Linh Mục Cao Văn Luận
1.Lý do nào thúc đẩy tôi viết Hồi Ký?
2.Những cái mốc trong lịch sử
3.Hy vọng và Tỉnh mộng của người Việt
Nam ở Pháp
4.Vua Duy Tân và Phong Trào ‘’Cờ Tự
Trị’’ tại Pháp
Sau
khi Tổng Thống Ngô Đình Điệm bị giết, những biến chuyển chính trị và quân sự
dồn dập xảy ra trên đất nước Việt Nam làm cho tôi nghĩ rằng Ông Diệm không phải
là một nhân vật không thể thay thế được. Nhưng ít ra Ông cũng là một nhân vật
cần thiết cho đất nước Việt Nam trong một giai đoạn nào đó.
Nguyên nhân thất
bại của Ông Diệm, của những giấc mơ, những cố gắng, những kế hoạch của Ông Diệm
có lẽ là ở chỗ Ông, hay ít ra vài người quanh Ông và thân thiết với Ông không
chịu hiểu rằng sự cần thiết của Ông Diệm đối với đất nước Việt Nam chỉ là một
sự cần thiết trong một giai đoạn đặc biệt nào đó thôi. Khi giai đoạn lịch sử đó
qua đi, thì sự cần thiết đó cũng không còn. Đáng lý Ông Diệm và chế độ phải
biết thay đổi nhanh chóng để thích ứng với những đòi hỏi của một giai đoạn lịch
sử mới, hoặc là phải biết lùi ra khỏi chỗ đứng Ông đã chiếm giữ trong giai đoạn
mà sự có mặt của Ông cần thiết cho đất nước.
Với
tư cách một người gần gũi, có thể nói là thân thiết với Ông Diệm mà lại không
phải lệ thuộc quá nhiều vào quyền hành và sự chỉ huy của Ông, tôi đã được nhìn
những cố gắng, những thành công, những thất bại và những sai lầm của Ông. Trước
những tin tức, những lập luận, những xuyên tạc quanh Ông Diệm và chế độ tôi cảm
thấy cần phải viết lại những hiểu biết, những nhận xét, những chứng kiến của
tôi về những việc làm cũng như về đời sống, tư cách của Ông để sau này nếu
những người nào muốn tìm hiểu sự thật về giai đoạn lịch sử (mà sự có mặt của Ông Diệm là cần thiết và quan
trọng) có thêm một soi sáng, một
nhận định không có ác ý, không thiên vị.
Những
hoàn cảnh đặc biệt, những may mắn lạ lùng đã cho phép tôi gặp gỡ và nhiều lúc
tham dự, hợp tác với những nhân vật đã làm nên lịch sử Việt Nam trong 30 năm
qua. Luôn luôn tôi đã tham dự vào những biến cố lịch sử này với tư cách một
nhân chứng hơn là một kẻ trong cuộc, nhưng lại là nhân chứng đứng ở một vị thế
nhìn thấy nhiều việc mà nhiều người không thấy được. Người tìm hiểu lịch sử
càng có được nhiều nguồn tin, nhiều tài liệu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.
Thiên hồi ký của tôi hy vọng là một trong những nguồn tin và tài liệu đó.
Tôi
đã nhiều lần có dự định ghi lại những điều mình nhìn thấy, chứng kiến, tham dự
trong mấy chục năm qua. Nhưng luôn luôn tôi phải đình hoãn công việc đó, vì
những việc làm cấp bách, những bận rộn trong nhiều nhiệm vụ. Sau khi Ông Ngô
Đình Diệm mất, tôi có lần đã nghĩ rằng bây giờ là lúc tôi có thể yên ổn ngồi
lại viết thiên hồi ký dự định từ lâu. Nhưng những biến cố dồn dập lại làm cho
tôi hồi hộp theo dõi, và một lần nữa hoãn việc ghi chép, với hy vọng rằng những
biến cố đó sẽ giúp tôi hiểu thêm vai trò và sự cần thiết của Ông Diệm trong
giai đoạn 10 năm qua.
Thời
gian trôi qua cũng giúp cho tôi, và dân chúng Việt Nam có thể nhìn Ông Diệm với
một tầm nhìn khách quan và vô tư hơn. Những kẻ một lần gắt gao chỉ trích bài
bác Ông Diệm và những việc làm của Ông, đã có dịp tự đặt câu hỏi: Sự thanh toán
Ông Diệm và chế độ Ông Diệm phải chăng là một sai lầm tai hại và nguy hiểm?
Những hỗn loạn chính trị, những thất bại quân sự sau ngày 1/11/1963 đã trả lời
cho câu hỏi đó. Tôi nhớ Đại Sứ Nolting, Đại Tướng Harkins đã viết ra, hoặc trả
lời những cuộc phỏng vấn xác nhận điều đó, những người đã góp tay thanh toán
Ông Diệm và chế chế độ Ông Diệm ít có ai lấy làm hãnh diện về việc làm của họ.
Cuối
năm 1969 những người bạn trẻ đến gặp tôi, bàn bạc với tôi về sự cần thiết và
nên ghi chép lại những điều tôi đã thấy trong những năm qua, trong một thiên
hồi ký càng vô tư bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Tôi đồng ý, và với sự góp tay
của những người bạn trẻ đó, tôi đã thực hiện thiên hồi ký khi đăng báo đã mang
một nhan đề có lẽ hơi khoe khoang:‘’Hồi ký lột mặt nạ lịch sử’’.
Tôi
không đồng ý về cái tên gọi gán cho thiên hồi lý nhỏ bé và khiêm tốn của tôi.
Vậy nên khi sửa chữa lại, bổ khuyết thêm để in thành sách, tôi xin chọn một tên
gọi khác ‘’Bên giòng lịch sử
1940-1965’’.
Đó
là tất cả những lý do lớn nhỏ đã thúc đẩy tôi thực hiện thiên hồi ký này. Tôi
không hy vọng tất cả những mong ước của tôi đặt vào thiên hồi ký có thể thành
tựu. Tôi cũng không dám tin rằng thiên hồi lý này soi sáng được những biến cố
lịch sử phức tạp trong mấy chục năm qua. Tôi chỉ muốn góp vào những tài liệu
lịch sử một vài hiểu biết riêng của tôi, và giúp cho những kẻ muốn tìm hiểu
lịch sử một lối nhìn riêng.
L. M. CAO VĂN LUẬN
NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG ĐẠI HỌC HUẾ
GIÁO SƯ ĐẠI HỌC VĂN KHOA SÀI GÒN
***
Về
những ngày niên thiếu của tôi, cũng như của những đứa trẻ Việt Nam vào thời
buổi đó, tôi chỉ còn nhớ được cái không khí thanh bình, yên ổn, nhưng là một
thứ thanh bình và yên ổn đe dọa, đau xót, nhục nhã. Tôi ra đời tại Hà Tĩnh, năm
1908. Đó cũng là năm mà nhiều cuộc nổi loạn phát khởi ở Tỉnh tôi và nhiều nơi
khác. Khi tôi bắt đầu có trí khôn thì thỉnh thoảng tôi nghe được những lời bàn
tán, xầm xì, những nét mặt đầy lo sợ quanh tôi, nhưng tôi không thể hiểu được
điều gì rõ ràng. Những thanh niên, những trai tráng bị bắt đi lính cho Pháp rồi
không mấy ai trở về. Sau này tôi được biết họ được gọi đi lính thợ, được gởi
sang Pháp dự thế giới chiến tranh thứ nhất. Có lẽ để đập tan tinh thần phản
kháng và cách mạng trong Tỉnh Hà Tĩnh, nhà nước Bảo Hộ đã bắt rất nhiều thanh
niên trong Tỉnh tôi.
Tôi
sinh ra trong một gia đình Công Giáo lâu đời. Cho nên khi những người xung
quanh nhận thấy tôi học hành dễ dàng thì ý nghĩ đầu tiên của họ là gửi tôi vào
Chủng Viện. Vào năm lên 13 tuổi, năm 1921, tôi vào học tại Tiểu Chủng Viện Xã
Đoài. Thời đó, Xã Đoài chỉ có một vài lớp đầu bậc Trung Học và vì đó ít lâu sau
tôi được gởi vào học tại trường các Thầy Dòng La San ở Huế là Trường Pellerin.
Sau khi thi đậu bằng Thành Chung, tôi lại được gửi ra Hà Nội theo học Đại Chủng
Viện Xuân Bích vào năm 1933. Tôi đã đậu hai phần Tú Tài. Sáu năm sau tôi được
thụ phong Linh Mục vào năm 1939.
Sau
những cuộc nổi dậy khắp nơi của người Việt Nam chính phủ Pháp muốn tỏ ra cởi mở
hơn, cho thi hành một chính sách văn hóa tương đối tiến bộ. Ngoài việc mở thêm
những trường cho các Tỉnh Huyện, nhà nước Bảo Hộ còn cấp nhiều học bổng cho
sinh viên ưu tú. Một số các học bổng này được dành cho một ít Tu Sĩ Công Giáo.
Tôi may mắn được cấp một học bổng du học tại Đại Học Đường Sorbonne. Vào mùa
Thu năm 1939, tôi lên đường sang Ba Lê.
Mặc
dầu thế chiến thứ hai đã bùng nổ, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, nhưng nhờ là Tu
Sĩ, nên tôi không gặp một trở ngại lớn lao nào trong đời sống hay trong công
việc học hành. Từ 1939 đến 1942 tôi theo học Triết và Văn Chương, đậu Cử Nhân
năm 1942. Sau đó tôi học ở Trường Á Đông Sinh Ngữ và tốt nghiệp ở Trường này
năm 1945.
Trong
những năm chiến tranh, mặc dầu tôi không có dịp tham dự trực tiếp vào những
biến cố lịch sử trọng đại, nhưng tôi cũng có dịp gặp gỡ những người Việt Nam
trong giới sinh viên học sinh, giới lính thợ, lính khố đỏ và một số người Việt
Nam sang Pháp từ Đệ Nhất Thế Chiến rồi ở lại Pháp luôn và nhập quốc tịch Pháp.
Trước
lễ Giáng Sinh năm 1940, tôi đến thăm một Linh Mục Thừa Sai ở Đường Du-Bac, số
128. Vị Linh Mục này đã sống ở Viễn Đông lâu năm, và trong lần đến thăm này,
tôi đã được gặp một thiếu phụ Pháp giàu lòng từ thiện đang tổ chức những cuộc
thăm viếng, giúp đỡ những người Việt Nam đi lính trong quân đội Pháp bị quân
Đức bắt làm tù binh. Thấy tôi là người Việt Nam, bà De Seize ngỏ ý yêu cầu tôi
theo bà đến thăm những người lính Việt Nam bị giam giữ trong các trại tù binh ở
Laval. Tôi nhận lời và những ngày nghỉ lễ sau đó, tôi cùng bà De Seize thường
đến trại tù binh Laval thăm viếng những người lính Việt Nam. Công việc của tôi
chẳng có gì quan trọng. Tôi làm cái nhiệm vụ thông ngôn giữa những người Việt
Nam và những nhà hảo tâm Pháp, đôi lúc viết giùm và gửi thư về quê hương cho
những người không biết đọc biết viết. Tôi cũng đến thăm những tù binh Việt Nam
được điều trị tại các bệnh viện khắp Ba Lê.
Lúc
bấy giờ một số sinh viên Việt Nam cũng tổ chức những nhóm sinh viên thăm viếng
và an ủi những thương bệnh binh Việt Nam tại các bệnh viện. Một lần tôi gặp
Trần Hữu Phương trong một bệnh viện. Từ sự quen biết đến chỗ thân thiết thật dễ
dàng, nhanh chóng giữa những người Việt Nam xa Tổ Quốc, cùng chung lý tưởng.
Cũng từ đó, tôi có ý nghĩ phối hợp các hoạt động của các sinh viên Việt Nam tại
Ba Lê, và đem chuyện đó ra bàn với Trần Hữu Phương.
Chúng
tôi tập hợp các tổ chức sinh viên Việt Nam tại Pháp và các Việt kiều thành một
hội duy nhất, lấy tên là Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp (Fédération Des Indochinois de France), với vị Chủ Tịch đầu tiên
là Trần Hữu Phương, cùng các hội viên sáng lập như Trần Đức Thảo, Phạm Huy
Thông, hai anh em Hoàng Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị(em Hoàng Xuân Hãn).
Số
sinh viên tham dự trên 300 người. Những Việt kiều ở Pháp và Ba Lê trên nguyên
tắc đều là hội viên, tuy nhiên chỉ có một số ở Ba Lê tham gia những sinh hoạt
thường xuyên của hội. Nhân danh Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp,
chúng tôi ra một bản tuyên ngôn đòi chính phủ Bảo Hộ Pháp phải trao trả độc lập
cho Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi quyết định ra tuyên ngôn nói trên, vì vào đầu năm
1945, sau khi quân Đồng Minh thắng quân Đức, Ba Lê được giải phóng, có hai sinh
viên Việt Nam ký tên vào một Bản Tuyên Ngôn cam kết trung thành với mẫu quốc
Pháp. Tôi còn nhớ tên những người Việt Nam ký vào bản tuyên ngôn nhục nhã này,
nhưng thiết tưởng không nên nhắc đến làm gì. Tuyên Ngôn đòi độc lập của chúng
tôi được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến khắp nước Pháp. Một vài báo ở
Pháp và Âu Châu có đề cập đến tuyên ngôn của chúng tôi.
Chính
phủ Pháp lập tức bắt giam một số lãnh tụ sinh viên đồng thời cũng là lãnh tụ
Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp như các anh Trần Đức Thảo, Hoàng
Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Huy Thông. Nếu không phải là Tu Sĩ, được sự che
chở của Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê chắc chắn tôi đã không thoát khỏi tù tội.
Những
sinh viên bị bắt giam tại khám đường La Santé, nơi đã từng giam giữ Nguyễn Ái
Quốc (Hồ chí Minh), Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh ngày trước. Với tư cách và bộ áo
một Tu Sĩ, tôi có lý do chính đáng để tham viếng những người bị bắt giam. Do đó
anh em trong hội cử tôi giữ nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế và giúp đỡ các anh em.
Tôi tìm đến bà De Seize nhờ bà tiếp tay, vì tôi biết lúc này thế lực của bà khá
lớn. Trước đây bà từng giúp đỡ những tổ chức kháng chiến chống Đức, dĩ nhiên
bây giờ nước Pháp đánh đuổi được quân Đức, những nhân vật kháng chiến đang giữ
nhiệm vụ quan trọng trong chính quyền Pháp đương thời. Bà De Seize quen biết
với vị Đại Tá Giám Đốc khám đường La Santé, bà đã dẫn tôi đến giới thiệu thẳng
với ông này, với những lời lẽ thành thực và nồng nhiệt. Nếu tôi nhớ không lầm
thì hình như ông này tên là Paul Arnoux, từng làm chánh sở mật thám tại Đông
Dương dưới thời quan Toàn Quyền Decoux. Ông có một trí nhớ phi thường. Những
phạm nhân quan trọng một lần qua mắt ông đủ để ông nhớ mãi. Sau này để xác nhận
Hồ chí Minh và Nguyễn Ái Quốc chỉ là một, chính quyền Pháp đã nhờ đến ông đi
nhìn mặt Hồ chí Minh. Cái chi tiết làm cho ông Arnoux cam đoanNguyễn Ái
Quốc, Hồ chí Minh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn sinh Cung, Nguyễn văn Ba, Lão
Woong, bác Trần chỉ là một người, là cái tai của họ
Hồ.
Điều
làm tôi ngạc nhiên lúc đầu là Đại Tá Arnoux tỏ ra rất cởi mở, niềm nở, ca ngợi
những nhà cách mạng Việt Nam, tỏ ra rất kính phục Trần Đức Thảo. Ông cho hành
động ái quốc của sinh viên Việt Nam là đúng, và tỏ ý tiếc rằng vì nhiệm vụ phải
giam giữ họ. Bàn về chính trị, ông tỏ ý mong muốn chính phủ Pháp cho thi hành
một chính sách thuộc địa tiến bộ và tự do hơn. Ông phê bình một điểm về tình
hình chính trị Việt Nam thời bấy giờ, mà cho đến nay, trong tình thế này, tôi
thấy vẫn còn khá đúng. Ông nói rằng Việt Nam có nhiều nhân vật ái quốc lỗi lạc
như Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Trần Đức Thảo, thật xứng đáng được hưởng
một nền độc lập thật sự vững chắc, không chỉ có vài nhân vật lỗi lạc, mà là
phải có một lớp trí thức đông đảo và một lớp dân chúng trung bình tiến bộ. Ông
lo ngại Việt Nam không có lớp người cần thiết đó. Tôi nghĩ một lúc rồi trả lời
rằng dưới con mắt của người Pháp thì nhận xét của ông đúng lắm, nhưng quan niệm
của người Việt Nam và Á Đông thì khác hơn đôi chút. Cái thước đo sự trưởng
thành ý thức của người Pháp và người Việt Nam không giống nhau. Dân Việt Nam
không phải vì không biết đọc biết viết và không biết đi bầu mà có thể coi họ
như những người dân bán khai mọi rợ. Vả lại cần phải tạo những điều kiện trưởng
thành dân trí từ từ. Và không một thế lực nào có thế lấy cái cớ dân Việt Nam
chưa hội đủ những tiêu chuẩn trưởng thành dân trí để thay họ cai trị đất nước
họ. Nếu như nước Pháp có lòng khai hóa cho dân Việt Nam, thì cứ trao trả độc
lập, giúp phương tiện và điều kiện cho dân Việt Nam trưởng thành dần dần để giữ
vững nền độc lập đó còn hơn là cứ giữ tiếp tục chính sách bảo hộ mãi.
Sau
câu chuyện, Đại Tá Arnoux cho người dẫn tôi xuống phòng giam Trần Đức Thảo. Qua
nhiều hành lang, nhiều lần cửa sắt, tôi được dẫn đến một phòng đợi. Sau hàng
cửa sắt, tôi thấy Trần Đức Thảo đứng nhìn ra nháy mắt ra hiệu cho tôi. Thảo nói
với lính gác rằng tôi là Linh Mục Tuyên Úy của các Việt kiều, và nhân danh nhân
quyền, đòi hỏi được nói chuyện trực tiếp với tôi về chuyện linh hồn. Thảo phản
đối việc phải nói chuyện với một Linh Mục Tuyên Úy qua lưới sắt. Lính gác lên
phòng giám đốc xin lệnh rồi trở xuống cho phép tôi và Trần Đức Thảo nói chuyện
thẳng với nhau trong phòng đợi. Tôi trao cho Thảo ít quần áo, đồ ăn và những
tin tức thời sự.
Vụ
bắt bớ này làm cho Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp tan rã. Vì thế
vào mùa Đông năm 1945, khi nhận được một Bản Tuyên Ngôn của năm Giám Mục Việt
Nam đòi hỏi nước Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam, chúng ta dựng lên một
tổ chức mới lấy danh hiệu là Hội
những người Công Giáo Việt Nam tại Pháp (Association des
catholiques Vietnamiens de France) để có danh nghĩa và lý do
phổ biến cái tuyên ngôn hay thông điệp này. Chúng tôi cho dịch và in thông
điệp, rồi nhờ những Hội Hướng Đạo Pháp phổ biến đến nhiều thành phố lớn khắp
nước Pháp. Một số lãnh tụ của Hội lại bị mật vụ Pháp bắt giam, trong đó tôi nhớ
rõ nhất là anh Nguyễn Hy Hiền. Nhưng lần này nhờ sự can thiệp của Tòa Tổng Giám
Mục Ba Lê và giới Công Giáo Pháp đang có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền thời
bấy giờ, các anh em được trả tự do nhanh chóng. Bản Thông Điệp ký tên các Giám Mục Lê Hữu Từ, Nguyễn Bá Tòng,
có những lời lẽ ôn hòa, nhưng rắn rỏi, có lẽ làm cho Pháp lo ngại hơn những lời
chỉ trích, chửi bới. Mặc dầu gặp khó khăn, chúng ta quyết định triệu tập một
đại hội những Việt kiều tại Pháp để phổ biến thông điệp. Ông Trương Công Cừu
lúc đó lo phần tổ chức. Tôi thì đi liên lạc với một số chính khách, nhân sĩ
Pháp có khuynh hướng tiến bộ như Dân Biểu Boutoien, bạn thân của Hồ chí Minh,
Linh Mục Chaillet, Chủ Nhiệm Tạp Chí Le Témoignage Chretien.
Lúc
đến tiếp xúc với Cha Chaillet để mời ông thuyết trình trong Đại Hội, Cha
Chaillet đã cho tôi xem một vài tài liệu chứng minh rằng phong trào Việt Minh
hiện đang bị chi phối bởi cộng sản và những lãnh tụ Việt Minh phần đông là những
đảng viên cộng sản cốt cán. Theo tài liệu này, đảng cộng sản quốc tế và Pháp
chỉ thị cho các đảng viên tích cực yểm trợ cho phong trào Việt Minh. Cha
Chaillet cũng trưng ra những bằng chứng về những lãnh tụ Việt Minh như Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng,
Nguyễn lương Bằng, Trần huy Liệu, Võ nguyên Giáp là những đảng viên cộng sản lâu năm và
đang hành động theo kế hoạch chung của cộng sản quốc tế. Cha Chaillet hỏi tôi
khi đã biết việc này tôi còn quyết định đòi độc lập nữa không.
Tôi
không ngần ngại trả lời rằng chúng tôi tuy không biết tường tận, nhưng cũng
đoán được phong trào Việt Minh do cộng sản chi phối. Nhưng đa số dân Việt Nam
thì tin tưởng phong trào Việt Minh là một phong trào cách mạng ái quốc và tách
riêng việc đòi độc lập cho Việt Nam, dù do ai chủ xướng, cũng là một hành động
xứng đáng. Người Công Giáo Việt Nam có thể không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản,
nhưng lại ở cái thế bắt buộc phải ủng hộ việc đòi hỏi độc lập cho đất nước
mình. Công Giáo Việt Nam đã mang tiếng là rước Pháp vào, là theo Pháp phản
quốc, nay cách biện hộ tốt nhất là phải cùng với toàn dân Việt Nam đòi hỏi độc
lập. Hơn nữa người Công Giáo Việt Nam là những công dân Việt Nam, phải làm
những nghĩa vụ công dân cạnh những nghĩa vụ tín đồ Công Giáo.
Cha
Chaillet gật gù, đồng ý thuyết trình trong Đại Hội. Tôi không nhớ hết nội dung
bài thuyết trình của Cha Chaillet. Nhưng đại cương, Cha nói rằng theo đà tiến
bộ và tiến hóa của nhân loại, đến lúc những quốc gia nhược tiểu đảm trách sứ
mạng cai trị đất nước họ và những quốc gia văn minh thì có trách nhiệm phải tạo
những điều kiện và phương tiện thuận lợi để những quốc gia nhược tiểu cựu thuộc
địa trở thành những quốc gia độc lập thân hữu trong một cộng đồng thế giới hòa
bình. Đại Hội đã nồng nhiệt tán dương bài thuyết trình của Cha Chaillet.
Sau
Đại Hội, Tổng Giám Mục Ba Lê cho mời tôi lên. Tôi được gặp Linh Mục Tổng Thư Ký
Tòa Tổng Giám Mục. Vị này cho tôi xem một Tuyên Ngôn ký tên 50 Tu Sĩ Việt Nam
cam kết trung thành với nước Pháp, cùng những tài liệu chứng minh phong trào
Việt Minh do cộng sản chi phối. Tôi hỏi lại vị Linh Mục này rằng Cha có nghĩ là
50 Linh Mục ký tên vào cái Tuyên Ngôn kỳ cục kia có đủ tư cách đại diện cho hơn
triệu giáo dân Việt Nam hay không, nhất là trên phương diện chính trị. Vị Linh
Mục làm một cử chỉ có thể coi như lối trả lời không biết. Tôi còn nêu nghi vấn
là có thể số tên các Tu Sĩ ghi dưới Tuyên Ngôn kia không có sự đồng ý của các
Tu Sĩ đó, một số những chữ ký có thể là giả mạo. Hơn nữa hiện nay có trên 1500
Linh Mục Việt Nam, hàng ngũ giáo phẩm Việt Nam chưa hề có một thứ đại hội nào
đề cử 50 Linh Mục kia đứng ra lên tiếng thay thế cho họ. Tôi cũng nêu tên những
vị Linh Mục nhiều uy tín mà tôi biết, không hề có tên trong Bản Tuyên Ngôn đó.
Vị Linh Mục Tổng Thư Ký Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê tỏ ra thông cảm và cho biết
rằng ông sẽ không phổ biến rộng Bản Tuyên Ngôn này, và khuyên tôi dù sao cần
thận trọng trong các hoạt động liên quan đến chính trị.
Trong
những trang vừa qua, tôi phải viết về cái tôi rất nhiều, không phải vì tôi muốn
được chú ý, được ca tụng, quan trọng hóa cá nhân mình. Nhưng chỉ vì tôi muốn
trình bày rằng nhờ những hoàn cảnh và cơ hội đặc biệt, tôi đã có dịp tiếp xúc,
kết thân, đôi lúc cộng tác với những nhân vật chính trị sau này sẽ làm thay đổi
tình thế Việt Nam, đóng góp vào việc làm nên lịch sử Việt Nam.
Ba
Lê thời bấy giờ không những chỉ là Thủ Đô nước Pháp mà còn là thủ đô đế quốc
Pháp, là nơi tập trung và gặp gỡ những nhà cách mạng sau này sẽ làm sụp đổ đế
quốc thực dân Pháp. Thời bấy giờ phần lớn những nhân vật đó đang hoạt động
trong bóng tối, đang ở giai đoạn qui tụ lực lương, chiêu hiền đãi sĩ và do đó
họ sẵn sàng kết thân với mọi người Việt Nam có chút học vấn và tài năng. Gặp gỡ
họ, tìm đến với họ và đôi lúc giúp đỡ họ không phải là chuyện khó. Hơn nữa
những người Việt Nam ở Ba Lê lúc đó ít nhiều ở trong tình trạng khốn quẩn, bị
theo dõi, bị bắt bớ và do đó rất dễ có thiện cảm với nhau, rất dễ thương yêu
đùm bọc nhau.
Bấy
nhiêu hoàn cảnh, điều kiện đặc biệt đó đã giúp tôi chứng kiến hoặc tham dự vào
nhiều biến cố trọng đại sau này, chuẩn bị cho tôi bước vào cái chỗ đứng mà tôi
phải chiếm giữ sau này bên cạnh những nhân vật lịch sử Việt Nam.
Tôi
còn nhớ rõ ngày hôm đó, ngày Lễ Thánh Louis 25.8.1944. Hôm trước vài toán quân
Đồng Minh đã lẻ tẻ tiến vào Thành Phố Ba Lê và tàn quân Đức đã rút khỏi Ba Lê.
Vị Tướng Đức chỉ huy quân khu Ba Lê hình như không muốn giao tranh để tránh cho
Ba Lê khỏi bị tàn phá. Những toán quân kháng chiến Pháp bắt đầu nổi lên, săn
đuổi những đám tàn quân Đức khắp các ngõ đường. Khu tôi ở, Institut Catholique
tương đối yên tĩnh. Nhưng tiếng súng nhỏ từ xa vọng lại, các Cha, các Thầy từng
toán vài người tụm lại bàn tán, kháo tin. Tất cả đều lạc quan. Từ lúc biết được
quân Đồng Minh đã bổ bộ lên Normandie, chúng ta biết chắc sớm muộn quân Đức
cũng bại trận.
Điều
lo lắng nhất của mọi người là quân Đức phòng thủ Ba Lê sẽ không chịu rút êm và
sẽ chiến đấu liều lĩnh, quân Đồng Minh bắt buộc phải dùng những phương tiện
lớn, như họ đã quen dùng ở nhiều nơi. Như vậy thành phố lịch sử này, với bao
nhiêu di tích lịch sử vô giá, sẽ thành tro bụi.
Nhưng
rồi một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Sáng sớm ngày 25.8.1944, đài phát thanh của
lực lượng giải phóng do Tướng De Gaulle lãnh đạo loan tin đoàn quân thiết giáp
Pháp, do Tướng Leclerc cầm đầu, sẽ tiếp thu Ba Lê. Lộ trình đoàn quân giải
phóng Pháp không được loan báo vì lý do an ninh. Nhưng ai cũng đoán được những
con đường lớn mà đoàn quân thiết giáp của Tướng Leclerc sẽ đi qua. Chẳng hạn
khu Arc de triomphe, Champs Élysée, Nhà Ga chính v.v…
Chẳng
hiểu nhờ một nguồn tin đặc biệt nào, các Cha các Thầy ở Institut Catholique
biết rằng đoàn thiết giáp của Tướng Leclerc sẽ vào cửa Porte D’Orléans. Tôi là
một trong số những người hăng hái đến đứng chờ ở đó. Sự chen lấn làm tôi lùi
lại phía sau đám đông. Tôi nhớ rõ, đang tìm chỗ cao để nhìn đoàn thiết giáp cắm
đầy những lá cờ Pháp những bó hoa của dân chúng Pháp ném mừng, thì một người
quen hốt hoảng chạy lại lôi tôi lên hàng đầu.
Đám
đông dạt ra người nhường lối cho tôi qua, khi người lôi tôi đi hét to: ‘’Tránh
đường, tránh đường, Cha đi xức dầu’’. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao tôi được lôi
ra hàng đầu. Hình ảnh mà tôi ghi nhận được khi bước ra khỏi rừng người là đoàn
thiết giáp của Tướng Leclerc đã đi chậm lại. Tôi chợt hiểu nguyên nhân khi nhìn
vào lề đường và mặt đường.
Một
bà phước đã chồm lên hôn một binh sĩ trên thiết giáp lúc chiếc thiết giáp đang
di chuyển với tốc độ tuy không nhanh lắm, nhưng cũng khoảng 10 cây số giờ. Bà
đã bị kéo ngã, bánh xích sắt của thiết giáp đã nghiến lên bà, tôi mường tượng
cảm thấy rằng ánh mắt bà phước còn long lanh, nhấp nháy, má bà còn ấm khi tôi
đặt tay lên đó. Tôi làm phép xức dầu thánh và cầu nguyện ngắn ngủi cho bà.
Tai
nạn này làm tôi bùi ngùi. Sao mới vui đó, hớn hở đó, mà nay đã nhắm mắt. Trong
khu vực quanh xác bà phước, những tiếng reo hò yếu đi đôi chút. Trên mặt đường,
vũng máu còn đọng lại. Đoàn thiết giáp chuyển bánh về hướng Ga chính, với tốc
độ chậm mà đều. Từ năm năm nay, đây là lần đầu tiên tôi cùng dân chúng Pháp
được thấy hình ảnh sức mạnh của nước Pháp.
Tôi
cũng chung nỗi hân hoan với dân chúng Pháp. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ sức mạnh
này có thể dày xéo lên dân tộc tôi và tôi đã cúi mặt một lúc. Cuộc vui không
còn vui được đối với tôi, và tôi đã bỏ về trước đám đông tản mác, trong lúc
đoàn thiết giáp của Tướng Leclerc vẫn còn kéo dài, những tiếng reo hò vẫn vang
dội, những bó hoa vẫn được tung lên ngập đường.
Tôi
bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ nhiều chuyện. Tôi thoáng nhớ đến những
cuộc khởi nghĩa trong và sau thế chiến. Và kết quả của nó như thế nào thì mọi
người đã biết. Bao nhiêu người Việt Nam thất bại và bị lưu đày thì lịch sử đã
ghi. Tôi cũng đã biết được hiện nay ở nước nhà đang có một phong trào khởi
nghĩa nhen nhúm, chưa biết do ai cầm đầu và có khả năng, đường lối như thế nào.
Nhưng
tôi lo sợ cho họ, cho dân tộc mình. Dù đã bại trận, nhưng sức mạnh quân sự của
nước Pháp cũng còn thừa đè bẹp mọi cuộc nổi loạn của dân tộc Việt Nam.
Trong
các Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp những người lúc bấy giờ tin tưởng
rằng sau chiến thắng nước Pháp sẽ có một chính sách cởi mở hơn đối với các
thuộc địa.
Họ
dựa vào bài diễn văn của Tướng De Gaulle đọc tại Brazzaville 30.1.1944. Lúc tôi
có vẻ ngờ vực điều đó, một vài người ca tụng De Gaulle nồng nhiệt, cam đoan
rằng Tướng De Gaulle là người khôn ngoan, sáng suốt đã từng chịu cái khổ nhục
của một kẻ mất nước, chiến đấu để giải phóng tổ quốc mình, ắt hẳn sẽ thông cảm
được những đòi hỏi độc lập của dân tộc Việt Nam.
Họ
trích đọc nguyên văn cho tôi nghe vài đoạn hứa hẹn quan trọng trong bài diễn
văn đó. Chẳng hạn cái đoạn nói rằng nước Pháp có nhiệm vụ phải làm cách nào để
các dân tộc tại các lãnh thổ thuộc địa tiến bộ dần đến trình độ có thể tự quản
trị. Lại có đoạn chỉ thị cho các quan Toàn Quyền và Cao Ủy các lãnh thổ Pháp
quốc hải ngoại phải nghiên cứu và áp dụng những cải tổ cần thiết thích hợp với
tình thế mới và nếu cần không do dự trong việc cải tổ cơ cấu cai trị.
Tôi
cũng rất muốn hy vọng như họ. Nhưng tôi hiểu rõ người Pháp và nước Pháp hơn họ.
Người Pháp có thể nói là rất tốt, rất hồn nhiên, cởi mở dân chủ văn minh.
Nhưng
đối với các nước nhược tiểu thì nước Pháp có chính sách riêng của nó, chính
sách mà nhiều người Pháp có thể không đồng ý, nhưng vẫn được thi hành.
Nước
Pháp đã được giải phóng nhanh chóng. Quân Đức phòng thủ Ba Lê đầu hàng mà không
chiến đấu. Thành Phố Ba Lê không bị tan nát vì bom đạn trong lúc giao tranh.
Các
di tích lịch sử Ba Lê vẫn được bảo toàn. Có tin đồn rằng sở dĩ Ba Lê tránh được
cảnh điêu tàn là nhờ sự trung gian của một bậc thẩm quyền trong Giáo Hội. Cho
đến nay điều này vẫn còn là bí mật lịch sử. Không ai hiểu được tại sao. Hình
như Đức Tổng Giám Mục Thành Ba Lê đóng một vai trò quan trọng trong vụ này. Cho
nên sau khi Ba Lê được giải phóng, mặc dù nhiều người chỉ trích ngài đã theo
chính phủ Vichy và Đức, Tướng De Gaulle triệt để ra lệnh tôn trọng ngài, và một
chủ nhật Tướng De Gaulle đã dự lễ do ngài hành lễ.
Thực
ra cho đến nay không ai hiểu nguyên nhân nào đã xui Tướng Đức Von Choltitz đầu
hàng một cách dễ dàng mà không chiến đấu.
Lịch
sử chỉ ghi rằng Tướng Choltitz đã đầu hàng sau một cuộc thương thuyết mau chóng
với ông Nordling, Đại Sứ Thụy Sĩ mà chưa chiến đấu và chưa gây cho Ba Lê một
cảnh tàn phá nào.
Những
cuộc vui của dân chúng Pháp những ngày sau chiến thắng càng làm cho tôi bùi
ngùi.
Nước
Pháp chỉ bị chiếm đóng vài năm. Nước Việt Nam tôi đã bị nô lệ mấy chục năm. Nếu
được độc lập dân tộc Việt Nam vui sướng đến mực nào. Tôi không bao giờ quên
được điều mơ ước đó. Thực ra cái mơ ước cho Việt Nam được độc lập, tự do và
tiến bộ đã làm tôi phải bỏ dở luận án Tiến Sĩ.
Tôi
không ân hận gì lắm, mặc dầu đôi lúc hơi tiếc. Nghĩ cho cùng thì lấy thêm vài
bằng cấp không chắc gì đã có ích cho tôi, cho sự hiểu biết của tôi bằng những
hoạt động chung với anh em sinh viên Việt Nam và các Việt kiều ở Pháp. Tôi hiểu
tôi là một Linh Mục, nhưng là một Linh Mục Việt Nam. Tôi có bổn phận với Chúa,
với Giáo Hội nhưng tôi cũng có bổn phận với tổ quốc, với dân tộc.
Tuy
ngờ vực sự thành tâm của Pháp trong những hứa hẹn thi hành một chính sách cởi
mở và tiến bộ đối với các thuộc địa, tôi vẫn chưa tắt hy vọng, vẫn chờ một phép
lạ, và vẫn muốn nghĩ rằng những hoạt động của anh em sinh viên và Việt kiều,
góp thêm vào những cuộc đấu tranh tại nước nhà sẽ giúp ích cho việc tranh thủ
độc lập.
Cho
nên tôi vẫn tiếp tục qua lại với các tổ chức sinh viên và Việt kiều như trước.
Mọi người đều nuôi một ý thức khẩn trương và hăng hái hoạt động, có điều họ
không nắm rõ chiều hướng hoạt động. Chỉ có một việc làm cụ thể nhất mà chúng
tôi cố gắng là tập hợp, liên kết và tổ chức những sinh viên và Việt kiều trong
khu vực Ba Lê, hy vọng gây được một thanh thế.
Những
hoạt động của tôi và các sinh viên Việt kiều tại khu Ba Lê trong thời gian này
thì có nhiều người biết, nên tôi thiết tưởng không nhắc đến nhiều làm gì.
Tôi
chỉ xin kể lại một vài câu chuyện mà tôi cho là có ý nghĩa đặc biệt đã ghi đậm
hơn vào trí nhớ tôi. Chẳng hạn mấy lần gặp gỡ với cựu Hoàng Đế Duy Tân, tức là
Thái Tử Vĩnh San.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét