Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

HỒI KÝ TRẦN QUANG CƠ - KỲ 2

Hồi Ký Trần Quang Cơ

Tháng 10.1982, tôi được bổ nhiệm đi làm đại sứ tại Vương quốc Thái Lan[33]–một điểm tiên tiến của mặt trận đối ngoại thời kỳ ấy vì chính quyền Thái Lan lúc đó gắn bó rất chặt với Trung Quốc trong việc nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng Polpot chống Việt Nam. Không thể nói nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Thái Lan khi đó là bình lặng hay tẻ nhạt. Hầu như không có tháng nào là không có những đám đông biểu tình trước sứ quán hò hét phản đối Việt Nam “xâm lược” Campuchia, xâm phạm lãnh thổ Thái. Thông thường những hoạt động này trở nên náo nhiệt vào đầu mùa khô hàng năm, cùng lúc với các hoạt động quân sự bắt đầu trên biên giới CPC–Thái. Đám “biểu tình” – có khi là dân “xám–ló” (loại xe xích–lô máy của Thái), có khi là tổ chức dân vệ Thái, có khi là đám người Việt phản động ở mấy tỉnh Đông Bắc–thường tụ tập trong công viên Lum–pi–ni[34] ở gần đại sứ quán ta trên đường Oai–rơ–lét (Wireless Road[35]), để nhận tiền “biểu tình phí”.

Báo chí Thái Lan hồi đó hình như rất khoái theo dõi phản ánh các hoạt động của đại sứ Việt Nam, đặc biệt là những khi có cuộc gặp gỡ không lấy gì làm vui vẻ giữa Bộ Ngoại giao Thái Lan và đại sứ Việt Nam. Phải nói rằng nhiệt độ không khí “chuyện trò” giữa tôi với các vị quan chức, ngoại giao Thái phản ánh khá trung thành cường độ chiến sự ở vùng biên giới Campuchia–Thái Lan. Tôi không thể nào quên lời phát biểu đầy phẫn nộ của ngài Tư lệnh lục quân đầy quyền uy Ac–thit Khăm–lang–ẹc[36] với báo chí: “Chẳng cần có đại sứ Việt Nam ở Thái Lan nữa”, sau khi tôi đã lịch sự nhưng kiên quyết từ chối nhận hai bức công hàm phản đối của ngoại trưởng Thái. Bức công hàm ngày 17.4.1983 của Thái phản đối quân đội Việt Nam bắn rơi chiếc máy bay trinh sát L19 làm chết viên phi công lái máy bay đó, và sau đó lại bắn hỏng một chiếc trực thăng của quân đội Thái. Còn công hàm ngày 1.5.1984 phản đối quân đội Việt Nam “pháo kích vào lãnh thổ Thái” thuộc tỉnh Surin làm chết và bị thương một số dân làng. Tuyên bố giận dữ của tướng Ac–thit đã được phụ hoạ bởi một số báo Thái, trong đó tờ nhật báo tiếng Anh “Daily News” (Tin tức hàng ngày) có xã luận viết: “Chính phủ (Thái Lan) cần yêu cầu Việt Nam thay ngay đại sứ của họ ở Băng–cốc để phản đối việc ông này đã từ chối nhận công hàm phản kháng của Thái”. Sự việc đó xảy ra vào thời gian đầu mùa khô 1984–1985, lúc quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch đánh thẳng vào vùng “đất thành” và xoá sạch các căn cứ của 3 phái Khơ–me phản động nằm trên đường biên giới Campuchia–Thái Lan và cắm sâu vào đất Thái Lan. Cũng thời gian đó đã xảy ra những vụ tập kích và pháo kích của quân Trung Quốc vào mấy tỉnh biên giới phía Bắc nước ta để phối hợp cứu nguy cho bọn diệt chủng Polpot ở mặt trận phía Tây nước ta.
Trần Quang Cơ
 Thông qua báo chí Thái, tôi cũng đã có dịp làm cho nhân dân Thái Lan rõ sự thật về vấn đề Campuchia trong khi trả lời phỏng vấn của tờ Kledlap (Bí Quyết) ngày 15.4.1984:

Hỏi: Ngài có tán thành ý kiến cho rằng chiến tranh CPC là cuộc xung đột giữa Liên Xô–VN một bên với Trung Quốc–Khơ–me đỏ một bên, còn ASEAN và các bên khác chỉ đóng vai trò phụ? Nếu đúng như vậy, Ngài có ý kiến thế nào về sáng kiến của ông Adam Malik[37] về đàm phán Liên Xô–Việt Nam–Trung Quốc để giải quyết vấn đề CPC?

T.L: Thực chất của cái gọi là vấn đề CPC hiện nay là việc Trung Quốc sử dụng một trong những công cụ đắc lực nhất và cũng là thô bạo nhất của họ để can thiệp và đe dọa an ninh của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Nếu cho rằng đây là xung đột giữa Liên Xô–Việt Nam với Trung Quốc–Khơ–me đỏ thì là mắc bẫy Trung Quốc cả, đều là sai lầm nguy hiểm. Vì như thế sẽ không thấy được mối đe dọa lớn đối với an ninh của tất cả các khu vực này là chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Liên Xô trước đến nay chỉ giúp nhân dân 3 nước Đông Dương bảo vệ độc lập và xây dựng hoà bình đất nước mình, không đe dọa ai cả. Vì vậy, xin miễn phát biểu về ý kiến của ông Adam Malik ở đây.

Hỏi: Chiến tranh (ở CPC) kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và ASEAN, không rõ ai sẽ chịu đựng được lâu hơn ai?

T.L: Tôi nghĩ rằng không nên đặt vấn đề như vậy, vì sẽ trúng hiểm kế của Bắc Kinh. Thủ đoạn lớn của họ trong chính trị quốc tế xưa nay vẫn là “ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”. Nước chúng ta không lớn như họ, vì vậy ta cần phải thông minh hơn họ, ít nhất cũng không mắc mưu họ. Lợi ích của nhân dân các nước Đông Nam Á không cho phép chúng ta kéo dài tình hình đối đầu hiện nay để cho các nước khác đứng ngoài hưởng lợi.

Trong chuyến đi Inđônêxia[38] tháng 3 vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Việt Nam và Inđônêxia đã nhất trí nhận định là để tình hình tiếp tục như hiện nay là có hại cho các nước trong khu vực trong cố gắng xây dựng nền kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân mình. Hai bên đã thừa nhận là giải quyết được tình hình này sẽ có lợi cho tất cả các nước Đông Nam Á. Nếu không sẽ chỉ có lợi cho các bên thứ ba.

Hỏi: Không rõ Ngài có thể khẳng định được hay không rằng trong tình hình hiện nay quân VN sẽ không tràn qua biên giới Thái Lan.

T.L: Về điều này chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng tôi không xâm phạm lãnh thổ của Thái Lan.

Hỏi: Nhưng chính quyền và quân đội Thái Lan đã vạch rõ điều đã xảy ra. Một số phóng viên nước ngoài cũng đưa tin  này.

T.L: Xin khẳng định lại rằng trong đợt tấn công bọn Khơ–me đỏ vừa qua, bọn này đã chạy vào lãnh thổ Thái Lan. Lực lượng của chúng tôi đã dừng lại ở biên giới chứ không xâm phạm lãnh thổ Thái Lan, mặc dù phía Thái Lan đã tạo điều kiện cho bọn này chạy sang. Về tin nói rằng bắt được tù binh Việt Nam, có xác binh sĩ và xe tăng Việt Nam trong đất Thái Lan là hoàn toàn bịa đặt.

Hỏi: Ngài Tư Lệnh tối cao kiêm Tư Lệnh Lục quân (Ac–thit Khăm–lăng–ẹc) đã đưa ra tin này

T.L: Chính Ngài Tư Lệnh tối cao quân đội khẳng định tin nói rằng quân đội Thái Lan đã sử dụng máy bay A.37 ném bom phá hủy kho vũ khí của Khơ–me đỏ, cũng chưa rõ kho này nằm trên đất Thái hay trên đất CPC. Trong khi chiến sự đang xảy ra ở biên giới, quân đội Thái Lan đã không tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài vào làm tin ở khu vực đó. Nhiều phóng viên nước ngoài rất bất bình về việc này và nói rằng quân đội Thái Lan đưa tin rất lộn xộn, hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế kia, không thống nhất. Ví dụ như lúc đầu nói bắt được 40 tù binh VN, sau đó nói là bắt được 41 người, tiếp đó nói chỉ bắt được 6 người, còn là người Khơ–me.

Hỏi: Không rõ Việt Nam sẽ có biện pháp sớm chấm dứt chiến sự như thế nào?

T.L: Theo ý kiến riêng tôi, nếu chiến sự lần này chấm dứt càng sớm sẽ càng có lợi cho các bên. Trước hết chúng tôi muốn giữ gìn mối quan hệ, muốn làm cho biên giới Thái Lan–Campuchia có hoà bình ổn định và muốn cho Việt Nam và Thái Lan sớm có quan hệ hữu nghị. Chúng tôi không muốn chiến tranh kéo dài, nhưng cũng không sợ chiến tranh kéo dài.

Hỏi: Vấn đề không an toàn hiện nay là quân đội VN đã áp sát biên giới Thái Lan. Nếu ở vào cương vị Thái Lan thì VN cũng sẽ cảm thấy mình không an toàn nếu như có lực lượng nước ngoài xâm phạm như vậy. Đây là điều suy nghĩ hiện nay của Thái Lan.

T.L: Nếu như các ông theo dõi kỹ vấn đề thì các ông sẽ thấy không phải là gì mới mẻ cả. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra nhiều sáng kiến: từ năm 1980 chúng tôi đã đề nghị xây dựng khu an toàn dọc biên giới Thái Lan–CPC nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực này, để làm cho phía Thái Lan khỏi lo ngại việc quân đội VN có mặt ở CPC. Nhiệm vụ của quân đội VN ở CPC chỉ nhằm tiêu diệt lực lượng Polpot. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố quân đội VN sẽ rút ngay khi nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc đã chấm dứt.

Khi cho in bài phỏng vấn này, Ban biên tập đã tự ý cắt bỏ không dùng trả lời của tôi nói về bằng chứng quân đội Thái đã giúp quân Polpot và đã xâm phạm lãnh thổ CPC.

Trong khi Việt Nam tiếp tục sa lầy vào Campuchia thì ba nước lớn trong tam giác chiến lược Mỹ–Xô–Trung lại có sự điều chỉnh chiến lược để tập trung vào phát triển kinh tế, đi vào xu thế hoà hoãn nhằm vừa tranh thủ vừa đấu tranh kiềm chế lẫn nhau. Vấn đề Campuchia bắt đầu được đưa vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán từng cặp một giữa ba nước lớn. Ngay từ khi Trung–Xô khởi đầu quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa hai bên, tháng 10.1982 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã nêu “3 trở ngại” cho việc bình thường hoá quan hệ Trung–Xô là xung đột biên giới Trung–Xô, vấn đề Campuchia, vấn đề Afghanistan, và trao bản yêu sách 5 điểm về vấn đề Campuchia cho Liên Xô:

a)  Liên Xô chấm dứt ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia.
b) Việt Nam tuyên bố rút hết quân khỏi Campuchia. Đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung–Việt sẽ bắt đầu sau khi những đơn vị quân VN đầu tiên rút.
c)  Trung Quốc có những biện pháp cải thiện quan hệ với Liên Xô.
d) Lập chính phủ liên hiệp CPC đại diện cho tất cả các phe phái ở Campuchia (điều này có nghĩa là hợp thức hóa phái Polpot diệt chủng).
e)  Bảo đảm quốc tế cho một nước CPC độc lập và không liên kết.

Đến ngày 1.3.1983, Trung Quốc đưa ra công khai 5 điểm trên. Thực ra lúc đó Trung Quốc đưa ra lập trường 5 điểm giải quyết vấn đề Campuchia chủ yếu để làm con bài mặc cả với Liên Xô, và gây sức ép với Mỹ và ASEAN chứ chưa định giải quyết vì Trung Quốc cho rằng ghìm chân Việt Nam ở Campuchia càng lâu càng có lợi cho họ. Thời gian tôi làm đại sứ Việt Nam ở Thái Lan thì đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan là Trương Đức Duy, với Trương Thanh là tham tán. Những nhân vật này tôi lại gặp lại sau này khi đàm phán với Trung Quốc về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Thời gian làm đại sứ ở Bangkok cũng đã giúp tôi tìm hiểu được thêm về ý đồ lâu dài của Trung Quốc ở Đông Nam Á và trong vấn đề Campuchia.

Vấn đề Hoa kiều cũng là một đặc điểm mà Trung Quốc muốn khai thác để hòng giành thêm lợi thế chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á. Số lượng người Hoa ở Thái Lan cũng như các nước ĐNÁ khác đều khá lớn và nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nhưng ở các nơi khác cộng đồng người Hoa thường tách biệt riêng ra còn ở Thái họ hầu như đã đồng hóa với dân địa phương. Rất khó phân biệt người Thái gốc Hoa với người bản địa, nhất là trong tầng lớp trung lưu trở lên, kể cả trong hoàng tộc.

Trong khi đó, người Việt ở Thái Lan lại chịu một số phận hẩm hiu hơn nhiều. Ta quen gọi là Việt kiều Thái Lan, nhưng chính quyền Thái Lan chỉ coi họ là những người “tị nạn bất hợp pháp” của nước Việt Nam cộng sản, không coi là ngoại kiều (không được cấp giấy “tàng–dạo” – giấy chứng nhận là ngoại kiều) cũng không được nhập quốc tịch Thái. Vì vậy nên hàng chục vạn người Việt mặc dù đã làm ăn sinh sống trên đất Thái hàng chục năm vẫn bị “quản thúc” ở mấy tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan. Phải xin giấy phép của chính quyền Thái nếu muốn ra khỏi nơi mình cư trú, cũng như nếu muốn đến sứ quán ở Băng–cốc những dịp Tết Nguyên đán hay ngày Quốc khánh. Ngược lại đại sứ ta cũng không thể tới những tỉnh có đông người Việt ở Đông Bắc để thăm hỏi bà con kiều bào mình. Người tiền nhiệm tôi, anh Hoàng Bảo Sơn, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ đã đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao Thái Lan xin được đi Đông Bắc thăm và chào từ biệt kiều bào và đã nhận được câu trả lời rất chi là “ngoại giao”: không đảm bảo an toàn trên đường đi. Để vượt qua sự ngăn cản đó đến với kiều bào, ngày tháng 6 năm 1985, không báo trước cho Bộ Ngoại giao Thái nhưng có thông báo với ban đại diện Việt kiều tỉnh, tôi cùng mấy anh em trong bộ phận lãnh sự đáp máy bay nội địa đi thẳng đến Ubon Thani, tỉnh có đông Việt kiều nhất vùng Đông Bắc. Đến nơi bà con Việt kiều ở Ubon và các tỉnh lân cận tổ chức đón tiếp cực kỳ nhiệt tình, bộc lộ tình cảm khát khao với quê hương đất nước. Nhưng đồng thời, chính quyền và công an tỉnh cũng không kém phần quan tâm đến chúng tôi. Họ chất vấn tôi ngay khi vào phòng khách sạn: vì sao ngài đại sứ đi không báo cho Bộ Ngoại Giao? Ngài đến Ubon có việc gì? Đã dự kiến trước tình huống này, tôi thản nhiên đáp: Tôi nhận được thiếp báo cưới con cháu gái hơi chậm nên vội đi. Hơn nữa đây là chuyện riêng tư gia đình nên không muốn các ngài bận tâm đến. Đại khái câu chuyện trao đi đổi lại lúc đầu có vẻ căng thẳng nhưng đã kết thúc khá êm thấm. Cuối cùng họ chỉ yêu cầu mỗi khi đại sứ đi đâu xin cho hai xe mô tô đi trước và một xe ô tô công an đi sau hộ tống. Và buổi lễ cưới hôm sau được biến thành một cuộc mít–tinh lớn tổ chức ở ngoài trời chiếm cả một đường phố lớn để đông đảo Việt kiều được tham dự. Sự kiện này là một kỷ niệm khó quên của tôi ở Thái Lan.

Tháng 10 năm 1986, vừa tròn 4 năm ở Thái, tôi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, rời Bangkok về Hà Nội. Ngay sau khi về nước, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu giúp bạn Lào trong cuộc đàm phán với Trung Quốc vào cuối năm 1986 theo yêu cầu của Bộ Ngoại Giao Lào. Tôi đã sang Vientiane[39] 3 lần trong mấy tháng 10, 11 và 12.1986 để trao đổi ý kiến với bạn trong việc chuẩn bị nội dung chính trị và kế hoạch tiến hành cuộc đàm phán. Việc Trung Quốc đáp ứng khá nhanh lời tuyên bố của ngoại trưởng Lào–trong bản tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao 3 nước Đông Dương lần thứ 13 (tháng 8/1986)–trong khi họ vẫn từ chối đàm phán bình thường hoá quan hệ với VN, nhằm chia rẽ ba nước Đông Dương; âm mưu bình thường hoá quan hệ riêng rẽ với Lào, cải thiện quan hệ với Liên Xô và Đông Âu để gây sức ép với ta trong vấn đề Campuchia. Vì vậy, trong đàm phán, Trung Quốc muốn kéo Lào đi vào bàn các vấn đề cụ thể thuộc quan hệ song phương hai nước. Cụ thể TQ nêu 4 vấn đề: lập lại quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, quan hệ mậu dịch, thỏa thuận những điểm tồn tại về biên giới, nhân dân vùng biên hai bên qua lại tự do. Còn phía Lào nêu lại 3 vấn đề: tình hình căng thẳng ở biên giới Lào–TQ, TQ nuôi dưỡng bọn Lào lưu vong, giải quyết với cả 3 nước Đông Dương. Theo chủ trương đã nhất trí với ta là “không giải quyết gì, chủ yếu để thăm dò đối phương và giữ cầu để tiếp tục đàm phán”. Lào kéo Trung Quốc phải đi vào bàn những vấn đề có tính chất nguyên tắc và phải đề cập đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn lẩn tránh như vấn đề Campuchia, vấn đề quan hệ Trung Quốc–Việt Nam. Qua đàm phán chính thức cũng như qua những cuộc trao đổi riêng, ta đã hiểu rõ thêm được về ý đồ của Trung Quốc đối với khu vực này. Lúc này Trung Quốc tuy chưa thay đổi chính sách đối với Đông Dương–Đông Nam Á, song có khó khăn thúc bách về thời gian. Trước mắt họ muốn nắn gân cốt ta, muốn thăm dò mức độ đoàn kết nhất trí giữa Việt Nam–Lào–Campuchia, nhất là về vấn đề Campuchia. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Thuật Khanh[40], trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, coi vấn đề Campuchia không liên quan gì tới Lào cũng như tới quan hệ Trung Quốc–Lào, nhưng đồng thời lại có ý qua Lào thăm dò ý đồ của ta trong vấn đề Campuchia.

Cuộc đàm phán không đem lại kết quả. Lưu mời Lào sang Bắc Kinh bàn tiếp. Đối với tôi đây cũng là một dịp bản thân tôi được bổ sung thêm hiểu biết về chính sách của TQ đối với Đông Dương và dụng ý xấu xa của họ khi tiếp tục tung ra luận điệu “Việt Nam mưu đồ thiết lập Liên bang Đông Dương”.
                           


Đại hội VI, mệnh danh là Đại hội “đổi mới” của Việt Nam, thực chất bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế mà đi tới đổi mới tư duy đối ngoại. Đại hội diễn ra trong bối cảnh xu hướng hoà bình ổn định trên thế giới đang phát triển, các nước lớn đi sâu vào quan hệ hoà hoãn từng cặp Mỹ–Xô, Mỹ–Trung và Xô–Trung. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 32 BCT ngày 9.7.1986 quy định cần đạt giải pháp chính trị vấn đề Campuchia và đi vào bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (“giải pháp vấn đề Campuchia phải giữ vững thành quả cách mạng Campuchia, giữ vững đoàn kết 3 nước Đông Dương”) lại ra đời ít ngày trước bài diễn văn của Gorbachov[41] ở Vladivostok[42] (28.7.1986) trong đó Gorbachov công bố những nét lớn trong chính sách đối ngoại mới của Liên Xô đối với Châu Á–Thái Bình Dương: xích gần lại với Trung Quốc, giải quyết “3 trở ngại” mà Trung Quốc nêu ra (rút quân khỏi Afhganistan, chấm dứt xung đột biên giới Trung–Xô, giải quyết vấn đề Campuchia). Gorbachov tuyên bố: Vấn đề Campuchia không thể giải quyết ở các thủ đô xa xôi, kể cả ở Liên Hiệp Quốc, phải giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng.

Cũng trong những năm 1986–1988, cuộc khủng hoảng kinh tế–xã hội ở nước ta lên tới đỉnh cao. Trước thúc bách của hoàn cảnh thế giới và trong nước như vậy, về đối ngoại, Đảng đã quyết định chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới trong cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, phát triển trong hoà bình. Giai đoạn đấu tranh nhằm giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng CPC với ảo tưởng “tình hình không thể đảo ngược” (irreversible) đã kết thúc và ta phải chấp nhận thực tế đấu tranh từng bước để đạt một giải pháp chính trị cho vấn đề CPC.

Sau khi được đắc cử (không phải qua ứng cử ở một đảng bộ địa phương) đi dự Đại hội VI (tháng 12.1986), tôi được bầu vào Trung ương khóa 6. Rồi đến tháng 1.1987 nhận chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyên trách vấn đề giải pháp Campuchia.

Ngày 09.4.1987, để giúp Bộ Chính trị xúc tiến việc thực hiện Nghị quyết 32 BCT và Nghị quyết về đối ngoại của Đại hội VI. Bộ Ngoại giao đã ra quyết định thành lập Tổ nghiên cứu nội bộ lấy ký hiệu là CP87 với nhiệm vụ:
- Nghiên cứu chủ trương giải quyết các vấn đề bình thường hoá quan hệ với TQ, vấn đề Campuchia và hoà bình ở Đông Nam Á; chuẩn bị các phương án đấu tranh trước, trong và sau khi có giải pháp;
- Nghiên cứu các diễn đàn có thể tác động tích cực tới phương hướng đó;
- Nghiên cứu nội dung phối hợp hoạt động với Liên Xô, Lào, Campuchia theo phương hướng đó.


Bộ phận thường trực CP87 gồm có: Trần Quang Cơ, phụ trách chung, Đặng Nghiêm Hoành (vụ trưởng Vụ Tổng hợp đối ngoại) tổ phó, Nguyễn Phượng Vũ (vụ trưởng Vụ Trung Quốc), Trần Xuân Mận (vụ trưởng Vụ Á châu II). Các thành viên không thường trực của CP87 có: anh Đặng Nghiêm Bái (vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ), anh Tạ Hữu Canh (vụ trưởng Vụ Liên Xô), anh Nguyễn Can (vụ trưởng Vụ Á châu III), anh Trịnh Xuân Lãng (vụ trưởng Vụ Báo chí), … Là thứ trưởng chuyên trách vấn đề Campuchia, tôi có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo CP87.

Bộ Ngoại giao CHND Campuchia cũng thành lập bộ phận B1 có thứ trưởng Ngoại giao Dith Munty, Sok An, Chom Prasit … làm đối tác của CP87.



Trước tình hình quốc tế và khu vực ngày càng rối rắm phức tạp, vấn đề CPC đã được quốc tế hoá cao, chúng tôi không thể không cùng nhau rà lại những nhân tố cơ bản trước khi đưa ra những phương án giải quyết. Qua phân tích tình hình, chúng tôi thấy việc giải quyết vấn đề CPC nay đã quốc tế hoá cao nằm trong lợi ích không những phe phái CPC mà còn đụng đến lợi ích của các nước trong khu vực và chịu ảnh hưởng tính toán chiến lược của các nước lớn trên thế giới nữa. Cho nên những lực lượng trực tiếp can dự vào việc giải quyết vấn đề Campuchia có thể phân thành 3 tầng: Tầng 1 gồm 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An, chủ yếu là ba nước lớn: Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ. Tầng 2 gồm các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan. Tầng 3 là các bên Campuchia gồm Nhà nước Campuchia (SOC[43]) và 3 phái trong cái gọi là “Campuchia Dân Chủ”. Thoạt nhìn tưởng chừng như các phe phái CPC và những nước kế cận phải giữ vai trò quyết định vấn đề CPC vì có lợi ích “sát sườn”[44]. Nhưng nếu suy xét thật thấu đáo thì mới thấy giữ vai trò quyết định lại là các nước lớn. Việc nghiên cứu giải pháp của chúng tôi tất nhiên phải tập trung vào theo dõi sát những nhân tố trực tiếp trong tầng thứ ba, nhưng không thể bỏ sót những động thái trong mối quan hệ giữa các nước thuộc tầng thứ nhất.

Để có được phương hướng hành động giữa lúc nhiều nhận thức về đối ngoại của ta khi đó còn trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chúng tôi đã tổ chức những buổi thảo luận trong nội bộ CP87 với tinh thần tự do tư tưởng để có thể nhìn thấy được thực chất của sự việc. Trong lúc nhận thức con người về thế giới bên ngoài còn bị chi phối bởi cảm tính mạnh hơn lý trí, người ta dễ xem nhẹ thực chất vấn đề mà hướng theo những hiện tượng nhất thời. Sau sự kiện Trường Sa 1988 mà hải quân Trung Quốc đã gây tổn thất khá nặng cho hải quân ta và việc Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ với ta, bác bỏ các đề nghị của ta cải thiện quan hệ giữa hai nước, trong nội bộ ta đã xuất hiện những ý kiến khác nhau. Không khí chung lúc đầu là không thuận lợi cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Ta nhìn mặt bành trướng bá quyền của Trung Quốc đậm nét hơn mặt xã hội chủ nghĩa. Nhiều ý kiến cho rằng trong khi Trung Quốc đang chống ta trong vấn đề Campuchia và tìm cách lấn chiếm biên giới hải đảo của ta, việc ta quyết định rút quân khỏi Campuchia, sửa Lời nói đầu của Điều lệ Đảng là hữu khuynh trong quan hệ với Trung Quốc. Chủ trương của Bộ Chính trị về giảm tuyên truyền chống Trung Quốc cũng không được thực hiện đầy đủ. Ngày 20.5.1987, với tinh thần thực sự cầu thị, Bộ Ngoại Giao làm tờ trình lên Bộ Chính trị kiến nghị sửa Lời nói đầu của Hiến pháp, bỏ chỗ nói Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất như đã sửa Điều lệ Đảng, mãi tới 26.8.1988 Quốc Hội mới có nghị quyết thông qua việc sửa này. Có người còn nói mỉa: có phải Ngoại giao định quỳ gối trước Trung Quốc không”. Nhưng rồi sang năm 1989, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng trong phe xã hội chủ nghĩa, một số ngành trong Trung Ương ta và ngay trong Bộ Chính trị lại xuất hiện những ý kiến khác nhau về đánh giá sự kiện Thiên An Môn cũng như đánh giá tình hình Liên Xô–Đông Âu. Lúc này luận điểm được dùng lại là: “dù bành trướng thế nào Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”.

Tôi và anh em trong bộ phận thường trực CP87 đã mất khá nhiều thời giờ tranh luận về thực chất Trung Quốc là xã hội chủ nghĩa hay bành trướng bá quyền? mặt nào là chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc? “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” cụ thể là gì? Trung Quốc muốn gì trong vấn đề Campuchia? muốn gì khi nuôi dưỡng bè lũ Khơ–me đỏ chống Việt Nam? ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam?

Chúng tôi thấy rằng: Trung Quốc ngày nay có hai mặt, mặt xã hội chủ nghĩa và mặt bành trướng bá quyền. Tính chất xã hội chủ nghĩa thể hiện tương đối rõ nét hơn về chính sách đối nội, ở cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế của họ. Còn đường lối đối ngoại của Trung Quốc lại mang tính chất cổ truyền của họ là bành trướng bá quyền. Cái bất biến của Trung Quốc là tham vọng bá quyền. Nhưng những cái mà Trung Quốc sử dụng làm công cụ để thực hiện chính sách đó lại là “vạn biến”. Tùy theo lợi ích của họ trong từng lúc mà một nước nào đó có thể được Trung Quốc coi là bạn hay là thù. Tại Đông Nam Á, khi Trung Quốc muốn chống hay gây sức ép với chính quyền tư sản  các nước này thì họ lập ra, hoặc giúp đỡ lập ra các đảng cộng sản Mao–it[45] ở Thái Lan, Miến Điện[46], Mã–lai[47], v.v…; khi Trung Quốc thấy cần tranh thủ các chính quyền tư sản khu vực này thì ta đã thấy các đảng cộng sản đó lần lượt tiêu tan để phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Rồi sau sự kiện Thiên An Môn[48], để xoa dịu phản ứng của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc hy sinh nốt Đảng Cộng sản Mã–lai theo lệnh của Bắc Kinh, tổng bí thư đảng này là Trần Bình gốc Trung Quốc, đã ra ký kết đầu hàng chính quyền Ma–lay–xia và giải tán đảng Cộng sản.

Trường hợp Khơ–me đỏ sau này cũng vậy, theo tờ “Ý thức Khơ–me[49]“ ngày 17/10/2000 dưới đầu đề “Trung Quốc giết Pôn Pốt[50] để đe dọa những chỉ huy Khơ–me đỏ còn lại buộc trở về với Hun–xen[51] viết “Sau khi đi gặp Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok, Pôn Pốt chết không phải do bệnh tật cũng không phải do Hun–xen mà chết do thuốc độc của Trung Quốc (?). Bởi vì Trung Quốc vận động các chỉ huy Khơ–me đỏ trở về với chế độ của Thủ tướng Hun–xen không được nên đã giết Pôn Pốt để đe dọa những chỉ huy Khơ–me đỏ khác… Sở dĩ Trung Quốc muốn các chỉ huy Khơ–me đỏ trở về với Hun–xen vì TQ đã chọn Hun–xen làm con bài có lợi về chính trị cho họ sau khi Pôn Pốt không còn ý nghĩa đối với họ nữa”.

Trong lịch sử 50 năm của nước C.H.N.D. Trung Hoa thì có hơn 30 năm Trung Quốc hết chống Liên Xô lại chống Việt Nam. Trên cơ sở đó, tôi hoài nghi là liệu có thể đứng trên lý tưởng chung xã hội chủ nghĩa để tranh thủ Trung Quốc được chăng?

Trong khi nghiên cứu ý đồ Trung Quốc đối với Việt Nam và trong vấn đề Campuchia, chúng tôi đã thử liệt kê những thay đổi trong lập trường của Trung Quốc về việc nối lại đàm phán bình thường hoá quan hệ với ta trong thời gian 1980–1988. Kết quả cho thấy là từ khi Trung Quốc đơn phương chấm dứt vòng 2 đàm phán Việt –Trung về bình thường hoá quan hệ hai nước vào ngày 8.3.1980, Trung Quốc đã luôn luôn nâng cao điều kiện nối lại đàm phán với Việt Nam:
A. (1980–9/1985) Trung Quốc đòi ta rút hết quân khỏi CPC thì sẵn sàng nối lại đàm phán
-    Tháng 10.1982, tại vòng 1 đàm phán Xô–Trung, Trung Quốc trao cho Liên Xô bản đề nghị 5 điểm về vấn đề Campuchia trong đó điểm 2 nói: Việt Nam tuyên bố rút hoàn toàn. Trung Quốc sẽ tiến hành tham khảo với Việt Nam về bình thường hoá quan hệ hai nước ngay sau khi Việt Nam rút những đơn vị đầu tiên. Tháng 3.1983, Trung Quốc đưa ra công khai đề nghị này.
-     Sau chiến dịch pháo kích và tập kích quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới miền Bắc nước ta kéo dài 3 tháng (tháng 4–6.1984), Trung Quốc tuyên bố: chỉ cần Việt Nam hứa rút quân khỏi Campuchia thì hai bên sẽ mở đàm phán.

B. Từ tháng 9/1985 đến cuối năm 1985 khi ta tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Campuchia trong năm 1990, Trung Quốc lại không nói “sẵn sàng đàm phán” với ta nữa, mà chỉ nói sẽ nói chuyện qua đại sứ hai bên.
-    Ngày 6.9.1985, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gửi công hàm trả lời công hàm ngày 21.8.85 của Bộ Ngoại Giao trong đó nói: “Việt Nam tuyên bố thời gian rút quân kéo dài đến 1990 và đặt điều kiện vô lý cho việc rút quân, như vậy là chưa có thiện chí. Đàm phán giữa hai nước với bất cứ hình thức nào cũng khó đạt kết quả. Nếu Việt Nam có vấn đề gì cần nói thì cứ chuyển qua đại sứ hai bên”.

C. Từ cuối 1985 đến tháng 3.1986, Trung Quốc một mặt vẫn đòi ta cam kết rút quân nhưng đưa thêm điều kiện là nếu Việt Nam không loại trừ lực lượng Polpot thì Trung Quốc sẽ đàm phán ngay với Việt Nam.
-    Ngày 18.12.1985, lãnh tụ Rumani Ceausescu[52] sau khi thăm Trung Quốc thông báo với anh Hoàng Tùng để chuyển Tổng Bí Thư Lê Duẩn: “Trung Quốc sẽ đàm phán ngay với Việt Nam, nếu Việt Nam đồng ý không loại trừ lực lượng Polpot. Đàm phán sẽ bắt đầu trong khi Việt Nam chưa rút hết quân khỏi Campuchia, song cần cam kết rút hết”.

D. Từ tháng 3.1986 (khi 3 phái Khơ–me phản động đưa đề nghị 8 điểm) đến nay (6.1987) Trung Quốc đòi Việt Nam rút hết quân nhưng đòi Việt Nam nói chuyện với “Chính phủ liên hiệp CPC dân chủ” và với Sihanouk, còn Trung Quốc chỉ đàm phán trực tiếp với Việt Nam sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết theo cách của Trung Quốc.

-    Ngày 25.8.1986, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Thuật Khanh nói với vụ phó Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại Giao ta Vũ Thuần: Trung Quốc không thể thay mặt Campuchia để bàn với Việt Nam vấn đề Campuchia được, Việt Nam phải bàn với Campuchia Dân chủ.
-    Tháng 10.1986, TBT Hồ Diệu Bang[53] nói với Honecker[54] đang thăm Trung Quốc “Lúc đầu Trung Quốc nghĩ có thể đàm phán (với Việt Nam) trước, rút quân sau. Nhưng sau tính lại nhiều lần, Trung Quốc quyết định Việt Nam phải rút quân trước, sau đó mới đàm phán. Đây là phương án tốt nhất, nếu không sẽ tác động không tốt tới ASEAN và 3 phái (Sihanouk, Son San[55] và Khơ–me đỏ)”.
-    Ngày 14.5.1987, Đặng Tiểu Bình tiếp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc De Cuellar và nhờ ông ta chuyển cho ta một “thông điệp miệng” (message oral): chỉ khi nào vấn đề Campuchia được giải quyết theo cách này (Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, lập chính phủ liên hiệp 4 bên gồm Sihanouk, Son San Khieu Samphon[56], Heng Xamrin[57]; do Sihanouk đứng đầu) thì Trung Quốc mới đàm phán trực tiếp với Việt Nam. Đàm phán như vậy sẽ bao gồm cả vấn đề bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Còn trước đó thì mọi cuộc đàm phán trực tiếp đều không thể có được.

Như vậy là từ sau khi đơn phương cắt đứt cuộc đàm phán (sau khi Trung Quốc gây chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, ta đã có 2 vòng đàm phán với Trung Quốc: vòng 1 từ 18/4 đến 18/5/1979 tại Hà Nội; vòng 2 từ 28/6/79 đến 6/3/80 tại Bắc Kinh) từ năm 1980 đến cuối năm 1988, đã ngót hai chục lần Việt Nam gửi thư hoặc công hàm cho Trung Quốc đề nghị nối lại đàm phán nhưng đều bị Trung Quốc bác với lý do này hoặc lý do khác. Và Trung Quốc nâng cao dần điều kiện lên (tựu chung là về quân sự đòi Việt Nam rút quân, về chính trị đòi Việt Nam chấp nhận việc lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia, bao gồm cả Khơ–me đỏ). Trong khi thoái thác đàm phán với ta, Trung Quốc xúc tiến đàm phán bình thường hoá quan hệ với Liên Xô (từ tháng 10.1982) và với Lào (từ cuối 1986) để cô lập và ép Việt Nam. Đặc biệt là thông qua đàm phán với Liên Xô. Sau khi Gorbachov lên làm tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (11/3/1985). Xô–Trung bắt đầu bàn đến vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 7 ở Bắc Kinh (4–20/10/1985), Trung Quốc thể hiện ngay thái độ làm cao, không nói đến đàm phán với Việt Nam nữa để gia tăng sức ép đối với Việt Nam về vấn đề Campuchia. Trong vòng 10 đàm phán Xô–Trung ở Mạc–tư–khoa (7.2.1987), Trung Quốc nêu lại “3 trở ngại” trong việc bình thường quan hệ với Liên Xô mà trở ngại lớn nhất là việc Việt Nam xâm lược Campuchia. Và cũng từ đó, các lần gặp gỡ Xô–Trung đều tập trung bàn vấn đề Campuchia và công khai hoá điều đó.

 Đặng Tiểu Bình tiếp Kaysone Phomvihan[72] để nói với Việt Nam 

Những biến động lớn trong tình hình thế giới bên ngoài lúc này đã tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của lãnh đạo ta về phương hướng chiến lược đối ngoại. Cuộc khủng hoảng chính trị tại nhiều nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa đã bùng nổ từ năm 1989 và đang có chiều hướng lan rộng ra. Tháng 6/1989 xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu như CHDC Đức, Ba Lan, Ru–ma–ni, Hung, Tiệp, Hà Lan[73] đều đã sụp đổ. Đầu tháng 10/1989, TBT Nguyễn Văn Linh đi dự kỷ niệm 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức, khi về đến Hà Nội thì bức tường Berlin đổ, Honecker bị lật. Lãnh tụ Ru–ma–ni Ceaucescu, người mà khi ở Berlin anh Linh xem ra tâm đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới đang lâm nguy, vừa chân ướt chân ráo về đến Bucarest thì bị truy bắt. Với “tư duy mới” của Gorbachov, tình hình Liên Xô ngày càng trở nên lộn xộn.

Trước tình hình ấy, trong nội bộ lãnh đạo ta đã nảy sinh những ý kiến khác biệt trong nhận định về sự kiện Thiên An Môn cũng như về những biến đổi dồn dập tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô. Nổi lên là ý kiến nhấn mạnh mặt xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, phải bằng mọi giá bắt tay ngay sau Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác. Chính điều đó đã tạo nên bước ngoặt khá đột ngột trong thái độ của ta đối với Trung Quốc. Suy nghĩ đơn giản của ta là không có lý gì Việt Nam lại ngủng ngỉnh với Trung Quốc trong khi Liên Xô đã bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (tháng 5/1989). Lào cũng đã thoả thuận trao đổi đại sứ trở lại với Trung Quốc và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đánh dấu bằng cuộc đi thăm chính thức Trung Quốc của Kayson Phomvihan, tổng bí thư Đảng NDCM Lào, tháng 10/1989.

Chính là thông qua cuộc nói chuyện với Kayson ngày 7/10/89 mà Đặng Tiểu Bình đã bộc lộ rõ phần nào những tính toán sâu xa của mình đối với Việt Nam: phân hoá Việt –Lào, Việt–CPC, Việt–Xô và phân hoá cả nội bộ Việt Nam. Đặng nói với Kayson rằng Việt Nam đã có biểu hiện chống Trung Quốc từ khi Hồ Chí Minh còn sống; rằng sau khi thắng Mỹ, Lê Duẩn trở mặt chống Trung Quốc, xâm lược Campuchia, Việt Nam đi theo Liên Xô, đưa quân vào Campuchia, nên mới có chuyện Trung Quốc đánh Việt Nam. Lúc đầu Trung Quốc cho là vì Brejnev xúi giục nên Việt Nam xâm lược Campuchia, nhưng chính là do Việt Nam có ý đồ lập Liên bang Đông Dương, không muốn Lào, Campuchia độc lập. Việt Nam chống Trung Quốc vì Trung Quốc là trở ngại cho việc lập Liên bang Đông Dương …Trong khi không tiếc lời phê phán Lê Duẩn, Đặng đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh; Đặng kể lại khi làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, năm 1963, đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh từ miền Nam sang Hồng Kông để đi thăm Bắc Kinh gặp nhau, khen anh Linh là “người tốt, sáng suốt và có tài”; nhờ Kayson chuyển lời hỏi thăm anh Linh; khuyên Nguyễn Văn Linh nên giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia, nếu làm được việc này thì sẽ khôi phục được uy tín của Việt Nam. Cho đây là việc Việt Nam phải làm, vì những gì Việt Nam đang làm là sai lầm; mong muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam trước khi ông ta nghỉ hưu… Về điều kiện bình thường hoá quan hệ Trung–Việt, Đặng nhấn mạnh Việt Nam phải rút hết quân, rút triệt để, rút thật sự khỏi CPC thì sẽ có bình thường hoá quan hệ (tuy lúc đó ta đã kết thúc đợt rút quân cuối cùng khỏi CPC từ ngày 26/9/1989).

Theo thông báo của đại sứ Lào tại Trung Quốc, trong 70 phút nói chuyện với Kayson, Đặng nói về Việt Nam và quan hệ Trung–Việt tới 60 phút.

Ngày 21/10/1989 BCT ta đã họp để nhận định về phát biểu của Đặng Tiểu Bình khi tiếp Kayson. Cuộc họp đã đi đến kết luận: trong lúc Trung Quốc đang còn găng với ta, ta cần có thái độ kiên trì và thích đáng, không cay cú, không chọc tức nhưng cũng không tỏ ra nhún quá. Cần tiếp tục thực hiện đường lối Đại hội VI và Nghị quyết 13 của Bộ Chính Trị, cần thấy cả mặt xã hội chủ nghĩa và mặt bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Trong khi cố kéo Trung Quốc, ta cần đồng thời hoạt động trên nhiều hướng; củng cố đoàn kết chặt chẽ với Lào, phân hoá Mỹ, phương Tây, ASEAN với Trung Quốc.

Theo phương đó, ngày 6/11/1989, anh Thạch đã chuyển qua đại sứ Trung Quốc thông điệp miệng của TBT Nguyễn Văn Linh gửi Đặng Tiểu Bình, ngỏ ý mong sớm có bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ba ngày sau, anh Thạch lại gửi  thư cho Tiền Kỳ Tham nhắc lại thông điệp ngày 6/11 và đề nghị: phía Việt Nam sẵn sàng gặp lại phía Trung Quốc ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng ngoại giao tại Hà Nội hoặc Bắc Kinh trong tháng 12/1989. Nhưng Trung Quốc không trả lời thông điệp của Tổng bí thư ta lẫn thư của anh Thạch.

Mãi đến ngày 12/1/1990, đại sứ Trung Quốc mới gặp anh Thạch chuyển thông điệp miệng của phía Trung Quốc trả lời TBT Nguyễn  Văn Linh, vẫn đặt điều kiện cho việc nối lại đàm phán với ta: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác của Trung Quốc chân thành mong muốn sớm bình thường hoá quan hệ Trung–Việt. Vấn đề Campuchia là nguyên nhân chủ yếu làm cho quan hệ hai nước xấu đi đến nay chưa được cải thiện. Việc khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước chưa có thể cải thiện nếu bỏ qua vấn đề CPC. Đồng chí Đặng Tiểu Bình có nêu ra là việc Việt Nam rút quân sạch sẽ, triệt để và việc CPC lập Chính phủ Liên hiệp Lâm thời 4 bên do Sihanouk đứng đầu là hai vấn đề hạt nhân thiết thực cần đồng thời giải quyết. Phía Trung Quốc sẵn sàng suy xét đề nghị của VN về việc mở vòng thương lượng mới ở cấp thứ trưởng, nếu Việt Nam chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì có 4 bên CPC tham gia để kiểm chứng việc rút quân VN và lập chính phủ 4 bên do Sihanouk đứng đầu trong thời kỳ quá độ”.

Từ 26/2 đến 1/3/1990 tại thủ đô Inđônêxia đã họp Hội nghị không chính thức về CPC (IMC–Informal Meeting on Campuchia). Dự họp ngoài các bên CPC, VN, Lào và 6 nước ASEAN (như họp JIM, còn có thêm đại diện Tổng thư ký LHQ Pháp và Ô–tra–lia[74]). Hội nghị không ra được tuyên bố chung vì Khơ–me đã dùng quyền phủ quyết.

Ngày 8/3/1990, cố vấn Lê Đức Thọ cho gọi tôi và anh Đinh Nho Liêm đến nhà riêng ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân nói mấy ý kiến về vấn đề CPC: cần có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề CPC. Phải giải quyết với TQ, nếu không thì không giải quyết được vấn đề CPC. Không thể gạt Khơ–me đỏ. Cần mềm dẻo về vấn đề diệt chủng, có thể nói không để trở lại chính sách sai lầm trong quá khứ. Không chấp nhận LHQ tổ chức tổng tuyển cử. Cần nêu phương án lập chính phủ liên hiệp lâm thời hai bên  bốn  phái để tổ chức tổng tuyển cử ở CPC. Phải giải quyết một bước cơ bản vấn đề CPC trước Đại hội VII để khai thông những vấn đề khác. Hai hôm sau anh lại nói với Nguyễn Cơ Thạch những ý đó.

Đến ngày 3/4/1990, Trung Quốc đột nhiên lại biểu thị hoan nghênh việc thứ trưởng Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh “kiểm tra sứ quán” và công bố tin Trung Quốc sẽ đàm phán với thứ trưởng ngoại giao Việt Nam về vấn đề Campuchia.

Lúc này CP87 đã giải thể. Các thành viên thường trực của CP87 đều đã được bổ nhiệm đi nhận trọng trách ở nước ngoài. Anh Đặng Nghiêm Hoành đã nhận quyết định đi đại sứ ở Trung Quốc. Anh Trần Xuân Mận nhận chức đại sứ ở An–giê–ri[75]. Anh Nguyễn Phượng Vũ trên đường đi nhận chức đại sứ ở Phi–li–pin, đã chết trong tai nạn máy bay trên bầu trời Thái Lan. Thay vào đó, Bộ Ngoại Giao đã lập  Nhóm ad hoc về giải pháp Campuchia với nhiệm vụ cụ thể hơn vì vấn đề CPC đã đến lúc phải giải quyết. Nhóm vẫn do tôi phụ trách, có các anh Trần Huy Chương, Lê Công Phụng, Huỳnh Anh Dũng, Nguyễn Can tham gia.

Nhóm Nghiên cứu giải pháp Campuchia chúng tôi nhận định có mấy lý do đã khiến Trung Quốc mềm mỏng hơn trong thái độ đối với Việt Nam về vấn đề CPC:

-    quan hệ Mỹ–Xô đang có chuyển động mạnh. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ tháng 12/1989 đến tháng 5/1990, đã có 2 cuộc gặp cấp cao Xô–Mỹ. Trong khi đó quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây chậm khôi phục sau vụ Thiên An Môn.
-    giữa Trung Quốc với Mỹ, phương Tây đang nảy sinh những mâu thuẫn về vấn đề Campuchia, chủ yếu trong vấn đề đối xử với Khơ–me đỏ. Trong các cuộc họp 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An tháng 2 và tháng 3/1990, Trung Quốc ở thế bị cô lập đã buộc phải có nhân nhượng và phải chấp nhận vai trò của Liên Hiệp Quốc.
-    đàm phán Sihanouk–Hun–xen có tiến triển. Ngày 9/4/1990 Sihanouk có phần nhượng bộ khi đưa ra 9 điểm giải pháp, nhận lập Hội Đồng Dân Tộc Tối Cao (Supreme National Council–SNC) gồm số đại diện bằng nhau của hai chính phủ, 6 của Chính phủ Nông Pênh và 6 của Chính phủ Campuchia Dân Chủ như đề nghị của Hun–xen; không đòi hỏi giải tán Nhà Nước Campuchia (SOC), tuy đòi thực quyền cai quản Campuchia trong thời kỳ quá độ phải là cơ cấu quyền lực của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 10/4 BCT họp bàn đề án đấu tranh sách lược về vấn đề CPC do Bộ NG[76] dự thảo: dùng công thức LHQ để nói về vấn đề diệt chủng và cho Khơ–me đỏ vào chính phủ liên hiệp CPC, nhận vai trò Sihanouk, lập chính phủ liên hiệp để tổ chức tổng tuyển cử… Đại đa số BCT đồng ý. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu, VN và TQ cần liên kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội và cùng tác động để có một nước CPC thân thiện với TQ và VN và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, coi đó là lợi ích chung của TQ và VN. Riêng Nguyễn Cơ Thạch nói rõ quan điểm của Ngoại Giao là cần tranh thủ TQ, song đồng thời phải chuẩn bị có 3 khả năng về thái độ của TQ:
-    khả năng 1: TQ cùng ta bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
-    khả năng 2: TQ cấu kết với Mỹ chống ta như trước.
-    khả năng 3: TQ vừa bình thường hoá quan hệ với ta, vừa tranh thủ Mỹ, phương Tây là chính.

Lúc đó tôi có cảm giác nhiều ủy viên BCT không tán thành quan điểm này vì đã có định hướng cùng TQ bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.

Ngày 16–17/1/1990, thực hiện quyết định của Bộ Chính Trị theo hướng sớm làm lành với Bắc Kinh, anh Nguyễn Cơ Thạch đi Nông Pênh gặp 4 người chủ chốt trong BCT Campuchia: Heng Somrin, Chia Xira[77], Hun–xen và Sor Kheng[78] để cố thuyết phục bạn nên tính tới bước sách lược về vấn đề diệt chủng và không gạt Khơ–me đỏ, nhưng phía Campuchia không đồng ý vì tỏ ra muốn giữ đường lối độc lập trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, không muốn ta đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề nội bộ của Campuchia. Bạn tỏ ra rất găng về vấn đề diệt chủng, nói nếu bộ ta sẽ không còn vũ khí gì chống các luận điểm của đối phương vu cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia”, “chính quyền Nông Pênh do Việt Nam dựng lên”. Hơn nữa chính lúc này phương Tây đang khơi lên vấn đề lên án diệt chủng.

Ngày 2/5/90 với danh nghĩa “đi kiểm tra sứ quán”, anh Đinh Nho Liêm đến Bắc Kinh để có cuộc “trao đổi ý kiến không chính thức” với Trung Quốc. Lần này đối tác không phải thứ trưởng Lưu Thuật Khanh mà là trợ lý bộ trưởng Từ Đôn Tín[79]. Phụ tá cho anh Liêm là anh Đặng Nghiêm Hoành lúc này đã là đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc. Cuộc đàm phán không có mấy tiến triển về thực chất.

Về bình thường hoá quan hệ hai nước, phía Trung Quốc không mặn mà gì với gợi ý của ta về việc xích lại gần hơn nữa giữa hai nước xã hội chủ nghĩa để cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa chung trên thế giới đang lâm nguy. Trung Quốc chỉ đặt quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ chung sống hoà bình như các nước láng giềng khác.

Lần này phía Trung Quốc đi vào những vấn đề thuần tuý nội bộ của Campuchia, đòi ta đàm phán về vi phạm quyền lực của Hội đồng dân tộc tối cao Campuchia (SNC) và về việc xử lý quân đội 4 bên Campuchia. Về vấn đề chính quyền Campuchia trong thời kỳ quá độ (từ khi Việt Nam rút hết quân đến khi tổng tuyển cử), Từ nói Trung Quốc thấy tốt nhất là lập một chính phủ liên hiệp 4 bên–gọi là Hội đồng dân tộc tối cao cũng được–bằng không thì phải chọn phương án giao quyền cho Liên Hiệp Quốc. Chính quyền thời kỳ quá độ này phải bao gồm cả 4 bên Campuchia (với hàm ý Khơ–me đỏ được chính thức coi là 1 bên tham chính) mới thể hiện được tinh thần hoà giải dân tộc. Nếu các đồng chí thấy nói 4 bên có khó khăn thì nói là “các bên Campuchia” cũng được, không gạt một bên nào, không bên nào nắm độc quyền. (Trong buổi làm việc với anh Đặng Nghiêm Hoành sáng 4/5, Vụ phó Trương Thanh cũng nhắc lại ý này: Hội đồng này bao gồm đại diện của 2 chính phủ, 4 bên hay các bên Campuchia đều được). Từ nói: nếu so sánh giữa phương án chính thức liên hiệp lâm thời đỏ, Trung Quốc đề ra và phương án Liên Hiệp Quốc quản lý thì chúng tôi vẫn thấy phương án của TQ là tốt hơn. Về vấn đề diệt chủng, Từ nói có ý đe dọa là nếu cứ khẳng định Khơ–me đỏ phạm tội thì phía bên kia sẽ nói Việt Nam là xâm lược và Nông Pênh là ngụy quyền, cho nên không nên nói đến vấn đề đó nữa.

Trong đàm phán, phía Trung Quốc để lộ rõ ý đồ muốn Hội đồng Dân tộc tối cao thực tế sẽ thay thế Chính phủ Nông Pênh; còn quân đội của “4 bên” Campuchia phải tập kết vào những địa điểm được chỉ định rồi giải pháp toàn bộ; ít nhất là lúc đầu giảm quân số tới mức tối đa, mục đích là tước bỏ thế mạnh cả về chính quyền lẫn về lực lượng vũ trang của Nhà Nước Campuchia. Cách làm của Trung Quốc đúng là “một mũi tên bắn hai đích”, vừa xoá sạch thành quả cách mạng Campuchia vừa phân hoá quan hệ Việt Nam–Campuchia. Để tránh đi ngay vào chuyện hóc búa này, anh Liêm nói sẽ đem hai vấn đề này về bàn nghiên cứu thêm rồi sẽ phát biểu. Đồng thời theo chỉ thị trên, ta đã nhận Việt Nam không nói đến từ “diệt chủng” nữa và sẽ tìm một công thức khác thích hợp để nói về vấn đề đó. Phía Trung Quốc còn đề nghị lãnh đạo Việt Nam nên gặp Sihanouk như Sihanouk đã ngỏ ý để “tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giải pháp”. Đáng suy nghĩ là Từ Đôn Tín đã gợi ý là sau khi Việt Nam và Trung Quốc nhất trí được về giải pháp Campuchia thì 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan sẽ họp lại. Điều này chúng tỏ là Thái Lan giữ một vai trò không nhỏ trong việc cùng Trung Quốc nuôi dưỡng Khơ–me đỏ và làm chảy máu Việt Nam bằng vấn đề CPC.

Phần vì tình thế thúc bách đẩy nhanh giải pháp Campuchia, phần vì hài lòng với cuộc gặp này, Tiền Kỳ Tham đồng ý đầu tháng 6 sẽ cử Từ Đôn Tín sang Hà Nội với danh nghĩa “khách của đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội” để tiếp tục trao đổi ý kiến với ta. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phía Trung Quốc nhận sang Hà Nội đàm phán với ta, trong khi tuyệt đại đa số các đợt đàm phán Việt–Trung đều tiến hành ở Bắc Kinh. Động thái này đã được lãnh đạo ta hiểu như một cử chỉ thiện chí đặc biệt của Trung Quốc đối với Việt Nam.


Sáng 30/5/1990, Bộ Chính trị họp bàn về đàm phán với Trung Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thông báo với Bộ Chính trị về cuộc họp với 2 tổng bí thư đảng Lào và đảng Campuchia ngày 20–21/5, nói ra dự định sẽ gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng và một số trong BCT tỏ ý phải thận trọng trong xử sự với Trung Quốc. Anh Tô[80]  nói: Mấy nghìn năm Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng phải cảnh giác đừng để hớ. Đỗ Mười cũng khuyên anh Linh không nên gặp đại sứ Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước cuộc đàm phán. Nhưng Lê Đức Anh lại tỏ ra đồng tình với dự định của anh Linh, cho rằng phải thăm dò và phân tích chiến lược của Trung Quốc, xử lý mối quan hệ của 3 nước lớn và 5 nước thường trực HĐBA, tranh thủ thế giới thứ ba, ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa. Đa số trong BCT đều cho rằng không nên nói đến “giải pháp đỏ” với Trung Quốc nữa. Cuối cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kết luận lại là anh sẽ chỉ gặp đại sứ Trung Quốc, còn không gặp Từ Đôn Tín; về phía lãnh đạo ta, chỉ có anh Thạch tiếp Từ. Nguyễn Văn Linh còn nói khi gặp Trương Đức Duy anh sẽ chỉ nói về hợp tác hai nước và đề nghị gặp cấp cao, không nói đến “giải pháp đỏ”. Nhưng trên thực tế trong cuộc gặp đại sứ TQ vài hôm sau, Nguyễn Văn Linh đã lại nêu vấn đề đó.

Ngày 5/6/90, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín đến Hà Nội, TBT Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương Đảng nói chuyện thân mật. Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, tổng bí thư Đảng ta tiếp đại sứ Trung Quốc để tỏ sự trọng thị đối với Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng (nói qua Kayson), Nguyễn Văn Linh nói “Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp, có cái sai đang sửa”. Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo TQ để “bàn vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội” vì “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội … chúng âm mưu diễn biến hoà bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì xã hội chủ nghĩa, nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội… Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay… Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác–Lênin”. Về vấn đề Campuchia, anh Linh đã gợi ý dùng “giải pháp đỏ” để giải quyết: “Không có lý gì những người cộng sản lại không thể bàn với những người cộng sản được”, “họ gặp Sihanouk còn được huống chi là gặp lại nhau”.

Sáng 6/6/1990, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người. Trương Đức Duy vốn là thông dịch rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19 tháng 6 trong cuộc họp BCT để đánh giá cuộc đàm phán  11–13/6 giữa tôi và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc hôm trước (gặp cấp cao hai nước; hai nước đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội; hai nhóm cộng sản Khơ–me nên nói chuyện với nhau). Nhưng trước đó, từ ngày 6/6, phía Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy. Còn Đại sứ Trung Quốc cho anh Ngô Tất Tố, vụ trưởng Vụ Trung Quốc, biết là trong cuộc gặp ông ta ngày 6/6, anh Lê Đức Anh đã nói khá cụ thể về “giải pháp đỏ”: Sihanouk sẽ chỉ đóng vai trò tượng trưng, danh dự, còn lực lượng chủ chốt của hai bên Campuchia là lực lượng Heng Somrin và lực lượng Polpot. Trung Quốc và Việt Nam sẽ bàn với bạn Campuchia của mình, và thu xếp để hai bên gặp nhau giải quyết vấn đề. Địa điểm gặp nhau có thể ở Việt Nam, có thể ở Trung Quốc, nhưng ở Trung Quốc là tốt hơn cả. Đây là gặp nhau bên trong, còn bên ngoài hoạt động ngoại giao vẫn bình thường… Ngày xưa Polpot là bạn chiến đấu của tôi …

Theo Hồ Càn Văn, ngày 23/5/90 Cục trưởng Cục Đối Ngoại Bộ Quốc Phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tuỳ viên quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là TBT Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội. Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại giao không còn như trước.

Ngày 8/6/1990, khi được biết là lần này tôi sẽ là người đứng ra thay anh Đinh Nho Liêm đàm phán với Từ Đôn Tín, Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh còn điện thoại dặn tôi tránh chủ động nói đến “giải pháp đỏ”: Việc hai bên đỏ tiếp xúc với nhau là chuyện lâu dài, cần cho ổn định lâu dài. Trung Quốc sẽ tác động với phía CPC thân Trung Quốc, ta sẽ tác động với phía CPC thân với ta để hai bên kiềm chế việc thù địch nhau. Việc này phải có thời gian, không thể đòi họ trả lời ngay. Đừng thúc họ, cứ để họ chủ động, khi nào trả lời được thì họ trả lời … Phải rất bí mật. Lộ ra rất nguy hiểm. Chỉ nói khi gặp riêng chứ không nói khi đàm phán. Việc anh Nguyễn Văn Linh đặt vấn đề với đại sứ Trương Đức Duy nói sẵn sàng đi TQ gặp cấp cao nhất, cũng không nên hỏi lại nếu họ chưa nói tới. Những lời dặn dò này đối với tôi thực ra là không cần thiết, không phải vì tôi sẵn ý thức bảo mật cao, mà bởi vì ngay từ đầu tôi đã khó chịu với cái ý nghĩa gọi là “giải pháp đỏ”, với ý nghĩa bắt tay với bọn diệt chủng–dù chỉ là gián tiếp–để làm vừa lòng Trung Quốc. Nhưng sự việc trở nên phức tạp khi trưa ngày 11/6/1990 sau đàm phán phiên đầu với Từ Đôn Tín, tôi về Bộ Ngoại Giao hồi báo lại với anh Thạch lúc này đang họp Hội nghị ngoại giao đánh giá tình hình Đông Âu–Liên Xô. Anh Thạch liền gạn hỏi tôi có nói với Từ về “giải pháp đỏ” không. Tôi nói: đồng chí Lê Đức Anh đã dặn phải thận trọng tránh nói đến vấn đề đó khi đàm phán. Anh Thạch vặn lại: Vậy đồng chí nghe theo ý kiến bộ trưởng Quốc phòng hay ý kiến bộ trưởng Ngoại giao. Tôi đáp: Là cán bộ ngoại giao tôi sẵn sàng chấp hành ý kiến anh, với sự hiểu biết rằng anh nói với tư cách là ủy viên Bộ chính trị. Lúc ấy tôi thật bất ngờ trước phản ứng của anh Thạch, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được vết rạn nứt trong BCT đã khá sâu.

Phía Trung Quốc tất nhiên không để lọt hiện tượng này vì chính họ đang muốn tác động vào nội bộ ta. Chính thái độ quá đặc biệt, quá nhún mình và cũng quá sơ hở của lãnh đạo ta ngày 5 và 6/6/1990 đã gây khó khăn không nhỏ cho ngoại giao ta trong đợt đàm phán này. Ngay từ hôm đầu đến Hà Nội và trong suốt mấy ngày đàm phán, Từ Đôn Tín luôn dở giọng cao ngạo, dùng uy lực của chính lãnh đạo ta để gây sức ép với cán bộ ngoại giao ta. Ngay trong lời đáp từ tại buổi tiệc của tôi chiêu đãi đoàn TQ tối 9/6/1990, Từ đã nói: “Sau khi nghe đại sứ Trương Đức Duy báo cáo lại, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng, tôi tin rằng đồng chí thứ trưởng Trần Quang Cơ và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cụ thể hóa vào cuộc trao đổi với chúng tôi để chúng ta nhanh chóng giải quyết xong vấn đề”.

Vào phiên đàm phán đầu tiên, sáng 11/6/1990, Từ đã tìm cách ghim lại những điểm có lợi cho Trung Quốc hoặc ít nhất cũng hợp với ý đồ của họ bằng cách nêu ra 5 nhận thức chung rất bổ ích mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp ở Bắc Kinh đầu tháng 5/1990:

1.  Hai bên đều cho rằng vấn đề Campuchia cần đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và hợp lý.
2.  Phía Việt Nam bày tỏ đã rút hết quân khỏi Campuchia, chấp nhận sự kiểm chứng của Liên Hiệp Quốc và cam kết sẽ không quay lại Campuchia.
3.  Hai bên đều cho rằng, trong thời kỳ quá độ ở Campuchia sau khi Việt Nam rút hết quân, chấm dứt viện trợ bên ngoài và thực hiện ngừng bắn, cần thành lập Hội đồng toàn quốc tối cao. Về nguyên tắc hai bên chúng ta đều tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao phải là cơ cấu quyền lực có thực quyền, cònviệc tổ chức Hội đồng đó thế nào, ý kiến của hai bên cơ bản nhất trí với nhau. Ứng cử viên của Hội đồng đó cụ thể là ai thì phải do các bên Campuchia lựa chọn. Trung Quốc, Việt Nam tôn trọng sự lựa chọn đó. Chúng ta tán thành Hội đồng toàn quốc tối cao không loại trừ bất cứ bên nào, cũng không để bên nào nắm độc quyền. Về Hoàng thân Sihanouk, hai bên đều chủ trương Hoàng thân Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng toàn quốc tối cao.
4.  Vấn đề quân sự trong thời kỳ quá độ, hai bên đều cho rằng để tránh xảy ra nội chiến và giữ hoà bình ở Campuchia, cần có sự sắp xếp thoả đáng quân đội 4 bên Campuchia. Dĩ nhiên sắp xếp như thế nào, hai bên chúng ta cần bàn thêm.
5.  Còn một điểm nữa, các đồng chí Việt Nam bày tỏ từ nay về sau sẽ không nhắc đến vấn đề diệt chủng, kể cả trong các văn kiện quốc tế cũng không nêu nữa.

Vì vậy Từ đề nghị tập trung bàn hai điểm tồn tại của lần gặp trước là vấn đề phạm vi quyền lực của Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia và vấn đề lực lượng vũ trang của các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ. Trong 3 ngày đàm phán, mỗi khi phía Trung Quốc thấy ta không chấp nhận yêu sách vô lý của họ về hai vấn đề thuộc nội bộ CPC này, nhất là khi ta kiên trì công thức “hai bên Campuchia”– tức là hai  chính phủ Nông Pênh và chính phủ Campuchia Dân chủ – hoặc có thể nói 2 bên Campuchia, nhưng dứt khoát bác công thức “4 bên Campuchia” của họ mang hàm ý chấp nhận vai trò hợp pháp của bọn Khơ–me đỏ, thì Từ lại lên giọng chê trách tôi làm trái ngược ý kiến của lãnh đạo VN, với lập luận là lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra ý “hợp tác giữa 2 phái cộng sản Khơ–me” tức là nhận từ “4 bên CPC” (có nghĩa là đưa Khơ–me đỏ lên ngang với Chính phủ Nông Pênh) và nhắc đến thoả thuận Tokyo, Từ nói: “Phát biểu của các đồng chí không nên trái ngược với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Ý kiến của Bộ Ngoại Giao nên nhất trí với ý của lãnh đạo cấp cao, không nên có hai tiếng nói trái ngược”. Tôi phải đưa Từ trở về vị trí của y: “Đồng chí có thể yên tâm, không cần lo hộ, chúng tôi là Bộ Ngoại Giao có tiếng nói khác Trung ương. Đảng chúng tôi nhất trí từ trên xuống do Bộ Ngoại Giao là một bộ phận chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính Trị chúng tôi”.

Về vấn đề Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia, Trung Quốc kiên trì 3 điểm:

-    HĐDTTC (SNC) phải là cơ quan chính quyền tối cao hợp pháp duy nhất đại diện cho độc lập, chủ quyền, thống nhất của Campuchia. Về mặt đối ngoại, đại diện cho Campuchia trên quốc tế, giữ ghế cho Campuchia ở Liên Hiệp Quốc; về mặt đối nội, thực hiện quyền lập pháp và quản lý hành chính, trực tiếp nắm các ngành quan trọng ảnh hưởng đến tổng tuyển cử tự do, công bằng gồm quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tuyên truyền, tài chính (với hiểu biết là xoá 5 bộ này của chính quyền Nông Pênh).
-    Không loại bên nào (tức là không loại Khơ–me đỏ), không bên nào độc quyền. Thành phần, số lượng do 4 bên Campuchia bàn bạc và quyết định. Sihanouk làm chủ tịch HĐDTTC (thực chất là bác bỏ Thông cáo chung Tokyo đã thỏa thuận là Hội đồng gồm 12 người, chia đều cho 2 bên, mỗi bên 6 người).

Tôi khẳng định HĐDTTC có trách nhiệm và quyền lực trong việc thực hiện các hiệp định được ký kết về Campuchia, về hoà giải dân tộc và về tổng tuyển cử; hai chính quyền hiện tồn tại không được làm việc gì cản trở trách nhiệm và quyền lực trên đây của HĐDTTC. Còn việc các bên Campuchia chấp nhận ý kiến của Trung Quốc đến đâu là quyền của các bên Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc không thể thay các bên Campuchia sắp đặt việc nội bộ của Campuchia.

Về vấn đề lực lượng vũ trang, Trung Quốc đòi ghi vào biên bản thỏa thuận: quân đội của 4 bên Campuchia phải tập kết vào những địa điểm do ủy ban giám sát của Liên Hiệp Quốc chỉ định. Còn việc giảm quân hay thực hiện các nguyên tắc trên sẽ do các bên Campuchia thỏa thuận với nhau.

Như để thuyết phục ta chấp nhận lập trường của họ, Từ đưa ra dự kiến của Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước:
1.  Trung–Việt đạt được thoả thuận về giải pháp vấn đề Campuchia và ghi nhận lại bằng một biên bản nội bộ;
2.  Họp ngoại trưởng 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia, Lào và ra tuyên bố chung;
3.  Họp hội nghị có tính chất khu vực giữa 5 nước trên và 4 bên Campuchia;
4.  Họp 5 nước Hội Đồng Bảo An với 4 bên Campuchia;
5.  Họp Hội nghị quốc tế Pa–ri về Campuchia.

Từ nói chỉ trao đổi nội bộ với ta dự kiến này ở đây, không nói với 4 nước ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An, cũng không nói với Liên Xô để tránh sự quấy nhiễu của bên ngoài. Tôi tránh bình luận cụ thể, chỉ nói đây là một gợi ý thú vị, rất đáng suy nghĩ, song cần làm sao cho bước khởi động của chúng ta ở đây có kết quả thì toàn bộ kế hoạch mới có khả năng triển khai được.

Chiều ngày 12/6/1990, thực hiện yêu cầu của phía Trung Quốc, đã có cuộc họp hẹp giữa hai trưởng đoàn. Qua đó Từ nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo VN trả lời của lãnh đạo Trung Quốc về những ý kiến mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc ngày 5 và 6/6/1990: “Lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung–Việt. Lãnh đạo Trung Quốc cũng rất coi trọng những ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trương Đức Duy. Phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung–Việt sớm muộn cũng sẽ bình thường hóa. Hai bên đều cần cùng nhau cố gắng để thực hiện.Vấn đề Campuchia, cuộc chiến tranh Campuchia đã kéo dài hơn 10 năm. Đây là vấn đề toàn thế giới quan tâm, các nước trong khu vực, nhất là ASEAN, cũng rất quan tâm. Đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết hiện nay là trên cơ sở những nhận thức chung đã đạt được, tiếp tục trao đổi ý kiến về hai vấn đề tồn tại (vấn đề quyền lực của Hội đồng tối cao và việc xử lý quân đội của các bên CPC), làm sao cho có tiến triển về hai vấn đề này. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ góp phần vào việc thực sự giải quyết vấn đề Campuchia. Bước đi này là hết sức quan trọng. Chỉ có đi xong bước này, chúng ta mới có thể suy nghĩ đến những bước sau. Cũng có nghĩa là chỉ có đi xong bước này lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ về việc gặp cấp cao và việc thúc đẩy hai phái cộng sản Khơ–me đỏ hoà giải với nhau. Giải quyết xong 2 điểm tồn tại đó để có được giải pháp toàn bộ, không nên vượt qua vấn đề Campuchia. Giải quyết xong vấn đề Campuchia thì các bước tiếp theo về gặp gỡ cấp cao và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sẽ dễ giải quyết.

Ngay sau đó, tôi sang gặp thủ tướng Đỗ Mười báo cáo tình hình cuộc đàm phán để chuẩn bị cho việc anh ấy tiếp Từ Đôn Tín chiều hôm sau như đã dự định. Tôi nói: chỉ với việc anh Linh và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại tiếp hắn nữa thì rất không nên. Nghe tôi trình bày xong, Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10/6/1990 Lê Đức Anh đến yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ. Nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng đi ngay sang báo cáo sự tình với TBT Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng dự định tiếp Từ. Sau khi nghe tôi trình bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng Tổng bí thư chắc bị bất ngờ về những câu trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ Đôn Tín nữa.

Ba ngày đàm phán với Từ nói chung là căng nhưng giông tố chỉ nổ ra khi Từ Đôn Tín đến chào Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chiều 13.6.1990 trước khi đoàn Trung Quốc rời Hà Nội. Ngay từ đầu, không khí trò chuyện đã không lấy gì làm mặn mà lắm. Nhưng đến khi Từ nói: “Các đồng chí nói chúng ta nên khuyên hai phái cộng sản Campuchia hòa giải với nhau nhưng lại không chấp nhận có “4 bên” Campuchia. Chúng tôi  không thể hiểu được trong hai giọng nói đó cái nào là thật cái nào là giả. Nghe tiếng nói này thì tiếng nói kia là giả dối, nghe tiếng nói kia thì tiếng nói này là giả dối. Mong rằng sau này các đồng chí không nên làm như vậy”, anh Thạch đã phản ứng mạnh: “Chúng tôi không đòi các đồng chí nói chỉ có hai bên Campuchia; các đồng chí cũng không thể đòi chúng tôi nói 4 bên. Chúng tôi nói các bên, không loại bỏ bên nào là đủ rồi. Nếu nói khác đi là chống lại Hội nghị Tokyo. Tôi nói thật, dùng thủ đoạn xuyên tạc thì rất khó đàm phán … Tôi rất trọng đồng chí nhưng rất không hài lòng với những điều đồng chí nói vì đồng chí có những xuyên tạc. Như thế rất khó đàm phán”. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng câu “Chào Ngài” của Từ Đôn Tín. Và anh Thạch cũng đáp lại bằng từ đó thay vào từ “đồng chí”.

Tôi không có mặt trong buổi anh Thạch tiếp Từ Đôn Tín nhưng khi nghe kể lại chuyện đó tôi không hề ngạc nhiên. Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu “sứ giả thiên triều” của Từ trong buổi gặp ngày 13/6/90: Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí, chúng tôi đã chuẩn bị ý kiến về quan hệ hai nước Trung Quốc–Việt Nam. Khi nói “nguyện vọng của các đồng chí” là Từ muốn nói đến những điều mà anh Linh và anh Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngày 5 và 6/6/1990. Đây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện “xem xét nguyện vọng” của lãnh đạo Việt Nam được thêm vào đó; tâm trạng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những ngày này lại đang nặng trĩu những suy tư khác.

Sau khi xảy ra va chạm giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và trưởng đoàn TQ Từ Đôn Tín, sức ép vào nội bộ ta càng mạnh hơn; suốt nửa cuối 1990 đến đầu 1991, TQ phớt lờ Bộ Ngoại Giao, chỉ làm việc với Ban Đối ngoại; ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham từ chối gặp Nguyễn Cơ Thạch tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở Nữu–ước tháng 9/1990. Trước đó, ý đồ TQ phân hoá nội bộ ta đã bộc lộ rõ: muốn ta phải thay đổi bộ trưởng ngoại giao.

Liều thuốc của thầy Tàu bốc cho ta thật là đắng, thế nhưng đâu có dã được tật!


Ngày 19/6/1990 Bộ Chính Trị đã họp để đánh giá cuộc đàm phán. Rất tiếc không hiểu vì sao ngay sáng hôm họp BCT anh Linh lại đi vào Thành phố Hồ Chí Minh và nhắn qua anh Nguyễn Thanh Bình đề nghị BCT cứ họp nhưng chưa bàn về phương hướng tới.

Là người trực tiếp đàm phán với TQ, tôi đã trình bày trước BCT bản báo cáo của Bộ Ngoại Giao trong đó có nhận định về ý đồ của Trung Quốc qua cuộc đàm phán này:
·    Ý đồ Trung Quốc về vấn đề quan hệ với Việt Nam và về vấn đề Campuchia; qua cuộc gặp này đã bộc lộ rõ. Chiến lược của Trung Quốc là đặt ưu tiên cao nhất vào việc tranh thủ Mỹ, phương Tây, ASEAN để phục vụ mục tiêu “4 hiện đại hoá”. Chính sách đối với Việt Nam, cũng như với Liên Xô và các nước khác đều phải phục tùng lợi ích tối cao này, không được gây nên bất kỳ ảnh hưởng xấu nào trong quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, phương Tây, ASEAN. Chính vì vậy Trung Quốc đã không đáp ứng những đề nghị mà TBT Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh nói với đại sứ Trung Quốc trước cuộc đàm phán này:
a)  về việc ta đề nghị gặp cấp cao nhất của 2 nước càng sớm càng tốt, Trung Quốc trả lời chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ đến việc này cũng như mới có thể bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước.
b) về việc ta đề nghị hai nước đoàn kết để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, họ nói rõ họ coi quan hệ với Việt Nam sau này cũng chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa hai nước láng giềng, trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Họ còn nói quan hệ Việt Nam–Trung Quốc không thể làm cho Mỹ và ASEAN lo ngại.
c)  về việc ta đề nghị hai nước cùng thúc đẩy 2 phái cộng sản Khơ–me hoà giải với nhau, họ cũng chỉ  trả lời là giải quyết xong vấn đề Campuchia thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ tính về việc này. Thực chất phương án giải quyết vấn đề Campuchia của Trung Quốc là nhằm xoá đi chính quyền và lực lượng quân sự của Nhà Nước Campuchia để giao thực quyền cho Hội Đồng Dân Tộc Tối Cao do Sihanouk chủ trì. Hai chính quyền hiện nay–Nhà Nước Campuchia và Campuchia Dân Chủ–đều do hai lực lượng cộng sản kiểm soát là chính, và các lực lượng quân sự Campuchia mạnh nhất cũng là của hai nhóm cộng sản Khơ–me. Trung Quốc đòi cho quân sự của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ hoặc đòi để Liên Hiệp Quốc cai trị hoàn toàn Campuchia. Để thực hiện tính toán chiến lược của họ, Trung Quốc sẵn sàng ngả theo phương án của Mỹ và phương Tây, trái với suy tính của ta.

·    Trung Quốc không đáp ứng các đề nghị của lãnh đạo ta, đồng thời họ lại đánh giá sai lầm là Việt Nam yếu, có nhiều khó khăn do tình hình bản thân VN và do tác động của tình hình Liên Xô, Đông Âu nên quá lo sợ bị đế quốc diễn biến hoà bình như đối với các nước Đông Âu, do đó Việt Nam rất cần Trung Quốc. Vì vậy họ đã lợi dụng lòng khát khao hợp tác với Trung Quốc của lãnh đạo ta để gây sức ép mạnh với ta trong đàm phán. Đồng thời, từ khi có cuộc gặp không chính thức với ta ở Bắc Kinh cho đến nay, Trung Quốc không ngừng đưa tin về các hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa với ý đồ vừa gây sức ép với ta vừa làm cho Mỹ, ASEAN yên tâm là quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam chẳng phải có sự ưu ái gì hơn mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khác.
·    Trung Quốc ép ta chấp nhận lập trường của họ về 2 vấn đề thuộc phạm vi nội bộ Campuchia còn nhằm mục đích chia rẽ ta với bạn CPC, sau khi Trung Quốc đã cố gắng tranh thủ Lào, nhằm tách Lào khỏi Việt Nam và Liên Xô.
·    Trung Quốc không hài lòng về Thông cáo chung Tokyo vì nó đề cao vai trò Nhật ở Châu Á đồng thời xoá bỏ vai trò Khơ–me đỏ, con chủ bài của Trung Quốc trong vấn đề Campuchia… ngày 4 và 5/6/1990 ở Tokyo đã có cuộc họp giữa các bên Campuchia và đã ra được Thông cáo chung Hun–xen–Sihanouk thỏa thuận một cuộc ngừng bắn tự nguyện đồng thời với việc lập ra Hội Đồng Dân Tộc Tối Cao gồm số người của 2 bên ngang nhau (6+6), nhưng Trung Quốc không dám công khai phản đối nên cố kéo ta cùng có lập trường khác với Thông cáo Tokyo.
·    Trung Quốc đưa ra dự kiến giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước nhằm giành cho Trung Quốc vai trò trung tâm và chủ động trong cả quá trình giải quyết vấn đề CPC, qua đó khẳng định các vấn đề Châu Á không thể chỉ Mỹ và Liên Xô giải quyết mà không có Trung Quốc. Trung Quốc xem đàm phán với ta là bước mở đầu có tính quyết định của “kế hoạch 5 bước” để giải quyết vấn đề Campuchia, vì Trung Quốc cho rằng Liên Xô không ép được Việt Nam, chỉ có Trung Quốc dùng đòn bẩyvề bình thường hoá quan hệ với Việt Nam mới ép được Việt Nam xoá bỏ hoặc hạn chế đến mức thấp nhất chính quyền Nông Pênh.
·    Trong quan hệ với ta, Trung Quốc luôn có hai giới hạn: một đàng là Trung Quốc muốn không làm gì với Việt Nam gây ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ với Mỹ, phương Tây, ASEAN; một đàng là Trung Quốc cũng không muốn tỏ ra quá căng với Việt Nam làm cho vấn đề Campuchia không thể sớm giải quyết được, đồng thời duy trì quan hệ căng thẳng với Việt Nam không phù hợp với lợi ích Trung Quốc lúc này là tạo hoàn cảnh quốc tế thuận lợi cho việc ổn định nội bộ thực hiện “4 hiện đại”.

Nghe xong bản báo cáo và kiến nghị của Bộ Ngoại Giao, BCT chưa có ý kiến ngay mà bàn tới diễn biến của cuộc đàm phán vừa qua. Về vụ to tiếng giữa anh Thạch và Từ Đôn Tín chiều 13/6, anh Đào Duy Tùng nói “Cần phải nói lại mạnh mới được”.Còn anh Đồng Sĩ Nguyên nói: “Nếu anh không phản ứng mạnh thì chúng tôi không thể hiểu nổi”. Về việc anh Lê Đức Anh và anh Linh gặp Trương Đức Duy trước khi ta và Trung Quốc đàm phán, anh Tô phát biểu: “Trong cuộc họp BCT bàn về đàm phán với Trung Quốc, tôi đã nói 3 lần là không được hớ phải rất thận trọng với trung Quốc. Đằng này anh lại ngửa bài trước để họ biết hết và kết quả là điều đã xảy ra. Trung Quốc họ nghĩ theo kiểu Đại Hán của họ và kết quả là họ ép mình. Ngoại giao như đánh bài phải giữ thế, không phải lúc nào cũng lật hết lá bài ra. Không thể đưa ngực ra cho nó biết”. Khi anh Lê Đức Anh nói có ý thanh minh sở dĩ anh nói “giải pháp đỏ” với đại sứ Trung Quốc là vì Campuchia nhờ ta thăm dò Trung Quốc, anh Võ Văn Kiệt nói: “Nhưng ta thăm dò thật thà quá! Anh Võ Chí Công nói: “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích quốc tế của xã hội chủ nghĩa. Họ khác ta. Dù ta có muốn hợp tác họ cũng không chịu đâu. Anh Lê Đức Thọ,  ngày 12/6, khi nghe báo cáo nội dung trả lời của Trung Quốc về các đề nghị của anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh, đã có ý kiến: “Việc anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh gặp đại sứ Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc cứng lên. Đáng lẽ không nên gặp”. (Anh Lê Đức Thọ lúc này đang ốm nặng, nằm ở nhà). Ngày 12/6, khi dặn dò anh Đặng Nghiêm Hoành, đại sứ ta ở TQ, anh Lê Đức Anh lại nói: “Anh Linh nói chuyện với Trương Đức Duy cũng có đôi chỗ thật lòng quá. Nhưng cũng không phải vì thế mà nó cho là mình yếu” (?).

Tôi nghĩ, xét cho cùng nội bộ ta lúc này đã có hai cách đánh giá về Trung Quốc, cũng như có hai cách đánh giá về cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô nên đã có hai cách xử sự khác nhau. Từ Đôn Tín nói ta có “hai tiếng nói trái ngược”, “không biết cái nào giả, cái nào thật” và khuyên Bộ Ngoại Giao nên nhất trí với ý kiến của lãnh đạo cấp cao”, như thế có nghĩa là Trung Quốc đã biết nội bộ ta đã có kẽ hở mà họ không dại gì bỏ qua không lợi dụng để giành lợi cho họ.

Ngày 25/6/1990 TBT Nguyễn Văn Linh từ Thành phố Hồ Chí Minh điện ra cho Bộ Chính Trị tôi đã đọc biên bản cuộc họp BCT 19/6/1990, có một số ý kiến sẽ phát biểu sau. Anh không đồng ý thông báo cho Trung ương và các cấp ủy về điều tối mật (tức là những điều Lê Đức Anh đã nói với Trương Đức Duy ngày 6/6/1990 mà chỉ thông báo rằng cuộc họp Việt–Trung vừa qua không có kết quả là do Trung Quốc phá. Ngoại giao cần có cách giải thích cho dư luận theo hướng trên. Ngoại giao theo dõi khi Trung Quốc lộ ra những điều mà ta lấy tình bạn nói với họ thì phủ nhận ngay, không để chậm.

Đợt đàm phán tháng 6/1990 không kết quả, nhưng TQ không cắt cầu như các lần trước mà để thực hiện ý đồ… đại sự! Như vậy, sau khi đàm phán thất bại đã có hàng loạt hành động tiến hành song song; hai bên vừa tiếp tục nói chuyện với nhau, vừa công kích nhau trên mặt trận dư luận.

Để giành chủ động trong việc tranh thủ dư luận quốc tế, ngày 21/6/1990, dưới hình thức trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thông Tấn Xã, tôi đã nêu rõ nguyên nhân khiến cuộc nói chuyện với TQ không tiến triển được chỉ vì VN kiên quyết tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ CPC, cản trở chính cho giải pháp CPC là việc Trung Quốc vẫn cố bám giữ bọn diệt chủng Polpot. Song điều khiến Trung Quốc cay cú nhất là tôi đã vạch “Trung Quốc không tán thành Thông cáo chung Tokyo nhưng không muốn đơn phương một mình chống lại. Họ muốn Việt Nam và Trung Quốc cùng có một lập trường trái với Thông cáo chung Tokyo”. Vì vậy ngay sau đó, tờ Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh ngày 5/7/1990 đã có ngay bài “Kế hoạch một hòn đá ném hai đích của Hà Nội” của Thái Tích Mai, Tân Hoa Xã, phản ứng ngay về bài đó, nói Trần Quang Cơ định “dụ dẫn nhân dân thế giới vào cái bẫy của họ bằng hàng loạt sách lược một hòn đá nhằm hai cái đích”. Ý đồ thứ nhất của Hà Nội là thông qua việc ngừng bắn tại chỗ để che đậy về việc quân đội VN vẫn có mặt ở CPC. Ý đồ thứ 2 của Hà Nội là thành lập HĐDTTC trong khuôn khổ Nông Pênh. Ý đồ thứ 3 là lấy cuộc đối thoại giữa hai chính quyền thay thế nguyên tắc 4 bên.

Hiểm độc nhất là Trung Quốc đã thông báo khá rộng rãi với các nước những điều Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh nói riêng với Trương Đức Duy về “giải pháp đỏ” và đoàn kết xã hội chủ nghĩa nhằm gây ấn tượng xấu về ta đối với các nước quan tâm đến vấn đề CPC, kể cả Liên Xô và các nước bạn khác của ta. Sáng 26/6/1990, đại sứ CHLB Đức khi gặp Vụ Châu Âu II BNG[81] ta cho biết là ngày 22/6 Trung Quốc đã thông báo cho đại sứ các nước Thị trường chung Châu Âu ở Bắc Kinh nội dung cuộc hội đàm giữa Từ Đôn Tín và tôi, và đưa ra kết luận: Việt Nam là những người rất xảo trá, rất xấu xa và rất cứng rắn. Họ chỉ muốn Hun–xen độc quyền. Họ không chịu nhân nhượng bất cứ điều gì… Ông Nguyễn Cơ Thạch là người xảo quyệt, rất cứng rắn và căm thù Trung Quốc cao độ.

Tuy nhiên, theo chủ trương kiên trì thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vì lợi ích chiến lược của ta, trong thời gian này hàng tuần tôi vẫn gặp trao đổi ý kiến với đại sứ Trung Quốc để giữ cầu.


Trong cuộc gặp tôi ngày 25/6/1990 ở Bộ Ngoại Giao, không hiểu sao Trương Đức Duy đã đọc lại toàn văn trả lời của lãnh đạo Trung Quốc gửi lãnh đạo Việt Nam và nói là bản này “chính xác hơn” (so với bản mà Từ Đôn Tín đã chuyển ngày 12.6) (?), trong đó đoạn cuối về CPC đã sửa lại là: “Vấn đề Campuchia đã kéo dài 11 năm, trở thành vấn đề quốc tế trọng đại mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN , rất chú trọng. Chúng tôi cho rằng việc này cần làm gấp. Trước mắt là hai bên Trung Quốc–Việt Nam nên đi đến thỏa thuận càng sớm càng tốt về một số mặt quan trọng trong giải pháp chính trị về vấn đề CPC để thúc đẩy và tăng cường hơn tiến trình giải quyết toàn diện vấn đề CPC. Bước này đi tốt thì có lợi cho việc suy tính những vấn đề của bước sau và tạo điều kiện cần thiết cho cuộc gặp cấp cao Trung Quốc–Việt Nam, và tạo sự hoà giải nội bộ Campuchia”. Thực ra nội dung không có gì khác, chỉ là lời lẽ được sửa lại cho bớt giọng xấc xược ngạo mạn.

Ngày 2/8/90. trước khi họp BCT, Tổng bí thư hỏi Nguyễn Cơ Thạch có nên nhắc lại TQ về gặp cấp cao và nói “giải pháp đỏ”. Vào cuộc họp, Thạch nói TQ đã 3 lần bác bỏ “giải pháp đỏ”. Anh Võ Chí Công nói thêm: đó chỉ là ảo tưởng, ngây thơ.

Trong cuộc gặp Trương ngày 5/8/1990, tôi đã nêu lại những điểm mà hai bên đã có được sự nhất trí và những điểm tồn tại về vấn đề CPC, đồng thời nói rõ lập trường của VN về vấn đề vai trò LHQ và về việc lập HĐDTTC CPC. Tôi nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của VN là công việc nội bộ của CPC chỉ có thể do người CPC quyết định. Trương Đức Duy đồng ý là những vấn đề nội bộ CPC phải thuộc chủ quyền của CPC, nhưng lại cho rằng nếu không có sự can thiệp của bên ngoài thì sẽ khó có được giải pháp toàn diện. Qua trao đổi, đại sứ TQ đã phải thừa nhận là các nước khác có thể bàn nhưng phải là người CPC quyết định thì mới thực hiện được. Về quan hệ hai nước, Trương đọc bản viết sẵn: “Chúng tôi cho rằng hiện nay tình hình quốc tế chuyển biến rất nhanh, không chờ đợi chúng ta. Mong phía VN nắm vững thời cơ, sớm hạ quyết tâm, có quyết sách loại trừ chướng ngại, tạo điều kiện cho việc sớm bình thường hoá quan hệ hai nước”, và nói thêm “Trung Quốc coi trọng quan hệ TQ–VN nhưng phải làm từng bước một”.

Đến cuộc gặp ngày 13/8/90, theo lời dặn của TBT Nguyễn Văn Linh trong cuộc họp BCT 12/8, sau khi tỏ ý hoan nghênh tuyên bố của Lý Bằng[82] ở Singapo 12/8 (“Trung Quốc hy vọng sắp tới đây sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và sẽ bàn bạc với Việt Nam những vấn đề có tranh chấp như quần đảo Trường Sa”), tôi nói: Lãnh đạo chúng tôi rất vui mừng vì hai bên có suy nghĩ gặp nhau, chúng tôi cho rằng hai nước chúng ta cần có sự hợp tác với nhau trước mắt cũng như lâu dài, về những vấn đề cụ thể như vấn đề Campuchia cũng như các vấn đề rộng lớn hơn mà hai nước cùng có sự quan tâm giống nhau. Trương Đức Duy  trình bày 7 điểm lập trường của TQ về vấn đề CPC, trong đó có việc lập HĐDTTC gồm 4 bên CPC do Sihanouk đứng đầu, thành phần và số lượng do các bên CPC quyết định, và là cơ chế hợp pháp duy nhất. Các điểm khác không có gì mới. Để gây tác động làm giảm sức ép của Trung Quốc; tôi đã thông báo cho TQ cuộc nói chuyện giữa ta và Mỹ tại Nữu Ước ngày 6/8/1990 về vấn đề CPC (trong cuộc gặp này Mỹ chủ yếu thăm dò, vận động ta chấp nhận 2 văn kiện của P5[83] về giải pháp CPC), VN và Mỹ sẽ còn tiếp tục nói chuyện.

Tháng 8/1990, tình hình quốc tế cũng như vấn đề CPC tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu 1990 mở đầu thời kỳ hoà hoãn giữa 3 nước lớn, đồng thời 3 nước lớn bắt đầu dùng cơ chế 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An (P5) giải quyết vấn đề CPC cũng như vấn đề vùng Vịnh. Từ khi Việt Nam rút hết quân khỏi CPC và càng đi gần vào giải pháp thì lợi ích của CPC và của ta càng kênh nhau lớn. Chúngta đứng trước tình hình 5 nước lớn quyết tâm đạt thỏa thuận về một giải pháp chính trị về vấn đề CPC. Còn CPC lại đang trước một tình thế tiến hoá lưỡng nan: khó kéo dài nội chiến vì khó khăn kinh tế chính trị trong nước và trên thế giới, mà đi vào giải pháp chính trị thì lo thất bại trong tuyển cử. Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18/7/1990 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận CPC Dân Chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khơ–me đỏ, nhận đối thoại với VN qua phái đoàn ở Nữu–ước. Ngày 6/8/1990, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu–ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp CPC.

Ngày 8/8/1990 Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề CPC theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn CPC quyết định, ta tôn trọng.

Chiều 8/8/1990, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp CPC. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với Liên Hiệp Quốc, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới… Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được… Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (CPC)”… Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng…

Ngày 12/8/1990, Bộ Chính trị họp về đề án CPC của Bộ Ngoại giao. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến; với TQ, trong cuộc gặp 13/8 (giữa tôi và Trương Đức Duy), ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề CPC để có một nước CPC hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói VN và TQ là hai nước xã hội chủ nghĩa cần đoàn kết chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngả hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép Nông Pênh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề HĐDTTC CPC.


Ngày 29/8/1990, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân[84] và Thủ tướng Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 3/9/90 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô. Trung Quốc còn lấy cớ ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức ASIAD[85] (Á Vận hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó giữ được bí mật, mà gặp ở Thành Đô.

Đây quả là một sự chuyển biến đột ngột của phía Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc nói rằng chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề Campuchia mới gặp cấp cao ta và mới bàn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Năm ngày trước–ngày 24/8/1990–Trung Quốc còn bác bỏ việc gặp cấp cao, nay lại mời ta gặp cấp cao trong một thời hạn rất gấp và đồng ý cấp cao sẽ nói chuyện về cả hai vấn đề CPC và vấn đề bình thường hoá quan hệ.

Thái độ “thiện chí” gấp gáp như vậy của Bắc Kinh không phải là tự nhiên mà có. Nó có những nguyên nhân sâu xa và nhân tố bức bách:
a)  tất cả những hoạt động đối ngoại và đối nội của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua khẳng định chiến lược nhất quán của họ là kiên quyết thực hiện “4 hiện đại”, biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời xác định vị trí nước lớn của mình trước hết ở Đông Nam Á và châu Á–Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược đó, Trung Quốc kiên trì tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, đồng thời bình thường hoá quan hệ với Liên Xô. Nhưng sau hơn 10 năm cải cách và mở cửa, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của Trung Quốc rất khó khăn. Sau sự kiện Thiên An Môn, mục tiêu chiến lược đó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Về đối ngoại, bị Mỹ, Nhật và phương Tây thi hành cấm vận. Trong khi đó, quá trình cải thiện quan hệ Mỹ–Xô tiến triển rất nhanh và rất sâu. Xô–Mỹ hợp tác chặt chẽ giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực không kể đến vai trò của Trung Quốc. Ngay trong vấn đề Campuchia, vai trò Trung Quốc cũng bị lấn át (Xô–Mỹ tiếp xúc trao đổi chặt chẽ về vấn đề CPC; cuộc gặp Sihanouk–Hun–xen ở Tokyo là do sự dàn xếp của Mỹ, Nhật và Thái, ngoài ý muốn của Trung Quốc). Phương Tây tiếp tục đòi Trung Quốc thực hiện dân chủ và giải quyết vấn đề CPC trên cơ sở kiềm chế Khơ–me đỏ.
b) chuyến đi Đông Nam Á của Lý Bằng (6–13/8/1990) nằm trong yêu cầu chiến lược của Trung Quốc tranh thủ hoàn cảnh quốc tế hoà bình để thực hiện “4 hiện đại”, diễn ra trong bối cảnh liên minh mà Trung Quốc xây dựng ở Đông Nam Á trong 10 năm qua để chống Việt Nam đang tan vỡ sau khi Việt Nam rút quân khỏi CPC và sau khi Mỹ đã điều chỉnh chính sách. Cuộc đi thăm của Lý đã bộc lộ những điểm đồng và bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Các nước ASEAN vẫn rất lo ngại ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải cam kết nội bộ các nước trong khu vực không ủng hộ các đảng cộng sản và vấn đề Hoa kiều, tuyên bố sẵn sàng thương lượng và hợp tác về vấn đề Trường Sa. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam không còn phù hợp với chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa.
c)  sau khi Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân khỏi CPC, các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, ASEAN đi vào cải thiện quan hệ với ta theo hướng không có lợi cho tính toán của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trước tình hình đó, Trung Quốc không muốn chậm chân.
d) về thời điểm: trong cuộc họp ngày 27 và 28/8/1990 tại Nữu ước, 5 nước thường trực Hội Đồng Bảo An đã thoả thuận văn kiện khung về giải pháp toàn bộ cho vấn đề Campuchia (gồm 5 vấn đề: lực lượng vũ trang CPC, tổng tuyển cử dưới sự bảo trợ của LHQ, nhân quyền và bảo đảm quốc tế đối với thể chế tương lai của Campuchia). Văn kiện về nhân quyền không đề cập trực tiếp đến vấn  đề diệt chủng, chỉ nói CPC sẽ không trở lại chính sách và hành động trong quá khứ. Còn Trung Quốc buộc phải nhân nhượng không còn đòi lập chính phủ liên hiệp 4 bên ngang nhau, phải chấp nhận vai trò lớn của Liên Hiệp Quốc. Năm nước thường trực HĐBA/LHQ thỏa thuận lịch giải quyết vấn đề CPC: trong tuần từ 3/9 đến 9/9 họp các bên CPC ở Gia–các–ta để lập HĐDTTC trước phiên họp Đại hội đồng LHQ, tiếp đó họp mở rộng với các nước trong khu vực (có TQ), đến khoảng tháng 10 11 năm 1990 họp ủy ban Phối hợp Hội nghị Pa–ri về CPC để soạn thảo Hiệp định trên cơ sở văn kiện khung do 5 nước vạch ra; các ngoại trưởng ký Hiệp định; 15 nước trong Hội Đồng Bảo An thông qua, Trung Quốc đặt cuộc gặp cấp cao Trung–Việt trong cái khung thời gian này. Tuy nhiên Bắc Kinh dấu không cho ta biết gì về những thỏa thuận giữa họ và các nước lớn trong HĐBA, mặt khác cũng giữ kín việc hẹn gặp ta ở Thành Đô vì không muốn làm cho phương Tây và ASEAN lo ngại khả năng đoàn kết và hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày 30/8/1990, Bộ Chính Trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc. Anh Linh nêu ý kiến sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, và hợp tác giữa Nông Pênh và Khơ–me đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại giao đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít có khả năng thực hiện phương án này vì phương hướng chiến lược của TQ vẫn là tranh thủ phương Tây phục vụ “4 hiện đại”. Anh Lê Đức Anh bổ sung ý anh Linh: Phải nói về hoà hợp dân tộc thực sự ở Campuchia. Nếu không có Polpot thì vẫn tiếp tục chiến tranh. Anh Võ Chí Công không đồng ý, nói: Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc muốn tranh thủ phương Tây. Anh Thạch cảnh giác: Vẫn có 3 khả năng về quan hệ giữa ta và Trung Quốc, không phải chỉ là khả năng tốt cả. Dự kiến Trung Quốc sẽ nêu công thức “HĐDTTC 6+2+2+2” để nhấn rõ là có 4 bên Campuchia. (trong đó Khơ–me đỏ là 1 bên), xoá vấn đề diệt chủng… Sự thực này cho thấy Trung Quốc còn đòi cao hơn thế!

Ngày 2/9/90, ba đồng chí lãnh đạo cấp cao của ta đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà chánh văn phòng Trung Ương, Hoàng Bích Sơn trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm thứ trưởng ngoại giao. Đáng chú ý trong đoàn không có bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Sau 2 ngày nói chuyện (3–4/9/90), kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là “Biên bản tóm tắt” gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên không còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề CPC; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có kiểm chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả. Trong bản thỏa thuận, vấn đề nổi cộm nhất là điểm 5 về việc thành lập Hội Đồng Dân Tộc Tối Cao CPC. Lãnh đạo ta đã thỏa thuận dễ dàng, không do dự (?), công thức “6+2+2+2+1” (phía Nông Pênh 6 người, phía “3 phái” 7 người: 2 của Khơ–me đỏ, 2 của phái Son San, 2 của phái Sihanouk và bản thân Sihanouk) mà Từ Đôn Tín vừa đưa ra ở Hà Nội và bị tôi bác. Công thức này bất lợi cho Nông Pênh, khác với công thức “6+6” hay “6+2+2+2”, tức là hai bên có số người ngang nhau, mà Sihanouk và Hun–xen đã thỏa thuận ở Tokyo.

Về sáng kiến “giải pháp đỏ” cho vấn đề Campuchia mà lãnh đạo ta đưa ra, tưởng như phía Trung Quốc sẽ nhiệt tình hoan nghênh, song Lý Bằng đã bác đi: “Các đồng chí nói cần thực hiện 2 đảng cộng sản hợp tác với nhau để phát huy hơn nữa. Tôi đồng ý một phần và không đồng ý một phần. Bốn bên Campuchia xét về lực lượng quân sự và chính quyền, mạnh nhất là hai đảng cộng sản, có vai trò nhiều hơn. Nhưng phần tôi không đồng ý là ở Campuchia không chỉ có hai đảng cộng sản mà còn có các thế lực khác là lực lượng của Sihanouk và lực lượng của Son San. Lực lượng của họ không lớn lắm nhưng họ được quốc tế ủng hộ. Bài xích họ thì cô lập Hội Đồng Dân Tộc Tối Cao, không thể đoàn kết Campuchia. Cần phải để cho hai bên kia phát huy tác dụng ở Campuchia”. Và Giang Trạch Dân cũng nói thêm: “Các nước phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta. Các đồng chí đến đây, cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề này. Họ cho rằng Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đều do đảng cộng sản lãnh đạo, hợp với nhau bàn cái gì đây? Vì vậy chúng tôi giữ kín chuyện này. Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách lược không lợi cho chúng ta”.

1   2   3   4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét