Trong 4 đối tượng có thể tạo nên nguy cơ đe dọa ta, có những nước
lớn cỡ toàn cầu hoặc khu vực như Mỹ, TQ, Nhật; riêng Thái Lan là nước ngang tầm
với ta nên mức độ thách thức đối với ta không so được với các nước lớn. Trong
các dạng thách thức khác nhau của cả 4 đối tượng, có nhiều điều mới trên cơ sở
giả định hoặc dự phòng để cảnh giác, song có những điều đang là hiện thực, đang
là những vấn đề thực tế và thúc bách đặt ra trước mắt ta. Vì vậy với khả năng rất
hạn hẹp về mọi mặt của ta, ta cần phân biệt rõ đâu là nguy cơ lớn nhất trực tiếp
đe dọa những lợi ích sống còn của dân tộc VN để tập trung trí lực và vận dụng
cao độ sách lược đối ngoại đối phó lại. Trước hết chắc chắn đó không phải là Nhật
hay Thái Lan. Đó chỉ có thể là Mỹ hay TQ .
1. Chiến lược của
Mỹ và ý đồ của Mỹ đối với VN:
Sau sự tan rã của LX và sự kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ gặp phải
nhiều thách thức hơn là cơ hội. Thách thức bởi những vấn đề kinh tế–xã hội cấp
bách trong nước, thách thức bởi những đối thủ vốn là đồng minh cũ của Mỹ trong
chiến tranh lạnh như Nhật, EC. Vì vậy mục tiêu chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh
lại một cách thực tế và khiêm tốn hơn: cố gắng duy trì vị trí số một trên thế
giới và ở Châu Á–TBD, hiện đang trở thành vũ đài chính của thế giới. Trước
thách thức ngày càng lớn của các trung tâm kinh tế phương Tây, việc xoá CNXH ở
Châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.
Khoảng cách về so sánh lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác
không còn quá lớn như trước để thực hiện được mục tiêu chiến lược, phương hướng
của Mỹ chủ yếu là tạo một cân bằng lực lượng giữa các đối thủ có tiềm năng đe dọa
vị trí số một thế giới của Mỹ, dùng đối thủ này kiềm chế đối thủ kia, thông qua
hợp tác để kiềm chế các đối thủ, tăng cường vai trò các thể chế quốc tế (như
LHQ) trong việc xử lý các xung đột khu vực, tạo thành một thế ổn định chung có
lợi cho Mỹ.
Mỹ đang cô lập nên trật tự khu vực mới trên cơ sở tam giác chiến
lược mới Mỹ–Nhật–Trung thay cho tam giác Mỹ–Xô–Trung ngày trước, trong đó Mỹ vừa
tranh thủ và hợp tác với TQ mà chủ yếu là với Nhật, vừa cảnh giác kiềm chế
cả hai, chủ yếu là TQ.
Riêng với TQ, Mỹ rất coi trọng vai trò của đất nước có hơn 1 tỷ
dân này trong kế hoạch tạo lập một trật tự quốc tế mới. Mỹ cần thúc đẩy và
tranh thủ sự hợp tác của TQ trong nhiều vấn đề nhất là trong việc xử lý các cuộc
xung đột khu vực .
Mỹ không thể khuyến khích hoặc làm ngơ để TQ tự do bành trướng
xuống ĐNÁ. Trong chiến lược Châu Á–TBD của Mỹ, chính quyền Clinton đã tỏ ra coi
trọng vai trò ĐNÁ hơn trước. Có thể vì đây là một vùng khá năng động về phát
triển kinh tế, đồng thời lại có một cơ chế tiểu khu vực có sức sống và gắn bó với
lợi ích kinh tế của Mỹ. Song mặt khác vì đây là hướng bung ra của TQ trong ý đồ
lấp “khoảng trống quyền lực” sau khi LX tan rã và Mỹ thu bớt sự có mặt quân sự ở
ĐNÁ. Lợi ích của Mỹ là tạo ra được ở đây một ĐNÁ ổn định và đủ mạnh để cản bước
TQ trong chiến lược “biên giới mềm” và “mở rộng không gian sinh tồn”. Ý đồ của
Mỹ là từng bước thúc đẩy việc mở rộng ASEAN thành một tổ chức chung cho cả 10
nước ĐNÁ, có khả năng trở thành một đối trọng đáng kể đối với TQ bảo đảm ổn định
khu vực. Trong kế hoạch tạo lập một cơ chế an ninh khu vực của Châu Á–TBD, Mỹ,
Nhật và phương Tây nói chung đều đã lấy ASEAN làm cốt lõi về tổ chức. Hội nghị
thường niên giữa ASEAN và 6 nước đối tác đang trở thành diễn đàn trao đổi về an
ninh khu vực Châu Á–TBD. Nga cũng tỏ thái độ ủng hộ phương hướng này. Riêng TQ
không mặn mà.
Vậy có khả năng Mỹ đồng tình hay câu kết với TQ chống VN không?
Trước đây Mỹ và TQ hợp lực chống VN trong vấn đề CPC là vì cả 2 cùng có yêu cầu
chung là đánh vào LX và xoá bỏ ảnh hưởng của LX ở ĐNÁ. Nay LX đã sụp đổ, thế
chiến lược ở Châu Á–TBD đã thay đổi, nếu Mỹ lại đi với TQ chống VN thì chẳng
khác gì là đẩy VN vào tình thế hoặc chủ động liên minh với TQ hoặc phải khuất
phục trước sức mạnh của TQ, từ đó tạo điều kiện cho TQ từng bước khống chế cả
ĐNÁ một cách dễ dàng và nhanh chóng trở thành một trong những đối thủ đe dọa vị
trí số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn ngược lại mục tiêu chiến lược
của Mỹ.
Mặt khác, một nước VN đổi mới, độc lập với Nga, TQ, cũng như
không chịu sự chi phối của Nhật, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng
minh của Mỹ ở ĐNÁ là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy
trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở
khu vực. VN tuy không có một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ,
nhưng VN vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của
Mỹ ở Châu Á–TBD và ĐNÁ. Hơn nữa về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường
và nguồn nguyên liệu của VN. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ
đi mạnh vào thị trường VN.
Bên cạnh những lợi ích có phần nào trùng hợp với ta như trên, mặt
tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với ta không nhỏ. Mỹ không thể từ bỏ ý đồ
diễn biến hoà bình với ta. Tuy nhiên Mỹ có làm được hay không chủ yếu còn tuỳ
thuộc vào khả năng giữ vững ổn định chính trị trong nước của ta, tức là tuỳ thuộc
vào bản lĩnh chính trị của Đảng ta và sự vững vàng cảnh giác của cán bộ và nhân
dân ta và sự gắn bó giữa dân với Đảng. Ở đây nhân tố vững mạnh bên trong có ý
nghĩa quyết định. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới, sự ổn định về kinh tế–xã hội
ở nước tavà việc không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng trong quá trình đa dạng
hoá và mở rộng quan hệ quốc tế sẽ là đảm bảo tốt nhất hạn chế tác động của mọi
thủ đoạn diễn biến hoà bình. Mặt khác cũng phải thấy rõ không phải Mỹ tập trung
chống phá VN với bất cứ giá nào vì Mỹ có những ưu tiên chiến lược lớn hơn và
hơn nữa hiện nay Mỹ là đang có những lợi ích trùng hợp với ta ở khu vực mà ta
có thể tranh thủ lợi dụng để phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu chiến lược của ta.
2. Chiến lược của
TQ và ý đồ TQ đối với VN:
Trái với Mỹ, TQ thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới
ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với TQ cơ hội đang tăng lên, còn
thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự
là chính thì TQ nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành 1 cực trong trật
tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính
để thực hiện mục tiêu đó, TQ không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực
hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định cho nước khác hoặc lợi dụng tình trạng
mất ổn định của nước khác (CPC, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế
cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng
tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực
của chính họ.
Trước mắt TQ đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành 1
cường quốc ở Châu Á–TBD, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. TQ đặt
mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. TQ coi trọng vị
trí chiến lược của biển Đông vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được
cả ĐNÁ và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương,
và cũng là khu vực giàu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này
ngang Vịnh Ba Tư[90])
mà TQ đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Đáng chú ý là trong khi TQ mở một chiến dịch hoạt động ngoại
giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả
các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và
không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan
hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường
lôi kéo các nước khu vực ĐNÁ để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì TQ luôn tập
trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần VN trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ
phương sách để tỏ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì TQ cho rằng
VN là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế,
đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở ĐNÁ và là
trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của TQ.
Những hoạt động bất lợi đối với VN của TQ sẽ không dừng lại ở trạng
thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì TQ cho rằng tình thế hiện tại
đang rất thuận lợi cho việc TQ lấn ép VN mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức
thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận VN; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và VN
còn chưa phát triển; vấn đề CPC đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc
tế; cơ chế an ninh khu vực Châu Á–TBD chưa hình thành. TQ đặt năm 1997 thành một
mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của TQ: năm
1997 là năm TQ thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch
hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh ĐNÁ; năm 1997 là năm quân
đội TQ sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt
về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin TQ đang cố rút ngắn
mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp
4 lần. Sức ép của TQ đối với ta sẽphát triển thuận chiều với sự phát triển các
mặt của TQ.
3. Những phân
tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận:
Trước mắt cũng như trong tương lai dư báo được, TQ là nguồn xuất
xứ chính của những thách thức đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,
cũng như đối với an ninh và phát triển của VN. Những thách thức đe dọa trên nhiều
mặt của TQ đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta
đang phải xử lý, khác với những thách thức đe dọa của các đối tượng khác, kể cả
Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Nhưng mâu thuẫn và lợi ích trên
các mặt giữa ta với TQ có nhiều hơn đối với các đối tượng khác.
1. Xét về so sánh
lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam là nước nhỏ so với TQ là nước lớn,
trọng lượng và ảnh hưởng chính trị rộng lớn hơn ta nhiều đẩy mạnh phát triển
kinh tế, để cải thiện thế chính trị của ta trong cuộc đấu tranh nhằm giải quyết
các vấn đề tranh chấp với TQ để bảo vệ lợi ích chính đáng của ta.
Vì bên cạnh những chỗ mạnh so với ta, trên mặt trận đối ngoại TQ có những điểm
yếu cơ bản mà ta có thể và cần biết cách khai thác để hạn chế TQ trong
chính sách lấn ép ta trên nhiều mặt. Những điểm yếu đó là:
a) Để thực hiện ưu tiên tối cao là đẩy nhanh hiện đại,
TQ cần Mỹ hơn là Mỹ cần TQ. Do đó tuy giữa Mỹ–TQ có đấu tranh và thoả hiệp,
nhưng rõ ràng TQ ngại phản ứng của Mỹ, không dám thách thức Mỹ trong khi thế và
lực của TQ còn có hạn. Thế giới cũng như các nước khu vực đều coi Mỹ là đối trọng
có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế TQ. Cũng vì thế TQ rất không muốn Mỹ
cải thiện quan hệ và đi tới bình thường hoá quan hệ với VN.
b) Trong lúc chưa xây dựng được lực lượng
kinh tế cũng như quân sự đủ mạnh, TQ rất ngại các khu vực ĐNÁ–đối tượng bành
trướng trước mặt của TQ–liên kết với nhau, đặc biệt là giữa ASEAN và VN, thành
thể “quần lang đấu hổ” chống lại nguy cơ chung. Chính vì vậy mà TQ đang
tìm mọi cách lôi kéo phân hoá ĐNÁ thành những mảnh riêng biệt, thậm chí có thể
chống đối nhau.
c) Trước xu thế mạnh mẽ của chung trên thế
giới và trong khu vực muốn có ổn định để tập trung ganh đua phát triển kinh tế,
TQ rất ngại bị dư luận quốc tế, trước hết là dư luận khu vực, coi là “nhân tố
gây mất ổn định” ở Châu Á–TBD và thế giới . Cuộc vận động của Mỹ, Nhật,
nhất là ASEAN, nhằm từng bước thúc đẩy việc hình thành một diễn đàn và tiến tới
một cơ chế về an ninh tập thể khu vực Châu Á–TBD hiện nay chính là nhằm kiềm chế
TQ.
2. Để có thể tận dụng những điểm yếu của TQ vào việc
cải thiện thế chính trị trong cuộc đấu tranh không cân sức này, ta nhất thiết cần
phải chọn lựa và hình thành một chiến lược đối ngoại hết sức linh hoạt phù hợp
với chiều hướng diễn biến chung của chính trị và kinh tế thế giới, thích ứng với
những đặc điểm lớn của cục diện quốc tế hiện đại. Cuộc đấu tranh chống lại những
thách thức đe dọa của đối tượng đặc biệt này là một nhiệm vụ hết sức thúc bách,
đòi hỏi những biện pháp tổng hợp song diễn ra trên mặt trận ngoại giao là
chính.
Với sự kết thúc trạng thái thế giới phân thành 2 cực đối đấu nhau, do tính tuỳ
thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước trên toàn cầu và trong mỗi khu vực,
việc không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá
để hoà nhập vào đời sống chung của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng cả về
chính trị lẫn kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh quốc tế hiện nay, an ninh của một
nước tuỳ thuộc rất lớn và trước hết vào mối quan hệ quốc tế và khu vực của ta vừa
qua cho thấy việc xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn là cực kỳ quan trọng đối
với lợi ích an ninh và phát triển của nước ta. Kinh nghiệm xương máu của
dân tộc ta trong những thập kỷ qua cho thấy cần có chính sách quan hệ cân
bằng giữa các nước lớn, và tuyệt đối không để bên ngoài hiểu là VN có ý đồ đi với
nước lớn này chống nước nọ, gắn lợi ích của ta với lợi ích an ninh và phát triển
của các nước láng giềng trong khu vực để tạo cho nước ta một thế quốc tế thuận
lợi hơn.
3. Những trọng điểm
trong chiến lược đối ngoại của ta phải là các nước lớn trong tam giác chiến lược
Châu Á–TBD và khối các nước ASEAN, những nhân tố có khả năng tác động nhiều tới
TQ.
d) Với Mỹ:
Quan hệ với Mỹ là một bộ phận quan trọng chính sách đa dạng hoá
quan hệ đối ngoại của ta. Hiện nay Mỹ là nhân tố duy nhất có khả năng làm đối
trọng và kiềm chế TQ, do đó ta cần kiên trì và quyết tâm kéo Mỹ đi vào bình thường
hoá quan hệ. Kéo Mỹ vào để Mỹ có lợi ích trực tiếp ở VN, nhất là lợi ích trong
lĩnh vực dầu khí ngoài khơi VN, khiến Mỹ không thể làm ngơ trước tình hình “bất
ổn định” do TQ khiêu khích, xâm lấn gây ra. Một nhà nghiên cứu Mỹ về Châu Á đã
đánh giá “một dàn khoan của Công ty Mobil Oil (Mỹ) ở biển Đông có giá trị ngang
với cả một Hạm đội 7”.
Thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Mỹ trước hết là việc bỏ cấm
vận có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu an ninh, ổn định và phát triển
kinh tế của ta, giúp ta cải thiện với các đối tượng khác và tạo thêm điều kiện
thuận lợi cho ta đối phó với các thách thức hiện nay. Triển khai mạnh mẽ
quan hệ với Mỹ cũng như với các đối tượng khác không phải để tạo một tập hợp lực
lượng chống TQ vì điều đó trái với phương châm đối ngoại “làm bạn với tất cả” của
ta, cũng không phù hợp với các tính toán chiến lược của Mỹ cũng như của các nước
khác.
Việc ta xin giữ hoà khí với TQ vừa có quan hệ bình thường với Mỹ
và thúc đẩy quan hệ với Nhật, phương Tây và ASEAN và các nước khác sẽ tạo ra
cho ta thế mạnh trong quan hệ cân bằng với các đối tượng.
Trong tình hình hiện nay việc hợp tác giải quyết tốt vấn đề
POW/MIA là khâu thiết yếu để tháo gỡ trở ngại cho quan hệ Việt–Mỹ. Đồng thời đẩy
mạnh công tác vận động trong nội bộ Mỹ (lobby) với khẩu hiệu có tính sách lược
để tranh thủ dư luận Mỹ thúc đẩy Mỹ sớm bỏ cấm vận, thu hút các công ty Mỹ vào
làm ăn ở VN vừa tạo áp lực vừa tạo điều kiện cho chính quyền Mỹ đi vào bình thường
hoá với ta sớm nhất. Mặt khác ta cần quan tâm có chủ trương, chính sách và biện
pháp thích đáng để vô hiệu hoá ý đồ của Mỹ và các nước phương Tây dùng vấn đề
“dân chủ, nhân quyền” để gây sức ép với ta.
Song song với các bước cải thiện quan hệ VN và Mỹ, cần kết hợp mở
rộng đường lối “hoà hợp dân tộc” bằng những chính sách cụ thể đối với Việt kiều
ở Mỹ và các nước khác nhằm chuyển họ thành những lực lượng mạnh mẽ hỗ trợ cho
công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế và KHKT[91] của
nước nhà. Việc làm mày tất nhiên sẽ tác động trở lại đối với việc tăng cường
quan hệ hợp tác của ta với Mỹ và các nước có người Việt sinh sống.
b) Với ASEAN:
ASEAN hiện được coi là tổ chức khu vực có sức sống mạnh nhất mà
các nước lớn, trong đó có TQ, phải tính đến trong chính sách Châu Á–TBD của họ.
Giữa ta và các nước ASEAN có nguyện vọng chung là hoà bình, ổn định và
phát triển, đồng thời cùng phải lo đối phó với thách thức bên ngoài, từ TQ và
Nhật Bản. Tăng cường hợp các khu vực vừa phù hợp với xu thế hiện nay vừa tạo thế
cho ta trong quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, nhất là TQ. Để thúc đẩy
quan hệ này, ngoài việc tăng cường quan hệ song phương bằng các biện pháp xây dựng
lòng tin, cần sớm gạt những tồn tại trong quan hệ tay đôi giữa ta và một số nước
ASEAN qua việc hợp tác giải quyết vấn đề vùng chống lấn với Inđônêxia,
Malaysia, Thái Lan…, cần có các bước đi mạnh mẽ tham gia các cơ chế hợp tác khu
vực vì an ninh và phát triển phù hợp với khả năng và lợi ích của ta; đặc biệt
là cần tích cực tham gia quá trình trao đổi về cơ cấu an ninh khu vực và
sớm tham gia ASEAN. Nói chung, ta cần tích cực chủ động tăng cường các điểm
đồng giữa ta và các nước ASEAN, xử lý khéo léo những khác biệt.
c) Với các nước và các đối tượng khác, đặc biệt là với
Nhật Bản, Nga, Cộng đồng Châu Âu…
Ta cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt nhằm tận
dụng tối đa khả năng hợp tác kinh tế, KHKT, kinh nghiệm quản lý của các nước
này cho các công cuộc phát triển đất nước và qua đó góp phần tạo thế cân bằng lực
lượng có lợi ích cho ta ở khu vực, tranh thủ tập hợp dư luận rộng rãi hỗ trợ
cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của ta, tạo nên một mạng lưới lợi
ích kinh tế–chính trị che chắn thêm cho ta trước mưu đồ xâm lấn của TQ.
d) Với TQ:
- Bình thường hoá với TQ là một yêu cầu
chiến lược của ta. Do TQ thi hành chính sách 2 mặt nên đối sách của ta cũng gồm
2 mặt vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa chủ động thúc đẩy quan hệ trên cơ sở những
thoả thuận đã đạt được, vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời giữ
vững phươn châm không để trở lại tình trạng đối đầu với TQ cũng như không đặt
các nước trước sự lựa chọn hoặc VN hoặc TQ. Biện pháp tối ưu lúc này là chủ động
tạo nên cục diện các nước lớn và ASEAN có lợi ích kinh tế, an ninh ngày càng lớn
trong quan hệ với VN. Cục diện đó cộng với sự lớn mạnh càng nhanh càng tốt của
bản thân chúng ta sẽ là sự răn đe có hiệu quả nhất đối với mọi hoạt động lấn
chiếm của TQ.
- Kiên quyết đấu tranh hạn chế ý đồ lấn
chiếm của TQ ở biển Đông, đặc biệt ở vùng thềm lục địa của ta; áp dụng các biện
pháp khôn khéo nhưng có hiệu quả ngăn chặn hoạt động của TQ mà không dẫn đến đối
đầu về quân sự.
- Xúc tiến việc xác định phạm vi của quần
đảo Trường Sa để xem xét khái niệm “khai thác chung”, phá ý đồ TQ lợi dụng vấn
đề này chia rẽ phân hoá giữa ta và ASEAN.
- Chuẩn bị khả năng đưa ra toà án quốc tế
hoặc trọng tài quốc tế vấn đề Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của ta.
- Đến một lúc nào đó ta nên tính đến khả
năng mở cảng Cam Ranh thành một thương cảng cho các tàu quốc tế ra vào, kể cả
tàu Mỹ, tạo sự có mặt của nhiều quốc gia ở khu vực biển Đông, ngăn ý đồ độc chiếm
của một nước. Song tất nhiên ta phải có chính sách và luật pháp chặt chẽ để bảo
đảm chủ quyền và an ninh quốc gia
Ngày 14 tháng 6 năm 1993.
Trần Quang Cơ
1975
01.2 NS M. Mansfield
báo cáo trước Quốc hội Mỹ sau khi đi thăm Trung Quốc về: TQ tán thành để 2 nước
Việt Nam tiếp tục tồn tại. TQ cho rằng một nước Campuchia thống nhất, trung lập
là điều chủ yếu trong một Đông Dương ổn định.
17.4 Giải phóng Nông
Pênh.
30.4 Chiến dịch Hồ
Chí Minh toàn thắng. Giải phóng Saigon.
04.5 Quân Polpot tấn
công đảo Phú Quốc và từ đó liên tiếp tấn công biên giới trên bộ và trên biển của
ta.
05.5 H. Kissinger: Với
việc mất Việt Nam, sẽ có sự sắp xếp lại lực lượng quan trọng ở ĐNÁ, CPC và Lào
sẽ là chư hầu của Hà Nội, còn Thái Lan và In đônêxia sẽ tự động liên minh với
Việt Nam. Trung Quốc sẽ giữ không cho VN có bất kỳ hành động quyết liệt nào.
??.? Thông điệp
miệng nhờ Liên Xô chuyển tới Mỹ tỏ ý muốn hai bên có quan hệ tốt.
12.6 Mỹ gửi đến Đại sứ
quán ta tại Pa –ri thông điệp: “Về nguyên tắc, Mỹ không hận thù gì Việt Nam, đề
nghị trên cơ sở đó tiến hành bất cứ quan hệ nào giữa hai bên. Mỹ sẵn sàng nghe
bất cứ gợi ý nào do Việt Nam đưa ra”.
11.7 Thông điệp
ta trả lời: nhắc Mỹ nghĩa vụ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.
10.7 và 5.9 Tiếp xúc giữa bí thư VN Đỗ Thanh và bí thư Mỹ Pratt ở
Pa –ri .
27–29.7 Đoàn đại biểu Đảng Lao động VN do Bí thư thứ nhất
Lê Duẩn dẫn đầu đi thăm CPC.
09.8 Vụ Watergate–Nixon
từ chức. Phó tổng thống G. Ford lên thay.
11.8 Tại Hội Đồng Bảo
An, Mỹ phủ quyết Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc.
07.12 G. Ford công bố “học thuyết
Thái Bình Dương mới” gồm 6 phương hướng chính: sức mạnh Mỹ đã cân bằng lực lượng
ở Thái Bình Dương, liên minh với Nhật, bình thường hoá quan hệ với TQ, quan hệ
mạnh với ASEAN, giải quyết xung đột khu vực, hợp tác kinh tế trong vùng.
21.12 Đoàn hạ nghị sĩ Mỹ do G. V.
Montgomery vào Hà Nội nhận 3 bộ hài cốt giặc lái Mỹ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp
đoàn.
tháng 12 H. Kissinger phát biểu ở Pa–ri sau khi đi thăm TQ: Mỹ
đang tính toán việc sử dụng TQ để hạn chế ảnh hưởng của VN ở khu vực.
1976
10.1 Mỹ thông
qua Liên Xô thăm dò việc tiếp xúc với ta, song khẳng định không thực hiện Đ.21.
26.3 H. Kissinger gửi
công hàm cho bộ trưởng ngoại giao ta: Mỹ sẵn sàng thảo luận với VN để
phát triển quan hệ mới giữa hai nước.
10.4 Bộ trưởng
NG ta trả lời: nêu lại những vấn đề tồn tại giữa hai nước (Đ.21 và vấn đề MIA).
Trên cơ sở giải quyết những vấn đề đó sẽ bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
07.5 Tổng thống G.
Ford bác kiến nghị của Quốc hội Mỹ yêu cầu tạm thời ngưng cấm vận buôn bán với
VN trong 6 tháng.
08.5 Công hàm của
ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger gửi Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh: sẵn sàng mở cuộc
thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước, song chỉ khi nào vấn
đề MIA được giải quyết về thực chất thì mới có tiến bộ đi tới bình thường
hoá quan hệ.
19.6 Thông điệp của
BNG ta phê phán Mỹ “đơn phương tuyên bố xoá bỏ Hiệp định”, lẫn tránh nghĩa vụ đối
với Đ.21 đồng thời lại đòi VN thi hành Đ.8b[92] của
Hiệp định; nhắc lại lập trường ta gắn 2 vấn đề với nhau. Bước đầu sẵn sàng gặp
đại diện Mỹ ở Pa –ri để trao đổi ý kiến.
19.7 Mỹ gửi thông điệp
trả lời đồng ý mở cuộc thảo luận tại Pa –ri giữa người thứ 2 của hai sứ quán
01.8 Ta trao trả Mỹ tất
cả 27 người Mỹ bị kẹt lại ở Nam VN sau ngày 30/4/1975
27.8 Thông điệp của
ta gửi Mỹ: xác định người gặp (tham tán Trần Hoàn) và nơi gặp (luân phiên giữa
hai sứ quán tại Pa –ri)
tháng 11 Tổng tuyển cử Mỹ: Jimmy Carter (Dân chủ) trúng cử
tổng thống.
tháng 12 Đại hội VI với luận điểm “3 giòng thác cách mạng trong
thế tiến công”.
1977
06.1 Mỹ thông qua
Liên Xô đưa ra kế hoạch 3 bước bình thường hoá quan hệ với VN: VN cho biết tin
về MIA ở Mỹ; chấp nhận VN vào LHQ và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao cũng như bắt
đầu buôn bán, cung cấp thiết bị và các hình thức hợp tác kinh tế khác.
11.1 Ngoại trưởng C.
Vance:Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ–VN là phù hợp với lợi ích của
hai nước.
03.3 Chính quyền J.
Carter quyết định nới lỏng cấm vận với VN.
09.3 Mỹ cho phép công
dân Mỹ đi thăm VN, CPC, Bắc Triều Tiên, Cuba, kể từ ngày 18.3.77
17.3 Uỷ ban của tổng
thống Mỹ do Leonard Woodcock dẫn đầu sang thăm Việt Nam
30.4 Polpot bắt đầu
chiến tranh biên giới chống ta.
03–4.5 Vòng 1 đàm phán VN–Mỹ tại Pa–ri về
bình thường hoá quan hệ hai nước: Mỹ đề nghị lập ngay quan hệ ở cấp đại sứ,
trao đổi sứ quán có quan hệ lãnh sự; Mỹ không cản VN vào LHQ; Mỹ có khó khăn về
mặt pháp luật nên không thực hiện Điều 21 được mà hứa sẽ thực hiện khi có quan
hệ, bỏ cấm vận buôn bán và xét viện trợ nhân đạo.
02–3.6 Vòng 2 đàm phán VN–Mỹ tại Pa –ri, Mỹ
nêu lại các đề nghị đã nói ở vòng 1.1920.12 Vòng 3 đàm phán VN–Mỹ tại Pa–ri, Mỹ
đề nghị nếu hai bên chưa lập quan hệ ngoại giao đầy đủ thì có lập Phòng quyền lợi
(Interest Section), nhưng như thế thì chưa bỏ cấm vận được. Song ta vẫn giữ lập
trường “cả gói” 3 vấn đề: quan hệ ngoại giao, bồi thường, MIA.
tháng 12 Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đỉnh cao của quá
trình LX bành trướng ra thế giới bên ngoài.
31.12 Chính quyền Polpot đơn
phương cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
1978
08.1 Z. Brezinski: Điều
lý thú là đây là trường hợp đầu tiên của một cuộc chiến tranh qua tay người
khác (proxy war) giữa Liên Xô và Trung Quốc. Việt Nam được Liên Xô ủng hộ và
CPC được Trung Quốc ủng hộ.
05.5 Phó tổng thống Mỹ W.
Mondale phát biểu khi đi thăm 5 nước ASEAN: Mỹ sẽ đẩy mạnh việc bình thường hoá
quan hệ với TQ vì nó giữ thế ổn định khu vực. Chính sách của TQ ở Đông Nam Á về
một số mặt là song hành với Mỹ. Mỹ đã đưa ra đề nghị hợp lý với Việt Nam và vẫn
giữ lập trường thiết lập quan hệ mà không có điều kiện tiên quyết. Họ vẫn giữ lập
trường là Mỹ trước hết phải cam kết viện trợ. Nhân dân, Quốc hội và chính quyền
Mỹ không cho phép làm điều đó.
11.5 R. Oakley, trợ
lý ngoại trưởng Mỹ: Việt Nam, với 59 triệu dân, là quốc gia cộng sản lớn thứ 3
trên thế giới và mạnh nhất về quân sự ở Đông Nam Á. Thái độ Việt Nam với các nước
khác là quan trọng trong các thập niên tới. Quan hệ ngoại giao và sự có mặt của
Mỹ ở Hà Nội có thể phục vụ lợi ích bạn bè Mỹ ở Châu Á cũng như lợi ích của Mỹ
và Việt Nam.
19.5 Đặng Tiểu Bình
tuyên bố: “Trung Quốc là NATO phương Đông”, “Việt Nam là Cuba phương Đông”.
29.6 Việt Nam
tham gia khối COMECON.
05.7 Thứ trưởng ngoại
giao Phan Hiền nói tại Tokyo: Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ
không có điều kiện tiên quyết.
20.5 Brezinski cố
vấn an ninh của tổng thống Mỹ, đi thăm Trung Quốc.
27.7 Nghị quyết
T.Ư. 09 (khoá IV): “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”; Mỹ là kẻ
thù cơ bản và lâu dài; quyết tâm đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot.
21.8 Đoàn
7 hạ nghị sĩ Mỹ do G. V. Montgomery sang Việt Nam về vấn đề MIA.
22–27.9 Vòng 4 đàm phán VN–Mỹ (Nguyễn Cơ Thạch–R.Holbrooke)
tại New York. Ta chấp nhận đề nghị của Mỹ đưa ra tháng 5/1977, tức là bình thường
hoá quan hệ không điều kiện. Việc ta chuyển đổi lập trường quá muộn màn không
đem lại kết quả. Holbrooke nói: Mỹ coi trọng Châu Á; lo sợ việc Liên Xô đặt căn
cứ ở Cam Ranh.
03.11 Việt Nam và Liên Xô ký hiệp
ước hữu nghị và hợp tác.
30.11 R. Oakley gặp Trần Quang Cơ
tại Nữu ước nói: Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hoá quan
hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ 3 vấn đề CPC, hiệp ước Việt–Xô
và vấn đề di tản người Việt Nam.
15.12 Trung Quốc và Mỹ ra
thông cáo chung chính thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao từ
ngày 1.1.1979.
16.12 M. Mansfield, đại sứ Mỹ ở
Nhật: chỉ sau khi những khó khăn giữa TQ và VN được giải quyết mới có lý do
chính đáng để hy vọng giải quyết quan hệ ngoại giao Mỹ–VN.
1979
07.1 Ta giúp bạn đánh
đuổi Polpot và giải phóng Nông Pênh.
11.1 Thành lập nước
CHND CPC.
29.1–4.2
Đặng
Tiểu Bình đi thăm chính thức Mỹ. Hội đàm J. Carter–Đặng.
16.2 Carter nêu 6
nguyên tắc xử sự khi TQ xâm lược VN: không can thiệp trực tiếp; khuyến khích
các bên kiềm chế; VN rút quân khỏi CPC và TQ rút quân khỏi VN; xung đột không
đe dọa lợi ích trước mắt của Mỹ; không vì VN xâm lược CPC mà đặt lại vấn đề
bình thường hoá quan hệ với TQ; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe dọa.
17.2 Trung Quốc tấn
công VN trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. “Dạy cho Việt Nam một bài học”
(lời Đặng Tiểu Bình).
17.2 Bộ Ngoại giao Mỹ
ra tuyên bố phản đối cả 2 cuộc xâm lược (VN vào CPC, TQ vào VN) và kêu gọi hai
bên rút quân ngay.
18.2 Chính phủ Liên
Xô ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
18.2 Ký hiệp ước Hòa
bình, Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam–CPC tại Nông Pênh.
cuối tháng 12 Đặng
nói với các nhà báo ở Bắc Kinh: “Chúng tôi có thể dung thứ việc LX có ở VN 70% ảnh
hưởng, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc”.
05.3 Trung Quốc tuyên
bố rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.
tháng 3 TQ tuyên bố huỷ Hiệp ước Hữu nghị, đồng
minh tương trợ Trung–Xô ký 15.2.1950 giữa Chu Ân Lai[93] và
Kroutchev dịp Mao thăm LX.
tháng 4 Đàm phán vòng 1 VN–TQ tại Hà Nội.
tháng 4 Z. Breinev làm tổng bí thư. Đại hội ĐCS LX
thứ 26[94].
07.10 Sihanouk gửi 2 thư và 1 điện
(ngày 7, 23/10 và11/11).
tháng 10 Bộ NG phát hành cuốn “Sự thật về quan hệ VN–TQ trong 30
năm qua”.
01.12 LHQ quyết định vấn đề
Khơ–me đỏ giữ ghế của CPC tại Liên Hiệp Quốc.
1980
05.1 Hội nghị ngoại
trưởng 3 nước VN–Lào–CPC lần thứ 1 tại Nông Pênh.
Đàm phán vòng 2 VN–TQ tại Bắc Kinh. Không kết quả, TQ cắt cầu đàm phán.
Từ đó đến cuối năm 1988, ta nhiều lần gửi công hàm hoặc thư đề nghị nối lại đàm
phán, song TQ đều bác bỏ.
29.7 Đại sứ Mỹ ở Thái
Abramowitz[95]:
Mỹ không bao giờ công nhận chế độ Polpot; tuy nhiên gạt Polpot ra khỏi LHQ chỉ
càng làm tăng vị thế của VN. Quan điểm của Mỹ và TQ về CPC có khác nhau. Mỹ
nhìn vấn đề về mặt chiến lược, đặc biệt lo ngại biên giới CPC–Thái.
1981
19.1 Tổng thống mới
R. Reagan: Quan hệ Mỹ–Trung dưới thời Carter là không có lợi, Mỹ phải trả giá.
19.2 Đại sứ Mỹ ở Thái
Abramowitz, trao ta bản ghi nhớ: Đáng tiếc Việt Nam, Liên Xô đã phá vỡ ổn định;
ngạc nhiên việc VN cho LX sử dụng cảng Cam Ranh; không hài lòng việc giải quyết
vấn đề MIA trong 2 năm rưỡi qua.
18.5 Nghị quyết 39
BCT đấu tranh chống chủ nghĩa Mao trên mọi hình thái của nó; chống chủ nghĩa
bành trướng bá quyền nước lớn; liên minh và hợp tác toàn diện với Liên Xô
13.7 Hội nghị quốc tế
về CPC ở Nữu ước, Ngoại trưởng Mỹ A. Haig nói Mỹ không có ý định bình thường hoá
quan hệ với VN còn đang chiếm đóng CPC làm mất ổn định ĐNÁ.
1982
14.1 Sứ quán Mỹ ở
Bangkok gửi message cho ta qua Lê Văn Hoá: Mỹ muốn một giải pháp chính trị về
CPC. Mỹ không nhấn việc đòi VN rút quân ngay, rút hết mà chỉ đàm phán rút một
phần và có 1 lịch rút quân. Một nước Việt Nam độc lập với Liên Xô và Trung Quốc
là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Muốn biết ý kiến VN về lực lượng giữ gìn hoà
bình của LHQ.
1617.2 Hội nghị 3 ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần
thứ 5 tại Vientiane.
24.3 Brejnev tuyên bố
ở Tachkent[96]:
Liên Xô chưa hề phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại ở Trung Quốc.
Mong muốn cải thiện quan hệ với TQ.
06–07.7 Hội nghị 3 ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần thứ 6 tại
TP.HCM tuyên bố: VN và CPC thoả thuận đi bước trước, quyết định sẽ rút một số
quân VN khỏi CPC trong tháng 7/82 và có thể xem xét rút thêm căn cứ vào tình
hình biên giới CPC–Thái và sự đáp ứng của Thái Lan.
02.10 Đàm phán Xô–Trung lần thứ
nhất. TQ đưa ra 5 điểm về CPC và quan hệ TQ–VN: VN tuyên bố rút quân vô điều kiện
khỏi CPC; nếu VN quyết định rút hết quân khỏi CPC thì sau đợt rút quân đầu TQ sẵn
sàng đàm phán với VN về bình thường hoá quan hệ.
??.10 R. Childress, cố vấn
chính trị quân sự HĐBAQG Mỹ nói với Nguyễn Cơ Thạch: đề nghị đoàn chuyên viên cấp
cao nhất vào VN để thảo luận vấn đề MIA. Mỹ không muốn VN rút quân CPC để
Polpot quay trở lại.
10.11 Brejnev chết. TQ cử ngoại
trưởng Hoàng Hoa sang viếng. Khi đi Đặng dặn phải khéo léo nói quan hệ hai nước
xấu đi từ sau năm 50 để chỉ Kroutchev, từ sau năm 60 xấu đến mức nghiêm trọng để
chỉ Brejnev; tránh nói tên.
1983
23.2 Hội nghị cấp cao
VN–Lào–CPC họp ở Viên–chăn[97].
Tuyên bố của VN và CPC: hàng năm sẽ rút một số quân VN khỏi CPC; tất cả quân
tình nguyện VN sẽ rút hết về nước khi mối đe dọa đối với CHND CPC chấm dứt.
01.3 Đàm phán
Xô–Trung lần thứ 2, TQ nêu việc VN chiếm đóng CPC là 1 trong 3 trở ngại cho
bình thường hoá quan hệ Trung–Xô.
01.3 Bộ NG TQ: VN rút
đơn vị đầu tiên khỏi CPC, TQ sẽ nối lại đàm phán.
12.4 Hội nghị bất thường
3 ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần thứ 7 tại Nông Pênh tuyên bố rút quân VN lần thứ
2 vào tháng 5/83. Rút 1 binh đoàn.
02.5 Lễ tiễn quân
tình nguyện VN rút đợt 2.
19–20.7 Hội nghị ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần thứ 7 tại
Nông Pênh khẳng định: quân tình nguyện VN sẽ được rút hết khỏi CPC khi TQ chấm
dứt đe dọa.
1984
28–29.4 Hội nghị ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần thứ 8 tại
Vientiane.
tháng 4 Chiến dịch mùa khô đánh vào các Khơ–me đỏ
trên đường biên giới CPC–Thái.
20–23.6 Đợt rút quân thứ 3 của quân tình nguyện VN khỏi
CPC.
1985
LX: Gorbachev lên, bắt đầu điều chỉnh chính sách đối nội, ngoại.
Nhiều lần nói mong muốn cải thiện quan hệ Xô–Trung, song không đá động đến “3
trở ngại”. Đặc biệt là việc rút quân VN khỏi CPC.
08.1 Nguyễn Cơ Thạch
thư cho Ngô Học Khiêm đề nghị nối lại đàm phán.
28–29.1 Hội nghị ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần
thứ 10 tại TP.HCM tuyên bố: quân đội VN sẽ tiếp tục rút dần hàng năm và sẽ rút
hết khỏi CPC vào năm 1990.
21.1 Ngô Học Khiêm
thư trả lời: sau khi VN công khai cam kết và thực hiện rút quân khỏi CPC thì
đàm phán mới có ý nghĩa thực tế.
23.1 Ngoại trưởng TQ
Ngô Học Khiêm đi các nước Đông Nam Á. Khi đến Singapore, nói: Trung Quốc sẽ “dạy
cho Việt Nam bài học thứ hai”.
02.4 Đợt rút quân thứ
4 của VN khỏi CPC.
1986
23–24.1 Hội nghị ngoại trưởng VN–Lào–CPC lần thứ 12 tại
Nông Pênh.
07–10.4 Đàm phán Xô–Trung vòng 8 tại Mat–xcơ–va[98].
TQ vẫn nêu “ba trở ngại”. LX đề nghị gặp cấp cao (Gorbachev–Đặng), TQ từ chối.
28.5 Đợt rút quân
tình nguyện VN thứ 5 khỏi CPC.
08.7 Nghị quyết 32
BCT: chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình với
Trung Quốc, ASEAN, Mỹ; giải quyết hoà bình vấn đề CPC.
28.7 Diễn văn của
Gorbachev ở Vladivodstock nêu những nét lớn của chính sách đối ngoại mới của
Liên Xô đối với Châu Á–Thái Bình Dương: xích dần lại với TQ, giải quyết “3 trở
ngại” để bình thường hoá quan hệ với TQ (rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt
xung đột biên giới Xô–Trung, giải quyết vấn đề CPC). Với Mỹ, LX có thể có “cử
chỉ đáp ứng” (responsive gesture) về vịnh Cam Ranh nếu Mỹ rút các căn cứ quân sự
ở Phi–li–pin.
05–15.10
Vòng 9 đàm phán Xô–Trung tại Bắc Kinh, 70% thời gian bàn vấn đề CPC.
19.10 Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi
Afghanistan.
12.1986 Đại hội VI. Nguyễn Văn Linh được bầu làm tổng bí
thư. Đỗ Mười làm thủ tướng. Sửa Lời nói đầu của Điều lệ Đảng, xóa chỗ nói về TQ
là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”.
1987
07.2 Vòng 10 đàm phán
Xô–Trung tại Mạc–tư–khoa. Trung Quốc lại nêu “3 trở ngại” cho việc bình thường
hoá quan hệ Trung–Xô, trở ngại lớn nhất là việc “Việt Nam xâm lược Campuchia”.
đầu tháng 3
Ngoại
trưởng LX Schevarnadzé đến Nông Pênh thúc đẩy giải quyết vấn đề CPC
26.3 Bộ Ngoại giao
thành lập CP87 chuyên trách nghiên cứu giải pháp CPC và vấn đề bình thường hoá
quan hệ với Trung Quốc.
19 20.4 Lê Đức Thọ gặp Hun–xen, Heng Somrin và Chia
Xim ở Nông Pênh, khuyên CPC thoả hiệp với diệt chủng Polpot, thực hiện “giải
pháp đỏ”.
08.5 Họp BCT về vấn đề
CPC (sau khi LĐ Thọ đi Nông Pênh, trước khi đi TBT Linh đi LX).
20.5 Bộ Ngoại giao kiến
nghị BCT sửa Lời nói đầu của Hiến pháp chỗ nói Trung Quốc (đến 27.8.1988 mới thực
hiện).
10.6 Phó tổng thư ký
LHQ Ahmed chuyển tới ta 4 điểm của Đặng Tiểu Bình.
17.6 Hun–xen (đi thăm
Lào) nói với Phun: muốn liên hiệp với phái Polpot không có Polpot hơn là với
Sihanouk với lý lẽ là bọn Polpot có lực lượng nhưng không có thế chính trị, còn
Sihanouk ngược lại không có lực lượng nhưng có thế chính trị.
26.6 Nguyễn Cơ Thạch
gặp đại sứ Trung Quốc chuyển thông điệp miệng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi
lãnh đạo TQ đề nghị mở đàm phán bí mật hai nước.
29.7 Thông cáo chung
VN–Inđônêxia sau cuộc gặp Nguyễn Cơ Thạch–Mochtar tại Thành phố HCM. Thỏa thuận
dùng hình thức “coctail party” để các bên liên quan gặp nhau bàn giải pháp CPC.
22.8 Thư của Ngô Học
Khiêm gửi Nguyễn Cơ Thạch nói TQ chưa thể trả lời thông điệp của ta vì TQ không
muốn chấp nhận việc đã rồi ở CPC.
27.8 Chính phủ
CHND CPC công bố chính sách 5 điểm về hoà hợp dân tộc.
02.10 Thông điệp miệng của ta nhờ
Liên Xô chuyển cho TQ nhân cuộc gặp vòng 11 LX–TQ tại Mạc–tư– khoa ngày 6.10.
06.10 Đàm phán vòng 11 Xô–Trung tại
Bắc Kinh. Đưa công khai việc bàn vấn đề CPC vào thông cáo báo chí.
29.11 Đợt rút quân thứ 6 của quân
tình nguyện VN khỏi CPC.
02.12 Hội đàm Hun–xen–Sihanouk lần
thứ 1 tại Fère–en–Tardenois (Pháp). Thông cáo chung thỏa thuận: giải quyết xung
đột CPC bằng biện pháp chính trị: vấn đề CPC do nhân dân CPC giải quyết; triệu
tập Hội nghị quốc tế để bảo đảm thỏa thuận giữa các bên CPC. Gặp lại vòng 2 ở
Pa –ri và vòng 3 ở Bình Nhưỡng.
??.? TQ đề
nghị LX cùng TQ dàn xếp một cuộc gặp giữa CHND CPC và Khơ–me đỏ. TQ không đáp ứng.
30.12 BCT quyết định đổi mới quan
hệ giữa ta với Lào và CPC, rút chuyên gia, cố vấn ta ở Lào và CPC, giải tán
đoàn chuyên gia VN ở CPC.
1988
20–22.1 Vòng 2 Hun–xen–Sihanouk tại Pa–ri. Không có thông
cáo chung. Hai bên nhất trí: chế độ chính trị ở CPC do nhân dân CPC quyết định
qua tổng tuyển cử có giám sát quốc tế; triệu tập hội nghị quốc tế về CPC theo
kiểu Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương.
2029.1 Cuba, Angola và trợ lý ngoại trưởng Mỹ
họp ở Luanda thoả thuận việc rút toàn bộ quân Cuba khỏi Angola.
01.2 Thư Sihanouk gửi
thủ tướng Phạm Văn Đồng: Mối quan tâm luôn luôn giành cho việc khôi phục quan hệ
hữu nghị hai nước làng giềng anh em chúng ta. Như vậy thì giải pháp này sẽ tới
gần.
08.2 Gorbachev tuyên
bố quân đội Liên Xô sẽ rút khỏi Afghanistan trong 10 tháng kể từ ngày 15.5.1988.
14–16.3 Đụng độ giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung
Quốc ở Trường Sa.
20.5 Nghị quyết
13 BCT: giải quyết vấn đề CPC trước 1990, phấn đấu bình thường hoá với Trung Quốc.
26.5 Bộ NG VN tuyên bố
rút quân đợt 7 gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện; số quân còn lại
sẽ rút sâu vào 30 km trong lãnh thổ CPC dọc biên giới CPC–Thái Lan.
cuối tháng 5 Họp cấp cao Xô–Mỹ Gorbachev–Reagan tại Matx–cơ–va,
có bàn vấn đề CPC
13–20.6 Đàm phán Xô–Trung tại Matx–cơ–va. Hai bên bàn tỉ
mỉ vấn đề CPC. LX rút ra 5 điểm đồng với TQ về vấn đề CPC.
28.6 Quốc hội ra nghị
quyết sửa Lời nói đầu của Hiến pháp (bỏ câu “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và
nguy hiểm nhất”). Chính thức thông qua ngày 27.8.1988.
15.7 Nguyễn Cơ Thạch
gặp đại sứ TQ nêu một loạt biện pháp làm giảm căng thẳng quan hệ hai nước, đề
nghị hai bên nối lại đàm phán ở bất cứ cấp nào.
25–28.7 Họp JIM–1 (Jakarta Informal Meeting) tại Bô–go[99] (Inđônêxia).
Cuộc họp tiến hành làm 2 bước: bước đầu chỉ có 4 phái CPC; bước sau có thêm VN,
Lào và 6 nước ASEAN. Mục đích: tạo một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận không chính
thức giữa các bên liên quan trực tiếp và các nước hữu quan trong việc tìm kiếm
một giải pháp toàn diện, đúng đắn và lâu dài cho vấn đề CPC. Cuộc họp đã khẳng
định 2 vấn đề then chốt: việc rút quân VN trong khuôn khổ một giải pháp chính
trị và việc ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng Polpot.
07.11 Vòng 3
Hun–xen–Sihanouk tại Pa–ri. Chủ yếu bàn chương trình nghị sự họp cấp cao 3 bên
(Hun–xen–Sihanouk–Son San) ngày 8/11/88.
01.12 Hoàn thành đợt rút quân VN
thứ 7 khỏi CPC gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở CPC.
1989
05.1 Tham gia đoàn đại
biểu Đảng và Chính phủ VN do TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đi Nông Pênh dự lễ kỷ
niệm 10 năm Quốc khánh CHND Campuchia.
06.1 Tuyên bố của
Nguyễn Văn Linh và của Heng Somrin là sẽ rút hết quân VN khỏi CPC trong khuôn
khổ một giải pháp chính trị vào tháng 9/1989.
09.1 Cuba bắt đầu rút
quân khỏi Angola theo Hiệp định 12.8.1988 giữa Cuba, Angola và Nam Phi.
09.1 Ngoại trưởng
Thái Siddi Savetsila đến Hà Nội.
16–19.1 Đàm phán VN–TQ cấp thứ trưởng ở Bắc Kinh về vấn đề
CPC và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
01.2 Ngoại trưởng
Schevarnadzé đến Bắc Kinh hội đàm với Tiền Kỳ Tham về vấn đề CPC.
15.2 Liên Xô hoàn
thành việc rút quân khỏi Afghanistan.
11.2 Họp BCT bàn việc
tách và giải quyết từng bước một mặt quốc tế và mặt nội bộ của vấn đề CPC; triển
khai các diễn đàn Việt–Trung (vòng 2), JIM2, Việt–Thái, Việt–Mỹ …
16–18.2 Họp trừ bị (Working group) JIM–2 (Jakarta
Informal Meeting). Ta đưa ra 3 bước rút quân VN khỏi CPC gắn với 3 bước chấm dứt
viện trợ quân sự của nước ngoài cho các bên CPC.
19–21.2 Họp JIM–2. Khẳng định lại 2 vấn đề mấu chốt của
giải pháp cho vấn đề CPC là rút quân VN trong khuôn khổ một giải pháp chính trị
và ngăn ngừa sự quay trở lại chính sách và những hành động diệt chủng của
chế độ Polpot; chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài và sự giúp đỡ về quân sự
cho các phái đối lập Khơ–me.
14.3 Họp BCT: quyết định
rút hết quân khỏi CPC vào cuối tháng 9/1989; thúc đẩy diễn đàn
Hun–xen–Sihanouk.
22–23.3 Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thăm Singapo,
Malayxia, Thái Lan.
23.2 Trung Quốc–Inđônêxia
bình thuờng hoá quan hệ.
25.2 Mỹ–Trung Quốc:
Bush đến Bắc Kinh gặp Đặng Tiểu Bình.
13.3 Xô viết tối cao
Liên Xo thông qua nghị quyết lập chức tổng thống LX. Gorbachev được bàn giữ chức
vụ này.
15.3 Tiếp và làm việc
với Phó tổng thư ký LHQ Ahmed tại Hà Nội về vấn đề CPC.
05.4 Ba chính phủ VN,
CPC, Lào ra tuyên bố: sẽ rút hết quân VN khỏi CPC tháng 9
30.4–01.5
Quốc hội CPC họp phiên bất thường: sửa Hiến pháp, đổi tên nước CHND CPC thành
Nhà Nước CPC (State of Campuchia–SOC), thay quốc kỳ.
02–03.5 Vòng 4 Hun–xen–Sihanouk tại Jakarta, Sihanouk
hoan ngênh việc đổi tên nước CHND CPC thành Nhà Nước CPC (SOC–State of
Campuchia), đổi quốc kỳ và nhiều sửa đổi quan trọng trong Hiến pháp CPC; nói có
thể chấp nhận trở về nước (nhưng khi về Băng–cốc Sihanouk lại thay đổi ý kiến.
Từ đó quan hệ Hun–xen–Sihanouk rất xấu).
08–10.5 VN–TQ đàm phán cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh. TQ vẫn
đòi ta thỏa thuận về nguyên tắc việc lập chính phủ liên hiệp 4 bên CPC do
Sihanouk đứng đầu; đông kết và giảm hoặc giải thể lực lượng quân sự của các bên
CPC. Về quan hệ hai nước, lập trường Trung Quốc vẫn là giải quyết xong vấn đề
CPC thì mới cải thiện được quan hệ với VN; tạm thời chưa tính đến tiếp tục đàm
phán với ta.
15–16.5 Hội đàm cấp cao Trung–Xô (Gorbachev–Đặng Tiểu
Bình) ở Bắc Kinh.
03–04.6 Sự kiện Thiên An Môn.
04.6 Ba Lan: Công
đoàn Đoàn kết thắng tuyệt đối tổng tuyển cử.
24.7 Vòng 5
Hun–xen–Sihanouk ở Pa–ri. Không đạt thỏa thuận nào. Sihanouk bác thỏa thuận của
JIM–1 và 2, đòi xoá SOC lập Chính phủ 4 bên CPC.
30.7–30.8
Hội nghị quốc tế về CPC tại Pa–ri: việc rút quân VN không còn là vấn đề lớn ở hội
nghị mà vấn đề lớn nổi lên là vấn đề diệt chủng. Hội nghị không đạt được một giải
pháp chính trị, bế tắc ở vấn đề chia quyền giữa các bên CPC trong thời kỳ quá độ,
song đã thông qua được tuyên bố chung ghi nhận Hội nghị là một bước tiến có ý
nghĩa và sẽ họp lại.
07.8 Gặp thứ trưởng
Lưu Thuật Khanh (phó trưởng đoàn TQ) ở Pa–ri.
07.8 Hung: đảng
CHXHCN đổi tên; Hung gia nhập EC.
05.9 TBT Nguyễn Văn
Linh gặp Heng Somrin ở Hà Nội chuyển lời Liên Xô khuyên Nông Pênh nên nhận
chính phủ 4 bên gồm cả Khơ–me đỏ, do Sihanouk làm chủ tịch.
21–26.9 Đợt rút quân VN cuối cùng khỏi CPC.
30.9 Họp BCT nhận
định về kết quả Hội nghị Pa–ri về CPC.
07.10 Kayson Phonivihan thăm
chính thức Trung Quốc đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ Lào–Trung Quốc. Đặng
nói với Kayson: nếu VN rút quân triệt để khỏi CPC thì sẽ bình thường hoá
quan hệ với VN.
06.11 Thông điệp miệng của Nguyễn
Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình: mong sớm bình thường hoá quan hệ với TQ;
mong sớm có dịp gặp lại Đặng.
09.11 Đông Đức: Bức tường Berlin
sụp đổ. Kết thúc chiến tranh lạnh.
20.11 Tiệp: Biểu tình lớn ở Praha.
Husak từ chức. Lập chính phủ mới, trong đó Đảng Cộng sản Tiệp chỉ còn là thiểu
số.
24.11 P5 (5 nước thường trực Hội
Đồng Bảo An) chấp nhận phương án giải quyết vấn đề CPC của Oxtralia trong đó đề
cao vai trò của LHQ ở CPC trong thời kỳ quá độ.
28.11 TBT Nguyễn Văn Linh gửi Đặng
và khẳng định lại “phía VN sẵn sàng gặp phía TQ ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng
ngoại giao tại Bắc Kinh hoặc Hà Nội trong tháng 12/1989 để bàn các bước bình
thường hoá quan hệ hai nước”.
2.12 TBT ĐCS Mã–lai
Trần Bình ký thỏa thuận với chính quyền Malaysai và Thái Lan giải tán ĐCS, và
rút về sống ở Hadyai (Nam Thái Lan).
10.12 Bungari biểu tình lớn ở
Sofia.
12.12 Đại sứ TQ thông báo trả lời
của TQ cho thông điệp ngày 6.11 của Nguyễn Văn Linh: đặt điều kiện cho việc mở
lại đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao với ta (VN phải chấp nhận sự giám sát của
LHQ về việc rút quân khỏi CPC; phải chấp nhận việc lập chính phủ liên hiệp 4
bên CPC do Sihanouk làm chủ tịch).
1990
09.2 Đại sứ Mỹ ở Thái
Lan Donohue chuyển thông điệp của Mỹ: gợi ý của Việt Nam về một cuộc gặp gỡ giữa
bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch hoặc thứ trưởng Trần Quang Cơ với trợ lý ngoại trưởng
Solomon là quá sớm. Hai bên cần làm rõ các vấn đề cần thảo luận và các khả năng
lựa chọn, sau đó Solomon sẵn sàng gặp phía VN. Mỹ hiện vẫn sẵn sàng tiếp tục
trao đổi qua hai đại sứ quán ở Bangkok.
10.2 Hội nghị thứ trưởng
ngoại giao 3 nước VN–Lào–CPC tại Nông Pênh trao đổi về tình hình khu vực và chuẩn
bị họp IMC.
21.2 Vòng 6
Hun–xen–Sihanouk tại Bangkok. Thoả thuận về nguyên tắc: sự có mặt của LHQ ở mức
độ thích hợp tại CPC là cần thiết, cần thành lập một cơ chế quốc gia tối cao để
thể hiện chủ quyền quốc gia và thống nhất dân tộc của CPC.
25.2 Mặt trận Sandino
thất cử trong tổng tuyển cử ở Nicaragua.
26–28.2 Họp IMC (Hội nghị không chính thức về CPC) ở
Jakarta. Ngoài các bên CPC, VN, Lào và 6 nước ASEAN như họp JIM, còn có thêm đại
diện tổng thư lý LHQ, Pháp và Ox–tra–lia. Hội nghị không ra được tuyên bố chung
vì Khơ–me đỏ dùng quyền phủ quyết.
08.3 Lê Đức Thọ gặp
Đinh Nho Liêm và Trần Quang Cơ (và Nguyễn Cơ Thạch ngày 10.3) đưa ý kiến: cần
có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề CPC; phải giải quyết vấn đề
CPC với Trung Quốc, không thể gạt Khơ–me đỏ; không thể chấp nhận LHQ tổ chức tổng
tuyển cử ở CPC, lập chính phủ 2 bên 4 phái CPC để tổ chức tổng tuyển cử …
10.4 Họp BCT bàn đề
an đấu tranh ngoại giao về vấn đề CPC trong tình hình thế giới có biến đổi Đ/c
TBT, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên nhấn mạnh cần liên kết với TQ bảo
vệ chủ nghĩa xã hội vì lợi ích chung của cả hai bên.
16.4 Nguyễn Cơ Thạch
đi Nông Pênh để thuyết phục Nhà Nước CPC mềm dẻo trong vấn đề diệt chủng, chấp
nhận Khơ–me đỏ tham gia chính quyền liên hiệp thời kỳ quá độ …
30.4 TBT Nguyễn Văn
Linh nói tại TP. HCM nhân dịp kỷ niệm 15 năm giải phóng Saigon:
- nên quên cuộc chiến tranh đi mặc dù đã
có biến cố trong quá khứ;
- VN cảm thấy có tình hữu nghị với nhân
dân Mỹ;
- tôi muốn thấy bình thường hoá quan hệ
VN– TQ tuy đó là một tiến trình lâu dài …
03–08.5 Vòng 3 đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao VN–TQ tại
Bắc Kinh…
Trung Quốc nói rõ ý họ về vấn đề nội bộ trong giải pháp CPC và đòi ta tán
thành: Hội đồng Dân tộc Tối cao nên là một cơ cấu có tính chất chính quyền
lâm thời, có chức năng lập pháp và hành chính; quân đội các bên CPC nếu chưa giải
pháp thì tập kết vào một số điểm nhất định và giảm quân.
20–21.5 Họp 3 tổng bí thư VN, Lào, CPC tại Hà Nội nhân dịp
100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Quyết định cần thực hiện “giải pháp đỏ” để giải
quyết vấn đề CPC.
04–05.6 Hun–xen và Sihanouk đại diện cho 2 chính phủ CPC
họp tại Tokyo. Ký Tuyên bố chung thỏa thuận lập Hội đồng Dân tộc Tối cao với số
thành viên của hai bên bằng nhau (6+6) tượng trưng cho chủ quyền quốc gia và thống
nhất dân tộc của CPC.
05.6 Lần đầu TBT Nguyễn
Văn Linh tiếp đại sứ TQ Trương Đức Duy.
06.6 Bộ trưởng Quốc
phòng Lê Đức Anh tiếp và mời cơm thân mật đại sứ Trung Quốc.
11–13.6 Vòng 4 đàm phán VN–TQ (Trần Quang Cơ–Từ Đôn Tín).
Ta không chấp nhận việc can thiệp vào vấn đề nội bộ CPC như TQ đề nghị. Đàm
phán không đạt kết quả.
13.6 Ngoại trưởng
Nguyễn Cơ Thạch tiếp Từ Đôn Tín. Giọng điệu cao ngạo của Từ bị Nguyễn Cơ Thạch
phê phán mạnh.
19.6 BCT họp đánh giá
cuộc đàm phán vòng 4 với TQ (vắng mặt TBT Nguyễn Văn Linh).
25.6 Đại sứ Trương Đức
Duy gặp thứ trưởng Trần Quang Cơ chuyển thông điệp của lãnh đạo TQ (có sửa lại)
gửi lãnh đạo VN.
16–17.7 Họp P5 (5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ) về
vấn đề CPC tại Pa –ri.
18.7 Ngoại trưởng Mỹ
Baker tuyên bố chính sách mới của Mỹ về vấn đề CPC: Mỹ thừa nhận VN đã
rút quân khỏi CPC; chính quyền Nông Pênh hiện là lực lượng chủ yếu có khả
năng ngăn chặn Khơ–me đỏ trở lại cầm quyền, vì vậy Mỹ quyết định rút bỏ việc
công nhận Chính phủ Liên hiệp CPC–Dân chủ tại LHQ; sẵn sàng thảo luận với VN và
Nhà Nước CPC để thúc đẩy giải pháp cho vấn đề CPC.
06.8 Đối thoại VN–Mỹ
vòng 1 (Trịnh Xuân Lăng–Keneth Quinn) tại Nữu–ước về vấn đề CPC và bình thường
hoá quan hệ Việt–Mỹ. Mỹ yêu cầu ta: cam kết chấp nhận và thúc đẩy CPC chấp nhận
văn kiện khung P5; tuyên bố hoan nghênh LHQ kiểm chứng rút nhân viên quân
sự còn lại ở CPC; cho biết ý kiến về SNC và vai trò của LHQ ở CPC.
12.8 Thủ tướng Lý Bằng
tuyên bố khi đến thăm Singapo: hy vọng sẽ bình thường hoá quan hệ với VN và hai
bên sẽ thảo luận các vấn đề khác như tranh chấp Trường Sa …
13.8 Thứ trưởng Trần
Quang Cơ tiếp đại sứ TQ biểu thị hoan nghênh tuyên bố của Lý Bằng tại Singapo,
nhắc lại mong muốn sớm gặp cấp cao hai bên.
27–28.8 Họp P5 (lần thứ 6) về CPC đi đến thỏa thuận: những
dàn xếp về quân sự trong thời kỳ quá độ ở CPC; tuyển cử dưới sự bảo trợ của
LHQ; bảo vệ nhân quyền; vấn đề bảo đảm quốc tế. Hoàn thành toàn bộ 5 văn kiện
khung về giải pháp CPC.
29.8 Đại sứ TQ gặp
Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười chuyển lời của Giang Trạch Dân và Lý Bằng mời TBT
Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười, cố vấn Phạm Văn Đồng sang hội đàm bí mật với
lãnh đạo TQ tại Thành Đô vào ngày 3.9.90.
30.8 Họp BCT bàn về gặp
cấp cao TQ ở Thành Đô.
31.8 Đối thoại VN–Mỹ
lần thứ 2 tại Nữu–ước. Mỹ đề nghị VN và Nông Pênh chấp nhận khung giải pháp CPC
của P5, và đề nghị Nhà Nước CPC (SOC) đi họp ở Gia–các–ta để lập HĐDTTC trên cơ
sở thoả thuận của P5. Mỹ coi đây là điều kiện để Mỹ bình thường hoá quan hệ với
VN và để Mỹ gặp Hun–xen.
01.9 VN–TQ họp cấp
ngoại trưởng tại Cáp–nhĩ–tân bàn về vấn đề CPC.
03–04.9 Cuộc gặp cấp cao VN–TQ tại Thành Đô (thủ phủ tỉnh
Tứ Xuyên). Nguyễn Văn Linh nhận công thức lập HĐDTTC của TQ (6+2+2+2+1 và Sihanouk
làm chủ tịch).
05.9 Nguyễn Văn Linh
đi Nông Pênh thông báo lãnh đạo CPC về cuộc gặp Thành Đô, thuyết phục Nông Pênh
nhận công thức lập HĐDTTC của TQ, CPC phản đối.
07.9 Ngoại trưởng Mỹ
thông báo Mỹ quyết định mở đối thoại trực tiếp với Nông Pênh.
10.9 BCT cử Trần
Quang Cơ đi Gia–các–ta theo dõi cuộc họp của các bên CPC bàn về việc thành lập
HĐDTTC (SNC), dưới sự chủ trì của hai đồng chủ tịch Hội nghị quốc tế về CPC,
Pháp và Inđônêxia. Các bên CPC ra tuyên bố chung “chấp nhận toàn bộ văn kiện
khung của P5 làm cơ sở cho việc giải quyết xung đột CPC”, thành lập HĐDTTC CPC.
10.9 Phó trợ lý
bộ trưởng ngoại giao Mỹ K. Quinn thông báo ta: Mỹ quyết định nói chuyện với trưởng
đoàn ta tại ĐHĐ LHQ về bình thường hoá quan hệ hai nước.
14–18.9 Đi Bangkok để theo dõi tiếp cuộc họp của các bên
CPC giải quyết nốt vấn đề chủ tịch HĐDTTC.
17.9 Các bên CPC họp
tại Bangkok để hoàn tất việc lập HĐDTTC. Cuộc họp thất bại do không nhất trí
trong việc cử đoàn đại biểu SNC đi dự đại hội đồng LHQ và nhất là do SOC
(Hun–xen) không chấp thuận việc cử Sihanouk làm chủ tịch và thành viên thứ 13 của
Hội đồng.
20.9 Hội Đồng Bảo An
LHQ thông qua Nghị quyết 608 ghi nhận SNC đại diện cho CPC về mặt đối ngoại và
giữ ghế của CPC ở LHQ.
24.9 Phó thủ tướng Võ
Nguyên Giáp sang Trung Quốc dự lễ khai mạc Á vận hội. Thủ tướng TQ Lý Bằng tiếp,
nói về quan hệ hai nước, nhận xét Trần Quang Cơ là “nhân tố tiêu cực” trong
thúc đẩy giải pháp CPC.
29.9 Nguyễn Cơ Thạch
gặp ngoại trưởng Mỹ Baker. Mỹ nói muốn bình thường hoá quan hệ với VN trong
khung cảnh một giải pháp chính trị về CPC, đồng thời tốc độ và qui mô của bình
thường hoá quan hệ tuỳ thuộc vào tiến bộ trong vấn đề MIA và các vấn đề nhân đạo
khác.
18.11 BCT họp bàn về nguyên tắc đấu
tranh về văn kiện khung của P5 và vấn đề chức chủ tịch SNC của CPC.
26.11 5 nước thường trực HĐBA
(P5) và Inđônêxia họp tại Pa–ri thoả thuận dự thảo Hiệp định Pa–ri về
Campuchia.
21.12 Họp SNC tại Pa–ri với sự
tham gia của hai đồng chủ tịch PICC và đại diện Tổng thư ký LHQ.
1991
15–16.1 Họp với bộ phận B1 Bộ ngoại giao CPC chuẩn bị cho
cuộc họp UB Phối hợp PICC. Nhận định về Trung Quốc.
16.1 Hun–xen nói với
Trần Quang Cơ: khả năng năm 1991 chưa có giải pháp chính trị. Cuộc gặp Pa–ri vừa
qua chỉ là diễn đàn dư luận, không phải thương lượng, vì vậy chúng tôi chưa nêu
việc tách mặt nội bộ và mặt quốc tế.
24–25.1 Họp BCT ở TP.HCM thảo luận “Đường lối đối
ngoại phục vụ thực hiện mục tiêu chiến lược của nước ta đến năm 2000” do BNG dự
thảo và vấn đề CPC.
02.2 Xin rút khỏi
danh sách đề cử Trung ương khoá VII. Không được chấp nhận.
24.2 Nguyễn Văn
Linh gặp Heng Somrin tại Hà Nội, lại thuyết phục Nông Pênh nhận công thức
6+2+2+2+1 để thúc đẩy chính sách hoà hợp dân tộc theo ý của TQ nêu trong cuộc gặp
Thành Đô 3.9.90.
09.4 Đối thoại lần
thứ 5 VN–Mỹ tại Nữu–ước. Trợ lý ngoại trưởng R. Solomon đưa ra “sơ đồ lộ trình”
(roadmap) 4 bước gắn quá trình giải quyết vấn đề CPC với các bước cải thiện
quan hệ Mỹ–Việt.
13.4 BCT họp nhận
định tình hình thế giới và bàn chính sách đối ngoại. Yêu cầu phối hợp tốt hơn
giữa ba ngành Ngoại giao–Quốc phòng–An ninh trong nghiên cứu các vấn đề quốc tế.
08.5 Họp lãnh đạo 3
ngành Ngoại giao–Quốc phòng–An ninh nhận định tình hình thế giới.
15–17.5 BCT thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình
hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng
tới”, tiếp tục đánh giá về cuộc gặp cấp cao với TQ tháng 9/1990 tại Thành Đô.
15–19.5 Giang Trạch Dân thăm Liên Xô. Chuyến thăm LX đầu
tiên của cấp cao nhất TQ trong 34 năm. Thông cáo chung hai bên nói nhiều đến vấn
đề CPC.
02–04.6 Họp HĐDTTC CPC (SNC) tại Gia–các–ta. Ngoài
các bên CPC, có 2 đồng chủ tịch PICC là Pháp và Inđônêxia, đại diện TTK LHQ.
Sihanouk cũng có mặt với danh nghĩa là khách mời của Suharto. Cuộc họp không đạt
kết quả gì đáng kể.
05.6
Sihanouk–Hun–xen gặp riêng thỏa thuận về chức chủ tịch và phó chủ tịch SNC, kéo
dài ngừng bắn đến khi có tổng tuyển cử, Sihanouk về Nông Pênh, kêu gọi ngừng viện
trợ quân sự của nước ngoài cho các bên CPC.
17–27.6 Đại hội VII của Đảng CS VN Đỗ Mười thay Nguyễn
Văn Linh làm tổng bí thư, Lê Đức Anh làm chủ tịch nước. Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi
Trung ương và BCT.
10.7 Trần Quang
Cơ gặp TBT Đỗ Mười xin không nhận chức bộ trưởng ngoại giao.
09.7 Đỗ Mười gặp
đại sứ TQ đặt vấn đề cử đặc phái viên sang thông báo lãnh đạo TQ về Đại hội
VII.
28.7–02.8
Lê Đức Anh và Hồng Hà sang Trung Quốc với danh nghĩa “đoàn đại diện đặc biệt của
Trung ương ĐCS VN” để thông báo lãnh đạo TQ về Đại hội VII của ĐCS VN. Cả hai
đã gặp Từ Đôn Tín xin lỗi (về vụ to tiếng với bộ trưởng N. Cơ Thạch).
tháng 8 Quốc hội khóa 8 họp kỳ 9. Thông qua
danh sách chính phủ mới. Nguyễn Mạnh Cầm nhận chức bộ trưởng ngoại giao thay
Nguyễn Cơ Thạch.
08–10.8 VN–TQ đàm phán cấp thứ trưởng vòng 5 tại Bắc
Kinh về bình thường hoá quan hệ.
09–14.9 Ngoại trưởng mới Nguyễn Mạnh Cầm thăm Trung
Quốc.
23.10 Hội nghị quốc tế về
CPC tại Pa–ri. Ký kết Hiệp định Hoà bình CPC.
05 10.11 TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính
thức Trung Quốc. Thông cáo chung về bình thường hoá quan hệ hai nước.
14.11 Sihanouk trở về Nông
Pênh sau 13 năm lưu vong.
25.12 Gorbachev từ chức: Lá cờ
búa liềm trên nóc điện Kremlin bị hạ xuống, thay bằng lá cờ 3 màu của nước Nga,
đánh dấu việc Liên bang xô–viết chấm dứt sự tồn tại.
1993
24.11–01.12 Hội nghị giữa nhiệm kỳ của BCH Trung ương khóa VII.
Tự nguyện xin rút khỏi Trung ương.
Đôi điều suy nghĩ về “HỒI KÝ TRẦN QUANG CƠ”
Người Sài Gòn
Ba mươi năm rồi cũng qua đi, qua rồi cái thời người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm
và qua rồi cái cảnh con heo chỉ ăn lục bình và rau muống để chờ ngày hóa kiếp.
Đất nước cũng đã thay đổi với ngần thời gian ấy, nhưng những vết hằn trong tâm
trí người dân khó mà đổi thay, những bàng hoàng của những năm đầu sống trong xã
hội mới chưa nguôi ngoai thì những lần đổi tiền trong nửa đầu thập niên 80 như
những vết cắt làm điêu đứng bao con người Việt… Những vết hằn kia khó mà phôi
phai, những vết cắt kia khó mà liền da bởi những bất công vẫn xảy ra hàng ngày ở
mọi nơi, bởi những định kiến mà chính quyền hiện tại dành cho những gì có liên
quan đến chế độ cũ, bởi những khối đen vô hình luôn đè lên đời sống xã hội và đời
sống chính trị của người dân.
Trong vô vàn nỗi đau 30 năm không thể không kể đến nỗi đau của
những bà mẹ mất con, nỗi đau của những người vợ mất chồng, của con mất bố, của
những chàng trai bỏ lại một phần thân thể và quãng đời tuổi trẻ ở chiến trường
K (Kampuchia). Cho đến ngày hôm nay nhiều người không hiểu ngoài lí do “Nghĩa vụ
quốc tế cao cả” mà chính quyền đưa ra thì còn lí do nào khác đã đẩy con em họ
vào cuộc chiến đó? Một cuộc chiến được cho là “Nghĩa vụ quốc tế cao cả” mà sao
có nhiều thanh niên thời đó “trốn nghĩa vụ” đến như vậy?
Không một ai được giải thích thấu đáo về lí do của cuộc chiến
nhưng hậu quả của nó thì mọi người đều thấy rõ! Những thương phế binh một chân
tuổi bốn mươi tìm không khó ở đất nước này nhất là ở miền Đông và Tây Nam bộ; Một
xã có đến hàng trăm thương binh, nhiều gia đình có 3 con là liệt sĩ… Thế có ai
đã hỏi về những hậu quả của Cuộc chiến Biên giới Tây Nam ngoài hậu quả trên,
xin thưa đó là tâm trạng hoang mang của giới trẻ vào những đợt khám nghĩa vụ
quân sự và hơn tất cả là đất nước bị quốc tế cô lập ròng rã hơn mười năm trường.
Tôi cũng như bao người khác đã không tin đó là sự thật; tin rằng
cuộc chiến trên là nghĩa vụ cao cả; tin rằng giai đoạn khó khăn đó là thời kỳ
quá độ để đất nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội mà sách giáo khoa về môn lịch sử bậc
trung học luôn nhắc đến; tin rằng “người Mỹ” không bang giao với Việt Nam là do
họ “bại trận” trong Cuộc chiến Việt Nam. Nhưng qua cuốn hồi ký của Nguyên Thứ
trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, tôi phần nào hình dung ra được nguyên nhân của
những sự việc trên…
Than ôi! Trong Cuộc chiến Biên giới Tây Nam phía sau của cái gọi
là “Nghĩa vụ Quốc tế cao cả” là một sự thật quá phũ phàng xương máu người Việt
chỉ là công cụ để bành trướng Chủ nghĩa Cộng Sản theo ý chủ quan của người Cộng
Sản. Hay xương máu người Việt đổ xuống trong cuộc nội chiến Nam Bắc vẫn chưa bảo
đảm sự an toàn cho vị thế của Đảng Cộng Sản trên đất nước này nên họ cần phải
xây dựng tiếp những thành trì bảo vệ… Vì thế chiến trường K là nơi để Đảng Cộng
Sản nướng bao sinh linh người Việt, tại sao vấn đề ý thức hệ lại được đặt cao
hơn cuộc sống cơ cực của dân tình, không lẽ đất nước được thu về một mối vẫn
chưa là mục đích sau cùng của cuộc nội chiến Nam Bắc mà Đảng Cộng Sản cho là
“Cuộc chiến đánh đuổi Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngụy quyền”, là “Công cuộc Giải
phóng Dân tộc”. Và Chiến trường K cũng là nơi Đảng Cộng Sản nhấn chìm tương lai
đất nước Việt Nam tiếp theo những việc làm sai lầm đối với người Việt, sao
không chấp nhận cuộc bầu cử đa đảng ở Kampuchia để đất nước có được nhiều mối
bang giao rộng rãi hơn, âu điều đó có lợi cho dân tộc Việt Nam hơn cả.
Suốt hơn hai mươi năm trường đời sống người dân thiếu thốn mọi bề,
cứ nghĩ rằng đất nước bị nước Mỹ cô lập nhưng nay mới thấy đất nước rơi vào
tình trạng bị quốc tế cô lập là do chính sách ngoại của Đảng và Nhà nước. Chính
sách ngoại giao không lấy lợi ích của dân tộc làm trung tâm và càng thất vọng
hơn khi thấy trong quá khứ và cho đến hiện tại Chính quyền đã bỏ lỡ quá nhiều
cơ hội bang giao với những quốc gia Phương Tây chỉ vì chính sách ngoại giao
không khôn khéo; Chẳng hạn như trong vấn đề bang giao với Hoa Kỳ cơ hội đã đến
từ nửa cuối thập niên 70, nếu ngay từ thời điểm đó chính quyền giữ đường lối
ngoại giao trung lập, quyết tâm xây dựng đất nước thì…
Đó là những ưu tư trăn trở cho quá khứ, cho những hậu quả gây ra
từ những sai lầm của Đảng Cộng Sản mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu, chúng
làm cho tim ta đau nhói mỗi thấy một đoàn người ở vùng quê miền Bắc vào lập
nghiệp ở Đồng Tháp Mười, nơi mà cuộc sống cũng khác gì cuộc sống của họ nơi cố
hương, khác chăng là họ không còn lo vỡ đê sông Hồng mà thay vào đó họ phải chống
chọi với những cơn lũ của sông Cửu Long mà hơn mười năm nay lũ miền Tây Nam bộ
trở nên hung hăng và đầy phẫn nộ… Do Trung Quốc xây quá nhiều đập nước ở thượng
nguồn sông Mê-Kông.
Không chỉ có sông Mê-Kông, biên giới phía bắc và cả vấn đề Biển
Đông. Chính quyền Trung Quốc tỏ thái độ không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam,
nhưng người dân sẽ bàng hoàng hơn khi biết được sự nhân nhượng một cách nhu nhược
và khó hiểu của Chính quyền Việt Nam. Người dân nào biết được Hiệp định Biên giới
Việt-Trung đã cướp đi Thác Bản Dốc và Ải Nam Quan đã gắn liền với lịch sử dân tộc
Việt Nam, Hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ đã khoét sâu vào hải phận của Việt
Nam. Và sẽ thật tê tái lòng khi người dân biết được ngư dân Thanh Hóa, qua báo
chí được kêu gọi giúp đỡ, bị lính tuần duyên Trung Quốc sát hại bị Bộ Ngoại
giao Trung Quốc gán cho cái tội cướp biển. Chính quyền Việt Nam đâu rồi?
Đọc qua cuốn hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” mới thấy sự nhu nhược của
chính quyền trong nước trước Trung Quốc là một sự dễ hiểu; trong quá khứ họ đã
“cúi đầu” nhận Đảng Cộng Sản Trung Quốc làm “người thầy” hướng dẫn họ xây dựng
Chủ nghĩa Xã hội trên đất nước này, hướng dẫn họ “cải tạo” người dân… Cho nên
ngày nay, vì Chủ nghĩa Xã hội vì lý tưởng Cộng Sản mà họ phải im lặng khi người
dân bị ngoại bang sát hại. Im lặng trước tội ác cũng chính là thỏa hiệp với nó;
người dân đất nước tôi phải sống với chế độ độc tài Cộng Sản cho đến bao giờ
đây? ngày nào còn sống với nó dân tộc tôi còn phải chịu hai gộng kềm: một là đảng
Cộng Sản Việt Nam, hai là đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sài Gòn, tháng 4, 2005
Nhân Đọc Quyển “Hồi Ức Và Suy Nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu
thứ trưởng ngoại giao của CHXHCN Việt Nam
Thế Hệ 1975
Tôi rất thích thú khi được đọc quyển “Hồi Ức và Suy Nghĩ” của
ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao của nước CHXHCN Việt Nam. Tuy sanh
ra thuộc thế hệ 1975 nhưng tên tuổi của ông Trần Quang Cơ thì tôi đã từng nghe
đến. Có những sự kiện được tiết lộ trong quyển sách làm cho những người theo
dõi tình hình trong nước phải chú ý. Sau đây là những suy nghĩ của tôi khi đọc
quyển sách của ông Trần Quang Cơ, quyển sách mà gần đây được phổ biến trên
internet.
Việt Nam can thiệp vào chuyện nội bộ của Campuchia
Trong thời điểm các nước đang ngoại giao để tìm giải pháp cho vấn
đề Campuchia thì ta thấy rằng các nước nhỏ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của các nước
lớn. Trong lịch sử thế giới, sự lệ thuộc của những nước nhỏ vào những nước lớn
thì lúc nào cũng có, không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều làm ta chú ý trong
quyển sách này là tình hình của Campuchia hầu như hoàn toàn do các nước khác sắp
xếp, các phe phái người Campuchia không có quyền quyết định gì trong việc giải
quyết vấn đề của đất nước họ. Việt Nam trong thời điểm được miêu tả trong quyển
hồi ức thì chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Ngược lại, những nước nhỏ như Campuchia
và Lào lại chịu sự chi phối của những nước lớn hơn như Việt Nam, Trung Quốc,
Liên Xô, v.v...
Việt Nam không những chi phối Campuchia mà còn can thiệp sâu vào
những chuyện nội bộ của Campuchia. Việt Nam mang quân sang Campuchia và sau đó
còn đóng quân trong một thời gian rất dài. Khi bị thế giới phản đối đòi phải
rút quân thì Việt Nam vẩn muốn giải quyết vấn đề nội bộ của Campuchia, không
tôn trọng chủ quyền và quyền quyết định của người Campuchia. Từ vấn đề Việt Nam
chiếm đóng Campuchia, đến quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề “diệt
chủng” của Khmer Đỏ, đến “giải pháp Đỏ”, đến “công thức 6+2+2+2+1” cho ta thấy
Việt Nam can thiệp rất sâu và thao túng vấn đề nội bộ của Campuchia.
Cũng liên quan đến vấn đề một nước can thiệp vào công việc nội bộ
của một nước khác thì những năm gần đây nhà nước Việt Nam thường phản đối rằng
những nước chỉ trích Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo,
v.v... là can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Qua vấn đề này ta thấy rằng
lý do “can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam” mà nhà nước Việt Nam thường
đưa ra để bác bỏ những chỉ trích về những vi phạm của Việt Nam về dân chủ, nhân
quyền và tự do tôn giáo là một lý do không chính đáng và không logic. Khi Việt
Nam đem quân sang Campuchia và can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ của
Campuchia thì đảng Cộng Sản Việt Nam gọi đó là “nghĩa vụ quốc tế”, còn khi các
nước thường xuyên viện trợ cho Việt Nam gợi ý đảng CSVN về những quyền vi phạm
về dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo thì đảng CSVN thường dựa vào lý do “can
thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam”. Ta có thể nói rằng đảng CSVN thường dùng
lý do không chính đáng đó để mị dân, tránh né dư luận quốc tế, và tự bào chửa
cho việc Việt Nam vi phạm những công ước quốc tế về dân chủ, nhân quyền, và tự
do tôn giáo mà Việt Nam đã ký kết.
Lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam không vì quyền lợi của tổ quốc
Tôi lấy làm thất vọng khi biết được có những nhân vật chóp bu
trong đảng CSVN có quyền quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước không đặc
quyền lợi của tổ quốc lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thật
buồn cười khi ta thấy khi phe xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng, bộ chính trị đảng
CSVN vẩn đánh giá rằng “dù bành trướng thế nào Trung Quốc vẫn là một nước xã hội
chủ nghĩa!” Và đảng CSVN cũng muốn cùng Trung Quốc “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”.
Điều này cho chúng ta thấy rằng vì muốn bang giao với Trung Quốc, bộ chính trị
đảng CSVN đã không nghĩ đến việc bảo vệ tổ quốc chống lại sự bành trướng
của Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Bộ chính trị chỉ có một số người
nhưng họ có toàn quyền đưa ra những quyết định có ảnh hưởng lớn đối với đất nước,
đối với dân tộc, và họ không xem quyền lợi của tổ quốc là gì cả. Những quyết định
của bộ chính trị rất mờ ám và toàn dân không được biết.
Cũng cần phải nói thêm rằng trước khi phe xã hội chủ nghĩa bị khủng
hoảng và khi còn chổ dựa Liên Xô thì đảng CSVN sẳn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Vào năm 1988, khi xảy ra những cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở
Trường Sa thì Việt Nam công khai phản đối Trung Quốc và phản đối một cách mạnh
mẻ. Tôi nhớ lúc đó tôi còn học lớp 7, vào một ngày thứ Hai, trong giờ chào cờ
ông thầy hiệu trưởng ở trường tôi có dành một chút thời gian đứng trước bản đồ
để giải thích cho học sinh nghe về chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa. Tất
nhiên lúc đó bọn học sinh chúng tôi cũng đã được nghe thầy hiệu trưởng giảng về
mưu đồ của “bọn bành trướng Bắc Kinh”.
Đó là những gì xảy ra trước khi Việt Nam vẩn còn chổ dựa ở Liên
Xô. Nhưng sau khi không còn có thể dựa vào Liên Xô nữa thì đảng CSVN đành phải
khúm núm với Trung Quốc để “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”, bảo vệ quyền lợi của đảng
CS và không màng gì đến quyền lợi của đất nước. Những miêu tả của ông Trần
Quang Cơ trong quyển hồi ức cho ta thấy điều đó. Thêm vào đó, những sự kiện gần
đây như hiệp ước trên bộ và trên biển giửa Việt Nam và Trung Quốc, mà nhiều người
nghĩ Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc rất nhiều, và sự kiện các ngư phủ Thanh Hoá
bị hải quân Trung Quốc bắn trên lãnh hải Việt Nam cho ta thấy vì bảo vệ quyền lợi
của họ, bộ chính trị và đảng CSVN bất chấp tất cả, kể cả hy sinh quyền lợi của
dân tộc và mạng sống của thường dân vô tội Việt Nam.
Lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc và quyền lợi của Trung Quốc
Ngược lại với sự ích kỷ, hy sinh quyền lợi dân tộc của đảng
CSVN, qua quyển hồi ức này ta thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc đặt quyền lợi dân tộc
của họ lên trên hết. Họ luôn muốn thực hiện ý đồ bành trướng của họ để làm lợi
cho người Trung Hoa. Ông Trần Quang Cơ cũng nói đến việc “Trung Quốc uốn mình để
thích nghi với thế cực”. Đảng CS Trung Quốc đã sẳn sàng thân với Liên Xô và Hoa
Kỳ khi cần thiết để củng cố quyền lợi của họ. Đảng CS Trung Quốc không ngần ngại
bang giao với một nước khác ý thức hệ với họ giống như Hoa Kỳ. Trong khi đó,
cũng là đảng CS, nhưng đảng CSVN vẩn muốn “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Hiện tại,
tuy đã bình thường hóa quan hệ ngọai giao với Mỹ nhưng vẩn có nhiều vị trong bộ
chính trị đảng CSVN vẩn xem Hoa Kỳ là kẻ thù, vẩn lo ngại Hoa Kỳ dùng “diễn tiến
hòa bình” để thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ
Cũng liên quan đến “diễn tiến hòa bình”, Việt Nam nên có thái độ
như thế nào trong mối quan hệ với Hoa Kỳ? Ông Trần Quang Cơ có nêu lên bốn sai
lầm lớn nhất trong đường lối ngoại giao của đảng CSVN trong đó có vấn đề dính
líu sâu vào nội bộ của Campuchia và bỏ lở cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại
giao với Hoa Kỳ vào năm 1977. Ông Trần Quang Cơ cũng đã dự báo rằng “TQ là nguồn
xuất xứ chính của những thách thức đe dọa đối với chủ quyền về toàn vẹn lãnh thổ
cũng như đối với an ninh và phát triển của VN”. Ông Trần Quang Cơ cũng đề nghị
Việt Nam nên thúc đẩy bang giao với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc. Ông
ta cũng gợi ý chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hợp lý để tranh thủ sự
đóng góp của các Việt Kiều cho tổ quốc.
Tôi rất đồng ý với ông Trần Quang Cơ ở những điểm nêu trên. Rất
tiếc là đảng CSVN chưa làm được những điều nàỵ Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam
và Trung Quốc vẩn không được dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẩn nhau.
Qua quyển hồi ức ta thấy được sự lừa bịp của đảng CS Trung Quốc đối với đảng CS
Việt Nam ở Thành Đô, thái độ xấc xược của ông Từ Đôn Tín và những nhân vật ngọai
giao khác của Trung Quốc. Ta cũng thấy được sự ngây thơ và yếu kém về ngoại
giao của các nhân vật như Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười khi họ muốn đối thoại trực
tiếp với Trung Quốc mà không thông qua bộ ngoại giao. Ta cũng thấy được sự
không bình đẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc qua sự kiện gần đây ở
Vịnh Bắc Bộ khi các ngư dân Thanh Hóa bị hải quân Trung Quốc bắn chết, sau đó
Trung Quốc còn vu khống họ là những hải tặc, và thái độ bạc nhược của Việt Nam
không dám phải đối mạnh mẽ để bênh vực cho những ngư dân vô tội. Trong khi đó,
quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẩn chưa được gần gũi lắm. Việt Nam vẩn còn e
ngại Hoa Kỳ là kẻ thù củ và “diễn tiến hòa bình” của Mỹ. Tiềm năng của các Việt
Kiều vẩn chưa được tận dụng thích đáng.
Nói tóm lại, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ với tất cả các nước,
kể cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên cơ sở bình đẳng thật sự và tôn trọng lẫn nhau.
Đặc biệt là Việt Nam nên tiến lại gần Hoa Kỳ hơn nữa và tận dụng mối quan hệ đó
để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và để bảo vệ quyền lợi của tổ quốc trước sự
đe dọa của nước láng giềng phương Bắc. Chính phủ Việt Nam cũng nên có những
chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho các Việt Kiều về giúp tổ quốc và những lợi
ích của dân tộc, chứ không phải giúp riêng đảng CSVN.
Tuổi trẻ Việt Nam nên làm gì?
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới, đặc biệt là những
chuyển biến có ảnh hưởng đến Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam nên làm gì để đóng góp
cho đất nước?
Qua quyển hồi ức của ông Trần Quang Cơ tôi thấy rằng tất cả người
dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, nên tìm hiểu sự thật để biết rõ những quyết
định quan trọng của đảng CSVN làm ảnh hưởng đến quyền lợi tổ quốc và dân tộc. Tất
nhiên chúng ta sẽ không tìm hiểu được hết tất cả những gì xẩy ra ở thượng tầng,
tuy nhiên chúng ta biết càng nhiều sự thật thì càng tốt. Trong thời đại thông
tin và toàn cầu hóa chúng ta có rất nhiều phương tiện đệ tìm hiểu sự thật, chẳng
hạn như qua internet, báo, đài từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuổi trẻ Việt Nam cũng nên đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự
do và dân chủ thật sự. Bởi vì chỉ có tự do dân chủ thật sự, không độc tài, mới
cho phép chúng ta tìm hiểu và bày tỏ ý kiến về những vấn đề hệ trọng của đất nước,
giống như vấn đề đưa quân sang một nước khác và vấn đề lảnh thổ, lảnh hải,
v.v... Chỉ có tự do và dân chủ thật sự thì mới cho phép chúng ta bầu ra những
người đại diện cho dân, vì quyền lợi của đất nước và dân tộc. Chỉ có những người
đại diện cho dân chính đáng đó mới có quyền quyết định một cách công khai những
vấn đề quan trọng đối với quốc gia dân tộc, chứ không phải như hiện giờ: những
người trong bộ chính trị không là những đại diện thật sự của nhân dân quyết định
những vấn đề quan trọng của đất nước trong mờ ám và không có lợi cho quốc gia,
dân tộc.
U.S.A. 15/04/2005
Ông Trần Quang Cơ nói những chi tiết về ngoại giao, không kể rỏ lý do tại sao có cuộc chiến Tây Nam và Phí Bắc, Người bình luận hiểu sai vấn đề nói bậy. Nếu không tiêu diệt Khơ Me đỏ làm sao giử nước ? Nếu không đánh Tàu ở phía Bắc làm sao giử nước ( 2 cuộc chiến ấy là chung một lý do ). Ai đánh mình thì mình qu2i lạy họ và xin làm tay sai cho họ hay sao. Ngu vừa vừa thôi chớ
Trả lờiXóaĐầu óc bã đậu cộng-sản: Chuyên thuê người đi biểu tình chống đối VNCH, nên tới nay ai biểu tình chống bọn chúng đều vì tiền"
Trả lờiXóaHoàn thành tác phẩm của mình năm 1991, mà không thấy Dương thu Hương ngồi vệ đường khóc!
Thua xa Tô-Hải. Thật thảm thương cho dân việt bị hoa CS!
Độc-Lập hay Tay sai?
Tôi năm nay 71 tuổi, đang sống ở nước ngoài, xin đóng góp vào loạt bài của Đặng Chí Hùng về cái gọi là độc lập của HCM.
Trải qua dòng lịch sử nước nhà, các vua của đất nước ta, ai cũng phải chịu nhục có lẽ là quỳ gối để tiếp nhận chiếu chỉ của vua Tàu phong vương cho mình. Sau đó sứ-gỉa Tàu về nước. Vua quan ta họp nhau bàn luận, tổ chức việc cai trị ra sao thì không hề phải thông báo, chứ chẳng có chuyện phải xin phép vua Tàu. Đó là sự thực được trình bày rõ ràng qua các sách sử của nước nhà.
1/ Trái lại HCM phải trình cho Liên-Xô (LX) chương trình “Cải cách ruộng đất”. Một chương trình hoàn toàn thuộc về nội trị của đất nước! Trước khi thực hiện thì gởi người qua Tàu để học cách làm. Cứ tạm coi là đi tu nghiệp về chuyên môn, có thể chấp nhận được. Nhưng trong khi thực hiện thì có các cố vấn Tàu và phải xin phép. Việc bà Cát Hanh Long bị giết vì HCM không thể xin được khi cố vấn Tàu phán: “Cọp đực, cọp cái đều ăn thịt nhười”, là một bằng cớ về việc làm tay sai, không có thực quyền.
2/ Trong khi đảng cộng sản VN họp hành để thảo luận về các chương trình làm việc, một việc hoàn toàn thuộc về nội bộ của đảng minh. HCM đã mời đại diện Tàu tham dự (xin ai biết rõ việc này bổ túc dùm). Đây là một bằng chứng khác về việc làm tay sai.
3/ Thực chất của cái gọi là “Nghĩa vụ quốc tế” chính là làm tay sai cho LX. Khi thế giới phân chia thành hai khối Tư-bản và Cộng-Sản. LX muốn bành trướng vùng ảnh hưởng của mình, thì chỉ thị cho đàn em cung cấp người, anh cả chỉ cung cấp vũ-khí.