Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

ÔN CỐ TRI TÂN: NHỮNG NHÀ PHÚ HỘ VÀ NGƯỜI LỪNG DANH Ở NAM KỲ

 Hứa Hoành

Phần 4 - Nhà giàu kỹ nghệ gia

Trương Văn Bền: nhà kỹ nghệ không bằng cấp kỹ sư

Hồi trước, không người nào ở Việt nam mà không nghe nhắc tới Trương Văn Bền. Tên tuổi ông gắn liền với cục xà bông thơm: “Xà bông cô Ba”, hay cục xà bông đá: xà bông Việt nam để giặt đồ, phổ thông khắp cả 3 miền đất nước, lên tận Miên, Lào. Xà bông thơm “Cô Ba” nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bạt xà bông ngoại hoá, nhập cảng từ Pháp. Người miền Nam đã từng thán phục ông Trương Văn Bền, cũng như người ở miền Bắc khâm phục ông Bạch Thái Bưởi. Cả hai ông đều thành công trên thương trường mà không qua một trường dạy nghề nào, không cần một bằng cấp kỹ sư nào. Điều đó chứng tỏ “kinh tế nhân” một con người có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến còn hơn là người học hành tới nơi tới chốn, bằng cấp bề bề, nhưng không đóng góp những sự hiểu biết, kiến thức của mình vào công việc kiến thiết, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế nước nhà.

Trước khi làm một nhà doanh thương, kỹ nghệ, ông Bền còn là một ông Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Gia sản đồ sộ của ông Trương Văn Bền là do công sức sáng tạo của ông làm ra. Gia sản kếch xù đó không phải thừa hưởng của phụ ấm. Cũng không phải ông Bền làm giàu bằng cách nhờ ruộng đất. Ông có một lối đi riêng làm gương cho những người đi sau như Trần Thành, vua lúa gạo Chợ Lớn, ông Trương Văn Khôi, vua bột giặt Viso, ông Nguyễn Tấn Đòi, vua ngân hàng...
Nếu sắp hạng sự giàu có của ông Trương Văn Bền với những người đồng thời, thì gia sản của ông tương đương với ông Phủ Kiểng ở Bến Tre, ông Kho Gressier Remy ở Sóc Trăng, hay gia đình Lâm Quang ở Trà Vinh. Người giàu nhứt Lục danh thời ấy là Hội đồng Trần Trinh Trạch, tục danh Hội đồng Tó (giàu gấp 4 lần ông Bền và ông Kiểng).
Là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1883 tại Chợ Lớn, ông Trương Văn Bền thuộc một gia đình khá giả. Ông có đi Pháp nhiều lần, nhưng chưa học qua một trương chuyên nghiệp nào. Theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, thì năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng (trong khi đó, giá vàng khoảng 60 đồng/lượng).
Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ tiềm năng kinh tế Việt nam còn bị lãng quên: cây dừa. Từ năm 1918, ông Bền đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1500 tấn Cùng lúc đó, tại cù lao An Hoá, quận Bình Đại cũng mọc lên xưởng ép dầu dừa của ông Nguyễn Thành Liêm. Ông Liêm là thân phụ ông Nguyễn Thành Lập, thành viên góp vốn cho ngân hàng Việt nam, và từng làm Bộ trưởng Tài Chánh nhiều chính phủ. “Xà bông VN 72% dầu” nổi tiếng, phổ thông khắp mỗi làng mạc, thôn xóm.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại địa chỉ “Quai de Cambodge” (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng. Từ khi “Xà bông cô Ba” tức xà bông thơm đầu tiên của Việt nam, để tắm gội ra đời, có sức đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp. Trong thương trường, ông Bền có chủ trương riêng để tạo uy tín là phải giữ phẩm chất tốt, bền bỉ. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì như kiểu Việt cộng ngày nay. Mặc đầu có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp. Khi máy giặt được phát minh và nhập cảng vào Việt nam, ông Bền cũng liền sản xuất loại bột giặt để thích ứng ngay. Loại bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi, và bột giặt “Việt nam “ của hãng xà bông Trương Văn Bền (lúc đó đổi thành hãng xà bông Việt nam), có đủ sức cạnh tranh với bột giặt của Mỹ nhập cảng. Ông Trương Văn Bền chưa bao giờ là một quan lại đúng nghĩa, mặc dầu ông thường giao du với giai cấp thượng lưu xã hội. Chức vụ Hội đồng quản hạt từ năm 1918-1943 chỉ tượng trưng mà thôi.
Những người lớn tuổi, không ai không biết đến xà bông “Cô Ba”, có in hình nổi trên cục xà bông thơm, trong một hình oval. Ngoài hộp xà bông bằng giấy carton cũng có in hình người đàn bà đẹp đó. Nhiều giai thoại kể lại rằng người đàn bà in hình trong cục xà bông thơm và nhãn hiệu đó chính là người vợ thứ của ông Bền. Một nguồn tin đồn khác kể lại “Cô Ba “ chính là con gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhứt Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này. Dầu sao đó cũng là giai thoại và tin đồn không được kiểm chứng. Cái hay của ông Trương Văn Bền là biết áp dụng tâm lý, đưa hình ảnh “Cô Ba”, người đẹp huyền thoại trong dân gian làm nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hoá của mình bán chạy. Với sự ra đời của hãng xà bông Trương Văn Bền ở Nam Kỳ năm 1932, Việt nam hãnh diện được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai. Các xưởng ép dầu, xưởng làm xà bông, thâu nhận và tạo công ăn việc làm cho trên 200 công nhân. Khi công việc làm ăn phát đạt thêm, ông Bền còn xuất tiền cất một dãy phố 50 căn, gần Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm góc đường Armans Rousseau và Général Lizé (trước năm 1975 đổi thành Minh Mạng-Hùng Vương).
Ngoài việc sản xuất xà bông, ông Bền còn lập nhà máy sản xuất một thứ phó sản, một thứ chất nhờn gọi là glycérine, công xuất mỗi tháng 10 tấn. Ngoài công việc kỹ nghệ, ông Bền còn chứng tỏ khả năng trong lâm nghiệp và canh nông. Ông hợp tác với Viện nghiên cứu Nông Nghiệp Đông Dương, để ươm cây con gây rừng thông, hàng tháng tới 30 tấn, tại Đồng Nai Thượng, tức tỉnh Lâm Đồng ngày nay.
Trong lãnh vực nông nghiệp, Trương Văn Bền còn làm chủ tịch Tổng giám đốc Công ty Canh nông Tháp Mười, có một đồn điền rộng 10.000 mẫu, để khai thác từ năm 1925 tới 1932. Ngoài các công việc chuyên môn như đã kể ở trên, Trương Văn Bền còn là:
- Phó chủ tịch Phòng thương mại Nam Kỳ 1932-41.
- Hội viên Hội đồng Canh nông từ 1922.
- Hội viên Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương từ 1929.
- Hội viên Hội đồng Quản trị Thương cảng Sài gòn từ 1924.
- Hội viên Hội đồng Quản trị lúa gạo Đông Dương.
- Chủ tịch kiêm thủ quỹ nghiệp đoàn Canh nông Chợ Lớn từ 1932
- Hội viên Hội đồng sản xuất kỹ nghệ từ năm 1941.
Hồi đó, tạị Nam Kỳ có 3 cơ quan tư vấn tối cao, phụ tá cho Thống đốc là: Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng Canh nông, và Phòng thương mại, thì ông Bền đều là hội viên của cả ba. Ông Bền có nhiều con trai lẫn gái. Một người con, chúng tôi được nghe nhắc tới là ông Trương Khắc Trí, từng là chủ tịch ban quản trị Việt nam Công Thương Ngân Hàng (lập năm 1953) tại Sài gòn. Người con trai út, ông Trương Khắc Cần, thay cha quản lý “Hãng xà bông Việt nam” cho tới khi Việt cộng chiếm trọn miền Nam.
Liền sau công cuộc “giải phóng dân tộc”, một chiến dịch hết trọn tài sản, nhà đất, công ty, xí nghiệp của những nhà tư sản và xua đuổi họ ra nước ngoài, ông Trương Khắc Cần “được nhà nước ưu ái” cho phép hiến tặng tất cả tài sản mà gia đình thân phụ ông tạo lập từ hơn nửa thế kỷ nay, để được... sang Pháp. Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ”, nhà văn Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền:
Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp. (lúc đó khoảng năm 1918, ông Bền chưa lập hãng xà bông)

La Thành Nghệ

La Thành Nghệ làm giàu nhờ thuốc đỏ:
Trong những nhà giàu bằng nghề y dược ở miền Nam trước đây La Thành Nghệ là một khuôn mặt nổi bật, được nhiều người biết tiếng. Vốn người Triều Châu, sinh trong gia đình giàu có, La Thành Nghệ được du học bên Pháp và đậu bằng Dược sĩ. Nếu sắp hạng những nhân vật giàu có, tiếng lăm thuộc ngành y dược thời trước tại miền Nam, thì La Thành Nghệ thuộc lớp sau Trần Kim Quan, nhưng đồng thời với các dược sĩ Trần Văn Lắm, Nguyễn Cao Thăng, Nguyễn Thị Hai...
La Thành Nghệ được dân chúng gọi “vua thuốc đỏ”, một sản phẩm rất tầm thường, giá trị kinh tế thấp, nhưng được mọi giới ưa chuộng và rất phổ thông từ thành thị tới thôn quê. Khi chiến tranh càng ngày càng leo thang, nhu cầu sử dụng thuốc đỏ càng nhiều thì La Thành Nghệ đã được phép làm đại lý độc quyền phân phối thuốc đỏ, đem lại cho ông một nguồn lợi rất lớn. Ngoài ra, La Thành Nghệ còn nhập cảng thuộc trụ sinh, một thứ thần dược trị các vết thương. Trong các ngành công kỹ nghệ của Việt nam Cộng hoà (1954-75), nhiều người cũng biết làm giàu bằng công thức trên: chuyên môn buôn bán một món hàng thông dụng, rẻ tiền nhưng có lợi tức lớn lao ít ai ngờ. Thời thế đã giúp họ làm giàu nhanh chóng. Trong giới bình dân, họ được mệnh danh là những “Ông vua” như:
- Vua vương quốc Chợ Lớn: Bang trưởng Triều Châu Trần Thành.
- Vua sắt thép, dệt: Lý Long Thân.
- Vua lúa gạo: Mã Hỉ, Lại Kim Dung (bà này còn được gọi “nữ hoàng gạo”).
- Vua nông cụ: Lưu kiệt, Lưu Trung (đại lý nhập cảng độc quyền và phân phối nông cơ.
- Vua ngân hàng: Nguyễn Tấn Đời...
Khi chiến tranh leo thang, tiền viện trợ đổ vào ồ ạt, tạo ra hiện tượng toàn dụng nhân công, nền kinh tế Việt nam phái triển mọi lãnh vực... các nhu cầu xã hội gia tăng, khiến cho công cuộc làm ăn của các ông vua ấy phất lên như diều gặp gió.
Trước khi miền Nam thất thủ vào tay cộng sản, những ai có dịp đi qua đường Tự Do, sau này Việt cộng đổi lại “Đồng Khởi” chắc đã thấy Laboratoire La Thành, nằm giữa hai nhà hàng La Pagode và rạp Eden.
Ít có ai nghĩ rằng với một thứ sản phẩm tầm thường, rẻ tiền như thuốc đỏ mà làm nên sự nghiệp kếch xù của La Thành Nghệ. Thuốc đỏ, tiếng Pháp gọi là Mercure crome, một thứ dung dịch màu đỏ, dùng bôi lên các vết thương nhẹ để sát trùng. Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình an ninh mỗi ngày một xấu thêm. Cộng sản gia tăng phá hoại. Họ mở nhiều đợt tấn công lớn. Họ pháo kích bừa bãi vào các khu đông dân, hoặc đặt mìn trên các trục lộ, làm tử thương và bị thương rất nhiều thường dân mỗi ngày. Trước tình hình chiến sự leo thang, nhu cầu sử dụng thuốc đỏ và trụ sinh lên cao.
Thời đó, thuốc đỏ do dược phòng Laboratoire La Thành sản xuất, được sử dụng trong các bịnh viện, các quân y viện, các bịnh viện dã chiến, các trung tâm y tế, các đơn vị quân y... và rất được dân chúng từ thành thị tới thôn quê ưa chuộng vì nó rẻ và hiệu nghiệm.
Một nhân vật tiếng tăm khác của Sài gòn hồi nửa thế kỷ trước, mà các vị cao niên thường nhắc lại, đó là ông Huyện hàm Nguyễn Văn Của, thân phụ của Trung tướng Nguyễn Văn Xuân. Ông Nguyễn Văn Của xuất thân từ cảnh hàn vi. Theo cụ Vương Hồng Sển thì “thuở nhỏ tân cần khổ sở”, tôi được nghe nhiều người kể lại rằng: “Lúc ấu thơ, cậu bé Nguyễn Văn Của phải xách đến ông theo chị đi bán rong đêm khuya mới đủ sống, cơ cực vô ngần”. Thế mà mấy chục năm sau, ai ai cũng biết danh ông. Một điểm đặc sắc là cho đến ngày tỵ trần, ông chỉ làm “Ông huyện Của” (tước hàm) và đào tạo rất nhiều Phủ và Đốc phủ danh dự”. Ông Huyện Của cũng là người biết kinh doanh, và về sau trở thành một trong những người giàu có ở đất Sài gòn. Ông Huyện Của từng hùn vốn với nhà quý tộc Lê Phát An lập nhà in. Ông Lê Phát An được Bảo Đại phong tước An Định Vương, là tước hiệu cao quý nhứt đã phong cho một người Nam Kỳ. (Theo ông Nguyễn Văn Vực) Cuộc đời ông An Định Vương Lê Phát An, chúng tôi có viết lại trong các sách Nam Kỳ Lục Tinh, sách “Các Nhà Giàu Xưa ở Nam Kỳ”. Ông Huyện Của cũng từng làm báo và có uy tín trong báo giới. Lãnh vực nào ông Huyện Của cũng thành công. Cuộc đời ông là lấm gương kiên nhẫn, hiếu học.
Một người bạn văn, cựu giáo sư Lâm Vĩnh Thế, hiện định cư tại Canada, có kể lại mối liên hệ giữa ông La Thành Nghệ và ông Huyện Của với người viết như sau:
“Ông Nguyễn Văn Của chính là ông dượng của tôi. Bà vợ thứ nhứt là thân mẫu của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân (Trung tướng) mất sớm. Bà vợ thứ hai của ông Huyện Của chính là chị lớn của bà nội tôi. Bà này không có con cái gì với ông Của, và sau đó cũng lại mất sớm. Ông Huyện Của tái giá một lần nữa, và lần này bà vợ thứ ba sanh nhiều con. Người con gái út là cô Mười Marcelle, chính là vợ của dược sĩ La Thành Nghệ, chủ công ty “Dược phòng La Thành”, như vậy ba tôi là em vợ của ông Huyện Của. Nhắc tới ông La Thành Nghệ, không một người dân nào ở Sài gòn mà không nghe nhắc tới. Ông dược sĩ này còn mệnh danh là “Ông vua thuốc đỏ và trụ sinh”.
Ngoài hai loại thuốc đỏ và trụ sinh, viện bào chế “La Thành” (Laboratoire La Thành) còn sáng chế một thứ pommade để thoa trị bịnh phong tình. Bịnh này thường có mụt mụn đỏ chung quanh háng và bộ sinh dục. Muốn điều trị chỉ cần xức pommade vào chỗ đó sau khi rửa vết thương cho sạch bằng thuốc đỏ Chỉ vài ba lần xức pommade, người bịnh cảm thấy dễ chịu, không ngứa rát và bình phục dân dân. Thuốc này không gây đau đớn và biến chứng. Các thanh niên bị bịnh phong tình thường có mặc cảm không muốn đến bịnh viện hay đi bác sĩ tư để chữa trị.
Họ mua thuốc pommade của dược sĩ La Thành Nghệ tự chữa lấy. Nhờ biết được yếu tố tâm lý ấy và sự công hiệu của thuốc, La Thành Nghệ bán sản phẩm này chạy như tôm tươi. Khi trở nên giàu có, La Thành sống thầm lặng, ít khoe khoang hay ăn chơi trác táng như một số nhà giàu khác. Mấy thập niên trước, dân ăn chơi Sài Thành, không ai mà không nghe tiếng hoặc biết công tử Hoàng Kim Lân, con của vua dây kẽm gai Hoàng Kim Quy. Tôi được nghe một người quen kể lại rằng có một lần, gặp lúc cao hứng tại vũ trường Maxim, ông Hoàng Kim Lân đứng lên giữa sân khấu tuyên bố: “Hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi. Tôi xin đãi tất cả quý vị có mặt hôm nay. Quý vị tha hồ ăn uống bất cứ món gì mà không phải trả tiền”. Tiếp theo sau đó, rượu sâm banh chảy ra như suối và khách ăn chơi vỗ tay như sấm!
Năm 1996, khi hay tin bịp của nhà nước cộng sản sẽ trả lại tài sản cho những khổ chủ đã bị tịch thu hồi mới “giải phóng”, thì ông Hoàng Kim Lân về Việt nam để xin lại.
Sau nhiều lân chỉ dẫn, ông đến Hà Nội, thuê khách sạn để nằm chờ. Cán bộ chỉ hứa hẹn dây dưa. Sau đó, người ta nghe tin ông ông Hoàng Kim Lân bị bịnh, đột ngột từ trần, sau khi được nhà nước “ưu ái” đưa vào bịnh viện. Thi hài ông được họ chôn cất tử tế. Sau đó nghe đồn rằng gia đình ông ở hải ngoại, nhận được giấy đòi tiền sở phí về cái đám ma ấy lên tới mấy chục ngàn đô la?
Trở lại ông La Thành Nghệ, là người chỉ giao thiệp với hạng nhà giàu và thượng lưu trí thức ở Sài gòn. Tuy sống trên đống vàng, nhưng ông không phung phí tiền bạc để mang tai tiếng như nhiều người khác. Năm 1967, La Thành Nghệ ra ứng cử Nghị sĩ Quốc Hội, chung liên danh “Bạch Tượng” của Dược sĩ Trần Văn Lắm và đắc cử. Ông Trần Văn Lắm có lúc làm Phó chủ tịch Thượng Viện và Tổng trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Tuy nhiên, danh nghĩa Nghị sĩ Quốc Hội chỉ để trang trí cho La Thành Nghệ hơn là nghề hái ra liền như viện bào chế La Thành của ông. Do đó, trong thời gian tham chính, dư luận hay báo chí không nghe ông tuyên bố hay có hành động chính trị nào tỏ ra tham quyền cố vị... Ông cũng tránh xa các áp-phe làm ăn của các ông tai to mặt bự khác.
Ông bà ta thường nói: “Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh”. Trong giới bình dân, người trong gia đình cũng hay dặn cho cháu: “Sành một nghề sung sướng một đời”. Cả hai câu đều ngụ ý khuyên con người ở đời chớ khinh hay trọng một nghề nào hơn nghề nào. Nghề nào cũng cao quý. Nếu giỏi một nghề chắc chắn được ấm no, sung sướng.
Những vị lương y, các dược sĩ Đông Tây y chỉ nhỏ sáng chế được một vài thứ thuốc gia truyền công hiệu, trở nên giàu có, được dân chúng miền Nam nhắc nhở tên buổi.
Kể về các lương y, dược sĩ sáng chế các loại thuốc thông dụng, rẻ tiền nhưng hiệu nghiệm, được quần chúng miền Nam ủng hộ hơn nửa thế kỷ trước, chúng tôi được biết:
- Võ Văn Vân nổi tiếng với thuốc “Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn”.
- Bác sĩ Bùi Kiến Tín với “Dầu gió khuynh diệp”.
- Dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều với “Nguyễn Chí Dược Cuộc”.
Dưới thời Đệ nhứt Cộng hoà (1954-1963) Thủ tướng (sau đó làm Tổng thống) Ngô Đình Diệm vừa mới thu hồi độc lập, mở chiến dịch khuyến khích dân chúng dùng hàng nội hoá, để thay thế hàng hoá Pháp. Nhiều món hàng hoá, thuốc men mới sáng chế trong dịp này trở nên thông dụng và làm tăng uy tín của hàng nội hoá. Các Đông y sĩ, dược sĩ Tây y, bác sĩ... thời đó thành công nhờ hoàn cảnh một phần. Phần lớn họ nhờ sản phẩm có uy tín, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Ông Võ Văn Vân là người sáng lập nhà thuốc Võ Văn Vân lại Thủ Dầu Một, tức tỉnh Bình Dương hồi trước năm 1975. Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, họ đổi lại thành tỉnh Sông Bé. Hai sản phẩm nổi tiếng của dược phòng Võ Văn Vân là:
- “Bá đả quân sơn tán” trị bịnh đau lưng, nhức mỏi rất công hiệu. Hồi đó các xe đi bán quảng cáo thuốc của nhà thuốc Võ Văn Vân còn khoe rằng “Bá đả quân sơn lán” là thuốc trị bịnh đánh bị té, các võ sĩ, các người lao động chân tay như làm ruộng, làm công (vác lúa, chèo ghe, móc mương, bồi vườn...) đều phải uống thuốc này, vì nó “hiệu nghiệm như thuốc tiên!”- “Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” trị bịnh yếu sinh lý, tráng dương, bổ thận, dùng cho  đàn ông để tăng cường sinh lực.
Các năm 1955-57, các nhà thuốc thường tổ chức những xe thuốc đi bán dạo các miền quê. Mỗi xe có người làm trò vui như xiếc, ảo thuật, kịch ngắn để thu hút khán giả. Xen kẽ vào những trò vui ấy là màn bán thuốc. Người nhà quê lúc ấy gọi các xe bán thuốc dạo đó là “Sơn Đông Mãi Võ”. Tuy là Đông y sĩ, nhưng ông Võ Văn Vân lại cho các con qua Pháp du học các ngành y, dược. Trong số các con của Võ Văn Vân, có ông Võ Văn ứng, từng nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của các bộ môn thể thao ở Sài gòn. Ông Võ Văn ứng còn làm Tổng giám đốc Nam Đô Ngân hàng, khách sạn Nam Đô. Một nhà thuốc Đông y khác, cũng nổi tiếng đồng thời là nhà thuốc Võ Đình Dần ở Chợ Lớn. Thuốc ích khí bổ thận “Cửu Long Hoàn”, chuyên trị mệt mỏi, lao tâm lao lực, được quảng cáo sâu rộng, nên bán rất chạy. Thời đó, hầu như ai cũng thuộc lòng câu: “Một viên Cửu Long hoàn bằng 10 thang thuốc bổ “ của nhà thuốc Võ Đình Dần. Nhà thuốc này cũng có một đội ngũ chuyên môn đi bán dạo khắp thôn quê, gồm 5 xe cam nhông, gọi là “Sơn Đông Mãi Võ”. Theo nhà văn Hồ Trường An, thì thuốc “Cửu Long hoàn” được các người lao tâm, lao lực, thức đêm, làm việc nhiều như các vũ nữ ở các vũ trường, các nghệ sĩ sân khấu cải lương, các tay cờ bạc... tóm lại những kẻ lấy ngày làm đêm đều dùng “Cửu Long hoàn”, để phục hồi sức lực. Thuốc viên “Cửu Long hoàn” được quảng cáo trên đài “Philco Sài gòn” qua bài hát “Une chan son pour Ninh” lời Việt như:
Khi nào mệt mỏi , Nhớ mua dùm Cửu Long hoàn Võ Đình Dân...
Một dược sĩ Tây y khác cũng thành công và nổi tiếng nhờ thứ thuốc ban nóng, cảm ho của trẻ em là ông Nguyễn Chí Nhiều. Ông Nhiều lập “Nguyễn Chí Dược Cuộc”, sản xuất vài thứ thuốc thông dụng mà thuốc ban nóng cho trẻ em chiếm phần lớn. Thuốc này hiệu nghiệm, nhưng nhờ cách quảng cáo khéo, nên được phổ biến sâu rộng trong quần chúng thôn quê. Thuốc ban nóng cảm ho “Euquinol” quen thuộc đối với các bà nội trợ thành thị lẫn các nông dân miền quê. Hễ ai có con nóng, thì người nhà hay lối xóm liền thúc hối hãy mua thuốc “Euquinol”.
Ông Nguyễn Chí Nhiều là người có sáng kiến, biết lợi dụng các cuộc tranh tài thể thao để quảng cáo sản phẩm. Cuộc đua xe đạp đường trường nào tổ chức cũng có các xe thuốc “Euquinol” đi kèm. Thuốc “Euquinol” chế theo dạng thuốc Tây bằng bột màu trắng, như có lân tinh, khác với hình dạng gói thuốc “Cao đơn hoàn tán” của các tiệm thuốc Bắc tung ra thị trường. Thuốc ban “Euquinol” của Nguyễn Chí Nhiều vừa rẻ tiền, vừa hiệu nghiệm, lại được quảng cáo sâu rộng, được bày bán trong các tiệm trữ dược, các liệm tạp hoá, nên dân chúng mua dễ dàng. Lần vân thuốc ban “Euquinol” đánh bại thuốc “Ngoại cảm tán” của nhà thuốc Nhị Thiên Đường, độc chiếm thị trường mấy thập niên.
Nguyễn Chí Nhiều còn nổi tiếng trong một lãnh vựa khác: thể thao. Ông Nhiều cũng là Mạnh Thường Quân của bộ môn đua xe đạp. Ông từng được gọi là “Ông bầu” của đoàn cua-rơ “Euquinol”. Đoàn cua-rơ này là một ê-kíp gồm những tay đua do chính ông tuyển chọn, tài trợ để tập dượt, tranh tài trong các cuộc đua “Vòng Cộng hoà” từ năm 1956 trở đi. Đội tuyển xe đạp của ông Nhiều khoác áo “Đội Euquinol”. Đây là một đội dua xe đạp chuyên nghiệp, dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều phát lương để tập dợt, mua xe đạp và cung cấp phụ tùng. Khi đã trở thành cua-rơ của đội “Euquinol” họ khỏi bận tâm lo sinh kế, ngoài chuyện cố tâm luyện lập. Vì thế đội “Euquinol”, thường lập được nhiều thành tích, chiếm các giải đồng đội và cá nhân hơn các dội khác. Những điều đó làm cho họ thêm hứng chí mà món thuốc “Euquinol” cũng được dịp phô trương tên tuổi khắp nơi trong nước. Những dân chính phủ tổ chức “Vòng đua Cộng hoà” có nhiều đội tham dự. Những đội được nhắc nhở nhiều nhứt như Quân Vận, Quân Cụ, Thuỷ Quân Lục Chiến, Euquinol... Phần dưới đây chúng tôi chép là tài liệu của nhà văn Hồ Trường An gởi tặng:
Nhà thuốc Nhành Mai ở Phú Nhuận, nổi tiếng với món thuốc dưỡng thai hiệu “Nhành Mai”. Có câu ca dao chọc ghẹo: Bớ cô con gái nhà ai? Chưa chồng mua thuốc dưỡng thai uống liền!
Ngoài ra món thuốc dán hiệu Nhành Mai, trị mụt nhọt rất hay. Không cần phá miệng mụt nhọt, chỉ cần trét thuốc vào miếng vải cắt tròn, lớn cỏ đồng xu lá bài, rồi dán lên mụt nhọt. Chừng vài ngày sau, gỡ miếng vải ra thì mủ luôm chảy và cùi nhọt lòi ra, mụt nhọt héo mặt rồi lành ngay hai hôm sau. Một hãng thuốc khác do người Tàu ở Chợ Lớn bào chế gọi là nhà thuốc “Đại Quang”, nổi tiếng với món thuốc Đông y “Huyết Trung Bửu”, loại thuốc điều hoà kinh nguyệt dành cho phụ nữ. Thuốc này át món “Nữ Kim Đơn” vì nhờ quảng cáo mạnh trên các báo chí ở Sài gòn. Đã vậy, hãng “Đại Quang” cũng như nhà thuốc Ông Tiên (của Nguyễn Hoàng Hoạnh), cứ mỗi năm cho ra cuốn sách quảng cáo, có truyện ngắn, thơ, có chuyện lịch sử, bài ca vọng cổ... để giới thiệu các thứ thuốc của hãng mình cho khắp đồng bào ở Lục tỉnh.
Sau năm 1945, có nhà thuốc “Đại Từ Bi” cũng có xe cam nhông bít mui, bán dạo khắp Nam Kỳ lục tỉnh, từ thành thị đến thôn quê, đặc biệt là các tài tử biết ca vọng cổ, biết đóng tuồng cải lương, hát giúp vui mỗi khi xe neo ở một địa điểm nào đó để bán thuốc. Tuồng tích phần nhiều kể chuyện “Ông Trương Tiên Bửu”, “ Kim Vân Kiều”, “Cánh Buồm Đen”... Trước năm 1954 (trước hiệp định Genève), dân Nam Kỳ, nhứt là dân thủ cựu ở thị thành và dân ở các vùng nửa chợ nửa quê dân miệt vườn... đều chê thuốc Tây nóng, nên không dùng. Cho nên ở thành phố, ở thôn quê, các tiệm thuốc Bắc mọc lên như nấm. Người khách trú, một khi mỏ tiệm thuốc, ngoài các dược thảo, dược phẩm, còn bán thêm các loại cao đơn lườn tán do các nhà thuốc Việt nam bào chế, và thuốc đặc chế từ bên Tàu như Thượng Hải, hơng hơng, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây nhập cảng vào. Nhưng thuốc Tàu không cạnh tranh lại các loại thuốc Đông y do các Đông y sĩ người Việt sáng chế, vì toa thuốc bên Tàu nhập cảng qua, in bằng chữ Nho, ít ai đọc được. Ngoài ra, còn các món thuốc loại mỹ phẩm như “Bạch ngọc cao”, một loại kem xức cho da mặt mịn màng, như “Bóng nha duyên “ dùng để chà răng cho trắng. Tuy nhiên “Bóng nha duyên “ xúc miệng không thơm bằng phấn chà răng của Tây đặc chế như Kool, Gibbs, nên bán không chạy ở ngoài tỉnh thành. Còn dân miện vườn thì dùng xác vỏ cau chà răng, không biết dùng bàn chải... Đến khi kem đánh răng Leyna xuất hiện với cái nhãn in hình nữ minh tinh Kim Vui cười phô răng, sau đó là kem Hynos với người đàn ông da đen cười răng trắng nhởn, thì Kool và Gibbs cáo chung. Còn “Bóng nha duyên” cũng không trống không kèn lặn mất.
Dân thương hồ, tức những người buôn bán trên sông rạch, kèm với các tập sách mỏng in luồng cải lương thâu thanh vào đĩa nhựa, kèm với đĩa hát máy, kim hát máy, sách vở, giấy bút, trà, vải, họ còn bán thêm cao đơn hoàn tán. Có vậy, dân quê ở các địa danh hẻo lánh, mà người dân Nam Kỳ gọi là dân quê ở hóc Bà Tó mới có thuốc để dùng.
Nếu nhắc lại những nhà thuốc Tây ở Sài gòn trước năm 1940, thì có nhà thuốc Tây nằm trên đường Catinat, từ nhà thờ Đức Bà đi xuống mé sông gồm có: “Pharmacie Mus” của ông Beniot. Xuống tới nhà hát Tây, có “Pharmacie Sohrenne”, không nằm trên đường Catinat (Nguyễn Huệ), mà nằm ở con đường nhỏ tên Francis Garnier, tẻ từ đường Catinat. Ngoài ra, còn có “Pharmacie Normale”, “Pharmacie de France”. Đó là những nhà thuốc Tây mà chủ nhân đều là dược sĩ người Pháp. Nhà thuốc nào cũng có phòng bào chế riêng để chế thuốc theo toa bác sĩ. Các nhà thuốc mà chủ nhân là người Việt gồm có: Nhà thuốc “Cường Lắm” ở góc đường Mạc Mahon (Công Lý) và đường Bonard (Lê Lợi). Chủ nhân là dược sĩ Trần Văn Lắm. Dưới thời ông Thiệu, ông Lắm trở thành Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng. Ngoài ra còn có “Pharmacie Lý”, chủ nhân là dược sĩ Nguyễn Thị Lý. “Pharmacie Dương Hữu Lễ”, chủ nhân là dược sĩ Dương Hữu Lễ ở đường Rue d”espagne (Lê Thánh Tôn). Còn “Pharmacie Nguyễn Văn Cao” góc đường Chợ Mới và đường Bonard.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét