Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

CHỮA LÀNH VẾT ĐAU 40 NĂM QUỐC HẬN


Nguyễn Việt Nữ
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Mỹ  bỏ rơi miền Nam Việt Nam Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đến năm 2015 là 40 năm Quốc hận của những nạn nhân Cộng sản.  Nhưng Hận ai?
Hận Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã đành, nhưng còn hận những người Mỹ phản chiến nhân danh hòa bình mà trao Việt Nam vào tay quỷ Đỏ!

Rồi đến năm 1995 lại có chuyện bắt tay bình thường hóa quan hệ ngoại giao với phe cờ Đỏ, đến nay là đúng 20 năm.
Vấn đề là hiện giờ những người Mỹ phản chiến ấy biết sự lầm lỗi của họ chưa?? Nếu chưa, ta tìm cách báo cho thế hệ trẻ và thế giới biết để có biện pháp thích ứng.
Dưới đây là vài chứng tích lịch sử liên quan đến quan hệ Việt--Mỹ nóng bỏng đó.
“Hoa Kỳ muốn một nước Việt Nam cường thịnh, độc lập, tôn trọng nền pháp trị và nhân quyền”;  một phát biểu mà ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam  khẳng định bằng tiếng Việt  ngày 06 tháng 3 năm 2015  tại Hà Nội.
A. 20 năm qua: vẫn chuyện “Độc lập”, “Pháp trị”  và “Nhân quyền”!
Trong cột móc 20 năm bang giao Việt- Mỹ, ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam  đã đọc một bài diễn văn quan trọng trước 500 sinh viên của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
 Ông nói rằng Mỹ “sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa”, rằng  “Hoa Kỳ muốn một nước Việt Nam cường thịnh, độc lập, tôn trọng nền pháp trị và nhân quyền”.
Đại sứ Osius nói tiếp: “Hoa Kỳ và những nước khác đã thẳng thắn và minh bạch với Việt Nam về những khác biệt của chúng ta ở vấn đề nhân quyền. Chúng tôi tin rằng mối quan hệ của chúng ta chỉ có thể đạt đến tiềm năng cao nhất nếu có tiến bộ rõ ràng về nhân quyền.” (Nguồn: đài Tiếng Nói Hoa Kỳ -VOA)
Thì ra phe Mỹ phản chiến, Mỹ thiên Cộng như Jane Fonda, John Kerry, Bill Clinton v.v biểu tình kêu gọi chính phủ Mỹ bỏ đồng minh VNCH một mình chiến đấu với lực lượng Quốc Tế Cộng sản miền Bắc,  bây giờ  mới “ngộ” ra rằng Việt Nam vẫn chưa hề có độc lập, nhân quyền  từ 40 năm Quốc hận (1975-2015) và 20 năm bang giao (1995-2015) vô điều kiện nhân quyền với Cộng sản?
Đây, hình ảnh Jane Fonda và John Kerry thuyết trình chống chiến tranh Việt Nam.

(Nữ tài tử Fonda đang nói chuyện trước đám đông những cựu quân nhân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Against the War, Inc. (VVAW) và cựu quân nhân John Kerry đang chuẩn bị là người thuyết trình kế tiếp về chống chiến tranh VN)
Cựu quân nhân John Kerry, sanh năm 1942 tại Hoa Kỳ, ngày nay là đương kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao do Tổng thống Barack Obama đề cử. Đương nhiên là ông ta đồng ý với nội dung  bài diễn văn của Đại sứ Osius, viên chức ngoại giao của mình, nên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định:
“Mối quan hệ Việt – Mỹ hứa hẹn sẽ nâng lên tầm cao mới. Cả hai nước đều đang nỗ lực để quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp nhằm  “thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai”.
A 1. Vòng tròn không lối thoát của Ngoại trưởng John Kerry
Ngày 6 tháng 3 Đại sứ Osius đã nói rõ như trên rằng: “….Chúng tôi tin rằng mối quan hệ của chúng ta chỉ có thể đạt đến tiềm năng cao nhất nếu có tiến bộ rõ ràng về nhân quyền.” Nhưng Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, Chủ tịch Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản ở Việt Nam có viết bài về nhân quyền Việt Nam với tựa đề “Vụ tấn công nhà ngoại giao cho thấy Việt Nam coi thường nhân quyền.” được đăng trên báo Washington Post  ngày 26/2/2011.
Bài báo công khai tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền ngày một tồi tệ ở Việt Nam vì ngay cả đối với ông Christian Marchant, nhân viên ngoại giao Mỹ mà Cộng sản còn dám trắng trợn xô đẩy gây thương tích và khiêng lên xe ô tô chở đi, khiến  cả thế giới đều biết.
Năm 2011 là thời của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, người tiền nhiệm của ông Ngoại trưởng  John Kerry; (và có thể là ứng cử viên Tổng Thống năm 2016) vậy mà ông còn ngớ ngẩn hi vọng “Mối quan hệ Việt – Mỹ hứa hẹn sẽ nâng lên tầm cao mới”, chứng tỏ trí óc ông Kerry bị lọt vào cái vòng tròn không lối thoát. Bởi trong bài trên báo Washington Post , Bs Quế kết luận: “Nếu Washington đang nhắm Việt Nam như một đối tác lâu dài cho hòa bình và ổn định khu vực, Hoa Kỳ sẽ nên công khai thừa nhận rằng chỉ một Việt Nam tự do và dân chủ mới có thể đem lại điều đó.”
A.2. Bác sĩ Quế chứng minh Việt Nam coi thường nhân quyền
Việc hung thần Công an Cộng sản trắng trợn gây thương tích nhân viên ngoại giao Mỹ cả thế giới đều biết vì ngoài báo Washington Post tại Mỹ, các hảng thông tấn quốc tế đều loan tin nầy vào tháng 2 năm 2011, điển hình là chương trình Việt Ngữ đài BBC Luân Đôn cho đi 2 bài về Bác sỹ Nguyễn Đan Quế.
A.2a. Bài thứ nhất có tựa: Bắt ông Nguyễn Đan Quế vì ‘tội lật đổ’ tổng hợp báo Tuổi Trẻ trong nước, báo Washington Post:
(Trích) Bác sỹ Nguyễn Đan Quế mới có bài đăng trên Washington Post về nhân quyền Việt Nam hôm 26/2 (2011) Công an Việt Nam họp báo về chuyện bắt nhà bất đồng chính kiến từng ba lần bị tù giam Nguyễn Đan Quế vì cáo buộc “có dấu hiệu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Báo Tuổi Trẻ nói Bác sỹ Nguyễn Đan Quế bị bắt chiều ngày 26/2 trong khi cũng có thông tin nói ông Quế bị bắt hôm 25/2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Báo này cũng nói Trung tá Nguyễn Sỹ Quang, phó chánh Văn phòng Công an thành phố Hồ Chí Minh nói ông Quế đã có ba tiền án, tiền sự về “tội xâm phạm an ninh quốc gia.” (…..)
Dân chủ và nhân quyền
Trong khi đó báo Washington Post hôm 26/2 đã đăng Bấm bài của bác sỹ Quế viết với tựa đề “Vụ tấn công nhà ngoại giao cho thấy Việt Nam coi thường nhân quyền.”
Ông Christian Marchant đã bị xô đẩy và khiêng lên xe khi tới thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý
Hiện không rõ bác sỹ Quế đã gửi bài báo này cho Washington Post từ khi nào.

Bài viết của ông tập trung vào sự cố xảy ra đối với nhà ngoại giao Hoa Kỳ Christian Marchant khi ông tới thăm linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế trong tháng Một.
Ông Marchant đã bị xô đẩy và khiêng lên xe ô tô chở đi.
Ông Quế viết: “Tôi đã gặp ông Marchant hồi năm 2009 khi chúng tôi thảo luận rất lâu về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày một tồi tệ ở Việt Nam và Hoa Kỳ có thể làm được gì.
“Tôi thấy ông là nhà ngoại giao tích cực, tận tụy với giọng nói nhỏ nhẹ, một người khiêm nhường và thân thiện.
“Là một người Việt Nam, tôi xấu hổ về những gì ông phải trải qua khi làm nhiệm vụ.”
Ông Quế cũng nói thái độ của Việt Nam là tiếp nhận thương mại và đầu tư từ Hoa Kỳ nhưng phớt lờ vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Việt Nam có vẻ e dè trước những diễn biến gần đây tại Trung Đông nơi các cuộc nổi dậy của dân chúng làm một số nhà độc tài mất quyền lực.
Các trang vận động cho dân chủ và nhân quyền nói nhiều nhà bất đồng chính kiến bị theo dõi sát sao trong những ngày gần đây.
A.2b. Bài thứ hai tựa: Hoa Kỳ can thiệp cho ông Nguyễn Đan Quế
Tháng Hai 28, 2011 vào lúc 3:25 chiều
BBC
Nhà đối kháng Nguyễn Đan Quế đã được tạm thả, 24 tiếng sau khi công an Việt Nam họp báo về việc bắt ông.
Bác sĩ Quế bị bắt ngày 26/02 với cáo buộc “có dấu hiệu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Nhưng sau sức ép của chính phủ Mỹ, ông được thả vào chiều Chủ nhật 27/02 mặc dù sẽ phải có các buổi “làm việc” với công an.
Bào huynh của ông, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao Trào Nhân Bản tại Mỹ, nói với BBC rằng Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã can thiệp.
“Tòa đại sứ Mỹ nhận được tin thì đã can thiệp và sau đó cho chúng tôi biết họ đã gặp giới chức Việt Nam và nói đây là việc làm dại dột.”
Viên chức phụ trách chính trị tại Sứ quán Mỹ, Michael Orona, được nói là đã gặp nhà chức trách Việt Nam hai lần vào dịp cuối tuần trước khi bác sĩ Quế được thả.
Theo Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, công an Việt Nam cho em trai ông biết có hai lý do họ bắt giữ ông: “Thứ nhất vì bác sĩ Quế đưa ra lời kêu gọi biểu tình bất bạo động. Họ hỏi bác sĩ có xác nhận đó là thư của mình không, thì bác sĩ nói là đúng.”
Lý do thứ hai, theo ông Quân, là vì bài bình luận của bác sĩ Quế được tờ Washington Post đăng đúng vào hôm ông bị bắt.
Trong bài này, ông Quế kết luận: “Nếu Washington đang nhắm Việt Nam như một đối tác lâu dài cho hòa bình và ổn định khu vực, Hoa Kỳ sẽ nên công khai thừa nhận rằng chỉ một Việt Nam tự do và dân chủ mới có thể đem lại điều đó.”
Ông Nguyễn Quốc Quân cho biết thêm rằng công an đã thu giữ nhiều tài liệu của em ông trên máy tính cá nhân, kể cả nhiều cuộc trao đổi đã được xóa cũng vẫn được công an tìm lại.
Ông Quân nói: “Công an nói có 60.000 trang hồ sơ về bác sĩ Quế, và bác sĩ sẽ phải làm việc với họ để xác nhận từng tờ một.”
Nếu điều này là đúng, nó có nghĩa rằng nhà bất đồng chính kiến từng ba lần bị tù giam sẽ còn nhiều ngày phải gặp cơ quan công an, mà hôm đầu tiên là ngày hôm nay 28/02. (Hết)
B. Về lời hứa ưu tiên cho Nhân quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton
Cựu Tổng thống Bill Clinton nuốt lời hứa hai lần với Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy Ban Quốc tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân bản tại Hoa Kỳ:  lần đầu khi mới được Đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên Tổng thống; lần sau khi đắc cử Tổng thống, vào ngự trị Tòa Bạch Ốc!
 Dưới đây là  bản chụp thư đề ngày 19, tháng October,  1992 có chữ ký của ứng cử viên Tổng thống Bill Clinton gởi Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy Ban Quốc tế vì Tự do, (dịch theo thư gởi ‘International Committee For Freedom’) có đoạn hứa chắc chắn về Nhân quyền, rằng:
“Tôi muốn cam đoan với cộng đồng người Mỹ gốc Việt rằng chính quyền Clinton  sẽ ủng hộ mạnh mẽ khát vọng của người Việt Nam muốn có nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam. Chúng tôi sẽ hỗ trợ dân chủ khắp thế giới. Đó là mục đích quan trọng của chính phủ Clinton.
 “Không giống Tổng Thống Bush, tôi tin tưởng rằng (chính quyền Clinton) sẽ đặt  vấn đề nhân quyền lên đầu tiên mỗi khi thảo luận vấn đề bình thường hóa bang giao với Việt Nam.” (Hết trích)
Bác sĩ  Nguyễn Quốc Quân,  Chủ tịch Ủy Ban Quốc tế vì Tự Do, còn gọi là  “Cao trào Nhân bản” do  bào đệ của ông là Bác sĩ  Nguyễn Đan Quế  thành lập vào tháng 12 năm 1990, (nên BS Quế bị kết án 20 năm tù, 5 năm quản chế) làm Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản tại Việt Nam.
Bs Nguyễn Đan Quế từng nhiều lần bị bỏ tù, với tổng thời gian trên 20 năm vì các hoạt động cổ võ cho tự do-dân chủ tại Việt Nam mà Hà Nội cho là phản động. Ông đã từ chối đề nghị rời Việt Nam ra nước ngoài tị nạn chính trị. Từ năm 2005, ông bị quản thúc tại gia ở Sài Gòn. Ông từng nhiều lần được đề cử nhận Giải Nobel Hòa bình cũng như từng nhận được nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế, trong đó có Giải Nhân quyền Robert Kennedy hồi năm 1995 và Giải Nhân quyền Hellman/Hammett năm 2002.
B. 1. Sơ lược về người muốn sống  tự do trên quê hương mình
B.1a: Lý lịch do các báo XHCN ghi: Ông Nguyễn Đan Quế (còn có tên khác là Nguyễn Châu, sinh năm 1942 tại Hà Nội), từng đi du học tại Bỉ, Anh về chuyên ngành đồng vị phóng xạ, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và giảng dạy tại Đại học Y khoa Sài Gòn (TPHCM) trước năm 1975. Sau giải phóng, ông Quế tiếp tục công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đồng thời hoạt động phản cách mạng với tổ chức “Mặt trận dân tộc tiến bộ” (Hết)
B.1b. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: “Lưu đầy không phải là tự do”
Đó là lời của bác sĩ Nguyễn Đan Quế năm 1998, khi vì áp lực Quốc tế, nhà nước Cộng sản đồng ý thả với điều kiện ông phải rời Việt Nam. Nhưng ông từ chối và tuyên bố như thế. Bởi không có tự do dành cho những kẻ bị lưu đày, vì là con người, ai cũng phải có quyền sống tự do trên chính quê hương mình, cùng với dân tộc mình.
Ngay ngày Quốc hận 30 tháng Tư năm 1975, trong lúc nhiều người Việt vạch đường máu vượt biên, vượt biển, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bình tỉnh ở lại Saigon với trái tim yêu bệnh nhân, như Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn, nơi hàng trăm thiếu nhi Việt Nam bị thương tích và bệnh hoạn không có người chăm sóc, không có thầy có thuốc.  Như Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh viện toàn khoa 10 tầng cũng tại thủ đô Saigon do Nhật Bản giúp xây cất, trang bị  tối tân nhất vùng Đông Nam Á vừa khánh thành để cứu mạng cho hàng triệu dân bệnh nặng như giải phẩu tim và não bộ mà các bệnh viện đa khoa từ miền Tây và miền Đông Saigon chuyển tới vì không đủ Chuyên viên Y Dược  gây mê và dụng cụ y khoa tối tân như Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR)
B.2. Biến cố đổi đời 30 tháng 4, 1975:  “Lương y như Ác mẫu”
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế tiếp tục làm việc tại BVCR, nơi từng có truyền thống trị bệnh đúng người đúng thuốc, dù giàu nghèo, thù hay bạn, vừa mới mở cửa nhận bệnh theo tinh thần “Lương y như Từ mẫu” đó chỉ chừng hai năm trước biến cố đổi đời thành “Lương y như Ác mẫu” 30 tháng 4, 1975.
B.2a. Nhưng chỉ một năm sau, lương tâm chức nghiệp của một bác sĩ và trái tim tình thương dành cho thể hệ già, trẻ đang bị chế độ XHCN bỏ rơi vì khác giai cấp một cách tàn nhẫn từ trong bệnh viện cho đến ngoài xã hội, nên Bác sĩ Nguyễn Đan Quế phát động cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ và nhân bản cho dân tộc Việt Nam. Nên bị bắt giam vào tù nhiều lần không xét xử, hay chỉ xử qua loa.
B.2b- Lần thứ nhất: Bị cáo buộc tội “Âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản".. Không hề đưa ra tòa xét xử. Nhưng bị biệt giam vì đã sáng lập “Mặt trận Dân tộc Tiến bộ ". Phải nhờ sự can thiệp của Ân Xá Quốc Tế, BS Quế được thả ra năm 1988. Vậy chỉ 3 năm sau ngày Quốc hận 1975, BS Quế là người  tù không án  mà bị giam Mười năm ròng rã (từ 1978 đến 1988)! Nhưng dù ra tù, ông vẫn bị quản thúc tại gia.
B.2c- Lần thứ nhì: Ngày 29 tháng 11 năm 1991, trong phiên tòa chỉ vỏn vẹn ba mươi phút, CSVN đã xử Bác sĩ Nguyễn Đan Quế 20 năm khổ sai và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền". Đến năm 1993, Bác sĩ Quế bị đưa đi lao động khổ sai ở trại K4 Xuyên Mộc (Bà Rịa) và ở trại K3 Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 cây số về hướng Đông Bắc. Mặc dù sức khỏe của ông ngày càng yếu, quản giáo CSVN vẫn tìm cách hành hạ ông bằng lao động khổ sai và biệt giam.
C. Năm 1993 là lúc Tổng thống Bill Clinton vào ngự trị Tòa Bạch Ốc, là lúc ông ta nuốt lời hứa lần thứ hai với Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân căn cứ vào thư vận động tranh cử tháng 10/1992  về việc “ưu tiên cho Nhân quyền VN”.
Quí vị sẽ nói không có một chính trị gia nào mà không thất hứa với cử tri vài chục lần, huống hồ mới có hai lần như Tổng thống  đắc cử Bill Clinton? Vâng, chỉ hai lần trong vài tháng đầu của thời gian 8 năm lãnh đạo một quốc gia cho đến hiện giờ vẫn còn được thế giới trông chờ sự hỗ trợ.
Hai lần ông Clinton phản bội lời hứa mà hồi sinh con cọp đói Cộng sản VN đang hấp hối! Đó là giải tỏa cấm vận vô điều kiện nhân quyền với Việt Cộng,
D. Bill Clinton và John Kerry tiếp máu cho con cháu Hồ Chí Minh
Năm 1993 khi Bill Clinton vừa đắc cử Tổng Thống, thì năm 1994 đã giải tỏa cấm vận và 1995 giao thương với Việt Cộng. Còn John Kerry lúc ấy là Thượng Nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ cũng viết bài trên tạp chí Đại học Harvard tựa “Looking Ahead”, trình bày lợi nhuận của thương gia Hoa Kỳ, rằng hiện các quốc gia đều có doanh gia vào Việt Nam khai thác thị trường, chỉ có người Mỹ chịu thiệt thòi vì còn bị chính phủ cấm vận kinh tế.. v.v
 Nữ ký giả Claudia Crosett của báo The Wall Street Journal đã viết bài bình luận,  có đoạn rất chính xác cho tương lai đen tối  của kẻ hám lợi : “Nếu nước Mỹ thật sự vì hòa bình của vùng Á Châu, thì đừng vội giải tỏa cấm vận, cho tới khi nào Việt Nam có luật pháp và tôn trọng những điều ký kết với thế giới. Còn thương gia Tây phương nào tưởng Việt Nam nhân công rẽ, nhảy vào mà tưởng là đi săn vàng thì sẽ có lúc phải bỏ của chạy lấy người hay mất cả người lẫn của.”
D.1. Rồi một bài khác với  tựa có tên BS Nguyễn Đan Quế (nguyên văn tôi quên), tác giả  Crosett viết tiếp về số phận của những nhà tranh đấu bất bạo động trong đó có Bác sĩ  Nguyễn Đan Quế, đại ý rằng: năm 1993 đó ông đang bị đưa đi lao động khổ sai ở Xuyên Mộc và Xuân Lộc, sẽ không bao giờ được trở về dù mãn án tù 20 năm, mà càng bị hành hạ khổ sai hơn cho đến chết.  Bởi càng có nhiều người Mỹ vào VN làm ăn khi giải tỏa cấm vận kinh tế,  VC muốn giữ một không khí XHCN ổn định cho doanh nhân an tâm kiếm tiền đầy túi…v.v.
D.2. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân điện thoại vào tòa Bạch Ốc, báo tin nội dung của tờ báo The Wall Street Journal nầy cho Tổng Thống Bill Clinton. Vài ngày sau, Bác sĩ Quân nhận được tờ WSJN có hàng chữ đồng ý với tác giả rằng “Đúng vậy, thật là vậy!” (It’s true), có chữ ký tắt là “Bill” nữa.
D.3. Thế mà năm 1994, tức chỉ một năm sau khi vào tòa Bạch Ốc, chính phủ Clinton vẫn giải tỏa cấm vận vô điều kiện nhân quyền, và năm 1995 bình thường hóa bang giao, dù có bao nhiêu cuộc biểu tình phản đối của cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản khắp nước Mỹ kể cả của các bà trong gia đình những người Mỹ mất tích (MIA/POW).
Từ đó CSVN sống lại và ra vô tự do tại Hoa Kỳ để tung đủ chiêu lũng đoạn, xóa làn ranh Quốc-Cộng cho đến nay….
E. Thần dược nào chữa lành vết đau 40 năm Quốc Hận?
Vết đau quá sâu và vẫn âm ĩ rĩ máu, tìm được thần dược chữa lành như mò kim đáy biển! Nhưng duyệt lại nội dung buổi nói chuyện với các sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 6/3/2015 của  Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ta  sẽ tìm ra hai khía cạnh bi quan và lạc quan
E. 1. Khía cạnh bi quan:  Ông Đại sứ Ted Osius cho hay Bộ trưởng  bộ Công an CSVN Trần Đại Quang sẽ sớm sang thăm Mỹ trong năm nay để bàn về vấn đề nhân-quyền!
Là người đứng đầu bộ CA, Trần Đại Quang phải chịu trách nhiệm về hàng loạt các vụ vi phạm và đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Kẻ cầm đầu lực lượng phản nhân quyền sang Mỹ nói chuyện nhân quyền, quả là một điều khó nín cười cho chế độ CS.
Thêm nữa, ông Ted Osius còn tiết lộ, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ sang Mỹ trong năm 2015. Việc nầy cũng gây vấn nạn cho thông lệ ngoại giao của Tòa Bạch Ốc.
Nguyễn Phú Trọng chỉ là người đứng đầu một đảng chính trị. Không hiểu thủ tục của Vatican như thế nào mà trước đây Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 cũng tiếp TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng . Nhưng thông lệ ngoại giao của Tòa Bạch Ốc thì khác.  Vì vậy, việc tiếp đón vẫn đang là một vấn đề nan giải giữa hai bên Việt-Mỹ.
Đảng CSVN vẫn nằng nặc đòi phải được tiếp đón trong phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng. Nguồn tin tiết lộ nói rằng phía CSVN tỏ ra không hài lòng vì Tổng thống Obama đã từ chối tiếp ông Trọng tại phòng Bầu Dục.
 Hiện không rõ chính xác thời điểm sẽ diễn ra chuyến viếng thăm. Nhưng chuyến đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công an  Trần Đại Quang hứa hẹn sẽ còn lắm chuyện cười ra nước mắt trong năm Ất Mùi 2015!
E. 1a. Mâu thuẫn Việt-Mỹ: Nói và Làm
Đại sứ Mỹ: Chúng tôi tin rằng cải cách bộ luật hình sự và dân sự, mở rộng những quyền tự do cá nhân – gồm cả quyền tự do trên Internet, và khuyến khích tư pháp độc lập – đóng vai trò trọng yếu cho sự thành công của Việt Nam.”
Kinh nghiệm của người Việt tị nạn: Đó là Mỹ tin. Nhưng CS chỉ xài luật rừng thôi. Vì họ chuyên môn  nói một đàng làm một nẽo! Vã lại chính Boris Yeztsin còn quả quyết: Chế độ Cộng sản chỉ thay thế chứ vô phương thay đổi” kia mà?
E.1b. Dấu son hay dấu than?
Đại sứ Mỹ: Năm 2015, ngoài chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Trần Đại Quang chính là dấu son trong quan hệ Việt – Mỹ, không chỉ giúp hai nước xích lại gần nhau hơn mà còn thúc đẩy hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực an ninh – kinh tế – quốc phòng, công nghệ, nhân quyền, văn hóa, …
Người Việt tị nạn CS: Công an và Đảng CSVN chỉ xích lại gần Mỹ để móc Dollars Mỹ thôi!
E. 2. Khía cạnh lạc quan:  “Nothing is impossible” (Không có gì là không thể.)
Đại sứ Osius đặt ra những câu hỏi phác họa viễn kiến về mối bang giao trong tương lai giữa hai nước, câu trả lời “Nothing is impossible” (Không có gì là không thể) được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc, không chỉ bởi Đại sứ Mỹ mà còn bởi những khán giả ngồi bên dưới.
Vậy “mò kim đáy biển” cũng có thể mò được chứ sao không?
E.2a. Cầu nguyện con Rồng Việt Nam chớp cánh bay cao thoát ngục Tàu Cộng:
Đại sứ Osius: Với truyền thống ‘con Rồng cháu Tiên,’ Việt Nam đã tạo được cho mình một đôi cánh vững chắc để bay lên. Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa,” Đại sứ Osius phát biểu tự tin bằng tiếng Việt.
Con cháu Rồng Tiên: Thành tâm khấn nguyện hồn thiêng Sông Núi ban cho Thần Dược chữa lành vết đau cho dân tộc Việt Nam.
E.2b. Các chính trị gia nên áp dụng Binh pháp Tôn Tử:
“Thứ nhất công Tâm, thứ hai công Lương, thứ ba công Đồn”, tức đánh trận.
Nên từ lâu rồi, đa số đều biết, VNCH thua trận không phải tại chiến trường mà tại các bàn hội nghị ở Hoa Thịnh Đốn, ở Paris…. Nghĩa là trong chiến tranh Việt Nam, Cộng sản đã tấn công được Tâm Trí những người Mỹ phản chiến như Jane Fonda, John Kerry, George McGovern,  Bill và Hillary Clinton v.v. để họ chống lại chính phủ mình, thắt hầu bao không  cho viện trợ vũ khí cho VNCH nên mới có ngày Quốc hận 30-4-1975.
E. 3. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế tranh đấu theo Binh pháp Tôn Tử
Việc thông tin cho các cơ quan truyền thông hải ngoại như báo Washington Post, sự trả lời phỏng vấn của bào huynh Nguyễn Quốc Quân với đài BBC như  vừa trình bày là chiến thuật “công Tâm”.
Ngày 11 tháng 5 năm 2015 sắp tới đây đánh dấu 25 năm ngày ông công bố Bản Tuyên Bố của Cao Trào Nhân Bản kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các chính phủ và nhân dân yêu chuộng tự do dân chủ khắp thế giới tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh bất bạo động đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải: Tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam.  Phải trả lại cho người dân Việt Nam quyền được lựa chọn một thế chế chính trị phù hợp với nguyện vọng của mình qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc v.v là chiến thuật “công Tâm” hữu hiệu.
E.4. Nguyễn Đan Quế không còn đơn độc trên đường tranh đấu như xưa.
Năm nay Bs Quế 73 tuổi thọ. 25 năm trước khi công bố Bản Tuyên Bố của Cao Trào Nhân Bản,  đường ông đi còn thưa thớt người. Những năm gần đây ta thấy ồn ào nhiều tuổi trẻ: Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật, Lê Quốc Quân, Củ Huy Hà Vũ, Lê Công Định, BS Nguyễn Hồng Sơn, kỹ sư Đỗ Nam Hải, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày), Huỳnh Ngọc Chênh, Phan Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Tiến Trung, ký giả Trương Minh Đức,  Nguyễn Bắc Truyền, Lê Nguyên Sang, Bùi Thị Minh Hằng, Phương Uyên, Đình Uy, Huỳnh Thục Vy, Phạm Chí Dũng, Đặng Chí Hùng và còn nhiều nữa…
E. 5. Thần Dược: là tình yêu nước và ý chí phục vụ kiên trì của tuổi trẻ
Vết đau 40 năm Quốc hận quá hằn sâu nên dù có Thần Dược cũng cần thời gian dài lâu mới chữa lành. Cuối cùng là nên luyện phép mầu: “Nothing is impossible” (Không có gì là không thể.) và lời Đại Sứ Osius: truyền thống ‘con Rồng cháu Tiên’ sẽ thêm sức mạnh cho Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa. Đồng thời cũng  cho phép ta vững tin rằng tội Ác của Cộng sản không thể tồn tại lâu dài!
         (13/3/2015)
Nguyễn Việt Nữ (Đặc biệt riêng tặng độc giả báo Viên Giác, Đức quốc, số Tháng Tư năm 2015) Đã đăng trên  Viên Giác số 206

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét