Chương XXIII - XXIV
GIA ĐÌNH TÔI
VỢ DẠY HỌC, CHỒNG VIẾT
SÁCH
Cuối năm 1954 chúng
tôi đã lập xong cơ sở làm ăn rồi: một trường học mới đầu có hai lớp, sau bỏ lớp
mẫu giáo để làm kho chứa sách; và một nhà xuất bản mỗi năm chỉ ra ba bốn cuốn.
Từ đó công việc cứ tiến phát đều đều. Vợ dạy học, chồng viết sách, không mướn
một người nào ngoài chị bếp; mọi việc tự làm lấy hết theo lối tiểu công nghệ
gia đình.
Nhà tôi kèm những trẻ
trường tiểu học của Pháp, mới đầu chỉ dăm em, sau tăng lên có lúc tới bốn chục
em, phải chia làm hai buổi: sáng và chiều.
Công việc đó làm không
quen thì rất mệt. Tôi đã có vài ba lần thay nhà tôi trong nửa tháng, thấy bận
gấp hai, gấp ba một công chức nhiều việc. Học sinh tuy chỉ độ trên dưới hai
chục, nhưng chia làm ba bốn cỡ, từ lớp 10 tới lớp 7 (lớp 7 của Pháp là lớp thi
lên trung học); lại
thêm các em học ở
nhiều trường khác nhau. Phải giảng lại bài cho mỗi em, chỉ cách làm bài rồi sửa
cho mỗi em, bắt các em học bài rồi trả bài nữa, mà không có tới ba em bài làm
và bài học giống nhau. Cho nên trong ba giờ liên tiếp, tôi không được nghỉ một
phút. Nhà tôi dạy quen, mà mùa hè, buổi chiều dạy xong cũng thấy uể oải. Nhưng
được nhiều cái vui: dạy có kết quả, học sinh và cha mẹ học sinh đều quí; và
tiền thù lao cũng khá hậu, bằng ba lần một giáo sư trung học.
Tôi thì suốt ngày đọc
sách và viết sách. Ba bốn tháng một lần, khi có sách mới ra thì đi “chào” các
nhà phát hành mất một ngày; rồi nhà nào muốn mua thêm thì làm cái toa xin giao
sách, tôi chỉ việc coi toa mà lấy sách, tính tiền rồi nhờ chị bếp đi giao và
thu tiền. Nếu số sách nhiều thì tôi đi giao lấy.
Tôi vẫn viết tiếp các
sách loại học làm người, loại giáo dục, tổ chức, văn học...; rồi do tò mò tìm
hiểu về triết học Trung Hoa, kinh tế, tiểu sử danh nhân, văn học thế giới. Tôi
lại hợp tác với vài ba tờ báo định kì, góp ý với độc giả về các vấn đề thời sự.
Công việc viết lách này tôi sẽ nói kĩ trong các chương sau. Ở đây xin kể ít
việc quan trọng gia đình tôi từ 1955 đến 1975.
THÊM BẠN ĐỜI
Ngay từ hồi mới hỏi
nhà tôi – đầu năm 1937 - tôi đã cho nhà tôi hay mối tình bạn bè giữa cô Nguyễn
Thị Liệp và tôi. Trong thời tản cư, dạy học tại nhà cô Liệp ở Long Xuyên, nhà
tôi cũng cho cháu Nhật Đức về ở với tôi vài vụ nghỉ hè để tôi dạy thêm. Vậy là
cả nhà tôi lẫn cháu đều biết cô Liệp.
Năm 1956, bà cụ thân
sinh cô Liệp qui tiên được 9 năm rồi, tôi lặp lại lời cầu hôn từ hai chục năm
trước, cô vì chiều lòng tôi mà miễn cưỡng nhận lời. Tôi hỏi ý nhà tôi, nhà tôi
không do dự, chấp nhận liền mặc dù rán nén sự miễn cưỡng. Hôn lễ cử hành ở Long
Xuyên, rất đơn giản, bác Ba tôi làm chủ hôn bên nhà trai.
Trong ba người chỉ có
tôi là đóng vai trò không đẹp, ích kỉ, khiến cho hai người kia đều buồn. May là
cả hai người đều có học, đều dạy học để tự túc được mà mỗi người ở một nơi, nên
buồn vài năm rồi cũng quen, và từ năm 1972, hai người thân với nhau như chị em;
bây giờ thì ai cũng nhận rằng việc mà hai người năm 1956 đành phải chấp nhận
như một số phận, bốn năm năm nay (từ 1975) đã thành một cái may, một hạnh phúc
chẳng những cho ba chúng tôi mà còn cả cho con trai và các cháu nội tôi nữa.
Tôi sẽ trở lại việc đó.
Làm lễ cưới rồi, tôi
vẫn ở Sài Gòn điều khiển nhà xuất bản, hai ba tháng lại về Long Xuyên nghỉ nửa
tháng. Nhà ở Long Xuyên có vườn rộng, cây cao bóng mát, rất hợp cho tôi vì viết
lách làm cho trí óc tôi thường căng thẳng, sinh ra mất ngủ, đau bao tử. Trong
bài tựa cuốn Sống đẹp (dịch cuốn The importance of living của Lâm Ngữ Đường),
tôi đã kể: “Một lần sau hai năm chuyện tâm vào một công việc rất mệt trí, đến
nỗi bệnh cũ - loét bao tử - của tôi trở nên nặng, tôi đành bỏ dở công việc, đem
theo bản Pháp văn L’importance de vivre của cuốn đó về Long Xuyên dưỡng bệnh.
Trong cảnh nghỉ ngơi nhàn nhã như vậy tôi mới thưởng thức hết cái hóm hỉnh, sâu
sắc của Lâm, và một chương tả trời xanh cùng tiếng chim hót đã làm cho tôi thấy
vũ trụ đẹp thêm lên bội phần: một dây mướp rủ từ cành xoài xuống, đã gần tàn,
chỉ còn mỗi một bông vàng rực đong đưa dưới gió, cảnh thực là bình thường, quê
mùa mà sao hôm đó tôi thấy vui lạ, rực rỡ lạ. Nhờ nó một phần mà trí óc tôi dịu
xuống và khi trở về Sài Gòn tôi làm việc lại được”.
Ở Long Xuyên, nếu là
mùa nước lớn bắt đầu rút, tôi thích ra ngồi ở công viên Nguyễn Du - nay không
còn nữa - xem chài cá linh: một loài cá nhỏ từ Cao Miên xuống, khi kho rục
xương thì ngon như cá mòi của Pháp. Chỉ hai người với một chiếc ghe nhỏ là
trong một buổi chài được cả chục thùng thiếc cá; nếu là mùa xuân, chúng tôi
thích dạo theo các bờ rạch tìm hương xoài, hương bưởi và cái thú “giang thượng
chi thanh phong” của Tô Đông Pha.
Ở Sài Gòn và Long
Xuyên tôi không phải lo gì về việc nhà cả; ngay cả những việc xã giao, giỗ tết,
tôi cũng không cần để ý tới; nhờ vậy tôi rảnh để chuyên viết. Và tôi vẫn thường
nói với bạn bè rằng một nửa số tác phẩm của tôi là do công của hai người nội
tướng kiêm ngoại tướng của tôi. Tôi chỉ biết chúi đầu vào sách vở thôi, hết
viết thì đọc, ngưng đọc thì viết.
CON TÔI QUA PHÁP
Năm 1957, cháu Nhật
Đức đậu Tú tài Pháp, ban toán, hạng bình thứ được bộ Giáo dục cho một nửa học
bổng qua Paris học để thì vào trường Cao học Thương mại Paris (Hautes Études
Commerciales de Paris). Không hiểu vì lẽ gì, bộ Nội vụ ngâm đơn du học của nó
rất lâu, khi nó tới Pháp thì tựu trường đã được tháng rưỡi rồi, nó đành phải
học ở Toulouse. Toán, Vật lí, nó học được nhưng không giỏi, chỉ xuất sắc về
Pháp văn. Ở Sài Gòn cũng như ở Pháp, nó thường vào hạng hai ba người đầu lớp về
môn luận Pháp văn. Trong mấy năm đầu tôi chỉ gởi cho nó vừa đủ tiền để tiêu,
muốn tập cho nó tiết kiệm; mãi khi nó lên Paris, học có phần tiến bộ, tôi mới
gởi cho nó dư một chút. Nuôi con, tôi không để cho nó thiếu thốn, tạo cho nó
hoàn cảnh tốt nhất để học, nhưng bắt nó phải gắng sức, quen chịu cực một chút
để rèn nghị lực.
MUA NHÀ KÌ ĐỒNG
Năm 1960, sau bảy năm
làm việc, chúng tôi đã để dành được khoảng một triệu đồng, mua được ngôi nhà
12/3c Kì Đồng, tốn khoảng 900.000 đồng, kể cả tiền mua, tiền trước bạ, tiền sửa
sang, xây thêm một phòng làm lớp học trên lầu và tiền sắm đồ đạc. Tôi không nhớ
vàng hồi đó giá bao nhiêu, có lẽ 5, 6.000đ/lượng.
Chúng tôi dọn lớp học
và nhà xuất bản lại đó và ở đó tới nay hai chục năm rồi.
Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ
Mộng Tuyết biết tôi thích loại cây lớn có hương, tặng tôi hai gốc hoàng lan
(trong này gọi là hoa công chúa). Hai năm sau, một gốc trổ hoa, tôi hái hai đóa
chín đầu tiên tặng ông bà.
Thi sĩ tặng tôi tập
thơ Trinh trắng với bài thơ:
----Kì sắc nhược cúc
chi hoàng,
----Kì hương nhược
lan.
----Hoa nở nụ đầu,
----Niềm trinh ý
trắng,
----Hái hoa phong
tặng,
----Hương lắng tờ mây,
----Hoa cho thơm tuổi
thơ ngây,
----Thơm tay người
hái, thơm tay người trồng.
----Nay một bông, mai
một bông,
----Yêu hoa xin giữ
tấm lòng cho nhau.
--------------------------------------(24-11-1962)
Năm 1954, hồi mới lên
Sài Gòn, tôi tặng một anh bạn Pháp, thi sĩ Paul Schneider, bút hiệu là Xuân
Phúc, một cuốn sách, anh cũng tặng lại tôi một bài thơ mà tôi nhớ
hai câu:
-----”La main qui
donne la fleur,
-----En garde toujours
le parfum”.
ý cũng y như của Đông
Hồ.
Khi nhận được thi phẩm
Trinh trắng, mới lật tờ bìa, thấy sực nức hương lan: một bông lan tôi tặng đã
được thi sĩ dán lên trang đầu, với sáu chữ nét mực còn lóng lánh trên sáu cánh
hoa:
-----”Lộc Đình danh sĩ
huệ tồn”.
Đóa hoa khô đó, thi sĩ
mất rồi (năm 1969) mà vẫn còn thơm.
Việc tặng hoa đó, nữ
sĩ Mộng Tuyết đã chép lại trong bài Hoa nói đăng trên Văn hóa nguyệt san số 5,
6 năm 1964.
Hai cây hoàng lan đó nay
đã chết một, cây còn lại cũng cằn cỗi, tôi trồng một cây con của nó để sau này
thay nó.
Hư Chu cho tôi một tấm
tranh sơn dầu vẽ cảnh biển, tôi treo trong phòng viết.
Nguyễn Hữu Ngư cho tôi
một cây ngọc lan, trong một cơn dông, bị trốc rễ, chết. Sau thi sĩ Hoài Khanh,
nhà xuất bản Ca Dao, cho tôi một gốc khác thay vào.
Thiên Giang cho tôi
một cây đại đỏ, cũng không thọ.
Nay Hư Chu và Nguyễn
Hữu Ngư đã khuất bóng, còn Hoài Khanh và Thiên Giang.
Các bạn đó đều biết
tính tôi chỉ yêu cảnh thiên nhiên, nhất là loài hoa có hương, chắc đã đọc bài
Hương và sắc của tôi trong tập Hương sắc trong vườn văn.
CHUYỆN BUỒN TRONG GIA
ĐÌNH
Năm 1963, con tôi ở
trường Cao học Thương mãi Paris ra, có chỗ làm ngay. Tôi bảo nó ở lại bên đó
tập sự ba bốn năm, có chút kinh nghiệm rồi hãy về. Nhưng hai năm sau, tôi thấy
tình hình trong nước còn găng hơn trước, nếu về sẽ bị kêu nhập ngũ, cho nên
khuyên nó cứ ở lại Paris và để má nó qua thăm nó. Nhà tôi định nhân chuyến đi
đó, xem trong số các gia đình Việt Nam quen biết ở Pháp, có thiếu nữ nào hiền
lương, có nghề thì hỏi cho nó.
Nhà tôi qua được vài
ngày thì nó cho má nó hay rằng đã có một ý trung nhân người Pháp và xin phép vợ
chồng tôi để cưới. Nhà tôi nghe xong khóc ròng; nhưng nó vẫn không đổi ý. Tính
nó độc lập, cương quyết, việc gì cũng quyết định lấy rồi cho cha mẹ hay chứ không
hỏi ý kiến trước. Nó đặt chúng tôi trước một sự đã rồi. Tôi nổi giận, bảo nó
lớn rồi, tôi không có quyền cấm nó, nhưng tôi nhất định không dự vào việc đó,
mặc má con nó muốn làm gì thì làm. Thiếu nữ Pháp đó là con một kĩ sư li dị với
vợ, tục huyền với một người Việt lai Pháp. Nó đương học khoa tâm lí ở đại học
Sorbone.
Làm lễ cưới cho tụi nó
xong, nhà tôi trở về Sài Gòn liền. Trước sau tôi tuyệt nhiên không liên lạc với
gia đình bên vợ của nó, nhưng nhà tôi thư từ đều đều với con dâu. Tình giữa mẹ
chồng và nàng dâu mỗi ngày một thân và vài năm sau nhà tôi coi nó cũng gần như
con.
Năm 1966, vợ nó sinh
con gái đầu lòng tên là Thu Lan, năm sau lấy xong các chứng chỉ cử nhân, nó
được bổ dụng vào việc coi thư viện cho một trường Trung học ở Paris. Như vậy là
chồng nó nuôi nó ăn học hai năm.
Năm 1971, nó lại sinh
một đứa con gái nữa tên là Xuân Mai. Năm sau, 1972, nhà tôi xin phép chính phủ
qua thăm cháu nội. Chính phủ không cho, lấy lẽ rằng con tôi được học bổng mà
học xong không về giúp nước. May quá, có một đám cưới nhà tôi không quen cả nhà
trai lẫn nhà gái, chỉ do lời giới thiệu của một bà bạn mà nhà gái nhờ nhà tôi
đưa cô dâu ở Sài Gòn qua cho chú rể ở Paris. Lần này thì chính phủ cho phép.
Nhà tôi chỉ tính qua
một tháng, tôi sẽ dạy thế, và cô Liệp ở Long Xuyên lên săn sóc tôi y như năm
1965, khi má Nhật Đức qua Paris lần trước.
Nhưng cũng lại như lần
trước, là má nó qua được vài ngày thì nó cho hay vợ chồng nó tính li dị nhau và
xin tôi cho má nó ở lại lâu lâu trông giùm hai đứa cháu nội. Tôi nổi giận dữ
dội, bảo nó trước kia nó đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý
kiến cha mẹ; thì bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả sự quyết định của nó,
chứ tại sao lại cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà cửa, công việc dạy học bên
đây, làm vú em cho con nó; rồi bắt lây tới cô Liệp, bỏ nhà cửa ở Long Xuyên mà
lên đây săn sóc cho tôi. Tôi mắng nó là đã Âu hóa mau quá, chỉ thờ cá nhân chủ
nghĩa, không biết tới gia đình, không còn tình cảm con người nữa. Nó chỉ làm
thinh, và má nó đành phải ở lại bên đó trông nom hai đứa cháu, cô Liệp đành
phải ở lại Sài Gòn với tôi, tưởng chỉ trong vài năm, không ngờ tới tám năm, đầu
1980 mới được về ở hẳn Long Xuyên.
Cô bực mình lắm, nhưng
biết suy nghĩ: trong vụ đó, con tôi, má nó và tôi, ai cũng đau lòng, nên cô
không phàn nàn gì với tôi cả, chỉ một lần kể lể tâm sự để trút nỗi uất hận,
giải tỏa nỗi lòng với một cô em ruột má Nhật Đức. Cặp này rất tốt với chúng
tôi. Chồng là Trần Quí Nhu, bác sĩ, giám đốc cơ quan trị bệnh cùi ở miền Nam;
vợ là Trịnh thị Mộng Đơn (trong nhà gọi là cô Kim) cũng là bác sĩ, chuyên về
bệnh ngoài da, có phòng mạch riêng, giúp không công cho cơ quan chồng điều
khiển. Cả hai đều có lí tưởng, thương bệnh nhân và muốn tận diệt bệnh cùi trong
nước.
Ngày cô Liệp mới lên
Sài Gòn năm 1972, cả hai vợ chồng lại thăm chúng tôi rồi lái xe đưa chúng tôi
vô thăm trại cùi ở bệnh viện Chợ Quán, thử máu, rọi phổi cho chúng tôi, coi
chúng tôi như anh chị ruột mà chúng tôi cũng coi lại họ như em ruột. Mỗi khi
chúng tôi có việc gì thì hai vợ chồng đều vui vẻ, tận tâm giúp, có khi không
đợi chúng tôi nhờ nữa. Hai đứa con - một con đẻ, trai; một con nuôi, gái - cũng
coi chúng tôi như bác ruột. Hiện nay gia đình đó ở California, Mĩ, thỉnh thoảng
thư từ với chúng tôi. Cô chú ấy đã an ủi nhà tôi nhiều lắm trong mấy năm đầu ở
Sài Gòn. Lần lần, nỗi buồn bực nguôi đi, nhà tôi đối với mấy người em của má
Nhật Đức rất thành thật, thân tình, coi sóc giỗ tết bên má Nhật Đức như bên
tôi, khiến ai cũng phục má Nhật Đức cảm động.
Người Âu Mĩ lớn rồi
thì ra ở riêng, cả tháng có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ
già thì đưa vào nhà dưỡng lão. Một ông già nọ khi bước chân vào nhà dưỡng lão,
quay lại nhìn đứa con trai, nghe nó dặn nhỏ: “Ba đừng nói hở tên gia đình mình
ra nhé”. Mỗi vụ hè có hằng ngàn người ở Paris đem cha mẹ lại gởi một bệnh viện
rồi hết hè, họ “quên” không tới đón về, bỏ mặc cho chính phủ làm gì thì làm.
Mấy ông bạn tôi ở Pháp lâu năm đều phàn nàn về lòng bạc bẽo của con cái, nhất
là những đứa con trai có vợ ngoại quốc. Mười đứa thì có tới chín đứa không nuôi
cha mẹ. Tôi mới nghe nói vợ một học giả quá cố Việt Nam rất có tiếng tăm, chỉ
có mỗi một người con gái có chồng Pháp vào hạng khá giả, mà bị con gái hất hủi,
cấm không cho vô nhà, vì chỉ làm phiền vợ chồng nó, và bà cụ đã gần tám mươi
tuổi đành phải lại ở nhờ một người cháu, không biết được bao lâu và sẽ bị cháu
đuổi nữa không?
Văn minh Âu Tây tuy có
những nét rực rỡ thật, nhưng như vậy không thể gọi là văn minh kiểu mẫu, trừ
khi, như nữ sĩ Pearl S. Buck nói: “Kiểu mẫu đó là chủ nghĩa cá nhân”.
Không có thời nào mà
người già cô độc như thời này, từ Âu qua Á, ở Âu thì như vậy, còn ở Việt Nam -
tôi không biết ở Trung Hoa, Triều Tiên ra sao? - thì người già phải giữ cháu
cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bà bạn già của
tôi ai phàn nàn phải làm “vú đực” cho cháu. Con làm kĩ sư, bác sĩ, giám đốc mà
chẳng giúp cha mẹ già được đồng nào, cha mẹ phải bán đồ hoặc làm việc để có
tiền trợ cấp cho chúng nữa.
Vợ chồng Nhật Đức li
thân với nhau 2, 3 năm rồi tòa mới nhận đơn xin li dị, và tới năm 1977 mới được
phép li dị. Lúc đó miền Nam đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai đứa cháu
tôi theo luật của Pháp, ở với mẹ một thời gian, với cha một thời gian. Con tôi
chưa chịu cưới vợ khác, thành thử nhà tôi vẫn phải ở lại săn sóc hai đứa cháu. Cũng
may là ba bố con chúng đều quí và nể nhà tôi, vẫn còn tình gia đình và tới nay
vẫn còn giữ được vài nếp phương Đông.
Ý CHÍ VÀ ĐỊNH MỆNH
Bây giờ nghĩ lại, tôi
thấy mọi việc như đã được an bài từ trước mà cái rủi lại hóa cái may.
Nếu năm 1956 tôi không
cưới cô Liệp thì năm 1972 má Nhật Đức không thể ở lâu bên đó săn sóc cho cháu
mà bỏ tôi ở một mình bên đây, tất phải về ngay, mặc cho con tôi xoay sở lấy; mà
về rồi thì bây giờ khó thích ứng với đời sống mới này, lại phải xin qua Pháp
nữa. Vợ qua mà chồng không qua thì dở dang, buồn cho cả hai, mà nếu tôi qua nữa
thì thêm gánh nặng cho con tôi, lại có thể không chịu nổi khí hậu bên đó nữa.
Nếu năm 1965 con tôi
nghe lời chúng tôi mà cưới vợ Việt trong một gia đình có giáo dục thì vợ chồng
chúng có thể bất hòa với nhau chứ không đến nỗi phải li dị.
Lạ lùng nhất là năm
1972, nhà tôi xin qua thăm con và cháu bên Pháp, chính phủ Thiệu Kỳ lấy lẽ rằng
con tôi học thành tài không chịu về giúp nước nên không cho; sau ngẫu nhiên có
người nhờ nhà tôi đưa con dâu qua Paris, chính phủ mới cho phép, nếu không gặp
sự may mắn đó thì không thể qua thăm con được.
Vậy việc rủi thứ nhất
cho má Nhật Đức năm 1956; việc rủi thứ nhì cho cả vợ chồng tôi và con tôi (nó
cưới vợ trong một gia đình không tốt); việc rủi thứ ba năm 1972 (nó phải li
thân với vợ), ba việc rủi đó đều thành việc may cho má Nhật Đức năm 1975.
Nghĩ vậy tôi hơi ân
hận đã quá giận dữ với con. Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm
chủ tương lai của nó được, tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại. Đời má nó
cũng như bị cái gì chi phối, mới đầu xấu mà sau hóa tốt, cái rủi hóa cái may.
Cơ hồ con người đã không làm chủ được mình, ý chí dù mạnh cũng vô ích, kinh
nghiệm của cha mẹ không giúp gì được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi
nữa.
Nó có khiếu về sinh
ngữ hơn là về toán, vào trường Cao học Thương mãi là hợp với khả năng của nó.
Muốn thành công về ngành đó thì người Việt phải có khả năng dễ thích ứng với
phương Tây, phải ăn nói như người Âu, suy tư như người Âu nữa. Vậy nó mau Âu
hóa là điều dĩ nhiên (và nhờ Âu hóa, nay nó thành công trong nghề), chẳng nên
trách nó. Âu hóa mà nó còn giữ được tình với má nó, với tôi một phần nào nữa
thì kể cũng đáng mừng.
Nhưng tôi có vẻ bi
quan quá chăng? Không tin rằng ý chí con người thắng nổi định mạng thì còn có
nên làm gì nữa không, có nên dạy con nữa không? Tôi không cực đoan như vậy mà
cho rằng vận mạng không quyết định hết, ý chí cũng đáng kể. Ý chí có thể làm
cho vận tốt hơn lên hoặc bớt xấu đi. Mà giáo dục cũng vẫn quan trọng: cùng gặp
một hoàn cảnh, người có giáo dục và người không có giáo dục phản ứng khác nhau
xa. Giáo dục không thay đổi hẳn được bản tính con người, nhưng có thể cải thiện
nó được phần nào. Con tôi nhờ được sự giáo dục của vợ chồng tôi nên được bạn bè
khen là nghiêm trang, biết quí mẹ. Nó giống tôi không ham làm giàu mà thích đọc
sách, làm việc đàng hoàng và liêm khiết, tự trọng. Và bổn phận của cha mẹ là
phải giáo dục con; nhưng chỉ nên nghiêm khắc vừa phải, không nên quá. Tôi hồi
trước có những lúc quá nghiêm với vợ con, với học trò. Cả bây giờ nữa chứ! Tính
tôi nóng quá, nhất là những lúc tôi đau.
***
Chương XXIV
Xã hội miền Nam trong
thời Mỹ
Trong chương XVI, tôi
đã nói xã hội phương tây trong ba thế kỷ nay trải qua bốn giai đoạn phát triển
kinh tế:
1. giai đoạn dự bị
2. giai đoạn phát triển
mạnh
3. giai đoạn thành
thục
4. giai đoạn đại chúng
tiêu thụ mạnh mẽ tức giai đoạn của châu Âu và Nhật hiện nay, của Mỹ từ hai, ba
chục năm trước.
Chương XIV chúng ta đã
biết ở nước mình, giai đoạn dự bị bắt đầu vào khoảng 1925-30: vài nhà như Bạch
Thái Bưởi, Trương văn Bền... đã ra kinh doanh, mở nhà máy, hãng buôn, hãng tàu,
hãng xe vận tải, xây cất và xã hội của ta ở các thành thị đã có một bộ mặt mới
trong khi ở thôn quê vẫn là nếp sống thời đại nông nghiệp. Sự phát triển đó mới
được mươi năm thì đã phải ngưng lại vì thế chiến thứ nhì. Sau thế chiến tới
chiến tranh Việt-Pháp, quân Pháp chiếm các thành thị, nhưng một phần vì thiếu
an ninh, một phần vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, một phần nữa vì phải lo đối
phó với quân cách mạng, nên tình trạng phát triển kinh tế không tiến được bao
nhiêu: không dựng được nhà máy nào lớn, chỉ thêm được một số công ty xây cất và
công ty thương mãi.
Năm 1953 Pháp thua,
lần lần rút ra khỏi miền Bắc; Mỹ thay thế Pháp ở Nam để ngăn chặn làn sóng cộng
sản, mới đầu chỉ giúp Ngô Đình Diệm cố vấn, võ khí, tiền bạc, rồi từ 1965 thấy
tình hình nguy ngập, phải đổ quân lên miền Nam từ 100.000 lên tới nửa triệu, và
trước sau Mỹ đã tốn khoảng 200 tỉ đô la mà vẫn không cứu nổi miền Nam.
Trong tám chín năm
liền, đô la, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng, vải, máy móc... đổ vào như suối. Họ
cũng dựng cho ta được một số nhà máy tối tân như nhà máy dệt, nhà máy giấy...
(hầu hết là những kỹ nghệ biến chế, chứ không sản xuất, chế tạo); tiến bộ nhất
là khu vực xây cất: phi trường, xa lộ, cao ốc... và một người Ba Lan trong Ủy
hội Kiểm soát Quốc tế qua Sài gòn năm 1973 phải nhận rằng Sài gòn lớn hơn, có
những dinh thự, cao ốc tối tân hơn kinh đô của họ.
Như vậy so với thời
Pháp đã là tiến bộ nhiều, nhưng chúng ta cũng chỉ ở trong giai đoạn nhì của
phương tây, nghĩa là chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh - mạnh mà không đều, vì
vẫn hoàn toàn thiếu kỹ nghệ nặng, thiếu nhà máy chế tạo xe hơi, máy bay, cả
những máy tầm thường như máy thâu thanh, máy bơm, máy cày...
Trái lại, về phương
diện khác, vì có trên nửa triệu quân nhân Mỹ vung tiền ra tiêu xài (các P.X. cơ
quan cung cấp nhu yếu phẩm cho họ, bán rất nhiều đồ với một giá rất rẻ), nên
chúng ta được thấy bộ mặt của xã hội hậu kỹ nghệ và một số người làm việc cho
Mỹ cũng được hưởng thụ gần như người Mỹ.
Vậy là về phương diện
sản xuất, xã hội Việt Nam mới ở đầu giai đoạn 2, mà về phương diện hưởng thụ
lại bước qua giai đoạn 4. Đó là một mâu thuẫn trong tình trạng xã hội của mình,
một xã hội lạc hậu mà do chiến tranh, bị làn sóng văn minh vật chất tràn vào,
gây nhiều biến chuyển tai hại, cuốn theo nhiều giá trị truyền thống.
Nhân số bộc phát - Nạn
đói
Thời nay có một sự
cách biệt ghê gớm giữa các nước đã đạt tới giai đoạn hậu kỹ nghệ, lợi tức trung
bình hằng năm của mỗi người dân là 5.000 đô la, với các nước kém phát triển,
lạc hậu như nước ta mà lợi tức chỉ là 50 đô la.
Những nước sau chịu
hậu quả tai hại của sự bộc phát nhân số, hậu quả đó là nạn đói.
Những tiến bộ về canh
nông, kỹ nghệ, nhất là những tiến bộ về y khoa làm cho tử suất giảm mạnh trong
khi sinh suất đứng nguyên, do đó nhân số tăng lên rất mau, hiện nay hai lần mau
hơn năm 1930, sáu lần mau hơn năm 1650. Năm 1650, phải 200 năm nhân số trên địa
cầu mới tăng lên gấp đôi; năm 1850 phải 80 năm, năm 1930 chỉ cần 45 năm, hiện
nay chỉ trong khoảng 30-35 năm. Các nhà chuyên môn trong cơ quan kinh tế và xã
hội của Liên Hiệp Quốc tính rằng tới năm 2.000 nghĩa là chỉ trong 20 năm nữa
thôi, thế giới có từ 6 đến 7 tỉ người. Tôi đoán là từ bảy đến tám tỉ, vì theo
báo chí tây phương, hiện nay (1981) đã đến 6 tỉ rồi.
Ở Việt Nam, khoảng
1930 cả nước có độ 20 triệu dân, riêng Nam bộ có độ năm triệu. Ngày nay (1980),
toàn quốc có 55 triệu dân (mặc dầu có hai chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ,
giết hại vài ba triệu mạng người, cả chiến sĩ lẫn thường dân). Trước thế chiến
chúng ta xuất cảng được nhiều gạo vào hạng 2 hạng 3 ở Đông Á; hiện nay phải ăn
độn ngô khoai, sắn, bo bo. Còn chất protéine trong thịt cá thì chúng ta thiếu
tai hại, trung bình mỗi tháng mỗi người chỉ được 50 gam thịt. Người nào không
đói thì cũng thiếu chất bổ, thiếu ăn, do đó dễ sinh bệnh, ốm yếu, không chống
nổi với bệnh mà chết.
Nạn nhân mãn, nạn đói
đó, tôi đã nhiều lần nêu lên trên tạp chí Bách Khoa và trong
cuốnNhững vấn đề của thời đại từ 1973, 1974, nhưng rất ít người lưu
tâm tới, cứ tin chắc rằng hết chiến tranh người ta sẽ khai phá những khu đất bỏ
hoang và có thể nuôi được vài trăm triệu người (!), có gì mà lo. Người la không
biết rằng không phải đất nào hiện nay còn bỏ hoang cũng có thể trồng trọt được
dễ dàng. Sự thực, tất cả những đất nào có thể trồng trọt được trong hoàn cảnh
kinh tế hiện tại đều đã trồng trọt hết rồi. Còn những đất chưa trồng trọt nay
muốn khai phá thì tốn kém vô cùng. Không thể cứ chia lô: phát cho dân nghèo,
giúp họ một số vốn nhỏ hoặc cho mỗi người mươi ki lô gạo mỗi tháng trong sáu
tháng hay một năm rồi ít năm sau sẽ thấy cánh đồng mơn mởn tươi tốt. Phải có
những nhà chuyên môn nghiên cứu xem đất hợp với loại cây nào, có thể đưa nước
vào được không; phải đắp những đường nối với lộ chính, phải đào kinh để khai
thông. phải trừ phèn, trừ muối, phải có thuốc trừ sâu, có cách trừ chuột, phải
có phân bón... Một nhà chuyên môn Âu tính sơ sơ, phải tốn cho thế giới mỗi héc-ta
trung bình là 5.000 quan năm 1970 (hay 1965?), không biết bằng mấy chục ngàn
bạc ngân hàng Việt Nam năm 1980. Khi lôi dẫn con số đó ra. có người bảo với số
tiền đó thì có thể trồng lúa được trên sườn núi Himalaya. Tôi không biết sườn
núi Himalaya ra sao, nhưng tôi biết rằng muốn biến đổi khu rừng nước mặn Cà
Mau, cánh đồng nước phèn Tháp Mười thành ruộng lúa không phải là việc dễ; bắt
tay vào việc ngay bây giờ, tới đầu thế kỷ XXI chưa chắc đã thành công, mà lúc
đó thì dân số của ta tăng lên đến 80-90 triệu rồi, sự sản xuất của hai khu vực
đó nuôi được bao nhiêu triệu dân, đủ bù vào số tăng dân số không?
Hạn chế sinh đẻ. Mất
các giá trị cổ truyền
Đất đai không đủ nuôi
người thì phải giảm miệng ăn đi nghĩa là phải hạn chế sinh đẻ. Ở các nước phát
triển mạnh, mặc dầu dư ăn, nhưng vẫn thiếu chỗ ở, người dân đã biết tự hạn chế
sinh đẻ: mỗi cặp vợ chồng trung bình chỉ có từ hai đến ba con; ở nước ta, rất
nhiều gia đình có năm sáu con, có khi mười, mười hai con, trung bình là bốn
con.
Hạn chế sinh đẻ thì
phải dùng những phương pháp ngừa thai, sẽ làm xáo trộn phong tục, luân lý cổ
truyền. Đức hiếu sẽ không còn hoặc sẽ phải thay đổi: không có con trai không
còn là bất hiếu nữa, con gái được đặt ngang với con trai; không còn quan niệm:
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; sự thờ phụng tổ tiên sẽ giảm đi nhiều,
một ngày kia sẽ không còn; đức trinh tiết có thể sẽ thành một tật xấu, rồi đây
người ta sẽ bắt chước Mỹ, trở lại chế độ kết hôn thử, đổi vợ đổi chồng thời sơ
khai, như trong cuốn Couples của John Updike xuất bản ở Mỹ năm
1968, bán chạy như tôm tươi. Hầu hết giới trí thức trong một thị xã nhỏ nọ mặc
nhiên đổi vợ đổi chồng với nhau. Một nhân vật còn bảo anh em, chị em ruột giao
hoan với nhau thì không phải là loạn luân mà là tự nhiên như loài gà, loài chó,
loài mèo. Họ viện lẽ phải tôn trọng tự do cá nhân, hạnh phúc cá nhân, mà tha hồ
phóng đãng về nhục dục, nhưng họ không hiểu rằng nếu không điều độ, không tự
chủ thì không thể có hạnh phúc được mà dân tộc nào quá phóng túng, thiếu tư
cách thì sẽ suy vong rất mau. Tới mức đó thì không còn gia đình, tổ quốc nữa,
chỉ còn cá nhân.
Xã hội miền Nam trong
những năm 1964-74, tại thôn quê vẫn còn ổn định giữ được truyền thống cũ; nhưng
tại những châu thành lớn hơn như Sài gòn, trong giới thanh niên. đã có những sự
bất ổn, mất thăng bằng về tinh thần và như Fourastié - một kinh tế gia và xã
hội học gia Pháp - nói: “bị đặt vào giữa một quá khứ ‘lạc hậu’ và một
vị lai không biết sẽ ra sao, mất những truyền thống luân lý, tôn giáo cũ mà
chưa tìm được một triết lý nào thích hợp cho thời đại mới, (họ) chỉ biết sống
cho qua ngày tùy theo những đòi hỏi đoản kỳ không liên lạc gì với nhau”.
Họ không còn tin tưởng
gì cả, không ham học, không ham làm việc, không ham thành công, nếu phải làm
việc cho đủ sống thì họ làm tà tà; họ mất đức lo xa, cần kiệm của thời đại nông
nghiệp, mất tinh thần ganh đua của thời đại kỹ nghệ, họ chỉ thích hưởng lạc lúc
nào hay lúc đó; họ hít, hút, chích các thứ ma túy để thoát ly thực tại; mà ma
túy thì đầy đường, do các tướng tá dùng phi cơ chở từ nước ngoài vào bán cho
lính Mỹ và cho họ. Họ thành Hippy.
Thị dân tăng lên quá
mau - Nền kinh tế trái luật kinh tế
Sự bộc phát nhân số
còn hai hậu quả nữa:
- sự khan hiếm nguyên
liệu: người ta lo rằng các mỏ dầu lửa, mỏ than, sắt, đồng, kẽm... sẽ cạn một
ngày gần đây, nếu không cạn hẳn thì cũng ở rất sâu trong lòng trái đất khai
thác rất tốn; ngay cả nước nữa cũng sẽ thiếu vì loài người tiêu thụ những
nguyên liệu đó mỗi ngày một nhiều lên;
- sự nhiễm uế của hoàn
giới: đất đai, sông ngòi, không khí... bị nhiễm uế do xe hơi và nhà máy trút
ra; thêm nạn đổ rác thành đống hôi thối ở giữa thành thị hoặc ven thành thị;
nạn dùng các chất trừ sâu bọ như chất DDT hiện nay chỉ mới cấm dùng ở Mỹ; nạn
phóng xạ của các nhà máy nguyên tử lực...
Những hậu quả đó ở
nước mình hiện nay chưa đáng lo vì kỹ nghệ chưa phát triển, cho nên tôi không
xét ở đây mà chỉ xin nói về hai hiện tượng bất thường trong các thành phố miền
Nam:
- dân phố trong các
thành phố tăng lên quá mau, không kém Âu, Mỹ.
Trong thời đại nông
nghiệp, 90% số người hoạt động trong nước chuyên về canh tác, mục súc để lo
thỏa mãn nhu cầu cấp thiết nhất là ăn; nhu cầu đó các nhà kinh tế học gọi là
nhu cầu sơ đẳng và những hoạt động canh tác, mục súc gọi là hoạt động sơ đẳng.
Trong nước chỉ có khoảng 5% số người hoạt động để chế tạo các đồ dùng như quần
áo, con dao, lưỡi cày, cái giường, cái chén và xây cất nhà cửa mà các nhà kinh
tế học gọi là hoạt động nhị đẳng; sau cùng 5% nữa lo thỏa mãn nhu cầu tinh thần
của mọi người, gọi là nhu cầu tam đẳng và những hoạt động của họ (trị dân, dạy
học, buôn bán, phục vụ nghệ thuật...) gọi là hoạt động tam đẳng. Thời đó thành
thị rất nhỏ, dân trong thành thị chỉ bằng 5-6% dân trong nước.
Qua thời đại kỹ nghệ,
kỹ thuật tiến bộ, nhiều nơi sản xuất đủ thực phẩm rồi, nghề nông không còn lợi
nữa, nông nhân hóa dư ở thôn quê, hoạt động của số dư đó chuyển qua nhị đẳng;
đâu đâu cũng có những cuộc di cư ra thành thị kiếm ăn, số người trong các hoạt
động sơ đẳng giảm đi, từ 90% xuống còn 40, 30, 20% tổng số người hoạt động, mà
số công nhân trong hoạt động nhị đẳng tăng từ 5% lên tới 20, 30, 40% tổng số
người hoạt động trong nước; đồng thời số người hoạt động tam đẳng cũng tăng lên
theo. Thành thị đã hóa lớn, chiếm 30-40% dân trong nước.
Hiện nay ở các nước kỹ
nghệ phát triển mạnh nhất như nước Mỹ, hoạt động sơ đẳng chỉ chiếm 5%, hoạt
động nhị đẳng độ 20-30%, còn 60-70% là hoạt động tam đẳng; dân trong các thành
phố chiếm trên 50% dân trong nước. Có những thành phố trên 10 triệu dân, còn
những thành phố 1-2 triệu dân thì vô số.
Người ta tiên đoán
rằng tới cuối thế kỷ, ở những nước đó, 75% số dân trong nước sẽ sống trong
thành phố, hai thành phố ở gần nhau (nghĩa là cách nhau bốn năm chục cây số như
Sài gòn, Long an chẳng hạn) sẽ nối liền với nhau, thành một thành phố khổng lồ.
Và vấn đề giao thông trong các thành phố đó thành một vấn đề rất khó giải quyết
cho chính quyền. Đã có một số người lo rằng rồi đây đất không đủ để xây cất,
nên lập những kế hoạch, dựng những thành phố nhỏ trên mặt biển, trên không hoặc
dưới đáy biển nữa.
Ở miền Nam nước ta,
trong hai chiến tranh Việt-Pháp, Việt-Mỹ, các thành phố lớn như Sài gòn, Mỹ
tho, Cần thơ cũng phát triển mạnh nhưng không phải vì Kỹ nghệ phát triển, vì số
công nhân tăng lên mà vì nông dân chạy loạn, phải bỏ vườn ruộng, ra thành sống
cho qua ngày, một số ít thành thợ thuyền, còn đa số sống về dịch vụ, về hoạt
động tam đẳng.
Cuối thế chiến vừa
rồi, dân số Sài gòn-Chợ Lớn chỉ vào khoảng nửa triệu, (Hà Nội chưa được 200.000
người); năm 1974 dân số lên tới hai hay ba triệu (kể cả Gia Định). Cuối thế
chiến, ngồi xe từ Sài gòn vào Chợ lớn còn thấy những khu đất trống dài cả cây
số, ngay khúc từ Cầu Bông (Đa Kao) vô Bà Chiểu cũng còn là đất trống; rồi khu
Bàn cờ, khu Kỳ đồng tôi ở hiện nay, khu Chuồng Ngựa... toàn là đất sình lầy cả,
nay nhà cửa san sát, không còn một khoảnh có thể xây cất thêm được nữa. Trong
hai chục năm (1954-74), cao ốc, cư xá mọc lên rất mau; đường xá ngang dọc chằng
chịt, chỉ sáu tháng sau trở lại có khi không tìm ra được nhà cửa của bạn bè, bà
con nữa.
Trong số non hai triệu
dân từ các tỉnh đổ về Sài gòn-Chợ Lớn đó, già nửa là nông dân. Họ làm thuê, ở
mướn, buôn bán lặt vặt, làm thủ công, lao công, tức các dịch vụ nhỏ. Không ai
làm thống kê xem những năm 1970-74, trong số người hoạt động ở miền Nam, có mấy
chục phần trăm là nông dân (sơ đẳng), là thợ thuyền (nhị đẳng) và còn bao nhiêu
làm dịch vụ. Tôi đoán phỏng hoạt động nhị đẳng ít người nhất (nhiều lắm là
15-20%), hoạt động sơ đẳng may ra được 40%, còn lại 40-45% là hoạt động tam
đẳng, nghĩa là những người không sản xuất được gì chiếm tới non nửa. Vậy là từ
giai đoạn 1 của tây phương, giai đoạn dự bị, chúng ta vượt giai đoạn 2, mà nhảy
qua giai đoạn 3, giai đoạn thành thục, không phải về phương diện sản xuất, mà
về phương diện tỉ số lao động trong mỗi ngành. Như vậy trái với luật kinh tế.
Nền kinh tế giả tạo đó không thể thịnh được, tồn tại lâu được. Nguyên do chỉ
tại chiến tranh, nhất là tại người Mỹ đổ đô la vô miền Nam này nhiều quá. Ảnh
hưởng tai hại đó còn kéo dài lâu, chưa thể lường được. Từ sau ngày 30-4, chính
quyền đã không giải quyết nổi, mà tình trạng còn bi đát hơn nữa vì không kiếm
được việc cho dân làm.
Sản xuất kém mà tiêu
thụ mạnh
Đã không sản xuất mà
dân thành thị lại tiêu thụ mạnh như Âu Mỹ. Về phương diện tiêu thụ, chúng ta
tiến vượt bực, bỏ hai giai đoạn 2, 3 mà nhảy vọt lên giai đoạn 4, giai đoạn hậu
kỹ nghệ (cũng gọi là kỷ nguyên thừa thải: ère d’abondance).
Khi tôi còn đi học,
tất cả gia đình tôi sống trong nền văn minh nông nghiệp.
“Trong thời đại nông
nghiệp, con người chỉ lo sao cho khỏi đói trước đã, cho nên nhà cửa, quần áo,
đồ dùng... phải tiết giảm đi, thứ nào cần thiết lắm mới sắm, mà sắm thì lựa thứ
bền chắc nhất, không cần đẹp. Bền chắc là giá trị số 1.
Nhà cửa chẳng hạn, các
cụ nếu có tiền thì lựa toàn danh mộc, không bị mối, bị mọt. (...) Như ngôi nhà
của cụ ngoại tôi tại Hả nội. tôi không biết cất năm nào dưới triều Tự Đức, tới
anh em chúng tôi đã là bốn đời rồi, cột bằng gỗ vẫn còn tốt (...) (Hiện nay tôi
đã có cháu nội mà ngôi nhà ấy vẫn còn vững, vậy là nó có thể dùng được trăm
rưởi năm nữa) [1]
Quần áo các cụ may ít
thôi nhưng cũng dùng toàn những vải thật bền: “ăn chắc mặc bền” (...) Chiếc áo
bông của mẹ tôi, bận được suốt đời của người. Và có rất nhiều gia đình thôn quê
vào hạng khá giả, giữ được chiếc áo the, chiếc quần hay váy sồi từ hồi cưới,
chết thì liệm theo. Sồi hồi đó dày gần như hàng “săng tung” của Pháp.
Còn bàn ghế trong nhà
thì thứ nào cũng lão bốn năm chục tuổi là ít. Vì cái gì cũng phải cho bền. nên
thợ làm rất kỹ. Ông bác tôi chỉ muốn đóng một chiếc bàn, bốn chiếc ghế, một cỗ
thọ mà không mướn thợ trong miền, nhắn cho được một chú thợ cả già từ phủ khác
tới rồi nuôi cơm trong nhà cả tháng. Dĩ nhiên gỗ phải lựa cả năm trước, rồi
ngâm, phơi cho khỏi mọt và thật khô”. [2]
Ngày nay ở các nước kỹ
nghệ phát triển, người ta sản xuất được mọi thứ rất mau và rất nhiều, thành thử
sản xuất là việc dễ, tìm cách tiêu thụ mới khó. Thợ ăn lương ít hơn một anh
chàng rao hàng. Ngành quảng cáo được trọng vì nó giúp cho sự tiêu thụ bằng cách
tạo thêm nhu cầu cho con người.
“Nhu cầu của tôi ngày
nay chắc nhiều gấp mười nhu cầu của cha tôi trên nửa thế kỷ trước. Ông cha
chúng ta chỉ cần cơm ba bát, áo ba manh, bây giờ chúng ta cần có cơm, có sinh
tố, có sữa, kẹo; xà bông phải hai ba thứ, khăn có khăn mặt, khăn mùi xoa, khăn
tắm, giày phải vài ba đôi, dép cũng vậy, (áo phải có cả chục bộ, có bà có cả
trăm bộ); nhà phải có bếp ga, có tủ lạnh, có máy thu thanh, máy ti vi; tháng
nào cũng phải mua dăm cuốn sách, chưa kể nhật báo, tuần báo, báo ta, báo Pháp,
báo Mỹ..., toàn là những nhu cầu do khoa quảng cáo tạo ra cho ta hết (...)”
“Nhu cầu lại tạo ra
nhu cầu. Chẳng hạn có xe hơi thì không dùng hai cẳng nữa, bắp chân, bắp đùi tóp
đi, thịt nhão nhẹt, lại phải tạo ra một đồ thể thao: nằm ngửa ra, hai chân đạp
như xe đạp để luyện bắp thịt ở chân. Có xe hơi thì không lẽ chỉ lái tới sở và
từ sở về nhà. Phải đi du lịch, thế là thêm biết bao nhiêu nhu cầu phụ thuộc vào
việc du lịch (...) Nhiều xe quá, đường phố mắc nghẽn, lại phải mở đường cho
rộng, đặt đèn xanh, đèn đỏ, xây những đường trên không và dưới hầm. Cứ mỗi nhu
cầu chỉ tạo thêm hai nhu cầu khác thôi thì trong nửa thế kỷ, nhu cầu tăng theo
cấp số nhân, gây ra biết bao việc cho nhân loại.
Vậy mà sức sản xuất
vẫn cao hơn sức tiêu thụ, người ta phải nghĩ cách tăng sức tiêu thụ lên nữa, để
cho xưởng khỏi phải đóng cửa, thợ khỏi thất nghiệp (...) Người ta phải thay đổi
lối sống, thay đổi quan niệm về tiêu thụ. Xưa kia, bền bỉ là giá trị số 1; ngày
nay nó bị coi rẻ. Nếu một chiếc đồng hồ dùng được cả đời người thì thợ đồng hồ
thất nghiệp hết. Phải chế tạo nhiều kiểu, đành rồi (...) mà còn phải làm sao
gây cho người ta ý nghĩ rằng đồng hồ chỉ dùng trong dăm ba năm thôi, dù nó vẫn
chạy thì cũng phải liệng đi (nhất là đừng sửa nó khi nó mới hư một bộ phận, mà
phải mua chiếc khác mới hơn)”.
“Giá trị số 1 ngày nay
không còn là bền nữa mà là mới, mỗi ngày mỗi mới: nhật nhật tân. (Thời người ta
mới chế tạo được thứ sợi nylon để dệt quần áo, thấy nó bền quá có thể dùng
hoài, không bao giờ đứt, mòn được, người ta đâm hoảng, phải tìm cách nhúng vào
át-xít hay gì đó để cho quần áo mau rách hơn). Tóm lại, xưa người ta sản xuất
để tiêu thụ, ngày nay người ta tiêu thụ để cỏ thể sản xuất thêm. Xưa, tiết kiệm
là một đức thì nay (thời văn minh tiêu thụ - ère de consommation) lãng phí mới
là một đức, hơn nữa là một bổn phận đối với quốc gia, đồng bào”. (Phải lãng phí
để thợ có việc làm, nhà buôn có đồ bán, mà đồng bào mới sống được, kinh tế quốc
gia mới thịnh, mà kỹ thuật mới tiến bộ).
Đã từ lâu rồi, chúng
ta thấy những ly, chén đĩa, khăn lau miệng bằng giấy dùng một lần rồi liệng đi.
Trước 1975 tôi đã thấy vài thiếu nữ dạo đường Lê Lợi với những bộ áo bằng giấy
không biết của Mỹ hay nước nào chế tạo. Những cây viết bi chúng ta dùng bây
giờ, hết mực rồi liệng đi. Đã có những cái bật lửa hết “ga” thì liệng đi. Ở Mỹ,
từ cả chục năm trước người ta dùng những ống chích, kim chích một lần rồi liệng
đi, khỏi phải nấu lại để khử trùng.
Có người đã gọi văn
minh ngày nay là văn minh dùng cái gì một lần rồi cũng liệng đi. Có nơi người
ta cất nhà chỉ để ở mươi năm rồi phá đi, cất lại cho mới hơn, hoàn thiện hơn.
Thói chỉ dùng một lần
rồi liệng đi gây cho con người tâm trạng này: không muốn mua cái gì hơi đắt
tiền, mà chỉ muốn thuê: thuê nhà, thuê xe, thuê đồ đạc, Tivi, tủ lạnh, quần áo,
đồ trang sức v.v... Do đó thêm một kỹ nghệ mới, kỹ nghệ cho thuê (industrie de
location).
Họ sản xuất nhiều, họ
phải tiêu thụ mạnh, phải lãng phí. Còn ta, trong những năm 1964-74, chúng ta
chẳng sản xuất được gì cả, mà sống với người Mỹ cũng lây thói lãng phí của họ.
Tôi biết nhiều cô giáo, cô ký lương không bao nhiêu mà tháng nào cũng may một
chiếc áo mới, tủ áo có vài chục cái áo, cả chục cái quần, giày dép bốn năm đôi.
Còn các bà tướng, bà tá, bà nghị viên, bà bộ trưởng... thì nghe nói tủ áo có cả
trăm bộ áo. Họ bận làm sao hết được? Chỉ là vì có thứ hàng mới nhập cảng thì
không mặc thứ hàng cũ nữa, cũng như các ông hoàng Ba Tư, Ả Rập có kiểu xe
Plymouth, Mercédès 1974 thì không lái kiểu xe 1973 nữa. Ngay phụ nữ trong giới
lao động cũng sắm cả chục chiếc áo, toàn thứ tốt. Thời đó thợ kiếm ăn dễ dàng,
tiền công cao hơn công chức hạng trung. Nhiều khi chúng ta không thể chống lại
được thói lãng phí đó. Chính tôi năm 1955, mua một cái máy thâu thanh kiểu cũ,
lớn như cái tủ; chỉ ba bốn năm sau phải mua thêm một cái máy transistor vì nó
tiện hơn nhiều, dời từ phòng này qua phòng khác, mang đi xa được, và có nó rồi
thì cái cũ không dùng tới nữa, bán không ai mua, cũng phải liệng đi thôi. Máy
ghi âm cũng vậy, cứ hàng năm lại có một kiểu mới hơn, tiện hơn, hoàn hảo hơn,
hễ có tiền thì ai mà không muốn thay cái mới.
Cái hại là chúng ta
sản xuất không bằng một phần 1.000 của Mỹ mà xài như Mỹ, quen thói lãng phí của
Mỹ. Honda chạy đầy dường, không ai chịu đi bộ nữa. Thanh niên, học sinh không
kiếm được một đồng mà uống la ve, hút thuốc thơm. Các bà các cô thì mỗi tháng
hay nửa tháng đi “gội đầu” (nghĩa là uốn tóc lại) một lần ở một tiệm uốn tóc.
Các chị bếp cũng bôi dầu thơm Immortel; bà chủ thì dùng Chanel. Còn nhiều xa xỉ
nữa mà tôi không nhớ hết, thú thực cũng không biết hết, vì tôi không ra khỏi
nhà, không dự các cuộc hội họp, thật lạc hậu.
Sài gòn thời Mỹ có cái
bộ mặt như một thành phố Âu Mỹ, khiến một nhân viên Ủy hội Quốc tế Kiểm soát
Hòa bình phải khen là tân tiến hơn nhiều thành phố của họ.
Cũng may, chúng ta chỉ
chịu ảnh hưởng đó của Mỹ trong mươi năm rồi Mỹ rút lui; bây giờ phải tập sống
khắc khổ trở lại như ông cha bảy tám chục năm trước, hồi đầu thế kỷ. Và cái hại
có khi thành cái may: nhờ nhà nào cũng dư rất nhiều quần áo nên hiện nay dân
chúng Sài gòn, lục tỉnh nữa, chưa đến nỗi rách rưới lắm; và cũng nhờ có nhiều
đồ đạc nên lúc này bán lần đi (người ta gọi là “bán món” - tức bán từng món
một) để sống, cũng đỡ đói được ít năm. Thôi thì mượn câu này của Lưu Cơ đời
Minh, tác giả bài Tư Mã Quý chủ luận bốc để tự an ủi vậy: “Tích nhật
chi sở hữu, kim nhật vô chi, bất vi bất túc” (Trước kia có mà nay
không, không phải là không đủ) để tự an ủi vậy.
Đời sống quay cuồng
Vì nhu cầu mỗi ngày
một tăng, vì phải tranh đấu để sống - có khi chẳng phải để sống mà để hơn ông
anh vợ hay ông hàng xóm, nên đời sống hóa bận rộn lạ lùng. Sau bảy năm xa cách,
năm 1953 trở về Sài gòn, tôi thấy đời sống ở đây thay đổi quá và đã ghi cảm
tưởng của tôi trong bài tựa cuốn Tổ chức gia đình:
“Các cụ hồi đầu thế
kỷ, bây giờ có sống lại mà đứng ở đường Lê Lợi trong các giờ tan sở chắc phải
hoảng lên và la:
- Có giặc cướp hay đám
cháy nào thế này? Sao mà thiên hạ chạy tán loạn, mặt đăm đăm như vậy?
Chỉ đứng độ năm phút.
nhìn lớp sóng người qua lại, nghe tiếng chuông tiếng còi, các cụ cũng đủ choáng
váng và hồi hộp. Nếu các cụ lại sống chung với chúng ta một buổi sáng thôi,
thấy chúng ta mới 6 giờ đã dậy tập thể dục, rửa mặt, tắm gội, húp vội một ly
sữa ròi bổ nhào ra ngoài phố, tới đầu đường liệng một đồng bạc, giựt một tờ
báo, leo lên xe buýt; tới 12 giờ rưỡi mới về, vẻ mặt bơ phờ, nuốt mấy miếng cơm
rồi lăn ra ngủ, nếu các cụ thấy vậy thì chắc các cụ mau mau từ biệt chúng ta để
vào rừng ở dù chúng ta có đem hết những tiện nghi, xảo diệu của khoa học để dụ
dỗ các cụ ở lại, cũng luống công vô ích”.
Cuộc sống đó cứ mỗi
ngày một thêm ồ ạt, hấp tấp, tới năm 1974 thì đã gần bằng những thị trấn lớn ở
Âu châu. Không biết tới cuối thế kỷ này ở những kinh đô như Paris, Tokyo, New
York, London, Berlin... sẽ ra sao, chứ bây giờ tôi thương hại cho lũ con cháu
tôi ở Âu Mỹ quá. Chúng bận rộn vội vã từ sáng sớm, sáu bảy giờ tối mới về nhà,
không có thì giờ săn sóc con cái, chuyện trò với người thân nữa. Bạn chúng có
người 6 giờ sáng phải lên xe lửa để 8 giờ tới sở, chiều 4 giờ lại ngồi xe lửa
hai giờ nữa để về nhà. Mỗi ngày mất bốn giờ ngủ gục trên xe.
Người Âu Mỹ nghỉ mỗi
tuần hai ngày thứ bảy và chủ nhật, nhưng hai ngày đó họ cũng không ở nhà mà lái
xe hơi đưa nhau đi chơi ở vùng ngoại ô thành phố vì họ ngán không khí thành phố
quá. Họ hấp tấp đi, hấp tấp về, rốt cuộc hai ngày nghỉ cũng như hai ngày làm
việc.
Tôi mới đọc cuốn Travailler
deus heures par jour - Adret - Editions du Seuil 1977, thấy tình cảnh
một số thợ thuyền ở Paris, mới đáng thương: để có đồng lương đủ sống, họ phải
làm việc 48 giờ một tuần, mỗi ngày 8 giờ, cứ mỗi tháng thay phiên nhau kíp làm
buổi sáng, kíp làm buổi chiều, kíp làm ban đêm, sức kiệt đi, thần kinh căng
thẳng, không còn sức, thì giờ để vợ chồng ái ân với nhau nữa.
Nghỉ hè một tháng,
người ta lại “vù” đi du lịch, lên núi, xuống biển, ngày cuối cùng mới về nhà.
Nhà đối với họ không còn là cái “foyer”, cái “sweet home”, cái tổ ấm nữa, mặc
dầu nó rất giống cái chuồng bồ câu như Lâm Ngữ Đường đã nói. Tôi không hiểu họ
đọc cuốn The Importance of living của Lâm, có thèm đời sống của phương Đông
thời chưa nhiễm văn minh của họ không. Tôi chắc có, nên cuốn đó mới được đứng
vào hạng “best seller” (bán chạy nhất) ở Mỹ.
Nhà đối với ho chỉ là
chỗ để tối về ngủ, mà mỗi tuần có kẻ chỉ về ngủ ba bốn đêm, còn thì họ mắc đi
tỉnh này tỉnh nọ, nước này nước khác; họ dời chỗ hoài, có người gọi họ là bọn
“nouveaux nomades”, bọn nay đây mai đó của thời đại mới.
Ở Mỹ cứ mỗi ngày xây
đắp thêm 300 cây số đường sá. Có kẻ đi từ tỉnh này qua tỉnh khác để chữa răng,
để may quần áo. Ở Thụy điển mỗi năm có 1.200.000 du khách ngoại quốc. Và một em
gái ở Mỹ khóc: Con đã chín tuổi rồi mà chưa được thấy châu Âu. Họ mắc một thứ
bệnh nặng: bệnh xê dịch.
Cảm giác bất an - Thời
đại kỹ nghệ điện tử
Thay đổi đồ dùng, thay
đổi chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, thay đổi vợ chồng... cái gì cũng phù du, tạm
thời, do đó mà con người có cảm giác bấp bênh, bất an.
Ở nước ta chưa đến nỗi
như vậy, nhưng vì tình hình thế giới cứ căng lại giãn, lạnh lại nóng từ sau thế
chiến đến nay, cứ phập phồng vì thế chiến thứ ba, vì họa nguyên tử; nhất là vì
tình hình trong nước, chiến tranh liên tiếp ba chục năm, trải biết bao “triều
đại”, thấy bao cảnh tang thương, cảnh sụp đổ, cảnh lên voi xuống chó, phá giá
đồng bạc... cho nên cũng sinh ra ưu tư. Thuốc an thần bán đã gần chạy như châu
Âu, và người ta đã bắt đầu thấy thiếu nhiều y sĩ chuyên trị thần kinh.
Làm sao không có cảm
giác bất an cho được? Kiến thức của loài người trong 25 năm tăng lên gấp 4 lần.
Những điều tôi học hồi xưa nay hóa ra lạc hậu hết, nhất là môn toán. Con tôi
phải học thuộc lòng bảng cửu chương như tôi, nhưng con nó sẽ khỏi phải học như
nó vì có cái máy tính điện tử nhỏ bằng bàn tay giá chỉ độ 100 quan làm thay bốn
phép và thêm một vài phép nữa cho chúng. Các trường đại học Âu Mỹ mỗi năm mỗi
mở thêm nhiều môn học, sinh viên muốn lựa môn nào tùy ý. Nghe nói người ta có
thể sẽ bỏ những kỳ thi đại học nữa. Cũng chẳng cần tới giảng đường: cứ ở nhà tự
học bằng ti vi, bằng máy điện tử, tùy theo chương trình, nhịp tiến của mình.
Đồ gì cũng chỉ dùng
trong ít năm rồi liệng bỏ. Sách cũng vậy. Một tác giả nổi tiếng được dăm năm là
nhiều, một lác phẩm bán được ba bốn năm là khá lắm rồi.
Hiện nay ở nước ta,
gia đình còn là nơi vững bền, ổn cố nhất trong xã hội; ở thôn quê, vợ chồng,
cha mẹ, con cái còn thắm thiết gần như xưa, nhưng rồi đây với trào lưu hôn nhân
tự do, hôn nhân thử, trào lưu dùng thuốc và dụng cụ ngừa thai, trào lưu thoát
ly gia đình, cả ở Âu lẫn Á, ở các nước tư bản lẫn các nước xã hội chủ nghĩa,
thì gia đình sẽ ra sao?
Ở phương Tây, còn thêm
một nguyên nhân lo lắng, bất an nữa: đời tư của cá nhân bị kiểm soát chặt chẽ.
Mới trên ba chục năm
trước (1947), Wiener viết một cuốn sách (nhan đề là Cybernétics) về kỹ thuật
các hệ thống tự điều khiển, rồi mươi năm sau các máy tính điện tử bắt đầu được
phổ biến ở Mỹ, ngày nay các máy điện tử (ordinateur) lan tràn khắp châu Âu và
vài xứ châu Á, mở màn cho một cuộc cách mạng nữa, cho một thời đại, thời đại kỹ
nghệ điện tử (technétronique).
Chỉ trong vài chục năm
nay các máy điện tử phát triển, tiến bộ ghê gớm: trước kia phải dùng một hệ
thống máy chật mấy căn nhà thì nay chỉ cần dùng một cái máy nhỏ xíu mỗi chiều
vài li (?); trong mười năm, giá máy giảm đi ngàn lần.
Người ta phải tạo một
môn học - môn informatique - để dạy cách sử dụng các máy đó và môn này cũng
phát triển song song với máy; hiện nay đã có một tự điển gồm một vạn thuật ngữ.
Tôi không hiểu môn đó, nhưng đọc báo chí, tôi đoán công dụng của máy như sau:
ta biết được một điều gì đó, chẳng hạn ta gởi vào ngân hàng bao nhiêu tiền, hôm
nào rút ra bao nhiêu, hôm nào bỏ thêm vô bao nhiêu v.v..., máy ghi hết cho ta;
nửa năm hay một năm sau, ta muốn biết còn bao nhiêu tiền thì chỉ bấm một cái
nút, máy cho ta biết liền; hoặc ta muốn rút ra một số lớn hơn số ta còn trong
trương mục thì máy tự động báo cho ta biết rằng ta không còn đủ tiền. Máy nhớ
giùm cho ta, tính toán giùm ta, lại có thể cho ta biết nên làm ra sao nữa. Đó
là thí dụ đơn giản nhất. Máy có thể làm những việc phức tạp, khó khăn gấp ngàn,
gấp triệu lần như thế.
Hiện nay hết thảy các
nước tiến bộ ở Mỹ, Âu, cả Nhật nữa đều dùng máy điện tử trong việc hành chánh
và trong kỹ nghệ, thương mãi. Sinh viên đại học cũng dùng rồi. Ở nước ta năm
1979 đã thấy bán lậu những máy tính nhỏ, những đồng hồ điện tử.
Ở Pháp năm 1978, nhà
Julliard xuất bản cuốn L’informatisation de la société. Cuốn đó là bản báo cáo
của hai nhân viên quan trọng trong bộ tài chánh gởi lên Tổng thống Valéry
Giscard d’Estaing về ảnh hưởng của máy điện tử tới xã hội.
Đại khái thì về:
- hành chánh sẽ có sự
phân tán trách nhiệm, các cơ quan thấp sẽ đươc một phần tự trị, nhiều cơ quan
phải rút bớt nhân viên như sở Bưu chính (tư nhân có thể tự in lấy báo), sở Công
an, sở Thuế...; dân chúng sẽ đòi được cùng với nhà cầm quyền lập các kế hoạch
cho quốc gia;
- kỹ nghệ, sản xuất sẽ
tăng mạnh. nhưng nhân viên văn phòng không tăng;
- thương mãi cũng vậy,
phát triển hơn, nhưng nhân viên giảm đi. nhất là tại các ngân hàng;
- kinh tế: sẽ có nhiều
người thất nghiệp, để giảm số người đó, sẽ phải rút bớt giờ làm việc đi.
Dịch vụ (hoạt động tam
đẳng) sẽ tăng lên: nhiều thì giờ rảnh, người ta sẽ đọc sách, chơi nhạc, bơi
lội, du lịch...; kỹ nghệ chuyên chở sẽ phát triển...
- giáo dục: sinh viên
có máy điện tử nhỏ, riêng, có thể tự học, nhanh hay chậm tùy sức mỗi người, họ
không cần nhớ nhiều nữa mà cần có óc tưởng tượng, có sáng kiến, khéo dùng những
điều máy điện tử chỉ cho họ.
Tóm lại là máy điện tử
sẽ tạo một lối phát triển mới, một xã hội mới. Phát minh đó quan trọng hơn tất
cả các phát minh từ trước tới nay, kể cả phát minh chữ viết thời thượng cổ. Về
mặt lợi ích thì rất nhiều, nhưng hại thì cũng có thể rất lớn: chính phủ nào
cũng có thể kiểm soát từng hành vi của mỗi người dân, chẳng hạn ông lớn nào đã
chuyển bao nhiêu tiền hôm nào qua ngân hàng nào ở ngoại quốc, đã nói với “đào”
những gì, đêm nào, tại đâu... hết thảy đều được máy ghi lại, phân loại rồi khi
nào cần dùng thì chỉ bấm một nút là máy “trình” ngay cho chính phủ. Tới lúc đó
thì không còn chút tự do cá nhân nào nữa như Aldous Huxley và G. Orvell đã tiên
đoán trong hai cuốn Le meilleur des mondes và 1984.
Tác giả (tôi quên tên)
cuốn Une société sans défense (một xã hội mà cá nhân không có
cách tự vệ) bảo muốn ghi lý lịch của trên 200 triệu dân Mỹ (lý lịch mỗi người
khoảng 12 trang) thì chỉ cần 1.400 mét băng từ khí (bande magnétique); và hiện
nay ở Mỹ đã có 70 triệu người (tức 1 trên 3 người) lý lịch bị thâu băng rồi.
Một ngày kia con người
ở khắp nơi, từ lúc sinh tới lúc tử sẽ bị dò xét, ghi các tội lỗi, tật xấu, các
hành dộng, cả tư tưởng nữa... và bị băng từ khí của máy điện tử cột tay cột
chân, bịt miệng, y như xác ướp trong các kim tự tháp Ai Cập.
Chúng ta hiện nay chưa
phải lo như dân chúng Mỹ, nhưng đã thấy rằng khoa học càng tiến bộ thì chính
quyền càng có nhiều phương tiện kiểm soát, đàn áp cá nhân, và cá nhân càng biến
thành con số không trước quyền lực vô biên của bộ máy cai trị.
Tóm lại quân đội Mỹ
qua nước ta chỉ trong khoảng mươi năm, mới cho ta thấy tận mắt vái nét về văn
minh tiêu thụ, văn minh hậu kỹ nghệ của họ mà ta đã có cảm giác bất an về mọi
phương diện:
- bất an vì nhân số
tăng mau mà thực phẩm sẽ thiếu,
- bất an vì các giá
trị cổ truyền sẽ sụp đổ, con người không biết bám víu vào đâu,
- bất an vì các thị
hiếu, các đồ dùng thay đổi hoài,
- bất an vì kinh tế
bấp bênh,
- bất an vì đời sống
quay cuồng. lúc nào cũng bận rộn, trí óc không được thảnh thơi,
- bất an vì các tự do
cá nhân mỗi ngày một mất thêm, đời ta mỗi ngày bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Làm sao chống được với
làn sóng bất ổn, bất an, quay cuồng của thời đại đó để khỏi bị nó nhận chìm?
Trong bài Chúng
la phải làm gì? (Bách Khoa số 424 ngày 1-3-75) tôi đã đưa đề
nghị: phải thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc, định lại
giá trị và mục đích. Phải sống bình dị, trở về thiên nhiên, không tính hạnh
phúc theo lợi tức như người Mỹ, vì hạnh phúc không thể mua được, đánh giá bằng
tiền được. Phải trở về với một số giá trị cổ truyền, giữ một số tục lệ, lễ nghi
để chặn bớt sự thay đổi quá mau của thời đại, nhất là giữ tình gia đình, tình
họ hàng, tình bạn bè, nói chung là tình cảm con người.
Alvin Toffler trong
cuốn Le choc du futur (Mediations - 1973) còn khuyên: không
theo thời thượng, mà trọng những đồ cũ; không mua những đồ nào chỉ dùng một lần
rồi liệng đi; không dự những tổ chức, những cuộc hội họp vô ích; và nếu ở sở
phải thường thay đổi công việc thì ở nhà cứ rán giữ những công việc hằng ngày,
giữ một thời khắc biểu không thay đổi.
Sống như vậy có thể sẻ
bị nhiều người cho là cổ hủ, lạc hậu, nhưng chúng ta không nên sợ dư luận. mà
phải có bản lãnh sống theo ý mình và như Tofller nói, “xã hội nào cũng sẽ cần
những nhóm người biết đứng riêng ở ngoài sự đổi mới”.
Phong hóa suy đồi
Cuối chương XIV tôi đã
nói trong thập niên 30, tuy có phong trào vui vẻ trẻ trung, nhưng chỉ một số ít
thanh niên vì đua đòi, theo “mốt” mà chơi bời, bê tha, chứ xã hội và gia đình
vẫn giữ được truyền thống của phương Đông.
Trong thế chiến II,
một phần vì kinh tế suy, đời sống khó khăn, một phần nữa vì tình hình thế giới,
khiến ai cũng thắc mắc về tương lai của dân tộc, của bản thân, nên phong trào
đó tự nhiên xuống lần, thanh niên hóa đứng đắn hơn.
Thế chiến vừa chấm
dứt, tiếp ngay là cuộc kháng Pháp, tinh thần toàn dân lên cao, ai cũng mong
giành lại độc lập và tự do trước hết. Người ở thành thị thì bỏ nhà cửa, tài sản
ra bưng sống như nông dân, cực khổ mà vui vẻ. Ngay một số phụ nữ quen đài các
cũng hóa ra đảm đang, buôn thúng bán mẹt để mưu sinh trong khi chồng con theo
kháng chiến. Sau vài ba năm, vì lý do này hay lý do khác, một số phải trở về
thành, nhưng sống giản dị, cần kiệm, một phần vì lo xây dựng lại, một phần vì
phải giúp đỡ bà con ở vùng tự do. Vả lại, đồng bào còn phải đổ máu mà mình sống
cuộc đời sa hoa thì lương tâm không yên. Nhiều người bỏ sở. kiếm sạp bán báo,
bán vải, hoặc bán phở, bán bún. Vì tất cả những lẽ trên, tôi cho rằng thời
kháng Pháp là thời dân tộc mình có đạo đức nhất. Khi quốc gia lâm nguy, chúng
ta càng tỏ ra xứng đáng với tổ tiên.
Sau khi non sông chia
hai, trong mươi năm đầu (1954-64), riêng ở miền Nam, xã hội không thay đổi bao
nhiêu, vì ai cũng lo kiến thiết lại. Chỉ từ khi trên nửa triệu quân Mỹ đổ vào
miền Nam, xã hội mới xáo động mạnh. Đầu chương XXII, tôi đã kể qua cái họa bọn
lính Mỹ gây ra chỉ vì chúng vung tiền ra nhiều quá, khiến cho dân mình sa đọa,
y như ở Trung Hoa trong những năm 1945-49.
Mỹ mướn thư ký trả
lương gấp ba, gấp năm chính phủ mình, thuê nhà cũng vậy; mướn người ở gái, trả
công gấp mười chủ Việt, nếu chịu bán thân cho chúng, được chúng “bao” thì không
có giá nào cả, có thể một sớm một chiều, từ một gái quê thành bà nọ, bà kia.
Một bọn người ham tiền, bán linh hồn cho quỷ: có những ông phán dời bàn thờ tổ
tiên xuống một căn nhà sau, bên cạnh bếp, để nhà trên cho Mỹ mướn; có những
thiếu phụ, thiếu nữ bỏ chồng, bỏ cha mẹ để theo Mỹ trắng, Mỹ đen mà được ăn
sung mặc sướng; đàn ông thì bỏ sở, xin làm cho Mỹ, rồi theo gái bán “bar”, lợi
dụng gái để buôn lậu... Tiền kiếm dễ dàng quá, người ta tha hồ huy hoắc trong
những “snack bar” (quán ăn cho Mỹ), những “bia ôm” (quán bán bia mà cô bán hàng
để cho khách ôm dưới ánh đèn mờ mờ), những nhà “tắm hơi”, những quán cà phê có
nhạc giật gân, phía trong chiếu “film con heo”. Chỗ nào có lính Mỹ đóng thì chỉ
vài ba ngày, những ổ trụy lạc đó mọc lên rồi, làm ăn rất thịnh vượng. Do đó mà
sinh ra đủ các tệ đoan: nghiện xì ke, ma túy, ăn cắp, hổi lộ, đĩ điếm; gia đình
tan rã, em tố cáo chị theo Việt cộng, vợ phản chồng, giết chồng...
Bê bối nhất là bọn
quân nhân; tướng tá mua quan bán chức, một ghế Tỉnh trưởng, Quận trưởng giá bao
nhiêu đó, mua được rồi thì đua nhau ăn hối lộ, làm sao cho trong một năm hay
sáu tháng “gỡ gạc” lại đủ vốn; tất nhiên, như mọi thời, có kẻ bắt vợ làm điếm
cho Mỹ để được thăng chức. Họ buôn lậu vàng, ma túy; họ xin hoặc chiếm đất lập
đồn điền, cất nhà. Ở Long Xuyên họ lấp một cái hồ trong một khu yên tĩnh nhất
để chia nhau cất biệt thự (cuối 1976 đã bị tịch thu). Họ thành một giai cấp bạo
phát, hống hách.
- Trong thời Ngô Đình
Diệm, như tôi đã nói, Công giáo phát triển rất mau; từ khi Diệm bị giết. Phật
giáo phát triển còn mạnh hơn nhiều: chùa mọc lên như nấm (ngay trước nhà tôi,
trong hẻm Kỳ Đồng, người ta dựng xong một ngôi chùa cây trong một đêm), cả
những người không bao giờ bước chân tới chùa cũng tự xưng là Phật tử, các Thầy
được kính như Phật sống; dĩ nhiên hạng chân tu rất hiếm. Vị trụ trì một ngôi
chùa nọ bảo tôi: “Có ở trong mền, mới thấy mền có rận. Không một nhà sư nào
dưới sáu mươi tuổi mà không phạm giới; trong ngũ giới - sát sinh, trộm cắp, tà
dâm, vọng ngôn, uống rượu - họ chỉ tránh được giới cuối cùng”. Tôn giáo nào
cũng vậy, nhất là Phật giáo rất tự do, không có qui chế chặt chẽ, hễ phát mạnh
quá thì chỉ có lợi cho giáo đường mà giáo lý phải suy, vì người ta phải theo
những luật của các tổ chức kinh doanh, phải làm vừa lòng một số tín đồ, lập các
đàn chay, hội hè, phải cúng sao, giải hạn... càng ngày càng xa đạo lý nguyên
thủy. Một số thượng tọa thời đó được chính quyền kính nể, vì có công lật đổ chế
độ nhà Ngô, nên họ muốn gì được nấy; ai theo họ thì được họ ủng hộ để giành
quyền hành. Trong dân gian đã có câu: “Nhất đĩ, nhì Thầy, tam tướng, tứ?...”
(tôi quên). Câu đó tóm được tình trạng xã hội sau năm 1963.
Trường học công còn
giữ được chút kỷ luật, nhưng càng về sau trường thi càng mất trật tư, thí sinh
ngang nhiên đánh phép, có thí sinh quân nhân vô phòng rồi, đặt súng sáu trên
bàn để dọa giám thị, rồi mở sách ra chép bài, thậm chí một số giám thị không
dám gác phòng thi nữa, và một giáo sư giám khảo bị thí sinh giết ở giữa thị xã
Nha Trang vì nghiêm khắc với chúng. Do đó học sinh cũng không chịu học, chỉ
luyện cách lén đem tài liệu vào phòng thi để “quay phim”.
Trường tư thì khỏi
phải nói: không còn được là nơi bán chữ nữa mà chỉ là nơi bán chứng chỉ, học
bạ. Học sinh làm chúa trong lớp, giáo sư cứ giảng mà chúng cứ nói chuyện, đùa
nghịch với nhau.
- Thời càng loạn thì
những môn bói, lý số càng được nhiều người tin. Chiến tranh liên miên mấy chục
năm, xã hội lại bất công, có khả năng, có gắng sức cũng vô ích, vậy thì biết
tin ở gì bây giờ? Các “mét” coi chữ ký, chỉ tay, các cô bói bài tây, các thầy
bói, gần như không khu nào không có. Báo chí đua nhau đăng mục Tử vi hằng ngày
(!); các sách tử vi, tử bình, bói xuất hiện nhan nhản, bán chạy hơn cả sách báo
khiêu dâm. Sự mê tín cơ hồ như bất tử. Xã hội còn bất công, còn những kẻ nghèo
khổ, bị áp bức thì không sao dẹp mê tín được. Họ phải mê tín để có chút hy
vọng. Từ 1945 đến nay, tôi thấy cái lý trí của loài người, kể cả hạng người gọi
là trí thức, yếu ớt một cách thảm hại, luôn luôn bị tình cảm chi phối.
Biết bao nhiêu người
vì lẽ này hay lẽ khác không chịu chấp nhận thực tế, đêm ngày chỉ mơ tưởng một
cuộc thay đổi để trở lại đời sống cũ, xã hội cũ. Họ theo dõi kỹ thời cuộc, đi
đây đi đó để ngóng tin tức, đọc báo, bắt các đài thông tin ngoại quốc, chỉ rình
những tin hợp với ước vọng của họ, gạt bỏ những tin khác, có khi lại giải thích
tin tức một cách rất vô lý, theo ước vọng của họ, bất chấp sự thực, bất chấp
lô-gíc. Chẳng hạn được tin Việt Nam sẽ “xuất khẩu” 15.000 công nhân qua Đông
Âu, họ hoan hỉ, bảo: “Đúng rồi. Chính thể này sắp sụp đổ rồi. Chúng lo di tản
trước, những đảng viên trung kiên, ‘gạo cội’ nhất, rồi tới phút chót, chúng sẽ
chuồn cho dễ; chứ đâu phải là xuất khẩu công nhân; tụi Đông Âu đâu có cần công
nhân của một nước lạc hậu như mình”.
Hai câu sấm: “Mã đầu
dương cước anh hùng tận, Thân dậu niên giai kiến thái bình” của Trạng Trình,
những năm 1956-57 (Bính Thân, Đinh Dậu), đi đâu cũng nghe thấy người ta nhắc
tới; hai năm Thân, Dậu sau (1968, 1969) người ta lại lôi ra để hi vọng chiến
tranh sắp chấm dứt, sắp thái bình; rồi năm ngoái (1980) tôi lại được nhiều
người bảo năm Canh thân này hai câu ấy mới ứng, “vì trong sấm giảng của Thầy Tư
Hòa Hảo cũng bảo ‘năm năm sáu tháng cơ hàn’ mà từ ngày 30 tháng tư năm 1975 tới
tháng 10 D.L. này, đúng 5 năm 6 tháng, sẽ hết cơ hàn, hết nạn cộng sản”. Tôi
bảo câu của Thầy Tư phải sửa là “năm năm tháng tháng cơ hàn” thì mới đúng, họ
làm thinh.
1980 đã qua, 1981 cũng
sắp qua, tôi không biết họ có tìm được câu sấm nào khác không, nhưng tôi chắc
chắn 10-11 năm nữa tôi lại sẽ được nghe hai câu sấm Trạng Trình nữa, nếu tôi
còn sống.
Không kiếm được câu
sấm Việt nào, họ tìm cả sấm của Nostradamus của Pháp; nếu cũng không có nữa thì
họ lục những bài giáng bút - nhiều vô số - trong các buổi cầu cơ của khắp các
đàn xa gần, để có một chút hi vọng trong một thời gian.
Họ là những người ghét
thực tế, rồi đâm ra trốn thực tế, sợ sự thực, luôn luôn sống trong mộng, tưởng
tượng ra một bọt bèo để bám vào, mong khỏi chết đuối; bọt bèo đó tan hay chìm,
họ lại tưởng tượng bọt bèo khác, cứ như vậy luôn ba chục năm, từ 1945 đến nay.
Họ là những người đáng thương nhất trong thời đại này.
Lính Mỹ chỉ đóng ở
những thành phố lớn như Sài gòn, Tourane, Cần thơ, Huế, Đà lạt, và những nơi
quan trọng về quân sự như Biên hòa, Vũng Tàu, Cam ranh.... nên chỉ ở những nơi
đó xã hội mới sa đọa nhiều. Còn ở những tỉnh nhỏ như Long Xuyên, Rạch Giá, Sa
Đéc, nhất là ở thôn quê, trong những gia đình tiểu tư sản (thầy kí, thầy giáo,
tiểu thương) và nông dân, thì truyền thống vẫn giữ được
Mà chúng cũng chỉ đóng
ở miền Nam có mươi năm, sau ngày 30-4, trong nửa năm đầu, nạn trụy lạc gần như
mất hẳn. Nhưng chỉ cuối năm 1975, sau khi đổi tiền lần đầu, người Nam thấy một
số khá đông cán bộ ở Bắc vô, ở bưng về cũng thối tha, hối lộ, ăn cắp, đĩ điếm,
thèm khát mọi khoái lạc, nên đã bắt đầu coi thường họ; và chỉ hai ba năm sau,
họ cũng sa đọa gần như thanh niên Sài gòn, chỉ thiếu cái tật “phi xì ke”, và
chính quyền phải vội vàng chặn lại. Nghe nói thanh niên Hà Nội cũng bị lây nữa,
nhưng nhẹ hơn.
Đó là lỗi của xã hội.
Một xã hội muốn cho lành mạnh, có đạo đức thì phải ổn định, mà muốn ổn định thì
phải công bằng, ai cũng có công ăn việc làm, đủ ăn đủ mặc. không có kẻ giàu
quá, kiếm tiền dễ quá, cũng không có kẻ nghèo quá, làm tối tăm mặt mũi mà vẫn xác
xơ, phải ăn độn quanh năm với rau muống, mỗi năm không được một bộ quần áo.
Xã hội Việt Nam từ
1945 trở về trước tương đối ổn định vì sự cách biệt giữa người giàu quá và kẻ
nghèo quá không đến nỗi lộ liễu, chướng mắt. Từ 1965, ở miền Nam, quân đôi Mỹ ồ
ạt vào, làm mất sự ổn định: nhiều kẻ dựa vào Mỹ kiếm tiền rất dễ, làm giàu rất
mau, huy hoắc không thể tưởng tượng được, mà họ thường thiếu tư cách, cho nên
phong hóa phải suy đồi. Hiện nay (1981), ở Nam cũng có một số cán bộ và con
buôn, nhờ hổi lộ, buôn lậu mà làm giàu, trong khi đa số người lương thiện có
học chịu cảnh thất nghiệp, bữa cơm bữa cháo, xã hội do đó không ổn định, lành
mạnh được. Nhà cầm quyền chắc hiểu điều đó mà chưa tìm được biện pháp nào hữu
hiệu. Nhưng quốc gia ổn định nhất, dân có đạo đức nhất là những nước tài sản
của dân gần quân bình, ai cũng đủ ăn hay dư một chút. như Finlande, Suède,
Norvège... Nhà cũng vậy: giới tiểu tư sản thường có đạo đức nhất vì họ không
giàu quá mà cũng không nghèo. Nghèo quá thì sinh ăn trộm, gian tham, thiếu tư
cách, mà giàu quá thì hóa trụy lạc. Bàí học đó chúng ta nên nhớ.
Chú thích:
[1] Đoạn này trích
trong Mười câu chuyện văn chương, bài kỷ nguyên tiêu thụ và nghề
viết văn. Chỗ nào sửa lại, tôi đặt trong dấu ngoặc đơn.
[2] Coi chú thích
trên.
CHƯƠNG XXIV
Xã Hội Miền Nam Trong Thời Mĩ
Kinh tế miền Nam từ 1945 đến 1974
Trong chương XVI, tôí
đã nói xã hội phương tây trong ba thế kỉ nay trải qua bốn giai đoạn phát triển
kinh tế:
1. giai đoạn dự bi
2. giai đoạn phát triển mạnh
3- giai đoạn thành thục
4- giai đoạn đại chúng tiêu thụ mạnh mẽ tức giai đoạn của châu Âu và Nhật hiện
nay, của Mĩ từ hai, ba chục năm trước.
Chương XIV chúng ta đã biết ở nước mình, giai đoạn dự bị bắt đầu vào khoảng
1925-30: vài nhà như Bạch Thái Bưởi, Trương văn Bền... đã ra kinh doanh, mở nhà
máy, hãng buôn, hãng tàu, hãng xe vận tải, xây cất và xã hội của ta ở các thành
thị đã có một bộ mặt mới trong khi ở thôn quê vẫn là nếp sống thời đại nông
nghiệp. Sự phát triển đó mới được mươi năm thì đã phải ngưng lại vì thế chiến
thứ nhì. Sau thế chiến tới chiến tranh Việt-Pháp, quân Pháp chiếm các thành
thị, nhưng môt phần vì thiếu an ninh, một phần vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn,
một phần nữa vì phải lo đối phó với quân cách mạng, nên tình trạng phát triển
kinh tế không tiến được bao nhiêu: không dựng được nhà máy nào lớn, chỉ thêm
được một số công ti xây cất và công ti thương mãi.
Năm 1953 Pháp thua, lần lần rút ra khỏi miền Bắc; Mĩ thay thế Pháp ở Nam để
ngăn chặn làn sóng cộng sản, mới đầu chỉ giúp Ngô Đình Diệm cố vấn, võ khí, tiền
bạc, rồi từ 1965 thấy tình hình nguy ngập, phải đổ quân lên miền Nam từ 100.000
lên tới nửa triệu, và trước sau Mĩ đã tốn khoảng 200 tỉ đô la mà vẫn không cứu
nổi miền Nam.
Trong tám chín năm liền, đô la, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng, vải, máy móc... đổ
vào như suối. Họ cũng dựng cho ta được một số nhà máy tối tân như nhà máy dệt,
nhà máy giấy... (hầu hết là những kĩ nghệ biến chế, chứ không sản xuất, chế
tạo); tiến bộ nhất là khu vực xây cất: phi trường, xa lộ, cao ốc... và một
người Ba lan trong Ủy hội kiểm soát quốc tế qua Sài gòn năm 1973 phải nhận rằng
Sài gòn lớn hơn, có những dinh thự, cao ốc tối tân hơn kinh đô của họ.
Như vậy so với thời Pháp đã là tiến bộ nhiều, nhưng chúng ta cũng chỉ ở trong
giai đoạn nhì của phương tây, nghĩa là chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh - mạnh
mà không đều, vì vẫn hoàn toàn thiếu kĩ nghệ nặng, thiếu nhà máy chế tạo xe
hơi, máy bay, cả những máy tầm thường như máy thâu thanh, máy bơm, máy cày...
Trái lại, về phương diện khác, vì có trên nửa triệu quân nhân Mĩ vung tiền ra
tiêu xài (các P.X. cơ quan cung cấp nhu yếu phẩm cho họ, bán rất nhiều đồ với
một giá rất rẻ), nên chúng ta được thấy bộ mặt của xã hội hậu kĩ nghệ và một số
người làm việc cho Mĩ cũng được hưởng thụ gần như người Mĩ.
Vậy là về phương diện sản xuất, xã hội Việt nam mới ở đầu giai đoạn 2, mà về
phương diện hưởng thụ lại bước qua giai đoạn 4. Đó là một mâu thuẫn trong tình
trạng xã hội của mình, một xã hội lạc hậu mà do chiến tranh, bị làn sóng văn
minh vật chất tràn vào, gây nhiều biến chuyển tai hại, cuốn theo nhiều giá trị
truyền thống.
Nhân số bộc phát - Nạn đói
Thời nay có một sự cách biệt ghê gớm giữa các nước đã đạt tới giai doạn hậu kĩ
nghệ, lợi tức trung bình hằng năm của mỗi người dân là 5.000 đô la, với các
nước kém phát triển, lạc hậu như nước ta mà lợi tức chỉ là 50 đô la.
Những nước sau chịu hậu quả tai hại của sự bộc phát nhân số, hậu quả đó là nạn
đói.
Những tiến bộ về canh nông, kĩ nghệ, nhất là những tiến bộ về y khoa làm cho tử
suất giảm mạnh trong khi sinh suất đứng nguyên, do đó nhân số tăng lên rất mau,
hiện nay hai lần mau hơn năm 1930, sáu lần mau hơn năm 1650. Năm 1650, phải 200
năm nhân số trên địa cầu mới tăng lên gấp đôi; năm 1850 phải 80 năm, năm 1930
chỉ cần 45 năm, hiện nay chỉ trong khoảng 30-35 năm. Các nhà chuyên môn trong
cơ quan kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc tính rằng tới năm 2.000 nghĩa là
chỉ trong 20 năm nữa thôi, thế giới có từ 6 đến 7 tỉ người. Tôi đoán là từ 7
đến 8 tỉ, vì theo báo chí tây phương, hiện nay (1981) đã đến 6 tỉ rồi.
Ở Việt nam, khoảng 1930 cả nước có độ 20 triệu dân, riêng Nam bộ có độ 5 triệu.
Ngày nay (1980), toàn quốc có 55 triệu dân (mặc dầu có hai chiến tranh chống
Pháp và chống Mĩ, giết hại vài ba triệu mạng người, cả chiến sĩ lẫn thường
dân). Trước thế chiến chúng ta xuất cảng được nhiều gạo vào hạng 2 hạng 3 ở
Đông Á; hiện nay phải ăn độn ngô khoai, sắn, bo bo. Còn chất protéine trong
thịt cá thì chúng ta thiếu tai hại, trung bình mỗi tháng mỗi người chỉ được 50
gam thịt. Người nào không đói thì cũng thiếu chất bổ, thiếu ăn, do đó dễ sinh
bệnh, ốm yếu, không chống nổi với bệnh mà chết.
Nạn nhân mãn, nạn đói đó, tôi đã nhiểu lần nêu lên trên tạp chí Bách Khoa và
trong cuốn Những vấn đề của thời đại từ 1973, 1974, nhưng rất
ít người lưu tâm tới, cứ tin chắc rằng hết chiến tranh người ta sẽ khai phá
những khu đất bỏ hoang và có thể nuôi được vài trăm triệu người (!), có gì mà
lo. Người la không biết rằng không phải đất nào hiện nay còn bỏ hoang cũng có
thể trồng trọt được dễ dàng. Sự thực, tất cả những đất nào có thể trồng trọt
được trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại đều đă trồng trọt hết rồi. Còn những đất
chưa trồng trọt nay muốn khai phá thì tốn kém vô cùng. Không thể cứ chia lô:
phát cho dân nghèo, giúp họ một số vốn nhỏ hoặc cho mỗi người mươi ki lô gạo
mỗi tháng trong sáu tháng hay một năm rồi ít năm sau sẽ thấy cánh đồng mơn mởn
tươi tốt. Phải có những nhà chuyên môn nghiên cứu xem đất hợp với loại cây nào,
có thể đưa nước vào được không; phải đắp những đường nối với lộ chính, phải đào
kinh để khai thông. phải trừ phèn, trừ muối, phải có thuốc trừ sâu, có cách trừ
chuột, phảỉ có phân bón... Một nhà chuyên môn Âu tính sơ sơ, phải tốn cho thế
giới mỗi héc-ta trung bình là 5.000 quan năm 1970 (hay 1965 ?), không biết bằng
mấy chục ngàn bạc ngân hàng Việt nam năm 1980. Khi lôi dẫn con số đó ra. có
người bảo với số tiền đó thì có thể trồng lúa được trên sườn núi Himalaya. Tôi
không biết sườn núi Himalaya ra sao, nhưng tôi biết rằng muốn biến đổi khu rừng
nước mặn Cà mau, cánh đồng nước phèn Tháp Mười thành ruộng lúa không phải là
việc dễ; bắt tay vào việc ngay bây giờ, tới đầu thế kỉ XXI chưa chắc đã thành
công, mà lúc đó thì dân số của ta tăng lên đến 80-90 triệu rồi, sự sản xuất của
hai khu vực đó nuôi được bao nhiêu triệu dân, đủ bù vào số tăng dân số không?
Hạn chế sinh đẻ. Mất các giá trị cổ truyền
Đất đai không đủ nuôi người thì phải giảm miệng ăn đi nghĩa là phải hạn chế
sinh đẻ. Ở các nước phát triển mạnh, mặc dầu dư ăn, nhưng vẫn thiếu chỗ ở, người
dân đã biết tự hạn chế sinh đẻ: mỗi cặp vợ chồng trung bình chỉ có từ hai đến
ba con; ở nước ta, rất nhiều gia đình có năm sáu con, có khi mười, mười hai
con, trung bình là bốn con.
Hạn chế sinh đẻ thì phải dùng những phương pháp ngừa thai, sẽ làm xáo trộn
phong tục, luân lí cổ truyền. Đức hiếu sẽ không còn hoặc sẽ phải thay đổi:
không có con trai không còn là bất hiếu nữa, con gái được đặt ngang với con
trai; không còn quan niệm: "Nhất nam viết hữu, thập nứ viết vô"; sự
thờ phụng tổ tiên sẽ giảm đi nhiều, một ngày kia sẽ không còn; đức trinh tiết
có thể sẽ thành một tật xấu, rồi đây người ta sẽ bắt chước Mĩ, trở lại chế độ
kết hôn thử, đổi vợ đổi chồng thời sơ khai, như trong cuốn Couples của John
Updike xuất bản ở Mĩ năm 1968, bán chạy như tôm tươi. Hầu hết giới trí thức
trong một thị xã nhỏ nọ mặc nhiên đổi vợ đổi chồng với nhau. Một nhân vật còn
bảo anh em, chị em ruột giao hoan với nhau thì không phải là loạn luân mà là tự
nhiên như loài gà, loài chó, loài mèo. Họ viện lẽ phải tôn trọng tự do cá nhân,
hạnh phúc cá nhân, mà tha hồ phóng đãng về nhục dục, nhưng họ không hiểu rằng
nếu không điều độ, không tự chủ thì không thể có hạnh phúc đươc mà dân tộc nào
quá phóng túng, thiếu tư cách thì sẽ suy vong rất mau. Tới mức đó thì không còn
gia đình, tổ quốc nữa, chỉ còn cá nhân.
Xã hội miền Nam trong những năm 1964-74, tại thôn quê vẫn còn ổn định giữ được
truyền thống cũ; nhưng tại những châu thành lớn hơn như Sài gòn, trong giới
thanh niên. đã có những sự bất ổn, mất thăng bằng về tinh thần và như Fourastié
- một kinh tế gia và xã hội học gia Pháp - nói: "bị đặt vào giữa một
quá khứ "lạc hậư” và một vị lai không biết sẽ ra sao, mất những truyền
thống luân lí, tôn giáo cũ mà chưa tìm được một triết lí nào thích hợp cho thời
đại mới, (họ) chỉ biết sống cho qua ngày tùy theo những đòi hỏi đoản kì không
liên lạc gì với nhau."
Họ không còn tin tưởng gì cả, không ham học, không ham làm việc, không ham
thành công, nếu phải làm việc cho đủ sống thì họ làm tà tà; họ mất đức lo xa,
cần kiệm của thời đại nông nghiệp, mất tinh thần ganh đua của thời đại kĩ nghệ,
họ chỉ thích hưởng lạc lúc nào hay lúc đó; họ hít, hút, chích các thứ ma túy để
thoát li thực tại; mà ma túy thì đầy đường, do các tướng tá dùng phi cơ chở từ
nước ngoài vào bán cho lính Mĩ và cho họ. Họ thành Hippy.
Thị dân tăng lên quá mau.
Nền kinh tế trái luật kinh tế
Sự bộc phát nhân số còn hai hậu quả nữa:
- sự khan hiếm nguyên liệu: người ta lo rằng các mỏ dầu lửa, mỏ than, sắt,
đồng, kẽm… sẽ cạn một ngày gần đây, nếu không cạn hẳn thì cũng ở rất sâu trong
lòng trái đất khai thác rất tốn; ngay cả nước nữa cũng sẽ thiếu vì loài người
tiêu thụ những nguyên liệu đó mỗi ngày một nhiều lên;
- sự nhiễm uế của hoàn giới: đất đai, sông ngòi, không khí… bị nhiễm uế do xe
hơi và nhà máy trút ra; thêm nạn đổ rác thành đống hôi thối ở giữa thành thị
hoặc ven thành thị; nạn dùng các chất trừ sâu bọ như chất DDT hiện nay chỉ mới
cấm dùng ở Mĩ; nạn phóng xạ của các nhà máy nguyên tử lực...
Những hậu quả đó ở nước mình hiện nay chưa đáng lo vì kĩ nghệ chưa phát triển, cho
nên tôi không xét ở đây mà chỉ xin nói về hai hiện tượng bất thường trong các
thành phố miền Nam:
- dân phố trong các thành phố tăng lên quá mau, không kém Âu, Mĩ.
Trong thời đại nông nghiệp, 90% số người hoạt động trong nước chuyên về canh
tác, mục súc để lo thỏa mãn nhu cầu cấp thiết nhất là ăn; nhu cầu đó các nhà
kinh tế học gọi là nhu cầu sơ đẳng và những hoạt động canh tác, mục súc gọi là
hoạt động sơ đẳng. Trong nước chỉ có khoảng 5% số người hoạt động để chế tạo
các đồ dùng như quần áo, con dao, lưỡi cày, cái giường, cái chén và xây cất nhà
cửa mà các nhà kinh tế học gọi là hoạt động nhị đẳng; sau cùng 5% nữa lo thỏa
mãn nhu cầu tinh thần của mọi người, gọi là nhu cầu tam đẳng và những hoạt động
của họ (trị dân, dạy hoc, buôn bán, phục vụ nghệ thuật…) gọi là hoạt động tam
đẳng. Thời đó thành thị rất nhỏ, dân trong thành thị chỉ bằng 5-6% dân trong
nước.
Qua thời đại kĩ nghệ, kĩ thuật tiến bộ, nhiều nơi sản xuất đủ thực phẩm rồi,
nghề nông không còn lợi nữa, nông nhân hóa dư ở thôn quê, hoạt động của số dư
đó chuyển qua nhị đẳng; đâu đâu cũng có những cuộc di cư ra thành thị kiếm ăn,
số người trong các hoạt động sơ đẳng giảm đi, từ 90% xuống còn 40, 30, 20% tổng
số người hoạt động, mà số công nhân trong hoạt động nhị đẳng tăng từ 5% lên tới
20, 30, 40% tổng số người hoạt động trong nước; đồng thời số người hoạt động
tam đẳng cũng tăng lên theo. Thành thị đã hóa lớn, chiếm 30-40% dân trong nước.
Hiện nay ở các nước kĩ nghệ phát triển mạnh nhất như nước Mĩ, hoạt động sơ đẳng
chỉ chiếm 5%, hoạt động nhị đẳng độ 20-30%, còn 60-70% là hoạt động tam đẳng;
dân trong các thành phố chiếm trên 50% dân trong nước. Có những thành phố trên
10 triệu dân, còn những thành phố 1-2 triệu dân thì vô số.
Người ta tiên đoán rằng tới cuối thế kỉ, ở những nước đó, 75% số dân trong nước
sẽ sống trong thành phố, hai thành phố ở gần nhau (nghĩa là cách nhau bốn năm
chục cây số như Sài gòn, Long an chẳng hạn) sẽ nối liền với nhau, thành một
thành phố khổng lồ. Và vấn đề giao thông trong các thành phố đó thành một vấn
đề rất khó giải quyết cho chính quyền. Đã có một số người lo rằng rồi đây đất
không đủ để xây cất, nên lập những kế hoạch, dựng những thành phố nhỏ trên mặt
biển, trên không hoặc dưới đáy biển nữa.
Ở miền Nam nước ta, trong hai chiến tranh Việt-Pháp, Việt-Mĩ, các thành phố lớn
như Sài gòn, Mĩ tho, Cần thơ cũng phát triển mạnh nhưng không phải vì Kĩ nghệ
phát triển, vì số công nhân tăng lên mà vì nông dân chạy loạn, phải bỏ vườn
ruộng, ra thành sống cho qua ngày, một số ít thành thợ thuyền, còn đa số sống
về dịch vụ, về hoạt động tam đẳng.
Cuối thế chiến vừa rồi, dân số Sài gòn-Chợ lớn chỉ vào khoảng nửa triệu, (Hà
nội chưa được 200.000 người); năm 1974 dân số lên tới hai hay ba triệu (kể cả
Gia định). Cuối thế chiến, ngồi xe từ Sài gòn vào Chợ lớn còn thấy những khu
đất trống dài cả cây số, ngay khúc từ Cầu bông (Đa kao) vô Bà chiểu cũng còn là
đất trống; rồi khu Bàn cờ, khu Kỳ đồng tôi ở hiện nay, khu Chuồng ngựa... toàn
là đất sình lầy cả, nay nhà cửa san sát, không còn một khoảnh có thể xây cất
thêm được nữa. Trong hai chục năm (1954-74), cao ốc, cư xá mọc lên rất mau;
đường xá ngang dọc chằng chịt, chỉ sáu tháng sau trở lại có khi không tìm ra
được nhà cửa của bạn bè, bà con nữa.
Trong số non hai triệu dân từ các tỉnh đổ về Sàỉ gòn-Chợ lớn đó, già nửa là
nông dân. Họ làm thuê, ở mướn, buôn bán lặt vặt, làm thủ công, lao công, tức
các dịch vụ nhỏ. Không ai làm thống kê xem những năm 1970-74, trong số người
hoạt động ở miền Nam, có mấy chục phần trăm là nông dân (sơ đẳng), là thợ
thuyền (nhị đẳng) và còn bao nhiêu làm dịch vụ. Tôi đoán phỏng hoạt động nhị
đẳng ít người nhất (nhiều lắm là 15-20%), hoạt động sơ đẳng may ra được 40%,
còn lại 40-45% là hoạt động tam đẳng, nghĩa là những người không sản xuất được
gì chiếm tới non nửa. Vậy là từ giai đoạn 1 của tây phương, giai đoạn dự bị,
chúng ta vượt giai đoạn 2, mà nhảy qua giai đoạn 3, giai đoạn thành thục, không
phải về phương diện sản xuất, mà về phương diện tỉ số lao động trong mỗi ngành.
Như vậy trái với luật kinh tế. Nền kinh tế giả tạo đó không thể thịnh được, tồn
tại lâu được. Nguyên do chỉ tại chiến tranh, nhất là tại người Mĩ đổ đô la vô
miền Nam này nhiều quá. Ảnh hưởng tai hại đó còn kéo dài lâu, chưa thể lường
được. Từ sau ngày 30-4, chính quyền đã không giải quyết nổi, mà tình trạng còn
bi đát hơn nữa vì không kiếm được việc cho dân làm.
Sản xuất kém mà tiêu thụ mạnh
Đã không sản xuất mà dân thành thị lại tiêu thụ mạnh như Âu Mĩ. Vể phương diện
tiêu thụ, chúng ta tiến vượt bực, bỏ hai giai đoạn 2, 3 mà nhảy vọt lên giai
đoạn 4, giai đoạn hậu kĩ nghệ (cũng gọi là kỉ nguyên thừa thải: ère
d'abondance).
Khi tôi còn đi học, tất cả gia đình tôi sống trong nền văn minh nông nghiệp.
“Trong thời dại nông nghiệp, con người chỉ lo sao cho khỏi đói trước đã, cho
nên nhà cửa, quần áo, đồ dùng… phải tiết giảm đi, thứ nào cần thiết lắm mới
sắm, mà sắm thì lựa thứ bền chắc nhất, không cần đẹp. Bền chắc là giá trị số 1.
“Nhà cửa chẳng hạn, các cụ nếu có tiền thì lựa toàn danh mộc, không bị mối, bị
mọt. (...) Như ngôi nhà của cụ ngoại tôi tại Hả nội. tôi không biết cất năm nào
dưới triều Tự Đức, tới anh em chúng tôi đã là bốn đời rồi, cột bằng gỗ vẫn còn
tốt (...) (Hiện nay tôi đã có cháu nội mà ngôi nhà ấy vẫn còn vững, vậy là nó
có thể dùng được trăm rưởi năm nữa.) (1)
"Quần áo các cụ may ít thôi nhưng cũng dùng toàn những vải thật bền: “ăn
chắc mặc bền” (…) Chiếc áo bông của mẹ tôi, bận được suốt đời của người. Và có
rất nhiều gia đình thôn quê vào hạng khá giả, giữ được chiếc áo the, chiếc quần
hay váy sồi từ hồi cưới, chết thì liệm theo. Sồi hồi đó dày gần như hàng
"săng tung" của Pháp.
“Còn bàn ghế trong nhà thì thứ nào cũng lão bốn năm chục tuổi là ít. Vì cái gì
cũng phải cho bền. nên thợ làm rất kĩ. Ông bác tôi chỉ muốn đóng một chiếc bàn,
bốn chiếc ghế, một cỗ thọ mà không mướn thợ trong miền, nhắn cho được một chú
thợ cả già từ phủ khác tới rồi nuôi cơm trong nhà cả tháng. Dĩ nhiên gỗ phải
lựa cả năm trước, rồi ngâm, phơi cho khỏi mọt và thật khô". (2)
Ngày nay ở các nước kĩ nghệ phát triển, người ta sản xuất được mọi thứ rất mau
và rất nhiều, thành thử sản xuất là việc dễ, tìm cách tiêu thụ mới khó. Thợ ăn
lương ít hơn một anh chàng rao hàng. Ngành quảng cáo được trọng vì nó giúp cho
sự tiêu thụ bằng cách tạo thêm nhu cầu cho con người.
“Nhu cầu của tôi ngày nay chắc nhiều gấp mười nhu cầu của cha tôi trên nửa thế
kỉ trước. Ông cha chúng ta chỉ cần cơm ba bát, áo ba manh, bây giờ chúng ta cần
có cơm, có sinh tố, có sữa, kẹo; xà bông phải hai ba thứ, khăn có khăn mặt,
khăn mùi xoa, khăn tắm, giày phải vài ba đôi, dép cũng vậy, (áo phải có cả chục
bộ, có bà có cả trăm bộ); nhà phải có bếp ga, có tủ lạnh, có máy thu thanh, máy
ti vi; tháng nào cũng phải mua dăm cuốn sách, chưa kể nhật báo, tuần báo, báo
ta, báo Pháp, báo Mĩ..., toàn là những nhu cầu do khoa quảng cáo tạo ra cho ta
hết (…)
“Nhu cầu lại tạo ra nhu cầu. Chẳng hạn có xe hơi thì không dùng hai cẳng nữa,
bắp chân, bắp đùi tóp đi, thịt nhão nhẹt, lại phải tạo ra một đồ thể thao: nằm
ngửa ra, hai chân đạp như xe đạp để luyện bắp thịt ở chân. Có xe hơi thì không
lẽ chỉ lái tới sở và từ sở về nhà. Phải đi du lịch, thế là thêm biết bao nhiêu
nhu cầu phụ thuộc vào việc du lịch (...) Nhiều xe quá, đường phố mắc nghẽn, lại
phải mở đường cho rộng, đặt đèn xanh, đèn đỏ, xây những đường trên không và
dưới hầm. Cứ mỗi nhu cầu chỉ tạo thêm hai nhu cầu khác thôi thì trong nửa thế
kỉ, nhu cầu tăng theo cấp số nhân, gây ra biết bao việc cho nhân loại.
“Vậy mà sức sản xuất vẫn cao hơn sức tiêu thụ, người ta phải nghĩ cách tăng sức
tiêu thụ lên nữa, để cho xưởng khỏi phải đóng cửa, thợ khỏi thất nghiệp (…)
Người ta phải thay đổi lối sống, thay đổi quan niện về tiêu thụ. Xưa kia, bền
bỉ là giá trị số 1; ngày nay nó bị coi rẻ. Nếu một chiếc đồng hồ dùng được cả
đời người thì thợ đồng hồ thất nghiệp hết. Phải chế tạo nhiều kiểu, đành rồi
(...) mà còn phải làm sao gây cho người ta ý nghĩ rằng đồng hồ chỉ dùng trong
dăm ba năm thôi, dù nó vẫn chạy thì cũng phải liệng đi (nhất là đừng sửa nó khi
nó mới hư một bộ phận, mà phải mua chiếc khác mới hơn).
"Giá trị số 1 ngày nay không còn là bền nữa mà là mới, mỗi ngày mỗi mới:
nhật nhật tân. (Thời người ta mới chế tạo được thứ sợi nylon để dệt quần áo,
thấy nó bền quá có thể dùng hoài, không bao giờ đứt, mòn được, người ta đâm
hoảng, phải tìm cách nhúng vào át-xít hay gì đó để cho quần áo mau rách hơn).
Tóm lại, xưa người ta sản xuất để tiêu thụ, ngày nay người ta tiêu thụ để cỏ
thể sản xuất thêm. Xưa, tiết kiệm là một đức thì nay (thời văn minh tiêu thụ -
ère de consommation) lãng phí mới là một đức, hơn nữa là một bổn phận đối với
quốc gia, đồng bào.” (Phải lãng phí để thợ có việc làm, nhà buôn có đồ bán, mà
đồng bào mới sống được, kinh tế quốc gia mới thịnh, mà kĩ thuât mới tiến bộ).
Đã từ lâu rồi, chúng ta thấy những li, chén đĩa, khăn lau miệng bằng giấy dùng
một lần rồi liệng đi. Trước 1975 tôi đã thấy vài thiếu nữ dạo đường Lê Lợi với
những bộ áo bằng giấy không biết của Mĩ hay nước nào chế tạo. Những cây viết bi
chúng ta dùng bây giờ, hết mực rồi liệng đi. Đã có những cái bật lửa hết “ga”
thì liệng đi. Ở Mĩ, từ cả chục năm trước người ta dùng những ống chích, kim
chích một lần rồi liệng đi, khỏi phải nấu lại để khử trùng.
Có người đã gọi văn minh ngày nay là văn minh dùng cái gì một lần rồi cũng
liệng đi. Có nơi người ta cất nhà chỉ để ở mươi năm rồi phá đi, cất lại cho mới
hơn, hoàn thiện hơn.
Thói chỉ dùng một lần rồi liệng đi gây cho con người tâm trạng này: không muốn
mua cái gì hơi đắt tiền, mà chỉ muốn thuê: thuê nhà, thuê xe, thuê đồ đạc,
Tivi, tủ lạnh, quần áo, đồ trang sức v.v… Do đó thêm một kĩ nghệ mới, kĩ nghệ
cho thuê (industrie de location).
Họ sản xuất nhiều, họ phải tiêu thụ mạnh, phải lãng phí. Còn ta, trong những
năm 1964-74, chúng ta chẳng sản xuất được gì cả, mà sống với người Mĩ cũng lây
thói lãng phí của họ. Tôi biết nhiều cô giáo, cô kí lương không bao nhiêu mà
tháng nào cũng may một chiếc áo mới, tủ áo có vài chục cái áo, cả chục cái
quần, giày dép bốn năm đôi. Còn các bà tướng, bà tá, bà nghị viên, bà bộ
trưởng... thì nghe nói tủ áo có cả trăm bộ áo. Họ bận làm sao hết được? Chỉ là
vì có thứ hàng mới nhập cảng thì không mặc thứ hàng cũ nữa, cũng như các ông
hoàng Ba tư, Ả rập có kiểu xe Plymouth, Mercédès 1974 thì không lái kiểu xe
1973 nữa. Ngay phụ nữ trong giới lao động cũng sắm cả chục chiếc áo, toàn thứ
tốt. Thời đó thợ kiếm ăn dễ dàng, tiền công cao hơn công chức hạng trung. Nhiều
khi chúng ta không thể chống lại được thói lãng phí đó. Chính tôi năm 1955, mua
một cái máy thâu thanh kiểu cũ, lớn như cái tủ; chỉ ba bốn năm sau phải mua
thêm môt cái máy transistor vì nó tiện hơn nhiều, dời từ phòng này qua phòng
khác, mang đi xa được, và có nó rồi thì cái cũ không dùng tới nữa, bán không ai
mua, cũng phải liệng đi thôi. Máy ghi âm cũng vậy, cứ hàng năm lại có một kiểu
mới hơn, tiện hơn, hoàn hảo hơn, hễ có tiền thì ai mà không muốn thay cái mới.
Cái hại là chúng ta sản xuất không bằng một phần 1000 của Mĩ mà xài như Mĩ,
quen thói lãng phí của Mĩ. Honda chạy đầy dường, không ai chịu đi bộ nữa. Thanh
niên, học sinh không kiếm được một đồng mà uống la ve, hút thuốc thơm. Các bà
các cô thì mỗi tháng hay nửa tháng đi “gội đầu” (nghĩa là uốn tóc lại) một lần
ở một tiệm uốn tóc. Các chị bếp cũng bôi dầu thơm Immortel; bà chủ thì dùng
Chanel. Còn nhiều xa xỉ nữa mà tôi không nhớ hết, thú thực cũng không biết hết,
vì tôi không ra khỏi nhà, không dự các cuộc hội họp, thật lạc hậu.
Sài gòn thời Mĩ có cái bộ mặt như một thành phố Âu Mĩ, khiến một nhân viên Ủy
hội quốc tế Kiểm soát hòa bình phải khen là tân tiến hơn nhiều thành phố của
họ.
Cũng may, chúng ta chỉ chịu ảnh hưởng đó của Mĩ trong mươi năm rồi Mĩ rút lui;
bây giờ phải tập sống khắc khổ trở lại như ông cha bảy tám chục năm trước, hồi
đầu thế kỉ. Và cái hại có khi thành cái may: nhờ nhà nào cũng dư rất nhiều quần
áo nên hiện nay dân chúng Sài gòn, lục tỉnh nữa, chưa đến nỗi rách rưới lắm; và
cũng nhờ có nhiều đồ đạc nên lúc này bán lần đi (người ta gọi là “bán món” -
tức bán từng món một) để sống, cũng đỡ đói được ít năm. Thôi thì mượn câu này
của Lưu Cơ đời Minh, tác giả bài Tư Mã Quí chủ luận bốc để tự an ủi vậy: "Tích
nhật chi sở hữu, kim nhật vô chi, bất vi bất túc" (Trước kia có mà nay
không, không phải là không đủ) để tự an ủi vậy.
Đời sống quay cuồng
Vì nhu cầu mỗi ngày một tăng, vì phải tranh đấu để sống - có khi chẳng phải để
sống mà để hơn ông anh vợ hay ông hàng xóm, nên đời sống hóa bận rộn lạ lùng.
Sau bảy năm xa cách, năm 1953 trở về Sài gòn, tôi thấy đời sống ở đây thay đổi
quá và đã ghi cảm tưởng của tôi trong bài tựa cuốn Tổ chức gia đình:
"Các cụ hồi đầu thế kỉ, bây giờ có sống lại mà đứng ở đường Lê Lợi trong
các giờ tan sở chắc phải hoảng lên và la:
- Có giặc cướp hay đám cháy nào thế này? Sao mà thiên hạ chạy tán loạn, mặt đăm
đăm như vậy?
Chỉ đứng độ năm phút. nhìn lớp sóng người qua lại, nghe tiếng chuông tiếng còi,
các cụ cũng đủ choáng váng và hồi hộp. Nếu các cụ lại sống chung với chúng ta
một buổi sáng thôi, thấy chúng ta mới 6 giờ đã dậy tập thể dục, rửa mặt, tắm
gội, húp vội một li sữa ròi bổ nhào ra ngoài phố, tới đầu đường liệng một đồng
bạc, giựt một tờ báo, leo lên xe buýt; tới 12 giờ rưỡi mới về, vẻ mặt bơ phờ,
nuốt mấy miếng cơm rồi lăn ra ngủ, nếu các cụ thấy vậy thì chắc các cụ mau mau
từ biệt chúng ta để vào rừng ở dù chúng ta có đem hết những tiện nghi, xảo diệu
của khoa học để dụ dỗ các cụ ở lại, cũng luống công vô ích."
Cuộc sống đó cứ mỗi ngày một thêm ồ ạt, hấp tấp, tới năm 1974 thì đã gần bằng
những thị trấn lớn ở Âu châu. Không biết tới cuối thế kỉ này ở những kinh đô
như Paris, Tokyo, New York, London, Berlin… sẽ ra sao, chứ bây giờ tôi thương
hại cho lũ con cháu tôi ở Âu Mĩ quá. Chúng bận rộn vội vã từ sáng sớm, sáu báy
giờ tối mới về nhà, không có thì giờ săn sóc con cái, chuyện trò với người thân
nữa. Bạn chúng có người 6 giờ sáng phải lên xe lửa để 8 giờ tới sở, chiều 4 giờ
lại ngồi xe lửa hai giờ nữa để về nhà. Mỗi ngày mất bốn giờ ngủ gục trên xe.
Người Âu Mĩ nghỉ mỗi tuần hai ngày thứ bảy và chủ nhật, nhưng hai ngày đó họ
cũng không ở nhà mà lái xe hơi đưa nhau đi chơi ở vùng ngoại ô thành phố vì họ
ngán không khí thành phố quá. Họ hấp tấp đi, hấp tấp về, rốt cuộc hai ngày nghỉ
cũng như hai ngày làm việc.
Tôi mới đọc cuốn Travailler deus heures par jour - Adret -
Editions du Seuil 1977, thấy tình cảnh một số thợ thuyền ở Paris, mới đáng
thương: để có đồng lương đủ sống, họ phải làm việc 48 giờ một tuần, mỗi ngày 8
giờ, cứ mỗi tháng thay phiên nhau kíp làm buổi sáng, kíp làm buổi chiều, kíp
làm ban đêm, sức kiệt đi, thần kinh căng thẳng, không còn sức, thì giờ để vợ
chồng ái ân với nhau nữa.
Nghỉ hè một tháng, người ta lại “vù” đi du lịch, lên núi, xuống biển, ngày cuối
cùng mới về nhà. Nhà đối với họ không còn là cái "foyer", cái
"sweet home", cái tổ ấm nữa, mặc dầu nó rất giống cái chuồng bồ câu
như Lâm Ngữ Đường đã nói. Tôi không hiểu họ đọc cuốn The Importance of living
của Lâm, có thèm đời sống của phương Đông thời chưa nhiễm văn minh của họ
không. Tôi chắc có, nên cuốn đó mới được đứng vào hạng "best seller"
(bán chạy nhất) ở Mĩ.
Nhà đối với ho chỉ là chỗ để tối về ngủ, mà mỗi tuần có kẻ chỉ về ngủ ba bốn
đêm, còn thì họ mắc đi tỉnh này tỉnh nọ, nước này nước khác; họ dời chỗ hoài,
có người gọi họ là bọn "nouveaux nomades", bọn nay đây mai đó của
thời đại mới.
Ở Mĩ cứ mỗi ngày xây đắp thêm 300 cây số đường sá. Có kẻ đi từ tỉnh này qua
tỉnh khác để chữa răng, để may quần áo. Ở Thụy điển mỗi năm có 1.200.000 du
khách ngoại quốc. Và một em gái ở Mĩ khóc: Con đã chín tuổi rồi mà chưa được
thấy châu Âu. Họ mắc một thứ bệnh nặng: bệnh xê dịch
Cảm giác bất an
Thời đại kĩ nghệ điện tử
Thay đổi đồ dùng, thay đổi chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, thay đổi vợ chồng… cái
gì cũng phù du, tạm thời, do đó mà con người có cảm giác bấp bênh, bất an.
Ở nước ta chưa đến nỗi như vậy, nhưng vì tình hình thế giới cứ căng lại giãn,
lạnh lại nóng từ sau thế chiến đến nay, cứ phập phồng vì thế chiến thứ ba, vì
họa nguyên tử; nhất là vì tình hình trong nước, chiến tranh liên tiếp ba chục
năm, trải biết bao "triều đại", thấy bao cảnh tang thương, cảnh sụp
đổ, cảnh lên voi xuống chó, phá giá đồng bạc… cho nên cũng sinh ra ưu tư. Thuốc
an thần bán đã gần chạy như châu Âu, và người ta đã bắt đầu thấy thiếu nhiều y
sĩ chuyên trị thần kinh.
Làm sao không có cảm giác bất an cho được? Kiến thức của loài người trong 25
năm tăng lên gấp 4 lần. Những điều tôi học hồi xưa nay hóa ra lạc hậu hết, nhất
là môn toán. Con tôi phải học thuộc lòng bảng cửu chương như tôi, nhưng con nó
sẽ khỏi phải học như nó vì có cái máy tính điện tử nhỏ bằng bàn tay giá chỉ độ
100 quan làm thay bốn phép và thêm một vài phép nữa cho chúng. Các trường đại
học Âu Mĩ mỗi năm mỗi mở thêm nhiều môn học, sinh viên muốn lựa môn nào tùy ý.
Nghe nói người ta có thể sẽ bỏ những kì thi đại học nữa. Cũng chẳng cần tới
giảng đường: cứ ở nhà tự học bằng ti vi, bằng máy điện tử, tùy theo chương
trình, nhịp tiến của mình.
Đồ gì cũng chỉ dùng trong ít năm rồi liệng bỏ. Sách cũng vậy. Một tác giả nổi
tiếng được dăm năm là nhiều, một lác phẩm bán được ba bốn năm là khá lắm rồi.
Hiện nay ở nước ta, gia đình còn là nơi vững bền, ổn cố nhất trong xã hội; ở
thôn quê, vợ chồng, cha mẹ, con cái còn thắm thiết gần như xưa, nhưng rồi đây
với trào lưu hôn nhân tự do, hôn nhân thử, trào lưu dùng thuốc và dụng cụ ngừa
thai, trào lưu thoát li gia đình, cả ở Âu lẫn Á, ở các nước tư bản lẫn các nước
xã hội chủ nghĩa, thì gia đình sẽ ra sao?
Ở phương Tây, còn thêm một nguyên nhân lo lắng, bất an nữa: đời tư của cá nhân
bị kiểm soát chặt chẽ.
Mới trên ba chục năm trước (1947), Wiener viết một cuốn sách (nhan đề là
Cybernétics) về kĩ thuật các hệ thống tự điều khiển, rồi mươi năm sau các máy
tính điện tử bắt đầu được phổ biến ở Mĩ, ngày nay các máy điện tử (ordinateur)
lan tràn khắp châu Âu và vài xứ châu Á, mở màn cho một cuộc cách mạng nữa, cho
một thời đại, thời đại kĩ nghệ điện tử (technétronique).
Chỉ trong vài chục năm nay các máy điện tử phát triển, tiến bộ ghê gớm: trước
kia phải dùng một hệ thống máy chật mấy căn nhà thì nay chỉ cần dùng một cái
máy nhỏ xíu mỗi chiều vài li (?); trong mười năm, giá máy giảm đi ngàn lần.
Người ta phải tạo một môn học - môn informatique - để dạy cách sử dụng các máy
đó và môn này cũng phát triển song song với máy; hiện nay đã có một tự điển gồm
một vạn thuật ngữ. Tôi không hiểu môn đó, nhưng đọc báo chí, tôi đoán công dụng
của máy như sau: ta biết được một điều gì đó, chẳng hạn ta gởi vào ngân hàng
bao nhiêu tiền, hôm nào rút ra bao nhiêu, hôm nào bỏ thêm vô bao nhiêu v.v...,
máy ghi hết cho ta; nửa năm hay một năm sau, ta muốn biết còn bao nhiêu tiền
thì chỉ bấm một cái nút, máy cho ta biết liền; hoặc ta muốn rút ra một số lớn
hơn số ta còn trong trương mục thì máy tự động báo cho ta biết rằng ta không
còn đủ tiền. Máy nhớ giùm cho ta, tính toán giùm ta, lại có thể cho ta biết nên
làm ra sao nữa. Đó là thí dụ đơn giản nhất. Máy có thể làm những việc phức tạp,
khó khăn gấp ngàn, gấp triệu lần như thế.
Hiện nay hết thảy các nước tiến bộ ở Mĩ, Âu, cả Nhật nữa đều dùng máy điện tử
trong việc hành chánh và trong kĩ nghệ, thương mãi. Sinh viên đại học cũng dùng
rồi. Ở nước ta năm 1979 đã thấy bán lậu những máy tính nhỏ, những đồng hồ điện
tử.
Ở Pháp năm 1978, nhà Julliard xuất bản cuốn L’informatisation de la société.
Cuốn đó là bản báo cáo của hai nhân viên quan trọng trong bộ tài chánh gởi lên
tổng thống Valéry Giscard d'Estaing về ảnh hưởng của máy điện tử tới xã hội.
Đại khái thì về:
- hành chánh sẽ có sự phân tán trách nhiệm, các cơ quan thấp sẽ đươc một phần
tự trị, nhiều cơ quan phải rút bớt nhân viên như sở Bưu chính (tư nhân có thể
tự in lấy báo), sở Công an, sở Thuế…; dân chúng sẽ đòi được cùng với nhà cầm
quyền lập các kế hoạch cho quốc gia;
- kĩ nghệ, sản xuất sẽ tăng mạnh. nhưng nhân viên văn phòng không tăng;
- thương mãi cũng vậy, phát triển hơn, nhưng nhân viên giảm đi. nhất là tại các
ngân hàng;
- kinh tế: sẽ có nhiều người thất nghiệp, để giảm số người đó, sẽ phảí rút bớt
giờ làm việc đi.
Dịch vụ (hoạt động tam đẳng) sẽ tăng lên: nhiều thì giờ rảnh, người ta sẽ đọc
sách, chơi nhạc, bơi lội, du lịch…; kĩ nghệ chuyên chở sẽ phát triển...
- giáo dục: sinh viên có máy điện tử nhỏ, riêng, có thể tự học, nhanh hay chậm
tùy sức mỗi người, họ không cần nhớ nhiều nữa mà cần có óc tưởng tượng, có sáng
kiến, khéo dùng những điều máy điện tử chỉ cho họ.
Tóm lại là máy điện tử sẽ tạo một lối phát triển mới, một xã hội mới. Phát minh
đó quan trọng hơn tất cả các phát minh từ trước tới nay, kể cả phát minh chữ
viết thời thượng cổ. Về mặt lợi ích thì rất nhiều, nhưng hại thì cũng có thể
rất lớn: chính phủ nào cũng có thể kiểm soát từng hành vi của mỗi người dân, chẳng
hạn ông lớn nào đã chuyển bao nhiêu tiền hôm nào qua ngân hàng nào ở ngoại
quốc, đã nói với "đào" những gì, đêm nào, tại đâu… hết thảy đều được
máy ghi lại, phân loại rồi khi nào cần dùng thì chỉ bấm một nút là máy “trình”
ngay cho chính phủ. Tới lúc đó thì không còn chút tự do cá nhân nào nữa như
Aldous Huxley và G. Orvell đã tiên đoán trong hai cuốn Le meilleur des
mondes và 1984.
Tác giả (tôi quên tên) cuốn Une société sans défense (một xã
hội mà cá nhân không có cách tự vệ) bảo muốn ghi lí lịch của trên 200 triệu dân
Mĩ (lí lịch mỗi người khoảng 12 trang) thì chỉ cần 1.400 mét băng từ khí (bande
magnétique); và hiện nay ở Mĩ đã có 70 triệu người (tức 1 trên 3 người) lí lịch
bị thâu băng rồi.
Một ngày kia con người ở khắp nơi, từ lúc sinh tới lúc tử sẽ bị dò xét, ghi các
tội lỗi, tật xấu, các hành dộng, cả tư tưởng nữa... và bị băng từ khí của máy
điện tử cột tay cột chân, bịt miệng, y như xác ướp trong các kim tự tháp Ai
cập.
Chúng ta hiện nay chưa phải lo như dân chúng Mĩ, nhưng đã thấy rằng khoa học
càng tiến bộ thì chính quyền càng có nhiều phương tiện kiểm soát, đàn áp cá
nhân, và cá nhân càng biến thành con số không trước quyền lực vô biên của bộ
máy cai trị.
Tóm lại quân đội Mĩ qua nước ta chỉ trong khoảng mươi năm, mới cho ta thấy tận
mắt vái nét về văn minh tiêu thụ, văn minh hậu kĩ nghệ của họ mà ta đã có cảm
giác bất an về mọi phương diện:
- bất an vì nhân số tăng mau mà thực phẩm sẽ thiếu,
- bất an vì các giá trị cổ truyền sẽ sụp đổ, con người không biết bám víu vào
đâu,
- bất an vì các thị hiếu, các đồ dùng thay đổi hoài,
- bất an vì kinh tế bấp bênh,
- bất an vì đời sống quay cuồng. lúc nào cũng bận rộn, trí óc không được thảnh
thơi,
- bất an vì các tự do cá nhân mỗi ngày một mất thêm, đời ta mỗi ngày bị kiểm
soát chặt chẽ hơn.
Làm sao chống được với làn sóng bất ổn, bất an, quay cuồng của thời đại đó để
khỏi bị nó nhận chìm?
Trong bài Chúng la phải làm gì? (Bách khoa số 424 ngày 1-3-75) tôi
đã đưa đề nghị: phải thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc,
định lại giá trị và mục đích. Phải sống bình dị, trở về thiên nhiên, không tính
hạnh phúc theo lợi tức như người Mĩ, vì hạnh phúc không thể mua được, đánh giá
bằng tiền được. Phải trở về với một số giá trị cổ truyền, giữ một số tục lệ, lễ
nghi để chặn bớt sự thay đổi quá mau của thời đại, nhất là giữ tình gia đình,
tình họ hàng, tình bạn bè, nói chung là tình cảm con người.
Alvin Toffler trong cuốn Le choc du futur (Mediations - 1973)
còn khuyên: không theo thời thượng, mà trọng những đồ cũ; không mua những đồ
nào chỉ dùng một lần rồi liệng đi; không dự những tổ chức, những cuộc hội họp
vô ích; và nếu ở sở phải thường thay đổi công việc thì ở nhà cứ rán giữ những
công việc hằng ngày, giữ một thời khắc biểu không thay đổi.
Sống như vậy có thể sẻ bị nhiều người cho là cổ hủ, lạc hậu, nhưng chúng ta
không nên sợ dư luận. mà phải có bản lãnh sống theo ý mình và như Tofller nói,
"xã hội nào cũng sẽ cần những nhóm người biết đứng riêng ở ngoài sự đổi
mới."
Phong hóa suy đồi
Cuối chương XIV tôi đã nói trong thập niên 30, tuy có phong trào vui vẻ trẻ
trung, nhưng chỉ một số ít thanh niên vì đua đòi, theo "mốt" mà chơi
bời, bê tha, chứ xã hội và gia đình vẫn giữ được truyền thống của phương Đông.
Trong thế chiến II, một phần vì kinh tế suy, đời sống khó khăn, một phần nữa vì
tình hình thế giới, khiến ai cũng thắc mắc về tương lai của dân tộc, của bản
thân, nên phong trào đó tự nhiên xuống lần, thanh niên hóa đứng đắn hơn.
Thế chiến vừa chấm dứt, tiếp ngay là cuộc kháng Pháp, tinh thần toàn dân lên
cao, ai cũng mong giành lại độc lập và tự do trước hết. Người ở thành thị thì
bỏ nhà cửa, tài sản ra bưng sống như nông dân, cực khổ mà vui vẻ. Ngay một số
phụ nữ quen đài các cũng hóa ra đảm đang, buôn thúng bán mẹt để mưu sinh trong
khi chồng con theo kháng chiến. Sau vài ba năm, vì lí do này hay lí do khác,
một số phải trở về thành, nhưng sống giản dị, cần kiệm, một phần vì lo xây dựng
lại, một phần vì phải giúp đỡ bà con ở vùng tự do. Vả lại, đồng bào còn phải đổ
máu mà mình sống cuộc đời sa hoa thì lương tâm không yên. Nhiều người bỏ sở.
kiếm sạp bán báo, bán vải, hoặc bán phở, bán bún. Vì tất cả những lẽ trên, tôi
cho rằng thời kháng Pháp là thời dân tộc mình có đạo đức nhất. Khi quốc gia lâm
nguy, chúng ta càng tỏ ra xứng đáng với tổ tiên.
Sau khi non sông chia hai, trong mươi năm đầu (1954-64), riêng ở miền Nam, xã
hội không thay đổi bao nhiêu, vì aỉ cũng lo kiến thiết lại. Chỉ từ khi trên nửa
triệu quân Mĩ đổ vào miền Nam, xã hôi mới xáo động mạnh. Đầu chương XXII, tôi
đã kể qua cái họa bọn lính Mĩ gây ra chỉ vì chúng vung tiền ra nhiều quá, khiến
cho dân mình xa đọa, y như ở Trung hoa trong những năm 1945-49.
Mĩ mướn thư kí trả lương gấp 3, gấp 5 chính phủ mình, thuê nhà cũng vậy; mướn
người ở gái, trả công gấp 10 chủ Việt, nếu chịu bán thân cho chúng, được chúng
“bao" thì không có giá nào cả, có thể một sớm một chiều, từ một gái quê
thành bà nọ, bà kia. Một bọn người ham tiền, bán linh hồn cho quỉ: có những ông
phán dời bàn thờ tổ tiên xuống một căn nhà sau, bên cạnh bếp, để nhà trên cho
Mĩ mướn; có những thiếu phụ, thiếu nữ bỏ chồng, bỏ cha mẹ để theo Mĩ trắng, Mĩ
đen mà được ăn sung mặc sướng; đàn ông thì bỏ sở, xin làm cho Mĩ, rồi theo gái
bán "bar", lợi dụng gái dể buôn lậu… Tiền kiếm dễ dàng quá, người ta
tha hồ huy hoắc trong những "snack bar" (quán ăn cho Mĩ), những
"bia ôm" (quán bán bia mà cô bán hàng để cho khách ôm dưới ánh đèn mờ
mờ), những nhà "tắm hơi", những quán cà phê có nhạc giật gân, phía
trong chiếu "film con heo". Chỗ nào có lính Mĩ đóng thì chỉ vài ba
ngày, những ổ trụy lạc đó mợc lên rồi, làm ăn rất thịnh vượng. Do dó mà sinh ra
đủ các tệ đoan: nghiện xì ke, ma túy, ăn cắp, hổi lộ, đĩ điếm; gia đình tan rã,
em tố cáo chị theo Viêt cộng, vợ phản chồng, giết chồng…
Bê bối nhất là bọn quân nhân; tướng tá mua quan bán chức, một ghế tỉnh trưởng,
quận trưởng giá bao nhiêu đó, mua được rồi thì đua nhau ăn hối lộ, làm sao cho
trong một năm hay sáu tháng "gỡ gạc" lại đủ vốn; tất nhiên, như mọi
thời, có kẻ bắt vợ làm điếm cho Mĩ để được thăng chức. Họ buôn lậu vàng, ma
túy; họ xin hoặc chiếm đất lập đồn điền, cất nhà. Ở Long xuyên họ lấp một cái
hồ trong một khu yên tĩnh nhất để chia nhau cất biệt thự (cuối 1976 đã bị tịch
thu). Họ thành một giai cấp bạo phát, hống hách.
- Trong thời Ngô Đình Diệm, như tôi đã nói, Công giáo phát triển rất mau; từ
khi Diệm bị giết. Phật giáo phát triển còn mạnh hơn nhiều: chùa mọc lên như nấm
(ngay trước nhà tôi, trong hẻm Kì đồng, người ta dựng xong một ngôi chùa cây
trong một đêm), cả những người không bao giờ bước chân tới chùa cũng tự xưng là
Phật tử, các Thầy được kính như Phật sống; dĩ nhiên hạng chân tu rất hiếm. Vị
trụ trì một ngôi chùa nọ bảo tôi: "Có ở trong mền, mới thấy mền có rận.
Không một nhà sư nào dưới sáu mươi tuổi mà không phạm giới; trong ngũ giới -
sát sinh, trộm cắp, tà dâm. vọng ngôn, uống rượu - họ chỉ tránh được giới cuối
cùng. Tôn giáo nào cũng vậy, nhất là Phật giáo rất tự do, không có qui chế chặt
chẽ, hễ phát mạnh quá thì chỉ có lợi cho giáo đường mà giáo lí phải suy, vì
người ta phải theo những luật của các tổ chức kinh doanh, phải làm vừa lòng một
số tín đồ, lập các đàn chay, hội hè, phải cúng sao, giải hạn… càng ngày càng xa
đạo lí nguyên thủy. Một số thượng tọa thời đó được chính quyền kính nể, vì có
công lật đổ chế dộ nhà Ngô, nên họ muốn gì được nấy; ai theo họ thì được họ ủng
hộ để giành quyền hành. Trong dân gian đã có câu: "Nhất đĩ, nhì Thầy, tam
tướng, tứ ?... (tôi quên). Câu đó tóm được tình trạng xã hội sau năm 1963.
Trường học công còn giữ được chút kỉ luật, nhưng càng về sau trường thi càng
mất trật tư, thí sinh ngang nhiên đánh phép, có thí sinh quân nhân vô phòng
rồi, đặt súng sáu trên bàn để dọa giám thị, rồi mở sách ra chép bài, thậm chí
một số giám thị không dám gác phòng thi nữa, và một giáo sư giám khảo bị thí
sinh giết ở giữa thị xã Nha trang vì nghiêm khắc với chúng. Do đó học sinh cũng
không chịu học, chỉ luyện cách lén đem tài liệu vào phòng thi để "quay
phim".
Trường tư thì khỏi phải nói: không còn được là nơi bán chữ nữa mà chỉ là nơi
bán chứng chỉ, học bạ. Học sinh làm chúa trong lớp, giáo sư cứ giảng mà chúng
cứ nói chuyện, đùa nghịch với nhau.
- Thời càng loạn thì những môn bói, lí số càng được nhiều người tin. Chiến
tranh liên miên mấy chục năm, xã hội lại bất công, có khả năng, có gắng sức
cũng vô ích, vậy thì biết tin ở gì bây giờ? Các "mét" coi chữ kí, chỉ
tay, các cô bói bài tây, các thầy bói, gần như không khu nào không có. Báo chí
đua nhau đăng mục Tử vi hằng ngày (!); các sách tử vi, tử bình, bói xuất hiện
nhan nhản, bán chạy hơn cả sách báo khiêu dâm. Sự mê tín cơ hồ như bất tử. Xã
hội còn bất công, còn những kẻ nghèo khổ, bị áp bức thì không sao dẹp mê tín
được. Họ phải mê tín để có chút hi vọng. Từ 1945 đến nay, tôi thấy cái lí trí
của loài người, kể cả hạng người gọi là trí thức, yếu ớt một cách thảm hại,
luôn luôn bị tình cảm chi phối.
Biết bao nhiêu người vì lẽ này hay lẽ khác không chịu chấp nhận thực tế, đêm
ngày chỉ mơ tưởng một cuộc thay đổi để trở lại đời sống cũ, xã hội cũ. Họ thco
dõi kĩ thời cuộc, đi đây đi đó để ngóng tin tức, đọc báo, bắt các đài thông tin
ngoại quốc, chỉ rình những tin hợp với ước vọng của họ, gạt bỏ những tin khác,
có khi lại giải thích tin tức một cách rất vô lí, theo ước vọng của họ, bất
chấp sự thực, bất chấp lô-gíc. Chẳng hạn được tin Việt nam sẽ "xuất khẩu”
15.000 công nhân qua Đông Âu, họ hoan hỉ, bảo: "Đúng rồi. Chính thể này sắp
sụp đổ rồi. Chúng lo di tản trước, những đảng viên trung kiên, "gạo
cội" nhất, rồi tới phút chót, chúng sẽ chuồn cho dễ; chứ đâu phải là xuất
khẩu công nhân; tụi Đông Âu đâu có cần công nhân của một nước lạc hậu như
mình."
Hai câu sấm: "Mã đầu dương cước anh hùng tận, Thân dậu niên giai kiến thái
bình" của Trạng Trình, những năm 1956-57 (Bính thân, Đinh dậu), đi đâu
cũng nghe thấy người ta nhắc tới; hai năm Thân, Dậu sau (1968, 1969) người ta
lại lôi ra để hi vọng chiến tranh sắp chấm dứt, sắp thái bình; rồỉ năm ngoái
(1980) tôi lại được nhiều người bảo năm Canh thân này hai câu ấy mới ứng,
"vì trong sấm giảng của Thầy Tư Hòa hảo cũng bảo "năm năm sáu tháng
cơ hàn" mà từ ngày 30 tháng tư năm 1975 tới tháng 10 d.l. này, đúng 5 năm
6 tháng, sẽ hết cơ hàn, hết nạn cộng sản". Tôi bảo câu của Thầy Tư phải
sửa là "năm năm tháng tháng cơ hàn" thì mới đúng, họ làm thinh.
1980 đã qua, 1981 cũng sắp qua, tôi không biết họ có tìm được câu sấm nào khác
không, nhưng tôi chắc chắn 10-11 năm nữa tôi lại sẽ được nghe hai câu sấm Trạng
Trình nữa, nếu tôi còn sống.
Không kiếm được câu sấm Việt nào, họ tìm cả sấm của Nostradamus của Pháp; nếu
cũng không có nữa thì họ lục những bài giáng bút - nhiều vô số - trong các buổi
cầu cơ của khắp các đàn xa gần, để có một chút hi vọng trong một thời gian.
Họ là những người ghét thực tế, rồi đâm ra trốn thực tế, sợ sự thực, luôn luôn
sống trong mộng, tưởng tượng ra một bọt bèo để bám vào, mong khỏi chết đuối;
bọt bèo đó tan hay chìm, họ lại tưởng tượng bọt bèo khác, cứ như vậy luôn ba
chục năm, từ 1945 đến nay. Họ là những người đáng thương nhất trong thời đại
này.
Lính Mĩ chỉ đóng ở những thành phố lớn như Sài gòn, Tourane, Cần thơ, Huế, Đà
lạt, và những nơi quan trọng về quân sự như Biên hòa, Vũng tàu, Cam ranh....
nên chỉ ở những nơi đó xã hội mới sa đọa nhiều. Còn ở những tỉnh nhỏ như Long
xuyên, Rạch giá, Sa đéc, nhất là ở thôn quê, trong những gia đình tiểu tư sản
(thầy kí, thầy giáo, tiểu thương) và nông dân, thì truyền thống vẫn giữ được
Mà chúng cũng chỉ đóng ở miền Nam có mươi năm, sau ngày 30-4, trong nửa năm
đầu, nạn trụy lạc gần như mất hẳn. Nhưng chỉ cuối năm 1975, sau khi đổi tiền
lần đầu, người Nam thấy một số khá đông cán bộ ở Bắc vô, ở bưng về cũng thối
tha, hối lộ, ăn cắp, đĩ diếm, thèm khát mọi khoái lạc, nên đã bắt đầu coi thường
họ; và chỉ hai ba năm sau, họ cũng sa đọa gần như thanh niên Sài gòn, chỉ thiếu
cái tật "phi xì ke", và chính quyền phải vội vàng chặn lại. Nghe nói
thanh niên Hà nội cũng bị lây nữa, nhưng nhẹ hơn.
Đó là lỗi của xã hội. Một xã hội muốn cho lành mạnh, có đạo đức thì phải ổn
định, mà muốn ổn định thì phải công bằng, ai cũng có công ăn việc làm, đủ ăn đủ
mặc. không có kẻ giàu quá, kiếm tiền dễ quá, cũng không có kẻ nghèo quá, làm
tối tăm mặt mũi mà vẫn xác xơ, phải ăn độn quanh năm với rau muống, mỗi năm
không được một bộ quần áo.
Xã hội Việt nam từ 1945 trở về trước tương đối ổn định vì sự cách biệt giữa
người giàu quá và kẻ nghèo quá không đến nỗi lộ liễu, chướng mắt. Từ 1965, ở
miền Nam, quân đôi Mĩ ồ ạt vào, làm mất sự ổn định: nhiều kẻ dựa vào Mĩ kiếm
tiền rất dễ, làm giàu rất mau, huy hoắc không thể tưởng tượng được, mà họ
thường thiếu tư cách, cho nên phong hóa phải suy đồi. Hiện nay (1981), ở Nam
cũng có một số cán bộ và con buôn, nhờ hổi lộ, buôn lậu mà làm giàu, trong khi
đa số người lương thiện có học chịu cảnh thất nghiệp, bữa cơm bữa cháo, xã hội
do đó không ổn định, lành mạnh được. Nhà cầm quyền chắc hiểu điều đó mà chưa
tìm được biện pháp nào hữu hiệu. Nhưng quốc gia ổn định nhất, dân có đạo đức
nhất là những nước tài sản của dân gần quân bình, ai cũng đủ ăn hay dư một
chút. như Finlande, Suède, Norvège… Nhà cũng vậy: giới tiểu tư sản thường có
đạo đức nhất vì họ không giàu quá mà cũng không nghèo. Nghèo quá thì sinh ăn
trộm, gian tham, thiếu tư cách, mà giàu quá thì hóa trụy lạc. Bàí học đó chúng
ta nên nhớ.
Chú thích
[1] Đoạn này trích
trong Mười câu chuyện văn chương, bài kỉ nguyên tiêu thụ và nghể viết văn. Chỗ
nào sửa lại, tôi đặt trong dấu ngoặc đơn.
[2] Coi chú thích trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét