Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

CUỘC SỐNG HAI MẶT CỦA KÝ GIẢ ĐIỆP VIÊN PHẠM XUÂN ẨN


Nhiều sử liệu được giải mật sau 1975 chứng minh chế độ Cộng hoà Miền Nam sụp đổ vì lý do khiếm khuyết về tình báo hơn là vì yếu kém về mặt quân sự.  Cuộc chiến giữa Nam và Bắc VN, đúng vậy, là một sự tranh chấp ý thức hệ, nặng về tâm lý, yếu tố ủng hộ của nhân dân vì thế đóng vai trò quyết định. Hiệp ước Genève ký chưa ráo mực thì Cộng sản Bắc Việt  đẩy mạnh tuyên truyền và sự  xâm nhập  tình báo dưới vĩ tuyến 17 trong  mọi lãnh vực : quân đội, báo chí, quốc hội, học đường, nông thôn…..., với các khẩu hiệu nóng cháy như chống ngoại xâm Mỹ, thống nhất và độc lập.
Frank Snepp, tác giả của quyển “Decent Interval” và hiện là một chuyên viên truyền thông, truyền hình tại Los Angeles, cho biết: sau Hiệp định Paris, có ít nữa 14.000 gián điệp CS hoạt động ráo riết tại miền Nam VN.”CS trà trộn thẳng trong lòng địch. Chính phủ (Saigon) là một ổ phó mát Thụy sĩ. Cộng sản biết gì xảy ra, trước hơn cả Tòa Đại sứ Hoa kỳ.”

       

Một gương mặt điệp viên, ba chục năm sau ngày 30.4.1975, vẫn được giới truyền thông Mỹ nhắc đến với lời lẽ  “ngưỡng mộ”, là nhà báo Phạm Xuân Ẩn (PXA). Ngày 23 tháng này, trong tạp chí The NewYorker, giáo sư Thomas A. Bass, thuộc Đại học Albany, tác giả nhiều sách nghiên cứu về VN, có đăng một bài khá dài “The Spy Who Loved Us” với nhiều tiết lộ khá độc đáo về Phạm Xuân Aån mà ông đã phỏng vấn trực tiếp tại Thành phố HCM. Các tiết lộ ấy sẽ được phân tích và bổ túc bằng những tài liệu khác sưu tập về Ẩn.


1 – CS huấn luyện chu đáo Phạm Xuân Ẩn.
       

PXA sanh ngày 12.9.1927 tại Biên Hoà, trưởng nam của một kỷ sư đạc điền kết hôn tại Cam bốt với mẹ của Ẩn di cư từ Bắc Việt. Ông cố của Ẩn gốc ở Hải Dương, làm nghề thợ bạc, được Triều đình Huế tuyển dụng để đúc các loại huy chương. Ông nội của Ẩn là một giáo viên phụ trách một trường nữ tiểu học. Thời niên thiếu, Ẩn sống tại Sàigòn, sau về Cần thơ học trường Phan Thanh Giản. Năm 1945, lúc 18 tuổi, Ẩn theo kháng chiến, chống Nhựt và Pháp, tham gia những trận đánh ở vùng Tây Nam bộ. Năm 1947, Ẩn xung vào đội tuyên truyền Việt Minh và sau đó, trở về thành để săn sóc thân phụ nhập viện vì bệnh lao.  Trong thời gian này, Ẩn có dịp tham gia các cuộc biểu tình sinh viên chống Pháp và Mỹ.  Cho tới năm 1950, Ẩn tìm được một chân thơ ký taị hãng dầu Caltex và thi đậu thanh tra quan thuế. Vào Tết Nguyên đán 1952, Ẩn vào bưng để dự một phiên họp của Ủy ban kháng chiến Nam bộ. Trước khi cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhứt chấm dứt năm 1954, Mỹ thay Pháp chống CS. Trong bưng, Ẩn gặp lại người chị bỏ theo kháng chiến ba năm trước đó để làm việc trong Đài phát thanh Tiếng Nói Nam bộ. Cũng bắt đầu từ đây, CS chuyễn Ẩn sang cục tình báo quân sự.  PXA nóí với Gs Thomas A Bass: “Tôi là tuyển viên đầu tiên.  Lúc đầu, tôi không thích thú với sự chỉ định này.  Gián điệp là chuyện làm của chó săn. Tôi không muốn đóng vai trò của một con chim mồi hay điềm chỉ viên.” Mối lo chính của Ẩn lúc trở về Sàigòn là làm sao tránh bị động viên vào lực lượng chiến đấu của thực dân Pháp.  Ẩn ghi tên học Anh văn tại USIS, Cơ quan Thông tin Hoa kỳ, và xin được một job kiểm duyệt viên thơ tín tại Nhà Bưu điện trung ương.

         

Năm 1953, PXA chính thức gia nhập đảng CS trong một buổi lễ tại rừng U Minh chủ toạ bởi Lê Đức Thọ, lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ và anh của Mai Chí Thọ là người đứng đầu hệ thống tình báo, xếp của Ẩn.  Dù tình nguyện lấy tin, freelance, cho Phòng Nhì của Pháp, Ẩn vẫn bị động viên năm 1954 vào Quân đội.  Ẩn kêu cứu với một người anh em họ là đại úy Phạm Xuân Giai, chỉ huy Phòng 5, Nha Chiến tranh Tâm lý.  Giai đưa Ẩn về làm sĩ quan thơ lại ở Tổng hành dinh, đại lộ Galliéni, Chợ lớn.

           

Trong quyển hồi ký VN Nhân Chứng, trang 258-259, (nxb Xuân Thu, 1989), cựu trung tương Trần Văn Đôn cho biết:  Sau ngày đảo chính 1.11.1963, ông có giúp cho đại uý trừ bị Phạm Xuân Giai, được bổ nhiệm tuỳ viên quân sự ở Vientiane, phụ trách về tình báo. Trước đây, Giai là một đàn em của tướng Nguyễn Văn Hinh. Khi Hinh bị rút về Pháp bởi chống lại thủ tướng Ngô Đình Diệm, Giai trốn sang Lào, cưới vợ Lào và làm việc cho Hoàng thân Souvana Phouma.

          

Chính trong lúc làm việc tại cục Tâm lý chiến Sàigòn, PXA quen với đại tá Edward Lansdale, trùm CIA. Lansdale chú ý đến Ẩn, hướng dẫn Ẩn trong công việc thảo phúc trình, reportorial method, theo phương pháp Sherman Kent, giáo sư đại học Yale, một lý thuyết gia CIA và soạn giả của tác phẩm Strategic Intelligence for American World Policy, 1949.

         

PXA tâm tình với tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải trong quyển sách xuất bản gần đây tại VN kể lại về cuộc đời của Ẩn: “Dân chúng thường chỉ có một nghề, tôi có đến hai: theo dõi cách mạng và nghề ký giả. Hai nghề ấy rất đối nghịch mà cũng giống nhau vô cùng. Trách vụ tình báo gồm có việc thu thập, phân tích và giữ kín tin tức như mèo mẹ ôm ấp mèo con.  Ký giả, mặt khác, gom góp tin, phân tích và sau đó, phổ biến cho thế giới.”  Vì làm việc cho bốn phiá: Phòng Nhì Pháp, chính quyền VN Cọng hoà, chính phủ Bắc Việt và CIA Mỹ, Ẩn sống trong cơn ác mộng thường xuyên. “Tôi không có một giờ phút yên tâm. Trước sau gì là một điệp viên, tôi sẽ bị bắt, như con cá nằm trong ao.  Tôi phải sẳn sàng chiụ tra tấn.  Đó là số mạng không thể tránh!”

       

Chính Mai Chí Thọ và Mười Hướng, cụm trưởng của Ẩn, quyết định gởi Ẩn qua Hoa kỳ để được huấn luyện về báo chí.  Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Thanh Niên, Mười Hướng tuyên bố ý nghĩ này đến từ Hồ Chí Minh, trước kia cũng là một nhà báo. Danh hiệu này che đậy toàn hão công tác điệp viên, cho phép người ký giả đi vào những chổ cấm kỵ và tiếp xúc với nhân vật hệ trọng. Tuy Chính trị bộ đồng ý nhưng phải nhiều năm mới thực hiện được quyết định trên đây.  Một học bổng của Chính phủ đáng lý dành cho Ẩn bị huỷ vào giờ chót để cấp cho một công chức mạnh thế hơn.  Chiếu khán đi Hoa kỳ cũng gây nhiều phức tạp.  Rốt cuộc, Mai Chí Thọ tom góp được 8.000 đồng, trị giá lúc đó lối một ngàn đô, để mua cho Ẩn một vé máy bay và sắm bốn bộ quần áo. Cha của Ẩn qua đời tháng chín 1957. Ẩn đến Costa Mesa, Californie, ghi tên vào Orange Coast College. Trong lúc theo học các môn xã hội, tâm lý, kinh tế, báo chí và sinh ngữ Tây ban nha, Ẩn tập tành viết lách trong tờ báo The Barnacle của trường. Tốt nghiệp sau hai năm, PXA  tập sự  tại  toà soạn báo Sacramento Bee và đi viếng một số tiểu bang, nhờ tiền trợ cấp của Asia Foundation, một tổ chức có liên hệ với CIA.  Ẩn thú nhận: vì thế, y có cảm tình sâu đậm với nước Mỹ.  Ẩn cũng không dấu với Gs Thomas A Bass rằng y đã  trộm yêu Lee Meyer, một nữ sinh viên tóc vàng, chủ nhiệm báo The Barnacle và cũng là người hướng dẫn y trong nghiệp viết lách.

          

Giai đọan này cũng là giai đọan đen tối nhứt của Việt cộng dưới vĩ tuyến 17.  Năm 1959, lối 85%  lực lượng  Việt Minh – tức 60.000 cán bộ  – bị giết hay bị bắt.  Qua một tài liệu mật nhận được từ người em, Ẩn được biết Mười Hướng bị sa lưới và tra tấn.  Có lệnh Ẩn phải hồi hương gấp.  Việt cộng (danh xưng mới của Việt Minh) bắt đầu tranh đấu bằng võ lực, khai mào cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

         

 Trong bài The Spy Who Loved Us, PXA kể lại với Thomas Bass: Trước khi rời nước Mỹ, tháng 10.1959, tôi viếng thăm lần chót cầu Golden Gate Bridge, San Francisco, và từ trên cao, tôi ngó về ngọn tháp cô đơn và những bức tường kiên cố của hòn đảo giam phạm nhân Alcatraz Những hình ảnh này làm tôi lo sợ.  Đây có thể là số mạng dành cho tôi ngày trở về quê hương: những năm tù tội và bị tra khảo trong các chuồng cọp …..  Như Joséphine Baker, tôi có hai tình yêu:  Việt Nam và Hoa kỳ.  Khi nào chiến tranh chấm dứt, tôi muốn hai nước trở lại với nhau!

        

Mặc dù được mời dạy tiếng Việt taị trường sinh ngữ Quân đội Monterey hay có thể chọn sống lưu đày ở Pháp, Ẩn lấy máy bay trở về Sàigòn vì cho rằng hành động như thế là hợp tình, hợp lý.


2 – Các hoạt động gián điệp của Phạm Xuân Ẩn từ 1959 cho đến tháng 4.1975
         

Đến Sàigòn, PXA trốn ở nhà một tháng để nghe ngóng tình hình, rồi - trong một phút quyết định liều lĩnh - y nhờ một thân nhân dẫn đến ra mắt bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị tại Phủ Tổng thống. Tuyến đứng đầu hệ thống tình báo của VNCH và cọng tác chặt chẻ với cố vấn Ngô Đình Nhu. Tuyến giao cho Ẩn phụ trách hướng dẫn các thông tín viên quốc ngoại làm việc cho Việt Nam Thông tấn xã, VTX.  Tuyến đã ủng hộ phương pháp huấn luyện của Ẩn trên phương diện báo chí chuyên nghiệp.  Khi Tuyến bị thất sủng vì mưu toan đảo chính hụt TT Diệm bại lộ, Ẩn rời VTX để làm việc cho Reuters, rồi cho tạp chí Time Magazine.

          

Được đồng nghiệp nước ngoài công nhận như một nhà báo siêng năng và luôn luôn sẳn sàng giúp đở kẻ khác bằng những tin tức cập nhựt, PXA gây nhiều cảm tình.  Với tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, Ẩn mô tả những điểm tương đồng giữa ký giả và điệp viên: “Món ăn của họ là tin tức, tài liệu. Cần tiếp tục nuôi sống họ như nuôi chim để họ có thể hát được!”

         

Trong quyển Hồi Ký Không Tên, nxb Trẻ, 2004, Lý Quí Chung, cựu Tổng trưởng Thông tin trong Chính phủ hai ngày Dương Văn Minh, ghi lại: Chỗ “đóng đô” của PXA là tiệm bánh Givral, ngang mặt Quốc hội. Chiếc xe Renault 4 ngựa cũ xì của anh luôn đổ ngay trước cửa Givral, phiá Lê Lợi. Thường bao giờ cũng có một, hai nhà báo nước ngoài “đeo” theo anh.  Anh luôn phân tích tình hình một cách sắc sảo.  Dĩ nhiên, những điều anh “xì” ra đều có chủ đích.  Thực tế, anh có rất nhiều bạn bè là tay chân thân thiết của Hoàng Đức Nhã, cố vấn của Thiệu. Các tay to mặt lớn của chế độ đều liên lạc mật thiết với anh, trong đó người nổi tiếng nhất là bác sĩ Tuyến (trang 221-222).

          

PXA còn tiết lộ thêm với Thomas A. Bass: “Tôi nhận được tin từ đủ loại nguồn gốc: quân đội, tình báo, mật vụ..  Các tư lệnh quân sự, sĩ quan của những lực lượng đặc biệt, hải quân, không quân.., họ đều giúp tôi.  Để bù lại, tôi cung cấp cho họ những gì tôi trình với phiá kháng chiến. Chúng tôi thảo luận về các tài liệu. Phe quốc gia tìm hiểu ý nghĩa. Họ vấp phải một vấn đề lớn: làm thế nào xử sự với người Mỹ?”  Ẩn liền xoay qua bày vẻ cho người Mỹ cách xử sự với phiá VN. Đây là một trò chơi tối nguy hiểm có thể làm cho y mất toi mạng nếu họ khám phá sự thật.

         

Dưới bí danh Trần Văn Trung, Ẩn chuyển các micro films tài liệu mật dấu trong ruột những đòn nem Ninh hoà hay cá ương đựng trong giỏ.  Món hàng được trao cho bộ chỉ huy CS ở những nới bất ngờ nhất hay qua trung gian một mạng lưới nhân sự tinh vi.  Mỗi lần Ẩn đi “giao hàng” như thế, vợ Ẩn đi theo phiá sau, từ xa, để báo động các trạm liên lạc nếu Ẩn bị đối phương bắt được. Ẩn còn dùng nhiều phương tiện tiếp xúc khác như ra-dô, vô tuyến, mật hiệu  v..v..Y luôn thủ sẳn độc dược trong mình để tự vẫn trong trường hợp sa bẩy và bị tra tấn.

          
Khi được Thomas Bass cật vấn về vai trò quan trọng của mình, PXA trả lời nhún nhường rằng y chỉ quan sát và phân tích các dữ kiện và tình thế. Tuy nhiên, sự thật phủ nhận điều này. Sau đây, vài thí dụ:



a) Trận đụng độ tại Ấp Bắc năm 1963 đánh dấu một khúc quanh trong kế hoạch Mỹ mở rộng chiến tranh taị Miền Nam. Một tiểu đoàn Việt Cộng đã gây thiệt hại nặng cho quân đội quốc gia có trực thăng, trọng pháo và xe tăng Hoa kỳ hổ trợ. Sau chiến thắng này, CS tuyên dương hai “anh hùng”: viên chỉ huy trưởng tiểu đoàn và PXA là người đã góp nhiều công về chiến thuật.



b) Để chuẩn bị vụ tấn công Tết 1968, chính PXA đã ngụy trang chở đại tá Tư Can, tổ trưởng tình báo Việt cộng. trong chiếc xe Renault 4CV của Ẩn  đi nghiên cứu các điểm quan yếu trong thủ đô Sàigòn.  Sau 1975, chiếc xe này cùng với các súng lục của Tư Can mang trong mình đêm tấn công được trưng bày trong Bảo tàng viện quân sự Hà nội.
           

c)  Trong quyển Hồi Ký Không Tên, Lý Quí Chung  đã không tiếc lời đề cao PXA  luôn luôn sẳn sàng giúp đở phe Dương Văn Minh khi cần phiên dịch viên  để tiếp báo giới quốc tế hay cho ý kiến về một số vấn đề. Chính Ẩn đã thúc cựu dân biểu đối lập Ngô Công Đức trốn khỏi VN vào lúc Công an của Thiệu bũa lưới định bắt.



c) Năm 1970, PXA đã can thiệp để Hànội trả tự do cho một bạn đồng nghiệp trong báo Time là thông tín viên Robert Sam Anson bị Khờ me Đỏ và Mặt trận Giải phóng Miền Nam bắt  cóc tại Nam Vang. Không có sự can thiệp này thì Anson đã bị thủ tiêu như 25 ký giả ngoại quốc khác. Gặp lại Ẩn năm 1987, Anson hỏi vì sao Ẩn sốt sắng như vậy, Ẩn trả lời: “Tôi là kẻ thù của nước anh nhưng anh là bạn  tôi.”



d) Một cử chỉ khác: Ngày 30.4.1975, khi những thiết vận xa  đầu tiên của Bắc Việt tiến vào trung tâm Saigon, Ẩn đã đích thân lái xe chở bs Trần Kim Tuyến đến địa điểm trên nóc một cao ốc taị thủ đô để thoát khỏi ra nước ngoài trên chuyến trực thăng chót của Mỹ. Đây là cách trả ơn của Aån đối với một ân nhân đã từng che chở y.


3 – Phạm Xuân Aån sau tháng 4-1975
         

Chuyện gì xảy ra cho Phạm Xuân Ẩn sau ngày VNCH bị bức tử ? Mặc dù phục vụ đắc lực cho Đảng, Ẩn không thoát được số mạng của các cán bộ trí thức trong xã hội chủ nghiã đã may mắn - hay rủi ro? -  nếm qua mùi tự do ngôn luận và hấp thụ phần nào văn hoá của thế giới bên ngoài. Chính Ẩn đã tiết lộ với Thomas Bass rằng , trong những ngày đầu sau 30.4.1975, Ẩn cảm thấy lo sợ cho an ninh bản thân và gia đình nên Ẩn và mẹ phải lánh trốn trong phòng của bạn đồng nghiệp Robert Shaplen ở Khách sạn Continental và sau đó, dời qua Văn phòng của tạp chí Time. Công an phường nhiều phen mời Ẩn đến để tra vấn vì nghi y thuộc loại “cách mạng giờ thứ 25”.

        

Cựu đại tá Bùi Tín, tác giả của Hoa Xuyên Tuyết, nhắc lại trong hồi ký rằng ngày 1.5.1975, tức hai hôm sau khi đến Sài gòn với các đơn vị tiền phong của Quân đội Nhân Dân, y đến Continental Palace tìm PXA. Chính Ẩn đã giới thiệu Bùi Tín với các thông tín viên ngoại quốc để Bùi Tín giúp họ chuyển điện văn ra nước ngoài. Ba tháng sau ngày chiến cuộc chấm dứt, Bùi Tín thú nhận vẫn chưa biết PXA là gián điệp thuộc “phe ta”vì danh tánh và vị trí của Ẩn trong hệ thống tình báo được bảo mật rất kỷ.

        

Ẩn điều khiển văn phòng Time taị Thành phố Hồ Chí Minh (tên mới của Saigon) cho đến tháng 5.1976 mới đóng cửa. Cuối tháng chạp 1976, PXA lộ diện chính thức là một điệp viên nằm vùng khi y bay ra Hà nội trong bộ quân phục đại tá để dự, với phái đoàn quân đội,  Đại hội kỳ bốn của Đảng Cộng sản.

         

Về sau, có tin đồn Chính Trị Bộ tranh luận gay gắt với Cục An ninh Quân đội Nhân Dân về cách xữ dụng khả năng của Ẩn.  Quân đội muốn giao cho Ẩn tổ chức lưới tình báo hải ngoại, đặc biệt ở Hoa kỳ, nơi mà PXA quen biết khá đông thông tín viên. Vì thế cho nên vợ và bốn con của Ẩn được phép rời VN trước tháng tư 1975. Và cũng vì thế, sau khi nữ điệp viên nhị trùng Đặng Mỹ Dung (tức Yung Krall) giúp FBI và CIA lột mặt nạ đại sứ VC Đinh Bá Thi, đuổi về nước và truy tố trước Toà án Virginia vào tháng 7.1978 nhóm Trương Đình Hùng – Humphrey – Huỳnh Văn Đồng về tội trộm tài liệu quốc phòng, có lời đồn Ẩn sẽ tái phối trí mạng lưới CS bị tan vỡ.

         

Chính trị bộ chống laị ý định nói trên của Bộ Quốc phòng.  Đảng nghĩ cần kiểm lại tư tưởng của Ẩn vì y có thể nhiễm vi trùng phản động sau khi cọng tác khá lâu (và khắng khít) với tập đoàn truyền thông tư bổn khét  tiếng như Time, Reuters, New York Herald Tribune, Christian Science Monitor..v..v.. Rốt cuộc, quan điểm này thắng thế.  Ẩn nhận được lệnh hồi hương gặp vợ là Thu Nhàn và bốn con.  Mặt khác, tháng 8.1978, Ẩn phải đi học tập mười tháng tại Viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, một lọai trại tẩy não về chủ nghĩa Mác-Mao dành cho cán bộ trung và cao cấp.  PXA kể lại cho Thomas Bass nghe cảnh mùa đông giá lạnh ở Hà nội, ngủ trên một chiếc giường cây, không có quần áo ấm che thân.  Ẩn nói, với một nụ cười chua chát: “Tôi đã sống quá lâu giữa lòng địch.  Họ rà tôi lại (recycle) để dùng. Tôi là một đưá học trò dỡ, thuộc hạng bết trong lớp..  Họ không ưa lối nói đùa của tôi.  Họ không thích tôi chút nào.  Nhưng tôi không có làm gì sai lầm quá lố để họ bắn bỏ!”

              

Năm 1990, VN “đổi mới”. Được thăng chức thiếu tướng, PXA phê bình châm biếm: Trước 1975, bạn hữu và đồng nghiệp tặng tôi biệt danh “Tướng Givral” vì tôi thường ngồi cả ngày tán dóc tại đây.  Để khỏi lúng túng, Chính phủ quyết định thăng cấp tôi cho hợp với chức tước này.


4. Tướng hồi hưu sa cơ.           
             

Năm 1997, Ẩn bị từ chối chiếu khán đi New York để nói chuyện trong một hội nghị. Tháng 3.2002, vào tuổi 74, vướng bệnh lao phổi, Ẩn được phép về hưu. “Họ muốn kiểm soát tôi - Ẩn nóí với  Thomas Bass.  Đó là lý do họ giữ tôi lâu như vậy trong binh ngũ. Tôi ăn nói quá phóng túng. Họ muốn bịt miệng tôi lại».

            

Một câu hỏi: Các hệ thống truyền thông lớn của Hoa kỳ thuê PXA làm thông tín viên trong giai đọan chiến tranh VN nhiều năm – với số lương 75 mỹ kim một tuần, có lẽ hơn nữa – có biết mối liên hệ của Ẩn với CS hay không? Chắc chắn họ không thể không biết, theo lời xác nhận sau 1975 của Murray Garr, trưởng phòng Time taị Sàigòn. Chính ông này từng tuyên bố đã để ý theo dõi hành tung của Ẩn lắm khi vắng mặt bất thường taị nhiệm sở. Điều nên ghi là đa số – nếu không nói tất cả – các báo Mỹ có đại diện trước 1975 ở Sàigòn đều theo khuynh hướng phản chiến. Ngoài ra, Kissinger hối hả hoàn tất kế họach thoát chạy khỏi Miền Nam. Sau hết, Ẩn là một con người xữ sự khôn ngoan, một nhà báo hành động chuyên nghiệp, có nhiều bạn hơn kẻ thù, trong mọi giới.

            

Mối cảm tình của các thông tín viên Hoa kỳ vẫn còn  sâu đậm đối với cựu đồng nghiệp Phạm Xuân Ẩn từng được họ tặng nhiều biệt danh thân mật như Dean of the Vietnamese Press corps, Voice of Radio Catinat, Professeur Coup d’État, The Quiet Vietnamese, Commander of Military Dog Training, PH. D in Revolutions, General Givral..  Năm 1990, nhà báo McCulloch đứng ra quyên được 32.000 đô để giúp cho Phạm Xuân Hoàng Ẩn, trưởng nam của Ân, ghi tên vào Đại học North Carolina, ban báo chí.  Lấy xong bằng tiến sĩ luật tại Duke University, Hoàng Ân trở về Việt Nam làm việc cho Bộ Ngoại giao.

            

Trong bài The Spy Who Loved Us, Gs Thomas A Bass có ghi lại cuộc viếng thăm của ông tại tư thất cựu Tổng trưởng Nội vụ Mai Chí Thọ. Thọ xác nhận Ẩn là người cán bộ đầu tiên Đảng chọn gởi đi du học về báo chí năm 1957. Thọ nóí: “Ẩn là con người lý tưởng cho việc làm này!”. Gs Bass hỏi về tin đồn chính phủ Hànội định gởi Ẩn qua công tác tình báo tại Hoa kỳ sau 1975 và Mai Chí Thọ thẩm lượng ra sao những thành quả Ẩn thu thập được để giúp CSVN. Thọ đáp: “Không hiểu taị sao kế hoạch gởi Ẩn qua Mỹ xì ra bên ngoài.  Nếu kế hoạch thành tựu thì Ẩn không gây thất vọng.  Sau chiến tranh, chúng tôi phong tướng cho y và ban cho y danh hiệu “Anh hùng Quân đội.”


Kết luận


Gs Thomas Bass đến từ giả Phạm Xuân Ẩn trước khi về Mỹ.  Ẩn và gia đình hiện ở trong một ngôi nhà khá ấm cúng, giữa Quận 3 TP-HCM, cạnh ga xe lửa. Thú tiêu khiển của Ẩn vẫn như trước: nuôi chim, nuôi cá, huấn luyện chó, sưu tầm sách vở, phần đông viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, có tác giả đề tặng.  Rất ít sách Việt.  Ẩn giải thích: “Dân chúng tại đây không được viết tự do.  Đó là vì sao tôi không viết hồi ký. Tôi sẽ gặp khó khăn nếu tôi nóí đến đời tôi hay những gì tôi biết….  Tôi làm việc trong bóng tối. Tôi chết trong bóng tối.  Tôi sẽ nhớ tiếc những quyển sách này khi tôi ra đi.  Tôi là người duy nhất còn lưu ý đến những chuyện cũ.”

                  

Trả lời câu hỏi nghĩ sao về thuyết Mác-Lê, Ẩn nhìn nhận chủ nghĩa này vướng không ít giới hạn và chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều triệu người trong thế kỷ 20.  Ẩn quay lại chất vấn: Ở Việt Nam, tổ chức nào có đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh cho Đầt nước?  Không có sự chọn lựa nào ngoài đảng Cộng sản. Theo Ẩn, CS chủ trương mọi người là anh, em, bình đẳng.  Để thể hiện điều này, cần một triệu năm.  Đây là giấc mơ không tưởng nhưng một giấc mơ đẹp. 

                 

Gs Bass ghi: Tôi đã đến thăm PXA nhiều lần tại nhà.  Mỗi lần, Ẩn chọn vài quyển sách hay, đặt vào tay tôi, như để khoe. Tôi có cảm tưởng nhan đề và nội dung của mỗi quyển ấy là một thông điệp mang nhiều ám hiệu nói lên một cách kín đáo các kinh nghiệm quá hiểm nguy nếu đối địch trực tiếp. Một lần, Ẩn đưa cho tôi một tác phẩm của Charles Dickens với câu “It was the best of times, it was the worst of times, Thời khoảng đẹp nhất, Thời khoảng thê thảm nhất”.  Ngày khác, bài học rút từ tập thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine.  Ẩn thích đọc các câu chuyện thú vật hành động như người, và người hành động như súc vật.  Gặp nhau lần chót, Ẩn đưa cho tôi một tác phẩm của Gérard Tongas, nhà giáo dục Pháp từng đến Hà nội giúp CS dựng một trường trung học sau khi họ đánh bại Pháp năm 1954.  Ẩn kể lại: Tongas, như Edward Lansdale, có một con chó thông minh đã cứu ông khỏi chết vì chất độc.  Cái tựa của quyển sách mà thôi mang nặng một ý nghĩa “J’ai vécu dans l’enfer communiste au Nord Việtnam et J’ai choisi la liberté, Tôi đã sống trong địa ngục CS ở Bắc Việt và tôi đã chọn tự do.” Ẩn căn dặn: “Đây là một quyển sách rất hệ trọng, một tác phẩm thiết thực. Ông nên đọc nó.”  Như lời giã  từ, Ẩn nói, với một giọng châm biếm: “ Vợ tôi bảo tôi: đã đến lúc tránh ra để nhường chỗ cho thế hệ trẻ nhưng tôi chưa thể chết được.  Không biết rồi đi đâu.  Địa ngục để dành cho bọn gian manh.  Ở VN ngày nay, có quá nhiều gian manh.  Đẩy đầy gian manh!”

               

Để kết thúc bài này, người viết nghĩ nên ghi lại lời nhận xét như sau, có vẻ hữu lý, của David Haberstam, bạn thân của Ẩn và tác giả quyển sách Making of a Quagmire nói về chiến tranh  VN: “ Câu chuyện của Ẩn nhắc lại tất cả những câu hỏi căn bản do Graham Green từng nêu ra trong tác phẩm The Quiet American: Thế nào là sự trung thành? Thế nào là lòng yêu nước? Thế nào là sự thật? Anh là ai khi anh nói những sự thật ấy?”

               

Và Halberstam kết luận: “Có hai mặt trong Phạm Xuân Ẩn mà chúng ta không thể hiểu được. Nhìn lui dĩ vãng, tôi thấy y là một con người bị xé làm đôi ở phiá giữa”.


LÂM LỄ TRINH
Thủy Hoa Trang, Californie

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét