Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HỮU HẠNH - PHẦN 7

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10
VI. Tận tuỵ trong công việc: Không phần thưởng, chỉ có niềm vui

Ngồi ghế Thống đốc và làm việc tận tuỵ trong thời chiến với tất cả những sự tàn phá và những khó khăn kinh tế tài chánh, đã là khó vô cùng rồi; còn khó hơn nữa và có thể đến mức không chịu đựng nổi, khi mà ngoài Ngân hàng Trung ương, còn phải điều hành toàn bộ nền kinh tế tài chánh của một quốc gia bị lọt vào giữa vòng tham nhũng, đầu cơ, chợ đen, cùng những thiếu thốn vì biến động chính trị và bất an xã hội. Trong vòng một năm từ 1967 tới 1968, ngoài Ngân hàng Trung ương, tôi còn phải ôm trong tay Bộ Tài chánh, Bộ Kinh tế, Bộ Thương mại và Bộ Kỹ nghệ, bốn bộ này tạo thành một Tổng uỷ Kinh tế Tài chánh, thông thường nằm dưới dự giám sát của một phó Thủ tướng và bốn Tổng trưởng. Tôi đã từ chối chức phó Thủ tướng mà Kỳ đề nghị, bởi vì tôi luôn luôn ghét chính trị và chỉ muốn phục vụ đất nước như một chuyên viên. Đây quả là một lượng công việc khổng lồ và một lãnh vực hoạt động hết sức rộng lớn.
Tôi làm việc tận lực và đã tàn phá sức khoẻ của mình với hàng giờ liền ngồi miệt mài làm việc tại văn phòng và cả ở nhà, theo sau đó là những hoạt động xã hội kiệt sức mà các nhiệm vụ khác nhau của tôi đòi hỏi, dù tôi vẫn tập luyện thể dục hàng ngày. Thế nhưng tôi cũng đã được giúp sức rất nhiều bởi những người phụ tá đầy năng lực và hết sức tận tuỵ, như anh Đoàn Thêm, cô Vũ Gia Kiều Dung, Trần Cự Uông và ba người thư ký hết sức tín cẩn, cô Cúc, chị Bảy và anh Long, những người đã muốn làm việc với tôi ở Ngân hàng Trung ương hơn là nhận những chức vụ cao hơn ở các bộ khác dù vẫn do tôi đứng đầu. Tôi cũng còn được rất nhiều sự giúp đỡ của các nhân viên cấp thấp hơn tại Ngân hàng Trung ương, những người mà tôi hết sức thương yêu, và họ cũng hết lòng tận tuỵ với tôi. Tôi tự bắt buộc mình mỗi tháng phải mời cơm trưa các nhóm đông nhân viên của tôi từ những cấp thấp nhất như là kiểm ngân viên, cho tới những cấp cao nhất, tán gẫu với họ, thăm hỏi công việc và đời sống gia đình họ. Trong một đất nước mà sự phân biệt giai cấp vẫn còn là chuyện tự nhiên thì đây là một không khí mới mẻ tạo nên sự hợp tác chân thành giữa tất cả các cấp. Tôi cũng hết sức quan tâm tới vấn đề phúc lợi của nhân viên ở cả hai ngân hàng: tôi đã thiết lập một kế hoạch hưu bổng phóng khoáng nhất nước, cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, xây dựng những khu nhà ở thoáng rộng để cho nhân viên ở, hoặc bán chịu dài hạn cho các nhân viên ngân hàng mọi cấp. Việc này thường bị các cơ quan nhà nước khác ganh tị và chỉ trích kịch liệt, nhưng được các nhân viên ngân hàng hết sức tán thưởng; rồi không bao lâu nó cũng được các cơ quan nhà nước khác bắt chước, nhưng việc làm của họ thường bị giới hạn bởi thiếu kinh phí hay thiếu quyết tâm của các cấp lãnh đạo của họ. Tôi rất sung sướng khi nhận thấy vẻ hạnh phúc và vừa lòng trên gương mặt của những người phụ tá và nhân viên của tôi. Sống trong sự thiếu vắng những người thân trong gia đình hiện vẫn đang ở nước ngoài, tôi coi họ như là những người thân trong gia đình lớn và chia sẻ tình cảm cũng như thời gian rảnh rỗi của tôi với họ.

Tôi cũng yêu mến công việc của mình và rất chú tâm để có thể hoàn thành nhiệm vụ (tất cả sáu chức năng); nhưng trách nhiệm tôi phải gánh vác quá lớn và tôi thường phải lấy hết can đảm mới làm nổi. Động cơ duy nhất là phục vụ đất nước và hạnh phúc của người dân. Về sau này có nhiều người hiểu tôi, đã chê tôi ngu ngốc không biết lợi dụng vị thế của mình để làm giàu hay ít nhất là dành dụm một cái gì để phòng những ngày mưa gió. Tôi phải nói rất thành thật rằng trong suốt thời gian đó tiền là mối quan tâm ít nhất của tôi. Tôi được trả một số ngoại tệ tối thiểu để lo cho gia đình ở nước ngoài, và biết rằng cái ngày mà tôi quyết định từ chức, tôi có thể trở về công việc lương bổng hậu hĩnh ở World Bank. Vì vậy mà lòng tôi yên ổn và tôi không cần phải bận tâm về việc riêng khi thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra, tôi còn phải thú nhận rằng dù tôi có muốn làm giàu cho bản thân, thì tôi cũng không biết phải làm như thế nào để gợi ý hay nhận tiền hối lộ. Vì vậy tôi cảm thấy rất là tự do để thi hành những quyết định cứng rắn và đôi khi gây mích lòng nếu tôi thấy điều đó làm lợi cho đất nước hay dân chúng. Điều này giải thích cho những khía cạnh hoạt động của tôi suốt thời gian ấy.

Trong khi chúng tôi đang theo đuổi chiến tranh thì nền kinh tế phải chịu một áp lực rất lớn và tình trạng lạm phát trở nên mỗi ngày một tồi tệ hơn. Lượng tiền cung ứng tăng nhanh bởi những chi phí quân sự phục vụ chiến tranh không có giới hạn, trong khi lượng cung cấp thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đi lết bết ở phía sau vì mùa màng bị cứ phá hoại và giao thông vận tải cứ bị gián đoạn. Giá cả có khuynh hướng tăng rất nhanh mặc dù chính quyền đã cố hết sức để ổn định nó. Điều này đến phiên nó lại tạo nên một sự khan hiếm giả tạo làm cho nạn chợ đen phát triển mạnh. Hối suất hoán đổi đồng tiền quốc gia, đồng bạc Việt Nam, cứ lần lượt bị trụt giảm trên thị trường chợ đen, và dân chúng có xu hướng coi tỉ giá này là giá trị thật của đồng bạc.

Sau khi tôi trở về Việt Nam tháng 11/1965, tôi thấy cần phải cải cách tiền tệ, nhưng phá giá đồng bạc là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với quần chúng; muốn tiến hành một cuộc cải cách tiền tệ đòi hỏi một lòng can đảm rất lớn. Dính liền với các vấn đề tiền tệ là các hậu quả xã hội và chính trị nên các chính phủ bao giờ cũng rất miễn cưỡng khi phải ôm ấp một ý kiến như vậy. Nhưng càng cố tránh vấn đề chừng nào thì nó càng thêm nghiêm trọng chừng nấy, và các hành động cứu chữa về sau càng trở nên khó khăn hơn. Tôi đã thấy rất rõ ràng rằng nếu như không có cải cách kịp thời, nền kinh tế sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và đời sống khó khăn cơ cực của người dân sẽ khó lòng chịu đựng nổi.

Tháng 6/1966, tôi chuẩn bị phát động một cuộc cải cách tiền tệ. Bộ trưởng Kinh tế, Âu Trường Thanh, cũng biết rằng một cuộc cải cách là không thể tránh được. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của anh ta và phải được đặt thù lù trên gối anh ta, nhưng vì là một chính trị gia khôn khéo, đang nuôi tham vọng làm Tổng thống, anh ta không muốn bị dính líu vào nó, hay ít nhất cũng không công khai dính vào. Tướng Kỳ can đảm hơn; tôi đã giải thích với ông về sự phức tạp của chiến dịch cần tiến hành với tất cả những hệ luận kinh tế tài chánh của nó, sự cần thiết phải cải cách, những hậu quả chính trị bất lợi ngắn hạn, và những lợi ích dài hạn cho nền kinh tế và đặc biệt cho phúc lợi tương lai của dân chúng. Là một nhà lãnh đạo thông minh, ông ta hiểu ngay vấn đề, đồng ý với tôi, nói ông ta hoàn toàn ủng hộ tôi và tôi cứ việc tiến hành, Âu Trường Thanh có đồng ý hay không cũng được. Nếu Thanh không ký sắc lệnh thì ông ta sẽ ký.

Thế là tôi bắt đầu các bước chuẩn bị, nhưng một cách lặng lẽ, chỉ có những người phụ tá rất thân cận với tôi mới biết (ngay cả Thanh tôi cũng không cho biết, mãi cho tới phút cuối cùng). Tôi nói chuyện với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình và hỗ trợ của họ. Tôi tham khảo cơ quan USAID để xin thêm viện trợ cho dự án và cấp thêm chương trình viện trợ PL480 để có một khối lượng lớn cung cấp cho thị trường các mặt hàng chủ yếu như gạo, bột mì, đường, sữa. Tôi nói chuyện với toà Bạch Ốc để có một sự chấp thuận đặc biệt, cho phép bán vàng cho dân chúng vào thời gian hạ giá đồng bạc để kềm bớt giá vàng, tạo một điều kiện tâm lý thích hợp và ổn định tỷ giá hối đoái. Tôi yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế bật đèn xanh cho việc mua bán vàng, đó là chế độ ưu đãi đặc biệt cho một nước hội  viên của họ vào lúc ấy, hỗ trợ hoàn toàn về phương diện kỹ thuật cho việc chuẩn bị cải cách kinh tế. Bản thân tôi và bốn người phụ tá thân cận cùng ba thư ký rất tin cẩn là Đoàn Thêm, Kiều Dung, Trần Cự Uông, cô Cúc, chị Bảy và anh Long làm việc đêm ngày cho chương trình cải cách. Tôi muốn nhân đây bày tỏ lòng cám ơn chân thành đến tất cả bọn họ – họ đã cùng tôi duy trì sự bí mật tuyệt đối của kế hoạch trong hơn 2 tuần lễ. Gia đình của họ, chồng hoặc vợ của họ nhất định rất ngạc nhiên và bối rối trước những giờ giấc làm việc lạ kỳ và những gương mặt mệt mỏi của họ; họ đã giữ kín sự bí mật này, sự bí mật mà nếu họ tiết lộ ra có thể kiếm được rất nhiều tiền; nếu bất cứ ai trong họ quyết định phản bội tôi, người đó có thể làm giàu bằng cách đưa tin cho các thương gia Trung Hoa, cho đám chợ đen hay cho những người buôn tiền.

Trần Cự Uông là người phụ tá đặc biệt của tôi, mặc dù chỉ học ở trong nước anh lại viết tiếng Anh rất giỏi, còn giỏi hơn rất nhiều một vài tay có bằng Ph.D hay bằng MBA từ các trường đại học Mỹ. Anh thường hay viết các bài diễn văn và bản ghi nhớ cho tôi; tôi vẫn đem anh theo trong tất cả mọi cuộc họp về kinh tế hay tài chánh ở nước ngoài. Một ngày kia, viên cố vấn chính trị của toà đại sứ Mỹ tới gặp tôi và nói Uông là một nhân viên của Bắc Việt và họ muốn tôi sa thải anh ta để CIA có thể điều tra sâu hơn. Tôi sắp sửa bổ nhiệm Uông làm Thứ trưởng Kinh tế: vì vậy việc này trở nên một vấn đề chính trị khá tế nhị khi Uông sắp sửa tham dự phiên họp nội các sắp tới. Tôi nói với viên cố vấn Mỹ rằng tôi không tin điều đó, Uông là một người vui sống, một người thích cuộc sống tiện nghi và xa hoa. Như vậy anh ta không thể nào chấp nhận các tư tưởng thiên tả, và tôi biết anh ta có một lý tưởng quốc gia và một lòng yêu nước mạnh mẽ. Viên cố vấn Mỹ bảo tôi là CIA đã theo dõi anh ta khi anh ta ra nước ngoài trong những chuyến công tác với tôi và họ đã thấy anh ta nói chuyện với các nhân viên Bắc Việt. Tôi nói với tay cố vấn, những người ấy có thể là bà con của anh ta từ miền Bắc tình cờ gặp anh ta trong khi họ cũng đang đi công tác ở nước ngoài; và tôi không hề tin anh ta phản bội tôi với những người bà con đó; trừ phi CIA có bằng chứng rành rành là những cuộc tiếp xúc đó không mang tính chất gia đình, còn không thì tôi sẽ không sa thải Uông, và nếu anh ta phải rời chức vụ thì tôi cũng sẽ đi. Sau đó tôi nói chuyện thẳng với Uông, anh ta thề trên đầu đám con của anh là anh ta không hề tiếp xúc với nhân viên Bắc Việt, đó có lẽ là một vài người bà con ở Hà Nội mà anh ta tình cờ gặp ở Hồng Kông. Câu chuyện này kéo dài một vài tháng và phía Mỹ cũng không thuyết phục được tôi hay cho tôi một bằng chứng nào rõ rệt. Uông hơi mất kiên nhẫn, anh nói với tôi rằng nếu CIA không làm phiền anh nữa, anh sẵn lòng bỏ chức vị sắp tới, anh sẽ từ chức và qua làm việc ở Cophavina, một công ty dược rất lớn liên doanh với một người bạn của Thiệu. Tôi nói lại với viên cố vấn chính trị Mỹ và chúng tôi đồng ý bỏ qua vụ này, để Uông gia nhập khu vực kinh tế tư, ở đó anh ta kiếm tiền còn nhiều hơn trước rất nhiều.

Trở lại sự chuẩn bị cho việc thay đổi tỷ giá hối đoái vào ngày N tháng 6/1966, tôi trình toàn bộ kế hoạch lên Kỳ và Thanh để cùng ký vào phút cuối cùng, và cuộc cải cách tiền tệ được thông báo vào sáng ngày hôm sau, một ngày chủ nhật, khi các ngân hàng và các tổ chức kinh tài đóng cửa. Dân chúng cũng như giới tài chánh và kinh doanh bị bất ngờ và những hậu quả tiêu cực ngắn hạn được giới hạn ở mức tối thiểu. Đồng thời tôi cũng cho phép các ngân hàng thương mại và các cửa hiệu vàng bạc mua vàng từ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và bán vàng cho dân chúng: đây quả là một sự ngạc nhiên rất lớn cho tất cả mọi người bởi vì vàng là mặt hàng được đánh giá cao nhất và được mọi người chuộng nhất vào lúc đó; người Việt Nam cũng như bất cứ người dân phương Đông nào, luôn luôn muốn giữ vàng dưới lớp nệm, chiếu của họ hoặc chôn giấu dưới đất.

Các tin tức về việc bán vàng cho dân chúng đã có một ảnh hưởng khổng lồ về mặt tâm lý đối với dân chúng và đã góp phần làm giảm đáng kể những hiệu quả không tốt của việc hạ giá đồng tiền đối với dư luận quần chúng. Đây là một chiến dịch tài chánh thành công hết sức lớn.

Tuy nhiên việc cải cách tiền tệ này đã gây ra một làn sóng ồn ào trong dư luận và các tờ báo đối lập đã in những tít lớn và giật gân để chỉ trích chính phủ kịch liệt. Kỳ và Thanh nấp đằng sau tư thế chính trị của họ và để tôi gánh tất cả mọi lời chỉ trích, thế nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại khen ngợi không tiếc lời sự thành công của chiến dịch và lấy nó dẫn chứng như là một trong những chiến dịch tài chánh thành công nhất xưa nay. Chính phủ Mỹ cũng ca ngợi sự thành công của chương trình cải cách và khen ngợi sự khôn khéo và can đảm của tôi. Tôi lại có thêm tiếng tăm trong cộng đồng tài chánh quốc tế.

Nhưng báo chí đối lập lại tặng cho tôi danh hiệu “vua phá giá” và tôi phải sống với danh hiệu đó một thời gian dài. Lần lần người ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc phá giá, những hậu quả ích lợi trên đời sống họ về lâu dài; từ từ họ nhận ra được giá trị của việc tôi làm, rồi sau nhiều năm trôi qua, người ta mới nhận ra được rằng trong khi đang lâm vào một cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, Nam Việt Nam vẫn thành công trong việc giữ cho tỷ lệ lạm phát ở mức 36% mỗi năm, một tỷ lệ rất đáng nể trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi mà những nước ở châu Mỹ La Tinh và ở Nam Á đã kinh qua những tỷ lệ lạm phát cao tới từ 600% tới 1200% trong những năm 50 và 60 dù họ đang sống trong hoà bình. Đợt cải cách được tôi phát động năm 66 sau này được tiếp tục bởi nhiều lần phá giá khác. Phản ứng với người dân mỗi lúc mỗi dịu đi, nhưng báo chí vẫn cứ nghi ngờ tôi là người chủ mưu, hoặc nói đúng hơn, tôi là “kẻ xấu” đứng đằng sau các cuộc cải cách.

Không bao lâu sau đó tôi được biết rằng sau vụ phá giá đồng bạc, giữa bốn bức tường của một cuộc họp nội các, Thanh tự nhận mình là người thực hiện cuộc cải cách tiền tệ ấy. Người ta kể lại là Kỳ, người biết rõ sự thật, đã ném một cái nhìn khinh bỉ về phía Thanh, và nở một nụ cười miệt thị dưới hàm râu kẽm của ông. Thanh chỉ dám nói vậy trong phòng kín, nhưng không bao giờ dám thốt một lời trước công chúng về vai trò của anh ta trong vụ phá giá đồng tiền, vì anh ta hiểu rõ rằng dân chúng biết ai là người đứng sau vụ cải cách tiền tệ và ai là người lẩn tránh nó.

Gạo là món ăn chủ yếu của dân Việt Nam. Người Việt Nam có thể không có thứ gì cũng được, thiếu thứ gì cũng được, trừ gạo. Mặc dù Việt Nam thường xuất khẩu cả 1 triệu tấn gạo trước chiến tranh (và vì vậy năm 1936, một đồng bạc Đông Dương ăn 3,6 đô-la Mỹ ở Thượng Hải), nhưng những sự tàn phá và thiệt hại do chiến tranh gây nên đã làm giảm các vụ lúa mùa thê thảm đến nỗi trong các thập niên 60 và 70 chúng tôi phải nhập 200 tới 300 ngàn tấn gạo mỗi năm để sống. Từ lúc tướng Kỳ nắm chính quyền đã có hai lần thiếu gạo nghiêm trọng gây nên xáo trộn lớn trong tình hình xã hội và chính trị. Mọi người đều biết rằng những thương gia Trung Hoa ở Chợ Lớn kiểm soát hoàn toàn thị trường gạo, không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia Đông Nam Á khác, từ ngày gieo mạ cho đến ngày gặt lúa, xay xát, kinh doanh và phân phối, qua một hệ thống vay vốn có thể siết cổ bất cứ ai muốn thoát khỏi vòng trói buộc của họ. Họ kiểm soát việc kinh doanh lúa gạo rất chặt; sử dụng những biện pháp rất đáng trách để làm giàu mau chóng như đầu cơ tích trữ, tạo sự khan hiếm giả tạo và những trò ma mãnh khác trên thị trường. Có một lúc Kỳ đã kết án tử hình một thương gia Trung Hoa và đưa ông ta ra bắn ngay trước công chúng để làm gương. Vụ này được coi như một bài học cảnh cáo, thế nhưng vì lợi nhuận chợ đen quá cao, quá hấp dẫn nên nạn đầu cơ và buôn gian bán lận vẫn tiếp tục trở lại sau vụ xử bắn. Không bao lâu sau khi tôi bị Kỳ ép giữ Bộ Kinh tế, gạo lại thiếu và giá tăng vọt lên, mặc dù chính phủ vừa kêu gọi vừa đe doạ. Kỳ gọi tôi vào, yêu cầu tôi nhanh chóng giải quyết vụ khủng hoảng này vì ông ta sắp sửa phải đối diện với cử tri; Kỳ sợ rằng cuộc khủng hoảng kéo dài có thể làm ông ta thất bại trong cuộc bầu cử tới đây. Tôi hứa sẽ cố hết sức ổn định thị trường mà không cần dùng tới những biện pháp mạnh. Tôi gọi người phụ tá của tôi là Phạm Kim Ngọc, một người rất có năng lực, sau này sẽ trở nên một Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Thiệu; chúng tôi vạch một kế hoạch nhằm đối phó với đám con buôn kinh doanh gạo và nhằm kéo giá gạo hạ xuống. Ngọc và tôi đã từng đối phó với đám thương gia buôn bán gạo khi tôi còn ở Ngân hàng Việt Nam Thương tín. Chúng tôi biết tất cả bọn họ và các phương pháp của họ. Ngọc làm một cuộc điều tra chớp nhoáng và báo với tôi hiện chỉ còn khoảng 6.000 tấn gạo trong các kho của chính phủ ở Sài Gòn-Chợ Lớn, nơi mỗi tháng tiêu thụ hết 25.000 tấn gạo. Tôi gọi McDonald, giám đốc USAID và Roy Wherlee, Cố vấn Kinh tế toà đại sứ Mỹ, yêu cầu họ cho một số tàu đang chở gạo trong chương trình PL480 tới một số nước được viện trợ quay mũi ngay lập tức hướng về Việt Nam, coi như là một khoản vay của chính phủ. Cùng lúc đó tôi mượn bên quân đội 200 chiếc xe nhà binh để chở gạo đi bán ở tất cả các ngả đường trong thành phố. Tôi lên đài truyền hình và đài phát thanh thông báo là chính phủ sẽ bán gạo trực tiếp cho dân với giá chính thức, và hiện nay 100 ngàn tấn gạo mượn chính phủ Mỹ đang được điều khẩn cấp tới Sài Gòn và chuyến tàu đầu tiên chở 30 ngàn tấn sẽ cập bến trong một, hai ngày nữa. Không một lời đe doạ đối với đám chợ đen và đầu cơ, không một lời về các toà án đặc biệt để xử những kẻ buôn bán bất hợp pháp.

Hình ảnh hàng trăm chiếc xe vận tải nhà binh chở đầy gạo chạy khắp thành phố, và cảnh gạo được bán với giá chính thức ở trên mọi ngã tư đường đã trấn an lòng dân và giá gạo trên thị trường hạ xuống ngay tức khắc. Đám thương gia Trung Hoa đầu cơ gạo, vừa sợ bị bắt, vừa sợ sẽ lỗ nặng với sự tụt giá gạo, đã tuôn gạo tích trữ lâu nay ra thị trường bán. Họ không biết rằng chúng tôi chỉ còn đủ gạo tồn kho cho một tuần lễ. Nếu họ cố thủ thêm một hoặc hai tuần nữa thì chúng tôi đã thua trận này và kết quả sẽ rất là khủng khiếp! Đó là một ván bài xì-phé mà Ngọc và tôi đã chơi, và thắng.

Tướng Kỳ luôn miệng tuyên bố rằng chính quyền của ông là một chính quyền trung thực, một chính quyền của người nghèo và ông ta sẽ nhổ sạch tận gốc mọi tham nhũng đang bám rễ trong chính phủ và trong quân đội. Nhớ lại những gì ông ta đã hứa trong chuyến tôi về thăm để nhận công việc, tôi tin vào sự thành thật của ông ta và tôi quyết định thử nghiệm quyết tâm của ông. Đầu tiên tôi quyết định đánh vào bọn mua bán ma tuý.

Tôi yêu cầu chính phủ Mỹ cho tôi tất cả mọi thông tin họ đã thu lượm được về chuyện mua bán ma tuý. Một ngày kia tôi được cơ quan CID (cơ quan điều tra hình sự, một bộ phận của CIA) mật báo là có một chiếc xe tải chở đầy thuốc phiện đã bị nổ lốp và đang nằm ở một con đường rất đông người trong thành phố, đường Phan Đình Phùng, gần cơ quan mà tôi bắt đầu sự nghiệp năm 1953 (Ngân Hàng ba nước Đông Dương). Tôi gọi tướng Nguyễn Ngọc Loan, một người bạn từ thuở nhỏ – sau này nổi tiếng vì bị một phóng viên của báo Time chộp được cảnh anh ta kê súng bắn vào đầu một chiến binh Việt cộng, hai tay bị trói quặt sau lưng, đang đứng trên đường phố trong cuộc tổng công kích Mậu Thân – yêu cầu anh ta điều tra ngay lập tức và cho bắt ngay tội phạm nếu cần. Trong lúc đang phấn khởi tôi quên rằng những hành động như vậy có thể làm tôi mất mạng vì bọn tội phạm ở ngoài và cả trong quân đội có dính líu đến buôn bán ma tuý có thể dễ dàng siết cò súng nhắm vào bất cứ ai cản đường chúng. Tạ ơn Trời Đất! Thật vậy, chiếc xe tải chở một số lượng lớn thuốc phiện và hai gã tài xế là hai tên lính cải trang. Có vẻ như là lượng thuốc phiện này thuộc về một vị tướng nào đó trên Tây Nguyên. Loan sửng sốt vì tôi có những lượng thông tin giá trị như vậy, và anh ta vẫn cứ làm việc bình thường; thế nhưng tôi nghe nói là chiếc xe tải này được đưa về bộ tư lệnh cảnh sát (Loan là chỉ huy trưởng lực lượng công an, cảnh sát toàn quốc). Tôi phản đối và yêu cầu chiếc xe cùng số thuốc phiện phải được đưa về toà án để làm bằng chứng. Tôi sợ rằng thuốc phiện sẽ bị biến mất nếu như nó không nằm trong tay ngành tư pháp. Không may thay những mối nghi ngờ của tôi được chứng tỏ là đúng và tôi nghe nói là khi chiếc xe được chuyển tới toà án thì phần lớn ma tuý trên đó đã biến mất và trong công-ten-nơ hầu như trống rỗng! Tôi không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra, Kỳ và Loan không ai trả lời tôi cả. Tôi cũng không dám nói chắc là Kỳ và Loan có đứng về phía luật pháp hay không nếu như có ai đó đủ phương tiện để đẩy cuộc điều tra cho đến cùng. Trong lòng tôi đã bắt đầu có một vài ngờ vực về quyết tâm chống tham nhũng của Kỳ, về việc ông ta có dám chịu hay không dám chịu mất một vài sự hỗ trợ chính trị của bạn bè ông ta trong quân đội vì quyết tâm đó.

Ngang đây tôi muốn làm rõ một điều về Thiệu và Kỳ. Người Việt Nam, cũng giống như nhiều người phương Đông khác, thích lượm lặt những câu chuyện giật gân và thêu dệt thành sách từ những lời đồn đãi, chẳng hạn như việc Thiệu lấy 7 tấn vàng của Ngân hàng Trung ương Việt Nam và Kỳ dính líu tới buôn bán ma tuý. Nhiều người thường tới hỏi tôi xác nhận chuyện này bởi họ thấy tôi biết rất nhiều chuyện bí mật. Tôi nói với họ rằng dù có muốn, Thiệu cũng không thể lấy vàng ra khỏi Ngân hàng Quốc gia được, trừ phi ông ta tổ chức một vụ đảo chánh để đánh cướp Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và cuỗm đi số vàng ấy. Đương nhiên là ông ta không thể làm như vậy. Khi người Mỹ bắt đầu ngừng viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam nhằm đưa Nam Việt tới bàn hội nghị, chớ không chịu cung cấp thêm súng đạn nữa, Thiệu đã nghĩ một cách ngây thơ rằng ông ta có thể gởi số vàng ở Ngân hàng Quốc gia qua châu Âu để bán đi mà mua vũ khí. Ông ta quên rằng trong thời chiến các công ty bảo hiểm sẽ không chịu ký các hợp đồng bảo hiểm. Không có hợp đồng bảo hiểm thì không ai có thể gởi vàng đi được; vì vậy câu chuyện này chỉ là một lời cáo buộc vô căn cứ của những người không biết chuyện. Còn về số vàng mà ông ta có thể mang theo với mình khi chạy trốn qua Đài Loan như người ta nói thì tôi không biết. Đây nữa, một vị nguyên phó Thủ tướng, người đã ở lại Việt Nam để làm việc cho chính quyền mới, hình như đã tuyên bố rằng chính ông ta đã bảo vệ số vàng ở Ngân hàng Trung ương chống lại mọi nỗ lực của Thiệu nhằm đem vàng đi; đó là một lời khẳng định sai lầm, và những ai tin lời nói ấy dù ở trong hay ngoài chính quyền cũng đều hết sức ngây thơ. Cũng như chuyện Kỳ buôn thuốc phiện. Người ta nói xấu Kỳ và kết án ông ta dính líu vào việc buôn bán ma tuý. Tôi chưa bao giờ có một chứng cứ hay bằng cớ rõ rệt nào về chuyện này và cơ quan CID cũng chưa bao giờ nói với tôi một điều gì tương tự như vậy cả, trừ phi chính phủ Mỹ ém nhẹm tin đó – mà điều này thì rất khó có khả năng xảy ra. Tôi muốn chúng ta phải thật sự công bằng và tôi không muốn tin những lời đồn đãi nhảm nhí (đại loại như những câu chuyện do Ernest Lederer dựng lên) vốn nảy nở rất dễ dàng ở Việt Nam vào thời đó – trừ phi tôi có bằng chứng chắc chắn.

Trở lại câu chuyện chiếc xe chở thuốc phiện và quyết tâm của Kỳ chống tham nhũng; những mối nghi ngờ của tôi không bao lâu được xác nhận với vụ xì-căng-đan “xe hơi Fatima”. Hồi đó xe hơi nhập cảng bị đánh thuế lên tới 250% giá mua và chỉ có những hãng buôn xe hơi có giấy phép do Bộ Kinh tế cấp mới được nhập xe hơi. Không một cá nhân nào được phép nhập xe hơi, dù không cần phải hoán đổi ngoại tệ chính phủ để trả cho hãng cung cấp xe. Tuy nhiên một sắc lệnh sai lầm và vô ý thức đã được áp dụng năm 1964 bởi một chính phủ trước đó mà Thủ tướng là một người Thiên chúa giáo, đã cho phép bất cứ ai đi hành hương Fatima (một địa điểm ở Bồ Đào Nha) khi trở về được đem theo một chiếc xe hơi đã qua sử dụng (second hand). Bởi vì thuế nhập cảng rất cao, nên việc xác nhận một chiếc xe đã qua sử dụng hay chưa, và số tuổi của xe bao nhiêu, được thực hiện rất là lỏng lẻo nên đã mở đường cho cả một khối chuyện gian lận. Có rất ít xe hơi phải trả thuế, hoặc là trả một số thuế chẳng nghĩa lý gì. Số tiền lời có thể thu khi bán xe ra, hết sức lớn, nên có người dám nhập luôn cả loại xe tay lái bên phải từ Hồng Kông và Thái Lan về (trong khi ở Việt Nam người ta lái xe ở bên lề tay mặt và bánh tay lái của xe nằm bên tay trái). Tháng 9/1967 số lượng lớn các cuộc hành hương Fatima và số xe trở về không đóng thuế đã làm tôi chú ý, và tôi quyết định dẹp cái thủ đoạn lợi dụng này bằng cách bãi bỏ sắc lệnh nhập cảng đặc biệt và định sẵn số tiền thuế phải trả cho đám xe còn chờ giải quyết. Tôi tới gặp Kỳ hỏi ông ta có hỗ trợ tôi trong trường hợp thực thi pháp luật tế nhị này không, một việc có thể làm cho nhiều chính trị gia phải đau đầu. Kỳ nhìn tôi và nói: “Dĩ nhiên là ủng hộ. Chính phủ này là chính phủ chống tham nhũng. Anh cứ làm.” Ông ta không nhận thức được rằng việc “cứ làm” sẽ làm ông ta nhức đầu nhiều lắm. Tôi ra lệnh cho Tổng giám đốc Quan thuế lập một danh sách tất cả những người có xe hơi Fatima nhập cảng đang nằm chờ giải quyết. Khi tôi nhận được bản danh sách dài tới 150 tên, tôi sững sờ nhận thấy có đủ hạng người trong đó: lãnh đạo chính trị, lãnh đạo tôn giáo, tướng lãnh, vân vân... Không phải mọi chiếc xe đều từ Bồ Đào Nha tới, nơi được coi là đích đến của các đoàn hành hương Fatima. Một số xe từ Pháp và một số khác từ Hồng Kông chở về, mặc dầu Pháp và Hồng Kông không phải là nơi hành hương Fatima (ở Hồng Kông, không giống như ở Việt Nam, người ta lái xe bên lề trái). Những người đem xe các nơi khác về, không phải là những người mộ đạo đi hành hương, họ đi đâu cũng được, miển là có thể mua xe đem về được để bán lấy lời thôi .

Tôi tới gặp Kỳ, đưa ông ta coi danh sách và hỏi ông có còn muốn giữ vững quyết định của mình và “chộp” những người có tên trong danh sách không. Ông ta xem rất kỹ lưỡng, dựa lui vào thành ghế và yên lặng một hồi. Tôi có thể tưởng tượng những gì đang diễn ra trong đầu ông. Cuối cùng ông ta nói: “Ôi trời! Cái này rắc rối dữ! Thôi được! Anh cứ làm cái gì thấy cần làm, nhưng đừng kéo tôi vào trong đó!”. “Vì cuộc bầu cử sắp tới!”, ông ta nói thêm. Rõ ràng ông ta sợ những cái tên trong danh sách. Tôi quay trở về văn phòng của mình, mời vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, một người bạn và một nhân viên cũ ở Ngân hàng Việt Nam Thương tín mà tôi đã đặt vào Bộ Thương mại, và yêu cầu anh ta ký một sắc lệnh xoá tất cả mọi điều khoản nhập khẩu đặc biệt và đánh thuế bình thường lên tất cả những chiếc xe đang chờ thủ tục quan thuế. Tôi nhấn mạnh rằng tôi sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trong vụ này. Anh ta nhìn vào danh sách và tôi thấy gương mặt anh ta bỗng đỏ bừng lên. Anh ta có vẻ rất bối rối và lầm bầm vài tiếng gì đó; tôi thấy rõ ràng là anh ta không muốn ký sắc lệnh ấy, mặc dù anh ta biết rất rõ đó là nhiệm vụ của anh ta. Tôi bèn bảo anh ta hãy chuẩn bị sắc lệnh cho tôi ký. Việc công bố sắc lệnh này đã gây nên một sự náo động lớn trong giới báo chí và trong dân chúng. Một số người hiểu biết vấn đề thì thán phục lòng can đảm và quyết tâm của tôi, gọi điện cho tôi để hoan nghênh, nhưng những người có tên trong danh sách và những người đang chuẩn bị đi những chuyến hành hương sắp tới để kiếm chác, liền tung tin ra là tôi ăn tiền các hãng buôn bán xe hơi. Trong mấy ngày sau đó tôi hết sức ngao ngán cho quần chúng và đất nước của tôi; và rất thất vọng về Kỳ. Đây là một trong những lý do khiến tôi xin từ chức năm 1968. Nhưng không bao lâu sau đó, tôi lấy lại được lòng hăng hái của mình và quyết tâm tiếp tục đi tới.

Đại Hàn là đồng minh của chúng ta trong chiến tranh; chính phủ Seoul đã gởi một lực lượng viễn chinh hơn 100.000 người qua giúp Việt Nam. Nhưng đồng thời Đại Hàn cũng được hưởng những lợi ích to lớn từ nền kinh tế chiến tranh của Việt Nam, khi họ phục vụ các lực lượng Mỹ và Việt Nam trong các lãnh vực xây dựng, tiếp tế và dịch vụ đủ loại. Trong khi dân Việt Nam đang bận chiến đấu thì những công dân Đại Hàn ồ ạt tới đây, cạnh tranh với thương gia Trung Hoa và công dân các nước thứ ba trong lãnh vực kinh doanh và dịch vụ, giành chỗ của người Việt. Việt Nam đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển của Đại Hàn khi quốc gia này bắt đầu bước vào thế giới hiện đại. Chính phủ Đại Hàn hỗ trợ cho công dân của họ hết mình và tìm cách tạo cơ hội dễ dàng cho sự xâm nhập vào Việt Nam bằng cách thiết lập các ngân hàng riêng và công ty kinh doanh riêng của họ. Kỳ đã tới viếng thăm Seoul và được tiếp đãi bằng thảm đỏ cực kỳ long trọng. Sau khi đã được chiêu đãi hết sức thịnh soạn, được giải khuây và tặng quà ngập đầu, Kỳ đã dễ dàng ký một thoả ước cho phép một ngân hàng thương mại và một công ty kinh doanh của Đại Hàn mở một chi nhánh ở Việt Nam mà không hỏi ý kiến chính phủ ở nhà. Tôi được biết thoả ước này qua báo chí ngày hôm sau. Tôi hết sức tức giận. Tại sao Kỳ lại có thể tặng một món quà ưu ái như vậy mà không tham khảo ý kiến chúng tôi, làm sao ông có thể nhường một mảnh quyền tối thượng của quốc gia mà không đòi hỏi bên kia phải đền đáp lại? Khi Kỳ vừa trở về, tôi đến gặp ông và bày tỏ ý kiến của mình. Tôi nói với ông ta không một ngân hàng nào được phép mở tại Việt Nam mà không đi qua một loạt thẩm tra pháp luật và không có giấy phép do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cấp; vả lại, cấp một giấy phép như vậy cho một ngân hàng Đại Hàn (mà lại là một Ngân hàng Nhà nước) và không đòi một điều khoản nào đáp lại cho tương xứng thì đó là một sai lầm lớn. Vốn là một người đàng hoàng ngay thẳng, Kỳ nhận ngay sai lầm của mình và yêu cầu tôi giải quyết toàn bộ vấn đề với giới chức Đại Hàn. Khi ngân hàng Đại Hàn nộp đơn xin cấp giấy phép để mở một chi nhánh ở Sài Gòn, tôi cho họ biết sẽ không có giấy phép nào được cấp nếu không có một văn kiện thành văn của chính phủ và Ngân hàng Quốc gia Đại Hàn cam kết sẽ cấp giấy phép tương tự khi có một ngân hàng Việt Nam đủ tư cách nạp đơn xin mở chi nhánh tại Đại Hàn. Viên Thống đốc ngân hàng Đại Hàn, một người bạn của tôi, đành phải tuân theo, trước khi tôi ký giấy phép cho chi nhánh Sài Gòn của ngân hàng Đại Hàn.

Công ty kinh doanh Đại Hàn có tên là Kotraco cũng phải được Bộ Thương mại cấp giấy phép, và việc này cũng không thể giải quyết mà không có một số khó khăn tuy ít hơn. Cũng giống như tất cả công ty kinh doanh, dù trong nước hay nước ngoài, Kotraco cũng phải tuân theo luật pháp Việt Nam và các điều lệ ngoại thương. Rõ ràng muốn lợi dụng việc họ giúp đỡ cho Việt Nam, công ty này định giành một vị trí đặc biệt trên thị trường của chúng ta ngay từ buổi đầu tiên. Phái đoàn Đại Hàn tới gặp tôi, nói rằng ông Kỳ đã chấp nhận một danh sách nhập cảng dài ở Seoul. Tôi nói rằng chỉ có Bộ Thương mại mới có thể chấp thuận một danh sách các mặt hàng nhập cảng. Và tôi gọt lại danh sách này chỉ còn một số tối thiểu rồi gởi xuống cho Bộ Thương mại. Sau này tôi nghe kể lại là chính quyền Đại Hàn rất tức giận về hành động của tôi. Sau khi tôi đã rời các chức vụ trong nội các, tôi nhận thấy các nhà ngoại giao Đại Hàn và các viên chức cao cấp trước đây từng cúi mình rất thấp khi gặp tôi nay quay lưng đi và giả bộ không nhìn thấy tôi.

Trong những năm ấy, Nam Việt Nam là một cái bánh lớn và các nước láng giềng như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia, và Đại Hàn đều muốn một phần miếng bánh mà nhân dân Việt Nam gánh việc trả tiền; một vài người này tham lam hơn những người kia, nhưng Đại Hàn là kẻ tham lam nhất. Công dân của những nước đồng minh với Mỹ trong chiến tranh như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Đài Loan và Thái Lan, vì có được quy chế ưu tiên dành cho người không cư trú dài hạn, và nấp đằng sau cái khiên che của lực lượng quân đội Mỹ, đã như đàn chim mồi sà xuống kiếm chác trên thị trường và nền kinh tế Việt Nam. Tôi đã phải ngăn chặn rất nhiều vụ mưu toan xâm nhập để lợi dụng và tôi đã phá hỏng nhiều thủ đoạn tham lam của họ để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam và cuộc sống bình an của người dân. Đó không phải là một công việc dễ dàng bởi vì các đường dây ngoại giao, các cơ sở quân sự và sự đồng loã vì tham lam của một số người Việt Nam cấu kết với đám thương gia Chợ Lớn đã mở ra một lô đường dây buôn bán và tôi đã phải tìm mọi cách để chặn lại.

Không may cho tôi, là không có được bao nhiêu đồng nghiệp và quan chức chính phủ sẵn lòng chọn thái độ ấy và đứng lên chống lại những việc xấu như vậy, vì thiếu sáng kiến, thiếu can đảm, thiếu trung thực, vì lười biếng và thái độ làm việc xính xái cho qua. Rất thường khi chỉ có một mình tôi trong trận đánh, và tôi bị bỏ rơi giữa đàn sói mà không có được bao nhiêu hỗ trợ. Chiến đấu đơn độc như vậy, tôi bắt buộc phải mạnh tay; thế nên tôi đã giẫm lên chân rất nhiều bạn bè cũng như kẻ thù. Điều này không làm cho tôi chiếm được nhiều cảm tình trong các giới người Việt và người ngoại quốc. Chỉ có một vài người tận tuỵ có lòng, mới ủng hộ và tán thưởng hành động của tôi. Và bởi vì quá bận rộn với bao nhiêu công việc đòi hỏi, tôi đã phạm cái sai lầm là không giải thích trước công chúng, biện minh cho việc làm của mình; tôi không chú ý đủ mức đến khía cạnh cần thiết của quan hệ “ngoại giao”. Giờ đây nhìn lại, tôi mong sao hồi đó tôi có được nhiều thời gian và nhiều can đảm hơn để trình bày trước công chúng những vấn đề, những mối lo toan và hành động của tôi. Có lẽ đó là lý do mà tôi được người ta biết tới ở nước ngoài nhiều hơn là ở trong nước.

Ở Pháp tôi thường xuyên tiếp xúc với Thủ tướng Antoine Pinay, người rất thân với tôi suốt một thời gian dài, ngay cả sau khi ông và tôi cả hai cùng về hưu. Tôi đã có những cuộc thảo luận thường xuyên với Thống đốc Baumgartner và Thống đốc Calvet của Ngân hàng Quốc gia Pháp và các vị Tổng giám đốc của tất cả các Ngân hàng Nhà nước khác. Ở Mỹ tôi thường gặp và làm việc với Tổng thống Lyndon Johnson, Bộ trưởng Mc Namara, tướng Westmoreland, tướng Abrams; và tôi cũng có tiếp xúc với phó Tổng thống Hubert Humphrey. Ở Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thuỵ Điển, tôi quen biết tất cả các vị Thống đốc Ngân hàng Quốc gia. Ở vương quốc Anh, Tây Đức, Ý và Thuỵ Sĩ, tôi quen biết hầu hết các nhân vật trong các Ngân hàng Trung ương và trong các ngân hàng thương mại lớn nhất của họ, vì Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Việt Nam Thương tín vẫn thường giao dịch với họ. Ở châu Á, đương nhiên là tôi quen một số còn đông hơn nữa các nhân vật trong chính phủ và trong các Ngân hàng Trung ương, nhà nước cũng như tư nhân. Hai quốc gia tôi thích hơn cả và nơi tôi gặp nhiều nhân vật quan trọng hơn cả là Nhật Bản và Đài Loan. Trong những năm tôi giữ chức Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín, và Tổng uỷ viên Kinh tế Tài chánh, với vị trí dẫn đầu các phái đoàn thương thuyết Việt Nam, tôi nhiều lần gặp gỡ Bộ Ngoại giao Nhật (tiếng Nhật là Gaimucho), Bộ Kinh tế và Thương mại (Miti), gặp gỡ Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản và các vị Tổng giám đốc của 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Nhật Bản; vị Chủ tịch của Liên hiệp Công đoàn Kaidanren hùng mạnh (tổng liên đoàn thương mại kỹ nghệ toàn nước Nhật, tổ chức tài trợ cho tất cả các cuộc bầu cử), ông Uemura; Tổng thư ký của họ, ông Sengha; ông Kubota, Chủ tịch xí nghiệp Nippon Koei, xí nghiệp tư vấn kỹ nghệ lớn nhất của Nhật và một trong những xí nghiệp lớn nhất thế giới, và quen biết với nhiều vị Chủ tịch của Quỹ Phát triển Hải ngoại Nhật Bản ODA. Sau khi tôi trở về Việt Nam với tư cách Thống đốc Ngân hàng Quốc gia và Tổng uỷ viên Kinh tế Tài chánh, tôi thường dẫn đầu nhiều phái đoàn qua Nhật dự các buổi hội thảo kinh tế thường niên khối Đông Nam Á mà chủ toạ là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại; tôi cũng có những cuộc tiếp xúc cá nhân với các Bộ trưởng của Nhật Bản như Miki, Fukuda và Okita. Ở Đài Loan tôi quan hệ thân thiết với ông K.T.Li, một thành viên thường trực của chính phủ Trung Hoa và là Bộ trưởng Kinh tế Tài chánh trong hơn 25 năm, ông P.I. Tsu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và ông Kuo Hwa Yu, cũng là Thống đốc Ngân hàng Trung ương và sau này là Thủ tướng Đài Loan, người luôn luôn tiếp đãi tôi nồng hậu, sau khi tôi đã về hưu, mỗi khi tôi tới thăm Đài Bắc suốt một thời gian dài cho tới khi ông qua đời; Bác sĩ I.S.Sun, nguyên Bí thư của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, vốn là phó Thống đốc lúc ấy, và sau này lần lượt làm Chủ tịch Ngân hàng Giao thông Vận tải, Ngân hàng Đài Loan, Ngân hàng Trung Hoa và Ngân hàng Exim. Ở Thái Lan, tôi rất thân với Thống đốc Puey và sau đó với Thống đốc Bishudi của Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Ở Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore và Indonesia, tôi đều gặp và quen biết nhiều vị Thống đốc của các Ngân hàng Trung ương như Likaros, Michel Wong cùng nhiều Bộ trưởng Tài chánh khác. 

1    2    3    4    5    6    7    8    9    10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét