TÔI PHẢI SỐNG (11)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Vùng bóng đen
Lúc bấy giờ vì thời cuộc đổi thay và cuộc sống có nhiều áp lực từ mọi phía nên tôi rất buồn phiền. Trong vai trờ một cha sở, một mặt tôi lo chỉnh đốn lại đời sống của họ đạo sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, mặt khác tôi phải thường xuyên đương đầu với những vấn đề do một chính quyền vô thần gây nên. Tôi cố sống nhẫn nhục chờ cho cơn sốt thời cuộc qua đi và tôi có thể sống yên thân để phục vụ giáo dân vùng này được bền lâu. Ngoài các việc bổn phận trong họ đạo, lúc rảnh rỗi tôi tìm cách giải sầu bằng hai việc, câu cá và học đàn Vọng Cổ.
Tôi mê câu cá ngay từ nhỏ, bởi tôi được sinh ra và lớn lên ở ruộng đồng có nhiều sông rạch và tôm cá ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi khi cầm cần câu trong tay ngồi bên bờ sông là tôi quên hết sự đời. Nếu được ngồi trên chiếc thuyền đang thả neo giữa dòng sông rộng mênh mông thì không còn gì thú vị hơn.
Vùng tôi ở lúc đó là vùng nước lợ, có rất nhiều tôm cá, nhất là cá ngát là loại cá không vảy và có ba gai, hai cái ở hai bên mang và một ở giữa lưng. Nếu ai vô ý bị cá ngát đâm phải thì chỉ còn nước ngồi đó mà kêu trời. Có lần chính tôi là một nạn nhân bị gai cá ngát đâm vào ngón tay, nọc độc trong gai cá hành tôi rất đau nhức và lên cơn sốt suốt một ngày, cánh tay bị cá đâm sưng to lên gần bằng bắp đùi!
Những lần câu được nhiều cá tôi phải mang tới cho giáo dân và bà con trong vùng. Nói chung, câu cá là thú giải trí thanh tao và vô thưởng vô phạt, dù vậy có lần tôi suýt bị rắc rối vì câu cá.
Một hôm tôi đang ngồi trên chiếc tam bản, tiếng miền Bắc gọi là thuyền, thả neo dưới bến nhà thờ để câu cá, có một người cán bộ lạ mặt đội mũ tai bèo khăn rằn quấn cổ chèo ghe cập vào hỏi:
- Anh là ai và ngồi làm gì ở đây?
Tôi lấy làm lạ vì câu hỏi đó, nhưng trả lời:
- Tôi là cha sở nhà thờ La Mã, tôi đang câu cá.
Anh cán bộ hỏi tiếp:
- Anh câu cá mà cần câu anh đâu?
Tôi ngạc nhiên quá, hay anh này muốn giỡn chơi, nhưng cách anh ta nói rất nghiêm túc, vả lại anh này là người tôi mới gặp lần đầu thì làm gì có chuyện đùa giỡn . Tôi trả lời:
- Anh hỏi gì vậy! Thì tôi đang cầm cần câu đây anh không thấy à?
Người lạ mặt lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn trừng trừng vào cần câu máy tôi đang cầm trong tay, anh chỉ cần câu và hỏi:
- Cái loại máy có cần ăn-ten và ''dây trời'' này có kêu được máy bay B52 không?
Tôi ném cần câu lên thuyền ngạc nhiên kêu lên:
- Anh nói cái gì? Cái gì mà có... B52 trong này?
Anh cán bộ đứng lặng thinh tỏ vẻ nghi ngờ làm tôi biết ngay là anh ta chưa bao giờ có dịp trông thấy cái mà người ta gọi là“cần câu máy”. Thực ra nó chỉ là cái trục để quấn dây cước vào và thả dây cước ra bên trong những cái khoen bằng sắt chạy dài theo cần câu khá dài bằng chất nhựa dẻo để thả xuống sông câu cá.
Biết như vậy tôi vội quay nhanh dây cước lên chỉ cho anh thấy ở cuối đầu dây có cục chì và lưỡi câu móc vào lưng con tôm đang quơ râu quơ càng dùng làm mồi câu cá ngát! Chừng đó anh mới tin là cái mà tôi đang cầm trong tay không phải là cây ăn-ten của một loại máy truyền tin hiện đại có thể gọi... B52! Cũng may là anh hỏi trực tiếp tôi, nếu anh âm thầm báo cáo loại... máy này lên cấp trên và nói tôi có dụng cụ gọi pháo dài bay B52 chắc là đời tôi đã khốn nạn sớm hơn rồi!
Thú giải trí thứ hai của tôi là học đàn Vọng Cổ. Lúc đó ở gần nhà thờ có một thanh niên ngoại giáo mù mắt tên là Tám Chánh. Tuy không có đạo nhưng anh hay tới nhà thờ chơi. Anh Tám Chánh có biệt tài đàn Vọng Cổ rất hay và anh dạy cho nhiều người, nhưng chỉ dạy văn nghệ thôi chứ không lấy tiền.
Tôi thường mời anh tới nhà xứ chơi để đàn hát và dạy tôi đánh đàn cổ nhạc, lâu ngày rồi hai người thân nhau. Tám Chánh rất vui tánh, thích tìm hiểu và hỏi tôi về nhiều chuyện, từ chính trị, tôn giáo, xã hội... Nhớ có lần anh hỏi một câu làm tôi quá cảm động. Lúc đó tôi có nuôi một con chó Bắc Kinh nhỏ, tên là chó His. Lần nào tới chơi anh Tám Chánh cũng ôm nựng chó His vì nó rất hiền và dễ thương, có lần vừa vuốt lưng chó His anh hỏi tôi:
- Chó His màu gì hả cha?
Tôi đáp:
- Màu trắng có đốm màu vàng.
Anh suy nghĩ một lúc hỏi tiếp
- Màu vàng là thế nào hả cha?
Bỗng nhiên tôi tấy tắt nghẹn ở cổ khi thương cho hoàn cảnh người bạn tật nguyền không thấy được màu sắc là vẽ đẹp của cuộc đời. Thấy tôi yên lặng anh hỏi tiếp.
- Cha, nói cho con nghe đi, màu vàng ra sao?
Tôi cố trả lời tiếng được tiếng mất.
- Tôi không giải thích được anh Tám ạ!
Vừa nói tôi vừa chớp nhanh mí mắt.
Tình bạn chúng tôi càng ngày càng sâu đậm và anh Chánh tận tình chỉ dạy tôi các “ngón” đàn, tức là kỹ thuật chơi đàn vọng cổ. Có lần tôi hỏi:
- Anh Tám này, sao tiếng đàn của anh nghe não nề! Hay quá là hay, còn tôi đánh đàn như cứ nghe rầm rầm như tiếng vỗ thùng thiếc, tập hoài hổng được?
Anh Tám trả lời một câu làm tôi nín lặng:
- Muốn có tiếng đàn như con, cha phải móc hai mắt của cha liệng đi.
Thì ra người bạn mù của tôi đã gửi hết tâm tư u buồn của kiếp người bất hạnh vào tiếng đàn của mình.
Có những lần tôi tới nhà thăm anh, trong lúc mọi người đi vắng, anh Tám Chánh ngồi đánh đàn một mình các say sưa không biết có tôi đứng bên. Lúc đó tôi bất giác nói một mình:” Anh Tám nói đúng, người có đôi mắt sáng không thể nào có được tiếng đàn này!”
Tôi rất thích thể điệu âm nhạc Vọng Cổ, và sau này tôi cũng biết đa số các người miền Nam cũng đều thích như tôi. Nhất là khi anh Tám Chánh đã dạy tôi đánh đàn vọng cổ và chơi được chút ít thì càng say mê hơn.
Nhớ lại thời gian đó có đôi ba lần tôi cũng đi đào đất làm thủy lợi chung với bà con trong vùng. Vì đi đào thủy lợi khá xa trong mấy ngày liền nên chúng tôi mang gạo theo nấu cơm. Ban ngày đào đất, ban đêm tôi và một số thanh niên tập trung tại sân nhà một người dân nào đó trong vùng để nấu ăn và sau đó ngồi quây quần nhau đàn hát những bài ca vọng cổ trước lúc đi ngủ. Nếu đêm đó có trăng nữa thì càng nên thơ!
Khổ nỗi, tôi thích vọng cổ mà lại không biết hát, mặc dù vậy nghe những người hát Vọng Cổ thật mùi có chỗ làm tôi rưng rưng nước mắt. Có mấy người chọc tôi là “mít ướt”, nghĩa là dễ khóc, nhưng không hiểu sao khi nghe một vài bài Vọng Cổ thương tâm tôi không cầm lòng được.
Lúc tôi mới về đó vào tháng 7 năm 1975, là lúc mà cơn sốt thời cuộc lên cao ngất từng mây.
Có lần, tôi đi xe gắn máy từ Bến Tre về họ đạo, khi gần tới nhà bị mấy anh du kích chặn trên đường. Một anh mang súng AK, đội mũ tai bèo, khăn rằn quấn cổ, bước tới giật lấy cái mũ lưỡi trai tôi đang đội ném xuống đất, giận dữ quát:
- Tới lúc này mà anh còn đội kết thằng Kỳ à?
Tôi chẳng hiểu anh ta muốn nói gì, nên hỏi lại:
- Anh nói gì tôi không hiểu! Đây là kết của tôi mua chứ của thằng Kỳ nào?
Anh du kích bực mình, chỉ vào mặt tôi đe dọa:
- Đây là loại kết đồi trụy của thằng Nguyễn Cao Kỳ nó đội anh hiểu chưa? Bộ anh muốn bắt chước thằng Kỳ hả?
Tôi chợt hiểu ra vì ông Nguyễn Cao Kỳ có lần đội kết đen giống như vậy, nên cái loại kết đó đương nhiên trở thành đồi trụy! Tôi chẳng hỏi thêm gì, chỉ đứng yên một cách ngán ngẩm cho anh du kích mắng nhiếc một hồi và cho tôi đi. Lúc nổ máy xe chạy rồi, tôi mới mỉm cười nghĩ là mất cái kết đen vẫn còn may mắn. Nếu anh du kích nói cái quần tôi đang mặc là loại quần... ”thằng Kỳ”, chắc là hôm đó tôi gặp chuyện ngượng ngùng chết người!
Nhưng cơn sốt thời cuộc trong vùng La Mã sau đợt học tập “đóng nghĩa vụ”, nó lại trở thành cơn giá băng. Đợt học tập đóng thuế, nhưng được gọi cái tên đẹp là “đóng nghĩa vu’’này, được tổ chức ngay trong một lớp của trường học họ đạo của tôi. Sau đợt học tập, mỗi gia đình được “cách mạng” giao chỉ tiêu đóng thuế cắt cổ. Cơn sốt thời cuộc trong vùng tôi, ngày hôm đó, vụt xẹp đi như bánh xe cán đinh.
Có rất nhiều gia đình cách mạng quá phẫn uất, chửi rủa tùm lum vì cái chỉ tiêu “đóng nghĩa vụ” chóng mặt vừa mới được cách mạng ban cho, căn cứ theo số ruộng vườn đang canh tác. Có mấy bà “mẹ chiến sĩ ” đã lớn tuổi, bực quá chửi thẳng, theo cái kiểu người ta thường ví: “trâu già không sợ dao phay”. Có bà phùng mang, trợn má chửi giữa đám đông ai nghe thì nghe: “Đéo mẹ chúng bây! Nếu tao biết nông nỗi này thì ngày trước tao đấm đách có thèm mà chứa chấp tụi bây trong nhà tao”!
Sau đó tôi biết, bà con bực thì chửi cho hả hơi còn “nghĩa vụ” thì vẫn phải đóng đủ. Vì đóng thuế không đủ “cách mạng” sẽ có biện pháp khác, và không ai muốn rơi vào biện pháp đó.
Tình trạng giữa tôi và chánh quyền địa phương càng ngày càng trở nên căng thẳng. Do đó, tôi biết sự có mặt của tôi lúc bấy giờ là một chướng ngại và là cái gai trong con mắt của nhiều người, ngay cả những người có mặt trong họ đạo trước tôi.
Sau gần một năm, tôi cảm thấy không thể sống và làm việc hữu hiệu tại giáo xứ. Hơn nữa, mẹ già đang đau nặng nên tôi trình bày với Giám mục và được chấp thuận. Tôi được lệnh bàn giao họ đạo lại cho cha Quang, cha sở họ đạo Cái Bông để về nhà lo lắng cho mẹ. Cha Quang là anh của cha Thạnh, người bạn Linh mục thân nhất của tôi lúc bấy giờ đang làm cha sở họ đạo Quới Sơn cũng thuộc tỉnh Bến Tre.
Thạnh và tôi cùng tuổi. Chúng tôi chơi thân ngay từ những năm còn học ở Tiểu Chủng-viện Vĩnh Long. Năm 1963 chúng tôi lên Sài Gòn và học chung lớp trong bảy năm tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, số 6 đường Cường Để. Đại Chủng viện Thánh Giuse là chủng viện miền, đào tạo linh mục cho 7 địa phận miền Nam, vì lúc bấy giờ các địa phận, tiếng miền Bắc là giáo phận, chưa có đại chủng-viện riêng.
Sau khi mãn khóa, Thạnh và tôi cùng được thụ phong Linh mục vào năm 1970, và cả hai về làm việc tại địa phận Vĩnh Long vì chúng tôi thuộc về địa phận này.
Về địa dư, địa phận Vĩnh Long bao gồm bốn tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Sa Đéc với khoảng trên dưới 150.000 giáo dân. Thạnh được bổ nhiệm làm cha phó Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long, còn tôi làm phó xứ Sa Đéc, cách nhau 30 cây số. Thỉnh thoảng chúng tôi tới lui thăm nhau và tình bạn càng thêm thắm thiết. Tuy là đôi bạn thân, nhưng cuộc đời của Thạnh và tôi rất khác biệt nhau.
Thạnh có cuộc sống trầm lặng, tánh tình hòa dịu và vóc dáng ốm yếu. Tuy thế cuộc đời ưu đãi anh về nhiều phương diện. Sau hai năm làm cha phó Nhà thờ Chánh tòa, Thạnh được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Quới Sơn, gần cầu bắc Rạch Miễu, trong tỉnh Bến Tre vào đầu năm 1973.
Khi cộng-sản chiếm miền Nam, Thạnh vẫn đang ở đó. Tôi nghĩ là Thạnh sẽ còn ở Quới Sơn lâu dài, vì từ ngày chiếm được miền Nam, nhà nước cộng-sản đã trắng trợn can thiệp vào nội bộ các tôn giáo, không cho các Giám mục được quyền thuyên chuyển các Linh mục. Muốn đổi một Linh mục nào phải có sự đồng ý của chánh quyền, nói chung là ai đang ở đâu cứ ở đó. Phần tôi khác hẳn với Thạnh, cuộc sống tôi đầy thăng trầm và nhiều biến động. Đúng là số kiếp của mỗi con người. Dù ai không muốn tin cũng phải tin rằng ở trên đời mỗi người đều có một cái số mà văn hào Nguyễn Du đã nói lên từ lâu:
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao."
Điều thật trớ trêu, sau khi bàn giao họ đạo xong, chánh quyền sở tại, xã Hiệp Hưng, lại không cấp giấy đi đường. Họ không cho tôi rời khỏi xã, lấy lý do là sau khi bầu cử Quốc Hội khóa 6, có lệnh không cho ai rời khỏi địa điểm cư trú. Tôi hiểu ngay việc gì sẽ xảy ra cho tôi sau lời giải thích này và tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hôm sau, tôi trở lại Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Hưng để xin giấy đi đường một lần nữa để về quê thăm má tôi đang đau nặng. Qua thái độ cứng rắn quyết liệt của tôi, họ đã buộc lòng phải cấp cho tôi giấp phép đi đường trong 3 ngày.
Quê tôi ở tỉnh Vĩnh Long, cách Bến Tre hơn trăm cây số và phải qua 2 lần bắc, tiếng miền Bắc gọi là phà, bắc Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Bến Tre - Mỹ Tho và bắc Mỹ Thuận trên đường từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây.
TÔI PHẢI
SỐNG (12)
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Bút Ký của Lm. Nguyễn Hữu Lễ
Tung hỏa
mù
Tù nhân
trong trại Gia Ray bắt đầu xôn xao, bàn ra tán vào về nguồn tin đó. Các “nhà
bình luận thời cuộc” lại có dịp bày tỏ sự hiểu biết của mình về lý do tại sao
phải chuyển trại. Tại sao lại đưa về Đồng Tháp mà không thể đưa đi nơi khác? Và
ở đó sẽ ra sao? Sau khi bàn đi tán lại đủ điều, họ đưa ra câu kết luận là:“Rất
tốt!”
Lúc mới vừa
bị dồn lên trong trại này, chúng tôi ai cũng lo ngại sẽ bị đưa ra Bắc. Hai tiếng
“ra Bắc” là hai tiếng cấm kỵ. Trong tù ai cũng sợ, cũng kiêng, không ai dám nhắc
tới nó. Hai tiếng “ra Bắc” đồng nghĩa với ba tiếng “đến tử địa” nên không ai
dám nghĩ là mình sẽ rơi vào trường hợp ra Bắc. Chúng tôi không muốn nhắc tới
hai tiếng đó, mặc dù lúc nào nó cũng tiềm ẩn ở một nơi nào đó trong lòng của từng
người tù chúng tôi.
Bây
giờ có tin đi Đồng Tháp, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nỗi lo canh cánh bên lòng
bây giờ được giải tỏa, như vừa trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Ở Đồng Tháp có
điều gì hay thì chưa biết nhưng mọi người đều hân hoan với viễn ảnh là đến đó
thì được tha hồ mà dùng nước! Vì Đồng Tháp là vùng sông ngòi, trong khi ở Gia
Ray này, một giọt nước quý như một giọt máu. Chúng tôi vui mừng hớn hở và yên
tâm chờ đợi ngày được đi Đồng Tháp. Một viễn ảnh tốt đẹp cho kiếp tù đang le
lói trong lòng của hơn ngàn tù nhân trong trại lúc bấy giờ.
Vào một
buổi trưa Chúa Nhật của tuần lễ đầu tháng Tư, có một anh Công giáo trong đội
nhà bếp tới gặp tôi để xưng tội. Sau đó anh kéo tôi ra gần bờ rào trại để nói
chuyện riêng. Anh nói với tôi:“Con báo cho Cậu Bảy biết, qua tuần tới, tức là
sau lễ Phục Sinh sẽ có một đợt chuyển tù ra Bắc, trong số đó có tên Cậu Bảy.
Xin cậu hãy giữ kín chuyện này vì nếu tiết lộ con sẽ bị nguy hiểm. Con xin cậu
cũng đừng hỏi tại sao con biết việc này, cậu chỉ biết là không phải con làm việc
cho tụi nó đâu.” Anh bạn nói với tôi với tất cả sự xác tín. Tôi biết đây là một
hung tin, nhưng tôi vẫn hy vọng biết đâu tin này không chính xác. Trong lúc đó,
hàng ngày anh em vẫn bàn tán sôi nổi về việc đi Đồng Tháp. Riêng tôi được biết
tin bí mật này, nhưng vì tính cách nghiêm trọng của nó và vì lời hứa, tôi phải
giữ kín, không hề hở môi ra cho bất cứ ai. Lúc đó đội tôi vẫn đi làm lao động
bên ngoài, khai hoang, dọn đất cho các đội trồng rau xanh.
Những
ngày sau đó đầu óc tôi lúc nào cũng hoang mang lo lắng về tin ra Bắc mà tôi được
biết. Bắt đầu từ Thứ Hai sau lễ Phục Sinh, ngày nào tôi cũng hồi hộp và chờ đợi
coi có động tĩnh gì không. Nỗi khổ tâm của tôi lúc bấy giờ là không thể tiết lộ
với ai. Trong khi đó hàng đêm, sau khi vào buồng, anh em ngồi tụm năm tụm ba
bàn tán về cuộc chuyển trại về Đồng Tháp sắp tới. Điều này càng làm cho tôi khốn
khổ hơn, vì biết được một việc có liên quan tới số phận của quá nhiều người,
nhưng vì lời hứa, tôi không thể nào tiết lộ được.
Ngày
thứ Hai trôi qua, không có gì xảy ra, rồi ngày thứ Ba...và các ngày tiếp theo
trong tuần, ngày nào tôi cũng hồi hộp chờ đợi nhưng vẫn không thấy gì. Tới sáng
ngày thứ Bảy vẫn lặng yên như tờ. Tôi rất vui trong lòng vì biết là nguồn tin
anh bạn nhà bếp nói không đúng sự thật. Tôi không trách anh ấy, vì trong tù các
tin đồn, tù nói tội nghe vẫn là chuyện thường xảy ra. Vả lại tin anh ta báo “ra
Bắc” mà không đúng sự thật là một hồng ân đối với tôi rồi. Xế trưa thứ Bảy,
chúng tôi cũng xếp hàng, báo số đi lao động buổi chiều như thường lệ. Trong lúc
lao động, tôi cảm thấy thật hân hoan vì anh bạn nói chắc chắn là nội trong tuần
này sẽ có đợt chuyển tù ra Bắc, mà lại có tên tôi trong danh sách, thế mà bây
giờ là chiều thứ Bảy rồi, tôi còn gì phải lo nữa?
Sau
giờ lao động, lúc đó quãng 5 giờ chiều, đội chúng tôi xếp thành hàng 4 trở về
trại như thường lệ. Trên đường về trại, tôi thở phào nhẹ nhõm. Một nỗi vui xâm
chiếm lấy tôi, một nỗi vui rất lớn mà ít khi nào tôi có được tâm trạng đó. Lòng
tôi sung sướng hân hoan trong lúc chân đang đều bước trong hàng trên đường về
trại. Tôi nhớ tới ngày mai với một viễn ảnh tươi đẹp. Ngày Chủ Nhật sẽ nghỉ
ngơi và thăm viếng, tiếp xúc với anh em, bạn bè.
Suốt tuần
qua tôi bị tin “ra Bắc” ám ảnh và dày vò. Lúc nào tôi cũng mệt nhọc như đang
đeo gánh nặng hàng trăm cân trên người. Cũng may thời gian lo lắng chỉ có một
tuần, nếu tình trạng này kéo dài hơn, chắc tôi sẽ ra nghĩa địa trước khi ra Bắc
(nếu có!). Chiều nay tôi mới thực sự thoải mái! Tôi ngước đầu lên nhìn bầu trời
xanh và hít một hơi thật dài trong tư thế của một người vừa có niềm vui lớn. Niềm
vui của người vừa thoát qua một tai nạn, một tai nạn có thể kết liễu đời mình.
Khi cúi đầu
xuống, chợt tôi thấy từ đàng xa, trên con đường vào trại từ hướng ngã ba Ông Đồn
có một cái gì rất lạ! Sau khi định thần nhìn kỹ, tôi thấy một đoàn xe tải quân
đội đang chạy nối đuôi nhau làm tung lên đám bụi mịt mù trên con đường đất đỏ
hướng vào trại. Tôi chới với gần như ngộp thở khi thấy cảnh này! Thì ra những
gì tôi đã hồi hộp lo lắng cả tuần nay, bây giờ đã tới. Nó tới vào lúc tôi không
ngờ nhất. Trong khi đó, thật vô cùng trớ trêu, một số người trong đội tôi vỗ
tay vui mừng, vì nghĩ rằng đoàn xe mà họ chờ đợi từ lâu để đưa họ đi Đồng Tháp,
bây giờ mới tới!
Khi chúng
tôi vừa nhập trại, chưa kịp lấy thức ăn, nước uống thì có tiếng kẻng tập họp bất
thường. Toàn thể tù nhân tập trung ra giữa sân trại cho ban giám thị nói chuyện.
Chỉ cần thấy đoàn xe tải đang đậu dọc theo sân, ai cũng đoán biết là sắp có cuộc
chuyển trại, và phải là đi Đồng Tháp! Sau khi tập trung chỉnh tề, ông trại trưởng
cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo và vì trại này quá đông,
do đó không thể lo lắng đầy đủ được cho tất cả mọi người, nên một số sẽ được
chuyển đến một nơi mà điều kiện nước nôi rất thoải mái. Cuộc chuyển trại chia
làm nhiều đợt và đợt đầu sẽ là các anh có tên trong danh sách. Sau đó cán bộ đọc
một danh sách 350 người, trong đó có tên tôi.
Lúc giải
tán về các buồng, ai cũng nghĩ là sẽ đi Đồng Tháp nên rất vui mừng. Cả trại nhốn
nháo và lộn xộn không tả được. Anh em từ giã nhau, các nhóm sinh hoạt chung thì
chia chác đồ ăn, thức uống hoặc đồ dùng. Một số người cảm thấy thiệt thòi vì
chưa được đi “Đồng Tháp” trong đợt đầu, vì ở đó có nước máy theo lời cán bộ trại
trưởng nói.
Lúc
bấy giờ sự việc đã tới và không cần giữ bí mật nữa, tôi nói với anh em là số tù
này bị chuyển ra Bắc, nhưng không mấy người tin vào lời tôi nói. Có người còn
cho là tôi cố ý hù dọa anh em, họ gọi tôi la người nằm mơ giữa ban ngày. Đêm
hôm đó, cán bộ võ trang tuần canh bên ngoài nghiêm nhặt bằng mấy lần ngày thường.
Sở dĩ tôi biết, vì suốt đêm đó anh bạn thân của tôi là Phạm Thế Khải và tôi thức
trắng đêm, chờ một cơ hội thuận tiện.
Con đường
vô định
Qua ngày
Chủ Nhật hôm sau, những người trong danh sách chuyển trại được cấp phát mỗi người
một bao tải loại lớn nhất để chứa đồ đạc, áo quần, chăn màn nhưng không được đựng
thức ăn và chai lọ. Sau khi cho đồ vào bao và cột miệng thật chặt, mỗi người được
phát hai cái thẻ có mang số giống nhau. Một thẻ cột vào miệng bao và thẻ kia giữ
trong người. Lúc đi đường mỗi người được mang theo một túi xách nhỏ đựng những
thứ lặt vặt cần dùng. Suốt ngày Chủ Nhật hôm ấy, chúng tôi bận rộn thu dọn đồ đạc.
Ai vô bao xong, mang để trên hội trường.
Tới
chiều tối chúng tôi được lệnh lên mấy chục xe đang đợi sẵn. Sau khi lên xe,
chúng tôi bị còng tay từng đôi một, các tấm bạt che hai bên hông xe được hạ xuống,
cài lại cẩn thận và chúng tôi không còn thấy được gì bên ngoài. Khi xe chuyển
bánh rời trại thì trời đã tối hẳn, tôi đoán phải là mười giờ đêm, bên ngoài tối
đen như mực.
Mặc dù bị
nhốt trong xe bít bùng, nhưng theo hướng xe chạy chúng tôi cũng biết là đang đi
về hướng Sài Gòn. Một số người trên xe vui mừng hí hửng, luôn mồm phát biểu:“Rõ
ràng là xe đang hướng về Đồng Tháp, mình nói có sai đâu!” Xe chạy một thời gian
khá lâu thì dừng lại. Chúng tôi vẫn được lệnh ngồi yên trên xe và các tấm bạt vẫn
che kín hai bên nên chúng tôi không biết xe đang dừng lại ở địa điểm nào. Một hồi
lâu sau, chúng tôi được lệnh xuống xe và lúc bấy giờ mới biết là chúng tôi được
chở tới bến Tân Cảng, ngay đầu cầu xa lộ Sài Gòn.
Trên bến
tàu rất đông công-an, cảnh-sát mặc sắc phục và trang bị súng ống đạn dược đầy người.
Nhìn xuống sông, một chiếc tàu biển loại lớn có tên SÔNG HƯƠNG đang đậu cập cầu
tàu. Dưới ánh đèn điện chập chờn, tôi thấy thân hình nó to lù lù trong đêm như
một con quái vật dưới lòng sông vừa trồi lên mặt nước. Điều làm chúng tôi ngạc
nhiên một cách thích thú khi thấy lại cái “vật lạ” bằng gỗ trong láng mộc trước
kia mà chúng tôi thắc mắc không biết là cái gì, bây giờ được dựng đứng bên
thành tàu. Thì ra nó là cây thang bắc lên tàu Sông Hương!
Chúng
tôi được lệnh xuống xe, vẫn còn bị cùm dính nhau từng đôi một, xếp thành hàng
ngay ngắn trên bến cảng, chờ cán bộ làm thủ tục bàn giao. Một điều rất buồn cười
là đến lúc đó, vẫn còn có người khẳng định là tàu Sông Hương sẽ đưa chúng tôi
đi Đồng Tháp!
Có lẽ tôi
cũng nên dừng lại ở đây để giải thích tại sao “hiện tượng Đồng Tháp” ám ảnh quá
mãnh liệt một số trong nhóm tù chúng tôi như thế. Một lần nữa, chúng tôi phải
ngả mũ trước thủ đoạn dùng mẹo vặt của người cộng-sản. Người cộng-sản biết rằng
các tù nhân rất sợ bị đưa ra Bắc. Nếu để chúng tôi biết có dấu hiệu ra Bắc, chắc
chắn sẽ có hậu quả không hay. Ít nhất là sẽ có một số người tìm cách vượt ngục
ngay từ trong miền Nam. Yếu tố tâm lý thứ hai là lúc ở trại Gia Ray quá đông
người và thiếu thốn đủ các thứ, nhất là nước uống, ai cũng mong được tới một trại
nào có đủ nước để dùng thì Đồng Tháp có nhiều sông ngòi là địa điểm lý tưởng để
lường gạt. Nhưng cái mẹo vặt của họ là cho một anh cán bộ hạng bét ra tỉ tê với
cô gái bán hàng có cảm tình với tù nhân trong trại. Anh ta cho biết là sẽ vắng
mặt một thời gian để áp tải một số tù về Đồng Tháp, và cẩn thận dặn cô gái: “đừng
tiết lộ với ai tin này”! Chính nhờ lời căn dặn này mà tin đó loan vào trại
nhanh hơn và rộng rãi hơn.
Thật đúng
như họ mong muốn, chỉ một ngày sau cả trại đều biết và tin là sẽ có một đợt chuyển
tù về Đồng Tháp. Tin được đưa về Đồng Tháp làm nhiều người vô cùng phấn khởi và
hy vọng. Ngay cả lúc bị đưa tới bến Tân Cảng và sắp sửa bước lên chiếc tàu biển
thật to đang chờ sẵn, họ vẫn nghĩ là “phải” đi Đồng Tháp, không thể là một nơi
nào khác hơn được! Sự nhẹ dạ và khờ khạo của con người đôi lúc làm chúng ta phải
kinh ngạc.
Giã biệt
miền Nam
Chúng tôi
phải đứng chờ khá lâu trong tâm trạng hoang mang lo lắng. Phần tôi, vì đã biết
rõ số phận mình, nên khi đứng trên bến tàu tôi cố gắng mở to đôi mắt như muốn
ghi nhận tất cả những hình ảnh của miền Nam thân yêu, mà tôi biết là sẽ rất lâu
hoặc chẳng bao giờ tôi còn nhìn thấy lại được. Sau khi chờ đợi chán chê, chúng
tôi được lệnh bước lên tàu. Từng đôi một lần theo những nấc của chiếc thang kỳ
dị do tù nhân trại Gia Ray đóng và đã có một thời chúng tôi thắc mắc về nó. Sau
khi lên tới boong tàu, chúng tôi băng qua một đoạn đường ngắn dẫn tới một ô cửa.
Bên trong có cầu thang bằng sắt dẫn xuống phía dưới. Tại đây, chúng tôi được
tháo còng, sau đó từng người một lần bước theo cầu thang hình trôn ốc, chỉ vừa
đủ cho một người, lần mò đi xuống. Sau khi được mở còng, tôi quay lại nhìn toàn
bộ khung cảnh bến Tân Cảng. Mặc dù trong đêm tôi không thấy được nhiều, nhưng
tôi cố gắng ghi nhận khung cảnh cuối cùng của miền Nam thân yêu, nơi tôi được
sinh ra và lớn lên.
Tôi biết
mình sẽ bị đưa ra Bắc, mở màn cho kiếp sống của người tù biệt xứ và tương lai
không biết rồi sẽ ra sao? Tôi tự hỏi, không biết mình còn có dịp trở lại miền
Nam thân yêu này nữa hay không? Tự nhiên một cơn cảm xúc mạnh vồ lấy tôi, nước
mắt tôi dâng tràn khi tôi sắp sửa phải từ giã một giá trị tinh thần vô
cùng quý yêu. Cho tới phút đó tôi mới nhận ra hết ý nghĩa thiêng liêng của
những chữ “nơi chôn nhau cắt rốn”. Nước mắt vẫn lưng tròng, tôi quay lại với thực
tế, lần bước theo cầu thang bằng sắt có hình trôn ốc lần mò đi xuống bên dưới.
Cuối cầu thang là một hầm tàu rộng và đen ngòm, được soi sáng bằng một vài bóng
điện nhỏ từ trên cao chiếu xuống. Vách thành tàu bám toàn là bụi than đá và
trên sàn cũng vương vãi than vụn.
Thì ra
đây là hầm chở than của tàu Sông Hương. Trong góc phía xa có một số thùng làm bằng
các tấm ván ghép lại, có quai bằng dây sắt, dùng để các tù nhân tiêu tiểu vào
đó. Lúc mới bước xuống, tôi có cảm tưởng là hầm tàu rất lớn, nhưng khi số tù
nhân xuống hết, khoang tàu lại trở nên chật chội. Sau khi chúng tôi xuống hết
dưới hầm, cánh cửa sắt ngay cuối cầu thang sát với hầm tàu được đóng lại và có
dây lòi tói quấn chung quanh, hai đầu được khóa lại bằng ống khóa đồng to tướng.
Cảnh tượng
trong hầm tàu thật hỗn độn. Ai nấy lo di chuyển tìm chiếm một góc nào đó làm cơ
ngơi riêng. Những nhóm anh em từng sinh hoạt chung trong trại thì tìm nhau để
kéo về một góc. Mọi người lúc đó đều bận rộn, kẻ lo lau chùi sàn tàu, người
quét tước, dọn dẹp chỗ nằm, tạo ra cảnh rộn ràng như một tổ ong. Lúc này chúng
tôi trở thành đám đông hỗn tạp, vô tổ chức. Không còn những “sĩ quan” do ban
giám thị trại chỉ định, không còn đội trưởng đội phó, và mọi người trở nên bình
đẳng trong thân phận một người tù trong hầm tàu u ám và dơ bẩn này.
Tàu rời bến
vào khoảng sau nửa đêm. Sở dĩ chúng tôi biết tàu chạy là nhờ khi nhìn lên bầu
trời thấy các vì sao đang di chuyển ngược chiều. Lúc mới vừa xuống hầm, chúng
tôi cứ ngỡ là chỉ có nhóm chúng tôi, nhưng khi gõ vào thành tàu làm hiệu, chúng
tôi nhận được tín hiệu đáp lại của “phe ta” từ các khoang khác. Như thế, tàu
Sông Hương vào Nam “bốc hàng” của nhiều trại tù khác nhau cung cấp. Tổng số tù
trên tàu bao nhiêu chúng tôi không thể biết được, nhưng căn cứ vào tầm vóc con
tàu, chúng tôi nghĩ là phải hơn 1000 tù nhân trong chuyến đi này.
Hy vọng
và Hy vọng
Trong
khung cảnh một đám tù nhân láo nháo hỗn độn dưới hầm tàu tối đen như đàn vịt vừa
mới bị lùa vào chuồng như vậy, không hiểu từ đâu lại có nguồn tin nói là chúng
tôi nằm trong diện trao đổi tù binh và con tàu này đưa tới địa điểm trao trả!
Có mấy
anh em có vẻ đạo mạo và tỏ ra am hiểu thời cuộc, đang lôi kéo sự chú ý của rất
nhiều người khi họ “xì” ra tin này. Họ cho biết, theo nguồn tin đáng tin cậy,
thì hiện nay bên ngoài đang diễn ra cuộc thương lượng giữa Mỹ và chánh phủ Việt
Nam về vấn đề Mỹ bồi thường chiến tranh 3 tỷ đô-la cho Việt Nam. Ngược lại phía
Việt Nam phải trao cho Mỹ tất cả số tù nhân hiện đang có mặt trong các “trại cải
tạo”! Như thế không có nghĩa là quân nhân mà thôi, mà tất cả những ai đang nằm
trong các nhà tù cộng sản đều sẽ được trao cho Mỹ. Và địa điểm trao trả sẽ được
hai bên thỏa thuận .
Những nhà
bình luận thời cuộc trong tù cũng nghiêm túc cho biết, số tù nhân sau khi được
trao trả sẽ được đưa thẳng sang Hoa Kỳ. Nghe thế có nhiều anh vỗ tay và reo
lên:“ Thế thì nhất! Không ngờ mình đi tù lại hóa ra may, bên ngoài xã hội bao
nhiêu người mong đi Mỹ mà không đi được”. Tôi thấy có nhiều người phụ họa để
bàn thêm tin này cho tới nơi tới chốn.
Trong khi
tôi ngồi ủ rũ nhìn cảnh này, tôi nhớ lại câu nói của người bạn tù làm nhà bếp
đã nói với tôi tuần trước:“ Tuần tới sẽ có một đợt chuyển tù ra Bắc, và trong
đó có tên Cậu Bảy”. Tôi không biết gì về xuất xứ của nguồn tin “ trao trả tù
binh” này, nhưng tôi hồ nghi là nó cũng bắt nguồn từ hãng thông tấn “ Đồng
Tháp” mà hiện thời có rất nhiều người đang có mặt trên chuyến tàu định mệnh này
bám vào đó như một nguồn hy vọng để sống.
Theo tôi
nghĩ, tâm trạng của hầu hết anh em tù nhân trong khoang tàu tối om và dơ bẩn
lúc này ai cũng nghĩ mình sẽ đi Đồng Tháp, hoặc đi đến dị điểm trao trả tù
binh, hoặc đến nơi nào tốt đẹp hơn theo ý họ muốn. Nhất định không thể
nào có chuyện ra Bắc được, mặc dù đã có những dấu hiệu quá rỏ về sự chuẩn bị
cho cuộc Bắc du như những chiếc bao tải đựng“nội vụ”, chiếc tàu biển đen sì như
con thủy quái khổng lồ và những cán bộ nhận bàn giao lúc nãy trên bến Tân Cảng
nói rặt giọng miền Bắc.
Xét
cho cùng, tôi không chê trách các anh em, vì hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giờ
còn gì khác hơn là niềm hy vọng để mà sống. Hơn nữa hy vọng lại không mất tiền
mua, thì tội gì mà không nuôi hy vọng?
Biển vẫn
đợi chờ
Đêm đó,
vì quá mệt nhọc nên đa số lăn ra sàn tàu ngủ say như chết. Tôi cũng cuộn tròn lại
như con chó con, nằm trong một góc sàn tàu bằng sắt lạnh buốt và cố dỗ giấc ngủ.
Thật lạ lùng, đêm đó tôi ngủ được một giấc rất ngon với một ý định đã được
thành hình trong đầu. Ý định này phát sinh ngay từ lúc tôi bước lên nấc chiếc
thang gỗ, để leo dần lên tàu Sông Hương.
Sáng
ngày, khi tôi giật mình thức giấc thì mặt trời đã lên cao. Ánh nắng chói chang
ban mai giữa biển, dọi vào bên phải thành tàu đang ngon trớn trực chỉ về hướng
Bắc. Điều buồn cười và đáng nhắc lại ở đây là, mặc dù từ dưới hầm tàu, chúng
tôi không được nhìn thấy mặt trời và cảnh vật chung quanh, nhưng căn cứ vào
bóng nắng dọi vào thành tàu, thì cho dù một đứa trẻ con vừa có ý niệm phương hướng
cũng biết tàu đang đi về hướng Bắc. Thế mà có một số người tù vẫn nhất quyết là
tàu đang đi về hướng Nam của vùng “Đồng Tháp”! Thì ra cái mẹo vặt của cán bộ cộng-sản
đánh lừa các tù nhân, cộng với sự hy vọng hão huyền về một xứ Đồng Tháp có nhiều
sông rạch, cùng với nỗi lo sợ phải bị đưa ra Bắc đã có tác dụng làm lú lẫn tâm
trí của một số người, mà tôi nghĩ là trước kia họ cũng có trí khôn rất bình thường!
Nhưng số người lú lẫn này khá ít, so với đa số người khác đã biết được thực trạng
thân phận của mình.
Từ dưới hầm
nhìn lên, tôi thấy cán bộ đứng trên boong tàu, tựa vào hàng rào sắt ngó xuống.
Tôi chợt nhớ lại ngày trước, những lần vào thăm sở thú Sài Gòn, khi tới chuồng
gấu chó, những khách thăm sở thú đứng tựa vào hàng rào sắt bên trên nhìn xuống
đàn gấu đang đi lại bên dưới như thế. Tới giờ rửa chuồng và cho thú ăn, có người
cầm vòi xịt nước xuống và ném thức ăn xuống cho bầy thú đang đứng dưới hầm chồm
lên chờ đợi đón lấy thức ăn.
Bây giờ
chúng tôi cũng vậy, tới giờ dọn vệ sinh, cán bộ đứng bên thòng dây có móc sắt
xuống và bảo chúng tôi móc vào quai các thùng phân, thùng nước tiểu, để họ kéo
lên. Tới giờ cho ăn, người từ bên trên ném thức ăn xuống, phần nhiều là mì gói,
đám tù chúng tôi chụp lấy và chia nhau ăn. Cán bộ tuần tra bên trên cúi đầu
nhìn xuống để ra lệnh và quát tháo khi thấy chúng tôi quá ồn ào mất trật tự. Có
lúc họ còn dọa nạt và lên cò súng đòi bắn xuống vì có chuyện lôi thôi bên dưới.
Nhưng tôi biết họ chỉ dọa thôi, vì số lượng “hàng” đã được bàn giao và ký nhận,
nếu anh cán bộ nào lỡ dại bắn chết một “đơn vị hàng”, chắc là anh ta sẽ phải
vào thay thế cho đủ số.
Sau
giờ quét “chuồng” và giờ cho ăn của buổi sáng đầu tiên xong, các tù nhân chúng
tôi ngồi thành từng nhóm nhỏ rải rác trong hầm tàu. Trên gương mặt mỗi người hiện
lên nét mệt nhọc chán chường và ngồi yên lặng nhìn nhau. Thấy bầu khí trong tàu
có vẻ căng thẳng, tôi đi tới lui thăm một vài nhóm để tìm hiểu, nhờ đó tôi đoán
biết có chuyện sắp xảy ra.
Một vài nhóm
đang kéo bè kéo cánh và bàn tính chuyện hỏi tội các tay làm ăng-ten đang có mặt
trên tàu. Lúc này đúng là cơ hội lý tưởng để làm chuyện đó, vì trong đám đông hỗn
tạp và vô tổ chức này, ai có anh em đông, người đó có sức mạnh. Lúc đó tôi là
Linh mục duy nhất trong một hầm tàu đầy người mà quá phân nửa là người Công
giáo, nên tiếng nói của tôi được nhiều người lắng nghe cũng không có gì là khó
hiểu. Những tay làm ăng-ten trong trại trước kia bây giờ trở nên hoàn toàn thất
thế. Họ biết rõ số phận của họ hơn ai hết, nhất là sau khi “đánh hơi” được bầu
khí hận thù đang dâng cao, họ lại càng lo sợ hơn.
Tôi thấy
mấy anh có tên trong sổ đen đang ngồi co ro một góc, mặt mày tái mét. Mỗi khi
có nhóm người hung hăng đi gần tới, mấy anh chàng trước kia từng gây tai họa
cho anh em trong trại lại phải cúi đầu né tránh. Hình ảnh này càng làm cho hạng
người trước kia, khi có uy quyền đã thẳng tay làm khổ anh em, bây giờ trông
càng đáng kinh tởm hơn. Lúc bấy giờ tự nhiên có mấy người tự động di chuyển tới
nằm gần bên chỗ tôi. Có vài người bắt đầu bày tỏ thái độ lễ phép và thân ái với
tôi với một dụng ý thấy rõ, làm tôi ngượng.
Trù tính
kế hoạch
Trong
hoàn cảnh đó, tôi đã lên tiếng thuyết phục các nhóm bỏ ý định trả thù các tay
ăng-ten. Tuy nhiên, công việc không dễ dàng, vì không phải nhóm nào tôi cũng có
ảnh hưởng đối với ho. Dù vậy, sau khi tôi nói còn một việc quan trọng chúng ta
phải làm trong lúc này, anh em mới chịu từ bỏ ý định. Liền ngay sau đó, tôi âm
thầm quy tụ một số đông, hầu hết là người trẻ, để trình bày một kế hoạch mà tôi
đã ấp ủ trong đầu. Việc này tôi cũng đã bàn kỹ với Kỹ sư Dương Văn Lợi. Lúc ở
trại Gia Ray, anh Lợi là đội trưởng đội nhà bếp, một người lanh lợi và khẳng
khái. Đặc biệt anh có nhiều bạn bè và đàn em hiện đang có mặt trên tàu. Tôi mời
anh Lợi cùng ngồi bàn việc.
Ngồi giữa
số đông anh em, tôi nói rõ ý mình và xin anh em mỗi người cho biết ý kiến. Tôi
vẫn quan niệm rằng, một khi đã bước chân vào tù cộng-sản, thì sẽ không còn biết
tương lai vận mệnh đời mình sẽ ra sao. Nhất là với kiểu tù mang danh tập trung
cải tạo như thế này, làm gì có thời điểm để hy vọng! Tốt nhất là mình phải tự cứu
lấy chính mình.
Tôi đã từng
biết dưới chế độ cộng-sản ở Nga ở Tàu và các nước cộng sản khác, những người
không đồng ý với chế độ sẽ bị thanh trừng, hoặc đưa lên các trại tập trung và rất
nhiều người không bao giờ trở lại. Ở Việt Nam cũng thế. Vì vậy, từ lúc bị bắt
vào tù, tôi coi việc vượt ngục là con đường sống. Việc giải thoát những tù nhân
khác khỏi sự giam giữ bất công là một bổn phận. Không lúc nào ý định vượt ngục
rời khỏi tâm trí tôi, và tôi luôn để ý tìm cơ hội thực hiện ý định này, mặc dù
tôi biết đó là việc làm nguy hiểm và phải trả giá cao, có khi là giá của mạng sống
mình.
Trong đêm
cuối cùng ở trại Gia Ray, trước khi bị đưa xuống tàu ra Bắc là lúc tôi quyết
tâm nhất. Nhưng đêm đó cán bộ bên ngoài tuần canh nghiêm ngặt hơn bất cứ lúc
nào trước đó, làm tôi và người bạn thân là anh Phạm Thế Khải đành phải bỏ ý định,
sau khi đã thức gần suốt đêm rình chờ cơ hội [1]. Khi bước chân lên tàu Sông
Hương và biết là sẽ bị đưa ra miền Bắc, tôi càng quyết tâm phải tự giải cứu
mình và các bạn tù. Sau khi trình bày lý do và nguyện vọng, tôi đề nghị với anh
em kế hoạch đánh cướp chiếc tàu này. Tôi cũng cho anh em biết là kế hoạch này
tôi đã bàn thật kỹ với với anh Dương Văn Lợi và một số anh em tín cẩn khác rồi.
Khi tôi
trình bày xong, cả nhóm ngồi thinh lặng suy nghĩ trong một lúc. Sau đó tất cả mọi
người đều tán thành, và sự nhiệt tình hưởng ứng của họ làm tôi phải ngạc nhiên.
Kế hoạch được trù tính như sau: lợi dụng sự sơ hở của cán bộ trên tàu và áp dụng
yếu tố bất ngờ, chúng tôi sẽ uy hiếp và cướp quyền điều khiển con tàu. Tôi chủ
trương tuyệt đối không giết người, nhưng tất cả cán bộ và hành khách trên tàu sẽ
bị giữ làm con tin. Sau đó lái tàu tới một nước tự do gần nhất để thương thuyết,
dưới sự giám sát của một cơ quan quốc tế, để trao đổi tất cả số tù nhân trên
tàu với những con tin bị bắt giữ.
Chúng
tôi biết đây là một ý định táo bạo đầy nguy hiểm. Nhưng lúc bấy giờ hình ảnh của
sự chết dần chết mòn trong một nhà tù nào đó ở miền Bắc khiến chúng tôi nghĩ là
nếu phải chết do việc cướp tàu giải cứu tù nhân, vẫn còn nhẹ nhàng và có ý
nghĩa hơn cái chết rũ tù ở miền Bắc.
Đi vào
chi tiết
Trên
nguyên tắc, kế hoạch đã được chấp thuận. Còn lại là phần nghiên cứu các chi tiết,
nhưng phải làm cho thật nhanh vì thời gian rất giới hạn. Những chi tiết dự trù,
phần lớn tôi và anh Dương Văn Lợi cũng đã bàn và có cách giải quyết. Có những
việc phải giải quyết như cưa dây lòi tói khóa cửa cầu thang, vấn đề thang dây,
vũ khí cầm tay v.v. Ngay sau đó, tôi cho mời những sĩ quan Hải quân và những
người hiểu biết về tàu biển tới để hỏi han cặn kẽ các chi tiết liên quan tới việc
cấu trúc chiếc tàu biển, vị trí các nơi quan trọng, cách thức điều khiển, truyền
tin và tốc độ.
Sau khi
có được ý niệm căn bản và những yếu tố khả thi, tôi chọn ngay một ban tham mưu
và phân công nghiên cứu từng vấn đề. Tôi mời anh Dương Văn Lợi làm phụ tá và lo
về mặt nhân sự. Anh Lợi có người đàn em là Hồ Hoàng Khánh, trước là người
nhái,rất khỏe mạnh và tháo vát lo phụ giúp cho anh.
Kế hoạch
sẽ thực hiện như sau: khoảng 6 tiếng đồng hồ trước giờ G của ngày N (sẽ
do tôi ấn định), sẽ cưa đứt dây lòi tói khóa cửa cầu thang. Đúng giờ G, nhóm cảm
tử 25 người, trong đó có mấy anh võ sĩ, sẽ bò lên trước theo ngả cầu thang. Khi
lên trên sẽ ẩn nấp vào các hốc hẻm trên boong tàu, chờ cơ hội vô hiệu hóa thật
nhẹ nhàng lính canh, trói tay chân nhét giẻ vào mồm, băng miệng lại. Sau đó tức
tốc thả những thang dây xuống. Liền đó, nhóm tham gia, quãng 100 người, bám
thang leo lên, lợi dụng yếu tố bất ngờ ban đêm, chia nhau uy hiếp và chiếm giữ
những nơi trọng yếu.
Chủ
trương: tuyệt đối không giết người, nếu giết người chúng tôi sẽ thất thế về
sau. Nhưng phải uy hiếp cho được quyền làm chủ con tàu và bắt giữ con tin càng
đông càng tốt. Sau khi cướp được tàu, các sĩ quan Hải quân sẽ lái qua Phi Luật
Tân là quốc gia tự do gần nhất. Chấp nhận chuyện bại lộ. Nhưng tàu sẽ không bị
bắn chìm vì có một số rất đông cán bộ, hành khách và cả viên chức cao cấp của bộ
Nội Vụ từ Bắc vào Nam lãnh tù. Khi tới Phi, chúng tôi sẽ đặt vấn đề trao đổi
người, dưới sự giám sát của một cơ quan quốc tế có thẩm quyền.
Các vật
liệu cần thiết đã có: một nửa lưỡi cưa sắt của một bạn tù dấu được trong đôi
dép râu. Một số quần dài của nhiều người để nối lại làm thang dây. Một số khá
nhiều những đoạn mía thả xuống cho tù ăn, chúng tôi còn để lại dùng làm vũ khí
cầm tay. Trong khung cảnh lúc bấy giờ, việc chuẩn bị và bàn tán không thể nào lọt
qua cặp mắt và lỗ tai vốn rất thính của mấy tên ăng-ten đang ngồi co ro, im
thin thít, mặt mày tái nhợt, quây quần chỗ tôi nằm. Lúc này bọn chúng hoàn toàn
thất thế, đành phải ngồi im, và dù có muốn báo cáo lập công, chúng cũng không
dám và cũng không có cách nào liên lạc với cán bộ bên trên. Mọi cử động, sự đi
lại của đám này đều được chúng tôi canh chừng theo dõi cẩn thận. Tôi biết họ
cũng đang theo dõi chúng tôi từng chi tiết một.
Qua hôm
sau, ngày 19 tháng Tư, có 2 việc quan trọng phải làm. Trước nhất là thực tập việc
cưa dây lòi tói khóa cửa cầu thang, thứ nhì là làm sao cho cán bộ khinh thường
và đánh giá thấp đám tù nhân trong khoang tàu chúng tôi. Với chủ trương đánh lạc
hướng cán bộ canh gác và tạo tiếng động trong khoang tàu, tôi tổ chức cho anh
em hát thật to những bài hát “Giải phóng miền Nam”, “Trường Sơn đông Trường Sơn
tây.” Vừa hát, anh em vừa vỗ tay vang rền. Trong lúc đó, người lo việc cưa dây
lòi tói khóa cửa tha hồ mà thực tập, không sợ ai nghe được tiếng cưa sắt.
Ngoài ra,
để cán bộ khinh thường và đánh giá bọn tù chúng tôi không ra gì, mỗi khi thức
ăn được ném xuống, tôi tổ chức cho anh em trong nhóm giành giật, đánh lộn rượt
nhau tưng bừng. Trong khi đó người của chúng tôi lên tiếng bẩm báo xin cán bộ
giải quyết. Dĩ nhiên là chẳng anh cán bộ nào dại dột mò xuống đây, nhưng họ đứng
trên miệng hầm, thò đầu ra chửi bới và dọa nạt. Có lần tôi nghe họ nói vọng xuống:“Bọn
các người chỉ có biết giành ăn! Đúng là một lũ vô tích sự, cho chúng mày giết
nhau!” Tôi cười thầm:“Những con mồi của tôi đã vào bẫy!” Càng lúc càng có nhiều
vụ đánh nhau, giành ăn và rượt chạy tưng bừng trong khoang tàu. Lại có tiếng gọi
vọng lên báo cáo, nhưng mãi rồi cán bộ cũng chán, không thèm can thiệp chỉ để
“cho bọn mày giết nhau!”
Loại chiến
tranh tâm lý này tỏ ra rất công hiệu. Suốt ngày hôm ấy, nhóm chúng tôi hết hát
rồi lại vỗ tay tưng bừng, rồi lại đến các vụ giành ăn đánh nhau và báo cáo cán
bộ inh ỏi. Có lúc tôi thấy cán bộ bên trên nhìn xuống lắc đầu, và tôi đoán được
trong thâm tâm là họ coi nhóm tù trong hầm tàu này chỉ là loại người vô tích sự,
chỉ biết giành ăn. Lúc đó tôi mới thấy yên tâm về yếu tố bất ngờ. Chính yếu
tố này sẽ quyết định cho sự thành bại của kế hoạch sắp tới.
Tế sống
dũng sĩ
Trong đêm
18, trước lúc đi ngủ, tôi mời tất cả anh em sẽ tham gia kế hoạch ngồi lại với
nhau. Sau khi bày tỏ tâm tình và nói lên tính chất nghiêm trọng của việc làm có
thể dẫn tới cái chết. Tôi xin anh em, mỗi người tùy theo tín ngưỡng mình, cầu
nguyện cho việc sắp thực hành. Xin Đấng Bề Trên phù hộ cho việc làm. Nhưng nếu
thấy việc này không thể thi hành được thì xin Đấng Bề Trên can thiệp một cách
nào đó để tránh sự nguy hiểm và chết chóc cho nhiều người. Nghe tôi nói, anh em
ngồi thinh lặng nhìn nhau trong bầu khí trang nghiêm, nặng nề. Sau khi cho biết
việc chuẩn bị tiến hành thuận lợi và kế hoạch có thể tiến hành được. Tôi ấn định
ngày N là ngày khởi hành +2, tức là ngày 20, và giờ G là đúng 1 giờ sáng, như
thế còn 27 tiếng đồng hồ nữa để chuẩn bị thêm.
Sau khi
công bố ngày giờ hành động, tôi thay mặt cả nhóm cử hành nghi thức tế sống 25
dũng sĩ, là những người sẽ xung phong lên trước tiên. Trong bầu khí trang
nghiêm, tôi nói:“Chúng ta sắp làm một việc sẽ ảnh hưởng tới mạng sống mình và
nhiều người khác. Nhưng chúng ta phải làm vì đó là cách để tự giải thoát mình
và nhiều người khỏi sự tiêu diệt thật phi lý của chế độ cộng-sản. Trong số 25
anh em sẽ đương đầu với sự nguy hiểm đầu tiên, có thể các anh sẽ là những người
hy sinh trước hết. Vậy, thay mặt cho tất cả anh em cùng quyết tâm tham gia, tôi
xin anh em nhận một lạy của tôi như một nghi thức tế sống anh em. Nếu nhờ trời,
chúng ta hoàn toàn thành công, các anh sẽ là những người lập công đầu. Nếu
thành công nhưng các anh đã hy sinh rồi, chúng tôi sẽ vận động dựng tượng các
anh. Nhưng nếu rủi ro thất bại, chúng ta sẽ cùng chết với nhau trong một cái chết
có ý nghĩa, chết vì lý tưởng tự do. Cái giá của tự do rất cao, và lúc này chúng
ta phải trả cái giá đó bằng chính mạng sống mình.” Nói xong, tôi quỳ xuống chắp
tay và lạy một lạy để tế sống 25 dũng sĩ đang có mặt. Tất cả mọi người đều cảm
động, ngồi yên cúi đầu, có người rơi nước mắt. Một lúc sau cả nhóm giải tán
trong sự căng thẳng để về chỗ nghỉ ngơi lấy sức. Riêng tôi và ban tham mưu còn
ngồi lại bàn tính những chi tiết. Mặc dù đã trù tính hết mọi thứ, nhưng tôi vẫn
thấy những điều phải bàn dường như nằm trong danh sách dài vô tận.
Trong ngày
đầu tiên trên biển, thời tiết thật tuyệt vời. Gió nhẹ, bầu trời trong xanh. Lâu
lâu mới thấy có một áng mây trắng nhẹ nhàng lướt qua cửa hầm tàu. Gió hiu hiu
thổi. Con tàu đi rất êm, êm đến nỗi nếu không thấy mây bay ngược chiều từ hầm
tàu nhìn lên, chúng tôi sẽ không biết là tàu đang di chuyển. Thật đúng như câu
nói:“Tháng ba, bà già đi biển”. Đêm 18, sau nghi thức tế sống 25 dũng sĩ, chúng
tôi bảo nhau cố gắng ngủ thật ngon để lấy sức cho những việc làm quan trọng sắp
tới. Qua sáng ngày 19, thời tiết vẫn đẹp, chỉ hơi khác một điều là ánh nắng ban
mai có vẻ gay gắt hơn và trên bầu trời có khá nhiều mây. Nhưng biển vẫn yên và
tàu đi êm ái nhẹ nhàng.
Chúng
tôi vẫn sinh hoạt dưới hầm tàu theo kiểu bầy gấu chó trong sở thú Sài Gòn. Tới
giờ “dọn chuồng”, cán bộ bên trên thòng dây có móc xuống, chúng tôi móc vào
quai các thùng phân, thùng nước tiểu cho họ kéo lên. Sau đó các thùng không lại
được thả dây xuống để chúng tôi lấy đặt vào chỗ của nó. Tới giờ cho ăn, cán bộ
từ trên ném những gói mì ăn liền xuống, chúng tôi chụp lấy và chia nhau ăn. Thức
ăn lúc đó chỉ có mì gói, không còn gì khác. Trưa ngày đầu tiên được ném cho một
ít mía và dưa hấu. Nước uống thì rất hạn chế, đựng trong thùng sắt và được
thòng dây xuống.
Sau
gần 2 ngày đi đường, hầm tàu dơ bẩn, nước nôi be bét. Tại góc dùng làm cầu tiêu
dã chiến, mùi hôi thối từ các thùng phân, thùng nước tiểu không có nắp đậy,
xông lên nồng nặc. Hơn ba trăm người tù chen chúc nhau trong cái hầm tàu đen
ngòm và dơ bẩn, tự nó đã là cảnh ghê rợn. Cộng với những vụ dàn cảnh đánh nhau,
giành ăn và la hét có chủ ý của chúng tôi, khoang tàu lúc đó càng trở nên quái
đản và dị dạng hơn.
Càng gần
tới lúc thực hiện, tôi càng cảm thấy ruột gan cồn cào và có cảm tưởng thời giờ
qua đi quá nhanh. Mới đó mà đã tới trưa ngày 19, chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa
là tới giờ phút quyết liệt. Thần kinh tôi trở nên càng lúc càng căng thẳng mỗi
khi nhìn thấy thấy bóng nắng trên thành tàu càng lúc càng nhích dần lên
cao, theo nhịp độ của mặt trời ngã dần về phía Tây. Mặc dù lúc bấy giờ chúng
tôi mỏi mệt và thần kinh căng thẳng, nhưng thỉnh thoảng lại hát thật to, có tiếng
vỗ tay kèm theo làm náo động cả khoang tàu. Chúng tôi phải giữ thói quen này,
vì theo kế hoạch, đêm hôm đó phải cưa dây lòi tói khóa hầm tàu trong tiếng ca
hát vỗ tay để lấn át tiếng cưa sắt.
Tôi
đi một vòng để tiếp xúc và khích lệ tinh thần các anh em, đồng thời kiểm điểm
các thứ cần thiết. Những chiếc thang dây bằng những quần dài nối lại đã được
chuẩn bị. Những đoạn mía ngắn chừng 50 phân đã được cẩn thận thu xếp và sẽ được
cột vào người trong lúc hành động. Một chi tiết mà tôi không bao giờ quên được,
đó là trong giờ phút quyết liệt đó, tôi hay đưa tay lên sờ trán và mạch máu ở
thái dương bên phải tôi lúc đó căn phồng lên to như một chiếc đũa. Chứng tỏ là
tôi đang trong tình trạng căng thẳng đến tột độ.
Ý trời
Khoảng 3
giờ chiều, tự nhiên thời tiết có dấu hiệu thay đổi. Khi nhìn lên, tôi không còn
thấy bóng nắng trên thành tàu. Bầu trời có nhiều mây, những đám mây đen nghịt.
Một dấu hiệu thay đổi thời tiết thật bất ngờ và thật nhanh. Có cơn gió nhè nhẹ
nổi lên và thời tiết bắt đầu lạnh khi vài hạt mưa lất phất rơi. Lúc đầu, khi
nhìn thấy cảnh này tôi mừng thầm vì có thể là yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện
kế hoạch đêm nay. Nếu trời đêm nay có mưa nhẹ, sẽ làm chúng tôi dễ ẩn nấp. Cơn
mưa sẽ che giấu tiếng động và các lính canh tuần sẽ chểnh mảng hơn.
Tới
khoảng 4, 5 giờ chiều, gió càng lúc càng mạnh, mưa nặng hạt hơn và tàu bắt đầu
lắc nhẹ. Mặc dù độ tàu lắc rất chậm nhưng cũng làm cho một số người khó chịu,
xây xẩm và tìm chỗ nằm. Khi mưa bắt đầu nặng hạt, thì một sự việc làm tôi
ngạc nhiên đến độ kinh hãi khi thấy một cái nắp bằng sắt khổng lo, được điều
khiển bằng điện, từ từ bò ra trở thành cái mái che bên trên hầm tàu. Chỉ chừa một
khoảng độ chừng vài thước cho chúng tôi có khí để thở. Từ lúc lên tàu và khi có
ý định cướp tàu, tôi chưa biết yếu tố này. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, nếu có biến động,
bên trên họ sẽ bấm nút đóng kín hầm tàu, chúng tôi sẽ ra sao? Điều này khiến
anh em chúng tôi thực sự lo lắng. Một lúc sau, cơn mưa tạnh dần và tôi thấy cái
nắp hầm bên trên lại được thụt vào để lộ một bầu trời xám xịt có nhiều mây đen.
Những người biết về thời tiết trên biển nói đây là triệu chứng của một cơn bão
nhiệt đới. Một loại bão trái mùa thường xảy ra trên vùng biển Đông.
Một lúc về
sau, gió bỗng trở mạnh, gào thét, xô đi quật lại vào thành tàu làm con tàu lắc
lư chao đảo nhiều hơn. Đám tù chúng tôi trở nên uể oải, mệt nhọc và quá phân nửa
số người đã phải nằm dài xuống sàn. Một số người đã bị say sóng và nôn thốc nôn
tháo ra sàn tàu. Điều tệ hại xảy ra là lúc “rửa chuồng” chiều hôm đó, khi cán bộ
trên thành tàu kéo thùng phân từ hầm tàu lên trong cơn gió mạnh làm tàu tròng
trành. Khi kéo thùng phân lên gần tới nơi, bất ngờ anh bị ngã làm thùng phân
rơi xuống, bắn tung tóe vào trong hầm tàu! Thật là một thứ tai nạn mà tôi không
biết diễn tả làm sao. Chỉ xin dành cho độc giả dùng trí tưởng tượng của mình để
cảm thông cho tình cảnh chúng tôi lúc bấy giờ. Nhất là dưới hầm tàu lại không
có nước để rửa và không có gì để lau chùi.
Trong
giờ cho ăn chiều hôm đó, chỉ có một số ít ngồi lên nổi để lấy phần ăn, còn đa số
nằm sóng sượt như những xác chết chưa chôn. Càng về đêm, gió càng gào thét dữ dội
hơn, tàu tròng trành nghiêng ngả và mưa bắt đầu rơi. Nắp hầm tàu lại được trồi
ra để che mưa như lúc ban chiều. Nhìn thấy cảnh này, tôi mất hết hy vọng! Tàu
đang đi vào cơn bão bất ngờ và cơn bão đã đánh gục gần hết số người trong hầm
tàu chúng tôi.
Quãng
chừng 10 giờ đêm, khoang tàu trở nên vắng lặng, những người say sóng nằm lăn lộn
ói mửa, có người đang ngủ say. Chỉ còn 3 tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hành động,
nhưng những người cố gắng đi lại như tôi và anh Dương Văn Lợi cùng vài anh em
trong ban tham mưu cũng bị chao đảo, đứng không vững vì tàu lắc quá mạnh. Tôi
nghĩ thầm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, người muốn không bằng trời muốn!
Sau khi hội ý với một vài người còn lại, tôi tuyên bố bãi bỏ kế hoạch.
Phần tôi,
mặc dù rất mệt nhọc và căng thẳng trong 2 ngày qua, nhưng không tài nào chợp mắt
được. Tôi thức trắng đêm hôm ấy, nằm nghe gió thét mưa gào, trong lúc con tàu
đáng thương chao đảo như một quả trứng nằm trong chậu nước đang có người cầm
hai bên bờ thành chậu đong đưa.
Một điều
làm tôi vô cùng kinh ngạc và suy nghĩ mãi cho tới ngày hôm nay: gần sáng hôm
sau gió bắt đầu giảm. Càng về sáng gió càng nhẹ và tàu bớt lắc lư. Tới rạng
ngày thì gió ngừng hẳn, mặt biển lại trở nên yên lặng như tờ. Cái nắp che
trên miệng hầm lại được thụt vào để lộ nền trời cao xanh biếc. Mặt trời lại chiếu
ánh sáng êm dịu của ban mai vào thành tàu như trong hai ngày đầu.
Không
ai có thể giải thích hiện tượng bão táp ngắn ngủi đêm qua. Nhưng tôi hiểu ý
nghĩa của nó. Từ biến cố đó tôi càng tin mãnh liệt vào sự Quan Phòng của Thiên
Chúa. Vì trong những ngày đó tôi đã cầu nguyện thật tha thiết. Tôi cầu xin
Thiên Chúa, nếu điều chúng tôi dự tính không thể thực hiện được thì xin Ngài
can thiệp, đừng để hậu quả tai hại xảy ra. Tôi cho rằng cơn bão trái mùa hôm đó
là một phép lạ riêng tư cho cá nhân tôi. Phép lạ này đã xảy ra do lòng tin và lời
cầu khẩn của tôi, để chặn đứng một việc nguy hiểm có thể làm cho máu đổ ngập
khoang tàu.
Ân oán
giang hồ
Sáng
ngày, những người bị say sóng nằm lăn lóc đêm qua bây giờ tỉnh lại. Sinh hoạt
trong hầm tàu trở lại bình thường. Chỉ có một thay đổi lớn là chúng tôi đã bãi
bỏ kế hoạch cướp tàu, điều này khiến những người quyết tâm tham gia kế hoạch,
nhất là những anh em trẻ tuổi cảm thấy tiếc rẻ. Từ tâm trạng tiếc rẻ, họ trở
nên bứt rứt, ngứa ngáy tay chân và biến thành những con người hung hãn. Họ như
những võ sĩ tập luyện rất công phu và sẵn sàng thi đấu, nhưng cuộc tỉ thí vì một
lý do bất khả kháng phải bị bãi bỏ vào phút chót. Họ chẳng còn biết làm gì nên
đã quay sang mục tiêu khác để xả cơn bực tức và sức lực của họ. Mục tiêu đó
chính là bọn ăng- ten đang có mặt trong khoang tàu lúc bấy giờ!
Tôi muốn
nói rõ hơn về việc này. Ngay từ lúc cả nhóm bước xuống hầm tàu hai ngày trước,
đã có làn sóng phẫn nộ dâng cao định hỏi tội bọn ăn-ten trong trại Gia Ray. Lúc
đó, những người đã hãm hại anh em trước kia, không còn đường nào thoát thân, chỉ
còn cách đến với tôi tìm sự che chở như tôi đã nói ở trên. Trong tình thế đó,
tôi đã can thiệp và ngăn cản anh em. Vì nếu không, sẽ có tình trạng đi thái quá
và báo thù nhau vì các việc không đâu. Làn sóng phẫn nộ đã tạm thời lắng dịu từ
lúc chúng tôi dồn hết tâm trí vào một vấn đề khác. Tôi dùng chữ tạm thời lắng dịu
để nói lên rằng, việc ân oán giang hồ đối với hạng người làm mật báo hãm hại
anh em trong tù là vấn đề làm nhức nhối nhiều người và không dễ gì có thể bỏ
qua được.
Tôi
còn nhớ, ngay trong lúc chúng tôi họp bàn về kế hoạch cướp tàu giải thoát tù
nhân, cũng có người đến bên tôi xin, khi thành công sẽ cho thiết lập tòa án
ngay trên tàu để xử bọn ăng-ten. Người này còn đưa ra một danh sách thành phần
“ác ôn” trong trại Gia Ray mà theo anh, những tên này phải đền tội. Tôi đã gạt
ngang ngay ý nghĩ đó và cho biết rằng đó không phải là mục đích của chúng ta,
và nó lại càng không phải là việc của tôi.
Tôi
nói lên điều này để những độc giả nào chưa bao giờ phải bước chân vào nhà tù cộng-sản,
cảm thông được sự đau khổ và phẫn nộ của những người bị bọn ăng-ten hãm hại như
thế nào. Trong một bài khác, tôi có nói đến hành động phản bội và làm tay sai
cho cán bộ, để hãm hại anh em của một số tù chính trị miền Nam. Đó là điều làm
tôi cảm thấy nhục nhã và đau đớn nhất trong 13 năm tôi sống trong tù cộng-sản.
Buổi sáng
hôm đó, không ai có việc gì để làm, không còn vấn đề gì phải bận tâm nên làn
sóng “diệt” ăn-ten tự nhiên lại nổi là điều cũng dễ hiểu. Lúc đó không còn cách
gì có thể kềm hãm được cơn phẫn nộ của một sống đông đang dâng lên quá cao. Mặc
dù tôi đã ngăn cản được một số người, nhất là những anh em Công giáo, nhưng tôi
không thể nào ngăn chặn được tất cả. Bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng có vài cuộc
cãi vã, sau đó rượt đánh nhau gây rối loạn tại nhiều nơi.
Phong
trào diệt ăng-ten như một cơn dịch, càng lúc càng lan rộng ra và cường độ càng
lúc càng dữ dội hơn. Những người bị rượt đánh chỉ còn nước chạy vòng quanh lẩn
trốn. Nhưng chạy đâu cho thoát được ra khỏi cái khoang tàu đông nghẹt những người
này? Có mấy người bị đánh tơi bời, máu me lênh láng. Họ bị đánh bằng đủ các kiểu,
bằng tay chân, bằng ống điếu thuốc lào và bất cứ vật gì có thể dùng làm vũ khí.
Tôi còn nhớ lúc đó trong khoang tàu có 2 anh đau chân phải đi chống gậy là anh
Tô Tứ Hướng và anh Hùng “Si-cà-que”. Vô tình mấy cây gậy của 2 anh đã trở thành
vũ khí đắc dụng cho những người chủ trương diệt ăn-ten.
Tôi không
biết hết những ân oán giang hồ giữa họ với nhau trong trại Gia Ray, vì tôi mới
chuyển lên đó một thời gian ngắn. Thường là những người bị rượt đánh đều chạy tới
tôi để xin che chở. Trong hoàn cảnh ‘chẳng ai bảo ai’ được đó, tôi đã đứng ra
công khai giải thích và xin tất cả các anh em dừng tay lại. Sau khi tôi lên tiếng,
làn sóng phẫn nộ lắng dịu dần, dĩ nhiên là máu đã chảy ra khá nhiều. Nhưng cũng
chính vì sự lên tiếng đó mà về sau này, khi ra tới miền Bắc, tôi đã bị chính những
người tôi che chở tố cáo là tôi chủ trương đánh đập họ trên tàu. Tôi đã trả một
giá rất đắt về việc này.[1]
Cảng Hải
Phòng
Khoảng 5 giờ
chiều ngày 20 tháng Tư năm 1977, tàu Sông Hương dừng lại. Chúng tôi biết là
mình đã tới một nơi nào đó ở miền Bắc, nhưng vì đang ở dưới hầm tàu nên không định
thần được là mình đang ở đâu. Tàu đã bỏ neo khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn chưa
được lên bờ. Một lúc sau thấy có đoàn người ở các khoang khác bắt đầu lên bến.
Từ lòng hầm tàu nhìn lên, tôi nhận ra một số người tôi quen vì cùng ở chung với
tôi trong trại Phan Đăng Lưu, nhưng khi tôi chuyển lên Gia Ray, họ còn ở lại và
bây giờ cũng có mặt trên chuyến tàu này. Mãi tới chạng vạng tối tù nhân ở
khoang tàu chúng tôi mới được lên bờ, và khi lên tới nơi mới biết đó là bến cảng
Hải Phòng.
Khi
vừa lớn lên và bước vào tuổi mộng mơ, tôi luôn ôm ấp giấc mộng hải hồ. Tôi mong
ước khi lớn lên sẽ trở thành một sĩ quan hàng hải hoặc một thủy thủ của một chiếc
tàu biển để có dịp băng mình trên sóng nước đại dương. Nhưng điều tôi mong muốn
nhiều hơn là được dừng chân nơi những bến bờ xa lạ. Mặc dù khi lớn lên tôi
không thực hiện được giấc mộng hải hồ, nhưng không vì thế mà tôi mất đi tình
yêu biển cả, yêu những con tàu vượt sóng nước đại dương và ham thích khi được tới
những bến bờ xa lạ.
Hôm nay,
vô tình mong ước của cuộc đời tôi trở thành hiện thực, nhưng được thành tựu một
cách thật trớ trêu. Trong lần đi tàu biển đầu tiên này, tôi không phải như một
thủy thủ mà bị nhốt dưới hầm như thân phận của loài gấu chó trong sở thú Sài
Gòn. Giờ đây tôi đang được đặt chân lên một bến cảng xa lạ, nhưng không phải để
thỏa chí tang bồng mà là để bắt đầu kiếp sống vô vọng trong thân phận người tù
biệt xứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét