Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

VỀ CÁI "ĐỒNG CHÍ" TIÊU DAO BẢO CỰ (CHẬN CỰ)

Tiêu Dao Chận Cự
Tiêu Dao Bảo Cự trước năm 1975 là sinh viên tranh đấu ở Huế rồi đi dạy học. Gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1974, có một thời làm Phó Tổng biên tập báo Langbian, sau bị khai trừ và quản chế một thời gian vì đòi hỏi tự do, dân chủ cho Việt Nam. Ba cuốn sách của ông đã được xuất bản ở hải ngoại: Nửa đời nhìn lại (1993), Mảnh trời xanh trên thung lũng (2007) và Tiếng chim báo bão (2009). Ông hiện sống ở Đà Lạt, Việt Nam.

Trong bài phỏng vấn này, mỗi câu trả lời của ông Tiêu Dao Bảo Cự lại đưa đến một vấn đề tốn nhiều giấy mực để bàn cãi.
Ngoài mặt là dân tộc, trong ruột là cộng sản

Ông Tiêu Dao Bảo Cự cho thấy tâm tư, tình cảm của một trí thức miền Nam đi theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam rồi gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam, lúc đó còn giữ tên là đảng Lao Động như sau:  "Lúc đó chúng tôi không quan tâm và nói gì đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có đọc qua đôi chút lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, quan trọng là nghiên cứu 5 bước công tác vận động quần chúng và tập trung cho mục tiêu chống sự can thiệp của Mỹ, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình."

Thật ra mục tiêu chống sự can thiệp của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình chỉ là mục tiêu nhất thời, một chặng đường đi qua để tiến đến thực hiện chủ nghĩa Cộng sản tại miền Nam. Chấm dứt sự can thiệp của Mỹ nghĩa là chấm dứt sự viện trợ của Mỹ cho miền Nam. Miền Nam không còn viện trợ Mỹ mà miền Bắc tiếp tục nhận viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc thì dĩ nhiên là phe CS sẽ chiến thắng tại miền Nam và sẽ đưa miền Nam đi theo chủ nghĩa Cộng Sản. Đáng tiếc là có nhiều người gia nhập đảng Cộng Sản chỉ vì mục tiêu nhất thời của đảng CS mà không để ý đến mục tiêu tối hậu của đảng CS.

Mà việc có những người theo các phong trào của đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, đóng góp công sức, tính mạng nhưng lại không để ý gì cho lắm đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản sau khi đã thành công đánh đổ chế độ cũ lại là chủ ý của đảng Cộng Sản Việt Nam. Khi lôi kéo người hoạt động phục vụ cho các mục tiêu nhất thời khác nhau, đảng Cộng Sản Việt Nam cố tình làm mờ nhạt mục tiêu tối hậu để lôi kéo được nhiều người, trong số đó có những người không quan tâm gì đển việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí có người không tin vào chủ nghĩa cộng sản và ghét cộng sản.

Để đạt đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới, Lê Nin đề ra sách lược hai giai đoạn là đầu tiên làm Cách Mạng Dân Chủ Dân Tộc, sau đó làm Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa . Mục tiêu chống Mỹ can thiệp, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình chỉ là mục tiêu có tính cách chiến thuật của giai đoạn đầu tức là giai đoạn Cách Mạng Dân Tộc.

Trở lại câu chuyện lúc đầu ông Hồ Chí Minh đọc đề cương của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và thấy là sách lược của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản là giải phóng các dân tộc thuộc địa để đánh đuổi thực dân rồi sau đó đưa các xứ đã thoát khỏi cảnh thuộc địa đi theo chủ nghĩa Cộng Sản thì thấy trong giai đoạn giải phóng cách dân tộc thuộc địa thì tất nhiên là đảng Cộng Sản phải dùng chiêu bài giải phóng dân tộc khỏi ách thuộc địa, đánh đuổi thực dân . Chiêu bài này ắt là sẽ qui tụ được nhiều thành phần trong một quốc gia . Nhưng khi đến giai đoạn sau là đưa nước đó đi theo chủ nghĩa Cộng Sản thì sẽ có ít người theo hơn . Chỉ có ai say mê với chủ nghĩa Cộng Sản là mới hăng hái tán thành còn nhiều người dân khác đâu phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ ruộng đất, của cải đem hiến cho nhà nước để rồi đi làm công cho nhà nước ăn lương . Như thế tất nhiên khi chuyển từ giai đoạn Cách Mạng Dân Tộc sang giai đoạn Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ có những người trước đây hăng hái đánh đuổi thực dân bỗng chùn lại, không tán thành con đường đi lên xã hội chủ nghĩa . Tại miền Bắc sau 1954, và tại miền Nam sau 1975 đều xảy ra hiện tượng có người đi theo phong trào do đảng Cộng Sản lãnh đạo rồi về sau khi thấy đảng Cộng Sản bắt đầu áp dụng cách chính sách xã hội chủ nghĩa thì họ rời bỏ hàng ngũ . Đó là thời điểm sau 1951 khi đảng Cộng Sản Việt Nam bắt tay với đảng Cộng Sản Trung Hoa, bắt đầu các các chiến dịch Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất thì có những người bỏ hàng ngũ Việt Minh . Đó là  thời điểm sau 1975, có những người theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam rồi sau không tán thành chính sách xã hội chủ nghĩa . Cụ thể là ông Đoàn Văn Toại, trước 75 là sinh viên tham gia phong trào tranh đấu rồi gia nhập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam . Sau 1975, theo lời ông kể thì ông không tán thành việc tịch thu ruộng đất của toàn dân, nên phản đối và bị bỏ tù . Sau khi ở tù ra, ông vượt biên . Về sau khi qua được Mỹ, ông có tìm đến gặp ca sĩ Mỹ phản chiến Joan Baez, kể lại những gì xảy ra sau 1975 tại Việt Nam . Ca sĩ Joan Baez sau đó năm 1979 đã cùng với 80 nghệ sĩ Mỹ khác cùng ký tên dưới bức thư đăng trên năm nhật báo lớn ở Mỹ phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam .

Nhưng xem ra ông Tiêu Dao Bảo Cự không nằm trong số người không tán thành giai đoạn Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa vì ông đã gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam và sau 1975 hăng hái trong chính sách xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng Sản Việt Nam. Đến năm 1988, ông phản kháng và việc phản kháng của ông không phải là vì ông không tán thành chủ nghĩa Cộng Sản mà có cách nhìn khác về việc thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản.

Vì lý tưởng hay vì lợi quyền

Ông Tiêu Dao Bảo Cự không phải là người chống lại việc đi theo chủ nghĩa Cộng Sản . Trái lại là khác . Ông trở thành kẻ phản kháng vì thấy có nhiều đảng viên không đi theo lý tưởng . Ông nói trong cuộc phỏng vấn:

"Theo cảm nhận riêng của tôi, vài năm sau 1975, ở các đảng bộ tôi sinh hoạt, phương pháp này được thực hiện tương đối tốt vì các đảng viên đấu tranh thẳng thắn, không khoan nhượng những biểu hiện sai trái, lệch lạc, trong tinh thần gọi là “trị bệnh cứu người” giữa những người đồng chí. Về sau này khi đã nắm vững quyền lực, với tư thế của một đảng cầm quyền độc tôn, lợi xen lẫn vào quyền, đi đôi với quyền, cấu kết quyền và lợi bắt đầu tạo ra sự suy thoái, sa đọa trong Đảng. Người ta không còn dám đấu tranh phê bình, tự phê bình một cách thẳng thắn, trong sáng mà nể nang, dựa dẫm nhau, “lắng nghe hơi thở của lãnh đạo”, kết bè cánh, kèn cựa hại nhau, tranh địa vị quyền lợi."

 Ông đã  từng kể sau 75 ông rất phấn khởi hăng say hoạt động để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, nhưng không phải tất cả mọi người tại miền Nam đều như vậy. Trong khi ông hăng say tiến trên con đường xã hội chủ nghĩa, thì nhiều trí thức tại miền Nam bắt buộc phải học tập chính trị. Nội dung của học tập chính trị là học lại lịch sử theo cách nhìn của đảng Cộng Sản Việt Nam để thấy đảng Cộng Sản Việt Nam là có chính nghĩa. Đồng thời mọi người cũng được học thế nào chủ nghĩa Cộng Sản, học những cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa Cộng Sản để cho mọi người tin tưởng rằng trong tương lai, nhân loại sẽ tiến lên xã hội cộng sản không còn giai cấp giàu nghèo, mọi người đều sống ấm no.

Đó là đợt học tập chính trị kéo dài nhiều tuần, hoặc nhiều tháng, tùy theo từng thành phần . Nhưng sau giờ nghe giảng thì có những người chuyền tay nhau đọc cuốn "Giai Cấp Mới" của Milovan Djilas, phó Chủ Tịch Nhà Nước Nam Tư. Nội dung cuốn sách này nói rằng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nam Tư không tiến được đến việc xóa bỏ giai cấp mà sinh ra một giai cấp mới. Giai cấp mới này không nhất thiết là bao gồm tất cả mọi đảng viên đảng Cộng Sản nhưng có nhiều đảng viên và cả những người không ở trong đảng trở thành giai cấp mới với đặc quyền đặc lợi trong xã hội đã từng xóa bỏ các giai cấp đã từng có trước khi đảng cộng Sản lên cầm quyền. Cuốn Giai Cấp Mới đã được in từ lâu tại miền Nam, có lẽ vào thập niên 1960. Nhưng có thể vì số sách in ra ít và cũng vì miền Nam không bắt buộc dân phải học chính trị nên ít có người để ý và ông Tiêu Dao Bảo Cự chắc cũng không có dịp đọc trước 1975. Chỉ đến khi nhiều người phải nghe lời ca tụng sự tốt đẹp của chủ nghĩa Cộng Sản thì họ mới để ý đến cuốn sách này để tìm hiểu thực sự ngoài những lời lẽ ca tụng này thì đảng Cộng Sản sẽ dẫn họ đến chỗ nào.

Ông Milovan Djilas đã thất vọng vì con đường đảng Cộng Sản Nam Tư đi không phải là con đường dẫn đến chủ nghĩa Cộng Sản mà nhiều người vì lòng ham lợi quyền đã  biến thành một giai cấp có nhiều quyền lực và được ưu đãi. Sau khi chế độ Cộng Sản Nam Tư sụp đổ vào đầu thập niên đầu thập niên 1990, người ta khám phá ra lãnh tụ tối cao của đảng Cộng Sản Nam Tư là tướng Tito đã dành riêng cho mình một hòn đảo để làm nơi nghỉ ngơi, giải trí. Trên hòn đảo này, ông Tito đã từng đón tiếp nhiều nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng trên thế giới thời đó, có cả nữ diễn viên Mỹ. Với nếp sống như thế thảo nào Milovan Djilas thất vọng với đồng chí cũ của mình và viết ra cuốn Giai Cấp Mới vào năm 1957, rồi đi vào tù.

Nhưng trước cả Milovan Djilas thì vào năm 1941, George Orwell, một văn sĩ Anh và cũng là một đảng viên của Đệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản, đã viết ra cuốn tiểu thuyết ngắn có tên là Animal Farm (Nông Trại của các súc vật). Trong truyện này, các gia súc trong nông trại đã nghe lời con heo kêu gọi làm cách mạng đuổi ông chủ đi để cho các gia súc tự cai quản lấy mình. Khẩu hiệu của cuộc cách mạng là "Hai chân là tốt, bốn chân là xấu". Cuộc cách mạng đã thành công. Ông chủ bị đánh đuổi đi và con heo đứng ra lãnh đạo nông trại. Nhưng rồi con heo có nếp sống xa hoa như ông chủ cũ, lấy xì gà của ông chủ hút và đi hai chân giống như là ông chủ. George Orwell nhìn thấy xã hội Liên Xô lúc đó đã sinh ra một giai cấp mới với Stalin đầy quyền uy giống như các Nga Hoàng đời xưa.

Trí thức có cần được lãnh đạo bởi chính trị?

Trích: "Đặc điểm của giới trí thức là nặng tư duy, thích phản biện và sáng tạo. Nếu lãnh đạo đã đưa ra định hướng cứng nhắc, ràng buộc trí thức thì không những không giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức mà còn làm cho họ trở nên thui chột, xơ cứng, thậm chí hèn nhát, tráo trở, gian dối để được lòng lãnh đạo".

Nhận định trên rất đúng. Tại các nước tự do, trí thức được tư do suy nghĩ và phát biểu thì trong nhiều trường hợp các tư tưởng mới, các ý kiến của các triết gia, các lý thuyết của các giáo sư đại học, các chuyên viên được các đảng chính trị đem áp dụng. Điều này có nghĩa là trên bình diện quốc gia trí thức lãnh đạo các đảng chính trị về mặt tư tưởng, chứ không phải là ngược lại là đảng chính trị lãnh đạo trí thức về mặt tư tưởng.

Đảng chính trị nhằm vào mục đích tranh đoạt quyền lực, lợi lộc trước mắt nên tư tưởng thường hạn hẹp vào mục tiêu mà đảng đó nhắm, có tính cách nhất thời. Trong khi đó, trí thức nếu được tự do, không bị ràng buộc bởi lợi danh, bởi sự thành công nhất thời có thể đưa ra các tư tưởng có tính khách quan, có giá trị lâu dài.

Lấy trường hợp Karl Marx để xét xem trí thức lãnh đạo đảng chính trị hay đảng chính trị lãnh đạo trí thức. Chính Karl Marx đã viết ra Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản và Tư Bản Luận rồi từ đó sinh ra các đảng chính trị lấy những gì Karl Marx viết làm tư tưởng chủ đạo, từ đó mà sinh ra các đảng Cộng Sản trên thế giới. Chứ đâu phải là có đảng Cộng Sản trước, rồi đảng này kết nạp Karl Marx vào đảng rồi bảo Kalr Marx phải viết ra Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản và Tư Bản Luận để làm lý thuyết cho đảng. Karl Marx là người lãnh đạo về mặt tư tưởng đối với các đảng CS trên thế giới, nghĩa là trí thức là người lãnh đạo tư tưởng cho xã hội. Nếu thời Karl Marx sống không có tự do tư tưởng, ai cũng phải viết trong vòng chính quyền cho phép thì Karl Marx đâu thể viết ra Tư Bản Luận. Khi chính quyền khám phá ra Marx đang viết Tư Bản Luận là đã đem bỏ tù Marx thì nhân loại sẽ không có một lý thuyết mới. Điều đó có nghĩa trí thức phải được tự do thì mới có tư tưởng mới, mới có tiến bộ cho xã hội.

Trích: "Lịch sử Đảng cho thấy Đảng đã nhiều lần đổi tên, thay đổi đường hướng chiến lược để tồn tại và phát triển. Đảng cũng thấy rõ xu hướng hiện nay của toàn nhân loại là xu hướng dân chủ, nhưng Đảng sẽ không tự nguyện chuyển hóa về phía dân chủ vì như thế sẽ mất độc quyền lãnh đạo, có nghĩa là mất nhiều quyền lợi".

Xét trong lịch sử, những lần đảng CSVN đổi tên, đổi hướng chiến lược đó thì có điều đảng CS không bao giờ đổi là sử dụng bạo lực. Nhờ sử dụng bạo lực mà đảng CSVN giành được độc quyền lãnh đạo. Còn chuyển sang dân chủ có nghĩa là đảng CSVN phải từ bỏ việc sử dụng bạo lực để tiêu diệt các đảng khác mà để cho toàn dân dùng lá phiếu chọn đảng nào có đường lối mà dân cho là có lợi ích cho mình. Khi từ bỏ việc dùng bạo lực thì đảng CSVN mất độc quyền lãnh đạo. Không dùng được bạo lực để tiêu diệt những người có chính kiến khác thì sẽ bị mất độc quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét