế nào nó cũng không đến, nằm ngâm mình dưới
nước lúp xúp mà ngủ sau khi mới thức dậy thật không phải dễ nên tôi không cách
gì ngủ lại được nữa. Mà thức và nằm trong nước thì thật khó chịu, tôi bèn ngồi
dậy cho bớt mỏi. Ruộng lúa ở đây khác ruộng miền Nam của tôi, lúa ở đây tuy
không bị ngập nước như miệt Đồng Tháp, Hậu Giang nhưng cũng mọc cao như lúa sạ,
nhờ vậy, ở vị thế ngồi thì tôi không lo bị ai trông thấy.
Thời gian trôi qua thật chậm. Bỗng có tiếng người nói chuyện. Tôi nhìn lên thì
thấy có mấy người nhà nông đang mang cuốc, gàu, v.v... đi tới ngay trên bờ đê của
thửa ruộng tôi đang núp trong đó. Tôi nhìn họ và thấy họ nhìn tôi. Tôi ra dấu bằng
tay để cho họ đừng tỏ ra gì khác lạ và thật tôi cũng không hiểu họ có nhận thức
gì không, chỉ biết họ kéo nhau đi thẳng sau chỉ một vài giây trùng trình... Thời
gian lúc nầy như đứng lại. Nhìn đồng hồ tay mới có gần 9 giờ sáng. Tôi suy nghĩ
lan man, tôi nửa muốn chạy trốn sang thửa ruộng khác vì sợ những người nông dân
đó đi tố cáo tôi với Cộng quân, nửa lại nghĩ không lẽ họ là dân chính phủ miền
Nam mà nỡ nào làm vậy, tần ngần, lưỡng lự một lát thì tôi chợt biết là quá trễ.
Vừa nhổm đầu lên quá tầm cây lúa một chút là tôi đã thấy những thửa ruộng xa gần
đều đầy người. Họ vẫn làm ruộng như thường lệ, tôi nghĩ chắc là họ không để ý
gì tới tôi, giờ nầy mà chạy lúp xúp sang chỗ khác cũng không chắc hơn gì mà còn
tạo sự chú ý của bao nhiêu người nông dân đang có mặt ở hiện trường. Mà càng
nhiều người thấy tôi chừng nào thì cái xác xuất người ghét lính Cộng hoà càng
tăng chừng ấy. Âu là nằm yên giao số phận vào tay những người nhà nông buổi
sáng còn có cơ hội hơn.
Đồng hồ trên tay tôi chỉ đúng 1 giờ trưa khi tôi nghe tiếng bộ đội quát tháo
ngay kề bên: "Hàng sống chống chết!" Quay nhìn thì thấy ruộng lúa
rung rinh chớ ở vị trí ngồi tôi cũng không trông thấy gì hết. Chỉ nghe tiếng mấy
anh chàng binh sĩ và LCĐB đi theo tôi từ hôm qua tới giờ đang léo nhéo: "Tụi
tui chỉ là binh nhất thôi anh bộ đội ơi." Có người nói: "Tui là lao
công đào binh." Mmỗi người một tiếng góp phần vào cái tình thế tuyệt vọng
nầy. Nhìn qua kẽ lúa đong đưa, tôi thấy những người lính đang bị trói lại và bỏ
đứng trên bờ đê trong khi bộ đội đang dàn hàng ngang để cày xới cái thửa ruộng
nầy để tìm thêm lính Cộng hoà còn đang trốn trong đó mà tôi và có lẽ cả hai ông
Tr/tá Liên đoàn trưởng và Liên đoàn Phó đều nằm trong thửa ruộng vuông vức nầy.
Từ lúc đầu, tôi vẫn còn mang theo quả lựu đạn trái chanh, tôi nghĩ thà chết còn
sướng hơn bị Cộng sản bắt được nhưng khi ngón tay tôi để trên cái chốt lựu đạn,
tôi như thấy hình ảnh các con tôi trước mắt, tôi còn sống thêm một phút là cái
hy vọng còn trở về kéo dài thêm một phút để còn gặp lại các con tôi, còn tôi
kéo cái chốt ra rồi thì không còn vãn hồi được nữa, mấy đứa nhỏ sẽ đi vào trường
hợp của chính cha chúng nó là sẽ không bao giờ có cha nữa hết, phải chịu nhiều
thua thiệt của cuộc đời như tôi đã phải chịu và chắc gì vợ tôi sẽ nuôi dạy con
được như Mẹ đã nuôi dạy anh em tôi?
Khi tôi nghĩ tới đó thì tay tôi vùi quả lựu đạn xuống sình đất ruộng thật
nhanh, vừa vặn một tên bộ đội chĩa mũi súng AK vào đầu tôi. Tôi giơ hai tay lên
khỏi đầu, thế là xong, không biết xong cái gì nhưng chỉ trong một tích tắc, tôi
nghĩ nếu để yên thì hai ông Trung tá cũng sẽ bị cùng chung số phận. Thôi thì
đàng nào cũng bị bắt, ráng cứu để ai thoát được thì thoát nhất là hai ông Trung
tá nầy có về được thì cái tin tôi bị bắt làm tù binh sẽ được kể lại một cách
chính xác cho gia đình tôi để khỏi có cái cảnh mơ hồ không rõ.
Thế là tôi hô lớn: "Tôi là trung úy bác sĩ đây!" Tất cả những binh sĩ
bị bắt nãy giờ ai cũng xưng mình là lao công đào binh, lính trơn hay cùng lắm
chỉ là hạ sĩ quan cấp thấp như hạ sĩ mà thôi, bởi vậy bộ đội muốn lùng bắt cho
hết "bọn Ngụy" còn trốn trong thửa ruộng nầy như nhân dân "tiến
bộ" đã báo cáo nhưng không dè trong mẻ lưới nầy lại bắt được cả một tên sĩ
quan ác ôn, trung úy mặc áo rằn ri mang hình đầu cọp thì thứ nầy có tội với
nhân dân nhiều lắm đây, thế là bọn chúng ùa đến, có người nhảy tới đấm đá vào
tôi, tuy những cú đấm đá thật không đáng gì, tôi có thể né tránh dễ dàng nhưng
tôi vẫn giả vờ bị trúng để ngã xuống hầu tránh được cơn mưa đấm đá đang tới tấp
giáng tiếp xuống người tôi. Ở một góc của thị trường (là cái góc độ bao gồm hai
mắt có thể trông thấy được -champ visuel-) tôi thấy hình như có hai bóng người
phóng từ thửa ruộng của tôi ẩn núp sang thửa ruộng kề bên. Nằm trong vị thế như
con tôm trên bờ đê, hai tay ôm che lấy đầu, tôi vẫn còn nói nhỏ: "Chúc hai
ông may mắn."
Tất cả tù binh bị bắt được đưa về một cái nhà của dân gần đó, ai cũng bị trói
nhưng theo tôi, có lẽ tôi là người bị trói chặt nhất, hai ngón tay cái bị cột với
nhau ở sau lưng rồi sợi dây vòng qua trước cổ tôi, tôi có cử động hai tay thế
nào thì chính tôi làm tôi nghẹt thở. (Nhớ hồi nhỏ đi sinh hoạt Hướng đạo, tôi vẫn
thích nút dây và cái kiểu trói nầy, tôi phải công nhận là kiến hiệu và đơn giản
vô cùng cũng như không tài nào tự gỡ được). Tôi còn được hưởng quy chế đặc biệt
là bị đánh đá túi bụi từ bờ đê về tới căn nhà, khi tôi bị xô sấp xuống sân trước
nhà thì có tên trong đám dẫn tôi về nói: "Thằng nầy là trung úy rằn ri đây
các đồng chí ơi!" Thế là thêm một đám trong nhà chạy ra đánh đá hùa thêm
vào con người đang nằm dưới đất. Được cái trong đám nầy một là chắc không ai có
võ nên không một cú nào hiểm độc cả, hai là họ chỉ mang dép râu hay đi chân đất
nên đánh đá cũng không đau đớn gì, tôi chỉ việc co rúm người tối đa để che cho
bụng, mặt và đầu (cỡ chúng mang botte de saut thì chắc tôi tiêu tán đường rồi!).
Lại có thêm một mụ già "ó đâm" ở đâu ra không biết cũng chạy vào đánh
hôi, mụ ta vừa đánh vừa chửi tôi đủ điều thậm tệ, còn nói mấy hôm trước, chính
tôi đã dẫn lính đến ăn cướp gà heo nhà mụ! (được cái là mụ chửi tùm lum bằng tiếng
Quảng trị tôi chẳng hiểu gì cả, còn mụ đánh cũng chỉ như gãi ngứa mà thôi!). Thế
là tội lỗi quá lớn với nhân dân! Rồi họ lại đánh đá tiếp có điều vì tôi gập người
lại nên họ chỉ đánh đá được vào lưng, mông và chân tôi mà thôi. Bổng có người
kêu: "Ối!" Chắc là hắn ta đá hụt tôi mà vào cục đá! (đất sân nhà nầy
thật nhiều đá to). Nhưng làm gì thì làm, kinh nghiệm hồi đi học đánh nhau đã
cho tôi biết, hễ đánh không lại là phải một là bỏ chạy, còn chạy không được thì
giả bộ gục luôn để khỏi bị đánh thêm, đem áp dụng ở đây thì dĩ nhiên không chạy
đâu được, tôi bèn đi cái đường bất tỉnh nhân sự! Quả nhiên chỉ thêm một hai cái
đá nữa là màn đánh đập chấm dứt. Bọn họ liền quẳng tôi vào gốc bụi tre trong
sân và để nằm đó, còn lại họ bàn tán lung tung chẳng đâu vào đâu.
Bỗng một toán bộ đội dẫn về một người đàn ông mặc đồ dân sự, anh nầy cũng bị
trói và cũng bị đánh tơi bời như tôi nhưng khác tôi là đi theo đám bộ đội và
anh ta là một người đàn bà, đầu tóc rối bù, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, tay dắt
theo một đứa bé gái chừng 3, 4 tuổi. Chị ta vừa đi vừa van lơn cho bộ đội để họ
thả chồng chị ra nhưng bọn bộ đội như giả điếc, cứ thẳng tay đánh đập anh chồng.
Khi về tới trong sân thì họ cũng xô anh chồng té sấp và cái đám ở sẵn trong nhà
chạy ra đánh hôi.
Tôi nghe lỏm qua bộ đội nói với nhau thì anh đàn ông nầy là dân chiêu hồi về,
hiện làm cán bộ xây dựng nông thôn của chính quyền miền Nam, trong nhà anh ta,
bộ đội còn bắt được cả một cây súng carbine nữa. Do đó, đối với họ, anh nầy tội
lỗi còn hơn tôi nhiều! Thế là sau khi nghĩ mệt vì đánh tôi xong, bọn họ lại bắt
đầu màn khác mà lần nầy còn tệ hơn tôi nhiều vì anh ta đã phải chịu đựng trước
mặt vợ con. Anh ta chỉ có gục đầu xuống mà chịu chớ không biết giả bất tỉnh như
lại còn vợ anh ta thì quỳ hẳn xuống giữa sân, tay ôm hết chân anh bộ đội nầy rồi
bị hất ra thì nhào tới ôm tới chân anh bộ đội khác vừa để khóc van xin tha chồng,
kêu ca rằng chồng chị vô tội vừa để níu bớt số chân có thể đá chồng mình! trong
khi con bé con không biết gì, cứ kêu đòi bố ẳm. Nó cứ kêu gào Ba! Ba! ẳm con!
nghe đứt ruột. Trong cái cảnh khốn cùng nhất nầy, tôi vẫn còn thấy mình có phước
hơn anh Xây dựng Nông thôn kia vì ít ra, tôi chỉ chịu đựng có một mình tôi, giá
mà có Mẹ hay vợ con tôi ở đây, chắc tôi chết còn sướng hơn.
Nằm trong bụi tre gai thả hồn suy nghĩ vẩn vơ, tôi thấy thế là xong rồi, hết những
ngày trốn tránh cũng như hết cả cuộc đời tôi đã vẽ ra cho mình. Không còn lý tưởng
phục vụ cho ai mà chỉ còn cố tìm cách để sống còn. Không biết mình sẽ phải chịu
bao lâu để được thả về, nhớ thằng Thuần em cô cậu của vợ tôi hồi năm 66 bị bên
kia bắt ở trận Đồng Xoài, mặc dù anh ta là Th/úy Địa Phương Quân nhưng chỉ hai
năm sau, bên kia đã thả anh ta ra làm cả nhà ngạc nhiên vì ai cũng nghĩ anh ta
chết rồi. Mình bây giờ chắc cũng vậy, thôi ráng chịu đựng một chút nữa rồi
trong vài năm, biết đâu sẽ được thả về chớ còn đợi hết chiến tranh chắc là tôi
tự tử chết cho rồi quá vì chiến tranh đủ kiểu từ 45 tới nay đã hết đâu, nếu kéo
thêm vài chục năm nữa mà mình thì phải sống trong tù thà chết ngay đi cho rồi...
Nghĩ lan man, thôi thì tới đâu hay đó, mình sẽ vận dụng hết sức thủ thuật mưu
sinh của Hướng đạo ngày xưa xem cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Chiều lại, bộ đội ngồi quanh quẩn ăn cơm trong sân nhà, không ai để ý gì đến
các tù binh (và cả anh Xây dựng Nông thôn) đang bị trói ngồi trong sân. Anh em
tiếp tục nhịn đói, tôi không biết đám lính của mình ăn lần chót hồi nào nhưng
tôi thì đã lâu quá rồi, từ lúc leo vào trong chiếc chiến xa tìm được cái hộp
"Heo nút lưỡi tới giờ!" Ngồi nghĩ quanh co, lòng buồn không tả...
Khoảng 7 giờ đêm, bộ đội tập họp tù lại để giải tất cả đi (đi đâu không ai biết)
trong tư thế mọi người vẫn bị trói, giày dép bị bắt cởi ra hết. Riêng tôi thì
cái đồng hồ đeo tay hiệu "Titoni" mà anh tôi trong dịp đi học khóa
"Jungle Warfare" ở Mã Lai mua về cho tôi cũng như chiếc nhẫn cưới nhỏ
xíu bằng vàng 18K và mấy ngàn đồng bạc còn trong túi đều bị tịch thu! Ôi, tự do
đã mất rồi, cuộc sống tù binh bắt đầu với tôi... không biết bao giờ mới thấy lại
miền Nam...
Xin chia nõi đau và nỗi mất mát cùng với BS Nguyễn
Trả lờiXóaNgọc Ân.
tôn-thất sơn
cảm ơn ad.nếu ad có địa chỉ liên lạc của bác sĩ này thì cho em xin với.thật sự là gia đình em đang cần sự trợ giúp từ phía vị bác sĩ này.em chân thành cảm ơn.mong ad trả lời sớm cho em
Trả lờiXóa