Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG - PHẦN II


1      2      3     4      5      6
Biến Động Miền Trung (Giai đoạn 1963-1975)
- Phần 4
Liên Thành (Cựu Ty Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Phòng hội có khoảng 30 sĩ quan cấp Tá trở lên vừa Việt, vừa Mỹ. Khoảng 5 phút sau Thiếu Tướng Tư Lệnh vào Phòng Hội. Sau phần trình bày tình hình tại Huế của Thiếu tá Quận Trưởng Nam Hòa Phạm Khắc Đạt, Thiếu Tướng Tư Lệnh chỉ thị chúng tôi trở lại Huế. Thiếu Tá liên lạc với Trung Tá Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa hiện đang có mặt tại Quận Hương Thủy để nhận lệnh. Phần tôi trở lại Chi Khu Nam Hòa chỉ huy 2 đại đôi cơ hữu đợi lệnh. Hằng ngày Đại úy Anh sẽ liên lạc với tôi.

Chúng tôi chào từ giã Thiếu Tướng Tư Lệnh. Thiếu Tá Bob gặp chúng tôi ngay phòng hội cho biết 3 giờ sau sẽ gặp nhau tại bãi đáp trực thăng Quân Đoàn để trở về lại Huế.
Đại úy Anh chở chúng tôi đi ăn phở tại Đà Nẵng. Ông đưa cho tôi một đặc lệnh truyền tin và nhiều tần số liên lạc. Hàng ngày vào buổi sáng ông sẽ bay ra Nam Hòa và sẽ liên lạc với tôi để nhận báo cáo tình hình, ông dặn dò:

- Nói ngắn, gọn, đề phòng bọn nó vào tần số mình nghe lén. Mỗi ngày thay đổi tần số liên lạc như đã qui định. Chúng tôi trở lại Nam Hòa cùng ngày. Thiếu Tá Quận Trưởng về Hương Thủy gặp Trung Tá Tỉnh trưởng nhận lệnh hành động. Tôi tiếp tục ở lại quận.

Đầu tháng 5-1966, Thiếu Tá Đạt gọi tôi về gặp ông ta và Trung Tá Tỉnh Trưởng tại BCH/ chống Tranh Đấu tại Chi Khu Hương Thủy. Trung Tá Tỉnh trưởng hỏi tôi:

- Liên Thành, anh có liên hệ gia đình với Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết phải không ?

- Dạ đúng.

- Anh có người anh đi tu là Đại Đức Thích.. ..

- Dạ đúng.

- Anh có nhiều bạn trong đám sinh viên Đại Học Huế

- Dạ đúng.

- Vậy thì tốt, công tác nầy anh làm được, bọn Tranh Đấu không nghi ngờ. Đã đến lúc phải tắt tiếng Đài Phát Thanh tranh đấu của bọn chúng. Đài Phát Thanh Huế của Chính quyền bọn hắn chiếm bây giờ mình phải lấy lại.

- Dạ, với 2 Đại đội cơ hữu của em, em tấn công thẳng chiếm lại Đài Phát Thành Huế, không trở ngại. Tôi nói không suy nghĩ.

Trung Tá Tỉnh Trưởng và Thiếu Tá Đạt cùng cười. Tôi biết mình hố rồi. Trung Tá Tỉnh Trưởng nói :

- Tấn công cái... đầu của anh. Lính Sư Đoàn I và chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức bọn chúng xơi tái 2 Đại Đội của anh ngay. Vụ nầy chỉ có một mình anh làm mà thôi.

- Trung Tá nói vậy nghĩa là sao? Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Người Mỹ sẽ huấn luyện và chỉ cách cho anh.

Hai người Mỹ dân sự huấn luyện tôi trong hai ngày tại Căn Cứ Phú Bài, đủ để hiểu cách thức phá hoại bộ phận nào trong đám máy móc phát thanh của Đài Phát Thanh Huế. Ba ngày sau tôi trở về Huế, ghé thăm gia đình cởi bỏ đồ lính thay thường phục, ghé đài phát thanh Huế kiếm mấy thằng bạn sinh viên tranh đấu mời chúng nó đi uống café Lạc Sơn. Mấy thằng bạn gặp tôi mừng lắm, bọn chúng hỏi tới tấp:

- Liên Thành, sao về được?

- Lính về tham gia tranh đấu hết rồi, bây giờ tao tà tà.

- Thôi về đi, tham gia với bọn tao, lật đỗ Thiệu, Kỳ xong rồi tính.

- Có lý. Cả bọn kéo nhau sang Lạc Sơn uống Café.

Trời đã về chiều tôi nói với mấy thằng bạn:

- Thôi, chiều rồi, tao về, vài hôm nữa gặp.

- Mầy bận việc?

- Không, lính tráng trốn đi hết rồi, bây giờ đâu có đánh đá gì đâu.

- Vậy đêm nay ở lại với bọn tao cho vui, mình về đài phát thanh, tối nầy ăn cháo gà ca hát, ngày trước ở trường Quốc Học mầy hát hay lắm mà. Không suy nghĩ tôi nói ngay:

- Được rồi, đêm nay ở lại với tụi mầy cho vui.

Tôi nghĩ thầm: Chết tụi mầy, tụi mầy rước cọp về rừng.
Cũng thoáng một chút buồn vì nghỉ mình đang lợi dụng tình bạn. Nhưng nghĩ lại mình là một người lính nhận lệnh cấp chỉ huy phải thi hành thì trong lòng cũng nhẹ đi đôi chút.

Đúng 4 giờ sáng tôi thi hành kế hoạch phá hoại. Công việc hoàn tất trong vòng 10 phút, vượt quá thời gian ấn định 1 phút 17 giây. Đám Sinh Viên tranh đấu vẫn ngủ say. Tôi rời Đài Phát Thanh Huế đến điểm hẹn cách Đài phát thanh không xa, trễ mất 4 phút, đã có xe đợi sẵn chở tôi về lại Hương Thủy. Thường ngày vào 6 giờ sáng dân Huế mở Radio đều nghe tiếng nói lanh lảnh của xướng ngôn viên:

- Đây là Tiếng nói của Lực Lượng Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung nhưng sáng nay mở Radio không còn nghe được nữa. Đài phát thanh đã tắt tiếng.

Nhiệm vụ tôi hoàn tất.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau Tiếng nói phát thanh Tranh Đấu được phát trở lại. Đơn vị kỷ thuật dò tìm làn sóng phát thanh của Mỹ cho biết làn sóng được phát đi tại Chùa Ông. Chùa Ông là một ngôi chùa nhỏ nằm phía sau chùa Diệu Đế, cạnh bờ sông Gia Hội đường Bạch Đằng. Thì ra sau khi bộ phận phát thanh tại Đài Phát Thanh Huế bị phá hủy, không phát thanh được nữa. Bọn tranh đấu tháo gỡ toàn bộ hệ thống tiếp vận và phát tuyến điện thoại của Ty Bưu Điện Huế đặt tại đường Hàng Muối gần Trường Nữ Hộ Sinh Quốc gia đem sang Chùa Ông thiết lập đài Phát thanh.

Giữa tháng 5-1966, tôi nhận lệnh dùng 2 Đại đội cơ hữu giữ an ninh và đánh dấu bãi đáp trực thăng để lực lượng quân sự đổ quân dùng Tỉnh lộ Huế-Tuần tiến quân vào thành phố Huế trong đêm. Tôi sửa soạn đơn vị chuẩn bị xuất phát thì có lệnh hủy bỏ.

Tình hình Huế mỗi ngày một sôi động, Đài phát thanh tranh đấu Phật Giáo loan tin khẩn cấp từng giờ một: Quân đội Thiệu Kỳ đã đổ quân ra Đà Nẵng, sắp sửa ra Huế . Đài phát thanh cũng kêu gọi đồng bào Phật Tử, lực lượng Tranh Đấu, Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức thiết lập các chướng ngại vật ngoài đường phố ngăn cản, đặt súng phòng không trên các cao ốc và những vị trí trọng yếu.

Sáng ngày 4 tháng 6-1966, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt gọi tôi về gấp Chi Khu Hương Thủy họp khẩn cấp. Trong phiên họp Trung tá Tỉnh Trưởng tuyên bố:

- Tình hình đã quá trầm trọng, nếu mình không ra tay thì bọn tranh đấu sẽ đưa lực lượng quân sự Việt Cộng chiếm thành phố.

- Đêm nay, mình vào Huế.

Nhiệm vụ được trao cặn kẻ cho mỗi đơn vị trưởng. Phần tôi, dùng 2 Đại Đôi cơ hữu chiếm Ty Cảnh sát trong đêm nay. Tôi hỏi Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt:

- Em có lực lượng trừ bị không, Thiếu Tá có đi với đơn vị em không?

Thiếu Tá Đạt cười:

- Không có lực lượng trừ bị. Tôi có công việc khác phải làm, không đi với anh được. Đừng lo, anh lạnh cẳng rồi hay sao, tôi nghĩ, đối với bọn nó Liên Thành đủ sức chơi, nếu chơi không nổi thì cứ ôm quần chạy ngược lên Nam Hòa đợi, tôi sẽ bốc anh về Hương Thủy. Nhưng mà tôi biết anh dư sức. Nhớ một điều quan trọng: Chỉ trong trường hợp tự vệ, bị bọn chúng bắn, ngoài ra không được nổ súng. Chiếm Ty Cảnh Sát trong thành phố không phải hành quân đánh nhau với Việt Cộng ở Nam Hòa.

- Nhận rõ, Thiếu tá.

-Vậy thôi, anh trở về lại Nam Hòa chuẩn bị. Khi cho đơn vị xuất phát gọi máy báo cho tôi biết ngay.

Khuya ngày 4-6-1966, chúng tôi xuất phát từ Nam Hòa xuống Cầu Lim, qua Đàn Nam Giao, ngang núi Ngự Bình đến cầu An Cựu đột nhập thành thành phố. Vừa đến cầu An Cựu, một lần nữa tôi nhắc lại kế hoạch với Thượng Sĩ Bái:

- Từ đây đến Ty Cảnh Sát thành phố không xa, anh cho lính đi thật thưa, bám sát phía trái đường Duy Tân, mình băng qua đồng An Cựu một đoạn ngắn là đến Ty Cảnh Sát nằm bên tay trái. Nếu gặp bọn chúng thì cứ la to là phe ta. Lính đồn Vận Tải An Cựu đi tuần, bọn chúng không nghi ngờ đâu. Đến cổng Ty Cảnh Sát, toán của anh lo chế ngự mấy ông Cảnh Sát gác cửa, tôi và toán của tôi xông thẳng vào trong. Chiếm mục tiêu được rồi anh rải lính bố trí quanh Ty Cảnh Sát. Nhớ kỹ lệnh cấm không được nổ súng.

- Nhận rỏ, Thiếu úy.

Trong bóng đêm mờ ảo tôi thấy anh ta quay lưng làm dấu Thánh Giá, miệng lẫm bẩm: Lệnh lạc gì kỳ cục vậy, đi hành quân chạm địch mà không được nổ súng. Tôi nói nhỏ theo vừa đủ cho anh ta nghe:

- Địch con mẹ gì, mấy thằng Tranh Đấu, bắn bọn hắn ngày mai bọn mình lãnh đủ.

Chỉ khoảng hai mươi phút sau chúng tôi đã cách cổng Ty Cảnh Sát thành phố khoảng 150 mét. Tôi và Thượng Sĩ Bái cùng quan sát, gật đầu: cổng chính không có lính gác. Tôi nói nhỏ với Thượng Sĩ Bái:

- Cả hai toán cùng vào một lúc. Anh chiếm cổng chính đặt trạm gác và bố trí lính ngay lập tức. Tôi và toán của tôi xông thẳng vào bên trong.

- Nhận rõ Thiếu úy, ông cẩn thận ở trong tụi hắn bắn ra là ông tan xác đó.

Thượng Sĩ Bái lẹ làng chiếm ngay cổng chính, lính túa vào bố trí. Phần tôi xông thẳng vào cửa chính, tầng lầu thứ nhất, không gặp một ai. Để lại một toán nhỏ giữ lầu một, tôi và một toán khác chạy lên lầu nhì. Tại đây chỉ có 2 người đang nằm ngũ trên 2 chiếc ghế bố trong căn phòng cạnh cầu thang. Phòng không thắp đèn chỉ có ánh điện ngoài hành lang chiếu vào lờ mờ, nghe tiếng động cả hai đều vùng dậy. Một người hốt hoảng la lớn: Lính. Người kia đang còn đang ngái ngủ chẳng nói gì. Tôi nói ngay:

- Đúng rồi, lính. Các anh có bao nhiêu người, sao chỉ có 2 người thôi, đi đâu cả rồi.

Người ngái ngủ bây giờ đã tỉnh, quay lại nhìn tôi, hắn la lớn: Liên Thành.

Hắn ở trong phòng tối, tôi ở ngoài hành lang không thấy rỏ mặt hắn, tôi hỏi lớn:

- Ai đó?

- Trần văn Em đây. Mi đi mô mà khuya rứa. Vô đây làm chi?

- Chiếm Ty Cảnh Sát. Tôi trả lời hắn.

Đèn trong phòng bật sáng, nhìn rõ. Đúng hắn là Trần văn Em, thằng bạn học từ thuở học trường làng, trường tiểu học Nam Giao, cùng vào Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Đinh Bộ Lĩnh. Vào đời hắn đi Cảnh Sát, tôi đi lính. Đã lâu lắm bây giờ gặp mới gặp lại. Tôi định hỏi hắn thì hắn chận ngang:

- Khoan đã, nói mấy ông Lính của mi hạ súng xuống, 8 cây súng hướng vào tau, thấy cũng muốn xỉu, bóp cò là tan xác. Tôi xoay lại cười với đám lính: Phe mình. Cả bọn cùng cười.

Thượng Sĩ Bái cũng vừa dưới lầu đi lên:

- Xong rồi Thiếu úy. Tôi cho lục soát kỹ không có ai ở dưới cả, trống trơn.

Người Cảnh Sát mà tôi chưa biết tên nói với Thượng Sĩ Bái:

- Chỉ có 2 chúng tôi trực thôi. Không có ai hết, mấy anh đừng lo.

Tôi nói với Thượng Sĩ Bái:

- Gần sáng rồi, tôi gọi máy trình thẩm quyền xong, mình nghỉ sáng mai rồi tính.

- Tôi và hai thằng con lớn về đến nhà rồi, vợ tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi về bên ngoại hết, nhà trống trơn, mọi chuyện yên ổn. Tôi gọi máy nói lóng với Thiếu Tá Đạt,

- Tốt lắm. Cha con anh đi nghỉ đi, ngày mai tôi đến thăm.

- Nhận rõ thẩm quyền.

- Ông cũng đã mệt quá rồi, sắp xếp cho lính xong Ông nghỉ đi, mọi chuyện để sáng mai. Tôi nói với Thượng Sĩ Bái.

Bái và đám lính đi xuống lầu. Bây giờ Trần văn Em hỏi tôi:

- Mày nói sao, mày chiếm Ty Cảnh Sát thật à. Có lẽ trong đời này không còn ai ngu hơn mày. Bộ mày tưởng với đám lính quèn đó mày chống lại được Lực Lượng tranh đấu sao? Ngoài Lính Sư Đoàn, Chiến đoàn Quân nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức còn có bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử. Bọn này sắt máu và rất nguy hiểm, toàn là Việt Cộng nằm vùng. Hai kho súng, lựu đạn, máy móc truyền tin, xe cộ của Ty Cảnh Sát tụi hắn lấy hết rồi. Bây giờ thì bọn hắn thằng nào cũng có súng, có lựu đạn. Bọn hắn mà biết mày chống lại bọn hắn là chết. Mày chết đã đành, bọn hắn còn kéo đến đốt nhà đánh đập mọi người trong nhà mày, mày biết không? Tôi nói:

- Tao là quân nhân, sống trong kỷ luật của Quân Đội. Lệnh đánh là đánh. Lệnh chiếm Ty Cảnh Sát là chiếm Ty Cảnh Sát chỉ có thế thôi. Vả lại bọn làm loạn này trước sau gì rồi cũng phải dẹp, đồng ý không?

Hắn im lặng.. Khoảng 11 giờ sáng ngày 5-6-1966 Thiếu Tá Đạt gặp tôi và Thượng Sĩ Bái tại sân Ty Cảnh Sát Huế, sau vài câu khen ngợi công việc hồi đêm. Ông nói ngay:

- Địa điểm này là đầu cầu an ninh cho lực lượng của Chính Phủ sẽ đổ quân trong vài ngày tới. Có thể Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến Sài Gòn đến trước. Mình sẽ giao trụ sở này cho họ. Chúng tôi đang nói chuyện thì Trần Văn Em từ trong văn phòng Ty Cảnh Sát ra, gặp chúng tôi, hắn nói:

- Đài Phát Thanh Tranh Đấu vừa loan tin Quân Đội Thiệu Kỳ đã đột nhập thành Phố Huế và đã chiếm Ty Cảnh Sát thành phố vào hồi khuya này. Tôi sợ bọn tranh đấu sẽ kéo đến đây bây giờ. Thiếu Tá Đạt hỏi tôi :

- Người đó là ai?

- Hắn là Cảnh Sát, bạn thân từ nhỏ.

- Tin được không?

- Tin được Thiếu Tá.

Thiếu Tá Đạt bàn với tôi:

- Tôi không tin là đám tranh đấu sẽ tấn công mình lúc này đâu, vì họ chưa nắm vững tình hình, chưa biết mình thuộc lực lượng nào , nhiều hay ít. Dù sao mình là lính có súng, đụng mặt với mình họ còn e ngại. Nếu họ kéo đến anh cố gắng thương lượng kéo dài thời gian, cứ giải thích là mình được lệnh của Trung Tá Tỉnh Trưởng tăng cường lo an ninh cho thành Phố đề phòng bọn Việt cộng phá hoại. Mình không phải là lực lượng được Saigòn gởi ra chống họ. Có thể mình sẽ bị một vài thành phần trong đám tranh đấu khiêu khích chọc giận để mình mất bình tĩnh và có những hành động lọt vào bẫy của họ. Vì vậy, chính anh phải bình tĩnh và dặn dò binh sĩ phải bình tĩnh. Anh chỉ cần giữ địa điểm này trong vòng vài hôm đợi lực lượng Saigòn ra là xong. Hiện tại họ đã ra Đà Nẵng.

Đến 8giờ 45 sáng ngày 6-6-1966 qua hệ thống truyền tin, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt cho biết: Khoảng 10 giờ sáng Trung Tá Phan Văn Khoa,Tỉnh Trưởng sẽ đến thăm đơn vị tôi. Trung Tá Tỉnh Trưởng cũng muốn gặp và nói chuyện với nhân viên Cảnh Sát tại hội trường của Ty Cảnh Sát. Tôi báo cho Trần văn Em và nhờ hắn giúp thông báo với anh em Cảnh Sát.

Đến 10 giờ 10 phút sáng, Trung Tá Tỉnh Trưởng, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt đến. Tôi đón cả hai ngoài cổng chính. Ông bắt tay tôi thật mạnh và nói:

- Liên Thành, giỏi lắm, sợ tụi hắn không?

- Chưa đụng tụi hắn, không sợ Trung Tá. Tôi trả lời tỉnh khô.

Cả hai chỉ thăm và nói chuyện với binh sĩ chưa đầy 10 phút, sau đó đi thẳng vào Phòng Hội Ty Cảnh Sát. Đến ngoài cửa phòng hội, tôi dừng lại vì nghĩ không phải việc của mình, nhưng Trung Tá Khoa quay lại:

- Liên Thành, anh vào trong này luôn.

Thiếu Tá Đạt đẩy tôi lên phía trước đi với Trung Tá Khoa vào phòng hội. Ông đi tà tà phía sau. Quang cảnh phòng hội thật thê lương. Ngoài Trần văn Em bạn tôi, có 14 ông Cảnh Sát già, mối lo âu sợ sệt hiện rõ trên nét mặt. Họ ngồi yên và chờ đợi. Trung Tá Tỉnh Trưởng bước lên bục cao. Thiếu Tá Đạt và tôi đứng cạnh Ông. Trung tá Tỉnh Trưởng nói lớn nhưng chậm rãi:

- Như mọi người đã biết, hơn hai tháng nay Thừa Thiên-Huế hầu như không còn có chính quyền. Nhóm người Tranh Đấu đã dùng bạo lực ép bức đồng bào đình công, bãi thị. Các trường Trung Học và Đại Học Huế phải đóng cửa. Bọn họ ép buộc học sinh, sinh viên bãi khóa. Bọn chúng đã xâm phạm và chiếm giữ các cơ sở của chính quyền, như chiếm Đài phát thanh, tháo gỡ toàn bộ hê thống phát tín của Ty Bưu Điện, biến chế thành Đài Phát thanh Tiếng Nói Tranh Đấu. Hai kho vũ khí của 2 Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, và Thị Xã Huế đã bị bọn chúng chiếm đoạt. Khoảng hơn 4000 ngàn vũ khí các loại, toàn bộ hệ thống truyền tin tối tân của Cảnh sát và xe cộ đã bị bọn chúng lấy đi và hiện đang dùng làm phương tiện chống chính phủ. Đi xa hơn nữa bọn chúng đã tấn công và đốt phá tài sản của ngoại kiều, bao vây Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Tại Huế, đốt cháy tan tành thư viện và phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại đường Lý Thường Kiệt Quận Ba- Huế.

Lực lượng quân sự của Chính Phủ Trung Ương sẽ yểm trợ mạnh mẽ cho chính quyền địa phương Thừa Thiên Huế tái lập an ninh trật tự trong một vài ngày tới. Tôi kêu gọi hơn 4000 nhân viên công lực của hai ty cảnh sát Thừa Thiên, Huế, lập tức trình diện nhiệm sở. Với tư cách Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị Xã Huế, tôi hứa sẽ không truy cứu một ai. Và hôm nay là ngày 6-6-1966, trong quyền hạn của một Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng, Tôi bổ nhiệm:

-Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên và Thị Xã Huế. Thiếu Úy Liên Thành, Phó Trưởng Ty, phụ trách Cảnh Sát Đặc Biệt.

Tôi chưng hửng, mình có nghe nhầm không. Khoảng 5 phút sau buổi gặp mặt chấm dứt. Chúng tôi rời khỏi phòng hội, tôi hỏi ngay Trung Tá Tỉnh Trưởng:

- Sao khi hồi Trung Tá không nói trước. Em là lính làm sao chỉ huy Cảnh Sát được, khó quá.

- Trong những ngày sắp đến tình hình sẽ rất khó khăn, hoặc là mình đánh gục bọn chúng, hoặc bọn Tranh Đấu đánh gục bọn mình, tôi cần những sĩ quan như em và Đạt. Phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, nếu cần thêm lực lượng tôi sẽ tăng cường thêm 1 Đại Đội nữa. Cố gắng kêu gọi anh em Cảnh Sát trở lại làm việc. Ông bắt tay tôi lên xe rời Ty Cảnh Sát. Trung Tá Tỉnh Trưởng nói:

- Anh lo dùm mọi việc, tôi phải đi họp. Thiếu Tá Đạt cũng bắt tay tôi:

Đài phát thanh Tranh Đấu loan tin Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa vừa bổ nhiệm Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt trưởng Ty Cảnh Sát, Thiếu Úy Liên Thành Phó trưởng Ty CSĐB. Bọn họ chuẩn bị đàn áp phong trào tranh đấu. Lực Lượng Tranh Đấu báo động. Chúng tôi đi ra trạm gác phía sau Ty định ăn trưa thì Đài Phát Thanh Phật Giáo Tranh Đấu phát đi lời kêu gọi của Thích Trí Quang với nội dung tóm tắt như sau:

Khuya 5-6-1966 Lực lượng Thiệu Kỳ đã bất thần chiếm Ty Cảnh Sát Thị xã Huế. Trong những ngày kế tiếp Thiệu Kỳ sẽ đưa lực lượng Quân Sự từ Đà Nẵng và Saigòn ra Huế để đàn áp Phong Trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung. Yêu cầu Phật giáo đồ, Khuôn Hội Phật Tử mọi cấp, và đồng bào đem Bàn Thờ Phật xuống đường ngăn chận quân đội Thiệu Kỳ tiến vào thành phố Huế.

Lời kêu gọi của Thích Trí Quang phát đi trên làn sóng của Đài phát thanh Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung đúng 12 giờ trưa ngày 6 tháng 6 năm 1966. Tôi gọi máy cho Thiếu Tá Đạt:

- Thẩm quyền nghe chưa?

- Tôi và Trung Tá Tỉnh Trưởng vừa nghe xong. Có lẽ lần này bọn chúng sẽ kéo đến thăm anh đó. Giữ vững vị trí, không để cho bọn chúng lọt vào trong. Nếu cần chỉ xử dụng hơi cay mà thôi.

- Trình thẩm quyền mình đâu được trang bị hơi cay.

- Tiểu Khu sẽ chuyển qua cho anh bây giờ.

- Nhận rõ.

- Ông cho anh em vào vị trí đi, tăng cường thật mạnh ở cổng trước. Thâu hồi lựu đạn M 26, mình sẽ phát cho lính lựu đạn cay và mặt nạ. Bọn chúng kéo đến chỉ la hét phía ngoài thì kệ họ. Nhưng bọn chúng xông vào thì xử dụng tối đa lựu đạn cay để đẩy bọn chúng ra. Tuyệt đối không được nổ súng. Tôi nói với Thượng sĩ Bái:

- Nhưng nếu bọn tranh đấu tấn công mình bằng súng thì sao?

- Bọn hắn súng nhỏ, mình súng lớn ông sợ sao?

- Tôi chỉ sợ lính Sư Đoàn.

Tôi đi với Trần văn Em vào văn phòng. Tôi nói với anh ta :

- Mình đến phòng truyền tin tôi muốn nói chuyện với mấy ông trưởng CSĐB các quận.

Hệ thống truyền tin của 13 quận vẫn còn làm viêc với BCH tỉnh. Tôi nói rất gọn với họ:

- Tôi là Thiếu úy Liên Thành vừa được Trung Tá Tỉnh Trưởng bổ nhiệm vào chức vụ Phó Trưởng Ty CSĐB vào 10:30 sáng ngày hôm nay 6-6-66. Kể từ giờ này tôi yêu cầu các đơn vị trưởng ngành CSĐB, mỗi quận vào mỗi đầu giờ báo cáo mọi diễn biến xảy ra trong phạm vi trách nhiệm lên BCH Tỉnh. Tôi cũng yêu cầu các đơn vị trưởng CSĐB kêu gọi nhân viên trực thuộc trở về đơn vị làm việc. Sau 7 ngày kể từ ngày hôm nay, những ai không trở lại nhiệm sở tôi xem như họ đào nhiệm và sẽ đề nghị sa thải khỏi ngành CSQG. Chấm dứt.

- Đến 1:46 chiều ngày 6-6-1966 theo lệnh Trí Quang, các đoàn Sinh Viên Quyết Tử đi từng khu phố, từng phường, từng khóm, từng tư gia bắt buộc dân chúng đem bàn thờ Phật xuống đường. Tại quận II, trung tâm thành phố Huế từ bến xe Nguyễn Hoàng dọc đường Trần Hưng Đạo về đến cầu Gia Hội, đường Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Chi Lăng Bạch Đằng, đường lớn, đường nhỏ, bàn thờ Phật dày đặc, được đặt ngay giữa đường. Tại Quận Ba, từ khu chợ An Cựu ra đến đoạn nối liền Quốc lộ I về Phú Bài, đường Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Huệ, Bến Ngự, Nam Giao, Từ Đàm v..v; hàng ngàn, hàng ngàn bàn thờ Phật, lớn, nhỏ đặt ngay giữa đường ngăn chận lối đi. Tại Quận I, quận Thành nội, bàn thờ Phật được đặt dọc đường Đinh Bộ Lĩnh, từ cửa Thượng Tứ vào tận cổng BTL/Sư đoàn I. Bàn thờ Phật cũng được Thích Trí Quang cho lệnh trải dài trên quốc lộ I từ Lăng Cô đến Cầu Hai, Truồi, An Nong I, An Nong II, đến gần Phú Bài, từ Dạ Lê, Hương Thủy qua khỏi quận lỵ Hương Trà.

Quốc lộ I nối liền Đà Nẵng-Huế- Quảng Trị ngưng hoạt động. Không còn thấy bóng dáng một chiếc xe đò nào chở khách Huế-Đà Nẵng, Huế- Quảng Trị, hoặc các đoàn xe của Quân Đội VN, Hoa Kỳ di chuyển trên quốc lộ I vì đã bị bàn thờ Phật chận lối đi. Huế hỗn loạn. Huế thất thần. Huế lo âu. Dân chúng đổ ra đường đi tìm mua mắm muối dự trữ cho những ngày biến loạn đang tiếp diễn. Nhưng mua ở đâu? Trí Quang đã cho lệnh đình công bãi thị. Chợ không đông, cửa hàng nhu yếu phẩm không mở. Ngoài đường phố toàn là bàn thờ Phật, và từng đoàn Sinh Viên Quyết tử của Trí Quang đang đi xách động, dọa nạt, cưỡng bức dân lành đem bàn thờ Phật xuống đường chống Thiệu Kỳ.

Không một chiếc xe hơi nào có thể di chuyển được trong thành phố Huế lúc này. Mọi nơi trong thành phố bàn thờ Phật đã bít lối đi. Dân Huế, mặc dầu là Phật Giáo đồ, đã bắt đầu thấm đòn của Trí Quang, bắt đầu hé một mắt để nhìn chân dung Trí Quang xem hắn thật sự là ai, Quốc gia hay Cộng Sản, là kẻ tu hành hay Sư Hổ mang, vì Đạo Pháp hay vì mưu đồ cá nhân của hắn. Thật hay giả thì chưa biết nhưng có một điều không thể chấp nhận được đó là bắt tín đồ đem bàn thờ Phật ra đường, đối với tín đồ đây là một hành động xúc phạm nặng nề đối với niềm tin thiêng liêng và sự kính trọng. Nhiều khu phố, nhiều phường, nhiều khóm đã chống lại lệnh của Trí Quang không chịu đem bàn thờ Phật ra đường, nhưng chống sao nổi với những đoàn Sinh Viên Quyết Tử mang băng đỏ của Trí Quang. Những ai chống lại là người của Thiệu Kỳ, và Đoàn Quyết Tử của Trí Quang sẽ đem đại họa đến với cá nhân và cả gia đình họ. Đám này chẳng khác gì Vệ Binh Đỏ của Mao Trạch Đông và Giang Thanh ở Đường Phố Bắc Kinh, Trung Cộng, thời Cách Mạng Văn Hóa.

- 1:45 Trưa ngày 7/6/66 Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến và Trung Tá Phan Huy Sảnh Chỉ Huy Trưởng Biệt Đoàn, lực lượng tổng trừ bị của Tổng Nha Cảnh Sát được không vận đến Huế. Tôi bàn giao trụ sở Cảnh Sát thành phố lại cho Biệt Đoàn 222 CSDC. Đơn vị tôi di chuyển sang trú đóng tại trụ sở Nha Cảnh Sát vùng I, sau này là BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

- Ngày 8/6/66 Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh phó Không quân, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo đến Huế. Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan là Tư lệnh hành quân dẹp loạn miền Trung. BCH hành quân đặt tại Toà Đại Biểu chính phủ thuộc quận 3 thành phố Huế.

Dân Huế sống trong lo âu sợ sệt, một trận đụng độ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa lực lượng dẹp loạn của Chính phủ trung ương do Đại Tá Ngưyễn Ngọc Loan chỉ huy và đám tranh đấu cũng như đại đơn vị Sư Đoàn I BB ly khai do Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận chỉ huy. Thế nhưng từ ngày 8/6/66 đến ngày 12/6/66, Đại Tá Loan vẫn án binh bất động, ngoại trừ ông cho lệnh một đơn vị thuộc Biệt Đoàn 222 chiếm lại đài phát thanh Huế và nhóm chuyên viên kỹ thuật từ Saìgòn ra sửa chữa đài phát thanh Huế tái hoạt động.

Tối ngày 15/6/66 Đại Tá Loan chỉ thị tôi chỉ huy 1 Đại đội CSDC thuộc Biệt Đoàn 222, bắt đầu giải tỏa bàn thờ Phật tại vùng An Cựu thuộc quận 3. Khoảng 9 giờ 15 tối, tôi rải lực lượng CSDC từ ngã tư Duy Tân và Nguyễn Huệ đến quá cổng Cung An Định. Vừa bố trí xong thì ngay lập tức, đám tranh đấu dùng loa phóng thanh và đài phát thanh tranh đấu loan tin: "Cảnh sát Dã Chiến Saìgon đang đập phá và dẹp bàn thờ Phật tại vùng An Cựu. Yêu cầu đồng bào moị giới tập trung ngăn chận". Chỉ trong vòng 10 phút hàng ngàn người đã vây chúng tôi vào giữa. Trong đám đông có những tên đầu trâu mặt ngựa, ăn nói thô tục bắt đầu chửi rủa chúng tôi thậm tệ. Đại đội CSDC đúng là dân chuyên nghiệp, mặc cho thiên hạ chửi rủa, họ vẫn đứng tỉnh khô, đợi lệnh. Viên đại đội trưởng nói với tôi:

- Ông Phó, đừng lo, chỉ cần ông Phó ra lệnh là bọn em dẹp đám này ngay.

Bây giờ thì bọn tranh đấu bắt đầu đốt lốp xe hơi chung quanh chúng tôi. Ánh lửa bập bùng đễ đưa chúng tôi vào bạo lực. Tôi cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh nói với viên Đại đội trưởng:

- Ông cho dàn đội hình, mang mặt mạ chuẩn bị giải tán đám này. Vừa ngay khi đó thì BCH hành quân của Đại Tá Loan gọi tôi báo cáo tình hình. Sau phần báo cáo tôi nói thêm:

- Tôi đang chuẩn bị giải tán đám này và dẹp bàn thờ.

- Anh đợi, tôi trình thẩm quyền.

- Nhận rõ.

- Lệnh thẩm quyền không giải tán đám đó, không cần dẹp bàn thờ nữa. Tránh đụng chạm, đưa con cái anh trở về.

-Nhận rõ.

Vưà cương vừa nhu, cuối cùng tôi cũng đưa được đại đội CSDC ra khỏi vòng vây về lại BCH. Đại tá Loan đợi tôi tại BCH, ông nói:

-Tốt lắm, mình chỉ thử xem bọn chúng phản ứng thế nào, mọi chuyện ngày mai hãy tính.

-10:30 đêm ngày 17/6/66, Đại tá Loan ra lệnh cho Biệt đoàn 222 CSDC rải quân dọc đường Trần Hưng Đạo, đại lộ chính của thành phố Huế, và cũng là nơi bàn thờ Phật dày đặc. Tôi được lệnh tháp tùng theo Đại Tá Loan và toàn ban tham mưu cuả ông sang phố Trần Hưng Đạo.

Đường Trần Hưng Đạo khói hương nghi ngút, các sư cô ngồi ngay dưới bàn thờ tụng kinh. Đám phật tử và sinh viên tranh đấu ngồi vây quanh các sư cô. Đại tá Loan đi bộ tà tà dọc theo các bàn thờ, thỉnh thoảng dừng lại ngồi gần các sư cô thầm thì nói chuyện, có trời cũng chẳng biết được ông định làm gì. Đến 1 giờ 45 khuya, bỗng Đại Tá Loan gọi tôi:

- Liên Thành đâu!

- Tôi đây Đại Tá.

- Mày 1 bên, đại tá 1 bên, mình khiêng bàn thờ bỏ vào vệ đường. Tôi và Đaị Tá Loan vừa đặt bàn thờ vào vệ đường thì lập tức Biệt đoàn 222 túa ra như ong vỡ tổ. Chỉ 10 phút sau không còn một bàn thờ Phật nào trên đường Trần Hưng Đạo .

Biệt đoàn 222 CSDC tiếp tục dẹp bàn thờ trong quận 2 và quận 3. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau thì công việc dẹp bàn thờ tại thành phố Huế đã hoàn tất, ngoại trừ quận I Thành Nội Huế, nơi có BTL Sư Đoàn I, Đại Tá Loan chưa đụng đến.

Suốt ngày 18 tháng 6/66 mỗi đầu giờ đài phát thanh Huế truyền đi lời kêu gọi của BCH hành quân, yêu cầu quân nhân các cấp thuộc Sư Đoàn nằm trong lực lượng Tranh Đấu chống Chính Phủ, các thành phần dân sự sinh viên, học sinh, giáo chức, công chức, Cảnh Sát Quốc Gia, v..v.. trình diện BCH hành quân đặt tại Công Trường Phu Văn Lâu.

Tổng cộng hơn 1000 quân nhân các cấp bị tạm giữ tại Cục An Ninh Quân Đội tại Sàigòn và Phú Quốc.

Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đầu hàng, trình diện Đại Tá Loan, và bị đưa vào giam tại Sàigòn chờ ngày ra toà. Tư Lệnh Sư Đoàn I được thay thế bởi Đại Tá Ngô Quang Trưởng, tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy Dù. Về phần dân sự khoảng gần 2000 người bị tạm giữ. Sau thời gian điều tra, một số được trả tự do một số khác bị giữ lại truy tố ra toà với tội danh phá rối trị an. Số cơ sở nòng cốt Cộng Sản nằm vùng của Hoàng Kim Loan đã được y phái cán bộ đường dây, đón ra mật khu. Một số khác giả dạng thày tu chạy vào trốn tại các chùa quanh thành phố Huế.

Thích Trí Quang bây giờ đã vào đường cùng. Y tuyên bố tuyệt thực 90 ngày, định ngồi lì tại sân toà Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên, nhưng Đaị Tá Loan đã cho lệnh bắt giữ, giải vào Sàigòn và cô lập tại bệnh viện Bác sĩ Tài.

Sáng ngày 20 tháng 6 /66, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan gọi Thiếu Tá trưởng ty Phạm Khắc Đạt và tôi lên Toà Đại Biểu Chính Phủ gặp ông. Ông cho lệnh chúng tôi bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi đem về toà đại Biểu chính phủ gặp ông. Thật khó cho chúng tôi, nhất là Thiếu Tá Đạt, vì khi chúng tôi còn ở Quận Nam Hoà Trung Tướng Thi là tư lệnh Sư Đoàn I, rồi Tư lệnh Quân Đoàn I, thường thăm viếng quận Nam Hoà và rất ưu ái, nâng đỡ Thiếu Tá Quận Trưởng Phạm Khắc Đạt. Nay vì khác chính kiến trở thành đối nghịch, đệ tử nhận lệnh đi bắt ông thày, lương tâm đâu ổn. Nhìn nét mặt tư lự của ông tôi hiểu ngay, tôi nói với Thiếu tá Đạt:

- Thiếu tá khỏi lo, tôi là thằng sĩ quan hạng bét, ông Trung Tướng không nhớ mặt tôi đâu, để tôi đi trước vào mời Trung Tướng, ông tà tà theo sau.

Tư dinh Trung Tương Thi tại số 12 đường Lê Thánh Tôn thuộc quận 3, sau lưng nhà thờ Nhà Nước (Phan xi cô". Tôi và Thiếu tá Đạt cùng đi một xe đến thẳng tư dinh Trung Tướng Thi. Chúng tôi gặp Tùy viên của Trung Tướng tại phòng khách. Liền ngay đó thì Trung Tướng Thi từ trên lầu bước xuống, hình như ông đã biết mọi việc. Ông nói với Thiếu Tá Đạt:

- Sao Đạt, Đại Tá Loan cho lệnh bắt Trung Tướng phải không? Các em muốn Trung Tướng đi xe của Cảnh Sát hay xe của Trung Tuớng?

- Xin Trung Tướng dùng xe quân đội, chúng em chạy theo sau.

Tôi còn nhớ ông mặc đồ dân sự, áo xanh quần đà, nhưng đi xe quân đội gắn 3 sao, bảng đỏ.

Đến cuối tháng 7/66 thì an ninh, trật tự đã vãn hồi tại miền Trung và Thừa Thiên, Huế. Tôi và Thiếu tá Đạt nhận lệnh biệt phái sang lực lượng CSQG đến 30/4/75.

Biến Động Miền Trung (Giai đoạn 1963-1975)
- Phần 5


Liên Thành (Cựu Ty Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế)

HUẾ, MÙA HÈ ĐỎ LỬA

- CSQG phá vỡ kế Hoạch Tổng nổi dậy của VC tại Huế.

- Bắt Trung tá VC Hoàng kim Loan và 1500 cơ sở VC.

Ngày 30-3-1972, chiến dịch Nguyễn Huệ của Bắc quân bắt đầu. Trên 10,000 quân bộ chiến gồm Sư Đoàn 304, 308 và 4 Trung đoàn Đặc công 31, 426, 270 của mặt trận B2, với sự yểm trợ của của 3 trung đoàn pháo nặng, 38, 68, 84, cùng với 200 chiến xa vượt vùng phi quân sự tấn công thị xã Đồng Hà một thành phố nhỏ nằm về cực Bắc. Thị xã Đồng Hà thất thủ.

Ngày 30-4-1972, một phần phía bắc tỉnh lỵ Quảng Trị lọt vào tay quân Cộng Sản. Chiều ngày 31-4-1972 Tướng Vũ văn Giai Tư Lệnh Sư Đoàn 3 cùng bộ tham mưu và Cố vấn Mỹ dùng trực thăng rời khỏi Cổ Thành Quảng Trị nơi đặt BTL/Sư Đoàn 3. Tỉnh lỵ Quảng Trị thất thủ lọt vào tay CSBV.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 1-5-72 tôi tăng cường cho trạm kiểm soát An Hoà một trung đội Cảnh Sát Dã chiến để kiểm soát và hướng dẫn đồng bào Quảng Trị trên đường di tản vào thành phố Huế. Khoảng 8 giờ 30 sáng, đoàn người chạy giặc đầu tiên đã xuất hiện tại trạm kiểm soát. Họ là dân tỉnh Quảng Trị chạy giặc, di tản bằng đường bộ dọc theo quốc lộ I, xuôi về hướng nam vào thành phố Huế.

Bắc quân trải pháo trên một đoạn đường dài 9 cây số, đoạn đường mà dân chúng đang tháo chạy về hướng nam. Hàng ngàn thân xác ông già, bà lão, trẻ thơ gục chết trên đoạn đường 9 cây số, thịt xương rơi vãi khắp nơi, quân Cộng Sản tạo đoạn đường này thành ''Đại Lộ máu, Đại lộ kinh hoàng''. Họ đã dã man tàn sát dân lành vô tội đang tìm đường chạy thoát khỏi sự chiếm đóng của họ.

Dân chúng thuộc các quận phía bắc Thừa Thiên-Huế: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Điền nhập với đoàn người chạy giặc Quảng Trị vượt sông Mỹ Chánh chạy vào Huế. Gần cả trăm ngàn người chạy giặc trên đoạn đường máu, đoạn đường của tử thân, nhưng dù chết dù sống đoàn người tỵ nạn vẫn cố vượt qua để xuôi về hướng Nam.

Đoạn đầu của đoàn người đã vào đến cửa phía bắc cuả thành phố Huế, cửa An Hòa, đoạn cuối của đoàn người này vẫn còn tại quận Phong Điền, giáp ranh với tỉnh lỵ Quảng Trị. Họ hốt hoảng, kinh hoàng, đói khát, nối tiếp nhau tiến vào thành phố, dưới cơn nắng bốc lửa của mùa hạ.

Từ cửa An Hoà, đến cầu Bạch Hổ, xuống Phu văn Lâu, đường Trần Hưng Đạo, Chợ Đông Ba, Cầu Mới, cầu Tràng Tiền, trường Trung học Kiểu mẫu, khu Đại học Văn Khoa, người tỵ nạn nằm ngồi la liệt, rục rã bất động. Hằng trăm chiếc xe máy cày từ vùng đồng quê Phong Điền, Quảng Điền, chất đầy người và vật dụng chiếu, mền, nồi niêu soong chảo, treo lủng lẳng hai bên, nối tiếp nhau mệt nhọc lăn bánh vào thành phố. Dân chạy giặc đã đến được thành phố, nhưng rồi còn chạy đi đâu? Sau Quảng Trị, Huế đang nằm trong vòng vây cuả Bắc quân.

Phía bắc Thừa Thiên-Huế đã có mặt các đại đơn vị của cộng quân từ Đồng Hà Quảng Trị kéo vào. Phía Tây thành phố Huế ngay vòng đai an ninh xa, địch đã xuất hiện với lực lượng gồm Sư Đoàn 324B, Công trường 5 đặc công, Công trường 4, 6, cùng với 1 trung đoàn pháo nặng, tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của Quân Khu Trị Thiên Cộng Sản, đang giao tranh với Sư Đoàn I BB. Cao điểm chiến lược Baston phía Tây Huế đã bị cộng quân chiếm giữ từ tháng 2/1972.

Địch bắt đầu pháo kích vào Huế từng giờ một, bằng các loại hỏa tiễn 122 ly và 130 ly. Huế bắt đầu rối loạn, Huế kinh hoàng, Huế hốt hoảng. Huế từ từ rã ra từng mảnh trong ngơ ngác, sợ sệt. Hình ảnh đám sát thủ Cộng Sản của năm Mậu Thân 1968 lại hiện về với người dân Huế. Việt Cộng vào thành phố là đem theo chết chóc, chết đứng, chết ngồi, chết hàng loạt, chết tức tưởi, chết bị trói hai tay bằng dây kẽm gai, chết bị chôn sống, ngộp thở dươí đáy hố sâu, hàng chục, hàng trăm thi thể cùng một hố, mồ chôn tập thể.

Dân tỵ nạn Quảng Trị nhập với dân Huế bắt đầu di tản, chạy giặc xuôi về hướng Nam, hướng Đà Nẵng. Bằng mọi phương tiện, xe hai bánh, xe 4 bánh, bằng đôi chân, họ kéo nhau di tản trên quốc lộ I, Huế - Đà Nẵng, đoạn đường dài 102 Km. Họ băng qua Dạ Lê, Phù Lương, Phú Bài, An Nông 1, An Nông 2, Truồi, Cầu Hai, Phú Lộc, Lăng Cô, vượt đèo Hải Vân cao ngút ngàn !!! vào Đà Nẵng. Tất cả rời bỏ xứ Huế thân yêu, rời bỏ quê hương xứ sở, bỏ lại nhà cửa, tài sản, chỉ mong thoát khỏi vùng lửa đạn, lánh xa bọn quỉ dữ Cộng Sản. Tôi đứng ngay cầu Tràng Tiền nhìn đoàn người chạy giặc lòng bỗng chùng xuống, nỗi buồn vô hạn làm uất nghẹn lòng tôi, sao điêu linh, khổ nạn cứ bám sát nguời dân Huế mãi không thôi.

Bây giờ là 2 giờ chiều ngày 4-5-1972, từ sáng sớm đến giờ, Bắc quân đã pháo kích 6 đợt hỏa tiển 122 và 130 ly vào Huế, nhắm vào Bộ Tư lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I tại Mang Cá, Thành Nội, vào BCH/Cảnh Sát, Tiểu Khu, MacV thuộc quận 3. Bọn chúng bắn khá chính xác, có lẽ tiền sát Pháo binh của bọn chúng ngụy trang chạy theo đoàn người tỵ nạn đã lọt vào thành phố.

9giờ 30 tối ngày 4-5-1972, sau một vòng tuần tiễu và kiểm soát các đơn vị CSQG bố trí phòng thủ tại các nút chận và các yếu điểm trong thành phố, tôi đậu xe ngay Cầu Mới, cây cầu cạnh bệnh viện Trung Ương Huế và Câu lạc bộ Thể Thao. Đang mải nhìn phiá Chùa Thiên Mụ, Văn Thánh, nơi có ánh hỏa châu soi sáng, và xa hơn tận chân núi là những ánh lửa loé sáng của đạn pháo, thì bỗng có tiếng la thất thanh của Nguyễn Đình Ánh, người cận vệ của tôi, vừa là nhân viên truyền tin đang ngồi trên xe:

- Đại Úy, Đại Úy, Chợ Đông Ba cháy!!!

Quả thật, chợ Đông Ba cháy. Ngọn lửa mới bắt đầu bùng lên, nhưng cũng đã soi sáng một góc phố Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu. Ngay lúc đó tôi nghe giọng nói cuả Đại Úy Ngô Trọng Thành, Chỉ Huy Trưởng CSQG quận 2, phát qua loa khuếch đại cuả máy truyền tin Motorola gọi tôi:

- Tango,Tango (danh hiệu truyền tin cuả tôi). Trình thẩm quyền chợ Đông Ba bị cháy.

- Tôi nghe anh, tôi đang đứng ở cầu Mới. Tôi thấy rồi, nhưng tại sao cháy?

- Trình thẩm quyền chưa rõ nguyên nhân, nhưng nhiều người trong chợ chạy ra họ nói: ''Lính chạy làng Sư Đoàn 3 đốt chợ''.

- Tôi cho xe cứu hỏa qua giúp anh ngay. Anh cẩn thận, để lại trung đội CSDC giữ BCH quận, đề phòng bọn đặc công Việt Cộng tấn công. Còn tất cả nhân viên xông vào chợ cứu số đồng bào đang bị kẹt trong đó. Tôi sẽ đến ngay.

Tôi vào hệ thống truyền tin C46 báo cáo cho Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng, Đại Tá Tôn Thất Khiên:

- Trình thẩm quyền chợ Đông Ba đang bị cháy, chưa rõ nguyên nhân, tai nạn hay bị phá hoại, tôi đã cho 5 xe cứu hoả sang chữa cháy.

- Anh đang ở đâu?

- Tôi đang ở cầu Mới.

- Anh đợi, tôi đến ngay.

Có lẽ Đại Tá Tỉnh Trưởng cũng đang đi tuần tra gần đó, nên chưa đầy 2 phút sau ông đã có mặt tại Cầu Mới. Sang xe tôi, ông ngồi ghế trưởng xa và tôi lái. Tôi bật còi hụ và đèn khẩn cấp, lái thật nhanh, chỉ khoảng 5 phút là đã đến ngay trước chợ Đông Ba.

Bây giờ thì ngọn lửa đã quá lớn, bốc cao đỏ rực cả thành phố. Năm xe cứu hỏa sắp cạn nước, đội cứu hỏa, và gần 100 nhân viên Cảnh sát tăng cường, cả tôi lẫn Đại Tá Tỉnh trưởng lăn xả vào chợ. Cuối cùng cũng phải đành bó tay trước ngọn lửa điên cuồng, thiêu rụi gần cả mặt trước của khu chợ Đông Ba. Trong khi đó thì lực lượng Nhân dân Tự Vệ phường, khóm, nổ súng loạn xạ. Dân chúng cư ngụ dọc dãy phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Huỳnh thúc Kháng, Chi Lăng cộng thêm dân tỵ nạn Quảng Trị nằm dọc hai bên vệ đường, vừa thấy chợ Đông Ba Cháy, vừa nghe tiếng súng nổ, tưởng Việt Cộng đã vào thành phố, ùn nhau kéo chạy. Cảnh tượng vô cùng hỗn loạn, tưởng chừng không thể tái lập được an ninh trật tự. Tôi nói với Đại Tá Tỉnh Trưởng:

- Đại Tá, ông rời khỏi đây ngay, nơi nầy nguy hiểm quá. Nếu Đại tá có chuyện gì là dân Thừa Thiên-Huế như rắn không đầu. Ở đây tôi lo được.

Miệng nói, tay ngoắc 2 người lính cận vệ cuả ông, và 4 người của tôi, hộ tống ông ra xe rời khỏi vùng chợ Đông Ba.

Tôi dùng loa phóng thanh trên xe tôi kêu gọi đồng bào bình tĩnh, và giải thích cho họ rõ, chợ cháy là do tai nạn, tiếng súng nổ là do lực lượng Nhân dân tự vệ bắn bừa bãi chứ không phải của Việt Cộng. Nửa giờ sau, an ninh, trật tự vãn hồi. Khu chợ Đông Ba đã chạy rụi gần một nửa. Những ngày sau vẫn còn dư âm: '' Lính chạy làng đốt chợ Đông Ba''.

Tôi vẫn không tin, khi bắt được tên Hoàng Kim Loan tôi là người trực tiếp thẩm vấn Hoàng Kim Loan nhiều lần, có một lần đang hỏi hắn về những vấn đề khác, tôi đột ngột nhìn thẳng vào mặt hắn và hỏi:

- Tại sao anh cho lệnh đốt chợ Đông Ba?

Với câu hỏi đột ngột, không kịp phản ứng, hắn trả lời:

- Đúng, người cho lệnh đốt chợ là tôi. Thi hành công tác là cơ sở nội thành của tôi.

- Tại sao?

- Gây hoang mang, hỗn loạn trong quần chúng, và tạo tiếng vang, chuẩn bị cho cuộc Tổng nổi dậy.

- Các anh mệnh danh là quân Giải Phóng, sao lại Giải phóng luôn cả tính mạng và tài sản của dân lành vô tội. Anh có biết là khi anh cho lệnh đốt chợ Đông Ba là đốt luôn tài sản của dân chúng và đốt luôn cả cuộc đời của họ. Giờ đây hàng ngàn gia đình không còn phương tiện sinh sống, vì tài sản của họ đã bị anh Giải phóng sạch sẽ. Các anh đốt chợ, lại phao tin '' Lính Sư Đoàn 3 chạy làng, đốt chợ Đông Ba''. Có phải chính anh cho cơ sở phao tin nầy hay không?

- Đúng, khi đó chúng tôi muốn dân chúng Huế ghê tởm các anh, những kẻ tay sai và lính đánh thuê cho giặc Mỹ xâm lược.

- Anh lầm, với kinh nghiệm Mậu Thân 1968, dân Huế đã quá biết thủ phạm trong vụ đốt chợ Đông Ba là quân Giải phóng các anh, là những người Cộng Sản, không còn có chút nhân tính. Từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 đến nay là năm 2007, đã 35 năm trôi qua, người dân xứ Huế và những ai đã ở lại Huế trong những ngày binh lửa và đã chứng kiến cảnh chợ Đông Ba bị đốt cháy. Đến nay mỗi lần nhắc đến Huế, hoài niệm những ngày tháng cũ, chắc hẳn trong lòng vẫn còn câu hỏi, ai đốt chợ Đông Ba? Lính Quốc Gia hay là Việt Cộng?

Đã 35 năm trôi qua, giờ đây tôi mới có cơ hội trình bày sự thật và nêu đích danh thủ phạm vụ đốt cháy chợ Đông Ba. Tôi mong những nạn nhân trong vụ cháy và những ai đã từng chứng kiến cảnh tượng bi thảm, hãi hùng đêm hôm đó, ngày hôm nay, còn ở quê nhà, xứ Huế hay ở hải ngoại, xin hiểu cho rằng:

- Người lính VNCH, lính Sư Đoàn 3 BB mặc dầu trong điều kiện ngặt nghèo họ phải di tản nhưng không vô kỷ luật đến độ đi dốt phá tài sản của đồng bào. Chợ Đông Ba bị đốt cháy là do tên Trung Tá Cộng Sản Hoàng Kim Loan, Ủy Viên Thành Ủy Huế và cơ sở nội thành cuả hắn thực hiện, để gây kinh hoàng, xáo trộn, tạo điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi cho cuộc Tổng nổi dậy tại thành phố Huế, mà bọn chúng định thực hiện trong tháng 5, mùa hè đỏ 1972. Thủ phạm là Hoàng Kim Loan và đồng bọn. Xin trả lại sự công bằng và minh oan cho nguời lính Sư Đoàn 3 BB, đã phải gánh chịu một hàm oan nhục nhã '' Lính chạy làng Sư Đoàn 3 đốt chợ Đông Ba'' mà bọn Cộng Sản đã phao vu và gán ghép cho họ.

Trở lại tình hình Huế, từ nhiều ngày nay, kể từ khi Bắc quân vượt vùng phi quân sự tấn công Đồng Hà, Quảng Trị. Tin tức từ các đường giây đơn tuyến nằm sâu trong Quân Khu Trị Thiên và hai cơ quan Tỉnh Ủy và Thành Ủy Huế cuả Cộng Sản dồn dập gởi về, xác nhận Quân Khu Trị Thiên sắp tung một cuộc tấn công lớn vào thành phố Huế. Tỉnh thị Ủy Thừa Thiên-Huế đã có kế hoạch ''Dùng lực lượng quân sự hổ trợ cho lực lượng chính trị'', Tổng nổi dậy cuớp chính quyền tại Huế.

Nhân vật lãnh đạo trong kế hoạch cướp chính quyền tại Huế chính là Hoàng Kim Loan.

Hoàng Kim Loan, hắn là ai?

Hoàng Kim Loan sinh và chánh quán tại xã Phong An, Quận Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên. Tính đến tháng 5-1972 hắn vừa đúng 56 tuổi. Có vợ trú ngụ taị xã Phong An. Có hai con, một gái và một trai. Con trai của hắn phục vụ trong Binh chủng Thiết Giáp Quân Lực VNCH cấp bậc Đại Uý, con gái buôn bán và sống với mẹ.

Ngoài ra, em ruột của hắn là Hoàng Mạnh Hùng, làm Chủ tịch Hội đồng Xã Phong An, Chính quyền VNCH.

Hoàng Kim Loan theo Cộng Sản từ thời kháng chiến chống Pháp, cùng lứa với Đại Tá Thân Trọng Một, Trung Đoàn trưởng, trung đoàn 5 Đặc Công Cộng Sản. (Thân Trọng Một quê ở Nguyệt Biều, Lương Quán thuộc quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên). Tính đến năm 1972, Hoàng Kim Loan đã có 18 năm tuổi Đảng. Quân hàm Trung Tá.

Năm 1954 thay vì tập kết ra Bắc, hắn được gài ở lại. Địa bàn họat động của hắn là Thừa Thiên và thành phố Huế. Hoàng Kim Loan gốc thuộc Nha Liên Lạc hay Cục Tình Báo Chiến Lược. Sau này vì nhu cầu đòi hỏi, hắn kiêm chức Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế, phụ trách Tôn Giáo vận, Trí thức vận kể cả Học sinh và Sinh viên.

Với thời gian dài gần 20 năm hoạt động trong lòng địch, địa bàn Thừa Thiên-Huế, từ tôn giáo, Đảng phái chính trị, giới trí thức, sinh viên, học sinh, viên chức chính quyền và ngay cả quân đội, đều bị Hoàng Kim Loan cấy, gài người vào hoạt động cho hắn. Mọi biến động chính trị, lên đường xuống đường, chống đối chính quyền Trung Ương VNCH và tại Thừa Thiên-Huế đều do một tay hắn và đám cơ sở của hắn nằm trong Tôn giáo, học sinh, sinh viên khuấy động. Hắn biết nắm thời cơ, lợi dụng sức mạnh và quyền lực của Phật giáo Ấn Quang tại Thừa Thiên-Huế. Sau ngày đảo chánh lật đổ nền Đệ I Cộng Hòa và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, qua các cơ sở quan trọng nằm vùng trong Phật Giáo như Thích Đôn Hậu, Chánh Đại diện Phật Giáo Ấn Quang miền Trung, Thích Trí Quang, Thích Thiện Siêu trụ trì Chùa Từ Đàm, Thích Chánh Trực trụ trì chùa Tường Vân và hàng ngàn cơ sở nằm trong các khuôn hội tại 13 quận thuộc Thừa Thiên-Huế, để thi hành các công tác khuấy động chính trị gây xáo trộn và rối loạn tại miền Trung và Thừa Thiên Huế. Hắn áp dụng đúng sách lược '' Dùng Phật Giáo làm ngọn cờ, dùng sinh viên, học sinh làm ngòi nổ''.

Những công tác mà hắn đã thực hiện sau 1963:

- Vô hiệu hóa các cơ quan, và nhân viên tình báo của Chính Phủ thuộc Đệ I Cộng Hòa. Áp lực chính quyền sau ngày Cách Mạng truy tố và sau đó xử bắn ông Phan Quang Đông, Giám Đốc cơ quan Tình Báo hoạt động bên kia Vỹ tuyến 17, qua các biểu tình rầm rộ tại Huế, vu khống, chụp mũ họ là Mật Vụ Nhu-Diệm đàn áp Phật gíao, bắt cóc thủ tiêu Quí Thầy v..v..

- Giải thoát một số Cán bộ cao cấp Cộng Sản bị giam giữ tại Chín Hầm (một địa danh ở Huế) sau ngày Cách mạng 1-11-63.

- Vụ nỗi loạn miền Trung của Thích Trí Quang mùa hè năm 1966.

- Mậu Thân 1968, Hoàng Kim Loan phụ trách công tác Tổng Khởi Nghĩa, thành lập Ủy Ban Nhân dân Cách Mạng tại Thừa Thiên-Huế, cùng với Nguyễn Trung Chính cán bộ nằm vùng, Phan Nam tức Lương cán bộ Thành Ủy đã đưa Nguyễn Hữu Vấn giáo sư trường Quốc Gia âm nhạc làm Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân quận I. Nguyễn Thiết bí danh Hoàng Dung làm Chủ Tịch ủy ban Nhân dân Quận 2. Năm 1955 (?) Thuyết vượt vỹ tuyến 17 ngoài Bắc vào Nam với ngụy thức tìm tự do, sau đó học luật và len lỏi vào được ban chấp hành Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế, tại đây Thiết phụ trách Sinh Viên vận.

Trước Mậu Thân mấy ngày Hoàng Kim Loan đưa Lê văn Hảo, giáo sư Nhân chủng học, đại học Huế lên mật khu nhận chức Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Dân Tộc Hòa Bình và sau đó là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên Huế. Ngày 14-2-1968, trong thời gian Cộng Sản chiếm Huế, Hà Nội tuyên bố đã thành lập chính quyền Cộng Sản tại Thừa Thiên-Huế. Chủ Tịch là Lê văn Hảo, đồng phó Chủ Tịch là Hoàng Phương Thảo, Thành Ủy Viên Cộng Sản và Bà Tuần Chi tức Đào thị Yến, Hiệu Truởng Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, Huế. Bà Tuần Chi là mẹ nuôi của Bà Hoài Nam, vợ của một Trung Tướng (-Trần Văn Trung) trong Quân Lực VNCH. (* Sau 1975 Lê văn Hảo không còn giá trị lơị dụng nữa, bọn cộng sản cho hắn chức Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Trị-Thiên, ngồi chơi xơi nước. Hảo bất mãn, nhờ một Giáo Sư Đại Học người Pháp, thuộc Đảng Cộng Sản Pháp, mời hắn Sang Paris thuyết trình. Nhân cơ hội đó, Hảo trốn ở lại Paris).

Mậu Thân 1968, Hoàng Kim Loan cùng với tên Lê Minh, trưởng ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên, tên Tống Hoàng Nguyên, tên Nguyễn Mậu Huyên tức Bảy Lanh cán bộ An Ninh Cấp Khu Ủy, điều khiển những cuộc bắn giết, chôn sống đồng bào, nhân viên chính quyền, Cảnh Sát Quốc Gia và Quân nhân mà tổng số nạn nhân vô tội lên đến trên 5000 người. (* Nguyễn Mậu Huyên tức Bảy Lanh là con nuôi chủ tiệm Thuốc Bắc Thiên Tường ngay đường Duy Tân đối diện chợ An Cựu, Quận 3). Nếu dùng danh từ luật pháp thì tội danh của Hoàng kim Loan và đồng bọn trong dịp Tết Mậu Thân tại Cố Đô Huế là tội diệt chủng, cũng giống bọn Khmer Rouge của xứ Cao Miên. Tóm lại sau gần 20 năm hoạt động tại địa bàn Thừa Thiên-Huế, Hoàng Kim Loan đã xây dựng và tổ chức được một hệ thống tình báo mạnh, vững chắc, kín đáo, nằm sâu vào mọi cơ quan dân sự, quân sự, an ninh, Cảnh Sát Quốc Gia, đảng phái Chính trị, tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên của Chính quyền quốc gia tại Thừa Thiên- Huế. Đặc biệt là Phật Giáo Ấn Quang, bị hắn cài người xâm nhập nặng nề nhất. Cơ sở nội tuyến của hắn phải tính đến hằng ngàn, thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng.

Bây giờ là tháng 5-1972, mùa hè đỏ lửa, Cộng sản Hà Nội và Hoàng Kim Loan đang sửa soạn diễn lại màn bi kịch Mậu Thân 1968, tổng nổi dậy và tắm máu dân Huế một lần nữa. Nhưng Hoàng kim Loan không ngờ lần này, hắn gặp một một đối thủ dù tuổi đời chỉ mới 26, thua hắn 30 năm, vào nghề sau hắn 18 năm, nhưng thừa khả năng, lòng can đảm, ý chí sắt đá của một Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và là nhân viên công lực của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Miền Nam Việt Nam. Viên Sĩ Quan trẻ tuổi này bẻ gãy kế hoạch của Hà Nội và Hoàng Kim Loan. Bắt giữ gần 1500 cơ sở nội tuyến mà hắn, Cục Tình Báo Chiến Lược, và Tổng Cục 2 Quân Báo Cộng Sản, của ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên, và của Tỉnh, Thị Ủy Thừa Thiên-Huế, đã bỏ ra gần 20 năm gây dựng tại Thừa Thiên-Huế. Và chính hắn, Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan cũng phải đưa tay chịu trói.

Viên Sĩ quan đó là tôi, Đại Úy Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế.

Công bằng mà nói, Hoàng Kim Loan là một trong những điệp viên suất sắc của Cộng Sản, hoạt động trong lòng địch gần 20 năm. Trong 15 năm đầu, không một cơ quan tình báo nào của Chính phủ VNCH phát giác được hắn. Khi bị tôi còng tay vào tháng 5/1972, hắn 56 tuổi, cao khoảng 1m60, nặng khoảng 58kg, da trắng, mái tóc bềnh bồng, bạc hoa râm, mang kính trắng. Hắn có dáng dấp của một học giả, một nhà thơ, hay giáo sư văn chương. Bất kỳ ai, ngay cả nhân viên công lực, tình báo, không thể ngờ hắn là một cán bộ Cộng Sản cao cấp, một điệp viên Cộng sản. Hắn hoạt động, tổ chức cơ sở dưới dạng đơn tuyến, ngăn cách và rất thận trọng, bảo mật tối đa. Sống bất hợp pháp trong thành phố Huế gần 20 năm, thay đổi chỗ ở đến độ các toán theo dõi hắn mà tôi phái đi phải chóng mặt. Có một chỉ dấu nào hắn hơi nghi là lập tức hắn đổi chỗ ở. Nhưng đó cũng là yếu điểm, chính hắn đã tự tố cáo các cơ sở nằm vùng của hắn cho tôi. Thường thì hắn chọn các cơ sở của hắn có thế lực, có uy tin và các cơ sở có chức vụ trong chính quyền, các cơ sở tôn giáo như các chùa để trú ngụ, hầu tránh mọi nghi ngờ phát giác. Những nơi hắn đã ở điển hình như:

Nhà của Nguyễn Hữu Đính, cơ sở nội thành ở đường Nguyễn Huệ, cạnh Toà Đại Biểu. Nguyễn Hữu Đính là anh ruột của thầy Nguyễn hữu Thứ, giáo sư trường Quốc học và là Chánh Án toà Sơ thẩm Huế. Nguyễn hữu Đính có con trai Nguyễn Hữu Châu Phan, cơ sở nội thành, sinh viên tranh đấu.

Nhà của Tổng Thư Ký Viện Đại Học Huế.( niên khoá 1967-1968)

Nhà của Nguyễn Đóa, Giám thị Trường Quốc Học

Nhà của Truởng Ty Cảnh Sát thành phố Huế, Nguyễn văn Cán, thường gọi là Quận Cán, ở đường Triệu Ẩu gần ngã tư bùng binh chợ An Cựu. -Nhà cuả Tôn thất Dương Tiềm ở đường Hoà Bình quận Thành Nội (quận I)

Chùa Tường Vân phiá trên dốc Nam Giao, sau đồi Quảng Tế.

Chùa Trà Am, nằm về phía tây núi Ngự Bình cách núi Ngự khoảng 3Km.?..Và nhiều, nhiều nữa...

Mỗi lần di chuyển trong thành phố hắn rất khôn ngoan, lựa những giờ 12 giờ trưa hoặc 6 giờ chiều là những giờ cao điểm lưu thông, công chức bãi sở, học sinh, sinh viên tan học, nhân viên công lực đổi phiên, lơ là kiểm soát. Một đôi khi hắn ngụy trang đi với một cặp vợ chồng cơ sở của hắn, dắt con dại đi theo. Hắn đóng vai ông nội hoặc ông ngoại của đứa bé, qua mặt nhân viên công lực trong thành phố tỉnh bơ và dễ dàng.

Hắn đâu ngờ hành tung của hắn đã bị chúng tôi phát gíác và nhận diện từ tháng 11-1966, sau vụ hắn và Thích Trí Quang dấy loạn taị miền Trung và Thừa Thiên-Huế.

Sau một thời gian phối kiễm với một số cơ sở nội tuyến của chúng tôi, vào tháng 5-1967, tôi quyết định cho mở hồ sơ, và mở chiến dịch xâm nhập vào tổ chức của Hoàng Kim Loan.

Thông thường thì một dự án (project) xâm nhập phải xét qua những chính điểm sau:

Mục tiêu xâm nhập

Thời gian

Ước tính ngân khoản

Nhân sự: tuyển chọn nhân viên và cán bộ điều khiển

Phương tiện: Nhà an toàn, xe cộ để theo dõi mục tiêu, phương tiện kỹ thuật.

Tôi đặt tên cho chiến dịch nầy là: 'San hô đỏ' vì thằng này hắn lặn sâu quá, giống như san hô nằm dưới đáy biển. Ngân khoản, phương tiện và máy móc do Cố vấn Mỹ cung cấp. Tôi tuyển chọn một số nhân viên thượng đẳng cuả ban xâm nhập thuộc phòng CSĐB tung vào chiến dịch.

Trong suốt thời gian 5 năm, từ 5-1967 đến 5-1972, nhờ xâm nhập theo dõi Hoàng Kim Loan và đám cơ sở nội thành của hắn, mà lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế, đã ngăn chận đuợc một số hoạt động phá hoại của bọn chúng trong thành phố Huế, đã chặn đứng được những cuộc âm mưu khuấy động chính trị do Hoàng Kim Loan núp phía sau thế lực tôn giáo và đám Sinh Viên Học Sinh nội thành, do hắn điều khiển. Chúng tôi đã phát hiện được nhiều cơ sở của hắn, biết rõ từng địa điểm hội họp, và những nơi Hoàng Kim Loan trú ngụ. Trong khoảng thời gian này, nếu tôi muốn bắt Hoàng Kim Loan thì thật quá dễ dàng, nhưng nguyên tắc xâm nhập là lún sâu và trèo cao, dại gì ăn non. Vào ngày 5-5-1972, Huế bây giờ đang trong cơ "thập tử nhất sinh", mười chết một sống, giống như con bệnh sắp đến hồi kết thúc, thần chết lảng vảng chung quanh. Huế còn thở được bao lâu? Huế bây giờ giặc ngoài loạn trong. Giặc ngoài đã có các đại đơn vị tinh nhuệ của Quân Lực VNCH chận đánh, nhưng loạn trong là trách nhiệm và bổn phận của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế.

2 giờ 40 chiều ngày 5-5-1972, Huế vừa nhận thêm đợt pháo hỏa tiễn 122 ly của Việt Cộng gởi về từ vùng núi phiá Tây thành phố, đây là đợt pháo thứ tư trong ngày. Cứ sau mỗi đợt pháo, dân chúng lại hốt hoảng, rời bỏ Huế chạy về hướng Đà Nẵng. Nếu Việt Cộng thực hiện cuộc Tổng nổi dậy trong thời gian này thì thật là một đại họa cho đồng bào Huế.

Trong hoàn cảnh này, muốn chận đứng kế hoạch Tổng nổi dậy của Việt Cộng là phải ra tay truớc, thật nhanh và thật mạnh. Bắt tên cầm đầu Trung Tá VC Hoàng Kim Loan, đám cơ sở nội thành của hắn, và đám cơ sở của ban An ninh Khu Ủy Trị Thiên, Huế mà chúng tôi đã phát hiện và thiết lập danh sách từ 4 năm nay, con số đã lên gần 1500.

Đám cơ sở Việt Cộng nầy phải được nhanh chóng bắt giữ, cô lập, và vô hiệu hoá bọn chúng ngay. Cũng giống như cua bị bẻ gãy càng lớn, chân nhỏ, thì bò được đi đâu, có như vậy mới chận đứng và đập tan mưu toan Tổng nổi dậy tại Huế của bọn Việt Cộng.

Tôi quyết định mở cuộc hành quân trên khắp 10 quận nông thôn của tỉnh Thừa Thiên, và 3 quận trong thành Phố Huế, đồng loạt truy bắt bọn này. Tôi bàn với Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt, Ân cũng đồng ý.

Tôi nói Ân mời Đại Úy Trương văn Vinh, Chỉ huy Phó, Cố vấn CSĐB, Thiếu Tá Cố Vấn chương trình Phụng Hoàng, Cố vấn Đại Đội CSDC, cố vấn trưởng BCH, và Đại Úy Trần văn Trinh, Trung tâm trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực một giờ sau họp khẩn cấp tại văn phòng tôi.

5 giờ 25 chiều ngày 5-5-1972, bốn Cố vấn Mỹ đến văn phòng tôi, người nào cũng nón sắt, áo giáp, súng M18 cầm tay nét mặt căng thẳng, viên Thiếu tá Cố vấn chương trình Phụng Hoàng hỏi ngay:

- Sao rồi Đại Úy, tình hình trầm trọng lắm không?

Tôi mời mọi người ngồi vào bàn họp chậm rải trả lời:

- Đúng, tình hình an ninh mỗi ngày mỗi tệ hơn. Như chúng ta đã biết, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã đến Huế (ngày 2-5-1972) thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân Đoàn I, chỉ huy mặt trận Trị Thiên. Mặt trận phía Bắc Thừa Thiên- Huế, các đại đơn vị của quân lực VNCH, đang thiết lập tuyến phòng thủ Huế bên này bờ sông Mỹ Chánh. Liên Đoàn Biệt Động Quân, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn Nhảy Dù đang chận đánh các Sư Đoàn của Việt Cộng đang trên trục tiến quân vào Huế. Mặt trận phía Tây thành phố Huế, Sư Đoàn I BB đang đụng nặng với Sư Đoàn 324B và các trung đoàn 4,5,6, cuả Quân khu Trị Thiên, nói chung tình hình vẫn chưa sáng sủa. Điều quan trọng nhất mà giờ nà tôi mời quí vị họp khẩn cấp là tình hình an ninh tại thành phố Huế.

Như quí vị đã được tôi thông báo nhiều ngày truớc đây, nếu lực lượng quân sự của Việt Cộng tiến sát gần thành phố Huế, thì ngay lập tức bọn Việt Cộng sẽ phát động cuộc tổng nổi dậy tại thành phố, cướp chính quyền, và thành lập chính quyền Cách Mạng của bọn chúng như đã xảy ra hồi Tết Mậu Thân 1968. Hậu quả sẽ là một cuộc tắm máu lần thứ hai, mà lần này có lẽ còn tàn bạo hơn, khốc liệt hơn Mậu thân 1968. Vì vậy tôi quyết định ra tay trước khi quá trễ. Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế sẽ mở một cuộc hành quân đại quy mô trong 10 quận nông thôn, trải dài từ bắc Thừa Thiên đến nam Thừa Thiên và 3 quận trong thành phố Huế, truy bắt tất cả hạ tầng cơ sở Việt Cộng, và các cán bộ Cộng Sản nằm vùng trong các cơ quan của chính quyền, học sinh, sinh viên, các thành phần công tác với địch, nằm vùng trong Quân đội, đảng phái, trong các giới thương gia, tiểu thương v.v...

Biến Động Miền Trung (Giai đoạn 1963-1975)
- Phần 6
Liên Thành (Cựu Ty Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Tất cả những người này, chúng tôi đã có hồ sơ từ lâu, nhưng vì một số lớn nằm trong các tổ chức nội thành của Việt Cộng mà Cảnh Sát Đặc Biệt đã mở những Chiến dịch xâm nhập, nên chưa đến lúc phải phá vỡ. Nhưng nay vì tình hình khẩn trương, để chận đứng cuộc Tổng nổi dậy của bọn chúng, tôi quyết định giữ lại một số chiến dịch xâm nhập lâu dài, số còn lại phá vỡ và bắt giữ toàn bộ. Số lượng nằm trong danh sách khoảng 1500 cơ sở, và sẽ phải di chuyển họ rời khỏi Huế ngay. Chúng ta không còn nhiều thì giờ, nếu tình hình quân sự diễn biến nhanh và bất lợi cho quân lực VNCH, thì lập tức bọn Cán bộ chính trị Việt Cộng sẽ phát động cuộc Tổng nổi dậy. Vì thế tôi nghĩ cuộc hành quân của chúng ta chậm nhất là phải khai diễn vào 6 giờ sáng ngày mai 6-6-1972.

Nếu theo kiểu nói giang hồ thì lần nầy tôi đem hết tài sản của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế ra chơi canh bạc xì phé với tên Trung Tá Việt Công Hoàng Kim Loan và đám giặc cỏ của hắn và chắc chắn tôi sẽ làm cho hắn cháy túi. Tôi sẽ xử dụng 2/3 lực lượng CSQG Thừa Thiên- Huế vào cuộc hành quân này, gồm có:

- Cảnh Sát Đặc Biệt
- Cảnh sát sắc phục.

*(BCH /CSQG Thừa Thiên-Huế là đơn vị CSQG lớn nhất toàn quốc. Tổng số khoảng 5300 nhân viên CSQG, chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ của 10 quận nông thôn, gồm 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên, và 3 quận 1,2,3 thị xã Huế)

Chúng ta sẽ có cuộc họp toàn bộ các Chỉ Huy Trưởng, và phụ tá CSĐB quận, các cấp chỉ huy cuả BCH vào khoảng 9 giờ tối ngày hôm nay, vì vậy tôi yêu cầu văn phòng Cố Vấn Đặc Biệt, hoặc Phụng Hoàng giúp phương tiện trực thăng chở các Chỉ Huy Trưởng và phụ tá Đặc Biệt quận về BCH tỉnh trước 9 giờ tối nay, và hoàn trả họ lại đơn vị sau khi họp xong.

Thiếu tá Cố Vấn Phụng Hoàng cho biết:

- Đại Úy Thành, tôi có thể giúp, hiện tôi đang có trực thăng trực cho tôi và Đại tá Cố Vấn Tỉnh, Ông có thể xử dụng. Tôi có một yêu cầu: Vào ngày hôm qua tất cả những thành phần không quan trọng thuộc cơ quan Cố Vấn Tỉnh (Cord) đã di tản vào Đà Nẵng, chỉ còn một số ít nhân viên ở lại Huế. Tôi muốn Đại Úy cho phép tôi và một toán nhỏ về đóng tại Trung Tâm HQCL để tiện liên lạc.

- Không có gì trở ngại. Ông liên lạc với Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQCL. Trinh sẽ sắp xếp cho ông.

Cố vấn CSĐB hỏi tôi:

- Đại Úy, phần trước ông cho biết có thể số người bị tạm giữ gần 1500, ông định di chuyển họ ra khỏi Huế. Vậy đưa họ đi đâu và bằng phương tiện nào?

- Bình thường những tù nhân đã lãnh án, đều được di chuyển ra Côn Sơn, và phương tiện di chuyển đều do Bộ Tư Lệnh CSQG tại SàiGòn cung cấp. Tuy nhiên lần này vì tình hình đặc biệt, ngoài Bộ Tư Lệnh CSQG Sàigòn, tôi sẽ trình bày với Đại Tá Tỉnh Trưởng và nhờ ông can thiệp với Bộ Tư Lệnh Tiền phương Quân Đoàn I, cung cấp phương tiện chuyển vận và địa điểm là Côn Sơn. Họ sẽ bị giữ tại đây trong một thời gian ngắn, khi tình hình Huế ổn định, tôi sẽ đem họ về và tuần tự thanh lọc.

Ngoài số người này, hiện tại Trung Tâm Cải Huấn có khoảng 400 tù Cộng Sản. Số này đáng lý phải di chuyển hơn một tuần trước đây, nhưng vì tình hình chiến sự họ vẫn còn tại Trung tâm Cải Huấn. Số 400 tù Cộng Sản nầy phải di chuyển ngay, nếu họ nổi loạn phá nhà lao, hoặc lực lượng Đặc Công Việt Cộng tấn công trung tâm Cải Huấn giải thoát đám này ra ngoài thì hậu quả thật khó lường. Điểm cuối cùng, tôi có ý định đặt tên cho cuộc hành quân này là "Chiến Dịch Bình Minh", với mong mỏi sau cuộc hành quân phá vỡ âm mưu Tổng nổi dậy cuả bọn Việt Cộng. Một Bình Minh an lành sẽ đến với đồng bào Huế.

Mọi người đều thuận ý lấy tên như vậy. Tôi nói Đại Úy Trần văn Trinh cho quay ronéo 1500 lệnh tạm giữ, tôi sẽ ký khống chỉ và giao cho các Chỉ Huy Trưởng quận trong phiên họp tối nay. Riêng Đại Úy Ân liên lạc ngay với các Chỉ Huy Trưởng Quận và phụ tá CSĐB, chuẩn bị hồ sơ hạ tầng cơ sở địch trong phạm vi trách nhiệm, mang theo khi trực thăng đón lên họp tại BCH Tỉnh tối nay.

Phiên họp chấm dứt, và hẹn gặp lại 9 giờ tối.

CHIẾN DỊCH BÌNH MINH

9 giờ 15 tối ngày 5-5-1972, tại phòng hội BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, thành phần tham dự gồm có:

- Chỉ huy Trưởng CSQG/ Thừa Thiên-Huế, kiêm Tổng thư ký điều hành Ủy Ban Phụng Hoàng: Đại Úy Liên Thành

- CHP/ CSQG/Thừa Thiên-Huế: Đại Úy Truơng Văn Vinh

- Trưởng Phòng CSĐB: Đại Úy Trương Công Ân

- Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga : Nữ Đại Úy...?

- Trưởng Phòng Cảnh Sát Tư Pháp: Đại Úy Nguyễn văn Ngôn

- Trung Tâm Trưởng TTHQ/Cảnh Lực, kiêm phụ tá Tổng thư ký Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh: Đại Úy Trần văn Trinh

- Trưởng phòng Hành Chánh, tiếp liệu: Đại Úy Trần văn Quế

- Trưởng Ban Nhân Viên: Trung Úy Phạm Thìn

- Trưởng ban An Ninh Nội Bộ: Trung Úy Lê khắc Kỷ

- Đại Đội trưởng Đại Đội CSDC: Đại Úy Trần Văn Tý

- Trưởng ban Tuần tiễu Hỗn hợp: Đại Úy Đoàn Đích

- Biệt Đội Trưởng BĐ Hình Cảnh:Trung Uý Văn Hữu Tuất -Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Giang Cảnh: Đại Úy ... ??.

- Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn: Trung Úy Nguyễn Thế Thông -Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tạm giam: Trung Úy.......

-Trưởng Ban Hoạt Vụ: Thiếu Úy Dương Văn Sỏ

- CHT Quận 1 và phụ tá CSĐB: Đại Úy Lê Khắc Vấn

- CHT Quận 2 và phụ tá CSĐB: Đại Úy Ngô Trọng Thành

- CHT Quận 3 và Phụ tá CSĐB: Trung Úy Phạm Cần

- CHT Quận Phong Điền và PT/CSĐB: Đại Úy Trần Thế Hiển

- CHT Quận Quảng Điền và PT/ CSĐB: Đại Úy Trần Đức Tuất - CHT Quận Hương Điền và Phụ Tá CSĐB : Đaị Úy. . ??.

- CHT Quận Hương Trà và PT/ CSĐB: Đại Úy Lê Văn Phi

- CHT Quận Nam Hoà và PT/ CSĐ: Đại Úy Dương Phước Tấn

- CHT Quận Hương Thủy và PT/ CSĐ: Đại Úy Phạm Bá Nhạc -CHT Quận Phú Vang và PT CSĐB Đại Úy Nguyễn văn Hướng

- CHT Quận Phú Thứ và PT/ CSĐB: Đại Uy Lê văn Thiện - CHT Quận Vinh Lộc và PT/ CSĐB: Đại Úy Tôn Thất Trang

- CHT Quận Phú Lộc và PT/ CSĐB: Đại Úy Nguyễn văn Toàn - Đại Úy Dụng đại diện Ty An Ninh Quân Đội Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.

- Trung Úy Lợi đại diện Phòng 2 và Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.

Về phiá phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ gồm có:

- thiếu tá Cố vấn chương trình Phụng Hoàng Tỉnh

-Đại diện văn phòng cố vấn CSĐB

-Cố vấn Đại đội CSDC

-Cố Vấn Trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

Mở đầu buổi họp là phần thuyết trình diễn biến tình hình chiến sự của hai mặt trận phía Bắc và phía Tây thành phố Huế, do Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQ/Cảnh Lực trình bày. Kế tiếp, Đại Úy Truơng Công Ân Trưởng phòng CSĐB trình bày kế hoạch và khả năng của địch trong âm mưu phát động cuộc Tổng nổi dậy tại thành phố Huế trong những ngày sắp đến.

Phần tôi, tôi thông báo cho mọi đơn vị trưởng biết quyết định cuả Bộ Chỉ Huy tỉnh trong phiên họp hồi chiều là mở cuộc hành quân rộng lớn bắt giữ tất cả các thành phần nòng cốt hạ tầng cơ sở địch trong toàn tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, để chận đứng cuộc Tổng Nổi Dậy của bọn chúng. Ngoài ra thành phố phải được kiểm soát thật chặt chẽ đề phòng các toán tiền phương đặc công Việt Cộng xâm nhập, bất thần tấn công các cơ sở quan trọng của chính quyền như: Trung Tâm Cải huấn (nhà lao Thừa Phủ), Toà Hành Chánh Tỉnh, đài phát thanh, đài truyền hình, Ty ngân khố, Ty bưu điện, các trụ sở phát tuyến hệ thống phát thanh ra miền Bắc của các đài Tiếng Nói Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc, và nhất là đặc công thủy có thể đặt chất nổ phá sập 3 cây cầu quan trọng đó là cầu Bạch Hổ, cầu Mới và cầu Tràng Tiền. Vì thế trách nhiệm của chúng ta, lực luợng CSQG Thừa Thiên- Huế trong giờ phút này hết sức nặng nề, chúng ta phải đối phó hai mặt:

* An ninh trong thành phố
* Ngăn chận cuộc Tổng nổi dậy.

Vì vậy tôi có ý định xử dụng khoảng 3000 nhân viên vào hai công tác này và được phân chia như sau:

- Đại Đội 102 Cảnh Sát Dã Chiến có 10 trung đội, quân số vào khoảng 500 người (không giống như cấp số của quân đội)

- Trung đội tăng cường cho Cảnh Sát sắc phục taị các nút chận cửa ngõ ra vào thành phố như: An Hòa, Bao Vinh, Đập Đá, Chợ Cống, An Cựu, Nam Giao, Cầu Lòn.

- Trung đội tăng cường canh giữ các yếu điểm quan trọng trong thành phố.

- Trung đội tăng cường cho phòng CSĐB yểm trợ cho cuộc hành quân.

- Các trung đội còn lại là lực lượng trừ bị sẵn sàng ứng phó mọi biến động xảy ra trong thành phố và nhất là trấn áp các cuộc biểu tình bạo động. Đơn vị 102 CSDC đặt dưới quyền chỉ huy và điều động của Đại Úy Trần văn Tý, Đại đội trưởng, và đại đội phó Đại Úy Bác Sĩ Chung Châu Hồ ( Bác sĩ Hồ xuất thân Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, ra trường phục vụ tại BCH/CSQG Thừa Thiên. Đại đội phó 102 CSDC, anh ta học y khoa tại Đại Học Y Khoa Huế, rất hiếu học, vì thế tôi giúp anh ta có thì giờ học hành, mặc dầu đã tốt nghiệp Bác Sĩ, nhưng anh ta vẫn làm đại đội phó 102 CSDC). Tôi lưu ý Đại Úy Trần văn Tý, với tình hình hiện tại nếu có biểu tình bạo động xảy ra, thì đó là cuộc biểu tình của đám cơ sở nội thành Việt Cộng, vì thế phải đàn áp thật mạnh và dập tắt tức thời, những ai chống lại bằng vũ khí, cho lệnh nổ súng bắn trả ngay, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về lệnh này.

- Đơn vị Biệt Đội Hình Cảnh. Trung Úy Văn Hữu Tuất, Biệt Đội Trưởng

- Đơn vị Tuần tra Hỗn Hợp. Đại Úy Đoàn Đích chỉ huy.

Trong 2 ngày nay đã có những vụ cướp giựt trên đường phố, và trộm cắp tài sản của nhiều gia đình đã chạy giặc vào Đà Nẵng. Để bảo vệ an ninh và tài sản của đồng bào, hai đơn vị trên phải phối hợp chặt chẽ, truy bắt hết bọn bất lương này, giao cho phòng Tư Pháp, đợi tình hình ổn định, lập thủ tục truy tố bọn chúng ra toà.

- Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt . Nỗ lực chính của Chiến dịch Bình Minh. Xử dụng 1200 nhân viên CSĐB, tăng cường 100 Cảnh Sát Dã Chiến yểm trợ, và 400 nhân viên Cảnh Sát Sắc Phục yểm trợ lục soát và lập biên bản theo đúng thủ tục luật pháp quy định. Lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Trương Công Ân Trưởng Phòng cảnh Sát Đặc Biệt.

Tôi lưu ý với các cấp chỉ huy hiện diện trong phiên họp:

Tình hình Huế mỗi giờ mỗi trầm trọng, cơ quan Tỉnh Ủy và Thị Ủy Việt Cộng sẽ phát động cuộc Tổng nổi dậy cướp chính quyền tại Huế bất cứ giờ nào, Kể từ ngày mai 6-5-1972, vì vậy chúng ta cần phải ra tay trước thật nhanh, mạnh mẽ và quyết liệt. Bất kỳ ai, dù họ là cấp nào, giới chức nào, tôn giáo hay phe phái nào, đã nằm trong danh sách đều phải bị bắt giữ. Tất cả phải được giải giao về trại tạm giam và trung tâm thẩm vấn. Trung Úy Hồng trại trưởng Tạm Giam và Trung Úy Nguyễn Thế Thông, Trung tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm vấn phối hợp lập hồ sơ thật nhanh, chờ phương tiện di chuyển họ ra Côn Sơn.

Tôi cũng tiên liệu rằng trong thời gian cuộc hành quân đang tiếp diễn, hoặc sau khi chấm dứt chúng ta sẽ gặp rất nhiều chống đối, bôi nhọ, vu khống của những phe phái đối lập, Tôn Giáo, và ngay cả những cơ sở Việt Cộng nằm trong cơ quan lập pháp của Chính Phủ VNCH, v.v. . . Mọi hậu quả, với tư cách là người chỉ huy, tôi nhận lãnh trách nhiệm. Vì vậy tôi đã ký khống chỉ gần 2000 lệnh bắt giữ, chốc nữa đây Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB sẽ giao cho anh em chỉ huy trưởng quận. Đây là lệnh của tôi, của Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên- Huế bằng bút ký lệnh, bằng giấy trắng mực đen, chứ không bằng khẩu lệnh, anh em yên tâm thi hành. Tôi chỉ xin anh em một điều duy nhất:

- Cũng như tôi, hãy đem danh dự, tuổi trẻ, và tâm hồn trong sáng của một sĩ quan Quân Lực VNCH, của một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, thi hành nghiêm chỉnh lệnh thượng cấp giao phó. Đừng đem tư thù, hoặc quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà vu khống, chụp mũ, bắt người vô tội. Nhớ kỹ: "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Gieo oan ức cho kẻ khác, cho dù anh em thuộc tôn giáo nào cũng phải tin rằng, nếu đời này ta không trả món món nợ oan nghiệt đó, thì đời sau con cháu chúng ta sẽ phải trả nặng gấp bội phần. Tôi nhắc lại:

- Bất kỳ cấp nào vi phạm những điều tôi vừa nêu trên, ngay lập tức sẽ bị câu lưu và truy tố ra toà.

- Ngày N cuả chiến dịch Binh Minh là ngày mai: 6-5-1972

- Giờ G là 6 giờ sáng. Một lực lượng Đặc nhiệm được thành lập để truy bắt Trung Tá Việt Cọng Hoàng Kim Loan gồm có:

20 nhân viên CSĐB

30 nhân viên CSDC yểm trợ tôi trực tiếp chỉ huy, Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB, Thiếu Úy Dương văn Sỏ trưởng ban Hoạt Vụ, phụ tá.

Giờ xuất phát cuả lực lượng đặc nhiệm là G -2 tức 4 giờ sáng ngày 6-5-1972. Sở dĩ tôi chọn 4 giờ sáng, 2 giờ trước chiến dịch Bình Minh khai diễn là để khỏi bị động, tên nầy có thể chạy thoát.

Phiên họp hành quân chấm dứt vào lúc 11 giờ 20 tối. Các Chỉ Huy truởng và phụ tá Đặc biệt lần luợt lên trực thăng trở về nhiệm sở.

Các đơn vị trưởng khác không cần điều động đơn vị đều đựơc giữ laị BCH, để khỏi bị tiết lộ tin tức hành quân. Tất cả đều dùng cơm khuya tại Câu lạc Bộ của BCH.


KẾT QUẢ:

- 4 giờ 54 phút sáng ngày 6-5-1972, Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, Thành Ủy viên Thành Ủy Huế, bị Lực Lượng Đặc Nhiệm BCH/ CSQG Thừa Thiên-Huế bắt sống tại Vỹ Dạ.

Diễn tiến hành động:

Từ nhiều ngày nay, các toán theo dõi đã bám sát mục tiêu Hoàng Kim Loan, và gần nhất ghi nhận:

- Ngày 2-5-1972 hắn di chuyển đến nhà tên Lê Vân, cở sở nội thành, nhà nằm trên khu thượng thành, gần cửa Thượng Tứ.

- Ngày 3-5-1972 di chuyển ra ở khách sạn Hương Bình ngay tại đường Trần Hưng Đaọ đối diện với vườn hoa Nguyễn Hoàng, đóng vai làm bồi phòng khách sạn. Khách sạn Hương Bình là cơ sở kinh tài của cơ quan Thành Ủy Huế.

- Ngày 4-5-1972, di chuyển đến tiệm ảnh Lê Quang cũng ở đường Trần Hưng Đaọ, tại đây còn có một hầm bí mật trong nhà.

- Sáng ngày 5-5-1972, Hoàng Kim Loan di chuyển đến nhà Lê Phước Á, giaó sư trường Trung Học Nguyễn Du, Lê phước Á có vợ là Huyền Tôn Nữ Kim Cương. Cả hai vợ chồng đều là cơ sở Trí Vận của Hoàng Kim Loan. Đây là địa điểm cuối cùng, hắn chọn nơi đây làm BCH điều khiển cuộc Tổng Nổi Dậy. Hắn là người Cộng Sản nên không tin vào tướng số, phong thủy, hắn đã chọn đúng tử địa chui vào, và gặp ngay khắc tinh của hắn là tôi, có lẽ số hắn đã tận.

Đúng 4 giờ sáng ngày 6-5-1972, Lực lượng Đặc Nhiệm xuất phát. Trước khi rời BCH tôi dặn Đại Úy Vinh là chỉ huy phó và Đại Úy Trần văn Trinh, Trung Tâm Trưỏng Trung Tâm Hành quân Cảnh Lực:

- Tôi và Ân đi đón khách quí, anh trực máy với tôi nhưng im lặng vô tuyến, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Chỉ 2 giờ sau chúng tôi trở về.

Đại Uý Trinh nói với giọng hơi lo lắng:

- Hai ông cẩn thận, lực lượng trừ bị của Đại Úy Tý đã sẵn sàng, có chuyện tôi gọi Tý điều động tiếp ứng ngay.

Ân lái, tôi ngồi bên cạnh, đoàn xe lặng lẽ rời khỏi BCH, trời vẫn còn tối. Khi đoàn xe đến Đập Đá tôi chợt nguớc nhìn phía Phu văn Lâu, bến Thương Bạc khu Hoàng Thành. Tất cả đều im lìm, mờ nhạt. Huế trong những ngày thanh bình giờ này đã có những chuyến đò dọc, xuôi nguợc trên giòng sông Hương, những chuyến đò chở đầy cát, sạn, từ huớng chùa Thiên Mụ, Nguyệt Biều, Luơng Quán xuôi về Bao Vinh, làng Sình, hoặc những chuyến đò đầy những thùng nước được lấy từ Điện Hòn Chén, chở về bán cho dân thành phố. Vào mùa hè giòng sông Huơng về phía tây thường bị nước mặn Thuận An tràn vào. Bây giờ Huế đang trong những ngày lửa đạn, chinh chiến, giờ này không một bóng đò xuôi ngược, giòng sông không một gợn sóng, lạnh lùng, âm thầm lặng lẽ trôi, giống như đời người dân Huế suốt đời an phận.

Tôi nhìn phía bên kia Đập Đá là thôn Hô Lâu, Thọ Lộc, nơi có Phủ của Ngài Đông Cung Anh Duệ Hoàng Thái Tử Cảnh, vị con trưởng của Vua Gia Long. Thuở nhỏ, anh em chúng tôi thường theo cha về Phủ trong những ngày kỵ giỗ, từ sáng tinh mơ đã có những chiếc đò nhỏ lưới cá trên dòng sông Hô Lâu, trước mặt Phủ, với giọng hò vang vọng giữa dòng sông mờ ảo: "Gió đưa cành trúc là đà. Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xuơng" nghe buồn lạ lùng. Nhưng giờ này, đi ngang qua đây, không còn nghe tiếng chuông Thiên Mụ, mà chỉ nghe tiếng đạn pháo từ Thiên Mụ vọng về, và ánh hoả châu chập chùng trên dòng sông Hô Lâu. Huế đang trong cơn binh lửa. Đoàn xe đi qua Đập Đá, Ân có vẽ trầm tư. Tôi hỏi Ân:

- Sao Ân, hồi hộp không?

- Có một tí Đại Úy.

- Không sao đâu, đừng lo. Mình sẽ tóm được hắn.

Câu nói, vừa an ủi Ân mà cũng vừa trấn an cho mình. Ân là một Sĩ Quan Cảnh Sát thứ thiệt, không phải là thứ đồ giả như tôi, biệt phái từ quân đội sang. Ân rời bỏ sân trường Đại Học Huế, chọn nghành CSQG. Xuất thân Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Biên tập viên khoá I. Là một sĩ quan trẻ, trầm tĩnh và mưu lược, dư khả năng chuyên môn và thừa sức để chỉ huy một lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt đông đảo gần 2000 nhân viên.

- 4 giờ 20 phút sáng ngày 6-5-1972, chỉ còn cách mục tiêu khoảng 300 mét, Ân giảm tốc độ, tắt đèn và đậu xe sát lề đường, các xe khác tuần tự theo sau tấp vào. Lực Lượng Đặc Nhiệm đổ quân, sẵn sàng xuất phát bao vây căn nhà.

Thôn Vỹ Dạ vào sáng sớm mùa hè 72, sương mù bao phủ, ánh sáng của những ngọn đèn đường không đủ soi lối đi, tầm nhìn hạn chế. Tôi nói Ân cho lệnh đơn vị di chuyển sát vào nhau để khỏi ngộ nhận, chúng tôi di chuyển thật nhanh đến mục tiêu.

- 4 giờ 30 phút sáng, chúng tôi đã đến cổng chính của ngôi nhà.

Theo kế hoạch: Toán 1 gồm 30 CSDC, 10 nhân viên CSĐB, lực lượng bao vây căn nhà, chận cửa trước và bít cửa sau, Thiếu úy Dương văn Sỏ Trưởng ban Hoạt Vụ, và Thiếu úy Trung đội trưởng trung đôi CSDC chỉ huy. Toán 2, nỗ lực chính, do tôi và Đại úy Ân chỉ huy gồm có 10 CSDC, và 9 nhân viên CSĐB. Nhiệm vụ của toán 2 là xông thẳng vào nhà bằng cửa chính. Đây là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong khu vườn rộng mênh mông, với những tàn cây nhãn lồng và cây vú sữa lâu đời che khuất. Từ cổng vào nhà là con đường đất với hai hàng cây hoa ngâu chạy dọc theo lối đi, mùa này, sáng tinh mơ hoa ngâu tỏa huơng thơm phảng phất nhẹ nhàng, có một ánh đèn nhỏ le lói sau tàn cây.

Rất nhanh, và không gây một tiếng động nào, lực lượng CSDC và CSĐB của Thiếu úy Sỏ đã âm thầm vây kín căn nhà. Tôi nói rất nhỏ với Ân:

- Bây giờ đến phiên mình xông vào cửa chính. Anh chọn 2 CSDC thật mạnh, đạp cửa chính. Tôi chạy truớc. Anh và anh em phía sau. Có thể bị bọn chúng bắn ra. Nếu ai bị đạn cứ để toán sau tiếp cứu, mình phải thật nhanh không cho hắn một cơ hội nào đào thoát, hoặc tự sát.

Mọi người sẵn sàng, tôi hướng dẫn chạy trước. Đoạn đường từ cổng chính vào nhà khoảng 150 mét, chúng tôi chạy đến đích tưởng chừng như chỉ mất một giây đồng hồ. Đến cửa chính tôi vừa lách người sang một bên, cánh cửa đã bị 2 nhân viên CSDC đạp mở tung.

Mười nòng súng M16 chĩa vào 3 người đang ngồi nơi chiếc bàn nhỏ với ba tách trà. Vì sự việc xảy quá nhanh, họ không kịp phản ứng. Thần kinh tê liệt, nỗi sợ hãi đã làm cho họ tê cứng, cấm khẩu, ngồì yên bất động giống như những vị sư đang ngồi thiền.

Ba người đó là:

Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, Lê Phước Á, giáo sư trường Trung học Nguyễn Du, Lê quang Nguyện, Nghị viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên (Chính quyền VNCH)

Tôi nhận ra ngay người ngồi giữa là Hoàng Kim Loan, vì đã nhiều lần nhìn mặt hắn qua các bức ảnh mà các toán theo dõi đã chụp lén được. Tôi tiến ngay đến trước mặt hắn và dùng đúng ngôn ngữ cuả bọn Việt Cộng:

- Chào Trung Tá Hoàng Kim Loan, Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế, tôi Đại Úy Liên Thành Trưởng Ty Công An Thừa Thiên-Huế. Cuộc chơi của mình chấm dứt ở đây. Ông thua rồi! Trong phút chốc, hắn lấy lại bình tĩnh và trả lời tôi:

- Ông lầm rồi Đại Úy Liên Thành. "Kẻ thua cuộc chính là ông, là đám Ngụy quân, Ngụy quyền các ông. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nữa đây, trong ngày hôm nay, quân Giải phóng và Quân Đôị Nhân Dân sẽ tiến vào thành phố. Nhân dân anh hùng Thừa Thiên-Huế sẽ Tổng nổi dậy lật đổ chính quyền bù nhìn các anh, chính quyền Cách Mạng sẽ thành lập. Hắn còn buông câu thơ con cóc cuả ông Hồ: Mỹ thua, Mỹ chạy về Mỹ. Ngụy thua Ngụy chạy về đâu? Đại Úy Liên Thành, ông buông súng đầu hàng đi, Chính quyền Cách Mạng sẽ khoan hồng cho ông".

Hắn vừa dứt câu, tôi cảm thấy tức ngực và chóng mặt, nổi giận đến tột độ. Nếu trong đời, cho tôi đuợc phép một lần, chỉ một lần thôi, tôi sẽ chọn lúc này bóp nguyên băng M18 đang cầm trên tay. Nhưng rất nhanh, tôi chế ngự được, bình thản trả lời hắn:

- Trung Tá Loan, bây giờ đã gần 5 giờ sáng. Ông cũng đã thức dậy từ lâu, sao còn mơ ngủ, mộng du vậy. Lực lượng Giải Phóng và quân đội Nhân Dân của các ông chẳng bao giờ tiến được nửa bước vào vòng đai ngoài của thành phố Huế. Bởi vì mặt trận phía bắc thành phố, các đại đơn vị của các ông đang bị các Sư Đoàn thiện chiến Nhảy Dù, TQLC, BĐQ/ QLVNCH chận đánh tan nát bên kia bờ sông Mỹ Chánh. Mặt trận phía Tây thành phố Huế, Sư Đoàn 324B, các trung đoàn 4, 5, 6 của các ông đang bị thiệt hại năng nề và không nhích đựơc một bước khi phải giao tranh với một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của quân lực VNCH, đó là Sư Đoàn I BB. Như vậy, ông còn gì để hy vọng lực lượng Giải Phóng, quân đội Nhân Dân sẽ vào thành phố Huế trong vài giờ nữa đây.

Nói về cuộc tổng nổi dậy sắp đến của ông và của đám nhân dân anh hùng Thừa Thiên - Huế, tôi cho ông biết sự thật ông lại càng thất vọng hơn nữa. Từ hơn 5 năm nay, hành tung của ông và đám cơ sở của ông đã bị lực luợng Công An Thưà Thiên- Huế cuả chúng tôi phát giác và theo dõi chặt chẽ. Mọi âm mưu, mọi hành động gây rối của ông, và đám cơ sở đó đã từng bị chúng tôi chận đứng. Bây giờ chỉ còn 30 phút nữa thôi, đúng 6 giờ sáng ngày hôm nay 6-5-1972, một cuộc hành quân rộng lớn khắp toàn tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã sẽ khai diễn để bắt giữ đám nhân dân anh hùng Thừa Thiên Huế của ông, đập tan cuộc Tổng nổi dậy. Các ông mang danh là lực lượng Giải Phóng, là quân đội Nhân Dân, sao lại đem hoả tiễn 130 ly, B40, Ak 47 chọn nhân dân làm mục tiêu để giải phóng, để chiến thắng cái mà ông gọi là Ngụy Quân, Ngụy Quyền, thật là hèn hạ.

Người dân Huế bây giờ hễ nghe đến quân Giải phóng, nghe đến Việt Cộng các ông là bỏ hết tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bồng bế con ù té chạy, chạy vắt chân lên cổ, chạy bá thở ù tai, để khỏi gặp các ông. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương tang tóc trong mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Các ông vào thành phố Huế là dân chết hàng loạt, họ chết oan chết ức, chết đứng, chết nằm, chết ngồi, chết trên bờ cây ngọn cỏ, chết trên đường lớn, đường nhỏ, chết trong hang cùng ngõ hẻm. Chính ông là thủ phạm giết hại hơn 5000 nạn nhân vô tội trong Tết Mậu Thân. Ông đã nhân danh Cách Mạng mở toà án Nhân Dân tại quận 1, 2, 3 trong thành phố Huế, xử bắn và chôn sống hàng ngàn người. Bản chất độc ác và thù hận của người Cộng Sản như ông thật quá lớn, ông đã gây oan nghiệt quá nhiều, sao không chiụ ngừng tay, bây giờ còn mưu toan tái diễn một Mậu Thân thứ 2.

Tôi xoay qua nói với tên Lê quang Nguyện:

- Ông Nghị viên, nếu tôi nhớ không lầm thì Đức Phật có dạy: "Buông dao xuống sẽ thành Phật", có đúng vậy không ông nghị viên? Sao Ông chưa chịu buông.

Hắn im lặng không trả lời. Lê Quang Nguyện là một tên Cộng Sản nằm vùng trong Phật Giáo Ấn Quang tại Huế đã từ bao nhiêu năm nay. Hắn nằm trong tổ Tôn giáo Vận của Hoàng Kim Loan. Điều oái oăm là hắn đắc cử chức Nghị Viên Hội Đồng tỉnh Thừa Thiên là do Phật Giáo Ấn Quang hổ trợ mạnh mẽ cho hắn trong kỳ bầu cử. Trở laị đấu lý với Hoàng Kim Loan:

- Bây giờ thì chắc ông đã tỉnh cơn mê . Ông chẳng còn gì để kêu gọi tôi buông súng đầu hàng, người thua trong cuộc chơi này chính là ông. Ông là gã lái buôn, buôn sinh mạng, và xương trắng máu đào cuả đồng bào vô tội, gã lái buôn đã kiệt vốn, ông còn gì nữa để mưu toan buôn bán lớn, ngừng tay đi.

Bây giờ tôi chứng minh cho ông thấy ai là người thua trong cuộc chơi này:

- Nhân danh luật pháp Quốc Gia Việt Nam Công Hoà, tôi Đại Úy Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, ra lệnh Đại Úy Trương Công Ân trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt BCH/CSQG Thừa Thiên Huế bắt:

-Trung Tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan

- Giáo Sư Lê Phưóc Á

- Lê Quang Nguyện, Nghị viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên .

Một nhân viên CSĐB rút còng số 8 định còng tay Hoàng Kim Loan nhưng tôi cản lại:

- Không cần thiết, cứ để ông ta ngồi thoải mái với xe Đại Uý Ân, có các anh ngồi cạnh là được rồi.

Thiếu úy Dương văn Sỏ nói nhỏ với tôi và Ân:

- Đã lục soát kỹ, tịch thu được một số tài liệu quan trọng.

- Anh nhớ lập biên bản soát nhà, đúng thủ tục, luật pháp, đưa chủ nhà ký vào để tránh rắc rối sau nầy. Tôi dặn Thiếu úy Sỏ:

Xoay qua Ân, tôi nói:

- Đấu lý với hắn đủ rồi, bây giờ mình rút. Nhớ để lại một toán nhỏ bám sát cơ sở cuả hắn đến họp sáng nay, hốt hết đem về Trung Tâm thẩm Vấn. Tên Hoàng Kim Loan anh đưa về nhà an toàn, lấy lời khai sơ khởi ngay. Hai tên kia giao cho anh Sỏ đem về giao cho Trung úy Nguyễn thế Thông, Trung tâm trưởng Trung tâm thẩm vấn. Tôi về BCH, hành quân Bình Minh sắp khai diễn, sắp xếp xong mọi việc tôi sẽ đến ngay nhà an toàn đổi phiên cho anh. Chúng tôi rời khỏi địa điểm vaò đúng 5 giờ 52 phút sáng ngày 6-5-1972, trả lại sự yên tĩnh cho ngôi nhà với ánh đèn le lói và một toán CSĐB phục kích bên trong. Về đến BCH đúng 6 giờ 10 phút sáng 6-5-1972, vừa thấy tôi xuất hiện tại ngưỡng cửa của TTHQ/ Cảnh Lực, mọi người đều túa ra vây quanh, Chỉ huy Phó Trương văn Vinh là người hỏi tôi đầu tiên:

- Sao rồi ông, được không?

Tôi làm ra bộ thất vọng, nhưng rồi nói lớn:

- Bắt được rồi, cá mập.

Mọi người cùng la to vang dội cả căn phòng. Tôi kể chi tiết cuộc đột kích và đấu lý với Hoàng Kim Loan, Phó Vinh nổi nóng:

- Sao ông không cho hắn một đạp.

Lần đầu tiên tôi thấy ông Phó nổi nóng, nên nói :

- Mình dân anh hùng mã thượng, đâu cần đạp người dưới ngựa.

Vinh cười, nụ cười hiền lành giống như ông thầy giáo, mà thầy giáo thiệt. Trước đây Vinh là giáo sư trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, bỏ nghề dạy học vào lực lượng CSQG, xuất thân Học Viện Cảnh Sát, Biên tập viên khoá I, cùng khoá với Ân. Là một người luôn luôn nói đến nguyên tắc và luật pháp, đang học luật tại Đại học Luật Khoa Huế, vì thế mọi việc trong BCH tôi rất yên tâm giao hết cho Vinh điều hành, kiểm soát, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Tư pháp, ngoại trừ phòng CSĐB. Đang nói chuyện với mọi người, thì Trinh trao cho tôi một ly café nóng, uống một tí café đã thấy tỉnh táo. Nhiều khi trong đời người, hạnh phúc không cần tìm kiếm đâu xa, mà hạnh phúc chỉ là ly càfe nhỏ mà đồng đội trao cho, là tiếng reo hò chiến thắng của anh em trong đơn vị.

Chiến dịch Bình Minh đã khai diễn gần 2 tiếng đồng hồ. Mọi hệ thống liên lạc truyền tin từ BCH các quận đến TTHQ/Cảnh lực Tỉnh, và từ tỉnh chuyển vào BCH/CSQG Quân khu I, và Trung tâm HQ/CL Bộ Tư lệnh CSQG tại Sàigòn, đều bận rộn vì chiến Dịch Bình Minh.

Sau khi dặn Vinh và Trinh báo cáo lên Đại Tá Tỉnh Trưởng, BCH/CSQG Vùng I và BTL/CSQG Sài gòn, kết quả sơ khởi của Chiến dịch Bình Minh và vụ bắt Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan, tôi rời BCH đến nhà an toàn thay Ân, bắt đầu vào việc với Hoàng Kim Loan...

1      2      3     4      5      6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét