Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

HỒI KÝ VÕ LONG TRIỀU - PHẦN 1 - CHƯƠNG 31 ĐẾN CHƯƠNG 39 (HẾT TẬP 1)

Ôrn Định Đà Nẵng
- Moa quyết định đưa quân ra tái chiếm Ðà Nẵng. Moa có gọi về đây một Trung Tá khá gan lì. Moa cho toa gặp ông ta xem toa có ý kiến gì?
Nói xong ông Kỳ ra lệnh cho Thiếu Tá Liệu gọi Trung Tá Mã Sanh Nhơn vào phòng. Tướng Kỳ giới thiệu ông Nhơn với lời lẽ khen tặng về khả năng và hoạt động của đương sự. Tôi nhìn thẳng Trung Tá Nhơn nói:
- Chính phủ quyết dẹp cho bằng được sự hỗn loạn ở Ðà Nẵng, Trung Tá sẵn lòng nhận trọng trách này chúng tôi mừng, dĩ nhiên mình quyết tâm hành động là phải thành công. Nhưng đặt giả thuyết nếu thất bại, cùng lắm chính phủ đổ còn ông khó có thể tránh được cảnh tù tội. Như vậy bây giờ ông còn có cơ hội suy nghĩ lại, ông nghĩ sao?

Trung tá Mã Sanh Nhơn nói ngay:
- Tôi là quân nhân, chỉ biết thi hành lệnh, không cần biết hậu quả.
- Nếu kế hoạch thành công, ông hãnh diện là điều dĩ nhiên, nhưng ông có xin một đặc ân gì trước không?
- Hoàn toàn không. Tôi đặt tin tưởng nơi cấp lãnh đạo.
Mấy câu trả lời của Trung Tá Mã Sanh Nhơn cho tôi một niềm hy vọng khá vững. Tướng Kỳ nhìn Trung Tá Nhơn, chỉ tay ra cửa, hất hàm, không nói năng gì. Ông Nhơn hiểu ý, đứng thẳng chào quay đi. Ðoạn, Tướng Kỳ hỏi tôi:
- Toa nghĩ sao?
- Ông ta trả lời đúng với tinh thần của một sĩ quan có kỷ luật. Nhưng vấn đề là không biết ông này gan lì và khôn khéo như thế nào trong cuộc hành quân sắp tới. Ðiều đó toa biết nhiều hơn moa.
- Thôi cậu yên chí về nhà nghỉ ngơi chờ kết quả, và suy nghĩ kế hoạch hoạt động sau khi bình định tình hình miền Trung.
Mấy ngày trôi qua khá nặng nề đối với tôi, trong lòng nơm nớp chờ đợi. Ðến một đêm khuya gần sáng, tôi không nhớ rõ giờ giấc, đang ngủ say, thì điện thoại reo, bên kia đầu dây Thiếu Tá Liệu, tùy viên của Tướng Kỳ nói: “Ông lên trại Phi Long gấp”. Chỉ vỏn vẹn có một câu thôi. Tôi ngạc nhiên đến nỗi ngờ vực bởi vì không khi nào Thiếu Tá Liệu trực tiếp nói chuyện với tôi mà chỉ gọi để cho Tướng Kỳ nói thôi. Vậy thì lần này tại sao ông Liệu nói gần như ra lệnh cho tôi? Phải có vấn đề. Ai chỉ thị cho ông ta gọi tôi và nói cộc lốc như vậy? Tình thế hiện tại làm tôi nghĩ ngay đến một cuộc đảo chánh. Có lẽ tướng Kỳ đã bị bắt tại trại Phi long, bây giờ có người bảo Liệu gọi tôi lên để hốt cho trọn ổ.
Tôi hồi hộp lo âu. Ðến nơi hẹn thì chắc sẽ bị bắt, bị tù. Không đến là hèn, vả lại trước sau gì cũng không cần trốn tránh. Tôi đánh thức bà xã dậy, dặn dò mọi điều cần thiết. Trong khi đánh răng rửa mặt, thì tôi yêu cầu bả lấy một xách tay, soạn cho tôi hai bộ đồ ngủ, đầy đủ đồ dùng để tắm giặt, một bộ bài cào để bói toán giải buồn, một quyển học Anh văn (L'Anglais Sans Peine) và một trăm ngàn đồng. Ra xe, vệ sĩ mở cửa, tôi bảo anh ta ở lại không cần theo vì tôi thầm nghĩ đi tù thì một mình tài xế đưa đi đủ rồi.
Lên đến trại Phi Long tới văn phòng Tư Lệnh Không Quân, nơi tôi đã từng đến, thấy hai xe cảnh sát đầy người. Lòng tôi càng hồi hộp, tại sao cảnh sát lại vào trại Phi Long nhiều thế. Chắc chắn là cuộc đảo chánh đã thành công. Bước xuống xe, ý nghĩ vừa liều mạng vừa bực bội, tôi đi thẳng vào văn phòng, không gõ cửa, không thông báo, đạp cửa vào, thấy Tướng Kỳ và Tổng Trưởng Nội Vụ Trần Minh Tiết ngồi nghe Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan báo cáo qua máy vô tuyến “Motorola”. Tôi càng bực hơn, nhưng lòng nhẹ nhõm trách Tướng Kỳ:
- Tại sao anh không kêu tôi mà để cho Thiếu Tá Liệu ra lệnh cộc lốc? Tôi tưởng thiên hạ đảo chánh bắt anh rồi biểu Thiếu Tá Liệu gọi tôi đến để hốt luôn.
Tướng Kỳ phản ứng:
- Làm gì mà chết nhát thế?
- Nếu chết nhát thì tôi đã trốn rồi lên đây làm gì? Tôi đã chuẩn bị sẵn đồ đạc mang theo để vào tù đây.
Tướng Kỳ cười ha hả ra vẻ chế nhạo và nói:
- Thôi vào đây nghe, thú vị lắm.
Tôi đến trễ nên chỉ nghe được lõm bõm: “Ông ơi bây giờ “con” khởi sự ra khỏi căn cứ không quân của mình đây”. Thỉnh thoảng lại nghe: “Cụ ơi tụi nó bắn rát quá”, “Ông ơi “con” dẹp được đám này rồi”, “Ông ơi “con” tóm đầu cả đám rồi”, “Ông ơi “con” cho đưa ông thầy Có của mình và Huỳnh Văn Cao về Sài Gòn cho ông, bây giờ con tiếp tục ra Huế hay đi về?” Tướng Kỳ trả lời: Ra Huế. “Ông ơi “con” đi đường bộ nhé”. Kỳ trả lời: “Ðồng ý”. Ai ở gần Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan cũng đều biết lối xưng hô cẩu thả của ông. Luôn luôn ông cứ “cụ cụ, con con” với thượng cấp. Thời đó, lối xưng hô này để bày tỏ sự thân mật. Nhưng trong xã hội thời bấy giờ, nhiều người không đồng ý cách xưng hô này.
Chúng tôi ngồi lại bàn tán hồi lâu cho đến khi trời sáng, mọi người từ giã ra về lòng nhẹ phơi phới. Buổi sáng hôm đó đài phát thanh Sài Gòn và báo chí trong ngày loan tin Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan dẹp bàn thờ do Phật tử bày ra giữa đường, với mục đích ngăn cản đoàn quân tiến về Huế. Sự thực sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân này là Trung Tá Lê Chí Cường, dĩ nhiên là dưới sự điều khiển của Ðại Tá Loan, chớ không phải Trung Tá Mã Sanh Nhơn như đã dự trù. Trung Tá Cường là biệt kích dù và theo lời tường thuật của Tướng Kỳ với tôi ông Cường là một sĩ quan giỏi.
Về phần Trung Tá Mã Sanh Nhơn được gọi về phủ Thủ Tướng, cấm cung, không được phép liên lạc với bên ngoài, cả tuần trước ngày hành quân để giữ bí mật. Sau cuộc hành quân Ðà Nẵng, không phải do ông điều khiển tại sao cứ bắt ông ở lại phủ Thủ Tướng để làm gì? Cho nên, cứ mỗi lần thấy tôi lên Phủ Thủ Tướng họp, ông thường gặp tôi than phiền, yêu cầu tôi phải trình Thủ Tướng giải quyết tình trạng của ông. Tôi có báo cáo với Tướng Kỳ. Ông trả lời: “Thì nhẩn nha đã”. Thời gian ngắn sau đó, ông được thăng Ðại Tá và được bổ nhiệm Tư Lệnh Phó sư đoàn 5 Bộ Binh. Riêng về Ðại Tá Loan, người có công lớn trong việc bình định Ðà Nẵng, được vinh thăng Chuẩn Tướng. Lễ gắn sao cho ông chỉ diễn ra trong vòng thân hữu, tại sân phủ Thủ Tướng với sự hiện diện của Tướng Nguyễn Ðức Thắng, Tướng Nguyễn Bảo Trị và số rất ít sĩ quan thân tín. Có lẽ vì Tướng Kỳ biết tánh ông Loan “ba-gai” (Pagaille) nên không muốn làm lễ trọng thể trước các hàng quân, sợ ông Loan cao hứng bất tử nói bậy. Thật vậy, sau khi đọc sắc lệnh vinh thăng chuẩn tướng, ông Kỳ gắn một sao sáng chói trên bâu áo đen của ông Loan, rồi lên phòng tùy viên Thủ Tướng ông Loan bật nút sâm-banh sối hai chai từ đầu xuống chân ướt cả quần áo cười vui vẽ, miệng chửi thề liên hồi.
Buổi tiếp tân đơn sơ ngắn gọn nhưng vui và cảm động. Phải công nhận ông Loan, là người trung tín với bạn bè, có lý tưởng, có bản lãnh, gan lì, chỉ thiếu hiểu biết về xã giao, chính trị. Tuy nhiên, ông có thừa sự gan lì để đối phó với tình hình căng thẳng.
(Còn tiếp)
Nhân vật Lý Chánh Trung
Một nhân vật khác có liên hệ với tôi, đó là Giáo Sư Lý Chánh Trung. Tôi không thể không nhắc tới nhân vật này, vì thiết nghĩ khi đã viết hồi ký, phải viết đúng sự thật, dù sự thật ấy có thể không làm hài lòng anh Lý Chánh Trung, nhưng tôi đã hứa viết sự thật, chỉ sự thật mà thôi, không thêm bớt che giấu, vì tôi biết đa số các chứng nhân còn sống kể cả anh Trung.
Lý Chánh Trung và tôi quen biết nhau từ khi còn du học bên Pháp, Lý Chánh Trung học ở Louvain, Bỉ quốc gần Paris, chỉ cách xa có hơn hai trăm cây số. Trung và tôi nhiều lần ăn cơm chung tại quán ăn rẻ tiền của Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam. Về Sài Gòn cùng nhau hoạt động trong hội trí thức Công Giáo, thân nhau như ruột thịt, xưng hô mày tao, tôi là bố đỡ đầu (god father) của con gái Trung là Thúy Lan. Từ làng đại học Thủ Ðức, Trung thường xuyên lên xuống Sài Gòn, hoặc đi dạy ở đại học, hoặc thường đến nhà tôi, tiền xăng nhớt làm thâm hụt ngân sách gia đình của Trung nên tôi rất thường cho con gái đỡ đầu của tôi, bốn tuổi, mỗi lần vài chục ngàn đồng, tiếng là cho con gái nhưng sự thật là tôi muốn giúp cho gia đình Trung dễ thở hơn. Thời gian sau khi tôi giao tiền cho Ngô Công Ðức làm báo Tin Sáng tôi có nhờ anh Lý Chánh Trung viết bài, mỗi bài tôi sẽ trả cho anh hai chục ngàn đồng nhuận bút. Tiền nhuận bút một bài báo thời đó cao lắm là một hoặc hai ngàn đồng là tối đa. Trung nói:
- Tao không từng viết bài để đăng báo. Từ hồi nào đến giờ có khi nào tao viết cho báo đâu?
- Thì mày cứ suy nghĩ về những vấn đề quan trọng của đất nước và lý giải một cách thuận lý thôi. Ai cũng khen mày viết lách hay mà. Mày viết độc giả có lẽ sẽ thích.
- Ừ, cứ nghe mày xúi cái đã, để tao thử xem.
Thực tế bài viết của Lý Chánh Trung thời đó được sự chấp nhận và ưa thích của độc giả. Nhưng chính tôi phải xuất tiền túi trả cho Lý chánh Trung gần cả chục bài đầu tiên. Sau đó tôi bảo Ngô Công Ðức trả tiền cho Lý Chánh Trung, Ðức phản đối nói bài báo gì mà hai chục ngàn? Ngô Công Ðức nhất định không trả. Tôi ngưng không đưa bài của Trung viết cho Ðức nữa dù sự thật là tôi đã trả tiền nhuận bút rồi nhưng còn giữ bài lại trên bàn giấy. Mấy hôm sau Ðức tới nhà hối thúc tôi xin bài của Lý Chánh Trung vì những bài đó “ăn khách”. Ðức hứa với tôi sẽ trực tiếp trả đúng số tiền cho Lý Chánh Trung.
Báo Tin Sáng đóng cửa vì Ngô Công Ðức thất cử Dân Biểu và vượt biên. Tin Sáng biến thành Ðiện Tín, Lý Chánh Trung vẫn tiếp tục viết cho đến khi tôi xuất bản báo Ðại Dân Tộc, tôi tâm sự với Trung :
- Mới ra báo tao không thể trả cho mày hai chục ngàn đồng một bài mà chỉ trả phân nữa tiền là mười ngàn thôi. Số tiền đó cũng đã nhiều quá rồi. Vả lại ngày xưa tao buộc thằng Ðức phải trả tiền như vậy là để giúp mày chứ bài báo gì mà trị giá hai chục ngàn?
Rồi có một ngày Lý Chánh Trung viết bài cho báo Ðiện Tín mà anh không viết cho Ðại Dân Tộc. Tôi có yêu cầu anh quản lý Nguyễn Văn Tịnh của Ðại Dân Tộc đi Thủ Ðức hỏi Lý Chánh Trung cho biết lý do tại sao? Anh quản lý trả lời với tôi: “Ông Trung bận việc quá không viết được và nói dù sao hai chục ngàn đồng một bài cũng dễ viết hơn là mười ngàn một bài”.
Tôi ngỡ ngàng, kinh ngạc. Ðáng lý ra dù Ðại Dân Tộc không trả tiền đi nữa thì Lý Chánh Trung cũng nên ưu tiên viết cho tôi vì tình bạn. Với bạn, sao Lý Chánh Trung lại quá lý tài như vậy? Tôi quyết định cắt đứt liên hệ với Trung, không một lời oán trách, không cần giải thích lý do, bởi vì một người bạn xem trọng quyền lợi hơn tình nghĩa thâm giao thì còn gì phải nói nữa?
Có lần, Lý Chánh Trung ghé qua nhà và tòa soạn đưa bài nhưng tôi không tiếp, và cũng không hề đăng bài nào của anh kể từ ngày đó. Anh có nhờ Nguyễn Văn Trường, là bạn thân của hai đứa, điện thoại xin lỗi tôi và xin gặp tôi để giải thích, tôi không chấp nhận. Nói đến chuyện tiền bạc rõ ràng nó không đáng nói ra, nhưng không may điều đó có thể giải thích tại sao Lý Chánh Trung ngã theo cộng sản sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 cũng, liệu có phải vì quyền lợi chăng? Tôi cho rằng, đó là bản chất của Trung chớ không phải lỗi lầm. Bởi vì trước ngày 30 Tháng Tư, Lý Chánh Trung có viết một văn bản văn viết tay, xác định ý kiến của nhiều anh em bàn thảo nói về, “chủ trương một xã hội công bằng, tả khuynh không cộng sản” mà chúng tôi chưa phổ biến. Tài liệu này khi xét nhà tôi công an thu được, đã tra hỏi tôi rằng chữ viết nầy không phải của tôi vậy là của ai? Tôi suy nghĩ dù có chỉ mặt chỉ tên, lôi người khác vào tù cộng sản thì cũng chẳng ích lợi gì. Sau vụ tiền nhuận bút, nhiều lần Trung gặp tôi trong những cuộc tiếp tân tại tư dinh của Ðại Tướng Dương Văn Minh, Trung bắt tay tôi, xin lỗi và hỏi:
- Bộ mày giận tao sao?
- Tao có gì mà phải giận mày?
- Thôi mọi chuyện đều do tao lầm lỗi hết, bây giờ tao xin lỗi mày.
- Chả có ai lỗi lầm gì với ai cả. Thôi bỏ chuyện đó, ta đi kiếm rượu uống đi.
Ngày bàn giao chức vụ Tổng Thống giữa Trần Văn Hương và Dương Văn Minh tại dinh Ðộc lập, sau buổi lễ tôi rủ Nguyễn Văn Binh đi ăn cơm, Trung chạy theo xin cho đi cùng, tôi từ chối khéo, bảo có chuyện riêng phải nói với Binh, kỳ thật chẳng có việc riêng gì cả. Sau 30 tháng 4 năm 1975, Lý Chánh Trung được cử làm Ðại Biểu Nhân Dân Sài Gòn. Tháng 3 năm 1976, sau khi đi tù hơn 5 tháng, tôi được thả ra như một miếng mồi để họ gạ tôi hợp tác với “cách mạng”. Tôi “được” gọi theo học khóa huấn luyện Mác-Lênin tại trụ sở Nhà Văn Hóa Ðức hồi trước 1975.
Có một buổi học sáng do giáo sư Cương, trưởng ban triết học Mác-Lênin Hà Nội giảng, có sự hiện diện của Ðại Biểu Nhân Dân Lý Chánh Trung tham dự và anh được Giáo Sư Cương đề cao khen ngợi. Ðến giờ giải lao tôi biến mất đứng ở nhà sau, rồi qua câu lạc bộ giải lao, Trung nhờ nhiều bạn cũ đi tìm tôi không được. Cuối cùng Lâm Ngọc Diệp nắm tay tôi lôi ra sân trước nói:
- Thằng Trung nó nhờ anh em đi kiếm mày quá trời mà mày đi đâu vậy?
- Tao biết nó sẽ kiếm tao, nên mới chuồn, gặp nó chi cho thêm bực.
Diệp cười xòa. Nhưng rồi Trung cũng kiếm được tôi.
Tôi còn nhớ khi đó có mặt cả giáo sư Vũ Quốc Thúc, cựu Quốc Vụ Khanh, Nguyễn Kiến Thiện Ân cựu Tổng Trưởng Kinh Tế, cựu Phó Thủ Tướng Dương Kích Nhưỡng, Luật Sư Bùi Chánh Thời, Tiến Sĩ Lâm Văn Sĩ, Trung nói:
- Tao kiếm mày quá mà mày đi đâu mất tiêu?
- Mày kiếm tao làm gì?
Tao có chuyện muốn nói với mày.
- Tao với mày bây giờ còn gì để nói với nhau? Một thằng là Ðại Biểu Nhân Dân, Một thằng là tù cải tạo mới được trả tự do tạm thời, có điều gì để nói với nhau chứ?
- Mày sao lúc nào cũng vậy hè?
- Tao chưa đổi tên đổi họ nên lúc nào cũng là tao thôi.
Trung hơi sượng nhưng vẫn làm ra vẻ bình tĩnh trước mặt anh em. Sau mười một năm tù, tôi được thả năm 1988. Về nhà con trai tôi nói bác Lý Chánh Trung có ghé nhà nói bác có can thiệp cho ba. Tôi cười trả lời với con rằng, “Chẳng có thằng nào can thiệp được cho ba cả”, nhưng dù sao người ta có lòng mình phải đi cám ơn. Tôi bèn nhờ anh Nguyễn Văn Trường chở tôi đến văn phòng Lý Chánh Trung ở đường Thống Nhứt cạnh Tòa Ðại Sứ Mỹ ngày xưa. Trước khi đi tôi căn dặn Nguyễn Văn Trường: “Toa phải can moa liền và chở moa về tức khắc, nếu moa có nặng lời hay lớn tiếng với thằng Trung, bởi vì lớn tiếng vô ích và có khi bất lợi cho moa”. Trường hứa chắc.
Nhưng thực tế, do Lý Chánh Trung phát biểu những điều trái tai nên tôi có nặng lời lớn tiếng, buổi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ vô bổ mà còn bực mình. Tôi trách Nguyễn Văn Trường tại sao không giữ lời hứa. Trường trả lời: “Moa không can bởi vì đối với thằng Trung toa có thể nói như vậy được”. Về nhà tôi thấy buồn vì đã làm một việc vô bổ ngay từ khi mới ra tù.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam có một ngày bà giáo sư Tô Thị Ánh, chị vợ tôi, mời tham dự đám giỗ nhạc gia của tôi, có sự tham dự của Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trường, Giáo Sư Trần Văn Tấn, cựu Viện Trưởng Viện Ðại Học Sài Gòn, Kỹ Sư Hồ Xích Tú, Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương. Chị Ánh lưu ý tôi rằng:
- Bữa nay đám giỗ ba, đừng có chửi anh Trung trước mặt bạn bè đấy nhé.
- Tôi mắc mớ gì mà phải chửi nó.
Nhưng cây muốn lặng mà gió đừng, giữa bữa ăn, trong câu chuyện tôi không nhớ chúng tôi nói về điều gì đó mà đột nhiên Lý Chánh Trung nói:
- Tôi là đồng hành với cộng sản chớ tôi không phải đồng chí của họ.
Làm sao tôi im lặng được trước câu nói ngớ ngẩn với mục đích biện hộ của anh ta như vậy? Tôi bèn xổ ra từng tràn:
- Mày đồng hành hả? Có giống như các đảng phái quốc gia đồng hành với bọn cộng sản trong tổ chức “Việt Minh Cách Mạng Ðồng Minh Hội không”? Họ bị thủ tiêu hết, tại sao mày không bị thủ tiêu? Mày Ðồng hành sao mày muối mặt viết bài “Xin cho được gọi bằng Bác” sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn? Mày đồng hành sao mày cho con Thúy Lan vô đảng? Sao mày hãnh diện cho Thằng Dưỡng đi bộ đội và tạo cơ hội cho nó lấy con gái một anh đại tá Việt Cộng. Ðối với cộng sản không có chuyện đồng hành, chỉ có qui hàng trở thành nô bộc, hay đồng đội luôn luôn phục tùng.
Thấy gay cấn, cả bàn ăn can gián, làm bữa tiệc mất vui. Sau cơn nóng giận,tôi cũng ân hận vì không giữ được sự hòa khí trong ngày giỗ của nhạc gia mình.
Bây giờ viết lại mấy dòng này tôi thấy lòng vẫn buồn nhiều hơn oán trách. Tiếc nuối cho tuổi thanh xuân của mình, của bạn bè, không biết kết hợp lại với nhau, đem khả năng để phục vụ đất nước và thay vào đó đã phân tán, kẻ đầu hàng Cộng Sản, người phản bội lại chính mình, người thất bại bị tù đày chết chóc.
Cụ Trần Văn Hương
Từ Pháp tôi về Việt Nam trễ hơn một số bạn bè, nhiều anh em ca ngợi cụ Trần Văn Hương đủ điều, nào là một người trong sạch, nào là một chính nhân quân tử, nào là người miền Nam có khí khái có bản lãnh. Thời điểm đó, cụ đang bị Tướng Nguyễn Khánh giam lỏng trong một biệt thự ở Vũng Tàu tịch thu của giám mục Ngô Ðình Thục. Tôi cũng tò mò tìm hiểu về nhiều chính trị gia khác như các ông Trần Văn Tuyên, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, nhóm Caravelle, Phan Khoan, Cổ Văn Hai, vân vân, những người chống đối sự lạm quyền sai trái của chế độ gia đình trị.
Tóm lại, sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy chính trị ở thời điểm đó dựa vào uy tín cá nhân nhiều hơn lập trường và lý tưởng. Ðảng phái thì có quá nhiều, con số gần tới bốn mươi. Cương lĩnh đảng nào cũng phải kèm theo những câu như “chống cộng sản” hay “không cộng sản”. Rất nhiều đảng chỉ còn danh xưng mà không có thành viên, thậm chí có đảng không còn ban chấp hành hợp lệ. Dĩ nhiên mạnh nhứt vẫn là Ðại Việt và Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Còn về lập trường thì ngoài ý chí chống cộng sản, không ai tuyên bố được rõ ràng đường lối và chủ trương xây dựng, phát triển quốc gia như thế nào? Trong bối cảnh đó tôi thú thật bị ảnh hưởng nhiều của những bạn người miền Nam biết ít nhiều về cụ Trần Văn Hương. Tôi có gặp Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu. Uy tín chống thực dân Pháp và sự hy sinh ngày xưa của cụ còn đó, nhưng câu giải thích “Tà không thể thắng chính được”, in sâu vào đầu tôi, khiến cho tôi có cái cảm giác cảm rằng cụ Sửu quan niệm chính trị là một cái gì thiêng liêng, dị doan, tín ngưỡng chớ không phải lý trí, khoa học. Một số giáo sư trẻ thúc giục tôi nên gặp cụ Trần Văn Hương. Tôi quí trọng cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ nên tôi thường tham khảo ý ông về cụ Hương. Ông Thơ hiểu biết nhiều về tình hình chính trị Việt Nam, kể cả dưới thời Pháp Thuộc. Thêm vào đó, cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng có cảm tình với Trần Văn Hương.
Tôi hỏi thẳng cựu PTT Nguyễn Ngọc Thơ xem có phải tại vì cụ là người miền Nam nên có cảm tình với ông Hương không? Cụ Thơ trả lời có thể là như vậy. Tóm lại sở dĩ tôi nhọc công muốn tìm một nhân vật khả kính, khả tín, bởi vì tôi nghĩ một ngày nào đó sau khi Hiến Pháp được ban hành thì đất nước cần một chính phủ dân sự hơn là quân sự, bởi lẽ quân nhân cầm quyền dễ đưa đến độc tài quân phiệt. Do đó mà ngay từ nhưng ngày đầu tôi cùng với phái đoàn Công Giáo gặp Tướng Kỳ với mục đích phản đối chính sách quân phiệt mà ông đang chủ trương. Biết bao nhiêu trường hợp trên thế giới chứng minh chính phủ quân nhân đưa đến độc tài quân phiệt. Vì vậy tôi quyết tìm cơ hội trực tiếp gặp Trần Văn Hương. Nhưng bằng cách nào đây? Tôi là một Tổng Trưởng đương thời, nếu ngang nhiên tiếp xúc với một cựu Thủ Tướng bị lật đổ và bị giam lỏng dưới sự canh chừng của một đại đội quân nhân thì dư luận báo chí sẽ thêu dệt những gì? Thủ Tướng và nội các sẽ nghĩ sao đây? Không hiểu sao Lý Quí Chung, giám đốc của tôi nghe được, anh nói với tôi là anh có quen với cháu của ông Hương tên nầy (?)hiện ở trong nhà đó lo cho ông ấy. Nếu đến đó xưng là cháu của ông Hương thì lính sẽ cho vào. Sau khi đắn đo và với tính mạo hiểm của tuổi trẻ thôi thúc, tôi quyết định đi thăm cụ Trần Văn Hương ở Vũng Tàu.
Sáng sớm hôm đó tôi điện thoại cho Trung tá Trần Kim Hoa, phó Võ Phòng Phủ Thủ Tướng yêu cầu tìm một trực thăng đưa tôi đi nghỉ ở Vũng Tàu chiều lúc 6 giờ chiều sau khi tan sở. Tôi nói thấy quá mệt mỏi trong người vì công việc nhiều nên phải đi nghỉ, với mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của an ninh. Trong khi đó tôi nói Lý Quí Chung báo với người nhà anh rằng tôi mời anh tới nhà tôi chơi. Khoảng 5 giờ chiều tôi ra lệnh phòng công xa đem cho tôi một xe tải nhỏ hiệu Citroen 2 ngựa xăng nhớt đầy đủ mang số ẩn tế không cần tài xế. Tự tôi lái xe đi Vũng Tàu, căn dặn anh vệ sĩ không mang theo vũ khí gì cả và dăn thêm Lý Quí Chung rằng: “Nếu không may chúng ta bị Việt Cộng ra chặn đường thì phải khai rằng mình đi Vũng Tàu mua cá về Sài Gòn bán”.
Trên đường đi Vũng tàu giờ đó không còn một bóng xe nào vì an ninh không bảo đảm. Thú thật sự liều mạng của tôi không đáng chút nào, nhưng may mắn không có chuyện gì xảy ra. Ðáng lẽ tôi có thể đi bằng trực thăng buổi sáng và ra lệnh cho Lý Quí Chung gặp tôi giờ nào ở Vũng Tàu, hay tại đâu đó là xong. Tội gì phải mạo hiểm vô ích như vậy?
Lần đầu tiên gặp cụ Trần Văn Hương, ông đang nằm trên võng đưa tòn ten, mình trần, vận xà-rông, người Nam gọi là vận chăn. Bên hông lận một cây súng lục lòng ngắn. Sau khi tôi chào hỏi, tự giới thiệu và xác định mục đích cuộc viếng thăm của tôi, cụ Hương cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, chừng đó cụ mới móc cây súng lục của ông ra khoe và nói:
- Qua nói thật với em à, nếu tụi nó vô thì qua cho nó một viên rồi qua một viên. Miệng ông nói răng cắn khít rịt.
- Cụ nói tụi nó là ai?
Ông Hương không trả lời, lảng sang chuyện khác.
Bữa cơm đạm bạc do người cháu của ông nấu, sau này mới biết là con trai của ông Nhứt, một cảnh sát viên trung thành và hình như có họ hàng với ông Hương. Tôi hỏi ông Hương rất nhiều việc và nói với ông cũng nhiều, cụ Hương cũng tâm sự nhiều với tôi và còn giới thiệu hai người thân tín của ông ở Sài Gòn là Luật Sư Nguyễn Văn Huyền và Lê Văn Thu. Về Sài Gòn tôi có mời hai vị nầy đến nhà dùng cơm thảo luận về cụ Trần Văn Hương. Ðêm đó cụ Hương và tôi nói chuyện quanh vấn đề chính trị miền Nam và việc ứng cử Tổng Thống mãi đến 4 giờ sáng. Tôi ngủ được một tiếng, khoảng 5 giờ, cụ Hương đánh thức tôi dậy, ba người lên xe tôi lái ra tới quán hủ tiếu dựng bên đường ở Bà Rịa, người trong quán mới thắp đèn nấu sôi thùng nước lèo! Chúng tôi vội vã ăn một tô hủ tiếu cho đỡ lòng rồi tôi lái một mạch về tới nhà lúc 7 giờ 35. Tôi thú thật với bà xã rằng mình đã đi gặp ông Hương đêm hôm qua và căn dặn bả phải kín miệng. Tôi thay đồ ngay, tài xế chở vào sở, 8 giờ 5 phút đường dây trắng Thủ Tướng gọi hỏi với vọng bực tức:
- Hôm qua toa đi đâu mà trực thăng chờ ở phòng VIP không thấy, moa tưởng toa bị Việt Cộng bắt cốc nên bảo thằng Loan đi tầm, ai cũng lo lắng. Toa đi đâu vậy?
Tôi đành phải nói dối là đi chơi qua đêm với bồ, mà quên mất việc mình đã dặn máy bay chờ đi Vũng Tàu. Dĩ nhiên, tôi lãnh một trận xỉ vả của ông râu kẽm. Nào là trực thăng không có đủ để đi đánh giặc, chỉ có toa mới được đặc ân sử dụng đi chơi, thế mà còn bê bối đến độ này. Ối thôi, mọi thứ trách móc tôi đều nhận tội và xin lỗi trối chết. Một lần đủ để cho tôi biết cách vào biệt thự tiếp xúc với Trần Văn Hương. Từ đó về sau tôi gặp cụ thường để toan tính việc đưa ông ra ứng cử.
Vận động thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ


Mỗi khi mệt mỏi hay đắc ý về một việc gì, hoặc bực tức buồn chán thì tôi thường đến văn phòng ông bạn thân đang giữ ghế Tổng Trưởng Giáo Dục là anh Nguyễn Văn Trường, để than thở, tâm sự với hai tách cà phê. Hai đứa chúng tôi tán chuyện gẫu cho thư giãn não trạng, hoặc nếu không nói chuyện giáo dục thì cũng chuyện thanh niên hay tương lai chính trị của đất nước. Anh Trường nhắc lại việc thành lập viện đại học Cần Thơ và nói với tôi rằng đó là một trong những lý do khiến anh chấp nhận tham gia nội các, khi tôi nêu vấn đề đại học Cần Thơ để thuyết phục anh nhận giữ bộ giáo dục. Bây giờ anh muốn đặt thành kế hoạch để thực hiện nhưng rất ngại về ngân sách, bởi vì chính phủ đang dành mọi ưu tiên cho các vấn đề an ninh, kinh tế, hơn là giáo dục. Cách riêng, tôi nghĩ đây là một vấn đề chính trị đáng chú ý chứ không hẳn thuần túy giáo dục.
Tại sao tôi có ý nghĩ đó? Trước hết, theo tôi, chính phủ phải chứng tỏ cho toàn dân thấy có sự công bằng đối với người dân ở mọi vùng. Ngoài ra giáo dục là nền tảng của văn minh và phát triển, điều mà từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giáo sư kinh tế Chambard de Lowe đã nhồi nhét vào đầu tôi bất cứ lúc nào thuận tiện. Tôi chưa dám có ý kiến gì với anh Trường, chỉ nghe qua và để ý vậy thôi.
Mấy ngày sau tôi có dịp gặp Tướng Nguyễn Cao Kỳ tôi đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh và cố ý tìm cách thuyết phục ông trước khi tôi thông báo với anh Trường là anh có thể đệ trình dự án thành lập viện đại học Cần Thơ. Tôi khởi sự bàn về chính trị miền Trung và miền Nam, tôi lái sang chuyến viếng thăm của Tướng Kỳ tại Cần Thơ. Tôi nói với ông Kỳ:
- Hôm đó dân chúng cũng tập trung đông nhỉ. Anh thấy tận mắt người miền Nam đang nhiệt liệt ủng hộ chính phủ đó. Ðất nước này đâu phải chỉ có Ðà Nẵng và Huế thôi hay Phan Rang, Biên Hòa đâu, ông thấy không?
Rồi tôi nói qua thanh niên và sinh viên hiếu học của miền Tây. Rất nhiều sinh viên ở đây phải ra tận Huế hay lên tận Ðà Lạt mới có thể xin vào đại học bởi vì đại học Saigon hết chỗ. Nghe xong ông nói:
- Thế à.
Tôi đặt câu hỏi:
- Huế và mấy tỉnh lân cận có bao nhiêu dân? Ðà Lạt và các tỉnh lân cận có bao nhiêu dân? Hai thành phố đó có viện đại học. Phải chăng là một sự bất công? Bởi vì Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là người Huế và Ðức Giám Mục Ngô Ðình Thục muốn có một đại học Ðà Lạt do một linh mục công giáo ảnh hưởng? Trong khi đó Thiếu Tướng nghĩ xem Cần Thơ và các tỉnh miền Tây có bao nhiêu dân mà con em họ phải chịu vất vả tốn kém đi xa nhà để học. Rõ ràng là một sự bất công xã hội. Vả lại miền Tây trù phú là cái vú sữa nuôi cả xứ Việt Nam Cộng Hòa. Giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Tôi đề nghị Thiếu Tướng nên xét và cho phép thành lập một viện đại học ở Cần Thơ, dân miền Tây sẽ ghi nhớ và ủng hộ Thiếu Tướng. Ðiều đó còn có thể cân bằng cái thế chính trị và làm cho những thành phần bất mãn ở miền Trung suy nghĩ.
- Những gì toa nói không phải vô lý, nhưng thử bàn lại với ông Tổng Trưởng Giáo Dục xem.
Câu nói của Tướng Kỳ như mở cờ trong lòng tôi. Sau đó chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề khác trong đó có việc Dân Biểu Lập Hiến Lê Phước Sang vận động xin chính phủ ủng hộ cho ông ta làm Chủ Tịch Quốc Hội. Ông Sang hứa với Tướng Kỳ sẽ đem hết khối giáo dân Hòa Hảo ủng hộ chính phủ. Tướng Kỳ đề nghị tôi làm cái gạch nối, đi vận động, thông báo cho các dân biểu đàn bỏ phiếu cho Lê Phước Sang. Tôi phản đối:
- Moa biết anh Lê Phước Sang này quá nhiều, khi anh ta còn là Chánh Văn Phòng của Tổng Trưởng Canh Nông, Nguyễn Công Hầu đại diện phái Hòa hảo trong nội các Phan Huy Quát. Ông Sang không có đủ khả năng và uy tín để đóng vai trò một nhân vật số 3 của Việt Nam Cộng Hòa.
Tướng Kỳ hỏi:
- Như vậy nghĩ ai?
- Tại sao không bầu cho ông Phan Khắc Sửu, ít ra là người có uy tín và có tầm vóc quốc gia.
- Nhưng ông Sửu có ý chống chính phủ quân nhân mình.
- Quốc hội Lập Hiến chỉ có một nhiệm vụ là thảo Hiến Pháp. Chống hay ủng hộ chính phủ có hại gì đâu. Hiến Pháp là cho tương lai, chính phủ sau này là do quốc dân bầu mà.
- Moa có ý định để cho Lê Phước Sang, tụi mình sẽ dễ làm việc hơn.
- Tôi nói thật với anh nếu Lê Phước Sang làm Chủ Tịch Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa thì thà tôi từ chức xin nhập tịch trở thành công dân “Lèo” còn đỡ mất mặt hơn.
Câu chuyện bỏ lửng tại đây, về sau cụ Phan Khắc Sửu đắc cử Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến năm 1966. Tôi gặp lại Nguyễn Văn Trường, Tổng Trưởng Giáo Dục thuật lại câu chuyện tôi đề nghị với Tướng Kỳ và ông tỏ ý bằng lòng cho thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ, nhưng ông bảo tôi thử bàn lại với bộ Giáo Dục. Bây giờ cờ tới tay các anh rồi thì liệu mà phất cho sớm đi. Trường và Lý Chánh Trung Ðổng lý văn phòng của anh nói sẽ soạn thảo dự án càng sớm càng tốt. Sau khi dự án thành hình, một mặt bộ Giáo Dục gởi trình Thủ Tướng theo đúng thủ tục hành chánh, mặt khác tôi cầm một bản sao gặp riêng Thiếu Tướng Kỳ để giải thích và xin ông lưu ý việc cấp ngân khoản. Tưởng rằng việc đến đó là coi như xong, Tổng Trưởng Nguyễn Văn Trường và cộng sự viên của ông nôn nóng đợi chờ nhưng chờ mấy tuần không thấy sắc lệnh gởi về bộ, anh Trường gọi tôi nêu thắc mắc. Tôi bèn xin gặp ngay Tướng Kỳ hỏi rõ đầu đuôi:
- Anh hứa cho phép thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ mà bộ Giáo Dục đệ trình dự thảo sắc lệnh sao không thấy anh ký?
- Ông Tổng Trưởng Bộ Phủ Thủ Tướng nói không có giáo sư đâu mà dạy, thành lập làm gì?
- Tổng Trưởng Giáo Dục xác định có giáo sư thì ông ấy mới dám trình dự án lên cho anh. Thử hỏi làm sao ông Bộ Trưởng phủ Thủ Tướng biết vấn đề giáo dục rõ hơn ông đương kim Tổng Trưởng phụ trách? Xin anh ký như đã hứa đi, tôi cam đoan với anh là thực hiện được và sẽ thực hiện sớm.
Tướng Kỳ moi hồ sơ ra ký trước mặt tôi và quăng vào rổ “công văn đi”. Tôi yên chí báo tin mừng cho Trường. Nhưng thực tế còn một việc rắc rối khác đang cản đường ông Trường. Vài ngày sau Nguyễn Văn Trường điện thoại cho tôi vừa than thở vừa giải thích rằng anh ta bổ nhiệm Thạc Sĩ Phạm Hoàng Hộ làm Viện Trưởng nhưng ông Hộ không dám nhận vì sợ người ta phá. Trường yêu cầu tôi đi gặp anh Hộ. Tôi trả lời chưa hề quen biết Phạm Hoàng Hộ là ai, gặp để làm gì và nói năng cái gì với nhau? Trường đề nghị tôi cùng đi với anh lên nhà Phạm Hoàng Hộ ở làng đại học Thủ Ðức. Nể tình anh Trường tôi cùng đi với anh ấy. Ðến nhà ông Hộ, sau khi giới thiệu tôi với Hộ anh Trường nói:
- Anh Võ Long Triều là người có công vận động cho việc thành lập viện Ðại Học. Bây giờ tôi đề nghị với anh có thắc mắc, nghi ngờ điều gì thì cứ nói xem anh Triều có thể giúp đỡ được không. Chẳng lẽ sắc lệnh ký rồi mà mình ngâm giấm đó sau.
Giáo sư Hộ nói:
- Tôi nghĩ mình không thể thực hiện được đâu. Nội vấn đề ngân sách bị “bloqué” (chặn đứng) là đương nhiên chết rồi. Mới thành lập thì phải có đủ ngân sách chi tiêu mới được.
- Ngoài vấn đề ngân sách còn vấn đề nào khác nan giải không?
- Những vấn đề khác mình có thể du di để giải quyết được.
- Người ta nói không có đủ Giáo Sư dạy, anh nghĩ rằng điều đó có phải là một vấn đề không?
- Giáo Sư thì khó khăn gì, vấn đề là mình thu xếp giờ giấc một cách thuận lý cho họ thôi.
- Nếu tôi bảo đảm anh sẽ có đủ ngân sách trong thời gian anh cần chi dùng thì anh có nhận làm Viện Trưởng không?
- Ðối với tôi ngân sách là điều chính yếu. Nhưng anh làm sao bảo đảm điều đó cho tôi được. Anh ở bên Thanh Niên mà, anh có phải là Tài Chánh hay Ngân Sách Ngoại Viện đâu?
- Tôi chạy cho ra được sắc lệnh thành lập Viện Ðại Học mà chẳng lẽ tôi không lo nổi vấn đề ngân sách cho anh sao?
- Nếu anh lấy danh dự bảo đảm như vậy thì tôi nhận.
- Tôi hứa với anh khi nào tôi còn ngồi trong nội các thì tôi sẽ có thể bảo đảm cho anh điều đó.
Ông Phạm Hoàng Hộ hứa nhận chức Viện Trưởng và bắt đầu ngày đó tôi quen biết thêm một ông khoa bảng nổi danh. Ngày lễ khai trương Viện Ðại Học Cần Thơ rất long trọng, có sự hiện diện của nhiều nhân vật Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Ngồi trong phòng họp tôi không màng nghe những bài diễn văn hoa mỹ mà tôi suy nghĩ mung lung về những con em của người dân miền Tây ngày mai sẽ có cơ hội tiến thân dễ dàng hơn, và biết đâu mình cũng sẽ là giáo sư dạy về canh nông tại đại học này.
(Còn tiếp)


Nói lại cho rõ về việc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ
Friday, April 06, 2007
Võ Long Triều
Về việc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ, có người cho rằng việc này đã được thành lập dưới thời Tổng Trưởng Trần Ngọc Ninh là một sai lầm, có lẽ những vị đó đọc trong sách “Việc Từng Ngày” của tác giả Ðoàn Thêm ghi rằng ngày 1 Tháng Tư 1966 “Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chủ tọa lễ ban hành sắc lệnh thiết lập trường Ðại Học Miền Tây”.
Chỉ nội danh xưng “Ðại Học Miền Tây” đã viết là sai rồi, nguyên chữ là “Viện Ðại Học Cần Thơ” chứ không phải trường và miền Tây. Sự thật, khi Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương có viếng tỉnh Cần Thơ, trong chuyến đi đó có Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị, Thiếu Tướng Nguyễn Ðức Thắng và tôi. Trưa hôm đó, Trung Tướng Ðặng Văn Quang Tư Lệnh Quân Ðoàn IV và Vùng IV Chiến Thuật có tổ chức đãi cơm tại nhà ông Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Long. Chuyến viếng thăm miền Tây trong thời điểm này bắt nguồn từ việc thảo luận và nhận định của Thiếu Tướng Kỳ: trong khi miền Trung xáo trộn ngày càng gay gắt thì chính phủ cũng cần quan tâm nhắc nhở đến miền Nam ổn định và trù phú, mục đích là để trấn an dư luận một phần nào rằng “nhà dột có nơi”. Ông Kỳ có thảo luận với tôi về chuyện này vì ông coi tôi là đại diện cho khuynh hướng của các anh em miền Nam trong nội các chiến tranh.
Trong chuyến viếng thăm đó không hề có lời tuyên bố nào về việc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ. Tác giả Ðoàn Thêm có thể ghi chú tài liệu rồi để lâu không cập nhật mới biên chép một lần nên lầm lẫn ngày tháng. Trong quyển sách “Lớn Lên Với Ðất Nước”, tác giả Vy Thanh (trang 676) đăng nguyên văn “Nghị định thành lập ủy ban nghiên cứu thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ” do Tổng Ủy Viện Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục, Trần Ngọc Ninh ký ngày 26 Tháng Tư năm 1966. Vì vậy việc Tuyên bố thành lập Viện Ðại Học ngày 1 Tháng Tư năm 1966 là không đúng sự thật. Bởi vì Tướng Kỳ không thể tuyên bố thành lập Viện Ðại Học ngày 1 trước khi thành lập ủy ban nghiên cứu để thành lập Viện Ðại Học này ngày 26 Tháng Tư năm 1966. Kế tiếp sau nghị định lập ủy ban nghiên cứu lại đăng nguyên văn sắc lệnh của Thủ Tướng: “Nay thiết lập tại tỉnh Phong Dinh một Viện Ðại Học Quốc Gia lấy tên là “Viện Ðại Học Cần Thơ” do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ ký ngày 31 Tháng Ba năm 1966 cũng là một sự sai lầm bởi vì không thể ký sắc lệnh thành lập vào Tháng Ba trước khi có nghị định thành lập ủy ban nghiên cứu vào Tháng Tư năm 1966. Sự thật về việc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ như tôi đã trình bày trên đây. Hai vị cựu Tổng Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm và Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Văn Trường, hiện định cư Tại Virginia và Texas chắc còn nhớ rõ.
Võ Long Triều
Ta Vinh - Âu Trường Thanh

Thời gian tôi tham gia nội các tuy ngắn ngủi nhưng tôi có nhiều cơ hội được vàng bạc với Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ như vụ xáo trộn miền Trung, hoặc được trao đổi ý kiến về nhiều chuyện lặt vặt khác. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi gặp sự bất đồng, quan trọng đến nỗi tôi phải từ chức để phản đối quân phiệt vì Tướng Loan áp đặt chế độ cảnh sát trị, lạm quyền, bất chấp luật pháp.
Khi tôi còn tại chức, có chứng kiến một vài chuyện đáng kể như vụ Tạ Vinh và pháp trường cát. Ðồng ý rằng thời loạn ly phải áp dụng biện pháp “chém đầu làm lệnh”. Nhưng mặt khác ở vào thời đại văn minh, chính quyền nào cũng phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản thuộc về quyền sống của con người ở trong thế giới văn minh. Nhứt là Việt Nam thời đó cần tranh thủ cảm tình của các nước tự do. Cho nên tội của Tạ Vinh chưa đáng phải lãnh án tử hình. Vả lại mức ấn định năm triệu đồng hoặc cao hơn tiền Việt Nam không đáng là bao nhiêu so với tiền tệ quốc tế. Bên ngoài sẽ coi việc đó là khôi hài. Là độc tài, gian ác. Tôi trình bày với Tướng Kỳ: Nếu bắn Tạ Vinh thì báo chí quốc tế sẽ phê bình chỉ trích dữ dội, bởi vì trên thế giới không có tội đầu cơ kinh tế nào đáng lãnh án tử hình, những sự phê phán đó sẽ làm mất uy tín Việt Nam nhiều lắm trong khi mình cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới tự do. Nhưng trong lúc hăng say nóng lòng phải làm một cái gì để thu hút được sự chú ý và đặc biệt là chiếm được cảm tình của dư luận, Tướng Kỳ không nghe lời can gián của tôi. Ðã vậy Tướng Loan càng cực đoan quá khích hơn nữa nên ông đã cho hành huyết Tạ Vinh vào lúc 5 giờ sáng sớm tại chợ Bến Thành, sát vách tường sở Hỏa Xa.
Trong khi đó có một Trưởng Ty ngân khố, Ðặng Cao Sách, biển thủ bảy triệu đồng cũng bị xử tử hình nhưng lại không thi hành bản án. Trường hợp này được Tướng Kỳ đem ra trình bày với hội đồng nội các là tại vì gia đình Ðặng Cao Sách đe dọa sẽ khai tên những Tướng Lãnh đã đánh bài với đương sự và đương sự cố tình để cho thua với mục đích lấy lòng để nhờ cậy các ông Tướng đó. Nếu thi hành bản án thì không tránh được tai tiếng cho nhiều Tướng lãnh và cho cả quân đội. Thái độ tiền hậu bất nhứt này một lần nữa làm cho dư luận bàn tán bất phục.
Nhân dịp Tổng Thống Pháp De Gaulle viếng thăm Nam Vang, tin tức thế giới tiên đoán rằng ông sẽ tuyên bố nhiều điều bất lợi về chiến tranh Việt Nam. Chiều hôm trước tôi đề nghị Tướng Kỳ dùng đài phát thanh quốc gia để lên tiếng chỉ trích De Gaulle trước khi ông tới Nam Vang, chê trách nước Pháp hèn hạ, nịnh bợ kẻ thù cũ là Việt Cộng vì oán hận Mỹ đã từ chối không giúp phương tiện đánh thắng cộng sản Bắc Việt trong trận Ðiện Biên Phủ. Tướng Kỳ nói với tôi: “Loan nó bắt thằng tây Grand Jean Giám Ðốc hãng rượu BGI rồi. Tôi ngỡ ngàng phản bác: “Hành động gì mà kỳ vậy? Ông Loan dùng luật rừng, chắc chắn Ðại Sứ Mỹ sẽ phản đối kịch liệt và buộc mình phải thả thằng Grand Jean ngay bởi vì Pháp không có Ðại Sứ ở đây nhưng Mỹ đại diện cho quyền lợi của Pháp tại Việt Nam”. Thực tế xảy ra y như tôi đã nói. Trong tuần lễ hoặc hơn, với sự can thiệp mạnh mẽ của tòa Ðại Sứ Mỹ, Việt Nam phải trả tự do cho Giám Ðốc BGI ngay. Hành động ngang tàng của Tướng Loan bình thường Tướng Kỳ không biết, hoặc biết mà ông làm ngơ vì ông Loan có công dẹp loạn miền Trung và nhứt là ông lại nằm trong nhóm thân hữu đã thề sống chết có nhau mà tôi gọi là nhóm “Lương Sơn Bạc” của Thiếu Tướng Kỳ.
Nhân vật Âu Trường Thanh
Một vấn đề khác quan trọng hơn, đó là việc Tổng Trưởng Kinh Tế, Âu Trường Thanh tố cáo Trần Ðỗ Cung, Tổng Cuộc Trưởng Tiếp Tế nhận hối lộ của hãng Honda. Tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng bỗng nhiên Thủ Tướng gọi điện thoại nói giọng bực tức, hằn học:
- Âu Trường Thanh đâm sau lưng anh em, thái độ này không thể chấp nhận được, Loan đòi bắt Thanh đấy.
Tôi hoảng hồn hỏi:
- Tại sao? Có chuyện gì?
- Ông ta họp báo tố cáo Trần Ðỗ Cung nhận hối lộ của hãng xe Honda. Nội các của mình mệnh danh là “chính phủ của người nghèo”, thành lập lập “ủy ban trừ gian” mà bây giờ thành viên của chính phủ lại công khai tố cáo một thành viên khác là gian lận vì đã nhận hối lộ có phải là đâm sau lưng bạn bè không? Hành động này không thể chấp nhận được. Moa nghĩ bắt giam Âu Trường Thanh để điều tra là đúng.
- Chuyện đâu còn có đó, tôi lên gặp anh ngay có được không?.
- Lên đây.
Thú thật tôi hơi mất bình tĩnh và lo sợ vô cùng, không phải sợ cho Âu Trường Thanh bị bắt mà sợ vì sự kiện quá quan trọng, có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị làm cho dân chúng mất tin tưởng nơi chính quyền, dù đó là chính quyền do bất cứ ai lãnh đạo. Ngoài ra chính tôi giới thiệu Âu Trường Thanh, nếu anh ta là một người không đàng hoàng, như vậy tôi là người đầu tiên chịu trách nhiệm và phải từ chức. Tôi vừa khoác áo định ra đi thì Âu Trường Thanh bước vào văn phòng của tôi. Thừa dịp tôi hỏi đầu đuôi thì Thanh cả quyết là chuyện có thật. Thanh nắm bằng cớ rõ ràng. Tôi hơi nhẹ lòng, bảo Thanh ngồi đó chờ tôi lên Phủ Thủ Tướng rồi sẽ về ngay. Trên đường đi tôi bối rối chưa biết phải có thái độ như thế nào?
Vừa thấy tôi Tướng Kỳ nặng lời chê trách, phê bình Âu Trường Thanh là người không có tư cách, không có tinh thần đồng đội, là thứ xỏ lá, phản bội anh em. Ông xổ một tràn nhưng chưa hả giận. Tôi khởi sự lên tiếng:
- Chuyện đâu còn có đó, chưa chi mà anh có thái độ “Huyện bênh Huyện, Phủ bênh Phủ rồi”. Tôi đề nghị mình bình tĩnh cứu xét cho rõ sự thật rồi mới phân xử. Biết đâu Âu Trường Thanh nghĩ làm như vậy là để chứng minh chính phủ nầy trong sạch thật. Tôi công nhận anh Thanh có phạm sai lầm nặng là công khai hóa việc nầy mà không thông báo cho anh hay và cho nội các biết để phân xử, cho dù ông Trần Ðỗ Cung có nhận hối lộ đi nữa thì Thanh cũng không nên họp báo công khai tố cáo một đồng sự cấp Thứ Trưởng như vậy. Nhưng xét cho cùng cái tội nhận hối lộ của Trần Ðỗ Cung và tội đánh trống la làng của Âu Trường Thanh, làm nhục anh em, tội nào nặng hơn? Tôi đề nghị chúng ta họp nội các để phân xử việc nầy. Tôi sẽ không biện hộ và bênh vực cho Âu Trường Thanh một tiếng nếu anh ấy có lỗi. Chừng đó anh xử trị anh ta như thế nào tùy ý anh.
Tướng Kỳ bực tức nói:
- Tôi sẽ cho triệu tập cuộc họp nội các ngay.
Trở về bộ Thanh Niên tôi thấy Âu Trường Thanh “sò câm” mặt mày tái mét lo sợ thấy rõ. Anh sợ vì bị Tướng Loan hăm dọa câu lưu. Thanh hỏi tôi:
- Thủ Tướng quyết định như thế nào?
- Quyết định cái nỗi gì? Tại sao toa làm kỳ vậy? Tại sao toa họp báo công khai tố cáo Trần Ðỗ Cung mà không cho moa biết? Tại sao toa không trình Thủ Tướng để xem ông ấy xử lý như thế nào trước khi công bố việc này với báo chí? Bây giờ toa phải viết ngay một tờ trình đầu đuôi sự việc gởi “hỏa tốc” lên phủ Thủ Tướng.
- Tờ trình đã viết rồi, moa gọi bí thư cầm tay qua đây lấy số công văn của bộ Thanh Niên gởi đi.
- Toa “sảng” rồi hả? Công văn của Bộ Kinh Tế mà lấy số của Bộ Thanh Niên, người ta sẽ cười trên đầu hai thằng Tổng Trưởng ngớ ngẩn này. Toa ra lệnh cho bí thư của toa gỏi hỏa tốc lên phủ.
- Công văn của Bộ Kinh Tế gởi lên, ông Ðổng Lý sẽ không trình, ông Thiếu Tướng sẽ không đọc.
- Bảo người bên kinh tế đem bản sao qua cho moa ngay bây giờ, moa sẽ đem lên trình tay cho Tướng Kỳ.
Mười lăm phút sau có người của Bộ Kinh Tế trao bản sao tờ trình đó cho tôi trước mặt Âu Trường Thanh. Tôi bảo anh Thanh yên chí trở về bộ lo việc lập hồ sơ đầy đủ chứng minh việc anh ta tố cáo Trần Ðỗ Cung là thật. Trước khi bắt tay từ giã tôi còn gặng hòi Âu Trường Thanh:
- Toa có chắc nắm đầy đủ hồ sơ chứng minh những gì toa đã công bố không?
- Chắc chắn.
Tôi hơi nhẹ lòng nhưng chưa hẳn yên tâm, bởi vì lời của Thanh nói có vẻ thật, còn hồ sơ thì tôi chưa biết có đủ chứng cớ không? Mặt khác, cho dù có đủ bằng chứng, nhưng Tướng Kỳ có thể bắt tội Âu Trường Thanh là gây tiếng xấu cho nội các, làm mất uy tín chính phủ một cách trầm trọng. Chưa biết ông sẽ xử lý như thế nào? Dù sao thì tôi cũng chuẩn bị từ chức vì tôi giới thiệu người bất xứng. Buổi sáng họp nội các, mở đầu ngắn gọn Tướng Kỳ tuyên bố:
-Tôi tuyên bố khai mạc phiên họp nội các. Hôm nay chúng ta bàn việc Tổng Trưởng Kinh Tế tố cáo Tổng Cục Trưởng Tiếp tế nhận hối lộ của hãng Honda, Nhật Bản. Liền sau lời nói của Thủ Tướng ông Tổng Trưởng Công Chánh, Ngô Trọng Anh lên tiếng:
- Tôi nhận thấy anh Âu Trường Thanh làm như vậy là không đúng, cũng bằng đâm sau lưng anh em, bởi vì anh Thanh không hề thông báo cho Thủ Tướng hay một đồng viện nào của mình hay biết. Vì vậy tôi tự hỏi: Anh Thanh muốn làm cho nội các sụp đổ hay muốn tạo cho uy tín cá nhân mình?
Tôi can thiệp vào nói:
- Xin Thủ Tướng cho Phép anh Âu Trường Thanh trình bày sự việc, sau đó xin anh Trần Ðỗ Cung phản bác rồi chúng ta mới bàn thảo, phân xử, và quyết định sau.
Tướng Kỳ đồng ý nói:
- Yêu cầu anh Thanh trình bày sư việc, nhưng tôi yêu cầu anh phải trung thực và chính xác.
Tôi hồi hộp, phập phồng dù được Âu Trường Thanh khẳng định nhiều lần và trấn an tôi rằng: Lời tố cáo công khai của anh ta trước báo chí là sự thật có bằng chứng. Âu Trường Thanh cố lấy vọng bình tĩnh, lấy từng tập của một chồng hồ sơ cao nghệu để trước mặt anh. Mỗi lần phát biểu và chứng minh anh đưa ra một bản văn trước mặt mọi người để làm bằng. Cuộc biện hộ cho thái độ hàm hồ của anh và lời phát biểu cáo buộc Trần Ðỗ Cung kéo dài gần hai mươi phút. Sau đó Tướng Kỳ vừa bực vừa buồn nói nhẹ nhàng, buông lỏng:
- Yêu cầu anh Trần Ðỗ Cung tự xử.
- Thưa Thiếu Tướng, xin cho phép tôi từ chức.
- Từ chức chấp nhận. Tôi tuyên bố phiên họp chấm dứt.
Mọi người đứng dậy, ngỡ ngàng rời phòng họp, có người phân vân, khó chịu, có người tự hỏi việc gì quan trọng như vậy mà mình không được hay biết trước? Tại sao Thiếu Tướng Chủ Tịch bỏ qua dễ dàng như vậy? Riêng tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng vì Âu Trường Thanh đã trưng bày đầy đủ bằng chứng, tôi càng nhẹ nhõm hơn là Thiếu Tướng Kỳ bỏ qua không bắt tội Âu Trường Thanh, tại sao dám qua mặt ông, không trình báo một việc quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại hay sụp đổ của nội các. Dù sao mọi người phải công nhận: Âu Trường Thanh đã có công ổn định được tình hình kinh tế trong thời gian xáo trộn nhứt của miền Nam.
Sau vụ việc này một thời gian ngắn Âu Trường Thanh mời tôi qua Bộ Kinh Tế, tâm sự một hồi lâu anh đột nhiên thốt lời:
- Toa làm chính trị, chắc chắn cần tiền, moa sẽ làm ra tiền cho toa hoạt động. Câu nói của Thanh làm tôi ngạc nhiên, chới với!
- Thanh à, moa cám ơn toa, nhưng từ hồi nào đến giờ moa hoạt động chính trị không cần tiền. Toa nên biết rằng moa giữ đạo Công Giáo. Tội trộm cắp, lấy tiền phi nghĩa thì phải hoàn trả đủ cho chủ nhân hay nơi nào mình đã lấy, đó là luật của giáo hội. Moa đề nghị toa nên quên chuyện đó đi.
Sau khi nghe tôi nói như vậy Âu Trường Thanh sượng sùng, lộ vẻ e ngại, gần như lo sợ một điều gì. Còn tôi thì suy nghĩ lung tung. Anh nầy đã làm bậy cái gì nữa đây? Muốn đem tôi làm tấm bình phong đỡ đạn cho anh một lần nữa sao? Phải chăng anh vừa đánh trống la làng tháng trước bây giờ lại có chuyện nữa? Hay là anh muốn thử lòng tôi chăng? Chúng tôi ngồi im, lặng thinh vài phút. Tôi thấy ngột ngạt cho cả đôi bên nên giả đò cười vui vẻ nói:
- Nếu thật sự toa có lòng tốt với moa thì toa biết moa thích ăn bánh “Baba au rhum” (một khoanh bánh bột xốp, ướt nước đường có pha rượu rum) và “Moka” (bánh bông lang có nhiều lớp kem), khi nào moa qua đây chơi thì toa sai bí thư đi ra tiệm bánh Givral mua về tụi mình uống cà phê đấu láo.
Thanh thở phào cười nói:
- Chuyện đó quá dễ mà. Bất cứ lúc nào toa muốn uống cà phê ngon thì qua đây.
Ðược biết sau khi tôi về, Âu Trường Thanh ra lệnh cho văn phòng của ông mua một tủ lạnh nhỏ, hai mươi lít, để trong phòng Tổng Trưởng và mỗi ngày cô bí thư phải đổi hai thứ bánh mua sẵn chờ tôi, nhưng tôi không đến, mãi có ngày cô này điện thoại cho tôi nói:
- Thưa ông Tổng Tưởng, Tổng Trưởng của em ra lệnh phải đổi bánh mỗi ngày chờ ông qua chơi mà không thấy. Tụi em ăn mãi thứ bánh này chắc phải bệnh chết quá.
Tôi cười bảo:
- Tôi sẽ qua ngay để cứu tử các cô.
Cú điện thoại của cô bí thư bộ Kinh Tế nhắc tôi nhớ lại câu chuyện Âu Trường Thanh đề nghị với tôi ngày trước nên tôi muốn giữ lời hứa với anh để không làm anh mất mặt. Tôi sang bộ Kinh Tế ăn một cái bánh “baba au rhum” va uống tách cà phê ngon lành.
Âu Trường Thanh cùng với chúng tôi hoạt động chung với nhau khá lâu. Ðặc biệt trong vụ ủng hộ Trần Văn Hương ra ứng cử Tổng Thống, Âu Trường Thanh vẫn sát cánh với chúng tôi trong mọi sinh hoạt bàn thảo. Thanh không hề thố lộ dự mưu của anh sẽ ra ứng cử. Nhưng trước 12 giờ đêm ngày cuối cùng, hạn chót phải nộp đơn ứng cử, bỗng nhiên Dân Biểu Lý Quí Chung gọi điện thoại cho tôi thông báo Âu Trường Thanh đến nộp đơn ứng cử Tổng Thống. Lý Quí Chung tỏ ý kinh ngạc, tôi còn ngỡ ngàng kinh ngạc hơn anh ta nữa. Rất nhiều câu hỏi tôi đặt ra cho mình mà không tìm được lời giải. Sáng ngày hôm sau Giáo sư Lý Chánh Trung và tôi đến nhà Âu Trường Thanh để tìm hiểu lý do. Vào phòng khách thấy Âu Trường Thanh mặc bộ bà ba lụa lèo ngồi trên ghế xích đu, vừa thấy chúng tôi thanh lên tiếng trước:
- Tụi toa tưởng rằng moa là thằng đểu giả hả?
Trung trả lời ngay với vọng bực tức:
- Tưởng cái gì? Toa là!
Câu chuyện trở thành bất hòa, lời qua tiếng lại bất nhã, đó là lần cuối cùng tôi gặp Âu Trường Thanh.
Mọi chuyện đổ vỡ vì Tướng Loan

Chiều hôm trước ngày Rằm Trung Thu năm 1966, Bộ Thanh Niên có tổ chức một buổi lễ phát quà cho thiếu nhi thuộc các hội đoàn thanh niên. Trong số những quan khách được mời có sự hiện diện của Giáo Sư Nguyễn Văn Trường, Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục và nhiều vị lãnh đạo các hội đoàn thanh niên. Bầu không khí rất vui tươi, nhộn nhịp, các em thiếu nhi gương mặt sáng ngời, tay cầm lồng đèn, tay ôm quà, miệng hát vang. Ða số những món quà là: xoong chảo để đi cắm trại, bút, tập, sách vở để đi học và dụng cụ thể thao v.v...
Buổi lễ còn đang tiếp diễn bỗng nhiên anh Nguyễn Văn Trường hỏi tôi:
- Toa có hay tin tức gì lạ không?
- Tin gì lạ mà tại sao moa không biết?
- Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắt ông BS Nguyễn Tấn Lộc, Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Y Tế về tội “chia rẽ Nam Bắc.” Ðổng Lý Văn Phòng là nhân vật số 2 trong bộ mà ông Loan bắt giữ với tội danh kỳ lạ như vậy mà không hề thông báo cho chính phủ.
- Có thật vậy không đó bạn? Ông phao tin đồn bậy bạ Thiếu Tướng Kỳ nghe được là lại có chuyện đấy, không biết đường mà trả lời. Làm gì có tội danh chia rẽ Nam Bắc trong bộ hình luật mà ông Loan dám tham chiếu để bắt người. Khó tin quá!
- Khó tin nhưng có thật, nếu toa không tin moa thì thôi nhưng moa bảo đảm với toa đó là chuyện thật. Chính miệng của anh Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên nói với moa. Anh ấy đang tạm thời xử lý Bộ Y Tế trong khi Tổng Trưởng Nguyễn Bá Khả đi công tác nước ngoài. Moa còn nhớ khi toa thuyết phục moa tham nội các, toa khẳng định với moa là các Tướng Lãnh không áp đặt chế độ quân phiệt. Bây giờ hình như họ lộ hình dần dần sau khi tình hình kinh tế và chính trị tạm thời ổn định. Moa hơi lo, biết đâu mình đã lấy một quyết định sai lầm.
Lời nói của anh Trường gây bất bình và phẫn nộ trong tôi, khi nghĩ đến Tướng Loan đã nhiều lần bất chấp luật lệ. Ông tự cho mình cái quyền sinh sát tất cả, bởi vì ông kiêm nhiệm hai chức vụ quan trọng, vừa là Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia vừa là Tổng Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Ðội. Phải nói thẳng rằng Tướng Loan chỉ nể mặt Tướng Kỳ mà thôi vì ông Kỳ là thượng cấp của Loan cả hai mặt quân đội, và chính trị. Tướng Kỳ luôn luôn bao che cho Nguyễn Ngọc Loan vì ông cho rằng Tướng Loan có công ổn định dược tình hình miền Trung. Nhưng thực tế chỉ vì hai ông là bạn đồng đội rất mực thân thiết với nhau thôi. Do đó Tướng Loan mới dám hành động với cung cách quân phiệt và vô chính phủ như vậy (militariste anarchiste).
- Moa thấy chuyện này là quá đáng, moa phải liên lạc với Thiếu Tướng Kỳ để hỏi cho ra lẽ mới được. Toa làm ơn chủ tọa cuộc lễ này cho đến cuối giùm moa.
- Toa muốn về thì cứ đi, để moa tiếp tục cũng được.
Tôi ra hiệu cho nhân viên điều khiển chương trình đưa máy phóng âm. Tôi nói một vài lời chia sẻ niềm vui với các em thiếu nhi và tất cả quan khách hiện diện, đồng thời cáo lỗi vì tình trạng sức khỏe đột nhiên có vấn đề nên tôi xin phép cáo từ sớm, và nhờ vị Tổng Trưởng Giáo Dục hiện diện tiếp tục chủ tọa buổi lễ.
Về đến nhà tôi cầm máy gọi ngay Thiếu Tướng Kỳ. Thiếu Tá Lãnh, tùy viên của Tướng Kỳ trả lời:
- Thưa ông Ủy Viên, Thiếu Tướng của tôi được hội Lion Club mời diễn thuyết tại nhà hàng Caravelle.
- Cám ơn anh, nhờ anh thưa lại với Thiếu Tướng có tôi điện thoại và xin Thiếu Tướng gọi lại tôi khi nào ông về nhà, tôi có chuyện cần bàn với thiếu Tướng.
Khoảng 12 giờ 15, điện thoại reo. Tôi cầm ống nghe, bên kia đầu dây, giọng ồ ề quen thuộc:
- Có việc gì đấy?
- Tôi nghe nói Tướng Loan bắt giam BS Lộc, Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Y Tế về tội chia rẽ Nam Bắc, có phải do lệnh của anh không?
Dù tôi biết chắc không phải do lệnh của Tướng Kỳ nhưng vì ông luôn bao che những hành động lạm quyền, bất chấp luật lệ của Tướng Loan nên tôi muốn cột buộc ông vào việc này.
- Làm gì có chuyện đó. Toa lúc nào cũng vấn đề... vấn đề... Moa bảo đảm không có việc đó đâu. Ðể moa gọi thằng Loan xem, năm phút sau moa sẽ gọi lại toa.
Chưa đầy năm phút ông Kỳ gọi lại.
- Có bắt, nhưng moa đã bảo nó thả ngay ông Lộc rồi.
- Dù đã thả ngay nhưng Tướng Loan lộng quyền quá đáng, muốn bắt ai thì bắt, muốn gán tội danh gì cho họ thì cứ tự ý bịa ra để mà bắt, rõ ràng Tướng Loan đang áp đặt một chế độ cảnh sát trị. Hôm nay anh ta bắt giam nhân vật số 2 của bộ mà Thủ Tướng không biết, với tội danh không hề có trong bộ hình luật, ngày mai ông ấy cũng có thể bắt nhân vật số 1 là Tổng Trưởng cũng không cần tham khảo ý kiến Thủ Tướng, như vậy là tình trạng vô chính phủ, hay là chúng ta đang sử dụng luật rừng? Anh thử nghĩ lại xem, Tướng Loan đã làm mất uy tín của chính phủ đối với dư luận trong và ngoài nước bao nhiêu lần rồi. Những chuyện nhỏ nhặt chúng ta bỏ qua được. Việc này quá trắng trợn, có thể gây chia rẽ và nghi kỵ trầm trọng giữa những công dân cùng xứ khác miền. Vấn đề Nam Bắc chưa bao giờ được đặt ra một cách công khai như vậy. Có thể một vài cá nhân vì bất mãn phát biểu bừa bãi, nhưng không ai nghĩ rằng nó là một vấn đề quan trọng đến nỗi phải kết thành một tội danh. Ông Loan là người đầu tiên và là người duy nhất phạm sai lầm này. Hành động của Tướng Loan sẽ đặt thành một vấn đề làm mất sự ổn định tinh thần trong quần chúng, phương hại đến sự đoàn kết quốc gia, sự ổn định chính trị mà bất cứ chính phủ nào ở thời điểm nào cũng phải triệt để bảo vệ. Anh phải xử lý việc này mới được.
- Ðược rồi, để moa sẽ gõ đầu nó.
Hai chữ “gõ đầu” mà Tướng Kỳ thường dùng có nghĩa là chỉnh ý, hay rầy la nhẹ nhàng. Tôi giật mình nghĩ lại: Phải chăng mình đang tiếp tay cho một vài cá nhân lộng hành, dựa hơi, ỷ thế, làm mất lòng dân, mất sự tin tưởng của các đồng minh đang tiếp tay chống sự bành trướng của Cộng Sản. Tôi nghĩ đến lời cam kết của tôi khi thuyết phục anh Nguyễn Văn Trường là sẽ không có chế độ quân phiệt, sẽ có bầu cử dân chủ. Những lời tôi vừa lưu ý Tướng Kỳ, hình như ông không cho là quan trọng. Ông trả lời cho xuôi việc rồi thôi. Ông đã quên khi ông mới ngồi vào ghế Thủ Tướng ông để cho Luật sư Ðinh Trịnh Chính, Tổng Trưởng Thông Tin, đóng cửa nhiều tờ nhật báo do người miền Nam đứng tên chủ nhiệm. Người nào đó có đầu óc kỳ thị đã làm việc này. Mặc dù lúc đó tôi chưa tham gia nội các nhưng Thiếu Tướng Kỳ nhiều lần gặp tôi để tham khảo ý kiến, tôi có khuyên và giải thích việc đó sẽ bất lợi cho ông nhiều trong lúc ông mới ngồi vào ghế lãnh đạo quốc gia, cần sự ủng hộ của báo giới. Tướng Kỳ đổi ý cho tái bản tất cả những tờ báo đó. Hôm nay Tổng Giám Ðốc cảnh sát của ông lại công khai đặt vấn đề Nam Bắc một cách vụng về. Tôi tin rằng Tướng Kỳ không có đầu óc kỳ thị một cách dại dột như vậy bởi vì đứng ở vị thế lãnh đạo Quốc Gia ông cần hơn ai hết sự đoàn kết của toàn dân để chống Cộng, không phân biệt Nam, Trung, Bắc.
Trong sự bối rối đó tôi điện thoại cho Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, yêu cầu ông can thiệp và nếu được ông nên đề nghị cất chức Nguyễn Ngọc Loan. Tướng Nguyễn Hữu Có ù ơ... ví dầu, đẩy đưa cho có lệ khi nói rằng:
- Anh đừng lo, để đó tôi tính cho.
- Tính cách nào? Nếu Thiếu Tướng Kỳ buông trôi không giải quyết việc này tôi sẽ từ chức. Bởi lẽ tôi không thể tiếp tay cho một chế độ độc tài cảnh sát trị, bất kể luật pháp.
- Anh đừng nóng giận, chuyện đâu còn có đó, để tôi lo cho.
Tôi lại điện thoại cho Trương Văn Thuấn, Tổng Trưởng Giao Thông Vận Tải, nói rõ sự tình và báo cho anh ta biết có thể tôi từ chức nếu Thiếu Tướng Kỳ không giải quyết việc này thỏa đáng. Tôi hỏi ý kiến của Trương Văn Thuấn nghĩ sao. Thuấn trả lời:
- Chức Tổng Trưởng này của toa, moa sẽ trả lại cho toa. Có nghĩa là nếu toa từ chức thì moa sẽ từ chức theo.
- Toa đừng nói vậy, vấn đề là mỗi người hành động theo lương tri của mình. Dù moa có giới thiệu toa vào nội các đi nữa nhưng chức vụ là của ông Thủ Tướng trao cho toa và là trách nhiệm của toa đối với đất nước. Sở dĩ moa cho toa biết ý định của moa như vậy là vì moa đã xem toa là người đồng hành, nên moa có bổn phận thông báo cho toa biết vậy thôi.
Tôi lại điện thoại cho anh Âu Trường Thanh, anh Thanh sẵn sàng từ chức nếu Tướng Kỳ vẫn dung túng cho Nguyễn Ngọc Loan áp đặt chế độ cảnh sát trị.
Những ngày kế tiếp chủ ý của Tướng kỳ là muốn xoa dịu sự bất mãn của tôi nên ông thường gọi tôi lên dinh ăn trưa, bàn chuyện nhà, chuyện nước. Hoặc mời một vài anh em trong nhóm xin từ chức đến tư dinh dùng cơm thông cảm trong tình bè bạn. Phần tôi cũng không muốn xé to quá trớn, một phần vì tình bạn khá thân thiết với Tướng Kỳ tôi không muốn gây nhiều phiền phức thêm cho ông, một người vốn đã có thừa kinh nghiệm trong công việc trị nước, mặt khác vì tôi ý thức được vấn đề này có thể là mầm mống của sự chia rẽ, dù ngấm ngầm, nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến sự đoàn kết và tiềm năng chống Cộng Sản. Trong khi đó hai anh Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Lưu Viên đốc thúc tôi phải đặt vấn đề. Tôi yêu cầu các anh ấy chờ đợi xem Tướng Kỳ giải quyết ra sao đã, chừng đó nếu không phân minh thì tôi sẽ từ chức. Nghe hai chữ từ chức các anh lại càng đốc thúc tôi vội vã hơn. Dù tôi đã đặt vấn đề này với Thiếu Tướng Kỳ một cách nghiêm chỉnh nhưng thâm tâm tôi biết rõ là ông sẽ bỏ qua.
Thực tế Tướng kỳ vẫn buông xuôi như thường lệ, không một lời công khai khiển trách Tướng Loan, không một câu trả lời đối với những điều thắc mắc của tôi. Mãi đến ngày 30 Tháng Chín năm 1966, đa số thành viên Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đi dự lễ khai mạc Viện Ðại Học Cần Thơ, trên chuyến bay từ Saigon đi Cần Thơ, Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viện tìm cách ngồi gần tôi để than thở rằng ông bị làm mất mặt tại bộ Y Tế và thuật những lời đe doa của Tướng Loan khi ông này giả vờ nói trổng một mình. Những lời đe dọa đó tôi có cơ hội trực tiếp nghe qua khi đối diện với Tướng Loan tại Cục An Ninh Quân Ðội.
Lễ khai mạc Viện Ðại Học Cần Thơ diễn ra long trọng, nhưng đầu óc tôi không thưởng thức trọn vẹn sự vui mừng vì biết những con em miền “lục tỉnh” có cơ hội tiến thân dễ dàng hơn. Ðáng lý ra tôi phải vui mừng và hãnh diện vì đã góp phần nhỏ mọn trong việc thành lập viện Ðại Học này, nhưng tôi bị chia trí bởi những lời than phiền của Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên về vấn đề Nam Bắc. Tâm trí tôi có phần bối rối. Nếu xé to vấn đề có thể phương hại đến tinh thần đoàn kết quốc gia, có thể làm sứt mẻ tình bạn giữa Tướng Kỳ và tôi. Tự nhiên tôi nghĩ đến những bạn bè của tôi ở Paris, và ngay cả bay giờ, đa số là người Bắc, chúng tôi thân thiện nhau không có một ý nghĩ gì phân biệt. Tôi càng nghĩ về Thiếu Tướng Kỳ, thái độ cử chỉ hành động của ông không có chút nào là kỳ thị. Tai sao bây giờ ông làm lơ đối với hành động phi pháp của Tướng Loan? Tôi cũng đã nhiều lần tâm sự với Tướng Kỳ, phân tích, trích dẫn chuyện Tàu ngày xưa rằng: Các vị công thần khai quốc ỷ thế cậy quyền, tác động loạn trong triều, chế độ phong kiến đó không tồn tại được lâu dài. Trên đường bay về Saigon tôi lợi dụng thời gian nói thẳng với Tướng Kỳ tất cả sự bất bình, chẳng những của riêng tôi mà của một vài anh em khác và đề nghị với ông nên cắt cử Tướng Loan vào một địa vị khác hoặc cho ông ta trở về không quân. Tướng Kỳ bảo việc đó đã yên xuôi rồi ông có quở trách Tướng Loan rồi, ông quyết định xếp việc này không để thành lớn chuyện nữa. Tôi cũng đồng ý với ông là không nên gây chuyện, nhưng cũng không thể để cho Tướng Loan chà đạp luật pháp và cũng không thể để cho anh em quân nhân công chức miền Nam hồi hộp lo sợ vì cái tội danh đó có thể chụp lên đầu bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ đã đến lúc phải công khai tỏ thái độ bởi vì “im lặng là chấp thuận”, là tạo điều kiện cho sự lạm quyền đi đến độc tài quân phiệt.

Từ chức tập thể
Tôi mời các anh Nguyễn Văn Trường, Trương Văn Thuấn Nguyễn Hữu Hùng về nhà anh Nguyễn Lưu Viên bàn việc. Ngày hôm đó, anh Âu Trường Thanh bận đi công tác nước ngoài nên vắng mặt, anh Trần Ngọc Liễng bận công tác cứu trợ nạn lụt miền Tây. Chúng tôi phân tích sự việc, bàn qua cãi lại chung quanh hai ý nghĩ: Từ chức là có thể gây khủng hoảng nội các, điều không hay trong hiện tình đất nước, còn im lặng là mặc nhiên chấp nhận độc tài quân phiệt. Cuối cùng tất cả anh em hiện diện đồng ý ký tên vào đơn xin từ chức tập thể. Nhưng vấn đề là ai thảo đơn cho nghiêm chỉnh. Anh Trường đề nghị gọi Ðổng Lý Văn Phòng của tôi là giáo sư Lý Chánh Trung đến đây để thảo đơn. Tôi cho xe đi mời Lý Chánh Trung ngay. Ðơn thảo xong những người hiện diện đồng tình ký tên liền tại chỗ, riêng anh Trần Ngọc Liễng ký sau khi về đến Sài Gòn. Tôi có nhiệm vụ đưa đơn này cho Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ khi thuận tiện.
Cầm đơn từ chức của 6 thành viên nội các trong tay nhưng tôi chưa quyết định nộp đơn liền. Tôi khơi chuyện này với Thiếu Tướng Kỳ một vài lần nữa, cũng có khi tôi thổ lộ rằng một số anh em sẽ từ chức trong đó có tôi để phản đối chế độ cảnh sát trị mà chính ông đang dung túng. Nhưng Tướng Kỳ vẫn khăng khăng không thay đổi ý định quyết giữ Tướng Loan tại chức. Chẳng những vậy mà ông còn đổ tội nếu tôi từ chức thì chính tôi mới là người công khai đặt vấn đề Nam Bắc. Ông công nhận rằng Tướng Loan có phạm sai lầm nhưng người ngoài chưa ai biết. Tôi phản biện hỏi lại ông: “Chúng ta phải chờ bao nhiêu sự lạm quyền, chà đạp công lý nữa thì mới xử lý đây?”
Cuối cùng Tướng Kỳ dịu giọng, ông yêu cầu tôi đi gặp Tướng Loan để tìm hiểu để cảm về một chuyện hiểu lầm nhỏ nhặt, ông còn nói thêm rằng giữa bạn bè nên tránh làm mất lòng nhau. Mặc dù tôi không tin có thể tìm được sự thông cảm với một anh chàng ngang ngược, “giả mù sa mưa”, khi tỉnh khi say, tùy lúc, tùy cơ hội theo ý anh ta muốn. Nhưng tôi cũng chiều ý ông Thủ Tướng, điện thoại cho Tướng Loan để hẹn gặp. Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và tôi luôn xưng hô với nhau là “mày tao” hoặc “cụ và con”, cách xưng hô nữa thân mật nửa đùa cợt. Tôi gọi đường dây trực tiếp của Cục An Ninh Quân Ðội:
- Loan đấy hả, Triều đây. Ông Kỳ bảo tao đến gặp mày để giải tỏa những thắc mắc, coi như đó là một lỗi lầm nên bỏ qua. Mày có rảnh không? Mình phải gặp nhau để đã thông tư tưởng và tránh mọi tai hại về sau.
- Rảnh, “mais chez moi” (nghĩa là tại văn phòng tôi).
Câu trả lời xấc xược làm tôi bất bình, nhưng cũng nén giận trả lời:
- Mày đừng có giở giọng đó. Nếu là bạn bè gặp nhau thì chỗ nào cũng được. Còn nếu thẳng thừng mà nói thì tao có quyền yêu cầu nội các triệu kiến mày đến trình bày trước nội các, về hành động phi pháp lạm quyền của mày đề chính phủ xét đoán.
- Dạ bẩm cụ con biết mà cụ, cụ là quan lớn con làm sao dám bì với cụ.
- Thôi đừng dở hơi nữa. Ngày mai lúc 11giờ trưa tao sẽ đến gặp mày ở đâu?
- Bẩm cụ tại Cục An Ninh Quân Ðội của con ạ..
- Hẹn mai gặp.
Buông ống nghe xuống tôi cảm thấy bực mình và cũng hồi hộp lo âu. Tôi không tin là cuộc gặp gỡ ngày mai sẽ có kết quả tốt. Lòng không muốn đi nhưng đã hứa với Tướng Kỳ thì phải giữ lời. Mặc khác tôi cũng lo sợ Tướng Loan bốc đồng làm bậy. Cho nên tôi đến văn phòng của Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Văn Trường trước 11 giờ. Nói cho anh ấy biết việc tôi sắp đi gặp Tướng Loan và căn dặn thật kỹ: “Nếu 12 giờ mà toa không thấy moa trở về đây gặp toa thì thông báo ngay cho ông Thủ Tướng biết rằng thằng Loan đã bắt moa nhốt tại cục an ninh quân đội rồi”.
Sau đó tôi vào Cục An Ninh Quân Ðội gặp Tướng Loan.
- Dạ bẩm cụ, mời cụ ngồi.
Ngồi vào ghế đối diện với Tướng Loan tôi thấy trên bàn có một chai bia lớn hiệu “33 Larue” đang uống dở. Ông cố tình giở vọng lè nhè hỏi tôi.
- Mày tới đây để chửi tớ đấy à? Thì mày cứ chửi đi. Thằng này là thằng mọi, bán thân chết sống để cho các ông ngồi mát ăn bát vàng, bây giờ lại chửi bới ông là thằng lộng quyền hả?
- Loan à, tao đến gặp mày là do ông Kỳ khuyên nên trực tiếp bàn thảo để giải tỏa mọi sự bất đồng và tránh gây mọi sự đổ vỡ giữa anh em.
- Bố Kỳ biết con mẹ gì mà khuyên tao hay khuyên mày? Ổng ngồi cao quá mà. Chỉ có tao là thằng trâu phải cày tối ngày để phục vụ cho các ông thôi.
Cuộc tiếp xúc kéo dài gần đúng một tiếng đồng hồ như tôi đã giao hẹn với anh Nguyễn Văn Trường. Chúng tôi lời qua tiếng lại gay gắt, tôi không còn nhớ toàn bộ chi tiết chỉ nhớ những câu và những ý đập sâu vào đầu tôi lúc đó thôi. Chung qui và lập đi lập lại là Tướng loan kể công lao nhờ anh ta mà nội các mới đứng vững. Và anh khẳng định không cho phép bất cứ ai phá hoại sự ổn định tình hình này. Thỉnh thoảng anh ta cầm chay la-ve tu một ngụm. Phần tôi thì phản bác rằng ông ta là quân nhân can trường nhưng ỉ thế, hành động ngang tàng làm hư đại sự. Hai người chúng tôi có lúc to tiếng với nhau. Cuối cùng Tướng Loan vì bực tức xổ hết tâm sự qua lời nói trắng trợn không cần che giấu:
- Mày cho là tao kỳ thị Nam Bắc phải không? Ð.M. tao bắn chết mẹ một vài thằng xem còn thằng nào dám đặt vấn đề Nam Bắc nữa không.
Nghe câu nói đó tôi nổi khùng liền, trả lời:
- Mày đã bắn bao nhiêu thằng Việt Cộng rồi? Chúng ta giết bao nhiêu thằng của chúng nó rồi, tại sao vẫn còn Việt Cộng ngày càng nhiều hơn để cho mày tìm kiếm hằng ngày? Vấn đề tâm đồng, ý phục. Không phải mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng súng đạn đâu.
- Dạ bẩm cụ con nghe lời của cụ phán dạy. Nhưng cụ cũng nên nghĩ lại những gì con bẩm với cụ ngày nay.
- Tao thấy mày nổi khùng rồi, có nói gì thêm cũng vô ích. Tao về đây. Nhưng tao cần cho mày biết nếu tao có bị kiết lỵ mà chết thì người ta cũng đổ tội cho mày giết tao chứ không ai trồng khoai đất này đâu.
Tôi tự động đứng dậy bước ra, mở cửa phòng, lòng ngờ vực, hồi hộp, lo sợ không biết tên lỗ mãng này có buôn tha cho mình trở về an toàn không, nhưng tôi cố trấn an mình, làm ra vẽ ngang tàn bướng bỉnh nói vói:
- Mày khùng rồi thôi nhậu cho say rồi ngủ đi.
Vừa mở cửa tôi thấy Trung Tá Thăng, Cục Phó an ninh quân đội và một anh lính bưng mâm đồ ăn có chả lụa, có bánh mì, có cơm canh và hai chay la-ve lớn. Tôi giả vời bốc một miếng chả lụa bỏ vào miệng, bước đi và nói, đem rượu vô cho nó nhậu đi nó hết rượu rồi. Thì ra hai anh này đang lén nghe cuộc cãi vã ồn ào tự bao giờ bị tôi bắt gập hơi sượng sùng chào hỏi lấy lệ. Ngồi trên xe vừa ra khỏi cổng an ninh quân đội tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhìn đồng hồ gần 12 giờ 5, đến văn phòng anh Nguyễn Văn Trường đang chờ tôi sốt ruột, anh nói.
Moa chuẩn bị gọi thiếu Tướng Kỳ như toa căn dặn nhưng mai là moa cố chờ thêm vài phút.
Thuật lại đầu đuôi cho anh Trường nghe chúng tôi nghĩ rằng không còn cách nào hàng gắn được nên chắc phải đưa đơn từ chức. Một ngày qua tôi vẫn chưa quyết. Những đồng nghiệp cùng ký tên trong đơn điện thoại hỏi tôi câu chuyện đã đến đâu rồi? Tôi trả lời sẽ trình đơn từ chức ngày may. Trước đó mấy ngày tôi có đề cập đến vấn đề từ chức với anh Trần Minh Tiết, Tổng Trưởng Tư Pháp Tổng Trưởng Tư Pháp, chính anh ấy cũng có phản ứng tức thì là không có điều khoản nào trong luật pháp quốc gia hiện tại nói về tội chia rẻ Nam Bắc. Và anh cũng tán đồng, khuyến khích từ chức là phải. Tôi có hỏi nếu tướng Kỳ không giải quyết ổn thỏa thì anh sẽ tù chức cùng với chúng tôi không? Trần Minh Tiết khẳng định với nhiệt tình, tôi sẽ cùng ký tên với các anh. Nhưng khi tôi quyết định sẽ nộp đơn, tôi điện thoại cho anh Tiết thì anh lại thoái thác rằng anh chơi quần dợt bị trật gân chân nên không đến nhà tôi xem đơn ký tên được. Tôi cảm thấy khôi hài, nên cố tình dồn anh phải trả lời dứt khoát minh bạch nói rằng tôi sẽ nhờ ông Chánh Văn Phòng của tôi đem đơn này tận nhà để anh ký. Trần Minh Tiết lại ú ớ bảo để cho anh xem lại, chờ một ít thời gian xem sao đã. Tôi hiểu ngay thái độ của những người hay tính toán, coi trọng chức quyền. Cũng như khi cải tổ nội các lần thứ hai, Tướng Kỳ định bãi chức Tổng Trưởng Nội Vụ của anh, tôi đến chơi nhà anh và thông báo cho anh biết trước, anh nhờ tôi can thiệp xin cho anh một chức Ðại Sứ ở đâu đó cũng được. Tôi trình bày với Tướng Kỳ rằng Trần Minh Tiết là Thẩm Phán Công Giáo, thiết nghĩ cũng nên giữ anh lại để lấy lòng Công Giáo cân bằng ảnh hưởng chính trị hiện tại, vì vậy Tướng Kỳ mới hoán chuyển anh sang Bộ Tư Pháp. Ấy vậy mà trong phiên họp nội các bàn về việc từ chức của nhiều vị Tổng Trưởng Trần Minh Tiết phát biểu một câu tôi còn nhớ đời: “Thưa Thiếu Tướng tôi không hay biết về những chi tiết của vụ này cho đến khi anh Triều đề nghị tôi ký tên xin từ chức để phản đối hành vi cảnh sát trị của Tướng Nguyễn Ngọc Loan thì tôi có nói với ảnh để tôi suy nghĩ lại”. Thật buồn cười cho nhân tình thế thái!
Trước khi đến dinh Thủ Tướng trình đơn từ chức của sáu vị thành viên nội các tôi chuẩn bị tư tưởng và những câu trả lời mà Tướng Kỳ có thể dồn dập hỏi tôi. Tôi có thể tiên đoán ông soái vào trách nhiệm của tôi đối với thời cuộc, tình cảm bạn bè cùng phục vụ một chí hướng, bổn phận của tất cả là phải tránh những vấn đề có thể gây chia rè trong hàng ngũ quốc gia.
Ngồi đối diện với Tướng Kỳ trong văn phòng Thủ Tướng tôi vừa nói vừa đặt trên bàn giấy của ông đơn từ chức với sáu chữ ký của Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu viên, Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Văn Trường, Tổng Trưởng Giao Thông Vận Tải Trương Văn Thuấn, Tổng Trưởng Xã Hội Trần Ngọc Liễn, Tổng Trưởng Lao Ðộng Nguyễn Hữu Hùng và Tổng Trưởng Thanh Niên Thể Thao Võ Long Triều. Tướng Kỳ cười mỉa mai, vẻ khó chịu hỏi:
- Việc gì mà đến nỗi phải xé to chuyện như vậy?
- Tôi đã trình bày với anh rất nhiều lần về vấn đề này mà anh em thấy anh không cần lưu ý đến nên phải dùng đến hạ sách này, là điều mà không ai muốn làm.
- Cậu lại mâu thuẫn với chính mình rồi. Ðã nói không muốn làm mà sao lại ký tên xin từ chức. Cậu có lường được việc này là quan trọng không?
- Chúng tôi đã nghĩ đến mọi khía cạnh của vấn đề một cách có trách nhiệm. Sự việc đến đây rồi thì xin để anh tùy nghi giải quyết.
Bầu không khí trở nên nặng nề, Tướng Kỳ bực tức ra mặt nhưng ông tự kiềm chế và nhẹ nhàng bảo:
- Thôi được rồi, để tớ xem rồi sẽ nói chuyện với anh em sau.
Tôi không muốn kéo dài tình trạng khó xử của đôi bên nên tôi xin cáo từ chờ quyết định của Thủ Tướng.
(Còn tiếp)

BỮA TIỆC THÔNG CẢM
Tôi không muốn kéo dài tình trạng khó xử của đôi bên nên tôi xin cáo từ chờ quyết định của Thủ Tướng. Tướng Kỳ lộ vẻ bối rối khi ông nhận đơn từ chức tập thể của 6 vị tổng trưởng để phản đối hành động của Tướng Loan, một trong những người thân cận và tin cẩn nhứt của ông, vì điều nầy chắc chắn sẽ tạo một cơn khủng hoảng chính trị mà ông không hề muốn và ông cũng chưa biết phải giải quyết ra sao. Mấy ngày sau khi gặp lại tôi ông không che dấu sự buồn phiền, thậm chí bực tức cả với tôi, người mà ông đã từng có ít nhiều cảm tình và tin cậy. Nay chính tôi lại gây cho ông điều vô cùng khó xử. Dù vậy Tướng Kỳ cũng đè nén sự bực tức, chỉ trách móc tôi nhẹ nhàng với tư cách người bạn lấy tình cảm thuyết phục tôi, lấy việc thực hiện lý tưởng về một xã hội công bằng thịnh vượng mà ông và tôi đã cùng nhau chia xẻ, lấy cái tham vọng “đội đá vá trời' khuyến dụ tôi bỏ qua và yêu cầu tôi giải thích với 5 vị Tổng Trưởng khác. Ông tin rằng tôi có thể làm cho họ đổi ý. Tóm lại ông đưa trái banh khó xử đó về chân tôi.
Chúng tôi gặp lại nhau rất nhiều lần để suy luận, bàn thảo với nhau về sự từ chức này. Trong khi đó thì Tướng Kỳ mở những cuộc tiếp xúc riêng biệt với từng vị Tổng Trưởng có tên trong đơn từ chức. Chỉ có anh Nguyễn Văn Trường thì mỗi lần được Thiếu Tướng Kỳ mời gặp riêng, anh đều rủ tôi cùng đi. Tôi nhớ có lần đối diện với Tướng Kỳ trong văn phòng Thủ Tướng, ông Kỳ đem hết lý lẽ để thuyết phục anh rút lại đơn từ chức, anh Trường đấu lý không lại Tướng Kỳ bèn phát biểu nguyên văn tôi còn nhớ rõ: “Tôi không biết phải giải thích như thế nào đề cho Thiếu Tướng hiểu, nhưng tôi chỉ biết có một điều là tôi phải từ chức, điều đó là đúng”. Tướng Kỳ phản biện; “Xin lỗi, anh là nhà mô phạm danh tiếng mà sao anh phát biểu không mô phạm tí nào cả vậy”? Ba người cùng cười vui vẻ.
Tướng Kỳ tỏ thái độ hết sức mềm dẻo để thuyết phục chúng tôi. Thậm chí mời tất cả chúng tôi đến tư gia của ông ở trại Phi Long để dùng cơm thân mật. Tướng Kỳ có biệt tài là khi ông muốn nhỏ nhẹ dễ thương thì ông đạt mục đích rất dễ dàng. Vì vậy mà sau bữa cơm đó, Luật Sư Trần Ngọc Liễng cảm thấy mềm lòng nói: “Moa thấy ông Kỳ dễ thương quá, thôi tụi mình bỏ qua đi, gây nhiều khó khăn cho giả (tiếngNam chỉ ông ấy một cách thân mật) moa thấy tội nghiệp quá”. Sau khi từ Mỹ trở về, Âu Trường Thanh liền nộp đơn xin từ chức cũng với lý do phản đối Tướng Loan vừa áp dụng một chế độ cảnh sát trị vừa công khai đặt vấn đề Nam Bắc một cách vụng về. Sự thật là anh Thanh đã biết tin về sự khủng hoảng này ngay khi anh còn đang công tác ở ngoài. Vì vậy khi về đến Sài Gòn, anh tìm gặp tôi ngay và chúng tôi có trao đổi ý kiến trước khi anh thảo đơn từ chức. Nhận đơn của Âu Trường Thanh, Tướng Kỳ liền gọi tôi nói với giọng vô cùng bực tức: “Âu Trường Thanh không biết ất giáp gì cả, mới về đến đã hùa theo từ chức làm khó dễ moa, ông ấy muốn cái gì đây? Tớ đã tha cho một lần đâm sau lưng anh em rồi, bây giờ nó muốn giở trò gì nữa đây?”. Tôi trả lời đẩy đưa cho qua việc và cố tình xoa dịu sự bực tức của Thủ Tướng Kỳ bằng cách lái sang trung tâm của vấn đề là sự lộng quyền của Tướng Loan. Tôi nói với ông Kỳ: “Anh em mình phải suy nghĩ tìm cách dàn xếp, để tránh cuộc khủng hoảng chính trị, sau khi đã ổn định được tình hình xáo trộn của miền Trung”.
Nghĩ rằng vấn đề này rất là quan trọng nên trước khi đệ đơn từ chức tôi có tiếp xúc với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, trình bày rõ ràng sự việc. Trung Tướng Thiệu thẳng thắn cho biết rằng đó là lẻ phải, là việc cần làm. Ông còn nhận xét về trường hợp cá nhân người này và người khác mà tôi không tiện nêu tên, ông khuyên tôi phải nhìn vấn đề như thế nầy, như thế kia, và ông kết luận nên đặt vấn đề một cách rộng rãi hơn, buộc Tướng Kỳ phải giải quyết. Ông còn nhấn mạnh: “Ðằng sau lưng toa có moa, Triều, moa ủng hộ toa hoàn toàn”.
Vấn đề từ chức còn đang bỏ lửng, Tướng Kỳ đang tìm mọi cách hàn gắn, tôi cũng mua thời gian, khất hẹn với anh em chờ xem, bởi vì tôi được ủy thác đại diện cho nhóm từ chức để thương thảo với Thủ Tướng Kỳ. Ðột nhiên 7 người trong chúng tôi nhận được thiệp của Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, chính thức trịnh trọng mời dùng “Tiệc Thông Cảm” tại tư dinh Thủ Tướng, số 2 Bến Bạch Ðằng, dinh thự này thường để trống vì Thủ Tướng không ở đấy, trong thiệp mời có ghi rõ “Y Phục Ðại Lễ”. Ðến dự tiệc tôi thấy toàn bộ các Tướng Lãnh vận y lễ phục chỉnh tề, các vị Tổng Bộ Trưởng khăn áo chỉnh tề. Thực đơn bửa tiệc chỉ có một món, tương đối sang trọng và mắc tiền thời đó, trừu nướng ăn với hột tấm có mùi đặc biệt theo kiểu Á Rập (Metchoui couscous) do tiệm ăn duy nhứt Sài Gòn Pabrica cung cấp... Bốn con trừu được xỏ dọc theo xương sống từ cổ xuống đuôi quay tròn trên bếp lửa đỏ. Văn võ bá quan đủ mặt, đúng giờ. Khởi sự là tim gan trừu xỏ lụi ướp nướng mỗi người cầm một xâu, đang lai rai uống rượi khai vị, kẻ ngồi trên ghế dựa người đứng chung quanh các bàn đầy rượu, trái cây và món ăn. Ðột nhiên Tướng Nguyễn Ngọc Loan từ ngoài cổng đi vào, dù không được mời, ông mặc “áo chim cò” tay ngắn bỏ lòng thòng ngoài quần jean, chân mang dép trần lẹp xẹp. Chào hỏi mọi người bằng câu nói trỏng: “Bẩm các cụ ạ”, rồi ông tự động rót rượu, tay bóc lia lịa những món ăn trên bàn đi quanh quẩn, ôm cổ người này nói đùa vài câu, người khác than thân phận thấp hèn đang dang cổ ra mà cày vì đại cuộc, v. v.. Ông ta còn buông những lời hăm dọa bóng gió, nói trỏng một mình: “Ð. M. moa bắn chết mẹ vài thằng coi còn có thằng nào dám đòi hất cẳng ông nữa không”? Câu nói này tôi đã nghe Tướng Loan thốt ra một lần với tôi gần giống như vậy tại cục An Ninh Quân Ðội như tôi đã viết ở đoạn trên. Rồi ông lại giả vờ quay sang Luật Sư Trần Ngọc Liểng đang đứng gần Giáo Sư Nguyễn Văn Trường rồi nói: “Thì ra các cụ họp nhau để giải quyết vấn đề Nam Bắc đấy à”? Không một ai lên tiếng trả lời, không một ai bình phẩm. Mọi người làm ngơ kể cả Tướng Kỳ. Tôi đang ngồi trên ghế gần đó tiếp chuyện với Trung Tướng Thiệu, Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu cùng vài vị tướng lãnh khác. Những câu nói trái tai của Tướng Loan làm tôi phừng phừng sôi giận, nhưng cố hết sức nén lòng chờ xong bữa tiệc ngoài trời, vào phòng họp xem họ bàn việc “thông cảm” như thế nào. Ðiều khiến tôi ngạc nhiên là thấy Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, người đóng vai chủ mời khách mà tại sao ông lại để cho một thuộc cấp có thái độ trịch thượng với lời lẽ vô lễ đối với khách quí của ông trong bữa tiệc long trọng như vậy? Tôi càng ngạc nhiên thấy ông không có một lời can thiệp? Cho dù có nể nang đối với Tướng Kỳ, Tướng Loan, nhưng nếu ông muốn tạo bầu không khí “thông cảm” thật sự, thì ông cũng phải vuốt ve Tướng Loan, nói giả lả vài câu, yêu cầu ông ta không nên sinh sự, để cho vị Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia tiếp khách một cách nghiêm túc và đúng lễ nghi. Lại nữa, theo phép lịch sự tối thiểu thì chủ nhà cũng phải có một vài lời cáo lỗi về cử chỉ suồng sã của thuộc cấp mình. Nhưng không! Hình như Tướng Thiệu giả vờ không nghe, không thấy.
Nếu Tướng Thiệu thực lòng muốn tạo sự thông cảm, và hóa giải sự bất bình của các tổng trưởng ký đơn từ chức thì ông phải ngăn cản ngay hành động gây bất mãn thêm nữa của Tướng Loan đang diễn ra trước mắt ông và mọi người. Tướng Loan nói xong vài câu, biểu diễn xong cái màn “mục hạ vô nhân”, ông ta ra về không chào hỏi ai cả. Vô ra như chỗ không người. Ðó là thói quen song tàn vì ỉ lại mình có công và nhứt là có quyền sinh sát thông qua sự bao che của Thủ Tướng, bạn ông.
Sau này, nghi nghe tướng Thiệu giải thích, tôi mới vỡ lẽ:
- Triều à, moa biết moa ra ứng cử chống lại liên danh của Nguyễn Cao Kỳ thì moa chỉ được có 2 lá phiếu, một của vợ moa và một của moa thôi, nhưng moa không lấy được thì moa sẽ khuấy cho hôi!”
Tôi vô cùng xót xa nghe qua lời ông nói, thì ra tôi không hiểu được đối với ông quốc gia là cái gì? Và cũng trong lần tiếp xúc đó, ông hỏi đi hỏi lại:
- Triều, toa biết Mỹ nó muốn cái gì không”?
Tôi trả lời:
- Thưa Trung Tướng, vấn đề quan trọng là mình biết mình muốn cái gì chứ cứ uốn theo ý muốn của người Mỹ thì “bỏ mẹ rồi”!
Lần tiếp xúc đó tôi cùng đi với cựu Tổng Trưởng Nguyễn Văn Trường để khuyến dụ ông Thiệu ra ứng cử Tổng Thống với mục đích chia phiếu của liên danh Nguyễn Cao Kỳ. Ðó là những câu nói tỏ rõ hết ý ông, trước khi bắt tay từ giã tại nhà của ông ở trong bộ Tổng Tham Mưu. Những lời nói và cử chỉ của Trung Tướng Thiệu khiến tôi từ chối hợp tác với ông khi bào Huynh của ông là Ðại Sứ Nguyễn Văn Kiểu, đại diện ông đến nhà mời tôi tham gia, và sau nầy khi Tổng Trưởng Phủ Thủ Tướng, Huỳnh Văn Ðạo, thay mặt Trần Văn Hương mời tôi tham gia nội các, giữ chức Tổng Trưởng Giáo Dục thay ông Nguyễn Văn Thơ, trước mặt Nguyễn Văn Trường, người đã hai lần điều khiển bộ nầy, tôi vẫn từ chối vì không thể hợp tác với một vị lãnh đạo mà lời nói và thái độ không làm tôi tin tưởng và kính phục. Chi tiết về những gì tôi biết trong những cuộc ứng cử và bầu cử của những vị Trần Văn Hương, Nguyện Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh sẽ trình bày sau.
Ðối với tôi cũng như các anh em khác, có tên trong đơn từ chức, bữa cơm chẳng những không ngon mà còn mong cho phiện hợp “thông cảm” sắp tới càng kết thúc sớm càng tốt. Trong lúc dùng tiệc, Tướng Nguyễn Hữu Có ra sức đùa cợt tưởng rằng giúp vui và đánh tan được bầu không khí bất bình khó chịu của mọi người, nhưng ông bỏ công vô ích mà lại còn gây ảnh hưởng ngược làm cho người ta thấy khó chịu hơn.
Tiệc xong vào họp, dĩ nhiên là không có mặt của Tướng Loan, tôi chỉ ngồi nghe Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Thắng và một vài Tướng lãnh khác khuyên giải, nại lý do là cuộc khủng hoảng chính trị trong giai đoạn hiện tại sẽ có hại cho quốc gia. Trung Tướng Thiệu không đá động một lời về hành động của Tướng Loan, không bày tỏ một câu về những ý kiến mà ông đã trực tiếp khuyên bảo tôi tuần trước tại văn phòng ông ở dinh Gia Long. Âu Trường Thanh, Nguyễn Lưu Viên và anh em khác phản biện rằng chế độ cảnh sát trị hay quân phiệt càng tác hại đối với quốc gia hơn. Tướng Kỳ thì giải thích và ra sức thuyết phục mọi người nên bỏ qua chuyện nhỏ nhặt nầy, không nên cố chấp và ông bảo đảm sẽ không khi nào cho phép tái diễn những điều tương tự. Nhưng tôi thừa biết đó là những lời hứa suông để cho xong việc.
Tuy nhiên có một câu nói của ông, tôi không để ý vì mãi bực tức về hành động và những lời của Tướng Loan, nhưng lời nói đó của Tướng Kỳ làm các vị vị tổng trưởng hiện diện vô cùng cảm động, khi ra về anh ta nhắc lại với tôi rằng ông Kỳ nói: “Triều, Toa có thấy một vị Tổng Trưởng nào xưng hô với moa “À toi à moi” “Mầy mầy tao tao” như hai đứa mình không? Thâm tình giữa chúng ta toa quên hết chỉ vì cố chấp”? Sự thật tình cảm nầy vẫn gây nhiều đắn đo thắc mắc cho tôi ngay từ khi tôi đặt vấn đề từ chức. Nhưng tình cảm và chuyện quốc gia là hai điều không thể lầm lẫn để mình bị trói buộc. Gần cuối phiên họp Tướng Kỳ quay sang tôi, ông hỏi tại sao tôi không có ý kiến? Với sự ấm ức còn đè nặng trong lòng, tôi trả lời gọn lỏn:
- Tôi giữ nguyên quyết định từ chức, không thề thay đổi ý định bởi vì tôi không thể ngồi chung bàn với những người hèn”. Một sự lỡ lời quá đáng! Thốt ra trong cơn bất bình nóng giận! Tướng Kỳ nắm được cơ hội phản ứng liền:
- Xin lỗi, anh không có quyền vơ đũa cả nắm như vậy được, ai là người hèn nhờ anh chỉ tên giùm cho tôi tí.
Vô cùng lúng túng tôi chỉ đại một tên, đó là Tổng Trưởng Canh Nông Lâm Văn Trí. Vì tôi sực nhớ có lần tôi vào văn phòng anh bạn này, thấy anh ta đang đọc sách chưởng của Kim Dung thay vì bới đầu, bới óc để ra chỉ thị cho các ngành các bộ môn nên đặt trọng tâm phát triển sản xuất lúa gạo hay gia súc, gia cầm. Sự thật Lâm Văn Trí và tôi cũng là bạn đồng nghiệp quen biết nhau khá thân. Tuy tôi không ngưỡng mộ cách điều khiển bộ chuyên môn của anh, nhưng anh không phải là hèn. Anh là người bạn tốt. Tôi nghĩ rằng lời phát biểu hồ đồ vô ý thức của tôi hôm đó không tới tai Lâm Văn Trí, bởi vì sau này chúng tôi thường gặp nhau vui vẻ, cùng với Trương Thái Tôn, Lưu Văn Lê và Nguyễn Văn An là những người bạn đồng nghiệp thân thiện. Nhưng thiết nghĩ cho dù Lâm Văn Trí có nghe, có biết, thì chắc anh ta sẽ chửi đổng vài câu , tôi xin lỗi nói rỏ sự thật hôm đó, rồi cũng bắt tay xí xóa thôi.
Thành thật phải nói là tôi đang giận con cá khác mà chém cái thớt Lâm Văn Trí một cách dại dột! Buổi họp không có kết quả, bữa cơm không vui, không ngon. Vừa ra khỏi phòng họp anh Nguyện Văn Trường trách tôi nhẹ nhàng như thằng anh chỉ dại sai lầm của đứa em nóng tính phát ngôn bừa bãi. Còn Âu Trường Thanh không tiếc lời mắng mỏ đủ đều, với từ ngữ nặng nhẹ có không thiếu, nhưng anh biết chắc tôi không buồn vì sự thâm tình giũa anh và tôi. Về nhà tôi buồn tức, ân hận về lời nói của mình suốt đêm khuya.
Trong bối cảnh đó tôi nhận được thơ của Cụ Trần Văn Hương viết ngắn gọn bằng bút chì trên giấy tập học trò: “Nếu em nghe lời qua thì không nên từ chức, phải có gắng giữ sự hiện diện của mình trong chính quyền”. Lại thêm một điều gây phiền não cho tôi không ít! Trần Văn Hương là người mà tôi muốn đề nghị ra ứng cử Tổng Thống sau khi Hiến Pháp được ban hành. Một người có tham vọng lãnh đạo quốc gia mà khuyên tôi phải chấp nhận sự lộng quyền, sự áp đặt một chế độ cảnh sát trị, sự manh nha thực hành chế độ quân phiệt thì ai là người chia xẻ lý tưởng công bằng xã hội, dân chủ tự do với tôi đây? Trong cùng một thời điểm mà có tới ba nan đề buộc tôi phải tự giải đáp:
- Một là tình thân hữu với Tướng Kỳ, sự tin cậy của ông đối với tôi, khuyến cáo tôi không nên gây khó cho ông ấy.
- Hai là tại sao ông Hương khuyên tôi chấp nhận tình trạng sai trái lộ liễu nầy? Phải chăng vì ông muốn có người trong chính quyền để tiếp tay cho cá nhân ông mà bất chấp sự bất công, độc đoán, độc tài, đang áp đặt trên đầu trên cổ của dân chúng?
- Ba là sự bất mãng của tôi đối Với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu sau bữa “tiệc thông cảm” tại Bến Bạch Ðằng còn nặng trĩu trong lòng.
Tôi bỏ mặc, không cần nghĩ mình phải làm gì, cứ thản nhiên đi câu cá, chở vợ con ra Vũng Tàu nghỉ ngơi, để cho thời gian kéo dài, bởi vì ngạn ngữ Pháp có câu: “La nuit porte conseil” nghĩa là đêm sẽ đem lại lời khuyên giải. Thôi thì mặc kệ cứ để cho nhiều đêm khuyên giải, biết đâu đầu ốc sẽ gạn lộc bớt đi những phần chủ quan, kiêu căng, háo thắng của gã thanh niên mới tròn 32 tuổi đầu như tôi. Phần Tướng Kỳ thì không ngớt mời rủ dùng cơm, trà nước, rượu chè khai thác triệt để mối thâm giao và cảm tình bè bạn. Mặt khác ông cứ ngâm đơn từ chức không màng giải quyết. Rồi lại đến ngày Hội Nghị Thượng Ðỉnh Việt Mỹ ở Manila ngày 24 tháng 10 năm 1966. Những vấn đề then chốt của hội nghị là quân sự và kinh tế tài chánh. Ðương nhiên phải có mặt Tổng Trưởng Âu Trường Thanh là một trong những vị tổng Trưởng đã từ chức. Thoạt tiên Tướng Kỳ đề nghị tôi tham gia phái đoàn Việt Nam. Tôi một mực từ chối. Cuối cùng ông đành phải khai thật là sự có mặt của Âu Trường Thanh rất quan trọng nên ông yêu cầu tôi vì quyền lợi quốc gia thuyết phục Âu Trường Thanh chấp nhận tham dự phái đoàn. Dĩ nhiên Tướng Kỳ cũng đoán trước được tôi sẽ không từ chối lời yêu cầu của ông và ông tin rằng Âu Trường Thanh sẽ nghe tôi. Tôi sẵn lòng thỏa mãn đề nghi của Thủ Tướng vì quyền lợi quốc gia thật sự có ăn thua trong cuộc Hội Nghị Thượng Ðỉnh nầy. Tôi yêu cầu Âu Trường Thanh nên tham gia phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa đi phó hội, dĩ nhiên anh Thanh bằng lòng.
(còn tiếp)
Bàn tay nào gây đổ vỡ?

Sau cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Manila trở về, Tướng Nguyễn Cao Kỳ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tiếp tục gặp riêng từng vị bộ trưởng từ chức. Tôi không được biết nội dung và chi tiết về những cuộc gặp gỡ đó. Riêng phần tôi rất nhiều lần được Tướng Kỳ, thuyết phục, khuyên giải, và cả trách móc. Ðiều làm tôi khó nghĩ nhứt là ông nhân danh tình cảm sâu đậm mà ông và tôi dành cho nhau trong những ngày tháng qua, bây giờ tại sao tôi không thể vì mối cảm tình đó và sự nể nang nhau, bỏ qua những sai lầm nhỏ nhặt của người khác mà chính ông đã công nhận là sai. Nhưng rồi ông lại nói: “Xét cho cùng, không ai có thể thay thế được Tướng Loan trong giai đoạn hiện tại”. Còn tôi thì phản biện rằng Tướng Loan có công dẹp dược sự hỗn loạn ở miền Trung. Nhưng ông Loan tự cho mình là một công thần, nên hống hách, tự tiện hành động sai trái, gây bất ổn cho quốc gia. Vậy thì công của chúng ta cố gắng xây dựng một xã hội công bằng, một nhà nước pháp trị sẽ bị Tướng Loan dần dần phá tan. Bất cứ một chính quyền nào trên thế giới, có chế độ tự do dân chủ cũng phải cai trị bằng luật pháp phân minh. Không thể tự tiện áp dụng luật pháp theo ý riêng của mình.
Co một lúc tôi hỏi thẳng Tướng Nguyễn Cao Kỳ:
- Thủ tướng đang bao che cho bạn bè hay ông đang “cầm cân nẩy mực”, điều hành một một quốc gia vốn không thiếu những con người vô trách nhiệm, vô kỷ luật và kiêu binh?

Cứ thế, mỗi lần gặp Tướng Kỳ là chúng tôi khởi sự chuyện trò với những lời trao đổi rất tâm tình và luôn kết thúc bằng sự tranh cãi dựa trên lý trí, tạo ra những bất đồng ngày càng lớn hơn.
Trong thời gian đó, hai lần ông cố vấn chính trị Tòa Ðại Sứ Mỹ, Philipp Habib, mời tôi dùng cơm để thuyết phục tôi rút đơn từ chức và ngồi lại nội các, bởi vì ông nói:
- Ông phải tiếp tục tham gia nội các, vì ông là lương tri của chính phủ này, chúng tôi hứa nếu ông ở lại thì trong vòng 6 tháng nữa những vấn đề ông đặt ra sẽ được giải quyết thuận theo tâm nguyện của ông.

Habib còn nói thêm:
- Chúng tôi chỉ ủng hộ có bốn người trong nội các chiến tranh của ông.
- Bốn người đó là ai?
- Tôi không thể nêu tên được.
- Lịch sự của Tây Phương là không khi nào nói úp nói mở, có vẻ giấu diếm, nếu mình thấy không nói được thì không nên nói. Còn nói lưng chừng làm cho đối tác của mình thắc mắc nghĩ ngợi là bất lịch sự.

Habib đành buông lời than thở:
-Ông buộc tôi như vậy thì tôi đành phải nói, bốn vị đó là Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ðức Thắng, Âu Trường Thanh và Võ Long Triều.
- Cám ơn ông đã có lời nói tốt cho tôi nhưng dù sao tôi nghĩ vấn đề của Việt Nam phải được giải quyết theo cung cách của người Việt Nam, chứ không theo ý muốn của người Mỹ.

Tướng Kỳ cố tình kéo dài thời gian, “ngâm đơn” không giải quyết vì ông biết cách dùng tình cảm để làm tôi siêu lòng. Nhiều lần tôi có than với ông rằng giả sử như tôi có chấp nhận ngồi lại nội các thì chưa chắc những vị bộ trưởng khác sẽ bằng lòng nghe theo lời tôi khuyên. Tướng Kỳ biết rằng những vị tổng bộ trưởng đó kể cả Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên là do tôi giới thiệu vào nội các, ngoại trừ Luật Sư Trần Ngọc Liểng Bộ Trưởng Xã Hội, nên ông cứ đổ hết trách nhiệm vào đầu tôi. Ông dùng hết tình cảm để thuyết phục, ông đặt quyền lợi quốc gia lên đầu tôi để ép buộc. Cuối cùng tôi siêu lòng, vì nghĩ đến tình hình đất nước mới được ổn định, cần phải duy trì và vì nghĩ đến thái độ và tình cảm của Tướng Kỳ đối với tôi ngay từ những ngày đầu mới tiếp xúc với nhau cho đến bây giờ. Cả hai lý do đó thúc đẩy tôi nên ở lại. Nhưng chắc chắn tôi sẽ gặp khó khăn khi giải thích với những người đồng viện, khi phải yêu cầu họ chấp nhận tạm thời ở lại chức vụ của mình.

Ðối với ông Nguyễn Lưu Viên thì dễ nói vì tôi biết cụ Hương đã có viết thơ yêu cầu ông Viên không nên từ chức, cũng như cụ đã từng viết thơ yêu cầu tôi như vậy, Trương Văn Thuấn sợ phải thi hành quân dịch nên đã “đi cửa hậu” xin Tướng Kỳ cho ở lại bằng cách xin thủ tướng phê trên đơn từ chức riêng rẽ của anh là “không chấp nhận” thì anh ta sẽ ở lại. Việc này do người trong văn phòng thủ tướng báo cho tôi biết. Vì vậy mà tôi không cần phải giải thích nhiều, Thuấn mừng rỡ ở lại ngay. Ðối với Luật Sư Trần Ngọc Liểng và Tổng Trưởng Âu Trường Thanh cũng dễ thuyết phục, duy chỉ có Nguyễn Văn Trường là khăng khăng muốn ra đi cho khỏi mang tiếng là tham quyền cố vị, và tiếp tục hợp tác với một chính phủ xem thường luật pháp. Có lẽ anh nhạy cảm, bị chạm tự ái vì là người miền Nam và đã nghe những lời đe dọa phi lý của Tướng Loan nên anh bảo tôi cứ tự tiện ở lại xem tình hình ra sao còn anh thì dứt khoát ra đi. Bây giờ lại đến phiên tôi dùng tình bạn và lý lẽ chính trị để yêu cầu anh cùng với tôi ở lại. Khó khăn lắm tôi mới tạm thời dàn xếp ổn thỏa, nghĩa là đơn từ chức của chúng tôi Tướng Kỳ cứ “ngâm giấm” để đó, các vị tổng bộ trưởng tiếp tục tham gia nội các như thường.

Ðiều trớ trêu mà tôi được biết sau nầy là khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ đắc cử Phó Tổng Thống, Trương Văn Thuấn sợ bị đi quân dịch nên nhiều lần xin được làm “công cán ủy viên” cho phó tổng thống nhưng Tướng Kỳ không chịu tiếp kiến anh và cũng không trả lời khước từ. Có lẽ Tướng Kỳ không giấu giếm ý nghĩ của ông là không thích Trương Văn Thuấn nên nhiều người khác cũng biết được điều đó.

Chúng tôi chấp nhận ở lại tiếp tục tham gia nội các nhưng tinh thần chưa được ổn định, tâm trí còn hoang mang tự hỏi việc gì còn có thể xảy ra nữa? Và tương lai Tướng Loan sẽ còn gây điều gì bất lợi cho chúng tôi hay không? Mặc dù Tướng Kỳ nhiều lần bảo đảm với tôi không cho phép Nguyễn Ngọc Loan hành động bừa bãi nữa, 3 ngày sau vào một buổi chiều, tôi cảm thấy lòng buồn bực nên sang văn phòng Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Văn Trường, mục đích là để xoa dịu cảm giác khó chịu của anh vì phải tạm thời ở lại nội các do sự yêu cầu của tôi, và cũng để tìm sự lắng dịu tâm lý của bản thân mình. Dĩ nhiên câu chuyện từ chức và ở lại nội các là đề tài bàn thảo vu vơ, chúng tôi chuyện trò chưa được bao lâu thì ông chánh văn phòng của Trường xin vào, tay cầm tập hồ sơ, ông trình cho Nguyễn Văn Trường, miệng xì xào to nhỏ, thỉnh thoảng lại liếc sang tôi. Thái độ giấu diếm ra vẻ bí mật không đúng lúc. Nếu là bí mật thì nên đợi tôi ra về, nếu là việc bình thường thì cứ đưa hồ sơ trình rồi lui ra. Tại sao có thái độ kỳ lạ như vậy? Tôi lộ vẻ bực tức ra mặt, lớn tiếng hỏi:
- Việc gì mà bí mật dữ vậy? Các anh có muốn tôi ra về ngay để tiện việc trình báo không?

Anh Trường nhanh miệng nói:
- Có gì đâu, bài điểm báo ấy mà.
- Ðưa moa xem.

Anh Trường đưa ngay bài báo cho tôi và khoát tay ra hiệu cho nhân viên mình lui ra. Nội dung bài báo phê bình các tổng trưởng đã từ chức với lời lẽ nặng nề không thể chấp nhận được. Tôi còn nhớ rõ câu nói đó của ký giả lấy bút hiệu là Thanh Nghị viết : “Bọn trí thức miền Nam là một bọn hèn hạ, tham quyền cố vị, đã giả vờ từ chức để áp lực thiếu tướng chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương rồi lại nài nỉ xin ở lại. Bọn đó chỉ đáng làm tôi tớ đi đổ ống nhổ cho nhà ông mà thôi chứ có xứng đáng gì mà ngồi ở ghế tổng, bộ trưởng!” Bài viết đăng trên một tờ báo do Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia tài trợ. Tôi nóng bừng mặt, cơn giận sôi lên, tôi chụp ống điện thoại đường dây trắng trên bàn của Nguyễn Văn Trường, bên kia vọng nói ồ ề của Tướng Kỳ:
- Anh Trường đấy à?
- Không phải, tôi Triều đây?
- Việc gì mà phải hội họp nhau bên đấy?
- Không việc gì cả, nhưng tôi mới vừa đọc một bài báo tại văn phòng của anh Trường đây, thiếu tướng có xem bài báo đó chưa?
- Tôi đâu có thời giờ rỗi rảnh đâu mà xem những bài báo lăng nhăng trên những trang lá cải đó.
- Tờ lá cải này là của cảnh sát tài trợ, anh biết rõ hơn ai hết. Người ta chửi chúng tôi là bọn trí thức miền Nam hèn hạ, tôi đọc cho anh nghe đây.

Tôi dọc hết bài báo cho Tướng Kỳ nghe. Ông giận dữ phản ứng liền:
- Ð. M. thằng khốn kiếp, nó thọc gậy vào bánh xe của rồi. Toa yên trí, moa ra lệnh ngày mai đóng của ngay tờ báo và “nhúp” (bắt giam theo tiếng lóng) thằng ký giả này liền. Tụi toa không nên bực tức, hãy bỏ qua những chuyện lặt vặt đó do các thằng “ngất ngơ” phá hoại. Tụi mình làm việc với nhau chớ đâu có liên hệ gì với mấy thằng “ngất ngơ” đó? Moa còn ngồi đây là không thằng nào làm gì được các anh đâu.
- Tôi ghi nhận thiện chí và sự hiểu biết của anh. Nhưng đồng thời tôi cũng ghi nhận sự cố tình gây chia rẽ của bọn đàn em của anh. Những người vô ý thức đó có quyền hành hay ít nhứt cũng là dựa quyền ỷ thế vào anh. Vì vậy tốt hơn hết là anh coi như đơn từ chức của chúng tôi vẫn giữ nguyên giá trị, không có một sự nhún nhường thỏa thuận nào đã xảy ra cả. Chúng tôi cũng đoán trước được sẽ có chuyện bất ổn xảy ra trong tương lai nhưng tôi lại không ngờ nó đến mau như vậy.
- Toa lên phủ gặp moa liền đi.
- Vô ích thôi, tôi nghĩ chắc anh cũng hiểu rằng chúng ta không còn gì để bàn thảo với nhau nữa và cũng không còn gì để dàn xếp bởi vì cái nền tảng anh tạo dựng để nâng đỡ nội các chiến tranh của anh nó đã hư hỏng từ trong ruột, trong cốt rồi. Vậy chúng tôi chờ quyết định của anh để bàn giao chức vụ càng sớm càng tốt cho người kế nhiệm.

Liền sau đó anh Nguyễn Văn Trường cười nhẹ nhõm còn tôi thì thông báo cho năm anh em khác biết quyết định phải từ chức. Nguyễn Lưu Viên và Trương Văn Thuấn không phản đối tôi, và cũng không có y kiến vì họ đã có thỏa thuận trước với Tướng Kỳ là sẽ ở lại rồi. Tổng Trưởng Lao Ðộng Nguyễn Hữu Hùng thuận theo Nguyễn Lưu Viên ở lại vì hai người đã từng tham gia nội các của Trần Văn Hương. Việc từ chức này tôi thuật lại sự thật với lý do và chi tiết đầy đủ. Ða số những vị đồng ký tên trong đơn từ chức hiện còn sống và định cư tại Mỹ ngoại trừ ông Âu Trường Thanh đang sống ở Pháp.

Ngày hôm sau tôi vào Bộ Thanh Niên thông báo cho nhân viên văn phòng chuẩn bị bàn giao. Những anh chị em nào trong văn phòng muốn xin tái bổ nhiệm vào cơ quan nào của chính phủ, tôi sẵn lòng can thiệp cho được thỏa mãn.

Trưa hôm đó thủ tướng gọi tôi lên văn phòng của ông. Lại một cuộc đối thoại dài vô bổ và không có kết quả. Cuối cùng Tướng Kỳ đề nghị:
- Nếu toa cứ khăng khăng quyết định như vậy, thôi thì moa đề nghị toa nhận chức Ðại Sứ ở Luân Ðôn kiêm luôn Bruxelle, xứ Belgique nhỏ bé lân cận.
- Tôi không ngờ anh lại xem thường tôi đến thế. Tôi không phải là hạng người “được làm vua thua làm đại sứ” như tiếng đời mỉa mai và người ta thường thấy đã xẩy ra ở đất nước này. Anh sợ tôi còn ở lại Việt Nam là còn tạo sự bất mãn, khuyến khích sự chống đối anh chớ gì?

Tướng Kỳ lộ vẽ tức giận ra mặt nhưng ông cố giữ bình tĩnh cười mỉa mai, chấp tay ngồi dựa vào ghế bành, lắc lư đưa tới đưa lui, chậm rãi nói:
- Ðược rồi, chính phủ sẽ giao cho cậu một chức vụ vô cùng quan trọng, cách Saigon 15 cây số”.

Rồi ông phá lên cười.

Câu nói đó của Tướng Kỳ công khai ám chỉ ông sẽ cho tôi vào trường Võ Bị Thủ Ðức. Ðến lượt tôi nổi khùng, lớn tiếng thách thức ông đủ điều, khẳng định tôi biết trước sẽ phải thi hành quân dịch, điều mà tôi không sợ, không tránh, nên mới cãi lời cha anh, hồi hương từ Pháp trở về Việt Nam trong tuổi quân dịch. Ðáng lẽ ra tôi đã đi lính từ lâu rồi. Tôi không chủ trương trốn lính nên tôi mới từ chức. Tự ái bị chạm, cộng với tính nóng nải của tuổi thanh niên, tôi văng tục với thủ tướng, nhưng tình thân thiện và sự nể nang giữa hai chúng tôi không biến những lời lẽ hồ đồ của tôi thành sự mích lòng để vĩnh viễn đố kỵ nhau.

Cuối cùng tôi chia tay Tướng Kỳ bằng câu nói:
- Tình bạn giữa chúng ta tôi biết phân biệt và giữ trọn. Việc quốc gia anh và tôi có bất đồng trầm trọng do những vụ việc đã xảy ra. Dù sao tôi cũng cám ơn và kính phục anh đã dám mời tôi hợp tác dù tôi đã ra mặt chống đối anh từ khi gặp gỡ lần đầu.

Thiếu Tướng Kỳ không nói không rằng, cúi mặt dòm xuống đưa tay ra bắt tay tôi một cách buồn bã.Tôi tiếp tục giải quyết công việc thường xuyên của bộ nhưng không lấy một sáng kiến hay quyết định nào mới. Các vị đồng nghiệp khác chắc cũng làm như tôi. Trong khi đó thì Tướng Kỳ cứ kéo dài để tìm người thay thế, hoặc ông đã có sẵn giải pháp rồi mà còn hy vọng làm tiêu hao ý chí, cố tình chờ biết đâu sẽ có một vài người suy nghĩ lại. Tình trạng lưng chừng không thể làm việc một cách nghiêm chỉnh được, nên tôi quyết định viết một văn thư thông báo với thủ tướng là kể từ ngày mai tôi không vào bộ, không giải quyết công việc thường xuyên và cũng không chịu trách nhiệm về những việc của Bộ Thanh Niên nữa. Vài ngày sau thủ tướng bổ nhiệm Ðại Tá Hồ Văn Di Hinh vào chức vụ tổng trưởng thanh niên, Nguyễn Kiển Thiện Ân Tổng Trưởng Thương Mại, Bác Sĩ Nguyễn Văn Thơ Tổng Trưởng Giáo Dục, ông Nguyễn Xuân Phong Tổng Trưởng Xã Hội.

(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét