Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ - CHƯƠNG 5 ĐẾN CHƯƠNG 9


Chương 5
NHỮNG NĂM Ở TRUNG HỌC

TRƯỜNG BƯỞI
Năm tôi mới vào, trường Bưởi còn là trường Cao đẳng tiểu học Pháp Việt (Collège) học bốn năm rồi thi ra lấy bằng Diplôme d’études primaires supérieures franco – indigènes tương đương với bằng Brevet élémentaire (sau đổi là Brevet d’études du première cycle) của Pháp. Một học sinh giỏi thi cả hai bằng và đậu hết. Năm sau trường mở thêm ba lớp nữa để dạy tới tú tài bản xứ (Baccalauréat local), và trường đổi tên là Lycée du Protectorat (Trung học Bảo hộ); ban Cao đẳng tiểu học đổi là ban Trung học đệ nhất cấp.

Năm 1927, cả nước chỉ có chín trường Cao đẳng tiểu học cho nam sinh và ba cho nữ sinh (tôi không kể những trường Sư phạm chuyên đào tạo giáo viên tiểu học); ở Bắc có ở Hà Nội (trường Bưởi), ở Nam Định, ở Lạng Sơn cho nam sinh; và một trường nữa (Đồng Khánh) ở Hà Nội cho nữ sinh, ở Trung có hai trường ở Huế (một cho nam, một cho nữ), một trường ở Vinh, một trường nữa ở Qui Nhơn, ở Nam có hai trường ở Sài Gòn: Pétus Ký cho nam, Gia Long cho nữ, một trường ở Mĩ Tho, một trường nữa ở Cần Thơ.
Trường Tây dạy tới tú tài Pháp (Bacalauréat métropolitain) thì cả nước chỉ có hai: Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội và Lycée Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (sau mới thêm trường nữ Marie Curie).
Ngoài ra còn một số trường của công giáo và một số trường tư.
Trường Bưởi nổi tiếng nhất ở Bắc cũng như Pétrus Ký ở Nam. Đa số học trường Bưởi ở trong giới trung lưu, ông cha có Nho học. Những gia đình giàu có, có thế lực ít nhiều, nhất là theo Pháp thì xin cho con vào học trường Tây, tốn kém hơn vì phải mặc đồ Tây.
Giáo sư trường Bưởi thời tôi học phần nhiều là Việt, ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội ra. Giáo sư Pháp chỉ có hai ba người có bằng cử nhân hay tiến sĩ, còn thì chỉ có Brevet supérieur hoặc Brevet élémentaire. Hạng ít học này dạy rất kém, có tinh thần kì thị chủng tộc. Kỉ luật nhà trường rất nghiêm, hiệu trưởng và tổng giám thị Pháp rất hách dịch, có kẻ tàn nhẫn. Ở trường Albert Sarraut, giáo sư ít nhất phải có cử nhân, một số là tiến sĩ, thạc sĩ, dạy giỏi hơn, cho học sinh tự do hơn.
Chính vì sinh trong các gia đình có Nho học, nhà nghèo, nên học sinh trường Bưởi siêng hơn trường Albert Sarraut: một số đậu Diplôme d'études pimaires supérieures (bằng Thành chung) rồi, học tư hoặc tự học một năm là đậu được tú tài một của Pháp, và một số đậu tú tài bản xứ (chương trình gồm cả lớp Toán và lớp Triết của trung học Tây), rồi thi ngay tú tài Pháp đậu nữa mà còn đậu cao, cả Toán lẫn Triết, thành thử một năm đậu được ba bằng cấp tú tài[1].
Cũng vì là con cháu nhà Nho, nên tinh thần ái quốc xét chung cũng cao hơn học sinh trường Tây, và chỉ ở trường Việt mới có những cuộc bãi khoá như cuộc bãi khoá năm 1925 về vụ truy điệu nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Trong vụ đó nhiều học sinh trường Bưởi bị đuổi.
Nếu làm thống kê thì tôi chắc số nhà cách mạng và số học giả, thi sĩ, nghệ sĩ, khoa học gia, chính trị gia… nổi danh xuất thân từ trường Bưởi đông hơn hết thảy các trường trung học khác ở Bắc nhập lại.
Ngay trong lớp tôi, tôi đã biết hai anh bạn làm cách mạng từ hồi còn học năm thứ ba: anh Thiều, anh Nghiêm mà tôi đã nhắc tới trong bài Tựa cuốn Gương danh nhân (1959); và trong khoá tôi (1927-31) có hai người bạn viết văn khá nổi danh từ trước thế chiến: Hướng Minh (Phó Đức Vinh) và Thao Thao (Cao Bá Thao).
Năm 1945 (hay 1946) trường đổi tên là Chu Văn An. Tôi thấy không có tên nào hợp hơn. Truyền thống của trường là học để thành những nhà trí thức yêu nước, có khí tiết. Điểm đặc biệt nhất, có lẽ chưa ai để ý tới, là truyền thống đó không do chương trình học tạo nên - vì chương trình có tính cách thực dân rất nặng: sử Pháp thì 4 năm học 3, 4 cuốn, mỗi cuốn dày 2, 3 trăm trang; sử Việt thì cả bốn năm chỉ học một cuốn dày độ 200 trang mà do một người Pháp chỉ có bằng Brevet élémentaire dạy, lão chẳng biết gì cả, cứ chỉ bài trong sách cho chúng tôi học rồi tuần sau trả bài - cũng không do giáo sư truyền cho học sinh, vì các giáo sư chỉ theo đúng chương trình, không ai muốn hoặc dám giảng thêm. Tôi biết nhiều vị cũng yêu nước, chẳng hạn như giáo sư Dương Quảng Hàm, em ruột nhà cách mạng Dương Bá Trạc trong Đông Kinh nghĩa thục, nhưng kỉ luật của trường là trong lớp không nói tới chính trị và tất nhiên các vị ấy không thể làm khác. Truyền thống của một trường mà lại do chính học sinh tạo nên, điều đó thật lạ lùng, rất ít thấy ở phương Tây: đó là một niềm hãnh diện cho học sinh trường Bưởi, có lẽ của vài trường trung học khác trong nước nữa mà tôi không được biết.
BỐN NĂM TRƯỜNG BƯỞI
Trường Bưởi ở cuối đường Quan Thánh, trên bờ Hồ Tây, ngó qua vườn Bách Thảo, chỉ cách trường Yên Phụ hai làn nước, không tới 500 thước, nếu không có hai rặng cây đường Cổ Ngư che khuất thì ở trường này nhìn thấy trường kia được. Sau này, lên Đại học thì chỗ học và nội trú của tôi ở Sở Tổng Thanh tra Công chánh, đầu phố hàng Vôi (?) và trong khu Đại học Bobillot; hai nơi này đều ở bờ sông Nhị. Thành thử suốt đời học sinh của tôi dài mười mấy năm, chỉ di chuyển dọc theo bờ đê sông Nhị, trong một khoảng dài non 4 cây số (từ trường Bưởi tới học xá Bobillot) mà nhà tôi ở giữa đường, chỗ Cột đồng hồ Bờ sông. Quê tôi ở Phương Khê cũng ở bờ sông Nhị. Tôi thật có duyên với con sông lịch sử đó.
Từ nhà tới trường Bưởi đường dài khoảng hai cây số rưỡi, tôi đi bộ mất khoảng 45 phút, mỗi ngày bốn lượt, mười cây số, mất khoảng 3 giờ, vừa mệt sức vừa mất thì giờ. Hồi đó xe đạp còn là một xa xí phẩm, cả lớp tôi không chắc có được một chiếc. Riêng tôi thì ngay đồng hồ và áo mưa cũng không có. Những tháng cuối niên học, trời nắng gắt, tôi phải đi xe điện, đón xe ở góc phố hàng Buồm và hàng Ngang, mỗi chuyến hai xu. Đi xe điện thì đỡ mệt, tiết kiệm thì giờ độ một phần ba vì phải đợi xe và vẫn phải đi bộ một quãng. Tôi đậu khá cao, nhà lại nghèo, nếu biết mà làm đơn thì có thể được học bổng vào nội trú, có đủ tiện nghi, phương tiện tốt để học hơn.
Hai năm đầu, tôi không thích lối dạy của vài giáo sư mà sức khoẻ cũng kém, lại bị sưng đầu gối, mắt cá chân, phải nghỉ học non một tháng. Lần này nhờ uống một thứ thuốc ngâm rượu gồm 4, 5 vị rất nóng: quế chi, đại hồi, tiểu hồi, xương truật… và xông chân bằng khói cành dâu đốt cháy, tưới nước tiểu mà bệnh hết luôn, không tái phát nữa. Gần đây tôi mới biết bệnh đó là bệnh phong thấp, sưng khớp xương cấp (rhumatisme articulaire aigu), có thể biến chứng, hại cho tim; thời đó những gia đình nghèo như nhà tôi, đau nặng thì nhờ số phận, nhờ trời hết, chứ tiền đâu mà đi bác sĩ: mỗi lần coi mạch phải trả 5 đồng, bằng hai chỉ vàng. Mới mạnh được ít tháng thì bị mụn ghẻ… Mụn ghẻ nổi khắp người, mưng mủ lên, nửa năm mới hết, nên học chỉ vào hạng khá - khoảng thứ mười trong lớp thôi, nhưng cũng được phần thưởng vì xuất sắc về môn: Toán, Sử.
Lên năm thứ ba và thứ tư tôi lại vượt lên, đứng đầu lớp, được phần thưởng về hầu hết các môn, và cuối năm thứ tư lại được ra Nhà hát Tây lãnh thưởng. Tôi học rất đều, môn nào cũng từ hạng tư hạng ba trở lên, nhưng không có môn nào vượt xa bạn thứ nhì trong lớp về riêng môn đó. Tôi chỉ là một học sinh siêng một cách vừa phải - không bao giờ tôi thức khuya để học - mà hơn hạng trung bình, nhất là rất có qui củ, phương pháp. Trong lớp tôi thấy có anh học mau nhớ hơn tôi, nhưng thật xuất sắc thì trong niên khóa của tôi,cơ hồ không có ai cả. Sau này tôi nghe nói, rước chúng tôi mấy năm có một anh bạn kí tính lạ lùng, sách gì cũng chỉ đọc qua một lượt là nhớ. Hiện nay anh ta còn sống, trên bảy chục rồi mà trong đời chưa thấy lập nên sự nghiệp gì.
KÍ TÍNH KHÔNG PHẢI LÀ QUAN TRỌNG NHẤT
Có một kí tinh siêu đẳng là một điều rất lợi, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Thế hệ nào cũng có một vài người chỉ đọc sách qua một vài lần là nhớ, nhưng suốt thời Hán học dài ngàn năm, dân tộc ta chỉ có một Lê Quí Đôn và một Phan Huy Chú, còn biết bao người khác bỏ uổng tài của mình, có kẻ sinh kiêu căng hoặc tự tín quá, không chịu kiểm soát lại xem mình có nhớ đúng không, do đó mà lầm lẫn.
Từ thời thượng cổ loài người đã tìm mọi cách để giúp trí nhớ. Mới đầu người ta dùng cách buộc nút (kết thằng) hoặc gạch những vạch lên một cái gậy như các bộ lạc bán khai hiện nay ở châu Phi, châu Á. Khi có chữ viết thì người ta dùng chữ để ghi; và một số kinh của Trung Hoa như Mặc kinh, Dịch kinh (Thoán từ, Hào từ) chỉ là những cuốn “giúp trí nhớ” (aid-mémoire), lời rất gọn, phải có “truyện” để giải thích mới hiểu được. Người ta phải học thuộc lòng và Đông, Tây đâu đâu cũng tìm ta được những thuật để dễ nhớ, chẳng hạn đặt thành vè như Tam tự kinh[2]thiên trời, địa đất, tử mất tồn còn… Người Trung Hoa phải thuộc lòng ngũ kinh, tứ thư, người Ả Rập cũng phải thuộc lòng kinh Coran. Thời đó trí nhớ quan trọng vào bực nhất.
Từ sau thế chiến thứ nhất, người phương Tây in mỗi ngày một nhiều Bách khoa tự điển cho mọi tuổi (trẻ nhỏ và người lớn) cho mọi môn, mọi giới người. Kiến thức mỗi ngày một tăng, không bộ óc nào nhớ cho hết được, và những bộ tự điển giúp chúng ta tìm kiếm những điều muốn biết; do đó trí nhớ bớt quan trọng, mà cách sắp xếp, tổ chức, tưởng tượng, tìm tòi thành ra cần thiết hơn.
Hiện những máy điện tử, những “bộ óc điện tử” công hiệu gấp triệu, gấp tỉ lần bộ óc con người. Chỉ trong vài giây nó làm được những phép toán rất khó mà các nhà toán học giỏi nhất phải vài năm mới làm xong. Nó ghi được tất cả những kiến thức của loài người, và ta muốn hỏi nó điều gì thì chỉ cần bấm nút là nó trả lời liền. Như vậy thì cần gì phải nhớ nữa? Hồi nhỏ tôi phải học như cuốc kêu mùa hè không biết bao nhiêu lâu mới thuộc bảng cửu chương, và ở trung học phải thuộc những con số như
Description: http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/image2/HOIKI.JPG
để làm toán. Ngày nay nghe nói ở Pháp học sinh tiểu học khỏi phải học cửu chương, và tôi mới được một anh bạn cho coi một máy điện tử nhỏ bằng bàn tay, nặng độ 200 gram, do Nhật chế tạo, vừa là đồng hồ báo thức, vừa là máy tính làm được bốn phép tính căn bản và phép lấy căn số hai (extraction de la racine carrée) với sáu số lẻ. Mà giá chỉ vào khoảng 30 Mĩ kim. Chỉ vài chục năm nữa, những máy điện tử như vậy sẽ phổ biến khắp thế giới, lợi biết bao cho học sinh. Nhưng tôi nghĩ không thế nào bỏ hẳn sự luyện kí tính được. Không nên bắt trẻ nhớ những cái vô ích, nhưng vẫn có những điều căn bản mà người nào cũng phải nhớ, nếu không thì không gọi là có học thức được. Công việc đầu tiên là định sao cho đúng những điều nào là căn bản.
CÁC THẦY DƯƠNG QUẢNG HÀM, FOULON, THẨM QUỲNH, NGUYỄN GIA TƯỜNG…
Trong số giáo sư trường Bưởi tôi được học, tôi quí hai thầy nhất: Thầy Dương Quảng Hàm và thầy Poulon.
Tôi đã viết một bài về thầy Dương đăng trong số Bách Khoa 236 (1-11-1966). Thầy có đủ tư cách một nhà mô phạm và một học giả. Thầy dạy Việt văn ở ban Tú tài; Việt văn và Pháp văn ở ban Cao đẳng tiểu học, năm thứ ba và thứ tư. Thầy nhỏ người, vui vẻ, nụ cười hồn nhiên, sống rất giản dị, làm việc rất có qui củ và cẩn thận. Đối với chúng tôi, thầy rất công bằng, nghiêm một cách vừa phải, có phần hơi dễ dãi nữa; một lần thầy tỏ ra đa cảm và đại độ khi cả lớp chúng tôi làm reo không học bài thuộc lòng (récitation) tả Hồ Tây (ở Hà Nội) của Jules Boissière, một nhà văn thực dân mà chúng tôi rất ghét. Thầy chỉ tỏ vẻ buồn thôi chứ không hề phạt chúng tôi. Chuyện đó tôi thuật lại rõ trong số báo kể trên.
Thầy soạn vài ba cuốn sách giáo khoa cho ban Trung học: một cuốn về sử Việt, bằng tiếng Pháp: Abrégé d’Histoire d’Annam; hai cuốn về văn học Việt Nam và Văn học sử Việt Nambằng tiếng Việt, cả hai đều có giá trị.
Thỉnh thoảng thầy cũng viết bài in trên báo Nam Phong và một nội san của một cơ quan Văn hóa Pháp nghiên cứu về Viễn Đông hay về Đông Dương. Suốt đời, hễ thầy thôi giảng thì cầm cây bút. Tất cả học sinh trường Bưởi không ai không trọng thầy vì vậy. Mà các bạn đồng sự Pháp, Việt của thầy cũng quí thầy nữa. Thật đáng tiếc, thầy không thọ, mất trong những ngày đầu cuộc kháng Pháp ở Hà Nội.
Thầy Foulon trái lại, cao lớn, có lẽ cao hơn một thước tám, lúc nào cũng hấp tấp, rạp mình xuống lái chiếc xe “cuốc” (course), có vẻ khác đời, chứ không hẳn là một triết nhân.
Thầy dạy luân lí (Morale) ở năm thứ tư cho chúng tôi và dạy triết (hay Pháp văn) cho ban Tú tài. Thầy bắt học sinh gắng sức nhiều, giảng cao hơn chương trình, gắt với học sinh kém, nhưng thân với học sinh giỏi. Tôi rất chán cái lối học luân lí trong sách rồi trả lời một vài một vài câu hỏi. Thầy Foulon không dùng sách, gần suốt giờ giảng về một đề tài nào đó, chúng tôi ngồi nghe, ghi chép rồi về nhà viết lại thành bài, thường dài một trang rưỡi khổ giấy lớn (21x33); giờ sau thầy gọi một vài trò lên đưa tập cho thầy coi, nếu sai thì sửa lại. Bài nào tôi viết lại cũng kĩ, được thầy khen. Như vậy mỗi tuần gần như chúng tôi phải làm thêm một bài luận mà mau tiến về Pháp văn được. Tôi thích lối học đó, nó rất có kết quả. Thầy lại có tình lưu luyến với học trò, không kì thị Việt. Khi sắp về Pháp nghỉ sáu tháng, thầy tới trường từ biệt chúng tôi, thấy tôi chưa đến, nhắn các bạn tôi rằng thầy gởi lời thăm và ân hận không đợi tôi được vì bận nhiều việc.
Cuối niên học (năm thứ 4), thầy Dương ghi vào học bạ của tôi: “Le meilleur élève de sa classe à tous les points de vue”; thầy Poulon ghi: “Excellent élève”.
Còn hai thầy nữa sau cũng viết sách như thầy Dương: thầy Thẩm Quỳnh, cử nhân Hán học, dịch Kinh Thư, bộ Quốc gia giáo dục xuất bản năm 1965, bản dịch của thầy kĩ hơn bản của Nhượng Tống; và thầy Nguyễn Gia Tường, anh họa sĩ Nguyễn Gia Trí, dạy chúng tôi suốt bốn năm về môn Khoa học tự nhiên (Sciences naturelles - nay gọi là Vạn vật học); sau khi về hưu ở Sài gòn có viết một cuốn mỏng về giáo dục và nhiều bài cũng về giáo dục, đăng trên tạp chí Bách Khoa. Thầy rất buồn về sự bê bối trong các trường tư ở Nam trong những năm 1960. Thật là một người có nhiệt tâm với tiền đồ quốc gia. Thầy còn sống, năm nay trên 80 tuổi. Thầy Thẩm đã mất khoảng 8, 9 năm trước rồi.
NGOẠI Ô HÀ NỘI
Trường Bưởi cũng ở trên bờ một cái hồ - hồ Tây - như trường Yên Phụ, nhưng rộng lớn hơn nhiều, kiến trúc mới hơn, có nhiều dãy lớp học mà hai dãy có lầu làm phòng ngủ cho học sinh nội trú. Tôi không thích nó bằng trường Yên phụ vì thiếu vẻ cổ kính, nhưng nó được một điểm là ở giữa một khu có nhiều cổ tích.
Phía bên trái là con đường xe điện lên làng Yên Thái, tức làng Bưởi; rồi tới vườn Bách Thảo, nhỏ hơn Sở Thú ở Sài Gòn, nhưng trong vườn có núi Nùng mà hễ nhắc tới Thăng Long thì ai cũng nghĩ ngay tới núi Nùng, sông Nhị. Gọi là núi chứ thực sự chỉ là một cái gò cao bốn năm thước có thể là nhân tạo. Trước hoặc sau giờ học, những hôm nào ít bài, có một giờ nghỉ giữa hay cuối buổi, chúng tôi thường rủ nhau lang thang trong vườn nhìn những chùm nhãn, những trái sấu trên cây hoặc hưởng hương sen trong hồ, hương hoàng lan trên mấy chuồng khỉ. Sau vườn Bách Thảo là làng Ngọc Hà, làng chuyên cung cấp hoa cho thành phố: đào, mai, cúc, thược dược, lan, hồng, huệ, sói, nhài… Thiếu nữ làng này nửa quê nửa tỉnh, tình tứ, thuỳ mị mà lanh lợi, được Khái Hưng đưa vào tiểu thuyết Gánh hàng hoa. Tiến vô chút nữa tới chùa Một Cột, một kiến trúc nhỏ nhưng độc đáo, như một bông sen nổi giữa hồ.
Góc đường Quan Thánh và đường Cổ Ngư (nay đổi tên là đường Thanh niên) có đền Quan Thánh, tức đền Trấn Võ, cất từ ngàn năm trước, nổi tiếng vì một tượng thánh bằng đồng đen cao bốn thước, nặng bốn tấn, đúc vào đời Trần (?).
Xưa nay trong sân đền mỗi năm có một cuộc thi thơ. Khoảng giữa đường Cổ Ngư, trên hồ Tây, ở gần bờ có chùa Trần Quốc, nơi mà vua Lê, chúa Trịnh thường lại hứng gió ngắm cảnh. Hồ Tây, từ đền Quan Thánh tới chùa Trần Quốc xưa trồng sen, mùa hè hương thơm ngào ngạt; còn hồ Trúc Bạch thì nước trong, cạn, tắm rất mát, nghe nói ngày nay nước đục vì các cống ở chung quanh trút hết nước bẩn vào. Tôi nhớ những buổi chiều cùng với bạn ngồi trên đường Cổ Ngư này nhìn mặt hồ nhấp nhô, loang loáng ánh nắng, đàn chim bay về phía núi Tản xanh thẳm ở chân trời, nơi quê hương tôi mà nhớ câu: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” của Nguyễn Công Trứ, trong lòng nổi lên một ước mơ ngông ngông.
Cuối đường làng Yên Phụ ở chân đê sông Nhị; chỗ này cũng trồng nhiều hoa như Ngọc Hà nhưng có phần thú hơn vì nằm ngay trên bờ hồ. Trong tiếng sóng vỗ vào bờ, tôi tưởng như văng vẳng có tiếng ngâm thơ của Hồ Xuân Hương. Chung quanh hồ, phía bên Nghi Tàm cũng như phía bên Thụy Khuê, có biết bao cổ miếu, cổ tự, đình đài, nhiều ngôi xây cất từ đời Lý, cách nay tám chín thế kỉ, hễ bước vào là lòng tôi rung động nhè nhẹ một cách tuyệt thú.
Những ngày lễ, nhất là đầu và cuối nghỉ hè, tôi thường đi chơi xa hơn, như vô Thái Hà ấp, lên Đống Đa thăm đền Trung Liệt. Đây là nơi vua Quang Trung đã chôn mấy vạn quân Thanh năm 1789, năm mà ở Pháp có cuộc đại cách mạng. Thời cha tôi còn sống, có lần người dắt tôi leo những bực gạch lên đền này và bảo tôi đọc ba chữ Trung Liệt Miếu ở cửa đền. Đền thờ trung thần liệt sĩ của mình, nhưng hằng vạn vong hồn Trung Hoa mà xương chồng chất lên thành gò đó chắc cũng được hưởng chung hương khói.
Từ ấp Thái Hà vô Ngã Tư Sở, quẹo qua tay trái theo con đường trải đá gồ ghề bên bờ sông Tô Lịch, qua các làng Thượng Đình, Hạ Đình. Sông Tô thời đó cạn, chỉ còn là một cái mương nhỏ, rau muống phủ đầy, nghe nói nay đã vét, đào rộng thêm. Hạ Đình là quê mẹ tôi. Tôi nhớ những ngày thanh minh đi tảo mộ cùng với họ hàng phố hàng Đường. Tiết thanh minh ngoài đó đã hết lạnh nhưng cũng chưa nóng. Bảy giờ sáng chúng tôi lên xe điện ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Xe đông người đi tảo mộ, gia đình nào cũng có một bà già và vài thiếu nữ mang những cái quả sơn son đựng nhang, rượu, hoa quả, xôi thịt. Họ cùng đi chuyến xe Hà Đông, mỗi gia đình xuống một nơi: Ô Chợ Dừa, Thái Hà ấp, Ngã Tư Sở hoặc xa hơn nữa.
Chúng tôi vào làng Hạ Đình, đi thăm năm sáu ngôi mộ trên một cánh đồng trồng hoa màu ở đầu làng, từ ngôi này đến ngôi kia có khi phải đi vài ba trăm thước trên bờ ruộng. Đầu tháng ba, không khí trong sáng, hoa ít hơn nhưng lá xanh hơn, chim ríu rít trên những cành gạo đỏ rực. Lác đác trên cánh đồng có những đám năm ba người, tà áo đủ màu phất phơ trên đám cà hay cải xanh; hương khói tỏa nhẹ trong làn gió. Gặp nhau, người ta nhìn nhau mỉm cười hoặc hỏi nhau vài câu lịch sự.
Thăm xong các ngôi mộ rồi, chúng tôi tìm một gốc gạo, một gốc đa ở giữa đồng hoặc trong một sân đình, ngả đồ cúng ra ăn rồi mới vào nhà bà con nghỉ. Vui mà có ý nghĩa hơn những picnic ngày nay nhiều. Khoảng bốn giờ chiều, bớt nắng, chúng tôi lên xe điện về nhà. Ngồi trên xe tôi thấy buồn buồn vì hết một ngày vui, và không lần nào tôi không nhớ đoạn tả cảnh đi chơi thanh minh của chị em Thúy Kiều. Trong văn thơ của mình, không có bài nào tả lễ tảo mộ hay như đoạn đó, mà cũng không có bài nào tế thập loại chúng sinh bi thảm như bài của Nguyễn Du. Lựa tiết Thanh minh để làm lễ tảo mộ, người phương Đông chúng ta yêu đời hơn người phương Tây: họ lựa mùa thu - ngày 2-11 - để làm Fête des morts, đi tảo mộ, và cảnh nghĩa trang của họ ngày đó dưới nền trời u ám, trong tiếng gió xào xạc, với những ngọn nến chập chờn bên những thánh giá trắng gợi cho tôi cảnh những cuộc hội họp của tín đồ Thiên Chúa giáo trong những hầm mộ (catacombes) thời họ bị người La Mã đàn áp.
Ở làng Hạ Đình, tôi nhiều lần rẽ vào thăm nhà thờ cụ Lê Đình Duyên, thầy học của ông nội tôi mà cũng là ông nội chồng một bà cô tôi, con gái cụ Đổ Uẩn mà chương II tôi đã nhắc tới. Cụ làm Đốc học Hà Nội trào Tự Đức, thời Hà Nội bị Pháp chiếm, có khí tiết, được sĩ phu Hà Nội rất trọng. Nhà thờ của cụ bằng gạch nhưng rất nhỏ, chiều sâu chưa đầy ba thước, chiều ngang chỉ độ bốn thước, giữa có một cái bệ gạch, hai bên cắm hai tấm bảng “Vinh qui” vua ban khi cụ đậu Hoàng Giáp. Đồ thờ không có gì quí. Phía trước là một nhà mái lá, phía sau là một căn bếp mái lá, bên trái là một cái ao nhỏ. Đất vườn rộng độ một sào. Các nhà Nho chân chính thời xưa đa số nghèo như vậy.
Từ Hạ Đình, cũng theo bờ sông Tô Lịch, tôi tiến vô làng Lủ nổi tiếng về cốm Lủ - không ngon bằng cốm Vòng - và những vườn ổi; rồi tới làng Quang có loại vải quí, hột rất nhỏ, xưa để tiến vua, và có đền thờ Chu Văn An; đi vô nữa, trên bờ sông Nhuệ, một bên là Tả Thanh Oai (tục gọi là làng Tó) quê của Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm, một bên là Hữu Thanh Oai. Tất cả khu này trên bờ sông Tô Lịch và sông Nhuệ, lan qua các làng Nhân Mục[3] (Mọc Chính Kinh, Mọc Quan Nhân...) bên kia đường xe điện đi Hà Đông, từ Ngã Tư Sở quẹo qua tay phải, xưa là đất văn vật, sinh được nhiều danh nho, đâu đâu cũng có dấu tích của cổ nhân, gợi cho tôi một niềm cảm hoài vô hạn.
Nhưng hai cảnh tôi thích nhất là cảnh chùa Láng, u nhã mà cổ kính, “đệ nhất tùng lâm của cố đô”, nay còn hai hàng thông từ cổng đưa vào tới một sân lát gạch bát tràng, giữa có một nhà bát giác và cảnh đền Voi Phục với hàng chòi mòi ở bên bờ lạch, hồ nước ở giữa sân và vườn nhãn ở sau đền. Chùa Láng thờ Từ Đạo Hạnh tương truyền là tiền thân của Lí Thần Tôn và xây cất từ năm 1164, hiện nay ở bên đường đê Parreau[4], vết tích của Đại La Thành (?). Đền Voi Phục thờ một vị hoàng tử đời Lí có công dẹp giặc, nằm bên đường xe điện từ hồ Hoàn Kiếm đi Ô Cầu Giấy, cách Ô non một cây số.
Vì hai cảnh đó gần nhau, nên lần nào tôi cũng bỏ trọn một buổi, từ hai giờ chiều đến tối để thăm cả hai nơi một lượt. Tôi thường đi một mình để hưởng cái thú cô liêu, hoài cổ. Nếu có bạn thì tôi thích bạn nào ít nói, mỗi người theo dõi tâm tư riêng của mình chỉ lâu lâu trao đổi vắn tắt cảm tưởng với nhau thôi như Valéry trong bài Le bois amical:
-----Nous avons pensé des choses pures
-----Côte à côte, le long des chemins,
-----Nous nous sommes tenus par les mains
-----Sans dire... parmi les fleurs obscures.
Nghĩa:
-----Chúng tôi đã nghĩ đến những điều thanh cao, tinh khiết,
-----Đi cạnh nhau… dài theo các quãng đường
-----Chúng tôi đã cầm tay nhau
-----Không nói năng gì… giữa những khóm hoa u tối.
Thường tôi đi xe điện lên đền Voi Phục trước, ngồi dưới gốc chòi mòi nghe chim ríu rít trên cành, rồi vào sân đền, ngồi trên một bệ cao, nhìn hồ nước, hưởng hương sói, hương lan, hương hồng, sau cùng ra vườn nhãn ở sau đền, mua một bó, ăn ngay dưới gốc cây.
Từ vườn tôi kiếm đường nhỏ ra đê Parreau, quẹo tay phải để lại chùa Láng. Con đê này cao hơn mặt ruộng khoảng hai thước, trải nhựa, rợp bóng cây, ít xe, vừa tản bộ vừa nhìn phong cảnh, rất thú. Lâu lâu gặp một quán nước bên đường bán trà tươi và chuối, bánh gai, bánh nhợm. Đến chùa Láng thì ánh tà dương đã xiên qua những lá thông, chiếu xuống con đường lát gạch, chỗ thưa chỗ đậm. Thơ thẩn ở dây một lát, tôi trở ra đường Parreau đi ngang qua làng Hạ Yên Quyết (tục gọi là Cót) một làng văn học có tiếng, để tới làng Bưởi.
Mùa thu, chiều thường có một làn sương mỏng, nhẹ như màn lụa phơn phớt xanh lam phủ lên đồng ruộng, lũy tre, cổng xóm ở hai bên đê, cảnh vật mờ mờ, buồn dìu dịu, thật nên thơ.
Ngoại ô Hà Nội có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều di tích lịch sử, nên lần nào đi chơi như vậy tôi cũng nhớ đoạn Chateaubriand tả cảnh ngoại ô La Mã trong tập Mémoires d'Outre tombe và tiếc trong văn thơ của mình chưa có bài nào tương tự. Ngoại ô Huế cũng nên thơ, nhiều di tích, mà có phần lộng lẫy hơn, nhiều dinh thự hơn (khu Kim Luông), nhưng tôi chưa được biết, ngoại ô Sài Gòn thì kém xa, chỉ có cảnh vườn Lái Thiêu là nhã thú.
Tôi thích bài Bán bán ca của Lí Mật Am, từ hồi trẻ tôi vẫn mong:
-----Sống ở nơi nửa thành thị, nửa thôn quê,
-----Có vườn tược ở nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông,
-----Nửa đọc sách, nửa làm ruộng, nửa buôn bán,
-----Nửa là kẻ sĩ, nửa bà con với bình dân...
(Lâm Ngữ Đường dẫn trong The Importance of Living - Bản dịch của tôi: Sống đẹp - Tao Đàn 1965).
Không được vậy thì cũng nguyện có một khu vườn ở ngoại ô ở Hà Nội hay Huế, vậy mà gần suốt đời (trừ mấy năm di tản) tôi phải sống ở giữa Sài Gòn bụi bặmnáo nhiệt.

[1] Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói, trong một năm đậu một bằng Tú tài bản xứ và hai bằng Tú tài Pháp: một ban Toán (Mathématiques élémentaires) và một ban Triết (Philosophie). Trần Bích San, trong bài Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, cho biết:
“Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm: Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.
Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) 3 năm: còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, bậc Trung Học gồm 3 năm [ngày nay là các lớp 10, 11, 12]. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán. (…) Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d'Études Secondaire Franco-Indigènes). Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.
Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938”. (http://profiles.yahoo.com/blog/
XBGZHQBJUW2X4NUF3FWEGNH3XE?eid=
9XO7OqY7kX5otk0tIuqoBqVyQ_FtjPU_SKj7vrgpCSNnO2379w).
(Goldfish)
[2] Đúng ra là Tam thiên tự. (Goldfish).
[3] Tục gọi là làng Mọc. (Goldfish)
[4] Nay là đường Hoàng Hoa Thám
Chương 6
           VỀ PHƯƠNG KHÊ HỌC CHỮ HÁN   

MỘT QUYẾT ĐỊNH CỦA MẸ TÔI
Ngay đầu năm tôi học trường Bưởi, mẹ tôi đã có một quyết định, khiến đời tôi sau theo một hướng mà chính người và các bác tôi không ai có thể ngờ được. Ngày nay càng nghĩ lại tôi càng thấy công lớn của người và càng không hiểu đã có cái gì xui khiến người nảy ra quyết định đó.
Thời đó (1927-1931) cổ học ở nước nhà (mà ở Trung Quốc cũng vậy) cực suy. Các nhà Nho trong nhóm Nam Phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... tự lãnh cái việc “bàn giao” cổ học cho phái tân học (dịch và giới thiệu văn học, triết học Trung Quốc và Việt Nam) đã cố gắng nhiều nhưng các cụ tuổi cao, sức giảm, mà tờNam Phong không thọ thêm được bao năm nữa. Trần Trọng Kim cũng nhận rằng “nhà cổ học… đã đổ bẹp xuống”, mà “người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ đến nó nữa”, nên ông rán “vẽ lại bản đồ Nho giáo... để giữ lấy cái di tích” (bài Tựa bộ Nho giáo xuất bản lần đầu vào năm 1929 hay 1930). Ông là người nửa tân nửa cựu (hồi nhỏ được học chữ Hán khá lâu), tiếp tục công việc bàn giao của các nhà cổ học trong phái Nam Phong, mà công trình của ông có giá trị lớn, các nhà cựu học không ai hơn được. Tôi nhớ, một buổi chiều đầu mùa hè, trong một giờ toán, thầy Quỳ, cầm cuốn Nho giáo(thượng?) đưa lên cao, giới thiệu với chúng tôi và bảo đại ý rằng: “Học một ngàn quyển không bằng viết được một quyển như quyển này. Nhớ nhiều bao nhiêu cũng không bằng sáng tác được một chút thôi”[1].
Tình hình cổ học như vậy mà hè năm 1928 (tức hè cuối năm thứ nhất của tôi ở trường Bưởi), mẹ tôi xin bác Hai cho tôi về Phương Khê ở trong dịp hè để học chữ
Nho “mà sau này đọc được gia phả bên nội bên ngoại, chứ không lẽ con cháu nhà Nho mà không biết gốc gác ông bà”. Muốn cho con cháu biết gốc gác ông bà thì bác tôi chỉ cần dịch hoặc viết lại gia phả ra chữ Quốc ngữ, cần gì phải học chữ Hán. Thâm ý của mẹ tôi là muốn cho tôi biết đạo Nho, giữ được truyền thống nhà Nho chăng?
Vậy là từ đó, trong hai mùa hè liên tiếp, tôi về Phương Khê hai tháng, trước kia chỉ về chơi một tuần hay nửa tháng.
CON ĐƯỜNG HÀ NỘI – SƠN TÂY
Lúc này ở Bắc đã có xe hơi đưa khách trên hai đường Hà Nội – Hà Đông, và Hà Nội – Sơn Tây. Sau mới có thêm những đường Hà Nội đi Bắc Ninh, đi Nam Định, đi Vĩnh Yên, Phúc Yên…
Xe đi Hà Nội – Sơn Tây – phủ Quảng Oai – Trung Hà của hãng Mỹ Lâm. Tiền xe mới đầu tôi nhớ đâu như năm hào đi Sơn Tây (40 cây số) sau hạ xuống còn ba hào. Đi xe hơi vừa rẻ vừa tiện hơn đi xe kéo nhiều, sáng đi thì chiều tới quê tôi rồi, không phải tìm nhà quen nghỉ đêm tại Sơn Tây như trước; nhưng tôi vẫn nhớ nỗi mệt nhọc mà vui thời đi xe kéo, nhớ những buổi sáng gió hiu hiu, ngồi xe nhìn những hàng nhãn đã có trái bên lề đường, những cảnh họp chợ ở xa xa trong xóm dưới gốc đa cách đường lộ năm sáu trăm thước, những con đường đất đỏ ở giữa cánh đồng lúa xanh đưa vào cổng làng bằng gạch quét vôi trắng nổi bật giữa một lùm tre, những con ngựa đá đứng trơ trơ trước một cái lăng của một vị đại thần nào đó – nghe nói những con ngựa đó đã qua sông, nghĩa là con sông (sông nào tôi không biết) xưa chảy trước mặt nó, sau đổi dòng, chảy qua sau lưng – tôi nhớ những quán lá bên đường dưới gốc một cây muỗm hay gạo ở Nhổn, ở Phùng, và khi thấy những đồi thông xa xa, những hàng mít thân đầy trái ở bên đường thì tôi mừng rơm: đã sắp đến Sơn Tây, sắp hết cái cực hình ngồi chen chúc suốt bảy tám giờ trong một chiếc xe bánh sắt lắc lư dưới nắng.
Một lần đã xế chiều, trời âm u muốn mưa, anh em tôi tới một trạm nào đó, phải đổi xe - vì đường xa phải đi từng chặng - mà chỉ kiếm được mỗi một chiếc do một người đàn bà nhà quê kéo thay cho chồng đang đau. Thấy vậy, lòng tôi bất nhẫn, nhưng không có cách nào khác, và ngồi xe tôi thương hại cho chị ta quá, chỉ mong mau tới trạm sau để đổi xe. Cảnh đó có lẽ chưa thương tâm bằng cảnh đàn bà phải làm trâu kéo cày mà tôi được nghe nói chứ chưa thấy.
LỚP HỌC CỦA BÁC TÔI
Bác tôi năm đó còn làm thầy đồ, sáng nào cũng dạy khoảng hai chục học trò từ lớn tới nhỏ. Người lớn nhất hăm lăm hăm sáu tuổi, đã có vợ, đi học thì chít khăn, mặc áo the dài nhưng chân đất, tới nghe bác tôi giảng nghĩa sách thuốc cho. Bác tôi không làm ông lang, không tiếp bệnh nhân, cho nên không dạy thực hành: “vọng, văn, vấn, thiết”, mà cũng không dạy cách ra toa, gia giảm ra sao tùy trường hợp. Người đó đem một pho sách thuốc lại đọc, chỗ nào không vỡ nghĩa thì hỏi bác tôi, thế thôi. Học như vậy thì khó đoán bệnh, trị bệnh được. Nhiều nhà Nho học thuốc cách đó, rồi khi hành nghề thì nghề lại dạy nghề.
Có dăm sáu học trò non hai chục tuổi, phần nhiều ở làng khác đi ba bốn cây số lại học; họ học kinh Thi, kinh Lễ, hoặc Bắc sử... Những trò nhỏ tuổi hơn học Mạnh tửLuận ngữ... nhỏ nhất học Tam tự kinh.
Họ tới rất sớm, chia nhau người quét sân, lau bộ phản ở giữa mái hiên, người đun nước, mài nghiên son. Khi bác tôi bắt đầu dạy thì bọn lớn đưa bài họ đã chép ở nhà cho bác tôi chấm câu, trong khi họ đứng bên trả bài hôm trước, xong rồi, bác tôi mới giảng bài mới cho, có khi cho họ tập làm câu đối ngăn ngắn. Không ai đủ sức để học làm thơ, làm phú. Họ chỉ cốt học được, viết được một văn tự bán nhà bán ruộng và kí tên để sau làm tổng lí.
Những học trò nhỏ thì bác tôi phải viết chữ son cho chúng tô; còn dạy chữ thì giao cho học trò lớn đảm nhiệm, bác tôi chỉ kiểm soát lại thôi.
Hai chục học trò mà có tới bốn năm trình độ, có một số ít học cùng một sách như Luận ngữhay Mạnh tử, nhưng không cùng bài, người thiên trước, người thiên sau. Dạy như vậy khoảng ba bốn giờ mới xong, vừa kịp buổi cơm sáng, trong ba giờ đó không được nghỉ, trừ phi có khách tới. Cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng (Cảo Thơm - 1973), tôi đã tả không khi vừa nghiêm, vừa thân mật trong lớp học của người.
TÔI HỌC CHỮ HÁN VÀ DẠO ĐỒNG QUÊ
Dạy cho họ xong rồi, buổi chiều bác tôi mới dạy cho tôi. Hồi nhỏ tôi đã được học chữ Hán khoảng một năm rưỡi; bảy tám chín năm sau vào trường Bưởi, mỗi tuần được học chữ Hán một giờ, nên đã biết một số chữ. Năm đầu (1928), bác tôi cho tôi học bộ Ấu học Hán tự tân thư, cuốn thứ tư (cuối) rồi năm sau cho học bộ Việt sử, chắc cũng trong loại “tân thư” nữa.
Công việc của tôi là chép lại vào một tập giấy Tây, bằng bút sắt và mực Tây[2], bài học trong sách, rồi bác tôi giảng nghĩa cho. Tôi chỉ cốt học để “đọc được gia phả”, không làm văn, thơ, nên không cần học thuộc lòng, không cần biết cách đặt câu, chỉ nhớ mặt chữ, hiểu nghĩa là được rồi.
Bài đầu, bác tôi cho tôi học độ bảy chục chữ về đạo tu thân; rồi lần lần bài dài hơn, hai tháng sau, cuối vụ hè, tôi đã học những bài từ hai trăm tới ba trăm chữ.
Mỗi bài bác tôi giảng cho chừng hai chục chữ trở lại, có những chữ tôi biết rồi nhưng cũng giảng thêm. Mỗi chữ, tôi học những nghĩa thông thường của nó và những từ ngữ mà nó là thành phần. Chẳng hạn trong bài đầu có chữ  thanh là trong (nghĩa này tôi biết rồi), bác tôi giảng thêm thanh còn nghĩa là xong, như sự thanh là việc xong rồi, và chỉ cho tôi những từ ngữ: thanh bạch, thanh bình, thanh tĩnh, thanh minh, thanh khiết, hoàng các thanh phong. Vậy là do chữ thanh tôi biết thêm được năm sáu chữ khác.
Mỗi ngày bác tôi bỏ ra độ một giờ riêng cho tôi. Tôi không phải học thuộc lòng, cũng không phải phiên âm, dịch ra Việt ngữ, chỉ cần nhớ mặt chữ và nghĩa thôi, như đã nói ở trên.
Tôi còn giữ tập chữ Hán năm đó, tất cả được 61 bài. Bài cuối có câu: “Người đi học ngày nay nên mài bỏ hai chữ “khoa cử” đi, phóng mắt nhìn đại dương tìm bờ bến, đừng nhận lầm lưng cá là bờ”. Vậy bộ đó do một số nhà cựu học tiến bộ soạn sau phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1960, đọc lại tôi thấy đã quên một số chữ như thủy mẫu là con sứa, và tôi ngạc nhiên rằng: du thuyết, thuyết khách chính ra phải đọc là du thuếthuế khách.
Nhưng tôi tiếc bác tôi không có học Tây, không giảng cho tôi cách cấu tạo từ nguyên của một số chữ, và cho tôi biết khi nào thì đọc là thuyết (khi là danh từ), khi nào đọc là thuế(khi là động từ)[3]. Mà chẳng riêng bác tôi, tất cả các nhà Nho thời trước, cả thầy Thẩm Quỳnh dạy trường Bưởi, có chút tân học, đều vậy hết. Nhất là cách dùng các hư tự: chi, hồ, giả, dã... thì không cụ nào giảng cả, để cho học sinh học nhiều, thấm lần rồi tự hiểu lấy.
Những bài luân lí trong tập “Ấu học” đó không có gì hấp dẫn, nhưng thường trích những câu của Khổng, Mạnh, như bài đầu, có câu: “Khổng tử viết: Thanh tư trạc anh, trọc tư trạc túc” (Khổng tử nói: Nước trong thì người ta dùng để giặt dải mũ; nước đục thì người ta dùng để rửa chân); lại thêm thỉnh thoảng bác tôi cũng cao hứng đọc cho tôi chép một vài câu thơ như: “Nhất kị hồng trần Phi tử tiếu, vô nhân chi thị lệ chi lai”[4], tả nỗi mừng của Dương Quí Phi khi thấy trong đám bụi đỏ một người phi ngựa chở trái vải ở Quảng Đông về kinh cho nàng. Nhờ vậy tôi biết được chút ít về cổ học.
Thời đó tôi ham biết văn thơ Trung Quốc, nghe những tên như Văn tâm điêu longChiêu minh văn tuyển, Tiền Xích bích phú, Qui khứ lai từ là trong lòng vang lên một điệu trầm trầm như nhớ nhung cái gì, nhưng khi gợi ý với bác tôi thì người gạt đi: “Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được, mà cái học Nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội bên ngoại. Bác nghĩ vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi. Để sức mà tìm hiểu khoa học, cháu”.
Đó là tâm trạng chung các nhà nho thời đó; các cụ thấy cái hại của thứ văn chương “tám vế”, thấy tụi “bạch quỉ” chiếm được nước mình chỉ nhờ tàu chiến của họ mạnh, súng ống của họ tốt, nên chỉ muốn cho con cháu chuyên học kĩ thuật của phương Tây để sau này vượt họ, đập lại họ như Nhật Bản năm 1905. Các cụ “mài bỏ” hai chữ khoa cử rồi, muốn tẩy xoá luôn cả văn thơ Trung Quốc.
Học chữ Hán chơi bời như tôi thời đó thì mỗi ngày chỉ mất độ hai giờ, kể cả công chép bài. Nhớ được chữ nào thì nhớ, bác tôi không ép. Cho nên tôi rãnh lắm: đọc tiểu thuyết Pháp, ra cổng xóm ngắm núi Tản, vào chơi nhà một người trong họ, xay lúa, giã gạo giúp anh em trong nhà, và gần như chiều nào, ăn cơm xong cũng theo bác ra đồng thăm lúa, hóng gió, lâu lâu đi chơi chợ Vân Sa, chợ Mơ (chợ làng Thanh Mai) chỉ để mua mấy chục tờ giấy bản, hoặc một gói nhân đơn (thuốc tiêu), một ve dầu bạc hà. Bác tôi thích dắt tôi đi thăm các ngôi mộ kết, như mộ tổ họ Phùng ở làng tôi, mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn ở Thanh Mai, mộ tổ họ tôi ở Phú Xuyên…, chỉ cho tôi tay long, tay hổ, thế nào là tàng phong, tụ thuỷ, đâu là án, đâu là minh đường… Tôi không mấy tin, không sao nhận định được long mạch, nhưng cũng “dạ, dạ”; mà bác tôi cũng chẳng cần biết tôi hiểu hay không, miễn có người nghe là đủ rồi.
Bác tôi mến tôi nhất trong số mấy anh em trong nhà, đi đâu cũng gọi tôi theo. Một phần vì tôi lanh lợi hơn cả, một phần vì biết số tôi sau này khá hơn cả, nhưng một phần có lẽ cũng vì tôi có tính khẳng khái. Đây là chuyện cũ. Hồi tôi học lớp nhì, về ăn Tết ở quê. Năm đó em trai tôi cũng ở Phương Khê vì mẹ tôi nhờ bác tôi răn đe nó; nó ham đi chơi quá, sợ sẽ lêu lổng. Nó khoảng mười tuổi, hôm mùng ba hay mùng bốn Tết, gây lộn với một đứa cháu họ trước mặt bác tôi và vài người trong họ. Thấy em tôi bị thằng cháu ăn hiếp mà người lớn không ai can, tôi nổi dóa, xông vào đấm cho thằng đó một cú mạnh, mắng: “Cháu mà dám đánh chú hả?”, rồi quay lại bảo em tôi: “Cứ đánh nó đi, đừng sợ. Về Hà Nội mách mẹ, không thèm ở đây nữa”. Nói xong, tôi chạy băng ra cổng, ra đồng. Một người lớn đuổi theo ba bốn trăm thước, hụt hơi mới bắt tôi được. Tôi hầm hầm đi về, không nói gì cả, định bụng sáng hôm sau sẽ dắt em tôi xuống Hà Nội. Thái độ là thái độ phản kháng bác, mà bác cũng như cha. Vậy mà bác trai, bác gái tôi không nói gì cả, coi như không có việc gì xảy ra. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi nguôi rồi, không trốn về Hà Nội nữa. Tôi không nhớ sau tôi có kể lại vụ đó cho mẹ tôi nghe vụ đó không, nhưng gần tới nghỉ hè, mẹ tôi xin bác tôi cho em tôi về Hà Nội.
Cũng vào vụ Tết năm sau hay năm sau nữa, bác tôi cho tôi một đồng bạc trắng để mua sách vở. Tôi nhất định không lấy, vì “con có đủ tiền rồi”, bác tôi đặt vào tay tôi, tôi cũng đặt lại xuống giường, trước mặt nhiều người trong nhà, trong họ. Bác tôi khen: “Thằng này có hùng tâm”, hai tiếng đó tôi mới được nghe lần đầu và nhớ hoài. Tính không ham tiền của tôi đã có từ hồi đó, và suốt đời, dù gặp cảnh nghèo túng, tôi cũng không bao giờ mượn tiền của ai, cũng không nhận tiền của bạn bè tự ý giúp đỡ. Con trai tôi bây giờ giữ được đức đó mà bà ngoại tôi di truyền lại.
Hai vụ đó cả họ ai cũng biết, nên về quê tôi được nhiều người nể, nhất là khi tôi đậu tiểu học (hồi đó đậu tiểu học cũng như hồi xưa đậu khóa sinh) rồi vô trường Bưởi.
Bác tôi biết tôi nóng tính nhưng thẳng thắn, lễ phép, mau hiểu, nên hay khuyên bảo tôi. Tôi đã chép lại trong cuốn Tổ chức gia đình lời người khuyên tôi khi hai bác cháu ở trên gò có ngôi mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn (cả ngôi mộ cụ Lê Anh Tuấn nữa) bước xuống:
“Bác đã vào thăm nhà thờ họ Lê ở Thanh Mai. Nghĩ cảnh thanh bạch của cổ nhân mà đáng phục. Ông Lê Anh Tuấn làm Tham tụng (như tể tướng) mà rất nghèo, suốt đời ki cóp, cất được mỗi ngôi nhà ngói, hiện nay dùng làm nhà thờ họ Lê. Nhà đó chỉ nhỏ bằng nửa nhà mình. Cụ Cúc Hiên (tức Lê Đình Duyên), thầy học của ông nội, cũng đậu tiến sĩ, làm đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám mà cũng nghèo như vậy. Cháu đã có dịp vào thăm nhà thờ cụ ở làng Hạ Đình, có thấy chạnh lòng không? Cụ nghè làng Vẽ mà bác gọi là ông chú, còn bần hàn hơn; khi đã khoa bảng rồi mà ở một căn nhà tranh mái giột tường xiêu, mỗi bữa cơm chỉ có dăm con tép và bát rau muống. Chúng mình tài đức không bằng các cụ mà ở nhà ngói, cơm thường có thịt có cá, nhiều khi bác nghĩ cũng tự lấy làm thẹn. Đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, chúng ta đã đánh mất đi nhiều rồi.
“Số cháu sau này sẽ khá vì có Thiên phủ, Lộc tồn ở Thiên di, bác ngại cho cháu dễ mắc bẫy xa hoa mà lương tâm tán tận, nên bác khuyên cháu noi gương cổ nhân, và nhớ lời này: “Đời sống vật chất thì nên dưới mực trung, còn đời sống tinh thần thì nên trên mức ấy”.
Lời khuyên ấy tôi nhớ hoài, hồi tôi dạy học ở Long Xuyên, năm 1951-1952, đem ra khuyên lại học trò, và mới năm ngoái, một người trong số học trò đó, đã 46, 47 tuổi, lại thăm tôi, bảo không bao giờ quên được bài học ấy. Tôi rất mừng, thế là bác tôi vẫn còn sống trong tâm hồn tôi, tâm hồn học trò tôi, mặc dù người đã trở về với cát bụi hơn 45 năm rồi.
GIA ĐÌNH BÁC TÔI
Không, cái đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, người không hề đánh mất chút nào cả, suốt đời giữ được trọn. Thân hình mảnh khảnh, thấp, trán rộng và cao. Vẻ mặt nghiêm, nhưng tính tình thì khoan, lúc vui thường nói đùa nữa. Ở nhà bận một bộ áo cánh bằng vải tám, thô, dày, khuy cài bên trái theo kiểu xưa, chứ không ở giữa ngực; đi dạy học thì chít thêm cái khăn lượt, khoác thêm chiếc áo dài vải thâm; khi nào xuống Hà Nội - trong 13 năm tôi chỉ thấy ba lần: lần cha tôi mất, lần bà ngoại tôi mất, và lần thay mặt bác Ba đi điếu cụ Lương văn Can - người mới bận chiếc áo the duy nhất của người, có lẽ may từ khi cưới vợ và tới khi mất vẫn còn.
Bác gái tôi cũng như mẹ tôi, là con dòng thứ của một cụ phủ, mồ côi cha sớm, ở với anh làm chánh tổng, người mảnh khảnh, trắng trẻo, hoạt bát, môi mỏng, chỉ lo việc nhà chứ không tháo vát, cương trực như mẹ tôi; biết sợ chồng, cưng con, và đối với tôi rất tốt. Sống cũng giản dị, ở nhà thì mặc toàn áo vải thô nhuộm nâu, đi đâu xa mới bận chiếc áo the cũng duy nhất, may từ hồi cưới. Rất ít giao thiệp, ở trong làng không hề lại nhà ai chơi. Cả hai bác tôi đều là hạng người cần kiệm, trì thủ, khéo giữ tổ nghiệp, khuếch trương được một chút, chứ không gây được cơ đồ.
Có bốn người con trai, về già mới thêm một con gái út. Không một người nào thông minh, chỉ có người thứ nhì, kém tôi một tuổi, học tạm được, đậu tiểu học Pháp Việt, làm hương sư trong làng, còn ba người kia học chữ Hán cả chục năm mà không đọc nổi một bức thư, chữ Quốc ngữ thì viết sai nhiều.
Bác tôi hình như có đi thi Hương một lần, rớt rồi bỏ luôn. Văn thơ chắc không hay, thực thà chứ không tài hoa. Cũng như hầu hết các nhà Nho, người nhờ sách, nhưng đọc ít vì không có sách để đọc. Trong bài Kỉ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn, cuốn Mười câu chuyện văn chương (1975) tôi đã nói bác tôi chỉ có hai cái “cặp” sách gồm sáu bảy chục cuốn: Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, tự điển Khang Hi, Đường thi, Tình sử, Văn tâm điêu long, Liêu trai..., ít cuốn truyện nôm: Kiều, Hoa Tiên.... ít sách thuốc, tử vi, địa lí, bói… Vậy mà đã vào hạng có nhiều sách nhất trong tổng. Suốt đời, người chỉ đọc đi đọc lại mấy chục cuốn đó. Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu người cũng có đọc, nhưng trong nhà không có.
Nhờ biết chữ Quốc ngữ, làm được bốn phép toán, cho nên sau khi ông nội tôi qui tiên, người làm tổng sư, dạy chữ Nho và Quốc ngữ cho trẻ trong tổng (cả tổng chỉ có một trường). Khi trường đó dẹp rồi, người về nhà làm thầy đồ mười mấy năm, mãi đến gần năm chục tuổi mới làm hương sư trong làng, lương 10 đồng một tháng do làng trả.
Làm thầy đồ, tuy cả tổng đều biết tiếng, nhưng lộc không được bao nhiêu: ngày giỗ, ngày Tết, cha mẹ học trò biếu một thúng gạo hay một con gà, một bánh chè mạn, một cân đường, một hai trái bưởi... Đôi khi người cũng ra toa cho một bệnh nhân, lấy số tử vi cho một đứa nhỏ, làm giùm một đôi câu đối cho bà con, nhưng toàn là vị tình hay để tiêu khiển cả. Nhờ có vườn ruộng ông bà tôi để lại, nên người tạm đủ sống. Cái vui của người là được khắp tổng trọng vọng, ngay đến quan phủ và quan huấn đạo cũng nể.
Cuối cuốn Nhà giáo họ Khổng (Cảo thơm – 1973) tôi đã tả không khi vừa trang nghiêm vừa thân mật trong lớp học của người.
Gia đình bác tôi sống cực kì thanh đạm, mà cũng không thể khác được, vì nghèo. Mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, bữa sáng vào khoảng 10 giờ, bữa chiều vào khoảng 4, 5 giờ. “Tứ thời rau muống, tứ thời tương”. Rau muống nhà trồng mà tương cũng nhà làm. Đổi bữa thì tùy mùa, có cà, đậu, rau lang... Thỉnh thoảng mới mua vài bìa đậu phụ của một người bán dạo. Lâu lâu bữa cơm mới có vài con tép (tôi không bao giờ thấy có cá lớn như cá chép, cá quả...), một hai cái trứng gà chiên, một dĩa thịt kho. Chỉ những ngày giỗ mới có thịt gà và xôi vò. Bác tôi bao giờ cũng nuôi sẵn một hai con gà trống thiến “nhồi” ngô cho mập để cúng tổ tiên. Tết năm nào mẹ tôi cũng gởi về bóng, mực, nấm hương, hồ tiêu, mộc nhĩ, tôm he, măng khô... cho nên trên bàn thờ có được vài món đồ nấu. Nhưng chính bác trai tôi phải nấu lấy vì bác gái quê mùa, không biết.
Tóm lại, lối sống y hệt lối sống nông dân, chỉ khác chúng tôi không phải ăn độn, ngày Tết được ăn cỗ có đồ nấu. Có điểm này đáng ghi: quanh năm bác tôi bận một bộ áo cánh bằng thứ vải thô như quần áo nông dân; dù cũ, màu trắng ngả ra màu cháo lòng thì cũng mặc cho tới rách, nhưng không khi nào nhuộm nâu. Hình như trong nhà không bao giờ dùng xà bông. Có lẽ bận đồ trắng như vậy để tỏ rằng bác tôi thuộc giới biết chữ, làm thầy, chứ không thuộc giới chân lấm tay bùn.
Nhưng có khi bác tôi không cần giữ thể diện. Tôi còn nhớ, tháng sáu hay tháng bảy âm lịch, những ngày mưa lớn, châu chấu (trong Nam gọi là cào cào) ướt cánh, đậu trên ngọn lúa, bám vào thân lúa, rất dễ bắt; mấy anh em chúng tôi xách một cái giỏ đi bắt ngay trên mấy thửa ruộng của nhà trước cống xóm. Đứa nào đứa nấy ở trần, chỉ bận chiếc quần, dò dò theo bờ ruộng, “chộp” độ nửa giờ được vài trăm con, đem về vặt càng, cánh đi, cho vào một cái chảo đất, chiên với nước muối cà, ít mỡ và ít hành, ăn rất ngon: bùi, béo.
Có đêm chúng tôi vác đuốc ra đồng vồ ếch, bác tôi dẫn dầu, vồ được chủ nào là cười vang cả cảnh đồng. Được độ mươi con thì về. Sáng hôm sau bác gái tôi làm món ếch xáo măng, ngon tuyệt. Ếch, bác tôi gọi là gà đồng, có lẽ vì thịt nó trắng, ngọt như thịt gà chăng?
Nhờ những buổi bắt châu chấu, bắt ếch rất vui đó, chúng tôi có thêm được chút protéine; vì dân quê Bắc, Trung từ xưa tới nay, thời nào cũng thiếu protéine, lúc nào cũng thèm thịt. Đọc cuốn Việc làng của Ngô Tất Tố, chúng ta thấy dân quê ganh tị nhau từng miếng thịt mỏng dính, dài hai đốt tay, chúng ta không nên khinh họ mà nên thương hại họ. Nhiều vụ đánh nhau, gây thương tích, kiện nhau ở phủ huyện, nguyên do là tại chia thịt không đều. Những câu tục ngữ như “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp”, những tục khao vọng, việc chẳng quan trọng gì như được lên lão, mua được chức nhiêu, xã, đậu bằng sơ học (hết lớp ba), cũng đặt ra ăn uống linh đình, mời hương chức và bà con tới dự, không có tiền thì bán ruộng, cầm vườn đi, nếu không thì bị làng chê cười, không công nhận địa vị, chức vị, bằng cấp của mình; rồi như thói nhớ ngày giỗ của bà con, hàng xóm còn hơn ngày giỗ nhà mình để lại làm giúp mà được mời ăn; thói đâu động đũa động bát là bu lại; ăn uống no say rồi còn đem phần về nhà nữa: một cục xôi, vài miếng thịt mỏng gói trong cái lá chuối; tất cả những hủ tục mà nhóm Tự Lực văn đoàn và Ngô Tất Tố chế giễu tàn nhẫn, truy nguyên tới cùng thì một phần lớn chỉ tại dân quê thiếu thịt, thiếu protéin.
Trong Nam dân quê không quá nghèo, vài chục năm trước có rất nhiều tôm cá, rùa, chim... nên không thèm thịt như dân quê Bắc, Trung, không có những tục, những thói xấu kể trên. Nay đã khác rồi: từ ngày Giải phóng, cán bộ ngoài Bắc đem vô đây thói mỗi chút mỗi “liên hoan”, họp nhau ăn uống, chắc cũng chỉ vì họ thiếu protéin. Nghe nói ở Bắc có nơi chỉ đặt một trạm bơm nước vô ruộng mà từ khi dự định tới khi hoàn thành, mổ hết 100 con heo.
Một điềm đặc biệt này nữa là bác tôi không hề dự việc làng, không có một chức vị gì trong làng, không bao giờ ra họp ở đình, không hưởng một chút quyền lợi gì - như phần công điền được chia - mặc dầu đóng đủ thuế điền thổ và thuế thân cho làng. Như vậy là tự đặt mình lên trên các hương chức; nhưng vì gia đình nào trong làng cũng có một hai đời học ông nội tôi hoặc bác tôi, hương chức nào cũng là học trò cũ của bác tôi, nên người làng cho như vậy là tự nhiên; có một vài người thấy chướng, nhưng không nói gì, vì biết mình lẻ loi.
Bác tôi còn sống thì gia đình được yên; người mất rồi, vì bốn người con không ai khá, bị người làng khinh thị, chèn ép, mới sinh ra nhiều chuyện, mà nhà cửa suy rất mau. Điểm này, sau tôi sẽ trở lại. Bây giờ tôi hãy kể qua tình cảnh nông dân, tức toàn thể các gia đình khác trong làng, mục đích chỉ để ghi lại vài nét về xã hội Việt Nam trong thời đại nông nghiệp.

[1] Mãi năm năm sau, đi làm có tiền, tôi mới mua được bộ đó trong một tiệm tạp hoá ở Bạc Liêu.
[2] Giấy Tây: loại giấy manh, không có gạch hàng. Mực Tây: mực ngâm nước, không phải mài như mực Tàu (theo Nam Sơn Trần Văn Chi, Một thời để nhớ, DatViet.com). (Goldfish).
[3] Có sách bảo cách phân biệt như vậy chỉ có từ đời Đường. Thời cổ danh từ và độnh từ đọc như nhau hết.
[4] Trích trong bài Quá Hoa thanh cung của Đỗ Mục. Tương Như dịch là: “Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ/ Vải tiến mang về, ai biết đâu”. (Goldfish).

Chương 7
LÀNG TÔI THỜI ĐẠI NÔNG NGHIỆP

BA HẠNG DÂN: GIÀU, TRUNG LƯU, NGHÈO
Tôi rất tiếc không được biết nhiều về đời sống dân làng tôi, vì mỗi năm chỉ về quê chơi trong bảy ngày Tết và hai năm đầu ở trung học, được sống thêm ở làng tháng rưỡi hay hai tháng trong dịp hè nữa. Đã vậy, gia đình tôi không phải là gia đình nông dân, lối sống hơi cách biệt với dân làng, nên tôi chỉ thấy được bề ngoài của họ thôi.
Người giàu nhất trong làng tôi, họ Phùng, có một ngôi nhà ngói đại khái cũng như nhà tôi, và sáu mẫu ruộng. Ông ta trước làm ruộng, có hồi làm lí trưởng, có uy tín, được bầu làm tiên chỉ. Chức này như chức cố vấn, có danh chứ không có quyền. Tôi không biết ông ta, nghe nói không hống hách gì mấy, rất có tinh thần gia tộc, bênh vực người trong họ, muốn rằng họ ông luôn luôn mạnh nhất trong làng, mà quả thật, không họ nào lớn, nhiều người làm hương chức bằng họ ông. Sở dĩ ông giàu được phần lớn nhờ cần và kiệm: lúa dư ăn, nhưng lúc nào giá cao, ông bán để đổi ngô, bắt cả nhà ăn độn. Ông có một người con học bác tôi, thông minh hơn các học trò khác nên bác tôi khuyên ông cho con ông sang Việt Trì học, ông nghe lời và sau cậu bé trạc tuổi tôi, đậu bằng cấp tiểu học, thi vào vào trường Sư phạm, học thêm một năm, rồi được bổ làm trợ giáo (instituteur auxiliaire) ở trường sơ học Phú Xuyên, tổng tôi, lương 20 đồng một tháng, bằng hai lương hương sư.
Hai người nữa giàu vào hàng thứ nhì có ba bốn mẫu ruộng thì một người cũng học bác tôi rồi cũng làm thầy đồ (dạy mươi đứa nhỏ trong xóm) kiêm thầy lang, mua một chức phó lí hàm, mất một số tiền khao làng, để có chút danh, khỏi bị ai ăn hiếp, chứ cũng không dự gì vào việc làng. Sống cũng giản dị, ăn độn, vợ con phải làm vườn, làm ruộng, như mọi gia đình nông dân. Nhà ngói của tổ tiên để lại cũng ba gian hai chái.
Còn người kia thì hoàn toàn là nông dân, học ít, hiền lương, nhờ hai đời ki cóp nên có một ngôi nhà gạch, vài ba sào vườn và bốn mẫu ruộng. Làm chánh hương hội nhờ được lòng nhiều người. Chức này tuy cao nhưng không có quyền gì; có quyền nhất là lí trưởng do dân bầu.
Tóm lại, những nhà giàu trong làng tôi toàn là nông dân, chỉ có khoảng hai héc ta ruộng, vợ con làm lấy, cũng lam lũ như ai, làm không hết thì cho lãnh canh; nhà nào nuôi trâu hay bò thì mướn thêm một đứa bé để chăn, mỗi năm cho một bộ quần áo nâu, rộng rãi lắm thì bố mẹ nó cuối năm được thêm một đồng bạc. Đi họp việc làng, đi hầu quan tổng lí đều xách cái ô, đi chân không hoặc mang theo đôi giày, tới nơi mới rửa chân, xỏ vào giày. Mãi đến năm 1927-1928, làng tôi mới có một chiếc xe đạp, mà chủ nhân lại không phải là người giàu, chỉ là con một nhà trung bình có được hai mẫu ruộng, được hưởng gia tài cha để lại, huy hoắc trong hai ba năm thì hết. Cả làng chỉ có một chiếc đồng hồ báo thức mà bác tôi mua khi làm hương sư, và sai một đứa học trò ngày hai buổi xách tới trường rồi lại xách về nhà.
Tôi đã nói tỉnh tôi là một tỉnh trung bình ở Bắc mà làng tôi là một làng trung bình trong tỉnh, không có nhà nào giàu lớn mà những năm mất mùa dân cũng không đến nỗi chết đói. Vì người giàu đều gốc nông dân, do cần kiệm mà vượt lên, mà cũng chẳng phải giàu lớn, nên nạn cường hào ác bá ở làng tôi tương đối ít. Họ cũng ăn bớt ăn xén của dân, cũng cho vay nặng lãi, và bắt người vay phải kí văn tự bán vườn, bán ruộng, quá hạn không trả đủ vốn lẫn lời thì họ cũng cắm vườn, cắm ruộng; nhưng khắp đất Bắc đâu đâu cũng vậy, nên họ không thấy vậy là tàn nhẫn, cho là thường.
Một vài làng khác chung quanh như làng La Phẩm, làng Vân Sa, làng Phú Xuyên, đất rộng hoặc có tiểu công nghệ, nên có gia đình trung phú: mười lăm, hai mươi mẫu ruộng, một nhà gạch hai từng; làm dân biểu, có nàng hầu, có tàu ngựa; tôi không biết đời sống của họ ra sao, nhưng cũng không nghe nói họ hà hiếp dân tới cái mức như nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng, hoặc như hạng tổng lí trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Tất nhiên tôi không bảo họ là hạng lương thiện cả đâu.
Hạng trung lưu trong làng tôi có từ một tới hai mẫu. Họ ở giữa, có thể vượt lên bực trên và cũng dễ dàng tụt xuống bực dưới.
Nếu cả gia đình siêng năng, thắt lưng buộc bụng, để dành mỗi năm một chút, nếu lại gặp may trúng luôn hai ba mùa thì thế của họ vững rồi, sửa sang nhà cửa, tậu thêm ruộng, mua thêm con trâu cày rồi. Lúc này là lúc họ phải khôn, đừng nghe lời dụ dỗ của họ hàng, bạn bè, đừng nóng nảy trước lời khiêu khích, mỉa mai của những kẻ ghen ghét họ, đừng chạy chọt một chân lí trưởng, chỉ mua một chức nhỏ hữu danh vô thực, như nhiêu, xã hay phó lí để được miễn tạp dịch, khỏi bị gọi là bố cu, ra đình cũng có chỗ ngồi ở hàng cuối - chức đó chỉ tốn từ một đến hai sào ruộng là nhiều- rồi chí thú làm ăn, chẳng ganh đua, gây gổ với ai, thì thế nào hồi năm chục tuổi, họ cũng có được ngôi nhà ngói, bể nước, cây mít, có chuồng lợn, chuồng trâu và ba bốn mẫu ruộng, lúc đó họ sẽ được mọi người trọng nể.
Trái lại, nếu họ tức khí, ham danh, ham ganh đua, ưa nịnh, dại dột bán đi hai mẫu ruộng để mua phiếu trong làng, đút lót quan phủ mà tranh chức lí trưởng thì mau suy lắm. Họ “bận việc quan”, vợ họ ham danh bà lí, sinh làm biếng, bỏ bê vườn ruộng, mà ruộng bán cũng gần hết rồi, huê lợi không có gì, làm sao sống được? Lí trưởng không có lương, chỉ được thu tiền trà nước mỗi khi thị thực đơn từ, văn tự của dân, có thể mùa thu thuế cũng được hưởng một số tiền nào đó do hương hội, tiên chỉ ấn định tùy theo tục lệ mỗi làng; nhưng những số thu đó không đủ ứng những số chi tiêu khá lớn vì thường phải ra phủ, phải đút lót cho quan, phải tiếp đãi bạn hương chức trong làng, nhất là phải tỏ ra “lịch thiệp”, văn minh, chứ không “đình dù” (tiếng này vốn là tên một làng, Tự Lực văn đoàn dùng với nghĩa quê mùa, hủ lậu), nói trắng ra là phải biết hút thuốc phiện và đi cô đầu. Tới cái mức đó thì bán hết gia sản cũng không đủ, và tôi biết một ông lí - em ruột ông nhà giàu làm thầy đồ và thầy lang kể trên - khi làm hết khóa ba năm rồi, phải bỏ làng vào Nam làm lao công, rồi sau mua bán ve chai để sống và gởi thây luôn ở Cao Lãnh. Một ông lí khác sau khi bán hết tổ nghiệp, bỏ làng, về quê vợ sống, không biết làm nghề gì, con cái không đứa nào được học tới lớp nhì.
Sau cùng là hạng nghèo. Tôi kể trường hợp một người em họ tôi, ở gần nhà tôi. Nhà chỉ có hai anh em trai. Khi cha chết, để lại cho một ngôi nhà lá ba gian hai chái, một khoảnh vườn độ một sào, có hàng rào tre, không biết có được thêm sào ruộng nào không, nếu có thì khi tôi lớn lên cũng bán rồi, không còn. Vườn không trồng trọt được gì vì đất quá chai mà lại rợp bóng tre gần suốt ngày.
Biết không sống nổi, người em chưa vợ phải bỏ làng lên Hoàng Xá (Chợ Bờ) làm ăn. Người anh có vợ rồi ở lại giữ nhà và việc cúng giỗ. Có hai đứa con trai còn nhỏ.
Làng tôi cũng như mọi làng khác ở Bắc, có một số công điền, theo nguyên tắc thuộc về nhà nước, làng chia đều cho trai tráng (từ 18 đến 60 tuổi), mỗi người được độ hai sào, mỗi năm phải đóng thuế. Tôi không nhớ Marx hay Lénine gọi chế độ đó là cách thức sản xuất của Á châu.
Người em lên Hoàng Xá để lại phần công điền của mình cho anh làm, và anh phải đóng thuế, làm (hoặc thuê người làm) tạp dịch cho em.
Như vậy là người anh có được khoảng bốn sào công điền - hạng xấu tất nhiên, ruộng tốt thì hạng chức sắc đã chia nhau cả rồi. Tôi không biết cách chia đó ra sao, vì gia đình tôi, bác tôi và các anh tôi đều nhường lại công điền cho làng để được miễn tạp dịch, nhưng vẫn đóng thuế như mọi người. (Tôi sinh trưởng ở Hà Nội, không vào hộ tịch làng).
Nặng nhất là khoản thuế thân. Mới đầu, giàu nghèo phải đóng như nhau, sau (không nhớ từ năm nào) phân biệt người nghèo, vô sản đóng 1,5đ, còn những người khác 4,5đ một năm. Vào những năm 1930-1933, dân quê làm mướn chỉ được một hào một ngày; 1,5đ tức là 15 ngày công của họ.
Vậy em họ tôi có 4 sào ruộng mà phải đóng hai phần thuế cho mình và cho em, phải nuôi vợ và hai đứa con trai nhỏ, mà vợ yếu đuối, vụng về không làm được gì cả, không hề ra khỏi nhà nữa. Ngoài ngày mùa ra, trong làng không ai thuê mướn, mà trong ngày mùa, một mình làm số công điền đó cũng không còn sức làm việc khác. Như vậy có thể nói là nghèo mạt.
Tôi thường đi qua nhà, thỉnh thoảng ghé vào chơi. Ngoài sân không thấy một con gà, một ngọn rau. Nhà rộng mà tối om om, trống rỗng, ngoài bàn thờ với một bát hương, hai cái chõng tre, không còn đồ gì khác. Lạnh lẽo, hôi hám. Có lần hai vợ chồng và con cái ngồi ở mái hiên đương ăn khoai lang thay cơm, biết rằng tôi không ăn nhưng cũng chào mời lấy lệ.
Không có công việc gì làm, người chồng suốt ngày đi dạo xóm. Vào chơi nhà mấy người bà con, nói dăm ba câu chuyện, xin một quả khế, một vài trái ổi, rồi đi về. Không ngày nào không vào nhà bác tôi vài lần, thấy việc gì cũng tiếp tay, hút điếu thuốc lào, uống một ngụm trà mạn. Mỗi khi bác tôi nhờ một việc gì như đốn một cây tre, làm một cái máng nước, dựng cây rơm, cuốc khu vườn thì bác tôi giữ lại ăn cơm, lâu lâu cho một ít khoai, ngô.
Suốt mấy tháng hè, tôi thấy chú ấy ở trần trùi trụi. Mùa đông tôi chắc chỉ có một manh áo, co ro, hai tay thu thu trong bụng cho ấm, và nếu không có công việc gì phải ra ngoài thì cả gia đình ngồi trong bếp, gần đống rơm. Mùng một Tết, lại nhà tôi thì khoác thêm chiếc áo dài vải đen. Ngoài Bắc có câu: “Cơm ba bát, áo ba manh”, cho như vậy là đủ, không cần thêm. Nhưng ở thành thị, người giàu thì mớ bảy mớ ba, áo cánh ở trong, rồi áo dài đơn, kép hai ba lớp, ngoài có khi thêm chiếc áo bông nữa; còn dân nghèo ở quê thì làm gì có áo bông, may lắm được cái áo cánh độp ở trong với một cái áo cánh tươm tất ở ngoài, nghĩa là chỉ có hai manh, không được ba manh; cơm ngày mùa thì có thể được ba bát, còn những tháng giáp hạt, tức tháng 3, tháng 8, lúc thóc cũ đã hết mà thóc mới chưa có, thì chỉ những gia đình có máu mặt mới được ba bát cơm độn ngô, khoai.
THIẾU ĂN, THIẾU THUỐC
Làng tôi không có ai chết đói, nhưng không một ai không thiếu ăn (sous alimenté), từ ông tiên chỉ trở xuống, ít nhất là sáu tháng trong năm. Người nghèo thì may lắm có được 1.500 ca-lo thức ăn một ngày, đủ để duy trì hơi thở. Thiếu ăn thì dễ sinh bệnh, mà hạng nghèo bị bệnh thì chỉ có cách rán chịu dăm ba ngày, may ra tự nhiên bớt. Một sách thuốc nói: đau mà không uống thuốc, để cơ thể tự chống với bệnh, tức là gặp được một y sĩ trung bình rồi. Trăm lần thì có 50 lần bệnh tự nhiên hết. Dân nghèo bất đắc dĩ phải theo đúng lối đó.
Nếu dăm ba ngày không bớt thì nghe người mách, kiếm thuốc nam trong xóm; nhưng không hiểu sao ngay thuốc nam làng tôi cũng ít nhà trồng, dễ gì xin được một củ riềng, một quả chanh, một củ hành, một nắm kinh giới, hương nhu... Ngay bác tôi mà cũng chỉ để sẵn trong nhà một gói thuốc tiêu Nhân đơn và một ve bạc hà; những nhà khác tuyệt nhiên không trữ một thứ gì hết. Mà gia đình bác tôi cả năm cũng chỉ dùng hai thứ thuốc đó, không bao giờ đi cân một lạng thuốc Bắc vì tốn tiền và vì xa: phải đi hai cây số lên chợ Vân Sa mới có một hiệu thuốc Bắc nhỏ bán bốn năm chục thứ thuốc thông thường như đương qui, thục địa, xuyên khung, bạch thược, bạch trật, hoàng cầm, hoàng liên, cam thảo, phòng phong, chỉ xác, ma hoàng, sài hồ, trần bì, cát căn...
Tây y thì phải xuống phủ, cách làng năm cây số mới có một trạm y tế, một nhà hộ sinh. Không kiếm đâu ra một tiệm trữ thuốc Tây; dân làng tôi không bao giờ thấy một viên aspirine. Cho nên hễ một người bị bệnh thổ tả thì cả xóm kinh hoảng, tưởng như Diêm vương sai quỉ sứ lên bắt. Cũng may trong mười mấy năm, làng tôi và vài làng chung quanh không bị nạn dịch tả lần nào. Có khi chỉ bị bệnh tháo dạ (diarrhée) vì phải cảm gió hay ăn bậy mà không có thuốc, sức suy quá, chịu không nổi rồi cũng chỉ một hai ngày là chết.
Trong khoảng mười năm, tôi chỉ thấy mỗi một năm, 1925 hay 1926, nhờ được mùa và lúa có giá mà dân làng tôi ăn tết khá vui. Gần như nhà nào cũng may được áo mới cho trẻ, hạng thanh niên còn “diện” một đôi vớ màu vàng như nghệ, đi đôi guốc. Trẻ con có xu đồng leng keng trong túi và chỗ nào cũng có một đám đánh đáo. Năm đó học trò đi tết bác tôi cũng hậu hơn, và mùng hai bác tôi cho chúng tôi hai hào mua thêm một bánh pháo toàn hồng để đốt rời từng cái.
Những năm khác, tết tuy không vui bằng, nhưng nhà nào cũng có bánh chưng, có thịt lợn kho (một người mổ lợn và bán cho cả xóm); còn quanh năm trong các gia đình nghèo không khí trầm trầm, an phận, buồn tẻ. Nhóm Tự Lực văn đoàn gọi cảnh quê là cảnh bùn lầy nước đọng, thật đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Từ trăm năm trước, đất đai khai phá hết rồi, bạt hết đồi, gò để biến thành ruộng, rồi bờ ruộng mỗi ngày một xén lần tới mức chỉ còn đặt vừa một bàn chân, không còn cách nào mở mang thêm đất cày được nữa. Xưa mỗi gia đình có được bốn năm mẫu; dân số mỗi ngày một tăng, nay mỗi gia đình chỉ còn trung bình được năm bảy sào để nuôi năm sáu miệng ăn. Phương pháp canh tác vẫn cổ hủ như đời Minh Mạng, Thiệu Trị; cày bừa vẫn là kiểu cũ, phân bón vẫn là phân chuồng, không có phân xanh, lúa giống cũng không thay đổi, công việc thủy lợi thiếu hẳn, năng suất của ruộng không tăng mà dân số thì tăng, nên mỗi ngày một nghèo thêm. Trong làng lại không có một công nghệ nào; ngoài những ngày mùa, dân không biết làm gì để kiếm thêm lợi, như vậy là đa số non nửa năm ở không, đàn ông thì thả diều, chơi bời lêu lổng, đàn bà thì ngồi lê đôi mách.
AN PHẬN, SỢ LI HƯƠNG
Có một cách cải thiện đời sống là li hương, nhưng chỉ một số rất ít xuống Hà Nội, hoặc lên Chợ Bờ làm ăn, còn thì người ta sợ bỏ quê cha đất tổ lắm, vì ngại phấn đấu, ngại mạo hiểm, và một phần cũng vì người ta cho bỏ quê là tủi nhục.[1]
Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười tôi đã viết: “Hai năm trước[2] tôi dắt sáu người bà con ở Bắc vào đây (Đồng Tháp Mười). Họ nghèo, tôi muốn giúp họ làm ăn, xuất tiền xe cho họ rồi gởi gấm họ với một ông chủ điền ở đây để họ làm ruộng.
Tôi dẫn họ đi coi làng xóm, chỉ những cánh đồng bát ngát, những đống lúa chót vót cho họ thấy. Họ đều trầm trồ khen: “Chà! Ruộng thật là thẳng cánh cò bay! Quả là lúa chất thành núi!...”
Tôi lại dắt họ vào thăm những gia đình nghèo nhất ở đây: bữa ăn luôn luôn có cơm và cá; quần áo có vài bộ bằng hàng (lụa). Họ nhận rằng dân miền này ít khi biết đói, rét, ít lắm. Vậy mà trong số sáu người, chỉ có một người chịu ở hẳn trong này, nay sắp thành một thương gia nhỏ; còn năm người kia đi làm mướn một hai năm, dư được ít tiền rồi về Bắc để thăm bà con, đình chùa, lũy tre, cổng xóm mà không vô nữa, chịu cảnh ăn khoai trừ cơm và mặc áo đụp quanh năm. Họ nặng lòng cố hương quá. Làm sao thay đổi tinh thần đó nhỉ?”.
Thực ra, thời nào và ở đâu cũng có một số người có tinh thần phấn đấu, nhưng dân làng tôi chỉ biết phấn đấu trong khu vực chật hẹp của làng thôi: rán làm nhiều, tiêu ít, để dành được một số tiền mua ruộng, cho vay, mua chức nhiêu, chức xã, tức như tục ngữ nói: “Gà què ăn quẩn cối xay”. Như vậy thì cả đời ăn độn, rốt cuộc họ cũng chỉ được bốn năm mẫu là cùng; nếu vào Nam, nơi đất hoang còn mênh mông, sự buôn bán dễ dàng thì trong vài chục năm có thể có được vài chục hécta (sáu chục mẫu, ngoài Bắc)[3], hoặc một tiệm tạp hóa ở một chợ quận.
NHỮNG CÁI VUI NHO NHỎ CỦA HỌ
Họ chịu an phận và cũng tìm được cái vui trong cảnh đói rét. Ăn vài củ khoai, uống một gáo nước mưa trong vại, rồi qua hàng xóm ngồi xem đánh cờ, hoặc ra cổng xóm nhìn cánh diều, đảo trên nền trời xanh, nói chuyện phiếm dưới bóng tre, trong ngọn gió hiu hiu. Hôm nào có được dăm xu trong túi, đi chợ Vân, chợ Mơ cách xa làng hai ba cây số, thăm cô hàng xén, mua một chùm dâu da hoặc một túi táo vừa đi vừa ăn. Tối đùa giỡn với con ở sân, dưới bóng trăng, hát vài câu lí giao duyên. Mùa cấy, mùa gặt có cái vui làm tập thể, vừa làm vừa hát ví: “Ới anh Cả ấy ơi... Ới cô Hai ấy ơi!...”. Vui nhất là những ngày ra đình ăn cỗ, lấy phần hoặc ăn khao, ăn giỗ nhà một người quen. Rồi những đêm hát chèo ở làng bên, một đám ba bốn chàng rủ nhau đi coi, coi chèo thì ít, mà lượn để trêu các thiếu nữ làng khác thì nhiều.
Họ có nhiều cái vui nho nhỏ như vậy. Còn cái vui này nữa. Một ông già gần lục tuần rồi, mắt mờ, không thấy rõ đường, ít khi ra khỏi nhà. Bà vợ bé gần ngũ tuần, phàn nàn với bạn bè hàng xóm rằng ông lão vẫn chưa cho bà nghỉ đẻ. Bác tôi một hôm khuyên ông ta thôi đi, nếu không thì “âm kiệt mà hỏa quá vượng” sẽ mù hẳn. Ông ta đáp: “Tôi cũng biết vậy, nhưng ông nghĩ mà xem: tôi không có danh vọng chức phận gì, chức tước gì, nhà cũng chẳng giàu có gì, không được ăn ngon mặc đẹp, sống ở đời còn có lạc thú gì ngoài cái đó đâu, nếu lại tự cấm mình thì sống để làm gì kìa?”.
Dù trong cảnh cực khổ đến đâu, loài người cũng tìm được cái vui này, vui khác, có vậy mới duy trì được cuộc sống và giống nòi.
Đáng thương nhất là các thôn nữ giàu cũng như nghèo. Cả đời, họ chỉ được hưởng năm sáu năm vui tươi; từ tuổi mười lăm mười sáu, nhựa sống trong người họ bắt đầu dồi dào, họ sắm một cái gương con bằng lòng bàn tay, một hộp sáp Cô Ba để bôi tóc cho mướt, kiếm một cái bao hương giấy đỏ để bôi môi, mua một cái yếm trắng cổ viền, một cái thắt lưng bằng sồi, một cái khăn mỏ quạ bằng vải đen, láng (alpaga) và may một cái áo tứ thân bằng vải nhuộm nâu; như vậy là sang rất mực rồi; nếu họ có được nước da bánh mật, cặp mắt tình tứ, nụ cười tươi thì đủ làm cho trai làng mê mẩn tâm thần; và họ thấy đời họ đẹp lạ, mà tiếng hát ví, hát lí, hát cò lả của họ những khi cấy, gặt hay giã gạo, xay lúa trong trẻo, vui vẻ như tiếng chim sơn ca.
Cái vui nhất của họ là ngày xuân cùng với chị em đi xem hội, lễ chùa trong tổng (làng tôi nhỏ, không bao giờ mở hội, chùa lại không có người trụ trì, bỏ hoang, sau
dùng làm trường học), hoặc theo mấy ông già bà già đi xa hơn, xem lễ đền Hùng ở Phú Thọ, đền đức thánh Trần ở Kiếp Bạc. Đi như vậy có khi mất bốn năm ngày, nhà có của mới đi được. Lần nào cũng có vài ba chàng trai nhập bọn, mà tình xuân thật phơi phới, suốt đời không quên được.
Tôi chưa thấy bài thơ nào tả cảnh xuân thôn quê và tình xuân thôn nữ Bắc Việt đúng và hay như bài dưới đây của Nguyễn Bính:
----------XUÂN VỀ
-----Đã thấy xuân về với gió đông,
-----Với trên màu má gái chưa chồng.
-----Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm,
-----Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
-----Từng đàn con trẻ chạy xum xoe,
-----Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe.
-----Lá nõn cành non ai tráng bạc?
-----Gió về từng trận, gió bay đi...
-----Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng,
-----Lúa thì con gái mượt như nhung.
-----Đầy vườn, hoa bưởi hoa cam rụng,
-----Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.
-----Trên đường cát mịn, một đôi cô,
-----Yếm đó khăn thâm, trẩy hội chùa.
-----Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
-----Tay lần tràng hạt niệm nam vô.
-------------------------------(Tâm hồn tôi)
Phải sống với nông dân mới tả mùa xuân trong lòng họ và trong cảnh vật như vậy được.
Nhưng khi họ có chồng thì chỉ vài ba năm sau, có được hai đứa con là cảnh của họ đã đáng thương rồi. Ca dao có câu:
Trai ba mươi tuổi đang xoan, (tức xuân)
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Tôi thấy nhiều cô ở làng tôi mới ngoài hai mươi, sau mấy năm quần quật làm việc nhà chồng, sau vài lần sanh đẻ, đã không còn vẻ gì xuân nữa, tưởng như ngoài ba mươi. Nếu nhà chồng đủ ăn, chồng không hư hỏng thì họ còn được lành lặn, còn được cái vui mang danh cô xã, cô nhiêu, bà chánh, bà phó; nếu không thì chỉ là mẹ đĩ, lam lũ cho tới chết, nhịn ăn nhịn mặc cho chồng, con, mà không được đền đáp chút gì cả.
TIỂU THUYẾT TIỀN CHIẾN VỀ NÔNG DÂN
Trong mấy trang trên tôi chỉ giới thiệu sơ sài đời sống dân quê làng tôi; muốn biết rõ tính tình, phong tục, cảnh cơ cực, ước vọng của nông dân Bắc, Trung thì phải đọc những tiểu thuyết của Trần Tiêu, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Thanh Tịnh... Những tiểu thuyết đó có giá trị vừa về tài liệu, vừa về nghệ thuật, một vài trăm năm nữa sẽ rất quí, vì là những bức tranh của xã hội nông nghiệp cuối thời đại phong kiến.
Mấy nhà kể trên mỗi người ở một miền, mỗi người một bút pháp, một cá tính, tác phẩm của họ bổ túc cho nhau. Thanh Tịnh tả tình hồn hậu, kín đáo, dịu dàng của dân quê miền Quảng Trị, Thừa Thiên (hay cả Quảng Nam); truyện Quê Mẹ của ông nên thơ, sự thực chắc không thường được đẹp như vậy.
Bùi Hiển trong Nằm Vạ và Mạ Đậu có giọng hoạt kê, cho ta thấy vài hài kịch trong đời sống dân quê Nghệ-Tỉnh.
Trần Tiêu chuyên tả phong tục hơn là đời sống nghèo nàn của nông dân Bắc Việt (Thái Bình,Nam Định?). Trong Con Trâu và Chồng Con, chúng ta thấy đủ các tục mua nhiêu, mua xã, cầu tự, vào đám tế đình, bốc mả, cưới nàng hầu, cả trò chơi diều nữa... Tình tiết không có gì éo le mà văn lại có giọng bình tĩnh, cho nên tiểu thuyết của ông không hấp dẫn lắm, nhưng là những tài liệu đáng tin về đời sống nông dân - đời sống bề ngoài hơn là đời sống nội tâm.
Ngô Tất Tố khác hẳn, ở Bắc Ninh, vốn là nhà Nho, sau học thêm chữ Pháp, viết như các nhà văn lớp mới, có một cá tính sắc, mạnh, không có tài về tiểu thuyết mà nổi tiếng về phóng sự. Tập Việc Làng của ông tả tỉ mỉ, gọn mà sắc bén, thói tranh nhau một miếng thịt, một cục xôi của hương chức trong đình, gây ra những vụ đánh nhau chí mạng rồi đưa nhau đến phủ huyện. Thật đúng với câu “miếng ăn là miếng nhục”. Ông rất ghét hạng hương chức, không xét do đâu mà có tục đó: một phần là tại họ luôn luôn thèm thịt, như tôi đã nói; một phần nữa là họ có quan niệm sai về thể diện: “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp”. Trái lại, ông rất thương hạng dân nghèo bị hương chức, phủ huyện ức hiếp; nhưng ông dùng những màu tối quá, truyện Tắt Đèn của ông chỉ đúng sự thực một phần thôi.
Theo tôi, tiểu thuyết của Tô Hoài (Quê Người) gần đúng sự thực hơn hết, tả hạng dân nghèo làng Nghĩa Đô (gần Hà Nội) chuyên nghề dệt lĩnh (lãnh). Họ có những lúc vui - khi nghề dệt thịnh - và những lúc khổ - khi kinh tế khủng hoảng, lĩnh ế, họ phải tha phương cầu thực. Tác giả sống với họ, biết rõ đời sống về tình cảm của họ, thương họ mà thỉnh thoảng cũng mỉa nhẹ họ. Đời họ không bi đát quá như trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, cũng không nên thơ như trong Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Văn Tô Hoài không chuốt, nhưng giản dị, tự nhiên, dí dỏm.
Có tài nhất là Nam Cao, nhưng Nam Cao chỉ giỏi viết truyện ngắn, truyện dài của ông tầm thường. Khi ông tả bọn cường hào ác bá, hạng du côn làm tay sai cho hạng trên, ông cũng dùng màu tối quá, mỉa mai cay độc nữa, nên văn rất sắc bén nhưng không khiến ta cảm động. Chỉ những khi ông tả hạng nông dân thấp cổ bé miệng, an phận, hiền lương, thành thực, thương vợ, thương con, là ta thấy tài của ông cao mà lòng trắc ẩn của ông dào dạt. Ông chỉ ghi từng cử chỉ, ngôn ngữ, rồi chép lại một cách trung thực mà gây cho ta một nỗi buồn mênh mông.
Truyện ngắn hay nhất, bất hủ của ông là truyện Một đám cưới đã khiến tôi đọc đi đọc lại mấy lần mà lần nào cũng bùi ngùi, rơm rớm nước mắt. Tôi dã giới thiệu nó, lần đầu trong tập Hương sắc trong vườn văn (1961), lần sau kĩ hơn, trong tờ Tổ Quốc số 12 - 1977. Phải đọc truyện đó mới yêu hạng nông dân chất phác, hoàn cảnh của họ càng đáng thương thì họ càng dễ thương.
Ngoài ra còn một số tiểu thuyết gia khác thỉnh thoảng cũng viết một truyện hoặc một đoạn về nông dân, như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam... nhưng không có gì đặc biệt, tôi ngờ rằng họ không sống với nông dân.
THỜI TRƯỚC NƯỚC MÌNH KHÔNG CÓ GIAI CẤP ĐẤU TRANH
Quan niệm giai cấp của phương Tây và người đưa ra thuyết giai cấp đấu tranh có lẽ là Marx. Theo Raymond Aron trong La lutte des classes (Gallimard - 1964) thì Marx đưa ra ba định nghĩa về giai cấp, mà định nghĩa dưới đây trong Le 18 Brumaire de Louis Napoléon (Cuộc đảo chánh ngày 18 Brumaire của Louis Napoléon, tức Napoléon III), rõ ràng, đầy đủ nhất:
“Dans la mesure où des millions de familles vivent dans des conditions d'existence qui séparent leurs modes de vie, leurs intérêts et leur culture de ceux des autres classes et les mettent en contraste hostile à l'égard de ces derniers, ils forment une classe. Dans la mesure où il n'y a qu'une solidarité globale entre petits paysans et où l’identité de leur intérêts ne crée pas d'unité, pas d'union nationale, pas d’organisation politique, ils ne forment pas une classe”. (tr.41 - 42).
“Khi nào có nhiều triệu gia đình sống trong những điều kiện khiến cho từ lối sống đến quyền lợi, văn hóa của họ đều cách biệt với lối sống, quyền lợi, văn hóa của các giai cấp khác, và họ sinh ra tương phản, thù nghịch với những giai cấp khác đó, khi nào như vậy thì những gia đình đó họp thành một giai cấp. Khi nào chỉ có một sự đoàn kết tổng quát giữa các tiểu nông với nhau mà sự đồng quyền lợi của họ không tạo nên sự thống nhất, đoàn kết dân tộc, cũng không tạo nên một tổ chức chính trị, khi nào chỉ như vậy thì không thành một giai cấp”.
Vậy muốn cho có một giai cấp thì một số đông người phải sống gần nhau, làm một công việc đại khái như nhau; bấy nhiêu chưa đủ, họ còn phải có tương quan thường xuyên với nhau thành một sự nhất trí, cùng hòa đồng với nhau mà cùng chống đối những nhóm khác nghĩa là họ phải có ý thức về sự đoàn kết, thống nhất của mình mà chống đối với các nhóm khác.
Theo định nghĩa đó thì nông dân Việt Nam từ xưa tới năm 1945, chưa bao giờ thành một giai cấp cả. Có thời họ chống một triều đại lầm than, như hậu bán thế kỉ XIX, dân Bình Định, Phú Yên (nói chung là Đàng Trong) oán nhà Nguyễn mà theo Tây Sơn, nhưng họ không thành một tổ chức chính trị, mà khi nhà Tây Sơn lên ngôi thì họ theo chế độ quân chủ của nhà Nguyễn mới, rồi khi nhà Nguyễn cũ làm chủ sơn hà, họ cũng theo nữa. Ở Nam, trước năm 1945, thỉnh thoảng có những cuộc nổi loạn lẻ tẻ nhỏ của nông dân, như vụ đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu, nhưng chỉ là để chống đối bọn điền chủ chiếm công lao khai phá đất hoang của họ, không phải là chống cả “giai cấp” điền chủ, không có tính cách chính trị.
Công nhân cũng vậy, từ 1930 đã có những cuộc biểu tình của thợ thuyền, họ đoàn kết, có người lãnh đạo, có ý thức chính trị, nhưng toàn là để chống bọn tư bản Pháp, vì lúc đó chỉ thực dân Pháp mới có những xưởng, mỏ, nhà máy, đồn điền lớn; chưa bao giờ thợ thuyền Việt chống tư bản Việt: các nhà tư bản Việt như Bạch Thái Bưởi ở Bắc, Trương Văn Bền ở Nam, nhỏ quá, đâu đã làm mưa làm gió gì được?
Ở làng tôi, như trên đã nói, ngoài nhà bác tôi ra, toàn là nông dân, mà nông dân giàu hay nghèo thì lối sống cũng như nhau, trình độ văn hóa cũng như nhau. Có sự bóc lột lẫn nhau, nhưng giàu nghèo cứ thay đổi nhau lên xuống, không thành được những giai cấp phú nông hay bần nông có ý thức đoàn kết chính trị được[4].
ĐÁM TANG BÁC TÔI - SỰ SUY VI CỦA CON CHÁU
Bác tôi sống y như nông dân, chỉ khác họ về nghề nghiệp, văn hóa, cách ăn nói, cư xử, giúp đỡ mọi người, không hà hiếp ai, chẳng đứng về một phe nào, gia nhập một tổ chức nào, nên được dân làng trọng nể. Nhưng các con của bác tôi, sức học và tư cách không hơn ai, mà vẫn được coi ở vào một hạng riêng, hạng con nhà sang, hạng “cậu”[5] không phải chân lấm tay bùn, không phải làm xâu, đi tuần – vì không lãnh phần công điền – nên bị nhiều kẻ ganh tị. Bác tôi biết hết nhưng đáng lẽ phải cho người con cả và con thứ ba, học dở nhất, tập một nghề tay chân, hoặc làm ruộng, hoặc làm thợ - thợ may, thợ mộc, thợ nề… và sống hoà đồng với nông dân, thì người vì thể diện, vì thương con hoặc vì một lẽ gì khác, để cho lêu bêu, không tự lực mưu sinh được, chỉ trông vào mấy mẫu ruộng tổ tiên để lại. Mối suy bắt đầu từ đó, mà đó cũng là tình trạng chung của bọn con cái nhà nho lỡ thời.
Bác tôi mất năm 1933, thọ 55 tuổi (đã góa vợ từ mấy năm trước). Đám tang thật long trọng. Trong hai ngày, hàng trăm môn sinh lớn tuổi lại thu xếp, làm rạp để tổ chức cuộc tế tam sinh: bò, lợn, dê. Có trống, kèn, văn tế. Môn sinh trẻ đứng đầy sân, và người tới coi chật ngõ.
Động quan vào cuối giờ ngọ hay đầu giờ mùi một ngày hè. Đích thân mười hai môn sinh thân tín bận đồ tang ghé vai khiêng linh cữu. Một người đi giật lùi ở phía trước để ra hiệu cho cử động của mọi người phối hợp với nhau. Họ phải rán khiêng sao cho bát nước đặt trên linh cữu không sóng sánh. Họ rón rén bước một bước rồi lại ngưng một chút, từ trong nhà ra tới cổng độ hai chục thước mất đến nửa giờ. Ngừng ở đó khá lâu, rồi lại tiến từng bước ra cổng xóm. Khúc đường này rợp bóng tre, độ trăm thước, cũng mất nửa giờ nữa. Từ cổng xóm tới huyệt (trong một thửa ruộng của bác tôi) toàn là ruộng với những bờ ruộng rộng không đầy gang tay, phải lội càn xuống ruộng mới cấy độ một tháng. Dưới nắng chang chang và trong hơi nước hừng hực từ ruộng bốc lên, cả trăm người cũng lội theo linh cữu - vì theo lễ từ đời Chu (?) bên Tàu, thì “tống tang bất khả tị đồ” (đưa ma thì phải theo đúng đường của linh cữu, không được tránh qua lối khác). Người nào người nấy mồ hôi ướt cả áo trong và áo ngoài mà nét mặt vẫn nghiêm chỉnh. Khúc này dài độ vài trăm thước, đi cũng mất non một giờ nữa, vì rất khó đi và khó giữ cho bát nước khỏi sóng sánh.
Tới huyệt, hạ quan, lấp huyệt, đắp nấm kĩ lưỡng cũng mất một giờ nữa. Tính ra trước sau mất non bốn giờ mới về tới nhà. Lúc đó đã chiều rồi, các môn sinh chia tay nhau.
Lần đó tôi được thấy cái lễ nghi nghiêm trang, cảm động của Khổng giáo. Có phần nghiêm trang nhiều hơn bi ai.
Tình của môn sinh nếu được như vậy hoài thì đẹp biết mấy. Nhưng chỉ sáu tháng sau, tình của họ đối với gia đình bác tôi đã khác nhiều. Ai cũng biết trước rằng gia đình đó sẽ suy mà suy rất mau. Những môn sinh ở làng khác, ba bốn chục tuổi, đứng đắn, vẫn giữ bổn phận, ngày giỗ tết đều nhớ lại cúng, nói dăm ba câu chuyện rồi về; có việc gì cần thì họ cũng giúp. Còn các môn sinh trong làng, ngay cả một số người thân tín vào hạng học trò “ruột” của bác tôi, cũng mừng thầm rằng giậu đã đổ rồi. Mà giậu đổ thì bìm leo.
Họ muốn cho sản nghiệp của bác tôi để lại tan tành sớm, mà con cháu bác tôi cũng sẽ nghèo khổ như họ, hay hơn họ. Hình như có một tâm lí chung: trong làng thấy nhà nào suy thì người ta mừng, thấy nhà nào thịnh thì người ta nịnh.
Người con cả bác tôi và cả vợ nữa - con một lí trưởng ở Thanh Mai - đều mong có một chức gì trong làng để khỏi mang tiếng là bạch đinh, bị người ta gọi là bố cu, mẹ đĩ: ba người em trai, cả người có bằng tiểu học làm hương sư, cũng muốn cho anh như vậy; dân làng, môn sinh cũ xúi giục thêm; và hai ba năm sau khi bác tôi mất, nhân làng khuyết chân lí trưởng, cả bốn anh em nghe một bọn môn sinh của bác tôi bày kế, sửa đổi chúc thư, bán ruộng đi, cả ruộng hương hỏa để ra tranh lí trưởng. Hễ chịu tung tiền cho nhiều thì ngu dốt tới mấy cũng thắng. Thế là vợ chồng vinh hãnh được dân làng gọi là ông Lí bà Lí. Gia sản chỉ còn độ một nửa, bổng lộc ít, tiêu pha nhiều, lại mang thêm tật nghiện thuốc phiện, đánh xóc dĩa nữa; vợ lại đần và làm biếng, nên còn mấy mẫu ruộng bản lần để ăn; hết rồi thì cầm cố vườn, nhà thờ, bán hết đồ đạc trong nhà, cả câu đối, hoành phi, khám thờ nữa, rốt cuộc chỉ còn một cái chõng tre, môn sinh tới làm giỗ thầy phải đặt đồ cúng lên chõng mà vái. Năm 1943, mười năm sau khi bác tôi mất, sản nghiệp của mấy đời, không còn gì cả. Gia đình tan tác: vợ chồng con cái người con cả vô ở Thanh Mai (nhà bố vợ); người con trai thứ hai ở nhà vợ trên Vân Sa. Còn hai người sau vào Nam, ở với bác Ba tôi.
Tôi chép lại mấy trang bi đát đó để vạch cái hại của thói giữ thể diện, không trọng sự trị sinh; và cái kết quả rất hời hợt của sự giáo hóa: đối với một số người, nó chi là lớp sơn lễ nghĩa ở bề ngoài, còn cái tính, cái lòng thì không thay đổi được. Tôi giận nhất là chính một hai môn sinh trước kia kính cẩn khiêng linh cữu bác tôi ra sao, thì nay nhà bác tôi suy rồi lại xúc xiểm các con bác tôi đào mả ông nội tôi lên - tức cha của thầy học của họ - để xem mộ có động gì không mà nhà mau suy như vậy! Và bọn bốn đứa cháu bất hiếu đó đã ngu xuẩn nghe lời, quật mồ ông nội mình lên. Thấy chiếc áo gấm khi liệm còn nguyên vẹn, sợ quá, vội lấp lại. Một tai vạ của thói tin địa lí, mà cũng là sự vô ơn, tàn nhẫn vô cùng của mấy tên tự xưng là có “nho học”. Không gì đúng bằng câu này của Mạnh tử: “Hễ không có hằng sản thì không có hằng tâm”; nghèo khổ thì sinh ra vô lễ, bất nghĩa, tàn nhẫn, đê tiện, vô sở bất vi.
Muốn học gì thì học nhưng trước hết phải có một nghề để sống đã, bài học đó của ông nội tôi, mà cháu người không biết theo.
Tôi nghe nói ngày nay dân làng tôi ai cũng đủ ăn, sàn sàn như nhau cả và những thói ham danh, xúc xiểm nhau, bóc lột nhau, tranh giành nhau địa vị bớt rồi. Nếu đúng vậy thì thật đáng mừng, mà đó là công của cuộc cách mạng 1945. Nhưng đời sống của dân còn phải cải thiện nhiều nữa.

[1] Tâm trạng tủi nhục đó do tổ chức hương thôn của mình. Mỗi làng là một địa phương tự trị, có tục lệ riêng, tài sản riêng (công điền), gần như một triều đình riêng. Người nơi khác tới có cảm tưởng như vô một xứ lạ, bị dân làng nghi kị, không muốn cho nhập tịch – vì không muốn chia công điền cho họ - và chỉ cho ngụ cư (ngày nay gọi là tạm trú). Dân ngụ cư không có chút quyền lợi gì cả (không được dự việc làng không được chia ruộng) nên bị khinh. Đã bị nghi kị lại bị khinh, tất khó làm ăn, nên không ai muốn bỏ quê hương mà đi ngụ cư nơi khác cả, cho việc li hương phải ngụ cư là một tủi nhục. Ngày nay chế độ xã hội chủ nghĩa lại áp dụng chính sách thời phong kiến, chính sách địa phương tự trị đó cũng phân biệt tạm trú và thường (có hộ khẩu) gây rất nhiều rắc rối và tham nhũng. Bao giờ nước mình mới văn minh được?
[2] Khoảng 1936. Gần đây một số tờ báo đặt vấn đề bỏ chế độ hộ khẩu, nhưng thực tế cho thấy sự cách biệt giữa thôn quê và thành thị còn quá xa, điều đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được (NXB)
[3] Có lẽ tác giả muốn nói: 2 hécta = 2 x 10.000m2 = 20.000m2 bằng khoảng 6 mẫu ngoài Bắc = 6 x 3.600m2 = 21.600m2. (Goldfish).
[4] Đoạn này nằm trong văn mạch, trong sự suy tư của một học giả có nhiều uy tín với bạn đọc, chúng tôi giữ lại để những ai nghiên cứu về Nguyễn Hiến Lê có tài liệu làm việc. (Nxb Văn Hoá).
[5] Dân làng gọi chúng tôi là “cậu”. Nhiều gia đình hạng sang gọi cha là cậu, mẹ là mợ cũng để tỏ ý đó.

Chương 8
TỪ KHI BÀ NGOẠI TÔI MẤT

BÀ NGOẠI TÔI MẤT
Trong một tác phẩm (cuốn Tự học để thành công, sau đổi là Tự học, một nhu cầu của thời đại), tôi đã nói được học chữ Hán với bác tôi trong ba vụ hè. Nay nhớ lại thì chỉ đáng kể là hai thôi: hè 1928 và 1929; còn hè 1930, tôi mới về Phương Khê được độ mươi bữa, học chưa được một tuần, thì một người em cháu cô cháu cậu tôi, Đỗ Bàng, ở Hà Nội lên Phương Khê mời bác tôi xuống Hà Nội có việc gấp. Thế là sáng hôm sau bác tôi, Đỗ Bàng và tôi đều rời Phương Khê.
Tới nhà tôi mới hay rằng bà ngoại tôi ba đêm trước trúng phong té xỉu. Mẹ tôi khiêng người vào, đánh gió, đổ nước gừng vào miệng, người mở mắt, nhưng cấm khẩu, toàn thân tê liệt, không cử động được nữa. Chắc bà bị đứt mạch máu. Vậy là mẹ tôi đã nhờ anh Bàng - Bàng tuy vai em nhưng lớn tuổi hơn, nên tôi gọi là anh - về Phương Khê báo cho bác tôi hay, nhưng bác tôi giấu tin đó.
May tôi về kịp để săn sóc người được một ngày trước khi người mất, năm đó người trên sáu mươi. “Đi” mau như vậy, không đau đớn gì cả, thực là một cái phước cho người. Bệnh đó có khi kéo dài hàng năm; nếu là bán thân bất toại thì có người chịu cực hình cả chục năm.
Thế là trong mười năm tôi mất hai người thân: cha tôi năm 1920 (Canh Thân), bà tôi năm 1930 (Canh Ngọ).
Trong nhà chỉ còn bốn anh em (mẹ tôi vẫn đi buôn bán suốt ngày); em gái lớn của tôi 15 tuổi, thay bà tôi lo việc cơm nước được rồi, em gái út 12 tuổi cũng đã giúp được việc nhà.
Chôn cất bà tôi xong, tôi ở lại Hà Nội, bỏ học chữ Hán.
Nghỉ hè năm sau, 1931, lo thi vào trường Cao đẳng Công chánh, tôi cũng không học chữ Hán, chỉ về quê thăm bác tôi mươi bữa, nửa tháng. Mấy năm sau vì bác tôi yếu, rồi mất (1933) nên tôi không học thêm được gì, mãi đến năm 1934, ở trường Công chánh ra tôi mới tự học lại.
MỘT GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG: HỌ ĐỖ Ở THỊNH HÀO
Ở trên tôi đã nhắc đến Đỗ Bàng. Anh là cháu nội cụ Đỗ Uẩn, anh rể ông nội tôi, là con trai út của Đỗ Cơ Quang (tức Đỗ Chân Thiết) mà trong Đông Kinh nghĩa thục tôi gọi là chú Ba Đỗ.
Ông nội tôi có một bà chị và một bà em, cùng lấy một chồng, cụ Đỗ Uẩn. Chú Ba Đỗ tôi là con bà thứ. Chú cưới vợ ở hàng Bạc, nhà có của, làm nghề kim hoàn. Chú ở trong Đông Kinh nghĩa thục như các bác, thuộc nhóm bạo động như bác Cả tôi, cũng qua Trung Hoa liên lạc với cụ Sào Nam, vô Việt Nam Quang Phục hội, phụ trách cơ sở Vân Nam, chở tạc đạn về nước, tổ chức vụ liệng tạc đạn vào khách sạn Coq d'or ở Hà Nội ngày 26-4-1913, bị bắt và xử tử với một số đồng chí năm 1914.
Chú để lại vợ góa và bốn con: Xương con trai cả, tư cách tầm thường, rồi tới hai gái - mà tôi chỉ nhớ tên người chị là Đỗ Thị Tâm – và người con trai út, Đỗ Bàng. Hai chị em (Tâm và Bàng) mưu sinh bằng nghề kim hoàn, đều nối chí cha, làm cách mạng, gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng.
Đỗ Bàng nhỏ người, miệng tươi, hoạt bát, có vẻ nho nhã - mặc quốc phục, chít khăn, áo dài thâm, đi giày - ít học, chữ Hán và chữ Pháp chưa đủ để đọc sách, nhưng kiến thức khá. Tính tình nhã nhận, tận tâm nhất là gan dạ. Làm liên lạc viên cho đảng; nhiệm vụ chính mà tôi đoán được - vì tôi không tò mò hỏi, mà Bàng cũng kín tiếng - là đưa các đồng chí qua Trung Hoa bằng con đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam.
Những năm 1929, 1930, hai anh em tôi vì tính tình hợp nhau nên thường gặp nhau, hoặc ở nhà tôi - ngõ Phất Lộc - hoặc ở nhà Bàng tại làng Thịnh Hào, hoặc trong nhà một bà chị của cụ Chân Thiết - chồng là ông cả Kiên[1], cũng hi sinh cho tổ quốc - ở làng Hạ Đình.
Một buổi xế trưa mùa hè năm 1929, tôi ngạc nhiên thấy Bàng dắt vào nhà bác tôi ở Phương Khê một anh bạn học cùng lớp với tôi ở trường Bưởi, anh Nghiêm, cải trang làm thợ nề có đại tang. Chúng tôi ra bờ đê nói chuyện, sáng hôm sau họ dậy sớm qua Việt Trì để đáp xe lửa lên Lào Cai.
Trong lớp tôi, hồi đó còn một anh nữa, tên là Thiều, nhỏ người, thông minh, học lơ mơ mà cũng vào hạng trên trung bình, ít nói, hay mỉm cười bí mật, bỗng nhiên thôi học, và mùa xuân 1930 tôi thấy anh đứng soát vé ở ga xe lửa Việt Trì. Chúng tôi chỉ nhìn nhau, khẽ mỉm cười. Tôi hiểu rồi: anh thôi học để làm cách mạng và lãnh nhiệm vụ đưa đón các đồng chí từ trong nước qua Trung Hoa hoặc từ Trung Hoa về. Việt Trì là một trạm liên lạc quan trọng của đảng.
Hồi đó chắc Bàng muốn tôi vô đảng lắm, nhưng biết mẹ tôi chỉ trông vào tôi, cái trụ chính tương lai trong nhà, nên không thúc tôi và tôi chỉ làm một cảm tình viên ở ngoài thôi.
Sau vụ Yên Bái (1930), Đỗ Thị Tâm bị bắt ở phố hàng Bột (Hà Nội), giam ở Hỏa Lò. Muốn khỏi bị tra khảo, chị lấy dải yếm thồn vô họng cho nghẹt thở mà chết. Tôi nhớ ngày đó là một ngày rằm, có lẽ vào tháng bảy âm lịch, anh Bàng sáng sớm lại nhà tôi, vẻ lo lắng, cho tôi hay tin đó và bảo tôi đốt tất cả những gì liên quan đến anh. Mấy tháng trước đã có một người em họ bên ngoại cho tôi hay đừng nên tiếp Bàng ở nhà nữa.
Hai năm sau, 1932, Bàng cũng bị bắt trong một nhà ở phố hàng Bông (gần cây đa cửa Quyền), trước ngày định trốn qua Trung Hoa, rồi bị đánh chết trong sà lim Hà Nội.
Một nhà mà ba cha con hi sinh cho cách mạng, thực không kém nhà họ Lương (Lương văn Can, thục trưởng Đông kinh nghĩa thục) ở phố hàng Đào (coi Đông kinh nghĩa thục). Gia đình tôi không bằng.
Hồi đầu thế kỉ, nhà Nho nào làm cách mạng thì chẳng những hi sinh thân mình mà còn hi sinh vợ con, cả dòng dõi nữa cho nước. Sau khi tiếng súng đã im hẳn ở Bãi Sậy (1897), Nguyễn Thiện Thuật phải lèn qua Trung Hoa; rồi Đề Thám phải tạm hòa giải với Pháp, lập ấp ở gần Nhã Nam để hai năm sau ra hàng ở Nhã Nam, công việc bình định của Pháp kể như đã kết liễu, thế của họ ở Việt Nam rất vững; lúc đó mà làm cách mạng thì mười phần chắc thất bại cả mười, và cụ nào lẻn ra nước ngoài thì gia đình kể như chết rồi; các cụ bà tự coi như người “vị vong” – tức quả phụ - tự lo lấy việc nuôi con, dạy con, cốt sao cho con giữ được phần nào chí khí của cha, chứ không thể cho học hành đến nơi đến chốn được.
Hai trường hợp điển hình là trường hợp cụ bà Phan Sào Nam và cụ bà Nguyễn Quang Diêu.
Đây là lời cụ bà Sào Nam nói với chồng khi chồng bị bắt, giải về Nghệ An: “Vợ chồng li biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp mặt thầy, trong lòng tôi đã mãn túc lắm rồi. Từ đây trở về sau, chỉ trông mong cho thầy giữ được lòng xưa, thầy làm những việc gì mặc thầy, thầy chớ nghĩ tới vợ con”.
Còn cụ Nguyễn Quang Diêu, sau mười mấy năm xa quê, qua Hương Cảng, bị bắt giam ở Hà Nội, bị đày qua Guyane (Nam Mĩ) rồi vượt ngục trốn qua đảo Trinidad, trở về Trung Hoa, lẻn về Sa Đéc nhắn vợ ở Cao Lãnh ra để gặp mặt ở nhà cụ Võ Hoành[2] cũng chỉ bảo vợ: “Tôi tưởng bỏ thân nơi đất lạ, nay may mà được về đây, mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quí lắm rồi. Thôi bà trở về lo lắng nuôi con, còn phần tôi bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia đình được”[3].
Vợ bị hi sinh như vậy mà con không được học hành: con cụ Phan cũng như con cụ Nguyễn chỉ biết ít chữ Nho và (vần) Quốc ngữ, rồi làm ruộng giúp mẹ; cho nên các gia đình cách mạng đều nghèo, mỗi ngày mỗi suy, không giữ được chút tinh anh của ông cha nữa, thành bần dân vô học như gia đình nông dân[4]. Thật chua xót.
Nghĩ vậy, tôi thấy bác Cả tôi rất sáng suốt: đã tính làm cách mạng nên không chịu lập gia đình, sau khi ông nội tôi mất, lẻn qua Trung Hoa và từ đó không cho các em biết tung tích của mình nữa; trước khi đi, bác tôi lại phân công: bốn anh em thì hai người làm cách mạng (bác Cả và bác Ba tôi), còn hai người ở lại thờ phụng tổ tiên bên nội, bên ngoại, dạy dỗ con cái, giữ truyền thống của nhà (Bác Hai tôi và cha tôi).
HỌC GIỎI MÀ LẠI RỚT
Tôi nhận thấy sự học của tôi - mà tôi đoán đa số học sinh cũng vậy - muốn cho tiến phát, cần hai điều kiện: có sức khỏe dồi dào và gặp những giáo sư mình quí mến, khuyến khích, thúc đẩy mình học.
Hai niên khóa cuối 1929-1930, 1930-1931, ở ban Cao đẳng tiểu học (sau đổi là ban Trung học đệ nhất cấp) tôi có đủ hai điều kiện trên nên sự học của tôi vượt lên đều đều. Giáo sư các môn quan trọng nhất là Pháp văn: thầy Dương Quảng Hàm mà tôi đã nhắc ở trên; Toán: thầy Vũ Tiến Sáu rất nghiêm khắc (học sinh nào dở cũng nơm nớp lo sợ trước khi vào lớp) nhưng giảng bài rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ sự học của chúng tôi và ra nhiều bài tập về nhà làm, cho nên hạng giỏi, có khiếu về toán, học thầy rất có lợi; Lí Hóa: thầy Vũ Lai Chương, giảng bài rành mạch, bài gọn, cho nên cuối giờ một anh bạn tôi và tôi gần như thuộc rồi, về nhà không phải học nhiều. Luân lí là một môn phụ, nhưng năm thứ tư, nhờ giáo sư Foulon, tôi biết được kha khá và có dịp tập tiếng Pháp cho trôi chảy. Các môn đó tôi đều nhất hoặc nhì (Toán), các môn khác cũng vậy, chỉ có một hai môn đứng hạng ba.
Nhà ở xa trường, mỗi ngày bốn lượt đi về, mất khoảng ba giờ rồi, thì giờ còn lại ít, nhưng tôi khéo tổ chức việc học, nên học đều đều, dễ dàng, không phải thức khuya, dậy sớm, không phải “piocher” (cuốc) như người Pháp nói mà cuối năm cũng được giải thưởng nhất (Prix d'Excellence), lại nhà hát Tây để lãnh như năm cuối ở tiểu học.
Nhưng hai lần đều xui xẻo kì dị: lần trước nhất lớp mà thi vào trường Bưởi rớt vì môn chánh tả; lần này nhất lớp mà rớt bằng cấp Cao đẳng tiểu học cũng chỉ vì môn chánh tả.
Năm đó, tôi thi xong môn chánh tả buổi sáng, tin chắc là rất ít lỗi, mà qua được môn đó, tôi sẽ đậu. Buổi chiều bỗng có tin đầu bài bị tiết lộ nên bỏ, sáng hôm sau thi lại (Nghe nói kẻ tiết lộ đầu bài là một học sinh ban Tú tài bản xứ trường Bưởi, được Thống sứ Bắc Kì yêu vì giỏi Pháp văn).
Ai cũng bực mình, từ giám khảo đến thi sinh vì phải mất thêm một ngày nữa. Nữ giáo sư Pháp, giám khảo phòng tôi tỏ vẻ quạu quọ, đứng một chỗ ở đầu phòng, đọc bài chánh tả cho chúng tôi viết một cách vội vàng, nhanh quá, chúng tôi nghe không ra; cả phòng ngơ ngác mà không được phép xin giám khảo đọc lại cho rõ ràng. Khóa đó phòng tôi rớt oan về chánh tả rất nhiều.
Tôi oán cách người Pháp dùng môn chánh tả để loại thí sinh. Cách đó vô lí, tàn nhẫn. Một người đứng yên một chỗ đọc (lệ trường thi như vậy?), không có người thứ nhì đứng ở cuối phòng đọc lại cho, thì chỉ những thí sinh ngồi ở gần nghe rõ, ngồi ở xa tất bị thiệt thòi nhiều. Rồi cái lệ nghe không rõ mà không được phép xin giám khảo đọc lại cho, thì như vậy đâu còn là môn chánh tả, chỉ là môn nghe; thí sinh tai hơi nặng, hoặc ít được học giáo sư Pháp thì phần rớt gần như chắc chắn. Mà rớt môn chánh tả thì những môn khác đáng được bình, ưu cũng không chấm.
Hình như từ sau thế chiến vừa rồi, ở Pháp người ta đã bỏ môn chánh tả trong hết thảy các kì thi lấy bằng cấp[5] ngay cả ở tiểu học (?). Một lối thi cử vô lí như vậy mà các nhà giáo dục Pháp duy trì từ thời Napoléon I một thế kỉ rưỡi, thì ta cũng đừng nên quá chê người Trung Hoa thời xưa dùng lối văn tám vế để lựa nhân tài. Nhưng ở Pháp ngày nay người ta lại mắc cái tệ ngược lại: vì trường học coi thường môn chánh tả nên học sinh lên Trung học đệ nhất cấp viết sai chánh tả còn hơn học sinh lớp sáu hồi xưa nữa.
Rớt lần này, tôi không buồn như lần thi vào trường Bưởi, vì bất quá chỉ chậm hai tháng (chứ không đến nỗi thiệt cả một năm) và tôi chắc chắn khóa nhì thế nào tôi cũng đậu.
Tôi nhớ năm đó (1931) là năm cuối cùng các trường Cao đẳng Hà Nội (đại học duy nhất ở Đông Dương thuộc Pháp - Indochine française - chung cho Việt Nam, Cao Miên, Lào) tuyển sinh viên mà không buộc có bằng cấp tú tài. Có bằng Cao đẳng tiểu học mà đủ 19, 20 tuổi là được thi. Có vài trường như Công chánh, Bưu điện, Thương mãi lại không buộc có bằng cấp Cao đẳng tiểu học nữa.
Vì nhà nghèo, tôi không muốn học ban tú tài bản xứ, nên xin thi vào trường Công chánh. Tôi hỏi thăm chương trình thi: chỉ có ba môn: Luận, Pháp văn, Toán (như chương trình Cao đẳng tiểu học) và vẽ Công chánh. Môn vẽ này rất dễ: dùng tire-ligne và compas, mực Tàu vẽ những đường thẳng và cong sao cho nét đều, nhỏ; rồi tô màu cho nhạt và đều, không loang lỗ, sau cùng kẻ chữ.
Tôi nộp đơn thi, nhờ một anh bạn thí sinh chỉ cho môn vẽ, chỉ vài lần là biết, tập độ sáu, bảy lần là thạo. Còn việc học ôn chương trình thì để đến nửa tháng trước kì thi coi lại là đủ.
Chuẩn bị xong rồi, tôi về Phương Khê nghỉ ngơi độ một tuần, rồi lên làng Xuân Lũng thăm hai anh bạn học, để rủ nhau đi thăm đền Hùng Vương. Tôi tính đi độ 5, 6 ngày, chỉ mang theo một bộ áo cánh (tức bộ bà ba trong Nam) gói trong một tờ báo cũ rồi lên bến đò Vân Sa qua Việt Trì. Ước gì bây giờ tôi cũng sống giản dị được như vậy.
THĂM ĐỀN HÙNG
Làng Xuân Lũng ở gần con đường xe lửa Việt Trì - Phú Thọ, cách Việt Trì độ 15 cây số, cách đền Hùng độ 7, 8 cây số, có tiếng về văn học; mấy năm trước 1930 có một tổ chức của Việt Nam Quốc Dân đảng, chế tạo bom cho đảng. Lần đầu tiên tôi được thấy cảnh đồi trùng trùng điệp điệp của miền trung du Bắc Việt, trên ngọn là mấy cây chẩu (có hột để ép dầu), thân thẳng như cây cau, cao sáu bảy thước, tàn xòe như cánh quạt, che một mái miếu cổ, dưới chân là một thung lũng nhỏ trồng lúa. Có vài ngọn đồi trồng đầy chè xanh, làm cho tôi nhớ câu hát của các thôn nữ quê tôi:
Rủ nhau lên núi hái chè,
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi.
Tôi thích cảnh Xuân Lũng vì địa hình thay đổi, nhà cửa thưa thớt, có những đường mòn quanh co đưa lên đồi, xuống bờ ruộng hay bờ đầm, và có nhiều giếng nước trong mát.
Con đường từ Xuân Lũng tới núi Tổ (núi Hùng) trải đá, rất vắng, rất sạch, đi cả cây số mới gặp một bóng người. Đường uốn khúc trong đám rừng và các đồi chè, dứa, trên ngọn có căn nhà lá của người giữ trại. Trái thị chín vàng trên cây, không khí thơm thoang thoảng. Tiếng bìm bịp khắc khoải làm cho cảnh càng thêm tĩnh và buồn.
Tới một khúc quẹo, ngọn núi Hùng âm u hiện lên, sừng sững trước mặt chúng tôi, cao và thanh tú hơn các ngọn chung quanh, tôi hồi hộp như nghẹt thở. Đường dốc, tôi vừa bước vừa ngẩng lên nhìn cửa tam quan và cứ mỗi bước, núi càng dâng cao lên nền trời xanh, cánh thật uy nghi. Núi có tên là Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, dân trong vùng thường gọi là núi Đền.
Có khoảng 300 bực xây đưa lên đỉnh. Chúng tôi thăm đền Hạ, cũng gọi là đền Giếng, thờ hai bà công chúa, con một vua Hùng; nghỉ ở tam quan đền Trung, đây có một tấm bia nhắc lại lịch sử các vua Hùng; sau cùng lên đền Thượng thờ 18 đức Hùng Vương, phía trước có bức hoành phi lớn khắc bốn chữ “Nam Việt Triệu Tổ”[6], nét rất hùng kính.
Sau đền có một cái tháp, không có vẻ cổ kính, gọi là Lăng Tổ; tại đây nhìn qua cành lá thấy loang loáng ở xa xa, dòng nước Ngã ba Bạch Hạc. Cái khu mấy chục cây số từ núi Hùng tới Bạch Hạc này gợi cho chúng ta biết bao cố sự, lòng hoài cảm của tôi dào dạt.
Cuộc thăm mộ Tổ này tôi đã chép kĩ trong tập Con đường thiên lí[7].
Ở chơi Xuân Lũng ba ngày, tôi trở về Phương Khê để xuống Hà Nội chuẩn bị thi vào trường Công chánh trước, rồi sau thi kì II bằng Cao đẳng tiểu học.
ĐẬU VÀO TRƯỜNG CÔNG CHÁNH
Có ba trung tâm thi vào trường Công chánh cùng một ngày, cùng bài thi: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Trung tâm Hà Nội có hơn hai chục thí sinh, Huế và Sài Gòn chắc ít hơn. Ba môn viết thi một ngày rưỡi thì xong, không có vấn đáp. Bài thi ở Huế và Sài Gòn gởi ra Hà Nội chấm.
Tuyển mười bảy người. Trường Bưởi, ngoài tôi ra còn hai bạn cùng khóa với tôi cũng dự thi, anh Đỗ Văn Hách và một anh nữa tên Long.
Độ nửa tháng sau, thi bằng Cao đẳng tiểu học, hồi đó gọi là bằng Thành chung, tôi đậu hạng bình thứ[8], thêm chứng chỉ chữ Hán. Giám khảo môn đó là cụ Bùi Kỷ. Cụ bảo tôi viết chữphụng  là dâng. Tôi viết lên bảng, cụ và thầy Dương Quảng Hàm cùng mỉm cười, cho tôi ra. Tôi tưởng đâu phải đọc một đoạn sách rồi dịch nghĩa chứ.
Đậu bằng cấp đó rồi, ít ngày sau đi coi bảng, lại đậu vào trường Công chánh nữa. Ngày đó là một trong những ngày vui nhất của tôi, tôi đã ghi trong tập Cháu bà nội, tội bà ngoại, như sau:
“Hôm đó vào đầu mùa thu, tôi đi coi bảng từ buổi sáng, thấy đậu vô trường Cao đẳng Công chánh, về nhà không báo tin cho ai cả, ngong ngóng đợi tối, mẹ tôi về. Khoảng tám giờ tối, tôi đương nằm ở giường đọc sách thì nghe thấy mẹ tôi gọi từ ngoài của:
- Trong nhà có đứa nào không; ra tiếp tay cho tao này.
Tôi nhảy phắt xuống đất, chạy ra, vừa thấy mẹ tôi, tôi thưa ngay:
- Con đỗ vào trường Công chánh rồi mẹ ạ. Đỗ đầu, được học bổng.
Mẹ tôi cười rất tươi:
- Giỏi nhỉ.
Rồi hai mẹ con cùng nhau khiêng thúng gạo vào. Tới phòng, đặt thúng xuống, tôi bảo:
- Giá còn bà thì bà mừng lắm.
Mẹ tôi thở dài, hai mẹ con ngồi yên lặng một chút rồi người hỏi tôi:
- Có phải sắm sửa gì vào trường không?
Mười một năm cực khổ nuôi tôi từ khi cha tôi mất, bây giờ người mới được thấy tôi không phụ lòng người, mẹ tôi được hãnh diện một chút với họ hàng bên nội, bên ngoại, và thấy nhẹ mình vì từ nay có thể khỏi nuôi tôi nữa: tôi được ăn ở trong trường, mỗi tháng lại được lãnh sáu đồng rưỡi để tiêu vặt (trước kia là tám đồng, vì đương thời khủng hoảng kinh tế, nên rút xuống)”.
Tôi về Phương Khê chơi ít bữa trước khi vô trường; viết thư báo tin cho bác Ba tôi ở trong Nam, bác thưởng tôi ba chục đồng để tôi mua viết máy, đồng hồ, giày, may một cái áo vừa đi mưa, vừa chống lạnh. Hè năm sau nhờ để dành học bổng, tôi may được một bộ đồ Tây duy nhất, thứ rẻ tiền.

[1] Ông Kiên là cháu nội cụ nghè Lê Đình Duyên, thầy học của ông nội tôi mà tôi đã nói ở trên.
[2] Trong Đông Kinh nghĩa thục, cụ bị an trí ở Sa Đéc, làm Đông y sĩ.
[3] Trong cuốn Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu (Xây dựng – 1961)
[4] Gia đình cụ Võ Hoành về sau cũng vậy, phiêu tán hết, chỉ còn một người con trai làm thợ nề ở Sài Gòn, nghèo mạt.
[5] Người ta chấm bài luận văn của thí sinh mà biết được có dốt chánh tả quá không, dốt quá thì có thể bị rút đi ít điểm.
[6] Sách in là: “Việt Nam Triệu Tổ”. (Goldfish)
[7] Nxb Long An, 1990 (BT).
[8] Cao nhất là hạng ưu (mention très bien), kế đến là hạng bình (mention bien), rồi bình thứ (mention assez bien), thấp nhất là thứ (mention satisfaisante). (Goldfish)

Chương 9
NHỮNG NĂM Ở ĐẠI HỌC

HỌC XÁ PAUL BERT VÀ BOBILLOT
Năm đó có ba anh bạn có tú tài Pháp hoặc bản xứ xin vô học trường Công chánh, họ khỏi phải thi, thành thử lớp học có độ hai chục người. Năm đầu còn học bổ túc về văn hóa, chương trình gần như ban Tú tài toán, nhưng nhẹ hơn, và thêm mỗi tuần vài giờ vẽ, thực tập gì đó.
Tôi, anh Hách bạn cùng khóa ở trường Bưởi và một anh nữa ở trường Khải Định (Huế) học không kém ba anh có tú tài, mặc dầu những môn trường dạy, họ đã học cả rồi. Môn toán khá nặng, gồm cả tú tài I và nửa tú tài II, tôi sàn sàn như ba anh ấy; chỉ có môn luận Pháp văn là tôi kém mỗi một anh, anh Nghiêm Xuân Việt học trường Albert Sarraut từ nhỏ và đậu tú tài Pháp, ban toán, hạng bình thứ. Tôi chép lại điều đó để chứng tỏ rằng học sinh xuất sắc các trường Cao đẳng tiểu học Pháp Việt nếu có đủ sách, có người hướng dẫn, thì đậu Cao đẳng tiểu học rồi, học một năm, thi nhảy tú tài I là điều không khó, nếu lại chuẩn bị từ hồi lên năm thứ ba, tự học luôn cả chương trình tú tài I thì có thể đậu Cao đẳng tiểu học và tú tài I cùng một năm.
Cuối năm đầu, thi lên lớp tôi đậu hạng nhì, sau anh Việt và trên hai anh tú tài kia. Nhưng hai năm sau tôi thụt xuống hạng 5 và 6 vì tôi không thích một số môn chỉ cần trí nhớ, nhất là không thích môn họa đồ (topographic), gọi nôm na là môn nhắm máy, đo đất.
Năm đầu cư xá của chúng tôi và các trường Nông lâm, Kiến trúc, Mĩ thuật ở một ngôi nhà lầu không có vườn, một tiệm buôn cũ của Pháp (?) tại đường Paul Bert; từ năm thứ nhì, cư xá Paul Bert dời hết qua khu Đại học đường Bobillot[1] chung với các trường khác; đây có sân rộng, phòng ngủ ở trên lầu, thoáng, trông ra đê Nhị Hà. Những giờ có “cua” (cours) chúng tôi phải lại lớp học ở Sở Thanh tra Công chánh, trên bờ sông Nhị, gần đường hàng Vôi. Giáo sư đa số là kĩ sư Pháp, khi thực tập ngoài trời thì ra bờ sông hoặc các vườn hoa. Mỗi buổi chiều được phép ra phố từ 17 đến 18 giờ, chủ nhật được ra trọn ngày. Một số bạn ra phố rất thường; tôi trái lại chỉ chủ nhật mới về nhà một lúc, mặc dầu nhà chỉ cách cư xá hơn một cây số vì cảnh nhà rất buồn: mẹ tôi hồi đó không bán trái cây ở chợ Đồng Xuân nữa mà buôn đồ lên Vĩnh Yên về Hà Nội giao cho khách hàng, mỗi chuyến mất ba bốn ngày. Trong nhà chỉ còn ba em tôi: em trai đã đậu bằng tiểu học, thôi học, nhưng đương thời buổi kinh tế khủng hoảng không sao kiếm được việc làm, phải ở không; em Oanh đương học nghề kim hoàn, cũng bỏ dở về nhà, em Mùi không học gì cả. Thế là ba anh em, sau hai bữa cơm rau, không có việc gì, ở không suốt ngày, gia cảnh lại muốn suy. Mẹ tôi muốn tập cho hai em gái tôi buôn bán, nhưng đứa lớn không muốn học mà đứa nhỏ thì nhỏ quá. Người rất buồn. Ít khi tôi về nhà mà gặp người.
Vì vậy ba năm ở Đại học tôi không vui bằng những năm ở Trung học. Nghỉ hè năm đầu, tôi được trường cho ra nghỉ mát ở Đồ Sơn nửa tháng và tôi còn giữ được vài hình ảnh đẹp: những đồi thông rì rào bên bờ biển, một ngôi đền ở lưng chừng núi nhìn ra biển khơi, một mỏm đá ở cuối bán đảo, ba phía là biển mênh mông, rùng rợn dưới ánh trăng mờ mờ. Một buổi sáng tôi nhảy chuyền các mỏm đá trên một bãi vắng, ngược làn gió theo một làn hương và rốt cuộc tìm được trong một khe đá một bông dứa dại, ngào ngạt, bẻ đem về treo ở phòng...
Hè năm thứ nhì tôi về Phương Khê thì bác Hai tôi đau, không rõ bệnh gì, sức suy kiệt lần lần rồi tắt thở một buổi xế trưa. Chôn cất xong, tôi ở lại nửa tháng rồi về Hà Nội. Ở đâu không khí cũng buồn, chỉ mong sớm đến ngày tựu trường.
Niên học thứ nhì 1932-1933 để lại cho tôi hai kỉ niệm: buổi Bảo Đại mới ở Pháp về chưa đầy một năm, lại thăm trường. Sinh viên các trường đều tụ họp cả ở giảng đường Bobillot, Bảo Đại bận quốc phục: khăn xếp vàng chữ nhất, áo gấm vàng, quần lụa trắng, ngồi giữa, hai bên là Thống sứ Bắc kì và Viện trưởng Đại học Thalamas.
Thân hình to lớn, khỏe mạnh, da trắng trẻo, nhưng vẻ ngượng nghịu. Bảo Đại đứng dậy, ngoáy ngoáy cái cổ - cơ hồ khó chịu vì cổ áo - rồi móc trong túi một miếng giấy nhỏ, cầm lên đọc. Chỉ có vài hàng tiếng Pháp, đại ý là khuyên chúng tôi chăm học để sau này giúp nước, ông ta trông mong ở chúng tôi nhiều và dành tất cả cảm tình cho chúng tôi. Nói không đầy một phút mà cũng phải cầm giấy.
Một lần nữa đi nghe Phạm Quỳnh diễn thuyết buổi tối, cũng ở giảng đường. Các quan lớn Pháp, Việt một số thân hào Hà Nội ngồi cả trên sân khấu; sau khi được giới thiệu, Phạm Quỳnh đạo mạo trong quốc phục khăn đen, áo thâm với cặp kính trắng, đứng dậy, tiến ra cầm một xấp giấy để đọc; lời lẽ bóng bảy, nhưng giọng đều đều mà bài diễn văn - bằng tiếng Pháp - dài quá, nghe chán quá. Buổi tối đó tôi chỉ nhớ cái đầu không có một sợi tóc, nhẵn bóng như trứng đà điểu của ông Viện trưởng Thalamas.
Tôi nhận thấy tình bạn ở Đại học không đằm thắm bằng ở Trung học. Tôi chưa thấy một hội cựu ái hữu cựu học sinh tiểu học nào cả; mà cũng không thấy hội cựu ái hữu sinh viên Đại học, chỉ có những hội của những người cùng nghề luật sư hay y sĩ, mục đích để bênh vực quyền lợi chung, không gọi là hội ái hữu được. Chỉ các trường trung học là có nhiều hội ái hữu học sinh, như hội cựu học sinh Chu Văn An (trường Bưởi), Khải Định, Pétrus Ký, Gia Long, trung học Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên (Thoại Ngọc Hầu)… hội nào cũng rất đông, buổi họp nào cũng rất vui. Có nhiều nguyên nhân, theo tôi nguyên nhân chính là trong tuổi thiếu niên ở trung học, tình cảm người ta dồi dào nhất. Ở tiểu học, trí óc chưa phát triển, tình cảm còn hồn nhiên, chưa có thắc mắc, suy tư, bạn chỉ là bạn chơi những trò đánh bi, đánh đáo, chưa phải là bạn tâm tình. Lên tới trung học, tới tuổi dậy thì, chúng ta mới hiểu và thích cái đẹp của thiên nhiên, của thơ văn, của tâm hồn, của thiếu nữ, tình xuân của ta phơi phới, ta vui khi nhìn ánh vàng ban mai trên ngọn cây, buồn khi nghe tiếng gà gáy hoặc cuốc kêu giữ trưa, ta rạo rực trước dòng nước loang loáng ánh trăng trong một không khí thoang thoảng hương bưởi, du dương tiếng sáo, ta mơ mộng một cuộc đời mai sau, ta tạo cho mình một lí tưởng, lí tưởng càng cao thì lòng ta càng dào dạt, và ta muốn có bạn tâm sự để thố lộ những thắc mắc, san sẻ những ước mơ của mình. Vì vậy mà những bạn thân nhất của ta thường là những bạn ở Trung học.
Lên tới Đại học, qua tuổi mộng mơ rồi, chúng ta có óc thực tế hơn. Mỗi người đã có một hướng đi rõ ràng trong đời, lo chuẩn bị cho tương lai, cho nên ít tâm sự với nhau.
Trong số bạn học ở trường Công chánh, chỉ có anh Đỗ Văn Hách là hoàn cảnh, tính tình hơi giống tôi, bình dị, ngay thẳng, nhưng không thích thơ văn như tôi. Nghiêm Xuân Việt, có khiếu về thơ văn, nhưng tính tình ít hợp, phù táo, quá cương. Sau khi ra trường, hai anh ấy đều làm việc ở trong Nam như tôi.
Tóm lại đời sinh viên của tôi trôi đều đều, không có kỉ niệm gì đặc biệt.
MẤY THÁNG ĐỢI BỔ - HỌC CHỮ HÁN
Tháng 6 năm1934[2], thi ra trường, tôi đậu hạng 6, hơn người thứ 7 khá nhiều điểm, sáu người đều sàn sàn như nhau.
Mẹ tôi vui nhưng không để lộ ra, cũng chẳng ăn mừng gì cả.
Người mừng nhất lại là bác Ba tôi - cụ Phương Sơn - ở Long Xuyên. Bác tôi cho rằng thời đó ở Đại học ra cũng như thời xưa đậu Cử nhân, và tôi là người đầu tiên trong nhà đỗ đạt, nên cho tôi một bài thơ:
Người mừng nhất lại là bác Ba tôi - cụ Phương Sơn - ở Long Xuyên. Bác tôi cho rằng thời đó ở Đại học ra cũng như thời xưa đậu Cử nhân, và tôi là người đầu tiên trong nhà đỗ đạt, nên cho tôi một bài thơ:
-----MỪNG LỘC ĐÌNH[3] THI ĐẬU
-----Hăm sáu tháng năm[4] giữa buổi trưa,
-----Một phong dây thép trạm xa đưa.
-----Sussès[5] Hà Nội coi không chán,
-----Tiệp báo Sài Gòn[6] chậm cũng vừa.
-----Bút chẩm[7] ai bàn tài bất đệ,
-----Dù che[8] ta chắc phúc còn dư
-----Mừng này biết lấy gì cho nhỉ?
-----Hai chữ khiêm khiêm[9] nhắc đạo xưa.
Riêng tôi thì rất buồn. Ngày đi coi bảng, bạn bè thi đậu, người nào cũng hớn hở mà tôi thì không muốn về nhà nữa. Đậu cao hay thấp, điều đó tôi ít quan tâm tới, nhưng “Lúc đó đương thời kinh tế khủng hoảng, tôi biết đợi nửa năm nữa chưa chắc đã được bổ mà cảnh nhà tôi lại túng bấn. Ăn cơm với rau tôi không ngại, ngại nhất là trông nét mặt ưu tư của mẹ tôi, và thấy mình đã khôn lớn mà cứ nằm dài ra ăn báo cô, không giúp người được gì. Người ta chỉ chiều mới thấy buồn, tôi hồi ấy sáng dậy đã thấy buồn rồi, ước sao được ngủ luôn một giấc sáu bảy tháng. Nói gì đến buổi chiều nữa. Mỗi lần mặt trời gần lặn, nỗi chán nỗi chán nản của tôi dâng lên mênh mông như bóng tối. Tôi không muốn ở nhà, đi thơ thẩn ở ngoài đường cho hết ngày”[10].
Vì về nhà phải thấy cảnh bốn anh em ăn rồi ở không, chẳng có một công việc gì. Mẹ tôi thì đem hàng tạp hoá lên bán ở Vĩnh Yên rồi mua hàng ở Vĩnh Yên chở về Hà Nội, vất vả, cực nhọc, mỗi tuần đi hai chuyến, ở Hà Nội độ hai ngày, nhưng về nhà chỉ có hai buổi tối. Cả nhà chỉ trông cậy vào tôi, mà tôi thì nằm “ếp rệp” tiếng thời đó dùng để mỉa hạng ngườithất nghiệp.
Ngay đến về Phương Khê, tôi cũng không thấy vui vì bác tôi đã mất năm trước, tôi chỉ ở ít ngày, qua ngày giỗ rồi xuống Hà Nội.
Một người cháu của mẹ tôi ở phố Hàng Đường vỡ nợ, thiếu người hai ngàn đồng[11] không trả nổi. Trong mười năm, người tiết kiệm được đồng nào, không dám để trong nhà, đành gởi người cháu đó. Họ buôn bán tưởng là phát đạt vì khách hàng đông, nhưng vì bán chịu nhiều, lại tiêu pha quá mức, nên sụp đổ rất mau. Vụ đó đau xót cho người nhất, nhưng người không phàn nàn gì cả, âm thầm chịu đựng và làm việc tăng lên, ít khi về nhà để rán gây dựng lại. Nghị lực của người dẫu đàn ông cũng ít ai bằng.
Nhớ lại mấy tháng đó, chỉ có bốn ngày thăm cảnh Lạng Sơn với hai anh bạn cùng thi đậu là vui: anh Huỳnh Diên Phú bao tiền xe lửa cho tôi, và anh Nguyễn Văn Hợp tìm chỗ cho chúng tôi ở trọ. Đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn dài 180 cây số, đi mất gần một ngày. Từ ga Đồng Mỏ trở lên, hai bên đường toàn là núi đá thấp, rất buồn. Nay tôi giữ được hình ảnh những con đường vắng vẻ, sạch sẽ, mát mẻ, thoang thoảng hương long não trong thành phố; buổi chợ tám giờ sáng đã tan với những người Mán bận quần áo tím, đeo gùi dựng sản phẩm trong rừng ra bán; con sông Kì Cùng hai bờ đá dựng đứng, dòng nước cuồn cuộn ở dưới sâu sáu bảy thước; cái hang Gió ở trên một ngọn núi đá nhìn xuống thành phố; nhất là cái ánh sáng xanh mờ mờ như ánh trăng trong động Tam Thanh. Rất tiếc là lần đó chúng tôi không đủ tiền để đi thăm cửa Nam Quan.
Để cho qua ngày, tôi tự học lại chữ Hán. Mỗi ngày, buổi chiều tôi lại thư viện Trung Ương đường Trường Thi, mượn bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh mới xuất bản hai năm trước (1932) rồi bắt đầu từ chữ A, tìm những từ và từ ngữ nào tôi đoán là thường dùng mà chưa biết thì tôi chép lại trong một tập vở, mỗi ngày độ chép ba bốn chục từ; tôi lại mượn cuốn Grammaire chinoise của Cordier cũng chép lại những điều quan trọngTôi ở thư viện từ 3 đến 5-6 giờ chiều. Tối hôm đó và sáng hôm sau, tôi học hết những trang đã ghi đó; rồi chiều lại ra thư viện chép bài học sau. Mỗi tuần nghỉ một ngày để ôn lại những bài trong tuần, và đi vô làng Thịnh Hào hoặc làng Hạ Đình thăm các anh em cháu cô cháu cậu của tôi.
Một buổi tối, một anh bạn học ở Công chánh lại chơi, thấy tôi học dưới ngọn đèn dầu, hỏi tôi: “Anh tính thi Tri huyện à?”. Tôi mỉm cười lắc đầu, đáp: “học cho biết vậy thôi”.
Học ba tháng, được độ ba ngàn từ, tôi viết thử một bài bằng chữ Hán độ sáu bảy hàng, đưa một ông bác, cụ Hi Thanh, con cụ Đỗ Uẩn ở Thịnh Hào, xin cụ sửa cho. Cụ đọc rồi chỉ mỉm cười, không sửa gì cả. Có thể không có lỗi, nhưng chắc chắn là ngây ngô, “pas chinois”. Nhưng người con thứ của cụ, anh Nhiếp học chữ Hán khá, làm thợ bạc, thấy vậy, khen tôirồi để khuyến khích tôi, đi mượn cho tôi một bộ Tam Quốc Chí in thạch bản, có lời bình của Thánh Thán, bảo tôi đọc. Vì đã biết truyện rồi, nên tôi đọc được, mới đầu chậm, sau quen,và rất thích lời bình của Thánh Thán[12].
Vừa đọc xong bộ đó thì tôi được giấy bổ vào làm  Sở Thuỷ lợi miền Nam Đông Dương.Trước đó, một công ti khai mỏ của Pháp ngỏ ý muốn tôi làm ở Savanakhet, nhưng mẹ tôi ngại xa lạ, không cho tôi nhận (coi bài Tựa cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười). Thâm ý của người là muốn cho tôi làm việc ở Bắc để gần nhà săn sóc các em được. Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng lần này mẹ tôi vui vẻ cho tôi nhận việc: Nam Việt tuy xa nhưng có bác Ba tôi trong đó, thì cũng như gần. Người thu xếp cho tôi một số tiền (ba chục đồng) mang đilại đưa thêm hai chỉ vàng (đánh thành nhẫn) để phòng khi thiếu thốn. Mẹ tôi lo cho tôi thật chu đáo.
*
Hôm nay gần tới buổi hoàng hôn của cuộc đời, ôn lại dĩ vãng, tôi thấy sự thay đổi lớn lao vào giữa đời (khoảng 1950) là do một sự may và vài sự rủi tạo nên. May vì năm 1928, mẹ tôi bỗng nảy ra ý cho tôi học thêm chữ Hán trong hai vụ hè, tổng cộng được bốn tháng với bác Hai tôi, nếu không thì một nhúm chữ nghĩa cha tôi dạy vỡ lòng cho tất sẽ quên hết. Rủi vì năm 1934 ở trường Công chánh ra, gặp hồi kinh tế khủng khoảng mà tôi chỉ đậu vào hạng sáu, phải đợi năm tháng mới được bổ, nên để qua ngày giờ, tôi tự học thêm chữ Hán, vừa tới lúc dược bồ dụng thì tôi đã tạm đọc được sách Hán, nếu không có năm tháng đó thì mớ chữ nghĩa học được của bác tôi chưa dùng được, để lâu cũng sẽ quên nữa. Có số vốn nhỏ đó rồi, trong mười năm sau, cứ lâu lâu tôi lại đọc sách thêm, nhờ bác Ba tôi chỉ dẫn, mà khi bỏ nghề Công chánh và dạy học, tôi mới quyết tâm viết lách, nghiên cứu, thành một nhà văn. Kết quả là ba năm học nghề Công chánh tôi chỉ dùng được hơn mười năm để mưu Sinh, mà vài năm học chữ Hán (tính số giờ thì vài năm đó chỉ bằng 6 tháng liên tiếp chuyên học) lại dùng được suốt đời; nhờ đó một phần lớn mà tôi đã sống trong sạch và phong lưu, lại hiểu biết thêm nhiều, làm quen được một số bạn văn và khá nhiều độc giả, gây được một chút thanh danh cho nhà, đền đáp được phần nào công của tổ tiên mấy đời.
Vậy trong rủi có may, mà ở đời có những cái tưởng như vô ích lại hữu ích vô cùng. Năm 1928, ai chẳng bảo chữ Hán là vô dụng?
Trở lui lên nữa, nếu tôi không mồ côi cha sớm, sự học của tôi chắc đã tấn tới nhiều, không bị “đúp” hai năm ở tiểu học, lại thi đậu vào trường Bưởi ngay từ lần đầu thì năm 1931, đáng lẽ đậu Cao đẳng tiểu học, tôi đã đậu tú tài, rồi sau đậu cử nhân hay tiến sĩ mà thành một “ông lớn” như vài bạn tôi, chứ đâu được làm một “thư sinh” như ngày nay.

[1] Có lẽ toạ lạc tại số 19 đường Bobillot (sau đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn). (Goldfish)
[2] Sách in là: “Tháng 9 năm 1934”. Tôi sửa lại theo ĐVVCT: “(…) tháng 6-1934, tôi thi ra trường Công chánh…” (trang 23), vì theo bài thơ của cụ Phương Sơn thì cụ nhận được dây thép (điện tín) báo tin thi đậu vào ngày “Hăm sáu tháng năm” tức 26 tháng 5 năm Giáp Tuất, nhằm ngày 7-6-1934. (Goldfish).
[3] Lộc Đình là tên hiệu của tôi, vì sinh ở ngõ Phất Lộc. Trong nhà, bác tôi chỉ gọi tôi bằng tên đó. [Ở đây cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ nói gọn về tên hiệu thôi. Lộc là ngõ Phất Lộc, cònĐình là cái đình không biết thờ ai ở trong (hay ngoài ?) ngõ Phất Lộc. (Goldfish)].
[4] Ngày tháng âm lịch.
[5] Tôi đánh điện mỗi chữ đó, nghĩa là thi đậukết quả.
[6] Lúc đó bác tôi cũng đợi tin người con trai lớn – anh Tân Phương – thi Tú tài I ở Sài Gòn. Tiệp báo là báo tin thi đậu. [Tân Phương: sách in là Tâm Phương, chắc là sai nên tôi đã sửa lại vì trong các chương sau đều in là Tân Phương. (Goldfish)]
[7] Ám chỉ ngôi ngôi mộ Gò Mẹo cụ tổ sáu đời và ngôi mộ Gò Dù cụ tổ năm đời của tôi ở Phương Khê – Coi chương III. Bất đệ là không đậu.
[8] Ám chỉ ngôi ngôi mộ Gò Mẹo cụ tổ sáu đời và ngôi mộ Gò Dù cụ tổ năm đời của tôi ở Phương Khê – Coi chương III. Bất đệ là không đậu.
[9] Quẻ Khiêm trong Kinh Dịch có câu: “Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục”, nghĩa là người quân tử nên rất khiêm tốn để nuôi cái đức của mình.
[10] Trong Tự học, một nhu cầu của thời đại.
[11] Số tiền thời đó lớn lắm, bằng 40 lượng vàng, vì tôi nhớ mỗi tháng mẹ tôi chỉ cho bốn anh em chúng tôi tám đồng để đi chợ và tiêu vặt trong nhà. Học sinh nghèo ở trọ trả 2 đồng một tháng, và công nhựt một người thợ tầm thường từ một đến hai hào.
[12] Đoạn từ “Nhưng người con thứ… “, trong ĐVVCT in như sau: “Nhưng người con cảcủa cụ, anh Nhiếp hơn tôi 15-16 tuổi, chữ Hán khá, làm thợ bạc, thấy vậy khen tôi  để khuyến khích tôi, đi mượn cho tôi một bộ Tam Quốc Chí in thạch bản có lời bình của Thánh Thán, bảo tôi đọc. Vì đã biết truyện rồi, nên tôi đọc được, mới đầu chậm, sau quen, càng ngày càng thích, thích nhất là lời bình của Thánh Thán. Lối phê bình đó mới mẻ với tôi quá. (trang 25). (Goldfish).






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét