Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

HỒI KÝ KHÔNG TÊN CỦA TÊN ĂN CƠM QUỐC GIA THỜ MA CỘNG SẢN LÝ QUÝ CHUNG - KỲ 4

     2      3      4      5      6


CHƯƠNG 16: THAM GIA NHÓM DƯƠNG VĂN MINH
Như đã nói, tôi gặp trung tướng Dương Văn Minh lần đầu tại Bangkok (Thái Lan) năm 1966 khi ông Minh sống lưu vong tại đây. Tôi đến Bangkok để dự Hội nghị APU (Hiệp hội dân biểu nghị sĩ châu Á). Lúc này sắp có bầu cử Tổng thống lần đầu (1967), tôi là đại diện cho báo chí cho liên danh Trần Văn Hương - Mai Thọ Truyền. Tôi được ông Hương ủy nhiệm gặp trung tướng Dương Văn Minh để thuyết phục lên tiếng ủng hộ liên danh của ông. Cuộc gặp ấy để lại trong tôi một tình cảm đẹp về vị tướng ăn nói nhỏ nhẹ, vừa trí thức vừa khiêm tốn. Những người không quen thân ông vẫn gọi ông là đại tướng Nguyễn Khánh gắn cho ông sau cuộc lật đổ chế độ Diệm ngày 1-11-1963. Ông vẫn giữ cấp bậc trung tướng.
Năm 1969, từ Bangkok ông trở về Sài Gòn, chấm dứt thời kỳ lưu vong trên đất Thái. Ngay những ngày đầu về nước, ông được dư luận đón nhận như một nhân tố mới của bức tranh chính trường miền Nam. Dinh Hoa Lan – nơi ông ở - nhanh chóng trở thành một địa điểm tập hợp của những người mong muốn có một chính quyền mới không theo đuổi chiến tranh. Biệt thự của ông nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), nhưng cửa chính này rất ít khi được mở, ngoại trừ ông Minh tiếp các đại sứ hoặc mở các cuộc tiếp tân chính thức.
Chơi lan là một trong ba thú tiêu khiển đam mê của ông. Hai cái thú kia là nuôi cá kiểng và chơi quần vợt. Với ông Minh, đã không chơi thì thôi, còn chơi thì không chơi lơ mơ theo kiểu những người có tiền “học đòi làm sang”. Lan được ông tự tay chăm sóc, ông có đủ các loại sách để nghiên cứu, chỉ dẫn cách trồng, cách lai giống mới… Mỗi ngày trong phòng khách của ông đều chưng một chậu lan mới đẹp nhất ông đích thân chọn lựa từ vườn lan. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng được ông tặng một giò lan quí.
Sân phía trước là vườn lan, còn sân sau và bên hông nhà, ông dành để nuôi cá kiểng. Gần ông Minh, tôi mới biết chơi cá kiểng cũng không khác chơi tem. Sưu tập mỗi loại cá phải đủ bộ, tức là đủ các màu. Khi chưa đủ bộ, thiếu một con chẳng hạn, ông quyết định tìm cho được. Tướng tình báo Mỹ Charles Timmes có mặt tại miền Nam từ thời Ngô Đình Diệm, nắm được cái thú đam mê này của ông Minh, tìm cơ hội tiếp cận ông bằng cách cứ mỗi dịp đi Singapore về lại mang đến biếu ông Minh một hai cặp cá mà trong bộ sưu tập của ông Minh còn thiếu. Ông Minh rất ít khi chịu tiếp tướng Timmes, ông thường nói với tôi “Nó đến để thăm dò phản ứng của anh em mình đó”. Nhưng khi Timmes đến với một hai bịch plastic đựng cá – thường là cá quí - thì ông Minh khó lòng từ chối tiếp tay tình báo Mỹ này. Tôi đã chứng kiến nhiều lần Charles Timmes kiên nhẫn đứng chờ, lấp ló ở cuối sân quần vợt, bên ngoài hàng rào, đến khi ông Minh ra hiệu cho phép mới bước vào. Thường Timmes mang theo một thùng banh Spalding biếu ông Minh. Timmes biết rõ ông Minh chơi loại vợt hiệu Spalding và cũng đánh bóng Spalding. Đây cũng là một khía cạnh nghệ thuật của người làm tình báo.
Trong thư viện riêng của ông Minh có cả một góc dành cho các loại sách và tạp chí nghiên cứu cá kiểng. Sách và tạp chí về quần vợt cũng rất nhiều, nhất là các sách về kỹ thuật căn bản. Thời trẻ ông chơi giỏi cả hai môn: Bóng đá và quần vợt. Ông từng là thủ môn của đội Thủ Dầu Một. Nhưng sự nghiệp cầu thủ của ông không được thành công. Ông cũng từng là một tay quần vợt đánh đôi có hạng tại miền Nam vào những năm 50. Về mặt trình độ, ông Minh và cha tôi chơi quần vợt ngang nhau, đều có lối đánh rất kỹ thuật và đẹp. Nhưng cha tôi chơi quần vợt theo cảm hứng, còn ông Minh là người thích nghiên cứu sách vở. Ông chăm sóc từng động tác kỹ thuật, từ cú giao bóng cho đến các cú đánh bên trái và phải, kể cả cú bỏ nhỏ và cú “xì mách” nhờ lợi thế thân hình cao to.
Hồi nhỏ tôi thường ra sân quần vợt ở Biên Hòa xem cha tôi thi đấu, nhưng lớn lên đi học xa, ở nội trú, nên không có cơ hội chơi môn thể thao này. Chính lúc làm việc chung với ông Minh, tôi mới bắt đầu tập chơi một cách nghiêm túc. Ông khuyến khích tôi bằng cách tặng tôi một cây vợt Spalding, một túi đựng vợt và banh đồng thời mời tôi mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu đến sân số bốn ở Xẹc Tây, tức câu lạc bộ CSS (Cercle Sportif Saigonnais), cùng chơi với nhóm của ông. Xẹc Tây có những qui định hết sức chặt chẽ đối với hội viên của mình, không dành cho bất cứ ai một ưu tiên hay ưu đãi nào, dù đó là bộ trưởng, tướng lãnh hay một nhà tài phiệt nổi tiếng. Thế nhưng hội đồng quản trị CLB Xẹc đã phá vỡ thông lệ của mình khi dành riêng cho ông Minh sân số bốn, nơi có mặt sân tốt nhất, mỗi tuần ba buổi sáng. Và cũng chỉ có sân số bốn, khi ông Minh chơi, mới được đặt các ghế ngồi xuống sân.
Cuối năm 1971, tôi mới tập chơi quần vợt. Lúc đó tôi đã 31 tuổi, có nghĩa là bắt đầu khá trễ. Nhưng chỉ trong ba năm, từ hạng “non classé” (chưa được xếp hạng), tôi lần lượt lên các hạng Ba, hạng Nhì và cuối cùng hạng Nhất (Premiere Series) trong hệ thống xếp hạng của CLB Xẹc. Đầu năm 1975, tôi đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Premiere Série. Ở CLB Xẹc, còn có hạng “Hors Série” (Ngoại hạng) gồm các tay vợt Ôn Văn Năng (cha của tay vợt vô địch Ôn Tấn Lực thập niên 90). Huỳnh Phú Quí (cha của nữ vô địch Huỳnh Mai Huỳnh), Tạ Duy Báo, De Launlanié…
Sở dĩ tôi tiến rất nhanh vì trong thời gian “tẩy chay” Hạ nghị viện, rảnh rỗi nên ngày nào tôi cũng vào Xẹo Tây đánh quần vợt. Tôi chơi ba năm bằng người khác chơi... sáu năm! Quần vợt làm cho ông Minh và tôi dễ gần gũi với nhau.Tôi lui tới Dinh Hoa Lan từ khi khi ông Minh vừa trở về từ Bangkok (1969) nhưng tập hợp mà sau này gọi là nhóm Dương Văn Minh, chỉ chính thức hình thành vào năm 1970 khi anh em đề xuất với ông Minh ra ứng cử tổng thống và được ông chấp thuận. Nhóm Dương Văn Minh ban đầu có cả ông Nguyễn Ngọc Thơ (cựu phó tổng thống thời Ngô Dình Diêm, cựu thủ tướng sau 1963 lúc tướng Minh làm quốc trưởng), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Phi (cựu bộ trưởng Thanh niên Thể thao thời ông Thơ làm thủ tướng). Sau đó ông Thơ bị bệnh nặng không đến họp nữa, còn ông Phi thì không thích hoạt động chính trị. Ông Thơ gốc là một công chức ngạch Đốc phủ sứ, được ông Ngô Dình Diệm cất nhắc lên vị trí phó tổng thống nhằm có một gương mặt đại diện miền Nam bên cạnh ông. Tướng Minh và ông Thơ khăng khít với nhau từ năm 1956 khi tướng Minh được ông Diệm giao sứ mạng tiễu trừ lực lượng vũ trang Hòa Hảo và giăng bẫy bắt lãnh tụ của họ là Ba Cụt. Trong kế hoạch bắt Ba Cụt có ông Nguyễn Ngọc Thơ tham gia. Chính trên đường đi gặp ông Thơ là đại diện chính phủ, để thương thuyết một cuộc trở lại hợp tác với chính quyền của lực lượng Hòa Hảo mà Ba Cụt bị phục kích bắt sống. Sau đó theo lệnh của tổng thống Diệm, tòa án quân sự tuyên án tư hình Ba Cụt và chặt đầu ông bằng máy chém!
Ông Thơ nếu không bệnh và chết sẽ vẫn là một cố vấn rất được tướng Minh tin cậy. Vì rằng hai người là bạn thân thiết lâu năm với nhau, mặt khác ông Minh có một sự nể trọng thật sự đối với ông Thơ. Ông Thơ là một nhà hành chính giỏi, có kinh nghiệm lãnh đạo và duy trì nhiều quan hệ với các nhân vật Mỹ thế lực. Ông cũng là một chuyên viên kinh tế giỏi. Cái chỗ yếu của ông Thơ là không được các trí thức và quần chúng ủng hộ. Dư luận coi ông là một nhân vật “ba phải”, thời nào cũng được trọng dụng. Khi ông Thơ, cựu phó tổng thống của chế độ Diệm, được tướng Minh chọn làm thủ tướng sau cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, báo chí mỉa mai gọi chính phủ Thơ là chính phủ... của những Đốc phủ sứ, tức là một chính phủ của những quan lại thời Pháp, lạc hậu đối với những đòi hỏi của tình hình mới. Thật sự khi tướng Minh chọn ông Thơ làm thủ tướng, đã gây thất vọng ở lớp trí thức miền Nam từng nuôi hi vọng cuộc lật đổ gia đình Ngô Đình Diệm sẽ dẫn tới một cuộc cải cách lớn trong guồng máy lãnh đạo miền Nam. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông Bùi Diễm, đại sứ của Sài Gòn tại Hoa Kỳ thời ông Thiệu, kể rằng: khi hay tin ông Thơ lại bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Diễm đã bày tỏ sự không đồng tình của mình với tướng Lê Văn Kiện, bạn thân của ông Minh. Tướng Kim trả lời Bùi Diễn bằng tiếng Pháp: “Pour Big Minh c'est un postulat” (Với “Minh lớn” đó là một vấn đề không cần phải bàn lại). Trung tướng Dương Văn Minh đã mất nhiều uy tín vì tiếp tục tín nhiệm ông Thơ.
Nên việc ông Thơ không có sức khỏe để tham dự nhóm Dương Văn Minh rốt cuộc lại là một thuận lợi cho ông Minh trong giai đoạn này.
Ngoài ông Thơ, tướng Minh còn có người bạn thân đến sinh hoạt thường xuyên với nhóm, đó là luật sư Trần Ngọc Liễng, đã từng là bộ trưởng xã hội thời chính phủ Kỳ. Làm đổng lý văn phòng cho ông bộ trưởng Liễng là... đạo diễn Lê Dân! Ông Liễng theo đạo Phật, đã có quan hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trước khi sinh hoạt với nhóm ông Minh. Tôi không rõ ông Liễng có nói riêng với ông Minh về mối quan hệ bí mật này của mình hay không. Tuy hai gia đình rất thân nhau, nhưng trong hoạt động chính trị, ông Liễng không phải là một cố vấn có trọng lượng đối với ông Minh. Một người bạn lâu đời khác trong quân ngũ, “dính líu” với nhau qua nhiều biến động chính trị và cuộc đời binh nghiệp là trung tướng Mai Hữu Xuân, được ông Minh coi như một một “quân sư” cố vấn mật của mình. Tướng Mai Hữu Xuân từng nắm ngành an ninh cảnh sát thời Ngô Dình Diện và được coi là người thực hiện vụ “kết liễu” hai anh em Diệm - Nhu, có một tiếng tăm và hình ảnh hoàn toàn không thuận lợi trước quần chúng và các giới chính trị. Chính tướng Mai Hữu Xuân cũng ý thức điều này và tránh xuất hiện công khai. Chắc chắn ông Minh đã có những tham khảo ý kiến với tướng Xuân về những người gia nhập nhóm. Đánh giá các tướng lãnh khác của tướng Xuân phần nào cũng có giá trị đối với ông Minh. Lúc đầu, hình như trong nhóm có cả ông Võ Văn Hải, đã từng là chánh văn phòng của tổng thống Diệm.
Ngồi vào chiếc ghế trống đặt bên cạnh ông Minh trong các buổi họp - sau khi ông Thơ bị bệnh vắng mặt - là luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ Thượng nghị viện. Ông Mẫu từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm, đã cạo đầu và từ chức ngoại trưởng để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ Diệm. Ông Mẫu là một chính khách sắc sảo, một con người trung thực, có những quan hệ quốc tế sâu rộng, đại diện cho lực lượng Phật giáo Ấn Quang. Ông rất được ông Minh và anh em trong nhóm kính trọng. Các ý kiến của ông luôn được ông Minh đánh giá cao.
Đối với các thành viên khác của nhóm, phần nhiều tập hợp từ khoảng 1969-1970, người được ông Minh nể trọng và có nhiều tình cảm là giáo sư Lý Chánh Trung. Ông Trung là một trí thức trung thực, không hám danh lợi, có cuộc sống riêng giản dị. Ông luôn phát biểu thẳng thắn. Tuy không hoạt động chính trị như một chính khách nhưng ông Trung luôn dấn thân vào các hoạt động chính trị yêu nước và vì dân chủ. Ông từng là đổng lý văn phòng tại Bộ Quốc gia Giáo dục khi người bạn của ông là giáo sư Nguyễn Văn Trường làm bộ trưởng Bộ này (thời chính phủ Kỳ). Ông Trung là người thảo các diễn văn quan trọng của ông Minh bằng tiếng Pháp. Khi làm đổng lý văn phòng ở Bộ Giáo dục, ông Trung chủ trương chấm dứt sự tồn tại các trường Pháp dạy theo chương trình Pháp tại miền Nam.
Các thành viên khác hoạt động trong nhóm ông Minh có bác sĩ Hồ Văn Minh, phó chủ tịch Hạ viện, từng là tổng quản lý Chương trình phát triển quận Tám. Khi ông Dương Văn Minh có ý định ra ứng cử tổng thống, ông đã chọn bác sĩ Hồ Văn Minh làm ứng cử viên phó tổng thống. Tánh tình hiền hòa, là người kết nối giữa các anh em, bác sĩ Minh thường được tín nhiệm trong vai trò đại diện anh em. Bác sĩ Minh là bạn thân của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận.
Trong những anh em trẻ, có lẽ anh Nhuận là người duy nhất đã biết tướng Dương Văn Minh và từng cộng tác với ông Minh nhiều năm trước, ngay sau cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Anh Nhuận, nhỏ con, gầy, mảnh khảnh nhưng là con người hết sức năng động và liều lĩnh trong các hoạt động chống Mỹ và chính quyền. Trong anh em, anh là người đạt kỷ lúc số lần xuống đường biểu tình. Anh được coi
là “nhà tổ chức biểu tình” có... bằng cấp! Với bạn bè, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Ông Nguyễn Văn Cước, hoạt động công đoàn, bị cảnh sát của Nguyễn Văn Thiêu truy lùng, “tị nạn” trong Dinh Hoa Lan, là một thành viên trong nhóm... không vắng mặt buổi họp nào. Ông Cước rất ít khi phát biểu.
Linh mục Nguyễn Ngọc Lan thỉnh thoảng có đến tham dự nhưng không phải là một thành viên... thường trực.
Người trẻ nhất trong nhóm là dân biểu Dương Văn Ba thuộc đơn vị Bạc Liêu. Trong Hạ viện 1967- 1971, anh Ba cũng là dân biểu trẻ tuổi nhất. Thông minh, chính trị nhạy bén, viết báo và làm báo giỏi nhưng từ năm 1971 anh không thể tiếp tục hoạt động công khai vì ở nhiệm kỳ Hạ viện 1971-1975 anh không còn là dân biểu. Do đó anh bị ghi vào danh sách truy nã của chính quyền Thiệu. Cũng như ông Cước, anh Ba “tị nạn chính trị” trong Đinh Hoa Lan của tướng Minh cho đến ngày 30-4- 1975.
Khi tôi đến sinh hoạt trong nhóm ông Minh, tôi đưa một người bạn thân đến giới thiệu với ông. Đó là anh Nguyễn Hữu Chung, dân biểu lập hiến ở đơn vị Bến Tre; ở hai nhiệm kỳ lập pháp sau (1967-1971 và 1971-1975), anh Nguyễn Hữu Chung ứng cử cùng đơn vị với tôi tại Sài Gòn. Trước 1975, những người quen biết tôi và anh Nguyễn Hữu Chung gọi thân mật tôi là Chung Lý, còn anh Hữu Chung là Chung Nguyên. Đầu tiên ông Mãnh chỉ định anh Chung Nguyễn là đại diện báo chí cho ông. Nhưng sau đó (tôi không nhớ rõ vì lý do gì) khi cận ngày bầu cử tổng thống 1971, ông lại chọn tôi làm đại diện báo chí cho ông. Có lẽ ông Minh nhận thấy tôi làm công việc tiếp xúc với báo chí trong và ngoài nước phù hợp và có hiệu quả. Anh Chung Nguyễn và tôi thường kết hợp với nhau trong các hoạt động. Mỗi khi tôi xuất bản một tờ báo tôi đều rủ anh tham gia. Hai đứa cùng đứng tên trên “manchette”, tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, còn anh là giám đốc chính trị.
Nhóm ông Minh sinh hoạt mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư. Sau khi tình hình khẩn trương tăng lên thì thêm một lần vào ngày thứ sáu. Thường thứ sáu ông mời cả nhóm dùng một món ăn nhẹ. Ông Minh là người thích ăn ngon, sành điệu về các món Tây. Khi đãi khách, ông xuống tận bếp đôn đốc người đầu bếp chuẩn bị các món ăn. Trong những ngày không họp, khi có những món ăn đặc biệt, ông cho người mời vợ chồng tôi vào cùng thưởng thức. Vợ tôi cũng thường nấu những món ăn ông ưa thích đem vào biếu ông bà. Bà Minh luôn chìu những người khách của chồng, nhưng về tánh tình bà khó hơn ông Minh.
Ông Minh không thích người Mỹ đã rõ. Từ khi tôi lui tới Dinh Hoa Lan, người Mỹ duy nhất trong chính quyền Mỹ mà tôi thấy ông tiếp là cựu trung tướng Charles Timmes. Người Mỹ này có mặt tại miền Nam từ năm 1961 với chức vụ chỉ huy nhóm cố vấn quân sự Mỹ. Ngay sau khi quân đội VNCH và các cố vấn Mỹ thất bại ở trận đánh trực thăng vận tại ấp Bắc ngày 2-01-1963 (Mỹ nhìn nhận có bốn máy bay trực thăng bị bắn hạ và ba cố vấn Mỹ bị thiệt mạng), tướng Timmes cùng vị chỉ huy trực tiếp của mình là tướng Paul Harkins đã có mặt tại chỗ. Timmes đã từng nhảy dù xuống bờ biển Normandie (Pháp) trong Thế chiến thứ hai. Cuối đời, tướng về hưu Charles Timmes được người đứng đầu CIA là William Colby tuyển dụng và đưa trở qua Việt Nam thay thế một nhân vật tình báo đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm: Lou Conein. Trong những ngày cuối cùng của người Mỹ tại Việt Nam (tháng 4-1975), Timmes có một vai trò bên cạnh chế độ Thiệu như Lou Conein đối với chế độ Diệm. Timmes cùng đại sứ Graham Martin vận động sự ra đi của tổng thống Thiệu, áp lực phó tổng thống Trần Văn Hương từ chức nhường quyền lãnh đạo lại cho trung tướng Dương Văn Minh, và cũng chính Timmes ngăn trở tướng Kỳ toan tính làm đảo chính. Timmes chỉ rời Sài Gòn tối 29-4-1975 khi ông ta thấy rằng Mỹ không thể thoát kết thúc đầy bi kịch.
Suốt gần sáu năm cộng tác với tướng Minh, tôi cũng không thấy giữa ông và tòa đại sứ Pháp có một quan hệ nào, ngoại trừ những ngày cuối tháng 4-1975. Chính người Mỹ cũng nghi ngờ ông Minh có quan hệ đặc biệt với người Pháp. Tuy nhiên về văn hóa và tình cảm không thể chỗ cãi là ông Minh nghiêng về người Pháp hơn là người Mỹ. Ông Minh nói và viết sành tiếng Pháp, còn tiếng Mỹ chỉ đủ để giao tiếp. Tiếng Pháp, ông học từ nhỏ và sử dụng nó thuần thục từ thời ông còn ở trong quân đội Pháp. Trong cương vị tướng lãnh giao tiếp thường xuyên với các cố vấn Mỹ và các cấp cao của Washington, đúng ra tiếng Mỹ của ông rất sành. Nhưng rõ ràng ông không hào hứng trong việc cải tiến vốn tiếng Mỹ của ông. Trong khi các tướng như Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... cũng được Pháp đào tạo, nói tiếng Pháp rất sành nhưng sau này cũng nói tiếng Mỹ rất trôi chảy. Bởi đó cũng là một cách dễ dàng để họ tranh thủ người Mỹ.
… Các buổi họp tài Dinh Hoa Lan diễn ra tại phòng họp trên tầng một của dãy nhà nằm phía ngôi nhà chính. Thường cuộc họp bắt đầu bằng cuộc nói chuyện tự do trong khi chờ đợi mọi người đến đông đủ. Ai có thông tin hay nhận định gì về tình hình cứ nói. Khi cuộc họp chính thức bắt đầu, tôi có trách nhiệm vừa điểm báo vừa trình bày một tổng kết tình hình. Trong tổng kết tình hình, thường tôi lồng vào các thông tin những đoạn trích từ các báo, tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và của Hà Nội. Nguồn cung cấp báo chí và tài liệu mật này là từ M., một cô gái làm việc cho hãng tin AFP (hãng thông tấn Pháp). Cô M. quen tôi khi đi dự các cuộc họp báo do tôi tổ chức và qua các cuộc phỏng vấn tôi của AFP. Cha cô là một giáo sư nổi tiếng trường Đại học Luật. Từ quan hệ trong công việc, chúng tôi tiến dần đến một tình cảm đặc biệt. Tình yêu chăng? Lúc đó chúng tôi không nói ra công khai bằng lời tình cảm này, nhưng cách cư xử với nhau không đặt ra một giới hạn nào thì có lẽ không cần một định nghĩa nào khác bằng ngôn ngữ. Với thời gian nhìn lại, tôi nhận ra đó là một chân dung tình yêu tha thiết và đầy hy sinh. M. nếu không yêu tôi mãnh liệt thì không bao giờ cô chấp nhận sự nguy hiểm to lớn khi dám lấy tài liệu từ các cuộc họp báo của các phái đoàn MTDTGPMN và VNDCCH tại Tân Sơn Nhất mang về cho tôi. Ngoài tài liệu phát trong cuộc họp báo, M. còn tìm cách lấy các tài liệu khác của hai đoàn này để giúp tôi hiểu rõ hơn đường lối của người cộng sản cùng thái độ của Hà Nội thuộc các biến động chính trị, quân sự tại miền Nam.
M. ngụy trang các tài liệu thành những gói quà bề ngoài rất đẹp như những gói quà sinh nhật và trao cho tôi khi gặp nhau bên hồ bơi tại câu lạc bộ CSS (Xẹc Tây). M. giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh và là bạn thân của cô Thiện con gái bà Ngô Bá Thành. Tôi không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra cho M. nếu M. bị cảnh sát phát hiện đang trao những tài liệu này cho tôi. Có một hôm M. mang về cho tôi cuộn băng ghi âm tại phi trường Lộc Ninh trong cuộc trao đổi tù nhân chánh trị giữa phía VNCH và MTDTGPMN. Cuộn băng ghi lời phát biểu của tù nhân - sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm: Anh từ chối việc trao trả anh cho MTDTGPMN, với lý do anh không phải là người của Mặt trận, mà là người hoạt động trong thành phần thứ ba và đòi chính quyền Thiệu phải trả tự do cho anh tại Sài Gòn. Anh Mẫm đích thực hoạt động trong hàng ngũ những người cộng sản nhưng vào thời điểm bị chính quyền Thiệu bắt thì anh buộc phải hoạt động với một tư cách khác. Anh đã đóng tròn vai này cho đến ngày 30-4-1975. Vì không chấp nhận sự trao trả cho Mặt trận nên anh Mẫm bị đưa trở lại nhà giam của chính quyền Sài Gòn.
M. đã có được cuộn băng này từ vị đại diện của phái đoàn Ba Lan có mặt tại Lộc Ninh trong thành phần ủy ban quốc tế Kiểm soát và Giám sát. Tôi đã mang băng vào phiên họp ở Dinh Hoa Lan và phát lại cho ông Minh cùng anh em nghe. Tôi có khá nhiều kỷ niệm với anh Mẫm, trước khi anh bị bắt và sau này trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975.Vì không ghi chép, tôi không nhớ rõ đó là năm nào, Huỳnh Tấn Mẫm và Nguyễn Văn Thắng (hình như lúc đó là chủ tịch Tổng hội sinh viên) kéo một số rất đông sinh viên biểu tình trước Hạ viện và sau đó muốn đến Thượng viện để tiếp xúc với Chủ tịch Thượng viện. Hôm đó tôi đã cùng Mẫm và Thắng dẫn đầu cuộc xuống đường của sinh viên đi đến trụ sở Thượng viện nằm trên bến Bạch Đằng. Để đối phó sự đàn áp và ngăn chặn của cảnh sát quận Nhất trên đường đi, tôi đã lấy thẻ dân biểu đeo trước ngực. Vào thời điểm những năm 1968-1969, cảnh sát còn nể nang các đại biểu dân cử và chưa có lệnh thẳng tay đàn áp các cuộc xuống đường.
Đoàn sinh viên xuống đường ủng hộ hai anh Mẫm và Thắng xuất phát từ Hạ viện đi thẳng đường Tự Do (tức Đồng hởi) xuống đến bờ sông Sài Gòn, rẽ sang phải để đến trụ sở Thượng viện. Đoạn đường này êm xuôi. Nhưng đến trước trụ sở Thượng viện, cảnh sát rằn ri đã có mặt sẵn dàn chào, các cuộn kẽm gai giăng bít lối vào Thượng viện. Mẫm, Thắng và đoàn sinh viên phải dừng lại. Tôi nói anh em sinh viên cứ chờ tại đây, để tôi vào một mình dàn xếp. Tôi đưa thẻ dân biểu ra, cảnh sát vẹt hàng rào kẽm gai dành một lối đi hẹp cho tôi. Vào Thượng viện, người đầu tiên tôi gặp là cựu trung tướng - nghị sĩ Trần Văn Đôn. Tôi chuyển lời yêu cầu của đại diện Tổng hội sinh viên muốn gặp Chủ tịch Thượng viện để trình bày một số nguyện vọng. Liền đó tôi và ông Đôn gặp Chủ tịch Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền đồng ý tiếp ngay. Ông Huyền là luật sư, một nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng Thiên Chúa giáo và một tiếng nói có trọng lượng đối với Tòa Tổng giám mục. Ông cũng có uy tín đối với các giới trí thức miền Nam.
Chủ tịch Nguyễn Văn Huyền cùng một số nghị sĩ trong đó có ông Trần Văn Đôn tiếp hai anh Mẫm và Thắng tại một phòng họp của ủy ban Thượng viện. Tôi còn nhớ anh Thắng phát biểu rất lưu loát và hùng biện. Anh Mẫm cũng phát biểu, giọng nhẹ nhàng và chậm rãi.
Sau này, cuối tháng 4-1975, tôi và Mẫm có một cuộc gặp gỡ khác vào thời điểm dặc biệt của đất nước. Nhưng đó là chuyện sẽ được kể sau.
… Trở lại nhóm Dương Văn Minh, lúc đó các thành viên cũng gồm từ “ôn hòa” đến “cực tả”. Ôn hòa như dân biểu – bác sĩ Hồ Văn Minh, nghị sĩ - luật sư Vũ Văn Mẫu, dân biểu Nguyễn Hữu Chung... và trung tướng Dương Văn Minh. Còn theo hướng “tả” là các anh Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba... Hai anh Hồ Ngọc Nhuận và linh mục Nguyễn Ngọc Lan được chính ông Minh xếp vào loại “cực tả”.
Như tôi đã nói, các buổi họp khởi đầu phần điểm báo và tổng kết tình hình trong nước và ngoài nước liên quan đến Việt Nam do tôi phụ trách. Sau đó là ý kiến của anh em, đôi khi là kế hoạch hành động sắp tới chống chính quyền Thiệu. Phải nhìn nhận rằng nhóm ông Minh chưa bao giờ bàn thảo và hình thành một “plate – forme” (cương lĩnh) chính trị đúng nghĩa. Điều đó cũng dễ hiểu vì sự tập họp của nhóm này không mang tính chất đảng phái chính trị, mà chỉ là một tập họp những người yêu nước, đối lập với Thiệu và chống sự can thiệp của Washington vào Việt Nam, có cùng một hoài bão đấu tranh cho hòa bình. Nhờ những mục tiêu rất rộng ấy, các thành viên nhóm dễ đoàn kết với nhau và tránh được những cuộc tranh luận và xung đột liên quan đến các vấn đề thuộc lý luận chính trị.
Xét về “gốc tích” thành phần của nhóm ông Minh... lộ ra sau 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm ông Minh từ “ở giữa” chuyển sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng thỏa hiệp, liên kết với MTDTGPMN và Hà Nội. Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với MTDTGPMN như ông Cước, anh Nhuận, giáo sư Trung, linh mục Lan, luật sư Liệng... Khi Hiệp định Paris được ký kết, nhóm ông Minh ủng hộ triệt để sự thi hành Hiệp định. Bản thân tôi cũng tham gia Lực lượng Hòa giải Dân tộc (HGDT) do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu; lực lượng này được Phật giáo ấn Quang hậu thuẫn và có chủ trương đòi tổng thống Thiệu tôn trọng và thi hành Hiệp định. Lực lượng HGDT tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thuyết trình về Hiệp định Paris tại chùa ấn Quang và tại nhiều địa điểm khác tại miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Luật sư Liễng thì thành lập Tổ chức đòi thi hành Hiệp định Paris với sự tham gia của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà văn Thế Nguyên (báo Trình Bày), nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước v.v...
Nhiều tháng trước kết thúc chiến tranh, trong một buổi sinh hoạt của nhóm ông Minh, tôi đặt ra giả thuyết (mà giờ đây, sau 30 năm nghĩ lại tôi thấy thật “ngây thơ”): rất có thể khi ông Thiệu bị lật đổ và ông Minh lên nắm quyền thì không còn thời gian để thương lượng giải pháp chính trị và thay thế Thiệu lúc đó chỉ là thay chính quyền Thiệu để cầm cờ... đầu hàng. Tôi nói tiếp “theo tôi nếu lịch sử đặt chúng ta vào vai trò này, chúng ta cũng sẵn sàng nhận lấy vì hòa bình dân tộc”. Tôi còn nhớ không ai có mặt hôm đó phản đối ý kiến của tôi. Ông Minh cũng tỏ ra tán đồng. Như vậy lúc đó dù không hẳn đoán trước được “số phận” chờ đợi mình ở ngày 30-4-1975, nhóm ông Minh cũng không quá bất ngờ về những gì sẽ xảy ra cho mình. Các thành viên chủ chốt trong nhóm ông Minh đều ở lại đất nước cho đến giây phút chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập. Người duy nhất ra nước ngoài do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình là dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Những người ở lại hầu như không ai tỏ ra hối tiếc về sự chọn lựa của mình. Kể cả ông Dương Văn Minh. Dù cho số phận từng người sau đó khác nhau, không phải ai cũng suôn sẻ.


CHƯƠNG 17: NHỮNG NGÀY TƯỞNG NHƯ BẾ TẮC

Sau khi “tẩy chay” Hạ viện nhiệm kỳ lập pháp 2 mà tôi vừa tái đắc cử (cuối năm 1971) để phản đối sự độc diễn của tổng thống Thiệu, tiếp đó tự treo bút và đóng cửa tờ nhật báo Bút Thần để tố cáo sắc luật 007/72 của chính quyền Thiệu hạn chế quyền tự do báo chí, thật sự tôi đã trải qua một thời kỳ gần như khủng hoảng từ năm 1972-1974. Trước đó tuy hoạt động quốc hội chỉ là hình thức, một thứ dân chủ giả hiệu, còn làm báo xuất bản một tuần bị tịch thu hết hai hoặc ba ngày, nhưng tôi vẫn có được cái cảm giác mình “làm điều gì đó”. Các hoạt động này phần nào tạo cho tôi tâm lý mình không ngồi khoanh tay trước tình hình dầu sôi lửa bỏng của đất nước.
Nhưng khi tự rút ra khỏi các hoạt động này (quốc hội và báo chí), đơn độc với chính mình, tôi bỗng thấy mình như bị loại khỏi các diễn tiến của đất nước, một người vô tích sự và vô trách nhiệm.
Mỗi sáng tôi vào Xẹc Tây ăn sáng, đánh quần vợt cho tới trưa, rồi sang hồ bơi ăn cơm trưa và xuống hồ bơi... phơi nắng cho đến chiều tối mới về nhà. Lúc đó tôi sống gần như buông thả trong cái xã hội trưởng giả ấy. Suýt nữa nó đã nhận chìm tôi xuống tận đáy. Các buổi sinh hoạt với nhóm Dương Văn Minh, tuần hai lần, đã giúp tôi tiếp tục đứng vững. Và như đã nói, chính những cuộc xuống đường tổ chức liền liền lúc này đã bơm một thứ nghị lực mới vào cơ thể tôi. Giai đoạn 1971- 1972 là thời kỳ quyền lực của tổng thống Thiệu khẳng định mạnh mẽ nhất. Cái thế của Nguyễn Văn Thiệu chỉ bị lung lay sau khi Hiệp định Paris được ký đầu năm 1973 (27-1-1973). Tinh thần Thiệu càng lung lay khi tổng thống Nixon - chỗ dựa của ông Thiệu - tuyên bố từ chức ngày 9-8- 1974.
Trước đó tháng 3-1973, tổng thống Thiệu đã có một chuyến đi trắc nghiệm uy tín của ông đối với Nixon và đồng thời thái độ của chính phủ Mỹ đối với bản thân ông. Đó là chuyến đi Mỹ đầu tiền của ông Thiệu với tư cách tổng thống VNCH. Theo nhà báo Larry Berman trong quyển No Peace No Honor thì đây là chuyến đi Mỹ đã được Nixon hứa với ông Thiệu khi ông chấp nhận ký Hiệp định Paris theo yêu cầu của Nixon. Vào thời điểm này, Kissinger có ý định đề nghị Nixon ra lệnh oanh tạc thật nặng, trong hai hoặc ba ngày, đường Hồ Chí Minh ở Nam Lào. Nhưng do chuyến đến Mỹ của ông Thiệu, Kissinger bàn lại với Nixon và tạm ngưng quyết định này vì sợ rằng sự kiện ném bom trùng hợp với sự có mặt của ông Thiệu tại Mỹ khiến cho dư luận hiểu lầm rằng Washington chịu áp lực của chính quyền Sài Gòn.
Ông Thiệu cố gắng chuẩn bị chuyến đi Mỹ nhằm đánh bóng uy tín của mình. Ông thuê một chiếc Pan American Boeing 07 chớ không như phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ khi viếng thăm nước Mỹ trước đó đi bằng chiếc máy bay Air Force Two được Mỹ cho mượn (chiếcAir Force Two thường dành riêng cho Phó tổng thống Mỹ). Ông cho vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ trên thân máy bay để chứng tỏ “độc lập và chủ quyền của chính phủ VNCH” (nhận xét của nhà báo Larry Berman). Nhưng chuyến đi Mỹ lại là một thất vọng cho ông Thiệu. Nixon chỉ tiếp ông tại Saint Clemente, chứ không tại Tòa Nhà Trắng ở Washington. Lúc này áp lực của vụ xì-can-đan Watergate đã bắt đầu đè lên chính phủ Nixon. Một cuộc tiếp tổng thống VNCH - không được dân chúng Mỹ ủng hộ - ngay tại Nhà Trắng sẽ càng tệ hại cho uy tín của Nixon. Tổng thống Mỹ cũng dự định sẽ không có một thông cáo chung nào giữa hai người đứng đầu chính phủ được công bố. Có nghĩa chính phủ Mỹ muốn làm thế nào chuyến viếng thăm Mỹ của ông Thiệu càng ít được dư luận ở Mỹ chú ý càng tốt. Khi biết sẽ không có thông cáo chung được ký - đánh dấu chuyến viếng thăm chính thức của mình - ông Thiệu ra lệnh cho Hoàng Đức Nhã chuẩn bị máy bay trở về nước ngay. Do sợ một sự cố chính trị lại lọt ra báo chí, ngày 12-4-1973, Nixon đồng ý có thông cáo chung, trong đó Mỹ hứa viện trợ kinh tế và tăng sự ủng hộ dành cho chính phủ VNCH. Kết thúc chuyến viếng thăm chính thức của ông Thiệu, Nixon tổ chức chiêu đãi ông tại Casa Pacifica, Nhà Trắng Miền Tây (Westem White House). Trước khi rời nước Mỹ, ông Thiệu được thống đốc California Ronald Reagan mở tiệc chiêu đãi tại Loa Angeles và sau đó có đến thăm diễn viên phim cao bồi lừng danh John Wayne.
Từ Mỹ trở về ông Thiệu và cánh tay mặt của ông Hoàng Đức Nhã - hiểu rằng tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Thái độ của Washington đối với ông Thiệu và đối với chế độ VNCH đã đổi khác. Đó là nói về thời kỳ sau Hiệp Định Paris, còn trước đó các năm 1971-1972, sau khi tái đắc cử, Nguyễn Văn Thiệu củng cố quyền lực của mình mạnh mẽ nhất. Trong suốt tám năm cầm quyền của mình, đây là thời điểm quyền lực của Thiệu được tập trung nhất. Nhiệm kỳ tổng thống 1967-1971 của ông còn bị buộc một chân vào... đối thủ khó chịu Nguyễn Cao Kỳ - giữ cương vị phó tổng thống. Còn từ năm 1971, sau cuộc đắc cử thứ hai, với một phó tổng thống Trần Văn Hương - vâng lời ông hoàn toàn - tổng thống Thiệu nắm trọn quyền lực trong tay. Thiệu tiến hành kiểm soát báo chí, trấn áp phe đối lập, bắt bớ sinh viên chống đối và các trí thức bị nghi ngờ có quan hệ với cộng sản...
…Trong những ngày tháng khủng hoảng, không thấy đâu là tương lai cho tình hình miền Nam và giải pháp cho chính mình, một hôm tôi có bàn với anh Dương Văn Ba, lúc này không còn là dân biểu: “Hay là tụi mình ra vùng giải phóng theo MTDTGPMN?”. Ý nghĩ đến bất chợt nhưng không hề là bốc đồng. Bản thân tôi chưa có dịp nào tiếp xúc với ai đó đại diện chính thức của Mặt Trận, nhưng từ khi ông Thiệu tái đắc cử bằng độc diễn bất kể dư luận phản đối trong nước và ngoài nước, tôi nhận ra rằng tình hình miền Nam nói riêng và đất nước nói chung không còn hi vọng thay đổi bằng tiến trình đấu tranh dân chủ. Suy nghĩ của tôi lúc ấy, lực lượng duy nhất có thể đảo lộn tình thế là MTDTGPMN. Dứt khoát phải đấu tranh cả bằng vũ trang. Tôi nghĩ đi ra vùng giải phóng là một chọn lựa có thể giải quyết được các bế tắc và đáp ứng được các nguyện vọng của mình. Nhưng cả hai chúng tôi, anh Ba và tôi đành bỏ ý định ra vùng giải phóng vì ngoài lý do không biết phải “móc nối” với ai, còn có một lý do riêng: mỗi người chúng tôi đều có năm đứa con, đứa lớn nhất mới 11-12 tuổi. Đi vào rừng, ở nhà người vợ một mình xoay xở ra sao đây?
Đúng là tôi chưa từng tiếp xúc chính thức một nhân vật cộng sản nào trước 1975 nhưng lịch sử của người cộng sản trong đấu tranh giành độc lập và đánh ngoại xâm từ thời chống Pháp là một minh chứng về tinh thần yêu nước của họ. Bi kịch của những người như tôi là đã quá thất vọng với chế độ mình đang sống, cố gắng đấu tranh để góp phần thay đổi nó nhưng mỗi ngày thấy càng bất lực, muốn có một chọn lựa khác nhưng điều đó cuối cùng lại cũng không làm được. Cho nên có lúc tôi đã tự nhận mình là “Người Việt cô đơn” và tự nguyện làm người phát ngôn cho những người cùng tâm trạng, cùng hoàn cảnh với mình, trên báo Tiếng Nói Dân Tộc, là vì thế! Từ tâm trạng và hoàn cảnh chính trị cá nhân, có lúc tôi chọn lập trường: đứng giữa (báo Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo của “những Người Việt đứng giữa”?). “Đứng giữa” là một khái niệm còn khá mơ hồ, chỉ sau này khi đã có Hiệp định Paris, “đứng giữa” mới được khoác một sắc thái chính trị cụ thể và được gọi là “thành phần thứ ba”.
Sau ngày 30-4-1975, tôi phát hiện xung quanh mình, trong tờ báo, trong nhóm, trong bạn bè và ngay tại nhà mình, đâu đâu cũng có “Việt cộng”. Thế mà tôi không được một ai móc nối. Tại không ai trong Mặt trận được tự động tiết lộ và móc nối? Hay tại cái bề ngoài trí thức tiểu tư sản của tôi - từ cách ăn mặc đến môi trường sinh hoạt - trông không đáng tin cậy với họ chăng?
Về chuyện trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng, tôi nhớ mãi trường hợp của bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được chính ông kể lại cho tôi nghe. Sau 1975, lúc tôi làm tổng thư ký tòa soạn nhật báo Tin Sáng do anh Ngô Công Đức làm chủ nhiệm và anh Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, tôi được tờ báo cử đi Hà Nội cùng anh Minh Đỗ dự phiên họp đầu tiên của Quốc Hội thời kỳ đất nước thống nhất. Khi trở về Sài Gòn, trên máy bay tôi ngồi gần một người lớn tuổi ăn mặc rất lịch lãm, com lê, cà vạt hẳn hòi và rất... Tây, như một người sống nước ngoài vừa trở về quê hương. Tôi tìm cách bắt chuyện với người này do sự tò mò nghề nghiệp. Và tôi được biết ông không phải từ nước ngoài trở về mà ở trong rừng cả chục năm qua. Đó là Bác sĩ Nguyên Văn Thủ đang là đại biểu quốc hội. Biết tôi là một trí thức sống ở miền Nam trước 1975, ông vui vẻ kể chuyện: thời trẻ cách đây 30 năm ông du học ở Pháp. Ông rất thích khiêu vũ và đánh tennis rất giỏi và đẹp, không ít thiếu nữ Pháp rất mê chàng trai Việt Nam này. “Khi tôi đánh banh luôn có hai ba cô đầm ngồi ngoài sân chờ!” - bác sĩ nhắc lại thời trẻ của mình. Không ai ở Paris quen biết bác sĩ Thủ lại nghĩ rằng chàng thanh niên sống phong lưu ở thủ đô ánh Sáng lại có thể bỏ tất cả để đi theo cách mạng. Bác sĩ Thủ nói: “Lúc đó bạn bè của tôi ở Pháp bảo với nhau rằng thằng Thủ mà về nước theo cách mạng là coi như chiến tranh sắp kết thúc rồi. Ý của tụi bạn: tôi đâu phải là người có thể chịu cực lâu dài, cho nên khi tôi đã chọn lựa như thế là... chắc ăn rồi. Thật lòng mà nói bản thân tôi cũng nghĩ có lẽ chỉ phải chịu cực vài năm thôi, đâu dè đi suốt một mạch... 30 năm!”. Chàng thanh niên phong lưu ở Paris ấy đã chấp nhận mọi gian nguy khổ cực và không hề bỏ cuộc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.
Bác sĩ Thủ là một điển hình trí thức tiểu tư sản yêu nước. Về Sài Gòn, ông được giao đứng đầu tổ chức Chữ Thập Đỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc gặp lần đầu trên máy bay, chúng tôi có hẹn gặp lại nhau tại sân quần vợt. Trận đầu tiên ông đánh với tôi trên sân 30-4 (đường Lê Quẩn). Lần đó dù đã hàng chục năm không cầm vợt ông vẫn giữ được những nét đẹp kỹ thuật các cú đánh của một đấu thủ từng có hạng ở Pháp. Ông đã mất vì bệnh, để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè cũ mới.
Trở lại chuyện của tôi trước 1975, cũng có rất ít người tin rằng tôi sẽ kiên trì với hướng đi của mình. Sau khi đất nước hòa bình, tôi có hỏi nhà báo Huỳnh Bá Thành, một trong những người gần gũi với tôi trước năm 1975, vì sao anh không “móc nối” tôi vào Mặt Trận, anh cười cười nói “Các hoạt động của anh như thế trong lòng địch đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng đối với một trí thức tiến bộ. Đưa anh vào tổ chức cũng thế thôi, nhưng có nguy cơ anh bị bắt và chịu không nổi tra tấn sẽ đổ bể tùm lum...”. Câu nói nửa chơi nửa thật của Huỳnh Bá Thành chứa đựng phần nào sự thật trong đó. Tôi vẫn nghĩ mình sẽ không chịu đựng nổi các đòn tra tấn của cảnh sát. Tôi thật sự cảm phục và kính trọng những người làm cách mạng khi bị bắt không chịu khuất phục trước sự tra tấn ác liệt và dã man. Có lẽ do tôi không có một quan hệ chính thức nào với người cộng sản nên chính quyền Thiệu không coi tôi là một phần tử chính trị nguy hiểm. Tình báo Mỹ cũng nắm rất sát hoạt động của các trí thức và những người đối lập tại miền Nam. Một số trí thức miền Nam bị bắt vì có quan hệ cộng sản là do sự phát hiện của tình báo Mỹ. Có dư luận cho rằng vụ dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt, bề ngoài tưởng như xuất phát từ cuộc xung đột giữa tổng thống Thiệu với Trần Ngọc Châu, nhưng bên trong là do áp lực của CIA. Một phe CIA bênh vực Châu nhưng phe CIA khác đang có thực quyền tại miền Nam lại chủ trương “dứt” Châu. Người đưa ra lập luận này nhấn mạnh rằng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Ngọc Châu là bạn rất thân nhau. Nghe nói sau năm 1975, khi ông Thiệu từ nước Anh chuyển sang định cư ở Mỹ, ông Thiệu đã đến nhà Trần Ngọc Châu và ở lại chơi một ngày. Thực hư chuyện này thế nào, tôi không có điều kiện để phối kiểm.
Cái “may mắn” của tôi là hình như tôi không có tên trong bản danh sách đen (black list) của CIA. Tình báo Mỹ cũng dư sức thẩm định tôi có phải là người của Pháp không. Cuối cùng có lẽ họ đã kết luận cái anh chàng này hoạt động hoàn toàn... đơn độc. Thực tế thì những trí thức kiểu... “vô hại” như thế này lại góp phần cô lập Nguyễn Văn Thiệu và đường lối chiến tranh của ông khiến ông đã nổi điên. Tại cuộc nói chuyện với khóa huấn luyện cán bộ xã ấp ở Vũng Tàu, tổng thống Thiệu tố cáo “một số trí thức mỗi ngày uống bốn ly whisky và ăn toàn cơm Tây, được học rộng nhưng lại làm nô lệ cho cộng sản”. Ông kết luận “Các anh còn yêu nước hơn cả mấy người trí thức ấy”. “Các anh” đây là các cán bộ xã ấp. Bài nói chuyện này mở đầu cho đợt đàn áp trí thức tiến bộ, đầu tiên là bắt chủ nhiệm tờ báo tiếng Anh Sai gon Dai ly News, ông Nguyễn Lâu và 26 nhân vật trí thức khác, trong đó có bác sĩ, dược sĩ v.v… Đại sứ Mỹ Bunker khen bài nói chuyện ở Vũng Tàu là một trong những diễn văn hay nhất của ông Thiệu!
Nhà báo Mỹ Zalin Grant, trong quyển ‘Facing the Phoenix’ đã mô tả, trong con mắt của ông, những đặc điểm của một số trí thức Sài Gòn vào những năm 1965-1970 như sau: “Giới trí thức (Sài Gòn) kể cả những người có bằng cấp cao, thường tốt nghiệp tại Pháp và ngày càng nhiều tại Mỹ, đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, khinh miệt người Mỹ, đầu óc không tưởng và chống chiến tranh. Họ muốn có hòa bình nhưng không có kế hoạch để đạt tới. Họ bác bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng lại chấp nhận những người cộng sản. Họ coi thường quân đội của họ mà chính họ và con cái họ thấy không xứng đáng để phục vụ. Ngồi bên tách cà phê phin hay ly rượu Remy Martin, họ tố cáo một cách hùng hồn chính phủ Thiệu đã chà đạp như thế nào các quyền tự do cá nhân và đẩy tuổi trẻ của đất nước đến sự chống đối. Mặc dù phần nhiều những điều họ nói là đúng nhưng họ vẫn không phải là những người gây được niềm tin và thiện cảm...”
Đúng như nhận xét của Zalin Grant, “những trí thức nói chuyện chính trị bên ly rượu Remy Martin” không giành được uy tín trong quần chúng, nhưng sự từ chối hợp tác của họ với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu rõ ràng hết sức bất lợi cho chính quyền Sài Gòn. Hơn nữa không phải tất cả trí thức đều chống Thiệu bên ly rượu Remy Martin. Nhiều người trong số họ xuống đường, chấp nhận dấn thân trước nhiều thứ hiểm nguy khác cho tính mạng và sự nghiệp cá nhân họ.
Để đối phó lại “những cuộc nói chuyện bên ly cà phê hoặc ly rượu Remy Martin” mà nhà báo Zalin Grant đã đề cập, tướng Nguyễn Khắc Bình, đứng đầu ngành cảnh sát và trung ương tình báo Sài Gòn đã cho người thường xuyên có mặt tại nhà hàng Givral, ở đường Tự Do, đối diện với trụ sở Hạ viện. Người được giao nhiệm vụ “nghe lén” các cuộc trao đổi trong nhà hàng là tên T., quen biết nhiều nhà báo trong và ngoài nước. Givral cũng là nơi có nhiều dân biểu cùng bạn bè trí thức của họ lui tới. Theo một người gần gũi ông T. và trung ương tình báo của Thiệu thì T. luôn thủ trong người một cái máy ghi âm để thu các cuộc nói chuyện. Thỉnh thoảng T. phải vào… “toa lét” để thay pin hoặc thay băng (máy móc thời đó chưa hiện đại). Dần dần người phụ trách công việc này của Nguyễn Khắc Bình thấy cách ghi băng này quá bất tiện nên tính tới phương án đặt máy thâu thường trực ở một chỗ nào đó trong nhà hàng. Nhưng Givral là một nhà hàng tư nhân, làm sao đặt máy mà giữ được sự bí mật. Chỉ có cách là người của trung ương tình báo mua lại một phần nhà hàng. Cuối cùng hãng sữa Foremost nhảy vào, với người của tình báo đứng phía sau. Thế là họ có quyền hợp pháp tiến hành sửa chữa và trong khi sửa chữa... có thể bí mật đặt máy ghi âm. Những vụ Watergate như thế ở Sài Gòn, chính quyền Thiệu thoải mái làm mà chẳng gặp một sự phiền hà nào!
Sau khi “đầu hàng” áp lực của Mỹ và chịu ký Hiệp định Paris, Thiệu phải đối đầu thêm một thứ... “nội thù” khác: thành phần thứ ba, tức những người Việt đứng giữa. Những người trí thức chống Thiệu và chống Mỹ nhưng chưa có điều kiện tiếp xúc với Mặt Trận, cùng các thành phần đối lập hoạt động cho hòa giải hòa hợp dân tộc, đưa vào Hiệp định Paris, trực tiếp hoặc gián tiếp tự nhận mình thuộc thành phần thứ ba. Dù không trưng ra được bằng chứng nào, tổng thống Thiệu cũng công khai nói với báo chí nước ngoài rằng “thành phần thứ ba là sản phẩm của Tòa đại sứ Pháp”. Đây là hành động chụp mũ của chính quyền Thiệu nhằm hạ uy tín những người đối lập hoạt động vì hòa bình. Cơ sở để đưa ra lời tố cáo này là mối quan hệ giữa một số nhà ngoại giao trong đại sứ quán Pháp với một số trí thức đối lập. Một trong những nhà ngoại giao đó là Pierre Brochand, cố vấn chính trị tòa đại sứ Pháp. Trong những người ông Thiệu nhắm đến là tôi vì lúc này tôi hoạt động tích cực trong thành phần thứ ba và có quan hệ khá mật thiết với ông Pierre Brochand.
Thật sự quan hệ giữa tôi và Pierre Brochand chủ yếu là bạn bè hơn là móc nối chính trị. Cùng tuổi với nhau (sinh năm 1940) và có nhiều điểm hợp nhau, nên tôi và Pierre Brochand dễ thân nhau. Chưa bao giờ Pierre Brochand đề cập chính thức với tôi chuyện thành phần thứ ba hay thăm dò, một gợi ý nào liên quan chuyện này. Trong quan hệ với các nhà báo nước ngoài, tôi có khá nhiều người bạn và trong giới ngoại giao cũng thế. Sau 1975, khi Pierre Brochand đã trở thành một nhân vật cao cấp, đại diện chính phủ Pháp sang ký kết một hiệp định hợp tác văn hóa với chính phủ Việt Nam, anh đã vào TP. Hồ Chí Minh và thăm tôi tại nhà. Người tiền nhiệm của Pierre Brochand tại tòa đại sứ Pháp trước 1975, ông Loic Hennekinne, cũng duy trì những quan hệ bạn bè với tôi đến tòa đại sứ Sài Gòn, Loic Hennekinne nhận nhiệm sở mới ở Santiago (Chi Lê) thời tổng thống Allende. Tôi còn nhớ một hôm tôi nhận được một lá thư của ông từ thủ đô Santiago, trong đó ông hết lời ca ngợi chế độ Allende và cho rằng mình đang chứng kiến một kinh nghiệm chính trị mà người Việt Nam như tôi rất đáng tìm hiểu. Dĩ nhiên Loic Hennekinne đã phải rời Chi Lê sau khi tướng Pinochett lật đổ tổng thống Allende.
Loic Hennekinne là một trong những nhà ngoại giao Pháp đầu tiên trở lại Sài Gòn sau 1975 với tư cách một người du lịch. Anh rất yêu đất nước Việt Nam. Chuyến đi đó Loic Hennekinne thực hiện khi ông đang là đại sứ Pháp tại Tokyo (Nhật). Thế là tôi có dịp gặp lại ông tại tòa lãnh sự Pháp trong một buổi tiệc tối. Tôi nhớ hôm đó ngoài tôi và anh Ngô Công Đức còn có cựu đại sứ Võ Văn Sung cũng là một người bạn của Loic Hennekinne. Cũng trong năm đó (có lẽ năm 1992) tôi có dịp sang Tokyo theo lời mời của Hội nhà báo Nhật (cùng đi có chị Phương Minh, tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam). Hay tin tôi sang, Loic Hennekinne đến tận khách sạn đón tôi về tòa đại sứ dùng cơm tối. Đầu tháng 4-2002 tôi có dịp sang châu Âu thăm con và ghé lại Pháp thăm Loic. Lúc này Loic Hennekinne đang là tổng thư ký tại Bộ Ngoại giao Pháp - Nhân vật thứ hai ở điện Quai D'Orsay. Loic hẹn tôi gặp ông tại bộ Ngoại giao và ăn trưa. Tôi cứ tưởng hẹn nhau tại đó rồi sẽ cùng đi ăn một nơi nào khác ở Paris. Thật bất ngờ Loic đã tiếp tôi ngay tại phòng đãi khách của Bộ trưởng. Buổi ăn trưa tại Quai D'Orsay chỉ có hai người, Loic và tôi. Tôi không thể không xúc động về tình cảm bạn bè đặc biệt mà Loic Hennekinne đã dành cho tôi.
... Trở lại sự tố cáo của ông Thiệu về thành phần thứ ba mà ông cho rằng do đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon “nặn” lên, tôi liền phản công và lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền công khai cho thành phần thứ ba. Tôi bàn với nghị sĩ Vũ Văn Mẫu để xin phép chùa ấn Quang cho Lực lượng Hòa giải Dân tộc đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về Hiệp định Paris tại chùa. Sau đó tôi liên lạc với các nhà báo nước ngoài thuộc loại tin cậy, trong đó có truyền hình CBS, mời họ chứng kiến cuộc hội thảo. Tôi không mời báo chí trong nước vì mỗi ngày số phóng viên “dởm” là nhân viên tình báo trá hình càng trà trộn rất nhiều vào hàng ngũ nhà báo thật. Cuộc hội thảo sẽ bị lộ và cảnh sát sẽ ra tay phá ngay.
Trong khi chuẩn bị cuộc hội thảo, tôi có tiếp xúc với “Tổ Chức Đòi Thi Hành Hiệp Định Paris do luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu và mới anh tham dự để tăng khí thế. Những người chính yếu trong tổ chức ngoài luật sư Liễng có các anh Triệu Quốc Mạnh, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, anh Thế Nguyên (tạp chí Trình Bày...) linh mục Lan đặt điều kiện: để tham dự cuộc hội thảo anh phải được xem trước bài thuyết trình của tôi. Tôi đồng ý và trao cho linh mục bản thuyết trình với ý kiến: Tôi phải sửa lại đoạn nói về “chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Theo ông đây không phải là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, người Việt giết người Việt, mà là cuộc chiến giữa một bên là người Việt yêu nước và một bên là người Mỹ xâm lược cùng những người Việt Nam theo họ. Cha Lan nói với tôi Tổ Chức Dòi Thi hành Hiệp định Paris chỉ dự buổi hội thảo nếu tôi đồng ý sửa lại ý này. Tôi chẳng những chấp nhận sửa lại mà từ đó lấy quan điểm này làm quan điểm của chính mình.
Buổi thuyết trình tại chùa ấn Quang diễn tiến đúng như dự kiến. Sau buổi thuyết trình, linh mục Lan mời tôi đi ăn phở Tương Lai trên đường Nguyễn Tri Phương, cách chùa Ấn Quang không xa. Cùng đi ăn phở còn có, dân biểu Kiều Mộng Thu. Bình thường đi đâu tôi cũng bị bốn anh cảnh sát chìm trang bị máy bộ đàm đi theo. Chị Thu cũng có bốn anh theo dõi và cha Lan cũng thế. Do đó khi ba chúng tôi cùng nhau đi ăn phở, phía sau chúng tôi có cái đuôi khá dài: 12 chiếc xe máy của cảnh sát chìm rú lên inh ỏi! Cảnh tượng cũng vui mắt nhưng điều áy náy là mình ngồi ăn trong khi mấy anh cảnh sát vẫn phải đứng xa canh chừng. Có hôm ở nhà, từ tầng hai, vợ tôi nhìn qua bên kia đường Nguyễn Tri phương thấy bốn anh cảnh sát ngồi canh tôi giữa cái nắng chang chang, động lòng vợ tôi cho chị giúp việc mang nước mang ly sang mời các anh giải khát. Nhưng các anh cảnh sát dứt khoát từ chối, có anh còn hăm dọa ngược lại: “Chị định đùa với bọn tôi à? Mang nước về nhà ngay”. Lúc đầu Tổng nha cảnh sát chỉ cử hai cảnh sát đi trên hai xe gắn máy theo dõi tôi. Tôi đi đâu họ đi đó. Họ có trách nhiệm báo cáo trong ngày tôi đi đâu gặp ai và nếu phát hiện tôi sắp tổ chức họp báo hay xuống đường thì họ gọi ngay về Tổng nha kịp thời đối phó.Biết rõ như thế nên khi sắp sửa có một hoạt động chống chính quyền, trước tiên tôi phải “cắt đuôi”. Cách làm khá đơn giản: tôi bảo tài xế lái ô tô đến chợ Bến Thành, cho xe đậu lại, thí dụ ở cửa Tây, tôi đi vào lòng vòng trong chợ một lúc rồi đi ra cửa... Bắc lên xe tại đến chỗ hẹn. Các anh “bạn dân” chờ mút mùa không thấy tôi ra mặc dù chiếc ô tô của tôi vẫn nằm yên ở chỗ cũ!
Sau vài lần bị lừa, Tổng nha bố trí bốn cảnh sát theo tôi trên hai xe. Khi tôi bước ra khỏi ô tô đi bộ, thì một anh cảnh sát cũng nhảy xuống đi bộ theo. Tôi vào chợ, anh ta cũng vào chợ. Với thời gian, dần dần việc canh giữ bớt căng thẳng. Cảnh sát theo dõi tôi tìm cách làm quen với hai anh cảnh sát cũng được Tổng nha đặc cách đi bảo vệ cho tôi. Hai anh cảnh sát cận vệ của tôi thuộc một bộ phận khác: Phòng bảo vệ yếu nhân. Một hôm anh Trường, cảnh sát cận vệ, nói với tôi “Thưa ông, mấy đứa theo dõi ông đến yêu cầu em nếu hôm nào ông không có đi đâu cho tụi nó biết để tụi nó chuồn về nghỉ sớm. Theo ông từ sáng sớm đến khuya, tụi nó than chịu không xiết”. Thế là từ hôm đó giữa hai anh cận vệ của tôi và những cảnh sát được giao nhiệm vụ theo dõi tôi có một quan hệ... thân thiện và hợp tác. Hôm nào tôi làm việc tại nhà, không đi đâu, tôi nói anh Trường ra bảo họ về nghỉ sớm, trong báo cáo cứ viết: Hôm nay ông Chung ở nhà suốt ngày. Những hôm tôi đánh quần vợt trong Xẹc Tây cả ngày tôi cũng cho cận vệ báo với họ để họ yên tâm đi... chơi hoặc về với vợ. Kể khi thỉnh thoảng đi nhảy ở vũ trường để bớt căng thẳng, tôi cũng báo cho họ về sớm. Những lần không báo, đi khiêu vũ ra gặp họ vẫn... đứng chờ tôi thấy bứt rứt làm sao. Canh mình đi họp hay một cuộc tiếp xúc với ai đó không nói làm gì, đàng này canh mình đi... nhảy đầm thì... !
Nhưng khi tôi chẳng nói gì thì họ cũng đoán biết hôm nay không phải là một ngày... yên lành cho họ. Cuộc đấu trí thường không nghiêng phần thắng về phía họ. Thí dụ tôi muốn thoát khỏi sự canh giữ của họ, tôi chỉ cần vào Xẹc Tây... đánh quần vợt, nhưng vào lúc nào đó tôi chui hàng rào ra ngoài, khi thì qua bên sân Tao Đàn, khi thì trổ ra đường Huyền Trân Công Chúa. Mỗi lần sự canh giữ thất bại, hôm sau báo đăng ảnh tôi xuất hiện trong cuộc xuống đường hay cuộc họp báo nào đó, dĩ nhiên họ bị “cạo” sát ván, có khi còn bị đổi... Gặp lại hai cận vệ của tôi, họ chỉ còn biết than “Ông thầy của mấy anh chơi tụi này một cú ẹo xương sống”. Nhưng hai cận vệ của tôi cũng cho họ biết rằng các anh cũng mù tịt tôi đã đi đâu và làm gì (thường khi hoạt động chống chính quyền tôi luôn để hai anh cận vệ ở lại nhà). Vào tháng 4-1975, khi thời tiết chính trị hoàn toàn đổi khác, các cảnh sát theo dõi tôi cũng, “ngửi” thấy gió sắp sửa thay chiều, họ không ngại ngùng đề nghị với hai cận vệ của tôi:
“Mấy anh làm ơn nói giùm ông thầy các anh khi ổng lên làm bộ trưởng ổng nhận tụi này đi theo bảo vệ cho ổng. Dù sao tụi này cũng quen công việc... đi theo ổng rồi”. Thật ra tôi cũng có ý định dùng họ nhưng rất tiếc thời gian tôi làm tổng trưởng thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh chỉ kéo dài trong... 48 tiếng đồng hồ!
... Sau cuộc thuyết trình về thành phần thứ ba khá suôn sẻ tại chùa Ấn Quang, một cuộc hội thảo khác cũng được tổ chức tại đây suýt nữa gây tai họa cho tôi và nhiều người khác trong Lực lượng Hòa giải Dân tộc. Cuộc hội thảo này do các vị lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang chủ trì nhằm ủng hộ Hiệp định Paris đồng thời kêu gọi tổng thống Thiệu từ chức. Rất có thể do cuộc hội thảo trước về thành phần thứ ba không kịp ngăn chặn nên cuộc hội thảo này ngay từ đầu đã được cảnh sát rằn ri dàn quân rất kỹ. Chúng cô lập cả khu vực, nhưng không hoàn toàn ngăn chặn những người tham dự cuộc hội thảo vào chùa nếu có giấy mời. Khi mới đến chùa tôi đã đoán trước thế nào chúng cũng mở cuộc tấn công vào bất cứ lúc nào. Mọi người cũng biết như thế, nhưng không ai lo sợ và quay bước trở ra. Hơn phân nửa những người dự cuộc hội thảo là phụ nữ, trong đó có nhiều bà cụ tuổi trên 60!
Khi khách mời vào hết và thượng tọa Viện trưởng Thích Thiện Hoa phát biểu khai mạc thì cổng chùa cũng bị cảnh sát dã chiến bế chặt. Ngoại bất nhập, nội bất xuất. Đến khi thấy Viện trưởng Thích Thiện Hoa vừa nói xong lời khai mạc thì lệnh tấn công từ ngoài được phát động. Hàng trăm phi tiễn hơi cay, lựu đạn gây ói được bắn như mưa vào chùa. Cảnh hỗn loạn xảy ra. Những ai muốn rời khỏi chùa không tìm được ngõ thoát. Cửa chính bị cảnh sát dã chiến án ngữ và chính từ cổng ra vào duy nhứt này, họ đã nã phi tiễn vào chùa. Khói mịt mù, mắt mọi người sưng húp, không còn oxy để thở. Có nhiều phụ nữ lớn tuổi ngất xỉu. Hàng trăm con người không biết thoát thân ngả nào, xô đẩy nhau chạy xà quần như bầy chuột kẹt trong rọ. Tôi cũng bị đám đông từ phía sau lấn tới. Mọi người tìm cách lên tầng một của chùa để vào phòng có máy điều hòa của thầy Thiện Hoa... lánh nạn. Trên tầng một, chùa đang sửa chữa, bao lơn trước phòng thầy Thiện Hoa chưa xây xong, không có lan can. Khi đám đông đẩy tôi lên tận trên đó, tôi không có cách nào lùi lại, cuối cùng bị hất từ tầng một xuống sân chùa. Tôi chuẩn bị cú... rơi tự do ấy như một vận động viên nhảy dù tập tiếp cận với đất từ trên cao, hai chân nhún xuống khi vừa chạm đất. Dù thế, sức chấn động cũng làm hai chân tôi tê dại, lưng cụp lại tưởng như gãy làm đôi. Tôi ngồi bẹp dưới sân khoảng năm phút mới cố gắng đứng dậy. Phải cố gắng đứng dậy và bằng mọi giá thoát ra khỏi chùa, tôi không còn sức chịu đựng lâu hơn nữa khói cay, hơi ngạt và loại lựu đạn gây ói mửa. Tôi thử đi ra hướng sau chùa, tấm vách tường ngăn cách chùa với khu xóm lao động cao không gần ba mét. Bên trên lại có những cây sắt nhọn chĩa lên. Lúc đó tôi không biết mình lấy sức lực ở đâu mà có thể nhảy lên dùng hai tay chụp lấy hai cây sắt trên đầu tường rồi đu lên và nhảy xuống sân của một nhà bên cạnh chùa. Khi nhảy xuống, tôi quên hẳn chân mình đã bị chấn thương lúc rơi từ tầng một của chùa xuống đất. Hầu như tôi không thể di chuyển được nữa, còn mắt thì quá cay không còn thấy gì. Thật may có một phụ nữ bước ra dìu tôi vào nhà và cho tôi một khăn ướt để lau mắt. Cùng lúc có một anh thương binh xuất hiện với hai cây nạng gỗ. Anh chia cho tôi... một cây, nhờ thế tôi cà nhắc ra khỏi khu Ấn Quang, đón taxi về nhà. Vào thời điểm này, phần đông thương phế binh ở Sài Gòn đều bất mãn và chống Thiệu. Sự nổi loạn của những người từng cầm súng luôn là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của một chế độ!
Ngày hôm sau Hạ viện họp phiên khoáng đại. Có tin các dân biểu đối lập lại tổ chức biểu tình nên cả khu trung tâm thành phố bị cô lập. Chiếc ô tô chở tôi đi họp bị chận lại trên đường Tự Do, ở ngã tư Lê Thánh Tôn. Tôi không thèm đôi co với toán cảnh sát chốt ở ngã tư này, tôi bước xuống xe với hai cây nạng kẹp hai bên người (vợ tôi đã mua cho tôi cặp nạng này), đi bộ đến Hạ viện. Đây cũng là một cách tố giác cảnh sát Thiệu đàn áp cuộc hội thảo hôm qua tại chùa Ấn Quang. Dĩ nhiên truyền hình nước ngoài đã không bỏ lỡ dịp ghi hình một dân biểu đi họp với hai cây nạng...
Từ khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi trở lại dự các phiên họp của Hạ viện. Nhiều người ở Sài Gòn biết được một phần nội dung của tối hậu thư do tổng thống Nixon đưa ra buộc tổng thống Thiệu ký Hiệp định Paris. Sự rò rỉ của nội dung này càng làm cho cái thế của tổng thống Thiệu suy yếu. Trong quyển sách của Larry Berman có thuật lại rằng, Nixon đã nói với Thiệu: “Ngài phải quyết định ngay nếu ngài muốn duy trì sự liên minh của chúng ta, hoặc là ngài muốn tôi tìm kiếm một cuộc dàn xếp với kẻ thù để phục vụ riêng lẻ quyền lợi của nước Mỹ...”. Ông Thiệu và người anh em bà con “cứng đầu” của mình là Hoàng Đức Nhã đành bó tay. Sau này, nới về giai đoạn ông Thiệu bị buộc ký Hiệp định Paris, Hoàng Đức Nhã mô tả tình cảnh của ông Thiệu và chính đương sự như “mấy con ếch nằm dưới đáy giếng tối đen”. Sài Gòn chẳng hiểu gì các ý định và toan tính của Henry Kissinger (theo nhà báo Larry Berman trong “No Peace No Honor”). Nhà báo Stanley Karnow, đặc phái viên của tờ New Republic tại Paris, đã điện về tòa soạn của mình nhận định rằng Hiệp định Paris “có thể chỉ là một thời kỳ tạm dừng trước khi cuộc chiến Đông Dương thứ ba bắt đầu”. Thực tế sẽ không có cuộc chiến Đông Dương thứ ba nào cả nhưng Hiệp định Paris là cái mốc đánh dấu sự bắt đầu sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.


CHƯƠNG 18: ĐI TÌM MỘT CHÂN TRỜI MỚI


Người trí thức không còn là mình và đánh mất sự hiện diện của mình trong xã hội sẽ trở nên vô nghĩa và thậm chí đáng bị lên án nếu sự có mặt của mình chỉ để chấp nhận những gì đã có sẵn và thụ động trước một trật tự đã được thiết lập. Người trí thức phải biết và dám thúc đẩy sự thay đổi tiến lên trong lãnh vực mình hoạt động, và xa hơn nữa tự trao cho mình sứ mạng và trách nhiệm với lời giải đáp cho các bế tắc xã hội. Sự tìm kiếm đó có thể thành công hay thất bại, nhưng cái chính là sự dấn thân. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi nghe cha tôi kể chuyện ông từng đi nghe nhà báo Nguyễn An Ninh diễn thuyết hô hào lòng yêu nước, chống Tây, chống chính quyền tay sai - không hiểu sao thắng bé 10-12 tuổi ở tôi lúc đó rất hào hứng và ngưỡng mộ. Dù rằng ở tuổi đó tôi không thể nào hiểu nổi thế nào là thái độ dấn thân của một trí thức bất kể sự dấn thân đó sẽ dẫn tới nhà tù Côn Đảo và bỏ xác ngoài đó.
… Ý thức rằng chính quyền của ông Thiệu là một cản trở cho hòa bình và thống nhất đất nước mặc dù Hiệp định Paris đã được ký hàng loạt hoạt động ủng hộ Hiệp định, tấn công nhằm lật đổ tổng thống Thiệu được các thành phần đối lập đồng loạt tiến hành. Lực lượng Hòa giải Dân tộc cùng một số nhân vật chống Thiệu tổ chức một chuyến đi miền Trung, đến Huế, Đà Nẵng... vận động quần chúng gây áp lực chính quyền thi hành Hiệp định Paris. Người tổ chức chuyến đi Huế là giáo sư Bùi Tường Huân, đang dạy tại Đại học Huế, còn người tổ chức cuộc thuyết trình cho anh em tại Đà Nẵng là dân biểu Phan Xuân Huy.
Cuộc đi ra miền Trung đột ngột khiến chính quyền Thiệu không kịp trở tay. Nhưng Huế là đất của Phật giáo, cho dù chính quyền địa phương có nhận lệnh của Sài Gòn đàn áp đoàn người chúng tôi, họ cũng không dám làm thẳng tay. Bởi các buổi thuyết trình của Lực lượng HGDT đều tổ chức trong khuôn viên chùa. Tấn công vào khuôn viên chùa có nguy cơ bị quần chúng tố cáo đàn áp Phật giáo. Tại Huế, cuộc thuyết trình được tổ chức ở sân sau chùa Từ Đàm vào lúc trời sụp tối. Máy phóng thanh đặt ở sân chùa, hướng qua bên kia sông An Cựu, để người dân nào sợ sự theo dõi của cảnh sát chìm vẫn có thể nghe mà không cần vào chùa. Sân chùa tắt hết đèn, chỉ có một đèn chụp nhỏ đặt trên bàn dành cho người thuyết trình đọc tài liệu của mình. Cuộc thuyết trình diễn ra trong cảnh tối đen như thế! Theo trí nhớ của tôi, những người thực hiện phần thuyết trình gồm anh Hồ Ngọc Nhuận, linh mục Nguyễn Ngọc Lan và tôi. Sự hưởng ứng của dân Huế rất tích cực. Trước đó vào buổi sáng, anh Nhuận và chị Kiều Mộng Thu tổ chức báo nói tại chợ Đông Ba. Hình thức này quá mới lạ đối với cảnh sát địa phương, họ chỉ can thiệp khi ‘‘buổi phát thanh’‘ của anh Nhuận kết thúc. Họ cô lập các anh chị ngay chợ Đông Ba, lập xong biên bản vi phạm mới cho ô tô đi. Dĩ nhiên kể từ lúc đó chiếc ô tô chúng tôi sử dụng luôn bị cảnh sát bám theo. Đêm, chúng tôi theo giáo sư Bùi Tường Huân vào trường đại học nghỉ.
Đến Đà Nẵng cũng thế, buổi thuyết trình được tổ chức trong sân chùa Tỉnh Hội và diễn tiến trong bóng đêm. Chỉ có một cây đèn chụp đặt trên bàn của ban chủ tọa và thuyết trình viên. Có lẽ không có một nơi nào trên thế giới, diễn thuyết chính trị lại được tổ chức trong bóng tối hoàn toàn như thế. Đây là sáng kiến độc đáo của Phật tử đấu tranh và các nhà chùa miền Trung.
Sau các buổi nói chuyện ở Huế và Đà Nẵng, riêng tôi, sáng hôm sau được anh em địa phương đưa vào Quảng Ngãi tổ chức thêm một cuộc thuyết trình tại đây, cũng tại một ngôi chùa. Cuộc thuyết trình diễn ra lúc 14 giờ, kết thúc vào lúc 16 giờ. Khi mới đến tôi được cho biết sẽ ở lại đêm như chương trình dự kiến của ban tổ chức. Nhưng khi kết thúc cuộc thuyết trình tôi thấy không khí xung quanh chùa rất căng thẳng, cảnh sát chìm lượn qua lượn lại như đang chuẩn bị một âm mưu gì. Nếu tôi ở lại đêm, chắc chắn sẽ có chuyện không lành. Tôi hỏi người bạn từ Đà Nẵng vào cùng tôi: “Giờ này còn xe trở ra Đà Nẵng không?”. Người bạn trả lời: “Còn chuyến cuối cùng”. Tôi chỉ kịp chào thầy trụ trì chùa, rồi tức tốc ra đón xe về Đà Nẵng. Chiếc xe khách nghẹt người, không còn một chỗ trống nào. Tôi chỉ có một cách duy nhất: đeo bám toòng teng ở cửa sau, như một anh lơ xe. Sau này tôi được biết, đúng như tôi dự đoán, an ninh địa phương đã có kế hoạch tối đó tấn công vào chỗ tôi nếu tôi ở lại đêm tại Quảng Ngãi.
… Sau khi tổng thống Thiệu và Hoàng Đức Nhã chịu tay trước Nixon và Kissinger đặt bút ký Hiệp định Paris thì các lực lượng chống Thiệu cũng nổi lên đồng loạt. Trước khi ký Hiệp định, Kissinger thuyết phục Thiệu bằng cách bảo rằng chắc chắn Nixon sẽ được tái cử và nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định thì “chúng tôi sẽ mở một cuộc hành quân ra miền Bắc”. Thiệu hỏi lại “Tấn công ở đâu?”. Kissinger trả lời: “Từ trên không hoặc tấn công qua vĩ tuyến 17”. Thật sự đó chỉ là một lời hứa cuội. Hơn ai hết, Thiệu hiểu điều đó. Không ai có thể dự đoán rằng khi năm người xâm nhập vào tổng hành dinh của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ tại cao ốc Watergate ở Washington (bị bắt ngày 17-6-1972) sự kiện này lại dẫn tới sự từ chức của tổng thống Nixon ngày 9-8-1974. Sau vụ Watergate, Nixon như con hổ bị rứt hết móng. Ông ta lo cho thân mình không xong nói chi chuyện bao biện cho ông Thiệu và chính quyền Sài Gòn. Có dư luận cho rằng Watergate đã làm cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam sau Hiệp định Paris suy sụp. Nhưng một lập luận khác về sự sụp đổ của chính quyền Thiệu, theo tôi, đã bóc trần vấn đề, do nhà báo Stanley Karnow đưa ra trong quyển VietnamA History: Người ta cho rằng vụ xì-can-đan Watergate hại uy tín của Nixon, làm cho ngành hành pháp yếu đi, nhân dân Mỹ càng ác cảm với vấn đề Việt Nam khiến cho chính phủ Mỹ không thể giữ lời hứa để ra tay cứu chính quyền Thiệu. Nhưng cái chính là Thiệu và chính quyền của ông ta vừa không có năng lực lại tham nhũng, không thể đối phó các cuộc tấn công, nhất là khi không còn người Mỹ.
Ông Thiệu hoàn toàn mất tinh thần khi hay tin ngày 9-8-1974 Nixon từ chức và phó tổng thống Gerald Ford thay thế. Chỗ dựa quan trọng nhất của Thiệu không còn nữa. Trước khi từ chức, Nixon đã có một quyết định cuối cùng nhằm hỗ trợ ông Thiệu bằng cách ký một dự luật viện trợ quân sự cho miền Nam tối đa là một tỷ đô la trong vòng 11 tháng tới. Nhưng chỉ ít ngày sau khi Nixon rời Nhà Trắng, Hạ viện Mỹ biểu quyết một con số thấp hơn rất nhiều: 700 triệu đô la. Tuy tổng thống Ford gửi một thư riêng cho ông Thiệu xác nhận “sự yểm trợ của chúng tôi sẽ thích ứng”, nhưng một bản nghiên cứu của Lầu Năm Góc sau này tiết lộ chỉ có 215 của 700 triệu đô la đến tay chính phủ Thiệu, số còn lại dưới hình thức trang bị quân sự chờ xuống tàu hoặc vì lý do nào đó chẳng bao giờ đến tay chính quyền Sài Gòn. Nhà báo Stanley Karnow đã miêu tả tình hình miền Nam vào mùa hè 1974 như sau: do sự suy sụp của kinh tế, tinh thần quân đội cũng bị xói mòn. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào mùa thu 1974 bởi phái bộ Mỹ tại Sài Gòn phát hiện 90% người lính VNCH không nhận đủ tiền lương và các trợ cấp để nuôi gia đình. Tình hình lạm phát chỉ là một nguyên nhân. Tham nhũng vượt mọi giới hạn, các chỉ huy quân sự ăn xén tiền lương của lính và ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp. Sĩ quan hậu cần đòi phải có tiền đút lót mới cấp gạo và các thứ tiếp tế khác cho các đơn vị quân đội, thậm chí đòi được đút lót tiền mặt để cung cấp đạn dược, xăng dầu và các thứ cần thiết khác cho lính chiến đấu. Sĩ quan quân đội thường ép dân làng đóng góp tiền cho chúng và không từ chối “làm ăn” bí mật với cộng sản. Bản điều tra của phái bộ Mỹ cho rằng tình hình tệ hại này có thể ngưng lại “nếu quân đội Sài Gon được coi là một sức mạnh có thể đứng vững”. Đại sứ Martin bác bỏ sự báo động này bằng cách đưa ra một hình ảnh biện hộ tệ hại như sau: “Một chút tham nhũng như đổ dầu vào máy móc”. Vợ ông Thiệu và các bà vợ của bạn bè thân gia đình ông Thiệu, bất kể nguy cơ đang chực chờ vẫn làm giàu trong các hoạt động bất động sản và các loại kinh doanh bất hợp pháp khác, tạo thành gương xấu cho cả guồng máy chính quyền. Nhà báo Stanley Karnow kết luận thực trạng đó bằng một câu ngạn ngữ Việt Nam: “Nhà dột từ nóc”.
Sau khi cái “nóc” che chắn cho chế độ Thiệu bị sập ngày 9-8-1974 (Nixon từ chức) và trước các áp lực chống đối càng lúc càng mạnh mẽ tại miền Nam, tổng thống Thiệu nêu một thách thức trước dư luận trong một buổi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình: ông đặt vấn đề “những ai muốn tôi từ chức thì cứ lên tiếng”. Thật khó biết thâm ý của ông Thiệu là gì? Ông quá tự tin sự vững vàng trong cương vị của mình hay đây là một thăm dò để chuẩn bị sự rút lui? Theo tôi giả thuyết thứ hai có lý hơn bởi lúc này thế lực của ông Thiệu suy yếu rõ rệt.
Giới đối lập đáp lại sự thách thức của ông Thiệu qua một số bài báo và các phát biểu từ diễn đàn quốc hội. Nhiều tiếng nói của nhiều giới vang lên đòi tổng thống Thiệu từ chức. Một số nhân sĩ, trí thức, đại biểu dân cử... cũng có một bản “kiến nghị” đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức. Cuộc họp báo công bố kiến nghị này được tổ chức tại nhà tôi. Tôi trình bày với báo chí Việt ngữ, còn kỹ sư Châu Tâm Luân giới thiệu với báo chí Mỹ. Hình như có dân biểu Nguyễn Hữu Chung và luật sư Trần Ngọc Liễng cùng dự. Về bản kiến nghị này tôi còn nhớ một chuyện bên lề liên quan tới anh Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt. Anh Thành trong những ngày này thường lui tới nhà tôi và được tôi cho xem bản kiến nghị trước khi công bố với báo chí. Lúc đầu trong số những người ký tên dưới bản kiến nghị có sinh viên Nguyễn Hữu Thái đang trốn ở tầng ba nhà tôi. Anh Thành góp ý với tôi nên để tên của anh Thái ra ngoài. Anh Thái chẳng có lợi gì khi có tên trong bản kiến nghị, ngược lại việc này tạo ra cái có cho cảnh sát của Thiệu có lý do tấn công vào nhà tôi để tìm bắt anh Thái. Anh Huỳnh Bá Thành nói “Cần bảo vệ địa chỉ nhà ông an toàn. Đáng lý phải đời chỗ ẩn núp của Nguyễn Hữu Thái qua nơi khác”. Anh Huỳnh Bá Thành còn có một góp ý khác với tôi: “Ông nên cố gắng thu lượm chữ ký của nhiều người bình thường như công chức, nhà giáo hay quân nhân. Những người bình thường này mà dám đòi ông Thiệu từ chức thì mới gây một ảnh hưởng lớn trong dư luận. Còn những tên tuổi chống Thiệu quá quen thuộc như ông, Kiều Mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, Hồ Nhuận, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Vũ Văn Mẫu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan v.v... thì được coi là đương nhiên, không còn gây tác động lớn trong dư luận”.
Chính từ những ý kiến như thế này của anh Huỳnh Bá Thành, tôi có những căn cứ đầu tiên để nghi ngờ anh là người của MTDTGPMN. Gợi ý của anh không đứng trên cương vị của những người hoạt động chính trị bình thường ở Sài Gòn.
Đúng là phản ứng của các giới chống đối chế độ như chúng tôi từng được nhiều người biết đến chỉ có một tác động hạn chế. Chính khi các quân nhân, những người từng chiến đấu bảo vệ chế độ và những công chức bình thướng dám đứng ra đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức thì mới gây sốc lớn và hậu quả là không đo lường được.
Đầu tiên là trung sĩ thông dịch viên Đào Vũ Đạt. Một hôm đầu tháng 11-1974, một nghị viên Hội đồng Đô thành thuộc lớp trẻ đến gặp tôi tại nhà. Anh cho tôi biết anh có một người thân là trung sĩ quân đội, sẵn sàng lên tiếng yêu cầu tổng thống Thiệu từ chức. Anh nghĩ rằng tôi là người có thể giúp cho trung sĩ này đạt mục đích của mình. Đây là một sự kiện chưa bao giờ có trước đây. Tôi thấy trước sẽ là một đòn chính trị rất nặng đối với chế độ Thiệu.
Nhưng lúc đầu tôi e ngại đây là một cái bẫy của phe chính quyền giăng ra để đẩy tôi vào thế kẹt. Tôi không quen thân anh nghị viên Hội đồng Đô thành. Anh lại là người Bắc mà lúc đó phần đông người làm chính trị gốc Bắc di cư đều chống cộng và thân chính quyền. Tuy nhiên trường hợp đưa đến quá đặc biệt, không thể bỏ qua mà không xem xét cụ thể thế nào. Tôi đề nghị đưa người trung sĩ có tên Đào Vũ Đạt đến để tôi gặp trực tiếp rồi mới quyết định được.
Trung sĩ Đạt cao khoảng 1,75 m, chừng 27-28, đẹp trai và thông minh. Anh rất bình tĩnh, nói rõ ý đồ của mình: “Tôi muốn đấu tranh cho hòa bình đất nước. Tổng thống Thiệu với chính sách hiếu chiến là một cản trở để đi đến hòa bình…” Cuộc trao đổi ngắn đủ làm tôi tin ý đồ của anh Đạt. Lúc đầu anh Đạt và anh nghị viện Hội đồng Đô thành đề nghị tôi thảo bản kiến nghị gửi tổng thống Thiệu rồi anh Đạt sẽ ký. Nhưng tôi từ chối. Lý do: Nếu Đạt “phản phé” vì một lý do nào đó, đương sự không thể tố giác tôi là người chủ mưu, là người đã thảo bản kiến nghị. Hơn nữa để cho anh thảo kiến nghị cũng là một cách hiểu thêm phần nào động cơ thật sự hành động của anh.
Bản kiến nghị do anh Đạt thảo được tôi điều chỉnh một vài chi tiết để làm rõ hơn mục tiêu đấu tranh của anh. Kịch bản anh xuất hiện trước báo chí nước ngoài tại trụ sở Hạ viện được tôi chuẩn bị riêng với anh, không có người thứ ba nào biết. Tài liệu phát cho báo chí bản kiến nghị là được quay roneo do tôi đích thân mang ra Hạ viện, phòng trường hợp anh Đạt trên đường di chuyển bị cảnh sát chặn lại lúc soát. Tôi chuẩn bị cho anh Đạt một một tấm carton (giấy cứng) gấp lại làm hai như một bìa tập đựng hồ sơ, bên trong có hàng chữ to: “Tôi - trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Thiệu”, khi đứng trước giới báo chí anh sẽ lật ngược tấm carton để lộ ra hàng chữ này.
Tôi đến Hạ viện trên ô tô riêng, còn anh Đạt đi taxi xuống xe ở đường Nguyễn Huệ rồi từ đó đi bộ lại trụ sở Hạ viện. Ngày hôm trước tôi đã cho một số đặc phái viên báo nước ngoài đáng tin cậy và truyền hình CBS hay tin sẽ có một sự kiện đặc biệt xảy ra tại Hạ viện. Tôi dặn họ từ 8 giờ sáng chờ sẵn bên salon-café Caravelle, từ đây họ có thể nhìn sang tiền đình Hạ Viện. Họ phải theo dõi để khi nào tôi đứng trên bậc thềm Hạ viện đưa tay lên ra hiệu thì họ kéo qua ngay.
Đúng giờ hẹn anh Đạt xuất hiện ở góc đường Nguyễn Huệ như dự kiến, chậm rãi bước qua công viên có bức tượng khổng lồ hai lính Thủy quân lúc chiến chĩa súng vào Hạ viện. Cảnh sát rằn ri chỉ được bố trí sát hàng rào trước cổng Hạ viện. Cùng đứng với tôi chờ anh Đạt trên thềm Hạ viện có dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Khi anh Đạt từ bên công viên bước xuống lề đường, băng qua đường Tự Do, tôi liền ra cổng Hạ viện đón anh như đón một người khách bình thường của mình. Cảnh sát rằn ri không gây trở ngại nào vì họ không làm sao đoán trước chuyện sẽ xảy ra. Bước lên hết các bậc thềm trước cửa chính của Hạ viện, tôi bảo anh Đạt dừng lại. Tôi đưa tay lên hướng về phía salon-café Caravelle ra hiệu cho báo chí nước ngoài. Tức khắc họ tràn sang. Anh Đạt đứng giữa, anh Chung Nguyễn đứng một bên và tôi đứng một bên. Tôi nói với báo chí: “Sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài truyền hình rằng những ai muốn ông từ chức cứ lên tiếng, thì hôm nay trung sĩ Đào Vũ Đạt, thông dịch viên quân đội, ra trước Hạ viện phát biểu nguyện vọng của mình. Tôi xin nhấn mạnh anh Đạt là người sức khỏe hoàn toàn bình thường; anh không hề bị ai ép buộc khi ra đây. Anh sẽ trình bày với báo chí và trực tiếp trả lời các câu hỏi”. Đúng lúc đó trung sĩ Đạt bật ngược tấm carton ra và đặt trước ngực anh: “Tôi trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”. Sau khi trình bày gọn gàng bằng tiếng Việt, trung sĩ Đạt nói trực tiếp tiếng Mỹ với báo chí nước ngoài.
Đến lúc này cảnh sát canh chừng khu vực Hạ nghị viện mới rõ chuyện gì xảy ra. Không đầy 10 phút sau, tiếng còi của các xe cảnh sát đến tiếp viện vang lên inh ỏi, nhưng họ chưa được lệnh xâm nhập vào bên trong. Chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên lầu một Hạ viện và và “tạm trú” trong văn phòng của chủ tịch Hạ viện. Chúng tôi không biết phải đối phó với áp lực cảnh sát bên ngoài như thế nào. Một đại tá quân cảnh vào gặp chủ tịch Hạ viện đòi giao nộp trung sĩ Đạt cho họ. Chúng tôi nhất định từ chối. Nhưng chẳng lẽ cứ giữ anh Đạt trong phòng chủ tịch? Lúc ấy có ai đó trong phe dân biểu thân tướng Nguyễn Cao Kỳ nêu lên ý kiến: hãy đưa trung sĩ Đạt vào trại Phi Long ở Tân Sơn Nhất thuộc lãnh địa của tay chân của ông Kỳ. Nghe có lý, vả lại cũng không còn giải pháp nào khác, chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên ô tô ở cổng sau Hạ viện và cho xe chạy ào ra đường Hai Bà Trưng trực chỉ Tân Sơn Nhất. Xe cảnh sát và quân đội hàng chục chiếc ào áo rượt theo, còi khẩn cấp rú lên inh tai.
Đến đường Ngô Đình Khôi (bây giờ là Pasteur), các xe cảnh sát và quân đội vẫn theo sau bởi chưa biết chiếc xe trở trung sĩ Đạt định đưa anh đi đâu. Nhưng khi xe hướng đến cổng Phi Long Tân Sơn Nhất thì họ trở nên hết sức quyết liệt, cho xe ép thẳng thừng xe của Hạ viện vào sát lề, sẵn sàng gây tai nạn nếu xe chở trung sĩ Đạt không chịu dừng lại. Lúc đó xe trở anh Đạt đã đến sát cổng, chỉ thêm 50 m thì lọt vào bên trong. Thế là toan tính đưa trung sĩ Đạt vào…lánh nạn trong trại Phi Long coi như thất bại. Quân cảnh lôi trung sĩ Đạt ra khỏi xe và đẩy anh lên xe của họ rồi rú còi chạy mất hút trước sự bất lực của chúng tôi.
Sáng hôm sau tôi chờ đợi đọc báo với dự đoán sẽ có sự tố cáo của chính quyền nhắm vào tôi và biết đâu có cả lời… “phản phé” của trung sĩ Đào Vũ Đạt cho rằng anh đã bị tôi xúi giục và lợi dụng... Nhưng không. Chỉ có những dòng tin vắn tắt với một cầu vu vơ “một quân nhân ra trước Hạ viện bày tỏ nguyện vọng…”. Một vài hôm sau tôi được anh Cung Văn đang là phóng viên của Việt Tấn Xã cho biết anh đã có dịp tiếp xúc trực tiếp trung sĩ Đạt tại nơi anh bị giam giữ. Là phóng viên của hãng thông tấn cả nước, anh Cung Văn có giấy phép đặc biệt gặp anh Đạt. Anh nói với tôi: “Anh yên tâm. Trung sĩ Đạt nói anh ấy nhất định không đính chính những gì anh viết và tuyên bố. Đặc biệt dù được gợi ý, gây áp lực anh vẫn không chịu khai ông là người tổ chức và xúi giục”. Sau này thỉnh thoảng nhớ lại sự kiện này, tôi vẫn thắc mắc động cơ nào đã thúc đẩy trung sĩ Đạt dũng cảm hành động như thế? Nhưng rồi tôi lại mỉm cười: thế còn mình thì sao? Động cơ nào thúc đẩy mình hợp tác với trung sĩ Đạt? Xét về hoàn cảnh khác nhau giữa Đạt và tôi, hành động của anh Đạt đáng ca ngợi gấp bội. Với anh Đạt tôi có một điều hối hận: sau 1975 khi anh Đạt đến tìm gặp tôi ở báo Tin Sáng và tỏ ý xin việc làm tại đây, tôi đã không thuyết phục được ban lãnh đạo cho anh vào làm việc. Cái thế của tôi sau 1975 không giúp được anh, dù rằng với những gì anh đã làm trước 1975 rất đáng được đối xử một cách công bằng hơn. Có một chi tiết cần nhắc lại: anh Đạt là một thanh niên thuộc gia đình người Bắc di cư. Nghĩa là không phải tất cả người Bắc di cư đều ủng hộ chính quyền Sài Gòn như ta vẫn nghĩ lúc đó.
Sau trung sĩ Đào Vũ Đạt, có hai quân nhân cũng ra trước Hạ viện đòi tổng thống Thiệu từ chức trong tháng 11-1974. Đó là binh nhì không quân Hồ Vương Tuấn và thiếu tá Nguyễn Văn Thình. Binh nhì Tuấn, cũng như trung sĩ Đạt, giữ vững lập trường của mình từ đầu đến cuối. Chỉ có trường hợp thiếu tá Thình là “phản phé”, sau đó có lời tố cáo ngược lại những dân biểu đã “lợi dụng” ông, đăng trên báo Tiền Tuyến của quân đội Sài Gòn ra ngày l-12-1974, nhắm vào tấn công dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. “Hơn 30 tuổi đầu vẫn ngu xuẩn để cho bọn con buôn chính trị lợi dụng”, và một tựa nhỏ: “Thiếu tá Thình đã cực lực phản đối dân biểu Nhuận lợi dụng sự ngây thơ chân thật của ông vào âm mưu chính trị đen tối”.
Về sự kiện này anh Nhuận có nói thêm rằng việc móc nối và tổ chức cho thiếu tá Thình do nhiều người, dân biểu có, nghị viên có, chứ không chỉ một mình anh: “Có khi anh em móc trước rồi bàn giao cho tôi sau, nhưng tôi không nhớ chính xác gồm có ai…”
Những hình thức chống chế độ Thiệu rất đa dạng. Ngoài xuống đường, làm báo nói, tổ chức người ra trước quốc hội bất tín nhiệm tổng thống Thiệu, tôi và anh Nhuận còn hợp tác làm báo lậu, tức là báo in ra và phát hành chui không có giấy phép. Đó là tờ có tên ‘‘Tin Sáng -Tiếng Nói Dân Tộc”, kết hợp hai tờ báo đều bị chính quyền Thiệu đóng cửa. Tờ báo này do anh Nhuận đảm trách in và phát hành... lậu!
Từ thái độ chính trị ban đầu là đối lập xây dựng, vẫn tự coi mình là một thành phần của chế độ đang cầm quyền tại miền Nam, thái độ chính trị của tôi sau cuộc “độc diễn” của ông Thiệu là dứt khoát bác bỏ chế độ Sài Gòn, mỗi ngày xích lại gần hơn MTDGPMN về lập trường hòa bình. Vào giữa năm 1974 trở về sau, không nói ra công khai nhưng nhiều anh em trong nhóm Dương Văn Minh luôn chờ đợi những tin tức quân sự hàng ngày thuận lợi của MTDTGPMN. Áp lực quân sự từ MTDTGPMN càng mạnh thì tại Sài Gòn chính quyền Thiệu càng suy yếu về chính trị, không đám mạnh tay đàn áp các thành phần chống đối. Tình thế đó tự nhiên đã hình thành một liên minh không chính thức và công khai giữa các lực lượng không cộng sản chống đối Thiệu với MTDTGPMN. Với sự ký kết Hiệp định Paris dần dần thành một thành phần của liên minh này tự định hình là thành phần thứ ba, rồi chọn con đường liên kết, hòa nhập hẳn với MTDTGPM. Lập trường chính trị của nhóm Dương Văn Minh cũng diễn tiến như thế.
Về phần mình, từ năm 1973, tôi dứt khoát đi tìm một chân trời mới. Tôi đã quyết định tách khỏi bến bờ cũ mà tôi mất hết niềm tin cho tương lai của đất nước và cả cho cuộc sống của mình. Nhưng bến bờ mới vẫn còn xa và lạ, chỉ mới là một vừng sáng ửng lên ở cuối chân trời...

 CHƯƠNG 19: MỤC TIÊU SỐ 1: LẬT ĐỔ CÁI CŨ

Vào thời điểm 1973 và sau đó, không riêng ở Sài Gòn mà tại Mỹ, Pháp…, đâu đâu cũng có những cá nhân tự xưng mình thuộc thành phần thứ ba. Theo tiết lộ của nhà báo Mỹ Larry Berman, trong một cuộc phỏng vấn sau 1975 tại Mỹ, ông Hoàng Đức Nhã, cố vấn của tổng thống Thiệu, kể rằng đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie khi tiếp xúc ông Nhã để thuyết phục ông vận động tổng thống Thiệu từ chức - cuối 1974 - cũng đã gợi ý đưa ông Nhã vào danh sách... thành phần thứ ba của chính phủ ba thành phần (trong thành phần thứ ba thì không biết sẽ chọn lựa như thế nào!) nhưng ông Nhã bảo rằng ông chẳng thiết tha gì với đề nghị này. Không rõ chuyện kể của Berman thật hư thế nào. Có lẽ đây chỉ là một đề nghị nhằm hứa hẹn với Nhã một bảo đảm chính trị nào đó khi không còn ông còn ông Thiệu ở bên cạnh, thế thôi!
Nhưng thật khó để tin rằng Hiệp định Paris làm ra sẽ được thực thi. Kinh nghiệm của Hiệp định Genève vẫn còn đó. Hà Nội dư biết Washington nhắm gì ở hiệp định. Mỹ tìm một lý do chính đáng và danh dự để rút quân khỏi cuộc chiến mà họ đang sa lầy. Còn sau đó chuyện gì sẽ xảy ở đất nước đau khổ này là điều không quan trọng, kể cả số phận của những người gọi là đồng minh của họ.
Để thấy rõ hơn tình hình chính trị ở miền Nam một năm sau Hiệp định Paris được ký kết, có thể tham khảo một đoạn bài nói chuyện của ông Dương Văn Minh, nhân kỷ niệm một năm Hiệp định này, được đọc ở buổi họp mặt Tất niên Quý Sửu (ngày 16-1-1974) tại Đinh Hoa Lan như sau:
‘‘Năm ngoái, cũng ngày 24 tháng Chạp âm lịch này, chúng ta đã đón nhận với nhau hi vọng bản Hiệp định Parls như là một căn bản thực tế để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
‘‘…Nhưng trong năm qua, tiếng súng chưa im một ngày nào.
“Và hôm nay trước thềm năm Giáp Dần, thay vì được ăn cái Tết thanh bình đầu tiên sau gần 30 năm khói lửa, nhân dân miền Nam lại phải vừa gánh chịu một cuộc chiến tranh kéo dài, vừa đương đầu với những khó khăn cơ cực do sự suy sụp trầm trọng của nền kinh tế bấy lâu nay chỉ biết bám vào ngoại viện để cung phụng chiến tranh”.
Như thế sau một năm ký kết Hiệp định Paris, tình hình chưa có gì sáng sủa, những gì diễn ra sắp tới vẫn còn rất mù mờ, nhưng tôi chắc rằng dù bất cứ một đổi thay nào cũng tốt hơn hiện tại. Hiện tại của miền Nam Việt Nam không có cách nào khác là phải phá đổ. Nhóm ông Minh hoạt động tích cực cho mục tiêu này. Để cô lập chính quyền Thiệu, nhóm ông Minh ít ra phải giành được hậu thuẫn của hai lực lượng tiến bộ và có uy tín tôn giáo trong Phật giáo và Công giáo.
Về phía Công giáo, một trong những nhân vật tiêu biểu, luật sư Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng nghị viện, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Minh và cũng đã có những cuộc vận động với Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.
Với Phật giáo, ngoài sự tham gia ngay trong nhóm ông Minh của luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ quốc hội và là chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của thượng tọa Thích Trí Quang, người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Phật giáo Ấn Quang. Tôi nhận nhiệm vụ riêng của ông Dương Văn Minh đi liên lạc với thượng tọa Thích Trí Quang, tìm sự ủng hộ của cá nhân thượng tọa và của Phật giáo Ấn Quang. Tôi là người thuận lợi nhất làm việc này vì trước đó tôi đã thiết lập được một quan hệ cá nhân khá tốt với thượng tọa. Theo tôi, lúc ấy ông là một người yêu nước nên không có cơ sở để chấp nhận một số tố cáo của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đối với thượng tọa Trí Quang khi ông còn là thủ tướng và phải đối đầu với thượng tọa Trí Quang trong biến động năm 1966 tại miền Trung. Trong hồi ký của mình (Buddha's Child - Đứa con cầu tự), tướng Kỳ cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang muốn trở thành một kiểu Đức Giáo hoàng của Phật giáo tại Việt Nam và sở dĩ thượng tọa Trí Quang đòi lật đổ Nguyễn Cao Kỳ vì thượng tọa…nắm không được Nguyễn Cao Kỳ trong tay mình. Khi thượng tọa đưa bàn thờ… “xuống đường” để chống chính phủ, và phát động sự nổi dậy của Phật giáo ở miền Trung, đặt người của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn vào chức vụ thị trưởng Đà Nẵng, thì thượng tọa Trí Quang bị tố cáo là hành động theo sự chỉ đạo của cộng sản. Trong hoạt động lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, thượng tọa Trí Quang cũng đã từng bị tố cáo là một phần tử cộng sản. Nhưng sự kiện xảy ra tại chùa Xá Lợi đêm 21-8-1963 đã làm đảo lộn sự đánh giá về thượng tọa Trí Quang trước đó.
Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chế độ Diệm, chùa Xá Lợi được chọn làm “tổng hành dinh” của Phật giáo. Thượng tọa Trí Quang chỉ huy cuộc đấu tranh từ đây. Tại chùa Xá Lợi luôn có hàng ngàn nhà sư, ni cô, sinh viên đấu tranh và cả dân thường ở đó ngày đêm. Đêm 21-8-1963, Ngô Đình Nhu ra lệnh tấn công chùa Xá Lợi. Rất nhiều người bị bắt, bị thương, bị mất tích và cả bị giết chết trong cuộc đàn áp. Nhưng Ngô Đình Nhu không đạt được mục đích chính của mình là bắt thượng tọa Trí Quang: ông đã biến mất vào phút chót. Sau đó báo chí Mỹ mới khám phá ra rằng thượng tọa Trí Quang đã vào “tị nạn chính trị” trong Đại sứ quán Mỹ. Sự kiện này đã gián tiếp đính chính thượng tọa Trí Quang không phải là cộng sản. Và sau đó lại có lời đồn rằng thượng tọa Trí Quang là người của... CIA!
Các tài liệu về Việt Nam chưa bao giờ nói rõ gốc tích của vị thượng tọa này. Theo nhà báo Mỹ Stanley Karnow, Thích Trí Quang từng bị người Pháp bắt giam vì tội làm cộng sản trước 1954 khi ông còn là một thanh niên. Đi tu, ông được đưa đi học ở Tích Lan (Ceylon) và sau đó trở về đi thuyết pháp khắp Việt Nam. Thượng tọa Trí Quang có mặt tại Huế từ tháng 5-1963 và trở thành người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật giáo nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Theo lệnh của Washington, đại sứ Mỹ Frederick Nolting khuyên ông Diệm nên hoa giải với thượng tọa Trí Quang, nhưng ông Diệm từ chối, cho rằng biến động ở Huế có bàn tay cộng sản nhúng vào. Nhưng sau đó trong cuộc phản công của bà Ngô Đình Nhu ngày 7-6-1963, bà lại tố cáo Phật giáo đấu tranh có sự giật dây của người Mỹ ở phía sau. Gián tiếp bà tố cáo thượng tọa Trí Quang là người của Mỹ.
Khi thì bị coi là người của cộng sản, khi thì bị nghi ngờ làm việc cho CIA, thật sự Thích Trí Quang là người của ai? Lúc đó tôi không có đủ điều kiện trả lời câu hỏi này, nhưng với tôi, thượng tọa Trí Quang trước hết là một nhà tu yêu nước.
Sự liên kết chính thức giữa tướng Minh và thượng tọa Trí Quang diễn ra trong năm 1974. Khi tôi đặt thẳng vấn đề ông Dương Văn Minh mong muốn có sự ủng hộ công khai của thượng tọa trong một chủ trương đấu tranh cho hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và trước hết là thay đổi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thì thượng tọa Trí Quang trầm ngâm một lúc. Sau đó thượng tọa chậm rãi nói: “Ông Minh không phải là một người làm chính trị sắc bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp cũng được”. Cách nói của thượng tọa Trí Quang cho thấy việc chọn lựa ông Minh cầm ngọn cờ tập hợp để góp phần cùng lật đổ chính phủ Thiệu chưa phải là hoàn toàn ưng ý mà là một giải pháp thay thế, một chọn lựa tương đối tốt nhất bấy giờ. Tôi đề nghị tiếp: Ông Dương Văn Minh sẽ chính thức đến thăm thượng tọa tại chùa Ấn Quang và sau đó thượng tọa đến Đinh Hoa Lan thăm xã giao trở lại ông Minh, như thế sự liên kết được chính thức hóa và công khai hóa. Sau mỗi cuộc gặp, sẽ có mặt thông cáo báo chí được cả ông Minh và thượng tọa thông qua.
Dĩ nhiên cuộc viếng thăm thượng tọa Trí Quang của ông Minh tại chùa Ấn Quang với sự có mặt của báo chí và truyền hình nước ngoài là một sự kiện bất ngờ và gây tiếng vang. Mọi người dự đoán chính trường Sài Gòn sắp có một chuyển động lớn. Qua hôm sau trung tướng Dương Văn Minh tiếp thượng tọa Trí Quang tại Dinh Hoa Lan của mình. Báo chí cũng được báo tin vào giờ chót sự kiện này.
Cả hai người đều rất hài lòng về các cuộc tiếp xúc này, và họ tỏ ra rất tương kính nhau. Trước đây ông Minh chưa hề gặp và nói chuyện với thượng tọa Trí Quang. Qua hai lần tiếp xúc đầu tiên, ông Minh dành nhiều cảm tình và sự kính trọng cho bậc cao tăng này. Sự kiện thượng tọa Trí Quang đến Dinh Hoa Lan rõ ràng làm tăng thế chính trị của ông Minh.
Đúng theo yêu cầu của thượng tọa Trí Quang, hai thông cáo báo chí do tôi thảo đều được đưa cho thượng tọa xem trước và tự tay thượng tọa chỉnh lại những câu chữ theo ý ông. Dù biết rất rõ Đinh Hoa Lan đã trở thành trung tâm hoạt động nhằm lật đổ mình, nhưng ông Thiệu và tay chân vẫn không làm gì để vô hiệu hóa trung tâm này. Ông Thiệu có thể tố cáo Dinh Hoa Lan chứa chấp nhiều phần tử đang bị chính quyền truy nã và có thể xin lệnh tòa án lúc soát Dinh Hoa Lan để làm “bể mặt” ông Minh. Nhưng ông chẳng làm gì hết. Tại sao? Sự im lặng của ông Thiệu có thể được giải thích: ông Minh là tướng lãnh đàn anh của ông Thiệu dù gì ông vẫn phải nhân nhượng; mặt khác “tấn công” vào Dinh Hoa Lan là một xì căng đan chính trị hoàn toàn bất lợi chơ ông. Ông Thiệu biết rằng “đụng” vào Dinh Hoa Lan sẽ không được tòa đại sứ Mỹ tán đồng và làm bùng nổ sự chống đối ông mạnh mẽ hơn.
Nhưng có một nguyên nhân lớn khiến cho chính quyền Thiệu tê liệt từ cuối năm 1974. Do sức ép từ nhiều phía, Mỹ tìm cách rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford cố gắng vận động quốc hội Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Thiệu để tránh sự suy sụp của Sài Gòn sau khi quân đội Mỹ rút. Ngoại trưởng Kissinger vẫn thấy mình có một trách nhiệm tinh thần hỗ trợ chính quyền Sài Gòn sau khi ký Hiệp định Paris. Lới hứa của Nixon được chuyển qua Ford. Tình hình viện trợ quân sự của Washington dành cho miền Nam từ sau ký Hiệp định Paris cứ bị cắt 50% từng năm. Từ 2,1 tỷ đô la năm 1973, còn 1,4 tỷ đô la năm 1974 và qua năm 1975 chỉ còn 700 triệu. Trước khi từ chức, tổng thống Nixon yêu cầu con số l,4 tỷ đô la cho năm 1975. Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ, đứng đầu là nghị sĩ bảo thủ John Stennis, cắt xuống còn 1 tỷ, sau đó ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện do nghị sĩ bảo thủ John McClellan làm chủ tịch, cắt thêm 300 triệu đô la. Trong khi đó viện trợ kinh tế từ 650 triệu đô la bị giảm xuống còn 250 triệu đô la. Ảnh hưởng của các sự cắt giảm này trong thực tế còn lớn hơn vì giá dầu tăng và tình hình lạm phát. Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng ngay ở ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tổng thống, ông Ford đã tiếp đại sứ Trần Kim Phượng (thay Bùi Diễm) của chính phủ Sài Gòn để chính thức hứa với ông Phượng rằng ông quyết tâm bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn và cố gắng tăng viện trợ. Nhưng thực tế sau đó cho thấy Ford hoàn toàn bất lực.
Ngày 12-9-1974, Kissinger gửi cho tổng thống Gerald Ford một “memorandum” (bản ghi nhớ) mô tả những gì sẽ xảy ra nếu duy trì viện trợ quân sự ở mức 700 triệu đô la:
  • Ngân sách không đủ để thay những trang thiết bị bị hư hỏng hoặc mất.
  • Sẽ giảm 50% việc sử dụng các máy bay chiến đấu.
  • Giảm 30% các tàu hoạt động trên biển và 82% trên sông.
  • Tiếp tế về y tế hoàn toàn cạn vào cuối tháng 5-1975.
  • Xăng dầu dùng cho các lực lượng dưới đất cũng cạn cuối tháng 4-1975.
  • Cuối năm tài chính 1975, quân đội chỉ còn một phần tư dự trữ đạn dược để đối phó với các tấn công lớn của cộng sản.
  • Các máy bay trên mặt đất và trang thiết bị dưới đất sẽ bị xuống cấp và hư hỏng nhanh chóng.
Theo tài liệu của Mỹ, cho đến tháng 9-1974, thiệt hại người của quân đội Sài Gòn tăng theo tỷ lệ nghịch với sự cắt giảm viện trợ. Quân đội Sài Gòn phải sử dụng đạn dược tiết kiệm. Đạn đại bác bắn được tính tổng viên. Sự hạn chế đạn dược tác động trực tiếp vào tinh thần binh lính VNCH. Từ khi ký Hiệp định Paris, quân đội Sài Gòn thiệt hại 26.000 quân.
Ngày 7-1-1975 thị xã Phước Bình thuộc định Phước Long bị chiếm. Lần đầu tiên chế độ Sài Gòn mất một tỉnh lỵ và không hề tái chiếm. Theo Kissinger, trận Phước Bình là một trắc nghiệm của Hà Nội về phản ứng của người Mỹ. “Nếu Hoa Kỳ phản ứng, vẫn còn hy vọng Hà Nội lùi bước” – Kissinger ghi như thế trong quyển Hồi ký Ending the Vletnam War của ông. Bộ quốc phòng Mỹ có đưa ra một loạt khả năng phản ứng để cho đối phương thấy quyết tâm của Washington không bỏ rơi miền Nam:
  • Tăng cường các hoạt động do thám trên không phận Bắc Việt.
  • Đưa tàu sân bay Enterprise đang hướng tới Ấn Độ Dương từ Vịnh Subic chuyển sang vịnh Bắc Việt.
  • Đưa chiến đấu cơ F-4 trở lại Phillipines và Thái Lan; đưa B-52 từ Mỹ đến Guam.
Kissinger tán đồng các biện pháp này, tổng thống Ford cũng thế. Nhưng dưới áp lực của quốc hội giờ đây thuộc ảnh hưởng McGovern (cựu đối thủ của Nixon đã từng bị ông Thiệu chỉ trích ác liệt) và báo chí, sự tiếp cứu miền Nam bất thành.Cuối cùng trong danh sách các biện pháp phản ứng này, Mỹ chỉ làm được mỗi việc là tăng các chuyến bay do thám. Nhưng như dự đoán trước, Hà Nội phản đối các chuyến bay này coi như một vi phạm Hiệp định Paris. Thế là Lầu Năm Góc có lý do để phủi tay với phần còn lại của kế hoạch phản ứng. Kế hoạch đưa tàu sân bay Enterprise vào Vịnh Bắc Việt không thành. Tàu Enterprise rời Vịnh Subic trực chỉ Ấn Độ Dương.
Bình luận về thái độ bất hợp tác của quốc hội Mỹ trong nỗ lực bổ sung viện trợ quân sự cho miền Nam, Kissinger viết trong Ending the War như sau: “...Washington nhất quyết từ chối viện trợ cho một đồng minh đang bị kê dao vào cuống họng”.
Trong hoàn cảnh biết trước là gần như tuyệt vọng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã gửi hai bức thư đề ngày 24 và 25-1-1975 cầu cứu tổng thống Ford. Ông Thiệu nhắc lại với tổng thống Ford những lời hứa đảm bảo của Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền Nam để thuyết phục ông Thiệu ký Hiệp định Paris trước đây.
Đúng là một bi kịch cho ông Thiệu. Trong lịch sử đất nước không hiếm trường hợp dựa vào những thế lực ngoại bang đã lãnh một kết thúc nhục nhã. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh 30 năm về trước đã tự treo cổ tìm cái chết để phản đối thực dân Pháp đã đẩy mình vào chỗ bất lực trong vai trò được giao phó. Sau khi tái chiếm Nam Kỳ, Pháp đã mời bác sĩ Thinh làm thủ tướng chínhh phủ lâm thời Nam Kỳ. Theo tướng Trần Văn Đôn sau này kể lại, thủ tướng Thinh luôn đòi quyền tự trị với chính phủ Pháp nhưng chẳng những không thành mà còn bị người Pháp gây áp lực nặng nề, biến ông thành một bù nhìn. Chỉ ít tháng làm thủ tướng, bác sĩ Thinh treo cổ tại phòng làm việc của mình. Người ta tìm thấy trên bàn ngay dưới chỗ ông treo cổ một cuốn sách mở ra ở trang nói về cách chết treo cổ và làm sao cứu người treo cổ!
Ông Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh dù nỗi nhục của ông trước sự phản bội của người Mỹ còn nặng nề hơn nỗi nhục của bác sĩ Thinh. Bốn năm trước ông Thiệu nghe lời đường mật của Nixon phá vỡ nỗ lực hòa đàm của chính phủ Johnson với hi vọng Nixon lên làm tổng thống, ông sẽ có một bảo đảm tốt hơn cho sinh mệnh chính trị của mình. Nào dè ông đã phải chịu một nỗi nhục ê chề hơn gấp bội. Bị Nixon và Kissinger thúc bách và ra tối hậu thư buộc phải ký một Hiệp định mà mình biết không gì khác hơn là sự kết thúc quyền lực của chính mình, ông Thiệu chỉ biểu lộ sự uất ức của mình bằng cách hét lên: “Tôi muốn đấm vào mồm của Kissinger!”. Nhưng cần biết thêm khi ông Thiệu hét như thế thì trong phòng làm việc của ông chỉ có một người duy nhất chứng kiến: đó là Hoàng Đức Nhã. Sau 1975, ông Nhã đã kể lại chuyện này với nhà báo Mỹ Larry Berman. Nhà báo Pháp Olivier Todd trong quyển “Cruel April- the Fall of Saigon” (Tháng Tư tàn nhẫn - sự sụp đổ của Sài Gòn) còn kể rằng ông Thiệu bực tức vì bị áp lực ký Hiệp định Paris đã chửi Kissinger là “the bastard”. Olivier Todd còn chú thêm tiếng Việt bên cạnh: “thằng chó đẻ”!
Nguyễn Văn Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh nhưng cũng không để mình rơi vào bi kịch của hai anh em Ngô Đình Diệm mà ông đã từng là một trong những người đứng đầu cuộc chính biến ngày 1-11-1963. Ông Thiệu không để người ta lật đổ mình, mà tự rút lui khi thấy chiếc ghế tổng thống của mình không còn cứu vãn được nữa. Ông “chuồn” trước sang Đài Loan (cùng tướng Trần Thiện Khiêm), mang theo một tài sản khổng lồ, bỏ lại đằng sau các đồng đội của ông, mặc kệ cho số phận của họ ra sao!
Sau khi mất Phước Long (6-1-1975) Nguyễn Văn Thiệu đã thấy rõ Washington bắt đầu “buông” miền Nam và cá nhân mình, ông xuống tinh thần thấy rõ. Bây giờ ông có hai kẻ thù chứ không là một, thậm chí kẻ thù Mỹ được đặt lên trên cộng sản.
Sau Hiệp định Paris, tổng thống Thiệu có cho dự thảo một kế hoạch khẩn cấp (emergency plan) “để đối phó khi Mỹ rút các đơn vị chiến đấu và các lực lượng Bắc Việt làm chủ chiến trường”. Ý định của ông Thiệu là bỏ hai vùng quân sự nằm sát với miền Bắc và tập trung lực lượng phòng thủ thật dày chung quanh Sài Gòn, bảo vệ trung tâm kinh tế, hành chính của chính quyền Sài Gòn và phía sau là Đồng bằng sông Cửu Long giàu lúa gạo. Ý đồ này, vào cuối tháng 4-1975, sau khi Thiệu đã bỏ chạy, tướng Kỳ cũng có trong đầu mình. Ngoài ra còn có kế hoạch khẩn cấp khác do một tướng người Úc -Ted Sarong - đề xuất. Ted Sarong tự động đến Sài Gòn, không được mời, tự xưng là cố vấn quân sự của ông Thiệu. Kế hoạch của Ted Sarong phân chia miền Nam ra làm nhiều vùng dễ phòng thủ hơn nhưng bị coi là không lô gích, và không thể áp dụng, vì khi quân đội đối phương tấn công, họ luôn tập trung lực lượng đông hơn bất cứ một điểm phòng thủ nào của quân Sài Gòn. Khi bị phân tán là một vùng phòng thủ rộng lớn lại không có đủ lực lượng dự trữ.
...Tại Sài Gòn, các hoạt động chống Thiệu ngày càng gia tăng. Tết Ất Mão, các dân biểu và nghị sĩ đối lập không ăn Tết tại nhà. Tối 30 và ngày mùng một, họ tổ chức “đêm không ngủ” và tuyệt thực ngay tại tiền đình Hạ viện, đòi tổng thống Thiệu tổ chức. Dĩ nhiên tôi cũng có mặt trong cuộc tuyệt thực này. Sáng mùng một, tướng Dương Văn Minh đích thân đến Hạ viện thăm anh em đang tuyệt thực. Đây là lần đầu tiên ông Minh rời khỏi Dinh Hoa Lan để tham gia một hoạt động của phe đối lập. Cần nói thêm trong đêm 30, các dân biểu, nghị sĩ đã tổ chức công khai đốt hình ông Thiệu (là tấm ảnh chính thức thường được treo trong các công sở). Mỗi người cầm một cây đuốc và tự tay đốt hình. Nhiều người cùng làm việc đó, nhưng không hiểu sao tuần báo Mỹ Newsweek chỉ đăng mỗi ảnh tôi đang châm lửa vào bức ảnh tổng thống Thiệu. Nếu tổng thống Thiệu quyết tâm đưa tôi ra tòa thì bức ảnh đó quá đủ để dùng làm chứng cớ. Nhưng giữa thời điểm ông Thiệu kết tội phản quốc với dân biểu Phạm Thế Trúc vì đốt hình nộm của ông tại Tokyo (1966) và thời điểm hiện tại khi hàng chục dân biểu, nghị sĩ đồng loạt đốt hình ông ngay tại trung tâm Sài Gòn thì thế và lực của ông Thiệu đã hoàn toàn khác.
                                    
Phải thấy thêm rằng sự kiện những nhà lập pháp đốt hình tổng thống là hết sức nghiêm trọng, đây không còn là một hoạt động đối lập hợp pháp (opposition légale) mà là sự dứt khoát chối bỏ quyền lực của tổng thống, tự đặt mình ra ngoài chế độ do ông Thiệu cầm quyền.
Ông Thiệu đón cái Tết Ất Mão mà lòng không yên bởi luôn ám ảnh về cái Tết Con Mèo từng là tai họa đối với ông Ngô Đình Diệm 12 năm về trước. Ông Diệm tuổi con chuột đã bị con mèo Quý Mão “xơi”, liệu con chuột Nguyên Văn Thiệu (ông Thiệu cũng tuổi Tý) có thoát khỏi con mèo Ất Mão? Dân Sài Gòn Tết năm 1975 bàn râm ran chuyện con chuột Nguyễn Văn Thiệu và con mèo Ất Mão. Ông Thiệu là người mê tín nên không khỏi âu lo trước những lời bàn tán loại này. Mùng một Tết, ông Thiệu cố tình chọn một nhân vật có tuổi hợp tử vi của ông để xông đất... dinh Độc Lập. Ông thầy bói tên Chiêm rất được ông Thiệu tin cậy, hình như đã chọn tướng Đặng Văn Quang để làm người xông đất cho ông Thiệu. Người ta cũng kể chính vì tin thầy bói Chiêm, mà ông Thiệu cho xây hồ Con Rùa ở ngã tư Trần Cao Vân - Phạm Ngọc Thạch hiện nay. Xưa kia thời Pháp tại đây có một bức tượng to được gọi là Monument des morts inconnus (Chiến sĩ vô danh). Bức tượng là một người lính Pháp ngồi ôm cây súng “mousqueton” (một loại súng trường) trông rất buồn. Sau năm 1963, thời tướng Nguyễn Khánh nắm quyền ở Sài Gòn, có lẽ để lấy cảm tình người Mỹ, Nguyễn Khánh đã tổ chức biểu tình và phá đổ tướng này. Tiếp theo là hàng loạt biến động chính trị, từ vụ đảo chính này đến vụ đảo chính khác. Người ta cho rằng chính vì làm “động” tượng đài này mà Sài Gòn…không yên.
Người Sài Gòn trước 1975 đặt tên Dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng. Đầu rồng nằm ở đây, còn đuôi rồng ở đâu? Mình chạy ngoằn ngoèo qua các đường Công Lý, (hiện là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) xuống tận bến Bạch Đằng, vòng trở lên đường Tự Do (hiện là Đồng Khởi), đến đường Duy Tân (hiện là Phạm Ngọc Thạch), cuối cùng - theo các ông thầy địa lý của ông Thiệu - thì cái đuôi rồng nằm ngay tại công viên có “Chiến sĩ vô danh” của Pháp bị phá đổ. Ông thầy Chiêm cố vấn ông Thiệu phải “ếm” cái đuôi rồng, không cho nó cựa quậy bằng cách xây tại đây một hồ… con rùa.
Những người gần gũi với Phủ Đầu Rồng còn kể rằng lúc đầu cột cờ ở Dinh Độc Lập đặt dưới đất trong khuôn viên, giữa đài phun nước và tiền sảnh của dinh, chứ không phải chót vót trên sân thượng của dinh. Nhưng một đêm thầy bói Chiêm đứng trên đường Thống Nhất (nay đường Lê Duẩn) nhìn thẳng vào dinh thấy cảnh tượng như một chiếc tàu khổng lồ đang bị cháy. Khói bốc lên là màu trắng xóa của nước phun cao, còn lửa là lá cờ vàng ba sọc đỏ trên cột cờ. Hôm sau thầy bói Chiêm đề nghị với tổng thống Thiệu nên hạ cột cờ xuống và treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Nếu không có sự thay đổi này thì ngày 30-4- 1975, trung tá Bùi Quang Thận không cần vào thang máy để lên tận sân thượng mới hạ được lá cờ vàng ba sọc đỏ và kéo lên lá cờ cách mạng.
Những chuyện đồn đại như thế về sự mê tín của ông Thiệu không thể phối kiểm được chuyện nào là thật, chuyện nào là đặt thêm. Nhưng có một sự trùng hợp thực tế: con mèo Quý Mão thì xơi “con chuột” Ngô Đình Diệm, còn con mèo Ất Mão đã hất “con chuột” Nguyễn Văn Thiệu văng khỏi cái ghế tổng thống.

 CHƯƠNG 20: NGƯỜI CỦA MẶT TRẬN


Trong suốt thời kỳ hoạt động của tôi trước 1975, tôi không có một cuộc tiếp xúc chính thức nào với người của MTDTGPMN. Tôi chỉ được biết ai, trong số những người có quan hệ với mình là cán bộ cộng sản sau ngày 30-4-1975. Còn trước đó tôi chỉ đoán mò như trường hợp nhà báo Nguyễn Vạn Hồng (tức nhà thơ Cung Văn), vì anh đã đọc cho tôi nghe tác phẩm “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung và nói bài thơ này đoạt giải thưởng ở Vácxava (Ba Lan). Anh Hồng vô tình để lộ tông tích của mình hay đây là sự cố tình vì đã đánh giá được thái độ chính trị của tôi? Sau 1975 tôi cũng quên hỏi anh về chuyện này. Nhưng có một người từ đầu năm 1975 đã để lộ mình là người của Mặt Trận. Tuy không nói thẳng ra “tôi là người của Mặt Trận”, nhưng cái cách anh Huỳnh Bá Thành bày tỏ quan điểm chính trị của mình, đặc biệt đối với Hiệp định Paris cùng những gợi ý về phương pháp đấu tranh chống Thiệu, rồi sau cùng là những tuyên truyền trực tiếp về chính sách của MTDTGPMN đối với trí thức... khiến cho tôi không thể kết luận khác hơn: Anh là người của Mặt Trận. Tôi chỉ nói riêng với vợ tôi về sự nhận định này. Khi anh Huỳnh Bá Thành nói về Hiệp định Paris, anh nói rất bài bản và sâu sắc. Sau khi quân đội Sài Gòn mất Phước Long, Thành càng thể hiện không còn dè dặt với tôi. Số người ra đi chính thức mỗi lúc một nhiều hơn do tình hình bất ổn và có lẽ Thành ngại tôi cũng sẽ ra đi chăng? Có những hôm, Thành bỏ ra cả buổi để nói chuyện với tôi về... chính sách của Mặt Trận đối với những người trí thức. Trường hợp trí thức tiêu biểu đi theo Cách mạng gần nhất mà anh kể ra để thuyết phục tôi là luật sư Trịnh Đình Thảo. Anh kể rằng luật sư Thảo quen ăn bánh mì hơn là cơm. Trong rừng, anh em biết ý của bác Thảo, cố gắng làm bánh mì để phục vụ cho bác. Thành cố gắng tạo sự yên tâm cho tôi về thái độ của Mặt Trận đối với những người trí thức. Thật sự lúc đó tôi chỉ quan tâm những chuyện kể của họa sĩ Ớt để xác định anh là ai, hơn là am hiểu các chủ trương của Mặt Trận. Thực tâm mà nói tôi không tìm kiếm ở những chuyện kể của anh Thành một bảo đảm chính trị hay an toàn cá nhân cho mình sau này. Vả lại tôi không nghĩ mối quan hệ giữa tôi và Thành là sự móc nối chính thức. Chưa bao giờ Huỳnh Bá Thành đặt thẳng vấn đề... “làm việc cho Mặt Trận” với tôi. Có anh Thành hay không có anh Thành, tôi vẫn chọn lập trường chính trị mà tôi đã chọn. Trước khi họa sĩ Ớt để lộ anh là người của Mặt Trận, tôi đã dấn thân vào con đường chính trị của mình.
Nhưng điều không thể chối cãi là từ khi có những cuộc trao đổi với Thành, tôi cảm thấy mình bớt cô đơn hơn. Tôi là người chẳng bao giờ dư dả tiền bạc. Những tháng cuối cùng trước 30-4-1975, tôi gặp khó khăn thật sự. Tiền điện không đóng đúng kỳ hạn thường bị Nhà Đèn đến cắt. Một hôm Huỳnh Bá Thành mang một số tiền khá lớn trao cho tôi bảo rằng của mẹ anh. Anh muốn giúp tôi trả mấy tháng tiền điện chưa thanh toán và cả tiền thuê bao điện thoại. Sau này, nhắc chuyện cũ, Thành cười cười nói với tôi “Không phải tiền của mình đâu”. Anh chỉ nói thế, tôi muốn hiểu sao cứ hiểu.
Cho đến cái xe DS 21 của tôi đưa vào garage Citroen sửa và sơn lại, cũng không có tiền lấy ra. Lúc này vợ tôi làm ăn thất bại, nợ nần nhiều nơi, phụ cấp dân biểu khá lớn nhưng vẫn không đủ xoay trở. Thấy mỗi sáng tôi đi họp hành bằng taxi tốn kém và nguy hiểm, Huỳnh Bá Thành đề nghị mỗi ngày anh đến đưa tôi đi bằng chiếc ô tô LaDalat của anh và do anh tự lái. Thế là mỗi sáng Thành đều đến đưa tôi vào Dinh Hoa Lan. Trong khi tôi vào bên trong họp thì Thành ở bên ngoài, anh ghé vào căn nhà trước cổng dùng làm văn phòng thường trực, nơi khách muốn gặp ông Minh phải liên hệ trước tại đây. Nơi đây cũng lo việc in ấn các tài liệu của nhóm ông Minh. Huỳnh Bá Thành dùng thời gian chờ tôi để tìm hiểu các hoạt động của nhóm ông Minh và khi có tài liệu quan trọng được quay roneo thì Thành cũng kín đáo lấy một bản. Chuyện đó không khó lắm vì người phụ trách văn phòng này là cựu dân biểu Dương Văn Ba, còn người lo khâu quay roneo là Triệu Bình, em ruột của nhà báo Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, đều rất thân thiết với Thành.
Sau khi mất Phước Long và tình hình quân sự, chính trị càng trở nên căng thẳng, để phòng ngừa các biến động, tướng Nguyễn Khắc Bình, chỉ huy trung ương tình báo, đã tiến hành bắt giữ tất cả các những người có liên lạc với cộng sản mà trước đây Trung ương tình báo biết rõ nhưng vẫn... “để đó”. Hàng loạt nhà báo như Kiên Giang - Hà Huy Hà, Tô Nguyệt, Văn Mại, Quốc Phượng, Sơn Nam, v.v... và các “phần tử chống Thiệu” ngoài Quốc hội như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, kỹ sư Châu Tâm Luân…đều bị bắt trong một ngày: Nhưng riêng Huỳnh Bá Thành không sao cả, dù rằng anh là loại nhà báo chống Thiệu nằm trong danh sách đen. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Riêng anh Hồ Ngọc Nhuận nghi rằng Thành làm việc cho Trung ương tình báo (TƯTB) của Nguyễn Khắc Bình. Anh đề nghị không cho Thành vào phòng thường trực của Dinh Hoa Lan nữa. Do đó có mấy hôm Thành phải ngồi ngoài xe chờ tôi. Tôi cũng không biết tại sao cuộc bố ráp của (TƯTB) lại để lọt lưới Thành. Có lẽ lý do đơn giản là Thành chưa bị lộ. TƯTB chủ yếu bắt các phần tử có hồ sơ liên với cộng sản. Sau này tôi mới biết cha Lan cùng một số trí thức khác như Châu Tâm Luân đã từng ra vùng giải phóng tiếp xúc với Mặt Trận. Các nhà báo như Nguyễn Vạn Hồng, Trương Lộc... dù có quan hệ với Mặt Trận, nhưng không bị lộ cũng không bị bắt trong đợt đó.
Sau này anh Hồ Ngọc Nhuận có kể lại: có lần anh Nhuận nghe họa sĩ Ớt bị cảnh sát bao vây trước rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) đúng khi anh đang lái xe đi ngang qua. Cảnh sát bao vây khá lâu nhưng không bắt, không biết tại sao... “Nghĩ cũng tức cười: sau 30-4-1975 và nhất là sau những gì anh viết, anh kể, ai cũng biết Ớt là một cán bộ chl huy điệp vụ cách mạng, mà tôi lại nghi anh là công an chế độ cũ! Và khi anh nói anh đi về quê thì chắc là để đi đến một nơi bí mật nào đó mà tôi cứ theo cản…”
Có một vài bài báo viết sau ngày 30-4-1975 cho rằng anh Huỳnh Bá Thành đã vận động trực tiếp tướng Dương Văn Minh “đầu hàng”. Tôi không biết các tác giả này căn cứ và đâu nhưng là người cận kề ông Minh cho đến ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, tôi biết Thành không có cuộc gặp gỡ nào trực tiếp với ông Minh để “vận động ông Minh đầu hàng”. Anh Dương Văn Ba là người 24/24 giờ có mặt tại Dinh Hoa Lan và là người từng để Thành đến lánh nạn tạm ở chỗ anh cũng xác nhận chưa bao giờ có cuộc tiếp riêng nào mà ông Minh dành cho Huỳnh Bá Thành.
Theo nhận xét của riêng tôi, dù Huỳnh Bá Thành không vận động trực tiếp ông Dương Văn Minh đầu hàng, điều đó cũng không thay đổi bao nhiêu những đóng góp cho cách mạng về nhiều mặt của anh trước 1975. Tôi không có tư cách để đánh giá các mặt công tác của anh cho Mặt Trận nhưng với những gì Thành làm được trên báo chí công khai và những ảnh hưởng của anh với những người đối lập hướng về Mặt Trận thì rõ ràng rất lớn. Cây cọ biếm họa Ớt trước năm 1975 chống Thiệu và chống Mỹ công khai - dứt khoát sẽ được đặt vào một vị trí xứng đáng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Sau 30-4-1975, các tranh biếm họa của Ớt, cũng được tập hợp in lại và thỉnh thoảng nhắc lại nhưng thật sự vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá đúng mức về giá trị báo chí và các tác động chính trị - xã hội sâu sắc mà các bức tranh đã tạo ra khi chúng xuất hiện trước 1975. Mỗi tranh của Ớt là một bài xã luận nặng ký chống Mỹ, chống chính quyền. Còn trong cách Thành vận động tôi “hãy tin vào Mặt Trận”, và thời điểm chưa có gì bảo đảm “Miền Nam được giải phóng”, tôi đã nhận ở anh sự chân thành và đoan quyết của mặt người hết lòng vì lý tưởng. Trước 1975, Thành là người duy nhất bắt nhịp cầu không chính thức giữa tôi và “cái bờ bên kia vừa xa vừa lạ”. Một hôm sau khi nghe Thành tuyên truyền về chính sách của Mặt Trận đối với giới trí thức, tôi nói với anh: “Mình chỉ có mỗi một ao ước là được thấy đất nước hòa bình, thống nhất. Lúc đó mình được làm một công dân bình thường, có một công việc gì đó trong khu phố của mình là hạnh phúc rồi”. Đến bây giờ nhớ lại câu nói đó với Thành, tôi tưởng như nó vừa được nói hôm qua.
Khi đến nhà tôi, thỉnh thoảng Thành nói chuyện với Nguyễn Hữu Thái đang trốn lệnh truy nã của chính quyền Thiệu được tôi che giấu trên lầu ba. Thành cũng bàn việc gì đó với nhà báo Trương Lộc. Phía sau nhà Trương Lộc và phía sau nhà tôi liền nhau. Tôi biết cả ba là người tốt nên không hề tìm hiểu họ bàn với nhau chuyện gì. Vợ tôi làm mai cho Trương Lộc lấy vợ là cô con gái của một gia đình nhà giáo hiền lành và thân thiết với chúng tôi. Với gia đình Thành, chúng tôi cũng có quan hệ tốt. Tôi biết vợ Thành khi hai người mới lấy nhau (trước năm 1975). Gia đình chị Thành ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Khi tổ chức đám cưới và rước dâu, anh Thành xuống Mỹ Tho bằng chiếc xe ĐS 21 của tôi. Hai vợ chồng tôi cũng có mặt trong ngày vui của vợ chồng Thành.
Trong những ngày căng thẳng gần 30-4-1975, cảnh sát của Thiệu mở nhiều cuộc bắt bớ nhắm vào những người thân cộng hoặc có dính líu với cộng sản, tôi và Trương Lộc đã thiết kế một đường dây báo động mật kéo từ nhà tôi sang nhà Trương Lộc. Nếu có xe cảnh sát nửa đêm đến lúc soát nhà tôi, tôi sẽ giựt giây báo động qua bên nhà Lộc, tức thời Lộc mở cửa để đón Hữu Thái qua nhà Lộc. Còn ngược lại nếu cảnh sát đến xét nhà Trương Lộc thì anh sẽ giật dây báo động, tôi sẽ mở cửa sau để anh tuồn sang nhà tôi. Nhưng may mắn là cho đến ngày 30-4-1975, chúng tôi chưa bao giờ phải sử dụng hệ thống báo động này.
…Những ngày cuối, trước khi quân giải phóng vào Sài Gòn, tôi không gặp Huỳnh Bá Thành. Nhưng chỉ ít ngày sau 30-4-1975, Thành đến nhà tôi. Có lẽ anh lo tôi hoang mang trước sự đổi thay đột ngột. Anh vẫn thế, thân quen và tình cảm. Anh có đề nghị tôi viết một bài báo cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi có viết nhưng bài báo không thấy xuất hiện. Tôi coi chuyện ấy bình thường thôi. Sự hòa nhập đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng Thành và tôi vẫn giữ tình bạn như xưa cho đến ngày Thành bị nhồi máu cơ tim qua đời giữa lúc anh trở thành người thành đạt trong chế độ mới về nhiều mặt. Trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, lúc tôi làm ở báo Tuổi Trẻ, thu nhập chỉ đủ xoay xở tối đa trong nửa tháng, Thành gặp tôi và gợi ý: “Anh nên đưa gia đình đi nghỉ ở Vũng Tàu ít ngày cho thư giãn. Anh cứ sử dụng chiếc xe LaDaLat của tôi. Tôi sẽ đổ xăng đầy đủ cho anh”. Lúc này, Huỳnh Bá Thành đang là phó tổng biên tập báo Công An TPHồ Chí Minh. Chiếc xe LaDaLat - một kỷ niệm giữa tôi và Thành! Thành đã từng đưa tôi đi họp mỗi sáng tại Dinh Hoa Lan bằng chiếc xe đó. Tôi không biết Thành có cố tình làm như thế để nhắc với tôi rằng tình bạn giữa hai chúng tôi vẫn như ngày nào? Khi tôi ngồi trên chiếc xe LaDaLat của Thành, tự lái đưa vợ con lần đầu ra Vũng Tàu sau ngày 30-4-1975, tôi nghe lòng mình ấm lên một tình cảm lạ kỳ.
...Tôi đã chứng kiến từ đầu sự vận động của Huỳnh Bá Thành để chuyển tờ tin nội bộ Sở Công An TP. Hồ Chí Minh thành tờ báo Công An phát hành rộng rãi, và sau đó là sự mày mò để tìm ra một công thức và một vị trí phù hợp cho tờ Công An giữa làng báo TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Ngành công an xuất bản một tờ báo công khai là điều chưa từng có trước đó. Cho nên khi nó xuất hiện và trở thành một hiện tượng báo chí với số phát hành mỗi ngày một tăng - chỉ một thời gian ngắn là đạt số lượng cao nhất nước - hiện tượng đó không dễ dàng được mọi người đón nhận và đánh giá giống nhau. Đồng thời, bản thân tờ báo khai thác một thể loại quá mới mẻ đối với mặt bằng báo chí, không thể tránh được những sơ hở, va vấp. Thành đã phải đối phó trước sự phê bình và chỉ trích từ nhiều phía. Kể cả từ chính các đồng nghiệp.
…Ngày Thành nằm xuống vì một cơn nhồi máu cơ tim, quan tài anh được quàn tại tòa soạn báo Công An trên đường Nguyễn Du, tôi đã đến viếng anh lần cuối. Tôi viết vào sổ tang: “...bạn ra đi mang theo một phần ký ức của tôi”.
Anh là một nhà báo hết lòng với nghề và là một người trung thành với lý tướng mình đã chọn. Và với tôi, Thành là một người bạn trước sau như một.

 CHƯƠNG 21: NHỮNG NGÀY CUỔI CÙNG CỦA TỔNG THỐNG THIỆU


Tháng 3-1975, nhiều người ở Sài Gòn không thể đoán rằng quyết định rút quân ra khỏi Cao Nguyên của tổng thống Thiệu là sự khởi đầu của sự sụp đổ hoàn toàn và mau chóng của cả chế độ.
Với người Mỹ thì từ cuối năm 1974, họ đã ngửi thấy trước viễn cảnh tai họa sẽ xảy đến ở Đông Dương. Kissinger cố gắng vận dụng hoạt động ngoại giao của mình để cứu gỡ tình hình. Tháng 11-1974, Kissinger tháp tùng tổng. thống Ford gặp tổng bí thư Brezhnev tại Vladivostok và sau đó thực hiện một chuyến đi chớp nhoáng đến Bắc Kinh để bàn về số phận của Campuchia. Nhưng ở cả hai nơi Kissinger đều trở về tay trắng.
Tháng 3-1975, tổng thống Ford viết thư cho thủ tướng Thái Lan Khurkrit Pramot trong đó ông cho rằng các sư đoàn chính qui Bắc Việt đang chuẩn bị đánh vào miền Nam, đồng thời khẳng định: “Tôi bảo đảm với ngài, thưa Thủ tướng, rằng Hoa Kỳ vẫn cương quyết cung cấp cho miền Nam những phương tiện để họ có thể chống lại. Chúng tôi muốn giúp các người bạn của chúng tôi.”.
Liền đó, tổng thống Ford quyết định gửi tổng tham mưu trưởng quân đội Fred Weyand đến miền Nam với nhiệm vụ đánh giá tình hình và đưa ra những đề xuất cho thời gian tới. Kết luận của Weyand: Tình hình quân sự đang nguy cấp và có khả năng sự sống sót của miền Nam sẽ là một “quốc gia” bị cắt xén chỉ còn lại các tỉnh ở Nam bộ. Weyand cho rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm làm mọi khả năng của mình để cung cấp phương tiện và trang thiết bị giúp cho chính quyền miền Nam bổ sung tiềm lực của mình đối đầu với cuộc tấn công. Theo Weyand, con số viện trợ cần bổ sung là 722 triệu đô la để cứu chính quyền Sài Gòn. Nhưng đa số các nhà lập pháp Mỹ đều từ chối biểu quyết thêm bất cứ một khoản viện trợ bổ sung nào cho miền Nam Việt Nam.
Các nhà báo Mỹ đã phát hiện rằng khi tướng Weyand từ miền Nam Việt Nam trở về phải đến tận California mới gặp được tổng thống Ford để báo cáo. Lúc này tổng thống Ford đang chơi golf ở Palm Springs. Truyền hình Mỹ cho phát hình Ford đang vung tay đánh quả bóng nhỏ rồi liền đó vài giây phát hình những cảnh quân lính Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy.
11 ngày sau, Kissinger xuất hiện trước ủy ban quan hệ quốc tế Thượng viện. Nghị sĩ Sparman hỏi “Liệu chúng ta có bất cứ ràng buộc gì đối với Hiệp định Paris?”. Kissinger cho rằng “Hiệp định Paris này không có những ràng buộc mà chỉ có những quyền hạn, thể hiện trong điều 7. Tổng thống Nixon và những người khác thì đánh giá rằng việc cho phép nước Mỹ rút ra tại điều kiện cho Mỹ sớm viện trợ và thúc đầy Hiệp định. Với chính quyền Sài Gòn, nếu họ để cho chúng ta rút các lực lượng ra thì chúng ta sẽ tăng được hy vọng tranh thủ viện trợ cho họ và hiệu lực cho hiệp định. Vấn đề nằm trong bối cảnh như thế, chứ không có một ràng buộc pháp lý nào. Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố có sự ràng buộc. Chúng ta chưa bao giờ phản bác sự ràng buộc. Nhưng một số người trong chúng ta nghĩ rằng đó là một ràng buộc về đạo đức...” (Ending The Vietnam War).
Khi khu vực Cao nguyên bắt đầu lung lay, tổng thống Thiệu gửi ngoại trưởng Trần Văn Lắm sang Washington vừa xin viện trợ bổ sung vừa đánh giá thái độ của quốc hội Mỹ đối với miền Nam. Nhưng từ Mỹ, Trần Văn Lắm điện về cho biết rằng không hy vọng quốc hội Mỹ chấp nhận viện trợ bổ sung. Ông Lắm lo ngại rằng khi Hạ viện và Thượng viện họp kín bỏ phiếu ngày 12 và 13-3-1975 sẽ chống lại bất cứ một khoản viện trợ nào cho miền Nam Việt Nam.
Trong hồi ký của mình (Ending The Vietnam War) Henry Kissinger đã viết như sau về quyết định của ông Thiệu rút quân khỏi Cao nguyên: ‘‘Thiệu hiểu rằng, với tiềm lực bị co lạiông không thể bảo vệ lâu dài toàn bộ lãnh thổ của đẩt nước đang bị bao vây và ra lệnh một cuộc rút quân chiến lược khỏi Cao nguyên. Nếu là một bài tập trong học viện quân sự thì sự chuyển quân của Thiệu được coi là có lý. hưng căn cứ những thựcc tế của Việt Nam thì nó dẫn tới tai họa. Chiến lược này được phát động với sự không chuẩn bịhoặc không có những chỉ đạo tường tận từ Bộ tổng tham ở Sài Gòn, nên “chiến lược rút quân’‘ chỉ tiến hành trên một con đường độc đạo- đường 7B dễ làm mục tiêu cho địch. Đồng thời con đường nay đã hư hỏng và đầy rẫy mìn. Đúng ra phải có sự tham gia của công binh thì con đường này mới sử dụng được, kẻ cả việc phải xây lại nhiều cây cầu bị sập – những công việc này hiện các sư đoàn của quân đội VNCH không được trang bị đầy đủ để đối phó. Ngoài các đơn vị chiến đấu, đường 7B còn phải tải một dòng người đông đúc dân thường chạy nạn. Ngay khi có lệnh rút quân, sự hỗn loạn xảy ra (…). Con đường độc đạo này sau đó nhanh chóng bị kẹt cứng bởi hoảng 60.000 quân lính và 400.000 thường dân. Hệ thống tiếp liệu lương thực bị cắt đứt, nhiều lính đói khát bắt đầu cướp phá những làng mạc dọc theo con đường. Không quân tiếp viện lại ném bom lầm mục tiêu vào một đơn vị xe bọc thép, giết nhiều quân lính VNCH và thường dân ditản. Chỉ một số ít binh lính và thường dân thoát ra đến vùng ven biển. Các sư đoàn bảo vệ Cao nguyên đã bốc hơi hết...”.
Một chi tiết cần biết thêm về cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum: lúc đó trấn thủ Vùng 2 chiến thuật là tướng Phạm Văn Phú, cũng như Nguyễn Văn Thiệu, đã từng là sĩ quan quân đội Pháp. Phạm Văn Phú từng bị bắt làm tù binh khi quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ năm 1954. Trước đó tướng Phú tâm tình với Lou Conein (một nhân viên CIA) rằng: “Tôi sẽ tự sát. Tôi nhất quyết không bao giờ để bị bắt làm tù binh lần nữa”. Khi Thiệu ra lệnh cho Phú bắt đầu rút quân khỏi Vùng 2 quân sự, Phú mất bình tĩnh nhảy lên trực thăng bay đến nơi an toàn ở ven biển sớm nhất. Cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum dự định trong trật tự đã “diễn ra trong hỗn loạn và điên cuồng” (frenzied - theo báo Mỹ), giai đoạn khởi đầu sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Sài Gòn.
…Sau khi ông Thiệu mất tại Mỹ, Hoàng Đức Nhã từng là bộ trưởng Dân vận Chiêu hồi và cố vấn của tổng thống Thiệu, có trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFI tiếng Việt của Pháp về quyết định của ông Thiệu “rút quân chiến lược” ở Cao nguyên. Phóng viên RFI phỏng vấn trực tiếp ông Nhã đã kể lại với tôi sau này rằng ông Nhã đã phủ nhận quyết định của ông Thiệu là một sai lầm. Ngược lại ông Nhã cho đó là một quyết định đúng nhưng chuyện xảy ra sau đó như những con bài domino, nó tác động sự sụp đổ dây chuyền. Ông Nhã cho rằng cần có độ lùi thời gian để đánh giá đúng đắn về quyết định này. Phóng viên RFI có một nhận xét: chẳng lẽ một phần tư thế kỷ chưa đủ độ lùi để có một kết luận? Còn phải chờ bao lâu nữa? Cách đánh giá của Henry Kissinger thuần về kỹ thuật quân sự có hơi phũ phàng đối với ông Thiệu nhưng có lẽ cũng xác đáng. Quyết định của ông Thiệu phù hợp với tình hình suy yếu về quân sự của chế độ Sài Gòn lúc đó nhưng hoàn toàn không được chuẩn bị trước.
Một thí đụ khác về sự chỉ đạo lúng túng của ông Thiệu: Ngày 15-3-1975, Ban Mê Thuật bị chiếm. Ngày 15-3-1975, ông Thiệu triệu tập các chỉ huy quân sự họp tại Cam Ranh và đưa ra quyết định bỏ các tỉnh phía Bắc (của miền Nam). Nhưng ngày 20-3-1975, sợ phản ứng của dư luận, ông Thiệu lại có một chỉ đạo ngược lại: bảo vệ Huế đến người lính cuối cùng. Nhưng 5 ngày sau đó cố đô thất thủ?
Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (Tổng thư ký báo Dân Chủ, tiếng nói chính thức của đảng Dân Chủ của Thiệu) trong quyển hồi ký của mình (Sài Gòn tuyết trắng) đã ghi lại lời của chuẩn tướng Nguyễn Văn Điển, tư lệnh sư đoàn 1 Bộ binh, khi từ Huế về tới Đà Nẵng, đã than thở với Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại như sau: “Tôi mất hết tất cả. Mất cả sư đoàn. Mất binh sĩ. Mất đất đai. Tôi không còn gì nữa. Danh dự cũng không còn”.
Sự tháo chạy khỏi Kontum-Pleiku ra hướng Nha Trang quả thật kinh hoàng. Trên báo Chính Luận ngày 21-3-1975 có đăng bài của phóng viên Nguyễn Tú đi theo đoàn người di tản từ Phú Bổn điện về tòa soạn ngày 19-3 như sau:
“Hôm nay đoàn di tản từ Kontum-Pleiku đã tới Phú Bổn, Số người di tản ở Phú Bổn nhập thêm vào. Đoàn người lại rời khỏi thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo) để hướng về Phú Yên. Cuộc di tản bước qua ngày thứ tư.
“Đoàn xe đi trước gồm khoảng 4.000 chiếc vừa quân sự dân sự đã thoát đi an toàn. Đoàn sau khoảng 1.000 chiếc cũng cả quân sự lẫn dân sự rời Cheo Reo là gặp đại họa. Trong lối 4 tiểu đoàn địa phương gồm toàn đồng bào Thượng, phần lớn đã đào nhiệm mang theo vũ khí, đã phản loạn mở cuộc tấn công tập hậu vào đoạn cuối đoàn di tản đồng thời nổi lửa phá phố phường, cướp bóc và bắn giết những đồng bào còn ở lại.
Như kể trên, ngày 20-3-1975, tổng thống Thiệu ra lệnh tử thủ Huế cho đến người lính cuối cùng, nhưng trước đó hai ngày (18-3) cuộc di tản khỏi Huế đã bắt đầu. Cũng trên nhật báoChính Luận ra ngày 23-3-1975 có bản tin và tường thuật từ Huế như sau:
Sáng nay 18-3, dân Huế khởi đầu cuộc “Nam tiến” với một số người chưa đông đảo lắm và hầu hết chạy bằng xe hàng. Giá một xe Traction từ Huế vào Đà Nẵng 15.000 đồng một chuyến. Xe vận tải giá khoảng 50 ngàn.
Sau khi được chứng kiến hàng ngàn dân Quảng Trị bơ phờ nằm vạ nằm vật đầy khắp thành phố Huế và những tin tức dồn dập bệnh viện Quảng Trị di tản 100%... sáng 19-3 dân Huế đổ xô vào Đà Nẵng bằng tất cả mọi phương tiện, từng đoàn Hon da, xe hàng nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân, thảm thương nhất là đoàn xe đạp, cũng “thồ” đầy những hành lý như ai, kĩu kịt từng đoàn bỏ rơi thành phố Huế (...)
Mỹ phản ứng lại tình hình này ra sao? Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng chính quyền Ford và ông chỉ quan tâm về một số triệu người dân di tản đổ dồn vào Đà Nẵng, trong khi tại đây không còn lương thực để tiếp tế cho họ. Washington tìm cách góp sức giải quyết vấn đề này chứ không tính chuyện bảo vệ Đà Nẵng. Nhóm hành động đặc biệt Washington (WSAG) được tổng thống Ford triệu tập nhưng lại sa lầy vào những chuyện pháp lý đâu đâu trước đề xuất nên gửi những chiếc LST Mỹ (loại xe bọc thép đồng thời sử dụng như tàu chiến) đến Việt Nam để giúp di tản dân. Các chuyên gia Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi liệu việc đưa vào những chiếc LST có vi phạm điều 7 của Hiệp định Paris không? Người ta không khỏi ngạc nhiên về người Mỹ bỗng nhiên trở thành những người rất tôn trọng luật lệ tại chiến trường Việt Nam mà trước đây họ hoàn toàn bất cần. Ngoài ra WSAG còn bàn việc sử dụng phương tiện vận tải quân sự vào chiến trường Việt Nam để di tản dân có vi phạm một điều khoản của War Powers Act biểu quyết một năm trước đây về vấn đề hạn chế việc sử dụng thiết bị quân sự? Vấn đề viện trợ bổ sung bị bế tắc, đến chuyện cần thêm phương tiện di tản dân cũng hết sức khó khăn, điều đó chứng tỏ người Mỹ đã nhất quyết quay lưng lại với chính quyền Thiệu và phủi tay với chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó cuộc sống ở Sài Gòn, một “kinh đô ánh sáng”của Đông Nam Á nhìn bên ngoài sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ riêng các dancing bị đóng cửa, còn các rạp hát và các tụ điểm vui chơi khác hoạt động bình thường. Rạp Rex chiếu một trong những phim cuối cùng do Romy Schneider diễn xuất:Le Train (đóng chung với Jean Louis Trintignant) thu hút đông đảo người xem. Câu lạc bộ CSS (Cercle Sportif Saigonnais) - một ốc đảo của xã hội trưởng giả Sài Gòn - vẫn sinh hoạt bình thường. Các sân tennis vẫn đầy người chơi, các phu nhân vẫn đến tập thể dục thẩm mỹ đều đặn, hồ bơi mỗi buổi trưa vẫn là nơi hò hẹn của những giai nhân trong các bộ bikini khêu gợi.
Thậm chí ở Sài Gòn, có những người còn vớt vát bằng cách đồn rằng cuộc tháo chạy khỏi Cao nguyên và việc rút khỏi tỉnh Quảng Trị của tổng thống Thiệu là sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Bắc Việt. Nhưng ngày 21-3-1975, chính ông Hồ Văn Châm, tổng trưởng Cựu chiến binh, kiêm quyền tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi, lại đính chính điều này trên hệ thống truyền hình như sau:
“Thừa lệnh tổng thường VNCH, chúng tôi xin thưa cùng đồng bào rằng những tin đồn trong những ngày gần đây được tường thuật qua báo chí trong nước và qua các bản tin viễn ký của hãng thông tấn ngoại quốc, liên quan đến việc chính phủ VNCH thỏa hiệp với CSBV để bỏ ngỏ ba tỉnh Cao nguyên thuộc quân khu 2 và tỉnh Quảng Trị thuộc quân khu 1 là những nguồn tin hoàn toàn thất thiệt và vô căn cứ…”
Ngày 26-3-1975, tổng thống Thiệu lại tuyên bố trên đài phát thanh quyết bảo vệ Đà Nẵng tới cùng. Nhưng chỉ bốn ngày sau Đà Nẵng mất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn l, quân đoàn bảo vệ Đà Nẵng, biết rõ mình không đủ lực lượng đối địch với quân giải phóng. Hơn một tháng trước đó, Ngô Quang Trưởng đã cho biết “nếu cộng quân mở cuộc tấn công họ có thể chọc thủng phòng tuyến ở bất cứ chỗ nào”. Tướng Trưởng đã tiết lộ điều này với phái đoàn quốc hội Mỹ tới vùng 1 để cứu xét quân viện cho VNCH.
Ngày 30-3-1975, Đà Nẵng thất thủ. Nhà báo Paul Quinn Judge của tờ Christian Science Monitor, một người bạn của tôi chưa kịp rời thành phố này, đã điện về Sài Gòn tường thuật cho tôi nghe những gì anh đang nhìn thấy trước mắt. Một cuộc tường thuật sốt dẻo tại chỗ: “Tôi nhìn thấy những chiếc xe đầu tiên vào thành phố cắm cờ MTDTGPMN. Những toán quân đầu tiên của Mặt trận trang bị súng ống đầy đủ cũng xuất hiện trên các đường phố... Các vụ tấn công, cướp bóc vào nhà dân trước khi quân lính VNCH rút đi cũng chấm dứt...”. Tôi còn nhớ phản ứng trong lòng tôi lúc đó rất lạ, vừa xúc động vừa tò mò. Tôi muốn hỏi Paul thêm chi tiết về những người lính giải phóng đầu tiên mà Paul đã gặp, nhưng anh đã gác máy. Tôi cố gắng hình dung lại trong đầu mình hình ảnh một toán quân giải phóng cầm cờ và trang bị đầy đủ súng ống tiến vào thành phố như thế nào. Cái “bến bờ vừa xa vừa lạ” ấy đang tiến lại gần, với tốc độ càng lúc càng nhanh.
Hãng thông tấn Pháp AFP trong bản tin ngày 31-3-1975 đã kể lại câu chuyện sau đây của một nhân chứng người Pháp rời Đà Nẵng đúng lúc quân giải phóng bắt đầu vào thành phố. Người Pháp này tên Alain Pottier là giáo viên tại trường trung học Pháp ở Đà Nẵng:
“…Vào lúc 11 giờ, một trực thăng của hãng Air America bay trên thành phố để tìm ông Al Francis, tổng lãnh sự Mỹ. Viên phi công trông thấy cờ Pháp trên tòa nhà trung tâm Văn hóa Pháp, nên khi bay ngang qua đã gọi xuống yêu cầu các người Pháp hãy chạy ra bãi trực thăng. Nhưng khoảng 60 người Pháp chạy ra chỗ hẹn đã phải thối lui vì binh sĩ VNCH nổ súng cấm họ ra bãi trực thăng. Trở về trung tâm, ông Pottier đã bám được vào chân đáp trực thăng khi phi công cho máy bay sà xuống cách mặt đất 2 thước. Ông Pottier cưỡi lên một chân đáp và được trực thăng tha đi khoảng 10 cây số rồi mới được kéo vào trong máy bay. Ở chân máy bay kia, một thanh niên Pháp lai khác cũng cưỡi chân đáp mà thoát thân như ông.
Nhân chứng kể thêm rằng trong mấy tiếng đồng hồ bay trên thành phố Đà Nẵng, nhiều lần trực thăng bị các quân nhân VNCH bắn lên. Tại phi trường, hàng trăm xác chết nằm ngổn ngang trên phi đạo, một số chết vì đạn pháo kích, một số chết vì bị các quân nhân VNCH ngăn cản không cho lên phi cơ, để dành chỗ cho gia đình của chính họ. Sau hai lần cố tìm cách lấy thêm người tị nạn nhưng viên phi công nhận thấy đáp xuống tha không khác nào tự sát, nên đành bỏ cuộc bay về Nha Trang. Theo AFP có 3 người Pháp tình nguyện ở lại Đà Nẵng sau khi thị xã này thất thủ với 65 người quốc tịch Pháp và con cái. Đó là các ông Xavier Dillmann, phó tổng lãnh sự Pháp, ông Andre Aubac, giám đốc Trung tâm Văn hóa và Jacques Joly, một giáo sư.
Trong khi đó, hãng tin AP đã tường thuật ngày đầu cuộc di tản bằng cầu không vận Đà Nẵng - Nha Trang được báo Điện Tín ra ngày thứ bảy 29-3-1975 trích dịch như sau:
(AP-27-3) Cuộc không vận lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam đã khởi sự hôm thứ Năm và đã có 190 dân tị nạn được chở trong chuyến máy bay đầu tiên từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Nhưng trong khi tại phi trường Đà Nẵng hàng vạn người tranh giành đánh nhau để được lên máy bay thì khi đến Nha Trang những người tị nạn lại ngơ ngác, chán nản. Có người muốn quay về điểm khởi hành với thân nhân chưa đi được.
Một thiếu phụ dẫn hai con đi ngược lên cầu thang. Bà phân trần ‘‘Tôi có bảo đưa đến đây đâu. Cho tôi trở lại với chồng tôi tại Đà Nẵng”. Dĩ nhiên không ai nghe lời phân trần có vẻ hữu lý này. Phần lớn số hành khách trên chuyến bay ân huệ nói trên là đàn bà và trẻ nít, thân nhân của các quân nhân không quân VNCH làm việc ở Đà Nẵng.
Chiếc máy bay đầu tiên trên đây của chương trình không vận dân tị nạn Đà Nẵng là chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do cơ quan USAID thuê bao. Nội trong ngày thứ Năm, chiếc này đã bay 4 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Nha Trang. Người ta không hiểu là các nỗ lực giúp đỡ và di dân sẽ có kết quả đến mức nào. Có điều là ở Đà Nẵng trong hiện tại, gánh nặng cơ hồ không giải quyết nổi.
Hai ngày sau (29-3), hãng tin của Mỹ UPI đã mô tả “thảm cảnh về một chuyến bay từ Đà Nẵng về đến Sài Gòn” được báo Điện Tín trích dịch như sau:
“Khoảng hơn một ngàn người sáng hôm thứ Bảy đã tràn vào phl đạo, đánh đập, dày xéo, bắn nhau để cố leo lên chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do USAID thuê bao. Nhưng cuối cùng “chuyến bay địa ngục” - nói theo văn từ của viên phi công trưởng - vẫn cố lắc lư hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả 400 người trên máy bay đều an toàn, kể cả một số người ngồi nép mình ở hầm hành lý dưới lườn máy bay, ngoại trừ một người chết nhẹp vì bị bánh máy bay rút vào ép sát. Sau đây là bài tường thuật chi tiết của phóng viên UPI Paul Vogen đi theo chuyến bay này:
Chiếc Boeing lăn bánh để cất cánh. Nhưng nhiều người dưới đất vẫn nhào ra một cách tuyệt vọng trước lằn bánh máy bay di chuyển. Một số binh sĩ dùng cả đại liên bắn theo máy bay.
Khi chúng tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất, xác một binh sĩ, khẩu M16 vẫn còn trên vai, đang lắc lư dưới lườn chiếc phản lực. Tôi đã ở Việt Nam hơn 18 năm và cảnh tượng ở Đà Nẵng hôm thứ Bảy là cảnh thê thảm nhất tôi đã chứng kiến trong đời. Viên hoa tiêu nói với tôi là ông ta đã bay 75 chuyến không vận Nam Vang từ mấy tuần qua, nhưng “thà tiếp tục bay thêm 300 chuyến như vậy còn hơn là bay thêm một chuyến ra Đà Nẵng”.
Trên chuyến bay, những người dân duy nhất là hai phụ nữ và một em bé. Còn lại tất cả là quân nhân. Sô quân nhân đã bị quân cảnh bắt giữ ngay khi xuống phi trường TSN. Hầu hết trong số này thuộc đơn vị Hắc Báo được coi là tình nhuệ nhất của Sư đoàn 1 bộ binh.
Phóng viên của đài truyền hình CBS cũng đi trên chuyến bay World Airways đó và có thu hình. Bài tường thuật của phóng viên Paul Vogen của hãng thông tấn UPI cùng hình ảnh người lính chết thòng chân ở máy bay đã được đăng nơi trang nhất các báo Mỹ ra ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh 30-3. Tổng thống Ford khi xem cảnh đó đã nói “Đã đến lúc rút dây. Việt Nam mất rồi!”.
Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (trong quyển hồi ký Sài Gòn tuyết trắng) đã tường thuật sự rút khỏi Đà Nẵng của tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn, người mà ông Hoàng gọi là“một trong những tướng lãnh xuất sắc của quân đội VNCH”, trong những điều kiện như sau:
Trong lúc chuẩn bị di chuyển, tôi (trung tá Nguyễn Văn Phán, chỉ huy trưởng căn cứ Non Nước) nghe lính la lên “có tàu ở ngoài khơi đang đi vào”? Trời hãy còn mờ mờ. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng. Tôi nhìn ra biển, thấy một chiếc tàu đi vào, sau thấy một chiếc nữa, rồi một chiếc nữa. Anh em mừng quá. Chúng tôi được lệnh rút ra tàu.
“Chỗ này không có bến tàu, chỉ có bãi biển. Tàu không vào bãi được. Bãi nông, sợ mắc cạn, tàu phải đậu ở ngoài khơi. Anh em túa ra biển. Lội, bơi ra tàu. Có người dùng vỏ xe hơi làm phao để bơi ra.
“Một số xe thiết giáp cũng nhào xuống bãi, theo Thủy quân lúc chiến để ra tàu. Họ cho xe chạy xuống nước, định dùng xe dùng cầu để đi ra, nhưng đâu có được. Xe ra xa bị chìm mất tiêu. Vài binh sĩ thiết giáp không đi được, nổi giận quay súng bắn về phía tàu. Khi thấy bị bắn, tàu lại lui ra xa hơn.
“Tôi cởi bỏ quần áo. Chỉ mặc quần xà lỏn, giữ lại áo chắn đạn làm phao cho dễ nổi. Tôi cùng tướng Trưởng (tức Ngô Quang Trưởng) bơi ra tàu. Tàu đậu trông tưởng gần, nhưng bơi mãi không tới. Tướng Trưởng hơi đuối sức. Tôi dìu ông ở nách bên trái. Ông Trí (đại tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó Thủy quân lúc chiến) xốc nách ông ở bên phải. Mãi rồi chúng tôi cũng đến nơi, lên được chiến hạm HQ 404. Tướng Trưởng được đưa vào phòng hạm trưởng nghỉ ngơi. Ông dặn không tiếp ai hết”.
… Ngày 3-4 tại Washington, tổng thống Ford vẫn cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung “để cứu miền Nam”, trong khi đó báo chí Mỹ lại nêu lên với Ford sự cần thiết phải “vứt bỏ” (jettison) ông Thiệu. Nhưng Ford từ chối, viện lý do: “Tôi không tin rằng tôi có thẩm quyền để nói với người đứng đầu một quốc gia - được dân chúng của họ bầu - là phải rời khỏi chức vụ của ông ta”.
Uy tín của chế độ Thiệu càng sút giảm trầm trọng với vụ nhà báo Pháp Paul Leandri, phó văn phòng AFP tại Sài Gòn bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết ngay tại trụ sở Tổng nha cảnh sát sau khi Ban Mê Thuật bị thất thủ. Nội vụ này diễn tiến như sau: tường thuật sự thất thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuật, AFP đưa tin có sự tham gia của lực lượng FULRO, một phong trào ly khai của người Thượng mà chính quyền Thiệu đã từng tuyên truyền đã về với “chính nghĩa quốc gia” từ ngày l-2-1969. Chính quyền Thiệu phủ nhận tin này và buộc AFP phải nói ra xuất xứ nguồn tin. Tác giả bản tin - Paul Leandri - bị Tổng nha cảnh sát mời lên để chất vấn. Paul Leandri nhất định bảo mật nguồn tin của mình, cuộc cãi vã xảy ra trong phòng của viên sĩ quan cảnh sát được giao điều tra. Đến một lúc nhà báo Pháp đòi ra về và dù viên cảnh sát ra lệnh anh không được rời phòng, anh vẫn bước ra khỏi phòng. Thế là viên cảnh sát nổ súng. Paul Leandri chết ngay tại chỗ. Đoán trước sẽ rất rắc rối về cái chết này, Tổng nha cảnh sát liền ngụy trang lại hiện trường: đặt Paul Leandri lên ô tô của anh rồi cho xe đụng vào cổng ra vào của Tổng nha, cuối cùng dùng súng - đã được sử dụng - bắn vào xe của Paul Leandri từ phía sau như thể do ô tô của Paul Leandri vượt cổng nên cảnh sát đã nổ súng.
Cái chết của Paul Leandri gây nên sự bất mãn càng dữ dội đối với chế độ Sài Gòn đang suy yếu. Tại Paris, chiều thứ ba 18-3-1975, nghiệp đoàn ký giả toàn quốc Pháp tập hợp hơn 300 nhà báo tụ họp trước trụ sở của AFP rồi từ đây diễu hành yên lặng đến tòa đại sứ VNCH. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các phân bộ địa phương tổ chức những cuốc biểu tình tương tự đến các tòa tổng lãnh sự VNCH ở Pháp.
Vụ bắn chết nhà báo Pháp không chỉ là một “tai nạn”. Nó còn phản ánh một giai đoạn quan hệ căng thẳng giữa Paris - Sài Gòn: liên tục trước đó xảy ra những vụ người Pháp bày tỏ sự thiếu thiện cảm và ra mặt chống đối chính quyền Sài Gòn. Khi Hội nghị Paris vừa khai diễn thì một công dân Pháp leo lên đỉnh tháp chuông cao nhất của Nhà thờ Notre Dame ở Paris và treo trên đó lá cờ MTDTGPMN buộc chính quyền thành phố Paris phải dùng đến trực thăng để hạ cờ xuống; đến năm 1970 là vụ hai giáo viên người Pháp tại Sài Gòn – André Menras và Jean Pierre Debris - trèo lên tượng Thủy quân lúc chiến cao khoảng 10 mét đặt trước Hạ nghị viện phất cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khiến cho chính quyền Thiệu phải huy động hàng chục cảnh sát chìm dùng vũ lực đàn áp họ, lôi họ từ trên tượng rơi xuống đất trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Sau đó, trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa, hai giáo viên người Pháp này tỏ ra rất “cứng đầu”. Họ nhất định không chấp hành các kỷ luật trong trại giam và còn hô những khẩu hiệu ủng hộ MTDTGPMN khiến cho sự can thiệp của sứ quán Pháp nhằm trả tự do cho họ càng khó khăn. Sau 1975, tôi có gặp một trong hai giáo viên đó - anh Jean Pierre Debris - tại Hà Nội. Anh này đã ở lại Hà Nội một thời gian sau tháng 4-1975 và cộng tác với đài phát thanh Việt Nam phiên dịch những bản tin tiếng Pháp.

      2      3      4      5      6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét