1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
VII. Sự
nghiệp quốc tế lần thứ hai
Sau khi rời khỏi chính phủ và Ngân hàng Trung ương cùng Ngân hàng Thương tín,
tôi được đề nghị hai việc làm: William Diamond, cấp trên của tôi tại Ngân hàng
Thế giới và đang là Giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chánh IFC, World Bank, rất
vui khi biết tôi đã quyết định trở về Washington để làm việc. Ông gởi lời nhắn
là tôi sẽ được hoan nghênh trong bộ phận của ông với chức vụ Chánh sự vụ Bắc
Phi và các nước nói tiếng Pháp (việc trước đây của tôi năm 1965). Tôi cũng được
mời nhận chức vụ Quản trị viên dự khuyết trong hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc
tế IMF, phụ trách các nước Trung Hoa (tức Đài Loan), Đại Hàn, Việt Nam. Chính
phủ Việt Nam đề nghị tôi chấp nhận công việc thứ hai vì nó sẽ cho phép tôi tiếp
tục phục vụ đất nước và về thăm Sài Gòn bốn hoặc năm lần một năm để giúp cho
Ngân hàng Trung ương và chính phủ – vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương vẫn
còn để trống suốt gần hai năm. Và Thiệu muốn tôi tiếp tục làm Cố vấn Kinh tế
Tài chánh cho chính phủ.
Tháng 8/1968, tôi rời Sài Gòn bay sang Pháp để đem gia đình đi Washington nhận
công việc mới. Chúng tôi mua một căn nhà xinh xắn ở vùng Tây Bắc Washington và
đám con tôi bắt đầu đi học ở các trường học ở Mỹ. Công việc của tôi rất thú vị
bởi vì cấp trên của tôi, ông Bue Tan, một vị con cưng của Tổng thống Tưởng Giới
Thạch, không thích công việc của mình vì không được đào tạo trong ngành kinh tế
tài chánh, nên tôi được hoàn toàn tự do tổ chức văn phòng và công việc với hội
đồng quản trị. Thế giới phương Tây lúc ấy đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng
tiền tệ, và cơ quan IMF được giao trách nhiệm rà soát lại hệ thống tổ chức của
Bretton Woods (địa điểm đã thấy World Bank và IMF ra đời) và cải cách lại hệ thống
tiền tệ thế giới. Sau thế chiến thứ II, Hội nghị Bretton Woods đã sáng lập hai
tổ chức, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cơ quan chị em của nó là IBRD (International
Bank for Reconstruction and Development – Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát
triển, thường được gọi là Ngân hàng Thế giới). Những cuộc thảo luận ở trong hội
đồng quản trị giữa các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Hoa… hết sức là thú vị và
tôi học được rất nhiều, vừa cho bản thân tôi vừa cho lợi ích của đất nước tôi.
Vì đã từng tham gia vào việc phát triển hệ thống tiền tệ thế giới với tư cách
là Thống đốc của một Ngân hàng Trung ương và Tổng giám đốc của một Ngân hàng
Thương tín lớn trong nhiều năm trời, tôi muốn dùng kinh nghiệm thực tiễn của
mình trong lãnh vực ngân hàng quốc tế để giúp IMF định hình cho hệ thống tiền tệ
thế giới mới, nhưng tôi đã sớm nhận ra rằng ngay cả tổ chức quốc tế thanh thế
nhất này cũng có điểm yếu của nó, đơn giản chỉ vì các vị chuyên môn trong ban
điều hành, gồm toàn những người học rộng và tinh tế, đôi khi cũng sai lầm bởi
vì thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Họ đều là những nhà lý thuyết sáng
chói, đôi khi rất nổi tiếng, nhưng quá kiêu hãnh nên không chịu nhận những lời
khuyên ích lợi từ kinh nghiệm thực tiễn của người có sự đào tạo khác họ.
Bắt đầu các năm 70, thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài hết sức
nghiêm trọng, làm rung chuyển cả nền tảng của hệ thống tiền tệ thế giới, với những
hậu quả tai hại trong sự thất thoát tài sản giữa các nước đã phát triển và các
nước đang phát triển, điều này đến lượt nó lại gây một ảnh hưởng tai hại trên nền
kinh tế và sự ổn định của các nước kém phát triển. Cuối năm 1982 tổng số tiền nợ
nước ngoài của các nước đang phát triển lên tới con số kinh hoàng là 1.703 tỉ
đô-la, hoàn toàn bất cân xứng với tổng sản lượng quốc gia của họ. Các nước ở
vùng Nam sa mạc Sahara chẳng hạn đã nợ tới mức 183,5 tỉ đô-la so với 168,5 tỉ tổng
lợi tức quốc dân (!) với những hậu quả tai hại về việc sút giảm nhập cảng và
chi tiêu công cộng. Tính trung bình thì số lượng nhập cảng bị giảm 15%, xuất cảng
giảm 4,2%, đầu tư giảm 20%, lợi tức đầu người giảm trên 2%.
Vào năm 1969, dĩ nhiên là tôi không thể tiên đoán được tai hoạ này, nhưng những
kinh nghiệm trước năm 1968 của tôi về việc phát triển ồ ạt số lượng cho vay của
các ngân hàng thương mại đã cho tôi cái cảm giác rằng một tai hoạ đang dần dần
hình thành cho hệ thống tiền tệ thế giới. Khi ngồi ở văn phòng của mình ở Sài
Gòn với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Trung ương và chủ tịch Tổng giám đốc
Ngân hàng Việt Nam Thương tín, tôi đã nhìn thấy từng đoàn đại diện các ngân
hàng thương mại của Mỹ, theo sau là các đoàn đại diện ngân hàng châu Âu đi qua
đi lại cánh cửa quay của văn phòng tôi để đề nghị đủ các món cho vay, điều mà
may mắn thay, tôi luôn luôn từ chối, vì muốn tránh những khó khăn tiền tệ cho đất
nước trong tương lai.
Năm 1969 tôi tới gặp viên phó Giám đốc Sở châu Á của IMF để tả cho ông nghe việc
các ngân hàng thương mại quốc tế đổ xô đi mời mọc các quốc gia đang phát triển
vay mượn, và nói với ông rằng vì có trách nhiệm đối với sự vững mạnh của hệ thống
tiền tệ thế giới, IMF phải chấm dứt ngay chiều hướng này hay ít nhất cũng kềm bớt
nó lại. Vị phó Giám đốc, một người quốc tịch Canada với một lô bằng Ph.D kinh tế,
bảo tôi đó không phải là việc của IMF! Thiệt là thiển cận! Tôi đã thử nói thêm
với một vài nhân viên cao cấp khác của IMF nhưng chẳng đi tới đâu. Vì vậy tôi rất
nản lòng và không đề cập tới chuyện này nữa. Không bao lâu sau, nợ nước ngoài của
các nước đang phát triển rơi vào một vòng xoáy chóng mặt và cuộc khủng hoảng
nghiêm trọng trong hệ thống tiền tệ thế giới bùng nổ làm cho IMF phải rà xét lại
và cải tổ lại hệ thống tiền tệ thế giới.
Vấn đề các lý thuyết gia xuất sắc, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thiếu
kinh nghiệm thực tiễn, là một điều rõ ràng rất dễ thấy, nhưng các nhà lãnh đạo
không bao giờ thấy, vì thiển cận và thiếu nhìn xa trông rộng. Tôi hy vọng rằng
các chính phủ quốc gia và các tổ chức quốc tế sẽ đưa thêm những người chuyên
môn có kinh nghiệm thực tiễn thêm vào số các lý thuyết gia sách vở có rất nhiều
bằng cấp nhưng không có kinh nghiệm và tầm nhìn. Và tôi hy vọng các chính phủ
và các tổ chức ấy khuyên nhủ họ nên khiêm tốn hơn và bớt hách dịch.
Nhưng không bao lâu tôi trải qua một cơn khủng hoảng nghiêm trọng, ảnh hưởng
sâu xa tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của tôi, suýt chút nữa lấy đi cả sinh
mạng tôi. Vào một ngày đầu năm 1969, tôi được một người bạn cho biết là có một
ông Ernest Lederer nào đó đã viết một cuốn sách về chiến tranh Việt Nam với tựa
đề Những kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta. Ernest Lederer là một người theo
Đảng Dân chủ Mỹ nhưng lại chống chính sách Việt Nam của Tổng thống Johnson. Anh
ta là một cây bút không tên tuổi, nhưng anh ta quyết định viết một cuốn sách về
các sai lầm của Johnson ở Việt Nam. Cuốn sách chỉ là một mớ những câu chuyện về
tham nhũng, một vài chuyện được xây dựng trên những sự kiện có thật, nhưng hầu
hết là trên các lời đồn đại và “nghe nói” góp nhặt trong một chuyến viếng thăm
ngắn ngủi Việt Nam, không hề có một cuộc nghiên cứu hay điều tra nào cả. Theo một
vài nguồn tin thì cuốn sách này nhắm làm mất uy tín của Johnson và chính sách
Việt Nam của ông ta, nhưng nó không bán chạy và cũng không gây được một ảnh hưởng
thật sự nào đối với chính sách của Johnson. Trong một đoạn ngắn anh ta buộc tội
tôi ăn hoa hồng trên một số tiền ký thác ở các ngân hàng Mỹ và một số tiền “lại
quả” từ các hãng in tiền. Đây là một cú sốc khủng khiếp cho tôi bởi vì tôi luôn
luôn coi lòng trung thực và liêm khiết nghề nghiệp là những nguyên tắc chính
trong đời. Cú sốc này đã làm tôi xuất huyết nội và tôi phải vào bệnh viện để giải
phẫu. May mắn thay sức khoẻ của tôi rất tốt, và các bác sĩ bảo rằng sở dĩ tôi
không chết là do sức khoẻ tuyệt vời của tôi. Tôi hồi phục nhanh chóng và rời bệnh
viện 5 ngày sau đó.
Sau này tôi được biết là trong chuyến ghé thăm Sài Gòn Lederer đã gặp Nguyễn
Xuân Oánh, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương, người đã bị Nguyễn Cao Kỳ sa thải
và bị hội đồng tướng lãnh gạt ra khỏi chính phủ. Khi Kỳ mời tôi về thay thế anh
ta, anh ta đã tưởng rằng tôi vận động để đuổi anh ta. Oánh đã làm phó Thủ tướng
trong vài tháng và quyền Thủ tướng trong vài ngày nhờ các cuộc tranh chấp nội bộ
giữa các thành viên hội đồng tướng lãnh. Kỳ đã sa thải Oánh một cách không hề nể
nang gì, vì ông ta rất ghét Oánh và coi Oánh vừa thiếu năng lực chuyên môn vừa
có quá nhiều tham vọng chính trị. Sau khi tôi trở về ngân hàng, Oánh một lần nữa
lại thù ghét tôi vì đã đóng cửa văn phòng Paris mà anh ta vừa mới thành lập khá
tốn kém trước khi ra đi, và vì tôi đã sa thải người bạn thân của anh phụ trách
văn phòng ấy. Việc làm này của tôi là do những nguyên nhân kinh tế tài chánh và
phù hợp với phương thức hoạt động của Ngân hàng Trung ương; có lẽ nó đã làm hỏng
một kế hoạch thầm kín nào đó của họ. Khi Lederer gặp Lê Phát Đạt, vị nghị sĩ quốc
hội mới và Giám đốc sở ngoại vụ cũ của tôi, Đạt rất là sung sướng để đóng góp
phần mình vào câu chuyện dựng đứng ấy với ý đồ cho tôi một đòn đích đáng để trả
thù việc tôi đã không thăng chức cho anh ta và từ chối không cho anh ta hưởng
các quyền lợi mà anh ta không có quyền hưởng. Còn Lederer thì dĩ nhiên là sung
sướng có thêm một lời cáo buộc mới vào trong cuốn sách của mình, nhưng anh ta lại
cẩu thả không chịu kiểm tra lại sự việc với các ngân hàng Mỹ đang giữ số tiền
ký thác của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và với các công ty in tiền ngân hàng của
Anh và Mỹ. Nếu anh ta kiểm tra lại thì anh ta đã biết được sự thật, đã tránh được
những lời cáo buộc không đúng và tránh bị kiện ra toà về tội vu khống và nhục mạ.
Cái khôi hài của chuyện này là số tiền ký thác ở các ngân hàng thương mại ngoại
quốc là do sở ngoại vụ trước kia của Đạt quản lí và sự chọn lựa các hợp đồng in
tiền là do một hội đồng gồm sáu thành viên kỳ cựu của Ngân hàng Quốc gia.
Tôi liên lạc với các ngân hàng thương mại và các công ty in tiền và thông báo với
họ là tôi sẽ kiện Lederer và nhà xuất bản của anh ta về tội vu khống, cáo buộc
gian và nhục mạ. Họ đều đồng ý sẽ ra toà làm chứng cho tôi, và tôi thuê một luật
sư ở Washington có liên hệ với một công ty luật ở New York vì Lederer và nhà xuất
bản của anh ta là những công dân New York. Tại Việt Nam, Ngân hàng Trung ương ủng
hộ việc làm của tôi và hứa sẽ chịu những phí tổn hợp pháp theo đúng các điều lệ
được ghi trong luật của ngân hàng. Ngay sau khi các thủ tục tố tụng bắt đầu,
Lederer đã tiếp xúc với luật sư của tôi, họ gặp nhau nhiều lần ở New York,
Lederer vẫn giữ lập trường là anh ta nghe câu chuyện này từ các nguồn tin cao cấp
ở Sài Gòn, nhưng thừa nhận rằng anh ta đã không kiểm tra lại với ngân hàng và
công ty in tiền.
Quả thật không may cho tôi là anh ta đã gặp hai con người này: ai lại không tin
một cựu Thống đốc ngân hàng và một nghị sĩ quốc hội, cựu nhân viên của ngân
hàng. Lần gặp mặt thứ tư, luật sư của Lederer đưa ra một thoả hiệp: Lederer sẽ
viết và nhà xuất bản sẽ in một lời đính chính đưa vào trong tất cả các cuốn
sách đã phát hành và các ấn bản trong tương lai, nhấn mạnh rằng anh ta chưa kiểm
tra các lời cáo buộc với các ngân hàng thương mại và các công ty in tiền. Tôi từ
chối, đòi phải cải chính một trăm phần trăm sự vu cáo. Tuy nhiên sau một số lần
thương lượng nữa, luật sư của tôi đề nghị tôi nên chấp nhận thoả hiệp: vào thời
gian đó, toà án Mỹ vì cuộc chiến tranh đầy mâu thuẫn ở Việt Nam không muốn đề cập
tới chuyện vu khống các nhân viên chính quyền Việt Nam và họ quan niệm rằng khi
nhận một trách nhiệm lớn trong chính phủ thì người ta phải chấp nhận việc bị
phê bình dù đúng hay sai; sự phát triển của các phong trào chống chiến tranh đã
tạo nên một không khí thiếu thiện cảm đối với bất cứ gì hay bất cứ ai dính líu
tới Nam Việt Nam, và vị quan toà xử vụ này có thể là có cảm tình với phong trào
chống chiến tranh. Xét những điều bất trắc ấy và số tiền phí tổn đã lên tới một
con số khá lớn, tôi quyết định chấp nhận thoả hiệp sau khi đã suy nghĩ và tự vấn
rất nhiều. Lời đính chính được in và gởi tới tất cả các thư viện, các tiệm sách
và những ai có sách. Tôi bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này với một tâm trạng đầy
ngao ngán, mất lòng tin, và một cái nhìn ảm đạm đối với chính trị và công luận.
Trong khi làm nhiệm vụ Quản trị viên dự khuyết trong Hội đồng quản trị IMF tôi
đảm nhiệm vai trò liên lạc giữa IMF, World Bank và chính phủ Việt Nam; tôi cũng
tiếp tục làm Cố vấn Kinh tế Tài chánh không chính thức cho chính phủ Việt Nam.
Tôi vẫn tiếp tục được hỏi ý kiến về các vấn đề kinh tế tài chánh quan trọng, hỗ
trợ việc cải cách các vấn đề tiền tệ và các chương trình phát triển kinh tế. Vì
vậy tôi dính líu nhiều và cũng góp phần vào tất cả các chương trình kinh tế tài
chánh thực hiện trong thời gian 1969-1974. Báo chí vẫn tiếp tục viết về những
toa thuốc đắng tôi kê để chữa các khó khăn kinh tế tài chánh của đất nước và vẫn
gọi tôi bằng cái tên “vua phá giá”. Nhưng càng ngày tôi càng thu được sự kính
trọng và cảm tình của các nhà báo khi họ hiểu tôi rõ hơn. Rất ít người chỉ
trích tôi mà không có một lời nói tình cảm, và rất nhiều người, đặc biệt là
trong các tờ báo đối lập (Đại Dân Tộc chẳng hạn…) thường khen tôi vì khả
năng chuyên môn và tính thẳng thắn của tôi.
Tôi đặc biệt có quan hệ thân hữu với Võ Long Triều, gương mặt chính đối lập với
chính phủ Thiệu, người đứng đầu tờ báo có số in lớn nhất lúc đó là tờ Đại
Dân Tộc. Triều có rất nhiều chuyện rắc rối với Thiệu nhưng chưa bao giờ bị bỏ
tù. Anh ta chỉ vào tù dưới chế độ mới và ở một thời gian trong khám Chí Hoà.
Tôi đã nhờ Thủ tướng Antoine Pinay can thiệp với chính phủ Hà Nội cho anh ta đi
Pháp. Hình như ông Pinay cũng không thu được kết quả và Triều phải đợi một thời
gian lâu trước khi được thả. Ở Paris anh ta đã cố vực dậy tờ báo cũ của anh
nhưng anh ta lại bị lôi cuốn vào một trò chơi tai hại và mất tất cả mọi thứ, kể
cả sự ủng hộ của các bạn bè cũ người Pháp và người Việt. Tôi mất dấu của anh ta
từ đó.
Từ năm 1969 tới 1975 Triều và viên chủ bút của anh đã viết nhiều bài viết quan
trọng về tôi trong đó có cả “tiểu sử” của tôi trong một số báo đặc biệt chứa đựng
nhiều sai lầm rất mắc cười (ví dụ người vợ đầu của tôi là con gái của một nhà
ngoại giao danh tiếng người Pháp!). Cứ mỗi lần tôi về Sài Gòn anh ta lại phỏng
vấn tôi về tình hình kinh tế Việt Nam. Anh ta thường dùng những câu trả lời
thành thật không che giấu của tôi cũng như tư cách chuyên viên quốc tế của tôi
để chỉ trích Thiệu. Đồng thời đài phát thanh Giải Phóng của Việt cộng trong chiến
khu cũng đã trích nhiều lời tuyên bố của tôi về kinh tế Nam Việt Nam để phát,
nhằm công kích chính phủ Sài Gòn. Đó là lời của Trần Dương, Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam năm 1978, kể tôi nghe khi ông ta tới thăm tôi ở Washington.
Triều ca ngợi tài năng của tôi để làm cho người đọc thấy rõ thêm sự yếu kém và
bất lực của chính phủ. Anh ta ủng hộ tôi nhưng cũng dùng tôi cho mục đích riêng
của anh ta. Tôi ủng hộ anh ta và tôi cũng dùng anh ta cùng tờ báo anh ta để
trình bày những ý kiến thẳng thắn của mình tới quần
chúng.
Tháng 8/1973 tiếp theo sau cuộc hội đàm Paris nhằm giải quyết vấn đề hoà bình,
Hà Xuân Trừng lúc ấy là Bộ trưởng Tài chánh Việt Nam, tổ chức một khoá hội thảo
về phát triển Việt Nam sau chiến tranh. Các nhà kinh tế và các giáo sư nổi tiếng
ở Đông Nam Á, Mỹ, Úc và Pháp được mời tham dự, và tôi là một trong bốn người phát
biểu chính, tôi sẽ lên diễn đàn phát biểu trong phiên họp cuối cùng.
Ngày tôi lên đọc diễn văn thì hội trường đầy ắp người và điều làm cho cử toạ ngạc
nhiên nhất là có một số lớn phụ nữ ở cả giới kinh doanh và không kinh doanh đến
dự. Nhìn xuống dưới cử toạ tôi thấy rất nhiều gương mặt phụ nữ xinh đẹp với những
chiếc áo dài đủ màu lộng lẫy, và một số khuôn mặt quen thuộc. Tôi nghe nói rằng
trong những phiên họp trước đó không hề có phụ nữ. Lần này là lần đầu tiên
phiên họp được bao nhiêu là phụ nữ đến dự. Bài diễn văn của tôi là về vấn đề
tài trợ cho việc phát triển Việt Nam thời hậu chiến. Tôi đã bỏ nhiều tháng
để nghiên cứu và phân tích các sai lầm của các nước thuộc thế giới thứ ba, cứ
chộp lấy tất cả các loại viện trợ tài chánh và chấp nhận tất cả các khoản vay,
mà không xem xét tới giá phải trả ngày mai và ảnh hưởng của hai vấn đề đó trên
vấn đề nợ nước ngoài trong tương lai. Vì đã chứng kiến việc cho vay hỗn độn của
các ngân hàng thương mại quốc tế trong thời gian đứng đầu Ngân hàng Quốc gia Việt
Nam và Ngân hàng Việt Nam Thương tín, tôi nhận ra những dấu hiệu cho thấy
tình thế khó khăn nghiêm trọng của các nước đang phát triển, trên khoản nợ nước
ngoài. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đưa bài diễn văn cho vài
người đồng nghiệp quan trọng ở IMF, cơ quan có trách nhiệm về sự vững mạnh của
hệ thống tiền tệ thế giới. Tôi quan niệm IMF phải kiểm soát gắt gao
hơn việc vay mượn của các nước thành viên, phải yêu cầu các ngân hàng thương mại
thận trọng hơn trong việc cho vay; và nhất là đặc biệt chú ý
đến tình cảnh nợ rối ren của thế giới thứ ba. Những người đồng nghiệp
của tôi, vì thiếu kinh nghiệm thực hành ngân hàng và vì không hiểu sự thiển
cận của các ngân hàng thương mại quốc tế, đã nói với tôi rằng việc các ngân
hàng thương mại cho các quốc gia thành viên vay “không phải là công việc của
chúng ta ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế” và tôi không nên lo lắng về việc đó – tôi cũng
tò mò muốn biết họ sẽ nghĩ thế nào, khi sau đó, số các ngân hàng thương mại
cho những nước thành viên vay đã lên mức quá cao và đã bùng nổ, tạo nên một cơn
khủng hoảng rất nghiêm trọng cho hệ thống tiền tệ thế giới trong các năm 1970
và 80! Rất thất vọng vì thái độ vô trách nhiệm của chính cơ quan mình đang làm
việc, tôi càng quyết tâm hơn bao giờ hết bảo vệ đất nước Việt Nam của tôi khỏi
những sai lầm này. Trong bài diễn văn, tôi nhấn mạnh đến hậu quả của việc vay
mượn quá nhiều đối với vấn đề trả nợ trong tương lai, tôi phân tích hoàn cảnh
thê lương của một số nước vay mượn hoặc nhận viện trợ không đáng, quá nhiều, và
khuyến cáo Việt Nam hãy chọn lựa thật cẩn thận những khoản vay và những khoản
tài trợ cho việc phát triển hậu chiến để tránh những khó khăn mà nhiều nước hiện
nay đang mắc phải. Để kết luận, tôi đã đọc một lời kêu gọi đầy xúc động tới
chính phủ và nhân dân Việt Nam, nói rằng viện trợ nước ngoài và hỗ trợ tài
chánh là những viên thuốc đắng bọc đường, và có lẽ đắng nhiều hơn ngọt… và tôi
khuyến cáo Việt Nam nên sử dụng viện trợ nước ngoài một cách hữu hiệu hơn để có
kết quả tối đa nhằm mau chóng thoát khỏi giai đoạn ngửa tay xin viện trợ nước
ngoài và giành lại sự độc lập cho mình. Cử toạ vỗ tay cuồng nhiệt và phiên
họp cuối cùng được đặc biệt đánh giá cao. Ngày hôm sau tất cả các tờ báo ở thủ
đô Sài Gòn đã trích dẫn bài diễn văn của tôi ngay trên trang đầu với một loạt lời
khen ngợi và tờ Đại Dân Tộc thì đăng toàn bộ bài diễn văn. Báo chí đối
lập đã dùng lời kết thúc của tôi để công kích chính sách của chính phủ. Trong
buổi tiếp tân sau đó, rất nhiều nhà kinh tế Việt Nam và nước ngoài đã đến nói với
tôi rằng đó là bài diễn văn hay nhất và bài nghiên cứu sâu sắc nhất trong suốt
một tuần lễ của khoá hội thảo. Trong bài diễn văn, khi nói về những khoản vay
quá “mắc”, với lãi suất mà Việt Nam không thể nào trả nổi, tôi có ám chỉ đến
khoản vay đang được thương lượng với Pháp về việc phát triển nhà máy xi-măng Hà
Tiên. Vài ngày sau tôi được một quan chức cao cấp trong Bộ Tài chánh Pháp là
ông Fieve đến thăm. Fieve phản đối lời khẳng định của tôi cho rằng khoản cho
vay của Pháp không thể chấp nhận được đối với Việt Nam vì lãi suất cao quá.
Fieve là một Thanh tra tài chánh Pháp và là một người bạn cũ của tôi, tôi rất
trọng các quan điểm của ông nhưng tôi vẫn giữ vững ý kiến của mình.
Trong khi làm việc với tư cách là Uỷ viên dự khuyết của Hội đồng Quản trị IMF,
tôi cũng đảm nhận trách nhiệm liên lạc giữa hai cơ quan chị em song sinh của
Bretton Woods là IMF và World Bank với chính phủ Việt Nam. Tôi tham dự tất cả
các buổi tham khảo giữa IMF và Việt Nam và tất cả các cuộc thảo luận giữa Việt
Nam với World Bank. Lần lần tôi hết ảo tưởng với hai tổ chức này. Cả hai đều
mang tính chất chính trị nhiều hơn là chuyên môn và cả hai đều mang một thái độ
mập mờ và sai lệch đối với Việt Nam; trong lúc theo lời tôi khuyến cáo, Việt
Nam lại luôn luôn hoàn thành trách nhiệm thành viên của mình và thi hành đúng
những sự đòi hỏi của IMF và World Bank. Mặc dù những lời hứa được lặp đi lặp lại,
Việt Nam chưa bao giờ nhận được một khoản viện trợ nào từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế
hay từ Ngân hàng Thế giới. McNamara, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, người trước
đây là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Johnson nên có liên quan chặt
chẽ với cuộc chiến tranh Việt Nam: ông ta luôn luôn sợ các nhóm chống chiến
tranh lên án là thân Việt Nam. Trong hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF), những người đại diện cho các quốc gia trung lập luôn luôn có cảm tình với
miền Bắc Việt Nam và do đó có khuynh hướng ác cảm với miền Nam Việt Nam. Những
phái đoàn IMF và World Bank thăm viếng Việt Nam luôn luôn được đón tiếp bằng thảm
đỏ ở Sài Gòn và các thành viên của họ luôn luôn được Ngân hàng Quốc gia Việt
Nam chiêu đãi thịnh soạn. Một vài người trong phái đoàn đã lợi dụng lòng hiếu
khách của chúng tôi và đã xài một lượng lớn khác thường các loại rượu ngon luôn
luôn đầy đủ cho họ thưởng thức. Vì những lý do an ninh, chúng tôi mời họ về
ở trong những căn hộ lộng lẫy phía trên Ngân hàng Quốc gia, mỗi căn rộng hơn
500 mét vuông, và chúng tôi mời họ mỗi ngày ba bữa cơm thịnh soạn, họ không phải
tốn một xu trong khi vẫn được cơ quan của họ trả lương và phụ cấp công cán đầy
đủ. Thế nhưng tôi rất ngao ngán vì thái độ của hầu hết bọn họ năm 1975 sau khi
Nam Việt Nam thất thủ; họ đã trở bộ quay qua tán tỉnh Hà Nội, làm tất cả mọi điều
có thể được để vui lòng Hà Nội. Ngay sau khi miền Nam sụp đổ họ đã đổ xô về Hà
Nội để hỗ trợ tài chánh mặc dù, theo như lời họ nói, Hà Nội luôn luôn từ chối
thực hiện những nghĩa vụ của một thành viên và không chịu thông báo các số liệu
thống kê mà họ yêu cầu. Các nhân viên của các tổ chức Bretton Woods là những
nhân viên dân sự quốc tế, được coi là không mang tính chính trị trong thái độ đối
với các nước thành viên, nhưng hầu hết bọn họ không cưỡng lại được sự cám dỗ
thiên về xu hướng chính trị riêng tư của mình, và xu hướng này thường bị tác động
bởi chính phủ của họ ở quê nhà.
Sự kính trọng của tôi đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, đã bị xói mòn nghiêm trọng
sau khi tôi tham dự những cuộc thảo luận giữa các phái đoàn IMF và các quốc
gia thành viên. Nhân viên IMF chỉ được đào tạo lý thuyết trường ốc và thiếu
kinh nghiệm thực tiễn trong các lãnh vực liên quan, họ giỏi về lý thuyết nhưng
bất lực trong thực hành và lúc nào cũng hách dịch. Sống trong cảnh giàu sang của
quốc gia phát triển nhất thế giới là Mỹ, và được trả một loại lương cao hàng đầu
thế giới, làm việc trong những trung tâm hiện đại nhất và tiện nghi nhất, tắm
trong ánh hào quang và uy tín của những tổ chức quốc tế, họ hoàn toàn không biết
đến cuộc sống khó nhọc ở các nước thế giới thứ ba. Ngay cả những nhà kinh tế trẻ
tuổi đến từ các nước đang phát triển cũng thường bị uốn nắn theo khuôn khổ này
bởi họ thường xuất thân từ những gia đình giàu có, rời quê hương ra đi rất sớm
để học tại châu Âu hay Mỹ; họ chưa bao giờ bị phơi ra thực tế khắc nghiệt của
quê hương họ. Các nhân viên IMF có nhiều quyền lực bởi vì các nước thành viên
luôn luôn sợ bị họ trừng phạt; họ thường có những yêu cầu rất lý thuyết mà
không hề đếm xỉa gì đến ảnh hưởng của viên thuốc đắng ấy đối với đời sống
chính trị xã hội trong đất nước mà họ thăm viếng; họ liệt kê những điều kiện của
họ rồi bỏ về Washington, đôi khi để lại đằng sau mình những cuộc nổi loạn hay
phản kháng ở tầm mức quốc gia gây nên bởi những chuyến công tác của họ; có nhiều
chính phủ đã sụp đổ, hoặc rơi vào cảnh khó khăn nghiêm trọng với dân chúng sau
một chuyến viếng thăm của một phái đoàn IMF.
Ở Phi Luật Tân năm 1971, trong khi những bất ổn xã hội và những rối loạn chính
trị đang hoành hành đất nước, và ngay giữa lòng một cuộc khủng hoảng kinh tế
nghiêm trọng, trong khi thu nhập bình quân của tầng lớp thấp tại thủ đô Manila
chỉ có 50 xu (tiền Mỹ) một ngày, trong khi đất nước đang bị phá sản và số dự
trữ ngoại tệ đã gần như hoàn toàn biến mất, thì phái đoàn IMF lại nằng nặc đòi
chính quyền hạ giá đồng bạc và xoá bỏ mọi hạn chế về kinh doanh để cho phép nhập
cảng các loại xe hơi đắt tiền và các món hàng xa xỉ phẩm nhân danh tự do kinh
doanh. Về mặt chính trị và xã hội thì đây là một điều cực kỳ phi lý, nhưng
chính phủ Phi Luật Tân phải nghe theo vì sợ bị từ chối viện trợ tài chánh.
Tương tự như vậy tại nhiều thời điểm khác nhau ở Chi-lê, ở Pê-ru, ở Tanzania, ở
Sri Lanka, Colombia, Nigeria và các nước thành viên khác, các chính phủ đều cảm
thấy cay đắng trước thói hách dịch, sự thiếu quan tâm đối với con người và hoàn
cảnh chính trị của các nhân viên IMF, khi họ áp đặt những biện pháp cải cách.
Khi tôi còn là một thành viên của hội đồng quản trị IMF, tôi được nghe một số
quan chức trong chính phủ của vài quốc gia thành viên kể về những chuyện tham
nhũng và mất tư cách của một số nhân viên IMF có địa vị cao khi đi công tác: một
vị giám đốc một sở của IMF, mê gái nổi tiếng, trong một chuyến công tác qua một
nước Á châu, sau một chầu ăn tối thịnh soạn, đã bảo với nhân viên liên lạc
là ông ta muốn được cấp một chiếc xe Cadillac để đi chơi và chiếc xe đó phải có
người xinh đẹp “ngồi ở trong”. Một thành viên khác trong một chuyến quá cảnh
ngang qua Singapore đã lấy làm phiền lòng vì không có ai đại diện chính phủ ra
đón tiếp anh ta tại phi trường, đã có một lời “phiền trách chính thức” đối với
chính quyền sở tại. Tôi được nghe các quan chức của một quốc gia kể lại là một
vị phó Giám đốc sở của IMF, vốn là một tay nghiện rượu, trong một chuyến viếng
thăm đã đòi hỏi phòng anh ta ở phải chất đầy rượu Johnnie Walker Black Label,
và chỉ nhãn hiệu Black Label mới chịu. Sau này chính mắt tôi thấy nhiều nhân
viên cao cấp tổ chức những chuyến công tác riêng cho mình để có thể ghé thăm
quê nhà thường xuyên hoặc để các chính quyền sở tại chiêu đãi, ngoài ra không
có mục đích thật sự, không có lý do chính đáng.
Nhìn lại thời kỳ mà Nam Việt Nam là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và
Ngân hàng Thế giới (World Bank), bây giờ tôi nhận ra là việc nghiêm chỉnh thi
hành điều lệ, những cuộc chiêu đãi ngoại giao thịnh soạn, mồ hôi và sự quan tâm
của chúng tôi đối với các phái đoàn IMF viếng thăm chỉ là một sự phí phạm vô
ích; điều duy nhất mà IMF đem lại cho nền kinh tế và cải cách tiền tệ Việt Nam
chỉ là cái danh của IMF, để làm cho dân chúng Việt Nam bớt một phần cay đắng.
Đó là tất cả những gì chúng tôi đã thu được từ IMF. Giờ đây tôi cảm thấy mình
có trách nhiệm về tất cả các việc này vì từ ngày đầu tiên cho tới ngày cuối
cùng Việt Nam gia nhập IMF (1955-1975) tôi luôn luôn đòi hỏi phía mình giữ đúng
điều lệ và trải thảm đỏ đón tiếp các phái đoàn khảo sát của IMF. Việc tuân thủ
các quy định của nước thành viên là một cuộc thực tập có ích cho nhân viên Ngân
hàng Quốc gia và nhân viên Bộ Tài chánh, những cuộc thảo luận quanh vấn đề khảo
sát cũng giúp hiểu biết thêm nền kinh tế và tiền tệ Việt Nam; nhưng việc trải thảm
đỏ và những vụ tiếp tân thịnh soạn chỉ là điều hoàn toàn phí phạm; một vài nhân
viên của IMF đã lợi dụng lòng hiếu khách rộng rãi của chúng tôi và sự đón tiếp
nồng hậu của chúng tôi nhưng để đền đáp lại, họ không hề tỏ một chút quan
tâm nào đối với các khó khăn kinh tế do chiến tranh gây ra hay một chút cảm
tình nào đối với các khó khăn chính trị và xã hội do những toa thuốc của họ kê
ra ngay giữa lòng cuộc chiến.
Cuối tháng 11/1974, tôi quyết định về Sài Gòn để quan sát tình hình, thu thập
các sự kiện và thông tin để quyết định. Tôi gặp Thiệu, một lần nữa ông ta yêu cầu
tôi trở về giúp cho chính phủ. Tôi nói với Thiệu rằng tình hình kinh tế cũng
như chính trị rất là nghiêm trọng và theo tôi, chính phủ cần có tất cả sự ủng
hộ của dân chúng mới có thể tiếp tục chiến đấu được, và chánh phủ cần
phải quét sạch mọi tham nhũng và bất lực ra khỏi chính quyền, để cho dân chúng
có một niềm tin và hy vọng; bước cụ thể đầu tiên là loại bỏ tất cả những con
người tham nhũng trong đám cận thần ông ta, đặc biệt là viên tướng tham nhũng nổi
tiếng nhất, cánh tay phải của ông ta, một bước đi sẽ làm cho đa số quần chúng
hoan nghênh. Thiệu không nói một lời về đề tài này, và như vậy đã làm tôi tin rằng
chính ông ta cũng dính sâu hay ít nhất cũng có trách nhiệm trong các hoạt động
bất chính này. Cuối buổi họp, Thiệu thử thách lòng yêu nước của tôi và yêu cầu
tôi hãy chứng tỏ là tôi sẵn sàng phục vụ đất nước nếu các “điều kiện” thích hợp.
Ông ta yêu cầu tôi hãy quay về nước trước đã, rồi sẽ bàn với ông ta các điều kiện
làm việc mà tôi yêu cầu.
Tôi quay về Washington với quyết tâm làm gì đó cho đất nước vào giờ phút nguy kịch
này. Tôi dự định quay trở lại Sài Gòn với một số vật dụng gia đình để tỏ cho
Thiệu thấy là tôi sẵn sàng về nước phục vụ nếu các điều kiện mà tôi yêu cầu được
đáp ứng. Trong lúc đó Bắc Việt bắt đầu thăm dò sức chống cự của miền Nam để mở
một cuộc tấn công tổng lực; họ được khuyến khích bởi thái độ thay đổi của quốc
hội Mỹ và áp lực khổng lồ đè lên chính quyền Nixon do các phong trào chống chiến
tranh càng ngày càng lan rộng tạo ra. Sau một sai lầm vụng về trong việc dùng
binh của Thiệu và các tướng lãnh của ông ta, Bắc Việt tiến quân vào miền Nam và
mau chóng gia tăng thế lực nhằm tấn công xuống phía Nam. Tôi đáp máy bay xuống
Sài Gòn đầu tháng Ba 1975 và gặp Thiệu nhưng Thiệu đang lo lắng về cuộc tấn
công của miền Bắc và sự sống còn của bản thân hơn là cải thiện hình ảnh
chính phủ của ông. Tuy nhiên ông ta vẫn nói tôi tham gia chính phủ để phục vụ;
nhưng tôi tin rằng việc tham gia chính quyền Thiệu vào giờ phút trễ tràng này
là một điều hết sức vô ích, khi chính bản thân ông ta từ chối những biện pháp
quyết liệt để được lòng dân chúng. Có lẽ trong những trường hợp tuyệt vọng như
thế này, cơ hội duy nhất để tránh một thảm hoạ cho miền Nam là cố gắng vào giây
phút chót thương thuyết với Hà Nội. Giờ đây khi tôi đã về lại Sài Gòn và không
còn được “bao nhiêu ánh sáng ở cuối đường hầm”, có lẽ tôi nên cố thử làm một điều
gì đó trước khi buông xuôi tất cả. Tôi nói với Thiệu rằng đối diện với quyết
tâm của Hà Nội muốn mở một cuộc tổng tấn công cuối cùng, cách duy nhất mà tôi
có thể giúp là chấp nhận vị trí Bộ trưởng Ngoại giao với một mục tiêu đặc biệt:
thương thuyết với Hà Nội và cố gắng đi đến một sự thông cảm để tránh chiến
tranh và đau khổ cho dân Việt Nam trước khi quá trễ. Thiệu hỏi tôi làm sao tôi
có thể thành công khi mà Kissinger đã thất bại; tôi trả lời Thiệu là dù
Kissinger có giỏi bao nhiêu đi nữa nhưng ông ta cũng không phải là người Việt
Nam; hơn nữa tôi luôn luôn có cảm giác ngay từ lúc đầu là ông Kissinger chỉ lo
đến quyền lợi của Hoa Kỳ, và trong lòng ông, không bao giờ ông thật lòng đếm xỉa
đến số phận của miền Nam Việt Nam. Tôi tin rằng ngay từ lúc đầu, khi bắt đầu
thương thuyết với Bắc Việt, ông đã có trong lòng ý nghĩ riêng tư, chỉ lo việc
chánh là rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, với bất kỳ với một giá nào, kể cả việc
hy sinh miền Nam Việt Nam.
Vào giờ phút cuối cùng này, chỉ còn một hy vọng rất mong manh là người Việt Nam
ngồi nói chuyện với nhau, có thể đồng ý được về một sự dàn xếp nào đó mà một
người Mỹ nói chuyện với người Việt Nam không thể làm được. Thiệu nói ông ta ông
ta không muốn thương thuyết mà chỉ muốn tranh đấu cho đến người cuối cùng. Sau
này mỗi lần tôi nhớ đến câu nói này của ông ta, tôi không khỏi nghĩ đến sự sai
lầm quá trầm trọng cho đất nước khi ông cho lệnh quân đội rút khỏi miền Kontum,
Pleiku – buồn cười thay, so với ý chí chiến đấu đến cùng – để cho quân đội và
hàng trăm ngàn thường dân bị địch quân tiêu diệt trên đường rút lui. Khi nghe
câu đó của ông, tôi không khỏi nghĩ ngay là, dĩ nhiên ông ta nói vậy để rồi chạy
trốn. Nhưng nhìn lại cuộc thảm hại kinh hoàng chiến tranh đã để lại, về cả mặt
chính trị lẫn xã hội, khi Sài Gòn thất thủ, người ta có thể nghĩ rằng nếu Thiệu
ráng thử ý kiến thương thuyết trước khi quá trễ, thì ông ta có thể tránh
được biết bao nhiêu tổn thất và đau khổ cho toàn dân Việt Nam, miền Nam
cũng như miền Bắc.
Tôi quyết định từ bỏ cái ý tưởng tham gia chính quyền, khi chứng kiến những nỗi
cực khổ khủng khiếp của làn sóng người khổng lồ chạy trốn chiến tranh từ Huế và
Đà Nẵng. Thay vì ra đi, tôi quyết định ở lại để giúp tổ chức có trật tự hơn các
làn sóng người tị nạn, nhằm giảm bớt sự đau khổ của dân chúng bỏ nhà bỏ cửa mà
ra đi, sau khi nghe Thiệu cho lệnh rút quân. Tôi bàn với Yves Prunier, một người
bạn trong ngành vận tải đường biển; và chúng tôi đã nhận được lời hứa của một
tay trùm ngành vận tải đường biển ở Hồng Kông cho chúng tôi mượn hai chiếc tàu
chở khách, mỗi chiếc có thể chở 70.000 người tị nạn. Tôi móc nối với phó Thủ tướng
Phan Quang Đán đang phụ trách vấn đề tị nạn nhưng Đán lề mề suốt 10 ngày mặc dù
tôi gọi điện thúc giục liên tiếp, và cuối cùng thì Đán lịch sự từ chối. Tôi được
những người phụ tá của Thiệu và Đán cho biết sự thật, chính phủ không muốn đưa
biển người chạy nạn vào Nam vì sợ họ sẽ gây nên những khó khăn rất lớn cho
chính phủ. Lẽ ra họ phải nói cho tôi biết trước để tôi khỏi phí thời gian quý
báu và để cho tôi có thể tổ chức một cuộc giúp đỡ khác để phụ giúp những người
tị nạn quá khốn khổ. Dù sao đi nữa thì quân đội Bắc Việt cũng tiến quá nhanh và
việc di tản hàng triệu con người tị nạn là một công việc không thể thực hiện được.
Thế rồi tôi nảy ra cái ý nghĩ là làm sao cho thế giới bên ngoài
biết nỗi khổ của người tị nạn Việt Nam để có thể được tài trợ tiền bạc hay vật
dụng giúp họ. Với sự giúp đỡ của một vài người bạn khá giả, tôi gởi một toán
ca-mê-ra vào vùng chiến sự để quay phim cảnh đoàn người chạy trốn cùng tất cả nỗi
khổ của họ. Tôi gởi một cuốn phim như vậy qua Hồng Kông, trên đường tới nước Mỹ
nhưng cuốn phim không bao giờ tới được đích vì quân đội Bắc Việt tiến quá nhanh
và sự hoảng loạn trong dân chúng làm cho tất cả dịch vụ công cộng đều bị rối
beng. Cảm thấy rằng không còn gì nữa để giúp xứ sở và dân chúng, tôi quyết định
ra đi trước khi quá trễ. Tôi thu xếp để đưa được một vài người bạn ra khỏi Việt
Nam cùng với các chuyến di tản của cộng đồng người Mỹ.
Tôi gọi điện cho Võ Long Triều và khuyên anh ta nên rời đất nước; tôi sẽ giúp
anh ta bằng mọi cách vì tôi biết anh ta không có đủ liên hệ cần thiết với người
Mỹ để đưa cả gia đình ra đi. Tôi không nghĩ rằng Triều sẽ nhảy xổ tới chộp lời
đề nghị của tôi, nhưng anh ta cũng không chống đối ý kiến này. Vì là một gương
mặt đối lập chính với chế độ Thiệu, đương nhiên là anh ta tin rằng chế độ mới
ít nhất cũng để yên cho anh. Rất nhiều người lãnh đạo phe đối lập cũng tin rằng
vì họ đã từng chống đối mạnh mẽ chế độ của Thiệu, họ sẽ được chế độ mới hoan
nghênh hay ít nhất cũng coi họ là “trung lập” và cuối cùng họ có thể thu xếp để
sống yên bình. Có nhiều người trong bọn họ tin rằng miền Bắc sẽ nhớ ơn họ vì đã
chống Diệm và Thiệu và gây nên những rối loạn ở Sài Gòn. Rõ ràng họ không biết
rằng những nhà lãnh đạo mới có ý kiến riêng của họ. Võ Long Triều có lẽ cũng
nghĩ như những người kia, nhưng anh ta cũng đủ thông minh để gởi một người phụ
tá tên là Nam Đình, một người có khuynh hướng thiên tả và là một cán bộ nằm
vùng – sau này chúng tôi mới biết – vào rừng để dò hỏi những người chỉ huy Việt
cộng xem anh ta có được chế độ mới đối xử tử tế hay không. Phía Việt cộng trả lời
rằng họ đánh giá cao thái độ can đảm của anh trong những năm sau này, tuy nhiên
họ cần phải xem xét trường hợp của anh sau khi họ nắm chính quyền. Triều cũng đủ
thông minh để nhận ra rằng anh ta không phải là một thần tượng của họ. Anh ta gởi
lời nhắn tôi là anh ta chấp nhận lời đề nghị của tôi để đưa anh và gia đình anh
di tản. Không may thay, anh bị Thiệu đặt vào chế độ quản thúc tại gia và bị
canh giữ đêm ngày bởi một lực lượng cảnh sát 12 người.
Anh ta không thể gọi điện cho tôi, và tôi rời khỏi Sài Gòn ngày 7 tháng 4 trên
một trong những chuyến bay thương mại cuối cùng ra khỏi Việt Nam. Sau khi chế độ
mới lên cầm quyền, anh được thoát khỏi chế độ quản thúc nhưng không lâu sau đó
lại bị bắt giam ở khám Chí Hoà. Sức khoẻ của anh xuống dốc nhanh chóng vì các
điều kiện giam cầm. Tôi đã nhờ Thủ tướng Antoine Pinay can thiệp giúp anh,
nhưng Hà Nội làm ngơ lời yêu cầu của chính quyền Pháp.
Trước khi rời Việt Nam tới Hồng Kông, tôi tới toà lãnh sự Mỹ để xin cấp visa
vào Mỹ mặc dù tôi đã có một giấy thông hành ngoại giao của Liên Hiệp Quốc – một
hành động thận trọng của IMF – để tôi tạm sử dụng cho đến khi tôi quyết định dứt
khoát trở về IMF hay rời khỏi cơ quan này; đó là một biện pháp tạm thời để bảo
vệ tôi trong chuyến về thăm Việt Nam. Tôi sẽ luôn luôn nhớ thái độ hống hách của
viên phó lãnh sự Oh, một người Mỹ gốc Đại Hàn trả lời rằng anh ta (tức là toà
lãnh sự Mỹ) không biết tôi! Câu trả lời quả là kỳ dị đối với một người đã từng
làm việc nhiều với toà Bạch Ốc và tất cả các viên đại sứ Mỹ ở Sài Gòn suốt 20
năm qua. Đại sứ Ellsworth Bunker, người mà tôi quen rất nhiều đã rời Sài Gòn,
còn tôi thì chưa tiếp xúc với viên đại sứ mới, ông Martin.
Về Washington, tôi ngồi xem trên truyền hình những ngày cuối cùng của miền Nam
Việt Nam, khi những cảnh tan rã của đất nước mở ra lần lần trước mắt tôi trên
màn ảnh, tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu đậm và một cảm giác tức giận và xấu hổ.
Làm sao chúng tôi có thể để mất một mảnh đất đẹp đẽ như vậy, một đất nước đáng
thương yêu như vậy? Tin tức về việc các tướng lãnh và các vị lãnh đạo chính trị
tới các trại tị nạn với những túi xách và vali đầy tiền làm tôi tức giận hơn nữa.
Truyền hình và báo chí tường thuật rằng khi tướng Kỳ được bà Ford phỏng vấn ở
trại tị nạn, Kỳ đã nói với bà là ông ta chỉ có 30 đồng trong túi! Làm sao ông
ta có thể mua được một căn nhà và hai chiếc xe hơi ở bang Virginia không lâu
sau đó và làm sao ông ta có thể mua được một cái tiệm rượu, và bà vợ của ông ta
có thể cúng biết bao nhiêu là tiền trong các sòng bạc, như báo chí đã đưa tin?
Một vài tháng sau tôi nhận được nhiều cú gọi liên tiếp của một nghị sĩ quốc
hội Canada và một giáo sư đại học ở Montreal nói cho tôi biết là họ đang cố trục
xuất hai vị lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng tham nhũng, bởi vì một nhân viên di trú
Canada đã sai lầm khi cho phép họ nhập cư, trong khi không có một quốc gia nào
chịu nhận hai người này. Họ nói với tôi rằng họ muốn tống cổ ra khỏi Canada một
viên tướng hết sức tham nhũng vốn là cánh tay phải của Thiệu và là một tay kinh
doanh mà ai cũng biết đã từng phỗng tay trên một ngân hàng ở Sài Gòn bằng những
biện pháp bất chánh. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy viên nghị sĩ Canada có thông
tin hết sức chính xác về hai người này, nhưng ông ta cũng muốn thêm thông tin từ
một viên Thống đốc Ngân hàng Trung ương để lập thành một cáo trạng đúng luật chống
họ. Tôi không cho một thông tin nào thêm cả, nhưng vị nghị sĩ và vị giáo sư nói
với tôi là họ sẽ trình một đạo luật lên quốc hội Canada để tống cổ hai người
kia ra khỏi nước họ. Không may thay cho vị nghị sĩ Canada, không một nước nào
muốn nhận hai người đó cả và vì vậy theo luật pháp của Canada, chính quyền
không thể đuổi họ.
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét