Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN KỊCH CHIẾN VỚI CỘNG QUÂN QUANH CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ THÁNG 9/1972


LTS- Theo yêu cầu của nhiều độc giả, kể từ trung tuần tháng 9/2009, Chúng tôi mở thêm phần mục Quân sử Việt Nam, lần lượt trình bày tiến trình hình thành Quân đội Quốc gia Việt Nam (từ 1946-1955), và sự phát triển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ( từ 26/10/1955, Quân đội Quốc gia VN được cải danh thành Quân Lực VNCH), và tình hình chiến trường VN từ 1965 đến 1972, có sự tham chiến của lực lượng đồng minh.. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu của Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH), cuốn Việc từng ngày 1945-1969 của Đoàn Thêm, và các bài viết về quân sử của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, hồi ký của cựu Đại tướng Westmoreland và của nhiều tác giả khác.
-Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 , Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến (thứ ba từ trái sang phải), thăm 1 đơn vị TQLC hè 1972

* Lược trình cuộc tổng phản công của TQLC tại mặt trận Quảng Trị:
Như đã trình bày trong số trước, theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1-đồng thời là Bộ tổng chỉ huy chiến dịch Lam Sơn 72, ngày 9 tháng 9/1972, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) đã khởi động cuộc tổng phản công tái chiếm các vị trí trọng điểm ở trung tâm thị xã Quảng Trị và doanh trại Đinh Công Tráng (Cổ Thành Quảng Trị) với nỗ lực chính là 6 tiểu đoàn Cọp Biển thống thuộc quyền điều động của hai Lữ đoàn 147 và 258 TQLC. Vào thời gian này, lực lượng Cộng quân (CQ) tại trung tâm thị xã là trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 320B, tại Cổ Thành là trung đoàn 27 chủ lực CQ (còn có tên là trung đoàn Triệu-Hải (ghép hai chữ đầu của hai quận Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), ngoài ra tại các ngỏ yết hầu và khu tứ giác Quang Trung-Trần Hưng Đạo, CQ đều tổ chức các cụm kháng cự kiên cố.
Trong hai ngày 9 và 10, cánh quân của tiểu đoàn 1, 2, 3, 6, 7, 9 TQLC đã tiến chiếm các mục tiêu quanh trung tâm thị xã tỉnh lỵ. Giao tranh đã diễn ra quyết liệt ở khu vực Thạch Hãn, đường Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung. Ngày 11 tháng 9/1972, sau cuộc họp với Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm tư lệnh chiến dịch Lam Sơn 72, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến tung cuộc tấn công quyết định từ với các mũi tấn công do các tiểu đoàn 1,2 và 6 TQLC làm nỗ lực chính:
* Trận chiến của Tiểu đoàn 1 TQLC.
Khởi động cuộc tấn công từ vị trí xuất quân ở nhà ga Quảng Trị, hai đại đội Thủy quân Lục chiến thuộc Tiểu đoàn 1 TQLC đã tấn công theo thế gọng kềm vào cụm tuyến của Cộng quân từ Bệnh viện Thị xã xuống trường Trung Học Bồ Đề và Ty Công Chánh. Tại khu vực trường Bồ Đề, Cộng quân đã núp trong các đống gạch của tòa nhà mới xây, dùng hỏa lực cá nhân đủ loại kể cả súng cối không thuốc bồi để ngăn chận Thủy quân lục chiến. Đại đội trưởng Bùi Bồn đã cho lệnh quân sĩ sử dụng mìn bấm claymore để uy hiếp tinh thần đối phương, và phóng M 79 rót vào các tổ cố thủ của CQ. Cũng cần ghi nhận rằng CQ rất ngán mức công phá và sát hại của súng M 79 loại súng này và gọi thứ vũ khí này là súng cối cầm tay. Sau các loạt M 79, Cọp Biển nhào lên ném lựu đạn triệt hạ các tổ súng cộng đồng của địch quân. Cuối cùng đơn vị CQ tại đây đã phải rút về phía sau, một số chạy dạt ra bờ sông Thạch Hãn.
Đến sáng ngày 11/9/1972, Tiểu đoàn I TQLC đã kiểm soát được khu vực phía Tây Nam dọc theo đường Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch, Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa-tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 TQLC đã điều động các đại đội tiếp tục cuộc tấn công vào các mục tiêu đang bị Cộng quân chiếm giữ: Trường Nữ Tiểu Học, Nhà Máy Điện, Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Tại các vị trí này, tiểu đoàn Quái Điểu đã gặp phải sự kháng cự mạnh của địch quân, nhất là khu vực ở Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Tại đây, Cộng quân đã thiết lập công sự kiên cố và tổ chức phòng ngự liên hoàn. Giao tranh diễn ra rất ác liệt khi các trung đội TQLC xung phong chiếm các vị trí hỏa lực cộng đồng của đối phương. Tại nhiều vị trí, hai bên đã đánh cận chiến. Sau nhiều giờ kịch chiến, CQ đã bị các đại đội Cọp Biển đánh bật ra khỏi trận địa.
* Trận chiến giữa Tiểu đoàn 2 TQLC và Cộng quân
Ở hướng tấn công từ ngã ba Long Hưng vào trung tâm thị xã do Tiểu đoàn 2 TQLC phụ trách, sau khi hai đại đội của tiểu đoàn này chiếm được làng Thạch Hãn, Thiếu tá Trần Văn Hợp-Tiểu đoàn trưởng- đã ủy nhiệm cho Tiểu đoàn phó Phạm Văn Tiền (danh hiệu truyền tin là Tiền Giang) điều động đại đội 2 của Tự Đức (danh hiệu truyền tin của đại đội trưởng Từ Đức Thọ) và đại đội 5 của Trúc Giang Huỳnh Văn Trọn tiến chiếm các mục tiêu kế tiếp. Được sự yểm trợ của các chi đội chiến xa M 48, cánh quân này tiến dọc theo đường Quang Trung để đánh chiếm cụm điểm án ngữ của Cộng quân tại trường Nữ Trung học Phước Môn, trường Tiểu học Teressa và nhà thờ Thạch Hãn, mục tiêu cuối cùng là trường trung học Thánh Tâm.
Cùng với cuộc tiến quân của đại đội 2 do Đại úy Từ Đức Thọ chỉ huy, cánh quân khác do đại đội 4 là nỗ lực chính do Đại úy Lê Quang Liễn-đại đội trưởng chỉ huy được lệnh quét sạch các chốt của Cộng quân ở bên phải đường Quang Trung để đánh chiếm rạp chiếu Đại Chúng. Được sự yểm trợ của Pháo binh, đại đội 4 dựa vào các pháo đài di động chiến xa M 48 từ từ "dọn sạch" các mục tiêu, sau đó khai triển đội hình giải tỏa các chốt chận của CQ dọc theo đường Lê Thái Tổ phía Nam gần Cổ Thành. Đến trưa ngày 12 tháng 9/1972, đại đội 2 của Tiểu đoàn 2 đã bắt tay được với đại đội 4 của Tiểu đoàn 1 tại ngã tư Quang Trung và Trần Hưng Đạo ngay trung tâm thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị.

* Tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến tại mặt trận Đông Nam Cổ Thành
Ở hướng Đông Nam Cổ Thành Quảng Trị do Tiểu đoàn 6 TQLC đảm trách, ban chỉ huy đã tung 1 tiểu đội cảm tử xâm nhập vào bên trong Cổ Thành để thám sát tình hình trong các đêm 9 và 10 tháng 11 tháng 9/1972, tiểu đội cảm tử này đã ghi được các vị trí đặt súng cộng đồng và các cụm điểm phòng ngự của địch quân trong thành. Sau khi có được các yếu tố về trận địa, sáng ngày 11 tháng 9/1972, Thiếu tá Đỗ Hữu Tùng, Tiểu đoàn trưởng,đã tung đại đội 1 do Đại úy Nguyễn Phúc Định chỉ huy, xung phong vào Cổ Thành. Thái Dương (danh hiệu truyền tin của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Hữu Tùng) đã ra lệnh Đồ Sơn tung đại đội 1 phải vào Cổ Thành bằng mọi giá (Đồ Sơn con là danh hiệu của Đại úy Định, phân biệt với Đồ Sơn là danh hiệu của Đại tá Ngô Văn Định-lữ đoàn trưởng 258 TQLC). Đồ Sơn con nói với tiểu đoàn trưởng Tùng: Thái Dương yên tâm, nhất định tôi và con cái sẽ vào đó.
Sau hàng loạt đạn pháo binh yểm trợ, trung đội 1 của đại đội 1 Tiểu đoàn 6 đã xung phong vượt hào nước Cổ Thành để tiến đến bờ thành. Trận chiến diễn ra ác liệt, các tổ kháng cự của CQ đã tập trung hỏa lực bắn trả quyết liệt, nhưng cuối cùng trung đội cảm tử Cọp Biển đã bám được chân của bức tường thành, lập đầu cầu cho các trung đội còn lại của đại đội 1 tiến quân vào mục tiêu.
Trong khi Tiểu đoàn 6 vừa chiếm được bờ thành phía Đông Nam thì ở phía Đông Bắc Cổ Thành, đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 3 Thủy quân Lục chiến do Đại bàng Thạch Sanh chỉ huy cũng đã âm thầm xâm nhập vào bên trong Cổ Thành để lập đầu cầu tấn công cho cả tiểu đoàn 3 Thủy quân Lục chiến trong những ngày kế tiếp. Cánh quân của Tiểu đoàn 7 Thủy quân Lục chiến từ hướng Đông Bắc và Tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến Đông Nam cũng đã tiến chiếm các vị trí trọng yếu để "dọn sạch" các chốt Cộng quân quanh thị xã.
* Pháo binh TQLC yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân:
Về hỏa lực yểm trợ, ngoài các cuộc oanh kích dội bom của Không quân chiến thuật và chiến lược B 52, Pháo binh TQLC đã tập trung 54 khẩu đội của 9 pháo đội tác xạ thuộc 3 tiểu đoàn Pháo binh đã liên tục hỏa tập vào các mục tiêu trong Cổ Thành. Trong 3 ngày 9, 10, 11/9/1972, hỏa lực yểm trợ cho các cuộc tấn công của 6 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến do các pháo đội Pháo binh Thủy quân Lục chiến đảm trách. Do trận chiến diễn ra trong từng góc phố, bên này và bên kia đống gạch, khoảng cách giữa các chiến binh Cọp Biển và Cộng quân quá gần nhau, nên sự yểm trợ của Không quân đã bị hạn chế vì có thể tác xạ nhầm vào quân bạn như đã từng xảy ra. Ngoài ra việc tải thương đều hoàn toàn nhờ vào các thiết vận xa M 113 của chi đoàn Thiết Giáp, vì rằng các trực thăng tải thương không thể đáp xuống trận địa do hỏa lực phòng không của Cộng quân dày dặc. Trong trận chiến Quảng Trị, các chi đoàn chiến xa vừa tác chiến vừa đảm nhận vai trò tải thương, và những người lính thiết giáp đã rất xuất sắc và dũng cảm trong nhiệm vụ của mình.
Sau ba ngày tấn công liên tục dưới các trận mưa pháo của đối phương, với sự yểm trợ hỏa lực trực tiếp của các chi đoàn chiến xa thuộc lữ đoàn 1 Thiết kỵ, hai lữ đoàn TQLC 147 và 258 đã thanh toán hơn 3/4 số mục tiêu của kế hoạch tổng phản công.

Tác giả bài viết: Vương Hồng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét