Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

VỤ TẬP KÍCH SƠN TÂY CỦA ĐẶC NHIỆM HOA KỲ GIẢI CỨU CÁC PHI CÔNG BỊ CỘNG SẢN BẮC VIỆT GIAM GIỮ - PHẦN 5

1    2    3    4    5    6    7    8
BENJAMIN F.SCHEMMER
Khi hai người gặp lại nhau, họ đều vui mừng. Hoàng cầu chúc cho “Alfred” được thắng lợi trong việc thăng cấp và xin lỗi lần này không thể gặp nhau lâu được. Khi chia tay, Hoàng đưa cho “Alfred” một bao thuốc lá Điện Biên, “Alfred”  còn nhớ rõ lời nói của Hoàng: “Đây này, anh dùng để hút cho vui trên chuyến bay.
Thuốc lá này hơi nặng cho nên đừng hút quá nhanh”. “Alfred” để ý thấy bao thuốc lá đã mở. Hoàng vừa cười vừa nói tiếp: “Tôi mở ra để xem thử thuốc lá có còn tốt không”. Ngày hôm sau trong khi chờ đợi máy bay tại phi trường Gia Lâm, “Alfred” châm một điếu hút. Thuốc nặng quá. Ngoài ra Hoàng cũng biết là ông ta không hút thuốc lá. Như vậy rõ ràng là bao thuốc lá này có một ý nghĩa gì đó. Ngay khi đến HongKong, “Alfred” liền đưa những điếu thuốc lá ấy cho một người bạn nhờ kiểm tra.


Gói thuốc lá của Hoàng đã được phân tích tại Washington vào buổi trưa ngày thứ năm tiếp theo, một vài giờ trước khi Bennett gặp Blackburn tại văn phòng của Moorer. Các chuyên viên phân tích mật mã của DIA đều thắc mắc khi nhận thấy rõ ràng là Hoàng đã sử dụng một cái mã của các tù binh để viết về số lượng tù binh bị giam giữ trong mỗi trại. Các chuyên viên này hy vọng là Hoàng vẫn còn nhớ rõ các cách mã hóa khác. Nhưng trong danh sách các trại giam lại không thấy có trại Sơn Tây. Theo như số lượng Hoàng cho biết thì tất cả vào khoảng 150 người, hiện đang bị giam giữ trong một trại tù mà từ trước đến nay chưa hề ai nghe đến, địa điểm đó gọi là Đồng Hới.



Khi các chuyên viên phân tích hình ảnh của DIA lục soát lại những tấm hình mới nhất chụp được về doanh trại bộ đội ở Đồng Hới thì họ thấy khu vực doanh trại này đã được nới rộng ra một cách đáng kể. Những vách tường mới đã được dựng lên để ngăn doanh trại ra nhiều khu nhỏ và các chòi gác đã có thêm lính gác. Cũng trong thời gian này thì các chuyên viên hình ảnh lại trình bày cho Bennett thấy những tấm ảnh mới nhất về Sơn Tây do máy bay trinh sát SR-71 vừa chụp được. Một vài tấm ảnh này đã được chụp qua hệ thống hồng ngoại tuyến chứng tỏ rằng doanh trại này vẫn sinh động hình như có một số người nào mới được chuyển về Sơn Tây.



Đấy là tin tức xấu do Bennett đưa ra sau khi ông ta đã giải thích nguồn gốc xuất phát và ông ta cũng nói cho Moorer và Blackburn biết đây là loại tin tức được đánh giá vào hạng B3  có nghĩa là gần đến đỉnh cao nhất của sự xác thực. B có nghĩa là nguồn tin tình báo ở nước ngoài. 3 có nghĩa là nguồn tin này đáng được tin cậy, có đường dây liên lạc trực tiếp với người đưa tin.



Sau khi nghe Bennett nói, Blackburn vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng rằng Sơn Tây có thể bị bỏ trống. Ông ta nói với Moorer và Bennett: “Cái tên đưa tin này từ trước đến nay chưa há miệng nói gì cả. Tôi không thể chấp nhận hoàn toàn được, tôi muốn tìm hiểu thêm họ đã đưa ra kết luận này bằng cách nào”. Ông ta yêu cầu Moorer cho phép được báo cáo lại việc này vào 6 giờ sáng mai với sự đánh giá chất liệu tin tức theo ý riêng của ông ta. Moorer và Bennett đều đồng ý. Khi rời văn phòng Moorer, Bennett nói với Blackburn cùng xuống trung tâm thu thập và theo dõi tin tức của DIA tại phòng số 2D 921 để “nhân viên của tôi trình bày mọi việc cho anh rõ. Nếu anh cần điều gì thì cho tôi biết ngay. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta cũng đã quá muộn rồi”.



Bennett tỏ vẻ bị kích động khi thốt ra tiếng “quá muộn”, vì còn nhiều tin tức xấu khác nữa. Dù Sơn Tây có ở trong tình hình nào đi nữa, và cho dù tất cả các trại giam đều được giải thoát một cách thành công thì đối với nhiều tù binh Mỹ khác vẫn là điều quá muộn.



Ngoài danh sách 6 tù binh đã chết mà nhà hoạt động hoà bình Cora Weiss chuyển giao vào ngày 13 thứ 6 tuần trước, Bennett còn nhận được tin có thêm 11 người nữa vừa mới chết. Tên của những người này hiện có trong một danh sách mà bà ta vừa mới nhận được và chỉ chịu chuyển giao cho chính quyền trong bốn ngày nữa, có nghĩa là thứ hai 23 tháng 11. Nhưng dù sao thì DIA và NSA cũng đã khám phá ra được danh sách bí mật này qua hệ thống Gamma của họ.



Từ hơn một năm nay bà Cora Weiss vô tình trở thành người mang tin cho giới tình báo Mỹ mà không biết.



Kể từ 1969 đến nay, cứ mỗi lần Cora Weiss bước xuống máy bay sau khi từ Hà Nội về, hoặc sau khi đi thăm phái đoàn hòa đàm Bắc Việt Nam ở Paris về, thì bà ta đều bị theo dõi. Cơ quan NSA cũng đã lập hệ thống kiểm thính để nắm lấy mọi điện tín, các cuộc điện thoại đi xa, các công điện, qua những trạm vi ba đặc biệt của cơ quan này. Bà ta chỉ là một trong nhiều đối tượng bị theo dõi, trong số này gồm có cả lãnh tụ phong trào Báo đen, nữ diễn viên màn bạc Jane Fonda, nhà hoạt động phản chiến Tom Hayden và tất cả những ai đi thăm Bắc Việt Nam về. Đấy là một phần của những hoạt động tình báo đặc biệt gọi là hệ thống Gamma do cả hai cơ quan NSA và DIA thực hiện, và đây cũng là việc bất hợp pháp vì lẽ đã theo dõi công dân Hoa Kỳ khi họ sử dụng các đường dây liên lạc nội địa hoặc ở nước ngoài. Đây cũng là một hoạt động tinh vi, tốn kém, và đôi khi cũng rất hữu hiệu. Một vài viên chức được phép biết về hệ thống kiểm thính này đã phải thề sống chết không bao giờ được mở miệng nói ra tiếng “Gamma” này.



Có vào khoảng 20 mật danh khác nhau dùng để chỉ về hệ thống kiểm thính Gamma. Tất cả đều dùng nhóm bốn chữ như: “Gamma Jet”, “Gamma Walt” hoặc “Gamma Quilt”. Mỗi chữ sau là dùng để chỉ một mục tiêu, một phương pháp hoặc một nguồn gốc đặc biệt. Một trong những hệ thống này có liên hệ đến việc kiểm soát thư tín được gọi là “bảo đảm thư tín”. Thư từ của bà Cora Weiss thường xuyên bị kiểm soát. Một phần khác của hoạt động tình báo đặc biệt này mang ngụy danh là “Delta” mặc dù hoạt động này chỉ chuyên về việc thu lượm tin tức quân sự của Liên Xô. Tại cơ quan DIA tất cả mọi hệ thống kiểm thính này đều do một sĩ quan gọi là viên chức Gamma Delta phụ trách. Các loại tin tức này đều được liệt vào hạng “tối mật” (Trine), bên cạnh có ghi chú nhóm chữ dành riêng cho mỗi loại “Trine” là loại tin tức có độ mật cao nhất trong các loại tin tức tình báo đặc biệt này.



Điều mà cả hai cơ quan NSA và DIA muốn tìm hiểu trong trường hợp của bà Cora Weiss là để xem trước bà ta có tin tức nào mới về tù binh không, hoặc có bản danh sách mới nào về tù binh đã chết không, về tên tuổi người chết và tù binh hoặc viên chức Bắc Việt Nam nào mà bà ta đã tiếp chuyện trực tiếp hoặc bà thấy, cùng với tất cả những gì đã quan sát được nhưng không muốn báo lại cho chính quyền Mỹ biết. Hệ thống kiểm thính vừa qua đã xác nhận tình trạng thất vọng của tù binh Mỹ. Trong số 17 người vừa được tin đã chết có ghi trong hai danh sách của bà ta, thì 11 người đã bị bắt cầm tù tại miền Bắc Việt Nam, còn 5 người được ghi là mất tích cũng ở miền Bắc, một người mất tích ở Lào. Không có tin tức nào cho biết trường hợp hoặc nguyên nhân xảy ra những cái chết đó.



Nguồn tin này lại càng thúc giục thêm việc tìm hiểu xem có còn tù binh Mỹ nào hiện đang bị giam giữ ở Sơn Tây không. Blackburn vội vàng về lại văn phòng và chỉ thị cho Mayer điện thoại gấp cho Harris ở DIA. Ông ta muốn gặp ngay toàn thể toán chuyên viên của Harris để sẽ đích thân kiểm soát lại từng mẩu tin, từng mẩu tài liệu nhỏ.

Đã gần đến 5 giờ 30 chiều. Mayer gọi điện thoại và trở lại văn phòng báo cáo cho Blackburn thêm nhiều tin tức xấu nữa. Tất cả nhân viên DIA đã về nhà hết.


Blackburn không tin nổi điều này và nổi điên lên. Ông ta cầm điện thoại gọi ngay Harris và yêu cầu lập tức gọi tất cả mọi nhân viên trở lại. Harris đề nghị là toán chuyên viên DIA sẽ đến vào sáng sớm mai để xem lại mọi việc. Có thể giờ này mọi người đang bị kẹt xe trên đường về. Blackburn nói ông ta vẫn sẵn lòng chờ đợi cho đến khi nào Harris gọi được tất cả mọi người trở lại sở làm cho dù phải lùi xe trở lại. Điều mà Blackburn muốn là bất cứ “tay” nào cũng phải trở về Lầu Năm Góc ngay sau khi Harris tập hợp lại được “đàn bò đi lạc” của ông ta. Blackburn cũng muốn họ phải đem đến văn phòng từng mẩu tin nhỏ đã thu lượm được về Sơn Tây. Ông ta không cần biết là họ sẽ phải làm việc thêm 12 tiếng đồng hồ nữa. Moorer đang đợi một báo cáo vào đúng 6 giờ sáng mai. Nếu các chuyên viên xác định được là Sơn Tây đã bị bỏ trống thì Moorer sẽ ra lệnh hoãn cuộc tập kích. Nhưng nếu mọi người không làm việc kịp thì cuộc tập kích này sẽ xuất phát theo thời điểm đã định  trong khi mọi chuyên viên tình báo quân sự quốc gia đang ngủ ngon trên giường tại các vùng ngoại ô Virginia.



Harris đã gọi được mọi người trở lại. Mãi cho đến khuya đêm ấy, Blackburn, Mayer và Harris còn ngắm nhìn hình ảnh, lắng tai nghe, và xem xét kỹ lưỡng mọi điều do chuyên viên DIA trình bày tại sao họ đã biết được các tù binh không còn ở Sơn Tây nữa. Mọi người bàn cãi về các điều này.



Riêng Mayer thì đồng ý với các dữ kiện đã được trình bày. Ông ta nghĩ là Blackburn nêu ra lệnh đình hoãn cuộc tập kích. Đối với Mayer thì doanh trại mới ở Đồng Hới trông có vẻ là một mục tiêu đầy hứa hẹn hơn: doanh trại này cũng ở vùng vắng vẻ như Sơn Tây và có nhiều tù binh bị giam giữ trong ấy. Ông ta suy luận là mọi người nên hoãn lại để một hoặc hai tháng nữa sẽ tiến công doanh trại mới thì tốt hơn.



Blackburn nói ông ta vẫn chưa bị thuyết phục. Ông ta đồng ý nguồn tin của Hoàng chuyển giao là rõ ràng tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác và cơ quan DIA đã biết được địa điểm mới. Nhưng tin tức này đã xuất phát từ một nguồn gốc mà theo sự suy nghĩ riêng của Blackburn thì nó không có cơ sở chắc chắn nếu như không muốn nói là đáng ngờ. Trong khi đó thì các chuyên viên nghiên cứu hình ảnh của DIA, đoán chắc rằng có một số người nào đó đã được chuyển về lại Sơn Tây. Trong nhiều tuần lễ vừa qua doanh trại này đã có vẻ sinh động nhiều hơn. Chỉ có một điều là họ chưa biết được ai đã được di chuyển về trại ấy.



Blackburn không thể hiểu được tại sao mọi người lại có thể đi đến một kết luận như vậy từ đống tài liệu bề bộn bày ra trước mặt. Vì lẽ đó, ông ta yêu cầu các chuyên viên của Harris phải kiểm soát lại một lần nữa mọi phương cách phân tích từ đầu đến cuối. Ông ta nổi cáu với họ là không biết họ sẽ làm gì để có thể tìm ra đầu hoặc đuôi trong đống dữ kiện ấy. Ông ta cũng sững sờ kinh ngạc về những lời giải thích của họ. Khi thì họ nói chắc chắn rằng các tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác, khi thì lại nói họ vẫn nghi ngờ là có lẽ tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây.



Sau này ông ta nhớ ra, là đã từng chán ngán bảo họ: “Này các anh đừng làm trò hề, đừng có úp mở. Tôi chỉ cần câu trả lời thẳng vấn đề. Tôi sẽ trở lại đây vào lúc 5 giờ sáng mai. Đến 6 giờ sáng tôi sẽ đi với tướng Bennett vào trình cho đô đốc chủ tịch Hội đồng An ninh hỗn hợp biết rõ là tù binh vẫn còn ở đấy hoặc tù binh không còn ở đấy nữa. Tôi chỉ yêu cầu các anh một câu trả lời chắc chắn vào 5 giờ sáng mai. Họ có ở đó không, hoặc họ không có ở đó. Chỉ có vậy thôi. Không úp mở, không giải thích, không bàn tán, không nói năng gì thêm nữa. Tôi cần biết vẻn vẹn có bấy nhiêu thôi, bởi vì 6 giờ sáng mai thì đô đốc Chủ tịch và Tổng thống sẽ phải quyết định cho xuất phát công tác hay không. Chúng ta sẽ được phép lên đường hay không”.



Blackburn nói với họ là cho đến giờ này ông ta vẫn chưa biết mảy may gì về quyết định này cả. Ông ta nói thêm: “Nhưng điều tôi muốn là câu trả lời rõ ràng và các anh cũng đừng nên nằm mơ để tìm ra câu trả lời trong giấc ngủ. Tôi muốn rằng câu trả lời đó được căn cứ trên sự thông minh sáng suốt. Các anh nên trở về văn phòng ở Arlington hoặc đi bất cứ nơi nào các anh muốn để làm việc ngay, bởi vì đến 5 giờ sáng mai thì chúng ta cần câu trả lời xác đáng chứ không phải một đống phân bò”.



Blackburn biết chắc là câu trả lời sẽ như thế nào. Cuộc tập kích sẽ được thi hành. Mặc dù các tù binh vẫn còn ở đó hay đã đi rồi là chuyện còn trong nghi vấn, nhưng với 95 đến 97% yếu tố hoàn toàn tin tưởng là Simons có thể đổ bộ vào và thoát ra một cách an toàn, thì cũng là điều đáng được thi hành. Nếu sau này được biết tin là các tù binh đã được chuyển về lại Sơn Tây mà không có sự cố gắng giải cứu họ ra thì đấy là điều không thể tha thứ được và Blackburn cũng lo sợ rằng “chúng ta sẽ không bao giờ có một cơ hội may mắn nữa”.

Chẳng còn việc gì để làm nữa cho nên ông ta và Mayer lái xe về nhà. Họ mới vừa thiêm thiếp ngủ thì điện thoại lại réo lên, lúc đó là 4 giờ sáng. Một công điện của Manor gửi về lúc 3 giờ 56 phút cuộc tập kích có thể sẽ được thi hành 24 giờ sớm hơn thời điểm đã định. Manor đã ra lệnh cho Simons và toán phản ứng nhanh 77 thi hành công tác, và đã báo cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương biết vào buổi sáng thứ 6 ngày hôm ấy 20 tháng 11 trong khi trời còn tối đen. Blackburn và Mayer phải vội vã quay trở về Lầu Năm Góc với cặp mắt mờ vì mất ngủ sau suốt một tuần lễ đầy ác mộng và bây giờ thì kết cục lại sắp xảy ra.



Blackburn thầm nghĩ trong khi lái xe xuống chỗ đỗ xe ở đường George Washington: “Lạy Chúa toàn năng, bây giờ thì đến lượt bọn chuyên viên tình báo lại cố thuyết phục Moorer ra lệnh đình hoãn mọi việc!”. Đối với ông ta thì một cuộc tập kích thành công vào một “lỗ trống” cũng còn hơn là chẳng có cuộc tập kích nào cả.



Mayer thì lại có sự quan tâm khác hẳn. Trên đường đến Lầu Năm Góc ông ta nghĩ: “Ông tướng điên khùng Blackburn này định xâm lăng Bắc Việt Nam hay sao mà lại để cho Simons nhảy vào một trại tù trống rỗng”. Nhưng ông ta cũng còn nhiều vấn đề khác phải lo nghĩ đến. Nếu cuộc tập kích được lệnh thi hành thì ông ta chỉ còn có một vài giờ nữa để chuẩn bị mọi việc tối hậu tại Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc. Đô đốc Moorer, Bộ trưởng Laird và hàng lô tướng tướng tá khác sẽ cần có đầy đủ thuyết trình trước mặt họ để theo dõi diễn biến công tác. Cách đây mấy giờ, ông ta đã từ Lầu Năm Góc trở về và đã nghĩ rằng cuộc tập kích có thể sẽ được xuất phát vào ngày thứ bảy. Như vậy thì ông ta vẫn còn ngày thứ sáu để chuẩn bị mọi thứ.

Ngay khi đến Lầu Năm Góc, Mayer điện thoại gọi tất cả sĩ quan trực trong trung tâm chỉ huy và DCSOPS để báo động cho mọi người biết là chiến dịch Kingpin sẽ được lệnh thi hành ngày hôm đó. Trong thời gian này thì Blackburn gặp lại Harris và toán chuyên viên DIA. Lúc 5 giờ sáng, ông ta bình tĩnh hỏi mọi người: “Có hay không?”. Họ bắt đầu ú ớ: “Có, nhưng mà…”. Blackburn cắt ngang: “Không có nhưng mà gì cả. Tất cả điều tôi muốn biết là họ có ở đấy hay không? Đấy cũng là điều tôi sẽ nói với đô đốc Chủ tịch và đấy cũng là điều cấp trên của các anh sẽ nói với đô đốc Chủ tịch. Nếu đô đốc cần hỏi thêm điều gì thì các anh sẽ trả lời sau. Nhưng bây giờ thì các anh chỉ có việc nói cho tôi biết họ có ở đó hay không. Đô đốc cần câu trả lời chứ không cần câu hỏi”.


Đã đến giờ Blackburn đi gặp Moorer và Bennett tại văn phòng chủ tịch. Bennett tỏ ra ngây thơ. Ông ta một tay cầm tập công điện, hình ảnh và nói: “Đây là đống tài liệu tôi nhận được chứng minh rằng tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác”. Ở tay khác ông ta cầm một tập hồ sơ dày rồi nói tiếp: “Đây là tất cả tài liệu chứng minh rằng họ vẫn còn ở đó”.



Moorer hỏi: “Theo anh thì chúng ta phải làm gì?”. 



Bennett trả lời: “Tôi đề nghị chúng ta cho lệnh thi hành”. 



Blackburn cố gắng che giấu sự nhẹ nhõm trong lòng.



Sau này Blackburn nhớ lại: “Bennett đã cầm trong tay lệnh thi hành án tử hình. Suýt nữa thì mọi việc đều tan vỡ. Tôi biết chắc là Simons sẽ nhảy vào đó và đem người của ông ta thoát ra an toàn. Tôi muốn công tác này phải được xuất phát”.



Moorer kéo Bennett đi vào phòng 3 F.880 của Bộ trưởng Laird. Tại đấy, trong bữa điểm tâm, cả hai nói cho Bộ trưởng Quốc phòng biết là Manor đã ban hành lệnh cho xuất phát công tác giải cứu tù binh ở tại một trại giam mà bây giờ thì họ biết có lẽ đã bị bỏ trống, nhưng Manor thì không biết điều này. Bennett trình bày với Laird là tù binh đã được đưa đi nơi khác nhưng theo ý kiến riêng của ông ta thì có lẽ số tù binh này cũng đã được chuyển về lại Sơn Tây.



Thật lòng mà nói thì các tấm ảnh do máy bay trinh sát vừa chụp được đã không mang lại một kết luận chính xác nào. Các chuyến bay thất bại của Buffalo Hunter và việc thiếu các hình ảnh chụp được ở tầm thấp đã làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn. Thời tiết cũng quá gay gắt. Ví dụ như chuyến bay vào ngày 6 tháng 11 vừa qua đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp nhưng lại là bức ảnh chụp đám mây ở cách xa trại giam độ một dặm, mặc dù đấy là vùng trời ở ngay trên khu trại. Vào ngày 13 tháng 11 cũng đã có nhiều đám mây khác bao phủ ngay trên trại, tạo ra bóng che cho nên các hình ảnh chụp được không rõ. Ngoài các việc trên thì khu vực mục tiêu vẫn tỏ ra có vẻ bình thường. Ngày thứ tư 18 tháng 11 là cơ hội cuối cùng để cho xuất phát, máy bay trinh sát chụp ảnh để kiểm tra sự có mặt của tù binh. Nhưng chuyến bay SR-71 này bị trục trặc kỹ thuật và phải đáp xuống Thái Lan. Vì không có thiết bị đặc biệt để tháo gỡ phim chụp ảnh, cũng vì không có nhân viên được phép xem xét hệ thống trang bị máy bay, cho nên các cuộn phim đã không được gửi về Yokota kịp thời để phân tích, phải đợi cho đến tối ngày thứ sáu 20 tháng 11 mới chuyển đi được. Đợi đến lúc ấy thì cuộc tập kích đã mở màn rồi.



Khi Bennett được tin là hình ảnh chụp trong ngày 18 tháng 11 đã thất bại, ông ta lập tức cho một chuyến bay trinh sát khác xuất phát vào sáng sớm ngày 20. Chuyến bay này có nhiệm vụ bay 2 vòng qua vùng mục tiêu. Các chuyên viên hình ảnh của SAC và DIA sẽ lập tức nghiên cứu các ảnh chụp được và kết quả sẽ được chuyển ngay từ Yokota đến cho Manor tại căn cứ Sơn Trà ở Đà Nẵng qua hệ thống điện thoại “tự động” bằng mật đàm vào 8 giờ tối hôm ấy. Tức là 3 giờ 30 phút trước khi toán của Simons sẽ rời Udorn để đi Bắc Việt Nam.



Moorer trình với Laird nếu kết quả của hình ảnh đem lại tin tức xấu thì vẫn còn đủ thời gian để đình hoãn cuộc tập kích qua hệ thống công điện hỏa tốc. Tuy nhiên ông ta trình bày thêm là vẫn còn 50% hy vọng. Ông ta muốn cố gắng thử một lần nữa xem sao. Và ông muốn cho thi hành công tác dù chỉ còn hy vọng 10%.



Tin tức 17 tù binh đã chết luôn luôn đè nặng lên tâm trí ông ta. Chính Moorer cũng bị cấu xé, dằn vặt trong tâm trạng này. Sau này ông có giải thích là lúc bấy giờ không có gì là “toàn trắng” hoặc “toàn đen” cả. Thật là mỉa mai vì cũng trong một ngày mà khi thì có nguồn tin cho biết là cuộc tập kích Sơn Tây sẽ quá chậm, khi thì một nguồn tin khác lại thúc giục ông ta phải gấp rút cho lệnh xuất phát.



Bộ trưởng Laird đồng ý và nói với Moorer nên cho thi hành cuộc tập kích Sơn Tây như đã định. Nếu trại tù này trống rỗng, hay cuộc tập kích bị thất bại vì một lẽ nào đó, thì sẽ cố tìm cách che giấu dư luận là cuộc tập kích chưa bao giờ xuất phát cả.



Một thời gian dài sau khi cuộc tập kích đã chấm dứt, Mayer có nhận định rằng: “Có lẽ đấy là quyết định gay go nhất mà Laird phải đưa ra”.



Ngay sau khi Moorer và Bennett rời văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng thì giám đốc CIA là Richard Helms đến gặp. Laird thảo luận mọi hệ thống kiểm thính Gamma và những báo cáo tình báo mâu thuẫn với Helms, nhưng cuối cùng đã cho Helms biết là ông ta đã quyết định cho thi hành cuộc tập kích theo kế hoạch. Laird cũng châm biếm nói thêm rằng khi cuộc tập kích đang được thi hành thì cũng là lúc mà chồng của Cora Weiss sẽ có mặt ở Hà Nội. Khi Helms ra về, Laird kiểm soát lại một lần nữa tất cả các báo cáo về thời tiết ở Đông Nam Á. Có hai quyết định đã được ghi rõ trong tập thuyết trình về chiến dịch Kingpin đang ở trước mặt ông ta đấy là quyết định cho phép thi hành hoặc không thi hành theo thời tiết quyết định này phải được ban hành lúc 9 giờ 18 phút buổi sáng theo giờ Washington, và quyết định thứ hai là đình hoãn công tác ngay trước giờ xuất phát, quyết định này phải ban hành lúc 10 giờ 08 phút. Laird dùng điện thoại trực tiếp và an toàn gọi thẳng đến Nhà Trắng xin được nói chuyện với Tổng thống. Ông ta trình bày cho Nixon về những tin tức bi quan mà Moorer và Bennett đã trình bày qua bữa điểm tâm vừa rồi, về những kết quả của hệ thống kiểm thính Gamma của NSA và CIA đã tiết lộ cho biết bà Cora Weiss có một danh sách thêm 11 tù binh chết nữa, nâng tổng số lên 17 người chết trong tháng. Điều tệ hại nhất là trong danh sách cuối cùng đó có ghi tên tuổi ba người đã chết vào năm 1970, một người chết vào tháng 10, và một người vừa mới chết cách đây 15 ngày. Laird cũng trình cho Tổng thống biết là có tin báo rằng các tù binh ở Sơn Tây đã bị di chuyển đi chỗ khác nhưng các hình ảnh do máy bay SR-71 vừa chụp được lại cho thấy là trại tù này đã có một số người mới được chuyển đến. Vì lẽ đó Laird vẫn quyết định cho thi hành cuộc tập kích. Nixon đồng ý. Ông ta yêu cầu Laird thông báo mọi diễn biến công tác cho ông ta rõ.


Chương IV: Chiến dịch Kingpin
Căn cứ không quân Hoàng gia Thái Takhli

Các toán tập kích Sơn Tây đã đáp xuống trong bóng đêm của phi trường Takhli Thái Lan, sau khi đã vượt qua chặng đường bay dài 9500 dặm, mệt nhọc với 28 giờ bay từ căn cứ không quân Eglin qua các trạm nghỉ ở California, Hawaii, Guam và Philippines. Manor và Simons đã có mặt tại phi trường để đón các toán tập kích khi họ bước xuống máy bay. Đấy là lúc 8 giờ sáng ngày thứ tư 18 tháng 11 tại Thái Lan, tức hơn 12 giờ giờ Washington.

Cho đến giai đoạn cuối này cũng chỉ có 4 người là Simons, Sydnor, Cataldo, Meadows trong toàn thể lực lượng đổ bộ được biết rõ về vị trí mục tiêu và lúc nào thì cuộc tập kích sẽ được xuất phát. Tuy nhiên mọi người đều cảm thấy là cuộc trình diễn sắp bắt đầu khai mạc. Vấn đề an ninh được thực hiện nghiêm túc. Ví dụ trên đoạn đường bay từ Hoa Kỳ, không có người nào được phép mang phù hiệu hoặc quân hàm của quân đội Mỹ, không được mang theo một dấu hiệu nào về lý lịch cá nhân trên quân phục. Ngay cả đến những chiếc mũ nồi xanh của họ cũng đã được tập trung tại Eglin và cho chở bằng máy bay sang Thái Lan trước đó, trên chuyến vận tải cơ C-141 cùng với tất cả những bao đựng thuốc nổ đặc biệt. Khi tất cả bước xuống cửa sau của chiếc máy bay C-141 tại Takhli thì mọi người đều được nhanh chóng dồn vào một chiếc xe bịt kín, không phải loại xe buýt thông thường, để đi thẳng về doanh trại tại một khu vực an toàn ở một góc vắng vẻ trong căn cứ rộng mênh mông.

Tất cả lính của Simons chỉ được phép ngủ có 6 giờ để lấy lại sức sau chuyến bay mệt mỏi và buồn chán. Vào lúc 2 giờ chiều hôm ấy, Manor và Simons trình bày cho mọi người biết sự việc trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tuy nhiên họ vẫn chưa được biết về địa điểm mục tiêu và ngay cả địa điểm hiện thời cũng không ai biết là ở đâu. Binh sĩ chỉ mơ hồ biết được là họ đang có mặt ở đâu đấy tại Đông Nam Á. Nhưng Đông Nam Á lại là một dải đất dài kéo từ Đài Loan xuống thẳng Indonesia. Manor và Simons chỉ vẻn vẹn nói cho tất cả mọi người biết nên sẵn sàng và chuẩn bị hoạt động theo một chương trình nặng nề trong suốt 2 ngày sắp tới và không ai được lãng phí thời gian, nên ôn lại các kế hoạch tổng quát về trên không cũng như dưới mặt đất mà mọi người đã thực tập trong nhiều tuần lễ qua, và cuối cùng mọi người sẽ được biết về mục tiêu nếu có sự chấp thuận của Washington ban hành cho thực hiện.

Sau khi được nghỉ giải lao nửa giờ, Sydnor trình bày lại mọi kế hoạch cho các tiểu đội trưởng, còn toán xung kích thì lo ôn lại một lần nữa mọi hoạt động chi tiết. Sau đó, mọi người bắt đầu tháo mở quân trang, quân dụng cá nhân và những thiết bị mang theo. Bữa ăn tối được dọn ra từ 5 đến 6 giờ chiều. Một chương trình chiếu bóng giải trí vào lúc 8 giờ 30 tối sẽ được chiếu cho những ai muốn xem; đấy là một đoạn phim về trại tù do tài tử Burt Lancaster đóng, tên cuốn phim là “Birdman of Alcatraz”. Dù sao đi nữa đa số binh sĩ đều cho đấy là một cuốn phim tồi.

Vào lúc 3 giờ 30 phút sáng hôm sau 19 tháng 11, Manor bị đánh thức dậy và được trao cho một công điện mật hỏa tốc. Đấy là bức công điện mà Mayer đã phải trải qua nhiều rắc rối để trình cho Vogt chấp thuận. Nội dung công điện chỉ có mấy chữ, báo cho (Manor) biết là Tổng thống đã chấp thuận cho thi hành công tác, Manor được phép ra lệnh xuất phát. Manor phải đương đầu với một quyết định nghiêm trọng nhất trong toàn bộ quá trình chuẩn bị chiến dịch: quyết định bao giờ thì cho xuất phát cuộc tập kích.

Quyết định này có liên quan đến thời tiết. Trong khi các toán tập kích Sơn Tây bay đến Đông Nam Á thì trận bão Patsy đã tập trung tại miền Đông Philippines vào ngày thứ năm 19 tháng 11. Trận bão này đã đổ bộ vào Philippines và bắt đầu di chuyển về hướng tây, mang theo một trận cuồng phong dữ dội nhất tại Đông Nam Á, trong suốt thập niên qua. Để làm tăng thêm thời tiết xấu, một áp thấp không khí lại đang di chuyển từ Trung Quốc hướng về Hà Nội, dự liệu này vào ngày thứ bảy 21 tháng 11 đấy cũng chính là ngày đã được ấn định cho xuất phát cuộc tập kích.

Các chuyên viên khí tượng của Manor cho biết, điều duy nhất có thể cứu vãn được tình trạng khí hậu trong ngày hôm đó là nếu có một vùng áp khí cao được tập trung trên vòm trời Hà Nội. Nếu việc này xảy ra thì các đám mây sẽ có thể chuyển ra khỏi vùng Hà Nội trong vòng vài giờ, đủ thời gian cho các chuyến bay chở Simons vào thẳng mục tiêu với vừa đủ ánh sáng của đầu tuần trăng để thi hành công tác.

Manor biết rõ là muốn cho cuộc tập kích được thành công thì cần phải có một sự phối hợp chính xác và hiếm có giữa điều kiện thời tiết và ánh sáng trong một vùng rộng khoảng 500 dặm. Ánh sáng của tuần trăng đầu đến tuần trăng thứ 3, từ 15 đến 45 độ ở chân trời phía đông, là điều cần thiết cho máy bay đến mục tiêu, giảm bớt sự khám phá của kẻ địch và đồng thời cũng cho người của Simons có vừa đủ ánh sáng trên mặt đất. Các loại máy bay sẽ cất cánh từ Thái Lan bay trong bóng đêm qua hệ thống điều khiển đường bay bằng máy móc riêng, nhưng cần phải có ánh sáng thiên nhiên trên độ cao 5000 và 10000 bộ để cho các máy bay A-1 và C-130 cùng với các trực thăng xung kích có thể tập hợp lại theo đội hình đã định, chỉ có các đèn lái sau đuôi được phép sử dụng để cho các trực thăng thấy rõ trong khi tiếp thêm nhiên liệu. Khi các máy bay xuyên qua đất Lào để vào vùng sông Hồng ở Bắc Việt Nam, nếu gặp phải quá nhiều đám mây rải rác ở tầm thấp và tầm trung thì các trực thăng xung kích không thể nhìn thấy hướng bay vào mục tiêu, vì lẽ các phi công trực thăng cần nhìn thấy ánh sáng phản chiếu từ các ao hồ và sông ngòi để xác định từng chặng đường bay. Chỉ cần có những đám mây rải rác bay ở tầm thấp dưới 3500 bộ, nếu không thì các máy bay A-1 không thể pháo kích hỏa tiễn hoặc thả bom để bảo vệ khu vực mục tiêu, chống những phản ứng phòng không của Bắc Việt Nam. Cần phải có đủ ánh sáng trên mặt đất để cho trực thăng thấy vị trí đáp xuống. Đối với các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân thì mặt biển tại vùng vịnh Bắc Bộ chỉ cần có sức gió làm biển động từ nhẹ đến vừa và ánh sáng trên mặt biển cũng cần phải soi đủ sáng dọc theo bờ biển miền Bắc Việt Nam, mây cần phải cao vừa đủ để cho các máy bay oanh kích hải quân có thể hoạt động từ trên một độ cao 17000 bộ.

Sau 6 tháng lên kế hoạch và ba tháng thực tập bây giờ mọi việc đều do thời tiết quyết định. Manor cần có các bản báo cáo khí tượng chính xác hàng giờ, trong suốt ngày đêm, tại các khu vực từ Takhli ở Thái Lan cho đến Sơn Tây và Hải Phòng ở Bắc Việt Nam và cả khu vực trạm Yankee ở vịnh Bắc Bộ. Nhưng khi ông ta đến phòng điện tử hiện đại nhất tại trung tâm hành quân của căn cứ không quân Hoàng gia Thái Takhli thì mới vỡ lẽ ra rằng không còn cách gì có được các tin tức cần thiết đó. Phòng thiên văn khí tượng của không quân có một điều lệ riêng biệt rất gắt gao về an ninh và về việc cho phép người ngoài cơ quan biết được các tài liệu đã được xác định về thời tiết. Manor, vị chỉ huy một chiến dịch giật gân nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng không được phép vào Trung tâm khí tượng để hỏi tài liệu.
Vị sĩ quan chỉ huy của toán thời tiết 1 đã dứt khoát không cho phép Manor biết được những tin tức cuối cùng về khí hậu để cho Manor có thể quyết định về một công tác mà chỉ riêng ông ta biết thôi. Trong khi cố gắng giải cứu tù binh thì Manor lại trở thành một nạn nhân của hệ thống hành chính rườm rà. Tình trạng xảy ra thật buồn cười. Một mặt Manor không thể nói cho chuyên viên khí tượng biết về mục tiêu công tác, mặt khác chuyên viên khí tượng lại từ chối không cho Manor biết về tình hình thời tiết. Hơn nữa, các chuyên viên khí tượng của Manor cho biết là không đủ thời gian để có được sự chấp thuận của Bộ chỉ huy Trung tâm khí tượng, Bộ chỉ huy khí tượng không quân đóng tại căn cứ Scott ở tiểu bang Illinois. Nhưng cho dù có đủ thời gian đi nữa thì Manor cũng không thể nói rõ cho cả hai Bộ chỉ huy khí tượng địa phương và trung ương biết vì sao ông ta cần có những tài liệu ấy không có đường dây liên lạc an toàn từ Takhli về thẳng Bộ chỉ huy khí tượng Trung ương cho nên không thể tiết lộ bất cứ điều gì về việc ông ta đang làm. Viên chỉ huy toán thời tiết 1 có đường dây điện đàm an toàn trong văn phòng riêng nhưng vẫn không chịu cho Manor sử dụng. Tất cả mọi cơ quan quân sự ở Đông Nam Á đều sẵn sàng yểm trợ trong giai đoạn cuối này, duy chỉ có một mẩu tin tức nhỏ về thời tiết thì ông ta lại không được phép biết.


Trong sự thất vọng, Manor cố giải quyết rắc rối về vấn đề an ninh thời tiết này bằng cách gửi công điện “ngược chiều” yêu cầu giám đốc Trung tâm hành quân không lực ở Lầu Năm Góc liên lạc thẳng với vị phó tư lệnh không đoàn số 7 ở Sài Gòn. Viên sĩ quan chỉ huy toán thời tiết số 1 nhận được một cú điện thoại ngay sau đó. Mặc dù theo hệ thống chỉ huy thì toán thời tiết này chỉ yểm trợ không đoàn số 7 chứ không trực thuộc nó, nhưng ông ta đã bị một tướng không quân 3 sao đe dọa sẽ chấm dứt ngay công ăn việc làm của ông ta nếu vẫn còn khăng khăng không cho Manor biết được những tin tức thời tiết cần thiết. Ông ta được lệnh phải thi hành lập tức và không được quyền hỏi thêm một câu nào nữa.



Tuy nhiên sự an tâm của Manor chỉ là ngắn ngủi. Ngay sau khi có được các tài liệu về thời tiết cần thiết cho công tác thì ông ta lại được biết thêm là căn cứ Takhli không còn lưới truyền tin thích hợp ở tại Thái Lan để ghi nhận các loại tài liệu thời tiết mật này. Từ Takhli đến núi Sơn Trà không có đường dây điện đàm an toàn. Núi Sơn Trà là nơi đặt Bộ chỉ huy có đầy đủ máy móc điện tử hiện đại để Manor dùng phối hợp với không quân hải quân và lục quân trong việc theo dõi diễn biến công tác. Như vậy thì ông ta không có cách gì để thảo luận vấn đề thời tiết với Simons và các viên chỉ huy phi hành đoàn.



Ngoài những rắc rối trên, các giới chức an ninh hiện nay lại tỏ ra khó chịu và tò mò khi nhận được những chỉ thị vào phút chót làm xáo trộn mọi việc. Họ phải cho đặt lại máy móc và các ấn bản ghi chú thời tiết cùng những bản đồ liên hệ, trong khi các loại này từ lâu đã được xếp lại và đã được đóng thùng để gửi từ Thái Lan về nước, theo chương trình rút quân ở Đông Nam Á của Nixon. Đây là một điều khổ nhục thêm nữa. Manor nói với tất cả giới chức an ninh là họ muốn bịa bất cứ chuyện gì để che đậy việc này cũng được, nhưng điều quan trọng cấp thời là phải đặt lại các ấn bản thời tiết, treo bản đồ lên, hoạt động thăm dò khí tượng ngay, mọi việc phải thi hành nhanh chóng.



Việc rắc rối trên đã được giải quyết nhưng vẫn còn kẹt lại vấn đề liên lạc và cần phải có giải pháp gấp. Các chuyên viên truyền tin của Manor ở núi Sơn Trà và các đồng nghiệp của họ ở Takhli phải tạo ra một hệ thống liên lạc khả dĩ có thể sử dụng được. Không còn đủ thời gian để thiết lập hệ thống điện đàm an toàn họ phải cố tạo ra cách liên lạc bằng điện thoại thông thường có xen lẫn nhiều đoạn qua hệ thống viễn ký. Với cách liên lạc điện đàm có ẩn ý kèm theo những đoạn viễn ký mật mã mà họ tự sáng chế ra, các mẩu tin thời tiết thiết yếu nhất đã được chuyển giao cho nhau mà không gây ra điều tai hại. Với cách làm như vậy thì cuộc tập kích có thể được xuất phát nếu điều kiện thời tiết cho phép.



Nhưng thời tiết vẫn không chịu hợp tác với Manor. Khi ông ta nhận được những tin tức cần thiết thì lại nghe tin là trận bão Patsy đang chuyển gió to, mây thấp, mưa và ánh sáng không đủ soi rõ suốt cả vùng hướng bắc miền Nam Việt Nam và luôn cả vùng lòng chảo của Bắc Việt Nam, và hướng nam của vịnh Bắc Bộ. Dự đoán sẽ xảy ra mưa vào ngày thứ bảy 21 tháng 11. Vào ngày chủ nhật, một đợt không khí lạnh với mây thấp có thể sẽ chuyển về vùng sông Hồng: thời tiết rất xấu sẽ kéo dài ít nhất là 4 ngày.



Chỉ còn có một khả năng rất mong manh là hy vọng có được tầng áp khí cao bao phủ trên vùng trời Hà Nội. Theo dự đoán thời tiết thì có một vài dấu hiệu cho thấy tầng áp khí cao này đang được tập trung lại: tại miền nam Trung Quốc thời tiết ở đó vẫn còn trong sáng, và đang bắt đầu chuyển vào vùng Bắc Việt Nam. Như vậy Manor hy vọng sẽ có một khoảng thời tiết thuận lợi, cho dù rất mong manh và ngắn ngủi chỉ một vài giờ chứ không phải suốt cả ngày và như vậy điều kiện sẽ xảy ra sớm hơn thời điểm đã dự định cho cuộc tập kích.



Điều rõ ràng là nếu để đến ngày thứ bảy 21 tháng 11 thì cuộc tập kích sẽ bị cơn bão Patsy hủy bỏ. Manor cũng biết thêm là trong vòng 48 giờ nữa toán phản ứng nhanh 77 sẽ gặp phải cơn bão đó. Biển đã bắt đầu động mạnh. Vì lẽ đó Manor chỉ còn có hai sự chọn lựa: hoặc là cho hoãn cuộc tập kích lại ít nhất từ 5 đến 7 ngày nữa với hy vọng là thời tiết sẽ được khả quan hơn và ánh sáng cũng vừa đủ cho hoạt động, hoặc là cho xuất phát cuộc tập kích sớm hơn một ngày tức vào ngày 20 tháng 11 trong một điều kiện thời tiết rất mong manh trên đường đến khu vực mục tiêu. Vào lúc 4 giờ 11 chiều thứ năm 19 tháng 11, Manor thông báo cho Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương là cuộc tập kích có thể sẽ bị hoãn lại vì lý do thời tiết. Nhưng đến sáng hôm sau 20 tháng 11 ông ta lại suy nghĩ nên cho xuất phát công tác ngay vào tối hôm đó thì có lẽ là quyết định tốt hơn. Manor vội vàng gửi công điện cho đô đốc Bardshar vào lúc 10 giờ 11 phút buổi sáng để thông báo cho biết là cuộc tập kích sẽ được xuất phát sớm hơn.



Manor lại ra lệnh cho một chuyến bay đặc biệt quan sát thời tiết dọc theo biên giới Lào và Bắc Việt Nam. Chuyến bay RF-4 này đã đáp xuống Takhli vào xế chiều ngày hôm ấy và cho biết là thời tiết tốt. Tầng áp khí cao đang mong đợi đã chuyển về vùng trời Hà Nội. Thời tiết trên chặng đường bay vào mục tiêu được dự đoán là sẽ có mây rải rác trên độ cao từ 5000 đến 8000 bộ, không có gió chuyển động mạnh và ánh sáng tốt. Trong vùng sông Hồng sẽ có vài đám mây, ánh sáng tốt và gió thổi nhẹ theo hướng Tây Bắc. Đến 3 giờ 56 phút chiều, Manor gửi công điện cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia ở Lầu Năm Góc để thông báo cho biết quyết định xuất phát công tác của ông ta. Cuộc tập kích sẽ được thi hành sớm hơn 24 giờ so với thời điểm đã định. Ba mươi phút sau đô đốc Bardshar cũng nhận được một công điện tương tự. Ngay sau khi ra lệnh cho xuất phát công tác, Manor lập tức bay về Bộ chỉ huy của ông ta ở núi Sơn Trà. Quyết định này của ông ta đã tỏ ra là một quyết định đúng. Đến tối thứ bảy 21 tháng 11, thì trận bão Patsy chỉ còn cách Bắc Việt Nam 100 dặm. Nếu đợi đến ngày này mới xuất phát thì các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân không thể thực hiện được và ngay cả cuộc tập kích cũng sẽ bị chặn lại bởi các trận gió to mây nhiều và ánh sáng không đủ thấy trong suốt cả vùng lòng chảo của Bắc Việt Nam. Thời tiết xấu này sẽ kéo dài suốt cả tuần sau nữa. Chỉ có đêm 20, rạng ngày 21 tháng 11 là thời điểm duy nhất trong suốt cả mấy tuần lễ còn lại để cho cuộc tập kích có thể thực hiện được. Tướng Dwight D., Eisenhower cũng đã phải đương đầu với một quyết định tương tự vào ngày 5-6-1944 một ngày trước ngày D-Day. Năm 1970 khi Manor quyết định việc này thì ông ta không hề nghĩ đến việc đổ bộ ở Normandy. Tuy nhiên, sau khi đã vật lộn với mọi việc rắc rối về thủ tục hành chính và hệ thống truyền tin, ông ta cũng có thể ban hành một lệnh đúng thời điểm và sát sao với mọi điều kiện thời tiết cho phép.


Căn cứ không quân Hoàng gia Thái Udorn

Tất cả toán của Simons dùng điểm tâm vào 6 giờ sáng ngày thứ năm 19 tháng 11. Sau đó, vào lúc 9 giờ thì họ được cấp phát đạn dược và các loại chất nổ. Sau bữa ăn trưa nhẹ, viên chỉ huy công tác tìm kiếm và giải thoát của không quân tại địa phương bắt đầu thuyết trình cho tất cả các toán về đại cương công tác này trong vòng 1 giờ. Ông ta chỉ cho họ cách sử dụng máy truyền tin gọi cấp cứu, các loại dấu hiệu để gọi máy bay đến giải thoát, và cuối cùng kết luận: “Đấy là tổng quát về công tác tìm kiếm và giải thoát tại vùng đất này”. Ông ta không cần nói cho họ biết là trong trường hợp nếu công tác này bị thất bại thì họ có thể dùng loại đạn hỏa châu nhỏ bằng cây bút có đầu nhọn để giết chết kẻ thù nào đến gần hoặc là để tự sát.


Vào buổi chiều, cả ba toán xung kích đều ra bãi tập. Mỗi toán tập 45 phút, dưới sự kiểm soát của Dick Meadows, để thử lại các loại vũ khí. Tất cả mọi người cùng vũ khí đều được chở ra bãi tập bằng xe bịt kín. Cuộc bắn tập này không gay gắt lắm mà chỉ có mục đích để cho mỗi người kiểm soát lại vũ khí riêng của mình, và điều chỉnh chắc chắn tâm bắn chính xác. Trở về lại doanh trại, mọi người vội vàng lo lau chùi vũ khí (vũ khí không được tháo rời ra mà chỉ được thông nòng bằng vải và chất tẩy). Xong việc này thì họ bắt đầu tháo các bao đựng chất nổ để kiểm soát lại lần cuối.



Tối hôm ấy không có chiếu phim sau bữa ăn. Trong thời gian còn lại trước khi ngủ, viên trưởng trạm CIA là George Morton từ Udorn đến để thuyết trình 1 giờ về các kỹ thuật tẩu thoát và vượt ngục. Ông ta là chuyên viên về các hoạt động điệp báo nhưng chỉ nói về hoạt động ở Lào chứ không phải ở Bắc Việt Nam. Hầu hết bài thuyết trình của ông ta đều tập trung vào việc chỉ dẫn các dấu hiệu cho máy bay trinh sát biết trường hợp cần được giải thoát hoặc cấp cứu. Sau cùng, Morton trao cho mỗi người một bản đồ nhỏ bằng nhựa ghi rõ các con đường tẩu thoát và cách thức vượt ngục, cùng với một tấm vải nhỏ như khăn mặt của phụ nữ. Đấy là một tấm lụa nhỏ có in bản đồ ở một mặt và mặt bên kia có gắn một địa bàn tí xíu nơi góc khăn; mặt phía bên bản đồ còn ghi những câu theo cách phát âm tiếng Lào và tiếng Việt. Ví dụ như: “Hướng bắc ở đâu?”  “Tôi cần nước uống.”  “Có thể tìm hộ tôi một bác sĩ được không?”  “Tôi là người Mỹ”. Đến 9 giờ tối mọi người phải tắt đèn lên giường ngủ.



Vào ngày thứ sáu 20 tháng 11 thì thời gian có vẻ gấp rút hơn. Sau bữa ăn sáng, mọi người được cấp phát các dụng cụ hồng ngoại tuyến dùng cho ban đêm, mỗi người phải tự kiểm soát lại vật dụng và xếp vào bao đeo sau lưng. Sau bữa cơm trưa, sớm hơn thường lệ, bác sĩ Cataldo làm cho mọi người ngạc nhiên khi bắt buộc mỗi người phải uống các viên thuốc ngủ. Đích thân ông ta đứng kiểm soát từng người để biết chắc là đã uống xong, kể cả Simons cũng vậy. Khi Manor ban hành lệnh cho xuất phát công tác vào lúc 3 giờ 56 phút chiều hôm ấy thì Simons và mọi người đang say ngủ. Đến 5 giờ chiều họ được đánh thức dậy để ăn tối. Cataldo khuyên mọi người nên ăn thật nhiều vì lẽ họ sẽ lên đường sau 5 giờ nữa đây có thể là bữa cơm cuối cùng trong vòng 12 giờ đồng hồ sắp tới.



Đến 6 giờ thì Simons và Sydnor giải thích mọi việc lần cuối cùng. Buổi họp này kéo dài 45 phút. Simons nói trước, khoảng 3 phút. Ông ta vào ngay vấn đề: “Chúng ta sẽ đi giải cứu 70 tù binh Mỹ, mà cũng có thể nhiều hơn tại một trại tù tên là Sơn Tây. Đây là một việc làm mà các tù binh Mỹ có quyền đòi hỏi và mong mỏi các đồng đội của họ thực hiện cho được. Mục tiêu ở cách Hà Nội 23 dặm về hướng tây”.



Sau khi Simons dứt lời, bầu không khí hoàn toàn im lặng trong khoảng một vài giây đồng hồ. Simons nhớ lại là: “Im lặng đến nỗi chúng ta có thể nghe được chiếc kim rơi xuống đất. Tôi muốn nói rõ là: rất im lặng. Hoàn toàn im lặng”.



Một vài người huýt sáo khe khẽ. Nhưng ngay sau đó thì bất thình lình mọi người đều vùng đứng dậy và vỗ tay vang dội. Sau này có vài báo cáo ghi lại sự việc có vẻ hơi mâu thuẫn. Có báo cáo nói là mọi người vui mừng reo vang lên. Nhưng Simons nhớ lại là không có tiếng reo vang nào cả. Chỉ có tiếng vỗ tay như pháo. Nhưng dù sao thì phản ứng của mọi người đều đồng thanh chứng tỏ cho ông ta biết là họ đã sẵn sàng. Simons nhớ lại: “Họ đã làm cho tôi sung sướng quá. Họ muốn thi hành công tác đó, việc này đã rõ ràng như vậy và lạy Chúa, tôi nghĩ là họ được quyền muốn làm việc đó”.



Simons còn một điều nữa muốn nói với mọi người: “Các anh không được để cho bất cứ việc gì làm xáo trộn công tác này. Nhiệm vụ của chúng ta là đi cứu tù binh chứ không phải đi bắt tù binh. Nếu chúng ta bị sa vào bẫy, nếu sự việc xảy ra là kẻ địch đã biết chúng ta đến, thì đừng có ai mơ tưởng việc thoát ra khỏi Bắc Việt Nam  ngoại trừ trường hợp nếu các anh mọc được cánh để bay ra. Chúng ta sẽ ở cách xa đất Lào 100 dặm, đây là một phần đất ở trên thế giới này mà nếu có ai nghĩ đến rút chạy thì là điều sai lầm. Nếu có việc tiết lộ tin tức đã xảy ra thì chúng ta sẽ biết ngay sau khi chiếc trực thăng thứ hai hoặc thứ ba đáp xuống đấy là lúc mà kẻ địch sẽ nghiền nát chúng ta. Nếu có chuyện ấy xảy ra, tôi muốn toàn thể lực lượng này phải siết chặt lại với nhau. Chúng ta sẽ tháo lui về hướng sông Cồn và, lạy Chúa, cứ để cho chúng nó tiến quân trên đồng trống. Chúng nó sẽ phải trả một giá đắt cho mỗi bước tiến quân qua đoạn đường chó đẻ đó”.



Simons trao lời lại cho Sydnor nói tiếp còn ông ta thì bước xuống phía sau phòng họp. Mọi người lại đứng dậy một lần nữa và đồng loạt vỗ tay. Khi rời hội trường, ông ta nghe một binh sĩ nói: “Lạy Chúa, nếu công tác này được xuất phát mà không có mặt tôi thì thật là khổ tâm lắm”. Sau này Simons có nói lại với Blackburn đấy là lần đầu tiên trong đời ông ta đã trào nước mắt.



Sau khi tất cả lính của Simons đã sẵn sàng đeo bao bì lên lưng và đã gửi lại tất cả những vật dụng cá nhân như ảnh gia đình, thư từ, tiền bạc, mọi thứ mà họ cần gửi lại cho thân nhân. Mọi người được xe bịt kín đưa đến một nhà kho lớn nhất trong căn cứ. Ở đấy một máy bay vận tải 4 máy loại C-130 đã chờ sẵn. Mọi người kiểm soát lại lần cuối vật dụng trang bị, việc kiểm soát này kéo dài 1 giờ 45 phút. Mỗi khẩu súng, mỗi băng đạn đều được mở ra và kiểm soát lại. Chỉ có 56 người mà mang theo 111 loại vũ khí khác nhau thì thật giống như mang theo cả một kho vũ khí đạn dược. Tất cả có 2 súng trường tự động M-76 (với 1.200 viên đạn), 48 súng trường xung kích CAR-15 (với 18.437 viên đạn), 51 súng lục loại nòng 45 ly (với 1.162 viên đạn), 4 súng phóng lựu M-79 (với 219 lựu đạn), 4 khẩu đại liên M-60 (với 4.300 viên đạn) và 2 khẩu súng săn bắn đạn ria loại nòng 12 ly (với 100 viên đạn). Ngoài ra họ còn mang theo 15 mìn định hướng, 11 loại chất nổ đặc biệt và 213 lựu đạn. Cuối cùng mỗi người còn mang theo một con dao dài 6 inch cột chặt vào bắp chân.

Sau đó lại đến phần kiểm soát kỹ lưỡng các dụng cụ dùng để giải cứu tù binh: 11 rìu, 12 cái kéo cắt dây kẽm, 11 kéo cắt chốt cửa, 7 cuộn dây thừng, 2 đèn thổi, 2 cưa máy, 5 thanh sắt dài (xà beng), 17 mã tấu, 34 đèn thợ mỏ, 6 đôi còng tay, 1 cái thang cao 14 bộ, 2 búa, 4 bình chữa cháy, 6 đèn rọi, 6 dụng cụ để nhìn ban đêm, 1 bộ búa và đinh, 5 ống loa, 9 đèn bấm hồng ngoại tuyến, 6 đèn cầm tay, 14 đèn bấm, và 2 máy chụp ảnh.


Sau cùng các tiểu đội trưởng cẩn thận kiểm soát lại từng vật dụng cá nhân của từng người một: kính đeo mắt ban đêm, máy truyền tin cấp cứu AN-PRC 90, đạn hoả châu, đèn bấm, túi cứu sinh, đèn cầm tay, găng tay, địa bàn, và nút bịt lỗ tai. Vào khoảng 10 giờ đêm mọi người lên máy bay. Việc làm cuối cùng ở trên máy bay là một người tự ngụy trang mặt mình bằng cách bôi phấn đen và đeo phù hiệu cùng quân hàm lên vai áo. Giờ đây mọi sự che giấu không còn cần thiết nữa.



Chiếc C-130 lăn bánh ra đường bay và cất cánh lúc 10 giờ 32 phút, giờ Đông Nam Á, tức là 10 giờ 32 phút vào sáng thứ sáu tại Nhà Trắng. Từ núi Sơn Trà, Manor báo hiệu cho Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc biết tin vào lúc 1 giờ 45 phút. Các toán quân của Simons đã rời trạm hậu cứ Takhli để lên đường đến Udorn.



Khi đến Udorn, mọi người vội vàng chuyển sang 3 trong 5 chiếc trực thăng đang đậu chờ tại sân bay dưới sự canh gác an ninh nghiêm ngặt. Bên cạnh các trực thăng này có 2 chiếc máy bay tải thương C-141 đậu sẵn đấy để chờ đưa tù binh về lại quê nhà. Trong im lặng, Simons và lính của ông ta kiểm soát lại các bao đựng đồ tiếp liệu y tế đã được để sẵn trên trực thăng. Có 2 bao tất cả, mỗi bao nặng 680 pound. Đồ tiếp liệu y tế gồm có 150 thùng đựng nước uống, 100 hộp thức ăn đặc biệt, các loại chăn mền đặc biệt để giữ ấm cho tù binh và một đống thùng đựng hộp thức ăn trẻ em của bác sĩ Cataldo mang theo. Ngoài ra còn có các nút bịt tai dành riêng cho từng tù binh một để khỏi bị tiếng động cơ trực thăng làm điếc sau hàng bao nhiêu năm sống trong im lặng tại phòng giam.



Đến 11 giờ 25 phút đêm, một công điện khác được Manor gửi đi từ núi Sơn Trà cho biết: chiếc thực thăng HH-53 cuối cùng đã rời căn cứ xuất phát Udorn với tất cả các toán xung kích vào lúc 11 giờ 18 phút, do máy bay vận tải C-130 dẫn đầu. Nhưng trong khi tất cả trực thăng bay lên và bắt đầu hình thành đội hình thì có một máy bay không rõ xuất xứ đã bay ngang qua làm cho đội hình trực thăng phải bay tản ra. Tuy nhiên sau đó thì các trực thăng vội vàng bay tập trung lại và trên chiếc trực thăng mang ngụy danh “Quả táo thứ nhất” thì Simons bắt đầu ngủ dưỡng sức. Đúng 3 giờ bay nữa ông ta sẽ đổ bộ xuống Sơn Tây. Simons dặn dò với binh sĩ đánh thức ông ta dậy khi còn cách mục tiêu khoảng 20 phút.



Một trong các máy bay suýt nữa không bay theo kịp. Đấy là chiếc C-130 Combat Talon có nhiệm vụ hướng dẫn toán xung kích sau khi các trực thăng đã được tái tiếp nhiên liệu. Chiếc này không thể khởi động được máy số 3 bên phải. Các chuyên viên cơ giới đã không tìm ra được nguyên nhân. Manor vẫn ra lệnh cho chiếc máy bay này cứ cất cánh dù chỉ hoạt động 3 máy mà thôi. Nhưng khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì viên phi công là thiếu tá Irl L., Franklin cố gắng mở máy thử một lần nữa; không hiểu tại sao lần này thì lại được và bị chậm trễ mất 23 phút. Vào khoảng 4 phút sau nửa đêm, một chiếc Combat Talon khác và các chiếc A-1 cất cánh từ phi trường Nakhon Phanom để bay đi bắt gặp đoàn trực thăng và Franklin tại Lào. Cuộc tập kích mở màn.


Trạm Yankee

Vào lúc 6 giờ 25 phút sáng thứ năm 19 tháng 11 một công điện mang mật mã đặc biệt và ưu tiên tối cao đã được chuyển giao cho đô đốc Bardshar trên tàu sân bay Oriskany đang đậu tại vịnh Bắc Bộ. Đây cũng chính là thời gian các toán lính của Simons đang kiểm soát lần cuối mọi trang bị cá nhân. Công điện mật mã này do Manor gửi đến với nội dung: “NCA đã chấp thuận”. Có nghĩa là cuộc tập kích đã được phép xuất phát; bây giờ chỉ còn chờ đợi thời điểm lên đường mà thôi. Bardshar lo sắp đặt mọi việc để thi hành các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân. Mặc dù thời tiết do trận bão Patsy đang được tập trung quanh vùng, nhưng các tàu sân bay của ông ta chỉ chòng chành nhẹ trên mặt biển sắp động. Hai trong những chiếc tàu sân bay này sẽ có nhiệm vụ thi hành các cuộc tuần tra ban đêm trước khi di chuyển. Bardshar suy nghĩ ông ta có thể cho các chuyến bay xuất phát vì lẽ các phi hành đoàn sẽ thích thú được thoát ra khỏi các tàu sân bay đang bập bềnh trên sóng nước. Tuy nhiên khi họ quay trở lại với thời tiết xấu này thì sẽ là điều vất vả.


Bardshar còn có một việc rắc rối khác nữa. Các phi hành đoàn của ông ta đang chuẩn bị những chuyến hành quân không lực to lớn nhất và tập trung lực lượng hùng hậu nhất của hải quân chưa từng xảy ra tại Bắc Việt Nam từ trước đến nay, nhưng lại không được phép thả bom. Bardshar không thể nào hiểu nổi tại sao lại cho phi hành đoàn bay vào vùng trời đầy hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam mà không được phép mang theo bom. Làm sao giải thích cho họ hiểu được lý do đây? Ông ta đành im lặng.



Vì lẽ đó khi các viên chỉ huy tàu sân bay và các phi đoàn trưởng nhận được bản thuyết trình đầu tiên, họ đọc qua và tự thấy có lẽ đây là một lệnh hành quân kỳ quái nhất từ trước đến nay được ban ra cho lực lượng oanh kích của hải quân. Họ sẽ bay qua vùng trời Hải Phòng trong bóng đêm tăm tối, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ chỉ có thể nói lại cho phi hành đoàn về mục đích của công tác này như sau:



Trong một ngày rất gần đây, một cuộc hành quân đặc biệt sẽ do toán công tác hỗn hợp cấp thời điều động. Toán phản ứng nhanh 77 có nhiệm vụ phải yểm trợ công tác đặc biệt này bằng cách tạo ra nhiều chuyến bay đánh lạc hướng kẻ địch để giúp cho công tác hoàn thành mỹ mãn. Vì lý do an ninh và bảo mật, cho nên không ai được phép tiết lộ mục đích và thời điểm xuất phát công tác… Nếu có ai thắc mắc điều gì liên quan đến cuộc hành quân đặc biệt này, phải trực tiếp gặp tôi (Bardshar tự ký dưới lệnh này), hoặc qua hệ thống công văn nếu có thể được.



Bardshar không cho phép lệnh này được chuyển qua hệ thống công điện mà có máy bay riêng mang lệnh đến cho từng tàu sân bay và các vị chỉ huy được chuyển lời là họ sẽ xuất phát một cuộc chiến tranh với đạn giả. Trong lệnh của Bardshar còn có ghi chú thêm: “Vì lý do chính trị cho nên chỉ được phép mang theo hoả châu để thay thế đạn không đối đất. Trong điều kiện này, mục đích của chúng ta là cố gắng làm sao tạo ra được càng nhiều sự hỗn loạn cho hệ thống phòng thủ và chỉ huy của Bắc Việt Nam càng tốt”.



Kể từ ngày 31-10-1968, đây là lần đầu tiên từ 2 năm qua mới có lại những chuyến bay oanh tạc của hải quân trên vùng Bắc Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua các tàu sân bay vẫn túc trực tại vịnh Bắc Bộ để sẵn sàng xuất phát các chuyến bay oanh tạc trong bất cứ thời điểm nào. Bây giờ thì các phi hành đoàn lại được phép bay vào Bắc Việt Nam nhưng với những chiếc máy bay dùng để thả hỏa châu trên một vùng trời có hệ thống phòng không dữ dội nhất trên thế giới này mà không ai được biết vì sao. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam đây là giai đoạn kỳ quái lạ lùng nhất.



Hạm trưởng Douglas F. Mow, chỉ huy phân đoàn 19 của không lực chiến đấu trên tàu sân bay Oriskany, hạm trưởng J. E. McKnight, chỉ huy phi đoàn chiến đấu số 2 trên tàu sân bay Ranger và hạm trưởng G.H.Palmer, chỉ huy phi đoàn chiến đấu số 21 trên tàu sân bay Hancock, đều nhận được lệnh hành quân. Cả ba vị chỉ huy trưởng tàu sân bay là đại tá hải quân Frank S. Haak, đại tá J.L. Coleman và đại tá T.C. Johnson đều có mặt tại đấy khi lệnh này được chuyển đến. Trong kế hoạch chi tiết mà tư lệnh P. D. Hoskins đã soạn thảo gần mười ngày trước đây đã nói rõ cho họ biết: sẽ sử dụng chiếc máy bay nào trên tàu sân bay nào; khi nào sẽ xuất phát, tập hợp đội hình ra sao; dùng hệ thống truyền tin như thế nào, các dấu hiệu báo nguy sẽ được sử dụng ra sao các loại máy bay sẽ bay quanh vòng nào và sẽ được tiếp nhận thêm nhiên liệu bằng cách nào các đường bay sẽ được định hướng ra sao, và đã nói rõ một cách chính xác khi nào và tại đâu ở vùng Hải Phòng để các phi hành đoàn tiến công oanh tạc, nhưng chỉ được oanh tạc bằng trái pháo mà thôi. Một trong những vị chỉ huy phi đoàn chế giễu rằng: “Chúng ta đã bay trên vùng trời Bắc Việt hơn 300.000 lần rồi và bây giờ thì chúng ta lại được lệnh bay để thả hỏa châu cho dân chúng xem vui mắt”.



Tuy nhiên lệnh hành quân của Bardshar không phải hoàn toàn mang đến điều xấu. Trong đó có câu ghi chú: “Mọi sự cố gắng tìm kiếm và giải thoát phi hành đoàn khi gặp tai nạn trên vùng đất Bắc Việt Nam đều được cho phép thi hành”. Trong trường hợp có người nào bị bắn rơi, bốn chiếc máy bay cường kích A-7 sẽ được phép sử dụng đạn hỏa tiễn rocket 20 ly để yểm trợ cho việc tìm kiếm và giải thoát này. Nhưng Bardshar phải nhắc lại các phi hành đoàn một lần nữa: “Các máy bay oanh tạc không được phép dùng đạn đối đất mà chỉ được mang theo hỏa châu thôi, chỉ có các máy bay cường kích dùng cho việc tiếp cứu mới được mang theo súng đạn hỏa tiễn”. Tuy nhiên vào phút cuối thì Bardshar cũng có thể nhân nhượng đôi điều: một vài chiếc máy bay sẽ được phép mang theo các loại hỏa tiễn phát nhiễu “Shrike” để ngăn ngừa sự phát hiện do hệ thống phòng không SAM và ra đa cùng các tổ súng chống máy bay của Bắc Việt Nam.

Lệnh hành quân của Bardshar kết thúc với một vài điều chỉ dẫn đặc biệt để bảo mật việc xuất phát các chuyến bay hải quân này như sau:

1. Khi những người nhận và mở phong bì đựng lệnh hành quân này ra, mới được phép tiết lộ những phần nào cần cho việc hoàn tất công tác được giao phó. Việc tiết lộ này chỉ dành riêng cho những bộ phận nào được biết và sẽ thi hành ngay vài phút cuối để giảm bớt mọi sơ hở tai hại. Khi lệnh hành quân này được mở ra tất cả thư tín cá nhân và kể cả việc thuyên chuyển nhân viên phải được tạm đình hoãn không kể trường hợp khẩn cấp, cho đến khi nào công tác chấm dứt hoặc bị huỷ bỏ.

2. Ngày D và giờ H sẽ là… (ngày và giờ chính xác sẽ được điền vào khi Bardshar nhận được công điện cho lệnh xuất phát của Manor gửi đến). Ngày và giờ nói trên sẽ không được chuyển bằng hệ thống công điện…

5. Mọi lời tuyên bố công khai liên quan đến công tác này đều bị cấm tuyệt đối, ngay cả thời gian sau khi hoàn thành công tác, không kể có phép đặc biệt của chỉ huy trưởng toán phản ứng nhanh 77… Ngoài ra, các cơ quan báo chí và các cuộc viếng thăm các đơn vị có nhiệm vụ thi hành công tác này cần phải được cố gắng từ chối đến mức tối đa, không kể trường hợp báo chí và cuộc viếng thăm này sẽ không gây ra dư luận không cần thiết. Mọi quyết định liên hệ đến các việc trên đều phải trình báo trước cho chỉ huy trưởng toán phản ứng nhanh 77 biết…

8. Sau khi chấm dứt cuộc hành quân, lệnh này phải được hủy bỏ, phải gửi ngay công điện về cho người ký lệnh xác nhận rõ là việc huỷ bỏ đã được thi hành.

Trưa ngày hôm sau 20 tháng 11, lúc 11 giờ 10 theo giờ vịnh Bắc Bộ, Bardshar nhận được một công điện nữa của Manor, có nội dung là chuẩn bị xuất phát. Đến 4 giờ 56 phút chiều, tiếp theo một công điện nữa cho lệnh thi hành. Cả hai vị tư lệnh Boot Hill và Hoskins lập tức bay đến từng tàu sân bay để đích thân thuyết trình công tác cho các phi đoàn trưởng của toán phản ứng nhanh 77 nghe. Họ giải thích là ngày D sẽ là ngày mai: các chuyến bay đầu tiên sẽ xuất phát đúng 2 giờ 23 phút sáng, theo giờ vịnh Bắc Bộ (tức là 1 giờ 23 phút tại Sơn Tây). Mặc dù cả hai vị này không nói rõ về mục tiêu công tác, nhưng Hill có nói úp mở rằng một khi mục tiêu này được loan báo ra thì chắc chắn mọi người sẽ vô cùng hài lòng. Hill bảo các chỉ huy trưởng ra lệnh cho các toán: vũ khí mang theo một vài hoả tiễn Shrike, một vài đạn loại 20 ly, và tất cả hỏa châu trên các tàu sân bay Oriskany, Ranger và Hancock. Cuộc oanh tạc vào ban đêm lớn nhất chưa từng xảy ra tại Bắc Việt Nam sẽ được xuất phát đúng 55 phút trước thời điểm Simons và các toán tập kích đổ bộ xuống trại tù Sơn Tây. Các trực thăng của Simons sẽ chấm dứt việc tiếp thêm nhiên liệu trên vùng trời Lào đúng 4 phút sau khi chiếc máy bay cường kích A-7 đầu tiên rời khỏi sàn tàu sân bay.

Một vài phút sau, hai giờ sáng ngày 21 tháng 11, có một viên trung uý hải quân vừa mới được nghỉ phép về quê cưới vợ, leo lên chiếc tàu sân bay Ranger nặng 78.000 tấn với chiều dài đường bay là 1039 bộ. Viên trung úy này đi vòng quanh chiếc máy bay cường kích A-7 của anh ta để kiểm soát lại mọi thứ, và nhận thấy đúng như lời vừa được thuyết trình là các bệ gắn bom dưới thân máy bay đã được thay bằng bệ phóng hỏa châu. Anh ta quyết định giải ngũ khỏi đơn vị không lực hải quân ngay sau khi thời hạn phục vụ tại miền tây Thái Bình Dương của ông ta chấm dứt. Viên sĩ quan phi hành trẻ này biết rằng cha của mình là vị đô đốc hải quân sẽ không bao giờ tưởng tượng được việc làm của con trai mình. Vì rằng bay vào vùng cảng Hải Phòng trong đêm tối mà mang theo chỉ có hỏa châu mà thôi.

Trong khi các toán chuyên viên trên sân tàu Oriskany nhìn theo những luồng khói phát ra sau đuôi các chiếc máy bay cường kích A-7 và F-8 bay trong bóng đêm hướng về cảng Hải Phòng, thì Bardshar bước xuống hầm tàu. Ông ta nhíu mày, vì đang lo hai việc: không biết là các cuộc oanh tạc đánh lạc hướng này có tạo ra đủ sự hỗn loạn để ngăn ngừa hệ thống phòng không của địch hướng về các chiếc trực thăng hay không; và không biết các chiến phản lực MIG của Bắc Việt Nam có bay lên để bắn vào các máy bay của toán phản ứng nhanh 77 không? Trong phòng kín của Trung tâm hành quân, ông ta nhét vào tai hai ống nghe. Một ống dùng để nghe các lời đối thoại giữa phi hành đoàn oanh tạc với nhau và giữa họ với bộ chỉ huy tàu sân bay. Một ống khác dùng để nghe lời phiên dịch mọi cuộc điện đàm báo động của hệ thống phòng không Bắc Việt Nam. Như vậy ông ta có thể biết được từng giây đồng hồ về tất cả các chỉ thị mà đài kiểm soát phòng không của Bắc Việt Nam chuyển cho các phản lực MIG của họ. Hệ thống phòng không Bắc Việt Nam có vẻ phản ứng chậm, vì lẽ trong suốt thời gian từ 30 đến 35 phút, ông ta không nghe thấy gì qua ống nghe.

Nhưng đột nhiên đến 2 giờ 17 phút, theo giờ Sơn Tây, đúng 1 phút trước khi các trực thăng của Simons đổ bộ xuống Sơn Tây, thì ống nghe này có tiếng nói vang lên. Qua lời phiên dịch, Bardshar nghe tiếng một viên phi công MIG của Bắc Việt Nam la hoảng lên yêu cầu đài kiểm soát tại phi trường Phúc Yên: “Cho tôi một lệnh bay, cho tôi một lệnh bay”. Viên phi công này muốn biết hướng bay và vùng chiến đấu ở tại đâu. Đài kiểm soát chỉ thị cho đương sự đợi lệnh. Trong giây phút đó Bardshar tỏ vẻ lo ngại. Một trong những đường bay tại phi trường Phúc Yên có hướng cho máy bay bay thẳng qua trại Sơn Tây, chỉ có 22 dặm từ hướng tây nam bây giờ có ít nhất là một chiếc MIG đang nóng lòng sẵn sàng bay lên trong khi cuộc tập kích sắp bắt đầu. Nhưng đài kiểm soát Phúc Yên vẫn giữ im lặng trong khi viên phi công vẫn cố la hoảng yêu cầu: “Cho tôi lệnh bay, cho tôi lệnh bay”.

Bốn phút dài trôi qua. Sau cùng, đến 2 giờ 21 phút, giờ Sơn Tây. Bardshar nghe tiếng đài kiểm soát Phúc Yên nói với viên phi công MIG: “Không có việc gì cả, chấm dứt tất cả rồi”.

Bardshar cảm thấy nhẹ nhõm. Cuộc oanh tạc đánh lạc hướng của hải quân đã có hiệu lực. Như vậy thì lực lượng của Simons có thể đổ bộ và thoát ra khỏi Sơn Tây an toàn, không có sự can thiệp của hệ thống phòng không địch. Nhưng có một điều ông ta đã không biết. Simons đã làm cho cuộc rối loạn của Bắc Việt Nam tăng thêm bằng cách đánh phá nhầm doanh trại.
Sơn Tây

Khi bay gần đến Sơn Tây, Donohue cho chiếc trực thăng HH-53 mang ngụy danh: “Quả táo thứ 3” quẹo ngoặt lại ra khỏi đội hình. Chiếc trực thăng này do ông ta lái chỉ là một trong số 105 chiếc khác đã xuất phát từ năm căn cứ không quân tại Thái Lan và từ ba tàu sân bay tại vịnh Bắc Bộ để tập trung vào mục tiêu công tác trong một chiến dịch dữ dội nhất vào ban đêm tại chiến trường Đông Nam Á.


Donohue và các chiếc trực thăng tiến công bay phía sau đang hạ thấp xuống một cách vội vàng qua những đám mây bay rải rác ở độ cao 2000 bộ trên vòm trời sông Hồng. Khi hạ thấp xuống còn độ 500 bộ cách mặt đất, Donohue thấy rõ các điểm định hướng đúng như bản đồ ghi rõ  đấy là sông Đà cách mục tiêu 10 dặm về hướng tây, hồ nhỏ cách đó 7 dặm, và sau cùng là sông Cồn với nhánh sông quanh gấp về hướng bắc khi còn cách 2 dặm ở phía nam Sơn Tây. Donohue cho trực thăng bay chậm với tốc lực 80 Knot trong khi đó thì chiếc Combat Talon C-130 bay vụt qua và tách rời khỏi đội hình trực thăng. Hai chiếc trực thăng còn lại, mang ngụy danh “Quả táo thứ tư” và “Quả táo thứ năm” vụt bay cao lên 1500 bộ để thi hành nhiệm vụ như máy bay thả hỏa châu trù bị trong trường hợp hỏa châu và pháo sáng do chiếc C-130 thả xuống bị tịt ngòi hoặc bị lệch xa vị trí.



Các phi hành đoàn của những chiếc Combat Talon đã phối hợp thời gian một cách hoàn hảo trên suốt chặng đường bay dài 337,7 dặm từ Udorn đến. Franklin đã đuổi bắt kịp sau khi bị chậm 23 phút bằng cách bỏ bớt những đường bay quanh co đã được ấn định trước. Sau suốt 3 giờ và 23 phút bay quanh quẹo, khi cao khi thấp qua vùng trời Lào và vùng sông Hồng, tất cả các máy bay đã đến mục tiêu đúng 1 phút trước giờ ấn định trong kế hoạch. Vấn đề thời điểm là điều quan trọng. Các lính gác tại Sơn Tây cứ mỗi giờ hoặc nửa giờ thì đổi phiên gác một lần, vì lẽ đó các toán tập kích muốn đổ bộ ngay vào khoảng giữa phiên đổi gác. Nếu tính đúng được như vậy thì những anh vừa mới gác xong đang lo đi ngủ và những lính gác mới đổi phiên đang lo sắp đặt mọi việc trước khi canh gác.



Donohue bẻ tay lái 270 độ ngoặt gấp chiếc trực thăng đang gầm gừ và hạ thấp xuống với tốc độ 70 bộ. Đấy là hai động tác quan trọng nhất mà ông ta phải cố thực hiện cho đúng phương cách trong giờ phút cuối cùng này, sau khi đã thực tập trong suốt 2 tháng rưỡi, với 40 lần bay ban đêm và 15 lần bay tập dượt như là thực thụ. Sau này Donohue nhớ lại là trước mặt ông ta ánh sáng đèn Hà Nội trông thật đẹp. Và thình lình ở cách xa ngoài vùng ánh sáng đó, các máy bay của hải quân đã đốt sáng khung trời cảng Hải Phòng với hỏa châu như là ngày hội 4 tháng 7 (lễ độc lập Hoa Kỳ).



Donohue đang ở cách Sơn Tây hai dặm.



Bấy giờ là 2 giờ 18 phút sáng thứ bảy 21 tháng 11, giờ Hà Nội. Năm giây đồng hồ quan trọng nhất của cuộc đời Donohue đang đến, sau 16 năm và 6300 giờ bay trực thăng.



Ông ta là người đầu tiên bay đến trại tù Sơn Tây. Chiếc trực thăng mang ngụy danh “Quả táo thứ ba” bay sát ngọn cây với tốc lực dưới hai hải lý, sẽ bay xuyên qua khoảng giữa 2 vọng gác ở vách tường hướng tây trong doanh trại Sơn Tây. Hai khẩu súng Gatling giống như 2 khẩu đại bác, mỗi khẩu được gắn vào phía bên hông của trực thăng sẽ nhả đạn và bắn ra những đường đạn có làn ánh sáng với số lượng khoảng 4000 viên một phút đế làm đổ sụp các chòi gác và doanh trại lính gác ở phía ngoài cửa chính nơi hướng đông. Donohue không được phép bắn vào chòi gác tại cửa chính này, vì lẽ cơ quan DIA đã cho ông ta biết trước là có thể dưới chòi gác đó có một chỗ chật hẹp dùng để giam cách ly tù nhân bị kỷ luật. Nếu bắn ngã chòi gác này thì có thể giết hại tù binh là những người mà họ đang cố gắng giải cứu cho được.



Khi vị trí trại tù hiện ra trước mắt thì bầu trời trên vùng Sơn Tây bỗng chợt loé sáng lên. Chiếc máy bay bắn hỏa châu C-130 đã thi hành nhiệm vụ một cách hoàn hảo và đúng thời điểm. Donohue và phi hành đoàn có thể sẽ bị mờ mắt trong một vài phút nếu họ nhìn thẳng vào các đốm lửa hỏa châu sáng rực ấy. Donohue có thể nhìn thấy các loại đạn hỏa châu nổ tung lên cách trại Sơn Tây về phía đông và phía nam 2 dặm, tựa hồ như đang có một cuộc chiến lớn bùng nổ trên mặt đất.



Bỗng nhiên, ngọn đèn vàng báo hiệu khẩn cấp nơi máy truyền tin của Donohue nhấp nháy: “Truyền tin, truyền tin”. Viên phi công phụ của Donohue là đại uý Tom Waldron sửng sốt chỉ vào chỗ đèn báo hiệu truyền tin. Donohue bấm vào chốt truyền tin và chỉ thị cho phi hành đoàn “Ngừng lại ngừng lại”, có nghĩa là chưa được phép khai hỏa. Theo hệ thống truyền tin thông thường thì mỗi lần, thấy có đèn báo hiệu nhấp nháy như vậy là có nghĩa phải đáp xuống khẩn cấp, ngay cả trên mặt nước và phải thông báo lại chỉ thị đó cho bất cứ chiếc máy bay nào đang bay trong vùng phụ cận. Vấn đề trục trặc kỹ thuật truyền tin trên thực thăng không phải là chuyện đùa: đã có bao nhiêu trường hợp truyền tin bị hỏng đem đến kết quả tai hại mà phi công không đủ thời gian để đáp xuống cho kịp. Tuy nhiên lần này thì Donohue bình tĩnh nói với viên phi công phụ: “Mặc nó”. Ông ta quyết định không thông báo cho các máy bay khác biết về trường hợp khẩn cấp này vì e ngại sẽ tạo ra rối loạn và lo âu cho các bạn đồng đội.



Trong những giây đồng hồ cuối cùng khi sà xuống doanh trại Sơn Tây thì một trường hợp căng thẳng khác lại xảy đến  suýt sai mục tiêu. Trong khi đang cố gắng hướng cho máy bay về đúng mục tiêu, giữa ánh sáng nhấp nháy liên tục của đèn báo hiệu truyền tin và giữa những tiếng nổ của đạn hỏa châu từ chiếc máy bay C-130 bắn ra, Donohue và Waldron quên lưu ý việc gió xoay chiều và thiếu các định hướng chính xác trên mặt đất. Chiếc trực thăng của họ bị gió thổi tạt về phía nam khoảng 200 yard cách xa vị trí mục tiêu đã định. Donohue thấy một cơ sở trông giống như doanh trại Sơn Tây nằm ở hướng nam và cũng cách đó khoảng 200 yard. Khi nhận định ra đấy không phải là mục tiêu của mình, Donohue quay vòng trở lại vì không thấy có con sông ở ngoài vòng rào, lập tức đổi hướng bay về phía bắc 400 yard. Bây giờ thì ông ta thấy ngay các chòi gác trên vách tường hướng tây của trại tù Sơn Tây, nhưng các cây cối trong doanh trại lại có vẻ cao lớn hơn ông ta tưởng: Mọi người đã quên là các loại cây cao từ 40 đến 50 bộ được chụp ảnh vào tháng 6 vừa qua bây giờ đã cao vọt lên qua các trận mưa mùa hè trước ngày cuộc tập kích mở màn.

1    2    3    4    5    6    7    8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét