Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

NHẠC SỸ VŨ ĐỨC NGHIÊM


Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh ngày 30/6/1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong một gia đình tin kính Chúa. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm là con trai của ông bà Vũ Đức Thọ, và là em trai của Mục sư Vũ Đức Chang.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm say mê âm nhạc từ thuở nhỏ. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 17 tuổi.  Bài hát đầu tiên ông viết là Bến May (1947), một tình ca. Bài thánh ca đầu tiên ông viết là Đêm Đông Xưa, một ca khúc được sáng tác vào mùa giáng sinh năm 1947.  Bài hát đã được các tín hữu Tin Lành Việt Nam đón nhận và yêu thích.  Mặc dầu bài hát đã được sáng tác cách đây 70 năm, nhưng Đêm Đông Xưa vẫn thường xuyên được hát tại các nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh hằng năm.

Lúc thiếu thời, cậu thiếu niên Vũ Đức Nghiêm theo học tại Trung Học Chu Văn An (Lycée du Protectorat  – Trường Bưởi).  Năm 1951, Vũ Đức Nghiêm gia nhập quân đội.  Ông theo học Khóa 1- Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, cùng khóa với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.  Tháng 6/1952, sau khi ra trường, Thiếu úy Vũ Đức Nghiêm được cử về phục vụ tại đồn Trung Lăng, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An, gần Hải Phòng. Tháng 8/1953, ông được thăng cấp Trung úy, giữ chức đại đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn Khinh Quân 711, đồn trú tại các tỉnh Nam Định và Ninh Bình.  Tháng 7/1954,  Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm lập gia đình. Vợ của ông là con gái út của Mục sư Dương Tự Ấp, Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Hà Nội vào lúc đó.    
  
Sau khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm vào miền Nam, tiếp tục phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Ông được cử về đồn trú tại tiểu khu Dương Đông, thuộc đảo Phú Quốc. Tháng 3/1956, Vũ Đức Nghiêm được thuyên chuyển về Trung Đoàn 7, thuộc Sư Đoàn 3 Dã Chiến đóng tại Sông Mao, Bình Thuận. Tháng 1/1963, ông được thăng cấp Đại úy, phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh.  Vị chỉ huy Sư Đoàn 22 lúc đó là Đại tá Nguyễn Bảo Trị, người học cùng Khóa 1 – Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.  Với bản tính vừa văn nghệ, vừa cương trực, trong khi nhiều người học cùng khóa với ông đã lên tướng, năm 1973, sau 22 năm phục vụ trong quân đội, Vũ Đức Nghiêm được phong chức Thiếu tá và được cử làm huấn luyện viên cho môn tiếp vận tại Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Long Bình, Vũng Tàu. 
Trong khoảng thời gian từ năm 1954-1975, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác nhiều tình ca và quân nhạc. Một số ca khúc của ông rất được yêu thích tại miền Nam vào lúc đó. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng viết một số thánh ca và dịch, hoặc đặt lời Việt, cho một số thánh ca ngoại quốc.
Năm 1975, như đa số sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại Việt Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm phải đi học tập cải tạo tại Long Giao, Long Khánh; Suối Máu, Tân Hiệp; Yên Bái, Hòang Liên Sơn; Văn Bàn, Lào Cai; Chí Hòa,  Thành phố Hồ Chí Minh; và Xuân Phước, Phú Yên. Ông bị giữ trong trại cải tạo 13 năm. Trong khi ông đang ở trong tù, một ca khúc của ông sáng tác vào năm 1970 là bài Trong Ngục Tù Bao La đã được phổ biến rộng rãi khắp cả nước.  Bài hát được phát thanh trên Đài Phát Thanh Giải Phóng, được trình diễn trong các chương trình văn nghệ tại Công Viên Tao Đàn, được thu âm và phát hành vào năm 1977 bởi Đoàn Văn Nghệ Thanh Niên Cộng Sản Thành Phố Hồ Chí Minh, vì đã hiểu lầm rằng Trong Ngục Tù Bao La là một ca khúc của Liên Xô. 
Trong thời gian ở tù, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm hiểu được giá trị tạm bợ của cõi đời và tìm lại phước hạnh trong niềm tin nơi Chúa. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã sáng tác rất nhiều thánh ca trong thời gian ông ở tù; trong số những ca khúc đó có nhiều Thi Thiên trong Kinh Thánh đã được ông phổ nhạc.  Một số ca khúc sáng tác trong giai đoạn này đã được lén lút chuyển ra khỏi trại tù, được hát trong các Hội Thánh, và được phát thanh trên đài Nguồn Sống (Far East Broadcasting Corporation) và đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America). 
Ngày 4/9/1988, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được trả tự do. Cuối năm 1990, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và gia đình được cho phép định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình nhân đạo (H.O.) của chính phủ Hoa Kỳ dành cho các sĩ quan và viên chức thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã đến cư ngụ tại San Jose, California từ năm 1990 cho tới khi ông về với Chúa.  Trong khoảng thời gian này, ông đã xuất bản nhiều tập thánh ca và băng nhạc thánh ca.
Cuộc đời cống hiến cho âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã được Quốc Hội Tiểu Bang California (California State Assembly) vinh danh.  Tháng 10/2002, ông đã được Quốc Hội Tiểu Bang California trao tặng Lifetime Achievement Award cùng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, nhạc sĩ Anh Việt, và thi sĩ Hà Thượng Nhân.
Những đóng góp của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho thánh nhạc đã được cộng đồng tín hữu Tin Lành Việt Nam ghi nhận.  Trong khoảng thời gian 27 năm, từ khi nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đến Hoa Kỳ, nhiều Hội Thánh Việt Nam đã tổ chức các chương trình ca nhạc Vũ Đức Nghiêm để giới thiệu những Tôn Vinh Ca của ông. Năm 2015, Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới đã tổ chức chương trình nhạc Vũ Đức Nghiêm và trao bằng ghi nhận cống hiến của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho nền thánh nhạc Việt Nam.  


Trung Tá, Nhạc Sỹ Vũ Đức Nghiêm qua đời vào lúc 5:00 sáng ngày 24 tháng 7 năm 2017 tại San Jose, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét