Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

HỒI KÝ MẠNG NGƯỜI LÁ RỤNG CỦA XUÂN VŨ - KỲ 2

1      2      3      4      5 
- 6 -
Bận rộn chuyện gì chẳng ra chuyện gì, nhưng cuối cùng rồi cũng hết một ngày. Lúc gần tối, thì từ ngoài giao liên dẫn tới một đoàn rất đông, gồm đủ các hạng quân dân chánh.
Bây giờ chúng tôi mới nôn nao nghĩ tới việc đi. Chậm mất một ngày rồi. Trừ Núi ra, tất cả đều có thể đi. Phải đi dù thế nào thì cũng gần với quê hương hơn.
Ngữ nói với tôi bằng một giọng đầy nước mắt:
- Các anh và Thu cứ đi đi, để em ở Lại với Núi, nếu nó cố mệnh hệ nào thì cũng có em bên cạnh, như vậy nó đỡ tủi thân. Còn Trời Phật mà phù hộ nó khỏe lên được thì em sẽ dìu nó đi dần tới đâu hay tới đó. Luật lệ của đường dây là chỉ đưa người vào không cho người ra, mình không thể cưỡng lại được.
Tôi nói :
- Đã đành là các anh phải đi rồi, nhưng trong lòng thấy nó kỳ cục thế nào ấy cậu ạ !
- Thì cũng như lần trước, anh ốm nằm lại chúng em cũng cứ đi đó thì sao? Đó là ý định của ở trên mà. Ai bịnh cứ nằm lại, ai khỏe cứ việc đi. Cách mạng Miền Nam đang chờ mình như chờ nước uống !
Thế là chúng tôi dứt khoát chia tay. Tôi và Hoàng, Thu sửa soạn để mai lên đường. Thu lúc nào cũng nhăn nhó với cái chân đau. Nàng tìm một cây gậy thật chắc, Hoàng thì lo băng đầu gối như cầu thủ bóng tròn trước khi ra sân cỏ. Riêng tôi thì không cần gậy, còn cái bao tử loét thì không thể băng bó gì được cứ để thế mà đi, được khúc nào hay khúc ấy. Chừng nào mửa ra máu cục thì cách mạng cho nghỉ ngơi.
Trong đoàn mới vào tôi nhận thấy có một tốp rất phân biệt với mọi người. Tốp này độ chừng một tiểu đội, nhưng những chiến sĩ thì mang rất nhiều máy móc khác hẳn với bộ đội thường. Khi đi xuống suối lấy nước, tôi nghe toán chiến sĩ xầm xì với nhau thì tôi biết đây là đội bảo vệ cho một ông kẹ. Nhưng không biết ông kẹ đó tên gì. Lượt trở lên, khi đi ngang chỗ họ đóng, tôi giả vờ đánh rơi gà mèn nước và ngồi xuống, tay nhặt gà mèn mắt ngó vào cái võng mà tôi ngờ là ông kẹ đang nằm. Quả nhiên tiếng gà men rơi lầm ông ta giật mình ngóc đầu dậy nhìn ra. Tôi nhận ra ngay ông ta.
Tưởng ai lạ. Một bộ mặt sắt có dấu bấm như vết móp trên chiếc hộp lon chứ không phải cái sẹo. Ông ta nhìn người bằng cặp mắt lúc nào cũng trợn lên trắng dã như muốn nuốt sống đối tượng. Nếu trên sân khấu cần một vai tướng cướp thì cứ đưa y phục cho ông ta, còn mặt mũi thì khỏi cần vẽ nanh hoặc đeo râu thêm. Một số cán bộ rất sợ ông ta, nhưng ngược lại một số khác thì lại coi ông ta là một tên chăn bò đắc thời được một bàn tay quyền lực bốc lên ngồi ghế cao và trao cho cây gậy chỉ huy ba quân với cái ga-lông bốn sao và nhành dương liễu rũ.
Tôi đã từng nghe ông ta nói chuyện nhiều lần. Lần sau cùng tại Viện Văn học -cũng còn được nghệ sĩ gọi là Sở Mạ Kền- của bà già trầu móm Hoài Thanh. Hoài Thanh cũng có một bộ mặt móp một bên như ông kẹ này. Lần đó ông kẹ đập thêm vài búa vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vốn đã bẹp dí dưới sức đè của đảng rồi – như những “nhát ân huệ.”
Ông ta nói rổn rảng, múa tay tít thò lò, nhưng nghệ sĩ che tay cười nhếch mép khi ông ta tuyên bố.
- Dù phải chống Mỹ năm năm, mười năm, hai mươi năm hay một triệu năm chúng ta cũng chống tới cùng.
Một triệu năm ? Sau khi tan buổi họp, Nguyễn Tuân và tôi đạp xe song song trên đường Phan Thanh Giản, ông hỏi tôi:
- Anh có nghe gì không?
- Dạ nghe gì ạ?
- Chống Mỹ một triệu năm ! Anh không nghe à?
- Dạ, tôi có nghe.
- Anh nghĩ thế nào về “cái một triệu năm đó?
- Dạ tôi không nghĩ thế nào cả.
- Rõ một khái niệm kỳ quặc về con số! Tôi chưa nghe ai nói như vậy bao giờ.
- Tôi cũng thế. Đây là lần đầu tiên.
Cái ông mặt sắt kia coi nghệ sĩ như rác. Và nghệ sĩ cũng coi ông ta không như gì cả. Ông ta hò hét thì to nhưng sau khi ông dứt lời thì người ta chẳng biết ông muốn nói gì. Bây giờ ông lại vô đây chắc hẳn là đi giải phóng Miền Nam rồi. Bỏ mẹ Miền Nam rồi. Bỏ mẹ Miền Nam rồi. Hợp tác xã là cái chắc!
Tôi chợt nghĩ ngay như thế khi tôi nhác thấy bộ mặt sắt kia. Tôi nhặt chiếc gà mèn trở xuống suốì múc nước rồi trở về chỗ cũ. Tôi đến rỉ tai Hoàng, Hoàng cười:
- Dân Nam kỳ mình chuyên môn gậm cùi bắp mà cứ tưởng nhân sâm.
- Thằng cha Tài Lé (tức Sơn Nam) nói Nam kỳ là thuộc địa của Bắc kỳ, đúng vô cùng. Đúng từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam.
- Ông ta mà vô trỏng thì hợp tác xã, chỉnh huấn, lập trường giai cấp là gốc rồi. Hồi tao ở Bưngari mới về, tao có đọc bài “Cây đa bến cũ con đò khác đưa” của ông.
- Ừ, lúc đó ổng đang phụ trách Trưởng ban Nông thôn của Trung ương đảng. Do đó ông cỡi ngựa xem hoa các hợp tác xã hàng mã một vòng rồi về nói cho thư ký viết phứa ra bài đó.
- Văn chương hay ra phết đấy chứ nhi ?
- Văn chương mà nói làm chi. Lập trường kia mới đáng kể. Bọn nhà văn chúng tôi phải lấy bài đó ra làm phương hướng sáng tác đấy. Bên Hội Nhạc sĩ của ông gặm không vô phải không?
- Ai thì tao không biết, chứ tao rặn không ra nốt nào cho hợp tác xã cả !
- Nói đùa cho vui, chứ thực tình là tôi nghĩ đến số phận của Miền Nam qua câu nói bất hủ của Tài “lé”. Anh chàng này chỉ có một khuyết điểm là cặp mắt lé. Nhưng dù “lé,” Tài vẫn nhìn sự vật rất chính xác.
Ông kẹ mặt sắt này làm cho tôi nhớ câu nói của Tài. Nó đã được chứng minh từ hồi kháng chiến. Nam Bộ là miếng thịt bít tết tươi roi rói mà đám Bắc kỳ từ Trung ương vào là một lũ kên kên, chúng chia nhau không dành cho dân địa phương một thẻo nhỏ.
Ra Bắc cũng thế. Thằng Bí thư tỉnh ủy ngoài Bắc trong kháng chiến thì hòa bình được vô Trung ương, ngược lại thằng Bí thư của Thành Đồng Tổ Quốc nghe lời cụ Hồ dụ dỗ đi tập kết hai năm về, thì nay đã mười năm mới trốn chui trốn nhũi như ăn trộm trở lại quê hương. Mười năm trên đất Bắc thằng Tỉnh ủy đi cạo muối, nhà cửa thì ga-ra tư sản. Ông Chủ tịch tỉnh tôi ở một cái ga ra tệ hơn cả chuồng heo. Bây giờ Nam kỳ lại bị “Bắc kỳ thuộc” lần thứ hai. Người cầm cán cho hai lần Bắc thuộc này chính là cụ Hồ. Dân Nam kỳ hận tràn lòng, đau như hoạn, nhưng lỡ tin nên mắc, gái Nam ngồi phải cọc Bắc, không dám kêu.
Sáng hôm sau hành quân. Giao liên Phẩm ra địa điểm đóng quân sớm lắm. Cậu ta cũng “đả thông” cho khách những điều cần thiết rồi bắt đầu dắt đoàn người đi.
Tôi đến sờ trán thằng Núi, thấy nó bớt sốt, nhưng vẫn mê man. Không biết ở trên đưa một anh chàng học vẽ chưa ra họa sĩ như thế này vô Nam để làm cái giống gì? Nhìn qua nét vẽ của anh ta, tôi thấy anh ta cần phải học ít nhất là ba năm nữa mới vẽ đúng hình khối và anatomy. Rủi nó chết ở đây, ai khổ ai đau chứ Trung ương đâu có đau khổ chút nào. Hơn nữa Trung ương đâu có biết tới.
Chúng tôi được đi sát với giao liên nghĩa là đi đầu đoàn. Nhưng vì Thu đi chậm nên bị lính kêu, Phẩm lại đẩy chúng tôi xuống khúc giữa. Đến lúc nghỉ trưa, cũng do yêu cầu cửa lính, đám dân chánh chúng tôi lại bị cho xách đèn đỏ bọc hậu, nhưng rồi vẫn cứ rơi dần lại phía sau. Con nhà lính còn cực khỏe đi vượt lên phía trước hết cả.
Người dẫn đầu của toán sau cùng là tôi. Người đi sau cùng của toán sau cùng là Thu. Người đi giữa cố nhiên là nhạc sĩ họ Hoàng. Thỉnh thoảng nhà nhạc sĩ dừng lại gục trên đầu gậy (tôi phải dừng lại chờ) quắc mắt về phía trước càu nhàu:
- Mày hỏi chuyền dùm thằng Phẩm xem nó dẫn có lạc đường không mậy ?
- Đường gì mà lạc. Nó đi hàng ngày mà!
- Đường gì kỳ cục thế này chứ. Không bước được một bước trên mặt đất bằng !
- Đường giải phóng miền Nam chớ đường gì mà ky cục! Đây Trường Sơn vinh quang mà!
- Đường gì đi hoài không đến. Vinh gì mà vinh?
- Vì nó là đường đi không đến ! Vinh thì có vinh nhưng nó không đến vẫn không đến.
Nói pha trò vần lân một chút vậy rồi đi tới nữa. Cái điệp khúc này nhà nhạc sĩ cứ lặp đi lặp lại với giọng tenor.
Bỗng được lệnh của giao liên truyền lại: “Nghỉ mười phút.”
Hoàng ném cái gậy ngồi phệch xuống đất ngay tựa lưng vào chiếc ba lô soải hai chân ra thở phào:
- Tưởng mày quên cho nghỉ chớ!
- Uống nước uống non đi cha nội, ở đó mà càu nhàu. Nó lại bắt đi nữa bây giờ!
Tôi quay lại Thu:
- Thu này, em có thấy cái ông mặt sắt đi ở giữa đoàn không ?
- Không, ủa mà có, cái ông môi thâm sịtt đầu vuông như tảng đá kê cột nhà phải không?
- Ừ chính là ông kẹ đấy !
- Để làm gì?
- Em có muốn xin về Hà Nội thì xin ông ấy ngay bây giờ đi!
- Thôi đi anh đừng có đùa ! – Thu hơi cáu.
- Anh nói thật mà. Ông mà đồng ý là giao liên phải kiệu em ra Hà Nội đấy.
Từ ngày thằng Hồng trốn mất, Thu không còn tí hy vọng gì quay lại nữa, nên đành phải “đi giải phóng Miền Nam… cùng quyết tiến bước” vậy.
Hoàng tợp ngụm nước rồi nói:
- Vô tới trạm trong anh Bảy sẽ nấu mẻ cao khỉ cho lem gái tẩm chân là trèo núi như thần thôi.
- Anh có mang theo đó à ?
- Tao nhất định thắng lợi mà !
Lệnh giao liên truyền xuống:
- Tiếp tục đi. Còn một chặng ngắn tới trạm. (Đây chỉ là lối động viên của giao liên thôi. Một chặng của họ là vô tận. Có khi lội hộc máu cũng chưa tới
- Lệnh nghỉ vừa truyền xong thì lại có lệnh đi !- Hoàng nhạc sĩ quát với cặp mắt nảy lửa- Nghỉ chưa hết thúi cái đít thì bắt đi ! Thằng phải gió mày có khùng không hả?
Tuy giận dữ như vậy nhưng họ Hoàng vẫn gượng chỏi gậy đứng đậy lụm cụm di theo. Được một quãng tôi bị “đút đuôi,” đoàn đã bỏ tôi xa lắc, tôi quay lại thì họ Hoàng cách tôi một quãng khá xa và không thấy Thu đâu nữa. Tôi đứng chờ Hoàng tới và hỏi:
- Thu đâu ?
- Còn múa Hồ Thiên Nga ở đằng sau. Mày là Hoàng tử trở lại rước.
- Hồi mới xuất phát giao liên bảo cố nhiều đường mòn “ngánh” coi chừng lạc, mình lớ quớ bị lạc cho coi.
- Mày trở lại rước nó đi !
- Khổ quá! – Tôi ngóng phía trước: Đoàn đi mất hút, không chờ. Nhìn phía sau: Không thấy Thu. Tôi bèn tụt ba lô ném xuống đất bảo:
- Anh ngồi đây chờ.
- Ừ, đi cho lâu lâu nghe !
- Đứt đuôi thế này còn bảo lâu lâu.
- Kệ mẹ nó. Tao cần nghỉ cái đã. Mà nè ! Tao bảo nè!
Tôi vừa đi được ít bước thì quay lại gắt:
- Gì?
- Mày tới đó nếu nó bi cọp ăn thì quơ ít xương đem về cho tao nấu cao nghe chưa?
Tôi phát quạu, làm thinh, đi thẳng. Được một quãng xa chừng nửa cây số thấy Thu ngồi ở ven đường. Tôi quát:
- Sao ngồi đó? Có đi mau lên không?
Thu không nói không rằng. Tôi vẫn chưa hết giận:
- Người ta đi mất đất rồi, mau lên.
Thu vẫn không nhúc nhích. Trời ơi, trông mặt nàng mới thảm hại làm sao. Tôi đỡ nàng đứng dậy bảo:
- Đưa ba lô đây anh mang cho.
Nàng chỏi gậy đứng lên và bước từng bước một như xẩm bó chân. Tôi cũng chẳng oai phong gì. Chỉ được cái may là bao tử chưa đồng khởi.
Tôi đi chậm chậm bên nàng, cố tìm cách đưa nàng đi tới, chậm như rùa cũng được, miễn là đừng ngồi lại, vì Mác có dạy: “Mọi vật đều tiến triển;, cái giống đếch gì đứng lại thì có nghĩa là thụt lùi !”
Đứng lại mà đã là thụt lùi rồi, thì ngồi như Thu còn thụt lùi bao nhiêu nữa?
Tôi nhìn xuống gót chân Thu, định hỏi: “Cái cổ chân củaa em có đỡ không?” (Đỡ gì mà đỡ! Biết vậy nhưng vẫn cứ hỏi). Nhưng tôi chợt nhận ra mấy lớp băng nhuộm máu đỏ lòm.
Tôi kêu lên:
- Chân em bị thương à?
- ….
- Bị thương hồi nào, sao không kêu?
- ….
- Vấp đá hả ?
Thu không nói một tiếng. Mắt nàng bật ra nước mắt. Nàng úp mặt vào đầu gậy mà oà lên.
- Cái gì vậy? Tôi quát om lên. Tiếng quát vang lên dội lại từ sườn núi.- cái gì thì nói, khóc khóc cái gì ? Cứ khóc rồi tới nơi hay sa…o? – Tôi dậm chân đồm độp.
Thu vẫn gục đầu vào cây gậy mà nức nở, đôi vai gầy gò run lên. Tôi chợt hiểu ra rồi. Nàng có kinh.
Từ cái lần lấy đường thủy làm đường bộ ngâm mình dưới suối cả ngày, nàng thường hay khó ở. Đàn bà con gái, cái gì cũng rắc rối cả. Biết thân như vậy thì làm B quay phứt đi hồi ở mấy trạm ngoài, lại còn lê vô tới đây làm gì kia chứ! Tôi hậm hực nghĩ. Nhưng khi trông thấy gương mặt nàng đầm đìa nước mắt tôi hối hận. Tôi đến bên nàng khẽ hôn vào vệt nước mắt và nói:
- Anh cho chân em một lá bùa sẽ hết đau ngay.
Thu đưa tay ra vẫy vẫy:
- Đưa ba lô đây cho em !
- Đi đã không nổi, còn mang ba lô !
- Không, em đi nổi. Em hết đau rồi !
- Thì đi đi xem nào !
- Anh cứ đưa ba lô cho em. Em khỏe lại rồi ! Em không muốn ai giúp em hết.
Nàng bi chạm tự ái vì những câu không dịu ngọt của tôi . Tôi thấy có chút hối hận nên dỗ dành. Tôi nói như viết tùy bút:
- Em cố đi lên chút nữa đi. Sắp tới nơi rồi. Mình sẽ nghỉ hai ba ngày. Nghỉ chừng nào chân em hết đau ta lại đi, đi được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Anh chẳng cần tới nơi nữa. Không có em tới, một mình anh chẳng thú vị gì. Anh sẽ tới trong giấc mơ hồi hương, trong thực tế và chỉ trong mộng, anh phải có em. Đi, di em!
Tôi tưởng văn chương mồm của tôi đã vuốt nhẹ được trái tim đau, lau khô được dòng nước mắt của nàng chẳng ngờ lại ngược lại.
Nàng càng khóc to lên và đứng lại. Quờ lấy quai ba lô giật ra khỏi vai tôi buông xuống đất và nói đứt quãng:
- Anh đi đi, đi… cho tới quê nhà… Còn em… em chết ở đây! Nói xong nàng ngồi khuỵu xuống.
Tôi nắm tay lôi nàng đứng lên. Mặt nàng trắng bợt ra, đầm đìa nước mắt. Tôi nói cũng hết ra tiếng:
- Đi em ! Cố lên. Tới chỗ anh Hoàng sẽ nghỉ. Kia kìa cách đây có vài… chục thước! – Tôi lại cũng cái lối động viên của giao liên. Đứng ra đó là cái lối cổ điển cửa đảng, cái lối treo bó cỏ trước đầu ngựa muôn năm.
Tôi lại mang ba lô lên vai và dìu Thu đi, vừa đi vừa “viết” thêm mấy chục đoạn tùy bút. Có lẽ đó là những đoạn văn chương hay nhất của tôi, những đoạn được viết ra từ sự rung động cực kỳ mãnh liệt, từ một khung cảnh bi thương nhất mà tôi chưa từng sống cho đến cái buổi chiều hôm ấy. Tôi nói như thằng điên, tôi nói như một thi sĩ ngâm thơ trước dân chúng yêu mến mình, tôi nói như diễn thuyết, như một thằng láo toét, tôi nói những điều phản lại chính lòng tôi: “Cố gắng đi em rồi ta sẽ tới ! Cách mạng Miền Nam đang mong chờ… ! ! “
Nàng bước theo tôi, mỗi bước một giọt nước mắt, không phải “Lệ” (1) của Xuân Diệu, “rách đau thương đi giữa cuộc đời,” cũng không phải Lệ của kịch sĩ bôi cù-là trong vở Lu ba (2), mà là lệ của một nữ nghệ sĩ đẹp tuyệt trần rơi thấm đá Trường Sơn không phải để nở thành một đóa thơ, mà là để ghi dấu một tội ác.
Tôi cố hết sức dìu nàng đi tới, lưng nặng như núi đè, tay đẩy lưng nàng như đẩy một chiếc xuồng mắc cạn. Tôi đã lê cái thân tàn của tôi không nổi mà còn phải đèo cái của quí này, trời hỡi, còn có sự bất công nào bằng?
Nhưng trời cũng thương người. Cuối cùng rồi tôi cũng đưa nàng tới chỗ Hoàng ngồi đợi. Hoàng đang sửa lại cái “giơ- nui-de” cầu thủ trên đầu gối.
Tôi cố gượng pha trò:
- Sút có vô quả nào không??
- Có vớ hai quả !
- Nào, “đứng lên đi, người của núi sông, nặng lòng chi ngày xưa vương vấn. ” (3) “‘
- Nứng thế đéo nào nổi.
- Xuỵt! – Tôi trợn mắt vào Hoàng.
- Đứng lên hay nằm xuống cho khỏe thân ?
- Người ta đi xa ba ngàn dặm rồi. – Tôi giục, và khoác luôn chiếc ba lô của tôi lên vai, như một anh hùng giết giặc sắp được Bác bắt tay và gắn huân chương chiến công và một tay đẩy Thu, một tay lôi Hoàng. Vì biết chắc nếu để Thu ngồi xuống thì cả hai người đều sẽ đồng tình mà đóng chốt luôn tại đây.
Cũng may, hai người giác ngộ khá cao nên “thề quyết tiến bước.” Đi được một quãng thì đụng ngã ba. Cái ngã ba này to lớn thênh thang hơn bất cứ ngã ba nào trên đường từ Làng Ho vô đây.
- Đi ngả nào anh ? -Tôi hỏi Hoàng- Không khéo mình đi xuống Bác Kế thì hỏng.
- Ừ nhỉ ! Đi ngõ nào bây giờ, tớ không biết mô tê!
Tôi hoang mang không biết đi đường nào. Nếu đi sai sẽ chẳng đến trạm, việc đó đã hẳn rồi ! Nhưng còn thêm cái nguy hiểm là có thể đụng vào chướng ngại hoặc lọt vào khu tử địa thì nguy. Tôi đã bi lạc vô trại tù binh một lần và bi các ông cai ngục xét giấy, gằm ghè dữ quá, làm như mình là do thám không bằng.
Hoàng và Thu chộp lấy cơ hội ngồi xuống nghỉ. Ngồi xuống thì đứng lên, có khó gì ! Nhưng đó là đối với những người bình thường kìa, còn ở đây lại khác. Ở đây ngồi xuống được là đít dính với đất, mọc rễ ngay tức khắc chẳng đứng lên nổi.
Phải đấu tranh tư tưởng, phải hát thầm bài Giải Phóng Miền Nam của trại cưa Kim Hữu mới đứng lên được !
- Đi ngả nào? – Hoàng hỏi.
- Có thể ngả này -Tôi trỏ – Ngả phía bên trái.
- Ngả nào thì tùy mày đấy’ Tao không biết ngả nào là ngả đéo nào!
- Hình như có dấu chân.
- Dấu chân gì in trên sỏi đá được.
- Thì tôi tưởng tượng ra thôi! -Tôi thở phào- Mệt quá! Đủ thứ rắc rối. Thôi đi mẹ nó ngả đó đi.
- Không được! Nguyên tắc của giao liên đề ra là nếu rủi bi lạc thì cứ ngồi tại chỗ họ sẽ trở lại tìm. Đi bậy bạ họ không tìm được.
Tôi nói :
- Đó là nguyên tắc xưa rồi. Bây giờ mình đi lạc họ bỏ 1uôrl, họ không có trở lại tìm đâu.
- Thằng Phẩm nó tình cảm với bọn mình mà !
- Tình thì tình, cảm thì cảm nhưng nó mệt nó không đi tìm đâu.
- Vậy thì làm gì bây giờ?
Thu buột miệng nói:
- Mình cứ ngồi ở tại đây, chốc nữa anh ấy trở ra thế nào cũng gặp mình.
- Biết đâu nó lại đi đường khác.
- Đường khác là đường nào ?
Cãi với nhau một lúc, cả ba thấy cái biện pháp ngồi ỳ lại đây là phúc lợi hơn cả và hợp lý cho bộ giò nên ai nấy đều tìm chỗ mắc võng nằm chờ và tự giải lao bằng số nước còn lại trong bi đông, mỗi người bận rộn một kiểu.
Thu mở băng ra xem lại cái cổ chân, Hoàng thì củng cố cái bánh chè còn tôi thì ngủ. Nắng chiều nóng như thiêu, quần áo đã đẫm mồ hôi như tắm. Khi thức dậy thấy mình nằm giữa nắng vàng… chẳng có thơ mộng một chút nào, ngược lại tưởng đang bi cảm… nắng và có ý nghĩ mình sẽ phải đi nhà thương Biên Hòa.
Tôi nhảy xuống đất chạy vào một mép núi có bóng mát, tuột cả áo ra dùng làm quạt và quạt bất đếm bằng cái áo đẫm mồ hôi kia. .
Quả thật một chập sau thì Phẩm trở lại. Cả hai bên đều mừng rỡ như những tình nhân tái ngộ.
- Tôi tưởng các anh đi lạc rồi.
- Đứt đuôi thôi .
- Vâng, hễ đứt thì cứ ở tại chỗ chờ, đi bậy nguy hiểm lắm.
- Từ đây tới trạm còn xa không?
- Hơn tiếng đồng hồ.
- Vậy thì không sao. Bây giờ còn sớm. Tôi nói.
- Còn sớm gì nữa, mặt trời sắp lặn rồi ! -Thu cãi lại.- Em làm sao lết cho kịp
- Em cứ coi như múa một lớp Hồ Thiên Nga là tới chứ gì .
Hoàng pha trò nhưng Thu không cười nổi. Phẩm đến bên tôi, giọng cảm động
- Thôi các anh đi, mạnh giỏi nhé! Anh có gặp anhnhà văn gì, nói em nhắn lời thăm anh ấy. Tiếc quá anh có đi ngang đây mà em không… gặp để hàn huyên.
Cậu bé rưng rưng nước mắt bắt tay tôi. Tồi bỗng thấy thương tôi thì ít, thương cậu bé thì nhiều. Nó ở lọt tỏm giữa hoang dại đầy đe dọa, một loại “Bạch Mao Nam” do đảng tạo ra.
Cũng như ngày trước, lúc tôi còn ở Hà Nội, tôi đã đi công tác ra tận các hải đảo trong chòm đảo Hạ Long. Ở đấy có những hòn đảo không tên. Ở đấy có những thanh niên “tình nguyện” công tác. Mỗi đợt là sáu tháng. Công tác của họ chỉ là đốt một ngọn đèn cho tàu ngoài biển vào bến Hòn Gai ăn than và trở ra. Họ ở trong những cái nhà đá chung quanh không có cây cối gì hết, cũng không trồng trọt được ngọn rau dây bí nào hết. Đặc biệt là không có liên lạc bằng điện đài. Những ngày bão to họ vào nhà đóng cửa khóa chặt và ngồi bên trong nghe sóng tràn qua nóc nhà hoặc nhìn qua cửa kính biển động sôi lên trùm phủ nhận chìm tất cả những cụm đảo lớn nhỏ.
Những cậu thanh niên thất tình muốn trốn đời, những cậu khác thì hăng máu vịt đinh tỏ lòng yêu tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội, hoặc vì lý do này nọ khác mà xung phong ra đây, đều vái cả mũ những hòn đảo cô đơn giết người này. Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi bước lên những hòn đảo đó, tôi tự hỏi không hiểu các chàng trai đầy nhựa sống và mộng mị đó, đã sống làm sao một trăm tám mươi ngày và một trăm tám mươi đêm không thấy một mái tóc mềm, không nghe một tiếng thân yêu bên tai. Vậy mà báo và đài luôn luôn ca ngợi và nói rằng có nhiều cậu đoàn viên “xung phong ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa ! ”
Thì cũng như thằng Phẩm “xưng phong” vô làm giao liên Trường Sơn này. Nhưng so với cái thâm sơn cùng cốc này, ở hải đảo hãy còn là hạnh phúc chán. Ở hài đảo, cuộc sống chỉ cô đơn nhưng không bệnh tật, không bom đạn, không trộm cắp, không giật giọc, không thổ phỉ, không thú dữ rắn độc. Còn ở đây thì có đủ, có nhiều các thứ này.
Tôi như thấy rõ nỗi u uất trong lòng cậu thanh niên xung phong trong một thoáng nhìn gương mặt cậu ta. Tôi vỗ vai Phẩm và nói, giống y như cụ Hồ huấn thị các cháu:
- Em ở lại cố gắng công tác cho tốt nhé. Giải phóng Miền Nam xong ta về xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn mười lần xưa ! Chừng đó anh sẽ ghé lại ăn mận của em!
Phẩm đi khuất, tôi còn đứng nhìn theo. Đêm nay nó ngủ một mình chắc nhớ bọn tôi lắm, nhớ con bé ở Nghi Tầm nhớ cả Hà Nội. Tất cả đều thấy đó mà lại xa vời. Cây mận của nó thì chừng nào mới trổ trái?
(1)Thơ Xuân Diệu, diễn tả nỗi mừng của nghệ sĩ được cách mạng cứu)
(2) Kịch nói Liên Xô
(3) Bài ca Thanh Niên Với Mùa Xuân của Dzoãn Hối
—>Chương 7


- 7 -
Chúng tôi cuốn võng và đi ngược chiều với Phẩm. Đến nơi trời chưa tối. Nhưng chiều nay khác với những buổi chiều khác khi chúng tôi hạ trại.
Bữa nay ở địa điểm trú quân rất nhộn nhịp. Hỏi ra mới biết rằng đêm nay có Văn Công diễn phục vụ chiến sĩ. Tôi bảo Thu:
- Em đóng góp một màn đi !
- Thôi anh ơi. Em không múa nổi đâu.
- Mới hôm trước múa Hoa Champa…
- Đó là hồi em chưa trặc cổ chân kìa.
Tôi giúp nàng căng lều mắc võng. Tôi và Hoàng cũng mắc võng nằm dưỡng lão. Chuyện ăn uống chưa tính tới. Bỗng nghe tiếng loa vang vang (không có micro) giới thiệu các tiết mục. Tôi chưa kịp nói gì thì Hoàng đã bảo:
- Mày lại gặp “ẻn” rồi. Coi chừng lại đổ nợ!
Quả thật, đoàn Văn Công đang biểu diễn là đoàn của Sư đoàn 330 là lính Nam kỳ quốc của Chúng tôi. Người yêu cũ của tôi đang làm “biên đạo” vũ của đoàn này. (Biên đạo tức là viết và đạo diễn). Tôi không vui cũng không buồn, nhưng lại rất ngạc nhiên. Văn Công biểu diễn phục vụ ai ở đây? Trong khi lính cần gạo, thịt và thuốc men thì không đem tới, trái lại đem cho những thứ họ không cần – Nghe hát xướng mà no được sao ?
Không biết ai có sáng kiến này, một sáng kiến lạ lùng không kém sáng kiến của Tào Tháo gạt quân sĩ đang khát nước gần chết bằng cách bảo rằng ở phía trước có vườn quít.
Nhà nước có nhiều sáng kiến kinh hoàng. Tôi còn nhớ thời kỳ Không quân Mỹ !eo thang ra Miền Bắc, Tố Hữu bắt văn nghệ sĩ phải đi thực tế bom đạn ở khu IV. Tôi đi ra đi vào Quảng Bình và Vinh đến những bốn lần trong lúc một văn nghệ sĩ chỉ cần đi một lần là đủ “tiêu khuẩn.” Một lần tôi đi cùng với đoàn Văn Công Trung lương đi vô Quảng Bình mảnh đất đang là mục tiêu đánh phá của Không quân Mỹ. Phương tiện vận tải là một chiếc xe Skoda của Hungari loại dùng làm xe bus ở Hà Nội. Ban ngày sợ máy bay đánh nên phải chui trốn và ngủ lấy sức đợi tối mới đi. Nhưng đi đêm xe phải mở đèn pha đèn cốt, nếu không thì làm sao chạy được. Để tránh làm mục tiêu cho máy bay, anh tài xế (quân sự của Bộ Quốc phòng đưa sang. Vì ở trên sợ lái xe dân sự không có kinh nghiệm) dùng một cần câu trúc dài gắn ở đầu xe và chuyền một bóng điện nhỏ ở đầu cần câu thay vì mở đèn xe. Và anh ta lái xe trên dường với cái ánh sáng to hơn con đom đóm đó. Bọn chúng tôi hỏi: Như vậy có ích lợi gì ? Anh ta bảo đó là sáng kiến của Cục Vận tải phổ biến khắp các đoàn xe để thi hành, không làm khác được ! Không hiểu Cục Vận tải quan niệm tầm sát thương của bom đạn như thế nào mà xài cái sáng kiến đó trong lúc máy bay của Mỹ không phải dùng mắt thường để tìm mục tiêu và nếu một quả bom ném đúng ngay vào cái đầu cần câu thì chiếc xe vẫn chạy an toàn?
Cũng may chứng tôi không bị máy bay tấn công lần nào nhưng từ Hà Nội vào Quảng Bình, bình thường chỉ đi một ngày, chúng tôi phải mất năm đêm. Cái sáng kiến thật rất khoa học có một không hai.
Bây giờ lại gặp cái sáng kiến đem Văn Công vô phục vụ cho chiến sĩ Trường Sơn. Nghệ sĩ biểu diễn không sân khấu không có micro. Người xem ngồi chung quanh như lửa trại hồi thời kháng chiến. Tôi mệt bã người ra, nhưng vì công việc này có dính tới nghề nghiệp mình nên cũng ráng lê chân tới ngồi tựa gốc cây xem, còn Thu và Hoàng nhất định không đi xem coi “cái tụi nhảy cóc nhảy nhái” đó, vì Thu là diễn viên ưu tú của đoàn Ca múa Trung ương, Hoàng là thầy của thầy các diễn viên này.
Tôi cố ý tìm xem ông kẹ có mặt ở buổi biểu diễn này không. Cuối cùng tôi thấy ông ta nằm võng và có người đem nước lại cho ông trong khi Văn Công biểu diễn ở ngay trước mặt ông như dành riêng cho ông vậy.
Không biết trước khi chúng tới đến, đoàn đã diễn những tiết mục gì, nhưng bây giờ thì đang sửa soạn đồng ca bài Chiến thắng Điện Biên Phủ cửa Đỗ Nhuận.
Chắc lâu lắm chiến sĩ mới thấy con gái đẹp tô son điểm phấn trước mặt mình nên họ nhìn trân trối. Nói nào ngay “chất tươi” trên đường này cũng có chứ không phải là không, nhưng nó không tươi tắn mà có vẻ nhếch nhác nên không thích mắt, hơn nữa những nữ cán bộ không biết làm bộ làm tịch như Văn Công. ‘Kìa xem, họ nghiêng qua, ngả 1ại như một đám cây rừng trong gió bật ra tiếng hát.
Những người lính ngồi nghe mê mẩn. Sau những ngày, những tháng tiêu pha sức khỏe với các em “đá tai mèo” họ được những giây phút giải lao.
Hết bài Chiến Thắng Điện Biên, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Tiếp theo, họ được xem“Kéo pháo” lên Điện Biên với bản nhạc nổi tiếng của Hoàng Vân, một anh nhạc sĩ rau muống được đặc ân đi học Trung Quốc nhưng khi về nước, được vinh quang đi giải phóng Miền Nam thì lại thụt lùi.
Bài Hò Kéo Pháo cũng được hoan nghênh bằng những tràng pháo tay ròn rã. Sau những phút sống lại chiến thắng hào hùng xưa, chiến sĩ ta được xem một hoạt ảnh bằng thơ có ba diễn viên. Hoạt cảnh này được viết bằng thơ tám chữ, lục bát có điểm xuyết vài đoạn bài chòi khu Năm.
Tôi xem hoạt cảnh đó đến nay đã hai mươi lăm năm rồi nên không còn nhớ lời thơ, chỉ ghi ra đây đại ý.
Màn Một: Một anh chiến sĩ nghĩa vụ quân sự được người vợ chưa cưới tiễn chân đi giải phóng Miền Nam vào một buổi sáng tươi đẹp của đồng quê miền Bắc. Hai anh chị quyến luyến nhau rất lâu và rất tình tứ pha lẫn buồn đau, nhưng hai người đều giác ngộ cách mạng cao nên đều dứt khoát nghe theo tiếng gọi của Miền Nam đau khổ. Chị hứa ở lại Miền Bắc tăng gia sản xuất và làm theo khẩu hiệu của đảng: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.” Còn anh thì hứa hẹn sẽ làm tròn nhiệm vụ nơi chiến trường để trở về cưới em với vòng hoa chiến thắng.
Màn Hai: Người thanh niên đi đến Cầu Hàm Rồng thì thối chí. Ra đi từ Hà Nội, thay vì được chở chuyên bằng xe, đơn vị lại phải hành quân bộ. Đến quá Nho Quan mới được đi tàu hỏa. Với sức lực hao mòn; với những gian nan đã vượt qua, chàng hình dung trước mật cảnh tượng máu lửa hãi hùng của Miền Nam. Khi tàu hỏa đỗ lại ở ga Hàm Rồng thì chàng nhảy tàu chạy trốn nhưng bi đồng đội đuổi theo bắt lại được. Chàng phản tỉnh và tình nguyện đi giải phóng Miền Nam. Qua khỏi giới tuyến một đổi thì chàng dùng súng bắn vào chân để có lý do ở lại trong lúc đơn vi đi tới.
Màn Ba: Người thanh niên len lỏi trốn ngược ra Bắc và về tận gia đình, thú thật mọi nỗi gian truân với người vợ.. Lần này lại có thêm bà mẹ vợ. Cả hai dùng hết lời và lập trường cách mạng để giác ngộ anh chàng. Thêm vào đó anh chàng lại nhớ đến cha đá hi sinh anh dũng trong kháng chiến. Để xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ và con của một người cách mạng, chàng thanh niên quay trở về một đơn vị bộ đội nhận sai lầm và lại tiếp tục vào Nam chiến đấu.
Khi hoạt cảnh bắt đầu diễn thì bộ đội còn ngồi xem như trước, nhưng khi diễn tới màn “ga Hàm Rồng” lác đác có người kêu mệt và bỏ về.
Khi diễn sang màn ba thì chỉ còn có ông kẹ và đoàn tùy tùng của ông. Tôi cố nán lại để gặp mấy thằng bạn trong đoàn Văn Công. Tôi né mặt để khỏi bị ông kẹ nom thấy.
Buổi biểu diễn trở nên lễnh loãng, có vẻ như muốn dứt ngang với lý do là trời đã tối , nhưng nhiều người còn thích xem nên lấy đèn pin ra thay cho ánh sáng mặt trời. Tất cả được hơn mười chiếc mà phần lớn là của đoàn tùy tùng ông kẹ. Họ bấm công tắc rồi để ghếch dầu đèn lên ba lô hoặc đít soong chảo chiếu thẳng vào “sân khấu.” Họ chơi ngông vậy có lẽ vì họ có đủ sức chơi. Riêng bộ đội thường thì đến Ban Chỉ huy cũng không có đèn pin đừng nói chi tới lính lãi.
Với ánh sáng của mấy chiếc đèn pìn vẫn tiếp tục màn ba của hoạt cảnh. Có lẽ người ta đói nên phải ăn mặc dù là món ăn là thứ gì đi nữa cho nên người ta ngồi “ăn” cái món hoạt cảnh này, càng cạn tới đáy soong nó càng nhạt ra – Có lẽ khi vét soong húp muỗng cuối cùng thực khách ân hận vi đã ăn phải ngồi đau lưng để được đãi cho một cái mơ-nuy vô bổ như thế còn đầu bếp thì tự hứa lới mình đây là lần cuối cùng nấu món “canh” hoạt cảnh này.
Tôi trông nét mặt mấy thằng quen bới hết son phấn tội nghiệp. Chắc chúng nó tự thấy trơ trẽn nên xách đàn và vác đồ lề khác lủi nhanh. Nhưng ông kẹ đã cho người gọi chúng lại. Anh trưởng đoàn đến yết kiến ông kẹ, để cho diễn viên đi rửa mật dưới suối.
Ông kẹ – tạm gọi là ông Mặt Sắt cho để nhớ. (Sau này độc giả sẽ lại gặp ông ấy ở cục R với vợ của ông anh hùng X. có nhiều pha vui lắm). Ông Mặt Sắt là dân Bình Trị Thiên khói lửa còn anh trưởng đoàn Văn Công là người cùng quê với Bác. Hai bên nói chuyện với nhau bằng những dấu nặng chình chịch nghe mệt quá, nhưng tôi cũng nán lại xem họ nói với nhau những gì. Chắc anh trưởng đoàn Văn Công biết ông kẹ là ai nên nói năng thưa dạ răng rắc.
Ông Mặt Sắt hỏi:
- Đoàn Văn Công của anh đi vô đây được bao lâu rồi ?
Anh trưởng đoàn đáp:
- Dạ mới có vài tuần !
- Anh chị em khỏe cả chứ?
- Dạ không được khỏe lắm ạ!
- Mới vô mà đã không được khỏe rồi cơ à?
- Dạ sốt rét nhiều quá! Có đến gần một nửa bị sốt !
- Thế cơ à? Sao không uống thuốc. Để tôi bảo bác sĩ cho anh chị em một ít kí-nin.
- Dạ vâng !
- Sao các anh đi vào đây mà không có chuẩn bị gì hết vậy ?
- Dạ, đoàn đang phục vụ ở giới tuyến mười bảy rồi được lệnh ở trên nên phải đi luôn, thành ra không có thuốc men gì hết.
- Rồi lương thực làm sao?
- Dạ có muối thôi ạ, còn gạo thì khi có khi không.
- Thế cơ à? Bộ mấy cái anh quân khu này coi chuyện vô đây như đi Hà Nội hay cao? Này! – Ông Mặt Sắt quay lại một anh đang đứng ở sau lưng – có lẽ là trưởng đội tùy tùng hay bí thư riêng – Anh gọi cho anh Nam Long lâp tức tiếp tế đầy đủ cho đoàn Văn Công phục vụ đường dây nghe chưa?
- Dạ ! – Người kia đáp to.
- Gọi ngay bây giờ. Tôi muốn ngày mai đoàn Văn Công phải được trang bị đầy đủ.
- Dạ! – Người kia quay ra đi làm nhiệm vụ.
Ông Mặt Sắt hỏi tiếp anh trưởng đoàn Văn Công:
- Anh lấy đề tài cho cái hoạt cảnh ở đâu thế?
- Dạ ở cơ sở ạ!
- Cơ sở nào, hợp tác xã hay bộ đội ?
- Dạ bộ đội ạ !
- Bộ đội nào ở đâu ?
- Dạ bộ đội ngay trên đường này, ở cách đây vài ba trạm.
- Có thực vậy hay sao?
- Dạ, những chuyện như thế này còn nhiều ạ. Chúng tôi chỉ chọn chuyện đơn giản nhất để sáng tác. Chính đơn vị đã kể cho chúng tôi nghe để sáng tác.
Ông Mặt Sắt thở dài:
- Quái nhỉ, sao Trung ương không biết gì hết cả?
- Dạ chúng tôi cũng không biết, chỉ thấy chuyện đó là chuyện thật như bao nhiêu chuyện thật khác Tổng cục Chính trị phát động viết đề tài “Người Thật Việc Thật” và có giải thưởng cho tác giả trúng giải ạ. Những chuyện như thế này, sau khi ghi chép xong chúng tôi có đề nghị thủ trưởng đơn vị chứng nhận rồi mới dám sáng tác ạ.
- Để làm gì?
- Dạ để khi nào ở trên có hỏi chuyện xảy ra ở đơn vị nào thì chúng tôi có chứng cớ trả lời ạ. Nếu không , ở trên sẽ nói chúng tôi phịa và chúng tôi bị khiển trách.
- Anh có ghi đơn vị anh lấy được đề tài đó không?
- Dạ có!
- Đâu đưa cho tôi xem.
Anh trưởng đoàn Văn Công móc túi áo lấy một quyển sổ tay mở ra đưa cho ông Mặt Sắt.
Ông Mặt Sắt cầm lấy. Một anh chiến sĩ đứng gần đó rọi đèn pin vào.
Anh đoàn trưởng trỏ vào trang giấy có ghi nào chữ nào số đặc nghẹt.
Ông Mặt Sắt xếp lại ngay kêu lên và trả quyển sổ lại cho người chủ:
- Quái lạ, sao lại có những hiện tượng như thế này nhỉ!
Anh chiến sĩ bấm tắt đèn. Tất cả chìm trong bóng tối. Ông Mặt Sắt làu bàu:
- Thế mà các anh văn sĩ và phóng viên viết toàn chuyện anh dũng. Những chuyện như thế này thì lại bịt mất tiêu.
Rôi ông hỏi anh đoàn trưởng:
- Hồi nãy anh có nói đây chỉ là chuyện đơn giản, vậy còn những chuyện không đơn giản là những chuyện gì?
- Dạ nhiều lắm ạ, tôi không ghi nên không nhớ.
Ông Mặt Sắt ngoảnh lại anh chiến sĩ đang cầm đèn pin ở tay:
- Anh đi tìm cho tôi một ban chỉ huy đơn vị đang đi vào Nam và một anh giao liên.
- Vâng.
Ông Mặt Sắt trở lại với anh đoàn trưởng Văn Công:
- Các anh sáng tác hoạt cảnh ấy à?
- Vâng, chúng tôi hưởng ứng phong trào “tự biên tự diễn” của Tổng Cục vừa đề ra.
- Vừa leo núi vừa viết được như thế à?
- Vâng, chúng tôi họp lại bàn luận đề tài để thống nhất ý kiến rồi phân ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm viết một màn, xong rồi ráp lại ạ. Đó là lối sáng tác tập thể. Viết xong diễn vài lần rồi bỏ ạ. Chúng tôi toàn áp dụng phương pháp đó.
- Cái màn ba, cha mẹ vợ và vợ xây dựng anh lính trở lại đơn vị, các anh lấy ở đâu?
- Dạ, màn này thì chúng tôi tưởng tượng ra rồi phóng tay sáng tác ạ! Thật ra như thế cũng rất hợp lý cách mạng và đúng chánh sách ạ.
- Ở ngoài kia các anh có áp dụng phương pháp sáng tác tập thể đó không?
- Dạ có chứ ạ! Phương pháp này giúp cho chúng tôi tránh được chủ nghĩa sùng bái cá nhân ạ. (Ông Mặt ắt “hả” to lên) Nghĩa là không có đề tên tác giả cũng như các nghị quyết của Trung ươong để là Bộ Chính Trị chứ không đề tên ai cả.
- Ai bảo anh thế? – Ông Mặt Sắt cười gượng – Chính trị khác văn nghệ khác chứ!
- Dạ chúng tôi học tập chỉ thị của Tổng Cục đấy ạ!
- Sao tôi không biết gì hết cả vậy?
- Dạ thì tôi cũng không biết gì hết. Nhưng ở trên bảo rằng sáng tác tập thể thì vừa biểu đạt phong phú hơn sáng tác cá nhân vừa tránh được cá nhân chủ nghĩa gạ! (Ông Mặt Sắt kêu lên: Quái nhỉ!) Dạ, nếu có anh chị em nào sáng tác được một vở kịch hay một bài hát thì cũng đều mang ra tập thể xây dựng chung rồi sau đó đưa ra diễn thì giới thiệu tên của tác giả trước rồi kèm theo phải nói là “với sự đóng góp của tập thể đoàn Văn Công” ạ.
Đến đây thì anh thư ký riêng trở lại báo cáo:
- Thưa anh Sáu, đồng chí Nam Long nhận khuyết điểm đã điều động văn ông vào mà không trang bị cho họ đầy đủ vì đồng chí ấy bận bố phòng các trận địa pháo ngày đêm di chuyển luôn. Ngày hôm nay hai tàu gạo của ta bị máy bay Mỹ đánh chìm tại Vinh, hiện đồng chí đang huy động dân và bộ đội mò moi gạo lên và cho không dân chúng ai móc được bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
- Có chuyện đó nữa à?
- Dạ thưa có ạ! Chính đồng chí Tu lệnh Nam Long trực tiếp nói với tôi như thế. Đồng chí còn bảo ước gì đem được số gạo đó vô đây cho anh em binh sĩ thì hay biết mấy.
- Còn việc tiếp tế cho Văn Công ? Ông Mặt Sắt gạt ngang, gắt.
- Dạ, đồng chí Nam Long nói là gạo muối thuốc men thì có đủ nhưng nếu đem vô tới đây ít ra cũng một tháng, nhanh lắm cũng ba tuần lễ, vì ta không có phương tiện gì hết. Xe hơi chỉ đến làng Ho là phải ngừng lại. Ngoại trừ có trực thăng thì mới đem được gạo muối cho Văn Công nhanh chóng .
- Thôi được ! Cảm ơn đồng chí Văn Công nhé! Sáng mai đồng chí đến gặp tôi.
- Vâng!
- Các anh lấy thịt kho và thuốc men dành cho tôi đưa cả cho đồng chí trưởng đoàn – Ông Mặt Sắt bảo đoàn tuỳ tùng và làu bàu – Con người đâu phải con vật mà muốn ném đâu thì ném. Hậu cần như thế này có nghĩa là tự mình chuốc lấy nhục và bại thôi. Này, nói với anh chị em nghệ sĩ rằng tôi tặng huân chương Giải Phóng cho đoàn về việc biểu diễn bữa hôm nay.
- Vâng! Xin cảm ơn anh Sáu .- Anh trưởng đoàn bắt mò được cách xưng hô do anh thư ký lộ bí mật vừa rồi.
Người chiến sĩ cầm đèn pin đưa anh giao liên và hai người trong ban chỉ huy một đơn vị luồn vào Nam đến trình diện anh Sáu.
Anh Sáu hỏi:
- Hai đồng chí là chỉ huy?
- Vâng, chúng tôi là D trưởng và D phó ạ!
- Còn chánh trị viên đâu?
- Dạ đã hi sinh rồi ạ!
- Tại sao?
- Dạ, cây ngã đè chết ạ!
- Lạ nhỉ!
- Dạ trong một cơn bão ạ. Thưa cũng không lạ gì ạ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm khi có mưa to gió lớn thì bảo chiến sĩ chớ có mắc võng gần cây cao. Cây cao dễ tróc gốc.
- Đơn vị các anh còn đủ quân số không?
- Dạ…
- Các anh hãy nói thật để tôi biết, không nên giấu giếm. Giấu giếm có tôi!
- Dạ, tôi là tiểu đoàn trưởng, tôi phải nói trước! … Thưa đồng chí chủ nhiệm Tổng Cục…
- Ấy đừng gọi tôi thế. Tôi chỉ là chiến sĩ Trường Sơn thôi.
- Dạ thưa đồng chí…
- Cũng không dạ thưa…
- Tôi phải báo cáo với đồng chí sự thực là đơn vị tôi còn già nửa quân số!
- Tại sao?
- Dạ, tại vì… lính trốn nhiều quá!
- Tôi, tiểu đoàn phó, xin bổ sung! – Một giọng khàn khàn tiếp theo – Thưa đồng chí, chúng tôi được đảng giao phó cho chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh nhưng vào đến đây thì phải dừng lại chờ gạo. Không có gạo, núi non như thế này lại mang súng đạn, không trèo nổi. Trong lúc chờ gạo lính trốn khá đông.
- Bao nhiêu?
- Mười bảy chiến sĩ.
- Họ đi đâu?
- Họ trở về Hà Nội.
- Tại sao?
- Họ bảo đi nam không có tương lai… Dạ ngoài ra họ còn tự bắn vào đùi hoặc vào chân để có lý do nằm lại. Như đồng chí thấy trong hoạt cảnh…
- Đó là sự thực à?
- Vâng!
(Tôi thầm bảo: còn nhiều sự thực bi đát hơn, định xía vô câu chuyện nhưng chưa chưa kịp nói thì viên tiểu đoàn phó nói tiếp.)
- Họ còn tự sát nữa cơ!
- Có chuyện đó nữa cơ à?
- Dạ tôi đâu dám bịa tạc những chuyện tày trời như thế.
Ông Mặt Sắt thở dài rất to. Im lặng hồi lâu.
- Rồi các đồng chí giải quyết như thế nào?
- Dạ nếu có gạo thì mới giải quyết được, ngoài ra không có cách gì khác.
Anh giao liên lên tiếng sau khi nghe mọi chuyện của tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó.
- Họ đã từng đánh tôi, thưa đồng chí thủ trưởng!
- Vì sao?
- Tại vì tôi dắt họ đi lãnh gạo, đến kho thì quản kho không còn ở đó.
- Tại sao?
- Dạ không rõ. Còn khi thì không còn gạo. Chắc có lẽ đồng chí sợ bộ đội đánh.
- Tại sao?
- Dạ, giận cá chém thớt vậy thôi. Cũng có khi họ cho là quản kho giấu gạo để ăn riêng không phát. Họ giận lây họ đánh cả giao liên.
Lại tiếng thở dài.
- Này gọi Tư lệnh Nam Long cho tôi nói chuyện.
- Vâng!- Người thư ký dáp rồi gọi người chiến sĩ mang máy bồ-đàm tới (đây là loại tê-lê-phôn của nhà binh mang trên lưng, tôi không hiểu vì sao có cái tiếng bồ-đàm này. Cũng như cái bình thủy được gọi là cái “phuých” nước.)
Người chiến sĩ cầm ống gọi. Một chập, trao cho ông Mặt Sắt và nói:
- Dạ đây là Tư lệnh Nam Long, xin anh Sáu cho chỉ thị.
- Alô! Đồng chí Nam Long đấy hả… Tôi đang trên đường vào … Gạo nước thế nào? Không có đủ cũng phải kiếm cho đủ. Để các đơn vị khác thiếu cũng được. Riêng trên đường này không được thiếu. Chiến sĩ ở đây không có gạo. Giải phóng Miền Nam sẽ không thành công nêu không có gạo cho bộ đội ăn. À, thuốc men nữa… Không có thì chạy đi tìm. Hai tàu gạo…đồng chí cho bảo vệ thế nào lại bị đánh chìm thế hở…? Hừ, thì phản lực nhanh nhưng nếu ta có pháo phòng không giữ kỹ thì nó đâu có đến được… Núi Quyết nữa cơ à? Có thiệt hại gì không? tốt lắm. Tôi nhắc lại: Gạo và thuốc men cho đường này ưu tiên một nghe không?…
Tôi phải vào…chưa biết chừng nào mới đến… Tưởng là đi xe suốt, nhưng vào đến đây, đường bị phá không đi xe được . Cố gắng nhé. Tôi còn nằm ở đây… Chưa biết bao lâu!..
Ông Mặt Sắt đưa ống nói cho anh chiến sĩ và nói với các người khác:
- Cảm ơn! Các đồng chí về nghỉ, mai đến gặp tôi.
—>Chương 8


- 8 -
Tôi mò về đến võng thì có tiếng của Hoàng:
- No chưa?
- Vấn đề gạo sẽ được giải quyết nay mai anh ạ! Tôi nghe trộm nên biết thế.
- Ai nói thế?
- Ông kẹ gọi và chỉ thị trực tiếp cho Đại tá Tư lệnh Quân Khu IV, tôi nghe bằng chính lỗ tai tôi.
- Có chắc không?
- Thì nó đã được Bộ trông thấy tận mắt. Lính đói rõ rồi chứ phải chỉ nghe đâu!
- Gạo tiếp tế cho Bà Thủy hết rồi!
- Hả ! – Tôi giật mình – Sao anh nói vậy?
- Thì hai tàu gạo đó là gạo tiếp tế cho đường này chứ ai. Bị đánh chìm ở Bến Thủy – Hoàng tiếp – Lúc ổng nói với ông Tư Lệnh tao có ở đó. Tao đến xem văn công lúc gần xong màn ba.
Tôi nói:
- Anh không nghe ổng nạo ông Nam Long hay sao?
- Vấn đề không phải là “nạo” mà là “gạo”. Nạo thế mấy mà ông Nam Long không có gạo cũng không tài nào tiếp tế được !
Sáng hôm sau tôi còn đang ngủ thì một bàn tay đập đập võng tôi. Tôi tốc mùng ra nhìn thì ra thằng nhạc sĩ của đoàn, bạn của tôi từ thời chống Pháp ở Miền Tây Nam Bộ:
- Ông kẹ gọi mày!
- Kẹ nào? – Tôi bật dậy hỏi.
- Còn ông kẹ nào nữa?
- Sao mày biết tao ở đây?
- Lúc tao diễn cái họat cảnh tao nom thấy mày ngồi gần gốc cây.
- Ủa mày đổi nghề rồi sao?
- Mấy đứa trong tổ kịch sốt rét, tao phải thế vai, không có chó bắt mèo ăn cứt.
- Ổng gọi tao làm gì?
- Không rõ thằng nào mách mà ổng biết có tụi bây ở đây. Ổng tính mở một buổi họp để nghe tố khổ. Nè.
- Gì?
- Muốn thăm con bé của mày không?
- Thôi! Còn gì để nói mà gặp.
- Phải rồi, gặp cũng chẳng làm gì. Nó đang bị “lập trường đè”. Một cổ hai tròng mày ạ! Nó đang sốt rét rên hù hù đằng kai.
- Khổ quá, họp thì họp, gọi tụi này làm gì.
Thằng nhạc sĩ bạn tôi đi, tôi quay ra gọi Hoàng. Hoàng đáp:
- Mày có đi thì đi, tao cử mày đại diện cho tao và con Thu đó.
- Làm biếng hoài cha nội.
- “Phương tiện giao thông” của mày còn khá thì ráng chút đi, coi ổng có cho cái gì không?
- Nói thì nhất định có nói rồi nhưng cho thì chắc là không.
- Sẵn dịp mày tố khổ luôn. Mấy khi được nói thẳng vào lỗ tai kẹ.
Tôi đến thì thấy một lô người ngồi trước võng của ông Mặt Sắt. Ông đang ngồi trên võng hai tay giăng ra nắm hai đầu võng như con chim gi soải cánh. Ông đang cà gục cà gặc cái mặt sắt về phía đám người.
Thú thực là nếu ở Hà Nội thì tôi không đến cái buổi họp vì hai lần tôi gặp ông Mặt Sắt. Một lần ở Viện Văn Học mà tôi đã kể ở trên kia. Lần thứ hai tôi đọc bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” trên báo Nhân Dân. Cái lối của ổng là bất chấp đối tượng và bất chấp lý lẽ. Cái lối của ổng là bắt người khác nghe theo lý lẽ của mình mặc dù lý lẽ đó chưa hẳn đã là chân lý.
Ông đang nói:
- … Cách mạng Miền Nam đang gặp khó khăn. Quân Mỹ đang đổ bộ thêm vào Sàigòn. Chúng tăng cường cho bọn Sàigòn hai ngàn trực thăng và rất nhiều dụng cụ truyền tin. Miền Bắc chúng ta phải hi sinh nhiều hơn nữa. Trận Pleime là trận thử sức giữa ta và nó…
Ông ngưng lại, không nói cái kết quả của cuộc thử sức đó ra sao nhưng ai cũng biết nó ra sao rồi. Ông nói sang những vấn đề trên đường dây:
- Đảng và Chính Phủ không phải là không thấy những khó khăn về gạo thóc thuốc men ở đây. Trong lúc Miền Bắc mất mùa nhân dân phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa. Đảng và Chính Phủ đã cho chở vào Vinh hai tàu gạo để đưa vào đây, nhưng rủi ro đều bị đánh chìm ở Bến Thủy. Đồng chí Tư Lệnh Quân Khu IV cho tôi biết hiện giờ đồng chí đang động viên dân và bộ đội lặn moi lên. Nước mặn gạo ngâm một đêm là hỏng hết cả. Ở dưới hầm tàu, dễ gì moi lên. Tôi nói rõ cho các đồng chí nghe một sự kiện quan trọng như vậy để các đồng chí thấy Đảng và Chính Phủ rất quan tâm tới con đường này chứ không phải để các đồng chí ăn đói ăn khát rồi thối chí nản lòng. Làm cách mạng, không ai được thối chí nản lòng. Những lúc đảng gặp khó khăn thì chính là những lúc đảng cần bàn tay và khối óc của đảng viên và quần chúng yêu đảng chia sẻ gánh nặng với đảng chứ không phải là lúc chửi đổng và phá đám như bọn Nhân Văn Giai Phẩm.
(Cái câu cùng này đúng y nguyên văn tới nghe ở Viện Văn học mấy năm trước )
Ông tiếp:
- Bây giờ gạo thiếu thốn, các đồng chí chỉ huy không điều khiển đơn vị được. Như tôi xem thấy trong họat cảnh tối qua, chiến sĩ đào ngũ, tự sát thương, vô kỷ luật .. chúng ta nhìn nhận hiện tượng đó nhưng là người Cộng sản chúng ta phải đặt vấn đề khắc phục nó như thế nào, chứ không nên đứng nhìn nó hoặc xuôi tay cho nó tràn ngập chúng ta. Tôi thay mặt Trung ương đảng, Tổng quân ủy, xin gởi lời chào thân ái và quyết thắng của Hồ chủ tịch đến các đồng chí. Các đồng chí còn có ý kiến gì không?
Mọi người im phăng phắc.
Ý kiến gì bây giờ? Té ra làm cách mạng với đảng thì không cần gạo. Dù có phải trèo non vượt biển, cứ hễ thiếu gạo thì tìm cách khắc phục lấy, không được thối chí nản lòng.
Các vi quân dân chánh đảng lẳng lặng ra về, tôi cũng gầm mặt mà rút lui cho được việc. Về vừa đến võng Hoàng đã hỏi:
- Chừng nào gạo tới ?
- Tới rồi ! Tới dưới lòng sông Bến Thủy !
Đáng lẽ giao liên đã đưa đoàn đi vào trạm trong, nhưng ông Mặt Sắt cho nghỉ lại tất cả để ông nói chuyện và chấn chỉnh tổ chức.
Chúng tôi không buồn vì cách mạng Miền Nam chậm tiến một ngày mà lại mừng vì được nghỉ ngơi hợp lý và không bị giao liên gắn cho là nằm ỳ ăn vạ.
Vấn đề nấu cao khỉ được tôi đặt ra. Nhưng Hoàng gạt ngang:
- Cách mạng chưa cần cao khỉ !
Cả hai cùng cười. Riêng Thu thì rưng rưng nước mắt.
Tôi gắt đùa:
- Cách mạng Miền Nam không cần nước mắt ! Rõ chưa?
Nhưng Thu vẫn cứ rên rẫm trong nước mắt:
- Giá lúc này mà thằng Hồng trở lại thì em đi theo nó.
- Sao hôm đó không đi ?
- Nó gạt em. Nó nói nó đi rồi nó trở lại. Mà nó không trở lại -Thu tiếp- Còn cái ông Kiếm ông Kiết gì có một ba lô K54 đó, ổng hứa cho em tháp tùng nhưng rồi cũng lẩn mất. Ai cũng sợ gánh nặng đeo lên lưng.
- Chỉ mình anh là không sợ thôi !
- Anh nữa, anh cũng sợ chịu trách nhiệm về em chớ gì!
- Sao em nói vậy?
- Anh luôn luôn khuyến khích em làm B quay.
Tôi lặng thinh. Quả nàng nói có đúng. Tôi yêu nàng là vì tôi, không phải vì nàng. Nàng biết tôi vừa tạm biệt người yêu ở ngả rẽ xuống Bác Kế cách đây hơn mười ngày. Người yêu tôi, Phương là bạn nàng. Tôi cũng biết nàng đi Nam để gặp người yêu trong đó. Thế nhưng trong hoàn cảnh bi thương hai đứa cần nương tựa nhau về vật chất lẫn tinh thần hằng ngày. Và hai đứa đã vượt biên giới của tình bạn và càng lúc càng đi sâu hơn. Nàng khổ lắm. Tôi biết vậy, nhưng tôi cho là nỗi khổ đó chính là hạnh phúc. Còn tôi, tôi là thằng đàn ông như mọi thằng đàn ông khác, chẳng bao giờ cưỡng lại những cử chỉ thân ái của đàn bà. Tôi chẳng những tạo hoàn cảnh để làm nảy ra những cử chỉ ấy mà lại còn tấn công bằng một chiến thuật có vẻ như vô tình mà thực ra là cố ý. Và bây giờ Hoàng cũng biết tôi và Thu yêu nhau. Chúng tôi tỏ vẻ thân ái với nhau hơn những người đồng hành một cách không ngần ngại. Chúng tôi tự cho mình chẳng có tội gì. Trước những giờ phút mà thân thể và tinh thần bị dày vò cực độ, người ta cần có sự an ủi. Chúng tôi an ủi và giúp đỡ nhau để đưa nhau đi trên con đường cách mạng gian khổ và đi tới đích của nó. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, Lê Hồng Phong và Mình Khai…đã yêu nhau trong công tác…
Nhưng bây giờ Thu trách tôi. Thu trách tôi cũng như trách bao nhiêu người khác: Sợ chịu trách nhiệm về Thu cho nên muốn Thu làm B quay.
Nói cho cùng, Thu đã trách đúng. Tôi đã không dám chịu trách nhiệm về Thu. Tôi chỉ muốn Thu có mặt với tôi để tôi được vui vẻ nếu Thu mạnh khỏe không gây trở ngại cho tôi, không trở thành gánh nặng của tôi. Nếu Thu bệnh họan thì tôi tránh né hoặc chối từ trách nhiệm một cách khéo léo.
Tuy bị nói trúng tim đen nhưng tôi vẫn cố chống chế:
- Thì em lúc nào cũng nằng nặc đòi về Hà Nội, vậy anh còn làm gì được !
- Sao anh không lấy quyền gì của anh mà cấm em. không cho em làm thế. .
- Quyền gì, anh có quyền gì đối với em ?
- Em đã cho anh cái quyền tối cao rồi, anh không biết ư?
- Em chỉ cho anh tình yêu chứ cho quyền gì ?
- Tình yêu là quyền lực mạnh mẽ nhất, mạnh hơn bất cứ quyền lực nào cả.
Tôi lặng thinh. Nàng tiếp:
- Giá bây giờ em từ giã anh để trở và Hà Nội thì chắc anh cũng chỉ hơi buồn tí thôi rồi khi quay lưng anh chẳng đau khổ tí nào. Phải không ạ?
- Anh không thể biết được vì chuyện đó chưa xảy ra!
- Thế thì bây giờ anh muốn em như thế nào ?
- Anh muốn thế nào được mà muốn.
- Thấy không? Đáng lẽ ra anh quát em: “Em không được quay lại, em phải đi với anh. Không có em anh sẽ chết đọc đường. Anh muốn nếu chẳng may anh chết dọc đường, anh có được bàn tay em vuốt mắt ! ” Nếu anh nói thế thì dù gì đi nữa em cũng không quay lại. Nhưng anh lại không nói gì hết, anh lại còn tán thành việc em quay lại. Thế nghĩa là anh yêu em đó phải không?
- Thu ạ ! -Tôi đành dịu giọng- Chúng ta có hai quê hương khác nhau, cùng nằm trên một nước nhưng là hai mảnh đất xa nhau nghìn dậm. Em không muốn rời quê hương và mồ mã ông bà thì anh trên đường về quê hương thăm lại mồ mã ông bà, lẽ nào anh bắt em phải nghe anh. Đối với anh tình quê hương nặng hơn bất cứ tình nào khác kể cả tình yêu. Nếu khác đi thì anh đã đi với Phương về Bác Kế rồi chứ không đi một mình về Nam Bộ. Em biết anh và Phương yêu nhau như thế nào. Chỉ một bước nữa là thành vợ chồng. Nếu ở Hà Nội thì Tết này có thể cưới nhau rồi. Bố mẹ Phương rất thương anh và anh cũng rất yêu bố mẹ Phương. Anh không về được lần này thì không còn lần nào khác nữa! Nếu em muốn đi vào thì anh sẵn sàng đi với em đến nơi nào em muốn, nhưng ngược lại em muốn trở ra thì anh cũng không muốn cản ngăn em. Tình yêu là điều cao cả nhưng không phải là tất cả ! Em thấy đó, nếu đối với anh tình yêu là tất cả thì anh đã ở lại Hà Nội, cưới vợ sống muôn năm trong hòa bình rồi, lựa là phải lê xác vô đây ! Và không phải đợi đến yêu Phương, nếu muốn thế, anh đã lấy vợ từ lâu rồi.
Tuy tôi giải bày cặn kẽ và rất có lý như thế, nhưng Thu vẫn không vui lòng. Đàn bà không mấy khi nghe lý luận, họ nghe tình cảm nhiều hơn. Nếu không thế chẳng có nhiều bi kịch cho đàn bà hơn đàn ông, trong đó đàn bà là nạn nhân của tình cảm.
Tôi nói:
- Cái ông vừa gọi anh đến đó có thể cho em về Hà Nội được đấy.
- Anh đi xin giấy phép của ổng dùm em đi.
- Thật không?
- Thật mà ! Em chán tất cả rồi. Em muốn về ngay Hà Nội bây giờ, bây giờ!
Nàng gào lên và ôm mặt nức nở.
Tôi rối lọan tâm thần không biết nàng dỗi mà nói thế hay là nói thật. .
Đang lúc hoang mang thì Hoàng nói vọng sang :
- Đúng đấy, mày đến trình bày vấn đề của nó và đề nghị ổng cho nó trở lại thôi. Tao lấy con mắt chuyên môn mà nhìn thì cái chân của nó không thể leo núi nổi đâu và dù có đến nơi cũng không công tác như cũ được.
Tôi thấy Hoàng có lý, nên chẳng suy nghĩ gì thêm, tôi đến chỗ ông Mặt Sắt để trình bày vấn đề. Giá mà ở Hà Nội thì còn lâu mới trông thấy mặt ông ta được, nhưng trên con đường này ranh giới giai cấp, theo nghĩa nào đó, đã bị xóa mất: Tất cả đều cùng một giai cấp, giai cấp “chân đất.”
Tôi đến nơi gặp lúc ông đang thuyết giảng vấn đề gạo. Tôi đứng xa xa đợi một hồi rồi nhờ một chiến sĩ trong đoàn tùy tùng bẩm dùm.
Nghe nói cô nữ văn công có vấn đề, ông gọi tôi đến ngay. Ông vui vẻ hỏi:
- Đoàn các anh đi được bao nhiêu người ?
- Dạ trên bốn chục.
- Gồm các bộ môn nào?
- Dạ đủ hết cả.
- Bộ môn nào đi đông nhất ?
- Dạ nghệ sĩ biểu diễn.
- Sáng tác cũng cần. Anh thuộc bộ môn nào?
- Dạ, Văn.
- Thế à? Anh đã in được mấy quyển sách rồi.
- Dạ, ba quyển.
- Nhiều thế, giỏi thế.
- Dạ còn hai quyển to hơn nữa nhưng không in !
- Sao không in ?
- Dạ nhà Xuất bản Quân đội hứa in rồi không in!
- Tại sao kỳ vậy?
- Dạ chuyện hơi dài nhưng tóm tắt có thế này. Dạ mà, tôi nghĩ anh Sáu đang còn bận nhiều việc không nên làm mất thì giờ của anh Sáu.
Ông Mặt Sắt xua tay một cách dễ thương:
- Không mất thì giờ đâu. Ở đây tôi dư thì giờ. Muốn làm gì cũng không làm được. Đại khái như nghe hai tàu gạo bị máy bay Mỹ đánh chìm ở Bến Thủy nhưng tôi làm gì được bây giờ. Tôi cảm thấy như mọi khuyết điểm của cách mạng được bộc lộ trên con đường này. Nào, anh cứ nói cho tôi nghe vấn đề sách của anh xem! Mà này, năm trước tôi có đến nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ ở Viện Văn Học anh có đến dự không ?
- Dạ có!
- Anh nghe thế nào?
- Dạ, anh Sáu nói thế nào tôi nghe thế ấy.
- Tôi muốn biết là câu chuyện của tôi có giúp cho các anh được gì trong phương hướng sáng tác hay không?
- Dạ có ạ, có rất nhiều.
- Nhiều như thế nào?
- Dạ thì như anh Sáu nói lúc đảng gặp khó khăn thì mọi người nên góp tay vào…
- Đúng! Đó là thái độ đúng đắn nhất. Anh có đọc bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” của tôi không?
- Dạ có!
- Có thật không?
- Dạ có thật ạ, bài đó đăng hai ba kỳ báo Nhân Dân mỗi kỳ bốn trang. Anh Sáu ký tên.. Trưởng ban Công Tác Nông thôn…
- Đúng đó. Anh thấy nó thế nào?
(Sự thực thì nội dung của bài báo là ca ngợi tổ chức Hợp Tác Xã, đả phá lối làm ăn riêng rẽ. Kết luận của nó là tất cả nông dân Miền Bắc đều sẽ phải vô hợp tác xã để làm mẫu mực cho Miền Nam giải phóng sau này. Quả tình tôi có đọc bài ấy thật. Tôi đọc nó trong một hoàn cảnh điễn hình. Hồi đó tôi đang tìm đường trốn về Nam. Tôi đang ở trong nhà một anh nông dân. Tôi có hỏi về đời sống gia đình anh. Anh nói thẳng ra là cuộc sống bây giờ khó khăn hơn thời Pháp. Anh không chịu vô hợp tác xã. Hợp tác xã đã bao vây anh bằng mọi cách, nhưng anh nhất định không vô. Ruộng nhà anh là ruộng do chánh phủ cấp trong Cải cách ruộng đất. Ở ranh ruộng có một cái ao mà tiền kiếp là một hố bom trong thời kỳ chống Pháp. Anh đã thả rau muống, thả chà để nuôi cá nhưng éo le thay, một nửa cái ao nằm bên ruộng nhà anh, còn một nửa thì lại nằm bên ruộng hợp tác xã. Vì rún ép mãi mà anh không vô hợp tác xã cho nên xã viên gai con mắt, chẳng phải vì chánh sách, mà vì cái ao đem lợi lộc cho anh chàng cá thể kia. Một hôm thừa lúc anh đi rừng đốn củi- ban quản trị cầm đầu một nhóm xã viên ra tát cái ao. Sắp bắt cá thì anh gánh củi về ngang. Thấy cớ sự lạ lùng, anh bèn chất vấn những người đang làm ẩu kia. Những người này lên mặt thầy đời mạt sát anh là tên lạc hậu. Anh không nhịn thua. Anh mắng trả lại. Hai bên xô xát nhau bằng lý lẽ rồi dùng đến tay chân. Cuối cùng là vũ khí. Bởi là ăn cướp nên đám xã viên có mượn súng du kích đem theo để phòng thân. Họ dọa bắn . Và anh ta đã nhanh tay dùng dao rừng chém một nhát, người xã viên cầm súng dọa anh bị đứt lìa một chân sát đầu gối. Khi tôi chạy đến nơi thì cả xóm đã bu đen quanh miệng ao. Anh chủ nhà bị trói, bị giải đi. Rồi ở tù. Ở nhà ruộng đất anh bị tịch thu chia chác. Vài tháng sau tôi đi ngang vùng này, tôi có ghé thăm gia đình anh. Người trong xóm rỉ tai tôi rằng ông phó chủ nhiệm hợp tác xã tới lui nhà anh thường xuyên để “giúp đỡ” vợ con anh lắm khi ngủ luôn tại nhà… Đúng là một bức minh họa sống cho bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” của ông Trưởng ban Công Tác Nông Thôn Trung ương đảng Nguyễn Chí-Bần-Cố-Hỉ.
Tôi có được chi tiết “cái ao” đó tôi khoái lắm, định viết thành truyện ngắn, nhưng thấy truyện ngắn không chứa nổi, bèn dựng truyện dài lấy tên “Một nửa bên này” nhưng đem nó đi trình bày trong tổ đi thực tế nông thôn của Hội Nhà Văn thì có hai ý kiến trái ngược. Ý kiến thứ nhất cho rằng đề tài vô cùng phong phú, chưa có sách nào viết về hợp tác xã mà có được chi tiết (cái ao) lý thú đến như thế, nên viết ngay ra để cho Trung ương thấy rằng hợp tác xã là một thất bại trong quan hệ sản xuất.
Ý kiến thứ hai cũng cho rằng chi tiết rất lý thú nhưng nếu viết ra thì vô cùng bất lợi cho chính sách hợp tác xã vì ý thức sản xuất cá thể mạnh quá lấn át cả đường lối của đảng. Cho nên hợp tác xã không giác ngộ anh cá thể được mà phải cưỡng bách và cuối cùng áp bức (tát ao ẩu). Rồi lại bắt anh cá thể đi tù. Như vậy hoá ra chánh sách chỉ là một cái khuôn đẫm máu chụp trên đầu nhân dân. Vì ngoài các luật lệ của hợp tác xã, hợp tác xã còn có chánh quyền đứng sau lưng… Nói chung chi tiết hay, nhưng “rất khó” viết.
Cuối cùng tôi đành “ngâm cứu” luôn cho đến ngày đi B không hỏi ý kiến ai nữa cho đến ba mươi ba năm sau (1988) tôi mới viết nó ra trên xứ Hoa Kỳ – cho Mỹ xem chơi.
Câu chuyện Cây đa Bến đò nó lằng nhằng như thế đó, cho nên khi ông Mặt Sắt hỏi gắt:”Có không?” thì tôi đáp “Có!” . Mà tôi có đọc nó thật!
Nhưng khi ông hỏi tiếp: Anh thấy nó thế nào, thì tôi ngắc ngứ. Nếu tôi kể chuyện “Cái ao” cho ông ấy nghe thì sẽ có một cuộc tranh luận mà trong đó chiến thuật lấy thịt đè người chắc chắc sẽ bị áp dụng và người bị đè không phải là ông. Như vậy vừa mất thì giờ vừa mất sức khoẻ cho nên tôi đáp như máy:
- Dạ tôi vốn là người Miền Nam nên không hiểu nông thôn Miền Bắc lắm ạ!
- Theo anh trong Hội Nhà Văn ai hiểu nông thôn Miền Bắc nhất?
- Dạ theo tôi thì có ba người: anh Kim Lân, anh Tô Hoài và anh Nguyên Hồng. Anh Kim Lân thì hiểu nông thôn đến mức độ chúng tôi gọi đùa là chuyên gia mắm cáy, anh Tô Hoài thì chuyên gia nông thôn nhưng đặc biệt là giới thủ công nghiệp và dân nửa chợ nửa quê, anh Nguyên Hồng thì là bạn của dân nghèo thành thị.
- Các anh ấy có viết gì về Cải cách ruộng đất không ?
- Dạ không, ủa có! Hai anh Tô Hoài và Nguyên Hồng thì không, nhưng anh Kim Lân thì có viết một truyện.
- Một truyện thôi à? Bao dai?
- Dạ chừng năm trang sách.
- Có thế thôi ư?
- Vâng! Đúng ra thì có cả một quyển chừng hai trăm trang, nhưng chỉ có một truyện được nhắc nhở.
- Truyện nào, tên gì?
- Dạ “Cu Ế”.
- Nội dung như thế nào?
- Dạ đại khái là một thanh niên bần cố nông nghèo đói suốt đời, không ai chú ý tới, các cô nàng không dòm ngó nên không lấy được vợ, cho nên được gọi là “thằng Cu Ế”. Nhưng nhờ đội Cải cách ruộng đất về bắt rể, Cu Ế đứng lên tố khổ địa chủ và được chọn làm cốt cán gương mẫu, sau đó thì lấy được vợ.
Ông Mặt Sắt nhăn mặt:
- Chỉ đơn giản thế thôi à?
- Dạ, vâng, chỉ có thế.
- Nếu chỉ có thế thì có gì để mà các anh nhắc nhở?
- Dạ anh em nhà văn nhắc nhở là vì thằng Cu Ế của anh Kim Lân mô tả lại rất giống anh Kim Lân, nó gầy gò xấu xí! Giống đến đỗi anh em gọi luôn anh Kim Lân là Cu Ế.
- Thế kia à! – Ông Mặt Sắt cười gượng. Chập sau ông lại hỏi – Ngoài ra không có quyển nào khác viết về Cải cách ruộng đất à?
- Dạ có nhưng không được nhắc nhở bằng Cu Ế . Ủa, có một quyện trọn bộ ba cuốn. Quyển này được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tới.
- Thế cơ à? Quyển gì?
- Dạ quyển “Đất sụp”, “Đất lở” gì đó tôi không nhớ!
- Thế anh Tô đọc rồi ảnh nói sao?
- Dạ, Thủ tướng bảo là nhà văn non tay.
- Nghĩa là thế nào?
- Dạ đồng chí Thủ tướng không có nói trực tiếp với tôi (tôi làm sao được cái hân hạnh vĩ đại đó) nhưng tôi có nghe anh em nhà văn đồn rằng Thủ tướng bảo : ” Nhà văn tả địa chủ như tả con vật. Địa chủ cũng là người. Nó cũng yêu vợ con nó chứ!”
- Chỉ có thế thôi à?
- Dạ tôi chỉ nghe được có thế.
Ông Mặt Sắt gật gù, hồi lâu lại nói:
- Đấu tố càng hăng càng tốt nhưng viết văn mà y như đấu tố thì lại không chắc tốt. Tôi bận quá không có thì giờ đọc sách, để khi tôi trở ra Hà Nội, tôi tìm sách nói về Cải Cách đọc thử xem, nhưng anh Tô nói thì chắc đúng. Ảnh gần với nhà văn hơn tôi.
Tôi sực nhớ ra rằng tôi đi đến ông Mặt Sắt không phải với sứ mạng văn học nên thừa lúc kết thúc được câu chuyện, tôi bèn trình bày về trường hợp của Thu. Nghe xong, ông kêu lên:
- Bọn giết người! Bọn giết người! Chúng nó tưởng một diễn viên ca múa như thế dễ kiếm lắm chắc. Ở Liên Xô một diễn viên ba-lê đứng cao bao nhiêu vàng chồng lên cao bấy nhiêu, ở đây sao mình coi như đồ bỏ vậy? Đâu nào, đem cô ấy lại đây tôi xem. – Ông quay lại mấy người tùy tùng đang đứng quanh chờ sai bảo. Tôi nói luôn:
- Cô ấy đang ở cuối dãy lều. Tên là Thu.
Ông Mặt Sắt quay lại tôi. Tôi bỗng thấy cái mặt ông bớt đi màu sắt, dễ thương hơn.
- Anh đã ghi chép được nhiều chưa?
- Dạ có ghi nhưng không còn gì hết.
- Ủa, tại sao kỳ vậy.
- Dạ, tôi nhóm lửa nấu cơm hết. Tôi dùng luôn cả cái bản thảo mà nhà xuất bản Quân Đội hứa in rồi không in! Tôi định mang về Nam in, nhưng giữa đường thì nặng quá…
- Tại sao họ hứa rồi không in?
- Dạ, họ đòi một nhân vật có uy tín Nam Bộ đọc, nếu nhân vật này đồng ý, họ sẽ in. Nhưng nhân vật đó đã khen sách hay, có nhiều tính chất Nam Bộ, họ vẫn không in.
- Nhân vật đó là ai?
- Dạ là đồng chí Nguyễn Văn Trấn, Tư lệnh kiêm Chính ủy khu IX hồi chống Pháp.
Ông Mặt Sắt cúi mặt một chốc rồi ngóc lên:
- Ai là giám đốc nhà xuất bản Quân Đội?
- Dạ, Trung tá Lữ Giang!
- Sao lại thế nhỉ! Anh này thì phải cho làm hậu cần sao lại phụ trách xuất bản?
- Dạ, chính ông ấy đấy ạ!
Vừa đến đây thì Thu tới. Ông Mặt Sắt kêu lên:
- Trời đất! Con người ta vầy mà… Ông quay lại bảo – Anh Thuần đâu?
- Dạ, đồng chí bí thư văn hoá đang sốt.
- Thôi được, anh nào đó, gọi cho tôi anh Lành, anh Vịnh, bảo chấm dứt gởi diễn viên văn công vào đây! – Ông càu nhàu – Nhất là nữ diễn viên.
- Dạ!
Ông nói tiếp:
- Tôi không hiểu đầu óc các người ấy như thế nào mà họ gửi các cô con gái mảnh mai như thế này vô Nam. Để làm cái gì mới được chứ? Trông kia, chân của một nữ diễn viên ca múa trên sân khấu phải lót bằng nhung, đâu có phải chân voi như chân tôi mà múa trên đá ta mèo được!… Cô đi vào đây bao lâu rồi?- Ông hỏi Thu.
- Dạ hơn một tháng.
- Cô đau chân bao lâu rồi?
- Dạ hơn mười ngày chi đó.
- Sao cô không nằm lại mà cứ đi thế này?
- Dạ nằm lại thì không có ai giúp đỡ cả thành ra cháu phải cố đi.
Tôi tiếp thêm:
- Dạ chúng tôi đi cùng đoàn với cô ấy, nhưng không thể nằm lại được. Vì nếu nằm lại thì coi như phạm kỷ luật của đường dây.
Ông Mặt Sắt ngoảnh lại. Một chiến sĩ biết ông cần ai, bèn thưa ngay:
- Đồng chí bí thư chính trị sẽ đến gnay, thưa anh Sáu.
- Bảo anh nhắc tôi vấn đề kỷ luật đường dây nghe!
- Dạ!
Rồi ông quay lại tôi:
- Kỷ luật thế nào, ai đặt ra?
- Dạ cái kỷ luật này bất thành văn, nhưng tóm tắt nó như thế này thưa anh: “Ai mạnh cứ đi, ai ốm cứ nằm lại.”
- Được rồi! – Ông hỏi Thu – Cô học nghề múa ở đâu vậy?
- Dạ ở Trung Quốc rồi sang Liên Xô.
- Cô đã đến hai mươi chưa?
- Dạ, cháu đã hai mươi hai.
- Ai bảo cô đi Nam vậy?
- Dạ ở trên, đâu Bộ Văn Hoá hay Ban Thống Nhất cháu không biết, chỉ thấy cơ quan bảo đi.
- Họ có nói vô Nam cô sẽ làm gì không?
- Dạ họ nói là vô Nam sẽ biểu diễn ở Sàigòn!
Ông Mặt Sắt bảo:
- Gọi bác sĩ lại đây. Nhanh lên.
Tôi thở phào. May quá! Phải chi hôm trước mình gặp được ổng thì thằng Núi có thể bớt khốn nạn hơn nhiều. Tôi như thấy nó nằm trên cái võng kaki xâm xấp nước theo kiểu hạ nhiệt độ của ông Tùng. Sẵn dịp tôi tố luôn:
- Chúng tôi còn hai đồng chí cũng đau không đi nổi.
- Ở đâu? Sao kỳ cục thế nhỉ? Họ coi văn nghệ sĩ như rác thế này là nghĩa làm sao?
- Dạ một đồng chí thì đang ở đây, một đồng chí tụt ở trạm sau. Đồng chí ở đây thì còn đi được, nhưng đồng chí nằm tại trạm sau thì ốm nặng.
- Cho mời đồng chí ở đây! Còn đồng chí ốm nặng kia thế nào?
- Dạ chúng tôi sợ đồng chí ấy bị sốt ác tính.
- Thế cơ à?
Tôi kể lại bệnh tật của Núi cho ông nghe. Nghe xong ông kêu trời luôn ba bốn tiếng rồi nói:
- Một họa sĩ đã học Cao Đẳng Mỹ Thuật lại bị ném vào đây như thế ư? Anh nào gọi đồng chí Lành và đồng chí Vịnh từ nãy đã được chưa?
- Dạ Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh thì đi vắng còn đồng chí Tố Hữu thì không có điện đài liên lạc với chúng ta.
- Vậy gọi về Tổng Cục bảo cho hai cơ quan Bộ Văn Hoá và Ủy Ban Thống nhất ngưng hẳn gởi nữ văn công và văn nghệ sĩ vào đây nữa, rõ không?
- Vâng ạ!
(Tôi giật mình đánh thót. May mà mình đã lọt vào đây rồi. Nếu không thì sẽ kẹt ngoài đó mười năm mưa phùn gió bấc nữa!)
—>Chương 9


- 9 -
Bác sĩ tới, ông Mặt Sắt bảo:
- Anh xem chân cẳng diễn viên múa ba-lê của con người ta đó. Anh chữa dùm đi!
Viên bác sĩ dắt Thu đi. Tôi nói tiếp:
- Cô ấy muốn trở ra Hà Nội thưa anh. Không phải vì cô mất tinh thần mà vì cô không thể nào đi nổi nữa- Luôn dịp tôi kể lại những việc cô và thằng Hồng định tổ chức trở về Hà Nội cùng với một anh sĩ quan có một ba-lô K54.
Nghe xong ông ngồi lặng ra.
Đến đây thì Hoàng nhạc sĩ tới.
- Anh đau chân à? – Ông hỏi.
- Vâng. Trặc cái bánh chè, thưa đồng chí.
- Có sốt không mà da vàng thế?
- Thưa anh, tôi chỉ bị trặc cái bánh chè thôi.
- Cái chân chỉ có đầu gối là quan trọng nhất, trặc bánh chè rồi còn đi đứng làm sao?
- Thưa anh, cũng phải cố gắng thôi!
- Quê anh ở đâu?
- Dạ, Sàigòn!
Tôi chêm vào:
- Anh là nhạc sĩ Hoàng Việt mới tốt nghiệp Học Viện Âm Nhạc Bungari về, thưa anh Sáu, nhạc sĩ nổi danh nhất của Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp. Và là nhạc sĩ duy nhất có tác phẩm giao hưởng ở nước ta.
- Nhạc giao hưởng là nhạc gì?
- Dạ là nhạc chỉ dùng âm thanh và tiết tấu để diễn tả chứ không có lời.
- Vậy lâu này tôi tưởng bài Sông Lô Trường Ca của anh Văn Cao là nhạc hay nhất rồi.
- Dạ hay nhất nhưng nó không phải là nhạc giao hưởng như nhạc biểu diễn ở Nhà Hát Lớn vừa rồi.
- Tôi bận quá rồi không biết cái gì ngoài hợp tác xã cả.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông hỏi Hoàng:
- Anh ở quân đội phải không?
- Dạ khi ra đây tôi còn ở quân đội.
- Cấp bậc gì?
- Da, tiểu đội phó!
- Trời đất! Một nhạc sĩ như thế mà đeo cấp bậc tiểu đội phó nghĩa là sao?
- Da, tôi đâu có đòi hỏi gì!
- Lữ Giang là trung tá hậu cần lại phụ trách văn hóa xuất bản toàn quân còn một nhạc sĩ như anh lại chỉ là tiểu đội phó là sao?
Tôi chêm vào:
- Do đó khi vô đây, anh chỉ được cấp phát theo tiêu chuẩn cán bộ sơ cấp, tức là muối trắng, võng kaki. Không được thịt kho và võng ni-lông.
- Có chuyện đẳng cấp trong sự cấp phát trên đường này như thế nữa sao?
- Dạ có chớ. Mưa ướt võng anh ấy không mang nổi. Vì nó nặng như sắt cục vậy!
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Dạ bốn mươi bốn – Hoàng đáp.
- Sao tóc bạc dữ vậy?
- Dạ không biết!
Tôi chêm vào:
- Anh ấy xa gia đình đến nay là chẵn hai mươi năm. Mười năm kháng chiến và mười năm tập kết.
- Bây giờ anh có muốn trở ra không?
- Dạ, chết sống gì tôi cũng đi về cho bằng tới nơi.
Ông Mặt Sắt nhìn anh nhạc sĩ hồi lâu rồi nói:
- Tôi coi bộ anh yếu lắm, không đi tới nơi nổi đâu. Thôi để tôi cho anh trở ra nghe. Tôi sẽ phong cho anh chức trung tá và làm việc ở Cục Tuyên Huấn của anh Lê Chưởng.
- Cám ơn anh Sáu, tôi quyết tâm về xứ.
- Các anh căm thù Miền Bắc phải không?
Hoàng và tôi đứng im. Ông nói tiếp:
- Tôi biết các anh căm thù Miền Bắc lắm mà, phải không? Có nhiều anh đi qua khỏi ngọn sông Bến Hải bèn lột nón quay lại xá Miền Bắc mấy xá.
Tôi nói:
- Họ đùa thôi, thưa anh Sáu!
- Trong đùa có thật!
- Nhiều người bị rắc rối vì xá như thế!
- Rắc rối gì?
- Bị kiểm thảo! Nghe đâu có người bị gởi trả lại Miền Bắc.
- Làm gì ác thế! Đường này có người dám đi thì đã tốt lắm rồi. Bất cứ họ có tư tưởng gì. Sao lại gởi họ trở ra?
- Dạ, không rõ!
- Các anh có tưởng tượng được con đường này nó như thế trước khi vô đây không?
- Dạ, ông Ủy Ban Thống Nhất báo cáo toàn chuyện ngon lành hết cả.
- Vì báo cáo kiểu đó Bác mới phải khóc trong Cải cách ruộng đất.
Có lẽ ông vô đến đây mới sáng mắt ra mà thấy một tình trạng thê thảm của quân dân chánh đảng đi Giải phóng Miền Nam. Tôi đoán là ông và đoàn tùy tùng không lội bộ từ Làng Ho vô đây. Có lẽ ông đi bằng một đường đặc biệt. Cho nên gương mặt ông còn đầy đặn và không vàng vọt. Chỉ phải cái màu “sắt” . Nhưng màu đó vốn là màu cố hữu của ông. Ở Hà Nội nước da của ông vẫn luôn luôn là “nước da lãnh đạo” như thế đó.
Cả ba đứa tôi trở về lều như sắp lên thiên đàng.
Ông kẹ đã ra lệnh cho tất cả các đoàn có mặt ở trạm dừng lại, không đi vào nữa để chấn chỉnh tinh thần lẫn vật chất.
Riêng Thu và Hoàng được bác sĩ của anh Sáu săn sóc. Cả hai đều được chích thuốc và băng bó đúng quy cách như ở nhà thương. Riêng Thu thì ôm một gói gì nho nhỏ đi vào lều rồi dúi liền vào ba-lô.
Nhìn những làn băng mới trắng tinh ôm cổ chân Thu, tôi có cảm giác nàng khỏi bệnh ngay.
- Bác sĩ tiêm thuốc cho em, anh ạ!
- Thuốc gì?
- Pê-nê-xi-lin. Ổng bảo cứ ba tiếng đồng hồ ổng lại tiêm cho một mũi.
Còn anh Hoàng thì ổng cho một ống thuốc, một lọ kem thoa. Ổng bảo cổ chân em đã sai khớp. Lớp da bên ngoài có thể bị mưng mủ. Nếu để nó làm mủ thì phải mổ. Eo ôi! Nếu mổ thì em chết mất!
- Bây giờ thì còn kịp hả?
- Còn kịp, nhưng phải có đủ pê-nê-xi-lin.
- Rồi bác sĩ có cho đủ không?
- Ổng nói sẽ trị cho em lành bệnh.
- Em phải nằm lại đây à?
- Ổng nói bác Sáu ra lệnh ngưng mọi cuộc hành quân đi vào. Ngoài ra bác sẽ ngưng mọi cuộc đi vào đường này. Bác sẽ đề nghị với Trung Ương thảo luận lại để có một tổ chức tốt hơn.
Xế chiều hôm đó Phẩm lại đưa vào một đoàn đông nghịt . Chẳng có chỗ đóng quân.
Họ phải càn rừng để tậu chỗ mắc võng. Hoạt động ào ào, hối hả giành giật chen lấn bát nháo làm nên một không khí loạn.
Tôi mừng lắm. Để cho ông kẹ biết một thực tế của Trường Sơn. Nếu không, các ông ấy cứ tuởng là mọi việc ở đây đều tốt đẹp. Từ ngày hoà bình lập lại, Trung Ương chui rúc vào cái vỏ chiến thắng kiên định là các villa ở đường Trần Phú, Quan Thánh và những cái villa lưu động là những chiếc xe hòm kính lộng lẫy cực kỳ xa hoa để không còn biết dân sinh dân trí ra sao nữa, do đó có Cải cách ruộng đất tang thương. Nếu Trung Ương đi sát với dân như thời kỳ chống Pháp thì đã không có chuyện đau lòng này. Cải cách ruộng đất như một vết thương toang hoác được băng bó bằng một miếng giẻ rách sửa sai, chưa kín miệng thì bây giờ lại đẻ ra con đường vinh quang quái gỡ này. May mà có một đồng chí Bộ Chính Trị, nhân vật đứng hàng số 5 trong đảng đã không đi trực thăng tới đây mà đi chân đất.
Chiều hôm đó, sau khi “cơm nước” xong, Thu gọi tôi sang lều của nàng và bảo:
- Em sẽ cho anh xem một kỳ quan.
- Thứ chín? – Tôi cười _ Kỳ quan thứ tám là cái cổ chân của em kia rồi.
Thu lấy cái gói con lúc trưa đưa ra trước mặt tôi:
- Đố anh biết vật gì?
- Anh đâu có phải ông “đồng” mà em đặt vật?
- Anh nói trúng em sẽ…
- Thưởng?
- Ừ, thưởng…
Thấy tôi định đòi một phần thưởng đặc biệt, nàng vội xua tay:
- Không! Không! Anh đừng có nói ra. Thôi, để em cho anh xem này.
Thu từ từ mở cái gói và chỉ cho tôi thấy cái cạnh hộp tròn sáng loáng. Tôi nói:
- Cái hộp lon hả?
- Cầm thì biết!- Nàng đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và thấy nặng. Tôi hỏi nàng:
- Nguyên hộp sữa à?
Nàng chỉ gật, đôi mắt rực lên.
Một hộp sữa đặc. Trời đất! Ở đâu mà có nếu chẳng phải rơi từ trời, nếu chẳng phải tiên cho. Cảm ơn anh Sáu, cảm ơn Bác Đảng, cảm ơn phe xã hội chủ nghĩa, cảm ơn phe đế quốc, cảm ơn cả và thiên hạ đã bồi dưỡng chúng tôi bằng cả một hộp sữa! Nhưng hộp sữa lại làm nảy ra một rắc rối: Chờ đến tối chúng tôi mới xầm xì bàn luận uống thế nào cho đúng với ba nguyên tắc: Thiên thời, Địa lợi và Nhân hoà. Về mặt Thiên thời thì chẳng bị trở ngại gì, bởi vì uống sữa vào mùa Đông hay mùa Hè sữa vẫn là sữa và rất ngon, không có ai chết hoặc ốm vì uống sữa cả.
Ở Hà Nội cả chục năm, tôi chỉ được uống sữa vài lần, bây giờ mới lội Trường Sơn có hơn một tháng, đã được một hộp. Ở Hà Nội muốn có một hộp sữa phải là cán bộ có bìa phiếu hạng A. Cái phiếu này sẽ dắt bạn qua cửa ngõ số 4 Tôn Đản, trong đó bạn sẽ tìm thấy một cái thiên thai thức ăn giữa Hà Nội nghèo đói mạt rệp bần cùng nhếch nhác như một mảnh đất cằn bị những bánh xe Volga chạy qua chạy lại cắt như những đường chém trên mặt thớt. Nếu không có cái phiếu hạng A thì bạn phải là bệnh nhân sắp chết, mà là bệnh nhân của bệnh viện Việt-Xô hữu nghị cơ, chứ còn bệnh nhân bệnh viện Việt Đức tức Phủ Doãn cũ, bệnh viện C, bệnh viện 108 tức Đồn Thủy cũ,- thì chưa chắc. Có khi hộp sữa được phát tới, bệnh nhân chỉ nhìn thấy cái mỏ con chim vàng thì hồn đã lìa đời rồi, hoặc ngược lại khi nhìn thấy nó, bệnh nhân phấn khởi cách mạng quá mức nên vượt chết mà khỏe hẳn lên.
Nếu bạn không lọt vào hai trường hợp trên thì bạn phải là bà con của các ông các bà có cái phiếu hạng A hoặc là em út của ông bà giám đốc cái cửa hàng Tôn Đản ấy. Chỉ có thế bạn mới được diễm phúc làm chủ của một hộp sữa Con Chim mà Lang Sa nó gọi là lait condensé. Cái thứ này thì không thấy nhập cảng từ Liên Xô. Liên Xô chỉ đưa sang sữa hộp bột chua lét.
Do những điều kiện quan trọng kể trên mà vấn đề tiêu thụ một hộp sữa ở đây trở thành vô cùng quan trọng. Giữa lúc ba quân ăn đói nhịn khát mà mình lại uống sữa thì lương tâm nào không cắn rứt ? Giữa lúc mình chưa phải là bệnh nhân sắp chết mà lại được cả một hộp sữa thì những người sống trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa chết đi mà chưa kịp biết mùi sữa chắc sẽ oán gận ganh tị với mình vô biên.
Nhưng thôi, đó là vấn đề tình cảm hoặc duy tâm. Chúng tôi là những kẻ thờ chủ nghĩa duy vật. Vật chất đẻ ra tinh thần. Có sữa uống, cái gân cái cốt sẽ khoẻ lên, cách mạng sẽ sớm thành công! Vấn đề ở chỗ đó. Không ngại gì! Không ngại gì! Cứ uống! Cứ uống!
Nhưng uống bằng cách nào mới được ? Uống phải bí mật. Bí mật cách nào?
Tôi đưa ý kiến:
- Nên để dành khi bệnh hãy xài. Bây giờ ta chưa đến nỗi nào. Uống nó phí đi. Lại nữa đó là của anh Sáu tặng cho Thu.
Thu phản đối ngay:
- Đây là của chung, em muốn mỗi người uống một chút. Và uống ngay trong lúc miệng mình còn biết ngon biết ngọt. Anh Hoàng thấy thế nào?
Hoàng cười hắc hắc:
- Tôi ba phải. Ai sao tôi vậy!
Thu tiếp:
- Em nhất định ta nên uống ngay. Bây giờ em đề nghị hai phương pháp: một là nấu nước sôi rồi khuấy đầy một gà mèn, sớt ra mỗi người một ít đem vô mùng tự túc, đường của ai nấy bỏ lấy mà uống. Hai là luộc nguyên hộp sữa rồi khui ra cứ lấy muỗng múc ăn dần. Ăn kiểu này ít lộ bí mật hơn vì sữa luộc chín không bốc hơi đi xa còn sữa khuấy thì người ở cách ba bốn lều có thể ngửi thấy.
Tôi cười:
- Phương pháp nào cũng hay cả nhưng mắc công lửa củi. Cứ để vậy chọc hai lỗ trút ra chén mỗi người một ít đem vô mùng uống sống quách nó cho xong.
- Hay! Hay!
Hoàng vỗ đùi đôm đốp, và đá vào võng phành phạch:
- Sáng kiến này phải được báo Nhân Dân phổ biến cho mọi người đã từng hoặc chưa từng là “khổ chủ” của một hộp sữa.
Tôi bỗng phá ngang:
- Nói đùa vậy chớ không uống cách nào cả. Đó là phần của em và của anh Hoàng. Hai người là bệnh nhân nên anh Sáu mới ưu tiên cho như vậy. Chứ còn anh mạnh khù mà uống sữa cái gì.(Nói vậy chứ cái bao tử thủng của tôi cũng cần sữa lắm.)
Cứ cãi giằng dai hoài không ai chịu ai. Rốt cuộc hộp sữa chưa đầu thai thành cái hộp lon được.
Bỗng tôi nghe có tiếng hỏi:
- Có anh nhà văn nằm đâu đây không?
- Để làm gì? – Hoàng hỏi lại.
- Tôi quen anh ấy mà!
- Tôi đây! – Tôi đáp.
- À, mày đó hả?
- Ai đó?
- Thuần! Thuần đây! (Tôi không nhớ tên nào) Thuần Đại học Thái Hà đây!
- Ủa, mày cũng đi đây nữa a?
- Tao làm bí thư trưởng cho anh Sáu.
- Bảnh vậy à?
Thuần rọi đen pin qua lại mấy nhát tìm cội cây rồi mắc võng nằm song song với tôi. Thuần nói ngay:
- Ổng ra lệnh ngưng cái vụ vô Nam này rồi.
- Tao có nghe nói.
- Ai nói?
- Ông bác sĩ của đoàn mày.
- Ờ đúng đó. Hồi trưa tao có thấy mày nhưng tao bận quá… Ủa, tao sốt.
- Cơm nước mầy đâu có phải nấu mà bận.
- Không. Vụ khác cơ.- Thuần kề tai tôi – Tao phải dắt một đội bảo vệ đi liên lạc với các đồng chí Pathet tìm voi cho ổng đi! Nè đừng có nói lộ ra, chết chém nghe!
- Thôi đừng có nói gì thêm, tao không muốn nghe!
- Ừ, nhưng mà nè! Nghe tao bảo.
- Gì?
- Đoàn của tao đi võ trang khủng khiếp lắm, toàn là thứ dữ và nhân sự như mày thấy đó toàn là lực sĩ. Tao mách cho tụi mày một việc hay lắm!
- Việc gì? – Tôi ngồi dậy sốt sắng – Việc gì hay dữ vậy. Hay bằng cái hộp sữa Con Chim không?
Thuần lận trong lưng ra rồi ấn một vật gì lạnh và nặng vào ngực tôi. Tôi cầm lấy.
- Nhưng mà chưa hết đâu! Mày đề nghị cho đoàn của mày đi chung với ổng. Ổng có vẻ chiếu cố tụi mày lắm. Nhất là con bé ca vũ trặc chân.
Tôi nói:
- Đi chung thì chân ai nấy đi chứ khác gì!
- Tầm bậy mậy! Mày kêu rêu mang đồ không nổi, ổng sẽ cho người mang cho tụi mày. Hiểu chưa? Con không khóc mẹ không cho bú.
- Vậy mày mại hơi dùm tụi tao trước đi!
- Không được! Phải tỏ ra là tụi mình không quen nhau mới được.
- Nhưng tao đâu có gặp được ổng nữa?
- Thì chừng nào hành quân mày tìm cách đi ngang qua mặt ổng cho ổng thấy.
- Ừ, được rồi.
- Nói cho mày biết, một tiểu đoàn theo hộ giá ổng đấy. Còn đám xây lố cố đứng chung quanh võng của ổng là ngự lâm quân và quân sai vặt mày hiểu chưa. Ba thằng bí thư: một thằng bí thư chính trị, một thằng bí thư quản trị, một thằng tham mưu. Tao là xếp ba thằng đó. Ổng chọn tao vì tao là dân Nam Kỳ. Hừ hừ phen này “về nước” nghe.
- Mày đi Liên Xô mất mấy năm?
- Ba năm rồi! Còn ba năm nữa! Về Hà Nội nghỉ hè, mấy ổng “ách” lại không cho đi nữa, bảo sửa soạn đi B.
- Sao không vô trường tụi tao mang gạch đá?
- Tao không có thực tập ngày nào hết ráo.
- Bơ sữa xẹp hết rồi hả. Coi bộ mày càng ngày càng lún xuống và trắng đỏ ra như đồng chí Khu vậy. Chắc ở bển khoái lắm hả mậy?
- Sướng thì có sướng hơn bên mình, nhưng nghèo lắm.
- Sao hồi đấu Nhân Văn Giai Phẩm tao thấy mày ở trong trường rồi biến đâu mất, tao không gặp mày nữa.
- Thì mày biết cái trường Đại Học Nhân Dân đâu có ông bà sinh viên nào. Chỉ toàn là bàn ghế và vách tường thôi. Cho nên anh Bảy mình ảnh cho tao đi học, để ở nhà tốn cơm. Chính ảnh cũng chán cả ảnh mà.
- Nè, mày có biết tại sao hồi cướp chánh quyền ở Sàigòn, ảnh là Trời Con, trong kháng chiến ảnh vẫn là Trời Con mà ra Bắc ảnh tuột dênh hết ráo vậy mậy?
Thuần làm thính. Có lẽ đó là câu hỏi mà mọi người Nam Kỳ tập kết đều muốn đặt ra công khai, muốn được trả lời rõ ràng như câu nói bất hủ của Bác là: Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi! hoặc là : Miền Nam luôn luôn trong tim tôi! hoặc hơn nữa là :Nam Bộ Thành Đồng Tổ Quốc!
Vâng, cái câu trả lời đã rõ như ban ngày. Nguyễn Văn Trấn, Tư lệnh kiêm Chánh ủy khu IX Miền Tây Nam Bộ từng là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ thời Mặt Trận Bình Dân, Chủ bút báo Cộng sản tiếng Pháp Le Peuple! Ra Bắc mất hết áo mão cân đai, đạp xe đạp chạy rong Hà Nội như con chó đói, ai mà không biết, ai mà không xót xa não lòng khi thấy một “đứa con Thành Đồng Tổ Quốc” được cưng đến mức đó?
Tại sao?
Có lẽ Thuần cũng bất ngờ khi tôi đặt ra câu hỏi. Đúng ra không phải bất ngờ. Bởi vì thằng Nam Kỳ tập kết nào dù đang ngủ mê bị đập dậy bất thình lình cũng có thể trả lời ngay một cách đúng đắn nhưng Thuần làm thinh hồi lâu không đáp. Thuần làm thinh không phải vì Thuần không đáp ngay được mà vì Thuần muốn tìm một sự trả lời khác với ý nghĩ chân thật của mình.
Thuần gãi đầu gãi tai:
- Có lẽ…Có lẽ thôi, vì thành phần ổng là địa chủ!
- Cái đách !
- Há há … há! – Thuần cười to một cách khoái trá.
Tôi để cho hắn cười đã đời rồi mới hỏi:
- Sao mày cười chớ?
- Mày đã trả lời thay cho tao rồi đó.
- Hả?
- Thì mày không đồng ý với tao tức là mày cũng đã có câu trả lời của mày rồi. Vậy mày nói cho tao biết xem!
Tôi nói ngay:
- Địa chủ thì khối ông trong Trung ương thành phần địa chủ; quan lại nữa là đằng khác. Tại sao? Khối ông trong hàng cao cấp được đề bạt, tại sao ảnh bị trù? Tại sao ảnh bị coi như con chó ghẻ?
- Mày hỏi tức là mày đã trả lời rồi! – Thuần gạt ngang – Bỏ đi mày! Lôi mấy chuyện đó ra mệt lắm. Bảo vệ sự trong sáng của đảng như bảo vệ con ngươi của mắt. Đó là nguyên tắc của Lê Nin. Ở Liên Xô bảo vệ sự trong sáng đó bằng bàn tay thô bạo của Staline, hết bàn tay của Staline rồi đến cái mồm thằng già trọc. Ở Việt Nam cũng bảo vệ sự trong sáng đó bằng thưởng cho Dương Bạch Mai chai nước ngọt tại Quốc Hội ngã lăn đùng, bằng cho Trần Văn Giàu cái con vít Đại học Tổng hợp để tự khoá miệng, bằng cho anh Bảy Trấn ôm cái bục Đại học Nhân Dân không có học trò. Đó, hỏi nữa chưa thằng mắc dịch.
- Thôi bỏ đi! Tao cũng không muốn nói tới những chuyện tâm tư đó làm gì, nhưng nằm trong rừng đâm ra nhớ vớ vẩn vậy đó. Mày vô đây được bao lâu rồi?
- Vài ngày thôi.
- Đi xe hơi à?
- Xuỵt!
- Ê, mày đi Liên Xô học cái giống đách gì?
- Triết!
- Triết gì?
- Đạo đức học!
- Là cái đéo gì?
- Lãng xẹt thôi mày ơi!
- Vậy sao phải mất một ngàn ngày cho nó?
- Mày nghĩ, tao ở cái trường Đại học Nhân Dân Thái Ấp Hoàng Cao Khải Phó vương Bắc Kỳ để làm cái gì chứ? Tối ngày đi ra đi vô ngó cái chân bàn xẹo, sửa cái bục sút ván, ra ngoài sân lượm nhãn rụng, đến hồ bán nguyệt coi lao công vứt cứt trâu cho cá tra ăn, hay là gì? Tao là Phó Giám Đốc của anh Bảy mất hai ba năm, thấy mình vô tích sự hơn bao giờ hết. Nếu không đi Liên Xô thì làm gì? – Thuần nghỉ một hơi rồi tiếp – Mày chưa vợ con, mày không biết gì hết đâu.
- Giỡn hoài mậy!
- À, không, tao nói về cái tình cảm xa vợ xa con kia, chứ không phải cái sự ấy đâu. Bọn văn sĩ Nam Kỳ tụi mình nổi tiếng như cồn ở Hà Nội về cái sự ấy, tao biết mà. Nhưng tao nói về cái tình cảm xa vợ con kia. Tao được một đồng chí Liên Xô khen là “Thần Thánh” nghe mậy.
- Về cái gì?
- Về sự xa vợ con.
- Thế à?
- Tụi nó sang mình chỉ vài tuần là đã mang vợ con theo bên cạnh rồi. Bọn Nam Kỳ ra Bắc xa vợ hai mươi năm. Con c..c chỉ làm có nửa sứ mạng là đái thôi còn một nửa sứ mạng kia quan trọng hơn thì lại không làm được .
- Vậy mày qua Liên Xô không có dịp cho nó thi hành sứ mạng đó à?
- Có thì kể ra cũng có, nhưng mình thấy hơi kỳ.
- ..Hơn nữa là sinh viên môn Đạo Đức Học phải không?
- Không phải chỉ có thế. Nhiều ông to tổ bố giảng đạo đức cho toàn đảng học nhưng có coi đạo đức là cái mẻ…ơ gì. Tao là cái thá gì mà tao sợ mất đạo đức.
- Mua một cục thịt bò khoét lỗ như Tây vậy là vẹn toàn!
- Không phải vậy đâu mày ạ! Tây nó bậy bạ trong vụ đ… cũng nhiều, nhưng nó vẫn có đạo đức cổ truyền của nó. Ne fais pas à autrui ce que tu ne veux pas qu’on te fasse. Đừng làm cho người khác việc gì mày không muốn người khác làm cho mày. Thì tại sao tao viết thư về cho vợ tao bảo “ẻn” đợi chờ chung thủy nọ kia đủ thứ thì mình lại tự cho phép mình lang bang? Một trăm bài học không bằng một hành động thực tế, phải không?
- Vậy mày nắm chắc bài học dữ rồi đó. Chừng nào lấy bằng cấp?
- Ba năm nữa.
- Bằng gì?
- Phó tiến sĩ “giấy”.
- Bỏ ngang thế này thì bằng gì?
- Bằng cạo giấy.
- Thế còn bảnh hơn khối thằng! Có viết sách chưa?
- Viết một cuốn “Đạo đức Cộng Sản và Luân lý Việt Nam”.
- Mày muốn qua mặt Lưu Thiếu Kỳ cơ à?
- Cái đách! Tao đưa cho anh Bảy xem, ảnh bảo thẳng: “đem đi mà chúi đít”. Há há há! Tao tức cười quá!
- Tại sao?
- Tại vì tao đưa cho tụi bạn Liên Xô coi, nó bảo là “độc đáo”.
- Hoá ra độc đáo của nó là đồ chùi đít của mình à? Viết làm cái gì cho mệt.
- Không hẳn như vậy, nhưng cái đó là tao làm bài thi nửa khóa.
- Mày viết bằng tiếng Liên Xô à?
- Viết bằng tiếng Việt rồi đưa cho ban thông dịch của đại sứ quán ta dịch ra.
- À nè, mày có quen với ông Sáu Ú không?
- Ông đầu bếp của anh Mười Kỉnh đại sứ hay Ú nào?
- Ở toàn cõi Việt Nam có một Ú đó thôi chứ còn ông nào nữa?
- Để làm gì?
- Hồi đó tao có cô bạn đi Liên Xô nhờ vay tiền của ổng mua được cái radio và một cái quạt tai tượng.
- Quyền hạn của ổng còn to hơn anh Mười mình.
- Ổng sắp thay anh Mười à há há…
- Bậy mậy! Thằng nào muốn gì nói với ảnh đều được hết!
- Ổng sắp làm Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng thay cho ông Thọ rồi đấy!
- Thiệt hả? Ai nói với mày?…Nếu quả thật vậy thì đây là lần đầu tiên dân Nam Kỳ tập kết được ngồi ghế cao.
- Còn gì nữa, ông ta đi đúng đường lối cổ điển của đảng mà.
- Đường lối gì?
- Bồi, Bếp! Ngày xưa Bác là bồi tàu bây giờ là Chủ tịch nước, còn ông Sáu Ú là bếp của đại sứ quán ta ở Liên Xô thì sẽ lên Chủ tịch Mặt Trận. Vậy chẳng đúng đường lối là gì? Bồi và Bếp là thành phần cơ bản mà!
- Cái thằng phạm thượng quá mậy!
- Đó là sự thực, tao có phạm thượng phạm hạ gì đâu!
- Nằm gần đây có ai không? – Thuần quét đèn pin chung quanh – Thằng nào nghe, nó báo cáo là đứt đầu.
Tôi cười:
- Những gì mình không nói được ở Hà Nội, vô đây mình xổ ra cho núi đá nó nghe mày ạ. Chẳng lẽ mày để cho cái miệng như con c…, chỉ làm được một nhiệm vụ là ăn thôi, còn nhiệm vụ kia là nói thì lại không làm được?
- Cái thằng!
- Tao không có được đi Liên Xô học “duy vật biện chứng pháp” nên tao toàn nói “dương vật biện nứng bá láp” cho sướng cái miệng, mày có nghe thì nghe, không nghe thì nhét lỗ tai lại.
- Cái thằng!
- Thằng gì? Thằng Ngốc! L’idiot phải không?
- Thôi đi mày! Tao ớn mày quá!
- Mày gặp ông “Tiếng còi trong sương đêm” còn ớn hơn nữa. “Bún-cà-ri” năm năm đấy!
- Chả quê ở đâu vậy?
- Sài Gồng! Cũng xa vợ có bằng cấp hai mươi năm như mày, nhưng chưa được ai khen là thần thánh cả. Mày nên chia nửa cái bằng cấp xa vợ của mày cho chả đem về treo cho vui cửa vui nhà.
- Thôi cha, tui không có nhận đâu! – Hoàng lên tiếng và cười há há.
- Ê, cái bánh chè đỡ chưa?- Thuần bắt chuyện sang Hoàng.
- Đỡ chớ! Nè về chi sớm vậy? Hoàng hỏi.
- Ở bên đó thì quì hai gối chống hai tay, về bên này cũng thế thôi, nhưng thực tế hơn.
- Về tới trong Nam thì còn thực tế hơn nữa! – Hoàng tiếp – Nãy giờ tớ nằm nín he nghe cậu giảng “đạo đức” cho “nhà dzăng” tớ ớn cậu quá!
- Ớn cái gì, đó là sự thật mà ta!
- Ê, cho tui xin nghe! Các em tóc vàng đâu có để cho cậu đỗ phó tiến sĩ đạo đức chậm vậy! Tui qua Bungari chỉ vài tháng đầu là “đỗ” luôn hai ba cái! Há há há!
Cả ba cùng cười. Tôi thò đầu qua võng Thuần:
- Nè, tốp đi! Có cô em gần kia kìa!!
Thuần ngồi dậy:
- Thôi, để mình về coi ổng có gọi gì không .
- Khoan đã. Tôi níu Thuần lại – Để tao hỏi câu cuối cùng.
- Gì?
- Mày biết tụi tao đi còn mấy tháng nữa không?
- Bố tao cũng không biết.
- Cho tụi tao đeo vè được không?
- Thì tao đã mách kế hồi nãy rồi đó! Cứ thế mà làm! Tao “nội ứng” cho!
Nói vậy rồi Thuần nhảy xuống đất cuốn võng quảy lên vài rồi mằn mằn túi quần móc ra một vật gì đưa cho tôi.
- Biếu mầy bửu bối phòng thân.
- Gì vậy?
Thuần rọi đèn rồi tắt ngay:
- Một rúp chín mươi tám kô-péc đó nghe mày!
- Mắc dữ vậy!
- Đồ của đế quốc mà!
- Liên Xô không sản xuất được à?
- Được nhưng không bảo đảm bằng của đế quốc. Với lại của đế quốc cải tiến hơn, mày mở ra xài rồi biết! Hơn nhau chỉ chút xíu thôi!
- Sao mày đem thứ này vô đây làm gì?
- Lúc nào tao cũng có một hộp ba cái cất kỹ trong bóp, đề phòng xáp chiến thì có ngay.
- Mày có đem ba “cái đế quốc” này vào luận án phó tiến sĩ của mày không?
- Chưa…
- Nhưng …
- Nhưn nhị gì – Thuần rỉ tai tôi – Tao thấy mày có chất tươi đi bên cạnh, tao biết mày là thằng bén nhạy và sáng tác ác lắm nên tao mới tặng mày để khỏi bị “tai nạn” dọc đường. Các em ở bển kỹ lắm. Không có…, các “ẻm” không cho đâu.
- Tao hết xí quách rồi. Mã tấu mài hoài không bén được.
- Ậy! Cũng có khi! Mày không nhớ đồng chí Trường Chinh nói vấn đề Miền Nam ở hội nghị Văn Nghệ Thái Hà Ấp à? “Chưa mưa nhưng ta vẫn phải mang dù theo. Chừng có mưa ta đã sẵn áo mưa” vậy đó, hiểu chưa nhà “răng”?
Thuần đấm vai tôi một cái rõ đau rồi đi.
Hoàng cười toé ra giữa bóng tối như một trái phá con:
- Đúng là một phó tiến sĩ đạo đức tương lai.
Tôi và Hoàng tán gẫu một hồi thật khoái khẩu.
—>Chương 10


- 10 -
Nếu chặng đường đã bị đạp lùi lại phía sau lưng là chặng đường của đôi chân thì con đường phía trước là con đường của suy tư. Cái gì cũng bắt bộ óc làm việc. Thắc mắc, bất mãn, so sánh, lý luận, vấn đáp, kết luận rồi lại kết luận. Nếu ở Hà Nội, người ta từng quen sống với cái khuôn của cuộc sống với nếp nghĩ của báo Nhân Dân và cái vòng lẩn quẩn của bánh xe đạp và mép bờ hồ méo méo tròn tròn thì vào đây đầu óc như được núi rừng giải phóng hẳn. Cái gì cũng dám nói, cái gì cũng dám nghĩ, cả những điều mà trước kia mình cho là rất bậy bạ cũng cứ nói phứa ra. Thì ra, cái lập trường chỉ giữ được khi ta bị chăn dắt kỹ càng. Buông lỏng nó ra nó quay ngoạm ngược lại kẻ đã tạo ra nó.
Đường này là đường cách mạng? Đi chừng nào thì tới? Không tới thì sao? Quê hương, cha mẹ, người yêu, lập trường, thành tích, thâm niên, sáng tác, dĩ vãng, tương lai… tất cả tâm tư trở thành một món xà bần vĩ đại sau đám giỗ. Món ngon nhất là thịt kho tàu, món dở nhất là chuối chát, món trung bình là cá nướng, tất cả còn lại đều trút vài cái trả to, tất cả đều trở thành một món “kho” có cái tên là xà bần.
Tư tưởng con người vượt Trường Sơn ỏ những chặng vừa qua là quyết phấn đấu giải phóng Miền Nam. Sau trên một tháng ý chí phấn đấu đó bị đá tai mèo cạp, bị muỗi đòn xóc hút, nay chỉ còn lại một cục bất mãn bao quanh bởi một lớp mây suy tư cho có vẻ triết học để tự lừa mình: Mình đang phấn đấu đây! Sự thực thì mình đang rũ xuống.
Có tiếng người khá hách dịch:
- Có ông nào là nhà văn nằm ở đây không?
- Tôi đây – Nghe cái giọng khá quan trọng tôi đáp ngay.
- Anh Sáu cho mời ông lại gặp. Nhanh nhé! – Rồi tôi nghe bước chân đi trở lại.
Tôi mọc ốc đầy người. Anh Sáu mời! Làm gì quan trọng đến thế. Cái thằng nhà văn này mười năm nay không được ai mời thỉnh cả. Cả mấy nàng mậu dịch cũng không mời, chỉ hất mặt như hỏi “ông cần gì?”. Nếu ông không cần gì thì đừng tới đây! Chỉ có các cô hàng bán xôi cá thể hay mấy bà bán bún riêu vỉa hè quen mặt biết tôi là “ông nhà báo” thì còn lễ độ chào mời. Hay bà chủ nhiệm hợp tác xã cơm tháng mà tôi giao cả cái bìa phiếu cho bà muốn bán buôn đổi chác làm gì thì làm – thì cũng còn biết trọng vọng tôi, ngoài ra…!! Làm gì có đến một ông lớn – mà là một ông mặt rằn trong các ông mặt rằn to nhất Hà Nội mời?
Bỏ mẹ rồi! Cái thằng Thuần là tên “gián điệp hai mặt”. Nó đến giả đò bất mãn nói nhảm để moi ruột mình rồi về báo cáo cấp trên. Thằng tệ thật. Không khéo mình bị gởi trả lại Miền Bắc thì chịu thêm luôn mười năm mưa phùn gió bấc nữa!
Tôi đến thì thấy anh Sáu đang nằm. Anh bấm đèn pin rọi vào một hòn đá rồi nói:
- Anh ngồi đó nghe! Xin lỗi tôi mệt quá. Giải quyết bao nhiêu công việc suốt ngày hôm qua với các đồng chí chỉ huy đơn vị… Này, anh cho tôi biết vấn đề B quay và vấn đề lính mình làm thổ phỉ, tự sát thương có thật không? Anh cho tôi biết sự thực với con mắt quan sát của anh.
- Dạ… – Tôi ngập ngừng.
- Anh cứ nói đi. Không việc gì đến anh cả. Anh là nhà văn anh đi trên con đường này đã hơn một tháng rồi. Anh có thấy những hiện tượng đó thật không?
- Dạ cái đó thì…
- Tôi đã bảo anh là anh cứ nói thật. Đảng cần biết sự thực. Tôi đã gạn hỏi các trưởng đơn vị nhưng họ chỉ nói là mặc dù đói la liệt nhưng chiến sĩ vẫn giữ kỷ luật rất nghiêm minh của quân đội cách mạng. Tôi có hỏi vấn đề thổ phỉ và B quay thì họ nói đó là lời đồn thôi. Tôi hỏi sang vấn đề quân số thì anh nào cũng nói là trừ số lính bệnh, thì không có ai đào ngũ cả. Anh thấy thế nào? Các anh đã nói đi hôm qua, nay đều nói lại hết!
- Dạ, những điều đó tôi chắc là …không có.
- Anh có chắc thật không?
- Dạ ít nhất là tôi không thấy ai sát thưong hoặc ai làm B quay cả!
Tôi mà không thấy thực ư? Có chắc như thế không hở cái thằng TÔI – NHÀ VĂN. Trời ơi! Tôi nói láo sao mà tài thế. Tôi nói xong, tôi giật mình vì không ngờ mình nói láo tài hơn viết văn. Mà đúng ra không phải Trời cho tôi hoặc tôi bẩm sinh mà chính là đảng đã dạy tôi cách nói đó. Cái trắng nói đen, cái đen nói trắng.
Tôi đã từng thấy lính chết trên võng mắc tận ngọn cây, tôi đã từng thấy xương rũ trong hốc đá, từng thấy những anh B quay trộm heo của trạm làm thịt và bị trạm bắt quả tang, tôi đã từng thấy những vụ cầm nhầm của nhau từ quai dép đến bi-đông, tôi cũng đã nói chuyện với một tên thổ phỉ là em trai của Thu trên đường này. Cớ sao tôi không dám nói cho ông Mặt Sắt nghe chứ ?
Bởi vì tôi đã kinh nghiệm bản thân rồi. Đảng chỉ thích nghe tung hô vạn tuế. Đảng chỉ thích nghe vỗ tay hoan nghênh. Đảng không có muốn ai chỉ trích phê bình những sai lầm của đảng ngoại trừ những sai lầm đó đã tầy uầy ra không bụm laị được, bởi vì đảng lấy“Phê bình tự phê bình làm qui luật tiến bộ” nhưng cái qui luật ấy chỉ được đảng dùng như cái roi để quất vô mặt ai khác chứ không ai được dùng cái roi ấy chạm khẽ tới lông chân của đảng.
Do đó mà những thằng ngu nhất cũng không nói sự thực cho đảng nghe, mà nó nói theo kiểu đảng muốn nghe: đảng là thần thánh.
Ở Thái Hà Ấp, trong cuộc học tập chỉnh huấn đấu Nhân Văn, có một anh nhà văn, nhà văn Nam Kỳ Đoàn Giỏi đã phát biểu về tình hình thống nhất nước nhà một cách chân thành như sau: “Tại mình tham lam quá, cái gì cũng muốn quơ cả, chứ nếu mình trung lập như thằng Sia-núc thì có phải dễ dàng hơn không?) (Anh là bạn học với Sihanouk ở Chasseloup Laubat hay trường nào đó, tôi không nhớ). Chỉ vì một câu nói đó thôi mà anh bị kiểm thảo trần ai lai khổ. Bị chụp cho một lô mũ chồng cao tới nóc nhà.
Nhưng trời lại dun rủi làm sao mà sau đó, Trung Ương lại sáng mắt ra (chẳng lẽ nhờ câu nói ấy) đảng lại chủ trương “Hoà bình trung lập thống nhất đất nước”. Cái khẩu hiệu chiến lược này được kẻ dọc bờ tường từ Câu Lạc Bộ Thống Nhất cặp theo bờ hồ đến gần tới Nhà Thủy Tạ, chữ nào chữ ấy to hơn người và bề dài của nó phải đạp xe mười bốn phút năm mươi chín sơ-gồng mới hết.
Vậy mà đảng đâu có lời gì xin lỗi cho mát lòng mát dạ nhà văn. Cho nên sự nói láo thượng cấp của tôi kể ra cũng lô-gích lắm vậy.
Ông Mặt Sắt phàn nàn:
- Tôi chỉ nhìn thấy đoàn hôm qua hạ trại mà tôi phỏng đoán là các đồng chí ấy đã không nói sự thực.
- Dạ nếu họ không nói sự thực thì sự thực đó đã không có gì đáng nói thưa anh!
- Không phải thế đâu! Chẳng có con voi nào nằm im trong thúng được!
Anh Sáu lặng thinh.
Tôi càng giữ sự im lặng cho chắc chắn. Tôi muốn ghì giữ tôi lại chớ có lạc lòng mà nói tung hê ra. Chưa chắc được cái giống gì! Chỉ chuốc hoạ vào thân thôi. Nhân Văn Giai Phẩm há chẳng nói sự thực về Cải cách ruộng đất hay sao? Đảng đâu có chịu nghe. Đã bảo đảng thích ngọt mật mà! Thằng Phùng Quán chết lên chết xuống vì cái bài thơ Lời Mẹ Dặn. Nó chỉ viết : “Yêu ai cứ nói là yêu. Ghét ai cứ nói là ghét!” Thế mà các hợp tác xã đã từ chối không dám nấu cơm cho nó ăn. (Không phải vì ghét nó mà chính vì sợ liên lụy với một anh nhà văn có tư tưởng Nhân Văn)
Cái sự đời xã nghĩa không mấy gì đơn giản như người ta tưởng ngay cả trong việc nói lên sự thực cho đảng nghe với lời yêu cầu của đảng.
Tôi còn biết một sự thực rất ác hơn cũng trên con đường này. Cách đây vài trạm trên đường rẽ xuống Bác Kế, tôi được thấy một cái giấy bán đất. Người bán hiện đang ở Hà Nội, người mua đất đang trên đường về Nam. Tiền mua đất được chồng ở Hà Nội nhưng người về Nam có đến khu V thì mới nhận đất, nếu chết dọc đường thì sao?… Không ai biết được. Vì khi tôi thấy tờ giấy bán đất đó thì người cầm giấy còn sống và sắp về tới nơi!
Nếu sự kiện này được nêu ra ở Hà Nội thì toàn đảng sẽ ngồi cụp xương sống mà học tập cái “tư tưởng bóc lột phản động của địa chủ, tư bản” này, nhưng ở đây không ai phát hiện ra nổi. Và người mua đất đó là một huyện ủy viên.
Tôi không ngần ngại gì mà giấu luôn cái chuyện đó với đồng chí Trưởng ban Công Tác Nông Thôn của Trung ương đảng, tác giả “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa“.
Sau khi thấy thái độ “chân thành” của tôi, anh Sáu bèn hỏi sang chuyện khác:
- Bao giờ các anh lên đường?
- Dạ cô diễn viên ca múa còn yếu chân quá!
- Không đi được à?
- Dạ cô ấy cứ lấy nước mắt thay chân.
- Nghĩa là sao?
- Dạ, thấy cô khóc, anh em chiến sĩ mỗi người mang ba-lô dùm một quãng.
- Chỉ vậy thôi à?
- Dạ đối với chúng tôi lúc này một tờ giấy cũng nặng như núi.
- Thôi được. Nghỉ vài hôm đã, rồi tôi cho người mang ba-lô cho cô ấy. Được không?
- Dạ nếu được thế thì cô ấy phấn khởi lắm
- Thôi, anh về nghỉ đi, sáng mai tôi bảo bác sĩ tới trị tiếp cái chân cô ấy và cái đầu gối của anh nhạc sĩ. Hãy yên tâm. Mọi việc trên đường dây rồi phải khá lên. Như thế này thì không thể được! Hai tàu gạo, ác quá!
- Dạ, cám ơn anh Sáu.
Tôi lững thững đi về như đi trong mơ!
Hai tàu gạo, anh Sáu nhắc lại, tôi nghe cũng xót xa lắm. Gạo đó đáng lẽ đắp đầu gối nay lại trút cả vào mồm Bà Thủy.
Tôi về đến lều thì quơ đúng cái gà-mèn trên đầu võng. Nó còn âm ấm.
Tôi cầm lấy giỡ nắp ra. Mùi hương bốc lên bát ngát như một thứ tiên dược tôi chưa được biết bao giờ: sữa!
Thu và nhạc sĩ đã làm thịt hộp sữa. Tôi nâng lên miệng nốc mấy hơi liền, tưởng mình bay bổng thành tiên. Sữa xuống cổ họng chạy vào dạ dày mát như nước sông chảy vào ruộng hạn. Bao nhiêu đất cằn cỏ khô đều vươn ngóc dậy, tôi nghe từng sớ thịt tươi lên, đầu óc sáng sủa lạ lùng.
- Anh về đấy à?
- Ừ!
- Có gì lạ không?
- Sẽ có người giúp em đi đến nơi.
Tôi sang lều Thu, ngồi phệch ở cái rễ cây đầu võng, thủ thỉ:
- May quá! Nếu không gặp anh Sáu anh không biết em sẽ làm sao mà đi.
- Em được sự săn sóc của bác sĩ tự nhiên em thấy những ý nghĩ trước đây của em tiêu tán hết.
- Em thấy phấn khởi cách mạng trở lại rồi hả?
- Anh lại ngạo em rồi!
- Lần này em về luôn quê anh nghe!
Thu lặng thinh. Tôi nghe hương tóc Thu bay loáng thoáng như những mảnh lụa bé tí vô hình trong bóng đêm.
Một vài ánh lửa bếp của mấy anh chiến sĩ nấu nướng muộn lập loè sau những bụi rậm làm cho không khí âm u của rừng vỡ ra thành một tấm màn ma quái rùng rợn. Tôi bỗng thấy mình hoá thành một thư sinh trong Liêu Trai, thân mình lâng lâng nhẹ nhỏm.
Tôi bước đến võng Thu, run run giọng:
- Anh lạnh quá.
- Anh có thấy gà-mèn sữa không?
- Uống hết rồi! – Tôi vén màn lên và chúi mũi vào tóc Thu, hai tay ôm quàng lấy cả chiếc võng. Tôi hôn, tôi hít miên man.
Thu đẩy tôi ra nhưng tôi vẫn ghì chặt, ôm nàng đầy tay tôi.
Sao bữa nay nàng thơm thế. Sao bữa nay gương mặt nàng không hiện rõ trong bóng đêm mà tôi vẫn thấy đẹp thế? Tôi không ngăn được tôi nữa. Tôi ngồi ghé lên mép võng làm hai cây cọc mắc võng rung chuyển mạnh.
- Ây chết! – Thu vừa xô tôi ra vừa kêu.
- Để anh lấy tí hơi ấm trong em.
Tôi cứ ngồi lên võng. Tôi đã quen mùi da thịt của Thu lâu rồi, nhưng mỗi lần gần nàng tôi vẫn thấy rụt rè hồi hộp như mới lần đầu.
Cái võng đã từng là chiếc thuyền không bến đưa tôi và Phương lên những khoảng không của vũ trụ, ru hồn hai đứa lạc vào những rừng tinh tú không tên. Chiếc võng là cái lá trong chuyện thần thoại nào mà người đời chưa biết. Mỗi lần tôi ngồi lên võng Thu tôi lại nhớ đến Phương. Một chiếc võng nhỏ bé mong manh nhưng chứa chan hạnh phúc, nặng trĩu những nguồn tình.
Chiếc võng của Thu khua xào xạc khi tôi ngả người lên, một nửa người tôi đè lên tấm thân bát ngát của nàng. Tất cả dây và võng đều chuyển mình tưởng đứt vỡ tung ra. Chiếc võng nằm một người thì thơ mộng biết bao nhiêu. Hai người nằm chung thì càng thơ nhưng lại khó mộng. Nó chập chờn, lắc lư như con thuyền nhỏ cỡi trên đầu sóng to. Một tí cử động cũng làm như cả lều trại sắp đổ ụp.
- Thôi anh ạ! Anh không nhớ à?
- Nhớ em lắm chứ.
- Em ở đây mà nhớ gì! Anh phải nhớ người ở xa mới phải!
- Dù có nhớ mấy cũng không làm gì. Anh nói thật với em nhé. Nhưng em phải hứa.
- Hứa gì?
- Hứa là đừng chê anh.
- Chê gì?
- Phương đã muốn anh và Phương có một kỷ niệm cụ thể hơn những cái hôn.
- Phương tỏ ý đó với anh hay sao?
- Không tỏ ra nhưng anh đoán thế.
- Anh chỉ phịa.
- Phương đưa cho anh đôi giày hài nhi trắng như tuyết.
Thu thở dài. Không biết trời đã khuya lắm chưa nhưng rừng đêm im bặt. Tiếng thở dài của Thu vang to, rõ mồn một.
Tôi hỏi Thu:
- Em nghĩ gì?
- Em không nghĩ gì cả. Em đau khổ…
Nàng chưa thốt hết câu thì môi tôi đã cắt ngang lời nói. Nàng vùng ra. Tôi thấy mình khoẻ hẳn lên. Sốt rét, đau bao tử và các thứ bệnh nặng bệnh nhẹ đều tản đi hết. Tôi cũng không ngờ.
Trong giấc mơ trần tục của tôi có một con suối ấm chảy qua, có một ngọn đồi phơn phớt cỏ xanh mát rượi và hai quả đào chín treo lơ lửng trước môi tôi. Mùi thơm ngây ngất. Tôi không dám cắn chỉ hưởng lấy mùi hương.
- Anh đi ngoài sương, không khéo bị cảm cho coi. – Thu rủ rỉ.
- Không bị đâu! – Tôi vừa nói vừa ngả nằm xuống.
- Gãy cọc mắc võng cho coi!
- Không sao đâu mà.
- Đứt võng.
- Hồi nãy không đứt, bây giờ đứt gì mà đứt? – Tuy nói thế, hai tiếng “đứt võng” vẫn dựng lên trong tôi caí hình ảnh lần trước hai ông bà làm tình vụng trên võng bị đứt võng, người con gái rơi xuống đất, xương sống bị cấn một mũi đá nhọn bị thương nặng. Người đàn ông bỏ trốn. Đến sáng khi giao liên đến dắt khách mới tìm thấy người con gái đã hấp hối.
Hai tiếng “đứt võng” làm tôi “ớn xương sống”, tôi bèn bảo Thu đưa đèn pin rọi dưới đít võng xem có đá hay không. Chỉ có lá khô.
- Em đừng lo. Anh lấy làm hạnh phúc được chết vì em hay chết chung với em.
Nàng tát mạnh vào mồm tôi:
- Nói gở.
- Thật mà ! Anh thấy ấm lắm Thu ạ.
- Anh thiệt à! Cứ phí sức.
- Anh còn trèo núi như Fulro vậy mà.
Chiếc võng bé quá mà cũng rộng quá. Trời đất như run khe khẽ. Đầu núi nghiêng nghiêng như sắp đổ.
Một chập.
Thu phàn nàn:
- Cái ông đạo đức học đến thăm anh làm gì?
- May nhờ nó, em không phải lo!
- Lo gì?
- Lo chuyện nọ chuyện kia cho em chứ chuyện gì.
- Chuyện nọ chuyện kia là chuyện gì?
- Những chuyện em không thể biết mà cũng không nên biết.
- Em nghe hết cả rồi.
- Vậy sao còn hỏi?
Thu lặng thinh.
Con người kể cũng không khó nuôi hơn con lợn là mấy. Chỉ có tí sữa loãng mà đã làm cho sức khoẻ vượng lên trông thấy. Chẳng khác gì uống cao đại sâm nhung hổ cốt của Thái Thượng Lão Quân bào chế cho các tiên ông tiên bà ăn tiệc trên Thiên đình.
Một buổi trưa, tôi đang đi quơ củi để chuẩn bị cơm chiều thì tôi gặp thằng bạn nhạc trưởng. Tất cả đoàn đến đây đều được lệnh của anh Sáu dừng lại để chỉnh đốn tổ chức. Còn văn công thì phải chữa lại cái màn hoạt cảnh lính bắn vào chân thành ra lính chỉ bất mãn chung chung thôi. Nếu để như cũ thì chẳng khác nào xúi giục lính bắt chước. Hơn nữa, một anh lính đã liều đến mức đó rồi và đã về tới ngoài Bắc rồi thì không ai có thể giác ngộ cho anh ta trở vào đây nữa hoặc có giác ngộ thì không thể chỉ trong một sớm một chiều như đã diễn ra trong hoạt cảnh.
Do đó đoàn Văn Công có cơ hội ăn hút. Thanh Cao (gã nhạc trưởng) nói:
- Con Nguyệt nó muốn gặp mày ghê lắm.
- Sao cô ta biết tao ở đây?
- Nó thấy mầy chớ sao! Nó đóng vai con tẻng người yêu của thằng mắc dịch bắn vào chân đó. Nó bảo nó trông thấy mầy nó mất tinh thần, nó diễn không nổi nữa.
- Đếch họ. Cô ta có thằng Ba Ke nào đó “kèm” chặt mà!
- Đó là chuyện xưa rồi. Bây giờ nó đã trống chân! – Thanh Cao tiếp – Nó than với tao ghê lắm.
Hai đứa tìm cái bóng mát ngồi nói chuyện. Cao tiếp:
- Nó nói nó nghĩ tầm bậy về giai cấp. Lúc cải cách nó bị truy kích dữ quá nên nó bấn xúc xích nó phăng teo hết thảy mọi quan hệ bất cứ với ai, cho khoẻ cái thân. Kể cả chị ruột của nó, nó cũng không tới lui. Còn mày, nó biết mày đi kháng chiến từ 45 nhưng thành phần của mày lại không “hẩu”. Cả hai đứa cùng loài “đụ chỉa” cả nếu yêu nhau thì nặng chình chịch cất đầu lên không nổi. Hơn nữa, tổ chức đâu dễ gì chấp nhận cho hai bên lấy nhau.
Tôi phát cáu:
- Vậy sao sau đó có thằng đáp vào mà tổ chức lại “giúp đỡ” nghĩa là sao?
- Thì mày còn lạ gì nữa chứ! Phép vua thua lệ làng, trâu buộc ghét trâu ăn. Cái thằng đáp vô này là thằng trung đoàn trưởng, tuổi đáng bố tụi mình nhưng nó là “loại chưn xanh mắt ếch” mày rõ chưa? Thời nào cũng có Ông Trượng – Tiên Bửu cả… chứ không phải chỉ thời xưa mới có. Tình ca bây giờ đâu có dệt bằng “tơ lòng” mà xây dựng trên lập trường.- Cao tiếp – Thằng trưởng đoàn văn công được thằng trung đoàn trưởng đãi trà buổi sáng, đãi rượu buổi chiều. Ăn xôi chùa thì phải mở miệng. Cho nên nó xây dựng con Nguyệt cho thằng kia. Mày không nhớ vụ con Thu Hồng ở Ông Dèo gần Hoả Lựu nhà tao à? Lão Tư lệnh Lé đá thằng Sơn Lâm một cú nhẹ nhàng và quơ nàng Hồng bỏ xuống ghe bốn chèo cái một. Thằng Sơn Lâm tức giận chửi địt mẹ cách mạng rồi au revoir kháng chiến hồi 1950 mày nhớ không?
- Nhưng tên Lé là Tư lệnh cho cũng được đi, còn thằng trung đoàn truởng thì nước mẹ gì kia chứ?
- Nó không nước mẹ gì, nhưng thằng trưởng đoàn cứ rù rì rủ rỉ mãi rồi con Nguyệt thấy “giày cộp” và súng ngắn cũng oai. Hơn nữa nó lại có xe đạp riêng. Muốn đi Thanh Hoá chơi là nó đèo khỏi phải ngồi xe cây đau đít.
- Thì cứ mà ngồi xe đạp và khoái súng ngắn! Tao có ý kiến gì đâu!
Cao nói:
- Nhưng con nhỏ bị trong đoàn chế diễu quá xá nên chưa cắn câu đã cho thằng trung tá sụt cà lui té xuống Nông giang luôn.
- Thôi bỏ đi mày ơi! Tao chẳng thiết gì tới nàng ta nữa đâu! – Tôi gạt ngang – Nói chuyện bá láp nghe còn mát lỗ tai hơn.
Cao cười:
- Thì đây cũng là chuyện bá láp chớ chuyện hay ho gì! Nhưng chưa hết đâu. Sau khi hạ màn trung tá, tới lớp Ba Ke. Thằng Ba Ke này ở ngoài Tổng Cục đưa vào. Tao đang phụ trách đoàn, nó vào tự nhiên được bổ nhiệm thay tao để tao đi học ngoài Hà Nội. Thôi cũng được. Cái nghề này tao cũng chán thấy mẹ rồi… Đọ, nó vào hôm trước hôm sau đã “biểu diễn” một màn “chỉ huy đồng ca”. Chả là nó có đi học Trung Quốc mà. Thế là nó để ý con Nguyệt. Con Nguyệt là biên đạo vũ nên có cơ hội học tập ở nó. Rồi đó hai bên thân nhau đến mức độ trong đoàn phải “ách” lại. Rồi có thêm đề tài “Rau muống mà cấy ruộng Nam. Ba năm chết héo biết làm sao đây“. Con Nguyệt tự ái đá luôn phát thứ hai. Lúc đó tao đi học Hà Nội đã về. Tao xin chuyển ngành. Cởi áo lính, trở ra Hà Nội. Kỳ đó tao gặp mày, tao “tường thuật” cả cho mày nghe, nhớ không? Và có nói là con Nguyệt nó đang ân hận về cái lập trường kênh gân của nó, nó muốn gặp mày nhưng mày phớt lờ đi. Thiếu chi con “ghé” Hà Nội mà phải lụy vào một cái nơi bầm dập như vậy chứ!
- Thì tao có lụy đâu. Tao có lo ế đâu mà!
- Để tao nói nốt. Có lần nó ra Hà Nội, nó nhờ tao tìm mày dùm. Nhưng tao bảo là tao không biết chỗ ở của mày. Nó rầu lắm. Kể từ đó không có “chưn xanh mắt ếch” hoặc Ba Ke Bốn Ke nào vô được mà tụi trong đoàn thì lại chẳng thằng đực rựa nào sánh được với “nhà…à…dă..ăng”. – Cao dịu giọng – Thôi chín bỏ làm mười đi mày ạ. Cột kèo cũ coi vậy chớ vẫn hay hơn cái mới. Để nó âu sầu hoài, kể cũng tội nghiệp.
- Thôi đi mày ơi! Tao bây giờ lo đi “rải” phóng Miền Nam, chuyện lăng nhăng xin gác lại hết.
Cao cười hềnh hệch:
- Tàng hoài cha nội!! Vậy còn ngôi sao nào lấp lánh bên hông mày đó.
- Nó đi cùng đoàn với tao.
- Tao biết con nhỏ mà. Nó múa ba-lê cho đoàn Múa Trung ương chớ gì.
- Rồi sao?
- Thì đâu có sao, nhưng mà rau muống vô trong mình “trọ trẹ” nghe mệt lỗ tai lắm mày ơi. Các “via” nhà mình không “đắc co” cho đâu.
- Tao có gì mà phải “đắc co”.
- Mày là con quỉ mà! Tao không biết ư. Hở hở ra là bị mày. Láng cháng là mày yêu thôi. Đi như thế với mày, đố khỏi!
Hai đứa làm thinh. Một chập Cao nói:
- Nó muốn gặp mày được không? Tùy ý, tao không ép. Nhưng nó nhờ tao. Đây là lần thứ hai. Mày nên an ủi nó chút.
Tôi thở dài:
- Để về tới trỏng hãy tính.
- Mày dìa chớ “nàng” có dìa đâu mà tính.
- Vậy khỏi tính.
- Cái thằng ba trợn quá mậy! Chán mày quá!
- Ừ, chính tao cũng chán tao nữa là ai! – Tôi quơ ba que củi đứng dậy – Thôi đi về đằng chòi tao nấu nước trộm uống trà nói dóc. Trời nắng, củi khô, ít khói.
Thế là hai thằng kéo đi về lều của tôi. Trời nắng như thiêu. Mặc dù ngồi trong bóng mát mà mồ hôi vẫn đổ ròng ròng mồm thở như gà toi, há cả mồm ra mà không đủ.
Hoàng Việt và Thanh Cao cũng biết nhau từ lâu trong kháng chiến ở Miền Tây. Thấy Cao tới, Hoàng reo lên:
- Còn kí-nin đủ uống không chú em?
- Anh “rơ” cái bánh chè hả? Hừ hừ, tháo nó ra, gởi qua Bungari cho người anh em vô dầu mỡ rồi gởi trả về ráp lại mấy hồi.
Ba thằng ngồi dụm đâu uống trà nhu ba ông táo.
- Nè! Anh Bảy! – Cao gợi chuyện – Anh có gởi thơ về cho chị Bảy thường xuyên không?
- Mỗi năm 2 chiếc. Đi đường “Pa-Ghi” dô Sài Gòng.
- Hôn trên giấy rách hết cả giấy hả?
- Còn chú mày tài gì hơn tao?
- Hà hà… Mười năm chưa có cái nào! Phải được hai chiếc một năm cũng đỡ khổ.
Trong những thằng bạn tôi đi tập kết có hai thằng tôi cho là gan cùng mình. Cả hai đều là nhạc sĩ nổi tiếng cả. Một là nhạc sĩ Hoàng Lưu. Con nhà giàu, con một của gia đình. Lưu vừa cưới vợ được hai tháng là bỏ vợ đi ra Bắc. Không tin tức gì cả. Làm ở đài phát thanh với tôi. Đau gan, ở một mình, trong một cái hang không có số nhà. Nửa đêm bị chảy máu nội tạng. Hai ngày sau cơ quan đến đập cửa (vì tìm mãi không biết Lưu ở đâu), Lưu đã chết cứng.
Thằng thứ hai là Thanh Cao. Vợ là tiểu thư đài các, học trường đầm về quê ở Cái Đuốc Lớn (Cần Thơ) ở với ông ngoại là đại phú hộ trong vùng ai cũng biết danh. Chị tên Tuyết Hoa. Con trai nhà giàu đi hỏi rất đông lại không ưng. Gia đình gả ép. Đêm động phòng chị bỏ đi theo chàng nhạc sĩ nghèo rớt mồng tơi không có xu dính túi. Nhưng gia đình cưng con cháu nên đem cây gỗ cất nhà cho chị và Thanh Cao ở với nhau. Nhà trên bờ kinh Hoả Lựu. Chúng tôi về nghỉ ngơi ở đây luôn và nhờ sự tiếp tế của ông ngoại vợ mà vợ chồng Thanh Cao sống rất đầy đủ và hạnh phúc. Cao bảo vợ gọi cô em gái đang học ở trường đầm trên Sàigòn về để “làm cột chèo” vói tôi cho đủ cặp. Nhưng không hiểu sao hồi đó tôi lại lơ là không quyết tâm, hơn nữa, coi vợ con là một sự vướng bận làm cho mình không tung cánh được. Còn mê kháng chiến quá mà. Tuổi xanh như lúa mai! Đời thanh niên sáng tươi! - Không muốn ai ràng buộc! Cho nên tôi đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng.
Khi đình chiến Cao đã có hai trai. Hai cháu bé thật xinh đẹp, bụ bẩm. Chị Hoa có đưa hai đứa bé xuống bến Chắc Băng để từ giã chồng. Tôi thấy chuyện chồng đi vợ ở lại có hai năm, ăn thua gì. Cả ngàn người như thế, không phải một mình Cao. Ra Hà Nội, Cao đến tôi chơi. Anh chàng mới ân hận.
Khi gặp tôi ở Trường Sơn thì Cao đã bước đi bước nữa với một ca sĩ nào đó. Trước khi hai bên ở với nhau, Cao có đến hỏi ý kiến của tôi, gần như xin thông cảm và muốn tôi gật đầu như một sự “cho phép”. Nhưng tôi nhất định không đồng ý “Mày muốn làm gì tùy mày, nhưng tao không chứng nhận vụ này. Về trong đó, nếu chị hỏi tao, tao nói tao không biết.”
Cao ở liều với nàng ca sĩ. Và tôi không lui tới nữa. Có đến ba bốn năm liền. Bây giờ gặp nhau ở đây. Cao nói vụ cô Nguyệt với tôi nhưng cũng là để nói về tình duyên của chính mình.
Tôi biết Cao sẽ mở màn và lại yêu cầu tôi thông cảm cho nên tôi nói trước:
- Mày coi anh Bảy cũng như mày, ảnh có lăng nhăng gì đâu!
- Dề! Mày biết ảnh không lăng nhăng bên Sophia hả?
- Nhưng đó là cỡi ngựa xem hoa. Còn mày, mày làm thiệt.
Cao ngồi tự nhiên, bắp thịt má giật giật. Hồi lâu mới nói:
- Sẵn có anh Bảy ở đây, tao xin công khai hóa vấn đề.
Hoàng Việt xua tay:
- Thôi tao không có muốn làm quan toà để về sau ăn chổi chà, cũng không muốn làm biện hộ sư để ăn đạp ăn đá. Chuyện của mày mày làm mày biết và mày chịu lấy. Tao biết mày đã có con với cô ca sĩ rồi, nhưng khu phố không chịu khai sinh phải không?
- Tôi không cần! Khai hay không nó cũng là con tôi, tôi nuôi! – Cao nói tiếp – Nhưng hôm nay sẵn có bạn bè tôi xin đưa ra một bức thư. -Vừa nói Cao vừa móc túi lấy ví và moi ra một bì thư. – Đây mày đọc đi, Vũ.
Tôi tiếp lấy mở ra đọc. Đó là bức thư của một người chú của Cao ở Sàigon gởi ra cho Cao. Và một bức thư của chị Tuyết Hoa. Thư của chị Hoa viết rằng chị không thể sống cô đơn lâu hơn nữa vì những khó khăn mà chị không vượt nổi. Cho nên chị đến nhà chú ruột của Cao để trình bày (cha mẹ Cao đều qua đời khi Cao hãy còn bé) và xin phép chú đi lấy chồng nuôi con. Lá thư của chú Cao viết:Chú đồng ý vì đàn bà không thể không có chồng nhất là người đàn bà còn quá trẻ lại có hai con, v.v.. mà ngày chồng về thì không có hạn. Vậy việc “cháu Tuyết Hoa tái giá trong lúc cháu vẫn còn sống là điều có vẻ trái nghịch nhưng theo chú lại rất hợp lý…”
Tôi như thấy trời đất xoay vần. Bản tình ca khởi đầu đẹp đẽ biết bao, đoạn giữa cũng phong phú biết bao! Nhưng kết thúc lại vô cùng bi đát.
Tôi trao trả hai bức thư cho Cao. Cao lặng lẽ đút vào túi.
Nước trà đang ngon bỗng nhiên đắng lạ lùng. Cao rưng rưng nói:
- Tao không muốn cho mày biết để mày khỏi buồn lây. Tao biết mày mến gia đình tao, thương mấy đứa nhỏ dữ lắm. Sự đổ vỡ của đời chúng tao làm mày khổ. Do đó tao giấu biệt. Nếu trong lúc đó (1959-60) tao cho mày coi hai bức thư này thì mày sẽ cho răng tao mạo ra để dựng cớ mà làm càn. Bởi vì có rất nhiều đứa “lập hồ sơ giả” để xin tổ chức cưới vợ. – Cao tiếp- Trong số bạn bè mình, có thằng đã chơi mững đó rồi.
- Thằng Duy! Bạn chúng mình! Nó làm ở Bộ Công Nghiệp!
- Phải đó! Ba bốn năm liền nó lặn mất tiêu không đến với tao.- Cao nói.
- Nó bịa một bức thư gởi từ Paris. Nói rằng vợ nó đã lấy chồng. Nó cũng đem thư đến cho tao xem để tao “thông cảm” nhưng tao nhìn ra ngay tuồng chữ của nó. Tao nói thẳng ra, không sợ nó giận. Vì tao biết vợ chồng nó đã hục hặc với nhau hồi ở Rạch Ba Ngọn kia mà. Nó muốn thôi mà vì Phụ Nữ Cứu Quốc tỉnh bắt gắt quá nó thôi không được. Khi nó về cất nhà ở địa phương xong, nó bỏ vợ lăn lóc và đi lêu bêu, kháng chiến cà nhõng với chức chánh trị viên đại đội hồi xưa. – Tôi nói để cho Hoàng Việt biết một trường hợp lừa gạt của một ông cán bộ tập kết luôn. – Nó đã ăn ở với một người đàn bà goá rồi nó mới đến thanh minh với tôi anh Bảy ạ! Thế đó! Hồi ở trong Nam, chị Hằng, vợ nó than với tôi luôn. Chị ấy nói:”Anh Duy làm gì kỳ quá! Ở với tôi nữa thì ở, không thì tôi cho ảnh tự do! Đã có hai mặt con rồi, làm vậy chị em cười tôi chết. ” Khi chị sanh đứa bé thứ hai, một đứa con gái rất đẹp, anh ta về nhà kiếm chuyện gây lộn rồi ẳm con bé lội qua rạch đi…
- … Hắn đi qua nhà tao ở Hỏa Lựu và bảo vợ tao cho con bé bú dùm. Bà già vợ nó cho người đi tìm bắt đứa cháu về!… Một thằng khùng!
Tôi tiếp:
- Nó không khùng đâu. Nó vặn nài bẻ ổng như vậy là nó muốn nói gì đó chớ. Bởi vậy khi nó đưa “bức thơ Paris” ra cho tao xem là tao gạt ngay.
Hoàng hỏi Cao:
- Rồi mày tính sao?
- Thì tính như vậy đó! Tính rồi còn tính sao gì nữa!
- Không! Tính vụ vợ con mày ở trong Nam kìa.
Cao thở dài:
- Bây giờ chúng nó đâu còn là vợ con của tôi nữa anh Bảy!
- Tuy “lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. – Hoàng cười gượng gạo – Vợ tào khang đâu có bỏ được chú em! Anh Bảy đây có chết bỏ xác dọc đường thì thôi chớ còn sống thì nhất định phải lết về tới nơi thăm con mẹ xề bằng được.
- Trường hợp anh khác trường hợp của tôi.
- Sao hồi đó không đem vợ con đi?
- Thì tưởng hai năm về. Anh Bảy ơi, tui đâu có dè cái sự đời nó thế này.
- Mày có định về không?
- Tôi ấy à? Xin về làm cái con mẹ gì nữa chứ?
- Mắc gốc rau muống rồi phải không?
- Không phải vậy đâu anh Bảy ơi! Lỡ dỡ như thế này rồi, tôi không muốn về nữa. Tôi ở luôn ngoài này thôi!!!
- Thôi mà, đừng có nói lẩy . Mày bỏ vợ chứ bỏ con được sao?
- Con không bỏ được mà vợ cũng không bỏ được, nhưng hoàn cảnh nó thế… Tôi phải đành nhắm mắt đưa chân. Tới đâu thì tới!
Cao uống thêm tí trà rồi nói với tôi:
- Tao nhờ mày một chuyện.
- Chuyện gì?
- Mày đem thư về cho vợ tao được không?
- Biết còn ở Hoả Lựu không?
- Nếu không thì mày hỏi bà con lối xóm. Trong vườn dừa có nhiều bà con biết và mến chúng mình. Chắc chưa ai quên mình đâu. Mày nhớ cái ông học đàn ghi-ta với tao không? Với ông Ba bên kia rạch, mỗi lần mày về nhà tao mày hay sang đó ngủ để nghe ổng đàn bầu. Vợ tao đi đâu bà con cũng biết mà.
- Ừ viết mau đi.
- Tao viết lâu rồi, nhưng không gởi được! Với nhờ mày đem cái hình tao về cho mấy đứa nhỏ coi . Nói đây là thằng cha khốn nạn của nó. Không biết tụi nó bao lớn rồi?
- Đứa mười hai , đứa mười tuổi.
- Không biết có học hành gì không hay chăn trâu chăn bò?
- Ông bà nó giàu có thế mà…
- Còn khỉ mẹ gì. Bộ đội và cơ quan ăn tàn mạt hết. Cô của vợ tao đã bỏ về thành hồi trước hoà bình. Phải hồi đó mày chịu làm cột chèo với tao có hai đứa hủ hỉ với nhau đỡ khổ biết mấy.
Cao nói vậy rồi gục đầu khóc mùi. Tôi hết biết nói sao. Cái thằng coi vậy mà yếu quá. Tôi không muốn nói gì thêm.
Hồi lâu Cao hỏi:
- Mà mày định không gặp con Nguyệt thiệt hả. Để tao trả lời dứt khoát cho nó kẻo nó chờ đợi hoài.
Tôi nói:
- Mày bảo cô ta là coi như tao không có ở đây. Nào, đưa hình và thư đây. Tao hứa với mày là khi về tới nơi tao sẽ tìm cách đến gặp vợ con mày.
(Nhưng khi về đến nơi tôi không giữa được lời hứa. Không phải vì tôi là thằng bạn quen thói thất tín nhưng vì không thể nào đi nổi xuống Miền Tây. Nếu đường đi suông sẻ thì tôi cũng ráng tìm hiểu một sự thực để có thể sau này viết tiểu thuyết, nhưng khi về R thì lại được phân công đi Bến Tre quê tôi. Từ Bến Tre mà xuống tới Cần Thơ thì phải vượt qua không biết bao nhiêu sông và lộ mà hồi kháng chiến tôi đã vượt và suýt chết không biết bao nhiêu lần rồi. Bây giờ xương đầu gối đã khô, túi mật không còn đầy, một đoạn đường gian nan như vậy, tôi không thể đi nữa, nhất là sau khi đã lội suốt Trường Sơn rồi… Trên đường về Bến Tre tôi có gặp một đoàn về Miền Tây, tôi có nói rõ địa dư của vùng nhà chị Tuyết Hoa và nhờ một anh bạn – nếu có dịp đi qua đó thì tìm đến trao thư và ảnh dùm. Không biết kết quả thế nào. Nhưng khi hồi chánh về Sàigòn, tôi có lên Tivi nhắn tin. Tôi tin chắc chị Tuyết Hoa có nghe…)
Cao nói:
- Để tao viết thêm ít hàng. Chừng nào mày đi?
- Chừng nào có lệnh anh Sáu thì đi. Ảnh đang cho vô từng đợt sau khi chấn chỉnh lại đội ngũ.
- Được rồi! Tao sẽ đưa thơ cho mày trước khi đi.
Cao đứng dậy ra về.
Trời nắng chang chang như lửa xối xuống những ngọn cây rừng nhưng tim tôi nghe lạnh buốt.
Tôi trèo lên võng nằm lắc lư cho cái không khí nặng nề chuyển động tan bớt đi sự ảm đạm do câu chuyện gây nên.
Hoàng Việt cũng nằm thườn ra thở dốc.
- Thế là tiêu tùng một cặp uyên ương. Cũng vì tập kết mà ra cả. Còn một vài thằng nhạc sĩ nữa cũng đang treo mõm ngoài Hà Nội. Lâu nay mày có gặp thằng Phạm Văn không?
- Chừng ba tháng trước khi vô trường đi B.
- Nó còn khùng khùng nữa hết?
- Vẫn thế thôi!!
- Còn thằng Lưu Kiều?
- Thằng này thì lo buôn lậu đâu có thiết gì tới vợ con.
- Còn thằng đại uý gì, rể ông Mười Huệ?
- Tôi không quen nhiều, nhưng thấy chiều thứ bảy nào nó cũng chở cô em vợ đi Bờ Hồ. Cô em thì ăn mặc bảnh tẻng còn y thì áo quần nhổm nha.
- Còn thằng Quốc Hiên, mày có nghe tin gì mới về nó không?
- Tin gì mới?
- Sau khi nó “cấy” con Lịch Dzung ở xưởng phim rồi nó còn “ghép” con nào nữa không?
- Ồ, hắn đi học hát ở Hungari mà anh không có liên lạc sao?
- Có nghe nó đi nhưng tao không biết tin gì về nó cả.
Rồi Hoàng thở dài:
- Như mày vậy mà khoẻ! Có vợ có con mệt lắm mày ơi!
- Không “hoạt” hai cái lỗ tai được hả?
- Không phải chuyện đó đâu. Tao nói nghiêm túc đấy. Mấy đứa con tao hồi tao đi tập kết thì đứa đã mười tuổi, đứa bảy tuổi. Nay lớn lắm rồi. Mẹ nó chụp hình gởi cho tao, tao đâu có nhìn ra. Mẹ kiếp, mình chống đế quốc mà đế quốc lại nuôi vợ con mình. Thế mới lạ!
- Đế quốc nào mà nuôi vợ con anh?
- Thì mình đi hết chín năm, rồi đi luôn mười năm nữa, bỏ vợ con lại Sàigòn. Vợ làm mướn, có tiền, nuôi con, còn con thì đi học nay có đứa chắc đã đỗ tú tài. Đế quốc không nuôi là gì?
- Tụi Sàigòn nó không biết anh đi tập kết à?
- Sao không biết, nhưng nó không khó dễ gì. Bạn bè tao ở Sàigòn cùng chơi nhạc cho các “bar” ngày trước thằng nào lại không biết tao đi kháng chiến, nữa là công an mật thám – Hoàng Việt thở dài sườn sượt – Tao nghe chuyện thằng Cao mà tao ớn lòng. Tao không hiểu nếu trường hợp của nó mà xảy ra cho tao thì không biết tao làm sao.
—>Chương 11
1      2      3      4      5 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét