Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH - PHẦN 5

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
IV. Bước vào khu vực tư

Tháng 9/1961, hết kỳ nghỉ phép tôi về thăm ông Diệm và báo là tôi muốn tham gia vào khu vực ngân hàng tư, nhưng trong lãnh vực mà tôi vẫn còn có thể phục vụ lợi ích chung và giúp ông phát triển kinh tế đất nước: hỗ trợ tài chánh cho nền kỹ nghệ non trẻ của Việt Nam là một mối quan tâm lớn của ông Diệm. Tôi nói với ông là tôi sẽ giúp sức thành lập một ngân hàng kỹ nghệ bán công để tài trợ cho việc phát triển kỹ nghệ Việt Nam. Diệm đồng ý nhưng ông nói hễ khi nào ông cần tôi, ông sẽ gọi và giao cho tôi một trách nhiệm mới trong chính quyền. Tôi trả lời vâng nhưng tận trong đáy lòng tôi không tin cho lắm việc tôi sẽ trở lại dưới quyền ông bởi vì tôi biết rằng chế độ ông đã mất lòng dân và đám tay chân bộ hạ của ông không những đã làm cho những người đầy thiện chí như tôi mà còn làm cho quần chúng bình thường xa lánh. Diệm hứa là sẽ giúp đỡ tận tình cho kế hoạch của tôi. Đó là lần cuối cùng tôi còn trông thấy Diệm, trước khi ông bị giết trong cuộc đảo chánh 1963. 
Tôi nói chuyện với Hiệp hội Ngân hàng và phái đoàn viện trợ Hoa Kỳ, USAID, họ hoan nghênh và hứa sẽ hỗ trợ tối đa. Sau một vòng tham quan Iran, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Đài Loan để xem các loại ngân hàng phát triển khuyếch trương, tôi thành lập Công ty Khuyếch trương Kỹ nghệ SOFIDIV (Société Financière Pour Le Development de L’Industrie Au Vietnam) với sự hùn vốn của tất cả các ngân hàng mà trong đó ngân hàng cũ của tôi, Ngân hàng Việt Nam Thương tín, có cổ phần lớn nhất.

Chế độ Diệm đang đương đầu với những rối rắm về xung đột tôn giáo, những cuộc biểu tình chính trị, sự bất an xã hội, và những khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Chính quyền Mỹ muốn Diệm cải cách chính trị để lấy lại lòng dân. Vì Diệm cứ trì hoãn và chống lại áp lực của Mỹ, nên quan hệ giữa hai nước đồng minh sa sút đi mau chóng. Diệm được khuyến cáo nhiều lần là phải để cho Nhu rời khỏi chính quyền và mở rộng chính phủ cho những người ở bên ngoài đám thân cận ông. Diệm còn muốn trì hoãn nhưng ông biết rằng Việt Nam không thể tự đánh giặc một mình mà không được Mỹ trợ giúp. Thỉnh thoảng ông cũng có nghĩ tới việc mở rộng chính quyền nhưng ông không tin những người đối lập với ông. Vì vậy ông muốn tìm kiếm những người không có liên hệ chính trị hoặc những người chuyên môn mà chính phủ Mỹ có thiện cảm. Tên tôi được nhắc tới nhiều lần và Diệm cũng thích nhưng Nhu phản đối dữ dội. Nghe kể chuyện ấy, tôi đã cố tránh tiếp xúc với Diệm; bất cứ khi nào nghe tin đồn sắp thành lập lại nội các, thì không như những người khác hăm hở muốn có một chỗ trong nội các mới, tôi lại cố tìm cách lánh về vùng nông thôn dưới đồng bằng sông Cửu Long, hoặc là ra nước ngoài để tránh bị gọi tên vào danh sách. Tháng 10/1963 khi nghe tin đồn về nội các chính phủ mới, tôi bay qua Hồng Kông và tránh không ghé thăm một người bạn cũ làm lãnh sự Việt Nam ở đó vì sợ anh ta sẽ báo cho Nhu, Diệm biết. Rồi vì không cảm thấy an toàn ở Hồng Kông, tôi bay qua Nhật, ở đó một buổi sáng khi xem TV ở trong phòng, tôi nghe tin chính phủ Việt Nam bị lật đổ và vài giờ sau nghe Diệm và Nhu bị giết chết. Đột nhiên nước mắt tôi chảy dài xuống má. Tôi cảm thấy buồn vô cùng vì đối với tôi Diệm là một nhà lãnh đạo lớn. Quả là vô cùng tệ hại khi ông cứ cứng đầu không chịu tự do hoá chế độ của ông. Mọi việc có thể hoàn toàn khác nếu ông để Nhu ra đi. Cái chết của ông làm tôi cảm thấy đau lòng suốt nhiều năm và mỗi lần nhớ tới ông là tôi lại buồn hết sức. Khi tôi nói chuyện với ông Pinay, ông cũng tiếc là các tướng lãnh đã giết chết Diệm thay vì cho ông ta đi lưu vong.

Trong thời gian đó tôi cố gắng phát triển SOFIDIV và không bao lâu tôi phải tìm những nguồn tài trợ mới cho các hoạt động càng lúc càng rộng lớn của SOFIDIV. Một tay cựu nhân viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa mới được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương; anh ta là một người tốt nghiệp đại học Harvard và đã làm việc ở IMF vài ba năm. Nguyễn Xuân Oánh được bổ nhiệm với một chiến dịch quảng cáo rầm rộ do anh ta tổ chức trên báo chí, ca ngợi cái lý lịch Harvard và việc làm trước đây ở IMF của anh ta. Oánh là một tay đóng kịch số một và là một chuyên gia trình diễn trước công chúng: với khuôn mặt đẹp trai và một nụ cười dễ thương, cử chỉ êm ái, anh ta rất nổi tiếng và nhanh chóng tạo được tiếng tăm. Anh ta có biệt tài trưng ra những tên tuổi lớn (của những nhận vật chính trị Mỹ), giỏi vận dụng các phương tiện truyền thông, và không hề làm gì để cải chính những lời đồn đại xung quanh mối liên hệ giữa anh ta với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Anh ta đã gây được ấn tượng ở nơi tôi, ít ra cũng là con người mà tôi hình dung qua báo chí. Tôi nghĩ nhất định anh ta là người tôi cần cho SOFIDIV bởi vì anh ta đã ở một trong hai tổ chức song sinh là Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhất định phải rất rành cơ cấu tài trợ các ngân hàng khuyếch trương. Tôi tới gặp Nguyễn Xuân Oánh và bàn về những Ngân hàng Khuếch trương Kỹ nghệ, về mối quan hệ giữa vốn (equity) hay vốn tương tự (quasi equity), về nguồn vốn từ các khoản vay dài hạn nước ngoài và vai trò cần thiết của chính phủ trong đòn bẩy đối với các tổ chức tài chánh. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Oánh hoàn toàn không hiểu gì hết về vấn đề tài trợ khuyếch trương và vay vốn nước ngoài. Không những anh ta không hiểu một tí gì về tài trợ khuếch trương mà anh ta cũng không biết gì về các hoạt động của World Bank trong lãnh vực này, lại càng không hề biết gì về đòn bẩy trong việc vay vốn nước ngoài. Vậy mà IMF là cơ quan sinh đôi của World Bank, và cả hai tổ chức này nằm ở sát bên nhau, nhân viên của cả hai tổ chức thường làm việc chung với nhau trên cùng một dự án, trên cùng một quốc gia thành viên và cùng nhau đi ăn trưa mỗi ngày. Anh ta xin tôi cho anh ta một văn kiện nói rõ về những vấn đề này, tôi đồng ý; và một tuần sau đó tôi lại đến gặp anh ta. Lần này thì mối nghi ngại của tôi là anh ta không hề biết gì đến tài trợ ngân hàng khuyếch trương đã được xác nhận. Tôi hết sức thất vọng vì với tư cách là Thống đốc Ngân hàng, đáng lý anh ta phải biết làm thế nào để tài trợ vốn cho một ngân hàng khuyếch trương, việc này là một nhiệm vụ bình thường của một Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Mặc dù anh ta làm việc cho IMF, cơ quan chị em và láng giềng của World Bank, hình như anh ta không biết gì hết về World Bank, và nghiêm trọng hơn nữa, không biết gì hết về ngân hàng. Vậy mà anh ta lại được bổ nhiệm Thống đốc một Ngân hàng Trung ương. Đây là lần thứ ba chính phủ Việt Nam đã lầm vì bị bằng cấp đánh lừa khi bổ nhiệm một con người vào một công việc chuyên môn cao cấp, mà không chịu nhìn vào phẩm chất chuyên môn thật sự cần thiết cho công việc. Tôi trở về gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ và nói cho ông hay cuộc tiếp xúc với Nguyễn Xuân Oánh. Thơ thừa nhận là ông bị lung lạc bởi bằng Ph.D của Oánh, bởi các mối quan hệ của anh ta khoe khoang và tiếng tăm đồn đãi về anh ta nên ông đã không nhìn vào khả năng chuyên môn mà công việc của một vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương đòi hỏi.

Về sau tôi được biết Nguyễn Xuân Oánh chỉ là một nhân viên kinh tế ở IMF, nơi anh ta đã bị thuyên chuyển hết ban này qua ban khác. Năm 1964 anh ta có mặt ở buổi hội thảo thường niên IMF-IBRD ở Tokyo, mỉa mai thay đó cũng là buổi hội thảo mà World Bank đã phỏng vấn tôi về chức vụ Chánh sự vụ ở IFC (một nhánh của World Bank). Trong lần gặp gỡ thứ hai với Nguyễn Xuân Oánh, nghe anh ta nói đến hội thảo thường niên IMF–IBRD, tôi tình cờ đề cập tới việc tôi cũng đã tham dự buổi hội thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF-IBRD) ở Tokyo đó và đã được World Bank phỏng vấn để nhận chức vụ Chánh sự vụ phụ trách ngân hàng phát triển ở các quốc gia nói tiếng Pháp. Khi anh ta nghe vậy, anh ta tái mặt đi, nhưng rồi anh ta nhanh nhẹn mỉm cười với một nụ cười diễn viên, và anh ta nói một chức vụ như vậy "cũng được"! Thế nhưng chức vụ đó lại cao hơn chức vụ kinh tế gia của anh ta nhiều bậc. Vì ganh tị nên anh ta không nuốt trôi được sự kiện này và anh ta bắt đầu có ác cảm với tôi kể từ ngày đó. Sau này tôi được bổ nhiệm làm phó Quản trị viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế, rồi sáu năm sau được bổ nhiệm Cố vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế; cả hai chức đều cao hơn chức của Oánh nhiều bậc. Oánh là một người rất tự cao, anh ta không thể nhìn thấy người nào có một điều gì tốt hơn anh ta hoặc nhiều hơn anh ta. Về sau anh ta bị Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cách chức, vừa vì lý do thiếu năng lực chuyên môn ở Ngân hàng Trung ương, vừa vì chơi trò chính trị nhằm kiếm một chức vụ quan trọng giữa một loạt đảo chánh và phản đảo chánh khi các tướng lãnh lo đánh nhau để giành quyền. Khi tôi được mời từ Washington về thay thế anh ta ở chức vụ Thống đốc Ngân hàng Trung ương, anh ta không muốn tin rằng anh ta bị giải nhiệm vì thiếu năng lực chuyên môn; anh ta cứ nghĩ là tôi đã vận động tống anh ta đi.

Vì ganh tị với sự nghiệp của tôi, Oánh đã làm hại tôi rất nhiều sau lần về thăm Việt Nam đầu tiên năm 1991, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp đón tôi hết sức nồng nhiệt, sau khi tôi đã trình bày trong một buổi họp những khó khăn kinh tế lúc đó của Việt Nam và đề nghị ông những phương án giải quyết các vấn đề này. Khi đến lúc chia tay, tôi chào từ giã Thủ tướng Kiệt nhưng ông không cho tôi đi, ông cứ nắm chặt tay tôi và tiếp tục khẩn khoản mời tôi trở về giúp nước, mặc dù ông đã trễ giờ gặp Tổng bí thư Đỗ Mười nãy giờ đang ngồi chờ ông ở nhà bên cạnh hơn nửa tiếng đồng hồ. Vậy nhưng năm sau, khi tôi trở về Việt Nam lần thứ hai theo lời yêu cầu của Thủ tướng Kiệt, tôi thấy ông tỏ ra lạnh nhạt; Oánh đã làm xong công việc của anh ta trong thời gian qua, anh ta đã huỷ hoại mọi tiếng tăm của tôi trong lòng Thủ tướng Kiệt. Khi tôi sắp rời Việt Nam, Lâm Võ Hoàng, người đã từng làm việc với tôi ở Việt Nam Thương tín, đã khẩn khoản yêu cầu tôi bỏ qua sự ganh tị của Oánh và hành động xấu xa của anh ta; Hoàng đề nghị tôi tới bắt tay giảng hoà với Oánh. Tôi không tin là Oánh có đủ can đảm để gặp tôi sau những năm ganh ghét và bôi nhọ tôi như vậy. Nhưng vì Hoàng cứ van nài nên tôi đành leo lên xe gắn máy cùng đi với Hoàng tới văn phòng Oánh. Chúng tôi đợi 15 phút, rồi thêm 20 phút; Hoàng mất kiên nhẫn, đến gặp cô tiếp tân hỏi chuyện gì xảy ra. Cô ta bước vào phòng Oánh rồi cho Hoàng hay là Oánh đang bận họp giao ban thường lệ, việc này thường không lâu bao nhiêu và anh ta sẽ ra ngay. Chúng tôi đợi thêm 15 phút nữa. Khi Hoàng thấy Oánh không ra sau một thời gian quá lâu như vậy, anh ta bước tới chỗ tiếp tân và nói lớn: “Một người khách đã đi từ Mỹ tới đây, hết 12 ngàn cây số để gặp ổng, còn ổng thì chỉ bước có 5 bước để đi ra, vậy mà ổng cũng không ra! Cái cung cách quái gở gì vậy ở một con người chức cao như ổng! Từ rày trở đi tôi không bao giờ thèm tới đây gặp ổng nữa!” Tôi cảm thấy bối rối nên kéo Hoàng ra ngoài, trong lúc anh ta vẫn tiếp tục trút cơn thịnh nộ về phía Oánh. Sau khi tôi đã quay trở về nước Mỹ, vài tháng sau đó, một người bạn kể cho tôi hay là Oánh đã nói với một người khách từ Mỹ về là tôi “năn nỉ xin” gặp anh ta nhưng anh ta từ chối tiếp tôi; Oánh kể câu chuyện này với một nụ cười mãn nguyện! Cung cách gì vậy ở một giáo sư, một cựu phó Thủ tướng, một cựu Thủ tướng – dầu chỉ có vài ngày thôi – và là một trong những nhân vật thượng lưu danh tiếng của xã hội Việt Nam!

Để tìm thêm vốn cho công ty SOFIDIV, tôi cũng phải hướng về Bộ Kinh tế. Tổng trưởng Kinh tế lúc ấy là Âu Trường Thanh, người rất thông minh và rất nhiều tham vọng chính trị. Tôi nói chuyện với Thanh khoảng một vài tuần lễ về việc tài trợ cho SOFIDIV thì một ngày kia viên chủ tịch hội đồng quản trị của SOFIDIV, Nguyễn Thành Lập, kể tôi nghe là Thanh đã gọi điện cho ông và yêu cầu ông sa thải tôi mà không nói lý do. Lập là một người rất dễ thương và rất lịch sự nhưng tánh tình hơi mềm yếu; tuy nhiên ông đã từ chối không tuân lệnh vị Tổng trưởng. Ông đã nói với Thanh là hội đồng quản trị không thể sa thải tôi bởi vì tôi là một giám đốc rất có năng lực và làm việc rất hữu hiệu và tôi không phạm một lỗi nào cả. Sau đó tôi được biết hành động ấy của Âu Trường Thanh là do vợ của anh ta, một phụ nữ rất ham mê chức tước; chị ta giận vợ tôi vì trong một buổi họp mặt bạn bè (hai người từng là bạn thân của nhau), vợ tôi đã không gọi chị ta là bà Tổng trưởng! Chồng chị ta vừa mới được bổ nhiệm Tổng trưởng, và ma-đam Thanh vốn rất tự hào về chức tước của chồng đã muốn rằng tất cả bạn bè gọi chị ta bằng cái tít "bà Tổng trưởng".

Mỉa mai thay một vài tháng sau tôi lại được yêu cầu giúp đỡ Thanh. Sau khi tôi trở về Ngân hàng Quốc gia được vài tháng thì Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ muốn sắp xếp lại nội các để đưa nhiều người miền Nam vào nhằm cải thiện hình ảnh chính phủ. Chính phủ miền Nam, đang chiến đấu chống lại miền Bắc nên dĩ nhiên phải có một số thành phần miền Nam hợp lí. Một vài người, trong đó có tôi, đã đề nghị Kỳ đặt Thanh vào chức vụ Tổng trưởng Kinh tế. Bởi Thanh có một số thủ túc là trí thức và chuyên viên trẻ tuổi người Nam nên Thanh muốn tham gia nội các Nguyễn Cao Kỳ, vì có mộng chánh trị riêng biệt. Nhưng đám mật vụ của tướng Nguyễn Ngọc Loan lại có hồ sơ về Thanh như là một người thiên tả và có quan hệ với chế độ miền Bắc. Cha vợ của anh ta là một đảng viên cao cấp và cũng là một thành viên cao cấp trong chính phủ Hà Nội. Bởi vì tôi là một trong những người tiến cử Thanh làm Tổng trưởng Kinh tế nên Kỳ gọi tôi vào, nói tôi nghe về lý lịch của anh ta do tướng Loan đưa, và hỏi tôi dùng anh ta có mạo hiểm quá hay không. Tôi nói với Kỳ, Thanh là một người thông minh và có năng lực, anh ta có thể giúp ích cho chính phủ và Kỳ nên dùng anh ta. Kỳ hỏi tôi có dám bảo đảm cho anh ta nếu Kỳ dùng anh ta hay không. Tôi nói tôi bằng lòng bảo đảm và Kỳ đồng ý nhận anh ta, điều làm cho tướng Loan không bằng lòng. Loan không bằng lòng vì Kỳ đã đưa Thanh vào nội các và Loan cũng không bằng lòng tôi vì đã bảo đảm cho Thanh. Thanh không bao giờ biết những gì tôi đã làm cho anh ta; sự thực thì tôi làm như vậy vì đất nước hơn là vì anh ta, nhưng dù sao Thanh cũng đạt được điều anh ta mong muốn. Chúng tôi lại trở thành bạn bè trở lại và nhiều năm sau đó khi tôi làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, anh ta đã nhờ tôi xin cho anh ta một công việc trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF; tôi đã tìm ra việc cho anh ta, nhưng Thanh không trả lời. Và sau này tôi mới hiểu được vì sao.

Vài tháng sau đó, Thanh đâm sau lưng Kỳ – tôi muốn nói trên phương diện chính trị – và chứng tỏ là anh ta chỉ có thể phục vụ cho quyền lợi riêng của chính anh ta chứ không ai khác. Khi một nhóm thành viên trẻ người Nam trong nội các nổi loạn chống lại Kỳ và đe doạ từ chức, Thanh đã nhảy vào đứng đầu trong đám này và dẫn họ ra khỏi chính phủ. Trong viễn cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, đó là một cơ hội rất tốt không tốn tiền để tạo một hình ảnh chính trị cho anh ta. Thanh vốn là một người Nam, rất nhiều tham vọng, anh ta nghĩ rằng có thể sử dụng cơ hội này để trở thành người lãnh đạo của nhóm Nam bộ nhằm chuẩn bị cho những mục đích chính trị xa hơn. Khi anh ta cùng rút lui với những thành viên người Nam ra khỏi chính phủ của Kỳ, tôi thấy ngay tức khắc là anh ta đã có tham vọng nhắm tới chức Tổng thống, và anh ta đang chuẩn bị nước cờ sắp tới – ứng cử viên Tổng thống. Nhưng Thanh chơi rất kín, không ai hay biết tham vọng Tổng thống của anh ta cho tới giây phút cuối cùng. Sau khi đã trình diễn trên cả nước hình ảnh một vị Tổng trưởng Kinh tế, được củng cố thêm bởi sự ủng hộ của nhóm Nam bộ, anh ta nghĩ đã có thể bắt đầu cuộc chơi riêng tư của anh và tuyên bố muốn tham gia cuộc tranh cử Tổng thống, nhưng không lộ hết chi tiết. Nhóm Nam bộ trẻ vỗ tay hoan nghênh lời tuyên bố của anh ta, đinh ninh rằng anh ta sẽ nhận vị trí thứ hai sau ứng cử viên của họ là Trần Văn Hương, một người nổi tiếng. Trên thực tế ít lâu sau, khi cuộc vận động đang xả hết tốc lực, anh ta đã qua mặt nhóm miền Nam và thủ lãnh của họ, đăng ký ứng cử viên độc lập vào ngày cuối cùng, ngay buổi chiều trước thời hạn, mà không cho một ai trong nhóm được biết. Khi nhóm người miền Nam biết được nước cờ tráo trở của anh ta, họ lên án anh ta đâm sau lưng họ, họ rút lui sự ủng hộ dành cho anh ta và vận động chống lại anh ta. Chiến dịch tranh cử của anh ta hoàn toàn thất bại; tất cả những người có ít nhiều cảm tình với anh ta trước kia xây lưng lại anh ta và gọi anh ta là kẻ phản bội. Hình như anh ta có biệt tài đâm sau lưng, anh ta đã phản bội Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ khi ở trong nội các của Kỳ, đã bỏ rơi nhóm miền Nam, và ngay giữa chiến dịch vận động, bỏ rơi ứng cử viên Tổng thống Trần Văn Hương, người mà anh ta luôn luôn gọi là thầy và hứa giúp đỡ trong chiến dịch tranh cử. Nhưng những thủ đoạn của anh ta chưa dừng ngang đây. Có một lần anh ta yêu cầu chính phủ để anh ta đi một chuyến công tác qua Nhật. Khi anh ta tới nơi, Nguyễn Duy Quang, Đại sứ Việt Nam ở Tokyo, một trong những người bạn rất thân của tôi, ra đón anh ta tại phi trường, Thanh yêu cầu Quang sắp xếp một buổi tiếp kiến Nhật hoàng, nhưng chỉ một mình anh ta chứ không phải với cả phái đoàn Việt Nam như thường lệ. Thanh có một kế hoạch bí mật ở trong đầu, anh ta muốn có một tấm ảnh chụp chung với Nhật hoàng. Dĩ nhiên sau này Thanh sẽ dùng tấm ảnh này để tác động với các công ty lớn của Nhật Bản – người dân Nhật rất tôn sùng Hoàng đế của họ và sẵn sàng làm tất cả cho ông, thậm chí chỉ cho cái tên của ông – và anh ta đã đạt được quyền làm đại diện duy nhất cho một sản phẩm nổi tiếng của hãng Sanyo Nhật Bản trên toàn lãnh thổ Pháp. Sau đó khi gặp lại, anh Quang đã kể lại cho tôi tất cả câu chuyện.

Năm 1962, sau khi đã thành lập SOFIDIV và trả hết nợ gia đình, tôi bắt đầu tìm kiếm những món đầu tư mới vì suốt cả thời gian làm việc nhà nước tôi không để dành được một món tiền nào. Bây giờ tôi muốn gia tăng lợi tức và dành dụm chút ít cho các đứa con tôi khi chúng tới tuổi vào đại học. Nhưng phải là một món đầu tư không mâu thuẫn với các vị trí hiện tại cũng như tương lai của tôi, một món đầu tư không đòi hỏi quá nhiều vốn vì tôi không có, và một món đầu tư không bắt tôi phải đi vay tiền, điều mà tôi ghét suốt đời. Tôi thương lượng với nhà chức trách quận Liêng Khàng thuê một nhượng địa rộng 42 mẫu Tây, cạnh phi trường Đà Lạt (một nhượng địa là một miếng đất cho thuê bắt buộc người thuê phải khai khẩn đất hoang trong một thời gian nhất định, sau đó vùng đất đã khai hoang sẽ thuộc về quyền sở hữu của người thuê; trong lúc miếng đất nếu không được khai hoang sẽ trở lại thuộc quyền nhà nước). Tôi thuê một người quản gia và dựng tạm một ngôi nhà mái tôn cho anh ta ở, và mỗi cuối tuần chúng tôi sẽ lên đó ở chung với anh ta. Tôi trồng 3 mẫu cà phê và nuôi một ít gia súc. Cứ mỗi cuối tuần tôi lái xe đưa cả gia đình lên trang trại, tất cả chúng tôi đều rất thích thú sống những ngày ở đây mặc dù thiếu tiện nghi, vì thời tiết và khí hậu ở đây rất tuyệt vời: ngày nắng trong veo, còn đêm thì trời đầy sao và mát lạnh (Liêng Khàng ở độ cao chừng 900 mét ). Đạm, Lịch, Hào rất thích đời sống ở trang trại và mỗi khi tới lúc phải về thì không đứa nào muốn về. Chúng đóng vai cao bồi với những khẩu súng tôi mua từ Paris và New York, chúng giành nhau để leo lên đi rong chơi trên chiếc xe Jeep nhỏ khoảng một nửa chiếc xe Jeep thật mà tôi đã làm từ một chiếc máy cày cũ cùng với người thợ cơ khí ở nhà băng. Chúng cũng thích cỡi lên lưng một con ngựa nhỏ mà tôi mua từ một xóm dân tộc; chúng ăn ngon, ngủ ngon và lên cân đều đặn, làm hai vợ chồng tôi rất sung sướng.

Ban đêm chúng tôi có thể nghe tiếng hổ gầm xa xa, và tôi luôn luôn đi ngủ với một khẩu súng nạp sẵn đạn, còn ban ngày chúng tôi có thể trông thấy một vài con nai con, thỏ và chim trĩ chạy quanh các bụi cây. Một ngày kia mấy người giúp việc bắt được một con nai cái nhỏ và chúng tôi đã nuôi nó trong một cái chuồng gần nhà, chúng tôi đặt tên cho nó là Bambi, và đám trẻ rất thích chơi với nó, nó trở nên rất thuần tánh, khi mấy đứa con tôi cho nó ê hề thức ăn, rau cải, đường miếng, và đặc biệt là thuốc lá điếu, món mà nó trở nên nghiện rất mau.

Liêng Khàng không có nước máy, những người giúp việc của chúng tôi phải đi tới giếng nước của nhà hàng xóm để gánh nước đem về đổ trong những cái chum lớn dùng cho cả gia đình. Họ bắt đầu tìm cách đào giếng riêng cho trại nhưng không bao giờ gặp được mạch nước. Rồi một người ở trong làng cho tôi hay là có một người Nhật thường đi khắp nơi giúp dân chúng tìm chỗ đào giếng, những cái giếng rất tốt mà không cần phải đào sâu lắm. Tôi lái xe lòng vòng đi kiếm ông ta và một ngày kia tôi đã gặp ông. Ông ta đã chỉ cho chúng tôi coi ông ta tìm mạch nước ngầm như thế nào. Ông ta cắt một cái cành cây có chạc (nạng), đẽo sạch vỏ và cầm hai đầu chạc cây đi quanh rà rà cái nạng trên mặt đất, thế rồi ở một địa điểm đặc biệt, cái nạng rung lên rất mạnh trong tay ông. Ông ta quay lại nói với chúng tôi bằng thứ tiếng Việt ngượng nghịu rằng dưới địa điểm này nhất định có một nguồn nước đang chảy chầm chậm như một con suối giữa các tảng đá. Những người giúp việc trong trang trại của tôi hết sức khích động, họ bắt đầu đào ngay xuống đất. Ngày hôm sau họ chạm tới mạch nước và chúng tôi có thể nhìn thấy dòng nước chảy xuyên qua các tảng đá. Qua bao nhiêu năm cái giếng này vẫn cho thấy nó có một mạch nước rất mạnh, luôn luôn đầy một thứ nước sạch và trong vắt; suốt cả mùa hạ nước không bao giờ cạn và mực nước luôn luôn ở mức đều như nhau suốt cả năm. Chúng tôi tới mời người Nhật dùng cơm với chúng tôi và tôi cố gởi ông một ít tiền thưởng. Ông ta từ chối. Tôi cứ tự hỏi ông ta sống cách nào khi ông ta cứ đi khắp nơi để giúp đỡ mọi người và không hề nhận tiền công. Đối với tôi đó là cả một điều bí mật. Tôi tìm được một bô lão ở một ngôi làng gần Liêng Khàng biết rành chữ Hán và do đó có thể nói chuyện với người chuyên viên Nhật Bản. Tôi được biết là sau khi Nhật bại trận năm 1945 ông không muốn trở về Nhật và đã ở lại Việt Nam, đi từ làng này qua làng khác trên khắp cao nguyên để giúp dân chúng đào giếng và trồng trà và cà phê. Ông hiếm khi nhận tiền thưởng cho những việc ông làm, và tôi không thể hình dung được làm sao ông sống mà không có việc làm cố định và cũng không có lương cố định. Sau đó một vài hôm khi ông trở lại coi cái giếng có tốt hay không, với một vài tiếng Nhật mà tôi đã học hồi xưa khi toan đi du học ở Nhật Bản năm 1944 (viên lãnh sự Nhật ở Huế sau đó cho tôi hay là chuyến tàu dự định chở tốp sinh viên Việt Nam thứ hai đã bị phi cơ Đồng minh bắn chìm giữa biển), tôi cám ơn ông ta và mời ông ta ở lại sống với chúng tôi. Tôi sẵn sàng nhường cho ông ta một chỗ ăn ở trong khi ông ta đi đây đó giúp dân làng, nhưng ông ta từ tạ. Rồi ông ta ra đi và chúng tôi không bao giờ gặp lại ông nữa. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với ông về sau. Đối với tôi ông ta là một con người rất tốt, một trái tim nhân hậu xứng đáng cho chúng ta kính trọng và yêu mến.

Trong những năm đó tôi đã nhiều lần đi săn thú lớn trên vùng cao nguyên, ở Đà Lạt, ở Pleiku, vì sau khi bắn hạ một vài con nai tôi không còn thấy thú vị và tôi quyết định săn những con thú dữ thật sự: cọp, beo, minh và voi. Một người bạn thân của tôi, Trung tá Nguyễn Văn Luận, là cảnh sát trưởng ở Đà Lạt và tôi thường cùng nhau đi săn. Khi nào có thể được, anh ta để tôi dùng chiếc xe đi săn vốn dành riêng cho Ngô Đình Nhu; chiếc xe này được trang bị rất đầy đủ, có một giàn để đứng bắn và quan sát ban đêm và hai ngọn đèn pha rất mạnh để tìm thú dữ. Chúng tôi thường đi tới những khu vực săn bắn dành riêng cho Hoàng đế Bảo Đại hồi trước và Ngô Đình Nhu sau này, nơi có đủ các loại thú dữ. Những chỗ này nằm rất xa, gần vùng ba biên giới Việt Nam–Lào–Cao Miên. Tôi nhớ lần đầu tiên khi chúng tôi tới một chỗ như vậy, một ngôi làng Thượng giữa các khu đầm lầy, thì trời gần sập tối, sau một ngày ngồi trên chiếc xe Jeep luồn lách qua các khu rừng đầy nguy hiểm. Chúng tôi bước ra khỏi xe để duỗi chân cho đỡ mỏi, trong khi người hướng đạo của chúng tôi đi vào làng để sắp xếp cho buổi đi săn tối nay. Tôi nhìn về phía cuối vùng đầm lầy, bật ngọn đèn rọi ở trên trán, và rất ngạc nhiên khi trông thấy rất nhiều cặp mắt màu xanh rải rác khắp nơi và một vài cặp mắt màu đỏ ở xa hơn: mắt màu xanh là mắt của lũ hươu nai, còn mắt màu đỏ là của cọp, beo đen hoặc beo gấm. Sau khi đã nhìn thấy những thứ này chúng tôi quyết định tại chỗ là sẽ tổ chức một buổi săn cọp. Chúng tôi bắn hạ hai con nai, một con dùng làm mồi nhử cọp, còn con kia đem về cho dân làng. Ba người dân làng đã tới giúp chúng tôi dựng một chỗ để bắn cọp; rồi chúng tôi lựa một nơi thích hợp, cột con nai chết vào một thân cây mà từ chỗ nấp của chúng tôi cách đó 10 mét có thể nhìn thấy rất rõ. Dân làng đào một cái hố dưới đất cho hai chúng tôi nấp, nhưng vì đất quá cứng nên họ không đào đủ sâu. Chúng tôi phải ngồi trên một vài cành cây đặt dưới hố nếu muốn nhô đầu lên khỏi miệng hố. Đây là một lối sắp xếp rất nguy hiểm bởi vì chúng tôi phải phơi người ra trong trường hợp cọp tấn công. Chúng tôi xây một tấm màn che bằng cành và lá cây, đoạn trở về làng nghỉ ngơi. Sau bữa cơm tối, Luận cho tôi mượn người phụ tá của anh, trung sĩ Viên, rồi để tôi đi tới chỗ nấp để bắn con cọp đầu tiên của tôi; còn anh thì đã hạ được nhiều cọp rồi trong những lần đi săn với Nhu. Anh ta muốn đi theo một hướng khác cùng một người hướng đạo Thượng để săn gấu và beo.

Khi chúng tôi đến chỗ săn, chúng tôi nghe những tiếng động sột soạt chung quanh do cành lá lay động; chúng tôi biết rằng trong bóng tối lũ thú rừng đang theo dõi chúng tôi, chúng nhìn thấy chúng tôi còn chúng tôi thì không thấy chúng. Một lúc sau khi chúng tôi ngồi yên vị trong hố, chúng tôi nghe bầy cọp gầm và phóng quanh chúng tôi, có lẽ muốn doạ cho chúng tôi tránh xa bữa tiệc của chúng. Sau khoảng 5 phút mà lâu như 5 tiếng đồng hồ, không nghe động tịnh gì về phía chúng tôi, lũ cọp bắt đầu ăn con mồi. Viên nói khẽ bên tai tôi chỉnh lại ngọn đèn đeo trước trán, và nạp đạn vào cây súng mới của tôi, một khẩu Ithaca 12 mua ở New York trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, chúng tôi nói bằng một ngôn ngữ ngắn gọn đã được nhất trí trước đây và bổ túc bằng những cú thúc cùi chỏ nhè nhẹ. Chúng tôi ngồi bất động, chờ cho lũ cọp bị thu hút hoàn toàn vào bữa ăn ngon lành của chúng. Âm thanh do lũ cọp xé toạc miếng mồi và nhai xương rau ráu rất là đáng sợ, nó tựa như tiếng xe tăng nghiến trên sỏi đá. Trong bóng tối tôi có cảm giác như lũ cọp đang ở sát bên mình và chúng có thể chạm vào chúng tôi; chúng gầm gừ cãi cọ và cắn lộn nhau, thấy càng thêm đáng sợ. Tôi bắt đầu đâm nghi ngại không biết mình có thể bắn hạ chúng không, và tôi cố tưởng tượng việc gì sẽ xảy ra nếu tôi bắn hụt và chúng nhảy xổ lên chúng tôi. Những người đi săn từng trải kể cho tôi nghe trước đây rằng cọp thường nhảy lên tấn công người khi chúng bị trúng đạn, ngay cả trong một tích tắc trước khi chúng chết.

Vài phút sau Viên dùng cùi chỏ thúc nhẹ vào sườn trái tôi. Đó là dấu hiệu bắn. Chúng tôi đã đồng ý với nhau là tôi sẽ bắn trước và anh ta sẽ bắn tiếp hỗ trợ nếu tôi bắn hụt. Tôi mở chốt an toàn, bật ngọn đèn rọi, nhắm phía lũ cọp và bóp cò súng, tất cả chỉ trong vòng vài giây đồng hồ. Tiếng nổ xé toang sự yên lặng của màn đêm và lũ cọp nhảy dựng lên, rống rú và tháo chạy tán loạn, gây nên một cảnh hỗn độn khủng khiếp trong bóng tối dày đặc của rừng già.

Sau một số phút kéo dài, yên lặng lại bao trùm. Chúng tôi quyết định bò ra khỏi hố xem xét. Một con cọp chết nằm gần bên miếng mồi. Đó là con cọp đầu tiên của tôi. Nhưng tôi cảm thấy buồn vì con cọp hình như vừa mới lớn chứ chưa phải là một con cọp trưởng thành như tôi đã hy vọng.

Dân trong làng nghe tiếng nổ đã chạy ra từng tốp; họ cười và nhảy múa khi thấy con cọp chết, họ sắp có thêm thịt ăn cho cả làng. Hai người đàn ông lực lưỡng cột hai chân trước và hai chân sau của con cọp lại với nhau rồi dùng một khúc cây dài và lớn nhấc con cọp lên và đi về làng. Trong ngôi làng Thượng, một người thợ săn từng trải bắt đầu lột da cọp, rất thận trọng để tránh làm hư bộ da đẫm máu nhưng rất đẹp. Anh ta đặt bộ da vào trong một cái chum lớn và đổ muối phủ lên trên. Đoạn anh ta quay lại cắt hết đống thịt cọp, gột sạch các khúc xương và bỏ vào trong một cái chum khác. Bộ da sẽ được thuộc, và xương sẽ được chùi rửa sạch sẽ trước khi nấu trong nhiều ngày liền để làm cao hổ cốt, một món thuốc được coi là rất tốt cho bệnh thấp khớp. Viên tử tế lo giữ bộ da và xương cọp cho tôi. Tôi thưởng cho dân làng một món tiền lớn rồi ra về.

Có một lần, một tay chủ tịch ngân hàng Mỹ, ngày trước là một viên tướng đánh giặc ở Thái Bình Dương với bao nhiêu là huy chương, đến viếng thăm tôi. Ông ta nghe tôi nói chuyện săn bắn cọp, beo, gấu, minh… nên tỏ ý muốn bắn một con cọp để lấy da trưng ở phòng khách và khoe với bạn bè. Tôi tổ chức cho ông ta một cuộc săn cọp như kiểu trước đây. Chúng tôi đi đến một làng Thượng ở gần vùng ba biên giới, và đến tối, ông ngồi với tôi trong một hầm rất lớn đào dưới đất. Vì ông ta cao to nên khi ngồi trong hầm, đầu ông cao hơn đầu tôi nhiều, nhô lên khỏi mặt đất. Đây là một lối săn cọp rất nguy hiểm đối với một người chưa có kinh nghiệm săn cọp. Tôi cảnh cáo ông nhưng ông ta bảo ông không sợ, ông đã gặp cảnh chiến tranh nguy hiểm hơn nhiều.

Cũng như lần trước với Viên, viên tướng Mỹ, người thợ săn và tôi định sẵn trước với nhau lối bật đèn nhìn cọp và bấm cò. Tôi để người thợ săn đứng bên tay mặt tôi, viên tướng ở bên trái. Lũ cọp không đến ăn ngay, chúng tôi phải chờ gần hai tiếng đồng hồ, chúng mới mò tới chỗ con mồi. Nhưng lần này chúng tới đông hơn, và gầm rống, nhảy nhót rất lâu trước khi ăn mồi. Quả thật là đáng sợ. Tôi có cảm giác như là lũ cọp biết chúng tôi đang ngồi ở đây, và chúng nhảy qua nhảy lại gần miệng hầm để doạ chúng tôi. Sau một thời gian lâu hơn chuyến trước, lũ cọp bắt đầu ăn mồi. Nhưng không những gây gổ, đe doạ nhau trong đêm tối, chúng còn thốt ra những tiếng gầm thét rùng rợn, cùng những tiếng nhai xương ghê gớm. Khi đàn cọp bắt đầu mê ăn, tiếng động, tiếng gầm bớt đi, người thợ săn thúc nhẹ cùi chỏ cho tôi hay, tôi liền dùng cùi chỏ báo hiệu cho viên tướng hay, vì tôi muốn nhường ông bắn trước, để ông quả thật là người hạ được cọp. Nhưng tôi chờ mãi không thấy ông bật đèn lên bắn, nên lại dùng cùi chỏ thúc ông một lần nữa. Vẫn không thấy ông ta phản ứng.

Tôi lên cò, mở đèn, bắn. Lũ cọp nhảy dựng lên, gầm thét, tháo chạy hỗn loạn. Quang cảnh thật rùng rợn. Trong ánh đèn đã bật, tôi nhìn về phía ông ta, thì thấy mặt ông ta xanh lè, và ông đã tè ướt cả quần. Tôi leo lên, tới nhìn xác con cọp nằm trên đất. Tôi không dám hỏi ông ta tại sao không nổ súng, vì tôi biết ông ta quá sợ khi lũ cọp nhảy nhót gầm thét gần bên. Tuy nhiên tôi vẫn thuộc da cọp và biếu ông ta, như thể ông đã hạ được cọp.

Sau khi đã tự tay mình hạ được con cọp đầu tiên và thuộc bộ da của nó để làm chiến lợi phẩm kỷ niệm (bộ da cọp rất đẹp và tôi đã trải nó ở trong phòng khách), và giúp ông bạn Mỹ bắn con cọp thứ hai, tôi lại muốn một thách thức lớn hơn: săn beo. Đây là một loài vật hay rụt rè, nhưng rất thông minh và rất khôn lanh. Nó nhỏ hơn cọp nhưng đi săn nó thì nguy hiểm hơn nhiều. Trong khi đang chuẩn bị cho chuyến đi săn kế tiếp thì tôi nghe tin một người bạn của tôi, một người Tây lai, con của một ông cha Pháp và một người mẹ Việt, một tay đi săn từng trải hơn tôi rất nhiều, mới được đưa vô bệnh viện vì bị tai nạn trong lúc đi săn. Tôi chờ vài ngày cho anh ta đỡ được đôi chút đoạn tới thăm anh trong bệnh viện. Cha anh ta là một tay săn thú lớn cừ khôi và cũng là một người hướng đạo rất giỏi nhưng rất đắt tiền. Tôi thấy ông ta đang ngồi bên cạnh giường bạn tôi. Tôi rất sung sướng được gặp cả hai ở đây. Henri muốn ngồi dậy nói chuyện nhưng cha anh biểu anh nằm xuống nghỉ. Ông đoán là tôi tới thăm con ông nhưng chắc là cũng muốn nghe câu chuyện, vì vậy ông nói với Henri rằng ông sẽ kể những gì xảy ra cho tôi nghe. Mười ngày trước, Henri đã đi tới vùng ba biên giới cùng với hai người bạn và một người hướng đạo Thượng, đó là một đêm rất tối, tốt cho việc săn bắn. Họ bước đi từ tốn, thận trọng ở phía sau người hướng đạo vào sâu trong rừng, tìm kiếm hươu nai hay cọp. Thình lình Henri trông thấy hai cặp mắt đỏ. Anh bật đèn rọi lên và thấy một con beo cái ngậm một con hươu nhỏ trong miệng; nó đang trèo lên cây, theo sau là một con beo con. Henri ra dấu cho mọi người ngồi xuống nấp sau gốc cây, anh hướng ngọn đèn về phía con beo và kéo cò. Khẩu súng là một khẩu Ithaca 12 giống như của tôi. Tiếng nổ xé toang màn đêm và cả hai mẹ con con beo rớt xuống đất. Con beo mẹ phóng chạy nhưng con beo con run rẩy kêu la, nó không chạy theo mẹ được vì hai chân sau của nó đã bị gãy. Henri bồi thêm một phát súng để chấm dứt sự đau đớn của con beo nhỏ, và ra lệnh cho người hướng đạo giữ con beo con trong khi anh và hai người bạn đuổi theo con beo mẹ. Sau một hồi tìm kiếm Henri trông thấy một vài giọt máu ở trên đám lá cây. Anh và hai người bạn nhìn quanh nhưng không thấy một con vật nào cả. Henri quyết định trở về với xác con hươu và con beo nhỏ để con beo mẹ bị thương lại trong rừng sáng mai sẽ quay lại tìm. Ngày hôm sau trời đầy sương, nhưng Henri và hai người bạn cùng người hướng đạo vẫn đi trở lại cái chỗ anh đã bắn hạ con beo đêm trước. Anh lại trông thấy những giọt máu còn tươi trên đám lá và càng đi càng vào sâu trong rừng; rừng cây càng lúc càng dày và họ phải dùng dao chặt một lối đi và gỡ những cành cây cản đường, nhưng Henri bị thu hút bởi những vết máu còn tươi trên đám lá không chịu quay lui. Thình lình từ sau một bụi rậm, một con beo phóng ra chồm lên người Henri, nó chộp lấy vai Henri bằng hai chân trước, mặt nó kề sát mặt Henri, và mọi người trông thấy hai chân con beo đã bị gãy đầy cả máu, tất cả bọn họ biết rằng đó là con beo mẹ bị thương. Nó cà cái miệng bị bể vào mặt Henri, nhưng Henri không bắn nó được và cũng không thể tự vệ, con beo tuy bị thương nhưng vẫn còn rất mạnh. Không ai dám bắn con beo vì nó quấn chặt lấy Henri. Cuối cùng con beo té xuống đất và người hướng đạo bắn vào đầu nó. Trong lúc bốn người đi với nhau thành hàng một, làm sao con beo biết được ai là người đã bắn nó và giết chết con của nó đêm trước, làm sao nó có thể nhận ra anh ta và nhảy xổ lên anh? Đó là trí thông minh hay trực giác hay chỉ đơn giản là tình cờ? Không ai có thể biết chắc được, nhưng những sự cố như vậy không phải là chuyện quá bất bình thường. Một người thợ săn già nhiều kinh nghiệm đã có lần kể tôi nghe chuyện một con beo bị một tay thợ săn Thượng dùng giáo đâm bị thương, đã đi tới tận ngôi làng của anh tối hôm sau, gần bìa rừng để tìm người thợ săn và tấn công anh ta. May mà anh ta được dân làng cứu thoát vì họ phát hiện ra con beo kịp thời.

Dù sao câu chuyện này cũng khiến tôi suy nghĩ lại trước khi đi săn beo, và tôi chuyển qua mục tiêu kế tiếp – Minh, một loại bò rừng lớn vô cùng. Minh là loại thú nguy hiểm nhất, dữ nhất và khó lường nhất trong các loài dã thú, ít người dám săn chúng và chỉ có những tay thợ săn hết sức từng trải mới có thể săn được. Có lẽ việc săn minh là một sai lầm lớn của tôi khi tôi có rất ít kinh nghiệm đi săn. Tôi quả là thiếu khôn ngoan khi đâm đầu đi săn minh sau một kinh nghiệm quá dễ dàng với nai và cọp. Minh nặng từ 800 tới 900 kí-lô và có thể chạy với tốc độ 50 tới 60 cây số giờ lên sườn dốc. Chúng sống trên những vùng núi cao xa xôi nhất, lang thang khắp các thung lũng và đỉnh núi, luôn luôn họp thành đàn từ 5 tới 10 con. Khi bị thương hoặc khi sống một mình vì bị đuổi ra khỏi bầy, chúng thường tấn công người ta. Vào một ngày thứ bảy, trên con đường tới một địa điểm săn bắn của Nhu gần biên giới Lào, chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng Thượng và được báo là có một đàn minh mà các tay săn Thượng đã thấy không xa ngôi làng của họ. Chúng tôi quyết định đi tìm. Một người hướng đạo đồng ý đưa chúng tôi lên đỉnh núi không xa ngôi làng bao nhiêu, nơi đàn minh thường lang thang quanh quất. Đứng trên chỗ cao để quan sát đàn minh dưới thung lũng để tính toán cách tấn công thì an toàn hơn. Suốt hai giờ đồng hồ chúng tôi chật vật tìm đường lên trên đỉnh qua các bụi cây đầy gai, các tảng đá trơn trợt, và các cành cây cứ bật ngược vào người, bị lũ côn trùng và vắt bu đầy, những con vắt chỉ nhỏ như sâu đo, sống trong những khu rừng ẩm ướt. Chúng từ trên cây bắn xuống người anh khi anh đi sát chúng, bò dưới lớp áo quần và lặng lẽ hút máu anh mà không gây ra một chút đau đớn nào. Anh chỉ phát hiện ra khi chúng đã hút no bụng và nhả ra, và máu cứ rỉ ướt áo quần anh. Sau khi đã gỡ hết đám vắt, uống một ít nước giải khát và kiểm tra lại súng, chúng tôi lại tiếp tục đi qua khu rừng rậm khoảng hai cây số nữa. Khi tới được trên đỉnh núi chúng tôi nhìn xuống dưới thung lũng và thấy ngay phía trước mắt một đàn gồm năm con minh đã trưởng thành và một con còn nhỏ đang lặng lẽ gặm cỏ trong khi một con minh đực to lớn đứng gác, canh chừng cọp, beo và người. Chúng tôi từ từ lần xuống dốc núi tiến về hướng chúng, con minh đực ngẩng đầu lên và nhìn thấy chúng tôi, nó rống lên một tiếng rất lớn và cả bầy đều ngước đầu lên, thấy chúng tôi và chuẩn bị bỏ chạy. Trong một tích tắc, tôi đưa khẩu Winchester Magnum 3.75 nhắm vào đầu con bò đực và kéo cò. Tôi nghĩ rằng mình đã bắn trúng nên rất ngạc nhiên khi thấy chúng nhảy dựng lên và chạy tán loạn. Theo linh tính tôi chạy theo chúng và khi tới địa điểm chúng ở hồi nãy, tôi nhận thấy có một ít máu vương trên cỏ và trên lá cây. Sau chừng vài trăm mét thì tôi mất dấu nên dừng lại nhìn xung quanh. Thình lình tôi nghe một tiếng động sau lưng. Tôi quay lại và thấy ở sau một gò mối cao, một con minh đực với cặp mắt đỏ ngầu, nhìn tôi một cách dữ tợn và sẵn sàng tấn công. Nó dậm hai chân trước hùng mạnh xuống đất, thở phì phò qua lỗ mũi đang bốc hơi, nghiêng đầu qua một bên rồi phóng tới trước. Tôi nâng súng lên và nhắm vào đầu nó, ngay giữa hai con mắt. Tiếng nổ dội lại rất đanh và con vật rớt xuống đất, bốn chân còn quờ quạng trong không khí. Tôi may mắn đã phát hiện ra nó trước khi nó tấn công. Minh là loài thú rất thông minh. Khi bị thương, chúng thường bọc ra phía sau và tấn công anh từ phía sau lưng. Tôi cũng rất may mắn khi những người dân làng theo tôi không đứng chặn giữa tôi và con vật. Họ rất sợ hãi nhưng họ cũng rất sung sướng khi thấy con bò rừng bị giết, vì họ sắp sửa có rất nhiều thịt với con vật to lớn này. Tôi đứng gần con bò và sờ vào cái đầu to lớn của nó với cặp sừng rất đẹp. Tôi tiếc mình đã không đem theo một cái máy ảnh để ghi hình con vật khổng lồ này trước khi nó bị xẻ ra từng mảnh. Dân làng cắt đầu con minh để dành cho tôi (sau này tôi sẽ đem về thuộc và treo ở Sài Gòn) rồi cắt tất cả những tảng thịt mà họ có thể đem về làng. Thịt bò rừng rất ngon, mềm và ngọt. Sau đó dân làng dùng thừng lớn cột đầu con minh, đoạn hai người khiêng tới xe Jeep cho tôi.

Tôi hạ thêm bốn con minh nữa trong những chuyến đi săn tiếp theo, nhưng suýt chút nữa tôi bị con thứ tư giết chết. Một ngày kia viên cảnh sát trưởng quận Tùng Nghĩa, nơi có trang trại của tôi, cũng là một tay thợ săn cừ khôi đến rủ tôi đi săn. Cách uỷ ban quận 40 cây số, một linh mục Thiên chúa giáo trong những chuyến hành lễ ngày thứ bảy thường gặp một đàn cọp 3 con gần bờ sông vào lúc chiều tối. Ông cho biết con cọp đực là một con cọp rất oai và đẹp, luôn luôn có một con cọp cái lớn và một con cọp con đi cùng. Viên cảnh sát trưởng cho một người Thượng hướng đạo theo tôi và nói tôi hãy đi tìm đàn cọp; anh ta lỡ hứa đi dự một đám cưới nên không đi với tôi được. Tôi cầm khẩu Ithaca của tôi đưa cho người hướng đạo, còn tôi lấy khẩu Winchester Magnum 3.75 đem theo để phòng xa. Sau này tôi biết mình đã quyết định đúng, loại súng săn Ithaca chỉ thích hợp khi đi săn hươu nai hoặc cọp nhưng đối với những loại thú lớn hơn thì không đủ sức mạnh. Một khẩu Winchester Magnum 3.75 mới là vũ khí ngang tầm lũ minh và cả voi nữa.

Một người lính Thượng xin tôi cho anh ta đi theo vì anh ta muốn về thăm cha mẹ tại ngôi làng gần địa điểm mà người linh mục Thiên chúa giáo đã mô tả. Bởi vì tôi đã có một người bạn ở Sài Gòn lên thăm đang đi cùng nên tôi không muốn nhận thêm người lính nữa, vì săn cọp giữa ban ngày rất nhiều trắc trở, đòi hỏi phải xử lí thật nhanh; quá nhiều người có thể cản trở những phản ứng như vậy. Nhưng người lính cứ nằng nặc đòi đi và người hướng đạo cũng ủng hộ anh ta, nói rằng có thể chúng tôi phải cần thêm người để khiêng xác cọp trở về xe Jeep. Đó có lẽ là một quyết định sai lầm về phần tôi khi tôi nghe lời anh ta.

Chúng tôi lái xe tới ngôi làng gần sông nằm trên một vùng đất cao; sau khi leo lên chóp một ngọn núi, chúng tôi nhìn xuống thung lũng, thay vì cọp chúng tôi lại thấy một đàn minh ở phía bên này sông. Người bạn tôi quyết định ở lại trên xe vì khẩu súng của anh ta không đủ mạnh để bắn minh. Tôi nhìn người hướng đạo, anh ta nói anh ta sẽ dùng một khẩu súng cũ của quân đội và để khẩu Ithaca lại trên chiếc xe Jeep. Anh ta đề nghị chúng tôi săn lũ minh này, mặc dù trước đây chúng tôi dự định là săn bầy cọp mà người linh mục đã chỉ. Tôi do dự bởi vì chúng tôi không có đủ súng cho một đàn minh nhiều như vậy, nhưng người hướng đạo đưa mắt nhìn khẩu Winchester Magnum của tôi và hai khẩu súng quân đội, nói rằng nếu chúng tôi hạ một con minh, cả đàn sẽ bỏ chạy thôi và chúng tôi sẽ không phải đối diện với nhiều con. Anh ta rất háo thắng.

Chúng tôi kiểm tra lại súng ống và lên đường. Chúng tôi đi xuống thung lũng, nhưng rừng tre càng lúc càng dày; không dễ gì mở một con đường xuyên qua đám rừng này, lại càng không dễ phát hiện một con thú nào, chúng tôi bèn quyết định tiến về phía con sông. Tôi thận trọng bước từng bước xuyên qua rừng tre, theo sau là người hướng đạo rồi đến người lính. Đầu óc tôi rất căng thẳng, vì cứ sợ nếu một hay một con cọp xuất hiện, người lính có thể hoảng hồn và bắn chúng tôi thay vì bắn thú. Nhưng cũng nguy hiểm không kém nếu để anh ta đi trước, bởi vì anh ta sẽ không đủ sức tự vệ và có thể làm cả đám chúng tôi lâm nguy nếu có một con thú lớn tấn công. Tôi đang còn đắn đo suy nghĩ nên làm gì thì thình lình nghe một tiếng rống ngay phía trước mặt; ngước mắt lên tôi trông thấy một con minh khổng lồ từ sau một bụi tre rậm lao ra tấn công. Nó chỉ cách tôi chưa tới mười mét và tôi không còn đủ thì giờ nâng súng lên nữa. Đầu cúi xuống, cặp sừng dựng đứng, con vật lao tới tấn công như một tia chớp, những cái chân to lớn của nó dậm mặt đất nghe như tiếng sấm. Tôi ngã người qua tay phải để tránh và nó cọ sướt tay áo tôi, và rồi tôi nghe thấy một tiếng động rất lớn phía sau lưng. Tôi chạy bổ về phía trước và chỉ ngừng khi bị con sông chặn lại. Người hướng đạo chạy nhào theo tôi và cả hai chúng tôi nhảy ào xuống sông, nấp sau bờ sông, hướng mũi súng về phía con minh. Chúng tôi chờ một ít lâu, lòng lo lắng không biết người lính ra sao vì mãi không thấy anh xuất hiện, và quyết định đi trở lui tìm anh ta. Cả hai chúng tôi đều ngờ rằng anh ta có thể bị thương với con minh sau khi nó tấn công hụt hai chúng tôi; cái tiếng động rất lớn hồi nãy có thể là tiếng con minh húc vào người anh ta. Đó là một giây phút cực kỳ đáng sợ. Chúng tôi bắn nhiều phát đạn lên trời để xua đuổi con minh và đi trở lại chỗ chúng tôi bị tấn công hồi nãy. Quả là một cảnh tượng rùng rợn: người lính nằm sóng sượt trên mặt đất với một vết thương khủng khiếp ở ngực và một vết thương nữa ở đùi trái. Anh ta còn bị con minh dẫm lên người và máu đang tuôn ra khắp nơi, từ miệng, mũi, mắt và tai. Người lính nhất định phải chết ngay tức khắc với cú húc khủng khiếp của hai cái sừng nhọn hoắc vào ngực và đùi, với một vận tốc 60 cây số giờ và một khối xương thịt nặng cả tấn tống vào người anh. Nhìn thân thể tan nát của người lính tôi mới nhận thức được một con minh độc thân có thể nguy hiểm tới chừng nào. Đây phải là một bài học cho những tay thợ săn thiếu kinh nghiệm như tôi.

Chuyến đi trở về cực kỳ khốn khổ, mưa tầm tã và người hướng đạo cùng tôi phải khiêng xác người lính trên hai cành cây lên dốc xuống dốc, trượt chân trên những tảng đá ướt, té xuống bùn lầy, chống chọi với các cành cây và bụi rậm suốt một khoảng đường bốn, năm cây số để về lại chiếc xe Jeep. Khi chúng tôi về tới trung tâm quận lị, gia đình của người lính chạy ra kêu khóc không ngớt. Tôi cảm thấy khốn khổ, lòng tôi tràn ngập nỗi buồn rầu, thương xót và ân hận. Tôi không thể tự tha thứ cho mình đã gây nên cái chết của một con người vì cái thú đi săn. Tôi gởi một món tiền lớn giúp đỡ gia đình người lính, bày tỏ lòng tiếc nuối sâu xa và quyết định ngay tại chỗ sẽ không bao giờ đi săn trở lại. Suốt một tuần lễ đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và tôi hầu như không thể lo toan công việc hàng ngày. Tôi đem tất cả súng đạn cho người cảnh sát trưởng và kể từ ngày ấy tôi không bao giờ chạm vào một khẩu súng hay đi săn nữa.

Sau khi ông Diệm bị lật đổ và bị giết tháng Mười một 1963, Việt Nam trải qua một giai đoạn rối loạn chính trị và bất an xã hội. Du kích càng ngày càng mạnh hơn và tình hình an ninh đâm ra rất nghiêm trọng. Những cuộc đấu đá giữa các nhóm quân đội cũng như các cuộc đụng độ tôn giáo giữa Phật tử và tín đồ Thiên chúa giáo đe doạ sự ổn định của Nam Việt Nam: nhiều người đã tiên đoán một cuộc sụp đổ toàn diện của miền Nam vào năm 1965. Dây kẽm gai và chướng ngại vật giăng trên đường phố là chuyện thường ngày. Tinh thần chung của dân chúng rất là u ám. Những hoạt động nghề nghiệp của tôi cũng chậm lại rất nhiều khi mà tình hình an ninh chung không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Tôi quyết định tạm rời đất nước để ra nước ngoài làm việc. Cuối năm 1963 Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ đề nghị bổ nhiệm tôi làm Đại sứ ở Nhật Bản, tôi không phản đối ý kiến này và Gaimucho, Bộ Ngoại giao Nhật, cũng rất đồng tình, nhưng một thành viên trong Hội đồng Tướng lãnh, tướng Kim, người mà tôi đã từ chối không đi theo giúp, đã phản đối kịch liệt việc bổ nhiệm tôi. Năm 1962 Diệm gởi một phái đoàn do tướng Kim cầm đầu qua Nhật. Cũng vào lúc đó ông Diệm gởi tôi tới Tokyo để thăm dò với chính quyền Nhật về việc mở rộng hợp tác kinh tế tài chánh. Ông đã phạm một sai lầm khi không nói cho tướng Kim biết là tôi có một nhiệm vụ riêng biệt. Giống như những tay lãnh đạo quân sự khác, tướng Kim không biết gì về lãnh vực kinh tế tài chánh và cứ nghĩ rằng tôi nằm trong phái đoàn của ông. Khi tôi từ chối không đi cùng với đoàn của ông, ông tức giận và báo cáo lại Diệm, thế nhưng Diệm nói với ông là tôi có một nhiệm vụ khác và ông ta phải để tôi yên. Đây là cung cách làm việc đặc trưng của ông Diệm. Ông luôn luôn làm theo ý kiến riêng mà không chia sẻ với bất cứ ai trong chính phủ.

Rồi vào cuối năm 1962 khi đang ở trên đường tới Pháp và tới Đức nhằm tìm kiếm sự tài trợ cho Ngân hàng Khuếch trương mà tôi mới thành lập, tôi nhận được tin cha tôi đột ngột qua đời. Ông đã từ trần trong lúc đang ngủ, trước lúc mẹ tôi thò tay qua tấm mùng để nắm lấy tay ông. Đó nhất định là một cái chết rất êm thắm, rất đẹp và tôi muốn tôi cũng được như vậy khi rời khỏi cuộc đời này. Tôi vội vã quay về từ Paris; khi tới phi trường Tân Sơn Nhất tôi được Kim, một người bạn và là phụ tá thân cận ra đón rồi đưa tôi cùng hai con gái là Đạm và Lịch lên ngay một chiếc máy bay đã thuê, bay ra Huế. Lúc ấy là mùa mưa và chúng tôi gặp phải một cơn bão rất xấu suốt quãng đường về Huế. Chuyến bay hết sức khủng khiếp vì đó là một chiếc máy bay DC3 cũ kỹ. Nó bị lọt vào lỗ không khí và rơi xuống nhiều lần, hất tung mọi vật ở trong khoang. Đạm và Lịch rất sợ và tôi phải nắm tay chúng để trấn an suốt thời gian đó. Khi chúng tôi tới Huế thì máy bay lại không thể đáp xuống phi trường Phú Bài vì đã quá khuya và phi trường không đủ trang bị để đón máy bay đêm, tình hình an ninh lại rất tệ, nhân viên phải trở về thành phố trước khi trời tối. Chúng tôi phải quay trở lại Đà Nẵng rồi từ đó mướn một chiếc xe hơi để tiếp tục cuộc hành trình. Khi tôi tới được nhà cha tôi vào 3 giờ sáng thì đã đến lúc bắt đầu những nghi lễ cuối cùng vì lễ động quan được trù định lúc 5 giờ sáng. Tôi khóc như một đứa trẻ và cảm thấy buồn khôn xiết vì không nhìn được mặt cha tôi lần cuối. Những nhà sư Phật giáo đã đọc kinh cầu siêu suốt ba ngày ba đêm cho cha tôi và hơn 200 người bạn bè và bà con tập họp trong nhà tôi và trong những ngôi nhà hàng xóm để lo đám tang. Mặc dù hết sức đau đớn nhưng mẹ tôi vẫn phải tham dự đầy đủ các buổi lễ, phải lo coi sóc mọi việc chuẩn bị cho tang lễ và đồng thời, theo đúng phong tục, phải tổ chức nơi ăn chốn ngủ cho một đám bà con bạn bè đông hơn 200 người. Tang lễ hết sức phức tạp và công việc chuẩn bị bao gồm tất cả mọi thứ như cha tôi đã viết lại đầy đủ mọi chi tiết trước khi ông mất. Gia đình tôi tuân theo truyền thống rất kỹ và cha tôi đặc biệt coi trọng mọi nghi thức liên quan tới việc thờ cúng tổ tiên và tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất. Sau này tôi được biết đám tang cha tôi là đám tang lớn thứ hai ở Huế trong vòng 50 năm. Đoàn người dự lễ đưa đám trải dài 3 cây số với những chiếc xe trang trí các vòng hoa trắng, những người phu xe mang các vòng hoa tang, những công nhân mang cờ phướn, theo sau là hàng ngàn người thương tiếc. Cha tôi được rất nhiều người tôn trọng và khâm phục trong tất cả 18 tỉnh thành mà ông đã làm việc trong đời ông. Những người vừa mới biết ông cũng tới chào một lần cuối hoặc theo tiễn ông tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Đám tang theo đúng truyền thống và lớn đến nỗi viên Giám đốc cơ quan USAID Mỹ đã phái một toán truyền hình tới quay làm phim tài liệu. Tôi đội một cái vành rơm và một bộ đồ tang làm bằng vải sô may qua loa, rồi cùng với Minh em tôi, chúng tôi đi thụt lùi ở phía trước quan tài, suốt 7 cây số đường trường từ nhà tôi đến nghĩa trang (anh có bao giờ thử đi thụt lùi 100 bước chưa, anh hãy làm thử rồi anh sẽ thấy nó đau cặp giò và nhức mỏi toàn thân như thế nào và hãy tưởng tượng chúng tôi cảm thấy ra sao suốt một quãng đường 7 cây số sau hai hoặc ba đêm không ngủ). Dân chúng đứng sắp hàng 2 bên đường nhìn đám tang dài dằng dặc đi qua trong lúc cảnh sát bận rộn điều khiển sự giao thông đang hỗn loạn. Khi chúng tôi tới địa điểm chôn cất, thì mẹ tôi và tôi, với tư cách là trưởng nam, phải thực hiện nghi lễ cuối cùng trước khi hạ huyệt. Tất cả mọi người trong gia đình tôi phải quỳ xuống và cúi đầu chạm trán xuống đất để đáp lễ những ai tới lạy cha tôi lần cuối. Có thể tưởng tượng chúng tôi đã phải quỳ gối cúi đầu và dùng trán chạm đất tới biết bao nhiêu lần!

Sau khi xong những nghi lễ cuối cùng và mọi người đã cúi đầu trước quan tài cha tôi, bốn người phu đám tang mặc đồng phục bắt đầu hạ dần quan tài xuống huyệt; nghi lễ truyền thống bắt buộc quan tài phải tuyệt đối nằm ngang, và nắp quan tài không được nghiêng một chút; người ta đặt một ly nước đầy trên nắp quan tài và nước không được tràn ra dù chỉ một giọt trong suốt thời gian quan tài hạ xuống. Những người phu đám tang sẽ được thưởng nếu họ làm tốt, còn nếu nước đổ ra ngoài hay ly bị ngã thì gia đình sẽ bị khiển trách. Rồi trước khi nắm đất đầu tiên được ném xuống mộ, một người bạn và là đồng nghiệp của cha tôi, bác Lâm Toại, đọc một bài điếu văn dài và cảm động trong đó ông ca ngợi những đức tính của cha tôi, cuộc sống gương mẫu của ông và tiếng tăm của ông trong và ngoài giới nhà giáo. Ông nói thêm, và làm mọi người hết sức thán phục, rằng trên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình cha tôi đã đi một quãng đường tương đương 4 lần vòng quanh trái đất để thăm viếng các trường học dưới quyền thanh tra của ông. Cái chết của cha tôi là một cú sốc rất lớn đối với tôi và tôi cảm thấy đau lòng trong nhiều năm tiếp theo. Ông đã chấp nhận nhiều hy sinh đối với bản thân ông để cho tất cả chúng tôi được học hành tử tế hơn ông. Sau khi ông về hưu thì tôi đã nghĩ tới chuyện đưa ông qua Pháp du lịch một vòng, điều mà ông mơ ước suốt đời. Nhưng ông đã lặng lẽ qua đời trước khi tôi có thể giúp ông thực hiện giấc mơ đó. Tôi luôn luôn ân hận về điều này và cho tới hôm nay tôi vẫn còn cảm thấy có lỗi mỗi khi nghĩ tới cha tôi. Trong hơn hai mươi năm, mỗi lần tới dịp kỵ giỗ ông hàng năm, tôi đều khóc. Tôi vẫn thường bày ra cúng vái ông nhiều lần trong năm mặc dù thông thường chỉ cần mỗi năm một lần thôi. Cha tôi luôn luôn có ảnh hưởng tốt và sâu đậm trong cách xử thế của tôi, và ảnh hưởng đó còn lớn hơn sau khi ông mất. Mỗi khi tôi muốn làm điều gì tôi đều tự hỏi cha tôi có làm vậy hay không, và ký ức về sự chân thật và chính trực của ông luôn luôn cho tôi can đảm và sức mạnh để đi đúng đường, bất chấp những khó khăn trong sự nghiệp của tôi.

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét