Chu Chi Nam, Vũ Văn Lâm - Trước hiện tượng
gần như toàn thế giới chạy đua vũ trang, nước chậm tiến như Việt Nam, tổng sản
lượng chưa quá 200 tỷ $, sản lượng tính theo đầu người vẫn còn bị coi là một nước
thiếu phát triển, cũng bỏ ra hàng tỷ $ để mua tầu ngầm, máy bay; nước nghèo đói
như Ấn Độ cũng cố gắng sản xuất hàng không mẫu hạm; nước mà nền kinh tế bấp
bênh, chỉ phụ thuộc vào du lịch và sự viện trợ của nước ngoài, như Ai Cập, cũng
bỏ ra bạc tỷ để mua máy bay chiến đấu.
Riêng hai nước đứng thứ
nhất, thứ nhì về kinh tế thế giới, Mỹ, thì mặc dầu ngân sách quốc phòng có giảm,
từ gần 700 tỷ $, nay chỉ còn 577 tỷ, nhưng với chính sách chuyển trục về Châu Á
Thái Bình Dương, ngân sách dành cho vùng này không giảm mà lại tăng. Trung Cộng
thì ngân sách quốc phòng tăng đều trong 30 năm qua, hiện nay là đứng thứ nhì với
145 tỷ $.
Trước những dữ kiện
trên có người cho rằng chiến tranh nhất định sẽ xảy ra giữa Mỹ và Trung cộng.
Có người quan niệm ngược lại.
Chúng ta hãy cùng nhau
xem xét vấn đề và cùng nhau tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
A) Chiến tranh Mỹ -
Trung sẽ xảy ra vì Hoa kỳ muốn dạy cho Trung cộng một bài học
Thật vậy, người ta còn
nhớ vào năm 1995, khi ký sắc luật chấp nhận cho Trung cộng có đặc quyền tối huệ
quốc, Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton có đọc một bài diễn văn đầy hy vọng: hy vọng
rằng có thể cứu một dân tộc đông nhất thế giới khỏi nạn đói triền miên trong
quá khứ, hy vọng rằng Trung cộng sẽ hội nhập vào cộng đồng thế giới, rằng nước
này sẽ tôn trọng luật chơi về thương mại, như Tổ chức thương mại quốc tế đã qui
định, mà Trung cộng đã gia nhập trước đó.
Tuy nhiên, Việt Nam
chúng ta có câu: 'Hy vọng lắm thì càng thất vọng nhiều', ít ra là trong vòng 20
năm qua, Trung cộng đã hành xử hoàn toàn ngược lại: Không tôn trọng một tý gì
là những luật lệ quốc tế, bằng cách sao chép trái phép, làm đồ nhái, làm đồ giả
để tung ra thị trường quốc tế với giá rẻ mạt, đấy là chưa nói đến những hàng độc
hại, giết không biết bao nhiêu người, trong đó có chính dân Tàu.
Hàng Trung cộng rẻ là
vì Trung cộng đi theo một kế hoạch kinh tế chỉ nhằm vào xuất cảng, với ba
chính sách sau đây:
- Chính sách kềm lương
thợ ở mức độ thấp nhất để giảm giá thành, mặc dầu giới lãnh đạo đảng Cộng sản
Tàu tự cho mình là đảng của thợ thuyền. Người thợ Trung cộng bị bóc lột không
những bởi những ông tư bản đỏ là con cháu của Bát Đại Gia từ thời Đặng Tiểu
Bình, mà còn bị bóc lột bởi những ông tư bản trắng, đến từ nước ngoài để tìm
giá nhân công thấp.
- Trung bình từ bao chục
năm nay cán cân thương mại giữa Trung cộng và Hoa Kỳ đều bị thất thâu có hại
cho Hoa Kỳ mỗi năm trên dưới 200 tỷ $.
- Ngoài việc kinh tế,
Trung cộng còn đi theo chính sách phá hoại môi sinh, môi trường, không có những
luật lệ bảo vệ môi sinh, nhằm lôi kéo và khuyến khích sự đầu tư của những công
ty ngoại quốc. Những công ty này, nếu thành lập ở những nước tôn trọng môi trường
thì phải có chính sách tôn trọng đồ phế thải, có thể mất từ 5 đến 10 % trị giá
thu nhập. Chính vì vậy mà Trung cộng hiện nay trở thành một quốc gia ô nhiễm nhất,
bầu trời Bắc Kinh lúc nào cũng tối đen vì ô nhiễm, 70% sông ngòi Trung cộng bị
ô nhiễm.
Chính nhờ chính sách
kinh tế đó, mà Trung cộng đã tăng trưởng kinh tế vượt bực hàng bao chục năm
nay, với tỷ số tăng trưởng bằng 2 con số, giúp cho nước này có một ngân sách dồi
dào, một dự trữ $ to lớn, đi đến chính sách bành trướng, nhất là về quân sự.
Trung cộng đã tìm cách
hiện đại hóa quân sự như Đặng Tiểu Bình chủ trương 4 hiện đại hóa: hiện đại hóa
giáo dục, kinh tế, kỹ nghệ và quân đội. Song song với chính sách bành trướng về
kinh tế, Trung cộng chủ trương chính sách bành trướng quân sự, như việc xâm chiếm
một số quần đảo của Việt Nam, như chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, rồi sau đó
chiếm 7 hòn đảo của quần đảo Trường Sa và đã đang xây dựng lên những đảo nhân tạo,
vi phạm luật lệ quốc tế về biển.
Thêm vào đó, Trung cộng
còn đầu tư mạnh mẽ trong lãnh vực điện toán, thành lập một đội ngũ tin tặc
(hackers), khoảng 2600 người, tìm cách ăn cắp những tin tức, bí mật quốc phòng,
mà cả kinh tế và dân sự, đang là một vấn đề quan trọng giữa 2 quốc gia Mỹ -
Trung.
Trước tình trạng đó,
nhiều chính khách Hoa Kỳ chủ trương phải cho Trung cộng một bài học, “Phải diệt
trừ hiểm họa từ trong trứng nước”. Nếu không thì quá muộn.
Đó là về phía Hoa kỳ.
Về phía Trung cộng thì
sao?
Có người cho rằng chiến
tranh Mỹ Trung sẽ xảy ra vì cuộc tranh giành quyền lực ở Trung cộng vẫn còn diễn
tiến gay gắt. Tập cận Bình muốn bung ra, gây chiến ở ngoài, nhằm củng cố quyền
lực ở bên trong. Nhiều nhà bình luận cho rằng Tập cận Bình đã hoàn toàn nắm vững
toàn bộ quyền lực trong tay. Nhưng thực tế không phải vậy. Ở một nước rộng lớn,
đông dân, độc tài như Trung cộng, kẻ nắm thực quyền, đó là kẻ nắm được quân đội.
Điều này không đúng với họ Tập hiện nay. Trong kỳ Họp Hội nghị Trung Ương vừa
qua, họ Tập muốn đưa người tay em của mình là Lưu Nguyên lên làm Phó Chủ tịch
Quân Ủy Hội, vì Chủ tịch lúc nào cũng ở trong tay Tổng Bí thư, theo chế độ cộng
sản. Nhưng sự việc này không thành. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Tập cận
Bình và Giang trạch Dân vẫn còn diễn ra gay gắt. Mặc dầu bề ngoài họ Tập có vẻ
chiến thắng, nhưng bên trong họ Giang chưa chịu lùi bước. Cuộc đấu đá có thể nổ
ra bất cứ lúc nào.
Kinh nghiệm lịch sử từ
xa xưa đến cận đại của Tàu cho thấy, mỗi khi có tranh giành quyền hành nội bộ,
thì thường xảy ra chiến tranh ở bên ngoài như trường hợp Trung cộng chiến tranh
với Việt Nam năm 1979. Cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, có nhiều
nguyên do: Muốn dạy cho Việt Nam một bài học vì là phường 'Ăn cháo, đái bát',
như lời tuyên bố của Đặng tiểu Bình; muốn chứng tỏ là mình ngả hẳn về phía Hoa
Kỳ; muốn chứng tỏ mình không sợ Liên Xô, mặc dầu Liên Xô và Cộng sản VN mới ký
Hiệp ước quân sự 1978. Tuy nhiên, còn một lý do không kém quan trọng, đó là vào
thời buổi đó, đang có cuộc tranh chấp quyền lực gay gắt giữa Hoa quốc Phong, được
Mao chính thức chỉ định làm người kế vị mình, và Đặng tiểu Bình, người mới ở tù
ra, mới được phục chức.
Cũng vào lúc đó, trong
quân đội, có 2 khuynh hướng: khuynh hướng cho rằng không cần hiện đại hóa quân
đội, vẫn giữ nó ở tình trạng đương thời là dưới hình thức quân đội dân quân, du
kích. Đó là quan niệm của Mao và cũng là quan niệm của Hoa quốc Phong. Quan niệm
của Đặng tiểu Bình thì hoàn toàn ngược lại, phải hiện đại hóa quân đội. Cuộc
chiến với Việt Nam năm 1979, là dịp để họ Đặng chứng tỏ khuynh hướng của mình
là đúng, quân đội Trung cộng mặc dầu đông, nhưng trang bị thô sơ, nên không đạt
được những mục tiêu đã định. Điều này chứng tỏ quan niệm họ Đặng đã thắng,
không những thắng trong quân đội, mà thắng cả bên ngoài, trên lãnh vực chính trị.
Hoa quốc Phong dần dần bị lu mờ. Sau đó họ Đặng chỉ cần nắm quân đội là nắm
toàn quyền nước Tàu.
Chính vì lẽ đó, mà có
người cho rằng chiến tranh Mỹ - Trung, hay ít nhất với một nước trong vùng biển
Đông rất có thể xảy ra, vì Tập cận Bình muốn giải quyết tranh chấp quyền lực nội
bộ, muốn noi gương việc làm của họ Đặng. Đó là những quan niệm cho rằng chiến
tranh Mỹ - Trung sẽ xảy ra. Nhưng cũng có người chủ trương ngược lại.
B) Nhưng những người
cho rằng chiến tranh Mỹ - Trung không xảy ra cũng không ít và đưa ra rất nhiều
lý do:
Theo họ, thế giới hiện
nay bị hướng dẫn bởi 2 đại cường quốc, và chính quyền của 2 quốc gia này cũng
hành xử như những ông trùm "Mafia", mà trên đời này, mấy ông bố già
thì không bao giờ cầm súng đánh nhau, để cho đàn em làm công việc đó, nhất là
Hoa Kỳ, như lịch sử đã chứng minh qua 2 cuộc thế chiến, nước này chỉ nhảy vào
cuộc chiến khi gần kết thúc.
Có thể có một vài cuộc
đụng độ nhỏ ở biển Đông, như cách đây ít lâu, vào năm 2008, hai chiếc máy bay
Trung cộng đụng độ với chiếc máy bay Hoa Kỳ ở vùng đảo Hải Nam và cùng lắm là
có thể có đụng độ giữa Trung cộng và một vài nước khác như Nhật, Phi Luật Tân,
Nam Dương, Việt Nam v.v… hay Trung cộng có thể yểm trợ Căm bốt quấy phá Việt
Nam như đã xảy ra vào sau năm 1975.
Hơn thế nữa họ còn cho
rằng nếu có chiến tranh lớn, dù là chiến tranh qui ước giữa Hoa Kỳ và Trung cộng,
thì sẽ có kẻ thắng người bại, kẻ bại không chịu bại, tất nhiên họ sẽ dùng võ
khí nguyên tử, mà hậu quả rất là khó lường, tai hại không biết sao mà tính
toán, ngay đối với kẻ chiến thắng, trái đất sẽ đầy ô nhiễm bởi những chất phóng
xạ. Vì vậy, không có nước nào, nhất là Trung cộng và Hoa Kỳ muốn có chiến
tranh.
Người khác lại cho rằng
chiến tranh Mỹ - Trung không xảy ra vì đã có sự chia đôi biển Đông giữa Hoa Kỳ
và Trung cộng như nhiều giới lãnh đạo Trung cộng thường tuyên bố: “Biển Đông
khá rộng để có thể 2 ta cùng chung sống hòa bình", ám chỉ Mỹ và Trung cộng.
Luận cứ này còn được tăng cường qua quan niệm địa lý chiến lược bởi Henry
Kissinger, qua quan niệm "Quân bằng lực lượng giữa các cường quốc",
theo đó thì để có hòa bình, cần có sự quân bằng lực lượng, dù là trên thế giới
hay từng vùng.
Những người đưa ra phản
biện luận cứ trên cũng không phải là không có lý. Họ cho rằng Hoa Kỳ đang làm
chủ biển Đông, ít nhất là từ Đệ Nhị Thế Chiến đến giờ, đang giữ cả một chiếc
bánh lớn, hiện nay không có một lực lượng nào có thể tranh giành, vạ gì Hoa Kỳ
lại tự chia chiếc bánh cho người khác. Nếu chia không những mất một phần chiếc
bánh, mà mất đi cả những đồng minh của mình. Hoa Kỳ để cho Trung cộng gây rối
biển Đông nhưng có giới hạn, để Hoa Kỳ dễ dàng thắt chặt mối quan hệ từ kinh tế,
chính trị tới quân sự với những nước trong vùng. Ngược lại Trung cộng càng quẫy
quặng bao nhiêu thì càng tự mình cô lập bấy nhiêu. Hơn thế nữa, Mỹ nhận thấy rằng
dù hiện nay tổng sản lượng quốc gia chỉ là ¼ tổng sản lượng thế giới, không bằng
thời sau Đệ Nhị Thế Chiến bằng ½ thế giới; nhưng dù sao ngôi vị độc tôn vẫn
còn, chiến tranh nếu xảy ra, dù chỉ với một cường quốc, tương lai cũng rất bất
định, dù thắng chăng nữa, nhưng cũng sẽ bị xứt mẻ, kẻ khác sẽ lên giành ngôi vị
của mình.
Thêm vào đó, giữa Hoa Kỳ
và Trung cộng hiện nay, có quá nhiều liên hệ về kinh tế, học vấn, mặc dầu đã có
nhiều hãng xưởng Mỹ đã rút khỏi Trung cộng, tuy nhiên số sinh viên, phần lớn là
con ông cháu cha, hiện đang du học ở Hoa Kỳ, đứng đầu với 300 000 người, trong
số gần 1 triệu du sinh ở nước này. Phần lớn những con cháu của Tám Đại gia, được
thành lập từ thời họ Đặng, nay trở thành 103 Đại gia, vì đã đến đời cháu. Những
đại gia này, phần lớn đều có mặt ở Hoa Kỳ, họ lập những hãng xưởng tư, liên hệ
với những hãng xưởng lớn quốc tế, hay họ làm việc trong những hãng xưởng này,
hoặc con cháu họ đang du học, nhất là ở Hoa Kỳ. Bằng chứng cụ thể, mặc dầu Tập
cận Bình bài tây phương, nhưng con gái của ông cũng đã học ở trường Harvard, một
đại học lớn của Mỹ.
Vì vậy, cả 2 bên, Mỹ
Trung, theo quan niệm trên, chiến tranh khó có thể xảy ra.
Thực ra thì, chiến
tranh bằng súng đạn chưa xảy ra giữa Mỹ và Trung cộng, nhưng chiến tranh ý thức
hệ và kinh tế đã xảy ra từ lâu giữa 2 nước này. Tôn tử một lý thuyết gia quân sự
nổi tiếng của Tàu, có nói: “Thượng sách là công tâm, trung sách là công lương,
hạ sách mới đến công thành.”
Công tâm đây là chiến
tranh ý thức hệ, nói tới tự do, dân chủ, nhân quyền, truyền những thông tin
trung thực đến đại đa số quần chúng. Công lương là chiến tranh kinh tế, làm thế
nào để biến kinh tế thành kinh tế tư doanh, thoát khỏi tay nhà nước, rồi tùy
hoàn cảnh để gây ra một cuộc khủng hoảng tài chánh, đi tới khủng hoảng kinh tế,
tới chính trị; từ đó mới tính tới chuyện thay đổi chế độ. Chiến lược này Hoa Kỳ
đã áp dụng với Liên Xô và các nước Đông Âu trước kia.
Công thành là chiến
tranh quân sự.
Tổng thống Bill Clinton
khi ký Hiệp ước bình thường hóa kinh tế và thương mại với Việt Nam và mới đây
ông đã bay sang Hà Nội vào ngày 04/07/2015, để làm lễ kỷ niệm 20 năm bình thường
hóa bang giao giữa 2 nước, vào lúc bấy giờ có tuyên bố: “Những Hiệp ước bình
thường hóa kinh tế thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Âu đã giúp các nước
này tìm thấy được mô hình tổ chức nhân xã tự do, dân chủ và kinh tế thị trương,
Tôi hy vọng rằng Hiệp ước bình thường hóa kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và
Việt Nam, cũng giúp dân tộc Việt Nam tìm thấy được mô hình tổ chức nhân xã tự
do, dân chủ và kinh tế thị trường, như các dân tộc Đông Âu.” Đây cũng là chính
sách ngoại giao mà Hoa Kỳ muốn theo đuổi.
Hoa Kỳ đã tấn công
Trung cộng từ lâu với công tâm và công lương và có lẽ chỉ với 2 hình thức chiến
tranh này, Hoa Kỳ cũng đủ để khuất phục Trung cộng. Không cần đến chiến tranh
quân sự vừa mạo hiểm vừa mất mát.
Paris ngày 12/ 07 /2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét