Phạm Trần
- Những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối
Trung Quốc tráo trở tước quyền tự quyết của nhân dân Hồng Kông đã dạy cho cả
Bắc Kinh và Hà Nội bài học để đời: Đã nói phải làm, nuốt lời dân
khó để yên.
Lý do người dân Hồng Kông, một trong những
“Đặc khu Hành chính” (Special Administrative Region, SAR) của Nhà nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa, nổi loạn vì vào ngày 31/08/2014 viện Đại biểu Đại hội Nhân
dân Trung Quốc (Quốc hội) đã quyết định không cho phép Hồng Kông được tổ chức
bầu cử tự do chức vụ Đặc Khu Trưởng (Chief Executive) vào năm 2017 mà các ứng
cử viên, theo dự kiến có thể từ 2 đến 3 người, phải được đề cử bởi một Ủy ban
do Bắc Kinh kiểm soát.
Một đoạn trong quyết định này quy định rằng “chỉ có những ai yêu Tổ quốc và yêu Hồng Kông mới được cho phép ứng
cử” (only candidates who “love the country, and love Hong Kong”
would be allowed.)
Như vậy rõ ràng quyền ứng cử và quyền tự do
lựa chọn của khoảng 5.000.000 (5 triệu) cử tri trong số trên 7 triệu dân Hồng
Kông đã bị tước bỏ, trái với cam kết của Bắc Kinh khi Trung Quốc tiếp nhận lại
Hồng Kông từ nước Anh ngày 01 Tháng 07 năm 1997, sau khi bán đảo này thuộc
quyền cai trị của Anh quốc từ năm 1842, kể cả trong thời gian 99 năm thuê
mướn.
Trong các cuộc thương thuyết để sang tay chủ
quyền, hai bên đồng ý nhân dân Hồng Kông tiếp tục được hưởng chế độ “Một Quốc gia, Hai Chế độ” ("One Country, Two
Systems"), theo sáng kiến của lãnh tụ “mở cửa” Đặng Tiểu Bình.
Thỏa hiệp này cho phép Hồng Kông được độc lập
về chính quyền, chính sách đối nội, duy trì các quyền tự do của người dân, kể
cả tự do ngôn luận và tự do biểu tình trong thời hạn 50 năm. Tuy nhiên nhà nước
trung ương (Trung Quốc) được quyền kiểm soát đối ngoại và an ninh quốc phòng.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nhân dân
Hồng Kông biểu tình chống những chính sách “phản dân chủ” và “cưỡng bách dân
phải làm theo ý muốn của Bắc Kinh” của Chính quyền Trung ương và của viên Đặc
Khu Trưởng thân Trung Quốc, Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh).
Ý nghĩa lớn
Tuy nhiên, lần biểu tình dài ngày kỳ này có
nhiều ý nghĩa chính trị đặc biệt:
1. Nó trực tiếp chống lại quyết định của cơ
quan quyền lực cao nhất của nhà nước Trung Hoa, và là một thách thức chính trị
nội bộ đầu tiên đối với lãnh tụ đầy quyền lực Tập Cận Bình, kể từ khi ông đắc
cử Tổng Bí thư đảng ngày 15/11/2012 và Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa từ ngày
14/03/2013.
2. Lãnh tụ cuộc xuống đường lại không phải
là một chính khách đối lập hay là người lớn tuổi mà là anh Joshua Wong (Hoàng
Chí Phong), 17 tuổi, học sinh Trung học cấp trung. Giấy khai sinh của Hoàng Chí
Phong ghi anh sinh tại Hồng Kông ngày 13 tháng 10 năm 1996.
3. Tuy nhỏ tuổi nhưng anh và người bạn cùng
lớp Ivan Lam đã
cho ra đời Tổ chức đấu tranh lấy tên là “Scholarism”, tạm dịch là
“nhóm Trí Giả” từ năm 2011.
Thành tích nổi tiếng đầu tiên của anh diễn ra
năm 2012 khi anh và các bạn mở cuộc biểu tình phản đối chủ trương cưỡng bách
của Chính quyền Hồng Kông buộc học sinh và sinh viên phải học một khóa được gọi
là “Luân lý Yêu nước” (moral and national education).
Cuộc phản đối lan rộng mau chóng vì được đa số phụ huynh và các tổ chức dân sự
xã hội và nhân quyền tham gia khiến Chính quyền phải hủy bỏ.
Việc làm thành công thứ hai là khi Hoàng Chí
Phong phản đối dự án xây dựng hệ thống đường “xe lửa tốc hành” vì nhóm của anh
cho rằng, dự án này sẽ gây tốn kém và đe dọa an toàn cho người dân vì Hồng Kông
là vùng đất ít lại dân đông.
4. Nhóm Scholarism có một kế
hoạch phản đối những việc làm sai trái của Chính quyền rất kỷ luật, chống bạo
lực và gây hấn để tránh bị cảnh sát lấy cớ đàn áp dẹp tan. Họ không xô xát với
những nhóm người biểu tình ủng hộ chính sách của Bắc Kinh, và cũng rất lễ độ
khi cắm bảng “xin lỗi khách bộ hành” vì phải vượt qua những chướng ngại vật do
họ đặt trên các khu công cộng như lều ngủ hay bàn ghế cho học sinh vừa biểu
tình lại có thể làm bài tập để đến lớp học ngày hôm sau, hoặc đặt lên đó những
trạm cứu thương.
5. Một điểm bất thường khác, theo các Thông
tín viên có mặt tại hiện trường, những học sinh và sinh viên tham gia biểu tình
đã thay phiên nhau đến lớp và biểu tình để không bị cha mẹ quở mắng. Họ cũng biết
vận động có được lương thực, nước uống, dù che mưa nắng cho người biểu tình một
cách tươm tất nên ai cũng hài lòng. Thậm chí họ còn chia nhau đem các chai xịt
nước, hay có pha dầu thơm tưới lên đầu người biểu tình để chống nóng và mùi
nồng nực phát ra từ cơ thể.
Việc sử dụng dù cũng mang ý nghĩa chính trị
khi trên đó có các khẩu hiệu đòi dân chủ và kêu gọi bảo vệ tài sản của nhân dân
Hồng Kông.
6. Sau cùng là vào mỗi buổi sáng hôm sau,
đoàn người biểu tình đã tự động quét dọn rác rưởi, cho vào bao để đem đi tiêu
hủy gọn gàng. Và đặc biệt hơn, họ không gây trở ngại nào cho sinh hoạt kinh tế,
ngân hàng và thị trường chứng khoán quan trọng của Hồng Kông và của cả Trung
Quốc.
Tất cả những việc làm “lạ lùng” này chỉ xảy ra
tại Hồng Kông mà không thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới có các cuộc biểu
tình của người dân chống chính quyền khiến cho dân Hồng Kông, kể cả những đoàn
biểu tình “thân Trung Quốc”, đối lập với anh Hoàng Chí Phong cũng phải ngả mũ
thán phục nhóm Scholarism.
Tuy vậy cũng đã diễn ra những vụ xô xát nhỏ
giữa người biểu tình và cảnh sát vào ngày Thứ Sáu 26/09 (2014) khi lực lượng
cảnh sát dùng lựu đạn cay để giải tán đám đông. Có khoảng 83 người bị thương
nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Lãnh tụ Hoàng Chí Phong cũng đã bị cảnh sát
bắt giữ đến 2 ngày trong cuộc đụng độ này, trong khi những sinh viên và học
sinh khác được phóng thích chỉ sau vài tiếng bị bắt về đồn cảnh sát.
Sau đó, lực lượng cảnh sát rút lui vì dân biểu
tình vẫn kiên tâm bất tuân lệnh “về nhà đi học” và tiếp tục biểu tình ngày một
nhiều hơn.
Vào ngày lễ Quốc khánh kỷ niệm 65 năm thành
lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 01/10 (2014), đoàn biểu tình do anh
Hoàng Chí Phong cầm đầu đã hành động chống lại chính quyền Trung ương Bắc Kinh
và quyết định của Quốc hội ngày 31/08/2014 bằng cách quay lưng lại lễ thượng cờ
Trung Quốc và cờ Hồng Kông và đặt chéo hai tay qua đầu như một biểu tượng “bất
tín” đối với nhà nước. Họ cũng yêu cầu Đặc Khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức vì
ông này chỉ biết tuân theo lệnh Bắc Kinh mà bỏ quên quyền lợi của nhân dân Hồng
Kông.
Họ Lương cũng là người bênh vực cho quyết
định của Quốc hội Trung Hoa cho rằng, chí ít thì người dân Hồng Kông cũng được
quyền đến phòng phiếu để “bỏ phiếu trực tiếp bầu người Đặc Khu trưởng vào năm
2017”, thay vì để cho 1,200 người của Ủy ban Tổ chức Bầu cử bỏ phiếu thay cho
họ.
Lời tuyên bố của họ Lương đã bị coi như “đổ
dầu vào lửa” và coi thường sự hiểu biết về dân chủ của dân Hồng Kông nên nhiều
lãnh tụ biểu tình tuyên bố họ không muốn nói chuyện với ông ta mà chỉ muốn đối
thoại trực tiếp với đại diện của Bắc Kinh mà thôi.
Những người biểu tình cũng cho rằng, quyết
định dành quyền chọn ứng cử viên tranh chức Đặc Khu trưởng Hồng Kông cho Ủy
ban tuyên chọn của Bắc Kinh là chống lại dân chủ và đi ngược lại nguyện vọng
của người dân Hồng Kông. Họ cũng nói hành động của Quốc hội đã phản bội lại
những cam kết trước đây của Nhà nước khi nhận Hồng Kông từ tay nước Anh năm
1997.
Việt Nam có run không?
Khi xảy ra vụ biểu tình ở Hồng Kông thì nguyên
nhân biểu tình đã nhắc người Việt Nam nên nhớ rằng họ cũng đã “bị phải bỏ
phiếu” cho những ứng cử viên do Mặt trận Tổ quốc hiệp thương tuyển chọn từ bao
nhiêu chục năm nay.
Từ các cuộc bầu cử Xã lên đến Huyện, Tỉnh,
Thành và Quốc hội từ giai đoạn chọn ứng cử viên đến vận động bầu cử và kiểm
phiếu cũng đều do một tay Mặt trận Tổ quốc làm từ đầu đến cuối. Vì vậy ở Việt
Nam mới có câu “đảng cử dân bầu” khiến cho các cuộc được gọi là “bỏ phiếu” chỉ
là giả tạo và cực kỳ phản dân chủ.
Thậm chí có nơi chưa bầu mà cử tri đã biết
phải bỏ phiếu cho ai, hay được chỉ thị “từ lãnh đạo” phải loại bỏ ứng cử viên
nào để cho số người “trúng tuyển” được đủ số!
Cũng quanh chuyện bầu bán thì còn cả chuyện kê
khai tài sản của ứng cử viên, nhưng người dân lại “không được quyền thắc mắc”,
hay cắc cớ muốn được xem có thật hay khai khống?
Nhưng đối với các Ban Mặt trận trong cả nước
thì hồ sơ ứng cử nào cũng “hoàn hảo” và “không có ai thắc mắc gì ráo trọi” nên
số phiếu đắc cử đạt 99% là chuyện thường!
Vậy thì vụ người dân Hồng Kông biểu tình chống
Chính quyền Bắc Kinh áp đặt dân bầu người của đảng chọn vào năm 2017 có khác gì
ở Việt Nam đâu mà sao nhân dân Việt Nam không dám phản đối?
Chẳng nhẽ lối làm của Bắc Kinh trắng trợn và
phi dân chủ hơn của đảng Cộng sản Việt Nam hay sao? Hay là vì người dân Hồng
Kông chưa quen với cách “ăn, ngủ, làm việc và thư giãn theo chỉ thị của đảng”
như dân Việt Nam nên mới “giở chứng được voi đòi tiên”?
Hơn thế nữa, khi nhân dân Hồng Kông biết đấu
tranh bảo vệ quyền con người và quyền tự quyết để chống lại Chính quyền Bắc
Kinh ăn nói ngạo ngược và nuốt lời đã hứa thì họ không bị đán áp dã man như
đồng bào họ năm 1989 ở Quảng trường Tiananmen.
Ngược lại ở Việt Nam thì nhà nước lại cho công
an, côn đồ đàn áp không nương tay và bắt tù những người đi biểu tình phản đối
Trung Quốc xâm lược trên đất liền và xâm phạm chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông
thì cách hành sử này của đảng và nhà nước CSVN có nên bị liệt vào loại “nối
giáo cho giặc” không?
Hay là chân Lãnh đạo đã run khi đứng trước các
Lãnh tụ Tầu từ Giang Trạch Dân năm 1990 đến Hồ Cẩm Đào và giờ đây Tập Cận Bình
(2014) thì chuyện bảo vệ quyền tự quyết cho dân chống lại quân thù không còn
quan trọng bằng việc đảng phải tồn tại để “sống chung hòa bình” với hàng xóm,
tuy điêu ngoa đấy nhưng mà chung lý tưởng Cộng Sản cũng vẫn còn tốt chán?
Có một “điểm son” phải dành cho “làng báo của
Đảng CSVN” trong vụ biểu tình chống Bắc Kinh ở Hồng Kông là ông Đinh Thế Huynh,
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã “bật đèn xanh” cho họ
được hàng ngày loan tin về biến cố này trong khi nhà đương cuộc Bắc Kinh đã cấm
báo chí ở nội địa không được nói gì đến chuyện Hồng Kông khiến cho 1.3 tỷ người
ở đất liền không hay biết gì về những việc mà cả thế giới đều biết.
Cũng có lẽ Lãnh tụ Tập Cận Bình biết rằng thà
đừng cho dân Hoa Lục biết còn hơn phải đối phó với những vụ nổi loạn đòi tự do
khác của dân Tân Cương và Tây Tạng vốn đã tìm mọi cách để thoát ách thống trị
của Bắc Kinh.
Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam thì cũng
rất khó biết rõ tại sao “Bộ Chính trị 16 người của đảng CSVN” đã để cho báo chí
được tự do thông tin về những việc xảy ra ở Hồng Kông, nhưng quyết định này
hiển nhiên sẽ giúp cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lợi thế hơn
trong chặng đường thương thuyết sau cùng để gia nhập Tổ chức Mậu dịch xuyên
Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) với 11 nước khác do hai cường
quốc kinh tế Hoa Kỳ và Nhật Bản dẫn đầu.
Bởi vì ngoài quyền tự do ngôn luận và báo chí,
Việt Nam còn bị Hoa Kỳ áp lực phải tôn trọng nhân quyền và quyền được lập
nghiệp đoàn lao động của công nhân thì Hoa Thịnh Đốn mới đồng ý để Hà Nội gia
nhập TPP và bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.-/-
(10/014)
Phạm Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét