Phản biện bài trả lời của ông Trần Công Trục (1)
Mai Thái Lĩnh - Trước hết, tôi ghi nhận thiện ý của ông Trần Công Trục khi ông viết: “tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.”
Tuy nhiên, để có thể “thu hẹp khoảng cách” trong nhận thức của xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể dựa trên ý chí của từng cá nhân, từng nhóm người hay thậm chí dựa trên ý chí của một đảng chính trị - cho dù đảng đó đang nắm giữ bộ máy Nhà nước. Khoảng cách đó chỉ có thể được thu hẹp và tạo nên sự đồng thuận một khi dựa trên quyền lợi chung của toàn dân tộc, và nhất là phải tôn trọng sự thật. Ngày nay, với phương tiện truyền thông có tính toàn cầu, không thể bưng bít sự thật hay tìm cách khuôn sự thật theo ý muốn của một cá nhân hay một nhóm người nào cả.
Về những bằng chứng lịch sử liên quan đến Thác Bản Giốc, tôi có một cách nhìn hoàn toàn khác với ông Trần Công Trục, bởi vì đối với đường biên giới Việt-Trung – vốn là một đường biên giới có lịch sử lâu đời và có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc ta, đất nước ta, không thể không đề cập đến phương diện lịch sử. Hơn thế nữa, những bằng chứng lịch sử đó có từ rất lâu - trước khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền trên toàn miền Bắc, thậm chí trước khi Đảng Cộng sản ra đời, vì thế không thể nói rằng đó là kết quả của “hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức” trong giai đoạn cuối thập niên 1970 – khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Chính vì lẽ đó, tôi đã giới thiệu lại các bài viết của ông Diệp Đình Huyên (tức Hàn Vĩnh Diệp) để chứng minh rằng “Thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc về Việt Nam” từ rất lâu và suốt trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước vẫn còn hữu hảo, phía Trung Quốc không hề thắc mắc gì về “sự thật” này. Hơn thế nữa, nếu Việt Nam thật sự là một quốc gia dân chủ bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận cho mọi công dân thì sẽ có rất nhiều người noi gương ông Diệp Đình Huyên sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho “sự thật” đó.
Trong phạm vi của bài phản biện này, tôi tạm thời gác lại khía cạnh lịch sử của chủ đề “Thác Bản Giốc”, để tập trung bàn về những căn cứ pháp lý.
1) Tại sao các tài liệu liên quan đến Thác Bản Giốc và Cồn Pò Thoong không được mang đi đàm phán?
Ông Trần Công Trục viết: “Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý để hai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Như vậy, theo ông Trục, các tài liệu này không được sử dụng vì “không phải là bộ phận cấu thành của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thỏa thuận lấy làm căn cứ pháp lý để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.”
Thế nhưng, việc lấy hai công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 để làm cơ sở đàm phán trong vấn đề biên giới không phải là điều mới mẻ. Theo cuốn VĐBG (Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc) (2) thì vào năm 1977, để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán biên giới, phía Việt Nam đã đưa ra một “dự thảo hiệp định” (3), trong đó điều 1 có nội dung như sau:
[Điều 1] “Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có: (1) Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (2) Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo. (3) Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”.
Nội dung này không có gì khác với “nguyên tắc chung” mà ông Trần Công Trục nêu ra.
Vấn đề đặt ra là : tại sao dựa vào điều khoản căn bản đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối thập niên 1970 vẫn có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định rằng phía Trung Quốc đã “vi phạm ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay.” (4)? Bất cứ ai đọc được điều này cũng có thể đặt câu hỏi: Bộ Ngoại giao Việt Nam vào thời kỳ đó đã căn cứ vào hệ thống bản đồ nào và những chứng cứ pháp lý nào để khẳng định Trung Quốc vi phạm đường biên giới?
Mặt khác, ông Trần Công Trục lại viết: “Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán.”
Điều này quả thật rất khó hiểu. Hãy lấy một ví dụ: các tài liệu chứng minh “vào năm 1976 Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm cồn Pò Thoong – một địa điểm hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam” thì cho dù vào năm 1979 hay vào năm 1999 cũng đều có giá trị như nhau chứ sao lại “chỉ có giá trị vào năm 1979” và đến thập niên 1990 lại “không thể mang đi đàm phán”?
Để hiểu rõ vấn đề này, có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của các tài liệu mà tôi nêu ra trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc”:
- Tài liệu 1 về việc Trung Quốc đã “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc: đây chính là bằng chứng về việc Trung Quốc đã sửa chữa bản đồ, làm sai lạc vị trí của cột mốc 53; nói cách khác qua tài liệu này chúng ta được biết cột mốc 53 nằm ở vị trí khác chứ không phải nằm ở vị trí của cột mốc 835 (mới) hiện nay (xem bản đồ - hình 1 và hình 2.
Hình 1 : Sơ đồ Thác Bản Giốc được phân chia lại
Hình 2: Bản đồ khu vực Thác Bản Giốc hiện nay.
Cột mốc 835 chính là vị trí mới của cột mốc 53
- Tài liệu (2) về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960:chứng minh vào thập niên 1960, cồn Pò Thoong hoàn toàn thuộc về Việt Nam;
- Tài liệu (3) về việc Trung Quốc đưa quân lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976: chứng minh Trung Quốc đã lấn chiếm cồn Pò Thoong bất hợp pháp, vì vậy việc chia cồn này theo công thức “1 phần 4 thuộc về Việt Nam, 3 phần 4 thuộc về Trung Quốc” là hoàn toàn bất hợp lý;
- Tài liệu (4) gồm hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980: cho phép xác định vị trí của các cột mốc cũng như đường biên giới một cách chính xác (xem bản đồ tại hình 3).
Hình 3 : Vị trí nguyên thủy của cột mốc 53 (Trích bản đồ Trùng Khánh 6354-IV)
Có thể nói: từ bỏ các tài liệu đó đồng nghĩa với việc từ bỏ các vũ khí pháp lý hữu hiệu nhất để bảo vệ “chủ quyền của nước ta đối với cồn Pò Thoong và toàn bộ Thác Bản Giốc”.
Theo ông Trần Công Trục: “Những người làm công tác đàm phán chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu ông Mai Thái Lĩnh vừa nêu nên chúng tôi rất hiểu và chia sẻ những băn khoăn của dư luận cũng như của ông Mai Thái Lĩnh.” Nếu đã nghiên cứu kỹ thì các vị làm công tác đàm phán không lẽ không biết vị trí nguyên thủy của cột mốc 53? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã sửa bản đồ để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc? Không lẽ các vị không biết Trung Quốc đã chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và đã “cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới” và như vậy là đã làm biến dạng cồn Pò Thoong?
2) Tại sao lại công nhận vị trí mới của cột mốc 53?
Nhưng tại sao trong khi từ bỏ các chứng cứ pháp lý có sẵn trong tay, các nhà ngoại giao nước ta lại “sốt sắng” công nhận vị trí mới của cột mốc số 53 được đoàn khảo sát “phát hiện” ra tại một địa điểm ngay trước mặt cồn Pò Thoong?
Vào năm 2002, ông Lê Công Phụng trả lời phóng viên Thu Uyên của VASC Orient như sau: (5)
VASC Orient: Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?
Ông LCP: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm thước. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.
Điều kỳ lạ là không biết dựa vào bằng chứng nào, ông Lê Công Phụng lại công nhận cột mốc đã được cắm ở đó từ đời nhà Thanh:
VASC Orient: Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?
Ông LCP: Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.
Hình 4: Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng trả lời phỏng vấn
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt - Tổng Biên Tập báo Dân Quyền (2009)
Vào năm 2009, ông Vũ Dũng - lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã dành cho báo Dân Quyền ở Hoa Kỳ một cuộc trả lời phỏng vấn, qua đó ông cho biết:
“Trước khi ký hiệp ước 1999, chúng tôi đã cử rất nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm các hồ sơ liên quan đến Thác Bản Dốc, vào tất cả các kho lưu trữ và tìm được một bản đồ tốt nhất về vị trí Thác Bản Dốc. Căn cứ theo bản đồ, đường biên giới đi theo trung tuyến của sông Quây Sơn (đúng như công ước Pháp – Thanh mô tả), khi đó, vẽ đường biên giới đi ở nhánh phía bắc của cồn Pò Tho, có diện tích khoảng 2,7 ha. Ngay bản đồ tốt nhất mà ta tìm được, thác này vẫn là thác chung. Tôi xin khẳng định ta không có bất kỳ tài liệu gì cho thấy thác Bản Dốc là của Việt Nam. Nói về luật pháp quốc tế, sông này là sông chung, thác này không thể là thác riêng được, không thể có nước nào chấp nhận.” (6)
Tại sao phải cử nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm kiếm trong khi ngay tại Việt Nam đã có những bản đồ 1/50000 rất chính xác? Nhưng “tấm bản đồ tốt nhất” mà ông Vũ Dũng nói là bản đồ nào? Phải chăng đó chính là tấm bản đồ đã được công bố trong một bài báo đăng trên tờ Diễn đàn vào năm 2003? (7) Theo trình bày của ông Nguyễn Ngọc Giao, đây là bản đồ được tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp:
Hình 5:Bản đồ tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp
Nhìn bản đồ này, chúng ta thấy có nhiều nhược điểm: thể hiện không chính xác khu vực xung quanh thác, không có vòng cao độ, không có tọa độ địa lý, không xác định được mặt cắt của thác ba tầng, v.v… Nhưng đường biên giới vẽ trên bản đồ này vẫn cho thấy toàn bộ khu vực thác (hình trái xoan hơi giống quả trứng, trên có chữ chute) thuộc về lãnh thổ nước ta. Không có điều gì chứng tỏ “thác này vẫn là thác chung“. Nếu đặt bản đồ này bên cạnh bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, nhờ có các vòng cao độ chúng ta có thể thấy rõ mặt cắt của thác nước nằm xiên góc theo hướng từ bắc – tây-bắc đến đông – đông-nam, và đường biên giới chạy giữa dòng sông về phía hạ lưu thác không hề động chạm gì đến mặt cắt của thác nước. Điều đó chứng tỏ toàn bộ thác nước thuộc về Việt Nam (xem hình 6). Nói cách khác, nếu các nhà đàm phán của Việt Nam có trong tay tấm bản đồ Trùng Khánh 6354-IV, thì họ càng có thêm chứng cứ để chứng minh toàn bộ Thác Bản Giốc là thuộc về lãnh thổ Việt Nam, và có thể xác định dễ dàng vị trí cũ của cột mốc 53.
Hình 6 : So sánh bản đồ tại Bộ Ngoại giao Pháp và bản đồ Trùng Khánh6354-IV
Bây giờ ta thử đặt bản đồ Trùng Khánh 6354-IV bên cạnh tấm bản đồ do Trung Quốc cung cấp (8)(xem hình 7). Chúng ta sẽ thấy rõ: vạch răng cưa trên bản đồ thể hiện mặt cắt của thác nước gần như thẳng đứng theo hướng bắc-nam – khác hẳn thực tế. Hơn nữa, cột mốc 53 đáng lẽ nằm gần đầu mút phía bắc của vạch răng cưa đã bị dời đi một khoảng khá xa đến một vị trí đối diện với cồn Pò Thoong. Chính vì lẽ đó, đường biên giới đáng lẽ phân chia dòng Quây Sơn ở phía hạ lưu của thác nay lại cắt ngang cồn Pò Thoong và chia đôi phần thác chính cho phía Trung Quốc. Nói cách khác, nếu có tấm bản đồ Trùng Khánh trong tay thì ông Lê Công Phụng không thể xác định cột mốc 53 cắm ở vị trí đó “từ đời nhà Thanh” và ông Vũ Dũng không thể chia Thác Bản Giốc cho phía Trung Quốc.
Hình 7: So sánh bản đồ do Trung Quốc cung cấp với bản đồ Trùng Khánh 6354-IV
Ví dụ minh họa trên đây cho thấy: hoặc các nhà ngoại giao Việt Nam không hề biết đến các tờ bản đồ của QĐND, hoặc họ biết rõ (như lời ông Trần Công Trục đã nói) nhưng lại không được phép dùng, buộc phải sử dụng các tài liệu do Trung Quốc cung cấp. Nhưng nếu không biết thì tại sao ông Trần Công Trục lại khẳng định là đã nghiên cứu kỹ? Mà nếu đã biết rõ thì tại sao quý vị lại dễ dàng công nhận vị trí mới của cột mốc 53, dẫn đến việc chia cồn Pò Thoong và Thác Bản Giốc? Chính những lời nói mâu thuẫn của các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán về Thác Bản Giốc đã bộc lộ sự lúng túng, bởi vì họ không dựa trên những tài liệu chính xác có tính khách quan, khoa học.
3) Tại sao không được phép sử dụng những tài liệu pháp lý mà Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có sẵn trong tay?
Tại sao phía Việt Nam không được quyền sử dụng những tài liệu mà tôi đã nêu trên đây? Tại sao ông Trần Công Trục một mặt “không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta” nhưng lại cho rằng chúng “chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó” và đi đến kết luận “những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán”? “Thời điểm đó” và “bối cảnh đó” có gì khác với “thời điểm” cũng như “bối cảnh” sau này - tức là từ thập niên 1990 cho đến khi hoàn thành việc cắm mốc vào đầu năm 2009?
Theo tôi, để có thể hiểu được điểm tế nhị này, phải đọc kỹ cuốn VĐBG - tức là “bị vong lục” của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 1979. Như trên đã trích dẫn, vào năm 1977, phía Việt Nam đã đưa ra một dự thảo hiệp định, trong đó điều 1 ghi rõ căn cứ đàm phán là các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895. Thế nhưng ngoài điều 1 còn có điều 2 như sau:
[Điều 2] “Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1. Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia.” (VĐBG, tr. 23)
Phía Trung Quốc đã bác bỏ bản Dự thảo Hiệp định này. Bộ Ngoại giao Việt Nam viết tiếp như sau: “Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.” (VĐBG, tr. 26)
Như vậy, đàm phán vào cuối thập niên 1970 bị bế tắc là do chỗ Trung Quốc muốn duy trì “hiện trạng biên giới” chứ “không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử”. Nói cách khác, họ không chịu rút lui khỏi các khu vực mà họ đã dùng vũ lực lấn chiếm. Mục đích của họ là “giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.”
Về sau, Trung Quốc còn tiếp tục đánh chiếm thêm một số địa điểm khác nữa, ví như cao điểmNúi Đất (1509) ở phía bắc tỉnh Hà Giang, mà phía Trung Quốc đã chiếm vào năm 1984 và đặt tên là Lão Sơn. Nhà văn Phạm Viết Đào đã công bố điều này trên blog của ông và đã phỏng vấn một số sĩ quan từng tham gia các trận đánh này. Rất tiếc là ngày nay nhà văn đã bị bắt giam nên không thể tham gia “đối thoại” với ông Trần Công Trục.
Dựa trên thực tế này, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao vào lúc đó Trung Quốc khăng khăng không chịu đàm phán với phía Việt Nam mà mãi đến thập niên 1990 mới thay đổi thái độ, đồng ý đàm phán và tiến hành cắm mốc biên giới? Phải chăng phía Việt Nam đã chấp nhận đàm phán mà không đòi hỏi phía Trung Quốc rút quân ra khỏi các vùng mà họ đã chiếm đóng, nghĩa là chấp nhận đàm phán dựa trên “hiện trạng” thay vì dựa trên “nguyên trạng đường biên giới lịch sử”?
Vào tháng 8 năm 2012, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã công bố bài viết “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”, trong đó có đoạn:
“Nhìn lại hơn 20 năm qua, điểm lại toàn bộ những việc trong quan hệ hai nước đã làm được, từ đàm phán biên giới trên bộ và dưới biển, phát triển quan hệ kinh tế, việc Trung Quốc trúng thầu hàng trăm công trình kinh tế quốc gia quan trọng của Việt Nam, thuê đất, thuê rừng, bô-xít Tây Nguyên, ti-tan ven biển miền Trung, những hoạt động tăng cường quan hệ thực ra là nhằm tăng cường chi phối nhân sự nước ta, những hoạt động tăng cường giao lưu.., tất cả đều chịu sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc.”
Việc các nhà ngoại giao Việt Nam không được phép sử dụng các tài liệu pháp lý về Thác Bản Giốc có liên quan gì đến “sự chi phối sâu sắc của quyền lực mềm Trung Quốc” mà ông Nguyễn Trung vừa nêu hay không? Phải chăng Hội nghị cấp cao tại Thành Đô (tháng 9 năm 1990) – một hội nghị cực kỳ bí mật trong đó các nhà lãnh đạo hai bên đàm phán chuyện gì và cam kết điều gì cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ, chính là khởi điểm của sự thay đổi lập trường của phía Trung Quốc trong vấn đề biên giới trên bộ? Và phải chăng sự thay đổi lập trường đó đồng nghĩa với việc phía Việt Nam chịu từ bỏ điều 2 trong Dự thảo Hiệp định năm 1977, nghĩa là không đòi hỏi Trung Quốc phải trả lại cho phía Việt Nam những vùng đất “vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1“?
Nếu những điều suy đoán trên đây là đúng sự thật thì trách nhiệm chính không thuộc về các nhà ngoại giao Việt Nam – dù là tầm cỡ như các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng hay Trần Công Trục. Nó thuộc về trách nhiệm của một cơ quan quyền lực cao hơn –một cơ quan quyền lực không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan quyền lực Nhà nước nào trên đất nước Việt Nam, một cơ quan quyền lực có thể quyết định bất cứ điều gì và không bị ai kiểm soát.
Ông Trần Công Trục viết: “Và về quy trình đàm phán, chúng tôi đã có bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó nói rõ đường biên giới chủ trương do nhóm chuyên gia thực hiện công phu và nghiêm túc đã phải được các tỉnh có đường biên giới đi qua xác nhận, các bộ ngành có liên quan xác nhận, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, được Quốc hội chấp thuận thông qua, chúng tôi mới đem đi đàm phán.”
Tôi hoài nghi ý kiến này, nhất là về vai trò của Quốc hội. Không biết khi nói “Quốc hội chấp thuận thông qua”, ông Trục muốn nói đến “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, “Đảng đoàn tại Quốc hội” hay “toàn thể Quốc hội”? Nếu quả thật Hiệp định biên giới năm 1999 đã được toàn thể Quốc hội chính thức thông qua thì xin ông vui lòng cho biết phiên họp đó diễn ra lúc nào, nội dung thảo luận ra sao và khi biểu quyết, đã có bao nhiêu đại biểu tán thành, bao nhiêu phản đối, bao nhiêu bỏ phiếu trắng (kèm theo danh tính của các đại biểu đã biểu quyết từng loại phiếu).
Biên bản của phiên họp đó chắc chắn sẽ là một tài liệu vô cùng quý giá để các thế hệ sau này tham khảo khi cần xác định công, tội của từng vị đại biểu trước lịch sử và trước nhân dân Việt Nam. Nhưng riêng tôi, tôi không tin rằng đã có một phiên họp như thế.
Đà Lạt, 15/9/2013
Mai Thái Lĩnh
Ts Trần Công Trục trả lời ông Mai Thái Lĩnh về thác Bản Giốc
Thứ ba 10/09/2013 08:00
(GDVN) - Cá nhân tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.
Lời Tòa soạn: Ngày 7/9/2013 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được e-mail phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, tác giả bài viết “Sự thật về thác Bản Giốc” được chúng tôi đề cập trong bài báo “Sự thật về Thác Bản Giốc” và nhận thức sai lầm về chủ quyền lịch sử” do phóng viên Hồng Thủy phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 3/9.
Nhận thấy vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi và đòi hỏi có những thông tin khách quan, rõ ràng, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, ông Trục đồng ý trả lời các câu hỏi, chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh xung quanh vấn đề thác Bản Giốc mà bài báo hôm 3/9 đã đề cập.
Nội dung email phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh về bài báo đã được ông Mai Thái Lĩnh công bố rộng rãi trước đó, do đó chúng tôi không nhắc lại, trong nội dung bài trả lời Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ tập trung làm rõ các câu hỏi, chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh xung quanh vấn đề thác Bản Giốc, và đây cũng là tâm điểm chú ý của dư luận. Tôn trọng nguyên tắc khách quan, thông tin đa chiều, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời ông Mai Thái Lĩnh của Tiến sĩ Trần Công Trục.
*
Tiến sĩ Trần Công Trục |
Qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi nhận được e-mail phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh đưa ra 5 vấn đề chất vấn xung quanh bài trả lời phỏng vấn của tôi đối với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 3/9.
Trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, cùng nỗ lực thu hẹp khoảng cách sự khác biệt trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của công luận quốc tế trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay, chúng tôi đã đưa ra những phân tích những NHẬN THỨC về quá trình đàm phán phân giới cắm mốc trên biên giới phía Bắc với mong muốn cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác từ những người trực tiếp tham gia công việc này đến dư luận.
Trong quá trình đó chúng tôi có sử dụng bài viết “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh để làm sáng tỏ vấn đề dư luận đang quan tâm, chúng tôi không nhằm vào mục đích công kích bất kỳ cá nhân nào, chỉ mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận thông qua việc NHẬN THỨC đúng đắn những gì đã diễn ra ngày hôm qua để rút ra bài học cho ngày hôm nay và ngày mai trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của dân tộc. Xin trao đổi cùng ông Mai Thái Lĩnh và dư luận quan tâm xung quanh 5 câu hỏi nhưng tập trung vào 3 vấn đề đã nêu ra trong phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, như sau:
Thứ nhất, việc đưa vấn đề Sam Rainsy và nhóm chính trị đối lập Campuchia bám vào CHỦ TRƯƠNG “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” để lật lại quá trình đàm phán phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã diễn ra một cách công khai, minh bạch và đúng luật để “đòi” Việt Nam “trả” cho người Campuchia các bộ phận lãnh thổ của Việt Nam như đảo Thổ Chu, Phú Quốc, thậm chí là toàn bộ miền Nam vào bài trả lời phỏng vấn nhằm phân tích kỹ, phân biệt sự khác nhau giữa CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” (mà trong dư luận hiện nay còn nhiều người lầm tưởng rằng đó là chủ trương của chúng ta trong giải quyết tranh chấp Biển Đông) với CHỦ TRƯƠNG giải quyết tranh chấp lãnh thổ dựa trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có sử dụng các “chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý”.
Cá nhân tôi đã nhiều lần phân tích công khai về sự khác biệt đó bởi rất nhiều người trong thực tế còn mơ hồ giữa 2 CHỦ TRƯƠNG này, dẫn đến đánh đồng hoặc lẫn lộn dẫn tới những hậu quả nguy hiểm, đó chính là quan điểm chính thức của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay cũng như phe đối lập Campuchia ở biên giới Tây Nam mà thực tế không ai chấp nhận được.
Về việc này, nhiều học giả quốc tế đã có những bình luân, đánh giá rất khách quan; chẳng hạn, theo Giáo sư Mohan Malik, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao trùm tới hơn 80% diện tích Biển Đông dựa vào yêu sách “yếu tố lịch sử” đang đi ngược lại với UNCLOS mà chính nước này đã phê chuẩn năm 1996. Hay nói cách khác, các tuyên bố ngang ngược từ quan chức trong chính quyền Bắc Kinh nhận các đảo, đá và các rạn san hô trên Biển Đông là “lãnh thổ từ thời xa xưa” của Trung Quốc; hay việc nước này in cả “đường lưỡi bò” phi pháp lên hộ chiếu và bản đồ mới đây đã trái với tinh thần của UNCLOS về việc bác bỏ các yêu sách “dựa trên lịch sử”.
Do đó, mặc dù Trung Quốc trắng trợn yêu sách hơn 80% Biển Đông là “vùng nước lịch sử” của họ, thì theo cách đó, Mexico cũng được độc quyền chiếm vịnh Mexico, hay Iran đòi Vịnh Ba Tư, và Ấn Độ lấn Ấn Độ Dương y như vậy. Tóm lại, theo giáo sư Mohan Malik, “vấn đề lịch sử” là rất phức tạp và không thể giải thích một cách dễ dãi. Ngay cả khi các yêu sách lịch sử có giá trị nào đó, thì Mông Cổ còn có thể yêu sách tất cả các khu vực tại châu Á, vì họ đã từng chinh phục các vùng đất của châu lục này.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong đàm phán giải quyết tranh chấp lănh thổ dù là ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam hay trên Biển Đông đều chủ trương thông qua đàm phán hòa bình, theo nguyên tắc thỏa thuận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta không dựa vào quan điểm “chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử hay bằng chứng lịch sử” chung chung để giải quyết tranh chấp như nhiều người còn đang nhầm lẫn. Chúng ta chỉ sử dụng các bằng chứng, chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Thông điệp, mục đích, nội dung xuyên suốt trong bài trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 3/9 đều chỉ xoay quanh vấn đề này, cho nên các tư liệu nêu trong bài “Sự thật về Thác Bản Giốc” của ông Mai Thái Lĩnh được tôi đưa ra làm ví dụ để làm rõ sự khác biệt nói trên, chúng tôi không công kích cá nhân ai, chỉ phân tích, phản biện các quan điểm liên quan đến “lịch sử”, trong đó có quan điểm của ông Mai Thái Lĩnh. Chúng tôi muốn làm rõ những điều đó, giải đáp thắc mắc lâu nay trong dư luận do thiếu thông tin. Những nội dung cụ thể cũng như nguyên nhân của sự khác biệt trong NHẬN THỨC cùng 1 vấn đề, tôi sẽ lần lượt trả lời phía dưới.
Thứ 2, về các tư liệu lịch sử mà ông Mai Thái Lĩnh nêu ra trong phần đầu của bài “Sự thật về thác Bản Giốc”, ông Mai Thái Lĩnh cũng đã thừa nhận trong email phản hồi là nó không nằm trong phạm vi của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà hai bên đã thỏa thuận dùng làm cơ sở để đàm phán, thường được gọi là “đường biên giới do lịch sử để lại”. Các tư liệu do ông Mai Thái Lĩnh trích dẫn chỉ có giá trị tham khảo.
Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ một số tài liệu chính thức của ta được phát hành trong giai đoạn những năm 1979 trở về sau, trong đó có cuốn tài liệu “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” và 4 hồ sơ: [1] Tài liệu về việc Trung Quốc “sửa bản đồ” vào năm 1955-56 để âm mưu chiếm cồn Pò Thoong và một phần Thác Bản Giốc, [2] Tài liệu về việc xây dựng trạm thủy văn trên cồn Pò Thoong vào thập niên 1960, [3] Tài liệu về việc Trung Quốc lấn chiếm cồn Pò Thoong vào năm 1976 và [4] Hai tờ bản đồ Trùng Khánh số hiệu 6354-IV do Quân đội Nhân dân Việt Nam in vào những năm 1976 và 1980” được ông Mai Thái Lĩnh sử dụng để bảo vệ luận điểm của mình xung quanh vấn đề thác Bản Giốc, tôi xin nói rõ như sau:
Về nguyên tắc chung tôi đã nói rõ trong bài phỏng vấn ngày 3/9 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng như nhiều lần đã phân tích, các tài liệu ông Lĩnh nêu ra trên đây mặc dù là tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành công khai và rộng rãi thời kỳ những năm 1979 nhưng không được xem là “căn cứ pháp lý” được thỏa thuận để làm cơ sở giải quyết tranh chấp biên giới phía Bắc, vì rõ ràng các tài liệu này không phải là bộ phận cấu thành của Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 mà 2 nước Việt Nam, Trung Quốc đã thoa thuận lấy làm căn cứ pháp lý để bai bên tiến hành hoạch định biên giới.
Những người làm công tác đàm phán chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các tài liệu ông Mai Thái Lĩnh vừa nêu nên chúng tôi rất hiểu và chia sẻ những băn khoăn của dư luận cũng như của ông Mai Thái Lĩnh.
Giai đoạn cuối những năm 1970, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức căng thẳng và cuối cùng dẫn tới xung đột, vấn đề tranh chấp biên giới trong nhận thức đơn phương của mỗi bên lúc đó rất khác nhau, đây cũng chính là một trong những cái cớ Trung Quốc vin vào để tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam…
Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân. Điển hình là việc ta luôn luôn nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam trong khi người Trung Quốc họ nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ.
Đó là một thực tế lịch sử đã xảy ra. Có thể những tài liệu tuyên truyền như vậy là cần thiết, phù hợp trong thời điểm đó khi quan hệ hai bên căng thẳng, xung đột. Nhưng sau khi đã bình thường hóa quan hệ với chủ trương của 2 bên là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” thì nó không còn phù hợp nữa.
Chúng ta “khép lại” nhưng quên mất việc giải thích, nói rõ cái đúng, cái sai cho dư luận người dân nắm rõ, trong khi cái đúng, cái sai ấy lại liên quan trực tiếp tới vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ sau này, chính điều đó mới tạo ra những khác biệt về mặt nhận thức dẫn đến băn khoăn trong xã hội về vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc như ngày hôm nay, thác Bản Giốc là một điển hình.
Chúng tôi những người làm công tác đàm phán về biên giới lãnh thổ, trước khi đề xuất nội dung thỏa thuận nguyên tắc giải quyết biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đương nhiên đã nghiên cứu những tài liệu này, so sánh đối chiếu các nội dung liên quan đến đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc được đề cập trong đó với Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các bản đồ, văn kiện đi kèm 2 Công ước.
Ý kiến thống nhất từ trung ương đến địa phương đều cho rằng một số nội dung liên quan tới đường biên giới trên bộ của các tài liệu nêu trên đều không phù hợp, do đó không có căn cứ để đem ra tranh luận, đàm phán. Phía Trung Quốc cũng có những tài liệu tuyên truyền tương tự như vậy, thậm chí còn nhiều hơn ta, nhưng không thể đem những tài liệu này, dù là chính thống, đặt lên bàn đàm phán.
Chúng ta đã chấp nhận nguyên tắc dựa vào Công ước Pháp Thanh 1887, 1895 cùng những bản đồ, biên bản phân giới cắm do Công ước quy định để đàm phán thì phải tuân thủ. Và về quy trình đàm phán, chúng tôi đã có bài phân tích cụ thể trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong đó nói rõ đường biên giới chủ trương do nhóm chuyên gia thực hiện công phu và nghiêm túc đã phải được các tỉnh có đường biên giới đi qua xác nhận, các bộ ngành có liên quan xác nhận, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, được Quốc hội chấp thuận thông qua, chúng tôi mới đem đi đàm phán. Điều này có thể trả lời câu hỏi của ông Mai Thái Lĩnh rằng các nhà đàm phán có tham khảo các cơ quan liên quan và các tài liệu như ông nêu ra trong bài viết hay không.
Ở đây, tôi xin nói thêm rằng sự khác biệt trong nhận thức ngày hôm nay chính là hệ quả của công tác tuyên truyền ngày hôm qua, khi chúng ta chưa kịp thay đổi, thích ứng theo những diễn biến mới của thời cuộc. Tôi không phủ nhận những giá trị của các tài liệu chính thức của ta mà ông Mai Thái Lĩnh đề cập, nhưng nó chỉ có giá trị trong thời điểm đó và bối cảnh đó, những tài liệu như vậy không thể mang đi đàm phán. Tôi cũng không đổ lỗi cho ai, chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử có quá nhiều biến động và còn thiếu nhiều thông tin, nên ngày nay chúng ta cần bình tĩnh để nhìn nhận lại cho rõ cái đúng, cái sai.
Chúng ta muốn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thì phải hết sức cầu thị, cái gì đúng chúng ta kiên quyết bảo vệ, cái gì sai, chúng ta phải dũng cảm điều chỉnh. Có như vậy đàm phán mới có kết quả, nguyên tắc pháp lý mới được tôn trọng. Tôi tin rằng đại đa số người dân cũng như công luận quốc tế, khu vực và ngay cả đối tượng đàm phán của chúng ta cũng đều hoan nghênh thái độ cầu thị này.
Đối với phía Trung Quốc, những gì họ nêu ra là bất hợp lý, không thuyết phục khi đàm phán biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, chúng tôi đều bác bỏ để tôn trọng và giữ thỏa thuận nguyên tắc chung. Ngày nay, chúng ta muốn bác bỏ đường lưỡi bò “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông thì chính chúng ta phải sòng phẳng với nhau về các bằng chứng lịch sử của chúng ta, trong đó nghiên cứu tìm tòi và đưa ra những bằng chứng lịch sử có giá trị và sức nặng pháp lý nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chứ không thể dựa vào “chủ trương lịch sử, quan điểm lịch sử hay bằng chứng lịch sử” chung chung như chính cách Trung Quốc đã và đang làm.
Nói rõ điểm này, tôi thiết nghĩ không cần phân tích sâu vào khái niệm “đường biên giới do lịch sử để lại” được đề cập trong các tài liệu mà ông Mai Thái Lĩnh trích dẫn, độc giả cũng có thể dễ dàng hiểu được tại sao.
Thứ 3, quan điểm ông Mai Thái Lĩnh cho rằng những người đàm phán chúng tôi đã “mắc mưu Trung Quốc” khi chấp nhận lấy Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các bản đồ, văn kiện mô tả đường biên giới được quy định bởi 2 Công ước trên làm căn cứ đàm phán, vì trình độ kỹ thuật thời đó không thể mô tả, vẽ một cách chính xác đường biên giới, nhất là chưa có tọa độ địa lý chính xác, chúng tôi xin thưa lại như sau: Nếu cuối thế kỷ 19 Pháp với vai trò Nhà nước bảo hộ của Việt Nam về mặt đối ngoại cùng với nhà Thanh, Trung Quốc mà phân giới cắm mốc thành một đường biên giới rõ ràng, hoàn chỉnh và hiện đại như ngày nay thì làm gì còn tranh chấp. Lúc đó nếu có tranh chấp vì nguyên nhân nào đó thì chỉ cần sau khi thỏa thuận nguyên tắc chung xong, 2 bên lôi Công ước và bản đồ văn kiện đi kèm ra đối chiếu là xong, cần gì đàm phán.
Các bằng chứng lịch sử như bản đồ, thư tịch...chúng tôi đã tham khảo khi hoạch định đường biên giới chủ trương trước lúc mang đi đàm phán, và khi trao bản đồ đường biên giới chủ trương 2 bên đã trùng nhau 70%, 30% còn lại là các khu vực tranh chấp, lúc này mới là giai đoạn đưa các chứng cứ ra chứng minh. Khi chúng ta đưa ra các bản đồ, thư tịch và bằng chứng lịch sử khác không nằm trong phạm vi nguyên tắc chung quy định, thì Trung Quốc họ cũng làm tương tự, và tài liệu của họ còn nhiều hơn ta. Chưa bàn đến độ chính xác đến đâu, nhưng đàm phán như vậy sẽ rơi vào ngõ cụt, bế tắc vì đánh mất nguyên tắc chung khi ai cũng khăng khăng là “bằng chứng lịch sử” của mình đúng.
Dưới góc độ cá nhân là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán, hoạch định phân giới cắm mốc biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, vịnh Bắc Bộ, tôi phân tích cụ thể ví dụ về thác Bản Giốc vừa để cung cấp thêm thông tin cho dư luận đang quan tâm, thắc mắc, nhưng đồng thời còn muốn nói rõ câu chuyện đang diễn ra ngoài Biển Đông, để tránh lặp lại những nhận thức sai lệch không đáng có.
Những chất vấn của ông Mai Thái Lĩnh, đồng thời cũng là những thông tin tôi nghĩ nhiều người đang quan tâm tìm hiểu, tôi đã đề cập trong nội dung trả lời này. Nhưng câu chuyện về biên giới lãnh thổ luôn luôn không hề đơn giản, những ai quan tâm có thể đọc những bài trả lời phỏng vấn của tôi trên các phương tiện truyền thông để có thêm các thông tin một cách hệ thống, đầy đủ và có điều kiện để so sánh, đối chiếu, tìm ra cái đúng, cái sai.
Cuối cùng, cá nhân tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề chủ quyền lãnh thổ sao cho có lợi nhất cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của quốc gia, dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng và tiềm ẩn những nhân tố khó lường.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét