1 2 3 4 5 6 7 8 Kỳ Cuối
Vào tháng 6 năm 1952, trên lệnh cho khu học xá Nam Ninh phải tổ chức một đoàn học sinh sư phạm về nước dạy học, gọi là khoá đặc biệt. ( bao gồm cả giáo sinh dạy cấp một, cấp hai). Tôi được tuyển vào đoàn này. Cùng đoàn, tôi chỉ còn nhớ có Đỗ Bình Trị, Phạm Luận, Dương Đức Tuấn, Nhạ, Tô Thanh Tùng, Nguyễn Văn Lô, một cô dạy cấp một tên là Bồng ( Đỗ Bình Trị yêu cô này, thường ký tên Đỗ Bồng Trị).
Vào tháng 6 năm 1952, trên lệnh cho khu học xá Nam Ninh phải tổ chức một đoàn học sinh sư phạm về nước dạy học, gọi là khoá đặc biệt. ( bao gồm cả giáo sinh dạy cấp một, cấp hai). Tôi được tuyển vào đoàn này. Cùng đoàn, tôi chỉ còn nhớ có Đỗ Bình Trị, Phạm Luận, Dương Đức Tuấn, Nhạ, Tô Thanh Tùng, Nguyễn Văn Lô, một cô dạy cấp một tên là Bồng ( Đỗ Bình Trị yêu cô này, thường ký tên Đỗ Bồng Trị).
Trước khi về nước, chúng tôi được ban giám đốc khu học xá cho đi thăm một khu
học xá Việt Nam khác ở Quế Lâm, học sinh phần nhiều là thiếu sinh quân. Ở đây
chúng tôi được các cán bộ, nhân viên Trung Quốc đón tiếp rất nồng nhiệt và được
chiều chuộng hết nhẽ từ việc ăn uống đến giải trí. Ngủ, có người đến dắt màn
cho cẩn thận… Người Tầu quả có truyền thống biệt đãi khách khi họ thấy cần.
Nhưng khi không cần nữa, đá luôn.
Ở khu học xá Nam Ninh tuy đời sống rất đầy đủ, vậy mà chúng tôi rất vui khi
được về nước. Đường về rất gian khổ nhưng đầy hào hứng. Đích tập trung của
chúng tôi là Sở giáo dục Liên Khu Việt Bắc đóng tại xã Dân Chủ cách thị xã Thái
Nguyên độ vài chục cây số về phía Bắc.
Từ biên giới về Thái Nguyên tất nhiên là đi bộ. Những ngày mưa, đường lầy lội,
đi rất khổ. Dọc đường, tiện đâu nghỉ đấy, tạt vào nhà dân nhờ nấu cơm ăn và ngủ
lại. Nhưng tôi nhớ mọi người đều rất hăm hở, rất tin tưởng và đầy tự hào, y như
được đào tạo ở tận khu học xá Trung Quốc là oai lắm, vững vàng lắm cả về chuyên
môn và tư tưởng. Và được về nước sớm để phục vụ là vinh dự lắm. ở sở giáo dục
Liên Khu Việt Bắc, chúng tôi được phân công đi công tác các nơi bằng lối rút
thăm. Rút được nơi nào thì đi nơi ấy- gọi là “tam bất kỳ”. Rút xong, có thể đổi
chỗ cho nhau cũng được, miễn là cùng tự nguyện. Riêng ba người: tôi, Tô Thanh
Tùng (dạy toán), Nguyễn Văn Lô (dạy cấp một) thì được giữ lại công tác tại sở.
Chương III: Quá trình công tác
1. Những ngày làm việc ở Sở giáo dục Liên Khu
Việt Bắc.
Cơ quan của Sở giáo dục Liên Khu Việt Bắc gồm hai ngôi nhà lá dựng kín đáo dưới
những vòm cây, kề bên một cái hang đá, gọi là Hang Giơi, thuộc xã Dân Chủ,
huyện Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên. Cán bộ cơ quan phần lớn
thuộc thế hệ cha anh, chú bác của chúng tôi. Tôi còn nhớ lõm bõm: Phó giám đốc
phụ trách phổ thông là anh Thích, phó giám đốc phụ trách bình dân học vụ và bổ
túc văn hoá là anh Đinh Khắc Nhĩ và anh Phan Văn Kim. Cán bộ già có bác Hạo,
bác Nhiệm, bác Nham, trẻ hơn có anh Sính, chị Diệu, anh Nguyễn Trọng Cổn, anh
Lã Hữu Quỳnh… Tôi không thấy có giám đốc. Sau này về thay anh Thích là anh
Nguyễn Hữu Dụng, và một thời gian sau thấy trên điều về một ông tên là Phùng,
người dân tộc Tày làm giám đốc. Nhưng thực chất điều hành mọi việc vẫn là anh
Dụng. Tất cả đều gọi nhau bằng anh tuốt – cách xưng hô trong cán bộ thời kháng
chiến chống Pháp đều như thế (học trò cũng xưng hô như thế với các thầy giáo).
Ba chúng tôi thuộc lớp trẻ hơn cả và xem chừng cũng được ưu ái hơn cả như là
những của quý hiếm hồi ấy. Lô đề nghị thành lập một chi đoàn thanh niên cứu
quốc, tuy chỉ có ba người. Tôi được bầu là phó bí thư. Chúng tôi đều chưa vợ.
Buổi chiều tan giờ làm việc hay vào ngày chủ nhật, các cán bộ khác đạp xe về
nhà, bọn tôi chả biết đi đâu, rủ nhau lang thang ngoài đường cái chơi. Trong
một xóm gần đấy có ngôi nhà của một ông giáo tên là Thìn dạy tiểu học, thấp
thoáng thấy có cô con gái chắc là con của ông
giáo có dáng một nữ sinh. Cô học ở đâu đó, ngày chủ nhật mới về nhà. Chúng tôi
lảng vảng quanh vùng, rồi kiếm cớ đến thăm ông giáo để xem mặt. Cô tên là Bảo
Ngọc, học cấp hai trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh, sơ tán lên Thái Nguyên. Xem mặt
vớ vẩn thế thôi chứ cũng chẳng có mục đích nghiêm chỉnh gì. Vài chục năm sau,
tình cờ tôi gặp lại cô gái ấy trong một chuyến đi chơi Chùa Hương do trường Đại
học sư phạm Hà Nội tổ chức. Hoá ra Bảo Ngọc về sau học Đại học sư phạm Hà Nội
và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa tâm lý. Bảo Ngọc đã mất cách đây vài
chục năm do bệnh ung thư.
Ở Sở giáo dục Việt Bắc, tôi thích trò chuyện nhất với anh Lã Hữu Quỳnh. Anh có
bằng tú tài bản xứ. Tiếng Pháp giỏi. Anh lại là một nhạc sĩ, một cây violon.
Anh có vẻ thích triết học. Tôi kém anh nhiều tuổi, được anh coi là bạn vong
niên. Có lần anh định làm mối cho tôi một cô cháu gái của anh, nhưng việc không
thành. Một hôm tôi đưa ra nhận xét: “Những cái vòi của các cây bí, cây bầu cứ
vừa bò vừa dò dẫm để bắt lấy, quấn lấy những thanh tre bắc trên giàn, dường như
cũng là một thứ sinh vật có cảm giác, có linh hồn vậy”. Anh Quỳnh nói: “anh có
khuynh hướng về triết học đấy”.
Anh Quỳnh tỏ ý phục chúng tôi, chỉ vì chúng tôi thuộc thế hệ trẻ, thế hệ của
tương lai. Anh cho tôi mượn nhiều cuốn sách rất quý, thường là sách tiếng Pháp,
như Faust của Goethe hay cuốn Nguồn gốc gia đình, tư
hữu tài sản và nhà nước(tiếng Pháp) của Engels. Tôi rất mê cuốn sách này,
suốt ngày đọc và ghi chép. Tư tưởng sâu sắc mà văn cũng rất hay.
Hồi ấy nhiều thư viện ở các thành phố dưới xuôi sơ tán lên Việt Bắc. Họ chẳng
biết chứa vào đâu, bèn tập trung ở cơ quan Sở giáo dục. Dù sao đây cũng là cơ
quan văn hoá, có nhiều trí thức. Họ làm những cái giàn để chứa sách hết sức sơ
sài. Giàn đan bằng tre nứa, tựa bên hang đá. Sách mà để như thế tất nhiên rất
dễ hư nát. Vì thế thỉnh thoảng người ta lại soạn ra những cuốn bị mối mọt đem
đốt. Công việc của tôi hồi ấy rất nhàn rỗi. ấy là thời của bình dân học vụ, của
việc xoá nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân, cán bộ. Tôi phụ trách giáo
dục phổ thông nên ít việc. Đã thế lại chưa có vợ con, cha mẹ thì ở xa, hết giờ
làm việc và ngày chủ nhật, thiên hạ tranh thủ về với gia đình cả, tôi và mấy
đứa cùng cảnh ngộ biết làm gì cho hết thì giờ! Thế là lôi sách chất trong những
cái giàn kia ra đọc. Không hiểu sao tôi rất mê cuốn tiểu thuyết Đỏ và
đen của Stendhal, đặc biệt là mê tính cách của nhân vật Julien Sorel.
Anh chàng này xuất thân bình dân nhưng rất thông minh, giàu nghị lực và luôn
luôn nuôi chí lớn. Anh ta muốn nhiều thứ lắm: muốn là con chim đại bàng bay
lượn hiên ngang trên chót đỉnh bầu trời, muốn là một Napoléon thứ hai, muốn là
một giám mục đầy uy quyền, muốn tấn công và chiến thắng giới quý tộc, chinh
phục được những phụ nữ của tầng lớp cao sang nhất: chỉ là một cậu gia sư quèn
mà quyết tự hẹn với mình đúng giờ ấy, phút ấy, phải nắm lấy tay bà thị trưởng
De Rênal để tỏ tình với bà ta, thậm chí dám bắc thang leo lên lầu riêng của một
cô gái đại quý tộc kiêu kỳ, đài các nhất Paris…
Ở Sở giáo dục Việt Bắc, tôi được dự một cuộc đấu tố địa chủ đầu tiên ở Việt
Nam. Đây là cuộc thí điểm để rút kinh nghiệm nên chưa đưa ra công khai. Tổ chức
ban đêm. Vì cơ quan chúng tôi đóng ngay tại xã địa phương nên được tới dự.
Người ta cẩn thận bắt nộp danh sách và điểm danh từng người mới cho vào dự đấu.
Tôi nhớ địa chủ tên là Kim, hình như từng là lý trưởng. ông ta già, để râu dài.
Dân quân giải ông ra trường đấu, bắt bò bốn chân như chó, sau đó bắt quỳ lên
một cái bục gỗ .Những bần cố nông được bồi dưỡng từ trước lần lượt ra đấu. Cách
đấu đều theo một công thức chung: trước hết nắm râu địa chủ bắt ngẩng mặt lên
và hỏi: “ Mày có biết tao là ai không?”. Địa chủ trả lời lí nhí điều gì đó.
Người đấu kể tội địa chủ và kết thúc bằng một cú đạp khiến địa chủ ngã ngửa ra
đất. Dân quân lập tức bắt địa chủ quỳ lại như cũ và một cốt cán khác ra đấu
tiếp. Tôi không biết địa chủ Kim (mà đã chắc gì là địa chủ thật) có thể sống
được bao lâu nữa sau cuộc đấu và đạp như thế.
Nhiều trường hợp, qua lời tố khổ, thấy tội của địa chủ chẳng đáng gì. Chẳng hạn
có một bà vốn làm nghề lái đò ngang lên đấu: “Hôm ấy mày gọi đò, tao chậm đến,
mày chửi mắng tao!”. Thế mà cũng đạp một cái cho địa chủ ngã ngửa ra đằng sau.
Tôi để ý có vài cán bộ đi lại ở vòng ngoài đấu trường, chắc là những người trực
tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh. Tôi nhớ hình như có ông Hoàng Quốc Việt và
bà Hoàng Thị Ái thì phải.
Cuộc đấu Nguyễn Thị Năm sau này là cuộc đấu công khai đầu tiên. Hôm ấy tôi cũng
được dự. Hàng nghìn người tập trung trong một khu rừng để dự đấu. Đấu cả ngày
nên mọi người phải đem theo cơm nắm để ăn trưa. Lần này địa chủ không phải bò
bốn chân và không phải quỳ nữa, nhưng người ta đào một cái hố, bắt địa chủ đứng
xuống đấy cho thấp hơn nông dân khi đấu tố. Nguyễn Thị Năm là một điền chủ lớn
ở Đồng Bẩm Thái Nguyên. Đồn điền của bà ta từng là nơi đóng cơ quan Nhà nước và
bộ đội ta. Tất nhiên bà ta đã giúp đỡ nhiều cho cách mạng. Hai con bà là sĩ
quan quân đội. Vậy mà bà đã bị lôi ra đấu và bị xử bắn luôn.
Năm 1952-1953 có thể gọi là mùa chỉnh huấn để chuẩn bị cho cuộc phát động quần
chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Tôi cũng được dự một cuộc chỉnh huấn tổ
chức tại một khu rừng ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hội trường căng một
khẩu hiệu lớn “Học tập chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác
phong Hồ Chí Minh”. Chúng tôi được nghe giảng về lý luận giai cấp, được
nghe một số báo cáo điển hình của bần cố nông tố cáo tội ác của
đế quốc, phong kiến. Học xong phải viết thu
hoạch và kiểm thảo. Căng thẳng nhất là thời gian viết kiểm thảo. Để động viên
mọi người tự phê bình thành khẩn, người ta giăng khẩu hiệu khắp nơi: hội
trường, phòng ngủ, phòng ăn, giếng nước… đâu đâu cũng hô hào kiểm thảo thật
thà, thành khẩn, nghiêm khắc. Bản kiểm thảo phải đọc trước nhóm để nghe tập thể
bổ sung và phân tích phê phán. Thôi thì ai nấy đều phải tự bới móc khuyết điểm
cho nhiều, chuyện nhỏ cũng xé ra to để qui kết là có tác hại đến nhân dân, Tổ
quốc. Nhóm chỉnh huấn của chúng tôi gồm: Lã Hữu Quỳnh, nhóm trưởng, nhóm viên
có Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh và mấy bạn nữa cũng là giáo viên, lâu ngày
không nhớ tên. Chúng tôi học văn, dạy văn nên thường mắc vào tư tưởng gọi là
lãng mạn tư sản, từng say mê tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và Thơ mới…vv… Để bồi dưỡng
lập trường giai cấp và lòng căm thù địa chủ phong kiến cho học viên, nhà trường
tổ chức chiếu phim Bạch Mao Nữ. Đến đoạn địa chủ Hoàng Thế Nhân tỏ ra độc ác
quá, bỗng nghe có tiếng ai đó hô lớn: “Đả đảo địa chủ phong kiến!”. Rồi chỗ này
có người ngất, chỗ kia có người ngất. Y tá nhà trường chạy đi chạy lại cấp cứu
rất vất vả. Lúc ấy tôi tự thấy quá kém về tình cảm giai cấp, vì chẳng cảm thấy
xúc động gì đến nỗi phải ngất xỉu đi như thế. Có một điều rất lạ là giữa không
khí chỉnh huấn nghiêm khắc như thế, mọi người đều tỏ ra ăn năn, sám hối, muốn
rửa ruột, rửa gan, muốn tẩy não cho sạch như thế mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra
những vụ mất cắp và hủ hoá ngay trong đám học viên.
Năm 1953, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt.
Trên phổ biến phải đề phòng địch dùng chiến tranh vi trùng. Bộ y tế cử người đi
khắp nơi phổ biến cách phòng chống chiến tranh vi trùng. Có một lớp học mở ra ở
khu Việt Bắc để huấn luyện cán bộ tuyên truyền. Tôi được cử đi học để về truyền
đạt lại cho cán bộ cơ quan. Sau đó, có một lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ
phụ trách mẫu giáo của các ty giáo dục thuộc mười ba tỉnh trong Liên khu Việt
Bắc, tôi được cử sang đó để nói chuyện về phòng chống chiến tranh vi trùng. Ở
đây tôi gặp lại một vài cô giáo cấp một từng được đào tạo ở khu học xá Nam
Ninh, như cô Giang Tiến (sau này lấy anh Lê Bá Thảo từng là chủ nhiệm khoa Địa
lý, Đại học sư phạm Hà Nội).
Ở lớp bồi dưỡng này, có một học viên tên là Trần Ngọc Nhị, công tác tại Quảng
Ninh.Trong cơ quan Sở giáo dục Liên khu Việt Bắc có một anh tên là Tham vốn xưa
cũng công tác ở Quảng Ninh, có quen Nhị. Tham bèn làm mối Nhị cho tôi. Chúng
tôi đã gặp gỡ nhau vài lần và xem chừng mọi chuyện đều suôn sẻ. Kết thúc lớp
học, trở về Quảng Ninh, Nhị có viết cho tôi một lá thư, lời lẽ rất thắm thiết.
Nhưng đúng lúc ấy gia đình Nhị bị quy là phản động và tôi không được phép liên
hệ (chính gia đình tôi tuy đã tản cư lên Thái Nguyên cũng bị quy là địa chủ.
Mỗi lần về thăm bố mẹ tôi đều phải ra công an trình diện và xin phép.)
Tháng 7 năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết.
Miền Bắc được giải phóng.
Mấy tháng sau tôi được cơ quan cử đi dự một cuộc họp của Bộ giáo dục ở Hà Nội.
Không khí những ngày hoà bình mới được lặp lại rất phấn khởi. Tôi nhớ trên chuyến
xe hôm ấy về Hà Nội, hành khách đua nhau hò hát suốt dọc đường.
Hà Nội đẹp quá! Những cô gái áo dài quần lụa trắng trông rất thanh lịch. Chúng
tôi họp ở một ngôi nhà hai tầng ngay bờ hồ Hoàn Kiếm và cũng nghỉ luôn ở đấy.
Đứng trên ban công trông xuống đường phố Hà Nội chạy quanh Hồ Gươm, thú vị vô
cùng. Các giáo chức lưu dung vẫn ăn mặc lịch sự complet, cravate, giầy da. Còn
chúng tôi, cán bộ kháng chiến, thì ăn mặc nhem nhuốc: mũ lá, áo trấn thủ, dép
lốp… Nhưng chẳng ngượng ngịu chút nào, lại còn tỏ ra tự hào mình là người kháng
chiến. Lúc ấy nghèo lại là một giá trị. Giàu là một mối lo. Ăn mặc sang trọng
là học đòi lối sống tư sản. (về sau này, trong một cuộc hội thảo về đổi mới tư
duy trong giảng dạy văn học tổ chức ở khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội sau đại
hội VI của đảng, anh Nguyễn Kiên có cung cấp cho hội nghị một bài báo cắt ra từ
một tờ Quân đội nhân dân (1), phê phán một số sĩ quan quân đội có sinh hoạt tư
sản hoá: ngủ màn tuyn, mặc pyjama, bịt răng vàng, dùng nước hoa… Cả hội nghị cười
ồ, quên rằng có một thời quan niệm của cán bộ ta là như thế).
Chiến tranh chấm dứt, cơ quan Sở giáo dục chuyển về thị xã Thái Nguyên, đóng ở
một nơi ven thị xã gọi là Kép le (chắc là tên một chủ đồn điền người Tây từng
có trang trại ở đây). Sở được bổ sung nhiều cán bộ mới, trong đó có mấy cán bộ
miền Nam tập kết. Tôi được đề bạt làm trưởng phòng giáo dục phổ thông.
Hồi ấy có một loạt giáo viên văn cấp ba được đào tạo ở lớp dự bị Đại học khu
bốn, khoá đầu tiên, như Đặng Thanh Lê, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Xuân Nam, Phan
Trọng Luận… được điều lên Việt Bắc dạy trường Hàn Thuyên và Lương Ngọc Quyến.
Nhiệm vụ của Sở giáo dục giao cho tôi là phải nắm được tình hình chuyên môn của
các trường phổ thông, đặc biệt là các trường trọng điểm. Vì thế tôi phải đến dự
lớp một số giáo viên, trước hết ở các trường lớn thuộc tỉnh Thái Nguyên.
(1) Sè 713 ( 2- 5- 1955)
Tôi chỉ là một anh giáo viên cấp hai, nhưng lại phải dự lớp và đánh giá việc
giảng dạy của giáo viên cấp ba, tuy họ chỉ tốt nghiệp dự bị Đại học đâu vài năm
gì đó, nhưng từng là học trò của những giáo sư danh tiếng như Đặng Thai Mai,
Trần Văn Giầu, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy…vv… thì quả là đã phải làm
một công việc quá sức. Vì thế tôi rất lo lắng. Trước khi dự lớp nghe giảng một
bài nào đó, tôi phải đọc những sách vở có liên quan đề phòng khi cần, phải đối
thoại với các “ông” giáo, “bà” giáo rất trẻ nhưng kiêu ngạo ra trò, vì các vị
đúng là những trí thức có bằng cấp cao nhất lúc bấy giờ. Tôi nhớ đã dự lớp Phan
Trọng Luận dạy truyện thơ nôm Phan Trần và Đặng Thanh Lê dạy truyện Kiều. Hồi
ấy anh Đỗ Đức Hiểu bị điều từ trường Hùng Vương ( Phú Thọ) về trường Lương Ngọc
Quyến và Hoàng Ngọc Hiến thì chạy trốn cải cách ruộng đất từ Khu Bốn lên Thái
Nguyên. Tôi có dự lớp anh Hiểu dạy kịch Le Cid của Corneille
và dự giờ Hiến dạy ca dao,tục ngữ gì đó. Hiến chưa qua đại học. Anh được “kê”
lên làm giáo viên cấp ba nên chỉ được dạy lớp đầu cấp (lớp Tám). Hàng năm vào
dịp hè, Sở giáo dục thường tổ chức những lớp tập huấn giáo viên. Trong một cuộc
tập huấn giáo huấn giáo viên cấp một, tôi gặp một cô giáo vốn cũng được đào tạo
ở khu học xá Nam Ninh.Cô tên là P.C, dạy học ở Phổ Yên. Tôi có cảm tình với cô.
Chuyện chưa đâu vào đâu, đã dại dột viết thư tỏ tình nên không được đáp lại. Tôi
tự ái, làm bài thơ “Chắc rằng em chưa biết”, đại ý: anh là người chân thật và
không đến nỗi xoàng xĩnh đâu, yêu anh sẽ tìm được hạnh phúc tuyệt vời đấy. Em
coi thường anh chẳng qua là vì chưa biết anh nên chưa tin đấy thôi:
Chắc rằng em chưa biết
Hay là em chưa tin,
Nên đợi hoài anh chẳng thấy thư em…
Thơ làm xong, tôi gửi cho tuần báo Văn, ai ngờ lại được đăng ( 1957), chỉ có
điều họ xoá đi mất mấy chữ đề tặng P.C ghi ở đầu bài thơ.
Bài thơ này vậy mà đã được phổ nhạc.
Một buổi sáng, vào năm 1980, tôi đang đứng trước cửa phòng thuộc tầng năm, nhà
B2, khu tập thể Đại học sư phạm Hà Nội, thì có một ông trạc bốn mươi tuổi dắt
theo một bé gái đến hỏi tôi: “Cho tôi hỏi thăm nhà ông Nguyễn Đăng Mạnh?”. Tôi
nói, chính tôi là Nguyễn Đăng Mạnh. Ông khách tự giới thiệu là Hiền An, nhạc sĩ
Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ông cho biết vừa phổ nhạc một bài thơ của
tôi. Tôi ngạc nhiên trả lời: “Chắc là ông lầm rồi, tôi có làm thơ bao giờ đâu”.
Ông nhạc sĩ nói, đúng là thơ của anh mà! Tôi hỏi, vậy bài thơ tên gì? Ông ta
nói, tên là “Chắc rằng em chưa biết”. Tôi nhớ ra đúng là có làm bài thơ ấy
thật. Lâu ngày quên mất.
Tôi mời nhạc sĩ vào nhà. Hiền An nói: “Tối
nay, chín giờ anh mở đài ra nghe phát bài hát lần đầu. Lẽ ra ca sĩ là Ngọc Tân
hát, nhưng vì Ngọc Tân vừa vượt biên (hụt) nên không được hát trên đài, phải
thay bằng tiếng hát của Tiến Thành. Xin lỗi anh, tôi có sửa vài chữ trong bài
thơ cho phù hợp với nhạc, còn tiền thù lao thì anh một nửa tôi một nửa”.
Lâu ngày rồi, tôi không nhớ số tiền là bao nhiêu, chỉ nhớ là rất rẻ mạt, có lẽ
chỉ tương đương với năm mươi đồng ngày nay.
Nhưng hồi đó tôi túng thiếu quá, đài thu thanh cũng không có. Tôi phải sang
mượn cái đài của anh Đinh Nho Chương ở hàng xóm. Nhưng anh Chương nói, cái đài
của anh hay trục trặc lắm, phải anh đích thân sang sử dụng mới được.
Thế là tối hôm ấy anh Chương mở đài, tôi, vợ tôi và thằng cháu Thanh, con trai
tôi, ngồi nghe. Đài vặn lên được một lát thì tắc luôn. Anh Chương cuống quýt
chạy về nhà lấy tournevis sang sửa. May sao cái đài lại bật lên được đúng vào
lúc bắt đầu giới thiệu tác giả của nhạc và lời bài hát.
Bài nhạc vừa dứt, thằng con tôi bỗng lăn đùng ra rồi nằm ngửa trên giường chổng
bốn vó lên cười hô hố: “Thơ của bố không ra gì mà nhạc cũng chẳng ra sao!”
Vào khoảng cuối năm 1954, tôi được trên điều động đi tham gia cải cách ruộng
đất đợt cuối cùng, tức đợt 5. Trước khi xuống xã, chúng tôi phải tập trung để
học về chính sách cải cách ruộng đất. Người ta dựng một loạt lán trại bằng tre
nứa lá trên một khu đồi thuộc tỉnh Phúc yên. Lớp học kéo dài hàng tháng. Bài
học chính là lý luận giai cấp, và đường lối cách mạng của đảng ở nông thôn (dựa
hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông, cô lập phú nông, đánh đổ địa chủ.
Tuyệt đối không được dựa vào tổ chức cũ, vì đã bị địa chủ và bọn Quốc dân đảng
chui vào lũng đoạn; đặc biệt là phải nắm vững tiêu chuẩn phân định thành phần
giai cấp ở nông thôn cùng với con số tỷ lệ của mỗi giai cấp, thí dụ 5% hộ dân là
địa chủ, 4% là phú nông…vv…).
Học xong phải viết thu hoạch và kiểm thảo về lập trường giai cấp. Sau đó phiên
chế thành đội để đi xuống các xã.
Trong thời gian học tập, lại nghe báo cáo điển hình của bần cố nông, lại xem
phim Bạch Mao Nữ, lại hô đả đảo địa chủ phong kiến, lại ngất xỉu chỗ này chỗ
khác… và lại ăn cắp, hủ hoá…
Đội của tôi được điều về xã Gia Trường, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đội
trưởng tên là Hồng, trông trắng trẻo hiền lành như một thư sinh, đội phó phụ
trách tổ chức tên là Hải, đội phó phụ trách toà án là một bộ đội tên là Tại.
Ngoài ra là những đội viên độ năm sáu người. Tôi chỉ còn nhớ hai nữ, một
tên là Nết, một tên là Huyên và hai nam, một người miền Nam tên là Chánh,
một là bộ đội mù chữ tên Khả.
Xe ô tô đưa chúng tôi đến cách Gia Trường khoảng vài trăm mét thì đỗ lại, chúng
tôi đi bộ vào làng, mỗi người tìm đến một thôn đã được phân công trước. Thôn
tôi phụ trách gọi là Yên Hạ. Lý luận học được là không được dựa vào tổ chức cũ,
không được tin vào bất cứ ai ( phải cảnh giác, ở đâu cũng có địch hết ). Phải
tự mình tìm nghèo hỏi khổ. Tôi đi loanh quanh trong làng một lúc và phát hiện
một gia đình chắc nghèo lắm, ở trong một túp lều rách nát bên một bờ tre. Tôi
liền vào để gợi khổ chủ nhà. Đó là một người đàn ông tuy bộ dạng tiêu tuỵ, quần
áo rách rưới, nhưng nhìn vẻ mặt thấy không có vẻ vui mừng phấn khởi gì khi được
đội đến nhà. Nói năng thì lúng túng, lạnh nhạt, hình như không muốn bắt chuyện.
Chán quá, ngồi một lúc, tôi bỏ đi. Có một người làng đi qua, ghé tai nói thầm
với tôi: “Nó là địa chủ đấy, địa chủ Thợi bị đuổi ra khỏi nhà trong phát động
giảm tô đấy”. Tôi ngượng quá. Tuy nhiên về sau cũng tìm được một bần nông thật
và đào tạo được thành một cốt cán.
Đi cải cách thì phải ba cùng. Mùa rét phải đi cấy lúa, tuy lúng ta lúng túng
làm có ra gì đâu. Có lần tôi còn bị điều ra một thôn chuyên chài lưới. Trời mùa
đông mà phải đi đánh cá từ nửa đêm, người ta chèo
chiếc thuyền nan ra giữa sông quăng lưới. Giữa lòng thuyền đặt một bếp lửa để
sưởi. Lưới kéo về thì ngồi gỡ cá.
Vì tôi là người được xem là có chữ nghĩa trong đội nên ít lâu sau được gọi về
làm văn phòng đội. Từ đấy không phải ba cùng nữa, ăn uống thì cũng khá hơn vì
có tiêu chuẩn riêng. Văn phòng đóng ở nhà một cốt cán tên là Lờng. Có một buổi
tối, đội trưởng đội phó đi đâu vắng, tôi điều khiển một cuộc họp xóm ngay tại
sân nhà văn phòng đội. Cuộc họp vừa kết thúc, nghĩa là mọi người vừa giải tán
thì tôi được báo cáo có một bà cụ gọi là bà cụ Phẩm vừa ở đây về, hộc máu chết
ngay giữa nhà. Tôi vội chạy đến ngay. Hồi ấy bất cứ xảy ra chuyện gì có vẻ bất
thường một chút là người ta nghĩ ngay đến hoạt động của địch. Nhà bà cụ khá
rộng rãi. Bà ở với một đứa cháu trai tên Phẩm làm du kích. Tôi vào nhà một
mình.(Phải cảnh giác, ngoài đội ra, không ai được vào, vì địch có thể tới để
phá dấu vết gây án.) Tôi thấy từ ngoài sân vào tới nhà đều có máu và phân của
bà cụ. Bà cụ nằm chết ngay trên nền nhà. Khám xác bà cụ, tôi chẳng phát hiện ra
điều gì. (thí dụ như bị bóp cổ hay bị đổ thuốc độc chẳng hạn). Mà “chúng nó”giết
bà cụ để làm gì chứ? Tôi lúng túng chẳng biết xử trí ra sao. Chuyện xảy ra lập
tức được thông báo ngay cho ban chỉ huy đội. Anh đội phó phụ trách toà án vội
tới ngay hiện trường. Anh ta hội ý nhanh chóng với một cán bộ khác cũng là bộ
đội, và lệnh bắt giam ngay một chị hàng xóm làm nghề buôn bán gì đó và có quan
hệ với địa chủ Thợi. Họ giao cho tôi tra hỏi chị về vụ “bức tử” bà cụ Phẩm.
Cuộc tra hỏi truy bức chẳng ăn thua gì. Tôi một mặt thấy mình bất lực hèn kém
quá, chẳng được tích sự gì. Mặt khác lại nghĩ, có lẽ chả có chuyện gì hết,
chẳng qua là bà cụ bị trúng gió độc đấy thôi. Hồi ấy, những loại người như tôi,
gia đình địa chủ, bản thân là tiểu tư sản, thường không tin lắm ở “lập trường”
của bản thân mình. Sau này mới biết, đúng là chẳng có chuyện gì thật.
Mấy năm sau, trở thành cán bộ giảng dạy ở
trường Đại học sư phạm Vinh ( Nghệ An), tôi có lần được giao phụ trách một đoàn
sinh viên thực tập ở trường Lương Văn Tuỵ, tỉnh Ninh Bình. Thực tập làm công
tác chủ nhiệm lớp, sinh viên phải đi thăm học sinh ở các nhà trọ quanh trường.
Một lần tôi cùng sinh viên đến một nhà trọ, ở đó có một học sinh kể chuyện ngày
xưa mẹ cậu ta ở thôn Yên Hạ xã Gia Trường bị bắt và bị truy hỏi về một vụ án
nào đấy trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Tôi giật mình. Đúng là người đàn bà
bị bắt oan trong vụ bà cụ Phẩm chết đột tử và chính tôi là người tra hỏi, truy
bức. Tôi xấu hổ quá, vội lảng ngay đi.
Thời gian làm cán bộ văn phòng của đội cải cách ruộng đất, tôi thường phải lên
cơ quan đoàn uỷ nộp báo cáo hoặc lĩnh lương về cho cán bộ đội. Cơ quan đoàn uỷ
đóng ở Kim Sơn, Phát Diệm. Đoàn uỷ phụ trách các đội cải cách trong tỉnh. Từ
Gia Trường đi Phát Diệm, có lần tôi theo đường bộ, có lần nằm đò dọc. Dọc
đường, đâu đâu cũng đấu tố, xã nào cũng có bắn người, vì đâu đâu cũng có cường
hào gian ác và bọn phản động Quốc dân đảng chống phá. Nhưng riêng xã tôi thì
tìm mãi không ra thằng nào gian ác đáng xử bắn. Đoàn uỷ bèn cử người về chấn
chỉnh. Tôi nhớ anh cán bộ đoàn uỷ tập hợp toàn đội lại ở một chái nhà dân quanh
một cái cối giã gạo. Anh ta xỉ vả chúng tôi một trận thậm tệ: “ Không bắn thằng
nào thì quần chúng còn bị nó khống chế, đến bao giờ mới ngóc đầu lên được! Lập
trường giai cấp để dâu? Hữu khuynh nghiêm trọng! Đảng nuôi cho các anh ăn để
ngồi chơi à? Phải kiểm điểm nghiêm khắc, rồi đi sâu đi sát tìm ra thằng đầu xỏ
để bắn!”.
Thế là lãnh đạo đội đêm ngày lo tìm ra thằng
đầu xỏ phản động. Họ nghĩ đến một người tên là Cớt, bí thư chi bộ đảng, và gợi
ý mớm lời cho cốt cán phát hiện ra những hoạt động của bọn Quốc dân đảng đội
lốt cộng sản. Lập tức hồ sơ tội trạng của Cớt ngày càng dầy lên, và bí thư chi
bộ cộng sản thành bí thư chi bộ Quốc dân đảng. Dĩ nhiên là Cớt bị bắt giam và
không tránh khỏi sẽ bị xử bắn. Nhưng phúc đời cho Cớt, cuối đợt cải cách có
lệnh sửa sai. Các đội được triệu tập để nghe ông Hoàng Quốc Việt về nói chuyện.
Tất cả tù nhân ở các trại giam đều được thả ra hết.
Cải cách ruộng đất đúng là một sai lầm nghiêm
trọng. Bắt
oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều
thế: 5%! Làm sao mà Quốc dân đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập
khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn. Quốc dân đảng là đảng chính
thống, đảng cầm quyền ở Trung Quốc hàng bao nhiêu năm mới có lắm quốc dân đảng
như thế chứ. Thực ra trước khi sửa sai, chúng tôi cũng có ngờ ngợ thế nào ấy.
Bởi vì thấy nhiều địa chủ chẳng giầu có gì lắm. Và họ cũng lao động ra trò,
cũng biết đi cày đi cấy. Con cái hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi từng được giao
triệu tập con cái địa chủ lại để giáo dục, tôi thấy như thế. Bây giờ sửa sai,
thấy sai lầm của cải cách ruộng đất là chuyện dĩ nhiên và rất dễ hiểu. Nhưng
chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế, sai
từ đường lối chính sách đến các biện pháp cụ thể. Phát động quần chúng, mà quần
chúng sợ đội quá sợ cọp, làm sao dám nói trái ý đội. Tôi lúc đó chỉ là một
thằng thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vậy mà đi lại trong làng, có những cụ già
râu dài, chắp tay vái “lạy đội ạ!”. Một chính sách lớn như thế, liên quan đến
sinh mạng hàng vạn dân mà giao phó cho những cốt cán dốt nát thực hiện. Cán bộ
đội cũng thế, trong đôi tôi có một anh tên là Khả mù chữ. Mù chữ mà giảng chính
sách và vận dụng chính sách- một chính sách rất lớn và rất phức tạp- vào việc
bắt người, bắn người, tịch thu tài sản của người! Cải cách ruộng đất đúng là
một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tầu đối với Việt Nam
về chính trị và văn hoá. Nguyễn Huy Thiệp nói đúng: “Đặc điểm lớn nhất của xứ
sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa
cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó” (Vàng lửa).
Sau này Đỗ Hoàng Diệu cũng diễn tả nỗi nhục nhã ấy bằng hình tượngBóng đè.
Sai lầm cải cách ruộng đất càng nghĩ càng thấy có tác hại sâu sắc và lâu dài
đối với truyền thống tư tưởng, văn hoá của dân tộc. Vô nhân đạo, coi mạng người
như cỏ rác. Mượn cớ căm thù giai cấp để biện minh (justifier) cho cái ác. Cái
ác mà được cho là đúng đắn, là cách mạng thì cái ác tất sẽ được nhân lên hàng
trăm lần. Làm ác mà vẫn yên ổn với lương tâm thì thật vô cùng khủng khiếp. Cuộc
cải cách đã huỷ hoại những truyền thống tinh thần tốt đẹp của gia đình, họ tộc,
làng xã, của văn hoá, phong tục Việt Nam. Đánh địa chủ, phú nông trong hoàn
cảnh bấy giờ vô hình chung là đánh vào giới trí thức, là huỷ hoại văn hoá, vì ở
nông thôn hồi ấy thường những gia đình khá giả trong làng mới có điều kiện đi
học, và có sách vở truyền lại từ tổ tiên, ông cha. Cải cách ruộng đất đốt hết.
Sách chữ Hán, chữ Nôm không đọc được càng phải đốt triệt để. Tôi đã chứng kiến
những cuộc đốt như thế. Sách tiếng Pháp người ta gọi là tài liệu phản động,
sách chữ Hán, chữ Nôm thì cho là văn tự cướp ruộng của nhân dân. Đốt hết. Anh
chủ nhà bị quy là địa chủ ngồi ở góc nhà nhìn đống lửa ở ngoài sân chắc là tiếc
lắm. Anh nói nhỏ với tôi khi tôi đi qua trước mặt: “Đội cho con xin lại cuốn từ
điển tiếng Pháp”. Tôi đã giữ lại cho anh ta cuốn từ điển ấy. Cải cách ruộng đất
còn tạo cơ hội rất thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa cơ hội trong nông
dân. Muốn được đội cất nhắc, cứ tha hồ tố oan, tố điêu cho người… Như trên đã
nói, về sai lầm của cải cách ruộng đất, trước khi sửa sai, chúng tôi đã hơi ngờ
ngợ, vì thế mà khi có lệnh sửa sai, lập tức hiểu ngay, chẳng cần nghe giảng về
chính sách sửa sai cũng đã vỡ lẽ rồi. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, dân xã Gia
Trường đã gặp may. Đội của chúng tôi cũng mắc sai lầm rất nhiều. Đúng thế.
Nhưng không bắn ai, đúng ra là chưa kịp bắn ai. Vì thế dân làng gọi chúng tôi
là “đội hiền”. Mấy năm sau, nhân đưa sinh viên Đại học sư phạmVinh đi thực tập ở
Ninh Bình, tôi có tạt về thăm nơi cải cách ngày xưa. Tôi thấy dân làng đón tiếp
rất tình cảm, giành nhau mời về nhà ăn cơm. Nông dân Việt Nam quả là tốt bụng.
Họ sẵn sàng bỏ qua mọi tội lỗi của cán bộ, của đảng. Nhưng xét ra đó cũng là
một nhược điểm: ngu muội quá, an phận quá. Trên nói gì là tin như thế. Bảo đúng
là đúng, bảo sai là sai, bảo căn bản thắng lợi là căn bản thắng lợi. Cải cách
ruộng đất vẫn được đánh giá là “Căn bản thắng lợi”.
Sau đợt cải cách ruộng đất, đội giải tán, ai
về nhà nấy hoặc trở về nơi công tác của mình. Trước khi trở lại Sở giáo dục
Liên khu Việt Bắc, tôi theo Khả (anh đội viên mù chữ) về nhà anh chơi. Nhà anh
ở một xóm nhỏ nơi chân núi Hiên Ngang thuộc huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Anh
người rất xấu trai, lại mù chữ, nhưng là bộ đội cụ Hồ nên rất có giá. Tôi gặp ở
nhà anh một cô gái tên là Thiêm khá xinh đẹp. Cô đến anh chơi, có vẻ quyến
luyến anh lắm. Khả ở vùng ngụy, trốn ra vùng tự do để tham gia bộ đội. Nay trở
về làng, mặc quân phục trông cũng oách, lại là đội viên cải cách ruộng đất. Đó
là những ánh hào quang đã che lấp mọi nhược điểm của anh. Cô Thiêm mê là phải.
Một tình huống cảm động. Tôi nẩy ra ý đồ viết một truyện ngắn về Khả và Thiêm.
Nhưng viết không đạt nên bỏ.
2. Những ngày học tập ở Đại học sư phạm Hà
Nội.
Tôi tiếp tục công tác ở Sở giáo dục Liên khu Việt Bắc khoảng một năm nữa thì
được cử đi học Đại học sư phạm Hà Nội.
Cử đi học nhưng vẫn phải qua kỳ thi tuyển. Tôi rất bất bình. Cán bộ công tác
trong ngành, nay được cử đi học thêm lại còn phải thi. Tôi bèn viết một bức thư
lên Bộ giáo dục phản đối. Lời lẽ có chỗ rất xược: “Bộ trưởng mà đi thi cũng có
thể trượt, vì công tác lâu ngày quên hết kiến thức rồi còn gì”. Thực ra chúng
tôi sợ nhất: nếu trượt thì rất xấu hổ với cơ quan cử mình đi học. Nhưng thư
không có hồi âm và tôi vẫn phải đi thi. Năm ấy không hiểu sao bộ giáo dục lại
chủ trương hạn chế rất chặt sinh viên đại học sư phạm. Cả khoá chỉ lấy 20 người
(như thế là tuyển 20 trên tổng số 120 người thi). Thành ra trượt rất nhiều, may
mà tôi lại đỗ. Cả khoá học của chúng tôi như thế là có 20 người trúng tuyển,
cộng với 8 người lưu ban là 28. Hai mươi tám người hầu hết là cán bộ đi học:
Già nhất là Phạm Dư, Quách Hy Dzong, Nguyễn Nghĩa Dân, Lê Hồng Chi, tiếp đến
Hoàng Nhân, Hồ Đình Lư, Đinh Trọng Lạc, ít tuổi hơn nữa là Nguyễn Đăng Mạnh,
Phạm Luận, Đỗ Bình Trị, Vũ Châu Quán, Phan Đình Đài. Trẻ nhất trong số cán bộ
đi học là Thành Thế Thái Bình. Ngoài ra có một số học sinh trúng tuyển: Loan,
Châu (nữ), Châu (nam), Hiển, Tâm, Liên, Chinh, Huân, Tục, Bội… Tôi gặp lại một
số bạn đã từng sống với nhau ở trường sư phạm trung cấp trung ương ở Chợ Ngọc
Tuyên Quang, và ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, như Phạm Luận, Thành Thế
Thái Bình, Đỗ Bình Trị ( kiểm lại khoá học này, tính đến hôm nay, đã có bảy người
không còn nữa).
Đi học nên không được hưởng nguyên lương, mỗi tháng chỉ được lĩnh ba mươi lăm
đồng. Chúng tôi bèn kéo nhau lên ban giám hiệu nhà trường đấu tranh, nhưng
chẳng ăn thua gì. Có người gia đình khó khăn quá, hết năm thứ nhất phải bỏ học,
như Phan Đình Đài. Có người đông con quá như Quách Hy Dzong thì phải tổ chức
dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân để kiếm thêm. Học phí do học viên đóng
rất thấp. Tôi tuy chưa vợ con nhưng cũng tham gia dạy cho công nhân một xí
nghiệp trình độ cấp một, tối nào cũng dạy vậy mà tiền thù lao cả tháng chỉ
tương đương năm mươi nghìn đồng bây giờ. Mỗi lần được lĩnh tiền thù lao, lại
đánh chén một bữa cho bõ lúc thèm khát. Bọn cán bộ đi học chúng tôi, trong thời
gian học, có một lần được nhận một món tiền truy lĩnh lương. Tôi không nhớ cụ
thể lý do được truy lĩnh, chỉ biết nhờ có món tiền đó mà tôi mới mua được một
cái xe đạp cũ ( xe Junior, mua lại của Đỗ Bình trị ). Đây là lần đầu tiên tôi
có xe đạp.
Chúng tôi học đại học ngay sau vụ Nhân văn-
Giai phẩm, Đất Mới nên có một
số giáo sư đã bị đình chỉ giảng dạy như Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh…
Chúng tôi chỉ còn được học các thầy Đặng Thai Mai (dạy Văn học Trung Quốc),
Nguyễn Mạnh Tường (dạy Văn học Phương Tây ), Hoàng Xuân Nhị (dạy Văn học Nga Xô
Viết ), Nguyễn Lương Ngọc dạy Lý luận văn học, Cao Xuân Huy ( dạy Tâm lý học)
và một số cán bộ giảng dạy trẻ hơn như Lê Hoài Nam, Đinh Gia Khánh, Phan Ngọc,
Cao Xuân Hạo, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Đình Chú, Trần Văn Bính, Nguyễn Hải Hà…
Sau này có thêm thầy Nguyễn Lân, thầy Tảo dạy môn giáo dục học và các vị ở Ban
tu thư của Bộ giáo dục chuyển đến. Đây là những giáo viên cấp ba xuất sắc được
Bộ triệu về viết sách giáo khoa phổ thông. Trại tu thư làm xong việc thì giải
tán, các vị được chuyển sang dạy đại học sư phạm (nhân cùng làm sách giáo khoa,
họ tập hợp nhau lại, lập ra nhóm Lê Quý Đôn viết bộ Sơ thảo lịch sử văn học
Việt Nam). Đó là các anh Lê Trí Viễn, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu,
Trương Chính. Ngoài ra có ông Hoài Thanh, viện phó viện văn học cũng được mời
sang dạy mấy bài về văn học trung đại Việt Nam: Cung oán, Chinh Phụ, Kiều, Hoa
Tiên, Phan Trần. Ngoài ra còn có một vài chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc sang
dạy giúp.
Nói chung ít có bài giảng xuất sắc. Nguyễn Mạnh Tường dạy hời hợt, chẳng thấy
hay ho gì. Hoàng Xuân Nhị thì phải nói là dạy rất yếu, cứ chuyện nọ sọ chuyện
kia rất tuỳ tiện, chẳng hạn giờ dạy Goócky lại xoay ra nói về Từ ấy của
Tố Hữu. Thầy Nguyễn Lương Ngọc thì chỉ đọc nguyên văn giáo trình, mà giáo trình
thì cứ rập theo đúng các luận điểm của những Abramovits, Lưu Diễn Văn, Ba Nhân…
Tôi chắc đó là do không khí đấu tranh chống Nhân văn, giai phẩm lúc bấy giờ còn
nóng hổi nên thầy phải cẩn thận không dám có ý kiến riêng, mà tính thầy thì vốn
dĩ rất thận trọng. Cụ Đặng Thai Mai cũng hay nói chuyện lan man, lạc đề, ít khi
dạy đúng vào bài giảng. Thí dụ, dạy Kinh Thi, cụ lại toàn nói chuyện ngày xưa
cụ học chữ Hán như thế nào. ấn tượng đậm nét nhất về thầy Đặng Thai Mai là trí
nhớ tuyệt vời. Cụ có thể đọc thuộc lòng hàng trang sách tiếng Pháp các vở kịch
của Corneille, Racine hay Molière… Cụ Cao Xuân Huy dạy tâm lý học, tôi rất
thích. Cụ thường chứng minh các quy luật tâm lý bằng việc phân tích tâm lý các
nhân vật văn học, như Kiều, Le Cid… Tôi nhớ có lần giảng bài nửa chừng, cụ
ngừng lại hỏi học trò: “các anh có hiểu không?”. Một cậu đứng lên đáp: “không
hiểu”. Cụ nói rất to: “Đúng rồi, hiểu thế nào được, khó lắm!”.
Riêng những bài giảng của ông Hoài Thanh thì nói chung hấp dẫn. Ông chuẩn bị
bài giảng rất nghiêm túc và dạy rất nhiệt tình, tỏ ra là một người vừa yêu văn
chương vừa mê nghề dạy học.
Trong khoá học của chúng tôi, nếu có ai đó sau
này trở thành người làm khoa học tốt thì chủ yếu là do tự học. Hồi ấy đại học
là một cái gì rất thiêng liêng, được coi là đỉnh cao của nền văn hoá đất nước.
Vậy phải làm sao cho xứng đáng với danh hiệu sinh viên đại học- chúng tôi nghĩ
thầm trong bụng như thế, cho nên rất hăm hở, rất hào hứng học tập. Đi thư viện
suốt. Đọc đủ cả Iliade, Odyssée, Shakespeare, V.Hugo, Balzac, Tolstoi qua tiếng
Pháp, rồi đọc thơ Đường, Ly Tao, Tây Sương ký (bản dịch rất hay của Nhượng
Tống), Tam quốc, Thuỷ hử…vv… Rồi đọc văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện
đại, từ văn học dân gian tới văn học viết. Đọc có ghi chép, có phân tích, thậm chí
viết thành bài để có thể thuyết trình trước lớp. Ngoài ra học được gì về phương
pháp tư duy khoa học, lập tức vận dụng ngay trong học tập. Thí dụ, thấy ông
Nubarov trình bày về một tác giả Xô viết, đi từ tác phẩm ở thời kỳ tài năng
phát triển chín nhất rồi mới quay ngược trở lại tác phẩm đầu tay, tôi thấy rất
hay bèn bắt chước, cũng thử suy nghĩ và trình bầy như thế về Phan Bội Châu…
Khoá chúng tôi học ba năm (1957-1960), lúc đầu học chung với đại học tổng hợp ở
giảng đường Lý Thường Kiệt (ngồi chung một lớp. Tổng hợp, Sư phạm, mỗi bên ngồi
một dẫy bàn.). Đến năm 1958 thì tách riêng hẳn ra. Tổng hợp ở lại địa điểm cũ,
còn Sư phạm thì chuyển về Cầu Giấy, sát nhập với Cao đẳng sư phạm ở địa điểm
của trường hiện nay. Tất nhiên lúc ấy toàn nhà lợp lá, vách đất.
Kết thúc khoá học, một số sinh viên là cán bộ đi học được giữ lại làm cán bộ
giảng dạy: Quách Hy Dzong, Nguyễn Nghĩa Dân, Hoàng Nhân, Đinh Trọng Lạc, Phạm
Luận, Cù Đình Tú, Trần Gia Linh, Đỗ Bình Trị, Thành Thế Thái Bình, Nguyễn Xuân
Khoa, Nguyễn Đăng Mạnh.
Ba năm học đại học cũng có nhiều chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hay chuyện dở
trong cái tập thể hai mươi tám người này.
Bí thư chi bộ tên là Dư, người Miền Nam, có quan hệ luyến ái với một bạn nữ học
khoa Địa lý, bị đưa ra kiểm thảo rất gay gắt. Hồ Đình Lư hay tiếp xúc với một
số bạn quen ngày xưa có dính dáng đến nhóm Nhân văn hay Đất mới gì đó, bị chi
bộ Đảng theo dõi như một phần tử phản động. Lư tuy học giỏi, nhưng chẳng những
không được giữ lại làm cán bộ giảng dạy mà sau khi tốt nghiệp còn bị chi bộ
thông báo với nơi công tác của Lư về tư tưởng, gọi là phản động của anh và đề
nghị hãy khoan không cho lên lớp. Tôi hay chơi với Hồ Đình Lư, cũng bị nhắc nhở
như là quan hệ với địch. Chi uỷ giao cho Định Trọng Lạc, đảng viên dự bị, đến
thông báo với tôi như thế. Thực ra, đó là do Hoàng Nhân, chi uỷ viên, một tay
cơ hội chủ nghĩa hạng nặng vốn đố kỵ với Lư hồi họ cùng dạy học với nhau ở Nghệ
An. Anh ta nhân dịp này ra tay trị Lư.
Có một lần, chúng tôi, mấy thằng chơi thân với
nhau góp mỗi người vài đồng ra Hàng Buồm đánh chén một bữa. Vậy mà cũng bị phê
phán là có tư tưởng hưởng lạc. Hồi ấy trong số cán bộ đi học, tôi và Đỗ Bình
Trị bị coi là thuộc loại phần tử cá biệt, vì ăn nói tự do và có vẻ kiêu ngạo. Hồ
Đình Lư thì là “địch” hẳn hoi rồi. Mấy anh là học sinh Hà Nội thời tạm chiến
thì bị coi như là những đối tượng phải bồi dưỡng tư tưởng lâu dài. Quách Hy
Dzong, Thành Thế Thái Bình, Trần Gia Linh là những người gần Đảng hơn cả. Trần
Gia Linh rất hăng hái, được giao làm trưởng lớp. Anh em thì gọi là “hồng vệ
binh”. Trong thời gian học Đại học sư phạm Hà Nội, tôi bỗng nhiên được giao làm
một công việc rất bất ngờ và quá sức: trang bị lại toàn bộ phông màn của sân
khấu hội trường Đại học sư phạm Hà Nội. Chuyện lớn lắm và rất khó đối với tôi:
phải lĩnh hàng trăm mét tem phiếu để mua hàng xúc vải đắt tiền như xa
tanh, crếp, nhung để làm riđô, cánh gà, rèm, phông… Phải
tính toán kích thước thế nào, màu sắc ra sao… Ôi! Sao lại giao cho tôi một công
việc cần đến những hiểu biết chuyên môn rất cụ thể tỉ mỉ như thế mà kết quả sẽ
là bao nhiêu cặp mắt trông vào để khen chê, đánh giá. Chiều sao được ý kiến của
hàng trăm hàng nghìn người mỗi lần có biểu diễn nghệ thuật! Tôi chắc đây là do
Đỗ Bình Trị. Ông Đỗ Đức Uyên, anh ruột của Trị, lúc bấy giờ là bí thư đảng uỷ,
hiệu phó trường Đại học sư phạm Hà Nội. Chắc Trị đã xui ông anh giao việc này
cho tôi vì cho tôi biết vẽ vạch lăng nhăng tý chút nên có đầu óc mĩ thuật. Tôi
lo quá. Tự nhiên phải lao động cật lực về việc này. Tôi phải xin giấy giới
thiệu của nhà trường đi nghiên cứu các sân khấu ở Hà Nội, như sân khấu Nhà hát
lớn, rạp Hồng Hà, rạp Công Nhân… Đến đâu cũng lo lắng quan sát màu sắc, đo đạc
tỉ lệ, tính tính toán toán, suy nghĩ để lập một phương án hợp với sân khấu Đại
học sư phạm Hà Nội. Rồi phải dò hỏi xem ở đâu có những ông thợ chuyên may phông
màn cho các sân khấu ở Hà Nội. Tôi đã tìm ra được một ông thợ đã có tuổi,
chuyên về việc này, nhà ở phố Chân Cầm gần Hàng Bông. Cuối cùng là lĩnh tem
phiếu và tiền để đi mua hàng đống vải, chở xích-lô đến Tô Châu thuê nhuộm các
mầu sao cho hài hoà và hợp với ánh sáng điện. Rồi chở đến hiệu ông thợ may ở
phố Chân Cầm, giao cho ông ta. Thời bao cấp, tất cả đều phải tem phiếu hết. Đâu
phải có tiền là mua được! Vậy mà nếu làm hỏng thì thực là nguy.
Vậy mà cuối cùng tôi cũng đã thành công. Sân khấu ra mắt công chúng, mọi người
thấy cũng được.
Thời gian ba năm ở Đại học sư phạm Hà Nội có một sự kiện rất quan trọng đối với
cuộc đời tôi: gặp NTT, yêu nhau, cưới nhau. T. học năm thứ nhất, tôi học năm
thứ ba. Cù Đình Tú, vốn quen T hồi học ở trường Hùng Vương Phú Thọ, làm mối.
Việc trôi chảy. Chúng tôi thường đi chơi với nhau mỗi chiều thứ bảy, khi thì ở
đê sông máng phía Mai Dịch, khi ở đường Láng, khi ở đường Bưởi. Khoá của T chỉ
học có hai năm. Năm 1961, T tốt nghiệp, chúng tôi cưới nhau ở Hải Phòng. Gia
đình T quê ở Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ), huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc
Hưng Yên) nhưng trước cách mạng buôn bán ở Hải Phòng. Thời gian kháng chiến
chống Pháp tản cư lên Phú Thọ. Hoà bình lập lại (1954) lại trở về Hải Phòng.
Anh Quách Hy Dzong lúc đó cũng ở Hải Phòng đã giúp tôi tổ chức tiệc trà. Hồi ấy
từ nhẫn cưới đến bánh kẹo liên hoan đều phải có giấy đăng ký kết hôn mới mua
được. Cưới xong chúng tôi vào Vinh ( Nghệ An) công tác. Tôi bị điều vào dạy Đại
học sư phạm Vinh còn T thì dạy trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng.
Ở Đại học sư phạm Vinh. Vài nhận xét về đất và
người xứ Nghệ.
Trường Đại học sư phạm Vinh thành lập 1959.
Một loạt cán bộ giảng dạy của Đại học sư phạm Hà Nội bị điều vào phục vụ. Nói
riêng về khoa văn, có Lê Hoài Nam, Nguyễn Khắc Phi, Lê Bá Hán, Hoàng Tiến Tựu,
Tạ Mạnh Tường, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Gia Phương tốt nghiệp các khoá trước. Khoá
tôi thì có Cù Đình Tú, Trần Gia Linh, Nguyễn Xuân Khoa và tôi. Khoá sau có Trần
Duy Châu, Tưởng Đăng Trữ. Vài năm tiếp theo có thêm Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Duy
Bình, Nguyễn Văn Giai, Từ Đức Trịnh, Lương Duy Thứ, Trần Đình Sử từ Đại học
Liên Xô, Trung Quốc về. Tiếp nữa là một số sinh viên Đại học sư phạm Vinh khoá
một được giữ lại làm cán bộ giảng dạy như Nguyễn Sĩ Cẩn, Nguyễn Trung Hiếu, Đậu
Văn Ngọ, Trần Lê Xuân, Đỗ Đức Huyến.
Tôi bắt đầu dạy học ở Đại học sư phạm Vinh từ 1961. Đến năm 1969 thì được
chuyển ra Đại học sư phạm Hà Nội. Trường Đại học sư phạm Vinh lúc đầu có hai cơ
sở: một dành cho gia đình cán bộ công nhân viên đặt trong một cái nhà tu kín
của đạo Thiên Chúa. Nhà gạch hai tầng. Tầng trên gồm nhiều phòng quay mặt vào
nhau, giữa là một hành lang dài. Xưa, mỗi phòng chắc là dành cho một nữ tu sĩ,
nay phân cho một gia đình cán bộ. Hai là nơi làm việc của ban giám hiệu, các
phòng ban, lớp học và nơi ở của sinh viên.
Vợ chồng tôi vẫn ăn bếp tập thể nhưng lấy cơm về nhà, có nấu thêm ít thức ăn.
Lương lúc đó chưa được sáu chục đồng, nhưng tôi nhớ, vì giá cả rất rẻ, nên sinh
hoạt không đến nỗi khổ.
Khí hậu Vinh rất khắc nghiệt. Sợ nhất gió Lào. Những ngày hè nóng nực, tiếng xe
cút kít rít lên trong gió Lào, nghe như xé tai. Sợ nhất là những trận cháy lớn,
có khi đốt trụi cả một khu phố (hồi ấy phần lớn là nhà tranh). Gió Lào thổi tàn
lửa bay rất xa. Người ta phải đứng trên mái nhà, dội nước và cầm lăm lăm cây
sào để hễ tàn lửa bay đến thì dập ngay. Lại phải đào sẵn hố trước nhà để lỡ
không chạy kịp đồ đạc thì quẳng luôn xuống hố, lấp đất. Từ bảy tám giờ sáng đến
năm giờ chiều thành phố Vinh cấm lửa. Mọi thứ nấu nướng phải lo làm trước và
sau thời gian đó.
Tính cách người Nghệ đặc biệt ráo riết, chắc đã được đẻ ra trong không khí gió
Lào này. Vậy mà có thời gian, đài phát thanh Vinh lại còn mở đầu từ sáng sớm
bằng bài hát Đi hùng binh: “ Nào anh em nghèo đâu!…”, Nằm ở Vinh mà
đọc bàiGió Lào của Nguyễn Tuân thì tuyệt.
Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, Vinh là một toạ độ lửa. Trường phải sơ
tán về nông thôn, lúc đầu ở Thanh Chương, sau ra Nghi Lộc,cuối cùng chuyển hẳn
ra Thanh Hoá: từ Hà Trung, Vĩnh Lộc đến Thạch Thành… Đến Thạch Thành thì tôi
được chuyển ra Hà Nội. Những ngày sơ tán thế mà cũng có lúc vui đáo để.
Máy bay Mỹ đánh phá, dân địa phương sản xuất ra nhiều thứ không có nơi tiêu
thụ, đành bán tại chỗ với giá rất rẻ mạt: mật ong, trứng gà ở Thanh Khê, Thanh
Chương, cá biển, lạc, ở Nghi Thuận, Nghi Lộc. Hồi ấy, nhà bếp chưa tổ chức ngay
được ở nơi sơ tán, họ giao gạo, tiền cho chúng tôi nấu ăn lấy. Trần Duy Châu,
tôi và Hoàng Ngọc Hiến nấu ăn chung. Châu người Huế, nấu ăn giỏi, được giao làm
bếp. Tôi làm tiếp liệu, nghĩa là mua rau cỏ, thịt cá người ta gánh qua nhà.
Hiến không biết làm gì, nhận việc xách nước, rửa bát. Ăn xong, rửa bát là khốn
nạn nhất nên Hoàng Ngọc Hiến gọi rửa bát là thứ lao động thô bỉ. Thời gian sơ
tán, nói chung rỗi rãi. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh chẳng có gì giải trí, chúng
tôi bèn nghĩ ra nhiều trò đùa rất vớ vẩn. Hình như nghĩ những điều có nghĩa lý
mãi cũng mệt và chán – khoa học là chuyên nói lý, suy lý – nên phải bầy ra
những trò vô nghĩa lý để thư giãn với nhau. Nguyễn Gia Phương chẳng hạn, nghĩ
ra cái trò lừa dối anh em chơi:
– Này xin nghỉ phép về nhà, phải chuẩn bị hai hào lệ phí đấy.
– Này, cậu có thư ở văn phòng, đến mà lấy
– ủng là hàng chiến lựơc, cậu mới mua ủng, phải ra ngay công an đăng kí không
thì bị tịch thu đấy.
Thực ra toàn bịa đặt. Vậy mà cũng có khối anh mắc lừa. Tôi và Hoàng Ngọc Hiến
rỗi rãi ngồi tán chuyện với nhau. Hiến nghĩ ra trò phân loại các cán bộ trong
khoa theo tiêu chuẩn ăn cắp, ăn cướp. Hoàn toàn không theo nghĩa đen, chỉ căn
cứ vào tướng mạo, khẩu khí, cung cách ứng xử, sinh hoạt. Anh nào trông lúi xùi,
không đàng hoàng thì gọi là ăn cắp, anh nào ăn to nói lớn, trông có vẻ hiên
ngang thì gọi là ăn cướp. Nói chung ăn cướp sang trọng hơn ăn cắp.
Chuyện đến tai chi bộ đảng. Các vị hiểu theo nghĩa đen nên cho là một hiện
tượng tư tưởng cực kỳ nghiêm trọng. Bí thư chi bộ Huỳnh Lý bèn quyết định gặp
chúng tôi để xem xét và chấn chỉnh. (Hiến là đảng viên) Hôm ấy, tôi với Hiến
đang ngồi chơi, thấy anh Huỳnh Lý đến. Từ xa, anh nói to, ướm thử một giọng vui
trước khi vào chuyện:
– “ Thế nào, các cậu nói chuyện ăn cắp, ăn cướp thế nào đấy?” Hoàng Ngọc Hiến
trả lời ngay:
– “ Chúng tôi phân cho anh là ăn cướp là danh giá lắm rồi, anh còn thắc mắc gì
nữa?”
Chuyện trở thành trò đùa. Thế là hoà cả làng.
Viết đến đây, tôi không thể không ghi lại mấy dòng về anh Huỳnh Lý. Anh làm Chủ
nhiệm khoa văn Đại học Sư phạm Vinh được vài năm thì bị ốm nên được chuyển trở
lại Hà Nội. Sau 1975, anh vào ở trong Sài Gòn. Anh rất tốt bụng, giầu tình cảm.
Chế Lan Viên gọi anh là Huỳnh Tình.
Khi nghe tin anh mất, tôi có gửi vào viếng anh một đôi câu đối:
Tên là Lý, dạ thì tình, đất Bắc anh đi, xa vẫn
nhớ;
Tuổi tuy già, lòng vẫn trẻ, trời Nam anh
khuất, vắng càng thương.
Anh Lý mất ngày 21 – 5 – 1993.
Xin trở lại những ngày tôi ở Đại học Sư phạm
Vinh.
Hồi khoa văn Đại học sư phạm Vinh sơ tán ở Thạch Thành, để tiện sinh hoạt
chuyên môn, khoa chủ trương những người cùng tổ nên ở với nhau (nhà dân). Nhưng
Hoàng Ngọc Hiến nhất định đến với tôi, tuy anh dạy Văn học Nga Xô Viết, còn tôi
thì dạy Văn học Việt Nam. Chúng tôi ở nhà một ông thầy cúng người Mường tên là
Cò Lửa.
Hàng ngày, nếu không đi dạy thì chúng tôi đọc
sách, viết lách bài này bài khác, chán thì quay ra tán ngẫu. Tôi nhớ trong
những ngày ấy Hoàng Ngọc Hiến viết bài Triết lý truyện kiều, còn tôi viết bài
Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút ký chống Mỹ. Vừa viết vừa trao đổi ý kiến với
nhau. Hiến rất chú ý học chữ, đặc biệt những chữ có sức diễn đạt mạnh, anh gọi
là đích đáng. Anh lấy làm khoái trí khi học được ở ông Cò Lửa hai chữ “bõ hờn”.
Trong bài Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút ký chống Mỹ, tôi viết:
“Mùa xuân năm 1965, về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh, trong lửa đạn, anh mừng rỡ
được gặp lại một người bạn cũ. Hoá ra, ở ngay chỗ này đây, người bạn thân năm
nào vẫn hào hoa phong nhã, nụ cười “hoa” như thách thức với bom đạn, như hoà
vui trong chiến thắng của con người: Giữa phòng khách Uỷ ban Bảo Ninh vàng nức
một nhánh hoàng mai…”. Hoàng Ngọc Hiến đề nghị tôi chữa “hoá ra” thành “té ra”.
Đúng là đích đáng hơn, đã hơn, hay nói như Hoàng Ngọc Hiến, thật là “bõ hớn”.
Khi chúng tôi ngồi tán chuyện với nhau, ông Cò Lửa thường quanh quẩn quan sát.
Hoá ra ông xem tướng chúng tôi. Và ông đưa ra những nhận xét khá bất ngờ: “Thầy
Mạnh có tướng võ, rất có uy, còn thày Hiến thì tướng văn”. Sau này Hiến còn
khoe với tôi: “ Ông Cò Lửa cho mình có bàn chân Phật”. Hiến ta rất lấy làm đắc
ý về nhận xét ấy. Còn tôi thì không rõ mình có uy ở chỗ nào. Thạch Thành rất
nhiều ốc sên, chúng bám đầy những thân cây chuối mọc hoang trong làng. Tôi và
Hiến ban đêm xách đèn đi bắt, rồi mỗi người một đầu đòn gánh khiêng về nhà, lấy
gạch quây lại làm lương ăn dần. Con ốc sên có hai cái vòi trông rất tởm. Nhưng
thịt cá không có, đành phải ăn, lâu rồi cũng quen, lại được khuyến khích bởi
một tin đồn: ba con ốc sên bằng một quả trứng vịt, xét về lượng prôtít.
Làm ốc sên, công việc khó khăn nhất là làm sao rửa sạch hết nhớt của nó. Người
ta thường lấy tro bếp rắc vào rồi rửa và kỳ cọ thật kỹ, nhưng vẫn không hết
nhớt. Về sau Nguyễn Duy Bình phát hiện: Cứ đun sôi mãi lên, nhớt ốc sên sẽ tan
thành nước lã, hắt đổ đi là xong. Khác với ốc ao, ốc sên càng ninh lâu càng
giừ, ăn như thịt bò hầm vậy. Bỏ vào ít lá quýt, ăn rất thơm ngon. Vừa rồi tôi
đi Pháp, thấy ở Paris có cửa hàng bán món ốc sên. Chị Thuỵ Khuê cũng có lần làm
món ốc sên cho tôi ăn. ốc sên ở pháp nhỏ và không có vòi dài như ốc sên Việt
Nam, nhưng ăn không ngon. Người ta thường chiên bơ, tôi không thích.
Ở Thạch Thành, có một dạo, không hiểu sao bọn nữ sinh bỗng phát bệnh thần kinh
hàng loạt, như là một nạn dịch. Người ta nói do khủng hoảng sinh lý. Có người
lại cho là do ăn phải nước ở vùng này. Những cô gái bỗng dưng cười cười nói nói
lăng nhăng như rồ như dại. Mà rất dễ lây. Cố nhiên không lây theo đường vi
trùng, virút gì, mà do tác động về tâm lý.
Tôi không nhớ tình trạng này đã chấm dứt như
thế nào và vì sao mà chấm dứt.
Tôi ở Nghệ An khá lâu, từ 1960 đến 1968. Có một điều lạ là, một mặt tôi thấy
người Nghệ Tĩnh có nhiều đức tính rất quý. Ở nhà dân nhiều, tôi thấy họ thật
thà, trung thực, cần cù. Tôn sư trọng đạo có lẽ là một truyền thống của Nghệ
Tĩnh (tôi không nói truyền thống của dân tộc Việt Nam). Vì đây là đất Nho giáo
rất thịnh.Họ rất quý các thầy giáo. Chúng tôi ăn cơm ở bếp tập thể, nhưng
thường lấy về nhà ăn. Nhà chủ thường cung kính đem lên cho thầy giáo vài món ăn
thêm, đặt vào khay, bưng tới thày. Mở ra thì là mấy con dế mèn rán hoặc đĩa
nhút thế thôi. Nhưng tôi hiểu tấm lòng của họ rất quý thầy.
Tôi cũng có mấy người bạn thân quê Nghệ Tĩnh, như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Duy
Bình…
Tuy vậy tôi vẫn không sao có cảm tình đối với người Nghệ Tĩnh nói chung, nhất
là loại cán bộ.
Hoàng Ngọc Hiến quê Hà Tĩnh, nhưng từ nhỏ sống ở Nam Định. Có lẽ vì thế mà anh
có cái nhìn khách quan đối với quê hương mình chăng ? Anh định nghĩa: “Người
Nghệ Tĩnh cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc.”
Tôi thì cho rằng dân Nghệ Tĩnh sống quá khắc khổ và có một ý chí rất quyết
liệt. Họ đã muốn gì thì phải tranh đoạt bằng được. Và quá tự hào, tự phụ về quê
hương mình. Cãi nhau với người Nghệ Tĩnh là dại. Vì họ tự cho là đúng nhất,
giỏi giang nhất và vì thế cãi đến cùng, lý sự đến cùng, căng thẳng, quyết liệt
đến cùng, khiến đối phương mệt quá, đành phải bỏ cuộc. Dân Nghệ Tĩnh nói chung
có tật hay khoe khoang. Khoe tài, khoe giỏi, khoe quê hương cái gì cũng nhất,
từ chính trị đến văn hoá nghệ thuật. Ờ đâu, trên xe lửa, trong ôtô bus,
hay ở những cuộc gặp mặt đông người nào đó, tiếng Nghệ Tĩnh cứ oang oang như
muốn lấn át tất cả… Nghe nói Vũ Ngọc Khánh có in một cuốn sách tập hợp những
bài viết về mình, đặt tên là “Sao Khuê ngàn Hống”. Đúng là một biểu hiện lộ
liễu của tính cách huênh hoang Nghệ Tĩnh.
Nghệ Tĩnh xem ra là vùng đất độc tôn của đạo Nho. Phật giáo không sao phát triển
được. Tôi để ý, ở đây có rất nhiều đền miếu nhưng rất ít chùa. Cả thành phố
Vinh chỉ có một ngôi chùa Sư nữ và chùa này không được địa phương coi trọng.
Các nhà sư tụ trì chùa Sư nữ đã phàn nàn với tôi như vậy. Có một lần, khi tôi
đã chuyển ra Hà Nội rồi, nhưng được trường Đại học sư phạm Vinh mời vào dạy
giúp. Tôi nhớ lúc ấy đang mùa hè và ở sân động Vinh có cuộc đấu bóng giữa Việt
Nam và Cu ba, gọi là đá bóng quốc tế. Một học sinh cũ mua cho tôi một vé vào
xem. Anh nói, trận đấu bắt đầu từ một giờ rưỡi chiều, nhưng phải đến từ 11 giờ
trưa mới có chỗ ngồi. Đến muộn chỗ đứng cũng không có. Tôi không nghe, vì biết
sân vận động Vinh hồi ấy rất thô sơ, mái che không có, chỗ đi toalét cũng
không. Mà trời nắng nóng thế này! Anh học trò đành nhân nhượng, nhưng anh nói,
dù sao cũng phải đến sớm.
Chúng tôi đến vào khoảng 1 giờ chiều. Quả là chỗ đứng cũng phải chen chúc nhau
rất chật vật. Vì người ta cứ bán vé bừa bãi. Gần đến giờ đấu, thấy người vào
quá đông, anh gác cửa sân vận động bèn đóng cửa lại. Thế là hò hét, gào thét.
Nguy hiểm nhất là từ ngoài cứ ném đá vào. Công an phải ra sức dẹp mới yên.
Vào đến sân vận động, tôi thấy có một điều rất lạ là nhiều đàn bà, con gái đã
chiếm được chỗ ngồi hẳn hoi. Chắc là họ đến sớm lắm. Nhưng trông bộ dạng không
có gì là văn minh cả. Hình như phần lớn lại là dân lao động hay buôn bán rau cỏ
gì đó. Vì có người đem theo cả thúng mủng, quang gánh. Chẳng lẽ đàn bà Nghệ An
lại văn minh hơn cả phụ nữ phương Tây ? Đàn bà phương Tây cũng không ham xem đá
bóng đến thế. Tôi nghĩ bụng thế và lấy làm khó hiểu. Nhưng tôi đã nhầm. Trận
đấu diễn ra được độ mười phút thì thấy họ lục tục kéo ra. Phải nói đi ra còn
khó hơn đi vào. Vì phải chen lấn quyết liệt. Nhưng đã quyết thì phải ra bằng
được, dù có phải bước qua đầu, qua vai người ta. Và thế là chửi nhau, đánh
nhau, không ai chịu ai. Tưởng đá bóng quốc tế hay ho thế nào nên phải vào sớm
để chiếm chỗ, té ra chẳng ra quái gì, chỉ là tranh giành nhau trái bóng! Thế là
phải ra thôi và họ quyết ra bằng được. Đấy, dân Nghệ Tĩnh là như thế đấy.
Ở Đại học sư phạm Hà Nội có hai ngôi nhà năm tầng dành cho các gia đình cán bộ
công nhân viên, gọi là nhà B2, B3, gần kề sân vận động. Sáng sớm các thầy giáo
thường ra đó tập thể dục. Tập thì ít mà nói chuyện thì nhiều. Tôi bèn đem câu
chuyện trên kia ra kể. Nhiều anh người Nghệ Tĩnh lấy làm khó chịu. Có anh nói
với tôi nửa đùa nửa thật: “ Này Nghệ Tĩnh là quê cụ Hồ đấy, đừng có láo!” Tôi
trả miếng ngay: “Ông có biết vì sao cụ Hồ vĩ đại không ? Vì cụ đã bỏ Nghệ Tĩnh
mà đi, đi rất xa và rất lâu. Nếu ở lại Nghệ Tĩnh có khi chỉ trở thành một ông
đồ gàn. Đấy bà chị, ông anh của cụ Hồ là thế đấy! Các danh nhân Việt Nam quê
Nghệ Tĩnh xưa nay đều thế cả, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…”
Năm 1961,vợ tôi cùng vào Vinh với tôi, dạy ở trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng.
Đến năm 1965 thì đựơc ra Hà Nội bổ túc thêm về chuyên môn một năm. Nhân giặc Mỹ
đánh phá miền Bắc, các tỉnh miền Trung thành túi bom, vợ tôi bèn xin ở lại Bắc,
không trở lại Vinh nữa. Từ đó tôi luôn phải ra ra vào vào, đạp xe mỗi lần hơn
ba trăm cây số ( xe cà tàng, đang đi có lần tụt cả pêđan, phải dắt bộ hàng chục
cây số đến chỗ chữa), phần để đọc sách, phần để thăm gia đình. Nói chung làm
khoa học mà ở tỉnh nhỏ rất khó phát huy khả năng. Đã thế chính sách cán bộ của
Vinh lại hẹp hòi, nghiệt ngã kiểu “cá gỗ”. Vì thế ngay những cán bộ quê Nghệ
Tĩnh cũng chả muốn gắn bó với trường Vinh. Văn Như Cương, người nghệ An, có làm
một bài nhại thơ cụ Hồ:
Thân thể ở trong Vinh,
Tinh thần ở ngoài Vinh;
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Thì phải chuồn cho nhanh.
Hoàng Ngọc Hiến xui tôi: “muốn thoát khỏi Đại học sư phạm Vinh thì phải quậy
phá. Cậu cứ đòi đi học tiếng Nga ở Hà Nội (Đại học sư phạm ngoại ngữ) trước đã,
sau đó sẽ hay”.
Năm 1968 tôi theo lời Hiến xin đi học. Năm sau (1969) thì Đại học sư phạm Vinh
cho chuyển ra Hà Nội. Không biết có phải là do mẹo của Hiến không ?
4. Qua Thanh Hoá. Vài nhận xét về mỹ học Xứ
Thanh.
Trong thời gian công tác ở Đại học sư phạm Vinh, đi ra đi vào Hà Nội – Nghệ An,
tất nhiên tôi phải qua Thanh Hoá. (sau này trường Đại học sư phạm Vinh lại sơ
tán mấy năm ở đất Thanh).
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đường xe lửa từ Hà Nội vào Nam chỉ chạy
đến thị xã Thanh Hoá. Đi tiếp vào Vinh, phải đáp ôtô. Thời bao cấp, ôtô không
nhiều. Xuống tầu ở ga Thanh Hoá, tôi phải đợi vài ba tiếng đồng hồ mới có ôtô
vào Nghệ An. Thành ra mỗi lần từ Hà Nội vào Đại học sư phạm Vinh, tôi cứ phải
lang thang ở thị xã Thanh Hoá vài ba tiếng đồng hồ. Làm gì cho tiêu hết thì giờ
? Rất may là tôi có một cái thú riêng mỗi khi đến một vùng đất mới là quan sát
cảnh và người rồi rút ra những nhận xét khái quát về đặc điểm của địa phương
ấy. Chẳng để làm gì cả. Chỉ là một cách giải trí riêng, một trò chơi trí tuệ
thế thôi.
Lang thang ở thị xã Thanh Hoá, tôi thấy nhà nào cũng quét vôi xanh xanh đỏ đỏ
và kẻ chỉ màu, nhà nào cũng căng riđô màu xanh nhạt ở cửa sổ, trong nhà thì cắt
những tranh ảnh ở hoạ báo dán lên tường…vv… Một thứ trang trí bay bướm tựa như
lối trang trí thường thấy ở những tiệm thợ cạo quê mùa- tôi gọi là “mỹ thuật
phó cạo”.
Tôi đặc biệt để ý đến những bức tranh áp phích treo ở các cột điện minh hoạ
luật giao thông. Hình như thị xã đặt một tay hoạ sĩ vườn nào đó chuyên vẽ những
bức tranh này. Nói về luật giao thông, nhưng chủ đề tuyên truyền luật giao
thông lại bị chìm đi trong một khung cảnh được vẽ rất tỉ mỉ. Chẳng hạn, vẽ hai
xe đạp do đi cùng chiều nên đâm vào nhau, ý nói như thế là trái luật. Nhưng
hình ảnh hai cái xe đạp tông vào nhau kia lại được vẽ rất nhỏ. Nhà hoạ sĩ gia
công nhiều hơn vào việc tô vẽ quang cảnh xung quanh: vườn hoa, cây cối, nền
trời xanh với những đám mây trắng, đàn chim bay…vv…
Tôi kết luận, khuynh hướng thẩm mỹ của dân Thanh Hoá đúng là chỉ thích vẽ vời
hoa lá cành, chứ không chú trọng thể hiện một nội dung gì nghiêm chỉnh, sâu
sắc. Và tôi liên hệ đến mấy cây bút Thanh Hoá, như Hà Minh Đức (ông Hoài Thanh
rất khó chịu về câu văn của Hà Minh Đức), Văn Tâm (Nguyễn Huy Thiệp rất tinh.
Anh nói, văn của Văn Tâm là “làm dáng trí thức”), Nguyễn Thanh Hùng (diễn đạt
rắc rối, làm ra vẻ uyên bác, thực chất chả có nội dung gì), Nguyễn Văn Lưu thì
chỉ gia công vào cái giọng mạt sát chua ngoa hàng tôm hàng cá. Còn Lê Xuân Đức
thì huyênh hoang một cách ngu xuẩn… Cách viết và lối giảng bài của anh Nguyễn
Trác cũng thiên về bóng bẩy, hùng hồn, nội dung thì rất đơn giản.
Tôi có lần trình bầy nhận xét này với Chu Văn Sơn. Anh phản đối: “Những cây bút
ấy đâu phải tiêu biểu cho Thanh Hoá. Thanh Hoá còn có Hữu Loan, Trần Mai Ninh,
Nguyễn Duy nữa chứ! (Chắc anh không tiện nói có cả Chu Văn Sơn nữa). Tôi không
nghĩ nhận xét của mình đúng với mọi cây bút Thanh Hoá, nhưng chắc có nói
được một điều gì đó có thể gọi là đặc điểm của người đất Thanh, của mỹ học đất
Thanh. Vả lại trên đời này cái gì chẳng có ngoại lệ. Mọi qui luật, mọi khái
quát đều nghèo nàn hơn sự thật. Nhưng cứ để ý mà xem, có phải chính Chu Văn Sơn
cũng có một cái gì rất Thanh Hoá: thích dùng chữ nghĩa tân kỳ, thích diễn đạt
bay bướm hoa lá cành, tuy anh không phải không muốn phát biểu những suy nghĩ
riêng có chiều sâu ?
Từ năm 1965, giặc Mỹ đưa không quân ra đánh
phá miền Bắc nước ta, trường Đại học sư phạm Vinh phải sơ tán ra Thanh Hoá, khi
ở Hà Trung, khi ở Vĩnh Lộc, khi lên tận vùng núi Thạch Thành. Sống nhiều với
dân Thanh Hoá, tôi thấy, nói chung họ cởi mở và thoải mái hơn dân Nghệ, tuy
cũng hay nói trạng như dân Nghệ, nhưng để tán cho vui hơn là để khoe tài, khoe
giỏi. Thanh Hoá đúng là đất đẻ ra lắm truyện cười như Trạng Quỳnh, Xiển Ngộ…
Chính dân Thanh Hoá đã tự giễu mình bằng bài vè gọi là “Quốc ca Thanh Hoá” rất
tếu, thể hiện rất đúng tính cách dễ vui, dễ cười, thích tán, thích đùa của dân
Thanh Hoá.
5. Trở lại Đại học sư phạm Hà Nội. Những ngày
gian khổ sau chiến tranh
Năm 1970, vợ chồng tôi được đoàn tụ ở Hà Nội. Tôi ở Vinh ra. Vợ tôi ở Thái
Nguyên về.
Thực ra tôi được chuyển ra Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 1969 giữa lúc trường
còn ở nơi sơ tán (Yên Mỹ, Hưng Yên). Năm 1970 trường tuy đã trở về địa diểm cũ,
nhưng vì nhà cửa, phòng ốc chưa được sửa sang, xây dựng đầy đủ, nên nhiều lớp
học phải đặt tạm thời ở Đình Thọ (Bưởi) hoặc nhà kho của một hợp tác xã ở Cổ
Nhuế.
Năm 1971, vợ chồng tôi mới được phân cho một gian nhà lá, nền đất, vách đất
trong một dãy nhà gọi là K2. Bốn người, hai vợ chồng, hai đứa con (có khi lại
thêm bà nhạc đến chơi với cháu nữa) ở chen chúc trên mười mấy mét vuông. Mùa hè
nóng quá, có khi phải kê giường ngủ ngoài hè. Sách vở đặt trên những xích đông
làm bằng tre nứa.
Cuối năm 1972, máy bay Mỹ lại trở lại oanh tạc miền Bắc, dội B52 xuống Khâm
Thiên, Hà Nội. Vợ chồng tôi lại phải sơ tán một lần nữa, khi ra Tây Tựu, khi
đến Quốc Oai (Sơn Tây), khi về Xuân Cầu (Hưng Yên). Trường thì lúc đầu chạy lên
Đan Phượng, sau lại chuyển về nơi sơ tán cũ ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Hồi ấy anh Lê
Trí Viễn làm chủ nhiệm khoa. Nguyễn Văn Hạnh, Trần Thanh Đạm làm phó. Có thời
gian anh Viễn giao mọi việc cho Hạnh gọi là quyền chủ nhiệm khoa. Hạnh chỉ định
tôi làm trợ lý giảng dạy: theo dõi giảng dạy, dự lớp giáo viên, tổ chức ra đề
và chấm thi tốt nghiệp…vv… Nhớ lại hồi ấy, tôi tỏ ra rất hăng hái. Viết cũng
nhiều, dạy cũng đầy nhiệt tình. Vì dù sao cũng được về Hà Nội và được đoàn tụ
với gia đình. Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những
ngày rất vui. Tuy nhiên, về đời sống vật chất thì vẫn khổ, có khi còn khổ hơn
cả thời chiến tranh. Vẫn cơm độn mì hay bo bo. Vẫn xếp hàng chầu chực từ rất
sớm để mua gạo mậu dịch. Mì để lâu bị mọt, sinh ra dòi bọ. Tôi đã thấy một lần
như thế trong bát cơm của mình. Sợ quá! Ngày tết thì đem bột mì đi thuê làm
bánh bích quy và xếp hàng mua hàng Tết. Làm gì cũng phải xếp hàng, phải chầu
chực. Quyền thế nhất lúc bấy giờ là bà chủ kho gạo, là cô hàng mậu dịch… Hồi ấy
hay nói đùa: “ Đẹp nhất là hình ảnh một người ngồi giữa hai bao gạo đầy”. Đây
là lúc Hoàng Ngọc Hiến từng phát biểu một câu rất tội: “Đi đường thấy một xu ai
đánh rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ!” Giới nhà văn cũng không
hơn gì. Nguyễn Tuân cũng phải xếp hàng mua bia hơi (ông gọi là bia bơm). Đi
đường, ông mang theo một bi đông rượu cuốc lủi, thỉnh thoảng lại rót ra cái nắp
uống. Thương cho cụ Nguyễn quá, bây giờ cụ còn sống thì tha hồ Wisky, Cognac…
Cán bộ miền Nam tập kết, trở lại quê hương cũng chẳng sướng hơn. Người thì bán
cà phê, thuốc lá, người thì bán đá cục, người thì đêm đêm hì hục làm sữa chua
để sáng sớm hôm sau chạy đi bỏ ở các hàng quán…
Vào khoảng 1997, 1998 gì đó, Nguyễn Hưng Quốc về nước có đến thăm tôi. Anh vốn
là học sinh ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Sau 30-4- 1975, anh ở lại
thành phố và học văn ở Đại học sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp, anh được giữ lại
làm cán bộ giảng dạy. ít lâu sau, anh vượt biên sang Pháp rồi sang Úc và hiện
đang làm việc ở đấy.
Anh nói, sở dĩ anh vượt biên không phải vì sợ khổ mà cảm thấy tương lai mù mịt.
Anh kể tôi nghe một chuyện thật tội nghiệp.
Hồi ấy còn chế độ bao cấp, mọi thứ thực phẩm đều được phân phối theo tem phiếu,
mà tiêu chuẩn thì rất hạn chế. Tuy nhiên do sự tháo vát của công đoàn, thỉnh
thoảng anh em cũng được mua thêm ít thịt, ít cá ngoài tiêu chuẩn. Anh nhớ hôm
ấy công đoàn kiếm đâu được một mớ thịt đem về chia đều cho mỗi người một suất.
Tất nhiên dù chia cẩn thận đến thế nào vẫn không thể đều nhau tuyệt đối được.
Trong khi chia thịt, mọi người đứng vây xung quanh. Không ai bảo ai nhưng người
nào cũng chăm chăm quan sát các suất thịt xem miếng nào ngon hơn, miếng nào
nhỉnh hơn.
Chia xong, bắt đầu nhận phần. ưu tiên nhận trước phải dành cho bậc cao niên
nhất trong khoa, ấy là thầy Lê Trí Viễn. Do đã nhằm sẵn, nhằm kỹ trước rồi nên
được lệnh, thầy chộp ngay lấy một miếng ngon nhất và có phần nhỉnh hơn các
miếng khác một chút.
“Ôi! – Nguyễn Hưng Quốc nói tiếp – em phấn đấu đến bao giờ mới thành giáo sư
Viễn để được chộp lấy miếng thịt kia! Phải vượt biên thôi! Vượt biên thôi!”
Tình cảnh cán bộ, trí thức hồi ấy, giờ nghĩ lại muốn rớt nước mắt. Hoàng Ngọc
Hiến, sau 1975, có vào Sài Gòn, đến thăm một người họ hàng. Anh nói, khi trở về
Bắc, chỉ mong người ta tặng cho mấy thứ đồ điện như tivi, tủ lạnh hay quạt máy.
Nhưng do kính trọng ông giáo sư Bắc Hà quá, người ta lại chỉ gửi ra toàn đồ mỹ
phẩm đắt tiền để tặng bà giáo.
Anh Lê Quang Long vào Huế cũng gặp phải một trường hợp được kính trọng một cách
tai hại như thế. Năm 1977, tôi và anh được mời vào dạy cho Đại học sư phạm Huế
– gọi là thỉnh giảng. Trường cao đẳng sư phạm ở gần kề trường đại học mời anh
sang nói chuyện. Họ đón tiếp rất long trọng: tặng hoa, và giới thiệu giáo sư
bằng những lời lẽ rất to tát, sang trọng. Nhưng chẳng thấy đưa phong bì gì cả.
Đợi mãi mấy hôm cũng không thấy gì. Té ra ở trường này có một anh bạn cũ của Lê
Quang Long dạy học ở đấy từ trước 1975. Người bạn này một hôm đến gặp anh Long
và nói: “Bọn giám hiệu Cao đẳng nó ngu quá! Nó định đưa tiền cho anh đấy. Tôi
vội gạt đi: “Đừng làm thế, bất lịch sự! Ông ấy là giáo sư đấy!”
Lê Quang Long nói với tôi: “Mình chỉ mong nó khinh mình, chứ kính trọng thế thì
tai hại quá!”
6. Sài gòn, Nam bộ. Vài suy nghĩ về đất và người
phương Nam.
Tôi có một bà chị ở Sài Gòn nên xin được vào thành phố này ngay cuối năm 1975.
Hồi ấy muốn vào Sài Gòn phải có giấy phép với lý do có người nhà trong ấy. Có
giấy phép thì mới được đổi tiền Bắc lấy tiền Nam và được đưa vào theo một đường
dây có tổ chức. Từ Hà Nội đi xe lửa đến một chặng nào đấy thì được chuyển sang
ô tô. Chỗ ăn chỗ ngủ đều có người bố trí chu đáo. Lâu rồi, tôi không còn nhớ
nơi ăn ngủ dọc đường, chỉ biết là người ta xếp vào những nhà dân đã được chuẩn
bị sẵn.
Bây giờ nghĩ lại thấy không hiểu sao hồi ấy tôi không có nổi một chiếc áo
veston hay blouson chẳng hạn. Tôi phải mượn ông anh bộ đội chiếc áo kaki bốn
túi của sĩ quan để phủ ra ngoài chiếc sơ mi nhếch nhác ( sau này vào thỉnh
giảng ở Sài Gòn, bà chị tôi may cho một chiếc áo sơ mi cộc tay bằng vải ni lông
trắng. Mỗi khi lên lớp, chỉ có cái áo ấy là trông được. Vì thế ban đêm tôi phải
giặt áo phơi trong phòng ngủ rồi mở quạt hong cho khô, sáng hôm sau mặc lại.)
Lần đầu tiên vào Nam, tôi rất xúc động. Thực ra khi dạy ở Đại học sư phạm Vinh
tôi đã có dịp được tham quan Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Tôi còn nhớ nhìn sang bờ Nam
sông Bến Hải, thấy một khẩu hiệu rất lớn quay sang bờ Bắc – cốt cho người Bắc
đọc: “ở đâu con tố cha, vợ tố chồng ?”
Bây giờ xe tôi vượt qua sông Bến Hải. Tôi dán mắt vào bên đường cố ghi lại mọi
cảnh vật. Đây là vùng nguỵ, có gì khác với miền Bắc ? Bao nhiêu địa danh nổi
tiếng thường nghe qua đài phát thanh hay đọc trên báo, nay hiện ra trước mắt
mình đây: Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hải
Vân, Chu Lai…vv…
Ấn tượng nổi bật nhất là một màu cát trắng trải dài suốt dọc đường Quảng Trị
với những mái nhà tôn hoang phế, những xác xe cơ giới và giây thép gai chưa dọn
hết, dấu vết cuộc chiến ác liệt còn nguyên vẹn. Càng vào phía Nam càng lắm dừa.
Dừa miền Nam là cây tre của miền Bắc. Rất ấn tượng là những cây dừa đơn độc
đứng trụ hiên ngang trước gió biển mặc cho những tàu lá tung bay tơi tả – biểu
tượng của miền Nam kiên cường bất khuất đó chăng? Tôi bỗng thấy mình có cái say
sưa hào hứng như là đại diện cho một dân tộc chiến thắng đang tiến quân
vào Sài Gòn…
Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi mới thấm thía được thế nào là sự kì diệu của
tiếng nói dân tộc. Ta vẫn nói, Nam Bắc là một nhà, Việt Nam là thống nhất. Tôi
vào Nam, thấy nhiều điều xa lạ khác hẳn miền Bắc. Nhưng khi nghe người dân nói,
thì đúng là vẫn ngôn ngữ ấy, vẫn tiếng nói ấy của người Việt. Vậy là vẫn người
một nước, vẫn anh em một nhà. Tôi thật sự xúc động.
Chỉ có điều chính sách, thái độ chính trị của ta đã khiến họ trở thành xa lạ,
thậm chí đối địch. Hồi giải phóng Thủ đô, ta đã đốt sách đốt vở rất nhiều. Sách
vở dưới chính quyền nguỵ đều bị coi là văn hóa nô dịch, phải phát động thanh
niên, học sinh tập trung lại, đốt hết. Tưởng việc làm quá khích và dại dột ấy
không lặp lại một lần nữa, khi giải phóng Sài Gòn. Té ra vẫn thế. Vẫn tập trung
và đốt. Tôi đã được chứng kiến những kho sách tịch thu được gom lại ở sở Văn
hoá Sài Gòn. Nhiều sách báo rất quý lẽ ra đưa vào thư viện để nghiên cứu đã bị
quăng hàng đống dưới đất, chắc rồi sẽ bị huỷ hoại hết. Nghe nói nhiều người dân
Sài Gòn sợ liên luỵ, ban đêm đã phải lén lút đem sách vở của thư viện gia đình
vất đi. Một hiện tượng thật vô văn hoá, phản tri thức.
Sau 1975, có lần tôi được cử vào Sài Gòn để nói chuyện với các giáo viên văn
học dưới chính quyền cũ về quan điểm của miền Bắc đối với các tác phẩm, các xu
hướng văn học tiền chiến. Học viên đều là những thầy giáo cô giáo đã đứng tuổi,
trong số đó, nhiều người đã viết sách giáo khoa, thậm chí đã là những cây bút
thành danh. Thế mà sau mỗi tiết học, anh đại diện lớp lại lễ phép nói với tôi:
“Xin phép thầy cho anh chị em hát một bài”. Và họ sắp hàng đồng ca những bài
hát cách mạng mới học được. Thái độ rất nhiệt tình.
Có ai bắt họ làm như thế đâu. Họ tự nguyện hưởng ứng cách mạng đấy thôi.Vậy mà
nghe nói, chỉ vài năm sau, nhiều người đã vượt biên. Vì sao như thế? Vì ai mà
họ cảm thấy không có tương lai, tiền đồ gì, nếu ở lại với chúng ta?
Nhưng hãy trở lại với chuyến đi Sài Gòn của tôi cuối năm 1975. Về đời sống vật
chất, trong tương quan với Hà Nội lúc bấy giờ, Sài Gòn thật là giầu có, phồn
vinh. Hàng hoá đầy ắp các cửa hiệu, tràn cả ra hè phố, cả lòng đường. Toàn
những thứ miền Bắc rất khan hiếm, đặc biệt là quần áo, vải vóc và đồ dân dụng.
Xe máy rất nhiều, trong khi miền Bắc xe đạp cũng không
dễ có.
Vào Sài Gòn ngay sau 1975, người miền Bắc quả đã bị choáng ngợp. Nếu có chê thì
chê theo một định kiến cũ kỹ về mặt đạo đức. Thí dụ, đàn bà con gái mặc áo dài
không có áo lót, hở ra bên hông (Ông Vũ Thuần Nho gọi là triangle sexuel) Nhiều
cô mặc áo như cái maillot, có cô mặc quần soóc đi ngoài đường…vv… Giờ thì những
cách ăn mặc như thế rất phổ biến ở ngoài Bắc. Tôi ở Sài Gòn với bà chị ít lâu
rồi trở lại Hà Nội, xin được bà chị cái tivi nhỏ xíu 9 inch, và mua được một ít
quần áo và đồ gia dụng lặt vặt. Dọc đường trở ra Hà Nội, thấy một hình ảnh rất
phổ biến và cũng rất tiêu biểu của những cán bộ, bộ đội được nghỉ phép trở về
Bắc: người nào cũng khuân theo một khung xe đạp và một con búp bê nhựa. Lính
thì đi bộ, gánh một đầu cái khung xe, một đầu con búp bê. Khung xe cho bố mẹ,
búp bê là quà cho con. Sĩ quan thì đi xe ô tô. Đến các bến phà thì lính cũng
như quan dừng cả lại để chờ phà sang sông. Lính nhòm vào xe quan, thấy không
phải khung xe đạp, mà ti vi, tủ lạnh, quạt điện…
Hồi ấy có câu: “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Một cách chơi chữ thật
thần tình.
Sau chuyến đi này, tôi còn có nhiều dịp vào
Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Nhìn chung người nông dân miền Nam
ăn ở rất luộm thuộm, tuỳ tiện. Nhà nếu không lợp tôn thì lợp lá. Mái rất mỏng,
vách cũng ghép bằng lá. Nền đất lụp sụp, tối tăm, ẩm thấp. Chung quanh cỏ mọc
um tùm. Nhà vệ sinh làm ngay cạnh đường đi quay lưng ra những kênh rạch. Không
kín đáo gì cả. Người ngồi hở mặt nhìn ra đường. Ngay ở Sài Gòn cũng vậy. ở
những xóm nghèo, thấy nhiều nhà chỉ ghép bằng những mảnh gỗ thùng, đóng đinh.
Chỗ đi tiểu có khi đặt ngay giữa nhà. Đồ đạc
bên trong thì đủ cả ti vi, tủ lạnh, xe máy, nhưng nhà cửa thì cứ tạm bợ vậy.
Những con kênh chảy qua thành phố thì hôi thối. Bờ kênh chen chúc những túp lều
dựng ngay trên những đống rác, chuột bọ chạy lung tung. Cầu tiêu bắc ngay ra
giữa kênh, đàn bà đi tiêu giữa ban ngày, chỉ lấy cái nón che…
Quan sát cảnh vật và sinh hoạt của con người từ Bắc vào Nam, tôi nảy ra ý khái
quát này: từ Bắc vào Nam là đi từ miền đất nghèo đến nơi giầu có, từ chỗ hàng
năm hễ gặp hạn hán hay lụt lội là đói khát, đến nơi dường như sờ đâu cũng có
cái ăn, cây trái, tôm cá ê hề, muốn chết đói cũng khó.
Nhưng mặt khác, đi từ Bắc vào Nam là đi từ nơi văn hoá cao đến nơi văn hoá
thấp.
Quan sát sinh hoạt, còn thấy người Nam chịu ảnh hưởng Tầu rất rõ, nhưng là Tầu
bình dân, như thích màu sắc thật tươi: xanh, vàng, đỏ. Nhiều món ăn gốc Tầu.
Ngôn ngữ của người bình dân Nam bộ một mặt hết sức nôm na, chất phác (ruột xe,
vỏ xe, hộp quẹt…vv…) một mặt lại hay pha chữ Hán (nóc gia, con lộ, quá giang,
khổ qua, đau bao tử, làm đại đi,..vv…) Chùa chiền đặt ngay bên đường cái, quét
vôi xanh xanh đỏ đỏ. Tượng Phật Bà đứng, nằm lồ lộ không kín đáo gì cả. Tiểu
thuyết Tầu (Tam quốc, Thuỷ hử, Chinh Đông chinh Tây…) và các loại truyện võ
hiệp Tầu ảnh hưởng rất sâu vào văn chương Nam Bộ. Nhiều cây bút đầu thế kỷ XX
phỏng theo truyện Tầu, viết về những Phàn Lê Huê, Tiết Nhân Quý, Tiết Đinh
San…vv… Tiểu thuyết của Bửu Đình, Phú Đức thì bao giờ cũng xen vào những pha võ
hiệp ly kỳ, giật gân… Các nhân vật tiểu thuyết Tầu còn nhập hẳn vào văn chuơng
bình dân Nam Bộ thành nhân vật trong vè, ca dao, dân ca…
Miền Bắc cũng ảnh hưởng Tầu rất sâu, nhưng chủ yếu không phải văn chương bình
dân, tiểu thuyết bình dân, mà khai thác văn chương bác học, đặc biệt là thơ
Đường, thơ Tống…
Như thế là, về sự tiếp nhận văn hoá Trung Hoa, từ Bắc vào Nam, vẫn là đi từ nơi
văn hoá cao đến miền văn hoá thấp.
Cho nên thời nào cũng vậy những tác gia văn học lớn, những sự kiện văn học lớn
thường xuất hiện chủ yếu ở ngoài Bắc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Thơ mới lãng mạn
(1932-1945), Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn
Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… vv… Những
cây bút xuất sắc của Sài Gòn trước 1975 phần lớn cũng là người miền Bắc, miền
Trung di cư vào. Cho nên chủ nghĩa thực dân xâm nhập vào miền Nam rất sớm, ngay
từ cuối thế kỷ XX. Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản đã là những trí thức Tây
học và đã viết văn quốc ngữ theo bút pháp phương Tây hiện đại. Như vậy là cái
tôi cá nhân đã có điều kiện thức tỉnh rất sớm. Vậy mà tiếng nói văn chương của
nó phải đợi đến những năm 30 của thế kỷ XX mới thực sự ra đời với văn thơ miền
Bắc. Ở Nam bộ, theo Xuân Diệu, cái tôi cá nhân chỉ có thể cất lên thành ca cải
lương trên cơ sở nhạc tài tử ở miền Lục tỉnh.
Nhà văn đích thực của Nam bộ cao nhất chỉ đến Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh,
Phi Vân, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng. Văn Anh Đức nhiều chỗ như văn cải lương,
đồng thời lại bị Bắc hoá. Nguyễn Thi tuy là người Bắc nhưng lại xứng đáng được
coi là tiếng nói văn chương đích thực của nông dân Nam bộ thời chống Mỹ.
Gần đây xuất hiện Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận) và Mạc Can (Tấm ván phóng
dao). Văn Nam bộ hay nhất không ở tư tưởng mới lạ mà ở thứ ngôn ngữ địa phương
bộc trực, chắc khoẻ, góc cạnh, đầy sức sống. Nhưng các tác giả thường lạm dụng
thứ ngôn ngữ ấy khiến văn của họ trở nên thiếu trong sáng, khó đạt tới trình độ
chuẩn mực cổ điển.
7. Cố đô Huế và quý tộc Huế
Sau 1975, tôi cũng có nhiều dịp vào Huế, hoặc để dạy cho Đại học sư phạm Huế,
hoặc để dự những lớp tập huấn giáo viên phổ thông trung học về chương trình và
sách giáo khoa cải cách giáo dục.
Huế có những đặc điểm rất dễ thấy. Huế là đất cố đô, nên người Huế rất tự hào
về quê hương mình như một trung tâm chính trị, văn hoá. Nhưng Huế lại lọt vào
giữa hai cái đèo cao: Đèo Ngang và Hải Vân, nên tâm lý người Huế có một cái gì
hẹp hòi, co lại, địa phương chủ nghĩa, nghĩa là vẫn một thứ tâm lý tỉnh nhỏ,
không có tầm văn hoá toàn quốc.
Đất kinh đô, nhưng hẹp và nghèo. Thiên nhiên cũng không có gì to tát, hùng vĩ:
“Sơn bất cao, thuỷ bất thâm”. Từ cách ăn mặc, nói năng, đi đứng, ăn uống, người
Huế tỏ ra rất quý tộc, nghĩa là cầu kỳ, đài các. Nhưng là quý tộc nghèo. Nguyễn
Tuân đã liệt kê ra mười hai thứ muối của người Huế. Cầu kỳ, tinh vi, đài các
đấy, nhưng mà tinh vi ăn muối. Huế là đất có rất nhiều thứ bánh cũng rất tinh
vi cầu kỳ, nhưng tất cả đều làm bằng bột sắn, trong Nam gọi là khoai mỳ, một
loại bột rất rẻ tiền. Có thứ bánh gọi là bánh bèo, nhỏ chỉ bằng
móng tay, đặt trong những chiếc đĩa cũng nhỏ tý xíu. Ăn thứ bánh này, phải làm
cả một mâm may ra mới no được. Cũng là một thứ đài các của quý tộc nghèo. Huế
từng là kinh đô. Người Huế là người kinh đô, nhưng không có tư cách người kinh
đô thật sự, nghĩa là tiêu biểu cho cả nước. Người Huế không được các địa phương
khác quý mến. “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa
Thiên ních hết”. Người Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam đều rất ghét
dân Huế. Tôi cũng không ưa người Huế, đúng ra là không ưa đàn ông Huế:
Sơn bất cao,
Thuỷ bât thâm;
Nam đa trá,
Nữ đa dâm.
Nguyễn Văn Hạnh nói, tôi làm hiệu trưởng Đại học Huế mấy năm mà không hiểu được
bụng dạ người Huế thế nào. Hôm trước vừa phong một anh là chiến sĩ thi đua, vì
rất tiến bộ, rất tích cực công tác. Hôm sau được tin anh ta đã vượt biên rồi !
Viết về Huế, tôi cho có hai cây bút xuất sắc nhất. Một là Phan Du viết rất hay
về tầng lớp quý tộc Huế thất thế, rơi vào tình trạng bần cùng, tuy thực chất
thì rất bệ rạc nhếch nhác, nhưng vẫn làm ra vẻ quý tộc- một thói sĩ diện hão,
đài các rởm nên trở thành hài hước. Hai là Hoàng Phủ Ngọc Tường, tuy không phải
người Huế, nhưng viết rất hay về vẻ đẹp của cảnh và người xứ Huế. Cảnh Huế thì
đẹp thật. Đẹp một cách dịu dàng, thơ mộng. Dòng sông Hương quả là độc đáo, một
dòng sông êm đềm trôi giữa thành phố, soi bóng những đền chùa, lăng tẩm, những
đồi thông, ruộng lúa, nương ngô… Tôi đã được đi thuyền nhiều lần trên sông
Hương, ghé vào thăm lăng tẩm các vua chúa, nghe ca Huế. Tôi cũng đã nhiều lần
được vào Đại Nội và xem biểu diễn vũ đạo cung đình.
Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc Tường là người hiểu Huế và yêu Huế hơn ai hết. Anh cố gắng
gắn Huế với lịch sử lâu đời của dân tộc – không phải từ thời Chúa Nguyễn vào
đất Phú Xuân – mà từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu, đời Lý, đời Trần. Anh lại gắn Huế
với Nguyễn Du và Truyện Kiều, và lắng nghe như thấy vọng về, qua giọng ca Huế,
tiếng đàn thánh thót của Thuý Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như nước
suối mới sa nửa vời…”
Bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của anh có thể xem là một áng văn tuyệt đẹp.
Anh không những nói về Huế – văn hoá, Huế – thơ mộng, mà còn phát hiện Huế –
anh hùng từ thời viễn cổ từng bảo vệ biên thuỳ phía Nam của nước Đại Việt. Anh
đã làm sang nhiều cho Huế.
Nhưng tôi thì thích Huế vừa vừa thôi.
Huế tham quan ít ngày thì thích, ở lâu thì buồn, ở mãi thì chán. Hồi Nguyễn Văn
Hạnh làm hiệu trưởng Đại học Huế có thuyết phục tôi vào với anh. Anh nói, qui
luật phát triển của dân tộc ta là vô Nam, là Nam tiến. Vào Huế với anh là đúng
qui luật.
Nhưng tôi đã từ chối. Và đó là một quyết định
đúng.
Viết xong phần I tập hồi ký này, tôi đưa cho một anh bạn thân của tôi là Phạm
Luận, cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Việt Bắc xem thử.
Luận đọc xong, nhận xét: “Những chuyện tình của cậu cũng chỉ đơn giản thế thôi
à?”
Tôi nghĩ bụng, hồi trẻ, đúng là những cuộc tình của tôi chỉ đơn giản có thế
thôi. Thậm chí có khi chỉ là thứ tình đơn phương – “Có gửi tình đi, chẳng có
về” (Xuân Diệu). Hồi ấy tôi thường vận dụng cái gọi là phép thắng lợi tinh thần
của AQ để tự an ủi: Những cô gái nào kia không có đôi mắt xanh để “anh hùng
đoán giữa trần ai mới già”. Họ chỉ nhận ra được người anh hùng khi anh hùng đã
là anh hùng.
Nhưng có điều này rất lạ là khi về già thì tôi lại được nhiều cô gái mến,
thường là sinh viên cao học hay nghiên cứu sinh.
Có một sinh viên cao học (DT), khoảng ngoài ba mươi tuổi, vốn là giáo viên ở
một tỉnh miền trung, tha thiết nhờ tôi hướng dẫn làm luận văn. Trong suốt quá
trình làm luận văn, tôi hoàn toàn không nhận biết gì về tình cảm của cô đối với
tôi (chắc đã có những biểu hiện nào đấy, nhưng tôi không để ý). Cho mãi đến khi
cô bảo vệ xong luận văn, một buổi tối đến từ biệt tôi để ra về, tôi cũng không
biết gì. Cô tặng tôi một cái cặp da và một cái dây lưng. Tôi tiễn cô ra cổng. Chúng
tôi đứng với nhau trên một khoảnh sân nhỏ, cạnh cái cổng sắt. Đột nhiên cô nói:
“Thầy cho em hôn thầy một cái”, nói rồi ôm hôn tôi luôn. Chuyện này không may
vợ tôi biết được. Những ảnh cô này chụp với tôi đều bị xé tan hết.
Từ thực tế này, tôi rút ra kết luận về sự khác nhau giữa tư duy của nam và nữ:
Nữ rất mạnh về tư duy trực cảm. Một thằng con trai yêu một cô gái, đến với cô
ta, dù chưa dám có biểu hiện gì rõ rệt, cô ta đã biết ngay anh chàng này đến để
tán mình đây. Ngược lại, thằng đàn ông chỉ mạnh về tư duy luân lý. Con gái yêu
mình, nếu không nói rõ ra thì hắn vẫn chẳng biết gì cả. Nghĩa là tư duy trực
cảm rất tồi. Nhưng tư duy trực cảm có nhược điểm: không sâu sắc. Cho nên ca dao
có câu:
Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
Ngoài ra, có hai cô gái, một người Việt (NT), một người Mỹ (NMP), cùng thổ lộ
tâm sự với mấy người bạn của tôi: “Thầy Mạnh mà còn trẻ thì em yêu thầy ấy
đấy”. Cô người Mỹ thì khi về nước có gửi thư điện tử cho Dương Thu Hương và
Nguyễn Thị Bình: “Ông Mạnh mà còn trẻ thì là một người nguy hiểm đấy, em phải
lòng ông ấy mất – cô viết tiếng Pháp (tomber amoureuse) Không biết tôi có nên
tự hào về cái duyên muộn mằn ấy không? Có điều này thì tôi thật sự tự hào:
những người đọc văn tôi và những học trò nghe tôi giảng bài, đều nhận xét, đó
là văn và lời giảng của một người chưa già. Có lẽ con người tự nhiên của tôi nó
thế: tôi không thích trò chuyện với người già, dù những người gọi là già này có
khi còn kém tôi đến dăm, bảy tuổi. Họ cũng hay nói đùa đấy, nhưng vẫn là kiểu
đùa của người già. Tôi chỉ thích chơi với đám trẻ, ngồi tán chuyện với nhau,
tưởng tượng ra những chuyện rất tếu, nhiều khi vô nghĩa lý để cười với nhau một
cách thoải mái.
Xin chào, bạn có biết kiểu dáng bàn ăn cũng giúp ta hiểu một chút về mối quan hệ và vai trò của các thành viên trong gia đình không? Bạn thích bàn ăn tròn, chữ nhật hay hình oval... tất cả đều có tại nội thất Go Home. Vì vậy nếu nhà bạn chưa có bàn ăn gỗ cho nhà bếp thì ghé thăm và tìm 1 chiếc cho nhà mình tại https://gotrangtri.vn/danh-muc/ban-ghe/ban-trang-diem/ nhé! Thanks admin
Trả lờiXóa