TIÊU DAO CHẬN CỰ |
TIÊU DAO BẢO CỰ học Đại học Văn khoa và Đại học Sư Phạm Huế những năm 1963 – 1967. Trong thời gian này tích cực tham các phong trào đấu tranh của sinh viên và quần chúng đòi độc lập, dân chủ và hòa bình, chống các chính phủ độc tài và sự can thiệp quá sâu của người Mỹ ở Miền Nam. Đã từng giữ các chức vụ Chủ tịch Ban Đại Diện Sinh viên Đại học Sư Phạm, Phó chủ tịch ngoại vụ, Phụ trách Đài Phát Thanh Tranh Đấu, Đoàn trưởng Đoàn 3 Sinh viên Quyết Tử thuộc Hội Đồng Sinh viên Liên Khoa Tranh Thủ Cách Mạng Đại học Huế. ( Các tổ chức này do sinh viên Đại học Huế lập ra trong phong trào đấu tranh, không phải của Cộng Sản). Năm cuối ở Đại học bị bắt giữ và giam 5 tháng tại Trại Tạm giam của Trung Tâm Thẩm vấn Thành phố Huế.
- Từ 1967-1970 : Dạy học ở Ban Mê Thuột.
- Từ 1970-1975 : Dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trong thời gian ở Bảo Lộc, tham gia hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng và gia nhập Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam( tức Đảng Cộng sản ở Miền Nam).
- Sau 1975, làm cán bộ cho các tổ chức đoàn thể tại Bảo Lộc.
- Năm 1987 chuyển lên Đà Lạt làm Thường Trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng khi hội này mới thành lập và là Phó Tổng biên tập tạp chí Lang Bian của Hội. Lang Bian là một tạp chí có xu hướng cấp tiến rõ rệt trong thời điểm này, cùng với báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN và tạp chí Sông Hương ở Huế. Mới ra được 3 số, tạp chí Lang Bian bị đình bản. Cuối năm 1988, cùng với nhà thơ Bùi Minh Quốc ( Chủ tịch Hội và Tổng biên tập tạp chí Lang Bian), TDBC đã tổ chức một chuyến đi xuyên Việt để vận động văn nghệ sĩ, trí thức đòi hỏi tự do sáng tác, tự do báo chí, dân chủ và đổi mới thực sự. Chuyến đi này có khách là nhà thơ Hữu Loan cùng đi.
Tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, thông qua các Hội Văn nghệ địa phương, đoàn đã gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức và công chúng để trao đổi quan điểm, vận động ký các kiến nghị và tuyên bố, trong đó có một tuyên bố với 118 người ký đòi tự do dân chủ và yêu cầu cách chức Trưởng Ban Tuyên huấn Trung Ương và Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin.
Chuyến đi này gây tiếng vang lớn và chấn động cả Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, sau này được đánh giá như một “cuộc biểu tình chạy của văn nghệ sĩ, trí thức tập dượt chống chế độ”. Đến Huế, theo chỉ đạo của Ban Bí Thư, Tỉnh Ủy Lâm Đồng điện gọi Bùi Minh Quốc và TDBC quay về để kiểm điểm nhưng BMQ và TDBC không chấp hành, tiếp tục đi ra Hà Nội, vào tận Ban Bí Thư và một số Ban, Bộ ở Trung Uơng để đấu tranh và giao các kiến nghị, tuyên bố của các văn nghệ sĩ, trí thức và công chúng. Sau chuyến đi này, BMQ và TDBC bị kiểm điểm trong Hội và trong Đảng kéo dài cả năm trời, cuối cùng cả hai đều bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Riêng TDBC đến năm 1992 tự ý nghỉ việc, ra khỏi cơ quan nhà nước, về nhà cuốc đất làm vườn.
- Từ 1993, TDBC bắt đầu viết các bài chính luận phân tích tình hình đất nước và phê phán nhà cầm quyền, hầu hết đều công bố ở hải ngoại vì nhà cầm quyền trong nước cấm đăng bài với bút danh này. Bài viết và trả lời phỏng vấn của TDBC xuất hiện trên các báo, tạp chí như Thông Luận, Diễn Đàn ( Pháp), Người Việt , Hợp Lưu, Ngày Nay, Thế Kỷ 21 (Mỹ), Thiện Chí, Tự Do, Tao Đàn ( Đông Âu); các đài phát thanh VOA, BBC,RFA, RFI, VNCR, Australia, Chân trời Mới.
- Ngoài các bài chính luận TDBC có hai tác phẩm được xuất bản tại Mỹ: Nửa Đời Nhìn Lại ( tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thế Kỷ 1994, Nhà xuất bản Văn nghệ tái bản năm 1997), Hành Trình Cuối Đông ( Bút ký, Nhà xuất bản Văn nghệ 1998).
- Sau mấy năm bị theo dõi, bao vây, cô lập và công an gọi lên thẩm vấn triền miên nhưng không thay đổi quan điểm và thái độ, chính thức bị quản chế 2 năm ( 1997-1999) theo nghị định 31/CP về quản chế hành chính. ( Nhà thơ Bùi Minh Quốc và TDBC là hai người đầu tiên bị quản chế theo nghị định này).
- Sau một thời gian im lặng tuy vẫn tiếp tục sáng tác, TDBC xuất hiện trở lại với tập truyện “ Trên cả hận thù” ( do tạp chí Văn Học ở Mỹ xuất bản cuối năm 2004) và từ tháng 8/2005 với hàng lọat bài trên DCVOnline và Talawas.
- TDBC có công lớn trong việc cùng với các bạn ông là Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Trần Minh Thảo, và một số bạn khác đã tạo ra một hiện tượng mà nhiều người thường gọi là “Nhóm Đà Lạt”, “Nhóm thân hữu Đà Lạt”, hay nhóm “Hiền sĩ cao nguyên”, làm cho Đà Lạt trở thành một điểm nóng chính trị”, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trong một thời gian dài.
Tác phẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét