Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

VỤ TẬP KÍCH SƠN TÂY CỦA ĐẶC NHIỆM HOA KỲ GIẢI CỨU CÁC PHI CÔNG BỊ CỘNG SẢN BẮC VIỆT GIAM GIỮ - PHẦN 1


1    2    3    4    5    6    7    8
BENJAMIN F.SCHEMMER
CHƯƠNG I
TRẠI TÙ SƠN TÂY

Khi những tù binh Mỹ, đã nằm trong trại giam Sơn Tây, họ mới hiểu được rằng: bay trên bầu trời Bắc Việt không phải dễ dàng để kiếm sống, hàng trăm tù binh khác đã bị bắt rải rác đó đây, trên các địa phương miền Bắc Việt Nam, lần lượt đến cái thị xã nhỏ bé này.
Người tù binh Mỹ đầu tiên là trung úy hải quân Everett Alvarez, đã biết được thế nào là nhà tù Bắc Việt. Máy bay chiến đấu của anh ta là một trong hai chiếc bị bắn rơi ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau khi ném bom cảng Hải Phòng, theo lệnh của Tổng thống Johnson, sau vụ Vịnh Bắc Bộ.


Cuộc chiến tranh không tuyên bố của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Những vụ ném bom ở miền Bắc cũng leo thang nhanh chóng, bình quân khoảng 70 lần chiếc máy bay đi oanh tạc trong một ngày, và vì vậy số máy bay bị bắn rơi cũng ngày càng nhiều, phi công Mỹ tiếp tục đi vào nhà tù. Cuối 1965 đã có 61 tù binh Mỹ “may mắn” được vào nhà tù Bắc Việt.

Trong năm 1966, mỗi ngày đã tăng lên 223 lượt chiếc máy bay đi ném bom miền Bắc. Những người Bắc Việt đã thiết lập và bố trí lực lượng phòng không mạnh nhất chưa từng thấy trên thế giới. Họ đã bắn rơi khá nhiều máy bay Mỹ, trung bình cứ 10 ngày có 8 chiếc bị bắn rơi. Trong năm đó, lại có thêm 86 phi công Mỹ được đưa về “khách sạn vỡ tim”. Đó là một bộ phận của khám Hỏa Lò, một nhà tù khổng lồ cũ kỹ của người Pháp ở Hà Nội, nơi mà Bắc Việt dùng nhốt những người mới bị bắt để thẩm vấn trong những tuần lễ đầu tiên.

Vào cuối năm 1967, những cuộc oanh tạc trên miền Bắc đã tăng lên 300 lần chiếc mỗi ngày, và hầu như hàng ngày, đều có máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và trên phần đất eo dài như cán xoong của Việt Mặc dù những đội máy bay trực thăng Mỹ đã cố gắng tìm kiếm, cũng chỉ cứu được 13% những phi công bị bắn rơi trong khoảng thời gian đó. Những phi công rơi trên biển, giữa trạm "YAN-KY" trong vịnh Bắc Bộ và trạm "DI-XI" ngoài khơi miền Bắc của Việt Nam, hoặc rơi trên đất Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thì may mắn hơn, còn những phi công rơi trên đất Bắc, gần như mười phi công có tới chín bị trúng đạn chết, còn một bị bắt cầm tù.

Trong năm 1967, những cuộc không chiến trên miền Bắc xảy ra ngày càng dữ dội và tốn kém nhất. Ngày 31-10-1968, Tổng thống Johnson phải ra lệnh chấm dứt hoàn toàn cuộc ném bom miền Bắc. Thời gian này có thêm 143 máy bay bị bắn rơi, 56 tù binh được ném vào các nhà tù Bắc Việt. Rải rác đó đây còn có 917 người Mỹ khác bị mất tích trong lúc hành sự. Vào cuối năm 1968, tất cả đã có 927 phi công Mỹ chết và 356 người bị bắt làm tù binh. Những phi vụ trên miền Bắc lúc bấy giờ đã được hạn chế trong những chuyến bay trinh sát.

Những phi công Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam ở vào trạng thái rối loạn thần kinh nặng nề trước khi chạm đất. Trong những trường hợp thông thường, trên 90% phi công được phóng ra từ các máy bay của họ để xuống mặt đất an toàn, không bị thương, nhưng trên miền Bắc Việt Nam thì lại là chuyện khác. Bảy trong số mười phi công còn sống đã kể lại những điều gì xảy ra từ các máy bay, làm cho họ phải bị thương trầm trọng.

Bắt buộc phải bay trên bầu trời đầy tia lửa đạn, đầy hỏa tiễn và súng cỡ nhỏ, phi công Mỹ bay đến mục tiêu mất một giờ, đôi khi phải hai giờ. Điều này làm cho họ vượt ra ngoài giới hạn an toàn đã định, mà phần nhiều máy bay của họ, bay với tốc độ 400 hải lý giờ hoặc nhanh hơn. Có khi phải bay với tốc độ siêu âm. Họ phải cố gắng chống trả xung lực từ bốn đến tám lần, thân thể của họ bị ép vào ghế, vào cạnh buồng lái và họ cố chống lại khi bị phóng ra.

Những chiếc ghế dùng để bật tung người ra không được chuẩn bị tốt lắm. Khi phi công ấn hay kéo tay phóng, anh ta tưởng chừng như bị một quả đạn pháo 37 ly bắn ra khỏi máy bay, cho đến lúc chiếc dù tự động mở ra, lúc đó anh ta mới được khoan khoái để lái chiếc dù chạm xuống mặt đất.

Nhưng điều đó lại không xảy ra như thế ở Bắc Việt, mà phần lớn những phi công khi thuật lại những nỗi khó khăn đến cực độ trong việc tìm vị trí, để khi bị phóng ra khỏi máy bay, bị quay cuồng trong không khí, tay chân khỏi bị lực siêu âm xé rời ra, rồi rơi xuống đất.

Những phi công Mỹ lái máy bay chiến đấu, được khóa lại bởi chiếc đai da để giữ họ trong ghế ngồi, nhưng phần lớn những phi công khi bay trên bầu trời Bắc Việt, họ đã tháo lỏng đai da, để ngả người ra phía sau ghế nhìn kính ra-đa khi bay vào mục tiêu, hoặc nhìn ngang để đề phòng máy bay MIG, và một khi họ bị trúng đạn, thì không đủ thời gian để sử dụng chiếc khoá nữa. Nhảy ra với tư thế này thường bị gãy tay và đầu gối bị chạm phải sườn buồng lái, hoặc bị chấn thương nặng khác. Họ đã oán giận những kỹ thuật viên Mỹ chưa có cách nào sáng chế ra được loại đai da buộc vai ấy tự động kéo thẳng lại khoảng nửa giây đồng hồ, trước khi bật tung người ra ngoài là đủ.

Những phi công Mỹ trong lúc phóng ra, không hy vọng gì để thoát khỏi bị bắt; cho dù họ được phóng ra và xuống đất an toàn. Trên các vùng Bắc Việt họ thường bị bắt rất nhanh, vì họ là những người Mỹ cao to, rất trắng hoặc rất đen, nên dễ bị trông thấy trên một đất nước của 21 triệu người châu Á thấp nhỏ.

Người Bắc Việt quá lắm cũng chỉ mất ba tuần lễ để bắt một phi công Mỹ, khi bị bắn rơi đang tìm cách tẩu thoát. Một phi công hải quân đã quyết định không ra bờ biển mà đi vào rừng, hy vọng tìm một địa điểm CIA trên đất Lào, nhưng người Bắc Việt đã tìm thấy chiếc mũ và dùng chó để theo dấu vết của anh ta, thế là anh ta đã bị tóm. Có người đã chạy trốn trên quãng đường dài, nhưng cũng chỉ sau 12 ngày bị người Bắc Việt bắt được, đó là đại tá George E. Day 40 tuổi, là phi công lái chiếc F.100. Anh ta bị bắn rơi vào ngày 26-8-1967, tay phải bị gãy ba chỗ, đầu gối bị trẹo xương, nhưng anh ta đã cố gắng để vượt qua khu phi quân sự, lội qua những cánh đồng lúa, băng qua rừng rậm trong một thời gian khá lâu.

Thân thể các phi công bị gãy, bị ra máu nhiều trước khi chạm đất, nhưng cái kinh khủng nhất của họ là sự phẫn nộ đến cực độ của dân làng. Vì vậy những phi công bị bắt, bị dẫn đến “khách sạn vỡ tim” Hà Nội, thường bị nhổ nước bọt, bị la hét, v.v… đó là những điều sỉ nhục nhất đối với họ.

Sau những giai đoạn thẩm vấn đầu tiên họ đã phải khai họ tên, cấp bậc và số quân… và trước thái độ hòa nhã của những quân nhân Bắc Việt, họ đã lần lượt khai hết những điều hiểu biết của họ, rồi họ được ăn uống, nhưng thức ăn cũng chẳng có gì là thú vị, ngoài những canh bắp cải không có mùi vị gì.

Nhà tù Hỏa Lò mà những phi công Mỹ được vào đây, đã phong cho nó cái tên “khách sạn Hilton Hà Nội”, nơi mà cách đây 40 năm, người Pháp đã xây cất để giam giữ những người cộng sản cao cấp Việt Nam, bây giờ người Việt Nam lại dùng nơi này giam cầm những người chống đối họ, và những phi công Mỹ.
356 người Mỹ bị cầm tù năm 1970 được đưa đến Hỏa Lò là lúc họ đang ở cái tuổi thanh xuân của cuộc đời, trung bình là tuổi 32, người lớn tuổi nhất trong bọn họ là đại úy không quân và trung úy hải quân có vợ và hai con. Trong số này 85% đã bay trên 15 phi vụ vào miền Bắc, cho đến khi số phận của họ được quyết định.

Một trong những tù binh Mỹ rủi ro nhất là trung tá Richard “Pop” Kiern, bị bắn rơi ngày 24-7-1965, là phi hành của không lực thứ 7 bị bắt ở Việt Nam. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai là phi công lái chiếc B.17 bị bắn rơi trong nhiệm vụ đầu tiên ở Đức Quốc xã, rồi bị cầm tù 9 tháng. Khi sang Việt Nam, ông ta lái chiếc F.105 và bị bắn rơi ngày thứ ba khi đến Đông Nam Á. Kiern đã từng nói: thực nghiệm vài giờ bay chiến đấu, nhưng đã phải trải qua mười năm làm tù binh ở Việt Nam.

Năm 1973, khi được trả tự do, ông ta đã nói một cách mỉa mai rằng: “Không lực đã trở thành đẹp và hay hơn nhiều, tôi không thể nào tìm được một phi công câm để cùng bay”. Trung tá James Robinson Risner của không lực Hoa Kỳ đã trở thành tù nhân ngày 16-9-1965, khi ông ta lái chiếc F.105 trên miền Bắc Việt Nam. Risner là một ngôi sao trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, với 109 phi vụ chiến đấu, đã hạ tám chiếc MIG; nhưng khi đến Bắc Việt Nam trong vòng sáu tháng và chỉ có năm chuyến bay làm nhiệm vụ thì bị bắn rơi. Ông ta đã vận dụng kinh nghiệm cố cho máy bay ra biển, để nhảy xuống nước, và được chiếc máy bay SA-16 cứu thoát, trong lúc các máy bay khác ném bom, bắn phá những con thuyền Bắc Việt lao đến để bắt Risner. Đội cứu hộ trên biển của Hoa Kỳ lần đầu tiên xung trận đã cứu được ông ta.

Tờ thời báo “Time” đã in ảnh Risner, ca ngợi ông ta, nhưng tiếc rằng tờ thời báo đó lại không nói đến chuyện Risner tiếp tục lái máy bay ra miền Bắc và lại bị bắn rơi, và lần này nhà tù Bắc Việt lại cứu sống ông ta. Ông ta lại là người tù nhiều tuổi nhất và đã thú nhận những tội lỗi đối với dân Việt Nam, trước mặt những người khách đấu tranh cho hòa bình, những nhà báo ngoại quốc để làm gương cho những tù nhân khác.

Risner sống bảy năm rưỡi trong nhà tù của Bắc Việt đã kể lại những nỗi buồn ngột ngạt trong bốn bức tường của nhà giam nhỏ bé. Ông ta đã phải thốt lên rằng: “Những con người được huấn luyện để bay trên những máy móc tối tân, với những tốc độ khó tin để vút lên trời cao… để rồi con người lại bị nhốt vào tù như những con thú… vậy thì máy móc tối tân, tốc độ siêu âm để làm cái gì. Cuối cùng con người lại không được vẫy vùng vận động. Tệ hơn tất cả giữa con người với con người không được gần nhau”.

Trung úy hải quân John Wat phải phóng ra một cách dữ dội khỏi máy bay A4C của anh ta ở lần thứ 178 làm nhiệm vụ tại Đông Nam Á. Lúc anh ta chạm đất, tay trái bị gãy lòi xương, trẹo hai chỗ ở cột sống lưng, đầu gối trái bị vỡ. Trong lúc anh ta vội tháo cởi giày thì bị dân quân Bắc Việt bắt đưa về Hà Nội. Trên đường đi, dân làng đã căm thù nhổ nước bọt vào mặt anh ta, nhiều người vác gậy đòi đánh nhưng cán bộ Bắc Việt đã bảo vệ cho anh ta. Những lúc như vậy John Wat nghĩ rằng không thể sống để về đến Hà Nội, và anh ta cảm thấy xấu hổ, sỉ nhục cho người Mỹ, và mong rằng được chết đi để được khoẻ thân.

Những người tù đau khổ, nhưng gia đình của họ ở Mỹ càng đau khổ hơn nhiều. Thật là quá sức đối với những phụ nữ Mỹ. Và họ không thể biết mình có còn là vợ hay là goá phụ. Còn đối với những đứa trẻ không biết bố mình còn sống hay chết khi phải tham chiến ở Việt Nam. Điều đó không phải chỉ xảy ra đối với một vài gia đình, mà đến hàng vạn gia đình ở Mỹ. Cứ mười hai người chết ở Đông Nam Á, ở Việt Nam, mới có một người được chính quyền Mỹ điền vào danh sách như một tù binh bị Bắc Việt cầm tù hay mất tích.

Ba năm sau thỏa hiệp hòa bình Paris được ký kết chấm dứt sự xâm lược của người Mỹ vào Việt Nam, vợ của Carol Flora kể: Chồng của bà ta bị cầm tù từ lâu, bà không biết chồng mình sống hay chết. Trong 6 năm trời bà ta không biết là chồng mình bị giết, bị bắt hay đang cố gắng trốn thoát trong rừng rậm, trên đèo cao ở đất Lào. Nhưng đến ngày 29-1-1973 anh ta mới có tên trong danh sách 53 người được thả lần đầu tiên.

John McCain là con đẻ của đại tướng John McCain III vừa bị bắt trong ngày 26-10-1967 trên vùng trời Hà Nội. Khi máy bay của anh ta bị bắn rơi thì vừa đúng ba tháng sau đó bố anh ta được thăng chức Chỉ huy trưởng các lực lượng Hải quân, Bộ binh, Thủy quân lục chiến và Không quân để tiếp tục xâm lược Việt Nam. John McCain con bị thương nặng khi máy bay bị trúng đạn. Người cùng bay trông thấy người Bắc Việt vớt anh ta từ một hồ trong thành phố Hà Nội, lúc anh ta bất tỉnh. Tháng 8-1969, hai tù binh được Bắc Việt trả tự do kể lại rằng: anh ta được cấp thuốc men và chăm sóc đầy đủ, nên đã sống lại. Vì bị thương quá nặng, nên phải ở riêng một mình trong nhiều tháng.
Người Bắc Việt đã nhanh trí, cũng biết bố anh ta là ai, nên cho anh ta sớm được trở về, vào tháng 7-1968, điều mà anh ta không thể ngờ là được trả tự do như vậy, trong lúc đó các bạn tù của anh ta đang phải ở trong nhà giam. Phải chăng chức vụ của bố anh ta hiện nay mà Bắc Việt phải kiêng nể, hay là một sự nhân đạo thực sự?

Thiếu tá không quân Elmo Baker cũng được đưa đến Sơn Tây, đã bị tù hai năm ba tháng, khi bị bắn rơi ở chuyến bay thứ 61, trong trận ném bom Bắc Giang, cách Hà Nội 28 dặm về phía Bắc, nơi mà các phi công Mỹ được viếng thăm thường xuyên và tỏ ra thích thú. Baker 35 tuổi, người cao lớn, quê ở bang Kennet, đã đỗ cử nhân văn chương và tiến sỹ về điện trước lúc ông ta sang Việt Nam, lái chiếc F.105 và được phóng ra khỏi máy bay khi nó sắp nổ tung. Chiếc dù của ông ta vừa chạm đất, những người Bắc Việt hầu như đã chờ sẵn, các họng súng chĩa thẳng vào mặt ông ta. Ông ta không chút hy vọng gì để thoát thân, họ đã bắt ông và dùng trực thăng đưa về “khách sạn vỡ tim” Hà Nội. Ba tuần lễ sau ông ta được đưa đến bệnh viện Bạch Mai điều trị, ở đó được 30 ngày, rồi được “gửi” đến nơi triển lãm những phi công Mỹ để cho các phái đoàn hòa bình đến tham quan. Ông ta may mắn được gặp Tom Hayden, người cầm đầu đoàn khách hoạt động vì hoà bình vào ngày 11 tháng 11 năm 1967.

Người Bắc Việt đã nói cho phái đoàn này biết Baker bị gãy xương đùi và đã được chữa khỏi. Người bạn tù của Baker cũng bị bắn rơi và được “triển lãm” là đại úy Carrigan, anh ta cũng được đưa đi gặp một vài vị khách thuộc tổ chức “Phụ nữ đòi hòa bình”. Lúc đó anh ta đã tỏ ra hối hận về những tội lỗi của mình đối với dân Bắc Việt Nam.

Hai mươi bảy tháng sau khi bị bắn rơi, ngày 19-12-1969, Baker và Carrigan được chuyển đến Sơn Tây, họ đã thấy thiếu tá không quân Irby David Terrell, bị bắn rơi tháng 1-1968, ở một gian buồng bên cạnh. Họ không ngờ đến đây lại được gặp nhau nhanh hơn khi còn ở trong đơn vị không lực.
Trong buồng giam vuông vắn họ lắng nghe những tiếng rủ rì, sống động của những câu chuyện trao đổi với nhau bằng lối đánh Morse gõ vào tường. Họ đã dùng ám hiệu báo cho nhau: có hai người mới đến, trong đó có một người đầu hói. Bọn Baker thường liên lạc với nhau trong nhà giam bằng cách đứng sát vào tường, dùng khuỷu tay gõ vào tường báo động cho nhau biết ngừng hoạt động mỗi khi cán bộ bảo vệ đến gần. Vốn là một trí thức, thích nghiên cứu, Baker lại tìm ra lối thông tin mới như: cạo râu và cắt tóc là hai gõ - có nghĩa là tôi muốn truyền tin. Ông ta dùng ám hiệu thông báo: tôi là thiếu tá Baker với 11 người khác vừa từ “triển lãm” đến đây. Chúng ta đang ở đâu đây? Chỉ một lúc sau, đã nhận được tín hiệu: “Các anh đang ở trại Hy Vọng thị xã Sơn Tây”. Đột nhiên tín hiệu truyền tin ngừng bặt, do tiếng gõ vào tường báo rằng: bảo vệ đi kiểm tra. Trại Sơn Tây lại chìm trong im lặng.

Sáng ngày 11-12-1969. Baker và các bạn tù mới đến, được cán bộ trại cho biết: “Đây là trại tù lao động”. Thế là Baker được nhận một ống bằng thép để đập gạch cũ xây dựng nhà giam mới, vì nhà giam cũ không có đủ chỗ để chứa các phi công Mỹ ngày càng nhiều. Baker phấn khởi nghĩ rằng: “Họ đã cho mình một phương tiện truyền tin mới, tốt hơn. Nhất là được ở ngoài trời tắm nắng trong bầu không khí mát mẻ”.

Baker bắt đầu đập gạch với dụng ý dùng tín hiệu để truyền tin. Baker miêu tả cho các bạn biết về những tù nhân mới đến và các thông báo khác. Tưởng như Baker là người tù siêng năng, người bảo vệ lại chuyển đến cho y một đống gạch lớn nữa. Baker tiếp tục đánh đi một tin khác: “Thằng cha ấy không đọc được ám hiệu”. Baker nhận được tín hiệu báo trở lại, trại tù bắt đầu hoạt động. Ngày 24-5-1968 có 20 tù binh được chuyển từ khách sạn Hilton Hà Nội tới.

Ngày 18-7-1968, trại tù tiếp nhận thêm 20 người. Nhóm cuối cùng có 15 người chuyển đến vào ngày 28-11-1968, đại úy Wes Schierman là một người trong nhóm cuối cùng đã bị giam trong ba tháng, bị bắn rơi ngày 28-8-1965.

Những phi công bị bắn rơi, đã được chuyển đi rất nhiều trại trước khi đến trại Sơn Tây nhỏ bé này. Sơn Tây không phải là một nơi sáng sủa, vui vẻ gì nhưng thường xuyên có ánh mặt trời rọi xuống. Trong ngày lễ tạ ơn Chúa năm 1968, những tù nhân ở đây đặt cho trại Sơn Tây cái tên là trại “Hy Vọng”. Khác với trại khác, ở đây họ có thể trông thấy nhau và nói chuyện với nhau, họ cho đó là một thế giới mới. Đời sống tù binh Mỹ ở Sơn Tây dễ chịu hơn, nhiều tù binh từ các trại khác được chuyển đến lại được gặp nhau.

Theo định kỳ, người Bắc Việt lại chuyển số tù binh cấp bậc cao đi nơi khác, không rõ họ có mưu kế gì. Điều này làm đảo lộn mọi sinh hoạt trong nhà tù Sơn Tây. Việc thông tin giữa các buồng giam với nhau cũng bị gián đoạn khá dài.

Cũng như tất cả sỹ quan cao cấp, Clower đã lập bảng danh sách những tù nhân và ghi nhớ trong trí óc tù nhân còn sống trên đất Bắc Việt Nam. Đến tháng 5-1970 đã có tất cả 370 tên, trong đó Baker đã nhớ được 357 người. Clower đã liên lạc với các buồng giam khuyến khích các bạn tù thu nhặt từng mẩu tin nhỏ có liên quan đến trại.

Các tù nhân ở Sơn Tây, có nhiều thì giờ ở bên ngoài hơn là ở trong trại vì do yêu cầu mở rộng khu trại. Họ sử dụng những tù binh Mỹ để xây cất nhà bếp, nhà ăn, đập gạch vụn để xây bức tường mới bên ngoài là “ổ nha phiến” và “quán bia” (những khu vực do tù binh đặt ra để nhớ và thông tin với nhau).

Người Bắc Việt cải tiến khu trại Sơn Tây, có lẽ cho những mục đích khác nhau. Ngoài ra họ còn bảo tù nhân chống hai ống thép để căng lưới bóng chuyền. Lúc đó đại úy không lực Richard Brenneman đã lợi dụng trèo lên cột để căng lưới rồi nhìn ra ngoài, nhưng bảo vệ đã khoát tay bắt xuống và anh ta bị kỷ luật. Trong những lúc như vậy anh ta cũng được lệnh sỹ quan cao cấp trong trại chỉ đạo phải viết lời xin lỗi người Bắc Việt để khỏi phải khai mục đích thực sự trèo lên cột để nhìn ra ngoài, hoặc dùng các phương pháp truyền tin thông đồng với nhau và cũng như những ám hiệu khác.

Sau đó Brenneman đã viết một bản kiểm điểm… “tôi rất tiếc, tôi là một đứa mất dạy…”. Vì vậy mà anh ta không bị kỷ luật. Không phải chỉ có Brenneman là người duy nhất, mà nhiều tù nhân đã lợi dụng lúc những người Bắc Việt sơ hở hay ngủ gật trên những tháp canh, họ lại trèo lên tường của khu trại để nhìn vội ra ngoài. Họ làm như vậy cốt để chắp nối lại với nhau những phần mà mỗi người tù trông thấy để hình thành một bức tranh toàn cảnh chung quanh. Họ đã hình dung được trại nằm giữa cánh đồng lúa, có đê điều bao quanh. Cách đó một vài trăm thước về phía nam, có một con kênh bắt nguồn từ một con sông lớn chảy từ phía bắc sát phía bên ngoài tường rào hướng tây khu trại và có một trạm bơm nằm cắt chéo ở đấy.

Mùa đông ở Sơn Tây thật là gay gắt đối với tù binh Mỹ. Trại tù lạnh và ẩm, rất ẩm ướt. Con kênh chảy qua bên ngoài tường khu trại, nước đã lên quá cao làm cho khu trại gần như bị lụt. Trại thiếu thốn mọi thứ. Qua những năm tháng bị giam cầm ở Sơn Tây, tù binh Mỹ chỉ nghĩ đến việc được về với gia đình. Họ biết việc trốn thoát là điều vô vọng. Do vị trí của trại nằm biệt lập giữa đồng ruộng nên họ nảy ra ý nghĩ “giải thoát” là biện pháp tốt nhất. Nhưng liệu có ai biết họ đang ở đây? Hầu như mỗi tuần đều có máy bay Mỹ bay trên bầu trời Bắc Việt chụp ảnh những cơ sở có tường bọc chung quanh. Nhưng khu trại Sơn Tây nhìn từ không trung xuống có thể giống như một nông trại, một khu đồn điền, hay là một trường học, nên các tù nhân bèn nghĩ ra một kế hoạch với hy vọng có thể báo cho những người nghiên cứu những bức ảnh chụp của máy bay trinh sát biết đó là trại giam tù binh Mỹ.

Tù binh được giao các việc lặt vặt ngoài sân trại, như: đào rãnh, đào giếng, chuyển đất đá, nhưng dưới sự canh phòng của những người bảo vệ. Những người bảo vệ không hề để ý rằng trong lúc làm việc, tù binh đã cố ý xếp đất đá mới đào lên theo những hình thức kỳ dị. Quần áo của họ phơi ngoài sân, cũng được tù binh nghĩ ra cách vắt lên dây thế nào cho thật kỳ lạ để cho các bức ảnh chụp của các máy bay biết được. Một hôm máy thu phát điện đặt sát tường bên ngoài khu trại bị hỏng, cán bộ trại không thể chữa được. Họ phải hỏi trong đám tù nhân có ai biết gì về máy điện không? Thật là một cơ hội tuyệt diệu, tạo cho họ có thêm tin tức tình báo bên ngoài khu trại. Tù nhân dùng tín hiệu xin ý kiến chỉ đạo của các sỹ quan tù cao cấp, lập tức họ được lệnh thi hành. Hai người tù được dẫn ra xem máy, họ đã quan sát kỹ chung quanh khu trại và trao đổi với nhau, có vẻ như thảo luận về cái gì của máy đã hỏng hóc. Và họ đã tạo ra được nhiều giờ để được ở ngoài, mà không muốn nói đến những cái hỏng hóc chính của máy. Người Bắc Việt không hiểu gì về máy móc nên các tù nhân có nhiều điều kiện để “thay phiên” nhau ra chữa máy, và lại được dịp quan sát bên ngoài nhiều hơn. Cứ như vậy nhiều tù nhân lại được gọi ra để chữa, và họ lại được dịp thực hiện những chỉ thị mới của những sỹ quan tù cấp cao Mỹ.
CHƯƠNG II
MỘT VÙNG BÍ HIỂM
TẠI CĂN CỨ FORT BELVOIR, BANG VIRGINIA

Cách xa nhà Nhà Trắng khoảng 20 cây số, trên bờ sông Potomac, ở phía nam dãy núi Virginia, có một khu nhà được bảo vệ vững chắc. Đó là trụ sở của tổ chức tình báo hoạt động trên mặt đất, cơ quan FAG 1127 của không quân Hoa Kỳ tại căn cứ Fort Belvoir, thuộc tiểu bang Virginia. Nơi ấy ít người được biết đến, bên trong là hàng rào với những vòng xích khóa chặt. Ngôi nhà 1127, ngăn cách với trung tâm kỹ thuật của quân đội. Ở phần phía bắc có một dải đất rộng 9237 héc-ta, bên trong cổng có tấm biển đề: “Đơn vị hoạt động mặt đất của không lực Hoa Kỳ 1127”

Những người bạn của quân nhân Mỹ đến đây làm việc, thường phàn nàn với nhau rằng: “Tại sao chúng ta lại phải dùng đến cái chuồng to như thế này, để nhốt anh chàng kỳ quặc 1127 của không lực?”.

1127 thật sự là một đơn vị kỳ lạ, một kết hợp của những nhóm tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động trên khắp thế giới, để thu thập tình báo từ những nguồn tin do con người. Người của 1127 là những chuyên viên tin cậy có nhiệm vụ khai thác người Nga đào ngũ, những binh sỹ Bắc Việt bị bắt ở miền Nam Việt Nam, hoặc bất cứ ai có thể khai báo hoặc tiết lộ những bí mật.

Đơn vị 1127 có một bộ phận gọi là giải thoát tù binh. Nó tiến hành thu thập tình hình ở những tù binh Mỹ và phác họa những kế hoạch giúp những phi công bị địch bắn rơi trốn thoát khỏi sự bắt bớ hoặc thoát trại tù. Các thành viên của ngành này là những tù nhân trước đây, họ làm việc rất đắc lực, nhưng cũng bị ruồng rẫy. Theo họ cho biết có trên 462 tù binh Mỹ ở Đông Nam Á – có tới 80% số tù binh này bị giam giữ ở Bắc Việt Nam, mà một nửa là phi công. Nhiều người trong số này cũng có thể là tù binh lúc hành sự. Có tới 970 người Mỹ khác bị mất tích, một vài tù binh đã bị giam trên 2000 ngày, lâu hơn bất cứ người Mỹ nào bị bắt giam trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ.
Hôm ấy là thứ bảy ngày 9-5-1970, mười hai ngày trước đó, Tổng thống Nixon đã ra lệnh xâm nhập Campuchia. Đó là một ngày không vui, sinh viên lại biểu tình chống chiến tranh, lính bảo vệ quốc gia đã bắn chết 4 người và mười một sinh viên khác bị thương. Ngày hôm sau đã có 75.000 người biểu tình chống chiến tranh trước Nhà Trắng mà Sở An ninh đã quyết định bao vây họ bằng hàng rào xe bus.

Sáng sớm ngày thứ bảy hôm đó Tổng thống Nixon trải qua một đêm không ngủ đã được chở đến đài kỷ niệm Lincoln để tìm hiểu việc sinh viên phản chiến.

Dưới bầu trời âm u, mưa phùn, Tổng thống đã nói chuyện về bóng đá, rồi về chiến tranh. Cuộc đàm thoại kéo dài gần một tiếng. Cuối ngày đó, hai phụ tá của Kissinger cũng phản đối chiến tranh, bằng việc xin từ chức khỏi ban nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia.

Cuộc xâm lược Campuchia gây ra chia rẽ nước Mỹ. Cả nước Mỹ đòi hỏi vấn đề tù binh và những người mất tích lúc hành sự. Ai ai cũng muốn cho những người này được trở về, nhưng không có nhiều triển vọng.

Tại Hội đàm Paris đại biểu Bắc Việt cho biết rõ, tù binh Mỹ là những con tin, họ chỉ được trả tự do khi Hoa Kỳ rút hết lực lượng quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chương trình triệt thoái quân đội của Nixon đang xúc tiến, nhưng vẫn còn 428.000 quân Mỹ ở Đông Nam Á. 9.200 người trong số bị chết trước tháng 5; 4.290 người khác bị thương trong khi hành sự, khoảng 2.000 người bị cầm tù, cộng thêm 250 người nữa bị mất tích.

Điều quan tâm nhất của Lầu Năm Góc là tìm kiếm các thông tin về những nơi giam giữ tù binh Mỹ. Đó cũng là nhiệm vụ hàng đầu của tình báo quốc gia.

Cộng đồng tình báo đã thu thập được hàng chồng tin tức từ các nguồn khác nhau, song chưa có những tin tức hữu ích. Một phương pháp sớm được thực hiện trong chiến cuộc là thường xuyên chụp ảnh các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam, nơi có tường rào bao bọc chung quanh. Điều đó tạo ra một danh sách các mục tiêu khá lớn. Vì lẽ ở một đất nước mà hầu hết gia đình đều nuôi lợn gà, họ không muốn để cho số gia cầm này đi sang các gia đình khác, nên phải rào lại. Các trường học cũng đều được xây tường vây kín chung quanh thành khu riêng biệt nên rất khó cho việc nghiên cứu. Lẽ cố nhiên ngoài phương pháp chụp ảnh còn có nhiều nguồn tin khác như sử dụng các tin tức của đài truyền thanh, các cuộc thẩm vấn những người bỏ ngũ, hoặc các tù binh của đối phương bị bắt khai ra. Hoặc những tin tức của những người khách ngoại quốc, của những thành viên trong phong trào phản chiến Mỹ được phép thăm viếng Bắc Việt Nam. Những mẩu tin vụn vặt được góp nhặt lại nhưng lại rất có giá trị. Nguồn tin khác là do thư từ của bản thân tù binh Mỹ, khi họ được phép viết những dòng ngắn ngủi thông báo với gia đình. Khoảng một nửa tù binh được hưởng đặc ân đó, đã tìm mọi cách để thông báo tin tức.
Cuối cùng là những nguồn tin của tù binh thuộc không lực và hải quân Mỹ được Bắc Việt Nam trả tự do. Song đó là những trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 1966, nước Mỹ thực sự bắt đầu khai thác các nguồn tin tình báo một cách có hệ thống. Lúc đó riêng không lực Hoa Kỳ đã có 264 người bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam. Nhưng chỉ được biết trong số đó có 29 người là tù binh mà thôi, (kể cả một người bị bắn rơi ở biển Nam Hải, Trung Quốc, bị Trung Quốc bắt), 230 người bị mất tích trong lúc hành sự. Người Bắc Việt Nam cho biết rất ít người Mỹ bị bắt. Rõ ràng Việt Nam đã theo kinh nghiệm Triều Tiên không đưa ra những báo cáo có hệ thống về tên tuổi cấp bậc và sự đối xử với tù binh Mỹ.

Tháng 10-1966 trước sự tổn thất nặng nề của không lực, một cuộc họp bất thường của các chuyên viên tình báo và những đại diện của ngành giải thoát tù binh của tất cả các cơ quan được tổ chức. Mục đích của nó là tìm ra những phương pháp mới để thu thập tình hình và đề ra những biện pháp tốt hơn để phân tích nó. Cuộc họp có hai mục tiêu cấp bách. Một là: nhận biết là những ai đã bị tù, việc này nhằm làm cho mối quan tâm và sự lo lắng của gia đình tù nhân được vợi đi phần nào. Hai là: xác định vị trí những trại tù binh, nhằm đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom, bắn phá của không quân và hải quân Mỹ.

Những cuộc họp như vậy, nhanh chóng trở thành quan trọng và thường xuyên được tổ chức vào sáng thứ 6 hàng tuần tại trung tâm nhân viên không lực của Lầu Năm Góc. Về sau các phiên họp chính thức đều do CIA chủ tọa.

Vào khoảng tháng 8-1967, nhóm họp được đổi tên là IPWIC (Uỷ ban tình báo tù binh liên cơ quan) do Cục Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) cầm đầu. Từ đó những cuộc họp có từ 20 đến 25 người, gồm đại diện các cơ quan như quân sự (đơn vị không lực 1127 của căn cứ Fort Belvoir do hai thành viên thường trực, có khi nhiều hơn), CIA, DIA, Bộ Ngoại giao, FBI (cơ quan điều tra liên bang), cơ quan mật vụ, thậm chí còn có Bộ Tài chính và Sở Bưu điện Hoa Kỳ cũng tham gia khi cần thiết. Thí dụ, Bộ Tài chính được mời họp, khi có một vài người vợ tù binh nhận được thư yêu cầu gửi đô-la để mua trái cây, hoặc mua rau.

Giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ là thù địch, nên mọi sự giao dịch về tài chính đều bị cấm đoán. Song Bộ Tài chính và Bưu điện Mỹ, cũng tìm được cách để các bà vợ gửi tiền qua thư tín quốc tế cho các tù binh, sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Cơ quan Bưu điện Hoa Kỳ đã hợp tác với các nhà cầm quyền quốc tế trong việc gửi thư từ cho tù binh Mỹ. Song vào giữa năm 1970, gần 3/4 thư từ đến tay tù binh không phải qua hệ thống bưu điện, mà được trao tay qua nhà hoạt động vì hoà bình là bà Cora Weiss kiêm chủ tịch Uỷ ban liên lạc các gia đình quân nhân bị giam giữ ở Bắc Việt Nam. Từ đó trở đi Cora Weiss là đường dây duy nhất để các gia đình tù binh có thể liên lạc.

Dần dần IPWIC đã sử dụng việc đó để thu thập tình báo ưu tiên cho nó và cũng đã phát huy được tác dụng.

Cuối năm 1968, qua tin tức của các tù binh Bắc Việt, của khách viếng thăm Hà Nội và của ba tù binh Mỹ được trả lại tự do, đã cho họ thấy rằng, những tù binh Mỹ bị nhốt ở một căn cứ có tường bao bọc cách Hà Nội khoảng 30 dặm về phía tây. Các thành viên của IPWIC cũng đã hết sức cố gắng để khẳng định nó, nhưng rút cục việc phân tích các tin tức tình báo đều đi vào ngõ cụt. Hàng chồng tin tức tình báo của DIA, CIA gửi đến tại căn cứ Fort Belvoir cũng chưa xác định được vị trí trại tù binh.

Cuối cùng ngày 9 tháng 5 năm 1970, Noru Collinsbell chuyên gia kỹ thuật quả quyết đã khám phá ra điều nóng hổi về trại tù binh phía tây Hà Nội. Ông ta là một chuyên viên kỹ thuật tình báo, một tay già dặn trong nghề, đã làm việc lâu năm ở Lào, trước khi có hoạt động của Mỹ bắt đầu tại đó.

Collinsbell cao gần 1 thước 70, người hơi béo, tóc vàng nhạt, sắp về hưu, nổi tiếng là người kiên nhẫn tìm tòi. Công việc của ông ta giống như một nhà nấu bếp cho một bữa ăn Pháp khá sang trọng. Ông ta cố gắng thu nhặt từ những thứ vụn vặt, để làm ra món ăn ngon. Bám sát việc nghiên cứu, ông ta đã quả quyết: có hai trại tại hướng tây Hà Nội. Một trong hai trại đó là Sơn Tây, cách thủ đô Bắc Việt 30 dặm về phía tây. Với sự so sánh giữa những bức ảnh do máy bay trinh sát chụp được càng thấy điều đó rõ thêm. Collinsbell đã báo cáo cho đại tá George J. Iles, là người cầm đầu bộ phận kế hoạch của 1127, trong đó có phần việc “ngành vượt ngục và trốn thoát”. Bản thân ông ta là một tù binh trong chiến tranh thế giới thứ hai, nên rất quan tâm đến công việc này. Ông ta cũng bị bắn rơi trên đất Italia trên chiếc máy bay P51. Cả Iles và Collinsbell, đều thu thập những mẩu tin vụn vặt rồi tập hợp thành tin tình báo thô và đi đến kết luận gần như cùng một lúc.

Nghiên cứu, chắp nối kết quả đó là một sự phân tích đúng. Collinsbell so sánh ảnh chụp cũ và mới, tại khu có một bức tường mới ở góc phía Tây Bắc và qua ám hiệu kín đáo được xếp thành hình trên mặt đất. Theo vết bùn, mà người trong trại cố ý xếp thành báo cho biết có 55 tù nhân ở trại Sơn Tây, sáu người trong số đó xin được khẩn trương cấp cứu. Iles và Collinsbell thấy cần phải hành động nhanh, phải nghĩ ra một kế hoạch liều lĩnh là tập kích để giải thoát tù binh.

Iles, Collinsbell cùng với đại tá Rudolph C. Koller là một người chỉ huy ở 1127 và thượng sỹ không quân C. Wattkin đã nghỉ hưu trở lại làm việc như một chuyên viên tình báo dân sự trong ngành vượt ngục và trốn thoát. Cả hai đều là thành viên của IPWIC. Wattkin cũng giống như Iles, rất quan tâm đến việc làm của mình. Trước đây anh ta là một tay súng trên chiếc máy bay B.17, bị bắn rơi trong một trận oanh tạc ở Đức và bị tù 15 tháng.
Bên cạnh đó lại có Koller, một sỹ quan cao lớn tóc cắt ngắn, luôn luôn vui vẻ trong công việc của mình. Ông ta rất thông cảm với cảnh ở tù, nên lại càng quan tâm đến những tù binh bị Bắc Việt bắt nhiều hơn là các nhà phân tích của DIA và CIA.

Tháng 12-1972, Watkins đã thuyết trình một công trình gọi là “giam cầm ở Đông Nam Á” tới 364 lần khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này được các nhà thương thuyết của Mỹ ở Paris gọi là “nhóm người làm việc phi thường”.

Sau khi đã nhận được kết quả phân tích của Iles, Clinebell, Watkins về khu trại Sơn Tây, và yêu cầu làm nhiệm vụ giải thoát cấp bách, Koller đã gọi điện thoại về Lầu Năm Góc, nói chuyện với trung tướng Rossky, phụ tá tham mưu trưởng không quân để xin thuyết trình.

Clinebell  và Watkins phải làm việc thâu đêm để chuẩn bị bản thuyết trình đồng thời làm những sơ đồ về khu trại Sơn Tây.

Sơn Tây nằm bên cạnh sông Cồn chảy ra sông Hồng Hà, lượn vòng ở phía đông khi qua Hà Nội. Để xác định thêm, các chuyên gia giải thoát sử dụng nguồn tin của một người lính Bắc Việt bị bắt ở khu phi quân sự đã cho biết: tiểu đoàn của anh ta đã cắm trại một đêm gần nơi đó, trước lúc lên đường vào Nam. Khi anh ta đi lấy nước về cho tiểu đội nhìn thấy bên ngoài khu trại tù có một cái giếng, anh ta đã trông thấy nhiều tù binh Mỹ làm việc ngoài sân khi cửa mở. Iles và Clinebell đưa ra các ảnh chụp của máy bay trinh sát về nơi xây cất mới ở trại Sơn Tây và những ảnh tù binh đi làm việc ngoài khu trại. Mặc dầu có nhiều ảnh được nhận biết tù binh ở bên trong, nhưng Watkins còn đưa ra những ảnh chụp quần áo của tù binh phơi trong trại đã cố ý sắp xếp thành chữ SAR (tìm và giải thoát), ngoài ra một vài tù nhân còn tìm cách đổ đất mới đào lên thành chữ K ở một góc khu trại (K có nghĩa là đến cứu chúng tôi).

Clinebell còn nhận ra được ở thư tín tù binh gửi về bằng những tín hiệu mật, thậm chí họ còn gợi ý địa điểm đáp máy bay, địa điểm thông tin liên lạc.

Rossky đã quả quyết rằng nhóm tình báo hoạt động mặt đất đã khám phá ra kết quả mới. Những ảnh chụp và những kiểu phơi quần áo, cách đổ đất mới, là những ám hiệu yêu cầu cấp cứu tù nhân và ông ta đã phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa! Ngài có biết không! Đã lâu chúng con đang chờ đợi điều ấy!”. Sau đó ông ta cho gọi thêm chuyên viên đến, và ông không thể tưởng tượng được các tù nhân lại vẽ cho Lầu Năm Góc một bản đồ thực sự để nhận biết vị trí và có kế hoạch cứu thoát họ. Đáng chú ý là ám hiệu bằng một mũi tên chỉ về hướng tây và con số 8, có thể là tù nhân yêu cầu được bốc ra hướng tại Ba Vì.

Sau khi phân tích, Rossky đã quả quyết rằng kế hoạch giải thoát phải được thi hành và ông ta bảo Koller gọi điện thoại tới trạm Arlington, trụ sở của DIA cách Lầu Năm Góc ba dặm, đồng thời gọi một vài chuyên viên về tù binh đến để nghe bản thuyết trình.

Harris cầm đầu tổ chức IPWIC của lực lượng hải quân và Koller được giao chức phó làm kế hoạch giải thoát.

Sau khi nghe thuyết trình, Harris đưa người của ông ta với một số ảnh chụp về Lầu Năm Góc. Được nhiều người xem xét và công nhận là khu trại có 55 tù binh Mỹ từ đó một cuộc tranh luận nổ ra trong không lực.

Họ quan tâm đến các tù binh ở trại này, và cũng từ đó rất nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao người Bắc Việt lại nhốt tù binh trong một trại hẻo lánh như vậy? Tại sao không để ở Hà Nội? Tại sao tù nhân phần đông lại bị thương? Phải chăng người Bắc Việt muốn đưa họ đi khỏi Hà Nội để không cho các phái đoàn hoà bình trông thấy?… Rossky nghĩ rằng: Ramsey Clark, Jane Fonda, Cora Weiss được trông thấy những tù binh dùng để “triển lãm” đã bị chế ngự tư tưởng hoặc tù binh đã hợp tác với Bắc Việt v.v… Vì người Bắc Việt còn muốn đi xa hơn nữa trong việc tận dụng đám tù binh Mỹ.

Song tìm kiếm tù binh là nhiệm vụ của Rossky, còn giải thoát cho họ là nhiệm vụ người khác và ông ta đã quyết định giao việc giải thoát cho phòng 4D 1062 của thiếu tướng James Allen, phó giám đốc kế hoạch và chính sách. Allen quá xúc động về việc làm hữu hiệu của nhóm 1127 và cho rằng phát hiện trại tù Sơn Tây là sự thật. Allen đã cho nhóm này từ căn cứ Fort Belvoir về văn phòng Lầu Năm Góc và phân ra một nhóm chuyên viên phác họa sơ đồ và một số người có khả năng giải thoát.

Allen người cao gầy, nghiêm nghị không quan liêu, mặt dài có vẻ hóm hỉnh, kín đáo, là người ưa hoạt động. Ông ta thích bắt tay ngay vào việc, nhưng việc giải thoát tù binh ở Sơn Tây lại vượt ra ngoài quyền lực của ông ta. Vì vậy nên phải đưa Koller, Iles đến văn phòng của chủ tịch tham mưu trưởng, một văn phòng ít người được biết đến ở Lầu Năm Góc. Nó nằm sâu dưới nền đất gọi là Phòng IE 962. Hôm đó là thứ hai ngày 25 tháng 5 năm 1970.
PHỤ TÁ ĐẶC BIỆT CHỐNG PHIẾN LOẠN
VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT (VIẾT TẮT LÀ SACSA)

Trong số 27.840 nhân viên làm việc ở Lầu Năm Góc năm 1970, cũng còn ít người hiểu được cái nghĩa SACSA là gì. Nhiều người còn nghi ngờ không hiểu họ làm gì mà tổng hành dinh của họ lại đồ sộ, nằm ngay dưới văn phòng của chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng hỗn hợp.
Tại điện Capitol, trong vòng thành Lầu Năm Góc.

Một văn phòng nằm giữa khoảng trống. Trong hệ thống quân sự, đây là cơ quan SACSA - như vậy SACSA ở gần chóp bu Lầu Năm Góc.
Donald Blackburn thiếu tướng bộ binh, người phụ tá đặc biệt chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt của chủ tịch các tham mưu trưởng hỗn hợp. Ông ta khoảng 53 tuổi, cao 1 thước 70, nặng 180 cân Anh, tóc màu vàng.

Sáng thứ 2 ngày 25-5-1970, sau khi vào chào hỏi Koller và Iles, Allen gọi điện thoại cho đại tá Mayer, chuyên viên điện tín bí mật của quân chủng bộ binh. Ông ta là một người cao khỏe, quê ở miền bắc bang Dakota, thái độ có vẻ ôn hòa, dịu dàng như một trại chủ đồn điền miền Tây. Mayer cầm đầu một toán nhỏ của SACSA gọi là phân bộ hoạt động đặc biệt. Việc làm của ông ta không dễ gì được báo chí nhắc đến vì giá trị của nó còn cao hơn mức tối mật.

Năm người ngồi quanh bàn họp. Allen bảo Iles, Wattkin thuyết trình những tài liệu mà nhóm 1127 đã nhận biết được khu trại tù Sơn Tây, và đã cùng nhau yêu cầu khẩn cấp để giải thoát tù nhân bị giam giữ ở đó.

Allen đã nhấn mạnh, những người tù ở đó phải được giải thoát, ông ta đã đề nghị Blackburn có thể bố trí cho một điệp viên đến vùng Sơn Tây được hay không? Blackburn suy nghĩ một lát rồi nói: “Phần đông các điệp viên trên Bắc Việt Nam là thuộc quân sự, chứ không thuộc CIA, và sứ mệnh của họ được SACSA xếp đặt và kiểm soát…

Trong những năm đầu thập kỷ 60, Tổng thống Johnson đã hạn chế hoạt động của CIA trên phần miền Tây của Bắc Việt Nam trong vòng 20 cây số ở biên giới Lào. CIA có một số căn cứ hoạt động ở đó và một ít trên Bắc Việt Nam, nhưng tổ chức để giải thoát tù binh thì thuộc trách nhiệm to lớn của SACSA…”.

Ngắt lời của Blackburn, Allen đề xuất một kế hoạch là đưa những trực thăng đi giải thoát với một toán nhỏ lực lượng đặc biệt phải đóng cách Sơn Tây 110 cây số tại một trong những trạm của CIA ở biên giới Bắc Lào.

Trong khi đó người của SACSA xâm nhập vùng chung quanh núi Ba Vì, tìm biết lúc nào nhóm tù nhân ở Sơn Tây ra làm việc ở đấy, tìm hiểu bằng cách nào mà tù nhân đến được núi Ba Vì. Trong lúc đó có điều kiện thuận lợi thì gọi đội giải thoát đến, có thể báo cho đội giải thoát bằng các máy vô tuyến nhỏ để người Bắc Việt khó phát hiện. Những tín hiệu phải được quy định như “bíp bíp” có nghĩa là “đến bốc chúng tôi, chúng tôi đang ở đây”, còn một tiếng: “bíp” là “không có ở đây”.

Allen nói tiếp: “Nếu điệp viên gọi trực thăng đến để chở một ít tù nhân đi thì cuộc hành quân phải được thực hiện rất nhanh, khoảng nửa tiếng những tù nhân sẽ được ở trong vòng tay thân mật của những người người đi giải thoát và phải đưa đến một căn cứ của Mỹ ở Thái Lan”. Nhiều yếu tố hình như ủng hộ cuộc hành quân. Người Bắc Việt có thể phát hiện những trực thăng từ phía Lào vào, nhưng dễ gì hệ thống phòng không đó đã kịp phản ứng. Núi Ba Vì ở tại một vùng xa xôi của đất nước, ngoài phạm vi của sự bố phòng dày đặc. Chỉ còn một mối đe dọa cho các tù binh và các lực lượng giải thoát là những tay súng bảo vệ tù binh trong lúc đi làm. Nhưng điều đó điệp viên có thể giúp đỡ chỉ chỗ cho trực thăng đỗ xuống và giúp đỡ cho những tù nhân chiến đấu chống những người bảo vệ. Nhưng liệu hoạt động của điệp viên có thể thoát khỏi mạng lưới của Bắc Việt hay không, mà lâu nay CIA đã không đặt được chân lên miền Bắc như nhiều quan chức CIA đã từng nói.

Allen và Blackburn thảo luận thêm về chi tiết những ý kiến đó. Nếu thành công thì sáu tù binh có thể được mang về Hoa Kỳ trong vòng một hoặc hai tuần. Ngoài việc cứu sáu tù binh Mỹ, rõ ràng là cần gấp sự giúp đỡ của các lực lượng tham gia trong cuộc chiến. Cuộc giải thoát tù binh còn có nhiều tác dụng khác trong tình hình chiến cuộc của Mỹ đang nguy ngập. Cuộc hội đàm ở Paris đang bế tắc thì tù binh đang thành món hàng mặc cả mạnh mẽ nhất của Bắc Việt. Người Mỹ đặt nhiều hy vọng vào việc giải thoát được một ít tù binh thì sẽ tập trung được sự chú ý mạnh mẽ của thế giới. Công chúng Mỹ thấy được tầm quan trọng của tù binh và những người mất tích trong lúc hành sự. Điều đó sẽ làm áp lực thúc đẩy cuộc thương thuyết ở Paris được nghiêm túc hơn.

Blackburn và Mayer thông cảm với nhiệt tình của Allen về sự giải thoát, nhưng tại sao lại chỉ thực hiện giải thoát cho sáu tù binh mà không tìm cách vào trại tù Sơn Tây để bốc đi tất cả. Blackburn xem lại một lần nữa các ảnh chụp cả hai trại, mà nhóm 1127 đã đưa đến và nhận rõ cả hai trại đều ở vào những địa điểm hẻo lánh của Bắc Việt và được coi như có nhiều sơ hở nhất trong các trại tù được xác định từ trước đến nay, và có thể vào cả hai trại Sơn Tây bằng một trận tập kích.

Allen không dám nghĩ đến một hành động giải thoát lớn lao như vậy, và cho dù Blackburn có thể làm được một trận tập kích thì đó cũng là ngoài quyền hạn của ông ta, việc đó phải có sự quyết định của vị chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp.

Nếu trong chiến tranh thế giới thứ 2, cách đây 29 năm về trước, thì một người chỉ huy trung đoàn hay sư đoàn, có thể chấp nhận ngay về một sứ mệnh như vậy. Nhưng đây là một cuộc chiến ở Việt Nam, quyết định giải thoát tù nhân Mỹ ở Việt Nam, phải được giải quyết tại Văn phòng hình bầu dục Ở Nhà Trắng, cách trận mạc gần 10.000 cây số. Blackburn hứa hẹn với Allen sẽ đích thân trình với chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp, và sẽ trở lại gặp Allen chậm nhất là vào sáng hôm sau.

Những người của 1127 cùng đi thấy vậy tỏ ý chán nản, nhưng họ muốn đưa được nhiều tù binh trở về. Có nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch giải thoát tù binh mà Blackburn và Mayer không thể nói đến. Vấn đề chủ yếu trong đó là những hậu quả của lệnh ngừng ném bom Bắc Việt Nam. Năm 1968, giới quân sự không có quyền phát động những cuộc hành quân đặc biệt hoặc đưa điệp viên xâm nhập. Tổng thống Johnson cũng cấm đoán mọi công việc tiếp tế cho các toán điệp viên (CAS) hoạt động ở Bắc Việt lúc bấy giờ. Số đó gồm có 9 đội - 45 người Việt Nam được huấn luyện kỹ, đã bị bỏ rơi một cách nhẹ nhàng. Trong nhiều tháng những người này được biết qua thư tín, qua điện đài rằng, họ cố chờ sẽ có tiếp tế, nhưng đó chỉ là hy vọng. Đấy cũng là tấn thảm kịch lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Những phi vụ trinh sát thả truyền đơn vẫn được thực hiện đều đặn trên Bắc Việt, song những người của CAS vẫn không được tiếp tế. Trong thời gian đó một số bị bắt, một số ra đầu hàng, số còn lại bị chết hoặc bị đói lả. Mỉa mai thay một trong những toán CAS cuối cùng lại thiết lập được cơ sở an toàn ở Lào. Đây là một trong nhiều mỏm đồi đã được thông báo cho các đội phi hành, để có thể tìm đường lẩn trốn nếu họ bị bắn rơi. Khoảng hai tháng trước khi Allen đến thăm thì SACSA lại bị mất liên lạc với toán EAS ở đó.
Blackburn và Mayer khi họp với Allen và những thành viên của ông ta, đã chỉ rõ cho dù SACSA nếu có được một điệp viên, thì việc xâm nhập nào cũng khó thực hiện và việc tính toán thời gian cũng chưa có gì bảo đảm. Theo cách đó thì khi máy bay chở họ vào không gây sự chú ý gì quá đáng, nhưng lúc bấy giờ thì lại không có cuộc ném bom trên Bắc Việt vào thời gian tháng 5-1970, không có máy bay bị bắn rơi để dùng làm bình phong. Lẽ tất nhiên họ không thể nói ra rằng, việc tuyển mộ những toán gián điệp, biệt kích đã khó khăn hơn sau khi Johnson đã để cho chín toán 45 người bay theo chiều gió. Vả lại Blackburn và Mayer không chắc rằng sáu tù binh có thể đến được núi Ba Vì. Họ bắt đầu nghi ngờ những mưu toan giải thoát tù binh. Họ không tin tưởng, thực ra họ cũng biết đã có sáu lần âm mưu như vậy. Tất cả đều thất bại. Một vài tù binh lúc chạy trốn đã bị bắn chết và những người khác đã bị bắt.

Ở một vài trường hợp khác, Mayer đã phải vất vả khổ sở để tìm cách thông báo bằng tín hiệu về những kế hoạch mà tù binh định trốn thoát là không thực hiện được. Như tù binh sẽ vượt ngục trong hai tháng qua trên một chiếc thuyền hoặc kết thành một cái bè, cái mảng thả trôi theo dòng sông Hồng về ban đêm đến cảng Hải Phòng rồi sẽ tìm cách ra biển. Mayer đã tìm mọi cách lồng ám hiệu vào các thư từ gửi cho các tù binh Mỹ để báo cho họ biết: “đừng làm thế sông Hồng đã được rải mìn”.

Cuối cùng Blackburn và Mayer đã đồng ý với Allen là phải có kế hoạch cụ thể giải thoát tù binh bằng một cuộc tập kích. Điều này Blackburn có thể thực hiện được, nhưng với chức vụ thiếu tướng ông ta không đủ thẩm quyền quyết định, mà phải xin gặp tướng bốn sao Earle G. Wheeler, chủ tịch tham mưu trưởng. Với chức vụ phụ trách cơ quan SACSA, Blackburn có thể đến xin gặp Wheeler bất cứ lúc nào khi có tình hình khẩn cấp hoặc sôi động. Đó là quyền ưu tiên để Blackburn sử dụng. Ngày 25-5-1970 Blackburn đã đến gặp viên đại tá canh gác phòng riêng của vị chủ tịch để xin gặp tướng Wheeler trình bày một việc khẩn cấp. Sau mấy phút đồng hồ, cả hai được phép vào buồng riêng.

Blackburn và Mayer đã trình bày tin tức tình báo mới về tù binh mà nhóm 1127 ở căn cứ Fort Belvoir thu lượm được. Họ đã yêu cầu không quân thả một nhóm điệp viên vào núi Ba Vì, Bắc Việt, để làm nhiệm vụ giải thoát sáu tù binh Mỹ ở đấy. Họ cũng đã đề nghị phải được nghiên cứu kỹ, nếu như làm vội vã sẽ hỏng việc, sẽ làm tiêu tan những hy vọng cứu thoát tiếp các tù binh. Blackburn và Mayer cũng đề nghị một giải pháp khác to lớn hơn, là tập kích vào trại Sơn Tây và các trại gần đấy để giải thoát tất cả tù binh ở đấy. Nghe xong Wheeler nghiêm nghị rồi thốt lên: “Lạy chúa! Phải bao nhiêu tiểu đoàn mới làm được việc đó”. Đó cũng là phản ứng tự nhiên của Wheeler. Vậy là ngày 25-5-1970, ngày mà gần vụ xâm nhập Campuchia của Tổng thống Nixon đang bị tai tiếng trên thế giới, giờ lại một vụ xâm nhập Bắc Việt nữa. Cuộc chiến đang ở thời điểm rất nguy kịch, số người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam vẫn ở con số 500 mỗi tháng. Đặc biệt trong tháng 5-1970 lại tệ hại hơn: có tới 754 lính Mỹ bị chết. 166 người chết chưa rõ nguyên nhân, số quân dự trữ chiến lược của Mỹ xuống thấp nhất ở những tiểu đoàn nghênh chiến kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Câu hỏi của Wheeler không làm cho Blackburn băn khoăn, và Wheeler là một trong những người ủng hộ SACSA mạnh nhất. Một cuộc tổng kết kinh nghiệm đã được tính toán, sau khi rời khỏi chức vụ này cho thấy, gần ba phần tư của tất cả sự việc mà Wheeler gửi gắm để giới thiệu với Bộ trưởng Quốc phòng chấp thuận là những hoạt động “đặc biệt” do SACSA đưa ra. Trong thời kỳ McNamara làm Bộ trưởng Quốc phòng, đã không đáp ứng được 25% đề nghị đó.

Blackburn đã nói với Wheeler rằng, ông ta không cần phải có những tiểu đoàn, mà chỉ cần một nhóm nhỏ của lực lượng tình nguyện đặc biệt. Wheeler bảo Blackburn: “Hãy suy nghĩ kỹ về việc đó và sớm trở lại để bàn bạc thêm”. Wheeler là chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp từ giữa năm 1964 trước khi xảy ra vụ vịnh Bắc Bộ, sức khỏe của Wheeler ngày càng hao sút vì lo lắng quá nhiều cho cuộc chiến tranh. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là về hưu nên ông ta mong muốn Blackburn thuyết trình lại với người kế vị ông là đô đốc Thomas Moorer trước khi chuẩn bị kế hoạch lớn.

Được Wheeler bật đèn xanh, Blackburn và Mayer đã lao vào hành động. Việc đầu tiên là họ cần có thêm nhiều tin tức tình báo về các trại tù binh ở Bắc Việt nên họ đã trao đổi với cơ quan DIA để nhanh chóng phác họa ra một kế hoạch.

Ngày hôm sau 26-5-1970 Blackburn và Mayer được biết cơ quan DIA đã xử lý các tin tức được thuyết trình. Đây là vấn đề rất quan trọng mà không thể chỉ căn cứ vào tình báo của một cơ quan hay một cục nào, ngay cả DIA cũng có vài nguồn tình báo duy nhất mà nhóm 1127 hoặc tổ chức của Allen không có.

Ngày 27-5-1970 Blackburn lại đến gặp trung tướng John W. Vogt, giám đốc các thủ trưởng hỗn hợp tác chiến của không quân, ký hiệu I3. Blackburn nói cho John W. Vogt biết là ông ta có một yêu cầu cần phải nghiên cứu kỹ để thực hiện việc giải thoát tù binh để báo cáo lên vị chủ tịch.

Vogt thốt lên: “Lạy chúa tôi! Có bao giờ anh nói cho chính phủ của anh biết về sự việc xảy ra chưa?” Trước câu nói của Vogt, Blackburn thầm nghĩ: ông không phải là hạng sĩ quan mà mỗi chút lại phải báo cáo lên cấp trên, khi mà cấp trên chưa cần đến. Blackburn thích thú nhặt những tin vụn vặn ấy một mình để rồi tổng hợp nhằm đưa ra được một việc gì lớn hơn, Blackburn thường tự làm lấy một mình mà không thích người khác nhúng tay vào. Việc đó xảy ra bình thường, vì Blackburn quyết giữ cho việc làm của mình càng ít người biết càng tốt, vì càng nhiều người biết càng nguy hiểm hơn. Điều này rất quan trọng, càng nhiều người nhúng tay vào hoạt động đặc biệt của ông ta thì càng phải phối hợp hành động với nhiều sĩ quan hơn. Mỗi một vị, chỉ có thể làm một phần việc để nhận định và dự đoán thêm có khi lại còn phản đối lại nữa. Thực ra chỉ có một ít sĩ quan cấp cao ở Bộ tham mưu hỗn hợp mới hiểu được loại tác chiến đặc biệt này mà số người nhiệt tình lại càng hiếm.

Sau tiếng thốt lên của Vogt, một sỹ quan vạm vỡ kiểu người Kozak hỏi Blackburn rằng: bao giờ thì ông giới thiệu công tác với Wheeler? Blackburn vội vã trả lời: “Tôi có thể trở lại gặp Vogt vào thứ hai, ngày 1-6-1970. Đó là ngày kỷ niệm chiến sỹ trận vong”.
Blackburn và Mayer bị quay cuồng với thời hạn quy định. Đối với một sỹ quan hoạt động thông thường, xây dựng một kế hoạch để thông qua Bộ tham mưu hỗn hợp thì cũng giống như bơi trong biển cả. Nhưng dù sao thì SACSA có giấy phép đặc biệt duy nhất để làm việc đó không bị cản trở của bộ máy chính quyền quan liêu, nên Blackburn thoải mái hành động cho một cuộc tập kích để giải thoát tù binh ở giữa lòng đất đối phương.

Blackburn thuộc loại sỹ quan hiếm có, ông ta sinh trưởng và học hành tại Florida, được gửi sang Philippines với chức vụ hạ sỹ quan vào năm 1940. Khi Nhật tấn công Pearl Harbour (Trân Châu Cảng), ông ta phục vụ như là một cố vấn cho tiểu toàn bộ binh Philippines ở miền bắc Luzon. Tháng 5-1942 khi Corregidor thất thủ, quân Nhật tràn vào Luzon, Blackburn và nhóm sỹ quan của ông đã không chịu đầu hàng mà trái lại họ đã trốn vào rừng. Blackburn đã bỏ thời gian, giúp tổ chức hai vạn du kích Philippines và chỉ huy một trong năm trung đoàn đó. Khi quân Mỹ tràn vào bắc Luzon, lúc đó chỉ còn 285.000 quân Nhật giữ đảo. Blackburn và lính của ông ta đã chiến đấu phía sau. Ngày 5-7-1945 thì Philippines giành được độc lập. Chiến tích của Blackburn dẫn quân du kích chiếm lấy thị trấn Acpari, sau khi lội qua một con sông chỉ gặp một sự kháng cự nhỏ. Cho đến lúc rạng đông, quân của ông ta đã chiếm xong mục tiêu. Sau đó mới có một tiểu đoàn không quân Hoa Kỳ đến chiếm Acpari. Blackburn trở về Hoa Kỳ với chức vụ đại tá lúc 29 tuổi. Thật là quá trẻ và chưa có kinh nghiệm, chưa thể chỉ huy được, nên ông ta được gửi đi học 6 tháng với các cựu chiến binh về quân sự. Sau khi phục vụ một năm như là một đội trưởng hiến binh của quân đội ở Washington, ông ta lại được gửi vào trường bộ binh. Sau hai năm bám sát Lầu Năm Góc tập luyện nhảy dù, Blackburn trở thành sỹ quan có uy tín trong quân đội.
Năm 1950 Blackburn được cử đi dạy tâm lý chiến và làm thủ lĩnh học viện quân sự West Point, sau đó lại được cử sang Philippines, đến năm 1957 được cử sang Việt Nam làm cố vấn cao cấp cho một vị tướng của Nam Việt Nam chỉ huy vùng châu thổ sông Cửu Long. Sau một thời gian ông ta được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm lực lượng 77 tại căn cứ Fort Bragg ở Bắc Carolina.

Đầu năm 1960, tổng thống Kennedy quyết định gửi một nhóm quân sự đến Lào. Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức. Người mà ông ta chọn để cầm đầu những toán mệnh danh là “Ngôi sao bạc” là một trung tá trẻ thuộc biệt động quân trong chiến tranh thế giới thứ hai là Simons. Chính vì vậy sau này Blackburn đã đề nghị chọn Simons chỉ huy cuộc tập kích trại tù Sơn Tây. Vào năm 1965 khi chiến tranh ở Việt Nam trở thành cuộc chiến dữ dội, Blackburn được gọi về Lầu Năm Góc đảm nhiệm những hoạt động mật, vì thế ông ta lại trở lại Việt Nam chỉ huy những đơn vị bí mật nhất, mà ít người ở Đông Nam Á được biết tới, đó là SOG, và cũng là tổ chức OSS hoạt động mật ở Đông Nam Á. (SOG là nhóm nghiên cứu và quan sát, còn OSS là cơ quan tình báo chiến lược). Đội quân này đầu họ đội mũ nồi xanh, có gắn phù hiệu hình sọ người và ngọn lửa đen đang cháy. SOG đã tham gia những cuộc hành quân nảy lửa, nên khó mà tin được họ với cái tên “nhóm nghiên cứu và quan sát”. Người của SOG không đeo phù hiệu công khai ở quân phục, nhưng trong các khu doanh trại phù hiệu đó được gắn vào những cốc bia, ly uống nước, gạt tàn thuốc lá v.v… Tổng hành dinh của SOG ở tại Sài Gòn, số lượng có khoảng 90 người làm kế hoạch tác chiến cho các phân đội của họ ở Nam Việt Nam. Tại Nha Trang SOG có một phân đội không quân, tại Đà Nẵng có một bộ phận hải quân, điều khiển đội thuyền P.T, riêng của SOG. Ở một nơi khác gọi là Gấu Mèo - gần huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đơn vị không quân và bộ binh được đóng tại các nơi, chuẩn bị để xâm nhập vào Bắc Việt Nam. Có từ 350 đến 500 người trong các đơn vị hành quân của SOG, đó là lực lượng của Mỹ. Một nhóm khác gồm 400 đến 500 người Việt Nam thuộc các đơn vị “chuyên viên kỹ thuật” được bí mật điều khiển hành quân vượt biên sang Lào và Campuchia trước khi phối hợp với SOG để hoạt động ở Bắc Việt.

Một vài nhiệm vụ của SOG không đưa ra công khai là có liên quan với những vụ tập kích 34 Alpha vào những căn cứ ngoài bờ biển Bắc Việt, do người Nam Việt Nam được Mỹ huấn luyện, mà một vài sử gia cho rằng: “Những vụ tập kích đó, có thể đã làm bùng nổ sự kiện vịnh Bắc Bộ hồi tháng 8-1964”.

Đối với Blackburn đây là một việc làm lý tưởng của một chức vụ đại tá để điều khiển một binh chủng hỗn hợp hải, lục, không quân quốc tế hoạt động bí mật mà chỉ riêng một nhóm người được biết và báo cáo thẳng với tướng bốn sao Westmoreland, chỉ huy trưởng quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Blackburn vừa muốn để Simons là một trong những phụ tá nhưng cũng muốn để cho Westmoreland chấp nhận Simons đến Việt Nam trong cuộc tập kích. Điều đó không phải dễ gì vì chính sách cứng rắn của Westmoreland. Theo nguyên tắc, những sỹ quan muốn được chỉ định vào Tổng hành dinh thì phải tốt nghiệp ở một trường tham mưu nào đó. Simons có hiệu lực của một chỉ huy tác chiến, một lãnh đạo có tài, một sỹ quan trù bị, nhưng chưa được xếp vào tiêu chuẩn và khả năng phong lên cấp tướng, cho dù Simons là một biệt động quân chiến đấu giầu kinh nghiệm, có cơ sở là lực lượng đặc biệt làm nền tảng, có hiểu biết tường tận về Đông Nam Á và Bắc Việt Nam. Hơn nữa ông ta đã chỉ huy đơn vị Sao trắng trong hai chuyến đi Lào. Vì lý do đó mà Lầu Năm Góc phải áp dụng thủ tục đặc biệt, ngoại lệ đối với chính sách của Westmoreland, trước khi Simons được gia nhập vào SOG.

Blackburn đảm nhiệm chỉ huy SOG vào tháng 5-1965, đây là thời điểm nguy ngập của cuộc chiến. Các cố vấn Mỹ và những hoạt động chiến đấu được coi như là bị hạn chế ở Việt Nam. Nhưng các đơn vị của Blackburn nhảy xuống Lào và Bắc Việt Nam. Ông ta nhớ lại những ngày du kích chiến và khuyên các toán của ông ta đừng liều lĩnh mạng sống một cách vô ích.

Các đơn vị của ông ta đã không mất một người nào trong khi tham gia 45 lần hành quân đợt đầu vượt biên giới do SOG vạch ra. Ông ta cho các toán xâm nhập bằng trực thăng vận, sau khi hoàng hôn xuống hoặc trước lúc rạng đông để tránh người Bắc Việt hoặc Việt Cộng có thể phát hiện được. Blackburn thường nói với các toán rằng: “Sau khi đổ xuống, hãy chạy ngay vào các rừng cây bụi rậm và chờ sẵn, để cho họ lục tìm. Khi các anh thấy họ, các anh sẽ phục kích lại họ”.

Những kinh nghiệm như vậy mà các toán lực lượng đặc biệt của SOG vẫn bị hoang mang sợ hãi khi phải đi vào những vùng nguy hiểm. Blackburn rất lo lắng khi người của ông ta bị bắt, mà những người cộng sản, như ông ta đã biết thường lợi dụng để tuyên truyền trên thế giới, nếu họ có thể chứng minh được quân chiến đấu của Mỹ đang hoạt động bên ngoài biên giới Nam Việt Nam.

Trong khoảng thời gian mà Blackburn chỉ huy SOG từ tháng 5-1965 đến 5-1968 lực lượng quân Mỹ ở Đông Nam Á đã tăng lên từ 22.000 cố vấn đến trên 8 sư đoàn cho nên Westmoreland và Lầu Năm Góc phải tập trung vào việc xây dựng một lực lượng khổng lồ, với một cơ sở hậu cần rộng lớn, cần thiết yểm trợ. Những hoạt động không chính thức của SOG không có gì nổi bật, vì lý do bí mật và ít khi thấy việc làm của nó nằm trong kế hoạch chiến lược toàn diện trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy vậy những hoạt động của SOG gây được ảnh hưởng sâu sắc cho người Bắc Việt Nam. Trong một cuộc hành quân, những chuyên viên của SOG đã làm cho nghề đánh cá của Bắc Việt ngừng trệ trong sáu tháng. Những thuyền của SOG đã bắt được nhiều người đánh cá của Bắc Việt trong vùng từ Vinh đến khu phi quân sự. Những cuộc bắt bớ đã được thực hiện trong nhiều tuần. Gần 1.000 người đánh cá đã bị bắt đưa về đảo Phượng Hoàng gần Đà Nẵng, một trong những căn cứ bí mật nhất của SOG. Những người Bắc Việt thường dùng thuyền đánh cá để chở vũ khí vào tiếp tế cho miền Nam, nên SOG phải đánh chìm thuyền đó. Blackburn tin tưởng mạnh mẽ vào hiệu quả của những hoạt động không chính thống như vậy. Nó không thiệt hại bao nhiêu, nhưng lại làm hao mòn tâm lý địch, làm nản chí binh lính đối phương, đánh lạc hướng sự chăm chú của họ. Sau chuyến công tác ở Việt Nam trở về Washington ông ta khuyên Lầu Năm Góc cần đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý.

Vào tháng 5-1970, chiến cuộc đã vượt quá đỉnh cao trong sự nhúng tay vào của người Mỹ. Năm 1969 đã có 115.482 người Mỹ phải rời Đông Nam Á, có 11.527 người Mỹ chết trong năm đó và có 3.279 người chết trong năm 1970. Ngoài ra có hàng trăm người Mỹ vẫn nằm trong nhà tù. Tính đến ngày 20-5-1970 thì trung úy hải quân Everett Alvarez đã sống 2.120 ngày trong nhà giam của Bắc Việt. Thiếu tá Floyd Thompson, một sỹ quan của lực lượng đặc biệt thuộc đơn vị cũ của Mayer, cũng đã bị cầm tù trong 2.250 ngày. Blackburn cảm thấy sốt ruột và cần phải làm gì để cho Bắc Việt đàm phán nghiêm túc về vấn đề trả tự do cho tù binh Mỹ. Sự xâm lược Campuchia là một hoạt động quân sự thông thường cũng đã bị thất bại. Giờ đây Blackburn đang tính mưu kế làm một việc gì đó, để quấy động đối với Bắc Việt. Điều mà ông ta đã có sẵn trong đầu óc, là một chuỗi hoạt động không tuyên bố, không quảng cáo, không chính thống do những lực lượng bé nhỏ thực hiện. Như việc phá vỡ đập thủy điện Thác Bà trên sông Hồng cách Hà Nội 65 cây số về phía tây bắc v.v…

Có lúc Blackburn muốn gây ra sự phá hoại điêu đứng ngay trong nội địa Hà Nội, cũng giống như Việt cộng đã gây ra ở miền Nam. Cuộc phá hoại đập Thác Bà có thể làm được, và đây cũng là cuộc tập dượt, hơn nữa những việc này lực lượng đặc biệt được huấn luyện để phá hủy những ổ khóa của kênh đào Panama, mặt khác việc phá đập Thác Bà có thể trở thành món hàng mặc cả của thượng cấp. Việc này còn hiệu nghiệm hơn là cuộc “xung phong bằng kỵ binh” vừa rồi vào Campuchia.

Tập kích Sơn Tây có thể làm cho Tổng thống chú ý nếu không còn câu hỏi như: “Lạy chúa tôi! Phải có bao nhiêu tiểu đoàn để làm việc đó!”. Chỉ cần các nhà lãnh đạo có thể để cho ông ta vào miền Bắc một cách đặc biệt như vậy chỉ một lần thôi…
PHÒNG “TANK”

Blackburn và Mayer lấy ngày 1-6 là thời gian cuối cùng để quyết định giải pháp. Ba giờ chiều ngày hôm đó, họ cùng với John W. Vogt và trung tướng Donald Bennett giám đốc DIA xem lại nhiều giải pháp giải thoát. Trong bản thuyết trình của Blackburn có đồ biểu, các bản đồ. Và cuộc thảo luận đó kéo dài khoảng 45 phút. Họ đưa ra nhiều nguyên tắc cho một cuộc chiến, mà họ gọi là “vùng bí hiểm”. Danh hiệu này tình cờ được lấy ra ở một máy tính của Lầu Năm Góc, đó là một trong ba danh từ ám hiệu mà cuộc hành quân phải có khi cuộc tập kích được tung ra.

Một tuần sau, diễn biến của nhóm 1127 về những ảnh chụp trại tù binh Sơn Tây được các chuyên gia kỹ thuật phân tích xem xét, được cơ quan DIA thừa nhận. Những tài liệu đó được chuyển đến một ngôi nhà ít ai biết đến ở ngoại thành Washington, cách nhà quốc hội Capitol một quãng. Ngôi nhà đó gọi là “tòa nhà 213” một danh hiệu mới và chỉ được xuất hiện hai hoặc ba lần trong quyển niên giám điện thoại Bộ Quốc phòng. Đó là Trung tâm nghiên cứu giải thích ảnh chụp quốc gia, một bộ phận của Văn phòng trinh sát quốc gia, một cơ quan hết sức mật, ai không có trách nhiệm mà nói đến có thể bị vào nhà tù quân sự Liên bang tại đồn điền Leavenworth, bang Kansas.
Cũng như các dãy nhà khác của Lầu Năm Góc, Trung tâm này thuộc Ban Giám đốc cơ quan “thu thập và kiểm soát” của DIA tại trạm Arlington Hall của Lầu Năm Góc, nơi mà các nhà phân tích của Bennett đang xem xét lại một cách kỹ lưỡng những ảnh mới chụp của những máy bay trinh sát điện tử SR-71 từ độ cao trên các vùng thôn quê phía tây Hà Nội. Họ cần những xác nhận là không chút nghi ngờ rằng có một trại tù binh ở Sơn Tây và một trại ở gần đấy mà họ gọi là Ấp Lò.

Những tin tình báo đó thu thập được ở hai nguồn tin khác nhau. Một là của tướng Nguyễn Cao Kỳ phó tổng thống Việt Nam cộng hòa, quê ở thị xã Sơn Tây, ông ta vẫn có bà con thân quyến ở đó cho biết. Và nguồn tin của một người thầu khoán tên là Trịnh người miền Bắc vào Nam Việt Nam, đã có thời kỳ phục vụ tại nhà tù Sơn Tây, đang định cư ở Sài Gòn. ông này vẫn thỉnh thoảng cho biết một tin vụn vặt ở miền Bắc. Những tin tức đó được tổng hợp lại và biết chắc chắn có khoảng 50 người Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây, cũng có thể gần 100 người. Điều này chứng tỏ việc mở rộng khu trại với những vùng đất mới đào lên xung quanh là đúng.

Duyệt lại những khả năng giải thoát tù binh với các tướng Vogt và Bennett tại Lầu Năm Góc, Blackburn và Mayer không tán thành kế hoạch đầu tiên là cho một điệp viên vào vùng phía đông núi Ba Vì, để từ đó gọi lực lượng đặc biệt đến bốc tù binh đi. Làm như vậy cuộc hành quân dễ thất bại, dù cho có thành công thì hy vọng giải thoát tất cả các tù binh cũng sẽ tiêu tan. Cả hai trại đều nằm trong khu vực hẻo lánh, là những mục tiêu đầy hứa hẹn cho một cuộc giải thoát tù binh lớn hơn, quy mô hơn. Mọi giải pháp được đưa ra là dùng một cuộc tập kích nhỏ đơn giản vào trại tù Sơn Tây mà nơi xuất phát từ những địa điểm của CIA ở biên giới Lào, cách Sơn Tây khoảng 155 dặm. Địa điểm này khá gần với mục tiêu, trực thăng có thể bay đi bay về mà không phải tiếp dầu trên không. Thời gian đó gió mùa đông bắc đã xuất hiện ở Bắc Việt, thời tiết không thuận tiện cho việc lấy thêm dầu trên đường bay, có thể bố trí cho hai hoặc ba trực thăng nằm chờ gần đâu đấy trên đất Lào, trong khi lực lượng tập kích đã lên đường. Những trực thăng này chỉ hoạt động khi tù binh được cứu, hoặc đi tìm và giải cứu cho các trực thăng khác bị bắn rơi, hay bắt buộc phải hạ cánh trong nội địa Bắc Việt. Khu trại Sơn Tây vừa đủ rộng để cho một trực thăng tiến công nhỏ đáp xuống bên trong, việc đó giúp được phần nào cho lực lượng đặc biệt xông thẳng vào các buồng giam trước khi người Bắc Việt kịp phản ứng.

Một kế hoạch khác là có thể được xuất phát từ Thái Lan, nhưng nó sẽ gây ra một cuộc hành quân lớn và rắc rối hơn. Việc tiếp tế nhiên liệu trên đường bay là cần thiết, thời gian của cuộc hành quân phải tùy thuộc nhiều vào dự báo thời tiết chính xác. Các nhà khí tượng học đã cho họ biết, thời tiết tốt sẽ không đến trước tháng 10 và cuộc tập kích có thể thực hiện về ban đêm.

Blackburn nghĩ đến thời tiết là yếu tố then chốt và các dữ liệu về khí tượng đã được phân tích nên việc phối hợp thời tiết với việc bay trong đêm có ánh trăng là điều đáng lưu ý. Thời tiết không chắc chắn trong mùa gió này phần nào làm cho Blackburn giảm sự cố gắng, và việc xúc tiến công việc.

Có nhiều bất lợi để thực hiện vụ tập kích từ một căn cứ gần trên đất Lào, Blackburn đã nghĩ đến và rất coi trọng hệ thống tình báo đối phương, vì công tác tình báo Bắc Việt khá hiệu nghiệm, thường biết trước được các cuộc oanh tạc của B.52, xuất phát từ Guam ở cách xa Bắc Việt 2.400 dặm. Vì vậy người Bắc Việt cũng có thể biết được các trực thăng túc trực ở biên giới phía Bắc Lào một cách không khó khăn gì. Blackburn đã rút ra một kết luận: “Khi mà hoạt động đối phó với một hệ thống tình báo phức tạp, thì đừng tránh né mập mờ mà phải chắc chắn…”. Blackburn đã đưa ra một phương án là có thể đánh lạc hướng sự chú ý của Bắc Việt ở Sơn Tây bằng cách nhờ hải quân đánh phá Hải Phòng. Có như vậy thì mới hy vọng rằng cuộc tập kích đạt trên 90% an toàn. Vogt và Bennett tán thành những nhận xét của Blackburn và hứa hẹn sẽ trình bày ý kiến này lên tham mưu trưởng hỗn hợp.

Kế hoạch của Blackburn chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập hợp một nhóm nghiên cứu những việc có thể thực hiện được, gồm 25 người sẵn sàng nhận lệnh để báo cáo với tham mưu trưởng hỗn hợp, thời gian vào khoảng 15 tháng 7 năm 1970.

Giai đoạn hai kế hoạch cuộc tập kích được chi tiết hóa tiếp theo là sự tập luyện và thi hành.

Vogt nghĩ rằng 25 người cho một nhóm là quá nhiều nên chỉ cần để một nửa, nhưng Vogt muốn xúc tiến nhanh các phần kế hoạch phải xong trước ngày 30 tháng 6 năm 1970.

Trưa hôm sau, ngày 2-6, Blackburn và Mayer được đến thuyết trình cho tướng Wheeler nghe và ông ta tỏ ra nhiệt tình ủng hộ. Wheeler nói: “Không ai có thể nói không đối với cuộc hành quân này”. Và ông ta muốn biết xem người kế vị ông là đô đốc Moorer có ủng hộ kế hoạch này hay không? Blackburn cho Wheeler biết là đã thuyết trình cho Moorer trước đây, tuy chưa được chi tiết lắm. Giờ đây Wheeler thấy đã đến lúc cho các tham mưu trưởng hỗn hợp và Bộ trưởng Quốc phòng biết cuộc giải thoát tù binh rộng lớn đã được nghiên cứu. Ông ta đòi hỏi phải được thuyết trình cụ thể cho các tham mưu trưởng hỗn hợp, trước khi Wheeler nhân danh chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp viếng thăm khối NATO lần chót.

Thứ sáu ngày 5 tháng 6, vào khoảng một giờ chiều tại phòng họp vàng gọi là “TANK”, Blackburn và Mayer được gọi vào để thuyết trình với các tham mưu trưởng hỗn hợp. Blackburn để cho Mayer thuyết trình còn ông ta ngồi quan sát thái độ, trông từng vẻ mặt của các vị sỹ quan cấp tướng có mặt ở đấy. Đến khi buổi thuyết trình kết thúc, không có một ai trong số này hỏi thêm một câu hỏi nào. Các vị tướng đều đồng ý rằng SACSA nên xúc tiến việc nghiên cứu sâu sắc, để thực hiện cho được kế hoạch giải thoát các tù binh từ trại Sơn Tây và Ấp Lò trở về.

Theo đà tiến triển, sau cuộc họp họ còn thuyết trình cho phụ tá tham mưu trưởng hỗn hợp đặc trách về những cuộc hành quân. Mỗi một vị phụ tá của tham mưu trưởng hỗn hợp có riêng một sư đoàn đặc biệt, từ đó mà SACSA có quyền được rút tuyển bất cứ nhân viên nào, thiết bị gì, và chi các ngân khoản mà họ cần để thiết lập tổ chức cuộc tập kích. Hôm sau, Blackburn và Mayer còn phải đến Tổng hành dinh của CIA ở bang Virginia, gặp phụ tá đặc biệt của giám đốc về Đông Nam Á là George Carver và phụ tá của ông này là Richard Elliott, về các vấn đề tù binh. SACSA và văn phòng của Carver làm việc chung gần như hàng ngày. Elliott, Blackburn đã phục vụ trong nhóm hoạt động đặc biệt SOG và với Mayer trong IPWIC.

Blackburn đã đề nghị với Carver cho một người của CIA thường xuyên nghiên cứu kế hoạch tập kích cộng tác với ông ta. George Carver tán thành ủng hộ việc nghiên cứu kế hoạch đó. Kế hoạch của Blackburn và Mayer được cấp “giấy phép đi săn”, có nghĩa đã được sự đồng ý của Lầu Năm Góc về sự hợp tác và cung cấp những phương tiện mà họ cần dùng để thực hiện kế hoạch giải thoát tù binh. Nhưng từ khi đề xuất, nghiên cứu và thuyết trình đến khi được đồng ý, họ đã mất khá nhiều thì giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét