Cũng vào những ngày này 10 năm về trước, báo chí lề phải,
đặc biệt là các tờ báo của ông tướng công an Hữu Ước bỗng xuất hiện loạt bài
đánh dữ dội tập Hồi ký của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh. Người ta đưa cho
nhau đọc những bài viết của Đặng Huy Giang (Bệnh thường tình mà nên tránh),
bài của Đỗ Hoàng (Một cuốn hồi ký lẫn nhiều sạn), bài
của Nguyễn Hữu Thắng (Về hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh – Tác giả SGK
văn học), của Thanh Trúc (Tâm sự đường đời hay nơi trút
hận). Đặc biệt người đọc thấy rất không bình thường khi đọc những
bài của Chu Giang - Nguyễn Văn Lưu (ông này chắc là người Thanh Hoá), với bài “Về hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” đăng trên Hồn Việt số
18 ra tháng 12/ 2008 và bài của Thượng Nguyên (ông này chắc chắn là dùng bút
danh) với bài “Chất độc hại trong một cuốn hồi ký”
đăng trên An ninh thế giới số 815 ra ngày thứ tư (10/12/2008.)
Có một điều không bình thường nữa là loạt bài kể trên không
hề vấp phải nỗ lực phản biện đáng kể nào trên các kênh thông tin chính thống
cũng như không chính thống. Phải chăng đã có một sự đồng thuận tuyệt đối với
các tác giả này? Theo tôi không phải như vậy.
Tôi nghĩ, đến nay về cơ bản xã hội Việt Nam vẫn chỉ là xã
hội bưng bít thông tin. Những gì mà báo đảng, đài đảng nói đến, mặc nhiên được
coi là chân lý, là quan điểm chính thống. Nhà báo, Nhà đài của đảng mà đã đánh
ai, chửi ai thì người đó thân bại, danh liệt và tàn đời là cái chắc. Người cầm
bút trong một xã hội như thế để an toàn cho bản thân buộc phải hạ mình làm kẻ
xu thời, bưng bô, minh hoạ cho người cầm quyền để lĩnh lương mà thôi.
Khi các nước cộng sản đông Âu lần lượt theo nhau chuẩn bị
xụp đổ, một giai đoạn ngắn người cầm bút trong nước được đảng cởi trói với lời
động viên của đảng trưởng Nguyễn Văn Linh làm nức lòng mọi người: “Hãy tự cứu trước khi trời cứu” và “Hãy nhìn thẳng vào sự thật, quyết không bẻ cong ngòi bút”.
Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu ngay lập tức đã ra lời tuyên bố “Hãy hát lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”
và lập tức văn đàn nước Việt sôi sục với những hiện tượng văn học đặc sắc gắn
liền với tên tuổi của những Nguyễn Huy Thiệp – Dương Thu Hương - Phùng Gia Lộc
– Tạ Duy Anh – Phạm Thị Hoài – Bảo Ninh… Nhưng than ôi! “Cuộc vui ngắn chẳng tày gang” ít lâu sau, người cầm bút
lại bị trói lại. Gần đây, để tránh từ minh hoạ, người ta nói đến một cái “Lề Phải” bắt buộc đối với mọi người. Trên cái “Lề Phải” chật hẹp đó chen chúc nhau là hơn 800 tờ
báo, tạp chí các loại là những “Hội nghề nghiệp”
mà có lúc người ta đã gọi là “Hội nhà đất” vì
các quan thì mải tranh nhau ghế nọ, ghế kia để được phân nhà, phân đất, còn
lính tráng hội viên… ngoài một thiểu số rất nhỏ giữ được phẩm chất kẻ sĩ, đa số
còn lại để sống được với nghề đành phải nhắm mắt mà thớ lợ, mà đổi trắng thay
đen, cúi mặt mà mưu sinh mà kiếm sống trong cảnh: “Chợ trời thật giả đâu chân lí / Hàng hoá lương tâm cũng thiếu
thừa!”
Trong bối cảnh như thế, những chiến sĩ an ninh cầm bút trong
đội quân đặc nhiệm của tướng quân Hữu Ước mặc sức tung hoành múa bút mà như múa
gươm, múa kiếm ở chốn không người, không có đối thủ. Người ta cũng đã quá quen
với những trận Boxing mà chỉ có một bên được tự do ra đòn còn người bên kia bị
trói chặt chân tay, bịt mắt và bịt mồm mà chịu trận. Trận Boxing giữa “Võ sĩ Thượng Nguyên” và cuốn Hồi kí của Nhà giáo Nhân
Dân Nguyễn Đăng Mạnh trên ANTG ngày 10/12/2008 là một trận so găng bất công như
vậy.
Trong bài đánh của mình, Thượng Nguyên lớn tiếng đòi nhà
giáo Nguyễn Đăng Mạnh phải trình làng đầy đủ băng ghi âm, ghi hình, đầy đủ các
loại chứng cớ này nọ làm cơ sở cho việc viết hồi ký của ông. Điều đó chỉ là
những đánh đố mà Thượng Nguyên đã cười khẩy khi biết rằng thầy Mạnh không thể
trưng ra được. Có những chi tiết để trưng ra được thì bà cụ thân sinh ra thầy
Mạnh phải sinh thành ra ông sớm hơn hàng chục năm trước. Đòi hỏi vô lý này của
Thượng Nguyên được thể hiện rất đậm nét ở phần viết có tiêu chí: “Xác định nguồn tài liệu để ông Mạnh viết chương này”,
tức là chương 7 của cuốn hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh – Chương viết về những hồi ức
liên quan đến đời tư của ông Hồ chí Minh. Hãy xem Thượng Nguyên nghĩ gì và viết
gì về truyện chứng cớ:
“Theo lời giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thể hiện trong cuốn hồi ký thì
toàn bộ nội dung chương này (chương 7- NTL), những chi tiết độc nhất, ác nhất, xấu nhất…nói
về Bác Hồ và những người dưới quyền và bảo vệ Bác Hồ thì hoàn toàn ông nghe
người ta kể. Mà những người kể đó không có một ai từng được sống gần cụ Hồ. Tỉ
như Vũ Thư Hiên (Một người lưu vong ở nước ngoài), Dương Thu Hương (Nữ văn sĩ
sinh năm 1947). Một vị giáo sư ở ĐHSP Hà Nội (Không nêu tên), rồi tới giáo sư
Ngô Thúc Lanh (Không nói rõ địa chỉ). Nhưng buồn cười ở chỗ ông Lanh lại nghe
ông Văn Tân kể cho người khác và truyền đạt lại.” (ANTG số 815-10/12/2008) (Hết trích)
Trong bài báo ngắn đó, 3 lần Thượng Nguyên giới thiệu mình
suốt đời làm công tác nghiên cứu mà lại không hề biết những nhân vật đã tiếp
xúc với ông Mạnh là ai. Thế thì Thượng Nguyên đã nghiên cứu cái gì? Những người
làm công tác nghiên cứu ở trang lứa 60, 70… trở lên, ai mà chẳng biết nhà văn
Vũ Thư Hiên hội viên Hội nhà văn Việt Nam là con lớn của cụ Vũ Đình Huỳnh
nguyên thư kí riêng của ông Hồ và nhiều năm cụ Huỳnh đã sống bên cạnh ông ấy.
Ai mà chả rành Dương Thu Hương là ai? Ai mà chẳng biết giáo sư Ngô Thúc Lanh,
nhà toán học nổi tiếng quê ở làng Gáo - Tảo Khê – Vân Đình - Ứng Hoà – Hà Tây
cũ. Ai chả rành Văn Tân là một học giả nổi tiếng về nhiều lĩnh vực. Ai trong
giới nghiên cứu mà trong đời chẳng một lần lật giở những trước tác, khảo cứu
của ông Văn Tân. Có lẽ chỉ có một mình nhà nghiên cứu Thượng Nguyên là không
biết những nhân vật nổi tiếng này.
Tôi không hiểu là một nhà nghiên cứu, ông Thượng Nguyên giao
tiếp với bạn bè theo kiểu cách gì mà ông lại dị ứng với cách giao tiếp của ông
Mạnh với mọi người như thế. Có thể Thượng Nguyên giao tiếp với ai xong là đến
màn trao cho nhau những những chứng cớ theo kiểu “ông đưa
chân giò bà thò chai rượu” cũng nên! Tôi nghĩ, nếu mọi giao tiếp
trong đời sống đều phải tuân thủ cái quy định thô thiển đó thì có lẽ chẳng ai
dám nói chuyện với ai.
Thượng Nguyên nói chương 7 trong hồi ký của ông Mạnh là
chương độc nhất, ác nhất và xấu nhất nói về Hồ Chí Minh và những người dưới
quyền ông, là người luôn cổ xuý cho một đời sống đa nguyên, tôi quan niệm đó là
quyền phát biểu ý kiến của Thượng Nguyên. Tôi cũng rất coi trọng ý kiến cho
rằng, chương 7 hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh là một chương hay về Hồ Chí Minh vì
chương này đã đem lại cho người đọc một hình ảnh lãnh tụ thật hơn, đời hơn và
nhân bản hơn. Thượng Nguyên viết:
“Cuối cùng là chính thức ông giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tận mắt thấy
Chủ Tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần. Đó là từ sau cách mạng tháng 8/1945, Bác Hồ
về thăm Bắc Ninh. Lúc đó ông NĐM dậy học cấp 2 ở trường Hàn Thuyên (trong khối
học sinh đứng vẫy cờ đón Bác). Lần thứ 2 vào khoảng 1961 khi Bác Hồ về thăm Nghệ
An. Lúc đó ông NĐM công tác ở ĐHSP Vinh. Như thế có nghĩa là 2 lần ông Mạnh tận
mắt nhìn thấy cụ Hồ, không liên quan gì tới những nội dung vớ vẩn, bậy bạ ông
thể hiện trong chương 7 này” (Hết trích)
Tôi không thể hiểu nổi nhà nghiên cứu Thượng Nguyên dựa vào
đâu mà tự đề ra quy định, muốn viết về ai thì phải sống với người đó. Xin hỏi
các ông đã từng có bài đánh giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh như: Nguyễn Văn Lưu, Đặng
Huy Giang, Nguyễn Hữu Thắng, Đỗ Hoàng và ngay cả Thượng Nguyên… vậy ai trong số
các quý vị đã từng sống với gia đình ông Mạnh mà nay các ông tung bút dữ dằn
đến thế? Để thêm phần thuyết phục, Thượng Nguyên hạ bút khoe:
“Bởi làm công tác nghiên cứu, tôi có may mắn được tiếp cận với
nhiều nguồn tài liệu. Đặc biệt là nguồn từ cơ quan tình báo, an ninh (chủ yếu
xâm nhập từ nước ngoài vào và quần chúng trong nước khi nhận được đã giao nộp
cho cơ quan an ninh). Tôi nhớ cách nay trên 10 năm, lục trong cái đống hổ lốn
tài liệu phản động ấy thống kê lại thấy có tới mười mấy %(?) là tài liệu mà kẻ
địch và phần tử xấu tập trung đả kích, bôi nhọ uy tín lãnh tụ Hồ Chí Minh mà
trong đó một số bản có những chi tiết giống như trong chương 7 của hồi ký NĐM.
Hồi đó, tôi nghe nói (Lại là tôi nghe nói!? – NTL) các cơ quan chức năng đã tiến hành
truy tìm nguồn gốc tài liệu này, nhưng không rõ kết quả ra sao?”(ThượngNguyên báo đã dẫn).
Tôi nghĩ, nếu quả thật có một nhà nghiên cứu Thượng Nguyên
thật thì đó cũng chỉ là một nhà nghiên cứu kiểu thầy bói sờ…voi mà thôi. Chẳng
có một nhà nghiên cứu nào mà lại có phương pháp luận nghiên cứu là “Tôi nghe nói…” để rồi viết ra những dòng chữ cực kỳ
vô trách nhiệm với người được nghiên cứu, mà đối tượng được nghiên cứu ở đây
lại là một giáo sư nổi tiếng. Thượng Nguyên lớn tiếng chỉ trích ông Mạnh là “Đồ hóng hớt”, là “Nghe hơi nồi chõ”
thì với đoạn trích trên, Thượng Nguyên cũng bộc lộ mình cũng rứa! Đặc biệt tệ
hại là Thượng Nguyên buông thõng một kết luận hết sức phản cảm: “Không rõ kết quả ra sao…!?”. Rất may, có lẽ Thượng
Nguyên chỉ là một nhà nghiên cứu cấp Phường chứ Thượng Nguyên mà ngồi ghế chánh
toà thì vô khối lương dân phải chết oan vì ông.
Cùng với những phát triển như vũ bão của cách mạng KHKT, đặc
biệt là những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, trong một thế giới hội
nhập, nhân loại của thế kỷ 21 đang hồ hởi, vùng vẫy để bước ra khỏi những định
kiến chính trị đầy kìm hãm, thoát khỏi các loại vỏ kén chính trị đầy giáo điều
gò bó để khẳng định tầm vóc đích thực của mình, của dân tộc mình, quốc gia mình
thì Thượng Nguyên lại tỏ ra thích thú giới thiệu mình như sứ giả của một thời
mông muội:
“Bao năm làm cái nghề nghiên cứu, chỉ quen đọc tài liệu có sẵn do
người ta chuyển tới, ngồi phân loại rồi đọc, thành ra cái khoản mạng mung kể
như mù tịt(!?)”.
(Hết trích)
Theo Thượng Nguyên kể, cuối cùng nhờ được một thằng cháu nào
đó làm tin học, nó truy cập hộ cho để Thượng Nguyên nghiền 302 trang “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” chỉ trong một đêm là xong
béng, lại có chương, có đoạn Thượng Nguyên nói phải đọc tới 2 lần! Tôi nghĩ
Thượng Nguyên bịa quá dở. Một cuốn sách viết về cả một đời đi học, dậy học,
viết văn của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh mà Thượng
Nguyên chỉ lườm nguýt có một đêm lại đọc trên máy tính rất khó đọc thì đây thực
sự là một kỉ lục mà không một Blogger nào có thể phá được.
Tôi nghĩ, Thượng Nguyên chưa đọc hồi ký NĐM, ông ta chỉ nghe
người ta kể lại rồi đặt hàng để ông ta viết bài đánh mà thôi. Thượng Nguyên lý
giải thế nào về hiện tượng ông Nguyễn Đăng Mạnh viết chữ “Tắc” thì Thượng Nguyên lại luận ra là chữ “Tộ” sau đây: Trang 121 ông Nguyễn Đăng Mạnh viết trong
hồi ký của ông:
“Tôi được tận mắt thấy Hồ Chí Minh 2 lần. Lần thứ nhất sau cách
mạng tháng 8. Sau cuộc khởi nghĩa tháng tám 1945 bố tôi đưa cả gia đình về Thị
xã Bắc Ninh. Tôi tiếp tục học cấp 2 ở Trường Hàn Thuyên…” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Nhà nghiên cứu Thượng Nguyên lại luận ra là: “Cuối cùng chính thức ông Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tận mắt thấy Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ có 2 lần. Đó là từ sau cách mạnh tháng 8 năm 1945. Bác Hồ
về thăm Bắc Ninh. Lúc đó ông Nguyễn Đăng Mạnh dậy học cấp 2 ở Trường Hàn Thuyên
(!?) (ANTG số 815- Thượng Nguyên).
Thế mà Thượng Nguyên hối hả đi đến kết luận: “BIỆN PHÁP XỬ LÝ NÀO TRƯỚC SỰ VIỆC TRÊN?”
Thưa các đồng nghiệp! Thưa các thầy cô giáo dậy văn trên
nhiều vùng đất nước đã từng thụ nghiệp từ thầy Nguyễn Đăng Mạnh! Thưa các Thạc
Sĩ, các Tiến Sĩ văn chương đã từng được Thầy Mạnh dìu dắt! Các vị nghĩ gì về
những dòng chữ mà nhà nghiên cứu Thượng Nguyên đã viết về người thầy của các
quý vị? Phần tôi, tôi nghĩ chỉ có những kẻ chuyên sài bằng giả và cả đời kiếm
sống bằng nghề bưng bô mới viết lên những dòng chữ bố láo như thế này:
“Một nhà giáo Nhân Dân, một giáo sư văn chương, Giải thưởng nhà
nước về Văn Học - Nghệ Thuật đã từng vang bóng một thời. Theo thiển ý của tôi,
để thanh thản quãng đời còn lại, tốt nhất là ông nên trả lại những gì người ta
đã dành cho ông (Học hàm, Học vị, Danh hiệu, Giải thưởng…) ẵm nó làm gì để
trong lòng canh cánh bao nỗi hận. Và nếu có thể hãy tìm đến một nơi nào đó trên
hành tinh này, mà ở nơi đó người ta có thể ban thưởng cao hơn, xứng tầm với trí
tuệ của ông” (Báo
đã dẫn) Tôi linh cảm thấy hình như chẳng có một Thượng Nguyên bằng xương bằng
thịt nào hết, Thượng Nguyên ở đây là một nhóm người có văn hóa của những kẻ
chuyên sài bằng giả mà thôi.
Trong một bài viết khác, có nội dung tương tự nhưng của tác
giả Nguyễn Văn Lưu, Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh lại phải chịu những đòn đánh “Quỷ khóc - Thần sầu” kiểu khác. Nguyễn Văn Lưu chê
Nguyễn đăng Mạnh là trịch thượng là không hiểu gì về tiếng Việt khi ông Mạnh
gọi Stalin (Đại nguyên soái quân đội Xô viết, Nhà lãnh đạo Liên bang Xô Viết),
Churchil (Thủ tướng Anh), Roosevelt (Tổng thống Hoa Kì) là “3 tay này…”!?.Tôi không hiểu người dân Anh, dân Mỹ
họ kính yêu Thủ tướng, Tổng thống của họ theo kiểu cách gì? Không biết họ có
tung hô các ông này như người Việt Nam tung hô Bác Hồ của người Việt Nam không?
Tôi biết chỉ có ông Tố Hữu có câu thơ tung hô ông Stalin đã làm người Việt Nam
có tự trọng nào cũng rất ngượng: “…Tiếng đầu đời con gọi Stalin!”
.Tôi e rằng, ông Lưu sẽ mắng ông Tố Hữu: Gọi như thế cũng là trịch thượng, phải
gọi là: “…Tiếng đầu đời con gọi bác Stalin!” mới là đúng
tiếng Việt!
Thưa nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Lưu, ông thần đồng Trần
Đăng Khoa lúc 9 – 10 tuổi viết về Tổng thống Mĩ còn sách mé, trịch thượng hơn
ông Nguyễn Đăng Mạnh nhiều, ông Khoa viết: “...ngu xuẩn nhất nhì là Tổng
Thống Mỹ!” sao không thấy ông nổi đoá lên! Cứ theo cái logic
kính yêu & sự sành sỏi về tiếng Việt của ông thì từ nay dân Việt sẽ phải
gọi các bậc Tiên Đế của mình gắn liền với những tiền tố, tiếp đầu ngữ gì…thì
mới là đúng tiếng Việt? Tôi không phải là NHÀ, là LỀU gì, tôi thất vọng về
chuyện này quá. Chẳng lẽ văn đàn nước Việt đã tàn mạt đến mức, giờ đây các NHÀ
chỉ chăm chú vào những chuyện vớ vẩn như thế để bắt bẻ nhau cho qua ngày đoạn
tháng hay sao? Dựa trên những bắt bẻ về từ ngữ, Nguyễn Văn Lưu đã vội quy kết
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh là trịch thượng và không am tường tiếng Việt!? (Còn
nữa)
Đón đọc: Phần II - “Suy nghĩ về “Mặt
Trời” trong lăng Ba Đình”
Đọc chương 7 - Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh... suy nghĩ về "mặt
trời đỏ" trong lăng Ba Đình
Mười năm trước 2008, tất cả những Dư Luận Viên có bài đánh
Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, họ đều giống nhau ở việc luôn luôn phải tự trấn an
mình bằng một tín điều mang tính hoang tưởng và hoàn toàn không có giá trị
thuyết phục: “Sở dĩ Việt Nam không bị sụp đổ như các
quốc gia cộng sản Đông Âu là nhờ Việt Nam bám vào được cái phao tư tưởng Hồ Chí
Minh”.
Tôi nghĩ tất cả họ đã nhầm và hiểu về Hồ Chí Minh như thế là
quá lệch lạc. Bởi vì chính Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi không có tư tưởng gì sất, tất cả đã có Stalin và Mao trạch
Đông nghĩ ra cả rồi”. Nếu DLV Thượng Nguyên viết là “…nhờ vào cái phao ĐỨC HẠNH của Hồ Chí Minh” có vẻ
êm tai hơn vì dân ta từ 1945 dường như đã bội thực vì phải nghe “Lời xưng tụng muôn thuở” như thế rồi.
Vậy đâu là nguyên nhân xuất hiện trong hồi ký không chỉ của
giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh… những thông tin lạ về đời tư của Hồ Chí Minh? Tôi
nghĩ trừ những người luôn dị ứng với kiến thức, với thông tin đa chiều thì ai
mà chẳng biết, nếu Liên Xô thành trì của quốc tế cộng sản vẫn còn bền vững thì
chắc chắn chưa có vấn đề gì làm đảng cộng sản Việt Nam phải lo âu. Rất đáng
tiếc, sau khi LBCHXHCN Xô Viết tan vỡ, kho tài liệu của quốc tế cộng sản do cơ
quan KGB của Liên Bang Xô Viết quản lý đã được giải mật, thế là từ đó trở đi
mới lắm chuyện bất ngờ! (KGB là cơ quan an ninh Xô Viết,
tiền thân của nó là Trê ka – NTL). Độc giả trong nước đâu đã
quên sự kiện bà Vũ Kim Hạnh Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ trực thuộc Thành Đoàn
Thành Phố Hồ Chí Minh vào những năm đầu thập kỷ 1990 đúng vào thời kỳ mà thầy
Mạnh viết hồi ký, bà này đã bị huyền chức vì dại dột đăng bài báo lấy tin từ
những thông tin được giải mật của KGB có nội dung “Thư Bác Hồ gửi vợ!”.
Nguồn thứ 2 làm xuất hiện những thông tin về đời tư của
Nguyễn Ái Quốc những ngày ông còn lưu lạc nơi đất khách, lại chính là những
người cộng sản Trung Quốc. Nếu không có những đồng chí Trung Quốc như bà vợ của
cố thủ tướng Chu Ân Lai, như ông Hoàng Tranh một quan chức thuộc ngành bảo tàng
của Trung Quốc thì làm sao người Việt Nam hôm nay biết được Nguyễn Ái Quốc đã
từng có vợ và ông đã nhẫn tâm bỏ rơi người bạn đời đó là Bà Tăng Tuyết Minh một
nữ chiến sĩ trong Bát lộ quân Trung Quốc!
Bà Tăng Tuyết Minh lúc về già. Trên tường vẫn
treo ảnh HCM
Do sự bùng nổ thông tin toàn cầu internet mà những thông tin
về đời tư, đời thường của Hồ Chí Minh kể trên đã lan tràn khắp mọi nơi mọi nẻo
mà không thể có một phương cách nào có thể ngăn chặn nổi. Giờ đây chỉ cần vài 3
thao tác nhấn chuột vào Google, vào tìm kiếm… là người ta có quyền đối diện với
biết bao đề tài được coi là cấm kị.
Với tôi, mọi thông tin mà tôi tiếp nhận được từ mọi nguồn
chính thống và cả bị coi là không chính thống như tranh ảnh, sách báo, viết về
những truyện này nọ trong đời tư của Hồ Chí Minh… kể cả những cuộc rước đuốc
lửa Hồ Chí Minh từ làng Sen toả ra khắp cả nước, tổ chức rỉnh rảng từ nhiều
chục năm trước đến những cuộc vận động học tập làm theo đạo đức Hồ Chí Minh,
những cuộc thi kể chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh diễn ra rất mùi mẫn và tốn kém,
đặc biệt vài năm gần đây các tỉnh kể cả những tỉnh còn đói nghèo nô nức theo
nhau xây dựng quảng trường HCM, tượng đài HCM tốn kém hàng ngàn tỉ VND… đều
không mảy may áp đặt được trong tôi một thức giả định phủ nhận truyền thống dân
tộc rằng, “Nếu không có Hồ Chí Minh thì dân tộc Việt Nam
đời đời phải sống kiếp Ngựa Trâu”. Theo tôi…
Trước hết, ông Hồ cũng chỉ là con người của trần gian. Ông
Hồ đã xuất hiện vào những thời điểm rất ngặt nghèo của lịch sử dân tộc. Rất
nhiều các biến cố chính trị ở Việt Nam trong già nửa đầu thế kỷ 20 liên quan
đến những hoạt động của ông. Rất nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay vẫn còn bị
chi phối bởi những ảnh hưởng của ông.
Là con người của trần gian, Hồ Chí Minh có cha, có mẹ, có
anh, có chị và những người thân yêu khác, âu cũng là chuyện bình thường. Đã là
con người của trần gian, lại là con người chính trị ai mà chẳng có điều hay,
điều dở, điều thành công, điều thất bại. Ai mà thoát khỏi được những cám dỗ hết
sức đời thường. Ai có thể tránh được những thị phi có thể đến từ mọi nơi, mọi
lúc và mọi phía.
Là một nhân vật của lịch sử, Hồ Chí Minh có quyền có những
chuyện… khó nói, nhưng cũng là rất con người mà các vĩ nhân cùng lứa như Mao,
các chính khách lớn thuộc lớp hậu thế như Lê Duẩn, Tổng Thống Mĩ Kennedy, Bill
Clinton, Tổng Thống Pháp Mitterrand, Tổng Thống Nga Putin, Tổng Thống Nam Phi
Nelson Mandela… đã từng có. Hồ Chí Minh nếu được nhìn nhận như thế, thì hình
ảnh ông càng thật hơn, dễ thuyết phục hơn, nhân văn hơn trong con mắt của người
đời.
Các tác giả có bài đánh Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, họ muốn thể
hiện mình là những DLV mẫn cán với thông điệp kết tội thầy Mạnh viết chương 7
là nhằm bác bỏ tín điều “Hồ Chí Minh cả một đời vì nước
vì dân”. Thế sao họ lại giả điếc, giả mù, im thin thít tỏ ra không
biết gì về việc, từ nhiều năm nay những kẻ mà ĐCS Việt Nam tôn thờ là “4 tốt và 16 chữ vàng” đã cho lan truyền câu chuyện
Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành người ở Kim Liên - Nam Đàn – Nghệ An đã chết
vì lao phổi trong nhà tù ở Hương Cảng từ 1932 và tháng 11 – 2008, nhà xuất bản
Bạch Tượng – Trung Hoa dân quốc lại tung ra cuốn sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của sử gia Hồ Tuấn Hùng
với thông tin kinh thiên động địa: “MẶT TRỜI ĐỎ”
trong lăng Ba Đình là một người đàn ông dân tộc Hẹ thuộc Đài Loan có tên là Hồ
Tập Chương. Gần đây hơn, báo chí chính thống của họ lại tung ra thông tin nữa không
thể kiểm chứng được là “CHA GIÀ DÂN TỘC”
trong lăng Ba Đình lúc này lại là Thiếu Tá Hồ Quang của bát lộ quân Trung
Quốc.
(Thiếu Tá Hồ Quang – Quân giải phóng nhân dân
Trung Quốc)
Thực ra không phải người Việt Nam nào cũng tin những thông
tin không thể kiểm chứng kể trên là có thật. Nhưng… nếu nhìn vào bản đồ hiện
diện của Trung Quốc trên khắp lãnh thổ Việt Nam lúc này, ai ai cũng phải giật
mình khi thấy từ trong đất liền đến ngoài biển đảo, Việt Nam như đã chết cứng
trong quỹ đạo phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây chỉ là góc nhìn trực giác hữu
hình trên bản đồ, còn sự lệ thuộc vô hình về tư tưởng, về kinh tế, văn hóa,
chính trị… không phải người nào cũng cảm nhận được. Buồn thay! Không ít người
Việt Nam kể cả trí thức đối diện với hiện tượng này… vẫn vô tư “Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ…”.
Cũng là bình thường thôi khi không ít người đã chạnh lòng
liên tưởng đến những điệp vụ đóng thế đó đã thành công ở mức hoàn hảo. Hình như
sự kiện này không bị nhà nước cộng sản Việt Nam quyết liệt bác bỏ, triệt để phủ
nhận, nên có thể nói, không thể cấm được nhiều người nghĩ đây là một chiến công
tình báo độc nhất vô nhị, chưa từng có trong lịch sử tình báo quốc tế và đương
nhiên đó là điều đại vô phúc, đại bất hạnh cho dân tộc Việt Nam.
Đối diện với những hung tin động trời đất này, nhà nước cộng
sản Việt Nam không đủ niềm tin và sự can đảm để công khai thực hiện trước toàn
dân một Test ADN dành cho “Mặt Trời Đỏ”
trong lăng Ba Đình…Lúc này trắc nghiệm đó hoàn toàn khả thi và cần thiết để dập
tắt hung tin đó. Không hiểu vì sao họ lại âm thầm chọn đối pháp phớt lờ không
quan tâm, nhưng trong thẳm sâu vì quá sợ hãi, họ đang loay hoay chống đỡ một
cách lúng túng, đối phó lặt vặt, biện giải luẩn quẩn, né tránh không dám đối
diện với hiện thực sẽ mãi mãi chỉ là sự bế tắc mà thôi. Thái độ đó có khác gì
Lạc Đà vùi đầu vào đống cát để khỏi phải nhìn thấy bão táp sa mạc mới chớm nổi
lên ở phía đường chân trời.
Đến nay, BÊN THẮNG CUỘC vì thiếu tự tin và bạc nhược nên vẫn
tiếp tục bắt Hồ Chí Minh phải sắm vai là một ông Thánh, đưa tượng ông vào trong
chùa để thờ cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni, để họ ẩn nấp và nương cậy, lấy “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” làm một trụ đỡ
quan trọng để nâng đỡ chế độ. Trong khi đó BÊN THUA CUỘC lại thẳng thừng coi Hồ
Chí Minh là cội nguồn của những bất hạnh. Chính vì vậy mà họ đã dành cho Hồ Chí
Minh những lời mạ lị, thóa mạ ông một cách cũng dung tục nhất và họ chọn việc
đánh xập thần tượng Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết để giải thể chế độ cộng
sản.
Thế là dù cho ở bên nào thì Hồ Chí Minh cũng là một nạn nhân
đau khổ của những toan tính chính trị không chính danh, không thể hòa hợp. Cuộc
đời ông Hồ lúc sinh thời đã là cả một bi kịch lớn, khi giã từ trần thế ông tiếp
tục là một vong linh bị đọa đầy không có đường siêu thoát.
Mười năm về trước, những DLV có bài đánh hồi ký của thầy
Nguyễn Đăng Mạnh…họ chỉ là những văn nô bồi bút tận tụy trong thân phận của
những con Cừu chỉ biết đi đứng theo lề và véo von những gì mà các “ĐỈNH CAO TRÍ
TUỆ” mớm cho. Họ hoàn toàn chưa thích nghi được, chưa hoà nhập được với một thế
giới đã “phẳng” đi rất nhiều so với vài thập kỷ trước. Giờ
đây chẳng cần phải tinh tường gì, người đọc bình thường nào cũng dễ thấy, chỉ
với vài động tác nhấn chuột là mọi sự thật lồ lộ được phơi bầy, không một cố
gắng nào có thể che đậy nổi.
Lời cuối
Hoàn toàn đủ cơ sở để nói, những cuộc “Bề hội đồng” dành cho “Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh” 10 năm trước không phải là
phê bình tranh luận học thuật gì hết. Đây chỉ là sự mượn cớ, mượn danh để “Lập công…”, để “Kiếm Ăn…”, để “Ân oán…”, để “Thanh toán nợ nần…”
theo cách hành xử của những người cầm bút thì yếu kém, còn cầm gậy gộc và tiền
thì rất giỏi. Giá như tôi thấy được chữ ký của những Nguyễn Văn Lưu, Thượng
Nguyên, Đỗ Hoàng, Nguyễn Hữu Thắng, Thanh Trúc, Đặng Huy Giang…trong các kiến
nghị của giới trí thức, văn nghệ sĩ về các vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề
yêu cầu ngừng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vấn đề chống quốc nạn tham nhũng,
vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, vấn đề chủ quyền Biển - Đảo của
Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép, vấn đề môi trường đang bị ô nhiễm, đạo đức
xã hội bị suy đồi…thì tôi tâm phục khẩu phục các vị lắm lắm.
Nhưng than ôi! Năm đó trong Kiến Nghị về Bauxite của nhóm
Huệ Chi, thầy Mạnh là người có chữ ký rất sớm, còn tất cả các ông có tên ở trên
đều cúi mặt ẩn nấp hết. Cũng thông cảm cho các ông thôi vì cái khoản “Đánh ai và không dám đánh ai”, những toan tính “Được gì?”, “Mất gì?” và sẵn
sàng ngồi xổm lên tất cả là quyền của các ông thôi.
Nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Đăng
Mạnh mới vĩnh biệt thế giới này, một thế giới đang bị lấp đầy là những ô trọc.
Ông buông bỏ tất cả, lượng thứ tất cả để đi tìm những Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh
Châu, Hoàng Ngọc Hiến…những người đã trọn đời vác trên lưng mình cây “Thánh Giá” của thái độ sống trung thực.
Hôm nay, trong đoàn người lặng lẽ tiễn đưa người thầy kính
mến về miền an lạc…có tôi, một kẻ vô danh tiểu tốt, không có cơ may được làm
học trò trực tiếp của Thầy Mạnh. Nhưng ngót 30 năm về trước, trong những ngày
ngắn ngủi xã hội Việt Nam được ĐCS cởi trói, nhiều lần tôi đã được kiến diện
con người khả kính đó trong những lần thầy về trường tôi Cấp 3 Thanh Oai A – Hà
Tây để nói chuyện đời và chuyện làng Văn. Tôi vô cùng ngưỡng mộ văn tài, bút
lực và vượt lên trên tất cả là nhân cách dũng cảm, trung thực sáng trong của
thầy Nguyễn Đăng Mạnh và cũng từ đó khát vọng dấn thân mà tôi nhận được từ
thầy, vụt cháy và cháy mãi trong tôi đến tận bây giờ.
Đất nước này sẽ khác hẳn, một khi Trí Thức Việt Nam ai ai
cũng dám sống như thầy Nguyễn Đăng Mạnh, dám trút bỏ mọi nỗi sợ hãi để cháy
trong mình khát vọng làm thay đổi xã hội theo chiều hướng văn minh và tiến bộ,
ai ai cũng sẵn sàng ghé vai cùng chung vác “CÂY THÁNH GIÁ”
của lòng trung thực.
Buồn thay! Hôm nay trên đất nước đau khổ và bất hạnh này,
chỉ riêng ngày 1 – 2 – 2018, người ta đã công nhận thêm 1200 Giáo Sư, Phó giáo
sư, nâng con số GS – PGS cả nước lên gần 9000 người, nhưng những trí thức hiếm
hoi như thầy Nguyễn Đăng Mạnh, đếm được không quá một bàn tay. Hiện tượng không
bình thường này càng khẳng định nhận định của nữ nhà văn bất đồng chính kiến
Dương Thu Hương ngày nào “Trí thức đời nay còn lâu mới
vịn được vào vai các bậc Sĩ Phu – Thức Giả đời trước về mặt tiết tháo.”…
là hoàn toàn đúng.
Hết
Trừ Tịch Đinh Dậu 2017
Hà Đông 2 - 2018
Nguyễn Thượng Long
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD-ĐT Hoà Bình-Hà Tây
- Nơi ở: Số nhà 4 – ngách 12 – ngõ 102 – Đường Văn la – Hà
Đông – Hà Nội. - ĐT: 0433521066 & 01652323836
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét