Chúng tôi về đến trạm được một
lúc thì anh trạm trưởng và cậu Chân ra chơi. Hai người tỏ vẻ vui mừng khi trông
thấy mớ thực phẩm sống của chúng tôi rất phong phú.
Tôi hỏi một cách rất ngây ngô:
- Ở đây sao các anh không đi
đổi về dùng?
- Chúng tôi biết chớ, nhưng thú
thật với các anh, chúng tôi đâu có cái gì để đổi chác?
Anh trạm trưởng tiếp:
- Các đồng chí thấy đó, ở trong
vùng rừng núi này sắt đá gỗ lim còn mục nữa là quần áo. Quần áo của chúng tôi
không đủ mặc, lấy gì mà đổi? Tôi làm trạm trưởng gần hai năm chỉ lãnh được một
bộ đồ.
Công tác giao liên, các đồng
chí coi đó, dầm nước mưa, nước suối suốt ngày, đâu có mấy tháng thì rã hết.
Trước kia chúng tôi còn có một bộ nghiêm một bộ nghỉ. Đi về thì thay bộ đồ
tác chiến ra treo trên nhánh cây đó, mặc bộ đồ khô vào, sáng hôm sau, bộ kia có
khô hay chưa khô cũng cứ tra vào.. Cả năm này tháng nọ như thế. Nhưng bây giờ
tụi tôi mỗi đứa chỉ còn một bộ, hễ ướt cởi ra phơi thì phải mặc “bộ đồ da”. Anh
biết “đồ da” chưa? …
Chúng tôi mừng chưa dứt, Thu
chưa hết ngạc nhiên thì lại có chuyện.
Có một cái võng đưa bệnh nhân
vào trạm. Hai người khiêng và một người quảy ba-lô cho bệnh nhân.
Anh chiến sĩ quảy ba-lô mặt hầm
hầm hỏi chúng tôi:
- Anh biết trạm ở đâu không?
Tôi thấy anh ta không có lễ độ
nhưng ở cái xứ này mấy ai có lễ độ với ai, bởi vì ở đây toàn là những người
đang bực dọc, thối chí, bất mãn hằn học. Nhưng tôi tiếc gì mà không ném cho hắn
một câu trả lời tương xứng với sự quạu quọ của hắn.
- Không!
Anh ta hất hàm bảo hai người
khiêng:
- Để xuống nghỉ đi!
Hai người khiêng đã chuẩn bị
sẵn cho nên đặt võng xuống giá một cách mau lẹ. Người bệnh vẫn nằm võng lưng
không đụng đất.
Anh chàng mang ba-lô cũng trút
chiếc ba-lô ra khỏi lưng ném xuống đất và bắt đầu phun ra những câu bực bội.
- Đ.m. mấy thằng giao liên rút
vào cái lỗ đếch nào mà tìm mãi không ra thế này? Bình thường thì bảo “nhất trạm
nhì trời” mà! Sao hôm nay không ló ra cho gặp mặt, hừ! Nó dẫn mình đi thì nó
nói nhẹ nói nặng, nó xem mình không bằng con chó. Bây giờ mình cần nó thì nó chui
đi đâu mất hết. Tôi mà còn gặp phen này ít ra là một thoi ba đá.
Anh ta cứ cằn nhằn mãi. Chúng
tôi không đáp lại, còn anh trạm trưởng và Chân cũng im thin thít.
Anh kia càng đi đi lại lại tay
chống nạnh, miệng la bài hãi:
- Chiến đấu cái đếch gì thế này
mà chiến đấu được kia chứ ? Một đại đội hết phân nửa sốt rét. Ngày nào cũng
khiêng vài đứa. Còn lính đâu mà chiến đấu? Thuốc men không có, sốt đứa nào nằm
lại đứa ấy! Chậc! Trốn mất thôi.
Rồi anh ta bảo hai người kia:
- Trông chừng coi nó thế nào?
Hai người kia giở chăn nghiêng
đầu xem người nằm trên võng rồi nói:
- Cũng thế thôi!
- Sốt cái gì sốt ác thế, sốt
một người mất bốn người khiêng vậy thì làm sao? Trời!
Chúng tôi vẫn lặng lẽ tính toán
công việc của chúng tôi, tức là mần gà mần chó.
Bất thình lình…đoành
…đoành…đoành…đoành..!
Anh chàng quân nhân giơ súng
lên làm một loạt ngắn, lá lả tả bay xuống quanh chúng tôi.
- Tao bắn gọi giao liên đấy.
Không ra thì tao bắn miết, bể ổ nó hết cho coi. Cho mầy giỏi mầy trốn.
Đoành … đoành….đoành!
Anh trạm trưởng vùng đứng đậy
với cây súng cạc-bin đã lên đạn lăm lăm trong tay, anh quát:
- Vô kỷ luật! Quân ở đâu vậy
hả?
- Ở đâu tao ở. Hỏi làm gì?
- Hỏi đặng trói đầu bây lại.
- Trói cái này này! – Anh chàng
quân nhân vừa nói vừa nẩy ngược ra và cười thách thức.
Tôi thấy câu chuyện gay gắt sẽ
đưa tới hậu quả rất tai hại. Tôi bèn chạy tới nói với anh trạm trưởng để điều
đình, nhưng anh trạm trưởng gạt ngang. Tôi bèn chạy đến anh quân nhân, anh này
lại càng làm già. Bên nào cũng có mòng có mỏ cả. Hễ họ gõ với nhau thì mình
mệt. Nếu không liên quan đến chúng tôi thì chúng tôi đứng ngoài nhìn, như xem
gà đá nhau chơi.
Tôi nói với anh quân nhân:
- Anh đó là anh trạm trưởng đó.
- Vậy hả? – Anh bạn quân nhân
cười khoái chí – Vậy ra mấy loạt súng của tôi gởi về làng đâu phải là vô ích.
Rồi anh xếp súng lại đi tới bên
anh trạm trưởng giọng hết sức khiêm tốn:
- Chúng tôi biết rằng chúng tôi
vô kỷ luật, nhưng không còn cách nào để tìm các đồng chí cho nên chúng tôi đành
phải làm như vậy, đồng chí thông cảm cho tôi. Tôi là quân nhân không phải không
biết kỷ luật là gì, kỷ luật đường dây càng nghiêm hơn…
Bây giờ tới anh trạm trưởng
phùng sè:
- Các anh ẩu quá mà. Tự động vô
trạm chúng tôi, đó là một sự trái với nguyên tắc bí mật. Chúng tôi bắt trói
ngay các đồng chí bây giờ và đưa vào Bộ Tư Lệnh Quân Khu.
- Dạ, bắt trói cũng được.
- Ít ra các đồng chí phải biết
điều chứ. Địa điểm đóng quân của các đồng chí, ai đến nổ súng được không?
- Chúng tôi có việc cần quá
đồng chí ạ!
- Cần thì cần chứ!
- Chúng tôi có một bệnh nhân
cấp cứu mà không có tí thuốc trong tay.
- Đã đành bệnh! Nhưng chúng tôi
đâu phải là hậu cần của các đồng chí? Trạm của chúng tôi đâu phải là bệnh viện
của các đồng chí? Hừ! Các đồng chí còn chửi tụi tôi như một lũ hèn nhát – Anh
trạm trưởng sôi máu lên – Các anh thử đi đưa khách như chúng tôi xem? Đây chức
trạm trưởng đấy, 21 lon gạo mỗi tháng đấy, thằng nào cứ nói miệng tài thì cứ
nhảy vào làm chơi. Chiến đấu võ trang của các anh không khó đâu, thằng này đã 8
năm cầm súng chống Pháp. Đừng ỷ có súng trong tay…
Tôi xen vào ngay:
- Thôi hai bên cũng là đồng chí
cả vì chưa biết nhau. Vả lại cũng có chuyện gấp!
- Gấp thì gấp, tôi không biết.
Đó không phải là việc của tôi, tôi đéo giải quyết. Thằng nào làm gì thì làm!
Thì đúng rồi. Nhứt trạm nhì
trời là thế đấy. Ai mà đụng vào đó thì chết, chết ngay.
Bây giờ thì đến anh bạn quân
nhân phải xếp giáp qui hàng, không sợ xấu hổ.
Anh ta nói giọng nhũn như bún:
- Đồng chí ạ! Không phải tôi
muốn phá nội qui của đường dây đâu mà đang cơn bối rối tôi không tìm được trạm
nên tôi phải bắn bừa…
- Anh bắn bừa như vậy, cho rằng
anh tìm được trạm đi, rồi còn hậu quả về sau thì sao?
Anh trạm trưởng không gọi đối
tượng bằng đồng chí nữa, mà gọi bằng anh. Anh trạm trưởng tiếp:
- Tôi đi làm giao liên dắt
đường như làm dâu thiên hạ, cực hơn con chó mà! Đường đi trót lọt thì thôi, lỡ
có việc gì thì thiên hạ hăm bắn, hăm đánh đủ thứ trò. Tôi đi làm việc cách mạng
tôi chẳng phục vụ riêng cho thằng đéo nào. Phải thì tôi làm, không thì tôi
nghỉ. Nếu không thì tôi về nhà vợ tôi nuôi tôi cơm tẻ ngày hai bữa cũng sống
vậy!
- Thôi mà đồng chí! – Anh quân
nhân càng mềm mỏng – tôi bắn súng với mục đích tìm trạm chứ đâu phải phá các
đồng chí.
- Tôi chấp các anh phá tôi. Tôi
dời trạm đi cho các anh đui con mắt. Phá đi! Phá đi xem nào!
- Thôi mà, tôi đã nói rồi mà
đồng chí cứ chấp nhất mãi.
Đợi anh trạm trưởng hơi dịu
dịu, anh quân nhân mới nói đến cái chỗ quan trọng nhất của mình:
- Tôi có một anh chiến sĩ ốm
nặng không đi được, tôi nhờ các đồng chí…
Anh quân nhân vừa nói đến đó,
anh trạm trưởng gạt ngang:
- Thôi thôi… tôi không có làm
mẹ gì hết. Đó không phải là việc của tôi.
- Tôi không dám nhờ các đồng
chí trông nom đâu! Chúng tôi xin các đồng chí cho chúng tôi buộc võng gần trạm,
còn phần săn sóc thì có hai người kia luôn luôn ở bên cạnh bệnh nhân.
- Rừng thì chỗ nào chẳng buộc
võng được, sao các đồng chí không buộc ở ngoài kia?
- Dạ..- Anh quân nhân có lẽ
rành tâm lý hay vì công việc cần kíp bắt buộc anh ta phải giả dại qua ải, nên
anh nhỏ nhẹ – Tôi xin thú thực với đồng chí rằng, không phải chúng tôi lánh
nặng tìm nhẹ đâu, không phải đồng chí mình bệnh rồi bỏ rơi nhưng đơn vị có công
tác khẩn cấp không mang bệnh theo được.
- Khẩn cấp à? – Anh trạm trưởng
quát.
- Dạ!
- Khẩn cấp mặc kệ anh, tôi
không biết. Anh đừng có đem ách giữa đàng mang vào cổ tôi. Tôi không phải trâu
của anh nuôi cỏ.
- Dạ tôi đâu dám nghĩ như vậy
nhưng kỳ thực là công việc khẩn cấp quá!
- Các anh chỉ giỏi bày đặt!
- Dạ thật mà!
Anh trạm trưởng cười phì:
- Khẩn cấp cái con khỉ!
Anh quân nhân trắng mắt ra nhìn
nhưng anh trạm trưởng cứ thản nhiên:
- Các anh treo thì cứ treo. Chỉ
có điều là tôi không chịu trách nhiệm, thuốc men tôi không có, người ngợm tôi
cũng không .
- Được rồi – Anh quân nhân nói
quả quyết – đây là một đồng đội của chúng tôi, chúng tôi không thể bỏ được .
- Cái đó thì tùy lương tâm của
các anh, tôi không rõ. Bỏ hay không điều đó không có hại gì cho tôi hết thẩy!
Hai người lính kia coi mòi câu
chuyện xuôi xuôi nên đem võng bệnh nhân treo trên hai cái cây cọc ai đã bỏ, rồi
căn tăng lên chu đáo.
Anh quân nhân cám ơn trạm rối
rít rồi từ giã. Nhưng bỗng một con gà kêu lên quang quác làm cho anh ta quay
nhìn lại.
Anh ta đứng lại rồi trở lại.
Mặt trời đã lặn từ lâu. Chúng
tôi đang bận rộn với lũ gà chó như bận họp tham mưu tiền phương. Anh quân nhân
đến và nói với chúng tôi không chút ngần ngại:
- Tôi xin thú thực với đồng chí
là tôi thèm thịt quá. Đồng chí có thể nào chia lại cho chúng tôi một con hay
không đồng chí?
Thiệt là khổ tâm, không có gì
làm chúng tôi khổ tâm bằng.
- Đồng chí tìm ở đâu mà hay
vậy? – Anh ta hỏi.
- Ở trong bản. – Tôi đáp cụt
ngủn.
- Cũng gần đây thôi.- Việt tiếp
một cách lơ là, không ngó lên và chăm chú nhìn bếp lửa.
Còn tôi thì thấy bối rối quá,
không biết làm sao lánh mặt. Tôi biết Thu lẫn Việt không muốn ai nói đến số
chiến lợi phẩm của mình.
Tự nãy giờ tôi nghe anh quân
nhân và anh trạm trưởng xưng hô với nhau, nhất là tiếng “đồng chí” của anh quân
nhân dùng để gọi anh trạm trưởng thật là nhạt nhẽo.
Tôi thừa biết rằng sở dĩ anh
gọi anh trạm trưởng là đồng chí là để đạt được mục đích gởi anh bệnh binh chứ
chẳng thân thiết gì. Rồi bây giờ anh ta lại dùng cái tiếng ấy đối với tôi nữa,
cũng với một mục đích cụ thể khác.
Tôi chưa bao giờ nghe hai tiếng
“đồng chí” nó nhạt nhẽo và khó chịu như lúc nầy.
Có lẽ anh ta là một anh cán bộ
chính trị cho nên anh ta biết dùng cái tiếng ấy vào những lúc cần thiết.
Tôi còn loay hoay chưa biết trả
lời thế nào cho có vẻ chính trị vì tôi là người ít nói láo được trong lúc cần
sự nói láo thì Việt đã đóng vai trờ chính trị thật khá. Việt nói:
- Tôi nói thật với đồng chí
nhé! – Việt cười hề hề và Việt nói ngọt xớt những lời lẽ có vẻ cảm động- Tôi
hiểu ngay là đồng chí cần một con gà để nấu cho bệnh nhân và các đồng chí ăn,
tôi có thể chia ngay cho các đồng chí, biếu các đồng chí cũng được đâu có đáng
bao nhiêu.
- Vâng, chúng tôi chỉ cần một con
thôi – Anh quân nhân vui vẻ trông thấy – Thú thật với đồng chí chúng tôi đi bộ
từ Bắc Kạn kia đấy, ba tháng mới tới đây, thấy thịt thèm đi không muốn nỗi.
- Tôi cũng đi bộ từ Hà Nội!
(Việt nói dóc)
Việt tiếp:
- Các đồng chí người Bắc mà đi
vào Nam giải phóng cho quê hương tôi, tôi cám ơn các đồng chí lắm nhưng ….
Việt nói vòng vo tam quốc để
cuối cùng đi đến kết luận là không thể chia thịt được.
Anh quân nhân vừa ngượng vừa
thối chí bèn đứng dậy gọi sang mấy người kia cho đỡ khổ.
- Thôi ở đó nghe, tớ về đây! –
Rồi anh đứng dậy ra về, không chào hỏi ai hết.
Anh quân nhân vừa đi thì anh
trạm trưởng vừa tới. Anh nói:
- Cái tốp này nói gạt tôi, tôi
biết mà. Nhưng mặc kệ, không ăn thua gì đến tôi!
Tôi hỏi:
- Nó gạt làm sao?
- Chịp! Cái trò này tôi gặp
hoài hoài. Tôi ở đường dây hai năm nay, những trò đó đâu qua mắt tôi được. Họ
đem họ bỏ đó rồi đi luôn, coi như trút của nợ cho trạm.
- Nhưng nếu họ muốn bỏ luôn như
vậy thì tốt hơn là họ cứ treo võng bất cứ chỗ nào cần gì phải đem vô trạm cho
mất công?
Anh trạm trưởng cười, cái cười
vừa mỉa mai vừa khinh bỉ:
- Như thế thì dễ quá! Nhưng ở
đây nó muốn tìm một đỉểm tựa cho lương tâm, tức là nó đem thằng bệnh vô đây,
nếu có người nào trách móc, nó sẽ nói rằng nó đã gửi cho trạm, hai là nó tự lừa
nó rằng nó cũng không đến đổi tàn nhẫn với bạn bè đồng chí.
- Thế à?
Vừa dứt câu chuyện thì hai anh
khiêng bệnh lại lúc nãy vừa tới. Một anh nói với trạm trưởng:
- Xin phép trạm trưởng cho hai
đứa tôi ra ngả ba lấy ba-lô.
- Ba-lô gì mà lấy?
- Ba-lô của hai đứa tôi. Hồi
nãy khiêng nặng quá nên chúng tôi giấu tạm ngoài rừng, bây giờ trở lại lấy.
Anh trạm trưởng cười:
- Nhưng tôi đâu có nghĩa gì với
anh mà anh xin phép?
- Dạ..anh là trạm trưởng mà.
- Trạm trưởng các anh coi còn
thua con c…của các anh, nhằm nhè gì mà xin phép.
Rồi hai người ra đi khuất sau
những hàng cây cũng đã bắt đầu mờ trong bóng chiều.
Anh trạm trưởng nói với tôi:
- Để rồi anh xem có y như lời
tôi nói hay không? Họ đánh bài chuồn đấy. Họ không trở lại đâu và cuối cùng là
chúng tôi phải chôn cái xác nầy, thế thôi!
Anh trạm trưởng nói với một sự
lạnh lùng quá sức tưởng tượng:
- Trước đây cũng có mấy người
đem tới giao cho tôi một bệnh binh ốm liệt. Họ nói sẽ trở lại chăm sóc . Mình
cũng thương tình, thấy ở giữa rừng sâu, lửa ấm nhưng tình người ấm hơn cho nên
tôi mới nhận bệnh nhân, chẳng dè họ đi luôn, xem như đã gửi một món đồ thừa
không cần lấy lại. Tôi phải nấu cháo cho anh ta ăn suốt tháng trời. Tôi phải
nhịn khẩu phần của tôi. Nếu tôi bỏ, tôi không chăm sóc thì đứng về nguyên tắc
không ai trách móc gì được tôi hết. Chúng tôi bịnh còn không có thuốc nữa là.
Nhưng nếu tôi bỏ thì lương tâm của tôi không yên ổn được. Cuối cùng anh đó cứ
nằm mãi, khi ăn được, khi ăn không được rồi chết, không thấy đồng đội trở lại
nữa. Chúng tôi chôn anh ta ngay chỗ anh ta nằm. Ít lâu sau chúng tôi dời trạm,
bây giờ thì không sao nhớ nỗi nấm mộ kia. Tôi còn giữ tấm chứng minh thư đi Ông
Cụ của anh ta.
Anh trạm trưởng tiếp:
- Bây giờ tới anh này. Chắc
chắn cũng như trước kia thôi.
Anh trạm trưởng nồi trầm ngâm
chốc chốc lại lấy que cời than với một cử chỉ lơ đãng.
—>Chương 14
- 14-
Tôi mời anh trạm trưởng và Chân
ở lại. Chúng tôi làm thịt con gà béo nhất.
Anh bảo chúng tôi:
- Các anh nên làm lương khô để
mang theo đường, không nên phí phạm! Trên đường dây này cái gì cũng không qua
cái ăn. Anh có cái ăn rồi thì sẽ có tất cả, ngay cả bạn bè. Cho thì không thiếu
kẻ xin, nhưng xin thì không ai cho, ngay cả bạn thân của anh.
Tôi tin lời anh trạm trưởng là
đúng.
Cơm xong anh còn ngồi nán lại
chơi. Câu chuyện anh bệnh binh lại được nhắc đến. Anh trạm trưởng nói:
- Anh chàng này không ăn uống
được gì nữa hết, chứ nếu ăn được thì mai tôi lục ba-lô anh ta coi còn cái gì
tôi sẽ đi đổi gà cho anh ta.
Tôi đâm ra ân hận vì lúc nãy
nấu cháo gà mà tôi đã quên khuấy đi rằng bên cạnh mình có một người bệnh cần ăn
cháo.
Tôi nói để chữa ngượng:
- Để mai coi anh ta có tỉnh dậy
không, tôi sẽ nấu cho anh ta tí cháo.
- Phải đó, làm phước cho con
cháu sau này.
Anh trạm truởng ngồi trầm ngâm
lâu lâu mới nói vài câu. Tôi cứ tưởng anh ta sắp ra về nhưng trông chừng anh ta
muốn nói chuyện gì.
Mãi lúc sau anh ta mới hỏi tôi:
- Các anh có nghe đài Bắc Kinh
không?
- Có!
- Các anh nghe thế nào?
- Nghe như anh nghe vậy thôi.
- Tôi muốn hỏi thẳng các anh là
có nghe vụ của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ không?
- Có, có.
- Các đồng chí nghĩ thế nào?
- Còn biết nghĩ thế nào nữa!
Bao giờ Trung Ương có chỉ thị thì mình học thế thôi!
Anh trạm trưởng lặng thinh. Tôi
biết anh chàng này ít ra cũng trình độ tổ trưởng hoặc chi ủy.
Anh nói:
- Thiệt rầu các ông anh bà chị
mình hết sức. Đất nước họ hoà bình, ăn no phè ruột ra ngủ, em út đánh giặc mệt
ứ hơi, đã không lo giúp đỡ lại còn chơi cái mững đó. Năm 1957, nằm hầm bí mật
lính nó đái trên đầu mình bầm gan tím ruột, muốn nhảy lên ăn thịt nó, vậy mà
năm đó ông anh cả của mình lại phạm vào chủ nghĩa “xét đi xét lại” chi đó. Liệt
cường trên thế giới không ủng hộ đã đành, ông anh mình lại cũng không ủng hộ.
Thiệt là kỳ cục.
Anh trạm trưởng tiếp:
- Tôi nói thật với các anh nhé!
Các anh không có ở Miền Nam trong những năm đó nên không biết nỗi đau thương
của bọn chúng tôi.
Bị bắt, đày Côn Đảo gần hết.
Còn sót mấy người không làm ăn gì, kẻ vô chùa tu, người mai danh ẩn tích. Ngày
ngày ngóng trông Miền Bắc, ngóng trông các ông anh lớn. Rốt cuộc chẳng được cái
cóc khô gì…
Phe mình nói chuyện tày trời,
nào tình nghĩa vô sản rùm beng. Rốt cuộc Mỹ nó đánh mình mà không ai dám hó hé.
Mình chửi nó, nhưng coi kỹ lại, mình không bằng nó.
Anh trạm trưởng trợn mắt như
cãi nhau với tôi:
- Ừa, tôi dám nói vậy mà. Nhìn
lại mà xem có đúng hay là không. Nó nói ít hoặc không thèm nói mà làm nhiều. Nó
đâu có la ó gì hung đâu, vậy mà đùng một cái, nhảy vô năm trăm ngàn lính Mỹ ở
Miền Nam làm thiên hạ trắng mắt ra mà nhìn.
Còn miền Bắc bị đánh tan nát
như vậy đó, có anh Liên Xô nào lái máy bay đánh với phi cơ Mỹ không? Có anh
Trung Quốc nào dám nhảy vô cầm súng bắn Mỹ không? Rốt cuộc ai cũng đứng đằng
sau lưng thằng em út và lúc nào cũng hoan hô “thằng con nít ăn ớt giỏi quá, ăn
thêm vài trái nữa đi! Ăn xong leo bẻ dùm mấy trái dừa kia nữa!”
Anh trạm trưởng cười mai mỉa:
- Mà cũng chưa hết, thằng nhỏ
bắt cá cũng giỏi lắm! Thằng nhỏ vốn liếng thoắng thấy mấy anh lớn khen thì hừng
chí, nhảy a vô thộp, tưởng các lóc, không ngờ cá mặt quỷ gai góc đầy mình, mới
vớ vô bị nó đâm la trời nhưng vì lỡ nhận là mình gan lỳ rồi, không lẽ chịu
thua, ráng bắt con cá, bắt không được mà hai bàn tay sưng vù.. kêu cha kêu mẹ.
Mấy thằng lớn đầu đứng xa xa nhìn nhau cười ha hả!
Anh trạm trưởng kể chuyện nghe
thật hài hước cho nên người nghe càng chua chát.
Tôi ngồi lặng thinh.
Anh trạm trưởng dường như gặp
được người bạn tri âm, bèn xổ thêm bầu tâm sự.
- Hồi tôi còn nằm trong tù, tôi
thấy đau khổ cho cái số phận mình quá. Đang đánh giặc ầm ầm tự nhiên ký kết
Giơ-neo. Mình là kẻ đang tung hoành ngang dọc bỗng nhiên lại xếp cánh nằm hang.
Nghĩ thật bầm gan tím ruột. Tôi nói thật với các anh là hồi đó tôi không còn
mong ngóng cái gì nữa hết. Cái sự xây dựng lực lượng hai năm ở Miền Bắc, rồi
trở về thống nhất đất nước càng nhắc càng nghe nó xa vời.
Tôi ở trong tù đâu có biết tin
gì. Có một hôm tên chúa ngục đập cửa gọi tôi vào lúc nửa đêm. Tôi đang ê ẩm cả
mình mẩy, tôi lên phòng tra, bụng nghĩ chắc lãnh thêm một trận đòn nhừ tử,
nhưng không phải! Hắn ta mời tôi ngồi uống nước trà rồi hắn cười ngạo nghể:
- Anh biết tin gì không?
Tôi đáp:
- Không biết!
Hắn phì phà điếu thuốc xì-gà
rồi cười:
- Tôi cho anh hay tin mừng về
sự xây dựng xã hội chủ nghĩa đại thắng lợi khà…khà… Nè, biết uống la-de không?
Làm một chai đi rồi tôi nói cho mà nghe. Uống một chai để ăn mừng.
Hắn khề khà kéo dài câu chuyện
một cách khó chịu, cuối cùng ra mới đứng dậy chống nạnh hai quai và nhìn thằng
vào tôi mà hỏi:
- Anh có biết tổng số xe hơi
Miền Bắc hiện nay là bao nhiêu không?
- Dạ không biết! – Tôi đáp.
Hắn xoè bàn tay ra và nói:
- Có tất cả là 6 chiếc, trong
đó có một chiếc không chạy được mang tên là “Chiến Thắng”. Như vậy còn lại 5
chiếc tất cả. Thế nhưng vừa rồi, mới rồi đây, chỉ còn lại có 4 chiếc… Toàn Miền
Bắc XHCN của các anh chỉ còn lại có 4 chiếc xe cam-nhông như vậy cũng nhiều quá
chớ!
Tôi giận uất người lên, nhưng
tôi làm gì được hắn, trong khi tôi nằm trong tay hắn.
Hắn gọi người mang la ve nước
ngọt mời tôi và nói tiếp:
- Để tôi kể anh nghe nốt câu
chuyện nhé!
Số xe trên Miền Bắc XHCN các
anh bây giờ tôi cam đoan không quá 5 chiếc, là vì sao? Vì vừa rồi có một anh tư
sản do chính phủ Bắc Kỳ bắt phải đi cải tạo ở Vĩnh Linh. Công việc mà y phải
làm hằng ngày là xúc đá đổ đường.
Anh tư sản kia vì không phải là
vô sản tay trắng nên anh ta có xe hơi và biết lái xe hơi. Vì thế cho nên từ
việc xúc đá đổ đường anh ta được gọi lên cầm lái ô-tô chở đá đổ đường. Cha chả,
cầm lái xe là thành phần lãnh đạo đó nghe. Như vậy là anh tư sản kia từ giai
cấp bốc lột phải dìm xuống bùn đen mà ngoi lên được giai cấp lãnh đạo rồi nhé!
Bỗng một hôm nọ anh chàng lái
xe “vỏ công nhân, ruột tư sản” kia không đời nào cái sự chỉnh huấn thay đổi
được , vọt xe qua cầu Hiền Lương mà chạy thẳng về Sàigon… Đó nguyên nhân là như
thế đó, cho nên toàn bộ xe hơi ở ngoài Bắc Kỳ hiện giờ chỉ còn lại có 4 chiếc…
Anh trạm trưởng thở dài, một
chốc anh hỏi tôi:
- Ở miền Bắc có chuyện như vậy
thật sao anh?
Tôi lại ngồi lặng im. Anh trạm
trưởng thở dài não ruột.
- Nếu quả tình có việc đó thì ở
Miền Nam này bọn tôi còn trèo đèo lội suối làm chi nữa?
- Tại sao?
- Là vì sự xây dựng cái chủ
nghĩa xã hội đâu có hấp dẫn gì đâu.
Trong cái túi sắt của rừng
thiêng nước độc này, tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu mái đầu tóc đã muối
tiêu, mặt mũi hốc hác, cặp mắt thau láu lúc nào cũng ngóng xem mặt trời ở hướng
nào. Ở trong rừng, người đi đường, cả người dẫn đường cũng đều mất hướng.
Tôi biết họ cũng như tôi quá
nửa cuộc đời theo “lý tưởng”, chân đã mòn, trí óc đã tiêu hao. Tôi biết họ cũng
như tôi, giờ đây mỏi mệt nhưng đích thì chưa trông thấy đâu.
Anh trạm trưởng móc thuốc ra
hút rồi sau khi đã nuốt trững mấy ngụm khói vào bụng, như muốn nén đi những nỗi
thắc mắc kinh niên, anh nói lãng đi:
- Tôi còn mấy đứa nhỏ học ngoài
đó…
- Anh có con lớn vậy à?
- Tôi đã 45 tuổi rồi chớ ít sao
anh?
Tôi thấy anh trạm trưởng rủ
xuống với mái tóc xám tro của anh. Từ khi tiếp xúc với anh tới giờ, tôi không
nom thấy anh già nhưng bây giờ khi nghe anh nói có con lên học đại học thì tôi
mới trông thấy anh già. Tội nghiệp! Con Bắc cha Nam!
Một chốc anh hỏi tôi:
- Tôi hỏi thật mà anh cũng phải
trả lời thật nhé! Miền Bắc xây dựng XHCN có ngon hơn Miền Nam mình không?
Tôi cười và tìm cách nói loanh
quanh, không trả lời thẳng. Điều tôi muốn nói với anh là: Chế độ nào nhiều cơm gạo, và
thoả mãn người đời nhiều nhất thì đó là chế độ ta cần bảo vệ và vun bồi.
Chủ nghĩa Cộng Sản trên lý
thuyết thì có vẻ hay thật nhưng nó chỉ thực hiện được khi nào nhân loại chỉ có
một cái dạ dày chung. Đừng nghe lý thuyết bất kỳ của ai, hãy nhìn vào nồi gạo
của họ. Goethe nói một câu tuyệt hay: “Tất cả lý thuyết đều trở thành màu xám,
chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.”
Anh trạm trưởng biết tôi dù có
nói cũng không nói thật, cho nên anh tiếp:
- Tôi bi quan từ hằng chục năm
nay anh ạ. Nhất là từ khi tôi ra tù. Tôi không nhìn thấy cái gì sáng sủa nữa.
Tôi hỏi vặn:
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là tôi như lục bình
trôi như vậy đó.
Tôi không muốn khơi vào tâm sự
của anh ta nữa. Bởi vì chích vào đó thì cũng là động đến tâm sự của tôi, cho
nên tôi kéo câu chuyện rẽ sang lối khác.
Tôi nói:
- Nhưng, còn cả con cầy kia,
mai ta làm một bữa. Anh nghe có lạc quan hay không?
- Khà..khà! – Anh trạm trưởng
cười như đứa trẻ.
- Và kia nữa …
Tôi trỏ vào Thu đang đi từ suối
lên. Vì sợ ướt quần nên Thu xăn lên quá đầu gối rất xa. Màu da trắng loáng
thoáng qua những kẽ cây rừng. Tôi rỉ tai anh trạm trưởng:
- Cặp đùi đẹp nhất thủ đô đó,
anh xem dùm một chút là hết bi quan ngay.
- Khậc..khậc!
Anh trạm trưởng nhìn theo tay
tôi chỉ rồi quay lại, nét mặt hửng lên, thơ nây như một anh chàng lần đầu mới
nhìn thấy đàn bà.
Thu không trông thấy tôi và anh
trạm trưởng nên cứ tự nhiên đi tới, càng lúc càng gần chúng tôi. Cái màu trắng
mơ hồ lúc nãy bây giờ đã hiện lên gần quá. Có thể nom thấy những hạt nước còn
đọng trên làn da như những hạt sương điểm trên những cành hoa bạch huệ.
Nhưng anh trạm trưởng không
nhìn thẳng. Hình như anh bị loá mắt trước một hiện tượng kỳ lạ – xa lạ với cuộc
sống lâu nay của anh.
Còn tôi thì có thói quen, khi
thì công khai, khi thì lén lút (nếu nói theo danh từ thì “bí mật”), khi thì
thiệt tình, khi thì vờ vịt, tôi đã nhìn cái hiện tượng đó, cái kỳ quan đó không
biết bao nhiêu lần, mỗi lần mỗi rung động, mỗi ý nghĩa, mỗi diễn biến tâm
trạng, mỗi dục vọng. Tôi đã tìm thấy tất cả an ủi trong cái hiện vật lạ lùng
ấy. Thơ tứ ở trong đó và những ý nghĩa sôi nổi, những tình cảm nồng cháy cũng ở
trong đó.
Tôi không tự nhận rằng tôi yêu
Thu nhưng tôi thấy thiếu thốn khi Thu vắng bên tôi. Tôi không thấy hài lòng khi
Thu nói chuyện thân mật với người khác, ngay cả với Việt là người mà tôi chắc
chắn rằng Thu không yêu. Nói đến Thu là tôi nghĩ ngay đến thỏi ngà thon thon,
không nó tròn quá cũng không mong manh quá, một cái gì gần như được cân tiểu ly
cân đo và một bàn tay điêu khắc kỳ diệu nhào nặn tác hợp.
Thu: có nghĩa như vậy nhưng
không phải chỉ như vậy mà thôi.
Tôi là kẻ đa tình. Tôi tự biết
như vậy, mà ở giữa cảnh rừng này đâu có cái đẹp để mà nhìn. Cho nên quanh đi
quẩn lại tôi chỉ còn có đôi chân của Thu.
Thu vẫn giữ đôi chân trần như
thế đi đến bên cạnh chúng tôi và nói:
- Thôi.. đi ăn đi anh! Cháo
chín rồi!
Tôi lặp lại lời của Thu mà mắt
vẫn không rời đôi chân Thu.
- Thôi đi ăn đi anh!
Anh trạm trưởng nói:
- Ăn gì?
- Gà nấu cháo! Cháo nấu với gà!
- Thế à?
Không để cho anh ngượng ngùng,
tôi lôi tay anh đứng dậy và nói ngay:
- Đi làm bậy một chén cho ấm
bụng.
Anh chống chế:
- Để các anh tẩm bổ, các anh
còn đi xa quá.
- Còn chơi, hết thôi ! Mà sao anh
kỳ cục vậy?
Anh trạm trưởng miễn cưỡng đi
theo tôi. Cháo gà nấu trong 3 cái cà-mên đang sôi ùng ục bốc lên sực nức.
Đây cũng là một kỳ quan nữa. Kỳ
quan bên cạnh kỳ quan. Thu sợ ướt ống quần nên vẫn cứ xăn lên như thế mà chạy
lăng xăng lo việc này việc nọ.
Bỗng dưng tôi lại được hưởng
một loại hạnh phúc xấp đôi này.
—>Chương 15
- 15-
Không biết giờ này là giờ nào
nữa nhưng nghe có tiếng gà cục tác. Trong mấy chú gà còn bị giam lại có cả một
chú gà trống mới tập gáy như con trai mới bể tiếng. Nó kêu te te chứ chưa thành
tiếng gáy. Vậy mà tôi nghe cũng vui, tưởng như mình ở giữa thôn xóm quê hương.
Bất giác tôi nhớ tới anh bệnh
binh khi chiều. Nếu còn sống thì hắn ta đang ngủ hay thức? Nếu đang thức thì
hắn ta nghĩ gì, ao ước gì? Có cái quân đội nào mà đứng về phương diện tổ chức
kỳ cục vậy không? Hô đi, con người ta đi!. Con người ta ốm nằm dọc đường thế là
bỏ phế không thuốc men, không săn sóc. Có thứ tình người nào kỳ cục vậy không?
Mạnh giỏi thì chơi với nhau, khi đau ốm thì không ngó ngàng tới nữa. Có thứ
người ngợm nào kỳ cục vậy không? Khi còn mạnh giỏi thì nai lưng ra khiêng vác
trèo leo bất kể đêm ngày, sống chết, khi nằm xuống rồi nhìn quanh quất bạn bè
đồng chí, lãnh đạo, chỉ huy chẳng thấy một ngoe.
… Chúng tôi đang nấu cơm sáng.
Nấu cơm hôm nay là niềm phấn
khởi lớn nhất đối với chúng tôi bởi vì sau bữa ăn ngon chiều qua, bữa ăn sáng
nay cũng sẽ rất ngon.
Ấy vậy mà nó lại không ngon.
Chúng tôi đang ăn cơm thì có người đến. Đáng lẽ các ông này đến chiều hôm qua
thì bây giờ các ông mới đến. Sau khi nghe họ tiếp xúc với bệnh nhân và họ nói
chuyện với nhau thì tôi biết ngay rằng đó là các cán bộ chính trị trong đó có
một trợ lý chính trị tiểu đoàn. Anh ta đến bên võng giỡ mí chăn lên xem hồi lâu
rồi hỏi thật to:
- Cậu đau có nặng lắm không?
Tôi không nghe bệnh nhân đáp,
nhưng tôi đoán là anh ta chỉ khẽ gật đầu thôi.
Anh ta hỏi tiếp:
- Có ăn cơm ăn cháo gì không?
Tôi lại cũng không nghe tiếng
bệnh nhân đáp. Ai chớ ông trợ lý chánh trị thừa biết là những người khiêng bệnh
nhân tới đây đều rút lui có trật tự hết rồi.
- Bệnh tư tưởng chứ bệnh gì! –
Anh trợ lý tiểu đoàn ném ra một câu bông lông.
Tôi nhìn anh ta mà điếng cả
người như bị roi da quật. Tôi không hiểu anh ta định nói ai.
Anh trợ lý tiểu đoàn quay sang
chúng tôi:
- Các đồng chí nghĩ coi bệnh gì
mà kỳ cục vậy? Mới hôm qua đây nó còn ăn cơm rõ ràng. Chiều lại thì ngã ra đau
nặng. Đang đi lại nằm ỳ ra, bắt người ta khiêng như thế? Không có người khiêng
súng, người đâu mà khiêng người? Phá sản cả kế hoạch hành quân! Bệnh gì? Bệnh
tư tưởng chứ bệnh gì?
Anh trợ lý chính trị nói rất
hăng làm như diễn thuyết cho nên vừa chấm câu xong, anh ta mệt thở hào hển như
leo dốc.
Cả ba chúng tôi không bảo nhau
mà đều ngồi im. Anh ta bèn ngồi xề lại gần chúng tôi và lải nhải:
- Thiệt là một thứ bệnh nguy
hiểm các đồng chí ạ! Nó lây hơn tất cả các chứng bệnh khác. Anh này thấy anh
kia làm có kết quả thì bắt chước làm theo. Rồi anh nọ lại bắt chước làm theo
nữa không thể nào ngăn nổi. Các đồng chí xem trong một tiểu đội mà có hai người
bệnh phải khiêng thì còn đánh đấm gì nữa?
Anh trợ lý phân trần với tôi
làm như chúng tôi cũng chú ý nghe hoặc đồng tình với anh ta.
- Có một dạo có một cái dịch tự
sát thương để nằm lại và sau cùng là “bê quay”. Đó là lúc qua giới tuyến. Họ
làm như vậy để trở về Bắc. Bây giờ tới đây thì quá sâu rồi không thể trở về
được nữa thì họ lại tìm cách lùi lại và dần dần không còn ai biết tới nữa. Rồi
họ tự xoá tên trong đơn vị và trở thành người rừng, như một thứ thổ phỉ. Tôi
làm cán bộ chính trị cho nên tôi thuộc hết tất cả ngóc ngách tư tưởng của họ,
tuy nhiên tôi không làm sao chận đứng lại được.
Anh trợ lý nuốt nước bọt và trỏ
về phía võng:
- Đó là một bằng chứng của
những lời tôi nói. Hôm qua anh ta còn ăn cơm rõ ràng mà. Chính mắt tôi thấy!
Đang đi bỗng nhiên lại khuỵu xuống không đi được nữa. Riêng tôi thì tôi không
sợ vì tôi có biệt tài trị chứng bệnh này rất nhanh. Chỉ có một phương pháp
thôi: đó là không phát gạo! Đói là đầu gối phải bò!
Nghe anh trợ lý mà anh chính
trị cấp tiểu đoàn tuyên bố cái phương pháp trị bệnh của ông ta, tôi nổ lỗ tai.
Anh trợ lý chính trị tiểu đoàn
nói tiếp:
- Phức tạp lắm anh ơi. Đi trên
con đường này, lãnh đạo một tiểu đoàn bằng lãnh đạo một sư đoàn. Mỗi một binh
sĩ là một cái nợ đối với chúng tôi. Mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi hành động
để chống lại chuyện đi vô Nam, chống việc khiêng đạn vác súng. Cuối cùng giả
đau là thần diệu nhất. Đau để nằm lại, để tìm cách quay về Bắc, đó là mục đích
của cơn đau.
Anh chính trị viên giải thích
cặn kẽ mạch lạc và đoan chắc mọi điều anh nhận định là đúng hoàn toàn. Anh nói
tiếp:
- Như cái anh này đây, tôi nói
rồi để các anh xem! Anh ta sở dĩ đau nặng như vậy là vì chặng đường sắp tới rất
gay go. Hai ngày không có suối, do đó cơm ăn trong hai ngày tới phải nấu đem đi
từ đây.
Tôi làm công tác chính trị quân
đội nhiều không có chứ ít ra cũng 7, 8 năm cho nên anh lính nào nháy con mắt là
tôi biết trong bụng anh ta muốn cái gì rồi. Tôi hứa chắc chắn với các anh một
câu xanh dờn rằng anh binh sĩ này nằm lại đây cho đến sáng mai là khỏi ngay bởi
vì sáng mai đơn vị hành quân rời khỏi chỗ này. Sau đó anh ta hoạt động lại
ngay, lại đi đổi gà nấu cháo xơi phây phây ra thôi!
- Nếu họ “đau” cái kiểu đó thì
cứ để cho họ ở lại chớ lôi kéo họ theo làm gì cho nặng hở đồng chí? – Thu hỏi.
Bị hỏi bất ngờ, anh trợ lý “già
kinh nghiệm” bị chới với nhưng anh ta cũng trả lời ngay:
- Trời! Nếu bỏ họ ở lại hết thì
còn ai đi?
Anh cán bộ chính trị đã nói một
câu hết sức thành thật. Nhưng anh ta biết ngay rằng mình nói hớ nên anh ta bỏ
đi ngay. Anh ta quay trở lại võng bệnh nhân. Anh lắc lắc cái võng vô tri mà nói
với giọng chua lòm:
- Bịnh có nặng cũng cố gắng
lên, không có ai khiêng nổi đâu!
Nói xong anh cán bộ chính trị
ngoe ngoảy bỏ đi. Cái võng không động đậy, cũng không lên tiếng, cơ hồ như
không hay biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài.
Khi anh cán bộ chính trị vừa
khuất dạng thì chúng tôi cũng vừa bên cơm nước thịt cá dọn ra. Bữa ăn chúng tôi
đang ngon lành thì bỗng có tiếng ú ớ đằng võng. Tôi buông đũa chạy sang, vì tôi
nghĩ rằng bệnh nhân đang cần sự có mặt của một người.
Tôi mất hết sự ngon lành của
bữa ăn. Người nằm trên võng là một cái xác không hơn không kém. Tôi không có
can đảm nhìn lâu.
Tôi thấy đôi môi anh ta mấp máy
nhưng không ra tiếng. Tôi chỉ đoán anh ta cần uống nước và ăn cháo. Tôi hỏi:
- Anh khát nước phải không?
Bằng đôi mắt và với cử động rất
khẽ của mí mắt, bệnh nhân trả lời với tôi.
Tôi quay về lều và trở lại với
ca nước trên tay. Tôi hỏi:
- Anh ngồi dậy được không?
Tôi thấy khổ tâm quá. Một tay
tôi nâng bệnh nhân lên, một tay tôi cố giữ thăng bằng ca nước, và đưa ca nước
vào đôi môi của anh khô như đất nẻ mặt ruộng trong kỳ đại hạn.
Chỉ vài hớp thôi bệnh nhân đã
uống cạn nước trong ca, rồi ngã vật ra trên võng dường như bất tỉnh.
Tôi nom xuống và hỏi:
- Anh cần gì nữa không?
Bệnh nhân khẽ lắc đầu.
- Anh có ăn cháo chúng tôi nấu
cho. Chúng tôi đang có thịt!
Mắt anh bạn đang nhắm nghiền
bỗng mở to ra như chợt trông thấy điều lành xảy đến. Anh ta nhìn tôi rất đổi
ngạc nhiên. Có lẽ anh ta nghĩ rằng anh ta nghe lầm điều tôi vừa nói.
Tôi vội vã trở về múc mớ cháo
loãng nấu với xương chó đang sôi sùng sục trên bếp rồi mang sang cho anh ta…
Nghe hơi cháo phất qua, anh bạn
ngồi bật dậy trước mặt tôi một cách không ngờ, một tay níu chặt mép võng, một
tay run run đưa ra đỡ lấy ca cháo, rồi không ngần ngại đưa lên miệng húp lia
lịa, dường như không biết đó là cháo sôi mới múc ra.
Anh bạn húp một hơi hết ca
cháo.
Anh ta nằm vật trên võng, mồ
hồi ướt trán, mồ hôi thấm qua lớp áo kaki dày mo, gương mặt anh ta sáng hẳn
lên. Đột nhiên anh ta nói, tiếng nói rõ ràng và trong sáng:
- Dù sao tôi cũng có 3 đứa con
rồi! 1 gái 2 trai.
Tôi hỏi:
- Quê anh ở đâu?
- Quãng Bình, hợp tác xã Đại
Phong.
- Anh em đơn vị anh có hứa bao
giờ đến rước anh không?
Anh ta ngơ ngác tỏ vẻ không
hiểu gì hết về câu hỏi của tôi. Tôi kể vắn tắt lại sự việc vừa xảy ra ở đây cho
anh nghe nhưng tôi cố ý không kể lại sự qui kết của anh trợ lý chính trị về
“cái bệnh tư tưởng” mà anh ta đã cố gán cho bệnh nhân. Rồi tôi mới trở về lều.
Thu nằm trên võng nhưng nghiêng
qua một bên mà lại cong queo lên như nằm trên giường và quay lưng hẳn lại Việt.
Tóc Thu rơi một ít bên mép võng. Thu nhìn xuống đất có vẻ như theo dõi một chú
rắn mối hay một đàn mối càng đang di chuyển trong đám lá khô.
Tôi thì nằm vặn mình như chiếc
bánh quai chèo, chân thòi ra phía bên kia, đầu thì ngoặc sang phía bên này mép
võng. Tôi không nhìn ai mà cũng không nhìn gì, cũng không muốn gợi chuyện với
Thu.
Tôi đang nằm lim dim bỗng nghe
phía võng có tiếng è è làm như có một bàn tay nào chặn cổ bệnh nhân vậy. Tôi
bật dậy nhìn về phía võng thấy chẳng có ai ngoài chiếc võng xám xịt im lìm.
Tôi dự đoán rằng anh lính bất
hạn này sẽ chết nay mai.
Không hiểu tại sao tôi không
biết sợ gì hết, tôi chạy ngay lại võng. Đến nơi thì thấy anh lính không còn thở
nữa.
Tôi không sờ mũi, không sờ ngực
nhưng quả quyết rằng tiếng è è lúc nãy là hơi thở cuối cùng của anh. Anh đã
chết vì chứng “bệnh tư tưởng”!
Tôi gọi:
- Việt! Việt!
- Gì anh?
- Chạy vô trạm báo anh bệnh
binh đã chết rồi.
Việt sững sờ. Thu cũng ngồi dậy
ngơ ngác. Chúng tôi im lặng nhìn nhau như trao đổi với nhau nỗi buồn thảm vô tận.
Chập sau thì anh trạm trưởng và
Chân ra. Và chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau anh trạm trưởng đến gặp tôi.
Anh xoa hai tay một cách toại nguyện:
- Xong rồi!
- Vậy à đồng chí?
- Tôi nói có sai không?
- Chậc!
- Thiệt là vô nhân đạo! Đồng
chí, đồng đội đó!
Tôi đứng lặng thinh lắng nghe
anh trạm trưởng tiếp:
- Đấy, đồng chí thấy đơn vị có
cho thằng nào trở lại không? Tôi đã nói là tụi nó đổ gánh nặng cho tôi mà!
Tôi thấy anh trạm trưởng không
chút xúc động, chỉ thấy anh tức giận thôi. Anh nói:
- Tôi mà biết đơn vị nó đóng ở
đâu, tôi tới níu đầu thằng chỉ huy xán cho nó mấy bốp tay và bảo nó nghỉ đi,
đừng có chỉ huy lính tráng nữa.
Câu nói của anh làm cho tôi
nghĩ đến những vị chỉ huy khác.
Tôi thấy eng eng muốn sốt. Tôi
ngồi bật đậy và nói với Việt:
- Việt à!
- Chi anh?
- Tớ muốn hai đứa mình đi làm
cái này một chút.
- Cái gì anh?
- Cậu với tôi đi xuống suối tìm
một tấm đá phẳng khiêng lên đây rồi hãy hay. Có đồng ý không?
- Được rồi…nhưng để làm gì?
- Làm gì rồi sẽ hay mà!
Rồi hai đứa cùng đi. Tôi nói
với Việt:
- Khắc cho anh ta một mộ bia
cậu à! Tớ nói thật mà! – Tôi nói tiếp với sự kiên nhẫn – Mình nằm không sẽ bị
sốt, đi hoạt động có lợi hơn!
Việt ngần ngại:
- Tôi đồng ý cái kinh nghiệm
đó, nhưng khắc một bia đâu phải chuyện chơi.
- Không phải chuyện chơi nhưng
ta nhất định làm được…Tội nghiệp anh ta chết không một người bên cạnh. Chỉ có
cây rừng đứng lặng chung quanh. Tụi mình cũng vô tình quá…
Việt dảy nảy:
- Vô tình khỉ mẹ gì! Đến phiên
mình rồi phải nằm ngay cán cuốc ra như hắn thôi, có ai ngó ngàng tới? Chôn
người chưa chắc người ta chôn mình!
Tuy nói vậy nhưng Việt vẫn đi
với tôi xuống suối. Hai đứa chọn mãi mới được một mặt đá phẳng.
Cái tấm đá không to lắm. Nó
bằng gấp đôi tập vở học trò . Tôi cứ tưởng tôi xách một tay mà đi bon bon về
nhà, nhưng khi tôi nhấc thử nó lên thì tôi mới biết là tôi không thể.
Việt thì có vẻ anh hùng hơn,
Việt xăn tay áo và bảo:
- Để tôi vác cho!
Thế là cu cậu đỡ tấm đá lên vai
vác về lều.
Tôi bèn chạy vô trạm, lục lạo
một hồi mới được một cái lưỡi lê gãy và tên họ người xấu số. Tôi mừng quá xách
cái lưỡi lê chạy về mà đưa cho Việt:
- Cậu đục trước đi, mỏi tay rồi
tôi thay khắc tên tuổi quê quán của anh ta.
Việt đục cả tiếng đồng hồ, mồ
hôi mồ hám ướt đẫm mà chưa xong một nét.
Việt ném dụng cụ và thở phào:
- Thôi! mệt bỏ mẹ! Cái thằng
cha này nó lại báo hại mình. Chớ phải nó họ Lý họ Lê gì thì đỡ cho mình biết
mấy, đằng này nó nhảy nó đè họ Nguyễn mới chết tươi mình chớ! Nội cái dấu ngã
thôi khắc cũng đủ bỏ mạng mình rồi.
Tôi nói:
- Thì viết tắt.
Việt cãi lại:
- Còn tên nó làm sao viết tắt?
Phải nó tên A tên B và quê ở Hà Nội cũng đỡ mệt cho mình. Đằng này cái tên đã
dài cả cây số rồi, còn quê thì lại ở Quảng Bình, kéo thêm nửa cây số nữa. Khắc
cái mộ bia này bằng đi một trạm!
Mãi tới chiều chúng tôi mới đục
đẽo xong cái “mộ bia”. Tuy nó không ra cái hồn gì nhưng người đi qua có thể đọc
và biết được kẻ nằm dưới mồ tên gì, mấy tuổi và quê ở đâu.
Tôi và Việt khệ nệ khiêng tấm
bia đá đặt trên nấm mộ cách chỗ anh ta mắc võng nằm không xa.
Tôi hỏi anh trạm trưởng tại sao
không đắp nấm cho người chết? Anh trạm trưởng hỏi lại tôi:
- Anh có sức đắp nổi không? –
rồi anh lại tiếp – Đắp để làm gì? Sở dĩ người ta đắp nấm mộ cho người chết là
để người sống tới thăm, dẫy cỏ, đốt nhang . Còn ở đây thì ai tới? Vả lại nay
mai trạm chúng tôi cũng dời đi, con đường mòn này đâu còn. Ai mà đi qua đây?
Tất cả đều chìm lắng, đều bị nuốt mất trong cái bụng thăm thẳm của rừng, tất cả
sẽ trở thành đất … một cách vô danh.
- 16-
Trong lúc chúng tôi đang chuẩn
bị cơm nước thì có hai vị khách đến, một nam một nữ. Cả hai đều tỏ ra rất thuộc
đường rừng và quen cuộc sống ở rừng cho nên họ không cần hỏi chúng tôi một điều
gì.
Một người đàn ông trạc 40 tuổi,
da đen sạm với chiếc nón nỉ cũ không còn ru-băng sụp đến tận mắt. Anh ta mặc bộ
đồ bà ba đen, ống quần thì túm lại cho nên nó phùng ra ở phía trên như y phục
của một tay kiếm hiệp. Anh chàng mắc võng xong rồi mới đến giúp cô nàng. Cô ta
mắc võng vào đúng hai cái cây của anh “bệnh tư tuởng” vừa mới ra đi. Hai người
nói gì với nhau, tôi không nghe rõ, nhưng có vẻ bí ẩn lắm. Gương mặt cô gái
không vui không buồn. Cô ta còn trẻ quá, thừa tiêu chuẩn về tuổi tác để làm con
anh kia.
Suốt từ khi họ đến, tôi không
nghe họ gọi nhau bằng ngôi thứ mà chỉ nói trỏng trỏng suông suông. Có lẽ cô ta
là y tá, còn anh kia là cán bộ cao nên cô ta đi theo để phục dịch thuốc men.
Cán bộ cao thì phải có gạc-đờ-co chứ! Các cha lớn đi ra thì khác nào ông nghè
bái tổ vinh qui. Hay cô kia là con gái ông ta, nhân trong một chuyến về thăm
gia đình, anh ta xúc nó theo đi làm cách mạng cho luôn tiện rau nào sâu ấy.
Không hiểu sao từ lúc hai nhân
vật nầy xuất hiện ở đây, tôi cứ nghĩ hết giả thuyết này đến giả thuyết khác,
không biết vô lý hay có lý, nhưng tôi không dứt tôi ra được khỏi vấn đề.
Tôi còn để ý thấy cô bé hơi bẻn
lẻn. Cô không đến trò chuyện với Thu, cũng không ra khỏi tăng. Đến chiều khi
được lệnh nấu cơm, thì họ chỉ dọn cơm ra ăn thôi chứ không nấu. Hai người ngồi
cả trong tăng cô gái. Anh đàn ông quay lưng hẳn lại phía tôi làm như cố ý che
kín cả cô gái và che cả những ý nghĩ của y. Cái lưng to bản của y quả thật là
tấm vách tường chắn ngang, thỉnh thoảng tôi mới trông thấy được bàn tay hoặc
một mép tóc của cô nàng thôi.
Cái áo của anh ta có lẽ đã mấy
ngày không có dịp giặt cho nên mồ hôi đóng thành muối, in hình một tấm bản đồ
rất rõ nét.
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi
lại chú ý người ta kỹ như vậy. Chuyện của người ta mà, đâu có dính dấp tới tôi?
Cơm nước xong, trời vừa tối. Đó
là thời khắc thiêng liêng của những kẻ vượt Trường Sơn, đàn ông hay đàn bà kẻ
khoẻ người yếu đều yên trí rằng mình sắp được nghỉ ngơi trọn vẹn. Chỉ còn có
máy bay hoặc biệt kích mới đáng sợ mà thôi.
Tôi thấy anh chàng từ dưới suối
đi lên, ngang qua võng của tôi, tay cầm cái bàn chải gõ gõ vào lòng bàn tay và
quay mặt sang bên kia, không nhìn tôi. Anh chàng đã thay chiếc áo bà ba “có in
bản đồ” và mặc cái áo thun trắng. Y làm dáng, tôi nghĩ vậy.
Rồi y ta đi vào lều. Tôi ngoài
cổ nhìn theo, nhưng cái cử chỉ không được lịch sự cho nên tôi ngồi dậy và lẵng
lặng nằm quay đầu lại để được nhìn sang bên kia tự nhiên hơn.
Bỗng Thu gọi:
- Anh còn nước uống không?
- Còn! Bi-đông treo ở đầu võng
đây, có uống thì sang.
Tiếng chân Thu đi lào rào trên
lá khô. Thu vào lều và rỉ tai tôi:
- Anh có thấy gì không?
- Không!
- Anh thì lúc nào cũng vờ. Đóng
kịch tài lắm!
- Lại kiếm chuyện! Kịch với chả
kẹt!
- Anh không thấy gì hết hở?
- Không thấy gì cả, ngoài em!
- Xùy! Ghét cái mặt anh quá!
Tôi cười và bảo:
- Thôi về an dưỡng đi.
Thu biết tôi đối xử với nàng
rất thân thiết nhưng cũng rất mực thước, cho nên nàng không ngần ngại đến với
tôi bất cứ lúc nào. Còn tôi thì cứ ôm cây đàn lòng, lắm lúc ở giữa núi rừng này
cũng muốn trổi lên cái cung “mi-nưa” lắm, nhưng lại sợ tiếng đàn ngân lên mà
không có tiếng vang, cho nên cứ lên dây, rồi lại so dây, mình chỉ dạo lên cho
mình nghe mà thôi.
Khi Thu bước ra khỏi lều, tôi
mới thấy rằng nàng đã mang theo với nàng sinh khí trong lều. Tôi thấy tôi chơi
vơi, chới với. Tôi gọi nàng như hốt hoảng:
- Thu! Thu lại đây!
- Thôi, em về thôi.
- Bảo lại đây anh nói cái này..
- Mai đã!
- Rồi tối nay có chuyện gì gọi
anh không sang lại đâu đấy nhé!
- Anh trả thù em hở? – Nói vậy
nhưng Thu đã trở lại đứng ở mép lều của tôi rồi.
Tôi lại kỳ kèo:
- Vào đây! Chuyện bí mật quân
sự mà!
- Anh chỉ tài bịa – Thu cũng
chìu ý tôi, bước vào đứng ở chân võng.
Tôi có chuyện gì đâu mà nói.
Thu đứng im. Có lẽ Thu cũng biết tôi gọi Thu lại để có Thu trong chốc lát. Và
Thu trở lại vì nàng cũng thấy cần đến với tôi. Cả hai không nói lời nào, mà
trong sự im lặng kia, có hàng ngàn tiếng nói, tiếng nhạc vang lên, tiếng to
tiếng nhỏ., tiếng tơ tiếng đồng va chạm, hoà hợp nhau, đuổi bắt nhau, lẫn tránh
nhau. Cả một vùng đầy âm thanh đó vây riết lấy hai đứa trong sự xao xuyến, náo
nức, chờ mong, đau khổ và hy vọng. Nó như cái túi đã căng đến mức độ chỉ cần
một mũi kim chích vào là vỡ toang ra ngập lụt.
Tôi nói:
- Này Thu ạ.
Nhưng khi tiếng nói sắp nẩy lên
trên môi tôi, thì tôi lại mím lại và nén nó vào trong. Tôi lại nói sang chuyện
khác ngay.
- Ở đây, em ngủ phải coi chừng
nhé!
- Coi chừng gì anh?
- Coi chừng người ta ăn cắp
bi-đông và dép – tôi tiếp – Bi-đông thì phải treo ở đầu võng, buộc thật chặt,
còn dép thì phải giấu ở giữa nóc tăng.
Thu nói:
- Có thể mà cũng gọi. Anh
thiệt!
- Còn nữa chứ!
- Em bao giờ cũng bị anh gạt.
- Không, anh bao giờ cũng bị em
gạt.
- Lừa gạt hay gạt qua một bên? – Thu hỏi gặn.
- Cả hai!
- Bây giờ anh nói đi, em không gạt, cũng không gạt!
- Thôi, để mai hãy nói.
- Đấy, anh gạt em đấy!
- Không, tại lúc nãy em bảo để
mai.
- Em không có sang đây nữa đâu!
– Nói vậy nhưng Thu vẫn tần ngần đứng đấy.
Rồi thì đêm. Cái đêm muôn thuở
của loài người, cái đêm mang đến cho chúng tôi cùng một lúc sự hãi hùng và sự
yên tĩnh.
Đến nửa đêm thì tôi nghe tiếng
rên rỉ. Theo thói quen của những người đi trên đường này, nghe chuyện gì thì
chuyện, cứ phớt tỉnh Ăng-Lê.
Chuyện gì cũng không ăn thua,
miễn nó đừng xảy ra cho mình thời thôi. Nghe tiếng rên tôi tưởng Thu sốt, nhưng
lắng nghe kỹ lại thì không phải, vì Thu nằm ở hướng khác. Tiếng rên kia là của
một người con gái. À, tôi sực nhớ ra người con gái bẻn lẻn lúc ban chiều. Nét
mặt và tất cả những việc làm của cô, tôi chú ý từ chiều, bây giờ sống dậy. Sự
nghi ngờ của tôi rất có lý.
Tôi nghĩ: cô sốt sao cái anh
chàng chết tiệt kia nằm gần đó mà không lên tiếng?
Tôi bèn bạo dạn kêu lên:
- Ai sốt ai la đó hả?
Hồi lâu tôi không thấy trả lời.
Tôi kêu hai ba lần và cùng tôi gọi thẳng người đàn ông mặc áo thun trắng.
- Đồng chí gì ơi !… Cô bạn của
đồng chí sốt kia kìa.
Nhưng tôi không thấy ai trả lời
trả vốn chi hết. Tiếng kêu của nạn nhân to hơn và rõ hơn:
- Ai cứu tôi với…Ai … ai … cứu
tôi!
Tôi ngồi bật dậy và ném sang gã
đàn ông:
- Đồng chí ơi! .. dậy mau… ngủ
gì như chết vậy?
Người kia vẫn không đáp lại.
Tôi nghe tiếng rên rỉ bi thương
quá nên buộc lòng tôi bấm đèn pin lên, rọi kỹ dưới đất, xong tôi mới rút dép
trên nóc tăng xuống xỏ chân vào cẩn thận rồi mới từ từ đi sang tăng cô gái.
Trời đất ơi! Bây giờ tôi mới bạt vía kinh hồn. Một cảnh tượng bày ra trước mắt
tôi mà tôi không hiểu gì cả.
Cái võng bằng ni-lông xanh đứt
làm đôi, còn cô gái nằm quằn quại duới đất. Mặt cô gái xanh nhạt ra và đôi mắt
trợn ngược lên toàn tròng trắng.
Tôi đứng tần ngần giây lâu. Cô
ta gắng gượng nói:
- Ông ta….!
À ra thế. Nhưng nếu thế thôi
thì đâu có chuyện gì. Tôi bàng hoàng không biết làm gì nữa. Bất gíác tôi rọi
sang lều của người đàn ông kia. Ở chỗ đó không còn tăng mà cũng không còn võng.
Vậy ra ông ta đã biến đi rồi, với tất cả đồ lề của ông ta.
Bất thần tôi hỏi:
- Sao võng cô đứt mà cô không
ngồi đậy? Ngồi dậy đi!
Người con gái khẽ lắc đầu. Tôi
mới để ý thấy rằng quần áo của cô không giữ đúng vai trò của chúng. Thế mà cô
ta vẫn không biết điều đó, cho nên cô không sửa sang lại.
Hồi lâu sau, cô mới nói, giọng
run run, gắng gượng:
- Ông ta… y..êu…tôi!
Tôi đã hiểu ra rồi. Vì thế nên
chiếc võng nó mới đứt làm đôi ra. Dưới sức nặng của hai cây thịt nhún nhảy linh
tinh… Tôi phát mọc ốc lên đầy mình. Trước đây, lúc tôi hãy còn đi chung với
Phương, nhiều đêm tôi và Phương đã từng dùng chiếc võng làm tổ uyên ương nhưng
cũng may là võng của chúng tôi còn mới nên không xảy ra chuyện gì.
Nhờ kinh nghiệm bản thân cho
nên nghe cô gái nói thì tôi hiểu vấn đề ngay. Mãi đến lúc sau tôi mới phát giác
ra rằng cô gái không ngồi dậy được và hai tay cô cũng không còn cử động bình
thường. Thì ra, dưới sức nặng của hai người mà hai người đang ngọ ngoạy thì cái
trọng tâm hoạt động dồn xuống theo sức hút của trái đất, cho nên khi cái võng
đứt làm đôi thì cái lưng cô gái bị nện xuống đất với một lực to gấp nhiều lần
so với sức nặng của chính cô. Và nguy hại nhất là dưới lưng của cô gái có những
hòn đá nhọn chĩa lên. Cho nên một trong những mắc xương sống bị dập đi.
Tôi cũng không biết làm gì hơn
là bế xốc cô gái lên rồi nhìn quanh quất, không thấy nơi nào có thể đặt cô gái
xuống được. Tôi bế cô về lều đặt trên võng của tôi rồi hoả tốc gọi Việt và Thu
sang.
Sau khi Thu hiểu ra câu chuyện,
Thu cũng đứng chết như trời trồng, không biết làm gì hơn tôi.
- Em chóng mặt quá…! – Thu kêu
lên rồi quay trở về.
Tôi biết làm gì với một vết
thưong như vậy? Thật oái oăm!
Tôi cũng không còn đủ bình tĩnh
để mà chửi rủa tên đàn ông kia.
Tôi nói với Việt:
- Tôi đã đoán ngay từ chiều mà!
- Ghê thật! Võng rơi xuống hòn
đá nhọn thì còn gì!
- Ai có ngờ!
- Ông kia lại bỏ đi đâu?
- Trốn chứ còn đi đâu!
Tôi ngồi dựa góc lều cho tới
sáng. Việt vào gọi anh trạm trưởng ra. Tôi thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Anh
trạm trưởng chửi ỏm tỏi. Anh ta nói oang oang không kiêng nể ai hết:
- Thằng cha này là huyện ủy
huyện ẻo gì đó. Nó dắt con nhỏ này đi nhong nhong hết trạm này đến trạm khác,
đồ dã man. Chơi cho sướng rồi bỏ con người ta vậy đó. Huyện ủy cái con c….! Dắt
qua đây mấy lần rồi, nhưng tôi không biết. Nếu tôi gặp là tôi đuổi đi liền tay.
Anh ta nói luôn một thôi dài:
- Còn cái con nhỏ này nữa. Đồ
con gái nhí nhảnh, không biết thân cứ đeo theo cái thằng cha già ngắt như vậy
kiếm cái gì? Đồ ngu! Rốt cuộc lại cũng tụi tôi chịu. Hừ!… Đây nè, bậy giờ tụi
tôi vác, tụi tôi khiêng đây nè, chứ ai vô đây mà chia với tụi tôi?
Tôi thấy khổ tâm quá, vừa xấu
hổ, vừa xót xa. Càng đi càng thấy những chuyện kỳ cục càng nhiều ra. Thật là
một tai nạn không ở đâu có.
Anh trạm trưởng sang chỗ cô con
gái bị đứt võng rồi trở lại ngay. Anh lắc đầu:
- Đá nhọn như chông mà. Cả trăm
kí lô giằn lên, rơi xuống. Đá nhọn mà không gãy xương sống sao được? Gãy xương,
tủy chảy ra dính đầy trên đá kia kìa. Ai nấy sang coi dùm một chút! Cái chỗ đó
có cô hồn mà không biết, cứ lủi vào!
Cô gái cứ sống trong tình trạng
hấp hối như vậy ba ngày không có thuốc men. Đến ngày thứ tư thì tắt thở. Lại
cũng anh trạm trưởng và cậu Chân chôn.
—>Chương 17
- 17-
Trong mấy ngày đó tôi cứ sốt
liên miên. Uống bao nhiêu kí-nin và uống cách nào cũng không chận cữ được.
Cho nên cuối cùng tôi quyết
định đi bệnh xá để nhờ ở đấy tiêm dùm mấy ống kí-nin 0,40 mà tôi mang đi theo
từ Hà Nội. Tôi tạm biệt Thu và Việt vào một buổi sáng.
Tôi lủi thủi đi trên đường một
mình với cái bóng của tôi. Phía trước là hai anh giao liên người thiểu số
khiêng một người bệnh cấp cứu cũng đi bệnh xá. Anh trạm trưởng gửi tôi cho mấy
người này.
Nghe anh trạm trưởng nói đi non
một ngày đường thì tôi ngại, nhưng anh khuyên tôi nên đi sớm. Cái sốt của tôi
là cái sốt cách nhật, khó cắt cữ nếu để dây dưa, lá lách sẽ thòng thòng khó trị
lắm. Đi đường có khi ngã dập lá lách chết cũng nên. Anh trạm trưởng đã đổi cho
tôi những viên ki-nin xanh mà anh cho là rất thần hiệu, nhưng những viên thuốc
ấy lại cũng vô hiệu đối với tôi.
Hôm nay đúng ngày sốt nhưng cơn
sốt đến vào lúc xế chiều. Tôi hy vọng sẽ đến bệnh xá trước khi cơn sốt đến.
Hai người giao liên vẫn đi
trước tôi. Lúc đầu tôi còn trông thấy họ, dần dần khoảng cách nhân lên và bây
giờ thì họ đã biến mất. Tôi hơi lo. Vì trong rừng không ai đi một mình mà lại
tay không bao giờ. Nhưng tôi không thể đuổi theo kịp họ. Tôi định là họ sẽ dừng
lại gác đòn võng trên hai cái nạng mà nghỉ tôi sẽ bắt kịp. Nhưng càng đi tôi
càng thất vọng. Theo sự chỉ dẫn của anh trạm trưởng thì cứ đi thẳng con đường
lớn rồi đến con đường mòn đầu tiên, rẽ vào đó cứ thế mà đi một tiếng đồng hồ sẽ
tới bệnh xá.
Giữa lúc tôi đang sợ hãi vì
đường vắng người thì tôi lại gặp người, gặp cả một toàn người.
Họ đi lãi rãi không thành đội
ngũ. Có nhiều người mặc áo cổ vuông để lòi những cách tay đầy ghẻ chóc. Có
người vác cuốc, có người đi tay không, trông áo quần của họ tôi đoán là bộ đội,
nhưng không thấy ai mang súng. Họ đi chậm chạp, lê thê, vẻ mặt ngơ ngác và họ
không buồn nhìn tôi.
Tôi hỏi một anh vác cuốc:
- Ở đây gần tới bệnh xá chưa…
bạn?
Tôi ngập ngừng không biết gọi
bằng gì cho đúng: gọi bằng anh thì nghe xa lạ quá, còn gọi “đồng chí” thì quả
tình tôi không thể gọi những người như vậy là đồng chí của mình.
Người đó gầm mặt xuống, vung
tay lại phía sau và nói:
- Đâu phía đó, chúng tôi cũng
chẳng rõ!
Tôi lại cắm cúi đi, bụng hoang
mang không biết nên đi tới nữa không. Tôi vừa đi vừa sợ, không hiểu mình đã
vượt qua một mối đường mòn nào chưa? Vì nếu là đường mòn dẫn vào một căn cứ,
một cơ quan nào đó thì thường thường đường đó được ngụy trang rất kỹ. Người đi
đường có để ý cũng không thể nhận ra. Vì thế nên tôi không dám bước nhanh. Tôi
vừa đi vừa ngó chừng. Tôi đi rấn tới một quãng nữa thì đụng ngả ba. Tôi không
biết nên rẽ về phía nào. Bởi vì theo lời anh trạm trưởng thì một con đường mòn
sẽ dẫn tôi đến bệnh xá nhưng ở đây, ba nhánh đường đều bằng nhau. Hai nhánh
trước mặt không có nhánh nào nhỏ hơn nhánh nào. Tôi dò dưới đất tìm dấu vết và
mong cho những dấu vết ấy sẽ bảo cho tôi nên rẽ vào nhánh nào nhưng đất khô
cứng, không thấy một dấu chân mới.
Trời đã trưa. Tôi ngồi lại một
gốc cây ngay ở ngả ba, mở nút bi-đông ra uống một ngụm nước. Khi đặt đít xuống
đất người ta mới biết đôi chân mỏi đến thế nào.
Tôi cởi một chiếc dép ra và rút
lại quai dép. Cây rút dép làm bằng thau Phương mua ở Hàng Thiếc cho tôi. Phương
đưa cho tôi và nói: “Em chỉ mong anh giữ lại cái món này!”.
Tôi giắt cây rút dép vào thắt
lưng và mang lại dép, hy vọng sẽ có người qua lại. Tôi chợt thấy một cuộc diễn
binh quanh tôi. Một đạo binh trùng điệp.. Tôi theo dõi một quãng xa xem đạo
binh ấy khởi đầu từ đâu và sẽ dừng lại ở chỗ nào. Những chú lính to đầu, hai
cái răng thật to màu nâu như hai cái nanh. Chúng đi hàng dài, chú nọ nối chú
kia, im lặng lầm lỳ có vẻ tự tin. Thỉnh thoảng lại có một anh to trội hơn, có
lẽ là chỉ huy. Chúng gây thành những tiếng rào rào trên lá khô. Cái tiếng động
làm cho tôi nghĩ tới bước chân chậm chạp của cái chết. Chúng bò sát chân tôi
nhưng vẫn cứ thản nhiên như không hề trông thấy tôi. Và tôi cũng ngồi yên không
muốn động đến những đối thủ nguy hiểm ấy. Mình không đánh người ta thì người ta
không đánh mình.
Xem chúng nó lầm lỳ vậy chớ ghê
gớm lắm. Ai sơ ý đặt ba-lô xuống đất ngủ một đêm sáng ngày thức dậy, cái ba-lô
trở thành cái ổ mối. Một cái xác nằm giữa rừng, chỉ qua một đêm hôm sau chỉ còn
bộ xương. Tôi rùng mình không muốn nghĩ xa hơn nữa.
Bỗng một cành khô rơi xuống đội
hình diễn binh. Lập tức các đơn vị tản ra, nhanh nhẹn, ráo riết và từ những
doanh trại ở đâu không rõ, đạo quân ấy tuôn ra càng lúc càng đông, tủa ra khắp
nơi như đang chuẩn bị chiến đấu. Tôi nhảy nhổm lên. Một chú đã ngoặp vào bàn
chân tôi rồi 2, 3 chú bám vào. Tôi đưa tay phủi lia, thân mình chúng văng ra
nhưng hai cái càng vẫn cặp dính cứng vào da tôi.
Tôi quơ ba-lô, nhảy vào một chỗ
trống và thoát ngay ra khỏi cái trận địa nguy hiểm.
Tôi vừa đi, vừa ngoái lại nhìn
đội hình của đạo quân đang triển khai – và như có một thứ linh tính hướng dẫn,
tôi rẽ luôn sang phải.
Tôi thấy hơi nguy – Cơn sốt đã
đến. Cái bàn tay vô hình kia bắt đầu vuốt vào những đốt xương sống của tôi. Tôi
rùng mình một cái,và tôi ngó quanh quất vào bên phải là nơi có nhiều cây cao để
tìm chỗ mắc võng. Tôi chỉ còn đủ thời giờ để làm cái việc quan trọng nhất đó vì
tôi thấy trước rằng mình phải nằm lại giữa rừng đêm nay. Ý nghĩ đó làm cho tôi
ân hận tràn lòng. Sao mình lại đi bệnh xá làm quái gì?
Tôi tìm một cái cây có cháng
ba. Tôi phải mắc võng trên cây. Những người đi rừng bảo như vậy, vì ở dưới đất
một mình sẽ có thể gặp đủ thứ nguy hiểm. Tôi không ngờ chuyện đời lại trở nên
rắc rối như vậy. Cái ân huệ mà tôi mong được ơn trên ban bố cho là đêm nay trời
đừng mưa.
Tôi cố hết sức mới đem ba-lô
lên được trên cái cháng ba tôi đã ngắm sẵn. Tôi mắc võng ngay trên đó. Tôi siết
chặt những mối dây nhiều lần rồi mới lên nằm. Hãy tưởng tượng một con người như
tôi, cầm ca cháo ăn còn run mà phải đeo trên từng nhánh cây và nhấc người lên.
Tôi thò đầu nhìn xuống đất. Tôi có cảm giác là tôi vừa thoát được sự nổi giận
của những chú mối càng hung dữ đang vây lùng tôi.
Tôi thiếp lịm đi theo ánh mặt
trời đang tắt dần. Tôi mơ màng nghĩ đến cái chết trong giấc ngủ là cái chết nhẹ
nhất, nhưng tôi lại xua ngay cái ý nghĩ này. Tôi tỉnh dậy sau một cơn sốt. Tôi
định đi tiểu. Tôi thò chân xuống để tìm dép. Chân tôi quờ nhằm khoảng không,
tôi giật mình, rút chân lại, cả người nổi da gà.
Tôi đã nhớ ra mình đang nằm ở
giữa trời.
Tối như mực nhưng không dám bấm
đèn. Tôi đã chịu nhiều cơn sốt nên đã quen. Sau khi dứt cơn thì đầu óc lại tỉnh
táo như thường. Tay tôi nắm nhánh cây, hơi nhỏm người lên một tí… để nhìn.
Tôi sợ người và sợ cả thú rừng
biết tôi ở đây. Tôi lại nằm gọn trên võng, tôi quờ tìm cái bi-đông nước treo ở
đầu võng. Tôi rút nút bi-đông rót vào mồm những giọt nước ngon lành.
Một cái lá rơi đánh xạc, một
cành cây gãy đổ xuống đất cũng làm cho tôi lo âu. Những loại côn trùng rên rỉ
dưới những gốc cây, những lá mục không bao giờ dứt như một bản nhạc được trình
tấu không dưới quyền điều khiển của một nhạc trưởng nào.
Có phải tiếng côn trùng đêm nay
làm dâng lên trong lòng tôi một nỗi nhớ nhung khắc khoải, những giờ phút mà tôi
đã tung cho Phương tất cả sức lực, đã bị rơi rớt đi nhiều ở dọc đường, để vượt
lên đỉnh cao nhất của sự ham mê xác thịt mà kỷ niệm còn hằn mãi trên da thịt tôi.
Đó là lần cuối cùng. Tôi sống nhiều bằng bản năng. Tình yêu là một thứ bản
năng.
Phương đã đi tới đâu rồi? Trong
đêm nay nàng nghỉ lại nơi đâu? Nàng đau khổ nhớ tiếc những kỷ niệm vừa qua hay
đã nằm gọn trong lòng … đất?
Tôi lặng người ra, khổ sở. Chưa
bao giờ tôi thấy khổ sở khi phải xa một người con gái như Phương. Tôi vẫn biết
rồi Phương chẳng yêu mình được nữa, mà tôi vẫn khổ khi chia tay với nàng. Con
gái, đứa nào cũng thế, sự chung đụng thường dẫn họ đến tình yêu hơn là một phút
bất chợt loé lên bừng cháy. Họ dễ nhớ dễ quên.
Tôi nghiêng đầu ra mép võng.
Không gian sầu thảm. Một con
chim gì đang đậu ngay trên đỉnh đầu tôi, tự nãy giờ cứ đứng ở đấy, chốc chốc
lại kêu lên những tiếng ai oán. Tôi không thấy nó nhưng tôi chắc nó màu xanh
sậm và có đôi mắt chan chứa u buồn. Ở đằng kia, có một một cô luôn luôn đáp
lời, mỗi lần chú đằng này gióng lên tiếng gọi. Dường như chúng đang hò hẹn tìm
kiếm nhau. Tôi có cảm giác đó là linh hồn của hai người chết vì một mối tình
nan giải, và đôi linh hồn ấy đêm đêm lại quờ quàng tìm nhau để nối lại cuộc
tình ái dang dỡ trên dương trần. Tiếng kêu của chúng nghe não nùng ai oán lạ.
Nghe chim kêu, tôi thấy đau khổ tràn lòng. Tôi nghe như gan ruột mình chín từng
đoạn một. Nỗi tình yêu, nỗi cuộc đời.
Dội lên trong tâm tự tôi một
nỗi ai hoài xót xa. Hiện lên trong đầu óc tôi một đôi nhân tình cùng là người
Nam, cùng đi về Nam và cùng đi trên đường này.
Họ yêu nhau. Họ bị cấm đoán
trong lúc họ mang gạch tập dượt ở trường đi B. Nhưng rồi họ vẫn yêu nhau. Họ bị
cảnh cáo. Và kết quả cuối cùng đến với họ là chàng thì đi Ông Cụ còn nàng thì
rẽ xuống Bác Kế. Họ được cái hạnh phúc đi chung nhau trên một quãng đường và
trên quãng đường này tình yêu cũng vẫn bất hợp pháp.
Một buổi trưa họ đi tụt lại
phía sau vì họ đổi được một trái dưa gan. Họ lẫn vào rừng để tận hưởng cái quả
dưa trời cho ấy. Ăn xong, chàng cứ ưỡn ẹo. Chàng kêu tức bụng và không chịu đi.
Chàng cởi cúc áo ngực và trật
vai ra bảo nàng xem có ve cắn không. Nàng hớt hãi kêu lên: “Ve cắn là bị sốt và
làm ké không khỏi đó nghen!”
Tìm mãi nhưng không thấy chú ve
nào hết mà chỉ có dấu răng bầm tím in trên vai chàng, từng cái kẽ răng cũng lộ
lên. Nàng hơi ngượng, nàng biết chàng đùa. Chính đó là vết răng của nàng để lại
cho chàng hôm qua. Chàng hỏi:
- Em có thấy ve không?
- Có rồi! – Nàng đáp và áp mặt
xuống vết thương trên vai chàng thủ thỉ:”Đây, ve đây! Con ve to tướng đây anh
có thấy không?”
Chàng không nói, bất thần vần
ngữa nàng ra và rên rỉ:
- Em! Em!
Nàng cũng rên lên khe khẽ:
- Anh anh! … Của em đây. Anh
giữ cho em!
Chàng ôm gọn nàng vào lòng và
lại đặt nàng trên một mớ lá khô dòn. Nàng cố bật dậy, nhưng không thể. Nàng kêu
lên và chặn tay chàng một cách dịu dàng:
- Ấy chết, anh đừng làm thế!
Chàng vẫn rút đầu vào ngực nàng
và đưa một tay nắn những ngón đàn quen thuộc mà mỗi phím như truyền sang chàng
một thèm khát sôi bỏng. Nàng dẫy nẩy:
- Anh không giữ cho em!
- Anh đang giữ đây!
- Mai đã mà!
- Chưa chắc có ngày mai!
Họ không cãi nhau nữa. Nhìn vết
bầm trên vai chàng, nàng nói:
- Em là chó anh nhỉ!
- Bao giờ?
- Lúc nào em cũng cắn anh!
Nhưng sao anh không báo thù?
- Thì làm gì?
- Em thích anh làm cho em toé
máu ra!
- Thế à?
- Em không thích những cử chỉ
bình thường!
- Đau đớn nhớ lâu phải không?
- Ơ kìa… anh không… ngoan… tí
nào cả!
Chàng không nói, và bằng một cử
chỉ vô cùng quả quyết, chàng đã cho da thịt chàng và nàng cọ xát nẩy lửa vả
chàng đã đi vào nàng một cách thần kỳ.
Đôi mắt nàng không còn ánh
sáng, đờ đẫn nhìn chàng và kêu rên gần như than thở:
- Anh!… anh phí sức nhiều quá!
Rồi nàng nghe tất cả những cảm
giác của nàng dồn lại ở một trung tâm, một nơi, một cái rốn đại dương ào ào
sóng dậy mà cây thiết bảng thần thông trấn giữ vừa cắm thẳng vào, đau đớn mà êm
ái.
Nàng nghe nàng trôi bập bềnh
trên mặt của một biển nhạc mênh mông với một nhịp điệu đều đều với những trường
canh chắc nịch. Nàng không thấy ngọn cây đang quay tít bên ngoài, không thấy
đôi chim đang trố mắt nhìn nàng. Giây phút đó kéo dài. Đột nhiên nàng muốn rít
lên, nàng thấy toàn thân nàng rắn lại thành một tảng băng và đồng một lúc nàng
cũng nghe có một làn nước ấm đê mê chảy qua suốt khối băng ấy. Hai cánh tay
nàng quơ lên ôm siết lấy, quấn chặt lấy, ghì xuống miết một vật gì vừa nặng,
vừa ấm làm cho khối băng kia tan vỡ, đầm đìa.
Ngọn gió hiếm hoi của rừng già
thổi qua như một người khách lãnh đạm. Lá lại rơi, đàn ve lại trổi điệu nhạc
sầu muôn thuở.
Nàng đã nghe lại tiếng vỡ của
lá khô dòn và nàng gọi:
- Anh!
Chàng như chợt tỉnh, nghe tiếng
gọi của nàng như một tiếng gió mơ hồ âu yếm quá!
Chàng vẫn lặng thinh. Chàng
nghe mũi chàng lút vào một vật thể quá đổi mềm mại mà chàng hít thở hương thơm
nguyên chất của da thịt nõn na. Nàng lại nhìn vết thương rướm máu trên vai bên
kia của chàng.
- Anh! Anh có đau không?
Chàng chầm chậm mở mắt ra.
Chàng không muốn cắt ngang cuộc sống thần tiên. Chàng muốn nằm mãi thế này, tận
hưởng sự rã rời sau phút vượt dốc. Chàng thấy đau nhưng cái đau thích thú và
sung sướng.
Chàng còn thèm muốn. Sức chàng
chưa kiệt.
Khí rừng làm bằng hương lá khô
và hoa dại gây gây làm cho chàng như say nhẹ, dễ chịu.
Bỗng chàng ngồi dậy bế xốc nàng
vào lòng như bế một đứa trẻ con. Chàng nhìn suốt từ đầu đến chân nàng. Một màu
hoa huệ trắng nuốt lốm đốm rắc những cánh hoa hồng, những nốt nhạc mà bàn tay
của nhạc sĩ thần vừa để lại. Một ít tóc rơi trên ngực nàng như một áng mây in
trên nền tuyết.
Như một con thú dữ bị một sự
thèm khát quất vào bản năng, chàng lại dằn nàng ra và lại cung hiến tất cả cho
nàng: tâm hồn và thể xác. Chàng muốn tận hưởng đến giọt tình trong đáy cạn của
tim nàng, muốn chiếm đoạt, muốn dày xéo nàng để không bao giờ, không bao giờ
nữa…
Chao ôi, tôi nằm một mình ở
đây, treo lủng lẳng trên cành cây mà nhớ mà tiếc cái kỷ niệm của chính tôi. Cái
cảnh đó đối với tôi đáng lẽ ra là cuộc sống thực hằng ngày, thế mà nó đã trở
thành kỷ niệm; đáng lẽ nó là tương lai, nó lại là dĩ vãng; đáng lẽ là hạnh
phúc, nó lại là khổ đau và tôi biết tôi với Phương từ đó chỉ còn sống với nhau
bằng kỷ niệm.
Tôi nằm đây mà tôi nhớ làn da
của nàng từ trên vai chạy dài xuống, xuống nữa, những đồi dốc, suối sóng của cả
một địa dư mênh mộng đã trở thành bãi chiến trường mà vó ngựa của sự thèm muốn
điên dại đã xéo dày, đã dẫm nát một cách đau thương mà thoả thích. Và chàng
hiệp sĩ chiến đấu đã ngã gục ở đây như ngã dưới chân đài vinh quang tuyệt đỉnh
trong những phản ứng kỳ diệu của nàng đã quật ngã đồng thời đã đón nhận chàng
vào trong nàng trọn vẹn.
Tôi đau khổ, tôi thấy mất một
cái gì rất cụ thể.
—>Chương 18
- 18-
Ở dưới đất nghe tiếng cành cây
khô gãy răn rắc. Tôi nghe có mùi hôi thối phất qua. Tôi rụt đầu vào như một cái
máy. Ở chỗ có tiếng cành cây gãy như có ánh sáng kỳ lạ, như hai mũi chĩa bằng
điện chọc thẳng về phía tôi. Tôi nhắm mắt lại nhưng hai tia sáng kia vẫn cứ soi
mói vào người tôi. Tôi co rút người lại như con cuốn chiếu. Tôi không dám thở
nữa. Tôi hơi ân hận sao hồi nãy mình không tìm một chỗ cao hơn mặc dù cái cháng
ba này cũng đã cao rồi.
Đôi chim ân tình đã lảng đi đâu
không thấy kêu than nữa. Có lẽ chúng lẫn tránh một điều gì. Thay vào đó một
tiếng chim khác, tiếng chim như bảo mọi người hãy mau mau “Tránh khỏi! Tránh
khỏi”
Đó là con chim tiền tiêu của
Chúa Sơn Lâm. Tiếng chim vang lên trong tâm linh tôi, rung động đến từng sợi
thần kinh nhỏ nhất trong đầu tôi. Tôi có cái cảm giác là hai tia điện khi nãy
đang từ gốc cây chọc thẳng vào lưng võng của tôi nhoi nhói.
Thôi rồi, tôi sẽ chết nơi đây,
vào miệng cọp. Nó đã ngửi thấy con mồi đang treo trước miệng nó chỉ gang tấc.
Tôi thấy đau đớn quá!
Tôi đã đi khắp nước Việt Nam,
từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Vâng, đi làm cách mạng! Tôi đã đạp lùi hàng vạn dậm
sau chân mình. Để làm gì, để cho ai? Không rõ! Cái chết là điều tất nhiên,
nhưng, cũng như mọi điều khác, mỗi cái chết đòi hỏi một lý lẽ. Thôi đành nhắm
mắt!
Đột nhiên nước mắt tôi trào ra.
Tôi vụt nhớ tới mẹ tôi ở một nơi xa xôi giờ này đinh ninh rằng tôi đang sống
trên một thiên đưòng.
Bỗng… rốp! rột rột….! Véo…!
Tôi nghe như một luồng gió vút
qua những kẽ cây, tiếng những cành cây gãy rôm rốp, những ngọn cây lớn lay động
ào ào như một cơn trốt xoáy qua rồi im hẳn.
Tôi không dám thở mạnh nữa. Tôi
không biết những tiếng động vừa qua có thật hay không? Tôi lắng nghe xem con
chim có còn kêu “tránh khỏi” nữa không. Im phắc. Không có một tiếng côn trùng.
Tất cả đều đã tản đi hết.
Lâu lắm, không rõ là bao lâu
tôi nghe lại giọng ân tình lúc nãy của đôi chim đối đáp với nhau, ở phía xa. Có
lẽ giây phút kinh hãi đêm nay đã qua rồi chăng?
Tôi vẫn nằm im – tôi nghe toàn
thân mồ hôi ướt đẫm, lưng áo cũng ướt, dán hẳn vào da.
Tiếng đôi chim ân ái vang lên
càng lúc càng nhặt. Tôi nghe hình như chúng không còn xa nhau như trước nữa.
Sau mỗi lần tiếng chim vang lên, lại thấy chúng nhích lại gần nhau thêm một
quãng.
Một thứ gì bàng bạc như ánh
sáng từ trên cao đổ xuống chan hoà. Tôi ngước mặt nhìn lên, thầm cảm đội Ơn
Trên.
Đôi chim qườ quạng suốt đêm tìm
nhau kia đã kêu lên những tiếng hoà hợp. Trời đã sáng!
Tôi nghiêng đầu nhìn xuống rồi
tôi ngồi dậy nhìn xuống, nhìn quanh, không có dấu vết gì đáng cho tôi sợ sệt.
Áo tôi ướt đẫm như chiếc áo của những người giao liên thiểu số cõng một lúc tám
quả ĐK trên lưng.
Trí khôn của tôi trở lại. Tôi
chợt nhớ ra rằng “Ông Lớn” chỉ “chụp” mồi khi nào “Ổng” trông thấy được cái cổ
của con mồi. Không trông thấy được cái cổ, không bao giờ “Ổng” chụp.
Tôi ném ba-lô xuống đất, rút
dao găm trong lưng chặt một nhánh cây. Tôi cầm nhánh cây đập bốn phía như muốn
xua đuổi những mảng bóng đen còn rơi rớt lại.
Tôi đứng dậy thò đầu ra nhìn
bốn phía. Tôi mong có một bóng người đi qua. Tôi suy nghĩ, đắn đo mãi. Rồi tôi
cuốn võng. Nhưng kìa, tôi không thấy chiếc bi-đông ở đâu. Tôi nhớ rõ là đêm qua
tôi có uống nước. Mất cái bi-đông thì cũng có nghĩa là xe hơi chạy đường trường
không có bình xăng. Tôi đeo cái võng vào lưng rồi tuột xuống.
Nhưng nó đây rồi! Tôi reo lên
khi chân vừa chấm đất. Chiếc bi-đông nằm trên gốc cây, nút vẫn nhét kín, móp
một chỗ, nhưng bên trong vẫn còn nước. Tôi ôm chầm lấy chiếc bi-đông như bắt
gặp một bửu bối.
Tôi ngước nhìn lên cháng ba.
Tôi nhớ lại sau khi uống nước xong tôi treo chiếc bi-đông trên đầu võng, có lẽ
tôi treo không cẩn thận, lúc Chúa Sơn Lâm lò mò tới gốc cây, nó đã khôn ngoan
rơi xuống như một nhát búa, có thể trúng đầu Chúa Sơn Lâm, làm cho Chúa Sơn Lâm
tưởng mình bị trời đánh mà co giò phi như gió vào bụi rậm ?
Tôi nhìn quanh gốc cây nhưng
chẳng thấy một dấu vết nào của Chúa Sơn Lâm để lại. Rồi đứng tựa lưng vào một
gốc cây, tôi cầm cái nhánh cây trong tay chìa ra phía trước đề phòng Chúa Sơn
Lâm chụp. Tôi lấy cơm ra ăn, rồi uống mấy viên kí-nin chận cữ. Xong, tôi quảy
ba-lô đi tiếp. Tôi thấy bớt sợ các thứ hiểm nguy, cảm thấy như vừa được thử
thách trước một thứ hiểm nguy ghê gớm và vui vẻ nhất!
Tôi đi một quãng lại gặp một
toán người, mặt mày cũng ngơ ngáo như toán người hôm qua. Họ đang đốn cây. Tôi
thấy thiệt vui khi được nói chuyện với con người. Tôi hỏi một người:
- Ở đây gần đến bệnh xá chưa
các đồng chí?
- Đi qua một con suối, rồi đi
một rấn lên một quãng nữa, xong đụng một gốc cây thật to là rẽ sang bên phải.
- Độ mấy tiếng nữa đồng chí?
- Chậm thì hai tiếng – người ấy
nói tiếp – Nhưng sốt cái bụng sưng to, nước da vàng giống màu trái bứa chín như
tôi đây, lá lách số 3 rồi, nó còn bảo tôi về lao động! Đồng chí còn tươi roi
rói, nó không nhận đâu!
Mặc, tôi cứ đi. Đi một chặp thì
tới một khoảng đất trống. Tôi nhìn vào. Không có dấu vết của sự sống. Chỉ có
một mô đất… Tôi kêu lên. Chân tôi bị trồng chặt dưới đất. Mô đất kia cao quá
mặt đất một ít, chỉ vừa đủ để gọi là một cái mô và nó dài như một nấm mồ. Tôi
nghĩ như vậy. Và tôi không lầm, vì dưới những hòn đất lục cục thòi ra hai cái
bàn chân như hai cái bàn chân của một người nằm ngủ đắp chăn, đầu quay về rừng
chân hướng ra đường như còn luyến tiếc con đường bỏ dở. Tôi nhỉn một tí. Tôi
không thấy gì ngoài hai bàn chân đã xanh đen. Chỉ trong giây lát nữa thôi, hai
bàn chân đó sẽ được bọc bằng một đôi tất cườm óng ánh, mà mỗi hạt cườm là một
chú nhặng xanh.
Những gì lạ lùng nhất, kỳ quặc
nhất, nếu anh chưa trông thấy ở đâu, hoặc anh chưa hề nghĩ rằng nó có thể xảy
ra ở đâu, anh sẽ thấy trên con đường này lần đầu tiên, cũng như hôm nay, lần
đầu tiên, tôi trông thấy thi thể một con người được mai táng ở rừng theo nghi
lễ … rừng.
Một mảnh giấy gắn trên một cành
cây sát lề đường ngay trước mặt tôi bị gió lay động, lắc lư nhưng không bay lên
được, như mảnh linh hồn người xấu số chưa tan. Bất giác tôi nom vào. Trên tấm
giấy có những dòng chữ, rõ ràng từng nét. Lối chữ hơi ngoáy nhưng khá đẹp, câu
trên câu dưới hẳn hoi:
“Vào đây thì ở lại đây,
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về!”
Tôi như mờ cả mắt. Những chữ cứ
như chạy trên mặt giấy lao xao như một đàn mối càng chạy loạn. Mỗi chữ như một
mảnh oan hồn muốn cất cánh bay đi nhưng vẫn còn vấn vương cái xác nằm kia.
Tôi lại nhìn đôi bàn chân, rồi
quay lưng đi.
Anh ta tên gì? Kẻ bất hạnh đã
mang theo những ý nghĩ gì xuống đáy mồ? Câu hỏi đó sẽ làm đau khổ hằng triệu
người có con em tập kết ra Bắc, có con em vào Nam chiến đấu. Nhưng sẽ chẳng có
ai có thể trả lời nổi, dù khi đã kết thúc chiến tranh, ngoài một người mà người
đó thì không bao giờ trả lời nữa.
Tôi vừa đi vừa chạy như sợ
người kia vùng dậy đuổi theo. Tôi chạy như vừa thoát nạn.
Tôi chạy một mạch, thấy mỏi
chân, bèn đứng lại. Nhưng dù không mỏi tôi cũng không chạy được nữa bởi vì đã
tới núi.
Đường mòn nhẵn chứng tỏ người
ta đi lối này rất nhiều. Tôi đi chậm lại, vừa đi vừa thở, hai lỗ tai lùng bùng
chập lâu mới hết.
Tôi đang đi bỗng dừng lại như
chạm vào một cái gì trước mặt. Tôi thấy ngờ ngợ, rờn rợn. Tôi ngó quanh quất.
Không thấy gì cả.
Đường vắng tanh. Tử khí trùm
cây cỏ. Tôi thấy chùng bước . Nhưng nếu tôi không tiêm được mấy ống thuốc này
thì không cắt cữ được, nằm đây mà sốt thì một là chết, hai là quay về Bắc. Cả
hai điều đó tôi xem như tai hoạ ngang nhau. Bỗng nhiên tôi thấy như có ma lực
đẩy phía sau lưng tôi.
Tôi rẽ vào và rấn lên ít bước
thì đụng vào …trời ơi, đụng vào một bộ xương. Rõ ràng một bộ xương trong một
cái hốc đá. Nó trắng một cách ghê rợn. Tôi thấy không sợ hãi nhưng chỉ giật
mình khi vừa trông thấy. Tôi bước một bước đến gần bộ xương. Bên cạnh đó là một
khẩu AK mà cái báng súng đã bị mối mọt gậm hết chỉ còn trơ lại cái cốt sắt. Cái
nòng súng cũng đã mục đi. Sét kết khối và vỡ ra từng mảng. Tôi quay trở ra ngay
và đi tiếp vô phía bệnh xá.
Có lẽ người này cũng đi bệnh xá
như tôi. Đi đến đây anh ta kiệt sức. Anh ta định nghỉ chân một chốc rồi đứng
dậy đi tiếp. Nhưng anh đã không gượng sức được cho nên anh ngồi xuống và không
bao giờ đứng dậy nữa. Ai biết anh ta tên gì, quê quán ở đâu? Cũng như anh bạn
nằm dưới đất ló hai bàn chân ra lúc nãy, anh bạn này đã đi và không đến.
—>Chương 19
- 19-
Tôi đi miết cho đến đứng trưa
thì lọt vào khu vực mà thỉnh thoảng lại thấy rơi rớt một vỏ ống thuốc hoặc một
mẩu bông gòn nhuộm thuốc đỏ.
Đích là bệnh xá rồi. Chắc hai
anh giao liên người Thượng đã cáng bệnh nhân đến đây từ hôm qua.
Mặt tiền của bệnh xá được trang
trí bằng một dãy mộ lè tè mặt đất và một cái huyệt vừa đào xong đất còn mới.
Chắc sắp chôn ai đây. Người chết nhiều đến nỗi không có cái chết nào làm xúc
động những người trông thấy. Và người bệnh cũng nhiều đến nỗi y tá bác sĩ phải
trốn lánh hoặc đưa mắt nhìn qua mà không xem đó là trách nhiệm của mình, cho dù
là bệnh nhân đến tận bệnh xá và gặp bác sĩ ở ngay bệnh xá! Như tôi hôm nay đây.
Từ lúc tôi vào cho đến lúc
người ta xem giấy tờ, tôi mất đến hai tiếng đồng hồ. Cái con người xem giấy tôi
là một người béo ,gương mặt bầu bĩnh. Đặc biệt cặp mắt anh ta lộ hẳn hơn mọi
cặp mắt lộ bình thường. Có lẽ mỗi khi xem giấy hoặc nhìn người bệnh, anh ta
phải trợn trạt, phải trố mắt ra nhìn thật kỹ xem bệnh nhân có đủ điều kiện cho
anh ta săn sóc hay không .
Anh ta xem giấy của tôi xong
nhìn tôi đau đáu rồi nói giọng lạnh lùng:
- Anh sốt như thế thì ở nhà
chữa bằng kí-nin thôi. Vô đây làm gì? Vô đây anh còn bị bệnh nặng thêm. Tôi nói
cho anh biết, ở đây là ổ của một trăm thứ bệnh, nó lây anh hiểu chưa? Các anh
hễ cứ bệnh tí là đi bệnh xá. Bệnh xá ở đâu, chứ ở đây chẳng có cái mẹ gì cả,
ngoài ba viên kí-nin và một lọ thuốc đỏ. Còn tệ hơn thời đánh Tây cưa chân bằng
cưa thợ mộc.
Anh ta nói chưa hết câu chuyện
thì đã quay sang cạnh hỏi một người khác có lẽ cũng là y tá:
- Thằng cha thương hàn đi rồi
à?
- Chịu gì nỗi mà chịu!
- Bảo văn phòng xuất 3 thước
vải đen. Tội nghiệp!
Rồi anh ta quay sang tôi:
- Anh nào hồi mới vô đây chỉ có
sốt rét thôi. Nằm ở đây, chữa sốt rét chưa xong là bị thương hàn. Thương hàn
chưa khỏi, dính luôn kiết lỵ. Anh ấy nằm ở trại cách ly, tội lắm! Nằm lâu quá
lỡ cả lưng, loét cả mông …. Anh ta là tỉnh ủy viên đó, cho nên tiêu chuẩn được
ba thước vải đen hơn anh em.
Mới tới lúc đầu, nghe anh ta
nói, tôi hơi khó chịu nhưng dần dần tôi thấy anh ta nói có lý cho nên tôi mới
trình bày chuyện của tôi một cách bình tĩnh. Tôi nói:
- Thú thật với đồng chí là tôi
không biết gì về bệnh xá cả! Tôi cũng không có ý định vào nằm ở đây. Tôi chỉ
xin nhờ các đồng chí tiêm dùm tôi mấy mũi kí-nin 0,40.
Anh y tá nhảy cỡn lên:
- Cái đó làm gì có ở đây. Vô
lý! vô lý! Chúng tôi không thể nào giúp đỡ đồng chí được.
Tôi cười nhã nhặn và tiếp:
- Dạ tôi chỉ nhờ đồng chí tiêm
dùm thôi, còn thuốc thì tôi có.
Vừa mới đến đó thì từ bên ngoài
có một cái cáng đi vào.
Anh y tá lắc đầu:
- Tôi trốn mất! Tối rồi cũng
nên cho người ta nghỉ với chớ!
Nhưng cái cáng vẫn đi vào.
Người bệnh nằm trên võng cứ
ngóc lên múa tay loạn xạ như đấu võ với một đối thủ vô hình và mồm cứ la hét,
cứ nói lải nhải không đầu không đuôi, có khi vô nghĩa, có khi có nghĩa như một
tên say rượu.
Một tiểu đội đi phía sau để
thay phiên nhau khiêng. Một cậu luôn luôn đi bên cánh chiếc cáng để đè bệnh
nhân xuống khi anh ngóc dậy múa may, hoặc xé quần xé áo, lao mình xuống đất.
Khi vô đến nhà, hai người đặt
cái cáng xuống giá. Một anh có vẻ là chỉ huy tốp người khiêng nói với anh y tá:
- Đồng chí này là trung đoàn
phó đây.. Tiếng Liên Xô đồng chí ấy nói lẫy cò không kịp… Không biết bệnh gì kỳ
cục quá. Cứ múa cứ hét như thế suốt đêm ngày. Có khi nói toàn chiến lược chiến
thuật y như giảng bài..
Tôi không muốn nhìn lâu cái
cảnh tượng não lòng ấy nữa. Đúng ra tôi muốn trở ngay lại trạm với Thu. Nhưng
chiều đã xuống hẳn rồi. Giá mà tôi bẻ mấy ống kí-nin 0,40 tôi uống được thì tôi
đâu có phải cực khổ thế này.
Tôi quảy ba-lô đi tìm chỗ ngủ,
không nhờ ai dẫn cả. Tôi đi theo một con đường mòn dẫn xuống một cái láng lợp
bằng lá rừng và ni-lông.
Tôi bước vô láng ngang nhiên
xem mình là bệnh nhân đã được thuận vào nằm. Không có một cử chỉ nào của tất cả
những người nằm trong láng tỏ ra vui buồn khi tôi bước vào. Vài người đưa mắt
nhìn tôi, rồi thôi, làm như không có gì mới cả.
Láng chia làm hai phần. Một
phần thì gồm có hai dãy sạp nứa ọp ẹp, trên đó các bệnh nhân nằm chen chúc sắp
lớp như cá mòi. Còn một phần thì toàn võng, những cái võng mắc song song với
nhau, chiếc này sát chiếc kia. Bệnh nhân chỉ nằm im chứ không lắc được. Nhìn
suốt hai dãy sạp nứa, không thấy ai quen, không một chỗ trống. Tôi đưa mắt tìm
chỗ trong dãy võng. Đây là chỗ lý tưởng nhất, nhưng không thể nào chen được!
Nền đất thâm sì. Mấy cái chén
bể lăn lóc. Mấy đống ói mửa không ai hốt. Cơm vãi ra ở giữa láng. Dọc theo đầu
sạp, những cái áo, cái quần treo tòng teng đã lên mốc. Từ tất cả những cái đó
bốc lên một mùi chết.
Tôi trở ra ngoài tìm chỗ mắc
võng, tự nhủ thầm rằng qua đêm nay thôi, từ nay về sau xin bái luôn các thứ
bệnh xá. Ở ngoài trạm mình thấy bệnh mình nặng lắm, nhưng khi vào đây thì bệnh
mình đúng là một thứ bệnh vặt vô nghĩa lý so với mọi người.
Tôi nôn nao muốn trở về ngay,
muốn bay đi ngay. Khi tôi đi, Thu lo lắm. Vì tôi đi có một mình và Thu ở nhà
một mình với Việt.
Tôi đang nằm suy nghĩ vơ vẩn
thì có tiếng kẻng. Một que sắt gõ vào một cái vỏ đạn không thành nhịp thành hồi
gì cả, làm như người gõ kẻng không có đủ thì giờ để làm cái việc đó cho trọn
vẹn.
Tôi nhìn lại thì thấy thiên hạ
chạy rầm rập về một hướng với ca, với bi-đông trên tay, leng keng lộp cộp, như
một cuộc chạy đua hỗn loạn mà đích tới chắc chắn là nhà ăn.
Tôi biết là giờ cơm.
Tôi có thức ăn nhưng không có
cơm, tôi phải đi lãnh cơm. Kinh nghiệm ở đường dây cho tôi biết rằng nạn ăn cắp
rất thịnh hành. Cho nên khi tôi lọ mọ cuốn võng xong, mang ba-lô tới nhà bếp
thì người ta đã tràn vào kín cả một gian nhà, tôi không chen vào được.
Người ta kêu lên có vẻ vui
mừng:
- Tuyết Mun phát cơm bây ơi!
- Thế hả. Vậy là mình có thêm
tí cháy!
- Con Tuyết Trắng phát thì đói
meo.
Trời mưa lâm râm vừa đủ ướt áo.
Cái mùi đất đặc biệt của bệnh xá do hằng trăm thứ pha trộn, bốc lên xộc vào mũi
tôi làm cho tôi chốc chốc lại phải sịt mũi một cái hoặc nhón chân lên ngửa mặt
lên trời mà hít một hơi thật dài cho căng hai lá phổi ra.
Cái mưa ở rừng tuy không buốt,
nhưng nó dai dẳng héo ruột héo gan chẳng khác mưa phùn miền Bắc là mấy.
Mọi người phải chen chúc nhau
đứng trong nhà vây quanh thúng cơm. Cái thúng cũ thâm đen đã rách, đựng cơm
trắng bốc khói mù mịt. Tuyết Mun, một cô gái vừa gầy vừa đen đúa như tên gọi cô
ta, tay cầm danh sách bệnh nhân đọc to lên. Anh nào anh nấy ngóng cổ lên nghe,
khi đến tên mình thì đáp lại một tiếng “có” rất to, như tự xác nhận rằng : “tôi
đang đợi ở đây khi Đảng gọi để lãnh cái khẩu phần cơm gầy còm mà tôi có quyền
hưởng thụ.”
Đọc một lượt 8 tên thì Tuyết
Mun lại phát cơm. Một khẩu phần một bát sét. Nếu nắm lại thì được một nắm lỏng
lẻo.
Những cái ca, cái đĩa nhôm chen
vào, chìa vào tua tủa kín cả thúng cơm, tranh nhau lãnh trước (vì lãnh sau có
khi hết cơm, hoặc không đủ cơm, khẩu phần rút xuống kém hơn), Tuyết Mun gạt
phắt ra và quát ầm lên.
Vài anh cứ thò tay bốc lấy một
cục, hoặc bẻ một miếng cháy bỏ vào mồm nhai rau ráu.
Cứ tám anh thì lập một khóm,
lãnh cơm xong thì sang lãnh thức ăn. Rồi kéo nhau ra ngoài giữa trời mưa lúm
xúm chia với nhau, chí choé. Tôi nhìn thấy mỗi mẩu thịt thâm đen to bằng từng
lóng tay một.
Tôi nghe một người nói:
- Hôm nay mỗi đứa lãnh được một
cái má “phanh” xe đạp!
- Không! một mẩu dép lốp cao
su.
Tôi đứng chờ cô Tuyết Mun phát
đến khẩu phần cuối cùng để tôi xin lãnh cơm thì cô ta đáp:
- Anh mới vô đâu có báo cho nhà
bếp?
- Cô cho tôi lãnh gạo được
không?
- Thôi được, để tôi giải quyết
cho!
Nói xong Tuyết Mun quay vào bếp
một chốc, trở ra trao cho tôi một dĩa nhôm đầy cơm và nói:
- Khẩu phần của tôi và Tuyết
Trắng đó.
Tôi thấy Tuyết Mun tuy da dẻ
đen đúa nhưng duyên dáng mặn mòi, có lẽ cô ta ít bị sốt.
Tôi cầm lấy dĩa cơm và vui vẻ
hỏi:
- Ở đây có một cô Tuyết nữa hả
cô?
- Còn chị Tuyết Trắng. Em cũng
tên Tuyết nhưng vì đen nên người ta gọi em là Tuyết Mun.
Tôi lãnh cơm xong định quay về
chỗ cũ thì Tuyết Mun hỏi:
- Anh ở Miền Bắc phải không?
- Phải!
- Về Ông Cụ phải không?
- Phải, về Nam Bộ.
Tuyết Mun vui vẻ:
- Em hỏi anh câu này nhé!
- Cô cứ hỏi đi!
- Nhưng mà anh phải trả lời cho
thiệt nhé. Anh hứa đi.
- Ừ, hứa thì hứa.
Tuyết Mun ngập ngừng một giây
rồi nói:
- Nghe nói bà con mình ra Bắc
khó ở lắm phải không anh? Vì vậy cho nên hồi 1957 sau khi thời hạn tổng tuyển
cử đã qua mà không có tổng tuyển cử thì anh em mình biểu tình đòi về dữ lắm
phải không anh? Em có một người anh đi ngoài đó nên em lo lắm!
Bị hỏi bất ngờ, tôi chỉ cười
trừ và hỏi lại Tuyết:
- Ai nói với cô vậy ?
- Đó, anh không chịu trả lời
thấy chưa? Như vậy nghĩa là có rồi! – Tuyết vui vẻ hỏi tiếp – Em nghe nói mấy
bà chị trong mình lấy chồng Bắc khi tập kết ra Bắc đều đụng đầu một bà răng đen
ở ngoài đó có không anh?
- Các cô thiệt! – Tôi nói tiếp
– thiếu gì chuyện mà không hỏi, lại hỏi những chuyện kẹt không hà! Thôi để bữa
nào rồi tôi trả lời!
Tôi trở về chỗ cũ mắc võng ăn
cơm rồi nằm dưỡng sức.
Tôi nhìn vào láng thấy một cô
gái đang dắt một người sờ soạng đi ra. Tuyết Mun cũng đã xuống láng hồi nào
đang ngồi cho một anh khác uống thuốc. Xong Tuyết Mun lại ra chỗ tôi, tay cầm
một cái áo bẩn chua lòm, tay cầm cái chai dốc ngược xuống:
- Hết trơn anh ạ! Tội nghiệp
thật! Chỉ cần một chai này là mắt anh ấy trông thấy trở lại thôi. Ở đây nhiều
người không thấy đường chỉ vì thiếu sinh tố D, sinh tố A. Chịp! Đành chịu mù!
Tôi vui vẻ hỏi Tuyết:
- Nghe nói ở trong mình các chị
em chờ cán bộ Mùa Thu về dữ lắm phải không cô? – Tôi nói tiếp – Tôi còn nghe
rằng các chị em hứa sẽ trừ tuổi cho họ nữa.
- Trừ tuổi thế nào? – Tuyết Mun
vặn hỏi.
- Trừ tất cả những năm họ sống
trên miền Bắc. Ví dụ như anh 38 tuổi mà sống ở Miền Bắc 12 năm thì về tới trong
Nam chị em coi anh ta như thanh niên nheo nhẽo 26 tuổi!
Tuyết Mun cười:
- Ai nói với anh vậy?
- Có thư trong Nam ra mà.
- Ai viết chứ riêng em thì
không có viết và chưa thấy ai viết lá thơ nào như vậy.
Rồi Tuyết Mun đi thẳng.
Tôi sống một đêm ở giữa cái tổ
vi trùng tổng hợp mà tưởng như vi trùng đột nhập vào cơ thể mình bằng mọi ngả
của châu thân. Sống một đêm với tiếng gào thét của anh trung đoàn phó nhập trại
từ chiều và với cảm giác rằng đây là nơi tập trung bệnh tật của trái đất.
Tôi mừng vô kể khi thấy trời
sáng. Tôi định bụng chỉ nhờ tiêm cho tôi hai ống kí-nin 0,40 rồi cút đi ngay.
Nắng lên. Hơi đất bốc lên nồng
nặc. Lâu ngày không tắm, quần áo tẩm mồ hôi, chăn võng ẩm ướt, lá mục đẫm nước
mưa cùng với mùi bông băng thuốc đỏ, cơm cháo thiu, tất cả những thứ đó làm cho
tôi ngặt mình, hai cuống phổi như bị nghẹt, trán, lưng đẫm mồ hôi và đầu hâm
hấp nóng.
Trước cửa láng có một tốp người
cởi áo phơi nắng như một đàn gà bịnh toi, xụ cánh gục đầu. Gần võng tôi hơn, có
hai người ghẻ mọc đầy mình, da sần như da rắn hù ri cóc cũng ngồi phơi nắng.
Người này lấy que nứa cạo lưng, cạo tay, cạo khắp châu thân người kia. Những
mẩu phấn tróc ra từ những đốm lát ghẻ bay lên trong nắng như cám.
Một người ngồi trên một cái rễ
cây mục cạo một bánh thuốc bộc phá và lấy một mẩu giấy con xúc từng tí một rắc
vào những mục ghẻ loét trên đùi. Đáng thương nhất là một anh bị bệnh phù thũng.
Anh ta không mặc quần áo được vì người anh sưng to lên quá mức tưởng tượng .
Anh lần tay theo từng thân cây đi ra nắng tìm chỗ ngồi. Anh ta ngồi xuống một
gốc cây một cách nặng nhọc. Anh ngồi đó rất lâu, không cử động. Gương mặt anh
sưng bự ra, hai mắt híp lại còn nhỏ tí. Hai chân anh sưng phù như chân voi.
Lâu lắm tôi mới thấy anh cử
động. Anh đưa một ngón tay ra ấn xuống bàn chân sưng phù của anh. Anh lấy ngón
tay ra rồi chăm chăm nhìn bàn chân với cái lỗ thủng mà đầu ngón tay vừa gây ra.
Cái lỗ thủng có thể chứa nửa chung nước.
Tôi cuốn võng, quảy ba-lô đi
lên văn phòng. Ở đây người ta đang vây quanh anh trung đoàn phó đang múa may
bứt quần bứt áo. Mấy người cận vệ của anh không kềm nỗi. Anh ta nói tiếng Liên
Xô, tiếng Trung Quốc, mồm anh ta sùi bọt, mắt anh ta trợn lên. Anh ta đã hò hét
suốt đêm nhưng chưa thoả mãn.
Từ phía trong bệnh xá, hai
người khiêng ra một cái võng phủ vải đen. Tôi nhớ lại chiều hôm qua anh “cán bộ
béo mắt lộ” bảo xuất ba thước vải đen cho người chết. Chính là người này đây.
Và khi vô đây, tôi cũng thấy một cái huyệt mới đào. Cũng chính cho anh này đây.
Tỉnh ủy viên nên được ba thước vải đen hơn người phàm.
Mọi người im lặng, cúi đầu.
Khi chiếc võng đã đi xa, mỗi
người một câu, một cảm tưởng, thương xót lẫn mỉa mai.
- Thế là mất không !
- Thế là nó đã trung với nước
hiếu với dân rồi!
- Cái đếch! Chết cho rảnh nợ.
- Tầm bậy! Anh ta vô Nam trước
mình!
Tôi ngao ngán vô cùng. Tôi nhờ
anh y tá mắt lộ tiêm dùm thuốc. Anh y tá tiêm ngay mỗi bên mông một mũi.
Rồi ba chân bốn cẳng tôi thoát
khỏi khu vực này với tốc độ nhanh nhất. Tôi nhìn thấy lại cái chỗ mắc võng cũ
của tôi bên cạnh Thu ở trạm như Christophe Colomb tìm thấy đất liền . Hú vía!
—>Chương 20
- 20-
Hôm sau thì tôi lên đường với
Việt và Thu. Thật ba người là ba người riêng rẽ không thể nào kết thành một
khối được. Tôi thì không thích Việt, Việt thì đi chung với Thu mà có tôi bên
cạnh thì chẳng khác nào gặp một con kỳ đà to tướng. Thu thì thích tôi nhưng lại
cảnh giác với tôi, còn tôi thì thích Thu nhưng lại lúc nào cũng sợ Thu phản đối
cho nên cái hình tam giác mà ba chúng tôi mỗi đứa là một đỉnh, thật không ai
tìm ra nổi cái diện tích và giá trị của mỗi góc độ. Một cuộc hành quân như vậy
nếu có gặp địch thì chiến đấu làm sao?
Chúng tôi đổ ra đường cái thì
gặp một cụ già. Cụ ấy là cụ Chín Sử. Không rõ làm nghề gì trong ngành giáo dục
nhưng cụ nung nấu ý chí về Nam ngay khi ra Bắc. Cụ nói có chết sẽ về Nam mà
chết. Vì thế cụ quyết xin về. Những người lãnh đạo xét tới xét lui và sau cùng
đã quyết định cho ông già 54 tuổi vượt Trường Sơn bằng cặp chân mỏi gối đùn.
Tôi gặp cụ già ở trạm ba. Lúc
đó tôi còn khoẻ lắm, tôi khinh thường núi non đèo dốc, khinh cả túi thuốc trong
ba-lô. Ông Chín đã “ăn pan” dọc đường . Mới đi có vài trạm mà cụ đã sưng đầu
gối. Hai cái bánh chè của cụ khô hết nước nhờn nên cái khớp xương đầu gối không
co giãn như thường lệ được.
Cụ nai nịt theo kiểu cầu thủ đá
bóng. Khi đi đường cụ mặc quần đùi, đeo “băng đầu gối” và “băng mắt cá” chỉ
thiếu đôi giày đinh nữa là thành cầu thủ. Cụ giắt lá cây từ mắt cá lên tới đầu,
chung quanh nón, không để một chỗ nào hở hang mà phi công Mỹ có thể nhìn thấy
và nhận định được rằng đó là một con người đang di động.
Trong ba-lô của cụ có không
biết bao nhiêu sâm Triều Tiên. Mỗi khi nghỉ thì cụ lấy nguyên củ ra gặm như
người ta buồn miệng gặm chơi một củ cải đường nho nhỏ.
Tôi đi vượt ông già không biết
bao nhiêu trạm bây giờ mới gặp lại đây.
Tôi nói ngay:
- Chốc nữa cháu sẽ biếu cụ một
món ăn đặc biệt.
Lão già nghe nói thức ăn bèn tố
khổ ngay:
- Mấy đứa quen mang dùm thức ăn
cho tôi rồi đi thẳng luôn phía trước, tụi nó thấy tôi đau mà không gởi trả lại
tôi. Thế mới buồn!
Tôi hơi bực:
- Sao cụ lại gởi thức ăn cho
người ta mang như vậy?
Cụ già thở dài tỏ ý hối hận:
- Thì nào ai đã đi hai lần trên
đường này mà có kinh nghiệm? – Cụ tiếp – Tôi cũng tưởng rằng đường đi dễ dàng,
người đi trên đường có thể dừng lại đợi nhau bất cứ lúc nào chớ đâu có ngờ mà
nó ác nghiệt như thế này!
Ông già lại thở dài:
- Đường sá gì kỳ cục quá!
Cụ già hôm nay trông thật bết
bát. Đôi mắt cụ khép nhỏ lại, ti hí vừa đủ nhìn. Khuôn mặt cụ tóp lại như một
miếng cau khô. Những nếp nhăn chứa đầy mồ hôi như một trái khóm chín rục ứ đầy
mật sắp tràn ra.
Cây lá giắt đầy mình cụ làm cho
cụ trở thành một bụi cây di động trên đường. Mỗi bước đi làm cây lá rung lên
xào xạc.
Tôi lại hỏi:
- Như vậy cụ không còn thức ăn
nào trong ba-lô hết sao?
- Còn chứ, còn một ít ruốc chà
bông, vì nó nhẹ nên tôi để mang lấy. Cha chả! chơi cái mửng này thì hết chỗ chê
rồi, nào thịt kho mặn, nào muối trắng, nào muối sả, muối tiêu của bà con làm
riêng cho tôi, nào trà Chính Xuân hoa nhài tôi cũng giao hết cho tụi nó mang
luôn. Bây giờ tôi thèm một chung trà hết sức, ước gì uống được vài ngụm, tôi có
thể lội hằng chục cây số liền như chơi.
Thấy ông già đau khổ, tôi không
muốn khơi thêm nữa. Tôi lặng lẽ đi lùi lại phía sau lưng lão. Trên đường này
những chuyện bình thường thì ít còn những chuyện kỳ cục thì không sao kể cho
hết được. Ngay mỗi một người đi trên đường này cũng đã là một sự kỳ cục quá ư
to lớn rồi.
Bỗng nghe tiếng quát:
- Máy …ba….ay..!
Tôi dừng lại dớn dác nhìn, chưa
thấy gì cả, chỉ nghe tiếng động cơ mơ hồ. Có lẽ có một chiếc máy bay đang di
chuyển về phía này nhưng tàng cây lá um tùm làm gì nó thấy mình được? Vậy mà
tôi không thấy ông Chín ở đâu nữa. Tôi sợ ông già đã ngã xuống một cái hố nào
bên lề đường mà tôi không hay. Tôi vội kêu lên inh ỏi:
- Ông Chín ơi! ông Chín! Ông…!
- Sụyt! suỵt! Làm cái gì om sòm
vậy?
Một tiếng nói thì thầm chen với
tiếng lá cây xào xạc bên tôi. Tôi nhìn lại thấy giữa những nhánh cây có hai
chấm sáng quắc đang chiếu về phía tôi thì tôi biết là ông Chín đang đứng đó.
Ông Chín đứng nép sát vào một
thân cây cổ thụ và chung quanh đầy những bụi cây rậm. Không biết làm cách nào
mà ông nhảy thót vào đứng ở chỗ đó nhanh đến thế?
Ông Chín khe khẽ đưa bàn tay rẽ
những cành lá và vẫy vẫy tôi:
- Tránh mau! Trá…ánh ! Nó tới
rồi!
Thấy tôi cứ đứng im không chịu
trốn, ông Chín thò tay ra níu lấy áo tôi lôi vào bụi cây và nói:
- Sao cứ đứng chết ở đó hả? Đồ
ôn dịch! Nó thấy là toi cả lũ nghe chưa?
- Thấy sao được mà thấy ông
già!
- Sao không thấy? … Chứ … chứ
nó thấy mình khó hay mình thấy nó khó?
Tôi đáp:
- Nó thấy mình khó chớ mình
thấy nó dễ.
- Nhưng hễ mình thấy nó thì nó
thấy mình!
- Ai bảo cụ vậy? – Tôi phát cáu
– Cụ làm như nó có phép vậy.
Cụ già cũng không chịu thua:
- Nó không có phép mà bay được
trên trời à?
- Nó bay thì nó bay chớ!
Hai người còn cãi thì chiếc
trực thăng bay tới. Chỉ có một chiếc thôi. Tiếng động cơ nghe to quá. Pành
pạch, pành pạch! Cơ hồ như nó đến ngay trước mặt, trên đầu mình. Ông Chín rút
sát vào thân cây.
Tôi thấy bàn tay của ông ta nhè
nhẹ kéo những cành lá che lên đầu mình. Dường như ông sợ cử động mạnh máy bay
sẽ nghe thấy.
Đã vậy cụ còn giục tôi:
- Đứng nép vào!
Nhưng tôi cố thò đầu ra khỏi
thân cây mà nhìn tiếp xem chiếc máy bay đi về hướng nào. Cụ già nắm lấy vai áo
tôi mà lôi vào:
- Đã bảo nó trông thấy mà!
- Thấy thấy cái gì? Nó bay tận
mây xanh!
Nhưng ông cụ cứ lôi tôi, ấn tôi
sát gốc cây và nghiến răng ken két:
- Mây xanh gì! Nó tới kia kìa!
Tôi đàn phải nghe lời ông gì.
Tiếng máy bay pành pạch có vẻ như nó quần ở khu vực này.
Ông Chính càu nhàu bên tai tôi:
- Nó trông thấy đồng chí rồi
đó, thấy chưa? Khổ quá! Tôi đã bảo hễ mình trông thấy nó, nó trông thấy mình
mà!
Nhưng tôi không tin như vậy.
Tôi đứng nép vào gốc cây mà ló đầu ra nhìn như lúc nãy. Nó không thể nào thấy
được. Tại mình sợ quá, cho nên mình cứ nghĩ là lúc nào nó cũng có thể trông
thấy mình.
Tôi chọc tức ông già.
- Tại nó trông thấy cụ chứ!
- Sao trông thấy được?
- Tại vì cụ nhúc nhích!
- Tôi nhúc nhích, nó cũng không
thấy được tôi.
- Nó thấy cụ ngụy trang nhiều
quá.
- Ngụy trang nhiều thì tốt chứ
sao?
- Nhưng khi cụ nghe động cơ thì
cụ nhảy phốc vào bụi. Thằng phi công nó biết là có người ta chạy trốn, mặc dù
nó thấy có lá cây thôi.
- Hừ! Thằng phi công khôn nhỉ?
- Khôn chứ không khôn thì làm
sao nó làm phi công được. Cụ thử nghĩ xem bụi cây gì biết chạy? Đang đi giữa
đường lại nhảy phốc vào kia rồi đứng im, không phải người ta là cái gì?
Ông Chín lặng im. Một chốc máy
bay đi xa, ông Chín thở dài thườn thượt và nghiêm nghị.
- Đồng chí chủ quan khinh địch
quá!
- Không! Tôi không chủ quan. Cụ
sợ quá nên cụ đánh giá địch quá cao.
Ông già càng nghiêm nghị hơn
lên:
- Nè! Tôi không có đùa đâu nhé!
- Thì tôi cũng nói thật mà! Tôi
đâu có chủ quan, tôi chỉ bình tĩnh thôi. Cụ trốn thì tùy cụ, còn tôi không trốn
là quyền của tôi.
Ông Chính đưa tay vạch lá và ló
hẳn cái mặt mồ hôi ròng ròng ra ngoài và nói:
- Quyền của đồng chí hả? Ở đây
không ai hoàn toàn có quyền về mình nghe chưa? Ở đây là tập thể, là chủ nghĩa
cộng sản văn minh, mặc dù ở giữa rừng rú nhưng không phải là cộng sản dã man,
ăn lông ở lỗ. Không phải ai muốn làm gì thì làm nghe chưa?
Nghe ông già giỡ Các Mác ra để
tranh luận về một việc trốn máy bay, tôi suýt bật cười, nhưng sợ cụ già thêm
nổi xung lên nên tôi đành nhịn.
Đường càng đi càng dốc.
Lắm lúc anh giao liên đứng ngất
ngưởng trên cao quát xuống: “Mau lên các đồng chí ơi!”
Cứ hết một cái dốc, mình vừa
thở phào định nghỉ xả hơi lại đến một cái dốc khác rồi cái dốc đó vừa qua thì
lại thêm một cái dốc cao hơn nối tiếp. Tôi quát trả lại anh giao liên:
- Mau cái gì được mà mau? Nè
tôi nói cho mà biết nghe, chúng tôi là con người hẳn hoi chứ không là máy nghe
chưa? Máy kia chạy còn phải nghỉ ngơi cho mát máy, xăng nhớt cho đầy rồi mới
chạy tiếp huống chi là người?
Chúng tôi tới trạm lúc mặt trời
sắp lặn. Bộ đội đã ngồi đầy đặc cả lối đi và trong rừng . Đáng lẽ họ đi luôn
trạm này rồi, nhưng họ phải đùn lại đây vì kẹt đường. Anh giao liên nghe tin đó
mà sảng sốt kêu lên:”Kẹt đường rồi à? Kẹt đường rồi à?”
- Kẹt rồi!
- Ai nói?
- Thì tụi tôi ngồi chình ình
đây, không kẹt là gì!
Tôi chưa hiểu sự kẹt đường nó
quan trọng đến mức độ nào, nhưng nhìn vẻ mặt hớt hãi của anh giao liên thì đoán
ra đó là một tai nạn lớn vô cùng.
Anh giao liên chạy bay tới
trước vừa chạy tất tả vừa kêu:
- Kẹt thì bỏ mẹ rồi! Gạo đâu
ăn?
Chính đó là một đại họa rồi. Từ
cái sự không gạo ăn đó sinh ra vô số tai họa khác: trộm cắp, phá tán, đánh cá
dưới suối bất kể lộ bí mật v.v…
Ông Chín lần mò tới sau.
Có lẽ thấy chúng tôi chỉ có mấy
ngoe hay vì có “chất tươi” nên giao liên đưa thẳng chúng tôi vô trong trạm.
Trạm là một ngôi nhà cao cẳng
của người Thượng đã bỏ đi lúc nào. Trước nhà có một cái sân nho nhỏ mòn nhẵn và
một lối đi hút vào trong rừng.
Đi tới một trạm mới là cả một
niềm vui, chúng tôi cảm thấy đường đi rút ngắn được một quãng dù rằng trên thực
tế nó chẳng có là bao. Bởi vì đường không ngay thẳng mà nó lòng vòng, leo lên
tuột xuống , có khi đi cả ngày đến chừng quay lại nhìn thì vẫn thấy nơi xuất
phát ở ngay sau lưng mình.
Ba đứa chúng tôi không ai bảo
ai bèn chui xuống sàn nhà mắc võng. Thiệt là vui khi được ở trong nhà. Tôi còn
hiểu thêm rằng, nếu một đoàn người bị đùn lại thì đoàn sau vẫn cứ đi tới, lại
đùn. Nếu không thể khai thông đường được thì trạm này sẽ nối liền với trạm kia
bằng một sợi dây mà mỗi mắc dây là một con người.
Chúng tôi được nấu cơm trong
nhà, khỏi phải che lửa, tắt lửa khi có máy bay tới.
Đó lại cũng là một diễm phúc
quá lớn đối với chúng tôi. Trong lúc chúng tôi sửa soạn bếp núc thì ông Chín
lại lò dò đi ra rừng. Chập sau ông trở vào với một ôm nhánh cây.
Tôi hỏi:
- Cụ làm gì đó?
- Ngụy trang.
- Ngày mai kẹt đường đâu có đi
được mà cụ lo dữ vậy!
Cụ già làm thinh không nói không
rằng chi cả, cứ lui cui nhặt những nhánh cây và đi trải khắp mặt sân. Trời đất!
Ông già ổng định ngụy trang cho cả cái sân này.
Tôi thấy thương ông già vô hạn.
Đúng là một ông già. Một thằng trẻ không thể nào quan tâm đến việc đó dù rằng
việc đó có thể gây tai hại chăng nữa.
Ông Chín vừa rải lá trên sân
vừa giải thích với chúng tôi rất hùng hồn.
- Tôi hỏi các đồng chí, tại sao
ở giữa rừng như vậy lại có một cái nhà và một cái sân? Có thể máy bay nó không
biết, nhưng đâu phải chỉ có máy bay do thám mà thôi. Giặc nó còn thả biệt kích
nữa chứ, máy bay nó thấy cái nhà và cái sân, cố nhiên nó phải nghi ngờ thì nó
sẽ hỏi tụi biệt kích! Như vậy là mình bị lộ ngay.
Ông già giải thích theo lối suy
đoán chủ quan của ông ta, nhưng nghe cũng có lý. Vả lại việc của ông không làm
mệt nhọc chúng tôi cho nên chúng tôi chấp nhận sự hữu lý của cụ một cách dễ
dàng.
Cụ già phủ cả cái sân và phủ
luôn cả con đường mòn đi vào rừng. Cụ làm xong việc đó thì trời tối mịt.
Cụ lên nhà. Anh trạm trưỏng và
hai anh giao liên cũng không tự ái về sự tự động của cụ già. Tất cả khách lẫn
chủ đều tấm tắc khen ông già.
Ông Chín lấy làm khoái chí vì
thấy không ai phản đối mình. Ông Chín giải thích thêm:
- Tụi phi công là gớm lắm. Tụi
nó có con “mắt thần” hiểu chưa? Ban đêm nó nhìn thấy rõ như ban ngày ấy. Súng
phòng không của mình phủ kín lá ngụy trang mà nó nhìn còn thấy đó! Bởi vậy cho
nên hễ nó đánh là đánh trúng ngay trận địa chứ không sai bao giờ.
Bữa cơm chiều nay thật là vui
vẻ. Chúng tôi nấu xong mang cả lên nhà sàn ngồi ăn quây quần với nhau. Tôi và
Thu đem ra một tí lương khô chó mới bào chế ra thết trạm và ông Chín, để tỏ
lòng biết ơn trạm đã cho chúng tôi vô ở cùng trạm và để tỏ lòng kính phục Cụ
già Ba Tri. Cơm xong chúng tôi vừa ngã lưng ra võng là có hai người tới. Hai
người này đi thẳng lên thang làm cái nhà sàn rung rinh.
Sau đó chúng tôi được biết một
người là chỉ huy phó và một người là quản lý đường dây.
Anh chỉ huy ném ba-lô xuống sàn
nhà và thở phào:
- Kẹt cái kiểu này thì thắt
họng!
- Dạ!
- Mỗi ngày mà cứ ùn thêm vài ba
trăm con người ta, ùn lại độ năm ngày thì hơn ngàn rưỡi con người ta , mỗi ngày
mỗi người một lít gạo lấy đâu ra mà cấp cho họ?
- Dạ! – anh trạm trưởng chỉ có
mỗi tiếng “dạ” như để chấm câu cho ông chỉ huy phó.
- Kho bây giờ lại bị tắt không
bổ sung được chỉ hôm nay là hết gạo ngay. Bởi vậy cho nên mình phải lo “Xoi”
đường ngày. Phải xoi ngay!
Tôi đã từng nghe những tiếng
như làm đường, mở đường, nối đường, thông đường v.v… chứ chưa nghe hai tiếng
“xoi đường” bao giờ! Nghe cái tiếng “xoi” tôi cũng đã hiểu là sự khó khăn lớn
lắm. Bởi vì nếu dễ dàng thì người ta chỉ nói “mở đường” thôi. Vì sự dày đặc của
núi rừng, vì tình hình giặc, người ta phải dùng một vật vừa sắc vừa nhọn mà
đâm, mà ngoáy rất lâu mới thủng được cho nên mới goị là “xoi”.
- Xoi cho thủng, còn xoi không
thủng thì chết đói…
Nói vậy rồi ông chỉ huy phó
cùng ông quản lý đường dây dắt ông trạm trưởng đi ngay.
- Xoi đường!
Họ đi làm cái nhiệm vụ đó, còn
chúng tôi thì nằm lại đây chờ và cảm thấy số phận mình tùy thuộc cuộc đi xoi đó
của họ.
Tôi lân la trò chuyện với ông
Chín. Tôi được biết thêm rằng ông Chín người ở Gia Định. Ông đã xin về Nam rất
nhiều lần, nhưng lần nào ông cũng thất vọng vì tuổi tác của ông. Nhưng ông
không thất vọng, ông lo bồi bổ sức khoẻ ngày lại ngày, ông thấy khoẻ hơn lên và
ông lại xin về.
Cấp trên thấy quyết tâm của ông
rất lớn, vả lại để một lão già ở Miền Bắc cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Thôi
thì cho lão đi. Lão ta tới nơi thì lãnh đạo được tiếng sáng suốt, còn nếu lão
ta có chết bờ chết bụi thì cũng không làm sao vì đó là nguyện vọng của lão ta
mà! Thế cho nên ông Chín được đắc ý và quảy ba-lô đi vào trường đi B để được
mang gạch lội bộ trong 3 tháng trước khi thực sự leo dốc trèo đèo.
Ông Chín vui vẻ nói với tôi:
- Trước khi lên đường một ngày,
chiếc xe chở đoàn tôi đi chơi bị xe lửa đụng chết hết cả xe, chỉ còn mình tôi
sống sót. Bị xe lửa đụng mà không chết thì có lẽ không bao giờ tôi chết nữa!
Ông Chín nói xong rồi mở ba-lô
lấy một củ sâm bằng ngón tay ra gọt gọt bỏ cả vào bi-đông rồi châm nước sôi
tiếp theo. Ông lắc lắc cái bi-đông:
- Tôi không nhờ cái món này thì
tôi chết lâu rồi!
Uống nước xong ông Chín lên
võng nằm, còn tôi cũng không xuống sàn nhà làm gì. Lâu lâu mới được nằm ngay
lưng trên vạt một đêm, kể cũng sướng, cho nên tôi cứ nằm ngay tay chân ra cho
thoải mái mà nghe ông Chín kể chuyện.
Ông Chín không kể chuyện nữa,
mà ông tâm sự. Ông nói:
- Bây giờ đến tỉnh tôi chỉ mong
ước làm một việc là dạy học trò. Dạy lớp mấy cũng được. Tôi là thầy giáo đã
từng dạy 2 thế hệ, dạy cha rồi dạy con. Tôi không thích công chuyện nào hơn dạy
học. Tôi ước mong sao đi về tới nơi, tôi được một cái trường học lợp lá núp
dưới bóng cây vườn với vài mươi đứa trẻ. Tôi dạy chúng từng chữ, và một hôm nào
đó, tôi nhìn ra cửa, có một người lạ mặt đến thăm tôi và tự xưng là học trò cũ
của tôi.
Tôi buột miệng nói:
- Tôi là Carnot đây thầy còn
nhớ tôi không?
Ông già đang nằm bỗng ngồi dậy
đập vào vai tôi một cái rõ đau.
- Đúng! Đúng quá! Đồng chí nói
trúng tim đen của tôi. Và đó là phần thưởng xứng đáng nhất của tôi.
Nhưng từ phút vui sướng trở đi,
ông Chín không nói động tới việc dạy học nữa. Ông nằm lặng thinh. Một chập sau
tôi mới biết ông Chín khóc. Ông sụt sùi rồi hỉ mũi rất to khi ông biết rằng ông
không giấu được tiếng khóc đối với tôi.
Ông Chín nghẹn ngào:
- Nhưng tất cả những điều đó chỉ
là ước mơ thôi.
- Tại sao vậy Cụ?
- Hừ … hừ… ! vì nó xa vời quá!
- Sao lại xa vời, mình đi hết
một phần ba rồi.
- Còn hai phần ba nữa mới tới
nơi! – Ông Chín ngưng một chốc – Trong lúc đó thì sức lực của mình đã xài hết
ba phần tư rồi, hai điều đó mâu thuẫn hẳn lại với nhau. Lâu nay tôi đã suy nghĩ
về việc này, nhưng không tiện nói với ai bởi vì sự sa sút tinh thần của mình sẽ
lây sang những người bên cạnh.
Tôi thấy ông Chín chỉ là người
đáng thương và đáng kính, một nhà mô phạm trên đường dây gian nan này!
Ông Chín nói tiếp:
- Sở dĩ không trở ra Bắc là vì
nếu trở ra thì không có hy vọng đi vào nữa. Thôi thà về gần tới quê hương rồi
có gục ngã cũng vẫn hơn là đi xa biệt mù không thấy bóng dáng quê nhà. Dù mình
có chết thì cũng chết trên đường về.
Tôi nói, mà không tin ở lời nói
của mình:
- Anh em sẽ thay phiên nhau mà
dìu Cụ cho đến ranh Nam Bộ chớ!
- Không! tôi không để cho anh
em phải nhọc nhằn vì cái thân già của tôi!
Trời đất! Sao hết chuyện này
đến chuyện khác mà toàn chuyện thảm não không vậy? Mới vừa đục xong cái mộ bia
cho anh bạn không quen ở trạm vừa rồi thì lại đụng ông già tàn phế này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét