Thanh Quang RFA
Thứ Năm ngày 23 tháng 5, tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ
An, Tòa Phúc thẩm thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội sẽ xử phúc thẩm 8 thanh
niên Công Giáo và Tin Lành, thuộc trong số 14 người đã bị tòa sơ thẩm Nghệ an kết
án nặng nề hồi tháng Giêng vừa rồi. Thanh Quang tổng hợp thông tin liên hệ và
ghi nhận một số ý kiến, kể cả nhận xét của LS Hà Huy Sơn bào chữa trong phiên
phúc thẩm này.
Hy vọng giảm án?
Sau nhiều lần trì hoãn, Tòa án Tối cao VN đã quyết định xét xử
phúc thẩm 8 thanh niên Công giáo và Tin lành, thuộc trong số 14 người đã bị án
sơ thẩm thậm chí tới 13 năm tù về tội gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
LS Hà Huy Sơn trong phiên phúc thẩm này sẽ bào chữa cho 4 trong
số 8 người kháng án, gồm Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Đình Cương, Hồ Văn Oanh và
Trần Minh Nhật. 4 người kháng án còn lại, gồm Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt,
Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung sẽ được các LS Trần Thu Lam và Vương Thị Thanh
biện hộ. LS Hà Huy Sơn cho biết:
“Tôi bảo vệ cho 4 người, gồm 2 người mà tôi đã từng bảo vệ trong
phiên sơ thẩm và giờ thêm 2 người nữa trong phiên phúc thẩm này. Trong số 4 người
mà tôi bào chữa kỳ này, thì 3 người bị mức án từ 3 tới 4 năm trong phiên tòa sơ
thẩm. Riêng Paulus Lê Văn Sơn bị án 13 năm tù đó, thì tôi hy vọng trong phiên
phúc thẩm này, mức án của Sơn có thể thấp hơn. Tất nhiên là tôi chỉ hy vọng
thôi, còn mức án thực sự trong phiên phúc thẩm này, tôi không chắc được là như
thế nào.”
Nếu như nhà cầm quyền tiếp tục bịt tai, bịt mắt để xét xử với những
bản án nặng như vậy, thì hành động đó đã trả lời cho nhân dân biết rằng họ là
ai, họ đang hành xử theo luật pháp như thế nào.
-JB Nguyễn Hữu Vinh
LS Hà Huy Sơn vừa mới thăm các thân chủ của ông và nhân tiện kể
lại tình cảnh lao lý của các thanh niên yêu nước ấy:
“Tôi không nghe mọi người nói là họ bị đánh đập hay làm sao cả
ngoại trừ lần trước, trường hợp của Trần Minh Nhật, thì có bị cán bộ bên ngoài
vào, đánh vào mắt cá chân, nhưng không trầm trọng lắm. Nhưng sau này không còn
tình trạng ấy nữa. Các thanh niên này tinh thần cũng bình thản thôi. Trong điều
kiện bị giam giữ thì, cũng như lần trước tôi gặp, họ cho biết ở trại giam tại
Nghệ An này, nước sinh hoạt mà họ phải dùng là nước lợ - mặn. Nước uống thì
không đủ. Điện trong phòng giam thì không có. Mà hiện là mùa hè nóng nực nên
không khí phòng giam rất ngột ngạt. Riêng Paulus Lê Văn Sơn bị kiểu như nấm lan
cả người, nhất là ở phần ngực, bụng và tay rất nhiều, rất ngứa. Trong trại
giam, điều kiện thuốc thang khi ốm đau, bệnh tật rất hạn chế.
Báo chí thì cũng có hạn thôi. Về sách Kinh Thánh, sau khi chúng
tôi có văn bản đề nghị với các cơ quan tố tụng, thì sau đó họ có giao cho những
thanh niên này sách Kinh Thánh. Tóm lại mỗi người đều có được sách Kinh Thánh,
còn sách nào khác thì không có; tức gia đình có gởi sách vào nhưng có thể trại
không cho họ nhận hay thế nào đó. Còn chuyện thăm nuôi thì tôi không thấy họ
phàn nàn trong khi tôi lại không được gặp gia đình của họ. Nhưng tôi nghĩ mọi
người trong trại tù ấy đều thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình
nên cũng không thắc mắc nhiều lắm về chuyện gia đình thăm nuôi. Còn chuyện gia
đình họ có thăm nuôi, có gởi quà hay không, hoặc những thanh niên này có nhận
được quà thăm nuôi hay không, thì tôi không biết rõ chuyện ấy.”
Những bản án “bỏ túi”
Hình ảnh các thanh niên công giáo được dán trên tường xung quanh
khu vực toà án hôm 09.01.2013. File photo.
Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm vừa nói, blogger J.B. Nguyễn Hữu
Vinh có “suy nghĩ đơn giản” rằng phiên tòa phúc thẩm ấy cũng như phiên tòa sơ
thẩm đã qua đối với các thanh niên yêu nước đó mà thôi. Và nhà báo Nguyễn Hữu
Vinh lưu ý rằng những bản án “bỏ túi”, vô nhân, phi lý dành cho những người trẻ
yêu nước đã khiến người dân cất lên tiếng nói của mình nhằm ủng hộ những nạn
nhân đó:
“Cho đến nay, đã có mấy chục nghìn người yêu cầu trả tự do cho
những thanh niên này bởi vì họ vô tội. Đó là lòng dân, đó là tiếng nói của công
tâm, công chính, tiếng nói của xã hội thể hiện sự bất bình trước những bản án hết
sức vô nhân đạo, hết sức vô lương tâm đối với những thanh niên yêu nước vốn hy
sinh vì cộng đồng như vậy. Nói chung, người dân đã nhìn thấy rõ bản chất của
phiên tòa là gì qua cách hành xử, xét xử, kết án, qua những hành động của nhà cầm
quyền. Nếu như nhà cầm quyền tiếp tục bịt tai, bịt mắt để xét xử với những bản
án nặng như vậy, thì hành động đó đã trả lời cho nhân dân biết rằng họ là ai, họ
đang hành xử theo luật pháp như thế nào.”
Tình cảnh của những người trẻ Công Giáo và Tin Lành đang lâm nạn
ấy khiến người ta không khỏi liên tưởng đến hai tù nhân lương tâm rất trẻ cũng
vừa bị án tù oan sai nặng nề là Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vốn đã
bày tỏ tinh thần bất khuất, không hề sợ hãi, ngay tại pháp đình Long An. Nhà
báo J.B. Nguyễn Hữu Vinh nhận xét về sự biến chuyển quan trọng này ở giới trẻ
có nhiệt tâm với vận nước, dân tộc:
Riêng Paulus Lê Văn Sơn bị án 13 năm tù đó, thì tôi hy vọng
trong phiên phúc thẩm này, mức án của Sơn có thể thấp hơn. Tất nhiên là tôi chỉ
hy vọng thôi.
-LS Hà Huy Sơn
“Tôi thấy rằng nếu như trước đây, những người đấu tranh cho sự
tiến bộ cho đất nước, đòi một nền dân chủ thật sự cho Tổ Quốc, Dân tộc là những
người lớn tuổi, như ông Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính chẳng hạn – là
những người cao niên thao thức đến vận mạng đất nước, thì những phiên tòa gần
đây, những hiện tượng gần đây, đặc biệt như phiên tòa vừa rồi dành cho Nguyễn
Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha đang ở tuổi đôi mươi, thì điều đó làm tôi xúc động.
Tôi nhận thấy chuyển biến xã hội hiện rất khác trước, rất rõ rệt, cho thấy thế
hệ trẻ VN không phải vô cảm như người ta đã nghĩ, như báo chí nhà nước VN kêu
gào.
Thế hệ trẻ VN hiện ý thức được mình là ai, ý thức được trách nhiệm
của mình là gì trước dân tộc, trước đất nước, trước các hiện tượng tha hoá của
xã hội. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu vui. Tôi phản đối những bản án bất
công, vô nhân đạo đối với họ. Nhưng tôi tin rằng những bản án đó không thể làm
cho thế hệ trẻ VN sợ hãi, không làm họ chùn bước trong bước đường mà họ đã xác định
là đúng. Tôi thấy rằng hiện nay những người trẻ ấy đã thực hiện đúng lý tưởng của
mình và họ quyết lên đường như vậy. Còn nhà cầm quyền, nếu nhìn thấy được điều
đó thì họ hãy xét lại chính mình, xét lại những hành động của mình, và nên có
cái gì để đáp ứng lòng dân.”
Phiên phúc thẩm này diễn ra trong bối cảnh công luận thế giới mạnh
mẽ phản đối hành động đàn áp những người yêu nước ngày càng nặng tay của nhà cầm
quyền VN, đặc biệt là hôm thứ Tư 22 tháng Năm này, 4 tổ chức nhân quyền quốc tế
gồm các tổ chức Article 19 (Article 19) và Sáng kiến Bảo vệ Pháp lý Cho Giới
Truyền thông (Media Legal Defence Initiative) trụ sở tại Luân Đôn, tổ chức nhân
quyền Front Line Defenders ở Dublin và tổ chức Quốc tế Tự do Bày tỏ Cảm tưởng
được thành lập tại Canada đã gởi thư cho giới lãnh đạo VN, kể cả Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, lưu ý về tính bất chính của việc xét xử các thanh niên yêu nước này,
lên án những bản án khắc nghiệt cùng việc họ bị ngược đãi trong tù, chỉ trích
những điều luật hình sự mơ hồ để chống lại quyền tự do ngôn luận, lưu ý VN phải
có nghĩa vụ bảo vệ Công ước Quốc tế về Các Quyền Chính trị và Dân sự mà họ đã
ký kết, yêu cầu Hà Nội phóng thích tức khắc 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành
này, cũng như phải bảo đảm sự an toàn và sức khoẻ cho các nạn nhân, bảo vệ pháp
lý chính đáng, đồng thời trừng phạt những kẻ đe doạ và hành hung những thanh
niên yêu nước ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét