Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

HỒI KÝ GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ CỦA NHÃ CA - KỲ CUỐI

NHÃ CA

1      2      3           5


9 - CON CHÓ GIỮA DÒNG

Chỉ một đêm ngủ dậy, sáng ra, đường sá bỗng náo nhiệt hẳn. Lính từ dưới Phú Bài theo quốc lộ 1 lên nhiều lắm. Họ đi bộ và vẫn cứ đi dọc từng người, đeo ba lô. Họ vừa đi vừa nhìn xung quanh, hai bên đường, và mỉm cười chào những người đang đứng nhìn theo họ. Không biết dự trữ từ bao giờ mà một bà già đã bày một rổ giá đựng thuốc lá ra bán ở góc nghẹo Ðường Nay. Vài anh lính dừng lại:

- Mẹ bán cho con một gói Ru by đi mẹ.


- Các anh muốn gói mô cứ lấy. Tui có biết Ru by là thuốc chi mô.
Một giọng hỏi:

- Vậy thuốc đâu mà mẹ bán vậy mẹ?

- Há? Thuốc mô há? Thì tui tản cư về đây, tui thấy người ta bỏ lại có cái giá bán thuốc ni dưới gầm giường. Thấy mấy anh đi qua, tui bày ra bán kiếm ăn.

- Mẹ lấy bao nhiêu?

- Biết chi mô. Mấy cũng được.

Người lính móc ví lấy ra tờ giấy hai trăm đưa hết cho bà già. Bà ta ngẩn ngơ:

- Nhiều ri! Mấy chục mà.

- Mẹ cầm hết mà tiêu.

- Khôn, khôn. Mấy anh đi đánh giặc, cầm lấy mà mua thức ăn. Tui biếu không đó...

Vài người dừng lại, họ vất ra một trăm, hai trăm lấy thuốc. Chỉ một lát, thuốc lá hết sạch. Bà già cầm một nắm tiền toàn giấy trăm chạy theo mấy anh lính:

- Mấy anh ui, tui không lấy tiền. Cho chi mà diều ri nì...

Mấy cái đầu quay lại, cười:

- Mẹ giữ mà mua thức ăn. Tụi con biết sống chết ra sao.

- Ði tới đầu đạn mà mẹ.

- Chúc mẹ may mắn...

Ðoàn đi trước đã bỏ bà già quá xa, đoàn lính sau tiếp tục đi đến, thấy một bà già vừa chạy vừa kêu, không hiểu chuyện gì. Họ lại móc trong ba lô ra những đồ hộp nhỏ, liệng tới chân bà già:

- Bà đói hả? Ðây, cầm lấy mà ăn.

- Bà còn con cái chi không?

Nhiều tiếng thăm hỏi. Nhiều hộp nhỏ rơi tới chân bà. Bà chưa kịp nhặt thì có mấy đứa trẻ con ở đâu chạy ra nhặt hết. Mấy anh lính nạt đùa:

- Ê nhường cho người già cả với tụi bây.

Bọn trẻ ù té chạy. Mấy cái hộp được trao tận tay bà già. Vài anh ân cần:

- Thôi bà trở về nhà đi, đừng chạy theo mà nguy hiểm lắm.

Ðoàn lính lại tiếp tục đi. Thái và tôi đứng ngóng xem có đoàn người nào tản cư về không. Nhưng chắc thấy lính Mỹ lên nhiều quá, họ không dám đi nữa. Má tôi rối rít giục làm hầm, bà quên là chúng tôi chưa có một bao cát nào. Ðoàn lính đi tới gần trưa mới hết. Chúng tôi yên tâm dọn ra bàn ăn. Lâu lắm mới có một bữa ăn đàng hoàng như thế. Dưới mợ Giáo vẫn tiếp tế thức ăn lên đều đều. Hôm nay chúng tôi có món thịt kho với đu đủ sống. Dì Vạn hà tiện thức ăn, kho thiệt mặn, nhưng chúng tôi ăn vẫn thấy ngon như thường. Má tôi hỏi thăm ở trên Từ Ðàm ăn uống ra sao thì Hà nói nhờ có ông Minh nên ăn uống sướng lắm. Ôn đi về là có thịt có rau. Nhưng mấy hôm nay đánh nhau quá, ông bận đi tải thương, nhà lại hết thức ăn, mấy đứa nhỏ đã bắt đầu khóc.

Ăn cơm xong, Thái đi bộ xuống tận Mù U, nghe nói dưới này có họp chợ. Nhưng chỉ mới tới Trường Bia thì đã bị lính đuổi lên.

Ông Minh giữ đúng lời hứa, ông về lại thật. Ăn cơm xong, chúng tôi sửa soạn nghỉ trưa thì ông dắt xe đạp vào sân. Cả nhà ùa ra đón ông vào nhà:

- Sao ôn, tụi trên nớ răng?

- Yên hết, không răng hết. Thầy Lễ nghe tìm được ra bác với cả nhà, thầy mừng lắm.

Hà lăng xăng:

- Con lên với ôn. Ðường ra răng ôn?

- Thì vẫn đi ngả núi. Bắn nhau quá chừng. Tao phải cột hai vạt áo lên vác xe mà chạy.

Hà có vẻ hứng khởi:

- Con đi với. Con sửa soạn đi với ôn nghe má.

Má tôi lo lắng:

- Liệu đi được không con?

- Ðược, được mà.

- Rứa răng Lễ nó chưa về?

- Ði được là người tay không chân rời, chớ nó vợ con đùm đề, lại con Hy bị thương mần răng mà đi.

Rồi ông nói tiếp:

- Hà sửa soạn đi. Vân rót cho ôn chút nước.

Dì Vạn hỏi:

- Ôn có đem gạo theo phát không?

- Có chớ. Có cái túi đó.

Hà đã sửa soạn xong, nó dắt xe đạp ra rồi cùng với ôn Minh đi lên Từ Ðàm. Má tôi lấy một ít thức ăn bắt Hà đem lên trên đó. Hà nói tối về thế nào cũng có bao cát. Vậy là Thái với tôi kiếm chỗ đào hầm. Chúng tôi định đào ngay trước sân. Thái bắt đầu công việc. Chúng tôi phá cái hầm cũ làm thành cái hầm mới khác.

Buổi chiều hôm đó, Hà về một mình, không có ông Minh, nó cũng không đem theo xe đạp. Ði theo nó có hai người sinh viên, mặt mày xanh xao, tóc tai rối bù như người sống từ một nơi thiếu ánh sáng mặt trời đã lâu. Hà nói:

- Ðây là mấy anh sinh viên, anh Chữ với anh Hát."

Má tôi hỏi:

- Làm răng mấy anh đi được mà Lễ chưa chịu đi.

Hà kể:

- Trốn đi đó chơ má. Họ canh dữ lắm. Anh Lễ đi thì họ biết liền. Con phải giả vờ đi vô đi ra cả chục lần, rồi mới đem mấy anh đi được.

Thái hỏi:

- Rứa họ không thấy hay răng?

- Có, có cái tên gác trước cửa trông thấy. Tao sợ bất chết, sợ nó bắn. Nhưng thấy nó không nói chi cả. Nó nhìn theo.

Thái đùa:

- Chị có nháy mắt với hắn không?

- Khỉ, sợ bất chết còn chọc. Mà tên đó còn trẻ, hắn tử tế lắm.

- Hắn có khi mô nói chuyện với chị không?

- Không, ít lắm.

- Nó nhìn chị không?

- Khỉ.

- Rứa là nó mê chị rồi.

Hai sinh viên gượng cười. Má tôi mời:

- Mời vô trong nhà, đừng đứng ngoài ni mà họ dòm ngó.

Hà đi dẫn đầu:

- Vô đi, vô nhà nghỉ đi.

Hai người sinh viên khệ nệ ôm mỗi người một bao cát to tướng. Gần năm trăm cái bao. Làm hầm đủ rồi. Hà nói. Má tôi hỏi sao ông Minh không đưa xuống. Hà nói ông bận đi tải thương. Mỹ tới cầu Bến Ngự rồi, nhờ Mỹ tới cầu nên quân giải phóng rút bớt lên ngả núi mà nhiều người mới chạy thoát được. Hà cho biết trên Từ Ðàm, đại bác câu như mưa, càng ngày càng dữ dội.

Ngay chiều hôm đó, cả nhà hiệp lực đào hầm lại. Mãi tới ngày hôm sau hầm mới dựng xong. Cái hầm cũ ở trong nhà vẫn còn giữ lại vì nhà quá đông. Chúng tôi đã mua được ít thức ăn, và mỗi lần ông Minh xuống chúng tôi lại gửi lên được một ít tiếp tế cho trên gia đình anh chị.

Cách ngày sau, một gia đình ở Từ Ðàm bạo gan đi ngả Tây Thiên, trốn về được An Cựu. Nhà này gánh gồng theo được nhiều thứ lắm, vì hai vợ chồng ông ta là chủ một quán tạp hóa. Ngang nhà tôi, họ tràn vào và xin ở tạm. Má tôi bằng lòng ngay. Họ chiếm ngay căn nhà bếp, lật đật giở hết cửa ra làm hầm. Ông chủ nhà này còn đem theo được cả xe gắn máy, cả dầu hôi, ông có đứa con gái bằng tuổi Hà. Vậy là hai cô nhỏ bàn nhau tìm cách trở lên Từ Ðàm, liên lạc với những người còn kẹt lại để trốn về An Cựu.

Ba bốn lần đi về không, mới có một lần đi lọt được. Anh Lễ tôi nhắn về là thế nào cũng thoát xuống An Cựu, nhưng đợi cho quân giải phóng rút bớt đã, sợ họ để ý.

Má tôi sốt ruột nhất, suốt ngày ngồi đứng không yên. Bà đi ra đi vào hỏi thăm những người từ phía Bến Ngự, Từ Ðàm tản cư về. Ông Minh bị cắt đứt liên lạc trong mấy hôm. Ðường núi đại bác câu nhiều quá, Hà và cô gái nhỏ tên Nga không dám mạo hiểm nữa. Nhưng vài ngày sau, ông Minh trở lại, ông vất chiếc xe đạp gẫy ghi đông ra giữa sân, rồi vừa thở vừa đi vào nhà. Má tôi hỏi ngay:

- Răng, trên đó ra răng rứa ôn?

- Nguy lắm. Họ dàn quân, sắp đánh nhau rồi. Ðại bác bắn như mưa, chừng vài bữa nữa là nát hết.

- Trời ơi, rứa vợ con thằng Lễ ra răng hả trời.

Ông Minh thở dài:

- Tui cũng đương lo. Dù răng cũng phải cứu gia đình nó.

- Rứa ôn đi ngả mô về?

- Ði dọc mé sông, đạn bắn như mưa. Người chạy loạn bị thương đầy. Tui vừa chở một người bị thương tới bệnh viện Huế rồi vô đây. Bên ni yên rồi, đi lại được rồi. Nơi bưu điện, nơi ngân khố còn chình ình mấy xác Việt cộng chân bị cột nơi đại liên, thấy ớn quá.

Hai anh sinh viên chạy ra, ông Minh nói:

- Ủa, tụi bây chưa ra nhà thương. Ra nhà thương mà giúp đỡ dân chơ. Ngoài nớ yên rồi có chi mô.

Ông quay lại Hà:

- Con đi tìm coi có ở chỗ mô sửa được, sửa cái ghi đông xe cho ôn con.

Hà vác xe đi rồi vác xe về:

- Ðã có ai mà sửa. Ôn lấy xe con mà đi.

- Ừ, thôi, bác cho tui miếng trầu. Tui phải đi chừ đây.

Má tôi lại gửi ít đồ ăn lên Từ Ðàm. Mấy ngày nay ở Trường Bia đã có chợ, người ta hạ cả heo để bán thịt, có rau dưới chợ Mai gánh lên bán. Tôi cầm tay Hà đưa ông Minh ra tận ngoài đường. Hà có vẻ dùng dằng, cứ dặn ông hoài:

- Ôn, nhớ rảnh là xuống đây nghe ôn. Ôn đừng ở trên nớ nữa.

Ôn Minh quay lại mắng Hà:

- Con nhỏ ni hư thiệt. Ðừng có buồn, ôn còn lo cho nhiều người trên đó nữa chơ. Ðể ôn đưa anh chị với mấy cháu về cho. Yên trí, yên trí."


Ông nói xong, trèo lên xe đạp, đạp thẳng ra phía cầu An Cựu. Thái chạy ra, ba chị em lại đi bộ ra ngả cầu. Mỹ đã gác ở đây, nơi đồn vận tải cũng có lính gác. Khu vực chúng tôi hoàn toàn yên rồi, chỉ lo cho anh chị tôi đang ở khu nguy hiểm nhất. Các thanh niên chạy loạn trở về đã đạp xe đạp đi ra ngoài trường Kiểu Mẫu coi đánh nhau bên phố. Chiến trận phía bên kia có vẻ ác liệt lắm. Chắc phía trên Từ Ðàm cũng thế. Chúng tôi đang đi bộ thì gặp một đoàn người từ phía cầu đi lại, người đi xe có, đi bộ có. Có tiếng xe gắn máy dừng lại sát chị em tôi. Tôi ngẩng lên nhìn và kêu mừng rỡ:

- Anh Trai.

Ông anh họ của tôi đang ngồi trên xe gắn máy, mừng rỡ hỏi thăm tíu tít:

- Lễ về được chưa? Nhà yên hết há?

Tôi buồn bã:

- Nhà yên nhưng anh chị Lễ còn kẹt trên Từ Ðàm.

Anh cười. Tính anh vẫn vui nhộn như thế đối với chúng tôi:

- Anh về nhà rồi. Tới chơi nghe. Ðừng có lo cho Lễ, không răng mô. Có tin chi cho anh biết hí.

Anh định dợm đi, rồi lại thắng xe lại:

- Ê, tụi bây, tao có cái ni.

Anh đưa tay vô túi áo măng tô. Có vật gì phồng lớn ở trong đó. Hà đưa tay móc túi lôi ra một quả hột vịt lộn còn nóng. Anh lôi tiếp mấy quả nữa:

- Mỗi đứa một cái hột vịt lộn.

Trước khi đi, anh dặn:

- Ðừng có ra ngoài cầu. Mỹ nó gác nó bắn tùm lum đó. Người ta chạy loạn khóc như ri ở ngoài.

- Ở mô chạy xuống?

- Anh cũng chạy bất chết, không có hỏi.

Có mấy tiếng súng nổ lẻ tẻ, Thái kéo tôi đi về.

Ngay hôm đó, Bé xuống nhà, giúp chúng tôi đắp đất thêm lên hầm và nói là sẽ đi trình diện. Nó nói trong ngày mai sẽ đưa gia đình về dưới Phù Lương vào trại tỵ nạn, vì nhà đã hết gạo ăn. Thái cũng nóng ruột đòi đi trình diện. Một vài người lính địa phương đạp xe đạp qua cho biết tin tức là quân đội đã đóng ở hữu ngạn, dẹp xong xuôi Việt cộng rồi, dân chúng hãy trở về và ai là quân nhân, công chức phải đi trình diện ngay. Có thể lên Tòa tỉnh hoặc ở trường Kiểu Mẫu cũng có văn phòng. Vậy là Thái thay quần áo đi ngay, mặc dù má tôi và tôi ngăn trở hết sức cũng không được.

Hai tiếng đồng hồ sau Thái trở về, nói là dường như phía hữu ngạn đi được rồi, quân Mỹ và Việt đã đóng hết. Bên phố bắn nhau như mưa, lửa bốc mù trời. Ở Từ Ðàm vẫn chưa dẹp xong, quân Việt Mỹ vẫn chưa dám xông qua cầu Bến Ngự, hay cầu Nam Giao. Dân chúng chạy loạn ở bên kia cầu kêu khóc như ri. Thái còn kể là ở trên tòa tỉnh, trên Nha đại biểu, còn đầy xác Việt cộng chưa ai chôn. Hai anh sinh viên từ giã gia đình chúng tôi để đi ra nhà thương Huế săn sóc những kẻ bị nạn. Thấy hợp lý, chúng tôi cũng không giữ. Tôi hỏi Thái đã trình diện chưa, Thái nói rồi, ngày mai đi lĩnh vũ khí và công tác. Thái cho biết cấp chỉ huy của hắn đã bị giết, một người đàn bà khác, có chức vụ nhỏ trong đoàn cán bộ xây dựng nông thôn bị chặt đầu, cắt hết tay chân. Tòa tỉnh vắng ngắt và hình như ông tỉnh trưởng cũng đã bị giết. Nhiều tin đồn lung tung ghê gớm lắm.

Cũng ngay chiều hôm đó, Thái đi một hồi, khi trở về, nhờ tài ăn nói hoạt bát, hắn đem về cho nhà nửa bao gạo. Má tôi nhìn bao gạo mừng đến chảy nước mắt. Tôi thì từ hôm liên lạc được với sở một lần rồi bị kẹt đường mất liên lạc luôn. Tôi mượn cái xe gắn máy của gia đình người ở tạm căn nhà bếp, rủ Thái xuống Thanh Lam một lần nữa. Lần này may mắn hơn, tôi liên lạc được với Sài Gòn và yên trí một trăm phần trăm là gia đình tôi vẫn yên ổn. Tôi chỉ chờ có máy bay là thoát được. Một ngày nữa trôi qua, Từ Ðàm vẫn kẹt trong khói lửa, bom đạn, và chúng tôi hoàn toàn không biết tin tức gì của anh tôi hết. Rồi những người ở Bảo Quốc chạy về, những người ở Bến Ngự chạy được về. Ông Minh cũng biệt tăm dạng. Ai lo việc người đó, tôi cố dò hỏi hết sức, nhưng không có kết quả. Hai ngày sau, một cậu em đi ngang qua, ghé thăm, cho hay tin cậu Ðội Hòa đã chết. Cậu Ðội Hòa là người điều khiển ban nhạc đại nội. Cậu đã già nhưng vẫn còn khỏe lắm, nhà cậu ở sát dưới chân bực cấp chùa Bảo Quốc. Một túp lều tranh đơn sơ, trước sân bày đầy chậu hoa, chậu kiểng. Trong nhà cậu, đủ các thứ đàn, từ những cây đàn thật cổ, tới những cây đàn mới nhất. Tôi thường ao ước được cậu cho một chiếc đàn tranh như thủa nhỏ cậu vẫn nói:

- Con học được, cậu cho cái đàn hồi trước của ngài ngự đàn, ngài đàn hay đến nỗi ma nó đứng ngoài nó nhịp."

Nhưng tôi lại không biết gì về quốc nhạc, và cũng không dám xin cậu chiếc đàn quý giá đó.

Bây giờ cậu Ðội Hòa đã chết. Cậu chết ở đâu? Trong lúc chạy loạn hay ở nhà? Còn số phận những cây đàn, túp lều tranh nữa. Tôi run giọng hỏi cậu em. Khánh kể là cậu Ðội Hòa chạy loạn tới trước nhà Khánh ở gần bưu điện. Ở đó đang yên, bỗng một trái đại bác bắn sai rơi xuống. Cậu chỉ trúng có một miểng đạn nhỏ nơi thái dương, và cứ thế, cậu nằm xoải người, tâm trí rất tỉnh táo, đợi máu chảy hết, khô người là chết. Tôi ứa nước mắt. Tôi đã khóc quá nhiều. Trước biến cố Mậu Thân, tôi đã khóc cho cái chết của ba tôi. Trong lúc thành phố tan nát, tôi đã khóc cùng với bao nhiêu người, bây giờ tôi khóc cho ông cậu nghệ sỹ hiền lành, thường cố làm vẻ nghiêm trang, cổ xưa trước mặt con cháu. Và những cây đàn nữa, bao nhiêu vốn liếng của cậu tôi, cũng là những vốn liếng cuối cùng của quốc nhạc, thôi thế đã theo cậu chôn vùi trong khói lửa.

Má tôi cũng ngồi lặng người đi một giây. Chắc má tôi nhớ lại thời nào cùng ở với cậu trong hoàng thành rực rỡ. Những tiếng đàn, tiếng phách. Những buổi sáng nhạc nhã vang lừng. Những áo mũ, những thanh âm ngày vua ngự triều. Má tôi cũng từng học đàn với cậu thủa nhỏ và được cậu che chở cho trong những lúc ông ngoại giận dữ vì má tôi không có khiếu về âm nhạc, học dở hơn cậu.

- Mà có chắc là ông Ðội Hòa thật không, hay con nghe ai nói lại?

- Không, chính mắt con thấy mà. Ông chết trong nhà con.

Tôi nắm chặt bàn tay má tôi. Bàn tay má tôi run run. Mãi lúc sau, má tôi mới nghẹn ngào:

- Rứa còn bà thì răng?

- Dạ không can chi, bác gái còn sống."

Má tôi quay sang tôi:

- Mần răng mà đi đón mợ con về đây.

Nhưng Khánh lắc đầu. Ở ngoài đó hay ở đây cũng có thể yên ổn mà cũng có thể ăn đại bác rơi lạc bất cứ lúc nào. Với lại chắc gì mợ tôi đã đi. Khánh cho biết là gia đình cậu tôi ra khỏi nhà trong lúc căn nhà còn đang bốc cháy. Cậu tôi vừa quay lại vừa kêu trời kêu đất, muốn lao trở vào để cùng cháy với mấy cây đàn. Người ta phải lôi cậu tôi đi. Từ đó cậu không nói với ai một câu nào cho tới khi cậu trúng miểng đạn chết.

Như vậy là hết, từ người già cả, cổ xưa nhất như cậu tôi, tới đứa nhỏ lai Mỹ đều đã bị quật chết trong trận chiến. Mỗi ngày có bao nhiêu tấn bom đạn, đã trút xuống đầu thành phố Huế. Mấy ngày nay, máy bay bay nhiều vô số. Ðứng ngoài quốc lộ, chúng tôi có thể nhìn thấy những chiếc phản lực liệng nhanh như chớp và thả xuống từng loạt bom, tiếp theo những tiếng nổ, dù dội xa, nhưng vô cùng kinh khủng. Ra xa hơn, đứng ở bên này sông nhìn sang, chợ Ðông Ba trở thành bình địa, nhà cửa bên phố như quấn chặt trong đám khói mù. Mỗi tiếng nổ, cát bụi, gạch ngói lại bay tơi tả như một trái pháo khổng lồ nổ tung xác.

Má tôi nghe tin cậu Ðội Hòa mất, rồi bặt luôn tin tức ông Võ Thành Minh, bắt đầu hoảng hốt. Ðôi khi đang ngồi ăn cơm, bà bỏ chén đũa ôm mặt khóc. Tôi sợ đầu óc má tôi trở nên bất bình thường. Trong hoàn cảnh này, ai cũng có thể điên được. Như một người quen cũ của gia đình tôi chạy loạn về ngang qua, má tôi níu lại. Bà ta đang khóc mùi mẫn, đi vào nhà kể chuyện chẳng có đầu đuôi gì hết. Rồi bỗng bật cười:

- Chưa khi mô tui nhìn thấy đám cháy to như rứa. Người chết cháy cứ như heo quay.

Cười được rồi, bà ta ngạc nhiên và lại ôm mặt khóc. Bà ta điên được từng phút ngắn.

Trưa hôm sau, Thái đã liên lạc được với đoàn của nó. Khi trở về, Thái báo tin:

- Người ta ở Từ Ðàm, Bến Ngự chạy về đông lắm. Phía mình đã gọi bằng máy bay, khuyên dân hãy chạy để quân đội tràn lên đánh địch."

Má tôi nhảy choi choi như một đứa trẻ con:

- Rứa há. Ðứa mô đi đón. Ði đón liền.

Tôi, Thái và Hà tình nguyện đi ngay. Chúng tôi ra tới cầu An Cựu. Tôi đoán chắc anh chị tôi có đi cũng chỉ đi được đường bờ sông, quân giải phóng sẽ rút lên phía núi, và ở đó, chắc súng đạn đang rền trời. Chúng tôi đi bộ ra cầu. Nhiều người chạy loạn quá. Họ gồng gánh, bỏ cả trẻ con vào thúng mà gánh chạy. Thái la cà lại hỏi, nhưng không ai muốn trả lời, hoặc có trả lời thì câu trả lời cũng chẳng giúp ích gì được chúng tôi. Mấy anh lính Mỹ gác ở hai đầu cầu nhìn đoàn người chạy loạn lôi thôi lếch thếch cười với nhau, chúng nheo mắt, làm trò, đôi khi đưa súng lên bắn chỉ thiên dọa nữa. Ðoàn người nghe tiếng súng là bỏ chạy, những tràng cười thích thú nổi lên đằng sau lưng.

Người chạy với chó, chó chạy với người. Những con chó ở đâu chạy theo đoàn người mà nhiều thế không biết. Một con chó đen bị những bước chen lấn, chạy tràn xuống một đầu cầu mép sông. Bỗng một phát súng nổ, con chó kêu một tiếng thảm thiết, lăn tròn và rơi xuống nước. Tiếng cười ồn ào nổi lên. Mấy người Mỹ đen, Mỹ trắng đứng trên cầu tiếp tục bắn ngăn không cho con chó lội lên bờ. Con chó cứ xa dần bờ, kêu oẳng oẳng, hết sức thảm thương. Những viên đạn vẫn bắn tới tấp nhưng hình như không định giết con chó, mà chỉ giữ không cho nó vào bờ. Có những viên đạn bắn trệch lên bờ đường, những viên khác dội xuống nước. Ðoàn người tản cư chạy tới hỗn loạn, kêu khóc rền trời. Tiếng kêu khóc càng to thì tiếng cười của một số người Mỹ bên kia sông cũng càng lớn. Ngã xuống rồi đứng dậy, đứng dậy rồi chúi nhủi. Dân tộc tôi đấy sao? Con chó đang cố lóp ngóp lội vào bờ tìm sự sống đó sao? Ðáng thương cho dân tôi, nước tôi, thân phận người dân không bằng một trò đùa, không bằng một con chó. Tôi cúi xuống nhặt hòn đá cầm chặt trong tay. Tôi bóp chặt hòn đá như bóp chặt tim mình. Quăng đi, liệng vào mặt chúng. Ðồ dã man, tàn bạo. Trong một lúc, nhìn đoàn người lúc nhúc chạy, la khóc, sợ hãi, tôi bỗng uất hận tràn người. Dân tộc da vàng nhỏ bé thật, nhưng còn gì béo bở nữa đâu? Con chó chạy rong dài trong bao ngày đã khô nước miếng, đã lở loét, rụng lông. Tôi đưa hòn đá lên. Liệng đi. Liệng vào mặt chúng rồi ra sao thì ra. Nhưng không, hòn đá mà làm được gì! Con chó đã xa bờ lắm. Nó cố kêu lên mấy tiếng nữa, rồi hai chân trước không phải bơi mà đập nước lung tung. Tôi thả rơi hòn đá xuống đất. Ðoàn người la hét khóc lóc đã đi qua được đoạn đường, một vài gói đồ rơi lại không kịp nhặt. Ðoàn người khác tiếp tục đi tới. Con chó bây giờ đã chìm cả mình xuống nước, mặc cho giòng nước lặng lẽ cuốn đi cùng những giòng máu đỏ thấm hồng mặt nước sông xanh. Tôi nuốt nước miếng, cổ họng khô đắng, nước mắt như muốn trào lên. Thái đứng cạnh tôi im lặng. Mặt nó và Hà cùng tái nhợt trong một nỗi thống khổ, nhục nhã như không bao giờ gột rửa được.

Một bàn tay đen đui đưa lên vẫy chúng tôi. Một hộp thịt ném tới lăn lóc dưới chân. Không biết nghĩ sao, Thái đá mạnh vào hộp thịt. Hộp thịt lăn lóc rơi xuống sông và chìm nghỉm. Vài tiếng cười khả ố vang lên. Tôi đưa khăn lên chùi nước mắt, nghẹn ngào bảo các em:

- Mình về đi.

Trước khi đi, tôi lại nhặt viên đá cầm trong tay để rồi không làm gì hết. Chỉ một viên đá này mà đổi tới ba phát súng, ba mạng người, dám lắm. Lúc này, ai chả có thể là kẻ địch da vàng dưới lối nhìn của những con mắt xanh.

Khóc lên đi, gào to lên nữa đi, khóc với quê hương yêu dấu đang quằn quại, đang gẫy xương sống. Ðoàn người đi qua, rồi đoàn khác tiếp tục. Những đôi mắt vàng úa, thất thần, những bàn tay níu chặt bọc quần áo, gia tài còn lại và đi mãi. Cỏ đã cháy, cây đã ngã, nhà đã sập. Giòng sông xanh thơ mộng mùa xuân đã loang đầy máu người, máu chó. Ðống gạch càng ngày càng cao. Hòn đá cầm chặt trong tay để làm gì. Tôi ném nó vào một ngôi nhà đổ. Hòn đá mất tăm luôn dấu vết.

Cùng buổi sáng hôm đó, tôi nghe thêm được nhiều nguồn tin lắm. Bên phố coi như đã thanh toán gần xong. Cầu Tràng Tiền đã gãy, công binh Mỹ đang cố gắng bắt tạm nhịp cầu khác để chuyển quân qua, và súng đại liên, tiểu liên, máy bay bắn xuống như mưa trên những căn nhà đổ nát. Ở phố, người ta không dám chạy thoát ra đường, từ nhà này, dân chúng đục thủng tường qua nhà khác, và cứ thế, họ thoát về ngả Gia Hội, hoặc có người chạy ngược lên Kim Long. Người ta nói tới cái chết của ông Tinh Hoa, chủ hiệu sách, ông đói và khát quá, chạy băng ra đường. Trước khi ra, ông đã nghiên cứu một lối chạy, chạy xiên xẹo, ngang qua ngang lại theo chữ chi để tránh đạn. Nhưng đạn vẫn bắn tới và ông ngã sấp, chết liền tại chỗ. Người đoán là Việt cộng bắn, người đoán quả quyết là Mỹ bắn, nhưng dù ai bắn thì ông ta cũng đã chết. Tôi nghĩ tới những người đang mắc kẹt ở Từ Ðàm, ở Thành Nội. Toàn thành cao bao xung quanh, cửa Chánh Tây là lối tiếp quân của Việt cộng, phía các cửa Thượng Tứ, Ðông Ba, cửa Sập thì đạn máy bay, đạn Mỹ bắn như mưa. Có bao nhiêu người đang quay quắt, quằn quại trong đó. Những chiếc hầm kiên cố nhất chỉ có thể chịu đựng nổi với những cỡ súng nhỏ, làm sao chịu thấu với những quả hỏa tiễn, những tấn bom hằng ngày trút xuống. Còn thành nội cổ kính nữa, di tích cuối cùng của một thời lịch sử, với những cành vàng điện ngọc, với những chiếc bình bằng sứ điểm hoa xưa cổ hàng trăm đời vua, với chiếc ngai vàng bỏ không nữa. Thôi, súng Nga Sô, Tiệp Khắc, súng Mỹ, đã san bằng, đạp nát một thành phố của cổ kính, của lịch sử. Không bao giờ còn dựng lại được nữa. Tôi không hy vọng gì nữa. Ngày thường, tôi ít để tâm đến vấn đề này, nhưng lúc này, nhìn những tấn bom trút xuống thành nội, lòng tôi đau thắt lại. Má tôi đã từng kể chuyện trong hoàng cung thời trước. Nào lầu vàng điện ngọc, nào nơi Ngài ngự, nào nhạc ban mai, chuông buổi tối. Nào ngày đưa đám Khải Ðịnh, có cọp bạch về chầu. Bao nhiêu giai thoại, bao nhiêu huyền sử trong những câu chuyện thủa nhỏ, đẹp và hay hơn cả truyện cổ tích.


Quá trưa hôm đó, một chuyện bất ngờ xảy ra nữa, bất ngờ đến nỗi cả gia đình chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, bấu da bấu thịt xem chuyện có phải thực hay trong mơ. Ăn cơm trưa xong, cả nhà đang ngồi kể lại chuyện mỗi người nghe được thì có tiếng gọi ngoài cửa:

- Mệ ơi, mệ.

Má tôi quên cả xỏ guốc, chạy ùa ra sân. Con Mai, người làm của anh chị Lễ tôi đang khiêng một đầu, đầu đằng sau là một người đàn ông lạ còn trẻ, ở giữa là Hy, em gái chị dâu tôi. Hy nằm trên cái võng và đang cố ngóc đầu lên để nhìn. Con Mai vừa kêu: Mệ ơi, mệ ơi, vừa đưa một tay vẫy rối rít. Hy được khiêng vào nhà, con Mai chỉ ra đường vừa khóc vừa nói:

- Mệ ơi, thầy Lễ đang chạy đằng sau, đang ở ngoài đường.

Tôi chạy băng ra trước, má tôi chạy theo, rồi Hà, rồi Thái. Ngay trước ngõ, anh tôi đã tới nơi. Anh tôi đang đẩy một chiếc xe sắt trẻ con, đi chân không, tóc tai rũ rượi. Trên xe đặt hai đứa con trai mặt mày đầy thuốc đỏ, và đang mếu máo khóc.

Tôi ôm choàng lấy các cháu. Cháu gái lớn Ti Na đang chạy lúp xúp đằng sau cũng nhào vào lòng tôi. Nước mắt tôi trào ra. Các cháu tôi cũng khóc thút thít. Anh tôi chỉ lui đằng sau:

- Chị đang ở đằng sau nớ. Tôi rời tụi nhỏ, chạy tới phía cầu. Nhưng chỉ ngang nghẹo Ðường Xay, tôi thấy chị dâu tôi đang ngồi bệt xuống đất, chiếc nón tơi tả đặt một bên. Chị bế đứa con nhỏ mới sinh, mặt mũi cũng đầm đìa nước mắt. Tôi ôm cháu nhỏ, dẫn đường. Chị dâu tôi không đi dép, mệt mỏi đi theo sau. Vào tới nhà, anh chị tôi đứng trước bàn thờ ba tôi. Chị tôi gục đầu vào bàn thờ mà khóc. Mấy đứa nhỏ khóc theo. Má tôi, tôi và Hà cũng chảy nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Một lúc sau, anh chị tôi mới tỉnh táo kể chuyện chạy loạn được. Tôi hỏi thăm anh đi ngả nào, anh tôi kể:

- Ðạn trên nớ bắn dữ quá. Việt cộng không thể kiểm soát được nữa. Quân Mỹ đã tới cầu Nam Giao và Bến Ngự. Ngày hôm qua, lúc chập tối, một chiếc hầm sập, đè chết một đứa nhỏ chắt của cụ Cường Ðể, một đứa bị thương. Anh bế hai đứa nhỏ đầy máu me. Bà Xếp bế một đứa. Tụi nhỏ cho đi trước cầm cờ trắng, kéo xuống cầu Bến Ngự để đưa mấy đứa nhỏ ra nhà thương. Vài người chạy theo nữa, tới cầu Bến Ngự, anh tỏ ý xin qua, nhưng thấy đông quá, bọn Mỹ nghi ngờ, giơ tay xua bắt trở lại. Cả đoàn chưa kịp quay lại, họ đã bắn vào chân, sướt bên tai, trên đầu. Lũ nhỏ khóc quá, cả đoàn phải kéo lên. Ðứa nhỏ chịu không được đau đã chết.

Chị dâu tôi nói thêm:

- Anh gan lắm má. Ôm hai đứa nhỏ máu me đầy mình. Anh giơ áo cho má coi."

Anh tôi đưa tay áo lên, những vết máu đã thâm tím lại. Anh tôi gầy nhom, hai mắt vàng khè và mặt không còn chút máu. Mấy đứa nhỏ đòi ăn. Hà lục lọi lấy cơm cho các cháu. Má tôi hỏi dồn:

- Trên nớ tan hết rồi hay răng con?

- Ui, còn chi mà còn má. Nhà mình hư hết rồi. Có đem theo chi được mô. Mỗi cháu chỉ mặc một bộ quần áo. Mấy bữa súng yên, tụi con Mai nó qua, lôi được ít đồ gửi bên nhà thờ cụ Phan. Không biết nay mai, bàn thờ còn nguyên lành không nữa. Ðêm qua, súng còn như mưa, cứ tối là họ kéo về, giăng cờ dụ quân mình. Hai bên bắn nhau. Con chắc mai bên mình lên được trên nớ. Biết ở lại răng cũng chết, ông Minh khuyên tụi con nên liều mà đi.

Má tôi vẫn chưa ngớt xúc động:

- Con đi bằng ngả mô rứa? Ngả mô mà xuống được?

- Ði ngả đường rầy má. Nhờ ôn Minh hết đó.

Anh tôi chỉ người thanh niên:

- Ôn Minh phải lên tới Tây Thiên nhờ anh đây xuống khiêng giùm Hy đi. Một mình con mắc ba bốn đứa nhỏ. Bê mới sinh còn đồ đoàn nữa. Ôn Minh lo hết, tội ôn quá.

Bê là tên của chị dâu tôi. Hà thắc mắc:

- Răng anh không nói ôn về một lần luôn.

- Ôn còn bận cứu thương, tải thương. Ôn nói ôn chưa đi được, ôn đi mà để lại bao nhiêu người kẹt trong vòng súng đạn, ôn không yên tâm.

Tôi rót nước mời người thanh niên uống. Anh ta khoảng ba mươi tuổi, nét mặt rắn rỏi. Anh tôi không ngớt lời cám ơn. Hà thì buồn rầu lo lắng cho ôn Minh không hết. Má tôi hỏi thăm những người hàng xóm. Chị Bê cho biết bà Xếp Mập đang đi ở đằng sau, con ở của bà bị thương nhẹ, đi cà nhắc, vừa đi vừa dẫn bà. Má tôi hết ôm đứa nhỏ này lại ôm đứa khác. Tội nghiệp, chúng như một đàn chim nhỏ bị đạn, nghe tiếng súng đại bác sau Trường Bia bắn đi cũng run lẩy bẩy, đưa tay che đầu.

Uống xong chén nước, người thanh niên nhất định đòi lên lại Tây Thiên. Má tôi mời ở lại, anh ta nhất định không chịu. Anh nói anh phải đi gặp ông Minh. Anh tôi lo sợ đường có gì bất trắc. Anh mượn một chiếc xe đạp, nói đi ngả núi Ngự Bình, chắc không sao. Má tôi ân cần dặn đi dặn lại nhờ anh thế nào cũng chuyển lời mời ôn Minh về.

Một lúc sau bà Xếp Mập tới nơi. Con ở vừa đi cà thọt vừa cầm tay bà. Vào tới sân bà đã khóc nức nở:

- Thầy Lễ đã tới chưa? Ðã tới chưa?

Anh tôi ra đón bà vào nhà. Bà đặt cây gậy dựa vào chân ghế, nhìn quanh nhìn quất, thấy má tôi, bà lại khóc:

- Bác ơi, tưởng không còn trông thấy mặt nhau rồi chơ... Trời đất ơi, tự nhiên mà đất bằng nổi sóng... Nhà mình yên hết chơ bác.

- Bà ngồi đỡ mệt đi. Nhà yên hết. Lạy Trời lạy Phật.

- Nam mô A Di Ðà Phật. Tui cứ sợ cho họ bắt thầy Lễ na đi...

- Tui ở dưới ni mà ruột như nung như nấu bà ơi...

Má tôi cũng bật khóc. Hà thấy vậy khôi hài:

- Mẹ giải phóng đi mà các con giải phóng không giữ lại răng mẹ?

- Ừ, Ừ... tụi nó chạy hết rồi. Bỏ cả cha lẫn mẹ.

Câu nói của bà làm cho mọi người đang rầu cũng bật cười, mà riêng bà, bà lại lau nước mắt:

- Thôi bác ơi, thấy nhau là quí rồi. Người còn của còn...

Hà hỏi anh tôi:

- Trên nớ họ rút hết chưa?

Anh tôi nhăn mặt:

- Thiệt tụi nó khôn hết sức. Nó rút đi hết rồi, chỉ còn để lại vài tên, cứ chạy góc này lẹt đẹt vài tràng đạn, tới góc khác lẹt đẹt vài tràng đạn. Quân Mỹ ở dưới cầu tưởng đông không dám tràn lên, chớ thiệt họ rút đi gần hết, chỉ để lại vài chục mạng cầm chưn rứa thôi. Nói thiệt tức cười, mấy tên ở lại bắn chọc để chặn quân Mỹ, còn đường lên núi họ sắp hàng rút quân, vừa đi vừa hát. Hình như họ đi tiếp viện mô ở cửa Chánh Tây."

Tôi hỏi thăm về một người bạn cũ, cũng là cháu nội của cụ Cường Ðể:

- Thạch Hà đã tản cư được chưa?

- Chị Hà cùng núp trong nhà thờ cụ Phan. Bữa hầm sập, chị Hà mất một đứa.Thì anh bồng con nhỏ đó đi xuống cầu Bến Ngự, con Ti Na, Nô Răng cầm cờ trắng. Bà Xếp với mấy người nữa đi đằng sau nì. Mà nó bắn nơi chân đó. Chị Hà tản cư lên miệt Tây Thiên. Anh là nhờ có ôn Minh dò đường mới xuống đây được đó chớ.

Ðứa cháu nhỏ của tôi khóc:

- Cô, cô. Cây vú sữa nhà mình gãy, cháu hái được hai trái chín mùi."

Tôi vừa thương hại vừa buồn cười. Một cây xanh tốt hàng năm cung cấp bao nhiêu trái cây, nó không mừng, gãy rụi xuống, để chỉ lượm có hai trái thì đứa cháu tôi lấy làm thích thú.

Về tới An Cựu, anh tôi yên tâm hơn. Chúng tôi lo lắng tổ chức lại đời sống. Gạo chắc chắn sẽ không đủ ăn nếu tình trạng này kéo dài, nhưng gia đình chúng tôi cũng không thể về những khu tỵ nạn để lãnh gạo, lãnh tiền. Thái vừa lo đi trình diện, vừa lo chuyện mua gạo. Tôi lại đi liên lạc với sở để đợi máy bay vào Sài Gòn. Nhưng trước đó, tôi cũng phải lo cho Hy vì vết thương để lâu ngày, đang làm độc. Tôi chỉ cầu cứu ở sở, nhưng đường sá lại bắt đầu khó đi lại. Tôi đành rán chờ.

Chiều hôm sau, ở Từ Ðàm lại kéo xuống thêm mấy gia đình nữa, trong đó có gia đình một ông thầy cũ của tôi, và những người con cũng đã đi dạy học, những đứa cháu nhỏ. Anh Lễ đón họ vào nhà, người nào cũng đi chân đất, chạy tơi tả. Chúng tôi được biết thêm là sau khi anh tôi trốn thoát, Việt cộng lại về bắt một số thanh niên. Khéo trốn lắm mới thoát được. Ôn Minh hình như cũng bị họ giữ lại. Hà kêu lên thảng thốt: Ôn Minh mà cũng bị bắt hả?

Thầy Liên, thầy giáo cũ của tôi, đã già, lắc đầu tuyệt vọng:

- Tối qua họ còn bắn mấy thanh niên gần nơi trường học.

Má tôi hỏi:

- Trên nớ đã ngớt súng chưa?

- Ôi, như mưa rào, càng ngày càng dữ. Chúng tôi liều chết để đi. Lạy Trời lạy Phật, về đây mới biết là sống.

Ngôi nhà chúng tôi bỗng đông vui hẳn. Ngay sáng hôm sau, mọi người lo làm hầm. Cứ mỗi gia đình một góc sân, tất cả các thứ gì còn lại trong nhà có thể giở ra làm hầm được, họ đều trưng dụng. Nhưng chúng tôi không phiền hà gì, nếu phải tháo cả chiếc nhà ra để làm thêm một cái hầm nữa, chắc ai nấy cũng hết sức vui vẻ.

Các nhà bên cạnh cũng lục đục kéo nhau về, làm hầm phòng đại bác. Chợ nhỏ họp ở trước con đường dẫn vào Trường Bia. Một vài quán ăn đã mở. Sức sống vun trồng thật nhanh, vừa mới mấy ngày, nhà cửa, làng xóm đìu hiu như không bao giờ còn có hơi thở nữa. Vậy mà chỉ qua hai ba ngày sau, dân chúng trở về. Ở đâu có người, có hơi thở là có quán, có khói, có bữa cơm. Nhưng cũng thê thảm lắm, cạnh đó, cách chừng một cây số, hai cây số, máu vẫn tiếp tục chảy. Buổi sáng đoàn lính biệt động, nhảy dù, thủy quân lục chiến vừa đi ngang qua quốc lộ, nét mặt còn đỏ hồng máu, buổi chiều, xác họ đã được khiêng trở về con đường cũ.

Mặc dù khu vực chúng tôi đã yên tĩnh, nhưng ban đêm, Việt cộng vẫn về bắt người. Ban ngày, lính Mỹ lên, gác đường, gác trong các khu vườn và nhìn sinh hoạt dân chúng với đôi mắt nghi ngờ, không mấy thiện cảm. Chỉ một tiếng động khả nghi là một băng đạn bắn vào hầm đầy người. Một tiếng súng nổ, cả một xóm nhỏ phía sau ruộng bốc cháy. Lính Mỹ đứng gác xua dân chạy ra khỏi nhà nhưng không được mang theo một thứ gì hết. Tiếng khóc la vang trời dậy đất. Người ta chạy ra khỏi nhà, đứng nhìn ngọn lửa. Dân chúng ở vùng này càng đông hơn vì những người tản cư mới đến. Những mũi súng của người Mỹ chỉ vào họ. Họ đành vừa khóc vừa chạy loạn thêm một lần nữa. Mỗi lần thấy lính Mỹ vào vườn là anh tôi kêu cả nhà và giục những người trong các hầm khác lên khỏi hầm và vào nhà hết. Thấy nhà chúng tôi đông, đàn bà trẻ con nhiều, họ không khả nghi gì hết.

Chắc chỉ có xóm tôi ở là dân chúng về sớm và đông nhất, ở các vùng khác cạnh đó, mặc dù đã yên ổn nhưng chưa ai dám trở về.

Lính địa phương thừa lúc chủ nhà bỏ đi, cạy cửa vào khuân hết đồ đạc. Nhiều người trở nên giàu có. Tôi đã từng thấy những người đàn ông khiêng cả xe Honda còn khóa đi ngang qua nhà. Tôi cũng trông thấy cảnh mấy anh lính nhảy dù ở xa đến rượt theo với người lính địa phương vì họ đang ôm đồ ở một nhà nào đó chạy ra đường. Một anh thủy quân lục chiến ở Sài Gòn ra đưa cho Thái xem một cây bút máy khắc hai chiếc tên lồng vào nhau. Anh kể, anh lượm được nơi xác chết một cô gái. Cô gái Huế nào chết cũng để lại một mái tóc thật dài, làm anh cứ ôm hết mối tiếc thương này tới mối tiếc thương khác. Một vài gia đình khác nữa cũng vừa thoát được ở Từ Ðàm về, cho hay là Mỹ đã qua được cầu Bến Ngự, nhưng chưa lên khỏi dốc, còn nằm chờ. Tôi nghĩ tới những trái đại bác sẽ dẫn đầu cho đoàn quân. Tất cả đã tan nát rồi, chắc sẽ còn dằn chặt xuống đất sâu nữa. Người ta nói tới những xác chết dọc đường. Những đứa trẻ không kịp chôn cất, vất bừa trong bụi cây, hay vùi giữa đống gạch. Ðám chó đói từ lâu bỗng được dịp no nê. Ai thống khổ, ai chết chóc mặc, chỉ có lũ chó là phè phỡn. Tôi để ý thấy quanh vùng tôi có nhiều chó xuất hiện. Ngoài việc phòng ngừa đại bác, phòng ngừa Việt cộng về bắt, còn phải trữ ít gạch để liệng chó nữa. Mỗi lần dọn cơm, bọn chó hầm hè ngoài vườn. Nhưng bọn chúng đông thì nhân số trong nhà chúng tôi cũng đông đúc không kém, chúng không thể tràn vào nhà được. Thái tiếc rẻ:

- Mấy hôm đói gần chết chẳng thấy con nào, không ông đã vồ lại, ông ăn thịt cho đỡ lòng.

Hàng ngày chúng tôi ra đường đứng nhìn xem máy bay thả bom bên thành nội. Những chiếc máy bay gầm thét như xé rách bầu trời buồn thảm. Những ngọn khói như núi vẫn tiếp tục bốc cao. Ở Gia Hội có một vài người thoát đi được, hỏi đến, họ vừa khóc vừa kể:

- Chết hết rồi, chết hết rồi. Họ đặt bộ chỉ huy ở trường Gia Hội, đấu tố, giết chết hàng ngày. Ghê lắm.

- Còn trong thành nội?

- Chạy tản cư ra Gia Hội.

- Gia đình anh còn ai không?

- Còn một mình tui. Qua chuyến đò mất ba ngàn. Thôi chào bà con cô bác.

- Vô đây tạm đỡ vài ba bữa rồi đi.

Nhiều người mời, nhưng người đàn ông cô đơn từ chối. Chắc ông ta muốn đi càng xa đống khói, xa máu me chết chóc càng sớm càng hay. Ông ta đi như chạy trên đường quốc lộ.

Một người khác kể:

- Chúng nó bắt đầu giết người dữ lắm rồi. Gặp đàn ông là bắn. Nghe ai điềm chỉ là bắn. Tui trốn hai mươi mấy ngày trên máng xối, có bữa đói quá, phải nhổ rêu mà nhai, lùa nước trên máng xối mà uống. Bà con coi, cái bụng tui phình ra như đàn bà bị báng. Tui phải về Phú Bài xin nằm bệnh viện.

Người ta còn kể cả một gia đình ở Gia Hội chết vì cái Ti Vi:

- Máy này để liên lạc với địch?"

- Dạ thưa không, cái máy Ti Vi để coi hát múa.

- Vặn lên nghe thử.

Mở máy, không thấy có hình ảnh hát múa. Một băng đạn, đàn bà trẻ thơ ngã gục. Một bản án được đắp lên: Ðể đồng bào noi gương. Ðứa nhỏ chết không kịp nhắm mắt. Hai đứa con của một người mẹ Việt Nam lai Mỹ, người mẹ đi Vũng Tàu để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Ðây là con Mỹ Ðế, để lại sau có hại cho tương lai dân tộc. Không cần phí đạn. Hai cái đầu của hai đứa nhỏ bị đập vào tường. Óc, não, máu me phun tung tóe.

Vẫn còn những người bị thương được khiêng đi. Hoặc họ chạy loạn bị thương, hoặc họ tiếc của trở về trong lúc hai bên đụng độ, trúng đạn. Bao nhiêu căn nhà bỏ hoang, bao nhiêu của cải còn bỏ lại. Các anh giải phóng chỉ giải phóng xương máu và cầm nhầm những thứ nhẹ nhàng như đồng hồ, bút máy, những đồ vật nhỏ nhỏ, xinh xinh, hay ngộ nghĩnh. Phần còn lại dành cho kẻ thừa nước đục thả câu, bao nhiêu cũng không vừa. Người ta còn kể rằng, một thanh niên còn nhỏ tuổi, con của một ông chủ tiệm vàng, bị gù lưng, đã dắt trong mình mười mấy lượng vàng chạy trốn. Anh ta bị bắn chết ngay ở trên hố, một phát đạn không biết của ai, vàng cũng chảy theo máu, chỉ để lại xác người xấu số. Chưa hết đâu. Còn tàn sát, chết chóc nhiều nữa. Những người thanh niên, đàn ông bị Việt cộng nói ngon nói ngọt là đi học tập mười lăm ngày, mãi chưa thấy về và những người khác vẫn bị tiếp tục mang đi. Số phận những người này sẽ ra sao? Họ đã cố tình giữ dân lại, chắc để sẽ đem làm bia đỡ đạn trong lúc thế cùng. Nhưng dân chúng, phần chết chóc, phần bỏ trốn, chắc cũng chẳng còn bao. Những tiếng rú nửa đêm, những bản án, những tiếng súng giết người không lý do, làm sao để dân chúng dám ở lại, dám tin tưởng.

Hàng ngày tôi ra đứng bên đường, hy vọng trong đám người tản cư về, có ông Võ Thành Minh. Mới gặp ông có mấy ngày, tôi đã hết sức yêu kính ông. Ai hèn, ai can đảm trong cơn biến loạn này đều lộ diện ra hết. Hôm nay, nghe tin Mỹ đã tràn lên tới Từ Ðàm và hai bên đang đánh nhau, giành từng tấc đất, chắc ông Minh không còn có thể ở yên đó mà tải thương theo tinh thần hướng đạo của ông nữa. Không ai còn sức để sống đến hôm nay mà chết cho súng đạn. Tôi hy vọng ông Minh sẽ về. Họ bắt ông để làm gì? Chắc ông sẽ thoát được và tôi sẽ gặp ông trước ngày bỏ Huế. Tôi đã liên lạc được với sở và chuẩn bị ngày lên đường vào Ðà Nẵng. Nhưng sao tôi vẫn chưa muốn đi. Tôi chờ đợi ống khói khổng lồ vươn lên từ trong thành nội lụn dần. Nó phải lụn dần chứ. Một người đàn bà đã dẫn một đứa nhỏ đi trên đường quốc lộ vừa khóc vừa kể:

- Ối, bà con làng nước ơi. Nhà tui cháy, chồng tui bị bắt, rứa mà con tui cũng lạc.

Người ta tò mò hỏi bà:

- Rứa đứa nhỏ bà dắt theo là ai? Không phải con bà hay răng?

- Con tui lạc rồi bà con ơi. Tui cầm nó nơi tay mà lôi mà chạy. Rứa mà khi nhìn lại thì không phải, gặp thằng bé này.

Người đàn bà lại tiếp tục khóc, tiếp tục kể và lôi thằng bé chạy. Người đàn bà gọi con, đứa nhỏ gọi cha mẹ nó. Cảnh trông thật tức cười nhưng cũng rớt nước mắt. Trên quê hương tôi, bao nhiêu đứa trẻ, bao nhiêu bà mẹ đã khổ như thế? Kể làm sao hết được. Một ngày nữa trôi qua, lại một ngày nữa đến. Khu An Cựu có vẻ yên lành hơn trước. Buổi sáng, tôi đã ăn được những bát cháo lòng heo, giò heo của những người bán hàng rong. Chúng tôi không còn phải chui rúc dưới hầm tối suốt ngày nữa. Nhưng không khí dường như độc địa hẳn. Mắt mọi người lúc nào cũng cay xè. Thuốc hơi cay của quân đồng minh rải khắp nơi để bắt những giải phóng quân còn sót lại. Ngay sau khu vườn cách nhà tôi vài căn, có một ngôi nhà bỏ không, một chiếc hầm bỏ không, người ta cũng bơm hơi cay, xông ra một giải phóng quân bị thương, bị đồng đội bỏ lại. Và khi lên nhìn thấy ánh sáng thì hắn cũng vừa thở hắt ra mà chết. Ở trong hầm, dù đau đớn, hắn cũng viết nhật ký, viết thư gửi cho mẹ và em. Ðiều đặc biệt là hắn có một lá thư nguệch ngoạc viết phản đối chiến tranh nữa: Khi tôi chết, tôi muốn gối đầu lên đất Bắc, dù chân tôi ở miền Nam. Tôi đã gây cảnh đổ máu ở thành phố này, tôi phải để máu của tôi lại để hòa cùng với dòng máu oan ức của dân Huế, của dân tộc tôi. Người lính Biệt động đọc xong mấy dòng trên, anh vội nhét lá thư vào túi, rồi lặng lẽ bế xác tên Việt cộng, xác một người Việt Nam, ra vườn. Anh đào một cái hố nhỏ và chôn xác người miền Bắc chết cùng với dân Nam. Anh nhìn quanh quất, tính lui tính tới để tìm ra phương Bắc làm chỗ gối đầu cho kẻ bạc mệnh.

Tôi muốn xin anh lính bức thư, nhưng thấy mặt anh lầm lì và vác khẩu súng nặng nề quá, tôi lại thôi. Chỉ một lát sau, khi ra ngoài lộ, tôi trông thấy chính anh lính đó ria một tràng súng vào một bụi cây. Không có người nào hết, ngoài một con chó ốm. Con chó chạy ra, mắt hực lửa, miệng nó đang tha một cục xương người. Thôi, tôi không muốn kể nữa. Người ta còn đồn là ở trong thành nội, xác chết của dân và của Việt cộng đã chất cao. Những người dân chạy loạn bị trúng đạn nằm chồng lên nhau. Những xác Việt cộng nằm đầy những hố, xác ở dưới mương, bên đường lều bều như cá chết mắc cạn.

Cũng từ hôm đó, ở phía Nam Giao, Từ Ðàm không còn ai chạy loạn về nữa. Hình như cũng chả còn ai để mà chạy. Họ đã bỏ đi, và số còn lại thì đã ở giữa hai lằn đạn rồi. Tôi mất luôn tin tức của ông Minh. Anh tôi thở dài mỗi lần nghe chị em tôi nhắc nhở tới ông. Má tôi mua được ít cau trầu vẫn để dành. Không hiểu căn cứ vào đâu mà má tôi tin là ông Minh sẽ bình yên vô sự.

Tôi thì tôi không tin được như thế. Có thể ông đã bị bắt đi như những lời đồn. Ông bị bắt đi cùng thầy Ðôn Hậu. Như vậy, có thể ông không bị giết. Có được không? Nhưng tôi vẫn nghi ngại lắm. Hai đứa bé con lai Mỹ thì tội tình gì? Một nhà sư như thầy Ðôn Hậu, một hướng đạo, một chiến sĩ như ông Võ Thành Minh. Trời ơi, sao giữa tiếng súng, giữa cảnh máu me, giữa bao nhiêu người chết oan ức, tôi lại cứ thắc mắc những điều như thế. Ðiều cần thiết là tôi phải làm sao để thoát khỏi Huế, để sống được, để trở về trông thấy các con tôi, gặp mặt chồng tôi. Tôi sẽ ra đi dù để lại Huế quay quắt, tan tành, đổ nát. Ðể lại má tôi, anh tôi, em gái, các cháu, bà con giòng họ. Có thể ở lại thêm một đêm, đến lượt tôi cũng sẽ bị bắt. Tiếng cú rúc, tiếng báo hiệu của tử thần vẫn còn mỗi đêm, khi xa khi gần. Tôi đem những điều suy nghĩ trên nói với anh tôi. Anh tôi cũng khuyên:

- Tìm được phương tiện, em nên đi ngay, đừng chần chờ. Về được tới đây, anh cảm thấy nhà mình đã yên tâm hơn rồi.


Nhìn thấy điều gì mà anh tôi dám quả quyết như vậy? Tôi nhìn lên bàn thờ ba tôi. Chị dâu tôi đã đốt hai ngọn nến, thắp một cây nhang lớn. Mùi hương thơm phức. Trong thành phố này, bao nhiêu ngôi mộ đang lạnh lẽo, đang vời nuối khói hương. Ba ơi, ba vẫn may mắn. Ðiều đó làm cho anh con tin tưởng phải không ba? Nếu ba gắng gượng sống thêm vài ngày nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra cho ba? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Huế ơi, một ngày tôi về chịu tang cha, chịu tang thêm cho cả thành phố. Trong biến cố này, bao bạn bè tôi lớp cũ đã ra đi. Ngôi trường Ðồng Khánh thân yêu, nơi dung dưỡng tuổi thơ ấu, tuổi lớn lên của tôi đã đổ nát tới chừng nào? Những cây phượng, những hốc cây đầy kỷ niệm nữa, sao tôi vẫn có cảm tưởng như những hốc cây kỷ niệm của tôi nơi sân trường đang ứa đầy máu. Tôi muốn được trông lại dòng Chúa Cứu Thế, nơi tôi đã tránh nạn những ngày đầu tiên, muốn ghé lại cung An Ðịnh, xem đống gạch đã khổng lồ như thế nào. Muốn tới Tân Lăng để coi căn nhà của chị U, để coi ngôi nhà thờ họ, còn nguyên vẹn hay đã đầy vết bom đạn. Những nơi tôi đã dung thân, tôi đã gửi lại một ít kỷ niệm. Những nơi đó tôi đã nhìn thấy máu, nhìn thấy sự chết, và cũng đã nhìn thấy sự sinh sản. Ôi, căn gác nơi nhà thờ, nơi đó đã sinh ra đời thêm được bao nhiêu em bé nữa. Giữa cảnh rẫy chết, tanh hôi, tiếng khóc ra đời của trẻ thơ vẫn vùng vẫy mạnh mẽ, vẫn vươn lên tột cùng sự kiêu hãnh của sức sống. Không chỉ nơi căn gác chuông của ngôi nhà thờ đó đâu. Gần một tháng trời nay, khắp thành phố Huế, trong hầm tối, giữa đường, bên bờ ao, bên những vũng máu đã nguội, những tay chân què quặt, còn bao nhiêu trẻ thơ khác ra đời nữa. Ðất lấp những tiếng kêu thống thiết thì đời cũng mở những tiếng khóc sơ sinh. Không, Huế sẽ không bao giờ tan nát, đổ vỡ tới như sự tận thế. Bên vòng lửa, cạnh bom đạn, những buổi chợ đã họp lại, kẻ sống sót đã trở về vòng quanh quẩn, lăm le đợi chờ. Và dưới mương bên đường, trong đất tối, bao xác chết mở mắt trừng trừng chờ đợi. Tôi gặp thêm một số người các nơi chạy về nữa. Từ Gia Hội, từ Bến Ngự, từ Kim Long. Vậy là Huế đã rỗng. Một người sống sót kể lại vì muốn cứu khoảng hơn mấy chục người mắc kẹt trong một xóm nhỏ, các anh lính đã phải hy sinh một số khá đông. Một người khác nói rằng chính anh vừa thoát được từ dưới địa ngục lên. Anh ta bị bắt đi. Một đoàn người bị bắt, một sợi dây thừng dài cột người này liền với người khác. Ðoàn người được dẫn lên phía núi. Tới một khoảng đất trống, một anh giải phóng ra lệnh mở giây trói cho mọi người, bắt họ đào hầm hố. Những hầm hố mới nguyên bên cạnh những cây cối còn xanh tươi. Ðoàn người được đứng sắp hàng lại. Một loạt đạn thi ân: Giải phóng. Một số người được chừa lại: Xô họ xuống hố và lấp đất đi. Những giọt nước mắt không ứa ra được, nóng như lửa chảy ngược xuống nung đốt ruột gan. Số người còn lại về sau cũng bị số phận như thế. Nhưng tôi, tại răng tôi may mắn thoát chết? Trời đất quỷ thần. Tôi thoát được mà về đây. Ông bà tôi đã cứu tôi. Trời Phật hay ma quỷ đã cứu tôi. Chào tất cả chào bà con cô bác. Tôi phải chạy trốn chúng nó. Tôi phải đi tìm vợ con tôi. Tôi đi trốn đây, bà con cô bác trốn đi. Trốn ngay đi. Người đàn ông kể xong chuyện xúc động quá chắc đã hóa điên rồi. Chúc anh được điên để quên. Ðiên được, thật sung sướng cho anh biết mấy.

Một người khác thì trái lại, vừa kể chuyện vừa khóc. Ông ta không điên mà rủi thay, còn quá sáng suốt để tràn đầy sự xúc cảm.

- Họ ở trong nhà tui mười mấy ngày. Nhiều người bị thương mang về. Nhiều người chịu không thấu đã chết. Bà con biết không? Họ cũng biết thương người, họ cứu thằng còn tui bị miểng đại bác. Một anh lính Bắc Việt trẻ đã than thở với tui: Các bác nghĩ lại đừng ghét bỏ tụi cháu. Tụi cháu chỉ biết thi hành theo lệnh trên. Tụi cháu cũng xa gia đình, đói khổ. Nhìn cảnh đồng bào chết như thế này, tụi cháu cũng khổ đau lắm. Ngoài Bắc họ tuyên truyền vào Nam đánh Mỹ chớ cháu đâu biết cớ sự như thế này... Ðó, họ cũng tội, họ cũng oán chiến tranh lắm chớ.

- Vậy sao bác chạy tới đây?

- Họ bỏ đi hết rồi. Nhà chỉ còn toàn xác chết. Còn có một anh bị thương ở lại đó, khuyên tôi nên đi đi, ở lại là chết. Bây chừ tui đi, đi tới nơi mô yên ổn nhất. Ðây vưỡn chưa yên.

Họ cũng là người chứ! Huế ơi, Huế có căm thù họ không? Những đôi mắt mở sâu trừng trừng trong đất đen, trong cõi vô minh có căm thù họ không? Căm thù chứ, phải không? Nhưng không phải căm thù họ, mà căm thù những trái đạn từ đâu nhập vào đất nước để biến chúng ta thành kẻ bị giết hoặc bị bắt, buộc phải giết người, giết anh em, cha, mẹ, bà con ruột thịt. Ruột và thịt, trong gần một tháng qua tôi đã nhìn thấy bao nhiêu. Bao nhiêu đó, có đủ để nhắc nhở gì chăng?

Các em tôi đã đi trình diện hết. Thái được đưa về Phù Lương, Bé trở lại đơn vị. Phía hữu ngạn đã bắt đầu kiểm soát dân. Những người trở về ùn ùn kéo nhau đi lĩnh phiếu kiểm soát. Anh tôi cũng đã lĩnh phiếu.

Xung quanh khu vực tôi ở, hình như người ta đã trở về gần hết. Về tới nhà, gia đình này thiếu mất mẹ, gia đình khác thiếu cha, kẻ mất con. Những tiếng khóc thê thảm bật lên, nối từ nhà này sang nhà khác. Người ta kể cho nhau nghe về những ngày chạy loạn, những cái chết thê thảm, và người ta khóc mùi mẫn. Những giải khăn tang đã bắt đầu xuất hiện.



Ở sở cho người lên báo tin là sẽ có trực thăng đưa tôi từ Huế vào Ðà Nẵng, để từ Ðà Nẵng, tôi sẽ đi máy bay vào Sài Gòn. Tôi mừng rỡ lắm. Nhưng không dám tỏ sự mừng rỡ đó ra cho má tôi, anh tôi biết. Càng ngày, má tôi, anh tôi càng tỏ ra buồn bã, cơn xúc động, kinh hoàng ban đầu đã lắng dần và trở thành đá trong mỗi cõi lòng. Ðêm, chúng tôi vẫn phải ngủ hầm, ngày sặc sụa nước mắt vì hơi cay. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng là tai nạn sắp chấm dứt. Buổi tối hôm đó, trong bữa cơm, tôi mới dám đem chuyện ở sở báo tin có máy bay cho má và anh tôi nghe. Má tôi khuyên:

- Con nên tìm cách đi sớm. Ngó Huế rứa chớ chưa yên mô, má thấy còn nhiều rủi ro lắm.

Tôi biết má tôi muốn nói tới những viên đạn lạc, những trái đại bác sai đường, những tiếng cú rúc ban đêm, những bước chân dò dẫm mỗi buổi tối. Tôi nói với cả nhà:

- Ði như thế này, con chưa yên tâm. Con thoát một mình con thôi, rồi ở nhà lỡ xẩy ra chuyện gì...

- Chuyện gì xẩy ra nữa thì cũng đành chịu. Số mạng mà em.

Anh tôi nói. Ðôi mắt anh nhìn lên bàn thờ ba tôi. Ngọn nến vẫn le lói cháy và trầm hương vẫn thơm phức.

- Có lẽ sáng mốt con đi. Chiều mai, con phải về dưới Phù Lương ở lại. Sợ có chi bất trắc kẹt đường.

- Lo trước vẫn hơn," má tôi nói.

Mấy đứa cháu nhao nhao:

- Cô sợ súng, cô đi phải khôn cô?

- Thế cháu có sợ súng không?

- Mới bữa đầu sợ, về dưới ni, cháu hết sợ rồi.

Ðêm đó, tôi không ngủ được. Chỉ còn một đêm nay nữa, ngủ nơi ngôi nhà này, ngôi nhà mà tôi đã trở về chịu tang cha để rồi chịu tang chung cho cả một thành phố, tôi có cảm tưởng như trong đêm tối, ngoài vườn, vẫn còn đầy tiếng chân đi. Thỉnh thoảng những tiếng rú, tiếng hét vẫn còn dội trong tiềm thức. Má tôi cũng không ngủ, bà nằm bên cạnh, lần tay trong bóng tối tìm cổ tay tôi:

- Con ngủ đi cho khỏe con. Thức chi mà thức hoài.

Tôi trở mình, thở ra, nói với má tôi:

- Súng bắn nhiều quá má.

- Chắc bên thành nội.

- Không biết trên Từ Ðàm đã đánh xong chưa?

- Con yên tâm, trên nớ yên là mình về lấy đồ. Chắc cũng không mất mát nhiều đâu.

- Má không tin là cái nhà đó đã sập à?

Má tôi tin tưởng:

- Không, có sập cũng không đến nỗi.

- Chuyến ni yên, má có định bỏ Huế không? Hay để con vô trong thu xếp mang cả nhà mình vô Sài Gòn luôn.

- Không.

Tiếng "không" má tôi trả lời mau, không suy nghĩ. Bỏ làm sao được phải không má? Phải không Huế? Tôi tưởng tượng ra ngôi mộ của ba tôi nằm trên sườn đồi, vây quanh giữa những ngôi mộ ông tôi, bà tôi, chú tôi và những bà con thân thuộc khác. Rồi ngôi vườn, căn nhà tôi đang sống đây nữa. Cả một đời người, sau bao lần thất bại, ba tôi mới dựng nổi ngôi vườn, căn nhà này. Những cây cối vẫn còn cố sống, dù vàng võ, xơ xác ở ngoài vườn kia, đều do bàn tay ba tôi đã gầy dựng lên. Bây giờ ba tôi đã nằm xuống. Cùng với biến cố này trong thành phố, bao nhiêu người nữa đã nằm xuống. Nhưng cây cối sẽ phải tiếp tục mọc tiếp tục xanh, như sự chết của người dưới mồ phải tiếp thêm sức lực cho sự sống của cỏ cây mọc tràn trên đất. Giọng má tôi vẫn đều đều:

- Má nghĩ mình còn sống, mình còn gầy dựng lại được.

Rồi bà nói sang chuyện khác:

- Con vô Sài Gòn nhớ tìm cách báo tin cho má biết gia đình trong đó ra răng.

Tôi cam đoan với má tôi là ở Sài Gòn yên tĩnh trở lại rồi, và tin tức nhận được là gia đình tôi vẫn yên ổn. Nhưng má tôi vẫn thắc mắc:

- Vô, con nhớ làm cái hầm. Chuyến ni về phải làm cái hầm lại cho chắc chắn.

Tôi dạ dạ vâng vâng cho má tôi yên lòng. Ðêm đó tôi khóc âm thầm mãi. Nằm nghe tiếng súng nổ ran từ phía bên kia thành nội, tiếng đại bác câu đều đều, âm thanh như đưa oan hồn. Mai tôi bỏ Huế để đi một mình, để tìm bình yên một mình. Nhưng liệu có còn chỗ nào bình yên? Quê hương, nơi nào cũng có máu, có lửa. Tôi chúc cho Huế những gì đây?

Sáng hôm sau, Hà cùng với mấy cô nhỏ ở chung nhà đi xe đạp, cố tìm đường lên Từ Ðàm. Nhưng đến xế trưa, Hà trở về, mặt mũi đầy bụi. Nó nói: đường không thể nào đi được. Ở trên đó đang đánh nhau dữ dội lắm. Các ngả đường lên xuống bị chận hết.

Tôi bận rộn sửa soạn để xuống Thanh Lam. Nói là sửa soạn chớ thật chả có gì, ngoài sự bịn rịn người thân trong nhà.

Trước khi đi, tôi với Hà đi một vòng thăm xung quanh khu tôi ở. Lên nhà chú tôi, cả nhà đã đi tỵ nạn dưới Phù Lương. Xung quanh hàng xóm trở về thưa thớt. Những ngôi nhà bị trúng đạn càng ngày càng hư hại, hết sức tiêu điều. Ði vòng con đường nhỏ này là ngả ra núi. Nơi đó, mộ chôn ba tôi. Nhưng không dám đi xa hơn nữa.

Hai chị em xuống cầu An Cựu. Lính Mỹ vẫn gác đầy, chúng tôi muốn đi xa hơn nhưng có người nói nguy hiểm lắm. Khu trường Kiểu Mẫu vẫn còn bị ăn đạn bên kia sông bắn qua. Khi chúng tôi về tới nhà, thấy trong nhà có người lạ. Một ông lão đang ngồi uống nước và nói chuyện với cả nhà. Ông lão này có tới tám mươi tuổi. Má tôi giải thích là ông ở một trong các căn nhà phía sau vườn. Con cháu đã tản cư hết, chỉ còn một mình ông ở lại trong căn nhà đó từ ngày đầu xảy ra tiếng súng tới giờ. Tôi tò mò hỏi thăm, nhưng hình như ông không nghe gì hết, cứ hỏi một điều ông lại nói một chuyện khác. Một lúc sau, tôi mới biết là ông vừa lòa vừa điếc. Tôi hỏi lớn:

- Cụ ở một mình lấy chi mà ăn?

- Có chớ. Nhiều lắm. Tụi con cháu tui nó để lại bánh mì khô, bánh chưng, gạo nì...

- Cụ không sợ súng sao?

Câu hỏi này tôi phải hỏi tới hai ba lần, và làm dấu cụ già mới hiểu:

- Súng há? Ăn thua chi. Tui điếc mà, có nghe cũng như nghe tiếng bắp rang nổ rứa thôi."

- Mấy ngày đầu cụ có gặp họ không?

- Chi?

- Gặp họ?

- Họ là chi?

- Việt cộng đó cụ.

Tôi la lên đến khan cả cổ. Cụ già gật đầu ra vẻ hiểu:

- Ờ, ờ. Việt cộng. Có, có. Họ vô nhà thấy ông già thì mần chi ông già, ăn cứt ông già...

Tôi đang buồn cũng không nhịn cười được. Ông cụ già lại kể:

- Cái tụi con cháu nói không được. Tui biểu đừng có đi, cứ đi. Nghe nói trúng bom cả lũ chết hết rồi. Chết hết để lợi một mình tui. Khổ thân chưa...

- Chừ cụ tính răng?

- Tui nghe bên ni về đông người, muốn qua hỏi thăm tìm đường đi tìm xác tụi chúng. Khổ quá các bác, các cháu ơi. Tui đã khuyên tụi nó đừng đi, nó không nghe. Như tui cứ ăn no rồi nằm ngủ. Kệ súng kệ đạn, rứa mà có chết mô nà trời. Rứa mà tụi nó khôn biết ma đưa lối quỷ dẫn đường chi mà bồng bế nhau đi hết.

Má tôi khuyên:

- Ôn về nhà đi, đừng có đi tìm. Ai chết người ta cũng chôn hết rồi, biết mô mà tìm.

Ông cụ già đưa tay dụi mắt:

- Chôn hết há? Chôn mô?

- Chết mô người ta chôn ở đó.

Tôi nhìn thấy hai giọt nước mắt hiếm hoi chảy xuống trên gò má nhăn nheo của ông già. Ông không chào hỏi ai, đi ra khỏi cửa. Tôi đi theo, đưa tay đỡ ông, ông để cho tôi đưa ông về tới nhà.

Thật lạ lùng hết sức. Ngôi nhà ông sập hết một nửa, lại đầy cả vết bom vết đạn. Vậy mà ông già không hề hấn chi hết. Tôi chỉ những dấu đạn ở tường. Ông nói:

- Nó bắn đó.

Ông lần tới gần bên vách tường sập:

- Cái nhà định đổ. Tui có nghe chi mô, chỉ có tiếng bình một cái, người tui hơi dội trở lên, mở mắt thấy cái nhà đổ rồi.

Tôi thấy bên góc nhà mấy cái cờ giải phóng đầy máu, một vài chú ruồi vẫn còn bâu ở đấy. Mấy chiếc cờ tiết ra một mùi tanh khó ngửi. Thấy tôi nhìn, ông già giải thích:

- Của mấy ông giải phóng bỏ lại đó. Mấy bữa đầu thôi thì chết, rồi bị thương tùm lum. Ðem vô đây, đó, nằm ở góc nhà đó rồi khiêng đi, không biết đi mô nữa.

- Bây giờ cụ sống với ai?

- Một mình.

- Lấy chi ăn?

- Mai mốt yên, mình nhờ chính phủ chớ. Con cháu chết hết cả rồi. Mình nhờ chính phủ.

Tôi chào ông cụ già rồi đi về. Tới nhà đã thấy xe sở đợi sẵn. Má tôi đang đứng nói chuyện với mấy người trong nhà, thấy tôi, má tôi chạy ra:

- Họ tới đón con rồi đó.

Tôi ôm chầm lấy má tôi. Tôi muốn khóc mà không khóc được. Nhưng má tôi bật khóc dễ dàng:

- Thôi con vô sửa soạn mà đi.

- Má.

- Con sửa soạn đi đi...

Giữa không khí hoang mang của ngày giá rét, má tôi dường như đang gạt lệ, nhìn ngọn đồi cao trước mặt. Trên đó, là phần mộ ba tôi.

Trước khi tôi đi, tôi thắp một nén hương lên bàn thờ. Hình như tôi muốn khấn một điều gì đó, nhưng trí nhớ của tôi thật hoàn toàn mù mịt.

Xách cái túi nhỏ. Ôm khóc vẫy chào mọi người. Tôi đã ra đến lề đường. Chiếc xe nổ máy chờ sẵn. Ngay trên đầu tôi, những chiếc máy bay không ngớt gầm thét, lượn vòng. Và ở phía xa bên kia thành nội, những ụ khói bốc cao, quằn quại trong những tiếng nổ tung vỡ.

Tôi thật sắp bỏ Huế rồi sao?

10 - EM NHỎ HUẾ, EM NHỎ VIỆT NAM, CHÚC EM MAY MẮN !


Chuyến xe từ Thanh Lam đưa tôi về Phú Bài xả hết tốc lực. Chúng tôi có thể bị tấn công bất chợt lắm. Nhưng không sao. Đúng là tôi chưa thể chết được. Chợ Phù Lương đã hiện ra, xe dừng lại. Một tô bún bò ớt cay xé miệng để lót lòng trước khi lên đường. Tôi ăn một cách tham lam. Điều này làm tôi muốn ứa nước mắt. Ngôi nhà ở An Cựu tiêu điều giữa hàng cây xơ xác, má tôi chắc giờ này ruột nóng như lửa : Con ơi, con đi đường bình yên nghe con. Má tôi dặn dò từ trong sân ra tới đường. Mấy đứa cháu, đứa cầm tay, đứa cầm áo : Cô đi vô Sài gòn, cô sợ súng rồi phải không cô ? Giọng nói non thơ đó làm tôi muốn ở lại Huế cho tới khi được nhìn thấy Huế, yên lành lại hoặc được chết cùng Huế. Nhưng các con tôi đang réo gọi. Ruột tôi đau như ai cắt. Những tiếng bom đạn đã mịt mù ở xa, nhưng như vẫy còn đập nhịp trong tim tôi ình ình, không bao giờ ngớt.



Bải cỏ dựng làm sân trực thăng đã hiện rõ. Tội nhảy xuống xe. Cùng vào Đà Nẵng với tôi còn có một người bạn đồng hành. Bãi cỏ trống trơn, không có một chiếc chờ đợi trực thăng nào, nhưng người vẫn ngồi đông kẹt ở phía ngoài hàng rào giây kẽm gai. Chúng tôi trình giấy cho mấy người lính gác rồi đi vào bên trong sân cỏ. Những người ngồi dọc theo hàng rào kẽm gai nhốn nháo đứng dậy định tràn vào theo, nhưng họ bị những người lính chận lại.


Tội nghiệp em Thái và Bê, trước khi đưa tôi đi, chúng nó đã đi lùng mua được ít hộp bánh Mỹ và mấy thỏi sô cô la : Chị bỏ đi đường mà ăn.

Tôi đặt cái xách nhỏ xuống cỏ và ngồi lên trên. Ông bạn đồng hành cùng với tôi vào Đà Nẵng đem theo bà mẹ già và hai đứa con nhỏ. Hai đứa nhỏ chạy tung tăng trên bãi cỏ, hái những bông hoa màu tím nhạt. Chúng đùa giỡn một cách vô tư làm tôi nhớ các con tôi êm ái. Đồng thời, hình ảnh đứa cháu nhỏ đang cầm bát cơm, nghe tiếng đại bác dội đã tái xanh mặt, thả chén cơm chạy áp mặt vào tường, dơ hai bàn tay nhỏ bé ôm đầu làm tôi xót xa. Má tôi, anh tôi, em gái và lũ cháu nhỏ đang nằm bên ven bờ lửa. Vòng lửa liệu sẽ thu nhỏ lại hay sẽ lan bùng ra ? Tôi bỏ đi một mình, tàn nhẫn trốn chạy một mình. Lòng tôi ngập khổ đau ray rứt.

Đoàn người tụ tập bên ngoài vòng kẽm gai càng lúc càng đông. Họ hỏi về những chuyến bay. Những người này đã thoát khỏi Huế, về Phú Lương, và chưa yên tâm, họ muốn tránh xa Huế thêm nữa. Những gói, những va ly chất ngổn ngang. Một vài người được lính cho vào bên trong sân cỏ.

Tức thì có tiếng cãi cọ, van nài, xin xỏ. Rồi họ nhìn những người ngồi bên trong với vẻ giận dữ, ganh tỵ.

Quế, ông bạn đồng hành của tôi cho biết là hơn tuần nay, ngày nào đoàn người trên cũng tới ngoài vòng rào kẽm gai, chầu chực để may ra có thể xin trực thăng vào Đã Nẵng. Một người nói :

- Có tàu thủy bên Gia Hội chở người tản cư vô Đà Nẵng đông lắm.

- Nguy hiểm lắm. Nghe nói Việt cộng bán chìm mấy tầu. Dân tản cư chết chìm dưới biển hết.

Không ai bình luận gì thêm. Rồi trời bỗng tạnh ráo hẳn. Cơn mưa phùn từ sớm đã biến mất từ lúc nào. Bầu trời sáng êm ái. Bãi cỏ xanh trải rộng một màu xanh mơn mởn, non tươi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một màu xanh tươi mát, rực rỡ đầy sức sống như thế. Những bông cỏ ngậm mưa vươn lên mạnh mẽ. Ở đây cây cỏ mọc vẫn hết sức yên lành. Những dãy núi đồi trải rộng, hiền lành như một bức tranh vẽ phong cảnh thời thái bình thịnh vượng. Nhưng chen vào đó, đoàn người ngoài và trong vòng rào kẽm gai hết sức tội nghiệp tiêu điều. Người họ như còn ám đầy khói, sém lửa, và lỗ đỗ những dấu dạn. Cỏ vẫn mọc đấy chứ, phải không ?

Tôi tựa đầu vào chiếc xách và ngồi bệt xuống cỏ ướt. Gió núi làm tôi thấm lạnh. Tôi phải lấy cái áo măng tô của ba tôi khoác vào người. Chiếc áo này, trong những ngày chạy loạn, tôi đã mang nó như một lá bùa hộ mệnh, và bây gời trở thành một vật kỷ niệm về người cha. Mắt tôi nhìn gần sát mặt cỏ. Những lá cỏ dài sắc như muốn vươn tới mặt tôi. Một vài bụi cỏ nhỏ mọc ở ven hàng rào kẽm gai, được chất sắt chăm bón, trổ cho hơn đồng bạn, một vài bông hoa màu tím, cánh nhỏ, mỏng manh. Tôi chợt bàng hoàng. Những bông hoa cỏ dại màu tím về mùa Xuân nơi sân trường Đồng Khánh lúc này liệu có nở kịp dưới những dấu chân dày xéo ? Hoa này hồi còn đi học chúng tôi đặt là hoa Bâng Khuâng. Trước khi về Phú Lương, tôi nghe tin mái trường xưa thân yêu đã đổ nát, nhiều người chết, nhiều người chạy loạn vẫn còn ở lại đó.

Chúng tôi chờ đợi tới trưa vẫn chưa có máy bay. Đoàn người chờ đợi lấy bánh mì, lương thực ra ăn. Tôi chỉ ăn được có một mẫu bích quy nhỏ, và thấy lửng bụng. Tô bún bò buổi sáng vẫn còn hằn hộc trong dạ dày và thỉnh thoảng, mùi vị cay nồng vẫn còn ứa lên cổ. Có lẽ tại lâu ngày ăn kham khổ, tôi đã bỏ quên mùi vị béo bổ của thức ăn ngon.

Hai đứa nhỏ dựa đầu vào chân Quế ngủ gật. Quế ôm con, ngồi sát bên bà mẹ già, bà cụ đang than thở với một người bạn cùng đợi máy bay :

- Nhà tui như rứa là hết.

- Nhà tui còn chi. Tui mất hai đứa con. Bị bắt đi khôn biết sống chết ra răng đây ni.

Tôi đã nghe quá nhàm những chuyện chạy loạn, chết chóc, bắt bớ. Tôi nhắm mắt cố ngủ một chút để quên sự nóng lòng chờ đợi.

Nhưng không lâu nữa, trên nền trời như có tiếng xao động ở xa, rồi tiếng máy bay rõ dần, rõ dần. Sau núi, xuất hiện một đoàn trực thăng có tới năm sáu chiếc. Mọi người đứng dậy nhốn nháo. Đoàn người bên vòng rào kẽm gai bắt đầu la thét, khóc lóc. Họ xách đồ chạy tới nơi mấy người lính gác, vòng trong vòng ngoài. Nhưng trong năm chiếc trực thăng chỉ có hai hạ cánh, còn ba chiếc bay thẳng. Đoàn người ở vòng ngoài hàng giây kẽm vẫn chưa thất vọng, họ chen lấn, gọi nhau, xin xỏ um sùm. Chiếc trực thăng hạ xuống gần, tôi không còn nghe thêm gì nữa. Tiếng động cơ trực thăng nổ lớn quá, và hai cánh quạt vù vù, làm nhiều người ngả nghiêng muốn té. Những thân cỏ vừa mới mạnh dạn vươn lên bỗng rạp mình xuống. Một lúc sau tiếng máy mới tắt hẳn khi hai cánh quạt đã ngưng quay. Những người, những cây cỏ thẳng mình trở lại. Hai người Mỹ và hai sĩ quan Việt Nam từ hai chiếc trực thăng bước xuống. Quế gọi tôi, rồi dẫn mẹ và hai con nhỏ đi tới trình giấy tờ. Chúng tôi được lựa đứng ra một góc. Đoàn người trong sân được chia đều cho hai chiếc máy bay chuyên chở. Nhưng tiếng la ó, khóc lóc của đoàn người bên ngoài vòng rào càng lúc càng dữ dội. Những người lính giữ không nổi, nhiều người tràn vào. Vài phát súng nổ chỉ thiên. Nghe tiếng súng, đoàn người còn lại chùn bước. Họ đứng nhìn nhau ngơ ngác. Tiếng súng ở đây sao hiền hậu quá, viên đạn bay mất lên không trung, vậy mà người nào người đó tưởng máu mình đã chảy.

Người ta lùa hai tốp người lên hai chiếc trực thăng. Tôi ngạc nhiên quay lại khi thấy một chú nhỏ cầm chặt lấy vạt áo tôi và theo tôi từng bước. Khi tôi bước lên máy bay, em nhỏ bước lên theo, nhưng một bàn tay giữ em lại, Viên sĩ quan nạt :

- Ê thằng nhỏ này đi với ai ?

Cậu nhỏ được kéo xuống. Nó đứng co ro, nhìn mọi người lên máy bay bằng đôi mắt rớm lệ. Tôi được xếp ngồi gần cửa nên đôi mắt cậu bé như dán chặt vào mặt tôi. Nhích ra một chút, tôi có thể nhường cho cậu bé một chỗ ngồi chật hẹp. Người sĩ quan sau khi đẩy cậu nhỏ xuống, lên băng trên ngồi với người lái. Mắt cậu bé bỗng sáng lên, cậu nhìn tôi ra dấu cầu cứu. Tôi bám chặt một tay vào ghế, một tay đưa xuống kéo cậu bé lên. Cậu du lên thật nhanh nhẹn và ngồi tít vào tận bên trong, lấp sau những gói đồ. Nhưng tất cả vẫn không qua mắt được viên sĩ quan. Ông ta lại nhảy xuống, dọa nạt cậu bé :

- Máy bay chật, mày không đi được. Xuống.

Mặt cậu tái mét, tay chân run lập cập. Cậu nhỏ đi một mình, chắc lạc gia đình hoặc gia đình đã chết hết ? Tôi nói với viên sĩ quan :

- Cậu nhỏ này người ta gửi cho tôi, tưởng con nít tôi không ghi vào giấy. Viên sĩ quan nhìn tôi nghi ngờ. Nhưng rồi ông cũng bỏ đi. Tôi nhìn cậu nhỏ, cố gắng mỉm một nụ cười thân thiện. Nhưng cậu nhỏ vẫn chưa hết cơn run, tay chân lẩy bẩy, cậu cố thu nhỏ người lại vào giữa những gói đồ, những bàn chân vô tình của những người lớn đang muốn đè lên người cậu.

Máy bay bắt đầu nổ. Cánh quạt bắt đầu quay. Vậy là tôi đã thoát rồi. Giã từ Huế, giã từ những hầm hố đang còn tiếp tục cày xới, những xác người chưa chôn. Giã từ cả Phú Lương với nhà thờ chứa đầy nhóc người tỵ nạn đói khổ.

Máy nổ to hơn nữa đi. Cánh quạt quay nhanh hơn nữa đi. Nhấc bổng tôi lên đi chứ. Nhấc bổng được rồi. Máy bay lên dần. Đoàn người ngoài hàng rào và một số đang ở sân cỏ nhìn theo một cách tuyệt vọng. Quay nữa đi, quay tít mù và bay bổng lên cao để tôi đứng nhìn thấy những ánh mắt trông theo đó nữa.

Tôi thu hai tay vào áo. Càng lên cao, gió lạnh càng tê buốt da thịt. Máy bay bay đã được bao xa ? Chắc xắp ra khỏi thành phố rồi. Nhìn xuống, bây giờ chắc tôi nhìn thấy một vùng núi xanh. Tôi tham lam muốn nhốt hết màu xanh đó vào trong mắt nhưng khi nhìn xuống, tôi bỗng sững sờ. Máy bay như bay trở lại thành phố Huế. Tôi đưa mắt, nhìn Quế. Quế và mấy đứa nhỏ ngồi ở băng trước gần chỗ phi công. Tôi ra dấu hỏi. Quế nói thật lớn nhưng bị tiếng gió, tiếng động cơ lấp mất. Tôi đoán ra lờ mờ : Đi một vòng gì đó... Nhưng chắc chắn máy bay trở lại Huế rồi. Tới đầu Quốc Lộ, gần vào thành phố, máy bay bỗng vọt lên cao hơn và tốc độ nhanh kinh khủng. Tôi bám chặt tay vào giây vịn, cột chặt giây thắt lưng kỹ hơn rồi ngoái người ra ngoài nhìn xuống thành phố.

Cái gì rách bươm ra như một cái dù mau bị gió đập vỡ, rách nát, tả tơi thế kia ? Chao ôi, thành phố Huế đó hay sao ? Những nhà cửa đổ nát, những vườn cây xác xơ như lông một con chó xác xơ phơi bày cả trăm mụn lở loét.

Ai vừa bóp mạnh trái tim tôi, vừa nặn mắt tôi những giọt nước mắt. Một xác chết khổng lồ đang nằm soải tay soải chân, rời rã, rách nát, bung da, bung thịt. Các xác khổng lồ của Huế đã chảng còn mặt mũi tay chân gì, chỉ còn một đống bầy nhầy bọc lấy đất. Xương sống thành phố đã gãy. Xương sống tôi cũng đã gãy.

Cánh quạt máy bay vẫn bay vù vù, ép xuống trái tim tôi cơ hồ như đang bị chai cứng. Trái tim tôi đã chết cứng rồi, sao tôi vẫn còn thở. Kỳ diệu thay sức mạnh của sự sống.

Hãy chớp mắt cho tôi nhìn thấy.

Trực thăng đang bay qua một ngọn đồi và hơi chao nhẹ. Dưới đó ngôi mộ của ba tôi còn nằm đó không ? Sao ngôi mộ vẫn sáng sỡ trong ký ức tôi với những chồi non đang thoi thóp thở dưới lớp đất mới, chờ cơ hội để vươn lên nhìn ánh mặt trời. Khu vười tôi đó ư ? Những cây dừa bị chặt ngang, mái ngói vỡ, cửa ngõ trống trơn đang họp với những ngôi nhà khác những khu vườn, cầu cống đường sá thành lớp da bầy nhầy của xác chết. Con mắt của Huế vẫn mở trừng trừng trong lửa đạn. Chớp mắt nữa cho tôi nhìn với, quạt quay nữa cho hiện ra, tiếng máy hãy rán lên cho òa vỡ. Tôi nghe ra rồi. Tiếng kêu khóc phải không ? Tiếng thét hãi hùng giữa buổi sáng buổi trưa giữa đêm đen phải không ? Người đàn bà đẻ rơi trong nhà thờ. Xác đứa bé được bao bọc, được mẹ ru hỡi ru hởi trong bọc áo, trong bấy nhiêu ngày chạy loạn.

Chớp mắt nữa đi chứ ? Đoàn người từ Phủ Cam chạy về, vác lương thực, vác trẻ thơ, vác xác chết lảo đảo, hốt hoảng đi theo sau những ông cha, những ông sư cầm cờ trắng, tơi tả. Đâu rồi Cung An định, nơi một mẫu nghi thiên hạ lỗi thời còn được nghe những tiếng êm ái : Cõng Ngài chạy ? Ngài đã chạy đến đâu, đi được chừng nào bước trong vòng lửa. Và ngôi nhà cũ kỹ đã sập một góc, bây giờ là dấu gạch nơi nào trên thân thể xác chết ? Đoàn người chạy loạn đã qua hết cầu chưa. Con chó trôi giữa giòng sông đã bị chết chìm nhờ một viên đạn thi ân hảy còn cố bơi lóp ngóp vào bờ. Thôi đi chứ.

Những tiếng hét, những tiếng la khóc, tiếng cười của anh lính Mỹ bắn con chó đang dang xa ra giữa mặt sông, rồi cố lết vào bờ sao như còn bám sát lấy màng tai tôi.

Bay tới gần nữa, khúc máu me này là nhịp cầu gẫy nối liền hai khu vực của thành phố ? Nơi nào Bưu điện, mấy xác anh Giải phóng ? còn chờ gì nữa mà cột chân nơi súng đại liên. Ai cột chân các anh ? Tôi chớp mắt nhiều lần, mở mắt nhiều lần, ứa nước mắt nhiều lần. Tôi nhìn thấy những cột khói khổng lồ đang liếm lên bầu trời màu chì đục như chiếc lưởi của một con ác quỷ. Cố cúi xuống tí nữa, tôi nhìn ra rồi, những làn đạn xẹt như mưa, những nhà cửa tan tành, những đường sá lổ đổ.

Thật đáng ngạc nhiên biết bao, khi dưới chiếc lưởi đỏ lòm của con ác quỷ, giữa bom đạn, cày nhát như thế mà vẫn có những đoàn người chạy xuôi chạy ngược tìm lối sống. Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi thấy mình đang ngồi trên chiếc máy bay này, bay trở lui để nhìn lại thành phố đổ nát.

Máy bay chưa tới được gần bờ thành đã vội quay trở lại, hình như có những tia lửa xẹt lên bờ thành này, đã có bao nhiêu dân chúng bị chết oan uổng trên đó. Những đoàn người bị trói để máy bay trên từ trời nã súng xuống.

Họ cũng đã yên phận với Huế, đã góp phần trong đống da thịt bầy nhầy của Huế.

Máy bay trở lại Phù Lương, một lần nữa lượn trên mấy ngọn đồi có ngôi mộ mới của ba tôi. Khu vườn cây ba tôi đã chăn bón. Bao nhiêu ngày dằm mặt đất ly loạn kia tôi ít chẳng hề nghĩ đến sự ràng buộc giữa mình với mặt đất.

Vậy mà bây giờ tôi đang ngồi ở trên cao nhìn xuống, nhìn rõ ràng sao lại nghĩ tới mặt đất một cách thê thiết như vậy. Kìa, nơi kia có phải là đất mà ba tôi đã gửi thân ? không, không những chỉ một phần đó, mà chính trên giải đất rộng lớn này tôi còn chôn thêm một đứa con thơ dại.

Tôi đang ở trên cao nhưng đâu có cách biệt gì, tôi đang liền lặn với mặt đất. Dưới kia là gia đình tôi đang sống. Đất thật gần gủi. Chính nơi đốt xương đang gảy vụn dưới kia, đâu chỉ có in bước chân tôi trong từng ấy ngày chạy loạn mà trong bao năm của tuổi thơ, tuổi lớn lên nữa.

Đất thân ái với người biết bao nhiêu, ràng buộc với người biết bao nhiêu. Giải đất dưới kia không những chỉ giữ của tôi những thối quen, nhưng ràng buộc, những thân thuộc, mà chính tôi đã giử trong đất một phần xương máu của chính mình nữa.

Máy bay xa dần, tới những triền núi xanh. Chớp mắt một cái, cả thành phố đổ nát đã khuất. Tôi coi người lại. Hình như có nhiều hạt nước nhỏ như bụi bám đầy mặt tôi. Trời lại bắt đầu mưa phùn. Cơn mưa nhỏ nhoi, hiền lành, làm sao có thể thấm thía gì với cái lưỡi đỏ đang liếm đen cả một khoảng trời ? Ở đó bây giờ thành nội còn mờ mịt trong lửa đạn. Trận đánh trong bao lâu nữa sẽ kết thúc. Cho tôi chớp mắt tiếp tục với. Hình như trên máy bay lại có tiếng bàn tán về Huế. Một phụ nữ bị chặt cụt đầu, cụt tay, cụt chân. Hai đứa bé lai Mỹ bị cầm chân quật đầu vào tường : Đồ Mỹ Đế. Một nhân vật quen biết khác, ông Tinh Hoa, chủ một hiệu sách, trốn cả tháng trong nhà, vì đói khát đã phải liều để tìm nước. Một phát súng, ông chết để lại một giai thoại. Chưa hết, chiến tranh còn vô tội vạ lắm. Mọi người có quyền nghi ngờ nhau. Bên kia nghi ngờ đứa nhỏ lai Mỹ này lớn lên sẽ làm hại xã hội, giết. Bên phía quân Mỹ chĩ nghe một tiếng động, một âm thanh nhỏ đốt luôn cả một xóm, giật sập một nhà, rỉa từng lằn đạn vào một căn hầm lúc nhúc đầy đàn bà trẻ con. Có những chiếc hầm còn hơi thở người sống, có những chiếc hầm đầy máu me da thịt người chết. Mẫu chuyện nhỏ về một ông dược sĩ chưa kịp lên khỏi hầm, đang còn đưa hai tay lên đầu để đi ra đã bị ăn cả một băng đạn vào người. Nhiều lắm, tôi làm sao nhớ hết, làm sao chở hết những hình ảnh máu me trong chiếc đầu nhỏ bé, tội nghiệp của tôi lúc này. Trí nhớ tôi thật lộn xộn. Hình ảnh ông anh tôi ôm hai tay hai đứa trẻ con hàng xóm đang hấp hối, lũ cháu nhỏ đi trước cầm cờ trắng dẫn đầu để qua cầu Bến-Ngự. Đạn từ bên cầu bắn qua như mưa, đạn sướt bên đầu, đạn dội dưới chân. Người Mỹ bắn súng tài lắm, như trong ciné, và lũ nhỏ lăn quay dưới đất la khóc. Người anh đành phải bế hai đứa nhỏ, con bà hàng xóm đang ngắc ngoải đi trở lên vùng Giải Phóng chiếm đống. Lỗi đâu phải người Mỹ, phải không ?

Tôi nghe một tiếng nấc nhỏ. Tiếng nấc của ai hay của chính tôi. Tôi đưa tay dụi mắt cho những ám ảnh tan dần. Nhưng trực thăng càng xa thành phố, những hình ảnh đó càng xoắn xít, bám chặt. Tôi nghĩ tới đoàn người còn ngồi lại ở sân cỏ, liệu họ có may mắn như tôi sẽ được một chỗ ngồi để tìm tới một vùng đầy bình yên hơn. Đâu phải chỉ trên một sân cỏ đó. Đồng bào Huế còn tràn về tận sân bay Phu-Bài nữa. Mới đây, tôi đã gặp hàng trăm người đứng ngồi ngoài hàng rào, khóc lóc xin người Mỹ cho họ máy bay đi tỵ nạn. Họ khóc lóc kêu gào trong lúc những quân nhân Mỹ ngồi ủ rủ, mệt mỏi bên những xác đồng bọn bọc trong các bao ni lông, sắp thành dãy dài, để chờ máy bay tới đem đi.

Trực thăng đã vượt qua những rặng cây xanh, những triền núi để ra biển. Gió lạnh buốt và mưa dày hạt hơn. Những hạt mưa bị cánh quạt trực thăng quạt hắt vào mặt mũi tôi, đau như những mũi kim chích. Mọi người ngồi dần cục vào nhau. Người lục xách, kẻ mở túi vải lấy thêm áo mưa mặc vào. Một chị đàn bà cầm nón không chặt, bị gió thổi hất tung khỏi máy bay và từ từ rơi xuống mặt biển, làm thành một chấm tròn nhỏ trên mặt nước xanh gợn sóng. Không biết có phải họ cũng như tôi, đang để hồn về Huế và đang khóc không mà trên mặt người nào cũng ướt dầm dề nước mưa hay nước mắt ? Vài tiếng khóc thút thít nhỏ, phải nhìn thật kỷ, lắng tai thật rõ mới đoán ra được. Vài đứa nhỏ nằm gọn trong lòng mẹ, quấn hai ba lớp chăn. Những đứa nhỏ này cũng đã chạy loạn đủ nơi, đủ chỗ trong thành phố những ngày qua.

Mưa hắt ghê quá. Cậu nhỏ đi theo tôi lúc lên trực thăng lúc này chỉ ngồi co ro giữa những túi, những xách. Cậu như bị mắc kẹt ở trong đó và không còn nhúc nhích, hay dám thở mạnh nữa. Cậu bé không thể nào còn chỗ để nhích người trở lưng ra ngoài. Bây giờ tôi mới nhận ra cậu nhỏ chỉ mặc mỗi chiếc áo sơ mi phong phanh và chiếc quần đùi. Khuôn mặt của cậu nhỏ sau làn da đã tái xanh muốn biến thành xám xịt, hình như chứa đựng cả một lớp băng giá, rét mướt đến thê thảm. Như không còn sức để chịu đựng nổi, đôi môi cậu không yên được mà run lên cầm cập. Thấy tôi nhìn, cậu bé mở lớn đôi mắt tròn xoe, đỏ hoe nhìn lại. Trong đôi mắt đó : Ôi, tôi đã nhìn được gì mà gai ốc nổi đầy mình. Một thành phố, một giòng máu, những khúc tay, khúc chân. Những con chó chạy rong trong thành phố, tung hê, ngậm những khúc xương chân, những bàn tay cụt chạy trốn trong bụi cây, băng qua đường, sau hè nhà. Tôi còn nhìn thấy gì nữa chứ ? Một thành phố bị dập vùi, một tương lai bị bôi xóa. Những trẻ thơ chết thảm thương. Thôi em bé. Chớp mắt đi, đừng mở to hơn, những tia nhìn của em lạnh lẽo cả một tương lai rồi đó. Hình như môi cậu nhỏ lấp bấp. Em muốn nói gì đó ? Chỉ một khoang cách ngắn ngủi nhưng em có hét lên thì chị cũng không nghe được. Trời mù, mưa mù, biển mù, trực thăng bay bao và tiếng động cơ nhòa xóa tất cả mọi thanh âm nhỏ bé của chúng ta. Nhưng em lạnh lắm phải không ? Tôi phải chia sẻ cho em được gì đây. Tôi với tay lấy cái xách, cố gắng lắm mới lôi ra được chiếc áo khoác duy nhất còn giữ được trong những ngày chạy loạn. Tôi liệng thẳng tới cậu bé.

Hai cánh tay cậu bật ra hết sức bất ngờ. Và vội vã một cách chật vật, cậu tung chiếc áo ra, mặc vào người. Tay chân cậu vẫn run rẩy, nhưng dù sao chiếc áo cũng giúp em một phần ấm áp. Cậu bé không nói gì, mở lớn mắt hơn nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi quay mặt nhìn ra ngoài trời cho những hạt mưa quất vào mặt.

Qua khỏi vùng nguy hiểm, máy bay bỏ biển đi vào đất liền. Những nhà cửa, cây cối đã hiện ra phía dưới. Trực thăng bay thấp hơn, đôi khi như là là trên ngọn cây, những mái nhà ở dưới đất hiện rõ và to dần. Tôi nhìn xuống phía dưới, một vài túp lều tranh ở trong những khung đất vuông. Và trước sân có một vài đứa trẻ con đưa tay lên trời vẫy rối rít.

Một lát sau, máy bay xuống thấp dần. Tôi nhìn ra một con sông lớn, rồi những con đường đất như vừa mới đắp, những dãy nhà tôn, những u khói nhà máy. Đến Đà-Nẵng rồi sao ? Tôi tự hỏi. Chiếc trực thăng bỗng đứng yên, máy nổ ròn rã dữ dội hơn, rồi hạ thấp xuống dần, xuống chạm đất.

Những chiếc nịt dây được mở ra vội vàng. Người ta đua nhau nhảy ra, chuyển đồ xuống. Đợi cho mọi người xuống hết tôi mới nhảy xuống theo. Có tiếng gọi nhau ơi ới : Lẹ đi, không trễ phà ở lại túi bên ni mô có được.

Bên ni là đâu ? Chưa phải Đà-Nẵng hay sao ? Tôi hỏi Quế :

- Chưa tới Đà-Nẵng hả ?

- Bên ni là Sơn trà qua sông mới Đà-Nẵng. Phải đi phà.

Tôi à nhỏ, tiếng à vẫn bị động cơ nuốt mất. Chiếc trực thăng thứ hai cũng đã hạ xuống, chỗ trực thăng đậu là một bãi cỏ bên con đường đất đắp cẩn thận. Gió từ hai cánh quạt quạt rạp cả cỏ cây. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau ngã nghiêng, bay mất hút. Đoàn người giữ áo, giữ khan, cúi rạp mình tránh gió đi lên bờ đường.

Trời tạnh rào hẳn nhưng buổi xế chiều, mây rất thấp và âm u. Chắc Đà-Nẵng cũng mưa phùn như Huế. Tôi đứng trên đường cái chờ đợi Quế dẫn hai đứa nhỏ và bà mẹ già lên. Lúc này tiếng người gọi nhau nghe đã rõ. Họ vội vã họp đoàn đi nhanh về phía trước.

Hình như có ai níu nhẹ vạt áo tôi. Tôi quay lại. Cậu bé. Cậu bé có đôi mắt to, chớp mở cho tôi nhìn thấy bao hình ảnh của Huế đổ nát đang đứng bên cạnh. Tôi dịu dàng hỏi :

- Gì đó em ?

Cậu bé lặng lẽ đưa trả tôi chiếc áo khoác đã xếp lại cẩn thận. Đôi mắt cậu vẫn mở to nhìn tôi và miệng lí nhí nói lời cám ơn. Tôi hỏi tiếp :

- Bây giờ em về đâu ?

Cậu bé lắc đầu. Đôi mắt nhìn xuống hai bàn chân nhỏ bé. Rồi bỗng đi thật nhanh. Dáng cậu bé côi cút bơ vơ, tội nghiệp, đang đi lẫn vào đám đông, vội vã qua một chuyến phà, sang một con sông, vào một thành phố khác.

Em nhỏ, em nhỏ Huế, em nhỏ Việt Nam. Cầu chúc em may mắn.


NHÃ CA


1      2      3           5


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét