Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

TƯỜNG THUẬT LỄ KHÁNH THÀNH BIA TRI ÂN NGÀI ALEXANDRE DE RHODES, ISFHAN, BA TƯ


Mai Anh Nguyên
Bia tri ân đã chính thức được trân trọng đặt để và một buổi lễ khánh thành long trọng, ấm cúng và trang nghiêm đã được tổ chức tại mộ phần cha Alexandre de Rhodes sáng ngày 5/11/2018, nhân ngày giỗ thứ 358 của Đức cha. 

Buổi lễ đã có sự tham dự của chinh quyền thành phố:
Ông Mazaheri (cộng đồng Hồi giáo tại Isfahan - cộng đồng chủ quản), Ông Gestabian (cộng đồng cơ đốc giáo Armenian tại Isfahan), Bà Gukasian (trưởng phòng quan hệ dân chúng nhà thờ VANK) và 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước, có cả người Việt định cư ở nước ngoài!
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện Trưởng Viện Vinh Danh Chữ Quốc ngữ và Bảo Tồn tiếng Việt (ĐH Duy Tân) đã phát biểu mở đầu trong sự xúc động sâu lắng của cử tọa:
“Hôm nay, chúng tôi, những phó thường dân từ Việt Nam xa xôi, là nội trợ gia đình, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cổ học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương. Chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giổ thứ 358 của ngài.

Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá:
“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).

Ngài đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.
Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần dầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”.

GS Hưng đọc mấy lời cuối trong nghẹn ngào vì xúc động! Cả đoàn và ngay cả khách quốc tế đã chứng kiến một giây phút bất ngờ: Không ai cầm được nước mắt vì cảm động dâng trào! Tiếng nói từ trái tim đã đánh động mọi trái tim...
Sau đó, các vị khách quí đã phát biểu bằng tiếng Ba Tư, tiếng Anh. 

Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và nhà văn Hoàng Minh Tường đã có bài phát biểu.
Cộng đồng nói tiếng Pháp qua đại diện là bà Anna Owhadi Richardson, Chủ tịch Hội Ái hữu Alexandre Yrsin (AD@lY) đã gửi lời chia sẻ và ủng hộ bằng tiếng Pháp.

Buổi lễ thắp hương và dâng hoa đã diễn ra sau đó.
Sáu phụ nữ trong đoàn trong trang phục áo dài đội nón lá truyền thống, đã nhẹ nhàng kéo về phía sau nấm mộ một tấm lụa lớn, mang đến từ Hội An có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của dân tộc Việt. Hai tấm bia vừa được đặt đã từ từ hiện ra, cùng một lúc cả đoàn đã khoan thai nhẹ nhàng cất tiếng đồng ca bài Tình ca của nhạc sỹ Phạm Duy…

Một buổi sáng trời trong của cố đô Ba Tư, trước chứng kiến của đông đảo các khách quý, ban Giám đốc và công nhân khu nghĩa địa, đã vang lên trong nghẹn ngào xúc động lời ca:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi 
Mẹ hiền ru những câu xa vời 
À à ơi, tiếng ru muôn đời…
Hương đã được đốt, nến đã được thắp, bó hoa hồng tươi thắm ba màu vàng, xanh, đỏ, đã được trân trọng đặt lên mộ bên cạnh các văn bia rõ nét trong ánh nắng rực rỡ của xứ Ba Tư, ngày cuối thu…
Các vị khách quý, và đoàn người Việt Nam lần lượt từng người đặt một nhánh hoa hồng, cũng theo thứ tự vàng, xanh, đỏ trên mộ ngài Alexandre de Rhodes…
Cuối cùng, ba thành viên thuộc tín ngưỡng cơ đốc đã đọc kinh thỉnh nguyện bên cạnh mộ.

GS Nguyễn Đăng Hưng đã thay mặt Viện Vinh Danh Chữ Quốc ngữ và Bảo Tồn tiếng Việt và toàn thể các thành viên đoàn hành hương, nói lời bế mạc buổi lễ. 
Giáo sư Hưng đã không quên hẹn mọi người sẽ gặp lại một ngày không xa, trong buổi khánh thành quan trọng hơn, đó là ngày khánh thành không gian Tri ân và Tôn vinh tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam!
Không gian này sẽ được phát động thiết kế, huy động vốn thực hiện, bắt đầu từ năm 2019, năm kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm đứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận Chữ Quốc Ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam! 
Mong thay có được sự hưởng ứng đóng góp của đông đảo cá nhân người Việt ở trong và ngoài nước, cũng như của các tổ chức văn hóa Việt Nam và Quốc Tế!

Isfahan tối ngày 5/11/2018
Mai Anh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét