Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

VỤ TẬP KÍCH SƠN TÂY CỦA ĐẶC NHIỆM HOA KỲ GIẢI CỨU CÁC PHI CÔNG BỊ CỘNG SẢN BẮC VIỆT GIAM GIỮ - PHẦN 4


1    2    3    4    5    6    7    8
BENJAMIN F.SCHEMMER
Tàu sân bay và điệp viên
Với những lý do mà Blackburn và Manor chưa hề được giải thích ngay sau khi buổi thuyết trình với Kissinger thì Nhà Trắng quyết định hoãn thi hành cuộc tập kích. Ba năm sau Manor giải thích với nhóm tù binh được thả vào năm 1972: “Ban đầu thì kế hoạch được tiếp nhận một cách rất hăng hái nhưng sau đó thì lại có quyết định phải hoãn công tác cho đến tháng 11, là thời điểm thứ hai đã dự kiến của chúng tôi. Một lý do khiến tôi muốn thi hành ngay vào tháng 10 là vì tôi rất quan tâm đến vấn đề an ninh. Nhưng dù sao việc đình hoãn này cũng giúp cho chúng tôi thêm thời gian để tiếp tục thực tập và phối hợp”.

Vào ngày thứ 2, ngày 19 tháng 10, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Thomas Moorer mời Blackburn đến văn phòng và nói cho biết là ông ta và Bộ trưởng Quốc phòng Laird sẽ quyết định tối hậu về công tác, không cần đệ trình cấp cao hơn nữa.


Thứ ba tuần sau, ngày 27 tháng 10, Moorer nói cho Blackburn biết ông ta muốn tập hợp một buổi họp nội bộ vào ngày chủ nhật 1 tháng 11 và sẽ cho các toán hành động xuất phát hai tuần lễ sau đó, vào thứ ba, ngày 10 tháng 12. Hôm sau, ngày 28 tháng 10 chuyến máy bay trinh sát Buffalo Hunter lần thứ 7 bay trên vòm trời tại Sơn Tây. Vì máy chụp ảnh quá sớm cho nên tấm ảnh mang về chỉ thấy hiện ra một chân trời ở cách xa trại Sơn Tây mà thôi. Bennett, Blackburn và Manor đều quyết định chấm dứt mọi sự cố gắng của loại máy bay Buffalo Hunter này. Cũng vào cuối ngày hôm đó Blackburn được tin Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ thị chấm dứt mọi chuyến bay BARCAP cho đến ngày 10 tháng 11. Đây là các loại máy bay có gắn hệ thống ra đa để theo dõi các phản lực MIG của Bắc Việt Nam và hướng dẫn máy bay oanh tạc của Mỹ bắn phá chúng. Việc chấm dứt các đường bay này làm cho các toán của Udo trở thành đui và điếc trong suốt 12 ngày. Nếu Bắc Việt Nam đột nhiên cho tất cả mọi máy bay chiến đấu tập trung ở vùng gần Sơn Tây nhất thì đến khi họ biết được đã quá muộn. Sáng hôm sau, ngày thứ năm 29 tháng 10, Blackburn hỏi Vogt có thể cho các máy bay BARCAP hoạt động trở lại được không. 



Nhưng còn những chuyến bay khác hoạt động trên vùng trời Bắc Việt Nam thì ông ta muốn tạm chấm dứt. Đây là những chuyến bay C-130 về hoạt động tâm lý chiến. Thả truyền đơn khắp nơi ở Bắc Việt, cộng thêm với một vài chuyến bay Buffalo Hunter cũng để thả truyền đơn trong chiến dịch “Litterbug” mà những chuyên viên thi hành chiến dịch này thường gọi là máy bay thả “bom phân bò”. Vogt đồng ý và cho rằng đây là thời điểm sai lầm nếu tiếp tục các chuyến bay đó để “khuyến khích hệ thống báo động” của Bắc Việt Nam.



Cũng trong ngày hôm đó Blackburn đã phải giải quyết hai đều rắc rối nữa. Một là việc có liên hệ đến Hải quân, còn việc khác thì liên quan tới CIA. Vài tháng trước đây Bộ tư lệnh Hải quân có chương trình thay thế tàu sân bay America để dùng tàu sân bay Ranger cho toán hành động 77 ở vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó thì các nhân viên phi hành trên tàu sân bay America đã được thực tập để đánh lạc hướng việc tập kích Sơn Tây. Vì việc thay phiên và thực hiện mọi việc tu bổ tàu sân bay là rất phức tạp nên những sự thay thế như vậy đòi hỏi phải dự liệu hàng tháng trước, đôi khi cả một năm. Nhưng Blackburn chỉ nhận được tin thay thế này vào ngày 29 tháng 10. Trong cuốn sổ tay riêng của ông ta, Blackburn có ghi chú vào ngày đó như thế này: “Thật lạ lùng, tôi được báo cho biết về nhu cầu thay thế tàu sân bay Ranger và Hancock vào ngày 19 tháng 11 giữ lại tàu sân bay Oriskany cho đến ngày 26 tháng 11. Như vậy thì phải chuyển phi hành đoàn và máy bay từ tàu sân bay America sang Ranger hay sao?”. Ông ta tìm gặp ngay Vogt. Vogt sững sờ: “Tại sao người ta lại không tính đến việc này trước đây”. Blackburn giải thích là nhu cầu này đã được ghi trong kế hoạch trước đó. Nhưng thông thường thì bất cứ trong những vấn đề quan trọng nào cũng có khe hở mà Lầu Năm Góc là một dinh cơ được xây cất cách đây 27 năm cho nên nó có nhiều khe hở lắm. Vogt phải tự lo giải quyết về việc thay đổi bất ngờ các tàu sân bay nói trên, nhưng ông ta lại gặp phải hai trở ngại: Một là không ai biết rõ khi nào thì Nhà Trắng sẽ cho phép thi hành cuộc tập kích, hai là các nhà vạch kế hoạch muốn mọi việc đều xảy ra với nhịp độ bình thường để cho Bắc Việt Nam khỏi lưu ý.



Vogt nói, ông ta sẽ cố gắng giải quyết việc thay đổi tàu sân bay. Nhưng việc này không phải là dễ. Khi điện của chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng được gửi đến Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thì vị tư lệnh của hạm đội Thái Bình Dương chạy ào vào gặp ông tham mưu trưởng của đô đốc J.McCain, là đại tướng Charles A. Corcoran. ông ta nói: “Có việc gì kỳ quặc đang xảy ra. Chúng ta nhận được nhiều lệnh lạ lùng, chỉ thị thay đổi các tàu sân bay khắp nơi trên Thái Bình Dương và các lệnh này thật là ngớ ngẩn. Không biết có cái quái gì đây?”



Corcoran nói với Blackburn: “Tôi chưa từng nói dối anh điều gì. Bây giờ tôi cũng không muốn nói dối anh. Nhưng tôi sẽ không giải thích được. Tôi chỉ mong anh nghe theo tôi một lần nữa. Cứ chấp hành mệnh lệnh đã”.



Như vậy là Blackburn chỉ còn có một việc rắc rối thứ hai nữa thôi. Vào ngày 29 tháng 10, ông ta phát hiện ra rằng CIA đang “quấy rối” ngay sau lưng ông ta.



Sáng hôm đó trong cơ sở rộng 213 sào dựng bằng vách gỗ của CIA tại Lancaster, tiểu bang Virginia, George Carver tưởng chừng như đang sống trong một cơn mê. Vừa mới ngày hôm qua ông ta đã bảo đảm với Blackburn rằng không có một điệp viên nào của CIA đang hoạt động tại Bắc Việt Nam. Thế mà bây giờ Blackburn đang thách thức ông ta về sự đoán chắc đó. Trong suốt những tháng hoạch định chương trình cho cuộc tập kích Sơn Tây, suốt trong 16 buổi sáng thứ bảy liền phối hợp chung với người liên lạc được chọn lựa đặc biệt của Carver, Blackburn đã bao lần nhấn mạnh về sự lo lắng của ông ta đến việc có thể có một vài điệp viên nào đó của CIA đang sục sạo ở miền Bắc vào đúng thời gian không thuận lợi, hoặc trong vùng hoạt động không thuận lợi, có thể là bị bắt giữ, và có thể báo động cho hệ thống phòng thủ của Bắc Việt Nam về một sự việc quan trọng nào đó đang xảy ra. Blackburn nhắc lại cho Carver biết về sự lo lắng của ông ta và nói rõ rằng ông ta đã tìm hiểu được qua một đường dây riêng có một hoạt động điệp báo của CIA đang tiến hành trong lúc này.



Carver phải thú nhận điều đó. Nhưng ông ta nhấn mạnh là sự hoạt động ở cách xa Sơn Tây về hướng Nam, gần con đường số 7 ở miền Nam biên giới Lào. Ông ta cãi là hoạt động này không thể làm nguy hại việc tập kích Sơn Tây. Đây chỉ là một hoạt động điệp báo loại nhỏ, vì lẽ đó ông ta đã không nghĩ đến điều này khi Blackburn hỏi về các hoạt động điệp viên trước đây.



Blackburn có cảm tưởng từ lâu là báo cáo của CIA về việc theo dõi các hoạt động điệp báo của họ không được nhanh chóng cho lắm. Hầu như mỗi một điệp viên được đưa vào miền Bắc kể từ năm 1964 đều bị chặn bắt  có hàng trăm điệp viên người miền Nam và một vài người miền Bắc đã được CIA chiêu hồi để làm việc này. Ngay sau khi nắm quyền chỉ huy cơ quan SOG từ năm 1965, Blackburn đã được biết có vài toán điệp báo nhiều tháng nay đã không được tiếp viện. Chính ông ta đã phản kháng việc đưa thêm người cho đến khi nào CIA đã tổ chức lại để lo liệu cho những người đã có mặt tại khu vực hoạt động từ lâu. Chính CIA đã làm mất nhiều điệp viên cừ khôi và suýt làm nguy đến tính mệnh của những người khác như Dick Meadows chẳng hạn trong khi lo đi cứu họ, nhưng Blackburn càng cố nhớ lại bao nhiêu thì càng thấy rõ tất cả hoạt động điệp báo đều không đem đến được một mẩu tin tức tình báo nào có ích lợi.



G.Carver là một trong những chuyên viên tình báo mà Blackburn ưa thích nhất. Carver cũng đồng quan điểm về các loại hoạt động bất quy tắc, chứ không tin tưởng nhiều về số lượng người, và đã hết sức ủng hộ cơ quan SACSA. Carver là một học giả tốt nghiệp Đại học Ross trước đây, và cũng là một chuyên viên tâm lý chiến, thuộc loại người nhanh tay lẹ chân. Ông ta có thừa năng lực và lúc nào cũng thích cầm điện thoại để hỏi cho ra lẽ. Trong bất cứ buổi họp nào nếu có ai thắc mắc điều gì thì ông ta thường chụp ngay điện thoại để tìm cho ra câu trả lời ngay tức khắc. Chính điều đó khiến Blackburn lo ngại là Carver không hoàn toàn thật lòng với ông ta. Khi ông ta hỏi Carver về địa điểm chính xác mà các điệp viên đang hoạt động tại Bắc Việt Nam thì Carver không chụp điện thoại để tìm câu trả lời. Trái lại Carver ngồi thừ người, không chối cãi không xác nhận, chỉ đề nghị theo thói quen của ông ta là nếu hoạt động gián điệp báo không làm phương hại đến kế hoạch của Blackburn thì Blackburn đừng nên tìm hiểu làm gì.



Blackburn cố gắng dằn lòng, cân nhắc từng lời nói một: “Tôi nghĩ là anh không sòng phẳng với tôi. Theo chỗ tôi biết thì cái tên điệp viên nào đó của anh đang hoạt động gần địa điểm 32 ở miền Bắc Lào chỉ cách Sơn Tây có 100 dặm thôi. Trong vòng 3 tuần lễ nữa chúng tôi sẽ cho xuất phát cuộc tập kích nhưng ngay bây giờ thì tôi lại biết được người của anh đang hoạt động ngay sau lưng tôi. Nhân viên đó có thể làm hỏng hết mọi việc. Và anh cũng không thèm nói cho tôi biết về sự hiện diện của đương sự. Tôi đang nói chuyện với anh là thay mặt cho Chủ tịch. Chúng tôi muốn tên điệp viên ấy chấm dứt ngay hoạt động. Người Bắc Việt có thể theo dõi điệp viên của các anh dễ dàng hơn là chúng tôi, còn chúng tôi cũng có thể tìm ra được hắn chẳng khó khăn gì. Đó là một lý lẽ khiến tôi đã để cho người của các anh tham gia vào việc hoạch định chương trình này  để các anh giúp chúng tôi chấm dứt cái trò tệ hại này”. Blackburn còn nhớ là Carver phản ứng với một thái độ bình thản  tinh đời, trầm ngâm, không tiết lộ điều gì. Ông ta chỉ nói là sẽ cố gắng làm bất cứ việc gì có thể được. Blackburn nổi xung lên, nói là chúng ta đều làm việc cho một tập thể v.v… và v.v…



Blackburn bỏ ra khỏi cơ quan CIA với sự bất mãn, chán nản, rối trí, và lo âu. Có một việc gì kỳ quặc đang xảy ra thế mà ngay chính cả người của CIA có trách nhiệm trong việc giúp đỡ cho cuộc tập kích Sơn Tây cũng không thèm nói cho ông ta biết việc gì và tại sao.



Năm năm sau Blackburn mới tìm hiểu được tất cả mọi lời giải đáp. Nhưng sau đó vài ngày thì Mayer có nói cho ông ta biết một phần lý do về sự bối rối của Carver. Cơ quan CIA đã mất địa điểm hoạt động 32. Cộng sản đã nắm được tin tức về địa điểm xuất phát phụ cho cuộc tập kích Sơn Tây, và các chuyên viên CIA đang cố gắng hết mình để tìm cho ra đầu mối liên lạc đã mất ấy.

Sơ hở và thất lạc công điện

Vào ngày chủ nhật 1 tháng 11, Blackburn, Manor và Simons rời căn cứ không quân Andrews để đi Hawaii và từ đó đi miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này một bộ phận tham mưu nhỏ của toán hành động hỗn hợp cấp thời bay đi Đông Nam Á để tìm gặp các vị chỉ huy Không đoàn và căn cứ có nhiệm vụ yểm trợ cho cuộc tập kích Sơn Tây. Mỗi vị chỉ huy đều nhận được một bức thư có tính chất chỉ thị riêng vừa đủ nội dung tin tức để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Không kể một vài vị sĩ quan mà chính Blackburn, Manor và Simons sẽ trực tiếp gặp, không còn ai biết rõ về mục tiêu của công tác này.

Để tránh mọi sự chú ý có thể xảy ra, các sĩ quan tham mưu của toán hành động bay đến nhiều địa điểm khác nhau trong vùng Đông Nam Á, trên những chuyến bay thường lệ và ngay cả trên những chuyến bay còn thừa chỗ. Sau này Manor có viết trong báo cáo rõ ràng rằng: “Việc này làm hao phí nhiều thời gian và chỉ có thể trông chờ vào một vài đường đây liên lạc may mắn để có thể hoàn tất kịp thời sự phối hợp kế hoạch theo dự định. Đúng ra thì nên có những chuyến bay riêng biệt cho mục đích này, như vậy thì mới giảm bớt được nhiều rắc rối có thể xảy ra và cho phép các chuyên viên thêm nhiều thời gian để hoàn thành công tác”.

Ngày thứ hai  2 tháng 11, lúc 10 giờ 45 sáng tại Hawaii, Blackburn, Manor và Simons thuyết trình cho Đô đốc McCain và tham mưu trưởng của ông ta. McCain rõ ràng là quan tâm, ngồi yên trên ghế. Lẽ tất nhiên sự quan tâm của ông ta là đối với những tù binh có thể sẽ bị bỏ rơi ở lại trong đó có con trai của ông ta. Tuy nhiên ông ta vẫn hết lòng ủng hộ việc tập kích. Một trong những người dự buổi họp đã nghĩ rằng ông ta đang bị đặt vào một cương vị khó khăn. Sau buổi họp, McCain dành riêng chiếc máy bay đặc biệt của ông thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương để đưa Blackburn, Manor và Simons bay thẳng suốt 6296 dặm đến Sài Gòn. Cả ba rời Oahu lúc 4 giờ 45 chiều để bay vượt qua miền tây Thái Bình Dương trong một chuyến đi dài.

Cả ba người cảm thấy được ưu đãi, chiếc máy bay C-118 (loại DC-7 của quân đội được cải tiến lại) của đô đốc McCain là một loại vận tải cơ thuộc cấp lãnh đạo được trang bị như là một Tổng hành dinh trên không  có ghế đệm êm ấm, có giường nằm, phục dịch sang trọng, thức ăn uống ngon lành và với tầm bay thấp, tốc độ 350 dặm một giờ, nhờ đó cả ba người đều có dư thời gian để ngủ bù. Máy bay đáp xuống Iceland để lấy thêm nhiên liệu, vượt qua làn ranh giới đổi thay giờ giấc quốc tế và lại đáp xuống để lấy thêm nhiên liệu lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau tại Philippines. Chặng ngừng cuối cùng là Sài Gòn. Tại đây họ sẽ thuyết trình cho tướng Creighton Abrams, người thay thế tướng Westmoreland, để chỉ huy Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV).

Tuy nhiên trên đường bay cũng còn một vài việc phải làm cho xong. Trước khi rời Washington, Moorer có hỏi Blackburn nếu có một trận thả bom lớn tại miền Bắc, chỉ vào khoảng một ngày thôi, ngay trước thời gian thực hiện tập kích ở Sơn Tây, thì có gây ra điều gì rắc rối thêm không? Có thể đây là một trận thả bom đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam sau hơn 2 năm qua. Moorer có cho biết là Nhà Trắng đang dự tính việc này và có đề nghị là nên buộc chặt việc này với việc giải thoát tù binh ở Sơn Tây. Blackburn đã yêu cầu Mayer viết nhận định về việc này, trước khi ông ta trở về. Tuy nhiên trên đường bay đến Sài Gòn Blackburn vẫn ghi chép riêng những điều suy nghĩ:

a) Trận thả bom sẽ gây ra rắc rối dữ dội, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

b) Có thể tạo ra lý lẽ tốt cho Bắc Việt Nam - nếu trường hợp (a) ở trên là đúng, để họ trả thù những tù binh còn bị kẹt lại.

c) Có thể làm rúng động toàn bộ hệ thống báo động của địch.

d) Chúng ta không nên làm ồn ào quá đáng về công tác riêng của chúng ta để đạt được một tâm lý ủng hộ tối đa, ví dụ như việc trình bày rằng công tác này chỉ nhằm mục đích nhân đạo. Nếu để cho trận thả bom dính líu đến việc này thì sẽ làm tổn hại đến mục đích công tác và tạo ra một sự chỉ trích gay gắt.

e) Thừa nhận quan điểm với Nhà Trắng cho rằng việc thả bom nếu được thực hiện trước cuộc tập kích thì sẽ tăng cường thêm hiệu lực cho các cuộc oanh tạc đánh lạc hướng của hải quân chúng ta.

f) Tuy nhiên điều thuận lợi sẽ kém xa điều bất lợi, có nghĩa là sẽ gây ra phản ứng chống đối.

Với thân hình vạm vỡ, ngồi phả khói xì gà, tướng Abrams lắng nghe Blackburn, Manor và Simons trình bày lần đầu tiên cho ông ta rõ về cuộc tập kích Sơn Tây. Bên cạnh ông ta còn có Lucius Clay, phụ tá không quân và chỉ huy trưởng không đoàn 7. Ngoài ra còn có đại tướng Welborn Dolvin cũng thuộc binh chủng thiết giáp như tướng Abrams và hiện là tham mưu trưởng của MACV. Tướng Abrams là người ít nói. Khi buổi thuyết trình chấm dứt, ông ta nói với Blackburn, Manor và Simons: “Lạy chúa! Đây thật là một công tác chuyên nghiệp. Tôi không thấy các anh sơ sót điều gì. Dường như các anh đã xem xét tận tường mọi góc cạnh. Tôi không có câu hỏi nào cả”. Abrams quay sang phía Clay và hỏi: “Sao, còn anh, có yểm trợ việc này được không?”. Trong suốt buổi họp tướng Clay mở to đôi mắt, giống như đang mơ màng và dường như muốn nói: “Cái tên này thật là điên khùng”. Nhưng rồi ông ta lại nói với Abrams: “Tôi không bảo đảm hoàn toàn, nhưng chúng ta sẽ cố gắng hết sức để cùng lo việc này. Hình như chúng ta chỉ còn có độ 10 ngày để chuẩn bị mọi việc”. Tướng Clay biết rõ là việc này không dễ dàng vì ông ta đang lo thực hiện chương trình rút quân và vật liệu ra khỏi tất cả các căn cứ ở Đông Nam Á, nằm trong toàn bộ kế hoạch triệt thoái của Tổng thống Nixon.

Trong khi Blackburn bay trở về Washington để lo mọi việc khác của SACSA thì Manor và Simons dùng máy bay hải quân đi từ Sài Gòn đến vịnh Bắc Bộ, đáp xuống một tàu sân bay dùng làm chiến hạm chỉ huy cho đoàn phản ứng nhanh 77 của phó đô đốc Fred A. Bardshar. Bardshar được tin là có một nhân vật nào đó đang đến nhưng không biết là ai. Ông ta đã nhận được một công điện thuộc loại chỉ huy thượng khẩn do một người bạn ở Tổng hành dinh Thái Bình Dương gửi đến. Công điện báo cho ông ta biết có hai sĩ quan sẽ đến, một đại tá lục quân và một thiếu tướng không quân. Công điện yêu cầu Bardshar giúp họ mọi việc cần thiết, nhưng cuộc viếng thăm cũng như công tác của họ cần phải giữ bí mật tuyệt đối. Bardshar không được thảo luận việc này ngay cả với thủ trưởng của ông ta là Hạm trưởng Hạm đội 7, hoặc ngay cả với chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương.

Bardshar mời Manor và Simons vào văn phòng soái hạm. Sau đó ông ta cho gọi thêm hai người nữa đến là đại tá Alan Boot Hill sĩ quan điều hành và trung tá P.D. Hoskins  sĩ quan tình báo. Họ cùng chung lập kế hoạch cho các đường bay đánh lạc hướng của hải quân để che chở cho cuộc tập kích Sơn Tây, trong một thời hạn ngắn và điều kiện eo hẹp đòi hỏi cả về trí thông minh lẫn sức chịu đựng thể xác. Thiết lập một dự án hành quân chi tiết cho các loại máy bay oanh tạc của hải quân xuất phát từ tàu sân bay cũng giống như soạn một bản đại hợp tấu cho một dàn nhạc lớn của viện âm nhạc New York. Thiết lập một dự án oanh tạc vào ban đêm xuất phát từ hai đến ba tàu sân bay cũng giống như soạn bản đại hợp tấu cho hai hoặc ba dàn nhạc cùng trình diễn chung nhưng không tập dượt trước. Và vì lẽ dự án công tác này cần phải giữ tuyệt đối bí mật cho nên Boot Hill và Hoskins phải cố viết một bản nhạc mà các nghệ sĩ trình diễn chỉ được phép trông thấy lần đầu tiên trước khi mở màn hợp tấu.
Blackburn trở về Lầu Năm Góc vào ngày thứ ba 10 tháng 11 để trình bày với Moorer về chuyến đi Đông Nam Á và luôn cả sự lo âu của ông ta về dự tính thả bom một ngày. Thời điểm xuất phát của cuộc tập kích chỉ còn độ 10 ngày nữa cho nên ông ta không muốn nghĩ đến những cơn ác mộng đã thấy trong hàng mấy tuần qua. Nhiều đêm ông ta thức giấc tại căn nhà riêng ở Mclean, tiểu bang Virginia và tự hỏi: “Lạy chúa tôi! Nếu không có tù binh nào ở đó thì sao? Nếu trại giam trống trơn thì làm sao? Nếu có một cuộc thỏa hiệp nào thì sao?”. Nhưng bây giờ thì còn quá nhiều việc khác phải lo nghĩ đến.


Chiếc máy bay C-130 đầu tiên sẽ từ giã căn cứ Eglin để đi đến vùng mục tiêu vào ngày thứ năm 12 tháng 11. Simons và Manor đã trở lại căn cứ để kiểm soát lần cuối việc chuyên chở mọi vật dụng cần thiết và cầu chúc các toán lính lên đường bình an. Thời điểm xuất phát càng đến gần thì việc bảo vệ an ninh càng cần phải chu đáo. Nhưng Blue Max lại đến văn phòng của Blackburn vào ngày hôm đó để báo rằng ông ta còn lo âu quá nhiều. Lúc này có quá nhiều công điện mật mã từ cơ quan CIA gửi đến Thái Lan và Lào. Nhiều công điện mang nội dung về cuộc tập kích Sơn Tây.



Blackburn biết là sẽ có việc liên lạc công điện vào phút chót. Các chuyên viên CIA sẽ trình bày cho người của Simons về các kế hoạch tẩu thoát và vượt ngục khi cần, và biết đâu nếu trường hợp thời tiết trở nên khắc nghiệt thì có thể một hoặc nhiều trực thăng sẽ xuất phát từ địa điểm 32 ở miền Bắc Lào. Nhưng khi Blue Max chỉ cho ông ta thấy rõ là việc liên lạc đã tăng lên gần như gấp hai số lượng thường lệ thì Blackburn hoảng hốt. Ông ta báo ngay cho Moorer biết để nhờ gọi điện thoại cho Helms yêu cầu CIA hạn chế ngay tức khắc việc này.



Nhưng đây cũng là thời gian mà nhiều người mới sẽ đến tham gia vào cuộc chơi này. Một trong những người đó là phát ngôn viên của Lầu Năm Góc kiêm phụ tá quốc phòng về công việc dân sự tên là Daniel  Henkin. Là một phóng viên quân sự lâu năm, làm chủ nhiệm tạp chí quân lực trước khi nhận chức vụ công việc dân sự của Lầu Năm Góc vào cuối năm 1965, Henkin thuộc loại người cường tráng, dễ dãi, tóc hoa râm gợn sóng trông có vẻ như ông ta chỉ chải tóc khi nào chợt nghĩ tới. Đôi khi ông ta đã trêu tức các đoàn báo chí của Lầu Năm Góc vì ông ta thường tỏ ra bình tĩnh trước mọi biến chuyển, ví dụ như chuyện chiếc tàu Pueblo bị bắt giữ, chuyện tổng công kích Tết Mậu Thân và chuyện biến cố ở Campuchia. Một vài ký giả chuyên nghiệp ở Lầu Năm Góc thường mô tả ông ta là “vững như đồng”.



Khi Blackburn chấm dứt buổi họp riêng với Henkin về việc tập kích Sơn Tây vào rạng ngày thứ năm 12 tháng 11 thì Henkin, chỉ cảm ơn ông ta với vẻ bình thường, và hứa sẽ điều khiển được báo chí. Trong văn phòng làm việc của Henkin, trông giống như một căn hầm tại dãy phòng số 2 E800, nằm giữa khoảng đường vòng ngoài Lầu Năm Góc và những cổng vào phía bờ sông, câu chuyện quan trọng về việc giải cứu từ 60 đến 70 tù binh Mỹ ở cách thủ đô Hà Nội chỉ có 23 dặm giống như một chuyện đề nghị thông thường nào đó. Vì lẽ đó Blackburn cảm thấy hầu như mình là người ngu dại khi ông ta buộc về phòng làm việc. Tại sao mình lại quá quan tâm đến mọi việc dính líu này nọ trong khi một nhà báo thành thạo như Henkin lại có thể nghe chuyện tập kích như là một câu chuyện bình thường? Không lý việc giải cứu tù binh lại là việc nhỏ nhoi đến thế sao? Biết đâu vì ông ta đã nghĩ rằng cuộc tập kích là chuyện quá sức to lớn.



Cũng vào sáng hôm đó, Blackburn, Manor, Mayer và Simons lại họp thêm một lần nữa với Moorer. Mọi người đều cho là Moorer “thật phi thường”. Moorer nói với Manor: “Tôi giao cho anh một công tác để thi hành. Bây giờ anh lại sẽ nhận được cả một lô những yêu cầu cho biết tin này tin kia. Anh cứ việc tỉnh bơ không cần quan tâm tới”. Việc thi hành công tác là ưu tiên còn chuyện lễ nghi và các điều thắc mắc thì để sau. Moorer nói, ông ta sẽ làm mọi cách để giúp cho Manor và Simons nhẹ bớt gánh nặng trong những ngày sắp tới và cầu chúc cho họ được may mắn.



Mười phút sau khi Manor và Simons rời văn phòng của vị chủ tịch thì Blackburn nhận được điện thoại trực tiếp của Moorer. Ông ta muốn biết nếu trường hợp cuộc tập kích cần phải hoãn lại cho đến tháng… thì sẽ có những rắc rối gì xảy ra. Moorer giải thích: “Để tôi nói cho anh rõ, có một việc gì đó đang xảy ra. Bộ trưởng Laird rất thông cảm nhưng sự việc này lại xảy ra ở Paris”.



Blackburn sững sờ, nhưng ông ta cũng cố trấn tĩnh để thưa với Moorer rằng mọi việc trì hoãn sẽ gây ra tai hại. Suốt trong những tháng sắp tới họ sẽ không có một giai đoạn thời tiết nào tốt cả. Toán tập kích đã sẵn sàng lên đường đi Thái Lan. Tinh thần mọi người đang hăng hái. Một cuộc trì hoãn ngay bây giờ sẽ đem lại nhiều sơ hở nghiêm trọng. Chúng ta chỉ có thể giữ kín sự việc một thời gian tương đối dài nào đó thôi, trong khi mọi người đang căng thẳng tinh thần cao độ. Sau này Blackburn có ghi chú vào sổ tay riêng của ông ta: “Tôi lo sợ họ đang tìm cách nào hợp lý nhất để bãi bỏ một công tác khó khăn và phức tạp. Thật là khó hiểu khi phải bãi bỏ công tác này không kể là có những yếu tố khách quan nào đó mà chúng ta không biết được. Việc tôi nghĩ, không phải là một yếu tố khách quan chủ yếu vượt ra ngoài tiên liệu”.



Một vài phút sau Mayer lại nhận được một cú điện thoại khác, lần này do đại tá hải quân Harry D.Train, phụ tá điều hành và tùy viên chính của Moorer gọi đến cho biết Moorer cần ngay một bản sao về tập thuyết trình Sơn Tây để trình cho Bộ trưởng Laird. Blackburn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vào buổi trưa Train gọi lại và nói cho biết Moorer vừa mới gặp Laird khi ông ta đang trên đường đến Nhà Trắng.



Trên cuốn lịch của Blackburn có ghi một buổi hội nghị về tình báo đặc biệt với các chuyên viên DIA và NSA. Trong buổi hội nghị này họ kiểm tra lại những bức ảnh cuối cùng do máy bay trinh sát SR-71 chụp được từ ngày 2 tháng 11 đến ngày 6 tháng 11, đây là những hình ảnh đầu tiên có dấu hiệu nhiều sinh hoạt được tăng lên ở Sơn Tây một cách rõ ràng. Mọi người tin rằng đây là kết quả của việc tù binh được phép đi ra ngoài phòng giam nhiều giờ hơn thời gian đã qua. “Trường trung học” ở hướng nam trại giam cũng có vẻ sinh động hơn. Mọi người đồng ý hoãn cuộc họp thêm một vài ngày nữa để chờ cho chuyến bay trinh sát SR-71 chụp thêm một bộ hình ảnh mới vào những ngày 13, 18 và 20 tháng 11, ngay trước thời điểm xuất phát cuộc tập kích.



A.Andraitis, chuyên viên nghiên cứu hình ảnh của DIA đã được biệt phái riêng cho toán hành động của Manor, đã bay đi căn cứ không quân Yokota, Nhật Bản. Ở đấy các hình ảnh của máy bay trinh sát SR-71 chụp trong vùng Thái Bình Dương thường được in ra và nghiên cứu. Tại đấy, làm việc trong một cơ sở có đầy đủ dụng cụ hiện đại thuộc Không đoàn kỹ thuật trinh sát 67 của SAC, ông ta sẽ đích thân nghiên cứu kỹ lưỡng những bức ảnh cuối cùng do máy bay SR-71 chụp được ở trại giam Sơn Tây. Các chuyên viên thông thường khác của SAC thì chỉ nghiên cứu về các vùng ở vòng ngoài khu vực mục tiêu, gồm luôn cả những sự thay đổi nếu có về các địa điểm hỏa tiễn SAM đất đối không, các ổ trọng pháo phòng không, các trạm báo động phòng không của địch.


Để tiết kiệm thời gian, cơ quan DIA lập chương trình cho nhiều việc khác được thực hiện chung một lần. Họ quyết định chú tâm đến việc nghiên cứu các tấm hình lớn chụp toàn bộ khu vực và chỉ dùng loại máy chụp ảnh kỹ thuật theo tỷ lệ nhỏ. SAC cũng đã được yêu cầu giảm bớt các chuyến bay trinh sát khác trong thời gian tới để dành riêng mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyến bay đặc biệt theo nhu cầu của các chuyến bay SR-71. Các thủ tục về việc in ảnh và nghiên cứu các bộ phim mới cũng được thay đổi từ gốc. Thông thường, việc tháo tất cả các ống phim gắn trên máy bay SR-71 cũng phải mất 2 giờ. DIA đã yêu cầu SAC xem thử máy bay có thể tháo gỡ phim trong vòng 45 phút được không. Tất cả các chuyến bay trinh sát sẽ xuất phát từ căn cứ Kadena ở Okinawa do phân đoàn trinh sát chiến lược số 9 thực hiện. Tại căn cứ này khi các bộ phim được tháo gỡ ra thì sẽ dùng một phản lực cơ KC-135 chở gấp rút về Yokota. Tại đây khi các cuốn phim được in ra và nghiên cứu, Andraitis sẽ cho chở ngay các bản kết quả nghiên cứu kèm theo hình ảnh về căn cứ không quân Takhli ở miền Trung Thái Lan, do một chuyến bay đặc biệt thực hiện, để cho phi hành đoàn của Manor và bốn người trong toán đột kích của Simons được biết rõ về các bản phân tích mục tiêu này. Các bản sao hình ảnh và tài liệu này sẽ được gửi về Washington. Việc nghiên cứu hình ảnh là một công tác tỉ mỉ, mệt óc. Việc này cần phải có thời gian, nhưng mọi cố gắng đã được thực hiện để làm nhanh chóng công tác này.


Các chuyến bay SR-71 vào ngày 13, 18 tháng 11 là những chuyến bay quyết định. Ngoài những hình ảnh phóng lớn về mục tiêu để xác nhận có sự gia tăng hoạt động tại trại giam, những hình ảnh này còn cung cấp thêm dữ kiện cần thiết trên con đường từ biên giới Lào đến Sơn Tây. Các dữ kiện này cần phải có để xác định mọi khúc quanh, một vùng đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp, và nhất là bảo đảm việc không có thêm các hệ thống báo động phòng không cùng bệ phóng hỏa tiễn SAM dọc theo con đường tiến đến mục tiêu. Hai chuyến bay cuối cùng trước khi thực hiện công tác tập kích này sẽ được bay vào buổi sáng sớm hơn thường lệ, trong ngày thứ sáu 20-11, để đến ngày thứ bảy hôm sau thì mọi kết quả nghiên cứu đầu tiên về hình ảnh sẽ được điện báo về cho Manor và Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc rõ. Nhưng trong thời gian gấp rút cuối cùng này chỉ còn đủ thì giờ để tìm thấy một vài dấu hiệu có sự thay đổi làm mọi người mệt óc.



Blackburn được yên tâm về mọi chương trình và thủ tục đó cả hai cơ quan DIA và NSA thực hiện. Họ cho ông ta biết nếu có một phần giây phút nào mà máy truyền tin của Bắc Việt Nam đã bắt được liên lạc và làm phương hại đến kế hoạch tập kích hoặc nếu có sự thay đổi nào về vùng kiểm soát của máy ra đa cùng với sự chuyển hướng của các tần số, thì cơ quan NSA sẽ “phá ngang” và trực tiếp báo cho Manor và Simons ở Thái Lan biết. Cuộc tập kích Sơn Tây đã được phép sử dụng ưu tiên số một mọi hệ thống điện tử về tình báo trên khắp thế giới. Mọi tiêu lệnh về chiến đấu, mọi lệnh xuất phát không kích, và mọi tiêu lệnh về hỏa tiễn sẽ được chuyển tiếp đến căn cứ Takhli qua các máy điện tử hiện đại nhất vào ngày thứ năm 19 tháng 11, ngay trước giờ xuất phát cuộc tập kích.



Khi Blackburn trở về văn phòng sau một cuộc họp đặc biệt về tình báo thì thấy Blue Max đang ngồi đợi và lần này lại có thêm tin xấu. Blue Max nghĩ rằng Blackburn có thể đã biết một chuyện gì đó xảy ra. Dường như có một tên “nhẹ dạ” nào đó ở trong trại giam Sơn Tây, có nghĩa là đã có một tù binh nào đó bép xép, nói quá nhiều chuyện, không biết có phải vì tên đó đã đầu hàng, đã phản bội đồng đội, vì quá lo âu muốn cho cuộc sống kham khổ của bản thân được phần nào dễ dãi hơn không? Blue Max biết là Blackburn đã có kế hoạch cố làm sao chuyển được tin mật vào ngay trong trại giam để báo trước cho các trưởng nhóm tù binh biết là một cuộc giải thoát sắp được thực hiện, và họ nên sẵn sàng trong tư thế yểm trợ. Bây giờ thì kế hoạch đó cần phải được bãi bỏ. Blue Max không biết được rõ người tù binh “nhẹ dạ” đó là ai.



Ngày thứ năm sôi nổi ấy đã chấm dứt với một tin tức lạc quan hơn. Vào khoảng 6 giờ chiều hôm ấy, Blackburn tình cờ gặp đô đốc McCain trong hành lang Lầu Năm Góc. McCain vừa mới gặp Bộ trưởng Laird và đô đốc Moorer. Cả hai vị này cho ông ta biết là cuộc tập kích Sơn Tây đã được lệnh tiến hành. McCain muốn cho Blackburn biết rõ rằng: “Trong bất cứ trường hợp nào, tôi vẫn ủng hộ việc làm của anh”. 



Trên con đường lái xe về nhà tối hôm đó, Blackburn suy nghĩ nhiều về các tù binh ở Sơn Tây và những tù binh khác sẽ còn bị kẹt lại không thể giải cứu được. Lạy Chúa tôi, ông ta cầu nguyện cho một người phi công 34 tuổi tên là John McCain III sẽ có mặt ở trong nhóm tù binh Sơn Tây.



Ngày thứ sáu 13 tháng 11 đã mang đến nhiều tin dữ. Sáu tù binh đã chết. Cora Weiss, nhà hoạt động hoà bình đã nhận được tên tuổi của các tù binh qua đời này từ chi nhánh tổ chức ở Bắc Việt, gọi là Uỷ ban đoàn kết với nhân dân Hoa Kỳ. Tất cả 6 người này đã được ghi vào danh sách tù binh giam giữ tại miền Bắc. Như vậy thì công tác Sơn Tây cần phải được thực hiện gấp rút hơn.



Sáng thứ bảy 14 tháng 11, Blackburn đến căn cứ không quân Andrews để dùng điểm tâm buổi sáng với Manor và Simons trước khi hai người này bay đi Thái Lan. Cả hai sẽ lên đường vào lúc 2 giờ chiều trên chiếc máy bay riêng của đô đốc McCain lần này là một chiếc máy bay loại nhỏ có tốc lực nhanh hơn, hai động cơ loại T.39 dùng riêng cho cấp lãnh đạo. Câu chuyện chính nói trong bữa điểm tâm là về các tin tức tình báo mà Blackburn đã nhận được hai ngày trước đó, nhưng mối lo âu chính là một sự đe dọa mới về an ninh cho cuộc tập kích đột nhiên nảy sinh.



Vào các giai đoạn bắt đầu lập kế hoạch, mọi người liên hệ đều đồng ý cho bắt các đường dây ghi âm xuyên qua các máy điện thoại tại bãi tập số 3 ở căn cứ Eglin và tại văn phòng SACSA ở Lầu Năm Góc. Mọi cuộc nói chuyện đều đã được thu băng, và Blackburn vừa mới được tin là các toán phản gián ở tổng đài điện thám tại Antonio, tiểu bang Texas đã phát giác ra được một sự việc không ổn qua các băng ghi âm ấy. Họ đã hình dung được là có một “cuộc hành quân lớn” sắp xảy ra. Họ còn biết rõ là cuộc hành quân này sẽ được thực hiện ở Đông Nam Á. Họ cũng biết thêm là hải quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có liên hệ đến việc này, và việc này sẽ được xảy ra chớp nhoáng vào ban đêm. Nhưng có điều là họ không thể biết được địa điểm mục tiêu ở đâu, thuộc quốc gia nào, và tổng số lực lượng tham gia hành quân là bao nhiêu.



Đây là một sự tiết lộ tin tức, hoặc phải chăng đây là một sự suy đoán thông minh? Khi cân nhắc mọi ảnh hưởng có thể làm nguy hại cho công tác, Manor và Simons đều đồng ý là họ có trách nhiệm. Nhưng trước khi hai người từ giã căn cứ Andrews để bay đường dài đến Đông Nam Á thì Blackburn có nói ông ta sẽ kiểm soát lại một lần cuối về việc này và sẽ cấp báo cho họ biết ngay sau khi đến Thái Lan nếu trường hợp có sự nguy hại nào đáng kể xảy ra.



Hôm sau, chủ nhật 15 tháng 11, trong khi Manor và Simons đang bay qua Thái Bình Dương thì nhiều biến chuyển dồn dập đến Washington. Nhiều công điện được gửi đến Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc từ viên trưởng vùng CIA và tướng Abrams ở miền Nam Việt Nam. CIA muốn mượn nhiều trực thăng loại lớn có vũ trang, loại HH-53 để yểm trợ cho một cuộc hành quân ở miền Nam nước Lào do các toán người Mèo của tướng Vàng Pao sắp thực hiện. Tướng Abrams phản đối việc này nhưng ông ta không thể nói cho viên chức CIA ở Sài Gòn biết rõ tại sao. Ông ta muốn sử dụng mọi trực thăng HH-53 trong toàn khu vực để yểm trợ cho Manor và Simons.

Sáng sớm ngày thứ hai 16 tháng 11 khi Blackburn và Mayer đến Lầu Năm Góc thì các sĩ quan điều hành ở Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đang gặp phải một trường hợp rắc rối nhỏ qua các bức công điện ấy. Các viên chức CIA đang la hoảng lên để yêu cầu máy bay trực thăng họ không hiểu vì sao cơ quan MACV lại không chịu cấp phát? Blackburn không muốn giải thích điều gì trong thời điểm cuối cùng này, ngay cả nói bóng gió về việc tất cả máy bay đã được đặt trong tình trạng chờ lệnh để thực hiện một chiến dịch của SACSA, hoặc mọi ưu tiên về trực thăng tại Đông Nam Á hiện nay đều do Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp quyết định, cũng đều là điều nguy hại. Mayer cố giải quyết vấn đề. Ông ta đã thương lượng với Bộ Chỉ huy không quân để ban hành lệnh tạm thời tất cả mọi trực thăng HH-53 khắp nơi trên thế giới, đều có trở ngại kỹ thuật nghiêm trọng. Chỉ có các chuyến bay thử máy mới được phép cất cánh.

Từ văn phòng của Moorer, Harry Train điện thoại cho Blackburn. Tổng thống muốn có một buổi thuyết trình toàn bộ về cuộc tập kích, ngay vào ngày mai. Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers đã được mời tham dự. Moorer sẽ thuyết trình ngay sau bữa cơm trưa. Yêu cầu SACSA chuẩn bị mọi sơ đồ và tài liệu thuyết trình cần thiết.

Blackburn và Mayer đã làm việc suốt ngày thứ hai để làm cho tài liệu thuyết trình sơ đồ sát với tình thế mới. Một chuyên viên hội họa tên là Larry Downing, binh sĩ hải quân trẻ tuổi, đã làm việc đến khuya để chuẩn bị mọi việc cần thiết. Sáng ngày hôm sau, 17-11, Blackburn và Mayer kiểm soát lại mọi thứ và đánh giá việc làm của người họa đồ này thật là tuyệt vời. Họ chuyển toàn bộ tài liệu sang văn phòng của Train, gồm cả bản thuyết trình dành cho Moorer đã được đánh máy và ghi chú mục lục cẩn thận, đồng thời có ba băng giấy đen mạ vàng với những chữ “Tối mật” và “chỉ dành riêng cho vị Chủ tịch mà thôi”.

Vừa mới chuẩn bị xong nội dung báo cáo cho Tổng thống biết thêm về công tác Sơn Tây hơn là điều ông ta muốn biết thì Mayer lại phát hiện ra việc các vị chỉ huy cuộc tập kích đã bị thất lạc đâu đó. Theo dự liệu thì Manor và Simons sẽ đáp xuống căn cứ không quân Takhli của Hoàng gia Thái Lan ở miền Trung Thái Lan vào lúc 5 giờ 30 sáng. Theo giờ Washington ngày hôm ấy, tức là 5 giờ 20 chiều tại địa phương, Manor phải gửi ngay một công điện đã được soạn thảo trước bằng mật mã đặc biệt về Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc để báo giờ đến nơi. Nhưng bây giờ đã là 9 giờ 30 sáng mà vẫn chưa nhận được công điện. Mayer đã kiểm soát kỹ lưỡng khoảng 50 máy bay của không quân đã hạ cánh trong suốt ngày hôm trước. Bây giờ thì ông ta lại lo lắng rằng có thể hải quân đã bị thất lạc một chiếc máy bay nào đó ở đâu đấy trong vùng hướng tây Thái Bình Dương.

Mayer đã trải qua suốt cả mọi giờ tiếp theo trong phòng 2C495, Trung tâm chỉ huy truyền tin quân sự quốc gia, để lục soát mọi công điện mật mã đặc biệt cố tìm xem viên sĩ quan trực đêm có để công điện của Manor nhầm lẫn vào hồ sơ khác, hoặc có chuyển nhầm công điện ấy đi đến một cơ quan nào khác hay không? Nhưng rồi cũng không tìm thấy bức công điện ấy ở Trung tâm truyền tin. Blackburn chỉ thị cho viên sĩ quan điều hành của ông ta là đại tá không quân William P.Ryan phải truy tìm khắp nơi tại Trung tâm truyền tin để tìm ra cho được bức công điện. Ông ta nói với Mayer sẽ cố gắng tìm kiếm cho đến 3 giờ chiều đó là thời điểm mà toán cuối cùng của lực lượng tập kích Simons sẽ đến Thái Lan. Theo chương trình đã định thì đến lúc này Manor và Simons sẽ phải gửi thêm công điện thứ hai, báo cáo cho biết là toàn bộ toán hành động hỗn hợp cấp thời đều có mặt đầy đủ tại căn cứ hậu tuyến.

Trong khi Mayer và Ryan đang cố tìm tung tích của Manor và Simons thì Blackburn gặp Milt Zaslov ở cơ quan NSA để tìm hiểu nguồn tin về việc cuộc tập kích đã bị cơ quan phản gián không quân ở San Antonio phát giác ra. Cả hai người ngồi nghe lại các cuốn băng ghi âm điện đàm giữa Lầu Năm Góc và căn cứ Eglin, từ đầu đến cuối. Milt Zaslov kết luận rằng không có việc gì phải lo âu bởi vì với những nội dung điện đàm đã được ghi trên những cuốn băng ấy thì không ai có thể tổng hợp lại để biết rõ được địa điểm, hình thái của mục tiêu hoặc thời gian xuất phát của cuộc tập kích.

Blackburn không muốn nói cho  Zaslov biết là ông ta đã có phần an tâm khi thấy cơ quan NSA không tìm ra được chứng cớ để báo động qua sự sơ hở về những cuộc điện đàm đã ghi băng. Một tháng trước đây, một sĩ quan phản gián đã đến văn phòng của Blackburn báo cho biết có một vài tin tức đã bị tiết lộ qua điện đàm từ Lầu Năm Góc đến căn cứ Eglin. Chính bản thân Blackburn đã điện đàm trong lần ấy. Một mẩu tin quan trọng xuyên qua cuộc nói chuyện đã bị nghe trộm, ghi âm và phát giác ra do phòng an ninh không quân thực hiện và được coi như là một sự tiết lộ tin tức tương đối quan trọng  và Blackburn là kẻ vi phạm điều đó. Blackburn biết chuyện tiết lộ này đã được trình báo ngay cho tướng Palmer, tham mưu phó lục quân. Blackburn đồng ý ngay về việc làm này.

Mặc dù đã có sự khuyên nhủ của  Zaslov nhưng Backburn vẫn cứ lo lắng về việc tiết lộ tin tức này. Xế chiều hôm đó, Mayer thấy ông ta ngồi trong văn phòng đầy vẻ chán nản, tuyệt vọng. Cả hai người thảo luận về việc sơ ý của Blackburn và Mayer có nói đây chỉ là một làn khói thoảng qua, tuy công nhận là có sơ ý thật nhưng chắc sẽ không có điều gì phương hại đến cuộc tập kích. Tuy nhiên Blackburn vẫn vô cùng bối rối. Trước đây ông ta đã quá cẩn thận trong việc sử dụng nhiều biện pháp để phân quyền trong việc thiết lập kế hoạch và chỉ giới hạn cho một số ít người biết được sự việc mà thôi. Ngay cả đến vị Tổng tư lệnh của không lực Thái Bình Dương cũng không được biết về kế hoạch. Các toán phản gián của Blackburn cũng đã làm việc vất vả lo tháo gỡ mô hình trại giam Sơn Tây ở căn cứ Eglin mỗi khi có vệ tinh Cosmos của Liên Xô bay ngang qua để tránh việc chụp ảnh và phát hiện vị trí. Và chính ông là người đã nhấn mạnh nhiều nhất để việc ghi băng các cuộc điện đàm, kể cả với máy điện thoại của ông ta nữa. Nhưng bây giờ thì chính ông ta lại là người vi phạm.

Ngày hôm đó Blackburn rời Lầu Năm Góc sớm hơn thường lệ. Về đến nhà, vào buổi tối, ông ta đã viết đơn từ chức, xin ra khỏi quân đội Hoa Kỳ. Sau bữa cơm tối ông ta điện thoại gọi cho Mayer đến. Blackburn đưa cho Mayer xem đơn từ chức. Mayer đọc trong im lặng, đọc rất kỹ, và sau đó thì xé nát lá đơn ném vào ngọn lửa đang bùng cháy trong lò sưởi. Mayer nói: “Thiếu tướng nên nhớ là chúng ta đang tự đày cho mình một bài học phải cẩn thận hơn cho đến bây giờ thì xem ra chưa có gì nguy hại cả. Việc xảy ra sẽ cho chúng ta thêm kinh nghiệm là phải thận trọng nhiều hơn nữa trong tương lai, nếu không thì chúng ta sẽ làm đổ vỡ công việc”. Sau đó ông ta khuyên Blackburn nên quên đi việc sơ hở vừa qua và nên đi ngủ sớm để ngày mai có thể đến làm việc sớm hơn.

Ngày hôm đó Mayer cũng lại gặp nhiều việc rắc rối. Train gọi điện thoại vào lúc 11 giờ 15 phút buổi sáng và chỉ thị lập ngay tài liệu thuyết trình mới để cho Moorer trình bày tại Nhà Trắng. Buổi họp với Tổng thống đã được ấn định vào 2 giờ 30 phút chiều, nhưng Moorer cần có ngay những biểu đồ thuyết trình mới với nhiều kích thước khác nhau. Và ông ta cần có toàn bộ tài liệu vào lúc 1 giờ 30 phút trưa để có ít thời gian nắm trước các vấn đề.
Mayer hốt hoảng khi biết tin Larry Downing, người họa đồ duy nhất biết về công tác Sơn Tây đã về nhà. Người họa đồ này đang ở nhà giữ con thay cho vợ đã đi bệnh viện và không thể đến được. Cuối cùng Mayer phải cố tự vẽ các bản sơ đồ. Ông ta biết là các bản thuyết trình cho Tổng thống nghe cần phải vẽ trên những tấm sơ đồ 20x30 inch, mỗi tấm có đường cắt ngang ở giữa và nối lại bằng băng dính ở phía sau để có thể gấp lại cho vừa với khuôn khổ của giá thuyết trình ở văn phòng Tổng thống. Mayer gọi hai người ở phòng sơ đồ Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đến phụ giúp. Cả hai người này đều không được phép biết về kế hoạch tập kích này. Vì lẽ đó, Mayer phải tách riêng mỗi người ra một phòng khác nhau, đưa cho một người các bản đồ miền Bắc Việt Nam chưa có ghi dấu gì và các tấm sơ đồ về doanh trại Sơn Tây, còn người khác thì lo vẽ các tiêu đề và các dấu hiệu cần thiết.


Khi mọi việc xong xuôi thì chính Mayer tự lo dán ghép lại. Sau khi tổng hợp các bản đồ và các dấu hiệu lại với nhau thì toàn bộ đã trở thành những đồ biểu tối mật chỉ rõ đường bay thẳng đến Sơn Tây và cả trại giam. Cả hai người giúp việc cho ông ta đã đều không biết được rằng họ đã chuẩn bị các sơ đồ cho một địa điểm chứa bom nguyên tử hoặc là bản đồ chỉ đường cho các chuyến bay trinh sát SR-71 trên vùng trời Bắc Việt Nam. Mayer chỉ thị là cả hai người không được nói chuyện với nhau ít nhất là trong một tuần lễ.



Đến 1 giờ 20 phút khi Mayer sẵn sàng đem trình các bản sơ đồ thì ông ta chợt thấy là không có một cái cặp đựng tài liệu. Cả văn phòng vẽ sơ đồ của Bộ tổng tham mưu hỗn hợp cũng không có. Trong suốt 9 phút còn lại ông ta đã điện thoại từ văn phòng này đến văn phòng khác và sau cùng được biết có một cái cặp tại một văn phòng ở ngay trên phòng làm việc của ông ta, đấy là Trung tâm thám sát hỗn hợp, phòng 2D921. Chính văn phòng này chuyên sản xuất các bản đồ, biểu thuyết trình.



Trong văn phòng số 2E 873, đô đốc Moorer lật thoáng qua các sơ đồ nhưng không phát biểu ý kiến hoặc thắc mắc điều gì. Mayer yên tâm khi nghĩ đến việc ông ta đã dán các dấu hiệu vào đúng chỗ trên sơ đồ với nhiều keo để khỏi bị rơi ra. Nhưng đến 2 giờ trưa thì Nhà Trắng gọi đến. Buổi thuyết trình bị hoãn lại. Moorer sẽ có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng mai vào lúc 11 giờ.



Mayer quay trở về văn phòng của Blackburn. Theo dự định thì toán tập kích Sơn Tây phải đến Thái Lan vào lúc 3 giờ chiều hôm ấy (giờ Washington). Như vậy chỉ trong vài phút nữa sẽ có một công điện gửi về để xác nhận họ đã đến nơi. Công điện này sẽ được gửi thẳng cho Mayer, nội dung vẻn vẹn có mấy chữ: “Tia sáng điện”. Nhưng cho đến giờ phút này vẫn không nhận được công điện nào của Manor và Simons gửi về. Ba giờ chiều đã trôi qua, rồi đến 3 giờ 30, Blackburn và Mayer bắt đầu tự hỏi không biết việc gì có thể xảy ra ở Nhà Trắng và về tung tích của những người tập kích.



Moorer bình tĩnh: “Theo tôi thấy thì mọi việc đều tốt đẹp. Chúng ta sẽ biết rõ thêm ngay sau khi tôi thuyết trình cho Tổng thống vào ngày mai”.



Blackburn chưa nhận được bức công điện nào của Manor hoặc của Simons nhưng ông ta quyết định không nên nói cho vị đô đốc Chủ tịch biết là các toán tập kích Sơn Tây chưa có tin tức gì.



Vào lúc 7 giờ 30 tối, khi Blackburn và Mayer rời Lầu Năm Góc sau suốt một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng thì các bức công điện mà họ hằng mong đợi vẫn chưa thấy gửi về. Nhưng Manor và Simons không bị lạc, chỉ có công điện của họ bị thất lạc mà thôi. Có khả năng nó còn nằm đâu đó ở một trạm chuyển tiếp tại Nhật Bản. Manor đã gửi các công điện về đúng theo giờ đã định: công điện thứ nhất báo cáo là ông ta và Simons đã đến nơi, công điện này được gửi đi lúc 5 giờ 30 sáng từ Takhli lúc 3 giờ chiều (theo Lầu Năm Góc) để báo cáo tất cả 56 người trong toán tập kích của Simons đã đến nơi bình an. Nhưng bởi lẽ các công điện này phải dùng mật mã đặc biệt và đã được mang tay đến một trạm truyền tin tự động ở Nhật Bản để nhờ chuyển đi, trong khi đó thì trạm này lại chuyển theo hệ thống bình thường. Những bức công điện hỏa tốc của Manor đã đến trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia vào khoảng 9 giờ tối hôm ấy. Trong thời gian đó thì Mayer đã tìm ra được Simons bằng cách mạn phép vi phạm gọi điện thoại thẳng qua Thái Lan. Qua đường dây điện thoại không bảo đảm an ninh, ông ta chỉ có thể nói nhảm nhí vài lời sau khi đã nghe chính tiếng nói của Manor và Simons và xác nhận được tất cả toán lính vẫn còn sống, mạnh khoẻ, và sẵn sàng đi tập kích Bắc Việt.



Trên đây chỉ là một phần đầu trong hàng trăm sự rối loạn về thông tin đã gây ra tai hoạ cho các toán tập kích Sơn Tây như là một bệnh dịch.

Văn phòng Tổng thống (phòng hình bầu dục)

Vào sáng thứ tư ngày 18-11, Đô đốc Moorer đến Nhà Trắng để thuyết trình cho Tổng thống Nixon nghe về cuộc tập kích Sơn Tây. Hôm ấy là ngày kỷ niệm thứ 80 lần xuất phát chiếc chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ mang tên U.S.S. Maine. Đây cũng là ngày quyết định có nên thi hành công tác tập kích hay không, và nếu được chấp thuận thì khi nào sẽ thi hành. Vị đô đốc hy vọng rằng chuyến xuất phát công tác này sẽ thuận buồm xuôi gió hơn là chiến hạm Maine.


Moorer đến thăm phòng Tổng thống vào đúng 11 giờ trưa. Tại đây đã có sự hiện diện của Tổng thống Nixon, Henry Kissinger, Laird, Giám đốc CIA Richard Helms và ngoại trưởng William Rogers. Sau khi chào hỏi theo lệ thường, Moorer bắt đầu đặt lên giá các tấm sơ đồ 20x30 inch mà Mayer đã vội vã tập hợp trong ngày hôm qua. Laird đã trình bày cho Tổng thống rõ về quan điểm công tác này nhưng ông ta muốn để cho Nixon nghe rõ lại toàn bộ sự việc trước khi có quyết định tối hậu. Ông ta cũng biết tài liệu thuyết trình này đã làm cho Kissinger thích thú: đây là một công tác đầy sáng tạo và hấp dẫn.



Theo đúng cách thuyết trình tại văn phòng Tổng thống vào năm 1970 thì Moorer sẽ tự tay lật từng tấm sơ đồ một. Sau này ông ta có nói đùa rằng: “Anh đừng đưa một kẻ giữ ngựa đến Nhà Trắng”. Ông ta đã không có đủ thì giờ để kiểm soát lại tất cả sơ đồ cho nên rất băn khoăn không biết là có được sắp đúng thứ tự hay không. Khi Tổng thống ra hiệu bắt đầu thuyết trình, Moorer cẩn thận mở tập tài liệu và bắt đầu: “Thưa Tổng thống, mật danh của công tác này là Kingpin”.



Trong số các vị có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng hôm đó chỉ có ngoại trưởng Rogers là người duy nhất chưa được biết cuộc tập kích này. Tuy nhiên khi Moorer bắt đầu đọc lướt qua tập tài liệu và dùng cây gậy bằng kim khí để dẫn thêm trên các sơ đồ, thỉnh thoảng lại phát biểu một cách nhỏ nhẹ các ý kiến riêng của mình thì toàn thể cử toạ đều tỏ vẻ say mê thích thú. Sau khi cuộc thuyết trình vào đề được vài phút thì Kissinger điện gọi viên phụ tá của ông là trung tướng Alexander Haig đến. Một lúc sau tướng Haig đến văn phòng Tổng thống và cũng chăm chú lắng nghe.



Moorer thưa: “Thưa Tổng thống, đấy là nội dung đại cương của công tác”. Xong, ông ta trình bày tiếp các đoạn đường bay của toán xung kích của Simons từ Thái Lan đến Sơn Tây: đường bay chính xác để tránh ra đa của kẻ địch phát hiện và bắn rơi trên đoạn đường đến mục tiêu. Moorer mô tả các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân sẽ được thực hiện trên vùng trời cảng Hải Phòng 20 phút trước khi đổ bộ tại Sơn Tây làm cho Bắc Việt Nam phải tập trung mật độ phòng không để chống đối lại và không còn chú ý đến việc đổ bộ của toán tập kích nữa. Tổng thống dường như bị thu hút vào trong khung cảnh mô tả của buổi dạ vũ trên không sẽ được thực hiện trong một vùng rộng 300.000 dặm vuông tại Đông Nam Á.



Moorer vừa nói tiếp vừa mở rộng một tấm sơ đồ lớn về toàn bộ trại tù Sơn Tây: “Thưa Tổng thống, sau đây là cách thức đổ bộ và giải thoát tù binh”. Ông ta giải thích tiếp là sự thành công của cuộc tập kích này được dựa trên các yếu tố then chốt như: bất ngờ, nhanh chóng, và đơn giản. Ông ta cũng trình bày rõ một cách hoàn hảo sau nhiều ngày huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin. Moorer còn mô tả thêm một vài hình ảnh để làm sáng tỏ việc chuẩn bị công phu và chu đáo công tác tập kích này. “Thưa Tổng thống, vị chỉ huy toán xung kích quả quyết rằng công tác này sẽ thành công. Ông ta đã đích thân tuyển chọn từng người một cho cuộc tập kích. Tất cả mọi binh sĩ đều là người tình nguyện, có quyết tâm và không để mắc một khuyết điểm nào. Việc thực tập được thông suốt toàn diện và hăng say. Phi hành đoàn là những người thiện nghệ. Các phi công cũng đã được tuyển chọn từng người một và tất cả các sĩ quan chỉ huy phi hành cũng đều là người tình nguyện”.



Đến đây thì Kissinger lần đầu tiên cắt ngang: “Thưa Tổng thống, trước đây hơn một tháng tôi có dịp nói chuyện với hai người chỉ huy cuộc tập kích là đại tá Simons và thiếu tướng Manor. Thật là hào hứng nhất. Simons thề ông ta sẽ đổ bộ vào cái trại ấy và thoát ra một cách an toàn với với tất cả lính của ông ta. Ông ta nói phần thuận lợi có thể đạt tới 97%. Tôi có nghe nói là đến hơn cả trăm lần rồi”. Bộ trưởng Laird tiếp thêm là việc thiết lập kế hoạch cho công tác này đã được chuẩn bị từ tháng năm.



Moorer tiếp tục trình bày, mô tả cặn kẽ về mọi vấn đề an ninh chặt chẽ đã được thực hiện trong thời gian chuẩn bị kế hoạch và giai đoạn thực tập. Trong thời gian cuộc tập kích được thực hiện sẽ có nhiều biện pháp đặc biệt về an ninh khác nữa được thi hành. Ông ta bảo đảm với Tổng thống rằng: “Nếu có trường hợp nào đó xảy ra cho ta biết được là kẻ địch đã phát hiện mục tiêu công tác thì cuộc tập kích sẽ được bãi bỏ tức khắc”.



Tổng thống nhấn mạnh là ông ta không muốn để việc đó xảy ra.



Lật sang một tấm sơ đồ khác, Moorer trình bày những đe dọa nghiêm trọng có thể xảy ra cho toán tập kích cả từ trên không lẫn dưới đất. Với những chi tiết rõ ràng mà ông ta trình bày về sự bố phòng của Bắc Việt Nam thì khả năng hỗ trợ của tình báo Mỹ cho cuộc tập kích phải có trình độ cao. Ví dụ như bốn trong sáu phi công giỏi của loại MIG 21 tại Phúc Yên, một sân bay gần Sơn Tây nhất, đã được thuyên chuyển đến phục vụ tại phi trường Vinh, vào xa phía Nam. Hơn nữa ông ta còn chỉ rõ là tại Phúc Yên không có hệ thống báo động về ban đêm cho nên các máy bay còn lại sẽ phản ứng chậm. Moorer cũng cho biết thêm có bốn phi công MIG-17 tại phi trường Hải Phòng nhưng ở đây cũng không có hệ thống báo động về ban đêm. Ông ta nói nếu các loại máy bay này cho dù có ở trong tình trạng bị động, cũng không đủ sức chống lại các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân. Sau cùng ông ta chỉ rõ là tất cả các máy bay MIG-17 hiện đang có mặt tại phi trường Kép, và tại đấy không có một phi công nào giỏi để chiến đấu ban đêm.



Cuối cùng Moorer nói về mục tiêu của công tác đấy là các tù binh ở Sơn Tây. “Thưa Tổng thống, đây là doanh trại duy nhất đã được xác nhận có giam tù binh, ở ngoại biên Hà Nội. Trong trại Sơn Tây có 70 tù binh Mỹ. Trong số này có 61 người đã được xác nhận tên họ và binh chủng: 43 không quân, 14 hải quân, 4 thủy quân lục chiến”. Trung tá hải quân C.D.Clower đã được thăng cấp đại tá kể từ khi bị bắt, hiện nay là sĩ quan trưởng nhóm của số tù binh này. Vào tháng giêng và tháng năm vừa qua chính quyền Bắc Việt Nam đã cho di chuyển hai sĩ quan trưởng nhóm đi nơi khác. Một lần nữa Tổng thống tỏ ra xúc động về các chi tiết chính xác mà Lầu Năm Góc đã thu lượm được đối với mục tiêu.



Sau khi đã cẩn thận trình bày rằng, thời tiết sẽ là một yếu tố quyết định trong công tác này, Moorer kết luận: “Nếu Tổng thống chấp thuận công tác này, tôi dự định giao cho thiếu tướng Manor thi hành cuộc tập kích vào thời điểm thuận tiện nhất về thời tiết. Thưa Tổng thống, tôi chỉ có bấy nhiêu lời. Tôi xin sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của Tổng thống nếu có”.

Tổng thống ngẩng đầu lên nói: “Thật là tuyệt diệu, đầy đủ chi tiết, không có gì thừa. À! Tôi biết là các anh đang chờ quyết định tối hậu càng sớm càng tốt, và tôi dự định sẽ quyết định sớm. Nhưng thời hạn chót mà anh có thể đợi được là bao nhiêu ngày nữa, mà không làm rắc rối thêm cho Manor?”.

Moorer hy vọng rằng đôi mắt của ông ta không phản lại ý nghĩ băn khoăn lo ngại trong đầu. Mặc dù ông ta biết là Tổng thống sẽ đơn phương quyết định việc này nhưng ông ta cũng muốn nhìn xem thử Kissinger, Haig hoặc Laird có bộc lộ cảm nghĩ gì khác không. Nhưng câu hỏi vừa rồi của Tổng thống có vẻ như muốn kéo dài thời gian chờ đợi thêm nữa, nhưng theo ông ta thì không nên trì hoãn quá lâu. Đây là một công tác chưa từng có và sôi động. Vì lẽ đó Moorer thận trọng trả lời Tổng thống: “Thưa Tổng thống nếu chúng ta không thi hành kịp vào giai đoạn thời tiết tốt sắp tới thì phải chờ đến tháng 3 sang năm là thời điểm sớm nhất mới có thể thi hành được. Trong vùng khu vực mục tiêu mỗi năm chỉ 4 hoặc 5 lần tuần trăng mật và thời tiết phối hợp thuận lợi nhất. Như Tổng thống đã biết chúng ta vừa mới bỏ qua một thời điểm vào ngày 21 tháng 10. Nếu lần này chúng ta quyết định cho xuất phát công tác, tôi sẽ gửi ngay một công điện trong vòng 24 giờ để chỉ thị cho phép thi hành. Tướng Manor và đại tá Simons hiện nay đang ở Thái Lan, sẵn sàng lên đường”.

Moorer giải thích thêm về một vấn đề rắc rối: “Đối với loại công tác này thì vào phút chót cần có sự phối hợp hành động của nhiều cơ quan  như tàu hải quân, các máy bay, nhân sự, các công tác trinh sát đặc biệt, các toán tìm kiếm và cấp cứu trong trường hợp có thất lạc. Để phối hợp nhịp nhàng mọi việc trên đây, cần phải có ít nhất ba ngày. Nhưng nếu chúng ta không có quyết định cho thi hành thì không nên vội vàng làm rối loạn mọi việc bởi vì sẽ có nhiều người đặt ra nhiều thắc mắc. Điều này có thể làm phương hại cho kế hoạch xuất phát trong tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, khi được Tổng thống chấp thuận thì công tác vẫn có thể được bãi bỏ bất cứ vào giờ phút nào ngay trước thời điểm xuất phát. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi hệ thống truyền tin mật mã và hỏa tốc để sử dụng vào phút chót nếu có trường hợp chỉ thị bãi bỏ hoặc hoãn lại”.

Tổng thống vội vàng trả lời là ông ta hiểu được sự lo lắng của Moorer. Không còn phải đặt vấn đề có nên giải thoát tù binh hay không vì việc này đã được quyết định rồi. Vấn đề đặt ra bây giờ là khi nào sẽ thi hành công tác, thế thôi. Nixon hứa với Moorer là ông ta sẽ có quyết định rất sớm. Nhưng Tổng thống lại còn một câu hỏi cuối: “Nếu cuộc tập kích này thất bại thì sao? Các anh đã chuẩn bị đầy đủ mọi lý do che đậy cho thích hợp chưa?”.

Moorer trình bày là đã có năm “câu chuyện che đậy” được đặt ra. Ông ta lại lật tiếp cuốn sổ tài liệu:

-   Nếu cuộc tập kích thành công nhưng có vài máy bay và binh sĩ bị tổn thất thì câu chuyện sẽ trở nên đơn giản  vì lẽ kết quả biện minh cho sự tổn thất.

-   Nếu trường hợp cuộc tập kích bị tiết lộ bí mật trước giờ xuất phát thì Lầu Năm Góc sẽ giải thích đấy là một loại công tác tối mật và không thể tuyên bố công khai các chi tiết được.

-   Nếu công tác bị dở dang hoặc bị tiết lộ ngay sau khi xuất phát thì sẽ được giải thích đấy là một sự cố gắng tìm kiếm và cấp cứu một phi công trinh sát nào đó bị bắn rơi.

-   Nếu cuộc tập kích bị thất bại ngay tại mục tiêu hoặc nếu không giải cứu được tù binh nào cả và tin tức này được loan báo ra thì vấn đề sẽ được giải thích là việc cố gắng này xét ra cần thiết đối với sự ngoan cố của Bắc Việt Nam, và kết quả sẽ biện minh cho sự liều lĩnh đó.

Tổng thống gật đầu, rồi có một câu hỏi chót: “Ai sẽ là người biết được sớm nhất về về sự thành công hoặc thất bại của cuộc tập kích?”. Moorer giải thích đại cương về hệ thống liên lạc phức tạp giữa toán tập kích của Simons với bộ chỉ huy của Manor ở Đà Nẵng, với trung tâm chỉ đạo ở Lầu Năm Góc và với phòng tình hình ở Nhà Trắng. Chỉ trong vòng 1 hoặc 2 phút thì Washington sẽ biết rõ ngay những gì xảy ra ở Sơn Tây. Moorer nhắc lại với Tổng thống rằng toàn bộ thời gian công tác này được kể từ khi Simons đặt chân xuống mục tiêu cho đến khi thi hành xong công tác sẽ không quá 30 phút, hy vọng là chỉ 20 phút thôi. Ngay sau khi Simons gọi các trực thăng đến để bốc toán tập kích ra khỏi mục tiêu thì sẽ có ngay công điện mật báo cho biết số tù binh đã được giải cứu. Chỉ cần có 2 phút để chuyển công điện ấy về đến Washington.

Tổng thống yên lặng suy nghĩ trong một vài phút. Cuối cùng ông ta chợt hỏi: “Làm sao người ta có thể không chấp thuận việc này?” Đây là một câu hỏi để mà hỏi. Tổng thống nói với đô đốc Moorer: “Tôi biết các anh đã làm việc này suốt mấy tháng qua. Cá nhân tôi cũng muốn thấy các tù binh được trở về. Lạy Chúa tôi, nếu thành công thì chúng ta có thể mời tất cả anh em tù binh đến tại đây để dự liên hoan trong ngày lễ Tạ ơn, ngay tại tòa Nhà Trắng này. Nhưng tôi cũng không muốn thấy ai bị bắt giam thêm vào các trại tù đó”.

Và Tổng thống nói tiếp rằng ông ta không muốn các cuộc biểu tình báo động xảy ra thêm nữa. Cuộc xuống đường tại Washington vào 6 tháng trước đây, sau lần xâm nhập Campuchia, vẫn còn ám ảnh ông ta. “Lạy Chúa tôi, họ đã bao vây toà Nhà Trắng, các anh còn nhớ không? Lần này nếu xảy ra nữa thì có thể họ sẽ phá sập các cổng chính và sẽ có cả nghìn tên “hip-pi” xúm nhau lại đái ngay trên tấm thảm của văn phòng này. Đấy là việc họ sẽ làm”.

Tổng thống cũng băn khoăn lo lắng không biết Fullbright có tuyên bố rằng cuộc tập kích này là một cuộc xâm lăng Bắc Việt Nam không. Ông ta kết luận: “Này đô đốc Tom, nếu để xảy ra như vậy thì đau lắm. Nhưng tôi biết anh có thể vượt qua được mọi việc. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thi hành; hãy để cho tôi một ít thời gian ngắn nữa để suy ngẫm thêm. Dù có việc gì xảy chăng nữa thì tôi cũng chúc các anh may mắn”. Ông ta đứng dậy và chìa tay ra bắt tay Moorer. Đấy là một cử chỉ nồng ấm, đầy thông cảm, một cử chỉ mà Nixon ít khi biểu lộ với ai.

Haig nói thầm với Moorer yêu cầu để lại một bản sao tài liệu, sơ đồ, bản đồ, v.v… để Tổng thống xem lại. Trước khi rời văn phòng bầu dục, Moorer vội vã sắp xếp lại phần tài liệu cần để cho Tổng thống xem, và phần ông ta cần mang về Lầu Năm Góc.

… Ngoài hành lang văn phòng Tổng thống, một trong những người dự họp vừa rồi đã chặn Moorer lại và nhỏ nhẹ vào tai: “Tom, anh vừa làm xong một công việc tuyệt vời. Tổng thống rõ ràng xúc động, tôi có thể đoán chắc với anh rằng: Tổng thống sẽ chấp thuận công tác này”. Nhưng sau đó ông ta lại có vẻ ngập ngừng nói tiếp một cách vụng về: “Có một điều tôi muốn nói là nếu việc này thất bại thì chúng ta nên tìm một cách nào để cho Tổng thống khỏi bị dính vào, có được không? Cho đến nay chúng ta đều biết là Tổng thống chỉ nhận được toàn là những lời chỉ trích, chê bai mỗi khi ông ta quyết định việc gì về Việt Nam. Chúng ta không thể để cho ông ta bị kẹt thêm lần này nữa. Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ”.

Moorer lái xe trở về Lầu Năm Góc trong im lặng. Ngay khi vừa về đến văn phòng, ông ta gọi Train nhờ chuyển những lời cảm ơn đến Blackburn và Mayer đã làm những thay đổi hữu hiệu các sơ đồ và các ghi chú và đã thuyết trình một cách tốt đẹp. Nhưng Train nghĩ rằng Blackburn muốn biết là “đã có lệnh cho thi hành hay chưa?” vì chính Train cũng không biết điều này. Ông ta chỉ có thể chuyển lời là Moorer có vẻ rất hài lòng, và họ sẽ sớm có quyết định.

Chính trong thâm tâm Moorer cũng không thực chắc lắm về việc này. Tổng thống có vẻ rất tán thành, dường như bồng bột ngay trong một vài lời phát biểu của ông ta. Ông ta chỉ nêu một vài câu hỏi mà thôi. Tuy nhiên ông ta vẫn để lộ ra vẻ lo âu, ngại ngùng và suy nghĩ nhiều hơn những lần trước đây như Moorer đã thấy trong những quyết định khác. Và điều làm cho Moorer thắc mắc nhất chính là câu nói: “Cố gắng để cho Tổng thống khỏi bị dính vào việc này”.

Tổng thống đã quyết định nhanh chóng. Ngay xế chiều hôm đó ông ta đã cho Bộ trưởng Laird lệnh thi hành cuộc tập kích. Moorer vô cùng cảm kích về quyết định này. Blackburn cùng với Mayer lập tức bắt đầu sửa soạn mọi việc cần thiết cho “máy chạy”. Moorer nói với Blackburn, trong khi ông ta vẫn còn bị ám ảnh về câu chuyện nói ngoài hành lang văn phòng Tổng thống: “Này Don, có một việc mà tất cả chúng ta đều phải nghĩ tới”. Ông ta nói tiếp với một giọng tâm sự: “À này, tôi không nghĩ là Tổng thống biết đến công tác này đâu”.

Moorer không nhớ việc trao đổi ý kiến này, cương quyết chối cãi chuyện có kẻ nào đó đã đề nghị ông ta phải nhận lấy mọi lời chê bai nếu có việc gì sai trái xảy ra tại Sơn Tây. Nhưng dù sao ông ta cùng không muốn công nhận là đã có những lời đề nghị về việc này. Tuy nhiên Blackburn vẫn còn nhớ rõ sự việc và có ghi chú vào sổ nhật ký như sau: “Moorer không cần phải nói cho tôi biết là nếu mọi việc thất bại thì chính ông ta sẽ chịu tất cả lời chỉ trích, chứ không ai khác. Ông ta cũng nhắc nhở tôi đừng để cho nhiều người biết về buổi họp tại Nhà Trắng này để tất cả mọi người giữ kín việc Sơn Tây”.
Những điếu thuốc lá

Vào xế chiều ngày 18 tháng 11, khi được tin Tổng thống đã chấp thuận cuộc tập kích thì cả toán SACSA bắt tay ngay vào hành động. Đây là giây phút mà Blackburn và Mayer đã chờ đợi sau bao nhiêu tháng làm việc và thiết lập kế hoạch. Nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc đang lo ngại và buồn cười. Mayer vội vàng soạn thảo ngay bức công điện mật mã cho lệnh thi hành để trình Vogt chuẩn y. Bức công điện này rất ngắn gọn, nội dung như sau: “Mumbletypeg, Amputate Kingpin”. Nhưng Vogt nhìn bức công điện và nói: “Lạy Chúa tôi, chẳng có ý nghĩa gì cả”. Mayer phải giải thích là Manor sẽ hiểu được nghĩa khi so sánh với các chữ mật mã đã được soạn thảo trước. Vogt không tin điều này. Trước đây đã từng xảy ra việc lộn xộn về truyền tin, và Mayer không biết làm cách nào để thuyết phục ông ta là sẽ không có một lầm lẫn thứ hai nữa. Mayer đành phải trở lại văn phòng ở Lầu Năm Góc, mở khóa một tủ hồ sơ trong một căn phòng kín, lấy ra kế hoạch truyền tin dành riêng cho chiến dịch “Kingpin”. Khóa tủ hồ sơ và phòng kín lại, rồi ông vội vàng quay trở lại văn phòng của Vogt để trình cho ông ta thấy rõ là bức công điện hoàn toàn đúng nghĩa. Cuối cùng Vogt mới chịu ký lệnh cho gửi đi: Mayer lại phải đem bức công điện đến trình Moorer, Moorer lại trình tiếp cho Laird để xin ký nhận lần cuối. Sau cùng, Moorer kiểm phê lại và bây giờ thì Mayer có thể gửi đi được, với lời cầu nguyện là sẽ không bị thất lạc tại nơi nào đó trên đường dây từ Lầu Năm Góc đến Thái Lan.

Bức công điện này được chuyển từ Trung tâm truyền tin Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp vào lúc 5 giờ 30 chiều hôm đó qua hệ thống hoả tốc, một hệ thống đặc biệt cực nhanh, trực tiếp, chỉ dùng chuyển các loại công điện báo động về các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong khi Mayer xông xáo khắp nơi để xin ký nhận và chuyển gửi bức công điện thì Blackburn lại nhận được một tin xấu về thời tiết. Cơn bão Patsy đã thổi vào Manila với sức gió 105 dặm một giờ và cấp cao là 140 dặm lại đang chuyển về hướng tây với tốc độ 80 dặm một giờ. Các hình ảnh vệ tinh chụp được trên vùng mục tiêu cho thấy rõ là trời vẫn còn trong sáng nhưng có nhiều mây lạnh đang từ Trung Quốc chuyển đến. Trận bão và mây lạnh có thể sẽ tập trung vào Bắc Việt Nam, Blackburn vẫn nhớ là các chuyên viên khí tượng đã nghiên cứu kỹ về thời tiết ở Đông Nam Á trong suốt mấy năm qua để tìm ra được một khoảng thời gian có khí hậu tốt là từ 20 đến 25 tháng 11. Lúc này khi Tổng thống đã chuẩn y nhưng với thời tiết này xem như các chuyên viên khí tượng đã chọn sai ngày.

Nhưng vẫn còn nhiều sự phối hợp cuối cùng cần phải được thực hiện, Blackburn đã gặp Allen James và đại tá hải quân Don Engen để giải quyết trách nhiệm của không quân và hải quân trong việc tiếp đón tù binh và mọi thủ tục săn sóc y tế khi họ được trở về. Theo thủ tục thông thường về việc di tản các thương binh từ các vùng Đông Nam Á trở về thì chỉ cần chuyển họ đến bất cứ quân y viện nào gần nhất là đủ. Tuy nhiên trong trường hợp di tản các tù binh đã được giải thoát lại nảy sinh ra nhiều cuộc tranh luận nội bộ và trở thành một trong những vấn đề rắc rối nhất mà Mayer đã phải đương đầu trong mấy tuần qua. Trong trường hợp này, binh chủng nào cũng muốn giành riêng cho mình phần đón tiếp tù binh và mỗi binh chủng đã tranh cãi hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, để giành phần thắng. Mayer nói đùa với Blackburn là cuộc tranh luận về việc này đã trở thành những buổi đấu lý khôi hài trông giống như trận tấn công lần thứ hai ở Acpari thuộc miền Bắc Luzon tất cả chỉ vì vấn đề tù binh, có nghĩa như là một chuyện quảng cáo rầm rộ. Sau cùng Mayer phải đề nghị một giải pháp dung hòa. Ông ta nhắc cho mọi người biết là không có một tù binh nào ở Sơn Tây thuộc binh chủng lục quân, vì lẽ đó tất cả sẽ được chuyển trong chặng đầu từ Thái Lan về quân y viện lục quân Tripler ở Hawaii  đấy là giải pháp trung lập. Tại đấy sau khi đã được khám nghiệm cho phép di chuyển tiếp thì họ sẽ được chuyển về một bệnh viện nào gần nhất tại quê nhà. Nhưng Bộ Tư lệnh không quân cố nằn nì nói là tất cả tù binh thuộc binh chủng riêng của họ phải được chuyển về bệnh viện không quân, chứ không phải bệnh viện lục quân hoặc hải quân nào cả. Còn Bộ Tư lệnh hải quân thì lại muốn tất cả tù binh thuộc binh chủng của họ kể luôn cả tù binh lính thủy đánh bộ, phải được đưa về bệnh viện hải quân, chứ không đưa đi đâu khác. Blackburn thì không muốn để cho cuộc tập kích Sơn Tây trở thành một sự tranh luận tiến công về giao tế nhân sự. Allen và Engen đều đồng ý với ông ta: việc săn sóc tù binh là sau khi được khám sức khỏe sơ qua tại Thái Lan thì tất cả tù binh sẽ được chuyển ngay về Tổng y viện gần nhất ở Philippines, trong căn cứ không quân Clark. Rồi từ đấy họ sẽ lần lượt được chuyển về các bệnh viện không quân và hải quân nào gần nhất nơi quê nhà.

Trên đường từ Lầu Năm Góc về nhà vào lúc 6 giờ chiều hôm ấy, Blackburn lo nghĩ đến việc chuyển vận đại quy mô về các đơn vị tiếp cứu  các loại máy bay vận tải phản lực C-9A dùng riêng cho việc săn sóc tù binh sẽ từ Philippines bay đến nằm chờ tại Thái Lan, cũng như các loại trực thăng tiếp cứu HH-53 sẽ bay từ căn cứ hậu cần ở miền Trung Thái Lan đến địa điểm xuất phát tại miền Bắc gần biên giới Bắc Việt Nam nhất. Tất cả những sự vận chuyển đó sẽ có thể làm cho hệ thống báo động của Bắc Việt Nam phát hiện được. Khi về đến nhà, ông ta vẫn còn băn khoăn lo nghĩ về những điều phải làm thêm để ngăn ngừa không cho toàn bộ hệ thống vận chuyển nói trên bị phát hiện. Nhưng một rắc rối mới to lớn khác lại xảy ra.

Phó Đô đốc James C., Donaldson điện thoại từ Lầu Năm Góc đến. Donaldson là phó giám đốc kiêm trưởng phòng hành quân và thám sát thuộc Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp. Ông ta hỏi Blackburn là có một đại tá không quân nào đó đã đến Thái Lan với tướng Manor có phải là người của Blackburn không? Blackburn trả lời ngay là phải: có chuyện gì xảy ra đấy? Donaldson giải thích là viên sĩ quan ấy đã điện thoại cho Bộ chỉ huy chiến lược không quân ở Omaha, từ Đông Nam Á gọi về, báo động cho mọi người biết là cuộc “hành quân” sẽ được xuất phát sớm và các công tác tái tiếp nhiên liệu cũng như các đường bay trinh sát đã được ấn định trước đều cần phải lập lại. Bộ chỉ huy chiến lược không quân (SAC) và cả trung tâm thám báo không hiểu viên sĩ quan ấy muốn nói gì và đương sự cũng không chịu tiết lộ thêm chi tiết nào cả. Trung tâm thám báo đã gọi Donaldson để xin xác nhận. Donaldson muốn biết là viên sĩ quan ấy có được phép gọi điện thoại theo hệ thống điện đàm thông thường không? Theo ông ta nghĩ, mọi thay đổi chương trình đều phải do tướng Manor gọi về cho văn phòng ông ta mới đúng. Blackburn sửng sốt. Ông ta trả lời ngay là viên sĩ quan ấy không được phép nói điều gì với SAC cả. Theo như sự phân công nhiệm vụ từ trước nằm trong kế hoạch Sơn Tây thì: không một viên chức nào ở SAC được quyền biết tại sao phải cho xuất phát các chuyến bay SR-71, cùng với các công tác trinh sát vệ tinh trên vùng trời miền Tây Việt Nam, và cũng không ai được biết về các chuyến bay KC-135 và RC-135 dự định cho thời điểm 20 đến 25 tháng 11. Mọi viên chức tại SAC cũng không nên thắc mắc về việc này.

Blackburn yêu cầu Donaldson đợi tại trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia và ông ta sẽ đến Lầu Năm Góc ngay lập tức. Nhưng trước khi ra khỏi nhà, Blackburn gọi đại tá không quân Franklin Rice và yêu cầu ông này đến gặp Donaldson và Blackburn tại Trung tâm chỉ huy. Rice là một trong những chuyên viên thiết lập kế hoạch Sơn Tây, chuyên lo mọi việc tại trung tâm chỉ huy, kiêm luôn cả hệ thống truyền tin từ Lầu Năm Góc đến Manor, đến Bộ Tư lệnh Trung Đông ở Hawaii, đến lực lượng phản ứng nhanh 77, và tất cả việc điều hành lệnh yểm trợ cho cuộc tập kích xuất phát từ căn cứ, máy bay trinh sát SR-71 ở Okinawa, cả việc điều hành máy bay di tản tù binh tại căn cứ không quân Clark ở Philippines. Blackburn bảo Rice là có lẽ ông ta phải gọi điện thoại ngay cho ông bạn nào đó của họ ở nước ngoài.
Tại Lầu Năm Góc Blackburn gọi điện thoại cho Donaldson và Rice đòi liên lạc với Bộ chỉ huy SAC. Ông ta yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với viên sĩ quan nào vừa gọi từ Thái Lan về. Đấy là đại tá John Clancey, sĩ quan trực của văn phòng thám báo SAC. Blackburn giải thích qua đường dây là ông ta chỉ hỏi các câu hỏi chứ không trả lời điều gì cả. Cái tên nào đó đã nói rằng cuộc hành quân “sẽ có thể” thi hành sớm hay đã nói “sẽ” thi hành sớm? Clancey trả lời: “sẽ có thể”. Người đó có nói rõ loại hành quân nào không? Clancey trả lời: “Không”. Vì lẽ đó cho nên ông ta đã gọi cho Donaldson: ông ta không biết việc gì sẽ xảy ra cũng như việc SAC phải làm gì.

Blackburn yêu cầu Rice gọi ngay điện thoại cho Manor. Rice giải thích là không có đường đây bảo mật thẳng đến Takhli, cho nên buộc lòng phải điện đàm theo lối thông thường. Khi Blackburn nghe tiếng Manor ở đầu dây, ông ta nói với Manor là ông ta vừa điện đàm với một vài người bạn ở Trung Đông và đề nghị Manor nên dùng dây đàn dương cầm để treo cổ một trong các viên sĩ quan của Manor vì tên này đã độc tấu một bản nhạc không được phép. Blackburn kết luận là toàn bản nhạc này đã làm rối loạn một đám thính giả không được mời đến dự buổi hòa tấu.

Cho đến gần nửa đêm Blackburn mới trở về nhà. Ông ta không nhận thức được tại sao SAC lại có vẻ hốt hoảng khi nghe được tin công tác sẽ xuất phát sớm. Xuyên qua cuộc điện đàm úp mở vừa qua ngay chính cả Manor cũng không hiểu tại sao. Cũng giống như Blackburn, Manor tỏ vẻ bối rối và giận dữ.

Blackburn chỉ còn ngủ được một vài giờ nữa thôi. Đến khoảng 4 giờ sáng ông ta bị chuông điện thoại dựng dậy. Đó là Mayer từ trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc gọi về báo Manor vừa mới gửi về một công điện, nhận được lúc 4 giờ 11 phút. Nội dung cho biết toán của Simons và lực lượng phản ứng nhanh 77 đã sẵn sàng, nhưng có thể sẽ bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Blackburn thắc mắc chuyện gì lại xảy ra cuộc tập kích phải được xuất phát “sớm” hay là sẽ bị hoãn lại muộn hơn nữa?

Sau đó một vài giờ khi Blackburn đến Lầu Năm Góc ngày thứ năm 19 tháng 11, thì sự bối rối của ông ta lại càng tăng thêm. Ông ta nghe nói là nếu cuộc tập kích không được xuất phát theo chương trình đã định hoặc nếu bị hoãn lại chỉ cần một ngày thôi thì cũng đủ làm rắc rối cho các chiến dịch khác. Không ai cho ông ta biết các chiến dịch khác là gì. Ông ta chỉ được biết là nếu cuộc tập kích phải hoãn lại trong khi Tổng thống đang nghỉ cuối tuần vào ngày thứ 7 tại trại Davis thì mọi diễn biến cần phải trình báo cho Tổng thống biết ngay.

Chỉ còn có hai ngày nữa là đến thời điểm xuất phát. Và 8 giờ sáng hôm ấy Blackburn đã báo cho Moorer biết về tình hình bất lợi của thời tiết. Lẽ tất nhiên bây giờ thì cả hai người chỉ còn có cách ngồi đợi. Nhưng ngày hôm ấy vấn đề thời tiết lại chỉ là một chuyện nhỏ và một loại bão táp khác đang âm ỉ ập đến.

Suốt ngày Blackburn cố kiểm soát lại những tin tức kiểm thính điện tử cuối cùng của NSA. Một công điện gửi trước giờ về “lệnh chiến đấu trên không” đã được gửi đến Takhli để báo cho Manor biết về tình trạng giờ chót của hệ thống phòng không Bắc Việt Nam. Khi ông ta trở lại văn phòng vào lúc 4 giờ 30 chiều hôm ấy thì được báo cho biết là tướng Bennett ở DIA đang muốn tìm gặp ông ta về một chuyện gì đó. Và lúc ấy tướng Bennett đang trên đường đi đến văn phòng của Chủ tịch Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp. Cả hai người gặp nhau ngay khi Bennett đang bước vào phòng của Moorer. Bennett nói ngay: “Này Don, tôi vừa nhận được tin xấu lắm. Hình như trại Sơn Tây trống rỗng. Tất cả tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác từ lâu rồi”.

Moorer sửng sốt: “Lạy Chúa, trong giờ phút này xin anh đừng nói với tôi những chuyện như vậy”.

Công điện hỏa tốc cho lệnh thi hành tập kích đã được gửi đi 24 giờ trước đây rồi. Blackburn không thể tin nổi là 6 tháng làm việc vừa qua lại mang đến cho ông ta một tin dữ cuối cùng như thế này. Ông ta hỏi độp ngay: “Này, xin thong thả một chút, ai báo tin đó?”.

Bennett trả lời là nguồn tin ngay từ Hà Nội chuyển về.

Nguồn tin này do Nguyễn Văn Hoàng thông báo. Vào đầu tuần lễ này, Hoàng gặp một người bạn cũ ở trong công viên Chi Lăng tại Hà Nội, cách trại giam Hỏa Lò về hướng tây bắc độ 6 quãng đường và cách câu lạc bộ thể thao Ba Đình độ 4 quãng, đấy là chỗ mà hai người đã làm quen với nhau lần đầu tiên. Người bạn của Hoàng là “Alfred - một uỷ viên tinh quái” hoặc một “cố vấn tài giỏi” đấy là mật danh do người Mỹ dùng để gọi đương sự, một ủy viên cấp cao và lâu năm trong phái đoàn đa quốc gia của Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến (ICC), được thành lập vào năm 1954 sau kết quả Hiệp định Geneva chia đôi hai miền Nam Bắc Việt Nam. Uỷ hội ICC này không có đủ quyền lực để thi hành và kiểm soát đình chiến, nhưng các thành viên của nó đôi khi vẫn là những điệp viên rất hữu hiệu, cho phe này hoặc phe khác, đôi khi lại làm việc cho cả hai phe. Hai lần mỗi tuần, các chuyến bay hành khách từ Gia Lâm, Hà Nội chở họ đi Vientiane Lào. Ở đấy mọi tin tức điệp báo được chuyển về Bangkok và sau đó thì họ về nước nghỉ phép hoặc để tham khảo thêm về vấn đề ngoại giao.

Đã nhiều năm qua, một vài thành viên của uỷ hội ICC đã cố giúp cho tình báo Mỹ moi ra các địa điểm trại tù binh lại Bắc Việt. Họ đã cố gắng làm việc nhiều nhưng ít có kết quả tốt. Họ nghĩ rằng Bắc Việt Nam không cho phép các chuyến bay thương mại bay trực tiếp ngang qua các doanh trại tù binh trên đường đáp xuống phi trường Gia Lâm, cho nên họ đã cố ghi chú cẩn thận mọi chi tiết về giờ giấc và đoạn đường bay quanh co từ Vientiane về đến Hà Nội.

Vào mùa thu 1969, “Alfred” đã cố gắng tìm kiếm một nguồn tin trực tiếp hơn qua việc bí mật xây dựng Nguyễn Văn Hoàng. Ông ta thực hiện bằng cách thỉnh thoảng đưa ra một vài nguồn tin tức mà các thẩm vấn viên trong nhóm của Hoàng đã cố gắng điều tra từ các tù binh, nhưng những tin tức này thì các giới chức Mỹ đã biết chắc là không xác thực, vì lẽ họ đã khai thác hai tù binh được Hà Nội trao trả vào tháng 8 năm đó. “Alfred” ngụy tạo ra việc như là có một tên đại tá Mỹ nào đó đã say rượu nói chuyện khoác lác trên chuyến bay từ Bangkok  đi Hongkong nghỉ phép và giải trí ba ngày. Lẽ tất nhiên đấy là một chuyện đã được sắp đặt trước, và Hoàng đã báo cáo ngay với các thủ trưởng của đương sự như là một nguồn tin đã khai thác được từ tù binh. Cả hai cơ quan DIA và SACSA đã theo dõi công phu việc này để biết chắc chắn là nguồn tin đã lọt đến Bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam xuyên qua nhiều đường dây khác.

Cuối tháng chín năm 1970, “Alfred” báo cáo là ông ta tin tưởng rằng Hoàng đã bị mắc câu đương sự sẽ trở thành một nguồn tin quý báu trao đổi giữa hai bên. Cơ hội đã đến vào đầu tháng 11. “Alfred” nói với Hoàng là ông ta sẽ về nước để tham khảo công việc trong một vài ngày. Ông ta còn tâm sự là sẽ được thăng chức vượt cấp. Chỉ còn có một trở ngại duy nhất cho việc thăng chức này là do nơi Bộ Ngoại giao của nước ông ta còn tỏ vẻ chán nản về sự thiếu khả năng của ông ta trong việc gây được phản ứng tốt đối với Hà Nội về vấn đề tù binh. Bộ Ngoại giao của nước ông ta cũng như các Bộ Ngoại giao khác trong phái đoàn trung lập ICC đều thân thiện với cả hai phía, cố gắng làm vui lòng Washington và cả Hà Nội. “Alfred” tâm sự thêm rằng ông ta vừa bị Bộ Ngoại giao kiểm tra khả năng qua một công điện yêu cầu phải báo cáo rõ chính xác số lượng tù binh Mỹ hiện bị giam giữ tại miền Bắc Việt Nam. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ không chịu tin về bản danh sách chỉ có 339 tù binh đã được Hà Nội chuyển giao vào đầu tháng tư năm ngoái, và họ đang thúc đẩy tất cả các Bộ Ngoại giao trên thế giới bằng mọi cách giúp tìm ra sự thật về số lượng tù binh này. “Alfred” làm ra vẻ bộc lộ điều suy nghĩ của mình: “Người Mỹ thật đang cuống cuồng lo lắng. Tôi đoán chắc là họ sẽ bằng lòng trả mọi giá nếu có một báo cáo chính xác thuyết phục được họ”. Hoàng đề nghị sẽ gặp lại “Alfred”, có thể trong một cuộc như đi dạo mát tại công viên Chi Lăng, một hoặc vài ngày trước khi “Alfred” về nước.


1    2    3    4    5    6    7    8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét