Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

HỒI KÝ 26 NĂM LƯU ĐÀY CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH - KỲ CUỐI



1      2      3      4
CHƯƠNG 11

NHỮNG ÂN CÔNG… NHỚ MÃI TRONG ĐỜI

Trải qua 26 năm dài trong nhà tù Cộng Sản, bản thân tôi đã từng nếm đủ mùi chua cay, mặn nồng, ấm lạnh, đói no và khổ nhục. Cuối cùng tôi chỉ còn nhớ một câu xem như là tư tưởng để đánh giá con người “Chân giá trị của con người khó có thể đánh giá trong đời sống bình thường, mà chỉ có thể đánh giá chính xác trong lúc khốn cùng nhất của cuộc sống”. Tôi không nhớ bao nhiêu việc thiện, bao nhiêu người mình đã giúp đỡ, nhưng tôi không thể quên được cho dù những việc nhỏ nhất, những ai đã giúp đỡ mình trong lúc khốn cùng, những người mà tôi mang ơn và trân trọng khá nhiều từ trong nhà tù Xuân Phước cho đến trại Xuân Lộc, Đồng Nai đó là:
ÔNG PHẠM TRẦN ANH
Một người anh em kết nghĩa hoặc gọi là kết bạn vong niên. Anh tốt nghiệp Đốc sự hành chánh đã từng giữ chức vụ Phó Quận trưởng, Phụ tá Hành chánh tỉnh của chế độ VNCH. Anh có một tấm lòng rộng rãi tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người, có trình độ nhận thức cao, có đầy đủ chí khí và tinh thần nhiệt huyết, phong cách bình dị, sống gần gũi anh em, rất thông cảm với đồng tù đặc biệt là dân tộc thiểu số hay những người nghèo khổ bệnh hoạn. Anh thường lui tới an ủi tâm sự với những người có trình độ kém thấp, hoặc khốn khó, bơ vơ trong tù. Anh đã từng leo rào vào ăn uống với anh em bị bệnh lao ở trại tù Xuân Lộc mà không sợ bị kỷ luật, bị lây nhiễm.

Dù biết rằng trong cuộc đời “nhân vô thập toàn” ắt hẳn không ai là hoàn hảo cả, bản thân tôi và anh cũng thế! Tôi luôn luôn nghĩ rằng “Nhân tận kỳ tài” mỗi người sinh trên đời đều có một tài năng riêng nhưng chưa biết đúng chỗ phát huy. Tôi hy vọng mọi việc hanh thông sẽ dành phần cho người tốt như anh. Anh Phạm Trần Anh đối với tôi có 4 điểm anh vừa là người anh kết nghĩa, vừa là người bạn đồng tù, vừa là một Phật tử rất kính trọng Thầy tu, lại vừa là Mạnh Thường Quân hộ giúp tôi rất nhiều trong những năm tháng lưu đày nghiệt ngã.
Trải qua nhiều năm dài anh luôn giữ trọn tình trọn nghĩa, tôi vô cùng trân trọng, mặc dầu những ngày được trả tự do hoàn cảnh gia đình anh cũng gặp nhiều nghịch cảnh éo le. Thời gian tù đày người vợ vượt biên sang nước khác nay đã có chồng con. Khi anh trở về hoàn toàn cô quạnh, sự nghiệp trắng tay và phải chuẩn bị cho mình một cuộc sống mới, chắc chắn anh phải đương đầu hoặc ẩn nhẫn với một xã hội có nhiều định kiến.Tôi luôn tin tưởng một người có nghị lực và ý chí cao như anh, sẽ vượt qua tất cả những khúc khuỷu gập ghềnh. Trước nhất cần giữ “Nhẫn nhục phụ trọng” chịu đựng cảnh “Nghịch thuỷ hành châu” để một ngày không xa sẽ tận hưởng “Khúc chung tấu nhã”. Tôi luôn khắc ghi những tình cảm tốt đẹp của anh trong tâm khảm của mình, nên ghi tên anh đầu tiên trong những ân công của tôi trong tập Hồi Ký nầy.
BÁC SĨ NGUYỄN ĐAN QUẾ
DÒNG ĐỒNG CÔNG: Linh Mục Trần Đình Thủ, Thầy Chương, hầy Nguyễn Viết Huân, Thầy Nguyễn Văn Hiệp …
Thánh Đường cơ sở chính của Dòng Đồng Công tọa lạc tại Thủ Đức, dòng đã bị nhà nước CS Việt Nam chụp mũ, quy kết là tuyên truyền chống chế độ XHCN và phá hoại tình đoàn kết quốc tế. Sự việc chẳng qua là những nhà tu hành thấy nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam còn bị lầm lạc, bị lệ thuộc dưới ách thống trị của chủ nghĩa vô thần Các Mác LêNin, một học thuyết lỗi thời phản tiến hóa, phi nhân tính, phi dân tộc và phi tôn giáo. Quý Linh mục chỉ biết âm thầm, cầu xin ân Chúa cho chủ nghĩa bạo tàn sớm bị đào thải để cho nhân loại có cơ may sinh tồn và vơi đi thống khổ.
Lấy cớ xúc phạm đến Thầy Tổ của mình là CÁC-MÁC LÊNIN vào năm 1986 nhà cầm quyền CSVN đã bắt giam 18 vị tu hành trong số ấy có Linh Mục Trần Đình Thủ với tuổi 90, trong cảnh “minh nguy ám nạn” các tôn giáo có dịp hội ngộ, cùng chịu cảnh đoạ đày trong gông cùm xiềng xích. Quý ngài có giúp đỡ tôi khá nhiều từ vật chất lẫn tinh thần, quý vị tính tình hài hòa, vui vẻ, chân tình và khiêm hạ, tôi luôn trân trọng và ghi mãi trong lòng.
Bản thân tôi và quý thầy Dòng Đồng Công có nhiều kỷ niệm đẹp đáng nhớ. Chúng tôi đều là nhà tu, tôi xuất gia còn các vị hiến thân cho đạo tuy tôn giáo có khác nhau nhưng cũng đều có một tâm hồn hướng thượng và phục vụ cho con người.
Kỷ niệm trước nhất là Thầy Nguyễn văn Hiệp nay đã là Linh Mục đang phụ xứ. Những ngày cùng ở chung trong một đội, một nhà, thỉnh thoảng chúng tôi đi xin từng đôi nước trên nhà bếp gánh thật xa xuống tận cuối dãy các phòng để giúp cho quý Cụ, quý Ôn tuổi cao bệnh tật, hoặc mù lòa, Thầy Hiệp thì sức khoẻ ốm yếu nhưng rất nhiệt tình. Thầy còn phải có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho Linh Mục Trần Đình Thủ bởi tuổi quá cao, còn tôi làm thị giả hầu Hòa Thượng Thích Đức Nhuận hàng ngày, bên cạnh đó tôi và Thầy Hiệp còn phải lao động theo sự phân công của trại nữa. Cả hai chúng tôi rất thiết thân và nhiều tâm sự. Ngoài ra còn có Thầy Nguyễn Viết Huân tên trong đạo là Nguyễn Thiện Phụng, một người có đức hy sinh cao cả, cứu giúp mọi người trong cơn hoạn nạn khó khăn, trong đó Thầy cũng thường giúp đỡ cho bản thân tôi.
Theo sự nhận xét của tôi, dường như 26 năm tù tôi trải qua nhiều nhà giam, tôi rất ít gặp vị tu sĩ nào có đức hy sinh cao cả như hai Thầy. Những dòng chữ trong hồi ký này tôi muốn nói lên sự thâm tạ chân thành đối với cá nhân Thầy Huân, Thầy Hiệp, Quý Linh Mục, trong đó tôi rất trân trọng quý kính Linh Mục Trần Đình Thủ người sáng lập Dòng Đồng Công luôn thực thi đức Bác ái bằng sự tự lực cánh sinh, thể hiện nếp sống hòa mục yêu thương mang đậm nét tình Huynh Đệ.
Đặc biệt, dòng khai mở tại VN do người VN sáng lập, trong dòng không xưng hô gọi nhau bằng Linh Mục mà chỉ gọi nhau bằng anh và xưng là em dầu là phẩm trật, hay tuổi tác thế nào, dòng được mang dấu ấn trên tinh thần Việt Tộc. Mấy lời trần tình hôm nay xin đề cập đến quý vị bạn Đạo đã từng cùng tôi trải qua bao năm đọa dày trong cảnh khổ bên nhau..
HOÀ THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN NGUYÊN TỔNG THƯ KÝ VIỆN TĂNG THỐNG GHPGVNTN.
Mặc dù, trong chốn lao tù, nhưng được gần gũi hầu bên cạnh Ngài cũng đã là có duyên phúc nhiều đời.Từ năm 1989 tôi chuyển từ trại Xuân Phước về trại Xuân Lộc được gặp gỡ Hòa Thượng. Khi nghe tôi tường thuật lại ròng rã nhiều năm dài bị lưu đày biệt xứ, Hòa Thượng rơi nước mắt và nói “Âu cũng là nghiệp! Đại Đức đã ở trại Xuân Phước, nay Xuân Lộc thì sẽ Xuân Thọ thôi!” Những ngày chuyển vào K2 dần dần tôi có dịp kề cận bên Ngài, tôi được Hòa Thượng thương yêu dạy dỗ hết lòng, ở gần được tiếp kiến Hòa Thượng một ngày bằng 1 năm tu học và còn hơn thế nữa, cho dù sức khoẻ của Hòa Thượng thường hay suy kém, với tuổi cao niên, tuổi mãn chiều xế bóng.
Nhưng HT vẫn còn nhiều việc cưu mang canh cánh bên lòng vì lo lắng cho mạng mạch và tiền đồ của Dân tộc cũng như vận mệnh của Giáo Hội, nhất là đang trong thời điểm nhiễu nhương Pháp Nhược Ma Cường và Nội Suy Ngoại Chướng hiện nay.
Hòa thượng là một người điềm đạm, khoan hòa, đức độ cao thượng, trí tuệ tuyệt vời, uyên thâm Phật lý, lời lẽ huyền nhiệm sâu xa, cung cách ứng xử lịch thiệp, tế nhị, một bậc tôn túc trưởng thượng khả kính. Ngài là tấm gương sáng cho đoàn hậu tấn noi theo. Những năm tháng lao tù, mọi người chung quanh trong đó có tôi đã học ở Hòa Thượng rất nhiều điều. Hoà Thượng quan tâm cho bản thân tôi cả hai mặt tinh thần và vật chất, kể cả tập thơ “Bản Án Chế Độ” của tôi rất dài (đã bị thất lạc) cũng do Hòa Thượng hiệu chính lại và Hòa Thượng khuyên bảo tôi nên nằm lòng và phải thực hiện bài phát nguyện như sau: (Bài nầy một thời Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa hay dạy trong những khóa “Như Lai sứ giả”và cũng được áp dụng trong những khoá huấn luyện trụ trì toàn quốc) .
“Con là Sứ giả Như Lai
Phát nguyện suốt đời, hiến thân cho Đạo
Để phụng sự Đạo Pháp và phục vụ chúng sinh
Chỗ nào chúng sinh mời con đến
Chỗ nào Đạo Pháp cần con đi
Không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát”
Sau đây là bức thư và hình ảnh của Hòa Thượng khi Ngài được trả tự do tại trại Z30D Hàm Tân. Sau khi trở về, Hoà Thượng đã gửi thư và nhờ anh Huỳnh Mạnh Hùng đến thăm nuôi tôi 1 lần tại trại Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Không những thế mà Hòa Thượng còn bảo Đạo hữu Nhật Thường và Chị Huỳnh Thu Vân, hiền thê của Đạo Hữu gởi điện thư về tận Bạc Liêu thông báo em ruột tôi tức Huỳnh Hữu Nhiều đến chùa Giác Minh viếng thăm Hòa Thượng. Hòa Thượng giúp tiền thăm nuôi tôi và còn bảo mỗi tháng đến để Ngài hộ giúp mặc dầu em tôi chỉ đến một lần, e ngại làm bận tâm Ngài vì trông thấy Hòa Thượng tuổi cao, đức trọng. Những tình cảm của Ngài dành cho tôi thật cao quý … những lời vàng ngọc dạy bảo của Ôn, tôi luôn khắc cốt ghi tâm.
Trong thời gian tôi ở trại giam Xuân Lộc, Hòa Thượng còn nhờ Đạo Hữu Nhật Thường tìm cách gửi tặng tôi quyển sách “Tinh hoa Phật Học” để làm phương tiện nghiên cứu học hỏi trau dồi nghĩa thú minh liễu, nhằm hiểu rõ thêm sâu xa những tinh hoa của triết lý Đạo Phật để người sứ giả Như Lai khi nào thoát khỏi cảnh “Cá chậu chim lồng” tiếp tục sự nhiệp“thượng hoằng Phật Đạo hạ Hóa Chúng sinh”
Ngoài bìa của quyển sách có ghi tặng tôi 2 câu như sau:
“ Đạo pháp vĩnh hằng,
sự nghiệp nầy sống cùng Giáo hội
Cuộc đời phù du,
nhân cách nầy còn mãi với anh em”
Cho dù gặp chướng duyên qua bao năm dài trong lao lý, nên thế thọ của tôi có nhiều hơn Pháp Lạp (hạ lạp). Nhưng tôi phát nguyện những ngày còn lại trong cuộc đời, tôi luôn khâm ngưỡng di ngôn của Hòa Thượng và “y giáo phụng hành”. Tôi sẵn sàng cùng Chư Tôn Đức, Pháp quyến để góp phần trong công cuộc Phục hoạt và Trung hưng GHPGVNTN để khỏi phụ lòng Đại Lão Hòa Thượng giáo huấn. Có điều đáng buồn là cuối bức thư của Hòa Thượng gởi cho tôi, Hòa Thượng mong mỏi một ngày gần sẽ gặp lại, nhưng ngày tôi về thì Hòa Thượng đã Cao Đăng Phật Quốc, nên tôi không còn gặp lại Tôn Sư nữa!
Nay tôi nguyện trong lòng noi gương minh triết và tôn thờ hình bóng của Hòa Thượng suốt đời.
A. DI ẢNH HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN

B- BỨC THƯ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN GỞI VÀO THĂM TÔI TẠI NHÀ TÙ

Đây là bức thư đầu tiên do Thượng toạ Thích Thiện Hiền là thị giả theo hầu Hòa Thượng trong những ngày Hòa Thượng ra tù trở về chùa Giác Minh Sài Gòn cho đến khi Hòa Thượng viên tịch vào lúc 16 giờ 53,ngày mùng 9 tháng chạp năm Tân tỵ tức 21.01.2002 hưởng thọ 79 tuổi.
Sau đó TT Thích Thiện Hiền sang Úc, thời gian gần gũi TT thường nghe Hòa Thượng nhắc nhớ về tôi, nay hay tin tôi được trả tự do TT ThíchThiện Hiền từ hải ngoại gửi thư thăm , tôi xin ghi lại nguyên văn để lưu niệm trong quyển Hồi Ký nầy.
(Bài viết của TT Thích Thiện Hiền gởi tặng)
“ Người nằm xuống …
cho nghìn thu …
 vang bóng
Chân bước qua …
từ ngữ …
rụng hai lần”
BÙI GIÁNG
Chùa Huyền Quang, Úc Châu, ngày 28-02-2005
Kính thăm Thầy Thiện Minh
“Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”
Được nghe danh Thầy từ lâu nhưng chưa có dịp diện kiến. Nay được biết Thầy trả tự do rất mừng. Trong số tu sĩ Phật giáo có lẽ Thầy là người cuối cùng trong nhà tù Cộng Sản sau 30 năm. Bao nhiêu năm sống trong chốn lao tù đau khổ từ thể xác đến tinh thần, rất cảm động và ngưỡng mộ tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của Thầy.
Nhân đây cảm kích với 1 tu sĩ Bi Dũng và một người dân Việt yêu nước nên viết bài để thay thế cho những người đồng cảnh ngộ, cảm ơn và chia sẻ những đau thương cuộc đời, tôi xin thay mặt Hoà Thượng Đức Nhuận để có tấm lòng biết ơn đến Thầy. Được ra tù chắc chắn Thầy phải mang nhiều chứng bệnh. Thầy nên giữ gìn sức khoẻ và chữa bệnh, Giáo Hội và Chư Tăng sẽ giúp đỡ Thầy. Mong Thầy an tâm. Nhân đây cúng dường Thầy 200 Đô la Úc để Thầy chữa bệnh, xin nhận nơi tôi tấm lòng kính phục và thương yêu nhiều, hẹn Thầy thư sau
Kính thư
Thích Thiện Hiền ( Huỳnh -Phú)
BỒ TÁT THÍCH THIỆN MINH HÓA THÂN
Lần đầu mới nghe danh TT Thích Thiện Minh ai cũng liền nghĩ nhớ đến một vị Cố HT Thích Thiện Minh là Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GĐPTVN, quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và sau cùng là Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Ngài đã bị Cộng Sản bắt giam năm 1979 tra tấn hành hạ thảm sát trong tù tại Sài Gòn. Sau năm 1975, Ngài viết một bản tuyên ngôn dài 10 trang đòi tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo cho dân tộc Việt Nam. Do vậy Cộng Sản đã chụp mũ Ngài là CIA Mỹ nên bắt giam và tra tấn đến chết.(1) Cùng một năm đó 1979 tại tỉnh Bạc Liêu một vị ĐĐ Thích Thiện Minh vừa tròn 25 tuổi trụ trì ngôi chùa Vĩnh Bình bị Cộng Sản chiếm dụng; Thầy vì Tam Bảo đã cương quyết đấu tranh với Cộng Sản để giữ lại ngôi chùa. Cuối cùng, Thầy biết mình như nai con giữa đám mãnh hổ quần hùng làm sao thoát khỏi nên hiểu rằng:
“Con ơi nhớ lấy lời cha
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”
Do vậy, một mình Thầy không thể chống chọi lại một chế độ đầy sân hận và thù hằn, công an, quân đội, súng đạn, nay nhà tù khắp nước và tòa án nhân dân được lập ra để trừng phạt, giam giữ tùy thích khi họ muốn bắt và nhốt bất cứ ai. Bởi vậy Cộng Sản đã tuyên án Thầy tù chung thân. Bản án tù chung thân ấy không làm lay chuyển ý chí kiên cường quật khởi nên năm 1986 Thầy cùng 200 người tù đứng lên đòi tự do nhân phẩm, đời sống ăn uống, làm việc của tù nhân bị hà khắc và bóc lột. Cộng Sản tuyên thêm một bản án chung thân thứ hai. Sau đó Thầy đã bị ba năm cấm cố riêng, tay chân bị xiềng xích chỉ nằm và ngồi một chỗ. Đáng lẽ Cộng Sản đã giết Thầy, chỉ cần ra lệnh tử hình là xong nhưng thời điểm đó, các áp lực quốc tế của các tổ chức nhân quyền thế giới và sự đấu tranh của chư tôn đức trong GHPGVNTN đã can thiệp đòi trả lại sự sinh hoạt cho Giáo Hội, nên Cộng Sản nương tay không giết Thầy giống như Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh.
Sau khi Thầy được trả tự do, được báo đài trên thế giới phỏng vấn và loan tin rất nhiều nên tôi mới được nghe giọng nói Thầy thật hùng dũng và ý chí thật kiên cường. Tuy đã được thả ra nhà tù Cộng Sản sau 26 năm nhưng Thầy chưa có cái quyền tối thiểu của con người là tự do cư trú, đi lại, nói năng và hành đạo thì cũng chẳng khác gì từ nhà tù nhỏ chuyển sang nhà tù lớn đang giam giữ hơn 80 triệu đồng bào. Sống trong nhà tù lớn lúc nào cũng lo âu sợ sệt bị công an theo dõi, rình rập suốt ngày đêm, đi đâu, làm gì?… nửa đêm khuya muốn bắt ai thì nhập vào nhà xét hộ khẩu, kêu gọi lên đồn công an tra vấn, hăm dọa đủ điều. Còn những cách khác tống tiền hối lộ. Làm sao người dân yên tâm, nên bị khủng hoảng sinh ra bệnh tâm thần, nhà tù lớn của Cộng Sản thì muôn vàn thống khổ.
Được biết vào những năm Thầy ở tù chung với các vị tôn túc của GHPGVNTN các Ngài bị án tù chung thân, 20 năm hay nhiều năm bị giam giữ tại trại Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Trong đó Thầy có dịp gặp HT Thích Đức Nhuận nguyên chánh thư ký Viện Tăng Thống và Cố Vấn Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo, trụ trì chùa Giác Minh tại sài Gòn, TT Thích Tuệ Sỹ, TT Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), TT Thích Không Tánh, TT Thích Nhật Ban…vì vậy Thầy có cơ hội biết thêm về tin tức từ bên ngoài và nung nấu ý chí đại hùng, vô uý của chư tôn đức trong giáo hội. Tôi được biết Thầy qua lời kể của HT Đức Nhuận. Những năm HT bị bệnh trong tù, tưởng đâu HT đã chết trong tù, nhưng cũng nhờ sự săn sóc của Thầy, lo từng bát cháo trắng, viên thuốc và giặt giũ cho bộ đồ. Sau khi HT được ra tù trước, rất cảm kích công đức đó, HT thường nhắc đến Thầy và tìm bằng mọi cách làm sao giúp đỡ Thầy, từ thăm nuôi đến liên hệ thế giới can thiệp cho Thầy thoát nạn tù đày. Nhiều khi trong tù tình Thầy trò, đạo vị thương yêu thắm thiết hơn ở ngoài thế gian, bây giờ Thầy được trả tự do thì không còn gặp lại HT nữa, nếu còn chăng thì :
“Khi trở về với khung trời đổ nát
Thì tìm anh trong tận đáy hồn em”…
Trong khi đó nhà tù lớn của Cộng Sản đã làm cho con người vì tham sống sợ chết, bán rẻ lương tâm chạy theo danh lợi, làm tay sai cho ma vương: Chỉ điểm, tố cáo, vu khống, chụp mũ để làm hại Thầy trò, huynh đệ, cha con, vợ chồng… chia rẽ thành nhiều phe, tín đồ sợ sệt không dám tin ai, không dám thăm hỏi, giao du chơi thân với một ai. Vì những người thân nhất là những người dễ bị hại nhất. Ngay cả những huynh đệ cùng bổn sư chí thân chí thiết đã sợ Cộng Sản miền Bắc bỏ trốn chạy vào miền Nam nhưng vì hèn nhát, sợ tù, sợ mất quyền lợi cho bản thân mà bán rẻ lương tâm làm hại huynh đệ.
Hiện nay có vị Thiền sư nổi tiếng thế giới là huynh đệ với chư Tôn đức trong GHPGVNTN đã xa quê hương trên 40 mươi năm về Việt Nam trong thời điểm nóng bỏng. Hoa Kỳ đang áp lực Cộng Sản trả tự do cho những vị lãnh đạo tôn giáo, trong lúc GHPGVNTN đang đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam cải thiện về tự do Tôn giáo, thì Ngài được về nước truyền đạo rất thoải mái, trong khi bao nhiêu huynh đệ đấu tranh đòi tự do Tôn giáo thì bị giam cầm trên 30 năm qua. Niềm tin huynh đệ, Thầy trò xưa nay đã sụp đổ, nghi ngờ và tự nhiên trở thành hố ngăn cách. Chỉ cần một chí hướng, một thiện chí tích cực, không bị bàn tay ma vương chỉ đạo thì ở đâu cũng có thể gặp nhau dễ dàng. Bây giờ hai bên rất đau khổ muốn gặp mặt ôm nhau để khóc, để nói lên những nỗi nhớ nhung, niềm đau bao năm xa cách nhưng cũng không được. Đó là điều trớ trêu thay! Những người không muốn gặp thì sẵn sàng nhan nhản trước mặt, những người cần gặp thì lại không được gặp. Lương tâm con người mất niềm tin, phân hóa, hay sự nghi ngờ áp lực từ bên ngoài. Dù Cố HT Thích Thiện Minh đã ra đi nhưng âm hưởng của Ngài vẫn nghìn thu vang bóng, bây giờ có một TT Thích Thiện Minh hóa thân để tiếp tục sứ mệnh mà dân tộc, đạo pháp truyền trao. Pháp nạn năm 1963 có một vị Bồ Tát Đại hùng Quảng Đức vì đòi hỏi bình đẳng Tôn giáo do chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp nên Ngài tự thiêu ngồi trong lửa đỏ an nhiên thị tịch. Đến hôm nay vị Bồ Tát vô uý Quảng Độ đã ngồi trong nhà tù lửa của tập đoàn đảng trị Hồ Chí Minh thiêu đốt Ngài 30 năm. Nhưng Ngài vẫn bất động đấu tranh tự do dân chủ, nhân quyền, Tôn giáo cho dân tộc và đạo pháp Việt nam đến hơi thở cuối cùng.
Vô ngã
THÍCH THIỆN HIỀN
THƯỢNG TỌA THÍCH TUỆ SĨ (Thế danh Phạm văn Thương)
Những ngày trong tù, Thầy sống rất bình dị, đơn giản, đạm bạc, dùng Ngọ trai mỗi ngày chỉ một lần. Tính tình vui vẻ, trí tuệ uyên bác, mặc dù thân gầy còm nhưng lúc nào cũng không xao lảng nghiên tầm chân lý, ngồi thiền, làm thơ, viết sách, dịch thuật, điêu luyện thư pháp. Trong những tháng ngày gần gũi bên nhau, tôi có dịp hiểu Thầy nhiều hơn mà cũng qua đó tôi tự trang bị cho mình chất liệu Ứng-Xử phân minh vượt lên tình thường trong cuộc sống.
Tôi nhận xét thầy rất đa tài nhưng hợp cách nhất là sở trường văn học nghệ thuật, trên lãnh vực văn chương học thuật kinh điển, hơn các lĩnh vực khác…Thầy may mắn được trả tự do về trước, sau khi ra tù tôi có gặp lại thầy vài lần, để thăm viếng nhau, để hàn huyên tâm sự tuy chưa phân cạn nỗi niềm. Trong hiện tình của GHPGVNTN đang cơn dầu sôi lửa bỏng đe dọa đến sự tồn vong của Đạo Pháp, biết mình tài sơ trí xiển tôi dấn thân cùng Giáo Hội. Rất tiếc, thiếu vắng hình bóng thầy bên cạnh để cùng đồng cam cộng khổ có nhau như những ngày tháng lưu đày. Cho dù không đủ hạnh duyên để được gần nhau nhưng những năm tháng kỷ niệm cùng nằm gai nếm mật, trải qua nhiều nghiệt ngã trong chốn lao tù tôi luôn trân trọng, nên mạng phép ghi tên Thầy vào quyển Hồi Ký nhỏ bé nầy.
THƯỢNG TỌA THÍCH KHÔNG TÁNH
Kể từ khi cùng đi gặp phái đoàn Nhân Quyền của LHQ tức ngày Chủ Nhật 24-10-1998, tôi mới biết mặt chính thức Thượng Tọa, còn nghe danh thì cũng khá lâu rồi! Thựơng Toạ Thích Không Tánh, tính tình giống như pháp danh của Ngài, tấm lòng rộng rãi thương người, dễ xiêu lòng, giàu tình cảm, sống phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết vụn vặt, nói năng hoạt bát, vui vẻ nhưng trực tính. Trong nhà tù Thượng Toạ được nhiều sự quý mến của các bạn đồng tù, ngoài việc cư xử lịch thiệp.Thượng Tọa còn nhiệt tình giúp đỡ mọi người, trong đó có tôi, mặc dù Thượng Toạ chẳng phải khá giả gì, nhưng đức hy sinh rất đáng trân trọng. Khi tôi và Thượng Tọa gặp phái đoàn Quốc Tế xong, Ngài hiểu được hoàn cảnh của tôi cũng như lý tưởng vì Đạo Pháp và Dân tộc mà tôi phải chịu triền miên mấy mươi năm liên tục trong chốn lao tù, hằng tháng Thựơng Toạ đều gửi quà hoặc tiền giúp tôi trong những ngày khốn khó. Khi tôi được trả tự do, Thầy nói với tôi là Thầy chỉ có giúp một phần nào vì Thầy cũng mới ra tù nên không có tài chính nhiều, còn hằng tháng trong mấy năm qua đều do cô Đoan Trang Giám Đốc đài phát thanh Quê Hương tình nguyện tài trợ tất cả, cho dù không biết mặt, nhưng Cô Trang rất sẵn tâm hộ giúp. Tôi xin ghi nhận đây là nghĩa cử cao đẹp của Cô Đoan Trang một người giàu lòng nhân ái, rất có tinh thần yêu nước kính đạo, được biết Cô cũng là một Phật tử đã quy y tam bảo từ lâu. Sau khi ra tù tôi có dịp tiếp xúc đôi lần qua đường dây viễn liên để bày tỏ lời cảm tạ tấm lòng vàng của người Con Phật có đạo tâm nầy, những sự phát tâm cúng dường và hộ trì chính pháp cũng như quan tâm đến những người có hoàn cảnh khốn khó, chính là thể hiện hạnh nguyện vì tha nhân vị chúng sinh đúng như lời Phật dạy của Đạo Từ Bi Trí Tuệ vậy! Cầu mong Chư Phật điểm hoá cho Phật tử trí tánh thường minh, thăng hoa tuệ mệnh, phát triển thiện căn và phúc duyên vô lượng.
BÁC DOÃN QUỐC SĨ
Bác là nhà Văn Hóa, một bậc mô phạm, đầy đủ tư cách, một trí thức uyên thâm, tính tình từ tốn, lịch sự nhã nhặn, ôn tồn và thật phúc hậu. Bác là một Phật tử trí thức thuần hòa đạo hạnh. Trong trại tù Xuân Lộc, tôi có duyên được gặp bác, Bác có tặng tôi một bài thơ, bác làm tại khám Chí Hoà nhân đêm tối Bác trông thấy con gà đang mổ những hạt cơm rơi vải của tù:
” Chú gà mà đi ăn đêm
Thấy hạt cơm mềm vung vãi đâu đây
Đêm khuya tội nghiệp cho mầy
Vất vả canh chầy một bóng thành hai”
Tôi còn nhớ, những ngày ở trại Xuân Lộc, bác bảo tôi sau nầy nếu ra tù sẽ làm tập thơ “Vườn Hồng” thơ trong tù và khuyên tôi thử làm thơ thay lời tựa, tôi có làm tạm mấy câu sau:
“Những người yêu nước sa cơ
Nỗi lòng cảm xúc làm thơ trong tù
Đi tù cũng giống đi tu,
Kiên trì chẳng khác công phu đãi vàng
Vườn Hồng cúc,huệ, đào,lan
Thiên niên,vạn thọ,mai vàng, lựu, lê
Thơ tù đậm nét tình quê
Thắm tình dân tộc lời thề nước non
Hiến dâng Tổ Quốc .. Lòng son
Tổ Tiên rạng rỡ … cháu con Lạc Hồng ..! “
GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN BẢO
Một nhà giáo có tư cách, nhiệt tình dìu dắt anh em, có tinh thần đấu tranh chung. Ngoài ra Giáo Sư Nguyễn văn Bảo còn là một tín hữu Đạo Cao Đài thuần thành, ông rất có nhiều tâm huyết trên tinh thần dân tộc, có chí lớn, cưu mang những hoài bảo ích quốc lợi dân. Đặc biệt là trên lĩnh vực “Văn hóa Dân tộc”, thắm đượm tình yêu quê hương. Ông đã từng đại diện cho tín đồ Cao Đài trong nhà tù sẵn sàng cùng các Tôn giáo đồng ký tên trong một Bản Kiến Nghị gửi đến LHQ.
Nhiều năm tôi cùng Giáo Sư sống bên nhau rất thân tình, dầu tuổi tác có chênh lệch nhau gần 16 tuổi nhưng lúc nào Giáo sư cũng xem tôi như người bạn vong niên trong tình “Khế Hữu”.
Chúng tôi trải qua đồng cam cộng khổ có nhau, Giáo Sư Bảo tuổi cao lại bị cưỡng bức lao động khổ sai nên đôi mắt Ông bị bệnh khá nặng, Ông nhìn cảnh vật chung quanh lờ mờ thật vô cùng khó khăn cho mọi sinh hoạt thường nhật trong tù. Tuy gặp cảnh gian truân nhiều thử thách nhưng Ông vẫn giữ lập trường “Bất di bất dịch” cho đến ngày mãn án 20 năm lưu đày biệt xứ. Tôt rất trân trọng tình cảm và ý chí kiên trung của Ông.
Trong thời gian ở chung phòng có cơ hội thuận tiện tiếp xúc trao đổi những tâm tình. Giáo sư Bảo có tặng tôi một bài thơ kỷ niệm trong tù như sau:
Kể từ thuở khơi sâu nguồn sống Việt
Ánh từ quang của minh triết vô biên
Sóng triều dâng ý thức hệ Rồng Tiên
Bủa ào ạt khắp bến bờ lịch sử ..!
Trong tuyệt đỉnh của tôn vinh quá khứ
Là đuốc thần chiếu rạng cả tương lai
Trong mênh mông các mạch sống hòa hài
Khắp vũ trụ bao la đầy tinh thể ..!
Ánh nhật nguyệt chứa chan tình nhân thế
Khí Càn Khôn hun đúc khối anh linh
Là hồn thiêng của sóng nước Động Đình
Nòi Bách việt vươn mình xây nghiệp cả ..!
Với chứng tích của tinh hoa văn hóa
Với kỳ công hiễn lộng khắp năm châu
Và oai linh của cha Lạc mẹ Âu
Rọi chính khí qua muôn nghìn thế hệ ..!
Đường lịch sử tuy gập ghềnh hưng phế
Cuộc biến thiên có suy thạnh đổi thay
Từ Hùng Vương dựng nước đến ngày nay
Dân Tộc Việt rạng danh nòi giống Việt ..!
CỤ PHAN ĐÌNH HIỀN
Một ông lão quắc thước, mạnh khoẻ và dồi dào sinh lực, thích sưu tầm, nghiên cứu học hỏi. Cụ là người “Đa văn quảng kiến” lúc nào cũng khiêm nhượng sẵn sàng xin hướng dẫn những điều Cụ chưa biết, cho dù người ấy chỉ đáng tuổi là con là cháu của Cụ. Đây là tấm gương tốt ít có người làm được. Cụ Hiền luôn giữ gìn tư cách và tác phong đạo đức cho dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào. Ngoài ra Cụ cũng là người rất hâm mộ Đạo Phật, rất quý kính Thầy Tu của các Tôn giáo. Tôi được Cụ thương yêu và giúp đỡ tận tình trong những lúc khó khăn, mấy dòng chữ nầy để nhớ nghĩa ân của Cụ. Dù biết rằng ngày tôi về rất khó có dịp gặp nhau vì tuổi Cụ đã xế chiều, mong sao Cụ được phúc thọ tăng long để tận mắt nhìn đất nước VN một ngày vui rực sáng.
HT THÍCH HUỆ ĐĂNG
Một người đa mưu túc trí, nhà tham mưu nhạy bén, cùng đồng tù, đồng tu. Thầy rất rộng rãi, nói năng hoạt bát, lý luận nhạy bén, mưu trí sắc sảo, trí nhớ tốt. Những điều kém khuyết Huynh đệ đến thỉnh ý, Hòa Thượng sẵn sàng nhiệt tình góp ý với những sáng kiến khá độc đáo và sâu sắc. Hòa Thượng rất quan tâm hộ giúp tôi từ trong tù. Đặc biệt ngày về đầu tiên, sự bất ngờ lớn nhất của tôi là Hòa Thượng đã chuẩn bị rất chu đáo từ Y, hậu, Chuỗi, áo Thiên Sam (áo Tràng), quần áo mặc thường nhật cho đến thuốc men trị bệnh kể cả kinh sách.Tôi xin ghi nhận nghĩa cử nầy là một thâm ân nên ghi vài hàng vào trang Hồi ký.
ANH NGUYỄN VĂN CHIẾN
Một tín hữu thuần thành, một con chiên ngoan Đạo của Chúa, một người có nhân cách được nhiều anh em trong tù mến mộ. Trải qua nhiều năm trong tù nhưng lòng kiên định, Anh Nguyễn văn Chiến là một Mạnh Thường Quân rất tế nhị, trợ giúp tôi trong những lúc khó khăn.
Những ngày quen biết nhau trong nhà tù Cộng Sản, tất cả các vị có tên nói trên tôi xin mạn phép được ghi vào trang hồi ký của mình. Ngoài ra ít nhiều các bạn đồng tù khác cũng chia sẻ những vui buồn từ vật chất đến tinh thần, mọi người đều là Ân Công của tôi trong năm tháng lao tù, xem như là kỷ niệm của cuộc đời, tôi không thể nào quên.
Xin thành tâm cầu nguyện cho những ân công của tôi được vạn sự phúc lành, vô biên an lạc.
1. NHỮNG CUỘC TIẾP XÚC VỚI CÁC TỔ CHỨC HẢI NGỌAI BỊ CÂU LƯU TẠI VIỆT NAM.
Cổ nhân có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Lòng ái quốc là bổn phận, là ý thức trách nhiệm của mọi người dân đối với quốc gia dân tộc. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn dân, chứ không phải của riêng ai. Cho dù là người Việt Nam trong nước hay ngoài nước đều có chung một cội nguồn là Con Rồng Cháu Tiên, Bố Lạc Long quân và Mẹ Âu Cơ, là con cháu Vua Hùng. Những người cùng chí hướng ắt sẽ có cơ hội gặp nhau. Vì thế những ngày tại trại Xuân Lộc, tôi có dịp gặp gỡ tiếp xúc với một số anh em trong các tổ chức chính trị từ hải ngoại về nước hoạt động bị bắt như:
  • Tổ chức của Hoàng Cơ Minh
  • Tổ chức của Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy
  • Tổ chức Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh
  • Tổ chức Đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình
  • Phong trào đấu tranh Công Cuộc Vì Công Lý của Nguyễn Sĩ Bình
  • Nhóm Hoa Phượng Đỏ của Hoàng Việt Cương ..v..v..
Mỗi tổ chức có Đề cương, Cương lĩnh và mục tiêu đấu tranh gần như tương tự như nhau, nếu có khác nhau là phương thức hành động. Chắng hạn như có tổ chức đấu tranh ôn hòa bất bạo động, có tổ chức cần vũ trang để hổ tương cho giải pháp chính trị. Theo quan niệm của một vài tổ chức nếu đấu tranh với CS mà chỉ có lên tiếng kêu gọi thì chậm lắm. CS nói hay lắm! Còn thủ đoạn thì Cộng Sản bậc nhất, hòa đàm của CS là sách lược để chờ cơ. Theo tôi kinh nghiệm nhiều năm trong tù thấy rằng:
NHẬN ĐỊNH:
a. Nếu có Tư Bản là có Cộng Sản
b. Cộng Sản không mấy sợ Tư Bản, mà CS chỉ sợ CS phản lại CS và sợ toàn dân nổi dậy
c. Cộng Sản có thể Chiến thắng trong Chiến Tranh nhưng CS lại thất bại trong hòa Bình.
d. Chính Quyền VNCH của Miền Nam trước đây ở trên tan hàng, dưới phải bỏ chạy.
e. Chính CS sẽ sụp đổ vào ngày N giờ G do ở trên cắn nhau, dưới tan hàng.
PHƯƠNG HƯỚNG CỨU QUỐC:
Muốn giải bỏ chế độ Cộng Sản phải đề ra 4 phương sách cứu quốc như sau :
1. Chủng hoạn cứu nạn:
Tức là dựa vào thời điểm dân tộc bị họa nạn trong cảnh tang thương, lúc ấy đứng ra giải trừ cứu nguy đất nước là hợp thời cơ nhất.
2. Dĩ di diệt di: (gậy Ông đập lưng Ông)
Lấy thế CS, lực CS và người CS, dựa vào những điều CS đã nói trong Hiến Pháp cũng như những Cam Kết Quốc Tế để xóa sạch CS bảo thủ cực đoan, xây dựng một xã hội dân sự, thể chế dân chủ Đa nguyên.
3. Hồ tử xuất động:
Các phong trào yêu nước, các tổ chức chính trị, các đoàn thể Tôn Giáo đoàn kết đứng lên cùng phối hợp hành động đấu tranh 2 mặt: Tôn giáo và Nhân quyền nhằm thay đổi điều 4 trong Hiến Pháp, từng bước một giải thể chế độ Cộng Sản ở Việt Nam.
4. Bất chiến tự thành:
Cuộc đấu tranh phải chủ trương ôn hòa bất bạo động là chính, không cần dùng bạo lực, nhưng phải bảo đảm tính chất Quốc tế và Quốc nội, khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa cả 3 đều đủ, lúc ấy sẽ giải cứu quê hương đất nước VN thoát khỏi vòng hiểm họa và giải trừ sạch pháp nạn cho tất cả các Tôn giáo tại Việt Nam. Xin lưu ý, có một số người đấu tranh đòi Đa Đảng Đa Nguyên, nhưng lại muốn tiêu diệt sạch Đảng CS, thì sẽ mâu thuẫn với khẩu hiệu đòi Đa Đảng …
2. NHỮNG NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG VÀ THIẾT THỰC CỦA TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ TRONG NHÀ TÙ CS.
Khát vọng tự do là niềm mơ ước muôn thuở của con người. Đặc biệt là trong hoàn cảnh tù đày, thì niềm khát khao sự tự do được nhân lên gấp bội. Hiện tại trong nhà tù CS, không những tù nhân Chính trị và Tôn giáo, mà tất cả các thường phạm khác đều đang thiếu thốn cả 2 mặt tinh thần và vật chất, “đói tri thức là một điều đau khổ nhất, bị bỏ đói tri thức là một nhục hình về lĩnh vực tinh thần thật vô cùng tàn bạo, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin và tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật ngày nay”. Những năm tháng tù đày, tôi hiểu được những nguyện vọng bức xúc của người tù đang cần được đáp ứng như sau:
  • Cải thiện chế độ lao tù, tăng tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt tối thiểu cho tù nhân.
  • Tu chính “Pháp Lệnh thi hành án phạt tù”.
  • Ban hành quy chế và đối sách đặc biệt với tù nhân Chính Trị và lương thức cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
  • Mở thư viện có đủ loại sách báo để người tù cập nhật và nâng cao kiến thức của mình,
  • Cải cách phương pháp giáo dục.
  • Hạ giá căng-tin, vì trại độc quyền và siêu lãi.
  • Trả tự do cho những người già yếu bệnh tật, những tù nhân chính trị, Tôn giáo và những tù nhân ở quá lâu năm.
  • Giảm bớt hình thức kỷ luật, nhục hình đối với tù nhân.
  • Giảm án, đặc xá nhiều.
  • Phòng giam các thường phạm quá tải.
  • Giảm bớt giờ lao động, được nghỉ hẳn ngày Chủ nhật.
  • Không được quyền đánh đập tù nhân, xúc phạm tới nhân phẩm người tù. v..v….
Những ngày cuối cùng tôi được cục V26, Cục Quản lý trại  giam, Bộ Công An gọi lên làm việc. Đến ngày 02-02-2005, tức ngày 24-12 ÂL, năm Giáp Thân, chỉ còn khoảng tuần lễ nữa là Tết năm Ất Dậu, tôi chính thức được trả tự do. Sáng hôm ấy Ông phó Giám thị kiêm Trưởng phân trại K3, Nguyễn Quang Huy là một tên có tiếng gian hùng, ác độc và thâm hiểm đã gọi Giáo Sư Nguyễn Đình Huy và tôi làm việc để công bố lệnh Đặc Xá của Chủ Tịch Nước trả tự do trước thời hạn. Giáo sư Nguyễn Đình Huy làm việc trước khoảng hơn ½ giờ, đến lượt tôi. Khi bước vào phòng tôi thấy trên bàn có đặt sẵn 1 máy ghi âm loại nhỏ, tôi có trình bày cảm tưởng của mình và đề xuất 4 tăng, 4 giảm, nội dung cũng gần giống như nguyện vọng chung mà tôi đã trình bày trên như:
4 TĂNG là:
1.     TĂNG mở thư viện có đủ sách báo.
2.     TĂNG chế độ tiêu chuẩn.
3.     TĂNG thêm nước dùng sinh hoạt.
4.     TĂNG đặc xá, thả tù.
4 GIẢM là:
1.     GIẢM bớt kỷ luật.
2.     GIẢM bớt người ở các phòng thường phạm, vì quá chật chội.
3.     GIẢM giờ lao động,và tù nhân phải được nghỉ ngày Chủ Nhật.
4.     GIẢM giá Căng Tin bóc lột tù nhân.
Sau khi phỏng vấn xong, Trung Tá Hồng và một ông phó giám thị khác mời tôi sang phòng bên, viết lại cảm tưởng trước khi về buồng giam lấy đồ đạc cá nhân ra xe. Tôi chỉ được nói những lời chia tay một cách vội vã với những anh em đồng tù và đón nhận nhiều ý kiến, nếu có dịp nên nói lên tiếng nói về quyền con người cho các anh em đang còn ở lại, nhất là cảnh người tù ngày đêm đang bị đoạ đày khốn khổ. Khi ra cổng tôi gặp Cán bộ Giáo dục tên Hòa cấp bậc trung tá, trình những giấy lưu ký để nhận lại quần áo, sách báo tôi gởi từ lâu. Tên trung tá Hòa chỉ đưa quần áo, còn sách báo thì anh ta nói rằng,“ Cán bộ phụ trách kho đã đi vắng, và hứa sẽ gửi đến tận nhà qua đường dây bưu điện,” nhưng từ khi được trả tự do đến nay gần 9 tháng rồi mà tôi chẳng thấy quyển sách nào? Cũng như tôi muốn nhắc lại sau khi ra cổng họ đưa tôi đến cơ quan trung tâm Ban giám thị để nhận Giấy Ra Trại, đưa xe chở tôi về thành phố Sài Gòn, tôi nhờ họ đưa tới nhà người chị thứ hai tại số 181 đường Đồng Đen, phường 11 quận Tân Bình. Anh rể tôi tên Trần Trung Hiếu ra nhận, Công an chụp hình, bắt tay từ giã. Đêm đó tôi tạm ở nhà người chị, 8 giờ sáng hôm sau tôi đến thăm Hòa Thượng Thích Huệ Đăng tại đường Bùi Viện Quận 1, cảm động nhất là Hòa Thượng đã may sẵn, Y, Hậu, áo tràng nâu, chuỗi, mũ len, quần áo, thuốc uống .v.v… cho tôi trong ngày đầu tiên mới được ra tù vì Hòa Thượng kinh nghiệm rằng giai đoạn đầu là khó khăn nhất “Vạn sự khởi đầu nan”
Sau đó tôi tỏ lời đa tạ từ giã Hòa Thượng và đến chùa Liên Trì để thăm, đồng thời cảm ơn Thượng Tọa Thích Không Tánh. Nơi đây tôi có cuộc tiếp xúc ngắn hạn với Bác Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng thông tin Phật Giáo Quốc Tế, Cô Đoan Trang Giám Đốc đài Quê Hương. Tôi cảm ân hai vị đã lên tiếng ủng hộ tôi trong nhiều năm qua. Đặc biệt là có cuộc phỏng vấn đầu tiên với Cô Ỷ Lan Đặc Phái Viên đài Á Châu Tự Do. Khoảng 5 giờ chiều tôi đến Thanh Minh Thiền Viện viếng thăm đảnh lễ Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, rồi ra bến xe về Bạc Liêu trong chuyến xe đêm.
Mọi cảnh vật chung quanh đối với tôi hoàn toàn xa lạ, tôi thoát khỏi cảnh tù hãm nhiều năm, nhưng trong lòng vẫn tự biết hoàn toàn chưa được hưởng trọn vẹn cảnh “Tháo cũi sổ lồng”. Nhà tù lớn đang chờ đợi tôi, cũng như đang kềm kẹp 80 triệu đồng bào Việt Nam, là 80 triệu tù nhân trong nhà tù lớn đang rên siết dưới ách cai trị tàn bạo của tập đoàn CS độc tài toàn trị. Tuy nhiên đây cũng là ngày tôi được trở về quê cũ sau 26 năm bị lưu đày biệt xứ để bước vào một cuộc đấu tranh mới nhằm giải thể chế độ Cộng Sản, mang laị tự do dân chủ thực sự, hạnh phúc thực sự cho đồng bào tôi.
3. DANH SÁCH TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO CÒN Ở TRẠI XUÂN LỘC (Phân trại 3)
Trước lúc tôi về, hiện còn khoảng 60 tù nhân chính trị và tôn giáo gồm 2 đội, đội 17 và 18 tại K3, một vài tháng sau khi tôi được trả tự do, thì số người có thể thay đổi. Tôi còn nhớ tên 61 anh em sau đây:
1.     Phạm Minh Trí 66 tuổi, Linh mục dòng Đồng Công
2.     Nguyễn Viết Huân 56 tuổi, Thầy dòng thuộc dòng Đồng Công
3.     Ngô Văn Ninh 87 tuổi, Hội trưởng GHPG Bửu Sơn Kỳ Hương.
4.     Lê Văn Chương 42 tuổi Tu sĩ GHPG Bửu Sơn Kỳ Hương.
5.     Nguyễn Văn Sĩ 42 tuổi, Pháp danh Thích Thiện Tâm, phái Nam Tông ở Campuchia, thuộc Đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình
6.     Lê Văn Tính 66 tuổi, cựu cán bộ ban giảng huấn GHPG Hòa Hảo thuần túy, tham gia Đảng Nhân Dân Hành Động. (*)
7.     Nguyễn Tuấn Nam, tự Bảo Giang 68 tuổi, đang bị liệt và ho ra máu, 68 tuổi, Đảng NDHĐ
8.     Nguyễn Văn Trại 70 tuổi, Đảng NDHĐ
9.     Lâm Kiên 70 tuổi, Đảng NDHĐ
10.                        Bùi Đăng Thuỷ 61 tuổi, Đảng NDHĐ
11.                        Nguyễn Anh Hảo 61 tuổi, Đảng NDHĐ
12.                        Trần Công Minh 59 tuổi. Đảng NDHĐ
13.                        Nguyễn Hữu Phu 51 tuổi, Đảng NDHĐ
14.                        Đổ Hữu Nam 47 tuổi, Đảng NDHĐ
15.                        Nguyễn Văn Hậu 47 tuổi, Đảng NDHĐ
16.                        Lê Đông Phương 46 tuổi, Đảng NDHĐ
17.                        Võ Văn Ngọc 46 tuổi
18.                        Nguyễn Sĩ Bằng 44 tuổi, Chiến Dịch Hoa Phượng Đỏ của Hoàng Việt Cương
19.                        Phạm Xuân Thân 51 tuổi
20.                        Trương Văn Duy 37 tuổi
21.                        Lê Kim Hùng, Tổ chức VN Tự Do
22.                        Hồ Long Đức
23.                        Nguyễn Thanh Vân
24.                        Nguyễn Văn Phương
25.                        Nguyễn Ngọc Phương
26.                        Nguyễn Hoàng Giang
27.                        Nguyễn Văn Hưỡng
28.                        Nguyễn Văn Nhựt
29.                        Phạm Văn Mười
30.                        Sơn Nguyễn Thanh Điền
31.                        Nguyễn Minh Mẫn
32.                        Nguyễn Văn Minh
33.                        Huỳnh Bữu Châu
34.                        Huỳnh Anh Tú
35.                        Huỳnh Anh Trí
36.                        Nguyễn Văn Thân
37.                        Trần Văn Đức
38.                        Võ Sĩ Cường
39.                        Phạm Minh Tuấn
40.                        Ngô Thanh Sơn
41.                        Trần Văn Thái
42.                        Đổ Thanh Vân (tự Nhàn)
43.                        Đinh Quang Hải
44.                        Lâm Quang Hải
45.                        Nguyễn Anh Hào
46.                        Tô Thanh Hồng
47.                        Mai Xuân Khánh, Tổ chức trong nước
48.                        Phương Văn Kiếm
49.                        Trần Văn Thiêng
50.                        Trần Văn Mát
51.                        Võ Văn Xúc
52.                        Nguyễn Văn Xuân
53.                        Phan Quốc Dũng
54.                        Phan Văn Trước
55.                        Lại Phú Thuận
56.                        Vòong Sĩ Hồng
57.                        Nguyễn Văn Hoa
58.                        Nguyễn Văn Chung
59.                        Nguyễn Sinh Nhặt
60.                        Bùi Rê
61.                        Nguyễn Hữu Cầu (*), Đại úy Quân lực VNCH
(*) Trong số 60 người thì Ông Lê Văn Tính và Nguyễn Hữu Cầu đang bị giam riêng tại K2 trên 10 năm.
Danh sách 9 tù nhân chính trị mới chết trong vòng 2 năm vì đau ốm, đói khát và đánh đập gồm:
A- Đảng Nhân Dân Hành Động
1. Lý Nhựt Thanh
3. Hồ Quốc Dũng
4. Hoa Văn Xuân
B-Tổ chức Việt Nam Tự Do:
1. Nguyễn văn Bình
2. Sơn Tâm
3. Nguyễn Văn Hà
C- Các Tổ chức khác 2 người chết :
1. Nguyễn Văn Chiến
2. Nguyễn Minh Tân
4. TÂM TÌNH CỦA MỘT VÀI THƯỜNG PHẠM GẶP NHAU TRONG XÀ LIM KỶ LUẬT
Tôi nhiều lần ở chung trong phòng kỷ luật hoặc cùm chân chung trong một cây sắt quyện với các anh em thường phạm, quân phạm … Trong tận cùng thống khổ các anh em thố lộ tâm tình với tôi như một ăn năn hối hận vì thiếu chu toàn bổn phận của một người con, một người chồng và một người cha … Khi còn bên ngoài xã hội họ thường hay biếng nhác, trốn tránh việc gia đình, lại lêu lổng bê tha, tụ tập cùng chúng bạn. Nhiều khi có nhưng người đã lập gia đình nhưng thường phó mặc tất cả cho vợ con. Mỗi khi cha mẹ quở mắng hay vợ con phiền trách thì đôi co hỗn láo với cha mẹ, bức hiếp đánh đập vợ con, ỷ mình là chồng, là cha.v.v…đến khi vào tù thì phải tuân thủ không dám trái lời, vì phản kháng là bị cùm, quyện, gậy gộc, gối chỏ, là biệt giam và cho ăn uống đói khát, lúc đó mới thấm thía cái không khí đầm ấm của gia đình ! Hồi còn ở ngoài đời, mỗi lần về nhà hễ trông thấy mâm cơm thức ăn không ngon là lên tiếng than phiền, trách cứ, rồi ra quán kêu bia, kêu phở .v.v…Khi bị bắt vào tù, bị kỷ luật ngồi trong cùm quyện, lúc ấy, trong cô đơn đói khổ thống thiết mới biết nghĩ mà thương cha, nhớ mẹ, thương tưởng đến vợ con, thì mọi việc đã muộn màng rồi !
Có người vừa tâm sự với tôi xong, chỉ mấy hôm sau bị bạo bệnh chết trong phòng kỷ luật, không những thế mà thân xác còn bị Pháp y mổ xẻ cắt từ miếng thịt hay não để giám định y khoa. Lúc ấy tôi chỉ biết thầm cầu nguyện cho người vừa yên nghỉ mà thôi! Phần đông các anh em thường hay viện lý do và đổ thừa cho hoàn cảnh nên sa vào chốn hư hỏng … nào là do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh cuộc sống, hoàn cảnh mồ côi, hoàn cảnh khổ nghèo . v.v…Thỉnh thoảng có người mạnh dạn tự nhận trách nhiệm về mình nhưng vẫn chưa cải ác hoàn lương, chưa có hướng đi vững chắc nên dễ quay lại con đường mòn cũ…Nhiều anh em tỏ ra có tinh thần chống cái sai, chống bất công của xã hội nhưng chưa có người lèo lái dẫn đường. Nói tóm lại đa phần những thường phạm trong tù họ có sự gan dạ, dũng cảm, táo bạo, họ vẫn có nghĩa và trung thành trong giới giang hồ của họ, họ có sự hy sinh quên mình vì kẻ khác…nếu biết phát huy đúng mức, còn mỗi khi sa vào tội lỗi thì cũng khó mà lường được ..!
Ở Việt Nam hậu quả của hòan cảnh rất nhiều, nên biết bao thanh thiếu niên bị hư hỏng, đây cũng là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện tại và cả tương lai mà những nhà đạo đức, tôn giáo, giáo dục, tâm lý, xã hội và bất cứ chính quyền nào cũng cần phải đáng lưu tâm.
Chú thích:
(1) Tài liệu này được lưu trữ tại văn phòng II Viện Hóa Đạo và phòng Thông Tin Phật giáo Quốc Tế.

CHƯƠNG 12

KẾT LUẬN
Nhà cầm quyền CSVN đã và đang xây dựng hàng loạt khám đường trong toàn quốc, họ bắt bớ giam cầm, nâng quan điểm, chụp mũ làm oan ức cho nhiều người vô tội. Chính họ cũng thừa nhận đã truy tố xét xử nhiều vụ án oan sai, khép với nhiều tội danh khác nhau, với khẩu hiệu “thà bắt lầm hơn bỏ sót”. Họ xây dựng nhà tù càng ngày càng nhiều thêm,“xây dựng nhà tù dễ và nhanh hơn xây trường học” bởi “ nước sông công tù” nên người tù bị cưỡng bức lao động khổ sai. Nếu thống kê nhà tù trong toàn quốc VN, chắc chắn đa phần bị bắt vào tù là tuổi thanh thiếu niên, nhất là thời điểm nhà cầm quyền CSVN đang phát động chiến dịch hạn chế nạn sinh đẻ. Dân gian thường truyền miệng, đồn đại rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam bắt nhiều thanh thiếu niên vào tù vừa để thực hiện Kế hoạch hóa gia đình vừa lao động sản xuất không lương”. Ngoài ra “Đa kim ngân phá luật lệ” đã trở thành lề lối công khai được áp dụng một cách triệt để trong tù.
Bản thân tôi thời gian bị cầm tù, có nhiều người đến mớm ý, khuyên tôi nên tìm cách hạ mình lo lót để được an thân, để sớm rút ngắn thời gian cải tạo. Tôi đáp lời rằng:
“Tôi tội gì mà cải tạo. Tôi thà trả giá rất đắt cho sự tự do bằng máu trong vinh dự, chứ không thể làm người được ban ân sự tự do trong khuôn khổ và phải đi bằng hai đầu gối của mình”.
Cho nên ngày cuối trước khi ra về, tôi không hổ thẹn khi thẳng thắn trả lời cuộc phỏng vấn trực tiếp có ghi âm của Ông Phó giám thị trại giam Xuân Lộc Nguyễn Quang Huy và ngày hôm sau 03.02.2005 qua đường dây viễn liên, các cuộc phỏng vấn của Cô Ỹ Lan phóng viên đài Á Châu Tự Do, Cô Đoan Trang đài Quê Hương .v.v…tôi đều trình bày rõ về quan điểm và cảm tưởng của mình như sau:
“Tôi là tu sĩ thuộc GHPGVNTN, đã bị cầm tù liên tục suốt 26 năm trong nhà tù của chế độ CS, hơn một phần tư thế kỷ, nếu so sánh với chiều dài lịch sử của cả DânTộc thì không đáng là bao, nhưng 26 năm tù so sánh với một đời người thì thật quá ư là khủng khiếp! Tôi nghĩ rằng nhà nước CSVN cũng tán đồng với tôi như thế! Chưa nói nếu so sánh với câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” mà Ông Hồ Chí Minh chỉ ở dăm ba tháng tù thôi, ông ta cũng đã than thở và thốt lên câu nói của người xưa. Như vậy 26 năm tù của tôi thì không biết bao nhiêu mùa thu mà kể. Đặc biệt, là trong thời điểm hiện nay giữa Quốc gia và Quốc tế có nhiều vấn đề rất nhạy cảm, thì việc thả tù nhân Chính Trị, tù nhân Lương Tâm, tù Tôn Giáo là điều hợp lý. Cho nên theo tôi nghĩ, việc trả tự do lần nầy không phải là do chính sách nhân đạo của nhà nước CS, mà là do áp lực Quốc Tế. Nói một cách khác, tôi khẳng định rằng nhà nước CHXHCNVN bị bắt buộc thả, chứ không phải là họ quyết định thả. Nếu nhà nước CHXHCNVN cho rằng do Chính sách nhân đạo thả tù, nhất là đối với một nhà tu đã bị giam cầm xuyên suốt 26 năm thì sự nhân đạo rất muộn màng, nếu tôi không muốn nói là quá khắt khe và tàn nhẫn ..!
Chính vì thế nên trên danh nghĩa, nói một cách hoa mỹ là “được trả tự do” mà khi về địa phương, tôi vẫn bị quản chế một cách gắt gao, còn bị phân biệt đối xử … thì chẳng khác gì tôi bị thuyên chuyển từ một nhà tù nhỏ sang một nhà tù lớn với hình thái giam giữ khác hơn mà thôi! Khi nào VN chưa có tự do, dân chủ, nhân quyền và tự do Tôn Giáo thật sự thì bản thân tôi cũng như 80 triệu đồng bào VN vẫn còn âm thầm sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, hoài nghi, thiếu niềm tin và muôn vàn khó khăn trăn trở”.
Là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi không mong cầu, cũng như không dám đón nhận bất cứ chức phẩm nào cao của Giáo Hội tấn phong, mặc dầu có nhiều vị tôn túc đề bạt tiến cử, tôi chỉ muốn lúc nào mình cũng chỉ là một thành viên bình thường. Tôi thiết nghĩ “Bất khả tắc chỉ”, phải biết lượng sức mình và “Tri bỉ tri kỷ” biết mình biết người, tự biết bản thân tài hèn, đức bạc, trí hiểu biết nông cạn, trình độ sơ học và căn cơ còn kém thấp, thiếu phước ít tu, chướng sâu huệ cạn, nên khó mà đảm đương công việc vượt quá khả năng mình. Tôi chỉ có một tấm lòng, nhưng tấm lòng không chưa đủ…..vì Giáo Hội cần phải có những cộng sự lịch lãm, các bậc thạc đức tài năng, các tôn đức có trí tuệ tuyệt vời, các vị tăng tài thông kim bác cổ, những nhà Phật học am tường kinh điển uyên thâm, các học giả đa văn quảng kiến. Riêng tôi, tôi chỉ mạnh dạn ngẩng cao đầu về sự trung dũng và lập trường kiên định của mình tự nguyện dấn thân vì GPPGVNTN đang trong trạng huống nguy vong. Đặc biệt trong thời “ Ma vương quỉ dữ”, thời Pháp Nạn này, tôi lấy làm hãnh diện và vinh dự khi GHPGVNTN có quý Ôn Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, là những trụ cột vững chắc, là bậc trí nhân kim cương ra tay lèo lái con thuyền Giáo Hội chống đỡ ngôi nhà Chính Pháp trước cơn phong ba bão táp và cảnh nội suy ngoại chướng đang lâm le rình rập làm phá sản sự nghiệp của tiền nhân. Quý Ôn là những người công bằng, đức đô, không mang màu sắc cục bộ hay tư tưởng địa phương thấp hèn trong một góc xó xỉnh chật hẹp, không làm mất giá trị của “Thế Giới Đại Đạo” để “Phát Vô Thượng Tâm”… để cứu đời cứu đạo.
Kể từ năm 1975 đến nay đã hơn 30 năm, GHPGVNTN đã hoạt động trong chông gai, trong sự đàn áp khủng bố, sách nhiễu và bị chèn ép nặng nề, trải qua muôn vàn khó khăn thử thách. Quốc gia gặp Quốc Nạn, Đạo pháp gặp Pháp Nạn, số phận các thành viên trong giáo hội từ Trung ương xuống địa phương đều có thể bị bức hại bất cứ lúc nào. GHPGVNTN luôn đặt trong tình thế đối phó đương đầu với những hiểm trạng bởi các thế lực cuồng vọng vô minh, của những kẻ bạo quyền sẵn sàng đàn áp, chụp mũ, bách hại, bôi nhọ, phân tán, mua chuộc, xé lẻ và muốn tiêu diệt không chút nương tay. Dưới chế độ Cộng Sản, các tôn giáo khác gần như cùng chung số phận, phải đương đầu biết bao nghịch cảnh và gặp nhiều chướng ngại nghịch duyên trong mục vụ và hoằng truyền tôn giáo của mình. Hầu hết những thành viên trung thành với GHPGVNTN đều giữ vững lập trường và nằm lòng lời giáo huấn của nguyên Đệ Nhị Đức Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, nhân đại lễ Phật Đản lần thứ 2520 cách đây 25 năm. Trong Giáo Điệp Đức Tăng Thống đã khẳng định rõ lập trường của GHPGVNTN như sau:
“Đối với GHPGVNTN, Giáo Hội chúng ta là hậu thân thừa kế của các tổ chức GH tiền nhiệm đã có từ ngàn xưa. Pháp lý của Giáo Hội là lịch sử, địa vị của Giáo Hội là ở trong lòng người, đường lối của Giáo Hội là phục vụ Dân Tộc và Chúng Sanh. Do đó, dù ở đâu hay hoàn cảnh nào, Phật Giáo Việt Nam muôn đời vẫn là Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam muôn đời vẫn là của Dân Tộc VN”.
Thực ra GHPGVNTN từ trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều luôn ở trong lòng mọi người, đã ở trong lòng mọi người thì không bao giờ mờ phai, không bao giờ mất, không bao giờ và không thế lực nào, không cá nhân nào có thể tiêu diệt được. Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có ý đồ xóa bỏ GHPGVNTN thì hãy bình tâm suy nghĩ lại và nên dẹp hẳn ý đồ đen tối xấu xa ấy đi. Hãy nhớ lại lịch sử, bài học thảm thương của quá khứ, tên hôn quân vô đạo Lê Ngọa Triều tức Lê Long Đỉnh, bạo ác, bạo tàn, kỳ thị Đạo Phật cho nên lịch sử và ngàn năm bia miệng vẫn còn phẫm bình là tên bạo chúa.
Đối với GHPGVNTN, từ trước tới nay không bao giờ tranh giành quyền bính của thế gian, Giáo Hội chỉ thừa kế sự nghiệp giác ngộ giải thoát của chư Phật và chư lịch Đại Tổ Sư. Trải qua bao thời Pháp Nạn, biết bao sự hy sinh to lớn của chư Thánh Tăng ni tử đạo, chư vị lãnh đạo tiền bối và các hàng cư sĩ Phật tử quá cố hữu công với Đạo Pháp. Đức Phật đã dạy “lấy từ bi làm căn bản, hỷ xả làm tôn chỉ, dũng khí làm phương châm”. Phật giáo luôn trung thành với Quốc gia Dân Tộc và đồng an, đồng nguy với đất nước. Bản thân tôi trong nhiều năm qua vừa đấu tranh cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền vừa Tự do Tôn giáo. Đặc biệt, đòi phục hoạt GHPGVNTN cho nên tôi vừa là tù nhân Chính Trị vừa là tù nhân Tôn Giáo. Tôi thiết nghĩ lòng yêu nước bất cứ người dân Việt nào cũng có và là bổn phận, là nghĩa vụ của toàn dân. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ Quốc, cho nên mọi người dân đều có quyền suy nghĩ Chính Trị, nói Chính Trị và hành động Chính Trị tức tham gia vào đời sống Chính Trị của đất nước. Thật vậy,mỗi khi người dân biết sử dụng quyền công dân và cân nhắc lá phiếu của mình, để chọn người xứng đáng đại diện cho mình hay bầu người cầm vận mệnh Quốc gia thì dù muốn dù không cũng đã tham dự vào đời sống Chính Trị rồi! Cho dù là các nhà Tôn giáo, các bậc tu hành cũng là những công dân, cũng có lá phiếu cử tri, cũng cân nhắc lá phiếu, chọn người tài đức ra giúp dân giúp nước, và chịu trách nhiệm về vịêc chọn lựa của mình. Đặc biệt trên lĩnh vực tu hành, sự tham dự vào đời sống Chính Trị không có nghĩa là ra tranh chức tranh quyền, ứng cử dân biểu, hoặc lập đảng nầy, đảng nọ….
Nếu nói như Hoà thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất “Thái Độ Chính Trị” là thuần lý nhất, tôi hoàn toàn tán thành ý kiến nói trên và xem như là một huấn thị của cấp lãnh đạo Giáo Hội TW cho các cấp trực thuộc tuân theo. Theo tôi thái độ Chính Trị có nghĩa là phải tìm hiểu đường lối, chủ trương, chính sách và hành động của những nhà Chính Trị để ủng hộ, hoặc để phê phán, để kiểm soát việc họ làm có như vậy mới xây dựng được một xã hội dân chủ, nếu không thì ta mãi mãi nuôi dưỡng một chế độ độc tài mà thôi! Điều mà tôi muốn nhấn mạnh thêm, là chống giặc ngoại xâm, hay đuổi sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi, đất nước chưa hẳn hoàn toàn có độc lập, nhân dân chưa hẳn có tự do, nhà nhà chưa hẳn có hạnh phúc.Độc lập gì mà còn lệ thuộc chủ nghĩa ngoại lai, đuổi giặc nầy đi lại rước giặc khác vào còn ghê gớm hơn, theo kiểu “Đuổi hùm cửa trước, rước voi cửa sau” hệ thống tư tưởng còn độc ác hơn. Việt Nam hiện nay không ai áp đặt học thuyết ngoại lai nữa, mà do Bộ Chính Trị tự nguyện duy trì, tức là tự mang dây thòng lọng tròng vào cổ nhân dân VN thông qua điều 4 trong Hiến Pháp. Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản trung thành tuyệt đối với học thuyết ngoại lai, một học thuyết lỗi thời không phù hợp với truyền thống Dân Tộc Việt Nam, đã xúc phạm đến lòng tự tôn của Dân Tộc.
Nhân đoạn kết của trang hồi ký nầy tôi muốn nói lên vài lời để cảm ơn cô Quảng Bình phóng viên của chương trình “tiếng nói lương tâm Công Giáo”. Cô có dành cho tôi một cuộc phỏng vấn ngắn mang ý nghĩa đoàn kết, hài hòa, thân thiện. Chính tôi cũng không biết phải dùng từ ngữ gì đây cho chính xác để nói lời phụ nầy nếu nói phụ lục, phụ bản, hay phụ trương thì cũng không đúng, vì tôi không phải là nhà cầm bút chuyên nghiệp. Tôi chỉ muốn nói lên nhưng điều mắt thấy tai nghe như một chứng nhân của lịch sử nên còn nhiều kém khuyết, khi biểu tỏ ý tưởng của mình qua những trang hồi ký còn vụng về văn tự, nhiều chi tiết rườm rà, luộm thuộm, cách trình bày thiếu mạch lạc, văn viết còn nhiều chỗ khúc mắc, dài dòng, không gọn gàng, rành mạch, không gẫy gọn những câu cú .v.v…cũng như có một vài người thắc mắc tại sao tôi lại thường xuyên tiếp xúc với đài Quê Hương họ cho rằng đây là đài “Công Giáo” do cô Đoan Trang phụ trách qua những dòng hồi ký nầy tôi xin trình bày 3 điểm sau đây:
1. Có những nỗi kinh hoàng, khốc liệt mà con người phải cùng gánh chịu, lúc ấy không phân biệt riêng ai trong đó có cả con Chiên của Chúa, có cả người Chăn Chiên, hay con Phật,“Đức Thích Ca Mâu Ni”, có cả Sứ Giả Như Lai, bậc Tăng sĩ xuất gia trong sự nghiệp hoằng hoá độ sinh, và có cả tín đồ của các Tôn giáo khác phải cùng chung số phận nghiệt ngã. Chúng tôi có những nỗi đau chung, mà nơi ấy không còn chỗ đứng cho sự xung đột ý thức hệ, lòng hận thù Dân Tộc hay chia rẽ, mâu thuẫn sắc tộc, hoặc phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, tiếng nói, đảng phái ..v.v.. Nơi ấy có lẽ là nơi biệt giam lâu dài, hay cảnh lưu đày biệt xứ khổ sai trong nhà tù CS. Từ chỗ cùng chung cảnh ngộ bi đát nhất, mà con người cảm thông nhau, “Thân như thủ túc” thương yêu nhau hơn tình cốt nhục, bằng chứng qua nhiều năm dài tôi đã cùng ở chung với quý chức sắc các Tôn giáo trong chốn lao tù, chúng tôi thiết thân và san sẻ cho nhau từng bát cơm, manh áo, từng nỗi vui buồn, từ tinh thần đến vật chất trong những ngày bị xiềng xích gông cùm, cận kề cái chết. Thực tế cao đẹp này chắc hẳn bên ngoài xã hội rộng lớn chưa hề có được và cũng không có bút mực nào diễn tả hết những tình cảm thân thương quý trọng vượt hẳn câu “Đạo bảo đạo tự trọng”. Tôi ước gì ngoài xã hội rộng lớn các tôn giáo thiết thân, yêu thương nhau, đoàn kết nhau như một, giống như lời trăn trối sau cùng của Linh mục Nguyễn Luân tỉnh Phan Rang trước khi qua đời Linh Mục Luân bày tỏ với tôi khát vọng ấp ủ bấy lâu:
“Nếu được ra tù hai anh em mình cải cách mối quan hệ tôn giáo theo hướng mới chăng hạn như: trước nhà thờ, hay bên cạnh Thánh đường thờ Chúa, có ngôi Chùa thờ Phật, Tín Đồ Phật tử đi lễ nhà thờ cầu nguyện Chúa và ngược lại Con chiên của Chúa đến chùa lạy Phật ngày Rằm, bởi các đấng xuất thế luôn chủ trương yêu thương mà người đời thường hay cố chấp. Một khi tinh thần hòa hợp chung thì thể chất mới kết hợp được cho nên nếu các Tôn giáo Đại đoàn kết tạo thành một khối vững chắc đi đầu, thì các tổ chức xã hội sẽ noi gương … Tôn giáo và nhân quyền sẽ là sức mạnh chính làm chuyển hóa chế độ bạo quyền nầy”
2. Sự trốn chạy của hàng triệu người VN ra đi tìm tự do, tìm sự sống bất kể sinh mạng, phó thác số mệnh cho sóng to gió lớn của đại dương. Trên chiếc thuyền ấy có đủ màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc khác nhau .v.v…Nếu may mắn gặp cảnh sóng lặng gió êm, không gặp cướp biển, tàu máy không gặp sự cố, được bình an qua đến bến bờ kia đó là điều đại phúc, còn ngược lại tất cả mọi xác thân đều bình đẳng vùi chôn dưới sóng cả đại dương, hoặc rệu rã thây thi làm mồi cho cá biển, hay thân tứ đại trả về cho cát bụi, làm phân bón cho cây cỏ xinh tươi……
3. Thảm họa nạn sóng thần “Tsunami” vào ngày 26 tháng 12 năm 2004, các nước như Tích Lan, Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan và Châu Phi phải gánh chịu những đau thương tang tóc, thảm hoạ nầy đã làm chấn động cả thế giới. Trong thảm họa kinh hoàng đó có đủ màu sắc tôn giáo như: Hồi Giáo, Phật Giáo, Bà La Môn Giáo,Thiên Chúa Giáo v.v Tất cả đều bình đẳng chịu chung cộng nghiệp, biết rằng con của Chúa, con của Phật hay Thánh A La nếu đủ phúc lành sẽ trở về cảnh giới an lạc, tận hưởng sự an vui ở thế giới khác, sau khi đã thoát khỏi kiếp người. Nhưng trong hiện hữu những nắm xương tàn cùng nằm chung trong lòng đất hay trong lòng của biển cả đại dương và gần đây cơn bão Catrina vừa qua bất thình lình đổ ập xuống nước Mỹ làm thiệt hại về người và của, một tổn phí khỗng lồ, một sức tàn phá khủng khiếp do tai trời ách nước gây nên, nhiều nơi trên thế giới xảy ra chiến tranh, thiên tai, Dịch họa, động đất, hạn hán, bão lụt v.v… lúc ấy mọi người có đủ màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau …đều chịu chung thảm họa. Thời kỳ phân chia ý hệ cũng đã gieo cho nhân loại những nỗi thảm sầu, đau thương, tang tóc mà Dân Tộc Việt là nạn nhân khốn khó thương đau nhất với bao sinh linh vô tội. Chính trong những thương đau khốn khó đó, Dân Tộc Việt phải nhận chân được vấn đề, siêu vượt lên trên mọi ý hệ ngoại lai, đặt quyền lợi Dân Tộc là tối thượng, tất cả cho tương lai của đất nước. Tôi mượn mấy câu thơ để nói lên những thao thức trăn trở của mình:
Qua một phút kinh hoàng khốc liệt
Thì con người mới biết thương nhau …
Tự Do Cộng Sản là đâu ?
Quay về Dân Tộc đứng đầu là hơn !
Tôi cũng muốn gửi gấm những tâm tư hoài bão của tôi đối với các tôn giáo trong và ngoài nước “Dầu các tôn giáo không thể trở thành keo sơn gắn bó đi nữa thì chúng ta nhất quyết đừng bao giờ bị sa vào âm mưu cạm bẫy chia rẽ của loài quỷ dữ ma vương”. Đó là điều tôi trăn trở nhất hiện nay, bởi vì “Ngao cò tranh nhau ngư ông đắc lợi”. Các đoàn thể, tôn giáo nếu không biết đoàn kết thì khó tránh khỏi cảnh “Lưỡng bại câu thương”, tất cả sẽ bị Cộng Sản bách hại không còn cơ hôị nào để giải thể chế độ Cộng Sản mang lại tự do dân chủ thực sự, ấm no hạnh phúc thực sự cho hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam chúng ta. Cuối cùng tôi xin đề cập trong 26 năm tù, tôi có nhận xét điều sai lầm nhất của CS khi quơ đũa cả nắm để đánh giá đối với tất cả các tổ chức Chính Trị đã bị bắt vào tù trong nhiều năm qua là “Theo Mỹ”. Chính vì đó mà nhiều bản án tử và lưu đày đã làm cho biết bao tù nhân Chính Trị phải bỏ mình nơi núi thẳm rừng sâu. Còn hiện tại các tôn giáo thuần túy không theo nhà nước CSVN, thì họ cũng quy kết rằng “Làm Chính Trị và theo Mỹ”. Mặc dù họ thừa biết rằng các tôn giáo ấy chỉ muốn phát triển mạnh để hoằng dương đạo pháp,“để tu hành chứ không làm Chính Trị”. Nhưng nhà cầm quyền CSVN lo sợ con đường cũ của họ sẽ được ai đó vận dụng tái lập như chính một thời họ đã từng đội lốt tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo cho mưu đồ bất chính của mình. Chính vì thế, điều mà họ quan ngại nhất hiện nay là nếu để các tôn giáo tự do hoạt động được phục hồi lớn mạnh ngoài vòng kiểm soát của Đảng, nhất là trong thời điểm các phong trào đối lập đang ồ ạt gia tăng…và nếu một khi tôn giáo ủng hộ cho các đảng phái Chính Trị, thì đó sẽ là nguy cơ cho chế độ cầm quyền của họ. Tôi chỉ muốn nhận định sơ giản để kết thúc tập hồi ký nhỏ bé nầy, trang kết luận cũng là mở đầu cho một trang mới của cuộc hành trình mới. Tôi không muốn nhắc lại nhiều về cảnh lao tù của những đoạn kết, vì cần phải hướng đến tương lai sẽ hay hơn, tốt đẹp hơn so với những gì chỉ ôn lại cảnh đau buồn ám ảnh của thời quá khứ đã đi qua. Cuối cùng tôi nguyện cầu mười phương chư Phật khai thị Phật tính cố hữu của những tư tưởng bảo thủ trong Đảng CSVN sớm giải thoát khỏi phiền trược, dứt bỏ ác nghiệp cơ cầu, hồi tâm chuyển ý, quay về nẻo thiện để đưa Dân Tộc, Tổ Quốc VN ngày càng thăng hoa phát triển.
Tôi viết tập Hồi ký này chỉ nhằm để kỷ niệm cuộc đời mình, cho nên không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, ngưỡng mong các bậc cao minh chỉ giáo cho những điều sơ lậu.
Cẩn bút
THÍCH THIỆN MINH
CHƯƠNG 13: PHỤ LỤC


 

 

 

TỰ DO

Lá Tự do nuôi một trời hy vọng,
Cây Tự Do nuôi Dân tộc hưng tồn ..
Người Việt Tự do muôn thuở thơm danh ..
Danh thơm ấy bởi bao nguồn máu đổ ..!
Máu đã đổ trên khắp miền đất nước ..
Triệu bàn tay chung dựng mặt trời lên
Triệu hờn căm gom lại một căm hờn ..
Xô lệch núi xoay nghiêng trời đất lại ..!
TRẦN THÚC VŨ

Trong cái tận cùng của cõi sống, ta mới thực sự chứng nghiệm được ý nghĩa và gíá trị của tự do và cũng trong tận cùng của khổ đau, đói no, chết chóc… người ta mới thấy được chân gíá trị của cuộc đời, nhân cách của một con người. Tôi phải nóí tận đáy lòng mình rằng trong khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết … tôi đã gặp được những chiến sĩ kiên cường bất khuất, những anh hùng thực sự như một LM NGUYỄN LUÂN, một Nhân sĩ Cao Đài PHAN ĐỨCTRỌNG, một TT THÍCH THIỆN MINH và nhiều nhiều nữa những anh hùng đã và đang mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt.


PHẠM TRẦN ANH

“ TẬN CÙNG…. CUỘC SỐNG ..!”

Kính tặng Thầy Thích Thiện Minh !

Hơn một phần tư thế kỷ tù đầy !
Hoa vẫn nở trong lòng người tu sĩ
Không oán hận, không một chút căm hờn
Chỉ đau xót trước vận đời trôi nổi
Của dân tộc, của hồn thiêng sông núi !
Hơn một phần tư thế kỷ tù đầy !
Cùng đất nước lội qua dòng lịch sử
Trái tim thầy vẫn luôn cất tiếng ca
Quyết tranh đấu cho người dân vô tội
Tự do ? Dân chủ ? Ðâu thể làm ngơ !

Hơn một phần tư thế kỷ tù đầy !
Phút giây này ai trả thầy tự do ?
Lòng tu sĩ chưa một lần nao núng
Tâm giải thoát đã bao giờ bị buộc,
Trước lợi danh, thời thế, cường quyền ?

Hơn một phần tư thế kỷ tù đầy !
Hồn đất nước đã biến thành hơi thở
Tiếp sức thầy qua những bước gian nan,
Ðã quyết chí, dành tâm lực vẹn toàn
Cho Ðạo sống và tự do dân tộc !

TUỆ NGUYÊN

NGÀY QUỐC NẠN Ngày 30 tháng 4 năm 75: Quốc nạn
Ngày kinh hoàng, thế giới chẳng quan tâm
Ngày quân Cộng chiếm miền Nam
Ngày dân sống cảnh tối tăm đọa đày
Ngày Cộng Sản độc tài thống trị
Ngày dân lành phiền lụy âu lo
Ngày không hạnh phúc ấm no
Ngày không Ðộc lập, Tự do, Nhân quyền
Ngày dân chúng vượt biên nước khác
Ngày thi hành luật pháp bất minh
Ngày làm vỡ mộng dân tình
Ngày dân mất hẳn niềm tin Cụ Hồ
Ngày xây dựng đắp tô thù hận
Ngày bao người lỡ vận quyền cao
Ngày đời lắm cảnh gian lao
Ngày bao tầng lớp đi vào nhà giam
Ngày Cộng Sản ác tâm khủng bố
Ngày trả thù máu đổ phơi thây
Ngày nầy máu nhuộm đó đây
Ngày gieo tang tóc đắng cay hận sầu
Ngày hạnh phúc vì đâu tan vỡ
Ngày trẻ thơ bỏ lỡ học hành
Ngày em xa chị xa anh
Ngày chồng xa vợ, con đành xa cha
Ngày bỏ cả cửa nhà tráng lệ
Ngày vào vùng kinh tế khai hoang
Ngày thương bao kẻ thác oan
Ngày căm bao kẻ ác gian lộng hành
Ngày bao kẻ cam đành hưu nghỉ
Ngày lắm tên cố vị tham quyền
Ngày người về chốn điền viên
Ngày tên bảo thủ trung kiên độc tài
Ngày ít kẻ hòa hài tôn giáo
Ngày nhiều tên khát máu hung tàn
Ngày người thì muốn cầu an
Ngày tên lại muốn bạc vàng đô la
Ngày bao kẻ tiêu pha phung phí
Ngày tiêu xài công quỹ lu bù
Ngày tên tham nhũng ít tù
Ngày tên hối lộ có dù bao che
Ngày đảng phái có phe có cánh
Ngày tị hiềm so sánh hơn thua
Ngày rao bằng cấp bán mua
Ngày trung phản động, a dua anh hùng
Ngày tham nhũng ung dung thụ hưởng
Ngày vào tù còn sướng hơn quan
Ngày tù xe cộ dọc ngang
Ngày tù ăn uống nhà hàng rượu tây
Ngày thực tế phơi bày công chúng
Ngày chánh tà sai đúng phân minh
Ngày ai vì nước quên mình
Ngày ai vì Mác Lê-nin vong nguồn
Ngày ghi chép càng buồn trang sử
Ngày tang sầu chứng cứ còn đây
Ngày nầy sử khó mờ phai
Ngày vừa quốc nạn, vừa ngày quốc tang
Ngày tù tội lên đàng diệu vợi
Ngày người thân chờ đợi nhớ nhung
Ngày gieo giông tố bão bùng
Ngày trời nhỏ lệ khóc chung da vàng
Ngày bè lũ tập đoàn thống trị
Ngày hiện hình ác quỷ ma vương
Ngày xây hàng loạt khám đường
Ngày tù toàn quốc bốn phương tử hình
Ngày hàng vạn chiến binh cải tạo
Ngày vô thần vô đạo cuồng ngông
Ngày gây tội lỗi chất chồng
Ngày thâu tài sản sung công bạc tiền
Ngày Cộng Sản tuyên truyền duy vật
Ngày viếng chùa, thánh thất, nhà thờ
Ngày này tôn giáo nguy cơ
Ngày cha, sư sãi, ma sơ tù đày
Ngày khẩu hiệu chiêu bài yêu nước
Ngày đưa ra sách lược tình quê
Ngày dần dân chúng chán chê
Ngày dần bạo ác hơn Lê Ngọa triều
Ngày xây dựng lưỡi lê đầu súng
Ngày mị dân lợi dụng phỉnh lừa
Ngày nầy quyền lực hơn vua
Ngày nầy dân thiếu quan thừa của riêng
Ngày phục vụ lợi quyền của Ðảng
Ngày dối rằng Cách mạng vì dân
Ngày toàn một lũ vô nhân
Ngày gieo đất nước muôn phần họa tai
Ngày dân muốn đóng ngay đôi mắt
Ngày sợ nhìn sự thật phũ phàng
Ngày dân rên siết than van
Ngày tên lạc nẻo thời gian trả lời
Ngày đi ngược lòng người khát vọng
Ngày bại vong trầm trọng nặng nề
Ngày nguy khủng hoảng mọi bề
Ngày nầy các bộ ủ ê tơ vò
Ngày trả giá tự do bằng máu
Ngày vi phạm thô bạo nhân quyền
Ngày tham tước đoạt của tiền
Ngày sung tư hữu tài quyền còn chi
Ngày Hiệp định Paris giẫm đạp
Ngày Quốc tế công pháp xem thường
Ngày gây bất ổn Ðông Dương
Ngày tên đồ tể ngoan cường phản dân
Ngày xiềng xích cùm gông nô lệ
Ngày độc quyền thể chế thông tin
Ngày phi dân chủ, dân sinh
Ngày vô nhân đạo nảy sinh bạo tàn
Ngày kinh tởm da vàng Cộng Sản
Ngày ngoại lai vong bản tam vô
Ngày theo dấu ấn Liên Sô
Ngày dùng tư tưởng Cụ Hồ mị dân
Ngày áp đặt tinh thần, vật chất
Ngày tôn thờ Các Mác, Lê Nin
Ngày thần thánh hóa Chí Minh
Ngày dân làm vật tế linh tập đoàn
Ngày học thuyết bần hàn không tưởng
Ngày kéo dài xu hướng lỗi thời
Ngày từ hoa mỹ đầu môi
Ngày dùng ngụy thuyết biện lời nhiều phương
Ngày giáo dục chủ trương nhồi sọ
Ngày giáo điều cái rọ Vô Thần
Ngày càng thủ sách bịp dân
Ngày càng cho thấy mất nhân tính người
Ngày Nhà nước khắp nơi mật vụ
Ngày bắt oan cột đủ tội danh
Ngày càng khủng bố dân lành
Ngày càng chống đối tăng nhanh lắm lần
Ngày hình phạt tù nhân kinh khiếp
Ngày quyện còng xiềng xích ngày đêm
Ngày tù khám tối xà lim
Ngày tù thả ít bắt thêm chật phòng
Ngày cai ngục say mòng mùi máu
Ngày đánh tù thô bạo dã man
Ngày tù thiếu áo, thiếu ăn
Ngày tù bệnh hoạn chết dần nhà giam
Ngày chủ nhật thường làm lao động
Ngày khổ sai không chóng nghỉ ngơi
Ngày tù vắt cạn mồ hôi
Ngày tù bóc lột thấu thời tận xương
Ngày bắt lính lên đường nghĩa vụ
Ngày tuyên truyền quyến rũ thiết tha
Ngày đi biên giới phương xa
Ngày nầy cho thấy tre già khóc măng
Ngày quân đội chiếm sang Miên quốc
Ngày thây phơi bỏ xác xứ người
Ngày bình máu chảy lệ rơi
Ngày nầy vật giá gấp mười gia tăng
Ngày ăn độn củ lang, củ chuối
Ngày bao người chết đói thảm thương
Ngày ăn xin khắp nẻo đường
Ngày cô nhi viện đoạn trường bỏ rơi
Ngày dưỡng lão không người nuôi nấng
Ngày thương binh cam phận tật nguyền
Ngày nầy bao kẻ bị điên
Ngày nầy bao kẻ vượt biên chết chìm
Ngày công lý phải im phải lặng
Ngày luật rừng Cộng Sản gia tăng
Ngày nầy duyên nợ bẽ bàng
Ngày bao góa phụ khăn tang khóc chồng
Ngày kêu gọi núi sông tổ quốc
Ngày đáp lời sâu sắc thiêng liêng
Ngày bao tôn giáo lên yên
Ngày sư tạm bế cửa thiền từ đây
Ngày nội bộ công khai chống đảng
Ngày toàn dân mạnh dạn đấu tranh
Ngày đòi cải tổ thật nhanh
Ngày đòi trả hết quyền hành toàn dân
Ngày đòi thả tù nhân chính trị
Ngày đòi tha tu sĩ lương tâm
Ngày nầy quốc tế quan tâm
Ngày nầy Cộng Sản sai lầm lún sâu
Ngày hải ngoại kiều bào lên tiếng
Ngày toàn dân quyết chiến ba miền
Ngày đòi đa đảng đa nguyên
Ngày đòi dân chủ, nhân quyền, tự do
Ngày Cộng Sản bày trò đoàn kết
Ngày Cộng tiêu xóa hết hận thù
Ngày nầy dân chẳng mắc mưu
Ngày nầy Cộng tốn công phu bất thành
Ngày ma túy tăng nhanh trong nước
Ngày xì ke, trộm cướp, mại dâm
Ngày cờ, bài bạc quanh năm
Ngày nầy báo động nổ ầm Si đa
Ngày xã hội theo đà băng hoại
Ngày an ninh tác hại sinh sôi
Ngày nầy đạo đức suy đồi
Ngày nầy kinh tế thả trôi không chừng
Ngày cho thấy cùng đường bất lực
Ngày vào Nam chụp giựt tóm thâu
Ngày nầy có sẵn xe, lầu
Ngày nầy từ bỏ dép râu mang giày
Ngày bảng đỏ đổi thay bỏ đảng
Ngày Sao Vàng ngược phản sang giàu
Ngày nầy Cộng Sản đổi màu
Ngày nầy cho thấy trời cao báo điềm
Ngày cây búa, lưỡi liềm sắp phế
Ngày vô thần quốc tế suy vi
Ngày nầy Cộng mất danh uy
Ngày nầy Cộng Sản sa nguy cuối cùng
Ngày Nam Bắc lẫn Trung chống Cộng
Ngày toàn dân phát động cao trào
Ngày đi cứu lấy đồng bào
Ngày tiêu chủ nghĩa nhuộm màu Mác Lê
Ngày dân chúng đồng thề Quốc kháng
Ngày vùng lên làng nước muôn dân
Ngày lo hưng quốc cách tân
Ngày đền đáp trả quốc ân vẹn toàn
Ngày sắp sửa lật trang sử mới
Ngày đón chờ thắng lợi nước ta
Ngày vui trải rộng nhà nhà
Ngày này chuẩn bị khúc ca khải hoàn.

 

THÍCH THIỆN MINH


1      2      3      4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét