Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

HỒI KÝ ĐẠI HỌC MÁU CỦA HÀ THÚC SINH - KỲ 9

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

CHƯƠNG BỐN MƯƠI MỐT

Vĩnh đã nằm bệnh xá sang ngày thứ ba. Bộ mặt sưng phù của Vĩnh do sự phản ứng nước biển kiểu Cách mạng đã xẹp xuống để thay vào chỗ cũ bộ mặt thực, bộ mặt của một xác ướp nặng không quá 36 kgs. Nguyễn Hữu Nhật đã xuất viện từ hôm qua. Vĩnh buồn buồn như mất một cái gì. Sáng nay sau khi điểm danh và khám bệnh, Vĩnh về giường nằm suy nghĩ miên man. Vĩnh nhớ lại những câu nói của Nhật: Chúng ta đều bị lừa. Và giai đoạn đầu, cá nhân tôi cũng đã phạm một vài lỗi lầm. Vĩnh không biết lỗi lầm ấy là lỗi lầm gì, tuy nhiên, anh không quá bận tâm đến câu nói của Nhật và cũng chẳng muốn tìm hiểu làm gì. Chính bản thân Vĩnh cũng có lỗi lầm trong giai đoạn đầu. Trong đợt bích báo mùa Xuân năm 75, Vĩnh đã lỗi lầm làm một bài thơ có nhan đề Buồng-Ta-Một-Cái-Sở-Thú và là người duy nhất mang họa văn tự tại trại L4T3. Anh đã bị đem lên hội trường đấu tố, bị làm tự kiểm, bị hoạch họe và bị đe dọa liên tiếp trong hai tháng trời.
Sau lần ấy, Vĩnh đau ốm liên miên và có lẽ nhờ đó, bọn chỉ huy trại L4T3 "tha Tào" anh với hy vọng bệnh tật sẽ đưa anh ra góc rừng không lâu.

Câu nói của Nhật làm anh suy nghĩ nhiều nhất, tuy nhiên, vẫn là câu: Chữ chiến hữu bây giờ đã vượt qua nghĩa cùng yêu một lý tưởng, mà phải có nghĩa sẵn sàng cùng sống chết cho một lý tưởng...

Bệnh xá lúc này rất ít người. Bốn dãy nhà của bệnh xá chỉ có không quá 10 người đau bệnh, đã may mắn được chọn từ các trại tù lên nằm. Gặp lại bạncũ, hàn huyên đôi ba câu chuyện rồi phải chia tay, nỗi cô đơn làm Vĩnh cảm thấy bệnh xá chẳng khác nào một nghĩa trang, hoặc đúng hơn, một trại câm điếc!

Tối đến, Vĩnh đã khó ngủ lại càng khó ngủ hơn vì những tiếng la hét vang trời dậy đất cất lên từ một căn nhà nằm bên hàng rào ngăn đôi trại bệnh và trại 4. Tiếng thét ấy là tiếng thét của một người đang có cơn đau kiểu như bị ai cắt ruột cắt gan. Phụ họa là những tiếng hét báo động xin cấp cứu của tập thể.

Nghe tiếng thét, Vĩnh và một vài anh bạn ốm bệnh cố lết ra khỏi nhà tiến tới phía hàng rào. Bên trại 4, nơi dãy nhà có đầu hồi đâm vào căn bếp bên này trại bệnh, dưới ánh đèn tù mù, những hình nhân chạy nháo nhào như một bầy kiến bị lửa. Tiếng cãi nhau, tiếng kêu gọi lẫn với tiếng hò hét đau đớn làm cho Vĩnh nhớ đến quang cảnh cái chết của Kiều Quang Trường nơi khối 4 trại L4T3 ở Trảng Lớn năm ngoái.

Người bệnh hiện tại đang la hét. Có lẽ cơn đau đã lên tới cực điểm.

- A... a... a... Ối mẹ ôi! Tôi đứt ruột rồi! A... a... a...

Những tiếng khác.

- Đi kêu quân y!

- Kêu rồi! Vệ binh bảo quân y đi vắng!

- Quân y đi vắng thì kêu quản giáo chứ. Để chả chết sao?

- Thì mày kêu đi!

Tiếng bệnh nhân lại vang lên.

- Ối trời ơi! Tôi chết. Tôi đứt ruột rồi...

Một lúc sau Vĩnh và mọi người nghe thấy tiếng báo cáo thật lớn của một anh bạn bên kia nơi cổng trại 4 nằm gần dãy nhà cánh trái của trại bệnh.

- Báo cáo anh! Nhà 7 trại 4 có người bệnh nặng!

Không có ai trả lời. Tiếng báo cáo lại gào lên trong đêm.

- Báo cáo anh quản giáo. Nhà 7 trại 4 có người bệnh nặng. Sắp chết!

Đứng bên trại bệnh Vĩnh chỉ nghe thấy câu báo cáo như thế thôi, ngoài ra anh không biết chuyện gì khác đã xảy ra nơi cổng trại 4.

Bên này bệnh xá mọi người đều choàng dậy hết. Tháng Mười chưa cười đã tối. Tám giờ nhiều bệnh nhân đã lên giường ru giấc ngủ, nhưng những tiếng hò hét bên trại 4 làm mọi người đều phải choàng dậy.

Một số người đề nghị văn Tính cho chuyển bệnh nhân qua hàng rào. Tính giẫy nẩy như điện giật.

- Ý trời đất! Bộ mấy cha tính hại tôi chăng? Mấy cha làm tôi như bác sỹ Cách mạng không bằng.

- Gần nhà xa ngõ, để xong mọi thủ tục báo cáo thì bệnh nhân chắc tiêu. Giúp họ đi, anh Tính.

Nghe anh em nói, Tính đâm nổi giận bất ngờ, một sự nổi giận của một người bị đẩy vào một cái thế phải giải quyết một chuyện mà có muốn anh ta cũng không thể làm được.

Tính chửi thề.

- ĐM. đừng có đùa dai. Anh nào nói làm xàm nữa, mai tôi đề nghị cho xuất viện luôn.

Câu đe dọa làm mọi người nín bặt. Và từ đó cho đến năm giờ sáng, mọi người bên trại bệnh thức trắng mắt để nghe những tiếng kêu gào tột cùng đau đớn của người bệnh.

Riêng Vĩnh, sau một màn liên hệ linh tinh với những người bên kia hàng rào, anh được biết về người bệnh như sau: Anh ta là thiếu úy cảnh sát, 44 tuổi, đạo Công giáo, vợ 9 con. Anh chưa được thăm nuôi. Lúc chiều anh đi lao động về xin được anh em tí mỡ, tí hành, tí tôm khô và lấy khẩu phần cơm độn khoai mì rang lên ăn. Không hiểu vì lý do gì, sau khi ăn hết đĩa cơm rang "Dương Châu" ấy, anh ngã ngửa và ôm bụng la hét. Anh la hét từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng mới được quân y cho khênh sang bệnh xá.

Nằm trên phòng nhận bệnh, được vài mũi giảm đau và chịu đựng đến 5 giờ chiều anh mới hoàn toàn rơi vào tình trạng hôn mê. Khi tay bác sỹ khám xong và quyết định mổ, lúc ấy văn Tính nhà ta mới cuống cuồng chạy nhờ bọn tù bệnh mỗi người một tay. Khổ nổi, gần 10 tù bệnh, ngoại trừ Vĩnh, ai cũng bệnh nặng, và đi không muốn nổi. Thế nên, Vĩnh nghiễm nhiên biến thành một "bác sỹ phụ mổ" và cũng là một nhân chứng cho một cuộc giải phẫu mà theo Vĩnh, một cuộc giải phẫu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử y khoa hiện đại.

Phạm An Toàn đầu tiên lo bắc một nồi nước sôi dưới bếp để luộc tẩy trùng Compress vì bông băng không có. Compress được dùng cho cuộc giải phẫu là một cái áo thung tương đối còn mới, xin được của một bệnh nhân. Toàn dùng kéo cắt cái áo thung thành nhiều miếng nhỏ và bỏ vào nồi nước sôi. Tay bác sỹ từ khu bệnh xá bộ đội nằm bên kia đường chạy sang với một hộp đồ nghề mổ xẻ và năm chai nước biển loại Protéin của Mỹ. Hắn mở hộp đồ nghề lôi ra hai ống chích một lớn một nhỏ, ba ống thuốc chẳng hiểu thuốc gì. Hắn lôi ra thêm một cái kéo, kim chỉ và một con dao trông y hệt con dao ăn làm bằng Inoxidable của quân đội Mỹ trước đây. Hắn thử lưỡi dao và lắc khẽ đầu. Hắn gọi Tính và bảo anh ta đi mài con dao. Trong lúc Tính ra ngoài thềm kiếm một viên gạch hoa mài dao thì tay bác sỹ sửa cái bơm chân bị sút một con ốc.

Phạm An Toàn đã luộc xong Compress. Cùng với tay bác sỹ và Vĩnh, ba người khênh bệnh nhân sang căn nhà tiền chế nằm ngay cạnh phòng nhận bệnh. Đây là lần đầu tiên Vĩnh mới biết được trại bệnh có phòng mổ. Căn phòng trống trơn. Giữa phòng có một cái bàn đóng theo hình thập giá. Người bệnh được đặt lên bàn, chân tay được trói chặt vào bàn bằng những sợi dây vải bao cát.

Nhiệm vụ hiện tại được chia ra như sau. Tính lo việc đánh tê mê và căn áp huyết. Toàn lo tiếp Compress và kiểm soát nước biển. Vĩnh đứng cạnh tay bác sỹ Cách mạng để đưa kìm kéo cho cuộc giải phẫu.

Và cuộc giải phẫu chính thức khởi sự vào lúc 6 giờ rưỡi chiều dưới một ánh đèn điện tù mù.

Sau khi đo đạc trên bụng nạn nhân, tay bác sỹ cầm dao rạch một đường dài từ ức xuống gần rốn. Những tia máu bắt đầu ứa ra. Toàn chậm máu thật nhanh và quẳng miếng Compress vào một cái sô khác đề phòng còn dùng lại. Tay bác sỹ Cách mạng rạch mạnh hơn chút nữa. Bây giờ thì mọi người đã thấy được một tí ruột của nạn nhân. Máu vẫn ra. Toàn chấm liền tay.Tay bác sỹ nói với Vĩnh.

- Kéo

Vĩnh đưa kéo.

Hắn đưa mũi kéo cắt dọc theo vết đứt. Bộ ruột của nạn nhân đã phơi bầy trước mặt. Tay bác sỹ lần mò sâu xuống đoạn ruột già và moi ra. Hắn cắt rời khúc ruột, phân lòi ra, rơi vãi. Tay bác sỹ chùi vội và dùng kẹp kẹp lại một đầu. Máu và phân tèm lem. Phạm An Toàn lau chùi liền liền. Bác sỹ lại ra lệnh.

- Bơm.

Vĩnh đưa cho hắn một đầu ống bơm làm bằng cao su. Hắn thọc đầu ống vào một đoạn ruột, chân đạp nhè nhẹ cái pedal bên dưới. Đoạn ruột được bơm từ từ phồng lên bên trên bụng người bệnh. Ngay lúc ấy tay bác sỹ kêu lên một tiếng khe khẽ.

- Chết rồi! Bàn đạp lại sút con ốc! Anh Toàn, gắn lại cho tôi.

Phạm An Toàn vội vàng chui xuống gầm bàn sửa lại cái pedal. Tay bác sỹ bơm tiếp một chút nữa. Hắn la thầm.

- Bị thắt ruột đây mà. Bầm tím mất một đoạn. Nó đoạn hắn quay sang Vĩnh: Kéo!

Vĩnh lại đưa cho hắn cái kéo. Tay bác sỹ cắt xoẹt một đoạn ruột già, quăng vào một cái thau.

Giọng văn Tính chợt cất lên.

- Toàn, thay nước biển. Hết rồi.

Toàn đang bận thấm máu vội vàng bỏ việc chạy đến lấy một chai nước biển mới. Vĩnh đứng ngó tay bác sỹ lần mò khâu hai đoạn ruột lại với nhau.

Bên ngoài bây giờ đã tối lắm. Bên trong bốn người đều vã mồ hôi, dù rằng trời đêm tháng Mười đã gai gai lạnh. Vĩnh nhìn thấy trên trán tay bác sỹ Việt cộng có những giọt mồ hôi to như hạt bo bo,cứ lần lượt nhỏ xuống "bụng dạ" của người bệnh. Trong gần nửa tiếng đồng hồ tay bác sỹ mới khâu xong đoạn ruột. Hắn xếp lại mớ ruột cho có thứ tự. Giọng Tính lại cất lên.

- Mạch yếu quá bác sỹ!

- Không cách nào khác! Sắp xong rồi. Vừa nói xong hắn bỗng la lớn. Thôi chết, gần trực tràng thâm một đoạn nữa này!

Nghe hắn nói hầu như ai cũng tuyệt vọng.

Đây là một cuộc đại giải phẫu, một cuộc đại giải phẫu mà không có máu để tiếp, chỉ có những chai nước biển loại vàng đã quá hạn của chế độ cũ để lại, lại được tiến hành trong một điều kiện gần như dã chiến trăm phần trăm, dù không muốn nhưng Vĩnh vẫn không thể tránh được một ý nghĩ tuyệt vọng. Chao ôi! Có sức voi, chứ sức người chịu làm sao thấu. Tên bác sỹ lại bắt đầu lôi đoạn ruột già phía đáy bụng lên. Hắn lần mò và cắt thêm một đoạn nữa. Lần này hắn khâu thật nhanh, tuồng như muốn chạy đua với một tử thần nào đó đang lởn vởn quanh bàn mổ.

Thêm nửa tiếng nữa! Bây giờ tay bác sỹ đã bắt đầu lau máu phía trong bụng nạn nhân. Hắn đặt bộ ruột vào trong bụng theo một thứ tự hợp lý. Sau khi lau tay vào một cái khăn để bên cạnh, hắn bắt đầu khâu bụng. Để kết thúc hắn lụi vào người nạn nhân liên tiếp hai mũi thuốc.

Cuộc đại giải phẫu cho một tù nhân của xã hội mới chấm dứt vào lúc 8 giờ tối.

Một con người phải chịu đựng hơn 20 tiếng đồng hồ đau ruột, rồi chịu đựng thêm gần hai tiếng giải phẫu dã chiến kiểu Cách mạng; có thần linh nào cứu nổi một mạng người trong tình trạng như thế không!?

Tay bác sỹ mệt thật sự khi buông đồ nghề. Hắn uể oải dặn Tính phải để sẵn những mũi thuốc to tướng gần bệnh nhân,và phải căn áp huyết thật kỹ. Hắn về tắm, có gì phải chạy qua khu bệnh xá bộ đội báo ngay. Tay bác sỹ rời gót chừng năm phút thì đồng hồ áp huyết tụt nhanh. Giọng Tính thảng thốt cất lên.

- Toàn, chạy báo...

Tuy nhiên Tính chưa nói hết câu, kinh nghiệm của một cựu sỹ quan trợ y cho Tính biết rằng số của nạn nhân đã tới. Có báo cáo cũng bằng thừa. Anh đứng lên, kiểm mạch lần cuối và từ từ tháo tất cả dụng cụ ra khỏi người nạn nhân.

Vĩnh biết nạn nhân đã chết. Anh đứng nhìn khuôn mặt tái xanh, nhăn nhó của người quá cố và đọc thầm một kinh Cầu Hồn. Toàn cũng đứng lên nhìn lần cuối rồi hắn lại cúi xuống lượm lặt những miếng Compress rơi vãi ra ngoài. Nó lấy cái khăn lau tay của tên bác sỹ chùi sạch những vết máu trên xác nạn nhân, trên mặt bàn và trên cả nền nhà.

Nhiệm vụ của Vĩnh đã hết. Vĩnh bước vòng ra cửa sau của gian phòng mổ. Trời đêm mát mẻ. Giờ này bên trại bệnh hầu như ai cũng ngủ cả. Nhưng bên trại 4 anh em vẫn tụm năm tụm ba với những cái lò than nhỏ xíu để nấu trà và hút thuốc lào tán gẫu. Vĩnh thầm nghĩ trong thời tù tội, phải chăng họ còn may mắn vì chưa một lần được chứng kiến cái cảnh mình được chứng kiến? Xã hội này, phải chăng người mù lại mới là người sung sướng? Bầy chuột chạy rần rần từ phía cống rãnh bên ngoài vào phòng mổ làm Vĩnh giật mình. Giọng hét của Tính từ bên trong vẳng ra.

- Vĩnh, đóng cửa lại. Đóng chặt cửa lại không chuột vào đây thì phiền lắm.

Vĩnh bỗng buồn cười cho sự lo sợ của Tính. Hắn làm như thể chuột không biết leo mà chỉ biết chạy trên mặt đất và chỉ biết vào bằng cửa chính! Nghĩ thế nhưng Vĩnh vẫn đóng xập cánh cửa lại theo lời đề nghị và đi thẳng về phòng.

Cường vẫn thức. Hắn kêu Vĩnh qua ngồi nhấp tí trà với hắn và hỏi về người bệnh. Vĩnh kể lại hết mọi chuyện cho Cường nghe. Hắn chợt rên lên.

- Chết, làm sao liệm liền chứ để qua đêm thế nào cũng bị chuột gậm. Ông già Diệu kỳ rồi chỉ một đêm mà chuột ăn mất nửa cái tai, hai ngón chân.

Nghe Cường nói Vĩnh thấy rờn rợn. Anh sực nhớ tới hình ảnh Minh chuột từng chiều ngồi nướng những con chuột to tướng trên đống than và bóc nó như người ta bóc một quả quýt. Nó từng tuyên bố nó đã ăn gần một nghìn con chuột trong gần hai năm qua.

Vĩnh mệt mỏi muốn về giường ngủ. Cường bỗng nhớ ra một điều gì, gọi giật.

- À, khi nãy có thằng bên trại 4 gửi qua hàng rào nhờ tao chuyển cho mày cái gói gì đó. Thằng ấy bảo gói quà đó của tay Nhật mới rời viện hôm qua nhờ chuyển cho mày từ bên trại 3.

Nói rồi Cường với tay lên đầu giường lấy đưa cho Vĩnh một gói nho nhỏ. Vĩnh vừa đi vừa bóc lớp giấy gói và thấy một hũ nhỏ mắm ruốc. Anh mỉm cười nghĩ tới sự chia xẻ của Nhật, rồi nghĩ tới bức chân dung Nhật vẽ cho anh hai ngày trước đây bằng một tấm bìa học trò và một cục than. Vĩnh không hài lòng với bức chân dung và nghĩ rằng Nhật bây giờ vẽ chân dung dở hơn Nhật trước kia rất nhiều...

CHƯƠNG BỐN MƯƠI HAI

Thấm thoát cái Tết thứ hai trong tù lại sắp đến. Công tác phá rừng đã gần như hoàn tất. Cả một cánh rừng biến thành những thửa đất trống có cao độ không đều. Nhân số dồn cho việc thanh toán phần rừng cây còn lại đã giảm sút hẳn, thay vào đó, bộ chỉ huy trại dồn tối đa công tù vào việc san đất cho bằng để biến thành những thửa ruộng sau này. Những anh tù có bằng kỹ sư canh nông được trưng dụng trong công tác đạc điền và làm việc ngày đêm với những dụng cụ chuyên môn cũng đều tự chế.

Trên con lộ chính của trại An Dưỡng, cảnh kéo cây đã thưa thớt. Từ hướng trại 4, nơi Vĩnh và các bạn đang ở sau lần tổng biên chế tháng 11, đã có thể nhìn thấy phi trường Biên Hòa thật rõ rệt qua một giải đất trống mênh mông. Trên giải đất ấy, ngày nay tù đang phải ra công san đất theo sự hướng dẫn của toán đạc điền. Những thửa ruộng vuông vức liền nhau theo hình nấc thang đã nhen nhúm thành hình. Dù sao sự thành hình của nó cũng đã tốn khá nhiều xương máu của bọn tù cải tạo. Mấy tháng qua đã không biết có bao nhiêu vụ mìn nổ, rắn cắn, cây đè... làm thiệt mạng và gây què cụt cho nhiều người. Người đã chết dù sao cũng không còn gì để đau khổ. Nhưng người còn sống như thằng Long nhí thì khốn khổ quá chừng. Hai mươi hai tuổi đầu bỗng nhiên thành phế nhân. Cẳng chân đạp mìn của nó đã bị Cách mạng với phương tiện y khoa rùng rợn nơi đây, đã đem ra cưa tới ba lần. Lần đầu cắt khớp đầu gối, vết thương vẫn làm độc và ăn vào xương. Lần thứ nhì cưa thêm một đoạn xương đùi, vẫn làm độc thêm một đoạn tủy xương. Lần thứ ba cái đùi thằng Long chỉ còn một khúc ngắn mà vẫn ra nước vàng chưa biết rồi trong tương lai sẽ còn cưa tới đâu nữa!

Mỗi chiều lao động về thấy thằng Long ngồi lê trước thềm nhà, nhìn anh em đi lại với sự thèm khát, Vĩnh nhiều lần không dấu được nước mắt. Khốn khổ hơn cho nó là gia đình nó đã di tản hết hồi 30 tháng Tư. Lần thăm vừa rồi nó chỉ được một người cô vào thăm cho ít đồ ăn, tuyệt nhiên chẳng có thuốc men gì. Anh em có hũ Bi nào đều cho nó cả, nhưng với phương tiện y khoa của trại cải tạo, cưa chân bằng một cái cưa sắt, khử trùng bằng thuốc đỏ, chữa trị hoàn toàn bằng kiểu... chó liền da gà liền xương thì làm sao cho khỏi!

Và cả trại An Dưỡng hiện nay có bao nhiêu Long? Chẳng ai có thể biết hết được!

Người lành lặn thì trầm luân dưới sự đầy ải, người què cụt thì không thuốc men chữa trị; mỗi người đều có một cái khổ riêng, riêng Nguyễn Ngọc Trụ có lẽ sướng!

Trước Tết chừng một tháng, một buổi sáng toàn trại An Dưỡng được lệnh ngưng lao động. Ngưng lao động, thường ngày, vẫn là một niềm vui lớn của tù cải tạo. Thế nhưng sau khi đã biết lý do của việc được nghỉ lao động ngày hôm nay, chẳng còn ai thấy vui được nữa. Thay vào đó, một không khí chờ đợi ngột ngạt lan nhanh như một bóng chiều tà trong tâm hồn mọi người: Nghỉ lao động để tham dự phiên xử đại hình tên phản động Nguyễn Ngọc Trụ!

Phiên xử được tổ chức tại tòa nhà xây đồ sộ nằm trên ngọn đồi phía sau trại 1. Theo một số người cho biết, tòa nhà này xưa kia Mỹ dựng lên để dùng làm nơi mổ và ướp xác các lính Mỹ tử trận trước khi đem về nước. Dù tòa nhà to lớn nhưng cũng chỉ có thể chứa chừng một ngàn người, do đó, ban chỉ huy cả 4 trại lựa lọc một danh sách "đại diện" các nhà, các đội lên tòa nhà ấy để được chứng kiến phiên xử. Vĩnh là một trong những người có tên được lên tòa nhà ấy để có dịp nhìn tận mắt nền công lý của cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mười giờ sáng thì tù cải tạo có tên đã tề tựa đông đủ trên tòa nhà với những đội hình ngay ngắn. Đứng dưới nhìn lên cái sân khấu còn để lại sau lần liên hoan ngày quốc khánh của nhà nước Cộng sản 2-9 vừa qua, người ta thấy trên ấy có kê sẵn một dãy bàn dài. Đàng sau dãy bàn có non chục cái ghế.

Ngồi trong một cái nhà xác ẩm mốc chờ giờ xử một người hùng và cũng là một người bạn, chẳng riêng Vĩnh mà tất cả mọi người đều có chung một cảm giác uất hờn tái tê. Những cơn gió gai gai lạnh của một sớm cuối năm, thổi từ những cánh đồng khoai mì bao la bát ngát chung quanh vào tòa nhà nằm trơ vơ trên đồi cao khiên ai cũng muốn bỏ đội hình để được ngồi sát vào nhau hơn...

Quãng mười giờ mười lăm, từ khung cửa cánh trái của tòa nhà xuất hiện những cái áo bộ đội màu xanh cứt ngựa. Tiếng hô nghiêm của tay cán bộ điều khiển hội trường chợt cất lên vang vọng khắp tòa nhà. Tất cả đều đứng thẳng để đón chào phái đoàn đao phủ thủ của tân chế độ.

Dẫn đầu phái đoàn là một thằng mang cấp bậc trung tá. Đi theo hắn lố nhố đôi ba thằng khác mang quân hàm cấp úy. Chúng được thằng cán bộ đại diện trại An Dưỡng ra tận cửa đón chào và rồi cùng nhau bò lên sân khấu. Sau khi phái đoàn đã ngồi vào những chiếc ghế trống đặt phía sau dãy bàn, tên cán bộ đại diện trại An Dưỡng tiến ra trước máy vi âm. Hắn nhìn xuống lũ tù, vỗ vài cái vào máy rồi cất cái giọng cũng đặc quánh nhựa thuốc lào, ra lệnh: Tất cả ngồi xuống!

Tù bên dưới ngồi xuống. Hắn tiếp. Nhân danh chính ủy trung đoàn, thay mặt toàn thể cán bộ và các chiến sĩ trại cải tạo An Dưỡng, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại diện quân khu 7 đến trụ trì phiên xử đại hình hôm nay. Riêng đối với các cải tạo viên, ban chỉ huy trại nhắc lại mục đích và yêu cầu để quán triệt thêm nữa về phiên xử này.

Trước nhất, mục đích phiên xử hôm nay để nhắc nhở chung với các anh rằng xã hội ta là một xã hội đặt cơ sở trên tình và lý. Tình sẽ được trao cho những người có công, lý sẽ được đem ra hành xử với kẻ có tội. Công và tội phải được phân minh. Kết quả phiên xử tên phản động Nguyễn Ngọc Trụ hôm nay, sẽ một lần nữa nói lên tính ưu việt của Đảng ta, sự quan tâm và bảo vệ tốt về mặt an ninh cho tập thể của chính phủ ta, sự tích cực đóng góp vào việc bảo vệ công lý của quân đội nhân dân anh hùng ta. Nói tới đây, tên chính ủy nhìn xuống đám đông như để thăm dò phản ứng. Khi thấy đám đông không có một phản ứng nào, hắn tiếp. Vậy, yêu cầu trước mắt của Cách mạng là các anh được tham dự phiên xử phải tự phấn đấu thoát khỏi mọi tình cảm riêng tư, hãy đứng vào lập trường và quan điểm bảo vệ công lý của Đảng, của chính phủ, của nhân dân để đồng thanh dâng kiến nghị trừng trị kẻ phản động đúng mức với tội trạng của nó. Các anh phải tích cực phát huy đạo đức Cách mạng đã tiếp thu được trong quá trình học tập cải tạo về mặt đấu tranh sai trái, và phải tuyệt đối tin tưởng vào kết quả phiên xử của các đồng chí đại diện quân khu 7 là một chân lý.

Phi lộ xong những lời lẽ khai mạc cho phiên xử, tên cán bộ hướng về phía cửa chính của tòa nhà, nói lớn. Yêu cầu các đồng chí an ninh áp giải tên phản động Nguyễn Ngọc Trụ ra trước tòa án nhân dân.

Mọi người đều ngoái cổ lại phía cửa chính. Gầy như một que tăm, xanh như một tàu lá, Trụ được áp giải vào con đường chính giữa tòa nhà. Vĩnh nhìn Trụ. Anh không tránh khỏi ý nghĩ xã hội này đã can tội phung phí về tất cả mọi phương diện, phung phí sức người, phung phí sức của; và sự phung phí coi mòi tệ hại nhất sáng nay, là cái còng nặng nề và sợi thừng trên thân thể vốn không còn cất bước nổi của người bị cáo buộc.

Trụ được dẫn đến trước mặt các ông quan tòa của tân chế độ, những ông quan tòa đọc không thông, viết không thạo và chỉ biết xét xử theo bộ luật duy nhất của Cách mạng ấy là bộ luật rừng!

Tên chính ủy trung đoàn đã trao máy vi âm cho tên đại diện quân khu 7 mang quân hàm trung tá. Ông chánh án (?) bắt đầu làm việc. Hắn cũng gõ vào máy vài cái, rồi nói ngắn gọn.

- Yêu cầu đồng chí chấp pháp đọc tội trạng.

Bên cánh trái của dãy bàn đứng lên một tên mang quân hàm chuẩn úy. Máy vi âm được chuyển sang để trước mặt hắn. Hắn mở rộng một tờ giấy để sẵn trên mặt bàn, hắng giọng và cất tiếng đọc.

- Hôm nay, theo yêu cầu của Cách mạng, phiên xử đại hình tên phản động Nguyễn Ngọc Trụ được tổ chức tại trại cải huấn An Dưỡng nhằm hai mục đích. Thứ nhất, nói lên tính công bằng xã hội xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, để chứng tỏ bạo lực Cách mạng luôn luôn đè bẹp mọi thế lực phản động, mà trong giai đoạn hiện tại, được âm mưu thực hiện bởi những tàn dư Mỹ ngụy còn ẩn náu trên toàn cõi miền Nam với ý đồ ngoan cố ngoan cường chống phá Cách mạng tới cùng.

Bên dưới lũ tù bắt đầu bàn tán nho nhỏ.

- Kiểu này chắc tử hình mất!

- Lạ nhỉ, tòa đại hình mà chỉ có thế này thôi à? Không có luật sự mà chỉ có chánh án và công tố. Liệu can phạm được tự biện hộ hay không?

- Tòa án nhân dân mà mày!

- Có thấy nhân dân đâu?

- Ô hay! Chứ ông chánh án, ông công tố không là nhân dân à?

Bên trên tên chấp pháp trong vai chưởng lý (?) bắt đầu đọc bản cáo trạng.

- Nguyễn Ngọc Trụ sinh năm 19... tại tỉnh... miền Bắc. Năm 1954 đã cùng gia đình bám gót bọn phản động di cư vào Nam chạy trốn nợ máu của nhân dân. Trụ đẻ trong một gia đình cực kỳ gian ác, cực kỳ phản động; đã có quá trình chống phá Cách mạng từ thủa Cách mạng còn non trẻ. Bố Nguyễn Ngọc Trụ là một tên tay sai của phát xít Nhật, tay sai của thực dân Pháp và tay sai của đế quốc Mỹ sau này. Với quá trình tội ác của hắn đối với nhân dân, hắn đã được đế quốc Mỹ gắn quân hàm trung tá và hiện đang được Đảng, Cách mạng và nhân dân cải tạo. Riêng cá nhân tên Nguyễn Ngọc Trụ, vì thừa hưởng những nọc độc giáo dục của giai cấp trưởng giả, với cấp bằng cao học chính trị được đế quốc Mỹ trao cho, đã chẳng những tích cực chống phá Cách mạng chống phá nhân dân mà còn tích cực góp phần huấn luyện nhiều thế hệ phản động khác trong công cuộc thực hiện tội ác này. Trong suốt thời gian phục vụ Mỹ ngụy, với quân hàm trung úy, Trụ đã tự tay đào tạo được hai thế hệ phản động gồm cả ngàn đệ tử ở trường võ bị Đà Lạt và trường chiến tranh chính trị của Mỹ ngụy. Sau ngày nhân dân ta toàn thắng chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, đánh bại hoàn toàn và triệt để đế quốc Mỹ cùng bọn ngụy quân ngụy quyền, Cách mạng thể hiện lòng khoan hồng nhân đạo đối với tất cả các thành phần từng phục vụ chế độ cũ bằng chính sách tập trung học tập cải tạo, tên Nguyễn Ngọc Trụ đã nhận lệnh của CIA, trà trộn vào hàng ngũ các cải tạo viên để tiếp tục công cuộc tuyên truyền phản động chống phá Cách mạng.

Trong đợt học tập chính trị cuối năm 1975, trước hàng ngàn cải tạo viên với đầy đủ cán bộ khung trại L4T1, tên Trụ đã lợi dụng phát biểu trong học tập, công khai phỉ báng chế độ, bôi nhọ những người làm Cách mạng, xúi giục các cải tạo viên khác chống đối chính sách cải tạo của Đảng, của chính phủ và nhân dân ta.

Nói tới đây, tên chấp pháp lục lạo một hai tờ giấy khác để sẵn trước mặt. Hắn nhìn chằm chằm vào một người ngồi bên cạnh như muốn hỏi một điều gì. Tuy nhiên, hồ như không ai để ý tới hắn. Hắn lại nhìn xuống mấy tờ giấy, tằng hắng rồi vội vã từ bỏ nhiệm vụ của một chưởng lý để đóng luôn vai trò công tố. Hắn nói.

- Căn cứ theo báo cáo của khung, L4T1 trại cải huấn Trảng Lớn, tên Trụ đã phát biểu như sau: Tôi không đến đây để học tập lối lý luận một chiều của các anh. Tôi có khả năng dạy các anh về bản chất thật của học thuyết Marx-Lenin... Các anh là những con lừa, người ta buộc trước miệng một bó cỏ và dù có chạy đuổi suốt đời cũng chẳng bao giờ ăn được bó cỏ đó.

Bên trên những bộ mặt xác ướp của bọn cán bộ Cộng sản vẫn lạnh tanh. Ngược lại, bên dưới lũ tù có nhiều tiếng xì xầm to nhỏ. Tên công tố vẫn tiếp tục. Theo bản báo cáo của khung L4T1, Nguyễn Ngọc Trụ đã vi phạm với tội danh tương tự trong nhiều lần khác giữa tập thể cải tạo. Bản chất ngoan cố ngoan cường không thể cải tạo được, tên Trụ đã tích cực đánh phá Cách mạng từ trong trại cải tạo đánh phá ra tới khung, nhằm hai ý đồ rõ rệt. Thứ nhất, tuyên truyền xúi giục tập thể cải tạo viên chống đối chính sách khoan hồng tập trung cải tạo của Đảng ta. Thứ hai, tìm mọi cách làm chao đảo lập trường của các chiến sỹ Cách mạng tuổi còn non trẻ.

Xét trên quá trình tội ác của gia đình và của cá nhân tên Nguyễn Ngọc Trụ đã phạm với Cách mạng, với nhà nước và nhân dân; xét trên quá trình ngoan cố không chịu học tập cải tạo của tên Nguyễn Ngọc Trụ; xét vì lợi ích của nhân dân, của xã hội xã hội chủ nghĩa và trước mắt của tập thể cải tạo viên. Căn cứ theo báo cáo và lời đề nghị đứng đắn của khung L4T1 trại Trảng Lớn. Chiếu pháp lệnh số... điều... khoản... của Chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ban hành ngày... tháng... năm... tôi khẩn thiết mời đồng chí chánh án đại diện quân khu 7 và các đồng chí ủy viên nhân dân (?) nghị án và tuyên án tử hình tên Nguyễn Ngọc Trụ, để làm gương cho những kẻ ngoan cố không chịu học tập cải tạo!

Vĩnh và các bạn bên dưới nóng lòng chờ xem việc nghị án sẽ như thế nào. Việc có luật sư hay không, việc được quyền tự bào chữa của can phạm hầu như đều bị mọi người quên lãng và không còn đặt thành vấn đề.

Vĩnh nhìn Trụ đang đứng nơi khoảng trống giữa sân khấu và đám bạn bè ngồi bên dưới. Anh đứng còng lưng và rũ liệt như một người đã bị cắt đi mấy đốt xương sống. Bộ tréillis cũ rách thùng thình trên người anh làm Vĩnh có cảm giác bên trong bộ quần áo ấy không có một con người, mà chỉ có một cái giá áo gầy guộc đóng theo hình thập giá. Vì nhìn từ sau lưng, Vĩnh không thể nhận biết nét mặt của Trụ đã và đang có những thái độ nào. Anh chỉ biết Trụ đang yên lặng, sự yên lặng của một người đã biết quá rõ cái vô ích của một lời nói công chính trước những kẻ tham tàn sắt máu đang chỉ tính sát hại mình.

Bên trên sân khấu, thực tế không có việc nghị án. Sau lời yêu cầu của công tố viên, bọn cán bộ Cộng sản chỉ đưa mắt nhìn nhau rồi gật gù như hoàn toàn nhất trí về một giải pháp đã có sẵn từ trước.

Máy vi âm được đem đến để trước mặt tên trung tá đại diện BTL/QK7 ngồi ghế chánh án. Hắn sửa soạn bộ dạng tí chút rồi từ tốn mở ra trước mắt một tờ giấy đã để sẵn trên mặt bàn tự bao giờ. Tên chánh án ngó xuống mọi người rồi ngó Trụ. Hắn hỏi.

- Tội phạm Nguyễn Ngọc Trụ! Mày có nhận tội không?

Không một ai nghe thấy Trụ trả lời. Tên chánh án hình như cũng chẳng cần tội phạm trả lời. Hắn nâng tờ giấy lên gần mắt, đọc.

- Xét trên quá trình tội ác mà tên Nguyễn Ngọc Trụ đã phạm với Đảng với nhân dân; xét qua quá trình không chịu học tập cải tạo; xét những tác hại về tinh thần mà tên Nguyễn Ngọc Trụ đã đem đến cho tập thể cải tạo viên tại trại L4T1 Trảng Lớn vào cuối năm 1975; căn cứ theo bản báo cáo và lời đề nghị của khung L4T1; căn cứ bản báo cáo theo dõi mọi chuyển biến về mặt tư tưởng của tên Trụ của ban an ninh trại cải huấn An Dưỡng; căn cứ theo lời đề nghị của đồng chí chấp pháp đại diện quân khu 7. Tôi, trung tá Nguyễn Thành Tân, đại diện quân khu 7, nhân danh chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhân danh quân ủy trung ương, nhân danh BTL/QK7, nhất trí với lời đề nghị của đồng chí chấp pháp cũng như của các đồng chí ủy viên nhân dân trong phiên xử, tôi tuyên án tử hình tội phạm Nguyễn Ngọc Trụ... Bản án sẽ được thi hành ngay sau khi phiên xử chấm dứt.

Bản án vừa tuyên xong, mọi người đều thấy rõ Trụ bỗng đứng thẳng người lên. Rõ ràng anh đang cố lấy tàn lực đứng thẳng lưng lần cuối để nói một câu gì đó. Nhưng cố gắng của anh hoàn toàn tuyệt vọng. Hai thằng an ninh đứng hai bên đã nhào tới nhét giẻ vào mồm anh. Chúng còn cẩn thận buộc thêm một băng vải đen quanh miệng vòng ra sau gáy. Tử tội được lôi thẳng ra cánh cửa bên trái của tòa nhà. Đồng thời, từ tất cả các cửa dẫn vào tòa nhà đều xuất hiện những thằng vệ binh lăm lăm súng AK.47 trong tay.

Bọn xử án sau đó cũng lần lượt rời sân khấu. Tên cán bộ chính ủy trung đoàn trở lại vị trí trước máy vi âm. Mọi người ngồi dưới sửa soạn nghe bài học "rút ưu khuyết điểm". Nhưng ngược lại dự đoán của mọi người, hắn chỉ ra lệnh cho các đại diện nhà đội hướng dẫn mọi người thứ tự hàng hai rời tòa nhà...

Về tới trại anh em túa tới hỏi thăm những người được đi dự phiên xử. Khi được biết rằng tiếng súng hành quyết có thể sẽ nghe thấy trong một vài phút tới, hầu như cả trại đều rơi vào một sự yên lặng chờ đợi. Thế nhưng cho tới giờ cơm trưa vẫn không ai nghe thấy tiếng súng. Hay là nó đem bắn một chỗ quá xa? Câu tự hỏi của bọn tù không được trả lời. Suốt ngày hôm ấy cả trại như có đám ma. Vĩnh và các bạn tìm gặp nhau sau giờ lao động buổi chiều để bàn về cái chết của Trụ, một cái chết không ai biết được cụ thể ra sao.

Những ngày sau này, trên con đường từ trại 1 tiến ra khu canh tác nằm về hướng Bắc cách trại An Dưỡng chừng nửa cây số, trong cuộc thi công khai quang lên luống khoai mì, Vĩnh và các bạn tìm thấy bên trong những ụ đất (Có lẽ là ụ pháo binh trước kia) một cây cột còn dính những vết máu thâm đen. Dưới chân cột có một sợi thừng đã mục vì nắng mưa. Cách đó không xa quá 3 bước chân, một khoảng đất chữ nhật bị lún sâu hơn mặt đất non nửa gang tay và có mối đang xông. Vĩnh và các bạn cuốc đất nơi đó đều tin rằng đây là phần mộ của Nguyễn Ngọc Trụ...

Vì bọn quản giáo và bọn vệ binh bám sát khi lao động lên luống, do đó, đám tù cải tạo không thể công khai đắp mộ cho người bạn tù và cũng là một kẻ sỹ dám chết cho lời nói thật. Nhưng ngày này qua ngày khác, mỗi người một xẻng đất khi được lao động gần ụ pháo binh, phần mộ của Nguyễn Ngọc Trụ nhờ đó đã thành hình...
Trong thế giới lao tù của Cộng sản không ai biết rõ ngày tháng. Vĩnh chỉ có thể ghi nhớ rằng trước cái Tết thứ hai trong tù, trong lúc anh và các bạn đang phải làm trâu cày, trong lúc thằng Long không hiểu Cách mạng còn đem chân nó ra cưa thêm bao nhiêu lần nữa, trong lúc mọi người đều xanh xám vì đói... thì Nguyễn Ngọc Trụ vĩnh viễn ra đi. Trụ ra đi không được như Ngô Nghĩa ở Trảng Lớn, vì ít ra Nghĩa còn được nhiều ngàn tù bạn chứng kiến lúc anh bị xử bắn. Trụ ra đi cô đơn và chẳng ai được chứng kiến cái chết của anh đã diễn ra như thế nào! Anh đã bị tùng xẻo? Bị đâm nhầu vào lưng vào bụng? Hay anh bị trói vào cột, bị một bọn năm bảy thằng hình người dạ thú dùng những cái chày vồ phang thẳng cánh lên đầu anh cho đến khi đầu anh bẹp lại như một quả dưa rơi rụng?

Thốt nhiên Vĩnh nhớ lại câu nói của Đặng Xuân Bính trong lúc hắn xúc xẻng đất đắp lên phần mộ của Trụ: Người chết đã sạch nợ. Nhưng người còn sống mà không nhớ, không cách này cách khác thanh toán sòng phẳng món nợ này thì còn thua cả một con chó!

CHƯƠNG BỐN MƯƠI BA

Cái Tết thứ hai trong tù đã qua đi và không còn để lại một tăm tích gì. Những bữa ăn ngon, những món quà gia đình đem vào gửi tại trại và được các tổ trực chuyển tiếp vào bên trong phát lại cho người được nhận hưởng cũng không còn lại chút dư hương nào. Cảnh no dồn đói góp đã khiến mọi người có gì là lôi ra ăn thục mạng với nhau trong mấy ngày Tết. Từ đó, ngày tháng lầm lì trôi qua và đói vẫn hoàn đói...

Tin tức bên ngoài không ai nắm vững. Tù cải tạo luôn luôn sống sôi nổi trên những nguồn tin đồn. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, những tin đồn không thấy xảy ra một cách cụ thể, thì nó lại tan biến đi, để lại đôi chút muộn phiền xủi tăm trong giấc mộng đêm đêm và sáng ra sẽ nhường cho những đợt tin đồn kế tiếp...

Nhưng đó là tin đồn, còn những tin có thật đăng rành rành trên mặt báo mà chiều về anh em xúm lại đọc nơi căng tin, dĩ nhiên sinh ra nhiều lời bình hơn và nhất là nhiều... hy vọng hơn. Chẳng hạn vụ Vinh Sơn xảy ra trong tháng 2 vừa qua.

Với truyền thống bôi nhọ đểu cáng của bọn Cộng sản, dĩ nhiên vụ Vinh Sơn được đưa lên mặt báo bằng những hình ảnh và ngôn ngữ bẩn thỉu nhất..."tên phản động Nguyễn Quang Minh, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, đã cấu kết với bọn côn đồ để biến nhà thờ thành nhà thổ với máy in bạc giả... Cách mạng đã khám phá kịp thời, đã tịch thu được một số bạc giả cùng nhiều tư liệu chống phá chính quyền nhân dân dấu sau cung thánh... Trong cuộc lục soát, công an nhân dân đã tìm thấy cả những đồ lót của đàn bà trong phòng ngủ tên đầu sỏ Nguyễn Quang Minh... Nguyễn Quang Minh là tên cực kỳ phản động, đã từng làm việc cho CIA và có quá trình chống phá Cách mạng trong nhiều thập niên qua... Trong phòng hắn treo những câu thơ có tính chất ru ngủ và đầy yếm thế như: Trăm năm nào có gì đâu. Chẳng qua một mớ cỏ khâu xanh rì...".

Bản tin đầy tính chất bôi nhọ được đăng tải trên tờ Sài Gòn giải phóng, thực tế đã làm cho mọi người lên tinh thần không ít. Nơi đây, nơi chốn lao tù cải tạo này khác nào một cái hộp sắt kín bưng! Vấn đề Vinh Sơn công khai bùng nổ trên mặt báo, nghiễm nhiên đã biến thành một cái mốc cho mọi suy diễn và hoài vọng: Như thế là việc chống đối có tổ chức của nhân miền Nam nhằm vào bạo quyền Cộng sản là một điều có thực! Và phải chăng Vinh Sơn chỉ là một? Còn bao nhiêu cái tương tự như vụ Vinh Sơn mà vì lý do chính trị, báo chí Cộng sản đã phải hoàn toàn bưng bít?

Gia đình anh Phạm Xuân Huy sống ở Xóm Mới, nơi có nhiều cuộc ám sát bọn bộ đội và công an quăng xác vào nghĩa trang. Mấy tháng về trước chị Huy vào thăm và cho anh Huy biết rằng Sài Gòn bây giờ ví như một con rồng có nhiều đầu. Cộng sản đã dại dột nhảy lên lưng con rồng ấy với một thanh mã tấu gẫy trên tay. Chúng chém đầu này thì đầu kia nổi lên, quơ mã tấu đầu kia thì đầu khác lại ngóc dậy nhả khói phun lửa. Con rồng Sài Gòn dù hiện nay chưa hất thằng Cộng sản khỏi lưng được, nhưng chắc chắn thằng Cộng sản sẽ tự hủy vì phải dương đông kích tây quá nhiều mà kiệt sức...

Vĩnh đã nghe kể lại câu chuyện ấy, và dù nằm trong một hộp sắt không thể phối kiểm được với thực tế bên ngoài, nhưng chuyện Vinh Sơn đã khiến không riêng Vĩnh mà hầu hết các bạn đều tin rằng quả thực Sài Gòn đang là một con rồng nhiều đầu!

Bọn cai tù cũng biết bọn tù đang hướng về con rồng nhiều đầu đó, do vậy, chúng làm mọi cách để những bộ óc phản động ưa suy diễn phải mờ mịt đi. Một trong những phương thức xuất sắc là "cho chúng mày nếm đủ mùi khổ nhục thì ắt chúng mày sẽ chẳng còn hơi đâu mà suy diễn nữa". Và sự khổ nhục hiện tại là tù cải tạo đã có dịp hát lại một câu hát bất hủ của Phạm Duy viết nhiều chục năm về trước... "Có người cày thay trâu cày!".

Cánh rừng nằm giữa trại An Dưỡng và phi trường Biên Hòa giờ đã thật sự biến thành ruộng trồng lúa. Trại 4, nơi mà Vĩnh và các bạn hiện đang sống kể từ sau lần tổng biên chế tháng Mười Một, được xử dụng như thành phần chính trong công tác cải tạo đất, dẫn thủy nhập điền và cấy lúa. Khâu này có nhiệm vụ phân lô đất, lên bờ, thu góp và san xẻ đều lớp đất màu mỡ cho những chỗ ruộng có quá nhiều chất phèn. Khâu dẫn thủy nhập điền phải thi công gánh nước từ con suối chạy dọc khu canh tác của trại 1 về đổ trên ruộng. Khi ruộng đã có một độ lầy đủ, tù bắt đầu kéo cày xới đất. Những cái cày do khối mộc chế tạo cũng tương tự như cái cày đã xuất hiện trên mặt trái đất từ đời ông A-Dong. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện "văn minh văn hóa" thì thời đại Hồ Chí Minh nhất định phải thua thời đại A-Dong, do bởi thời đại A-Dong và bà E-Và đã biết xử dụng con trâu để ông A-Dong đỡ phải nai lưng ra kéo. Ngày nay, dưới chế độ giàu mạnh và khoa học tiên tiến của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dù con trâu con bò không được thờ phụng như ở Ấn Độ, nhưng mạng nó quý gấp trăm nghìn lần mạng con người cải tạo; do đó, con người cải tạo được nhà nước xử dụng vào vị trí con trâu con bò!

Toán kéo cày của Vĩnh gồm Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý và nhà trưởng Nhan Quang Minh. Vì đây là một công tác cực kỳ vinh quang trong xã hội mới là được trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người, cho nên không ai có quyền đứng mãi ở vị trí của anh nông dân trên lưỡi cày để điều khiển bạn bè kéo cày, cho dù người ấy có đủ thứ bệnh tật trong người và sức nặng có thể còn thua ngay cả sức nặng cái lưỡi cày sắt... như Vĩnh. Nguyên tắc về kéo cày thực ra đã được mổ xẻ rất nhiều đêm tại các tổ các đội. Sau đó, hầu như tập thể nào cũng đưa ra quyết định như nhau: Thay phiên nhau kéo!

Suốt ngày bì bõm với cái bụng đói meo, Vĩnh và các bạn thay phiên nhau đứng vào vị trí của con trâu kéo. Kéo tới, kéo lui, kéo ngang, kéo dọc! Kéo ngày này sang ngày khác mà vẫn chưa đạt chỉ tiêu và yêu cầu cải tạo đất của Cách mạng. Nếu giả như chúng để yên cho tù làm tròn cái kiếp trâu kéo cày thì cũng đành lấy làm sung sướng. Nhưng chuyện đâu giản dị như thế! Bọn vệ binh của trại 4 ác có lông bụng. Chúng không dễ chịu như bọn vệ binh trại 1 - có lẽ chúng ảnh hưởng nhiều phong thái của bọn an ninh trung đoàn, vốn đặt căn cứ tại ban chỉ huy trại 4 - Chúng hò, chúng hét, chúng chửi bới và báng súng sẵn sàng đập lên đầu bất cứ "con trâu" nào để cho sợi thừng trên vai mình chùng hơn những sợi thừng của hai "con trâu" đi cạnh. Dù sao thì việc qua mặt bọn vệ binh không phải là việc quá khó khăn. Nhưng qua mặt được anh cai nông trường hiện nay là chuyện không thể. Anh cai nông trường ấy, khốn khổ thay, lại cũng là một thằng tù. Một thằng tù từng là sỹ quan cấp thiếu úy "ngụy quân", thì dĩ nhiên mánh mung của lũ tù ra sao anh cai đều thuộc nằm lòng! Anh cai này cả trại 4 biết danh có tên là Lê Bá Lý. Chao ôi! Nói đến anh Lê Bá Lý ai cũng hồn phi phách tán.

Anh cai được Cách mạng nhiều lần đưa lên hội trường biểu dương như là một cải tạo viên ngoại hạng, cực kỳ tiến bộ, cực kỳ học tập tốt, cực kỳ lao động tốt và cực kỳ đấu tranh sai trái tốt. Thành quả đạt chỉ tiêu trong lao động của anh ta đã đánh tan mọi nghi vấn của Cách mạng (?) bởi những lời than vãn của nhiều chục triệu dân, rằng khẩu phần trong xã hội mới không thể cung cấp đủ ca-lo cho một người để hoàn tất một phần mười cái chỉ tiêu lao động trong ngày mà họ được nhà nước mời tham gia một cách... "tự nguyện có bắt buộc".

Do thành quả đó, Lê Bá Lý được đưa ra làm cai chính trong nông trường An Dưỡng.

Vốn đã thừa thắng xông lên, anh ta còn xông hăng hơn nữa do những lời biểu dương và hứa hẹn công khai trên hội trường của quản giáo trại 4, theo đó, nếu có đợt thả trong những ngày tới đây (!?) thì anh Lê Bá Lý sẽ là người đầu tiên rời cổng trại An Dưỡng. Lý, do đó, ra tay quần thảo anh em. Hắn hò, hắn hét, hắn chạy đầu ruộng này tới cuối bìa rừng kia với một cái cây trên tay. Hắn chửi bới, hắn hăm he, hắn nạt nộ, hắn bắt đứng nghiêm, bắt ra trình diện vệ binh, ghi tên, lôi cả đội trưởng tổ trưởng của người chai lười lao động lên bờ ruộng chửi bới và bắt họp đội đấu tranh sai trái trong giờ kiểm thảo ban chiều. Chấm dứt kiểm thảo, đội trưởng phải đích thân nộp cho hắn biên bản giờ kiểm thảo cùng bản tự kiểm với lời thú nhận tội lỗi và lời cam kết nặng nề nhất của "tội phạm".

Bọn trâu-người bỗng thê thảm hơn sau lần Lê Bá Lý, một đêm kia được anh em trùm chăn khênh ra dãy cầu tiêu trại 4 với một sợi dây thừng. Không hiểu sao mạng hắn lớn quá. Hắn thoát chết treo lần ấy và thay vì tỉnh ngộ, hắn càng ra tay triệt hạ anh em tàn bạo hơn.

Bì bõm kéo cày dưới nắng mưa, mắt lo canh chừng bọn vệ binh, mắt lo canh chừng Lê Bá Lý, mắt lo cảnh giác những con đỉa đói to bằng ngón tay cái bơi lền khên dưới ruộng phèn; hầu như tất cả mọi người đều ngậm miệng để giữ sức. Nhưng anh Huy ít khi ngậm miệng. Anh than thở.

- Chao ôi! Mình thua chúng nó rốt cuộc chỉ vì hai nguyên do. Nguyên do thứ nhất là chúng ta đã bất hạnh có một thế hệ đàn anh cầm quyền lèo lái quốc gia, khi mà chính bản thân họ chưa được trang bị kiến thức và đạo đức tối thiểu của những người lãnh đạo; chưa có khả năng để phân biệt nổi đâu là ranh giới của nhà bếp và nhà nước. Nguyên do thứ hai là chúng ta đã bất hạnh có một thằng bạn đồng minh ích kỷ và lọc lừa...

Anh Huy bỏ dở câu nói. Anh lại lẩm bẩm trong miệng như người đọc kinh và ra sức kéo lưỡi cày vừa bị lún quá sâu dưới lớp đất sình.

Ý nói.

- Bây giờ chẳng thể ngồi trách ai được. Mình lo thân mình thôi.

Huy lại cất tiếng vu vơ.

- Giai đoạn này trốn được chưa nhỉ?

Cả Vĩnh và Ý đều giận cái kiểu nói vu vơ của anh Huy. Dù sao cũng có nhà trưởng cày chung trong toán. Nhan Quang Minh không phải là người xấu, nhưng kín đáo hơn vẫn là giải pháp hay nhất.

Nhà trưởng Minh bỗng len ào và nói về một câu chuyện không ăn nhậu gì đến câu chuyện Ý và Huy nói khi nãy.

- Tôi nghe hậu cần trại bảo trong tuần thế nào cũng có tiếp phẩm.

Huy trả lời ngay.

- Chao ôi! Từ tháng 10 đến giờ cho ba lần tiếp phẩm rồi. Lần nào cũng xà bông bột với xà bông ghẻ. Không có thì cần thật, mà có kiểu này không biết lấy chỗ đâu mà chứa.

Vĩnh cười.

- Có còn hơn không.

Huy cãi.

- Đồng ý, nhưng có kiểu này thì kẹt lắm. Tiếp phẩm được quy định rõ ràng mỗi hai tháng được một lạng thuốc lào, hai lạng đường, một kem răng. Xà bông đâu phải dành cho cải tạo. Xà bông là của cán bộ và vệ binh. Họ dư dùng, họ gạt phéng cho cải tạo tính trên trị giá tiếp phẩm cải tạo được quyền hưởng và hiên ngang xử dụng số tiền đó cho việc bồi dưỡng riêng họ. Chơi gì chơi cha vậy!

Nhà trưởng Minh có vẻ rất khổ sở khi phải nghe những lời lẽ "phản động" của ông già Huy. Nhưng anh ta cứ lờ đi và có chút ân hận rằng chính anh đã nêu ra cái tiền đề cho việc tranh cãi không đúng lúc đúng chỗ này.

Huy vẫn chưa muốn thôi, anh tiếp. Mẹ kiếp cướp cơm chim!

Trong lúc đó bỗng nhiên những tràng súng nổ ròn rã vang lên chấn động cả một vùng. Những tên vệ binh ngồi trong những túp lều tranh tránh nắng được dựng trên bờ ruộng khắp đó đây đồng loạt lao ra khỏi lều và hét bọn tù.

- Tất cả ngồi xuống tại chỗ! Tất cả ngồi xuống tại chỗ! Ai bất tuân bị bắn hạ ngay!

Mặc dù biết rõ có một biến cố quan trọng đã xảy ra trong bọn tù, trốn trại chẳng hạn, nhưng vì kéo cày mệt quá, được lệnh ngồi xuống thì hầu như tất cả mọi người đều lợi dụng thời cơ nghìn năm có một ngả luôn người cái phịch xuống ruộng bùn. Nằm thở một cái đã rồi tính.

Quả nhiên một phút sau đó tin trốn trại của một vài anh em làm gần chỗ ruộng giáp ranh rừng thuộc phạm vi trại 2 đã loan truyền khắp nơi. Bọn quản giáo và vệ binh chạy như bầy vịt về phía ven rừng. Những tràng súng thay phiên nhau nổ ran trời. Vĩnh và các bạn đều hồi hộp lo âu cho người đào thoát. Một lúc sau, bọn quản giáo và vệ binh trong toán truy lùng cạnh rừng bước ra. Thằng nào thằng nấy sình lầy lên tới cổ. Nhưng thảm thương nhất là một anh cải tạo bị bốn thằng vệ binh dùng dây trói kéo lê phía sau. Vì cách quá xa, Vĩnh và các bạn chỉ có thể nhìn thấy người bị kéo trồi lên tụt xuống trên một địa thế sình lầy và cao thấp không đều. Kẻ trốn trại sau cùng được lôi lên mặt đường nhựa.

Sự cựa quậy và rên xiết của anh khiến mọi người biết anh còn sống. Lên tới mặt đường nhựa, anh còn bị kéo một khoảng nữa. Giờ đây, kẻ trốn trại đã nằm trong tầm nhìn rõ rệt của Vĩnh. Thốt nhiên, người Vĩnh như bốc lên một cơn sốt. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy một con người bị trói bằng dây thép gai và bị kéo lết gần một cây số đường ruộng ra tới đường nhựa.

Xưa kia Chúa đầu đội mão gai, vác Thánh Giá ngã lên ngã xuống nhưng liệu có đau đớn bằng người tù hiện nay không? Anh ta nằm trên đường, hiện thân chỉ còn là một đống bùn lầy pha trộn với máu đỏ đang ứa ra từ trên bụng, trên tay, trên lưng và trên cả cần cổ. Trời ơi, rõ ràng ngày nay một con chó bị què, hoặc bị thương, thậm chí đã chết nằm trên đường chắc chắn có hàng trăm người nhảy tới dành giật để kiếm chác tí thịt; nhưng một con người nằm quằn quại trên đường không ai muốn; hoặc nếu muốn cũng không có quyền nhào tới dù chỉ để quan sát cho tận tường...

Thằng vệ binh đang canh chừng đội 17 trên thửa ruộng nằm cạnh đường, hích hích mũi súng về phía Vĩnh, lên giọng: Đấy, ngoan cố trốn trại tìm cách chống phá Cách mạng kết quả là như thế đấy! Chúng mày thằng nào anh hùng cứ bỏ chạy tao coi.

Nói xong câu hăm he vu vơ, hắn xách súng bò lên đường nhựa tiến đến gần người lâm nạn và tiện chân đá đại vào người "tên phản động" một cái. Đá xong, hắn chà chà mũi dép râu xuống đám cỏ ven đường và lẩm bẩm chửi thề, tuồng như cái thân xác kia đã làm dơ bẩn mũi dép của hắn.

Lúc này mọi người ngồi dưới ruộng đều âu lo cho số phận người nằm trên đường. Không ai nhận được lệnh bước lên tìm cách cầm máu cho nạn nhân. Vĩnh vẫn đăm đăm ngó vào những sợi thép gai giờ đã cắm sâu vào thân thể đầy bùn của người nằm trên đường. Máu vẫn rỉ ra và đã nhuộm đỏ một khoảng đường nhựa. Bọn vệ binh và quản giáo đứng dạt ra vì sợ dính máu dính bùn của người trốn trại. Trong lúc bọn tù chưa biết số phận người trốn trại sẽ bị xử lý ra sao, thì tiếng reo hò tở mở nơi góc rừng lại vang lên. Tiếp theo đó là những tràng súng thị uy bắn khắp cùng. Nơi các bộ chỉ huy trại hình như đã được báo động. Một số vệ binh từ các ngả chạy túa ra dàn đội hình tăng cường. Một số chạy thẳng ra cổng trại An Dưỡng. Vĩnh cố gắng nhìn cho rõ những việc đang diễn ra nơi bìa rừng. Ý bỗng thều thào.

- Chết mẹ, chúng nó lôi ra một thằng nữa kìa!

Vĩnh đã nhìn thấy rõ một người cũng đang bị bốn thằng vệ binh khác lôi xềnh xệch trên ruộng nước. Người đó hình như còn khỏe vì anh ta dẫy dụa coi mòi còn hăng. Bọn vệ binh đi theo cầm súng phang chí tử vào thân xác người đang bị kéo đi. Khi kéo tới mặt đường nhựa. Vĩnh thấy người trốn trại không còn dẫy dụa được nữa. Ít phút sau, anh ta cũng được lôi đến nằm cạnh người thứ nhất. Có lẽ anh này bị đánh quá nhiều nên máu ở đầu chảy chan hòa trên mặt đường. Dù sao anh vẫn còn rên được. Nghe rên, bọn vệ binh vừa tức tối nguyền rủa vừa dùng báng súng đánh vào xương sống anh cho đến lúc anh quằn quại rồi nằm yên như một xác chết. Máu, bùn, những con đỉa bám theo xác người giờ trộn với nhau trên mặt đường dưới ánh nắng chói chang của mặt trời tháng Tư.

Giọng Huy.

- Hai con rồi, chả hiểu còn con nào nữa không?

Bây giờ bọn quản giáo và vệ binh đã cho hầu hết các đội trở lên mặt đường nhựa tập họp để sửa soạn ra về.

Bọn quản giáo sau khi bàn thảo, bỗng ra lệnh cho Lê Bá Lý di chuyển các đội hình sang một khu đất rộng gần lề đường bên kia con lộ. Non một nghìn tù, sau năm bảy phút đã thiết lập xong đội hình tề chỉnh bên những đống cột đèn còn để ngổn ngang bên bờ đường. Hai người trốn trại vẫn để mặc nằm trên đường. Những bầy ruồi từ trong các trại, từ phía cầu tiêu của ban chỉ huy trại 4 đã ngửi thấy mùi máu bay ra và bu đen trên những vũng máu, cả trên xác hai người giờ không ai biết chắc sống chết ra sao!

Một trong những tên quản giáo tiến ra trước hàng quân. Sau khi Lê Bá Lý hô nghiêm nghỉ, hắn bắt đầu lấy giọng và lên lớp.

- Các anh thấy gì chưa?

-...... !

- Đấy, hậu quả tất yếu của những kẻ ngoan cố không chịu học tập cải tạo đấy! Hôm nay, tôi tranh thủ quán triệt sơ bộ các anh vài điều. Hắn khẽ lắc đầu. Không, đúng ra là nhắc nhở lại với các anh vài điều. Xã hội ta, Cách mạng đã nói rất nhiều lần, là một xã hội có tình cho những người tốt và có biện pháp xử lý đích đáng cho những kẻ xấu. Hai tên phản động kia đã lợi dụng trong lúc lao động bỏ trốn vào rừng, và còn có hành động chống trả lại các đồng chí vệ binh khi bị bắt lại. Bản án tử hình đã treo sẵn trên cổ chúng nó. Nói tới đây, tên quản giáo giơ hai tay lên trời, nói lớn. Tôi không hiểu các anh nghĩ thế nào!? Cách mạng đã quy các anh về đây, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các anh học tập cải tạo, tại sao trong các anh vẫn còn nhiều kẻ không nhận ra lòng bao dung của Cách mạng? Học tập trong xã hội ta là một nghĩa vụ, các anh hiểu chưa? Một nghĩa vụ đòi hỏi mọi người phải có một thái độ tự giác một cách... bắt buộc. Tại sao các anh không nhận ra được rằng bánh xe lịch sử đang quay? Mà bánh xe lịch sử đâu có phải là một cuộn chỉ! Hai thằng phản động kia, các anh đã thấy rõ. Hành động trốn trại, khước từ học tập của chúng rõ ràng là một sự chận lại bánh xe lịch sử và đã bị bánh xe ấy nghiền nát. Tôi cũng cho các anh biết, một thằng tên Trần Thiện Lân, cựu đại úy ngụy hoạt động cho CIA nhiều năm. Thằng thứ hai là Lê Thành Nhân, cựu hạ sỹ tình báo của chế độ Sài Gòn. Cả hai thằng đều đã biết rõ tội ác chúng phạm với Đảng, với nhà nước và với nhân dân sẽ khó được tha thứ. Do đấy, đã quyết định từ khước học tập và tìm cách trốn vào rừng theo bọn tàn quân chống phá đánh trả lại Cách mạng. Nhưng...

Tên quản giáo không nói tiếp nữa. Hắn quay lại nhìn một thằng quản giáo khác, hỏi. Đồng chí Thùy, đồng chí có muốn lên lớp gì không?

Thằng được gọi là Thùy chỉ lắc đầu. Tên quản giáo quay lại bọn tù, tiếp. Thôi được, bây giờ các anh đội trưởng lần lượt điểm danh báo cáo nhân số lần cuối và tuần tự cho anh em trở về trại.

Một chuỗi đội hình như một con rắn khổng lồ mệt mỏi bỗng cựa mình dưới nắng. Con rắn từ từ bị cắt ra từng đoạn nhỏ, tiến lên đường nhựa và tủa ra các hướng trong trại An Dưỡng. Chẳng còn mấy ai ngoái nhìn lại hai người bạn đang nằm trên mặt đường với thép gai quấn chặt trên người, với từng bầy ruồi bu đen, với những tiếng rên thật khẽ như lời thì thầm với một thần chết nào đó, với máu lệ, với nỗi tuyệt vọng sau cùng trước định mệnh quá khắt khe đang từ từ khép lại hai mảnh đời muốn bỏ trại tù ra đi tìm lại các chiến hữu cũ...

Đội 17 trên đường về trại 4 không quá xa, nhưng bước chân của mọi người dường như không còn muốn cất nổi. Nắng đã làm khô những lớp sình trên đầu cổ chân tay, trên những bộ quần áo rách như tổ đỉa. Có người vừa đi vừa cố gắng gỡ từng tảng bùn khô trên mặt xuống. Có người than đói, có người thầm thì ước ao sao giờ này có được một ly nước đá lạnh...

Trên đường, một người đàn bà từ phía bộ chỉ huy trại 4 bỗng xuất hiện và đi ngược chiều với đội 17. Vóc dáng mụ vừa lùn vừa mập. Đôi hông nỡ quá độ khiến mụ có chiều ngang gần như suýt soát bằng chiều cao. Bộ tóc dài tới đít quấn đuôi Sam trông dị hợm khác thường. Thê thảm nhất là bộ mặt. Dù có tí phấn hồng quệt vụng về trên đôi má có nọng, nhưng cặp mắt ti hí và hàm răng vẩu đã tạo cho mụ một cái vẻ thật kỳ hình dị tướng. Mụ đi một đôi dép Nhật, diện một cái quần sa tanh đen và một mảnh áo phin nõn. Bọn tù xì xầm trong hàng.

- Chắc vợ thằng thủ trưởng.

- Tao sợ là nữ cán bộ hộ lý.

Bọn vệ binh đi xa xa không nghe thấy lũ tù bàn tán. Nhưng mụ ta thì nghe thấy rất rõ. Có thằng cất lên một tiếng thở dài lúc mụ tiếng ngang qua đội hình.

- Chao ôi! Đúng là người đẹp năm tấn bảy tấn. Thèm quá!

Thật là tai biến chung cho cả đội vì câu nói ấy. Mụ ta chợt đứng phắt lại. Câu nói của một thằng tù đã như một chiếc đũa đóng thấu vào tai mụ. Mụ trợn mắt méo mồm la to mà không một ai ngờ nổi.

- Các đồng chí vệ binh đâu, các đồng chí để cho mấy thằng tù vô giáo dục nó tự do thị phi tôi phải không?

Hình như mụ rất có uy lực trong tiểu đoàn, do đó, khi nghe thấy mụ hét, bọn vệ binh áp tải đang đi thụt phía sau bỗng giẫy nẩy và vác súng chạy lên chận đội 17 lại. Nhiều đội khác vội vàng lách sang một bên để vượt qua đội 17 với những ánh mắt e ngại ngoái nhìn. Tên vệ binh chận đội 17 xong, lên đạn và hét lớn.

- Gì đấy chị cả? Có chuyện gì thế?

Bên kia đường mụ đàn bà đã xoay hẳn người lại trực diện với tên vệ binh và đội 17. Bây giờ mọi người mới nhận ra bên tay phải của mụ cầm hai ổ bánh mì vàng au vô cùng hấp dẫn, được bọc ơ hờ trong một mảnh báo. Hai ổ bánh mì vàng căng trong tích tắc đã thu hút được tất cả những ánh nhìn chiếu tướng của bọn tù đội 17. Chẳng mấy ai còn lưu tâm tới cái tai biến đang xắp xảy diễn ra cho cả đội vì sự la làng của mụ đàn bà.

Mụ đàn bà hình như cũng ngượng khi thấy hàng trăm đôi mắt ngó vào mình một cách quá trìu mến! Nhưng đã lỡ làng, mụ đành nói với tên vệ binh.

- Đồng chí áp tải cải tạo đi lao động sao ơ hờ thế? Mụ nghĩ ngợi một chút. Khi nãy đi qua đội này, tôi nghe tiếng người chọc ghẹo tôi.

Tên vệ binh hình như sợ uy người đàn bà, hắn quay sang bọn tù. Thốt nhiên hắn cũng nhận ra bọn tù hiền quá, thằng nào thằng nấy đều chiếu những ánh mắt thật kính cẩn vào người đàn bà đứng đối diện. Hắn có vẻ không tin bọn tù lại dám chọc nữ cán bộ giữa ban ngày. Thế nhưng hắn cũng phải lên tiếng.

- Này, các anh đội này ấm ớ gì đấy? Muốn về ăn trưa hay muốn bị quỳ cả đội tại đây? Ai? Ai đã có lời xúc phạm chị cả của trại?

Mụ đàn bà sau khi thấy bọn tù có vẻ hiền lành thật, vả lại như còn gấp chuyện gì, mụ ta chỉ lên tiếng.

- Thèm quá, thèm quá là cái ý gì? Khi nãy tôi nghe rõ ràng trong hàng có người thấy tôi đi qua cất tiếng chọc ghẹo bảo là thèm quá! Cải tạo thế bao giờ tiến bộ mà về.

Nói xong mụ ta có vẻ hơi ngượng cho lời lẽ của chính mình. Tên vệ binh cũng hơi buồn cười nhưng đã có vấn đề thì phải giải quyết. Hắn quay lại một người đứng gần nhất, hỏi càn.

- Thèm? Anh có thèm không?

Tên tù ngây thơ.

- Dạ thèm chứ!

Cả mụ đàn bà lẫn tên vệ binh đều ngẩn người. Mụ ta bỗng gắt.

- Đồ đàn ông gì mà lỗ mãng. Thèm, thèm cái gì?

Tên tù đầy "ngụy tính" bỗng mỉm cười nói khơi khơi.

- Dạ thưa thèm ổ bánh mì!

CHƯƠNG BỐN MƯƠI BỐN

Một đợt biên chế nữa trong nội bộ các trại lại diễn ra. Một số bạn nằm cùng nhà 2 đội 17 với Vĩnh như Ý, Huy, Dương... lại bị phân tán sang các nhà khác. Bù lại, một số bạn khác như Tạc, Tiến, Hóa... lại trở về nhà 2 nằm chung với Vĩnh. Khi đợt biên chế đã hoàn tất thì trời đất cũng xoay vần trở lại mùa tang chế của quê hương!...

Cuối tháng Tư năm 77, trong lúc lòng mọi người đang cư tang cho ngày mất nước hai năm về trước, thì bọn cai tù trại An Dưỡng được lệnh tổ chức một đêm chiếu phim cho tù cải tạo xem. Bộ phim này có tên là Sao Tháng Tám. Những cảnh đói trong phim đã gây bàn tán thật nhiều. Bọn tù, người thì cả quyết đó là tài liệu thật, người thì cam đoan đó chỉ là những phim được dựng cảnh sau này nhằm Mác-xít hóa nội dung một thảm cảnh có thật của người Việt Nam.

- Dựng thế chó nào được. Một người trong nhà 2 lên tiếng. Lấy tài tử đâu ra mà đóng những vai ốm đói!?

Có tiếng cười của người khác.

- Tiên sư anh, sao anh ngu thế? Anh cứ nhìn lại thân anh coi, anh có giống y chang những người ốm đói năm 45 không? Hiện giờ cả nước có hàng triệu người đang rất thừa khả năng thủ những vai ốm đói như vậy mà không cần một chút ngụy trang nào. Nhà nước dựng một phim như thế, chứ dựng hàng trăm phim như thế vẫn có thừa tài tử đóng chùa...

Chiều cuối tháng Tư trời oi ả như muốn ngột bất cứ lúc nào. Nằm trong phòng lúc nhúc người, mỗi người hai gang tay rộng cho chiều ngang chỗ nằm, Vĩnh chỉ muốn chui ra ngoài sân ngồi cho thoải mái nhưng lại làm biếng. Ra sân ngồi thế nào cũng khổ vì cái đói thức dậy hoành hành. Thà nằm trong nhà, lỗ tai lùng bùng đủ thứ chuyện bàn tán của bạn bè mà đâm hay; cái đói chẳng có thì giờ len vào quấy nhiễu, không những trong bụng mà còn trong tim trong óc.

Đàng góc kia, Nguyễn Đình Tạc đang ra sức hành một nghề mới kiếm tí thuốc lào của anh em cúng dường. Hắn nằm trên một chiếc võng, bạn bè bu quanh để nghe hắn "lên phim" - một từ ngữ mới dùng cho việc kể chuyện Tam Quốc hoặc chuyện chưởng - Vĩnh phải công nhận Tạc có một trí nhớ tuyệt vời. Hắn có khả năng kể lại bộ tam quốc ròng rã ba tháng trời với không một chi tiết hay một lời bình nào bị bỏ sót. Tạc còn sở hữu một lối kể chuyện duyên dáng không thu gì Đặng Thế Tiến, thành thử rạp hát của hắn cũng chẳng thua Tiến bao nhiêu. Ở góc khác, trong tinh thần cạnh tranh thương nghiệp tư sản, Tiến cũng nằm trên võng và lên phim cho một số thích phim chưởng nghe. Trong mấy tháng nay, đêm nào cũng một tiếng, hắn lần lượt chiếu hết các bộ Cô Gái Đồ Long, lại sang bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tiếng kể chuyện râm ran, tiếng thì thầm bàn tán những chiến thuật tuyệt vời của Khổng Minh, sự nhẫn nhục để thành đại sự của cha con Tư Mã, những đường đao bất hủ của Lãnh Diện Nhân hoặc cái đàn ông tính đầy quyết thắng của Lâm Bình Chi trong Tiếu Ngạo Giang Hồ... Vĩnh nằm giữa nhà, bên nào hấp dẫn anh xử dụng lỗ tai bên đó.

Thỉnh thoảng lại có tiếng chửi thề đồng nổi lên một lượt để phê phán thái độ phá đám bầu không khí yên lặng của Bùi Vịnh. Từ ngày được xem phim Sao Tháng Tám, bọn tù chỉ rút ra được một câu duy nhất trong phim, ấy là lời rên xiết của một người sắp chết đói nằm bên vệ đường, bị người ta hốt ném lên xe đem đi chôn. Người sắp chết ấy dù chỉ còn là một bộ xương, vẫn cố ngốc đầu lên thều thào than một câu: Bẩm lạy quan, con chưa chết xin đừng chôn con!...

Câu nói ấy được bọn tù lập đi lập lại như một hàm ý chọc ghẹo bọn quản giáo, xa hơn, mỉa mai cả chế độ rằng họ đang chôn sống những người cải tạo trong các trại tập trung.

- Con chưa chết xin đừng chôn con!

Mọi người đang mải mê lắng nghe Tiến và Tạc kể chuyện, bỗng nhiên Bùi Vịnh lại rú lên cái câu nói nhiều chất thảm chen lẫn chất tếu ấy khiến ai cũng bực. Bực thì bực, lâu lâu buồn miệng nó vẫn rú lên.

- Ối giời ơi con chưa chết xin đừng chôn con!

Đêm nay cũng như mọi đêm, sau một ngày lao động cật lực; sau bữa chiều với hai sét cơm độn khoai sắn chan tí nước muối với tí rau dền luộc; sau giờ họp tổ và họp nhà với đủ thứ đấu tranh, phê bình, mổ xẻ... ; sau khi biết rõ ngày mai mình sẽ làm công tác gì; Vĩnh và các bạn lại chui vào phòng nằm thở ra. Thình lình ông già Đang chui vào chỗ Vĩnh nói.

- Ông có quen ai là Nguyễn Chí Kham phải không?

Vĩnh gật đầu.

- Vâng, sao?

- Có người xưng tên là Nguyễn Chí Kham muốn gặp ông ngoài cửa kìa.

Nghe ông già Đang nói Vĩnh vội ngồi bật dậy và phóng nhanh ra cửa. Một anh tù với dáng lè phè đang đứng ngay bên trái cửa, tuy nhiên Vĩnh thấy đôi mắt anh ta nhìn ngang liếc dọc như phải dè chừng một cái gì. Vì chưa từng gặp nhau trước đó, Vĩnh vội hỏi khẽ.

- Ông là Nguyễn Chí Kham?

Người đối diện chợt cười vui vẻ.

- Dĩ nhiên không thể là Nguyễn Chí Thanh! Nói đoạn anh tiếp. Gớm, tôi với ông Dzoãn Bình nhắn tin mấy tháng nay mà không cách nào gặp được ông. Tôi có gặp Nguyễn Hữu Nhật đi lao động cách đây cả tháng. Hắn làm ở khối mộc, nói rằng gặp ông trên bệnh xá. Ông đau gì vậy?

- Đủ thứ ông ơi, nhưng đau đầu là bệnh nặng nhất.

Nói rồi Vĩnh nắm tay Kham lôi vào nhà. Vào đây ông, vào đây nằm nói chuyện thú hơn. Nhà này chịu chơi lắm.

Kham có vẻ e ngại khi nghe lời đề nghị của Vĩnh. Anh ta nói.

- Tôi đội thằng Lê Bá Lý. Nó đã cấm ngặt liên hệ linh tinh và cấm ngặt người của đội nó dẫn người đội khác vào nhà mình hoặc ngược lại. Nó vồ được cũng phiền lắm.

Vĩnh cười.

- Ông cứ yên tâm. Nhà tôi toàn là những thằng từng ở với nhau từ Trảng Lớn lên đây. Biên chế qua lại rồi cũng gặp nhau cả. Chịu chơi chứ không tệ như mấy đội khác đâu.

Thế rồi Kham theo Vĩnh vào nhà và hai đứa trò chuyện với nhau đủ thứ. Kham cho biết đơn vị sau cùng của anh là đài phát thanh Huế. Anh được biệt phái và đi tù với cấp bậc thiếu úy. Anh cũng khoe về một số truyện ngắn anh viết trong tù và phải dấu diếm thật kỹ càng. Vĩnh hỏi.

- Thế ông trước ở trại nào?

- Tôi từ trại 2 biên chế sang trại 4 tuần rồi. Có cả anh Dzoãn Bình nữa. Anh ấy ở cùng đội tôi hiện giờ. Ông nội ấy tôi teo quá.

Vĩnh ngạc nhiên.

- Sao vậy?

- Ở tù mà vẫn giữ nguyên cái tật ăn to nói lớn.

- Tốt chứ sao!

- Tốt gì. Hồi bên trại cũ ông ấy bị chúng nó nhốt connex hết mấy ngày.

- Lý do?

- Hôm ấy đi lao động lên luống. Tôi với ông ấy cuốc gần nhau. Thằng chính trị viên trại 2 nó ra tham quan hiện trường, nó hứng thế nào kể cho lũ tù nghe một hai mẩu Tam Quốc. Ông Dzoãn Bình nhà ta coi mòi cảm khái, tự dưng hỏi lớn: Ủa! anh cũng biết cả chuyện Tam Quốc nữa à? Thằng chính trị viên nó sùng, nó kết án ông ấy khinh người Cách mạng là ngu dốt, đem cất ông ấy vào connex hết mấy ngày.

- Vậy lúc này ông ấy ra sao?

- Ông ấy muốn gặp ông lắm, bảo tôi sang đây rà đường xem có ông không. Nếu có ông ấy sẽ mò sang sau.

Mười phút sau đó Vĩnh, Nguyễn Chí Kham và anh Dzoãn Bình đã gặp nhau nơi chiếc bàn ọp ẹp ngoài sân nhà 2. Ba người gặp nhau thầm thì to nhỏ. Anh Bình than thở về gia cảnh anh, rằng vợ anh mất, anh đi tù để lại ba cô con gái tuổi còn vị thành niên. Thế nhưng lần thăm vừa qua anh không ngờ ba cô bé cũng lo cho bố thật đầy đủ. Rồi thì câu chuyện lan man qua vấn đề sinh hoạt. Kham than thở anh xui xẻo rơi vào cái đội quá hắc ám, cầm đầu là ông Lê Bá Lý. Anh Dzoãn Bình sau lúc đầu thủ thỉ, dần dần trở lại thói quen cũ, anh cười nói oang oang ngoài sân khiến Vĩnh cũng phát ngại.

- Cậu cứ yên tâm. Cứ khai bệnh cho tôi. Cậu đau thật cậu sợ đếch gì. Nhưng mà tôi bảo thật cậu còn lãng mạn lắm, tóc tai vẫn nghệ sỹ bồng bềnh thế kia...

Vĩnh cười.

- Thôi lạy anh. Bồng bềnh nghệ sỹ cái con khỉ. Chẳng có dao kéo mà hớt đấy thôi.

Qua câu chuyện tiếp nối, Vĩnh cũng được biết đáng lẽ Dzoãn Bình chưa bị bắt, nhưng vì nghe theo lời kêu gọi của Ủy Ban Quân Quản, anh vào trình diện Việt Nam Thông Tấn Xã và chúng khui ra tiểu sử anh từng là cựu thiếu úy tham gia chống Pháp xưa kia, thế là anh mắc kẹt luôn...

Anh Bình lại nói.

- Tôi nghe phong thanh sẽ có đợt đi Bắc hoặc tổng chuyển trại lớn sẽ được thực hiện vào tháng Sáu hay tháng Bảy này. Cũng có thể một số rất lớn được thả. Tuy nhiên cậu và Kham còn có hy vọng được thả, chứ nếu có đi Bắc phải hẳn là tôi bỏ mẹ trước nhất! Bỗng nhiên anh reo lên. Quên! Chuyện qua chuyện lại, tôi có thằng bạn nhỏ nằm bên cạnh nó bảo nó là học trò cũ của cậu. Thằng ấy nó lai Tàu, nhà giàu lắm. Chuẩn úy hay thiếu úy gì đó. Quà thăm cả hai tạ, nó ăn ròng rã từ đó đến giờ vẫn chưa hết...

Nghe nói thì biết vậy. Người ta chỉ có thể nhớ được ai từng là thầy mình, làm sao nhớ nổi ai từng là học trò mình.

Đêm xuống, anh Bình và Kham trở về đội của họ. Vĩnh vào nhà nằm nghĩ mà buồn vì đã chẳng có gì để đãi hai người bạn văn mới gặp trong tù. Vĩnh đành nằm yên lắng nghe tiếp chuyện Tam Quốc đang được Tạc say sưa kể. Anh chợt chồm tới đánh cắp một bi thuốc của Tạc được cúng dường nhét trên vành lỗ tai. Tạc vừa kể vừa đong đưa võng, không biết mình mất thuốc. Vĩnh bò ra kiếm cái điếu. Anh ngửi bi thuốc và biết rằng đây cũng chỉ là một bi thuốc rổm, thứ quái quỷ này rít vào rát cổ như bị Lý Tiểu Long đá trúng một ngọn thất cước liên hoàn.

Giọng Tạc vẫn đều đều.

- Ấy là: Thành quách Hớn gia đã đổi chủ
Giang sơn Ngô quốc lại hầu nghiêng...

... Tấn chúa biếu chơi Tôn Hạo chức Quỷ Mạng Hầu, con cháu đều phủ phê cảnh cơm no bò cỡi. Bọn nâng bi cho Tôn Hạo cung bắt tạm cái tước Liệt Hầu thừa sức tham ô lãng phí; đè đầu đè cổ nhân dân. Chỉ có Thừa Tướng Trương Để là đau. Lịch sử với mâm trên mâm dưới chỉ thuộc về những thằng còn sống nhăn. Trương Để sớm ra đi để làm người thiên cổ, thành thử chuyện quyền cao chức trọng, áo mão xênh xang đành để cho lũ con cháu hưởng hàm xài tạm...

Ấy ta mới thấy rằng rốt cuộc ba nước đều quy về tay một thằng trời ơi đất hỡi... Nhưng nói thế cũng chẳng đúng lắm, vì người ta có tài mới quy được đất nước về một mối. Ít nhất cũng phải có tài lỳ lợm, chịu khổ chịu nhục như cha con Tư Mã, phải không các đồng chí? Để ứng dụng vào thực tế cải tạo, đề nghị các đồng chí tối nay nằm vắt chân chữ ngũ, đào sâu suy nghĩ xem làm cách nào hạ nổi những kẻ lỳ lợm đến vô sỉ cở cha con Tư Mã. Anh nào tìm ra giải pháp, kẻ hèn này sẽ tình nguyện chiếu hết bộ phim Hán Sở Tranh Hùng cho riêng người ấy người nghe.

Những tiếng xầm xì nổi lên. Tạc ngồi bật dậy khỏi võng, đọc như một bài học thuộc lòng.

Bộ Tam Quốc đến đây là dứt.
Ai muốn biết nhà Tấn ra sao?
Mau mau quyên góp thuốc lào,
Nộp cho hàn sỹ (thì) chuyện nào cũng cân.

Những cái điếu cầy lại rú lên trong đêm. Bên kia Đặng Thế Tiến cũng có vẻ mệt mỏi và máy chiếu cũng coi mòi hết pin. Hắn kết thúc thật mau đoạn kết câu chuyện kể và nhào về phía Vĩnh.

Mấy thằng thân thiết với nhau lại kéo ra sân ngồi quây quần tán dóc. Vĩnh luôn luôn là kẻ vô tài trong việc kiếm chác thuốc lào. Nhưng Tạc và Tiến đã biến thành hai nhà cung cấp thuốc lào chính yếu cho cả bọn. Tiến moi trong túi ra năm bảy bi thuốc gói cẩn thận trong miếng giấy nhỏ, trình làng như khoe một thành tích. Tạc cũng chẳng kém gì. Hắn cũng moi ra mấy bi thuốc lào thật "xiện" trình làng. Tạc cười.

- Khi nãy tao nhét một bi thuốc "lá cà chua" trộn vài sợi lông nách trên vành tai, chẳng biết thằng khốn nạn nào thuổng mất. Tao cứ cười trong bụng mãi. Mẹ kiếp, thằng nào hút nhằm bi đó hết đầu thai.

Vĩnh biết Tạc đùa xỏ anh nhưng anh chỉ cười. Vĩnh hiện có một cái khổ tâm là có đến hai nhóm bạn đều thân thiết nhưng lại không hợp nhau. Một bên là Phạm Xuân Huy, Nguyễn Văn Ý, Vũ Duy Dương, Đặng Minh Tuấn tự Tuấn Râu và Phạm Điểu. Một bên là Nguyễn Đình Tạc, Đặng Thế Tiến và Nguyễn Văn Hóa. Ngồi với đám Phạm Xuân Huy chỉ bàn tới chuyện trốn trại. Còn ngồi với đám này chỉ bàn chuyện tiếu lâm chửi xiên chửi xéo chế độ. Đêm nay Vĩnh ngồi với đám Tạc nói chuyện văn nghệ văn gừng. Đôi khi qua những câu chuyện ôn lại những chuỗi ngày ở Trảng Lớn, Vĩnh lại chùng lòng xuống khi nhớ tới Nguyễn Thành Đính và Nguyễn Tất Ứng. Chả hiểu giờ này chúng nó trôi dạt tới đâu!? Bàn hết chuyện này đến chuyện khác, cuối cùng thế nào cũng tới chuyện ăn chuyện uống. Lúc này cả trại đều đói thê thảm. Quà cáp và thăm nuôi chưa thấy trại nhắc nhở gì. Trong cái hoàn cảnh thiếu thốn này cái thèm như có lý do tăng nhanh tăng mạnh gấp trăm lần trong lòng mọi người mỗi khi có ai lỡ dại nhắc đến những món ăn này kia kia nọ.

Đặng Thế Tiến bàn chuyện món ăn, Tạc bỗng nói len vào với giọng báo động.

- Này tụi mày, tao thấy thằng Võ Hữu Hiệp lúc này nó có vẻ trở chứng rồi đấy. Từ dạo nó lên làm nhà phó, lại bị vồ vụ lượm cam dọc đường, tao thấy nó đổi tính hẳn. Lầm lì ra mặt trông ngại lắm. Vĩnh gạt đi.

- Kệ cha nó. Mình làm chó gì mà sợ!

Tiến chen vào.

- Rầu mấy đấng ăng ten quá. Sống đã khổ quá rồi, còn hành hạ nhau làm gì nữa!? Lắm khi tao không hiểu nổi vì đâu lại có tệ nạn ăng ten trong tù! Chả lẽ giờ lại còn kẻ tin rằng đi làm chó săn sẽ được về sớm hơn chăng? Thà lên năm lên mười, đây thằng nào cũng có sạn trong đầu cả, ấy thế mà vẫn làm những chuyện tào lao gì đâu!

Tạc nói.

- Chuyện này không phải là chuyện lên năm lên mười. Chuyện này là chuyện của bản chất con người. Gần hai năm qua, ai cũng có thể biết rõ một điều chưa có thằng nào bị thúc súng vào lưng bắt làm ăng ten cả. Dầu cũng có một vài trường hợp bị khung chiếu cố và bắt chẹt chuyện nhà, nhưng mình tiếp tục cứng nó cũng chẳng làm đếch gì được mình. Nói cho cùng nó cũng chẳng có quyền gì. Chỉ là một đám cai tù thuần túy. Nhiệm vụ duy nhất là giữ sao cho tù không thoát chạy. Có thế thôi. Nịnh bợ, van xin, tâng công, chỉ điểm... người có óc phải hiểu rõ đó là những hành động cực kỳ vô ích chứ?

Tí than hồng tù mù để trên chiếc bàn xiêu vẹo bỗng rực lên vì một cơn gió bất chợt thổi qua. Vài con mối dại dột lao vào bốc lên một mùi khét chen lẫn mùi thơm thơm. Cái đói tự dưng như cồn lên trong lòng mọi người. Giờ này và nơi đây biết đào cái gì ra mà ăn!? Cả bọn chợt rủ nhau ra giếng tắm để hy vọng quên đi được cái đói đang hành hạ mình.

Vừa dợm chân đứng dậy thì Vĩnh vội đứng lại vì có một người lạ tiến đến trước mặt. Trong bóng tối mờ mờ ánh trăng, người lạ hỏi khẽ Vĩnh như sợ có người đi sau theo dõi.

- Xin lỗi, anh có phải là Vĩnh không?

Vĩnh ngạc nhiên.

- Tôi đây.

Người đối diện bỗng nhìn kỹ Vĩnh hơn và reo khẽ.

- Ồ thầy! Thầy nhớ em không?

Vĩnh thành thật.

- Xin lỗi quả tình tôi không nhớ ra anh.

Vĩnh lại phải kéo anh bạn trẻ ngồi xuống bàn, để mặc đám Tiến dẫn nhau đi tắm.

- Em là học trò lớp Anh văn của thầy ở trường Quốc Việt. Em là Lâm Thanh.

Dù chẳng thể nhớ ra người đối diện, nhưng Vĩnh vẫn tin đây là người học trò cũ của mình. Vĩnh tươi cười.

- Anh em mình không ngờ lại gặp đây.

Người bạn trẻ bỗng khoa tay như từ chối một điều gì.

- Ý thầy, sao thầy nói vậy? Em vẫn là học trò của thầy mà. Đâu có dám ngang hàng anh em.

Quả tình Vĩnh thấy khó xử trong trường hợp này. Nhưng thôi kệ, anh ta muốn gọi Vĩnh là sao cũng được. Phần mình, trong tù giữ lấy cái thế bình đẳng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Vĩnh xoay sang chuyện khác.

- Vì sao cũng đi cải tạo vậy?

- Thầy ơi đáng lẽ em đâu có kẹt vậy. Hồi 70 em đỗ tú tài Việt. Ông già em lo cho em đi Hồng Kông nhưng em thích đi lính hơn. Em nhất định ở lại và tình nguyện đi khóa 2/71. Hồi 75 gia đình em kẹt hết trọi vì em mắc kẹt dưới Cần Thơ lên không đặng. Em bị đi cải tạo với cấp bậc thiếu úy thầy à. Vậy chớ thầy sao?

- Thì tôi cũng đang ngồi đây với anh chứ có khác gì đâu!

Người đối diện như muốn nói một cái gì khác, nhưng có lẽ sự ứng phó tiếng Việt của anh ta không nhạy bén, thành thử anh ta chỉ ậm ừ rồi hỏi han tiếp.

- Thầy có được gia đình thăm không?

Trong này ai cũng học được một kinh nghiệm xương máu, ấy là sơ giao không bao giờ nên móc ruột ra cho bất cứ một người nào khác xem. Tránh nói bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Con ếch nó chết vì cái mồm! Bài học ấy Vĩnh rất thuộc nên anh tìm cách hỏi trở lại.

- Sao anh Thanh biết tôi đi cải tạo vậy?

Thanh thành thật.

- Dạ em nằm bên cạnh anh Kham từ hồi bên trại 2. Cả cái ông già Bình nữa. Em nghe họ nhắc đến bút hiệu của thầy. Em nhớ thầy.

- Ủa, sao anh biết bút hiệu tôi?

Thanh trả lời với giọng hơi kinh ngạc.

- Ý thầy, lớp em hồi đó ai mà không biết bút hiệu thầy. Hồi thầy in quyển truyện dịch gì đó em quên tên rồi, thầy có đem vào trong lớp cho tụi em coi mà. Em có ra ngoài tiệm sách mua mấy cuốn tặng bạn bè tùm lum.

Bây giờ Vĩnh đã hoàn toàn tin Thanh là học trò anh. Câu chuyện từ đó trở thành thân mật hơn.

Đêm đã khuya, bọn Tạc đã từ giếng kéo về. Các nhà trưởng đã ra trước sân yêu cầu giải tán tập họp, tắt những bếp than nhỏ và vào nhà ngủ. Thanh vội vã đứng lên, lễ phép nói với anh.

- Chiều mai lao động về em sẽ gặp thầy. Em còn nhiều đồ lắm. Em sẽ tiếp hơi cho thầy bất cứ thứ gì thầy cần. Thuốc tây em cũng không xài gì hết trọi.

Vĩnh ậm ừ cám ơn và quay vào nhà khi Thanh đã rảo bước vào bên hông nhà đầy bóng tối tìm đường trở về dãy trại của anh ta nằm đâu phía cuối trại 4 sát khu thăm nuôi.

Một ngày qua đi với đủ muộn phiền. Ít khi Vĩnh nhớ đến gia đình nhưng đêm nay tự nhiên anh trằn trọc nhớ đến các con quá sức. Anh nhớ thằng Khoa, thằng Nguyên, thằng Trung...

Vài phút sau nóng quá ngủ không được, Vĩnh quyết định trở ra giếng tắm một mình. Vừa bước ra cửa, một tiếng gọi thật khẽ cất lên ngoài cái bàn ban nãy.

- Thầy!

Ánh đèn trong nhà chiếu ra nhưng không chiếu tới chỗ mấy cái bàn. Dù vậy, dưới ánh trăng mới nhú mỏng như một cái lưỡi liềm mòn, Vĩnh vẫn nhận ra Thanh. Anh tiến lại gần.

- Ủa, anh quên cái gì chăng?

Thanh nói.

- Không, thầy! Em trở lại ngay để biếu thầy ít trà với đường nhưng thầy vô mất rồi! Em đang lo không biết làm sao kêu thầy...

Nói rồi Thanh đứng lên, cẩn thận trao tận tay Vĩnh một cái gói được bọc kỹ bằng một miếng giấy dầu. Vĩnh khó nghĩ vô cùng. Tuy nhiên, anh không thể không nhận trước chân tình của một người học trò cũ Việt gốc Hoa. Anh cám ơn và giục Thanh trở về nhà ngủ với lời hẹn sẽ còn gặp nhau trò chuyện nhiều nữa. Trước khi Thanh quay đi, anh ta hỏi.

- Thầy có chơi thân với anh Kham không thầy?

- Không, chỉ biết nhau thôi. Nhưng anh cần gì?

- Không, em không cần gì cả. Em tưởng thầy thân anh ấy, thầy nói giùm anh ấy đừng gây gỗ tùm lum nữa. Sao anh ấy nóng tính quá hà...

Nói rồi Thanh chào Vĩnh và lẳng lặng rút đi cũng bằng cái lối đi đầy bóng tối bên hiên nhà 2 đội 17...

CHƯƠNG BỐN MƯƠI LĂM

Nửa năm trời cả một cánh rừng đã biến thành ruộng trồng lúa. Mạ non đã cấy xong đến thửa cuối cùng. Bài học nhất nước nhì phân tam cần tứ giống được đem ra ứng dụng tối đa. Nông trường hiện chỉ còn một số đội của cả 4 trại chia vùng trách nhiệm. Đội 17 đã giã từ ruộng nương và trở lại với khu canh tác nằm ở hướng Bắc trại An Dưỡng. Việc khai quang khẩn đất đã nới rộng khu canh tác lên tới những ụ đất phòng thủ của phi trường Biên Hòa cách trại hơn hai cây số đường. Nơi đây, tù vừa khai quang vừa thu lượm những tàn tích của cuộc chiến vừa qua như súng, đạn, mìn, những quân dụng đủ loại đã hư hao sét rỉ dưới mấy mùa mưa nắng. Lao động nơi đây, không ai không mang nỗi ngậm ngùi của người xưa, của bà huyện Thanh Quan.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...

Quy hoạch hiện nay được khung đưa ra là cả vùng này sẽ được dùng làm nơi trồng khoai lang. Khai quang dọn dẹp tới đâu phải thi công lên luống ngay chỗ đó. Đất ở đây dù sao tương đối mềm hơn đất vòng đai trại An Dưỡng, do đó việc lên luống không đến nỗi quá cực khổ. Tuy nhiên, nếu không cực khổ vì những nhát cuốc thì lại nguy hiểm vì chyện mìn bẫy và những đầu đạn M.79 nằm phục trong những bụi cỏ rậm hay dưới những lô-cốt xụp đổ... Sự cảnh giác trước những nguy biến ấy khiến công tác khai quang lên luống tương đối tiến chậm. Nhưng ban quản giáo và bọn vệ binh không bao giờ chấp nhận sự chậm chạp này. Chúng lý luận rằng các chiến sỹ Cách mạng, để giải phóng được toàn miền Nam và quy được đất nước về cùng một mối, đã được xử dụng tối đa theo đúng cái "vũ khí luận" của đế quốc Mỹ. Ngày nay, để "đền ơn Cách mạng", các cải tạo viên chỉ lao động dưới một tình trạng hiểm nguy cỏn con thì không có lý gì được chùn bước... Sự thúc hối, sự chửi rủa lại một lần nữa làm nhiều tù cải tạo gãy chân, gãy tay hoặc bỏ mạng trong trại cải tạo mà thân nhân không bao giờ được biết.

Vĩnh cũng trầm luân giữa anh em. Anh đào, xới, khuân, vác, cuốc... như một kẻ đã mất dần mọi cảm giác. Dù thế nào Vĩnh cũng không muốn bị một thằng vệ binh oắt con lôi ra xỉ vả và bắt quỳ giữa trời giữa đất. Đôi khi đứng thẳng lưng nhìn tới những lô cốt, những bụi cỏ gai, những lớp concertina sét rỉ dính chằng chịt vào nhau mà bên dưới nó ẩn nấp không biết bao nhiêu ông tử thần khiến Vĩnh không khỏi không ngao ngán. Nhưng nếu ngoái lại sau lưng nhìn những luống đất có chiều cao 7 tấc, chiều rộng 2 thước và chiều dài hơn 20 thước nằm san sát nhau đến hút chân trời; Vĩnh đã chẳng thấy hài lòng mà lại còn ngao ngán hơn vì anh hình dung nó chẳng khác nào những dãy mồ tập thể đang ngày tháng chôn vùi cả thế hệ anh...

Bọn vệ binh và quản giáo bám sát từng luống đất để kiểm soát chất lượng. Chúng không để cho bất cứ tên tù nào qua mặt chúng trong việc lên luống lấy lệ được. Những luống đất này, theo đúng bài bản đã được lên lớp trên hội trường, sẽ được dùng để trồng một loại khoai lang đặc biệt do Ấn Độ chi viện, mỗi gốc có khả năng sản xuất trung bình từ 40 đến 50 cân khoai (!?).

Thỉnh thoảng, trong đám người cuốc đất lại có một anh ngừng tay, chống cuốc mắt nhìn quanh và khe khẽ cất tiếng ngâm.

Người ta đi cuốc lấy công,
Còn tôi đi cuốc chỉ mong ngày về...

Những lần giải lao năm phút sau mỗi giờ lao động dần dần bị cắt bỏ. Lúc này bọn quản giáo chỉ chấp thuận một lần nghỉ mười phút duy nhất để uống nước cho suốt buổi lao động 5 tiếng buổi sáng và 5 tiếng buổi chiều. Mười phút rồi cũng được câu dầm thành mười lăm hai mươi phút. Mười lăm hai mươi phút nằm bật ngửa trên mặt đất để thở cho kịp nhịp đời, để lắng nghe trái tim mình hành hạ chính mình bằng những nhịp đập uất hờn, để nghe khối óc mình cật vấn mình vì đâu mà ra nông nỗi này; rồi từ đó, mình chỉ còn biết đấm ngực mình mà tự trách chứ chẳng còn trách cứ được ai!

Sự tự trách ấy đã khiến bao người muốn thoát khỏi đây, muốn làm một công việc đền bồi tội lỗi với đất nước, với dân chúng bằng một hành động cụ thể cuối cùng: Chống lại bạo quyền dù có chết tan thây. Đó là lý do dễ hiểu Phạm Xuân Huy lúc nào cũng tính chuyện vượt ngục, chẳng để mò về nhà mà nhất định phải mò vào rừng. Vấn đề được đặt ra là có ai trong rừng không? Và nếu có, nhưng vì nguyên tắc bảo mật, liệu anh em có chấp nhận mình không? Vĩnh vẫn còn nhớ rõ ràng trong đầu sau đợt thăm tháng Mười, đã có rất nhiều nguồn tin đem vào trại đại ý rằng: Anh em ở ngoại quốc đã và đang kéo về. Nhưng họ cũng có một chính sách cụ thể để xử trí với những người đã nộp mạng chịu sự cải tạo của Cộng sản. Đại để tin đồn về chính sách ấy là tất cả những người đã trải qua một thời gian cải tạo của Cộng sản phải được tập trung lại để tẩy não lần nữa. Những người này sẽ chỉ là những công dân... cấp hai và không được tham dự vào những chức vụ then chốt trong chính quyền và quân đội... Nguồn tin ấy đã làm phẫn nộ không biết bao nhiêu tù cải tạo. Vĩnh không phải không tốn thì giờ để suy nghĩ về nguồn tin này. Anh không tin, không bao giờ tin chuyện này sẽ xảy ra được cả. Rồi khi bình tâm trở lại, Vĩnh tin rằng luận điệu này chỉ là luận điệu được bọn Cộng sản tung ra với mục đích ly gián giữa những chiến hữu quốc gia với nhau, giữa những tổ chức phục quốc (nếu có) từ hải ngoại kéo về và với những người hiện còn ở lại đất nước chịu cảnh tù đày...

Chuyện âm mưu vượt ngục còn được bọn tù bàn tán qua nhiều kỹ thuật độc đáo khác nữa. Chẳng hạn trong những câu chuyện kể cho nhau nghe, Minh chuột đã thầm thì rằng xưa kia những người Do Thái nằm trong trại tập trung của Đức, đã không thiếu người chế khinh khí cầu bay thoát sang Pháp sang Anh... Hắn cả quyết hắn có thể chế khinh khí cầu trong này. Hắn sẽ dùng Poncho làm túi chứa khí Métal lấy từ hầm cầu. Dây sẽ được chế bằng dây dù thu lượm quanh các vòng đai trại cải tạo. Độc đáo hơn, Minh tuyên bố cái giỏ khinh khí cầu sẽ phải là một cái giỏ tiện nghi nhất thế giới. Ngồi trên đó, tù cải tạo vẫn có thể luộc khoai ăn, vẫn có thể hút thuốc lào hoặc đánh cờ tướng... Dù sao đó chỉ là những câu chuyện giả tưởng, nói cho qua những giây phút nghỉ giải lao. Nhưng Nguyễn Văn Ý thiết thực hơn. Cuốc tới đâu, hoặc dọn dẹp "chiến trường hậu chiến" tới đâu, Ý luôn luôn lưu tâm thu lượm những miếng vỏ và ruột xe còn tốt. Anh đem về chế hàng ba bốn đôi đép râu và đêm đến móc sẵn trên đầu chỗ nằm. Có lần Ý tâm sự.

- Vượt ngục đôi chân là quan trọng nhất. Dép râu phải thật tốt thật bền mới chạy xa chạy nhanh được. Các ông cũng nên bắt chước tôi. Đêm đừng bỏ dép trên lối đi. Hãy thủ dép râu trên đầu chỗ nằm. Cứ tưởng tượng xem, đùng một cái, nửa đêm Chinook của anh em ta từ biển bay vào và đáp xuống đây, mình vùng ra khỏi mùng lại mất cha nó đôi dép. Chân không làm sao dẫm gai chạy ra những bãi đáp Chinook cho kịp!?

Hoặc giả.

- Ông Huy ơi! Ông đừng đi guốc nữa. Đi dép râu trở lại đi. Ông đi guốc riết quen chân, mai mốt dzọt bị dí là ông chết tươi đấy.

Giấc mộng vừa xa vời vừa thật gần gũi. Ai cũng có giấc mộng ấy trong tù cải tạo, nhưng biến được giấc mộng thành sự thật hay không lại là chuyện khác. Vĩnh hay ngồi nghe anh em bàn chuyện nhưng không biết góp ý ra sao. Tánh Vĩnh rất ít khi làm một việc gì mà chưa sắp sẵn. Vĩnh đang mong mỏi lần thăm thứ hai thật nhiều. Trong lá thư viết đưa riêng cho vợ lần thăm vừa rồi, anh đã dặn dò thật kỹ phải đem vào cho anh cái địa bàn còn dấu trong một ngăn kéo ở nhà...

Hôm nay cũng như mọi ngày. Giờ lao động buổi chiều đã chấm dứt vào lúc 5 giờ. Tập họp, điểm danh, báo cáo nhân số xong quản giáo cho về luôn mà không lên lớp rút ưu khuyết điểm tại chỗ sau buổi lao động như mọi ngày. Đội hình lại uể oải lê bước trở về trại. Đội 17 đi vượt qua những cánh đồng khoai sắn, rồi đi qua khu rau xanh. Khu rau xanh của trại 2 mới tươi tốt làm sao. Mùi phân mùi nước tiểu ngai ngái vẫn không ảnh hưởng chút nào tới khứu giác của bọn tù trước mùi thơm hăng hăng của những ngồng cải cao ngất, mùi hành lá, mùi ngò, mùi rau răm... Những quả bầu bí căng phồng, những vườn ớt sai trái đỏ au, những quả đậu bắp, những thửa ruộng trồng bắp với những quả bắp đầy chất sữa ngọt ngào trên bẹ... Tất cả những thứ này đều là sản phẩm được tù lấy công sức tạo ra, nhưng không bao giờ được rờ tới.

Quản giáo đội 17 hiện tại là một thằng oắt con có cấp bậc chuẩn úy. Thằng này gốc miền Trung tên là Thừa. Hắn không quá độc ác trong hành động, nhưng có những lối lên lớp cay đắng và độc hiểm vô cùng. Những lời nói của hắn thường làm bọn tù đau đầu như bị đóng đinh.

- Các anh là người lớn không phải con nít. Có ai dí súng bắt các anh vào đây học tập đâu! Các anh tự nguyện đấy chứ...

Hoặc giả.

- Anh kia, bây giờ anh trả lời tôi nếu giai đoạn này anh không chịu học tập thì anh sẽ làm cái gì? Chả lẽ anh trở lại con đường thảo khấu, con đường hiếp dâm cướp của để mà sinh sống chăng? Không đâu, lối sống thú vật cũ đã được quét sạch hoàn toàn và triệt để rồi. Chưa tốt nghiệp trường cải tạo, xã hội bên ngoài sẽ không bao giờ chấp nhận các anh, kể cả vợ con ở nhà nữa...

Hoặc ác độc hơn.

- Các anh phải ý thức cho rõ cái cao đẹp của xã hội ta. Xã hội này không chỉ giải phóng mọi bất công mà Mỹ ngụy đã đặt để trên đầu nhân dân, mà còn giải phóng cho chính đời sống tay sai nô lệ của các anh, giải phóng vợ con các anh khỏi những ổ điếm hôi thối của Mỹ ngụy...

Quản giáo Thừa chiều nay có vẻ no nê hơn mọi bữa. Khi trưa, hắn đã sai mấy tay tù của tổ 3 nhà 2 xách một cái sô ra mấy luống khoai gần phạm vi hiện trường của nhà 2 bới một sô. Bọn tù đã làm y lệnh. Thu hoạch khoai về, ai cũng hớn hở tưởng hôm nay quản giáo Thừa cao hứng, có nhã ý tặng cho cả nhà hai phần ba số khoai đem về bồi dưỡng. Ai dè hắn ra lệnh cho tù ra giếng kéo nước rửa khoai và vào nhà lô nổi lửa nấu khoai cho chúng. Nấu xong nồi khoai, mấy thằng tù bị đuổi ra ngoài. Quản giáo Thừa cũng bước ra nháy nhó mấy thằng vệ binh rồi chúng chui cả vào lều với nhau. Nửa tiếng sau đó chúng bước ra. Khi giờ lao động chấm dứt, tổ trực thu tất cả cuốc xẻng leng ki vào cất trong nhà lô thì ai cũng kinh ngạc. Sô khoai luộc đã được ăn hết nhẵn, hết cả vỏ! Một thằng quản giáo và hai thằng vệ binh ngồi buồn ăn hết hai phần ba sô khoai mà nếu đem cân ít nhất cũng phải non chục ký. Tại sao chúng lại có thể ăn nhiều khủng khiếp dường ấy? Đến ngay bọn tù, dù đói khổ rùng mình mà nếu bị bắt ngồi ăn một lượt hết 3 ký khoai thì cũng chào thua vô điều kiện. May lắm thì cỡ vô địch đô vật Vương Đắc Vọng hoặc trung úy Dù tử thủ Đỗ Duy Tích mới có thể làm nổi "công tác" này. Nhưng rõ ràng có trời có đất, 3 thằng Việt cộng đã tạo một kỷ lục mới ăn chơi chơi hết mười ký khoai.
Quản giáo Thừa khi đi ngang vườn ớt, cho cả đội dừng lại. Đội trưởng Uyên cho anh em làm y lệnh. Lúc nãy tập trung ai cũng khấp khởi mừng vì hôm nay quản giáo Thừa không lên lớp. Ai dè đi ngang vườn ớt, quản giáo Thừa lại bắt dừng lại và rõ ràng có triệu chứng lên lớp ngay chỗ này.

Cả đội kế đó được lệnh ngồi xuống bên lề đường. Quản giáo Thừa trao cho đội trưởng một cái bao cát và dặn dò vài điều nhỏ nhỏ. Đội trưởng Uyên dạ dạ vâng vâng rồi cầm bao đi luôn vào vườn ớt sai trái đỏ au.

Quản giáo Thừa quay lại với bọn tù và bắt đầu lên lớp.

- Chiều nay tranh thủ lên lớp các anh vài điều trước khi các anh về trại nghỉ ngơi. Hôm nay tôi biểu dương đại đa số các anh đã chấp hành đúng nội quy quy định trong lao động. Mặc dù có một vài cá nhân không đạt chỉ tiêu nhưng tôi cũng ghi nhận vì sức yếu. Tuy nhiên thành quả chung của cả nhà như thế là đáng biểu dương và phải phát huy hơn nữa. Các anh thấy không?

Nói tới đây tên quản giáo chỉ tay về những cánh đồng khoai mì và những thửa rau xanh tươi tốt dài như bất tận, tiếp. Người mù cũng phải thấy rằng câu thơ của đồng chí Tố Hữu là một chân lý:

Bàn tay ta làm nên tất cả,
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm...

Mới ít tháng trước đây, vùng đất hoang dã này còn đầy dấu tích chiến tranh của Mỹ ngụy để lại. Các anh về đây học tập, đã tích cực và nghiêm túc chấp hành sụ chỉ đạo của Cách mạng nên đã biến được cả vùng đất này thành một nơi phồn vinh hoa màu, góp một phần lớn vào kế hoạch tự túc rau xanh và thực phẩm của cả trại ta. Cứ đà phát huy này, mấy chốc trại ta sẽ không còn là gánh nặng của nhân dân phải nuôi dưỡng ăn học nữa. các anh đang bắt đầu thắng lợi vòng đầu trong cuộc đấu tranh tự lập tự cường tự túc của xã hội ta. Thế nhưng như thế chưa đủ, chưa thể đủ được. Bên cạnh những cố gắng sản xuất, ta còn phải học hỏi cả đạo đức Cách mạng nữa. Ta phải thấm nhuần ý nghĩa câu "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Bác Hồ đã dạy phải "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Chúng ta phải luôn lấy câu ấy làm mốc phấn đấu. Tôi ghi nhận đời sống nơi trại cải tạo chưa thể nói là đầy đủ, chẳng qua vì đất nước ta mới giải phóng, chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ đã để lại muôn vàn khó khăn cho công cuộc phát triển nền kinh tế hậu chiến. Ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng khó khăn chỉ là tạm thời, thuận lợi vẫn là cơ bản. Biết rõ như vậy, các anh lại càng phải phấn đấu nhiều hơn trong rèn luyện nhân cách. Chẳng vì chút khó khăn trước mắt về đời sống kinh tế mà phạm tội ăn cắp quả bầu, ăn cắp quả bí, ăn cắp mớ rau của tập thể. Tôi không tin rằng một người sống trong tập thể sẽ sung sướng vì chiều nay mình đầy bụng trong khi những người khác chỉ lưng bụng. Các anh đừng tưởng là cán bộ chiến sỹ không đói. Cũng đôi khi đói chứ. Nhất là giai đoạn vượt Trường Sơn xuôi Nam chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi hạt muối cắn làm đôi, hạt gạo cắn làm ba. Khổ như thế mà chỉ lo cho riêng mình no thôi thì làm sao đánh thắng được Mỹ ngụy.

Tên quản giáo lên lớp một hồi. Hắn ngừng nói nhìn về phía vườn ớt. Bọn tù sốt ruột vì chiều đang xuống nhanh. Ai cũng đói cũng mệt. Nhưng chẳng ai hiểu được vì đâu chiều nay tên quản giáo lại lên lớp dông dài quá. Thường ngày hắn chỉ tranh thủ dăm bảy phút nói qua loa vài ba nhận xét phê bình trong lao động, hôm nay chẳng hiểu hắn hứng gì mà giảng đến cả những vấn đề lớn như đạo đức Cách mạng giữa chốn vườn tược này. Bọn tù thả mắt nhìn về hướng trại. Chẳng ai quyến luyến gì chỗ đó nhưng còn chỗ nào khác? Khói từ những nhà bếp bốc lên trời chiều, ngồi đây mà ai cũng có thể biết được rõ rệt chuyện gì đang xảy diễn ra nơi các dãy trại tập trung đó. Chia cơm, chia canh, chia khoai, chia sắn...

Giọng Phạm Xuân Huy thầm thì sau lưng Vĩnh.

- Thằng Uyên nó thu hoạch nhiều ớt lắm ông ạ. Chắc chắn chiều nay tụi mình có lộc. Một bao cát ớt chia cho cả đội ăn mệt nghỉ!

Vĩnh liếc nhìn vào vườn ớt. Quả thực đội trưởng Trần Văn Uyên đang thu hoạch ớt, những quả ớt đỏ au, công khó mồ hôi nước mắt của tù trồng lên, đang lần lượt chui vào cái bao cát trên tay Uyên.

Hầu như có hai món mà không thằng tù nào không nghiện kể từ sau 30 tháng 4 năm 75. Món thứ nhất là thuốc lào, món thứ hai là ớt. Thuốc lào hút say làm quên được cuộc đời trong chốc lát. Ớt làm cay miệng giúp nuốt trôi những miếng cơm độn khoai mì nhạt nhẽo và nhất là tránh được bệnh sốt rét. Thế những trừ khi được gia đình thăm nuôi, còn nếu không, quả ớt sẽ là một giấc mơ của mọi người. Quản giáo Thừa nhìn vào vườn ớt và hỏi.

- Sao? Anh Uyên thu hoạch đầy bao chưa?

Giọng Uyên từ trong vườn nói lớn.

- Báo cáo anh sắp đầy rồi.

Tên quản giáo lại nói.

- Thôi, gần đầy là tốt rồi. Tranh thủ sơm sớm cho anh em về trại cơm nước nghỉ ngơi.

Trần Văn Uyên nghe nói, dùng sợi dây đính sẵn trên miệng bao cát buộc chặt lại và vác bao ớt trên vai như vác một con heo nhỏ. Anh bước ra khỏi vườn ớt. Bọn tù nhìn thấy vườn ớt đã bị vạt hẳn đi một khoảng màu đỏ lớn. Uyên tiến lại gần tên quản giáo đặt nhẹ bao ớt xuống đất.

- Báo cáo anh đã thu hoạch xong.

Tên quản giáo nhìn Uyên cười cười.

- Này hỏi thật nhá. Anh có thu hoạch riêng bỏ túi quả ớt nào không?

Đội trưởng Uyên có vẻ ngượng nghịu.

- Dạ đâu có thưa anh!

- Thế thì tốt. Nói đoạn hắn quay lại phía mọi người, tiếp. Thế là anh Uyên đã giữ được tinh thần liêm khiết chí công vô tư đấy. Làm được điều ấy là một phấn đấu lớn chứ chẳng phải nhỏ đâu. Anh về hàng đi.

Uyên bước về hàng. Quản giáo Thừa tiếp. Nhân danh quản giáo đội 17, tôi biểu dương anh Uyên. Hắn nhìn ra xa tuồng như lượng thử vầng kim ô đã chạm lớp kẽm gai nằm dày đặc trên những bờ thành đất hay chưa, rồi quay lại đám tù, hắn nói. Thôi, trước khi anh Uyên cho các anh em ra về, tôi cũng có đôi lời thế này. Hắn ngẫm nghĩ tí chút. Trong tương lai ngắn sắp tới, trại ta sẽ có một số đông được Cách mạng thả về. Chuyện này đáng lý tôi chưa được nói, nhưng lỡ nói rồi thì cũng phải nhắc nhở các anh một điều: Cách mạng luôn luôn trước sau như một. Và trại cải tạo có vào thì phải có ra. Vào cùng lượt nhưng ra thì dứt khoát không thể cùng lượt. Các anh đã học tập gần hai năm hẳn đã biết mục đích và yêu cầu của việc tập trung học tập cải tạo. Đây cũng ví như một trường học. Học thì phải có thi. Thi phải có người đỗ người trượt. Đỗ thì về còn trượt thì phải học tiếp cho đến khi nào đỗ thì thôi. Tôi mong trong đội ta, lần xét thả tới đây sẽ có một tỷ số cao nhất so với các đội khác. Hắn quay sang đội trưởng Uyên. Nhân danh khung, tôi biểu dương anh đã thu hoạch tốt lượng ớt này.

Bọn tù ngồi yên suốt lúc đến giờ với hy vọng tên quản giáo cao hứng cho thu hoạch ớt phát đều cho đội. Chả ai hiểu ý hắn biểu dương đội trưởng Uyên làm gì. Tên quản giáo lại quay sang bọn tù nói tiếp. Trước khi các anh trở về trại, tôi cũng nhắc nhở lần cuối. Việc sản xuất trong trại này là nghĩa vụ của mọi người. Thế nên sản phẩm được xử dụng như thế nào là quyền của tập thể quyết định. Nhiều đội khác đã có những anh vi phạm thu hoạch linh tinh và đã bị tập thể trừng trị. Đội ta chưa có hiện tượng ấy. Tôi biểu dương! Chúng ta tiếp tục phát huy sự liêm khiết và lương thiện. Tỷ như tôi, trong cương vị quản giáo, tôi có quyền hái ớt dùng khi cần chứ. Nhưng để công khai hóa, tôi đã nhờ anh Uyên thu hoạch ớt trước tập thể các anh chứng kiến. Đây là một điều các anh nên nhớ và phải noi theo.

Bọn tù ngẩn người nghe tên quản giáo vô tư hay trắng trợn (?) nói những lời lẽ giáo dục cực kỳ điểu cáng ấy. Rồi thì mọi người được lệnh đứng dậy và tuần tự hàng hai bước lê trên lối mòn trở về trại. Tên quản giáo lững thững đi theo với bao ớt vác trên vai. Nhưng khi đến gần cổng, chỗ phải bàn giao nhân số tù cho ban kiểm soát, không ai còn thấy bao ớt nằm trên vai tên quản giáo đâu nữa. Bước qua cổng trại rồi, Ý thầm thì với Vĩnh.

- Bây giờ tao đã hiểu thêm Cộng sản là gì.

-.....?

- Dân sản xuất chưa đủ, đạt chỉ tiêu chưa đủ, còn phải tự tay thu hoạch dâng cho cán bộ hưởng mới đủ.

- Chắc chúng lấy chia nhau.

- Chia cứt! Đây ra Biên Hòa bao xa? Bao ớt ấy cân bán ít nhất ra cũng vài chục. Và vài chục cũng là số tiền lương hai tháng của chúng nó rồi!

1      2      3      4      5      6      7      8      9       10      11      12      13      14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét