Trong một bài chân dung viết về Nguyên Ngọc, tôi gọi anh là con người lãng mạn.
(Nguyên Ngọc, con người lãng mạn). Cũng có thể nói, Nguyên Ngọc là người
của cái tuyệt đối. Anh không chấp nhận sự nửa vời, trạng thái lừng chừng. Phải
tuyệt đối anh hùng, phải tuyệt đối trong sáng. Không phải anh chỉ nghĩ thế, mà
còn sống như thế. Rất dũng cảm, thích mạo hiểm. Anh từng đi đánh thổ phỉ ở Tây
Bắc. Từng đi ngựa theo một đoàn buôn thuốc phiện lậu từ Cao Bằng đi Lai Châu.
Đi B dài cùng Nguyễn Thi. Nguyên Ngọc ở lại khu Năm, còn Nguyễn Thi thì vào
tuốt Nam Bộ. Họ chia tay nhau bên một khu rừng xà nu bạt ngàn, hẹn trở về
phải đi đường số một. Ở khu Năm, Nguyên Ngọc sống và chiến đấu như một anh
hùng. Một nhà văn như thế thì tìm đâu ra nhân vật trong đời sống thực tế quanh
mình… Mà nhất thiết anh phải viết về chủ nghĩa anh hùng. Đó là quan niệm thẩm
mĩ của anh.
Viết Đất Quảng, anh tìm được một nguyên mẫu mà anh cho là lý tưởng.
Viết đến tập II, thì được tin cái anh nguyên mẫu nọ té ra cũng dao động, lập
tức đốt ngay bản thảo.
Tìm đâu ra những con người tuyệt đối như thế? Phải bịa ra sao? Không, Nguyên
Ngọc tìm lên núi cao và ra tận biển khơi. Anh tìm đến những con người như thuộc
thời hồng hoang nguyên thuỷ, cái thời chưa có kinh tế thị trường, chưa có
chuyện danh và lợi làm vẩn đục lòng người…Sống như tự nhiên, như tảng đá, gốc
cây, con thú rừng. ấy là Đinh Núp, Thnú ở Tây Nguyên, là Thào Mỵ ở Hà Giang,
Mèo Vạc, là những chiến sỹ anh hùng trong Đường mòn trên biển…
Nguyễn Khải thường nhắc lại lời Nguyễn Minh Châu nói với Nguyên Ngọc khi Ngọc
vừa trở ra Bắc sau 1975: “Bọn mình cố phấn đấu để trở thành anh hùng, còn ông
thì cố phấn đấu để trở thành người bình thường”.
Đầu óc Nguyên Ngọc chỉ có cái tuyệt đối, cái phi thường mới lọt vào được. Cho
nên nói chuyện với anh, thấy anh toàn say sưa kể những chuyện như sử thi, như
thần thoại vậy.
Anh cho bài viết của tôi về anh, đã nói đúng cái môi trường có tác động tới anh
từ nhỏ: phố cổ Hội An và bãi biển Cửa Đại, nơi còn giữ được trong thời hiện đại
không khí hoang sơ, hoang dã, với những con người rất đỗi hồn nhiên, trong
sáng. Từ đó, năm 17 tuổi, cuộc kháng chiến đã đưa anh lên tuốt Tây Nguyên, lên
tận đỉnh Ngọc Linh. Hồi ấy, tâm hồn lãng mạn của anh đã từng mơ ước gặp được
một mối tình sơn nữ.
Nguyên Ngọc trên đường đời đã vớ được cây xà nu. Anh liền lấy nó làm nhân vật
tư tưởng của anh. Anh đích thực là một cây xà nu, thẳng băng, nhọn hoắt, chọc
thẳng lên trời.
Con người như thế, tuy người ta rất phục,
nhưng không ai chịu nổi, không ai theo được. Sống thế mệt quá, căng thẳng quá!
Anh mà làm lãnh đạo thì kể cũng khó đoàn kết được quần chúng. Hôm tôi trò
chuyện với Nguyễn Đình Thi trên đường đi Tam Kỳ (năm 2000), Nguyễn Đình Thi cho
biết, hồi bọn Tàu đánh ta ở biên giới, Nguyên Ngọc lúc ấy làm bí thư đảng đoàn
Hội nhà văn, định đưa anh em lên mặt trận biên giới đấy.
Một con người không biết mềm mỏng trong giao tiếp, rất cứng. Anh rất ghét
Nguyễn Đình Thi, cho là thằng giả dối. Trong hội nghị, hễ Thi phát biểu, anh bỏ
ra ngoài. Anh rất khinh Huy Cận. Anh cho con người nhân cách bẩn như thế viết
hay sao được. Người ta nói, thơ Huy Cận trước cách mạng hay đấy chứ! Anh nói dứt
khoát: “không hay!”. Anh rất ghét bọn chấp hành Hội nhà văn từ khoá năm, khoá
sáu và tờ Văn nghệ của Hữu Thỉnh. Văn nghệ đưa đến, anh vất ngay vào sọt rác.
Hội cấp tiền bồi dưỡng sáng tác cho anh, anh từ chối. Nhà anh ở khu tập thể
quân đội số 8 – Lý Nam Đế. Từ cổng đi vào gặp rất nhiều nhà văn quen thuộc. Anh
đi một mạch thẳng, chẳng trò chuyện với ai, khinh tuốt. Nguyễn Văn Hạnh nói,
Nguyên Ngọc không có tâm lý làm nhân vật số hai. Anh chỉ có thể làm nhân vật số
một. Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Nguyên Ngọc. Tố Hữu từng nói với Tô Hoài:
“Nguyên Ngọc cứ để nó làm bí thư đảng đoàn thì nó sẽ làm vua”. Nguyên Ngọc thì
bướng. Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau.
Hồi Nguyên Ngọc làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, anh tổ chức một cuộc hội nghị
nhà văn đảng viên. Anh đưa ra một bản đề cương chống giáo điều, đổi mới văn
học. Tố Hữu đến, lên phát biểu đã phê phán quyết liệt bản đề cương coi là hiện
tượng ngược dòng. Vậy mà khi kết luận hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn khẳng định bản
đề cương đã được hội nghị nhất trí tán thành. Rõ ràng là bất chấp thái độ Tố
Hữu.
Tối hôm đó ở 4 Lý Nam Đế (Trụ sở Văn nghệ quân đội), Nguyên Ngọc đang ngồi với
Nguyễn Khải, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Giang Nam, thì Chế Lan Viên
đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo đến: “Tôi khuyên các anh đến xin lỗi anh Tố Hữu, tôi
đưa các anh đến”. Không ai nói gì. Nguyên Ngọc trả lời: “Cám ơn anh, tôi tự
thấy chả có gì phải xin lỗi cả. Còn nếu cần đến anh Tố Hữu thì tự tôi đến cũng
được, không cần anh phải dẫn đi. (Chế Lan Viên
ghét Nguyễn Đình Thi, muốn đưa Nguyên Ngọc lên
để hạ Nguyễn Đình Thi. Vì thế không muốn Nguyên Ngọc đổ).
Nguyên Ngọc yêu ghét rất phân minh. Người anh ghét chủ yếu là những nhân cách
xấu: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Đào Vũ, Hà Xuân
Trường, Phan Cự Đệ… Anh rất quý Trần Độ, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Tuân, Tô
Hoài, Hoàng Ngọc Hiến… Nhưng Nguyên Ngọc hoàn toàn không phải là con người khắc
khổ. Tôi bia bọt với anh nhiều lần. Anh sống rất thoải mái. Có chất nghệ sĩ. Tô
Hoài từng đi một chuyến công tác với Nguyên Ngọc lên Tây Bắc. Ông nhận xét,
Nguyên Ngọc về tình cảm thì mềm, chỉ lý luận và cách ứng xử thì cứng. Nguyên
Ngọc là đối tượng hấp dẫn của một cô gái Mèo xinh đẹp tên là Vàng Thị Mỹ ở Đồng
Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. Cô làm phiên dịch cho bộ đội. Tô Hoài nói, ba mươi năm
gặp lại Vàng Thị Mỹ, thấy vẫn đẹp. Cô ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Mùa hoa
thuốc phiện cuối cùng ơi! (Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng là tên một
tác phẩm của Nguyên Ngọc ). Chắc nhớ và yêu Nguyên Ngọc lắm mới viết như thế.
Và Nguyên Ngọc chắc cũng yêu cô. Vì anh tả Thào Mỵ đẹp tuyệt vời, đẹp như tiên
“Khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông
hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…”
Văn như thế thì cũng đa tình đáo để. Cho nên, Nguyên Ngọc tư tưởng rất cấp
tiến, thích những lý thuyết mới mẻ, cởi mở. Rất ghét giáo điều.
Yêu cầu dân chủ và đổi mới thật sự. Cho nên Nguyên Ngọc tán thưởng Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bóng đè của Đỗ Hoàng
Diệu, Chiều chiều, Ba người khác của Tô Hoài…
Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải là hai tính cách đối lập. Một đằng rất lý tưởng, rất
lãng mạn. Một đằng thiết thực và tỉnh táo. Một đằng dũng cảm, một đằng thì
nhát. Nhưng Nguyên Ngọc thích Nguyễn Khải vì Nguyễn Khải chân thật.
Nguyên Ngọc và Tô Hoài cũng là hai cực đối nghịch. Một đằng quan niệm con người
là con người, tầm thường vậy thôi. Một đằng quan niệm con người là thiên thần,
là thơ, là lý tưởng. Nhưng họ gặp nhau ở tư tưởng câp tiến. Nguyên Ngọc nói với
tôi nhiều lần: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ
theo kịch bản nào”.
Hiện nay Nguyên Ngọc đang giúp Quảng Nam xây dựng một trường Đại học dân lập ở
Hội An. Tôi hỏi anh, xây dựng trường theo kiểu gì? Anh nói vắn tắt: “Theo kiểu
Mỹ”. Nguyễn Khải cho là ảo tưởng, là phiêu lưu. Nguyễn Văn Hạnh thì nói:
“Nguyên Ngọc có thể gọi là một nhà tư tưởng, có thể đặt tên phố như một danh
nhân. Nhưng quản lý một trường học thì không được.”
Nguyên Ngọc mời anh làm hiệu trưởng. Anh từ
chối.
Nguyên Ngọc trước sau vẫn là một con người
lãng mạn.
Láng Hạ, 9.1.2008.
Chương XXI. Hoàng Ngọc Hiến
Hoàng Ngọc Hiến là một trong hai người bạn đồng tuế thân nhất của tôi (người
thứ hai là Phạm Luận, cán bộ giảng dạy ở Đại học Việt Bắc). Có thể gọi là tri
âm tri kỉ, hiểu nhau từ cái hay đến cái dở, chỗ mạnh và chỗ yếu, hoàn toàn tin
cậy nhau, luôn quan tâm bảo vệ nhau.
Tôi với Hoàng Ngọc Hiến như có duyên trời xe kết vậy. Anh ở tận Nghệ Tĩnh, tôi
ở Việt Bắc. Thế mà tình cờ gặp nhau. Tôi cùng gia đình tản cư từ Bắc Ninh lên
Thái Nguyên hồi kháng chiến chống Pháp, anh thì chạy cải cách ruộng đất cũng
vọt lên đấy. Anh có một người học trò tên là Lới, trong đoàn uỷ cải cách ruộng
đất, báo cho biết phải chạy ngay lên Việt Bắc vì lý lịch xấu, có thể nguy. Và
anh ta lấy quyền đoàn uỷ viên giải quyết ngay cho Hiến (Trong cải cách, bố
Hoàng Ngọc Hiến bị quy địa chủ và bị tù). Lên Thái Nguyên, anh dạy văn ở trường
Lương Ngọc Quyến. Còn tôi lúc đó là cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc thường đến
Lương Ngọc Quyến là trường trọng điểm của Sở, để kiểm tra, theo dõi về chuyên
môn.
Dạy ở Lương Ngọc Quyến ít lâu, anh được gọi về trường Đại học Hà Nội. Thầy
Nguyễn lương Ngọc cho Hiến có hiểu biết về triết học, bố trí làm trợ lý cho
Trần ĐứcThảo. Trần Đức Thảo thấy Hiến là đảng viên, không nhận. Vì thế Hiến
phải chuyển sang làm trợ lý cho Hoàng Xuân Nhị dạy văn học Nga Xô viết.
Từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiến được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tôi
thì chả đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở trong nước. Nhưng rồi tình cờ tôi và Hiến
lại gặp nhau ở Đại học Sư phạm Vinh. Tôi thì bị điều từ Hà Nội vào. Hiến lẽ ra
được ở Hà Nội, vì Đại học Hà Nội cử đi học, nay đỗ phó Tiến sĩ trở về, phải
được ở Hà Nội. Nhưng Đỗ Đức Uyên bí thư đảng uỷ và Hoàng Dung bí thư liên chi
cho Hiến mắc chủ nghĩa xét lại Khrútxốp, không nhận lại nữa, tống anh vào Vinh.
Từ Vinh, tôi được chuyển ra Hà Nội trước. Hiến ra sau. Nhưng rồi lại gặp nhau ở
trường Viết văn Nguyễn Du. Anh phụ trách trường này, còn tôi được mời đến dạy.
Rồi nhờ có Phan Ngọc Thu, một học trò cũ của tôi, lúc đầu ở Đại học Sư phạm
Huế, sau ở Đại học Đà Nẵng, tổ chức đào tạo giáo viên cấp II lên trình độ đại
học và bồi dưỡng giáo viên chuyên văn, thường mời tôi và Hiến vào giúp. Thế là
lại gặp nhau luôn, khi ở Huế, khi ở Đà Nẵng, khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu
Long. Tôi thích đi, Hiến cũng thế. Tôi là thằng ham chơi, vui đâu chầu đấy,
Hiến cũng vậy, cứ ới là đi, để tán chuyện, để đánh chén. Ngoài ra tôi hay mời
anh đến làm phản biện cho nghiên cứu sinh của mình. Mời là anh đến ngay…
Tuy nhiên tôi và Hiến có những chỗ không giống
nhau. Anh dạy văn học nước ngoài, thích lý luận, thiên về tư duy trừu tượng,
say mê triết học Đông Tây. Tôi chỉ dạy văn học Việt Nam và thiên về nghiên cứu
văn học sử và phê bình văn học.
Hiến rất thích nhận xét khái quát, đúc thành những mệnh đề chắc nịch, tuy có
phần cực đoan, chẳng hạn:
– Đặc điểm người Nghệ Tĩnh: “Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc.” – Phân loại cán
bộ giảng dạy đại học: “Có hai loại động vật và thực vật. Loại động vật, suốt
ngày lăng xăng, chạy từ đề tài này sang đề tài khác, không nghiên cứu được cái
gì nên hồn, dù thông minh, cũng chỉ có những ý kiến
loe loé thế thôi, chẳng làm nên sự nghiệp gì. Loại thực vật, ngồi yên kiên trì
suy nghĩ, như cái cây cắm rễ xuống đất thật sâu, có thế mới làm khoa học được.”
– ý kiến sinh viên nhận xét thầy: “Nói chung chê thì đúng, khen thì thường
sai…”
Hiến cái gì cũng muốn giải thích, cũng tìm quy
luật. Thí dụ: Anh nói:
“ Lê Hoài Nam nếu cao hơn 5 phân, số phận khác hẳn”. Lê Hoài Nam là chủ nhiệm
khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, sau là bí thư đảng uỷ trường và Hiệu trưởng Đại
học Sư phạm Quy Nhơn. Anh người thấp lùn, hơi dị dạng. Hiến cho rằng vì đặc
điểm cơ thể như vậy nên Lê Hoài Nam rất ngại xuất hiện ở chỗ đông người, nơi
thành phố lớn, nên cứ lùi dần, lùi dần vào nơi hẻo lánh: Vinh, rồi Quy Nhơn.
Có lần tôi nhận xét, các danh nhân thế giới thường là người ở các tỉnh nhỏ,
nhưng về Thủ đô thì thành danh nhân. Danh nhân người gốc ở Thủ đô rất ít. Như
Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,
như Marx, Tolstoi, Lomonosov, Napoléon… Hiến giải thích luôn: “Vì ở Thủ đô lắm cái
hấp dẫn làm cho con người ở đây phung phí hết tinh lực, Người các địa phương
tinh lực không mất, về Thủ đô được phát huy lên”.
Vì sao Hồ Chí minh chết đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập 2.9? Hiến giải thích :
“Vì ông cố tình chết vào ngày ấy. Ông Hồ là đáo để lắm. Chỉ cần dứt đứt các
giây dợ ở ống thở ôxy là chết chứ gì”.
Hiến thường có những nhận xét rất gọn và rất ác về người này người khác trong
giới đại học. Hồi ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi với Hiến thường đạp xe đi về cùng
đường với nhau (Hà Nội – Vinh hay Hà Nội – Thanh Hoá) dọc đường, thường “luận
anh hùng” trong thiên hạ. Thường tôi hỏi, Hiến trả lời. Thí dụ:
– NĐN (một giáo sư tiến sĩ được đánh giá rất cao ở Đại học Sư phạm Hà Nội) chỉ
là một giáo viên cấp III giỏi. [Nguyễn Đăng Na- dự đoán]
– Không nên đánh giá ĐVK (giáo sư tiến sĩ của Đại học tổng hợp Hà Nội) là giỏi
hay dốt. Anh ta là người không có trí khôn. [Đỗ Văn Khang- dự đoán]
– HL (cán bộ dạy sử của Đại học Sư phạm Vinh) kết tinh mọi cặn bã của dân Nghệ
Tĩnh.
– Có một giáo sư văn học, trước khi dự lớp, anh đánh giá là một con sư tử (về
chuyên môn, khoa học), khi dự lớp về, anh nói: chỉ là một giáo viên phổ thông.
- Một vị giáo sư văn học khác, anh cho chẳng
hiểu văn là gì cả.
– Anh nhận xét ĐT, một cây bút phê bình khá tài hoa ở hải ngoại, chỉ là một ông
chánh tổng Annam ở Paris.
– PTL (giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hiến nói: “Một điều nhục nhã của
mình là đồng hương với PTL. Thậm chí chỉ quen biết PTL thôi cũng đã là một sai
lầm, một sai lầm không thể sửa chữa được”. [Phan Trọng Luận- dự đoán]
Hiến có những nhận xét rất cảm tính, nghĩa là chưa có căn cứ đầy đủ. Nhưng anh
rất tin ở trực cảm của mình.
Trường Đại học Sư phạm Vinh có chủ trương cán bộ giảng dạy phải theo sát thực
tế phổ thông. Ai đã đi hướng dẫn thực tập sư phạm thì không nói làm gì, những
những người không hướng dẫn thực tập cũng phải về ở một đoàn thực tập nào đấy
khoảng một tuần lễ, gọi là tham quan thực tập. Hiến cũng phải về một đoàn, anh
chọn một đoàn ở gần chỗ khoa Văn sơ tán, do LBH phụ trách. (Lê Bá Hán- dự đoán:
Ngọc). Đêm ấy, LBH và Hiến cùng ngủ trong một căn phòng kê hai cái giường song
song. LBH hỏi Hiến một cách trịnh trọng: “Anh là người sâu sắc, từ ngày anh về
trường này, anh nhận xét tôi là người thế nào?”. Hiến trả lời luôn: “Cậu là
người thiếu nhân cách”. LBH ắng đi một lúc vì nhận xét quá bất ngờ của Hiến.
Nhưng rồi gặng hỏi Hiến: “Anh cho dẫn chứng?”.
Hiến bí không tìm ra dẫn chứng. Mãi sau cũng cố đưa ra một ví dụ: “Chẳng hạn,
cậu không biết tiếng Pháp mà cứ làm như biết”.
Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hiến rất hồn nhiên, chân
thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích
gây sự với lãnh đạo.
Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về
việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là
thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng ngọc Hiến thì
phải nói: “Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá”. ở Đại học Sư phạm Vinh,
Hiến bị lãnh đạo quy tội thiếu quan điểm giáo dục, vì không chịu đi thực tế,
luôn luôn bỏ ra Hà Nội, lẩn tránh việc hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm.
Hôm ấy, chi bộ họp kiểm thảo Hiến về khuyết điểm này, có Lê Hoài Nam là đảng uỷ
viên của trường xuống dự. Hiến nói: “ Tôi cho rằng không đi thực tế mà nắm được
thực tế mới giỏi. Tôi kém, nên còn phải đi thực tế một lần. Anh Lê Hoài Nam
không đi lần nào mà nắm được thực tế mới giỏi chứ!”
Những câu nói như thế, tôi chắc Hiến đều có nghiền ngẫm cẩn thận. Phóng ra
những đòn như thế, Hiến bao giờ cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi biết rõ điều
này. Vì cùng được mời đi nói chuyện với anh nhiều lần, tôi thấy anh bao giờ
cũng chuẩn bị bài bản rất cẩn thận.
Trở lại tính thích gây sự của Hiến đối với
lãnh đạo. Như đã nói, Hiến ít ở khoa (Đại học sư phạm Vinh), hay ra Hà Nội. Có
lần anh vắng mặt đúng vào dịp công đoàn khoa văn xếp loại cán bộ theo ba mức A,
B, C. Tiêu chuẩn cũng nhẹ nhàng thôi. Loại A chỉ là không có khuyết điểm gì
đáng kể thôi. Hầu như cả khoa không có trường hợp nào phải xếp loại B cả. Tổ
công đoàn, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lập kế hoạch: khi Hiến ở Hà Nội vào
thì họp xếp loại. Chủ trương của Chi bộ là phải, nhân cuộc xếp loại này, nghiêm
khắc kiểm điểm Hiến về tư tưởng. Trình tự cuộc xếp loại được dự kiến như sau:
người được xếp loại tự xếp loại trước. Anh em trong tổ có ý kiến sau. Người ta
đoán chắc Hiến sẽ tự nhận loại A. Lúc đó anh tổ trưởng sẽ điều khiển tổ viên
phân tích thiếu sót của Hiến, đại khái như sau: Anh Hiến chỉ đáng xếp loại B
thôi, vì khuyết điểm này, khuyết điểm khác… Nhưng gần đây anh đã tỏ ra có tiến
bộ, thí dụ như gánh nước uống cho anh em tập tự vệ, vậy ta chiếu cố xếp lên
loại A… Nhưng, bất ngờ, Hiến chỉ tự xếp loại B. Bài bản đã dự kiến thế là bị
phá sản. Tuy thế, tổ trưởng là tay khá thông minh, anh ta vẫn tìm được cách
thực hiện phương án cũ: “Đúng, anh Hiến tự xếp mình loại B là đúng (Phân tích
khuyết điểm của Hiến một chập). Nhưng vì gần đây có một vài tiến bộ nên ta
chiếu cố xếp lên loại A”. Hiến nhất định không nghe, chỉ nhận loại B thôi. Anh
nói: “Đối với tôi A hay B cũng thế thôi. Và tôi chẳng tiến bộ gì cả. Còn nếu
các anh muốn tìm chỗ tiến bộ thật sự của tôi thì tôi xin mách: tôi rất tiến bộ
về chuyên môn, soạn bài rất kỹ”. Mà đúng như vậy thật. Tôi đã dự giờ Hiến dạy
một lần. Anh soạn bài rất nghiêm túc. Anh muốn ý tưởng của mình phải được trình
bầy thật sáng rõ, rành mạch, gây ấn tượng và có sức thuyết phục. Hoàng Ngọc
Hiến có một phản ứng khá dữ dội, chung quanh vụ “hiện thực phải đạo” (Hoàng
Ngọc Hiến viết bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn
vừa qua đăng Văn nghệ số 23 (9.6.1979) có luận điểm nổi tiếng “hiện thực phải
đạo”). Hồi ấy anh còn ở Triệu Việt Vương. Tôi đến anh một buổi chiều. Anh kể
một câu chuyện vừa xẩy ra với anh: sau bài “hiện thực phải đạo”, anh bị đánh
rất mạnh. Trên tạp chí cộng sản, Hà Xuân Trường có bài đả Hiến. Hiến viết bài
tranh luận lại. Tạp chí cộng sản không đăng, cho người đến mời anh lại toà soạn
để nói chuyện. Tay phái viên đến mời anh, nói xong, lấy cái điếu cầy định làm
một hơi. Hiến quát ngay: “Thôi, không hút. Đi ngay, không hút sách gì cả!”. Đến
toà soạn tạp chí, mấy biên tập viên đã chờ sẵn: “Nào mời anh lên gác. Chuyện
văn chương phải nói nơi kín đáo”. Hiến lại bác lại ngay: “Chuyện văn chương
không việc gì phải kín đáo!”. Hiến giải thích với tôi: “ấy đối với bọn này cứ
phải tấn công như thế, tấn công ngay từ thằng đến mời”.
Ban biên tập Tạp chí Cộng sản giải thích với Hiến: “Hiện nay bọn Tàu đang gây
sự ở biên giới. Tạp chí phải dành giấy để đăng bài phê phán chủ nghĩa bá quyền
Bắc Kinh, không đăng bài của anh được”. Hiến phản ứng ngay: “Tại sao ta thừa
giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo
trong nước!”.
Năm 1980, người ta tổ chức một cuộc hội nghị khoa học đặt ở Viện
bảo tàng cách mạng gần Nhà hát lớn Hà Nội. Hội nghị toàn quốc, rất đông.
Tôi có gặp một số bạn quen ở Vinh, Huế ra họp.
Hoàng Ngọc Hiến hôm ấy nói buông mà rất rành mạch, hấp dẫn. anh nhắc lại cái
câu đã nói ở trụ sở Tạp chí Cộng sản: “Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường
bạo nước ngoài, mà lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!”.
Đến giờ nghỉ. Mọi người, hoặc tản ra dạo chơi ngoài vườn hoa, hoặc ngồi trò
chuyện với nhau trong hội trường. Tôi cũng ngồi lại trong hội trường nói chuyện
với mấy anh bạn cũ ở Vinh, ở Huế. Hiến cũng ở lại hội trường, nhưng ngồi một
mình, cách vài hàng ghế, trước mặt chúng tôi. Hà Xuân Trường lững thững từ hàng
ghế đầu đi xuống chỗ Hiến, vỗ vai anh thân mật. Hiến gạt phắt tay Trường ra:
“Tôi không phải hạng người cho anh vỗ vai nhé!”. Trông Hiến lúc ấy rất dữ. Hà
Xuân Trường sững người và hơi ngượng. Anh phân bua với chúng tôi: “Đấy, các anh
xem, anh Hiến anh ấy như thế đấy!”.
Buổi trưa hôm ấy, Hiến rủ tôi về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Hiến hỏi tôi: “Sao,
cậu thấy mình nói có được không ?”. Tôi khen: “Khá lắm!”. Chị Tố Nga, vợ Hiến,
mách luôn: “Lẩm bẩm suốt đêm, làm gì mà không khá!”. Thì ra Hiến không phải chỉ
chuẩn bị ý, mà còn luyện nói nữa. Hiến thế mà cũng là một tay đấu khẩu khá
nhanh trí và đáo để. Cũng vào khoảng trước sau năm 1980, khoa Văn Đại học Sư
phạm Hà Nội có tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, đề tài: giáo dục tư tưởng
qua giảng dạy văn học. Hiến lúc đó vẫn còn ở Đại học Sư phạm Vinh. Anh ra dự
hội nghị. Không biết bản báo cáo viết của anh gửi ra như thế nào, nhưng anh
trình bầy miệng thì khá gai góc, và hình như anh lại cố tình diễn đạt cho thật
ấn tượng về cái ý rất gai góc của mình. Anh cứ thủng thẳng nói đi nói lại:
“Những gì chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng đã nói hay
viết, thì trong lớp ta không nói. Ta chỉ nói những điều chi bộ Đảng, đoàn thanh
niên, đài phát thanh, báo Đảng không nói, không viết”.
Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến đã gây chấn động hội nghị. Những người lãnh đạo hội
nghị rất lo ngại (lãnh đạo hội nghị là Nguyễn Văn Hạnh quyền chủ nhiệm khoa và
Trần Thanh Đạm phó chủ nhiệm khoa). Đạm thấy nhất thiết phải uốn nắn lại. Anh
động viên Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng lúc đó là đảng viên dự bị hay cảm tình
đảng gì đó lên phê phán Hiến. Tôi không nhớ ý kiến của cô Hoàng thế nào, chỉ
nhớ một câu mỉa mai của Châu: “Đứa trẻ con ngồi trên vai bố, cứ tưởng mình cao
hơn bố”.
Hoàng Ngọc Hiến giơ tay xin phát biểu. Anh cố tình tự khoe: “Tôi đã góp phần
làm cho hội nghị thành công. Vì một hội nghị khoa học có tranh luận học thuật
thì mới là một hội nghị có kết quả. Tôi đã gây được cuộc tranh luận cho hội
nghị. Ngoài ra tôi rất sướng vì đã được ngồi trên vai anh Đỗ Hữu Châu”.
Sau hội nghị này, Trần Thanh Đạm gửi giấy cho chi bộ Đảng của khoa Văn Đại học
Sư phạm Vinh phản ánh về sự “lệch lạc tư tưởng” của Hiến.
Ít ngày sau, tôi đến chơi Hiến – Anh vẫn ở Triệu Việt Vương. Một căn phòng rất
hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ.
Tôi và Hiến ngồi ở salon. Chị Tố Nga, vợ Hiến giải chiếu ngồi trên nền nhà. Chị
cứ chỉ tay vào mặt Hiến mà nói đi nói lại xa xả: “Tôi không thấy có ai ngu như
anh Hiến!”. Nói mãi chán, chị bỏ ra đi. Hiến thủng thẳng nói với tôi: “Hắn nói
thế mà đúng. Như ta vẫn nói đế quốc Mỹ là ngu ấy mà!”. Té ra, lại ngẫm nghĩ về
lời nói của vợ, như một đối tượng nghiên cứu.
Chị Tố Nga, vợ Hiến, là một người cũng khá đặc biệt: chuyên môn mạt sát chồng
trước mặt khách khứa bạn bè, thậm chí trước cả học trò của chồng. Nhưng đám học
trò của anh đã có kinh nghiệm: bà ấy nói thầy Hiến thì được, chứ người khác
tưởng bở, cũng phụ hoạ theo, nói theo, là chết với bà ấy. Còn Hoàng Ngọc Hiến
thì coi thường, bỏ ngoài tai, xem như nói ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình.
Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực
tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin.
Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói
chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó,
Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội.
ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó
mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới
Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa
tham gia một đảng gọi là đảng “Nhân dân hành động” và ra Hà Nội để phát triển
Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ
lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng
sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một
thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi,
thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo
giải quyết cho.
Tôi không tin, từ chối: “Cậu định làm chính
trị à? Không sợ công an à ?
Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát.
ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt
một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: “Biết gì
chưa?”
Hiến: “Biết rồi! Biết rồi!” Tôi lại hỏi: “Có sao không?”
Hiến: “Không sao, không sao – Nhưng này, đừng nói với ai nhé!” Dương Thu Hương
khi biết chuyện này, nói với tôi: “Ông Hiến mà là đàn bà thì chửa hoang hàng tỉ
lần”.
Tôi cho rằng Hoàng Ngọc Hiến có số “quý nhân
phù trợ”. Nghĩa là luôn gặp may. Tôi ví anh với nhân vật Pier Bêdukhốp
trong Chiến tranh và hoà bình của L.Tolstoi. Người to lớn, ra
trận cứ trương ngực ra mà đi giữa chiến trường, nhưng tên đạn cứ tránh không dính.
Đấu súng tuy không biết bắn súng, mà lại thắng một tay thiện xạ… Hiến cũng thế.
Ăn nói táo tợn với người có chức có quyền, hành động nhiều khi dại dột. Nhưng
chẳng sao cả. Vẫn đi Pháp, đi Mỹ đều đều. Anh kể tôi nghe cái vụ “phải đạo” của
anh hồi 1980, anh có một cú thoát hiểm rất ngoạn mục. Người ta tổ chức hẳn một
cuộc hội nghị để đánh anh. Lê Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo. Loại có vấn đề như
tôi, không được mời. Hơn 50 người được mời có chọn lọc để nhằm phê phán Hiến.
Hiến là người thứ 50 (avant dernier) được phép phát biểu. Người cuối cùng là
Chế Lan Viên (thứ 51) . Người ta bố trí một tay sắc sảo như thế để có thể đập
tan ý kiến của Hiến và hội nghị kết thúc luôn.
Giờ nghỉ, Lê Đức Thọ trò chuyện với Hiến mới biết Hiến là người đồng hương với
mình. Cùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh (Lê Đức Thọ ở Nam Định, nhưng quê gốc ở Đức
Thọ, Hà Tĩnh, anh em Lê Đức Thọ đều lấy biệt danh có
chữ Đức hoặc
chữ Thọ: Đinh Đức Thiện, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thọ). Thế là Hiến gặp may. Vì tình
đồng hương, Lê Đức Thọ đã cứu anh. Ai đó trong hội nghị nói Hiến chịu ảnh hưởng
tư tưởng mỹ học của Kant. Thọ dõng dạc khẳng định trước hội nghị: “Hoàng Ngọc
Hiến chẳng kăng kiếc gì hết, Hoàng Ngọc Hiến là Mác Lênin”.
Tình thế thành ra đảo ngược. Chế Lan Viên chót đánh Hiến, thấy thế, đâm hoảng,
bèn lảng qua chỗ Hiến đang ngồi với Lê Đức Thọ, nói khẽ với anh: “Lúc nãy tôi
có nói điều gì quá, anh bỏ qua đi cho nhé!”.
Sau này, Chế Lan Viên còn nhờ tôi nhắn lại với Hiến hai lần như thế. Lại còn
nói phách “Tôi có trọng anh Hiến thì tôi mới tranh luận với anh ấy chứ!”.
Có lẽ vì hay gặp may mà Hiến luôn luôn lạc
quan.
Lại vẫn cái vụ “hiện thực phải đạo”. Tôi nhớ giáp Tết âm lịch năm ấy, Khái Vinh
có mời tôi, Hiến và Xuân Diệu ăn thịt chó ở Hàng Lược. Lúc đó, dân Nhật Tân đã
lục tục đem đào tới bán. Khái Vinh nói, anh Hiến là người có tài mà khổ, bị
đánh dữ quá!. Xuân Diệu nói: “Con người ta có trải qua đau khổ thì mới nên
người”. Nhưng Hiến lại phát biểu một cách đắc ý: “Những điều tôi được nhiều hơn
những điều tôi mất”. Và anh dẫn chứng: “Đứa con gái tôi vào Sài Gòn, giáp Tết
bị mắc kẹt ở đấy không ra được vì giao thông khó khăn. Có một anh phi công cho
lên ngồi ghé phụ bay ra không mất tiền, vì biết là con ông “hiện thực phải
đạo”. Cũng con bé ấy học đến lớp cuối cấp, sắp thi đại học, rất cần có người
luyện cho môn toán. Rất may, có một cô giáo tự nguyện đến luyện giúp miễn phí
vì biết là con ông “hiện thực phải đạo”. Đó là chưa kể nhạc sĩ Nguyễn Xuân
Khoát đến tận nhà Hiến tặng hoa. Và bài “hiện thực phải đạo” đã làm cho anh nổi
tiếng một thời và được nể trọng trong giới trí thức cấp tiến.
Đúng là Hoàng Ngọc Hiến có quý nhân phù trợ
thật.
Hồi Hiến sang Mỹ, có một bọn Việt kiều chống cộng quá khích định hành hung anh.
May sao lại có một thượng nghị sĩ Mỹ phái một vệ sĩ của ông ta tới bảo vệ – Mới
đây Hiến kể với tôi như vậy.
Tôi rất tin cậy Hoàng Ngọc Hiến. Nên chịu ảnh
hưởng Hiến về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc dùng thuốc. Thuốc huyết áp,
thuốc bổ, thuốc loãng xương… Tất nhiên tôi có chịu ảnh hưởng anh cả về tư duy
khoa học. Hiến có tài liệu nào anh cho là hay hoặc nghĩ ra điều gì có vẻ tâm
đắc, đều trao đổi với tôi.
Trò chuyện với Hiến bao giờ cũng có ích, dù ít dù nhiều, đối với cái nghĩ của
mình. “Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư”. Người xưa nói thế, vận
dụng vào trường hợp Hoàng Ngọc Hiến e có hơi quá. Nhưng quả là trò chuyện với
Hiến bao giờ cũng thu lượm được một cái gì đó có ích. Hiến rất ghét giáo điều
và nghĩ cái gì thì nghĩ đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng, mấy phát biểu sau đây
của Hiến là những ý kiến nghe được:
Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng
lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song phải thấm thế nào đó để trở
thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn
của mình.
Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có
sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán
tính, được cách nghĩ là khoa học.
Khoa học trước hết là đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó.
Thường chỉ chỉnh lại một tý. Vấn đề đặt ra đúng, nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại
một tý như chỉnh ti vi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ, nói Đam Săn anh
hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam Săn phong phú hơn: hồn
nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch… đặc biệt là một cá tính tự do.
Nói Số đỏ đả kích những ông chủ bà chủ của xã hội cũ là đúng,
nhưng đâu chỉ có thế. Số đỏ là cả một xã hội hài hước gồm đủ hạng người, ai
cũng buồn cười, một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch… , kể cả bình dân. Hiến
khẳng định vai trò quan trọng của cảm hứng và trực giác. Tôi cho rất đúng. Anh
nói, cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong
giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô
thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn
học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu, chữ có
hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều
bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgic chỉnh lại (vì thế Hiến rất
phục những phán đoán trực giác của ai đó, chỉ ra chính xác bản chất một đối
tượng nào đấy, không cần lý lẽ chứng minh gì hết).
Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. ý là
một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để
giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.
Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiét có vấn đề. Phân
tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý, về triết lý. Phân tích
một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn
lan. Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là
có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái
thần của bài viết.
Hiến nghĩ thế nên rất chăm chỉ học chữ, học
từ.
Có khi học ở dân gian. Thí dụ, anh rất khoái vì học được chữ “bõ hờn” của một
ông người Mường tên là Cò Lửa, chủ nhà chúng tôi ở nhờ hồi kháng chiến chống Mỹ
tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Phần nhiều học ở sách vở. Thí dụ chữ “hương
nguyện”, “phường hương nguyện” anh học được của Mạnh Tử khi nghiên cứu triết
học cổ phương Đông. Có lẽ tương đương với chữ philistin chăng?
Có những chữ thông thường nhưng anh đem đến cho nó một nghĩa mới nào đấy. Như
“kể lại nội dung” và “viết nội dung”. (Bài “Kể lại nội dung và viết nội dung”
(Văn học gần …và xa. NXB giáo dục 2003). Hay như chữ “trí thức bình dân” trong
bài anh giới thiệu Tuyển tập Nguyễn đăng Mạnh (NXB Giáo dục 2006)… Có thể gọi
trường hợp này là sáng tạo từ mới. Gần đây Hoàng Ngọc Hiến say mê đọc Nho,
Phật, Đạo qua sách của Francois Fulien. Anh lấy làm khoái chí học được ở
F.Julien, sự phân biệt giữa tư duy Đông và Tây. Tây là chân lý (Vérité). Đông
là dịch lý (transformation). Một đằng cứ cãi nhau về chân lý, về đúng hay sai.
Một đằng chủ trương “cùng” hay “thông”. Đúng sai không quan trọng, quan trọng
là không bế tắc, là thông,
là được việc, là
có hiệu quả thực tế…
Như đã nói, Hoàng Ngọc Hiến sống rất hồn nhiên, tự nhiên. Hồi chống Mỹ, sơ tán
ở Thạch Thành, Thanh Hoá, không mấy khi có được miếng thịt mà ăn. Hôm ấy, anh
em kiếm được một đĩa thịt. Hiến vừa ăn, vừa xụt xịt mũi, vừa gật gù: “Ăn thịt
ngon thật!”.
Tối tối, anh rất chịu khó cùng với tôi xách đèn đi bắt ốc sên về cải thiện, tin
rằng ba con ốc sên bằng một quả trứng vịt (Hồi ấy có kẻ phao lên như
vậy).
Hiến hay nghĩ ra những chuyện kỳ cục và buồn cười để đùa vui. Thí dụ như chuyện
phân loại cán bộ khoa văn trường Đại học Sư phạm Vinh thành ăn cướp và ăn cắp.
Hình như tư duy khoa học mãi, nghĩ mãi những điều có nghĩa lý, người ta phải
thư giãn đầu óc bằng những chuyện vô nghĩa lý. Hiến đúng là vui đâu chầu đấy.
Có một lần Ngô Thảo nhân quen một Việt kiều về nước, mời tôi, Hiến và Hoàng Cầm
đến đánh chén ở một nhà hàng. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi gọi
điện cho Hiến chuẩn bị ra ngõ để đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy trả lời:
“Lão ấy mời đi họp thì đến chậm, nhưng mời đi ăn thì đúng giờ lắm!”.
Một lần khác, mới năm ngoái đấy thôi, anh Vũ Văn Viết ở Việt Trì mời chúng tôi
lên dự lễ khai trương ngôi trường phổ thông dân lập do anh vừa xây dựng. Anh
cần nhiều người ở Hà Nội lên dự cho thật long trọng. Nhưng hôm ấy nhiều người
trong danh sách mời không đi được vì bận việc hay đang đi công tác xa. Ngồi
trên xe thấy vắng vẻ quá, tôi nẩy ra ý mời Hiến, tuy Hiến chẳng quen biết gì Vũ
Văn Viết cả. Và Viết cũng không mời Hiến.Tôi gọi điện. Hiến nhận lời ngay, và
lập tức đáp xe ôm đến chỗ hẹn.
Cái giống nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng rất tự
nhiên – nói như Lưu Công Nhân, “tự nhiên như ruồi”. Họ rất khó tính trong sáng
tạo, nhưng rất dễ tính trong sinh hoạt đời thường. Khoa học cũng là một hoạt
động sáng tạo, nhà khoa học cũng là một loại nghệ sĩ, nhất là khoa học về văn
chương. Vì thế Hoàng Ngọc Hiến cũng rất hồn nhiên, tự nhiên, “tự nhiên như
ruồi”.
Hiến là dân Nghệ Tĩnh nhưng lại chê dân Nghệ rằng “cái gì cũng biết, trừ hạnh
phúc”. Nhưng chính Hiến cũng rất Nghệ. Một tay đầy nghị lực. Tập thể dục rất
kiên trì. Nghiện cả thuốc lá, thuốc lào mà bỏ hẳn (Bỏ mà vẫn cho hút thuốc lá
là thích nhất. Anh nói “Khi nào sắp chết sẽ hút lại”). Gần 80 tuổi vẫn cả ngày
ôm cái máy vi tính để lấy thông tin và luyện ngoại ngữ. Rồi đọc sách, dịch
sách, viết sách… Tôi là dân Bắc Kỳ, kém xa Hiến về mặt này. Hiến đích thực là
dân Nghệ, đúng thế, nhưng là một tay Nghệ “cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc”.
Vì tôi biết chưa bao giờ anh từ chối một lạc thú trần thế, trần tục nào.
Láng Hạ, 20.5.2007.
Chương XXII. Dương Thu Hương
Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học
Trường viết văn Nguyễn Du chăng (1981)?. Tôi được mời dậy trường này mấy khoá
đầu. Dương Thu Hương học khoá một cùng với Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê
Thị Mây, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường… Hôm làm lễ bế giảng, chị mặc
áo dài trắng, khoác tay tôi cho Hoàng Kim Đáng chụp, ấy là năm 1982.
Dương Thu Hương là một phụ nữ có tính cách rất
dữ dội và ngang tàng.
Tôi nhớ trong một cuộc họp rất đông văn nghệ sĩ nghe Hoàng Tùng bí thư TW nói
chuyện, ở Câu lạc bộ báo chí gần Nhà hát lớn. Có lẽ nghe chán quá,
nhiều người
bỏ xuống tầng trệt giải khát. Giữa chỗ đông người, Dương Thu Hương nói lớn:
“Trừ anh Hoàng Ngọc Hiến là thày tôi, anh Nguyễn Đăng Mạnh là người tôi kính
trọng, còn tất cả bọn phê bình đều là dòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó
ngao”.
Hồi tôi còn ở nhà B10, khu tập thể Đồng Xa, chị có đến vài lần. Một lần chị đến
với đạo diễn điện ảnh Tiến. Tôi đi vắng. Khi về, thấy có một mảnh giấy gài ở
cửa, ghi mấy chữ: “Em đến anh cùng với Tiến để trao đổi về tác phẩm của nhà văn
trâu bò của chúng ta (tức cuốn Người đàn bà trên chuyến tầu tốc
hành của Nguyễn Minh Châu, chị muốn chuyển thành kịch bản phim). Rất
tiếc, anh đi vắng. Ngày mai em lại đến. Nếu anh không có nhà thì cái trường Đại
học Sư phạm của anh sẽ bị đốt”.
Hồi chị viết Bên kia bờ ảo vọng, ban đầu đưa đến nhà xuất bản Lao
động. Lúc ấy Ma Văn Kháng làm giám đốc. Kháng ngại không in, có lẽ vì sợ đụng
đến Nguyễn Đình Thi. Chị đưa cho Nhà xuất bản Phụ nữ và được chấp nhận. Trên
đường đi về, tình cờ chị gặp Ma Văn Kháng và một anh nữa cũng ở Nhà xuất bản
Lao động. Họ đi xe đạp ngược chiều nhau. Dương Thu Hương gọi hai anh kia đỗ xe
lại và nói dõng dạc: “Này hai thằng mặt dày, sách của tao in rồi!”.
Trong một cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng (1980), Dương
Thu Hương lên diễn đàn, chị phát biểu “Đôi điều suy nghĩ về nhân cách của người
trí thức”, phê phán nhiều văn nghệ sĩ tư cách rất hèn. Chị cũng phàn nàn về đời
sống nhà văn. Chị nói: “Viết một tác phẩm rất khó nhọc mà nhuận bút thấp. Nếu
tôi không say mê văn chương thì tôi đi làm thợ may hay bán bánh rán còn sống
tốt hơn. Cả hội nghị đói, anh nào cũng mặt xanh nanh vàng cả. Ta có quá nhiều
nhà thơ và anh hùng mà thiếu người làm kinh tế…”
Lại nhớ một lần tôi cùng Dương Thu Hương, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh được
trường Đại học Sư phạmViệt Bắc mời nói chuyện. Hôm Dương Thu Hương đăng đàn
diễn thuyết, tôi có đến nghe. Chị vừa nói vừa đi đi lại lại rất hiên ngang. Tôi
nhớ loáng thoáng, mở đầu chị phê phán Hồ Chí Minh: “Năm điều Bác Hồ dạy, không
nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết.”
Lúc đó có một anh cán bộ giảng dạy đứng lên hỏi, đại khái, có phải tác phẩm nào
đấy của chị là kết quả của chuyến đi thực tế ở đâu đó không? Chị mắng luôn anh
cán bộ nọ: “Lẽ ra tôi không thèm trả lời. Việc gì tôi phải đi thực tế! Chỉ có
bọn cán bộ lãnh đạo quan liêu mới phải “đi thực tế” chứ! Chính tôi là thực tế,
còn phải đi đâu?”
Có một lần tôi đến Dương Thu Hương lúc chị còn ở Ngô Thì Nhậm. Chị nói, ông Đỗ
Mười có sai một anh thư ký đến mời chị đến gặp. Chị trả lời : “Ông Đỗ Mười hay
Đỗ mười một muốn gặp tôi thì đến đây mà gặp”.
Tôi và Dương Thu Hương có một cuộc dong chơi có thể gọi là một cuộc “bát phố”
Hà Nội rất thú vị. Từ Ngô Thì Nhậm, chị rủ tôi đi bộ. (Dương Thu Hương rất cảnh
giác, không đi xe đạp, không đi xe máy, sợ bị thủ tiêu). Chúng tôi cứ đi lang
thang từ phố này sang phố khác. Thỉnh thoảng chị lại chỉ nhà này nhà nọ, hỏi
tôi: “Anh có biết nhà ai đây không?”. Tôi không biết. Chị nói: “Cớm đấy!” Theo
chị, Trần Quốc Vượng, Phạm Hoàng Gia cũng là cớm. Đi mãi, mỏi chân, chúng tôi
vào ăn ở một cái quán ven đường Trần Quốc Toản chỗ giáp Trần Bình Trọng. Ăn
xong, tôi rủ Dương Thu Hương đến nhà Văn Tâm chơi. Văn Tâm ở Phan Bội Châu, gần
đấy. Hương nói: “Văn Tâm là thằng khốn nạn, không đến!”. Tôi ngạc nhiên nói,
Văn Tâm không phải thế đâu, cũng là người tử tế. Chị nói: “Thôi được, đã là bạn
của anh thì đến cũng được”. Văn Tâm hôm ấy hơi mệt, vào thấy đang nằm trên giường.
Vợ chồng Văn Tâm thấy Dương Thu Hương đến thì cảm động lắm, vội vàng tiếp đón
niềm nở.
Nhìn thấy bức tranh Lưu Công Nhân vẽ Văn Tâm treo trên tường, tôi nói: “Tranh
của Lưu Công Nhân”. Dương Thu Hương nói “Lưu Công Nhân là thằng khốn nạn!”. Từ
Đà Lạt, nó dám viết thư gọi: “Em vào đây với anh” – Thằng khốn nạn!”
Chị Cam, vợ Văn Tâm nói: “Chị uống ca cao
nhé!”
Dương Thu Hương : “Không, uống cà phê”
Chị Cam: “Cà phê chúng tôi cũng có nhưng để bị
hả mất rồi!”
Dương Thu Hương : “Thì ra ngoài phố uống!”. Vợ
chồng Văn Tâm phải nài khéo chị mới ở lại.
Bỗng Dương Thu Hương chỉ mặt Văn Tâm nói: “Anh
là thằng khốn nạn !”
Văn Tâm ớ người, không hiểu sao.
Dương Thu Hương giải thích: “Anh làm thầy dùi phá đám cuộc tình của Cao Xuân
Hạo và Phương Quỳnh phải không? (Lúc này Dương Thu Hương còn chơi thân với
Phương Quỳnh).
Văn Tâm phân trần: Anh không hề can thiệp gì đến cuộc tình ấy. Thậm chí anh còn
cho đấy là mối tình đầu tiên thật sự là tình yêu của Cao Xuân Hạo. Chẳng qua là
vợ Hạo trong Nam doạ sẽ thuê bọn voi xanh voi đỏ ra phá tan nhà Phương Quỳnh,
vì thế họ phải chia tay.
Dương Thu Hương không nói gì nữa.
Đấy khẩu khí của Dương Thu Hương là như vậy. Thế mà khi đến nhà tôi, vợ tôi
thấy chị có vẻ rất hiền. Cười rất tươi.
Tính cách Dương Thu Hương như vậy, nên viết văn cũng dữ dội lắm. Hồi ấy tôi
viết bài Những phiên toà của Dương Thu Hương (1986) là muốn
diễn tả cái chất văn quyết liệt ấy. Chất văn này mà được phát huy trong thể văn
bút chiến, tranh luận thì phải biết! Sau này quả là chị đã trở thành ngòi bút
chính luận rất sắc sảo. Sắc sảo hơn văn tiểu thuyết. Chính Dương Thu Hương cũng
không đánh giá cao văn tiểu thuyết của mình. Có lần chị nói với tôi: “Văn của
em là văn cải lương, anh đọc làm gì!”. Dương Thu Hương rất có ý thức viết văn
không vì mục đích văn chương mà vì mục đích chính trị, mục đích chiến đấu cho
lợi ích dân tộc, cho chân lý – chị tuyên bố như thế.
Hồi Dương Thu Hương mới ở tù ra, tôi tình cờ gặp ở quán cà phê vỉa hè chỗ 51
Trần Hưng Đạo. Không hiểu sao chị lại ngồi với một nữ trung uý công an rất xinh
xắn (Dương Thu Hương là nữ mà lại mê những cô gái đẹp). Đối với những người có
liên quan đến chị mà phải làm việc với công an khi chị bị tù, chị nghi ngờ tuốt
và khinh tuốt, như Đỗ Đức Hiểu (từng dạy chị tiếng Pháp), Nguyễn Huy Thiệp, cả
Nguyên Ngọc và người bạn gái xinh đẹp và thân thiết của chị là Phương Quỳnh.
Chị hỏi tôi: “Này, có phải Nguyễn Huy Thiệp sợ vãi đái ra phải không?”.
Dương Thu Hương thích nói năng kiểu dân dã, kể cả nói tục. Thích giọng đời.
Không thích giọng văn chương. Coi nhiệm vụ công dân lúc này là cao hơn nhiệm vụ
làm văn.
Nhân chuyện Hoàng Ngọc Hiến nghe Đỗ Chu nói dối đi hội chen về mà tưởng thật,
và chuyện anh dại dột tham gia vào một đảng nào đấy, Dương Thu Hương gọi Hiến
là đồ ngốc, “nếu là đàn bà thì chửa hoàng hàng tỉ lần”. Ở Dương Thu Hương,
dường như nói bạo, nói thô, nói tục là để át đi một cái gì có thực trong lòng
là những tình cảm đằm thắm, là sự nhạy cảm về lý tưởng, do đó tự thấy là yếu
đuối. Con người dữ mà thực ra lành. Đốp chát đấy mà hay nể người. Rất cảnh giác
mà lại cả tin. Dễ bị lừa. Thách thức kẻ thù, hiên ngang đối mặt với kẻ thù, sẵn
sàng cô độc giữa bầy sói, nhưng lại cần tình bạn. Ôi! Tình bạn vô tư, chân thật
sao mà hiếm có trên đời, nhất là đối với một cô gái xinh xắn trên đất Việt Nam
này! Cho nên viết văn là nhu cầu tất yếu, là lẽ sống, để có thể có người tri kỷ
mà không có tình dục xen vào. Văn chương là người bạn vô tư. Dương Thu Hương
hay viết về tình yêu – đúng ra là những vụ án tình. Nhưng trong truyện của chị,
xem ra không hề có tình yêu tốt đẹp, được ngợi ca như là hạnh phúc đời người.
Tình yêu trong tác phẩm Dương Thu Hương, hoặc chỉ là tình yêu ảo vọng của những
cô gái ngây thơ và lãng mạn, hoặc chỉ là thứ “tình chài gái, lừa gái” của những
gã Sở Khanh hiện đại.
Dương Thu Hương tuyên bố thoải mái: “Tôi là con đàn bà lại đực (còn Nguyễn Khải
là thằng đàn ông lại cái)”. Chị thích chơi với bạn trai nhưng rất ghét những
thằng cứ muốn chuyển sang tình yêu nam nữ, như Lê Đạt, Trần Đĩnh… Khi nhận thấy
có biểu hiện như thế, lập tức chị đuổi luôn. Dương Thu Hương cũng không thích
phiền luỵ đến những gia đình mà do chồng có quan hệ với chị mà vợ chồng lủng
củng. Có lần Dương Thu Hương rủ Nguyễn Duy Tiến (một tiến sĩ toán có giúp đỡ gì
đó đối với con hay cháu của chị) đi nhậu cho vui. Nhưng khi biết vợ Tiến có ý
nghi ngờ, ghen tuông, chị cắt luôn, không chơi với nữa. Riêng tôi và Hoàng Ngọc
Hiến vẫn được chị coi là bạn vô tư. Với chúng tôi, chị có thể nói như nam giới
với nhau về thói dâm ô của người này người khác, như chuyện bí thư Hoàng Tùng
nửa trên, nửa dưới như thế nào đó… Một người có vẻ sắc sảo và luôn cảnh giác
như thế mà đã nhiều phen bị lừa… Chẳng hạn chuyên làm nhà làm cửa gì đấy với
Đoàn Thị Lam Luyến, hay chuyện mua phải thuốc bổ rởm (làm bằng thuốc tăng trọng
lợn) bị phù và lở loét khắp người.
Tóm lại Dương Thu Hương có vẻ giầu nam tính – tính cách mạnh, ăn nói ngổ ngáo –
nhưng thực chất vẫn là một phụ nữ giầu tình cảm và luôn có mặc cảm của một cô
gái trong xã hội Việt Nam với những thành kiến, những định kiến về người phụ
nữ. Ăn nói táo tợn dữ dội, bốp chát, ngang tàng, đúng là một cách để che dấu sự
mềm yếu của nữ tính và để đối phó với những định kiến xã hội nói trên. Cho nên
chị mới phải “tự thiến” (uống thuốc diệt dục). Có ba
điều dễ mắc phải và dễ bị lợi dụng, bị vu
khống là danh, lợi, tình dục. Danh lợi chị không thèm. Nhưng tình
dục thì phải “tự thiến”.
Dương Thu Hương đã có lúc tưởng chỉ còn vất vào nhà xác (uống nhầm aspirine bị
chảy máu dạ dầy). Hai lần uống thuốc tự tử. Lấy phải thằng chồng vũ phu, bị nó
đánh có thương tích (Nguyễn Văn Hạnh nói, có lần Dương Thu Hương dùng mưu trả
thù: lừa chồng chui đầu vào gầm giường nhặt hộ cái gì đó, rồi lấy gậy quật thật
lực).
Dương Thu Hương không giấu tôi chuyện gì. Hỏi gì cũng nói: Hương sinh ở Thái
Bình (quê nội) được một năm thì nhà chuyển đi Bắc Giang, chỗ giáp Bắc Ninh
(Việt Yên). Nhà bị bom, chuyển vào thị xã Bắc Ninh cho đến hết kháng chiến
chống Pháp. Học trường Hàn Thuyên cho đến 1964. Sau đó học trường lý luận
nghiệp vụ Bộ văn hoá. Từng cắn máu tay viết đơn xin đi tuyến lửa Quảng Bình
(1966- 1975). Chín năm ở tuyến lửa. Khi chiến thắng thì vỡ mộng: lý tưởng vấp
phải thực tế đầy tiêu cực, bị phá sản. Những thần tượng bị sụp đổ. Tự coi như
bị lừa dối, chị từ bỏ thơ, xoay ra viết văn xuôi để lên án những kẻ đã làm vấy
bùn lên lá cờ lý tưởng của mình. Từ nay, tất cả đều phải cảnh giác, chỉ tin ở
mình thôi. Chấp nhận sống cô độc, chấp nhận sống giữa kẻ thù để chiến đấu.
Nhưng thật ra có tin ở một cái gì mới hăng hái chửi bới, phủ định như thế chứ!
Chín năm ấy dẫn đến sự vỡ mộng, nhưng cũng là chín năm rèn luyện
một niềm tin ở mình và
cuộc sống.
Dương Thu Hương kể chuyện với tôi, chị lấy phải một thằng chồng thô bỉ mà mãi
không bỏ được. Ông bố là một sĩ quan quân đội rất phong kiến, không cho bỏ
chồng. Ông bắt con phải kiểm điểm chỉnh huấn theo kiểu Tầu, học được ở Quế Lâm.
Con gái lớn mà bắt đứng úp mặt vào tường. Li dị chồng rồi vẫn thế (Dương Thu
Hương thế mà lại là đứa con ngoan, rất sợ bố). Mãi sau ông cụ mới hiểu ra. Sáng
sớm hôm ấy, ngồi đầu giường con đang ngủ, hút thuốc lào, nhìn con, thương con,
ông hối hận. Giờ ông mới hiểu, do biết thằng rể thực chất là một thằng đểu.
Mười bốn năm sống với nó, còn gì là đời con gái!.
Có lần Nguyễn Tuân mời Dương Thu Hương đến chơi. Chị từ chối, vì thấy ông ấy
kiêu ngạo quá. Nguyễn Tuân nhắc lại. Chị nói: “Cháu chè, thuốc, rượu, chả
biết”. Vậy là Dương Thu Hương không thích quan hệ trên dưới kiểu gia trưởng.
Con người này sinh ra thích bình đẳng, có máu dân chủ.
Dương Thu Hương đặc biệt căm ghét bọn trí thức hèn nhát, trí thức quý tộc đi xe
Volga mà hèn. Căm ghét khái niệm “đi thực tế”. Bọn quan lại: đi ôtô, xa thực tế
mới cần đi thực tế. Còn nhà văn là phải sống với thực tế cả đời chứ! Đâu còn
loại nhà văn tháp ngà!
Sau khi đi tù về, Dương Thu Hương ở một căn hộ thuộc một chung cư ở Trung Tự
(A8, B17). Sống một mình. Hai con có chồng có vợ, trưởng thành cả rồi. Chị hay
mời tôi với Hoàng Ngọc Hiến (gần đây thêm Nguyễn Thị Bình) đi ăn, khi ở nhà
hàng Phú Gia, khi ở nhà hàng Vân Nam, thường vào dịp đầu xuân hay sau một
chuyến đi nước ngoài về. Chị không muốn có quan hệ với bạn mới, sợ liên luỵ đến
người ta.
Gần đây, Dương Thu Hương luôn tự nhận mình là
giặc, và là một người đàn bà nhà quê, răng đen, mắt toét, mặc váy. Chị nói, dân
tộc Việt Nam thực ra là một dân tộc nông dân. Chị thích văng tục vì đấy là ngôn
ngữ nông dân. Phải nói bằng ngôn ngữ nông dân mới diễn đạt được đích đáng mọi
sự thật. Nhưng Dương Thu Hương là người rất công bằng. Có lần chị được mời sang
Pháp. Một đám Việt kiều ở một tỉnh nào đó mời đến nói chuyện. Bọn này muốn chị
mạt sát Hồ Chí Minh. Nhưng chị vẫn đánh giá Hồ Chí Minh dù sao cũng là một nhân
vật vĩ đại. Thế là chúng tức tối, có thằng đến khách sạn doạ đánh chị. Dân Việt
Nam là thế, hay bè phái. Mà bè phái thì bất chấp chân lý, bất chấp lẽ phải.
Hồi ấy nhiều người cứ tưởng Dương Thu Hương ở lại Pháp không về. Thực ra đúng
thời hạn, chị về ngay.
Gần đây, chị lại sang Pháp. Lần này chị chủ trương ở lại Pháp. Ở trong nước, bị
quấy nhiễu quá, không làm việc được. Có hồi người ta cắt cả điện thoại của chị.
Viết truyện, Dương Thu Hương thường hay luận về vấn đề hạnh phúc của những cô
gái trẻ. Những cô gái hợm hĩnh và lãng mạn, chẳng hiểu tình yêu và hạnh phúc là
gì, cứ chạy theo những tình yêu mơ mộng và huyền hoặc, để cuối cùng đánh rơi
mất tình yêu và hạnh phúc thực của mình. Dương Thu Hương từng luận về hạnh phúc
như một người đầy trải nghiệm: nó như quân xúc sắc trong trò chơi. Cần thì
không đến. Không cần lại đến. Nhưng nó đến mà đánh rơi nó, đánh mất nó như
chơi. Hạnh phúc phải do chính mình quyết định. Là ý thức, là hiểu biết, nhưng
nó cũng là sự hồn nhiên, chân thực, thật thà, trước hết với mình. Đừng có dại
nghe ai xúc xiểm – vì hạnh phúc chỉ có cá nhân mình mới hiểu được.
Không rõ Dương Thu Hương tự thấy đời mình thế
nào, còn theo tôi, chị chưa bao giờ có hạnh phúc. Đời người đàn bà như thế là
khổ lắm. Tôi thật sự khâm phục Dương Thu Hương. Cảm phục sự dũng cảm của chị –
sự dũng cảm đã phải trả giá rất đắt: một người yêu đời, rất cần tình bạn và sự
cảm thông, mà phải sống cô độc, một mình chống chọi với cả một Nhà nước.
Tôi cũng thật sự thương Dương Thu Hương, một
người đàn bà như thế là khổ lắm.
Hiện nay Dương Thu Hương đang ở Pháp.
Nghe nói tiểu thuyết Chốn vắng của chị được dịch và Những
thiên đường mù sắp được chuyển thành kịch bản phim.
Xin chúc mừng chị.
Láng Hạ 01.5.2007.
Chương XXIII. Lưu Công Nhân
Tôi quen Lưu Công Nhân từ hồi cùng học với nhau ở trường Trung học kháng chiến,
đóng tại Đào Giã, Thanh Ba, Phú Thọ (vốn là trường Chu Văn An ở Hà Nội sơ tán
lên từ thời kháng chiến chống Pháp).
Hiệu đoàn học sinh có ra đều kỳ một tờ nội san, viết tay. Tôi hay vẽ vạch lăng
nhăng, nên được cử đi trang trí, minh hoạ cho tờ nội san này. Tôi gặp Lưu Công
Nhân cũng đến làm công việc này. Tất nhiên, không như tôi, Lưu Công Nhân là một
tài năng thực sự. Tôi nhớ anh thường lấy một mẩu cành cây chỉ bằng ngón tay,
dùng dao cắt, gọt mấy nhát, thành ngay một hình người nhỏ xíu xinh xinh.
Tôi với Lưu Công Nhân học cùng một khoá (1947 – 1950). Anh học ban sinh ngữ,
tôi học ban Toán Lý Hoá. Hình như anh đang học dở dang thì bỏ đi học hoạ, khoá
Tô Ngọc Vân.
Bẵng đi từ đó, tôi không lần nào gặp anh nữa, tuy có xem tranh của anh ở bảo
tàng mỹ thuật và biết anh đã là một hoạ sĩ nổi danh. Sau 1975, tôi thỉnh thoảng
có được mời vào dạy cho mấy trường đại học ở Sài Gòn và Cần Thơ. Biết anh ở Sài
Gòn, tôi tìm đến chơi.
Dưới đây, tôi tường thuật lại cuộc gặp mặt đầu tiên của tôi với Lưu Công Nhân ở
Sài Gòn. Anh nói nhiều, nói liên miên. Nên cuộc trò chuyện giữa tôi và anh hầu
như chỉ là một cuộc độc thoại của Lưu Công Nhân. Tôi nhớ đấy là một ngày đầu
năm 1983.
Lưu Công Nhân lúc này ở đường Tự Đức. Nhà hai tầng, rộng rãi và khá sang trọng.
Tôi chờ đợi một thái độ lạnh nhạt và xem thường của ông bạn cũ. Vì nghe nói hắn
giầu lắm, danh vọng lắm, khinh người lắm. Điều này thì tôi đã có kinh nghiệm
rồi, nên coi như chuyện thường. Nó khinh mình thì cái giá trị thực của mình thế
nào thì vẫn thế thôi. Mà mình trông bộ dạng nhếch nhác thế này nó khinh cũng là
phải. Tôi cứ gõ cửa. Mình vào cốt để xem tranh của hắn, thế thôi – tôi rất
thích hội hoạ.
Nhưng tôi đã lầm. Lưu Công Nhân nhận ra tôi ngay. Hắn rất nhớ bạn cũ. Hắn đọc
nhiều sách lắm. Sách hội hoạ, điêu khắc của Pháp, đọc cả sách văn học Việt Nam.
Có đọc cả nhiều bài viết của tôi. Và cũng biết tôi có cuốn Nhà văn, tư
tưởng và phong cách và nói đang đi tìm mua. Hắn khen tôi viết về
Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng rất khá.
Lưu Công Nhân quả là một tay kiêu ngạo. Xem thường tuốt. Tự coi mình là một
maitre, cỡ quốc tế. Nhưng nụ cười thì rất tươi, hiền và trẻ cách lạ.
Tôi rất thích nụ cười của Lưu Công Nhân. Hắn người cao to. Cởi trần. Quần đùi.
Lưng gù gù, lòng khòng. Nhưng đẹp trai, ăn nói rất thoải mái, hay văng tục. Mới
gặp nhau đã mày tao luôn. Không ngờ Nhân còn nhớ tôi ngày xưa từ dáng đi đến cả
cái áo mặc thời kháng chiến.
Nhân nhận xét Nguyễn Tuân là hám danh, nên mất
cái hồn nhiên, tự nhiên – nghệ sĩ chân chính phải tự nhiên như ruồi ấy chứ
(Nhân hay nói “tự nhiên như ruồi”). Đằng này kiểu cách, bộ dạng quá. Vào Sài
Gòn tại sao phải tìm đến Trịnh Công Sơn ? Mà Trịnh Công Sơn cũng háo danh nốt,
nên lấy làm tự hào lắm.
Nhân chê Nguyên Hồng hèn. Trước Mười Hương, Nguyễn Đức Thuận, tại sao lại nói
năng có vẻ kính sợ quá, bái phục quá, tự hạ nhân cách nghệ sĩ trước nhân cách
chính trị. Đó là hai loại anh hùng, hai sự dũng cảm khác nhau chứ !
Lưu Công Nhân nói, từng bỏ biên chế năm 1959, lúc biên chế còn đầy tiền đồ.
Phan Kế An sợ không dám, cho là biên chế còn có giá trị lớn trong tương lai.
– Mình bỏ biên chế – Nhân nói- Đạp xe từ Thanh Hoá lên tận Nam Quan, rồi từ Nam
Quan về, xem kiến trúc thay đổi thế nào. Vẫn cổng chữ môn, ngói âm dương, căn
bản không khác gì. Thế mà càng lên đến gần biên giới, càng thấy Tầu hơn. Rất lạ!
– Này nhiều thằng đến đây gạ xem tranh của tao. Tao đuổi. Nhưng cho mày xem.
Nào lên đây.
Hắn đưa tôi lên lầu. Tranh các loại treo la liệt. Hắn lại treo thêm lên mấy bức
nữa cho tôi xem.
Có một bức khá to, vẻ lằng nhằng như lửa lan
ra tất cả tấm toan lớn:
“Khi bầy tranh nơi công cộng thì tao nói là
bắn máy bay Mỹ. Thực ra là mon rêve”.
Có bức vẽ thuốc nước, một cô gái chở đò ở một kênh rạch miền Nam. Đẹp. Có tranh
vẽ một thiếu phụ bế con. Mấy lá tre, cành tre lơ thơ. Một bức hoạ mùa đông. Lá
bàng đỏ, lốm đốm một chút xanh. Đỏ đúng màu lá bàng úa, nhưng không rõ lá cành
gì hết.
Nhân nói: “Mẹ tao mất, năm bà 82 tuổi – Hắn chỉ một bức tranh, nói: “Hommage à
ma mère. Bức tranh lệ. Nước mắt”. Nhưng tôi không nhìn ra gì hết.
Một bức ký hoạ còn trên giá vẽ: nhà bè, kiểu nhà sàn, nơi một cái bến sông của
một vùng Hậu Giang, Tiền Giang gì đó.
Một bức sơn dầu lớn, vẽ cảnh chiều thu. Hơi buồn. Một quán tranh bên đường,
cạnh một cái lô cốt của Pháp thời kháng chiến. Cánh đồng lúa xanh tận chân
trời. Tôi thấy đẹp, rất thích.
Lưu Công Nhân còn lấy ra cho xem một số tranh thuốc nước vẽ đường làng, cổng
làng cổ kính và vắng vẻ của miền Bắc. Một số tranh vẽ bò của Lưu Công Nhân. Nói
chung, tôi rất nhạy cảm với cảnh nông thôn ngày xưa. Đẹp mà buồn. Mà sao rất
thương!
Lưu Công Nhân nói liên miên về lịch sử hội hoạ, về hội họa Việt Nam và thế
giới.
- Tranh lợn gà làng Hồ không phải tranh dân
gian. Đấy là những maitre, những artiste vẽ đấy chứ! Diệp Minh Châu tạc sao nổi
tượng Phật nghìn mắt nghìn tay! Đó là anonyme không phải folklore. Tinh thần
anonyme là truyền thống nghệ thuật Việt Nam.
– Nghệ sĩ nó có một cái gì rất tự nhiên. Ăn uống, nước trà, chơi hoa… rất tinh
tế, sành sỏi. Không phải cố làm ra thế, tự nhiên thế thôi. Các cụ ta là thế.
Bây giờ khác rồi. Không có. Dốt. Không ai dạy… Lo cho thế hệ sau quá! Muốn học
vẽ, không có sách mà học. Ăn phở lại cho mùi tầu vào, khó chịu quá, không có
cái tinh tế nghệ sĩ.
– Hội hoạ rất cần có phê bình. Nghệ sĩ đẻ ra phê bình. Phê bình đẻ ra nghệ sĩ.
Nghệ sĩ sáng tạo, phê bình tổng kết ra trường phái này, trường phái nọ.
Và giữa hội hoạ và văn học có ảnh hưởng lẫn nhau.
– Việt Nam không vẽ chân dung. Kiêng. Cho vẽ thì bị thu mất thần. Tàu có truyền
thống này từ lâu đời. Hiện còn để lại một bức tranh về một hoạ sĩ đang vẽ một
cô công chúa hay hoàng hậu gì đó. Một maitre râu dài ngồi vẽ, các cung tần mỹ
nữ xúm xít đứng xem.
Phương Đông không có réalisme kiểu Tây, nghĩa là vẽ giống naturalisme. Phương
Đông không bao giờ chịu nô lệ sự thật. Không chủ trương
vẽ hình xác,
muốn truyền lại linh hồn của tạo vật.
Việt Nam không có dessin, vẽ chì than, ký hoạ. Phương Đông không có esprit
documentaire. Phương tây nó triển lãm dessin riêng của một hoạ sĩ và coi là đã
đủ là một phòng tranh rồi. Phương Đông vẽ là vẽ ngay trên lụa, đục ngay vào gỗ,
vào đá.
Thời Phục Hưng, Tây đã chịu ảnh hưởng phương Đông. Do route de soie, tranh vẽ
Tàu đã sang Tây lâu rồi.
Phục Hưng không hề ảnh hưởng tới Việt Nam. Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng tranh
của Tây thế kỉ XIX, XX thôi.
Tính dân tộc là bản chất của nghệ thuật. Thằng Tây sang Tàu học lối vẽ Tàu, dù
thành thạo đủ ngón vẫn không vẽ ra được như tranh Tàu. – Mỗi hoạ sĩ có một
univers của nó. Để thể hiện cái univers ấy, nó cần vẽ cái này, cái kia, dùng
chất liệu này, chất liệu khác… Mình coi sơn mài là quốc hoạ là vô nghĩa. Phê
bình theo sujet là không đúng. Hội hoạ phê bình xã hội khác. Thời Hitler chiếm
đóng, palette của Picasso toàn màu tối, sau giải phóng palette Picasso màu tươi
sáng.
– Việt nam xưa thế mà tinh tế: có cái kiến trúc vui (proportion heureuse). Có
kiến trúc buồn. Có kiến trúc nghiêm trang khắc khổ.
– Vừa rồi nó bảo tao khai thành tích để phong giáo sư, phó giáo sư hay khen
thưởng nghệ sĩ ưu tú… Tao không thèm, gửi trả lại giấy tờ ngay lập tức. Phó chứ
đến giáo sư tao cũng coi ra cái gì. Cho đi nước ngoài, bắt làm hộ chiếu, tao
không thèm. Gọi cả nước Liên Xô sang đây tạo dạy cho, việc gì tao phải đi học
Liên Xô.
- Nghệ sĩ là người sáng tạo theo tài năng, sở
trường của mình, không cần biết giá trị đến đâu, thế nào. Nhưng thằng Critique
thì phải làm công việc đánh giá, xếp hạng theo vị trí của mỗi nghệ sĩ trong
lịch sử nghệ thuật. Cần có một cuốn Nhà văn, tư tưởng và phong cách trong hội
hoạ. Mày làm được đấy. Mày đi vào nghệ thuật hội hoạ đi. Hiện nay trong hội hoạ
toàn thằng ngu, không có chữ.
Mày cứ viết luôn về cái rencontre của mày với Lưu Công Nhân cũng thành một bài
có giá trị đấy. Hai maitre gặp nhau.
Nhân nói đến đó thì có một người đến nhờ vẽ bìa sách. Nhân lấy chì sáp viết
thoắng một chữ, rồi lấy bút lông chấm mực vạch đè lên trên mấy nét.
Xong rồi, nói:
Thế mà người ta khen đẹp đấy và tới tấp đến nhờ tao vẽ bìa. Thấy đã muộn, tôi
đứng lên, đi về. Lưu Công Nhân nói: “Phải có équipe, có bè, có cánh, có thế.
Thí dụ, Hoàng Ngọc Hiến bị đánh thì có Nguyễn Tuân lên tiếng bênh vực. Và phải
có giới thiệu nhau, bình luận sáng tác của nhau.
Nhớ lại ngày xưa, đã có lúc tôi định xin học hoạ. Nếu học thì cũng cùng một
khoá với Nhân và trở thành đồng nghiệp của hắn. Không biết số phận sẽ ra sao!.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng vào Sài Gòn, tôi lại đến Lưu Công
Nhân chơi.
Mấy năm nay hắn yếu đi nhiều. Bị chứng run, gọi là bệnh liệt rung (parkinson).
Chân tay run rẩy, đi đứng khó khăn.
Nhưng hắn vẫn vẽ. Hắn tặng tôi một tập tranh,
chỉ đề mấy chữ: vẽ, vẽ và vẽ…
Hôm ấy, tôi đến Nhân. Đâu vào đầu năm 2002. Hắn nói, nhiều khi đứng mãi mà
không nhấc chân đi được. Tay run. “Nhưng tao vẫn vẽ. Renoir vẽ cho đến lúc
chết. Lão bị goutte, không vẽ được, người ta phải buộc bút vẽ vào tay, vào chân
để vẽ.
Các thế hệ hoạ sĩ thường kỵ nhau. Renoir nổi tiếng trước Matisse. Matisse khi
nổi danh đem tranh đến cho Renoir xem, Renoir chê không ra gì. Picasso cũng
thế, không chấp nhận thế hệ sau mình.
Mình sang Balan, có một tay hoạ sĩ hỏi, ở Việt Nam có phê bình hội hoạ không.
Tao bảo có rất ít. Tay hoạ sĩ Ba Lan nói, thế là hạnh phúc. ở Ba Lan, một hoạ
sĩ có hàng trăm thằng phê bình. Sợ quá ! Khổ quá! Có ít phê bình là hạnh phúc
đấy!”
Lưu Công Nhân cho dân tộc Việt Nam bao giờ cũng mô phỏng nước ngoài, xưa là Tầu
– kể cả tranh khắc gỗ làng Hồ hay Hàng Trống cũng chịu ảnh hưởng Tầu (đấy là
những maitre vẽ chứ không phải dân gian). Sau này bắt chước Tây, bắt chước Mỹ.
Việt Nam không có création hoàn toàn. Bắt chước không đạt tới nơi, thì thành
bản sắc Việt Nam, thành hồn Việt Nam. Trong đầu mỗi hoạ sĩ Việt Nam thế nào
cũng có một mẫu ngoại quốc. Nhưng khác ngoại quốc là có cái hồn Việt Nam.
Lịch sử hội hoạ Việt Nam không phải bắt đầu từ
khi có trường Mỹ thuật Đông Dương mà có từ tranh khắc gỗ vẫn gọi là tranh dân
gian. Thực ra đó không phải là dân gian mà là hoạ sĩ hẳn hoi, phải làm bản vẽ
ngược lên gỗ mới khắc được thành bản in chứ.
Tầu nó khắc ngà voi rất nhiều lớp lồng vào nhau rất tinh vi. Ta không bắt chước
được. Còn thì bắt chước tuốt: kiến trúc, chạm gỗ, ngói âm dương, tượng Kim
Cương, phật Quan Âm…
Trẻ con vẽ là hoạ trẻ con. Không nên cho rằng trẻ con vẽ đã là có năng khiếu.
Phải trưởng thành mới biết. Vì vấn đề là mắt, không phải là trí óc như Văn,
Nhạc. Thần đồng không có ở hội hoạ. Lớp trẻ bây giờ không có ngoại ngữ, không
phát triển được. Phải tiếp xúc với nước ngoài mới mở rộng được tầm mắt…
Lưu Công Nhân nói liên miên. Vả lại tôi có biết gì về hội hoạ đâu mà nói. Cho
nên vẫn chỉ có một thằng độc thoại. Mà hắn thì chỉ cần có một đối tượng nào đấy
để trút ra những suy nghĩ của mình.
Mấy năm nay. Tôi không có dịp gặp Lưu Công Nhân lần nào nữa. Hắn không còn ở
Sài Gòn mà đã lên Đà Lạt. Nghe nói ở đấy, hắn có một biệt thự rất đẹp.
Mùa xuân năm nay, tôi vào Sài Gòn, bỗng được tin Lưu Công Nhân mất. Buồn vô
cùng. Cứ thấy hụt hẫng, trống vắng thế nào!
Nhớ lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi ở Sài Gòn, Nhân có ý muốn tôi ghi lại
cuộc trò chuyện hôm ấy.
Nguyện vọng đó của Nhân, tôi đang thực hiện đây. Tiếc rằng Nhân chẳng còn sống
để mà đọc!
Quan Hoa, cuối thu năm 2006
Sài Gòn cuối xuân năm 2007.
Chương XXIV. Hữu Thỉnh
Hữu Thỉnh có máu làm quan, chỉ cố chí leo lên cho được một cái ghế lãnh đạo
thật cao. Hắn tin ở tướng số, ở tử vi. Đi đâu cũng xem giờ xuất hành và thắp
hương khấn vái.
Một hôm, Trung Đức, nhà ở Tràng Tiền , mời Thỉnh và tôi đến nhậu. Hữu Thỉnh tự
khoe tướng của mình rất tốt: “Em lông mày lưỡi mác, em còn lên” – Thỉnh vừa nói
vừa chọc chọc ngón tay lên cao. Lúc ấy Thỉnh mới là uỷ viên chấp hành Hội nhà
văn. Thỉnh xoay ra xem tướng tôi: “Anh có cái nốt ruồi bên trái mũi. Nếu ở vào
giữa sống mũi thì anh đi tù rồi. Nếu ở đầu mũi, anh đi ăn mày!” Thỉnh nói dứt
khoát như thế.
Năm 1983, tôi và Thỉnh từ Hà Nội đi Hải Phòng dự cuộc hội thảo về Nguyên Hồng,
nhân ngày giỗ của ông (Nguyên Hồng vốn là chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng). Đi
đến chân cầu Phú Lương, Thỉnh cho đỗ xe, xuống thắp hương cho vợ chồng Xuân
Quỳnh, Lưu Quang Vũ một cách rất thành kính. Thắp hương hai chỗ: chỗ bị tai nạn
và chỗ quàn tạm thi thể hai vợ chồng. Từ ngày ấy, không biết có phải nhờ trời
phật phù hộ không mà Thỉnh cứ lên vùn vụt. Từ uỷ viên chấp hành lên Tổng thư
kí. Xuýt nữa vào nhà đỏ (BCH TW- Ngọc chú thích). Thực ra mẹo của Thỉnh là lấy
lòng cả làng, nịnh tuốt. Đối với người già, Thỉnh tổ chức chúc thọ đầu năm, lập
Hội nhà văn cao tuổi. Đối với bọn đang làm thơ chẳng có ai thèm đọc, hắn tổ
chức Hội thơ xuân. Thỉnh đúng là một “thiên tài hiếu hỷ” – Nguyễn Huy Thiệp nói
đúng. Ai có cha già mẹ héo, ai ốm đau hay gặp tai nạn gì, Thỉnh đến ngay và có
phong bì. Vừa rồi, họp đại hội nhà văn lần thứ 7, tôi bị ngã. Hôm sau Thỉnh đã
đến thăm rồi.
Thỉnh có cách phát biểu ca ngợi người khác rất tâm huyết. Được khen một cách
đầy tâm huyết, ai chả thích!
Nhớ một lần gặp tôi ở khách sạn nổi Hồ Tây – hôm ấy Hội Nhà văn có liên hoan gì
đó. Thỉnh ôm lấy tôi, nói lớn: “Nhà phê bình nghệ sĩ!”. Những lời lẽ tâm huyết
như thế, chắc Thỉnh ban phát cho nhiều người.
Từ Đại hội nhà văn lần thứ III, Thỉnh là uỷ viên chấp hành phụ trách công tác
nhà văn trẻ. Anh thường mời tôi cùng đi bồi dưỡng những cây bút trẻ ở các nơi.
Tôi để ý thấy Thỉnh rất chú ý mời các vị đàn anh trong đoàn lên tiếp các quan
chức cấp tỉnh, còn mình thì giữ phận đàn em, rất khiêm tốn. Một lần, tại Mộc
Châu, tôi ở cùng phòng với Thỉnh. Có một cây bút trẻ đến đọc thơ cho Thỉnh
nghe. Hai tay ngồi trên cái giường một, còn tôi ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ.
Thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì Thỉnh vỗ đùi nói lớn: “Tuyệt!”. Đối với một
cây bút cấp tỉnh, cấp huyện, được một nhà thơ trung ương, uỷ viên chấp hành
Hội, khen thơ mình như thế thì sướng quá rồi còn gì! ở Vĩnh Phúc, có anh giáo
viên dạy chuyên văn tên là Khoái biết Thỉnh. Anh nói với tôi, Thỉnh nịnh cả vợ
nhà văn địa phương. Đến thăm một nhà văn ở Vĩnh Yên, gặp vợ anh này, tự nhiên
Thỉnh kêu to: “Ôi, Xuân Quỳnh!” – Chị này chẳng hiểu gì cả. Hoá ra Thỉnh khen
chị ta xinh đẹp như Xuân Quỳnh.
Thỉnh thoảng Thỉnh lại điện cho những cây bút địa phương gửi bài đến để anh
đăng trên báo trung ương. Đối với các cây bút tỉnh lẻ, được đăng bài trên báo
trung ương là danh giá lắm!.
Nhưng có điều này thì Thỉnh lại cứng rắn hơn ai hết, nguyên tắc hơn ai hết:
đừng đụng đến cái ghế của anh ta, đừng cản trở con đường thăng quan tiến chức
của anh ta. Về mặt này Thỉnh sẵn sàng đổi trắng thay đen, trở mặt như bàn tay,
thậm chí sẵn sàng làm những điều bậy bạ, vô nguyên tắc, sẵn sàng vất vỏ chân
lý, đạo lý.
Trên kia tôi đã nói đến chuyến đi Hải Phòng với Thỉnh dự cuộc hội thảo về
Nguyên Hồng. Lúc ấy Nguyên Ngọc bắt đầu bị cấp trên để ý. Lãnh đạo tỏ ra khó
chịu về cái vai tổng biên tập báo Văn nghệ khá bất trị của anh, và muốn tìm
người thay. Một trong những người được các vị nhắm tới là Hữu Thỉnh. Hôm ấy,
cùng Thỉnh đi dạo trên hè phố Hải Phòng, Thỉnh nói với tôi dứt khoát: “Em với
anh Nguyên Ngọc, đời nào em lại muối mặt ngồi vào chỗ anh ấy”. Vậy mà chỉ ít
ngày sau, đã thấy Thỉnh nhận chức Tổng biên tập Văn nghệ. Con người này, đúng
là không thể tin cậy được.
Thỉnh ngang nhiên bợ đỡ Mai Quốc Liên và Trần Mạnh Hảo, vì biết cấp trên đang
tin dùng hai tay này. Mặt khác đó là những kẻ rất hung hăng và to mồm, biết
cách nịnh trên nạt dưới, rất có thể gây khó dễ cho Thỉnh. Thỉnh còn cho Văn
nghệ trẻ đăng nhiều bài rất nhảm nhí của Hoàng Xuân Tuyền, vu cáo những người
biên soạn sách giáo khoa, vì thấy xu thế đánh vào ngành giáo dục đang được trên
khuyến khích. Nhớ hồi Bộ giáo dục chủ trương biên soạn hai bộ sách giáo khoa
môn văn PTHT (sách cải cách giáo dục) và bị lãnh đạo cho là có vấn đề. Chính
Thỉnh, trong quốc hội, đã gào lên như là phẫn nộ lắm: “Một nước thống nhất, mà
sao lại có hai bộ sách giáo khoa?” – ý nói có một âm mưu chính trị muốn chia rẽ
đất nước. Không biết Thỉnh có tìm hiểu gì không, nhưng điều chắc chắn là hắn
thấy chiều hướng quốc hội (tất nhiên cũng là chiều hướng của Đảng) như thế, nên
lập tức tỏ thái độ hưởng ứng kịp thời.
Thỉnh ra sức che chắn cho Trương Vĩnh Tuấn (phụ trách Văn nghệ trẻ) vì Tuấn rất
cần cho Thỉnh, tuy Tuấn là thằng cha láo lếu, mất dạy (hình như thằng cha này
xoay tiền rất giỏi). Hắn phát biểu như một thằng điên khùng:
“Tôi căm thù những người viết sách giáo khoa” – Hắn nói thẳng với cô Hoàng Hoà
Bình như thế, khi Bình đề nghị hắn giải thích về những bài xuyên tạc sách giáo
khoa trên Văn nghệ trẻ. Những chuyện như thế nếu có ai gặp Thỉnh trực tiếp phê
phán thì Thỉnh lại tìm cách xuê xoa, nói là đi vắng, không biết, và hứa sẽ xử
lý”.
Thỉnh kết nạp hội viên hay tổ chức giải thưởng
hàng năm của Hội cũng rất bừa bãi, cốt củng cố cho chắc cái ghế của mình. Thỉnh
bầy ra cái trò bầu đi bầu lại giải thưởng Hồ Chí Minh một cách vô lối cho Hồ
Phương và Hà Minh Đức. Tuy thừa biết Hồ Phương và Hà Minh Đức viết lách như thế
nào, nhưng mặc, Thỉnh cứ tổ chức bầu đi bầu lại, cốt tỏ ra quan tâm tới quyền
lợi của anh em. Nịnh trên, nịnh dưới – thực chất là lừa dối anh em bằng những
lời đường mật, đó là đường lối chiến lược cơ bản của Thỉnh.
Nhưng xem chừng con đường hoan lộ của Thỉnh cũng chỉ đến thế thôi, tuy Thỉnh đã
phải trả giá bằng biết bao công sức và mồ hôi của tâm não, cũng như… biết bao
hương khói khấn vái Trời, đất, thần, Phật…
Cách đây dễ đến sáu, bẩy năm, trong một cuộc họp có mặt Thỉnh, Đỗ Chu nhìn
tướng Thỉnh, nói với tôi: “Thỉnh trán hóp dần lên trên, không lên được nữa
đâu!”. Không biết Thỉnh có thấy tướng mình như thế không?
Tôi viết xong bài về Hữu Thỉnh được ít lâu thì Nguyễn Văn Hạnh ở Sài Gòn ra đến
chơi. Hạnh nói cũng vừa gặp Thỉnh. Anh hoàn toàn tán thành những nhận xét của
tôi về Thỉnh, đặc biệt là những thủ đoạn lấy lòng tất cả mọi người và thói hứa
hão, hứa đầu lưỡi, sau đó quên ngay.
Nhưng Hạnh có nói điều này khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Có lẽ những nhận xét của
mình về Thỉnh có phần thiếu công bằng chăng? So sánh Thỉnh với những ông Tổng
thư ký tiền nhiệm xem, người ta dễ có ấn tượng Thỉnh thua kém, rất thua kém.
Nhưng thử nghĩ mà xem, các ông Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm có
gì hơn Thỉnh nào? Các vị đã làm được gì có ích cho đồng nghiệp của mình? Đã làm
được gì để bảo vệ anh em những lúc bị quy chụp chính trị bừa bãi, thậm chí bị
tù oan? Đã làm gì để giúp Hữu Loan trong những ngày khốn khổ ở Thanh Hoá? Đã
làm gì để bênh vực Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt… trong vụ Nhân
văn – Giai phẩm? Đã làm gì để cứu Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo,
Trần Dần, Hoàng Cầm, và sau này Dương Thu Hương khỏi đi tù? Đã làm gì để
giúp đỡ gia đình Nguyên Hồng trong những ngày đói khát ở Nhã
Nam? Đã làm gì để bảo vệ danh dự cho Trần Độ, đến lúc chết vẫn còn bị vu
cáo?…v.v… Té ra tất cả, từ Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm đến Hữu
Thỉnh đều là một lũ bù nhìn, đều vô tích sự như nhau cả thôi. Nhưng riêng Hữu
Thỉnh thì có điều này cũng nên tính công cho hắn chứ: Thỉnh quả có cố gắng tạo
cơ sở vật chất cho Hội. Như gần đây hắn đổ khá nhiều tâm huyết vào việc xây
dựng trụ sở mới, trại sáng tác mới của Hội và Bảo tàng nhà văn ở Quảng Bá. Tôi
vừa lên xem, rất hoành tráng. Các vị Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa
Điềm đã làm được gì tương tự như thế chưa?
Vậy thì nếu so sánh, ai hơn ai?
Láng Hạ 10. 4. 2008
Chương XXV. Nguyễn Huy Thiệp
Thiệp có tài bịa chuyện như thật. Không phải chỉ trong văn đâu, trong đời sống
cũng vậy.
Ngày khánh thành pho tượng Phật của anh, anh mời tôi đến đánh chén. Anh hỏi tôi
khi đứng ngắm pho tượng: “Anh thấy mặt tượng giống nam hay giống nữ?”. Tôi nói,
giống nữ. Thiệp bảo: “Thế là nam tính của anh mạnh. Nếu thấy giống nam là nữ
tính mạnh” (Có người lại thấy giống Phạm Thị Hoài). Thiệp đưa tôi xem bức ảnh
chụp buổi lễ gọi là hô thần nhập tượng và nói, hôm ấy chúng em mời thế nào mà
có hai vị Hoà thượng cùng đến một lúc, mà vị nào cũng quên không mang chuông
mõ. Em và Hồng Hưng (Hồng Hưng là hoạ sĩ kiêm điêu khắc, cùng làm tượng với
Thiệp) phải chia nhau mỗi người một ngả đi mượn ở những ngôi chùa quanh vùng.
Đến đâu cũng thấy nhà chùa đã sắp sẵn chuông mõ giao cho, nói là: “Đêm qua đức
Phật báo mộng, có người đến thu chuông mõ”.
Thiệp lại kể, khi tượng Phật sắp hoàn thành, bỗng thấy có một bà nhà quê ở đâu
đến, thấy tượng vội sụp lậy như tế sao. Hỏi thì nói, bà ta có con bị ốm. Mời
thầy cúng đến. Ông thầy nói, bà yên tâm, gần đây người ta đang xây tượng Phật,
ma quỷ sẽ phải chạy hết, nay mai con bà khỏi thôi. Quả đúng như vậy.
Một hôm khác, tôi nhớ là ngày giỗ ông thân sinh của Thiệp. Anh mời chúng tôi
đến uống rượu. Hôm ấy khá đông khách. Thiệp cho biết, ở Hà Nội, có những bà
đồng cứ nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa – một nhân vật huyền thoại của Thiệp
trong truyện Phẩm tiết. Thiệp nói, hôm ấy, anh ra Hà Nội, gặp một bà đồng đang
đi với ông tiến sĩ Hoàng Phương, một chuyên gia về khoa học thần bí. Đó là một
trong những bà đồng tự nhận mình là Ngô Thị Vinh Hoa. Trông thấy Thiệp, bà ta
bỗng lăn đùng ra đất, mồm hộc máu. Thiệp hoảng hồn, bỏ chạy vì sợ liên luỵ.
Thiệp viết thì hay, nhưng nói chuyện thì không hấp dẫn lắm. Anh có tật nói lắp.
Người đen, có vẻ phong trần – Hồi Thiệp mới xuất hiện, nổi lên như cồn, nhiều
kẻ sinh đố kỵ. Khi Thiệp viết Phẩm tiết, bị quy là xúc phạm Quang
Trung, nhiều tay liền xúm vào đả kích, chửi bới. Đỗ Chu, trong một cuộc họp ở
Hội nhà văn, nói: “Mặt nó như cái ruộng nẻ, nó dám xúc phạm anh hùng dân tộc,
sao không bỏ tù nó đi!”.
Thiệp vốn là một giáo viên dạy sử, nhưng thực
sự là con người của cuộc đời phong trần, bụi bặm, thực sự vật lộn với cuộc sống
để mưu sinh. Anh từng buôn gỗ, có lúc làm trang trí nội thất thuê, có thời gian
vẽ gốm cho lò gốm Bát Tràng, rồi vẽ bìa sách cho nhà xuất bản Giáo dục… Khi mới
được chuyển từ Sơn La về Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục), Thiệp xin với Nguyễn
Đức Nam, Giám đốc nhà xuất bản, cho vợ anh, đang dạy học ở Từ Sơn, về Nhà xuất
bản. Thiệp mặc cả với Đức Nam sẽ có cách đưa được con Nam từ Hà Tây về Hà Nội.
Nam nói, chuyện của tao, tự tao giải quyết được. Thiệp phải dắt gái cho Nam ba
lần, Nam mới đồng ý. Hiện vợ Thiệp vẫn chữa morát cho nhà xuất bản Giáo dục.
Thiệp hai lần mở quán ăn. Một lần ở Gia Lâm, gọi là quán Nhà Sàn Hoa Ban. Một
lần ở số 1 Láng Hạ, gọi là nhà hàng Hưng Thịnh. Tôi có được mời dự lễ khai
trương. Quán Hoa Ban thì do quan hệ giữa chủ đầu tư và Thiệp không hợp thế nào
đó, nên Thiệp bỏ. Còn quán Hưng Thịnh thì không hiểu sao vừa mở được ít ngày đã
sập tiệm.
Vừa rồi, Thiệp viết bài Trò chuyện với hoa thuỷ tiên, bị bọn làm
thơ ghét lắm. Ở đại hội nhà văn lần thứ bẩy, anh nói với tôi, tưởng chúng nó
không bầu mình làm đại biểu, thế mà hoá ra cũng đủ phiếu.
Nguyễn Khải cho biết, ở trong Nam, có một người đàn bà họ Đinh, kinh doanh rất
giỏi, giầu lắm. Chị này rất quý Nguyễn Huy Thiệp. Thỉnh thoảng Thiệp vào Sài
Gòn được cung phụng sướng như vua.
Thiệp là một trong những nhân vật hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Tôi đến
anh, thường gặp, khi thì một ông Tây, khi thì một ông Tàu hay một bà Nhật, khi
thì một trí thức Việt kiều ở Pháp, ở Mỹ về nước…
Hoàn cảnh ấy khiến Thiệp sinh chủ quan, kiêu ngạo. Tôi cho đấy là dấu hiệu
thiếu bản lĩnh. Trong nhiều bài viết, Thiệp cứ xưng xưng tự khoe là người tài,
người nổi tiếng, là nhà văn lớn. Một lần có một doanh nhân trẻ mới phất lên.
Anh ta quen một người học trò của tôi và tỏ ra cũng thích văn chương nghệ
thuật. Có lẽ do ảnh hưởng của anh học trò của tôi (một nghiên cứu sinh), anh
doanh nhân này muốn đóng vai Mạnh Thường quân, mời tôi, Hoàng Ngọc Hiến và
Nguyễn Huy Thiệp đi chơi một chuyến lên vùng Xuân Mai, Hoà Lạc. Anh ta nhờ tôi
mời hộ. Tôi gọi điện cho Hiến. Hiến nhận lời ngay. Tôi gọi điện
cho Thiệp. Thiệp từ chối: “Anh phải cẩn thận, nhiều kẻ nó muốn lợi dụng chúng
mình đấy!” – Thiệp khuyên tôi qua điện thoại như vậy. Tôi nghĩ bụng, rõ vớ vẩn.
Nó lợi dụng mình để làm gì chứ! Ở cái nước này, trí thức văn nghệ sĩ có giá gì
đâu mà sợ bị lợi dụng. Đúng là Thiệp càng ngày càng thấy mình to quá, lớn quá,
quan trọng quá.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như một sự kiện
quan trọng, có tiếng vang ra cả nước ngoài. Người đầu tiên giới thiệu Thiệp một
cách công phu là Hoàng Ngọc Hiến với một bài viết có cái đầu đề khá kiểu cách:
“Tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió” (Bài giới thiệu tập truyện Tướng
về hưu lần đầu tiên in ở NXB Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, 1988). Năm
1990, Thiệp nhờ tôi viết lời tựa cho một tập truyện ngắn khác của
anh. Bài viết của tôi không
được dùng vì Thiệp nói, có lệnh của công an không cho in lời tựa cho tác phẩm
này (Thiệp từng bị công an theo dõi, có thời gian bị khám nhà và quản thúc).
Tôi gửi bài viết cho tạp chí Sông Hương, đăng vào năm 1991.
Ý kiến của tôi và Hiến khác nhau. Hiến cho rằng trong truyện của Thiệp có sự
đối lập giữa các nhân vật nam và nhân vật nữ: Nữ là chính diện, nam là phản
diện. Từ đó cho rằng tinh thần phê phán xã hội của Thiệp là xuất phát từ quan điểm
gọi là “thiên tính nữ”. Tôi không tán thành ý kiến ấy, vì thấy không có sự đối
lập này trong nhiều tác phẩm tiêu biểu của Thiệp. Nhận xét của tôi là sự đối
lập về tư tưởng tiêu cực và tích cực của các nhân vật trong truyện của
Thiệp – không phải giữa nam và nữ, mà giữa những nhân vật sống gần với tự nhiên
(thường ở trong nhà, thậm chí trong xó bếp, hoặc ở nông thôn hay trong thẳm
rừng), nên vẫn giữ được bản chất thiên nhiên, bản chất tạo hoá tự nhiên của
mình, với những nhân vật đi vào xã hội, bị xã hội hoá – trong tác phẩm của
Thiệp, xã hội hoá đồng nghĩa với tha hoá. Tôi đưa ra một loạt dẫn chứng và
khẳng định hầu như không có ngoại lệ:Tướng về hưu, Những bài học nông thôn,
Những người thợ xẻ, Không có vua, Trái tim hổ, Muối của rừng…
Hôm ấy, sau cuộc nhậu ở nhà Thiệp, khánh thành pho tượng Phật, tôi và Hiến
tranh luận với nhau. Hiến vẫn giữ ý kiến của mình. Anh nói: “Cậu nên nhớ, con
khỉ dạy cho ông Diểu bài học làm người (trong truyện Muối của rừng)
là con khỉ cái nhé – nghĩa là vẫn đúng với luận điểm “thiên tính nữ”. Thiệp
ngồi quan sát tôi và Hiến tranh luận. Anh chỉ cười. Hình như càng ngày, Thiệp
càng cố tình tạo ra trong tác phẩm của mình những cảnh đời quái đản, tăm tối,
với những con người, từ thế xác tới tâm hồn, như chui từ bùn rác, cống rãnh lên
– Một thái độ hư vô chủ nghĩa, nhạo báng tuốt, nói ngược lại tuốt, cố tình gắn
cái cao cả với cái thấp hèn, cái to tát với cái bé mọn, cái trinh trắng với cái
bẩn thỉu tục tĩu… Một thứ nihilisme – Dieu est mort – kiểu Nietzsche. Và hành văn
cũng theo lối phán truyền của Nietzsche (style parabolique). Hình như Thiệp có
hứng thú (và có sở trường) ném ra những lời như sấm ngôn, như thánh phán, với
những mệnh đề triết lý tù mù, bí hiểm, có thể suy ra nhiều nghĩa. Tôi ngờ rằng,
chưa chắc Thiệp đã có tư tưởng gì thật sự nên mới làm ra thế để loè thiên hạ,
đồng thời che giấu bản chất còn mù mờ của tư tưởng mình. Người đọc có thể thấy
đây đó những điều có vẻ loé sáng, nhưng không bao giờ thấy có ngọn lửa chân lý
hẳn hoi.
Gần đây đã có không ít người nói đến dấu hiệu
đuối sức, cạn tài của Thiệp. Tôi cho chỗ hay nhất của Thiệp vẫn là lối viết táo
bạo nhưng chân thật, hồn nhiên, bản năng. Gần đây Thiệp có truyện Ông Móng viết
về cái chợ đêm bán phân người ở Hà Nội. Người ta khoắng tay vào thùng phân để
kiểm tra. Phân cũng làm hàng giả. Nên mua phân cũng phải khoắng tay để kiểm
tra. Cuộc sống thật quyết liệt, tối tăm, một nhân loại cùng khổ đến thế là
cùng. Đúng là những nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, là thế giới nghệ thuật của
Nguyễn Huy Thiệp. Cứ phải xục xuống bùn, xục sâu xuống tận đáy cho đục ngầu hẳn
lên… Tôi thấy truyện này rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách Thiệp – một
chủ nghĩa hiện thực “không có vua”… Tài nghệ và tư tưởng của Thiệp đã tìm được
một đề tài thích hợp.
Có lẽ nhược điểm của Thiệp là thường thuật kể theo các hành vi ngoại hiện của
nhân vật, ít đào sâu vào đời sống nội tâm của các vai truyện. Vì thế không viết
được tiểu thuyết chăng? Ngày xưa Nguyễn Công Hoan cũng có nhược điểm này. Nhưng
dù sao tiểu thuyết của cụ Hoan cũng không quá dở như của Thiệp.
Cuối năm 1988, Nguyễn Minh Châu bấy giờ đã mệt
lắm. Anh vào Nam chữa bệnh không có hiệu quả lại trở ra Bắc. Tôi đến thăm anh ở
108. Anh nói với tôi: “Bây giờ có ai nghiên cứu về cái đề tài này cũng hay đấy
nhỉ: Từ Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp”. Anh không nói gì thêm nữa. Tôi chắc anh
nghĩ đến hai cái mốc đánh dấu hai thời kỳ văn học nước ta, bằng hai tài năng
trẻ cùng viết truyện ngắn: Đỗ Chu là người thể hiện chất thơ của miền Bắc xã
hội chủ nghĩa, còn Nguyễn Huy Thiệp thì thể hiện chất văn xuôi phàm tục và chất
bi hài của chủ nghĩa xã hội hiển lộ ra từ thời kỳ đổi mới.
Nguyễn Thị Huỳnh 9. 7. 2007.
Chương XXVI. Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa từ bộ dạng, cách nói năng (lẫn lộn n với l), đến thói quen ăn
uống đều đặc nông dân: chỉ thích món thịt lợn kho, cá kho, rau muống luộc, lòng
lợn chấm mắm tôm, không thích thịt bò, gà vịt, hải sản, không thích bia…
Vào khoảng năm 1975, báo Phụ nữ Việt nam có đặt tôi viết một bài về trường ca
Tiếng hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa. Bài ấy, tôi ký tên con gái tôi:
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Nội dung cơ bản của bài viết là khẳng định Trần Đăng
Khoa là nhà thơ nông dân. Tất cả tài năng của anh đều do nông thôn bồi dưỡng
nên. Thành công hay thất bại của tác phẩm đều là do Khoa hoặc nói bằng tâm hồn
và ngôn ngữ nông dân của mình, hoặc mượn ý tưởng, cách nói của tầng lớp xã hội
khác.
Tôi tiếp xúc với Khoa lần đầu tại nhà Khoa ở Nam Sách. Lúc ấy Khoa học lớp Tám
ở trường cấp III Nam Sách (Hồi ấy cấp III gồm 3 lớp 8, 9, 10). Một đoàn sinh
viên sư phạm Hà Nội về đấy thực tập. Tôi về thăm đoàn thực tập này và nhân tiện
tạt về nhà Khoa một lát.Tôi thấy Khoa ứng xử, tiếp đón, nói năng với khách rất
đàng hoàng, chững chạc, không có vẻ một cậu học trò lớp Tám. Về sau này chính
Khoa nói với tôi: “Người ta cứ bảo em hồi nhỏ rất hồn nhiên, nay không còn hồn
nhiên nữa. Không đúng. Hồi nhỏ em chẳng hồn nhiên gì cả. Nói dối như ranh. Và
Khoa kể chuyện này: “Một lần có một cuộc hội nghị y tế toàn miền Bắc họp ở tỉnh
Hải Hưng. Các ông phụ trách hội nghị đưa Khoa đến để khoe “thần đồng” của tỉnh.
Thường họ đề ra cho em làm thơ để thử tài. Ông Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng Bộ Y
tế, tặng em một cái bật lửa. Không hiểu sao lại tặng mình bật lửa? Tặng trẻ
con, lại tặng bật lửa để làm gì! Đúng là dớ dẩn. Em nghĩ bụng thế. Nhưng em lại
phát biểu trước hội nghị: “Bác tặng em cái bật lửa là rất có ý nghĩa. Đây là
ngọn lửa tượng trưng cho lý tưởng cách mạng. Em nguyện sẽ mang ngọn lửa này
trong suốt cuộc đời mình…” Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ, khen thằng bé giỏi quá!
Từ ngày Khoa học trường viết văn Nguyễn Du, tôi tiếp xúc với Khoa luôn. Có năm
Khoa đến ăn Tết với gia đình tôi, quan hệ rất thân mật. Khoa đúng là có tài,
rất thông minh. Có lẽ Khoa có ý thức mình là thần đồng nên chịu khó đọc sách,
đọc sáng tác, đọc phê bình, để có một vốn tri thức đàng hoàng, có thể ăn nói
với đời. Khoa tỏ ra rất hoạt bát. Mồm mép ghê gớm, phát biểu rất có chủ kiến,
đầy tự tin, có phần kiêu ngạo nữa. Những năm gần đây, tôi với Khoa thường được
mời tham gia hội đồng chung khảo của những cuộc thi sáng tác văn học do Nhà
xuất bản Giáo dục, Hội nhà văn hay tổ chức Văn hoá doanh nhân của Lê Lựu tổ
chức. Tôi thấy Khoa rất to mồm, nhiều khi tỏ ra muốn áp đặt tư tưởng của mình
đối với hội đồng.
Khoa thường nói giọng khẳng định dứt khoát, nhiều ý kiến sắc sảo, nhưng cũng
lắm nhận định không chính xác do vốn kiến thức còn lắm lỗ hổng. Tuy thế tôi vẫn
thích nghe Khoa nói. Tôi thích người nói thẳng thắn, có chủ kiến riêng, dù
không đúng cũng gợi cho mình suy nghĩ.
Dưới đây, tôi tường thuật vài đoạn Khoa nói chuyện với tôi (tôi muốn ghi lại
đúng giọng điệu, khẩu khí của Khoa):
“Văn học đang đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả cũ rồi, Các nhà
thơ thời chống Mỹ vẫn khá hơn cả, song cũng tắc rồi. Nguyễn Duy triển lãm thơ
bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay… là vớ vẩn lắm rồi! Nguyễn Huy Thiệp cũng
tắc. Vàng Anh cũng hết – một hồi ta đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn.
Nhưng cái mới chưa có, chưa xuất hiện. Văn xuôi có khá hơn. Thơ thì có lẽ thời
buổi này không phải là thời của thơ. Đây là thời của truyện, của kịch, của
phim, của tivi…”
“Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương! Đàn bà không tả cái của đàn bà
hấp dẫn như thế “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới nói thế: “Cô gái
ngủ ngày” là đàn ông viết”.
“Em đã ghép mười câu thơ của mười nhà thơ lại thành một bài hoàn chỉnh. Chứng
tỏ thơ ta một thời rất giống nhau, cùng một gương mặt. Em cũng ghép lại những
câu thơ của Huy Cận lại thành một bài thơ về vũ trụ. Lại ghép bốn nhà thơ, mỗi
ông bốn câu, thành một bài hoàn chỉnh.
“Ngoài sân rơi cái lá đa, Lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Nhiều người
khen, Thực ra không hay lắm, câu thơ trung bình thôi. Chỉ tả cảm giác.
Thơ hay là nói cái nội tâm, cái tình, cái hồn. Như câu “Mái tranh ơi hỡi mái
tranh, Trải bao mưa nắng mà thành quê hương”.
“Phê bình văn học chỉ có ba người: Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà.
Trà thực ra là nhà lý luận. Cụ Mạnh lý luận không phải chỗ mạnh. Chỗ mạnh là
phê bình tác phẩm. Cụ rất tinh”.
Em không thích bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, cả bài Lá
Diêu Bông của Hoàng Cầm. Chả có gì hay. Cụ phản biện đi, hay ở chỗ
nào?”. Tôi nói: “Thơ hay không phân tích, không giảng được”. Khoa: “Không
phải thế. Nếu hay là cụ phân tích được hết”.
Khoa khen bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, không có gì mà hay.
Tôi nói: “Đấy cậu nói không có gì mà hay đấy thôi!” Khoa: “Không phải, hai
chuyện khác nhau, cụ đánh tráo khái niệm”. Nhật có bài thơ tên là Tiếng thu. Có
bốn câu khác hẳn. Nguyễn Vỹ dịch ra giống thơ Lưu Trọng Lư, rồi người ta tưởng
là Lưu Trọng Lư ăn cắp. Một vụ án văn học, oan cho Lưu Trọng Lư”. “Nhà cổ Hà
Nội không gọi là nhà cổ được. Một trăm năm, cổ gì! Tốt nhất là phá hết khu phố
cổ Hà Nội đi. Hội An mới thực là nhà cổ”. Khoa khi nói hay đế chữ “đấy!” như là
một thứ dấu chấm câu vậy: “Thầy hình dung không? Em nói thật với thày, đấy!
…Nguyễn Khải, Chế Lan Viên thông mình, là đầu bảng – đấy! Cụ Mạnh viết ra tấm
ra món. Thẩm văn rất tinh. Có văn. Nhiều người có ý mà không có văn. Có ý mà
không tải được ra văn, cứ tải ra chữ lại hỏng – đấy! Cụ Hiến phát hiện thì
đúng, nhưng triển khai ra thì như hụt hơi, như ngắn lưỡi – đấy! TĐX (Trần Đăng
Xuyền- Ngọc chú) tiếp xúc tay bo thì rất khá. Nhưng viết ra thì không ra sao cả
– đấy! Phải có mắt xanh, ông Xuân Diệu gọi là đầu mày cuối mắt. Phạm Xuân
Nguyên thông minh, nhưng thẩm văn kém. Mai Quốc Liên cũng vậy – đấy . Trần Đình
Sử có học, nhưng thẩm văn xoàng…”
Nói chung Khoa không thích văn trí thức như văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi.
Khoa nói dứt khoát với tôi: “Đấy rồi thầy xem, mươi năm nữa người ta không đọc
Nguyễn Tuân nữa đâu!”.
Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê Nguyễn Tuân không biết uống
nước trà. Bà Ân con gái cả của Nguyễn Tuân tức lắm. Bà nói: “Cái thằng ấy chỉ
biết ăn cua ăn cáy chứ nó biết uống trà là cái gì mà dám chê ông cụ tôi. Tôi đã
phục vụ ông cụ uống trà, tôi biết chứ. Pha trà phải kén nước giếng ở một ngôi chùa
là chuyện có thật (trong truyện Nguyễn Tuân gọi là chùa Đồi Mai). Rồi hầm củi ủ
than để đun nước pha trà như thế nào… Nó biết cái gì mà dám nói láo!”. Hôm ấy,
dự lễ trao giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bà nói
sôi sục. Anh Nguyễn Xuân Đào, con trai út Nguyễn Tuân, phải can mãi.
Nhưng Khoa là tay chống chế rất giỏi. Trong Chân dung và đối thoại,
Khoa chê cụ Ngô Tất Tố, trong Tắt đèn cho chị Dậu bán con, so sánh với Fantine
củaV.Hugo bán tóc, là vô nhân đạo. Khoa bị phê phán là không hiểu ngày xưa
người nông dân phải bán vợ đợ con là chuyện phổ biến. Khoa chắc thấy mình đuối
lý nên tìm cách chống chế. Hôm ấy tôi và Khoa được trường chuyên Hùng Vương
(Việt Trì) mời lên giao lưu với học sinh. Khoa nói: “Tôi không phải không biết
chuyện bán vợ đợ con của nông dân nghèo ngày xưa. Chính tôi có một bà cô phải
bán con. Nhưng cụ Ngô Tất Tố cho chị Dậu đem con đến nhà Nghị Quế, khi nó bắt
cái Tý ăn cơm của chó, lẽ ra phải thôi, đem con về, chấm dứt luôn truyện ở đấy.
Ai lại mẹ thấy con phải ăn cơm của chó mà chịu được!”.
Tôi biết đấy là mồm mép chống chế của Khoa, chứ trong Chân dung và đối thoại,
Khoa có viết thế đâu!
Khoa có một hồi được mời đi nói chuyện khắp. Người nghe rât thích. Khoa biết
cách nói rất hấp dẫn. Một trong thuật hấp dẫn của Khoa là giỏi hài hước.
Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác.
Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt
viết “Cơm đi ăn tôi”.
Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu
cợt:
Anh lang thang em… Anh mini em…
Anh xanh xao em… Anh tiết canh em…
Khoa cố tình tách những cụm từ ấy ra khỏi văn
cảnh, biến chúng thành khôi hài.
Khoa có cách diễn đạt rất tinh quái khi nhận xét lối phê bình của Nguyễn Hoà:
“Nguyễn Hoà là tay phê bình nghiệp dư, nhưng là nhà bóp dái chuyên nghiệp. Hoà
thực hiện được hai “cú” rất ngoạn mục: bóp vú Hà Minh Đức và bóp dái Đoàn Thị
Đặng Hương”.
Khoa kể câu chuyện này cũng vui: có một cô gái ở Sài Gòn kém Khoa hàng chục
tuổi, nhưng vẫn tưởng Khoa là một em thiếu nhi làm thơ. Cô gửi thư cho Khoa gọi
Khoa là em, muốn kết nghĩa chị em và khuyên Khoa chăm học, nghe lời cha mẹ, tập
thể dục buổi sáng…
Nghe Khoa nói, chỉ nên tin một nửa. Rất có thể chỉ là bịa cho vui. Khoa đặc
biệt có tật nói dối. Nói dối chẳng để làm gì cả. Một thói quen thế thôi. Thí dụ
Khoa khoe, tập II Chân dung và đối thoại đã viết xong. Có một bài viết về
Nguyễn Đăng Mạnh. Có những bài trả lời những người phê phán Chân dung và đối
thoại tập I… Sách in như thế nào, bìa ra sao, nhuận bút bao nhiêu. Khoa còn nói
cho biết cả nội dung các bài viết nữa. Khoa nói với tôi chuyện này dễ đã sáu,
bẩy năm rồi mà tới nay vẫn chẳng thấy mặt mũi tăm hơi gì. Mà khi nói, Khoa toàn
báo cho biết sắp in đến nơi.
Tôi nhớ cách đây dăm năm, mồng một Tết, Khoa có đến tôi (ở Quan Hoa, Cầu Giấy).
Khoa có kể cho vợ chồng tôi nghe anh sắp viết một vở kịch vui: “Thị Nở cưỡi
trâu ra tỉnh”. Cho đến nay vẫn chưa thấy viết.
Người ta thường xì xào về chuyện sinh lý của Khoa, giống như Xuân Diệu. Đã có
người làm vè chế giễu.
Nhưng Khoa đã lấy vợ. Tôi có được mời tới dự. Ngay hôm cưới, Lê Lựu, bạn chí
cốt của Khoa vẫn không tin Khoa có thể làm ăn được gì. Anh nói với tôi ngay ở
tiệc cưới như thế. Nhưng vợ Khoa có mang và sinh con gái. Khoa được thể nói
phét: “Mình từng rắc con nhiều nơi, con rơi con vãi của mình nay đã lớn, có thể
bồ bịch với Trần Đăng Xuyền được”. Khoa nói với tôi hôm ấy ở Cần Thơ, có mặt
Trần Đăng Xuyền.
Khoa bây giờ là tay khôn ngoan có tiếng, đối đáp rất sắc sảo. Tô Hoài nói, Khoa
là quân sư quạt mo của Hữu Thỉnh. Trong ban chấp hành Hội nhà văn khoá 7, Vàng
Anh hay gây sự với Hữu Thỉnh. Khoa là người đứng ra gỡ bí cho Hữu Thỉnh.
Theo chỗ tôi biết, Khoa còn là quân sư quạt mo cho Lê Lựu nữa trong việc điều
hành tổ chức Văn hoá doanh nhân.
Hai tay nông dân này hợp nhau trên mọi phương
diện.
Láng Hạ 15.6.2007.
Kết luận
Tôi năm nay 77 tuổi. Tuổi âm lịch 78 (Canh
Ngọ)
Nhìn lại, thấy cuộc đời mình cũng có thể xem là may mắn. Đất nước đánh nhau 30
năm, hàng triệu người chết. Mình không chết. Thế là một cái may.
Xã hội mình, pháp luật lỏng lẻo. Bao nhiêu người bị bắt oan. Mình không bị bắt.
Thế là hai cái may.
Nhớ lại hôm có mấy nhà văn Thuỵ Điển sang Việt Nam, đưa tin thất thiệt tôi bị
bắt. Tôi được Hội nhà văn mời ra gặp mấy ông Thuỵ Điển. Trên đường về, tôi tạt
qua Nhà xuất bản Giáo dục, thuật chuyện này với Nguyễn Khắc Phi, lúc ấy làm
tổng biên tập. Phi nói gọn lỏn: “Anh bị bắt là đáng lắm!”. Như vậy, chuyện tôi
bị bắt là một khả năng thật sự, nghĩa là rất có thể xảy ra. Hồi ở Đồng Xa, vào
năm 1987, tôi từng “được” một anh A25 đến thăm hỏi. Họ cũng luôn đến lục lọi hồ
sơ lý lịch của tôi ở phòng tổ chức Đại học Sư phạm Hà Nội. Các vị ở phòng tổ
chức cán bộ cho biết như vậy. Nhưng rồi cũng chẳng sao. Vẫn được đủ thứ: giáo
sư, nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước… Đúng là số tôi có quý nhân phù
trợ.
Có lẽ tôi có gien của ông bố: ham chơi, vui đâu chầu đấy, thích hưởng lạc. Từ
14, 15 tuổi đã tập hút thuốc lá. Rồi thích đọc văn NguyễnTuân viết về những thú
hưởng lạc. Tôi chủ trương, trời cho hưởng cái gì, không bao giờ từ chối, không
việc gì phải từ chối. Nhưng không có thì thôi. Tôi có thể sống kham khổ mà vẫn
vui. Và thực tế, tôi đã sống như vậy. Thuở nhỏ, bố mẹ và các anh chị cho tôi là
một thằng bé rất dễ tính về chuyện ăn uống. Tôi có thể ăn cơm nguội với muối
trắng mà vẫn thấy ngon. Có một lần, nhà có quả bưởi sần, múi khô, mọi người chê
ăn như nhai rơm. Thế mà tôi vẫn chén hết. Lớn lên, trong chiến tranh, tôi từng
phải ăn cháo sắn, thậm chí ăn củ chuối trừ bữa. Tôi rất ghét những tay cay cú,
cố đấm ăn xôi, của trời muốn vơ vét hết…
Đánh giá con người, tôi có hai tiêu chuẩn. Một là tiêu chuẩn đạo đức. Hai là
tiêu chuẩn thẩm mỹ. Có những loại người tôi rất ghét, tuy không ác, thậm chí
còn tỏ ra tử tế đối với tôi nữa. Ghét vì tầm thường, nhạt nhẽo, vô duyên, nhàm
chán, phi thẩm mỹ. Tất nhiên loại người này không thể hoàn toàn lương thiện
được. Song đó không phải nét nổi bật của họ. Tôi rất lấy làm thú vị khi tình cờ
tìm được cách diễn tả loại người này, nhân đọc Thần khúc của
Dante. Nhà thi hào được Virgile dẫn xuống địa ngục. Ông thấy có một hạng người
bị giam trong một khu riêng. Từ xa đã nghe chúng khóc rống lên thảm thiết.
Họ là ai mà cực độ đau thương?
Những linh hồn nhàm chán,
Sống không hèn nhưng chẳng dám khen chê, không
phản Chúa nhưng cũng chẳng trung với Chúa, Chỉ vì mình, chỉ vì chúng mà thôi!
Thiên đình tống chúng đi
để Thượng giới khỏi giảm phần tươi đẹp
Địa ngục thẳm sâu
cũng chẳng thèm nhận chúng
Vì sợ đám tội đồ lại có cớ để vênh vang…
(Khúc III Thần khúc – Địa
ngục)
Có người đề nghị tôi thử chỉ cho xem một người nào đó trong khoa Văn Đại học Sư
phạm Hà Nội, đúng với tiêu chuẩn “phi mỹ học” nói trên.
Thực ra đưa tiêu chuẩn này, tôi, khởi sự, đâu phải xuất phát từ lý thuyết. Tôi
bao giờ cũng từ thực tế cuộc sống mà khái quát lên, sau đó mới tìm trong sách
vở cách diễn đạt phù hợp. Cho nên tôi có thể chỉ ra ngay mấy mẫu người người
tiêu biểu trong thực tế. Đó là NTH và BVB.(có lẽ Nguyễn Thanh Hùng và Bùi Văn
Ba/ Phương Lựu- Ngọc chú thích). Trớ trêu thay, họ lại là cán bộ khoa Văn, nên
suốt đời nghiên cứu và giảng dạy văn học, nghĩa là luôn tiếp xúc với cái đẹp và
bàn về cái đẹp mà chính họ là kẻ phản lại. Nhưng thôi, bọn người này chỉ nghĩ
đến đã đủ chán đời lắm rồi, chả nên quan tâm làm gì! Còn vô lý thì trên đời này
thiếu gì chuyện vô lý!
Ngoài ra có một loại người, tôi cũng không ưa. Cũng là một dạng “phi mỹ học”,
tuy không đáng ghét lắm. Tôi gọi là những người có “bộ mặt thoả mãn”, lúc nào
cũng tươi rói và sáng bóng lên, thể hiện sự thoả mãn hoàn toàn với bản thân
mình. Bộ mặt như muốn nói với mọi người: tôi là người tài đức vẹn toàn, không
có gì phải phấn đấu thêm nữa. Tôi chỉ muốn có dịp dạy dỗ mọi người về những
điều hay lẽ phải. Đương nhiên là tôi phải được mọi người kính trọng. Ai không
kính trọng tôi thì hoặc là kẻ hỗn láo, hoặc là quá ngu xuẩn. Bộ mặt như thế ở
đứa trẻ con thì rất hồn nhiên, đáng yêu. Nhưng ở người lớn thì thật khôi hài.
Tôi có đọc một cuốn sách về tâm lý học, sách này nói về một thứ bệnh gọi là
autosuffisance. Có lẽ chính là bệnh của loại người này chăng? Loại người này không
bao giờ tự vấn xem, trong biển học mông mênh, đâu là giới hạn của mình, đâu là
chỗ ngu dốt của mình. Không được người ta coi trọng, loại người này rất dễ nổi
nóng. Lúc đó anh ta thường tìm ra những cái chẳng đâu vào đâu của mình rồi đề
lên như là chỗ ưu việt, hơn đời: này ngày xưa tôi học giỏi nhất lớp nhé, có lúc
đã được làm trưởng lớp nhé! Thi tốt nghiệp đại học, tôi đỗ đầu nhé! Lúc tôi bắt
đầu dạy đại học và nghiên cứu thì anh còn ngồi ghế sinh viên nhé!… Nhìn loại
người này, lúc nổi nóng, thấy không hơn gì một đứa con nít.
Ở khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có ai như thế không? Tất nhiên là có, vì
chính từ họ mà tôi khái quát ra loại người này. Nhưng thôi nói ra làm gì. Loại
người này, ngoài cái tật nói trên, bụng dạ cũng không đến nỗi xấu. Chỉ cần được
phỉnh nịnh, được tâng bốc là lập tức có thể làm nhiều điều tốt cho bạn.
Tôi cho rằng, con người ta dù tài giỏi đến đâu cũng phải hiểu cái giá của mình
thế nào trong con mắt của người đời. Đừng có chủ quan, tự thị. Những giá trị
vật chất, dù ở đâu, với ai, cũng không thay đổi bao nhiêu. Nhưng những giá trị
tinh thần thì khác, giá trị, thân phận anh trí thức thì khác. Ở chỗ này, được
coi là vàng bạc, là kim cương, thậm chí vô giá. Nhưng ở chỗ khác, chỉ đáng vất
đi. Trần Đức Thảo, không ít người coi là một đại trí thức, một triết gia cỡ
quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, thời Nhân văn – Giai phẩm, các ông lãnh đạo chỉ coi
như một thằng chăn bò (ở nông trường Ba Vì).
Đối với đời sống thông thường cũng thế. Quan hệ với giới này, người này, anh có
thể rất được quý trọng. Nhưng quan hệ với giới khác, người khác, anh cũng chẳng
là gì hết, thậm chí bị khinh bỉ. Tôi cho đó là chuyện thường. Mà khinh
hay trọng cũng đều có lý của nó cả. Cho nên bị ai khinh bỉ, chẳng nên tức tối,
buồn khổ làm gì. Còn được ai quý trọng thì phải coi là một sự may mắn, một ân
huệ đời đã ban tặng cho mình.
Và khinh trọng thì cái giá trị thực của mình vẫn thế thôi.
Phương châm sống của tôi là phải biết quý trọng cái tài, cái đẹp, lòng tốt. Người
tài, người đẹp, người tử tế là những của quý hiếm trên đời. Không biết quý
trọng ba loại người đó là thiếu văn hoá, là thô bỉ. Viết nghiên cứu, dựng chân
dung văn học, tôi chỉ viết về người tài, người tốt, và chỉ coi là nhà văn thật
sự những cây bút có tư tưởng, có cá tính và phong cách riêng. Đó mới là những
người có thực tài. Mà trong lĩnh vực văn chương, người tài là người tạo ra cái
đẹp. (Tôi gọi người tài là nhân tài, người đẹp là thiên tài – vì đó là sự sáng
tạo của Tạo hoá, là tài của Tạo hoá).
Nhiều người nhận xét, tôi tuy tuổi đã cao, nhưng tính vẫn trẻ, văn cũng trẻ.
Chu Văn Sơn gọi tôi là Cụ Mết. Đỗ Lai Thuý và nhiều người khác không tán thành.
Quả là tôi không thích giao du với cánh già. Chỉ thích chơi với đám trẻ. Tôi
rất ghét thói gia trưởng, tính hách dịch, đầu óc bảo thủ. Đó cũng thường là
tính cách của bọn già. Rất may là tôi làm nghề dạy học, luôn luôn được tiếp xúc
với tuổi trẻ. Cho nên tôi rất yêu nghề dạy học.
Thực ra có hai việc, hay gọi là hai nghề, mà tôi rất thích: dạy học và nghiên
cứu, phê bình văn học. Hai nghề không tách rời nhau và có chỗ thống nhất: cùng
được phát biểu những tìm tòi, suy nghĩ riêng của mình. Lên lớp được nói những
điều tâm đắc với thế hệ trẻ, sướng lắm! Viết xong một bài văn vừa ý, ngồi đọc
lại, sửa câu này, chữ khác cho thật hoàn chỉnh, cũng rất sướng..
Cả hai công việc trên tôi đều đạt được một số thành tựu. Điều tôi cảm thấy
sướng nhất là được khá đông giới sáng tác yêu mến và rất nhiều học trò quý
trọng.
Nhưng cả hai công việc trên đều có vinh, có nhục, có sướng, có khổ. Suy nghĩ về
một vấn đề gì đó, lắm lúc thấy bí, bất lực, cảm thấy tài năng đã bỏ mình mà đi
rồi. Buồn vô cùng! Dạy học cũng vậy. Không nghĩ ra cái gì mới mẻ, hay ho để nói
với học sinh, cũng buồn vô cùng!
Nhưng buồn nhất, thậm chí cảm thấy chán đời, chán mình, là có những lúc bỗng
nhiên nhìn lại công việc của mình, thấy vô nghĩa quá! Văn chương đúng là chuyện
vớ vẩn. Tản Đà gọi thứ văn hay nhất, thứ văn đích thực là văn của mình là “văn
chơi”. Thảo nào các bậc thánh hiền ngày xưa đều cho rằng “lập thân tối hạ thị
văn chương”.
Vậy mà không hiểu sao các nhà lãnh đạo cộng sản cứ ra sức bơm to vai trò của
thứ trò chơi này khiến nhiều kẻ trong đám cầm bút tỏ ra rất vênh vang, vênh
vang một cách vô lối hết sức. Trong lĩnh vực này, nói như Giả Bình Ao, “Thiên
tài và thằng hề (…) dường như không thể phân biệt rõ”. Có lẽ Nguyễn Khải nói
đúng: các ông cộng sản quan trọng hoá văn chương vì các ông ấy chủ yếu làm cách
mạng bằng tuyên truyền. Mặt khác lại rất sợ sự thật. Văn chương hay đụng đến sự
thật. Cho nên, các ông ấy quản lý rất chặt mấy thằng viết văn, tuy bọn này có
làm được trò trống gì đâu và chúa là hèn nhát.
Tập hồi ký của tôi, trong phần tư liệu riêng, không thấy có mặt một cán bộ
giảng dạy đại học nào trừ Hoàng Ngọc Hiến. Có người hỏi tôi, vì sao vậy?
Đây là loại người cậu tiếp xúc hàng ngày, am hiểu nhiều nhất. Trong đó cũng có
nhiều tay hấp dẫn đấy chứ! Đúng như thế thật. Nhưng tôi không nghiên cứu họ,
không quan sát, ghi chép gì về họ.
Duy có hai người tôi rất quý trọng. Hai người đồng tuế (canh ngọ). Cũng tuổi
già mà tính vẫn trẻ. Cả hai đều giống nhau ở chỗ, tuy chuyên môn rất giỏi – một
người chuyên về lý luận, gần đây rất say triết học cổ phương Đông (Hoàng Ngọc
Hiến), một người chuyên về văn học trung đại Việt Nam (Phạm Luận) – nhưng chẳng
được phong bất cứ một chức vụ khoa học nào. Sự có mặt của hai ông bạn này trên
đời khiến tôi rất yên tâm. Nghĩa là không cảm thấy cô đơn, tuy chúng tôi ít khi
gặp nhau. Mà có gặp thì cũng không trao đổi tâm sự gì. Chúng tôi đều không
thích tâm sự. Đúng như Xuân Diệu nói: “Chúng mình hiểu nhau mà không cần phải
nói ra”.
Hoàng Ngọc Hiến, tôi đã viết ở trên rồi. Còn Phạm Luận, tôi thấy chỉ cần nói một
câu: đấy là một đấng trượng phu quân tử của thời hiện đại, một cốt cách đường
hoàng, một phong thái thung dung, thật sự coi thường danh lợi: Bạc tiền gió
thoảng thơ đầy túi, Danh lợi bèo trôi, rượu nặng nai (Tản Đà)
Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh 4.7.2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét