Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

HỒI KÝ VÕ LONG TRIỀU - PHẦN 2- CHƯƠNG 21 ĐẾN CHƯƠNG 30

LTS.- Trong thời gian vừa qua, vì có nhiều bài cần đăng tải liên quan đến chiến dịch tưởng niệm 58 chiến sĩ Hải Quân VNCH đã bỏ mình trong trận hái chiến tại Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 nên phải tạm gác Hồi Ký Võ Long Triều. Bài đăng tải trong số báo Thứ Hai này là những bài lẽ ra phải đăng ở mục Diễn Ðàn ngày Thứ Bảy, xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và độc giả.
Ký Ức Về Nhà Tù Cộng Sản
Một đêm qua, tôi quen dần với sự ngộp thở. Tôi tự nhủ mình phải thích nghi bởi vì cuộc sống ngột ngạt khổ xác này sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ. Ba lần tôi đứng dậy kê mũi sát vào 26 lỗ nhỏ trên khung cửa để thở một vài hơi rồi lại nằm xuống.

Kẻng nhà tù báo giờ phải thức, một công an gác tù đập cửa biệt giam:
- Võ Long Triều có đây không?
- Có!
Trở về với thực tế, tôi cảm thấy đói bèn lấy chén bo bo của bữa cơm chiều trước ra nhai, càng nhai lâu càng thấy vị ngọt nhiều, làm giảm sự bào bọt của bao tử. Ăn xong tôi lại tiếp tục nghĩ quanh nghĩ quẩn và tự hỏi: Việc gì sẽ xẩy ra? Làm sao mà biết được câu trả lời! Vì thế nên cứ để mặc kệ, “một liều ba bảy cũng liều”! Muốn tới đâu thì tới, muốn ra sao thì ra... Chết là cùng... là hết chuyện! Mà tại sao chết? Tôi phải sống! Tôi tự nhủ thầm và tự trấn an: Ai chết mặc kệ ai, Võ Long Triều sẽ không chết.
Nghĩ như vậy tôi đứng lên bước tới bước lui cho giãn gân cốt. Tôi quyết định mỗi ngày phải đi tới đi lui nhiều lần, vận động để kéo dài sức chịu đựng.
Ánh đèn néon chiếu xéo qua lỗ trống 2 tấc vuông trên trần phòng biệt giam cho phép thấy mọi vật lờ mờ. Như đã nói trên, bề dài biệt giam hơn hai thước, đủ chỗ để tôi bước tới một, hai, ba... xoay lưng về sau, một, hai, ba... xoay lưng nhìn trước một, hai, ba... Cứ như vậy mà đi, không để cho mệt, không đi nhiều phí sức tốn nhiệt lượng trong người, nhưng phải đi thường.
Chuyện đau khổ trong tù mỗi người một cảnh, làm sao diễn tả được tất cả tâm tư, cảm giác của mỗi tù nhân đối diện với sự hành hạ trả thù của bọn cộng sản. Tôi chỉ ghi lại một vài sự kiện liên quan đến sự thử thách về thể xác và tinh thần mà thôi. Nằm trong xà lim mù mờ không có ánh sáng, con kiến cắn không biết nó ở đâu? Có nhiều hay ít kiến? Có khi một con chuột cống chui qua lỗ cầu tiêu chay tứ tung trong phòng, tôi phải ôm mền trong tay đứng dậy đuổi mãi nó mới tìm đường chui qua lỗ cầu chạy ra! Bẩn thỉu hôi hám ư? Dĩ nhiên rồi. Nhưng cũng phải chịu thôi, dần dà rồi cũng quen với mùi hôi tanh ở đó. Cái khả năng thích nghi với hoàn cảnh của con người rất lớn, gần như vô tận, miễn là mình đừng chống chọi lại, đừng than thân trách phận, oán hận ông trời. Cứ bằng lòng xuôi theo định mạng thì đầu óc sẽ nhẹ đi, tình cảnh không làm mình bực tức hoan mang thậm chí hốt hoảng.

Dù có vận động bằng cách đi ba bước tới, ba bước lui, nhưng cơ thể tôi yếu dần vì ăn không đủ no với một chén nhỏ hột bo bo hay cơm mốc cộng với một hai cộng rau muống nấu với nước muối. Mặt khác bệnh đau bao tử của tôi hoành hành ngày càng nặng do bụng đói mà nước vị toan lại tiết ra nhiều. Ba tháng sau tôi yếu sức đến độ phải ngồi dựa vào tường mới ăn được chén cơm, hay phải cố gắng hết sức mới lê thân xác đến gần vòi nước, hứng để xối rửa sơ sài gọi là tấm trong khi nước chảy độ năm phút mỗi ngày thứ tư trong tuần.
Có một ngày tôi thấy công an dẫn một tù nhân mới đưa vào phòng 10 đối diện, tôi nhận ra là anh Hứa Xìu, tổng giám đốc Tính Dụng Ngân Hàng. Ðợi đến khuya, công an khóa cửa ngoài rồi tôi mới lên tiếng hỏi bằng Pháp văn. Nhận ra là bạn trong cảnh hoạn nạn nầy Hứa Xìu mừng vô cùng, phần tôi cũng vậy. Hỏi qua mới biết Hứa Xìu thường tới lui tòa Tổng Lãnh Sự Pháp vì anh là dân Tây nên có một ngày Luật Sư Trương Ðình Du nhờ anh gởi một bức thư ra nước ngoài, hành vi đó bị bại lộ, hay cũng có thể do Trương Ðình Du khai báo chăng vì Trương Ðình Du cũng bị bắt và nhốt tại phòng tập thể sở công an nầy. Kết quả Hứa Xìu theo vào đây!
Sự hiện diện của Hứa Xìu đem lại cho tôi nhiều an ủi. Ðêm nào chúng tôi cũng rù rì nói chuyện qua lại đến mỏi mòn mới ngủ. Cả ngày tôi chỉ trông cho mau đến tối để chuyện trò với Hứa Xìu cho đỡ buồn.
Biệt giam bên phải của anh, phòng số 9 nhốt nhà tỷ phú Trần Thành, chủ công ty “Mì Hai Cua” và bệnh viện Triều Châu. Dãy biệt giam đối diện đó nếu tôi đứng ép mình nhìn xéo qua 26 lỗ nhỏ thì thấy tới phòng số 7 nhốt Thượng Tọa Thích Quảng Ðộ. Ngài thường bị gọi ra để hỏi cung. Ðặc biệt ngài được cung cấp chao để dùng cơm.
Phòng bên trái tôi số 18 có một anh giáo sư biết tiếng Pháp, anh ta nghe Hứa Xìu và tôi đối đáp anh cũng ngứa miệng thông báo tin tức bên ngoài rất hấp dẫn đối với tù nhân như chúng tôi. Nhưng anh chủ quan tin rằng bọn công an không hiểu được tiếng Pháp nên cứ nói, kể cả ban ngày, không may anh công an đứng sát bên cửa đập cửa rầm rầm hét to:
- Anh kia nói gì thế?
Im lặng như tờ.
- Lần sau tôi nghe được là kỷ luật đấy nhé. Vào đây mà còn lắm mồm.
Cũng may là nó không hiểu ất giáp gì cả, nhưng anh bạn đó sợ quá tịnh khẩu luôn. Hứa Xìu và tôi cố gắng cạy miệng anh ta nhiều lần mà cũng không ra một tin tức gì mới về “bài học của Trung Quốc” dạy cho cộng sản Việt Nam ở biên giới Việt-Trung và Campuchia lúc đó. Bên trái biệt giam của Thượng Tọa Thích Quảng Ðộ có một anh ở phòng số 8, anh bị tiêu chảy báo cáo xin thuốc, có lẽ anh yếu sức hết hơi nên kêu cấp cứu nhiều lần không ai thèm nghe. Tôi tức giận lấy hết hơi hét to: “Báo cáo cán bộ phòng 8 có người bệnh nặng xin cấp cứu”. Bọn công an chạy vào chửi đổng:
- Thằng nào to mồm lớn họng thế?
Trưa hôm sau, người lao động phát cơm gọi anh này đứng dậy lấy cơm, không thấy anh lấy. Người tù lao động lớn tiếng:
- Báo cáo cán bộ phòng 8 không chịu đứng dậy lấy cơm.
- Thì để ngoài cửa biệt giam, thử coi nó chịu đói được bao lâu. Khi nào nó kêu đói thì mới đưa vào.
Ít lâu sau tôi nghe tiếng kêu với vọng rên xiết trăn trở: “Cứu tôi... Cứu tôi...”! Nhưng bên ngoài chẳng ai thèm để tâm lưu ý. Tối hôm đó trước khi khóa cửa ngoài anh công an đập cửa biệt giam số 8 hỏi:
- Có đói chưa? Ðứng dậy mà lấy thức ăn đây nầy.
Im lặng.
Anh công an mở cửa biệt giam, thì ra anh bạn tù xấu số đã ra người thiên cổ. Có lẽ anh ta là một cựu quân nhân, công chức của Việt Nam Cộng Hòa. Hay là một nhân sĩ, đảng viên nào đó không chấp nhận chế độ cộng sản nên hoạt động chống phá và bị bắt. Khám phá ra cái chết của người tù nầy bọn công an chạy lăng xăng ra vô phòng 8, chúng nó hôi của, lấy quần áo, đồ dùng, đổi đồ cũ lấy đồ tốt. Có người lớn tiếng nói: “Mầy lấy hết đồ đạc của nó sao”?
(Còn tiếp)
Sáng kiến trong... chốn tù đầy
Sự việc xẩy ra quá thê thảm. Khuya đêm đó sau khi mọi người khiêng xác nạn nhân ra khỏi phòng biệt giam và khóa cửa, tôi thông báo đầy đủ chi tiết cho Hứa Xìu biết. Chúng tôi trao đổi dài dòng về sự tàn nhẫn vô nhân đạo của bọn cộng sản. Tôi đọc kinh cầu xin Chúa thương xót cứu vớt linh hồn anh bạn đồng hành mà tôi không hề biết tên tuổi được về nước thiên đàng hưởng dung nhan Chúa. Tôi đọc thật nhiều kinh, tôi tâm tình với Chúa thật nhiều điều...
Năm 1992 khi còn định cư ở Pháp, tôi có liên lạc với Hứa Xìu, chúng tôi nhắc lại chuyện cũ với bao nhiêu ngậm ngùi và tủi hận.
Nói về những kỷ niệm khó quên với Hứa Xìu. Lúc mới vào tù độ vài hôm anh được gọi ra nhiều lần để điều tra. Một hôm anh trả lời quanh co sao đó nên bị còng ngược tay sau lưng. Anh cứ gọi tôi than thở khó chịu quá, vừa mỏi vừa đau. Tôi nhớ sực đã xem một phim xi-nê trong đó Edie Constantine đóng vai cảnh sát trà trộn trong đảng cướp bị tình nghi và bị còng tay ngược sau lưng, anh khom người xuống lòn hai tay bị còng qua sau đít dở từng chân một bước lọt ra, hay tay còng trở về phía trước như mình đang chấp tay lại thôi. Như vậy có thể nằm ngủ, sáng ngày lộn lại sau lưng theo kiểu đó. Bỗng nhiên tôi nghe Hứa Xìu rên la ầm ĩ kêu đau gần như khóc, anh lớn tiếng nói bừa: “Lòn không ra kẹt đau quá, bày bậy”! Tôi bật cười lớn tiếng may mà Hứa Xìu không nghe, nếu nghe được tiếng tôi cười chắc anh sẽ xỉ vả tôi nặng nề hơn nữa.
Hứa Xìu khoe với tôi là cô của anh có liên hệ mật thiết với Lê Ðức Thọ nên cái lỗ nhỏ dùng đưa cơm nước vào cửa biệt giam anh được mở liên tục để cho anh thở đỡ ngộp. Có một đêm anh thấy lỗ cửa đưa cơm của tôi đóng mà không gài chốt. Anh bảo tôi sau khi đánh kẻng ngủ, ấn tay vào đó đẩy miếng sắt qua là trống ngay. Chừng đó anh sẽ bỏ đồ ăn vào một túi ny-long lớn đung đưa qua tôi với nắm lấy mà dùng. Như đã nói trên, khoảng cách giữa hai dãy biệt giam đối diện nhau rất gần nên mỗi bên đưa thẳng tay ra và bao ny-long nối dài thì nắm bắt lấy được.
Hứa Xìu được thăm nuôi mỗi tuần, anh nghe tôi nói thèm đường đến nỗi ngủ chiêm bao thấy đường nên tìm cách gởi cho. Tôi từ chối vì sợ bị bắt quả tang mất mặt lại còn rắc rối chịu kỷ luật phiền phức. Tội nghiệp Hứa Xìu cứ nằng nặc chê tôi: Ðã vào tù cộng sản rồi mà còn sợ mất mặt là phi lý, và anh lập đi lập lại câu ngạn ngữ pháp là “ai không chấp nhận rủi ro thì sẽ không có gì cả” (qui ne risque rien n'a rien). Một phần vì thấy tình bạn hết lòng, một phần nghe nói đến hai tán đường sắp nhận được là một món quà vô giá, như giữa sa mạc khát khao mà uống được ly nước đá chanh, cái sung sướng tưởng tượng đó lên tận mây xanh rồi. Tôi đánh liều chấp nhận sự rủi ro có thể bị bắt gặp. Cuộc mạo hiểm thành công. Tôi kiểm điểm có được hai tán đường, một quả chuối xiêm chín mùi, hai muỗng muối mè mặn. Khỏi nói độc giả cũng đoán biết sự mừng rỡ của tôi đến bực nào.
Tôi bình tĩnh đặt kế hoạch sử dụng gia tài vô giá nầy. Trước tiên là đêm nay ăn trái chuối xiêm chín mùi ngọt lịm cái đã. Ngày mai ăn cơm với một ít muối mè, mỗi tuần ăn cơm với muối mè một lần như ngày lễ. Còn hai tán đường thì bẻ mỗi tán ra làm tư, mỗi tuần ăn một gốc tư để thỏa mãn sự đòi hỏi của cơ thể. Kế hoạch sắp sẵn rất hợp lý hợp tình. Trước khi lột trái chuối tôi ngửi nó, mùi thơm ngọt dịu cho tôi một cảm giác rất sảng khoái. Tôi lột trần cắn từng miếng nhỏ, lấy lưỡi ép đùa tới lui trong miệng chớ không dám nhai, để cho nó tan dần và tận hưởng cái khoan khoái. Sau khi ăn xong trái chuối tôi nằm nghĩ mãi đến tán đường. Ước gì mình có nhiều thì ăn bớt một tán có sao đâu. Ðàng nầy phải quyết tâm để dành khi cơn thèm lên quá độ mới lấy ra một phần tư ngậm cho đã.
Cơn thèm làm tôi miên man nghĩ đến tán đường. Cuối cùng tôi không thể chống trả nổi sự cám dỗ muốn ngậm ngay một phần tư thì cũng còn lại bảy phần. Tôi nghĩ sẽ không ngậm hết mà chỉ cắn nhăn từ từ để thưởng thức. Thế rồi tôi lấy một miếng cắn làm hai, đường tan như chạy khắp châu thân, nghe sảng khoái như ngậm sâm cao ly vậy.
Rồi tôi tiếc mình không giữ được sự tính toán ban đầu. Cơn thèm lãi nổi dậy mãnh liệt hơn, sự ham muốn đánh liều ăn thêm càng thúc giục, dù sao thì cũng còn một tán rưỡi để dành khi cần thiết. Rồi cơn thèm lại giấy lên khi thì thúc giục phải ăn, khi thì cố gắng dằn nén để dành. Cái khổ là càng chống trả thì cơn thèm càng lồng lộn mãnh liệt gấp bội. Cuối cùng một phần tư khác, rồi một phần tư khác nữa... tiếp tục bị đưa vào bao tử cho đến hết hai tán đường. Sự giằng co giữa cái đòi hỏi của cơ thể và sự thất bại trong việc chế ngự tinh thần cứ dằn vật tôi tới gần sáng. Ăn hết hai tán đường vừa sảng khoái vừa tiếc rẻ, giúp tôi ngủ yên.
Hứa Xìu còn cho tôi một món quà vô giá khác. Cơn đau bao tử hành hạ tôi khá nhiều. Tôi trăng trối với Hứa Xìu ngày nào anh được trả tự do thì báo tin cho gia đình tôi như thế nầy, cho bạn bè tôi như thế khác vân vân và vân vâ... Mỗi tuần công an gác tù thông báo ai có tiền gởi mua thức ăn thì lao động sẽ mua giùm. Hứa Xìu nói “moa” có tiền mà không biết làm sao cho “toa”. Tôi cần tiền mua một ký nghệ tươi ăn cho đỡ đau bao tử. Nghĩ mãi tôi tìm ra cách: Nếu Hứa Xìu vò tờ giấy một đồng thảy qua ngay trước cửa biệt giam, tôi xe bịt ny-long thành cây nhỏ, đốt một đầu rồi thổi tát đưa ra lỗ lá xách dưới ngạch cưa chấm liền vào đồng bạc, ny-long chảy còn nóng dính tiền đem vào là xong. Tôi thử như vậy trong phòng thấy thành công dễ dàng. Tôi bèn nói với Hứa Xìu và hẹn khuya đêm mai sẽ thực hiện. Kết quả Hứa Xìu cho tôi bảy đồng mua được hai ký nghệ sống giúp tôi chống đỡ cơn bệnh một thời gian trong tù. Tôi tỏ lời cám ơn, anh ta nói: “Moa” chưa từng thấy thằng nào nhanh trí hơn toa đấy”. Tôi trả lời “cùng thì tắc biến” thôi.
 Nhà tù Chí Hòa...
Công an đưa tôi đến khám Chí Hòa khu biệt giam ở lầu 1. Dọc hành lang, tường xây bít kính, sát trần nhà trên cao có những song sắt độ hai tấc chấn đứng xuống tường cách nhau một tấc để lọt ánh sáng mặt trời. Ðối diện với bức tường là một dãy biệt giam. Người cai tù đưa tôi vào phòng 23, cánh cửa làm bằng ván cây bề ngang to, dầy khoảng năm phân, bắt dính vào hai bệ sắt giẹp, ổ khóa rất kiên cố, ống khóa to. Tôi vừa bước vào, cửa đóng ập nghe tiếng rầm, tiếng khóa nghe lạch cạch. Giữa cánh cửa có khoét lỗ một tấc vuông với ba song sắt chấn xuống cao vừa tầm người đứng bên ngoài nhìn vào để kiểm soát hành vi của tù nhân.
Bức tường phía trước cửa biệt giam trên cao cũng có những thanh sắt chấn đứng xuống như tường bên ngoài nên ánh sáng ban ngày có thể rọi vào trong. Phòng rộng, trần nhà cao, thoáng khí, phòng có một bóng đèn điện 40w.
Mới đến tôi chưa biết đây là khu tử hình. Mãi đến tối thật khuya sau tiếng kẻng ngủ tôi mới khởi sự nghe tù nhân kêu hỏi nhau qua lại. Phòng bên trái cạnh tôi số 24 lên tiếng hỏi trước:
- Ông bạn mới vào phòng 23 bị bắt vì tội gì vậy?
- Tôi lặng thinh không trả lời.
Cách xa, một phòng nào đó ở đầu giải biệt giam cũng có tiếng hỏi.
- Ông bạn mới vào tên gì? Tội gì? Hãy “thành thật khai báo để sớm về với” diêm dương! Tụi mình đang ở khu tử hình đấy!
Tôi lặng thinh. Nhưng lòng cũng hơi phập phồng lo sợ. Biệt giam bên cạnh lại cất tiếng:
- Phòng 23 trả lời đi, giờ nầy tụi cán bộ khóa cửa ngoài, xuống phòng dưới nghỉ ngơi hết rồi. Lâu lâu tụi nó mới lên một lần đứng bên ngoài, nếu nghe tụi mình nói chuyện thì chúng nó chưởi đổng hăm dọa sẽ bị kỷ luật rồi cũng thôi. Nhưng mà anh yên trí, phòng biệt giam đầu tiên số 31 có bổn phận canh chừng. Khi nào anh ta nghe mở khóa cửa cầu thang dưới lầu liền đấm vào vách tường hai phát, rồi những biệt giam bên cạnh sẽ đấm chuyền dài dài để mọi người biết tin mà im lặng.
Sau nầy khi định cư tại Mỹ tôi có dịp gặp ông “khách quí” ở biệt giam 31, đóng vai trò gác giặc tên là Lê Xuân Mai con của Lê Xuân Tảng, người bạn từng cộng tác với chúng tôi trong phong trào phát triển quận 8. Mai lấy bút hiệu Lê Tường Vũ, hiện định cư tại Orange County và cộng tác với tuần báo KBC hải ngoại. Tù nhân ca hát lớn tiếng bọn công an để yên, bởi vì tụi nó rất thích nghe “nhạc vàng”. Sau năm 1975 cộng sản cấm tất cả nhạc của miền Nam gọi là “nhạc ngụy” hay là “nhạc vàng”.
Tôi lên tiếng trả lời phòng 24:
- Tôi bị bắt vì tội chống phá cách mạng.
- Bác tên gì vậy?
- Võ Long Triều.
- Phòng cạnh bên phía tay phải của tôi số 22 vội lên tiếng: Anh hai, anh là cựu Dân Biểu, Chủ Nhiệm báo Ðại Dân Tộc phải không? Em là đọc giả của anh nè. Em là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tội âm mưu lật đổ chính quyền. Ðể em hát một bài tặng anh nhé.
Rồi anh ta cất tiếng hát bài “đêm nguyện cầu”, lần đầu tiên tôi nghe bài nầy, trong đó có một câu và vọng hát in mãi trong trí óc tôi, không thể quên được do hoàn cảnh lúc đó: “Mẹ Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình? Thượng Ðế hỡi, có thấu chăng Việt Nam nầy...?” Lời nhạc khá gợi cảm làm tâm trạng tôi bồi hồi, buồn tủi lẫn lộn. Mới vào mà gặp một bạn đồng cảnh đồng hành khá kỳ lạ, anh ta chào đón mình bằng một bài hát thấm thía quá. Im lặng một hồi lâu anh bạn nầy lại gọi:
- Anh hai ơi, anh đừng buồn nhé bởi vì:
“Rồng xuống đầm nông tôm giỡn mặt, Hổ lạc bình nguyên bị chó lờn”... Anh yên trí, rồi sẽ có ngày tụi mình dùng “cây gậy đã cẩu bổng” của Hồng Thất Công đánh chó chết thôi. Anh có thích nghe em ca vọng cổ không?
- Tôi là người miền Nam nên thích nghe vọng cổ và xem hát cải lương, nhưng xin anh đừng ví tôi như rồng như hổ người ta cười chết! Chưa chi mà tôi đã xấu hổ rồi đây.
- Ðể em ca bài Võ Ðông Sơ, Bạch Thu Hà cho anh hai nghe.
Hai bài hát của anh bạn sĩ quan nầy cho tôi cái cảm tưởng lòng yêu nước của anh ta nồng nhiệt. Trong hoàn cảnh thương tâm nầy phải chăng anh muốn tỏ tâm tình đồng thời cũng muốn trăn trối một cái gì đó với người yêu chăng? Ðầu dãy biệt giam có một sĩ quan không quân, người Bắc có giọng ngâm thơ tuyệt vời, với những bài thơ hùng mà anh thuộc lòng hình như để tự kích động mình.
Ðêm về khuya thỉnh thoảng tôi nghe tiếng dội ầm, cùm... như ai nện một cục sắt to xuống sàn nhà, rồi lại kéo theo những tiếng rổn rảng như lòi tói lê trên sàn xi-măng. Hỏi ra mới biết hai dãy biệt giam bên nầy và bên kia nhốt những tử tội. Họ luôn luôn bị cùm chân vào những cục sắt to dính liền với lòi tói, hoặc bị còng một tay và một chân dính liền với một thanh sắt dài cao bằng với thân người, mỗi khi di chuyển phải kéo lê cục sắt hoặc dở cây sắt lên xuống, dậm trên sàn nhà nghe ầm ì.
Sau nầy tôi còn được biết thêm là đối với những tử tội mà bọn công an cho là nguy hiểm hay vì muốn trút hết oán thù lên những nạn nhân, chúng nó nhốt chung một phòng, còng chung họ lại, hai chân của mỗi người đút vào còng chữ U xỏ xâu vào một thanh sắt bắt dính với sàn xi-măng khóa lại. Chúng nó vẫn để một anh không bị còng, anh nầy có nhiệm vụ cầm sô nhựa đem cho những ai muốn tiểu tiện hay tiêu tiện tại chỗ.
Ðêm nay tôi không ngủ được, vì cảnh vật mới lạ, tôi bồi hồi suy nghĩ tại sao mình phải vào khu tử hình? Tại sao thằng họa sĩ Ớt là người đi bắt tôi, rồi lại đưa tôi vào khu tử hình nầy? Ân oán trả thù đê tiện hay là chỉ muốn tỏ cho tôi biết nó có quyền sinh sát? Mặc dù trong thâm tâm tôi đã sẵn sàng chấp nhận cái chết rồi nhưng lòng vẫn thấy còn đầy thắc mắc. Hay tại vì bọn cộng sản dụ dỗ tôi ba lần không được, lần nầy tụi nó cố tình hù dọa và hành hạ tôi nặng nề hơn để áp đảo tinh thần chăng? Hay chúng nó muốn thủ tiêu tôi thật? Bởi vì Cáp Xuân Diệm cũng đã từng nói với tôi: “Những người như anh mà không theo chúng tôi thì tai hại vô cùng”. Chắc lần nầy tôi sẽ vĩnh viễn không còn thấy mặt vợ con, gia đình, bạn bè thân hữu nữa. Tôi dọn mình về với Chúa, tôi đọc kinh cầu nguyện thật nhiều, nhiều lắm... nhưng khổ nỗi kinh cầu thường xuyên lẫn lộn với ý nghĩ viển vông! nào là việc nhà sẽ ra sao? Những người phe ta còn bên ngoài có làm nên trò trống gì không? Tại sao mình từ chức Tổng Trưởng Thanh Niên mà không ở lại trong nội các chiến tranh để lợi dụng sự tin tưởng tuyệt đối và sự ủy quyền rộng rãi của Thủ Tướng, để mở rộng vết dầu loang và tinh thần quận 8, đem lại sự no ấm và công bằng cho dân chúng, để xóa mất địa bàn hoạt động của cộng sản luôn tuyên truyền láo khoét. Tại sao tôi không chấp nhận thành lập chính phủ khi Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đề nghị sau Tết Mậu Thân và khi ông từ hội đàm Paris trở về? Thà rằng công khai trực tiếp đấu đá với cộng sản, nếu ngày nay có chết cũng đành nhắm mắt vừa lòng.
Những câu kinh và lời nguyện của tôi cứ pha trộn với những ý nghĩ vu vơ, những ước mơ và hối tiếc... cho đến khi mòn mỏi tôi ngủ lúc nào cũng không biết.
Sáng ngày, sau tiếng kẻng thức, khu biệt giam im phăng phắc. Thỉnh thoảng nghe tiếng mở cửa lạch cạch rồi lại đóng ầm... khóa lạch cạch. Ðến trưa nghe tiếng thùng thiết đựng thức ăn để xuống nghe bạch, kéo lè xè... là giờ phát cơm, gồm một cục bột luột bằng cườm tay (chớ không phải bằng nắm tay!) cộng với đôi ba cộng rau muống nấu với nước lã, chút muối mặn cũng không có. Khu biệt giam nầy có đủ ánh sáng để kiểm soát thấy rõ cộng rau muốn có sâu hay không? Do đó tôi mới dám ăn “cái gọi là canh” cho đỡ đói, bởi vì ám ảnh cắn trúng sâu mà không thấy trong biệt giam tăm tối của sở công an làm tôi nhịn ăn rau cho tới bây giờ.
Mỗi ngày vẫn tiếng cửa mở, cửa đóng ầm ì lạch cạch, vẫn hai cục bột nhỏ, hai chén canh và một ca nước uống. Ngày lại qua ngày... cô đơn, buồn tẻ, chán nản, lo sợ, xuống tinh thần...
Những tháng ngày mà hai vị sĩ quan biết ngâm thơ và ca hát còn bị giam tại đây, đêm đêm tôi thường yêu cầu họ hát đi hát lại, ngâm tới ngâm lui những bài hát câu thơ mà tôi nghe lúc ban đầu, nó giúp tôi quên được vài phút cái đói lả người, cái buồn chán tuyệt vọng vì không biết ngày mai...
Cái buồn chán cô đơn nó gậm nhấm con người... Lâu ngày dài tháng có thể làm quẫn trí, mụ người. Tiếng gông cùm rổn rảng mới nghe thấy lạ, nó cho mình cái cảm giác hồi hộp lo sợ. Nó gợi tôi nhớ lại cảnh tượng ngày xưa lúc mười tuổi đi xem “Chợ Phiên” anh tôi dẫn vào gian hàng “Âm Phủ”, ánh sáng mờ mờ ảo ảo, tiếng búa đập đe đập sắt dội lại ầm ầm, lòi tói xiềng chân hình nộm đẩy qua đẩy lại rổn rảng, quỉ sứ mặt ngựa, đầu trâu, đập búa khua giao la hét: “Có chồng mà lại lấy trai, chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu”, phòng kế bên thấy quỉ có nanh dài, miệng sơn đỏ chói cầm dao chém hình nộm máu me đầy người hét lớn “ăn cướp mà còn giết người, chặt làm mười khúc chiên giòn heo ăn”.
Dần dà tôi cũng quen với tiếng dội đôi khi ầm ì hay lắc cắc rổn rảng... nó tiêm nhiễm trong đầu, nó cho tôi cái cảm giác sống trong thế giới riêng biệt âm u, thời gian càng lâu tôi càng có cảm tưởng nửa sống nữa chết lẫn lộn và ý nghĩ có thể sống vĩnh viễn trong cảnh cô đơn rùng rợn này làm tôi ngã lòng thối chí, không còn muốn sống vì đời không còn đáng sống nữa. Mười lăm tuổi chết như thằng cháu tôi, Võ Minh Hùng, cũng là một cuộc đời, chín mươi sáu tuổi chết như ông cố tôi, Võ Văn Trí, cũng là một cuộc đời, còn tôi năm nay bốn mươi ba tuổi chết cũng vậy thôi, cũng là một cuộc đời. Ý nghĩ tự tử ẩn hiện trong đầu tôi khá lâu cùng với sự kềm hãm vì điều thứ năm của mười điều răn Chúa dạy trong đạo Công Giáo: “chớ giết người”. Tự sát là cấm kỵ. Tôi đành an ủi mình: sự khổ hình nầy là do ý Chúa định. Rồi tôi lại đọc kinh cầu nguyên. Kinh và cầu không phải để xin mà hình như là để quên cảnh phũ phàng, dù mục đích là để xin cho khỏi cơn hoạn nạn. Tôi phó thác linh hồn và thể xác tôi trong tay Chúa. Sau đó tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn và sự cam tâm chấp nhận chịu đựng một cách tự nhiên hơn, bởi vì tôi xem đó như là một cây thánh giá Chúa trao, nói theo ngôn ngữ của người công giáo.
Ít lâu sau hai vị ca sĩ nói trên bị di chuyển đi nơi khác, tôi mất một nguồn an ủi lớn.
Không phải đêm nào cũng có nói chuyện qua lại hay ca hát. Thông thường là mọi người giữ im lặng, trừ những tiếng ho và tiếng khua của sắt thép. Có một buổi trưa, trước khi phát bột, bỗng nhiên tôi nghe tiếng phạch! Hình như có một cái gì mới rớt trong phòng, tôi hết hồn, vội nghĩ ngay là ma! Nhưng phản ứng tự nhiên khiến tôi đi quanh phòng kiếm xem vật mới rớt. Tôi thấy ngay một gói ny-lon nhỏ, mở ra là tám con tép rang và năm miếng thịt kho nhỏ. Trời ơi ! ma cho hay người. Vài phút sau anh lao động phát cơm đứng ngoài, ngay lỗ cửa, mặt nhìn về phía cuối dãy biệt giam nói nhỏ, nhanh gọn “Có người biết tên tuổi ông gởi tép thịt cho đó”, rồi anh kéo lê thùng bột sang phòng 22. Tôi thầm cám ơn vị ân nhân bí mật nào đó.
Tôi còn nhớ Tết năm 1979, lao động báo cho mỗi phòng biệt giam biết trước thực đơn của ngày Tết gồm có: Cơm trắng, bò kho, cá kho. Tôi mừng rơ, chỉ nghĩ tới bò kho là đã thèm chảy nước rãi trong miệng rồi, lại còn hy vọng ngày Tết chúng nó cho mình cơm trắng ăn no một bửa. Ít ra thì trước khi chết cũng được ăn uống no say một lần. Ðúng ngày mùng một khi nghe tiếng động của thùng cơm để xuống, tôi hớn hở chờ đợi và khởi sự thưởng thức bữa ăn trong tưởng tượng rồi. Cái đói lâu ngày dài tháng nó cào xé bao tử khi mình nghĩ đến ăn. Tôi nép mình nhìn qua lỗ cửa chờ anh lao động phát đến phòng 23. Thùng cơm còn nhiều nhưng anh ta chỉ đông một chén vừa đầy. Ôi! thất vọng tràn trề, tưởng rằng hôm nay mình được ăn no lại còn toan tính để dành chút đỉnh cho ngày mai nữa, ai ngờ chỉ có một chén làm sao thỏa mãn được sự bào bọt của bao tử gần như trống rỗng lâu ngày?
Chờ đến món bò kho tôi thấy không còn gì trong thùng cả, anh lao động cầm cục xương nhỏ bỏ vào chén nhựa của tôi thêm hai muỗng nước và một cục thịt nhỏ bằng ngón tay, phần cá kho được nửa chén, loại cá vụn cá con kho nát. Dù thất vọng tràn trề do sức tưởng tượng khi nghe thông báo hai món thực đơn, nhưng thực tế tôi cũng ăn được bữa cơm Tết ngon lành với hai muỗng nước và miếng thịt kho nhỏ đồng thời cũng liếm sạch cục xương bò. Còn nửa chén cá kho để dành cho ngày mai.
Tôi cũng hiểu ngay bọn cán bộ cộng sản dại gì mà không lợi dụng lấy thịt cá phát cho tù ngày Tết để xào nấu tiệc tùng phủ phê hay còn lấy bớt đem về nhà cho vợ con nữa là khác. Họ sống ở Bắc Việt những năm trước đó làm gì có thịt bò mà ăn cho phỉ chí. Khi mới vào Nam những người cộng sản tập kết từ Bắc trở về thuật với gia đình trong Nam cảnh nghèo khổ thiếu thốn nghe rất thương tâm, đôi khi cũng khôi hài khó tin.
Sống trong cảnh buồn chán, nghe những tiếng khua ầm ĩ, lo nghĩ về cái chết chung đụng hằng ngày bên mình nên lâu dài nó xói mòn trí óc làm cho con người lo sợ về hiện tại, không dám nghĩ đến tương lai. Thường khi, buổi sáng có tiếng xe vào chở tử tội đi hành quyết. Cứ mỗi lần xe vừa tắt máy là toàn thể tù nhân trong khu tử hình dùng sắt, hay tay không đập vào tường, vào sàn nhà ba hồi khua rầm rầm rầm... đó là tiếng chào tiễn người anh em vắn số ra đi vĩnh viễn. Mỗi khi nghe tiếng xe, lòng tôi se thắt, thương cho ông bạn thì ít bởi lẽ tôi tin chắc anh ta đã chuẩn bị tinh thần rồi, sống trong cảnh khốn cùng vừa chịu đói khát vừa bị muỗi mòng châm chích thì cái chết là sự giải thoát mà đa số tù nhân trong hoàn cảnh đó mong muốn, tôi thương cho gia đình của người xấu số nhiều hơn... khi nghĩ đến cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia đình mất người thân, đã vậy còn phải gánh chịu sự phân biệt đối xử trong cái xã hội vô nhân mà đảng cộng sản đã áp đặt cho Việt Nam mình.
Mỗi ngày Thứ Tư trong tuần, tôi được dẫn tới bồn nước gần phòng 25 tắm giặt trong 5 phút. Cạnh hồ nước có cầu tiêu, trên tường cao có lỗ hơi bốn tấc vuông chấn song sắt. Xuyên qua đó tôi thấy có đọt cây xoài lòng tự xác nhận: Mình hãy còn sống!
Tôi cố quên cảnh hiện tại bằng cách quan sát thằn lằn, kiến và ở đây có thêm màng nhện, kiến diện thật nhỏ, màu xám, cắn thật ngứa, kiến đỏ lớn, không khi nào cắn, lúc còn nhỏ tôi gọi chúng nó là kiến cao cẳng. Có một bữa nọ qua lỗ cửa biệt giam tôi thấy một con thằn lằn chết nằm cạnh tường ngoài hành lang bị kiến diện bu đen, trưa hôm sau nhìn ra ngoài tôi thấy chỉ còn bộ xương trắng phếu của con thằn lằn. Tôi nghĩ: Có lẻ bọn kiến diện cũng như tù nhân ở đây bị bỏ đói quá lâu ngày, gặp thịt xúm nhau xâu xé trong nháy mắt chỉ còn lại xương. Loại kiến cao cẳng hay bò lang thang kiếm mồi, phòng tôi làm gì có mồi! Ðôi khi tôi thấy có một con cao cẳng to lớn hơn những con khác, chót bụng nó hình như có màu xanh, tôi đoán chắc nó thuộc loại kiến chúa, tôi bèn bắt con đó bỏ vào hộp diêm quẹt để chờ xem các con kiến khác làm sao? Quả thật cả lũ tìm đến ngay, có lẽ nhờ tín hiệu phát ra từ kiến chúa. Chúng nó chạy quanh bao diêm gần năm bảy chục con mà không biết phải làm sao? Cuối cùng tôi mở hí bao diêm kiến chúa bò ra cả lũ kéo đi hàng dọc có trật tự thật khôi hài.
Trước năm 1975 dư luận trong dân gian đồn đãi Khám Chí Hòa có ma. Báo chí viết những thiên phóng sự dài kể chuyện ma, đặc biệt là tờ Hòa Bình của linh mục Công Giáo Trần Du viết những bài dài về chuyện ma làm cho đông đảo giáo dân phê bình cha Trần Du nặng nề là gieo rắc sự mê tín dị đoan. Tiện đây tôi xin kể những chuyện xẩy ra trong tù mà cá nhân tôi gặp phải.
Có một đêm phòng 24 đập tường hỏi tôi:
- Ê, phòng 23 có thấy ma không?
Tôi không trả lời.
- Bên đó có ma thật đấy. Tôi ở bên đó bị ma nhát tôi la ó đập tường ầm ĩ cán bộ mới cho tôi qua đây anh biết không? Có tiếng người khác ở phòng 24 nói tiếp.
- Thật mà, thằng tư lùn ở bên đó thấy ma nó sợ quá khóc la tối ngày, cán bộ nhét vải vào họng không còn la được nữa nó đập tường rầm rầm cả ngày lẫn đêm, cuối cùng cán bộ mới chuyển nó qua đây có người nó mới hết sợ.
- Vậy sao? May là tôi không sợ ma.
Rồi mọi việc trở lại sự đơn điệu hằng ngày của khu biệt giam. Chiều hôm đó sau khi ăn nửa cục bột và ba cộng rau luộc, còn lại nửa cục tôi để trong chén dành cho sáng ngày mai. Cái chén tôi để ở gốc bên kia, xa tấm chiếu nằm và mền đắp của tôi ở góc đối diện bên nầy. Bất ngờ tôi lại nghe bạch! Trong lòng mừng rỡ, lại có ai cho đồ ăn rồi. Tôi đi quanh quẩn kiếm rất kỹ. Không thấy. Lạ chưa? Kiếm đôi ba lần không có, tôi đâm nghi ngờ: Ma chăng? Mặc kệ nó tôi không lo. Bực mình tôi ngồi xuống chiếu, vừa muốn ngả lưng nằm suy nghĩ việc gì đã xẩy ra, tôi nhìn thấy ngay nữa cục bột của tôi, dấu răng tôi cắn còn in lằn nằm kề sát bên bọc quần áo mà tôi cuốn tròn làm gối nằm. Tôi lạnh người, nổi rợn gai ốc. Nhưng nghĩ ngay có ma thì cũng có Chúa. Nếu không phải ma thì ai vô đây mà quăng cục bột từ trong chén sang tận gối nằm của tôi? Ðêm đó tôi chuẩn bị tư tưởng, đoan chắc thế nào ma cũng thử gan tôi. Nhưng nằm chờ tới khuya không có gì cả, mòn mỏi ngủ một hơi tới sáng chẳng thấy ma cỏ gì.
Lần thứ hai, lâu lắm gần cả năm sau, lúc đó tôi mới được thăm nuôi lần đầu, có bốn trứng vịt muối, một ít thịt kho đựng trong hũ nhựa nhỏ, cũng để bên góc đối diện. Khuya trong đêm tôi nghe bộp như ai vỗ tay nhẹ, hay bắn dây thung vài bịch ny-long trong góc đó. Bước lại gần tôi thấy có mấy khoanh dây thung đen quấn ngang từng trứng vịt một và cái hũ nhựa cũng có dây thung. Nếu không phải là ma thì cũng là quỉ muốn phá thằng tù bạc phước nầy chơi. Tôi cũng vui ghi nhận là có ma quỉ gì đó và mừng thầm là may mắn tôi không sợ chúng nó.
Tiện dịp nói về ma tôi xin kể luôn, mãi về sau khi tôi được ra ở phòng tập thể khu AB, nửa đêm nghe cả đám tù nhân của một phòng nào đó ở khu EF kêu la thất thanh: Ma...! Ma...! Cán bộ cộng sản đến chửi bới thậm tệ. Lúc đó trong phòng tôi có một anh trung sĩ thủy quân lục chiến nói anh ta đã từng ở chung trong một phòng có người la như vậy. Anh thuật rằng nửa đêm một người đi tiểu gặp ma có hình thù quái vị anh ta sợ hãi la: Ma... tức khắc những người khác giựt mình thức giấc đều thấy hình quỉ đáng sợ đó cũng la theo. Suốt thời gian ở Chí Hòa tôi nghe ít lắm 5 lần như vậy. Cho đến có một đêm cán bộ công an và y-tá đến phòng tập thể của chúng tôi khu ED mở khóa hỏi:
- Ai bệnh nặng?
Trưởng Phòng trả lời:
- Không có ai cả.
- Tại sao phòng 11 kêu cấp cứu như có người sắp chết vậy?
- Dạ phòng 11 chúng tôi không hề kêu cấp cứu.
Anh cán bộ và y-tá trố mắt nhìn nhau bỡ ngỡ khóa cửa, đi về.
Tại khu ED anh Lê Ðình Chi giáo sư trường luật, cựu Giám Ðốc tình báo vùng II chiến thuật thời đệ nhứt Cộng Hòa thuật với tôi: Có một đêm, khi còn ở khu khác, anh nằm mơ thấy một cô gái nói: Ngày mai cô sẽ gởi quà cho anh. Giựt mình tỉnh giấc, anh ngửi thấy mùi nhà thương như mùi cồn và thuốc. Sáng hôm sao có một anh công an xách cái xô nhựa đựng đầy thức ăn đến giao cho Lê Ðình Chi nói có người gởi. Và chính cái xô đó anh Chi cho Hồ Văn Ân, cựu Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ, ở chung phòng với chúng tôi, mượn đi biệt giam kỷ luật. Anh bị còng chân, tiêu tiện tại chỗ trong xô, nửa đêm anh chiêm bao thấy một người đàn bà hỏi “tại sao mầy dám phóng uế trong cái xô của tao”? Hồ Văn Ân sợ quá, mấy ngày sau tiêu tiểu đại ra ngoài không dám đụng tới cái xô!
Có người nói ma là một thứ ảo giác do con người quá sợ nên tưởng tượng rồi lại thấy những hình vị kỳ quái. Có người cho là mê tín dị đoan nhảm nhí. Nhưng tôi chưa từng nghe ai nói ma hại người ta. Bằng cớ là ma Chí Hòa có hại ai bao giờ đâu? Báo Chí Saigon cũng chưa hề viết bất cứ ai bị ma hại. Nhưng có một thứ ma tại Chí Hòa còn ghê gớm hơn quỉ! Ðó là những cái hình biết đi biết nói tiếng người khoác bộ đồ vàng luốt, dân gian gọi là bò vàng. Chúng nó là cán bộ công an cộng sản. Chúng nó không có nanh vuốt, chúng nó là những hình nộm chỉ biết nghe và hành động như cái máy theo chỉ thị truyền lệnh qua bộ óc không hồn. Dù không có nanh vuốt của ma nhưng chúng nó có khả năng hành hạ tù nhân giết hại đồng bào còn hơn quỉ sứ, đáng sợ thay!
(Còn tiếp)
Hứa Xìu ở phòng biệt giam số 10 không lâu thì một công an đến mở banh cửa biệt giam của anh bảo:
- Anh là Hứa Xìu phải không?
- Dạ phải.
- Chuẩn bị lấy hết đồ đạc cá nhân đi theo tôi.
- Ði đâu cán bộ?
- Anh được phép ra phòng tập thể.
- Không, xin cho tôi ở lại đây hè.
- Ở phòng tập thể thoải mái hơn mà anh không chịu à?
- Tôi thích ở lại đây hơn.
- Anh có thích cũng không được. Chuẩn bị đồ đạc mau lên.
Tôi hiểu ngay là Hứa Xìu không muốn đi khỏi chỗ nầy vì ở đây có tôi làm bạn, đi nơi khác anh chưa biết sẽ gặp may rủi như thế nào. Trước khi đi anh nhìn châm châm vào phong tôi nháy mắt lia lịa, rồi anh tằng hắng đôi ba lần như để nói giã từ người anh em.
Tôi mất cơ hội trao đổi với Hứa Xìu mỗi buổi tối sau hồi kẻng ngủ cũng thấy lòng buồn rười rượi. Tôi một mình nhớ lại và nghiền ngẫm về cuộc đối thoại giữa tôi và Cáp Xuân Diệm. Rồi trong sự cô đơn nằm buồn không biết làm gì để giết thời gian, tôi nhìn lên trần nhà qua lỗ nhỏ của trần biệt giam, quan sát mấy con thằn lằn. Có loại sọc rằng đuôi dài, có loại mập mạp trắng trẻo hơn, đuôi ngắn nhưng bề ngan lớn. Có con cắn lộn bị đứt đuôi đang ló mộc đuôi khác. Có những con bò hống, thiêu thân, bay quanh bóng đèn để nạp mạng cho thằn lằn. Người ta nói cọp không ăn thịt con, chó không ăn thịt chó, nhưng mấy con thằn lằn con bò gần những con lớn là mất mạng ngay. Quập một cái con lớn nuốt trộng con nhỏ liền.
Ðêm thì nằm nhìn lên trần nhà quan sát thằn lằn, ngày thì đứng nhìn qua 26 lỗ cửa những loài kiến bò lang than kiếm ăn ngoài sàn gạch. Kiến đen lanh lẹ gọi là kiến hôi, kiến đỏ nhỏ con chậm chạp thường gọi là kiến kim, một loại kiến đỏ khác cao cẳn lớn con nhưng nhác gan, hễ gặp kiến khác loại là tránh chạy chỗ khác. Có một lần tôi thấy chúng nó giành ăn một hạt gì nhỏ quá không thấy rõ, một con kiến đen cắn nhau với một kiến đỏ, đẩy qua đẩy lại hàng giờ trên sàn gạch, rồi con đỏ tấn con đen sát vách tường, cuộc đấu đá từ trưa đến tối trước khi tôi ngủ vẫn chưa phân thắng bại. Kiến đỏ nhỏ hơn nhưng đang ở thế thượng phong trấn áp kiến đen lên cao trên vách. Mãi sáng hôm sau tôi vẫn còn thấy cập địch thủ đeo dính trên tường cho đến tối đi ngủ tôi vẫn còn thấy. Sáng hôm sau mất dạng, nhưng xác con kiến đen nằm bất động trong gốc tường. Loài người hay loài vật đánh giết nhau chỉ vì quyền lợi, đó là qui luật của trời đất dành cho vạn vật. Quan sát thằn lằn và kiến là một chuyển hướng làm cho tôi quên cái khổ cô đơn và tìm cách sống thích nghi với hoàn cảnh.
Mỗi ngày nhờ chén cơm nhỏ với đôi ba cọng rau để duy trì sự sống lây lất chờ chuyển biến hay chờ chết tôi vẫn kiên trì chờ. Thảm thay có một ngày tôi vừa bốc cọng rau muốn đưa vào miệng nhai, ôi trời! Tôi cắn nhầm một thứ gì dai nhách, tiết ra chất gì cay the tanh ói. Tôi rùng mình nhả ngay, phung hết ra ngoài lại còn phải súc miệng nhiều lần. Thứ gì mà trong bóng tối mờ mờ tôi không thấy được. Tôi đoán chừng nếu không phải con sâu to thì cũng là con đỉa. Tôi tiếp tục rùng mình ớn lạnh không ăn được nữa đành khạc nhổ hoài, muốn ói mà trong ruột có gì để ói ra đâu. Bản chất tôi rất sợ sâu nhưng không sợ đĩa. Nước vãi tiếp tục chảy, tôi phung phèo phèo khá lâu mới hết dần. Từ đó không khi nào tôi dám đụng tới chén gọi là canh nữa!
Một ngày nọ đột nhiên cửa biệt giam mở toanh, thoáng khí ùa vào, trời ơi buồn phổi có dịp hít đầy hơi thoải mái. Một tên cán bộ cộng sản mặt thường phục lễ phép xin vào hầu chuyện với tôi có được không? Thật khôi hài! Dĩ nhiên là tôi trả lời: Dạ xin mời. Khôi hài hơn nữa là tên cán bộ nầy lấn tôi nằm sát vào phía trong rồi anh nằm cạnh tôi ra vẽ tâm tình thân mật. Thật là tếu với đầy kịch tính.
- Anh có khỏe không? Thấy anh còn mạnh quá hả?
- Không mạnh, nhưng chưa chết anh biết tại sao rồi.
Anh ta chỉ cái túi đệm có mấy hủ nhựa trống không mỉa mai nói:
- Chà thăm nuôi nhiều đồ ăn quá vậy?
- Năm bảy tháng nay các anh có cho thăm nuôi đâu mà có đồ ăn.
- Thì cũng tự anh thôi. Có phải vậy không nào?
- Tự tôi như thế nào? Hay tự các anh cố tình hành tôi đến chết?
- Làm gì có chuyện đó. Chúng tôi rất quí trọng anh.
Rồi tên cán bộ nầy cũng dở giọng ngon ngọt tuyên truyền thuyết phục tôi bằng cách nói bóng nói gió, gợi ý tôi hợp tác với cách mạng. Ðặc biệt anh ta cứ xoáy vào cảnh đói khổ trong ngục tù. Rồi anh nhắc đến gia đình vợ con... khuyên tôi và nói: Tội gì anh phải tự hành xác mình như vậy. Lời lẽ của anh cán bộ cộng sản nầy ngây ngô khờ khạo hơn là cách đặt thẳng vấn đề của ông sếp lớn anh ta là Cáp Xuân Diệm. Anh ta nói khá nhiều, còn tôi thì chẳng thèm nghe và cũng không buồn trả lời qua lại. Nằm với tôi hồi lâu anh ta thấy chán chẳng gỡ gạc thêm được gì để báo cáo với cấp trên nên anh ta giả vờ bảo tôi nếu muốn thăm nuôi thì hãy xin cán bộ cho viết thơ báo tin về cho người nhà. Tôi cũng thừa biết đó là câu nói bâng quơ trước khi bỏ đi mà thôi.
Hai kí-lô nghệ tươi gởi mua do tiền của Hứa Xìu cho không cứu tôi khỏi cơn đau bao tử. Có một ngày tôi kêu cấp cứu để xin thuốc. Người ta đưa tôi ra gặp y tá, anh nầy cho tôi uống một muỗng tại chỗ, thuốc trắng mà anh gọi là Phốt-gen do anh ta hay một cơ quan y tế nào của cộng sản pha chế nhái theo cái nhãn hiệu của thuốc Pháp gọi là “Phosphalugel” mà tôi đã từng uống khá nhiều trước khi vào tù. Anh ta còn cho tôi hai muỗng đem về phòng. Mùi vị loại thuốc tôi vừa uống giống như sửa pha với cal-ci. Thuốc hay dở tôi không cần biết, sự kiện có uống đã là một lều thuốc tinh thần làm giảm cơn đau ít nhiều rồi. Cầm chén đựng hai muỗng thuốc trở về phòng, lòng tôi nghĩ phải cẩn thận, nếu chẳng may làm đổ thật là bất hạnh, hết thời. Ðầu tôi còn đang lo nghĩ, cửa biệt giam vừa khép, từ ngoài sáng mới bước vào phòng tối om tôi quờ quạng vấp bệ xi-măng ngồi bệt xuống đất, chén thuốc lăn cù. Thuốc trắng còn thấy mờ mờ trên mặt gạch dính đầy những vệt đất do chân người giẫm lâu năm không chùi rửa. Lòng tôi đau thắt, rõ là “họa vô đơn chiếc”! Tôi liền nghĩ: Liếm thuốc vào hay bỏ đi? Trong tình cảnh nầy đâu phải dễ xin được thuốc. Nhưng liếm vào với cái dơ bẩn của sàn gạch dính đất, đầy rẫy vi trùng, có thể bị tiêu chảy mà chết như anh bạn tù ở biệt giam số 8. Còn như không liếm thì cơn bệnh hoành hành chịu sao cho nổi. Thôi thì phú mạng cho trời đất. Cứ liếm vào ít ra nó cũng tạm đỡ cơn đau hiện tại. Tôi cuối đầu xuống liếm sạch hai muỗng thuốc mà nước mắt tôi chảy ròng xuống tới môi với vị lạc mà lòng tôi tưởng tượng như đó là vị cay đắng của cuộc đời. Tôi hớp một ngụm nước rồi nằm chờ đợi phản ứng của đường ruột có bị vi trùng đánh phá không? Cả giờ hồi hộp lo lắng hay lâu hơn nữa... hình như cơn đau có phần giảm. May mắn Chúa thương còn cho tôi giữ được mạng sống... chưa biết đến chừng nào?
Thằng nhỏ lao động đưa cơm hằng ngày tôi gạ hỏi và biết được tên nó là Hải, trùng tên với đứa con thứ hai của tôi. Năm lần bảy lược tôi gợi chuyện và tâm tình với nó. Hải cho tôi biết nó bị động viên, tham gia chiến trường Campuchia, đơn vị của nó chết mất hai phần ba người và bây giờ về nghĩ dưỡng quân tại làng đại học Thủ Ðức. Nó bị tù vì cãi vã rồi bắn một đồng đội bị thương. Những người bạn đồng hương trang lứa với nó ở tỉnh Tây Ninh bị động viên và chết gần hết cũng tại chiến trường Campuchia. Tôi trổ tài dụ dỗ bài vẽ cho nó tạm lấy báo của công an đút vào ngạch cửa lúc chiều tối, sáng sớm lúc kẻng đánh thức tôi trả lại cũng qua ngạch cửa. Khi nào có được báo tôi phải kê hết mền mùng và quần áo đứng lên đó cho cao, tay đưa tờ báo lên gần lỗ nhỏ của trần nhà, cố trợn mắt mà đọc chữ được chữ không. Nhưng lòng hớn hở vô cùng khi biết được tin tức bên ngoài như là Trung Cộng tấn công người đồng chí anh em Việt Nam, đảng thanh trừng những người tay sai cứng đầu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sự khao khát, đói thèm đọc chữ của tôi cũng như của mọi người quen cầm bút từ nhỏ đến lớn nó lạ lùng lắm. Gần như một thói quen, một sự cần thiết, một thứ ghiền nghiện ham muốn đọc chữ, biết tin, nó vô hình khó tả. Trước đó vào khoảng tháng 7 năm 1975 tại trại cải tạo Long Thành, một lần tôi thoáng nghĩ: Từ nay chắc chắn mình không còn đọc được báo chí ngoại quốc, không thể biết được tin tức gì của thế giới bên ngoài, tự nhiên tôi thấy gần như ngợp thở. Năm năm sau thời gian biệt giam ở đây, năm 1983, cũng sự thèm muốn thấy chữ đó suýt làm tôi bị phạt kỷ luật. Khi đó người ta giam tôi ở khám Chí Hòa, nhân lúc cùng đi với bạn tù xuống hồ nước tấm, ngang qua sân, tôi thấy một tờ giấy rách xéo góc của học trò viết lem nhem, tự nhiên tôi cúi xuống lượm mặc dù đầu tôi nghĩ ngay nếu công an bắt gặp là bị kỷ luật, nhưng đó là một phản ứng tự động không kiềm chế kịp thời. Tôi liền giấu ngay trong thao đựng khăn áo rồi lên phòng moi ra đọc, đến bây giờ tôi còn nhớ nội dung tờ giấy đó bởi vì sự việc quá phi lý và quá khôi hài. Tờ giấy nhỏ có mấy chữ: hàng trên “em cố gắng...” hàng dưới “năm nay chúng...” hàng thứ ba “bác Hồ là nhà...” Khúc trống ở dưới có một bài toán mất vài số trên nhưng kết quả cộng là 1975! Không biết độc giả có nghĩ rằng tôi khùng chăng? Hay là tôi điên chữ! Bởi vì sự thật tôi cũng không phải là nhà văn cũng không phải là nhà báo chuyên nghiệp mà chỉ là nhà báo bất đắc dĩ mà thôi.
Câu chuyện mượn báo chấm dứt bằng một tai nạn làm bốn ngón của bàn tay phải tôi bị giãn gân cho đến bây giờ còn bị ảnh hưởng. Chiều hôm đó Hải đút vào ngạch cửa cho tôi một tờ báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi bấu bốn ngón tay phải vào mấy lỗ cửa rút người lên cao, nhét tờ báo vào cái lỗ chóng của trần phòng biệt giam để giấu. Chờ đêm tối mới đứng cao trên đống đồ dùng, trố mắt nhìn chữ được chữ không và đoán mò nội dung tin tức. Bỗng nhiên sáng sớm kẻng thức chưa khua, thằng Hải đập cửa rầm rầm:
- Chú ơi! Chết rồi, mau đưa tờ báo.
Tôi đang ngủ, hoảng hốt đứng dậy, đút bốn ngón tay vào lỗ cửa rút người lên, thân người tôi không lên nổi, bốn ngón tay phải kêu răn rắc, đau điếng người, vừa gấp rút vừa sợ mất hồn, tôi bấu bốn ngón tay trái phụ vào rút người lên, vói lấy được tờ báo đẩy ra ngoài cửa, lòng hồi hộp sợ, chờ hậu quả lành dữ như thế nao? May thay không thấy công an vào, mọi việc êm xuôi, tôi hoàn hồn nhìn lại bàn tay sưng húp, đau nhức khá lâu.
Ngày tháng qua, đói khác và bệnh tật làm tôi kiệt lực, sức khỏe yếu dần, đi đứng không nổi. Tin thần xuống dốc, ý chí hao mòn, can đảm gan lì mất hết. Tôi nghĩ đến cái chết, người ta nói con người trước khi chết nghĩ về quá khứ của cuộc đời và hối tiếc, muốn nuối ở lại với cuộc sống của trần gian. Còn tôi thì không nghĩ gì về dĩ vãng, không hối tiếc sự đời, chỉ nghĩ đến các con và gia đình, nghĩ đến bệnh tình sa súc đang hành hạ thân xác tôi rã rời. Thoáng một ý tôi nghĩ: Tội gì mình phải chịu đau khổ như vầy, thôi thì cứ nghe theo lời của thằng chấp pháp mới vào nằm với mình một hai tháng trước đây. Bằng lòng giả dại qua ải rồi sẽ tính sau. Tôi có ý định nhờ bất cứ thằng công an nào đi ngang qua, tôi sẽ yêu cầu nó nhắn lại với Cáp Xuân Diệm rằng tôi bằng lòng hợp tác với cách mạng, theo lời đề nghị của ông ta. Rồi tôi cũng thoáng nghĩ rằng: Như vậy là hèn, là mất danh dự, điều mà tôi đã khẳng định trước mặt tên Cáp Xuân Diệm một cách khẳng khái rằng: “Mất tất cả, kể cả mạng sống, nhưng danh dự không cho phép mất”. Nhưng trong tâm trạng rã rời nầy của thể xác và tinh thần, của sự sợ hãi thần chết, của nỗi lo âu cho bầy con non dại làm tôi mụ người, mất hết sáng suốt. Chỉ nghĩ làm sao ra khỏi cảnh khốn cùng hiện tại. Ý nghĩ dằn co qua lại cũng lâu. Rồi tôi cố gắng bình tĩnh lại. Tôi nghĩ đến Chúa, tôi dọn mình để linh hồn tôi về với Chúa trong sự an lành. Hình như có chút gì đó nó an ủi, nó giúp sức tôi hồi phục lại đôi chút cái ý chí, nghị lực, bản lãnh của con người tôi, nó đang leo lét sắp tan biến trở thành hèn nhát khốn nạn! Nếu trong khoảnh khắc đó, khi tôi còn đang hoang mang mà có một tên công an nào ló dạng thì chắc gì tôi không bị sa ngã phạm sai lầm nguy hại: Ðầu hàng, tự phản bội chính mình, uổng công cho cả một cuộc đời sống theo lương tri, lý tưởng, giáo dục gia đình mà tôi đã ôm ấp từ khi có trí khôn và khi mới bước chân vào đời!
Thế mới biết sự hèn nhát, sự cao thượng, hay thái độ anh hùng không có ranh giới một cách rõ rệt, không có khuôn khổ nhứt định một cách dứt khoát. Cử chỉ nhúc nhát, yếu hèn hay cái gan lì can đảm với thái độ anh hùng nó cũng tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy bản chất con người, tùy ơn của Chúa Bà, Trời Phật. Hay là như người ta thường nói: “Ðịnh mạng an bài”.
Tôi quyết định phải tìm cách vượt ngục với bất cứ giá nào, dù biết chắc khó ra khỏi vòng rào của sở cảnh sát đô thành cũ nhưng thà bị bắn chết còn hơn nằm chờ chết một cách phi lý. Nghĩ như vậy tôi lén giấu một chén nhựa trên trần nhà biệt giam với ý đồ chờ Tháng Ba, Tháng Tư có những trận mưa dông dữ dội, tôi cạo tường chung ra khỏi đây rồi đến đâu hay đến đấy. Biệt giam số 20 nằm sát với sân bên ngoài có thể chui ra rồi sẽ tính tiếp.
May mắn, số tôi không chết tại sở công an nầy, bởi vì cuối tháng 12 người ta mở cửa bảo tôi thu xếp đồ đạt di chuyển đi nơi khác. Ra tới sân tôi nhìn thấy tên Huỳnh Bá Thành bút hiệu là Ớt, họa sĩ, nhân viên cũ của tôi làm cho báo Ðại Dân Tộc một thời gian, anh bị tôi cho nghĩ việc và thay thế bằng họa sĩ Nguyễn Hải Chí bút hiệu Chóe. Huỳnh Bá Thành lượng qua lượng lại trước mặt tôi để tỏ vẻ cho tôi biết là anh đang cầm sinh mạng của tôi trong tay anh với tập hồ sơ mà anh trao cho người công an áp giải tôi qua khám Chí Hòa khu tử hình AB.

Tôi mất dần phản ứng bình thường của con người. Chịu đựng cái đói dầy xéo ruột gan, làm mờ tâm trí. Mỗi khi nghe tiếng thùng bột khua “bịch” trên sàn nhà là toàn thân run bây bẩy, bao tử se thắt đau quặn, trông chờ cửa mở để lấy thức ăn vào. Lần nào tôi cũng đứng nép mình nhìn xéo qua lỗ vuông, lòng khấn vái mong thằng lao động phát cho mình cục bột to nhứt trong thùng! Cứ mỗi lần phát cơm là tôi đứng rình. Thằng bé con rắn mắt thấy vậy cho tôi viên bột nhỏ hơn mấy viên khác. Ban đầu tôi tưởng là ngẫu nhiên nhưng liên tiếp nhiều lần nó ngẩng đầu nhìn tôi cười thì ra mới biết là nó cố tình chơi xỏ. Nhưng tôi không thể kiềm hãm mình tránh việc rình xem bột to hay bột nhỏ bởi vì đó là một phản ứng tự động do cơn đói điều khiển, nó mạnh hơn ý chí tự trọng của tôi vì mòn mỏi đói khổ. Cho đến ngày thằng nhỏ muốn tỏ mình có chút uy bèn hét lớn:
- Làm gì đứng nhìn hoài vậy?
Tôi thụt vào trong, lòng buồn rười rượi, tự trách mình hành động phi lý. Nhưng lần sau cũng vậy, rồi vẫn lời nạt nộ đó. Tôi hối hận vô cùng! Mấy lần sau nữa... tôi cũng không kiềm chế được cái phản ứng run người lên khi nghe tiếng thùng cơm để xuống. Rồi cũng lại rình xem, thằng nhỏ đứng dậy nhìn thẳng vào phòng hét lớn:
- Già đầu rồi mà sao lì quá vậy? Nói không biết nghe, muốn tôi kêu cán bộ vô còng không?
Tôi ngồi xuống, tự hỏi sao mình hành động kỳ lạ vậy? Mình đã từng khẳng định với Cáp Xuân Diệm, phó giám đốc sở công an rằng: “Tôi xem như mất tất cả, kể cả mạng sống nhưng danh dự không cho phép mất”, vậy mà ngày nay tôi bỏ danh dự của tôi đâu rồi? Ðể cho thằng nhỏ chửi trên đầu không biết nhục! Hai hàng nước mắt tôi chảy dài. Tôi khóc tức tưởi... khóc thật lâu, nghĩ rằng mình đã biến thành “con chó của nhà triết học Ivan Petrovich Pavlov”, chỉ biết nghĩ đến miếng ăn, chỉ phản ứng tự động thèm chảy nước vãi khi nghe tiếng gõ báo hiệu giờ ăn. Con người Võ Long Triều đã biến mất chỉ còn lại cái xác của con thú đói trong khu tử hình.
Tôi nghiến răng đứng dậy, lòng căm thù bọn cộng sản gian ác tột độ, oán giận bản thân tôi vô cùng. Tôi hạ quyết tâm: Thà đói chết không hề nhìn ra cửa nữa. Tôi tự an ủi: Trên trần gian nầy có biết bao nhiêu người tên A tên B đã chết vì đói, tại sao người đó không phải là tên Võ Long Triều? Cửa biệt giam mở tôi lấy thức ăn vào để đó, ăn không được, nhìn cục bột lòng cảm thấy ê chề. Hình như bao tử tôi bị nghẹn vì xấu hổ!
Lo nghĩ chờ ngày bị hành quyết khiến tôi sống trong phập phồng hồi hộp mặc dù trong thâm tâm tôi đã chuẩn bị ra đi vĩnh viễn, bỏ bầy con thơ, không hối tiếc cuộc đời dang dở.
Bỗng dưng có một ngày cửa biệt giam mở đưa thêm người vào. Tôi mừng rỡ, từ giờ trở đi có một người bạn đồng cảnh, dù có thể không đồng tình, nhưng ít ra trong cơn khốn cùng vẫn có hai người để tâm sự, bàn tán, than thở, lên án sự bạo tàn vô luân... Ông bạn mới là người Việt gốc Hoa tên Mã Văn Cường, sống trong Chợ Lớn. Anh Cường là một trong nhóm khoảng năm mươi người, cán bộ cộng sản Trung Quốc do Bắc Kinh điều khiển, nội tuyến tại miền Nam Việt Nam và Campuchia. Trong thời gian chiến tranh những người nầy được chỉ thị hoạt động giúp Cộng Sản Hà Nội. Họ đã từng cộng tác chuyển vũ khí của Trung Quốc từ Shihanoukville qua ngả Tây Ninh vào mật khu của cộng sản. Sau 1975, khi Trung Quốc và Việt Nam bất hòa, tất cả những người đã từng có công lớn đối với Hà Nội đều bị bắt giam thê thảm. Theo lời của Mã Văn Cường thì trong một cuộc họp của các anh ấy với phó giám đốc sở công an, đại diện Hà Nội buộc họ phải ký tên phổ biến một bản văn tuyên bố chống “Bắc Kinh là Sô-Vanh nước lớn”, họ từ chối nên bị bắt giam như kẻ thù. Mã Văn Cường còn thêm rằng tên công an đại diện Hà Nội ngày đó vừa khóc vừa nói: “Ðời tôi đã từng chứng kiến và xử nhiều vụ án nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp khó xử, oái oăm, trái lương tâm như thế nầy”.
Khoảng hơn một tháng sau, vào nửa đêm cửa khu biệt giam mở, tiếng người ồn ào, bước chân rộn ràng đi thẳng vào biệt giam cuối cùng số 21 cách phòng tôi hai căn. Cửa ngoài cũng đã khóa khá lâu. Thằng Tư Lùn ở phòng 24 hỏi:
- Người bạn nào mới vào đấy? Ăn cướp giết người hay phản động chống phá cách mạng?
Im lặng.
Một phòng khác cách xa nói:
- Yêu cầu ông bạn mới vào tự giới thiệu đi. Ở đây có Võ Long Triều là “chính quyền cao cấp”, ai vô cũng phải trình diện cả. Tôi là “đề lô” (người chỉ điểm) trong một vụ ăn cướp có giết người. Người bạn mới đến còn ngại gì mà không lên tiếng?
Lại im lặng. Một hồi khá lâu.
Tiếng một người đàn bà hỏi nhỏ nhẹ:
- Có ông Võ Long Triều đâu đó không?
Tôi giật mình kinh ngạc tự hỏi: “Người đàn bà nào mà biết tôi đây?”
- Dạ, tôi là Võ Long Triều đây, bị giam cach phòng của bà một căn. Xin cho biết quí danh.
Tôi là sơ Nicole, nữ tu dòng nhà trắng Thánh Phao lồ (Saint Paul). Tôi quen biết bà Triều nhiều vì bà dạy lớp triết học tại trường chúng tôi ở đường Cường Dể. Bà dạy hay lắm, năm nào sinh viên trường cũng đậu tú tài trên 90%. Tôi biết nhạc nên phụ trách đờn át-mô-nhum trong nhà thờ mỗi buổi thánh lễ.
- Sơ bị bắt vì tội gì vậy?
- Tội âm mưu lật đổ chính quyền. Tôi là em ruột của Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám ở Bến Tre, anh Tám có về Thái Lan hay Việt Nam ở đâu đó, anh có cho người liên lạc với tôi và yêu cầu tôi tổ chức vận động. Tụi nó bắt và dụ dỗ, tôi không khai, không hàng phục kể cả bị đòn tôi cũng không khai.
- Tôi vô cùng thán phục sự can đảm và thái độ anh hùng của sơ. Tôi là đồng hương và cũng là đồng đạo của sơ đây. Tôi hết lòng nguyện xin Chúa giúp sức và che chở sơ qua khỏi cơn hoạn nạn nầy.
- Ông yên chí. Chúa sẽ ở cùng chúng ta. Chúc ông giữ được sức khỏe và tính mạng chờ “ngày sáng” và cũng là ngày tàn của cộng sản.
Thâm tâm tôi bồi hồi thán phục, nghĩ tới câu người đời thường nói “giặc tới nhà đàn bà cũng đánh”. Thương cho “thân gái dậm trường...”. Sơ Nicole ở chưa đầy một tháng bị di chuyển đi đâu tôi không biết. Chết sống như thế nào tôi cũng bặt tin. Nếu có may mắn đọc mấy dòng chữ nầy xin sơ liên lạc với tôi. Người bạn gái mà sơ quen biết ngày trước đã qua đời rồi.
Cũng không lâu sau đó lại có một tù nhân khác vào cạnh phòng tôi số 22. Cả ngày nói năng nhiều hơn người khác, được ưu đãi như chưa từng thấy tù nhân nào được chiếu cố như vậy. Sáng ngày mới thức dậy là anh lên tiếng luyện giọng ồ... ô... ố... là... la... lá... Trưa luyện giọng, tối hát vài bài. Ðó là ca sĩ Hùng Cường, vượt biên bị bắt. Không biết tại sao anh bị đưa vào đây. Có người nói con của anh ta cặp bồ với một công an phục vụ tại Chí Hòa. Ðúng hay sai? Không ai có thể trả lời thắc mắc đó. Ca sĩ Hùng Cường ở đây không lâu nhưng tôi giữ một kỷ niệm về anh không bao giờ quên được. Ðó là bài hát anh tự đặt lời, nhái theo vọng điệu của “Mùa Thu Lá Bay”. Trong những lời lẽ thấm thía anh đặt ra theo hoàn cảnh lúc đó có câu: “...Ở đây không có tình người... và anh tả cơn đói bằng cách “tính từng hột muối trên môi, tính từng cục cứt rơi rơi xuống cầu...” Có lẽ bởi vì anh có muối ăn còn các tù nhân khác như chúng tôi không hề có một chút gì hơi mặn để dễ nuốt. Tôi còn nhớ có một ngày tôi giả bộ ôm mặt kêu nhức răng quá, xin cho ít muối để nhét kẽ răng cho bớt nhức tên Trung Úy Sơn nạt vội: Xin muối để làm gì? Ðể vượt ngục hả? Rồi anh bỏ đi không thèm nghe tiếp, tôi buông tay cười thằm: Thằng khốn, sợ quá đáng hay giả vờ che tính ác độc? Ðồ ngu!
Anh bạn Mã Văn Cường ở với tôi được khoảng bốn năm tháng thì có một ngày xáo trộn lung tung, chuyển đổi tù nhân từ lầu trên xuống tầng dưới, từ dưới lên trên hay di chuyển đi đâu cũng chảng biết. Bỗng nhiên công an gọi Mã Văn Cường dọn đồ ra, vài phút sau lại đưa một anh chàng ốm yếu, tướng người chỉ còn bộ xương khô, đi đứng gần như hết nổi! Anh cũng là người Hoa tên Trần Lợi cánh tay trái có tật, bị rút mấy ngón và khuỷu tay hơi thun lại, anh bị bắt cùng tội với Mã Văn Cường. Tôi tự nhủ mình vẫn còn có bạn, chưa biết tốt xấu ra sao, miễn là khỏi chịu sự cô đơn kéo dài là may rồi.
Trần Lợi bị lao phổi lâu ngày dài tháng trong tù. Cơ thể anh xem như một bộ xương người mà tôi đã từng thấy treo lủng lẳng trong phòng thí nghiệm sinh vật học của đại học canh nông Pháp. Xương lòi chỉ có da bọc lớp ngoài thấy đáng sợ đến nỗi tôi tránh nhìn anh mà trong lòng tội nghiệp. Dù biết anh lao phổi có thể bị lây trong hoàn cảnh không có thuốc men gì cả nhưng tôi vẫn chấp nhận giặt giũ, đỡ dần giúp anh trong mọi vấn đề như một y tá phục vụ cho bệnh nhân. Bởi vì định mệnh gắn liền số phận của anh và tôi trong hoàn cảnh nầy thì cứ vui vẻ mà chấp nhận thôi. Tôi nghĩ mình cũng như những người công giáo khác tự nguyện chăm sóc bệnh nhân cùi hủi, lao phổi, dịch tả chẳng có sao cả.
Tháng sau tôi bị lây bệnh thấy rõ. Anh y tá phụ trách khu tử hình biết tôi qua danh tánh ngoài đời, có cảm tình với người của chế độ cũ nên anh lấy thuốc lao phổi của người khác cho tôi uống. Ðiều ngạc nhiên và khôi hài là anh ta lấy tất cả 22 viên thuốc “Heloside” hay gì đó của Mã Văn Cường bạn đồng phòng của tôi bị đổi lên từng lầu trên. Sau nầy có dịp ở chung với Mã Văn Cường phòng 13 khu BC mới vỡ lẽ, chúng tôi cười với nhau vui vẻ. Anh Trần Lợi yếu đến nỗi đắp tấm mền xếp làm tám mà cảm thấy ngực bị đè khó thở. Còn tôi thì ho khẹt khẹt tối ngày. Tôi thầm nghĩ bọn cộng sản muốn thủ tiêu tôi bằng cách mượn vi trùng lao giết lần mòn để cho họ khỏi mang tiếng.
Có một ngày tôi nghe tiếng nhiều người bàn tán phía bên ngoài khu biệt giam rồi Trung Úy Sơn vào trước nhìn vào từng phòng tôi đoán có việc gì sẽ xẩy ra. Quả thật, tôi nhìn qua lỗ nhỏ thấy nhiều sĩ quan với một trung tá đi giữa hàng, tôi đoán là phái đoàn thanh tra. Bỗng nhiên tôi nhớ lại đoạn viết trong quyển sách “Papillon” khi tác giả bị tù cấm cố trong biệt giam tồi tàn, ông thấy đoàn thanh tra qua ngang bèn hét to tố cáo cai tù khắc nghiệt hà hiếp tù nhân. Tôi đánh liều la lớn: “Báo cáo cán bộ phòng 23 có người lao phổi sắp chết xin cho liên lạc với gia đình xin thuốc”. Tên đại úy trưởng khu nạt vội: “Im đi, chuyện đó sẽ giải quyết sau”. Tưởng rằng tiếng kêu của tôi như nước đổ đầu vịt, không ngờ hai hôm sau tên công an phụ trách dẫy biệt giam mở cửa phòng đưa hai phong bì nói rằng trưởng khu cho phép chúng tôi viết thơ về nhà xin thuốc, nhưng anh ta nói thêm chỉ cho phép viết trên góc xéo, bên trong bao thơ mà thôi. Nếu viết phạm lên bìa có dính keo mất chữ thì ráng chịu. Thật là phi lý và ác độc đến tận cùng! Trần Lợi mừng rỡ như người thoát chết, anh nhờ tôi viết giùm vì anh không biết thuốc gì phải xin. Bên trong góc xéo của hai phong bì có mấy chữ như sau: “Tôi bị bệnh lao phổi nặng lắm. Xin gởi trụ sinh streptomicine, heloside và bất cứ thứ gì khác”. Tháng sau vào ngày thăm nuôi chúng tôi được thuốc, bắt tay nhau cười nói: “Trời hại thì chết, người hại mình không chết”.
Xét qua về kiểu cách cho viết thơ về gia đình đủ biết cộng sản có chủ trương và nghiên cứu cung cách hành hạ, trả thù tù nhân, tuyệt đại đa số thuộc chế độ cũ hay người miền Nam. Từ việc bỏ đói, không cho gặp mặt gia đình, giới hạn thời gian gặp gỡ vân vân và vân vân... Tính cách phi nhân ác độc của cộng sản được ghi nhận qua nhiều bản văn, hồi ký chẳng những của người Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Lịch sử của thế kỷ XX sẽ lưu truyền hậu thế.

Ngoài sự ác độc trả thù và hãnh diện có nhiều thủ đoạn để đầy đọa tù nhân, Cộng Sản Hà Nội còn chứng minh sự gian dối rất khôi hài. Sáng hôm đó thằng nhỏ lao động đi ngang mỗi phòng đặt trước cửa biệt giam hai cái chén nhựa, một muỗng canh, một ca đựng nước và thau nhỏ đựng cơm, tất cả đều mới toanh, thay thế những chén rách, thau bể của tôi cũng như của đa số tù nhân khác. Tôi mừng thầm, ít ra cũng có đồ dùng tươm tất trước khi bị hành quyết. Trưa hôm đó tôi nghe có tiếng người xôn xao ở cửa ngoài, có ai đó nói tiếng Pháp hỏi: “Sao nhiều tội nhân tử hình quá vậy? Họ phạm tội gì? Tiếng một người đàn bà trả lời bằng pháp văn nặng giọng lên xuống như có dấu sắc hay dấu nặng: “Họ là những tội nhân thuộc lính ngụy giết người cướp của”. Tôi đinh ninh là có phái đoàn người ngoại quốc thăm viếng nhà tù Chí Hòa. Tôi chuẩn bị chờ phái đoàn qua ngang biệt giam tôi sẽ la lớn tiếng rằng: “Tôi không phải trộm cướp mà là cựu Tổng Trưởng, cựu Dân Biểu của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tôi là chủ của một trong những tờ báo lớn nhứt của miền Nam Việt Nam”.
Tôi quyết định phải la lớn, bất chấp hậu quả như thế nào. Trước sau gì thì cũng chết, ít ra các nước tự do trên thế giới biết cộng sản Việt Nam đang thực hiện biển máu như báo chí quốc tế đã từng tiên đoán trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, điều mà Cộng Sản Hà Nội luôn đính chánh và trấn an dư luận quốc tế. Sự đính chánh đó có thể là Hà Nội nhắn với Hoa Kỳ khi hai bên thỏa thuận mật với nhau là sẽ không có biển máu để cho người Mỹ yên tâm bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa mà không mất mặt vì mang tội đồng lõa sát nhân trước dư luận quốc tế. Cũng vì thế mà Hà Nội rêu rao biến nhà tù thành trường học như lời tuyên truyền của chế độ khi mới chiếm được miền Nam. Do đó có cụm từ xảo ngữ là “Trại Học Tập Cải Tạo” mà thực tế là những nhà tù kinh khủng loại Goulag của Liên-Xô.
Tôi chờ mãi không thấy có một người nào của phái đoàn vào thăm dẫy biệt giam từ số 21 đến 30. Tiếng người xa dần hình như phái đoàn lên lầu trên hay đi nơi khác làm tôi thất vọng.
Nhân nói chuyện Cộng Sản Hà Nội dối gạt dư luận quốc tế nhiều lần mà tôi được chứng kiến sau nầy, cũng tại khám Chí Hòa, xin thuật lại để độc giả xác tín về sự lừa đảo dối gạt dư luận của Cộng Sản Hà Nội như thế nào. Khi tôi bị giam ở khu BC có một ngày bỗng nhiên cai tù xuất hiện ra lệnh tất cả phạm nhân trong phòng phải thay quần áo, ăn mặt chỉnh tề và ngồi tại chỗ không được đứng dậy đi qua lại hay đến gần song sắt nhìn ra ngoài. Nếu phái đoàn có đi ngang và hỏi điều gì thì cán bộ trả lời, “không ai được trực tiếp lên tiếng dù biết tiếng nước ngoài”. Những người ngồi cạnh tường có song sắt lén nhú đầu lên nhìn ra bên ngoài thấy có đoàn người ăn vận sang trọng đi cạnh một bầy công an “bò vàng” bên khu EF đối diện, nhưng không thấy họ qua khu BC của chúng tôi. Anh Lâm Văn Thế còn thuật chuyện anh thấy có một ký giả người Pháp dằn vật cái máy ảnh của mình quay tứ lung tung chửi thề inh ỏi làm như cái máy của anh ta hư nên bực mình, cuối cùng anh quăng nó xuống đất bể nhưng vẫn lượm lại. Thực tế có lẽ anh giả vờ để chụp hình lén những phòng giam chật người như nêm, lớp đứng lớp ngồi. Nhưng anh không thể qua mặt được bọn công an. Nó tiến tới nhặt máy ảnh mà người ký giả nầy giằng co nó cũng không trả lại.
Khôi hài nhứt là sự kiện căm sóc sức khỏe tù nhân. Có lẽ do tiếng than oán, đồn đãi của nhiều gia đình quân nhân công chức chế độ cũ có người thân bị tù đày dưới chế độ cộng sản nên có những tổ chức nhân đạo nào đó hay chính phủ của thế giới tự do viện trợ thuốc men để sử dụng cho tù nhân. Dĩ nhiên cộng sản phải giả vờ chứng minh có dùng thuốc đó cho tù và đặc biệt là cho tù nhân thuộc chế độ cũ. Vì vậy tại phòng 13 khu BC y tá gọi Võ Long Triều và một em nhỏ người Hoa 17 tuổi ở tù cùng với người cha là cán bộ Cộng Sản Trung Quốc. Hai người chúng tôi phải đi chữa bệnh “Hoa Liễu”. Cả phòng ngạc nhiên. Tôi thắc mắc khi mới được thông báo, nhưng rồi tự nhủ bọn chúng nó muốn biến mình thành trò cười, mặc kệ chúng, mình vẫn là mình. Nhiều tiếng nói trong phòng: “Coi chừng bị chích thuốc làm mình điên hay tiêm vi trùng lao cho mình đấy”. Sở dĩ có tiếng xù xì như vậy là vì tại biệt giam khu tử hình có một ông già người Hoa bị bứu cổ, bác sĩ buộc phải chích thuốc, ông không chịu, y tá và ba lao động đè ông xuống, ông giãy giụa kêu cứu và trăn trối bằng tiếng Hoa, Mã Văn Cường thông dịch lại cho tôi nghe hồi lúc đó. Lòng hơi lo sợ chúng nó sẽ tiêm thuốc độc vào người mình chăng? Cho dù là thuốc độc đi nửa thì tôi cũng không thể cưỡng lại được. Riêng anh Trần Hùng lo lắng cho thằng con và phân vân với trưởng phòng xin can thiệp giùm cho thằng nhỏ khỏi phải bị chích thuốc. Còn thằng nhỏ thì vừa khóc vừa phân trần với cha nó: Con chưa hề biết đàn bà con gái ra sao cả. Trong phòng cười rộ, tội nghiệp thằng nhỏ xấu hổ, nhưng mọi người an ủi nó: “Mình đang ở tù mà mậy, thắc mắc làm gì, cha mầy biết mầy là đủ rồi”. Khi chúng tôi ra khỏi phòng, anh y tá lại gần tôi nói nhỏ: Peniciline đó không hề gì đâu. Bước sang phòng 11 công an gọi Ðại Ðức Thích Không Tánh (năm đó ông còn là Ðại Ðức) cũng bị bệnh Hoa Liễu như chúng tôi. Càng tội nghiệp cho ông Ðại Ðức, người tu hành bị cộng sản hạ nhục đến thế là cùng. Bước sang hành lang bên kia giữa hai tấm chắn có một ông bác sĩ ngồi, ông hỏi tôi:
Anh tên gì?
Võ Long Triều.
Ông mỉm cười, lắc đầu, miệng nói lớn: Cởi quần áo ra nhưng tay ông khoát bảo đừng. Không đầy một phút sau ông gọi:
Người kế tiếp.
Tôi bước ra thằm nghĩ có lẻ ông Bác Sĩ nầy là người của miền Nam còn ở lại nên biết tên tôi chăng, nên ông mới có thái độ thông cảm như vậy? Hay ông chỉ là một thứ hình nộm ngồi đó cho có lệ để mà mắt nhân viên kiểm soát của cơ quan viện trợ đặt để? Sau nầy ở chung phòng với anh Hồ Văn Ân cựu Ðổng Lý văn phòng bộ nội vụ, anh cũng bị gọi đi khám bệnh như tôi và bị chích một mũi “peniciline” trị “Hoa Liễu”. Anh Ân phản ứng có tính khôi hài và triết lý hơn tôi, anh nói: “Cái bọn khỉ nầy nó phải làm đúng trò con khỉ” như vậy nó mới có thể rêu rao như thằng bộ trưởng công an Thái Quang Hoàng của chúng nó tuyên bố gái miền Nam mình đa số làm đĩ hết. Anh Ân còn hỏi đùa với tôi: Bộ anh không biết chúng nó được Karl Marx dạy và buộc phải tin là tổ tiên của chúng nó thuộc loài khỉ nhờ lao động mà biến thành người sao? Anh Ân và tôi cười hả hê về cái trò con khỉ đó.
Trở về câu chuyện biệt giam ở khu tử hình. Sau khi Trần Lợi nhận được thuốc, vài ngày sau đó có y tá và bác sĩ đến mở của bảo Trần Lợi vén ống quần lên. Bác Sĩ nhìn thấy hai ống xương bọc da, ông ta nhanh chóng bảo: Dọn đồ ngay đi bệnh xá. Anh y tá cho tôi biết bác sĩ nầy tên là Quang, nội tuyến trong ngành quân y của thủy quân lục chiến. Sau khi ra tù năm 1988 tôi bị bệnh, tình cờ đi bác sĩ lại gặp phòng mạch của tên Quang nầy! Thật là trái đất tròn, anh ta và tôi còn có duyên gặp lại trong một hoàn cảnh khác. Ðôi bên tỏ vẻ ngỡ ngàng. Không biết anh chết hay sống và nếu ngày nay anh có dịp đọc mấy dòng chữ nầy, tôi muốn hỏi anh nghĩ gì về chủ nghĩa cộng sản mà anh đã xả thân tôn thờ.
Trần Lợi đi, tôi đối diện với sự cô đơn, lo nghĩ, phập phồng chờ đợi và tự hỏi rồi ngày mai số phận mình sẽ ra sao? Bản chất của con người có tính xã hội trong tâm. Khi có sự hiện diện của đôi ba người làm bạn, tự nhiên tâm trí mình bị chi phối bởi những ý kiến và suy nghĩ qua lại với nhau, còn khi cô đơn một mình tâm trí nghĩ quẩn, rồi cũng vẫn đi đến một câu kết luận: Chết là cùng! Tôi đành tìm sự an ủi và can đảm chịu đựng trong kinh kệ, trong lời nguyện cầu và sự dọn mình về với Chúa.
Tôi nhớ mãi câu nói của một bạn tù ở khu BC khi tôi được chuyển qua đó, anh ta nói: Giáo dân công giáo thì có Chúa, phật tử thì có Phật, các anh có chỗ dựa khi tâm trí suy yếu, ngã lòng tuyệt vọng. Còn như tôi không có Chúa cũng không có Phật khổ tâm bằng mười lần các anh khi tinh thần sa sút tột độ.
Tình trạng buồn chán của tôi kéo dài cho đến một ngày đó, sau giờ cơm trưa, cửa biệt giam mở, Trung Úy Sơn xuất hiện mặt hầm hầm ra lệnh: Chuẩn bị đồ cá nhân. Tôi bồi hồi đánh nhiều dấu hỏi trong đầu. Ði đâu đây? Giờ nầy không phải là giờ hành quyết theo như thường lệ. Vậy thì chắc có lẽ tôi gặp lành nhiều hơn dữ. Nửa mừng nửa sợ tôi bước ra khỏi phòng, tên Sơn không đóng cửa. Sao lạ vậy? Hay là nó đưa tôi ra ngoài khám xét đồ đạc rồi lại tống cổ tôi trở vô. Không nói không rằng nó dẫn tôi đi ngang dọc qua nhiều hành lang đến khu giam tù tập thể mà tôi nhìn ra là khu BC, nơi tôi đã từng ở qua trước khi bị chuyển về sở công an gặp Cáp Xuân Diệm.
Bước vào phòng 13 nhiều người bu quanh, sau khi giới thiệu ông trưởng phòng, người Hoa Chợ Lớn, tôi không nhớ tên. Rồi ai cũng hỏi một câu lập đi lập lại:
Anh bị bắt tội gì vậy?
Chống phá cách mạng.
Một ông già lưng khòm, ốm yếu người miền Nam, tôi nhận ra ngay anh là Trịnh Quới Tài, đã từng ở chung phòng 9 khu C2 với tôi tại Phan Ðang Lưu. Nhưng anh ta không nhận ra tôi nên mở lời hỏi: Xin lỗi anh tên chi?
Trời ơi anh Tài anh quên tôi rồi sao?
Anh Tài nhíu mày, mặt hơi nhăn, miệng hé cười lộ vẻ ngạc nhiên hỏi lại: Xin lỗi tôi bị tù đày lâu ngày trí nhớ lu mờ anh tha thứ cho. Tụi mình quen nhau ở đâu?
Tôi là Võ Long Triều ở với anh bên Phan Ðang Lưu, quên rồi sao?
Ý Trời! Làm sao mà ra nông nổi nầy vậy anh Triều? Gầy gò ốm yếu, trẻ hơn nhiều nhưng bơ phờ xơ xác quá!
Tụi nó giam tôi và bỏ đói ở khu tử hình hơn hai năm rồi, may mà không chết là nhờ ơn Chúa, Ðức Mẹ che chở.
Trời ơi! “Bọn chó má gian ác”. Ông già trưởng phòng người Hoa xen vào: “Thì vậy đó mà, tôi đã từng ở tù thời ‘ngụy’ hơn 5 năm, sung sướng bằng mười lần”.
Nhân tiện tôi cũng xin kể thêm chuyện bị bỏ đói lâu ngày dài tháng làm con người teo lại, gần như trẻ đi để giúp vui cho độc giả. Trẻ nhiều hay ít là do thời gian bị bỏ đói và tùy cơ thể của mỗi người. Nhưng sau khi ăn uống đầy đủ con người trở lại bình thường. Câu chuyện có thật do tôi và nhiều người chứng kiến hiện còn sống và định cư tại Mỹ. Nhiều độc giả không khỏi cho là phản khoa học. Ðúng vậy bởi vì chưa có một sự nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó. Là chuyện tếu! Nhưng có thật.
Ðiển hình là trường hợp của Trương Thiên Sanh, người Hoa ở cùng phòng 13 khu BC với tôi. Chính tôi dạy Pháp văn cho anh ấy. Vậy mà sau thời gian anh bị đi lao động ở Củ Chi, trốn trại, vượt biên qua Campuchia bị bắt lại. Sáu tháng chịu đói, bị giải về Chí Hòa ở khu ED, năm 1988 gặp lại anh xuống tắm ở hồ nước gần bên phòng 12 anh nhìn tôi gọi:
Anh Triều, nhớ tôi không?
Xin lỗi anh cho tôi biết quí danh. Tôi không nhớ gặp anh ở đâu?
Trời ơi! Tôi là Trương Thiên Sanh ở chung phòng 13 với anh đó, anh dạy tôi pháp văn có nhớ không?
Nhìn anh không ra, xem anh như là một thanh niên chừng ba mươi tuổi.
Tôi trốn trại sang được Campuchia bị bắt lại. Tụi nó biệt giam tôi bỏ đói tưởng đâu chết rồi đó.
Trường hợp thứ hai là là anh Phi, thủy quân lục chiến. Sau năm 1975 giết công an, bị án tử hình nhốt tại khu FG, trốn trại bằng cách chui lỗ cống ra ngoài. Anh đi Ðà Nẵng tá túc nhà người cô là cán bộ cao cấp cộng sản. Bà cô khuyên Phi nên trình diện, nếu không chính bà sẽ bắt anh giao lại chính quyền. Sự vượt ngục của Phi làm cho trưởng và phó khu FG bị kiểm thảo nặng nề. Vì vậy khi bị bắt lại người ta chuyển Phi về Chí Hòa khu cũng ở khu FG. Trưởng, phó khu và công an trực thuộc tha hồ hành hạ Phi để trả thù. Anh chỉ được phép vận một quần đùi, mình trần, còng tay và chân vào một thanh sắt dài, đại tiểu tiện tại chỗ, mỗi ngày cho một chén cơm và một ca nước uống, chịu giá lạnh, muỗi đốt suốt thời gian chờ bị hành quyết. Những ai chưa từng chịu giá lạnh và muỗi đốt trường kỳ không thể hiểu được sự đau khổ nầy. Riêng tôi chỉ bị kỷ luật 15 ngày mình trần, chân còng dính song sắt, giá lạnh buốt xương, muỗi bay vo... vo... như ông vỡ tổ, muỗi đốt sưng mình, đầu hôm một trận, gần sáng một trận thật là kinh hồn. Bọn cộng sản dã man còn hơn thú dữ.
Chúng tôi chứng kiến cảnh đau thương nầy mỗi khi thấy anh Phi xuống tắm một mình với thanh sắt dài cao hơn anh, một tay một chân dính vào đó, từng bước nhắc đi tới hồ tắm. Những bạn tù cùng thấy cảnh thương tâm nầy với tôi còn sống như Lâm Văn Thế, cựu Thiếu Tá chánh sở cảnh sát đặc biệt, hiện định cư tại San Jose, Nguyễn Văn Thuần cùng ở Fresno với tôi, cựu Bí Thư của Nguyễn Văn Kiểu bào huynh Tổng Thống Thiệu. Những sự kiện và cung cách đối xử với tên Phi tôi biết được là do lời tường thuật của anh công an tên Nghiệp, người Nam dân Gia Ðịnh bị tù 18 năm vì tội thả tù đổi lấy vàng. Với tư cách là vệ sĩ của Tám Nam, phó Giám Ðốc sở công an thành phố do đó Nghiệp được ra lao động, tiếp xúc đưa cơm nước cho Phi. Nghiệp còn xác định anh Phi tuổi cỡ bốn mươi nhưng bây giờ hình ảnh bơ phờ của anh giống như một thanh niên tuổi mười chín hai mươi. Nghiệp nói là có nhiều lần đi tắm Phi cố ý tự tử bằng cách đút đầu thanh sắt vào ổ điện hay bóc tay vào cầu chì nhưng Phi không biết rằng chạm điện xài trong nhà giật mà không chết. Tên Nghiệp sau nầy được nhốt chung với tôi và nhóm anh em thuộc Z2 với nhiệm vụ canh chừng và báo cáo, nhưng thực tế lại trái ngược, tôi xin đề cập sau.
Một trường họp khác cũng vì bị bỏ đói mà cơ thể biến thành trẻ không nhìn ra, cũng tại Chí Hòa khu bệnh xá. Việc nầy do anh Huỳnh Tô Há, một thanh niên người Hoa có trách nhiệm cõng Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỷ đi bệnh xá, anh gặp một thanh niên trẻ tuổi, đang nằm hấp hối ngoài hành lang, anh hỏi:
Bệnh gì mà nằm ở hành lang chờ chết vậy?
Tên nầy trả lời: Tôi tuyệt thực.
Tội gì phải tuyệt thực?
Không tuyệt thực chúng nó bỏ đói chết thì cũng vậy thôi.
Anh bị bắt vì tội gì?
Phản động, âm ưu lật đổ chính quyền.
Còn trẻ quá mà tuyệt thực làm gì?
Năm nay tôi bốn mươi ba tuổi rồi.
Ðói làm cho cơ thể con người teo lại biến thành ra trẻ hơn và đói cũng chữa được bệnh như tôi đã tường thuật trong tập hồi ký quyển I của tôi về trường hợp của người bạn thân, Bác Sĩ Nguyễn Văn Mẫn đau tim, không ăn hơn một tháng trời, sống bằng nước sê-rum và thuốc. Bác sĩ cho về nhà chờ chết trong ngày một ngày hai. Tin chắc là sẽ chết, B.S. Mẫn xin gia đình cho anh ăn một tô phở trước khi chết. Nhưng không, ăn xong anh thấy khỏe lại. Vì là bác sĩ nên anh biết phải ngưng ăn và tự chữa mình khỏi bệnh, sống thêm hơn ba năm nữa làm cho một vài bác sĩ chuyên gia tim mạch chẳng hiểu ra sao cả.
(Còn tiếp)
Chuyển sang phòng 13 khu BC cả buổi chiều hôm đó hết người nầy đến người khác hỏi han chuyện trò, ai cũng muốn biết ít nhiều về tôi, một nhân viên cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản hành hạ như thế nào? Còn phần tôi thì mới thoát được sự cô đơn buồn chán trong cảnh biệt giam, nay gặp đông người có thể nói chuyện. Tôi không ngớt dò hỏi chuyện trong tù chuyện ngoài đời, thật là hứng thú và sung sướng được nói, có người nghe, có người hỏi. Như tôi đã viết, bản chất con người có tính xã hội vì thế sự cách ly với xã hội bên ngoài đã là một hình phạt rồi, còn bị giam hãm một mình cô đơn lâu ngày dài tháng lại càng khổ cực hơn nhiều. Vì thế khi thoát khỏi cảnh đơn độc lòng mừng rỡ vô cùng. Cho nên tôi trò chuyện mãi đến khi kẻng báo giờ ngủ mà tôi chưa chuẩn bị mền gối trong khi mọi người đã sẵn sàng chui vô mùng ngủ.
Nằm xuống, ý nghĩ đầu tiên tự nhiên đến trong đầu là: Mình thoát chết! Bọn nó cho mình ra khu tập thể là đương nhiên liệt mình vào hạng tù nhân bình thường. Bị giam lâu hay mau, hoặc vĩnh viễn còn là một dấu hỏi, nhưng chờ đợi sẽ bị hành huyết không biết ngày nào như khi còn ở khu tử hình chắc không còn sợ nữa. Cảm nghĩ được sống sót nó khoan khoái, hân hoan, sung sướng, phấn khởi lạ lùng bởi vì sự thật bất cứ ai dù đã chấp nhận cái chết một cách can cường, nhưng bản năng sinh tồn nó luôn nắm niếu cái sống, nó làm cho con người sợ chết dù can đảm mấy cũng luôn phập phồng hồi hộp trong tâm trạng chờ chết.
Ðương nhiên lúc đó tôi nghĩ đến thế giới bên kia, tự hỏi nó như thế nào? Việc gì sẽ xẩy ra? Dù là Công Giáo tôi có niềm tin nhưng vẫn sợ vẫn nghi ngờ. Khi đó tôi thấy con người nhỏ bé gần như vô nghĩa trước vũ trụ bao la, trước cái gì thiêng liêng, cao cả, quyền uy, vĩ đại, toàn năng. Ðấng toàn năng đó tạo ra sự sống và cất nó bằng cái chết. Trước kia khi tôi nghe đài phát thanh loan truyền tin phi thuyền không gian đáp xuống mặt trăng, tôi nghĩ con người vĩ đại, khoa học toàn năng thắng chiếm vũ trụ. Nhưng con người chưa thắng được cái chết. Ðiều đó khiến tôi tin phải có một đấng tối cao, tôi gọi là Ðức Chúa Trời, Người khác gọi là Thượng Ðế, Phật Tổ, Allah,... thì cũng thế.
Ðêm nay tôi nằm trong tù, đang suy nghĩ về cái chết và sự sống, bỗng nhiên tôi liên tưởng và nhớ lại đoạn văn của ông Pandit Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Ðộ viết trong quyển “Ma Vie et Mes Prisons” (Ðời Sống Của Tôi và Những Ngày Tù Tội) rằng khi ông bị chính quyền thuộc địa Anh Quốc cầm tù. Ông đọc hết sách viết về các đạo giáo trong thư viện nhà tù và ông kết luận rằng: “Tôi không theo đạo nào, nhưng nếu tôi phải theo một đạo, thì tôi chọn đạo của ông Jesus Christ.” Còn người tù vượt ngục 13 lần, Henri Charrière biệt danh là Papillon, nổi tiếng thế giới bằng quyển sách ông viết cũng tựa đề “Papillon”. Trong đó ông nói: “Tôi là kẻ không sợ ác nhân, không sợ ma quỉ, không tin thánh thần, nhưng đứng trước cảnh biển động hùng vĩ, vô cùng khiếp đảm nầy nếu phải tin có Chúa thì tôi nghĩ chắc là chúa của người Công Giáo.” Những ý nghĩ trên cho tôi thấy vững lòng vì đã chọn đạo của Jesus Christ, nó giúp cho lòng tôi lắng dịu, cam lòng chịu đựng gian khổ như “chén đắng Chúa trao”.
Sáng sớm thức dậy phải thay quần áo chỉnh tề, và ngồi chờ điểm danh. Trưởng phòng báo cáo số tù nhân hiện diện rồi tự động đưa tay cao hô lớn: 1 Hứa Phùng... đến lượt tôi: 36 Võ Long Triều... rồi người kế tiếp.
Cuối cùng tên công an phụ trách điểm danh lớn tiếng hỏi: Có Võ Long Triều đây không? Tôi đứng dậy đưa tay cao báo: Có.
Trước đó từ phòng số 11 tôi đã nghe hỏi nguyên văn câu nầy rồi và có tiếng trả lời: Không có. Ðến phòng 12 cũng hỏi y vậy.
Ðến phòng nầy mặc dù tôi xướng danh lớn tiếng nhưng tên công an không thèm chú ý nghe vì anh ta biết chắc chắn đâu có ai vượt qua được tường và hai hàng song sắt chắn ngang đâu. Buồn cười hơn nữa là sự kiện nầy xẩy ra đều đều bốn ngày liền mới chấm dứt. Và các bạn tù nói trước đó cả tuần công an điểm danh đã tìm tôi cùng hết bằng câu hỏi tương tự nhiều lần. Thì ra chúng nó có lệnh tìm tôi xem đã bị giấu kín ở nơi nào hay đã bị hành quyết rồi chăng? Nay có động tịnh gì đây chúng nó mới có chính sách gom tù thuộc chế độ cũ. Tôi nghĩ lệnh gom tù và lập danh sách đến từ Bộ Ngoại Giao hay Bộ Nội Vụ, còn việc trù dập đưa tôi vào chỗ chết là do Cáp Xuân Diệm và Huỳnh Bá Thành ở Sở Công An nên mới có sự tìm kiếm nầy.
Sau đó một thời gian lâu, trong giỏ đồ ăn thăm nuôi của tôi có khô cá sặc, một hôm ăn cơm tôi nhai trúng thứ gì dai quá, nhả ra là miếng nylon gói lọn một miếng giấy thật nhỏ. Tôi hồi hộp nghĩ: “Sớ” rồi. (sớ là mật thơ giấu trong thức ăn đưa tin cho tù nhân). Không dám mở ra xem liền sợ “ăn-ten” báo cáo, tôi lận miếng giấy vào lưng quần chờ cơ hội kín đáo tôi mới dám mở ra xem, có hàng chữ như sau: “Chú Sam có thương lượng với bà Âu Cơ, ba hãy can đảm chờ đợi”. Tôi hiểu ngay là có sự mua bán đổi chác giữa Mỹ và Cộng Sản Bắc Việt có thể giống như kiểu Mỹ đổi một máy cày lấy một người lính Cuba đổ bộ lên vịnh “Con Heo” bất thành chăng? Nếu ai có chứng kiến được cảnh nắng hạn như thiêu như đốt ở đồng ruộng miền Nam Việt Nam thì hiểu được sự sung sướng của người nông dân vui hưởng đám mưa rào, gọi là “sa mưa giông” đầu mùa để có nước cày cấy. Hàng chữ nói trên đối với tôi có tác dụng tương tự như vậy. Lòng tôi tràn đầy hy vọng,
Nhưng rồi cũng phải ngóng chờ, hết năm nầy đến năm khác. Tôi lại nhận được một cái “sớ” nữa của con tôi “bắn” vào, lần nầy nhiều chữ hơn: “Má có gặp ông Habib. Ông nói: Vấn đề là giữa chính phủ với chính phủ. Cá nhân ông không làm gì được”. Ít lâu sao lại thêm một sớ nữa: “Con Ánh có gặp Hội Văn Bút Quốc Tế. Người ta nói đã và sẽ can thiệp”. Những sự can thiệp bên ngoài cộng sản Hà Nội không xem ra gì cả. Luận điệu trả lời của họ chỉ đẩy đưa lịch sự mà thôi. Khi thoát thân ra được nước ngoài, tại Pháp những bạn đồng khóa của tôi cho xem văn thơ của hội ái hữu trường Grignon gởi Bộ Ngoại Giao và công văn của Tổng Trưởng Ngoại Giao Pháp thời đó, ông Chayson, gởi Hà Nội về vấn đề của tôi, hội Văn Bút Quốc Tế can thiệp đối với cộng sản là vô nghĩa. Chỉ có sự mua bán đổi chác hay quyền lợi gì khác giữa Mỹ và Việt Cộng mới có hiệu quả mà thôi. Bằng cớ là tôi và nhiều công chức quân nhân cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa được thả ra đúng lúc với một phái đoàn Nghị Sĩ Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ Viếng thăm Việt Nam. Trong đó có một ký giả Việt Nam tên Nguyễn Tú A, một cộng sự viên cũ của báo Ðại Dân Tộc đến nhà thăm, tôi hỏi: Tại sao em biết anh được trả tự do mà đến thăm? Anh Tú A trả lời: Em thấy trong danh sách tù nhân cộng sản trao cho phái đoàn Mỹ có tên anh.
(Còn tiếp)
Ða số tù nhân trong phòng 13 toàn là người việt gốc Hoa, chỉ có hai anh Trịnh Quới Tài, Trần Văn Tiền và tôi là người Việt. Về sau có thêm một anh thượng sĩ không quân tên Hiền nếu tôi nhớ đúng tên. Những người Hoa, nói rành tiếng Việt, là cán bộ Cộng Sản Trung Quốc, sinh sống tại Việt Nam hay Campuchia.
Thời gian sống với họ tôi hiểu được một việc là tinh thần đoàn kết dân tộc của người Hoa rất mạnh. Trong sinh hoạt giữa họ với nhau dù có đố kỵ bất đồng đến đâu nhưng khi cần đối diện với bên ngoài họ nắm tay nhau đối phó. Lập trường, tư tưởng, lời lẽ luôn luôn đề cao dân tộc Trung Hoa dù là Ðài Loan hay Trung Quốc. Nhiều anh kể cho tôi nghe câu chuyện một người Hoa ở Cần Thơ đại diện độc quyền cho hãng “la-ve” BGI bị công ty truất quyền vì phạm sai lầm. Tất cả thương gia người Hoa trả môn bài đại diện, tiệm bán lẻ của họ cũng không nhận hàng BGI nữa. Hãng BGI phải chịu thua, tái cấp độc quyền cho người đã mất.
Tại phòng 13, theo thông lệ công an xét đồ cá nhân mỗi tháng một lần mà không thông báo trước. Chúng nó tháo tanh bành, bỏ lộn xộn đồ dùng của tù nhân như đống rác. Khám xong, anh Tòng ôm tất cả đồ của anh quăng vào phòng, cán bộ công an hỏi:
Mầy ném vào đầu tao đấy hả?
Tôi quăng vào phòng để sắp xếp sau.
Mầy còn chối nữa hả? Mầy tưởng tao là thằng ngu sao?
Thế là tên công an bắt anh Tòng đứng trong phòng thò hai tay ra ngoài song sắt, nó còng lại. Cả phòng nhôn nhao phản đối. Cán bộ quản giáo thay phiên nhau nạt nộ hăm dọa. Tất cả người Hoa thay nhau hô lớn tiếng gọi trưởng trại để báo cáo. Tiếng kêu từ trưa đến chiều tối, bọn công an đầu hàng, mở còng yêu cầu đừng gọi trưởng trại nữa.
Có lẽ vì hoàn cảnh phải tha hương cầu thực nên người Trung Hoa dễ thông cảm và đoàn kết, bênh vực lẫn nhau để sinh sống. Cũng như người Do Thái, trước kia bị mất nước phải tha hương, nên tính dân tộc tình đồng bào của hai sắc dân nầy là một đặc thù khó thấy ở những dân tộc khác. Họ gắn bó với nhau chặt chẽ, đoàn kết bao che, bảo vệ nhau để sinh tồn.
Người Việt chúng ta sống ở hải ngoại chắc phải chờ nhiều thế hệ nữa, do hoàn cảnh sinh sống và môi trường xã hội dồn ép mới có được chất keo sơn gắn bó nhau và tinh thần đoàn kết như vậy.
Ngày tháng dài đằng đẵng, chuyện trò cho mấy rồi cũng hết, buồn chán rũ người. Tôi đề nghị với anh Mã Sang nằm cạnh bên tôi: Chúng ta chơi cờ tướng liên tục để quên ngày tháng, như vậy mình xem như không có ở tù mà trái lại mình đang vui chơi. Ðừng để tâm trí mình bị chúng nó hành hạ.
Mã Sang thấy hữu lý, đồng ý cải ngày tù thành thú vui. Chúng tôi chơi cờ từ sau điểm danh dẫn đến tối đi ngủ, chỉ ngưng để dùng cơm trưa, cơm chiều.
Trong phòng có người gọi chúng tôi là hai ông tiên, cũng có người gọi là hai thằng điên.
Khi nào chán cờ Mã Sang dạy tôi tiếng quan thoại, còn tôi trả công anh bằng cách dạy lại tiếng Pháp. Lúc ban đầu chúng tôi lượm miếng ngói bể viết trên sàn xi-măng rồi bôi liền.
Trưởng phòng phê bình, sợ bị phát hiện và bị kỷ luật. Chúng tôi đổi phương tiện, lấy hũ nhựa đựng thức ăn bôi một lớp kem đánh răng bên ngoài rồi viết bằng đuôi bàn chải mài nhọn.
Mỗi khi xét phòng thì phải lanh tay vuốt cho mất chữ. Trong phòng lại có người chỉ trích nữa vì sợ bôi không kịp thì bị vạ lây. Chúng tôi lấy một ít bột đậu nành bỏ vào thau nhỏ gõ nhẹ để tráng cho bằng mặt rồi viết, nếu có động tịnh gì thì đụng vào thau là chữ mất hết.
Rồi cũng có người không đồng ý nếu bị phát giác, cán bộ hỏi tại sao họ biết mà không báo cáo thì phải trả lời sao đây? Chúng tôi đành nhịn thua.
Hai đứa nằm trở đầu gần nhau, một bên nói một bên nghe, nhớ hoặc hỏi lại, chúng tôi học thuộc lòng. Vậy mà tôi hiểu và nói được ít nhiều tiếng phổ thông, còn vài ông bạn người Hoa thì cũng biết chút đỉnh tiếng Pháp.
Khi được trả tự do năm 1988 anh Huỳnh Tô Há gặp một người Pháp tại Saigon, anh thông dịch bập bẹ mà được trả công 5 đô la, anh mừng rỡ tới nhà tôi báo tin và cám ơn rối rít. Với bao nhiêu khó khăn trong tù, chúng tôi vẫn học được thêm mỗi người một ít tiếng ngoại quốc thật là một kỷ niệm khó quên.
Ngày qua ngày có chuyện vui, có chuyện buồn, một chuyện vui làm tôi nhớ mãi là anh Hiền, lính “tàu bay” hòa nhã vui tánh dễ thương, anh từng khoe mình có bảy vợ. Anh thuật chuyện gia đình của anh làm nhiều người cười lăn lộn.
Vui nhứt là có một ngày anh khoe rằng anh có học được phép thuật ra tiền, nhưng không có quyền thuật ra để xài tiền đó. Như vậy là gian, thánh thần sẽ vật chết. Nếu cả phòng muốn xem tiền thì anh sẽ làm cho tự nhiên biến ra 50 đồng.
Cả phòng dồn ép anh phải hóa phép cho xem và khẳng định không ai tiêu xài năm chục đồng đó.
Anh bằng lòng nhưng giao thêm điều kiện là những người tham gia phải thật lòng tin tưởng và giữ thái độ nghiêm trang, ăn mặc chỉnh tề trong khi anh làm phù phép. Không được di động, không được lên tiếng chuyện trò dù là to nhỏ.
Cả phòng bàn tán: Nếu ăn mặc chỉnh tề lúc ban ngày thì sẽ có vấn đề với công an quản giáo ngay.
Trưởng phòng bèn đề nghị: Chờ ban đêm sau kẻng ngủ khi cửa ngoài đã khóa lâu, chúng ta không giăng mùng, thay quần áo chỉnh tề, im lặng ngồi xem anh Hiền làm phép. Kế hoạch được thực hiện như dự trù.
Anh Hiền bình tĩnh ngồi trùm mền kín mít, đọc thần chú lung tung bậy bạ mà không ai dám cười, mọi người tưởng là thật. Tay anh quơ qua quơ lại, đưa lên đưa xuống rồi ngồi im. Thỉnh thoảng lại một cơn đọc bùa phép. Rồi phải đợi thật lâu. Bỗng nhiên anh lên tiếng yêu cầu trưởng phòng đến quì và hôn nắm tay anh đưa ra nhưng vẫn trùm trong mền kín mít.
Chờ đợi lâu, anh lại yêu cầu một người đại diện tới hôn với lòng tin tưởng thần linh triệt để.
Chờ lâu nữa, cuối cùng anh nói xong rồi. Mở tung mền ra thấy anh ta đưa hai ngón tay tréo lại bảo đó là tiền! Cả phòng cười nghiêng ngả nhưng sụt sùi không dám lớn tiếng, có người trách móc: Thằng xạo dám bịp cả phòng nhưng vẫn cười khoái trá, cười là tại trưởng phòng và ba người đại diên đến quì hôn hai ngón tay tréo, tượng trưng cho thứ gì mà đối với người Hoa dơ bẩn nhưng lại quí giá. Vào mùng hồi lâu mà vẫn còn một hai tiếng cười sụt sùi.
Phòng giam chật như nêm, có thêm một anh Trung Sĩ thủy quân lục chiến Nguyễn Văn Ða, mang tội phản động bị đưa vào. Nóng bức không chịu nổi, bàn nhau làm sao chia mỗi người một ca nước vào cầu tiêu thấm ướt đầu, ướt toàn thân cho bớt nóng. Bỗng nhiên có sáng kiến đưa ra: Nếu mình cầm kiếng đeo mắt trong tay đưa ra ngoài song sắt hướng về phía có người thì thấy được hình công an quản giáo đứng ngồi tới lui. Như vậy chỉ cần một người cầm kiếng canh, khi thấy có người thì hô lên, bên trong người đang sử dụng nước ngồi im như đang tiêu tiện.
Vô phúc cho tôi có một ngày đánh răng xong còn dư một vài hớp nước. Theo qui định của phòng chia nước để đánh răng là một ca, đi cầu một ca. Tôi dùng nước đánh răng dư bôi ước đầu, thằng cán bộ Hoàng bất ngờ thấy lớn tiếng kêu:
Anh kia, tắm trong phòng hả?
Nước đâu có mà tắm cán bộ?
Tôi thấy tận mắt mà anh còn chối à?
Không chối nhưng tôi không thể tắm trong phòng vì không có nước. Ðánh răng còn dư nước tôi bôi lên đầu không thể cho đó là tắm.
Thằng Hoàng bỏ đi không nói thêm một lời. Tất cả bọn công an xem tôi là kẻ thù còn ở lại không bỏ trốn đi di tản, nên mỗi lần đổi phòng là chúng nó chỉ định tôi nằm ở chỗ tồi tệ ẩm ướt, hôi thúi nhứt là gần sát cầu tiêu và sàn nước.
Hôm sau thằng Hoàng gọi tôi ra ngoài buộc tôi phải ký biên bản với tội danh tắm trong phòng. Tôi không ký, nó lớn tiếng nạt nộ, tôi cũng lớn tiếng trả lời.
Nó gọi Trung Úy Thụy trưởng khu, anh nầy cầm khúc cây trong tay nạt nộ hăm đánh buộc tôi ký. Tôi không ký. Anh ta sợ tôi đôi co lớn tiếng, tù nhân trong các phòng kế cận nghe bất tiện, anh bèn dẫn tôi xuống lầu vào phòng làm việc của anh hăm dọa tôi đủ điều, hai bên lớn tiếng cãi nhau đến độ có nhiều người đứng bên ngoài xem cãi vã.
Tôi vẫn không ký nói rằng không phải tôi sợ kỷ luật nhưng buộc tôi ký nhận điều phi lý tôi không nhận. Nếu muốn thì cứ đưa tôi đi kỷ luật trước, rồi khi hết hạn về phòng, tôi và ông sẽ nói lý lẽ với nhau sau. Tôi nói trong phòng chật người như nêm, hồ nước nhỏ, chúng tôi xem nước như vàng, đào đâu ra mà có để tắm?
Tên Thụy bắt bẻ: Anh là người trí thức có ăn học mà nói năng như thằng lưu manh, nước không thể là vàng.
Tôi nổi khùng vì hai chữ lưu manh nên lớn tiếng trả lời: Cán bộ cố tình không hiểu hay vì dốt mà không hiểu? Nói thật với cán bộ, nếu nói về mặt trí thức và chữ nghĩa tôi có thể dạy thầy của thầy cán bộ nữa là khác.
Tên Thụy chạm nọc, dẫn tôi vào phòng, xô cửa rầm khóa lại.
Ngay chiều hôm đó tên cán bộ Hoàng mở cửa phòng 13 ra lệnh: Võ Long Triều lấy xô nước bước ra khỏi phòng. Thế là tôi trần trụi với một quần đùi bước ra. Anh ta đưa tôi vào phòng biệt giam, trong đó có một thanh sắt dài kéo ra kéo vô được khóa vào hai khoanh sắt bắt dính với nền xi-măng. Cách vách tường khoảng năm tấc. Bên kia vách khe tường hở kiểu lá sách gió lọt vào, ngày mát đêm lạnh.
Anh lao động lấy hai còng chữ U đút vào chân tôi còng ngược, bắt tôi phải ngồi dựa tường thay vì có thể nằm ngửa ra ngoài hai chân dính vào song sắt. Tôi liền nghĩ nếu phải đứng ngồi suốt thời gian kỷ luật 15 đêm ngày như thế nầy thì sẽ vô cùng thê thảm. Sàn nhà khai thúi vì tù nhân phải tiêu tiểu tại chỗ trong sô nên cứt khô dính đầy chỗ nầy chỗ khác. Tối hôm đó ngồi dựa tường khoanh tay úp mặt trên đầu gối, tưởng sẽ ngủ được với tư thế nầy nhưng không! Khoảng đầu hôm lối chín giờ muỗi bay như ong vỡ tổ, tiếng kêu vo vo như tiền đờn cò kéo thật nhẹ, tay phủi, tay đập, tay vuốt, tay gãi, liên tục, lia lịa không ngừng. Ấy vậy mà vẫn bị muỗi cắn sần mình, ngứa ngáy toàn thân.
Rồi gần sáng khoảng bốn năm giờ gà gáy, lại một trận muỗi tấn công vô cùng ác liệt. Tôi đã từng nghe nói muỗi Cà Mau đầy trời như trấu rải.
Tôi cũng nghe Ðại Tá Lâm Quang Phòng, người bà con bên vợ, nói bọn cộng sản ở Cà Mau giết người bằng cách trói họ bỏ ngoài rừng cho muỗi đốt chết và chính bản thân Lâm Quang Phòng cũng bị cộng sản hành xử như vậy. May nhờ có võ, ông gồng bứt đứt dây thoát thân, hồi chánh trở thành Ðại Tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa và sau nầy là Tổng Giám Ðốc Thanh Niên.
Mỗi ngày tôi được phát một ca nước, một chén cơm lưng. Với bệnh đau bao tử, ruột cào xốn xang tôi chịu gần như hết nổi, một ngày, hai ngày, tôi thầm nghĩ: Cảm giác đói là do não bộ truyền cảm, ăn là động tác tự nhiên làm theo sự điều khiển của não bộ. Vậy thì ăn làm cho mất cảm giác đói. Về mặt lý thuyết nghĩ đúng hay sai tôi không biết, nhưng thực tế qua ngày thứ ba tôi lấy từng hột cơm nhai chậm chậm, thưởng thức vị nước ngọt trong miệng do vị toan của nước miếng (amylase) biến thành đường thật thú vị, nghĩ một vài phút tôi lại nhai thêm một hột cơm khác cũng chậm chạp như vậy. Chén cơm ăn cả ngày chưa hết mà bao tử không kêu gào cào xót vì đói. Thật là kỳ diệu.
Cũng trong ngày thứ ba đó cửa biệt giam mở Thằng Hoàng đưa Nguyễn Văn Ða đến còng chung với tôi. Nhưng lần nầy hai người chúng tôi được còng xuôi nằm trên sàng xi-măng lạnh. Cửa vừa khóa tôi hỏi liền:
Tại sao em đi biệt giam vậy?
Thì em biết anh đau bao tử nên lục đồ anh lấy thuốc bao tử nhét trong chén cơm chiều hôm đó do lao động đến lấy phần của anh. Nào ngờ bọn chúng nó xét bắt gập, hỏi ra là do em, nó làm biên bản bắt đi biệt giam luôn, rồi nó cười ha hả.
Mầy đâu có biết nó bỏ chén hột bo-bo đó thay bằng hai phần ba chén cơm mỗi ngày thôi.
Dù là hai đứa có bạn tâm tình bớt khổ nhưng đêm gió luồn qua khoảng trống khe tường, sàn xi-măng lạnh buốt, run người từ trong xương ruột lạnh ra, muỗi cắn sưng mình không thể nào chợp mắt. Tôi thức suốt đêm đuổi muỗi, thỉnh thoảng mòn mỏi gục vài giây rồi giật mình ngay vì đau buốt ngứa ngáy cùng mình. Ban ngày tôi không ngủ được vì sàn Xi-măng quá lạnh. Thằng Ða nó ngủ tổng cộng được vài giờ. Tôi nghe nói mỗi khi đi biệt giam thế nào cũng bị đánh một trận rồi mới thả về. Ðêm cuối cùng tôi nói với Ða:
Nếu ngày mai tao hết hạn về phòng mà không bị tụi nó đánh thì chưa nếm hết mùi biệt giam. Thằng Ða cười trả lời.
Ðừng có ước, lo mừng đi.
Thế rồi nửa đêm cửa biệt giam mở, tên hung hăng Hoàng xông vào la lớn:
Mầy muốn bẻ còng vượt ngục hả.
Tôi cười nói:
Còng sắt như vầy ai có sức bẻ nổi cán bộ? Thằng Hoàng liền đá mạnh vào đầu, tôi vội né đưa vai đỡ, bình một cái. Không sao!
Mầy làm loạn bên ngoài vô đây còn muốn làm loạn nữa à?
Làm loạn một mình trong biệt giam chắc không làm được đâu cán bộ ơi. Nó lại đá mạnh vào hông tôi. Bình, dội tức muốn nín thở. Rồi nó không nói không rằng đá vào hông, tôi đưa tay đỡ nhẹ, đau quá nhưng không trúng hông. Nó đạp liên tiếp hai cái vào bụng nhưng tôi gồng cứng không sao cả.
Thế là nếm đủ mùi. Cửa khóa, đợi hồi lâu thằng Ða cười như nắc nẻ và nói: Còn ước bị đòn nữa không? Tôi cười. Nhờ 15 ngày kỷ luật biệt giam ở chí Hòa tôi mới khám phá ra cách chống đói nhưng đã quá muộn vì thời điểm đó tôi được thăm nuôi tuy không phong phú nhưng đủ sống qua ngày. Mặt khác tôi nhận thấy hình như sức chịu đựng của con người nếu không vô hạn thì cũng dẻo dai vô cùng vì 15 ngày thức suốt, hai tay không ngừng múa may vậy mà vẫn tỉnh bơ sống bình thường.
(Còn tiếp)
Trong phòng có hai người Hoa là thầy châm cứu. Trước kia tôi có đọc quyển sách của cựu Tổng Trưởng Tài Chánh Pháp Pierre Peyrrefite, ông viết “Khi Trung Quốc Tỉnh Giấc” (Quand la Chine S'éveillera) trong đó ông tường thuật có chứng kiến một cuộc giải phẫu không cần gây mê mà chỉ châm cứu thôi đủ làm cho bệnh nhân không có cảm giác đau đớn.
Tôi tin những gì ông Peyrrefite viết, nhưng tôi không hiểu nổi sự thần kỳ của khoa châm cứu cho đến khi tôi có dịp tận mắt thấy đầu gối của anh Khải bị sưng to, đau nhức đi không được, di chuyển phải nhờ người kè đi hay cõng hẳn anh trên lưng. Anh Minh, thầy châm cứu học tại Thượng Hải, anh có dấu hai cây kim nhỏ trong cán quạt lá buôn, nếu không may công an xét phòng bắt gặp kim giống như kim để vá quần áo thì sẽ bị kỷ luật vì tội cất giấu “hai thanh sắt bén nhọn”! Anh Minh dùng hai cây kim dấu được châm cho Khải. Vừa rút kim ra anh Khải đứng được một mình, vừa cà nhắc vừa nhảy cười la “tôi đi được rồi”.
Một lần khác ông Dư Ðăng, giáo sư người Hẹ, đau răng sưng mặt, ăn không thể nhai được. Ngày mai là ngày thăm nuôi nên ông yêu cầu anh Minh châm giùm đề bớt đau ăn uống được thoải mái vì ngày mai có đồ ăn ngon gởi vào. Minh châm ba huyệt giáp xa, hợp cốc và bách hội. Ông Dư Ðăng chẳng những ăn được đồ tiếp tế dễ dàng mà còn hết đau lâu dài. Do đó tôi bắt đầu say mê về môn chữa bệnh tài tình nầy và xin anh Minh dạy tôi châm cứu, tôi phải nài nỉ lắm anh mới chấp nhận. Tôi cũng nhắn xin hai cây kim giấu trong cán quạt như anh.
Về sau khi đổi phòng sang khu FG ở chung với những người thuộc loại Z2 như Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Ðan Quế v.v... tôi lập được một kỳ công bất ngờ đó là ngày anh Nguyễn Văn Thuần, cựu bí thư của Ðại Sứ Nguyễn Văn Kiểu bào huynh Tổng Thống Thiệu. Thuần đang ngồi đánh răng, đứng dậy bỗng nhiên bị té ngã, than đau nhức lạ thường. Thì ra anh bị cụp xương sống, nằm rên rỉ suốt ngày đêm, không di chuyển được một mình. Thấy anh rên đau tội nghiệp tôi đề nghị:
Trong tù không có thuốc men, anh thử để tôi châm cứu xem có đỡ không?
Thôi đi cha nội. Anh không biết mẹ gì hết châm trúng huyệt tử hay huyệt điên thì khổ tôi. Anh vừa nói vừa cười vừa rên, nhìn rất khôi hài.
Anh không dám châm thì thôi, để tôi bôi dầu cho anh xem có bớt không. Qua ngày sau có lẽ bị đau nhức cả đêm anh chịu hết nổi nên gọi tôi:
Anh Triều ơi! Chắc phải đi tới đó quá.
Thì dĩ nhiên rồi, chúng nó đã công khai bảo tụi mình ở không có ngày ra thì trước sau gì mình cũng phải chết trong tù, phải đi tới đó thôi. Chết là hết, ráng can đảm chịu đựng đi. Mình sẽ hãnh diện sống trọn kiếp theo lương tri lý tưởng của mình.
Không phải, tôi muốn nói là đi tới chỗ phải để cho anh châm cứu đó.
Tôi bật cười ha hả và nghĩ mình đã lầm tưởng anh ta than sẽ chết trong tù vì quá đau nên tôi mới trả lời: Chết là cùng. Tôi bèn hẹn sẽ châm anh vào giờ trưa vắng không có công an.
Trưa hôm đó hai người phụ đỡ anh Thuần nằm sắp đưa lưng, tôi châm hai mũi kim trên đường xương sống gần thắt lưng. Sau khi rút kim, anh cựa mình nói: “Ủa sao kỳ vậy ta? Anh vừa nói vừa cười, lập đi lập lại đôi ba lần câu đó, rồi anh tự mình lăn ngang, ngồi dậy một mình cười hề hề cám ơn tôi. Theo anh Minh dạy thì phải châm tiếp tục 13 lần. Nhưng qua ngày sau anh Thuần chỉ cho tôi châm một lần cuối vì thấy hết đau anh nói: Nếu để cho anh châm nữa lở trúng huyệt tử hay huyệt khùng thì tai hại! Tôi cám ơn anh suốt đời, nhưng thôi làm ơn chấm dứt giùm bữa nay đi cha nội!”
Anh Thuần hiện định cư tại Fresno thường liên lạc gặp tôi đều đều, nhắc lại chuyện đó chúng tôi cười xòa. Như tôi đã có viết qua, Bác Sĩ Nguyễn Văn Mẩn, tốt nghiệp y khoa, nội trú các bệnh viện Paris, (Interne des hopitaux de Paris) cũng nhờ châm cứu mà nổi danh là bác sĩ làm phép lạ, Tây gọi ông là “Docteur miracle”. Tôi không quảng cáo cho khoa châm cứu mà chỉ nói những gì tôi chứng kiến và biết rõ. Tuy nhiên có đầy các thầy châm cứu hành nghề khắp nơi, vấn đề là phải tìm trúng người giỏi, biết chọn đúng huyệt đạo để chữa bệnh nhân. Còn tôi, chẳng qua là “phước chủ may thầy” vậy thôi.
Châm cứu là một khoa nổi tiếng, nhưng gây tê như ông Peyrrefite viết và chứng kiến có lẻ chưa được thông dụng nên khắp thế giới ngày nay hãy còn dùng kỹ thuật gây mê trong những cuộc giải phẫu.

Tôi bị giam ở phòng 13 khá lâu, rồi có một ngày cán bộ quản giáo bảo tất cả người Hoa chuẩn bị chuyển trại.
Còn mấy người Việt được dời sang phòng 12 kế cận. Thật là những ngày tháng vô cùng bi đát. Phòng nhỏ hẹp, giam 62 tù nhân. Chúng tôi chia nhau 5 người nằm trên hai chiếc chiếu manh còn gọi là chiếu cổ, vì ở nhà quê người ta thường dọn món ăn khi cúng bái hay có cỗ tiệc trên chiếc chiếu nhỏ bề ngang khoảng 8 tất bề dài gần hai thước. Năm người nằm đầu đối chân, chân đối đầu, gọi là nằm trở trái trả, da thịt đụng nhau, mồ hôi dính rít cũng phải chịu, đêm không thể giăng mùng vì quá chật chội, muỗi cắn cũng đành. Ở phòng 13 chúng tôi chia nhau hai người nằm một chiếu.
Sống trong phòng 12 khu BC tôi chứng kiến một sự việc lạ lùng. người không theo đạo Công Giáo có thể cho đó là bình thường, nhưng người Công Giáo có thể hiểu khác.
Tù nhân phòng 12 đi tắm phải đi ngang qua phòng 11, khi đi qua không được phép nhìn vào trong, không được trao đổi bất cứ lời nào. Nhưng khi đi ngang anh Tùng nhìn ra sân nói lớn: “Eucharistie”. Trong đó có linh mục Tự Do tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, ngài hiểu ngay là anh tùng xin bánh lễ. Trong phòng 11 cũng có giam Ðại Ðức Thích Không Tánh nay là thượng tọa.
Tắm xong đi lên, ngang qua phòng 11 anh Tùng đi chậm sát bên song sắt, cha Tự Do quăng ra thau của Tùng một gói nhỏ. Thằng cán bộ Bẩy thấy rõ hét:
- Anh kia, liên hệ giấy tờ gì đó? Phải nói thêm rằng tên công an trẻ nầy độ mười chín hai mươi tuổi, cùng với Hoàng là hai thằng khét tiếng gian ác nhứt của khu BC.
- Dạ có gì đâu cán bộ.
- Anh còn chối à? Tôi thấy rõ ràng.
Không tin cán bộ xem nè. Trong khi đó theo lời Tùng thuật lại thì anh sợ run, lòng nguyện thầm: Lạy Chúa, hình phạt gì con cũng chịu, nhưng xin Chúa đừng để chúng nó làm nhục Thánh Thể. Tùng tách hàng đi về phía cán bộ Bẩy thằng nầy khoát tay:
- Thôi đi đi.
Về phòng Tùng để thau xuống, ôm ngực thở phào, nhìn mọi người mỉm cười vui vẻ.
Kỷ niệm thứ hai tôi ghi nhớ mãi suốt đời là vụ ăn-ten bị tù cùng phòng đổ nước ny-long nấu chảy lên mặt và những hậu quả đau buồn kế tiếp.
Chuyện xảy ra phòng nào khu nào tôi không biết.
Nhưng theo lời của lao động chia cơm và y tá thuật là có một tên ăn- ten báo cáo với công an điều gì khá quan trọng nên trong phòng có hai tù nhân khác đi tắm lén giấu cái thau bằng nhôm đem lên phòng. Chờ đến khua lấy túi ny-long bỏ vào thau và cũng dùng ny-long đốt nấu cho chảy rồi đổ lên mặt thằng ăn-ten theo kiểu tạt ác-xít vào mặt như ngoài đời thường xẩy ra. Dĩ nhiên cán bộ quản giáo điều tra biết dễ dàng là ai. Hai anh đồng phạm bị còng đưa tay ra ngoài song sắt, công an dùng cây đánh giập tay gãy xương. Tiếng kêu đau la ó tôi có nghe nhưng không biết ở đâu và đã xảy ra chuyện gì.
Kết quả kỳ thăm nuôi đó bọn công an lấy hết diêm quẹt, chỉ cho gởi thuốc hút và giấy quyến vào thôi. Trong tù đa số ai cũng ghiền thuốc. Suốt ngày chỉ biết hút phì phà gọi là để giải sầu hay nghĩ ngợi chuyện dĩ vãng tương lai và hiện tại. Tình trạng không có diêm quẹt cộng với sự thiếu cơm thiếu nước là thêm một quyết định ác độc phi nhân của bọn công an Hà Nội. Mỗi ngày hai lần sau bữa cơm, lao động cầm điếu thuốc đi ngang mỗi phòng cho tù nhân mồi lửa. Trong phòng bàn tán làm sao giữ lửa để hút trong ngày. Thoạt đầu chia phiên nhau hút mãi để giữ lửa. Nhưng không đến cơn thèm, hoặc thuốc ít làm sao giữ lửa mãi được? Ðến lượt xé quần áo, xé khăn, vấn thành “con cúi” thật nhỏ để giữ lửa. Phòng chật cứng nóng bức, bây giờ còn thêm mùi khói, mùi khét, mùi hôi của con người tuy không nghẹt thở nhưng cũng nhức đầu hoa mắt. Ðó là chưa kể có những bạn hút thuốc lào phải lấy bông gòn trộn giấy, cắm đầu thổi cho bật lửa ngọn để hút. Thật vô cùng bi đát, khôi hài, chán ngán, oán hận lũ công an tàn nhẫn.
Ðêm buồn tôi thầm nghĩ nên bỏ thuốc, dù tôi đã ghiền nặng nhưng tôi không muốn để cho bọn cộng sản hành hạ mãi vì những thói quen không cần thiết cho sự sống còn của tôi.
Trước 1975 tôi hút mỗi ngày khoảng mười điếu xi-gà nhỏ bằng ngón tay. Một ống “píp” ngậm suốt ngày cộng thêm một gói thuốc “Bastos” xanh trong túi, vào tù tôi còn mang thêm tật xấu là kéo thuốc lào để hưởng cái thú lâng lâng sung sướng đê mê. Một thứ xì-ke nhẹ nhưng cũng khó cai. Bây giờ phải bỏ.
Tôi đề nghị với anh em trong phòng: Chúng ta nên bỏ thuốc không hút nữa, biết rằng bỏ thuốc là khó, là khổ, nhưng chẳng thà mình làm khổ mình, không để cho bọn công an làm khổ mình. Không nên xé quần áo vấn con cúi để giữ lửa làm hôi thêm cả phòng vốn đã oi bức hôi mùi khó chịu rồi. Ða số đồng ý khen phải. Tất cả ba mươi sáu người chịu bỏ thuốc.
Nhưng rồi ba hôm sau, rồi năm bảy ngày kéo dài, thằng Khỏe nói: Anh ơi, em chịu hết nổi rồi, để em thổi lửa cho anh hút thuốc lào nhe. Tội nghiệp, ai đã từng vướng mắc vào thú nghiện thuốc lào thì mới biết cái khó có thể vứt bỏ nó. Bởi vậy mới có câu dân gian thường nói: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Bản thân tôi sau mỗi bữa cơm thì nước mũi chảy lòng thòng, nước mắt ràn rụa, hắt hơi liên hồi, hít dầu gió lâu mới hết.
Ngoài ra ngồi buồn tay chân táy máy, muốn cầm muốn nắm, khi sờ mó cái giỏ đựng đồ, khi thì xếp cái bao bọc quần áo làm gối. Bởi vì thường ngày tay cầm điếu thuốc giữ yên, thỉnh thoảng đút vào miệng hít hơi phì phà. Mình có cảm giác đang bận việc. Thông thường tay chân cử động theo thói quen theo phản ứng có điều kiện, khi tay đang cầm điếu thuốc là mình đang bận là tay đang làm việc. Phải chăng khi tay trống là nó mất cái thói quen, mất cái phản ứng tự động với điếu thuốc, nên nó phải tìm việc làm, sờ mó cầm nắm lung tung. Một việc lạ đối với tôi.
Mặt khác cái nhớ, cái thèm, cái đòi hỏi của cơ thể vì thiếu chất nhựa thuốc, khói thuốc làm cho con người xót xái khó chịu. Sự thèm muốn đôi lúc gần như sắp thắng thế trên sự đè nén của ý chí, trên sự tự ái cá nhân. Rồi từng người, thằng Khỏe dẫn đầu đi tìm lại điếu thuốc hay cái bình để kéo một hơi cho đỡ nhớ đỡ ghiền. Rồi có người lấy tiền, lấy thức ăn đổi từng cây diêm với mấy thằng lao động chia cơm. Tôi cũng là người bằng xương bằng thịt cũng bị dằn vật, cũng biết thèm muốn khi nổi cơn ghiền. Ý chí của tôi đôi khi cũng muốn biến mất nhưng tự ái và sự câm hờn giúp tôi vượt qua sự thử thách cấp thời. Số người cai thuốc hết dần, còn lại vỏn vẹn có Luật Sư Ðào Văn, cựu giám đốc cảnh sát công an Bắc Phần, thời Việt Minh kháng chiến, lúc còn Hoàng Ðế Bảo Ðại. Anh Ðào Văn là người Bắc, đương nhiên thuốc lào là món ưa thích của anh nên sự cám dỗ đeo đuổi anh dai dẳng đến khi anh thú nhận:
Triều à, tao theo mầy đến đây chịu hết nổi rồi. Thôi tội gì mình chịu thêm một cái khổ nữa? Tao với mầy làm một điếu cho sướng hơi đi.
Tôi không đầu hàng, tôi không cho phép tụi nó hành tôi. Tôi tin rằng anh cũng như tôi, tụi mình thắng mình trước khi thắng chúng nó. Sự thật nhiều lần anh Ðào Văn nài nỉ, tôi cũng muốn siêu lòng nhưng miệng tôi lúc nào cũng nói cứng, nói bướng đi cho qua cơn. Nhứt là khi thấy anh Văn nhìn người khác hít thuốc lào tôi cũng chảy nước dãi trong miệng.
Cuối cùng anh Văn siêu lòng bỏ cuộc, cầm bình kéo ro ro phì hơi cười sung sướng. Và bắt đầu từ đó chính anh liên tục thuyết phục tôi anh nói: Tao với mầy chỉ còn hai anh em chẳng lẻ mầy bỏ tao, thôi kéo với nhau cho có bạn, mầy làm cứng chi vậy chỉ khổ tâm mầy thôi. Cứ mỗi lần anh nói nhiều thì tôi nạt vội rồi anh lại im. Nhưng điều mâu thuẫn khó hiểu đối với tôi là miệng nạt vội anh Ðào Văn nhưng lòng trách anh sao không tiếp tục mời cho đến khi tôi nhận lời vì bản thân tôi thật tình cũng thèm thuốc tột độ. Lý lẽ của sự trách móc trong lòng tôi là nếu thật lòng bạn bè thương nhau tại sao anh Văn không ép tôi cho tới cùng? Mà hễ ép là tôi đổ quạu nặng lời với anh.
Phải chăng sự mâu thuẫn trong mỗi con người nó xuất hiện khi con người đó đứng trước đôi ngả khó chọn giữa cái tốt và cái xấu, giữa đạo lý và vô luân, giữa tình và hiếu, giữa thèm khác tột cùng và ý chí mãnh liệt, sự xung đột đè nặng tâm can để cuối cùng tự ái và danh dự phải thắng.
Cho dù đã chọn được theo lý trí lương tâm hay theo quyết định sẵn có, nhưng sự giằng co khó tả thậm chí đôi khi cũng khôi hài như tâm trạng của tôi đối với anh bạn Ðào Văn.
Anh định cư ở Pháp nếu đọc mấy dòng chữ nầy chắc anh không khỏi mỉm cười nghĩ rằng thằng Triều tếu.
(Còn tiếp)
Bỗng nhiên công an gác tù xuất hiện cầm trong tay một danh sách gọi: Trịnh Quới Tài, Trần Thành, Võ Long Triều rồi anh ta ra lệnh: Chuẩn bị đồ cá nhân.
Trong phòng có tiếng truyền miệng nhỏ to, người nói thả rồi, người nói về, người nói đi lao động... Lòng tôi hồi hộp khó tả. Tôi mừng thầm vì nghĩ có thể bọn nó trả tự do theo tin tức của con tôi “bắn sớ” vào hai lần trước đó cho tôi chút hy vọng. Có thể là đi lao động chăng? Cũng có thể họ đưa tôi về biệt giam lại. Mặc kệ, tới đâu thì tới.
Ba người chúng tôi được dẫn đi quanh co tới một khu khác nhập bọn với một số người trong đó tôi nhận ra Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Bác Sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, cựu Quốc Vụ Khanh.
Anh Tài và tôi vào phòng 9, khu FG, trong đó đã có ít người.
Vài ngày sau công an đưa vào thêm anh Lâm Văn Thế, chúng tôi biết nhau khi còn bị giam ở trại Phan Ðăng Lưu, gần chợ Bà Chiểu, Gia Ðịnh cũ, và sau đó một thanh niên trẻ tuổi, từ khu tử hình chuyển sang.
Anh tên Phán, nếu tôi còn nhớ đúng tên, anh là nhân vật khá quan trọng của một “ tổ chức phản động” bị phát giác. Kết quả gần như toàn bộ ban lãnh đạo tổ chức bị bắt, còn anh trốn thoát nên tòa án Cần Thơ xử anh tử hình khiếm diện.
Không may anh bị bắt tại Saigon và với bản án tử hình đã có sẵn, anh bị giam chung với những người sắp bị hành quyết. Gia đình anh kêu oan nên trong khi anh chờ chết thì bộ nội vụ lật hồ sơ thấy anh bị xử khiếm diện vì đã trốn thoát, chứ tội của anh chỉ đáng mười lăm hai mươi năm thôi, do đó anh được chuyển vào phòng 9 ở chung với chúng tôi chờ ngày ra tòa xét xử lại.
Chúng tôi tự phong án cho mình là “trên mức án chung thân nhưng dưới mức án tử hình”. Bởi vì những người bị án chung thân được gặp mặt gia đình mỗi tháng một lần, Còn chúng tôi chỉ được gặp mặt gia đình mỗi năm một lần vào dịp Tết, thời gian gặp mặt ngắn hay dài tùy hứng của thằng cai tù trực hôm đó, tối đa không khi nào quá 15 phút.
Nếu gặp năm xui tháng rủi, trúng thằng công an ác ôn thì chưa đầy 10 phút nó bắt phải từ giã gia đình.
Theo lời anh Phán kể điều khổ sở khó khăn nhứt là làm sao cho ra lửa để hút thuốc và cũng là điều vui sướng nhứt khi “chà” cho ra lửa. Chưa hút được hơi thuốc nào mà đã thấy cơn ghiền dịu bớt vì tâm lý đang vuốt ve sự thèm muốn tột cùng.
Những tội nhân tử hình chờ ngày hành quyết bị nhốt chung, hai chân bị còng xỏ vào chữ U dính với một thanh sắt dài khóa xuống sàn xi-măng, tay của người nầy còng liền với tay của người khác. Vì vậy muốn chà cho ra lửa phải xé quần, cuốn tròn miếng vải, hai tay một trái một phải của hai người nắm chặt, hè nhau đưa tới đưa lui thật nhanh, chà xát đầu vải với sàn xi-măng cho tới khi nào thấy khói bay ra là có lửa, hai người phải đưa mau lên miệng thổi cho tới khi thấy đỏ là reo hò khoái trá.
Thế gian nầy chắc không có một chế độ nào, một bọn người nào, ác độc đến mức đối với những người sắp chết họ cũng tìm cách hành hạ đến tận cùng. Chỉ có những bọn bất nhân, vô luân như Cộng Sản Liên-Xô, Khờ-Me Ðỏ và Cộng Sản Hà Nội thôi. Tất cả những nhà cầm quyền các nước văn minh trên thế giới lúc nào cũng dành cho tử tội những ân huệ, thỏa mãn những nhu cầu cuối cùng của tội nhân, đặc biệt là cái chết ít đau đớn nhứt.
Kể về sự đau khổ trong tù và sự gian ác của cộng sản Bắc Việt không phải là mục đích của quyển hồi ký nầy. Như tôi đã viết, nhà văn Alexandre Soljenitsyne mô tả cái khổ, cái ác của cộng sản chính xác và hay hơn tôi nhiều. Sở dĩ tôi ghi lại những suy nghĩ và đời sống thực tế của tôi trong tù là để cho con cháu tôi biết được sự gian ác của cộng sản như thế nào và tại sao cha ông chúng nó chọn con đường chống lại chủ nghĩa vô nhân ầy, dù phải chịu cảnh tù đầy.
Thoạt tiên là cán bộ quản giáo, trịnh trọng cho biết rằng: “Các anh thuộc loại Z2, ở tù không có ngày ra” vì thế chúng tôi để cho các anh ở phòng rộng rãi có hồ nước tắm thoải máy để ở được lâu dài. Bọn cai tù có bố trí sẵn hai người với nhiệm vụ canh chừng và khống chế chúng tôi khi cần.
Trưởng phòng là cựu Ðại Úy Tuấn thuộc quân đội Bắc Việt, nguyên là Giám Ðốc Phòng Thương Mại thành phố, bị tù 20 năm vì “bán bãi vượt biên” lấy vàng.
Người thứ hai tên Nghiệp, dân tỉnh Gia Ðịnh, cựu biệt kích quân lực Việt Nam Cộng Hòa, gia đình của Nghiệp có người theo cộng sản vào mật khu, họ móc nối đưa Nghiệp vào khu đề tránh việc người cùng gia đình tàn sát lẫn nhau. Vào mật khu Nghiệp được tín nhiệm vì bà con của “cách mạng” nên được cắt cử làm cận vệ cho Tám Nam, Phó Giám Ðốc sở công an năm 1975.
Nghiệp lãnh án 18 năm vì tội thả tù đổi lấy vàng.
Tôi thường tâm sự vắn dài với Tuấn để tạo sự thông cảm với mục đích tìm nếp sống dễ dàng cho bản thân và cho mọi người. Do đó tôi biết được là anh có nhiệm vụ phải báo cáo chi tiết về tư tưởng và hành động của chúng tôi, đặc biệt la cụ Mão, cụ Thưởng, anh Liểng là nhân viên chính thức của tình báo Mỹ CIA.
Còn tôi thì mãi về sau Tuấn và Nghiệp mới thú thật phải theo sát để báo cáo diễn biến tư tưởng vì tôi là thành phần cực kỳ nguy hiểm. Lâu ngày dài tháng Tuấn và tôi kể chuyện đời tư, nhận định phải trái, phân tích đúng sai, khuyên giải trong tương lai nên xử thế việc đời như thế nào. Nhanh chóng tôi tạo được cảm tình của Tuấn và dạy anh học Pháp văn. Tuấn thông minh lanh lẹ, bướng bỉnh đối với công an gác tù vì anh ỷ lại mình là Ðại Úy, còn bọn công an là “con nít dốt nát” không biết gì về đảng và nhà nước.
Nghiệp kém thông minh hơn, chất phác thật thà, ngay tình vui tính. Lần hồi Nghiệp thấy Tuấn đeo theo tôi để học Pháp Văn và khơi chuyện ngoài đời luận bàn nghe vừa ý, anh siêu lòng quên mất nhiệm vụ được công an giao phó.
Anh ta cũng xin học Pháp Văn như Tuấn và thường xuyên đánh cờ tướng với tôi. Lâu ngày chúng tôi trở thành những người thâm giao đến độ nhiều lần Tuấn ôm vai tôi nói: “Nếu con có người cha như chú thì chắc đời con không đến nỗi như ngày nay”.
Tuấn kể lại cho tôi nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt ép buộc và dụ dỗ thanh thiếu niên ngoài Bắc phải nhập ngũ tùng chinh, sinh Bắc tử Nam như thế nào?
Phương pháp hữu hiệu nhứt là cấp thêm gạo cho gia đình có người nhập ngũ vào Nam, đồng thời bớt gạo cho gia đình nào có con không chịu hy sinh vào Nam chiến đấu.
Anh kể chuyện vượt Trường Sơn khốn khổ, đói khát như thế nào? Chuyện đảng viên cao cấp, chính trị viên trung đoàn, “chém vè”, nhát gan, lạm dụng quyền hành ra sao? Chuyện của anh vào Nam chiến đấu, toàn những chuyện ly kỳ lý thú.
Tuấn là một thanh niên đặc biệt gan lì, tôi còn nhớ anh bị mụt nhọt to gần bằng trái chanh non sau đít, y tá cho thuốc “aspirine” nhỏ giọt, đi bệnh xá cũng không ai giải quyết giùm sự đau nhứt của anh. Tôi đề nghị mổ đại vì tôi sẵn có một ống thuốc trụ sinh nhỏ đủ bôi cho anh. Tuấn đồng ý dù biết trước là sẽ rất đau đớn. Bốn người đè chặt tay chân anh, một người ngồi hẳn trên lưng đè đầu. Tôi lấy hết can đảm mổ mụt nhọt bằng miếng thiết hộp sữa bò mài bén do Tuấn dấu từ lâu để dùng làm dao cắt.
Tôi moi ra chất mủ xanh đặc sệt hôi thúi. Tuấn gồng người toát mồ hôi không kêu la. Bôi thuốc, xé áo băng vết thương, buông ra anh cười xòa nhưng nước mắt anh còn ướt má vì quá đau.
Ngày nay nhớ lại cử chỉ và hành động của Tuấn, lòng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ thương. Thương như một nghĩa tử hết lòng phục vụ nghĩa phụ trong cơn nguy khốn cùng đường. Trước khi rời khỏi phòng 9 đi lao động, anh còn ghé tai nói nhỏ với thằng Nghiệp: “Mầy phải thay tao lo cho chú thật chu đáo”. Sau nầy khi tôi được trả tự do năm 1988 Tuấn có ghé qua nhà ở với tôi được mấy tháng rồi anh từ giã ra đi.
Tuấn đi lao động, Nghiệp ở lại giúp tôi rất nhiều. Có một ngày tôi bệnh nằm vùi hơn hai tuần không ăn uống được, Nghiệp mạo hiểm lấy thau tắm bằng nhôm, đốt ny-long nấu một chén nước sôi bỏ mì gói vào bảo tôi ăn.
Tôi trả lời:
- Cám ơn con, chú ăn không được.
- Cháu liều lĩnh chấp nhận đi biệt giam nếu tụi nó bắt gặp đề nấu mà chú không ăn thì uổng công cháu quá.
- Chú không ăn nổi đâu.
- Cháu đỡ chú ngồi dậy húp một chút nước nóng thôi.
Nể tình tôi húp nước và ăn được vài miếng. Sau đó cơn bệnh hết dần. Trong tù mà có được một ít nước nóng là điều vô cùng quí giá. Viết đến đây tôi nhớ lại có một lần khi tôi còn ở trong biệt giam khu tử hình, có một ngày tôi bệnh, khát nước khô cổ, sự thèm nước như một đòi hỏi không còn khống chế được của cơ thể con người, nhưng tôi nghĩ đến phải uống nước lạnh thì rùng mình dội ngược. Ước gì tôi có được một tách nước nóng, nghĩ như vậy sự thèm khát càng dữ dội hơn. Làm sao có được một hớp nước nóng thôi! Suy tính hồi lâu bỗng nhiên tôi nhớ đến mấy ống thuốc làm bằng nhôm, bên ngoài sơn mầu có chữ, nhẹ bổng, công an xét đồ tưởng là ống nhựa nên cho nhận vào phòng.
Tôi lấy một ống bọc khăn cầm tay, đổ nước vào, đốt ny-long nấu sôi đổ vào một muỗng canh có sẵn nước để pha thêm. Tôi uống ba muỗng nước nóng, sảng khoái vô cùng, cả đời tôi chưa bao giờ thưởng thức được nước uống ngon bổ như vậy.
Một lần khác tôi đau bao tử nặng, Nghiệp cho tôi bài thuốc gia truyền là bưởi non chưng đường phèn. Ba của Nghiệp là đông y sĩ nổi tiếng ở Gia Ðịnh. Nhưng làm sao tôi thông báo cho gia đình biết để gởi món thuốc nầy vào tù ngày thăm nuôi tôi. Nghiệp nghĩ ra cách lấy giấy hút thuốc, xin đầu viết chì gẫy của lao động, tôi cầm viết địa chỉ nhà con tôi và hai chữ gởi thuốc.
Mỗi đầu tháng Nghiệp có quyền gặp mặt gia đình, anh lấy ny-long bộc miếng giấy nhét vào đít, bởi vì trước khi ra gặp mặt công an xét quần áo, bắt hả miệng, khum đít xem có thư từ gì dấu trong miệng trong khu để “bắn” tin tức ra ngoài. Nếu bắt được sẽ phạt đi biệt giam thê thảm, còn bị cúp thăm nuôi sáu tháng liền. Sau nầy tôi bị chuyển sang khu ED không biết Nghiệp sống chết như thế nào tôi biệt tin không hề gặp lại.
Thời gian ở với tôi, Nghiệp thuật nhiều chuyện tôi ghi nhớ và mãi mãi khó quên. Chuyện “Hiệp Thương Thống Nhứt” hai miền Nam Bắc xẩy ra tại Dinh Ðộc Lập cũ.
Lãnh đạo Bắc Việt vào Nam họp với lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vòng gác bên ngoài rào dinh độc lập do bộ đội Bắc Việt bao quanh giữ an ninh. Vòng thứ nhì bên trong do quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam canh giữ, vòng thứ ba sát dinh thự là do công an Bắc Việt đưa vào bảo đảm an ninh.
Trong phòng họp chỉ có những người cận vệ hoặc tùy viên của những người tham dự mới được phép hiện diện đứng ngồi đâu đó để khi cần chủ nhân sai bảo.
Nhờ vậy mà Nghiệp nghe ngóng và thấy tất cả những gì đã xẩy ra. Theo lời Nghiệp thuật lại: Lê Ðức Thọ chủ chốt, lớn tiếng, lớn quyền, tự mình lấy mọi quyết định. Sự thật không phải là hiệp thương mà là một thứ họp bàn về quyết định sẵn có của Bộ Chính Trị Hà Nội.
Phía Mặt trận chỉ có Trung Tướng Trần Văn Trà là dám có ý kiến ngược, theo ý ông thì còn quá sớm, chưa đến lúc phải thống nhứt, sợ dân miền Nam phản ứng. Bà Nguyễn Thị Ðịnh, Thiếu Tướng có công lớn trong phong trào Bến Tre “Ðồng Khởi” nên cũng dám phản bác, bà tự cho mình là người Bến Tre hiểu tâm lý người miền Nam và nghĩ rằng không nên thống nhứt vội.
Bàn cãi sôi nổi nhưng cuối cùng phải theo quyết định của Lê Ðức Thọ là thống nhứt, dẹp chính phủ Huỳnh Tấn Phát-Nguyễn Hữu Thọ.
Kết quả Tướng Trần Văn Trà thất sủng, bà Nguyễn Thị Ðịnh ngồi chơi xơi nước với chức vụ chủ tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam.
(Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét