Linh Mục Cao Văn Luận
Tôi
không biết tiếng Mỹ nhiều, tuy đã có học sơ sơ. Câu nào không hiểu thì tôi viết
lên giấy để nói chuyện với các Bà Phước. Tôi nhớ một mẫu chuyện buồn cười trong
mấy ngày tôi trọ trong Trường các Bà Phước. Trong phòng rửa mặt, có một tấm
gương soi mặt. Tôi đinh ninh tấm gương gắn chết vào tường, chẳng để ý gì cả.
Sáng dậy đánh răng rửa mặt xong tôi để bàn chải, thuốc đánh răng trên lavabo
rồi đi dùng bữa ăn sáng. Lúc trở lại, tôi không thấy đâu nữa, lại xuống phố mua
thêm. Sang ngày thứ hai, những thức đánh răng của tôi lại biến mất.
Tôi
lấy làm kỳ lạ mới hỏi các Bà Phước. Bà Phước dọn phòng tôi mỗi buổi sáng cười
chỉ cho tôi một nút bấm sát tấm gương. Bà ấn nhẹ ngón tay vào tấm gương thì tấm
gương bật ra, và bên trong là cái tủ nhỏ nhiều ngăn, để hai bộ đồ đánh răng của
tôi.
Tôi
ở New Jersey vài ngày làm quen với một Cha người Việt Nam là Cha Kiệm, làm Cha
Phó một họ đạo gần nơi tôi trú ngụ. Cha Kiệm dẫn tôi đi thăm Thành Phố Nữu Ước
khi thì bằng xe hơi, khi thì bằng xuồng trên sông Hudson. Nhìn những tòa nhà
chọc trời, những công trình kiến trúc đồ sộ, tôi có cảm tưởng con người như bị
kỹ thuật máy móc đè nặng lên.
Trong
mấy ngày này tôi gặp Bùi Công Văn và một số sinh viên Việt Nam du học gần vùng
này, hay tin tôi đến Mỹ đến thăm hỏi tôi.
Sau
mấy hôm tôi lên Hoa Thịnh Đốn, và tìm ngay đến nhà Đỗ Vạn Lý, ở đây tôi gặp Đỗ
Trọng Chu, Trần Long. Thành Phố Hoa Thịnh Đốn có lối kiến trúc hơi giống Ba Lê,
vì ngày xưa một Kiến Trúc Sư người Pháp đã vẽ họa đồ cho Thành Phố này lúc mới
thành lập. Đỗ Vạn Lý và Trần Long dẫn tôi đi thăm các di tích lịch sử cũng như
các thắng cảnh ở Hoa Thịnh Đốn. Trong câu chuyện, họ hỏi tôi về tình hình Việt
Nam, về ông Diệm.
Tôi
nói với họ những ý nghĩ thành thật của mình, và họ cũng cho rằng lúc này ông
Diệm về nước thật là thuận tiện. Họ cũng cho tôi biết rằng dư luận Mỹ hiện nay
không hoàn toàn ủng hộ Bảo Đại, mặc dầu là nước chính thức nhìn nhận Bảo Đại.
Báo chí thường chỉ trích chính phủ về việc giúp Pháp duy trì một chế độ bảo hộ
trá hình dưới chiêu bài Bảo Đại. Trong những ngày ở Mỹ trước đây, ông Diệm gây
được nhiều thiện cảm trong giới trí thức và chính trị Mỹ, cho nên theo nhận xét
của Đỗ Vạn Lý và Trần Long thì việc ông Diệm về chấp chánh sẽ gặp phản ứng
thuận lợi từ phía nước Mỹ.
Đỗ
Vạn Lý, Trần Long cũng có vẻ sốt ruột mong ông Diệm về nước chấp chánh. Tôi kể
cho họ nghe những cuộc tiếp xúc của tôi ở Ba Lê. Trong thời gian ở Hoa Thịnh
Đốn, tôi chỉ đóng vai một du khách, không nghĩ đến việc tiếp xúc với ai về vấn
đề chính trị. Tôi chỉ lắng nghe Đỗ Vạn Lý và Trần Long, hay Đỗ Trọng Chu cho
biết về dư luận Mỹ đối với ông Diệm.
Lúc
bấy giờ Quốc Hội Mỹ, nhất là Thượng Viện Mỹ đã chỉ trích việc Mỹ giúp Pháp
khoảng 2 tỷ Mỹ kim trong vòng mấy năm từ 1950 trở đi. Thời bấy giờ Tổng Thống
Eisenhower và Phó Tổng Thống Nixon vừa lên tiếng trước Quốc Hội nói rằng nếu để
cho Đông Dương rơi vào tay cộng sản, thì sẽ nguy hại cho nền an ninh Đông Nam
Á.
Ngoại
Trưởng Mỹ Foster Dulles bắt đầu giải thích cái gọi là thuyết đô mi nô. Các ông
Đỗ Vạn Lý, Trần Long, Đỗ Trọng Chu cho tôi biết những điều đó, có ý nói rằng sự
ủng hộ của Mỹ rất quan trọng, nay ông Diệm đã được Mỹ dành cho nhiều thiện cảm,
và lá bài Bảo Đại đã được Mỹ coi như lỗi thời, vậy nếu ông Diệm về nước lúc này
thì tốt nhất.
Tôi
cũng nghĩ đến việc ông Diệm có thể dùng ảnh hưởng Mỹ để loại bỏ bớt, hay ít ra
quân bình sự chi phối của Pháp.
Những
sinh viên Việt Nam ở Mỹ lúc bấy giờ không đông đảo lắm, nhưng theo chỗ nhận xét
của tôi thì đều phục ông Diệm, và do đó nếu ông Diệm về nước ông sẽ có sẵn một
số chuyên viên trẻ tận tâm.
Ở
Hoa Thịnh Đốn 5 ngày, tôi hay tin sắp có Đại Hội Sinh Viên Việt Nam du học ở Mỹ
được tổ chức ở Chicago, tôi từ giã các anh em đi Chicago. Trước khi tôi đi
Chicago thì Phan Quang Đán, từ Seatle, lái xe đến Hoa Thịnh Đốn gặp tôi và cùng
bàn với tôi rằng ông Diệm nên tìm cách về nước chấp chánh lúc này. Ông Đán tỏ ý
muốn hợp tác với ông Diệm nếu được mời.
Ông
Đán lúc bấy giờ cũng là một chính khách thuộc loại đang lên. Có lần ông được
thăm dò để mời ra hợp tác với Bảo Đại nhưng từ chối. Trong câu chuyện, ông Đán
ngụ ý muốn tôi nên khuyên ông Diệm về nước lúc này, và trong câu chuyện với ông
Diệm về sau, nên nhắc đến ông. Tôi cũng mừng là phần lớn những trí thức Việt
Nam ở nước ngoài đều ủng hộ ông Diệm. Người ở ngoài bao giờ cũng sáng suốt hơn.
Như vậy tôi phải công nhận rằng ông Diệm đang được lòng dân, ít ra là trong
thành phần trí thức, tức là thành phần có ảnh hưởng lớn nhất trong một xã hội.
Tôi
đến Chicago gặp Cha Houssa và các anh em sinh viên Việt Nam. Hồi đó hầu hết các
sinh viên đều nghèo, nhiều người vừa học vừa làm việc. Các sinh viên đã được
Cha Houssa lo cho chỗ ăn học, nhưng tiền tiêu phần đông đều thiếu thốn, do đó
trong các kỳ nghỉ Hè, anh em sinh viên thường về Thành Phố Chicago kiếm việc
làm. Họ chịu khó và nhận làm bất cứ việc gì, như bồi bàn, rửa chén, lau xe. Tôi
được Cha Houssa đem đến tạm trú tại Nhà Xứ một họ đạo lớn, do Cha chính là Cha
Ferring cai quản, với bốn Cha Phó.
Trong
số các Cha Phó có hai Cha từng học ở La Mã, và nói tiếng Pháp khá thạo. Nhờ đó
những ngày ở lại Chicago, tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với người Mỹ. Hai Cha
Phó biết tiếng Pháp hướng dẫn tôi đi thăm vài gia đình người Mỹ Công Giáo, tiếp
xúc với một số người Mỹ biết tiếng Pháp. Tôi tự học thêm tiếng Anh, và nhờ các
Cha biết tiếng Pháp giúp đỡ. Tôi ở Chicago gần 50 hôm. Những ngày thường tôi
học tiếng Anh, đọc báo, nói chuyện với vài người Mỹ biết tiếng Pháp do hai Cha
Phó Xứ giới thiệu.
Cuối
tuần Cha Houssa và các sinh viên Việt Nam đến hướng dẫn tôi đi thăm các vùng
quanh Thành Phố và các Đại Học lân cận. Số sinh viên du học trong khu vực này
lên khoảng 40 người. Lúc bấy giờ anh em sinh viên đã thành lập hội sinh viên
Công Giáo du học ở Mỹ, do Âu Ngọc Hồ làm Chủ Tịch, và ông Diệm làm cố vấn danh
dự. Hầu hết số sinh viên này đều tin tưởng ở ông Diệm và mong cho ông sớm về nước
chấp chánh.
Trong
câu chuyện với các anh em sinh viên, dĩ nhiên chuyện chiến tranh tại nước nhà
và những mẫu chuyện quanh ông Diệm chiếm phần lớn.
Sau
hai tháng cố gắng học thêm tiếng Mỹ, rồi hàng ngày phải tiếp xúc với người Mỹ,
tôi đã nói chuyện được với người Mỹ, hiểu được tiếng Mỹ, nhờ đó những ngày ở
Chicago không đến nỗi buồn chán lắm.
Vào
cuối tháng 8, anh em sinh viên tổ chức Đại Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam du
học ở Mỹ trong một Hội Trường Nhà Xứ, do Cha Houssa đi mượn.
Ban
tổ chức gồm các anh Âu Ngọc Hồ, Phùng Viết Xuân. Phần lớn các sinh viên theo
học ở Đại Học khắp nước Mỹ đều tề tựu về Chicago. Họ là những học trò của tôi ở
Huế, và một số nhỏ từ các nơi khác, nhưng qua thư từ của các học trò cũ, tôi đã
nghe qua tên họ.
Gọi
là Đại Hội cho long trọng vậy thôi, thực ra đây chỉ là một cuộc họp bạn giữa
những người Việt Nam xa xứ. Tôi sung sướng được gặp lại các anh em, và các anh
em sinh viên cũng tỏ ra vui mừng gặp lại tôi. Ngày xưa họ là học trò của tôi
nhưng ngày nay tôi nhìn họ như những người em, những cán bộ tương lai của Việt
Nam.
Ngoài
chuyện học hành, sinh sống của các sinh viên, Đại Hội đề cập khá nhiều đến tình
hình đất nước, và nhất định là không bỏ qua chuyện ông Diệm về chấp chánh. Tôi
trình bày với các anh em sinh viên tình hình nước nhà, tường thuật sơ lược
những cuộc tiếp xúc của tôi ở Ba Lê. Anh em đều tỏ ra phấn khởi và tin tưởng ở
tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam.
Lúc
bấy giờ chưa ai nghĩ rằng Pháp sẽ bỏ rơi Việt Nam một cách dễ dàng, và đất nước
Việt Nam sẽ bị phân chia. Mọi người hy vọng rằng với một giải pháp quốc gia
chính đáng, thế cờ có thể thay đổi, dù không làm cho phe quốc gia chiến thắng,
cũng có thể làm cho phe quốc gia đủ mạnh để tìm một giải pháp dung hòa nào.
Nhiều người vẫn tin tưởng rằng cụ Hồ là một người yêu nước chỉ mượn sức mạnh
cộng sản quốc tế để giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ của Pháp.
Tôi
giải bày với các anh em đó rằng cộng sản là một tổ chức quốc tế chặt chẽ, cũng
như lý thuyết cộng sản có một sức quyến rũ lớn, làm cho ai đã gia nhập khó mà
thoát khỏi. Tôi vẫn thán phục cụ Hồ, nhưng không tin rằng cụ có thể coi cộng
sản như một cơ hội, một sức mạnh vay mượn, và về sau xong việc có thể mang trả
được. Tôi cũng cho các anh em biết rằng những cuộc thanh trừng các nhân vật
chính trị quốc gia càng ngày càng diễn ta khốc liệt, tàn bạo trong các vùng
giải phóng, như Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình.
Hơn
nữa tôi cũng đã biết cuộc cải cách ruộng đất của Việt Minh đã được thực hiện
trong các vùng giải phóng, và cuộc cải cách ruộng đất này đã đưa đến sự đấu tố,
sát hại hàng vạn người, phần lớn là những kẻ vô tội, hay chỉ có cái tội duy
nhất là có năm bảy mẫu ruộng.
Nếu
người khác giải bày với các anh en sinh viên những điều này, thì có lẽ họ còn
nghi ngờ, hay đòi hỏi những bằng chứng. Nhưng đối với tôi, anh em hết lòng tin
tưởng, chỉ đau xót là ước mơ tha thiết nhất của anh em đã tan vỡ.
Chính
tôi nhiều lúc cũng ước mơ cụ Hồ là một người ái quốc, chỉ mượn thế lực cộng sản
để đánh đuổi Pháp, rồi sau đó trả lại cho Việt Nam tất cả những gì tinh túy của
Việt Nam. Nhưng tôi biết ước mơ này là viển vông phi lý.
Trong
những ngày họp mặt, chúng tôi cũng thảo luận về dư luận Mỹ, khuynh hướng Mỹ đối
với vấn đề Việt Nam, và ai cũng nhận thấy là thuận lợi cho ông Diệm nhiều.
Ngoài những cuộc họp mặt gồm toàn sinh viên Việt Nam, anh em tổ chức vài buổi
họp có một số sinh viên, Giáo Sư Mỹ có thiện cảm với các sinh viên Việt Nam.
Sau
ngày Đại Hội anh em từ giã tôi trở về nơi trọ học. Bây giờ tôi đã hiểu tiếng Mỹ
khá hơn, bắt đầu đi tiếp xúc với các sinh viên, Giáo Sư Mỹ, gặp các Linh Mục,
Giám Mục và những nhà trí thức Mỹ. Điều đáng buồn là người Mỹ biết rất ít về
Việt Nam. Họ nói đến chiến tranh Việt Nam như nói đến một câu chuyện ngàn lẻ
một. Những tin về Việt Nam trên báo Mỹ rất ít và vắn tắt. Chỉ một số ít trí
thức và chính khách lưu tâm đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương, và số này đều
chỉ trích chính phủ Eisenhower thời bấy giờ về chính sách ủng hộ nước Pháp tái
lập chế độ bảo hộ trá hình Đông Dương.
Họ
chủ trương Việt Nam cần phải có một chính quyền quốc gia chân chính, vừa chống
Pháp dành độc lập, vừa chống cộng sản để xây dựng tự do dân chủ.
Giới
Công Giáo có vẻ lưu tâm nhiều đến vấn đề Việt Nam, và đến khía cạnh chống cộng
trong chiến tranh Việt Nam. Về sau trong việc giúp đỡ đồng bào Bắc di cư, chính
giới Công Giáo Mỹ này đã tỏ ra tích cực nhất. Một số các Đại Học Công Giáo có
sinh viên Việt Nam du học đều đã có lần được ông Diệm đến diễn thuyết, nói
chuyện cho nên đều tỏ ra sẵn sàng ủng hộ ông Diệm. Hầu hết dư luận đều coi Bảo
Đại chỉ là một ông Vua bù nhìn, chịu sự chi phối của người Pháp, còn Cha con
ông Tâm thì được coi như đại diện cho lớp địa chủ và quan lại thối nát ở miền
Nam, sẽ không làm điều gì ích lợi cho dân tộc Việt Nam.
Trong
thời gian này tôi lại được tin tại nước nhà Tướng Navarre bắt đầu một kế hoạch
phản công mới. Hành quân Atlente được tung ra. Quân Pháp từ bốn mặt đánh vào
mật khu Việt Minh trong các Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tại Pháp thì
Thủ Tướng Mayer vừa từ chức, và ông Joseph Laniel được mời lập chính phủ. Tất
cả chiến lược của Tướng Navarre là nhằm làm cách nào nhử cho đại quân Việt Minh
xuất đầu lộ diện để quân Pháp có thể sử dụng phi pháo và các phương tiện chuyển
vận cơ giới nhanh chóng mà tiêu diệt trọn một vài đơn vị lớn. Nằm trong chiến
lược này, Tướng Navarre đặt kế hoạch đổ quân xuống thung lũng Điện Biên Phủ,
đồng thời triệt binh khỏi Na Sầm. Cuộc triệt binh này được báo chí Pháp coi như
một thành công quân sự quan trọng, vì quân Pháp đã triệt quân an toàn khỏi Na
Sầm. Cao Ủy Pháp cũng vừa thay đổi, và bây giờ ông Maurice Dejean thay ông Jean
Létournéau.
Việc
thay đổi nội các Pháp kéo theo sự thay đổi Cao Ủy Pháp tại Sài Gòn được mọi
người coi như bằng chứng của sự lúng túng của Pháp trong vấn đề Việt Nam. Những
việc này càng làm cho tôi lo lắng và hồi hộp thêm. Nhiều lần tôi tự hỏi bao giờ
thì người Pháp chấp nhận một sự thật đơn giản: Người Việt Nam đang đánh Pháp và
làm cho nước Pháp với bao nhiêu binh hùng tướng mạnh phải rúng động, người Việt
Nam nếu chọn đúng người, đặt đúng chỗ, giao đúng việc cũng có thể giúp nước
Pháp giải quyết chiến tranh Việt Nam, với những điều kiện căn bản tiên quyết,
Pháp phải thành thực trao trả độc lập và chủ quyền cho một chính phủ Việt Nam
gồm những chính khách quốc gia chân chính.
Càng
thất bại, Pháp càng cay cú, càng vấp vào những sai lầm tai hại hơn. Pháp vẫn
bám vào lá bài Bảo Đại, vẫn trọng dụng Cha con Tâm-Hinh, vì lý do duy nhất là
Bảo Đại không bao giờ phản đối việc làm của Pháp, còn Cha con Tâm-Hinh thì tỏ
ra trung thành với Pháp hơn với tổ quốc. Những người Việt Nam yêu nước có tài
không còn ai nghĩ đến chuyện hợp tác với Pháp và Bảo Đại. Dư luận quốc tế, dư
luận Mỹ càng ngày càng thất lợi cho Pháp. Các nước đồng minh của Pháp trong đó
có Mỹ không còn tin tưởng Pháp có thể thắng trận ở Đông Dương và xem chừng cũng
không mong cho Pháp thắng. Trong những ngày ở Ba Lê, tôi đã thấy tâm lý quần
chúng Pháp chán ngán chiến tranh đến mức nào.
Sau
Đại Hội Sinh Viên Việt Nam du học ở Mỹ được ít lâu tôi lên Nữu Ước cùng với Cha
Jacques Houssa, và vẫn trọ lại mấy hôm tại Nhà Dòng các Bà Phước ở New Jersey.
Những người quen ở Nữu Ước đến thăm và tiễn biệt tôi, Cha Houssa tiễn đưa tôi
đến Phi Trường Nữu Ước và không quên căn dặn tôi tiếp tục lo cho sinh viên du
học. Bây giờ Cha ở Mỹ đã lâu, quen biết nhiều, cho nên có thể xin được nhiều
học bổng cho sinh viên Việt Nam, hơn nữa dư luận Mỹ bắt đầu thiện cảm đối với
Việt Nam nhiều hơn trước.
Tôi
đến Ba Lê thì có Trần Hữu Phương ra đón. Câu nói đầu tiên của ông Phương là một
lời báo hung tin. Giọng Phương nghẹn ngào:
-
Thưa Cha, Cảnh mất rồi.
Tôi
lặng người một lúc. Đặng Vũ Cảnh người Hà Nội, là một thanh niên thông minh, ưu
tú, đầy hứa hẹn mà tôi coi như một đứa em thân thiết. Xác Cảnh đang quàng tại
nhà thương. Tôi đến viếng xác ngay, và đứng chủ tang, làm lễ đưa xác cho Cảnh.
Một số đông anh em Việt kiều, sinh viên tại Pháp bùi ngùi đi đưa đám Cảnh.
Cái
chết là một chuyện thường tình, ai cũng biết là không thể tránh được, nhưng cái
chết của một người trẻ tuổi đã có nỗi bi đát của nó. Cái chết của một người
Việt Nam trẻ tuổi ở nước ngoài lại càng bi đát hơn. Nhân đám tang, một số Việt
kiều và sinh viên đã gặp tôi, và không quên hỏi sơ qua về kết quả chuyến đi Mỹ
của tôi.
Tôi
tường thuật những hoạt động của các sinh viên ở Mỹ, chiều hướng dư luận Mỹ, và
kết luận rằng phải cố gắng thuyết phục Cụ Diệm nên về chấp chánh ngay trong lúc
này.
Vài
hôm sau, tôi đến gặp ông Diệm, lúc đó vẫn còn ở trong nhà Tôn Thất Cẩn. Ông
Diệm cho tôi biết ông đã xuống Cannes gặp Bảo Đại. Ông Diệm có vẻ buồn, kể lại
chuyến gặp gỡ Bảo Đại ở Cannes.
Bảo
Đại ở biệt thự hè sang trọng, ngày thì trượt nước, đêm thì vào sòng bạc, Nam
Phương Hoàng Hậu không ở cùng với Bảo Đại mà chỉ có thứ phi Mộng Điệp đi theo
ông. Tôi có cảm tưởng rằng Nam Phương Hoàng Hậu là một người đàn bà đức hạnh đã
không tán thành cuộc sống của Bảo Đại.
Trong
thời gian Bảo Đại về nước, Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã không theo về, và đó là
một điều đã gây nên nhiều dị nghị không có lợi gì cho Bảo Đại. Lúc ở Đà Lạt Bảo
Đại chỉ sống với Mộng Điệp một cách bán chính thức. Mộng Điệp có một biệt thự
riêng gần Lycée Yersin, tức là cuối Thành Phố Đà Lạt, còn Bảo Đại thì vẫn ở đầu
kia thành phố.
Lúc
thì Bảo Đại đến Mộng Điệp, khi thì Mộng Điệp đến biệt điện gặp Bảo Đại. Nhưng ở
Cannes hai người sống hẳn với nhau trong biệt thự hè.
Ông
Diệm mô tả con người Bảo Đại lúc này với một câu nói vắn tắt: Uể oải mệt mỏi.
Tôi lại nhớ đến dàng điệu Bảo Đại lần gặp ở Đà Lạt, và tôi mường tượng như thấy
Bảo Đại lúc tiếp ông Diệm cũng choài người ra trên ghế bành, như người không
xương sống.
Lắm
lúc chỉ một lời nói, một cử chỉ vụng về mà mồi giao tình giữa quân vương và
thần tử có thể tan vỡ. Tôi nhớ những câu chuyện xưa, lúc một ông Vua tiếp một
khanh sĩ, đang ăn nhổ cơm, đang rửa chân chải đầu thì quên xỏ dép chải tóc, để
ra tận cửa đón khanh sĩ.
Chắc
chắn là Bảo Đại không bao giờ có được phong độ đãi hiền tiếp sĩ như vậy, thành
ra không lạ gì khi quanh Bảo Đại không có hiền thần lương tướng.
Ông
Diệm cho tôi biết rằng trong câu chuyện, Bảo Đại có đề cập sơ sơ, một cách
chiếu lệ về cái ý mời ông về chấp chánh. Bảo Đại không hề chính thức mời cũng
không tỏ ra vẻ gì tha thiết ân cần đối với việc ông Diệm về chấp chánh.
Ông
Diệm cho như thế là chưa được thuận tiện. Tôi hiểu ý ông là Bảo Đại và người
Pháp chưa đủ tin ông để giao cho ông nhiều quyền hành. Quanh ông Diệm và quanh
Cao Ủy Pháp vẫn còn một số người Việt Nam mà ông Diệm cho là không tốt, không
hợp với ông vẫn được trọng dụng.
Lúc
này hình như Bảo Đại đã nghĩ đến việc đem Bửu Lộc ra lập chính phủ thay thế
chính phủ Nguyễn Văn Tâm, một phần để làm hài lòng người Pháp, một phần để thỏa
mãn những đòi hỏi âm thầm của dân chúng Việt Nam. Người Pháp tuy hài lòng về sự
trung thành và ngoan ngoãn của Cha con Nguyễn Văn Tâm và thuộc hạ, nhưng vẫn
muốn có một chính phủ có cái dáng nhân dân một chút. Những ông công dân Tây,
mang tên Tây chắc là không tạo được cái dáng nhân dân cho một chính phủ. Bửu
Lộc ít ra có thể làm hài lòng nhóm hoàng phái và một số trí thức.
Ông
Diệm kết luận rằng ông không thể về chấp chánh được, vì những điều kiện ông đưa
ra bị Bảo Đại để ngoài tai. Thực tình thì Bảo Đại chẳng đủ can đảm để từ chối
bất cứ điều gì, nhưng ngược lại ông không đủ cứng rắn quyết tâm để quyết liệt
làm một cái gì. Những điều kiện của ông Diệm rất giản dị: Được toàn quyền điều
hành chính phủ Việt Nam, đối phó trực tiếp với người Pháp dĩ nhiên vẫn nhân
danh Bảo Đại. Ý ông Diệm là muốn Bảo Đại đừng có trực tiếp hay gián tiếp (qua
Nguyễn Đệ) xen lấn gì vào nội bộ chính quyền Việt Nam.
Ông
Diệm thấy cần phải cải tổ hoàn toàn bộ máy hành chánh và quân đội, làm cho
quyền hành Việt Nam mạnh thêm thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào quân đội và Phủ
Cao Ủy Pháp. Ông Diệm cũng mong Bảo Đại đặt một số điều kiện cứng rắn dứt khoát
với người Pháp trước khi ông về chấp chánh. Dĩ nhiên là Bảo Đại không muốn mệt
đến người, cho rằng những điều mà ông Diệm coi như cần thiết chẳng quan trọng
chi cả.
Ông
Diệm đã từ chối. Ông đưa cho tôi một bức thư theo mật mã, gởi ông Nhu.
Ông
nói sơ lược cho tôi biết nội dung bức thư căn dặn ông Nhu và ông Cẩn bên nước
nhà hãy tiếp tục tăng cường các hoạt động chính trị, củng cố tổ chức đảng, thu
phục thêm đảng viên, lôi cuốn thêm nhân tài, chuẩn bị không khí chính trị. Ông
nói là tuy lúc này ông chưa thể về chấp chánh trong những điều kiện chưa thuận
tiện, nhưng nếu bên nước nhà có một phong trào nhân dân mạnh mẽ đòi hỏi ông
Diệm về chấp chánh, thì Bảo Đại và Pháp phải chấp nhận những điều kiện của ông
Diệm.
Nếu
phong trào nhân dân sớm phát khởi cùng với tình hình quân sự càng ngày thất lợi
cho Pháp, thì chỉ trong vòng vài tháng nữa ông Diệm có thể được long trọng về
nước.
Ông
cho biết trong lúc chờ đợi cơ hội thuận tiện, ông sẽ đi tĩnh tâm ở một Nhà Dòng
Benedictin bên Bỉ.
Tôi
về Sài Gòn bằng máy bay, đến gặp ông Nhu ngay, lúc này đang ở Sài Gòn, và bắt
đầu xuất bản một tờ tạp chí chính trị: Tờ Xã Hội. Ghé Sài Gòn vài hôm tôi ra
Huế ngay. Trong câu chuyện với ông Nhu tôi cũng chỉ nói qua về những nhận xét
và cảm tưởng của tôi.
Ông
Nhu giọng đầy tin tưởng cho tôi hay rằng càng ngày dân chúng càng bất mãn với
người Pháp, với Bảo Đại và thêm nhiều thiện cảm với ông Diệm. Theo lời ông Nhu
thì đa số những trí thức trẻ, có tinh thần yêu nước đều hướng về ông Diệm. Tuy
nhiên tại miền Nam, ngoài khu vực Vĩnh Long thì sự ủng hộ của quần chúng chưa
được mạnh lắm.
Ông
Nhu không chính thức lập đảng vào lúc bấy giờ, nhưng bên trong hình thức một
đảng chính trị, với đầy đủ các chi bộ, phân bộ, lý thuyết. Tài liệu học tập
huấn luyện đã thành hình rõ rệt rồi.
Tôi
về Huế, cũng đến thăm ông Cẩn. Ông Cẩn nôn nóng nghe tôi kể những cuộc tiếp xúc
giữa tôi và ông Diệm, than phiền vì ông Diệm quá dè dặt không về nước lúc này.
Ông
Cẩn đã quy tụ một số đông cán bộ, phần lớn là những người hăng say, cuồng
nhiệt, có thể nói là hơi quá khích. Ông Cẩn chịu ảnh hưởng tinh thần của các thuộc
hạ, muốn rằng ông Diệm về nước ngay lúc này rồi những điều kiện chưa thuận tiện
thì sẽ tạo lấy sau.
Tôi
có phần đồng ý với ông Cẩn, vì tôi sợ rằng đến một lúc nào đó tình hình chiến
sự quá bất lợi cho Pháp, sẽ làm cho người Pháp nghĩ đến việc thanh toán chiến
tranh bằng mọi giá mà không nghĩ gì đến một giải pháp quốc gia để đối đầu với
Việt Minh.
Thời
gian chưa chắc gì đã có lợi cho ông Diệm. Vả lại làm chính trị mà cứ đòi cho
được tất cả những điều kiện thuận lợi nhất được hội đủ mới nhập cuộc, thì khó
mà làm được vì chẳng mấy khi có những điều kiện lý tưởng như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét