Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ CUỐI

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG SÁU MƯƠI SÁU

Có lẽ chỉ Vĩnh và một vài người khác có đủ dữ kiện đoán biết rằng, lần vượt ngục hồi tháng Nam của Tân Dân và Dũng có hẹn hò trước với nhau. Cuộc vượt ngục ấy đã thất bại thê thảm bằng kết quả Tân Dân bị bắn chết. Dân đã làm đúng như lời anh từng nói với Vĩnh: Sẽ có lần tôi chạy thử xem tôi và đạn AK cái nào nhanh hơn cái nào! Riêng Dũng của đội 17 bị bắt ngay chiều hôm ấy, bắt tại dòng suối! Khi đội trưởng Lễ phát hiện ra Dũng vắng mặt, Dũng đang còn ngậm một cái ống tre và lẩn trốn dưới đáy một vực nước sâu. Việc ngậm ống sậy hay ống tre để nằm trốn dưới nước chỉ xảy ra một cách an toàn và dễ dàng trên phim ảnh, còn thực tế khác hẳn! Chỉ ít phút sau khi đội 17 rời địa điểm trở về trại, bọn an ninh hiện trường đã lùng kiếm và bắt gặp Dũng trồi đầu lên thở...
Dũng bị đánh đập thê thảm và bị nhốt cachot tính đến nay đã non hai tháng trời. Trong non hai tháng vừa qua, trừ những người đang nằm cachot là không có gì thay đổi, còn bên ngoài thì khác; thêm hai cuộc trốn trại khác đã xảy ra, trốn ngay từ trong trại trốn ra vào những giờ khắc tinh sương, khi các cửa phòng vừa được mở cho tù ra ngoài đánh răng xúc miệng. Hai cuộc trốn trại này đều thoát cả, và đó là lý do ban chỉ huy trại mở một chiến dịch lớn nhằm dựng lại tất cả hệ thống hàng rào trong trại, đồng thời hạn chế tối đa việc được thong thả đi lại của bọn tù.

Từ trước, cứ mỗi hai dãy nhà lại được vây quanh bằng những cọc tre khô trồng đan mắt cáo vào nhau. Hiện nay, tất cả những cọc tre khô ấy đều đã được thay thế bằng hàng rào thép gai đan thật dày trên những cọc sắt vững chắc. Việc đi lại ngoài sân trại sau những giờ lao động về đã bị cấm hoàn toàn. Mọi sinh hoạt đi lại chỉ có thể xảy ra trong phạm vi hàng rào nhỏ của mỗi khu. Đặc biệt hơn, riêng khu 1 và khu 2, hàng rào thép gai còn được đan dày hơn và việc di chuyển còn ngặt nghèo hơn. Đối với tất cả các khu khác, dù không còn được đi lại ngoài sân chính của trại, nhưng trước giờ tập họp đi lao động, họ được phép đi xuống bệnh xá khai bệnh tỉ như có bệnh. Còn khu 1 và 2 tuyệt đối không được cái ân huệ đó. Trước khi tập họp đi lao động, buổi sáng và buổi trưa, ban y tế (cũng là tù với nhau và được cầm đầu bởi một anh y tá gốc hồi chánh) sẽ xuống tận từng khu khám bệnh cho người khai bệnh. Thường thì chúng khám lấy lệ và bắt đi lao động hết theo lệnh ngầm của Ban Giám Thị, trừ những trường hợp đau liệt hai năm rõ mười.

Vì đâu có sự gắt gao đặc biệt này? Thật giản dị! Chính khu 1 và khu 2 là những nơi xuất phát ra mọi cuộc trốn trại. Những đội nổi tiếng nhất đương thời là đội 17, 45, 13, 25... Đây là những đội mà Ban Giám Thị thường tuyên bố thẳng thừng chỉ gồm những kẻ phản động nhất... Vì những lý do trên, cho dù trong non hai tháng qua đã có một cuộc chuyển đổi nhân sự giữa các đội với nhau, các đội nói bên trên nhân sự vẫn hầu như không có gì thay đổi; nếu có thay đổi chăng là đổi đội 17 từ nhà 5 sang nhà 4, đội 45 từ nhà 2 sang nhà 3 hoặc đội 25 từ nhà 3 sang nhà 5... Sự thay đổi này dù chẳng có gì lớn lao hay mới lạ, nhưng ít nhất cũng giúp Vĩnh biết được một vài người mà ở ngoài đời chưa chắc gì Vĩnh đã có dịp làm quen.

Chẳng hạn làm sao trước kia Vĩnh biết được ông cụ Hoàng Kim Quy là tay nghiện thuốc phiện nặng? Và mỗi lần hút thuốc lào, ông ấy đã phải sửa soạn đến mười phút đồng hồ? Nhất là, sau một lần được thăm, trong cái tình lối xóm nằm gần nhau, Vĩnh biếu ông cụ một khúc cơm nắm với mấy miếng giò kho; con người từng là một tỉ phú tăm tiếng đã thốt lên một câu nói mà có lẽ suốt đời Vĩnh khó quên.

- Cám ơn ông. Bây giờ tôi mới thấy Vũ Trọng Phụng nói đúng, đúng lắm: Sống trên đời không còn gì sướng hơn là được ăn cơm!

Hoặc giả làm gì Vĩnh có dịp tìm ra được cái định đề cho riêng mình: Sướng và khổ cho một con người hoàn toàn tùy thuộc vào lề lối sống của con người đó! Định đề ấy nẩy sinh khi Vĩnh đã nhìn thấy tận mắt ông dân biểu triệu phú Trần Quý Phong trúng đòn "Thiên Địa Đồng Thọ" của một thằng du đãng, chỉ vì ông không chịu hòa mình với đám đông, nhất là không hiểu ra cái ý nghĩa tuyệt vời của sự chia xẻ. Ông Phong đã từ chối vài thìa muối hay đường gì đó với thằng tù hình sự nằm bên cạnh khi nó xin ông. Thế là, cứ mỗi khi nằm nhìn lên đầu chỗ nằm, thấy những bao quà đồ sộ của ông Phong, thằng du đãng đâm ức và đâm thù ông. Và mối thù của một thằng có máu giang hồ một khi lên tới cao điểm, thì nhất định nó sẽ "chén sành đổi chén kiểu xem thằng nào thiệt cho biết!". Thằng du đãng đã dàn cảnh một cuộc trốn trại và cố tình để cho giám thị bắt lại. Khi cung khai, nó đã nói rằng nó được ông cựu dân biểu "ngụy" cung cấp phương tiện đồ ăn thức uống và thuốc men tiền bạc để... trốn trại! Số ông Phong đâm ra vất vả và sau đó ông bị đưa đi mất!

Hoặc giả đặc biệt hơn, Vĩnh còn được nằm gần cả một nhân vật mà chỉ ít tháng trước đó hắn ngồi ở một vị trí cao của giai cấp mới, một giai cấp mà cả nước đang thù hận nhưng chưa có cách nào lật đổ xuống được, giai cấp lãnh đạo và cán bộ cộng sản! Vâng, nhờ chuyển đổi qua lại, Vĩnh được nằm gần một người tên Lân. Vài tháng về trước, Lân đã ngồi ghế tương đương với ghế giám đốc thương cảng Đà Nẵng trước kia, một chức vụ tiền không là tiền! Thề rối, không hiểu ăn không đồng chia không đủ ra sao đó, Lân bị gài và bị bắt tại chỗ tội tham ô cửa quyền. Bao nhiêu năm theo đảng, những bằng cấp tốt nghiệp ở Nga, ở Ba Lan, ở Tiệp Khắc về bỗng chốc biến thành mây khói. Lân vô tù và theo hắn nói, vốn liếng duy nhất còn lại là bộ quần áo trên người với cặp kính cận trên mắt. Cả phòng không ai chơi với "thằng chó đẻ" cả. Không đóng đinh vào tai nó thì thôi chứ lại chơi bời với nó à!? Vĩnh đâu phải mình đồng da sắt gì mà dám đi ngược lại cuộc tẩy chay tập thể của cả phòng. Nhưng nhiều lúc anh thấy Lân ngồi một mình trong bóng tối nhai mấy hạt ngô, lòng Vĩnh lại dấy lên mối thương cảm. Hắn cũng là con người thôi. Và hiện nay rõ ràng hắn đang là một con người khổ hơn bọn Vĩnh. Khổ từ tinh thần đến vất chất. Tinh thần thì cô đơn, sợ hãi. Vật chất thì thiếu thốn như một kẻ thiếu thốn nhất trong tù, vì hắn không có vợ con cha mẹ nào thăm nuôi cả. Nỗi thăng trầm của bọn Vĩnh dù sao cũng lâu rồi, vết thương tương đối đóng vẩy rồi; nỗi thăng trầm của tay này còn mới quá, vết thương lòng của hắn còn tung tóe máu... Nghĩ thế, có đôi lần Vĩnh bắt chuyện với ý nghĩ vui vui trong đầu: Ít nhất mình cũng giúp cho hắn một dịp để khỏi quên đi tiếng nói êm ái của loài người! Nhờ vậy, Vĩnh được nghe, tận tai nghe lời tâm sự chân thành nhất của một cán bộ trung kiên cộng sản từ ngày miền Nam rơi vào tay chúng đến nay.

- Anh Vĩnh à! Nói thật với anh, đến nay cá nhân tôi có thể khẳng định rằng từ ngày tiến chiếm miền Nam, điều tôi sợ nhất không còn là đảng, là kỷ luật đảng; mà, điều tôi sợ nhất là Nhân Dân Miền Nam!

Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của Vĩnh trong tháng Bảy, tháng sinh nhật của anh, là, một lần nữa tái ngộ người bạn thật tốt của anh từ thời Suối Máu là Mai Mạnh Liêu. Cùng một vài người khác, Liêu được lôi khỏi đội 48 và được sáp nhập vào đội 13 ở cùng nhà 4 với Vĩnh. Nơi đây và ở thời điểm này, Liêu đã kể cho Vĩnh nghe một câu chuyện quan trọng xảy ra ở Suối Máu vào dịp lễ Giáng Sinh cuối năm 1978, nghĩa là chỉ sau khi Vĩnh rời Suối Máu lên Hàm Tân được ba tháng.
°
Vụ nổi loạn tại trại tù Suối Máu đã được nhiều anh em tù cải tạo của cả năm K nhen nhúm phối hợp tổ chức từ tháng Mười năm 1978. Vì những điều kiện sinh hoạt khác nhau tại mỗi K, cuộc nổi loạn đã không thể thống nhất hoàn toàn về mặt tổ chức, tuy nhiên về nhiều điểm khác như nguyên nhân, lề lối làm việc... để tiến tới cuộc nổi loạn mà cao điểm của nó là vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1978, thì giống nhau.

1. Nguyên nhân:
a. Tháng Mười biến động:

Tháng Mười năm 78 là tháng khởi sự của nhiều biến động về các mặt chính trị, quân sự và xã hội bên ngoài - có thể những biến động này đã có từ nhiều tháng trước, như các vụ lộn xộn vùng biên giới Việt Miên và Hoa-Việt; hoặc những tin đồn có nhiều tác động trực tiếp đến thân phận những tù nhân, chẳng hạn tin đồn quốc tế đang đánh những đòn rất nặng nề về mặt nhân quyền ở Việt Nam đến độ nhiều nước Tây phương đã cúp hoàn toàn viện trợ nhân đạo cho Hà Nội; hoặc vụ đánh tư sản mại bản và Hoa Kiều - nhưng cho dù những biến động ấy đã hay mới xảy ra, điểm nóng của chúng vẫn khởi sự vào tháng Mười năm 78 đối với tù cải tạo Suối Máu. Điểm nóng ấy khiến nhiều anh em tù không còn muốn ngồi yên bó tay...

b. Năm 78 được coi như chấm dứt một hạn kỳ ba năm cải tạo:

Phải nói thực rằng, trong tất cả các thành phần sỹ quan quân đội và viên chức chính quyền ra trình diện các trung tâm tập trung cải tạo của cộng sản vào năm 75, có những người đã biết đặt một dấu hỏi thật lớn về cái chính sách gọi là "khoan hồng tập trung cải tạo mười ngày cho cấp úy và ba mươi ngày cho cấp tá tướng". Nhưng vì cái thế cá nằm trốc thớt, họ đành "cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu". Nhưng ở mặt khác, cũng phải thú nhận rằng một số đông, đông lắm, đã bị lừa hoàn toàn. Và sau khi vào rọ rồi, người biết đặt dấu hỏi hay người bị lừa đều có cùng một thân phận như nhau và nẩy sinh ra một ý nghĩ như nhau: Thôi lỡ rồi! Giờ ráng nín thở qua sông. Chấp nhận một thời gian lao tù rồi khi về tính sau. Và thời gian ấy, dựa trên những lời nói úp mở của bọn quản giáo, trên những tin đồn triền miên quấy nhiễu, đã tự động biến thành một bản án dài tối đa là ba năm! Hầu như ai cũng nghĩ như thế, đặc biệt ở thành phần sỹ quan trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm lắm về thủ đoạn của cộng sản. Rồi thì ba năm đã qua, ba năm "nín thở qua sông" vẫn chưa thấy bờ bến đâu, tù cải tạo bắt đầu ngộp và ngộp thật. Họ muốn ngóc đầu lên thở một hơi dài cho dù hậu quả muốn đến đâu thì đến.

c. Thay đổi chế độ cai tù:

Nhờ lươn lẹo (và lươn lẹo một cách khá thành công!) chế độ quân nhân đã khiến tù cải tạo lúc nào cũng có ảo tưởng mình chưa hẳn là tù. Chuyện một sớm mai thức dậy bỗng dưng được gọi thả không phải là chuyện không thể xảy ra. Đùng một cái, vào tháng Mười chế độ quân quản chấm dứt. Các "cải tạo viên" được bàn giao cho công an - những cai tù chuyên nghiệp của chế độ - quản lý. Sau khi bàn giao, công an thẳng thừng tuyên bố "từ đây các anh là can phạm, là tù nhân của chế độ. Dưới chế độ quản lý của công an nhân dân, các anh sẽ khởi sự một mốc mới trong phấn đấu học tập lao động. Và mỗi mốc có một lượng thời gian là ba năm!".

Ba nguyên nhân trên có thể là ba nguyên nhân chính dẫn tới biến cố Suối Máu.

2. Thành phần lãnh đạo và tham dự tích cực trong biến cố Suối Máu:

Hầu hết đều thuộc thành phần sỹ quan trẻ có cấp bậc từ chuẩn úy lên tới trung úy. Đại úy và cấp tá cũng có nhưng rất ít.
°
Câu chuyện xảy ra khởi từ một người tên Ngô Phước Việt, một sỹ quan trẻ tuổi, mập mạp, vốn được biệt phái làm nghề sửa quân xa cho ban chỉ huy K.5; Việt bị một ăng ten báo cáo về tội ăn cắp dầu xăng cho anh em dùng bật lửa và bị bắt nhốt connex. Sau khi quân quản bàn giao trại Suối Máu lại cho công an, Việt được thả ra khỏi connex. Về tới K.5, việc đầu tiên Việt cho một số anh em bạn trẻ tuổi biết ai là kẻ đã đi báo cáo anh.

Sự kiện này lại trùng hợp với việc một số anh em lên làm tạp dịch trên ban chỉ huy, đã nhặt được nhiều bản báo cáo của bọn ăng ten nằm trong những đống rác do bọn quân quản xé bỏ lại. Sở dĩ có việc này cũng vì bọn quân quản không ưa gì bọn công an; khi ra đi, chúng đã không bàn giao lại hệ thống ăng ten mà chúng đã thiết lập được từ trước trong các K. Giấy trắng mực đen được đưa về K. Những kẻ phản bội vô phương chối cãi. Tên ăng ten đầu tiên bị hỏi tội là tên đã báo cáo Việt. Rồi như vết dầu loang, anh em K.5 mở luôn chiến dịch đánh ăng ten. Chỉ nội một tuần lễ vào cuối tháng Mười năm 78 đã có đến trên hai mươi ăng ten ở K.5 bị ăn đòn tập thể. Cũng nên biết rằng, hành động đánh ăng ten lúc này chỉ mới là hành động đột phá và chưa hề được chỉ đạo bởi một tổ chức rõ rệt.

Tuy nhiên, việc muốn dọn dẹp sạch đống rác ăng ten đã đòi hỏi nhiều điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là phải đoàn kết và có tổ chức. Đoàn kết để thống nhất lề lối làm việc và có tổ chức để hữu hiệu hóa công tác diệt trừ ăng ten cũng như tự kiểm soát hàng ngũ của chính mình. Do động lực này, những nhóm gọi là Nhóm Dù, Nhóm TQLC, nhóm Không Quân, Nhóm Hải Quân... khởi sự ra đời. Tình trạng này kéo dài đến đầu tháng Mười Hai thì những nhân vật vận động sự kết hợp giữa năm K tương đối đi đến thành công. Các hàng rào ngăn cách giữa các K được tù tự động tháo gỡ để các K có thể thông thương qua lại khi cần thiết. Đầu tiên K.5 mở rào qua lại với K.1. Tiếp đó K.4 mở rào liên lạc với K.5. Riêng K.2 và K.3 anh em đa số lớn tuổi và cấp bậc thường từ đại úy trở lên, do đó họ có nhiều trì lực và việc khai mở hàng rào có vẻ tiến rất chậm. Vào trung tuần tháng Mười Hai, K.1, K.3, K.4 và K.5 coi như đã hoàn toàn thông thương với nhau. Riêng K.2 thì chưa, chỉ mới có những lỗ nhỏ đủ cho một số anh em chui qua đi họp hoặc có việc cần gặp những anh em bên các K bạn.

Nhưng dù điều kiện có khác nhau tí chút, một số anh em trẻ vẫn đứng ra nhận sứ mệnh bắt liên lạc và tổ chức một cơ cấu lãnh đạo chung cho cả năm K. Sau nhiều lần gặp gỡ và bàn thảo, những nhân vật hoạt động ấy đồng ý thành lập ở mỗi K một Ban Đại Diện K với cơ cấu tổ chức như sau:

- Trưởng Đại Diện K.
- Phó Đại Diện K.
- Ban An Ninh Trật Tự: Có nhiệm vụ theo dõi tình hình trong ngày, báo động kịp thời đến các nhà, các đội sự xuất hiện đáng nghi ngờ của bọn Bò Vàng ( công an giám thị).

- Ban An Ninh Hành Động: Gồm những người có võ nghệ khá. Ban này hoạt động bí mật, có nhiệm vụ theo dõi, phá vỡ tổ chức và trừng trị kịp thời bọn ăng ten lúc chúng tìm cách báo cáo những tin tức trong trại ra ngoài cho bọn cai tù.

- Ban Tuyên Huấn: Thực hiện những buổi "Văn Nghệ Vàng" cho cả trại thưởng thức. Thông tin và truyền đạt những bản tin sinh hoạt hoặc những huấn thị của ban đại diện K đến tận các phòng các đội.

- Ban Y Tế: Phụ trách việc băng bó, an ủi và kêu gọi sự hồi tâm của những ăng ten bị anh em khám phá và trừng trị.

Rồi cũng qua nhiều lần gặp gỡ và hội thảo, đại diện các K đưa ra một quyết định khởi sự "kiếm chuyện" với cai tù. Và việc đầu tiên là các K sẽ đồng loạt công khai tổ chức mừng lễ Giáng Sinh năm 1978.

Các hang đá được thực hiện. Anh em công giáo ở các K đều đổ sang K.3 để được cha Thông và cha Thiên giải tội tập thể.

Vào nửa đêm Giáng Sinh, K.1 khởi sự hành lễ ngay khu lò bánh mì. Đang trong lúc hành lễ thì tên Lưu, giám thị trưởng K.1 chạy vào cùng với một tiểu đội công an trang bị đầy đủ súng ống. Chúng nổ súng vây bắt nhưng chỉ bắt được ba người gồm đại úy Hoàng (KQ), thiếu úy Bé (ANQ Đ) và một trung úy có hỗn danh Luca (TK/BH).

Bắt được ba người chúng giải ngay lên khung, sau đó đem nhốt connex. Vì biến cố này, tất cả các K đồng loạt báo động và người nổi tiếng kẻng báo động đầu tiên là trung úy Phạm Ngọc Đông (HQ) của K.5. Đại diện các K lập tức gặp nhau để tìm biện pháp đối phó với tình hình. Trong giai đoạn này, mặc dù các K đều đã có ban đại diện, nhưng hoạt động mạnh nhất và có tổ chức rõ ràng nhất vẫn chỉ là K.4 và K.5.

Những nhân vật hoạt động tích cực nhất của K.4 gồm: Thiếu úy Lê Hùng (PB), thiếu úy Nguyễn Sỹ Chí (TĐ/ĐPQ/QĐ3), thiếu úy Nguyễn Ngọc Khang (TG), thiếu úy Phạm Văn Thế (TG), thiếu úy Nguyễn Văn Hóa (TK/ ĐT), thiếu úy Đặng Thế Tiến (BLHQS/VL).

Và của K.5 gồm: Trung úy Phạm Ngọc Đông (HQ), thiếu tá Hứa Trịnh Tùng (BK), thiếu úy Lê Hoàng Ân ( Phủ TT), thiếu úy Đỗ Văn Trình (SĐ5), thiếu úy Lê Văn Minh (ĐPQ), đại úy Lê Ngọc Dung (KQ).

Hai K trên với từng đó nhân vật tích cực hoạt động, đã khéo léo lôi được hầu hết mọi người trong K lên hội trường biểu tình ngồi, và đưa ra yêu sách đòi thả những anh em vừa bị bắt giữ. Họ đã lên trước anh em trình bày vấn đề, đại ý.

- Ban chỉ huy trại đã vi hiến khi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng đã được quy định rõ ràng trong hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Để tỏ thái độ, yêu cầu tất cả các anh em đoàn kết lại, biểu tình ngồi, chấp nhận tuyệt thực cho đến khi nào khung thả hết các bạn của chúng ta ra khỏi connex.

Hào khí lan nhanh như ánh bình minh. Để đáp ứng lời kêu gọi đưa ra từ các ban đại diện K.4 và K.5, tất cả các K còn lại cũng lần lượt đi vào hàng ngũ và tham dự cuộc biểu tình ngồi. Những tiếng vỗ tay liên tiếp vang dội cả một vùng. Rồi thì tiếp theo đó, hơn 4.000 tù của trại Suối Máu đồng loạt cất tiếng hát theo K.4, khi thiếu úy Nguyễn Văn Hóa bắt nhịp cho anh em hát bài Đêm Đông.

Trong khi ấy, ban đại diện K.1 bắc loa yêu cầu khung phải thả ngay các "cải tạo viên" ra khỏi connex và trả họ về trại trong tình trạng lành lặn an toàn.

Bọn giám thị các K, đặc biệt K.4, có vẻ kinh ngạc trước hiện tượng xảy ra. Chúng phản ứng rất chậm dù có điều động đến sáu chiến xa đến án ngữ tại các vị trí quan trọng của trại. Ba chiếc nằm trước K.4 và ba chiếc nằm ngay góc K.3 chỗ đi thẳng xuống bệnh xá. Ngoài ra, chúng còn điều động thêm ba đại đội công an từ Biên Hòa xuống. Công an cơ hữu dàn đội hình phía ngoài hàng rào các K. Chúng còn bố trí một thượng liên nhắm vào khu hàng rào ngăn giữa K.4 và K.5, đồng thời ở các K khác đều có đại liên từ ngoài chỉa vào. Để cầm chân những anh già luôn luôn muốn đào ngũ khỏi hội trường, và cũng để anh em lên tinh thần, các Ban Tuyên Huấn liên tục bắt nhịp các bài hùng ca do anh em tù từng soạn ra và những bài ca Giáng Sinh để mọi người cùng hát. Họ đang phát huy tối đa câu châm ngôn của chính "cách mạng" đã "giáo dục" họ: Tiếng hát át tiếng... bom!

Rồi thì giờ phản công của bọn cai tù Suối Máu cũng phải đến. Với sáu công an hộ tống, tên giám thị trưởng K.4 Trần Hằng tiến đến sát hàng rào và yêu cầu tù bên trong giải tán, bằng không, hắn sẽ cho lệnh nổ súng. Bên trong tù không đáp ứng lời kêu gọi. Họ vẫn tiếp tục hát. Sau ba lần yêu cầu, Trần Hằng cho lệnh nổ súng thẳng vào hội trường K.4. Ngay loạt đạn đầu đã làm bị thương bốn người, một người được nhận diện là thiếu úy Nguyễn Ngọc Hải (TG).

Dược sỹ Bằng, trưởng ban y tế và Nguyễn Sỹ Chí (có nghề châm cứu) phụ trách băng bó cho các nạn nhân.

Sau những loạt súng đầu K.4 vẫn tiếp tục ngồi hát. Bọn giám thị bên ngoài quay lưng bỏ đi. Đại diện các K tức khắc liên lạc và gặp nhau thảo luận. Có hai trường hợp được đặt ra. Một là, nếu chúng không tiếp tục nổ súng thì tương đối dễ giải quyết. Hai là, nếu chúng tiếp tục nhả đạn vào hội trường thì phải làm sao?

Các ban đại diện đồng ý bằng một giải pháp chung: Vậy thì cùng vượt rào ra ngoài và nếu có chết trên hàng rào sẽ có nghĩa lý hơn.

Quyết định được đưa ra và các nhân vật hoạt động tích cực của các K, đặc biệt K.4 và K.5 sửa soạn ngay những thanh gỗ lớn bắc qua hàng rào và đồ nghề phá rào.

Mặc dù đại diện các K.1 và K.3 rất xuất sắc, chẳng hạn đại úy Trần Đình Ngọc (Dù), đại úy Hoàng (KQ), thiếu úy Nguyễn Văn Thịnh (TQLC) của K.1; trung úy Phạm Đắc Hiện của K.3... đều là những người rất hăng hái tích cực, nhưng vị trí các K này nằm vào chính giữa trại Suối Máu, nên họ không thể điều động anh em làm những công tác sửa soạn vượt rào ra ngoài như anh em bên K.4 và K.5.

Dù sao các K đều có một điểm giống nhau, là họ có tổ chức những đội xung phong quyết tử gồm toàn những người trẻ để ăn thua đủ nếu bọn giám thị tràn vào với ý đồ tàn sát tập thể.

Trong khi chưa thể biết bọn chỉ huy các K đang tính toán chuyện gì, anh em vẫn tiếp tục ngồi hát trên hội trường và chờ đợi biến cố xảy ra.

Quãng một giờ sáng một chiếc xe Jeep xuất hiện trước K.1. Tù bên trong nhận diện được người ngồi ghế trưởng xa là thượng tá Đào Lưỡng. Đào Lưỡng sau khi quan sát một vòng quanh các K, hắn bỏ đi và không bao lâu sau đó, ba người của K.1 từng bị bắt giam được trả về trại.

K.1 tức thì gửi liên lạc viên đi cám ơn các K đã tiếp tay trong cuộc đấu tranh này. Anh em được giải tán để về nghỉ ngơi. Tinh thần mọi người đều lên rất cao vì họ biết chắc họ là những người tù đầu tiên ở miền Nam đã bắt bọn cai tù cộng sản nhượng bộ trước sự đoàn kết của họ.

Sáng ngày kế tiếp, 26 tháng 12 năm 1978, đại diện các K sang K.1 để họp và thiết lập một ủy ban điều hành chung cho các K. Ủy ban này lấy tên là Ủy Ban Liên K Bảo Vệ Danh Dự Các Sỹ Quan QLVNCH. Theo quyết định của phiên họp, các K vẫn duy trì Ban Đại Diện riêng; và chỉ phối hợp hoạt động dưới danh nghĩa Ủy Ban Liên K khi cần thiết mà thôi. Đại úy y sỹ Lê Văn Lẫm (Dù) được bầu làm chủ tịch Ủy Ban.

Rút ưu khuyết điểm về biến cố đêm Giáng Sinh, các K thấy rằng điều tiên quyết là phải củng cố nội bộ và cải thiện lề lối làm việc, có thế mới mong đạt được nhiều kết quả hơn đối với những bước sơ khởi mà Ủy Ban đã đưa ra.

- Chứng tỏ cho kẻ thù thấy tù cải tạo là một tập thể có trật tự, có chỉ huy.

- Tù cải tạo sẽ không yên lặng hoàn toàn như trước nữa, mà họ sẽ tích cực lên tiếng đòi hỏi những quyền lợi chính đáng khi cần thiết.

Để đạt được bước đầu, Ban Đại Diện các K đặt ra những chức vụ mới. Những chức vụ này sẽ điều hành các tập thể đội trong bóng tối. Thí dụ bên cạnh chức đội trưởng được bọn giám thị chỉ định, có một đội trưởng hoạt động trong bóng tối do Ban Đại Diện chỉ định. Điển hình K.4 có mười sáu nhà và bốn đội thì Ban Đại Diện K cũng có ngay mười sáu chức vụ đại diện nhà và bốn chức vụ đại diện đội.

Những người từ trước đã ra mặt hành động nay được rút vào bóng tối vì vấn đề an ninh cá nhân. Đợt lãnh đạo mới hoàn toàn bí mật và không ai biết mặt. Những nhân vật trong bóng tối này khởi sự làm những việc đầu tiên như:

- Hủy bỏ tất cả các huy hiệu, quốc hiệu, các khẩu hiệu của cộng sản giăng mắc từ trước bên trong các K. Có những K đã lôi cả thủ cấp Hồ Chí Minh, vốn được đặt thờ trên hội trường, ra để ngoài cầu tiêu công cộng và nơi ấy đã có sẵn một bảng kẻ chữ rất trang trọng: Lăng chủ tịch HCM vĩ đại!

- Tổ chức chiến dịch Bài Trừ Văn Hóa Đỏ. Tất cả các sách báo của cộng sản đều được Ban An Ninh Hành Động thu lại và đem đốt.

- Thực hiện hàng đêm Giờ Phát Thanh tại các nhà. Ban Tuyên Huấn phụ trách công việc này. Để thực hiện nó, hàng đêm, Ban Tuyên Huấn cử một người bịt mặt đến từng nhà để đọc nhật lệnh và các chỉ thị chung cho ngày mai. Họ cũng thông báo những chuyện đã xảy ra trong ngày như đã phát hiện được bao nhiêu ăng ten, trừng trị ai, phạt treo ai... Những người trong nhà còn được nghe tin tức về những biến động bên ngoài xã hội và cả tin tức thế giới, chẳng hạn cô ca sỹ phản chiến Joan Baez đã hồi tâm như thế nào, thực trạng Việt Nam ngày nay, Trung cộng đã dàn bao nhiêu quân dọc theo biên giới Hoa-Việt, nhà nước cộng sản Hà Nội đã túa đi tứ phương tám hướng ăn mày viện trợ của thế giới tự do... (những tin tức này, thực may, đã được một anh thiếu tá không quân tên Nam - một chuyên viên sửa radio cho ban chỉ huy K.4 - thường xuyên bắt được làn sóng BBC và VOA cung cấp).

Ngoài ra Ban Tuyên Huấn còn nhắc nhở anh em phải cư xử với nhau như những sỹ quan cư xử với sỹ quan. Phải giữ tư cách và đừng bao giờ cư xử với nhau như những tù nhân cư xử với tù nhân.

Thường khi nhà trưởng tắt đèn để đón đại diện Ban Tuyên Huấn đến đọc nhật lệnh mỗi tối, người bịt mặt thường trước tiên đọc lớn câu tâm nguyện: Các bạn hãy luôn luôn nhớ các bạn là những sỹ quan, và các bạn hãy đối xử với nhau như các bạn đang đòi hỏi kẻ thù phải đối xử với các bạn...

- Chiêu hồi ăng ten. Mặc dù những ăng ten nổi tiếng của Suối Máu đều bị trừng trị đến trọng thương vào thủa ban đầu như Nguyễn Ngọc Đảnh (K.5), Huỳnh Văn Bé (K.1), Nguyễn Bắc Hải (K.4)... nhưng trong cái sôi nổi lúc ban đầu ấy, cũng có một số người đã ăn đòn oan. Rút kinh nghiệm, các Ban Đại Diện K khởi sự kêu gọi sự tự giác của các ăng ten trở về với anh em, hơn là để anh em thẳng tay trừng trị. Riêng những người bị đánh đập đều được y tế băng bó và cho thuốc men đầy đủ, sau đó Ban Đại Diện cho mời đến nói chuyện phải trái. Đa số những ăng ten đều tỏ ra hối hận, thí dụ Nguyễn Bắc Hải, kẻ sau khi hồi tâm đã phát biểu rằng: Kể từ lần tôi bị anh em trừng trị cái tội phản bội, tôi thấy bỗng dưng yên tâm lạ thường. Tôi biết chắc anh em không nỡ xuống tay giết tôi, chỉ tìm cách cảnh tỉnh tôi mà thôi...

- Thực hiện những đêm văn nghệ liên trại. Từ đêm Giáng Sinh 78 đến Tết ta năm 79, bằng vào một đề nghị được thông qua bởi một phiên họp giữa K.1, K.4 và K.5, các K này đã lần lượt thực hiện những đêm văn nghệ dưới tên Văn Nghệ Cho Quê Hương, công khai hát những bài Chính Huấn cũ cũng như một số bài do anh em sáng tác trong tù.

Đêm văn nghệ đầu tiên tổ chức ở K.1 có anh em từ K.4 và K.5 sang tham dự. Với số khán giả tham dự lên tới quãng sáu trăm người. Không khí K.1 đã nổ tung với những bài hát "tự biên tự diễn" quen thuộc từ mấy năm trước đó, chẳng hạn bài Ta Sẽ Leo Lên Khỏi Vực Sâu, bài Im Lặng Là Đồng Lõa...

Con chim đầu đàn của văn nghệ liên K vẫn là Nguyễn Văn Hóa, anh chàng mập mạp, từng là ca trưởng một ca đoàn công giáo lớn tại Sài Gòn, cựu thiếu úy phân chi khu trưởng, có giọng hát to và khỏe như bò rống, hiên ngang đơn ca bài Ta Sẽ Leo Lên Khỏi Vực Sâu.

... Ta sẽ leo lên dù chết chết một lần
Ta sẽ leo lên để sống sống muôn năm
Ta sẽ leo lên như hoa mọc trên đá
Lúc trái tim chưa ngừng đập giữa ngực ta...

Hoặc giả.

... Khi chúng ta quay lưng im hơi
Khi chúng ta không buông nhiều lời
Bọn cộng nô, bọn gian ác
Khi chúng ta quên thân phận mình
Khi chúng ta không ai thật tình
Là kéo dài cuộc sống trăm ngàn điêu linh
...
Sự yên lặng là đồng lõa...

Hết K.1 đến phiên K.4. Và K.4 đã làm một cách long trọng hơn ngay trên hội trường của K. Có chào quốc kỳ đầu năm, có cờ vàng ba sọc đỏ treo đàng hoàng trên sân khấu, có phút tưởng niệm các chiến hữu đã bỏ mình vì tổ quốc và bỏ mình trong các trại giam cộng sản. Sáu mươi cây đàn guitar tự chế đã hòa tấu bài Quốc Ca và bài Chiêu Hồn Tử Sỹ. Mười sáu ông chức sắc nhà trưởng (của Ban Giám Thị trại cắt cử) được Ủy Ban Tổ Chức mời đứng vào vị trí danh dự. Sau giây phút mặc niệm những người đã khuất hầu như không ai mà không rơi lệ...

Nói tóm, những đêm văn nghệ này rõ ràng là những đêm văn nghệ có nội dung chống cộng công khai.

Cho dù ăng ten đã gần như dẹp sạch, nhưng như thế không có nghĩa là bọn giám thị không hề hay biết gì về nội tình các K. Đã nhiều lần chúng phát hiện và dẹp bỏ những tấm bảng đề hàng chữ Lăng Chủ Tịch HCM Vĩ Đại nơi các cầu tiêu. Nói chung là chúng biết hết những diễn tiến "phản động" trong trại, chưa ra tay chỉ vì chưa nắm được những người chủ chốt mà thôi.

Vào đầu tháng Hai năm 79, giờ hành động của bọn giám thị tại Suối Máu đã đến. Chúng khởi sự bằng một cuộc bắt bớ tập thể bên K.5 trước Tết Nguyên Đán vài ngày. Tai biến này xảy ra vì những bản báo cáo lên khung của Hoàng Mai Dõng, một ăng ten bị bỏ sót của K.5 hiện làm việc tại lò bánh mì của trại. Trong cuộc bắt bớ tập thể này, trọn bộ đầu não của K.5 bị bắt hết. Trịnh Tùng, Phạm Ngọc Đông, Đỗ Văn Trình, Lê Hoàng Ân, Lê Văn Minh và Lưu Văn 1.

Bên K.1 cũng bị bắt một số nhưng không rõ tên tuổi. K.2 và K.3 chưa bị đả động tới. K.4 nhờ diệt sạch ăng ten từ đợt trước Giáng Sinh, do đó bọn giám thị vẫn chưa tìm ra "bọn thủ phạm", chỉ khủng bố tinh thần bằng cách cho công an vào trại, gặp tay nào không chào kính, mặt mũi có vẻ "gân guốc" là tóm nhốt dằn mặt. Ba người ở K.4 bị bắt trong đợt này là Hùng có hỗn danh Hùng Cống, Phạm Văn Lợi à Tạ Văn Hóa 2.

Do vụ bắt bớ tập thể, Tết Con Khỉ ở trại Suối Máu đã đến trong một bầu không khí buồn tênh như có đám ma. Đã thế, vừa sáng mùng 3 Tết bọn giám thị lại tràn vào các K để bắt đi một số nữa. Ca trưởng Nguyễn Văn Hóa cũng bị bắt đi vào dịp này. Những người còn lại, đặc biệt Ban Đại Diện K.4, đã tích cực tìm cách đối phó với tình hình. Công tác trước mắt phải làm là tìm cách yểm trợ vật chất và tinh thần cho anh em, những người mà họ đã biết giờ đây đang nằm trong những kiện sắt connex, nóng và tối như địa ngục rải rác bên ngoài các K.

Cuộc họp các đại diện còn lại của các K đã đưa tới một quyết định quan trọng. Mở cuộc lạc quyên quà cáp từ những anh em được gia đình thăm nuôi. Điều này chính các nhà trưởng phải đích thân thực hiện và trách nhiệm trực tiếp với Ban Đại Diện. Mặc khác, các nhà trưởng còn phải sắp xếp với đội anh nuôi - những người nấu ăn cho tập thể kiêm thêm nhiệm vụ đưa khẩu phần nuôi những người đang nằm trong connex - để tìm cách tiếp tế đều cho những người bạn lâm nạn. Ngay những anh nuôi này còn phải nhận thêm một nhiệm vụ phụ nhưng không kém quan trọng, ấy là làm cái cầu liên lạc giữa những người bị biệt giam và Ban Đại Diện. Mọi lời khai đều được bên ngoài chỉ đạo.

Về phía bọn giám thị, ngoài việc bắt bớ khủng bố, chúng còn mở nhiều buổi học tập đặc biệt dành cho những thành phần có nhiều triển vọng được thả trong tương lai. Mỗi K chúng lọc ra chừng hai mươi tới ba mươi người và đem hết sang K.5 "huấn luyện". Anh em tù đã mỉa mai gọi khóa học tập đó là "Khóa Điệp Viên Okinawa". Trong khóa học đặc biệt này, bọn giám thị thẳng thắng lên tiếng kêu gọi.

- Các anh là những thành phần phạm nhân nhẹ tội, có thân nhân là cách mạng, cải tạo có tiến bộ cụ thể và sẽ được nhà nước tha về đoàn tụ gia đình nay mai; nhưng, để hoàn tất thủ tục tha về, các anh phải làm một việc cần thiết sau cùng. Khai tên một người hoặc kể lại một sự kiện cụ thể trong vụ tổ chức bạo loạn đêm Giáng Sinh vừa qua. Các anh cứ viết vào giấy và nộp cho cán bộ quản giáo là đủ. Phải nhớ, thiếu mảnh giấy ấy cách mạng cũng chẳng giam các anh cả đời ở đây đâu, mà ngày về của các anh cùng lắm chỉ chậm lại thêm một mốc phấn đấu nữa mà thôi. Một mốc cũng không lâu gì, có ba năm...

Sau "khóa học tập đặc biệt" đầu tiên, K.1 thua nặng nề! Đợt đầu bị bắt bốn mươi người với toàn bộ ban đại diện. K.5 bị bắt thêm một số không rõ bao nhiêu. K.2 và K.3 cũng bị bắt một số nhưng không nhiều lắm. Chỉ K.4 nhờ tổ chức chặt chẽ, không ai bị bắt trong đợt này. Ban Đại Diện bên K.4 tồn tại là nhờ những người được kêu đi học "khóa đặc biệt" lại hầu hết là anh em ta. Còn những người không nằm trong tổ chức đại diện, được Ban Tuyên Huấn tích cực khuyên giải phải bình tĩnh, đừng mắc mưu cộng sản; mặc khác, Ban An Ninh Hành Động cũng bắn tiếng, kỳ này nếu ai tiết lộ, sẽ không đánh nữa mà sẽ giết thẳng tay.

Sau những đợt bắt bớ tập thể, Đào Lưỡng đã đến trại Suối Máu nói chuyện với tù nhưng cuộc nói chuyện bị tẩy chay và thất bại hoàn toàn. Không hiểu bằng cách nào và do ai, chỉ trước khi Đào Lưỡng đến chừng vài phút, trên mặt bàn chủ tọa trong hội trường K.5 đã nằm chình ình một đống phân người to tướng. Bọn giám thị tức lồng lên và phải thay bàn vào phút cuối.
°
Nằm nghe Mai Mạnh Liêu kể lại những chuyện đã xảy ra nơi trại Suối Máu, Vĩnh không khỏi ngậm ngùi. Một số đông là những người bạn cũ của Vĩnh, nếu không từng thân mật ăn uống, tâm sự với nhau nhiều tháng ngày như Đặng Thế Tiến, như Nguyễn Văn Hóa, như Tạ Văn Hóa... thì cũng là những người từng uống với nhau một miếng nước giữa nông trường nắng cháy, hoặc hút với nhau một điếu thuốc dưới ruộng sâu lạnh lùng.

Liêu còn cho biết.

- Khi tao được đưa lên đây, không khí dưới ấy còn sôi sục lắm. Thế nào rồi cũng còn nhiều thằng bị tóm nữa. Tao cũng nghe hình như thằng Đào Lưỡng bay mẹ nó mất chức rồi!

Ghi Chú: Khi quyển sách này được viết đến những chương cuối thì tác giả may mắn tái liên lạc được với một người bạn tù ngày cũ, anh Đặng Thế Tiến. Anh Tiến vượt thoát khỏi VN năm 1983 và mới được định cư tại thành phố Aurora, tiểu bang Colorado năm 1984. Qua cuộc tiếp xúc, với tư cách một người trong cuộc và may mắn còn sống thoát được ra ngoài, anh Tiến xác nhận những sự kiện kể bên trên là đúng và đã cung cấp thêm cho tác giả một số sự kiện khác như sau về biến cố Suối Máu.

- Tháng Sáu năm 1979 Ban Đại Diện K.1 bị bắt toàn bộ.

- Giữa tháng Sáu 1979 anh Phạm Đắc Hiện đại diện K.3 cùng một số anh em khác bị bắt và bị tra tấn rất nặng. Vì sự tra tấn này, thêm hai người nữa bị khai ra như là hai liên lạc viên của K, đó là thiếu úy Giang Văn Hai và thiếu úy Nguyễn Quốc Bảo. Hai anh này đều là người của K.4, bị bắt, bị đánh chết đi sống lại nhiều lần.

- Tháng Bảy năm 1979 thêm hai người trong ban Đại Diện K.4 bị bắt đó là thiếu úy Đặng Thế Tiến và thiếu úy Nguyễn Ngọc Khang.

Tổng kết về cuộc nổi loạn Suối Máu dịp Giáng Sinh năm 1978 đến quãng tháng Mười Một năm 1979, bọn giám thị công an Suối Máu đã bắt biệt giam chừng 300 người. Con số bị tra khảo đến chết chưa ai nắm vững được. Sau này, nhờ chuyển trại qua lại, người ta được biết những nhân vật có dính líu xa gần đến biến cố trên đều bị đưa về giam ở các xà lim khám Chí Hòa. Có người chết vì bị tra tấn, có người bị đánh đến tàn tật, có người chết vì chịu không nổi chế độ biệt giam, cũng có nhiều người chịu nổi những cực hình và sau đó được đưa đi khổ sai ở các trại Hàm Tân, Tống Lê Chân, Khe Sanh...
--------------------------------
1
Lưu Văn sau này bị đánh chết ở khám Chí Hòa.
2
Tạ Văn Hóa, một người bạn cùng khối 10 với Vĩnh từ những ngày đầu ở L4T3. Một hảo thủ bóng chuyền. Anh cũng bị đánh chết ở khám Chí Hòa.

CHƯƠNG SÁU MƯƠI BẢY

- Vùng này cũng có phục quốc đấy. Cầm đầu là một thiếu tá tên Tân. Ông Tân tài lắm, xuất quỷ nhập thần lắm. Cách mạng cũng biết nhưng đâu có bắt được! Tôi là linh mục, được yêu cầu đi theo làm công tác tuyên úy lo chuyện phần hồn. Thì tôi đi! Tôi có biết gì chiến thuật với chiến lược, địa danh với địa bàn! Ngay cái chỗ tôi đã được đưa đến mà tôi còn chả biết là đâu nữa là! Hồi trên Chí Hòa cách mạng cũng có hỏi. Có một cán bộ lỡ tay làm hư cả cái đầu gối bên trái của tôi. Ấy thế mà tôi có nhớ tôi đã đi đâu và làm gì đâu! Họ hỏi tôi nào là tọa độ, nào là quân số quân xiếc... Thật tôi bị đòn cũng oan uổng lắm. Có biết gì đâu...

Câu nói lúc vui miệng với anh em của cha Nguyện ngày cha được đưa từ Chí Hòa về đây, đã được xác nhận đúng nhờ một biến cố xảy ra tại ngay trại cải huấn Hàm Tân, một biến cố làm cho bọn tù như chết đi sống lại đồng lúc làm bọn cai tù vỡ mật vì sợ. Biến cố ấy là, vào đầu tháng Năm, một anh chàng bên phân trại B trốn trại và trốn thoát. Theo như tin đồn, anh ta là người từng ở địa phương này trước kia. Một tháng sau, tức quãng đầu tháng Sáu năm 79, trong lúc đội 23 bên phân trại A đang lao động canh tác trên phần đất nông trường của đội nằm về phía đông nam và cách khu công trường nhà tù đang xây cất chừng vài trăm thước, quãng hai giờ rưỡi trưa, dưới cái nắng chang chang, một toán người lạ mặt đã đột nhập khu canh tác. Họ ăn mặc quân phục quân đội VNCH, được trang bị súng Colt 45, súng trường AR.15 và M.16. Toán đột nhập gồm sáu người và người cầm đầu đeo lon trung úy với súng lục bên hông.

Bọn tù đang lao động, thấy anh em ta thình lình xuất hiện lại nghi là bọn cán bộ công an đóng kịch thử lòng, nên hầu như ai cũng chết đứng tại chỗ. Sáu quân nhân QLVNCH ra lệnh cho anh em tù tập trung lại và ngồi thành hàng hai. Sau đó vị trung úy cho ba người rải ra bố trí giữ an ninh, còn anh có hai người hộ tống đi thẳng vào cái nhà lô cách đó chừng mười thước. Tên công an quản giáo và hai tên vệ binh đang mắc võng nằm nghêu ngao trong nhà lô, lúc chúng nhận ra ba người lạ mặt có súng trên tay thì đã muộn, chúng không còn thì giờ cho bất cứ một phản ứng nào. Chúng hồn phi phách tán và nằm chết dí trên võng. Ba quân nhân phục quốc ra hiệu cho chúng bỏ súng xuống đất và bước ra ngoài nhà lô. Hai người thuộc hạ của vị trung úy tịch thu ngay chiến lợi phẩm gồm một K.54, một CKC và một AK.47 với nhiều băng đạn.

Ba thằng công an riu ríu vâng lời và bước ra khỏi nhà lô. Vị trung úy ra lệnh cho chúng tiến đến và ngồi cách đội hình đội 23 chừng năm thước. Sau đó, anh ta khởi sự "lên lớp" trong lúc những phục quốc quân còn lại phân tán ra và nằm phục trên những thế đất thuận lợi.

Vị trung úy dõng dạc nói.

- Hôm nay chúng tôi thay mặt cho anh em phục quốc quân vùng Phước Tuy ghé thăm các bạn. Mừng thấy các bạn vẫn giữ vững tinh thần dù đang bị giặc kềm tỏa. Vì thời gian chỉ có hạn và chúng tôi chưa thể có điều kiện nói chuyện dài với các bạn, chúng tôi vắn tắt vài điểm then chốt, đề nghị các bạn nắm vững để thông báo lại cho những anh em khác khi trở lại trại giam.

Thứ nhất, chúng tôi xuất hiện nơi đây để các bạn thấy rằng lực lượng quân dân phục quốc là một thực thể. Yêu cầu các bạn vững tâm và hãy làm những gì có lợi cho đất nước, có lợi cho đại nghĩa quang phục đất nước mà lương tâm các bạn đã, đang và sẽ sai khiến các bạn làm.

Thứ hai, đối với các thành phần cán binh cộng sản, cụ thể là ba anh công an kia, chúng tôi muốn các anh không việc gì phải quá sợ hãi. Phục quốc xuất hiện ở đây để chứng tỏ cho các anh thấy rằng miền Nam này không có chỗ nào an toàn cho các anh cả. Không giết các anh là vì chúng tôi, những người quốc gia hoàn toàn khác với các anh. Chúng tôi thù hận và quyết tâm phá hủy hoàn toàn cái chủ nghĩa bạo tàn của các anh nhưng không bao giờ muốn phá hủy con người các anh. Các anh sẽ là một trong những đối tượng mà chúng tôi phải cứu ra khỏi cái chủ nghĩa u tối bạo tàn đang phủ trùm trên đất nước này. Mong các anh về nói lại với đồng bọn cho trung thực chuyện đã xảy ra ngày hôm nay.

Vị trung úy nói xong lại quay sang đám tù, tiếp. Và thứ ba, chúng tôi về đây để đưa các bạn đi nếu như các bạn thấy thuận tiện, thấy cần và thấy muốn đi. Điều này phải nhớ rõ là không bắt buộc, và nếu vì một lý do nào các bạn chưa thể đi theo chúng tôi được, các bạn không có gì phải mặc cảm. Mỗi người có một vị trí và một điều kiện riêng. Nội công hay ngoại kích đều cần thiết. Chính sách của lực lượng có đề cập rõ ràng đến cả những điều này.

Nói tới đây, vị trung úy nở một nụ cười khuyến khích với những anh em tù đang ngồi trong hàng. Ba tên cai tù sợ đến bạc mặt mày và chỉ cúi gầm xuống đất. Còn bọn tù cho dù không sợ, nhưng rõ ràng trong lòng mỗi người đều đang xảy ra một cuộc giao tranh ghê gớm giữa hai ý nghĩ đi và ở. Sau cùng, bốn người đứng lên và rời khỏi hàng ngũ tù.

Vị trung úy tỏ ra rất bén nhạy trước tình hình. Anh ta biết rằng việc tới đây coi như đã xong và đã đến lúc phải rời hang hùm tức khắc. Anh vỗ tay hai cái. Hai trong năm chiến hữu của anh rời vị trí canh gác tiến lại phía ba tên cai tù. Một người ra lệnh ngắn gọn.

- Trở lại lều nằm úp mặt xuống đất. Chúng tôi cần nói chuyện riêng tư với các chiến hữu của chúng tôi!

Ba tên Việt cộng lại riu ríu đứng lên và cất bước đi về phía nhà lô. Hai phục quốc quân đi theo. Tới căn nhà lô họ không bước vào mà chỉ đứng ngoài quan sát và ra lệnh cho ba tên cai tù nằm úp mặt xuống đất, hai tay vòng lên sau gáy. Xong rồi, như đã có hiệu lệnh với nhau, sáu phục quốc quân và bốn anh bạn tù lặng lẽ rút vào rừng buông mất dạng.

Bọn tù còn lại phải mười lăm phút sau mới hoàn hồn. Dĩ nhiên họ chỉ ngồi chết dí một chỗ và hạn chế cả những lời xầm xì với nhau. Đội trưởng đội phó mặt anh nào cũng xanh như tàu lá. Không khí căng thẳng này chỉ tan đi khi một vệ binh của một đội khác vô tình bước vào nhà lô. Hắn khám phá ra ba thằng bạn của hắn đều nằm úp mặt dưới đất như những kẻ uống nhằm thuốc ngủ. Rồi thì chuyện gì đến phải đến. Tất cả các đội bên ngoài trại, kể cả đội lâm sản còn lặn lội đốn cây trong rừng đều được triệu hồi về trại trong tình trạng khẩn trương. Toàn bộ công an cơ hữu của hai phân trại A và B Hàm Tân đều được đặt trong tình trạng báo động. Những tiếng súng kế đó nổ sâu trong rừng già vọng ra cho mọi người đoán biết rằng có đụng độ. Tiếng đạn nhiều lúc thưa thớt như bắn sẻ, nhiều lúc thật gần như truy lùng. Tới giờ phát cơm chiều mà tiếng súng nổ nhiều khi vẫn đì đùng sâu trong rừng buông. Bọn tù không biết làm gì khác hơn là chui vào chỗ nằm bàn tán. Bọn Vĩnh cũng xúm lại với nhau bàn chuyện quên cả việc ăn uống.

Ý thều thào.

- Tài thật! Thế ra phục quốc có thật chứ không phải tin đồn.

Dương với máu võ sỹ của hắn, hậm hực chen vào.

- Sao không đập đầu chết tốt mấy thằng quản giáo vệ binh, hoặc bắt chúng theo làm con tin có phải hay không!? Để chúng sống bị báo động sớm quá!

Anh Huy ngẫm nghĩ.

- Khi nãy đi lãnh cơm tôi có gặp mấy tay quen bên đội 23 dưới bếp. Rét lắm chưa dám nói gì nhiều chỉ nói tên mấy tay đi theo phục quốc thôi. Cũng ngon! Tôi hơi ngạc nhiên không hiểu sao họ coi thường việc bị báo động đến thế. Nói tóm từ đầu đến cuối họ không hề động đến thân xác kẻ thù, dù chỉ để trói hoặc nhét giẻ vào mồm chúng!

Một tiếng súng lẻ loi nổ vọng từ xa khiến Ý cau mày.

- Không hiểu lực lượng anh em ta có bao nhiêu mà liều quá! Vào hang hùm không giết hùm mà chỉ để dằn mặt hùm thì kể cũng ngon thật!

Nguyễn Tú Cường cũng góp vài lời.

- Tụi giám thị kỳ này vỡ mặt cả đám. Bọn chức sắc và bọn ăng ten cũng thế. Từ chiều đến giờ tôi thấy đội trưởng Lễ nhà ta có vẻ ưu tư xuống tinh thần dữ lắm. Trên đường về tôi vừa đi vừa lượm mấy cọng rau muống đội canh tác đánh rơi, đội trưởng chỉ thỏ thẻ rằng anh Cường ơi, đi quàng quàng lên cho kịp anh em! Thật là khác với mọi ngày một trời một vực!
°
Sang ngày kế tiếp, cả trại nghỉ lao động và lên hội trường. Khác với những lần lên hội trường trước đây, kỳ này không khí hội trường "kém vui" hẳn vì những khuôn mặt lầm lỳ của bọn cán bộ bên cạnh những khuôn mặt nặng nề ưu tư của bọn trật tự.

Bọn tù ngồi dưới cũng ít chuyện trò hẳn. Hình như đây là lần đầu tiên ai cũng muốn được nghe xem tên trại trưởng sẽ nói cái gì, sẽ thông báo ra sao về biến cố chiều hôm qua.

Sau khi người cầm càn của trại là anh chàng hồi chánh tốt nghiệp tiến sỹ âm nhạc ở Nga bắt nhịp cho anh em hát một bài, tên tổng giám thị mới xuất hiện. Hắn đứng sau bục thuyết trình, sửa lại máy vi âm cho thích hợp rồi khởi sự chuyện trò cùng bọn tù.

- Hôm nay trại cho các anh nghỉ lao động đột xuất, tập họp lên hội trường để nghe Ban Giám Thị trại thông báo về một vấn đề khá hệ trọng. Yêu cầu trước mắt là các anh phải lắng nghe cho tốt, nắm vững nội dung vấn đề về thảo luận cho đúng trọng tâm của bài.

Đảo mắt một vòng chung quanh hội trường, khi thấy mọi người đều yên lặng và thứ tự lớp lang ngồi nghe mình nói chuyện, tên tổng giám thị cũng lấy làm yên tâm và khởi sự đi vào vấn đề. Chiều hôm qua, như các anh đã biết, trại ta đã có lệnh cho tất cả mọi đội lao động bên ngoài trở về trại sớm hơn mọi ngày. Sau đó, các anh cũng nghe thấy nhiều tiếng súng nổ từ sâu trong rừng phát ra. Sáng nay, thay mặt Ban Giám Thị trại, tôi thông báo cụ thể để các anh nắm vững vấn đề, tránh mọi thị phi không đúng, tránh bị bọn xấu lợi dụng tuyên truyền phản động có hại cho tinh thần học tập cải tạo tập thể của trại ta, ấy là hôm qua đã có sáu tên thảo khấu ốm đói mò về gỡ trộm một số lượng khoai của ta đem đi. Số khoai thất thoát không là bao nhiêu, chỉ vài chục cân, nhưng điều quan trọng là, chúng đã bắt đi theo bốn anh của đội 23.

Nói tới đây, tên tổng giám thị bắt đầu lên giọng nhân nghĩa. Ra vẻ đau đớn, hắn tiếp. Chúng ta sống với nhau ở đây như anh em một nhà. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, huống chi tự dưng căn nhà Hàm Tân này mất đi bốn người anh em! Vì quyết tâm làm tròn nghĩa vụ bảo quản tốt và giáo dục tốt các anh mà Đảng đã giao phó, chiều qua, các chiến sỹ công an nhân dân trại ta đã phối hợp các đơn vị dân quân du kích địa phương, mở cuộc hành quân lùng diệt bọn thảo khấu ốm đói và cố hết sức giải cứu bốn anh của đội 23 về. Mặc dù các chiến sỹ đã hạ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ trên giao phó nhưng cũng chỉ kịp thời bắn hạ được một thằng thảo khấu, xác của nó đã được các đồng chí công an kéo để ngoài vườn mì từ tối qua.

Bên dưới bọn tù ngồi yên. Hình như mọi người đều đang có cùng một tâm trạng. Thoạt đầu hớn hở vì tin phục quốc quân về thăm Hàm Tân được chính tên tổng giám thị xác nhận, kế tiếp thấy buồn cười cho lời nói giả nhân giả nghĩa của thằng cán bộ cộng sản, và bây giờ thì hầu như ai cũng cảm thấy có một viên đạn nào đó vừa bắn xuyên qua trái tim mình. Ai? Ai trong số sáu phục quốc quân và bốn người tù đi theo họ đã bị bắn chết? Và rồi sự băn khoăn lẫn nỗi đớn đau thầm lặng ấy đưa bọn tù ra khỏi sự chú ý lắng nghe những lời lẽ ba hoa kế tiếp của thằng tổng giám thị. Họ xoay sang bàn tán nho nhỏ với nhau, mãi đến khi mấy tên quản giáo đứng bên dưới đi lùng ghi tên những người tụ đầu vào nhau bàn tán, bọn tù mới ngồi lại ngay ngắn.

Bên trên sân khấu, nơi bục thuyết trình, tên tổng giám thị đã đi vào đoạn kết. Hắn nói một cách quả quyết.

- Hiện tượng bọn thảo khấu ốm đói mò vào khu vực trại ta ăn cướp một số khoai lang khoai mì rồi bắt cóc người đem đi thực ra cũng chỉ là một hiện tượng giản đơn. Tuy nhiên, vì trách nhiệm của Ban Giám Thị trại, kể từ nay, trại ta sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn những đội đi lao động bên ngoài trại; mục đích không gì khác hơn là nhằm phát huy tinh thân chấp hành việc lao động có kỹ thuật và kỷ luật, phát huy tinh thần làm chủ bản thân và làm chủ tập thể của mỗi người, phát huy việc bảo quản lẫn nhau để trại ta tự hậu không bao giờ xảy ra những hiện tượng xấu như ngày hôm qua nữa.

Câu kết luận của tên thủ trưởng, dù khéo cách mấy, cũng được bọn tù nhận ra thâm ý. Từ đây, hẳn là kỷ luật được áp dụng ngoài hiện trường lao động phải là nặng nề lắm. Anh em phục quốc làm cú này chẳng khác nào công khai bợp tai lũ giám thị trại Hàm Tân trước mặt bọn tù. Đau ở chỗ là bọn giám thị không thể công khai nói ra sự thật mà vẫn phải muối mặt nói dối trước lũ tù vốn là những kẻ đã biết tất cả sự thật!

Sau giờ cơm trưa, như chương trình, bọn tù lại từng tổ một quây quần ngồi thảo luận về đề tài mà tên thủ trưởng đã ra cho sau khi kết thúc "bài học" ban sáng. Đề tài thảo luận có hai câu.

- Nghĩ thế nào về hiện tượng bọn thảo khấu ốm đói ăn cắp khoai của trại ta?

- Làm sao để củng cố hơn nữa sự tin tưởng tuyệt đối vào chính sách khoan hồng của nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với những thành phần có tội được tập trung lao động cải tạo?

Hai câu hỏi thật hề đã khiến bọn tù vừa thảo luận vừa cố nuốt tiếng cười vào bụng! Vĩnh ngồi lắng nghe các bạn cùng tổ phát biểu. Có rất nhiều câu phát biểu thật hay, thật độc đáo; nhưng có lẽ câu phát biểu của anh Huy làm anh em lên ruột nhất.

Để kết thúc phần phát biểu, anh liếc nhanh quản giáo Phú một cái, rồi nói.

- Đến ngày hôm nay chỉ còn vài bữa nữa là tròn bốn năm kể từ ngày tôi đi theo tiếng gọi tập trung cải tạo mười ngày của nhà nước. Phải nói rằng càng ở lâu tôi càng nhận ra chính nghĩa sáng ngời của Cách mạng. Biến cố ngày hôm qua, cán bộ tổng giám thị đã nói có bốn anh bên đội 23 bị bọn thảo khấu ốm đói bắt cóc đem đi. Thật tội nghiệp cho những anh đó. Tương lai rồi cũng đến ốm đói mà chết thôi!

Nghe anh Huy cà kê, đội trưởng Mai Văn Lễ rất nhột lỗ tai, nhột hơn nữa là có quản giáo Phú ngồi gần đó, hắn vừa lắng nghe vừa lâu lâu gật gù nhưng không ai hiểu được cái gật gù của hắn mang một ý nghĩa gì. Đội trưởng Lễ vội nhỏ nhẹ lên tiếng.

- Còn nhiều người phát biểu, yêu cầu anh Huy đi vào trọng tâm giùm cho.

Quản giáo Phú vội can thiệp.

- Anh đội trưởng cứ để cho anh Huy phát biểu. Chúng ta phải phát huy cao độ tinh thần dân chủ trong phát biểu mới đạt yêu cầu học tập của cách mạng được.

Anh Huy nghe tên Phú nói, anh hơi mím môi suy nghĩ. Sau cùng anh nói tiếp với giọng rắn rỏi.

- Vâng, thưa các anh, tôi tin chắc bốn anh bị bắt cóc thế nào rồi cũng có ngày chết đói! Tôi chỉ thương các anh ấy ở điểm các anh ấy đã không có thái độ tích cực chống trả bọn thảo khấu bằng cách ngồi lỳ như những anh em khác mà thôi, để đến độ mất vĩnh viễn những dịp may đi theo cách mạng và phát huy lòng tin tuyệt đối vào chính sách khoan hồng cải tạo của cách mạng. Còn tôi, nhân biến cố này, tôi xin khẳng định với tập thể rằng, dù gặp hoàn cảnh khó khăn bức bách đến đâu, tôi thề sẽ đeo đuổi cách mạng đến kỳ cùng. Vâng, tôi thề như thế. Sẽ không bao giờ bỏ cách mạng mà đi cả. Sẽ đeo đuổi đến kỳ cùng.

Câu phát biểu nước đôi của anh Huy, lạ lùng thay, không hề làm quản giáo Phú tỏ lộ một thái độ nghi ngờ hay nóng giận nào dù chỉ bằng một cái nhíu mày. Hắn lặng lẽ đứng lên và đi sang phía đội khác.

Ý liếc nhìn anh Huy với ánh mắt trách móc. Ông Thuận chỉ tặng kẻ vốn không ưa mình bằng một cái gật gù khó hiểu. Riêng đội trưởng Lễ thì trừng trừng ngó anh Huy như ngó một con thú dữ, đúng hơn, ngó một kẻ vừa thẳng thắn tuyên bố ra trước mọi người rằng anh ta có mầm dịch hạch trong người!

Dù sao thì câu phát biểu nước đôi của anh Huy quả không khác thứ vi trùng dịch hạch là bao! Nó lan sang những tổ bên cạnh, rồi lan sang những đội cùng nhà. Anh em tù, mỗi người mỗi kiểu, phát huy tối đa việc mỉa mai chế độ. Có người còn dám công khai dựa vào biến cố hôm qua đưa ra đề nghị.

- Vì việc bảo quản các can phạm cải tạo hiện thiếu hoàn hảo, đến độ có người bị thảo khấu bắt cóc đi giữa ban ngày ban mặt, chúng ta nên có một đề nghị chung gửi lên Ban Giám Thị, xin cứu xét và tạm thời miễn hoàn toàn mọi công tác lao động bên ngoài trại cho đến khi nào biện pháp bảo quản và bảo vệ các can phạm được cải thiện tốt hơn.

Những lời phát biểu và đề nghị "khôn bằng trời" này đều được hưởng những tràng pháo tay cổ võ nhiệt tình của anh em.

Trong khi các tổ, các đội các nhà đang tiến hành cuộc phát biểu về biến cố ngày qua, thì Ban Giám Thị cho trật tự đi các nhà gọi lên hội trường một số các chức sắc gồm đội trưởng đội phó, những người từng ở trại Hàm Tân từ đầu đến giờ.

Một ngày thảo luận qua khá nhanh. Khi những thau ngô từ bếp đã được khênh hết về các nhà, và nơi những dãy bếp con phía sân sau của mỗi dãy đã thưa thớt người nấu nướng, thì những tin tức nóng hổi được một vài người bệnh xuống bệnh xá chích thuốc đem về nhà 4, theo đó các ông chức sắc sống từ thời "tạo thiên lập địa" nơi đây, đã được giám thị trực và trật tự dẫn đi coi xác "tên thảo khấu ốm đói". Dù người quá cố đã bị bắn nát mặt, nhưng những kẻ được đi nhận diện vẫn nhận ra được đó là một người tù cũ của trại Hàm Tân. Anh ta tên Đảnh, người từng trốn thoát khỏi phân trại B vào tháng Năm trước đây. Người quá cố được nhận ra nhờ hình xâm một con rồng chạy dài theo cánh tay trái!

Khi những cánh cửa nặng nề được sập lại và khóa chặt phía ngoài nhốt 2.000 tù của trại Hàm Tân vào chuồng, từ khung cửa sổ ở đầu chỗ Vĩnh nằm, Vĩnh và các bạn có thể thấy một tên giám thị đi với hai trật tự đang áp giải cha Nguyện băng qua vuông sân vắng lặng đầy bóng chiều tà về phía văn phòng trại. Dáng đi của vị linh mục khập khễnh vì từng bị đánh đến thương tật trên khám Chí Hòa, không rõ có lưu lại một tí thương xót nào trong lòng Vĩnh không? Vĩnh cũng chẳng còn tự biết nữa!
CHƯƠNG SÁU MƯƠI TÁM

Trước mùng 2 tháng 9 năm 1979, Vĩnh bị ban giám thị kêu lên làm việc tại văn phòng giám thị trực liên tiếp bốn ngày!

Cứ mỗi sáng khi 2.000 tù xếp hàng thành từng khối và ngồi trong sân trại đợi giờ xuất trại đi lao động, tên giám thị trực lại ra trước sân cầm loa đọc đủ loại thông cáo, hoặc lệnh bắt giam, hoặc lệnh cho nghỉ ở nhà lên văn phòng "làm việc" với giám thị... Có tên trong danh sách những người ở lại trại với giám thị, sự kiện này không phải là không có anh em "đặt thành vấn đề"!

Quả thế, sống đời tù cộng sản, lâu ngày chầy tháng, không riêng Vĩnh mà rất nhiều anh em khác đều nhận ra được một thủ đoạn rất độc của cai tù, ấy là thủ đoạn chia để trị. Sau khi được ăng ten báo cáo trong tổ đó, trong đội đó hay trong nhà đó có một số người cấu kết chặt chẽ với nhau trong mọi sinh hoạt hàng ngày, bọn giám thị sẽ theo dõi và tìm cách ly giám từ từ. Thí dụ một "bọn cấu kết" gồm ba người. Hôm nay chúng kêu anh A ở nhà lên văn phòng giám thị làm việc. Trên thực tế, nhiều khi anh A chỉ lên văn phòng để trả lời vài câu hỏi vu vơ không đầu không đuôi của tên giám thị trực. Sao, anh có khỏe không? Lúc này lao động học tập ra sao? Có nguyện vọng tâm tư nào cần đề đạt lên trên cứu xét không? Lâu nay Ban Giám Thị có nghe phong thanh anh là người can đảm lắm, dám làm nhiều chuyện mà những người khác không dám làm, chẳng hạn tụ tập chơi nhạc vàng...

Quanh đi quẩn lại những câu hỏi chỉ ỡm ờ như thế, rồi thì anh A được giám thị thân mật cho trở về nhà thoải mái nghỉ ngơi.

Chiều lao động về, ngồi ăn với nhau, sự tế nhị khiến hai người bạn không hỏi thẳng ra là hôm nay mày làm việc gì với giám thị vậy nhưng trong óc họ không thể nào không có một dấu hỏi nho nhỏ. Thế rồi cái dấu hỏi ấy lớn dần ra khi ngày kế, rồi ngày kế nữa anh A vẫn được ở nhà làm việc với giám thị. Đến ngày thứ ba thì anh C không thể cầm lòng được nữa.

- Việc gì mà lắm vậy? Làm việc gì với giám thị đến ba ngày liên tiếp mà chưa hết?

Anh A dĩ nhiên vừa bực vừa khó chịu. Nhưng chỗ bạn bè, anh phải nói thật.

- Nó kêu mình lên thì mình phải lên, làm sao được. Còn chuyện làm việc với tụi nó có mẹ gì đâu! Nó chỉ hỏi tao mấy câu ấm ớ, chẳng hạn, sao hôm nay anh có khỏe không? Lúc này tinh thần đã hồ hởi phấn khởi chưa? Mấy cái răng tuần rồi anh em báo cáo đã hành anh lăn lộn cả đêm giờ hết chưa?... Đấy, nó chỉ hỏi thế thôi!

Câu trả lời thành thật của anh A dĩ nhiên nó có vẻ "thế nào ấy!" đối với hai anh B và C. Làm gì có chuyện kêu lên làm việc liên tiếp mấy ngày chỉ để hỏi những chuyện ấm ớ như vậy!?

Dấu hỏi cứ thế to dần cho đến một hai tuần sau đùng một cái anh B có tên nằm nhà để lên làm việc với cán bộ giám thị.

Tên giám thị trực sẽ không hỏi anh B những câu hỏi giống như đã hỏi anh A. Ngay thái độ cũng có khác. Hắn sẽ giữ một bộ mặt lạnh tanh từ lúc anh B bước vào văn phòng. Hắn ra lệnh ngắn gọn.

- Ngồi xuống ghế kia!

Phải năm bảy phút sau hắn mới từ tốn khép cái xấp giấy trước mặt và trở về với người đối diện. Hắn lừ mắt.

- Anh biết tại sao hôm nay cán bộ gọi anh lên làm việc không?

Anh B hơi ngơ ngác.

- Thưa không!

- Có chắc không biết không?

- Chắc cán bộ!

- Tuần trước anh lấy quyền gì để hạch hỏi anh A, để tìm hiểu việc làm của anh ấy đã làm với cách mạng?

-.....!?

- Tôi được báo cáo rất đầy đủ về anh. Không phải anh A báo cáo anh đâu...

Tên giám thị hơi ỡm ờ, tiếp. Mặc dù anh A cũng có tiết lộ một đôi điều đặc biệt về anh nhưng còn nhiều thiếu xót vào bao che lắm, chẳng hạn anh ấy chỉ nói chung chung rằng mùa nắng vừa rồi mấy anh đã đánh cắp của trại ít ra cũng phải mươi cân lạc giống, thường thu hoạch linh tinh rau xanh của khu canh tác, hay thêu dệt những chuyện phản động bôi nhọ cách mạng... Còn nhiều chuyện khác quan trọng hơn mà anh A đã dấu không nói nhưng cách mạng đã biết hết...

Nói một hơi những khuyết điểm mà chính bản thân anh B tự biết mình chưa hề phạm vào, hoặc có phạm vào thì cũng chỉ hai thằng bạn thân thiết biết tới mà thôi; tên giám thị chìa ra cho người tù một tờ giấy và một cây bút chì. Hắn ra lệnh. Lại bàn góc nhà kia làm tự kiểm đi.

Nói xong tên giám thị bước ra ngoài và đóng cửa lại.

Tối hôm đó ba người bạn ngồi ăn và lạnh lùng với nhau ra mặt. Anh B uất anh A. Anh A đặt nhẹ một cái dấu hỏi vào anh B y hệt như kỳ trước anh B đã đặt cho mình. Còn anh C thì hoàn toàn yên lặng cố nhai cho hết bát ngô.

Đôi ba ngày sau đó, chẳng đợi tới lượt anh C được kêu làm việc, ba anh đã mỗi người một góc ngồi nhai ngô và tai hại hơn, họ khởi sự hồi ức tất cả những gì từng tâm sự với nhau trước đó để có nhiều lý do hơn cho việc sợ hãi lẫn nhau!

Đội 17 ít nhất đã có một nhóm ăn tan rã như vậy. Đó là nhóm ăn của Hòa, Dũng, Danh và Tuyến. Bốn chàng tù nhân trẻ tuổi, độc thân, đàn dịch giỏi và rất thương nhau nhưng dính đòn độc của Ban Giám Thị trại Hàm Tân đã rã ra từng mảnh!

Nhưng dù bị kêu bốn ngày liên tiếp, nhóm ăn của Vĩnh vẫn không bị một tí lấn cấn nội bộ nào. Anh Huy và Ý đều là những tay có sạn trong đầu. Dương, Điểu và Cường cũng không vừa gì. Cứ mỗi chiều đi lao động về, sau khi ăn, cả bọn lại quây quần bên cái điếu để bàn về những việc Vĩnh thuật lại cho nghe. Bữa đầu chúng hỏi Vĩnh có biết gì về mấy ông cha không? Anh Nguyện thế nào? Anh Bộ và anh Tương? Còn anh Thục đã xuất nhưng có lấy vợ không? Anh nghĩ thế nào và anh có ghi nhận được tập thể bàn tán gì về vụ mấy cha ấy được cách mạng chuyển đi chỗ khác không? 1. Anh có biết gì về sự dính líu giữa anh Nguyện với đám thổ phỉ xâm nhật trại ta hồi tháng Sáu không?

Câu trả lời của Vĩnh dĩ nhiên là "không biết".

Và Vĩnh cũng chẳng gặp một phiền hà nào vì sự không biết của mình.

Ngày thứ hai đề tài được thay đổi. Tên giám thị trực tự dưng hỏi về vụ trốn trại của một người tên Trác, cựu đại úy và theo một vài anh em khác được biết, anh ta từng là người chồng thứ hai của cô ca sỹ Khánh Ly. Vì anh ta nằm khác đội khác nhà nên Vĩnh chưa một lần gặp mặt, nhưng nhốt ở Hàm Tân mà vượt ngục thoát được thì đã xứng đáng nổi danh và xứng đáng để cho mọi người phải biết tới rồi. Nhân sửa soạn ăn mừng lễ 2 tháng 9, bọn giám thị cho một số tù ra sửa sang lại cái sân đá banh nằm bên góc trái của ban chỉ huy trại, chạy dài theo con lộ dẫn ra khu thăm nuôi. Không biết bằng cách nào, Trác và hai người bạn nữa đã lẩn được vào rừng khoai mì bát ngát cạnh đấy và biến mất dạng trước sự canh phòng thật cẩn mật của bọn công an canh gác...

Câu trả lời của Vĩnh dĩ nhiên cũng chỉ có thể là "tôi không biết!".

Lần này Vĩnh cũng chẳng hề hấn gì và được cho trở về phòng nằm nghỉ.

Sang ngày thứ ba tên giám thị trực là một tên mới, do đó đề tài cũng mới luôn. Đề tài mới của hắn là, hai ngày qua anh ngoan cố, hôm nay là ngày cuối cùng, anh phải thú nhận cách đây bốn đêm anh đã thoát ra ngoài phòng bằng cách nào? Ai tiếp sức? Và tại sao anh lại trở vào mà không trốn luôn?

Vĩnh bàng hoàng như không tin ở lỗ tai mình. Làm gì có chuyện mình bẻ song sắt trốn ra ngoài!? Trước đây ở nhà 5, cả nửa tiểu đội anh em gốc Hòa Hảo hợp lực bẻ song trốn đi còn bị bắt lại toàn bộ và giờ sắp biến thành những bộ xương khô trong dãy cachot; cái thân đang ho lao gần chết này bẻ chấn song làm sao nổi! Hay là mình mắc bệnh mộng du mà mình không hề hay biết?

Sự lúng túng của Vĩnh vẫn không làm cho tên giám thị có vẻ giận dữ. Hắn cà kê dê ngỗng tỏ ý tiếc giùm cho quá trình phấn đấu học tập cải tạo của Vĩnh, nào là quản giáo Phú rất khen ngợi Vĩnh một phạm nhân có tư cách, nào là một người từng cầm bút phản động nhưng dù sao cũng còn nhiều khả năng để phục vụ cách mạng khi được thả về... Rồi để kết luận, hắn vẫn không thoát khỏi mấy câu hỏi đã hỏi. Tại sao trốn? Trốn đi đâu? Gặp ai? Làm gì? Liên hệ gì với bọn thảo khấu từng mò về ăn cắp khoai? Tại sao đổi ý giữa chừng? Đã thoát ra ngoài bằng cách nào? Trổ nóc cầu tiêu? Cưa chấn song? Tại sao cán bộ tìm không ra dấu vết?

Vĩnh cứ như người từ trên trời rơi xuống. Sau cùng, tên giám thị lầm lỳ trao cho Vĩnh một tờ giấy và một cây bút. Trước khi rời phòng, hắn nói.

- Thôi được, nếu khai mà ngượng mồm khai không được thì cứ viết hết ra trên giấy rồi nộp cho tôi.

Suốt ngày thứ ba Vĩnh chỉ viết được một hàng chữ duy nhất để nộp cho tên giám thị: Tôi cam đoan không hiểu và không biết một mảy may nào về những việc cán bộ đã nói với tôi!

Rồi thì ngày thứ tư đến. Tên phó giám thị trại người gốc Quảng Nam lần này làm việc với Vĩnh. Bộ mặt đen đúa nghèo khổ của hắn pha trộn cái lạnh tanh của một kẻ từng giết nhiều người và nhiều người cũng muốn giết hắn, làm Vĩnh hơi chột dạ. Tên phó giám thị sau một lúc tổng kết lại tất cả những câu hỏi, những vấn đề mà mấy thằng giám thị trước đó đã đặt ra cho Vĩnh, hắn kết luận.

- Cách mạng luôn luôn muốn các anh cải tạo tốt để về sớm được đoàn tụ gia đình, đưa tài sức ra mà phục vụ đất nước. Đấy, anh cứ thấy anh Hùng và một số anh em khác đấy 2 cải tạo tốt, khai báo tốt, phấn đấu tốt, lao động tốt, học tập tốt là về thôi! Cái gương trước mặt như vậy tại sao anh cứ tiếp tục ngoan cố làm gì? Tính lấy trứng chọi đá hay sao? Những gì anh làm trong ngày đầu tuần cách mạng đã biết hết. Liên tiếp bốn ngày Ban Giám Thị cho gọi anh lên làm việc là để thử lòng thành khẩn của anh thôi. Không ngờ anh ngoan cố ngoan cường đến thế!

Nói tới đây, tên phó giám thị bỗng cầm lên khỏi mặt bàn và chìa ra trước mặt Vĩnh một tấm ảnh. Tấm ảnh đã bị nước làm phồng lên một góc và rỗ mặt như bị mốc. Dù thế, Vĩnh vẫn nhận ngay ra tấm ảnh chụp vợ anh và ba thằng con nhỏ. Quang cảnh chụp là cái bùng binh nằm ngay trước rạp chiếu bóng Rex.

Nhăn mặt một chút và Vĩnh nhớ ra ngay. Đây chính là một trong những tấm ảnh anh để trong quyển vở bị mất cùng lượt với cái túi thực phẩm khô lúc Vĩnh sửa soạn rời bệnh xá Suối Máu trở về K.5. Thôi rồi! Vĩnh than thầm trong bụng. Thế này là một trong mấy anh chàng ngồi nơi cổng K.4 hồi đó đã đỡ nhẹ cái túi của Vĩnh, và anh chàng đó cũng là một trong những người được đem lên Hàm Tân cùng đợt với Vĩnh hồi tháng 9 năm 78. Chẳng hiểu vì lý do gì đến ngày hôm nay anh ta mới kiểm lại và quăng tấm ảnh ra một chỗ nào đó mà bọn giám thị lượm được. Rồi bằng vào đấy, chúng nghi ngờ Vĩnh đã trốn trại, đã để rơi một tấm ảnh trước khi đổi ý trở về!

Vĩnh liếc nhanh những hàng chữ đã bị nhòe phía sau tấm ảnh. Nét chữ quen thuộc của vợ anh hiện lên trước mặt. "Gửi anh tấm ảnh mẹ con em chụp trước rạp Rex dịp Tết Con Dê. Hà Khoa Nguyên Trung. Gửi Phạm Vĩnh. K.5 trại Suối Máu.".

Vĩnh hơi nhăn mặt. Chính vì cái lối đề địa chỉ hơi lẩm cẩm của vợ mà bọn giám thị đã truy ra một cách thật dễ dàng anh là chủ tấm ảnh ấy. Thật đúng là họa vô đơn chí! Nghĩ thế những Vĩnh vẫn lấy bình tĩnh và chậm rãi giải thích.

- Báo cáo cán bộ, đây đúng là tấm ảnh chụp vợ con tôi. Tôi đã đánh mất nó từ hồi còn ở trại Tân Hiệp Suối Máu.

Tên phó giám thị chỉ cười. Hắn thu lại tấm ảnh và khoan thai nhét nó vào chồng hồ sơ trước mặt, nghiêm giọng nói.

- Anh Vĩnh! Đã bốn ngày làm việc với anh, đã hết lời hết lẽ nhưng anh vẫn tiếp tục ngoan cố. Thôi được, đừng tưởng chúng tôi sẽ triển khai biện pháp mạnh tay với anh lúc này. Tình hình chưa đến độ căng như thế. Chúng tôi vẫn cho anh về trại sinh hoạt bình thường, nhưng, nhấn mạnh một điều để cho anh nhớ, cách mạng luôn luôn khoan hồng với những kẻ có tội biết thành tâm hối cải. Chúng tôi biết anh có tội nhưng vì một điều kiện khách quan nào đó, chưa thể thú tội ngay bây giờ. Chúng tôi tạm gác và chờ một dịp nào đó anh sẽ tự giác khai hết những điều cách mạng muốn anh khai. Giờ trước khi cho anh trở về trại, tôi nhấn mạnh thêm một điều nữa, việc nghiên cứu hồ sơ thả anh trong dịp tới đây, Tết dân tộc chẳng hạn, sẽ được đình chỉ hoàn toàn. Và nữa, tấm ảnh này sẽ không được hoàn trả cho anh. Nói cách khác, anh chỉ làm chủ lại nó khi nào anh tự giác khai báo những điều cách mạng đã cho anh biết bốn ngày qua...

Vĩnh trở lại phòng vào lúc ba rưỡi chiều. Nhiều lúc nghĩ lại sự việc, Vĩnh không sao nén được câu chửi thề. ĐM. chúng nó! Chỉ có tấm ảnh lượm được mà chúng nó quần mình tới bốn ngày trời! Dù sao sau bốn ngày bị hạch hỏi và được trả về phòng an toàn, Vĩnh không khỏi nghĩ tới chuyện phải kiếm một cái gì ăn khao tạ trời tạ đất. Nhưng có gì để ăn khao bây giờ!?

Thời gian vào những lúc ba bốn giờ chiều thường rất vắng lặng. Ở nhà chỉ có một hai người bệnh nặng và đôi ba người được thăm nuôi trở về. Vĩnh nằm ngó quanh với không một ý nghĩ nào rõ rệt trong đầu. Đây là một thói quen mỗi khi nhàn rỗi của Vĩnh. Tuy nhiên, có một sự kiện chiều nay vừa xảy ra bên chỗ đối diện làm Vĩnh phải chú ý. Người điên Trương Hồng được thăm. Anh ta mới từ hội trường quang gánh về phòng. Trông anh ăn mặc thật tươm tất (có lẽ anh đã diện lên người bộ quần áo xộp nhất!). Như mọi người, Hồng cũng khênh mọi thứ đặt lên sạp chỗ anh nằm (Gần đây do sự chuyển đổi qua lại, Hồng không còn nằm cạnh mà nằm bên sạp đối diện với chỗ của Vĩnh). Hồng ngồi lôi ra khỏi bao khỏi bị mọi thứ anh có. Tất cả được bày trên sạp. Những nắm cơm trắng phau anh bỏ bừa trên sạp dính cát dính đất, những quả cam lăn đến tận cuối phòng anh cũng chẳng quan tâm. Hồng cứ loay hoay lôi mọi thứ ra. Khi những món cuối cùng đã được bày biện trước mắt, Hồng khởi sự bỏ cái này vào lon gô rồi lại đổ ra, nhét cái nọ vào bị rồi nghĩ sao lại đổ ra sạp. Nồi thịt kho san qua xẻ lại rồi rốt cuộc lại cũng đổ hết vào nồi. Cơm dính cát, xôi dính đất... Nằm nhìn, Vĩnh áy náy muốn bò qua giúp anh ta một tay hoặc ít lắm cũng lên tiếng khuyên anh một điều nhưng Vĩnh không dám. Vĩnh biết chắc người điên Trương Hồng thù hận bất cứ ai xía vào chuyện riêng tư của anh ta.

Một lát sau, khi mấy người được thăm nuôi khác đã nhóm xong bếp sau nhà và sửa soạn hâm lại những món ăn của họ, thì Hồng cũng lẳng lặng đứng dậy. Anh cầm nồi thịt kho lên ngửi rồi nhăn mặt. Kế anh thu nhặt những nắm cơm bỏ hết vào cái vung, đi thẳng vào dãy cầu tiêu cuối phòng...

Vĩnh đứng lên lôi cái sắc để trên kệ xuống lục tìm mấy viên thuốc ho. Bây giờ đây Vĩnh mới khám phá ra cái sắc của anh đã bị người khác lục tung. Thuốc men và quần áo xếp rất lộn xộn. Kiểm soát lại, Vĩnh không thấy mất một cái gì. Ai lục sắc mình? Dù thân, bạn bè anh nhất định không bao giờ làm điều này. Còn những kẻ nhám tay muốn kiếm chác thì nhất định hắn phải hỏi thăm những bao bị của đám tư sản mại bản không thiếu trong nhà này. Không ai dại gì đi lục cái túi tí teo thế này! Vĩnh chợt hiểu ra anh đã bị giám thị và trật tự phối hợp khám đồ rất kỹ trong lúc anh vắng mặt mà vì vô tình, Vĩnh không hề hay biết.

Những đội thuộc khu 2 đã lần lượt lao động về. Vĩnh rời chỗ nằm đi kiếm mấy thanh củi nhóm bếp. Ở đây có một thông lệ, hễ ăn cơm chung với nhau, vì một lý do nào được ở nhà, người ở nhà đương nhiên phải lo sào nấu sẵn một nồi mì hoặc nui, hoặc bất cứ cái gì nhóm ăn chung có được để mà nấu; người lao động về chỉ lo mỗi việc ăn khi cánh cửa phòng khóa lại sau giờ điểm danh. Vĩnh vội chạy vào cầu tiêu tìm mấy thanh củi Ý dấu trong đó. Anh vừa hoảng hốt vừa tiếc của nhìn thấy những nắm cơm trắng ngần ném vào một góc cầu tiêu dơ bẩn và hôi hám. Những miếng thịt kho đổ vãi nơi cái thùng tiểu. Vĩnh lắc đầu không hiểu tại sao Hồng lại đem đổ hết những món ăn hiếm hoi và ngon lành ấy vào cái nồi hôi thối này!?

Rồi thì trong lúc loay hoay nấu mì trên dãy bếp con không xa lắm với dãy cầu tiêu đầu phòng, Vĩnh nghe rõ giọng Lê Văn Tầm la lớn từ bên trong.

- Ý mèng ơi! Cơm thịt ai đem liệng uổng dzậy nè!?

Những người lao động về muộn thuờng rất vội vã khi họ muốn tranh thủ thời gian còn lại trước khi điểm danh để nấu nướng một cái gì. Trong số những người về muộn và vừa chạy ra ngồi bắc bếp nấu cạnh Vĩnh, Vĩnh thấy có cả Lê Văn Tầm, cựu đội trưởng đội 17. Tầm ngồi bên một bó củi. Trên bó củi ấy có một cái nồi. Quả thực Vĩnh không có đủ chữ để diễn tả cảm giác của mình lúc ấy ra sao, khi thấy trong cái nồi của Tầm có những nắm cơm, những miếng thịt kho mà Trương Hồng, người điên tịnh khẩu, đã ném vung vãi trong cầu tiêu!

Một góc sân đang ồn ào tiếng người nấu nướng bỗng im bặt. Vĩnh ngước lên nhìn vừa kịp lúc tên phó giám thị, kẻ vừa quần thảo Vĩnh cả buổi trưa, bước đến bên cạnh. Hắn tươi cười nhìn Vĩnh, tuồng như thể giữa Vĩnh và hắn chưa hề có chuyện gì gay go xảy ra. Hắn cất tiếng hỏi vu vơ.

- Nồi mì nui to nhỉ? A! Mà có tới sáu người ăn chung với nhau kia mà!

Vĩnh tảng lờ bằng cách cúi xuống thổi lửa. Tên phó giám thị hình như đã xoay sang hỏi chuyện Lê Văn Tầm ngồi cạnh Vĩnh. Giọng hắn vẫn đều đều. Gớm! Còn anh này cấu kết ăn chung với mấy người?

Tầm vội vàng trả lời.

- Báo cáo cán bộ tôi chỉ ăn một mình!

Tên giám thị cười hục hặc trong cổ.

- Có một mình thôi à? Thế là lại thiếu hữu ái rồi!

Muốn tránh phiền phức, Vĩnh khênh nồi mì vừa sôi tới đứng lên đi vào nhà. Trước khi cất bước, Vĩnh còn nghe thấy tên giám thị nói thêm với Tầm. Một lượt mà ăn đến sáu nắm cơm thịt kho thế này thì gấp ba lần cán bộ rồi đấy!
--------------------------------
1
Sau vụ phục quốc quân xâm nhập trại Hàm Tân chừng một tháng thì các linh mục gồm cha Nguyện, cha Bộ, cha Tường và một vài cha tuyên úy khác thình lình bị chuyển đi. Tin tức do thân nhân vào thăm tiết lộ là các cha đều bị đem trở lại khám Chí Hòa.
2
Trưởng Ban Trật Tự Nguyễn Quốc Hùng được thả trước 2-9-79 vài ngày.

CHƯƠNG SÁU MƯƠI CHÍN

Những cơn mưa tầm tã của tháng Mười đánh dấu cao điểm của việc xây cất công trường "Thiên Đường Mới", một danh từ tù Hàm Tân mới đặt ra để gọi khu ngục thất đang được kiến tạo. Song song với công tác chính đó, một công tác thu hút quãng một phần ba nhân lực của phân trại A với tổng số 2.000 tù, một công tác khổ sai mà với ngôn ngữ ba que xỏ lá của thằng tổng giám thị đã nói trước mọi người trong dịp 2 tháng 9 vừa qua là: "Hơn bao giờ hết, các anh phải hạ quyết tâm thi đua hoàn tất chỉ tiêu trong công tác xây cất công trình được trên tin tưởng giao phó. Các anh phải làm sao sang năm tới ta sẽ có nhà mới để ở. Đời sống của các anh sẽ thoải mái hơn. Nơi ăn chốn ở sẽ vững vàng an ninh và có văn minh văn hóa hơn. Trong lúc thi công thực hiện công trình, trại nhắc nhở các anh phải luôn luôn tâm niệm một điều là, chủ yếu các anh làm các anh hưởng!". 

Vâng, song song với việc thi công xây nhà tù mà ở, một công tác mới nữa cũng ra đời để hoàn chỉnh cho công tác xây nhà tù đang tiến triển mạnh, đó là công tác đào hào chung quanh khu vực "Thiên Đường Mới".

Mười đội được đưa vào công tác nặng nhọc này, và đội 17 là một.

Cũng như ở An Dưỡng, đường hào sẽ có chiều sâu ba thước, bề rộng bên trên mặt đất bốn thước rưỡi, đáy rộng ba thước, đất lấy từ hào lên sẽ đắp một con đê chạy theo đường hào có chiều cao tới hai thước rưỡi, mặt đê đủ rộng cho hai người lái xe đạp đi sánh đôi nhau.

Vì là mùa mưa, công tác đào hào mang đầy đủ cái cực khổ của đói lạnh. Mấy trăm tù trải dài trên những phần đất quy định và khởi sự với những nhát cuốc, nhát cuốc chim trên nền đất lổn ngổn đá tảng, di tích của những phún thạch chẳng rõ từ kỷ nguyên nào.

Đội 17 nhận phần trách nhiệm từ những dãy nhà của các tổ đan tre đến chỗ giáp với hàng rào tre cuối khu trại đang ở. Phía mặt là suối. Phía trái là dãy hàng rào tre gai bên hông trại cũ. Đội 17 vừa đào vừa rình rập bẻ trộm những cái măng mới nhú nơi hàng rào. Đây là điều cấm kỵ của nội quy. Có măng thì mới có tre. Có tre thì hàng rào mới dần dần bền vững. Bẻ măng là phá hoại hệ thống phòng thủ của trại. Ban Giám Thị đã nhiều lần nhắc nhở và phạt kỷ luật nặng nề những người bẻ măng ngoài hàng rào trại, tuy nhiên cái đói lạnh khiến bọn tù có dịp là bẻ, bất kể nội quy hay hình phạt. Những cái măng bẻ xong được nhúng ngay xuống bùn. Nó sẽ được chủ nhân hẹn hò với một người bạn làm việc nơi khu canh tác, khi đi qua sẽ nhặt lên bỏ thùng phân khuân về trại. Ngày tháng qua, đường hào mỗi ngày mỗi sâu mỗi rộng và mỗi dài. Những tảng đá nhiều khi lớn bằng nửa cái xe Jeep chìm sâu dưới đất không thể ngờ lại có ngày được đưa lên nằm trên mặt đất không chỉ bằng sức lực và hai bàn tay không của lũ tù binh khốn khổ và bị quên lãng nhất trần gian.

Việc nặng chết người có khả năng lôi con người tới sự đoàn kết chặt chẽ hơn! Vì công việc đào hào ở đây đòi hỏi tới cả việc đào xới, trục lên và di chuyển đi những tảng đá nghìn cân, một việc làm mà nếu xẩy tay không chỉ chết một người mà có thể chết cả vài chục người; do đó, bọn tù thốt nhiên chăm chỉ và ngoan ngoãn như những bầy ong kiến trên đường kiến tạo tổ. Bọn quản giáo vệ binh thấy nhàn nhã ra mặt. Quản giáo Phú nhiều khi cả buổi không thấy mặt. Buổi sáng dẫn tù ra địa điểm lao động xong là quay đi quay lại hắn đã biến mất. Còn hai thằng vệ binh cũng thế. Cả buổi lao động chỉ thấy chúng xuất hiện một hai lần trên đầu con đê mới đắp, đứng nhìn trời nhìn đất một một lúc rồi chuồn đâu mất, để mặc bọn tù, vì sức nặng của những tảng đá, vì chỉ tiêu của những thước khối đất đã được ấn định, vì sự thúc hối của các đội trưởng đội phó, đã ra công làm những công việc mà kết quả của nó đưa lại đúng như lời lẽ vàng ngọc của tên tổng giám thị từng đưa ra: Các anh làm các anh hưởng!

Vào những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 79, đội 17 đã tiến tới gần những dãy cachot của khu Thiên Đường Mới. Hai tháng cật lực với công việc khổ sai đào hào, bọn tù hốc hác trông thấy. Những cơn mưa rừng lạnh cóng, gió rừng buông thổi về nhiều khi tưởng như có thể thổi bay một tên tù gầy còm đang đứng nện đất trên mặt đê cao.

Có thể cuối năm là thời gian của thanh tra và tổng kết những báo cáo thành quả, do đó bọn giám thị xuất hiện kiểm soát rất thường xuyên. Vì sự kiểm soát ấy, quản giáo và vệ binh không còn dám lơi là và đương nhiên bọn tù lại bị thúc hối thi công dữ dội hơn, bơ phờ hơn. Những kiện tướng lao động của đội 17 là đội trưởng Lễ, lực sỹ Lê Văn Tầm, ông lang băm Võ Văn Bảy... những người mà anh em đã phải mỉa mai gọi là "Paven" 1, cũng khởi sự vàng vọt xanh xao.

Hiện nay cứ sau một giờ lao động cật lực, đội 17 được quản giáo Phú cho nghỉ mười phút giải lao. Dù đã bị cấm tuyệt đối không được bén mảng đến gần, nhưng sau cùng anh em đội 17 cũng đã nhiều người được nhìn tận mắt quả tim của khu Thiên Đường Mới: Khu Biệt Giam!

Khu biệt giam này gồm một dãy phòng đúc bê tông cốt sắt. Mỗi phòng có chiều cao hai thước, chiều sâu hai thước và chiều ngang một thước rưỡi. Trong phòng có một bục nằm cũng đúc bằng xi măng, bề ngang chừng sáu tấc, bề cao chừng nửa thước và dài chừng thước tám. Vách bên trong, chỗ tiếp giáp với bục nằm có dính nhiều khoen sắt lớn. Cửa phòng làm bằng sắt ống to hơn nửa cổ tay. Một vài phòng để trống phía trước trong khi một vài phòng khác có cửa sắt lá sách che kín bịt bùng.

Lâu nay Vĩnh và các bạn biết rằng bọn giám thị đã đem một số biệt giam từ trại cũ sang giam ở đây. Dũng và đám anh em Hòa Hảo trốn trại trước đây hiện đều bị giam nơi khu biệt giam này. Đứng vẩn vơ phía trước hàng rào khu biệt giam ngó vào, người ta chỉ có thể nhìn thấy bên trong của những gian phòng trống, còn những phòng có nhốt người được kéo cửa lá sách không trông thấy gì. Từ khi con đường hào được đào tới ngang khu vực này; ngày hai buổi Vĩnh và các bạn còn được thấy cảnh trật tự đem thức ăn nuôi tù biệt giam. Ngày hai buổi, cứ khoảng mười một giờ trưa và bốn giờ chiều, một anh trật tự dẫn theo một anh nuôi xuất hiện trước khu biệt giam. Đứng từ xa, nhìn mớ lon cóng được đựng chung trong một cái giỏ do anh tù nhà bếp xách và lẽo đẽo đi theo anh trật tự, Vĩnh đoán biết khẩu phần của mỗi người không nhiều hơn một bát ngô già và nửa cóng sữa bò nước lạnh. Đã nhiều lần mạo hiểm đi sâu vào khu biệt giam mới xem những người bị giam ra sao, nhưng lần nào Vĩnh cũng dội ngược vì tiếng hét ngăn cản của tên vệ binh ngồi trên lô cốt phía đầu dãy biệt giam.

Vào ngày lễ Giáng Sinh thì đội 17 đã vượt qua khu biệt giam mới khá xa. Đường hào đã gặp gỡ với đoạn đường hào do đội 45 trách nhiệm. Thêm người thêm chuyện. Đội 17 đã chẳng vừa gì, gặp đội 45 thật xứng đôi vừa lứa. Những câu chuyện vung vít chẳng coi ai ra gì. Gặp rau xanh họ nhổ rau xanh. Gặp đậu bắp họ hái đậu bắp. Gặp khoai lang phơi trên sân của cán bộ họ ăn cắp khoai khô. Xuống xe gạo họ tìm chỗ dấu luôn cả bao gạo... Trên phương diện này đội 17 gặp đội 45 thì thua mọi bề. Nhưng đấu láo thì cũng không thua bao nhiêu!

Mặc cho bọn vệ binh đứng gác trên đê chửi bới, thỉnh thoảng lại có người rú lên.

- Đói!

- Lạnh!

Có kẻ lại văn nghệ hơn, đem một câu trong một bài hát cách mạng ra hát diễu.

-... Gió trên núi rừng lạnh quá không có gì mà che é e è...

Hết những câu nói, câu hát nhằm trêu ngươi bọn vệ binh, anh em đội 45 lại đưa ấn đề đào hào ra mổ xẻ. Thậm chí có người táo bạo lên tiếng bàn công khai.

- Tao e mình đào cái này là đào mồ đào mả cho chính mình mất. Mẹ kiếp! Có biến xảy ra, tụi mày cứ tính xem, cái đường hào này đủ chỗ chôn tập thể 2.000 thằng tù không?

Vĩnh co ro đứng dưới hào sâu ngập nước quẳng từng xẻng đất lên bờ đê, tai lắng nghe anh em bên đội 45 nói chuyện, lòng trĩu nặng một nỗi buồn. Chỉ còn mấy ngày nữa giỗ Mẹ. Mẹ Vĩnh mất vào ngày mùng 3 tháng Chạp. Năm nay, mùng 3 tháng Chạp sẽ trùng vào đúng ngày mùng 1 Tết Dương Lịch. Mấy ngày nay Vĩnh có ý nóng lòng đợi gia đình lên thăm. Anh muốn có một cái gì đặc biệt để làm Giỗ cho Mẹ. Hơi buồn là các linh mục đã bị đưa đi hết, bằng không chắc chắn Vĩnh đã có thể xin một cha làm một "lễ đi" để cầu nguyện cho linh hồn Mẹ anh. Vĩnh cũng có nói qua chuyện này với anh Huy. Anh Huy đã hứa sẽ mời một số đông anh em đọc kinh góp lời cầu nguyện cho cụ.
°
Anh Huy tiếp tay Vĩnh bày hết những món ăn ra sạp gồm khẩu phần đặc biệt của ngày Tết Dương Lịch của bạn bè gom lại, cộng với một nồi nui lớn khá đặc biệt; nồi nui này đã được Vĩnh nấu toàn bằng những thứ bạn bè mỗi người cho một tí (vì anh và những người bạn cùng nhóm ăn chưa ai được thăm vào dịp Tết Dương Lịch), nó có tí tôm khô, tí mỡ, tí hành, tí bột ngọt... Khi tất cả đã đâu vào đấy, Vĩnh bắt đầu chạy sang nhà 5 gọi thêm mấy người bạn thân thiết sang ăn giỗ. Chỉ một nồi nui với khẩu phần đặc biệt được phát vào ngày đầu năm của mỗi người góp vào, bữa giỗ trông cũng rềnh ràng ra phết. Những miếng thịt kho lều bều nước, tí bắp cải cà rốt xào, tí cơm trắng... cũng gây được một không khí thật trang trọng và đầy đủ cho một bữa giỗ. Bất kể những người ngồi quây quần với nhau thuộc tôn giáo nào, với tư cách một người lớn tuổi nhất, anh Huy nói khẽ nhưng rất nghiêm trang.

- Hôm nay là ngày mùng 3 tháng Chạp, giỗ thân mẫu của anh Vĩnh. Tụi này mời các anh qua ăn chung với nhau một bữa cơm và xin các anh góp lời cầu nguyện cho linh hồn Anna sớm được về hưởng phúc thiên đàng đời đời... Bây giờ xin mạn phép làm dấu xướng kinh.

Anh Huy vừa xướng kinh xong thì mọi người đã rất vui vẻ bát đũa lên tay. Vĩnh cảm động và thấy bồi hồi tấc dạ. Anh biết chắc ở một nơi nào đó, cũng trong hoàn cảnh thê thảm này, có một người thân yêu của anh cũng đang xoay sở để làm giỗ cho Mẹ như anh. Vĩnh vừa và được một miếng cơm thì giật mình buông đũa xuống. Đội trưởng Lễ xuất hiện ngó mâm cơm với một nét dò xét khó chịu. Kế anh nhìn Vĩnh, nói.

- Cán bộ gọi anh phía ngoài.

Vĩnh hơi sửng sốt. Sao tụi ăng ten chúng làm việc nhanh thế? Vừa tụ tập ăn uống một chút mà bọn giám thị đã biết ngay rồi. Dù nghĩ thế, Vĩnh vẫn nói nhanh để các bạn yên tâm.

- Các ông cứ tự nhiên ăn. Tôi sẽ có cách nói...

Thế rồi Vĩnh đứng lên đi theo đội trưởng Lễ ra ngoài sân. Một tên cán bộ trực còn rất trẻ tuổi đứng đợi Vĩnh với một mảnh giấy trên tay phía ngoài hàng rào. Thấy Vĩnh, hắn hỏi.

- Anh Vĩnh?

- Vâng, tôi đây.

- Đi theo tôi lên bệnh xá!

Dù không hiểu tại sao lại lên bệnh xá nhưng Vĩnh cũng bướcqua cổng và đi theo tên cán bộ. Một lát sau Vĩnh đã có mặt giữa một lô những người mặc áo trắng, loại áo choàng trắng may bằng kaki Nam Định thường thấy ở bọn y sinh và y tá Việt cộng mặc. Trong đám ấy có cả bác sỹ Anh (gần đây, tên y tá Việt cộng có gốc chiêu hồi từng được bọn giám thị cho làm trưởng bệnh xá, đã chích chết một lúc hai ba người, do đó hắn mất chức và bọn giám thị lại phải đưa bác sỹ Anh, một cựu thiếu tá y sỹ của quân đội VNCH vào chức vụ này). Thấy Vĩnh đến, bác sỹ Anh chỉ vào một cái giường đã có nhiều người đui, mù, què, chột, gầy như que tăm, xanh như tàu lá ngồi sẵn tự bao giờ.

Rồi thì một tên mặc áo trắng khởi sự nói với mọi người.

- Báo cáo các anh cải tạo thế này nhá. Nhận chỉ thị của trên, chúng tôi là các y sỹ của Bộ Nội Vụ xuống nghiên cứu và kiểm tra tại chỗ bệnh tật của các anh. Các anh cứ yên tâm nhá. Lương y như từ mẫu. Chúng tôi sẽ báo cáo lên trên những gì qua kiểm tra chúng tôi ghi nhận được. Rồi thì tốt cả thôi. Nhá!

Sau khi giới thiệu vài câu đầu không ra đầu, đuôi không ra đuôi; hắn quay sang giới thiệu mấy tên đồng nghiệp của hắn về phương diện chuyên môn. Mươi phút sau đó, Vĩnh được bước ra trình diện một bác sỹ Việt cộng có chuyên khoa về lao phổi.

Dù rằng Vĩnh vẫn nhớ đến lời dặn dò thân ái của bác sỹ Châu, cựu cục phó Cục Quân Y, là trước khi "người ta" khám, anh nhớ kím chỗ nào kín đáo nhảy dây cho tôi năm mươi cái; nhưng hiện tại vô phương, Vĩnh biết không cách nào làm đúng như lời chỉ dẫn của ông thầy Châu được. Hiện Vĩnh không có chỗ và cũng không có cả thì giờ!

Dù sao Vĩnh cũng yên tâm nhận ra cái nháy mắt trấn an và có vẻ như chia vui của bác sỹ Anh đang ngồi gần đấy. Chìa bộ ngực Omega ra cho tay bác sỹ Việt cộng nghe ngóng, Vĩnh vẫn chú ý theo dõi một diễn tiến chung quanh.

Tay y sỹ đang khám cho Vĩnh chợt ngoái cổ hỏi bác sỹ Anh.

- Sao, anh này học tập lao động có tốt không?

Bác sỹ Anh nói không cần suy nghĩ.

- Báo cáo cán bộ lao động rất tốt! Nhưng đủ thứ bệnh trong người!

Vĩnh cười thầm. Ông nội này nói dóc cũng có bằng cấp! Từ ngày Vĩnh về Hàm Tân, chưa bao giờ ở chung đội với ông Anh và cũng chưa bao giờ có dịp lao động gần nhau. Chỉ có một thời gian ngắn ở chung một nhà.

Tên y sỹ Việt cộng lại hỏi.

- Anh có kiểm tra thường xuyên phổi anh này đấy chứ? Có cho cách ly không?

- Báo cáo cán bộ phổi anh này thì bết lắm. Thủng một lỗ bên đỉnh trái và đã ho ra máu nhiều lần. Rất tiếc là ở đây không có phương tiện chữa trị và cũng không có khu cách ly.

Tên y sỹ Việt cộng bỗng nhăn mặt.

- Biết thế mà vẫn bắt người ta đi lao động à?

Bác sỹ Anh hơi ngẩn người trước cái nhân đạo bất thình lình của tên y sỹ Việt cộng, và càng ngẩn người hơn lúc thấy rằng hình như tên này quả không hề biết tí gì về những chuyện đã và đang xảy ra trong hệ thống trại tù của cái chế độ mà chính y đã được đào tạo và đang phục vụ một cách tích cực.

Nhưng rồi bác sỹ Anh cũng trả lời được một câu.

- Báo cáo cán bộ tôi chỉ là một phạm nhân được Ban Giám Thị cho hành nghề khám bệnh giúp đỡ anh em thôi. Còn việc lao động hay không là quyền của các cán bộ giám thị.

Tên y sỹ Việt cộng hơi nhăn mặt rồi quay lại với một chồng hồ sơ nằm trên mặt bàn cạnh đấy. Vĩnh và bác sỹ Anh đều không biết hắn đang viết cái gì.

Sau màn kiểm tra sức khỏe đột xuất và cũng là lần đầu tiên trong suốt bốn năm rưỡi trời tù tội, Vĩnh được cho phép trở về phòng. Sự vắng mặt của Vĩnh làm anh em ai cũng lo, nhưng như vậy không có nghĩa là bữa giỗ bị ế ẩm. Hầu như trên mâm mọi cái đều sạch sẽ, ngoại trừ phần ăn bếp phát cùng với một tô nui bạn bè múc riêng ra để dành cho Vĩnh. Anh ngồi xuống ăn tiếp tục với đủ thứ ý nghĩ trong đầu. Những câu hỏi tới tấp của bạn bè đều được trả lời một cách rất thiếu chính xác. Câu chuyện được nghe kể từ hồi Suối Máu, khi một số anh em tù được đưa từ trại Bùi Gia Mập về Vĩnh còn nhớ như in. Họ cho biết hồi mới tập trung, bọn Việt cộng đã lập một khu cách ly giữa rừng sâu đành cho những người bị tứ chứng nan y tự do sinh sống với nhau để chờ ngày... chết. Thực phẩm nước uống chúng cấp đủ cho hai tháng, sau đó sống chết mặc bay...

Rồi bữa giỗ cũng qua đi. Ngày nghỉ của mọi người là ngày ngủ. Nhưng riêng Vĩnh không cách gì ngủ được. Anh ra ngoài sân nắng ngồi cho ấm, nhìn những người không ngủ trưa khuân những gói mì khô, nhất là những gói nui ống do gia đình cung cấp ra phơi. Nui xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng thế. Một nui có tới hai mọt và ba mốc. Những con mọt hôi hám đen trắng lẫn lộn bị phơi nắng bò ra ngoài lổn ngổn. Nơi phía bếp đầu hồi gần chỗ cầu tiêu, trưa nào cũng thế, người duy nhất còn sót lại đi gom góp những mớ than hồng còn sót để gom vào một bếp, loay hoay với cái nồi to tướng nấu một món ăn hổ lốn vẫn chỉ là Lê Văn Tầm. Nhu cầu của một thân xác lực sỹ hình như hành hạ hắn suốt ngày, và bất cứ lúc nào rảnh rỗi Tầm cũng ôm lấy cái nồi và cái bếp. Hắn nấu bất cứ gì hắn kiếm được, kể cả cơm và thịt anh chàng Trương Hồng điên loạn đã ném vào cầu tiêu và đã dính cả những chất cặn bã dơ dáy của con người! Đời tù tội, Vĩnh đã gặp nhiều tay bị cái đói hành hạ đâm ra ăn uống thô tục, nhưng Tầm, người có thân hình lực sỹ tuyệt đẹp và cũng từng chiếm giải bơi lội của Hải quân, có lẽ là người số một!

Ngồi lơ mơ ngoài sân nắng với những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu, có lúc hình như Vĩnh đã đọc kinh, đã cầu nguyện một cái gì đó với người Mẹ quá vãng của anh; cũng có lúc Vĩnh thấy mình lạc vào một vùng mịt mù rừng rậm với những người bạn lao phung cùi hủi. Nhưng Vĩnh đã nhất định không chết, đã tìm đường ra với rất nhiều hình ảnh lạ thường.

- Này anh Vĩnh, làm gì đấy?

Tên phó giám thị, một lần nữa như một thứ bóng ma, đã xuất hiện ngay bên ngoài hàng rào. Vĩnh muốn đứng lên đi thẳng vào phòng nhưng nghĩ sao anh tảng lờ và tiếp tục ngồi nhìn ra ngoài sân nắng. Tên giám thị chẳng buồn hỏi tiếp, hắn bỏ đi về phía dãy bếp sau nhà.
--------------------------------
1
Paven: Nhân vật chính trong một tác phẩm "gối đầu giường" cho thanh niên Nga, một thứ anh hùng lao động trong thời kỳ cách mạng 1917.

CHƯƠNG KẾT

Bọn giám thị trại Hàm Tân dù không thẳng thắn tuyên bố ra, nhưng hơn ai hết, đội 17 biết thật rõ và thật chắc chắn quản giáo Phú đã đào ngũ, đào ngũ trước Tết Nguyên Đán 1980 đúng mười ngày. Một quản giáo mới được thay thế vừa đúng ba ngày, tức trước Tết còn đúng một tuần lễ, thì trại Hàm Tân, 2.000 tù, vào một buổi trưa trước giờ xuất quân đi lao động, có 14 thằng tù loại sắp chết được cách mạng xướng tên cho phép "lê bước chân tìm về tổ ấm". 

Lúc ấy, Vĩnh vừa ký tên vào sổ xin ở nhà khai bệnh và dĩ nhiên, nhận được một cái nhìn đầy ác cảm của đội trưởng Mai Văn Lễ. Một thằng khai bệnh là một cái điểm đen trong bảng chấm công hàng ngày, hàng tháng và hàng năm của cả đội. Vì lẽ đó, ngay đội trưởng, cũng thân phận tù như nhau, đã vì "chức năng", luôn luôn làm khó dễ anh em trong những lúc đau ốm buộc lòng phải khai bệnh. Dù gì gần đây đội trưởng Lễ nhăn nhó với Vĩnh cũng phải. Nội tuần vừa qua Vĩnh đã khai bệnh đến ba lần. Mà không khai bệnh cũng không được! Hiện tại Vĩnh đã biết mình lao nặng trở lại. Lao thực chứ không còn kịch cỡm gì nữa. Ở đây không như Suối Máu. Ở đây lao động rất trâu bò. Lại gió núi mưa bưng. Bệnh phổi của Vĩnh đã tái phát và lúc này coi mòi đang trên đà phát triển dữ dội. Cứ tưởng tượng phải lặn lội đào bùn dưới đường hào với cái bụng đói meo, trong khi những cơn gió lạnh thổi từ rừng buông ra, Vĩnh đã thấy ớn sợ. Thế nên đội trưởng Lễ có nhăn nhó một, chứ nhăn nhó mười Vĩnh nhất quyết cũng khai bệnh nằm nhà vào cái chiều thứ Bảy cuối tuần này. Hơn thế, mấy ngày nay Vĩnh viết được một bài nhạc mới thật ưng ý, bài Nếu Tôi Còn Sống Mà Trở Về; Vĩnh muốn có thì giờ nằm nhà suy nghĩ và gọt dũa thêm...

Ngoài sân của khu và cả ngoài sân trại, các đội hình đã ngồi đầy dẫy để chờ giám thị trực đọc các thông cáo trước giờ cho xuất quân đi lao động. Vĩnh ngồi trong phòng, choàng cái chăn rách lên người cho thêm vẻ đau ốm và nhìn ra ngoài cửa sổ. Hôm nay có gì mà trang trọng thế? Vĩnh tự hỏi. Thông thường chỉ ngày đầu tuần, khi có những thông cáo quan trọng thì bọn trật tự mới khênh cái bục thuyết trình ra sân cho giám thị trực dùng. Những ngày cuối tuần thế này, có đọc thông cáo hay lệnh phạt đi nữa, thường chỉ được thực hiện giản dị mà thôi. Nhưng trưa nay lại có cả bục thuyết trình đàng hoàng.

Tên giám thị trực đã xuất hiện. Một lúc sau tiếng loa ồm ồm đọc lên một cái gì đó Vĩnh không nghe rõ. Anh em ngồi tập họp ngoài sân chợt thầm thì bàn tán.

- Có list thả!

- Đúng rồi! Thả nữa! Vậy là từ tháng 9 năm rồi đến nay đã hai đợt thả!

Một giọng buồn buồn.

- Mỗi kỳ thả năm bảy thằng chắc kiếp sau mới tới lượt những thằng phản động chuyên nghiệp như mình!

Vĩnh cảm thấy thật ơ hờ với cái không khí đọc thông cáo thả tù ngoài sân. Anh nằm xuống kéo chăn chùm kín đầu khi thấy bác sỹ Anh dẫn theo mấy anh y tá vào tận nhà 4 khám bệnh cho những người khai bệnh. Vĩnh đang nghĩ cách làm sao nói khéo để ông Anh cho nghỉ chiều nay.

Trong lúc bác sỹ Anh đang khám mấy người nằm ở đầu dãy phòng thì có một người bỏ hàng ngoài sân chạy tốc vào nhà 4. Vĩnh ngó ra thấy ông Thuận tức Châu Sơn. Ông Thuận chạy phóng đến chỗ Vĩnh nằm, giật mạnh chân Vĩnh, nói như người nghẹn thở.

- Họ thả ông rồi!

Nằm chùm chăn kín đầu, Vĩnh không nghe rõ ông Thuận nói gì. Thấy Vĩnh vẫn nằm yên, ông kéo thốc cái chăn của Vĩnh lên, la lớn một lần nữa. Vĩnh! Họ thả ông rồi kìa! Ngồi lên!

Bây giờ thì Vĩnh đã nghe thấy và nhìn nét mặt hớt hải vì mừng của ông Thuận, Vĩnh đã tin lời ông nói. Vĩnh ngồi dậy và cố lấy vẻ thật thản nhiên, anh hỏi lại.

- Còn anh sao?

Ông Thuận giơ cả hai tay tỏ vẻ chán nản. Ông đứng nhìn Vĩnh một thoáng, hơi hạ giọng và nói nhanh một cách thật cảm động.

- Chút nữa thế nào họ cũng đưa ông đi khỏi đây. Thế là hết, khi tụi này đi lao động về thì chỗ này đã khuyết đi một người nằm... Chả biết bao giờ gặp lại ông...

Ông Thuận có vẻ thật buồn. Rồi ông quay lưng đi ra phía cửa. Trông cái dáng cao nghệu và khòm khòm của ông, Vĩnh thấy nơi ông tất cả sự chịu đựng mệt mỏi. Ra gần tới cửa, có bác sỹ Anh đang khám bệnh, ông Thuận nói nhỏ gì đó với ông Anh. Ông Anh bỗng ngẩng đầu lên, ngó dáo dác về phía Vĩnh, hỏi vu vơ.

- Đâu? Anh nào? Anh nào may mắn vậy?

Trước khi rời khỏi cửa phòng, ông Thuận ngoái lại một lần nữa. Ông nói lớn với nụ cười héo hắt.

- Thôi, mừng ông và tạm biệt ông nhé. Có những điều tôi từng nói với ông, nhớ lấy! Nếu có dịp gặp anh em văn nghệ, đặc biệt bà Nguyễn Thị Hoàng, cho tôi gửi lời thăm hỏi...

Tiếp theo đó là anh Huy, Ý, Dương, Điểu, Cường và cả anh chàng phó quận Vũ Duy Báu, người từng giúp đỡ Vĩnh thật nhiều về thuốc men, đều chạy vào phòng chia mừng với Vĩnh.

Khi đạo quân lao động khổ sai đã lần lượt rời hết cổng trại, trật tự xuống từng nhà và ra lệnh ngắn gọn cho những người có tên thả.

- Mấy ông thu vén đồ đạc thật nhanh để lên hội trường làm việc với cán bộ. Nhớ là mang theo hết đồ đạc vì sẽ không trở về đây nữa.

Vĩnh ngồi thu vén lon cóng, mùng mền, quần áo, chai lọ vào bao bị. Cái kinh nghiệm về một Bùi Duy Hạ ở trại An Dưỡng năm nào khiến Vĩnh muốn đem theo hết những vật dụng tùy thân này. Nhưng rồi nghĩ ngợi sao, Vĩnh lại bỏ tất cả những cái mình có ra. Anh để lại đầu giường của những người bạn thân thiết những thứ đồ dùng của anh, người cái quần, kẻ cái áo, người cái ca nhôm, kẻ cái kem đánh răng đã dùng dở dang...

Khi tụ tập trên hội trường vào lúc ba giờ chiều có lẽ Vĩnh là một trong những người nhẹ gánh nhất. Anh chỉ đem theo mình vỏn vẹn một bộ quần áo rách nhất đề phòng ban đêm lạnh sẽ mặc thêm lên người.

Trên hội trường, tên cán bộ trực đọc lệnh thả của Bộ Nội Vụ, rồi đọc nội quy quy định cho những người được thả. Đọc xong, hắn nói.

- Thay mặt Ban Giám Thị trại, tôi chúc mừng các anh được nhà nước tạm tha để về chữa bệnh. Ban Giám Thị mong rằng trong thời gian tạm tha, các anh sẽ phấn đấu tốt để trở thành người công dân lương thiện tại địa phương, để được nhân dân và chính quyền địa phương công nhận cho thường trú...

Các anh được về đoàn tụ gia đình đúng dịp Tết Dân Tộc, vậy trước khi rời trại này sang khu tập trung mới đợi làm thủ tục, thay mặt Ban Giám Thị trại, tôi chúc các anh một cái Tết tự do, ấm no và hạnh phúc với gia đình. Đồng thời...

Tên giám thị trực còn nói nhiều nữa nhưng Vĩnh không chú ý nghe. Sau đó, 14 thằng tù bệnh hoạn được trật tự hướng dẫn đi lối tắt phía sau bếp len qua hàng rào tre, băng qua khu đan tre của mấy ông tù già và bước vào lãnh thổ của khu Thiên Đường Mới.

Một gian phòng xây đúc đã hoàn tất được chọn cho bọn Vĩnh làm nơi tạm nghỉ qua đêm chờ ngày mai làm thủ tục hành chánh.

Tay trật tự với vẻ mặt vui vẻ khác hẳn ngày thường, cho bọn tù được thả biết vài điều trước khi hắn rút lui.

- Trên nguyên tắc, như cán bộ đã nói, các anh tự do từ giây phút này. Các anh có thể ra suối tắm bất cứ lúc nào muốn. Cơm nước đội anh nuôi sẽ đem từ trại cũ ra cho các anh đầy đủ. Tuy nhiên, vì chưa có giấy tờ, với lại để tránh bị các cán bộ an ninh vòng đai ngộ nhận bọn xấu trốn trại nổ súng lầm, yêu cầu các anh đừng đi đâu ra khỏi phạm vi khu xây cất này với bờ suối kia.

Rồi khi tên trật tự đã quay đi, bỏ lại 14 thằng tù may mắn muốn làm gì thì làm.

Một số anh siêng năng vội vàng ra sân kiếm mấy hòn gạch bắc bếp nấu nước sôi. Vĩnh nằm quan sát chung quanh căn phòng của khu Thiên Đường Mới. Tất cả đều được đúc bằng xi măng cốt sắt trộn đá xanh. Những chấn song sắt to bằng cườm tay. Những nền đá lạnh ngắt dùng làm chỗ nằm... Quang cảnh nơi đây không khỏi gây cho người tù, dù đã bầm dập vì tù, một cảm giác mới thật ớn lạnh. Một ngày không xa, những người còn lại sẽ được chuyển sang ở nơi khu Thiên Đường Mới này. Đời họ sẽ ra sao? Rồi Vĩnh quan sát tới những người chung quanh. Trong 14 người được thả đợt này có hai người bị cùi, tám người lao phổi nặng, một người cụt chân vì bị mìn trước đây, một cụ già sáu mươi lăm tuổi, một bị bại xụi và người sau cùng bị cụp cột sống do cây đè.

Dù cái cân hậu cần dưới bếp không đúng lắm, nhưng có nhiều dịp lao động gần đấy, Vĩnh đã leo lên cân và ghi nhận được sức nặng của anh những ngày gần đây chỉ còn độ 35 tới 36 kgs. Thế nhưng, Vĩnh cảm thấy anh là người tương đối khỏe mạnh hơn hết trong đám người đang nằm ngồi với đầy nét bồi hồi trên mặt chung quanh anh. Một anh bạn trẻ tuổi bị cùi, ghé đến cạnh Vĩnh làm quen. Anh ta nói anh có nếp và lạc xưởng đem theo. Hai người đứng lên và bước ra khỏi phòng. Một lúc sau, như những người khác, Vĩnh và anh bạn mới đã ngồi bên cạnh một cái lò bên trên có một cái lon guigoz cơm nếp.

Anh bạn nhìn quanh, nói.

- Tụi nó cô lập khu này. Anh em ta lao động gần đây có lẽ không được phép liên hệ với tụi mình.

Vĩnh khều khều cho cái bếp cháy to hơn, trả lời.

- Dĩ nhiên là phải vậy.

Người bạn trẻ lại tiếp.

- Nơi đây gọi là nhà đá thì thật đúng. Bước vào trong lạnh như có ướp đá vậy! Mà chả hiểu tại sao họ lại cho mình sang ở khu này trước khi làm thủ tục về nhỉ?

Vĩnh cười cười trả lời cho người bạn mới vui lòng.

- Thì cách mạng đã nói rồi. Chủ yếu các anh làm các anh hưởng. Những dãy nhà đá này thành hình một phần cũng có công sức của tụi mình góp vào. Trước khi ra đi, chả lẽ cách mạng lại không tạo điều kiện cho tụi mình được ngủ trong đó một đêm gọi là cho biết mùi hay sao?

Một người khác ngồi nấu cách Vĩnh không xa, cất cái giọng khàn khàn như người hết hơi, len vào câu chuyện của Vĩnh và người bạn trẻ.

- Một hình thức dằn mặt mình đó mấy ông ơi! Ý nói đừng trở lại đây nữa. Trở lại là rục xương...

Vĩnh không nói thêm một lời nào. Giờ này đã chấm dứt giờ lao động chiều. Ngoài bờ suối ầm ầm những tiếng động, tiếng nói cười của lũ tù thay phiên nhau từng đợt xuống tắm. Và rồi khi mấy anh nuôi đem cơm ra - chứ không phải ngô như mọi bữa - cho bọn tù được thả, thì những tiếng động ngoài bờ suối đã lắng xuống và từ từ dứt hẳn. Có lẽ đợt sau cùng đã lên bờ và trở về địa điểm tập trung chờ điểm danh nhập trại. Bọn Vĩnh chả mấy người ăn được. Chẳng ai mà không nôn nao nghĩ đến ngày mai được ra khỏi cái "Đại Học Tổng Hợp" này. Để cho tâm hồn được yên tĩnh, Vĩnh rủ anh bạn trẻ ra suối tắm trước khi ngồi vào bữa ăn cho nó... sang, cho nó trở lại với phong thái văn minh văn hóa của loài người.

Từ ngày về đây, lần đầu tiên được ra suối trong tình trạng vắng lặng như thế này, Vĩnh mới thấy rõ được sự nhỏ bé của con người trước cảnh âm u bao phủ của rừng già. Người bạn đã nhanh chóng trườn xuống nước. Vĩnh bị phổi nên bỗng nhiên sợ nước lạ lùng. Anh đổi ý không tắm và ngồi yên trên bờ nhìn cảnh vật chung quanh. Một ý nghĩ chợt nổi lên trong đầu Vĩnh. Căn phòng Vĩnh ngủ không xa khu cachot là bao, chỉ cách một hàng rào đơn và một dãy nhà. Vĩnh tự hỏi tại sao đêm nay mình không qua đó quan sát một lần cho biết cái "trái tim" của khu Thiên Đường Mới này nó ra sao? Và rồi Vĩnh nghĩ ngay đến miếng cơm nếp lạc xưởng. Ta nên để dành nó. Biết đâu lại gặp được thằng Dũng? Lúc này mà nó được ăn một miếng cơm nếp lạc xưởng hẳn phải sướng hơn mình được thả mười lần!

Bên kia bờ suối bỗng xuất hiện hai tên công an có súng trên vai. Một tên chợt thấy bọn Vĩnh dưới suối, hắn dừng chân sừng cồ hét lớn.

- Này! Mấy thằng tù kia. Đội nào nhà nào mà giờ này còn tắm ở đây?

Nghe tên an ninh vòng đai hét, người bạn dưới suối nhanh nhẩu.

- Báo cáo cán bộ tụi tôi được thả rồi! Được tự do rồi!

Tên công an thứ hai nghe vậy vôi chen vào.

- Này! Ăn nói với cán bộ mà vô phép thế đấy phỏng? Mày tưởng thế là mày tự do đấy phỏng?

11-80 Bidong, Malaysia
12-84 San Diego, USA.

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét