Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

TÔ HẢI - HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN - KỲ CUỐI

1           3     4          Kỳ Cuối

Tới hôm nay, 24-9-2006, tôi đã sống thêm được 4 năm nữa để bước vào tuổi 80 đến không ngờ!
Kể từ ngày quyết dứt bỏ nỗi Hèn Nhát đáng khinh để bắt tay vào viết cuốn Hồi Ký Của Một Thằng Hèn (1995), rồi lại bổ sung một chương Tôi Đã Hết Hèn (2002) tới nay là đúng 4 năm nữa, tập hồi ký vẫn chưa được công bố!
Tôi giấu kín nó như...thuốc phiện lậu trong nhà và cẩn thận đề bằng bút dạ ngoài cái túi đựng nó “Để xuất bản năm 2010”.
Đây cũng là cái năm mà tôi tin tưởng:
—1/ Chủ nghĩa cộng sản quái quỉ này đã...“mồ không yên mả không đẹp” bởi cái hố mà nó tự đào không đủ sâu đến nỗi nhân dân đã đẩy nó xuống, nó vẫn bốc mùi đểu cáng thối tha đến mức ngày nào cũng có hàng vạn người quật chúng lên để rắc vôi bột!
—2/ Tôi đã...chết rồi! Nghiã là nếu chẳng may cho đất nước này, tới năm 2010 mà bọn lưu manh còn tại vị thì chúng cũng chẳng thể bỏ tù tôi với các tội “phản quốc”, “gián điệp” cho nước ngoài...như chúng đã bỏ tù các vị Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương. Lê Hồng Hà... !
Đấy! Cái hèn đeo đuổi tôi tới những ngày cuối năm 2006 chẳng qua vẫn lo họ “chơi đểu” thì khổ cho vợ con.
Nhưng hôm nay, tất cả đã đổi khác.
— 1/ Một cao trào cách mạng thực sự đã nổi lên. Rất nhiều người đã công khai vạch trần cái thối nát, lừa bịp của bọn ăn cắp, lưu manh đang mượn lá cờ rách nát “chủ nghĩa cộng sản” để cai trị, đàn áp, hủy hoại cả thể xác và tâm hồn của hơn 80 triệu dân. Bất chấp nhà tù, bất chấp mọi thủ đoạn gian manh, độc ác như trấn áp, vu cáo, thủ tiêu, những con người dũng cảm tuyệt vời đó ra đứng hiên ngang trước ánh sáng mặt trời, với họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ, địa chỉ e-mail, điện thoại, mobile đàng hoàng! Bên các tên tuổi “lão thành chống cộng trong nước”, tôi mê mẩn bởi bài viết của các đàn em, đàn con, đàn cháu tôi như Trần Mạnh Hảo, Trần Khải Thanh Thủy, Phương Anh, Du Lam...Tôi vô cùng cảm phục hành động và lời nói của những Phạm Hồng Sơn, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Đài, Đỗ Nam Hải, Bạch Ngọc Dương, Lê Thị Công Nhân, Lê Trí Tuệ...Tôi như trẻ lại với lớp trẻ của thời đại. Hy vọng của tôi ngày trước nay đã thành hiện thực...
— 2/ Chế độ độc tài “ngụy cộng sản” đã lộ rõ mặt thật chỉ là một bọn Mafia cướp của, giết người, lừa bịp dân đen bằng lời lẽ xảo trá mà đứa trẻ lên năm cũng biết là nói dối. Ở đầu thế kỷ 21 này, câu nói của Goebbel không thể áp dụng được nữa vì chúng đã đi xa hơn những gì mà quan thầy phát xít của chúng đã dạy nên...nhân dân đã trả lời: “Không tin! Không tin và... không tin!”
— 3/ Nội bộ cái gọi là Đảng Cộng Sản phân hóa cao độ, chẳng thằng nào nghe thằng nào. Những “lão thành cách mạng” 50, 60 thậm chí 70 tuổi Đảng vẫn kiếm cách hạ bệ nhau. Thằng cầm quyền trước vạch tội thằng cầm quyền sau. Võ Nguyên Giáp là con nuôi Đế Quốc Pháp? Đỗ Mười là tên hoạn lợn chuyên...“hoạn” đồng chí mình? Lê Đức Anh là cai đồn điền khai man lý lịch? Nông Đức Mạnh là con rơi của Hồ Chí Minh? Nguyễn Tấn Dũng là con rơi của Nguyễn Chí Thanh, là anh em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Chí Vịnh? Rồi vụ T4, vụ Sáu Sứ... Nhiều, nhiều chuyện lừa bịp, xuyên tạc lịch sử động trời lần lượt được chính các “lão thành cách mạng” tố ra. Dù nhằm mục đích gì, do động cơ nào thì mọi sự thật thối tha lâu nay bị bưng bít đã được bọn chúng tự “vạch áo cho người xem lưng” làm cho nhân dân thực sự “sáng mắt, sáng lòng”, nhất là các tài liệu đó lại được ký tên bởi các nhà cộng sản cỡ bự như Võ Nguyên Giáp, Lê Nam Khánh, Hai Sô, Bảy Cống, Năm Thi, Nguyễn Hòa...
— 4/ Tình hình thế giới đang dồn bọn cầm quyền vào cảnh không lối thoát: Hoặc là theo con đường toàn thế giới đang đi, hoặc là quay lại chế độ phát xít sẵn sàng tiêu diệt dăm bảy triệu người trong các trại tập trung, lò thiêu xác? Điều sau thì không thể được rồi vì “cái nhà chung thế giới” trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay không cho chúng muốn làm gì thì làm. Chính nhờ những nghị quyết như 1481 của Nghị Viện Châu Âu, những sự can thiệp gián tiếp hay trực tiếp của các chính phủ, các hội đoàn, các tổ chức quốc tế và mạng lưới truyền thông toàn cầu không ngừng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam mà tới hôm nay (15-11-2006), chúng không còn dám trắng trợn trấn áp tàn bạo những người đấu tranh cho dân chủ, không thể ngăn cản tiếng nói cổ võ dân chủ, vì nhân quyền của các đài BBC, RFA, RFI, VOA... và hàng trăm tờ báo online đại diện cho hơn ba triệu Việt kiều ở Mỹ, Pháp, Anh, Ba Lan, Tiệp, Đức, Hung...đang từng giờ góp tiếng nói đanh thép ủng hộ bà con trong nước đứng lên chôn vùi cái chính quyền đảng trị, công an trị để họ được sớm trở về góp sức xây dựng tổ quốc tiến lên bằng bè bạn năm châu. Hơn cả mong đợi là sự ra đời của 3 tờ báo Tự Do, Ngôn Luận, Tổ Quốc và Dân Chủ ở trong nước, bất chấp mọi quy định của cái thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa duy nhất trên thế giới này.
— 5/ Tôi đã thật sự “trưởng thành” ở cái tuổi 80 để nhìn lại bản thân mình. Qua những năm tháng im lặng chờ thời, “bất hợp tác” với bọn lưu manh bằng cách không nghe, không xem, không đọc những gì cộng sản viết để chỉ vùi đầu vào màn hình “lang thang khắp thế giới” ít nhất mỗi ngày 8 tiếng... tôi đã tự giác ngộ thật hiệu quả. Tôi đã làm quen với bao nhiêu điều hay, biết được bao nhiêu sự thật, mở được những trang lịch sử lâu nay bị ém nhẹm, bị xuyên tạc. Đặc biệt nhờ Internet mà tôi đã “gặp” bao con người đáng kính trọng, đáng noi theo mà tôi đã nêu ở trên. Tôi cũng được động viên bởi bạn bè, đồng chí đã “lầm đường cách mạng”, các “đảng viên âm thầm hoặc công khai bỏ Đảng” như tôi, và một số anh em ở khối 8406, khi có dịp tôi cho đọc từng chương Hồi Ký Của Một Thằng Hèn này đã nhắc: “Phải công bố nhanh lên kẻo...nguội mất! Nếu không sẽ chỉ là một thứ “ăn theo” vì giờ đền tội của chúng nó đã đến”! Vì thế, tôi quyết định phải cho cuốn hồi ký ra mắt “trước thời hạn”!
Tuy nhiên, khi đọc lại lần cuối, tôi cảm thấy hồi ký này chỉ là của một người có tầm nhìn, nhận thức về tư tưởng, tình cảm...quá lạc hậu với thời cuộc. Thậm chí cái Hèn vẫn bao trùm nhiều khía cạnh, nhiều trang đời, nhiều suy nghĩ của tôi... ngay trong quá trình ngồi viết về cái hèn của bản thân!
Tôi muốn viết lại từ đầu!
Nhưng...than ôi, quỹ thời gian còn lại quá eo hẹp.
Tôi đã 80 tuổi.
Thôi thì đành viết thêm cái “vĩ thanh của vĩ thanh”.
Người đọc hãy đặt mình vào hoàn cảnh người viết trong một xã hội mà một bài báo cũng có thể đi tù để thông cảm cho sự chuyển biến của ngòi bút đang cố gắng theo kịp chuyển biến lịch sử! Tôi chỉ có thể bổ sung một chương nữa với nhận thức mới, tình cảm mới trên một tư thế mới hoàn toàn. Tôi không còn sợ hãi, tránh né, không còn lo đụng chạm bất kể ai! Cũng có thể coi đây là tóm tắt tất cả các chương mà tôi đã viết, nhưng bằng nhận thức, bằng tinh thần thời đại nhất — 2006.
Vĩ thanh này được tiếp sức bởi các hành động, các phát biểu, các vụ án nhân quyền đểu cáng nhất mà cái gọi là Đảng Cộng Sản tạo ra cho bao người yêu tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó là những cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam — của kiều bào ở hải ngoại, của các nhà dân chủ như Vaclav Havel, Loretta Sanchez, Walecsa...
Tôi đặc biệt biết ơn tiếng nói đầy thuyết phục của các giáo sư, bác sĩ, luật sư...là nhân chứng lịch sử, đã mở mắt cho tôi nhiều điều từng bị cộng sản làm cho u mê.
Tôi cảm ơn các báo, đài hải ngoại đã đưa đến cho tôi những thông tin, tài liệu, những tác phẩm cực kỳ quí giá làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn chủ nghĩa cộng sản của tôi. Quyết tâm đi theo con đường mà Hoàng Minh Chính, Hoàng Tiến, Vũ Cao Quận, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Giang...đã đi, tôi bắt đầu...viết thêm những gì mà sau 9 năm, đọc lại tôi thấy tôi chưa đủ “tầm” để vạch tội đến nơi đến chốn, lên án chưa đanh thép chủ nghĩa Cộng Sản. Phần nào đó, tôi còn e dè một số nhân vật mà tôi chưa nhận rõ tính chất đểu cáng, lừa bịp vì không có tài liệu cụ thể, giấy trắng mực đen nào trong tay... Có thể kết luận về tôi như sau: Một chú lính đã nhìn rõ kẻ thù nhưng chưa có súng đạn, chưa dám dùng gậy tầm vông, thậm chí tay không đối mặt với kẻ thù!
Hôm nay, súng đạn, lưỡi lê đã có đủ, tôi sẽ xông vào trận, không e dè, sợ hãi nữa. Tôi sẽ biến mỗi dòng chữ thành một viên đạn nhắm thẳng vào kẻ thù. Cũng vì thế mà “vĩ thanh 2006” của tôi sẽ là “hồi ký của một thằng hèn được cô đọng”, (épilogue condensée) có nâng cao và sửa chữa, bổ sung. Nếu không có thì giờ, người đọc có thể bắt đầu từ những trang vĩ thanh trước khi quay lại trang đầu, đọc nó như đọc một tài liệu đã xuất bản cách đây cả 10 năm rồi.
hết: VĨ THANH 2006, xem tiếp: MẤY ĐOẠN VIẾT THÊM:

VÌ SAO TÔI KHÔNG VÀO ĐẢNG?
VÌ SAO TÔI CHUỒN KHỎI ĐẢNG
Lớp trẻ có chút học hành chúng tôi ít nhiều đều chịu ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Pháp 1789, nhờ sách báo Pháp mà giác ngộ ba chữ Liberté, Égalité Fraternité – Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Tiếc thay, chúng không dành cho dân Anamít mình!
Sự thật phũ phàng là không chỉ dân nhà quê, răng đen, đóng khố phải đói khổ, sống như trâu ngựa, mà chính chúng tôi cũng thấy thân phận nô lệ của người Việt ngay trên ghế học đường, trên phố xá. Thành thử trong những ngày sôi động Tháng Tám 1945, ai ai cũng sẵn sàng theo ... bất cứ ai đứng ra phất cờ giành Độc Lập, Tự Do, giành cơm no, áo ấm cho 20 triệu đồng bào đang... “rên xiết lầm than” như lời ca bài Diệt Phát Xít của Nguyễn Đình Thi.
Chúng tôi sướng như điên khi thấy Nhật bắt hàng loạt tây, đầm lóc nhóc đi chân đất vào trại giam trong ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Chúng tôi hô đến vỡ giọng, đến khan tiếng khẩu hiệu “Việt Nam Độc Lập muôn năm!” “Đại Đông Á muôn năm!” Hàng vạn thanh niên tay cầm cờ quẻ ly miệng hát vang “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng”... Sự thật là chúng tôi gần như sống trên mây, trên gió cả 5, 6 tháng trời trong “độc lập tự do” vu vơ mà chẳng cần biết ai là người đứng đầu cái đất nước đang chết đói này? Tôi đã đứng trong hàng ngũ Thanh Niên Khất Thực đi xin cơm từng nhà để cứu đói, ra quân sau khi hát vang quốc ca “Này thanh niên ơi!...” được chính khâm sai đại thần Phan Kế Toại bắt nhịp! Ở miền Trung, nghe nói Bảo Đại trở lại làm vua...Những chuyện chính trị chính chiếc nghe cứ ù ù cạc cạc. Thôi, cứ đuổi cổ thằng Tây đi đã, rồi chế độ gì cũng được, miễn người Việt dạy dỗ, bảo ban nhau là tốt rồi!
Trong khi đó, người Nhật càng ngày càng lộ bộ mặt tàn ác hơn Tây thực dân bằng những hành động cướp của giết người dã man khắp nơi. Dân quê đổ ra tỉnh nằm chết đầy đường. “Chính phủ lâm thời” hoàn toàn bất lực.
Nghe nói nhiều nơi ở nông thôn dân chúng nổi dậy phá kho thóc, cướp chính quyền...Cũng lại “nghe nói” ở Vĩnh Yên, Quốc Dân Đảng đã lập chiến khu đánh cả Nhật lẫn Pháp. Nổi trội lên là một tổ chức có tên Việt Minh được Đồng Minh giúp vũ khí tiền bạc để chống phát xít Nhật...
Rồi hai trái bom nguyên tử rơi xuống đất Nhật và Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chính phủ Trần Trọng Kim với các tên tuổi nổi danh ra mắt và Bảo Đại tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật. Không còn các sĩ quan Nhật lê thanh kiếm dài sát đất đi khắp nơi, chém chẻ tre bất cứ ai. Không còn ông toàn quyền, thống sứ, không còn lính Tây, chủ Tây! Lũ chúng tôi ùa ra đường tay cầm cờ quẻ ly, miệng hát “Xứng danh nòi giống Tiên Rồng”!
Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, ([1]) đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng...Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét!
Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó!
Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng: “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước!”
Và các nhà viết sử nhà nước cộng sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — Không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là Việt Minh đã xuất hiện như tổ chức duy nhất, chỗ dựa duy nhất, lá cờ duy nhất, để lũ thanh niên “yêu nước ngơ ngác” chúng tôi đi theo. Chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố GIẢI TÁN ĐẢNG của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng ([2]), Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần ([3]), Nguyễn Tường Tam ([4]), Vũ Hồng Khanh ([5])... và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa.
“Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây!
Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!
Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân...mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít...mà chém giết nhau thì nhiều?
Chính lòng yêu nước mù quáng đã biến lũ trẻ thời ấy thành “đồ hèn” suốt nửa thế kỷ, nghĩa là hết cuộc đời... vì khi hát lên câu “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi”.. chúng tôi chỉ vừa tròn 18 tuổi, hoàn toàn ngây thơ trước thời cuộc, sẵn sàng làm “hạt nổ” cho bất cứ quả bom nào miễn là giật tung được cái chế độ nô lệ kéo dài 80 năm của thực dân Pháp! Cứ thế, chúng tôi “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” như câu hát của Văn Cao. Tôi viết những dòng này trong mối thương tiếc vô hạn bạn bè đã ngã xuống không ai biết, không ai nhắc tới…trong cuộc lừa đảo vĩ đại mà không phải ai cũng nhận ra, lúc ấy.
Trường đoạn 1: Tôi đi Vệ Quốc đoàn
Chẳng ai trong chúng tôi học qua trường quân sự nào, vậy mà vừa vào bộ đội, tôi đã được hơn một trăm “đồng chí” của đại đội 1 tiểu đoàn Thái Bình giơ tay bầu làm phân đội trưởng! Đó là một đơn vị thành lập tháng 9-1945 gồm đa số nông dân, 99% mù chữ, 30% răng đen, lần đầu trong đời có hai bộ quần áo màu nâu đỏ, được ăn hai bữa tạm no, nhờ “may mắn” đứng trong đoàn quân vũ trang “cách mạng”. Anh em bầu tôi vì thấy tôi mặt mũi sáng sủa, ăn nói lưu loát, nhất là biết đọc những gì mà đại đội trưởng Thu và tiểu đoàn trưởng Nam (Voi) ra lệnh bằng chữ viết — có khi nguệch ngoạc ngay trên vỏ bao thuốc lá Philipps Morris, Mélia.
Bài học quân sự đầu tiên mà tôi huấn luyện cho lính của tôi, là...“Tập hợp! Đằng trước... thẳng! Đi đều... bước”! Tôi đi ở ngoài hàng, đếm “Một, hai... một, hai... một!”
Vũ khí thì cả đại đội được trang bị 4 khẩu Rebel, 2 khẩu Sten, hơn chục khẩu Mousqueton...,vài chục lựu đạn ... khói! Còn lại là gậy gộc, mã tấu. Vậy mà chúng tôi “vui như mở hội” lao vào học tập những từ mới toanh trong đời như “phản đế”, “bài phong”, “tư bản”, “đế quốc”, “phát xít”... đặc biệt được kích động tối đa lòng căm thù giặc, sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng “da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui” như lời ca của Hoàng Quý.
Những bài học quân sự đầu tiên đều do mấy ông cai, ông đội khố xanh, khố đỏ “giác ngộ cách mạng” chỉ dẫn. Từ cách tháo lắp súng đến cách nằm bắn, đứng bắn, quỳ bắn, rồi cả chiến thuật.., tóm lại tất cả những gì các vị này được quan Tây dạy thì dạy lại lũ chúng tôi. Chưa hết, do nhiều danh từ chưa có trong tiếng Việt nên các ông cứ “nổ” liên hồi bằng tiếng “Tây bồi” chẳng cần biết đám lính tráng nông dân mù chữ nghe các ông cứ ù ù cạc cạc... Điều này giải thích vì sao, một năm sau, vừa nổ súng đánh Tây mà các bạn tôi, những Phó Bá Hùng, Phan Năng, Lê Đăng, Lê Phú, Trần Kim... và nhiều nhiều nữa, những con người nhiệt tình yêu nước đã sớm ngã xuống như những “chiến sĩ không tên” vì chưa làm được gì để được gọi là... “anh hùng”! Đáng nhớ nhất trong ký ức tôi là cái chết của toàn bộ đoàn Tuyên Truyền Giải Phóng Quân Chiến Khu 3 (văn công quân đội ngày nay) tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng, cùng trung đội anh Nở, bảo vệ Nhà Hát Lớn trước sức tấn công của pháo binh, xe tăng có máy bay bà già chỉ điểm. Họ bị hy sinh không sót một người. Một trường đoạn cực kỳ bi hùng và đau xót của lớp trẻ yêu nước “ngây thơ ngơ ngác”, chẳng biết chủ nghĩa gì ngoài chuyện ghét Tây.
Trường đoạn 2: Cuộc chiến không thấy kẻ thù
Sau cuộc thử lửa đầu tiên của tôi trên mặt trận Hải Phòng, cuộc chiến chống trả người Pháp gây hấn được tạm thời xếp lại do cuộc điều đình với phái đoàn Hoàng Hữu Nam. Tôi được điều về làm việc trong không khí hết sức phức tạp ở Phòng Quân Nhu Bộ Tư Lệnh 3, đóng trên đường Cát Dài. Tất cả đều đang chờ “cụ” Hồ đi thương lượng ở Fontainebleau về tương lai đất nước nên Tây và ta tạm thời chung sống hòa bình.
Tôi được giao nhiệm vụ đi làm việc với Tây vì biết tiếng Tây, tuy đúng hơn nên dùng cái từ “thông ngôn” (interprète), vì tôi chỉ dịch những gì mà các ông Sĩ, ông Quất, ông Tài phát biểu. Ngày ấy, ông nào cũng tự mua cho mình một cái lon nền đen có vạch kim tuyến trắng, lúc đeo lon trung tá, lúc đeo lon thiếu tá, tùy mức độ quan trọng của vấn đề cần bàn với người Pháp hoặc tùy đối tác thuộc cấp gì. Tôi cũng có hai cái lon, một thiếu úy, một trung úy. Không ai dám có sáng kiến đeo quân hàm cao hơn hai ông Hoàng Minh Thảo và Lê Quang Hòa lúc ấy chỉ gọi là... đại tá chứ chưa ông nào là tướng cả! Tôi thích thú công việc này vì đỡ phải lãnh trách nhiệm cầm quân đi đánh đấm, ít rủi ro mất mạng, và trên cả mong đợi là được mặc y như sĩ quan...Mỹ (!), được đeo kè kè bên hông, lủng lẳng trên chiếc thắt lưng Mỹ, khẩu Colt bạt, được cưỡi xe Zeep đi lại thành phố Hải Phòng đang âm ỉ cuộc chiến mà tôi cứ nghĩ sẽ không xảy ra nhờ tài chính trị khôn khéo của Nguyễn Ái Quốc vĩ đại!
Nhân dân Việt Nam sẽ được độc lập tự do, được đứng trong khối Liên Hiệp Pháp, được sự che chở của những người đã đập tan phát xít Đức để giành lại tự do cho nước Pháp mới. Tôi cùng một số bạn bè, kể cả vài sĩ quan Pháp mà tôi có dịp quen biết trong các vụ giao dịch, rủ nhau đi bát phố, đến nhà riêng của vài người, cùng nhau đàn hát các bài ca của Vincent Scotto, Văn Cao, Đặng Thế Phong... thậm chí đã hẹn nhau sẽ có ngày cùng đi thăm tháp Eiffel, bảo tàng Louvres, đi Moulin Rouge...
Một hôm, J. J. Aimovich, gốc Nam Tư, hẹn gặp tôi tại cửa Bar Dancing “Black Cat”, trên đường Cầu Đất. Anh nói trong ray rứt “C’est foutu! C’est foutu!”([6]) rồi kéo tôi vào bar, gọi hai chai bia. Aimovich uống và nói rất dài về cái mà sau này ông Sainteny ([7]) đã viết trong cuốn Histoire d’une Paix Manquée. Tóm lại, hòa bình vứt đi rồi! Họ —phía Pháp — không chịu dù ông Hồ nhượng bộ rất nhiều vì...họ cho là có nhiệm vụ ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản chứ không chống dân tộc Việt Nam đòi độc lập tự do... “Việc ông Hồ của chúng mày giải tán đảng cộng sản là trò...lừa đảo!” (nguyên văn:“bluff”) nên chúng ta đành chia tay nhau thôi. C’est regrettable! Infiniment regrettable!- Thật đáng tiếc! Vô cùng đáng tiếc!”
Anh ta vội vã trở về vì có lệnh cấm trại từ 9 giờ tối hôm đó. Trên đường trở về Phòng Quân Nhu Bộ Tư Lệnh, tôi ghé qua đại đội 3 Lê Khắc Tư, thấy cảnh chuẩn bị chiến đấu đang diễn ra rất khẩn trương. Những bao cát chất đầy ngay cổng gác, những thùng đạn các cỡ đang được bật tung để phân phối cho từng khẩu đội, từng người.
Phòng Quân Nhu bắt đầu sơ tán kho tàng tài liệu ra khỏi thành phố. Toàn thể cán bộ, nhân viên theo lệnh của phó phòng Lê Văn đều nhanh chóng chuyển về Bộ Tư Lệnh ở Kiến An. Riêng ba chàng trai trẻ ưu tú nhất, mạnh khỏe nhất là Lê Kim Ưởng, Nguyễn Văn Đăng, Vương Đình Hoàng với tôi là bốn được giao nhiệm vụ ở lại chiến đấu bảo vệ cơ quan. Mỗi người được phát một khẩu thompson mua lại của chính lính Tây qua một trùm “bấu xấu” –– nay gọi là “cò” –– có tên là Đinh Đồng! Không một ai sợ hãi xin rút lui khi lần đầu được có trong tay một khẩu súng Mỹ hiện đại, sẵn sàng phục kích diệt quân thù sau những đống đồ đạc lỉnh kỉnh, sa lông, giường, tủ... làm chiến luỹ y như trong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo! Vì tổ quốc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng làm những Gavroche. Ngây thơ và trong sáng như thế đó! Nhưng, gần cả tuần chẳng thấy bóng thằng Tây nào xuất hiện ở đầu đường Cầu Đất - Cát Dài cũng như ngã tư Cát Cụt cả.
Trái lại, khi chiến sự diễn ra, quân Pháp cứ theo các toạ độ được tính sẵn trên bản đồ rót xuống các nơi có trại lính, cơ quan Việt Minh đủ loại ô-buy, moóc-chiê 75 ly, 105 ly để “hất” chúng tôi ra khỏi thành phố. Cũng may mà thời ấy, không lực Pháp gần như chưa hề tham chiến. Mãi vài năm sau mới thấy mấy cái Junker, Spitfire xuất hiện, nếu không, có lẽ tôi cũng chẳng còn ngồi để viết những dòng hồi ký chiến đấu ngây thơ ngớ ngẩn này.
Gần một tuần tránh đạn đại bác nhờ cái boong-ke ([8]) tạo bằng các kiện vải vóc, lương khô, sữa, đường, chocolat ... mà chúng tôi mới tiếp nhận của Việt Kiều (hầu hết là lính thợ ONS về nước trên một chuyến tàu thủy), gửi tặng Vệ Quốc Đoàn. Cứ mỗi anh một bunker, chén đồ Tây đến phát... táo bón! Chẳng ai ngó đến mấy chàng lính công tử chúng tôi. Chẳng có lệnh chiến đấu hay rút lui gì...
Đến một hôm, tiếng súng bỗng im bặt khá lâu. Trời có ánh trăng lưỡi liềm chiếu sáng lạnh lẽo. Tôi liều ra khỏi boong-ke, chui qua một loạt tường nhà đã được đục thông nhau suốt đường Cát Dài, mò đến đại đội bộ Lê Khắc Tư để nghe tin tức thì... chẳng thấy chiến luỹ, chẳng thấy khẩu 12ly7 đặt ngạo nghễ trên những bao cát trước cửa đại đội bộ nữa! Tất cả chỉ là cảnh ngổn ngang của một vụ oanh tạc mà chúng tôi từng chứng kiến ở Chợ hàng Da Hà Nội! Họ đã...rút lui để “bảo toàn lực lượng” mà quên béng mấy anh lính quân nhu chúng tôi.
Mấy thằng lính bị bỏ quên vội vã lên đường chỉ có bộ quần áo trên người và khẩu thompson trên vai. Bỏ lại tất cả kỷ niệm vui buồn của một năm làm lính trên đất Cảng, làm lính mà chưa hề bắn một viên đạn vào bất cứ ai, bất cứ cái gì. Sau này tôi mới hay các đơn vị chính quy được lệnh rút lui ngay ngày thứ hai khi địch xơi tái các đơn vị Vệ Quốc Đoàn ngây thơ đóng quân ngay những nơi mà chỉ cần nhìn bản đồ, một tên chỉ huy pháo binh hạng bét cũng thừa sức tiêu diệt! Ở lại chiến đấu đến cùng chỉ là những đơn vị tự vệ khu 1,2,3...nổi bật có tự vệ khu 7, tự vệ An Đông. Họ tự túc từ khẩu súng đến bộ quân phục, đôi giày, cái mũ sắt hoàn toàn... America lấy từ kho quân nhu Pháp và chiến đấu như Jean Gabin của La Bandéra thời đó hoặc Tom Cruise của Le Dernier Samourai thời nay! Và họ đã ngã xuống, rất nhiều, rất nhiều... Những thanh niên hầu hết là tiểu tư sản thành thị, là bạn bè đồng học, đồng niên với tôi. Cái “số” đã bắt những Phó Bá Hùng, Nguyễn Sơn Lâm (con nhà tư sản nổi tiếng Nguyễn Sơn Hà)...phải chết sớm. Nhưng chết vì cái gì, vì quyền lợi của ai? Câu trả lời chỉ có với người còn sống sót qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản...mà gia đình, cha mẹ họ thành đối tượng tiêu diệt của cộng sản!
Trường đọan 3: Chọn con đường làm... tướng
Sau một đêm trắng bì bõm băng đồng, qua các con đường làng trơn trợt, thỉnh thoảng phải nằm ép xuống bùn để tránh những quả obus rực đỏ lừng lững đuổi theo, chúng tôi về tới doanh trại Bộ Tư Lệnh Chiến Khu 3 đóng tại trại Bảo An Binh, Kiến An. Các vị lãnh đạo như Hoàng Minh Thảo, Lê Quang Hòa, Vũ Hiển đều đã rút về nông thôn chuẩn bị chiến tranh nhân dân, chống Pháp trường kỳ! Còn lại một ông “to” nhất là ông chánh văn phòng có tên Quất. Ông này tuy ở quân đội, hét ra lửa, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông mặc quân phục. Quanh năm ông com-lê, ca-vát chỉnh tề, nước hoa thơm phức. Nghe nói ông từng làm tham tá cho Tây. Lần này cũng vậy, dù nước “sôi lửa bỏng” ông vẫn thư thái đàng hoàng, miệng phì phèo điếu Lucky, hai chân gác lên bàn, đốc thúc mọi người thu dọn hồ sơ tài liệu để về nơi đóng quân mới. Thấy ba thằng thanh niên, mặt mày ngơ ngác hỏi phải làm gì, ông gắt lớn “Muốn làm gì thì làm!” Rồi nhận ra tôi, cái thằng “thiếu úy” nói tiếng Tây từng cùng ông đi móc ngoặc bọn lính Tây ăn cắp súng, giao dịch đặt hàng nhiều đợt khá thành công ngày nào...ông đổi giọng: “Này! Hải, hoặc là về nhà tiếp tục đi học, lấy nốt cái bắc-ca-lô-rê-a (tú tài Tây) hoặc là về Khu, tớ sẽ cho đi học quân sự. Compris? (Hiểu chứ!)”...
Hai tên được đóng dấu cái cộp...về địa phương! Từ đó, tôi không gặp lại hai “lính công tử” giải ngũ khỏi Vệ Quốc Đoàn không giấy tờ quyết định gì! Còn tôi, đi theo ông Quất về An Lão vì không còn con đường nào khác khi bên tai tôi vẫn vang lên câu chửi của bố tôi bằng tiếng Pháp: “Đi theo Cộng Sản, lúc thua, đừng có vác xác về đây, tao tống cổ ra ngoài đường đấy!” Thật tình ngày ấy tôi vẫn cho là bố tôi vì đọc quá nhiều sách ba lăng nhăng –– tôi đã dùng chữ “hétéroclite” ([9]) làm ông nổi nóng ném cả một bình trà vào mặt tôi –– nên ông có định kiến với cái Đảng mà ông ghét cay ghét đắng, chứ bao lâu nay, tôi đi “lính cụ Hồ” có thấy anh cộng sản mặt mũi thế nào đâu? Cộng sản mà như ông Quất này thì... “chơi” được chứ! Và tôi tiếp tục lao theo con đường do ông Quất, chánh văn phòng Bộ Tư Lệnh vạch.
Nhưng than ôi! Chính những ngày sống ở ngay cái “đầu não của một khu” (sau trở thành Liên Khu), tôi đã thấy rõ tôi trở thành một thứ “xa xỉ phẩm” cho họ thế nào. Mọi công việc tham mưu, chính trị, quân nhu lúc ấy được chỉ thị tuyệt đối bí mật, tuyệt đối cảnh giác với Việt Gian. Tôi hết hồn khi chứng kiến các cảnh thủ tiêu (gọi là “cho đi tàu suốt”) bằng búa (để đỡ ồn ào, để tiết kiệm đạn) sau một cái lệnh ngắn gọn viết trên bao thuốc Lucky của ông Vũ Hiển, tham mưu trưởng gửi Hoàng Hữu Phấn, chánh án TAB, tòa án binh, do chính tay tôi chuyển... Tôi cũng vô tình nghe trộm được một cuộc họp chi bộ khi ngủ quên trong kho thóc nhà ông Phó Hữu và đã suýt... vãi đái vì thấy họ bàn bạc: “Quần chúng này cần “phát triển”, quần chúng kia cần theo dõi, tên này cần cho ra mặt trận đường 5, tên kia cho ra Tiên Yên, Ba Chẻ”...
May cho tôi, “đoàn thể” (lúc đó chưa dùng chữ đảng) quyết định trả về phòng Quân Nhu Tài Chính vì “cậu này” có thể bồi dưỡng làm cán bộ khung cho các đơn vị cần văn hóa!? Té ra họ vẫn có đảng cộng sản! Câu hỏi đầu tiên đặt ra với tôi là họ chỉ có một dúm người sao lại quyết định số phận, thậm chí cả tính mạng của bao con người?
Tôi càng nhìn rõ cái giá trị không... đáng tin cậy của tôi khi trở về đơn vị cũ là người ta không cần cái khả năng giao dịch với Tây của tôi, nhất là những người “Tây học” như tôi, chẳng hiểu sao, cứ dần dần, nhân lúc thời thế lộn xộn mà “biến” về mái nhà xưa hết! Cái đầu và trái tim tôi bắt đầu làm việc, không còn vô tư, thơ ngây nữa.
Tôi quyết định phải tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc nguy hiểm này. Nhưng làm thế nào thì tôi chưa thể tính ra nên đành chấp nhận làm một công việc không tên, không dính dáng đến bí mật quân sự: Thường trực của phòng quân nhu tài chính! Công việc hàng ngày chỉ là...nằm khểnh ngay đầu xóm, nhận công văn và báo khách vào Bộ Tư Lệnh. Tối đến, tôi có nhiệm vụ trèo lên cái chòi đầu làng, dùng chiếc loa sắt cầm tay đọc tin “quân ta thắng lớn, thắng to khắp mọi nơi”, qua các bản in li-tô lèm nhèm, chẳng hiểu ở đâu cung cấp. Xen kẽ các đoạn tin, tôi cất cao giọng hát đủ thứ, từ Suối Mơ đến Bắc Sơn, từ Con Chim Lạc Đàn đến Ngựa Phi Đường Xa cho...cả làng nghe! Những lúc bí bài, nhờ năng khiếu trời cho và được học nhạc chút ít ở trường sơ, trường dòng, tôi “bịa” ra đủ thứ hành khúc, tình ca... về những mối tình câm thuở còn đi học và “bịa” ra những mối tình tôi chưa vướng bao giờ! Chẳng ai kiểm duyệt, chẳng ai xuất bản. Thế mà cũng khối bài được người này, người khác có dịp về Khu lãnh phiếu, lãnh đồ học được, mang đi xuất bản... bằng mồm và lan đi khá nhiều nơi, kể cả vào nội thành. Điển hình là ca khúc có phần hòa âm theo kiểu “cột đèn” mà tôi học thuở hát trong dàn đồng ca không nhạc đệm (a capella) của nhà thờ dưới sự dàn dựng và chỉ huy của cha Rangel.
Gần một năm được xếp làm công việc dành cho “phần tử không đáng tin cậy” này đã giúp tôi chuẩn bị rất sớm để rẽ sang con đường khác, con đường khốn nạn hơn, gian khổ hơn và dễ bị nghi ngờ, dễ bị...“tiêu” hơn: Con đường làm văn nghệ chuyên nghiệp!
Sau cuộc Đại Hội Văn Nghệ Kháng Chiến đầu tiên tôi được đi họp tại làng Khuốc, được trực tiếp thấy mấy thứ kênh kiệu của những Vũ Anh Thường, Huấn, Châu... những nét bê tha của Đinh Hùng và vài vị mà con các vị đang rất có tiếng hiện nay nên tôi không nỡ gọi đúng tên, đã làm tôi trở về nhận thức ban đầu: Không thể đứng trong hàng ngũ “xướng ca vô loài” được...
Trở về Bộ Tư Lệnh, tôi được ông Hoàng Thế Hùng, tức “Hùng hét”, trưởng ban Quản Trị Bộ Tư Lệnh lúc đó, một người rất mê tôi, có lẽ cũng có “tâm sự”, không được tín nhiệm như tôi. Ông tốt nghiệp Hoàng Phố như các ông Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Hoàng Điền (Ngũ Hoàng)...nhưng chẳng hiểu sao không được đi họp “tổ chức”, gọi tôi lên và cho biết: “Cậu là người tốt, tớ đã tìm cho cậu một cách để tiến thân hơn chứ không phải làm cái trò “leo thang đọc tin” nữa...Hãy chuẩn bị đi học quân chính Nguyễn Huệ để thành anh lính thực thụ. Tốt nghiệp rồi cậu sẽ được kết nạp vào “tổ chức”, được nắm quân và sẽ...“một là xanh cỏ...hai là đỏ ngực”! Nhưng phải chú ý về cái tính bất cần đời, “phớt ăng lê”, coi thường mọi người đi! Nếu không thì chỉ có...xanh cỏ mà chẳng có đỏ điếc gì đâu!” Thế là... tôi hăm hở lên đường.
Lúc này, trường từ Quảng Yên rút về một địa điểm tại Quỳnh Côi, Thái Bình. Một năm trời ở nhà dân, ăn đứng, lên lớp ngồi...bệt xuống đất, trong ngôi đình khá lớn, tôi ra sức học đủ thứ các thầy giảng và luôn là học sinh xuất sắc vì tiếp thu lý thuyết và thực hành tốt. Có gì đâu: Giáo sư vẫn là các sĩ quan của quân đội Pháp cũ giảng. Khác hơn là những ông thầy ở đây có vẻ uyên bác hơn về cái “nghề giết người mà không bị xử tội!” Nổi bật có ông “Hai Giá”. “Hai” là quan hai (lieutenant) tốt nghiệp võ bị Saint Cyr tận bên Pháp. Sau là ông Võ An Khang, cũng sĩ quan Pháp, và một loạt giáo viên tôi không nhớ tên. Tất cả đều là người được “binh vận” theo ta!
Những bài giảng về mọi mặt chiến đấu đều lấy từ tài liệu giáo khoa Pháp mà đôi khi, trước giờ lên lớp, các thầy gọi tôi và Văn Hùng lên Hiệu Bộ để hỏi xem cách dịch các khẩu lệnh tiếng Pháp thế nào cho ổn. Chỉ riêng sự nhìn nhận và đánh giá của hai ông thầy chính này với tôi cũng đủ làm “tổ chức” –– tôi nhớ là không quá... 5 người, ngoài ông hiệu trưởng kiêm chính trị viên Dương Chính! –– phải đặc biệt theo dõi!
Và quả là như vậy: do tình cờ, tôi nhặt được cuốn sổ tay của Vũ Đình Hải, một người “trong tổ chức”, rớt tại cầu tiêu kiêm chuồng lợn của chủ nhà. Lật ra, tôi thấy dòng chữ ghi “họp chi bộ ngày...tháng...năm 1947”... Đáng chú ý nhất là đoạn phân công phụ trách quần chúng, trong đó có tên Tô Hải bị gạch đít, hai chấm: “Chú ý quan hệ đặc biệt giữa Tô Hải với X5 và X6!” Tôi giật mình nhớ tới câu nói của tham mưu trưởng liên khu Vũ Hiển: “Thà giết oan 10 người còn hơn để lọt một tên Việt Gian” mà ớn xương sống! Vậy là muốn sống được với “tổ chức” trong cuộc “kháng chiến thần thánh” thì phải biết giữ mình, nếu không muốn bị “tiêu.” Kiếp sống Hèn của tôi bắt đầu!
Của đáng tội, tôi còn anh dũng một lần cuối khi quyết định báo cho hai ông thầy (tất nhiên bằng tiếng Pháp) biết tình hình nghiêm trọng này và từ đó đến hết khóa học, chúng tôi không bao giờ gặp nhau riêng nữa.
Tôi không còn hứng thú học tập nên trả bài qua loa, thậm chí thao tác tháo lắp khẩu 12 ly 7 tôi cũng để thừa tới hai, ba bộ phận! Cuối khóa, tôi tốt nghiệp loại trung bình, nhưng cũng được giấy chứng nhận do ông Hoàng Minh Thảo ký (tôi còn giữ đến bây giờ, 2006) và được đề nghị chức vụ (lúc ấy chưa có cấp bậc)... trung đội phó! Nghĩa là sau hơn một năm, từ phân đội trưởng, lên “trung úy”, “thiếu úy tự tạo” (để “lấy le” với quân đội Pháp) sau bao tháng trời đổ mồ hôi trên thao trường, học đủ thứ quân sự ba lăng nhăng, tôi bị... giáng cấp!
Xem ra con đường làm “tướng” không dễ như tôi tưởng! Những bạn đồng học của tôi, những Dương Tử Giang, Kỳ Vẩu, Huệ Xồm... lần lượt kẻ trước người sau bỏ mình khắp các chiến trường Khu 3. Một số, học xong... quay về vùng địch, “dinh tê” để tiếp tục đi học, sau này trở thành sĩ quan phía đối địch, thậm chí lên đến cấp tá, tướng của ông Thiệu sau này như chuẩn tướng Lương, đại tá Thọ... Tôi vô cùng kinh ngạc thấy trong bọn họ có cả Nguyễn Bá Lai, Vũ Đình Hải...những người “trong tổ chức” chuyên theo dõi chúng tôi.
Phần tôi, không phải tôi không có tư tưởng rời bỏ cái hàng ngũ mà tôi coi khinh vì dốt nát, vì nói một đằng làm một nẻo, như hô hào đoàn kết nhưng lại tổ chức thành băng đảng do thám nhau, ám hại nhau! Nói “giải tán” nhưng vẫn có các chi bộ bàn bạc, theo dõi, dò xét từng người còn hơn cả mật thám thời Tây! Nhưng, bi kịch của tôi chính do tôi gây ra: Đó là sự tự ái với những gì bố tôi đã chửi tôi. Hoá ra…quá đúng! Vậy mà mãi sau này, tôi vẫn không đủ can đảm quay về, quì trước mặt ông mà nói: “Con xin nhận là con lạc đường! Bố đã đúng!” Tôi đã hèn, hèn cả với bố tôi, hèn với chính mình. Tôi không dám làm điều mình nghĩ! Và tôi đã tự làm khổ tôi suốt cuộc đời...
Tốt nghiệp quân chính Nguyễn Huệ nhưng chưa là người “trong tổ chức” (đảng viên), tôi trở về Bộ Tư Lệnh chờ phân công tác. Đó là những ngày chờ đợi sáp nhập thành Liên Khu, những ngày lẽo đẽo theo ông “Hùng hét” “ngựa hồng côn bạt” đi kiểm tra điều lệnh nội vụ các trung đoàn, tiểu đoàn mới thành lập. Tôi còn nhớ trung đoàn 66 của ông Phùng Thế Tài (biệt danh Phùng Thế Ục vì tính hay “ục” lính), có ông Lê Quân, thư sinh trường Bưởi, ông An Giang, ông Ngô Lân, ông Mạnh Hùng, ông Đinh Thìn, ông Thiết Trụ (Vương) và ông Võ An Khang, nguyên hiệu phó trường quân chính Nguyễn Huệ của tôi còn sót lại.
Các trung đoàn trưởng (thời đó chưa có sư đoàn) ([10]) chẳng hiểu đánh đấm ra sao chứ một tháng ít nhất hai ba lần đều có mặt ở Bộ Tư Lệnh Liên Khu họp và họp. Có nghĩa là bàn việc quân sự thì ít mà bàn “chính trị” thì nhiều. Sở dĩ tôi biết được nhiều chuyện “thâm cung bí sử” vì cứ tối đến, trung tâm để các “anh hùng bất biết say” mượn chén trút đủ thứ bất bình kèn cựa, phê phán nhau, chính là nơi ở của ông “Hùng hét” và tôi! Khi chưa sáp nhập Liên Khu là làng Gạo huyện Phù Dực Thái Bình, sau khi sáp nhập là Thung Gio, Thung Vôi, ở bên kia Chồng Mâm, Chợ Giời, Kim Bôi, Hạ Bì... Những cái tên sở dĩ tôi còn nhớ vì chính là những nơi tôi đã để lại nhiều “mẩu trái tim” mình qua những sáng tác bắt đầu có tiếng vang trong giới “sĩ quan tiểu tư sản”!
Với các vị thường họp mặt sau hội nghị ở Bộ Tư Lệnh xung quanh ông “Hùng hét”, lúc này, tôi đã nhận ra đều là những trung đoàn trưởng đại bất mãn, hầu hết đều có học và nhận thức khá sâu sắc về sự bành trướng quyền hành của mấy ông chính trị dốt nát nhưng đại cơ hội. Sau này tôi chẳng ngạc nhiên khi thấy một loạt các vị như Trần Ích (phụ trách tình báo) Hoàng Hữu Phấn (TAB), Hoàng Thiết Trụ (tức Trụ Vương) đều lần lượt...trở cờ! Trụ Vương chạy vào Phát Diệm, trở thành cánh tay phải của giám mục Lê Hữu Từ, chống cộng khét tiếng. Một số sau này không còn bao giờ nghe thấy ai nhắc tới, kể cả trong lịch sử quân đội Nhân Dân Việt Nam.
Thế là lại thêm một năm tôi chẳng có nghề ngỗng gì ngoài việc sống dưới sự bao che của ông “Hùng hét” làm chuyên viên...chạy giặc! Gian khổ nhất là những ngày ở Kim Bôi, Hạ Bì. Cứ có máy bay bà già bay trên đầu hôm trước là hôm sau di chuyển. May mà thời ấy, phương tiện thông tin, không lực của Pháp đang kiệt quệ sau đại chiến thứ 2 nếu không thì...cái cơ quan Bộ Tư Lệnh đã đi tiêu như phòng Quân Nhu Liên Khu vì nhiều thứ cồng kềnh nên bị hai chiếc Spitffire “làm cỏ”, kể cả trưởng phòng Nguyễn Văn Sĩ, nhân vật số 3 trong Bộ Tư Lệnh!
Vì phải di chuyển liên miên, nhất là lúng túng với quân số quá đông lại hầu hết bị sốt rét ác tính, có người chỉ sau một giấc ngủ là vĩnh viễn không dậy nữa, chủ trương “phân tán nhỏ gọn” được cấp tốc thi hành... Nói ngay là chúng tôi bị địch đánh cho tan tác, mạnh đơn vị nào đơn vị đó kiếm chỗ ẩn thân, nhất là sau các chiến dịch Mercure, Kangourou... Lợi dụng việc “tùy nghi di tản này”, không ít người đã...“tung cánh chim tìm về tổ ấm” dù đang ở hậu phương hay đang hoạt động trong lòng địch – dinh tê! Riêng tôi ôm cái tự ái với bố trong lòng... và không thể bỏ qua cái hạnh phúc nhỏ nhoi là được ông “Hùng hét” o bế nên vẫn cặp kè bên ông, vẫn cặp kè cái cặp lúc nào cũng đầy tiền, chẳng bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc nên kiên trì...kháng chiến bằng...đôi chân và giọng hát trời cho!
Một ngày cuối năm 1948, ông “Hùng hét” gọi tôi lên ngôi nhà sàn mà ông thường tụ họp với mấy cha bất mãn số 1, nói nửa giễu cợt, nửa ngợi khen: “Này chú nhạc sĩ! ([11]) Lần này thì “trên” đã chọn cho chú đúng chỗ tha hồ mà thi thố tài năng. Chú được cử đi học Võ Bị Trần Quốc Tuấn khóa chuẩn bị Tổng Phản Công. Nghĩa là: Sẽ có nhiều thứ vũ khí mới, chiến thuật mới, cần nhiều cán bộ có tài năng, có thể lái được xe tăng (!) bắn được ca nông theo pa-ra-bôn…Nhưng quan trọng nhất là học xong cậu sẽ được đứng “trong tổ chức” vì lần này có chủ trương phát triển tổ chức đại trà đấy! Chỉ tiếc rằng...lúc ấy chẳng biết tớ đã được đứng trong “tổ chức” chưa, nếu không thì tớ đành về nhà xua gà cho vợ vậy!”
Thế là chẳng còn con đường nào khác, lại một ba lô, một cây ghi-ta mà ông Hùng sắm cho bằng tiền quĩ để làm công tác dân vận, tôi lên đường đi tìm con đường làm... tướng, làm người có “mác” – đứng trong “tổ chức”!
Chính ở trường này tôi được kết nạp vào đảng Cộng Sản Việt Nam cùng lúc với tất cả đồng khóa, không trừ một ai vì Đảng đang cần đảng viên hơn bao giờ hết. Đảng cần những người sẵn sàng “khó khăn đi trước, sung sướng hưởng sau”, “Suốt đời vì nước quên thân vì dân quên mình”! Tôi say sưa với cái tên “Võ Bị Trần Quốc Tuấn” mà 90% đều là thanh niên thành phố, trí thức, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay. Kể từ các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đến anh học sinh quân lính trơn, ai cũng thông minh, hoạt bát, đối xử với nhau như những người có văn hóa. Nói tóm lại, toàn là người... tử tế và quả là tử tế với nhau cho đến hết đời thật. Những cái tên Trịnh Minh Quát, Văn Khắc Lân, Trần Đăng Vân...sau này luôn là những người thương yêu nhau, dù có anh “gặp may”, lên đến tướng, tá, dù có người không may trở thành anh thợ dập gác-đờ-bu xe đạp ở vỉa hè như Bùi Khuê, làm khán chợ Tân Định như Nguyễn Lục, hoặc... tự tử, sau hai năm sống không hộ tịch ở xóm Liễu Hà Nội như Khắc Thứ!...
Cũng không thể không nhắc đến ông thầy cực kỳ thông minh, yêu văn nghệ, người đảng viên mang “tội” to sau này vì đã kết nạp lũ chúng tôi và cho “ra lò” một lô các sĩ quan sặc mùi tiểu tư sản: đại tá Hoàng Điền! Ông luôn tin vào người có học, ông mời các vị Lộng Chương, Tống Ngọc, Nguyễn Xuân Huy, Phạm Duy...đến trường để nói chuyện về văn nghệ cho lính nghe. Hơn một lần ông nói: “Đỏ mà dốt nát thì đồng nghĩa với thất bại”. Binh nghiệp lâu dài là thế, công lao là thế, nhưng khi quân đội bắt đầu phong hàm, không thấy tên Hoàng Điền trong hàng tá mà trong hàng tướng cùng thời với ông như Trần Tử Bình, Chu Văn Tấn...cũng không nốt! Người ta đã sắp cho ông... “chỗ làm mới”: Cục Điều Tra Rừng, bộ Lâm Nghiệp. Ông sống đơn độc trong một phòng nhỏ ở phố Đỗ Hạnh, Hà Nội. Năm 2005, nghe tin ông qua đời, đến dự tang lễ ông đông nhất vẫn là những chàng trai Lục Quân Trần Quốc Tuấn năm xưa... Trên cáo phó của bộ Nông Nghiệp chỉ ghi “Hoàng Điền, nguyên cục trưởng Cục Điều Tra Rừng”. Chấm hết! Y như Lê Liêm, người chính ủy mặt trận Điện Biên khi chết chỉ có mấy chữ: Nguyên thứ trưởng bộ Giáo Dục và Trần Độ có lúc giữ chức Phó chủ tịch Quốc Hội là nguyên thứ trưởng bộ Văn Hóa, chấm hết!
Với tôi, là đảng viên sĩ quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn, tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi trong những năm 1949-1950 của giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Tôi lao vào học tập quân sự, chính trị, đồng thời sáng tác bất cứ cái gì theo đảng ủy nhà trường yêu cầu. Thôi thì đủ thứ đề tài, tử tổ tam tam đến tiểu đội, tiểu đoàn tấn công, thậm chí cả đề tài hóc búa như “tổng kết giai đoạn tân binh”, tôi cũng có ngay bài... Đã Qua Rồi Một Thời Tân Binh.
Có gì đâu, trong tôi đã có đủ thứ âm nhạc tả pí lù, chỉ cần cầm ghi-ta lên “nghêu ngao vài ba câu nhạc có lời theo yêu cầu” của các ông Sơn Hùng, Hải Hùng trưởng phòng chính trị, trưởng ban tuyên giáo, xào xáo lại một chút là thành ngay một “bài nói có giai điệu!” mới toanh!
Còn nhịp điệu, tiết tấu thì chủ yếu là... swing, rumba, blue, mà lũ chúng tôi, những Văn Phụng, Lê Điệp, Đỗ Phú, Hoàng Dũng, anh nào chẳng có sẵn “máu” do thuộc lòng từ các phim Mỹ, Pháp... Quần chúng lại chính là lũ chúng tôi, những dân gọi là có học, đã sống với những bài hát đó thuở 1940-1950. Điều này giải thích tại sao nhạc lai Tây, lai Mỹ thật sự vẫn sống, sống tốt nữa! Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa, Mùa Không Biên Giới... tồn tại được đến hôm nay chính là đã “lỡ được phổ biến” vào thời “tư tưởng Mao đồ tể” chưa tràn qua biên giới, gieo rắc tai họa cho dân tộc Việt Nam nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Nghĩa là...ở Việt Nam, trước 1949, chưa có đường lối văn nghệ gì của “tổ chức” vì “tổ chức... dốt đặc về văn nghệ”!
Lý do tôi được kết nạp có lẽ nhờ thành tích dùng âm nhạc phục vụ động viên lính cụ Hồ. Ngoài ra, thành tích học quân sự của tôi thua xa những bạn bè mà tôi kể ở trên. Tôi đã say sưa với thành tích, say sưa với cái tên “nhạc sĩ Tô Hải”, nhất là khi Liên Đoàn Nhạc Sĩ Liên Khu IV kết nạp và đề cao tôi trong một đêm biểu diễn của các chàng trai Lục Quân Trần Quốc Tuấn với một chương trình toàn là tác phẩm của...tôi. Cứ thế, vừa làm lính trong “tổ chức” –– lúc này tôi đã biết là Đảng Cộng Sản –– vừa sáng tác, vừa biểu diễn với cả tâm hồn và trái tim, rất tự nguyện, rất hiến dâng, không mảy may mặc cảm, suy tính, tôi đã sẵn sàng ra chiến trường chết như một chiến sĩ với câu hát “Đấu tranh này là trận cuối cùng... ” trên môi.
Nhưng (lại nhưng)...cuộc đời không cho phép tôi... chết sớm như các bạn Xiêm, Ích, Tước, Niệm, Hòa... mà bắt tôi phải sống, sống để trở thành một thằng hèn, hèn cho đến những ngày “vừa viết vừa run” tập hồi ký này.
Sau khi kết thúc khóa học Chuẩn Bị Tổng Phản Công thì...chẳng thấy tổng phản công đâu mà nhà trường lại chiêu sinh thêm một khoá mới, không có tên “Hậu chuẩn bị Tổng Phản Công” hay “Tổng Phản Công tập 2” gì mà là Lục Quân Trần Quốc Tuấn Khóa VI! Tôi được ông Sơn Hùng gọi lên và tuyên bố: “Đảng đã quyết định mở rộng huấn luyện, phát triển trường chúng ta thành một trường chính qui hiện đại...Công tác chính trị lúc này cực kỳ quan trọng. Toàn bộ kế hoạch tổ chức đã được Trung Ương thông qua, được các cố vấn Trung Quốc góp ý tỉ mỉ. Một đoàn văn công –– lần đầu tiên tôi nghe hai từ này –– bao gồm đủ ca, múa, nhạc, kịch đã được duyệt. Cậu sẽ ở lại trường, không đi đâu cả. Mặt trận văn hóa tư tưởng đang rất thiếu những đảng viên như cậu!” Thế là...từ anh lính nuôi tham vọng làm...tướng, tôi trở thành anh lãnh đạo văn nghệ cách mạng, muôn năm chỉ ở lại cấp “sĩ”, nhạc sĩ!
Đã là đảng viên thì nhiệm vụ nào Đảng giao cũng phải cố làm cho tốt như lời ông Hùng nói. Tôi lên đường đi tuyển sinh cùng rất nhiều đoàn cán bộ “khung” khác. Việc đầu tiên tôi phải làm là tới các trường trung học cấp 2, cấp 3 để kiếm “nhân tài”. Tôi lôi kéo được khá nhiều tên tuổi như Hoàng Thi Thơ, Phạm Long, Hoàng Linh, Thi Thi Tống Ngọc, nhà văn Nguyễn Xuân Huy... và một loạt nhân tài đang sống vất vưởng ở Thanh Hóa, sau khi ông tướng Nguyễn Sơn ([12]) về Tầu!
Trong những năm 1949-1950 ấy, chúng tôi chưa bị bất cứ áp lực nào của đường lối “văn nghệ phục vụ công nông binh”, về “đảng tính” “nhân dân tính”... trong hoạt động. Ông Lộng Chương dàn dựng vở đầu tiên là Ngưỡng Cửa của Đinh Ánh, rồi Nhật Xuất của Tào Ngu và một số trích đoạn trong Lôi Vũ vv... toàn là những vở kịch ra kịch. Còn tôi, vẫn cứ đề tài... người lính lục quân. Nào Anh Tân Binh Ơi, nào Thầy Tu Giết Giặc, nào Đen Gì Mà Đen... theo kiểu Ngọc Bích với các tiết tấu, nhịp điệu swing, rumba, blue như đã làm. Chẳng ai phê phán gì, thậm chí còn khen ngợi, vỗ tay liên hồi, kể cả khi có mặt các ông “nhớn” như Hoàng Anh, Nguyễn Chí Thanh, Đặng Thai Mai, Lê Chưởng…
Cho đến một hôm, tôi được ông Hoàng Lưu, lúc này làm chính ủy, trên cả ông Hoàng Điền, gọi lên nói như chặt sắt: “Từ nay ngừng ngay những bài hát Trường Lục Quân Đang Cần Lính Đánh Tây, Tiếng Kèn Báo Động, ngừng ngay những hoạt cảnh lắc mông ngoáy đít đi! Phân hiệu bên Côn Minh đã được lệnh dẹp bỏ rồi... Đường lối văn nghệ của giai cấp vô sản phải khác. Không thể chấp nhận nhạc Mỹ, nhạc Tây, rất có hại cho lập trường vô sản. Cậu phải thay đổi ngay kiểu sáng tác, nếu không, khi các cố vấn Trung Quốc sang, sẽ khó ăn nói với họ đấy!”
Tôi bàng hoàng vì vừa hôm qua thôi, ông còn khen chương trình biểu diễn là khá, và ông nói tiếp: “Tớ nói thật, đường lối văn nghệ cách mạng tớ cũng i-tờ thôi! Nay có đường lối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ta không theo không được! Thôi, cứ...cố gắng lên!”
Cố gắng? Cố gắng làm khác với lòng mình? Cố gắng làm theo ý người khác, rung cảm bằng trái tim người khác, nhất là người ngoại quốc?
Tôi trở về Đoàn, suy nghĩ mung lung về con đường trước mặt, về những khó khăn mới, những dằn vặt mới bởi cuộc phiêu lưu vào con đường “văn nghệ có lãnh đạo” này. Và tôi chọn con đường... ngừng viết!
Sự thật thì thời gian này tôi cũng đẻ ra mấy bài cho mình và cho một số bạn bè nghe như Đứt Dây Đàn, Chán Chường, Khi Mùa Xuân Đến...viết bằng trái tim thật của mình, nhưng không dám phổ biến, không dám đưa lên sân khấu mà chỉ nhai đi nhai lại những Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Du Kích Sông Thao... Ngoài ra, tôi để kệ anh Lộng Chương dựng hàng loạt kịch cách mạng Tàu do ông Đặng Thai Mai dịch. Mọi cuộc biểu diễn có đoàn cố vấn do tướng Vu Bội Huyết đứng đầu, khi xem đều: “Hảo! Hảo! Hảo!”...Tôi thấy được cái hèn của mình nhưng bất lực vì nhiều lẽ, trong đó lẽ quan trọng nhất, quyết định nhất đến cả cuộc đời tôi sau này là tôi sớm... lập gia đình!
Số là trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn trong nước được lệnh “sáp nhập” vào phân hiệu Côn Minh mà sau này tôi mới hiểu là trường sĩ quan mà các cố vấn Tầu, sau một thời gian giúp đỡ củng cố đã nhận xét là một trường của giai cấp... tiểu tư sản, tổ chức “sai lầm cả về nội dung lẫn hình thức”! Chỉ có thể “uốn nắn” bằng cách...cho nhập luôn vào trường bên Tầu! Như thế là trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn của chúng tôi, tới khóa VI, đã bị xóa tên người anh hùng trong lịch sử Việt Nam! Đến nay người ta chỉ gọi là Trường Sĩ Quan Lục Quân 1, Lục Quân 2, mà chẳng cần giải thích gì hết! Nói trắng ra từ ngày đó, anh “lính cụ Hồ” đã trở thành “lính cụ Mao”! Từ chân đến đầu, từ khối óc đến trái tim, từ hột cơm đến miếng nước, tất cả đều nhờ Đảng Cộng Sản Trung Quốc dạy dỗ và nhân dân Trung Quốc “nhường cơm sẻ áo”!
Có thể nói chưa bao giờ trong quân đội lại có sự tan đàn xẻ nghé dữ dội như vậy. Hàng ngàn con người đi đâu, về đâu? Sang Tầu? Xuống đơn vị? Xin giải ngũ về nhà?
Rất nhiều bạn bè tôi đã “ra đi vĩnh viễn” trong giai đoạn này, không bao giờ gặp lại. Nhận được mảnh giấy “quyết định điều động” in li tô bằng bàn tay, đa số anh em từ học sinh, thanh niên ngoài quân đội được chiêu sinh vào trường đều...tự điều động về luôn...nhà mà chẳng ai hay ai biết! Hầu hết đảng viên cốt cán đều được bổ sung cho các sư đoàn mới thành lập có cố vấn Tầu sang nắm quyền chỉ huy toàn diện!
Cũng thời gian này, học sinh võ bị Trần Quốc Tuấn, nhất là những anh chưa được “tổ chức”, “dinh tê” nhiều nhất. Đặc biệt những tay có tài năng văn nghệ sau này về Sài Gòn tôi còn gặp một số là những nhà văn, nhà thơ, diễn viên, tá, tướng, có cả quận trưởng, tỉnh trưởng như Mai Thảo, Võ Hải, Hoàng Thi Thơ, đặc biệt có nhân vật Hồ Mậu Đề, một đảng viên lắm lý luận nhất. ([13])
Còn tôi, đảng viên cốt cán trong hàng ngũ “chiến sĩ văn nghệ” của Đảng, tôi chấp nhận sự điều động của Đảng về Bộ Tư Lệnh Địa Phương Liên Khu IV! Thi hành lệnh này có cái lợi là được...lấy vợ, được ưu tiên mang vợ đi theo, để có người mà thương yêu, mà quên nỗi nhớ nhà ray rứt giữa hoàn cảnh “thân cô thế cô”, lạc lõng giữa “sa mạc kháng chiến”, chẳng biết kéo dài đến bao giờ.
Như “cưới vợ chạy tang”, tôi vội vã làm lễ thành hôn do nhà trường tổ chức tại một sân đình làng ở Hậu Hiền, Thanh Hóa. Dưới ánh trăng, ông Sơn Hùng thay mặt đảng ủy nhà trường, trịnh trọng như một cha đạo đứng lên công nhận hai chúng tôi, Tô Hải và Hương Mai, kể từ nay... thành vợ, thành chồng! Vài lời chúc mừng, vài bài hát, kết thúc bằng một điệu nhảy tập thể theo kiểu ương ca ([14]) Trung Quốc và...chấm hết! Ai về nhà nấy, chuẩn bị ngày mai giải tán lên đường!
Tôi biết đang có nhiều người dứt khoát rời bỏ hàng ngũ cộng sản, lợi dụng thời cơ quân hồi vô phèng lo tính chuyện tương lai của riêng mình! Nhiều người trên đường tìm về đơn vị mới (có khi chẳng biết nơi đóng quân cụ thể ở đâu?) đã lấy lý do này để về quê lấy vợ, để trở lại mái trường xưa, để... giã từ kháng chiến vĩnh viễn!
Chấp nhận sự mai mối của Đảng, lấy vợ là một diễn viên của đoàn, với tôi lúc ấy là cứu cánh cuối cùng giúp cho tôi, nhất là cho vợ tôi, có lối “tạm thoát”. Vì, cũng như hàng chục cô gái được tuyển vào làm việc tại hiệu bộ, vợ tôi đang vô cùng hoang mang, chẳng biết đi đâu? Một số cô phải chấp nhận lấy chồng để được ở lại theo chồng. Một số có cơ sở văn hoá, gia đình vững vàng đã chọn con đường trở về tiếp tục đi học trong đó có nhiều người khá thành đạt sau này!
Riêng tôi được nhà trường ưu ái cử hẳn một đảng ủy viên, phó phòng chính trị Vũ Kỳ Lân, về tận nơi gia đình vợ tôi sơ tán ở Diễn Châu, Nghệ An làm chủ hôn một lễ cưới chính thức! Chính cái gia đình được Đảng vun vén cho tôi một cách tận tình, đến nơi đến chốn, đã giữ chân tôi mãi sau này, hết đường cựa quậy, nếu không muốn vợ con mình... ăn mày!
Tôi đã tự tạo thêm một cái gông trên cổ, một chiếc cùm dưới chân...
Chú thích:
([1]) Thứ súng lục bắn nhiều phát một lúc, bao súng cũng là báng súng.
([2]) Huỳnh Thúc Kháng, còn có tên Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (1876-1947), chí sĩ yêu nước, học rộng, tài cao. Năm 1946 làm quyền Chủ Tịch nước trong khi là chủ tịch Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (Liên Việt).
([3]) Nguyễn Hải Thần (1878?-1959), nhà cách mạng chống Pháp, sáng lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, phó chủ tịch chính phủ liên hiệp VNDCCH 1946, sau bỏ Việt Minh sang Hoa Nam.
([4]) Nguyễn Tường Tam (1905-1963) nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, đồng thời là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20, một trong những người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn.
([5]) Vũ Hồng Khanh (1898-?), một lãnh tụ VN Quốc Dân Đảng, bộ trưởng Quốc Phòng chính phủ liên hiệp lâm thời VNCH 1-1946, sau 4-1975 bị đưa đi cải tạo rồi quản chế tại miền Bắc cho đến chết.
([6]) Thế là hết! Thế là tong! (tiếng Pháp).
([7]) Jean Sainteny lúc ấy là đặc sứ Pháp. Giữa Sainteny và Hồ Chí Minh đã đạt một thoả ước theo đó, Pháp thừa nhận Việt Nam là nước tự do trong Liên Hiệp Pháp, quân đội Pháp được đồn trú tại Việt Nam tới 1951. Về sau Sainteny viết hồi ký về giai đoạn này trong cuốn Histoire d’une Paix Manquée –– Lịch Sử Một Cơ Hội Hoà Bình Bị Bỏ Lỡ.
([8]) Lô cốt cố thủ.
([9]) Hétéroclite = hỗn tạp, chắp vá, hổ lốn. (tiếng Pháp).
([10]) Sự hình thành QĐNDVN qua các giai đoạn: đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung (gồm 3 hoặc 4 đại đội), trung đoàn rồi sư đoàn.
([11]) Lúc này tôi đã có một số bài hát được phổ biến truyền khẩu như Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Đô Thành…
([12]) Nguyễn Sơn (1908-1956), có các bí danh Lý Anh Tư (1925 khi gia nhập Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội), Hồng Thuỷ (1927, khi gia nhập Đảng CS Trung Quốc, là sĩ quan nước ngoài duy nhất trong hồng quân Trung Hoa), một trong ít người Việt Nam được phong quân hàm tướng (thiếu tướng) QĐNDVN trong đợt đầu tiên năm 1948. Ông cũng được Trung Quốc phong quân hàm trung tướng năm 1955.
([13]) Tức Hồ Hán Sơn, từ 1954 trở thành đại tá tham mưu trưởng quân đội Giáo Phái Cao Đài của trung tướng Nguyễn Thành Phương và bị chính Cao Đài thủ tiêu năm 1956 tại căn cứ Giang Tân, Tây Ninh khi phát giác Hồ Mậu Đề toan tính theo ông Ngô Đình Nhu. Hồ Mậu Đề còn làm thơ ký tên Hồng Nam, tác giả bài Tình Nghèo do Phạm Duy phổ nhạc, rất được ưa chuộng giữa thập niên 1950.
([14]) Một điệu nhảy múa tập thể phổ biến ở Trung Quốc thời ấy –người tham gia quây thành một vòng tròn chuyển động vừa hát (sòn la sòn la đố…) vừa vỗ tay.
hết: MẤY ĐOẠN VIẾT THÊM:, xem tiếp: CUỘC ĐỜI

CUỘC ĐỜI TỦI NHỤC CỦA TÊN BỒI BÚT
Đã hèn lại hèn thêm là như vậy! Tôi trở thành một trong những tên bồi bút bất đắc dĩ đắc lực nhất!
Bi hài kịch tiếp tục kéo dài như sau:
Từ một đơn vị chính quy, tôi rơi vào môi trường không điều lệnh, không điểm danh, không kèn báo thức, báo ngủ, không đứng nghiêm chào cờ...chào! Tất cả đều giải quyết 100% du kích! Vừa họp vừa sòng sọc cái điếu cày. Sinh hoạt y như không phải quân đội! Tuy tôi rất vui được làm việc với các tên tuổi lớn như Thanh Tịnh, các diễn viên thực tài như Minh Trâm, Nguyễn Thị Tần, Vĩnh Cường, Phùng Quán, Đình Quang, Nguyễn Phiên, Xuân Bình... nhưng trong vẫn băn khoăn bứt rứt về những gì đang diễn ra tại đoàn văn công Bộ Tư Lệnh Liên Khu IV: kịch là Trúng Tủ, múa là Ương Ca, Bà Chu Cho Trứng, hát là Thắm Thiết Tình Việt-Trung-Xô...và đặc biệt bài Túng phang hồng, thài dzòang xâng ([1]) ca ngợi Mao Trạch Đông, hát bằng tiếng Tàu hẳn hoi! Rõ ràng cách mạng trong giai đoạn mới này không có chỗ cho thứ âm nhạc tiểu tư sản của tôi nữa.
Cuối cùng, tôi chỉ biết “Thôi thì làm gì…cũng được!”
Đơn ca, lĩnh xướng đã có Vĩnh Cường, Đình Quang, dàn nhạc đã có thầy Quảng (ông là frère ([2]) bỏ nhà thờ đi theo cách mạng), đoàn trưởng đã có Duy Đức, một nhân vật biết chiều trên, chiều cả dưới và cũng có đôi chút năng khiếu âm nhạc, vào Đảng trước tôi một năm nên được giữ chức đoàn trưởng phụ trách chính trị. Vợ tôi trở thành diễn viên múa, còn tôi thì lúc đóng kịch, lúc múa, lúc hát, lúc đơn ca, lúc đánh đàn, đủ trò. Biểu diễn khỏi cần sân khấu, treo hai cái đĩa đèn dầu lạc có ba bốn cái bấc lên một sợi dây thép chăng ngang hai cái cột. Thế là bắt đầu!
Tôi vừa buồn vừa ngán thứ văn nghệ lạ lùng này. Nhưng biết làm sao khi mà mỗi lần sinh hoạt chi bộ, các ông Tính, Hoạt ở phòng chính trị đều nhắc: “Phải nhớ, chúng ta là văn nghệ phục vụ nông dân mặc áo lính trong Liên Khu là chính. Chúng ta không có các đơn vị chính qui, không có các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực mà chỉ là những đơn vị dân quân du kích và một số đại đội tập trung ở các tỉnh đội thôi! Do đó, đừng nghĩ đến cái gì “nghệ thuật nghệ thiếc” ghê gớm lắm! Dễ hiểu, dễ nghe, bè bối lủng củng, nông dân chẳng hiểu gì đâu... Chú ý: đây không phải trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn!”
Chết tôi rồi! Xin về làm lính chiến thì kể từ khi được cái chức danh “nhạc sĩ” đã chẳng còn máu “oong đơ” nữa! Làm nhạc sĩ thì ở đây người ta không “xực” được “tiếng tơ lòng” của tôi. Hơn thế, phục vụ công nông binh lại là “nông binh khu IV” thì ai cũng biết là những người nghèo nhất nước, quanh năm khoai khô, mắm nhút.([3])
Dù sao nỗi buồn chán về sự nghiệp, về tương lai của tôi cũng “có chỗ mà quên”, có nơi mà chia xẻ là Hương Mai của tôi, từ nay luôn ở bên tôi như...một “cô láng giềng” vừa hiền, vừa tốt bụng. “Cô láng giềng”, bởi tuy là vợ tôi nhưng vợ chồng không được ở chung vì tập tục người dân xứ này không cho người lạ được “sinh hoạt” trong nhà họ!
Lấy cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó làm thuốc an thần, tôi cố gắng hòa nhập với số anh chị em mà tôi thừa biết họ chỉ...tạm thời chịu cúi đầu làm quấy quá cho xong những việc trước mắt theo cấp trên yêu cầu. Còn trong cái đầu và con tim họ, trời biết họ đang tính toán gì? Thực tế đã trả lời: đa số bằng cách này, cách khác chuồn lẹ khỏi cái tổ chức đặc sệt nông dân tính này. Có người về sau trở thành giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú...như Thanh Tịnh, Cao Xuân Hạo, Đình Quang... Có người chẳng còn bao giờ được nhắc tới như Nguyễn Phiên, Nguyễn Đãi, Minh Trâm, Vĩnh Cường... Đặc biệt Phùng Quán trở thành “cái gai” cho Đảng đến hết cuộc đời.
Với tôi, những năm tháng ở Liên Khu IV kéo dài tới 1960 dù trải hàng vạn biến cố mà không có cách nào thoát nổi, vì cái danh “đảng viên” cứ như cái vòng kim cô xiết chặt tôi vào hết bi kịch này đến bi kịch khác...
Một ngày kia, “cuộc cách mạng long trời lở đất” có tên Cải Cách Ruộng Đất nổ ra! Nó được mang từ bên Tàu sang, nổ súng vào toàn dân Việt Nam, tạo một vết nhơ trong lịch sử dân tộc, thay đổi toàn bộ nhận thức, tình cảm của tôi về cái đảng mà tôi đã chẳng may rơi vào đó.
Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ chủ chốt từ tham mưu trưởng đến tỉnh đội trưởng, thậm chí cả tư lệnh trưởng đều phải nhận “tội” trước các đoàn ủy, đội ủy cải cách ruộng đất. Hàng loạt chi bộ đảng Lao Động đều biến thành Quốc Dân Đảng (?!), thậm chí thành tổ chức phản động? Không ít người bị đánh gãy chân, què tay và vất xác trôi sông hoặc tự tử. Lý lịch được mang ra phê phán. Có người vì muốn thoát chết đành gọi bố mình là “thằng Việt gian” chỉ vì thời Tây, bố đã làm công chức cho Pháp.
Ở ngoài dân chúng thì sao? Một cảnh tượng ghê rợn bao trùm khắp làng xóm nơi chúng tôi đóng quân. Người ta bắt “kẻ thù giai cấp” — 99% là bị vu oan — quỳ cả tiếng đồng hồ, hai tay trói giật cánh khuỷu để các ông bà nông dân xỉa xói vào mặt kể tội. Điều ngược đời là ai có nhiều công nuôi cán bộ, đóng góp tiền bạc, thóc gạo cho bộ đội đều bị gán cho tội...“mua chuộc cán bộ”! Con phải đấu cha, vợ phải đấu chồng, thậm chí quan hệ riêng tư trong gia đình, vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu, con ở, cũng thành trọng tội mà kẻ bị xử bị đem bắn ngay trong đêm...
Những gì tôi chứng kiến trong “cuộc cách mạng long trời lở đất này” có viết hàng nghìn trang cũng không thể hết. Đó là một cuộc cách mạng vô lý, vô luân, vô đạo đức, tàn bạo nhất được các đoàn chuyên gia giết người, diệt chủng Mao-ít đưa sang Việt Nam để huỷ diệt dân tộc ta. Cũng cần phải nói thêm sở dĩ những người làm văn nghệ ít bị chết — theo nghĩa đen — trong đợt cải cách ruộng đất này là nhờ hai lẽ sau:
— 1/ Hầu hết chúng tôi đều không thuộc cơ sở nông thôn nào. Người thì sinh hoạt ở các tổ chức phi nông nghiệp, người thì ở tổ chức tuyên huấn văn hóa cấp tỉnh, cấp khu hoặc trung ương. Một số sinh hoạt không thuộc Nhà Nước thì làm nghề tự do như dạy học, dạy nhạc, thậm chí bán phở, mở cửa hàng ăn... nên có muốn “đôn” lên địa chủ cường hào, kẻ thù giai cấp cũng khó. Tuy vậy, một số do gia đình ở địa phương bị quy là địa chủ cũng bị dẫn độ về để tố khổ bố mẹ, ông bà mình. Một số kẻ “siêu hèn” đã phải kể “tội” bố mẹ để thoát chết. Vài tên sau này thành tay sai đắc lực, và với tôi, đến chết tôi không bao giờ muốn nhìn mặt. Một số, do được đánh giá là “chưa thực sự cải tạo tư tưởng” thì về đến đơn vị mất tuốt tuồn tuột từ Đảng đến chức vụ luôn. Một số khá hơn được cho xuống đơn vị làm lính cho đến khi bỏ xác nơi chiến trường.
— 2/ Loại thứ hai, trong đó có tôi, được “trên” huy động đi tuyên truyền, cổ võ cho phong trào đấu tranh quần chúng trong Cải Cách Ruộng Đất, trở thành cán bộ của Cải Cách Ruộng Đất. Thế là...thoát! Một cuộc vận động sáng tác lớn từ trung ương tới địa phương được tổ chức, khuyến khích văn nghệ sĩ “lập công dâng đảng”. Tất cả, để tránh tai bay vạ gió, để tồn tại, gần như ai cũng cúi đầu dấn thân vào con đường hèn hạ: góp sức quảng cáo cho cuộc diệt chủng ghê gớm, bẩn thỉu nhất trong lịch sử.
Tôi rất lạ vì cho tới nay vẫn còn một số văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ thống kê các sáng tác trong thời kỳ diệt chủng này vào thành tựu của đời mình! Riêng tôi, kỷ niệm 70 tuổi, nhân người ta đưa tôi lên tivi, tôi đã công khai tuyên bố: “Tôi không có nhiều tác phẩm thật sự là tác phẩm! Nhiều lắm chỉ là 20 đến 25 chứ không dám 500, 1000 như các nhạc sĩ khác...” Hành động ấy còn xa mới sánh được với họa sĩ Dương Bích Liên: Sau khi tuyên bố ra đảng, ông đã đốt hết tác phẩm của minh, rồi đóng cửa... tự tử!
Trở lại với những ngày đầy máu và nước mắt của cuộc “đấu tranh long trời lở đất” những năm 1953-1954, tôi, một nhạc sĩ đảng viên, dù thấy tận mắt các tội ác gớm ghiếc mà Đảng của tôi gây ra, nhưng vì...Hèn, Quá Hèn, Sợ, Quá Sợ nên không còn đường nào khác, đành nhắn mắt lao vào cuộc tàn sát…bằng âm nhạc!
Qua hai, ba đợt đi cải cách, qua thực tế thâm nhập đời sống nông dân, tôi đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc cướp của giết người không gớm tay đó! Vậy mà tôi vẫn cố nặn ra nhiều bài được Đảng đánh giá là “Tốt! tốt! tốt!... ”
Có khó gì đâu, ca khúc là thứ mà ai cũng làm được nếu muốn! Nó chỉ là lời nói lồng giai điệu, tiết tấu! Cộng sản chỉ không chấp nhận...trái tim và tâm hồn rung động. Vậy thì xếp cái tâm hồn lại. “Nôm na chửi cha mách qué” là hợp với Đảng, với quần chúng nông dân! Và...có ngay! Còn hơn cả mong đợi của Đảng ở một anh “nhạc sĩ tiểu tư sản cả gia đình theo địch”, tôi vào hẳn vai kịch bằng cách tự nhận mình là nông dân trong lúc sáng tác! Nó thể hiện ở mọi “tác phẩm” tung ra thời kỳ này đều nhân xưng ở ngôi thứ nhất! Ví dụ ở bài Chúng Ta Không Muốn Đói đoạt giải nhì không có giải nhất: “Từ ngàn vạn đời xưa rồi cha ông chúng ta nghèo đói...”, hoặc “Ba chúng ta cùng rời đồng lúa xanh”...“Anh với tôi cùng khổ đau, nghèo đói”... và hàng loạt nhạc cảnh, hợp xướng “đứng hẳn về phía nông dân vạch mặt địa chủ, vạch mặt nhà thờ lừa dối giáo dân” ở Tiếng Chuông Tội Ác, Nông Dân Biết Ơn Bác...Cứ thế, qua mấy đợt cải cách, hàng loạt tác phẩm của tôi và các văn nghệ sĩ đại hèn” được tung ra! Đủ kiểu nói dối, đủ kiểu đề cao giai cấp nông dân, đủ kiểu vạch “tội ác kẻ thù giai cấp”. May mắn hơn các ngành văn học nghệ thuật khác, cánh làm nhạc chúng tôi đều hiểu “Lời hát gió bay” nên cứ hét lên những điệu Hò Dân Cày” (Văn Chung) mà chẳng lo gì vì thời ấy chưa có ghi âm, ghi hình, chưa có phương tiện truyền thông hiện đại như ngày nay, ngoài mấy bản in li-tô trên giấy bản mỏng tanh mà in xong thì làm giấy vệ sinh cũng không... đắt!
Chỉ khổ mấy bác nhà văn, sách in ra cả đống để ca ngợi công lao Đảng, Bác, ca ngợi giai cấp nông dân vạch tội tưởng tượng cha chú mình, ngày nay đã nằm trong thư viện cả bên Mỹ lẫn Việt Nam, các bác làm thế nào để hủy chúng bây giờ? Các bác nghĩ gì khi tới những năm đầu thế kỷ 21 này, người ta vẫn trích các “tác phẩm tội ác” đó vào chương trình giảng dạy con em các bác?
Giới nhạc sĩ đảng viên chúng tôi biết rằng chỉ làm cái “loa tuyên truyền” nhất thời cho Đảng, ồn ào và kịp thời nhất. Sau đó, tất cả đều rơi tõm vào không trung, “khẩu thiệt vô bằng” nên tha hồ... nói láo! Chính tôi đã là một cái loa khá đắc lực, một cái loa không biết ngượng, nhưng may thay, thứ gọi là “tác phẩm” của tôi được đề cao, được tặng giải thưởng, huân, huy chương, tôi đã biết thân, biết phận tự xóa bỏ đi, không để lại dấu vết gì. Vả lại, chính các cơ quan quyền lực cao nhất về văn hóa tư tưởng của Đảng sau này cũng chẳng hãnh diện gì khi nghe những lời ngợi ca các tội ác diệt chủng của các bậc tiền bối của họ!
Tiếc thay và cũng đáng khinh thay, mấy tên “nhạc sĩ” nô bộc suốt đời cho Đảng, tới nay, nhờ nắm được các “đầu ra” của âm nhạc như phát thanh, tivi vẫn không ngừng cho phát ra...không khí những “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, những “Đảng đã cho tôi mùa xuân”, “Đảng là lẽ sống của tôi”... thậm chí đến năm 2006 này, họ vẫn tiếp tục kiếm chác bằng những cuộc vận động sáng tác ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ!
Bọn chó chết này, tôi mong các thế hệ mai sau gạt bỏ chúng khỏi lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Chúng là ai? Giấy trắng mực đen, băng đĩa, băng hình đang còn đó. Không “lời hát gió bay” được nữa! Làm thân bồi bút đến tận đầu thế kỷ 21, khi cả thế giới cộng sản đã sụp đổ, khi những cái tên Mác, Lê đã bị đập nát từ lý luận đến tượng đài từ gần 20 năm qua, bọn chúng đâu còn có đầu óc, có trái tim?
Không ít người trong các giới văn, thơ, họa, trong đó có tôi, đã tìm đến sự im lặng, chịu khổ, chịu đói để được viết những gì mình cảm, mình nghĩ. Đặc biệt giới nhạc chuyên nghiệp (không kể bọn “thợ lời có âm thanh”) đều cố viết những gì là âm nhạc đích thực để thỏa mãn chính bản thân mình mà chẳng lo ai bắt bỏ tù cả.
Chỉ thương cho lũ con cháu đang bị đầu độc bởi mấy thằng cha “bồi bút thời kỳ đồ đểu” (thơ Lê Phú Khải). Nhưng biết làm sao đây khi đất nước chưa có một cuộc cách mạng thật sự để đập nát cái hệ thống cai trị độc đảng, độc tài, phản nước, hại dân của cái Đảng nhiều tội ác nhất trong mọi thời đại lịch sử. Tôi cũng may mắn khi về cuối đời, không phải đứng vào hàng ngũ tôi tớ đắc lực cho cái tập đoàn lưu manh cộng sản “Mười – Anh – Mạnh”.
Sự thật thì việc “đào thoát” khỏi Đảng Cộng Sản của tôi không đơn giản chút nào. Không để họ khai trừ, không nộp đơn xin ra Đảng, không tuyên bố ly khai — hành động chỉ có từ những năm đầu thế kỷ 21 — nhưng tôi vẫn chuồn được khỏi cái tổ chức mà tôi khinh bỉ, ghê tởm... một cách êm nhẹ mà không bị theo dõi, trả thù, thậm chí bị thủ tiêu là cả một quá trình gian nan, vất vả, nguy hiểm. Tôi sẽ “xưng tội” với vợ con, bạn bè, người thân trong chương cuối của cuốn hồi ký này.
Nó mang tên... Bi Hài Kịch Vào Đảng... Ra Đảng.
Chú thích:
([1]) Lời Việt: Đông phương hồng, mặt trời lên.
([2]) Thầy. (Tiếng Pháp).
([3]) Mít xanh băm nhỏ như một thứ dưa ở miền Bắc, rất nặng mùi.

5 NĂM ĐÓNG KỊCH VÀ DỐI TRÁ
Quá trình bỏ trốn, hay vượt ngục, của tôi khỏi cái tổ chức Đảng là vở kịch bi hài kéo dài nhiều năm có thể tóm tắt những trường đoạn kịch bản như sau:
Năm 1953-1954, sau những cái tát tỉnh người, tôi đã có tư tưởng phải bỏ ngay hàng ngũ những kẻ đầy nợ máu với nhân dân, những kẻ đã làm hỏng cuộc đời tôi, biến tôi thành tên đầy tớ hèn nhát, chuyên ngợi ca hành động phản nước, hại dân của chúng. Nhưng chuồn khỏi hàng ngũ chúng bằng cách nào?
Thật nát óc!
Bố mẹ vợ tôi lúc ấy đang bị đấu tố trong cải cách ruộng đất đợt 2 vì tuy không có ruộng đất nhưng “có vẻ giàu” nhất làng nơi tản cư nên bị “đôn” lên thành địa chủ. Tôi đang lo cho số phận vợ chồng tôi liệu có bị triệu về địa phương để bị đấu tố hay đấu tố cha mẹ hay không thì... đoàn văn công của tôi được Tổng Cục Chính Trị điều đi phục vụ chiến dịch Điện Biên.
Thế là tôi thoát khỏi cái địa ngục Liên Khu IV.
Dọc đường đi bộ hàng tháng trời lên Việt Bắc, tôi gặp hàng đoàn dân công, xe thồ, vừa đi vừa hát hò, hồ hởi phấn khởi vì “quê nhà đã hoàn thành cải cách”, đánh đổ địa chủ cường hào, ác bá. Tôi được xem cả những cuốn phim đen trắng, những bức ảnh trong đó các ông già, bà mẹ răng đen miệng cười tươi rói đang đi đóng cọc, cắm biển chia ruộng có ghi tên Nguyễn Thị Mít, Trần Thị Tèo... hẳn hoi. Khí thế rần rần ra mặt trận. Hậu phương tiền tuyến đều nô nức theo các đoàn xe Tàu, pháo Mỹ do Nga mở kho từ thời kỳ chiến thắng phát xít Đức để lại. Thế là trong tôi, cái máu “nhạc sĩ đảng viên” lại nổi lên. Ừ, có lẽ đây chỉ là cái sai lầm của một địa phương thôi, chứ quê hương miền Bắc rõ ràng là cải cách đã đổi đời tất cả. Khí thế này tôi chưa từng thấy bao giờ. Nó làm tôi như “củng cố lại lập trường”! Tôi lại lao vào viết. Đủ thứ khẩu hiệu, đường lối của Đảng lại được “âm nhạc hóa”.
Kết quả: Tôi được tín nhiệm thêm và được bầu vào... cấp ủy một lần nữa! Sau gần một năm trời được về tập trung cùng 24 đoàn văn công quân đội, được phân công đi chiến dịch Điện Biên thắng lợi, chúng tôi được giao nhiệm vụ rất sớm: Chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.
Tôi dần dần trở lại thành một nhân vật tên tuổi, được tặng hết huân chương này đến huân chương khác, lại thành thằng Tô Hải “tuần chay nào cũng có nước mắt” như ngày nào. Cái miếng đỉnh chung thời ấy chỉ là đỉnh chung “hão” mà còn có tác dụng thế huống hồ mấy ông ăn phải bả đỉnh chung... “tiền” như hôm nay! Họ còn nói gì được ngoài câu “biết công ơn Đảng muôn đời” thể hiện trong những bài Ca ngợi Tổ Quốc.
Hết chiến dịch Điện Biên, nhận bộ quân phục “của bác Mao tặng”, một chiếc mũ vải có vành, một đôi giày Tàu, một cái ca sắt tráng men, cũng “của bác Mao tặng” in hình cờ hai nước “anh em” đỏ loét, tất cả diễn viên văn công quân đội đều được trang bị tươm tất để thành ba mũi vào tiếp quản thủ đô, nơi đó, không ít người chúng tôi đang có gia đình cha mẹ, anh em kẹt lại hoặc...“dinh-tê”.
Đùng một cái, quân lệnh: “Tô Hải trở lại khu IV xây dựng một đoàn văn công mạnh, phụ trách đầu cầu giới tuyến”. Tôi lại rơi trở lại mảnh đất hãi hùng mà những cái tát nổ đom đóm mắt của cải cách ruộng đất đã làm tôi tỉnh người. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Tôi không được Trở Lại Đô Thành như bài hát tôi viết năm 1947 sau bị “dẹp” vì những câu “trong toán quân về đếm thiếu những ai?”, hoặc “bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng”... thật ra, may nhiều hơn rủi, vì:
— a/ Gia đình tôi không còn ai ở lại Hà Nội để chung sống với Cộng Sản cả. Một lần nữa, bố tôi lại chọn đúng con đường của mình, theo cơ quan “địch” vào Sài Gòn!
— b/ Giả sử tôi được về Hà Nội, con đường “tiêu ma” của tôi sẽ nhanh chóng là cái chắc! Lý do: Tôi sẽ không do dự chọn con đường của các đảng viên Tử Phác, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, của “quần chúng” Hoàng Cầm, Phùng Quán... nghĩa là tôi sẽ đứng trong hàng ngũ Nhân Văn Giai Phẩm xuất phát từ văn nghệ quân đội.
Sự may mắn đã tránh cho tôi phải nhận cái số phận ấy để mở đầu cho một cuộc sống đầy mưu mẹo trong đó tôi phải đóng vai trò “đảng viên tiên phong văn nghệ sĩ” duy nhất còn lại ở đất khu IV lúc nào cũng hừng hực lửa căm thù đối với những người có học.
Lúc này Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Lê Yên... đều đã về Hà Nội nên chỉ còn lại một nhạc sĩ là tôi. Dù ở trong quân đội, tôi cũng được “cơ cấu” vào thường vụ chi hội văn nghệ khu IV cùng với Xuân Hoàng, Minh Huệ... Vậy là, Đảng đã nuôi cái Hèn cố hữu của tôi bằng cách trao thêm nhiệm vụ mới, nghe có vẻ quan trọng nhưng sự thật chỉ là chấp hành nghiêm chỉnh những gì Tuyên Huấn Liên Khu chỉ thị hàng tháng phải làm.
Để tồn tại ở cái đất dữ này, tôi đã sắm vai hèn sĩ suốt 5 năm! Tôi lấy lý do cần tập trung vào sáng tác, không nhận bất cứ chức vụ phụ trách nào trong “đoàn văn công mạnh đầu cầu giới tuyến”! Mục đích của tôi là tránh mọi trường hợp đối đầu về quan điểm nghệ thuật với hệ thống chính trị đang thống soái, đang “lãnh đạo toàn diện”, thậm chí lãnh đạo kiểu mật thám Tây thời xưa đối với tác phẩm văn nghệ, với văn nghệ sĩ một cách thô bạo.
Có những chuyện không thể tin nổi như chuyện chi bộ đoàn ra nghị quyết về...bỏ hát bè vì...nghe như...cái chợ, nghị quyết về phông màn, về...mặc váy hay mặc quần cho nữ, thậm chí chi ủy đoàn văn công còn ra cả nghị quyết không được đánh các bản nhạc Tây, không được tập kỹ thuật Tây, bỏ hẳn luyện tập cơ bản ba lê...
Đó là những năm 1955-1956, đoàn văn công quân khu IV sáp nhập với một loạt đoàn văn công các sư đoàn 304, 308, 371 để trở thành một đoàn “mạnh”. Trên thực tế đó là sự tập hợp cả trăm diễn viên...không nghề, hoặc có nghề nhưng “nửa dơi nửa chuột”, tập trung về khu IV để tăng cường cho phong trào “văn nghệ công nông” ở đầu cầu giới tuyến. Đứng đầu đoàn văn công này là một bí thư kiêm đoàn trưởng cực kỳ lưu manh và dốt nát, có tiểu sử là “gác-đờ-co” cho một đoàn cải lương thời Pháp thuộc nhưng được tên tướng giết văn nghệ nổi tiếng có tên Hoàng Minh Thi cử về để chỉ đạo văn nghệ.
Giữa không khí luôn luôn nghi ngờ đó, tôi thu mình lại, cố nén mọi uất ức trước các nghị quyết thậm ngu chí ngu của cái chi ủy — lúc này không có tôi dù tôi được 99% phiếu bầu nhưng...liên chi không duyệt — gồm chính trị viên Đồng Ngọc Vân, y tá Nguyễn Đức Chiểu, quản lý kiêm giữ kho Vũ Văn Phúc, anh nuôi Đinh Văn Mẫn... Cái “đầu não trí tuệ” này như là được đào tạo ở Bắc Kinh trở về, nắm trong tay số phận tương lai nghề nghiệp của hàng trăm nghệ sĩ diễn viên. Bảo đi là đi, bảo diễn là diễn, bảo không dựng cái này, bỏ bài hát kia là chỉ có chấp hành. Thỉnh thoảng lại có các phái đoàn tổng cục xuống duyệt chương trình gồm các vị lãnh đạo văn nghệ cấp trên, những Nguyễn Văn Bàn, Trần Văn Ghế nào đó. Đôi khi họ cũng đưa vài văn nghệ sĩ có tên tuổi đi cùng nhưng người quyết định mọi chuyện vẫn là họ.
Hầu hết những gì tôi viết đều được thông qua ngay lập tức vì tôi có viết bằng cái đầu và trái tim của tôi đâu. Toàn là thứ “nói hộ” Đảng, nói hộ tuyên huấn quân đội mà tôi bịa ra hàng đống từ ca khúc, nhạc múa, đến nhạc đệm cho kịch. Tất cả đều đánh một bè. Chẳng còn chỗ nào thấy là tôi “kỹ thuật thuần túy”, “tư tưởng tư sản” nữa! Lúc này ở ngoài quân đội đang đi vào Cải Cách Ruộng Đất đợt 3 mà khu IV lại được Trung Ương, cử về những đoàn ủy, đội ủy ác ôn nhất. Sơ hở là...mất mạng như không!
Suốt thời gian ở miền đất dữ Khu IV, không lúc nào tôi không nuôi ý đồ “vượt ngục”. Bất cứ dịp nào chuồn được ra Hà Nội để gặp những người có thể “giải phóng” cho tôi, tôi đều tranh thủ lên đường. Tôi đã dùng “khổ nhục kế” bằng cách xin cấp ủy cho đi học... đàn accordéon 3 tháng! Tất cả thời gian “đi học” này, tôi dùng vào việc vận động hành lang “giải phóng” cho vợ tôi trước. Nhờ quan hệ cả ngoài nhân dân lẫn trong quân đội khá rộng, tôi lợi dụng chủ trương “tiến dần lên chính quy và hiện đại” tìm cách đưa vợ tôi đi học lớp kịch nói của đạo diễn Liên Xô Vassiliev ở Nhà Hát Kịch Nói Trung Ương. Sau đó tôi xin đi học lớp sáng tác chính quy 18 tháng cho các nhạc sĩ do chuyên gia Triều Tiên hướng dẫn.
Chỉ tiếc vợ tôi thì thoát, tôi thì chưa.
Kết thúc lớp học của Vassiliev, Đoàn Kịch Nói Trung Ương đề nghị “xin” vợ tôi về để phát triển thành Nhà Hát Kịch Nói Trung Ương. Lúc ấy, bên Quân Đội đang học tập đường lối của “Bác Mao” chủ trương các đoàn văn công phải “lấy ca múa làm chính, lấy đại đội làm nhà”, họ sẵn sàng cho vợ tôi đi. Thế là thoát được một “cái còng tự tạo” là bà vợ khốn khổ của tôi, suốt mười năm múa hát thì dở ẹc mà kịch cỡm cũng không có nghề!
Phần tôi, sự học thành công quá mức mong đợi lại đưa tôi tới con đường suýt chết lần nữa. Lớp học của chúng tôi được mở giữa năm 1957 và kết thúc cuối năm 1958, trùng vào thời kỳ đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm. Chúng tôi đang học rất căng thì được lệnh tập trung tại lăng Hoàng Cao Khải. Cuộc họp tập trung nhiều người này, nếu có thể gọi nó là một cuộc họp, có quy tắc “nội bất xuất ngoại bất nhập”, đã được gọi đi họp là không thể ra ngoài, nhằm đấu tố anh em Nhân Văn và...đấu tố nhau!
Chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tố này là anh hoạn lợn Đỗ Mười! Đây là cuộc “đấu tranh tư tưởng” dài ngày nhất, tập trung đông đủ văn nghệ sĩ nhất. Người trong từng giới đấu nhau, nhạc đấu nhạc, họa đấu họa, văn đấu văn... theo tổ.
Đưa ra đấu điển hình tại hội trường là mấy tên “phản bội” đã được chọn trước, với lời dặn từ “trên” là “không khoan nhượng.” Đó là Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán...
Tôi chỉ xin nhắc sơ một số nét nổi bật trong vụ đấu tố lớn nhất này mà tới tận bây giờ chưa thấy có người nào tả lại. Đó là:
— 1/ Thái độ cực kỳ đểu giả, cơ hội của những nịnh thần cố biểu lộ bằng mọi cách “lòng trung thành vô hạn với Đảng”. Chính những tên nịnh thần này sau khi cuộc học tập kết thúc đã ra mặt trực tiếp thi hành “án lệnh” của Đảng đầy đoạ một số văn nghệ sĩ đến “tuyệt nọc sáng tác” tận cuối cuộc đời. Chúng dùng mọi hình thức trấn áp, trong đó độc ác nhất là chính sách “tước nồi cơm” để diệt luôn cả con cháu những người bị Đảng muốn trừng trị. Thử hỏi nếu những Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... và nhiều nhiều người nữa không bị cái thủ đoạn “giết người không dao” này hành hạ, làm cho sống dở chết dở, thì sẽ có bao nhiêu tác phẩm xứng đáng để lại cho đời?
Bọn lưu manh văn nghệ đã triệt để lợi dụng cuộc đấu tố ở lăng Hoàng Cao Khải để kiếm chác trên xác đồng đội. Để tỏ ra sẵn sàng “lập công dâng Đảng” bằng mọi cách, ngoài những “tội” thuộc lĩnh vực chính trị, văn phong, bút pháp, chúng dựng đứng những chuyện thuộc đời tư, mà là những bịa đặt đểu giả không thể tưởng tượng nổi. Càng không thể tưởng tượng nổi khi người đứng lên tố lại là những gương mặt “đáng kính” ở ngoài đời. Ví dụ: một nhà văn nổi tiếng về một cuốn truyện dành cho thiếu nhi, đã đứng tuổi, tố Trần Dần có tư tưởng dâm ô đồi truỵ, bằng chứng là ông ta biết và thấy tận mắt ông bạn hay… “thủ dâm” (kèm theo minh hoạ bằng…tay cách ông bạn làm thế nào). Hoặc một nhà văn không phải chỉ có tài trong lĩnh vực văn chương, mà đa tài trong cả lĩnh vực thơ, nhạc, xưng xưng tố Nguyễn Hữu Đang có tật thích chơi gái, mà đã chơi thì chơi “hai con cùng một lúc”. Tôi xấu hổ khi viết ra những chuyện này, nhưng chúng có thật, là cái mọi người nên biết để thấy hết bộ mặt khả ố của một bầy nô lệ đã mất hết mọi khái niệm đạo lý. Tôi có thể viết thẳng tên những người bị trấn áp, nhưng tránh viết thẳng tên những kẻ tố cáo họ những “tội” bẩn thỉu ấy vì một lẽ đơn giản là không muốn con cháu những tên lưu manh nọ phải đỏ mặt, phải đau khổ vì đã có người cha, người ông khốn nạn đến thế. Tôi tiếc mình không đủ tài, và cũng không còn đủ sức nữa, để viết ít nhất một chương riêng về cái trại tập trung Hoàng Cao Khải này.
Mong rằng sau này, các nhà văn có mặt trong những ngày ấy, nếu còn sống, sẽ viết lên đầy đủ hơn những câu chuyện thật đã diễn ra. Chỉ cần viết đúng sự thật thôi cũng đủ làm nên một thiên tiểu thuyết rùng rợn, ly kỳ không thua Một Ngày Của Ivan Dennissovich hay Quần Đảo Ngục Tù của Solzhenitsyn.
— 2/ Thái độ quá run sợ trước bạo quyền của một số bị đưa ra đấu tố cũng rõ rệt. Những người đó, nay người đã qua đời, người đã được lẳng lặng “phục hồi” không một giấy tờ chính thức, nhưng với tôi, người chứng kiến cuộc đấu tố kinh tởm đó, tôi thấy họ quá hèn! Không một người nào dám công khai lên tiếng bảo vệ cái chân lý quá đúng của mình. Không một ai, cho đến hôm nay, dám cãi lý với bọn cầm quyền bất lương, dám hô to “Đả đảo!” hoặc “Tự do sáng tác hay là chết”, dù biết rằng cái chết của mình đã được cái Đảng táng tận lương tâm ấy định đoạt! Hầu hết đều chọn thái độ chịu đựng đến ngạc nhiên, thậm chí, cúi đầu nhận “tội” một cách quá dễ dàng?
Đó là chưa kể một số, do quá sợ hãi, đã trở mặt “phản thùng” anh em, kể ra những chuyện “nghe nói thế này thế nọ”, làm hại nhau một cách cố ý để “lấy điểm”. Thậm chí, có người như đạo diễn Phan Vũ còn “thành khẩn” đến mức run rẩy khai: “Tôi bị chúng nó dí điện (ý nói kích động) tới mức nếu có biểu tình, tôi sẽ là người cầm cờ đi đầu!?” Thì ra cái hèn nó đã làm giới văn nghệ Việt Nam, bị coi như con giun, cái kiến mà chẳng mấy ai “biết quằn”, nói theo cách Trần Mạnh Hảo.
Tôi không tin cái Hèn còn lẵng nhẵng đeo đuổi các anh ấy đến tận hôm nay để hy vọng có thể các anh cũng vẫn có “một cái gì đấy” đã viết hoặc đang viết mà chưa có điều kiện và có “gan”công bố. Được như thế thôi cũng đủ cho con cháu chúng ta tha bớt cho cái tội cộng tác với lũ giết người ít nhiều rồi! Bằng không, muôn đời sau, hậu thế sẽ xếp chúng ta vào “tư liệu về bọn văn... nô” dưới cái thời đen tối cộng sản!
— 3/ Những người có thái độ chấp nhận bị xếp vào loại “lừng chừng”, “không dứt khoát” của “đa số im lặng”, thái độ mà chính tôi cũng lựa chọn, vì thế sau này đều bị Đảng xếp vào loại đảng viên “không có tinh thần bảo vệ Đảng”. Câu này được ghi vào “lý lịch đảng viên” của tôi chỉ vì tôi nhất định không phát biểu một lời nào trong những cuộc đấu tố! Chỉ một lần tôi lớn tiếng thốt ra: “Lâche!” ([1]) trong giờ giải lao ngoài hội trường, khi Thịnh Cóc, trưởng đoàn văn công quân khu III, hỏi tôi nghĩ gì về thái độ ghê tởm “tự tố” thêm cho mình để ra cái điều thành khẩn của đạo diễn Phan Vũ. Chẳng hiểu do Thịnh Cóc kể lại, hay có kẻ nghe lỏm được rồi “tâu” lên “trên”, nhưng thế là ngay hôm đó trong tổ học tập — ngày nay có lẽ chỉ Tô Vũ còn sống — tôi bị những tên cơ hội nhao nhao ép phải khai ra: “Đồng chí chửi ai hèn?” Tôi cãi là tôi “chửi bọn chơi gái, bọn hút thuốc phiện, bọn... thủ dâm bị tố ở hội trường chứ ai nữa!” Chả là ở hội trường có hai nhà văn lớn, thuộc loại cây đa cây đề, đã xưng xưng tố Trần Dần là “vua thủ dâm”, tố Nguyễn Hữu Đang là “chơi gái thì chơi hai con cùng một lúc”. Thật điếm nhục! Một lần nữa tôi phải xin lỗi bạn đọc không nêu đích danh hai tên “lãnh đạo” bỉ ổi ấy, vì không muốn con cháu chúng phải cúi mặt trước bạn bè vì có cha ông đốn mạt đến thế.
Trong buổi họp tổ ấy, câu trả lời của tôi không làm bọn cơ hội hài lòng, chúng tiếp tục dồn tôi vào chỗ phải “thành khẩn” nói cho rõ bằng đủ cách. Thậm chí có tên còn trắng trợn tra hỏi tôi: “Có ý định theo gia đình vào Nam không?”, “Có tham gia Nhân Văn không, nếu ở Hà Nội?” Tôi bác bỏ một cách giận dữ chưa từng thấy, mặc dầu chúng đã nói...đúng tim đen của tôi đến 90% chứ không phải ít! Tiếc cho chúng, và cũng may cho tôi, là lúc ấy không ít người có thái độ “không bảo vệ đảng” (im lặng) như tôi nên chúng chẳng thể nào kết tội tôi chỉ bằng vào một tiếng “Lâche” vu vơ (chẳng có số ít hay số nhiều).
Thế là tôi lại thoát!
Chính từ cái lớp đấu tố văn nghệ sĩ này mà tôi càng nhìn rõ bộ mặt thật đểu cáng, nham hiểm của bọn lãnh tụ cái Đảng mà không may tôi đã là đảng viên.
Sau những chủ trương công khai giết người, công khai cướp của trong cải cách ruộng đất, đến cuộc đàn áp trí thức lần này, chưa bao giờ trong tôi nung nấu đến thế tư tưởng rời bỏ cái tổ chức khốn nạn này bằng mọi cách, nếu không muốn có lúc chính tôi sẽ bị chúng “làm thịt”.
Cũng chính trong cuộc đấu tố “cải cách ruộng đất trong văn nghệ” nói trên mà tôi có dịp nhận diện những tên khốn nạn nhất, lưu manh nhất mang danh văn nghệ sĩ, thấy rõ bộ mặt thật của những kẻ cơ hội đủ mọi màu sắc, điểm mặt được từng đứa đang lãnh nhiệm vụ diệt tận gốc nền văn nghệ đích thực, thiết lập cái “văn nghệ chuyên chính vô sản” ngu độn.
Càng tởm lợm, tôi càng quyết tâm rời xa hàng ngũ chúng. Muốn thế trước mắt phải ra khỏi quân đội, nhưng phải ra khỏi một cách lành lặn. Không bị đẩy xuống đơn vị, không bị khai trừ đảng...Tôi nghĩ khi đã “ra ngoài nhân dân” rồi, tôi sẽ tìm cách “tự giải phóng mình” khỏi mọi ràng buộc về “biên chế tổ chức” ăn lương của Đảng. Từ đấy, tôi sẽ dựng lại cuộc đời cho tôi, cho gia đình bằng chính cái đầu và bàn tay của mình, chẳng chịu sự lãnh đạo của bất cứ thằng nào, con nào. Tôi sẽ cố gắng trang bị cho mình thật nhiều vốn liếng về âm nhạc qua lớp sáng tác của các chuyên gia (đang phải tạm ngưng vì cuộc đấu tranh này) để khẳng định chức danh “nhạc sĩ” trong xã hội bằng “một cái gì đó” thật là... âm nhạc để tên tuổi tôi được nhân dân cả nước, thậm chí cả nước ngoài biết đến.([2])
Tôi phải vượt lên trong lãnh vực chuyên môn để có thể đứng vững, có thể kiếm sống bằng chính tài năng của mình. Ước mơ trở thành một composer đích thực, viết hết sonate số 1 đến số 2, số 3... symphonie số I, số 2, số 3... đã động viên tôi nhịn nhục trở lại ngôi nhà 13 Lý Nam Đế, tiếp tục kiếm cách thoát khỏi muôn ngàn cái bẫy chết người mà bọn “đồ tể văn nghệ”, thay mặt Đảng đang giăng sẵn để triệt hạ những kẻ “không tin được” như tôi.
Nhưng, tôi lại thất bại, thất bại đắng cay một lần nữa, vì mọi mưu toan của tôi không thể vượt qua những cú đánh hiểm độc của bọn xen đầm văn nghệ.
Sau lớp học đấu tố, chúng tôi quay về ngôi nhà 13 Lý Nam Đế “dùi mài kinh sử” hòa thanh, phối khí, sáng tác, luyện ngón piano cho hết chương trình “đại học của đại học”. Tôi vùi đầu, ôm bụng loét dạ dày, ngày đêm viết và viết...Chi bộ, lúc này do Vũ Trọng Hối làm bí thư, đã nhiều lần góp ý nên tập trung vào những gì có lợi cho trước mắt hơn là thức cả đêm làm chuyện vô bổ! Tuy nhiên tôi vẫn “liều mạng” làm một cái gì đó “có vẻ âm nhạc một chút”. Tôi “bắt” giáo sư chấm cả những khúc piano, violon... và hơn thế, tôi dán các tờ giấy kẻ nhạc viết ca khúc lại với nhau thành những tờ tổng phổ 18, 24 dòng rồi bắt đầu viết giao hưởng — hợp xướng (cantate) 4 chương Tiếng Hát Biên Thùy đưa cho thầy chấm. Ôi! Thầy Mao Vĩnh Nhất, ông thầy đưa tôi vào con đường nhạc sĩ chuyên nghiệp đích thực, sau này về nước đã bị đấu tố vì “tội” mở đường cho đường lối “văn nghệ tư sản” xâm nhập nước bạn Việt Nam. Ông đã bị tước hết học vị, đưa đi cải tạo và... “biến mất” đến nỗi có ai ở bên nước “Kim Tướng Quân” sang, kể cả vợ ông, một ca sĩ nổi tiếng, khi tôi tìm đến hỏi thăm, đều trả lời: “Chết rồi!” Đó là thời gian mà bên nước ông, người ta bắt đầu nổ súng vào những nhân vật bất đồng chính kiến từ ông Nam Nhật, bộ trưởng bộ Quốc Phòng, đến nhà vũ đạo nổi tiếng thế giới Thôi Thừa Hỷ!
Ở Việt Nam, cũng manh nha hình thành cái xu hướng chết người đó! Tại ngôi nhà số 11 Lý Nam Đế của ông Lê Chưởng, sát nách ngôi nhà 13 của chúng tôi, các ông Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh ... thường gặp nhau để bàn về việc “lãnh đạo tư tưởng” trong Đảng, đôi khi khá hùng hồn, to tiếng nên đã lọt vào tai bọn tôi, chỉ sống cách các ông không đầy 10 mét! Thật là cơ may cho chúng tôi để thấy được những cái “đầu lớn” nhất nước lại chứa đựng những bộ óc đầy...bã đậu đến thảm hại, đến...nực cười!
Tuy nhiên, cũng có mấy “ông to” do có nhận thức không giống họ thì không ngớt bị họ lên án, bị cười khẩy sau lưng. Tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Lê Liêm do học piano cũng bị dèm pha từ đây. Nghĩa là đã manh nha một sự “chống ngu”, kháng cự bọn “ngu lâu”, tuy còn yếu ớt.
Việc có nên tập trung 3, 4 đoàn văn công, 7, 8 dàn nhạc để lần đầu tiên cho ra mắt một tác phẩm của bản thân tôi, dù tôi không hề có ý định dàn dựng, phải thảo luận lên xuống cả tháng trời! Cuối cùng, phe “tiến bộ” đã thắng! 80 diễn viên hát, 60 nhạc công của cả quân đội lẫn nhân dân được tập trung về Hà Nội để làm một việc chưa từng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thời ấy: dàn dựng bằng được cantate Chiến Sĩ Biên Thùy của Tô Hải!
Tôi đã viết hợp xướng 4, 6 bè cùng với giao hưởng hai quản ngay từ khi nước nhà chưa biết dàn nhạc giao hưởng là cái gì. Chỉ riêng chương trình in trong ngày biểu diễn đầu tiên đã có bàn cãi nên ghi là đồng ca, hợp xướng, đại hợp xướng hay tổ khúc? Sau gần 1 tháng, dưới sự dàn dựng và chỉ huy của chuyên gia Triều Tiên Triệu Đại Nguyên, sáng tác của tôi ra mắt chào đời, dù còn thiếu một số nhạc cụ như timpani, cor, trombone.
Lúc này Chu Minh, Hoàng Vân đang ở Tàu, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn đang ở Liên Xô, trường nhạc chỉ mới có hệ trung cấp “tự dạy tự học” do ông Tạ Phước làm hiệu trưởng. Sáng tác của tôi đã gióng lên hồi chuông báo động: “Không học thì đừng mong làm nhạc sĩ!”
Khi viết cantate này, lúc đầu tôi chỉ nhằm mục đích “moi” thật nhiều những gì chuyên gia có trong đầu để trang bị cho mình cái vốn sau này. Thực tế đã chứng tỏ Lương Ngọc Trác, bạn đồng học của tôi đúng, khi anh rỉ tai tôi: “Cắn răng mà học rồi ấm vào thân đấy, Hải ạ!”
Tôi cũng không ngờ phe ủng hộ Cái Mới...thắng thế, để một tác phẩm âm nhạc tạm gọi là “tầm cỡ” vào những năm 1959-1960 ấy được ra đời! Đặc biệt hôm chính thức ra mắt tại Nhà Hát Lớn nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập quân đội ngày 22-12-1959, tác phẩm đã được gần như cả Bộ Chính Trị, trừ ông Hồ, đến xem và hoan hô nhiệt liệt. Tôi ngồi bên giáo sư Mao Vĩnh Nhất nên khi “các cụ” đến bắt tay cũng được “rờ nhẹ” bàn tay các cụ. Riêng “anh Văn” Võ Nguyên Giáp đang bị dèm pha về chuyện dỗi hơi đi học nhạc lý nhạc sĩ Tô Vũ, học piano Hồng Hạnh, nghệ sĩ dương cầm của Đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị đã kèm theo câu: “Khá lắm!” Bạn bè khen nức nở. Chiến sĩ từ biên giới, hải đảo viết bài trên báo, gửi thư cảm ơn.
Nhưng khốn nạn cho tôi, tôi đâu có ngờ đây chính là giai đoạn mở đầu một cuộc đấu đá, nhân danh giai cấp vô sản, để triệt tiêu cá nhân tôi, bằng cách đưa tôi vào đường ngắm bắn của đường lối văn hóa vô sản!
Mở đầu là việc đưa tôi về đâu sau khi tốt nghiệp với khá nhiều tiếng vang như thế? Không còn chuyện đường lối văn nghệ văn nghẽo gì mà bao trùm lên cả là lòng đố kỵ. Những tên văn nghệ chính trị cơ hội đã ngăn cản không cho tôi “thừa thắng xông lên” khi không ít ý kiến của lãnh đạo, cả trong và ngoài quân đội, là tôi nên về các đoàn văn công đang tiến lên chính qui hiện đại ở Trung Ương để phát huy khả năng phục vụ. Đây là ý kiến của các ông Lê Liêm, Lưu Hữu Phước. Nhưng bọn sợ tôi sẽ là “ngôi sao” át mất chúng, đặc biệt là tôi biết rõ chúng dốt đến mức nào. Chúng đã đưa ra mọi lý do để lại “đầy” tôi về một đoàn văn công gian khổ nhất, hãi hùng nhất, để chịu đựng thêm mấy năm bị đánh lên đạp xuống vì đủ thứ tội như “mất lập trường”, “tư tưởng tư sản trong nghệ thuật”, “chống đối có hệ thống” với...cấp ủy.
Sau đó là những năm người ta giải tán dần các đoàn văn công bằng cách đưa ra khẩu hiệu “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”. Lấy “hướng dẫn phong trào” là mục tiêu chính, thậm chí để đàn, để kèn ở nhà, “hạ phóng” làm lính, làm thợ xây, phu hồ xây dựng doanh trại vv...nghĩa là tất cả cái gì tôi và các bạn tôi được học chính quy đều nằm trong mục tiêu: Phải...dẹp!
Cũng thời gian này, giữa những năm 1960, báo Văn (gọi là “hậu Nhân Văn”) bị tấn công tới tấp. Sự thèm khát tự do, nổi lên bề mặt của cuộc sống tinh thần là tự do sáng tác vẫn không thể giết chết hẳn với việc xử trảm Nhân Văn Giai Phẩm. Người ta viết bài chào mừng hồng vệ binh, trích Mao tuyển, ca ngợi thành tựu vĩ đại bên nước bạn nhờ có “Đại Cách Mạng Văn Hoá Vô Sản”. Các đoàn văn công, nghệ sĩ tiếp tục “hạ phóng” đi về nông thôn học tập lao động và tự “cải tạo tư tưởng bằng lao động”.
Một cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, chỉnh Đảng mới, được phát động nhằm chống lại “khoa học kỹ thuật thuần túy”. Người ta giương ngọn cờ “chính trị là thống soái” để đánh vào người muốn đích thực “làm nghề”, kết tội ai muốn chuyên tâm vào khoa học hay nghệ thuật. Bắt đầu sự tiến băng băng trên hoạn lộ của những bác sĩ không đọc nổi tên thuốc, những nhạc sĩ không biết và cũng không cần biết các giao hưởng của Beethoven, Chaikovsky hay ở chỗ nào.
Mọi tin tức từ khắp nơi dồn về dù chỉ là qua những cái đài transistor Liên Xô, Hungari to đùng cũng đủ để tôi thấy chủ nghĩa cộng sản đã bước vào chương... bắt đầu của sự kết thúc! Bộ mặt ác quỷ của nó đã hiện ra sau các vụ đập phá tan tành những đền đài, di tích văn hoá, đốt sách, làm nhục, bức tử giáo sư, nghệ sĩ, tàn sát hàng loạt người vô tội ở Trung Quốc, các vụ hồng quân Liên Xô đưa xe tăng vào Budapest, nã súng vào người Hungary, treo cổ Imre Nagy, sau cuộc tiến quân của liên minh Warszawa vào Praha, nhất là sự kiện hàng vạn đảng viên trí thức, văn nghệ sĩ tuyên bố ly khai khỏi các đảng cộng sản…Tất cả những cái đó càng thôi thúc tôi phải mau chóng vứt bỏ cái danh hiệu xấu xa, nhơ nhuốc “đảng viên cộng sản”.
Giữa lúc đó, tôi được lệnh gọi về Trung Ương.
Để làm gì đây?
Hoá ra ông Lê Liêm đã nhân dịp này giải phóng cho tôi ra đảng theo chính...con đường của Đảng!
Nhờ các ông Lê Liêm, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước.., ân nhân nhớ đời của tôi, tôi được chọn làm cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, một thứ của hơi hiếm, biệt phái sang bộ Văn Hóa. Thật nực cười! Dù sao đây cũng là cơ hội ngàn năm một thuở cho tôi thoát khỏi cái “lồng quân đội” mà tôi cho là tệ hại nhất trong các nhà tù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội!
Đang được điều động đi phục vụ Đại Hội VI, viết nhạc cho vở kịch lớn Trước Giờ Chiến Thắng của Đào Hồng Cẩm, tôi cùng một số anh em như Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân…nhận được giấy tập trung tại ban Tuyên Huấn Trung Ương ở số 5 Nguyễn Cảnh Chân để nghe phổ biến tình hình thế giới phe xã hội chủ nghĩa đang lộn xộn thế nào, tình hình trong nước, giai cấp tư sản đang ngóc đầu dậy ra làm sao? Nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi, những người lính văn nghệ được Đảng tín nhiệm, là phải phát huy vai trò người “lính gác cửa”, kiên quyết không để cho tư tưởng phi vô sản lọt qua vv ...
Thế là áo bốn túi, mũ cối đỏ choét phù hiệu, vai vàng khè quân hàm trung úy, tôi bước vào ngôi nhà 94 Tô Hiến Thành, nhận nhiệm vụ “lính gác cổng văn nghệ vô sản” với chức vụ biên tập nhà xuất bản Mỹ Thuật Âm Nhạc! Chính từ chủ trương tăng cường cán bộ cốt cán của quân đội cho bộ Văn Hóa mà sau này bộ Văn Hóa bị những cú vả sái quai hàm. Một số chẳng hiểu biết ất giáp gì về văn hóa văn nghệ như Võ Hồng Cương, Mai Vy, Trần Văn Hải từ bộ đội chuyển sang, nhận những chức vụ quan trọng vụ trưởng, vụ phó, giám đốc. Có thể kể thêm Trần Ngọc Lê, giám đốc nhà hát giao hưởng, Nguyễn Đình Tính, giám đốc nhà xuất bản Mỹ Thuật Âm nhạc, Lý Thương, giám đốc nhà hát ca múa nhạc trung ương và cả những tên cơ hội từ tiểu đội trưởng khai man là tiểu đoàn trưởng để được giao nhiệm vụ giám đốc như Hồng Việt, giám đốc xưởng phim đèn chiếu...
Kể cũng tội cho họ. Đảng đã quyết thì họ phải “liều mạng” mà thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong họ cũng có người tốt, kẻ xấu. Như cái ông Nguyễn Đình Tính, giám đốc của tôi thì tôi rất biết ơn ông. Làm gì, thu thanh bài nào, bỏ hoặc thông qua bài nào, ông đều hỏi ý kiến anh em chuyên môn. Có những lúc không thể nhịn cười, khi ông gạch đít một bài dân ca mà theo ông “có vấn đề” bởi có câu “Chiều chiều ra đứng (tây mà...) lầu tây” rồi viết bên cạnh: “Giai cấp nào mà có lầu đây?” Nhưng khi tôi giải thích như thế như thế thì ông nghe ngay. Không những thế, ông còn không ngớt đề cao tôi, kiếm nhà cho vợ chồng tôi, ký quyết định thu thanh một loạt tác phẩm kể cả Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy để tôi có số vốn ban đầu ổn định lâu dài tại đất Hà Nội! Tôi trở thành cánh tay phải, thậm chí bộ óc của ông một thời gian và cũng trở thành mục tiêu đố kỵ của một số “rạc sĩ giời đánh” đang kèn cựa nhau để có tí chức quyền dù chỉ là phó phòng!
Trưởng phòng thì đã có một ông đại úy pháo binh đảm nhiệm tên là Nguyễn Đình Quý. Phó giám đốc có ông Châu mù (tôi quên mất họ)... mù tịt về mỹ thuật, dù dưới quyền ông có những cỡ lớn trong giới hội họa như Huỳnh Văn Gấm, Quang Phòng... cũng như Xuân Giao, Thái Cơ, An Chung bên phòng nhạc. Họ không được giao nhiệm vụ gì hết, do họ chưa là đảng viên!
Còn tôi, lý do duy nhất khiến tôi chỉ là biên tập viên vì... chưa có giấy giới thiệu và lý lịch chính thức từ Quân Khu IV cho chuyển Đảng! Tôi sang “bên nhân dân” chỉ có cái quyết định (bản sao) của ban Tuyên Huấn Trung Ương đóng dấu chữ nhật to đùng do ông Tố Hữu ký. Tất cả các cán bộ được điều chuyển đều còn chờ một tờ giấy gửi từ Khu IV ra để tôi nhận nhiệm vụ phó giám đốc vì lúc này, ở bên họa cũng như nhạc từ Phan Huỳnh Điểu, An Chung, Thái Cơ, Xuân Giao chưa ai được “bất hạnh” là đảng viên!
Phải nói them rằng điều kiện để tôi rút khỏi cái tổ chức nguy hiểm chết người cũng nhờ một phần khách quan từ trên “trời” rơi xuống. Đó là ngay trong Đảng, hai phe thân Tàu, thân Nga đã lộ diện. Phe này chửi phe kia là tả khuynh, hữu khuynh, là xét lại... Sự thật là lý luận Mác-Lê Nin đã đi vào khủng hoảng ngay ở nước mẹ của nó, ở cả hai nước anh cả, anh hai... từ lâu rồi.
Ở Hà Nội, lũ học trò chữ Tây cũ chúng tôi, những Chính Yên, Thiết Vũ, Trần Đĩnh...đâu có thiếu báo chí tài liệu nước ngoài. Ngay trong giới văn nghệ, những anh có học và vô học lúc này càng phân hóa rõ ràng. Mấy cha “bần cố giả vờ”, không nghe, không đọc gì ngoài đài phát thanh của ông Trần Lâm, báo Nhân Dân của ông Hoàng Tùng, thì chơi với nhau. Mấy cha nghiện Paris Match, Le Figaro, Le Monde thì nhìn bọn “Dạ! thưa anh” bằng con mắt cực kỳ khinh bỉ.
“Hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “thẩm mỹ Mác-Lê Nin” bị biến thành chuyện tiếu lâm. Chúng tôi cười vào mũi mấy anh “thành phần cơ bản” bằng cách dẫn chứng sự thoái hóa của chủ nghĩa Mác với chính lý luận của Marx, Engels, Zinoviev, Garaudi... Có anh “bảo lưu” quan điểm “xét lại”, công khai treo ảnh Khrushov ngay giữa sa-lông. Chúng tôi viết bài (không đăng) vạch ra cái dốt về lý luận cơ bản như “Thế nào là hiện thực trong các loại hình nghệ thuật?”, “Hiện thực xã hội chủ nghĩa là cái gi? “Thế nào là Đảng tính, giai cấp tính, nhân dân tính”? Nổi bật là việc báo Văn bị coi là “hậu Nhân Văn”. Rồi đến các tác phẩm Vào Đời của Hà Minh Tuân, Đống Rác Cũ của Nguyễn Công Hoan, mấy truyện ngắn của Nguyên Ngọc (Mạch Nước Ngầm), Vũ Thư Hiên (Đêm Mất Ngủ), Ngô Ngọc Bội (Chị Cả Phây) … bị chính lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu đánh. Một loạt tùy bút tưng tửng của Nguyễn Tuân (đặc biệt là Phở) bị xếp vào loại... vô chính trị. Mà đã vô chính trị tức là không chịu sự lãnh đạo của Đảng.
Riêng tôi, cũng bị dính vào loại “có vấn đề” qua những bài hát như Qua Sông Lại Nhớ Con Đò, những bài hợp xướng rối rắm, lắm bè nghe như...cái chợ, “sặc mùi tiểu tư sản”! Tiếng Hát Biên Thùy bị cắt hai chương, không cho biểu diễn là các chương có giai điệu êm ái tiết tấu nhẹ nhàng. Cũng chính lúc này, trong quân đội, nhân dịp tổ chức lại các sư đoàn, quân khu người ta giải tán luôn các đoàn văn công lớn, xé lẻ mọi tổ chức văn nghệ cồng kềnh khó lãnh đạo dễ cho mọi tư tưởng phi vô sản luồn vào!
Cơ may từ trên trời rơi xuống cho tôi nhờ chính sự phá hoại của bản thân những tên lãnh đạo ngu dốt nhất đang ôm chặt chân Mao để “khử” những người không đồng chí hướng, khép họ vào “xét lại”, khai trừ họ khỏi Đảng, thậm chí thủ tiêu, bỏ tù hàng loạt. Trong số người có công nhất với giới văn nghệ, ông Lê Liêm là người bị đánh ngay đòn phủ đầu do anh thư ký của ông tên Thẩm, nghe đâu bị bắt vì tội đã chuyển văn bản nghị quyết 9, chống xét lại cho Cherbakov, đại sứ Liên Xô.
Tiếp theo là những Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh... và nhiều nhiều người nữa bị bỏ tù, bị khai trừ Đảng, bị quản thúc tại gia. Riêng trong giới văn nghệ đi tù, thời này chỉ có Vũ Thư Hiên, Lê Huy Vân... còn lại đều bị kiểm điểm, hoặc mất chức, hoặc thu hồi tác phẩm.
Tóm lại các tổ chức văn nghệ, vừa tiến lên chính quy và hiện đại được một bước thì phe Mao-ít nhân danh “chống xét lại” đẩy lùi về thời nghiệp dư tới 10 bước.
Vậy mà, tôi mừng quá, mừng hơn khi “giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về”! Vì chính nhờ sự “phá hoại do chống nhau có tổ chức” này, tôi có cơ hội thoát khỏi nhà tù nhỏ đang nhốt một anh “nhạc sĩ đảng viên” mặc áo lính một cách êm re.
Tôi chẳng bị khai trừ, nhưng chẳng phải quần chúng, chẳng phải đảng viên, chẳng phải nhân dân, cũng chẳng phải quân đội! Năm 1986, khi về hưu tôi mới trả lại tất cả quân hiệu, quân hàm, chứng minh thư quân nhân, chẳng thèm đòi hỏi bất cứ chính sách nào, sau 25 năm bị Đảng, bị Quân Đội bỏ quên! Hơn thế nữa, cái tổ chức lèm nhèm đến vô tổ chức đó cũng chẳng cần để ý xem Tô Hải là lính hay là dân, là đảng viên hay quần chúng, dù khi tôi từ giã hẳn cái tổ chức rất... vô tổ chức đó, họ vẫn cấp cho tôi một tờ quyết định có tiêu đề Đảng Cộng Sản Việt Nam - Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đóng dấu hình chữ nhật đỏ loét do phó bí thư thành ủy Nguyễn Võ Danh ký!
Thật là lạ đời!
Rút kinh nghiệm 40 năm sống chung với Đảng, tôi kiên quyết không chìa cái giấy quyết định có thể “kiếm chác” này ra khi trở về khu phố. Vài ông bạn già, khi đi lĩnh lương hưu, gặp tôi thường hỏi: “Sao không thấy ông đi sinh hoạt chi bộ?”. Tôi chẳng ngượng ngùng gì khi trả lời: “Các cụ nhầm rồi! Tuy có 43 năm “đi làm cách mạng” thật đấy, nhưng “tôi chưa hề là đảng viên đảng cộng sản!”
Vợ tôi có lúc khuyên tôi nên khiếu nại về cái sự vô trách nhiệm trong quản lý cán bộ để tôi bị “mất liên lạc”! Bởi nếu được tính 55 tuổi Đảng thì, khi hóa giá căn hộ mà Nhà Nước cho thuê từ năm 1975, tôi sẽ được “ưu tiên”. Tôi đã trả lời vợ tôi: “Bao nhiêu năm “đóng kịch”, bao nhiêu mưu mẹo để được đứng trong hàng ngũ nhân dân, chối bỏ cái quá khứ làm “xen đầm văn nghệ”, làm đầy tớ cho những thằng ngu, nay được tự do, được tuyên bố “Tôi không là đảng viên cộng sản” là may, là tốt lắm rồi.
Tôi càng không phải chịu trách nhiệm, không ai coi tôi là đồng lõa của bọn “ngụy cộng sản” thời Đổi Mới này”. Hãnh diện quá đi chứ, vinh quang quá đi chứ! Hà cớ bây giờ, chỉ vì căn hộ chưa đầy 60 mét vuông, lại phải muối mặt làm “lão già hèn” nữa hay sao?
Hãy cho tôi được chết như các anh Trần Độ, Lê Liêm... khi đăng “cáo phó” không có cái mục “ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”, dù so với các anh, tôi chỉ là con tôm, con tép!
Các anh đã “ĐƯỢC KHAI TRỪ”.
Các anh đã dám “công khai chống Đảng cộng sản”, dám công khai nhận “bản án đầy vinh quang”!
Không hề sợ hãi, cúi đầu.
Không hèn lâu như tôi. /.
Viết thêm, xong ngày 20 tháng 4 năm 2007 khi bước vào tuổi 80 được 8 tháng 26 ngày.
Chú thích:
([1]) Lâche = hèn (tiếng Pháp).
([2]) Năm 1968, tên tôi đã được ghi trong Encyclopédie de la Pléiade của Pháp cùng 10 nhạc sĩ miền Bắc Việt Nam.

1           3     4          Kỳ Cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét