Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

“HÌNH SỰ HÓA” CỦA BỘ CÔNG AN SẼ LÀM KHÓ NHÀ NƯỚC?

“Đại diện Bộ Công an”?
“Đại diện Bộ Công an” có thể sẽ gây phiền toái hơn cho nội tình cơ quan này và càng làm khó cho danh thể của Nhà nước Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
14/3/2014 - đúng vào ngày tưởng niệm cái chết của đảo Gạc Ma sau cuộc đánh úp của hải quân Trung Quốc, một hội nghị tổng kết việc thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nhân vật vừa ngẫu hứng một tuyên ngôn chưa từng có tiền lệ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm sức mạnh quốc gia tăng lên rõ rệt”.
Trong hội nghị này, như để làm tăng thêm “sức mạnh quốc gia”, đại diện Bộ Công an đã tống đạt một đề nghị hết sức chuyên biệt về chuyên chính vô sản: để đáp ứng toàn diện, đầy đủ hơn yêu cầu trong tình hình hiện nay, bộ luật Hình sự sửa đổi sắp tới cần nghiên cứu hình sự hóa nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội đang xảy ra trong thời gian qua như: tổ chức lập hội trái phép, kêu gọi xóa bỏ hoặc thay đổi Hiến pháp…
Đề nghị cực kỳ ngặt nghèo trên được báo Thanh Niên đưa lại trong bản tin “Đề nghị hình sự hóa mua dâm đồng tính”.
Hiện vẫn chưa biết rõ đề nghị “hình sự hóa” đối với việc lập hội và hiến pháp có phải là ý kiến chính thức của Bộ trưởng công an hay không, và “đại diện Bộ Công an” có phải là người được ủy quyền đầy đủ để phát ra ý kiến gây xáo động chính trị đến thế hay có thể hiểu ngược lại.
Nhưng điều rõ ràng hơn cả là dường như người thay mặt cho ngành công an muốn đặt vào tầm ngắm sự ra đời của hàng loạt hội đoàn độc lập trong thời gian qua, và “Kiến nghị 72” đề nghị thay đổi cơ bản về nội dung hiến pháp - một phong trào của nhiều nhân sĩ, trí thức mà đã làm cho chính quyền “mất ngủ”.
Gần một phần tư thế kỷ!
Một vài kế hoạch hành động liên tịch giữa công an địa phương và các ngành liên quan mà dư luận biết được đã chuyên chú vào mục tiêu “không để các hội đoàn độc lập hình thành”.
Cũng chủ yếu từ tháng 8/2013 đến nay, sau chuyến viếng thăm được hệ thống báo đảng coi là “sự kiện lịch sử” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Washington gặp người tương nhiệm là Tổng thống Barack Obama, cùng cuộc làm việc về TPP sau đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở New York, hàng loạt hội đoàn độc lập đã ra đời để cổ vũ cho tinh thần tái hiện tính tương thân này, trong đó đáng chú ý là những cái tên như Mạng lưới blogger Việt Nam, Diễn đàn Xã hội dân sự, Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội Dân oan đất đai, Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Văn đoàn độc lập Việt nam…
Nếu không có gì thay đổi và tương hợp với nội dung hợp tác toàn diện về nhân quyền trong Thông cáo chung giữa Barak Obama và Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng, sắp tới ở Việt Nam sẽ có thể xuất hiện thêm một số hội đoàn độc lập về nghề nghiệp như Hội nhà báo độc lập, Hội luật sư độc lập, và đặc biệt là Nghiệp đoàn công nhân độc lập - một tổ chức hội đoàn nhằm thỏa mãn điều kiện tiên quyết mà phía Hoa Kỳ đang đặt lên bàn đàm phán TPP với Nhà nước Việt Nam.
Khía cạnh pháp lý không thể nhắm mắt làm ngơ là tất cả các hội đoàn độc lập trên, nếu chiếu theo tinh thần và nội dung của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp năm 2013 của chính Nhà nước Việt Nam, đều thỏa mãn tư cách pháp lý về quyền tự do lập hội.
“Tự do lập hội” ở Việt Nam cũng là một chủ đề thuộc về nhân quyền, nằm trong số 227 khuyến nghị của hơn 100 quốc gia tại cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vừa diễn ra ở Geneva vào đầu tháng 2/2014. Với tư cách là tân thành viên đầy triển vọng của hội đồng này, Nhà nước Việt Nam đương nhiên có trách nhiệm và không thiếu động cơ để thực thi những khuyến nghị chưa bao giờ trở thành thực tiễn ở Việt Nam.

Cũng bởi, sau gần một phần tư thế kỷ kể từ hiến pháp năm 1992, quyền tự do lập hội vẫn chưa hề được luật hóa ở Việt Nam. Cùng với quyền tự do biểu tình, hai chủ đề này vẫn chỉ được Quốc hội ghé mắt lắc đầu theo đúng tôn chỉ “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”, rất tương thích với động tác cúi đầu bấm nút của 98% đại biểu để bỏ phiếu thuận cho bản hiến pháp 2013 - vốn bị xem là “thụt lùi sâu sắc”.
Bất chấp một hứa hẹn mơ hồ của Ủy ban thường vụ quốc hội vào cuối năm 2013 về “sẽ ban hành luật lập hội và luật biểu tình”, thực tế sống động nhất là bản hiến pháp năm 2013 vẫn giữ thế bảo thủ tuyệt đối về “chế độ sở hữu đất đai toàn dân” và “kinh tế quốc doanh chủ đạo” - bị xem là hai nhóm lợi ích chính gây ra khung cảnh cực kỳ khốn khó và nhiễu loạn cho dân tộc hiện thời. Não trạng không chỉ hằn mòn về đường lối kiến thiết như thế đã dẫn dụ một tương lai không thể minh bạch hơn: người dân đừng trông mong gì vào những lời hứa hẹn tối tăm về “dân chủ cơ sở”. Thậm chí cho dù luật lập hội và luật biểu tình có được ban hành trong năm 2014 này, cũng rất khó có hy vọng được nhìn thấy những văn bản luật đáp ứng và nói được tiếng lòng của nhân dân dưới đáy.
Lớp dân dưới đáy ấy đang nheo nhóc và khốn quẫn trong vô số kiếp nạn về xả lũ thủy điện vô nhân đạo, thu hồi đất đai vô nhân tính, nạn vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức, bóp nghẹt tiếng nói phản biện của báo chí…
Trước mắt và trong khi chưa biết số phận của dự thảo luật lập hội ra sao, người dân chỉ được thông tin rằng việc soạn thảo luật biểu tình được Chính phủ giao cho… Bộ Công an, và sẽ “cố gắng đưa luật vào đời sống” trước năm 2020.
Ý chỉ Bắc Kinh?
Không thể trông đợi vào một nhà nước vẫn hoàn toàn thiếu vắng lòng thành tâm chính trị, dân chúng chỉ còn cách tự cất lên tiếng nói của mình. Không trái với Công ước quốc tế và hiến pháp Việt Nam về quyền tự do lập hội, những hội đoàn độc lập được thành lập trong thời gian qua đương nhiên không thể bị các cơ quan quản lý nhà nước và ngành an ninh coi là “trái phép”.
Tương tự, quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt - những điều đã được Nhà nước Việt Nam mau mắn cam kết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, không thể bị lạm dụng và hơn thế bị lợi dụng để bị quy kết thành hành vi nguy hiểm “kêu gọi xóa bỏ hoặc thay đổi Hiến pháp”.
Với đề xuất “hình sự hóa”việc lập hội và góp ý hiến pháp, Bộ Công an đã tích tụ ba kiến nghị trái ngược và xúc phạm lòng dân chỉ trong chưa đầy một năm qua. Hai kiến nghị trước thuộc về “quyền nổ súng” dành cho cảnh sát cơ động để “trấn áp bạo loạn”, và buộc “báo chí phải tiết lộ nguồn tin”.
Một lần nữa, căn bệnh “chủ quan duy ý chí” lại hiện hình. Một lần nữa, công luận phải nhớ lại “sáng kiến thu phí người khiếu kiện” của một vị đại biểu quốc hội vào năm 2013, cũng như nghị định 72 cùng năm ngoái về hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet mà giới bảo vệ nhân quyền quốc tế đã không kìm nén được cơn phẫn nộ bùng nổ.
Cuối cùng nhưng chưa hề kết thúc, dư luận một lần nữa không thoát khỏi tâm trạng nghi ngờ: liệu những đề xuất của các nhà “lập pháp” ngành công an có quá trùng khớp với lối mòn độc đạo đang diễn ra ở Trung Quốc và những ý chỉ không thèm che giấu từ Bắc Kinh?
Phong tỏa tài sản!

Có vẻ những người tâm niệm “chính quyền trên nòng súng” như danh ngôn quá cố Mao Trạch Đông còn sống sót ở Việt Nam chưa tính hết những hậu quả khôn lường mà thượng cấp của họ - Nhà nước Việt Nam - sẽ phải đối mặt với không chỉ phong trào lên án của cộng đồng quốc tế. Phía sau và xa hơn nữa, làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam còn chút cơ hội phục sinh và làm thành trụ đỡ cho nền chính trị đang có nguy cơ “tồn vong”, nếu không có được ít nhất một nguồn ngoại viện từ Hiệp định TPP? Và làm thế nào để giới quan chức cầm quyền ở quốc gia bị các nhóm lợi ích lũng đoạn đến cạn kiệt tài nguyên này không bị người Mỹ liệt vào danh sách “những cá nhân vi phạm nhân quyền”?
Một sự kiện trùng hợp không kém ý nghĩa là vào ngày 14/3/2014, đúng thời điểm “đại diện Bộ Công an” tống đạt đề xuất “hình sự hóa” việc lập hội và góp ý hiến pháp, dân biểu Ed Royce - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ - cũng đã đệ trình Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam, số hiệu H.R. 4254, áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam.”
Theo thông cáo của dân biểu Ed Royce, đây là một dự luật lưỡng đảng, nhắm mục tiêu vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.
Cụ thể, những cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.
Phạm Chí Dũng, Việt Nam 17-03-2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét