Đơn vị đang xôn xao vì thiếu
gạo, nội bộ rã rời, và thêm vào những hiện trạng đó là những trận bom liên
tiếp, bom của “còng cọc” dội (tức Skyraiaer) và B52 tiếp thêm. Có một cái hiện
tượng kỳ lạ, là hễ đơn vi dời tới đâu, thì ăn bom tới đó, mặc dù là hành quân
ban đêm để tránh mọi sự dò xét của máy bay do thám, nhưng hễ đóng quân xong,
hôm trước thì hôm sau lại bị bom.
Mạnh và Tuất đang cho họp chi
bộ tìm nguyên nhân. Chi bộ họp bên cạnh chỗ ngủ của tôi, nên tôi nằm lắng tai
nghe hết ráo.
Chẳng có gì lạ. Họ nghi ngờ
trong nội bộ của đơn vị có gián điệp, nhưng nghi ngờ ai thì họ không dám quả
quyết.
Có vài người bất bình về việc
ban chỉ huy cho lũ chúng tôi gia nhập vào đơn vị họ. Tuy họ không nói rõ ra,
nhưng tôi cũng đoán được rằng họ không tin tưởng chúng tôi, mặc dù lũ chúng tôi
đều là những thằng kháng chiến hai mùa và đều có nhiều thành tích hoặc địa vị
hơn họ.
Khi chi bộ họp xong thì tôi đi
tìm ngay Hoàng Việt và Năm Cà Dom, lôi cả hai ra xa hỏi ngay:
- Các vị có nghe bộ đội nó bàn
tán cái gì về chúng ta không ?
- Sao lại không ? Năm Cà Dom
nói ngay. Họ nghi ngờ mình chứ gì ? Mẹ đồ ngốc tử, chúng nó bị bom trên miên
trước khi mình đến đây mà ! Vậy mà nghi cái nổi gì ?
Tôi nói:
- Theo tôi thì không nên đi
chung với họ nữa. Nên tách ra đi thôi.
Hoàng Việt can ngay:
- Không được đâu ! Bây giờ mà
tách ra thì họ càng nghi tợn đó nghe.
- Vậy thì làm sao ? Đi thì
không nỡ, ở không xong.
- Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân
cho xuôi chuyện rồi lừa dịp nào thuận tiện, mình sẽ tách ra.
Hừng sáng hôm đó, tôi giật mình
thức dậy, nghe mơ màng tiếng trực thăng phành phạch xa xa. Tôi không chú ý vì
chưa rõ trực thăng lợi hại như thế nào. Mấy hôm rày không lúc nào vắng tiếng
máy bay, tình hình không yên ổn nữa. Không có ngày giờ để xả hơi nữa.
Về sáng, tâm hồn cũng trong
sáng như cái thời khắc trước buổi bình minh. Lâu quá tôi mới được những giây
phút như thế.
Tôi muốn suy nghĩ, ôn lại một
số việc gần đây hoặc nghĩ về tương lai một tí, nhưng tôi thấy mệt mỏi quá, tâm
hồn rã rời thể xác nhũn nát, một sự lười biếng trở thành cố tật trong tôi.
Tôi muốn gọi Hoàng Việt dậy để
nấu trà uống chơi vào buổi bình minh cho đúng mốt “bình minh nhất ẩm trà, bán
dạ tam bội tửu ” nhưng có lẽ anh chàng nhạc sĩ còm này không còn trà hoặc không
giữ được cái thói quen tết đó lúc còn ở thị thành.
Tôi nhớ lại cái dốc vừa qua mà
ngán ngẩm. Cặp đầu gối có lẽ hãy còn chưa thích hợp cho một cuộc lội bộ ngay
bây giờ, vậy mà chốc nữa đây, một cuộc hành quân sẽ diễn ra như đã định trước.
Bỗng… đùng… út út… út… !
Tôi nghe chiếc võng của tôi
đung đưa thật mạnh rồi thì ầm đùng liên tục tôi không còn biết là việc gì đã
xảy ra nữa ! Đó là một sự việc không lạ lùng gì cho lắm: Một trận bom do B52
dội. B52, vừa rồi ở trong cái khe suối tị nạn, tôi đã ngửi thấy mùi nó từ xa
xa, thế mà cũng đã rêm mình mẩy lắm rồi, huống chi bây giờ cái “mâm cỗ” ấy lại
dọn ra mời ngay tôi. Nói tóm lại là B52 rải bom đúng khu vực đóng quân của tôi.
Có những kẻ không biết mất trí
hay cố ý nói liều, bảo rằng B52 rải bom không ăn thua gì cả. Thiệt là một nhận
xét ngu xuẩn. Không bao giờ B52 rải bom mà không gây thiệt hại về vật chất và
về tinh thần.
Có thể trong một sự may mắn nào
đó một trận B52 đã không gây ra thương vong, nhưng các bạn ơi, đó là trường hợp
hiếm có hoặc không có. Nếu không có máu chảy ra bên ngoài, thì cũng không sao
tránh khỏi máu chảy bên trong, có những người bị chấn động không thấy vết
thương mà mềm nhũn ra như quả chuối chín dập, có những người loạn thần kinh.
Cứ xét qua tôi thì thấy rằng
cái tác động to lớn nhất của B52 là tác động trong tinh thần. Mất thần ! Thất
thần ! Đó là trạng thái tinh thần của những người sống sót sau trận B52.
Tôi không thể tả đầy đủ nổi cái
quang cảnh từng rú sau khi tôi ngoi lên được từ một mô đất và ý nghĩ đầu tiên
của tôi là “à ra mình còn sống!”
Tôi gọi ầm lên để chứng tỏ một
lần nữa, với tôi, rằng tôi hãy còn sống, và để những người quanh tôi biết rằng
tôi còn sống.
Hoàng Việt ngoi lên đầu tiên
rồi kế đó là Năm Cà Dom và Thu.
Thu chạy ào sang ôm chầm lấy
tôi. Nàng thở hổn hển và đôi mắt trợn ngược lên, nàng nói không ra tiếng.
Tôi bảo:
- Nó đi rồi.
- Hả hả ? Cái gì, cái gì ?
- Máy bay chớ cái gì.
Thu lắc đầu chứng tỏ nàng không
hiểu chi cả. Nàng nói lảm nhảm không có nghĩa gì cả. Nàng sắp điên lên. Tôi
nói:
- Em yên tâm đi, nó đi hết rồi.
- Trời ơi… hơi hơi… Nàng gục
đầu vào vai tôi mà thở những hơi thở ngắn đứt đoạn rất gấp.
- Em đừng sợ nữa. Hết bom rồi
mà.
- Em chết mất anh ạ. Bom gì ghê
thế.
– Ừ thì B52 mà.
- Như trời sập vậy. Ối chao ôi
!
Tiếng kêu la của những người bị
thương bắt đầu vang lên đó đây Lúc nãy, rừng bịt bùng không thể nhìn thấy xa
mươi thước, cỏn bây giờ thì cả một dãy đất trống trước mắt tôi dài hàng cây số.
Những gốc cây chổng ngược lên
trời chen lẫn với những hố bom còn nghi ngút khói, những hố bom như những cái
khuôn bánh khọt kế tiếp nhau. Không còn cái gì còn nguyên lành cả. Từ những đống
đất tôi mới thấy những con người lóp chui lên. Không một người nào còn giữ được
cái bộ mặt bình thường.
Một người không biết từ đâu
quần áo tả tơi như tổ đĩa chạy băng băng qua các hố bom trước sự ngạc nhiên của
vài người vừa hồi tỉnh đang ngồi lấy lại sức. Không ai buồn đuổi theo hoặc ngăn
anh chàng kia lại.
Hẳn chạy, quanh các miệng hố
bom mà đất bị lửa cháy hãy còn nóng, anh ta bò lên những thân cây vừa đố xuống
như con khỉ đột.
Những người còn sống sót đã bắt
đầu ngoi lên những đống đất vùi lấp họ, càng lúc càng nhiều và tiếng kêu gào,
tiếng rên la cũng vang lên rầm rĩ.
Mạnh Rùa không biết từ đâu mọc
lên, gào lên thất thanh chứ không phải là hạ lệnh như một viên chỉ huy phải làm
mỗi khi có nguy biến để trấn tĩnh tinh thần đơn vị.
- Ai còn khỏe đứng lên!
Không thấy ai nhúc nhích cả,
hắn bèn hét:
- Ai còn khỏe moi đất lên cứu
cấp.
Rồi Tuất và mấy cán bộ nữa xuất
hiện. Họ đi vạch từng mô đất tìm những cái xác hoặc những người bị vùi.
Góp nhóp những người còn sống
sót, và những đồ đạc còn lại, tiểu đoàn của Mạnh Rùa lôi thôi lếch thếch kéo đi
chỗ khác để tránh bom (Vì Mỹ thường hay chơi cái trò đánh tùng dấu, đánh xong
rồi trở lại đánh ngay chỗ nó vừa đánh) . Một cuộc đi như thế có thể gọi là một
cuộc hành quân hay không ? Một cuộc đi gồm toàn những kẻ mất hồn còn thể xác
thì rã rời như cơm nếp mắc mưa.
Tôi cứ nghe e e mãi trong tai.
Tiếng nổ tự nãy giờ vẫn còn vang âm rền rền trong không khí.
Nói là đi trốn lánh, nhưng đâu
có ai còn sức để mà đi cho xa. Nghĩa là đi ra vừa khỏi bãi bom là có những
người rẽ vào rừng mắc võng nằm. Thực tình mà nói bây giờ nếu đụng lính Sài Gòn
thì họ chỉ cần đưa tay ra nắm eo ếch như bắt nhái bỏ vào giỏ chẳng khó khăn gì.
Cái lũ tàn quân của chúng tôi cũng hối hả tìm chỗ nghỉ.
Trở lại bãi B52 ước mặt tôi
trên đường Trường Sơn ! Đây cũng lại là một bằng chứng về sự nói láo nhất của
họ, bảo rằng B52 không có tác dụng gì cả. Họ noí mãi như thế, cho đến nỗi những
anh chết hụt về B52 chạy ra khỏi bãi bom rồi, hồn vía lên mây, lơ lơ láo láo
như ốc mượn hồn, mà mồm cứ nói lải nhải rằng b52 không có tác dụng gì!
Tôi, Năm Cà Dỏm, Hoàng Việt và
Thu cố đeo sát bộ đội nhưng càng đeo sát bộ đội thì càng thấy không có ích lợi
chi cả. Ngay hôm sau trận xuống cái đốc kinh hồn đó chúng tôi đã xơi một trận
kinh hồn gấp nghìn lần rồi.
Vừa lủi vào rừng được một hôm
lại bị một trận tiếp theo nữa. Buổi trưa hôm đó, tôi còn nhớ. Mạnh Rùa cho tập
họp đơn vị lại để làm một cuộc Tào Tháo điểm binh.
Tôi nom vẻ mặt cậu nào cậu ấy
ngơ ngác như những chú… (không phải nai vàng đạp trên lá vàng khô) mà những chú
cừu non bị sói đói vồ hụt.
Dư âm của trận bom hôm qua còn
rền vang bên tai tôi, chấn động lòng đất, lồng ngực và không gian. Tôi cứ nhìn
vào khoảng không mà tưởngchừng như không khí đang vỡ ra từng mảng to và không
thể gắn liền lại được. Còn mùi thuốc đạn thì đang ruyền đi khắp nơi. Gió và mưa
chưa xóa tan nó được.
Có những anh, hai ba hôm sau
mới tìm về đơn vị. Có những kẻ không biết bị vùi lấp dưới đất hay chạy lạc đi
đường nào.
Mạnh Rùa cố giữ vững tinh thần
những người còn may mắn được ngồi ở đây nghe anh ta phun ngải bùa mà chính anh
ta là kẻ ngậm bùa ngải trong mồm nhưng lại mất hết tin tưởng ở nó.
Anh ta nói:
- Anh em ta cố gắng giúp đỡ lẩn
nhau. Thiệt hại do địch gây nên cho chúng ta không to mấy, (trong thực tế thì
đơn vị chỉ còn non nửa). Buổi đầu chúng ta không có kinh nghiệm chống B52 (Mô
Phật ! B52 mà chống được ư ? Bằng cách nào ? Tôi nghĩ thầm trong lúc Mạnh nới
tới đó. Chống bằng cách hô các vị lãnh tụ muôn năm như những anh hùng xuất
chúng, hay bằng cách gồng mình lên) . Lần sau chắc chắn chúng ta sẽ không bị
thiệt hại nữa .(Vậy ra, theo Mạnh nói thì đây chưa phải là chấm dứt cái sự chịu
đựng B52 và Mạnh đã rút được những kinh nghiệm gì ở trận này?)
Mạnh Rùa vừa nói đến đó thì ba
chiếc phản lực vèo vèo bayqua dầu chúng tôi với độ cao biểu lộ sự khinh thường
sự có mặt của một đám lính “quân đội nhân dân ” Bắc Kỳ trong lõm rừng này.
Như những cái máy, tất cả đều
cúi mọp xuống hoặc lao mình nằm xuống đất hoặc nép vào những gốc cây gần đó.
Chiếc phản lực chỉ bay một vòng
rồi trở lại trút bom xuống ngay. Không phải một chiếc mà là ba chiếc. Tôi biết
như vậy là vì không phải chỉ có một đợt bom mà ra ba đợt rơi liên tục xuống
những nơi khác nhau.
Lần đầu tiên, tôi nghe tiếng
phản lực rít qua đầu. Làm sao tả cái tiếng rít đó ? Như gió , như đạn bay như
xé lụa hay như một mũi tên khổng lồ rẽ không khí lướt tới ? Và lại vừa có tiếng
kim khí khua động, siết lại, cắt qua nên một tiếng động rất ngắn nhưng trước
mặt nó, khiến cho mọi người bị ngạt thở.
Tôi cảm thấy tôi dẹp lại, bé
đi, xương sống ớn lạnh như có bàn tay thần chết vuốt vào. Và tôi muốn biến
thành một hạt bụi để mảnh đạn không có khả năng cắt đôi tôi ra nữa rồi sau trận
bom tôi hãy trở lại làm người.
Ba chiếc phản lực ném bom trúng
đích rồi chứ còn gì nữa mà tất cả những người dưới đất đều không có lấy một cái
hầm, chỉ biết cắn răng mà chịu, chỉ biết nằm mẹp dán mình xuống đất và cầu
Chúa, cầu Phật, cầu ông bà, cầu xin bất cứ ai, ngay cả kẻ thù, cho mảnh bom
đừng đến gần bên mình.
Tôi bỗng thấy khói lên nghi
ngút . Trời ơi, bom lửa . Lửa bốc lên rồi. Không khí xộc vào mũi tôi nồng nặc
làm tôi sặc sụa và nhắm híp mắt lại .
Thôi, hãy cứ kể là mình chết.
Thế cho khỏi phải sợ gì thêm nữa, vì cái chết là cái đáng sợ nhất rồi.
Nhưng tôi không chết, để sau đó
tôi phải chứng kiến một cảnh não lòng.
Ngươì chết nhiều quá. Người bị
thương cũng nhiều quá.
Đơn vị này chỉ còn cái may mắn
là Ban chỉ huy của họ còn nguyên. Các bạn thử tưởng tượng rằng một tiểu đoàn
sau những trận sốt rét lê thê kéo dài gần hai tháng bị một trận B52 ném trúng
đội hình, rồi vài hôm sau lại bị phản lực oanh tạc kích cũng trúng đội hình và
chưa kịp đào hầm núp.
Tôi không nhớ số bị thương và
số chết, nhưng tôi có cảm giác là tiểu đoàn không thể chiến đấu được nữa vì cả
hai lý do: Quân số và tinh thần.
Tinh thần bây giờ thì quả thấp
hơn mặt đất, còn về quân số thì khỏi phải bàn.
Nhiệm vụ của ban chỉ huy là
giải quyết cả cái bãi hoang tàn gồm có những xác chết và những vết thương đó.
Tôi không biết Mạnh Rùa và Tuất phải làm sao. Riêng bọn tôi thì tìm một chỗ
cách xa đơn vị, rút êm vào sự im lặng và sự quên lãng của họ. Bởi vì ló mặt ra
gặp họ lúc này thì có thể họ mượn chúng tôi giúp họ trong việc tản thương, hoặc
đi nhặt xác thương vong… đó là những việc mà chúng tôi không thể làm.
Tôi cho rằng chỉ nội cái việc
mang những thương binh đi – không biết là đi đâu – khỏi chỗ này cũng đã chiếm
hết nhân lực và trí tuệ của đơn vị rồi. Còn những xác chết thì cứ mặc vì đó là
những vật sắp biến thành đất.
Tôi tưởng tượng trong vài hôm
nữa sau một trận mưa, những khúc, những lóng những mảnh xương sẽ được dịp nổi
lên mặt đất, trắng như những mảnh ngà voi, lấp lánh phơi dưới ánh mặt trời.
Mỗi mảnh xương sẽ đòi hỏi những gì?
Ai biết!
Những mảnh xương đó thuộc về ai?
Ai biết !
Những mảnh xương đó sẽ làm ích lợi cho ai?
Ai biết!
Nếu có một trong những người chủ trương đem quân vào Nam bằng con đường
này, trông thấy bãi đất điềm những mảnh xương vô danh này, thì sẽ nghĩ gì?
Ai biết?
Ai biết, ai biết được hằng
nghìn chuyện khác chung quanh chuyện này. Chỉ có một điều tôi biết, biết rất rõ
nữa là đằng khác, vì tôi là kẻ đã chịu đựng, kẻ đã từng thấy những thảm trạng,
rằng con đường mòn này lát bằng xương và tưới bằng máu của hằng vạn thanh niên
miền Bắc và cán bộ miền Nam tập kết, rằng sự hy sinh mà người ta bắt họ phải
chịu đựng là quá sức của tất cả những ai còn có thể gọi là con người, và rằng
sự hy sinh, dù là bắt buộc, ở đây là vô ích, phí uổng. Phí uổng quá !
Đơn vị bắt buộc phải rời tức
khắc cái nơi thảm khốc này với cái gánh nặng của họ là những thương binh. Sự
lôi thôi lếch thếch và sự nản chí đã lên đến mức cao nhất.
Cố nhiên là những xác chết dù
biết tên, hay không biết tên đều được để nằm lại đây với đất với những cụm lửa
còn nghi ngút cháy và với những đàn mối càng đang háu đói.
Nhưng khi chúng tôi vừa hạ trại
xong thì chúng tôi lại bị ngay một trận khác. Chúng tôi bị xạ kích bằng trực
thăng. Trời đất ! Họa vô đơn chí thật.
Tiểu đoàn đâu chỉ còn lác đác
vài chục tên lính mà cậu nào cậu ấy đã quên đi tên tuổi của mình, vậy mà chỉnh
họ lại bị máy bay bắn tiếp trận nữa.
Cũng vẫn rất “may mắn” là chưa
đứa nào kịp đào hầm. Đạn lướt qua da chúng tôi mát lạnh.
Tuất và Mạnh Rùa bắt dầu nghi
ngờ chúng tôi. Về sau chúng tôi nghĩ ra mới biết. Họ đã để ý chúng tôi ngay sau
trận B52 và lúc chúng tôi rút êm ra một nơi xa, không ngó đến sự thảm khổ của
họ.
Họ bàn với nhau là phải xét
ba-lô của tất cả đơn vị, nhưng với một mục đích khác.
Trước nhất, Mạnh Rùa gọi Năm Cà
Dom ra một góc riêng, nới:
- Điều mà tớ sắp nói với cậu
hôm nay chắc sẽ làm cho cậu phật ý. Nhưng dù phật ý, tớ cũng cứ làm, vì đây là
vấn đề hết sức quan trọng.
Năm Cà Dom chưng hửng:
– Chuyện gì lạ vậy ?
(Năm Cà Dom ngỡ rằng Mạnh Rùa
nhờ hắn ta mời Thu hát múa đề lấy lại tinh thần cho đơn vị.)
- Gần đây, như cậu thấy đó, đơn
vị bi bom liên miên, không hiểu vì sao. Mạnh Rùa tiếp. Đơn vị bây giờ rã bèng
như cơm nếp mắc mưa. Cho nên tụi tớ phải tìm cách dựng họ dậy.
– Đúng thế? Phải chỉnh đốn lại
cậu ạ !
Mạnh ngần ngừ một chốc rồi nói:
- Anh em họ nghi ngờ trong nội
bộ đơn vị có gián điệp.
- Thế à ? Năm Cà Dom nhảy nhổm
lên. Thế thì nguy quá.
- Vì vậy cho nên chúng tôi
quyết định xét hết tất cả ba-lô anh em không chừa một ai, bất cứ ai, kể cả ban
chỉ huy.
Năm Cà Dom không ngờ rằng câu
nói ấy hàm ý là xét cả đám chùm gởi chúng tôi, cho nên Năm Cà Dom nói:
– Làm như vậy có thất chánh trị
không ta ?
– Có thất thì cũng chịu thôi
chớ làm sao ? Mạnh Rùa nói ngay.
– Hì hì… Năm Cà Dom lặng thinh
không nói gì.
Năm Cà Dom về thuật lại câu
chuyện trên cho bọn tôi nghe và nói:
- Mình xui quá. Chạy đằng mồ
mắc đằng mả.
Hoàng Việt hỏi Năm Cà Dom:
– Như vậy là cậu thấy rằng họ
có ý định xét cả ba-lô và đồ đạc chúng mình à ?
- Cố nhiên. Xét hết không lẽ
chừaân mình. – Nhẩm nhẩm một chốc rồi Năm Cà Dom còn tiếp.- Chừa mình ra sao
được, vì mục đích của họ là xét tụi mình.
- Hả ? Cậu nói gì ?
- Mục đích chính của họ là xét
lũ chúng mình. Họ nghi ngờ chúng mình. Thế!
- Tại sao?
- Không biết tại sao, nhưng tôi
nhận đinh như thế và chắc chắn không lầm.
- Thế thì kỳ cục quá. Hoàng
Việt nói.
Tôi dễ dãi đáp:
- Xét tụi mình không có gì thì
thôi chớ thắc mắc chi anh Bảy !Như thế thì từ rày về sau họ không còn nghi ngờ
mình nữa.
Hoàng Việt nói:
- Đúng là chúng mình đang sống
trong sự hỗn mang, hoàn toàn không có luật pháp. Anh (Hoàng Việt nói với tôi)
nên nhớ rằng xét nhà là chạm tới tự do cá nhân chớ đâu phải“không có thì
thôi “ được ! Tôi đặt vấn đề
như thế này với họ ” nếu
không có dù các anh sẽ bồi thường danh dự cho chúng tôi!”
Tôi cười xòa:
- Anh làm như ở đây có hiến
pháp, có quan tòa để phán xét !
- Không có, nhưng người ta phải
hiểu vấn đề như vậy chớ.
Tôi lại cười:
- Tôi nghĩ có những cái đáng
được bồi thường vô cùng, nhưng vấn đề đó chớ hề được đặt ra. Ví dụ như những
mảnh xương vô thừa nhận kia, những cuộc đời đang bị hủy diệt kia. Ít ra là
chúng phải được bồi thường bằng một tờ giấy vàng. Thế nhưng không.
Năm Cà Dom xen vô:
- Thôi giả dại qua ải đi cho
xong, anh Bảy bày trẻ !
Tôi tiếp theo:
- Ở đây là rùng, rừng rú. Cái
gì cũng rừng cả. Rừng với cả nghĩa đen, nghĩa tối, nghĩa thật nghĩa bóng. . .
của nó. Anh rõ chưa ?
Hoàng Việt lặng thinh, có vẻ
tức tối, nhưng không muốn cãi thêm. Anh ta thò tay vô túi móc lấy bì thuốc ra
cuộn thuốc hút mà ngón tay run lẩy bẩy, anh ta lại nói với cặp môi cũng run:
- Bây giờ thử bảo thằng chỉ huy
của nó đem lý lịch ra đây cho tôi xem. Coi tôi và hắn, đứa nào kháng chiến thâm
niên hơn.
- Ăn thua mẹ gì anh Bảy ơi !
Vấn đề không phải là thành tích, tài ba mà là vấn đề cờ ở trong tay ai thôi.
- Tôi nhất định không cho ai
đụng tới ba lô của tôi. Nhân phẩm đã bị hạ thấp xuống tận cùng rồi.
- Tôi không cãi nhau với anh về
vấn đề đó. Vì đúng là như vậy thật !
- Tại sao?
- Tôi chỉ nêu lên một vấn đề:
nếu thiên hạ có một cái nhìn khác hơn thì chúng mình đã không phải vác ba lô đi
thế này !
- Xùy ! Làm mẹ gì, mắc công
mang ơn.
- Những thằng khác đó thì sao ?
Chúng đâu có xứng đáng gì ! Vậy mà chúng về Nam bằng máy bay !
Hoàng Việt trở nên hùng biện.
Hoàng Việt nói ngay:
- Chateaubriand có nói: “Một
viên đá cho những vĩ nhân, còn những lăng tẩm cho đám tiểu nhân. ” Ở đây cũng
vậy..
Năm Cà Dom hỏi tới:
- Nghĩa là sao, anh Bảy !
- Nghĩa là sao à ? Nghĩa là đám
cóc nhái thì mang guốcc leo lên thang máy bay, còn đám….
Hoàng Việt ngập ngừng Năm Cà
Dom tiếp ngay:
- Đám ếch bà và ềnh ương thì
mang “dép lốp ” (tức dép râu) lội bộ phải không ?
Chúng tôi cố nói “xi xái ” cho
Hoàng Việt vui lòng. Cãi cọ đâm ra rắc rối thêm. Vả lại chúng tôi đang nhờ cậy
họ.
Kết quả cuộc soát xét ba lô đã
tìm ra trong ba lô của tôi một cái máy ảnh, trong ba lô của Năm Cà Dom một cái
nhiệt kế, còn trong ba lô của Hoàng Việt thi nào bàn cạo râu điện, một cái
radio bỏ túi, và mấy cuộn băng nhựa. Riêng trong ba lô của Thu thì một lọ nước
hoa nhỏ bằng ngón tay cái và mấy món đồ lót (xin lỗi độc giả) mà ở Hà Nội không
thấy có bán, và trên những món đồ đó lại có in nhãn hiệu sản xuất toàn của Âu
Tây.
Thế là có vấn đề rồi. Rắc rối
to chớ không phải chơi!
Đó là những món đồ mà thiên hạ
đang để ý và nó càng làm tăng sự nghi ngờ của ban chỉ huy tiểu đoàn.
Năm Cà Dom lợi dụng tình bạn
giữa mình và Mạnh Rùa nên anh ta nhặt từng món lên và nói trước:
- Đây là cái máy ảnh. Nó là cái
máy ảnh cũng như những cái máy ảnh khác. Không có gì lạ đâu anh bạn mình ạ!
- Nhưng các đồng chí mang theo
đây để làm gì?
- Anh bạn tôi là văn sĩ. Năm Cà
Dom nói tiếp. Anh ta mang theo để có cảnh đẹp thì chụp về đăng báo. Nếu các
đồng chí không tin thì tôi sẽ chụp cho đồng chí vài “bô”chơi.
(Năm Cà Dom nói vậy chớ sự thực
phim đã hỏng hết rồi anh ta chỉ chụp máy không phin để gây cảm tình hầu kiếm
chát.)
Mạnh Rùa xua tay:
- Thôi ! Thôi ! Đơn vị chúng
tôi không cho phép làm việc đó.
- Nhưng đồng chí đã đồng ý với
tôi đây là cái máy ảnh chưa?
Mạnh Rùa và Tuất hơi ngượng.
Tuất đáp:
- Không phải từ thuở bé đến giờ
chúng tôi không trông thấy cái máy ảnh, nhưng vấn đề là trong cái máy ảnh còn
có cái gì nữa không và tại sao các đồng chí lại mang máy ảnh đi trong đơn vi
tôi mà đồng chí không báo cáo ?
- Tôi thấy không cầ thiết, vì
tôi không phải là đội viên của các đồng chí! Năm Cà Dom hơi nổi cáu.
Mạnh Rùa gạt ngang và nhặt cái
bàn cạo râu, cái ra-di-ô bỏ túi và cuộn băng nhựa của Hoàng Việt , yêu cầu tôi
giải thích từng món một:
- Tôi lấy làm lạ sao đồng chí
này có được những món này ?
- Có gì đâu mà lạ. Năm Cà Dom
nói. Đây là bàn cạo râu điện. Thay vì cạo bằng tay người ta dùng cái máy này.
Thế thôi. Nhưng rất tiếc rằng ở đây không có điện, nếu có điện, tôi sẽ cắm vào
và xin mời anh bạn đưa cái bộ râu bồm xồm của bạn vào, chỉ trong nháy mắt, nó
sẽ bị bào láng ngay!
Mạnh Rùa có vẻ nghi ngờ cái
radio bỏ túi hơn.
Còn Tuất thì lại chú ý cái băng
nhựa. Năm Cà Dom lại giải thích rằng đây là cái băng thu những bản nhạc mà tác
giả là cái anh đang nằm trong võng kia.
Cả Mạnh Rùa và Tuất đều không
tin, nhưng không biết làm sao để xác nhận sự vô hại của những món đồ ấy. Rồi
đến những món đồ dùng của Thu. Đây là những món đồ thật sự không thể gây nên
một sự nguy hại nào cho ai cả nhưng tôi biết, hai người đó muốn hỏi chúng tôi
rằng tại sao chúng tôi lại xài toàn đồ nước ngoài.
Nước ngoài là một cái gì xa lạ,
khó khăn hầu như không thể đạt tới được, hoặc giả đó là một sự nguy hiểm đối
với miền Bắc, gần như là thù địch.
Cho nên Năm Cà Dom lại giải
thích:
- Cô này (tức Thu) là văn công,
cho nên cô ta đi ngoại quốc luôn.
Tôi nhận thấy trong đôi mắt hai
người dầy vẻ ngờ vực đối với chúng tôi, không biết làm thế nào kết thúc vấn đề
cho hài lòng được cả hai bên còn đang chùng chính ở đó thì may quá, viên Trung
đoàn phó tới, (vì Ban chỉ huy tiểu đoàn đã cho liên lạc mang báo cáo thiệt hại
trong mấy trận bom vừa qua lên Trung đoàn và yêu cầu Trung đoàn xuống đến nơi
để thanh sát vấn đề tận mắt) .
Viên Trung đoàn phó là một
người lùm thấp với bộ mặt tròn và hàm râu tua tủa vì không cạo ít ra là một
tuần lễ.
- Chào các đồng chí! Viên Trung
đoàn phó lên tiếng trước làm cả lũ người đang bị hút vào đống tang vật quay
lại.
Mạnh Rùa và Tuất dập gót đứng
nghiêm chào. Rồi Mạnh Rùa báo cáo ngay:
- Chúng tôi đang cho lục soát
đơn vị.
- Được mấy món đồ phải không ?
Mạnh Rùa vui sướng đáp và mong
ở cấp trên sự đồng tình với kết quả của họ vừa đạt được, Mạnh Rùa nói.
- Dạ vâng ! Chúng tôi đang
nghiên cứu ! Mạnh nhặt cái món đồ đáng nghi ngại nhất là cái băng nhựa của
Hoàng Việt trao bằng hai tay cho thượng cấp.
Viên Trung đoàn phó miễn cưỡng
cầm chiếc băng nhựa, hỏi:
- Có máy để dùng cái băng này
không?
- Dạ, tất cả chì có bấy nhiêu
đó.
Viên Trung đoàn phó nhặt từng
hiện vật lẹn xem, anh ta nghiên cứu rất kỹ cái radiô bỏ túi. Nhưng vì nó hết
pin nên không chạy được.
Xong, viên Trung đoàn phó nói:
- Không có vấn đề gì.
- Dạ còn cái này.
Mạnh Rùa nhặt cái bàn cạo râu
điện đưa cho ông ta, nhưng ông ta gạt ngang.
- Tôi đã bảo đây là những món
đồ dùng không có nguy hại gì cho ta cả.
Rồi ông hỏi chúng tôi:
- Các đồng chí là văn nghệ sĩ
hả?
- Vâng ! Năm đáp với tất cả sự
khỏe nhẹ trong người.
- Sao đi có một nhóm lẻ tẻ vậy
?
- Dạ chúng tôi ốm, đi không kịp
đoàn, rơi lại phía sau nên chúng tôi đeo theo bộ đội.
- Được lắm. Cứ đi với họ. Họ sẽ
bảo vệ các anh !
(Mô Phật ! )
Rồi ông ta quay đi với Tuất và
Mạnh Rùa.
Ba người đi chưa khuất thì máy
bay lại tới. Nhưng lần này là một chiếc L19. Nó chỉ quần một vòng rồi biến đi
mất.
Hoàng Việt nói:
- Nếu theo sự xét đoán của Ban
chỉ huy tiểu đoàn này thì viên trung đoàn phó vừa mới tới đây là một người đáng
nghi ngờ.
-Sao?
- Vì ông ta vừa đến là máy bay
do thám cũng xuất hiện theo.
Thình lình Roánh chạy vụt
ngang. Roánh mà chắc bạn hãy còn nhớ lúc hắn bị trói ở gốc cây vì tội ăn cắp ?
Tôi gọi hắn ngay:
- Roánh !
Hắn dừng lại ngơ ngác.
- Vào đây tôi hỏi chuyện này
chút.
- Thôi đi!
- Tôi cho cái này. Hoàng Việt
nói.
Thế là hắn vào ngay. Tôi hỏi:
- Ban chỉ huy xét ba lô anh em,
có thấy cái gì không ?
- Đâu nào, xét hồi nào?
- Hừm, dấu điếm tôi mãi.
- Không, thật mà, có xét ai
đâu.
- Có thật không ?
- Em nói thật mà !
- Thôi được rồi. Năm Cà Dom
bảo. Nhưng mà tôi nghe đồn rằng cậu còn bột ngọt nhiều lắm, cậu có đổi đồ với
tôi không ?
- Thôi ! Thôi các anh đồn tới
tai ban chỉ huy bỏ mẹ em ! Rồi Roánh chạy thằng.
Hoàng Việt nhìn tôi và Năm Cà
Dom:
- Thấy chưa ? Chúng nó nghi
mình là gián điệp mà.
Năm Cà Dom tự ái vì chính mình
khoe rằng Mạnh Rùa là bạn, bào chữa:
- Để chốc nữa tôi lại tôi chửi
thằng vào mặt hắn rồi chúng mình quay gót một trăm tám chục độ.
Máy bay lại tới. Lần này thì
phản lực. Ba chiếc. Rền trời dậy đất. Vun vút bom rơi. Vắn tắt ba người chết.
Ôông Trung đoàn phó suýt chết. Lại cứu thương. Lại khiêng.
Bi thảm. Nham nhở. Rối rắm. Tàn
hoang !
Tôi bắt đầu hiểu chiến tranh
hơn. Chiến tranh chống Pháp chỉ là một trò chơi dễ dãi. Chín năm tôi không
blmột trận bom. Cà- nông nghe nói nhưng không trông thấy. Còn ở đây, “chống Mỹ”
năm ngày, bốn trận bom.
Có một sự phát hiện mới sau
trận bom này.
Số là khi tẩn liệm một xác chết
(nói cho có vẻ ma chay tống táng chứ sự thực chỉ là gói cái xác) , người ta tìm
thấy trong ba lô của người chết một món đồ lạ lùng. Và người ta đem trình nó
lên ông Trung đoàn phó. Ông ta xem một thoáng rồi kêu lên:
-Các anh bị bom tơi bời vì cái
máy này.
- Sao vậy đồng chí Trung đoàn
phó? Mạnh Rùa ngơ ngác hỏi.
- Nó là cái máy phát tiếng động
của Mỹ.
- Dạ nghĩa là sao. Thưa đồng
chí?
Ông Trung đoàn phó bèn giải
thích cặn kẽ rằng cái máy này do máy hay Mỹ ném xuống rất nhiều trong các khu
từng. Rơi vào chỗ có tiếng động thì lập tức nó thu và phát ngay. Máy bay trên
trời nhận những tiếng động đó và phân biệt ngay vùng nào có sinh hoạt của bộ
đội. Thế là nó gọi bom tới, nếu không có bom thì cà-nông, hỏa tiễn. Thế đó.
(Không biết có đúng như lời ông ta giải thích không!)
Mạnh Rùa và Tuất vẫn cứ ngơ
ngác, trong lúc ông trung đoàn phó ra lệnh mang cái máy kỳ quái đó ra phá tung
đi bằng cách buộc kèm nó vào một quả lựn đạn rút chốt và ném cả hai. Xong ông
ta hỏi:
-Nhưng tại sao lại có cái sự
ngu xuẩn này?
Mạnh Rùa không biết đáp thế nào
đành đứng im. Tuất nói:
- Dạ, đây là vì đồng chí kia
không biết đó là cái gì. Có lẽ đồng chí ấy cho là một món đồ chơi xinh xinh nên
lượm lấy để trong ba-lô chơi.
- Thiệt là dại dột hết chỗ nói.
Ông Tnung đoàn phó tiếp. Hôm nọ tôi có nghe một anh trông thấy quả bom bi mắc
trên cành tre bèn lấy cây chọc cho rơi xuống chơi có không ?
- Dạ có ạ ! Mạnh Rùa chân thật
đáp.
- Chậc ! Thiệt là vô lý ! Đánh
với Mỹ mình cứ bị Mỹ lừa mãi như thế kia thì làm sao ?
—>Chương 24
- 24 -
Đơn vị lại tiếp tục dời một địa
điểm khác nữa. Cả lũ tôi đi theo đơn vị như một lũ người không ra người, ngợm
không ra ngợm . Cứ thỉnh thoảng lại dáo dác nhìn lên trời một đứa quát:
- Ê coi chừng B52 !
- Coi chừng B52 !
Vẫn nghe tới những tiếng đó,
mọi người cứ rã ra chạy tuôn bất kể sống chết vào những bụi rậm, nấp vào những
gốc cây hoặc những gò mối, chờ cho bom rơi trên lưng mình.
Còn những kẻ mất trí vì trận
B52 thật sự thì cứ lâu lâu lại chạy vọt đi không cần ai la hét. Đồng đội của họ
phải đi kiếm lôi về và đưa họ đi vào trong hàng một cách thật khổ ải. Rồi sau
cùng một sáng kiến được thực hiện: Người ta giữ họ lại bằng những sợi dây mây
bứt ngay bên ven đường, một đầu buộc vào lưng hoặc vào tay họ, còn một đầu do
một người tỉnh trí giữ.
Bác sĩ Năm Cà Dỏm thấy tội
nghiệp thằng Mạnh Rùa quá nên thôi không giữ cái ý định chửi nó nữa. Còn Hoàng
Việt có lẽ đã nguội lạnh đi cái tình cảm bực tức lúc nãy nhưng lâu lâu lại thốt
ra vài câu:
- Thiệt là hết chỗ nói ! Đem
những ông bần cố hỉ như thế đi đánh với thằng sừng sỏ nhất
thế giới !
Hoặc, mỉa mai hơn:
- Coi chừng chớ còn vài ba vị
còn lận cái máy đó trong lưng để dành chơi đấy.
Nhưng sự bi đát nhất vẫn là cái
chuyện sau đây:
Số là trong lúc tẩn liệm các
xác chết người ta thu thấy trong túi áo và trong ba-lô của hai xác chết những
tấm giấy thông hành của quân đội đồng minh ! Đó là vấn đề lập trường !
Cho nên Mạnh Rùa và Tuất phải
họp cán bộ để giải quyết vấn đề đó. Đúng ra là ban đầu Tuất muốn nhẹm luôn
chuyện đó đi, nếu để nó lan ra thì làm công tác chánh trị nội bộ (nghĩa là bịp
lẫn nhau) sao nổi, nhưng vì đã có người trông thấy chuyện đó rồi.
Cái giấy thông hành màu vàng có
nhiều lá cờ và nhiều thứ tiếng in ở một mặt, còn mặt kia thì có in hình một
người lính đội mũ sắt trỏ tay chỉ đường cho một người mặc áo bốn túi đầu đội
nón nan bao vải. Họ lục thấy một tấm trong áo người chết, còn một tấm trong
ba-lô của một người khác. Như vậy làm sao giấu cho được.
Tuất và Mạnh Rùa bàn cãi vấn đề
nghiêm trọng này với các cán bộ rất lâu. Có người hỏi:
- Như vậy là có nghĩa gì ?
Tuất nói toẹc ra:
- Còn nghĩa gì nữa ? Nghĩa là
trong đám anh em mình, có nhiều đứa muốn đánh bài chuồn rồi. Phải chặn đứng lại
ngay.
Mạnh hỏi đám cán bộ:
- Các anh có thấy những giấy tờ
đó ở đâu không ?
Một cậu đáp:
- Giấy đó thì nhiều lắm. Rải
rác khắp trong từng. Đi lâu lâu lại gặp một tấm. Có tấm dính trên cành cây, có
tấm nằm dưới đất.
- Nhưng ban chỉ huy đã có lệnh
cấm đọc truyền đơn địch mà !
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi
không thể kiểm soát được vì truyền đơn nhiều quá, nhiều loại quá, có loại in cả
thơ lục bát gợi tình cảm nhớ nhà. Có tấm in cả lời kêu gọi của cán bộ mình.
- Nghĩa là sao ? Mạnh gắt hỏi.
Anh cán bộ kia ngập ngừng một
giây, rồi nói:
- Tôi có đọc một tờ, thấy
truyền đơn của một cán bộ trung đoàn của mình chạy về bên kia và viết lời kêu
gọi chúng ta.
Tuất nói:
- Nghĩa là nó chạy qua hàng ngũ
địch và quay trở lại kêu gọi chúng ta đi theo chứ sao !
Mạnh Rùa chép miệng, thở dài:
- Thế thì ngoài bom pháo, máy
bay phản lực, B52, chúng ta phải đối phó với cái thứ ma quỷ này nữa !
Tuất tiếp:
- Mà thứ này còn nguy hiểm hơn
bom pháo và máy bay !
Cuộc họp bàn lung tung một chập
rồi trở lại vấn đề truyền đơn bắt gặp trong túi áo và ba lô của những người
chết.
Có hai ý kiến của hai phe rõ
rệt.
Ý kiến thứ nhất là nên bỏ qua
chuyện đó, làm như không có xảy ra vậy. Để tự nhiên người ta sẽ quên đi, dù ai
có biết thì họ cũng sẽ coi đó là vấn đề không quan trọng. Lượm một “tấm giấy”
hay hay bỏ túi chơi vô tình quên khuấy đi không vứt nó đi, cho nên chết còn
mang nó trong mình. Thế thôi.
Nhưng nó bị ý kiến thứ hai
quyết liệt bác bỏ. Những người có ý kiến thứ hai cho rằng đây là vấn đề ý thức
hệ và lập trường giai cấp. Tại sao nhặt một tấm giấy thông hành có những lá cờ
đồng minh, có hình ảnh như đã kể trên kia, hơn thế nữa, có cả một câu chiêu
hàng rõ rệt như thế này: “Cầm
tấm giấy thông hành nầy trên tay, đi đến bất cứ đồn bót nào bạn cũng sẽ được
tiếp đón tử tế” mà lại bỏ
túi được?
Bỏ túi một tấm giấy như vậy vào
túi, dù chỉ một phút, cũng không được rồi. Huống nữa là họ đã giữ nó không biết
bao nhiêu ngày và trong đầu họ nảy ra những ý nghĩ gì ?
Phe thứ hai này mạnh hơn áp đảo
hẳn đối phương và cuối cùng đa số đã quyết định.
Một là khai trừ đảng tịch của
cả hai người chết kia (khốn khổ thay cả hai đều là đảng viên) để làm gương
“xấu” cho quần chúng. (Đảng viên đi tiên phong cả trong việc “nghiên cứu”
truyền đơn của địch ! )
Không biết những người đảng
viên đang nằm dưới đất kia có phản đối cái bản án khiếm diện này hay không ?
Quyết định này được mang ra phổ
biến cho những người còn sống sót sau những trận bom gây nên bởi sự tò mò của
một người.
Riêng tôi, tôi nghĩ khác: từ
nay họ sẽ nhặt những truyền đơn nhiều hơn và cất giấu kỹ hơn.
Một hôm đang nằm tôi bỗng nghe
một mùi thum thủm. Tôi biết là mùi thịt thối, cho nên tôi ngóc đầu nhìn quanh.
Sau cùng, tôi tìm thấy một cái đầu nai, một cái sừng ghim chặt xuống đất, còn
cái sừng kia gãy trụi. Cái đầu nai đang bị dòi đục lúc nhúc.
Tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn. Một cái
đầu nai, biết bao nhiêu là thịt, nếu tôi gặp nó trước một hai hôm thì hay biết
mấy. Tôi cứ đứng ngơ ngẩn nhìn mãi.
Hoàng Việt còn đang tức về cái
việc bị lục soát ba lô hôm trước. Giữa lúc đó thì Mạnh Rùa lại đến.
Mạnh Rùa tỏ vẻ nhận lỗi với
chúng tôi, nhưng không dám nói mạnh dạn.
Anh ta nói:
- Thật ra chúng tôi cũng biết
làm như vậy là không hay.
Năm Cà Dom nói thẳng, không
ngại ngùng:
- Không ! Làm như vậy là hay
lắm chứ. Trắng đen đã rõ rồi.
- Hóa ra lỗi tại chúng tôi. .
Năm Cà Dom nói:
- Thực tình, người của các anh,
cả các anh nữa ngớ ngẩn quá. Không có một ý niệm rõ rệt gì về Mỹ và những hoạt
động của họ trên đường Trường Sơn này cả. Ai đời lại bỏ một cái máy như vậy
trong ba lô làm cho đơn vị bị bốn trận bom liền tan tác như thế! – Năm Cà Dom
tiếp- Hôm nọ chính tôi phải giải phẫu cho một anh lính vì trông thấy trái “bom
bi ” đẹp quá, nghịch chơi mà bị nổ phèo ruột!
Mạnh Rùa cười ngượng ngập:
- Tôi mong các anh thông cảm
cho chúng tôi về cái chuyện hôm nọ.
Hoàng Việt vẫn nằm dài phì phèo
điếu thuốc, nói mát mẻ:
- Tôi thông cảm hoàn toàn với
các đồng chí mà, cũng như đồng chí Hoàng Văn Hoan (ủy viên Bộ Chính trị Trung
ương đảng) thông cảm hoàn toàn với các đồng chí trong đội cải cách ruộng đất
đuổi bà mẹ của đồng chí ấy ra làm ăn mày lang thang khắp tỉnh Nghệ An, thế thôi
! Cũng như một đồng chí Xô Viết Nghệ Tỉnh ba mươi tuổi đảng thông cảm với đội
cải cách ruộng đất đã đưa linh hồn của đồng chí xuống suối vàng… Thế thôi !
Mạnh Rùa nói:
- Không phải vậy đâu đồng chí.
- Đúng là không phải như vậy
nhưng cũng gần như vậy !
Mạnh Rùa chống đỡ yếu ớt:
- Đồng chí nói sao tôi đành
chịu vậy chớ biết sao bây giờ !
Mạnh Rùa ngồi lặng thinh trông
tội nghiệp hết sức. Năm Cà Dom nói:
- Thôi chuyện đó bỏ qua đi. Bây
giờ tôi hỏi thật, có cho bọn tôi đi theo nữa không ?
Mạnh Rùa như kẻ chết đuối vớ
được cọc. Hắn đáp ngay:
- Đi thì đi chớ. Văn nghệ sĩ
mà, chúng tôi quí lắm chớ.
- Được rồi, nhưng nhớ đừng có xét
ba-lô chúng tôi nữa nhé !
Mạnh Rùa ngượng ngùng. Một chốc
Mạnh Rùa nói:
- Bây giờ chúng tôi nhờ các
đồng chí một việc.
- Việc gi đó?
- Không nói dấu gì đồng chi .
Chúng tôi đang có một bệnh nhân kỳ cục quá, chúng tôi không rõ hắn ta bệnh gì.
- Anh ta ở đâu hiện giờ?
- Đằng kia, chúng tôi đang trói
hắn vào gốc cây.
Năm buột miệng nói ngay:
- Hay là thằng Roánh lại tái
diễn cái màn cũ của nó ?
- Không phải đâu, anh này bệnh
thiệt.
- Bệnh gì mà phải trói vô gốc
cây ? Đâu đưa tôi tới đó xem !
Nói vậy rồi Năm Cà Dom đi theo
Mạnh Rùa. Tôi cũng đi.
Quả thật, một người đang bị
trói úp ngực vào gốc cây. Thấy chúng tôi đến, hắn cười rũ rượi ra và nói:
- Há há… ta là con của Trời
cháu của Phật. Há há…
Hắn cười to lên, lấy hơi bụng
lên mà cười không dứt. Tôi nói ngay:
- Sốt ác tính Năm Cà Dom ạ!
- Có thể.
Nói thế rồi Năm Cà Dom bước lại
sau lưng hắn đưa tay sờ trán hắn, vầng trán đẫm mồ hôi vì lúc nào hắn ta cũng
cựa quậy dãy dụa mong thoát khỏi sự trói buộc.
Năm Cà Dom trở lại chỗ cũ rồi
lắc đầu. Mạnh hỏi:
- Sao đồng chí. Nó có nóng lắm
không ?
- Không. Năm Cà Dom lắc đầu.
Anh này có thể không phải bị sốt ác tính.
Rồi Năm Cà Dom hỏi:
- Hắn đau từ lúc nào ?
- Tôi cũng không rõ đích xác
giờ đau của hắn, nhưng khi nghe báo cáo, tôi đến nơi thì thấy hắn ta bị trói
như thế này rồi. Tôi được nghe anh em kể lại thì đêm qua lúc ai nấy đang ngủ,
hắn ta cũng ngủ, bất thình lình, hắn tung màn ra nhảy xuống đất và kêu lên
những tiếng thất thanh, rồi cứ như một thằng mất trí, hắn tuôn rừng lướt bụi
chạy mãi, vấp té, lại ngồi dậy, lại chạy. Anh em đuổi theo bắt, nhưng không tài
nào giữ hắn lại được. Mãi cho đến lúc trưa này, họ mới bắt hắn về trói lại và
đi báo cáo cho tôi.
Bỗng bệnh nhân cười lên và nói
như hát.
- Út út út ! Rầm rầm rầm!
Tôi nhớ lúc sau trận máy bay
B52 oanh tạc, đơn vị phải gấp rút di quân, tôi thấy có một người bị đồng đội
dắt đi bằng một sợi dây mây. Và một người khác chạy bạt mạng qua những hố bom
còn nghi ngút khói.
Tôi rỉ tai Năm Cà Dom, Năm Cà
Dom cũng gật đầu đồng ý với tôi. Mạnh Rùa hỏi:
- Bây giờ thế nào đồng chí ?
- Thả hắn ra rồi cho anh em giữ
hắn được không ?
- Không được đâu đồng chí! Ai
giữ cho nổi ? Hắn mạnh lắm. Hắn làm náo động cả đơn vị lên !
- Thôi cứ trói hắn như thế!
- Đến chừng nào ?
- Chừng nào tôi bảo mở trói hắn
thì hãy mở !
Trên đường trở về, Năm Cà Dom
nói:
- Thằng này có cho đi Biên Hòa
thì hoặc may có thể trị được.
– Có cách nào chữa cho lành
không ? Tôi hỏi.
- Thời gian ! Chỉ có yếu tố
thời gian cộng vào đó là tâm lý. Làm thế nào gột sạch sự kinh hãi đột biến
trong đầu nó về B52.
- Làm thế nào ?
- Ai biết.
Nằm trên võng suy nghĩ, nhớ lại
trận B52 vừa qua mà tôi cứ giật mình từng lúc. Hôm đó đâu có cảm thấy đầy đủ
nỗi hoảng sợ. Ngay sau đó nỗi sợ đến với tôi cũng chưa hoàn toàn, vì đứng giữa
cảnh hoang tàn khốc liệt bao quanh mình là những xác chết, mình có cái vui được
sống nghĩa là sướng hơn mọi người…chết mà chẳng được toàn thây.
Nhưng về sau, càng nhớ lại càng
kinh hoảng, hãi hùng.Thỉnh thoảng một hình ảnh của trận B52 lại hiện lên trong
đầu óc tôi. Đầu óc tôi lúc đó ví như một cái máy ảnh đã thu nhận hàng trăm bức
ảnh trong một lúc vào phim, nhưng dần dần về sau nó mới cho in ra từng đoạn.
Rừng Trường Sơn càng thưa đi thì xương người trên mặt đất càng nhiều, những mẩu
xương, những ống xương, những bộ xương, những đống xương.
“Nhất tướng công thành vạn cốt
khô!”
Để vun bồi “uy tín” (hão) cho
một người hoặc một vài người mà trên dãy Trường Sơn này, núi rừng đã phải nhận
hằng vạn bộ xương khô hằng vạn nắm mồ không có nấm, không có bia.
Trong không khí Trường Sơn lúc
bấy giờ có vô số sự uế tạp: nào mùi thuốc đạn, nào mùi thây ma sình thối, nào
hơi lá mục muôn thuở của rừng hoang, cộng vào đó trời mưa nắng bất thường. Cứ
mưa xong lại nắng, đang nắng lại đổ cơn mưa, cho nên bình thương hàn, kiết lỵ
rất phổ biến.
Hay có thể nói là gần 70 phần
trăm người mắc những chứng bệnh này. Thế là ngoài sốt rét rừng ra, chúng tôi
còn có thêm thương hàn và kiết lỵ.
Có người bị một lúc cả hai
chứng: thương hàn và kiết ly hoặc kiết lỵ và sốt rét. Binh tướng nào còn tinh
thần chiến dấu. Họa chăng có Gia Cát Lượng tái sinh mới điều khiển nổi đám quân
ọc ạch như vậy.
Lại thêm cái nạn biệt kích!
Chắc độc giả còn nhớ cái vụ
biệt kích chớp nhoáng vừa mới xảy ra trên kia xảy ra cho hai vợ chồng ở một
trạm nọ. Đó là cái anh biệt kích người Thượng.
Còn thêm biệt kích Mỹ nữa. Nói
là biệt kích Mỹ nhưng là người Việt. Họ hành động bạo dạn vô cùng. Thú thật
rằng chúng tôi không dám xa cái lều con, thơ thẩn ra bờ suối như trước kia tôi
và Thu đã từng làm nữa.
Tôi đã từng nghe một câu chuyện
biệt kích đột nhập một đơn vi sau đây:
Lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Anh
em trong đơn vị đi lãnh gạo ở một kho cách xa đơn vị tám tiếng đồng hồ lội bộ.
Đi từ sáng tới chiều mới vác gạo về tới nơi. Đó là chuyện thường đối với anh
em.
Một số anh em yếu sức đi lê thê
ở phía sau. Vì gần tới nơi rồi, không sợ gì nữa, cho nên số anh em này cứ đi
chậm rãi cho khỏe. Chẳng ngờ các chàng biệt kích Mỹ nắm chắc các qui luật đi
lãnh gạo của các đơn vị. Họ bèn mò theo và bám sát các anh bạn mệt mỏi rơi rớt
lại phía sau.
Một toán biệt kích dùng dao găm
đâm chết mấy chàng và lập tức vứt xác vào bụi, cởi áo của họ ra mặc vào rồi vác
những ruột tượng gạo cứ đi theo đường mòn dẫn tới đơn vị. Họ trà trộn vào những
toán đang còn đi trên đường. Qua câu chuyện của những người kia, những chàng
biệt kích hiểu thêm vị trí, bố phòng và sinh hoạt của đơn vị về buổi chiều. Và
cuối cùng họ đã đột nhập được vào địa điểm đóng quân của đơn vị này một cách êm
ái.
Họ đi tìm văn phòng của Ban chỉ
huy. Họ đi lại như những người khác nhờ bộ quần áo và nhờ trời tối, trong rừng
không có đèn đóm gì, cho nên không ai nhìn rõ mặt ai. Và sau cùng họ hành động
Họ dùng tiểu liên mà họ giấu trong người, hạ sát gần sạch ban chỉ huy, họ bắn
vào những đám đang tụ tập quanh mâm cơm và trở lại phóng hỏa đốt kho gạo.
Cả đơn vị bị tấn công từ trong
ruột và quá bất ngờ nên không trở tay kịp. Xong họ rút vào rừng và chỉ vài phút
sau, ba chiếc trực thăng tới xạ kích ác liệt vào đơn vị này . Cả quan lẫn lính
chạy hoảng loạn. Không ai bắn trả được một phát. Rồi sau một chập dọn bãi là
một cuộc đổ quân bằng trực thăng…
Vì thế cho nên ở đây lính
thường nhắc nhở nhau đề phòng biệt kích: ” Coi chừng biệt kích nó lấy mất nồi
cơm ! “
Tôi đã từng trông thấy một bộ
quần áo da cọp ở vùng này. Đúng là da cọp. Con người mặc quần áo ấy vào có lẽ
cũng mang ít nhiều bản chất của chúa sơn lâm. Bạo dạn, nhanh nhẹn và dũng mãnh.
Quả thật, bộ quần áo rằn ri màu da cọp đó làm cho tôi cảm thấy mạng sống mình
mong manh thêm nữa, sau những đe dọa chết chóc khác. Tôi tưởng tượng những toán
biệt kích mặc bộ áo quần này đi lẩn trong từng ngày đêm, bước đi mềm như nhung
chạy nhanh như gió, và hành động như chớp. Tôi rùng mình.
Một hôm tôi nấu cạn cà mèn cơm,
tôi gạt than, đi xuống suối múc nước lên để nấu uống. Khi quay trở lại thì
chiếc cà mèn đã biến mất. Tôi hoảng hốt gọi Năm Cà Dom và Hoàng Việt để hỏi. Cả
hai đều đáp là không rõ. Tôi nói:
- Biệt kích nào mà vô đây tài
vậy !
- Mất thiệt sao ? Hay là la
hoảng ?
- Rõ ràng mà.
- Thì tôi cũng có thấy cái cà
mèn treo đó.
Năm Cà Dom ngẫm nghĩ một giây
rồi gật gù:
- Thế là ông biệt kích Roánh
rồi !
- Nó có đi ngang qua đây sao ?
- Không thấy. Nhưng chắc là nó
chớ ai. Chung quanh đây hễ ai mất bất cứ món gì thì cứ lôi thằng Roánh ra mà
khảo. Anh em người ta kể lại với tôi rằng có lần đơn vị đi qua một cái buôn,
Mạnh Rùa đổi được con gà, về làm thịt luộc vừa chín quay qua quay lại thì con
gà bay mất, chỉ còn lại nồi cháo. Mạnh ức quá bèn cho cả đội trinh sát đi lùng.
Kết quả chỉ tìm được mớ xương gà ở một hốc đá. Biết là thằng Roánh nhưng không
có bằng chứng, nên không làm gì được hắn.
Rồi Năm Cà Dom đi tìm ông Thần
Roánh.
Năm gặp Roánh tại lều của hắn
ta. Hắn ta đang nằm trên võng rên hừ hừ. Năm Cà Dom đập đập võng:
- Roánh! Roánh !
- Hừ hừ…
- Dậy anh bảo cái này tí !
- Em không có lấy đâu. Em sốt
cả ngày nay nằm liệt không cơm cháo chi hết. Các anh mất cái gì cũng nghĩ cho
em !
- Thế sao cái cà mèn cơm của
người ta mới chín lại bay đi đâu ? Cậu không trả lại, tôi sẽ báo cáo lên đồng
chí Mạnh !
Roánh vừa rên vừa đáp:
- Anh báo thì báo chứ em không
có lấy thật mà. Anh có thuốc cho em vài viên.
- Cậu trả cà mèn cơm rồi tôi
cho thuốc uống.
Vừa nói Năm Cà Dom đưa tay sờ
trán cậu bé. Năm giật mình:
- Thằng này sốt kinh quá !
Năm Cà Dom hỏi:
- Cậu không còn thuốc uống à ?
- Hết rồi anh ạ!
- Y tá không cho à ?
- Y tá y tướng gì đâu ! Một
miếng thuốc đỏ nó còn không thí cho nữa là thuốc uống. Cả túi thuốc của đại đội
bây giờ thành thuốc riêng của hắn. Hắn chỉ đổi chứ không cho.
- Đổi cái gì?
- Có cái gì đổi cái ấy. Ví dụ
như em có cái quai dép dư thì lấy quai dép đó mà đổi lấy vài viên ký-nín… Em sợ
em bị thương hàn quá anh. Thương hàn thì chết.
- Thương hàn ? Tại sao cậu biết
?
- Em nghi nghi như thế.
- Đừng có dại mồm !
- Em biết thằng chả có cả
Biomycine, thuốc trị thương hàn hay lắm. Thằng chả có hai lọ bốn mươi viên. Của
đơn vị để dành cho anh em mà vừa báo cáo là mất rồi. Anh biết không? Ở vùng này
đồng bào Thượng còn biết danh thuốc Biomycine đó. Một lọ có thể đổi một con heo
to. Năm sáu viên được một con nhỏ, hai viên một con gà. Bệnh nặng chỉ cần hai
viên là hết tuốt!
Rồi Roánh nói tiếp:
-Em mà bệnh thiệt thì thế nào
em sẽ lấy cả hai lọ của hắn ta cho coi. Uống vài viên, còn bao nhiêu thì đem
đổi heo.
Năm Cà Dom bật cười:
- Cậu thì lúc nào cũng vậy!
- Anh ghét em anh nói thế. Chứ
không phải em muốn ăn cắp làm chi đâu. Em là học sinh lớp mười mà. Em há không
biết ăn cắp là tính xấu hay sao? Nhưng em phải ăn cắp, mặc kệ người ta khinh
em.
- Cậu nói vậy nghe sao được ?
Năm Cà Dom cười.
Roánh đáp thẳng thắn:
- Tại anh không biết, cho nên
anh mới nói thế. Chứ khi anh biết rồi thì sẽ không nói thế. Anh nên nhớ rằng em
không bao giờ đụng tới các bạn đồng đội của em mà luôn luôn em phá ban chỉ huy.
Ban chỉ huy toàn ăn sướng. Thí dụ đi tới gần một cái buôn có thể đổi đồ ăn được
thì họ ra lệnh cấm binh sĩ không được rời đơn vị vì “tình hình nghiêm trọng” . Như
vậy là đúng y như rằng họ sẽ lén đi vô đó đổi gà. Em thú thực với anh là có lần
họ đi đổi được một con gà về định chè chén với nhau, nhưng luộc con gà vừa chín
thì nó bay đi mất !
Roánh nói một cách say mê . Có
lẽ câu chuyện làm giảm phần nào cơn sốt của nó. Roánh nói tiếp.:
- Mất miếng mồi quá ngon, nhưng
các vị ấy lại không dám kêu lên vì nếu kêu là binh sĩ sẽ hay, sẽ hỏi “Ban chỉ
huy mất cái gì?” Nếu họ nói thật mất cái gì, thì binh sĩ sẽ hỏi tiếp “Cái đó ở
đâu mà Ban chỉ huy có?” Thế thì làm sao mà trả lời cho trôi? Cho nên các vị ấy
hầm hầm cho trinh sát đi lùng. Hai thằng trinh sát cũng vâng lệnh đi lùng,
nhưng gặp em, em ngoắc vào ba đứa cùng xơi phéng con gà luộc vứt xương trong
hốc đá rồi hai cậu ta trở về báo cáo là không thấy dấu vết gì cả. Trời đất !
Mất cả một con gà luộc ở giữa Trường Sơn này anh thử tưởng tượng xem vấn đề to
tát biết bao ?
Roánh ngưng một chốc, ho hen
rồi lại tiếp.
- Cái thằng thứ hai mà em luôn
luôn phá phách là thằng quản lý. Cái thằng quản lý này luôn luôn ăn xén cơm của
anh em. Nó vo tròn từng viên một để phát cho anh em, một cách công khai, ai
cũng tưởng rằng nó vô tư nhưng sự thực ra nó ăn cắp rất tinh vi .
Năm Cà Dom bị câu chuyện của
Roánh cuốn hút vào. Roánh kể tiếp:
- Anh biết không trong đơn vị
này ngày nào mà không có những đứa ốm không ăn được cơm, đã xin lãnh gạo để nấu
cháo, hoặc những đứa không ăn được cả cơm lẫn cháo. Đó là chưa kể những đứa đi
bệnh xá hoặc những đứa đã chết mẹ nó đi từ ba mươi lăm kiếp rồi, thế nhưng tất
cả những thằng không ăn đó lại cứ được quản lý chiếu cố đến chia khẩu phần cho
đều đều. Anh thấy không ? Nó tinh vi quá chớ hả ?
Roánh kể tiếp liên miên:
- Thằng quản lý nào mà không ăn
trên đầu cha lính. Trong lúc mỗi đứa chúng em mỗi tháng chỉ được một nắm cơm to
bằng quả trứng thì hắn lại có cả chục nắm. Đó là em chỉ kể về cái vụ cơm thôi,
nó cũng đủ mập rồi.
Năm Cà Dom ngẩn người ra. Roánh
kể tiếp:
- Ở trong ba lô của hắn bây giờ
có ít ra là một kí lô bột ngọt. Anh không tin để rồi hôm nào em khỏi sốt, em sẽ
đánh cắp luôn cái ba lô của nó cho anh xem ! Nhất định em sẽ không tha thằng
quản lý mà !
Năm Cà Dom đi tìm cái cà mèn
cơm nhưng rốt cuộc không tìm được nó mà lại phát hiện ra một vấn đề quan trọng
về tâm lý con người trên Trường Sơn này.
Cho nên Năm Cà Dom về kể lại
cho tôi nghe câu chuyện gặp Roánh rất tỉ mỉ. Năm Cà Dom kết luận:
- Toàn những nhân vật có nét cả
phải không cậu ? Viết vấn đề này lên thì hay lắm.
- Làm sao viết được ? Tôi cười.
- Cậu không thể viết nổi những
nhân vật đã quá rõ nét như thế à !
- Không phải là không viết được,
nhưng những sự thực như thế không được đưa lên sách báo, mà phải mô tả họ như
những “anh hùng tuyệt vời ! ” Cậu hiểu ý tôi nói chưa ?
Năm Cà Dom gật gù, nói:
- Hèn chi các chả chủ trương
cái gì cũng ” khơi” ! Cứ nghe đài phát thanh Hà Nội và đọc báo Nhân Dân mà
không khơi làm sao được ? Ví dụ như con đường mình đang đi, cứ ở Hà Nội nghe
đài và đọc báo thì cho nó là đệ nhất thơ mộng !
Một hôm vào buổi chiều, tôi và
Hoàng Việt đang ngồi bàn chuyện thế giới năm châu, bỗng Năm Cà Dom đi đâu về,
mặt mày tái xanh tái mét, vừa nói vừa thở không ra hơi:
- Bắt được biệt kích mày ạ !
- Ở đâu ?
- Ở trên chỗ Mạnh Rùa.
- Cậu có trông thấy không ?
- Nghe tin nó bảo nhau thế.
- Biệt kích người Kinh hay
người Thượng ?
- Đâu có rõ . Ai xem làm gì !
Hoàng Việt nói:
- Sao cậu không thẩm vấn nó xem
nó có lấy cái cà mèn cơm của ông nhà văn không ?
Rồi chúng tôi quay sang chuyện
khác, rồi mạnh ai về võng nấy nằm. Chập sau, có hai anh chàng đi ngang qua lều
tôi. Họ bàn về cái tên biệt kích kia. Một anh có vẻ tò mò:
- Gớm, sao lại nó khai nó trước
đây cũng ở một đơn vị đi vào Nam nhỉ!
- Nó bảo là nó bị sốt rét, đơn
vị nó bỏ nó lại và sau khi khỏi bệnh nó không tìm về đơn vị mà cứ sống lang
thang trong rừng để tìm đường về Hà Nội.
- Trông hình thù nó gớm chết !
Bỗng tôi thấy có điều gì xảy
đến cho Thu. Tôi gọi giật hai anh kia lại, và hỏi thêm vài câu. Xong tôi chạy
bay tới chỗ tên biệt kích đang bị giam giữ.
Tôi phải nhìn kỹ mới nhận ra đó
là thằng Hồng. Vì không có ánh lửa, và cái mớ tóc bù xù của nó rũ xuống che kín
cả gương mặt của nó đang sưng lên vì bị đòn. Tôi gọi:
- Hồng! Hồng!
Thằng bé ngước nhìn tôi, chưa
nhận ra tôi, nhưng tôi vẫn hỏi ciếp:
- Sao em ra thế này ?
Hồng trả lời gọn khô:
- Em đi tìm chị em. Mà họ bảo
em là biệt kích. Họ đánh em. Họ trói em !
Nếu là một thằng bé thường thì
đã khóc, nhưng nó không khóc. Trường Sơn đã rèn luyện nó trước một ngược cảnh
phải tìm cách giải quyết có lợi cho bản thân mình. Ít ra nó đã học được bài học
đó sau khi bị đồng đội bỏ rơi.
Tôi đến ban chỉ huy tìm Mạnh
Rùa và nói ngay:
- Thằng bé kia không phải là
biệt kích đâu đồng chí ạ.
- Không phải biệt kích chứ là
gì ?
- Nó thuộc một đơn vị võ trang
đi vào Nam.
- Nhưng bây giờ nó đã là biệt
kích.
- Nó sống một mình mà, biệt
kích gì ?
- Thế thì nó là phỉ. Thiếu gì
tên phỉ nguồn gốc là lính võ trang.
- Nhưng nó là em tôi.
Mạnh Rùa vẫn có lý để bắt bẻ
tôi. Anh ta hỏi:
- Hắn nói tiếng Bắc rõ ràng,
còn anh là dân Nam Kỳ mà !
Tôi bắt buộc phải nói rõ hơn.
- Nó là em trai của cô bạn mình
đấy.
- Thế hả ? Sao nó không giống
cô ấy chút nào hết vậy ?
- Bây giờ nó đã trở thành con
ngợm rồi còn giống ai nữa !
Sau một hồi phân trần giải
thích và năn nỉ, tôi được nhận thằng bé để dắt nó về cho chị nó.
Mạnh Rùa còn nói với nó:
- Sau đây là phải tìm về đơn vị
hả ? Đi lang thang thế này ai nhận mày ? Nếu không gặp người quen thì tao bắn
và vứt xác mày trong rừng rồi!
Tôi đưa nó đến lều Thu và nói
tỉnh khô với cô nàng lúc đó đang nằm đắp chăn trên võng:
- Thằng Hồng đây Thu.
Trong bóng tối Thu ngước lên
nhìn. Hồng không nói gì. Tôi có cảm giác là nó đang cắn môi để khỏi bật khóc.
Tôi bảo nó:
- Hồng, chị em đó.
Nó cũng đứng trơ trơ, không nói
không rằng cũng không làm một cử chỉ gì tỏ ra rằng nó vui mừng trong một cuộc
gặp lại chị nó bất ngờ như thế này. Trong lúc đó thì Thu cứ sờ soạng mãi không
tìm thấy chiếc đèn pin trong ba lô.
Tôi không thể đứng im. Tôi nói:
- Hôm nọ thiếu tá Kim có đến
gặp anh và chị em. Ông ta chờ em mãi. Anh với chị em cũng chờ em. Chị em cứ
đinh ninh rằng em lọt vào trận B52 hôm đó.
Thằng bé đang câm lặng, bỗng
lên tiếng:
- Em bị trận B52 đó thật.
- Thế à?
- Vâng! Bác sĩ Cường chết.
Thiếu tá Kim chết hụt. Em bị đất vùi may mà ngoi lên được.
Thu bỗng lao tới với hai bàn
tay như vệt ánh sáng ôm lấy cổ thằng bé lôi nó lại mình và ghì nó vào lòng. Có
lẽ giọng nói của cậu bé cùng những sự việc nó vừa kể xác nhận với Thu rằng đó
là em trai của Thu: thằng Hồng khốn nạn !
Cái đèn pin của Thu đã hết điện
rồi. Tôi cứ vỗ vỗ vào nó, mong kích động được nó để nó mang thêm dòng sinh lực
cuối cùng ra phục vụ cho cuộc gặp gỡ ly kỳ này, nhưng nó vẫn cứ như ánh sáng
của con đóm đóm với vòng ánh sáng nhợt nhạt in trên mặt đất. Tôi treo dốc ngược
nó trên nóc tăng và quờ quạng đi nhóm bếp.
Cái bếp nấu cơm chiều của Thu
vừa dập, hãy còn than dưới tro. Cho nên chỉ trong giây phút là tôi đã thành
công trong việc khơi ngọn lửa hồng.
Thu quệt nước mắt, và nhìn Hồng
rõ nét hơn, điềm tĩnh hơn:
- Sao em thế này ?
- Người ta đánh.
- Sao người ta lại đánh em ? Bỏ
rơi em chưa đủ sao bây giờ còn đánh?
- Người ta bảo em là biệt kích.
- Nguy hiểm quá em ơi !
- Không có tôi đến kịp thì nguy
to rồi. – Tôi nói- Giữa rừng này mà trông thấy em như vầy ai tin em là người
lương thiện ? Họ định giết em đó.
Một tay Thu nắm chặt cánh tay
của Hồng, một tay nàng đưa lên vén mái tóc của cậu ta và nhìn thẳng vào mặt,
nàng nghiến răng:
- Lần này thì em đừng có cãi
chị nữa. Em không được rời chị nửa bước, nghe chưa ?
Câu chuyện dần dần trở lại bình
thường.
- Sao em không đi với thiếu tá
Kim? Sao ông ta không chờ em để cùng về Hà Nội ?
- Em bị đất vùi. Chắc ông không
biết em bị đất vùi. Sau khi B52 dứt dội bom, ông chạy bán sống bán chết còn
tưởng nhớ tới ai nữa.
Hồng tiếp:
- Em ngoi lên thì không thấy ai
hết . Chỉ còn mấy người thương binh nằm rên la om sòm nghe thảm quá. Em muốn
đem họ đi mà không biết làm sao. Ghê quá chị ạ !
Hồng ngồi lặng im. Nhìn vẻ mặt
của Hồng, tôi thấy nó hơi lơ láo Trước khi nói, cậu ta phải nghĩ ngợi giây lâu.
- Em có ra chỗ cũ của anh và
chị Thu không ? Tôi hỏi.
- Không.
- Em không nhớ rằng em hứa với
anh và chị Thu rằng em sẽ trở ra à ?
- Ba hôm sau em mới nhớ. Em ra đó
thì không còn ai ở bên bờ suối hết cả.
- Rồi em làm sao ?
- Em cũng không biết làm sao.
Em cứ đi lang thang như lâu nay. Mãi đến mấy hôm sau em mới lần lượt nhớ lại
mọi chuyện. Em nhớ rằng trong đời em có một người đã nuôi sống em, người đó là
bác sĩ Cường.
Tôi hỏi:
- Hồi nãy em nói bác sĩ Cường
đã chết, tại sao em biết ?
Hồng nói:
- Em đi tìm mãi mà không thấy.
Những người còn sống cũng không trông thấy anh ấy ở đâu .
Hồng ôm đầu khóc hu hu như khóc
dối. Tôi nói với Thu:
- Thằng Hồng có cho em cái nanh
heo rừng linh lắm. Nếu em đeo trong người thì em có thể biết trước những việc
xảy đến cho em. Lấy mà đeo vào cổ đi.
Thu không đáp. Hồng vẫn khóc.
Còn tôi không biết nói gì. Chắc Thu lại nghĩ về Hà Nội. Lâu nay tôi ít nói
chuyện với Thu, nên không hiểu nàng suy nghĩ thêm những gì. Quả thật tôi thấy
đó là một chuyện hơi kỳ lạ. Nhưng trong tình cảm, cả hai đều không thấy lý thú
khi nói chuyện hoặc gợi chuyện với nhau nữa. “Đồng sàng dị mộng ” là tình trạng
giữa tôi và Thu.
Từ sau khi thằng Hồng đi biệt,
Thu buồn và thất vọng, cái tia hi vọng mong manh cuối cùng của Thu chỉ có thể
thực hiện được với thằng bé phiêu lưu kia: “về lại Hà Nội. “
Tôi nhận thấy Thu lạnh nhạt đối
với tôi, một sự lạnh nhạt cố tình làm ra, hay sự lạnh nhạt tự nhiên cũng thế.
Nó không gây một sự phản ứng gì trong tôi. Vả chăng nàng cũng không thân mật
với ai khác khi đối xử với tôi như vậy.
Đôi mắt nàng đăm đăm nhìn rừng
núi, tia mắt như muốn xuyên qua sự dày đặc hắc ám của núi rừng gửi hơi ấm tâm
linh về Hà Nội xa xăm.
Tôi bị buồn lây, cho nên mỗi
bước đi “vô” là mỗi bước tôi gần lại được quê hương thêm một ít, đáng lẽ tôi
phải vui mừng và tỏ nỗi vui mừng đó với những người chung quanh, trong đó nàng
là người thân thiết nhất, nhưng tôi đành giấu bặt cái tình cảm đó đi đối với
nàng. Và tôi cũng không dám nói chuyện đó nhiều với hai ông bạn kia nữa. Tôi
biết nàng như con tàu đang lao về trước nhưng trái tim nó quay ngược về sau.
Còn một lý do nữa khiến chúng
tôi không còn đầm ấm nồng cháy với nhau như trước nữa, mà có lẽ là lý do chính,
là sức khỏe. Tôi biết tôi yếu hơn trước nhiều. Tôi ngồi đâu thì muốn ngồi luôn
đó và khi đứng dậy phải chống tay lên gối đứng lên bằng hai “thì” và chậm chạp.
Lúc nào cần đi xuống suối thì
phải tính toán thật kỹ, để đi xuống đó giặt giũ, rửa mình, xách nước lên nấu
uống v.v… sao cho không phải đi lên đi xuống nhiều lần. Sức khỏe được tính từng
bước đi, từng cử động một.
Còn Thu thì gầy trông thấy, từ
sau khi nàng có kinh mà phải ngâm minh dưới suối, nàng có vẻ đau đớn liên miên.
Tôi không tiện hỏi, nhưng tôi đoán biết như vậy.
Hôm nay, đùng một cái thằng
Hồng xuất hiện. Thực như cơn gió nhẹ giữa trưa hè oi bức.
Hai chị em ngồi nói chuyện với
nhau không ngớt. Thu cứ sụt sịt mãi, thằng Hồng gần như không nói gì, chỉ trả
lời theo câu hỏi của chị nó. Thu hỏi:
- Sao em biết chị ở đây mà đến
?
- Em đi tìm. Ba hôm sau đầu óc
em mới tỉnh ra và em sực nhớ rằng em có hứa vơí chị…
- Hứa gì em nhớ không?
- Nhớ chớ ! Nếu không nhớ thì
sao em đi tìm chị ?
- Em đi như thế này thì làm sao
có thức ăn?
- Có chớ. Em không bị đói bao giờ.
Hôm nọ em vô đây, em trông thấy cái cà mèn cơm của ai mới vừa chín tới, em
không trông thấy ai cả em xách đi luôn.
- Có ngày họ bắt được họ đánh
em chết.
- Bắt sao được, em có phép tàng
hình mà!
Bỗng Thu nói:
- Bây giờ mà hai chị em mình
trở ra Hà Nội, thầy mẹ gặp được thì thầy mẹ mừng biết bao nhiêu. Em nhỉ?
Hồng gạt ngang :
- Mừng gì. thầy mẹ tưởng em là
con vật quái gở.
- Nói nhảm !
- Thật mà. Chị trông thấy em mà
chị không gớm ghiếc hay sao ?
Thu hỏi Hồng:
- Bây giờ em về Hà Nội thì em
làm việc gì đầu tiên ?
- Việc đầu tiên hỉ ? Em đi ăn
kem.
- Rồi kế đó làm gì ?
- Đi coi xi nê.
- Tuồng gì ?
- Tuồng gì cũng được, miễn đừng
tuồng Trung Quốc thôi !
Tôi nằm nghe hai chị em trò
chuyện với nhau mà thương họ vô cùng. Bây giờ giá tôi có phép tôi sẽ bất chấp
tất cả tôi sẽ đưa họ về ngay Hà Nội. Bây giờ đây họ đã cách xa Hà Nội một ngàn
cây số. Tôi nằm tôi tính nhẩm thay cho họ. Từ Hà Nội vô Vĩnh Linh ở tại đầu cầu
Vĩnh Linh là bảy trăm hai mươi tám cây số, từ Vĩnh Linh vô đây đi bộ mất hai
tháng trời khoảng đường rừng núi đó nếu căng thẳng ra đâu có dưới ba trăm cây
số.
Con đường đó không phải là xa
lắm đối với những người có sức khỏe bình thường, nhưng bây giờ đây, hai chị em
nàng làm sao đi nổi? Đó là chưa tính những trở ngại khác còn quan trọng hơn cả
sức khỏe của hai người.
Ý định trở về Hà Nội gần như bị
dập tắt sau khi Hồng hẹn đến mà không đến. Bây giờ với sự có mặt của Hồng, tôi
chắc chắn Thu sẽ lại tìm cách để thực hiện ý định đó.
Đường kẹt, không đi được, treo
võng nằm, cứ nghĩ vơ nghĩ vẩn. Và nhớ lại những quãng đường qua.
- 25 -
(Một buổi trưa tôi đang đi bỗng
nghe gọi. Tôi quay lại và sau một thoáng ngớ ngẩn, tôi kêu lên:
- Ơ kìa, Liêm!
- Ai đó, Xuân Vũ ! Cậu cũng về
quê à ? Lẫm rẫm mà các cậu cũng khá he !
Tôi đi lên, bắt tay bạn và hai
người cùng đi. Tôi hỏi:
- Vẫn ở bộ đội à?
- Vẫn, nhưng cứ làm “đại sự” ở
rừng Lào.
- Giờ thì có về “nước” được
chưa?
- Chừ. . . ừa ? Còn. . . Tết
mới về được! Nước Nam Kỳ về không được nước Bắc Kỳ cũng không về được. Có nước
mà cũng như không !
- Thế sao đi lang thang ở đây ?
- Ồ ! Ở đây là ngã năm ngã bảy
mà. Ối thôi ! Nói không xiết đâu ! Lũ mình như thiên lôi, kêu đánh đâu thì đánh
đó, mẹ nó !
Liêm ngó quanh quất và rỉ tai :
- Tập kết là một sai lầm ! Cậu
có thấy không ?
- Sao lại không. Nhưng cóc
thằng nào dám hé môi.
- Tớ thì tớ nói bừa đi chứ.
Liêm chép miệng . Chúng mình chỉ đi chung một quãng thôi. Cậu ngồi lại đây, à
kìa chúng nó tới rồi, mình sẽ cho cậu một món quà. Cậu đoán xem nào.
Có trời mà biết nổi. Gã tùy
tùng của Liêm đến. Liêm bảo hắn:
- Cậu nào giữ mắm ruốc, vít ra
một cục gói lại kỹ để tôi tặng ông bạn của tôi đang trên đường về “nước” thay
cho tôi đây.
Liêm cầm gói mắm ruốc trao cho
tôi và nói:
- Của quý đấy ông bạn. Nay mai
rồi cậu sẽ hiểu.
Tôi nhận món quà của bạn, gọn
lỏn trong lòng bàn tay mà ứa nước mắt. Một thằng bạn gần mười năm không gặp
mặt, có lẽ đã lên cấp tá rồi. thế mà chỉ tặng cho bạn một cục mắm ruốc chưa đầy
một lạng.
Liêm nói:
- Thế là mười hai năm chúng
mình sống trên Miền Bắc cậu nhỉ?
- Ừ!
- Ớn quá.
- Ớn thật.
Ớn có nghĩa là thế nào nhỉ ?
Không có thể giải thích nó như người ta tìm nghĩa những chứ khó trong tự điển.
Muốn hiểu chữ đó phải hỏi người Nam sống trên đất Bắc. Họ sẽ giải thích cho anh
bằng những sự kiện, bằng những chuyện lưu truyền trong dân gian, bằng những bức
thư và bằng cuộc đời của mỗi người trong đám họ.
- Ở vùng này, người ta đãi
khách quí trong bữa cơm với mẩu mắm ruốc bằng ngón tay cái ém chặt trong một
cái mẽ chén sành và đặt lên trên đó mấy hòn than. Cậu biết chưa?
- Chưa!
- Vậy cậu chưa vỡ lòng bài học
ở rừng. Chỉ nội chiều hôm nay thôi, là cậu sẽ ở bên kia vĩ tuyến mười bảy. Đêm
nay cậu sẽ ngủ ở Miền Nam rồi. Đấy. Chỉ còn mấy bước nữa thôi mà mình không thể
có được cái hạnh phúc của cậu. Ác thiệt ! Liêm lắc đầu. À mà này có ai mách cho
cậu mua nữ trang giả không ?
- “Nữ trang giả ” gì ?
- Thế là cậu không biết rồi.
Cái thứ mạ kền, mạ vàng nó bày đầy ở bờ Hồ đó. Đem vào đây, qua khỏi giới tuyến
mười bảy nó có giá trị của những món đồ thật. Cậu hiểu chưa ?
Tôi lẩm nhẩm rồi nói:
- Thế thì chính mình là món nữ
trang ấy đây !
- Riêng cậu thôi. Còn tớ thì
vẫn là hàng giả. Mạ kền ? … Liêm bỗng chẩu mồm sang tôi. Mạ kền, mạ vàng. Có
thứ nào, có thằng nào thật, tớ hỏi cậu ! Sì . . . Mạ mạ tất ! Luôn cả ông thợ
mạ ổng cũng tự mạ rồi. Cậu thấy không ?
Tôi lặng thinh, lòng chua xót.
Trong chỉ có mấy phút mà anh bạn nhà lính của tôi đã nói lên một cách tài tình
tất cả nỗi lòng của anh, cũng là của tôi, và của hằng vạn người. Tôi hỏi:
- Sao cậu không xin về ?
- Tớ đếch thèm ! Xin à ? Người
ta sẽ bảo: Đảng chưa cần. Bao giờ đảng cần thì đảng sẽ gọi.Thế thì xin làm gì
cho mang tiến xin ?
Đi vào Nam là đi vào máu lửa,
đi chết, vô đó đâu phải để ăn giỗ như người ta lầm tưởng, mà mình phải xin? Đã
không gọi mình thì thôi, việc gì mình phải xin ? Tớ cho cậu biết nhé. Có thằng
mang lon trung tá vậy mà khi được gọi, anh chàng trả lời với tổ chức rằng để
anh ta suy nghĩ. Lập tức cái lon đó rơi ngay! Khà khà ! – Liêm vẫn nói liền
mạch- Còn mình, không phải gan góc gì đâu. Bom đạn thì da thịt ai cũng thế
thôi. Nếu ở một nơi nào khác thì mình đã ra lính lâu rồi lo tìm nghề mà mần ăn,
gần bốn mươi tuổi đầu, vẫn độc thân. Cái nghiệp cơm thùng nước chậu gần hai
mươi năm nay. Ngấy lắm !
Có mấy người ở phía sau đi tới.
Liêm kéo tay tôi dạt qua mé đường và ngưng hẳn câu chuyện. Chờ họ đi khỏi xa,
Liêm lại tiếp, với sự hăng hái gia tăng:
- Sở dĩ mình còn nấn ná cò sống
cái đời lính là vì mình còn mong có một ngày ơn trên ngó xuống và bảo với mình
là “đảng cần anh đi Nam.” Cậu hiểu tớ chứ? Bọn cùng cấp với tớ đi vô nhiều rồi.
Nhưng còn tớ thích trơ mặt mo
ra đó. Tớ nghe tin không chính thức rằng ở ngoài bộ tổng có nghiên cứu lý lịch
của tớ và không rõ ai thọc mách màngười ta kết luận rằng tớ có liên quan với
vụ”anh hùng quân đội” Nguyễn Văn Song bỏ sư đoàn 330 trốn về Nam.
Cái thằng vớ vẩn quê ở miền
đông mà người ta lại tặng cho danh hiệu ” anh hùng ” số một Nam Bộ đó. Cậu có
biết cái vụ đó không nào?
- Có có nhưng mà…
- Ừ, thì hãy cứ biết tới đó.
Đấy nó bảo là lúc đó tớ có biết ý định của thằng Song mà tớ đếch thèm báo cáo
cho tổ chức. Hì hì ! Tớ biết thế nào được ? Chỉ có điều là nó sai tớ dẫn đơn vị
đi lùng bắt anh chàng về, tớ lùng khắp Thanh Hóa, Nghệ An cả tháng trời mà
không gặp. Nó có giỏi sao không đi lùng ?
Liêm rút khăn tay ra lau mồ hôi
trên mặt và lại tiếp:
- Còn cái cớ thứ hai là nó bảo
tớ có liên quan với một số nhà văn Nam Bộ. Tớ có tư tưởng Nhân Văn Giai Phẩm.
Liêm mấp điếu thuốc còn dài
nhưng đã tắt queo:
- Nhưng con người của mình đâu
thuộc về mình. Mình không có quyền quyết định một việc gì hết cả, mình như một
lũ nhái trong giỏ ông câu. Cứ nhảy lung tung trong giỏ đó coi như được tự do
lắm vậy. Chừng nào cá lóc táp thì ông câu thọc tay vào xách giò lôi ra từng chú
rồi con thì móc vào đùi đem cắm câu, con thì móc từ họng ra đít đem nhắp cá.
Thế thôi.
Liêm ngừng một chốc rồi quay
sang tôi:
- Cậu có biết anh em Nam Bộ
mình đổ bên xứ Lèo bao nhiêu xương máu không ? Đâu có báo tử báo tiếc gì ? Ơ ờ.
. . Cậu có biết cái thằng cha gì hồi trước trưởng phòng chính trị miền Tây
không nhỉ. Cái thằng cha đách chó gì, mình vụt quên khuấy đi. Nó vừa được đưa
vào đo.
Vợ nó buôn lậu, thông đồng với
tụi Gia Nã Đại và nước ngoài. Chả là chồng mụ ta là chính ủy sân bay mà, nên mụ
được chân bán vé tàu bay. Hắn ta vẫn biết mà cố lờ đi. Hằng nghìn cây Parker,
vàng, kim cương cậu à v.v… Cơm gạo tám ăn không hết đổ bừa ra hằng ngày. Nhưng
chưa hết, khi ở trên phát hiện được, bèn cho một tay xuống điều tra. Điều tra
riêng tư trong chỗ kín cổng cao tường thế nào không rõ, mà cặp lon rơi mẹ nó vô
cái hồ bao của mụ ta. Thằng chồng mất chức luôn, nhưng mới vừa rồi đây anh ta
được đảng “cần”. Đảng cho mang lại cái sự vinh quang lên trán và tống vô Nam
cho đỡ cái mặt mo. Đấy, rồi để rồi cậu xem, nay mai cậu có gặp lại hắn ta, cậu
sẽ thấy cái tài của thằng cha thợ mạ và và cái vật đã được qua tay thợ mạ.
Tôi nói:
- Nhưng mà thôi anh ạ. Nói mãi
cũng chẳng qua được người ta. Cứ giả đui giả điếc cho người ta phết lên một lớp
phấn vàng rồi người ta tống khứ mình về Nam là hay nhất.
-Nhưng mình đâu cần phả imạ.
Mình là vàng thật mà. Mạ sao ăn?
- Đôi khi cũng phải ráng mà ăn,
phải ăn, phải ngậm, phải nuốt trửng nữa là đằng khác. Tôi dịu giọng.
- Anh biết tôi là thằng hiền
như cục đất mà nó không để yên thân. Nhưng nào có phải riêng chúng mình. Tất cả
những thằng tập kết, tâm sự không có xe tàu nào mà chở cho hết.
Liêm thở dài:
- Ớn quá cậu à!
- Ừ thì ớn quá đi chứ sao!
- Lắm lúc nhìn quân hàm trên áo
tôi, tôi hỏi sao tôi là thằng Nam Bộ mà còn ở đây, còn mang những thứ này ?
- Thì đi với Phật mặc áo cà sa,
đi với ma mặc áo giấy chứ còn sao nữa.
Liêm bỗng ngoặc sang chuyện
khác:
- Này, mình cho cậu biết nhé.
Cơn đường vào Nam là con đường lót bằng xương và tưới bằng máu, cậu nhé ! Những
đốt xương nối lại với nhau sẽ bằng bề dài còn đường này. Không phải như dạo chợ
đâu. Những cái thằng ngốc ở các trường đi B dân chánh của các cậu nó chẳng hiểu
mẹ gì hết ! Cứ nói ầu cho các cậu phấn khởi ào lên. Chúng nó chẳng mất gì, mà
lại được khen, chúng bịa toàn chuyện hay ho. Vô tới chừng vài trạm thì chỉ có
gặp giênh giênh tiếp đón rồi đấy… thôi tạm biệt nhé.
- Bao giờ thì ta lại gặp nhau ?
- Biết bao giờ? Liêm cười chua
chát. Có thể là chẳng bao giờ.
Lại một cuộc chia tay trong lúc
vừa gặp mặt. Tôi cứ nắm chặt tay Liêm, không đành buông ra.
- Thôi đi nhé ? Nhắn lời tao
thăm tất cả đồng bào và hôn dùm tao một mảnh đất.
Giọng Liêm tắt nghẹn. Liêm quay
mặt.
Tôi đứng tần ngần giây lâu,
nhìn đôi vai gầy của Liêm. Liêm đứng chống nạnh, ngẩng lên, có lẽ Liêm không
muốn nhìn thấy hạnh phúc của kẻ được về quê. Tôi biết anh chàng đang nuốt nước
mắt. Tôi không nói được, tôi bước đi, vài bước, lại quay lại, mong Liêm quay
lại để hai đứa nhìn nhau thêm lần nữa nhưng Liêm vẫn đứng mãi như thế cho đến
khi tôi qua khỏi khúc quanh.
Ngọn sông Bến Hải một buổi
chiều rất nắng. Rừng sầm mặt lại và những cơn gió lạnh đặc làm cho tôi rùng
mình.
Khi qua một chiếc cầu tre bắc
qua lạch suối, những chân cầu run rẩy dưới nước với sức nặng của đoàn người.
Người giao liên báo cho chúng tôi biết đây là con sông Bến Hải mọi người đều
cảm thấy bàng hoàng.
- Bến Hải thật à ?
- Thật chớ.
- Đây là Bến Hải à !
- Vâng ! Đây là ngọn sông Bến
Hải đây !
Mọi người đều ngó quanh như tìm
kiếm một điều gì đặc biệt của khoảng không gian nơi mà ngọn sông Bến Hải chảy
ngang này. Cũng cây cối cũng những vệt nắng như bất cứ buổi chiều nào ở trong
rừng. Cũng những hạt sỏi tắm trong làn nước trong veo. Cũng những con bướm bay
dọc theo bờ suối tìm nhụy hoa.
Thế nhưng sao lòng tôi thấy
dâng lên một nỗi mềm vừa vui sướng vừa đau khổ. Tôi thấy kể từ nay bước chân
tôi thu ngắn rất nhanh con đường thiên lý khốn cùng này. Mỗi một bước đi thấy
quê hương ló dạng thêm dần.
- Cây cầu này giống những chiếc
cầu khỉ Nam Bộ quá ta !
- Ừ nhỉ, mình đi lâu quá rồi
quên cả những nét độc đáo của quê hương.
Những câu nói vui đơn sơ nhưng
gợi lại biết bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc.
Cũng sông nước, cũng những nhịp
cầu mộc mạc nhưng nó làm cho lòng người lâng lâng như có lẫn ít men rượu. Vâng
đây là Bến Hải, con sông bầm tím xót đau như một vết roi tàn bạo quật ngang
lưng Đất Nước eo thắt của miền Trung quằn quại, con sông nhỏ mang niềm thống
hận lớn, muôn đời !
Con sông Gianh ở phía sau nó,
nhưng ra đời trước nó, cái bóng hình mờ qua hằng mấy thế kỷ và lùi xa hằng trăm
dậm giang sơn.
Vâng đây là Bến Hải con sông mà
toàn thế giới đều biết đến con sông ranh giới trên địa dư và trong tư tưởng
trong tình cảm của dân hai miền Việt Nam.
Trên một thân cây, bờ Bắc tôi
trông thấy những thanh gỗ đã mục nhưng còn mang những dòng chữ “Giới Tuyến Tạm
Thời” viết bằng hai thứ tiếng Việt Nam và Pháp. Ở bờ suối bên kia cũng có một
gốc cây đóng vai tuồng đó. Nối liền hai tấm bảng là chiếc cầu khỉ. Chiếc cầu
bất cứ ở đâu cũng đều là sự nối liền của đôi bờ nhưng ở đây, chiếc cầu này lại
làm nhiệm vụ canh chừng cho sự chia đôi đất nước.
Ở đường quốc lộ, cầu Hiền Lương
cũng như thế. Hai màu sơn chia đôi những nhịp cầu. Ba nhịp rưỡi một màu, ba nhịp
rưỡi kia một màu khác. Tôi không muốn nói là màu gì nhưng tôi nghĩ rằng màu gì
thì màu chứ không đồng màu được. Có lẽ là không bao giờ chiếc cầu ấy được sơn
một màu.
Con người đi trên mặt đất, dù
vẫn là đất nước của một quốc gia, một Tổ quốc, nhưng từ Bắc vào Nam, hay từ Nam
ra Bắc đến đây đều cũng phải dừng lại. Phải tự bắt mình dừng lại. Không thể
vượt qua. Dù năm tháng có làm phai mờ những dòng chứ kia hay làm mục rã những
tấm gỗ kia, cái lạch nước này vẫn còn giá trị một ranh giới của hai quốc gia.
Thế mà chúng tôi lại vượt qua.
Cho nên ngoài những tình cảm về quê hương đất nước, tôi lại còn có thêm một
tình cảm của một con người đang làm một việc gì không phải đối với luật pháp,
một chuyện bất lương. Biết rằng đó là chuyện bất lương mà vẫn làm.
Tôi phản đối tới cùng việc đưa
những đội quân miền Bắc, vượt qua ranh giới đã được qui định bởi công pháp quốc
tế này, còn những người miền Nam tập kết nếu họ muốn trở về quê quán thì họ
phải được trở về như những Việt Kiều đi xa xứ nay hồi hương, nghĩa là sự hồi
hương của họ cũng phải được tổ chức công khai và họ phải được đưa đón hẳn hoi.
Không một người Nam Bộ nào muốn
sống trên đất Bấc kể cả những ông ủy viên trung ương đảng hoặc những ông cao
cấp khác.
Bước xong tấc cầu cuối cùng
sang phía Nam tôi thấy người tôi như đổi khác đi. Cái chất Nam Bộ của tôi dậy
lên mãnh hệt hơn bao giờ hết.
Tôi quay lại nhìn phía sau tôi.
Chiếc cầu vẩn đứng chênh vênh đó với những đốt xương khẳng khiu với những cái
chân gầy gò run rẩy dưới dòng nước đang đổ.
Cái nền xanh của cây lá làm nổi
bật hình ảnh chiếc cầu. Phía sau đó là miền Bắc, nơi tôi đã sống không lâu chứ
ít ra cũng đã mười hai năm trời với những tình cảm vui buồn với những ngày mưa
nắng, với những ràng buộc riêng tư cửa đời tôi.
Giã từ một miếng đất đầy kỷ
niệm, lòng tôi thấy nao nao buồn. Tôi không bao giờ trở lại đó nữa trừ khi tôi
bị một phép thuật bất ngờ mà tôi không cưỡng lại được.
Trước mặt tôi là Quê hương xa
cách và ước mơ hội ngộ. Nó như tảng đá nam châm vĩ đại, có sức hút vô biên như
lòng quả đất đối với vạn vật.
Tôi như ngây, như dại, như vừa
uống một ngụm rượu mạnh ngon lành.
Ờ nhỉ, đây là miền Nam rồi đây,
cái chỗ mình đang bước đây là đất miền Nam, cái cây đang đứng kia là cái cây
của miền Nam, cả những hạt cát, những con bướm đang nhởn nhơ đó nữa, tất cả đều
là của miền Nam, cái không khí tôi đang thở đây cũng không phải là cái không
khí mình vừa thở cách đây vài phút. Qua cái cầu con kia rồi thì tất cả đều phải
đổi khác đi, phải mới đi, những chuyện không tốt đẹp phải để lại bền kia cầu.
Bất giác tôi nhìn ngoáy lại
phía sau rồi dừng hẳn. Nắng chiều nhuộm bãi cát một màu vàng ánh, trên bãi cát
có một người đang đứng. Anh ta hơi gầy nhưng cặp chân rất khỏe. Cái bóng anh ta
ngã dài trên bãi cát. Anh ta cầm cái mũ tai bèo trên tay. Anh cúi rạp người
xuống, cái đầu gục gặc như đang nói nhắn lại một kẻ vô hình nào đang đứng bờ
bên kia những điều gì.
Rồi anh ta đội mũ lên mang ba
lô đi ít bước, lại quay lại xá xá. Những người còn đang đi trên cầu cười to
lên.
- Anh làm gì thế?
- Dạ, em vái ạ!
Anh ta đáp rồi vượt lên một
cách thản nhiên.
Tôi nghĩ: “đúng là anh ta vái
cả mũ. “
Hồi còn ở Hà Nội, tôi có nghe
một câu chuyện tương tự như vậy cứ tưởng là của các ông Nam Bộ bất mãn bịa
chuyện nhưng hôm nay tôi mới biết rằng đó không phải là chuyện bịa.
Tôi đi song song với anh bạn.
Và vỗ vai anh ta.
- Quê ở đâu đó ?
- Gia Định.
- Này, cha làm kiểu đó nó biết
cha bất mãn, nó bắt cha quay lại đa nghẹn ! Cha nội !
- Còn lâu ! Anh bạn sìa môi ra
như muốn thử thách.
- Chớ cha không ớn à?
- Tết ! – rồi lại cả quyết –
Thằng nào giỏi theo đây mà bắt tôi. Tôi nói thiệt ngay bây giờ, tôi gục ngã
xuống tôi chết thì cái xác của tôi vẫn lăn về phía Nam chứ không khi nào để cho
người ta lôi ra phía Bắc.
Đúng là “vái cả mũ ! “ Vái cả mũ tất cả cái gì ở phía sau
lưng tôi )
—>Chương 26
- 26 -
Nằm giữa cái bãi B 52 hoang tàn
này mà nghĩ ngược lại ở phía đầu đường thì thấy rằng cái đầu đường đó là cái
nấc đầu của một cây thang mà mỗi chặng đường là một cái nấc thang đi xuống.
Càng đi thì càng thấy tinh thần mình đi xuống dốc, ngược với những điều người
ta tưởng tượng về chúng tôi.
Cái anh chàng “vái cả mũ ” kia
lại dựng lên sừng sững trong đầu tôi và làm cho tôi bất giác nghĩ rằng đó là
Năm Cà Dom.
Tôi gọi Năm Cà Dom, kể lại
chuyện đó và hỏi:
- Cái anh chàng dí dỏm đó có
phải là cậu không ?
- Sao cậu nghĩ thế?
- Bởi vì cái tính của cậu nó
cũng thế!
- Nó thế, nhưng mà tớ có làm
thế bao giờ ?
- Thôi đích là cậu rồi. Hôm đó
tớ nhớ anh chàng kia nói là quê anh ta ở Gia Định. Còn cậu ở Hốc Môn, thế là
cậu chớ còn cai. .
Năm Cà Dom cười khè khè:
- Người ta thì vái cả mũ chớ
còn tớ thì bái cả mũ.
Tôi nói:
- Tớ có nghe những giai thoại
vui vui. Rằng có một chàng “hiệp sĩ” nọ cũng chất chứa một bụng bất mãn mười
năm trời khi qua được Bến Hải rồi thì quay lại vái mỉa mai cái kiểu trên đây.
Thế là anh chàng bị lôi ngược về Bắc ngay !
- Láo toét.
- Nó có quyền làm như thế lắm
chứ?
- Nhưng nó biết người ta vái
thế nào mà bắt người ta ?
- Nó đoán mò.
- Không thể được! Chỉ có những
thằng Nam Bộ mới hiểu rõ cái sự vái đó mà thôi. Bỏ cha bỏ mẹ bỏ xứ bỏ quê mười
mấy năm trời, nay về được, mừng húm, không vái lia sao được.
Tôi cười:
- Mình bị cái câu “tập kết hai
năm rồi trở về” mà chết cả lũ, cả đám.
- Chẳng biết cái thằng mặt
ngang mồm dọc nào lại tung ra cái đó he? Tìm mãi cũng không ra thằng nào nói
câu đó đầu tiên.
- Ai chịu cha ăn cướp!
Tôi bảo Năm Cà Dom đi tìm Mạnh
Rùa xem cái vụ kho gạo như thế nào để tham gia kiếm chát.
Năm Cà Dom không phải đi tìm mà
Mạnh Rùa trở lại.
Bây giờ tôi trông Mạnh Rùa như
cái xơ mướp. Thể xác Mạnh Rùa đã rách. Tâm hồn của hắn cũng tơi bời bi thảm.
Mạnh lại hỏi:
- Các cậu có tham gia không?
Năm Cà Dom đáp:
- Tôi xin một chưn!
- Được rồi, mấy chưn cũng được.
Rồi Mạnh ngồi phệt xuống một
cái rễ cây. Bây giờ thì tôi thấy thương hại Mạnh Rùa. Chuyện hắn xét ba-lô
chúng tôi vừa qua không còn là một thành kiến của chúng tôi đối với hắn nữa.
Nếu chúng tôi ở trong hoàn cảnh của hắn, chắc chúng tôi cũng sẽ làm như vậy mà
thôi. Mạnh Rùa thở phào:
- Mẹ nó, làm sao mà đi tới nơi?
- Ráng mà lết! Năm Cà Dom nói.
- Các cậu là cửa tiên nhé! Bây
giờ mà tôi được đi độc lập và không có súng ống gì hết thì tôi lủi một cái một
là mất tăm!
Năm Cà Dom hỏi:
- Cậu ở tỉnh nào?
- Cần Thơ, quận Ô Môn, xã Long
Tuyền.
- Quít cam dữ hả?
- Nhất xứ Ô Môn mà.
Mạnh Rùa thừ ra. Tôi trông nét
mặt thì biết hắn cũng chỉ cỡ tuổi chúng tôi là cùng. Một nạn nhân của cuộc tập
kết hai năm và của chánh sách “giải phóng miền Nam”.
- Bây giờ về đến noi cậu làm gì
nào?
- Chả làm gì cả!
- Lêu têu à?
- Tớ không muốn làm bất cứ
chuyện gì nữa hết! Chán quá!
- Ít ra cũng nuôi vài chục con
gà mái đẻ chơ.
- Cố nhiên.
- Và coi “cái ổ” nào kha khá
thì “hốt” một cái chớ.
- Cố nhiên! Tụi mình thì phải
“hốt ổ” thôi chớ ma nào còn ưng cho nữa.
Năm Cà Dom cười:
- Tụi Nam Kỳ mình thì chuyên
môn “hốt ổ”. Từ Bắc chí Nam đi đâu cũng hốt ổ. Trang bạn mình đều có sự nghiệp,
gia đình , còn mình thì gia đình không, sự nghiệp cũng không.
Mạnh Rùa nói:
- Tớ có một người bạn năm nay
độ bốn mươi lăm tuổi, dân Bình Xuyên.
- Tên gì?
- Anh ta cũng thứ Ba. Anh ta là
tiểu đoàn phó Bình Xuyên. Ra Bắc vì anh bị xem là thuộc thành phần không cơ bản
nên anh được chuyển ngành. Anh ra Hà Nội làm ở Bộ Công Nghiệp nặng. Anh ta lấy
một mụ có con, có cả cháu nội cháu ngọai.
Năm Cà Dom kêu lên:
- Đúng là một cái ổ vĩ đại.
- Nhưng anh đâu có được yên
thân! Anh ta bị khai trừ.
Mạnh Rùa kể tiếp về anh bạn
Bình Xuyên:
- Anh ta như con cọp già bị bẻ
hết nanh móng và vứt cho nằm chung với đàn lợn của hợp tác xã phải ăn phân trâu
nấu với bèo hằng ngày (vì theo báo Nhân Dân thì phân trâu bổ hơn rau tấm ! )
Cọp mà đi ăn phân trâu sống làm sao nổi. Nó nhớ suối nhớ rừng nhớ đàn nhớ bạn…
Người ta biết như vậy nên có bao giờ họ cho anh ta về!
- Nghĩ lạ thật ! Năm Cà Dom
cười nhạt. Đồng bào mình ở tận Tân Đảo mà lại về xứ được, còn bọn Nam Kỳ dưa
hấu của mình thì đành bỏ xứ muôn năm !
Tuất đột ngột xuất hiện và nói
ngay với Mạnh:
- Kế hoạch xong rồi. Thi hành
chưa nào ?
- Để khoan!
- Khoan dùi gì nữa?
Mạnh Rùa đáp:
- Để tôi giải thích cho mấy ông
“văn ngọt” này nghe tại sao mình lại cướp cái kho gạo kia, để mấy ông hiểu lầm
rằng mình là thổ phỉ !
- Thì mình cũng gần là thổ phỉ
rồi chớ còn gì nữa ? Ăn cướp kho gạo, còn gì nữa ?
- Nhưng đây là ăn cướp vì chánh
nghĩa.
- Tại sao ăn cướp mà lại chánh
nghĩa. Ông Chín nghểnh cổ nói sang. Mấy đồng chí nói nãy giờ mười chuyện tôi
nghe ăn trét cả mười.
Mạnh Rùa giải thích:
- Ăn cướp cũng có ba bảy đường
chớ đồng chí ông Chín. Ở đây có một bọn giữ kho dơ dáy. Chúng lấy gạo bán chác
cho đồng bào thiểu số và nuôi heo riêng. Vậy mà chúng mình đến thì chúng nó bảo
rằng gạo đã cạn.
Một đạo quân do Mạnh Rùa chỉ
huy.
Tôi, Năm Cà Dom và Hồng đi
theo.
Kho gạo ở cách xa một tiếng
rưỡi đồng hồ, nhưng chúng tôi tưởng chừng đi cả ngày. Anh thủ kho là một người
béo tốt, nếu không nói là phương phi. Anh ta lại mặc đồ bà ba lụa đen. Nhất
định đó là của một ông cán nào lo lót lem nhem để được anh ta ban cho một cái
ân huệ cỏn con nào đó.
Thấy chúng tôi đến, anh ta đứng
trên sàn nhà xua tay ngay:
- Trông kia kìa, kho cháy tiêu
hết rồi, đã nói chúng tôi phải ăn lá rừng mà ! Không thấy hay sao mà cứ mang
tới hoài vậy. Hôm qua tôi đã nói rồi. Hôm nay lại kéo tới. ăn như xáng múc ai
chịu cho nổi.
Mạnh Rùa đi sau cùng. Khẩu súng
giắt trong lưng rất kín , Mạnh Rùa lấy khăn bịt khấc ngang đầu như cố nén cơn
giận đã nuôi sẵn từ lâu.
Một cậu bộ đội nói:
- Chúng tôi có mấy người đau, chỉ
xin lãnh một vài lít thôi đồng chí thủ kho.
- Đã bảo là hết rồi ! Kho cháy
không còn một hột mà. Đây đâu phải mậu dịch Hà Nội mà hàng chở đến mau được.
Năm Cà Dom bỏ nhỏ:
- Đây không phải là mậu dịch Hà
Nội, nên chúng tôi chỉ xin lãnh một ít thôi. Đồng chí xem đấy, bộ đội bị B52 và
sốt rét thân hình ra thế đó làm sao chiến đấu.
- Ô kìa làm sao thì làm chớ!
Đảng Bác giao cho tôi giữ kho gạo thì tôi chỉ giữ kho gạo thôi không biết gì
nữa hết.
- Thế ra đồng chí không còn đến
vài lít hả l Một anh bộ đội nói.
- Đã bảo là hết. Đồng chí với
nhau chẳng lẽ tôi ăn cơm nhìn đồng chí đói mà tôi yên tâm được ?
- Thế đồng chí cho xem nồi cơm
của đồng chí đi !
- Người đâu lại vô kỷ luật thế
hả ?
- Xem tí thôi, có gì mà vô kỷ
luật.
- Này, tôi cho các đồng chí
biết kho này thuộc kho của Bộ Tổng Tư Lệnh nghe.
- Tổng gì thì tổng, tôi phải
moi cho ra.
Anh thủ kho đóng cửa đánh rầm
rồi quay vô, nhưng “đốp đốp đốp” ba phát súng lệnh của Mạnh Rùa đã nổ và cả
tiểu đội ào lên.
Chớp nhoáng, đã chiếm lấy kho
gạo. Tất cả đều bươi,móc tìm kiếm văng tục vung đá làm đủ mọi cử chỉ của một
đoàn quân căm thù và mất dạykhông còn kể đến cái lẽ phải nào hơn gạo.
Chỉ trong giây phút cái kho đã
rách nát ra như một cái tấm tã mà cái chú bé con là anh thủ kho đang bị dí súng
vào bụng và dồn vào một góc không dám ho he nửa tiếng.
Tìm không được gạo, đám lính
đói càng hung hăng. Chúng đập phá, chặt vách đổ xuống và một cậu bật lửa châm
lên mái lá. Lửa bốc lên, nhưng Mạnh xuất hiện quát lũ lính dập tắt ngay.
- Trói nó lại !
Đám lính ùa tới trói gô anh thủ
kho vào một gốc cột. Anh ta như cái áo rũ, mắt xanh ra và mồm nói không nền
tiếng.
- Gạo ở đâu ? Mạnh Rùa mổ mổ
họng súng vào mặt anh thủ kho và hỏi.
- Dạ hết rồi.
- Tại sao mày có gạo đem đổi gà
ở trong buôn và có gạo nuôi lợn riêng.
- Dạ em đâu có. ..
- Mày chối tao cho chầu ông vải
ngay.
- Dạ Đảng Bác giao cho em giữ
kho, em đâu có…
- Mày phát khẩu phần thiếu cho
anh em đi đường để làm gì ? Tao biết hết. Tao sẽ báo cáo về Bộ tổng. Mà thôi,
tao không cần báo. Tao cho mày tử hình ngay bây giờ.
Rồi Mạnh dõng dạc:
- Trói thật chặt nó vào cột và
nổi lửa đốt kho… Mau lên !
- Dạ ! Một tiếng dạ phấn khởi
vang lên.
Anh thủ kho bỗng ré lên khóc to
như rống. Hẳn nói qua những giọt nước mắt, giọt nào giọt nấy mặn hơn nước biển
và to hơn chiếc bi đông.
Tôi vốn là một kẻ sợ bạo động
cho nên khi thấy Mạnh Rùa càng quyết liệt thì tôi lại sợ và lùi ra xa trong khi
đám binh sĩ háu đói nghe được lệnh là xông vào sẵn sàng thực hiện lệnh của cấp
chỉ huy. Đúng ra không phải bọn họ có tinh thần kỷ luật đến thế, nhưng vì họ chỉ
nghĩ tới gạo, mà phương pháp của Mạnh Rùa đề ra là phương pháp duy nhất có thể
làm cho gạo lòi ra.
Một anh đánh bật lửa châm ngay
vào mái lá. Anh thủ kho quay cổ lại nhìn. Anh dãy dụa, mắt anh trợn lên giữa
lúc ngọn lửa bắt vào mái lá gây nên một vừng khói.
Mạnh Rùa vẫn thản nhiên nhìn
anh thủ kho. Một anh lính hất hàm hỏi anh thủ kho.
- Gạo đâu khai ra.
- Dạ hết rồi ! Cấp trên chưa
tiếp tế.
- Không, mày dấu !
- Nếu các đồng chí tìm thấy thì
tôi chịu tội.
- Tao không tìm nhưng sẽ có
gạo, chốc nữa thôi ?
- Các đồng chí không tin tôi đã
mười tuổi đảng sao ?
- Mày mười tuổi đảng mà mày xén
bớt khẩu phần gạo của tụi tao mỗi đứa một lon đi đổi lợn ăn và nuôi.lợn, nếu
mày hai mươi tuổi đảng chắc mày bán cả chúng ta mà ăn.
Mạnh Rùa khoát tay:
- Thôi không nói nữa. Tất cả ra
khỏi nhà.
Anh lính kia còn tiếp:
- Hôm nay nếu không có gạo thì
chúng tao sẽ ăn thịt quay, hả ? Biết chưa ? Biết chưa con ? Tất cả lũ mày đem
ra chặt đầu ba lần cũng còn nhẹ ?
Tất cả lính đã lủi ra ngoài
đứng nhìn vào. Lửa đã bốc lên dữ dội và gây một sự chuyển động trong không khí.
Và cây lá nổ răng rắc. Đám lính bắt đầu nhớn nhác nhìn xem theo dõi sắc mặt của
viên chỉ huy. Mạnh Rùa lại tỏ ra cương quyết hơn bao giờ hết.
Mạnh Rùa nhìn anh thủ kho bắt
đầu bị vài làn khói xông vào mặt làm cho anh ta nhắm mắt lại và ho sặc.
- Tao cho mày đền tội một cách
“vinh quang ! “
Lửa đã bò lan ra một phần mái
nhà. Anh ta kêu lên, rống lên. Không rõ anh ta muốn nói gì. Mạnh Rùa quát:
- Tuốt lá cây nhét mồm nó lại.
Mau lên !
Anh thủ kho thét lên:
- Để tôi chỉ gạo.
- Không ! Tao không cần gạo của
mày. Tao cho mày theo ông theo bà.
- Các đồng chí. . .
- Ai đồng chí với mày, đồ con
lợn !
- Các đồng chí đừng đốt nhà.
Hầm gạo ở ngay trong nhà.
-À thế hả. Sao mày không “anh
dũng” nữa ?
Đám binh sĩ nhảy tưng lên. Mấy
chục cặp mắt nhìn xoi mói vào cái nền nhà. Nhưng Mạnh Rùa quát:
- Bỏ nó ở đó với hầm gạo. Bọn
ta không cần. Tất cả trở về.
Anh thủ kho khóc rống lên vang
cả rừng. Họ đợi cho tàn lửa rơi trên đầu anh thủ kho mới mở trói cho anh ta.
Mạnh Rùa hỏi:
- Mấy chục bao ?
- Dạ có hai bao thôi.
- Sao lại hai bao ? Mày có muốn
tao quăng mày vào lửa trở lại không ?
Anh thủ kho khóc mếu đi đến góc
nhà và giở nắp hầm lên.
Đám lính chen lấn nhau chui tọt
xuống ngay. Họ lôi lên. Nào gạo nào nếp nào muối nào khô, những cái bao những
cái gói những thùng, thứ nào cũng đưa vào mồm được cả. Vắng lâu quá cái mồm
không được cắn vào cái cơm, cái mũi không được ngửi cái mùi cá thịt… Thiệt là
một cảnh vui tươi nhộn nhịp.
Họ nấu cơm, nướng khô ngay tại
đấy vừa ăn vừa vung vải vừa chửi đổng và dọa giết anh thủ kho.
- Ê mày nuôi được mấy con heo
mày ?
- Được có một con thôi.
- To bằng mày không ?
- Năm nay mày sinh hoạt chi bộ
mấy lần mậy ?
- Dạ không có sinh hoạt lần nào
hết.
- Mày là chúa sơn lâm he!
- Ông xơi xong ông lại trói mày
vào cột mà đốt tiếp.
Câu chuyện đang lằng nhằng như
thế thì Hồng xuất hiện.
- Các anh ơi ! Kho gạo ở đây
này !
- Ở đâu.. ở đâu ?
Chưa biết là ai nói, mà mọi
người đã phản ứng ngay khi cái tiếng “gạo”dội vào tai họ. Thằng Hồng xuất hiện
trước mặt mọi người. Mặt mũi sáng trưng mồ hôi nhễ nhại với hai cái ruột tượng
căng rướn vắt chéo qua trước ngực và một túm tròn bằng trái bí rợ đeo lủng lằng
bên hông.
- Có kho gạo thật à ? Mạnh hất
hàm.
- Có, chắc chắn. Em nói láo em
chết ngay bây giờ.
- To không ?
- Ăn một tháng không hết.
Rồi cả đám ùn ùn đi theo Hồng
trong lúc cả đống thực phẩm còn bỏ lại miệng hầm đó. Bỗng anh thủ kho khóc rống
lên.
- Tôi lạy các anh ? Tôi lạy các
anh.
- Ê ! Nhét mồm nó lại tụi bây.
- Quăng mẹ nó vào lửa đi.
Nhưng anh thủ kho bất chấp
những lời đe dọa. Anh ta sụp lạy ngay trước mắt Mạnh Rùa. Cái đầu dập xuống cất
lên ha lịa như chày đâm tiêu.
- Tôi lạy các đồng chi!
- Mày cút mẹ mày đi !
- Đó là kho gạo chiến lược các
đồng chí ơi!
- Chiến cái con khỉ!
-Thiệt mà! Chỉ có trung ương
mới có quyền ra lệnh xuất kho.
- Tao đếch biết. Lính tao đói,
có gạo là tao xơi ! Tao thịt cả mày nói mày biết !
- Dạ, đây là gạo dùng để tiếp
tế cho chiến dịch nào sắp mở đó.
- Trung ương không cho xuất vì
trung ương không bị đói còn tao với lũ lính này đói mê ra nên tao cho xuất tất
cả. Xuất sạch rồi tao đốt kho luôn.
Rồi Mạnh Rùa ra lệnh:
- Đi khai kho ra mà khao lính,
bay!
Rồi họ rầm rầm kéo đi. Quả thật
một cái kho gạo đứng trốn rất kín trong một đám rừng dày không có ánh sáng mặt
trời. Chung quanh cũng không có dấu chân hoặc vết xe.
Vừa tới đó thì tôi thấy từ
trong kho vọt ra một cái bóng. Tôi vừa kêu lên ngay:
- Roánh ! Thằng mắc toi đã mò
tới đây rồi.
- Không. Chính nó với em phát
hiện ra đó !
Hồng vừa nói vừa gọi:
- Roánh ơi ! Roánh ! Bọn nhà
mình đây cậu .
Cặp Hồng Roánh thiệt là xứng
đôi. Chúng mà “hành quân” trong rừng thì nhất định có “chiến lợi phẩm ” mang
về. Từ ngày có Hồng, Roánh bớt hoạt động, bớt phá phách đơn vị có lẽ vì Roánh
thấy Hồng cũng là một tay chúa sơn lâm nhưng lại rất ngoan ngoãn nghe theo lời
chị. Roánh có cái tấm gương treo trước mặt đó để soi hằng ngày chăng ?
Tôi cũng không hiểu, nhưng thấy
hình như hai cậu trở thành đôi bạn. Chúng thường sánh vai nhau đi và luôn mắc
võng gần nhau, tâm sự có khi hàng giờ.
Trên cửa kho Roánh xuất hiện với
hai tay vẫy lia:
- Gạo nhiều quá !
Tôi phải ngộp vì trông thấy số
gạo chất trong kho. Có lẽ gạo đã được chuyển tới đây lâu rồi nên dấu xe dấu
chân đã bị xóa sạch. Những mớ lá khô dày đặc phủ kín mặt đất. Anh thủ kho vẫn
lẽo đẽo đi sau Mạnh Rùa van xin.
- Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy các
đồng chí. Đây là gạo chiến lược. Xin các đồng chí đừng đụng tới.
- Tao không biết. Tao đói. Tao
cần ăn. Mày nói mãi hả ? Mạnh Rùa dí súng vào giữa trán của anh thủ kho. Mày
còn nói nữa thì tao bóp cò.
- Dạ đồng chí có giết tôi thì
tôi mát thân chớ cái kho này khai ra thì tôi bị tử hình.
Mạnh Rùa ngay chân. Anh thủ kho
lăn kềnh trước mặt Mạnh nhưng anh ta lại lồm cồm bò tới chân Mạnh mà kêu gào:
- Các đồng chí thương dùm tôi.
Đây là gạo sẽ dùng trong chiến dịch sắp tới. Người ta tới lãnh gạo không có,
tôi làm sao ?
- Thế chúng tao nhịn đói thì
mày không làm sao à ?
- Đã có mấy bao kia rồi.
- Không đủ. Mày phải phát bù
lại số mày xén mất hiểu chưa ? Tao nhất định rồi ! Chúng mày cứ lấy ! Thắng nào
mang nổi bao nhiêu cứ lấy ! Còn lại tao sẽ đốt tất !
Chúng tôi trở về như những chú
vịt bầu no phè đi lệt bệt, bước không nổi.
Gạo đó, ai cũng có thể tới lấy
và tha hồ lấy. Có những người thích gạo mới nguyên nên khui cả bao ra mà chỉ
lấy một ít hoặc họ khui ra để tìm nếp, rồi lại khui bao khác, cũng chỉ để lấy
một ít thôi.
Họ cố hết sức khuân vác đem về
địa điểm đóng quân, bếp núc luôn luôn mịt mờ khói lửa, không ai nói nổi.
Họ cố nhét càng nhiều gạo vào
người càng tốt như con lạc đà cố ăn uống trước khi vượt qua sa mạc.
Năm Cà Dom nói với Mạnh Rùa:
- Cậu nên ra lệnh cho lính chỉ
ăn, đừng phá phách như vậy.
- Mình đã ra lệnh rồi. Nhưng
bây giờ chúng nó đã trở thành những thằng điếc hết rồi. Chúng nó trả thù. Có
gạo ăn no bụng nhưng đường bị kẹt, không đi tới được. Cứ xục xích mãi như hủ lô
cán đường, lết tới lại quay lui. Biết chừng nào đến nơi ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét