Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ - PHẦN 6 - CHƯƠNG 32 ĐẾN CHƯƠNG 33


PHẦN VI - Chương XXXII
TỪ NGÀY PHỎNG GIÁI (1975-80)

Ta Phải Biết Sống Theo Ta


Một Cuộc Đàm Thoại - Bài Học Của Cổ Nhân

Mấy năm gần đây, một số cán bộ trẻ miền Nam lại thăm tôi. Họ đều là độc giả của tôi, biết tôi nhiều từ hồi tôi ủng hộ phong trào đòi viện Đại học Sài gòn dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, có người hoạt động cho kháng chiến ở thành, sau ngày 30-4-75 được chính quyền tin dùng làm chuyên viên: bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư v.v...
Người nào tới cũng hỏi tôi:

- Bác lúc này còn viết lách gì không?

Lần nào tôi cũng đáp:

- Dù không xuất bản được cũng phải viết. Vừa để đỡ buồn, vừa để học thêm. Mấy năm nay tôi chuyên nghiên cứu về triết gia Trung hoa thời Tiên Tần, đọc lại các kinh sách của Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Tuân, Hàn... và kinh Dịch mà tôi cho là dung hòa được tư tưởng của Khổng, Lão tổng hợp nhân sinh quan của dân tộc Trung hoa cuối thời Chiến quốc, thời thịnh nhất của Trung triết.

Một lần, cuối năm ngoái, một bác sĩ trong nhóm đó, biết ít nhiều chữ Hán, hỏi tôi:

- Bác thấy tư tưởng của các triết gia đó nay còn dùng được không?

Tôi đáp:

- Vẫn còn nhiều điều dùng được. Tri thức của ta hơn cổ nhân nhiều. Một em mười tuổi bây giờ cũng biết về vũ trụ, thế giới, vạn vật, kĩ thuật... nhiều gấp mấy Khổng, Lão, nhưng về đạo đức chúng ta không hơn cổ nhân, về phép xử thế chúng ta vẫn còn phải học cái khôn của cổ nhân. Ngay về chính trị cũng vậy nữa. Có những chân lí thời nào cũng đúng, cồ nhân đã do kinh nghiệm mà tìm ra được, truyền lại cho ta trong kinh sách đấy, chúng ta đọc cả rồi đấy, nhưng quên đi, hoặc nhớ mà không theo, nên phải thất bại. Tôi nghĩ tri thức rất dễ truyền: các định lí toán, các luật vật lí học một lần là nhớ và áp dụng được ngay; còn cái khôn của cổ nhân thì cơ hồ không thể truyền được, đích thân chúng ta phải từng trải rồi mới hiểu được, nhớ được bài học của cổ nhân. Mỗi người đều phải "sống" cuộc đời của mình, mỗi thế hệ đều phải sống cuộc sống của nó, sống từ đầu, có kinh nghiệm rồi mới rút ra được một nhân sinh quan, gần như tự tìm lấy hết, không nhờ được cổ nhân chút gì cả. Cho nên thời nào cũng có rất nhiều lầm lẫn...

Tôi lấy một thí dụ: mấy năm nay đại đa số các trí thức Bắc, Nam, già trẻ mà tôi được gặp thường phàn nàn về chính sách "hồng và chuyên" của chính phủ. Đảng coi trọng những cán bộ có tư tưởng cách mạng, có công lao với cách mạng hơn những chuyên viên, dù những cán bộ đó không có học cũng chỉ huy những chuyên viên hiểu biết về ngành gấp mười họ. Ta thấy nhiều trường hợp ông chánh chỉ có tiểu học ra lệnh cho ông phó có bằng phó tiến sĩ, xen vào công việc chuyên môn của ông phó, nhất là lại có thái độ kì thị ông phó, vì biết rằng ông phó giỏi hơn mình, rồi do tự ti mặc cảm mà sinh ra hống hách, ngăn cản công việc của ông phó. Chính sách đó có hại cho việc kiến thiết; chính vì nó mà hầu hết các chuyên viên ở Nam rất có khả năng, rất có nhiệt tâm phục vụ mà không được chính quyền dùng; một số rất ít được dùng thì lại bị chèn ép: chẳng hạn một thạc sĩ giáo sư Đại học y khoa, rất nổi tiếng về giải phẫu, phải chịu tùy thuộc một học trò của mình, chỉ vì cậu này đã "nằm vùng", được chính phủ cho là "hồng", tin dùng; giáo sư đó bảo sẽ giải phẫu cho một bệnh nhân nào đó vào ngày nào, giờ nào; học trò của ông ta gạt đi, định cho một ngày khác; ông ta bực mình đáp: "Tùy ý đồng chí' và ít tháng sau ông vượt biên với cả gia đình. Hiện ông ở Mĩ.

Chính Lénine đã nói: "Phải trọng chuyên viên như con người của ta" vì trong thời kiến thiết, chuyên viên mới là cần nhất; tuy thuộc nhiều kinh điển của Marx, tuy lập trường chính trị rất đúng mà không biết nghề thì cũng không làm được việc.

Người ta không theo Lénine là tại sao? Tại người ta tin như Hồng vệ quân Trung hoa rằng một cái đập xây không đúng phép, sắp vỡ, đương nứt nẻ, muốn rã, chỉ cần mở "cuốn sách đỏ", tụng những lời của Mao Trạch Đông là làm cho đập vững lại (vụ đó đã được quay phim ở đâu đó chắc để chê cách mạng Văn hóa của Mao) hay tại người ta muốn thưởng những người có công lớn trong thời kháng chiến nên giao phó những chức vụ cao cho họ?

Khổng Tử trong thiên Tiên tiến, bài 24 (Luận ngữ) đã cảnh cáo chúng ta rồi. Tử Lộ, học trò của ông, làm gia thần họ Quí, tiến cử Tử Cao làm quan tể đất Phí. Khổng Tử trách: "Như vậy là làm hại con người ta" (vì Tử Cao chưa được học bao nhiêu). Tử Lộ đáp: "Làm chức tể thì có nhân dân để trị, có thần xã tắc (đất đai, mùa màng) để thờ (thế là học), hà tất phải học sách rồi mới gọi là có học?" Khổng Tử mắng: "Vì thế mà ta ghét những lời lợi khẩu” (cưỡng lí để tự biện hộ).

Không học về canh nông mà làm viện trưởng viện nghiên cứu canh nông, không biết gì về hành chánh mà làm tỉnh trưởng. Sao không thẹn với Đông Đức: sau thế chiến, một đảng viên có công lớn được mời làm thứ trưởng, ông ta từ chối, xin được học thêm ít năm ớ đại học đã.

Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6 cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi.

Lẽ đó rất tự nhiên, từ xưa nước nào cũng theo, như đời Trần nước ta, các tướng có công, được phong đất, phong tước, mà việc nước thì giao cho các người có học. Nước Anh sau mấy năm thế chiến rồi cũng chỉ thưởng tiền cho các danh tướng; chẳng những vậy, năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, họ thay cả viên Thủ tướng, cho Churchill về vườn, mặc dầu ông có công nhất trong việc cứu quốc, diệt Đức; như vậy chỉ vì chính sách thời bình khác thời chiến, nên phải dùng người khác.

Chính vì không phân biệt chính sách thời bình và thời chiến mà sau khi hòa bình trở lại - ở Bắc năm 1954, ở Nam năm 1975 - Đảng cho địa phương tự trị như trong thời chiến, và lại dùng những người thời chiến để cai trị trong thời bình; do đó gây nhiều cái tệ mà tệ lớn nhất là cán nặng hơn gáo: mỗi tỉnh là một tiểu quốc, bất chấp cả trung ương, thậm chí một nhân viên rất nhỏ kiểm soát xe hàng, làm bậy, không theo quyết nghị trung ương, bảo hành khách: "Tôi ở địa phương chỉ biết lệnh địa phương, bà con biết lệnh trung ương thì cứ gởi đơn thưa trung ương".

Như vậy là tiểu nhân tha hồ hoành hành, muốn tịch thu gì của hành khách cũng được, không ai răn đe họ khi họ mới mắc tội nhỏ, không ai chế ngự họ khi họ mới ló mòi, lâu rồi thành loạn. Tệ đó, quẽ Phệ hạp và quẻ Cấu trong kinh Dịch đều đã cảnh cáo nhà cầm quyền từ ba ngàn năm trước rồi. ớ nước ta ngày nay, chính quyền có cương quyết thay hết các ông hồng mà không chuyên đi (1) thì lấy người đâu để làm việc, và cái phe hồng mà không chuyên đó, bị mất quyền lợi, tất cấu kết nhau, đâu để yên cho chính quyền. Cái hại đó, tôi e một thế hệ nữa chưa hết được

Trong việc trị dân, người nào có quyền vị thì phải có trách nhiệm. Qui tắc đó rất sơ đẳng, bọn Pháp gia – như Thương Ưởng, Hàn Phi - đều nhắc tới nhiều lần. Mà đạo Nho thời nào cũng chủ trương rằng dân mắc tội là lỗi ớ tại người trên; người trên mắc tội thì chỉ người trên chịu, dân không liên can gì tới. Trách nhiệm của người cai trị thật minh bạch; muốn vậy quyền của người trên cũng phải rõ rệt, chỉ người nào có trách nhiệm mới có quyền quyết đoán, mưu việc. Thiên Thái Bá, bài 14 (Luận ngữ) Khổng Tử bảo: "Không ở chức vị nào thì đừng mưu tính việc của chức vị đó”, như vậy đề định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi người.

Chúng ta ngày nay theo chính sách “cai trị tập thể", mỗi khi quyết định một việc gì, bất kì lớn nhỏ, cung tập họp cả mấy chục đồng chí của nhiều cơ quan để thảo luận ở hội trường của tỉnh, huyện, hội trường nào cũng đồ sộ, xây cất rất tốn kém. Mỗi cơ quan lại có một hội trường riêng, nhỏ, họp hằng tuần về những vấn đề nội bộ. Quyết định tập thể có điểm tốt là biết được ý kiến nhiều người, tránh nạn độc đoán, nhưng hội họp nhiều quá, tới nỗi mỗi tuần, nhân viên phải đi họp ba bốn buổi tối, lần nào cũng kéo dài hai ba giờ mà chẳng giải quyết được gì - vì càng nhiều ý kiến lại càng khó quyết định - thì mất thì giờ vô ích, ai cũng ngán. Tai hại nhất là công việc bê trễ, không ai dám lãnh trách nhiệm, trút trách nhiệm cả cho tập đoàn, mà tập đoàn làm chủ tức là không ai làm chủ hết.

Tôi có lần là nạn nhân của chính sách đó. Tôi muốn về Long xuyên nghỉ khá lâu, xin ủy ban nhân dân phường cho phép tôi chở về Long xuyên ít bàn ghế, một số sách và ít đồ cần dùng. Phường không dám cho phép, bảo tôi xin phép công an, công an cũng không dám cho phép, bảo tôi trở lại phường; tôi dĩ nhiên không chịu làm trái banh để hai cơ quan đó tung cho nhau, bảo công an bàn tính với phường rồi trả lời cho tôi. Họ bàn tính với nhau không biết mấy lần, cứ hẹn lần, bắt tôi đi đi về về tám lần, không cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm kí một giấy phép rất tầm thường như vậy. Tôi nổi dóa, đòi gặp chủ tịch ủy ban nhân dân phường, họ bảo ông đi vắng - ông này còn khó gặp mặt hơn thiên tử thời xưa, không bao giờ tôi thấy mặt ông cả - sau cùng tôi bảo sẽ khiếu nại lên bí thư thành ủy, lúc đó họ mới chịu cho phép. Thật là tốn biết bao thì giờ cho tôi và cho cả họ. Ai cũng phàn nàn trong chế độ này, nhân viên nào cũng sợ lãnh trách nhiệm mà quyền hành thì rất lớn.

Chương 30 - 31 Đạo đức kinh, Lão Tử khuyên kẻ dùng binh khi đạt được mục đích thì thôi, đừng ỷ mạnh, tự phụ, khoe công; thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay thì tức là thích giết người. Tổ tiên ta đã theo đúng lời đó. Lê Lợi sau khi thắng quân Minh, Quang Trung sau khi thắng quân Thanh, đều khiêm nhu, mềm dẻo với Trung hoa.

Mustapha Kémal sau khi thắng quân Hi lạp ở Dumulu Punar, bắt được hai tướng Hi lạp là Tricopis và Dionys, tiếp đãi họ rất nhã nhặn trong lều của ông, mời họ giải khát rồi cùng nhau phê bình chiến lược của hai bên, làm cho họ phải khâm phục. (Chính phủ mình có lẽ không ai nhớ bài học của Lê Lợi và Quang Trung, và tướng Trần văn Trà chắc chắn không được đọc tiểu sử của Mustapha Kémal. Giá tướng Trà khi vào dinh Độc lập cũng nhã nhặn với tướng Dương văn Minh như Kémal và nếu chính phủ mình sau khi nhận được lời khen của thế giới, chỉ nhã nhặn tuyên bố rằng dân tộc Việt Nam bất đắc dĩ phải giành lại độc lập và sở dĩ thành công là nhờ chính nghĩa, chịu kiên nhẫn và được các nước anh em ủng hộ; bây giờ đây sau ba chục năm chiến tranh chúng tôi xóa hết các hận thù, chỉ muốn yên ổn kiến thiết và rất mong được sự giúp đỡ của tất cả các nước, cộng sản cũng như tư bản; nếu có thái độ như vậy, đừng ham làm chủ bán đảo Đông dương ngay thì tôi chắc chúng ta không phải chịu chiến tranh thứ ba chưa biết sẽ kéo dài tới bao giờ nữa. Chúng ta đang bị sa lầy ở Cao miên, cầm chân ở Bắc Việt, đương mất máu lần, Nga tiếp máu cho được bao lâu và với điều kiện nào? Thế là mới thoát được ách Mĩ thì đã bị ngay nạn Trung hoa, Việt nam trước là nơi tranh chấp của Trung hoa và Mĩ, nay thành nơi tranh chấp của Nga và Trung hoa.

Kinh Dịch, quẻ Giải khuyên khi hoạn đã giải được rồi, chiến tranh đã hết, dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị; tuy phải trừ những cái tệ cũ, nhưng chỉ nên sửa cho sự bình trị được lâu dài thôi, không nên xáo động nhiều quá, nhất là nên làm cho mau xong, đừng đa sự.

Quẻ Cách lại khuyên thay cũ đổi mới là một việc khó, ngược với thói thủ cựu của con người, cho nên muốn có kết quả thì sự cải cách phải hợp thời, phải sáng suốt, soi xét rạch ròi, thận trọng, tính toán kĩ, làm sao thỏa thuận được với lòng người, đừng nóng nảy; và cải cách tới một mức nào đó thì nên ngừng lại, đừng cầu được hoàn toàn thì mới khỏi thất bại.

Giá chính phủ biết khoan dung lại biết giản dị, không cải cách gấp mà tiến hành từ từ thì có thể 90% miền Nam đoàn kết với chính quyền mà sự cải cách tiến được đều đều, vững, không phải sửa sai, thụt lùi mấy lần, mà cũng không có sự tan rã, hỗn loạn trong xã hội như hiện nay.

Mấy ngày đầu tháng 5-1975, người Nam nào cũng phục tinh thần kỉ luật của quân đội giải phóng và chính sách khoan hồng của chính phủ. Tuyệt nhiên không có cuộc "tắm máu” hồi tết Mậu Thân ở Huế như nhiều người lo ngại, mà cũng không có vụ trả thù cá nhân nào. Nhưng chẳng bao lâu, thái độ khinh bỉ, căm thù lần lần xuất hiện. Người ta coi đồng bào trong này đều là ngụy hết, người ta mưu mô tước đoạt tài sản của ngụy, bắt ngụy đi kinh tế mới để cướp nhà của ngụy. Tại giữa chợ Trương Minh Giảng, một chị cán bộ ở Hà nội vô, nói với bạn cũng cán bộ ở Bắc vô sau: "Chị đừng lo, tụi nó sẽ bị đuổi đi kinh tế mới hết, lúc đó chúng ta sẽ có nhà rộng để ở".

Tinh thần chia rẽ, thù oán từ đó phát sinh và mỗi ngày hố giữa Nam Bắc mỗi sâu thêm.

Rồi chính sách bắt ngụy quân, ngụy quyền đi cải tạo nữa. Mới đầu người ta bảo mỗi người mang theo quần áo, thức ăn, tiền nong dủ cho 15 ngày, nên ai cũng tưởng chỉ độ 15 ngày là về, trong 15 ngày đó chính quyền sẽ chỉ bảo, dẫn dắt cho hiểu đường lối của chính phủ, lối sống mới và diệt những thói quen tật cũ đi; như vậy là điều rất tốt, và ai cũng hăng hái xách khăn gói lên đường cải tạo. Hết nửa tháng rồi hai ba tháng. rồi nửa năm vẫn chưa được về, lúc đó người ta mới hiểu rằng phải cải tạo cho tới khi nào thấy cải tạo hoàn toàn rồi thì mới được về. Và khi nào xong thì không biết. Tới nay (1981), đã 6 năm, vẫn còn nhiều người chưa được về. Có thể bị cải tạo 10 năm như ở Nga chăng? Người ta quên bài học của tổ tiên: vua Trần Nhân Tôn sau khi thắng được quân Nguyên, bắt được tráp thư từ vãng lai với giặc của mấy ngàn người, không thèm coi, đốt đi hết, nhờ vậy mà đoàn kết được toàn dân.

Đọc cuốn J'ai choisi la liberté (đã dẫn), nhất là bộ L’archipel du Goulag của Soljenytsine (gồm 4 cuốn, 2 cuốn đầu đã dịch ra tiếng Pháp và in ở Paris trước 1975), chúng ta phải nhận rằng chính sách của ta không quá tàn nhẫn như chính sách của Nga. Một số trại của mình có chính sách nhân đạo nữa: ăn uống tuy thiếu thốn, nhưng được gia đình tiếp té đều đều, nên người học tập không xuống cân, tinh thần tốt, được lao động vừa sức, được đọc sách báo... Nhưng có nhiều trại rất khắc nghiệt. Một thiếu phụ sau máy năm xa cách, được đi thăm chồng tại một trại miền bắc Trung Việt, khi gặp chồng, không nhận ra được nữa, tưởng là người khác, mãi đến khi chồng cất tiếng hỏi, mới hết nghi ngờ. Chồng cô ta đã thay đổi hẳn từ thể xác tới tinh thần, mất mấy chục kí lô. đi không vững, hốc hác, chậm chạp, gần như một cái xác không hồn, lầm lì, hỏi mới đáp, không còn tình cảm, không suy nghĩ, không nhớ gì cả. sống mà như chết rồi.

Đi cả ngàn cây số mới tới trại mà chỉ được gặp mặt chồng có nửa giờ, lại không được khóc, nếu khóc thì bị đuổi ra liền. Hết nửa giờ, vợ chồng chia tay nhau, vợ nhìn theo chồng đẩy chiếc xe chở đồ tiếp tế về chỗ giam; khi chồng khuất bóng rồi, cô ta gục đầu xuống bàn mà khóc, khóc không biết bao lâu, hết nước mắt mới đứng dậy, loạng choạng ra khỏi trại.

Có trại gọi là "trại bò", không phải để nhốt bò mà để nhốt những ngụy quân ngụy quyền cao cấp; phòng giam họ chỉ có một cái cửa cao độ một thước, muốn vô thì phải bò.

Lối trừng trị như vậy tôi cho là vô ích, không "cải tạo” được con người. Tôi đã nói ở một chương trên, đại đa số những ngụy quân ngụy quyền ở trong nước không có tội gì cả, ngoài cái tội sống ở miền Nam, dưới chế độ Mĩ, Thiệu thì phải theo luật Mĩ, Thiệu; nhưng ngay cả những kẻ có tội đi nữa, nặng thì giết họ đi, nhẹ thì cứ dĩ trực báo oán, như vậy càng dễ cải hóa họ hơn, cần gì phải hành hạ như vậy; dĩ oán báo oán, oán bao giờ mới hết được? Đã hành hạ họ lại không cho con họ vô Đại học mặc dầu học giỏi. Người ta chê bài học của Khổng Tử: Thiên Ung Dã, bài 4 ông bảo cha Nhiễm Hữu (Trọng Cung) là người ác, nhưng Nhiễm Hữu là người hiền thì cũng dùng.

Làm cho người dân tưởng rằng chỉ phải đi cải tạo nửa tháng mà rốt cuộc là phải đi 5-6 năm, có thể là 10 năm; bảo là cho họ đi học tập, cải tạo tinh thần mà sự thật để hành hạ, để trả thù, như vậy làm sao dân tin được chính quyền? Lệnh trung ương ban hành, địa phương không theo, làm ngược hẳn lại; lương hưu trí không phát, tiền tiết kiệm gởi ngân hàng không cho rút ra mà không thẳng thắn cho họ biết lí do, cứ làm thinh để dân chờ hết ngày này qua năm khác, chờ chán thì tuyệt vọng, thôi không đòi hỏi nữa; cho người ta đăng kí vượt biên bán chính thức, thu của mỗi người bao nhiêu lượng vàng, rồi bỗng nhiên ngưng lại hết mà không trả lại đủ vàng cho người ta; thâu thuế của người ta và cho phép bán ở chợ trời rồi đột nhiên bao vây cả một khu, tịch thu hết hàng hóa; khi chưa nắm chính quyền thì hứa sẽ bỏ hết các thuế chợ, chia đất cho dân cày; nắm chính quyền được ít lâu thì thuế chợ còn nặng hơn trước, mới chia đất cho dân thì đã bắt dân vào hợp tác xã nông nghiệp, bỏ quyền làm chủ miếng đất của họ mà làm chủ tập thể; tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng miền Nam theo chế độ dân chủ, trung lập, rồi một năm sau đã thống nhất quốc gia, hủy bỏ chế độ đó, bắt miền Nam theo xã hội chủ nghĩa như miền Bắc; báo chí, các đài phát thanh chỉ thông tin một chiều, không cho dân biết sự thực, đến nỗi chính những cán bộ ở bưng về cũng phàn nàn rằng báo chí nói láo hết, như vậy dân làm sao tin chính quyền được.

Mở bộ Luận ngữ ra sẽ thấy cả chục bài khuyên nhà cầm quyền giữ chữ tín với dân, đặc biệt là bài 7 thiên Nhan Uyên:

"Tử Cống, một môn đệ của Khổng Tử, hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: "Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền". Tử Cống lại hỏi: "Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?" Đáp: "Bỏ binh bị". Tử Cống lại hỏi: "Trong hai điều còn lại, bất đắc dĩ phải bỏ một nữa thì bỏ điều nào trước?" Đáp: "Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ" (dân vô tín, bất lập).

Một số học giả phương Tây như linh mục Cras nhận rằng không có học thuyết nào trọng đức thành tín bằng đạo Nho, mà đức đó thời nay bị người ta coi rẻ nhất. Ở thời Khổng Tử, chính quyền nào không được dân tin thì chính quyền đó phải đổ. Vì dân có thể nổi loạn, lật đổ vua, hoặc kéo nhau qua nước khác ở, tìm một ông vua khác để thờ. Ở thời đại chúng ta, khoa học đã tặng nhà cầm quyền những phương tiện cực kì hữu hiệu để đàn áp dân chúng; họ lại nắm sự phân phối thực phẩm, có những thuật mềm nắn dắn buông, vuốt ve dân chúng, cho nên một chế độ độc tài không bao giờ sụp đổ vì chính sách tàn bạo của nó; nếu một nhóm người cầm quyền biết đoàn kết với nhau, quyết tâm bắt dân theo đường lối của họ thì dân phải răm rắp cúi đầu tuân lệnh. Nhưng khi dân thấy chế độ độc tài không đem lại cho họ được một cái lợi gì thì họ phản kháng một cách tiêu cực, tà tà, lè phè, không hăng hái làm việc - chính quyền mình ba năm nay chống tiêu cực mà chẳng có kết quả gì cả - và khi chính quyền thấy chính sách độc tài không có lợi cả cho chính quyền nữa thì tất phải thay đổi chính sách.

Lúc này ai cũng thấy trong thành phần nòng cốt của chế độ, tức đảng viên, quân nhân, nhất là công an, đã chán nản, sa đọa rồi. Ở Long xuyên năm ngoái đã xảy ra một vụ: một anh bộ đội và một anh công an gây nhau ở khu chợ, hằm hè rút súng ra tính hạ nhau. Sau anh bộ đội hỏi anh công an: "Lương anh bao nhiêu một tháng mà anh hút thuốc thơm 2 đồng một điếu? Cứ lục túi các anh công an thì không anh nào không có một gói thuốc thơm. Các anh lấy tiền đâu mà mua?" Anh công an không đáp được, tẽn, bỏ đi.

Đã có nhiều tin quân đội dùng tàu, xe nhà binh chở đồ lậu ở Miên về bán tại các tỉnh gần biên giới. Lại có tin công an ôm vàng và súng ống, dùng tàu chính phủ vượt biên. Tới mức đớ thì thế nào cũng phải thay đổi, ngay đồng bào miền Bắc cũng mong mỏi sự thay đổi từ mấy năm nay rồi, vì ngoài đó cũng trụy lạc không kém trong này. Cứ coi mục "ý kiến bạn đọc" trên tờ Nhân dân thì biết.

Kinh Dịch đã xét trường hợp phải làm cách mạng (như trên tôi đã nói), lại xét cả trường hợp trừ bỏ sự li tán mà đoàn kết lại (quẻ Hoán), muốn vậy phải bỏ tinh thần bè phái, nếu cần thì giải tán bè phái, để tập hợp quốc dân mà lo việc nước, tức giải tán cái nhỏ để gom cái lớn lại. Việc đó chính phủ cách mạng đã có một lần làm rồi (năm 1946). Hễ thành tâm thì có kết quả. Nhất là phải thay đổi chính sách kinh tế, bớt thuế má đi, phải cho dân có lợi thì dân mới hăng hái sản xuất.

Từ văn minh nông nghiệp chuyền qua vãn minh cơ giới, kĩ thuật, sự phát triển kinh tế đòi hỏi rất nhiều vốn. Vì cần nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, máy mổc mà máy móc phải cải thiện hoài, thay đổi hoài. Bọn tư bản phương Tây đầu thế kỉ trước bóc lột công nhân tàn nhẫn, vô nhân đạo, bỉ ổi; nhưng chúng ta phải nhận rằng chúng bóc lột như vậy một phần nhỏ để gia đình chúng hưởng, một phần lớn để gây vốn, mua thêm máy móc, xây dựng thêm nhà máy, cải thiện phương tiện vận tải giao thông... nhờ vậy kinh tế mới phát triền được.

Ngày nay các nước lạc hậu, nghèo như nước ta mà muốn xây dựng một cơ sở kĩ nghệ gần như bắt đầu từ số không thì dù được nước bạn viện trợ, hoặc tư bản nước ngoài đầu tư, cũng phải dùng cách đó của tư bản, bắt dân chúng làm việc nhiều, tiêu pha ít, ăn lương ít để tạo một số vốn cho quốc gia, nói trắng ra là phải bóc lột lao động, chỉ khác là chính quyền chứ không phải cá nhân bóc lột, mà chính quyền có quyền gấp ngàn cá nhân, tha hồ bóc lột mà không cho dân phản kháng, lấy lẽ rằng bóc lột để xây dựng tương lai cho quốc gia, cho các thế hệ sau, chứ không để cho một giai cấp nào hưởng.

Tuy nhiên, muốn cho dân chúng chấp nhận chính sách khắc khổ đó thì trong xã hội:

- phải có sự công bằng: từ trên xuống dưới đều chịu khắc khổ chung; ngay những bà già vô học ở Nam cũng bảo: nếu cán bộ giữ chính sách "ba cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, như trong hồi chiến tranh thì bảo gì mà dân không vui vé làm?.

- phải cớ sự quản lí chặt chẽ, không dung túng sự phung phí, gian tham;

- phải trọng những nhu cầu tối thiểu của dân, đừng làm trái hẳn với bản tính con người, nghĩa là phải cho dân đủ ăn, đủ mặc, có chút tiêu khiển, có chút lợi, có chút của riêng thì dân mới đủ sức mà làm việc, có chút hứng thú để tăng năng suất lên.

Không thể tặng cho người ta mĩ hiệu là "chiến sĩ xây dựng xã hội chủ nghĩa", ngày đêm hô hào người ta "hi sinh cho đời con cháu được sung sưđng" để bắt người ta sống cực khổ suốt đời, đời này qua đời khác được; vì nghĩ cho cùng khuyên người ta hi sinh cho đời con cháu thì có khác gì các cụ hồi xưa khuyên ăn hiền ở lành để phúc cho con; có khác gì các tôn giáo Ki Tô, Hồi Hồi, Phật khuyên tín đồ chịu cực trong cõi trần này đề chết đi được lên thiên đường hoặc cõi niết bàn không?

Bạn bác sĩ ấy chăm chú nghe tôi nói non một giờ, khi về bảo tôi: "Cháu xin phép bác được thỉnh thoảng lại học bác nữa".

Hôm nay để ghi lại cuộc đàm thoại, tôi sắp đặt lại qua loa, dẫn thêm vàị đoạn trong kinh sách và thêm một vài ý (như quẻ Hoán) còn đại cương thì giữ đúng.

Nhưng ghi xong rồi, tôi nghĩ lại mà tự trách mình hôm đó đã nói nhiều quá, quên mất lời cổ nhân: "Không cùng đạo với nhau thì làm sao có thể nói chuyện với nhau được?"

Mình Theo Cả Những Lầm Lẫn Của Người

So sánh những nhận xét của tôi ở trên với những điều tôi đã được đọc trong mươi cuốn về đời sống ở Nga sô, Trung cộng, tôi thấy chính sách của mình y hệt chính sách của hai nước đàn anh đó, những lầm lẫn của mình chính là những lầm lẫn của họ.

Năm 1947, sau 30 năm cách mạng dân Nga cũng bị nhồi sọ như dân mình; xã hội họ cũng có những sự bất công, những kẻ "phe phẩy", những chợ trời, những nhà tập thể dơ dáy như dân mình; cũng cớ nạn mua chợ đen vé coi hát, cũng cấm dân tiếp xúc riêng với người ngoại quốc (2); cũng có nạn bè phái như mình; cũng có lệ muốn thưởng một cán bộ thì cho thêm một số tiền bỏ vào bao thư riêng; các ông lớn của họ cũng cách biệt quần chúng như ở nước mình; những kẻ gian trá cũng có thể lén lút làm mọi cái xấu xa, miển là đừng chống chính quyền; người Nga nào cũng có hai mặt, ớ nhà thì khác, ra ngoài thì khác như mình.

Họ cũng trọng hồng hơn chuyên, cũng thay đổi chủ trương, chương tnnh liền liền, thợ họ cũng không đủ ăn, công việc gì cũng không chạy; cán bộ của họ cũng sợ trách nhiệm như cán bộ của mình; chính sách cải tạo còn tàn nhẫn hơn chính sách của mình; sự tổ chức bầu cử y như mình, v.v...

Họ có thời "băng rã" (dégel) rồi băng lại đóng lại (gel); Trung hoa cũng có thời "trăm hoa đua nở" rồi mấy tháng sau, trăm hoa lại bị cấm nở; trăm hoa của mình cũng đua nở sau Trung hoa ít tháng, và cũng bị cấm nở sau họ ít tháng. Năm 1966 mình khôn hơn Trung hoa là không làm cách mạng văn hóa, nhưng năm 1978 mình cũng đã chuẩn bị kĩ để phát động một cuộc cách mạng văn hóa như họ, tính đốt hết các sách báo ở miền Nam, chỉ giữ lại những sách dạy nghề và khoa học tự nhiên, y như Tần Thủy Hoàng chỉ cho giữ những sách thuốc, sách nông nghiệp... (3) May sao chính quyền (miền Bắc hay Nam?) kịp đổi ý, cho hoãn lại cuộc cách mạng đó.

Ngoài ra, cách thức phụ cấp cho sinh viên, đối đãi với trí thức, chính sách học tập chính trị, hội họp ở phường, ấp, dăng, dán biểu ngữ ở khắp nơi, phát thanh bằng loa oang oang mà không ai buồn nghe...; cả lối giáo dục trẻ em, bổ túc văn hóa, công trình khai quật cổ tích chung quanh đền Hùng (4) ...mình đều theo sát gót Mao Trạch Đông.

Tôi có cảm tưởng rằng mình chép đúng đường lối của hai nước đàn anh, không xét hoàn cảnh, dân tình, phong tục của mình có khác họ hay không. Tôi chưa thấy mình có một sáng kiến gì cả, ngay cả những danh từ như biên chế, phụ đạo, tham quan, tranh thủ... mình cũng chép nguyên của Trung hoa. Tôi phục G. Orwell từ 30 năm trước, trong cuốn 1984 đã tiên đoán và vẽ đúng xã hội Trung hoa những năm 1960 và xã hội Việt nam ngày nay. Nhưng Nga, sau khi Staline chết đă hơi thay đổi đường lối (5), Trung hoa sau khi Mao Trạch Đông chết đã bỏ chính sách của Mao, xích lại gần phe tư bản, và nhiều nước như Ba lan, Tiệp khắc, Hung gia lợi, Nam tư... đã có từ lâu chính sách của họ, chính phủ mình lẽ nào không biết?

Xu Hướng Của Thời Đại

I. Dự Đoán Sai Của Marx

Tôi nghe nói bộ Tư bản luận của Karl Marx rất dày, khó đọc mặc dầu văn hay, và ngay ở âu Mĩ, chỉ có một số lí thuyết gia cộng sản, một số triết gia, sử gia là đọc trọn bộ đó thôi. Vì vậy tôi không bao giờ kiếm đọc nó cả. Nhưng tôi đã tò mò đọc một số tác phẩm của một số học giả, văn nhân Âu theo cộng hay không theo cộng, viết về học thuyết Marx. Đại khái họ nhận rằng học thuyết đó có hai cống hiến cho nhân loại:

1) Sự biến chuyển của xã hội, sự diễn tiến của lịch sử tùy thuộc một phần quan trọng vào kinh tế.

2) Giai cấp vô sản bị giai cấp tư bản bóc lột, và phải diệt giai cấp tư bản để tạo một xã hội công bằng, không ai bị bóc lột, mọi người đều bình đẳng với nhau; (Muốn vậy phải hạn chế tự do cá nhân. Hễ bình đẳng thì mất tự do; hễ tự do thì không bình đẳng, không thể lưỡng toàn được).

Học thuyết đó xuất hiện giữa thế kỉ trước, tới nay đã trăm rưởi năm, và người ta thấy Marx có nhiều điều tiên đoán sai, chẳng hạn:

1) Cách mạng vô sản sẽ xuất hiện trước hết ở những xứ kĩ nghệ tiến bộ như Đức, Anh; nhưng sự thực nó xuất hiện ở Nga, một xứ kĩ nghệ kém nhất châu Âu hồi đầu thế kỉ chúng ta; sau đó nó lại xuất hiện ở những nước nông nghiệp rất lạc hậu về kĩ nghệ, như Trung hoa, Việt nam...;

2) Marx tin rằng giai cấp vô sản ở khắp thế giới đoàn kết với nhau để cùng diệt giai cấp tư bản ở mọi nước, do đó không còn tinh thần quốc gia nữa, thế giới sẽ đại đồng; nhưng bây giờ người ta thấy ngay ở Nga, Trung hoa, Đông Âu, chế độ cộng sản nào cũng mang nặng tinh thần quốc gia tới mức hai nước anh em với nhau mới thề sống chết có nhau, đoàn kết để diệt tư bản mà ít năm sau đã đâm chém nhau vì vấn đề ranh giới, chủ quyền, cũng xâm lấn nhau, phản nhau y như bọn thực dân tư bản vậy; hiện nay Trung hoa lại liên kết với Mĩ để chống Nga nữa, không cho Nga bành trưđng ớ Afganistan, Đông Á. Không biết bài ca quốc tế: "Prolétaires de tous les pays, unissez-vous" (Hỡi anh em vô sản tất cả các nước, đoàn kết với nhau lại) nay còn ai hát nữa không; Marx muốn diệt chiến tranh nhưng chiến tranh lại xuất hiện giữa các nước cộng sản với nhau;

3) Ông đoán rằng chế độ tư bản sẽ chết, nhưng tới nay nó vẫn mạnh chớ không chết, mà trái lại về sự phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của dân thì các nước cộng sản không sao cạnh tranh nổi với nó (lời Garaudy, một giáo sư Pháp theo cộng), vì nó biết tự thích ứng với hoàn cảnh, tự thay đổi, tìm được cách giải quyết lần lần những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị (lời một chính trị gia cộng sản ở Đông Đức); nó không đi tới chế độ độc quyền (monopole) mà tiến tới chế độ kinh tế tự do trên thị trường (économie du marché) để thị trường được đlêu hòa. Trái lại, chính những nước cộng sản mới theo chế độ độc quyền, độc quyền quốc gia.

4) Marx muốn xóa bỏ hết sự bất bình đẳng, xóa bỏ giai cấp, nhưng ớ Nga, Đông Âu không còn giai cấp tư bản nữa thì lại xuất hiện một giai cấp mới, giai cấp cán bộ, thư lại, từ quyền lợi tới lối sống, đều cách biệt hẳn với giai cấp thợ thuyền, nông dân.

5) Marx hi vọng thay đổi được bản tính con người; Nga đã dùng những biện pháp rất mạnh trên 60 năm nay, hai ba thế hệ rồi mà bản tính con người không thay đổi gì cả: vẫn ham có tư sản, hưởng tự do, hưởng lạc như Âu Mĩ (6).

Hiện nay đã có một sự nứt rạn nặng trong khối cộng, nếu họ không khéo giải quyết với nhau thì trước cuối thế kỉ này sẽ có sự tan rã: Nga, Trung hoa thành kẻ thù của nhau, Trung hoa nhảy qua phía Tây phương; Việt, Hoa cũng hằng ngày sỉ vả nhau, gây hấn với nhau; các nước Đông Âu như Ba lan, Tiệp khắc, Nam tư (có lẽ cả Lỗ ma ni, Bulgarie nữa) đã bỏ chính sách kinh tế của Nga mà khuyến khích nhiều xí nghiệp tư, coi trọng quan niệm lợi (profit), nghĩa là coi nhẹ lí thuyết chính trị mà tìm cái lợi, nhờ vậy mức sống của dân cao hơn ở Nga; Hung gia lợi cho dân chúng tự do hơn, bỏ chế độ độc đảng; hai năm nay Ba lan cũng đòi được vậy; mà đảng cộng sản Pháp cũng muốn vậy; đảng cộng sản Ý, Bồ đào nha đã tỏ ý độc lập, không chịu theo chính sách ngoại giao của Nga trong vài biến cố quốc tế; đảng cộng sản Nhật còn có tinh thần độc lập hơn nữa; hầu hết các nước đó đều thấy chính sách hợp tác xã nông nghiệp (Kolkhoze) của Nga thất bại và không bắt nông dân vào hợp tác xã nữa. Nhất là khắp Âu Mĩ, không nước nào chịu “chế độ xã hội chủ nghĩa Goulag" (socialisme du Goulag) nghĩa là chế độ xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng trại giam, trại cài tạo (Goulag) của Nga trong thời Staline.

Ngay ở Nga, từ 1965, cũng đã sửa đổi đường lối kinh tế, cho một số xí nghiệp được tự do, cải cách lối quản lí và lối sản xuẩt để có nhiều lợi, và có lợi thì chia cho công nhân viên một phần, một phần giữ lại để khuếch trương xí nghiệp. Kossyguine đã biết nghe lời kinh tế gia Libermann chú trọng tới các luật kinh tế, bỏ quan niệm giáo điều đi. Đại học cũng bớt bị chính trị hóa rồi. Thanh niên được đọc các sách phương Tây và họ rất thích văn học Pháp. Họ muốn được tự do tư tưởng. Còn phụ nữ Nga thì đòi được hòa bình và hạnh phúc, mức sống cao hơn, sao cho gần được mức sống của Mĩ, và rất thích đời sống gia đình, ghét đời sống tập thể (theo Jean Marabini trong cuốn L’URSS à le conquite du futur - Denoel - 1967).

Ngay nhà văn cộng sản Pháp Aragon, trong cuốn Histoire parallèle de l'URSS (1962) cũng chê chính sách của Nga trong suốt thời Staline cầm quyền. Nga đâu còn là một thần tượng để các nước đàn em thờ nữa.

Nhà bác học Sakharov trong tờ Express tháng 8-1972, nhận rằng Nga có tiến bộ về xã hội, kinh tế, nhưng các nước cũng tiến bộ như vậy, có phần còn hơn Nga, tiến nhờ kĩ thuật chứ không phải nhờ chủ nghĩa. Ông chê nhà cầm quyền Nga giả dối, ích kỉ, tàn nhẫn; giáo dục và y tế Nga rất tồi tệ vì bọn cán bộ cao cấp được biệt đãi mà bọn thường dân bị ngược đãi; chính quyền dùng nhà thương điên để nhốt bọn trí thức chỉ trích đường lối chính quyền; chính quyền dùng tới 40% lợi tức quốc gia vào quân sự, võ bị, nên mức sống của dân tăng lên chậm...

II. Nguyện Vọng Của Con Người Thời Nay

Đọc sách báo phương Tây trong hai chục năm nay tôi thấy giới trí thức nhất là hạng trẻ ở các nước tư bản và cộng sản có những nguyện vọng giống nhau, và tôi gọi những nguyện vọng đó là xu hướng của thời đại. Nguyện vọng của họ tất nhiên khác hẳn những nguyện vọng của đa số các chính trị gia, nhất là bọn cầm quyền và có thể tiến bộ hơn nguyện vọng của những người già.

Đại khái tôi thấy xu hướng của thời đại chúng ta là:

1) Ngán chiến tranh lắm rồi, thanh niên Nga như trên tôi đã nói, đòi được hòa bình, mà thanh niên Pháp mười bốn năm trước (1966) đã muốn bỏ quân dịch đi, thay bằng dân dịch, nghĩa là không muốn vào trại tập quân sự nữa mà muốn tự nguyện phục vụ dân sự về mọi ngành hoạt động: canh nông, y tế, kĩ nghệ, giáo dục... Ở các nước nhược tiểu. (Kể chung trai và gái, 63,7% thích dân dịch, chỉ có 20,6% thích quân dịch, khoảng 15% không có ý kiến – coi bài "Thanh niên Pháp ngày nay muốn gì?", trong cuốn Những vấn đề của thời đại của Nguyễn Hiến Lê - Mặt Đất xuất bản - 1974)

2) Muốn được tự do, tư tưởng và nhu cầu cá nhân phải được tôn trọng; ngay ở nhiều nước cộng sản, người ta đã muốn bỏ chế độ độc đảng mà đòi có nhiều đảng, mặc dầu cùng theo một chế độ chính trị; vì ai cũng nghĩ rằng có nhiều đường lối đưa tới chế độ xã hội chủ nghĩa, mỗi đường lối hợp cho một dân tộc, một giai đoạn nào đó, không nhất thiết phải theo đường lối của Nga hay của Trung hoa.

3) Muốn được công bằng, có sự bình sản, không có kẻ giàu quá, nghèo quá, không còn sự bóc lột cá nhân. Sự thực là ớ các nước tư bản tiến bộ hiện nay, nhờ pháp luật che chở, gần như hết sự bóc lột đó rồi. Lại thêm các xí nghiệp lớn thời này cần vốn rất lớn, không một người nào đủ vốn lập được, phải kêu cổ phần, và hạng thợ thuyền, thư kí cũng mua được cổ phần, do đó sự quản lí không ở trong tay một người, một gia đình, mà ở trong tay những người chuyên môn về quản lí, những kĩ thuật gia, những người này phải nghĩ đến cái lợi của xí nghiệp, không thể bóc lột vô sản trắng trợn như thế kỉ trước được. Sự bóc lột chỉ còn ở những nước lạc hậu thôi; ở các nước cộng sản tôi chắc một ngày kia hiện tượng quốc gia bóc lột cá nhân sẽ không còn khi mà nó không cần thiết để phát triển kinh tế, có thể làm trở ngại sự phát triển kinh tế nữa; lúc đó ở khắp thế giới, sự tăng tiến tài sản, lợi tức sẽ chung cả chứ không riêng cho một giới nào, giai cấp nào (tư bản hay cán bộ lãnh đạo).

4) Muốn hạn chế sự phát triển, sự sản xuất mỗi ngày mỗi nhiều để hưởng thụ rồi hưởng thụ một cách phí phạm để có thể sản xuất được nhiều, như vậy là phát triển để phát triển, phát triển một cách mù quáng, vô mục đích. Các nhà nghiên cứu ở Massachusett Institute of Technologie (MIT) đã họp nhau để tìm ý nghĩa, mục đích cho công việc của họ. Lên cung trăng rồi lên hỏa tinh để làm gì khi mà hai phần ba nhân loại còn đói?

Với lại chúng ta nên nhớ rằng văn minh kĩ thuật chỉ là một giai đoạn trong lịch sử, nó sẽ chấm dứt một ngày nào đó vì nó không thể phát triển vô cùng tận được. Đã có một số khoa học gia, kinh tế gia, chính trị gia chủ trương phải ngưng sự phát triển lại - người ta gọi họ là bọn Zégiste -; và nhiều thanh niên Âu Mĩ ghét lối sống ồ ạt, quay cuồng chạy theo vật chất, mà muốn có một đời sống ổn định, giản dị, gần thiên nhiên.

5) Người dân trong các nước tiên tiến, đặc biệt là giới thanh niên có học đã thấy chế độ dân chủ đại nghị (Parlementarisme) không hợp thời nữa. Dân chỉ mấy năm được đi bầu đại diện một lần, rồi đại diện của mình sẽ suy nghĩ, quyết định thay mình; như vậy là đem tương lai của mình giao phó cho người chứ không phải là dự vào việc nước. Khắp thế giới, chế độ nào tự mệnh danh là dân chủ cũng là giả dối (hypocrisie) hết như Raymond Aron nói, vì không ở nước nào dân được làm chủ thực sự cả, không ở nước nào giai cấp bị bóc lột, ức hiếp cố thể lên cầm quyền cả. Khẩu hiệu "của dân, vì dân, do dân" không đúng. Có thể là của dân, vì dân (hiếm lắm!) nhưng có chính quyền nào là do dân điều khiển, định đường lối, chính sách đâu? Phải thay đổi chế độ ra sao cho dân có thề đích thân dự vào việc nước, đó là đòi hỏi chung của thế hệ đang lên.

Trừ nguyện vọng thứ 4 và thứ 5 là mới mẻ, không thể xuất hiện ở thời nông nghiệp được vì thời đó chưa có chế độ dân chủ đại nghị, cũng không có máy móc, không thể sản xuất nhlêu được; còn ba nguyện vọng trên: hòa bình, tự do, bình sản đều là nguyện vọng chung của nhân loại từ thời thượng cổ.

Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, Ki Tô, chỉ trừ Mahomet, đều ghét chiến tranh; cả bốn vị đó đều muốn bình sản.

Khổng Tử trong bài 1 thiên Quí thị bảo: "Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân" (Người trị nước không lo thiếu mà lo sự phân phối không quân bình); Lão Tử (chương 48 Đạo đức kinh) khuyên tổn hữu dư bổ bất túc (lấy bớt chỗ dư để bù vào chỗ thiếu), chương 77 lại hỏi: "Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ?" Thích Ca trong kinh A Hàm cung khuyên phân phối tài sản cho công bằng, tuy không triệt để xóa bỏ giai cấp nhưng bảo mọi người phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, còn Ki Tô cũng như Mặc Tử rất bênh vực giai cấp nghèo.

Về sự tự do, Lão Tử có thái độ cực đoan, không muốn ban giáo lệnh cho dân, lại càng không ban cấm lệnh, vì càng nhiều cấm lệnh thì dân càng nghèo (chương 57). Đạo Nho có chủ trương ôn hòa, thực tế hơn. Sử chép vào khoảng 845 trước Tây 1ịch, Thiệu Công tâu với vua Chu là Lệ Vương:

"Khi nhà vua biết trị nước thì thi sĩ tự do làm thơ, kép hát tự do đóng trò, các viên thái sử chép đúng sự thực, các đại thần biết can gián, người nghèo không giấu nỗi bất bình về thuế má quá cao, thư sinh học bài lớn tiếng (...), dân bày tỏ ý kiến về mọi việc và ông già bà cả phàn nàn về đủ thứ" (Do Will Durant dẫn ớ đầu cuốn Văn minh Trung hoa).

Lời đó có thể chép vào đầu đời Hán, dù vậy chăng nữa thì 2.000 năm trước, triết gia Trung hoa cũng đã có những tư tưởng chính trị tiến hộ biết bao, phái mà ngày nay gọi là Tân tả phái (nouvelle gauche), cũng không hơn được.

III. Sự Tranh Chấp Giữa Nga Và Mỹ

Thế giới còn biến chuyển nhiều, chúng ta đương ở trong một thời hổn độn, không ai đoán được tương lai ra sao.

Trong hai chục năm tới chưa thể có một chính quyền thế giới (governement mondial) chưa thể đại đồng được, nhưng nhân loại cũng không bị diệt vì chiến tranh nguyên tử đâu. Cộng sản và tư bản tuy xích lại nhau đấy - cộng sản hơi tự do hơn một chút, tư bản bớt bất công hơn; nhưng hai khối vẫn chống nhau (hễ loài người chưa bỏ được ý thức hệ thì còn chia rẽ), không có sự "hội tụ” được. Một học giả Mĩ nhận rằng dân chúng Nga thích chế độ của họ từ khi chế độ đó được cởi mở lần lần, và tuy muốn có một mức sống như Mĩ nhưng không muốn trở về chế độ tư bản, tuyệt nhiên không muốn cho cá nhân bóc lột cá nhân nữa, vì khắp thế giới không có dân nước nào được hưởng nhiều bảo đảm vật chất mà phải làm việc rất ít như dân Nga. Còn dân các nước tư bản thì đại đa số vẫn thích sự tự do kinh doanh, phải tranh đấu, lao lực hơn nhưng đời sống có hứng thú hơn, không bằng phẳng lặng lẽ tới buồn nản, mặc dầu một số thanh niên đã thấy sự cạnh tranh làm cho cuộc đời bận rộn quá. Tôi không biết nhận xét đó đúng tới mức nào, nhưng tôi thấy có lí.

Vậy thì Nga Mĩ không thể thắng nhau bằng ý thức hệ được; nhưng họ cũng không dám dùng chiến tranh nguyên tử để diệt đối phương vì cả hai sẽ chết hết. Chỉ còn một cách là dùng chiến tranh lạnh, tranh nhau ảnh hưởng ở châu Phi, châu Mĩ la tinh, Tây Á, Đông Á, ở những nước yếu mà có rất nhiều tài nguyên cần thiết cho sự phát triển kĩ nghệ của họ: dầu lửa ở bán đảo Á rập, Ba tư, mỏ cobaltz ở châu Phi, mỏ đồng, nhôm, uranium... ở châu Phi và châu Mĩ la tinh. Nước nào dùng ngoại giao, võ lực, tiền bạc hoặc thực phẩm mà liên kết, làm chủ được nhiều nước trong thế giới thứ ba đó, làm chủ được nhiều tài nguyên trên địa cầu thì kinh tế, kĩ nghệ nước đó sê mạnh mà thắng nước kia. Đó là chính sách của bọn thực dân mới. Khi nào chiếm hết tài nguyên trên mặt đất, họ sẽ tìm cách chiếm tài nguyên dưới đáy biển. Hiện nay các nước lớn đã họp hội nghị quốc tế để tìm cách vạch ranh giới trên biển, chia nhau khu vực ảnh hưởng. Thực dân còn sống dai lắm. Không còn chiến tranh vì ý thức hệ nữa, mà chỉ còn chiến tranh vì tài nguyên và chiến tranh này gay go hơn chiến tranh ý thức hệ nữa. Tôi sợ giữa thế kỉ sau, thế giới vẫn chưa thể đại đồng được.

Từ 1945 tới nay, phe tư hản phải lùi bước ở nhiều nơi, vì họ không đoàn kết với nhau, không cương quyết, kiên nhẫn, không đảng nào nắm quyền được lâu, và cũng vì họ phải tôn trọng dư luận quần chúng. Nhưng từ nay trở đi, nếu cương quyết thì họ giữ vững được trận tuyến vì khối cộng đã bị chia rẽ, Trung hoa đã bước qua khối Tây phương, Đông Âu cũng không liên kết chặt chẽ với Nga nữa; và cũng có thể các nước nhược tiểu lần lần thấy rằng theo Nga kinh tế cũng chẳng mau phát triển gì hơn theo các nước tư bản, trái lại là khác, như Bắc Hàn so với Nam Hàn, Trung hoa lục địa so với Trung hoa Đài loan. Đông Đức với Tây Đức. Mà không mau phát triển về kinh tế thì mức sống thấp hoài, dân cứ phải hi sinh hoài, sẽ chán nản, biết bao giờ mới đạt được mục tiêu của Marx, Lénine, là vượt tư bản về bình đẳng, tự do và phong túc.

Điều quan trọng nhất là phe tư bản, đặc biệt là Mĩ, phải bỏ chính sách ủng hộ bọn tham nhũng làm tay sai cho mình mà biết dùng hạng có tư cách, có tinh thần cách mạng, được dân chúng trọng. Simon Leys trong cuốn Les habits neufs du Président Mao (Ed. Champ Libre - 1977) trách Tây phương giúp triều đình Mãn Thanh hủ lậu dẹp bọn cách mạng Thái Bình thiên quốc; rồi qua đầu thế kỉ XX, cũng lại ủng hộ Mãn Thanh dẹp phong trào dân chủ, coi thường Tôn Dật Tiên mà tin Viên Thế Khải; sau cùng nghi ngờ Tưởng Giới Thạch khi Tưởng tỏ ra cái vẻ một nhà cách mạng, mà hết lòng tin Tưởng khi Tưởng lộ chân tướng một nhà độc tài, không hề biết tới Mao Trạch Đông mặc dầu Mao được nông dân ngưỡng mộ. Đó là nguyên nhân chính khiến dân tộc Trung hoa không ưa Mĩ và Tây phương.

Mĩ cũng lại phải bỏ cái thói khinh miệt dân tộc nhược tiểu, vung tiền ra làm sa đọa họ, lập những ổ trụy lạc, cờ bạc, ma lúy, đĩ điếm như Han Suyin đã trách trong cuốn Un été sans oiseaux. Ngay ở nước ta cũng vậy, khi Mĩ chỉ gởi qua giúp mình một số cố vấn thì dân còn có cảm tình với họ, tới khi họ đổ bộ nửa triệu lính lên lãnh thổ mình, làm xáo trộn xã hội mình thì mình chỉ mong họ thua mà cút đi càng sớm càng tốt.

Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách và thái độ đó thì sẽ thua cộng sản. Cộng sản sẽ lấn dần như tằm ăn dâu nhờ đường lối mềm dẻo của họ, kiên nhẫn nhắm hoài mục đích, không lúc nào quên, hễ tư bản lửa rơm tỏ vẻ hung hăng thì họ đấu dịu, đợi lúc tư bản quên đi, lo hưởng lạc, hoặc chán nản thì lại âm thầm tiến tới.

Sửa Sai

Hôm nay là ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-81 ), tôi viết thêm mươi trang này để thay ba trang 629-631 trong bản đầu tiên, mà tiêu đề là "Nhân năng hoằng đạo".

Tôi nhớ đâu như đảng cộng sản Việt nam thành lập năm 1930. Đến nay đã nửa thế kỉ, đã có mấy triệu người ở trong đảng và ngoài đảng cùng nhau hi sinh để mong xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc?

Xương các vị đó gom lại, chất lên, chắc thành một ngọn núi cao lớn gấp 10 ngọn núi Nùng. Anh hồn các vị đó nếu linh thiêng, nhìn xuống tình cảnh dân tộc mình mà tôi mới phác họa vài nét trong chương XXXl sẽ phẫn uất ra sao, có về dự lễ ngày hôm nay nữa không. Anh hồn của ông Hồ nữa! Tất cả những người có tâm huyết tôi được biết, tuổi từ 50 trở lên đều có lời than thở như vậy. Thật bi thảm! Ai ngờ đâu?

Trong dân gian miền Nam này đã xuất hiện câu:

Quốc gia đã phá tán
Cán bộ hóa tư bản
Dân chúng đều chán nản
Dắt díu nhau di tản.


Không biết câu đó đã ra tới Bắc chưa? Những người nào muốn cố giữ lòng tin thì chỉ còn tự an ủi rằng: Nga và Trung hoa đã trải qua một thời như vậy; đó là một thứ bệnh “tuổi thơ" của chế độ, cũng như bệnh sốt, đỉ tướt, mọc răng của em bé; rồi đây sẽ qua cơn "phát dục" (crise de croissance), chế độ sẽ tốt đẹp, mạnh mẽ. Nhưng tôi tự hỏi còn nhiều nước khác cũng theo xã hội chủ nghĩa như Nam tư, Đông Đức..., họ có mắc thứ bệnh đó không? Hay là họ có cách đề phòng, có thuốc chữa? Còn dân tộc Pháp, sau này có thể theo xã hội chủ nghĩa, có sẽ phải trải qua một cơn phát dục như vậy không?

Mới ba bốn năm nay, bệnh hóa trầm trệ, nhưng nó đã bắt đầu phát từ lâu rồi, theo lời nhiều bạn trí thức của tôi ở Bắc thì từ mấy năm trước khi Hồ chủ tịch mất; và như tôi đã nới, một tờ niên báo kinh tế bằng tiếng Anh ở Hương cảng cuối năm 1974 đã nhận thấy ba chứng này của Bắc việt: quản lí dở, thiếu kĩ thuật gia, nhiều tham nhũng, vì vậy mà kinh tế Bắc không tiến được.

Tôi cho rằng truy nguyên lên thì lỗi lầm của mình bắt đầu từ 1950, hay trễ nhất là từ 1954: chính quyền không hiểu hoàn cảnh nước mình mà muốn tiến mau quá. Dục tốc thì bất đạt.

1) Trong phần 1 chương VII và phần II chương XIV tôi đã nói: tới 1945, nước mình vẫn là một nước nông nghiệp rất nghèo, kĩ nghệ chưa phát triển, thợ thuyền rất ít mà giới sĩ phu xuất thân từ bình dân, đa số có đạo đức, sống giản dị như bình dân, được dân chúng kính trọng, nên không có giai cấp đấu tranh (hiểu theo Karl Marx); thực sự là hạng bóc lột thì chỉ có bọn tư bản Pháp và một số rất ít đại điền chủ ở trong Nam thôi.

Trong cuộc kháng chiến 1945- 1954, gần như toàn dân theo hoặc có cảm tình với ông Hồ Chí Minh vì ông là một nhà cách mạng lão thành, kiên cường, có nhiều kinh nghiệm, tiêu biểu cho lòng ái quốc của dân tộc; chúng ta theo ông để đuổi Pháp ra khỏi nước, diệt bọn tư bản ngoại quốc và một số tay sai của chúng, chứ không phải để diệt những đồng bào có dăm ba mẫu ruộng, một xưởng dùng vài ba chục thợ hoặc một cửa hàng dùng dăm bảy người bán hàng. Rất ít người có lòng căm thù giai cấp, muốn tạo một xã hội cộng sản. Hoàn cảnh của ta khác xa Nga và Trung hoa: Nga có những lãnh chúa làm chủ cả mấy ngàn héc-ta, cả chục ngàn nông nô; Trung hoa cũng có lãnh chúa, có bọn quân phiệt như một ông vua trong một hai tỉnh mà mỗi tỉnh rộng bằng cả miền Nam nước mình.

Mấy năm đầu kháng chiến, nhờ tinh thần đoàn kết của nhân dân, quân đội của ta mỗi ngày một mạnh, đương đầu nổi với quân Pháp mặc dầu khí giới rất ít, xấu. Rồi từ 1950, Mao thống nhất Trung quốc rồi, giúp mình khí giới và cán bộ, nhưng buộc ông Hồ phải lập lại đảng cộng sản đã bị giải tán từ 1946 để đoàn kết nhân dân, thu hút hết các đảng phái. Và ông Hồ dã theo ý Mao, lập lại đảng cộng sản, đổi tên là đảng Lao động (có lẽ ông biết dân không ưa danh từ cộng sản). Vậy là ông đã biến cách mạng dân tộc thành cách mạng vô sản, đúng đường lối của Mao. Từ đó giữa các cán bộ đảng viên và các cán bộ có khuynh hướng hoàn toàn quốc gia, xảy ra những chuyện xích mích và một số người kháng chiến bỏ về thành nhiều hơn trước.

Năm 1954, thắng Pháp rồi, Việt nam lại theo Mao Trạch Đông, tố khồ các điền chủ mặc dầu họ chỉ có vài mẫu ruộng, mặc dầu họ đã kháng chiến, hoặc có con theo kháng chiến, lập được nhiều công. Thế là trên 800.000 người bỏ quê hương mà di cư vô Nam. Hố chia rẽ sâu thêm.

Trong chiến tranh Việt Mĩ, có thể nói không có gia đình nào trong Nam không có ít nhất là một người giúp Mặt trận giải phóng hoặc có cảm tình với Mặt trận. Điều đó tôi có nói rõ ở chương XXXl; Vậy mà thắng Mĩ rồi, người nào ở từ sông Bến hải trở vào mà không kháng chiến cũng bị coi là ngụy hết, bị đối xử có khi còn tệ hơn thời thực dân Pháp nhiều. Và chỉ hơn một năm sau, những lời hứa hẹn của Mặt trận (tự do dân chủ, trung lập, không trả thù...) bị nuốt hết; miền Nam thống nhất với Bắc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Mặt trận bị giải tán. Người Nam nào cũng thất vọng, bất bình. Không còn gì là đoàn kết nữa. Giữa người Bắc và người Nam, giữa người Nam với nhau nữa, kháng chiến với không kháng chiến, có cái không khí giữa thực dân và dân bị trị. Chính ông Đào Duy Anh ở Bắc vào cũng thấy vậy nên trong một cuộc hội họp về thống nhất quốc gia, đã bảo cần nhất là phải thống nhất nhân tâm đã

2) Cũng vì muốn cấp tốc thành lập xã hội chủ nghĩa, sợ bỏ lỡ "cơ hội ngàn năm một thuở" (lời một cán bộ), người ta hấp tấp dựng các cơ sở mới, nhồi chính trị vào đầu óc dân, chú trọng đến chính trị hơn kinh tế, tưởng rằng nếu dân thuộc được mấy khẩu hiệu: tư bản bóc lột, giai cấp đấu tranh, đảng lãnh đạo, vô sản làm chủ, lập hợp tác xã nông nghiệp, làm chủ tập thể, lao động là vinh quang, cùng nhau thi đua..., là Việt nam thành một nước xã hội chủ nghĩa, tiến kịp Nga sô, hơn Trung hoa và Đông Đức rồi. Người ta không hiều rằng nếu kinh tế không phát triển, dân nghèo đói thì vô sở bất vi, hóa ra ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, tham nhũng, buôn lậu... không còn nhân cách nữa, mà xã hội sẽ thành một xã hội đồi trụy, chứ đâu phải là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Người ta theo sát Mao Trạch Đông, trọng hồng hơn chuyên. Nhưng chuyên đã không có mà cái hồng chỉ có bề ngoài thôi, còn bề trong thì trắng, một màu trắng lem luốc. Điều này tôi đã nói nhiều rồi, không muốn nhắc lại. Biết mấy ngàn giờ học chính trị chỉ như nước đổ lá khoai, tới nỗi cán bộ đi học cũng phải ngán, bực mình thốt lên: "Càng học càng dốt, vì người dạy dốt quá".

Dốt mà dạy dân, lại trị dân nữa, chả trách trong một buổi họp của hội Trí thức yêu nước ở thành phố Hồ Chí Minh, một vị đã bực mình phải thốt lên câu này: "Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính nhưng không chấp nhận vô học chuyên chính". Vị đó bị bắt giam ngay ít giờ sau buổi họp.

Muốn phát triển kinh tế thì một nước nghèo, lạc hậu như nước mình cần rất nhiều vốn để đầu tư, nhiều kĩ thuật gia giỏi. Kĩ thuật gia giỏi của mình ở ngoại quốc khá nhiều, nhưng họ không kháng chiến (dĩ nhiên), không được "học chính trị" (cũng dĩ nhiên nữa) nên họ "không thể hồng' được, không thể dùng được, trừ một số rất ít. Còn vốn đế đầu tư thì sau mấy chục năm chiến tranh, mình làm gì có? Trông ở nước ngoài không được: các nước tư bản ngán mình quá từ khi mình tuyên bố là nước xã hội chủ nghĩa có lẽ từ trước nữa, từ năm 1956 kia: các xí nghiệp Pháp ớ Bắc đã phải rút vốn về làm ăn nơi khác rồi; còn các nước anh em thì tuy quí mình lắm, nhưng lại ít vốn, còn đương lo kiến thiết cho họ. Đành phải đầu tư bằng sức lao động của dân, bắt dân làm việc nhiều mà ăn ít; ăn ít thì không đủ sức, làm tà tà, láy lệ, sản xuất mỗi ngày một kém cả về lượng lẫn phẩm, rốt cuộc kinh tế càng suy hơn và chính cán bộ phải phàn nàn rằng chính phủ bóc lột dân quá mức. thiếu cái tình người.

3) Sai lầm thứ ba, tôi cũng đã nói rồi, là sau khi đuổi được Mĩ đi, mình chưa kịp lấy lại sức, đã nuôi cái mộng làm bá chủ bán đảo Đông dương, thành một cường quốc ở Đông nam Á, không tự lượng sức mình, cũng không nhận định được tình hình thế giới, khiến Trung hoa, Miên, Thái, Mĩ, Nhật đâm ghét mình mà mấy năm nay mình bị sa lầy ở Miên, bị quấy rối ở Bắc Việt, phải nhờ cậy vào uy thế của Nga, do đó lại bị sa lầy hơn nữa, và không biết bao giờ mới gỡ khỏi nước bí đó.

Muốn sửa sai, chúng ta phải

- gây lại lòng tin của dân, tình đoàn kết của người Nam, không phân biệt cách mạng hay ngụy nữa, không phân biệt giai cấp (ở một chương trên tôi đã nói có tới 12 giai cấp), rút bớt quyền lợi của đảng viên đi, đảng viên phải sống khổ như dân, làm việc nhiều hơn dân để làm gương cho dân; diệt tệ quan liêu, bè phái, tham nhũng... cho dân tự do phát biểu ý kiến về mọi vấn đề trong các cuộc hội họp, trên báo, trên đài phát thanh...

- trọng kĩ thuật hơn chính trị, chuyên hơn hồng, chuyên dễ biết được, còn hồng nhiều khi chỉ là bề ngoài, chuyên mới đắc lực trong việc kiến thiết; bỏ một số cơ quan, rút thật nhiều nhân viên trong các sở đi mà đồng thời tạo công ăn việc làm cho mọi người; cho dân đủ sống, đừng bóc lột dân quá; bỏ các địa phương đi hoặc rút lại còn hai ba thôi; cho những người đi cải tạo về...;

- rút ra khỏi cảnh sa lầy ở Miên, lấy lại tình hòa hảo với các nước ở Đông Á;

Từ cuối năm 1980, nhất là gần đây, chính phủ đã nghĩ tới việc sửa sai đó, đã:

- thực tâm muốn diệt tham nhũng, cách chức, bỏ tù một số, kết quả chưa thấy gì: bọn đó nhiều quá, nếu diệt cho hết thì không có người làm việc mà sẽ gây nhiều cuộc chống đối vì chúng có gốc rễ lớn; và hình như đương tính sẽ cho các cán bộ hồng nhưng không chuyên về vườn hết;

- nghĩ tới lợi ích cá nhân, cho nó cũng quan trọng như lợi ích đoàn thể, lợi ích quốc gia; dùng chính sách khoán sản phẩm cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp, cứ theo báo chí thì nhiều nơi có kết quả, nhưng ở Trung cũng có nơi dân phàn nán rằng khoán nặng quá; họ phải làm việc nhiều hơn mà không có lợi gì hơn trước hoặc có chút lợi thì không bõ công, nên họ bỏ vô Nam kiếm cách sinh nhai; tăng gấp đôi lương công nhân và viên chức nhưng đồng thời tăng giá mọi mặt hàng, có thứ gấp bốn gấp mười và ở chợ trời và thị trường tự do, vật giá tăng theo, thành thử đời sống của họ không được cải thiện chút nào, rốt cuộc là cho tay này chính phủ lấy lại bằng tay kia, có vậy mới giữ đồng bạc khỏi bị phá giá kinh khủng như Trung hoa thời 1945-1949. Phải trừ tận gốc, vá víu không ích lợi gì.

- muốn cùng với Trung hoa và khối Asean tìm một giải pháp cho Cao miên nhưng đề nghị của mình bị họ bác bỏ mà đề nghị của họ mình cũng bác bỏ ở Liên hiệp quốc, vậy là hai bên chưa nhích được một bước nào lại gần nhau.

Điểm cuối này rất khó giải quyết vì ta không chủ động được còn phải tùy thuộc ba nước lớn: Trung hoa, Nga, Mĩ mà Trung hoa và Mĩ, cả khối Asian nữa cương quyết không chịu cho Nga đặt chân lên miền Đông Nam Á. Tôi ngại rằng Đông Nam Á sẽ thành như Tây Á, lộn xộn trên 35 năm rồi mà chưa biết bao giờ mới yên được.

Tóm lại chính phủ có vẻ rụt rè quá. Trong nội các mới thành lập tháng 7-1981, các chức vụ quan trọng nhất vẫn ở trong tay những người cũ, chỉ đổi chỗ của Trường Chinh và Nguyễn Hữu Thọ lẫn cho nhau mà thôi. Trường Chinh lên làm chủ tịch nhà nước, Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch quốc hội, mười điều mới sửa lưng chừng được một, hai.

Chính phủ nào cũng vậy, dù là chính phủ cách mạng đi nữa, khi đã nắm chính quyền được vài ba chục năm thì cũng hóa bảo thủ. Vì có muốn làm cải cách lớn lao thì rất ngại gặp nhiều sự chống đối của những kẻ sợ mất quyền lợi và xã hội sẽ bị xáo động trong một thời gian lâu như Trung hoa hiện nay. Sự sai lầm đã đâm rễ sâu quá thì dễ gì bứng được? Cho nên phải sáng suốt sửa ngay từ khi nó mới phát. Như kinh Dịch nói: "Lí sương, kiên băng chí": đạp lên sương thì biết là băng dày sắp đến, phải sớm biết để đề phòng kịp lúc.

Một Lối Phát Triển Riêng
Một Lối Sống Riêng


Nếu may mắn ta giải được tất cả những khó khăn hiện tại thì ta phải đặt lại vấn đề chính trị và phát triển kinh tế để đạt được những mục tiêu này:
  • thành một nước thực sự độc lập, tự do
  • không cần mạnh, giàu, chỉ cần tạo được hạnh phúc cho dân.
Tôi đã nghĩ đến vấn đề đó từ lâu, đã phát biểu vài ý kiến rải rác trong cuốn Một niềm tin (1965), rồi trong bài tựa cuốn Bài học Israel (1968), trên tạp chí Bách khoa (số 424 ngày 1 -3-75). Dưới đây tôi gom những ý đó 1ại, bổ túc, sửa đổi ít điểm cho có hệ thống.

- Khi đã rút ra khỏi đầm lầy Cao miên, chúng ta nên tuyên bố với thế giới rằng chúng ta theo chính sách trung lập hoàn toàn trọng hòa bình, không gây chiến, không tham chiến, giảm binh số, vũ khí tới mức tối thiểu, chỉ còn là một lực lượng cảnh sát trong nước thôi.

Dĩ nhiên ta sẽ không đứng vào một liên minh quân sự nào hết, yêu cầu các nước lớn cho ta đứng ngoài các cuộc tranh chấp của họ, tự đặt ra ngoài các khu vực ảnh hưởng của họ, không mua khí giới, nhận khí giới của nước nào cả không dự cả những cuộc vận động phi liên kết nữa vì tôi nghĩ rằng những vận động đó càng có nhiều nước dự lại càng dễ biến chất đi, không nhiều thì ít bị ảnh hưởng của khối này hay khối khác, hoặc có cảm tình với khối này, khối khác mà hễ được cảm tình của khối này thì mất cảm tình của khối khác, gây thêm sự xung đột nữa. Vả lại nhiều nước dự thì thế nào cũng có lúc ý kiến sẽ khác nhau rồi lần lần chia rẽ, tan rã, lúc đó sẽ bị các nước lớn lung lạc. lôi kéo.

Chính sách tôi đề nghị đó mới thực sự là phi liên kết, âm thầm, không khen chê ai hết, không để cho ai lấy cớ mà lợi dụng mình được.

Không, chúng ta cứ tuyên bố thẳng rằng chúng ta không muốn nghe nói tới chuyện tranh chấp của các khối, xin các khối quên chúng ta đi, như không có chúng ta trên bản đồ thế giới của họ, đừng nhắc một lời nào đến chúng ta.

Khối nào hay nước nào muốn ức hiếp ta, trừng trị ta về kinh tế, chúng ta còn vui nữa (coi đoạn dưới); nếu trừng trị ta bằng võ bị thì chúng ta không chống lại, có giết dân, chiếm đất, cướp mùa màng, tài sản của chúng ta, chúng ta cũng không kháng cự, chúng ta chịu chết để xem khắp thế giới có thái độ ra sao. Nếu có nước nào tự nguyện đem khí giới, quân đội giúp chúng ta chống lại xâm lăng, chúng ta sẽ khẩn khoản xin họ "đừng, đừng". Nếu họ cứ vô để đánh nước xâm lăng chúng ta thì chúng ta sẽ dắt díu nhau đi chỗ khác để hai bên giết nhau. Chúng ta sẽ chết nhiều đấy, trước khi thế giới động lòng mà có thái độ cương quyết với kẻ xâm lăng; nhưng chúng ta sẵn sàng chịu sự hi sinh đó, coi đó là một điều kiện không thề thiếu được để giữ sự tự do, độc lập hoàn toàn của mình. Chết như vậy tôi cho là sẽ ít hơn và có ý nghĩa hơn chết vì mượn sức nước khác để chống kẻ xâm lăng, rồi lại làm tôi tớ cho nước khác đó. Dân tộc mình không thể bị diệt được, và qua cơn thử thách đó rồi, chúng ta sẽ được yên ổn sống, vĩnh viễn sống trong hạnh phúc.

- Như vậy chỉ cần hi sinh nhiều lắm là một thế hệ thôi mà tạo hạnh phúc cho các thế hệ sau.

- Đó là về võ bị, ngoại giao. Về kinh tế, chúng ta tìm một đường lối phát triển riêng.

Từ thế kỉ XVlII, nhờ những tiến bộ khoa học, những phát minh cơ giới như máy hơi nước, xe lửa, máy điện, máy nổ... Tây phương mỗi ngày mỗi phát triền về kinh tế; họ cải thiện phương pháp tổ chức, sản xuất mỗi ngày một mạnh, bóc lột công nhân để đầu tư, hóa giàu, mạnh, đi chinh phục thế giới, gây nạn thực dân, gây thế chiến; bây giờ đây, sản xuất quá thừa thãi, họ mắc cái bệnh tiêu thụ phí phạm, tiêu thụ để sản xuất, sản xuất để tiêu thụ, mà đời sống của họ mỗi ngày một bận rộn, quay cuồng, không còn thì giờ đề hưởng sinh thú nữa (Coi cuốn Travailler deux heures par jour - Ed. du Seuil - 1979).

Phương pháp phát triển của họ rất có hiệu quả, các nước cộng sản Nga và Trung hoa muốn vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa phát triển cho thật mau để đuổi kịp họ, mạnh như họ, nhưng không kiếm được đường lối nào riêng đã theo đường lối của họ, dùng phương tiện của họ: tập trung tài nguyên và quyền hành, bóc lột giai cấp lao động; như vậy là lấy phương tiện làm cứu cánh, rút cuộc là "không có được một cứu cánh nhân bản (finalité humaine), thành một chế độ tư bản về bản chất mà mang những xấu xa, hủ hóa của chế độ xã hội" (capitalisme dans son enence et socialisme dans ses perversions), như Garaudy đã nhận định trong cuốn L’anternative (Robert Laffont – Paris 1972) (7). Và ông bảo Pháp phải kiếm một đường lối phát triển riêng, nhưng ông chưa đưa ra một đường lối nào cả.

Chúng ta nghèo lại càng phải kiếm một đường lối hợp với hoàn cảnh, tài nguyên thiên nhiên, mức tiến hóa còn rất thấp của mình. Chúng ta phải sống theo lối nghèo, đừng đua đòi Âu Mĩ. Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ nên nhắm mục tiêu này: làm sao cho dân chúng đừng đói rét, đau có thuốc uống, và đồng thời giảm lần lần được sự bất quân trong xã hội, mà vẫn giữ được cái tình người. Tôi cho rằng hạnh phúc của dân ở đó chứ không phải ở chỗ được làm dân một cường quốc trên thế giới đi chinh phục nước người để bỏ thây ở rừng rậm, sản xuất thừa thãi để sống quay cuồng bừa bãi.

Chúng ta chỉ lựa những kĩ thuật nào thật cần thiết cho quốc gia trong đường lối phát triển chúng ta đã tự vạch, chẳng hạn kĩ thuật canh nông, chế tạo máy cầy, phân bón, dược phẩm, đồ điện, máy bơm nước, máy dệt, máy giấy...; còn kĩ thuật của các nước tiên tiến, không hợp với nhu cầu của mình mà quá lốn tiền, chỉ lợi cho một phần nhỏ nhân dân, lại phải tùy thuộc vào sự viện trợ của nước ngoài về nguyên liệu, về kĩ thuật gia, về đồ phụ tùng thì nhất định phải gạt ra ngoài, đừng cho thanh niên học về những ngành đó.

Nếu có thể được, ta hợp tác với vài nước cũng kém phát triển như mình, nhu cầu như nhau nhưng tài nguyên khác nhau, đề thành một khối bổ túc nhau về kinh tế.

Điều quan trọng nhất là ta phải tự lực cánh sinh, đừng nhận một sự viện trợ có điều kiện chính trị nào của các cường quốc; nếu nhận thì là tự đút dầu vào cái tròng của họ mà mất tự do, độc lập. Ta phải rán "trồng lúa lấy mà ăn, dệt vải lấy mà bận, can đảm sống lối sống riêng của mình, hòa thuận nhau, bao dung nhau, không ai giàu quá, không ai nghèo quá, chẳng cần ti vi, máy lạnh, những phim cao bồi, những nhạc bi bóp...”, (tựa Bài học Israel - 1968).

- Về chính trị ta càng cần có một chế độ riêng. Như ở điểm 5 tiết "Nguyện vọng của con người thời nay" tôi đã nói, khắp thế giới, nước nào cũng tự xưng là dân chủ, tự do mà không ở nước nào, người dân được làm chủ, được dự vào việc nước cả. Tại các nước dân chủ đại nghị thì dân chỉ được mấy năm đi bầu đại diện một lần, rồi đại diện của họ sẽ suy nghĩ, quyết định thay họ. Tại các nước xã hội chủ nghĩa như nước mình thì dân chỉ được bầu những người mà đảng đưa ra, những người mà dân có khi không biết mặt mũi ra sao, chưa được nghe tên tuổi một lần nào nữa. Garaudy trong sách đã dẫn bảo ngay trong các nước cộng sản châu Âu, giai cấp thợ thuyền mang danh làm chủ quốc gia mà sự thực không có chút quyền gì cả, vẫn bị ức hiếp; còn bọn cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, do đó có bổn phận thay thế thợ thuyền để cai trị, rồi dùng danh nghĩa đó đề thi hành dưới thời Staline, một chế độ độc tài ghê gớm nhất từ xưa tới nay. Vậy thì ta có nên theo gót tư bản hay cộng sản không? hay phải tìm cách nào, giáo dục dân cách nào cho dân được thực sự dự vào việc nước?

- Về nhân sinh quan. Cuối chương XXlV tôi đã nói thời này cứ khoảng 25 năm thì tri thức của loài người tăng lên gấp 4, không ai có thể học hết được, dù chỉ những đại cương; nhưng kĩ thuật điện tử sẽ giúp ta ghi những tri thức đó rồi khi nào ta muốn dùng thì máy sẽ tìm cho ta trong vài giây, như vậy ta không cần nhớ nhiều nữa, chỉ cần luyện óc tưởng tượng, tập có sáng kiến, khéo dùng những điều máy điện tử lựa ra cho ta. Ở nước ta, không biết tới đời nào, học giả, học sinh mới có những máy đó để dùng, nhưng từ bây giờ, trong việc giáo dục, chúng ta cũng nên chỉ cho thanh niên biết dùng kiến thức của họ hơn là nhớ nhiều. Dĩ nhiên, chương trình phải hợp với nhu cầu và mục tiêu chúng ta đã vạch. Mục tiêu đó là dựng một xã hội mới theo một lối sống mới, một nhân sinh quan mới.

Chúng ta nên cho thanh niên hiểu rằng đừng nên mơ mộng hão huyền, mong một ngày kia đuổi kịp Âu, Mĩ về phát triển, kinh tế, cơ giới, kĩ nghệ được. Mình có thể có một số anh tài, bác học gia, phát minh gia, nhưng số đó rất nhỏ so với các nước giàu có, tiên tiến; còn về sự phát triển tính theo lợi tức trung bình mỗi năm của mỗi đầu người thì cái hố cách biệt giữa mình và Âu, Mĩ, sẽ mỗi ngày sẽ sâu thêm: hiện nay mình chỉ bằng 1/100 của Mĩ, vài chục năm nữa có thể chỉ bằng l/200: nước mình nghèo, tài nguyên ít, vốn thiếu, có gắng sức lắm thì họ tiến được 10, mình tiến được 2; càng ngày họ càng để mình lùi lại xa ở sau.

Mà ví dụ có do một phép mầu nào, chẳng hạn tìm được mỏ dầu lửa, phong phú như ở Koweit, hay mỏ vàng, mỏ kim cương như ở Nam phi..., lại có đủ kĩ thuật gia để khai thác, có thể phát triển mau được mà trong ít chục năm theo gần kịp một nước như Gia nã đại, Tây Đức, Nhật bản, bước vào giai đoạn hậu kĩ nghệ, vào "kỉ nguyên thừa thãi” (èrc d’abondance), sản xuất quá nhiều, tiêu thụ không hết, ví dụ may mắn mà được như vậy thì ta thử hỏi lối sống của Âu, Mĩ mà Nga, Trung hoa mong đạt được đó, nó có tốt đẹp không?

Chương XXIV tôi đã vạch ra sự phi lí của cáỉ vòng luẩn quẩn tiêu thụ để sản xuất, rồi sản xuất để tiêu thụ; nó phi lí mà lại gây ra nạn chiến tranh giữa các cường quốc đi chiếm đất, chiếm tài nguyên của các nước lạc hậu như mình; nó lại khiến cho tài nguyên thế giới mau cạn, không khí, sông biển, đất đai bị nhiễm độc; nó tạo nên một lối sống quay cuồng, chật vật, hết sinh thú, một đời sống bất an của bọn "nouveaux nomadcs", dời chỗ hoài, có nhà cửa mà không có tổ ấm, gần như không có gia đình nữa; nguy nhất là nó sẽ làm cho cá nhân lúc nào cũng bị kiểm soát chặt chẽ, mất hết tự do; đầu thế kỉ sau nó sẽ đưa nhân loại tới đâu nữa, tôi không biết, nhưng chắc chắn là cái tình người càng ngày càng mất.

Văn minh hậu kĩ nghệ (post industriel) của phương Tây như vậy đó. Ngay ở phương Tây cũng đã có nhiều người chán nó. Chúng ta cần thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc, kiếm một lối sống khác.

Chúng ta đừng đo hạnh phúc bằng lợi tức hằng năm, bằng đô la nữa. Lợi tức của các nước kĩ nghệ tiên tiến gấp trăm ta nhưng họ đâu có sướng gấp trăm ta. Không phải cái gì cũng đánh giá bằng tiền được. Đời sống vật chất tới một mức nào đó thì nên cho là đủ, không nên đeo đuổi hoài sự tấn bộ vật chất mà bỏ đời sống tinh thần, tình cảm đi. Sự phát triển về kinh tế tới một mức nào đó cũng phải ngừng, không thể tiến hoài được, tiến hoài thì sẽ đi tới đâu? Bộ Trang Tử kể chuyện một ông lão làm vườn chịu khó nhọc gánh từng thùng nước từ giếng lên để tưới rau, chứ không chịu dùng một cái "máy" đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ cho đỡ phí sức, chỉ vì ông ta nghĩ hễ dùng cơ giới thì tất có cơ sự, rồi có cơ tâm. Ông ta có lí một phần, nhưng người sáng suốt thì biết dùng cơ giới mà vẫn không có cơ tâm, nghĩa là không làm nê lệ cơ giới. Sở đoản của phương Tây là làm nô lệ cho cơ giới. Chúng ta có lúc dùng xe hơi, máy bay, nhưng cũng có lúc chỉ dùng xe đạp và nếu trời mát, có nhiều thì giờ thì ta đi bộ.

Sống giản dị, ăn uống thanh đạm, vui vẻ với nhau, có tình cảm, biết hưởng cái vui tinh thần trong cảnh thiên nhiên, tôi cho như vậy là hạnh phúc, mà hạnh phúc đó đâu có cần lợi tức nhiều.

Một số nhà khoa học phương Tây, như Lynton K. Caldwell trong cuốn In defense of Earth ( 1972), Victor C. Ferkiss trong cuốn Technological man (1969), đã khuyên chúng ta trở về đời sống thiên nhiên, vì con người là một phần của thiên nhiên, hễ làm trái thiên nhiên thì gặp họa. Thuyết của họ giống thuyết Lão, Trang. Một số thanh niên Âu Mĩ bây giờ thích đọc Đạo đức kinh của Lão, chán văn minh kĩ nghệ của họ rồi.

Trong hai tạp chí Pháp cách đây 7-8 năm, tôi thấy đăng tin ở Mĩ, không nhớ tiểu bang nào, một số người Mĩ lập một làng, sống chất phác, sung sướng, gần với thiên nhiên, chỉ dùng rất ít cơ giới, tựa như đời sống thời đại nông nghiệp; nhiều người ở các nơi khác xin gia nhập, làng phát triển, du khách tò mò tới coi khá đông. Ở Pháp cũng có một làng như vậy ở miền Normandie hay Bretagne, đã trên nửa thế kỉ nay giữ nếp sống nông nghiệp thời thế chiến thứ nhất, không dùng xe hơi mà dùng xe ngựa, cày ruộng, trồng trọt, câu cá toàn bằng những dụng cụ thời trước, không có ti vi, chỉ có vài máy thâu thanh cho cả làng để chỉ bắt những tin cần biết, tục cổ giữ được hết; có một số thanh niên bỏ làng ra tỉnh hoặc đi nơi khác nhưng số đông ở lại và những người lớn tuổi thì thỏa mãn về đời sống đó lắm. Đọc hai thiên du kí đó tôi mong được tới nơi sống một thời gian xem đời sống và tình người ra sao. Có vẻ như Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm.

Ở những nước văn minh, tự do cá nhân được tôn trọng thì có thể có nhiều làng kiểu đó. Nhưng cả một nước năm sáu chục triệu dân mà muốn sống biệt lập ra ngoài lề thế giới thì tôi biết rằng khó quá. Các nước đàn anh rất văn minh nỡ lòng nào để cho mình một đời dã man như vậy! Chê nhạc giật gân, vũ lõa thể, báo khiêu dâm của họ thì được, hoặc chê cả phi cơ phản lực, vệ tinh nhân tạo của họ thì cũng được đi; đến như tẩy chay những vũ khí tối tân, cứ 5 năm lại cải tiến một lần, những khí giới hóa học, vi trùng, những bom hạch tâm của họ thì là phản động rồi, họ đâu chịu tha thứ, nhất định phải lôi mình về thế giới văn minh của họ chứ. Tôi biết vậy. Hình ảnh một nước Việt nam tôi đã phác họa ở trên chỉ là một không tưởng, nhưng tôi vẫn giữ nó; có lúc lại còn mơ tưởng một ngày kia, Việt nam thành một cái "havre", một cái bến yên lặng cho nhân loại nữa. Và du khách thế giới kéo nhau tới thăm... Biết đâu chừng! (8).

(Hôm nay, 2-10-81, đọc lại tiết này, tôi thấy chính sách của tôi chỉ là chính sách bất bạo động, bất hợp tác của Gandhi áp dụng vào một nước nhược tiểu đối với các cường quốc trên thế giới.)


Chú thích

(1) Công việc này tháng 9-81, chính quyền rục rịch làm, chờ xem kết quả ra sao.

(2) Một kĩ sư, giáo sư cúa Cuba, Nga... qua giúp mình thì cán bộ mình chỉ được tiếp xúc với họ ở chỗ làm việc và trong giờ làm việc; ra đường gặp nhau thì phải làm bộ như không hề biết nhau.

(3) Mao tự hào về cách mạng đó lắm. Tây phương chê ông ta là Thủy Hoàng ngày nay, ông ta mỉm cười bảo ông hơn Tần Thủy Hoàng cá trăm lần chứ vì Thủy Hoàng chỉ chôn sống 460 kẻ sĩ, còn ông thì giết tới 46.000 trí thức kia (Theo Simon Leys – sách đã dẫn).

(4) Trong cuộc cách mạng văn hóa, vệ binh đỏ phá hủy nhiều di sản văn hóa quá nên Trung hoa bị Tây phương chê. Năm 1970 Mao muốn thân với Tây phương tó ra mình rất trọng văn hóa cố, chứ đâu có dã man, cho khai quật ít mộ cổ. Việt nam theo gót Mao, cung khai quật khu chung quanh đền Hùng để tìm cố tích. Khi công việc khai quật ngưng ở Trung hoa thì ở Việt nam cũng ngưng. Y như hình với bóng.

(5) Về nông nghiệp họ đã bỏ những nông trường quốc doanh như trên tôi đã nói. Về văn hóa họ cho cách mạng văn hóa là đào tạo những cán bộ giỏi, biết sử dụng tất cả nhửng cái hay cúa loài người, muốn vậy phải một thời gian lâu dài (theo Lô gíc lịch sử - sách đã dẫn - mới dịch và xuất bản vài năm nay ở VN)

(6) Coi thêm tập Con đường hòa bình - Lá Bối 1970 - trong đó tôi còn kể thêm vài lời tiên đoán sai cúa Marx nữa.

(7) Garaudy là một lý thuyết gia quan trọng cúa đảng cộng sản Pháp, làm giáo sư, soạn được non 30 cuốn, hầu hết về chính trị, nhất là về chế độ cộng sản. Có tư tưởng độc lập, không chịu theo đường lối của đảng nên bị trục xuầt khỏi đảng năm 1970, nhưng ông vẫn giữ chủ nghĩa cộng sản.

(8) Hai tiết “Sửa sai” và “Một lối phát triển riêng, một lối sống riêng” này tôi mới viết thêm ngày 31-7-81 để thay tiết “Nhân năng hoằng đạo” trong bản viết tay đầu tiên.













Phụ lục
Kinh hoàng trên đảo Kokra
(Trích báo Đất Mới – Tin tỵ nạn)


Những thảm cảnh trên biển Thái lan vẫn tiếp tục xảy ra hãi hùng cho đồng bào tị nan. Một trong những thảm cảnh này vừa được phanh phui do những nhân chứng đã được cứu thoát qua những cơn kinh hoàng trong 21 ngày tại đảo Kokra do bọn hải tặc Thái lan gây ra. Trong số nhân chứng có nhà văn Nhật Tiến và hai vơ chồng nhà báo, ông bà Dương Phục, đã được đưa ra ánh sáng cho dư luận thế giới được biết vì những thảm cảnh hải tặc thường được các nhà chức trách Thái lan làm ngơ vì bất lực và bọn cảnh sát Thái lan thì đồng lõa để ăn có với bọn cướp nên chúng tự do hoành hành.

Đảo Kokra, một đảo hoang trong vịnh Thái lan đã trở nên sào huyệt không che giấu của bọn hung thần ác quỷ.

Có 157 đồng bào bị bọn hải tặc giam giữ trên đảo là do nhiều toán khác nhau mà chúng đưa đến để bóc lột. hãm hiếp, hành hạ... cực kì dã man không bút nào tả xiết, và ngoài sức tưởng tượng của con người. Sau đây là một vài thảm cảnh hãi hùng.

Bà Nguyễn Thị Thương 36 tuổi, đã tốt nghiệp tại Hoa kì, cựu giáo sư trường Bách khoa Thủ đức cho biết: chiếc thuyền của bà chở 107 người khởi hành ở Rạch giá ngày 1-12-1979. Gia đình bà gồm chồng bà là giáo sư đại học Trần Quang Huy, bà cụ thân sinh, hai em trai, hai em dâu và 7 đứa cháu. Sau ba ngày, sau khi thuyền tới hải phận Thái lan thì bọn cướp xuất hiện. Chúng ra lệnh cho 27 người bước qua tàu của chúng rồi lục soát và cướp bóc, chúng rất hung hãn với đàn ông và hãm hiếp đàn bà. Hành động xong, chúng buộc thuyền của chúng ta vào tàu của chúng và kéo đi. Chúng mở tốc lực thật nhanh và quẹo thật gắt để cố tình làm cho thuyền đắm… và thuyền đã chìm mang theo 80 sinh mạng xuống đáy biển. Số 27 người mình trên tàu của chúng bị chúng mang đến sào huyệt là đảo Kokra, nhưng trước khi tàu tới, chúng đã ép 7 người đàn ông phải nhảy xuống biển bơi vào bờ. Cả 7 ông này đều không ai đủ sức bơi nên đã chết đuối trong đó có ông Trần Quang Huy, chồng bà Thương. Mục đích của chúng là giết hết các người đàn ông có mặt. Còn lại 20 người đàn bà chúng đưa lên đảo để làm mồi cho thú tính dã man của chúng.

Ông Dương Phục và bà vợ là Vũ Thanh Thủy thuộc toán khác cho biết: ông bà đã mục kích bọn cướp bắt ông Ngô Văn Liên 54 tuổi há mồm để bẻ gãy 3 chiếc răng vàng. Chúng đè ông xuống lấy búa đập, nhưng không được, chúng lấy tournevis nạy cũng không ra, sau chúng kiếm được một cây kìm rỉ sét để vặn chéo 3 chiếc răng. ông Liên ôm mồm rên la, máu chảy xối xả suốt một ngày; chúng bỏ 3 chiếc răng vàng vào túi và bắt đứa con gái ông 16 tuổi mang đi mất.

Các nạn nhân khi lên tới đảo, nhất là phụ nữ thì tản mát đi tìm các khe núi, hốc đá để trốn tránh bọn chúng. Chúng hành hạ các đàn ông và bắt đi tìm thân nhân phụ nữ; nhiều người không chịu, bị chúng hành hạ tàn nhẫn: ông Trần Minh Đức không nghe lời chúng, bị chúng dùng dây xiết cổ họng đến chết. Ông Nguyễn Minh Hoàng bị chúng treo lên cành cây, ông giãy giụa làm gẫy cành, chúng liền đá ông lăn xuống dốc núi, người em trai ông lại đỡ anh liền bị chúng dùng búa chém vào đầu, máu ra có vòi. Hai tên cướp cắp nách ông này dí đầu vào đống lửa, máu chảy xuống xèo xèo cho đến khi ông ta bất tỉnh.

Một cô bé 15 tuổi đã phải trốn tránh, chui rúc một mình trong một hốc đá với bao nỗi sợ hãi. Sợ từng tiếng lá xào xạc, từng tiếng động nhẹ, sợ từng đàn chuột chạy qua chân, từng con ốc xên bò trên người và sợ luôn cả ma... Nỗi sợ mỗi ngày một gia tăng, sau nhiều ngày chịu dựng không nổi, em đã phải bò ra và bị 4 tên hải tặc thay phiên hãm hiếp.

Một thiếu nữ 20 tuổi sau đêm đầu tiên bị hãm hiếp quá nhiều đă trốn trong các bụi rậm. Bọn cướp biết vậy nên đã nổi lửa đốt các bụi cây, cô bị cháy nát cả sau lưng nhưng cũng không chịu bò ra. Với tấm lưng nát bấy, thịt da nứt nẻ. cô còn tiếp tục trốn chui rúc cho đến lúc quá đau đớn vì sự cọ sát của các cánh cây, cô mới phải bò ra ngoài, nhưng luôn luôn nằm úp mặt xuống đất đưa tấm lưng nứt nẻ hôi thối vào mặt bọn hải tặc để được chúng buông tha, bọn cướp còn lấy gậy đánh vào vết thương của cô để đùa giỡn.

Một cô bạn khác đã phải lấy phân bôi đầy người, đầy mặt để hi vọng bảo vệ tấm thân, mùi hôi thối đã làm chính cô nôn oẹ nhưng bọn cướp vẫn không tha, thay nhau hãm hiếp và còn đánh đập cô tàn nhẫn vì tội trát nhơ bẩn lên người.

Cô C. 23 tuổi, kĩ sư hóa học, sau khi bị hải tặc hãm hiếp, đã trần truồng nhảy từ mỏm đá cao xuống biển với tiếng rú thê thảm. Ai cũng tưởng cô sẽ nát thây vì bờ đá nhọn hoắt, nào ngờ một ngọn sóng to đã đỡ cô lên và hất cô vào một hang đá ngầm trong núi và tại đó cô đã sống sót trong nhiều ngày cho đến lúc nhân viên Cao ủy Liên hiệp quốc đón ra.

Bà Vũ Thanh Thủy còn cho biết: Khi bọn chúng đốt tất cả các bụi rậm, bà và một người bạn gái đã phải lui sâu vào trong rừng, leo lên sườn núi chênh vênh, bên bờ vực thẳm. Các bà ngồi ép bên sườn núi, dầm nắng dãi mưa, qua những đêm lạnh lẽo rét run lẩy bẩy, phải ôm chặt lấy nhau để có chút hơi ấm. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua các bà phải bíu chặt lấy nhau để khỏi bị thổi bay xuống vực. Các bà đã chọn những nơi nguy hiểm như thế và có ý định nếu gặp khi có tên cướp nào đi tới một mình thì các bà sẽ hất nó xuống biển.

Các nạn nhân đã sống trong kinh hoàng đói khát cho đến ngày thứ 21, khi có một chiếc trực thăng bay ngang qua. May thay trên đó có ông Schweitzer, một nhân viên của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc, ông đã trông thấy các nạn nhân và ông đã trở lại đảo Kokra trên một chiếc tàu cảnh sát Thái lan để cứu nạn nhân đưa vào trại Songkla. Tại sở cảnh sát, chính ông đã đảm bảo an ninh cho các nhân chứng để khuyên họ khai hết sự thật ra ánh sáng. Có tin vài tên hải tặc đã bị nhận diện và bị bắt để điều tra, nhưng lạ thay, sau ít ngày chúng đã được thả ra và còn đi dọa nạt các nạn nhân khác nữa.

Người ta rất ngạc nhiên về thái độ của các nhà đương cuộc Thái lan trong những vụ này, nhất là bọn cảnh sát Thái lan đã vào hùa với chúng một cách rõ rệt. Điều này rất dễ hiểu vì các nhà đương cuộc Thái lan rất nổi tiếng về tham nhũng, rất dễ bị bọn cướp mua chuộc để lộng hành.

Số 157 đồng bào được cứu thoát khỏi địa ngục trần gian Kokra đang được định cư tại trại Songkla để đợi ngày đi nước khác. Sào huyệt Kokra đã được ông Schweitzer ghi vào hồ sơ để chuyển về Liên hiệp quốc.

 CHƯƠNG 33


Hồi kí kết Hiệp định Paris, tôi đã tính sáu mươi lăm tuổi, hoà bình trở lại rồi tôi sẽ nghỉ. Cuối năm 1975, tôi vừa đúng sáu mươi lăm tuổi, nói với một bạn thân:
- Chúng mình già rồi, không nên làm gì nữa, chỉ mong người ta cho mình ở yên để coi những bước thăng trầm trong buổi giao thời.
Bạn tôi đáp:
- Như vậy là tốt nhất.

May mắn là chính quyến thấy tôi đa bịnh và tuổi cao, cho tôi được thong thả. Nghe nói ở Nga, những người già khỏi học chính trị, vì người ta nghỉ tuổi đó nan hoá, mà lại “gần đất” rồi nên chú trọng vào sự huấn luyện bọn trẻ hơn.
Tuy nhiên hai năm đầu, vì đã lỡ có một chút danh, tôi cũng không được nhàn, phải học tập đường lối chính phủ, làm một số bổn phận công dân, dự vài ba cuộc họp với tư cách trí thức yêu nước, hoặc nhân sĩ, và tiếp nhiều bạn văn ở bưng về, ở Bắc vô.
Tôi lại may mắn là khỏi phải lo về gia đình. Vợ tôi, bà họ Trịnh mắc kẹt ở bên Pháp từ 1972 vì phải trông hai đứa cháu nội, vì con tôi đã li thân với vợ, đương xin toà li dị. Một hai tháng sau ngày Giải phóng, liên lạc được với ngoại quốc tôi báo tin nhà cho họ biết, và ít tháng sau tôi cũng được tin bên đó.
Ở bên đây chỉ còn tôi và bà họ Nguyễn. Chị giúp việc nhà xin nghỉ luôn để về quê ở Thừa Thiên làm ruộng. Nhà tôi kêu một đứa cháu, nữ sinh Đại học sư phạm lại ở cho bớt hiu quạnh và tôi yêu cầu nhà tôi ở lại Sài Gòn với tôi tới khi mọi việc ổn định rồi hai vợ chồng sẽ về Long Xuyên luôn cho gần bà con, họ hàng và khi chết khỏi phải xa quê.
TIẾP BẠN VĂN – DỰ CÁC CUỘC HỌP
Như một chương trên tôi đã nói, chiều ngày 1.5.1947 tôi mới ra khỏi nhà đi thăm bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhưng ông đã cùng gia đình di tản tới đảo Guam rồi từ đó qua Pháp. Cô em ruột tôi và cô Mộng Đơn em nhà tôi[1] cũng ở đảo đó để đợi qua Mĩ.
Tối ngày 3.5, nhà văn Nguyễn Văn Bổng bút hiệu Trần Hiếu Minh, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu - và Rừng U minh, hồi giải phóng chắc đương hoạt động tại thành nên lại thăm tôi trước hết, do một bạn văn giới thiệu. Ông ta đã đọc một số sách của tôi, thích cuốnTô Đông Pha, nên lại làm quen. Người Trung, ngoài ngũ tuần, có học khá, ăn nói thận trọng.
Vài hôm sau, cũng vào buổi tối, nhà văn Nguyễn Huy Khánh cùng với cô Hợp Phố (em Thiên Giang) cũng lại chơi. Tôi quen ông Khánh từ non hai chục năm trước, viết bài tựa cho cuốn Khảo về tiểu thuyết Trung Hoa của ông. Ông là nhà biên khảo, biết chữ Pháp, chữ Hán, nghe nói có nhiệm vụ khá quan trọng trong thời kháng chiến. Về Sài Gòn, ông điều khiển tờ Giải phóng, rồi qua tờ Đại đoàn kết cơ quan thông tin của Mặt trận tổ quốc. Hồi nằm vùng ở thành ông có viết ít bài cho tờ Bách Khoa nên có cảm tình với anh em Bách Khoa, và giúp đỡ cho tôi được ít việc trong buổi đầu sau ngày Giải phóng. Đối với tôi, ông thành thực, cởi mở.
Khoảng một tháng sau, Thiên Giang (theo kháng chiến sau Tết Mậu Thân) từ Hà Nội mới vô, cùng với ông Khai Trí lại thăm tôi, đương lúc tôi đau. Về chí hướng chúng tôi đã xa nhau từ lâu, cho nên gặp nhau tuy niềm nở mà không thân mật.
Tôi không tham dự cuộc mít tinh đầu tiên ở Dinh Độc lập để mừng chiến thắng (không nhớ ngày nào) vì vừa lớn tuổi, vừa đau. Nghe nói có tới nửa triệu người. Phải đi từ một hai giờ khuya, sáu giờ tới dinh, chín mười giờ mới giải tán. Nhiều ông già bị một cơn mưa, mà phải đứng bốn giờ liền, về nhà đau cả tuần lễ.
Sau ngày mít tinh đó, tôi mới lại toà soạn Bách Khoa. Tấm bảng đã bị hạ. Gặp bốn năm anh em, ai cũng có vẻ lo lắng. Họ cho hay từ ngày 2.5, nhiều nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn, mỗi ngày lại trụ sở tạm thời của cơ quan văn hoá nào đó ở đường Nguyễn Du, từ bảy giờ sáng tới trưa để xin “chỉ thị” của cách mạng. Họ tự ý tới chớ không ai mời; các cán bộ cách mạng bận việc tíu tít mà cũng chưa có chỉ thị của cấp trên, mặc cho họ ngồi đó, sau đưa cho họ tờ giấy bảo họ ghi những hoạt động của họ trong thời Diệm, Thiệu. Ngồi không suốt một tuần, họ chán, lần lần không tới họp nữa. Họ có mặc cảm tội lỗi.
Trước ngày Giải phóng tôi đã bị chứng nước tiểu đục, đi tiểu buốt, bác sĩ Phiếm trị không hết hẳn, mà da qui đầu co lại muốn bít lỗ tiểu. Sau ngày Giải phóng tôi nhờ bác sĩ trẻ Nguyễn Chấn Hùng, độc giả của tôi trị cho. Cậu ấy cho là tại da qui đầu cả, cắt đi, cho uống ít thứ thuốc nữa, hết luôn.
Trong thời gian trị bệnh, hội Nhà văn Giải phóng Sài Gòn – Gia Định mời tôi dự buổi bầu Ban chấp hành, tôi không dự được.
Một hôm đi mua thuốc, tôi gặp ông bà Trần Thúc Linh, ông lái xe hơi, thấy tôi vẫy tôi lại đưa tôi về nhà. Tôi thấy ông bà đều có vẻ buồn, đoán được lí do, nhưng không hỏi. Mấy năm trước Giải phóng, ông hoạt động ngầm cho cách mạng, bị chính phủ Thiệu giam hai lần; một người con trai của ông tên Chương, đương học Y khoa, ra bưng một hai năm rồi về, ít lâu sau bị giết một cách tàn nhẫn: xô hay liệng từ từng lầu thứ ba trường Y khoa xuống đất, chết tức thì. Cái chết đó làm ông đau xót. Ngày đưa đám cháu Chương – cháu rất mến tôi – trông thấy tôi, ông nức nở khóc ròng, tôi không hiểu nước mắt ở đâu ra nhiều thế.
Giải phóng rồi mà ông buồn, ít nói, chắc có nhiều tâm sự. Ít lâu sau, tôi thấy ông trong danh sách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Năm kia (1978), bà Linh xin qua Pháp thăm con, đợi cả năm mới được phép. Ông ở lại Sài Gòn với người con út, cũng ở trong Mặt trận Tổ quốc. Tháng 3.1980, tôi hay tin ông đứt mặch máu, tê liệt nửa người, mê man một tuần, ở trong Bệnh viện Thống Nhất, như ông Nguyễn Ngọc Thơ trước kia. Bệnh viện Thống Nhất trị cho ông gần hết, ông xin qua Pháp trị tiếp. Hiện ông ở Pháp. Ông ham hoạt động, có sáng kiến, có đởm thức, có nhiệt tâm, ăn nói rất hoạt bát.
Tháng 6.1975, cô Cao Thị Quế Hương trong Ban Trí vận khu Sài Gòn – Gia Định dắt Nguyễn Kim Thản, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội lại thăm tôi. Nói chuyện với nhau khoảng một giờ về vấn đề giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Tôi tuyên bố rằng đã thôi nghiên cứu về Ngữ pháp hơn mười năm rồi, lúc này chỉ đọc Trung triết thôi, và bảo ông nên tìm thăm ông Trương Văn Chình và bác sĩ Trần Ngọc Ninh, hai người này biết nhiều hơn tôi về Ngôn ngữ học.
Vài tổ chức Văn hóa mời tôi dự các buổi diển thuyết, tôi đều không dự được.
Tháng bảy, Hội Nhà văn Giải phóng mời tôi dự một cuộc toạ đàm với hai cán bộ Văn hoá cao cấp ở Bắc vô: Thứ trưởng Hà Huy Giáp và thứ trưởng Hà Xuân Trường[2]. Chỉ có năm nhà văn ở Sài Gòn được mời: Vũ Hạnh, bà Phương Đài, Nguyễn Ngọc Linh… mà tôi là nhà văn duy nhất không nằm vùng[3].
Tôi lớn tuổi nhất, đưa ý kiến trước hết, yêu cầu chính quyền vạch rõ đường lối văn hóa của Bắc, giải toả nỗi thắc mắc và lo ngại của cả ngàn nhà văn trong Nam – như trường hợp nhà văn Bình Nguyên Lộc – và nên cho họ biết sớm có thể dùng họ được hay không, nếu không thì họ kiếm cách khác mưu sinh.
Ông Hà Huy Giáp có vẻ cởi mở, bảo cứ phục vụ nhân dân là đúng đường lối của chính phủ rồi; nhà văn nào cũng được tự do phát biểu ý kiến, tự do sáng tác theo cảm nghỉ của mình, và những nhà văn như Bình Nguyên Lộc – có lần thách đố học giả miền Bắc – nên yên tâm, đừng có mặc cảm gì hết.
Chính quyền theo chính sách đoàn kết và khoan hồng mà! Ông nói thêm: “Dĩ nhiên, những tác phẩm nào không hợp với chủ trương của chính phủ thì chính phủ không dùng”.
Ông phàn nàn rằng cán bộ văn hóa Sài Gòn đã đốt nhiều sách viết về văn thơ của ta, cả nhiều bộ tự điển nữa.
Tôi hỏi ông: “Trong bộ Văn học Trung Quốc hiện đại, tôi chê cuộc cách mạng Văn hóa 1966 của Mao Trạch Đông, ông nghỉ sao?”. Ông đáp: “Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng Trung Hoa có đường lối Văn hóa của Trung Hoa, mình có đường lối Văn hoá của mình”.
Sở dĩ tôi hỏi vậy vì hồi đó, Sở Thông tin Văn hoá thành phố đương kiểm duyệt những tác phẩm của tôi. Kết quả là họ không cấm một cuốn nào của tôi cả, như một chương trên tôi đã nói, chỉ bảo bộ Văn học Trung Quốc hiện đại còn phải xét lại (rồi họ im luôn); còn cuốnBài học Iraël thì họ chỉ khuyên các sạp sách cũ đừng nên bày bán. Lần đó họ cấm toàn bộ tác phẩm của 56 nhà văn trong Nam mà họ cho là phản động hay đồi truỵ.
Tháng 8.75, Đại hội trí thức yêu nước ở Nhà hát thành phố (Quốc hội thời Thiệu), tôi được mời dự với tư cách nhân sĩ thành phố. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải bước lên bàn chủ toạ trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý: “Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi chỉ mới một tuổi, mới sanh ngày Giải phóng”. Cử toạ im lặng, cảm động hay buồn cho cụ? Ít tháng sau cụ làm bài “Mừng anh khoá về” đăng trên tờ Văn nghệ13.9.75. Không ai để ý tới bài đó cả. Cụ lẩy bẩy đứng vậy ngó hình Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trổi bản Quốc ca. Nghe nói mãi năm ngoái chính quyền mới trợ cấp cụ mỗi tháng 150đ.
Khi nghỉ để giải khát, tôi về trước.
Hai tháng sau, có Đại hội Văn nghệ thành phố cũng hợp tại Nhà hát thành phố, để giới thiệu các hội viên trong đợt đầu, toàn là những văn nghệ sĩ nằm vùng tôi không hề biết tên. Nhà văn Lý Văn Sâm mời tôi phát biểu ý kiến, tôi từ chối, ông ta có vẻ thất vọng.
Trong Đại hội đó tôi ngồi cạnh nhà văn Thiếu Sơn Lê Văn Sĩ, tác giả cuốn Phê bình và Cảo luận mà tôi đọc từ đầu thế kỉ. Hồi làm việc ở Sở Thuỷ lợi Sài Gòn, tôi biết ông có họ xa với bên ngoại của tôi (ông quê ở Đoan Loan), làm việc ở Sở Bưu điện Gia Định, nhưng không có dịp gặp nhau. Mập, lùn, lớn hơn tôi vài tuổi, có bệnh huyết áp cao. Ông khen tác phẩm và bài báo của tôi, bảo: “Ở trong khu bị chiếm và viết được như vậy – ông muốn nói: tôi can đảm, thẳng thắn chỉ trích chính phủ - là được lắm”.
Hồi trẻ ông theo đảng SFIO của Pháp[4], thời kháng chiến ra bưng ít lâu; thời kháng Mĩ theo Mặt trận giải phóng rồi ra Bắc[5] được chính phủ ngoài Bắc cho qua Pháp “tham quan” một thời gian; giải phóng rồi trở về Sài Gòn, làm một nhân sĩ. Tôi hỏi ông sẽ viết lách gì những không, ông mỉm cười, đáp:
- Thời trước mình viết, nguỵ nó bỏ tù mình cũng không sao; bây giờ viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kì quá, mà lại kẹt cho họ nữa.
Tôi cười, quí ông là người hiền lương, thành thực, có tư cách.
Hai năm sau ông mất vì đứt mạch máu. Trong hai năm đó, tôi chỉ thấy ông viết vài bài ngắn, một đăng trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào cuối 1975, đại ý là: muốn đoàn kết thì đồng bào miền Bắc nên bớt mặc cảm tự cao đi, còn đồng bào miền Nam nên bớt mặc cảm tự ti đi.
Đọc bài đó, tôi viết thư cho ông bảo: “Không biết đồng bào Bắc có bớt được chút mặc cảm tự cao nào không, chứ người miền Nam rất ít ai còn mặc cảm tự ti”.
Ông không đáp, nhưng khoảng một tháng sau ghé toà soạn của Bách Khoa, nói với Lê Ngộ Châu: “Anh Lê không làm cách mạng nhưng đáng quí hơn nhiều người làm cách mạng”.
Chính ông dắt ông Như Phong, giám đốc Nhà xuất bản Văn học Hà Nội lại thăm tôi. Tôi tặng ông và Như Phong mỗi người vài cuốn biên khảo của tôi. Như Phong hỏi tôi có tác phẩm nào có thể in hoặc in lại thì đưa cho ông coi. Tôi đưa cho ông cuốn Đông Kinh nghĩa thục, cuốn Chiến Quốc sách mà ở Bắc chưa ai viết, với tập bản thảo Tôi tập viết tiếng Việt. Ông trở ra Hà Nội, một năm sau không có tin tức gì cho tôi cả, tôi viết thư đòi tập bản thảo, nửa năm sau nữa ông mới trả.
Cuối năm 1975, chính quyền phát động phong trào thống nhất tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Đỗng Chi, tác giả cuốn Cổ văn học sử, lại thăm tôi, xin tôi viết một bài về vấn đề thống nhất để đăng trong một tạp chí nào đó. Tôi từ chối, lấy cớ là đau và không có tài liệu lịch sử. Giá tôi có viết thì cũng uổng công vì tạp chí ông nói đó sau không thấy ra.
Cũng vào khoảng đó, Đào Duy Anh ở Hà Nội vào, tìm tôi. Hôm đó, khoảng bảy giờ, tôi đang ăn sáng thì một ông già tóc râu bạc phơ, mập, lùn, to xương đứng ở ngoài sân nhìn qua cửa sổ có lưới sắt hỏi tôi.
- Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không?
Tôi không biết là ông, mà không muốn tiếp người lạ, nên đáp:
- Không, ông ấy về Long Xuyên rồi. Chưa biết bao giờ về.
Ông ta quay ra. Ít bữa sau ông trở lại, gặp nhà tôi, xưng danh, nhà tôi cho tôi hay, tôi ở trên lầu xuống tiếp liền.
Hỏi nhau về gia đình, hoạt động văn hóa của nhau, rồi nói chuyện thời cuộc. Ông khuyên tôi nên coi các cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm… Khi ra về ông hỏi con trai tôi ở đâu, tôi đáp làm kĩ sư ở Pháp, ông bảo: “Tốt, Pháp là một nước văn minh”.
Tôi hỏi ông:
- Làm sao anh biết tôi mà lại thăm?
Ông đáp:
- Tôi vô đây kiếm tài liệu viết về trí thức tiến bộ miền Nam. Khi tới Huế tôi đã nghe nhiều người nói về anh; tới Nha Trang Quách Tấn khuyên tôi vào Sài Gòn nên lại tìm anh; sau cùng tới Sài Gòn, Phạm Văn Diêu bảo nên lại thăm anh trước.
Năm đó (1975) tôi gặp ông một lần nữa, tặng ông ít cuốn sách, ông tặng tôi cuốn Tự điển Truyện Kiều (viết công phu) soạn xong đã lâu, đưa nhà xuất bản, bị họ dìm cả chục năm, sau nhờ thủ tướng Pham Văn Đồng can thiệp, họ mới in cho. Sách mới phát hành mấy tháng đã hết.
Năm sau ông lại vô Sài Gòn, chúng tôi gặp nhau vài lần.
Năm 1978 ông trở vô một lần nữa, tôi mời ông ở lại chơi ít ngày, được biết rõ ông hơn. Ông ân hận rằng có hồi làm chính trị, thất bại, tự xét kĩ không làm chính trị được, nên chuyên về Văn hoá. Ông ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ.
Năm ngoái (1979), ông lại vô Sài Gòn, ở sáu bảy tháng, nhưng tôi bận việc nên ít có dịp gặp ông. Ông mất một lá phổi, một vai xệ xuống, hơn tôi bảy tuổi mà còn mạnh quá: nói chuyện suốt ngày được, ngồi nghe ông tôi thấy rất mệt. Ông mượn tôi ít cuốn sách Trung Hoa về Hàn Phi và bản thảo tôi viết về Hàn Phi để kiếm tài liệu.
Tôi đọc được một tập Hồi kí[6] khoảng 50 trang đánh máy, chép lại những hoạt động chính trị và văn hóa của ông từ hồi trẻ (thời dạy học) đến năm 1970. Cơ hồ ông muốn minh oan rằng suốt đời ông trung thành với cách mạng. Ông viết được khoảng bốn chục tác phẩm (kể cả những tập chưa in, như dịch Đạo đức kinhThi kinh, dịch Thơ Đường…), chuyên khảo về sử, hiệu đính văn thơ Nôm (Kiều, Hoa Tiên), và nghiên cứu về chữ Nôm. Ông đào tạo được ba nhà biên khảo về sử: Hà Văn Tấn tác giả cuốn Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông[7], Phan Huy Lê tác giả cuốn Lam Sơn khởi nghĩa, và Trần Quốc Vượng, người soạn chung với Vũ Tuân Sán cuốn Hà Nội nghìn xưa. Ông là học giả siêng năng, có uy tín nhất ở Bắc. Hè năm 1981, ông vô Nam nữa, ở 5-6 tháng, đi thăm Rạch Giá, Long Xuyên, ghé chơi tôi một ngày. Trong lúc tậm sự, ông tỏ vẻ buồn về thời cuộc, hy vọng có sự thay đổi lớn; và bảo rằng đọc tác phẩm của tôi ông càng thấy thích, thèm một cuộc đời viết văn tự do, độc lập như tôi. Chính ông đã sống một cuộc đời như vậy khi mở nhà xuất bản Quan Hải tùng thư còn bà thì mở tiệm sách ở Huế. Ông tiếc thời đó chăng?
Quê ông ở làng Thanh Oai (Hà Đông), hồi nhỏ học ở Thanh Hoá, rồi Vinh, sau dạy học ở Quảng Bình, bà con một vị tổng đốc ở Huế cũng có một thời dạy học. Con cái thành tài hết. Em ruột ông có vài người làm cán bộ cao cấp.
Mấy năm sau 1975 tôi còn gặp non mười nhà văn và học giả miền Bắc như Vũ Tuân Sán, bạn học trường Bưởi của tôi, có cử nhân luật, thông chữ Hán, chuyên khảo về danh nhân và bia Hà Nội; Thạch Giang, nghiên cứu chữ Nôm và Truyện Kiều; Hoàng Phê soạn Tự điển Việt; Hướng Minh, bạn học trường Bưởi, dịch sách Pháp và viết báo v.v…
Có vài người ngỏ ý muốn lại thăm tôi, nhưng tôi nhờ bạn từ chối khéo cho. Ai lại thăm tôi cũng niềm nở tiếp nhưng không đáp lễ ai cả.
Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi, chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hoá Thành phố coi tôi như một nhân sĩ; Ban Tuyên huấn Thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi, nghe tôi sức khoẻ mỗi ngày mỗi suy, nhân viên đó đề nghị giới thiệu tôi để vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cho hạng cán bộ cao cấp, nhiều máy móc và thuốc men nhất thành phố). Tôi từ chối, tự xét bệnh chưa nặng có thể điều trị ở ngoài được.
Khi nhân viên đó ra về rồi, ông Đào Duy Anh hỏi tôi:
- Người ta săn sóc sức khoẻ của anh như vậy mà sao anh tỏ vẻ lơ là?
Tôi đáp:
- Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ, chịu không nỗi. Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa.
Khi có phong trào vượt biên rầm rộ, có tháng 65.000 người bỏ quê hương. Cơ quan cho người lại dò xét xem tôi có ý định đi ngoại quốc không và khuyên tôi đừng nên đi đâu cả. Tôi bảo họ: “Nếu tôi muốn đi Pháp thì đã đi từ lâu rồi vì tôi có đủ điều kiện để đi theo cách chính thức”.
Tôi biết thái độ của chánh quyền đối với hạng nhà văn miền Nam mà họ gọi là “Tiến bộ” như tôi. Cứ yên ổn sống, đừng thắc mắc gì cả, vài ba năm xuất hiện một lần trong một cuộc hội nghị nào đó, chẳng cần đưa ý kiến, hoặc viết một bài báo dài ngắn gì cũng được, ngắn thì tốt hơn, vô thưởng vô phạt, để tỏ rằng mình còn ở trong nước và hợp tác với chính quyền, như vậy là được rồi; còn đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa đã có chủ trương của cấp trên.
Năm 1976, tôi lại khạc ra máu như năm 1954, mới lên Sài Gòn, nhưng lần này nhẹ hơn. Tôi uống đọt chùm ruột hai lần thì hết. Bác sĩ Liêu Thanh Tâm rọi phổi, chụp hình quang tuyến, so với năm 1954 thấy không tăng, nên tôi chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc bổ. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh hay tôi đau lại thăm và giúp đỡ vài việc.
Nhờ có bệnh đó tôi xin phép miễn dự Đại hội Văn nghệ thành phố thảo luận về đường lối văn nghệ. Hội họp làm ba đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, cho vài trăm nhà văn. Các nhà biên khảo dự đợt đầu, rồi tới các thi sĩ, tiểu thuyết gia v.v… Gọi là thảo luận, chứ thực ra Uỷ ban của Hội đem ra mổ xẻ tác phẩm một số nhà văn, có ý mong họ tự kiểm thảo. Đa số nhà văn trách Uỷ ban không hiểu hoàn cảnh của họ: ở dưới chế độ kiểm duyệt của chính phủ Thiệu không thể muốn viết gì là viết được. Một vài nhà văn còn can đảm nhận rằng đã viết những tác phẩm mà cách mạng gọi là đồi truỵ, nhưng như vậy không phải là tội lỗi: những truyện đó tả đúng xã hội thời đó, và ở trong xã hội nhà văn có hoá đồi truỵ cũng là chuyện thường.
Rốt cuộc ba tuần kiểm thảo chẳng đi tới đâu, so với phong trào chỉnh huấn ở Bắc năm 1953 thì dễ dãi, cởi mở hơn nhiều, mà đa số nhà văn Nam có thái độ đàng hoàng hơn.
Nhưng sau đó cũng có khoảng hai chục nhà văn bị đưa đi “cải tạo tư tưởng”, một số được thả về sau ba bốn năm như Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Tạ Tị…, một số chết trong trại như Nguyễn Mạnh Côn…, hoặc gần chết mới được thả về, tới nhà vài ngày thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương (Vũ bị giam ở Chí Hoà, khỏi phải đi trại cải tạo), hiện (1981) còn một số ít chưa được về như Duyên Anh. Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyên Sa qua Mĩ trước ngày giải phóng; Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan cũng đã đi từ lâu.
Suốt một năm rưỡi từ 5/75 đến cuối thu 76, tôi sống tương đối thảnh thơi: sách của tôi được phép bán, và nhiều người, cả Bắc lẫn Nam, mua; giá mỗi ngày mỗi tăng như cuốn Đắc nhân tâm: năm 1975 giá 2đ thì năm 1981 giá 50đ ở chợ sách cũ[8]. Năm 1983 giá 300đ. Tôi không làm gì cả, nằm nhà dưỡng sức, vài ba ngày lại toà soạn Bách Khoa cũ một lần để gặp lại bạn văn (ngày nào cũng có 5-6 anh em cầm bút lại đó tán gẫu); rồi dạo khu chợ trời từ đường Lê Lợi tới Chợ Cũ, đường Nguyễn Huệ. Mỗi tuần họp tổ một lần. Mỗi tháng lại chen chúc, chờ đợi ở ngân hàng xin rút ra 60đ cho hai vợ chồng.
SÁCH BÁO MIỀN BẮC
Tôi để nhiều thì giờ nhất vào việc đọc sách báo miền Bắc: Báo Nhân dân, Hà Nội mới, Dân chủ, Tổ quốc, một số tạp chí chính trị, triết học, khoa học, nhất là tạp chí văn học. Sách của nhà xuất bản Văn học, Khoa học xã hội, sách cho trẻ em và dăm ba tiểu thuyết sáng tác hoặc dịch.
Xét chung tôi thấy ngành xuất bản ở Bắc không phát triển bằng trong Nam, đa số nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không “đua nở”. Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà Nội, không có nhà văn nào cho ra được chín mười tác phẩm, trung bình chỉ được một hai.
Không có gì kích thích cho họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì thì cũng lãnh được khoảng 60đ mỗi tháng; nếu viết thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái mới hi vọng được in, vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một “Anh lớn” nào đó vào hàng bộ trưởng, thứ trưởng, điều tối kị ở trong Nam.
Về loại sáng tác, tôi thấy thơ và tiểu thuyết kém, các nhà nổi danh thời đó như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển… viết ít hơn trước mà nghệ thuật cũng không hơn gì trước.
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, đóng góp rất lớn cho cách mạng, có bài có hồn thơ, nhưng có những câu rất khó hiểu, như bài Đời đời nhớ Ông, ông viết:
“Thương cha thương mẹ thương chồng,
Thương mình thương một thương ông thương mười”.
Hay trong một bài kỉ niệm Nguyễn Du, ông gọi Nguyễn Du là anh, bài đó tôi không thể hiểu nổi!
Một thiếu niên (tên Trần Đăng Khoa?) 12 tuổi đã in tập thơ đầu tiên, cảm hứng dồi dào, giọng thơ hồn nhiên, ai cũng tưởng là có tương lai, nhưng lớn lên, chưa thấy bài nào hay cả.
Về tiểu thuyết thì có dăm tác phẩm nổi tiếng tả tinh thần kháng thực dân như cuốn Con trâucủa Nguyễn Văn Bổng… nhưng tưởng tượng không dồi dào, tâm lí không sâu sắc, bút pháp không có gì mới mẻ. Truyện ngắn được vài cây viết như Lê Vĩnh Hoà (em ruột Võ Phiến) cũng toàn là viết về chiến tranh, đọc vài tập rồi không muốn đọc thêm nữa. Tiểu thuyết gia được trọng dụng nhất là Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Tuân vẫn được nể.
Thơ và tiểu thuyết ngoài đó không đa diện, nhà văn ngoài đó có ít hình ảnh mới, dùng chữ không táo bạo. Nhưng phải nhận rằng Bắc không có những tác phẩm tệ lắm như trong Nam; tác phẩm nào cũng lành mạnh, sàn sàn, trung trung, ít có tác phẩm nổi bật, thật sâu sắc. Chỉ có Nguyễn Tuân là giữ được ít nhiều bản sắc trong một cuốn viết về Sông Đà.
Trước ngày giải phóng tôi thấy công trình khảo cứu tập thể, xét chung thì thận trọng hơn, công phu hơn, ít lỗi hơn trong Nam. Nhưng lối làm việc tập thể đó có nhược điểm: rất chậm, thiếu phối hợp chặt chẽ nên không nhất trí, chẳng hạn bộ Chiến tranh và Hoà bình của Léon Tolstoi do bốn người dịch chung, không đều tay mà một số danh từ đầu sách dịch khác, cuối sách dịch khác. Cái tệ lớn nhất là gây tật thiếu tinh thần trách nhiệm.
Mới mở tập đầu A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông của Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội – 1975), tôi thấy Ban biên tập gồm 12 nhà, với sự cộng tác trên một trăm học giả, văn nhân, thi sĩ, từ Đào Duy Anh, Hoa Bằng tới Nguyễn Công Hoan, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Xiển, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Trần Văn Giáp v.v…, rồi tới một Hội đồng xét duyệt gồm 9 nhà: Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận, Bùi Huy Đáp, Đào Văn Tiến, Hoàng Phê (ông này vừa là chủ biên, vừa là một hội viên trong hội đồng xét duyệt!), Phan Triều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ. Trước sau mất 11 năm (1964-1975) mới ra được tập đó. Thấy họ làm việc đông đủ, lâu năm, kỹ lưỡng như vậy, tưởng công trình phải đồ sộ, gần đạt được mức hoàn hảo (không có tự điển nào hoàn toàn không có lỗi), nhưng khi lật ra một số từ thì tôi thất vọng.
Có những điều vô lý, bất tiện như từ a pa tít ghi là xem apatit, tôi phải lật trên mười trang sau mới tìm được apatit: “khoảng vật chủ yếu canxi photphat…”, tôi không hiểu tại sao Ban biên tập dùng tới hai cách viết, một cách rời, một cách liền; sao không viết liền như canxi, photphat. Sao lại bất nhất trên nguyên tắc như vậy?
Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà Ban biên tập gọi là “tiếng địa phương”, thì sai quá. Cọng chỉ là cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v… không thể gọi là tiếng địa phương được.
Có những từ định nghĩa chưa sát, hoặc mù mờ như:
Biến tốc, không thấy ghi danh từ hay động từ, theo nghĩa: “làm thay đổi tốc độ”, tôi đoán nó là động từ. Nhưng “hộp biến tốc” thì là danh từ?
Khi ông Hoàng Phê, chủ Ban biên tập lại chơi, tôi đưa ra mấy nhận xét đó với dăm sáu nhận xét nữa, ông làm thinh, bảo ông Hoàng Văn Hoành (cũng trong Ban biên tập) ghi chép, và lúc ra về, ông Hoành bảo tôi rằng nhiều nhận xét của tôi có lí.
Các sách biên khảo tập thể khác cũng vậy, tuy công phu mà cũng có vài lỗi nặng, khiến tôi có cảm tưởng rằng họ làm việc tập thể đấy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả; ngay cả Hội đồng xét duyệt cũng chưa chắc đã đọc lại tác phẩm, có đọc thì chỉ lật lật, lướt qua vài chỗ thôi.
Trái lại, một số công trình biên khảo cá nhân rất có giá trị, như bộ sử Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn, rồi tới bộ Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê…
Xét chung, công việc khảo cứu về sử (sử dân tộc cũng như sử văn học) và công việc khảo cổ, khai quật để tìm di tích miền núi Hùng Vương… ở Bắc hơn hẳn trong Nam.
Về Việt ngữ, ngoài đó cũng tốn công nghiên cứu nhưng kết quả không được bao nhiêu (trừ ngành chữ Nôm), không bằng kết quả vài cá nhân trong Nam như Lê Ngọc Trụ, Trương Văn Chình…
Họ hiệu đính được vài ba truyện bằng thơ của ta, nhưng lại không in chữ Nôm, kém hẳn cuốn Lục Vân Tiên của nhóm Lê Thọ Xuân trong này.
TÔI GÓP Ý
Khi Việt Nam đã thống nhất, tôi viết một bài Góp ý về việc Thống nhất tiếng Việt đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật ngày 12.9.76. Đại ý tôi bảo rằng tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần “nhất trí” hay “qui định” một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng nhưng thực ra cũng có khá nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất: 1. phát âm, 2. chính tả, 3. từ ngữ, 4. ngữ pháp.
Bài đó không dài, được độc giả ở Nam và Bắc khen. Chẳng hạn Vũ Tuân Sán bảo: Bài viết sâu sắc, chứng tỏ một kiến thức có tầm khái quát lớn, thật “Bách khoa”; được đăng lại trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều ở Pháp, (có lẽ ở Tây Đức nữa), và trên một tờ báo của đồng bào di cư qua Mĩ, với một trang giới thiệu tôi, do Nguyên Sa viết.
Một bạn đọc cũ của tôi di cư qua Gia Nã Đại đọc bài báo đó bảo tôi là một trong số ít nhà văn được cảm tình của cả Nam và Bắc.
Vấn đề thống nhất tiếng Việt nêu lên rầm rộ ở khắp nước năm 1976 rồi lặng xuống. Năm 1978, tháng 10, có một hội nghi thống nhất chính tả ở Sài gòn, trưởng ban tổ chức là học giả Hoàng Tuệ ở ngoài Hà Nội vô. Tôi không dự mà chỉ viết thư góp ý kiến, đại ý bảo “Gần hoàn toàn đồng ý với Ban tổ chức về nguyên tắc tiêu chuẩn hoá chính tả, chỉ xin nhắc lại chủ trương của tôi (đã đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật năm 1976) là giữ đúng cách viết tên người tên đất của nước ngoài như Napoléon, Marseille, Shakespeare, London…; chỉ một số thuật ngữ khoa học là cần phiên âm; muốn vậy phải mạnh bạo “cải tiến và bổ sung chữ quốc ngữ”, chẳng hạn:
- Tạo một số phụ âm mới: bl, cl, fl, gl, pl, vl, sl, …, br, cr, fr.
- Tạo một số vần mới: ab, eb, ib, ob, ub, …, ad, ed,, …, ar, er…
để giữ được gần đúng dạng chữ của phương Tây mà khi đọc sách ngoại quốc, dễ nhận ra, đỡ bỡ ngỡ. Ví dụ Nil, Broglie, Chrome… sẽ phiên âm là Nil, Brogli, Crôm… chứ không phiên âm là Nin, Bờ-rô-gờ-li, Cờ-rôm… như ngày nay.
Cuối tháng 10 năm 1979, Ban tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc ở Hà Nội, mời tôi ra dự về vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, tôi đã định đi, rồi vì sức khoẻ kém, đi không được. Sau đọc các báo cáo đăng trên báo, tôi thấy Hội nghị đã gần như nhất trí về việc để nguyên các tên người, tên đất ngoại quốc, mà không cần phiên âm. Như vậy là sau ba năm (1976-1979), mới tiến được một bước nhỏ. Tôi ngại tới cuối thế kỉ vấn đề thống nhất chính tả vẫn chưa giải quyết xong.
Năm 1977, tôi viết một bài nhan đề là Đoàn kết, gởi báo Đại đoàn kết, đại ý buồn rằng tinh thần phục vụ của anh em kháng chiến xuống nhiều rồi, gây nhiều bất mãn trong dân chúng (tôi dẫn chứng vài trường hợp có thật), muốn “Đoàn kết” thì chính cán bộ phải khiêm tốn và làm gương cho dân, việc khó nhọc thì làm trước dân, hưởng thụ thì sau dân; nhưng báo không đăng, sợ gây sự bất bình của tất cả cán bộ trong nước chăng?
Ngoài ra, do theo lời yêu cầu của Lê Huy Dân, bạn học cũ của tôi ở trường Yên Phụ, thư kí toà soạn tờ Nguyện san Tổ quốc, tờ báo của Đảng Xã hội (được coi là tờ báo của giới trí thức), tôi viết hai bài cho báo đó:
Một truyện ngắn làm tôi xúc động, đăng trên số tháng chạp 1977. Tôi phê bình các truyện ngắn của Nam Cao, viết trước cách mạng 8/1945, đặc biệt khen truyện Một đám cưới; nhưng toà soạn cắt bỏ đi khoảng một phần ba, chỉ giữ phần phê bình riêng truyện Một đám cưới thôi.
Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kì thị chủng tộc ở Nam Phi, đang trên số 11 năm 1978. Bài này cũng bị cắt bỏ đi nhiều. Từ đó có vài tờ báo xin bài tôi đều từ chối hết.
Năm 1978 Thứ trưởng Văn hoá Hà Xuân Trường mà tôi đã gặp ở Sài Gòn trong một cuộc toạ đàm năm 1975, vào Sài Gòn, phái một nhân viên rất lanh lợi tên là Hải, lại mời tôi dự một cuộc họp để lập một Uỷ ban Trung Hoa học (Sinologie) nghiên cứu về Trung Hoa. Tôi không dự, cho rằng chương trình đó lớn quá, thực hiện không nổi.
Cũng trong năm 1978 thì phải, một cán bộ trong Hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh lại bảo hội muốn đề nghị lên chính quyền trợ cấp mỗi tháng 30đ cho năm sáu nhà văn ở Sài Gòn, trong số đó có cụ Trần Tuấn Khải, ông Giản Chi, ông Thuần Phong…, và tôi. Tôi bảo tôi còn tự túc được, không dám làm phiền chính quyền trợ cấp; nhưng cụ Trần Tuần Khải chắc cần lắm, mà 30đ một tháng chẳng nhằm gì đâu, phần tôi nên để tặng cụ. Sau đó cũng chìm luôn, và năm ngoái tôi hay rằng riêng cụ Trần được trợ cấp một tháng 150đ. Vậy người ta đã theo đề nghị của tôi.
Một bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi, anh Phó Đức Vinh, có tú tài bản xứ, hợp tác với tờThanh Nghị (bút hiệu Hướng Minh) trước 1945 đã đăng vài truyện ngắn. Sau khi tiếp thu Hà Nội, thỉnh thoảng viết ít bài trên vài tờ báo ngoài đó, lúc này hợp tác với nhà xuất bản Văn học; năm ngoái (1979) đề nghị tôi dịch cho nhà đó một danh tác của Anh hay Pháp do tôi tự lựa, tôi từ chối vì không có thì giờ, còn bận làm xong vài công việc đã dự định.
Mới đây ông lại bảo tôi không có thì giờ dịch thì xem trong số các tác phẩm văn học tôi đã dịch và in trước ngày Giải phóng như Cầu sông DrinaMưaKiếp ngườiCổ văn Trung Quốc… có cuốn nào nên in lại thì sửa chữa rồi gởi cho ông cùng với nguyên tác để ông đề nghị với nhà Văn học tái bản; lòng ông rất tốt, nhưng ông không hiểu nỗi lòng của tôi. Ngày 30.6.80 tôi viết thư tạ tấm lòng ông, kể qua tâm sự tôi, tự nhận định giá trị mấy cuốn ông nêu ra đó và bảo chỉ có cuốn Cổ văn Trung Quốc là đáng tái bản hơn cả, nhưng lúc này tôi đã dời về Long Xuyên, không thể trở lên Sài Gòn mà sửa ấn cảo (chữ Hán) được, ông tính sao thì tính (bức thư đó tôi còn giữ phó bản).
Tưởng như vậy ông hiểu ý tôi mà cho tôi được yên thân, không ngờ giữa năm nay (1981) ông lại viết thư cho hay nhà Văn hoá đã lựa cuốn Kiếp người, yêu cầu tôi sửa sớm sớm cho để nhà xuất bản sắp chữ liền. Tôi lại đáp hiện còn bận việc lắm, sức khoẻ lại kém, chư thể sửa được.
Nữa tháng sau tôi được thư ông Vũ Tuân Sán ở ban Hán Nôm, cho hay nhà Văn học đã nhờ ông đọc cuốn Cổ văn Trung Quốc của tôi; ông đọc xong đưa hai người nữa đọc, tất cả đều “đáng giá rất cao” cuốn đó, và ông sẽ viết “Đề cương” (tôi đoán là Compte rendu) cho nhà Văn học. Vậy thì rất có thể họ sẽ xin phép tôi tái bản cuốn đó nữa.
--------Kim phong thiết mã nhàn trung quá
--------Nhất hạp thanh sơn tự chủ trương.
SỬA LẠI BẢN THẢO CHƯA IN
- Trong chương XXVII tôi đã nói khi soạn gần xong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, tôi thấy công trình đó không có lợi ích thiết thực bằng một cuốn chỉ cách viết tiếng Việt sao cho sáng sủa, xuôi tai, không lại căng.
Có chủ trương đó rồi, ngay từ 1963, hễ đọc sách báo, tôi luôn để cây viết chì bên cạnh, thấy câu nào mắc một trong những lỗi kể trên, tôi đánh dấu liền, sau chép lại, sắp riêng vào một chỗ. Tôi chú trọng nhất vào sự cấu tạo câu văn, và khi đã gom được ba bốn trăm câu rồi, tôi lựa lại còn độ trăm câu, tìm xem lỗi tại đâu, sắp đặt thành từng loại, cố kiếm ra những luật chi phối tiếng Việt, mà luật quan trọng nhất theo tôi là luật liên tục, luật cân xứng…
Tôi lại nghĩ ý nào có thể diễn được theo lối của mình thì không nên mượn lối phô diễn của người, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Viết văn càng phải có tính cách bình dân để dễ truyền bá những kiến thức mới trong đại chúng. Vay mượn của người là một việc cần thiết nhưng chúng ta phải luôn thận trọng, không nên tiếp thu một cách lố lăng, bừa bãi. Chủ trương đó giống với chủ trương mà gần đây ngoài Bắc gọi là giữ cho tiếng Việt được trong sáng.
Cuối năm 1964, tôi viết xong một tập dày trên một trăm trang.
Mới đầu tôi đặt nhan đề là: “Ít kinh nghiệm của tôi để viết cho sáng sủa và xuôi tai”. Sau thấy dài quá, đổi là: “Tôi tập viết tiếng Việt”.
Vài nhà muốn xin phép tôi xuất bản, tôi khất để sửa lại đã, rồi mắc nhiều công việc, mãi đến 1976, sau ngày giải phóng, mới sửa lại xong.
Ngoài tập đó ra, trước 1975, tôi còn soạn và dịch xong được chín tác phẩm nữa mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu dưới đây; và bắt đầu soạn chung với ông Giản Chi bộ Tuân Tử và Hàn Phi, hai bộ này đến cuối 1976 cũng hoàn thành (sẽ nói ở sau).
Đời nghệ sĩ[9]
Thuộc loại Gương danh nhân, gồm tiểu sử năm nhà: Goethe, thi hào Đức; Chataubriand, văn hào Pháp; Balzac, tiểu thuyết gia danh tiếng nhất của Pháp; Maugham, tiểu thuyết gia Anh; Walt Disney tác giả những phim hoạt hoạ bất hủ.
Dày khoảng 200 trang.
Con đường thiên lí[10]
Tôi dùng hồi kí của tôi với những tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mĩ giữ thế kỉ trước để tạo ra nhân vật Lê Kim (quê ở Phú Thọ, Bắc Việt), người đầu tiên trôi nổi qua Mĩ, theo một đoàn đi tìm vàng, trải nhiều gian nan; và khi tìm được rồi thì chán, trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang và giúp Thiên Hộ Vương “Bình Tây sát tả” trong Đồng Tháp Mười.
Ý nghĩa truyện đó trong đoạn cuối, lời tôi nói với một người chắt của cụ Lê Kim ở Gia Định vào khoảng 1950[11]:
“Cụ Lê Kim có phải là người Việt đầu tiên qua Mĩ không, điểm đó không quan trọng gì đối với chính sử. Vậy mà tìm ra được đủ chứng cứ và ít nhiều chi tiết, bác (tức tôi, người kể truyện) đã phải bỏ ra… tới nay non bốn chục năm đấy, và phải nhờ vài sự ngẫu nhiên lạ lùng với mấy người giúp sức nữa.
Trong khi tìm, tôi có những lúc chán nản mà cũng có những lúc phấn khởi say mê, tìm ra được rồi tất mừng, nhưng chỉ được một lúc… cũng như cụ Lê Kim mạo hiểm đi hết con đường Thiên lí, tới miền có mỏ vàng thì chán nản, trở về nước khai hoang, kháng chiến. Vàng là cái mà cụ coi thường nhất – danh vọng cũng vậy – cụ chỉ muốn tìm ý nghĩa cho cuộc sống “và sự say mê trong hành động”.
Truyện đó tôi đặt cho nhan đề: “Con đường thiên lí” vì hồi trẻ tôi muốn viết một tập du kí từ Nam ra Bắc mang nhan đề đó, mà không có cơ hội thực hiện được.
Tôi viết xong năm 1972, định dăm năm sau sẽ giao cho nhà Lá Bối xuất bản. Ông Giám đốc nhà Lá Bối và vài người nữa khen truyện rất hấp dẫn. Chưa kịp xuất bản thì miền Nam được giải phóng. Truyện dài khoảng 250 trang, ghi được một số hồi kí của tôi, như cảnh ngã ba Bạch Hạc, cảnh đền Hùng, tình hình hồi đầu kháng Pháp ở thôn quê miền Nam…
Một mùa hè vắng bóng chim[12].
Dịch tiểu thuyết (mà cũng là tự truyện) Birdless Summer của Han Suyin (Hàn Tú Anh), một nữ sĩ cha Trung Hoa, mẹ Bỉ, khá nổi tiếng ở phương Tây, viết khá nhiều về Trung Hoa hiện đại.
Bà đang học Y khoa ở Bỉ thì xảy ra Trung – Nhật chiến tranh. Vì yêu tổ quốc bà bỏ học về quê hương, lấy chồng là một sĩ quan Quốc Dân đảng, cũng du học ngoại quốc về rồi hai vợ chồng từ Hán Khẩu lên Trùng Khánh phục vụ trong Quốc Dân đảng. Nhưng sau bà thất vọng về thói tàn bạo của chồng, nhất là chế độ thối nát của Tưởng Giới Thạch, thương hại cho tình cảnh điêu đứng của dân nghèo Trung Hoa “sống như thú vật trên một non sông tuyệt đẹp”.
Đọc truyện đó ta mới thấy nguyên nhân thất bại của Quốc Dân đảng: họ chỉ lo cũng cố địa vị và làm giàu, mua quan bán chức, bán chợ đen thực phẩm, y phục, lương thực của lính, bán lậu khí giới cho Nhật nữa, họ lùng bắt nông dân ở ngoài đồng, phu phen ở ngoài phố, lấy dây chì hay dây thừng cột lại thành từng xâu, lùa vào trại lính rồi đánh đập, bỏ đói; họ bắt dân nhổ lúa để trồng thuốc phiện, đặt ra hàng trăm thứ thuế (thuế cửa sổ, thuế số nhà, thuế hạnh phúc, thuế làm biếng…), họ lạm phát giấy bạc tới nỗi dân phải vác cả thúng giấy bạc mới mua nổi một vé xe. Trong chương XII[13] có một tài liệu chính xác gồm 5 trang về cuộc nội chiến Trung Hoa giữa Quốc và Cộng từ 1946 đến 1949.
Bà bảo: “Tôi chỉ ghi lại các biến cố một cách vô tư và trung thực để cho các thế hệ sau biết những gì đã xảy ra”.
Tác phẩm dày 400 trang, tôi đã dịch khá kĩ, năm 1972 nhà Lửa Thiêng đưa kiểm duyệt, không được phép in, đưa hai bản, Sở Thông tin chỉ trả lại một. Tôi phản đối bảo bản tiếng Pháp cuốn Destination Tchung King cũng của Han Suyin nội dung cũng như cuốn Birdless summer bán đầy ở Sài Gòn trong loại Livre de poche (sách bỏ túi) thì sao không cấm? Họ làm thinh. Họ cấm có lẽ vì trong bài Tựa, tôi viết:
“Đọc truyện đó, chúng ta không thể không liên tưởng tới tình cảnh nước ta trong mười mấy năm nay. Tôi cho rằng có những luật bất di bất dịch trong lịch sử: những dân tốc cùng một văn hóa, đặt trong một hoàn cảnh như nhau thì cũng phản ứng như nhau và rốt cuộc cùng đi tới một điểm lịch sử như nhau…”.
Trong mấy hàng đó, tôi đã báo trước sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Sau Thiệu cũng phải lưu vong nhưng không được một đảo Đài Loan như Tưởng Giới Thạch.
Những quần đảo thần tiên
Tuyển dịch một số truyện ngắn của Somerset Maugham viết về đời sống của thực dân Anh trong một số quần đảo trên Thái Bình dương.
Trong lời giới thiệu tôi viết:
“Trong khung cảnh đẹp mê hồn của các quần đảo miền Nam Hải (Thái Bình Dương) xảy ra biết bao bi kịch mà nạn nhân là người da trắng. Họ truỵ lạc, mắc tội lỗi đến nỗi phải chết một cách thê thảm hoặc phải chôn vùi cả cuộc đời ở giữa rừng xanh với một ve Whisky”.
S. Maugham không phê phán, nhưng đọc rồi chúng ta rút được kết luận này: “đa số bọn thực dân chỉ là những “con heo nhơ nhớp”; chính những thổ dân mà họ tự cho là có sứ mạnh phải “khai hoá” kia, lại văn minh hơn họ”.
- Gogol
- Tourguéniev
- Tchékhov
Ba cuốn trên đi chung với nhau thành một bộ. Mỗi cuốn dày khoảng 150-180 trang, gồm hai phần: một phần giới thiệu tác giả (khoảng 50 trang) và một phần văn tuyển.
Cũng như thơ Trung Hoa đời Đường, tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX từ một bình nguyên bỗng vọt lên những đỉnh rất cao rồi qua thế kỉ XX lại hạ xuống. Tất cả các tiểu thuyết gia lớn thời đó đều có tinh thần nhân bản, phản kháng, chiến đấu và đều tả chân thân phận những hạng người bị áp bức trong xã hội.
Độc giả nước mình đã quen với hai đỉnh cao nhất là Tolstoi và Dostoievski; trong bộ ba cuốn này tôi giới thiệu thêm ba đỉnh cao hạng nhì:
+ Gogol mà mọi người đều nhận là “cha của tiểu thuyết Nga”, “một vinh quang của dân tộc Nga”, “không có Gogol thì không có toàn thể tác phẩm Dostoievski”.
+ Tourguéniev mà Tolstoi khen: “Tôi mới đọc xong tập Hồi kí của một người đi săn của Tourguéniev; ông ấy viết rồi thì người ta ngại không muốn viết nữa”. Lời đó khiến ta nhớ thái độ của Lí Bạch khi đứng trước bài thơ của Thôi Hiệu ở Hoàng hạc lâu!
+ Tchékhov mà từ Tolstoi, Gorki tới Maugham, Maurois đều phục là bực thầy, có phần sâu sắc hơn Maupassant của Pháp.
Lịch sử văn minh Trung Quốc[14] của Will Durant trong bộ Lịch sử văn minh gồm 33 cuốn (32 cuốn với 1 cuốn tổng kết: Bài học lịch sử).
Dày khoảng 400 trang, cũng sáng sủa, hấp dẫn như hai cuốn Văn minh Ấn ĐộVăn minh Ả Rập, tuy viết cho độc giả phương Tây mà thanh niên mình đọc vẫn hiểu thêm được nhiều điều, và có được một tổng quan khá đúng về văn minh Trung Hoa, vì tác giả nhận định thận trọng, sáng suốt, tỏ rằng ông yêu nền văn minh đó, có yêu nó nên hiểu được nó.
Phê bình Khổng học ông viết:
“Khổng Tử chỉ thành công khi ông mất rồi, và thành công ấy thật hoàn toàn (…).
Có thể nói rằng lịch sử Trung Hoa với lịch sử V.N ảnh hưởng Khổng giáo chỉ là một. Liên tiếp bao nhiêu thế hệ, người Trung Hoa dùng Tứ thư, Ngũ kinh để dạy trong các trường của quốc gia và hầu hết các học sinh đều thuộc lòng lời dạy trong sách. Tinh thần khắc kỷ, bảo thủ của vị “thánh” đó nhờ vậy mà lần lần thấm vào máu dân tộc, lâu đời tạo nên những con người thâm trầm, có tư cách cao mà khắp lịch sử nhân loại không nước nào có, không thời nào có nữa. Nhờ triết lí ấy, dân tộc Trung Hoa đã tìm được một sự hoà hợp trong đời sống xã hội, trong lối sống của mỗi người; biết ngưỡng mộ sự học thức, minh triết, và có được một nền văn hoá vĩnh cửu, hiếu hoà, khiến cho văn minh Trung Hoa đủ sức mạnh để tồn tại sau tất cả các cuộc xâm lăng, không những vậy, còn đồng hoá kẻ xâm lăng nữa. Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hưởng thụ nhiều tư tưởng Khổng học là phương thuốc tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại quá thiên về trí dục, mà luân lí quá suy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách.
Nhưng một mình triết lí chưa đủ để bồi dưỡng. Nó rất thích hợp với một nước cần ra khỏi cảnh hỗn loạn, cần mạnh lên để lập lại trật tự, nhưng nó là một sự cản trở cho nước nào cần biến đổi, tăng tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế”.
Cộng sản Trung Hoa hiểu vậy cho nên mấy chục năm nay đả Khổng rất mạnh; nhưng khi nào xã hội loạn thì người ta lại sẽ phải trọng học thuyết của Khổng. Đoán về tương lai dân tộc Trung Hoa, Will Durant trước thế kỷ vừa rồi, bảo: “Trung Hoa đã chết nhiều lần, mà lần nào nó cũng hồi sinh”; nghĩa là ông tin nó sẽ hồi sinh. Và mãi đến năm 1972, Mĩ mới chịu nhận rằng không thể nào thắng một dân tộc như vậy được. Hiện nay Nga lại muốn tranh giành ảnh hưởng với Trung Hoa, để coi bên nào sẽ thắng?
Tôi đưa Lịch sử văn minh Trung Quốc cho nhà Cảo Thơm xuất bản. Năm 1974 ông Giám đốc nhà đó đã chuẩn bị nhiều hình danh nhân và thắng cảnh Trung Hoa để làm bản kẽm (Cliché), chưa kịp in thì nhà xuất bản phải đóng cửa như mọi nhà khác.
Mấy cuốn giới thiệu ở trên đều đáng đọc cả, nhưng không tốn công cho tôi mấy, không in được tôi không tiếc lắm. Những cuốn dưới đây về triết học Trung Hoa thời Tiên Tần mới tốn công hơn.[15]
- Trang Tử
Trang tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh Tử

Tôi tự xét mình hồi 60 tuổi
Các con
Tục lệ của mình không coi trọng sinh nhật bằng tử nhật. Chỉ một số gia đình sang trọng mới làm lễ chúc thọ cha mẹ, ông bà (hoặc thầy học) khi những vị đó 60 tuổi trở lên: vừa 60 tuổi được coi là lão rồi, có thể dưỡng lão, mọi việc trong nhà giao cho con cháu, mà việc nước cũng để cho “đàn sau gánh vác”.
Vì tục lệ đó cho nên ba không bao giờ nghĩ tới – mặc dù có thể nhớ tới sinh nhật của vợ con, ngay của chính ba nữa - cho nó là không quan trọng. Nhưng năm nay thì ba nghĩ tới, vì hôm nay ba đúng 60 tuổi Tây (tuổi ta 61 mà tháng rưỡi nữa qua năm Nhâm Tí đã là 62), nghĩa là đã sống được một hoa giáp (60 măm).
Hồi trẻ có người đoán số ba, bảo chỉ hưởng lộc tới năm nay thôi. Ba cho là sai; ba có thể sống được mươi năm nữa, nhưng từ năm nay thấy mình già rồi; mấy tháng trước té cầu thang, trật gân, mất ba tuần mới khỏi, và gần đây bác sĩ Mazaud chuyên về tim bảo động mạch của ba bắt đầu cứng (artériosclérose), và nghe tim có double souffle (phì phì), ngày nào cũng phải uống hai thứ thuốc sédocaréna và cordarone (hoặc amplivie), có lẽ cho tới suốt đời. Viết lách bình thường (dĩ nhiên trí nhớ đã giảm), nhưng đi nhanh và xách nặng không được. Tóm lại không có gì quan trọng: 60 tuổi mà như vậy cũng là “normal”. Má con kém ba 3 tuổi còn mạnh hơn ba, chỉ có một con mắt bị cataracte[1], bệnh đó dễ trị, khi nào nó “chín” thì mổ.
Vậy hôm nay là sinh nhật của ba, cũng chẳng ăn mừng gì cả. Các cụ ngày xưa thường nhân dịp đó làm một bài thơ “tự trào”, nghĩa là tự giễu mình. Ba không làm thơ thì ôn lại cuộc đời đã qua.
Tuổi thơ và thiếu niên của ba cực khổ. Mồ côi cha từ hồi 10 tuổi ta, nhờ mẹ và bà ngoại mới được học hành, và cũng nhờ truyền thống gia đình, nhờ số tốt nên mới nổi tiếng là học giỏi trong họ nội họ ngoại và xuất thân được ở trường Cao đẳng Công chánh. Nếu sinh vào một gia đình khác thì đậu tiểu học rồi tất phải phá ngang mà đi làm. Có thể nói nhà chỉ đủ cơm ăn với rau, đậu; đau ốm thì uống thuốc Nam rẻ tiền rồi để cho cơ thể tự chống với bệnh tật chứ không mời ông lang, nhất là bác sĩ (một lần coi mạch của bác sĩ thời đó là 5đ bằng 5.000đ bây giờ). Thời đó những gia đình như gia đình mình sống nhờ thiên nhiên, gọi là nhờ số cũng được: bản chất mạnh thì sống, yếu thì chết.
Đầu năm 1935 ba ra làm việc, năm 1937 lập gia đình, 1938 có con, thì năm 1939 đã bắt đầu thế chiến thứ nhì. Trong mười năm 1935-1945, vì hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và của chiến tranh, cần kiệm lắm, gia đình mới đủ sống, để dành được một chút, năm 1945 tản cư, của cải mất hết. Từ 1945 đến 1950 vì không chịu trở lại Sở Công chánh nên sống thật vất vả.
Từ 1950 mới vào dạy trường Trung học Long Xuyên[2], vừa viết sách; ba năm sau, cần kiệm lắm, mới gây được một số vốn là non 200.000đ (bằng hai triệu ngày nay) và 1953 bỏ dạy học, lên Sài Gòn sống bằng cây bút. Nhưng mới lên Sài Gòn thì bị hai bệnh nặng: lao phổi và loét bao tử (ulcère bulbaire), trị 4-5 tháng mới hết. Hết rồi, tận lực làm việc, năm 1960 mua được căn nhà ở Kì Đồng này, lúc đó ba đã là 50.
Tóm lại trong non 50 năm vất vả, lúc lên lúc xuống, từ hai bàn tay trắng mới xây dựng được thì vì chiến tranh bị tiêu huỷ hết, rồi lại từ hai bàn tay trắng xây dựng lại nữa. Nét chính trong đời ba là trải qua những đau khổ trong cảnh nghèo hồi nhỏ, nên lớn lên lúc nào cũng tận lực chiến đấu với nó; tính tình có lẽ do đó mà nghiêm khắc, gay gắt, đó là “mặt trái của huy chương”; nếu sinh vào hoàn cảnh như các con các cháu ngày nay, không phải chiến đấu thì tính tình chắc ôn hoà hơn, nhưng nghị lực chắc cũng kém.
Có thêm điểm này nữa cũng đặc biệt: tuy chống với cảnh nghèo mà không bao giờ ba ham làm giàu: năm 1953 lên Sài Gòn, có tiếng tăm một chút rồi, một số bạn rủ ba xuất bản sách giáo khoa hoặc mở trường tư (trung học), hai nghề đó ba làm thì tất thành công và mau giàu, ba từ chối hết, chỉ viết rồi xuất bản sách của mình thôi, mà má con cũng chỉ dạy riêng một lớp tại nhà thôi, không muốn khuếch trương kinh doanh, hễ dư ăn, phong lưu rồi thì thôi. Ngay bây giờ, chỉ xuất bản sách của ba thôi, lợi tức cũng có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng ba không muốn: ba bán tác quyền khoảng 50 cuốn cho mươi nhà xuất bản khác, chỉ giữ lại mươi cuốn xuất bản lấy thôi. Nghĩa là ba để thì giờ mà viết chứ không muốn kinh doanh làm giàu, và biết “tri túc”, hạn chế nhu cầu cùng thị dục của mình. Tri túc là một nét của triết lí phương Đông của nhà Nho (tri túc nghĩa là biết thế nào là đủ rồi thì thôi, không cần thêm nữa). Ba nhận thấy rằng con, Hằng và Hải đều không ham làm giàu, tính tình liêm khiết, điều đó đáng khen, giữ được nếp nhà đấy.
Nhờ tri túc như vậy, nhờ để thì giờ mà viết lách, nên tuy non hai chục năm nay – từ 1953 – sự nghiệp văn chương của ba tiến nhiều. Tới nay có trên trăm cuốn (tome), non 90 nhan đề (titre), khoảng một nửa là dịch, một nửa soạn. Về số lượng (quantité) đó, từ trước tới nay chưa ai hơn được. Về phẩm (qualité), ba được coi là cây bút biên khảo và dịch thuật có giá trị nhất; và ba nghĩ rằng trong trên 100 cuốn đó, sau này khi ba chết, còn được mươi cuốn lưu lại đời sau (trong dăm ba chục năm); văn xuôi của ba có được vài chục bài ngắn, dài vào hạng mẫu mực (classique), hay. Nhưng điều đáng mừng hơn là ba được mọi giới trọng là nhà văn độc lập, có tinh thần nhân bản và tinh thần quốc gia cao, có tính tình liêm khiết: đã trên mười lần, ba từ chối những cái mà người ta cho là vinh dự của người cầm bút, như giải thưởng văn chương, làm giám khảo chấm giải thưởng văn chương, làm giáo sư đại học, vô uỷ ban điển chế văn tự, dịch thuật, và hội đồng Văn hoá Giáo dục v.v… Ba cho những cái đó là hư danh mà cũng không ưa những cơ quan đó, người cầm bút nên quí nhất sự độc lập và sự liêm khiết.
Còn sống được mươi năm nữa, cuộc sống được bảo đảm về vật chất rồi ba mong giữ được hai điều đó: độc lập, thanh khiết cho tới cùng và viết hoặc dịch thêm độ mươi cuốn nữa để cho có công việc mà đời bớt buồn, thế thôi.
Cái vui nhất là ít năm nữa được thấy hoà bình, các con cháu, cả Hằng và Hải, về đây tụ họp ít tháng, cúng giỗ ông bà – gia đình mình học hành được như ngày nay là nhờ tổ tiên mấy đời sống liêm khiết và rất trọng sự học – rồi đi thăm ít nơi thắng cảnh của non sông, thăm quê hương mồ mả ở Hà Nội, Sơn Tây. Sau đó các con có tản mác mỗi người một nơi thì cũng là lẽ tự nhiên; nếu không xây dựng được gì cho quốc gia dân tộc thì sống một đời chính trực, giữ được tư cách, dạy dỗ con cái cho đàng hoàng, cũng là tạm được rồi. Ước nguyện đo, bao lâu nữa mới toại?
*
* *
PHỤ LỤC II
Dư luận về Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn học, Nghệ thuật năm 1973
1. Báo ĐẠI DÂN TỘC – số 13.12.72 – Mục Hí trường:
Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá loan báo sẽ có thêm ba giải Tuyên dương sự nghiệp Văn chương và Mỹ thuật cho giới văn nghệ sĩ. Mỗi giải một triệu đồng, sẽ phát vào dịp Tết Quí Sửu.
Xin đề nghị một danh sách học giả, văn nghệ sĩ để đồng bào văn nghệ giới tuyển chọn:
Học giả Nguyễn Hiến Lê, thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, kịch sĩ Năm Châu, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, nhạc sĩ Lê Thương.
Trong sáu vị chỉ chọn ba, vậy xin chọn quí vị nào lớn tuổi nhất, vì sợ không tuyên dương sự nghiệp của quí ví đó trong năm nay, sang năm các ngài sẽ vắng mặt khi trao giải!
Đó là cụ Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Gia Trí[3].
(…)
VƯƠNG HỮU BỘT
2. Cũng báo trên, số 29.12.72, cũng mục trên, và cũng kí giả Vương Hữu Bột.
Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá đã gởi cho nhà báo bảng thể lệ về Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn chương – Học thuật – Mỹ thuật.
Theo thể lệ ai cũng có thể đứng ra giới thiệu người được Tuyên dương rồi Hội đồng tuyển trạch sẽ chọn lựa.
Một đặc điểm là trong phiếu giới thiệu phải có chữ kí của người được giới thiệu để tỏ ý chấp nhận sự giới thiệu dự tranh giải thưởng.
Đây là một điều phòng xa tốt.
Lỡ có những người được giới thiệu, để tuyển trạch để trao giải, lại không chịu nhận giải thì sao? Như trước đây mấy năm, Ban tổ chức đã trao giải thưởng biên khảo[4] cho cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê lại không tới nhận giải.
Không lẽ chúng ta phải ban hành một sắc luật buộc các nhà văn hóa khi được trao giải thưởng phải tới lãnh.
(…)
3. Cũng là báo trên, số 18.1.73, cũng mục trên, cũng kí giả trên.
(…) Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần lãnh giải về Học thuật cũng xứng đáng, dù rằng các tác phẩm của cụ có tính cách phổ thông hơn là thâm cứu. Gần đây có người kí trùng tên với cụ Nguyễn Duy Cần, viết trên báo Khoa học huyền bí, một tờ báo quá bình dân, không phải có đúng là cụ không? Không lẽ một học giả lão thành được tuyên dương sự nghiệp mà lại tham dự vào cả các tờ báo rất phổ thông như vậy?
(…)
4. Báo Tiền tuyến (của chính quyền) ngày 20.1.1973 – Mục Tạp ghi
Về giải Tuyên dương Văn học, Nghệ thuật năm nay (…). Về ngành Biên khảo ở Việt Namhiện tại, người mà tôi cho là có công nhất phải kể đến Nguyễn Hiến Lê. Nhưng vì một lẽ nào đó, ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc. Nếu không có ông Nguyễn Hiến Lê, ông Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) nhận vinh dự kể trên kể cũng là một điều ổn thoả (…).
Kí giả LÔ RĂNG
*
Đúng như ông Lô Răng viết, tôi không muốn nhận giải.
Năm đó ông Mai Thọ Truyền làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hoá, ông Nguyễn Duy Cần là cánh tay mặt ông Truyền, ông Giải Chi ở trong ban tuyển trạch.
Ông Đông Xuyên, bạn chung của ông Giản Chi và tôi, bàn với ông Giản Chi giới thiệu tôi để dự giải Tuyên dương, ông Giản Chi gạt đi, bảo: “Bác ấy không nhận đâu, đừng giới thiệu”.
Cũng vào khoảng đó, ông Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến ở tạp chí Bách Khoa lại chơi vào một buổi chiều (trong khi tôi đương tiếp ông Từ Mẫn, Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối) và cùng ngỏ ý muốn giới thiệu tôi. Trước mặt ông Từ Mẫn, tôi đáp:
- Cảm ơn hai anh, nhưng thể lệ là tôi phải kí vào phiếu giới thiệu của hai anh. Tôi không muốn tranh với ai cả, không chịu kí đâu. Tôi không muốn nhận một số tiền nào của chính phủ này hết.
Giải thưởng đó là một triệu đồng mà giá vàng hồi đó khoảng 40.000 đồng một lượng.
*
* *
PHỤ LỤC III
Trích thư ngày 9.9.1977 của Trần Quí Nhu bên Mĩ
(…) Đa số người Việt Nam chỉ đọc tiếng Việt và cần đọc để giải trí nên ở các tiệm thực phẩm Việt Nam và Trung Hoa có bày nhiều tạp chí, bán có vẻ chạy. Báo mua năm cũng nhiều. Có nhà mua hai ba tạp chí. Tiệm dược phẩm cũng bán nhiều sách Tự Lực Văn đoàn, kiếm hiệp tái bản. Có tạp chí in lại Bài học Israël, Bán đảo Ả Rập.
Khi Sài Gòn in sách đánh dấu cuốn thứ 100 của anh, một tạp chí ở đây in lại bài Góp ý về việc thống nhất tiếng Việt của tờ Giải phóng. Bài của anh dài hai trang, bài giới thiệu dài một trang nữa. Nguyên Sa gọi anh là “lão trượng họ Nguyễn” và nhắc tới vụ anh từ chối là giám khảo cho giải Văn chương khoảng trước Tết Nguyên đán hai năm trước[5] (…).
*
Từ ngày Giải phóng tới nay (1980) tôi viết bốn bài gởi đăng báo, một bài về tác phong cán bộ ở Bắc vô và bưng về, tờ Đại Đoàn Kết không đăng; hai bài trên tạp chí Tổ quốc về văn học và về thực dân da trắng ở Nam Phi (2 bài này bị cắt nhiều) và một bài đăng trên tờ Giải Phóng số chủ nhật ngày 12.9.1976 về việc thống nhất tiếng Việt. Chỉ có bài cuối này là tôi đắc ý mà cũng được nhiều độc giả cả Nam lẫn Bắc khen.
- HẾT-


[1] Tức bệnh đục thuỷ tinh thể. (Goldfish).
[2] Tức trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. (Goldfish).
[3] Vì ông Nguyễn Hiến Lê từ chối, sau Phủ Quốc vụ khanh chọn ông Nguyễn Duy Cần, thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nhạc sĩ Lê Thương nhận giải (BT).
[4] Về cuốn thượng bộ Đại cương triết học Trung Quốc chúng tôi soạn chung với Giản Chi, xuất bản năm 1965 (cước chú của N.H.L)
[5] Ở đây chắc có sự nhầm lẫn. Chỉ tính từ Tết Quí Sửu (tức ngày 3.2.1973) đến ngày bàiGóp ý… của cụ NHL đăng trên tờ Giải phóng Chú nhật (12.9.1976) cũng đã trên “ba năm” rồi. (Goldfish).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét