Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

TÔN TRỌNG Ý DÂN VÀ MỘT HIẾN PHÁP KHÔNG HẠT NHÂN

Dương Thạch (Save Vietnam’s Nature) - Nhưng vấn đề đặt ra là những cảnh báo của ông cùng một số người hưởng ứng có phải là tiếng kêu trong sa mạc không? Ngoài một số ít người có lòng và nhận biết được sự nguy hiểm của Điện Hạt Nhân, dường như quần chúng vẫn chưa hiểu rõ tầm nguy hiểm của vấn đề, kể cả nhiều nhà trí thức có trình độ và hiểu biết cao. Dĩ nhiên sống trong nước bị kềm kẹp đủ bề, mới chỉ lên tiếng trái chiều lập tức bị xã hội đen sách nhiễu hay phải ở cùng Điếu Cày vì các điều 88, 258..., nhưng giới sĩ phu bất kể tuổi tác có lẽ vẫn là mối hy vọng cho người dân thấp cổ bé miệng. Nhìn sang một lãnh vực khác, những hành động mới đây của các blogger trong Mạng lưới blogger Việt Nam cho chúng ta nuôi hy vọng và thêm động lực! Liệu có thể có một Mạng lưới No Nukes Việt Nam không?...

 Từ khi trí thức trong nước công bố Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người Theo Hiến Pháptại Việt Nam Ngày 25 tháng 12 năm 2012 và Kiến Nghị Về Sửa Đổi Hiến Pháp 1992 cũng như kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ và góp ý thì cả trong lẫn ngoài nước đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, hoài nghi về tính khả thi có mà hy vọng mong manh cũng có.

Trên blog của mình, nhà báo Đoan Trang góp ý với giới trẻ về kiến nghị về sửa đổi hiến pháp như sau: "Điều này đúng như một dự đoán phổ biến của dư luận, ngay từ đầu, rằng tất cả chỉ là một màn kịch. Từ quan điểm đó, đã có những tuyên bố sẽ không tham gia, không hưởng ứng, thậm chí không buồn theo dõi “trò hề”. Cũng có những ý kiến cho rằng người lên tiếng hoặc ký kết kiến nghị là ngây thơ về chính trị, ảo tưởng về Đảng, và là thiểu số giữa đại đa số người dân Việt Nam thờ ơ, xa lánh chính trị. Nhưng nếu bỏ qua những thứ gây bực mình và ức chế, như các phát biểu đầy lỗi ngụy biện của người này kẻ kia, hay màn bút chiến của một số cơ quan truyền thông quốc doanh hàng đầu, liệu có thể nhìn vào một khía cạnh tích cực hơn, rằng đây là một dịp rất tốt để tất cả chúng ta cùng tìm hiểu về hiến pháp, về luật pháp, về tinh thần hợp hiến, về nhân quyền và dân quyền...? " (1).

Tương tự, TS Nguyễn Thị Từ Huy đã nhận định như sau: "Góp ý cho Quốc hội và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể sẽ vô ích xét từ phía Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội tổ chức lấy ý kiến chỉ là hình thức. Nhưng tôi cho rằng việc đó sẽ không vô ích, nếu xét từ góc độ hoạt động công dân. Một xã hội dân sự thực sự chỉ có thể hình thành cùng với việc người dân chủ động thực hiện quyền công dân của mình, chủ động xây dựng các điều kiện để cho quyền công dân được đảm bảo.

Chữ ký của quý vị, khi đứng một mình, chỉ là một chữ ký đơn độc, khi đứng bên cạnh chữ ký của những người khác sẽ bớt đơn độc hơn. Tiếng nói đơn lẻ của một người sẽ khác tiếng nói của triệu người, dù rằng cả triệu người nhiều khi cũng vẫn còn là đơn lẻ...

Cá nhân tôi vẫn tin, mặc cho sự chê cười của quý vị, rằng trong Quốc hội (và trong đảng) cũng có những người muốn đứng về phía nhân dân, muốn có một bản Hiến pháp thực sự của dân, vì dân và do dân. Chắc chắn những người đó cũng rất đơn độc, như quý vị. Tại sao chúng ta không ủng hộ họ, không hậu thuẫn cho họ? Chỉ bằng một chữ ký thôi?" (2).

Trong tình trạng hiện nay ở Việt Nam "người dân chủ động thực hiện quyền công dân của mình" vẫn chỉ là một chút hy vọng nhỏ nhoi nếu không bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Ngược lại, ở những nước có nền dân chủ pháp trị xây dựng và kiện toàn từ hàng chục năm, "người dân chủ động thực hiện quyền công dân của mình" chính là những biện pháp dân chủ trực tiếp được quy định rõ ràng trong hiến pháp, từ Dân Mong Muốn, Dân Khuyến Cáo đến Dân Quyết Định. Mỗi hình thức đều có những điều kiện và kết quả khác nhau.

Trong phạm vi bài này, người viết xin giới thiệu một hiến pháp có thể gọi là độc nhất vô nhị, đó là hiến pháp của nước Áo.

So với Việt Nam, Áo là một nước nhỏ ở Trung Âu, diện tích chỉ bằng khoảng 1/4 Việt Nam và dân số khoảng 1/10 dân số Việt Nam. Nước Cộng hòa Áo hiện nay tồn tại từ 1918, theo thể chế nghị viện và là một liên bang với 9 tiểu bang. Trên bình diện liên bang, Áo có quốc hội liên bang (Nationalrat), một chính phủ liên bang (Bundesregierung) và một hội đồng liên bang (Bundesrat) gồm các nghị viên do quốc hội các tiểu bang chỉ định để bảo vệ các quyền lợi của tiểu bang.

Hiến pháp Áo quy định các thể thức dân chủ trực tiếp như Volksbegehren (Dân Mong Muốn), Volksbefragung (Hỏi Ý Dân) và Volksentscheid (Dân Quyết Định). Cần nói rõ ở đây là tất cả mọi công dân đều có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình trong mọi hình thức, bất cứ lúc nào truyền thông cũng có toàn quyền dẫn ý hay chuyển tải mọi ý kiến về một vấn đề nào đó.

- Dân Mong Muốn (Volksbegehren) là hình thức xuất phát từ người dân, một biện pháp để dân chúng đưa ra trước quốc hội một vấn đề hay một dự thảo luật. Quốc hội bắt buộc phải bàn thảo nhưng không bắt buộc phải giải quyết vấn đề hay làm đạo luật vì hình thức này chỉ có tính cách góp ý với quốc hội. Một hay nhiều người đề xướng trước hết phải xin phép và sau đó phải thâu thập đủ 100.000 chữ ký của các cử tri hợp lệ trong vòng một tuần lễ.

- Hỏi Ý Dân (Volksbefragung) là hình thức quốc hội hỏi ý dân chúng về một vấn đề hay dự luật mà trên lá phiếu cử tri chỉ có hai chọn lựa, "phản đối, không" / "đồng ý, có" hoặc "Chọn lựa 1" / "Chọn lựa 2". Cũng như "Dân Mong Muốn", "Hỏi Ý Dân" cũng chỉ có tính cách góp ý với quốc hội.

- Dân Quyết Định (Volksentscheid hoặc Volksabstimmung): giống như Hỏi Ý Dân, trong biện pháp này cử tri chỉ được chọn một trong 2 trả lời trên lá phiếu nhưng kết quả có tính cách bắt buộc nếu hội đủ đa số. Một thí dụ: quốc hội muốn cách chức tổng thống và tổ chức trưng cầu dân ý, trên lá phiếu sẽ ghi câu hỏi là "có cách chức tổng thống không?" và chỉ có hai trả lời để chọn lựa là "có" và "không". Nếu đa số cử tri trả lời có thì tổng thống sẽ bị bãi nhiệm, ngược lại nếu đa số trả lời không thì quốc hội sẽ bị giải tán để tổ chức bầu quốc hội mới, tổng thống được lưu lại trong một nhiệm kỳ mới bắt đầu sau khi trưng cầu dân ý.

Nhà máy điện hạt nhân Zwentendorf không sản xuất điện hạt nhân

NMĐHN Zwentendorf (3) nằm ngay cạnh sông Donau (Danube), cách thủ đô Wien (Vienna) 37 cây số đường chim bay và gần 60 cây số đường xe hơi. NMĐHN Zwentendorf thuộc loại lò nước sôi 723 Megawatt (MW), được khởi công xây dựng năm 1972 thời chính phủ của thủ tướng Bruno Kreisky thuộc đảng Dân Chủ Xã Hội. Theo kế hoạch năng lượng năm 1976 của nước Áo thì Zwentendorf là một trong 3 nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp tổng cộng 3300 MW.

Sau khi nhà máy xây xong, trong cuộc trưng cầu dân ý Dân Quyết Định ngày 5/11/1978 với một đa số khít khao 50,47%, cử tri Áo chống NMĐHN Zwentendorf. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này đã đưa đến đạo luật Cấm Dùng Tách Phân Hạt Nhân Để Sản Xuất Năng Lượng tại Áo (Verbot der Nutzung der Kernspaltung für die Energieversorgung in Österreich) được ban hành một tháng sau khi trưng cầu dân ý, gọi nôm na là Luật Cấm Hạt Nhân(Atomsperrgesetz) (4). Nhà máy Zwentendorf tiếp tục tồn tại nhưng không hề sản xuất điện. Những người ủng hộ luật cấm nói trên càng được thêm nhiều hưởng ứng sau khi tai nạn hạt nhân xảy ra tại NMĐHN Three Mile Island ở Harrisburg (Pennsylvania, Mỹ) năm 1979.

Tháng 2 năm 1985, thủ tướng Áo Fred Sinowatz (đảng Dân Chủ Xã Hội Áo SPÖ) tuyên bố đảng SPÖ sẽ nộp đơn xin quốc hội thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý Dân Quyết Định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, nhưng muốn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý này thì trước hết phải hủy bỏ Luật Cấm Hạt Nhân. Tuy nhiên, việc hủy bỏ Luật Cấm Hạt Nhân đã không đạt được đa số cần thiết trong cuộc biểu quyết của quốc hội Áo tháng 3 năm 1985. Do đó thủ tướng Fred Sinowatz phải tuyên bố đảng SPÖ sẽ không nộp đơn xin quốc hội thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý Dân Quyết Định nữa, đồng thời chính phủ Áo quyết định giải quyết Zwentendorf trong âm thầm. Ở đây cần nêu rõ đảng SPÖ của thủ tướng Sinowatz lúc đó là đảng đang cầm quyền nhưng ý định của đảng này không được sự hậu thuẫn của đa số các dân biểu trong quốc hội kể cả dân biểu của đảng SPÖ, các dân biểu Áo làm việc vì dân, cho dân và theo lương tâm chứ không phải loại nghị gật.

Tính đến tháng 3 năm 1985, nước Áo phải chi hết một tỷ Euro cho nhà máy Zwentendorf, trong đó gần 44 triệu Euro tiền duy trì nhà máy mặc dù không hề sản xuất điện.

Sau tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986, những người trước đó chống đối Luật Cấm Hạt Nhân đã nhận thức được sự nguy hiểm của điện hạt nhân. 1987 nhà máy nhiệt điện Dürnrohr được xây xong tại một địa điểm thuận tiện để dùng các đường dẫn điện trước đó đã dự trù cho NMĐHN Zwentendorf. Trong thời gian sau đó, NMĐHN Zwentendorf cùng lúc được dùng cho nhiều việc khác nhau như trung tâm huấn luyện cảnh sát, trường học, phim trường v.v...


NMĐHN Zwentendorf ngày nay sản xuất điện
bằng năng lượng mặt trời. 
Năm 2005, công ty cổ phần năng lượng EVN của Áo mua lại nhà máy Zwentendorf và đầu tư thêm vào đó 1,5 triệu Euro, biến Zwentendorf thành nhà máy sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời. Trên nóc và trên diện tích đất được gắn các mô đun Photovoltaik biến điện từ ánh sáng mặt trời. Như thế Zwentendorf là nhà máy điện hạt nhân duy nhất trên thế giới sản xuất điện từ năng lượng tái tạo.

Luật Cấm Hạt Nhân được nâng lên cấp hiến pháp của Áo

Năm 1997, một cuộc trưng cầu dân ý Dân Mong Muốn với tiêu đề "Một nước Áo không hạt nhân" do 9 dân biểu liên bang khởi xướng đạt được gần 250 ngàn chữ ký ủng hộ (theo luật phải tối thiểu 100.000), như thế quốc hội lại phải đưa vấn đề này ra thảo luận. Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý theo thể thức Dân Mong Muốn chỉ có tính cách góp ý và quốc hội không bắt buộc phải có giải pháp nào nhưng đến năm 1999 quốc hội Áo nhất trí (100% phiếu thuận) nâng cấp Luật Cấm Hạt Nhân kể trên trở thành "Luật Hiến Pháp cho một nước Áo không hạt nhân".
(Bundesverfassungsgesetz für ein atomfreies Österreich), gần như nguyên văn của Dân Mong Muốn "Một nước Áo không hạt nhân" được đưa vào luật hiến pháp này (5). Đây là một quyết định vô cùng sáng suốt, tránh cho nước Áo nhiều khó khăn về sau. Điều này cũng cho thấy sự tương quan rất chặt chẽ giữa một nền dân chủ pháp trị đích thực với vấn đề Điện Hạt Nhân nói riêng và bảo vệ môi trường sinh sống theo nghĩa rộng. Bảo vệ môi trường sinh sống cũng là mục tiêu của quốc gia được ghi rõ trong hiến pháp Áo (1984) cũng như Đức (1994)!



Tuy không có 4000 năm văn hiến nhưng nước Áo đã tỏ ra rất tôn trọng ý kiến của người dân, những hình thức dân chủ trực tiếp được quy định rõ bằng luật pháp và nhất là quốc hội Áo đã có những quyết định sáng suốt khi nâng cấp Luật Cấm Hạt Nhân lên hàng hiếp pháp. Qua những sự kiện nêu trên, nước Áo đã cho thế giới một bài học dân chủ có một không hai trong lãnh vực điện hạt nhân.

Một bài học khác mà chúng ta có thể học được là NMĐHN Bataan ở Philippines. NMĐHN Bataan, cách thủ đô Manila khoảng 60 cây số, được khởi công năm 1976 dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos và năm 1984 tạm xong với phí tổn 2,3 tỷ đô la. Bà tổng thống kế nhiệm Corazon Aquino đã đình chỉ việc xây dựng nhà máy này năm 1986 vì lý do an toàn: NMĐHN Bataan nằm gần khu vực của núi lửa Natib và chỉ cách núi lửa Mt. Pinatubo 50 cây số.

Trung tâm kiểm soát của NMĐHN Bataan dành cho du khách vào xem. Báo Süddeutsche Zeitung coi đây là chuyến du lịch ngược thời gian về thế giới điện hạt nhân của những năm 80 thế kỷ trước, tất cả trông như trong một phim James Bond xa xưa. Ảnh AFP (15).

Sau sự cố hạt nhân Fukushima, NMĐHN Bataan chính thức được xóa sổ và biến thành một địa điểm du lịch. "NMĐHN Bataan là một cảnh báo về tai họa hạt nhân mà dân chúng ở Harrisburg, Tschernobyl và Fukushima đã phải gánh chịu", ông Ronald Tiotuico, giám đốc du lịch địa phương, đã tuyên bố với báo Philippine Star. Ông Tiotuico cũng nói với hãng thông tấn AFP về NMĐHN Bataan: "Du khách có thể tham quan các máy móc, thiết bị và nhận biết những gì đã xảy ra ở Fukuhshima và sẽ không bao giờ xảy ra ở Bataan"! (6).

Ở Đức, sau khi bà thủ tướng Angela Merkel quyết định "bước ngoặt năng lượng" năm 2011 từ giã điện hạt nhân, nước Đức đến nay phải đối phó với hai khó khăn, thứ nhất là vẫn còn loay hoay không tìm ra được phương cách nào hầu giải quyết ổn thỏa rác nguyên tử thải ra từ các nhà máy điện hạt nhân (7), thứ nhì là phải xây dựng thêm hạ tầng cơ sở, thêm các đường dẫn điện từ Bắc Hải, nơi các tập đoàn năng lượng đang bành trướng năng lượng điện từ gió biển, chuyển tải điện đi khắp nơi trên nước Đức mà không làm phiền nhiễu dân chúng. So với Đức, nước Áo từ dân chúng đến nhà nước, ngày nay không phải bận tâm với những khó khăn mà nước Đức đang gặp nhờ họ đã vô cùng sáng suốt quyết định không dùng điện hạt nhân từ cách đây gần 30 năm.

Việt Nam lựa chọn năng lượng hạt nhân có thực sự hữu ích?

Trở lại với đất nước Việt Nam, câu hỏi đặt ra là lựa chọn năng lượng hạt nhân có thực sự hữu ích và cần thiết không? Tại sao chúng ta không thể học bài học của Áo, Philippines hay Đức?

Hãy nghe nhà giáo Nguyễn Thượng Long bày tỏ lo ngại sau khi tham khảo với đồng nghiệp chuyên môn địa lý: "Lại càng lạ hơn trong những thiên tai, hiểm họa có thể đến từ Biển Đông học sinh của chúng ta không hề biết gì về sóng thần (Tsunami). Về lý thuyết, Tsunami có thể ập vào bờ biển Việt Nam bất cứ lúc nào, bởi về cấu trúc địa chất, ta nằm gần với các đới đứt gãy và kiến tạo miền Tây Thái Bình Dương. Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị sóng thần đập vỡ năm 2011 là bài học còn quá nóng bỏng! Năm ngoái nhân dân Đà Nẵng đã thực tập khắc phục sóng thần rất sôi động, lẽ nào học sinh, sinh viên lại không biết!

Liên quan đến việc này, thật trớ trêu, bất chấp sự khuyên can, phản đối của các trí thức, khoa học gia… trong và ngoài nước và phớt lờ một thực tế là giữa lúc nhiều nước văn minh đã tuyên bố hủy bỏ, từ chối, nói không với điện hạt nhân thì dự án nhà máy điện hạt nhân trị giá hơn 20 tỉ USD vẫn đang được xúc tiến ở bờ biển Ninh Thuận, vậy mà tú tài Việt Nam hôm nay trong đó có thể trong tương lai có người sẽ là những chuyên gia vận hành nhà máy này, lại không cần biết gì về sóng thần... thì đúng là điếc không sợ súng, là chưa thấy quan tài chưa rơi lệ"! (8).
 
NMĐHN Ninh Thuận I nằm ngay bờ biển, trung tâm chỉ cách biển khoảng 500 thước. 
Nỗi lo âu của nhà giáo Nguyễn Thượng Long không phải là vô cớ. Ảnh: wikimapia (9)

Người viết hoàn toàn tán đồng những lý do bác bỏ điện hạt nhân mà GS Nguyễn Nhắc Nhẫn đã trả lời tóm gọn trong cuộc phỏng vấn mới đây (10) của đài RFI: "ĐHN đã lỗi thời, không an toàn, rất nguy hiểm cho hàng chục thế hệ con cháu sau này. ĐHN không kinh tế như người ta tuyên truyền láo, nó sẽ đắt hơn năng lượng tái tạo, khi ta xây cất xong các nhà máy. Điện Hạt Nhân - ĐHN - là Điện Hại Nước, Điện Hại Non. Non Nước và dân ta có tội gì đâu, mà phải sống trong sự đe dọa thường trực của phóng xạ giết người, gây bệnh hoạn suốt đời, sau biết bao tang thương của những cuộc chiến tranh tàn ác để lại. Vì một chiến lược sai lầm, không phù hợp với cuộc cách mạng năng lượng thế giới đang diễn ra (smartgrid, Năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng...), nếu rủi ro, trong chớp nhoáng, Việt Nam có thể bị điêu tàn, kinh tế sụp đổ, ngành du lịch, xuất khẩu tê liệt!“. GS Nguyễn Nhắc Nhẫn cũng nói với RFI: "Theo tôi, cần phải có cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam. Như thế mới là dân chủ!".

Quả thực một cuộc trưng cầu dân ý về chương trình ĐHN của Việt Nam rất cần thiết. Ở những nước dân chủ thật sự với một nền pháp trị vững chắc như nước Áo, Đức, Thụy Sĩ v.v.,vấn đề ý kiến của dân chúng đều được quy định rõ bằng hiến pháp mà tất cả mọi người từ chính phủ, đảng phái đến dân chúng đều phải tôn trọng. Tất cả mọi công dân đều có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình dưới mọi hình thức, từ mít tinh, biểu tình, hội thảo đến truyền đơn, bài viết, phát thanh, và bất cứ lúc nào truyền thông cũng có toàn quyền dẫn ý hay chuyển tải mọi ý kiến về một vấn đề nào đó, không có việc kiểm duyệt, cấm đoán nếu sự việc nào đó không vi phạm hiến pháp. Người viết xin nêu ra một thí dụ điển hình sau đây: ở Đức, các nhóm tân quốc xã thỉnh thoảng vẫn tổ chức biểu tình tuần hành nhân dịp kỷ niệm một nhân vật quốc xã thời xưa nào đó và nộp đơn đăng ký biểu tình, thành phố bác bỏ vì lý do an ninh công cộng, nhưng nhóm tân quốc xã kiện ra tòa và cuối cùng vẫn được biểu tình vì tòa án xét ra cuộc biểu tình không vi phạm hiến pháp, cùng thời gian đó có những cuộc biểu tình phản biểu tình do các nhóm xã hội dân sự tổ chức để chống đối tinh thần phát xít của các nhóm tân quốc xã.

Tại Việt Nam, ngày nào còn một đảng ngự trị trên cả hiến pháp, còn những điều luật phản dân chủ như điều 4 hiến pháp, điều 88, điều 258 luật hình sự..., ngày nào các tiếng nói "trái chiều" bị trù dập ngay từ trong trứng nước thì ngày đó ý kiến của dân chúng không hề được tôn trọng. Ngày nào còn có những hành vi gian trá, mượn tay người khác để dập tắt tiếng nói phản đối điện hạt nhân như trường hợp TS Nguyễn Xuân Diện chỉ vì cùng viết thư phản đối Nhật Bản xuất cảng công nghệ hạt nhân sang Việt Nam đã bị "thương binh" kéo vào văn phòng sách nhiễu mà không được cảnh sát bảo vệ (11) thì ngày đó hỏi ý kiến dân chỉ là bánh vẽ, chưa kể đến việc người dân bị ép phải ký tên vào những bản góp ý đã được viết trả lời sẵn. Ngày nào còn có kiểu tuyên truyền cho Điện Hạt nhân bằng cách “mà mắt” đồng bào dân tộc (12) thì ngày đó còn có những hoài nghi được đặt ra một cách chính đáng như GS Nguyễn Nhắc Nhẫn bày tỏ với đài RFI (13): "Ta có thể đặt câu hỏi vì lý do gì Việt Nam không chịu thay đổi chiến lược. Áp lực từ đâu đến? Vấn đề chính trị hay các tay buôn ngoại quốc lợi dụng chúng ta, một hai họ quyết tâm phải bán lò cho Việt Nam. Sự thực là các lò phản ứng tồn kho. Sự thật tôi không biết công ty ngoại quốc trung gian nào? Ai có ảnh hưởng và quyền lợi lớn trong các lobby này? Ai có cơ hội làm giàu trên đầu dân ta, bất kể sự nguy hiểm cho tính mạng con người?"

Là một chuyên gia về năng lượng, GS Nguyễn Khắc Nhẫn, cũng như một số chuyên gia khác, đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo hậu quả nguy hiểm của Điện Hạt Nhân. Nhưng vấn đề đặt ra là những cảnh báo của ông cùng một số người hưởng ứng có phải là tiếng kêu trong sa mạc không? Ngoài một số ít người có lòng và nhận biết được sự nguy hiểm của Điện Hạt Nhân, dường như quần chúng vẫn chưa hiểu rõ tầm nguy hiểm của vấn đề, kể cả nhiều nhà trí thức có trình độ và hiểu biết cao. Dĩ nhiên sống trong nước bị kềm kẹp đủ bề, mới chỉ lên tiếng trái chiều lập tức bị xã hội đen sách nhiễu hay phải ở cùng Điếu Cày vì các điều 88, 258..., nhưng giới sĩ phu bất kể tuổi tác có lẽ vẫn là mối hy vọng cho người dân thấp cổ bé miệng. Nhìn sang một lãnh vực khác, những hành động mới đây của các blogger trong Mạng lưới blogger Việt Nam cho chúng ta nuôi hy vọng và thêm động lực! Liệu có thể có một Mạng lưới No Nukes Việt Nam không?

Xin góp ý thêm với cựu Đại biểu Quốc hội Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã nói với BBC tháng 3 năm ngoái về NMĐHN Ninh Thuận: "Nhưng nếu còn kịp dừng lại, thì theo tôi, nên dừng lại" (14): vâng thưa ông Thuyết, biết dừng lại thì không bao giờ muộn cả, hủy bỏ càng sớm thì càng đỡ nợ nần cho đất nước.

Và vấn đề sau cùng: liệu các nhà lãnh đạo đang nắm quyền bính ở Việt Nam có đủ trí tuệ và lòng thương dân để đi đến một quyết định sáng suốt như nước Áo cách đây gần 30 năm hay không? Xin quý vị, các ông Sang Trọng Hùng Dũng, hãy chấm dứt ngay chương trình điện hạt nhân Việt Nam!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét