LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN
Đã ngót hai mươi năm qua kể từ
quyển hồi ký Đường Đi Không
Đến ra mắt độc giả ở Sài
gòn. Lớp thanh niên đọc quyển sách ấy nay tóc đã hoa râm, còn lứa tuổi trung
niên thì nay đã ra lão. Thời gian đi nhanh, nhưng con đường mà tác giả đã trải
qua mãi mãi còn đậm nét trên những trang sách và trong lòng người
Nếu chúng tôi nhớ khônglầm thì
quyển hồi ký Đường Đi Không Đến ra mắt độc giả trước tiên năm 1969 trên nhật
báo Tiền Tuyến do nhà văn Phan Lạc Phúc làm Chủ Nhiệm và nhà báo Huy Vân làm
Chủ bút. Nhà văn Phan Lạc Phúc bi bắt đi cải tạo, đến nay vẫn còn trong tù. Còn
nhà báo Huy Vân thì đã hy sinh cũng trong trại cải tạo của bạo quyền.
Quyển Đường Đi Không Đến xuất
bản năm 1973. Không đầy một năm, nhà xuất bản Nam Cường đã tái bản (tháng 5 năm
1974) .Ra hải ngoại cũng được in lại nhiều lần.
Quyển Xương Trắng Trường Sơn mà chúng tôi hân hạnh cho ra mắt độc
giả hôm nay là tập hai của bộ Đường Đi Không Đến gồm năm tập được biết như sau: Đường Đi Không Đến (I), Xương
Trắng Trường Sơn (II), Mạng Người Lá Rụng (III), Đến Mà Không Đến(IV) và Đồng Bằng Gai Góc (V).
Ba quyển sau cùng, theo tác giả
cho biết, thì đã mất bản thảo chạy giặc trước năm 1975. Chúng tôi đã yêu cầu –
và được nhà văn Xuân Vũ nhận lời- ông viết lại để chúng tôi có dịp giúp độc giả
theo dõi tiếp những chương sau cùng của con đường oan nghiệt mà mỗi tấc đất đã
phủ xương trắng nhuộm máu tươi của nửa triệu thanh niên Bắc Việt và cán bộ Miền
Nam hồi kết. Chính tác giả là “người
khách lữ hành” trên con
đường ấy.
Trân trọng.
Nhà xuất bản Xuân Thu
—>Mấy dòng tâm tư
MẤY DÒNG TÂM TƯ
Hồi năm 1945 tại chợ làng tôi
thường xảy ra những cuộc diễn thuyết, diễn giả là cán bộ tuyên truyền của quận
bộ hay tỉnh bộ Việt Minh. Tôi rất thích nghe vì họ nói toàn là những chuyện mà
một đứa bé như tôi lúc bấy giờ không thể hiểu nổi.
Ông ta tuyên bố :”Một tay tôi
lần chuỗi hạt, một tay tôi chống trời.”
Rõ thật một con người ghê gớm
Ông ta giải thích về cách mạng
cho mọi người nghe như sau:
- Ngày mai cái nơi bùn lầy nước
đọng này, (tức là cái chợ làng của tôi có lão già đánh xe ngựa đã lừa chú ngựa
còm bằng một mớ cỏ non suốt hàng chục năm trời), sẽ có nước phông-tên và đèn
điện. Ngày mai nơi đây sẽ thành thiên đường của thế gian.
Tôi mê quá ! Hồi đó tôi coi ông
Chủ nhiệm thôn bộ Việt Minh là đệ nhất anh hùng – và không phải chỉ của riêng
làng tôi.
Rồi về sau tôi được đọc một câu
tiếng Pháp cũng na ná như thế. “Chủ nghĩa Cộng sản là mùa xuân của nhân loại !
“
Vì mê cái ” thiên đường” và cái
“mùa xuân” trên chót lưỡi của hai bậc “vĩ nhân” kia cho nên tôi đã tham gia
cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu.
Năm 1946 thực dân Pháp đến đóng
bốt ở đầu cầu chợ, ngay trong một cái chành lúa đã chứa sẵn mười ngàn giạ
(chiếc cầu có hai cái dốc thật cao đã chứng kiến con ngựa còm của lão già đứt
ruột trong một rân kéo xe lên dốc) .
Dân làng tôi đã cùng với bộ đội
đánh cái bốt đó. Súng của bộ đội chỉ có đến trung liên là cùng, không thể phá
nổi phòng tuyến bốt xây bằng lúa bao. Nhưng dân làng tôi quyết không lùi bước.
Người ở chợ thì giở nhà mang
tới, kẻ ở ngoài vườn thì đội rơm vác lá đem vào chất chung quanh bốt và châm
lửa. Lửa dậy ngất trời. Đồn bốt ra tro. Hai mươi tám tên pạc-ti-dăng bị quay
sống trong bốt.
Vì bốt xay bằng lúa bao cho nên
lửa cứ ngùn cháy hoài, như một quả núi lửa, năm năm sau chưa tắt. Những lớp tro
quánh lại thành cái vỏ cứng bao bọc ruột lửa bên trong. Sau những trận mưa,
người ta thấy những mẩu xương phơi lẫn trong tro than như những mẩu vôi thực
sự. Và ngọn khói vẫn cứ ri rỉ bay lên như oan hồn của những tên xâm lược xấu
số. *
Tôi đi theo kháng chiến rồi tập
kết ra Bắc. Đúng hai mươi năm thì tôi trở về làng cũ (1945 – 1965 ) . Lão già
đánh xe ngựa đã chết từ lâu. Con cháu của lão không thể nối nghiệp lão vì con
đường đầy ồ gà ngày trước nay đã trở thành đường tráng nhựa. Xe hơi xe lam xe
gắn máy chạy vun vút xuôi ngược suốt ngày, cho nên bóng dáng chiếc xe ngựa đã
biến hút đi từ lâu. Cái chợ làng tôi đã trở thành quận ly với đèn điện với
ăng-ten tivi tua tủa trên các dãy phố, không còn ai ngờ rằng đây là nơi bùn lầy
nước đọng ngày xưa, nơi ông Chủ nhiệm Việt Minh đăng đàn diễn thuyết, tay lần
chuỗi tay chống trời.
Nhiều người gánh nước mướn,
những chú chệt bán kẹo đục nay trở thành chủ tiệm. Trong đám học trò đã từng
nhóc mỏ cá kèo nghe diễn thuyết với tôi, nay không ít đứa làm nền sự nghiệp, có
đứa là triệu phú !
Ở đây không còn ai diễn thuyết
nữa.
Tôi được nghe ông chủ nhiệm
thôn bộ Việt Minh cũng đi kháng chiến như tôi, nhưng ông đã bỏ nghề diễn
thuyết, cũng không lần chuỗi hạt và cố nhiên tay kia cũng không dùng để chống
trời nữa. Ông quay ra làm phim ảnh. Thuở đó ông lận đận nhiều. Không rõ bây giờ
đời ông vui buồn ra sao ?
Đứng trên mảnh đất ngày xưa,
tôi nhìn quang cảnh ngày nay chợ búa, xe cộ hàng hóa và sắc diện con người. Tôi
có biết bao dòng suy nghĩ. Tôi tự bảo: Phải chăng đây là một cái thiên đường
con con ở một góc trời xa xôi của xứ sở tôi.
Dân làng tôi hai mươi năm xưa
giở nhà đốt bốt Tây, nay đã an cư lạc nghiệp. Chuyện ngày qua nay hầu như đã
lãng quên.. Từ mảnh đất thực tế, nảy lên một chân lý:
- Người ta vẫn xây được thiên
đường theo ước vọng của người ta, nhưng hà tất phải đi theo con đường của ông
chủ nhiệm Việt Minh. Và dù có đi theo con đường của ông chủ nhiệm,đã chắc người
ta tìm được thiên đường.
Nếu ông chủ nhiệm kiêm nhà làm phim
còn sống và nếu ông trở về đây chắc ông sẽ tìm thấy hứng thú trước quang cảnh
chợ làng đã đổi thành chợ quận này, để làm một cuốn phim hay hay.
Khi đi trên đường Trường Sơn,
có những đêm mưa tôi nằm ôn lại chuyện xưa. Tôi có nhớ đến quả núi tro ở quê tôi
rắc đầy xương của những người lính pạc-ti-dăng.
Một ý nghĩ đã chợt đến với tôi:
Cái quả núi tro ấy chính là hình ảnh của Trường Sơn thu nhỏ lại. Còn lũ chúng
tôi và hàng chục vạn quân binh miền Bắc – trên đường Trường Sơn này chỉ là
những bộ xương biết đi – thì chẳng khác nào…
Số phận của những kẻ mang quân
đi đánh nước người rồi ra có khác gì nhau ?
Tiện đây tôi xin được phép thưa
cùng một số độc giả của Đường
Đi Không Đến ” – hoặc
bằng thư từ hoặc đã trực tiếp hỏi tôi: “Đường Trường Sơn cực khổ đến thế à ? Bộ
đội miền Bắc tang thương đến thế à ? “
Xin thưa: Đây là những chuyện
xảy ra hồi 1965. Và xin lấy ý kiến của một tiểu đoàn trưởng của bộ đội chánh
quy miền Bắc xâm nhập đã tìm Tự do, nay đang có mặt ở Sài Gòn, sau khi đọc
quyển Đường Đi Không Đến : “Văn thì hấp dẫn nhưng chuyện
khổ thì không ăn thua gì với sự chịu đựng của đơn vị tôi ! “
Ngoài ra, có một số độc giả lo
lắng cho số phận của cô Thu. Tác giả xin được phép thưa: Cô Thu, sau năm năm
tình duyên và công tác chìm nổi, đã mang một chứng bịnh kinh niên mà nguồn gốc
phát sinh từ lúc cô vượt sông và ngâm mình dưới suối…
Do đó cô trở thành phế nhân,
suốt năm năm không hề biểu diễn được một màn nào. Vì thề cô được “ân huệ ” cho
về Bắc, cũng bằng đường Trường Sơn, với cặp chân cô ta, như lúc cô vào Nam. Tôi
sẽ xin kể tỉ mỉ trong quyền cuối cùng của thiên hồi ký “Đường Đi Không Đến “.
Sài Gòn, hè 1974
Xuân Vũ
* Chú thích của Lê Thy: xin xem truyện này trong Ký sự văn học NHỮNG
BẬC THẦY CỦA TÔI của Xuân Vũ cũng do Lê Thy đánh máy.
LẠI THÊM MẤY DÒNG TÂM SỰ
Trong một dịp bất ngờ tôi được
quen với Anh Giám Đốc nhà xuất bản Xuân Thu. Trong dịp này tôi còn được biết
thêm rằng thân phụ của anh là giáo sư trường Le
Myre deVilers, thầy học cũ của tôi.
Vừa rồi, anh có nhả ý muốn xuất
bản tác phẩm của tôi. Tôi liền đưa ngay cho anh quyển Xương Trắng Trường Sơn là một tập trong bộ Đường Đi Không Đến của tôi. Thực ra tôi không mấy
khi nghĩ đến việc in lại các tác phẩm của tôi hoặc viết lại những bản thảo đã
mất . Bởi vì, cũng như các văn hữu khác, tôi luôn luôn nghĩ tới những truyện
còn nằm trong bụng.
Riềng quyển Xương Trắng Trường Sơn mà tôi có đề đưa cho nhà Xuân Thu là
nhờ anh bạn nối khố của tôi, ông Nguyễn Tri Sử, trưởng ban Tuyên Nghiên Huấn
thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu. Cũng là một dịp bất ngờ
khác. Đời tô toàn gặp những bất ngờ… may mắn.
Trên chuyến bay lưu vong từ
Guam sang Hoa Kỳ, gia đình tôi đi với gia đình anh Nguyễn Tri Sử. Hai đứa định
xuống trại Sacremento ở California, nhưng khi máy bay hạ cánh ở Los Angeles thì
được tin trại đã chật, bèn bay sang Fort Chaffee ở Arkansas. Lạ nước lạ cái,
nên hai đứa tìm nhau luôn. Một hôm, anh đưa cho tôi một quyển sách và bảo: tôi
tặng lại cho anh đấy, để làm của? “
Thì ra là quyển Xương Trắng Trường Sơn tôi đã tặng cho anh ở Sài gòn cách đây
không đầy một tháng . Quyển sách này phát hành vào đầu tháng tư, nhưng tôi vẫn
không đoán được những gì xảy ra vào cuối tháng tư nên gần nửa triệu bạc bản
quyền tôi nhận được của ông Nam Cường (người Mỹ Tho đồng hương ? ) tôi đem trút
cả vào cho ngôi nhà hai tằng sắp xây xong ở Hàng Xanh (với dự định sẽ xây lên
thêm một tầng nữa để làm Thiên Thư Lầu) . Còn một tuần nữa ăn tân gia thì lại
phải chạy ra Phú Quốc để đi Guam. Tác giả Xương
Trắng Trường Sơn trở thành
Tay Trắng Mình Không.
Nhận quyển sách từ tay bạn cố
tri trên đất Hoa Kỳ tị nạn, tôi bùi ngùi cho số phận của nó vừn ra đời vừa được
độc giả biết đến hai tuần thì đã phải bay đi theo vận nước . Tôi đút nó vào
chiếc cặp da cũ lưu truyền từ đời ông nội tôi đến cha tôi rồi đến tôi, món báu
vật độc nhất được tôi quảy đi từ Sài gòn.
Nếu không có nhà Xuân Thu hỏi
tới chắc chắn tôi chưa có dịp giải phóng nó ra khỏi cái nhà tù tí hon kia, sau
mười bốn năm giam cầm nó một cách độc đoán. Trước khi đưa nó sang nhà Xuân Thu,
tôi đã liếc sơ qua, và thấy rằng nó chưa mất màu mặc dù giấy trắng đã thành
vàng nẫu.
Sau hai mươi lăm năm vượt con
đường chết trên thực địa, ghé mắt nhìn lại con đường trên những trang sách, tôi
hãy còn kinh hoàng.
Vừa rồi tôi có nghe tin Tổng
Cuộc Chính Trị quân lính Việt Cộng có phát động một phong trào viết Kỷ niệm
Trường Sơn. Tôi biết họ bắt những người cầm bút viết theo đường lối “phải đạo” của họ tức là gọt xén tô phết làm sao
cho con đường này trở thành con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, con đường vinh quang
chớ không phải con đường lót bằng xương nhuộm bằng máu của thế hệ thanh niên Hồ
chí Minh. Dù sao đi nữa, những kẻ sống sót trên con đường này cũng còn khá
đông, cho nên họ không thể nói láo.
Nhân dịp nhà xuất bản Xuân Thu
tái bản quyển Xương Trắng
Trường Sơn, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Bác Sĩ Hồ Văn
Châm, người đã đề tựa cho quyển Đường
Đi Không Đến của tôi (sau
1975 nó đã trở thành một trong những quyển đứng đầu bảng sách cấm) . Lời tựa
này ắt hẳn đã thêm một bằng chứng để bọn cai ngục hành hạ bác sĩ thêm trong
mười bốn năm trời trong trại cải tạo mà bác sĩ đã trải qua.
Tôi cũng xin cảm ơn độc giả đ ã
đón nhận nó một cách rất khích lệ cho tôi. Đặc biệt là độc giả trong nước,
trước mũi súng và màng lướ dày đặc của công an mà vẫn bí mật in và phát hành
quyển Đường Đi Không Đến, tuy với giá bốn mươi lăm ngàn đồng vào răm 1985 mà
vẫn có người tìm mua.
Cuối cùng xin cảm ơn Anh Nguyễn
Tri Sử và Anh Xuân Thu. Nếu không có hai anh giúp tôi thì quyển Xương Trắng Trường Sơn không có cơ may đến tay độc giả.
Hoa Kỳ, tháng 9 năm 1989
Xuân Vũ
—>Chương 1
- 1-
Càng đi tôi thấy con đường càng
khó khăn, hiểm trở và sức khoẻ như cái thùng không đáy, cứ rót và lại chảy tuột
ra hết, đôi khi chỉ sau một cơn sốt một con người đang khoẻ bỗng trở thành bại
liệt, nằm ngo ngoe như một con lươn giữa đống trấu.
Càng đi, tôi thấy con đường này
là một sự vô lý, vô lý đối với từng con người một, đối với Dân tộc ta và ngay
đối với cả cái mục đích mà vì đó nó được vạch ra.
Càng đi càng trông thấy đích
ngắm càng xa, hy vọng càng mờ và lý tưởng càng ung thối ra như một vết thương
nhiễm trùng bị những lớp băng bao bọc, cuối cùng máu mủ vẫn tuôn ra không bịt
lại được nữa.
Đã hơn một tháng qua, trên con
đường này tôi toàn thấy những sự kêu la, oán trách, tự gây thương tích, lủi
trốn, cướp bóc, trộm cắp, thậm chí cả sự tự sát hoặc chống lệnh chỉ huy. Gương
tốt người tốt ít quá, hoặc không tìm thấy ở đây.
Tôi chưa hề trông thấy một sự
kiện nào chứng tỏ rằng những người có trách nhiệm xua quân vào đây, hiểu rõ
hoàn cảnh của binh sĩ một khi binh sĩ đã vào con đường này. Họ không tiên đoán
được, hay họ biết mà họ vẫn mặc kệ ?
Ai đời đại liên, trọng pháo,
cối 82 mà được dự định tải bằng xe cút kít, một thứ xe dùng để chở phân bón
đồng của hợp tác xã ?
Họ bắt con người phải hy sinh
quá nhiều. Sự hy sinh trở thành vô bờ bến, không có thời hạn, không có điều
kiện. Vì thế sự hy sinh đã trở thành những cực hình, chứ nó không mang tính
chất tự nguyện của cách mạng.
Tôi nhìn đi nghĩ lại, thấy Năm
Cà Dom nói đúng, không còn cách nào cấu cào ra củi bằng cách gọt gốc cây sống
lấy ra từng lát. Nhưng đây không phải chỉ là một vấn đề lao lực đơn giản mà nó
thuộc về ý thức tư tưởng nhiều hơn.
Tôi tự hỏi:
- Cái cảnh này sẽ tái diễn bao
nhiêu lần ?
Tôi cầm con dao găm mà bổ vào
cái gốc cây rừng.
Chao ôi ! Lưỡi dao găm của một
hợp tác xã ở phố Hàng Thùng Hà Nội là một con dao trên hình thức, còn thực tế
thì nó chỉ là một cái trành bằm. Mép nó dày như da trâu và không đủ thép để mài
cho bén. Thành ra tôi bổ lia lịa mà chưa lấy ra được một cái dăm nào bằng lát
cam thảo.
Năm Cà Dom làm cái việc gọt cây
như tôi với một sự kiên nhẫn phi thường. Anh ta có kinh nghiệm nên chỉ trong
giây lát anh ta lại nhìn sang tôi mà bảo:
- Nhìn sang tôi đây này
Còn Thu thì ôi thôi ! Tay này
cầm con dao găm nom thật thảm khổ.
Những ngón tay búp măng móng
dài và nhọn hoắc, cố nắm chắc cán dao và bổ lưới dao vào gốc cây, và cứ mỗi
nhát Thu lại cau mặt.
Những ngón tay ấy xuất hiện
trên sân khấu như những búp hoa ngọc lan búp trong các điệu múa Tân Cương, múa
ba-lê của Nga La Tư. Mỗi cử động của ngón tay là cả một nghệ thuật… thế mà giờ
đây những ngón tay ấy dùng để bồ củi.
Vâng, đảng đã dùng con người
“như cái vốn qúi nhất ” như thế đó ! Như thế đó, những “con ngườ vốn qúi nhất ”
của đảng được đem ra dùng.
Và chung quanh đây, dọc hai ven
suối này, tất cả những người nằm la liệt trên phiến đá, trong hốc đá, trên võng
vì bệnh tật, vì thương tật, vì đói v.v… cũng lại là những cái “vốn quí nhất”
được đảng đem ra dùng…
Năm Cà Dom cứ hét lên từng chập
một:
- Cố lên anh chị ơi ? Không có
củi thì chết đói ! Chết đói.
Tôi vừa đẻo vừa nhìn quanh
quất, thấy nước đã tràn lên đến nền võng. Chỉ còn có một lõm nơi chúng tôi để
ba lô. Thật ác quá, trời không ngó lại cho mình.
Một lũ kiến bò oanh quanh trên
quai ba lô, rồi chuyền lên đầu võng bò lên cây. Ô chúng nó sắp bị lụt. Chúng có
đường thoát, còn chúng tôi thì cam chịu, đành nhìn nước lên tấn công mình mà
không có đường rút lui.
Chắc trên nguồn lại mưa cho nên
nước đổ xuống hung hơn.
Tôi nói với Năm Cà Dom:
-Chỗ đâu mà bắt bếp anh ? Làm
sao mà nhóm lửa ?
- Đừng lo ! Đẽo cho ra củi cho
tôi đi, rồi sẽ có bếp.
- Không, anh phải nói đi rồi
tôi mới đẽo .
- Ta treo cà mèn.
- Còn lửa ?
- Ờ, ờ cũng kẹt dữ he ? Nhưng
mà không sao… Rồi Năm hì hục bổ vào gốc cây với con dao găm bất hủ.
Bỗng Thu òa lên khóc… Thu buông
con dao xuống đất gục mặt vào hai đầu gối . . .
- Gì thế em ? Tôi cũng ngừng
tay hỏi.
Thu không nói, vẫn cứ nức nở,
làm cho lòng tôi càng thêm rối rắm. Tôi buông dao, đến gần bên Thu, rỉ tai
nàng.
- Cái gì thế em?
Thu lắc đầu nguẩy nguậy Chao ôi
! Trông nàng khóc mà tôi não lòng. Nàng đẹp ra, thế mới chết !
Đôi vai nàng run run. Tóc nàng
lòa xòa phủ xuống gương mặt tuy mang đầy dấu vết bàn tay quái ác của hung thần
sốt rét, nhưng nó vẫn cứ đẹp và đáng nhìn quá !
Nàng ngước mắt nhìn tôi. Đôi
mắt đẫm lệ, như đôi mắt của một con vật sắp sửa bi đem ra tế lễ, van xin tên
đao phủ đừng sát hại. Đôi mắt châm chọc tim tôi.
Tôi nhìn tay nàng. Bàn tay,
ôi!… Tôi cầm lấy nó, mềm mại mong manh như làm bằng bột, những ngón tay nho nhỏ
như những cái búp non. Tuy đã gầy đi, và đầy vết sẹo nhưng nó vẫn còn vẻ đẹp
thanh tú, quí phái.
Tôi nhìn cái vết phồng to, căng
ứ nước trong lòng bàn tay. À, đây rồi nguyên nhân của những dòng nước mắt. Tôi
khẽ bóp tay nàng và hỏi:
- Có đau không?
Thu lắc đầu.
-Vậy sao em khóc?
Thu lặng thinh và nhìn xuống.
Tôi sực nhớ ra rằng nàng đang
trong lúc khó ở.
Chao ôi ! Có kinh mà phải lội
suối ? Và nàng đã vượt con sông chiều hôm trước, chạy qua cả một vùng đất trắng
không có một cái lá cây và còn hăng xè mùi chất độc, nàng đã lội suốt một ngày
hôm qua và bây giờ lại sắp lội suối.
Tôi không biết làm sao thì bác
sĩ Năm Cà Dom quay sang. Anh ta đã nói từ hôm qua. Cái anh này chuyện gì cũng
biết, việc gì cũng có sự tính trước. Anh ta nói thằng vào vấn đề.
- Chốc nữa, trước khi đi phải
băng lại thật kỹ. Nó mà nhiễm trùng một cái, thì ảnh hưởng tới buồng trứng là
mất tương lai…
Thu nghe nói thế lại òa lên,
nước mắt của nàng như đang đựng trong những bọc thật căng bỗng nhiên bị xé toạc
ra tràn trề…
Tôi ngồi ngây ra. Tôi nghe như
tương lai của chính tôi cũng bị đe doạ, vì đời sống của tôi hình như một phần
đã là của nàng.
Năm Cà Dom nói:
- Nếu tôi biết thế, hôm vượt
sông tôi đâu có cho đi. Nguy lắm. Dưới suối chưa biết chùng cũng có chất độc ?
Tôi nói:
- Nhưng nếu không đi thì ai chờ
mình.
- Bây giờ thì phải cố mà đi !
Phải đi… !
Ngại quá! Mỗi người có một cái
ngại khi nghĩ đến lúc mình đì trên một con đường như con đường đang trải ra
trước mặt tôi đây. Con đường không phải như những con đường khác.
Tôi thì mới cắt cử, Thu thì
đang khó ở, Năm Cà Dom thì không có bệnh gì rõ rệt nhưng sau này tôi mới biết
ra là ông bác sĩ này đau bao tử mà ngâm mình dưới nước thì có lẽ cũng không
thuốc gì. Còn những anh kia thì đủ một trăm thứ ngại, ngoài nòng pháo nặng như
núi còn cái chân gãy báo cô kia.
Thương nhất là anh anh bị pháo
đè gãy chân. Anh ta phải nằm võng để cho người ta khiêng. Người khiêng thì cực
chẳng đã khiêng còn người nằm cũng cực chẳng đã phải nằm. Kìa họ đang sửa soạn
để lên đường.
Thú thực rằng tôi không đến đỗi
kém thông minh, nhưng tôi không nghĩ ra một cách nào có thể giúp họ đỡ lao lực
đi một tí.
Dưới lòng suối có một người vừa
bè bè đi, vừa quơ quơ tay.
- Đi nghe bà con ! Mau lên !
Mau lên !
Tôi nhìn kỹ ra thì nhận ra
người đó là anh giao liên. Anh giao liên đang tập họp đám khách ly tán của anh
bị trận mưa chiều qua làm tan tác.
Đã bảo “nhất trạm nhì trời” mà.
Khách có nhiệm vụ bám anh ta,
đeo dính anh ta. Anh ta đi chậm thì đi chậm, đi nhanh thì phải đi nhanh, anh ta
khiến gì hay nấy. Anh ta có đủ mọi thứ quyền hành, còn khách thì chỉ có nhiệm
vụ là không có quyền hạn gì cả, ngoài cái quyền phải bám chặt anh ta. Khách
không có quyền hỏi đây là đâu và sẽ đến đâu và đã qua những đâu Ơ đây không có
địa danh, sông không có tên, suối vô danh và những kẻ đi trên con đường này
cũng như con suối vô danh kia, đã thay đổi họ, lẩn trốn nhau, từ khi còn ở Hà
Nội và vô đến đây thì đi đứng ăn ở đều lén lút như những tên ăn trộm.
Tại sao phải lẩn lút phải đổi
thay tên họ ? Phải chăng vì việc làm của mình quá ư quang minh chính đại mà
mình phải che đậy như thế?
Cho nên, xin lỗi độc giả, nếu
trong thiên hồi ký này độc giả không hề thấy tác giả nêu lên một địa danh nào
thì đó không phải là lỗi của tác giả mà tại nó thế đó.
Anh giao liên vừa đi giữa lòng
suối vừa vẫy gọi khách treo võng hoặc nằm la hệt hai bên vách đá.
Nhiều người chửi ầm lên:
- Đi cái lỗ mô giờ mới thò cái
mặt mẹc ra đó ?
- Quân bất lương !
Tôi thấy khổ tâm cho anh Khẩu
đội trưởng : một bền là cái nòng pháo, một bên là anh lính gãy giò. Nếu tôi là
Khẩu đội trưởng trong lúc này thì tôi xin đổi cái chức vụ của tôi với một thìa
muối.
Tôi bảo Thu:
- Chuẩn bị đi em!
Thu đứng chết trân như một cái
tượng đá hay chính Thu đã hóa đá ?
Tôi cực lòng quá. Nỗi cho tôi,
nỗi vì Thu. Nếu không đi nằm lại đây thì gạo đâu ăn. Cái nhúm gạo chiều qua mắc
mưa không có nắng sấy, bây giờ đã thành bột rồi, nhưng tôi cũng cứ giữ nó vì dù
sao nó cũng là gạo. Nếu nằm lại đây thì nằm cho đến bao giờ ? Chờ cho suối cạn
thì đó là điều không bao giờ có.
Cỏn đi thì làm sao ? Thu ngại
nước hơn ai hết. Chậm một ngày suối càng dâng lên cao một ngày.
Sự phát hiện của bác sĩ Năm Cà
Dom làm tôi sợ hãi cho Thu. Đàn bà con gái mà nói tới việc không có con là họ
sợ nhất. Tôi là cán bộ, còn Thu là văn công trình độ biểu diễn quốc tế. Ấy vậy
mà là một đám người đi lẫn trong đám gười lô nhô lúc nhúc kia, không ai biết
ai. Nói thì nghe hay quá, nào kỹ sư linh hồn gì gì, nhưng thực tế trên con
đường này, những điều xảy ra cho tôi đều là minh một định lý ngược lại.
—>Chương 2
- 2-
Bên kia, toán khiêng anh lính
gãy chân đã bắt đầu khởi hành. Bệnh nhân nằm ngửa trên võng, cái ngực gần sát
với cây đòn, vì chiếc võng mắc thật thằng để tránh cho anh ta khỏi bị ngâm
xuống nước càng ít càng tốt Anh ta nằm, nhưng có lẽ không an tâm, cho nên anh
ta đưa hai tay lên bám chiếc đòn đề phòng những người khiêng loạng choạng đong
đưa.
Nhưng vừa bước xuống suối là
những người khiêng đã ngấm đến cổ rồi, thành thử ra cả người anh bệnh binh cũng
bị ngâm dưới nước. Anh ta cố ngóc lên để thở. Chẳng còn cách nào khác để cho
anh’ta thoải mái hơn.
Anh Khẩu đội trưởng lui cui
cùng với những anh đội viên của anh ta tổ chức khiêng cái nòng pháo. Trông vừa
chua chát vừa muốn bật cười.
Tổ chức chiến đấu gì kỳ cục vậy
chứ ? Người ta cứ ném tất cả vô đây và ở ngoài kia cứ tổ chức ăn mừng, hoan hô
sự sáng suốt của đảng và cứ cười tít mắt lên mà tưởng như chiến thắng hiển hách
đã ngửi thấy đến nơi rồi.
Họ có biết đâu những đơn vị
nguyên lành của họ khi vô đến hang hùm nọc rắn này rồi, trở thành tàn quân trở
thành thổ phỉ hung hãn chuyên đi cướp giật của đồng đội, thậm chí lột cả đồ đạc
những người ốm mê man để làm hành trang sống lẩn lút trong rừng Và cuối cùng để
quay về quê cũ, họ có biết đâu những cậu thanh niên hăng tiết vịt cắt tay lấy
máu viết huyết tâm thư dâng lên đảng đòi vào Nam chiến đấu giờ đây lại là những
người chửi đảng to tiếng và độc ác hơn ai hết.
Còn lũ tôi đây thì không đánh
ai, vì những người tôi muốn đánh thì không có ở quanh đây, nhưng tinh thần thì
xuống thấp hơn ngọn cỏ.
- Âm ầm ầm!
Những người khiêng anh bệnh
binh trợt chân ngã hằng loạt. Cả anh bệnh binh và những người khiêng bi nước
cuốn đi. Trên mặt nước chỉ còn trông thấy những cái đầu nhấp nhô và những cánh
tay quơ lên tìm cái gì để bám.
Những người mạnh thì bơi vào
bờ, còn anh bệnh binh bị nước đập tấp vào một cái nhánh của cây cổ thụ đã quay
sang như chiếc cầu từ chiều hôm qua. Những người kia bò lên bờ lóp ngóp, kẻ
ngồi người đứng, vuốt mặt lia lịa mà nhìn dòng suối. Kẻ mất ba lô người sút
dép, mất nón, tuột áo, mất quần.
Họ không buồn tìm cách vớt anh
bạn kia lên nữa. Nhưng cũng may, anh thương binh cứ nắm chắc nhánh cây và nhô
hẳn đầu lên mà gào. Tiếng gào của anh ta vang dội vào vách đá, làm như ở đằng
kia cũng có một người bị nạn và đang gào kêu cứu như anh !
- Bớ là… là… ông… nư… ức ơi !
Mồm anh ta hả to ra, bị nước
vọt vào làm tiếng kêu của anh ta đứt quãng hoặc tắt ngấm đi.
Sự đau khổ đó làm động lòng bác
sĩ Năm Cà Dom. Năm Cà Dom lại phóng xuống nước lần nữa, lôi anh thương binh lên
bờ.
Sự bi thảm đã lên mức đó, tràn
ngập cả trái tim tím bầm của tôi nhưng đây chưa phải là điểm cao nhất .
Từ dưới dòng, hai con người lần
lần theo vách đá đi lên. Hai người này không dám lội ra xa bờ vì có lẽ họ sợ
nước cuốn.
Bỗng tôi kêu lên:
- Ông Chín ! Trời ơi ông Chín !
Tôi không trông thấy mặt mũi
ông già nhưng tôi biết đó là ông Chín vì trên lưng trên đầu ông um tùm những
nhánh cây. Cơ khổ ông già. Cứ hễ đi ra một bước là giắt lá cây đầy mình. Ông có
ý thức che mắt địch nhưng ông lại không biết áp dụng địa hình cũng giống in như
một kẻ bị lệ thuộc vào những công thức, những giáo điều mà họ chỉ biết nghe
theo chớ không đời nào dám nghĩ khác đi đừng nói chi nghĩ ngược lại. Ông Chín
đi qua rừng cây bị chất khai quang chết trụi không còn một cái lá xanh, ông vẫn
giắt lá xanh, hay như bây giờ đây, lội giữa suối mà vẫn ngụy trang. Tên phi
công nào đần độn nhất từ trên cao cũng nhận ra một mớ cây trôi lên, ngược dòng
suối.
Ông Chín ngước mắt nhìn tôi.
Mắt ông chỉ còn bằng hai hạt tiêu. Có lẽ ông nhận ra tôi, nên ông đưa tay vẫy
vẫy. Tôi gặp ông Chín ở trạm ba, cách trạm làng Ho một trạm. Tôi qua mặt ông
Chín rồi tôi sốt ông Chín lại vượt qua tôi. Chiều hôm qua chúng tôi lại gặp
nhau trước khi vượt sông. Khi bắt đầu lao thân vào lòng suối thì tôi không còn
thấy ông Chín đâu nữa.
Ông Chín đã lội tới chỗ tôi
đứng. Tôi đưa tay lôi ông Chín lên và hỏi:
- Giao liên không giúp cho ông
nữa à ?
- Có biết nó đi đâu đâu !
- Thằng ác thật, nó bỏ ông già
thế này.
Tôi nhìn ông Chín. Những nhánh
lá vẫn còn dính trên người ông Chín như nhũng người bạn trung thành. Tôi đưa
tay rút một nhánh vứt đi và bảo:
- Bỏ đi cụ ạ ! Cho nó nhẹ ! Lội
dưới suối mà ngụy trang lá cây thế này cản nước lội mệt lắm.
Nhưng ông già giáo điều đã xua
tay:
- Ấy chết ! Đồng chí cứ giữ mãi
cái lối khinh địch đó, không chịu bỏ. Tôi bảo cho đồng chí biết từ đây trở vô,
lúc nào trên trời cũng có mắt của thằng địch nó dòm mình lom lom. Mình mà sơ hở
một chút là bị nó ngay.
Tôi đã tranh luận về việc trốn
máy bay với ông Chín không biết bao nhiêu lần. Ông Chín cũng bị thiên hạ phản
đối không biết bao nhiêu lần, nhưng ông Chín vẫn chứng nào tật ấy nghĩa là khi
ra đi thì y như một bụi cây rậm đang di động.
Tôi nhìn thấy da thịt ông Chín
đã đóng rong, đầu ngón tay móp như trái táo khô, hai vành tai tím như tai người
chết , còn mồm thì thở vừa ra hơi nước vừa chảy ra nước. Tôi biết ông Chín bết
bát lắm rồi, nhưng tôi làm gì được trước một cụ già như thế?
Tôi bảo:
- Cụ ngồi xuống đi bồi dường
sức khỏe một chút rồi đi.
- Thằng dắt đường đâu rồi ?
- Nó vừa đi qua !
- Nó không chờ, thì biết đường
nào mà đi ?
- Cứ đi đại lại thôi, hễ còn
thấy người bệnh treo võng dọc bờ suối thì đúng là đường đi.
-Thế hả?
Ở phía dưới dòng một người khác
bạn đường của ông Chín lúc nãy đã đến ngay chỗ ông Chín đứng. Tay anh ta với
lên nắm lấy ống chân của ông Chín làm cho ông giật mình, ông rút chân lên.
Anh bạn kia không còn chỗ bám,
và rơi sụt xuống nước. Tôi nhanh tay chụp lấy tóc anh ta và kẻo xểnh anh ta lên
bờ.
Trời ơi t Tôi đã vớt đúng một
cái thây ma. Tôi đã tự dưng chuốc vào mình một cái tai họa…
Cái người tôi vừa kẻo lên là
một cái xác không hồn. Hình như anh ta phải chết lúc này nhưng vì trông thấy
chúng tôi ở đây như một cái đích rất gần, cho nên anh ta cố lần vách đá tới đây
để mà trút hơi thở cuối cùng. Tôi gọi Năm Cà Dom:
-Về ngay đây !
- Gì nữa đó?
- Về ngay đây ?
Năm Cà Dom vốn là một người tốt
bụng, một bác sĩ còn có lương tâm, cho nên nghe tiếng kêu cứu của tôi thì nhảy
ùm xuống nước bơi về ngay.
- Gì thế?
- Đây này,bác sĩ về mà giải
quyết.
Năm Cà Dom nói ngay:
- Đánh gió, làm hô hấp nhân tạo
ngay!
Rồi Năm móc túi ba lô lấy cù
là, vạch lưng anh bệnh binh xoa, nắn bóp cạo lia lịa không hở tay. Rồi anh làm
hô hấp nhân tạo. Chỉ trong vòng mười phút là anh ta cử động được ngay.
Năm nói:
- Anh này chưa có chết, nhưng
vì ngâm mình dưới nước lâu nên bị vọp bẻ không đi được. Nếu anh không lôi nó
lên nó bị nước cuốn tay chân cứng đờ không bơi được là uống nước chết đắm ngay.
Trên khoảng đất có mấy thước
vuông của tôi như cái nền nhà bị nước ngập, có đủ các giới, các thành phần, các
miền, đủ cả. Cái sự có mặt của anh bị vọp bẻ làm cho số người trở nên phong phú
lên. Anh ta là lính.
Tôi mới nhận ra anh ta là cái
anh chàng đi bằng hai cây gậy mà tôi và Thu gặp cách đây mấy trạm. Anh ta có
chiếc khăn lông con treo ở quai nón dưới cắm lòng thòng như một bộ râu vĩ đại.
Do đó, tôi và Thu gọi anh ta là ông già Noël.
Ông già Noël còn trẻ quá. Hôm
nay tôi mới nhìn tận mặt ông ta. Ông ta chỉ là một học sinh. Không biết đau ốm
thế nào mà đôi chân cứ đi cà lỉa, cho nên khác hơn mọi người, ông già Noël đi
với hai chiếc gậy.
Bây giờ thì ông ta nằm đây trên
tảng đá lạnh như nước đá, mà thịt ông ta cũng không ấm hơn nước đá, đang nhờ
ông bác sĩ hảo tâm làm cho sống lại.
Tôi cũng không biết làm sao
nữa. Tôi biết tôi không thể giúp ai, và chắc chắn không ai có thể giúp tôi. Mỗi
một người tự xem cái bản thân mình là một cái nợ đối với mình.
Năm Cà Dom hảo:
-Thời đi thì đi.
- Ta đi đi…
Ông Chín cố mở đôi mắt hẹp khổ
của ông ra mà nhìn chúng tôi ngạc nhiên về sự thúc giục của bác sĩ Năm Cà Dom.
Có lẽ theo ông Chín thì người ta chỉ cớ thể đi tới đây thôi. Và nằm, và ngồi và
ngủ tại đây để chờ Trung ương tới, đưa ra khỏi con suối ” tuyệt long lãnh” này,
bằng tàu bay xe tăng, xe lội nước hay bằng phép Tiên phép Phật gì thì bằng, chứ
còn như ông, một ông lão già năm mươi bốn tuổi, dù ai nói gì thì nói, ông không
thể nào xem con đường này là con đường vinh quang cho được.
Bỗng ông Chín hắt hơi. Rồi ông
Chín hắt hơi mấy cái nền. Ông Chín nhìn quanh quất rồi nói:
- Có mùi gì lạ vậy mấy chú ?
- Mùi gì đâu ông Chín.
- Mấy chú không ngửi thấy à ?
- Mùi thây ma chớ mùi gì nữa. –
Năm Cà Dom vọt miệng đáp.- Ba cái thây ma kết súng thành tổ tam tam chế nằm
chết thẳng cẳng trên võng bên kia gộp đá kia kìa .
Ông Chín ngạc nhiên, ông hỏi:
- Sao chết dữ vậy ?
- Đói chết, bịnh chết chứ sao
ông già !
Năm Cà Dom lại giục:
- Bởi vậy cho nên chúng mình
phải rời khỏi khu vực này ngay. Chốc nữa nắng lèn, thây ma sẽ sình lên vỡ ra.
Nước vàng nó chảy xuống suối mình ngâm mình dưới nước ghê lắm . Ngửi lấy cái
không khí này vào người, bị dịch hạch dịch tả dịch… dịch đủ thứ dịch…
Năm Cà Dom nhìn chỗ nào cũng
phát hiện ra bệnh, ớn quá. Nào gãy giò, nào nhiễm trùng, nào dịch hạch v.v…
Bệnh nào cũng chẳng hiền cả.
Thật là buồn cười. Bây giờ kiểm
điểm lại trên chặng đường này, chúng tôi cương quyết rời bỏ cái nền đá này là
vì sợ bệnh dịch, chớ không phải vì nôn nóng đi vô giải phóng Miền Nam. Còn kiểm
điểm lại động cơ thường trực của những người đi trên con đường này thì mỗi
người một khác: tôi thì vì nhớ nhà quá mà xin về, Thu thì vì không biết gì nên
xung phong đi, còn bác sĩ Năm Cà Dom về để làm cái nghề cũ là nuôi ngựa đua
v.v… Thế nhưng những người lãnh đạo ngồi ngoài Hà Nội cứ rung đùi ngỡ rằng mình
đã tận dụng, thậm chí lạm dụng, lợi dụng lòng yếu nước của mọi người để biến họ
thành công cụ sống thực hiện những điều mong ước của họ một cách tốt đẹp, không
ngờ rằng tất cả những người vượt Trường Sơn, không có trường hợp đặc biệt, đều
oán trách, hận thù Trung ương Đảng.
Khi chiến tranh, có lẽ một
trong những vấn đề phải đặt lên hàng đầu là phương tiện. Đối với một kẻ thù quá
thừa thải phương tiện như Mỹ, thì có lẽ người lãnh đạo sáng suốt phải nghĩ tới
việc đó trước khi xông vào đánh đá.
Tôi biết có những chiếc xe cút
kít của hợp tác xã được cải tiến để chở phân bón lúa. Thế mà không biết do sáng
kiến của ai, những chiếc xe ấy được đưa vào làng Ho để giúp cho pháo binh tải
pháo !
Tôi không hiểu những nhà chiến
thuật nào đã nghĩ ra cái sáng kiến vĩ đại đó.
Có phải chăng họ nghĩ rằng cái
chiến trường mà bộ đội chánh quy của họ đang lao vào đánh nhau với Mỹ là một
thứ hợp tác xã mà những xã viên bê trễ thối chí cũng dùng những chiếc xe cút
kít này tải pháo trên những con đường bằng phẳng như ở làng quê ?
Họ đã lạm dụng sức con người và
lòng tin của con người đến mức độ xưa nay chưa từng có.
Họ bắt con người hy sinh quá
mức.
Nếu có thể, tôi xin kết luận
một câu: Nếu anh muốn làm chiến tranh, anh phải có đầy đủ phương tiện, nếu
không, đừng làm !
—>Chương 3
- 3-
Ông Chín cứ kêu mãi về cái mùi
hôi thối của thây ma:
- Sao kỳ cục vậy he ! Sao kỳ
cục vậy he ?
Năm Cà Dom cười và hỏi:
- Vậy từ lúc đi vô nay tới bây
giờ ông Chín chưa gặp ai chết dọc đường hay sao !
- Chưa ! Chưa gặp người nào
chết hết cả !
- Chưa gặp người chết, hay chưa
gặp người chết mà không ai chôn ?
- Cái nào cũng không gặp hết.
Năm Cà Dom cười:
- Tại ông không thấy, chứ thiếu
gì !
Ông Chín nói:
- Tôi nghĩ rằng trên đường này
mọi tổ chức đều chu đáo hết. Tôi không tưởng tượng được rằng có một người chết
ở đây mà không có người chôn.
- Ông muốn xem không ? Năm Cà
Dom hỏi dồn tới.
Ông Chín bị hỏi bất ngờ, hơi
lúng túng:
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Tại ông Chín già yếu rồi, đi
đến trạm là nằm nghỉ chứ không có hay tìm tòi xoi mói cho nên không gặp những trường
hợp như vậy. Chứ ông Chín có nghĩ rằng có một người treo cổ chết trên đường này
không ?
- Ối thôi thôi đừng có nói nữa.
Đó là trường hợp đặc biệt mà !
Năm Cà Dom cười:
- Chứ chẳng lẽ lại phổ biến ?
Ông Chín nói:
- Theo tôi thì cái sự đó nằm
trong phạm trù ngẫu nhiên chớ không phải là tất nhiên.
Năm Cà Dom cười:
- Nghĩa là sao ông Chín ?
- Nghĩa là ít khi xảy ra, mà có
xảy ra là cũng vì một sự bất ngờ nào đó chứ không phải là tất yếu phải xảy ra
như vậy. Đồng chí hiểu chưa?
Năm Cà Dom vẫn lắc đầu một cách
trêu chọc:
- Chưa hiểu, ông Chín ạ.
Ông Chín hơi cáu như ông đang
đứng trước lũ học trò lóc cóc của ông mà giải đáp một bài toán cộng. Ông nói:
- Chú đi vô Nam mà chú không có
được võ trang lý luận Mác làm sao mà chiến đấu được. – Rồi ông Chín kiên nhẫn
giải thích những trường hợp mà Năm Cà Dom vừa trình bày. – Trong duy vật biện
chứng pháp có cả thảy là năm phạm trù và năm qui luật, đồng chí hiểu chưa ?
Năm Cà Dom lại hỏi:
- Nhưng phạm trù là cái gì mới
được chớ ?
Ông Chín chẳng có ngờ cái thằng
bác sĩ này lại hỏi câu đó. Ông lúng lúng:
- Phạm trù là phạm vi hoạt
động, là cái vòng bao bọc sự việc xảy ra đồng chí hiểu chưa ?
Năm Cà Dom nói:
- Vậy sao không gọi là phạm vi
hoạt động , là cái vòng bao bọc việc xảy ra mà lại gọi là phạm trù chớ ?
- Thì tại sách nó dạy là “phạm
trù ” thì mình học là phạm trù chớ gọi là “phạm vi” làm sao được ?
- Thế gọi là châu vi có được
không ? Như châu vi hình chữ nhự, hình tam giác vậy đó, được không ?
- Đâu có được đây là triết học
chớ không phải toán học, đồng chí lẫn lộn rồi.
Năm Cà Dom nói tiếp, vừa nói
vừa đưa tay vẽ một cái vòng chung quanh:
- Thế thì tôi hiểu rồi. Phạm
trù là cái vòng bao bọc sự việc xảy ra, ví dụ như cái nền ngập nước mà chúng ta
đang đứng đây gồm có ông Chín, tôi, ông văn sĩ này, cô văn công và anh lính bị
vọp bẻ đây là một phạm trù.
Ông Chín dậm chân:
- Không phả… ải !
- Vì nó cũng là cái vòng bao
bọc sự việc xảy ra. Cái sự việc đang xảy ra là tất cả mọi người đang nằm ngồi
đứng và nói chuyện với nhau.
- Chậc ! Sao đồng chí lại tầm
thường hóa lý luận như vậy được. Đây là duy vật biện chứng pháp chớ đâu có phải
cái chuyện lơ mơ xoàng xĩnh, lề mề như đồng chí ví dụ.
Năm Cà Dom cười ngất:
- Thế thì tôi cũng chưa hiểu
phạm trù là cái gì hết.
Ông Chín rướn cổ sát vào mặt
ông bác sĩ Năm Cà Dom:
- Phạm trù là phạm trù. Voi là
voi ! Hiểu chưa ?
- Chưa hiểu !
- Chưa hiểu thì thôi. Mặc kệ
đồng chí, tôi không biết !
Tôi đã từng bị ông Chín giải về
Triết học Mác như bốc đất cục bỏ trên giấy cho nên tôi thất kinh hồn vía rồi.
Tôi đã bị ông Chín khui cái mớ Triết học loam ngoam của ông ta để cãi nhau với
tôi về một cuộc trốn máy bay, bây giờ lại nghe ông Chín giở nó ra để giải thích
về những cái chết vô lý, tôi không giận gì ông ta, mà tôi chỉ buồn cười. Một
lão già gần đất xa trời và lấm cẩm như vậy mà lại đi về Nam để “chiến đấu. “
Tôi bảo:
- Có đi thì đi, đi cho khỏi chỗ
này nhanh lên.
Rồi tôi làm tên quân cảm tử đi
tiền phong, tôi lội xuống suối, đi trước mọi người để làm gương sáng, làm đầu
tàu, làm nòng cốt cho cái đám nam phụ lão ấu đang ngại ngùng, đang đứng trên
cái nền ngập nước
Năm Cà Dom bảo:
- Cô Thu đi đi.
Thu cắn răng lại, nhắm mắt lại
mà đưa chân dò từng bước bước xuống nước. Cái thân hình ngọc ngà của Thu ngấm
dần xuống nước.
Tôi không dám nhìn nữa.
Trên đường này tôi đã từng quay
mặt đi trước nhiều thảm cảnh mà đây là một. Tôi không muốn trông thấy sự tương
phản giữa cảnh trí và con người của Thu.
- Con người là vốn quý nhất.
Ai đã nói câu đó, ai đã in câu
đó trên sách vở và đã cho nhồi vào đầu của hàng triệu người. Bây giờ ai đã đem
cái vốn quý nhất đó ra mà dùng một cách trân trọng như thế này. Cô nữ diễn viên
kia xuất hiện ở đây có phải chăng cũng là một trường hợp chứng minh điều đó ?
Tôi nghe những lỗ chân lông của
tôi hút nước vào trong cơ thể, cái cơ thể vốn sợ nước, vốn đã bã ra vì nước !
Tôi cố bước lên vài bước để lấy
trớn, để quên đi cái sự giá lạnh nó đang ùn ùn vây phủ mình. Rồi tôi dừng lại
để chờ Thu. Tôi đưa tay ra cho Thu nắm lấy. Tôi lôi Thu đi tới và ngoảnh lại
nhìn. Ở hai bên bờ suối chưa có ai lội xuống hết. Anh Khẩu đội tưởng ngồi trên
một hòn đá với mấy đội viên của anh ta, và cái nòng pháo vừa được lôi lên khỏi
nước.
Nét sầu tiền kiếp, và sự man rợ
của những thế kỷ man rợ đã in đậm nét trên gương mặt họ.
Năm Cà Dom đang đứng chống nạnh
như một ông tướng.
Anh ta bảo:
- Đi trước đi ? Tôi chấp hai
ông bà đi nhanh lên, rồi tôi bắt kịp cho mà coi nghe !
Rồi Năm Cà Dom quay lại bảo ông
Chín và ông già Noël:
- Ông và đồng chí này đi đi kẻo
ở sau không còn ai hết. Rơi lại phát này là không còn ai vớt nữa đâu. Theo tôi
thì giao liên trong chuyến tới nó không dùng con đường này nữa, nó chờ cho đến
mùa nước cạn năm tới mới quay lại dùng con đường này.
Tôi nghe Năm Cà Dom giải thích
mà ớn lòng.
Tôi và Thu dắt nhau đi tới. Tôi
cố không nhìn khi đi qua chỗ anh binh sĩ gãy chân.
Nhưng tiếng kêu than của anh ta
rền vang hai bên vách đá.
- Ối làng nước ơi ! ôi cha mẹ
ơi ! Chắc con không trông thấy mặt cha mẹ rồi ! Hồi ở nhà, cha mẹ bảo con trốn
đi, đừng có đi Nam mà không thấy ngày về, bỏ cha bỏ mẹ, nhưng con không nghe,
con định đi lập công dâng đảng. Ôi cha mẹ ơi, ối làng nước ơi, ối làng nước ôi
cha mẹ ôi !
Vậy là anh ta cứ gọi bố mẹ,
làng nước chứ không gọi cái gì thiêng liêng khác như ngày thường anh ta gọi.
Bất giác tôi quay nhìn anh ta.
Thiệt là một hình hài làm cho tôi đau khổ suốt đời.
Anh binh sĩ không còn là người
nữa, anh ta là một cái mớ giẻ rách, biết nói, một bộ xương, một con ngợm, một
con quái vật, một cái gì, ai muốn đặt tên là gì cũng được trừ hai chữ “con
người”.
Tôi nhắm mắt lại mà lội bươn
qua, làm như cái cảnh tượng đó không có xảy ra trước mắt tôi, hoặc nó có trước
mắt tôi mà không có dính ăn dính thua gì với tôi cả.
Đi ngang qua những người
khiêng, tôi cố gượng hỏi:
- Sao các đồng chí không trở
lại khiêng đồng chí kia ?
- Đồng chí có giỏi thì khiêng .
Một người trả lời.
- Đồng chí đó là đồng chí đồng
đội của đồng chí mà ?
- Tôi chằng đồng gì với ai cả.
Một người khác trong đám tiếp:
- Không có gạo đồng chí ạ. Ba
lô trôi, ruột tượng cũng tuột hết rồi. Lấy gì mà khiêng. Khi cái chân không
bước nổi ?
Tôi cũng biết vậy, nhưng sự thương
tâm làm cho tương tri của bật lên tiếng nói.
Tôi bảo:
- Cái đó thì tùy.
Tôi quay lại nhìn phía sau. Ông
Chín và ông già Noël đang đi theo chiến thuật cũ, nghĩa là lần vách đá mà đi.
Còn Năm Cà Dom thở phì phì như trâu nước. Năm Cà Dom đã đi đến ngang tôi. Năm
Cà Dom hỏi:
- Ba-lô đâu, đưa tôi quẩy đùm
cho.
- Thôi được!
Tôi yếu sức quá, nhưng tôi sợ
rủi Năm Cà Dom làm tụt mất có mà chết. Tôi bảo Thu đưa ba lô cho Năm mang giúp.
Có lẽ cùng một ý nghĩ như tôi cho nên Thu cũng xin cảm ơn Năm. Năm trườn đi tới,
tôi thấy mà thèm, nhưng không tài nào tôi như Năm được. Tôi như cái cục cơm nếp
mắc mưa bây giờ đem ngâm xuống nước.
Tôi nhìn Thu, Thu như không còn
hồn phách. gì nữa.
Tôi gắng gượng bảo Thu:
- Cố gắng lên em. Tới phía
trước có chỗ nghỉ !
Dọc đường tôi đi, không biết
còn có bao nhiêu thảm cảnh như thế nữa. Mà chính tôi và Thu đây cùng với cây cỏ
chung quanh cũng là một thảm cảnh rồi, cực hình rồi.
Bây giờ tôi cũng không cần phải
tả thêm cái con suối ác nghiệt này một nét nào nữa.
—>Chương 4
- 4-
Tôi và Thu đi hết quãng đường
này đúng vừa lúc Thu mệt ngất lả người ra, không còn một chút sinh lực để bước
thêm một bước.
Tôi biết là đến nơi rồi.
Tôi vọt lên bờ, đứng dang chân
ra và khom người xuống đưa tay cho Thu, Thu đã đến mé bờ nhưng Thu chỉ còn sức
để đưa tay lên cho tôi nắm lấy và ngã gục mặt vào hai mũi bàn chân tôi, như một
sự buông trôi cả thể xác lẫn tâm hồn Thu cho tôi.
Tôi lấy hết sức lôi nàng lên
khỏi nước và tôi buông nàng xuống đất nằm sóng soài ra đó không cần kể tới sự
phải giữ gìn kín đáo cho một người con gái.
Ở đây không ai còn tâm trí và
sức lực để nhìn để nghĩ về một tấm thân của một người con gái.
Thu nằm đây lăn lóc dưới đất,
áo quần ướt đẫm, rách nhiều nơi, da nàng lộ ra nhiều mảnh trắng nhưng đâu có ai
buồn nhìn.
Tôi lắc nhẹ Thu và bảo:
- Em ạ đến nơi rồi !
Nhưng Thu vẫn nằm , đôi mắt Thu
nhắm nghiền, Thu không tỏ vẻ hay biết về những việc xảy ra chung quanh nàng.
Những anh bộ đội mặt mày xanh
ngắt xanh ngơ cũng theo dấu chân của tôi, cố trườn lên bờ. Nhiều người nằm tại
bờ suối đó, nhưng cũng có nhiều người cố vượt lên vài chục bước rồi nằm vật ra.
- Thu ạ!
Thu vẫn không đáp.
Quần áo dán sát vào thân người
nàng, làm lộ hẳn những đường nét đáng yêu. Tôi lặng người đi giây lâu, không
còn nhớ mình là ai, cũng không còn biết đây là đâu, mà chỉ thấy rằng mình đang
đứng trước một cái gì đáng yêu đáng bảo vệ quá.
Tôi cúi xuống bế xốc Thu lên.
Nhưng để làm gì? Nhìn quanh
quất tôi không biết làm gì . Mà cứ thấy rằng mình không thể để cho một con
người như thế, nằm lăn lóc dưới đất.
Tôi ôm sát nàng vào ngực tôi
như để sưởi ấm cho nàng. Trời ơi! Tôi yêu nàng, yêu cả những thói xấu và những
sự bất mãn của nàng.
Tôi biết rằng tôi yêu nàng vì
tình yêu của tôi đối với nàng là động cơ mạnh nhất thúc đấy tôi đi tới, sau cái
tình quê hương của tôi.
Nếu không có Thu thì có lẽ tôi
buông trôi cuộc đời tôi, để cho nó cứ trôi dạt, và rồi tôi sẽ phải chấp nhận
cái bãi biển, cái bến bờ nào mà sóng gió đưa tôi đến.
Tôi đặt Thu xuống và lấy võng
mắc bừa lên rồi ẳm Thu đặt lên võng như lần trước qua khỏi con sông gì đó ! Mà
chính tôi cũng không biết tên.
Tôi lấy chăn – tấm chăn ướt –
đắp cho Thu rồi lại ngồi bên đầu võng Thu, như một tên nô lệ canh giấc ngủ cho
một nữ hoàng.
Những người lính lại lôi thôi
lếch thếch đi qua.
Họ không còn là những chiến sĩ
của quân đội Miền Bắc.
Họ là những cái bộ xương còn có
thể di động trong vài hôm nữa, và chỉ cần một trận mưa nữa là những bộ xương ấy
sẽ rã ra, rải rác khắp trên con đường vinh quang này như những cánh hoa vô giá,
làm cho con đường giải phóng Miền Nam thêm hương thêm sắc.
Ông Chín và ông già Noël không
biết làm sao mà rồi cũng tới nơi được. Trông họ còn bệ rạc, bi thảm hơn cả Thu.
Ông Chín thì mắc võng nằm. Còn ông già Noël thì cứ trườn lên được trên bờ rồi
lăn ra đất như một đống thịt vô tri.
Chập sau, thấy Thu hơi tỉnh
người lại, tôi hỏi:
- Em thấy trong mình thế nào ?
Thu lắc đầu . Đôi môi Thu khô
ran như muốn nứt ra. Nước da của Thu vừa xanh vừa tái. Quần áo ướt đẫm. Tôi chú
ý thấy dưới đít võng những giọt nước hồng hồng. Thì tôi biết Thu vẫn khó ở. Và
có thể Thu ốm nặng vì cái trận lội suối này. Tôi ái ngại cho Thu vô cùng. Tôi
muốn tìm ông bác sĩ Năm Cà Dom nhưng không thấy ông ta ở đâu.
Tôi biết Thu đang khóc. Có lẽ
nếu tôi không hỏi cái câu lúc nãy, cứ để cho Thu nằm im, thì Thu không khóc,
nhưng vì tôi hỏi câu đó cho nên Thu tủi thân.
Nước mắt Thu trào ra khóe mắt.
Thì cũng như mọi người con gái khác hay mọi người khác khóc thôi, thế nhưng ở
đây mỗi một giọt nước mắt chứa đựng rất nhiều nối niềm trong đó có sự tủi hận.
Tủi vì tấm thân của con người
“đi làm cách mạng giải phóng Miền Nam ” bị đối xử như con vật, con vật hy sinh
(không biết để làm gì), hận vì trót nghe lời thiền hạ quá dễ dàng, tin chắc ba
bó một giạ.
Riêng Thu, tôi nghĩ giọt nước
mắt càng phức tạp hơn trong đó không khỏi có sự tiếc thương cái sắc đẹp tiêu
tan của mình trên con đường này.
Gái Hà Nội khéo ăn, khéo mặc.
Tôi đã từng biết điều đó. Mảnh vải thồ, họ cũng biến thành chiếc áo đẹp và
duyên dáng. Một sợi tóc họ để lả lơi trước trán hay buông thả bên thái dương,
cũng đều có ý thức chứ không “may rủi bao giờ.
Bây giờ nằm ở đây, Thu làm sao
khỏi chạnh lòng, tủi hận ? Tôi cũng không biết cách nào giúp đỡ Thu, giữ gìn
sức khỏe của nàng. Trong tôi và trong ba lô tôi, cũng như trong nàng và trong
ba lô nàng không còn một vật gì khô sau mấy tiếng đồng hồ ngâm nước .
Còn gạo trong ruột tượng, chỉ
vài nhúm thôi, nhưng gạo đâu còn là gạo. Nó rã mềm và nát ra như bột thối.
Nhưng tôi cũng không dám bỏ. Vì dầu sao thì nó cũng là gạo. Có cái gì thay thế
nó.
Tôi đi quơ củi gom lại và bất
kể sự vi phạm kỷ luật đi đường, tôi nấu cho Thu một bát cháo với số gạo đó và
nấu một bi đông nước sôi để cho Thu chuờm bụng.
Thu cứ kêu đau bụng luôn. Đáng
lẽ những ngày khó ở đã chấm dứt rồi, nhưng vì bị ngoại cảnh ác nghiệt cho nên
nó mới kéo dài và gây ra nhiều sự phức tạp cho Thu, mà chứng đau bụng liên miên
là một.
Thu cầm lấy bi đông nước và áp
vào bụng. Qua làn áo ướt hơi nóng truyền vào cơ thể nàng, làm cho gương mặt
nàng tươi dần.
Rồi nàng húp chén cháo nấu với
mớ gạo mục kia. Nàng càng tỉnh ra và nàng bắt đầu nói chuyện.
Nàng nói gì ? Nàng nói toàn
những chuyện bất mãn và những chuyện trái ngược lại mơ ước mà nàng xây đắp ở
đầu đường.
Nàng nói:
- Em dè thế này, thì em đã
không đi !
- Thôi em ạ ! Tôi bảo. Em không
nên nghĩ như vậy.
- Em đã quyết ở lại từ phía bên
kia sông. Em không muốn đi từ sau cơn sốt đầu tiên kia anh ạ. Nhưng sở dĩ em
còn gắng gượng đi tiếp là vì em muốn để thử xem sự đời nó có khác hơn không.
Nhưng cho đến hôm nay là đúng một tháng mười tám ngày đi trên đường này rồi. Em
nhận hai điều. Một là… càng ngày những sự vô lý càng nhiều thềm và càng cao độ.
Nếu cuối cùng em có hy sinh thì đó là kết thúc sự vô lý. Hai là em không thể đi
nổi nữa. Anh cũng biết rõ sức khỏe của em. Nhất là đôi chân của em. Ở trường
ra, em coi trọng đôi chân hơn cả. Bởi vì múa ba-lê mà không có đôi chân khỏe và
tế nhị thì lấy gì mà múa. Nhất là cái cổ chân. Bây giờ qua bao nhiêu lần sưng
bao nhiêu lần trặt thì nó sượng ngắt rồi không như xưa nữa, còn mũi chân với
những cái ngón chân tòe thì cũng hết nhạy rồi !
Thu nói tiếp:
- Anh thấy không ? Nếu em cố mà
đi cho khỏi mang tiếng thì em cũng chỉ đi được vài chặng nữa mà thôi. Rút cuộc
những cố gắng hy sinh của em không đem lại cái gì cho ai cả.
Tôi ngồi lặng thinh.
Tôi không còn cách giải thích
nào hay ho hơn mà ngược lại tôi thấy Thu nói đúng quá, đúng cho đến nỗi ngay cả
những người chủ trương cuộc đi này cũng không thể cãi lại nổi.
Hơn nữa để chứng minh cho những
lời nói vừa rồi của Thu, còn có ông Chín, ông già Ngũ, anh binh sĩ bị Pháo đè
gãy chân, anh Khấu đội trưởng bị đội viên đánh rớt xuống suối. Đó là những hiện
tượng quá hùng hồn mà Thu đã trông thấy trước mắt để làm cơ sở cho những lời
nói của Thu.
Đàng kia, cái võng cáng anh
binh sĩ gãy chân vừa ló ra dưới nước. Bốn người khiêng ngập đến ngực, người nằm
trên võng thì hai tay đeo chiếc đòn, cố ngóc đầu lên cho khỏi bị nước ngập.
Vừa đến bậc đá để trèo lên,
người đi đầu nghển cổ lên quát: “Tiếp ! Tiếp ! ” rồi đưa bàn tay xanh ngắt bám
lấy một mõm đá mà đứng đấy.
Cả đám binh sĩ ngồi chung quanh
cũng nghển cổ lên nhìn trả lại. Không có cậu nào chạy đến tiếp cứu cho anh bạn
kia.
Tôi bực mình quá, đứng dậy, lại
quát:
- Các đồng chí ra lôi nó lên
đùm một chút.
Một người nói:
- Thì đến nơi rồi, ráng lên tí
nữa.
- Nó khiêng người bệnh mà. Tôi
hạ giọng thiết yếu. Tội nghiệp nó.
- Tụi tôi cũng bệnh đây, có đứa
nào khỏe đâu.
Thế thì hết chỗ nói rồi .
Không anh nào chịu đến tiếp lồi
cái cáng lên cả.
Tôi đành phải đi làm việc đó.
Tôi nắm tay của anh đi đầu và lôi tuột lên bờ. Cái cáng bị dốc ngược ra sau,
hai anh khiêng phía sau bị sức nặng dồn xuống vai, té ngửa. Tôi nhanh tay chụp
lấy anh bệnh binh lôi lên bờ như lôi một khúc gỗ. Nếu không có tôi anh ta sẽ
rơi xuống nước và bị cuốn đi.
Anh bệnh binh nằm dưới đất,
cách mé bờ vài tấc nhưng cũng không có ai ngó ngàng tới. Tất cả đều xem việc đó
như không có ở trước mắt mình. Tôi chỉ làm đến đó thôi, rồi trở lại ngồi bên
võng của Thu, đưa mắt nhìn.
Anh binh sĩ gãy chân bắt đầu
kêu la thảm thiết, cũng vẫn cái giọng đêm qua, nhưng bây giờ thì đã khàn rồi.
“Ố làng nước ôi, ối cha mẹ ôi,
chắc con hết trông thấy mặt thày mẹ rồi, ối… ối…”
Cái chân gãy của anh do bác sĩ
Năm Cà Dỏm băng và cặp nẹp bằng những thanh nứa tươi hôm qua, nay đã sưng lên
nước thấm vào băng chảy xuống ròng ròng. Anh để nó nằm ngay ra nó, có lẽ để cho
mỗi người xem một chút chăng ?
Bốn anh chàng hiệp sĩ khiêng
anh ta cũng tìm chỗ mà nằm sải tay ra, không buồn ngó đến cái anh đồng chí này
nữa. Họ tự xem như đã làm xong nhiệm vụ với anh này.
Anh giao liên tự nãy giờ ngôi
êm rơ trên một tảng đá nhìn rõ mọi sự việc xảy ra, nhưng cũng không buồn mó
tới. Đợi cho mọi người không còn để ý tới anh binh sĩ gãy chân nữa, anh ta mới
đến gần. Anh ta nhìn nhìn một chốc rồi lắc đầu:
- Đau cái gì thì còn mong mỏi,
chứ gãy chân thì hết phương rồi Làm sao mà đi ? Chỗ đâu mà nằm ? đường này ai
mà khiêng cho nổi ? ở đây đâu có bệnh viện !
Rồi anh quay trở lại tảng đá
lúc nãy. Trên tảng đá có một mảng nắng. Anh ta đang căng cái áo phơi ở đó. Cũng
trong mảng nắng đó có một mớ thuốc lá. Anh ta đang săn sóc mớ thuốc đó cho mau
khô để hút lấy hơi ấm. Chốc chốc anh ta quay lại xốc xốc mớ thuốc lên. Rồi có
lẽ không đủ kiên nhẫn chờ đợi cho mớ thuốc khô, anh ta bốc bỏ cả lên lòng bàn
tay đưa lên miệng hà hơi. Tại anh ta sốt rưột chứ hà hơi thuốc đâu có khô nhanh
hơn phơi nắng.
Thấy anh ta là bợm ghiền còn
tôi thì, tuy không nghiện nhưng tôi có mua mấy gói thuốc Thăng Long bỏ trong ba
lô với ý định là sẽ biếu cho mấy bạn thân ở Miền Nam để cho họ nếm mùi xã hội
chủ nghĩa chơi.
Tuy định như vậy, nhưng cũng
tùy cơ ứng biến. Tôi lấy ra một gói bọc trong hai ba lớp ni lông nhưng thuốc
vẫn hơi i ỉ. Tôi xé bao thuốc, chỉ rút ra một điếu thôi. Tôi cầm điếu thuốc
trên tay rồi đi đến tảng đá ngồi ngay xuống bên cạnh anh giao liên. Anh này hơi
khó chịu vì cái cử chỉ đường đột của tôi, nhưng tôi chìa ngay điếu thuốc ra rước
mắt anh ta và nói:
- Làm cái này này anh bạn.
Tức thời anh giao liên sáng mắt
lên ngay. Anh nhìn sang tôi. Có lẽ anh muốn biết tôi là ai mà giờ phút này còn
có ớ được cái món quí giá như vậy.
Tôi mời thân thiết:
- Làm điếu này đi đồng chí cho
đỡ lạnh.
Anh giao liên cầm lấy điếu
thuốc đưa lên mũi ngửi ngửi:
- Chà chà t Ngon dữ ha !
Thăng Long hạng nhất ngoài đó
đó, đồng chí !
Anh giao liên nâng điếu thuốc
lên tận mắt rồi gật gù:
-À có chữ Thăng Long đây.
- Hút đi ! Tôi vừa bảo vừa móc
cái bật lửa ra.
Cái ruột bật lửa cũng bị ướt
cho nên tôi phải vất vả và khéo léo lãm mới bật ra lửa.
Khói lên thơm ngát một vùng.
Mấy người nằm bên cạnh lơ mơ,
bỗng nghển cố lên:
- Cha nào hút thuốc thơm ngon
vậy
- Ở đây mà còn thuốc, cha chả
là đế vương rồi !
Anh giao liên cứ bình tĩnhrít
từng hơi vừa trang trọng vừa cẩn thận. Nét mặt anh ta có vẻ tập trung cao độ
một tình cảm và ý nghĩ để thụ hưởng làn khói thơm tho ngon lành. Tôi có cảm
tưởng là những nhọc mệt trong chặng đường vừa qua đã tan trong làn khói ấy.
Tôi lân la hỏi:
- Chặng đường sắp tới thế nào,
đồng chí?
- Hết suối rồi.
Anh giao liên rít một hơi dài
rồi phun khói ra một đợt ngắn còn bao nhiêu thì anh ta hít cả vào trong phổi.
Anh ta gật gà gật gù cái đầu và nói tiếp:
- Nhưng chưa hết khổ.
- Khổ gì đồng chí?
- Hết suối thì tới núi.
- Núi thì tụi tôi cũng lội quá
sá rồi.
- Nhưng núi ở đây khác núi ở
ngoài đó.
- Khác làm sao đồng chí ?
- Nó lầy lội khó đi lắm.
- Trời đất! N úi gì mà lầy lội
?
Anh giao liên làm như không chú
ý đến câu hỏi của tôi. Anh ta mải mê rít thuốc. Điếu thuốc đã cháy hết quá nửa
rồi. Nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu. Nửa điếu thuốc còn lại, nhựa
ngon dồn lại ở đây, làm cho sợi thuốc săn lên và đậm đà hơn.
Anh giao liên tỏ ra rất sành.
Anh ta không gạt cái tàn trắng ở đầu điếu thuốc, để cho nó bao bọc cái cục lửa
giữ khói và giữ hơi ấm.
Anh trả lời:
- Để rồi đồng chí sẽ thấy. Lá
mục từ đời Hồng Bàng tới bây giờ có ai mà cào hốt đi. Bây giờ con cháu đức Hùng
Vương mới lội qua lần thứ nhất. Nó ngập đến ống chân. Đồng chí lội vào đấy rồi
đồng chí có cảm tưởng là da thịt của đồng chí đã mục đi, hoặc là bị cái lớp lá
mục đó cạp hết còn lại cái ống xương mà thôi.
- Đồng chí nói gì nghe ghê vậy
?
- Tôi nói thiệt mà ! Anh giao
liên tiếp, nhưng chưa hết đâu, còn vắt nữa. Trời đất ông bà thánh thần ơi ! Vắt
như mạ rải trên ruộng vậy Rất tiếc rằng mình không ăn nó được, chứ nếu ăn được
thì ở vùng này không lo cực ăn.
Tôi rùng mình. Chỉ hai cái chi
tiết của anh giao liên vừa nêu lên đó cũng đã làm cho tôi hình dung ra chặng
đường sắp tới.
Anh giao liên hãy còn trẻ,
nhưng gương mặt đầy vẻ phong sương dáng người xơ xác quá. áo quần thì rách
mướp.
Trong người anh không có cái gì
quí giá cả, ngoài chiếc bai-on-nết của một khẩu súng cạc-bin. Vải mủ của anh
dùng để che mưa thay áo mưa cũng rách nát.
Có lẽ vì có cảm tình với tôi và
trông tôi nhiều tuổi hơn anh nên anh tự xưng tên và đôi lần xưng bằng em khi
nói chuyện với tôi.
- Em tên là Tấn ! Em công tác ở
đây đã hai năm.
Tấn tiếp:
- Trên chặng đường này chỉ có
em là công tác lâu nhất. Còn ai đổi đến đây cùng chỉ chịu đựng sáu tháng là
cùng. Hoặc xin đổi, hoặc trốn mất. Anh xem đó, khúc đường này là toàn ngâm mình
dưới nước. Một năm ít ra cũng tám tháng. Cứ cách một ngày lại ngâm nước một lần
như thế. Mà mỗi lần ngâm ít ra cũng từ sáu đến tám tiếng đồng hồ. Da thịt nào
chịu nổi. Từ dưới nước lên bờ, đâu có quần áo mà thay !
- Chặc! Khổ thế!
- Em cũng biết các anh đau lắm.
Nhưng không còn cách nào khác.
- Sao không tìm con đường khác
mà đi cho khỏe.
Tấn rít đến hơi thuốc cuối
cùng. Hòn lửa đã cắn đôi môi Tấn, Tấn mới chịu phun nó ra. Tấn còn luyến tiếc
nhìn theo cái đuôi thuốc không thề hút thêm hơi nào nữa và lơ mơ nói với tôi:
- Đường nào đâu mà dễ anh ?
- Đường bộ chẳng hạn. Cho nó
khô, khỏe hơn.
Tấn nói:
- Tôi đã lội nhẩm dấu cái vùng
này. Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó chứ không phải là không nghĩ, nhưng nếu bây
giờ mà tôi dắt các anh đi đường bộ thì lập tức anh sẽ chửi tôi gấp trăm lần đi
conđường này.
- Sao dữ vậy ? Tôi lội rừng
trèo núi cũng đã nhiều.
- Ừ tôi nghe nói các anh leo
đồi “ngàn linh một” là cao nhất, nhưng ở ngoài đó chỉ có một cái đồi đó thôi và
lại có đường để mà đi, còn vô đây không còn đường đất gì nữa cả. Nay lối này
mai lối khác Đi mãi rồi nó thành đường ra.
- Sao cứ đổi đường như vậy cậu
?
- Biệt kích người Thượng ghê
lắm anh ạ !
Tôi rùng mình nhớ lại có lần
một cậu đã kể cho tôi nghe về bọn này. Tấn tiếp:
- Nếu mình cứ đi mãi một con
đường thì chết với nó ngay.
Chúng tôi ngồi lặng in. Tôi thì
hoang mang còn Tấn thì đăm chiêu lo nghĩ. Một chốc Tấn nói:
- Các anh không thể đi đường bộ
ở đây. Nếu tôi có dắt các đi thì trong các anh sẽ có người bị ngã chết hoặc
không chịu đi. Tôi thấy trong đoàn đi kỳ này toàn thứ dữ nào phụ nữ phụ nang,
nào ông già, nào nòng pháo, khiêng sao được . Đại khái những cái dốc leo lên mà
nếu người ở trên ngã thì những người ở phía dưới cũng ngã theo, vì người đi
dưới “cái mũi hôn cái gót chân người đi trên”. Không phải chỉ một quãng mà toàn
bộ chặng đường này từ đầu chí cuối.
Anh Khấu đội trưởng đến.
Anh ta như con mèo ướt, giống
như một vị chỉ huy đang đi tới tuyệt lộ cùng đồ.
Anh ta dáo dác có vẻ như tìm
đám tàn quân của anh ta. Tôi đã học được cái thái độ lạnh nhạt của anh giao
liên trước mọi sự đời. Hăng hái quá chỉ chuốc thêm tai họa, ở đâu chớ ở trên
con này thì như thế đó.
Đột nhiên Tấn hỏi tôi:
- Anh đi tập kết như vậy là
mười mấy năm ?
- Mười năm. Cậu ra đây bao lâu
rồi ?
- Mới có hai năm thôi !
Tôi lại gặp một thanh niên Nam
bộ ở đây nữa. Điều đó làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi:
- Sao các cậu không ở trong đó,
lại ra đây làm gì vậy 7
- Thanh niên xung phong mà.
- Nhưng phải chọn vùng thích
hợp chứ ! Tôi coi cậu bị chanh nước phải không ?
- Thì đúng quá rồi. Ma thiêng
nước độc mà. Tấn tiếp, thì tôi cũng tưởng là đi vài tháng hoặc một năm là cùng,
chớ ai dè nó dây dưa thế này. Hơn nữa tuổi trẻ ham cái lạ. Tôi nghe nói vùng
này cảnh đẹp lắm. Muốn ra xem cho biết. Với lại nghe các anh về đông lắm. Súng
ống rất dồi dào. Ra đây tiếp sức vận tải với các anh không ngờ ra đây thì gặp
toàn chuyện thối chí, bây giờ muốn trở lại xứ mình, không có đường về.
Tôi ngồi lặng thinh mà nhìn cậu
thanh niên. Đây lại cũng là một loại người hăng hái đi theo cách mạng như tôi
thuở trước.
Tấn thở dài:
- Thiệt đúng là buông hình bắt
bóng. Cuộc đời nó cứ đưa đẩy mình đi càng ngày càng xa quê hương mình, đi đến
những nơi không biết đề làm gì và sẽ đi tới đâu nữa.
Tôi cười:
- Thì cũng như bọn tôi đây và
cả bọn tập kết, hồi ra đi đâu có ngờ phải đi lâu dữ vậy. Hai năm trở thành mười
năm, không chừng trở thành hai chục năm nữa là khác.
- Té ra… Té ra không có gì đúng
cả.
- Ờ thì có thể ! Cách mạng mà .
. .
Ông Chín vọt miệng đáp:
- Mấy đồng chí nói vậy thành ra
cách mạng nói láo hay sao ? Nói vậy mà nghe được à ?
- Đâu có phải tôi nói cách mạng
nói láo, nhưng tôi cho rằng cách mạng không tiên đoán nổi nhiều vấn đề thành ra
không đối phó được.
- Ví dụ ? ông Chín hớp một ngụm
nước trong cái bi đông Mỹ nhìn tôi chòng chọc chờ đợi tôi không tìm ra câu trả
lời.
Tôi cười và nói:
- Thì đó.
- Đó đâu ? Cái gì ? Hồi nào ?
Và có chứng ai ? Nói thì phải có biện chứng.
Dường như ai động tới tim gan
của ông. Nhưng tôi cũng không muốn khơi lên làm gì cái sự gàn dở của ông ta.
Ông ta làm như ông là người thủ thành độc nhất của cách mạng, không có ông thì
cách mạng bị phá lưới ngay vậy. Cho nên tôi chỉ cười dả lả:
- Nói cho vui vậy thôi mà ông
Chín.
Tấn có lẽ cũng biết tính ông
Chín, nên vội gạt ngang câu chuyện mà sang hướng khác. Tấn nói:
- Còn cái chuyện tình hình
trong mình hiện nay tôi nói cho anh nghe. Em thì cũng lạc hậu lắm rồi, nhưng
vừa có mấy anh từ trong đó ra hoặc em được thư nhà cho nên em biết được. Trong
đó bây giờ nó đánh dữ lắm. Ở nhiều nơi cơ quan không có chỗ ở, ba-lô lúc nào
cũng vác trên lưng.
- Tại sao vậy ? Nghe nói vùng
giải phóng bây giờ rộng hơn cả hồi đánh Pháp mà.
- Cái đó thì ở đâu không biết
chứ còn ở Cà M au, Bạc Liêu thì không thấy. Anh nên nhớ rằng bây giờ Mỹ đã nhảy
vô bốn, năm trăm ngàn lính rồi, mà nó đánh mình không có đi bộ đi tàu như Tây
hồi trước đâu.
-Vậy nó đi bằng cái gì?
- Đi bằng máy bay !
- Nó nhảy dù hả. Nhảy dù thì
không đáng sợ.
- Nhảy dù thì ít, mà nhảy giò
thì nhiều.
- Nhảy giò là gì ?
Tấn cười và nói:
- Anh phải học sách tránh nhảy
giò trước nhé, kẻo về trong kia bất cập rồi thì không né được đó.
- Ừ nói đi nghe thử.
- Đại khái là nó dùng trực
thăng . Anh biết trực thăng không, một loại máy bay. Có nhiều người ở Bắc mới
về khi nghe nói trực thăng thì bĩu môi ! Ôi ! Máy bay to bằng con chuồn chuồn!
Đó là so sánh nổ với phản lực, chớ nó là diều hâu mà mình là gà con anh ạ!
Ông Chín bao giờ cũng là thủ
thành rất chăm chú trong khuôn gỗ, mắt của ông lom lom dòm trái bóng, để nhào
ra cướp lấy trong chân đối thủ. Ông nói:
- Đó là đánh giá địch quá cao
rồi !
- Dạ không phải vậy đây ông
ngoại. Tấn vui vẻ đáp. Để con “tỏa” đầy đủ rồi ông ngoại xem con có đánh giá
địch cao hay không?
Tấn tiếp:
- Con ví dụ mình đang hội nghi
nhé ông ngoại, con ví dụ như thế, mấy chục người mình đang ngồi trong mái nhà
bỗng nghe tiếng máy bay, người gác chạy vào báo. Ông ngoại xếp giấy tờ vào
sắc-cốt chưa xong thì máy bay nó ào ào tới. Ló đầu ra xem thì máy bay nó ở ngay
trên đầu mình rồi. Cánh quạt nó quạt tung cả nóc nhà rồi, chạy đi đâu ? Chiếc
trực thăng như một con diều hâu thò móng ra và xòe cánh ra chụp phủ lên đầu
mình. Có phải mình trở thành một lũ gà con không ông ngoại ?
Ông Chín ngồi há hốc mồm ra
nhìn Tấn.
Tôi cũng lặng thinh. Không ai cãi
được cái ý kiến gà con và diều hậu của Tấn nêu ra từ đầu. Tấn tiếp:
- Nhưng chưa hết đâu. Khi cuộc
hành quân xảy ra thì chung quanh cây cỏ cũng không rảnh rang mà nhìn. Tất cả
đều quằn quại trong những loạt đạn đại liên.
- Ở đâu bắn ? Nó không sợ bắn lầm
nhau à ?
Tấn nói:
- Đâu lầm được. Lính chưa nhảy
xuống là súng từ trên máy bay bắn xuống làm vòng đai chung quanh cuộc hành quân
mà. Nghĩa là nó vây chặt, nếu mình nhát thì không chạy lọt ra được khỏi vòng
vây Và nếu ở trong vòng vây thì nó bắt sống.
Tôi nói:
- Nhưng ai bắt sống mới được
chứ ? Máy bay bắt sống thế nào được?
Tấn cười:
- A chết tôi chủ quan quá. Tôi
quên rằng anh và ông Chín ở ngoài Bắc về chưa từng bị nhảy dò nên không biết
việc đó ra làm sao. Nó như thế này. Không phải nó đi máy bay thôi đâu, mà trong
ruột máy bay có lính hẳn hoi. Nó đáp xuống đất, lính nhảy xuống vừa chạy vừa
bắn liền. Đấy anh coi chung quanh thì nó vây rồi , trong ruột lại có linh sục
sạo và bắn như mưa bấc mình có khác nào như cá trong đăng trong lưới không ?
Cho nên lúc bị nhảy dò, người yếu bóng viá không dám chạy thoát ra khỏi vòng
vây mà cứ ngồi trong hầm thì tội nghiệp lắm, cùng một lúc với lính đổ xuống
đất, mấy chiếc trực thăng yểm trợ bắn vày chung quanh, lưới lửa dầy đặc Nếu có
gan thì chạy liều, rủi ro thì gãy giò, may thì chạy loát nếu nhát thì ngồi
trong hầm, khi nghe tiếng súng vừa dứt loạt ló đầu ra định chạy đi thì lúc đó
lính đã tới bên miệng hầm vẫy gọi, mình lóp ngóp chui ra.
Tấn tợp một hớp trà rồi tiếp:
- Đại khái một cuộc nhảy giò
gồm có màn thứ nhất nó như vậy đó. Ông ngoại còn xí quách để chạy không ? Như
vậy mình có phải trở thành như lũ gà con không ?
Ông Chín làm thinh.
Tôi thấy ông Chín hơi ngượng vì
không làm sao vớt nổi cái khí thế mạng dưới lằn đạn trực thăng cho nên tôi đỡ
cho ông khỏi ngượng.
- Vậy ở ngoài Bắc tôi nghe
chiến thuật trực thăng vận bị bẻ gãy hết rồi mà ? Bảo là mình muốn rủ nó tới
rồi mình muốn diệt lúc nào cũng được mà !
-Ai nói?
- Thì có biết ai nói bây giờ.
Nhưng đọc báo nghe đài thì thấy nói luôn. Nào chiến thuật “bủa lưới phóng lao ”
nào ” Phượng hoàng vồ mồi” v.v… tất cả đều chẳng ra chi. Ở ngoài Bắc nghe nói
thì tụi tôi tưởng tượng chẳng khác nào Mỹ là một lũ ngớ ngẩn. Một lũ chim non
cứ đâm đầu vào bẫy.
- Mấy thằng cha nhà báo nói
dóc, có chiến thuật nào của nó mà bị phá sản đâu? Tôi biết mấy cha đó nghe một
ít rồi tán ra, chẳng hiểu cái trực thăng nó ra làm sao cả. Nó gắn cả chục cây
súng toàn đại liên trên đó chớ phải chơi sao mà muốn hạ thì hạ ?
Tôi ngao ngán:
- Ai biết đâu, ở ngoài đó nghe
vậy thì hay vậy và ai cũng định về xem một vài trận quân mình hạ trực thăng
chơi, tôi còn nghe nói là cả trẻ con cũng có mưu kế bắt được trực thăng.
Tấn trề môi:
- Toàn những chuyện chỏng cẳng
lên trời dộng đầu xuống đất, chuyện nước lã khuấy nên hồ thôi ! Để anh về tới
trong đó rồi anh sẽ thấy trực thăng là cái gì mà mình “bẻ gãy ” dễ dàng như
vậy.
Tấn nói tiếp.
- Tôi nổi thật với anh, nếu Mỹ
bỏ cái trực thăng rồi mình mới khỏe.
Ông Chín thấy khó bề qui kết
cho Tấn là mất lập trường và nhờ tôi mở lối ra, cho nên ông ta quay đi nấu nước
không sân si nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét