Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

TRUNG SỸ KHÂM

Xóm Chợ Mới, Đà Nẵng - Mùa hè năm 1972
Chiếc xe lam từ An Hải thả tôi xuống Ngã Tư Quân Đoàn. Trời nắng chói chang, tôi vội vã đi bộ dọc theo con đường trước cổng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I Quân Khu I (BTL QĐ1/QK1) để về nơi Đại đội 1 đang trú quân rải rác bên trong xóm Chợ Mới. Một khu phố đối diện với BTL QĐ1/QK1.

Chân bước nhanh nhưng hồn tôi thì vẫn còn lẽo đẽo trên chuyến xe lam chưa chịu rời xa cô bé xinh xinh bên hàng ghế đối diện. Như những lần khác, mỗi khi gặp được cô nàng nào hơi hợp nhãn một tý là tôi thấy tình yêu tràn trề lai láng. Không biết tôi có cơ hội gặp được cô nàng lại lần thứ hai hay không, nhưng tôi đã hăm hở vẽ vời tính chuyện ông Tơ bà Nguyệt cùng nàng sẵn sàng ở trong đầu.
Chao ôi, cô nàng có một khuôn mặt thật ư là xinh. Và đôi mắt, đôi mắt của nàng đã làm tôi chết điếng trong lòng khi bắt gặp cái nhìn thoáng ngang của nàng, khi nàng biết tôi đang đắm đuối nhìn nàng bên hàng ghế ngồi đối diện. Chỉ với một cái liếc ngang của nàng không thôi mà lòng tôi đã xốn xang dâng lên với biết bao niềm hy vọng, mặc dầu cái nhìn của nàng hình như chưa có vẻ gì thiện cảm cho lắm.
Đang mơ màng dệt mộng trăm năm với cô bé mới gặp trên xe lam thì bỗng dưng có tiếng người quát ngay vào mặt tôi:
- Đi đâu? Đứng lại.
Giựt mình, tôi chợt nhận ra người đang chận tôi lại, là một người lính Quân Cảnh (QC), có nhiệm vụ giữ an ninh cho bãi đáp trực thăng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I (BTL QĐ1). Tôi nghĩ trong đầu:
- Bộ ông này mới đổi tới đây hay sao mà chận mình lại vậy cà?
Tôi tính nói cho tôi băng ngang qua để về nơi trú quân thì có tiếng một người QC khác với ra:
- Cho nó qua đi. Đại đội nó đóng ở trong kia.
Vừa nói, người QC vừa ngoảnh cái đầu về hướng nghĩa địa cạnh đó.
Sau khi băng ngang qua bãi đáp trực thăng của BTL QĐ để đi vào khu nghĩa địa của xóm Chợ Mới, đến trước ngôi đình nằm giữa nghĩa địa, nơi Bộ Chỉ Huy (BCH) Đại đội 1 đang tạm đóng, tôi thấy một vài người lính trong BCH Đại đội đang làm việc bình thường. Tôi đoán là bữa cơm trưa đã được dọn dẹp xong. Thôi thì đành phải thắt lưng đi lại cái quán cơm trong xóm để ăn ký sổ vậy.
o O o
Ngay kế đằng sau cái chợ của xóm Chợ Mới, có một quán ăn bình dân nằm trên con hẻm chính, thông ra con đường Hoàng Diệu. Ngoài món tiết canh vịt, vốn nổi tiếng với đám lính chúng tôi, gia đình người chủ quán còn có 2 cô con gái khá quyến rũ và xinh đẹp. Chả thế mà cả ngôi nhà lẫn quán ăn của họ là nơi tập trung cả quan lẫn lính.
Kể từ khi Đại đội 1 về trú quân ở vùng này, chủ tiệm thấy tội nghiệp cho đám lính nên cho chúng tôi ăn thiếu nợ, gọi là ký sổ, rồi cuối tháng lãnh lương trả lại. Để gỡ gạc lại sự thất thiệt của họ, chúng tôi phải trả một cái giá cao hơn giá bán trong tiệm một chút. Cho dù có bán với giá cao chăng nữa, nhưng họ cũng không lời lãi bao nhiêu. Bởi vì, nếu có ai đó bị chết trận thì coi như họ đành vĩnh viễn mất đi số tiền thiếu nợ đó.
Nhằm vào giờ trưa nên bên trong quán đông đảo những thực khách, bao gồm cả lính và dân trong xóm. Thấy trong quán đã có mấy thằng cùng chung Trung đội đang ngồi ăn nên tôi bèn tạt sang bàn của tụi nó. Vừa kêu tô mì quảng xong thì một thằng trong bọn quắc mắt sang tôi hỏi:
- Hê, tối hôm qua mày ở đâu?
Tôi cười trả lời bằng giọng Quảng:
- Ở bên An “hửa”.
Thấy nó hỏi với ánh mắt lạ thường như có chuyện gi khá quan trọng đã xảy ra nên tôi bèn hỏi ngược lại:
- Có chuyện gì vậy?
- Bộ mày không biết gì hết hả? Tối hôm qua, lính mình bắn nhau với tụi Quân cảnh quá trời.
Tôi hồi họp hỏi lại:
- Bắn lộn với Quân cảnh hả? Sao, mà... rồi ở đâu?
Thằng khác xen vô:
- Ở ngã ba dưới kia chớ ở đâu.
Vừa nói, nó vừa chỉ tay xéo về hướng đường Bạch Đằng vừa tiếp tục:
- Tụi Quân cảnh bắt thằng X ở trong Đại đội mình. Có đứa nào thấy được chạy về kêu ông Khâm. Ông Khâm nghe vậy, ổng bèn thủ cây M16 chạy ra.
- Thấy câu chuyện đến hồi gây cấn nên mọi người trong quán đều im lặng chăm chú theo dõi. Nhất là mấy người dân trong xóm, họ tò mò lắng nghe để biết rõ hơn về câu chuyện hôm qua xảy ra như thế nào.
Một đứa khác trong bọn, thấy ai ai cũng đều chú ý lắng nghe nên tỏ ra đây mình cũng rành chuyện không kém, lên giọng hăm hở thuật lại:
-Thấy ông Khâm tới, tụi QC hơi khớp, bởi vì thấy ổng cao mà bự con như ông khổng lồ, lù lù xách cây M16 đi tới. Sau ổng lại có mấy thằng ở Trung đội 3 đi theo mà thằng nào thằng nấy cũng cầm theo súng. Teo quá, một thằng QC rút súng ra bắn chỉ thiên thị oai. Gặp Biệt Động mà, ông Khâm ổng chơi thiệt luôn. Ổng làm một tràng vô trong bánh xe của tụi nó. Thế là tụi nó hoảng hồn gọi máy kêu cứu. Thấy tụi QC gọi máy, ổng liền quay qua làm một băng vô trong máy truyền tin của tụi nó luôn, thế là tụi nó bỏ xe chạy vắt giò lên cổ. Thấy tụi nó dọt mất, ổng bèn dắt thằng X đi về. Ngon chưa?
Nghe đến đây, một đứa bèn nổi máu anh hùng nói:
- Tao sẽ xin đi về Trung đội 3. Coi bộ ông này biết lo cho lính. Chơi được à.
Thằng khác phụ họa thêm:
- Không những ổng biết lo mà còn biết chịu chơi với lính nữa.
Thằng nọ, tương đối biết suy nghĩ, nên thực tế hơn:
- Tao cũng thích ổng nhưng em chả.
- Sao vậy?
- (vt) Bộ mày không thấy hả? Cứ chỗ nào mà bị đụng hơi nặng, là Tiểu đội ổng bị kêu vô hay sao.
- Nói tới đây, nó bèn trịnh trọng phang thêm một câu triết lý xanh rờn:
- Tao còn cần phải sống để bảo vệ tình yêu.
- Cả đám không nhịn cười được vì thấy cái bản mặt có vẻ thành khẩn một cách tiếu lâm của nó.
- Một thằng khác có vẻ rành về ông Khâm bèn thong thả thêm vào:
- Nghe nói hồi còn ở Biệt Kích, ổng làm tới Đại đội trưởng gì đó. Người ta nói ổng đánh giặc chì lắm. Chỗ nào mà bị tụi nó tấn công ghê gớm là người ta kêu Đại đội ổng tới. Tụi du kích ớn ổng lắm. Thấy ổng cao lớn đi trong hàng quân, tụi nó rình bắn sẻ mấy lần mà lần nào cũng hụt, trật lất. Tụi nó tin là ổng có vía lớn nên ổng đi tới đâu thì tụi nó tránh tới đó. Mà mấy cái thằng Mỹ ở trong trại cũng sợ ổng luôn. Nói tới tên ổng là tụi nó xếp-de.
- (vt) Mày nói dóc. Nếu mà ổng là Đại đội trưởng thì qua đây ổng phải mang lon Trung úy, chớ đâu phải Hạ sĩ, Hạ sĩ nhất gì đó?
Cái thằng có vẻ rành về ông Khâm ngập ngừng:
- Tao cũng không biết nữa nhưng nghe nhiều người kể như vậy.
- Để cho mọi người tin rằng nó nói thiệt, nó bèn vớt vát chứng minh:
- Tụi mày có thấy mấy đứa ở Thường Đức đối xử với ổng không? Thằng nào thằng nấy có vẻ nể ổng ra mặt.
Một thằng khác, như chợt nhớ ra chuyện gì có vẻ khôi hài, tự dưng tủm tỉm cười một mình, nói:
- Nghe kể lại là ổng cũng hay chọc quê tụi Mỹ lắm, nhứt là mấy thằng tân binh mới qua. Ổng đi ngang mà thấy mấy thằng này đang tán dóc, ổng bèn la lớn bằng tiếng Mỹ “Pháo kích! Pháo kích!”, thế là mấy thằng Mỹ mặc mày xanh lè, nhảy tuột xuống giao thông hào một cái bịch. Nhìn tụi Mỹ, nằm ngồi lồm cồm, mặc mày dớn da dớn dác ở dưới đó, mấy thằng lính mình cười gần chết.
Rồi nó nói thêm:
- Mà mấy thằng Mỹ khác thấy ổng giởn như vậy, cũng bắt chước ổng la “Pháo kích! Pháo kích!”, chọc quê mấy thằng Mỹ khác.
o O o
Thật ra, câu chuyện đụng độ với Quân cảnh không xảy ra hoàn toàn như vậy. Mấy nhân vật này đâu có mặt lúc đó, chỉ nghe người khác kể lại rồi thêm thắt cho hấp dẩn.
Quân cảnh có bắt thằng X thật. Có người thấy được bèn chạy về kêu H/S Khâm. Ông Khâm nghe xong bèn đi ra xin thả cho thằng X. Nhưng để cho bảo đảm cái mình xin mà người ta vui vẻ cho, ông Khâm bèn xách theo cây M16.
Đến nơi, H/S Khâm trình bày với mấy người QC là đơn vị mới đi hành quân về, chết chóc tùm lum. Mấy đứa này may mắn còn sống về đây, nên cho tụi nó đi chơi thong thả trong thành phố vài ngày, chớ tụi nó sống nay chết mai mà bắt bớ tụi nó làm gì, tội nghiệp. Thấy có người xin xỏ đúng lúc, mấy ông QC bèn lê thê ca bài “Tui thông cảm anh thì ai thông cảm tui”, mà không chịu thả thằng X ra.
Nghĩ mình đã nói năng đàng hoàng như thế mà mấy người QC này đã không muốn nghẹ, bực quá, H/S Khâm bèn bắn lên trời một phát. Thấy lính Biệt Động làm dữ như thiệt, mà mấy người QC cũng biết chơi lại cũng chẳng lợi gì, nên thả thằng X ra cho ông Khâm dẩn về.
o O o
Trung sĩ Khâm – Đoạn Đường Chiến Binh
Khi tôi về Đại đội 1 thì Hạ sĩ Khâm đã ở đó rồi. Tôi nghĩ lúc này ông đang mang lon Hạ sĩ. Rõ hơn, Hạ sĩ Khâm đã có mặt với đơn vị ngay từ ngày đầu Tiểu Đoàn mới thành lập. So với đám lính trẻ chúng tôi, H/S Khâm có vẻ lớn tuổi và già dặn hơn. Kết quả của nhiều năm xông pha ngoài trận mạc.
Hạ sĩ Khâm thuộc loại người to con cao lớn và vạm vỡ với một khuôn mặt thuộc loại bảnh trai, dáng dấp phong trần. Đặc biệt hơn, ông có một đôi mắt tự tin, quyết liệt, phảng phất nét đôn hậu, thoát ra từ một con người dày dạn phong sương. Như chưa đủ, trời còn cho ông thêm một giọng nói khá hùng hồn. Mỗi khi cần nói, tiếng của ông sang sảng, thừa khả năng khống chế những giọng nói khác, nếu ông muốn.
Với một vóc dáng khá nổi bật, đứng trong hàng quân, H/S Khâm là người mà ai cũng dễ dàng nhận ra trước tiên. Đi bên cạnh ông, đám lính chúng tôi luôn bị cảm thấy thua thiệt và lép vế bởi vì cái tướng tá và giọng nói của ông. Bù lại, chúng tôi cũng cảm thấy an toàn vì không sợ bị ai “ăn hiếp”.
o O o
Trở ngược vào thời điểm năm 1970, lính Biệt Kích ở Thường Đức, trước khi được đồng hóa trở thành lính của Tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân vào tháng 11 năm 1970, H/S Khâm đã từng giữ chức vụ Đại đội Trưởng.
Cấp số của Đại đội Biệt Kích lúc ấy xấp sỉ vào khoảng hơn 100 người. Khi sát nhập vào QLVNCH, một đại đội Biệt Kích trở thành một đại đội Biệt Động Quân. Những chức vụ trưởng vẫn được giữ nguyên. Người Đại đội trưởng được mang lon Trung úy; người Trung đội trưởng thì mang lon Thượng sĩ; còn Tiểu đội thưởng thì mang lon Hạ sĩ.
Nghe kể rằng, một thời gian ngắn trước ngày đồng hóa, vì một lý do nào đó, H/S Khâm bị giáng chức xuống còn Tiểu đội Trưởng. Có lời đồn rằng vì bản tính ông bộc trực và không khuất phục, nên khi thấy chuyện bất bình, ông không ngại ngùng phát biểu và sẵn sàng bênh vực ý kiến của mình. Có lẽ vì thế mà ông đụng chạm với những người ở cấp cao hơn. Thế là ông bị tuột xuống vào hàng Tiểu đội trưởng.
Ngày đồng hóa(2), những người bạn của ông ai cũng đeo lon Trung úy, còn ông thì chỉ mang cái cánh gà luộc. Thế mà sau này, tôi không bao giờ thấy ông tỏ vẻ tiếc nuối hay than thân trách phận, hoặc nhắc nhở người khác biết đến cái quá khứ của mình.
o O o
Chắc hẳn trước đây Hạ sĩ Khâm thật sự đảm nhiệm chức vụ Đại đội trưởng, và những chiến công lẫy lừng của ông được truyền tụng cũng không phải là chuyện phong thần. Bởi vì sau này, tài đánh giặc của ông vẫn được các cấp chỉ huy kế tiếp tham khảo. Những khi cần phải đối phó với tình hình khá nghiêm trọng, những vị Tiểu đoàn Trưởng hay Đại đội Trưởng sau này cũng hội ý với ông. Có khi, ngay cả những buổi họp tham mưu của Tiểu đoàn chỉ dành riêng cho một số sĩ quan tham mưu trong Tiểu đoàn, ông cũng được mời đến dự.
o O o
Trung sĩ Khâm - Người hùng Thường Đức
Vào khoảng cuối năm 1973 hay đầu năm 1974, cường độ chiến tranh mỗi ngày một thêm gia tăng. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, vấn đề tiếp liệu, quân trang, quân dụng và đạn dược bắt đầu giảm thiểu đến mức ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu một cách trầm trọng. Để đáp ứng với tình thế, mỗi đại đội thành lập một tiểu đội trinh sát, quy tụ những tay súng lão luyện, khinh địch để làm lực lượng trừ bị cho đại đội cũng như đảm nhận những vai trò hiểm nguy gian nan khác.
Đối với Đại đội 1, tiểu đội của Trung sĩ Khâm (có lẽ giờ này ông đã mang lon Trung sĩ rồi) vốn đã sẵn có đầy đủ những điều kiện trên, nay chỉ việc đổi tên là họ trở thành tiểu đội trinh sát mà không cần phải huấn luyện lôi thôi. Và cũng để cho mọi người có dịp tham gia, ai có đủ điều kiện thì có thể xin gia nhập đơn vị trinh sát. Đây là cơ hội hiếm hoi cho thằng Dũng, cùng trung đội 2 với tôi. Đã từ lâu, nó muốn tháp tùng với tiểu đội ông Khâm nhưng không được. Nay có dịp như thế, nó bèn hí hửng vội vàng xin qua.
Từ ngày tiểu đội trinh sát được thành lập do Tr/S Khâm chỉ huy, họ đã chiến đấu nhiều pha rất ngoạn mục. Có một điều mà tới sau nay tôi mới để ý, nói theo kiểu nhà binh, là Tr/S Khâm cầm quân rất mát tay. Dĩ nhiên là tôi chỉ còn nhớ lai rai dăm ba chi tiết mà tôi biết qua, nhưng tôi nghĩ hình như không một người lính nào trong tiểu đội của ông bị thương hoặc tử trận trước ngày trận Thường Đức xảy ra.
o O o
Có lần, cả Đại đội bị phục kích bất ngờ bên trong một cái làng đã bỏ hoang. Vì không rành địa thế và không có nơi trú ẩn, trong khi địch quân đang có sẵn hầm hố trong làng, nên Đại đội phải rút về sau để tái phối trí. Trong lúc vội vã, có một người lính trong đại đội đã bị tử thương và bị bỏ lại. Tối hôm đó, Tr/S Khâm đề nghị để ông cùng toán trinh sát của ông lẻn vào trong làng mang xác người lính trở ra. Trung úy Tẩm, Đại đội Trưởng Đại đội 1, ngần ngừ chấp thuận vì lo rằng họ có thể bị phục kích, cũng như tụi Việt Cộng có thể gài mìn dưới xác của người đã chết. Ông cũng dặn rằng nếu bị lộ thì phải rút ra ngay, chứ Đại đội không thể yểm trợ được bởi Tiểu đoàn đã ra lệnh nằm yên tại chỗ.
Đợi cho mặt trăng hoàn toàn khuất dạng trong đêm, toán trinh sát dọ dẫm trở lại ngôi làng theo một hướng khác. Chúng tôi ở lại hồi hộp theo dõi và chuẩn bị sẵn để tiếp ứng. Khi toán trinh sát tiến được vào làng thì bỗng dưng một loạt đạn AK bắn tới. Ông bèn kháng cự cầm chừng rồi rút tiểu đội ra sau. Từ khi nghe tiếng súng nổ, chúng tôi biết toán trinh sát đã bị lộ nhưng không biết tình huống ra sao. Chúng tôi không biết có lấy xác ra được hay không? Rồi có ai bị thương, hay bị chết? Mãi khá lâu, chúng tôi mới nghe toán ông báo cáo về rằng đang trên đường rút lui. Thật may mắn, tất cả trở về đều bình an không một ai bị thương tích.
o O o
Một lần khác, Đại đội 1 được lệnh giải tỏa một ngọn núi vừa bị Cộng quân chiếm cứ có khả năng uy hiếp thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quãng Tín. Trung úy Tẩm, cho Trung đội 1 và Trung đội 2 lần lượt đánh chiếm. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ tấn công với 1 chết và vài người bị thương mà chỉ tiến được gần hơn chứ chưa chiếm được.
Để có thể làm chủ đỉnh núi nhanh chóng trước khi địch đưa quân tiếp viện, Tr/U Tẩm bèn kêu Tr/S Khâm dẫn toán trinh sát lên chiếm cấp tốc.
Không hổ danh Biệt Động, với lối đánh như vũ bão, di động tựa mãnh hổ, cộng với tài đánh lựu đạn của những tay súng thiện xạ, tất cả đều đồng loạt tấn công dưới sự điều động của Tr/S Khâm, phủ một màng lưới kinh hoàng lên trên địch quân. Sau khoảng mươi phút giao tranh, Tr/SKhâm báo cáo về mục tiêu đã được thanh toán và tất cả đều bình an vô sự.
o O o
Trận Thường Đức - Từ ngày 28-7-1974 đến ngày 7-8-1974
Tại mặt Trận Thường Đức, mục tiêu chính mà Cộng Quân cần phải triệt tiêu ấy là đồi Thường Đức và cũng là hậu cứ của TĐ79/BĐQ. Chiếm được hậu cứ của TĐ79/ BĐQ thì tự nhiên chiếm được trọn vùng Thường Đức.
http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so37/images37/ARVN_Ranger17.jpgĐồi Thường Đức bao gồm 2 ngọn đồi nằm kế cận với nhau như hình con số 8, bên lớn bên nhỏ, theo trục Đông Tây. BCH Tiểu Đoàn được dặt trên đỉnh đồi của ngọn đồi lớn, về phia Đông. Bao quanh BCH TĐ, bên ngoài, là vị trí phòng thủ của Đại đội 2, Đại đội 3 và Đại đội 4 (còn có tên là Đại đội công vụ). Đại đội 2 có nhiệm vụ đối phó về hướng Tây Bắc. Đại đội 3 trách nhiệm hướng Đông Bắc. Đại đội 4 lo về hướng Đông Nam giáp lưng với Văn phòng Quận, cũng đồng thời là Chi khu Thường Đức. Trên ngọn đồi kế cận nhỏ hơn, về hướng Tây, là nơi đóng quân của Đại đội 1. Nhờ được tiếp giáp với Tiểu Đoàn về phia đông nên Đại đội 1 chỉ cần phải phòng thủ 3 mặt còn lại là các hướng Nam, Tây và Bắc: Trung đội 1 trông nom về hướng Nam; Trung đội 2 phòng thủ về hướng Tây Nam; Trung đội 3 lo về hướng Tây Bắc.
o O o
Để bảo đảm chiếm được quận Thường Đức, Cộng Quân cần phải chiếm cho kỳ được ngọn đồi của Đại đội 1. Từ nơi đây, địch quân sẽ dùng làm bàn đạp, để uy hiếp và áp chế Tiểu Đoàn nằm bên ngọn đồi kế cận một cách hiệu quả hơn. Vì địa thế của Đại đội 1 mang một lợi ích chiến lược, cho nên CS quyết tâm đánh chiếm bằng mọi giá để có cơ hội chiếm đóng trọn vùng Thường Đức.
Để thực hiện được điều này, cộng quân đã xử dụng tất cả những hỏa lực, mà họ đã tích tụ 4 tháng trước đó, tập trung vào ngọn đồi của Đại đội 1, để hy vọng sẽ chiếm được nơi nầy. Vì vậy, trong suốt toàn thể thời gian của Trận Thường Đức từ ngày 28-7-74 đến ngày 7-8-74, ngọn đồi của Đại đội 1 là nơi mà tất cả những phương tiện, dụng cụ giết người hiệu quả nhất được tuần tự đem ra thực hiện liên tục một cách hăng say. Do đó, nơi đây là nơi xãy ra những trận đánh đẫm máu, khốc liệt, kinh hoàng nhất. Nói một cách đơn giản, ngọn đồi của Đại đội 1 là mồ chôn, là tử địa cho cả hai bên(3).
o O o
Buổi tối trước ngày Thường Đức bị tấn công, cũng là ngày mà Trung đội 1 đến phiên trực có bổn phận đi ra nằm tiền đồn bên ngoài phạm vi phòng thủ của Đại đội 1.
Tiền đồn được thiết lập như một trại đóng quân nho nhỏ, bao gồm dăm ba cái hầm nổi được bao bọc chung quanh và trên đầu bằng những bao cát. Trại được dựng lên cách Đại đội 1 khoảng non cây số về hướng Tây Bắc. Vì là tiền đồn, nên nơi đây có nhiệm vụ quan sát và báo cáo tình hình, hơn là nghênh chiến với địch quân, cho nên hệ thống phòng thủ không được xây dựng chắc chắn và bảo trì đúng mức.
Ngay từ đợt pháo kích đầu tiên, Trung đội 1 đã báo cáo về tình trạng bi quan của họ. Mặc dù có lệnh rút về căn cứ, nhưng họ không làm sao có thể di chuyển được khi toàn cả đồi Thường Đức ngập vùi trong cơn mưa pháo. Mãi đến khi Cộng Quân dứt pháo cho quân tấn công vào tiền đồn, đến lúc ấy Trung đội 1 mới có cơ hội rút lui dần về phía sau.
Vì muốn làm vua làm quan với toàn quyền sinh sát trong tay, một bọn quỷ đội lốt người đã toa rập với nhau, lập mưu tính kế, lùa hết toàn thể dân chúng từ Nam chí Bắc làm thân tôi mọi cho họ. Sau khi quơ được miền Bắc trong tay, bọn này bèn lập khuôn đúc nắn, chế tạo cả một thế hệ u mê, dễ bề sai bảo, để phục vụ cho cái dã tâm của bọn ác ôn này. Thế là cả một bầy cô hồn, lâu la lục súc, đầu trâu mặt ngựa, cầm đuốc xách dao, hí hửng đi đốt làng giết người, theo lệnh của bọn chủ nhân, để được ban phát miếng cơm manh áo.
Và giờ đây, cái đám cốt đột này đã xuất hiện như những con thú, lúc nhúc chạy lăng xăng, la chí chóe bên ngoài phòng tuyến.
Không thể rút lui về bằng cách đi trở lại theo con đường mòn xuyên ngang hàng rào phòng thủ, trung đội 1 phải tạt xuống hướng nam, nơi đang có một đơn vị Địa Phương Quân/ Nghĩa Quân trú đóng. Kể từ đó, Trung đội 1 bị kẹt luôn ở bên ngoài, và chiến đấu chung với đơn vị bạn cho đến khi cả hai bị tràn ngập.
o O o
Cũng cần nói thêm qua về tình trạng quân số tham chiến của Đại đội 1 trong Trận Thường Đức. Trên đường trở về trấn thủ Thường Đức khi đang hành quân tại tỉnh Quãng Tín, lúc đoàn quân xa đi ngang BCH Liên đoàn 14/BĐQ đang đóng tại Núi Đất, mặc dù tình trạng quân số của Tiểu Đoàn đã bị hao hụt, nhưng Tiểu Đoàn được lệnh phải để lại cho Liên đoàn xử dụng toàn thể Đại đội 2 và thêm Trung đội 2 của Đại đội 1.
Chắc có lẽ Sư đoàn 3 hoặc Quân Đoàn hứa hẹn, yểm trợ tích cực cho TĐ79/ BĐQ, trong trường hợp Tiểu đoàn bị tấn công, hoặc là, Quân Đoàn I cho rằng VC tập trung chung quanh Thường Đức chỉ là một đòn nghi binh, nên đưa Tiểu đoàn về để phòng hờ chứ không phải đánh đấm. Hay là Quân Đoàn đánh giá cao khả năng chiến đấu của vài Đại Đội của TĐ79/ BĐQ, thừa sức chận đứng sư đoàn VC? Có vậy, cho nên Liên Đoàn mới giữ lại hơn một phần ba quân số tác chiến của Tiểu đoàn trước khi trở về trấn giữ Thường Đức.
Tôi vẽ vời ra mẩu đối thoại chung quanh cái quyết định để lại Đại đội 2 và Trung đội 2 của Đại đội 1 trong một tình thế khá nghiêm trọng như lúc này.
Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói với Thiếu Tá Hà Văn Lầu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân.
- Toa để lại cho moa 50 thằng lính nghen.
- Thưa Trung Tá, tại sao?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng trả lời:
- Thì để giữ an ninh cho Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. - Trình Trung Tá, tụi này mới đánh ở Tam Kỳ về, quân số bị thiếu hụt, mà lại để ở đây 50 thì làm sao tụi tui trám được cái khoảng trống đó? Hơn nữa, tụi nó kéo về cả sư đoàn thì làm sao tôi giữ được Thường Đức với chừng nầy lính?
Tr/T Liên Đoàn Trưởng thân mật vỗ vai:
- Có thằng Phòng 7 ở trên đó, nó sẽ trám vào cái chỗ trống. Toa cứ yên trí, có gì xảy ra, thằng Sư đoàn 3 sẽ lên tiếp toa ngay. Tụi moa không bỏ toa đâu.
Thiếu Tá Lầu rời phòng chỉ huy đến gặp Đại Úy Sinh, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, đang đứng bên ngoài với một số sĩ quan của Tiểu Đoàn.
- (vt) Liên Đoàn bắt mình phải để lại đây năm chục. Ông nghĩ để Đại đội 2 lại được không?
Đ/U Sinh thắc mắc:
- Sao lại phải để lính ở đây? Mà để... để làm gì, Thiếu tá?
- Liên Đoàn cần lính để giữ an ninh.
Đ/U Sinh đảo mắt nhìn quanh những thôn xóm lân cận chung quanh đồi, khẽ nhíu mày nhưng cũng điềm tĩnh cố gắng vớt vát:
- Để thằng 2 thì được nhưng cũng chỉ có chừng bốn mươi. Thiếu Tá hỏi ở trển có chịu bốn mươi không, hết mẹ nó một Đại Đội rồi.
- Không được, họ đòi năm chục. Nếu mình để Đại đội 2 ở đây thì thằng 3 phải dăng mỏng ra để trám chỗ thằng 2. Vậy lấy thêm một Trung đội của Đại đội 1 vậy, được không? Đ/U Sinh ngập ngừng nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của Đại đội 1:
- Thiếu Tá biết, thằng 1 nó nằm một mình ở cái đồi bên cạnh. Nếu bị đánh, nó là cái mục tiêu cần phải chiếm trước bằng bất cứ giá nào. Lấy được Đại đội 1 rồi, nó sẽ dùng nơi nầy làm áp lực uy hiếp Tiểu Đoàn. Mất Đại đội 1 thì coi như mất Tiểu Đoàn, mà mất Tiểu Đoàn là mất quận Thường Đức.
Th/T Lầu bám vào lời hứa của ông Liên Đoàn Trưởng.
- Tao cũng biết vậy, nhưng mà thằng 3 bị trải mỏng quá. Mà lệnh là lệnh. Thôi ông nói thằng Tẩm để lại 1 Trung đội. Có gì, chắc họ không bỏ mình đâu.
Đại Úy Sinh kêu Trung Úy Tẩm, Đại đội Trưởng Đại đội 1, lại:
- Mình phải để lại đây 1 Trung đội. Mày coi thằng nào được thì kêu nó xuống xe ở lại đây.
Không một ông Đại đội Trưởng nào biết có cả sư đoàn Cộng Quân sắp đánh Thường Đức. Nghe thế, Trung Úy Tẩm suy nghĩ: “Trung đội 1 thì có toán của thằng Sơn, Trung đội 3 thì có tiểu đội thằng Khâm.”, bèn quyết định:
- Thôi, để Trung đội 2 ở lại đây với Liên Đoàn.
o O o
Theo hệ thống tổ chức, Đại đội 1 gồm có tất cả 4 trung đội. Trung đội 1, 2 và 3 là những trung đội tác chiến. Trung đội 4, còn có tên là trung đội công vụ, hoặc trung đội súng nặng, bao gồm một số quân nhân chuyên về súng cối. Số còn lại với những khả năng chuyên môn đặc biệt khác, có nhiệm vụ hổ trợ cho BCH Đại đội. Vì không thường đụng trận trực tiếp, nên Trung đội 4 chỉ được trưng dụng khi nhu cầu chiến trường đòi hỏi cấp bách.
Bình thường, quân số tác chiến của mỗi một trung đội vào khoảng mươi người. Sau lần hành quân tại Quãng Tín, mỗi trung đội chỉ còn lại từ khoảng 8 đến 10 người. Nay lại phải để lại cho BCH Liên đoàn một trung đội tác chiến, Đại đội 1 lãnh nhiệm vụ trấn thủ Thường Đức với quân số chưa tới 30 người, kể cả trung đội công vụ. 30 quân nhân có nhiệm vụ phòng thủ một vòng đai bao gồm xấp xỉ 25 cái lô-cốt. Mỗi một lô-cốt cách nhau trung bình khoảng 10, 15 thước.
Vào thời cực thịnh, khi quân đội Mỹ còn trấn đóng nơi đây, vòng đai phòng thủ của Đại đội 1 được bảo vệ với khoảng hơn 100 tay súng. Giờ đây, Đại đội 1 vốn đã trải quân quá mỏng cho một phòng tuyến quá dài, nay lại thiếu đi trung đội 1, toàn thể Đại đội 1 bây giờ chỉ còn khoảng 20 mạng. Với một quân số ít ỏi, mà phải chịu trách nhiệm một vòng đai phòng thủ quá lớn, lại phải đương đầu với một lực lượng địch quân đông đảo hằng gấp mươi lần với vũ khí dồi dào bất tận.
Cán cân quân sự đôi bên đã chênh lệch thấy rõ. Câu hỏi bây giờ không phải là chừng nào thắng, mà là giữ được bao lâu? Nếu phép lạ có xảy ra, ấy là sự kiên cường của những người lính thuộc Đại đội 1 đã giữ vững bờ cõi dài thêm được một ngày nữa.
Cũng may cho Đại đội 1, một phần bên ngoài tuyến phòng thủ của Trung đội 1 và Trung đội 4 là nhà cửa của dân chúng và một cái đồn lính ĐPQ/NG. Ngay từ ngày đầu, hai tuyến này, thường xuyên bị bỏ trống để dồn quân về hai mặt Tây Nam và Tây Bắc. Thêm một may mắn nữa, là cộng quân không biết được 2 tuyến này có lúc đã bị bỏ trống, cho nên bọn chúng không lăm le tiến sang hướng này. Mãi cho đến khi đồn ĐPQ/ NQ bị mất thì lúc ấy địch quân mới dọ dẫm mò qua.
http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so37/images37/Thuong-Duc---TD79BDQ.jpgMặc dầu đã thành công đẩy lui nhiều đợt tấn công, ngược lại, Đại đội 1 cũng phải trả một cái giá không ít. Cứ mỗi lần địch quân xung phong là mỗi lần ta có thêm thương vong và sức phản công của ta bị giảm sút. Cứ một lần địch quân tấn công là mỗi lần ta phải bắn trả và đạn dược lại thêm hao hụt. Nếu địch quân cứ tiếp tục gia tăng áp lực, trong khi ta lại không được tiếp tế và bổ sung quân số kịp thời, thì cái viễn tượng thất thủ ngày càng dần thành sự thật.
o O o
Sau nhiều ngày chờ mong, cuối cùng, tin được thả dù tiếp tế làm mọi người khấp khởi vui mừng. Nhìn từng kiện hàng thoát ra từ lòng máy bay, chở đầy những hy vọng, người lính cảm thấy vui thích lâng lâng theo những cánh dù lượn bay trong không gian.
Nhưng rồi, niềm vui đó cũng vụt chốc tan nhanh, khi tất cả những kiện hàng, khoảng 5, 7 chiếc, đều lần lượt rơi rớt bên ngoài hậu cứ. Như thấy chưa đủ làm người lính tuyệt vọng, tin tức truyền miệng cho biết không chắc có kỳ tiếp tế khác. Thường thì những lời đồn đãi không xa sự thật bao nhiêu. Đợt thả dù tiếp tế lần này, là lần đầu và cũng là lần cuối.
Có một vài chiếc dù tiếp tế bay lạc vào núi. Có một số rơi vào gần chỗ địch quân. Thấy thế, bọn chúng bèn mon men ra lấy. Người phi công A-37 đang bao vùng bên trên thấy thế bèn lao xuống phá hủy kiện hàng.
Thấy chiếc phản lực A-37 từ trên trời cao lao vút xuống, những ổ súng phòng không của địch quân từ hai dãy núi hai bên đồng loạt bắn lên liên tu bất tận. Mặc cho những đầu đạn nổ tung chung quanh thân máy bay, chiếc phản lực vẫn tiếp tục vừa bắn vừa lao xuống, thấp, thấp, thấp nữa cho thêm chính xác. Đạn khạc ra từ máy bay sủi đất chung quanh chiếc dù tiếp tế. Bọn VC vội vã chạy tán loạn. Mấy ổ súng phòng không vội vã bắn theo. Những người lính nín thở há hốc theo dõi. Đột nhiên, khói bốc ra từ thân máy bay. Chiếc A-37 vẫn tiếp tục lao xuống. Người lính bên dưới lo sợ nghẹn lời:
- Chúa ơi! Nhảy ra! Nhảy ra!
Chiếc máy bay vẫn không đổi hướng và tiếp tục lao xuống rồi nổ tung kế nơi chiếc dù tiếp tế. Một đống lửa to lớn nổ bùng lên. Mọi người lính đăm đăm thẫn thờ nhìn.
Đó là chiếc phản lực, cũng là chiếc máy bay duy nhất, bị bắn hạ trong Trận Thường Đức(4).
Nhìn ngọn lửa lan rộng đốt thiêu chiếc máy bay, người lính Tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân như cảm thấy ngọn lửa đốt tan luôn tất cả những hy vọng sống còn của chính mình.
o O o
Nhìn ra bãi chiến trường, Trung sĩ Khâm thấy vũ khí Cộng Quân bị bỏ lại nằm la liệt bên cạnh những tử thi. Để có thể tiếp tục chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn về đạn dược, ông bèn nảy ra ý định làm một việc mạo hiểm là đi ra nơi bọn chúng bị bắn hạ, để lấy vũ khí của địch hòng có thêm phương tiện chống cự. Thấy có thể thực hiện được, ông bèn quan sát định chỗ đợi trời tối ra lấy mang về.
Được cả toán tán đồng, Tr/S Khâm bèn lần xuống gặp Tr/U Tẩm. Đến nơi, ông bèn trình bày ý kiến trên. Tuy thập phần nguy hiểm và có cơ bị thất thủ, nếu toán của Tr/S Khâm bị kẹt luôn ở bên ngoài, nhưng Tr/U Tẩm cũng phải đồng ý để cho toán của Trung sĩ Khâm thực hiện.
Biết họ tính toán đi ra ngoài, tôi thấy sao họ rủ nhau đi làm những chuyện hiểm nguy một cách quá dễ dàng. Tôi chợt nghĩ, hay là họ đã giác ngộ rồi.
Vào những ngày đầu của cuộc chiến, bản năng sinh tồn đã thúc đẩy tôi chiến đấu để sống còn. Tôi nghĩ những người khác cũng vậy. Mỗi lần phản công là mỗi lần hồi hộp, sợ sệt. Đến khi biết mình không có tiếp viện. Đến khi nhìn đâu cũng chỉ thấy tuyệt vọng, từ khi, hy vọng đã hoàn toàn tan biến, từ khi ý tưởng chấp nhận sự an bài thành hình, từ khi cái chết không còn là mối bận tâm. Mình không mong mỏi nó đến, nhưng cũng không buồn tránh né. Tâm hồn mình, từ đó, bổng dưng trở nên thanh thản.
Tôi nghĩ những người khác chắc cũng vậy. Tôi đã bắt gặp những ánh mắt lạ thường qua cái nhìn của họ. Tôi thấy họ hồn nhiên cười đùa rất dễ dàng. Có lẽ vì vậy, họ thản nhiên đi vào chỗ hiểm nguy.
Khi trời còn sáng, Trung sĩ Khâm xác định và phân chia những mục tiêu để thu thập vũ khí. Trời tối hẳn, toán trinh sát tập trung lại. Họ trao đổi mật hiệu cũng như dặn dò một vài điều cần thiết với người có bổn phận theo dõi. Xong rồi, cả toán lặng lẽ ẩn mình luồn theo một lối đi họ đã vạch sẳn khi chiều.
Người còn lại bên trong hồi hộp đợi chờ lo lắng. Giả như, nếu có ai dưới chi khu bắn trái sáng lên, thì sẽ làm cho công việc của họ thêm phần trì trệ gian nan. Lo nhất là mấy cái thằng VC bị thương còn nằm rên khóc ở ngoài đó. Lỡ mà nó chợt phác giác ra toán của Tr/S Khâm đi lượm súng, rồi nổi máu anh hùng mà la lối, hay rỉa một băng vào mình, làm đánh động cái đám VC, thì cả toán sẽ bị thiệt thân chứ không tài nào chạy vô cho kịp.
Nửa tiếng trôi qua không động tĩnh.Người bên trong chong mắt nhìn trong đêm đen hy vọng phát giác được bóng người. Đột nhiên, có tiếng sỏi sạn khua xào xạt vang nhẹ trong không gian. Mật hiệu hai bên được trao đổi. Toán của Trung sĩ Khâm khệ nệ mang về một lô súng ống. Khi đến gần, mùi xú uế của tử thi từ trong đống vũ khí phát ra nồng nặc.
Như chưa vừa lòng, họ lại trở ra làm thêm một chuyến nữa. Lần này, họ lại khiêng về thêm một cái máy truyền tin của đám VC với hy vọng tìm hiểu tình hình của địch, nhưng tiếc rằng cái máy đã bị hư không còn xử dụng được.
o O o
Dù đã cố gắng chống cự bằng những phương tiện kiếm được chung quanh, nhưng đến khi Cộng Quân bén mảng lên được đến tuyến phòng thủ của trung đội 1, thì tình thế đã bắt đầu đến hồi nguy ngập.
Đại đội trưởng bị thương, lính thì chỉ còn có vài người. Lúc này, Tiểu Đoàn mới cho lệnh rút về bên kia Tiểu Đoàn cố thủ. Qua bên này rồi, tôi thấy Đại đội 3 cũng tang thương không kém.
Địch quân giờ đã có mặt trên phạm vi của Đại đội 1. Như được phấn khởi, những cánh quân khác cũng đồng thời tấn công về hướng đại đội 3 và chỗ đơn vị Nhảy toán đang phòng thủ.
o O o
Khi còn bên phòng tuyến Đại đội 1, tôi đã thấy xác Cộng Quân nằm rải rác từng lớp bên ngoài tuyến phòng thủ Tây Bắc. Qua bên này đồi Tiểu đoàn, với địa thế cao hơn, dù đã quá quen, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi thấy xác bọn chúng nằm la liệt khắp nơi kéo dài đến tận triền đồi bên kia.
Chắc không bao lâu nữa, đám VC cũng sẽ có mặt tại nơi đây. Chúng sẽ thấy xác đồng bọn nằm vương vãi như thế này, liệu chúng có hả hê reo hò cho cái vinh quang bên cạnh những bãi thịt xương đó không? Hay chúng vẫn thản nhiên nổi lửa, cầm súng nhảy múa, rú rống ca hát, chung quanh thân xác đồng bọn, để tôn vinh cho cái gọi là chiến thắng của chúng.
Trận chiến sắp đến hồi ngã ngũ. Chúng tôi đã làm quá sức mình. Thằng còn sống, nương theo hoàn cảnh đẩy đưa, quờ quạng đi tìm đường sống trong muôn ngàn lối chết. Thằng đã chết, chắc cũng chẳng tiếc gì. It́ ra, nó cũng xách được vài chục thằng bên kia đi theo, hộ tống nó.
o O o
Đại đội 1 bị thất thủ, kéo theo Đại đội 3 rồi Tiểu Đoàn. Chúng tôi, vài đứa, đứng tụ tập bên ngoài miệng hầm BCH Tiểu Đoàn đợi chỉ thị củaTiểu Đoàn trưởng. Thiếu Tá Hà văn Lầu, Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân, nhìn chúng tôi rồi ra lệnh di chuyển xuống làng. Quay lưng đi, tôi nghe mang máng ông bảo người sĩ quan Ban 3 Hành quân gởi tọa độ Tiểu Đoàn cho phi pháo lên dập nát.
Tôi cùng với một vài người lính khác theo con đường mòn nối từ BCH TĐ xuống Chi Khu quận Thường Đức. Thấy chúng tôi đi xuống, những người lính của chi khu trong vị trí tác chiến trông theo chúng tôi buồn bã phân vân. Đến bờ bên này con sông Côn, tôi và một số những người còn khả năng chiến đấu bàn tính mở đường máu qua sông.
Trước khi đi xuống chiếc ghe chở chúng tôi vượt sông, như cảm được cái may mắn của mình đang hồi về chiều, tôi ngoảnh mặt nhìn lại xem còn ai quen ai biết. Tôi thấy Trung úy Tẩm, đầu quấn đầy băng, ngửa về sau, dáng mệt mỏi, ngồi lả̃ người, bất động, trên chiếc ghế đẩu, trong một căn nhà bên kia đường. Đứng bên cạnh là Trung sĩ Khâm, có vẻ như lo âu tình trạng của Trung Úy Tẩm. Tôi bắt gặp ánh mắt của Tr/S Khâm nhìn về hướng tôi nhưng như không phải nhìn tôi. Một ánh mắt đầy u uẩn, xa xăm, tôi chưa từng bao giờ thấy từ Ts/S Khâm. Một ánh mắt, phảng phất với trăm nổi đăm chiêu, nhưng đồng thời, như không màng đến những hỗn độn xung quanh(5). Tr/S Khâm như cũng nhận ra tôi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Trung sĩ Khâm.
o O o
Vài tháng sau, tôi nhận được thư từ Trung sĩ Việt cho biết Trung sĩ Khâm đã bị bắt cùng với Trung úy Tẩm. Sau đó, ông trốn thoát được và đang nằm điều dưởng tại trại An Dưỡng Quân Đội.
Trong thư, Trung sĩ Việt nhắn tôi nên viết thư thăm hỏi để an ủi vì thấy Trung sĩ Khâm có vẻ buồn lắm. Tôi loay hoay không biết nên viết cái gì. Tôi không biết nhiều về Tr/S Khâm. Trong mấy năm cùng chung Đại đội, gặp mặt cũng thường, nhưng hình như Tr/S Khâm và tôi không bao giờ trò chuyện thăm hỏi thân mật tay đôi. Suy nghĩ mãi, nhưng rồi tôi cũng chỉ gom được, quanh đi quẩn lại, những câu thăm hỏi xã giao chiếu lệ, nhạt nhẽo, thông thường. Cuối cùng, tôi quyết định thôi không viết thư cho ông.
o O o
Trong cuộc chiến tại Thường Đức, tất cả những quân nhân của Đại đội 1 đều chiến đấu oanh liệt và hầu hết đã hy sinh trong trận này, nhưng dũng cảm nhất phải thuộc về những người lính của Trung đội 3. Và anh hùng hơn nữa là những tay súng của tiểu đội trinh sát do Trung sĩ Khâm chỉ huy.
Họ bươn bả dương đông, xông xáo kích tây. Họ luôn luôn di chuyển để bảo vệ một phòng tuyến quá dài. Họ có mặt bất cứ trên mọi chiến hào để trực tiếp đối đầu với mũ̉i tấn công của địch. Họ chiến đấu hăng say trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát và tuyệt vọng. Họ đảm trách mọi công tác nguy hiểm mà không nề hà hay than vãn.
Tất cả đều nhờ vào sự nhận định bén nhạy, khả năng cổ xúy, đôn đốc và cách sống tình nghĩa với đồng đội của Trung sĩ Khâm. Đây là kết quả của một con người đặc biệt. Đồi Thường Đức được giữ vững lâu dài, một phần, cũng nhờ vào tài sức của ông. Trung sĩ Khâm mãi là người hùng của Đại Đội 1, nói riêng, và là niềm hãnh diện của Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân nói chung.
o O o
Trung sĩ Khâm - Người con Thường Đức
Trong trận Thường Đức, có một vài con dân Thường Đức, ý thức nông cạn, hận thù cá nhân, lú lẩn chính tà, đã vạch đường dẩn lối rước giặc tràn về tàn phá đất mẹ quê cha. Nhưng cũng có rất nhiều – nhiều người con Thường Đức đã không ngần ngại đứng lên, anh dũng đánh đuổi giặc cướp, bảo vệ làng trên, giử gìn xóm dưới. Trung sĩ Khâm là một trong những người con anh hùng đó.
Trong suốt chiều dài trận chiến Thường Đức, Trung sĩ Khâm đã đóng góp một phần trong việc bảo vệ Thường Đức cho tới khi tất cả những tài vật và nhân sự đều kiệt quệ. Nếu được tiếp viện vào những ngày cuối, Thường Đức chắc chắn sẽ không bị lọt vào đám Cộng Quân. Nếu được tiếp tay, Thường Đức sẽ vẫn tồn tại hít thở không khí tự do.Đ ược vậy, tất cả, đều nhờ vào những hy sinh, của những người như Trung sĩ Khâm. Anh hùng có lúc vẫn bị sa cơ. Tuy thất thủ, nhưng Trung sĩ Khâm vẫn xứng đáng là một trong những người hùng, người con của Thường Đức.
Sau này, lịch sử chắc chắn sẽ được viết lại nghiêm chỉnh và trung thực bằng những sử̃ gia chân chính. Tôi mong rằng, những đóng góp và hy sinh của Trung sĩ Khâm, trong sứ mệnh bảo vệ Thường Đức, sẽ không đi vào trong quên lãng.
Viết tặng cho thế hệ tương lai của Thường Đức.

o O o
(1) (Văng tục) – Tùy bạn suy diễn. Hồi đó nghe thì rất vui tai. Bây giờ thấy nó không thích hợp. Viết lên thì thấy ngượng tay. Đưa vào bài, chỉ có cốt ý tăng thêm phần sống động.
(2) Ngày đồng hóa là ngày lực lượng Biệt Kích tại địa phương chính thức sát nhập vào Binh chủng Biệt Động Quân.
(3) Trong bài “Trở lại chuyện ông Thiệu” của ông Lử Giang được đăng tải trên một ít trang báo của cộng đồng người Việt, có đề cập tới mặt trận Thường Đức. Nhận thấy những sự kiện này có phần đáng tin cậy, cho nên tôi đưa ra đây đề rộng đường dư luận với tất cả những dè dặt. Ấy là, QĐ1/QK1 biết rõ từ tháng 4 rằng Cộng Quân đang phát triển đường tiếp liệu và huy động một lực lượng hùng hậu để chiếm lấy Thường Đức, thế mà đến cuối tháng 7, QĐ1/QK1 chỉ đưa mỗi Tiễu Đoàn 79 Biệt Động Quân về đối đầu.
1.- Dứt điểm Thường Đức.
Tôi (ông Lử Giang) nhớ vào khoảng tháng 4 năm 1974, tôi đang ngồi uống cà phê ở đường Tự Do, Sài Gòn, một người bạn đền hỏi tôi có muốn đi Đà Nẵng không, có chuyện quan trọng lắm. Tôi đồng ý. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã có mặt tại Đà Nẵng, từ đó chúng tôi được đưa bằng trực thăng lên Thướng Đức. Thuyết trình về tình hình Thường Đức, thuyết trình viên cho biết bây giờ Cộng quân đã đặt ống dẫn dầu đến A Sao, A Lưới, ở bên kia đèo Hải Vân. Họ sắp chọc thủng Thường Đức để đưa dầu xuống mật khu Hiệp Đức ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sau đó, chúng tôi được trực thăng chở đi xem các đường mới Cộng quân đang làm chằng chịt để tiến quân vào Thường Đức. Chúng tôi hỏi Quân Đoàn tính sao. Thuyết trình viên cho biết đang đợi quyết định của Tướng Ngô Quang Trưởng. Muốn giữ Thường Đức phải có ít nhất một liên đoàn Biệt Động Quân. Nhưng sau đó tôi nghe nói Tưởng Trưởng chỉ cho Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân thủ ở đó.
Vì nhu cầu chiến lược, Hà Nội đã huy động 3 Sư Đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Đan để chiếm Thường Đức. Lúc 8 giờ 30 sáng 7.8.1974, Thượng Đức hoàn toàn bị thất thủ. Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư Đoàn Dù chiếm lại, nhưng mặc dầu đã có gắng và tổn thất nặng, Sư Đoàn Dù chỉ chiếm lại được một số đồi xung quanh.
Cá nhân tôi (tác giả bài viết) vẫn thắc mắc không biết thật sự Tướng Trưởng, hay đâu đó có ra lệnh cho lính Dù chiếm lại Thường Đức hay không? Bởi vì nếu muốn chiếm lại Thường Đức, với khả năng của 2 Lữ Đoàn Dù, Thường Đức đã được lấy lại chỉ nội trong vòng 1 tuần lễ, và cái mục tiêu như đồi 1062 hay những cái đồi gần đó sẽ tự dưng biến mất và không còn cần thiết. Đằng này, một thời gian sau khi Thường Đức đã bị mất, 2 Lữ Đoàn Dù mới được đưa tới, đóng quân tại quận Đại Lộc, rồi giao tranh lẩn quẩn ở mấy cái đồi 700, 1062 , 1235 v.v... thuộc quận Hiếu Đức, từ tháng này cho tới tháng nọ, mà chẳng có lấy một người lính Dù nào đặt chân lên trên địa hạt của quận Thường Đức, dù chỉ là một tấc đất. Điều này, nói lên sự hiện diện của 2 Lữ Đoàn Dù chỉ có ý đồ cầm chân địch quân. Để làm gì? Để cho Đà Nẵng được bình an ngày nào hay ngày đó ??? Hay để cho những toan tính nào khác ??? Chứ tuyệt nhiên không nhằm mục đích giải tỏa Thường Đức hoặc đánh đuổi địch quân.
(4) Sau nầy, có người quả quyết với tôi rằng có thêm một chiếc máy bay nữa bị bắn hạ. Nếu đúng, thì có tất cả 2 chiếc máy bay bị bắn rớt trong trận Thường Đức.
(5) Ánh mắt của Trung sĩ Khâm lúc ấy chứa đựng một cái gì khác thường. Nó in vào tâm khảm và nó cứ đeo đẳng mà mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không sao hiểu được. Sau nầy, có thêm những tin tức, và đến khi viết những giòng này, tôi chợt nhận ra: Khi Tr/S Khâm đang nhìn về hướng tôi, lúc ấy, tôi đang đứng bên này đường, sau lưng tôi là con sông Côn. Bên kia sông, là những thôn xóm đã bị cộng quân chiếm đóng. Nhà của ông ở bên đó. Ánh mắt đó, tôi giờ mới ngợ rằng, là ánh mắt lo lắng ưu tư, không biết vợ con giờ này ra sao, an nguy thế nào.
(6) Ngày 1 tháng 8 năm 2012, 38 năm sau ngày chiếm được Thường Đức, đám việt cộng tổ chức lễ cầu siêu (bọn vô thần lại làm thêm một màn mị dân) kéo dài 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 8 năm 2012. Lễ̉ cầu siêu này có sự hiện diện của Trung tướng Phạm xuân Thệ, người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tấn công Thường Đức vào năm 1974.
Trong buổi lễ, CSVN đã thú nhận đã có 1.300 tên thuộc trung đoàn 66, Sư đoàn 304 bị tiêu diệt trong trận Thường Đức (nằm trên điạ phận xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam) từ 19/7/74 đến 7/8/74, nhưng chỉ có thể gom khoảng 800 xác để chôn tập thể. (Phóng viên H. Chung thuộc Thông tấn xã Việt Nam, thuật lại buổi lễ.)
Cũng cần nói thêm rằng, mặc dầu con số 1.300 địch quân bị tử vong trong thời gian từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8 năm 1974 là do địch quân đưa ra. Tuy con số có vẻ khá nhiều thật đấy, nhưng đối với bản chất chuyên dối trá của người cộng sả̃n, con số tử vong thật sự chắc hẳn cao hơn con số 1.300 mà họ thừa nhận.
Khi đọc con số người chết nhiều như thế này, tôi không khỏi tự hỏi số người bị thương lên đến bao nhiêu? Nếu tính theo tỷ lệ thấp nhứt (5.21 - 9.76) là cứ 1 người bị chết thì có 5 người bị thương, thì nếu con số tử vong là 1,300 người thì con số bị thương sẽ là 6,500 người. Còn nếu tính theo con số 800 xác chệ́t đã góp nhặt được thì con số bị thương lên đến 4,000 người.Cộng lại, một bên là 7.800, bên kia là 4.800, bị loại khỏi vòng chiến. Cả hai bên, con số bên nào củng đều khủng khiếp cả!!!
Theo bài báo, con số thương vong đưa ra trên đây chỉ là con số tử vong riêng của sư đoàn 304. Không nghe bài báo đá động gì tới con số chết chóc của sư đoàn 324.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét