Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

VỤ TẬP KÍCH SƠN TÂY CỦA ĐẶC NHIỆM HOA KỲ GIẢI CỨU CÁC PHI CÔNG BỊ CỘNG SẢN BẮC VIỆT GIAM GIỮ - PHẦN 2


1    2    3    4    5    6    7    8
BENJAMIN F.SCHEMMER
TRẠM ARLINGTON HALL

Việc đầu tiên khi được Lầu Năm Góc duyệt y, Blackburn phác thảo một kế hoạch tập kích trại Sơn Tây, mà việc này phải có tin tức tình báo nhiều hơn của IPWIC hoặc của nhóm 1127. Trong hồ sơ của ông ta về những trại tù ở Việt Nam cần phải có được những tin tức của DIA, nhưng để có được tin đó không phải là dễ dàng.

Cục DIA nằm trên một khoảng rộng 87 mẫu Anh, có tường rào kín, được bảo vệ nghiêm ngặt tại trạm Arlington Hall, tiểu bang Virginia, mà người ta thường gọi là “phòng ngủ của Lầu Năm Góc”. Gọi như vậy là cố ý chỉ trích cơ quan này, vì mỗi lần có cuộc khủng hoảng bùng nổ, người ta thấy DIA “đang ngủ”. Khi mà trung tướng Donald Bennett sắp trở thành giám đốc DIA, ông ta tự hỏi: “Có phải tôi bị đưa về đấy để chủ trì một đám tang hay không?”.


Gần nửa năm, DIA hoạt động không có người lãnh đạo, giám đốc của nó là một trung tướng không quân không hề đến văn phòng trong suốt 6 tháng vì ông ta đang bị bệnh nặng. Người phụ tá của ông ta là phó đô đốc hải quân có đến văn phòng một đôi lần, vào khoảng tháng 5 và tháng 10 năm 1969. Thời gian còn lại ông ta cũng đi chữa bệnh. Người thứ ba là trung tướng bộ binh, phục vụ như là một tham mưu trưởng của DIA, đã nghỉ hưu cuối tháng 5 năm 1969, nhưng chưa có người thay thế. Người thứ tư là một trung tướng không quân, từ chối không nhận thứ vị và tiếp tục điều khiển văn phòng giám đốc của chính ông ta. Sự vắng mặt lãnh đạo, không chỉ là vấn đề duy nhất, nếu Bennett thừa hưởng tiếng tăm bê bối của DIA. Mỗi lần có nhiệm vụ người ta đều giao phó cho Bennett một sỹ quan quân đội chuyên nghiệp đã phục vụ 29 năm, một người cao 1 thước 80, xuất thân từ trường võ bị West Point. Bennett tự cảm thấy mình như bị giam trong chuồng với một con hổ mới. Khi được bay về Washington để tuyên thệ nhậm chức giám đốc mới của cơ quan, ông ta biết Việt Nam sẽ là tiền tuyến của những vấn đề gay cấn đối với ông và đang chờ đợi ông.



Khi được Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird điều khiển việc tuyên thệ tại văn phòng, để giao phó chức vụ sỹ quan tình báo chóp bu của quốc gia, lúc đó, tóc ông còn gợn sóng, cắt ngắn, mới ngả màu muối tiêu, mà trong vòng một năm có kế hoạch tập kích trại tù Sơn Tây mái đầu ông đã bạc trắng.



Việc đầu tiên của Bennett là thống kê biên bản các vấn đề của DIA với danh sách dài, rất dài, hầu như vô tận. Mở đầu danh sách là những tiếng tăm không lấy gì làm thú vị của cơ quan.



Vào ngày lễ năm 1968, một bản sao của DIA về các thư từ khẩn cấp từ NSA ( Cục an ninh quốc gia Hoa Kỳ) gửi đến, đã bị xếp lộn xộn trong một ngăn tủ. Nội dung thư tín là tìm cách ngăn chặn tin tức của Bắc Triều Tiên về vụ tàu gián điệp Pueblo có thể bị bắt. Nhưng những thư tín này được tìm thấy sau ba tuần khi chiếc tàu đó đã bị bắt, thủy thủ bị cầm tù.



Một năm sau cũng vào thời điểm đó một cuộc tiến công của Liên Xô vào Tiệp Khắc đã làm ngạc nhiên cộng đồng tình báo Mỹ, mặc dầu quân Nga đã tập trung lực lượng bảy tuần trên biên giới Tiệp Khắc. CIA, NSA, DIA và cơ quan trinh sát quốc gia đều có lỗi ngang nhau, nhưng DIA phải hứng chịu sự khiển trách nặng nhất. Thật ra DIA luôn luôn thấy mình bận vào một vài cuộc tranh luận trong tập thể tình báo rồi thông thường dẫn đến những thất bại. Những đánh giá về hoạt động của CIA không phải là hay ho gì, nhưng cũng không phải là quá tồi tệ. Điều này chứng tỏ CIA đã cố gắng tuyên truyền. CIA là những kẻ ngồi ở ghế lái, nó muốn được ưu tiên gần hơn với Nhà Trắng và kiểm soát kết quả cuối cùng của tình báo Hoa Kỳ.

Theo luật pháp, giám đốc CIA cũng là giám đốc Trung ương tình báo cho Tổng thống. Về mặt lý thuyết mỗi một thành viên của tập thể tình báo DIA, CIA, Bộ Ngoại giao, Cục NSA, đôi khi cả FBI đều có tiếng nói ngang nhau trong việc cung cấp những tin tức tình báo quốc gia. Nhưng CIA lại giữ độc quyền của nó trong việc kiểm tra xem xét lại những tin tức đó trước khi gửi đến Tổng thống.



Cuối cùng bản tin Trung ương tình báo đến hàng ngày ở bàn giấy của Tổng thống là một tài liệu do CIA xuất bản, ít khi có ý kiến bất đồng mà nếu có thì đã được chú thích ở dưới.



Khi có những bất đồng giữa CIA và DIA không dễ gì được giải quyết, vì CIA có quá nhiều thế lực và tai mắt: giám đốc Richard Helms có tai mắt bên Tổng thống, khi ông ta cần đến. Trái lại khi Bennett làm việc ở DIA không có một giám đốc nào ngồi ở ghế chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp trong các buổi thuyết trình hàng ngày.



DIA hoàn toàn tuỳ thuộc vào các nguồn tin tình báo khác từ bộ binh, hải quân, không quân hoặc các đơn vị thủy quân lục chiến ở chiến trường, hoặc từ những tin tức tình báo ban đầu của CIA, NSA và cơ quan trinh sát quốc gia. DIA không có một nguồn nào riêng cho mình ở Nam Việt Nam. 



DIA không thiếu tin tức ban đầu, có lúc có đến 1.700 điện tín mỗi ngày đến Trung tâm chỉ dẫn. Điều này làm cho nó bối rối trong việc sàng lọc, nghiên cứu và xử lý một khối lượng to lớn như vậy. Cơ quan lại không tuyển mộ được nhân viên cần thiết để làm các việc đó như cơ quan dân sự. Ở đó họ được tiền thưởng hậu hỹ hơn, lại được thăng cấp nữa.



Ngay sau khi nhậm chức, Bennett sa thải một lúc 38 người không có năng lực.



Ngoài những vấn đề đó, Bennett còn biết một số câu hỏi mà các chuyên viên phân tích của ông ta phải giải đáp, nếu muốn cho cuộc tập kích trại tù Sơn Tây có nhiều hy vọng thành công. Vì số đông ở nội bộ còn chống lại cuộc tập kích mà thực tế trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ chỉ có một lần duy nhất khi tướng Patton, với đội quân thứ ba đi giải thoát một trại tù binh Mỹ ở Đức quốc xã trong đó có người con rể của ông ta. Cuộc tập kích thành công, nhưng trên đường về những người đi giải thoát lại lọt vào một ổ phục kích của quân Đức và bị tổn thất nặng nề.



Mặc dầu đa số chống lại cuộc tập kích, nhưng quan điểm của Bennett vẫn kiên quyết giao cho Blackburn và những cộng sự của ông ta là những tình báo viên lợi hại nhất của DIA. Những người đó - phụ tá giám đốc cơ quan đặc trách về tình báo là trung tướng không quân Richard Steward, ông là sỹ quan chóp bu tình báo DIA. Một trong số trợ tá của ông ta là đại tá bộ binh Thomas Steinhauser, cầm đầu phân bộ tác chiến của DIA. Ngoài ra còn có đại úy hải quân John “Spots” Harris cầm đầu văn phòng hỗ trợ sản xuất các phương tiện của trạm Arlington Hall, cũng được điều đến DIA để yểm trợ và chuẩn bị kế hoạch cho Blackburn.



Harris cũng giống như một công chức hành chính quan liêu, hoặc một giám đốc hơn là một chuyên viên tình báo. Song đối với người cầm đầu IPWIC Harris lại là một tiêu biểu của sự hợp lý để phối hợp công việc của DIA về cuộc giải thoát tù binh. Ông ta không mềm dẻo và phản ứng nhanh như một vài người đã đề xuất chuẩn bị cuộc tập kích Sơn Tây, nhưng lại là người cẩn thận trong kế hoạch tập kích và đã tìm cách moi móc phụ tá giám đốc CIA những tin tức về tù binh Mỹ mà CIA nắm được để giúp cho cuộc tập kích.



Harris đã thu xếp và chọn lựa được một vài người giỏi nhất của DIA để phục vụ cho cuộc tập kích này. Một trong số những người đó có bí số GS17 là John Hughes, một viên chức cao cấp dân sự phụ tá giám đốc phòng thu thập và kiểm soát của DIA.



Hughes làm việc ở Lầu Năm Góc với chuyên môn là kiểm soát công việc của cơ quan Trung tâm quốc gia giải thích ảnh chụp. Là một người khá thành thạo công việc, đã từng quan hệ với các hãng Kodak, Hycon… để thúc đẩy họ sản xuất những ống kính, máy ảnh tốt, những phim có hiệu quả hơn. Hughes nổi tiếng từ năm 1962 khi ông ta phân tích phát hiện được căn cứ lập giàn hoả tiễn tầm trung bình ở Cuba.

Đối với cuộc tập kích Sơn Tây, Hughes đã sưu tập được một số ảnh chụp qua vệ tinh trinh sát, máy bay SR-71, máy bay RF4 bay ở độ thấp và độ cao khác nhau. Sau cùng là những chuyên viên tình báo về thời tiết, giao thông mà DIA có thể cần đến. Ở các bộ phận trong phạm vi cơ quan và cả Cục An ninh quốc gia cũng được điều động đến giúp đỡ những người chuẩn bị kế hoạch tập kích Sơn Tây.



Blackburn triệu tập nhóm nghiên cứu thực hiện gồm 15 người tại trạm Arlington Hall. Sáng thứ sáu ngày 10-6-1970 nhóm họp trong một phòng có nhiều phương tiện bảo đảm của một đơn vị phản gián được dọn dẹp trước, chắc chắn là không có một ai gắn máy nghe trộm. Thành phần phiên họp có bảy người thuộc không lực, ba người thuộc bộ binh, một người thuộc hải quân, một người thuộc thủy quân lục chiến. Đại úy không lực James Jacobs và trung úy thủy quân lục chiến James Brinson đại diện cho DIA. Thượng sĩ bộ binh Donald Davis là hạ sĩ quan duy nhất trong nhóm và hai thư ký dân sự Frances Earley của SACSA và một tình báo của không lực, Barbara Stronisder.



Chủ tọa phiên họp đầu tiên này là đại tá bộ binh William “Clint” Norman , một cựu binh trong lực lượng đặc biệt của SACSA là một chỉ huy giỏi nhất của căn cứ Fort Bragg, nhưng sau đó ông ta đi nghỉ một tháng theo thường lệ và Norman không còn được trong nhóm nghiên cứu nữa. Một đại tá được cử thay thế là Frisbie, một thành viên khác nhiều tuổi. Ở những buổi họp sau này Frisbie bí mật chọn thêm một số sĩ quan nữa, điều này đã làm cho Blackburn và Mayer không tán thành.



Một thành viên khác đã nhiều tuổi thuộc nhóm nghiên cứu bộ binh là trung tá Thomas Minor, cũng được ban giám đốc quốc tế công dân vụ bổ nhiệm. Khi kế hoạch về cuộc họp tập kích Sơn Tây mở màn, Minor tỏ ra là người xuất sắc. Là con người mảnh khảnh dịu dàng, tóc hoa râm, tác phong làm việc tỉ mỉ, bao quát, luôn luôn mang đến cho nhóm những gì khi cần bộ binh hỗ trợ. Keith Grimes là trung tá và cũng là nhà khí tượng học đang làm ở học viện không quân tại căn cứ Maxwell được Blackburn chỉ đích danh để phục vụ cuộc tập kích.



Người có cấp bậc thấp nhất trong nhóm là hạ sĩ bộ binh Donald Davis, được chỉ định từ nhóm thứ 6 của lực lượng đặc biệt ở căn cứ Fort Bragg. Anh ta là hình ảnh của một con người mũ nồi xanh, gầy, tóc cắt ngắn như đầu Một thanh niên khác cũng được chỉ định từ căn cứ Fort Bragg là thiếu tá Morris do Tổng hành dinh của Trung tâm chiến tranh đặc biệt John Kennedy bổ nhiệm. Anh ta là một người thiết kế sắc bén nhất của kế hoạch tập kích. Và một người nữa là trung tá không quân Warner A. Britton, quê ở bang Alabama là cựu phi công trực thăng, tóc hoa râm, đeo kính gọng vàng giống một giáo sư toán học hơn là người đã bay vào Bắc Việt Nam cũng được điều từ Trung tâm giải thoát tìm kiếm bằng máy bay tại căn cứ không lực Eglin ở Florida. Britton sau này đã tuyển mộ hầu hết phi hành đoàn lái trực thăng vào Sơn Tây.



Còn ba chuyên viên tình báo hoạt động trong nhóm không lực là trung tá Ropka, thiếu tá Andraitis và đại úy Knops. Ropka là sĩ quan cao cấp về những hoạt động của nhóm là một người trầm lặng, nhiệt tình nhưng dễ bị chinh phục. Mọi người trong nhóm đã phải nói ông ta là một đầu óc thật sự làm kế hoạch Sơn Tây. 

Andraitis là một trong những chuyên gia thiết kế cao cấp trong tình báo không quân, là người chuyên giải thích các ảnh chụp của Washington. Knops ít tuổi hơn, cũng là một chuyên gia tình báo rất tự tin, và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Một thành viên trong nhóm nhận xét: “Ngồi trong phòng ra-đa về Bắc Việt Nam, anh ta biết một cách rõ ràng một khi có một ai đó sơ hở”.



Nhóm nghiên cứu, thực hiện kế hoạch của SACSA họp ngày, họp đêm, nhiều tuần làm việc căng thẳng. Đại tá Rudolph C. Koller và Watkins thường xuyên được mời đến nhóm hoạt động mặt đất 1127 của căn cứ Fort Belvoir. Một chuyên viên dân sự của CIA cũng cộng tác chặt chẽ với nhóm tập kích là Dick Elliott. Tuy nhiên Blackburn và Mayer quan tâm đến phạm vi CIA có thể tham gia vào công việc. Thứ nhất là họ cần có những tin tình báo mà CIA thu thập được, thứ hai là cuộc tập kích phải xuất phát từ căn cứ của CIA, ở những địa điểm trên biên giới Lào.



Khi Blackburn và Mayer cho Wheeler biết rõ điểm này, ông ta đã viết thư cho Richard Helms, giám đốc CIA yêu cầu CIA ủng hộ kế hoạch giải thoát tù binh. Richard Helms đã có thư trả lời hứa hợp tác toàn diện và cho người của CIA sẵn sàng cộng tác với nhóm nghiên cứu. Vì vậy không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy CIA đã nhúng tay sâu vào kế hoạch hành động của các tham mưu trưởng hỗn hợp.



Đầu tháng 7-1970 kế hoạch tập kích phải được hoàn chỉnh để báo cáo với các tham mưu trưởng hỗn hợp. Sau đó làm lễ bàn giao tiễn chân người ra đi. Vào thời gian này Tổng thống Nixon báo tin cho Hà Nội biết Mỹ sẵn sàng tiếp tục thương thuyết hoà bình một cách nghiêm túc. Mỹ đã bổ nhiệm David Bruce, một trong những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị ở Paris.



Thứ năm ngày 2-7, chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp Wheeler xin nghỉ hưu sau sáu năm dài mệt mỏi, nhưng có ý nghĩa quyết định nhất của một cuộc chiến tranh thứ ba ở ngoại quốc. Một cuộc chiến tranh đẫm máu trong lịch sử Hoa Kỳ.


KẾ HOẠCH

Ngày 10 tháng 7 năm 1970, Moorer chủ tọa phiên họp đầu tiên ở cương vị chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp. Mục quan trọng hàng đầu trong lịch trình làm việc là sự giới thiệu của Blackburn về nhiệm vụ giải thoát tù binh Mỹ ở Sơn Tây mà kế hoạch đã được chuẩn bị trước gần một tháng rưỡi.


Moorer đồng ý như là người làm việc trước ông ta. Giờ đây ông ta muốn tạo ra một cái gì sôi động, tạo ra một viễn cảnh rõ ràng hơn về cuộc chiến tranh. Việc giải thoát được một ít tù binh hoặc chí ít ra làm thử việc Ông ta nghĩ nó có thể mang về cho Hoa Kỳ 50 hoặc 60 người tù binh, cái đó sẽ được coi như là ánh sáng mới rọi vào tính chất của người Bắc Việt Nam. Ông ta còn muốn cho các gia đình, cho vợ con các tù binh biết rằng, Lầu Năm Góc đã thực sự hành động, chứ không phải múa may, quay cuồng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.



Hơn nữa, Moorer cũng cảm thấy cá nhân mình hoà nhập làm một với những tù binh và những người mất tích khi thừa hành phận sự. Cách đây 29 năm về trước, ông ta cũng suýt trở thành tù binh ở Trân Châu Cảng, khi lái chiếc thủy phi cơ Catalina PBY hai động cơ bay trinh sát gần một căn cứ Nhật Bản ở miền đông đảo Nam Dương thì bị máy bay Nhật tiến công. Bị thương trong lúc đụng độ, Moorer đã lái chiếc phi cơ bị cháy và hỏng nặng đáp xuống an toàn rồi dùng bè cấp cứu và được chiếc tàu hàng Philippines vớt lên. Nhưng rồi tàu này cũng bị máy bay Nhật đánh chìm, ông ta đã nhờ một cánh buồm nhỏ, lái theo chiều gió về đảo Melvin ngoài khơi Australia và được một chiếc tàu ngầm cứu sống.



26 năm sau, ngày 28 tháng 6 năm1967, Moorer nghe đài tường thuật về vụ oanh kích trên Bắc Việt và biết được một trong những bạn thân của ông ta lái máy bay oanh tạc đã bị bắn rơi là đại úy Lauren, chỉ huy phi đội F.4 của hàng không mẫu hạm USS Enterprise chạy bằng năng lượng hạt nhân. Suốt 5 năm trời Lauren là sỹ quan chấp hành và phụ tá cao cấp của Moorer nên Moorer coi con người cao, trầm lặng, trẻ, quê ở Texas gần như là con đẻ của mình, là người duy nhất mà ông ta tin cậy. Đã 6 tháng qua Lauren rời Lầu Năm Góc để chỉ huy phi đội tiến công mà có lần Moorer đã dùng máy bay hành khách nhỏ của hải quân rời Sài Gòn đến hàng không mẫu hạm USS Enterprise để thăm hỏi.



Moorer đã theo dõi chuyến bay oanh kích của Lauren vào Hải Phòng và ông ta đã lặng người đi khi được tin Lauren bị bắt khi máy bay bị trọng thương và lao xuống biển. Hơn ba năm sau, Lauren vẫn ở trong trại tù của Bắc Việt Nam nên khi được tham gia vào kế hoạch giải thoát tù binh, Moorer quan tâm đặc biệt điều này.



Trong thời gian đó, tin tức tình báo DIA cho biết chi tiết của 61 tù binh, về tên tuổi, chức vụ nhưng lại không có Lauren. Trại Sơn Tây và trại tù gần đấy đã bỏ trống. Ý kiến đầu tiên của Moorer là phải bãi bỏ tập kích. Moorer cho rằng tập kích có thể gặp những hậu quả bất ngờ, hỏi sự thành công hay thất bại có ý nghĩa như thế nào đối với những tù nhân, với số tù binh còn lại, chẳng hạn như Lauren và tù binh sẽ bị đối xử như thế nào, cứng rắn hay xấu hơn chăng?



Bennett đồng ý, vấn đề này đã làm ông băn khoăn và ông ta yêu cầu CIA giúp đỡ. Thế là công việc được giao cho Ken Brock, D.Elliot, William Miller là những chuyên viên cao cấp về tù binh. Người mà Brock để ý đến nhiều là Dolf Droge, chuyên viên về Việt Nam của Hội đồng an ninh quốc gia. Một người cao lớn, có bộ mặt lồi lõm, đã ba lần phục vụ ở Việt Nam và Lào, là người của cơ quan phát triển quốc tế. Droge nói tiếng Việt Nam thông thạo, có thể hiểu được nền văn hóa và con người Việt Nam hơn cả một vài quan chức chóp bu của miền Nam Việt Nam. Brock không nói cho Droge về một cuộc tập kích trại tù Sơn Tây đang được trù tính mà chỉ hỏi ông ta một câu về giả thiết: “Điều gì Bắc Việt Nam sẽ thi hành với những tù binh khác, nếu như một trong những trại tù bị tập kích và một nhóm tù binh được giải thoát”.



Droge không một giây do dự, đáp lại rằng: “Thành công hay thất bại, đó là việc lớn nhất mà Hoa Kỳ có thể làm đối với những tù nhân”. Ông ta tiên đoán rằng: “sự đối xử của họ sẽ lập tức được cải thiện”, nhưng trái lại ông ta thấy nên phân tích và kết luận rằng “có thể sẽ là một sự siết chặt an ninh toàn diện”.



Một vấn đề khác mà Moorer, Bennett, Blackburn cho rằng liệu có nên giữ bí mật vụ tập kích cho dù nó thành công? Một trong những lý do cho cuộc tập kích là làm tăng thêm các cú đấm cho hòa đàm ở Paris. Và tại sao lại không báo cho đại sứ David Bruce, nhà thương thuyết của Mỹ ở Paris biết trước khi có cuộc tập kích? Rồi khi các chuyến bay chở các tù nhân trở về thì lúc đó Bruce sẽ đòi gặp phái đoàn Bắc Việt Nam ngay lập tức và nói thẳng với người Bắc Việt Nam rằng: Chúng tôi đã xâm nhập và giải thoát 61 tù binh, mặc dù các ông không chấp nhận, nhưng chúng tôi sẽ đưa lên báo chí, với hàng tít lớn để cho thế giới biết về sự đối xử của các ông với tù binh, nhưng chúng tôi không làm thế! Chúng tôi không làm rùm beng, thậm chí không nói đến cuộc giải thoát, và chắc chắn các ông cũng không muốn để cho Hội Hồng thập tự quốc tế thanh tra thường xuyên đến với các ông.



Nghe SACSA thuyết trình, các tham mưu trưởng hỗn hợp càng thấy sự giải thoát 61 người đó ngày càng có thể thực hiện được. Norman Frisbie tiếp tục thuyết trình chi tiết về kế hoạch của nhóm nghiên cứu. Rõ ràng từ những dữ kiện tình báo cần thiết cho cuộc tập kích do Bennett tập hợp là có lý. Những hình ảnh chụp được ở độ thấp do máy bay trinh sát không người lái “Trâu điên” và những hình ảnh chụp được ở độ cao do SR-71 xác nhận rằng trại tù ở vào chỗ cô lập và có hoạt động. Nó nằm trên một vùng giữa những ruộng lúa, ít nhất là cách những nhà ở của dân tại thị xã Sơn Tây về phía đông nam một cây số.



Mặc dù trại tù biệt lập, nhưng vẫn có nhiều căn cứ quân sự của người Bắc Việt Nam trong vài dặm. Tất cả có khoảng 12.000 bộ đội Bắc Việt đang ở cách đó chừng 10 đến 15 phút đường xe chạy trong điều kiện ban ngày bình thường, nhưng sự đe dọa đầu tiên sẽ là từ ba căn cứ trong vòng 10 cây số quanh mục tiêu ở phía nam Sơn Tây và từ những nơi bộ đội Bắc Việt đóng trong thị trấn Sơn Tây. DIA còn nhận biết được các đơn vị đó là những binh sĩ thuộc trung đoàn bộ binh 12. Trường pháo binh Sơn Tây là căn cứ quân sự gần nhất. Frisbie cho các tham mưu trưởng hỗn hợp thấy những con đường tiến đến gần trường trung học và đến gần mục tiêu. Ngoài ra có một kho quân trang ở Sơn Tây với khoảng 1.000 nhân viên hậu cần, nhưng phải mất 20 phút đường xe chạy trong điều kiện ban ngày bình thường mới đến được trại tù.



Sau cùng có khoảng 500 quân và 50 xe tại một căn cứ phòng không ở phía Tây Nam, nếu ban ngày họ có thể phản ứng trong vòng từ 20 đến 25 phút. Ngoài ra còn có một vị trí khác gần Sơn Tây ở phía nam khoảng 500 mét, qua một kênh nhỏ mà các chuyên viên tình báo ghi là trường trung học.



Theo Frisbie trại tù Sơn Tây gồm hai bộ phận riêng biệt. Một bộ phận vừa được mở rộng, có tường bao quanh và một khu hành chính gồm có một số nhà phụ thuộc. Chỉ có một đường tải điện và một đường điện thoại chạy vào nhà tham mưu ngay phía ngoài cổng chính. Còn trại của bảo vệ ở bên ngoài bức tường phía đông.



Theo các chuyên viên phân tích của DIA, ước lượng có khoảng 45 người Bắc Việt Nam ở đấy. Những tù nhân bị giam trong bốn dãy nhà của khu trại, có ba tháp canh dọc theo tường cao gần bốn mét. Tháp canh thứ ba đặt ở cổng chính về phía đông. Theo các ảnh chụp, nơi đây thỉnh thoảng tù nhân bị đẩy vào, có thể họ bị phạt về một hành động sai trái nào đó.



Các ảnh chụp trinh sát cũng nhận ra lốm đốm các tù nhân ở ngoài sân trại tù. Một khoảng đất trống trải bằng sân bóng chuyền, có cây trồng sát tường, cao gần 80 thước vừa đủ chỗ cho một chiếc trực thăng UH-1 và một toán từ 6 đến 8 người phản kích đáp xuống trong khu trại. Nếu việc đó làm được sẽ có một vài người có thể đi vào xà lim, trước khi những người bảo vệ phản ứng.



Bên ngoài bức tường phía nam có một khoảng đất trống vừa đủ cho nhiều trực thăng cỡ lớn đáp xuống với lực lượng tập kính còn lại. Từ chỗ đó họ sẽ phá vỡ một lỗ ở bức tường để cho nhiều người nhảy vào trong giải thoát tù binh dẫn hoặc khiêng tù binh đi ra (vì một vài người bị bệnh nặng).



Trong khi bắt đầu đánh phá cổng chính thì một lực lượng tập kích khác phải chống lại những người bảo vệ ở khu ngoài trại tù, phải bố trí chắn con đường phía đông, để ngăn ngừa tiếp viện hoặc lực lượng phản ứng không cho họ đến trại tù.



Những chiếc trực thăng khác, đưa lực lượng tập kích đến, nhưng lực lượng này phải đáp xuống ruộng lúa xa hơn, sẵn sàng ập vào trại tù, khi được gọi đến hỗ trợ cho việc giải thoát tù binh.



Cuộc tập kích phải được tiến hành vào ban đêm để lợi dụng yếu tố bất ngờ, và làm giảm bớt số trực thăng bay vào Bắc Việt Nam để tránh sự phát hiện. Những pháo sáng được thả ít giây trước khi những trực thăng đáp xuống để làm loá mắt những người bảo vệ (những người tập kích có đeo kính chống loá mắt) và cũng để trực thăng đáp xuống an toàn. Tất cả những việc đó phải diễn ra rất nhanh. Vì Blackburn đã tính toán rằng, nếu bộ đội pháo binh Việt Nam ở trường pháo binh Sơn Tây khi được báo động, muốn đến đó cũng phải mất 30 phút.



Trên những cơ sở đó, kế hoạch cuộc tập kích phải mất trên 26 phút, các trực thăng sẽ bay về Lào trước khi chiếc xe đầu tiên của họ đến gần bức tường của trại tù.



Sau khi Blackburn và Frisbie chấm dứt buổi thuyết trình kế hoạch thì rất ít người thắc mắc, chỉ có những câu hỏi của người chỉ huy mới của hải quân là đô đốc Elmo R. Zumwalt mà thôi, nhưng lại không tập trung vào cuộc tập kích mà chỉ hỏi mục đích cuộc giải thoát có ích gì không. Có chăng đó là một hành động có thể mở đường cho cuộc hoà đàm ở Paris tiến tới việc thả các tù nhân và làm cho Hoa Kỳ có thể điều đình với Hà Nội về việc đối xử với các tù binh hoặc để biết thêm tin tức về những người bị mất tích trong lúc thừa hành nhiệm vụ.



Tướng Bruce Palmer, phụ tá tham mưu trưởng hỗn hợp đưa ra một câu hỏi: “Có chắc chắn rằng cuộc tập kích trở về mà không gây thêm một vài người lính, người lái bị bắt vào các trại tù của Bắc Việt Nam nữa hay không”. Sau khi câu hỏi được trả lời Bruce Palmer tỏ ý khen ngợi: “Kế hoạch đã thuyết phục được tôi, họ nhất định thành công!”.



Blackburn còn giải thích về việc tính toán thời gian là tùy thuộc vào thời tiết, ví dụ những trận mưa và gió mùa ở Bắc Việt. Các chuyên viên về thời tiết, đã đồng ý rằng cuối tháng 10 và tháng 11 mới có điều kiện an toàn cho cuộc tập kích. Dù sao trong thời gian đấy, ánh sáng trăng ở phía đông cũng sẽ giúp cho các máy bay trực thăng nhận rõ đường bay từ biên giới Lào đến Sơn Tây, và đủ ánh sáng hay ở độ thấp để thu hẹp diện rộng bị phát hiện.



Các tham mưu trưởng hỗn hợp đã chấp nhận kế hoạch và đòi hỏi phải chi tiết hóa hơn nữa, đó là điều cần thiết cho một đội đặc nhiệm hỗn hợp. Một lực lượng cho nhiệm vụ sẽ được tổ chức huấn luyện kỹ càng để thực hiện cuộc hành quân tập kích.



Blackburn hy vọng được cầm đầu cuộc tập kích và Mayer làm phụ tá. Nhưng John W. Vogt người chỉ huy của ông đã khước từ và chỉ chấp nhận nhiệm vụ của Blackburn là người làm kế hoạch tập kích, còn chỉ huy phải để cho người khác.



Blackburn biết rằng tên của ông ta đã được đưa vào danh sách đặc biệt là không được đi vào những vùng nguy hiểm vì cần phải giải quyết nhiều việc khác về hoạt động tình báo.



John W. Vogt đã gặp Mayer giải thích rằng đừng nôn nóng về việc đó: muốn điều khiển việc đó phải mất nhiều tháng nữa để chuẩn bị cho cuộc tập kích được sẵn sàng. Nếu tôi cử anh làm việc đó, thì chúng tôi sẽ không cần các anh ở Ban tham mưu hỗn hợp.

Căn cứ Fort Bragg, tiểu bang Bắc Carolina

Tại căn cứ Fort Bragg, tiểu bang Bắc Carolina, ngày 11 tháng 7 năm 1970, đại tá bộ binh Simons đang bận rộn sắp xếp và phân loại đồ cổ bằng đồng thau ở Việt Nam, mà ông ta đã thu thập như: ống nhổ, bô buồng ngủ, hộp điếu bát, hộp đựng thuốc hút đầu rồng và một lô khác v.v… Chuông điện thoại bỗng reo vang. Simons vội cầm lấy ống nói. Nghe giọng nói quen thuộc, Simons đã nhận ra tiếng Blackburn. Ông ta thông báo với Simons rằng: tôi đang cần anh cộng tác với tôi một việc. Qua nội dung câu chuyện, Simons đã có linh cảm là hình như ông chuẩn bị trở lại Việt Nam lần thứ tư. Sau khi câu chuyện chấm dứt, bà vợ của Simons đã hét toáng lên: “Cứ mỗi lần Blackburn đến là có thêm một tin xấu, anh đừng cộng tác với ông ta nữa”. Simons trở nên buồn rầu, ngắm nhìn đống đồ cổ. Ông hy vọng là được chăm chút, lau chùi chúng, nhưng giờ đây, thế là phải xếp xó. Đối với một vài thứ đã có từ mấy thế kỷ nay. Nhưng những thứ đồ đồng thau này chưa phải là tất cả mà còn bao nhiêu thứ khác nữa Simons đã giành được ở Việt Nam. Ông còn có cả một kho lưu niệm về các loại vũ khí như: súng trường, súng lục các loại. Có thể nói: nếu như các anh chàng chơi súng mà được nhìn thấy cũng phải thèm thuồng.


Blackburn và Mayer đến căn cứ Fort Bragg với hai mục đích. Một là xem Simons có sẵn sàng chỉ huy cuộc tập kích trại tù Sơn Tây hay không. Nhưng họ phải giữ bí mật về kế hoạch, nhiệm vụ đi giải thoát với Simons. Hai là nếu căn cứ Fort Bragg được chọn làm bãi tập thì một sĩ quan bộ binh sẽ là chỉ huy trưởng nhiệm vụ và một phụ tá không lực giúp việc. Nếu căn cứ Eglin được chọn thì chỉ huy trưởng là người của không lực, còn phụ tá phải là sĩ quan bộ binh do SACSA quyết định.



Blackburn và Mayer biết rằng Simons bị đau tim nhẹ trước khi đi Trung Quốc, ông ta vừa trở lại phục vụ như là một sĩ quan bổ sung. Nhưng khi gặp Simons, Blackburn và Mayer cảm thấy phấn khởi mừng rỡ vì Simons đã hoàn toàn bình phục.



Simons nhớ lại trong một bữa ăn trưa cùng với Blackburn và Mayer. Blackburn đã hỏi Simons rằng: có thích dẫn đầu một nhiệm vụ sôi nổi chăng, có thể là nhiệm vụ gay gắt đấy! Simons biết thừa rằng không nên hỏi việc đó là việc gì. Nếu Blackburn đã nhúng tay vào thì đó là việc không phải hay ho gì! Simons chỉ đáp một tiếng: Vâng? Được, tôi không cần biết gì thêm nữa. Không có sự bàn cãi gì về vụ tập kích, cũng không nói gì đến việc xâm nhập Bắc Việt Nam.



Ba người bắt đầu thảo luận về các nhân vật, loại người nào mà Simons có thể đưa vào làm việc. Một vài sĩ quan trước đây đã làm với ông ta hiện lên trên trí nhớ của Simons, nhưng có một số không thể có mặt, vì họ đang ở Việt Nam, hoặc ở Tây Đức, hoặc được bổ nhiệm làm công việc khác ở Hoa Kỳ. Nếu như gọi họ lại bằng sự vụ lệnh, thì sẽ gây ra phiền phức, gây ra nhiều câu hỏi. Nhưng còn có một số sĩ quan có thể tham gia được như: Sydnor, Meadows, Peshkin…



Căn cứ Fort Bragg, một địa điểm lý tưởng để huấn luyện, là một vùng đất rộng 130.698 ha dành riêng cho đội quân chiến lược, vì bộ binh và không quân có những bài học huấn luyện hỗn hợp thường xuyên, dù có thêm một tổ chức nữa đến tập thì cũng không hề gây ra sự chú ý nào đáng kể.



Khu đất dành riêng này và các vùng bao quanh đều do quân đội thuê thêm. Họ thường sử dụng những chương trình huấn luyện do căn cứ Fort Bragg đề ra với các toán lực lượng của nó, do phân bộ hàng không 82 điều khiển. Căn cứ Fort Bragg lại là nơi huấn luyện mà phần đông là những người tình nguyện vào các lực lượng đặc biệt của bộ binh.



Còn một nơi khác gọi là “Trung tâm chiến tranh” của lực lượng không quân đặt tại căn cứ không lực Eglin cũng là một vùng đất rộng gần 464.980 ha, nằm trên phần hình cán xoong phía bắc Florida. Nó còn một thuận lợi là có gần 44.000 mét vuông mặt nước để tập, thí nghiệm mà không bị ảnh hưởng đến đầu mối giao thông khác. Đây cũng là nơi tập dượt của Trung tâm huấn luyện cấp cứu và tìm kiếm bằng máy bay và cũng là cánh tay hoạt động đặc biệt của không lực Hoa Kỳ - USAF. Hầu hết các đoàn trực thăng và máy bay C.130 đi cấp cứu hoặc tiếp tế đều xuất phát từ các đơn vị này.



Sau nhiều lần bay trên căn cứ Fort Bragg và Eglin để lựa chọn địa điểm huấn luyện lực lượng tập kích trại tù Sơn Tây, Blackburn và Mayer quyết định đến Lầu Năm Góc với một mật lệnh dự thảo cho đô đốc Moorer ký để sử dụng căn cứ không lực Eglin làm nơi huấn luyện cho nhóm nhiệm vụ khẩn cấp hỗn hợp và lệnh cho không lực bổ nhiệm một vị chỉ huy.



Từ đó hoạt động của nhóm tập kích trại tù Sơn Tây đã có một cái tên mới đúng hơn là một mật danh “Bờ Biển Ngà”.



Người phụ trách liên lạc phối hợp của tham mưu trưởng hỗn hợp là đại tá Mayer ở SACSA. Blackburn đã đề nghị với tướng Palmer, phụ tá tham mưu trưởng bộ binh, chỉ định Simons làm phụ tá chỉ huy nhóm nhiệm vụ khẩn cấp hỗn hợp và cầm đầu vụ tập kích Sơn Tây.



Palmer đã từng biết Simons là một lãnh đạo tác chiến, là một chuyên viên của những hoạt động đặc biệt từ chiến tranh thế giới thứ hai nên ông ta đã ký ngay lệnh.



Sau khi được Palmer đồng ý cử Simons cầm đầu vụ tập kích Sơn Tây, Blackburn cảm thấy nhẹ người và thầm nghĩ đến sự thành công lớn lao cho cuộc hành quân. Điều mà Blackburn tin tưởng là có cơ sở, vì ông ta biết Simons trong 28 năm qua và đã gặp nhau nhiều lần. Simons có thể làm mọi việc và sẽ làm hết sức mình, khi Blackburn nói đây là một việc quan trọng.



Simons ở tuổi 52, nhưng trông như là một con bò mộng, đôi vai rộng, nặng 190 cân Anh, gần giống như pho tượng tạc trên hòn đá, cổ to, tóc thưa, lông mày rậm, với cái mũi cao như mỏ diều hâu, đôi tai to với hai nếp nhăn chạy dài từ hai bên mũi vòng quanh miệng xuống cằm.



Nhiều người đã biết Simons và gọi ông ta là một người không biết sợ. Ông ta cũng thường nói: “Cái chết vẫn lởn vởn bên tôi, tôi không muốn những người ở bên tôi bắn mà không trúng đích”. Ông ta đã từng xông pha vào lửa đạn của khá nhiều trận chiến đấu để chấp nhận sự đổ máu ở chiến trường như là sự may rủi của nghề nghiệp chiến tranh, nói cho cùng là một công việc khốn nạn mà phải nhúng tay vào. Có lần ông ta nói: “Nếu lịch sử là người thầy thì nó dạy cho ta rằng, khi mà ta thản nhiên hoặc mất ý chí chiến đấu thì không phải là ai khác mà kẻ thù của chúng ta sẽ đập nát chúng ta”.



Năm 1941, Simons mới là hạ sĩ quan pháo binh. Sau khi tốt nghiệp đại học Missouri gia nhập đội pháo binh có ngựa kéo và được cử sang New Guinea. Sau 60 ngày đến đó và hoạt động không có hiệu quả, Simons lại được chuyển sang đơn vị pháo binh cơ động xâm chiếm Philippines. Khi đánh nhau với quân Nhật, Simons đã dẫn đầu đơn vị của mình đánh úp một căn cứ ra-đa của Nhật ở Philippines. Và Simons đã cho đơn vị nã pháo bắn che chở cho đội quân hoạt động đặc biệt của Blackburn khi đội quân này đánh chiếm một sân bay của Nhật. Từ đó hai người quen nhau và cũng không có điều kiện để gặp nhau nữa.



Năm 1957, Simons được điều về căn cứ Fort Bragg và được phân công làm sĩ quan báo chí, thông tin công cộng. Theo Simons đấy là một “kỷ luật” đối với ông. Gần một năm ở căn cứ Fort Bragg, Simons đã xin cấp trên “giải phóng” cho ông ta, và được bổ nhiệm sang công tác ở trường chiến tranh đặc biệt.



Trong thời gian đó, Blackburn đang chỉ huy lực lượng đặc biệt 77. Sau chuyến công tác ở Việt Nam trở về, Blackburn gặp Simons và đã cử Simons phụ trách một tiểu đoàn. Từ đó hai người được gần nhau và đều hoạt động phụng sự cho loại chiến tranh không chính đáng nên lại càng trở thành đôi bạn rất thân nhau.



Năm 1960, Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức nhóm hoạt động bí mật để sang công tác ở Lào, nhưng không được thuận lợi. Trước sự khó khăn đó, Blackburn đã giao cho Simons tuyển mộ lực lượng mới với bí danh là những toán “Sao trắng”. Kết quả Simons đã tuyển được 107 người đi Lào. Trước khi đi Simons nói với họ rằng: “Các anh sắp phải làm một việc mất nhân tâm của các anh. Những người trong các rừng rậm sẽ tiêu diệt các anh, nhưng các anh phải giữ im lặng để tìm cách tiêu diệt họ”.



Tháng 7-1960, khi họ đến Lào, không một ai nói cho Simons biết ông ta phải huấn luyện ai, huấn luyện cái gì mà trên đất Lào đầy rẫy những sự thối nát của chính quyền đương nhiệm. Những hoạt động quân sự của người Bắc Việt Nam thường qua biên giới Lào, còn lực lượng quân sự ở Lào thì quá ít, chỉ có một nhóm bảo vệ dinh thự các ông lớn mà thôi. Rõ ràng cần phải có kiểu một quân đội nào đó? Và Simons quyết định thành lập một quân đội. Khi mà chính phủ không thể tuyển mộ được một người lính nào thì Simons đành phải tổ chức bắt cóc. Người của ông ta phải đi sục sạo khắp nơi trong nước, làm xáo trộn hàng nghìn người dân tộc Mèo. Ông ta tìm cách nhốt họ trong các hàng rào dây thép gai, cho họ ăn mặc, dần dần dạy cho họ làm lính đánh giặc. Với cách làm như vậy Simons đã bắt được 12 sư đoàn “tình nguyện” có đủ sức đương đầu với quân đội Bắc Việt khi họ hành quân qua biên giới Lào.



Sau chuyến đi 6 tháng tại Lào, Simons trở về Hoa Kỳ và ông ta lại được cầm đầu một toán lớn lực lượng đặc biệt Mỹ tại Panama. Một thời gian sau đó lại kết hợp với Blackburn hoạt động ở Việt Nam và đã có lúc ông ta chán ngấy và thốt lên: “Tôi dẹp bỏ những cái đó. Tôi biết rằng nếu tôi bị tóm họ sẽ cho người thay thế và vứt bỏ tôi ra phía sau”. Nhưng Blackburn lại không chịu lìa bỏ Simons mà lại chọn ông ta cầm đầu những nhiệm vụ khó có thể tưởng tượng được trong chiến tranh ở Việt Nam. Đó là cuộc tập kích trại tù Sơn Tây mà Blackburn hy vọng với sự chỉ huy của Simons sẽ đem lại thành công lớn.



Nhưng mỉa mai thay cho Simons, ngày mà ông ta được chọn để điều khiển cuộc tập kích trại tù Sơn Tây thì những tù nhân ở Sơn Tây đã được di chuyển đi nơi khác. Qua các ảnh chụp của các máy bay trinh sát một vài tuần trước đấy, các giếng nước bên trong trại tù đã bị cạn khô. Tiếp đó là những trận mưa tai hại của của đợt gió mùa lớn nhất trong năm đã trút xuống Việt Nam.



Các tù nhân không hiểu được rằng, ngay bên ngoài khu trại, con sông Nhuệ bị ngập nước và dâng cao từ một đến hai thước đến tận bức tường xây của khu trại. Cuộc di chuyển tù nhân được tiến hành rất trật tự, gần như bất ngờ, không phải loại di chuyển hốt hoảng mà họ có dịp biết đến sau này.



Những người bảo vệ Bắc Việt đã ra lệnh cho các tù nhân tháo gỡ các dây phơi quần áo và lưới, trụ của sân bóng chuyền. Ngày hôm sau, họ cho lợn gà lên mấy xe tải, còn tù nhân được lệnh đi xe buýt.



Đêm ngày 14-6-1970, họ được chở đến những nhà của quân đội mới được sửa sang lại tại Đồng Hới, cách đó 45 dặm về phía đông, mà các tù binh Mỹ đã đặt cho một cái tên mới là trại “Niềm Tin”.

Chương III

"BỜ BIỂN NGÀ"

Những người tình nguyện

Tại căn cứ không lực Eglin ở Florida, thiếu tướng J.Manor nhận được cú điện thoại có vẻ mơ hồ gọi từ Lầu Năm Góc. Ông ta được đề cử chỉ huy một nhiệm vụ đặc biệt cho các tham mưu trưởng hỗn hợp. Ông phải bay đi Washington ngày hôm sau bằng chiếc máy bay chở thư đặc biệt. Tuy nhiên, giữa đường bay lên miền Bắc, ông đáp xuống tại căn cứ không lực Pope Bắc Carolina, vừa đủ thời gian để nắm lấy đại tá bộ binh D.Simons từ căn cứ Fort Bragg ở gần đấy. Họ gặp nhau tại căn cứ không lực Andrews, và được đưa thẳng về Lầu Năm Góc. Ở đấy, họ được nghe thiếu tướng D.Blackburn, Tham mưu trưởng hỗn hợp SACSA, thuyết trình.

Manor và Blackburn chưa hề gặp nhau nhưng họ đã biết nhau, và Manor có cảm tưởng tốt đối với việc làm của SACSA. Nhân danh người chỉ huy những lực lượng hoạt động đặc biệt của không lực Eglin, người sĩ quan 49 tuổi sinh trưởng ở New York huấn luyện các đội chiến tranh không thông thường để yểm trợ những hoạt động của SOG tại Đông Nam Á. Những sinh viên của ông gồm có các phi hành gia Mỹ, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và có khi cả người Lào. Mục tiêu đào tạo khá chi tiết, từ việc làm trụi lá cây trong rừng rậm và rải truyền đơn trên Bắc Việt Nam cho đến việc đưa vào những toán xâm nhập đặc biệt. Ngoài ra, trong ba năm Manor ở Lầu Năm Góc với tư cách là một sĩ quan cầm đầu của không lực có nhiệm vụ thuyết trình về Đông Nam Á, ông ta còn đóng góp cho chiến cuộc Việt Nam nhiều hơn là những việc càn quét “tìm và diệt”, đếm xác và những nhiệm vụ của phi cơ oanh tạc đã làm cho báo chí tường thuật nhiều về những trận đánh ở đó.

Cũng như Simons, Manor đã tham gia nhiều trận đánh: 345 nhiệm vụ trong chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến cuộc Việt Nam, 275 nhiệm vụ trong số này là ở Đông Nam Á, nơi mà ông ta chỉ huy phi đội chiến đấu chiến thuật 37 tại Phù Cát. Tuy nhiên, tiếng tăm của họ là khác nhau. Trong bộ binh, Simons được coi trọng như là một người lãnh đạo chiến đấu, nhưng ông ta là một sĩ quan bất trị do hành động của ông nhiều khi làm cho cấp trên khó chịu. Trong không lực, Manor là một người tổ chức tinh tường, đã nhanh chóng giành được sự tín nhiệm hoàn toàn của cấp trên. Simons là người hay nói, còn Manor thì trầm lặng. Cả hai đều có khả năng, được kính nể, là những con người nghiêm túc, nhưng họ là “loại mèo khác giống”.

Chuyến bay đến Washington kết thúc như đã tính toán, và tại Lầu Năm Góc, Manor và Simons lần đầu tiên được nghe về vụ tập kích ở Sơn Tây. Blackburn và Mayer cho Manor biết ông là chỉ huy toàn bộ, là người “chủ” Simons là phụ tá chỉ huy và cầm đầu vụ tập kích. Blackburn và Mayer muốn vận dụng sự phối hợp tại Washington, nơi mà một trong những công việc chính của họ không bị quấy rầy, để cho Manor và Simons có thể tập trung vào việc tuyển mộ, trang bị, huấn luyện lực lượng và thi hành sứ mệnh. Bất cứ thứ gì họ cần sẽ được ưu tiên cao nhất mà tham mưu trưởng hỗn hợp cung cấp cho họ. Thật vậy, về sau, Manor nhận được một lá thư của tướng John D.Ryan, Tham mưu trưởng không lực chuyển đến bằng tay. Thư nhắn các vị chỉ huy quan trọng của không lực và chỉ thị cho họ phải ủng hộ hoàn toàn Manor trên cơ sở không được hỏi han gì hết.

Sau khi Manor và Simons xem xét lại khái niệm mà nhóm nghiên cứu thực hiện của Blackburn đã trình bày với các tham mưu trưởng hỗn hợp, hai người bàn luận với nhau và tin rằng vụ tập kích có thể thực hiện được. Nhưng còn có một số công việc phải làm, cần thiết có kế hoạch chi tiết, và thành công hay thất bại phần lớn tùy thuộc ở chất lượng của tình báo đến với họ. Tại một buổi họp với Bennett, Steward và Harris của DIA, Manor và Simons khoan khoái được nghe rằng bất cứ cái gì họ cần, bất cứ lúc nào họ cần, DIA sẽ trình bày. Manor và Simons muốn có tình báo tốt nhất mà DIA, CIA, NSA và văn phòng trinh sát quốc gia có thể cung cấp.

Về chuyên môn của NSA là sự kiểm soát bằng điện tử: Manor biết việc làm của nó là như thế nào trong việc chọn những con đường xâm nhập và thoát ra cho máy bay của ông ta. Bắc Việt Nam thường xuyên thay đổi cách phòng không của họ. Những pháo đội được di chuyển, các tần số liên lạc giao thông thay đổi, và màn ra-đa hữu hiệu cũng được thay đổi hàng tuần. Nhưng có một vấn đề: không một lần nào trong cuộc chiến Việt Nam mà việc chặn bắt điện tử của NSA thu được một lời về vị trí của các tù binh. Mặc dù có hàng nghìn cuộn băng điện tín để dưới vòm nhà của NSA: “Cuốn từ điển bách khoa” (The Encyclopaedia Britanica) về vô tuyến Radio, và tín hiệu điện thoại, cũng như các đường dây truyền tin thật hoặc giả… Nhưng trong tất cả những chặn bắt đó, không hề có một dữ kiện nhỏ nào về các tù binh như đã được phát công khai ở những nơi tuyên truyền công cộng. Như vậy Manor và Simons thấy rõ, họ hầu như phải hoàn toàn tùy thuộc vào sự trinh sát bằng hình ảnh chụp cho tình báo. Đó là vấn đề sống còn cho sự thành công của vụ tập kích.

Một vài phút cuối cùng, những tin tức mới có thể được triển khai qua những nguồn tin khác, nhưng nó lại có thể là không đúng. Thỉnh thoảng có một ít tin tức hữu ích do thư từ của các tù binh. Nhưng thư từ thì lại lâu đến hàng tuần, có khi cả tháng, không kịp thời. Những tình báo tốt nhất cho Manor và Simons là do các ảnh chụp của SR-71 và những máy bay bay ở độ thấp. Những “máy ảnh cho mục tiêu kỹ thuật” có tiêu cự dài của SR-71 sản xuất những tấm ảnh phi thường chụp từ độ cao hơn 80.000 bộ đủ rõ cho một người giải thích tài ba đếm được con số chính xác của những người cử động trong một khu chật hẹp. Nhưng đôi khi những phi vụ của SR-71 không sản xuất được gì, mà chỉ có hình ảnh những cụm mây ngay trên mục tiêu. Những máy bay có thể bay dưới các cụm mây nhưng chỉ làm được một ít phần việc và không thường xuyên. Những chuyến bay Buffalo Hunter bay thấp, gần một mục tiêu như Sơn Tây, có thể báo hiệu cho người Bắc Việt Nam biết rằng sẽ có điều gì bất thường xảy ra. Cho nên không cách nào để đánh lừa Bắc Việt Nam với những chuyến bay thấp để nhằm che đậy mục tiêu thật sự. Ngoài ra, thời tiết sẽ xấu trên Bắc Việt trong những tuần lễ sắp tới, và điều đó cũng có thể hạn chế kết quả của những phi vụ chụp ảnh trinh sát.

Manor và Simons còn có những vấn đề khác. Nếu vụ tập kích được tiến hành lúc thời tiết thuận lợi vào đầu tháng 10, thì họ phải làm việc gấp rút. Họ thoả thuận với Blackburn về một thời khắc biểu gay gắt. Họ phải lập tức bay trở về Eglin và về căn cứ Fort Bragg để tuyển mộ những người tình nguyện và chuyên viên của họ. Rồi đến thứ bảy, mồng 8 tháng 8 họ sẽ tập hợp trở lại tại Washington với nhóm người phụ tá trong năm hôm để chi tiết hóa kế hoạch. Một đội an ninh đặc biệt sẽ được tổ chức trong thời gian đó để triển khai những câu chuyện nhằm che đậy và vận dụng những biện pháp phản gián cần thiết để bịt kẽ hở. Trong khi nhóm thiết lập kế hoạch họp, Manor và Simons sẽ gửi đi một toán nhỏ về Eglin để nhận địa điểm huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng cho những người của họ bắt đầu tập luyện vào đầu tháng 9. Những nhà thiết kế phải có kế hoạch của mình sẵn sàng vào ngày 20 tháng 8 và kế hoạch cho những hoạt động thực sự phải xong vào ngày 28 tháng 8. Việc huấn luyện phải bắt đầu vào ngày 9 tháng 9 và chấm dứt vào ngày 6 tháng 10. Phần lớn những nhiệm vụ chụp ảnh trinh sát phải làm trong khoảng thời gian đó. Nếu mọi việc suôn sẻ như đã dự tính vào ngày 10 tháng 10 thì lực lượng tập kích sẽ sẵn sàng được phóng đi trong thời tiết đầu tiên tốt nhất, như đã tính trước. Đó là giữa những ngày 20 và ngày 25 tháng 10. Đây là một thời khắc biểu chặt chẽ và họ tin rằng có thể thực hiện được.

Trở về Eglin, Manor bắt đầu tìm kiếm những phụ tá then chốt của ông. Ông ta mời một trong những phi công trực thăng cừ nhất của không lực là trung tá Warner A. Britton, viên sĩ quan huấn luyện và hành quân tại căn cứ không lực Eglin cho các cơ quan giải cứu và tìm lại bằng máy bay. Britton cũng ở trong nhóm nghiên cứu kế hoạch của Blackburn, cho nên ông ta ủng hộ toàn bộ nhiệm vụ trước mắt. Manor còn giao cho Britton chọn lấy những phi hành đoàn trực thăng để đưa Simons và người của ông đáp xuống Sơn Tây. Britton cũng đề nghị với Manor rằng cá nhân ông muốn lái một trong những chiếc máy bay đó.

Một trong những người đầu tiên Britton tuyển mộ là trung tá John Allison, 44 tuổi, chỉ huy một trong những chuyến bay bằng trực thăng HH-53 tại trung tâm huấn luyện cho cơ quan giải cứu và tìm kiếm bằng máy bay. Allison lập tức ký vào giấy tình nguyện. Nhưng Britton gặp khó khăn với một người “tình nguyện” khác là trung tá Herbert Zehnder vì ông ta không cho Zehnder biết một chi tiết nào về nhiệm vụ mà chỉ nói rằng là một số việc huấn luyện và bay ban đêm. Zehnder là một quân nhân tại ngũ đã 16 năm trời nên ông ta nhiều lần nghe lời khuyên “Đừng bao giờ tình nguyện làm một việc gì mà mình không biết”. Ông ta trả lời với Britton là “không”. Nhưng Zehnder có những kinh nghiệm và lòng can đảm mà Britton cần đến. Người phi công 46 tuổi đã giành được một kỷ lục bay đường dài năm 1967 trong khi lái chiếc trực thăng HH-53 một mạch từ New York đến cuộc triển lãm máy bay ở Paris. Ông ta cũng đã thực hiện những phi vụ chống phiến loạn ở Việt Nam trong thời gian một năm và đôi khi cũng bay trong rừng rậm để giải cứu. Cuối cùng Britton phải nói với ông ta về nhiệm vụ của sự tình nguyện.
Allison và Britton sẽ lái hai chiếc trực thăng để cho Simons và những người của lực lượng tiến công đổ bộ xuống Sơn Tây: Zehnder là lái phụ của chiếc trực thăng thứ ba. Người phi công thứ tư là thiếu tá Frederick Marty Donohue cũng sẽ đóng một vai trò then chốt, nhưng ông được tuyển mộ sau đó. Donohue sẽ lái chiếc trực thăng đầu tiên có vũ trang tiến công các chòi canh gác. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông ta lại có một nhiệm vụ đặc biệt khác: chuẩn bị lái chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên trên thế giới bằng trực thăng. Britton quả quyết rằng Donohue có đầy đủ tinh thần để sẵn sàng thực hiện việc đó.


Donohue đã bay 131 nhiệm vụ ở Đông Nam Á. 4 lần trong số đó là nhiệm vụ đi giải cứu ở Bắc Việt Nam. Ông ta 39 tuổi quê ở California, người gầy cao, đã thực hiện gần 6.000 giờ bay lái trực thăng, có thể là nhiều giờ bay hơn mọi phi công nào khác trên thế giới. Ông ta đã được chọn là sĩ quan huấn luyện bay trong chương trình Apollo.



Trong khi Manor và Britton tập trung những người tình nguyện của họ ở Eglin thì Simons cũng tập hợp người của ông ta tại căn cứ Fort Bragg. Hai người đầu tiên mà ông ta muốn là trung tá Elliot Snyder đảm nhiệm làm người phụ tá toàn diện cho ông, và đại úy Richard D. Meadows, cầm đầu đội tiến công khu trại tù. Cả hai người đến đóng tại Trường Bộ binh, căn cứ Fort Benning. Simons, Meadows và Sydnor biết nhau nhiều. Thời gian Simons và Blackburn công tác ở SOG tại Việt Nam thì Meadows là trung sĩ của lực lượng đặc biệt đã chiếm được cỗ trọng pháo đầu tiên của người Bắc Việt Nam tại Lào. Ngay sau đó Westmoreland phong thưởng cho Meadows chức sĩ quan đầu tiên tại mặt trận của chiến trường Việt Nam. Chính Simons đã gắn huy chương lên áo của Meadows. Simons và Meadows đã cùng nhau phục vụ ở nhiều công tác, không có một công tác nào mà Simons cần thảo luận chi tiết. Về sau Simons giải thích: “Giá tôi xin phép làm một vài việc trong số đó, thì Westmoreland có thể bị ngất xỉu một trong những việc đó Simons cho là hành động tuyệt vời nhất trong chiến cuộc Việt Nam”.



Simons biết rằng chuyến đi Sơn Tây không phải là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của Dick Meadows. Vào năm 1968, sau khi Blackburn không còn làm việc ở cơ quan SOG nữa, Meadows vẫn còn phục vụ ở Đông Nam Á trong chuyến công tác lần thứ ba. Một toán mật báo viên CAS bị “kẹt” sâu trong đất Bắc Việt Nam, tại một địa điểm mang bí danh “Con Ó” nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng. Meadows được chỉ định dùng máy bay từ một hàng không mẫu hạm để vào đất liền giải cứu toán đó. Ông ta đến nơi quá muộn (không gặp được toán mật báo viên bị kẹt tại địa điểm trên). Nhưng Meadows đã cùng toàn đội đi giải cứu trở về an toàn. Chính Mayer sau này cũng có nhận xét về Meadows như sau: “Về con người này thì tôi không biết cách gì để nói tốt hơn nữa. Ông ta đúng là một quân nhân thuộc loại “thượng thặng, vĩ đại”: không những chỉ là anh hùng, ông ta lại còn là loại người biết hoàn thành trách nhiệm chu đáo!”.



Elliot Snyder “gầy nhom, khô khan, cao nhỏng”- Mayer thường mô tả ông ta như là “Hung-nô, sáng suốt, tài ba, nhạy cảm gan dạ, biết phối hợp với đồng đội”. Blackburn thì gọi ông là một “xác ướp”. Khi có ai nhờ làm việc gì thường thì ông ta không có phản ứng gì. Ông ta chỉ yên lặng thi hành ngay. Trong chiến đấu, ông ta tỏ ra có một cá tính, “dị thường, tình huống càng khó khăn bao nhiêu thì ông ta lại càng bình tĩnh bấy nhiêu. Không có việc gì có thể làm cho ông ta luống cuống, nao núng được. Trong đời tôi, tôi chưa hề gặp một quân nhân nào như ông ta!”. Cũng như Meadows và Simons, Sydnor luôn luôn tin tưởng vào việc làm của Blackburn.



Simons cũng cần có thêm một sĩ quan cấp cao nữa một quân y sĩ. Toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đã có ghi vào danh sách chuẩn bị điều cần thiết cho công tác là phải có một bác sĩ thành thạo. Các toán lực lượng đặc biệt đều thường được huấn luyện thông thạo về khoa cứu thương, nhưng trong công tác tập kích này thì cần phải có một bác sĩ chuyên khoa, không những chỉ để giúp vào việc hoạch định kế hoạch cuối cùng mà còn phải đi theo toán tập kích để săn sóc tù binh khi được giải cứu hoặc là chăm lo cho binh sĩ của Simons nếu có việc gì trở ngại xảy ra. Simons yêu cầu Tổng y viện bộ binh giới thiệu cho một quân y sĩ thuộc loại “chiến đấu”, nhưng ông ta không thể nói rõ cho vị chỉ huy trưởng quân y biết lý do yêu cầu đi làm công tác gì.



Một ngày vào thượng tuần tháng tám, một trung tá tên là J.R. Cataldo bước vào văn phòng của Simons. Ông ta tự giới thiệu với Simons: “Tôi là bác sĩ Cataldo. Tôi nghe nói đại tá cần một bác sĩ”. Simons hỏi lại là ông ta có biết tại sao phải cần bác sĩ không? Cataldo trả lời: không biết, nhưng ông ta sẵn sàng nhận mọi công tác. Ông ta trước đây là y sĩ trưởng của lực lượng đặc biệt (mũ nồi xanh) ở căn cứ Fort Bragg, đã tốt nghiệp trường chỉ huy và tham mưu ở căn cứ Fort Leavenworth, và vừa được bổ nhiệm về phục vụ tại Washington. Ông ta và vợ cùng với bốn con nhỏ hiện đang sang định cư tại vùng Alexandria, nhưng vị chỉ huy trưởng quân y yêu cầu ông ta đến căn cứ Fort Bragg để gặp Simons về một “nhiệm vụ đặc biệt” nào đó.



Từ trước tới nay, cả hai người chưa từng gặp nhau, nhưng Cataldo chính là người mà Simons đang cần. Cataldo còn xa lạ với vùng Washington cho nên việc ông ta vắng mặt một thời gian sẽ không gây ra nhiều nghi vấn. Ông ta biết khá về các loại công tác đặc biệt: đã được huấn luyện nhảy dù hoàn hảo, đã từng làm việc với các toán mũ nồi xanh tại các vùng hoạt động, và nhất là “dân cùng hội cùng thuyền với tôi”. Sau này Simons có nhắc lại như vậy. Simons chỉ còn thắc mắc một điều: “Liệu Cataldo có chịu tình nguyện không?” ông ta nói thẳng vấn đề với Cataldo rằng một cuộc giải thoát tù binh đang được hoạch định, bao gồm một cuộc đột kích sâu vào vùng đất miền Bắc Việt Nam. “Công tác này khó khăn, nguy hiểm lắm”, Simons nói thêm, cho nên cần phải có một bác sĩ tháp tùng. Chỉ vẻn vẹn có như vậy thôi. Cataldo có chịu tình nguyện đi theo không? Cataldo trả lời ngay: “Tôi là bác sĩ của đại tá”.



Simons tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta nhớ lại: “Trong danh sách nhân viên công tác, có ghi chữ bác sĩ, cho nên tôi ghi dấu vào bên cạnh chữ đó. Hỏi lại Cataldo tên của anh ta đọc như thế nào và tôi tự nghĩ thầm: “Mẹ kiếp… thế là, giờ ta có được một thằng như thế rồi”.



Người ta mô tả bác sĩ Cataldo khác nhau. Một trong những người lập kế hoạch cho công tác Sơn Tây nói rằng: “Ông ta là người hăng say, năng nổ, tận tụy, nhưng thích được quảng cáo rùm beng về cá nhân mình” Simons nổi giận về lời nhận xét đó, ông ta nói: “Cataldo là một gã lạ lùng. Nhưng tôi muốn bảo các anh một điều là các anh không thể moi đâu ra được một tên đại úy tình nguyện làm công tác này. Có thể là sẽ có vài y sĩ đến đây để giúp đỡ việc huấn luyện, hoặc tiêm giúp vài mũi thuốc men gì đó nhưng còn chuyện đi vào tận miền Bắc Việt Nam thì thôi, xin phép?…”. Simons suýt nữa cắn nát đầu mẩu điếu thuốc xì gà nhỏ và nói tiếp: “Thế mà bây giờ lại có một trung tá đến và tình nguyện ngay. Tay nghề của anh ta có thể kiếm được cả trăm ngàn đô-la một năm. Kể ra, ông ta đã có được tài sản đó rồi, có thể xin về hưu trí nếu ông ta muốn sẵn sàng hốt thêm bạc khi mở phòng khám bệnh tư. Vì lẽ đó, tôi thấy cần phải cảnh giác đối với kẻ nào muốn hạ uy tín của Cataldo. Tôi không biết tại sao bác sĩ Cataldo lại tình nguyện nhận công tác. Ông ta thừa hiểu là rất nguy hiểm. Nhưng ông ta vẫn tình nguyện. Các anh chỉ cần ghi nhớ điều đó là đủ rồi”.



Simons cần phải thận trọng kín đáo trong việc lựa chọn những người cần thiết khác cho toán hành động. Qua các thượng sĩ điều hành đại đội và các tờ thông báo hàng ngày tại căn cứ Fort Bragg, tin truyền miệng được loan ra là đại tá Simons đang tuyển mộ người tình nguyện. Người nào quan tâm thì đến tập hợp tại hội trường doanh trại. Thành tích và tiếng tăm của Simons đã trở thành một huyền thoại. Một hôm trước giờ ăn cơm trưa, có đến khoảng gần 500 quân nhân tụ tập lại để nghe ông ta nói chuyện. Chẳng có gì để phải nói nhiều.



Không tiết lộ chi tiết nào cả, Simons chỉ thông báo rằng ông ta đang cần người để thi hành một công tác “tương đối nguy hiểm”. Không có tiền thưởng thêm, không có phụ cấp dành cho công vụ tạm thời khi phải tạm rời đơn vị gốc. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Người nào muốn tình nguyện thì sau bữa cơm trưa đến trình diện tại hội trường, với đầy đủ hồ sơ lý lịch cá nhân, gọi là hồ sơ đại đội số 201. Simons sẽ đích thân phỏng vấn từng người tình nguyện. Ai không quan tâm đến thì cũng chẳng phải lo ngại gì cả, Simons bảo đảm là chẳng có ai bị ghi vào danh sách riêng nếu có tình nguyện hoặc không.

Suốt trong giờ cơm trưa, có nhiều quân nhân bàn tán về câu chuyện “công tác tương đối nguy hiểm” của Simons. Sau bữa cơm chỉ có một nửa số quân nhân đã tụ tập trình diện tại hội trường. Simons đã bỏ ra suốt ba ngày để phỏng vấn từng người tình nguyện một. Có Cataldo và hai thượng sĩ phụ giúp, kiểm tra kỹ lý lịch, quá trình quân vụ và hồ sơ sức khoẻ. Cataldo khám sơ sài từng người. Có chín quân nhân không được thu nhận vì quá béo, mặc dù đều là lính mũ nồi xanh cả. Mười một người có hồ sơ bệnh trạng tâm thần cũng bị từ chối. Một vài người khác thì lại có vợ đang mang thai. Simons cũng gạt tên mấy người này ra, vì ông ta không muốn để họ phải liều lĩnh trong khi đầu óc mang đầy những lo âu phù phiếm khác.

Trong khi Simons tìm hiểu khả năng chiến đấu và đánh giá về thể lực của những người tình nguyện ông ta tìm chọn những quân nhân nào có đủ sức mạnh để cõng các tù binh ra khỏi trại giam Sơn Tây trong trường hợp cần thiết thì bác sĩ Cataldo lại thử thách phản ứng tâm lý của những người này để xem họ có nhạy cảm khi bị kích thích không, ví dụ: “ Tôi khám thấy lá gan của anh bị sưng to đây này. Chà, tại sao vậy hở chú lính, nhậu nhẹt lu bù phải không?”  Nhiều câu hỏi được đặt ra để che đậy sự việc cụ thể và địa điểm thực tế của công tác, chẳng hạn như các câu hỏi: “ Anh có biết trượt tuyết không?”  “Anh có thể đi bộ trong sa mạc được bao lâu mà không cần uống nước?”  “Da của anh có dễ bị cháy nắng không?”  “Anh có chịu được khi bị nhốt chung trong một phòng chật chội đông nghẹt những người thuộc xứ Li-băng thích ăn tỏi sống nhưng lại sợ nước không dám tắm không?”. Simons và Cataldo cuối cùng chọn lựa được 15 sĩ quan và 82 binh sĩ. Khoảng một phần ba trong số những người này đã từng phục vụ dưới quyền Simons trước đây và ông ta cũng biết rõ ít nhất là một nửa số này. Có sáu người chưa hề tham dự một trận chiến nào nhưng Simons quý lòng dũng cảm của họ. Có mười người được chọn làm đội dự bị để khi cần có người thay thế đối với lượng tập kích độ 50 người. Những người còn lại được sử dụng làm phân đội yểm trợ.

Vào ngày thứ bảy, mồng 8 tháng 8, một thông điệp của Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp do Mayer soạn thảo và trình Moorer ký vào trung tuần tháng bảy đã được gửi đi để thống nhất và ấn định rõ hệ thống chỉ huy liên hệ trên toàn thế giới. Bức thông điệp này ghi rõ một “Toán hành động hỗn hợp cấp thời” đặt dưới quyền chỉ huy của Manor và Simons và được ngụy danh là chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Không có một chi tiết nào khác được nêu ra mục tiêu của chiến dịch “Bờ Biển Ngà” này. Cũng trong thời gian này, Blackburn đã dọn văn phòng tham mưu của ông ta từ cơ sở Arlington về một khu an toàn khác tại khu vực quân báo quốc phòng (DIA) ở dưới căn hầm tòa nhà Lầu Năm Góc.

Hai ngày sau, mồng 10 tháng 8, Manor và Simons đến Washington để họp với một số nhân vật mà Blackburn đã mời đến với tư cách là ủy ban kế hoạch cho chiến dịch “Bờ Biển Ngà”. Có 27 người dự họp và 13 người thuộc nhóm tiếp viện hành chính tăng cường của SACSA cũng có mặt. Trong tổng số người dự họp, có 2 người sẽ không ghi vào biên bản hội nghị tại Lầu Năm Góc, đó là: D. Elliot và R.Donohue đều là nhân viên CIA. Uỷ ban kế hoạch Blackburn giải thích rõ mỗi tuần sẽ họp từ thứ hai cho đến thứ sáu để soát xét lại và điều chỉnh một kế hoạch cần thiết cho công tác tập kích. Từ nơi đây, khi kế hoạch cuối cùng với đầy đủ chi tiết đã được soạn thảo xong thì nó sẽ được chuyển đi cho Manor và Simons tại căn cứ không quân Eglin. Blackburn và Mayer sẽ đóng vai trò “trung gian” cho hai người này, và phối hợp với Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp Lầu Năm Góc.

Trong số 38 chuyên viên kế hoạch này, có 11 người thuộc nhóm nghiên cứu, 15 người mà Blackburn đã quy tụ được từ ngày 10 tháng 6. Trong số những người mới dự họp lần đầu tiên, ngoài Manor và Simons, còn có Cataldo, Meadows, đại tá hải quân William, M.Campbell từ bộ chỉ huy điều hành hải quân đến, và một nhóm người mang đầy “vẻ tình báo” trên gương mặt. Một trong nhóm người này là “Blue Max” một tay chuyên viên phản tình báo hạng cừ, thiếu tá bộ binh Max E. Newman, trung tá không quân John K.Kennedy thuộc Bộ chỉ huy phòng không Thái Bình Dương, phòng ước lượng và điều hợp phương tiện. Vị trung tá này là chuyên viên của cơ quan NSA chuyên nghiên cứu về hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam. Đại tá hải quân S.Harris cùng với bốn người tháp tùng là đại điện cho phòng quân báo DIA. Trong tổng số những người tham dự cuộc họp sẽ có bốn người đi Sơn Tây.

Một trong những quyết định đầu tiên trong buổi họp mà Manor và Simons đều đồng ý là gửi ngay đại diện đến căn cứ Eglin để chọn một bãi tập cho toán Simons và bắt đầu cung cấp hậu cần cần thiết. Vào ngày thứ tư và thứ năm, trong khi ủy ban kế hoạch vẫn còn họp bàn tại Washington thì các chuyên viên đại diện đã chọn được bãi tập tại bãi phụ số 3 trong căn cứ Eglin. Lịch sử đã được lặp lại. Chính bãi tập này là nơi cách đây 28 năm đã được chọn để huấn luyện một toán tập kích. Đây là bãi tập vắng vẻ, bỏ trống, trước đây dành cho sinh viên sĩ quan không quân sử dụng tập huấn. Nơi đây có tạm đủ các khoảng sân trống để cho trực thăng đáp xuống, có 6 căn nhà dùng làm chỗ ăn ở cho những người tập dượt, một hội trường và vài căn phòng làm lớp học, một gian hàng tạp hóa nhỏ và quán giải khát; một phòng ăn tập thể, một xưởng sửa chữa và đậu xe, một văn phòng chỉ huy với cửa sổ có song sắt có thể dùng làm trung tâm điều hành các công tác đã được dự kiến. Gần bên bãi tập này là một vùng đất trống, bằng phẳng, mọc đầy cây cỏ thuộc vùng đất ẩm ướt của bang Florida. Toán nghiên cứu của Blackburn đã đề nghị và Simons cũng đồng ý về sự cần thiết này là dựng một mô hình khu trại giam Sơn Tây để tập dượt trước với mọi địa hình tương tự như địa hình ngay trên đất Bắc Việt Nam. Các loại cây thông và bạch dương mọc trên vùng đất Florida có chiều cao tương tự với các loại cây mọc trong khu trại giam Sơn Tây, mặc dù tán lá không được rậm rạp bằng.

Trong khi uỷ ban kế hoạch thảo luận các chi tiết liên quan đến sự việc này thì các chuyên viên phản tình báo tỏ ý bác bỏ ý kiến về việc xây cất toàn bộ mô hình giống như thực tế mà Blackburn và Simons dự định thực hiện. Nhiều chi tiết liên hệ được mô phỏng lại sẽ vô tình sớm tiết lộ mục tiêu công tác cho toán đi tập kích và việc xây cất một khu vực mới sẽ khó được giải thích trôi chảy đối với những ai có ý quan sát, tò mò. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, các chuyên viên tình báo nhấn mạnh: là các máy chụp ảnh địa hình thuộc hệ thống vệ tinh của Liên Xô thường xuyên bay quan sát trên vùng trời tại căn cứ không quân Eglin cũng như các đồng nghiệp người Mỹ của họ, các chuyên viên Liên Xô phụ trách phân tích và giải thích các ảnh chụp chắc hẳn cũng được huấn luyện để chuyên tìm tòi khảo sát kỹ lưỡng về bất cứ loại xây cất nào mới trong căn cứ quân sự. Cứ 24 giờ vệ tinh Cosmos 355 của Liên Xô thường bay ngang qua căn cứ Eglin hai lần với độ cao khoảng 70 hải lý. Cũng với độ cao này, vệ tinh Big Bird (Đại điểu) của Hoa Kỳ có thể chụp những ảnh về địa hình ở Xi-bê-ri cho phép một chuyên viên không ảnh thiện nghệ có thể tìm thấy được ngay cả một căn chòi nào mới dựng lên ở giữa vùng này. Các loại khảo sát điện tử hồng ngoại tuyến thậm chí có thể dò biết được căn chòi này được sử dụng bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần là 13 ngày hoặc ít hơn, các chuyên viên phân tích tình báo đều biết rõ, các cuốn phim trong vệ tinh Cosmos được tháo ra và chuyển về trung tâm nghiên cứu để tìm dấu vết về những dấu hiệu biến đổi như thế. Thường xuyên Liên Xô cho phóng đến hai vệ tinh vào quỹ đạo trong cùng một thời điểm nào đó, như vậy thì việc phát hiện ra mô hình trại giam Sơn Tây lại càng có thể xảy ra sớm hơn. Ngoài ra, một chiếc tàu kéo của Liên Xô đang hoạt động tại vịnh Mexico, rõ ràng là với mục đích thu thập tin tức tình báo qua hệ thống điện tử. Như vậy thì không có cách gì có thể che giấu nổi màn lưới Ra-đa về việc có thêm nhiều chuyến máy bay tấp nập lên xuống tại bãi tập số 3 và việc huấn luyện không thể xúc tiến trong sự hoàn toàn im lặng của máy truyền tin mặc dù mật mã và làn sóng phát tuyến thường xuyên thay đổi. Các chuyến máy bay lên xuống thực tập và các làn phát sóng truyền tin có thể gợi cho chiếc tàu kéo của Liên Xô một “dấu hiệu” khả nghi đủ để yêu cầu vệ tinh Cosmos 355, hoặc một vệ tinh đặc biệt khác được phóng lên quan sát thật kỹ bãi tập dã chiến số 3 tại căn cứ Eglin.
Nhưng Simons không thể bắt tay vào việc huấn luyện người của ông ta về một cuộc tập kích ngay trong lòng đất Bắc Việt Nam với một loại “bản đồ thực tập” có sẵn tại căn cứ Fort Leavenworth. Vì lẽ đó, các chuyên viên kế hoạch quyết định xây dựng một loại mô hình có thể tháo rời và cất giấu vào ban ngày được. Có thể dùng loại gỗ 2x4 và vải bạt để dựng vách tường và doanh trại. Cổng chính, cửa lớn và cửa sổ thì có thể được sơn vẽ hoặc cắt hình ngay trên vải bạt. Như vậy thì trại giam Sơn Tây có thể “cuộn tròn” lại và cất giấu đi, các cọc gỗ 2x4 có thể được nhổ lên và các lỗ đất sâu dùng để cắm cọc sẽ được che đậy lại để không phơi dấu vết về chu vi trại giam. Các buổi tập dượt ban ngày sẽ được hạn chế theo chương trình mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ vào các thời điểm mà vệ tinh Liên Xô không ở vào vị trí chụp được căn cứ.


Để che giấu sự thật, Simons sẽ mượn cớ nói với binh sĩ của ông ta rằng mô hình này là một cái “làng xã” nào đó mà họ sẽ tập kích vào. Nhưng ông ta muốn việc dựng mô hình phải thực hiện gấp cho xong. Ông ta đã tạm có đầy đủ tư liệu cần thiết để thi hành công tác. Blackburn đã yêu cầu DIA cho thực hiện một chuyến bay trinh sát có chụp ảnh rõ ràng về toàn bộ khu vực mục tiêu. Việc này đã được cơ quan CIA lo giúp và hoàn tất vào tháng tám. Blackburn cũng đã liên hệ với Milt Zaslov ở cơ quan NSA, người lo phối hợp về việc yêu cầu cung cấp các loại tin tức thu thập bằng máy điện tử cho Lầu Năm Góc. Cho đến thời gian này thì “hồ sơ mục tiêu” về Sơn Tây đã được đựng đầy trong nhiều tủ đứng có ngăn kéo. Trong đống hồ sơ này có cả một bộ bản đồ đặc biệt loại tỉ lệ lớn về toàn bộ khu vực mục tiêu, được in riêng chỉ có vài bản sao (tỷ lệ 1: 50.000 phân Anh); có nhiều tấm ảnh chụp lớn nhỏ khác nhau về vùng địa thế từ Sơn Tây đến sông Đà, 65 dặm về hướng Tây: nhiều tấm ảnh đặc biệt chụp rõ các ngả đường quanh co từ đất Lào vào vùng mục tiêu; và nhiều tấm ảnh khác về ngay chính khu vực mục tiêu, có hai tỉ lệ xích, mỗi ô vuông nhỏ trên tấm ảnh ngang với 100 và 200 mét vuông trên thực tế. Uỷ ban kế hoạch biết rõ từng ngọn cây trong toàn khu trại Sơn Tây: và trong vòng vài ngày sau buổi họp thứ nhất tại Washington, 710 cọc gỗ bề dài 6 bộ, bề cạnh 2x4, và 1.500 yard vải bạt được chở đến bãi tập dã chiến số 3. Tại một nơi nào đó trong căn cứ Eglin, nhiều loại cây to được đào gốc lên và trồng lại tại khu vực mô hình để tạo ra vẻ giống như các loại cây thật thực tế tại trại giam, mục tiêu để cho trực thăng thực tập bay ngang qua và đáp xuống ngay trong sân trại để cho toán tập kích của Simons hoạt động.



Các chi tiết về tình báo cũng hết sức được quan tâm đến trên suốt đoạn đường bay dài từ đất Lào vào vùng mục tiêu và trở về. Uỷ ban kế hoạch được biết là các ảnh vừa do máy bay trinh sát SR-71 chụp được không có dấu vết gì về có đổi thay lớn tại khu kế cận mục tiêu, chỉ có một địa điểm huấn luyện báo động phòng không được phát hiện ở cách 3,3 dặm về hướng đông nam của trại giam, và có nhiều loại xe lớn nhỏ di chuyển về hướng nam và tây của vùng mục tiêu, số lượng xe cộ nhiều hơn thường lệ.



Các chuyên viên kế hoạch cũng được biết thêm một điều khác: các tấm không ảnh chụp được kể từ ngày 6 tháng 6 đến nay cho thấy dấu hiệu là trại tù Sơn Tây có vẻ “ít sinh hoạt” hơn thường lệ.



Một vài cuộc “máy bay oanh kích” của Mỹ đang được thực hiện một cách khác thường tại vùng phía Bắc Lào đến vùng hướng tây Sơn Tây trong suốt thời gian toán nghiên cứu kế hoạch của Blackburn đang thảo luận về dấu hiệu “giảm mật độ sinh hoạt” đã được phát hiện tại khu trại giam. Sau này Manor có ghi chú trong bản báo cáo sau khi hoàn tất công tác đệ trình Bộ tổng tham mưu hỗn hợp rằng: “Nhiều nguồn tin tình báo khác đã giải thích rõ ràng về các dấu hiệu đổi thay mật độ sinh hoạt này”. Nhưng ông ta không nói rõ thêm ngay cả trong bản tài liệu tối mật, rằng: “nguồn tin tình báo khác” ấy là gì hoặc có thể người ta cũng không cho ông ta biết. Có thể chính ngay cả Manor và các chuyên viên kế hoạch khác về công tác Sơn Tây cũng không biết dấu hiệu này có nghĩa là trại tù Sơn Tây không những chỉ có vẻ “ít sinh hoạt” mà thôi, thật ra trại tù đã trống rỗng. Người ta cũng không cho họ biết là các dấu hiệu “những thay đổi” đó là hậu quả gây ra do các cuộc oanh kích khác thường trên đất Bắc Lào là một phần của chương trình hoạt động tối mật được gọi là “chiến dịch Popeye”. Chiến dịch Popeye chỉ là một trong nhiều mật danh được dùng để nói về các “hoạt động làm thay đổi thời tiết” do Bộ Quốc phòng và cơ quan CIA phối hợp chỉ đạo trong chiến tranh Việt Nam. Tin tức liên quan đến các loại hoạt động này được giữ kín theo một “hệ thống đặc biệt”. Số người được biết đến loại tin tức này bị hạn chế đến nỗi năm năm sau cuộc tập kích Sơn Tây, một thủ trưởng của một cơ quan tình báo đã phải giải thích rằng không những ông ta chỉ “sợ hãi” khi thảo luận đến việc này mà hơn nữa, ông ta cảm thấy “run rẩy” khi đề cập đến. Có ý kiến cho rằng các tù binh, mà một vài người Mỹ đang cố gắng giải thoát khỏi trại tù Sơn Tây, đã bị di chuyển ra khỏi khu vực mục tiêu kể từ tháng bảy năm 1970 vì một trận lụt nhân tạo do một vài người Mỹ khác thực hiện quanh vùng kế cận bằng các chuyến bay tạo mưa lụt với hóa chất. Nhưng bởi vì chiến dịch Popeye và các hoạt động hữu quan được xếp vào loại công tác tối mật trong chiến tranh Việt Nam cho nên các chuyên viên kế hoạch về vụ Sơn Tây và những người tham gia vào chuyến đi tập kích, đều không biết gì về các sự kiện trên.



Chương trình thực hiện mưa nhân tạo được xúc tiến dưới nhiều mật danh khác nhau: “Chiến dịch Đồng hương”, rồi đến “Chiến dịch Trung gian”, đến khi các loại mật danh này bị “tiết lộ” thì dùng đến “Chiến dịch Popeye”- Toàn bộ chương trình này kéo dài từ tháng ba năm 1967 đến tháng bảy năm 1972, và không phải là một chương trình nhỏ bé. Có tất cả 2.602 chuyến bay được xuất phát, gần bằng với số chuyến bay oanh tạc thả bom đã được thực hiện trên vùng trời Bắc Việt Nam trong suốt các năm 1970 và 1971. Mục đích của chương trình này là làm “tăng cường các trận mưa trong mùa gió mùa hàng năm”, sử dụng các loại hóa chất gồm có chất bạc và chì để tạo ra các đám mây lạnh. Với chương trình này, người ta hy vọng rằng sẽ làm chậm trễ các đường dây tiếp tế vào đường mòn Hồ Chí Minh, do mưa nhân tạo gây ra mặt đường lầy lội trơn trượt, sụp lở và cuốn trôi đi các đoạn cầu gỗ nhỏ bắc qua sông suối. Hơn nữa, vì Bắc Việt Nam thường dùng các dòng suối trên đất Lào, theo các nhánh chảy vào sông Cửu Long, để thả trôi vật liệu xuống miền Nam. Thông thường đồ tiếp liệu được đựng trong các thùng gỗ tròn, nếu bị bom thì vẫn nổi lềnh bềnh, ngập xuống trồi lên cho nên một mục đích khác nữa của chương trình này là làm cho các dòng suối này ngập tràn nước, biến thành “thác lũ”. Lại có thêm một phần hoạt động tối mật hơn nữa nằm trong chương trình làm thay đổi thời tiết do CIA thực hiện ở miền Bắc nước Lào là cho đổ xuống hàng tấn hóa chất như loại “nhũ tương” trên các đường mòn và dọc theo các bờ sông, đã bị thấm ướt do mưa nhân tạo. Loại nhũ tương này làm cho các đường mòn trở nên không thể nào đi được, đầy rẫy đất cát trơn, sụt lở, còn các bờ sông thì bị sụt lở, gây ra lũ lụt.



Trong thời gian lệnh ngừng thả bom do Tổng thống Johnson chỉ thị vào ngày 1-11-1968, tất cả “các hoạt động hóa chất dọc theo biên giới Bắc Việt Nam đã chấm dứt không bao giờ tái diễn nữa”. Nhưng hoạt động ngang qua đất Lào vào ngay trên đất Lào, thì lại được tăng cường.



Tất cả những hoạt động hóa chất trong suốt năm 1969 đều được thực hiện ở Bắc Lào, tại một khu vực mục tiêu nhỏ cạnh biên giới Bắc Việt Nam. Khu vực này nằm ở hướng tây hoặc tây nam Hà Nội - và Sơn Tây. Vào năm 1970 thì khu vực mục tiêu được mở rộng ra bao gồm luôn cả vùng đông nam Lào, khu vực hướng tây Hà Nội và Sơn Tây cũng được nới rộng gấp đôi. Nội trong năm đó, 277 lượt bay hoạt động đã được xuất phát, 8.312 “đơn vị hóa chất” đã được thả xuống. Đây là số lượng cao vào hàng thứ ba tính theo hàng năm trong suốt thời gian sáu năm mà chiến dịch Popeye hoạt động. Và hầu hết các công tác thả hóa chất này được thực hiện trong thời gian giữa tháng 8 và tháng 11.



Có phải các loại công tác này đã gây ra trận lụt ở Sơn Tây, hoặc làm ngập tràn thêm những trận lụt hàng năm thường xảy ra vào thời gian này tại vùng hướng tây ở Bắc Việt Nam, làm cho tù binh phải sơ tán đi chỗ khác hay không? Không hiểu vì lý do gì mà các số liệu liên hệ của hoạt động năm 1970 không còn được lưu giữ. Nhưng số liệu của năm 1971 thì vẫn còn, và trong hồ sơ tháng 6 năm này có ghi chú rõ là đã đo được mực nước mưa cao 16 phân Anh tại vùng núi đồi đất Lào, hướng tây và tây nam Sơn Tây. Các chuyên viên phân tích dữ kiện tại Lầu Năm Góc đã tính ra rằng trong số mực nước dâng cao 16 phân Anh ấy, có 7 phân Anh là do chiến dịch Popeye gây ra. Có một điều đáng lưu ý là hầu hết các chuyến bay công tác năm 1971 đều được thực hiện tại vùng viễn nam đất Lào, trong khi đó thì đa số các chuyến bay của năm 1970 lại hướng trọng tâm mục tiêu vào miền Bắc, tại khu vực hướng tây và tây nam Sơn Tây.


Vào năm 1970, trời mưa như thác đổ tại vùng Bắc Lào vào Bắc Việt Nam.


Các chuyên viên khí tượng giỏi nhất trên thế giới cũng sẽ ấp úng không thể giải thích nổi tại sao trong cùng một vùng mà năm này thì mưa như trút nước còn năm sau thì lại ít mưa. Nhưng nếu chính vì chiến dịch Popeye đã tạo ra nhiều trận mưa lũ mùa hè trên đất Lào và gây ra trận lụt tháng bảy tại khu vực trại giam Sơn Tây vào năm 1970 thì cũng chẳng mấy ai biết được điều đó. Bộ Quốc phòng phỏng định rằng, trong suốt sáu năm thực hiện các công tác hóa chất tạo mây mưa, chỉ có 1.400 viên chức được quyền biết về các hoạt động này. Số người này bao gồm cả các phi hành đoàn và “nhân viên yểm trợ” đã thực hiện 2.602 chuyến bay liên hệ, và đã chuyển vận 47.409 “đơn vị hóa chất” lên các loại máy bay dùng cho chiến dịch Popeye. Có thể tính ra là mỗi năm chỉ có khoảng 230 người được tuyển chọn kỹ về an ninh để được quyền tham gia vào việc hoạch định, vận chuyển khiêng bốc hóa chất, và thực hiện độ 435 chuyến bay công tác. Như vậy, Popeye là một chiến dịch “tối mật của tối mật”.



Một tài liệu do Lầu Năm Góc cung cấp sau này có nêu rõ là chỉ có “Giám đốc và một số viên chức tham mưu hạn chế của CIA” mới được quyền biết đến các hoạt động này. Tài liệu này cũng có tiết lộ danh sách 14 cơ quan hoặc văn phòng khác “được phép thông báo cho biết tùy theo từng độ mật của công tác chiến dịch và phạm vi hoạt động”. Số cơ quan này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên kể từ “văn phòng Tổng tư lệnh Bộ tổng tham mưu hỗn hợp” và “số viên chức tham mưu hạn chế tại văn phòng Bộ trưởng quốc phòng” cho đến “Giám đốc, Nha khai thác và Điều hợp quốc phòng”. Trong bản danh sách thông báo, không thấy nêu tên cơ quan DIA. Lẽ ra thì phải có mới đúng, và như thế thì chính cơ quan DIA phải thông báo lại cho uỷ ban kế hoạch tập kích Sơn Tây được rõ. Nhưng trên thực tế thì ngay cả các viên chức quan trọng chuyên trách về nghiên cứu của DIA trong việc yểm trợ cho cuộc tập kích cũng không biết mảy may gì về chiến dịch Popeye. Còn cơ quan CIA thì không phải lúc nào cũng thông báo cho Bộ tổng tham mưu hỗn hợp biết về các công việc họ làm tại vùng “lãnh thổ riêng biệt” của họ trên đất Lào.



Tình trạng này thật hết sức phức tạp và mơ hồ một cách cố tình gây ra nhiều câu hỏi thắc mắc trong công tác tập kích Sơn Tây. Một vài viên chức cao cấp trong giới tình báo; vào khoảng tháng bảy hoặc đầu tháng tám có biết được sự kiện số tù binh ở Sơn Tây đã được di chuyển đi chỗ khác trước đó không? Có phải số tù binh này bị sơ tán vì trận lụt do hoạt động mưa nhân tạo của Mỹ gây ra không? Và nếu đúng như vậy thì việc các chuyên viên lập kế hoạch Sơn Tây đã không được thông báo cho biết trước về sự kiện tù binh đã bị sơ tán rồi có phải là do nguyên nhân các chuyên viên kế hoạch này không được phép biết đến chiến dịch Popeye? Một thời gian dài sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, các câu hỏi này mới được nêu ra. Vào tháng tám năm 1970, các chuyên viên kế hoạch Sơn Tây chỉ biết có một điều là có dấu hiệu “giảm sinh hoạt” tại khu trại giam và trong các tuần lễ trước mắt, họ phải đương đầu với các điều kiện thời tiết bất thường. Chính Manor sau này đã viết trong bản báo cáo công tác rằng: “Đại khái trong hai tháng trước ngày tập kích một số lượng mưa bão gần bằng mưa bão trong năm năm qua đã đổ ập xuống Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam và Lào”. Khắp cả ba vùng này đã hứng chịu cảnh “thời tiết xấu nhất” kể từ bao năm qua. Như vậy thì việc chụp không ảnh để cung cấp nguồn tin tình báo mới nhất vào phút chót, sẽ là điều vô cùng khó khăn. Như vậy cũng có nghĩa là việc ấn định thời điểm cho công tác tập kích cũng sẽ khó khăn. Phải chăng ta có thể nghĩ rằng một chiến dịch tối mật của Hoa Kỳ đã vô tình suýt làm nguy hại đến sinh mạng của số tù binh Mỹ ở Bắc Việt Nam lẫn cả tính mạng của binh sĩ và phi hành đoàn đang cố gắng lên đường đi giải cứu số tù binh ấy.

VỐN QUÍ

Không một nơi nào ở Bộ tham mưu chỉ huy không quân chiến lược Omaha Nebraska, hoặc bất kỳ nơi nào khác của SAC (Chỉ huy không quân chiến lược) được phép biết một điều gì về cuộc tập kích Sơn Tây. Mặc dầu vậy SAC vẫn phải cung cấp số lớn tin tình báo mà Manor và Simons cần. Các đội tiếp nhiên liệu của SAC, cũng như các đường giao thông tiếp vận của nó phải yểm trợ cuộc tập kích.


Trong khi nhóm làm kế hoạch của Blackburn tiếp tục những buổi họp từ ngày 10 đến 14 tháng 8 thì một toán máy bay trinh sát gồm 7 chiếc Buffalo Hunter được giao cho Manor sử dụng nhằm giúp nhóm người làm nhiệm vụ của ông kiểm tra được giờ chót tình hình ở trại Sơn Tây và tình hình chiến đấu của Bắc Việt. Ít ra nhiều nhiệm vụ ở độ cao của SR-71 cũng làm được một số việc, nhưng các nhà giải thích ảnh cần những không ảnh để kiểm soát kết quả của ảnh chụp theo tỷ lệ nhỏ từ những máy ảnh kỹ thuật có tiêu cự cực dài, chụp bao trùm một bề rộng 10 dặm trên mặt đất.



Các phi đội của SAC phải bay cho cả hai loại nhiệm vụ, nhưng không một ai ở Ohama hiểu tại sao. Các nhà giải thích ảnh của SAC cũng không được biết việc đó nhằm mục đích gì. Sau cuộc tập kích Manor có nhiệm vụ dặn “trong tương lai, nếu khi nào những vốn quý trinh sát của SAC được sử dụng thì một sĩ quan của Văn phòng trung tâm đòi hỏi tình báo trinh sát của SAC” phải thuyết trình về hoạt động này. Ông ta tiếp tục giải thích rằng, kinh nghiệm cho thấy là gặp khó khăn trong việc phối hợp những yêu cầu trinh sát của JCTC (Nhóm nhiệm vụ hỗn hợp trường hợp bất ngờ) với Trung tâm trinh sát của SAC ở căn cứ không lực Offutt như việc không một nhân viên nào của SAC được phép biết hoạt động này. Một “sự hiểu biết cặn kẽ của những yêu cầu Manor đề nghị, sẽ giúp nhiều trong việc đạt được kết quả mong muốn”.



Còn một khó khăn khác. Do mưu kế đánh lừa của nền hành chính quân sự, SAC chịu trách nhiệm về tất cả việc trinh sát ở độ cao (Những vệ tinh, U-2 và SR-71) chỉ trừ một phần của kế hoạch trinh sát ở độ thấp của không lực SAC chịu trách nhiệm về những máy bay (RPV) điều khiển từ xa hoặc máy bay không người lái những chiếc Buffalo Hunter và các chuyến bay ở độ thấp không người lái cho những nhiệm vụ trinh sát Ở Bắc Việt Nam; nhưng Bộ chỉ huy không lực chiến thuật (đặc biệt là không lực thứ 7 ở Sài Gòn) hoạch định nhiệm vụ bay có người lái ở độ thấp, thường thường là với máy bay RF-4 hoặc RF-101. Những trách nhiệm hỗn hợp bắt các nhà làm kế hoạch của Lầu Năm Góc thực hiện những sứ mệnh phức tạp và sôi động như vụ tập kích Sơn Tây. Nhất là khi mà văn phòng trinh sát của Bộ tham mưu hỗn hợp không thể nói cho SAC (chỉ huy không lực kỹ thuật) hay là không lực thứ 7 biết Lầu Năm Góc đang tìm kiếm gì hoặc khi nào phải đánh vào các mục tiêu được trinh sát đó.



Một phần của sự lộn xộn là cố tình để ngăn ngừa những sự tiết lộ, trong đó có một phần là do tình cờ. Nhưng tại tổng hành dinh của SAC một trung tá trẻ tên là John Dale thắc mắc với tư cách là chỉ huy trinh sát bằng máy bay cho SAC. Ông đã thực hiện nhiều nhiệm vụ bằng chiếc Buffalo Hunter trên một phần Bắc Việt Nam liền trong 2 năm mà không ai chú ý đến, và những chiếc máy bay trinh sát săn bắt của ông ta cũng không thu lượm được gì. Bảy lần bị bắn trong khi bay từ giữa đầu tháng 9 đến cuối tháng 10 ít nhất có hai chiếc bị bắn rơi bởi những tay súng Bắc Việt Nam và 4 lần “thất bại kỹ thuật” do thời tiết gây ra. Mỉa mai thay một trong những máy bay đó, bay vào ngày 12 tháng 7 ngày mà hai ngày trước khi các tù binh Mỹ ở Sơn Tây bị di chuyển. Hai trong những tù binh Mỹ đó là Elmo Baker và Larry Carrigan, đang ở ngoài sân của trại tù thì trông thấy máy bay bay đến gần. Họ mừng quýnh rồi vẫy tay để nói với thế giới bên ngoài: “Chúng tôi ở đây, chúng tôi đang ở đây”. Nhưng có điều không may, trong số 127 triệu tấm ảnh của Buffalo Hunter chụp trên Bắc Việt Nam mà giấy nay chứa đầy trong những hồ sơ của DIA lại không có được một bức ảnh nào của lần bay đó.



Lần chụp sau cùng của Buffalo Hunter là hoàn hảo. Người ta cho rằng nó mang về những bức ảnh chụp từ độ cao trên ngọn cây, gần sát trên những bức tường của nhà tù Sơn Tây, để cho thấy “tầm cao, màu sắc và những nét mặt” của mỗi người trong nhà tù Sơn Tây. Những ảnh chụp tuyệt diệu đó do máy bay tính toán kỹ đã thực hiện quá sớm và chụp vào một khoảng chân trời cách xa trại tù. Khi ông giám đốc Bennett của DIA trông thấy ảnh, ông ta hồi tưởng lại “Tôi đã khóc suốt 2 ngày liền”. Bởi vì ông ta chỉ có thể nói theo trí tưởng tượng của mình rằng Sơn Tây có thể trống hoặc là đông đảo nông dân đi thăm ruộng lúa”.



Tập thể tình báo cho rằng nếu bay thêm những phi vụ gần trại tù có thể báo hiệu cuộc tập kích. Họ quyết định phải dựa vào sự “xâm nhập trên độ cao” đối với số ảnh còn lại. Những chiếc SR-71 sẽ cất cánh từ căn cứ không lực của Kadena, Okinawa nhưng phim chụp thì phải đưa nhanh về cho các nhà giải thích ảnh của DIA trong đội trinh sát kỹ thuật thứ 67 của SAC ở căn cứ không lực Yokota, Nhật Bản, rồi gửi về Washington để xem kỹ thêm. Vì những người của DIA bổ nhiệm cho SAC không được phép biết vụ tập kích nên các nhà giải thích ảnh ở Yokota phải tìm kiếm những thay đổi trong hệ thống phòng không của Bắc Việt và những điều động quân sự trên con đường cắt rộng 10 dặm mà ảnh của SR-71 đã chụp được. Họ đã làm một công việc tốt. Như lời của một người trong bọn về sau nói lại: “Họ đã xác nhận được vị trí của mỗi một nòng súng trong khoảng 50 dặm cách xa nơi đó”. Chỉ có những nhà giải thích ảnh của DIA bổ nhiệm thẳng cho nhóm Hỗn hợp hành động bất ngờ của Manor mới đọc thấy sự việc tiến triển như thế nào ở Sơn Tây. Nhưng không phải mọi việc đều đã dễ dàng. Bởi thời tiết bất thường ở phần đất Đông Nam Á vào giữa năm 1970 này, nên mục tiêu thường bị mây che phủ hoặc khuất trong những bóng đen nặng nề.



Tại DIA Bennett và phụ tá của ông ta là Stewart quyết định rằng đến giờ phải áp dụng những “vốn quý” khác. Đó là cho xâm nhập một điệp viên CAS vào gần mục tiêu. Như cho một điệp viên nào đó có thể “đạp xe đạp” bên ngoài trại tù Sơn Tây đến đó làm như hỏng xe để quan sát vào bên trong cổng chính của trại tù, nghe ngóng có giọng nói của người Mỹ nào không? Việc ngăn cấm xâm nhập vào và không cho tiếp tế trở lại đã được hủy bỏ phần nào do lệnh của Tổng thống Nixon. Bennett đi gặp Moorer về sự xâm nhập mà ông ta đề nghị, để trù tính thời gian cho chính xác, điệp viên có thể lọt vào và trở ra an toàn. Đô đốc Moorer đồng ý, ông ta ra lệnh cho Bennett kiểm soát lại với CIA và “điều tra xem có nên cho một toán CAS xâm nhập hay không? Và phải làm trên cơ sở hết sức kín đáo”.



Khi người ta hỏi: “Việc đó ra sao” thì Moorer cho biết: “Bị phản đối”. Ông ta giải thích: “Trong một nước và một xã hội bị đóng kín như Bắc Việt, thì một người dân da trắng nổi bật ra như là một mục tiêu dễ bị phát hiện, dễ bị để ý. Còn sử dụng một điệp viên người Việt Nam, thì chúng ta không thể tin được. Và như vậy thì kết quả là con số không. Rồi vì sự việc có thể dẫn tới khả năng người Bắc Việt Nam có thể đoán được vụ tập kích để bố trí phục kích”. Được hỏi: “Ông có biết rằng đã có một toán CAS hoặc một điệp viên được đưa vào trước đây hay không” thì Moorer đáp sau khi dừng lại một lát: “Không, tôi không nghĩ rằng có một điệp viên nào đã vào đấy”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có thể có một toán ở bên Lào, nhưng mà toán đó chẳng cung cấp được một tin nào. Những hoạt động có tính chất như thế đang diễn ra ở biên giới Bắc Việt Nam, nhưng mà nó không đóng góp được gì cho vụ tập kích Sơn Tây cả, tôi nhớ như vậy”.

Bennett hồi tưởng lại những việc đã qua, còn rõ ràng hơn: “Chúng ta quả thực có ném một điệp viên khoảng hai tháng” trước vụ tập kích, nhưng theo lời của Bennett thì anh ta không tìm thấy được gì. Được hỏi điệp viên đó có về được hay không thì Bennett đáp là: “Tôi không biết. Nhiệm vụ của tôi đã hết rồi. Ông biết không, chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy được gì nhiều hơn khi mà ở đó, chung quanh đó, họ đang sục sạo”.


Có lẽ vì hoạt động này quá được giữ kín hoặc vì điệp viên không khám phá được gì nên Blackburn không biết CIA và DIA đã làm gì. Rõ ràng đến cả đô đốc Moorer cũng không được biết gì về chi tiết của hoạt động. Một “vốn quý” trước đây đã bị loại bỏ bởi vì nó có thể làm mất an toàn của vụ tập kích, bây giờ đang được sử dụng lại. Những người có nhiệm vụ làm kế hoạch vẫn không biết. Blackburn không biết rằng, một điệp viên CAS có thể đang “sục sạo” quanh Sơn Tây không lâu trước ngày vụ tập kích tiến hành.



Lại có một “vốn quý” khác nữa mà chỉ có một nhúm người trong giới viên chức của chính phủ Hoa Kỳ biết. Đó là một người Bắc Việt, một người thuộc “tầng lớp trung lưu” nhưng là một viên chức am hiểu tin tức ở Hà Nội. Tên của anh ta là Nguyễn Văn Hoàng, một viên chức cũ trong cơ quan điều tra của văn phòng soát xét quân dịch của Bắc Việt Nam, nhóm liên quan đến hành chính và giám sát những tù binh và những nơi họ bị giam cầm. Cơ quan sưu tầm của họ và đặc biệt là Hoàng, có giao dịch với các vụ chất vấn những tù binh. Hoàng trạc 50 tuổi và hơi cao đối với một người Việt Nam. Cái đặc biệt nhất của anh ta là nước da trắng trẻo, tóc đen cắt ngắn, lông mày rậm.



Hoa Kỳ đã đào tạo Nguyễn Văn Hoàng qua trung gian của tổ chức gọi là “Alfred” ở Hà Nội. Khi mà những bức ảnh của Buffalo Hunter được phóng ra thì DIA tìm cách hỏi Hoàng tin tức về Sơn Tây và để che giấu sự quan tâm quá rõ ràng của mình về mục tiêu đó, cũng như các trại tù binh khác. Đó là một đòi hỏi sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn là việc cho một điệp viên CAS xâm nhập vào. Nhưng Blackburn và Mayer đều không được biết tí gì về cái “vốn quý” ấy cả.



Nhìn lại 5 năm sau vụ tập kích, các viên chức quân báo công nhận rằng có một con “chủ bài” mà họ quên không dùng đến: đó là những máy dò tiếng động bên trên và tiếng địa chấn để nắm trại Sơn Tây. Máy này được sử dụng rộng rãi để gieo rắc, cài cắm trên những ngả đường ở Nam Lào thời kỳ đó, mà kết quả được không lực cho là “ngoạn mục” để điều khiển những vụ oanh kích ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Bắc Việt cho miền Nam.



Don Blackburn đã biết nhiều đến sự tiến triển lúc đầu của những máy dò tìm đó. Ngay sau khi từ SOG trở về vào năm 1966, ông ta đột ngột phải rời khỏi Uỷ ban quân sự NATO để bổ nhiệm vào một cục mới được thành lập gọi là “Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông”. Công việc của nó là thiết kế và thiết lập “hàng rào điện tử” hay “hàng rào xâm nhập” mà Bộ trưởng quốc phòng McNamara hy vọng với niềm lạc quan to lớn là có thể cô lập hóa Nam Việt Nam. Công việc của Blackburn ở Nhóm kế hoạch bảo vệ giao thông (DCPG) là trợ tá phó giám đốc tình báo và đánh giá. Khi mà các máy dò tìm được triển khai và thí nghiệm, ông ta có được một vài sự đánh giá tốt về tiềm năng của nó. Về sau, ông ta được thuyết trình đều đặn về tin tức mà những máy dò tìm đã thu được và những hoạt động mà nó thực hiện. Thời gian này, McNamara đã rời Lầu Năm Góc và “hàng rào điện tử” của ông ta đã bị loại bỏ; nhưng những máy dò tìm mà DCPG triển khai được đặt làm những “lính gác đường” bí mật ở Lào đến mức độ cứ bốn bụi rậm dọc đường mòn Hồ Chí Minh đều có một ăng-ten cắm trong đó. Như một sĩ quan không lực sau này đã nói “Chúng tôi giăng chằng chịt dây trên đường mòn Hồ Chí Minh giống như một cái máy cổ lỗ của hiệu bán thuốc tự động và rồi chúng tôi liên lạc với nó vào ban đêm”.



Sau khi Manor và Simons bay trở về Florida sau những buổi họp cho kế hoạch trong những ngày 10-14 tháng tám với các chuyên viên, họ có nói đến một kiểu mẫu mà Mayer đã giới thiệu với họ. Tên của mẫu đó là Barbara. Mayer miêu tả “hoàn toàn đẹp, được tô điểm đầy đủ và lắp ráp tuyệt vời”. Khi Simons trông thấy nó, ông ta chỉ có việc tán thành. “Barbara” là một mô phỏng của trại tù Sơn Tây cỡ bằng chiếc bàn, giá 60.000 đô-la do CIA làm trong tháng 6 theo yêu cầu của Mayer, có đầy đủ chi tiết và được lắp ráp như những máy móc đặc biệt. Qua đó, những người của Simons có thể trông thấy khu trại tù giống hệt như trại Sơn Tây trước mắt để họ dễ dàng nhận thấy lúc tập kích ban đêm. Thay đổi ánh sáng trại tù sẽ hiện ra như dưới ánh trăng khuyết, hoặc gần như trong bóng đêm. Simons đã từng trông thấy những kiểu mô hình như thế trong những hoạt động khác, nhưng không có cái nào được hoàn chỉnh như kiểu này. Ông ta muốn cho người của ông biết rõ mục tiêu với mọi chi tiết được nghiên cứu trên sa bàn ở Eglin gần với những cuộc tiến công thật sự tại Sơn Tây. Mỗi một thành viên của lực lượng tập kích sẽ có thể chiến đấu theo nhiệm vụ của mình trong những buồng giam của tù binh cho dù thành viên ấy có mù, điếc, say hay bị thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét