Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NHÂN CHÍNH TRỊ NGUYỄN HỮU CẦU TẠI NHÀ TÙ LỚN VIỆT NAM SAU HƠN 32 NĂM GIAM CẦM TRONG CÁC NHÀ TÙ NHỎ

Thanh Phương
Theo nguồn tin từ gia đình, ông Nguyễn Hữu Cầu, một tù chính trị đã bị giam cầm tổng cộng 32 năm, vừa được trả tự do và về đến nhà vào tối hôm qua. Nhưng hôm nay ông đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu do tình trạng sức khỏe suy yếu nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Cầu được trả tự do vô điều kiện theo « quyết định đặc xá của chủ tịch nước ». Sau khi ra tù, công an trại giam đưa ông về nhà con trai tại ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Gia đình cho biết, do đã làm đơn tố giác hai lãnh đạo của tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Hữu Cầu đã bị đưa ra xét xử vào năm 1983 và bị kết án tử hình với tội danh « Phá hoại ». Bản án sau đó được giảm xuống thành chung thân khi xử phúc thẩm năm 1985.Từ đó cho đến nay, ông Nguyễn Hữu Cầu đã không ngừng kêu oan và đã viết hàng trăm lá đơn khiếu nại. Trong những năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu cũng đã gởi đi nhiều thư kêu cứu. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam chỉ chấp nhận thả ông Nguyễn Hữu Cầu khi tình trạng sức khỏe của ông đã suy yếu rất nhiều, đến mức hôm nay phải được đưa đi cấp cứu, theo lời chị Nguyễn Thị Anh Thư, trả lời RFI hôm nay:
Như vậy là ông Nguyễn Hữu Cầu đã thọ án tổng cộng 32 năm. Cộng thêm với 5 năm cải tạo từ năm 1975 đến 1980, ông đã bị giam tổng cộng 37 năm, được coi là một trong những tù chính trị bị giam giữ lâu nhất ở Việt Nam từ trước đến nay.
Hôm qua, chính quyền Việt Nam cũng vừa trả tự do cho một nhà bất đồng chính kiến là ông Đinh Đăng Định, theo quyết định đặc xá do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ký ngày 10/3. Ông Đinh Đăng Định đã bị tuyên án 6 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » trong phiên xử vào tháng 08/2012, do các bài viết kêu gọi dân chủ đa đảng và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ông cũng được thả ra vào lúc đang kiệt sức vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, không còn hy vọng cứu chữa.
 
22/03/2014
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét