1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
VIII. Sự
nghiệp quốc tế thứ ba
Khi tôi trở lại Washington vào tháng 4/1975, tôi vẫn phân vân lưỡng lự giữa hai
khả năng: hoặc quay lại World Bank làm việc với Bill Diamond, hoặc về IMF với
Ian Mladeck, người đã đề nghị tôi gia nhập Sở Ngân hàng Trung ương (CBS) làm việc
với ông, sau khi tôi rời chức vụ trong hội đồng quản trị. Tôi chọn công việc thứ
hai; tôi được mời giữ chức vụ Cố vấn, thích hợp với kiến thức chuyên môn và
nguyện vọng của tôi hơn.
Tôi bắt đầu vào CBS tháng 5/1975; công việc của tôi là
hỗ trợ kỹ thuật cho những quốc gia đang phát triển trong lãnh vực ngân hàng
thương mại và ngân hàng trung ương; công việc rất thú vị và tôi rất thích việc
mình đang làm. Nhưng không bao lâu tôi khám phá ra là IMF còn thiên về chính trị
nhiều hơn cả World Bank, và chính trị đóng một vai trò rất lớn trong các quyết
định của họ. Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng kinh nghiệm chuyên môn và sự thạo
nghề không phải là những khía cạnh quan trọng nhất của một sự nghiệp đối với
các nhân viên IMF; rằng người ta cần phải chú ý tới những chuyện chính trị, những
trò tranh giành quyền lực, những mưu mô và những mối liên hệ quốc gia hay “bộ tộc”,
hơn là thông hiểu kỹ thuật và có tài trong nghề nghiệp. Những nhân viên trong
ban điều hành sở tôi đều có những bằng cấp cao, danh giá lớn, gây ấn tượng rất
lớn đối với các chính phủ hội viên, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn hoặc
kiến thức về ngân hàng tại các nước đang phát triển. Chỉ có hai người trong họ
là xuất thân từ các lãnh vực thực hành và nghiệp vụ ngành Ngân hàng Trung ương,
nơi họ làm việc trước khi gia nhập vào Sở Ngân hàng Trung ương ở IMF. Phần lớn
những người khác chỉ có kinh nghiệm hành chánh hay chính trị trong những cơ
quan cũ của họ trước kia. Và không có một ai được đào tạo về ngân hàng thương mại,
chỉ một mình tôi là người có kinh nghiệm lâu năm, hoạt động trong các Ngân hàng
Trung ương, ngân hàng thương mại và Ngân hàng Khuếch trương Kỹ nghệ. Vì vậy mà
công việc trợ giúp kỹ thuật thật sự phải dựa vào các “chuyên viên” mà họ tuyển
mộ và gởi tới các nước đang phát triển cần giúp đỡ kỹ thuật; trong lúc đó các
nhân viên cao cấp thì ở lại trung ương để lo về phương diện hành chánh của
chương trình như tuyển mộ chuyên viên, thương thuyết về thời hạn và điều kiện bổ
nhiệm, liên lạc với chính quyền các nước nhận viện trợ, tổ chức phái đoàn thăm
viếng v.v… Vì vậy bất cứ khi nào họ nhận được một công tác hỗ trợ kỹ thuật hay
nghiên cứu một vấn đề kỹ thuật ngân hàng theo lời yêu cầu của một nước thành
viên, họ rất lo lắng, nhất là những người chỉ có kinh nghiệm hành chánh.
Những văn kiện họ viết cho chính phủ các nước thành viên phần nhiều chỉ đề cập
các khía cạnh lý thuyết và ít khi nói tới khía cạnh kỹ thuật và thực hành của vấn
đề. Cơ quan CBS có một phòng nghiên cứu đầy kinh tế gia; những tài liệu họ đưa
ra đều có chất lượng rất tốt nhưng lại không có ích lợi bao nhiêu cho các nước
đang phát triển vì các tài liệu này hầu hết đều mang tính lý thuyết và chỉ đề cập
tới những vấn đề ngân hàng của các nước đã phát triển hơn là của các nước đang
phát triển. Vì vậy mà các nước thành viên IMF cần sự hỗ trợ kỹ thuật, không được
giúp đỡ một cách cụ thể bao nhiêu. Việc thiếu kinh nghiệm thực hành và sự kém
hiểu biết những vấn đề ở các nước đang phát triển, đôi khi đã làm cho những
nhân viên cao cấp phạm những sự sai lầm buồn cười. Những lời đề nghị hoặc khuyến
cáo của họ dĩ nhiên là rất tinh tế, rất lý thuyết, nhưng hoàn toàn không áp dụng
được trong các điều kiện của những quốc gia họ muốn giúp đỡ. Ví dụ như một viên
nhân viên cao cấp xuất thân từ Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Federal Reserve),
có kinh nghiệm chủ yếu về ngành hành chánh, đã có một lần đề nghị một hệ thống
máy vi tính để “xác định” người đến đổi tiền cũ ra tiền mới, trong một chương
trình thay đổi tiền tệ của một Ngân hàng Trung ương (để tránh khách hàng đổi tiền
nhiều lần) cho một nước vừa mới thoát khỏi cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài và bị
tàn phá nặng nề, với mọi tiện ích công cộng cũng như phương tiện giao thông đều
bị phá huỷ - xứ Uganda. Đó là chưa nói tới việc không có nhân viên có tay nghề
và các chuyên viên kỹ thuật được đào tạo hẳn hoi để vận hành và bảo quản những
trang thiết bị tinh tế như vậy. Một vị cố vấn khác đã dựa trên hệ thống kiểm tiền
tốc độ cao của Mỹ (với nhân viên kiểm ngân dùng máy đếm tiền tốc độ rất cao) để
dùng tổ chức một chương trình hoán đổi tiền tệ cho một Ngân hàng Trung ương,
nơi mà các kiểm ngân viên đều chỉ dùng tay để đếm. Một vị cố vấn thứ ba khi được
giao nhiệm vụ tổ chức lại hệ thống kế toán dự trữ ngoại tệ đã đưa ra những lời
khuyến cáo về thị trường hối đoái rất hay, nhưng lại không hề quan tâm đến việc
kết hợp sổ sách ngân hàng với các trương mục ngoại tệ ở nước ngoài; kết quả là
trong nhiều năm, ngay cả vị Thống đốc của Ngân hàng Trung ương và vị nguyên thủ
quốc gia cũng không bao giờ dám chắc chắn rằng những tấm ngân phiếu tính bằng
đô-la của họ viết ra có được các ngân hàng liên quan ở nước ngoài thanh toán
hay không.
Không bao lâu tôi lại khám phá ra trong các hồ sơ của CBS có một tài liệu
nghiên cứu về các điều luật Ngân hàng Trung ương được IMF soạn thảo cho một số
nước thành viên, có chứa một sự lầm rất lớn; những nhân viên ban điều hành soạn
thảo các điều luật này, đã đề nghị một cơ cấu hết sức phức tạp trong việc tái định
giá dự trữ ngoại tệ bằng một công thức sai lầm; vừa mới nhìn qua tôi đã cảm thấy
có một điều gì sai lầm trong công thức này và khi tôi áp dụng nó vào những trường
hợp cụ thể được căn cứ trên các con số thống kê do IMF đã chánh tức thu thập ở
nước đó, thì không những công thức này không thể dùng được, mà nó còn dẫn đến
cái tình trạng mà công thức này được lập ra để tránh. Chín trong hai mươi mốt
điều luật Ngân hàng Trung ương IMF đã soạn thảo cho các nước thành viên nằm
trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật đều có chứa công thức sai lầm này. Các điều
luật này đã được quốc hội các nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Tôi viết một
bản phân tích được minh hoạ bằng những trường hợp cụ thể có liên quan tới vấn đề,
căn cứ trên số liệu thống kê của các nước thành viên mà IMF đã xuất bản, nhấn mạnh
sự sai lầm của công thức ấy. Tôi đề nghị IMF tìm cách để sửa chữa sự sai lầm. Cấp
trên của tôi và nhiều nhân viên cao cấp trong ban điều hành đã sững sờ khi nhìn
thấy những sự sai lầm này. Trong suốt hai năm họ cứ yêu cầu tôi viết đi viết lại
nhiều lần tờ trình phân tích của tôi, để bắt tôi trình bày vấn đề một cách tổng
quát hơn, làm cho loãng bớt sự sai lầm của công thức; nhưng họ tuyệt nhiên từ
chối không chịu sửa đổi. Đối với họ, cơ quan IMF và nhân viên ban điều hành CBS
không thể thú nhận rằng mình đã sai lầm, nhất là khi sai lầm này nằm trong các
điều luật mà chính IMF đã đề nghị và đã được các nước thành viên bỏ phiếu thông
qua. Vấn đề sĩ diện mà!
Theo như tôi biết, chín điều luật của chín quốc gia thành viên này từ đó đến
nay vẫn chưa hề được sửa đổi.
Cơ quan CBS thường được yêu cầu nghiên cứu toàn bộ hệ thống ngân hàng của một
quốc gia và cung cấp các đề nghị để tái tổ chức hay hiện đại hoá hệ thống này.
Vì các nhân viên trong ban điều hành không hề có kiến thức căn bản về ngân hàng
thương mại, ngoài tôi ra, nên họ thường thuê những tay cố vấn ở bên ngoài giúp
đỡ công việc, nhưng thường khi người đứng đầu các phái đoàn công tác lại thiếu
kiến thức tối thiểu cần thiết để thảo luận nên họ thường chấp nhận lời đề nghị
của các chuyên viên thuê bên ngoài mà không tranh luận bao nhiêu. Có một lần
theo lời yêu cầu của một nước châu Mỹ La Tinh (Chi-lê) tôi đã viết một luận án
về những điều thuận lợi và bất lợi của hệ thống ngân hàng universal
banking (ngân hàng nghiệp vụ tổng quát) trong thế giới thứ ba, với căn bản
dựa trên đặc điểm và điều kiện đặc thù của quốc gia này (universal banking là
ngân hàng làm tất cả các nghiệp vụ, không trừ một thứ nào, khác hẳn với các
ngân hàng đầu tư, canh nông, khuyếch trương, thương mại, vv...). Bản luận án
này rất dễ hiểu và rất thực tế; những quan chức chính phủ của nước này khi được
đưa coi bản thảo một cách không chính thức, đã công nhận nó rất hợp lý và rất hữu
ích; nhưng người cấp trên của tôi, cũng chính là con người chưa bao giờ có kinh
nghiệm ngân hàng thương mại, người đã xuất thân từ một chức vụ hành chánh trong
Ngân hàng Trung ương, thì lại không thích nó, bởi vì một số hoàn cảnh thực tiễn
và vài vấn đề thảo luận trong bản luận án rất mới mẻ đối với ông ta – đó là nói
ít nhất. Ông ta viết một bản luận án khác, hoàn toàn lý thuyết và triết học,
không hề đề cập tới những vấn đề cụ thể được chính phủ nước sở tại nêu lên, ví
dụ như sự thuận tiện và bất tiện của ngành ngân hàng nghiệp vụ tổng quát trong
một nước đang phát triển. Đó là một bản luận án kém chất lượng, nhưng vì ông ta
đã tuyên bố không chấp nhận bản luận án của tôi, ông ta đưa bản luận án của ông
cho chính phủ nước kia, và những người này lặng lẽ, tìm đến tôi để xin lại bản
luận án của tôi.
Thời gian trôi qua, càng lúc tôi càng khám phá thêm nhiều sai lầm nữa, và tôi
càng cảm thấy thất vọng và buồn giận bởi vì không những tôi không được phép sửa
chữa những sai lầm này mà tôi còn bị buộc vào cái tội là không phải “một thành
phần của ban”, “thành phần” có nghĩa là phải chấp nhận tất cả mọi điều được sở
CBS gợi ý hay đề nghị, không cần biết đúng hay sai. Lần lần tôi mất dần ảo tưởng
với sở và với cả IMF bởi vì chất lượng kém cỏi của sở cũng phản ảnh lại trên uy
tín của IMF. Ví dụ như có một đại diện IMF ở một nước Trung Mỹ được giao cho
nhiệm vụ đầy quyền thế là kiểm soát tình trạng rối ren của hệ thống tiền tệ, đã
không bao giờ nhận ra được rằng đồng tiền quốc gia ở đó có chứa đựng một điều
khoản quan trọng in trên mỗi tờ giấy bạc là đồng tiền này được hoán đổi qua đồng
đô-la Mỹ theo một tỷ suất cố định. Đây là một điều kiện rất nguy hiểm và đầy bất
trắc bởi vì đồng bạc ấy đã sụt giá nhiều rồi, đã trở nên rất quá yếu và có thể
bị phá giá bất cứ lúc nào; trong trường hợp đó dân chúng có quyền đòi hỏi một
cách hợp pháp, chính quyền đổi tiền của họ ra tiền đô-la Mỹ với tỷ giá hối đoái
cố định cũ. Khi tôi vạch rõ sự nguy hiểm này cho chính phủ sở tại, họ đều bị chấn
động; thể theo lời yêu cầu của họ, tôi đề nghị xoá điều khoản ấy một cách kín
đáo và huỷ bỏ điều cam kết; bằng cách lặng lẽ in các đồng bạc mới nhưng không có
điều khoản nguy hiểm trên và thay dần cho những đồng tiền cũ. Nhưng vị đại diện
IMF rất không bằng lòng với sự khám phá của tôi về điều khoản nguy hiểm này
trên giây bạc Haiti, vì ông không bao giờ để ý đến điều đó – và sau này đã tạo
đủ thứ khó khăn cho tôi ở sở CBS và cơ quan IMF. Trong những lần thảo luận với
các cấp chính quyền nước sở tại, tôi đã phát hiện ra thêm nhiều điểm thiếu sót
và yếu kém trong hệ thống tiền tệ và tất cả các Bộ trưởng đều đi tới kết luận
là các vị đại diện IMF lâu nay đóng đô trong nước họ không phải là những người
có năng lực nhất thế giới như họ đã tưởng lầm. Tôi không đề cập tới chuyện này
trong báo cáo gởi về cho CBS vì đó không phải là nhiệm vụ của tôi; nếu nhắc tới
nó, chắc chắn là tôi phải rơi xuống địa ngục! Đó là trách nhiệm của sở phụ
trách vùng Nam Mỹ và họ không tha thứ đâu. Về chuyện tôi đề nghị chính quyền
Haiti lặng lẽ xoá bỏ điều khoản cam kết trên tờ giấy bạc cũng vậy. Tôi không biết
chắc từ ấy đến nay đề nghị của tôi đã được thực hiện hay chưa. Nếu độc giả nào
tình cờ đi qua Haiti, thì xin nhìn coi đồng bạc hiện nay có còn mang điều khoản
ấy nữa hay không.
Việc thiếu một nền tảng đào tạo thích hợp và kinh nghiệm thực hành nghiệp vụ đã
dẫn tới nhiều trường hợp lúng túng và thường gây ra những vấn đề nội bộ nghiêm
trọng cho IMF. Bị thúc đẩy bởi cách đối xử khác biệt trong các ban ngành và các
sở khác nhau và với ý muốn cho mọi nhân viên biết qua tất cả mọi khía cạnh hoạt
động của Quỹ, ban giám đốc đòi hỏi một sự cơ động rất lớn, cho phép chuyển từ sở
này qua sở khác, hai hay ba năm một lần, mà không hề chú ý đến các hoạt động đặc
thù của mỗi sở. Làm sao mà một nhà kinh tế không hề được đào tạo ngành ngân
hàng có thể đặt vào sở Ngân hàng Trung ương và nhận nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật
cho các nước thành viên trong lãnh vực Ngân hàng Trung ương và ngân hàng thương
mại được. Mặt khác, làm sao một tay ngân hàng chỉ được đào tạo và có kinh nghiệm
về ngân hàng thôi có thể làm việc như một nhà kinh tế ở một sở khu vực
(geographic department) được. Sự cơ động này thường gây ra những trường hợp
khôi hài và đã mở đường cho rất nhiều trò lạm dụng; khi tôi rời khỏi IMF thì vị
phó Tổng giám đốc của Sở Ngân hàng Trung ương lại là một nhà kinh tế không hề
có kiến thức ngân hàng. Vào thời gian ấy toàn bộ Sở Ngân hàng Trung ương của IMF
chỉ có một hoặc hai thành viên là có kiến thức thật sự về nghiệp vụ hoạt động
ngân hàng; vậy làm sao IMF có thể hỗ trợ kỹ thuật một cách cụ thể và đích thực
trong lãnh vực Ngân hàng Trung ương và ngân hàng thương mại cho các nước đang
phát triển?
Vì thất vọng với sự kiện này, tôi quyết định xin về hưu sớm năm 1981. Trong thời
gian đó mối liên hệ giữa tôi và đất nước Việt Nam được nối lại, và điều hết sức
ngạc nhiên lại là từ phía bên kia. Sau khi Nam Việt Nam thất thủ, tôi gột sạch
khỏi đầu mình tất cả mọi ý nghĩ trở về quê nhà hay làm việc ở đất nước. Bất ngờ
vào một ngày cuối năm 1975 tôi nhận được một lá thư từ ban giám đốc Ngân hàng
Trung ương Việt Nam, với cái tên mới là Ngân hàng Nhà nước, do La Văn Liếm, một
nhân viên cũ của Ngân hàng Đông Dương và là đội trưởng một đội ám sát của khu
Sài Gòn–Chợ Lớn. Bằng một giọng thân hữu anh ta nhờ tôi tìm cho anh một viên chức
cũ của Ngân hàng Trung ương thời trước mà anh ta muốn giúp đỡ; anh cũng đề nghị
tôi cứ giữ liên lạc với ban giám đốc mới của ngân hàng, vì họ có thể cần tới sự
giúp đỡ của tôi. Tôi đi tìm người viên chức kia cho anh ta, và trả lời là tôi rất
vui lòng giữ liên lạc với họ và giúp đỡ họ. Năm 1976 Hội nghị thường niên
IMF-IBRD được tổ chức tại Manila, Phi Luật Tân; những người đồng nghiệp của tôi
tham dự hội nghị, kể lại với tôi là người trưởng phái đoàn Việt Nam hỏi thăm
tôi, tưởng rằng tôi cũng tới dự hội nghị. Năm 1977 tại hội nghị thường niên ở
Washington thì ông Trần Dương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Ngân
hàng và Ủy viên Bộ Chính trị, tìm tôi và sau đó gặp tôi nhiều lần. Lần đầu tiên
gặp tôi ông nói: “Có lẽ anh không biết tôi nhưng tôi biết anh, vì hồi ở trong rừng
chúng tôi thường trích dẫn anh trên đài phát thanh Giải Phóng.” Lúc tôi còn ở
Việt Nam trước năm 1975 có nhiều người bạn nói với tôi là đài phát thanh Việt cộng
thường trích dẫn tôi trong những nhận định về tình hình kinh tế miền Nam, họ
dùng nó để công kích Thiệu và chính sách của ông ta. Trần Dương đề nghị tôi
giúp đỡ ông trong việc thảo luận với Quỹ và Ngân hàng.
Dĩ nhiên là tôi không xuất hiện trong hội nghị, nhưng ông tham khảo ý kiến của
tôi về tất cả mọi đề tài thảo luận với hai tổ chức trên. Ông không hề được đào
tạo về tài chánh ngân hàng, vì đã chiến đấu suốt 30 năm trong rừng từ 1945 tới
1975, nhưng ông rất muốn học hỏi. Tôi rất ấn tượng về những quan điểm thẳng thắn
của ông và ngạc nhiên bởi sự chân thật của ông trong khi chúng tôi thảo luận với
nhau. Ông ta nói với tôi rằng trong hệ thống tư bản ở miền Nam thì quy hoạch
trung ương chả ra gì, nhưng việc quản lý kinh doanh thì tốt, trong khi ở hệ thống
xã hội chủ nghĩa của miền Bắc, thì quy hoạch trung ương tốt hơn nhưng việc quản
lý kinh doanh không giỏi. Ông nhờ tôi mua một số sách về quản lý trong kinh
doanh để dạy ông và giúp đỡ chính phủ ở quê nhà cải thiện việc điều hành. Ông mời
tôi về thăm Việt Nam một chuyến để xem những gì chính phủ đã làm được trong
lãnh vực y tế và giáo dục công cộng mà ông rất đỗi tự hào. Ông tặng tôi một
chai rượu nếp do hãng rượu Nam Điển Hà Nội sản xuất như một món quà của chính
phủ. Một ngày kia khi cả phái đoàn chen chúc vào trong chiếc xe của tôi để về
nhà dùng bữa cơm tối tôi chiêu đãi, tôi mở một băng nhạc gồm các bài ca ở miền
Nam và xin lỗi vì chỉ có loại nhạc “vàng” chớ không còn gì khác. Thật là ngạc
nhiên, Trần Dương nói với tôi rằng bọn họ cũng thích “nhạc vàng” miền Nam nhưng
họ đã đổi lời hát. Ông cho tôi hay là ban nhạc của Ngân hàng Nhà nước cũng thường
chơi những bài nhạc này và ông sẽ gởi cho tôi một vài cuộn băng ghi những bài
này với lời ca mới do ban nhạc của ngân hàng thực hiện.
Năm 1981 tôi xin về hưu sớm khỏi cơ quan IMF và hợp tác với Dennis Baron thành
lập một công ty riêng của tôi để kinh doanh dầu hoả trên thị trường dầu hoả thế
giới. Chúng tôi đã thành công khi ký một hợp đồng với một số tiền hoa hồng khá
lớn nhưng lại bị một tay con buôn người Pháp ở Dubai đoạt mất. Vì việc kiện tụng
rất tốn tiền, rất mất thời gian và cũng không chắc có kết quả tốt cho mình, nên
chúng tôi quyết định không thưa kiện. Khi thị trường dầu hoả bắt đầu lắng xuống
và ổn định trở lại, chúng tôi quyết định đóng cửa văn phòng ở New Jersey, thay
đổi kế hoạch hoạt động. Cùng với William Taylor, một cựu kỹ sư thuộc Kỹ sư đoàn
danh tiếng của Mỹ và một người bạn nữa tên là Charles Welbert, một nhân viên
ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ về hưu đang ở Casablanca, Ma-rốc, chúng tôi
thành lập một công ty tư vấn để giúp những công ty xây dựng Mỹ trong việc liên
doanh với các công ty lớn ở nước ngoài. Chúng tôi đã làm việc với các công ty
Bechtel, Raymon International, Morisson, Knussen…, đã thuê công ty xây dựng lớn
nhất của Ma-rốc làm một số việc trong các phi trường ở Bắc Phi. Sau khi những
cuộc thương lượng đầu tiên hoàn tất, xí nghiệp Ma-rốc thông báo cho chúng tôi
hay là cơ quan kiểm soát ngoại hối không cho phép họ chuyển tiền thù lao cho
chúng tôi; họ nhận rằng họ nợ chúng tôi số tiền ấy nhưng không có cách nào khác
để trả. Trong thời gian ấy thì Charles Welbert qua đời, William Taylor và tôi
quyết định đóng cửa công ty tư vấn.
Việc này kết thúc các hoạt động kinh doanh tư nhân của tôi. Đó là số phận của
tôi, nếu quả có một số phận mà tôi có thể tin được. Tôi có thể làm ra tiền cho
chính phủ hoặc cho ngân hàng nhưng tôi không thể làm ra tiền cho chính bản thân
tôi. Tôi có thể phục vụ công chúng và tôi có thể phục vụ đất nước, nhưng tôi
không thể lo toan cho chính mình được. Nếu như tôi làm ra được một đồng nào
trong các hoạt động kinh doanh riêng tư của mình, thì luôn luôn sẽ có một tên
trộm hay một tên lừa đảo nào đó cuỗm mất của tôi.
Vào thời gian đó tôi nhận được nhiều lời đề nghị tư vấn. Liên Hiệp Quốc dự định
gởi một phái đoàn tới Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật nhằm tổ chức lại hệ thống
ngân hàng. Họ mời tôi tham dự phái đoàn này. Một người bạn của tôi trước đây là
Giám đốc của một văn phòng địa phương của Ngân hàng Thế giới ở châu Phi, cũng
được World Bank chỉ định dẫn một phái đoàn đi Việt Nam với một công tác như vậy.
Anh ta không hề có một kinh nghiệm nào về Ngân hàng Trung ương và ngân hàng
thương mại. Biết rằng tôi đã đóng vai chánh trong việc thiết lập toàn bộ hệ thống
ngân hàng cho Nam Việt Nam từ Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại lớn nhất
nước, tới Ngân hàng Khuếch trương, anh ta muốn tôi tham gia vào phái đoàn của
anh. Nhưng tôi đã từng có kinh nghiệm với các phái đoàn hỗ trợ kỹ thuật của IMF
và World Bank, trong đó có vài phái đoàn tôi tham gia và vài phái đoàn tôi đã dẫn
đầu. Tôi hiểu rõ tinh thần và tâm lý của những phái đoàn công tác này. Tôi có
thể chấp nhận làm việc với họ nếu công tác thuộc về những đất nước khác, còn đối
với đất nước tôi thì tôi không thể làm việc cho các phái đoàn ấy được, bởi vì
tôi có những ý kiến riêng của mình về hệ thống ngân hàng của đất nước tôi; tôi
đã lập ra ba ngân hàng và với danh nghĩa Thống đốc Ngân hàng Trung ương, tôi đã
hoạt động với tất cả các ngân hàng từ những ngày đầu tiên. Vì vậy tôi từ chối cả
hai phái đoàn mặc dù tôi biết mình sẽ được IMF và World Bank trả một số tiền
đáng kể, hàng chục ngàn Mỹ kim; trong lúc tôi cũng sẽ làm công việc ấy mà bằng
túi tiền của mình nếu tôi chấp nhận giúp đỡ đất nước – một điều mà sau này tôi
sẽ làm. Khi tôi đang ở Sài Gòn năm 1991 và giúp đỡ chính quyền theo lời yêu cầu
của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thì văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội gọi điện vào
cho tôi, cố thuyết phục tôi ra tham gia phái đoàn của họ ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn
từ chối.
Trước đó một công ty tư vấn ở New York làm việc với USAID cũng đã gọi điện cho
tôi mời tôi làm việc ở châu Phi với tư cách là cố vấn ngân hàng địa phương cho
một số quốc gia ở Tây Phi, với một số lương rất lớn và một lô bổng lộc. Vì đã từng
công tác nhiều lần cho IMF ở châu Phi, nơi tôi đã trải qua những kinh nghiệm
không tốt cho sức khoẻ của mình nên tôi cũng từ chối mặc dù công việc và tiền
lương rất hấp dẫn. Tôi không phải là người bị tiền cám dỗ. Đó cũng là số phận của
tôi!
Năm 1991, một người bạn của tôi là cha Phan Khắc Từ, một linh mục Thiên chúa
giáo và là một đại biểu Quốc hội, đã gởi cho tôi một bản fax cho biết Thủ tướng
Võ Văn Kiệt muốn mời tôi viếng thăm Việt Nam để xem xét tình hình kinh tế khó
khăn của đất nước và đề nghị phương thuốc cứu chữa. Cùng lúc đó tôi nhận được
thư của bạn tôi, Lâm Võ Hoàng, người từng làm việc với tôi ở Việt Nam Thương
tín, xác nhận lời mời của Thủ tướng Kiệt. Tôi hơi do dự bởi vì tôi vẫn còn ngại
đường lối cứng rắn của chính phủ đối với những người có liên hệ với chính quyền
Sài Gòn, nhưng cha Phan Khắc Từ và Lâm Võ Hoàng cứ nài nỉ mãi.
Tháng 11/1991 tôi bay về Sài Gòn và gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt đúng vào ngày cuối
cùng trước khi ông đi Singapore và tôi quay trở về Mỹ.
Tôi trình bày những khó khăn kinh tế tài chánh của đất nước cho ông rất lâu,
trong lúc hai phụ tá của ông Kiệt ngồi ghi chép. Ông nói với tôi là ông rất có ấn
tượng về những gì tôi trình bày, và ông ngồi nghe rất chăm chú. Khi đến lúc ông
phải đi để gặp Tổng bí thư Đỗ Mười lúc ấy đang ngồi chờ ông ở căn nhà kế cận
hơn 45 phút, tôi chào từ giã nhưng ra tới cửa, ông nắm tay tôi thật chặt không
muốn để tôi đi. Ông khẩn khoản yêu cầu tôi trở về lại để giúp đỡ, rõ ràng là
ông rất quan tâm tới điều tôi trình bày và những giải pháp tôi đề nghị. Tôi nói
với ông là tôi không thể quay về nhiều lần để giúp, bởi vì có một số các đầu
nóng chống cộng bên Mỹ chắc chắn sẽ không chịu hiểu lòng muốn giúp đỡ nhân dân
của tôi, và chắc chắn sẽ làm hại tôi. Ông bèn đề nghị là nếu tôi không về Việt
Nam để giúp ông, thì ông mong rằng bất cứ khi nào ông ra nước ngoài, ông sẽ báo
tôi biết và tôi tới gặp ông để thảo luận những vấn đề cùng ông và những người
phụ tá. Tôi nói rằng như vậy thì dễ bị người ta nhìn thấy quá nên tôi chỉ muốn
là có dịp thỉnh thoảng về nước để nghiên cứu các vấn đề kinh tế tài chánh của đất
nước và vạch chương trình phát triển kinh tế, nhằm giúp đỡ nhân dân Việt Nam vốn
đã chịu quá nhiều đau khổ cơ cực.
Nhưng khi tôi trở về lần thứ hai vào tháng 4/1992 tôi nhận thấy vị Thủ tướng lạnh
nhạt, thái độ hoàn toàn thay đổi. Tôi chán nản, nên tôi nói với linh mục Phan
Khắc Từ là tôi sẽ không trở về nữa. Tôi hiểu rằng trong thời gian vừa qua, khi
Thủ tướng Kiệt trao đổi về chuyến viếng thăm của tôi với Nguyễn Xuân Oánh, thì
Oánh với bao nhiêu nỗi ganh tức chồng chất trước kia, đã huỷ hoại tiếng tăm của
tôi với Thủ tướng Kiệt. Vì ganh ghét với những chức vụ tôi ở World Bank và IMF
cao hơn chức vụ cuả Oánh ở IMF, vì ganh ghét với sự nghiệp ở Ngân hàng Trung
ương Việt Nam lâu dài và thành công của tôi, so với sự nghiệp ngắn ngủi và thất
bại của anh ta, sự dính líu của anh ta trong vụ tôi đưa Lederer ra toà v.v…,
Oánh đã chôn vùi tên tuổi tôi với Thủ tướng Kiệt. Nếu Thủ tướng Võ Văn Kiệt thẩm
tra lại những lời vu cáo này và biết được sự thật thì tôi đã có thể làm được rất
nhiều để giúp đất nước và nhân dân, nhiều hơn những gì tôi đã làm giữa các năm
91 tới 94. Và tất cả những điều này bằng chi phí của chính tôi, không chút cầu
mong đền bù từ phía chính phủ hay một cơ quan quốc tế nào: tôi chỉ muốn phục vụ
Tổ Quốc và Nhân Dân tôi. Thế thôi, không còn một lý do gì khác.
Thật là tệ hại! Đôi khi một hình dong chải chuốt với một cái lưỡi rắn và một
trái tim hổ rừng có thể gây rất nhiều tai hại cho rất nhiều người.
Nhưng linh mục Từ cứ thuyết phục tôi về nghĩa vụ đối với đất nước và khẩn khoản
yêu cầu tôi trở lại Sài Gòn, và tôi đã về thêm hai lần nữa trong năm 93 và 94.
Từ năm 91 tới năm 94 tôi đã viết rất nhiều bài viết về các vấn đề kinh tế tài
chánh Việt Nam và những phương án giải quyết mà tôi xuất bản ở Paris và luôn
luôn gởi một bản sao cho Thủ tướng Kiệt qua linh mục Từ. Trong chuyến đi cuối
cùng năm 94, tôi trao cho Thủ tướng Kiệt, phó Thủ tướng Phan Văn Khải, các Bộ
trưởng có liên quan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một chương trình phát triển
đặc biệt cho Việt Nam, trong đó tôi gói gọn những chương trình đặc điểm lúc đó
đang giúp sự phát triển các quốc gia láng giềng, cũng như các nước khác đang
phát triển rất nhanh trên thế giới; tôi đã làm việc này sau hai chuyến qua
Paris và New York để nghiên cứu, tại đó tôi đã trao đổi rất nhiều với các
chuyên gia đã làm việc tại những quốc gia này và với các ngân hàng đã tài trợ
cho những biện pháp nói trên.
Nhưng tôi vẫn không thấy có phản ứng thuận lợi từ các nhà chức trách Hà Nội và
tôi nhận thấy bầu không khí lúc đó ở nước nhà không thích hợp cho việc thực hiện
chương trình phát triển của tôi. Tôi rất buồn khi thấy sự hy sinh và lòng cố gắng
cuả tôi không đem lại được những kết quả tôi mong muốn cho dân tôi, nên tôi
đành bỏ cuộc nữa đường, không muốn tiếp tục nữa.
Ngày nay tôi vẫn không biết chính quyền đã sử dụng những điều tôi đề nghị được
bao nhiêu, và chương trình của tôi đã giúp đỡ được bao nhiêu cho nhân dân tôi,
người dân Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét